Thứ Tư, 16 tháng 4, 2025

Giận Dỗi Và Yêu Thương


Cãi nhau chi cho “Tình” thêm sứt mẻ
Cãi nhau chi cho hàng xóm mình nghe
Nắn gân cãi cho tâm trí mệt nhòe
Cãi, cãi nữa… tan hoang niềm hạnh phúc!

Thôi em nhé, đời ngả nghiêng có lúc
Thế sự thăng trầm, lắm chuyện thị phi
Mình yêu nhau chẳng phải để suy bì
Nhìn thiên hạ, thấy mình đừng tủi phận!

Anh vẫn biết cuộc đời còn lận đận
Nắng đã tàn, trăng đã xế sau rèm
Thu qua đi, lá rơi rụng đầy thềm
Ta vững bước trên lá vàng nhẹ hửng!

Nửa vòng quay, mây cuối trời lờ lững
Thời gian còn, cố nắm bắt thời gian
Đừng để trôi, trôi mãi… đó là vàng!
Ta mãi nhớ đôi ta tình “Diễm Tuyệt”!!!


Nguyễn Thành Tài

Nỗi Buồn Còn Lại

(Ảnh: Tác Giả)

Tiếng chim chiều bay vội
Bên bờ vắng mình tôi
Ngồi lặng ngắm chiều rơi
Mơ thuyền xa vời vợi
Dòng sông đời chia lối
Định mệnh tình rẽ đôi
Sóng gào ngoài xa khơi
Sao bờ im lặng mãi
Người xa người có hay
Chiều tà ngắm mây bay
Hoàng hôn dần khuất bóng
Có về kịp đêm nay.

Biện Công Danh
15/08/20



Hãy Trở Về (Kim Oanh) - Tác Giả: Hoàng Yến

Bài thơ Hãy Trở Về, Kim Oanh viết mở đề cho "Tuần Chay Thánh mở lòng lời xưng tội" là thời gian người tín đồ suy ngẫm và chuẩn bị cho lễ Phục sinh. 

Chủ thể luôn cảm giác cô đơn "Có những lúc hồn đi hoang lạc lối", không thể tìm thấy sự bình an "run rẩy sợ bảng hoàng tâm lo lắng", cho tới khi con chiên của Chúa tìm kiếm được sự hướng dẫn của Thiên Chúa "Quỳ bên Ngài con bừng tỉnh cơn mê", thể hiện hành trình trở về với đức tin và được trao ban tình yêu và tha thứ của Ngài, "Tạ ân phúc ngọn nến hồng bừng sáng".

Đang Mùa Chay, các bài viết nơi đây, Blog Long Hồ Vĩnh Long, lấy chủ đề mối tương quan giữa con người và Thiên Chúa, Hoàng Yến liên tưởng tới tư tưởng Thánh Augustine đã được ghi lại trong triết học Tây Phương, con người được Thiên Chúa tạo dựng để luôn thao thức khao khát hướng về cội nguồn, và chỉ có thể tìm kiếm được sự cùng đích khi con người kết hợp với Ngài: 
"Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, và lòng chúng con khắc khoải cho đến khi nghỉ yên trong Chúa."


Hoàng Yến

***
Chị Hoàng Yến kính mến.

Em rất vui chị đã cùng em trở về bên Chúa với tất cả tâm tình. Những lời nhận xét của chị qua bài thơ , em cảm nhận sự ấm áp, an bình trong Mùa Chay Thánh này.
Kính chúc chị và gia đình được an bình, thánh thiện, tràn đầy nhiều Hồng ân của Chúa Phục Sinh.

Để đáp lại tình chị, em mời chị nghe ca khúc này, sáng tác của Ngọc Kôn, thay lời em cám ơn chị nha.

Kính mến
Em Kim Oanh

Hãy Trở Về - Ngọc Kôn - Piano Thánh Ca Công Giáo Mùa Chay - Trí Nhật Piano



Lòng Quê



Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà!

(Tràng Giang – Huy Cận)

Nắng chiều vương mái nhà tranh,
Khói lam chiều vẩn vơ thành tròn xoay.
Cơm chiều thoang thoảng hương bay,
Trời chiều vời vợi nghe dài ngẩn ngơ.

Lối đi nho nhỏ ven bờ,
Cầu dừa thầm lặng vắt hờ qua mương.
Lá tre níu khách qua đường,
Phất phơ áo trắng còn vương nắng nhòa.

Bên đồng hương rạ tỏa xa,
Hòa cùng hương đất hương hoa thoảng nồng.
Xe trâu lôc cộc thong dong,
Oang oang chim vịt bên sông kêu chiều.

Bến sông ghe đậu dập dìu,
Ầu ơ tiếng võng thiu thiu giấc nồng.
Nương theo tiếng hát bổng trầm,
Bềnh bồng sóng nước bềnh bồng hồn thơ !

Hoa lau theo gió phất phơ,
Đàn cò ma trắng lượn lờ bay qua.
Chuông chiều văng vẳng ngân nga,
Nắng chiều dần tắt trăng tà nghiêng treo.

Tần ngần suốt buổi xóm nghèo,
Chiều tan chiều tắt chiều theo trăng tà.
Tình quê bát ngát bao la,
Hồn quê tràn ngập chan hòa trong tôi.

Bao năm xa cách quê rồi!!!


Đỗ Chiêu Đức

2025


Nhìn Về Ngày Phật Đản 2025 - PL 2569


Đức Phật xuất hiện trên thế gian, đến với thế gian, cùng có mặt trong thế gian... không gì khác hơn Ngài chỉ là bậc Đạo Sư hướng dẫn con người bằng một Thông Điệp đi trên đường hạnh phúc an vui, chấm dứt những đau khổ ngay trong kiếp sống hiện tại.

Vườn Lâm Tỳ Ni là nguồn cội của Bình Đẳng - Từ Bi - Trí Tuệ. Và rằng ;
“Không có vai cấp trong dòng máu cùng đỏ, trong dòng nước mắt cùng mặn”, trong bối cảnh xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ, và cũng như hiện nay.

Điểm đặc thù qua lời dạy của Đức Phật là; Sự tận diệt của mọi tội lỗi từ người đã “THẤY & BIẾT, chớ không phải từ người Không Thấy và Không Biết, bởi;

“Dễ làm các điều ác
Dễ làm các điều hại.
Còn các điều lành, điều tốt,
Thật tối thượng khó làm.”

Ngoài ra, Đức Phật còn giúp con người luôn tư duy hướng về sự thật (chơn lý), qua tinh thần lời dạy của Ngài đến với người dân Kalama... “Đừng tin tưởng khi nghe nói lại, những phong tục tập quán truyền thống, những lời đồn kinh sách truyền tụng.v.v... Nếu xét thấy không hợp lý tính giáo dục, đạo đức nhân tính...”

Đức Phật còn quan tâm đến những mối quan hệ trong mọi hình thức xã hội như; “Cha mẹ, Thầy trò, Chồng vợ, Anh em, Bạn bè, Chủ tớ, đến Tu sĩ và thế tục.

Đức Phật cũng dạy về việc xây dựng cuộc sống khi có được tài sản trong gia đình như; “...Do công sức được tạo ra đúng pháp, thụ hưởng đúng pháp, phụng dưỡng cha mẹ, gia đình đúng pháp, biết giúp đỡ việc làm công ích xã hội (phước thiện), không bị mắc nợ điều gì..., Không ác về LỜI, về THÂN và về TÂM Ý. Cốt để duy trì sự sống an lạc, hạnh phúc, ích lợi lâu dài...”

Đồng thời, Ngài còn trọng tâm giúp cho các hàng đệ tử muốn cần cầu pháp Vô thượng an ổn các triền ách, để chứng các Thánh quả ngay trong hiện tại. Như vậy, hầu hết và trước hết, Đức Phật giúp con người nhận thức sự nguy hại của những tội lỗi để không còn đau khổ, được an vui, hạnh phúc lâu dài cho chúng sanh,chư thiên và loài người.

Hướng về ngày Đức Phật thị hiện vào đời, là hướng đến các thiện pháp, các tịnh pháp, để tịnh hóa tâm hồn trong mỗi con người. Và cũng là nghĩa cử kính niệm đến BI ĐỨC, TỊNH ĐỨC và TUỆ ĐỨC của Đức Phật và chư Thánh đệ tử đã và đang hiện hoá vào đời.

Vì rằng;
“...Nơi bất công,
Phật hiện thân Bình Đẳng,
Cõi tử sinh,
Diệu lý Phật vô sinh.
Trong Bi-Trí,
Phật xoá lòng cừu hận,
Trong đau thương,
Phật siêu hoa một Tình Thương.
Phật đâu tọa tòa sen vàng ngất nghễu,
Trong lòng đời, lòng Phật vẫn mênh mông.”

California, Westminster,
Mùa Phật Đản 2569, 2025.

Mặc Phương Tử

                    

Thứ Ba, 15 tháng 4, 2025

Giọt Lệ Yêu Thương - Sáng Tác: Phạm Đức Huyến - Ca Sĩ: Phương Hoàng &Thanh Sử


Sáng Tác: Phạm Đức Huyến
Ca Sĩ: Phương Hoàng &Thanh Sử

Bóng Nhỏ Giáo Đường

 
(Bóng Nhỏ Giáo Đường - Nhiếp Ảnh Gia Hanh Chu)


ĐàLạt sương giăng trắng phố phường
Uy nghiêm bóng nhỏ Giáo Đường vươn cao
Quỳ bên chân Chúa nguyện cầu
Nhậm lời con khấn nhiệm mầu ân ban
Hương hoa phương ấy tỏa lan
Giao mùa nắng mới tâm an muôn loài.

Thơ: Kim Oanh
Hình Ảnh: Hanh Chu

Kiếp Luân Hồi


Trót sinh ra kiếp làm người.
Có ai thoát khỏi lụy đời cưu mang.
Xác thân trả nợ mọi đàng 
Thất tình lục dục vô vàn truân chuyên.
Một mai xuống dưới Hoàng Tuyền.
Linh hồn mới được thênh thang đi về 
Thế là thoát khỏi sông Mê 
Tùy theo nghiệp dẫn mà về quê xưa 
Ai ơi đừng nghĩ dư thừa.
Lánh xa nghiệp dữ mà ưa nghiệp lành.
Để rồi đến kiếp lai sinh 
Sẽ được hưởng phước do mình tạo thôi.
Phước nhiều hay ít tùy đời.
Phước nhiều sẽ được về nơi thanh nhàn.
Phước ít trở lại trần gian 
Là lò tinh luyện cho hồn thăng hoa 
Trải qua nhiều kiếp ta bà 
Hồn thêm thăng tiến Liên Hoa nhập vào.
Từ nay hồn hết lao đao.
Thảnh thơi thanh tịnh ngạt ngào Hương Sen.


Lâm Hoài Vũ
( Trích thi tập Giấc Mơ Hoa )


Người Xưa Cảnh Cũ


Bánh Quai Vạc

Xin mời thưởng thức cốc cà phê
Chờ đón Mùa Xuân sắp trở về
Quai Vạc đưa ta về ngày cũ ....
Hàng quán bày rao khắp vĩa hè


Người Xưa Cảnh Cũ

Gan lòng cật ruột món ăn chơi...!
Mực nướng tương cay... một góc đời
Ngã phố Sài Gòn trưa nắng gắt
Ghé vào hai đứa tuổi đôi mươi.....

Bao năm xa xứ biệt mù tăm
Lặn lội phương xa nặng kiếp tằm
Người xưa cảnh cũ đời muôn lối
Thương người nhớ cảnh...tóc hoa râm....!


Lão Cò ( Ngư Sĩ)

 
(Để nhớ Maria Nguyễn Thị Thương 03/09/1932 - 14/04/2014)

Trong giấc ngủ từng đêm con thường mơ thấy Má. Nghe lại tiếng cười vang như khi họp mặt gia đình. Vẫn dáng Má trầm ngâm ngồi bên cửa sổ, lúc cầu kinh. Tỉnh giấc! Nhìn quanh, con thầm tiếc giấc mơ sao ngắn quá!

Hơn 60 năm sớm hôm cận kề bên Má, con đã biết thế nào là tuyệt đối của tình yêu. Tình mẫu tử thiêng liêng bàng bạc trong cơm sáng, canh chiều. Một tuần trước khi khuất núi Má còn: "Con thích ăn món gì? Nói đi. Má nấu!"

Thương Má cả đời như con tàu nơi bến đậu. Thuở nhỏ mồ côi Mẹ, mọi sự chỉ có Cha, lớn khôn chỉ biết có Chồng. Bến tàu chính là Ba, chúng con như cá bơi theo nước lớn, nước ròng...và cứ thế, Má thả neo đời mình trong hạnh phúc.

Bao năm trường Má chỉ biết chăm sóc chồng con, lo bếp núc. Vậy mà qua đây cũng chịu khó đứng 8 tiếng...thật trần ai! "Làm cho vui mà con! Có chút đỉnh để tiêu xài. Chứ nếu ở nhà đi ra, đi vô hoài...tao bịnh chết!"

Má ký cóp, chắt chiu..." Ăn xài nhiều mau hết. Để dành cho mai này nếu có chuyện gì cũng đỡ lo. Lâu lâu lấy tiền ra đếm...cũng thấy no! " Niềm vui của Má lúc sinh thời là như vậy đó!

Dù con đã bạc đầu, Má vẫn xem như trẻ nhỏ. " Bộ làm cực lắm hay sao mà ốm quá vậy con?!...Già chát rồi, sao tóc tai cứ để dài thòn!?... Bịnh rồi đó! Cảm phải không?! Lại đây tao cạo gió!"

Trên giường bệnh, Má mê sảng lầm bầm, nên không nghe rõ, nhưng từng cái siết tay cũng đủ hiểu Má nói gì. Không muốn chúng con đau buồn nên Má chọn ra đi, ngay lúc các em vừa ra xe, rời bệnh viện.

Con thì thầm với Má mỗi ngày qua kinh nguyện. Má trên trời có lẽ cũng cầu cho chúng con được vạn an. Nếu như cõi vĩnh hằng cũng có cảnh giác của trần gian, thì mai sau con sẽ tìm Má để đưa đầu cho Má...gãi!

Huy Văn

Thứ Hai, 14 tháng 4, 2025

Tà Áo Xanh (Dang Dở) - Nhạc: Đoàn Chuẩn & Từ Linh - Tiếng Hát: Phạm Cao Tùng


Nhạc: Đoàn Chuẩn & Từ Linh
Tiếng Hát: Phạm Cao Tùng

Cạn Lòng

 

(Viết tặng một người)


Ta trở về làng buổi chớm Đông

Đường xưa nhạt nắng vẹt gió đồng 

Gió chiều xưa đấy sao mà lộng

Mướt cả triền đê, mướt cả sông.


Ta ngẩn ngơ lòng đến bến đông

Hỏi dò từ đấy có về không?

Chín năm, ờ nhỉ, bao biến động 

Người ấy giờ sao chửa lấy chồng?!


Ta lặng lẽ tìm giữa thinh không

Ngược nắng mưa xưa ngược gió đồng

Chợt hiểu lòng người sâu hơn rộng

Nửa đời ngờ nghệch sắc sắc không.


Ta đành tạ lỗi với hư không

Tạo hóa trớ trêu nợ vợ chồng

Người ấy vì yêu mà sầu mộng

Vét cạn tơ lòng đốt cháy sông.


Hà Nội, 08:08 ngày 23/07/2023

Đặng Xuân Xuyến


Cánh Bằng Lướt Gió Em Tôi - Chia Sẻ niềm Riêng

 
                (Lê Kim Hiệp - Pleiku 1972)

Cánh Bằng Lướt Gió Em Tôi

Ngọn gió Cao Nguyên trút lá vàng
Lót đường rộn phố bước chân sang
Pleiku xoãi cánh trong màu ấm
Cánh Thép tung mây đón gió ngàn
Thấm thạch đất trời màu lấp lánh
Hòa hồn vách núi nét hiên ngang
Em đi đi mãi từ thu ấy
Lướt gió em tôi thoát nhẹ nhàng

Kim Phượng

11.8.2019
***
Cảm Tác:

Chia Sẻ Niềm Riêng


Dấu xưa khôn nhạt mãi đong đầy
Khoảnh khắc thân thương này khó khuây
Xin được sẻ chia cùng Phượng nhé
Xin cho hằng nguyện với bạn đây
Hương linh sớm thoát vòng bi lụy
Cánh sắt mau qua biển đắng cay
Thiên quốc muôn đời vui phúc lạc
Không quên ruột thịt thế gian này.

Thái Huy
Mar/24/25

Tạp Ghi và Phiếm Luận: Chữ Đồ


Lật Từ điển Hán Việt, ta sẽ thấy có đến 24 chữ ĐỒ; Nhưng ở đây ta chỉ đề cập đế 06 chữ mà thôi. Sáu chữ đó là...

ĐỒ 圖 là Địa Đồ; ĐỒ 途 là Lộ Đồ; ĐỒ 屠 là Đồ Tể; ĐỒ 塗 là Hồ Đồ; ĐỒ 荼 là Đồ Mi; ĐỒ 徒 là Đồ Đệ, là Thầy Đồ... Ta sẽ lần lượt tìm hiểu và phiếm đàm về 6 chữ ĐỒ đã nêu trên đây. Trước tiên...

Ta thấy chữ ĐỒ 圖 là Địa Đồ nầy, gồm có 4 chữ Khẩu 口 và 1 chữ Thập 十 chất chồng lên nhau mà thành. Hình dạng trông giống như là một tấm bản đồ thu nhỏ lại. Nên nghĩa đầu tiên của chữ ĐỒ nầy là Địa Đồ 地圖, còn gọi là Dư Đồ 輿圖, vẽ lại non sông gấm vóc của các bậc tiền nhân dựng nước, của các ông cha khai phá tạo lập nên đất nước tươi đẹp của ngày hôm nay. Nói đến Dư Đồ lại nhớ đến bài thơ "Vịnh Bức Dư Đồ Rách" của Tản Đà trong thời Pháp thuộc :

Nọ bức dư đồ thử đứng coi,
Sông sông núi núi khéo bia cười.
Biết bao lúc mới công vờn vẽ,
Sao đến bây giờ rách tả tơi.
Ấy trước ông cha mua để lại,
Mà sau con cháu lấy làm chơi.
Thôi thôi có trách chi đàn trẻ,
Thôi để rồi ta sẽ liệu bồi.

Là giọng điệu của một kẻ cả nhưng cũng thật cảm khái ! Từ nghĩa Địa Đồ, ta có các nghĩa tương cận là ĐỒ HỌA 圖畫 là Tranh vẽ; ĐỒ ÁN 圖案 là Hình mẫu, là những nét phác họa các dự án, công trình... ĐỒ THƯ 圖書 là sách vở nói chung, nên THƯ VIỆN người Hoa gọi là ĐỒ THƯ QUÁN 圖書館. Khi là động từ thì...
ĐỒ là Ý Đồ 意圖, là Mưu đồ 謀圖, là toan tính, như ĐỒ DANH ĐỒ LỢI 圖名圖利 là Tính toán mưu đồ như thế nào đó cho có được danh được lợi. Người xưa nói là THI ÂN BẤT ĐỒ BÁO 施恩不圖報, có nghĩa : Ban ơn không có toan tính người ta phải báo đáp lại cho mình; Bây giờ thì ta thường nghe nói THI ÂN BẤT CẦU BÁO 施恩不求報 là "Làm ơn không cầu phải có báo đáp".
Thành ngữ MƯU VƯƠNG ĐỒ BÁ 謀王圖霸 là mưu toan tính toán để được làm vương làm bá, còn BÁ ĐỒ 霸圖 là cái nghiệp bá đã tạo nên. Trong bài thơ Sở Vọng của cụ Nguyễn Du có câu :

秋風落日皆鄉望, Thu phong lạc nhật giai hương vọng,
流水浮雲失霸圖。 Lưu thủy phù vân thất BÁ ĐỒ !
Có nghĩa:
Gió thu chiều xuống trông quê,
Mây trôi nước chảy ủ ê BÁ ĐỒ!

Khi mặt trời về chiều chen lặn trong gió thu hiu hắt, ai là người không trông ngóng để nhớ về quê hương; Trước cảnh nước chảy mây trôi mọi ý niệm tranh bá đồ vương đều tan biến mất cả !
ĐỒ lại làm cho ta nhớ tới điển tích : ĐỒ CÙNG CHỦY HIỆN 圖窮匕見 (chự KIẾN ở đây được đọc thành HIỆN). Có nghĩa : "Cuối bức bản đồ thì con dao găm hiện ra" theo tích sau đây :
Cuối thời Chiến Quốc, Tần Vương Doanh Chính muốn gồm thâu lục quốc, sau khi tiêu diệt Hàn và Triệu sẽ đánh chiếm nước Yên. Thái Tử Yên là Đan mưu đồ hành thích vua Tần, mới ngầm sai thích khách nổi tiếng lúc bấy giờ là Kinh Kha mang đầu của phản tướng Phàn Ô Kỳ và bản đồ đất Độc Kháng nhượng cho Tần để cầu hòa. Đầu của tướng Phàn Ô Kỳ do Kinh Kha cầm, còn Bản đồ cuộn tròn đựng trong một chiếc hộp khác do trợ thủ của Kinh Kha là Tần Vũ Dương cầm. Không ngờ khi vào chầu vua Tần ở chính điện, trông thấy khí thế uy nghiêm của triều đình vua Tần, Tần vũ Dương mất bình tĩnh tay run mặt tái. Sau khi trình đầu của phản tướng Ô Kỳ, Kinh Kha bèn giựt cái hộp đựng bản đồ trên tay Tần Vũ Dương mà biện minh với vua Tần : Đây là tên quê mùa hèn nhát chưa từng thấy qua vẻ uy nghiêm của bệ hạ, xin hãy thứ tội. Đoạn bước tới mở hộp trình cuộn bản đồ nhượng đất lên cho vua Tần. Khi mở đến cuối bức bản đồ thì một con dao găm (chủy thủ) hiện ra. Kinh Kha rất nhanh, tay trái nắm lấy tay áo của Tần Vương còn tay phải thì chụp con dao găm đâm thẳng vào ngực vua Tần. Nhưng, mưu sát... không thành, vì trước đó vua Tần đã cảnh giác khi trông thấy thái độ run sợ kỳ lạ của Tần Vũ Dương nên đã có phòng bị... (Mời xem Tạp ghi và Phiếm luận : DỊCH THỦY TỐNG BIỆT của Đỗ Chiêu Đức) .
Vì tích trên mà ta có thành ngữ ĐỒ CÙNG CHỦY HIỆN 圖窮匕見 để chỉ những việc gì đó đến mức cuối cùng cũng sẽ lộ ra chân tướng thật sự của nó mà thôi!

Tích Kinh Kha sát Thủy Hoàng: ĐỒ CÙNG CHỦY HIỆN

Để kết thúc chữ ĐỒ 圖 gồm có "Mười bốn cái miệng" (Thập tứ khẩu 十四口) nầy, ta có thành ngữ ĐẠI TRIỂN HỒNG ĐỒ 大展鴻圖. ĐẠI TRIỂN là triển khai một cách lớn lao; HỒNG ĐỒ là Cơ Đồ lớn lao hùng vĩ. Nên ĐẠI TRIỂN HỒNG ĐỒ 大展鴻圖 là "Triển khai một cách quy mô cái cơ đồ làm ăn lớn lao". Câu nầy thường dùng để tặng cho những người mới khai trương hay mới bắt đầu kinh doanh một cơ sở làm ăn nào đó. Nên ta lại có từ...
CƠ ĐỒ 基圖 là Cơ nghiệp do kinh doanh tính toán làm ăn mà có được. Nhớ hồi năm 2018 khi gia đình chúng tôi ghé thăm di tích lịch sử "Nhà Công Tử Bạc Liêu" ở số 13 đường Điện Biên Phủ TP. Bạc Liêu thì có đọc được một đôi câu đối lớn cẩn xà cừ treo hai bên phòng khách lớn ở trên lầu như sau :

富 壽 康 寧, 總 是 仁 慈 成 事 業,
Phú Thọ Khang Ninh, tổng thị nhân từ thành sự nghiệp,
貴 財 利 樂, 皆 由 忠 孝 永 基 圖。
Quý tài lợi lạc, giai do trung hiếu vĩnh cơ đồ.

Nghĩa của Câu Đối:
* Giàu có sống thọ khỏe mạnh bình yên đều do nơi ăn ở nhân hậu từ ái mà làm nên sự nghiệp.
* Quý hiển giàu sang vui vẻ đều do làm người có trung có hiếu mà giữ vững được CƠ ĐỒ (của cha ông để lại) được vĩnh cửu lâu dài.

Câu đối không biết do danh sĩ nào làm ra lúc bấy giờ, nhưng đã có ý vừa ca ngợi vừa khuyên răn : Giàu có bình yên là do có lòng nhân từ mà thành sự nghiệp, nên phải biết ăn ở cho có trung có hiếu thì mới giữ CƠ ĐỒ của ông cha được bền vững lâu dài.
Rất tiếc là Công Tử Bạc Liêu lại theo Tây Học, sang Pháp chỉ biết ăn chơi trác táng, khi về nước lại cũng chỉ biết trác táng ăn chơi, mà không hiểu thấu đôi câu đối của tiền nhân nhắc nhở hằng ngày đập vào mắt khi đi lên xuống lầu. (Mời đọc "Tạp ghi và Phiếm luận : NHÀ CÔNG TỬ BẠC LIÊU" của Đỗ Chiêu Đức).
 
Vợ chồng Đỗ Chiêu Đức cùng ông bà thông gia Huỳnh Thanh Sơn đứng giữa câu đối nêu trên.

CƠ ĐỒ 基圖 còn có nghĩa là cương thổ đất nước mà ta chiếm lĩnh hoặc mở mang tạo dựng nên được, như trong Truyện Kiều anh hùng Từ Hải đã tự hào:

Một tay gây dựng CƠ ĐỒ,
Bấy lâu bể Sở, sông Ngô tung hoành!

ĐỒ 途 là Lộ Đồ, chữ ĐỒ nầy có bộ Xước 辶 là Đi ở bên trái, nên có nghĩa là Con Đường. Như các cụ Đồ xưa thường nói...
TIỀN ĐỒ 前途 là con đường trước mắt. Vừa nghĩa đen vừa nghĩa bóng, chỉ "Thời gian sắp tới và vận hạn may rủi của một người nào đó". Như "Tiền Đồ xán lạn rực rỡ", "Tiền Đồ đen tối u buồn"... Khác với TIỀN ĐÔ là Mỹ Kim mà ai cũng thích cả !
TRƯỜNG ĐỒ 長途 là con đường dài trước mặt. Ông bà ta cũng thường hay nhắc nhở con cháu bằng câu:

長途知馬力, TRƯỜNG ĐỒ tri mã lực,
事久見人心。 Sự cửu kiến nhân tâm.

Có nghĩa:
Đường dài mới biết sức ngựa (Bền hay không bền, Giỏi hay không giỏi).
Chuyện gì đó lâu ngày mới thấy được lòng người (Tốt hay không tốt).

ĐỒ 途 là con đường, nên ta phải biết chọn đường mà đi, mà theo đuổi, như QUANG MINH CHI ĐỒ 光明之途 là Con đường sáng sủa, NHÂN NGHĨA CHI ĐỒ 仁義之途 là con đường nhơn nghĩa. Không nên bỏ phế, bỏ vỡ nửa chừng những gì mà mình đang muốn thực hiện, vì như thế sẽ bị người đời cười nhạo là BÁN ĐỒ NHI PHẾ 半途而廢 là bỏ phế giữa đường, trừ phi đã đi đến nước CÙNG ĐỒ MẠT LỘ 窮途末路 là đến bước đường cùng, hết phương xoay sở. CÙNG ĐỒ 窮途 là Cùng đường mà cũng có nghĩa là con đường nghèo khổ; Còn MẠT LỘ 末路 là cuối đường, còn gọi là TUYỆT LỘ 絕路 là đã hết đường để đi.
Nhớ những năm xưa vào thời Pháp thuộc, Thị Trấn Cái Răng ở Cần Thơ của chúng tôi có tiệm hút Á Phiện có môn bài đàng hoàng, dĩ nhiên trong đó cũng có các cô tiếp viên trẻ đẹp phục vụ cho những ông nhà giàu vào đó để "Đi mây về gió", và dĩ nhiên cũng có đầy đủ các giới, các hạng và các chàng trai trẻ học đòi ăn chơi tìm đến với "Nàng tiên nâu". Ông chủ cũng là tay ăn chơi nhưng lại rất hào phóng, đã cho phép một nhân sĩ có tiếng ở trong Thị Trấn (Síl-sáng Bó) làm đôi câu đối sau đây để dán lên hai bên cửa ra vào:

鴉片三分,蓋世英雄歸絕路; Nha phiến tam phân, cái thế anh hùng quy tuyệt lộ;
嫖賭二項,風流子弟入窮途。 Phiêu đổ nhị hạng, phong lưu tử đệ nhập cùng đồ.
Có nghĩa:
- Chỉ cần ba phân Á phiện, thì anh hùng cái thế cũng sẽ đi vào tuyệt lộ.
- Chơi gái, cờ bạc hai thứ nầy, sẽ đưa con em phong lưu vào bước đường cùng.

Câu đối mang đầy tính cảnh giác khuyên răn, chỉ cần 3 phân Á phiện thôi thì cho dù là anh hùng cái thế lúc lên cơn nghiện rồi thì cũng đành đi vào tuyệt lộ là con đường chết; Chơi bời (phiêu) cờ bạc (đổ) sẽ làm cho con em phong lưu đi vào bước đường cùng khó khăn nghèo khổ. Cảnh giác, khuyên răn là thế, mà ông chủ tiệm vẫn cho treo lên, và những người nghiện ngập ham chơi vẫn cứ lủi đầu vào như con thiêu thân chịu chết. Thế mới biết sức mạnh của TỨ ĐỔ TƯỜNG là như thế nào !!!...
Ta lại có thành ngữ "NGỰA QUEN ĐƯỜNG CŨ" để chỉ những người nghiện ngập hoặc hay làm ác, bây giờ dù cho có cai nghiện hay cải tà quy chánh rồi, nhưng cũng sẽ rất dễ dàng làm ác hay nghiện ngập trở lại. Thực ra thành ngữ nầy có xuất xứ rất tích cực với tích "LÃO MÃ THỨC ĐỒ 老馬識途". Có nghĩa : Con ngựa già có thể nhận biết được đường cũ đã đi qua. Với tích sau đây :
Theo Hàn Phi Tử. Thuyết Lâm Thượng : Tề Hoàn Công theo yêu cầu của nước Yên, xuất quân đánh Sơn Nhung. Bị lạc trong sa mạc núi non mù mịt không biết đường ra. Quản Trọng bèn thả những con ngựa già ra rồi cho quân đi theo. Qủa nhiên, ra khỏi được nơi bị lạc. Nên câu "LÃO MÃ THỨC ĐỒ" dùng để chỉ sự đắc dụng của những người có kinh nghiệm từng trãi.
 
LÃO MÃ THỨC ĐỒ 老馬識途

Lại nhớ những năm trước "Cô-Vít" (trước 2020), Tết năm nào tôi cũng chuẩn bị giấy mực viết Liễn Tết để gây quỹ cho chùa TỊNH LUẬT ở số 8703 Fairbanks N Houston Rd Houston, TX 77064. Để tạo dáng cho bàn viết thư pháp, ngoài chữ PHẬT 佛 to lớn được viết bằng nhũ vàng ở giữa, tôi còn làm đôi câu đối sau đây để trang trí hai bên chữ PHẬT như sau:

淨渡十方迷眾,同登彼岸; TỊNH độ thập phương mê chúng, đồng đăng bỉ ngạn;
律行八介清規,速捨迷途。 LUẬT hành bát giới thanh quy, tốc xả MÊ ĐỒ.

* Chú thích:

- TỊNH ĐỘ là Độ hết, Độ sạch sẽ không để sót một ai cả.
- THẬP PHƯƠNG là mười phương : Đông, Tây, Nam, Bắc, đông bắc, tây bắc, đông nam, tây nạm, thượng phương và ha phương, vị chi là MƯỜI PHƯƠNG.
- MÊ CHÚNG là quần chúng nhân dân còn đang mê muội.
- ĐỒNG ĐĂNG cùng lên bờ; BỈ NGÃN là Bờ phía bên kia (tức là Bến Giác đó).
- LUẬT HÀNH là Thực hành theo giới luật.
- BÁT GIỚI là Tám giới cấm, ngoài Ngũ giới cấm là : Sát sanh, Trộm cắp, Tà dâm, Nói dối, Uống rượu ra, còn phải giữ thêm 3 giới nữa là : Không phục sức đẹp đẽ, Không ở nhà cao cửa rộng, Không ăn mặn.
- THANH QUY là Những quy định làm trong sạch con người tu hành.
- TỐC XẢ là Nhanh chóng buông bỏ.
- MÊ ĐỒ là Con đường mê muội.

* Nghĩa câu đối:
- Độ hết quần chúng mê muội của mười phương, để cùng đến bến bờ bên kia.
- Thực hành tám giới thanh quy, để nhanh chóng buông bỏ con đường mê muội.
Rất tiếc là tôi không đủ tiền cúng dường để đưa câu đối nầy lên trước cổng chùa.

Cổng chùa TỊNH LUẬT, Chữ PHẬT và Câu đối tạo dáng

ĐỒ 屠 là Giết, Mổ. Nên ĐỒ SÁT 屠殺 là Chém giết. ĐỒ TỂ 屠宰 là người chuyên giết súc vật để bán thịt. Tiêu biểu cho từ ĐỒ TỂ là những người bậm trợn to lớn bán thịt heo ở chợ. Từ ĐỒ lại làm cho ta nhớ đến hai câu thơ rất nổi tiếng trong bài thơ "Thuật Hoài 述懷" của danh tướng Đặng Dung 鄧容 dưới đời nhà Trần như sau:

時來屠釣成功易 Thời lai ĐỒ ĐIẾU thành công dị,
運去英雄飲恨多 Vận khứ anh hùng ẩm hận đa.

Có nghĩa:

- Khi thời đến thì tên Đồ Tể và người Câu Cá(ĐIẾU) đều rất dễ thành công.
- Khi thời vận đi qua rồi thì dù là anh hùng cũng đành nuốt hận mà thôi !

Gặp thời ĐỒ ĐIẾU thành công dễ,
Hết vận anh hùng nuốt hận thôi.


ĐỒ TRƯ 屠豬 là Mổ heo, ĐỒ DƯƠNG 屠羊 là Mổ dê, ĐỒ CẨU 屠狗 là tên chuyên giết và bán thịt chó : Cao Tiệm Ly bạn của thích khách Kinh Kha nước Yên thời Chiến Quốc. Còn ĐỒ LONG 屠龍 là Giết Rồng, không phải là rồng thật, mà là chỉ vua Mông Cổ đang xâm chiếm nhà Tống lúc bấy giờ, như trong bộ tiểu thuyết võ hiệp nổi tiếng của nhà văn Kim Dung "Ỷ Thiên ĐỒ LONG Ký 倚天屠龍記" đã được các dịch giả ở Sài Gòn lúc bấy giờ dịch là "Cô Gái ĐỒ LONG" là "Cô Gái Giết Rồng". Thực ra ĐỒ LONG của Kim Dung viết là ĐỒ LONG ĐAO 屠龍刀, là thanh đao dùng để giết vua Mông Cổ với lời thiệu được truyền tụng trong võ lâm là :

武林至尊,寶刀屠龍。 Võ lâm chí tôn, Bảo đao Đồ Long.
號令天下,莫敢不從。 Hiệu lệnh thiên hạ, Mạc cảm bất tùng.
倚天不出,誰與爭鋒 ? Ỷ Thiên bất xuất, Thùy dữ tranh phong ?
Có nghĩa :
- Cây bảo đao ĐỒ LONG là vật chí tôn (tôn quý nhất) trong võ lâm.
- Dùng cây đao nầy để ra lệnh cho người trong thiên hạ thì không ai dám không nghe theo.
- Nếu cây Ỷ Thiên Kiếm không xuất hiện, thì vũ khí nào dám tranh là bén hơn cây đao ĐỒ LONG đây?!


ĐỒ ĐAO 屠刀 là Cây dao dùng để giết người và súc vật. Phật giáo có câu "Phóng hạ ĐỒ ĐAO, lập địa thành phật 放下屠刀,立地成佛". Có nghĩa : "Buông cây dao giết người và súc vật xuống thì sẽ thành Phật ngay tức thì. Ý muốn nói là : Trước kia dù cho có sát nhân ác đức tới đâu, nhưng nếu biết ăn năn hối cải, tu tâm dưỡng tánh thì cũng có thể thành Phật được như thường ! Câu nói nầy có xuất xứ từ kinh "Phât Tổ Thống Kỷ Quyển 佛祖统纪卷" với câu truyện như sau :
Có người ĐỒ TỂ họ Kinh ở đất Trường An vào đời Đường, thấy hàng thịt của mình sao mấy tháng nay mỗi ngày một ế thêm ra, thịt ôi thối dư đầy nhà, bèn đi dạo một vòng Tràng An để tìm hiểu nguyên nhân. Thì ra mấy tháng nay, có một vị Thiện Đạo hòa thượng đang thuyết pháp trong kinh thành, khuyên mọi người tin vào luật nhân quả, cải ác hướng thiện, ăn chay niệm Phật để được vãn sanh cực lạc. Mọi người đều nghe theo bỏ thịt ăn chay, nên hàng thịt của anh ta ế ẩm. Biết nguyên nhân, anh ta giận lắm, xách dao xông vào chùa định giết Thiện Đạo hòa thượng cho hả giận. Nào ngờ khi đến nơi thấy vẻ uy nghiêm hiền từ của nhà sư đang giảng về nghiệp duyên nhân quả trong tiếng mỏ tiếng kinh thiêng liêng huyền diệu. Hòa Thượng khuyên anh bỏ dao xuống để nghe về Lục đạo luân hồi, hồi hướng công đức để được vãng sanh Tây phương tịnh thổ, rồi vận dụng Phật lực chỉ tay về hướng Tây, trên không trung như mơ màng ẩn hiện ra cảnh Niết bàn Tây Phương cực lạc. Anh đồ tể họ Kinh buông đao chắp tay gục xuống đất, thần hồn xuất ra từ trên đầu lơ lửng nương theo chư Phật lẫn vào trong mây màu ngũ sắc...

Phóng hạ ĐỒ ĐAO, lập địa thành phật 放下屠刀,立地成佛

Để kết thúc cho chữ ĐỒ 屠 nầy, ta còn có một câu nói khuyến thiện mà mọi người đều rất thường nghe thấy, đó chính là câu :"Cứu nhân nhất mệnh, thắng tạo thất cấp Phù Đồ 救人一命勝造七級浮屠". PHÙ ĐỒ 浮屠 là phiên âm Phạn ngữ của từ Buddha. Từ BUDDHA tùy theo ngữ cảnh, có bốn nghĩa như sau : 1. Buddha là Phật Đà; 2. Buddha là Phật Giáo; 3. Buddha là Hòa thượng; 4. Buddha là Tháp Chùa : Nơi để chôn các nhà sư viên tịch. Nên câu :"Cứu nhân nhất mệnh, thắng tạo thất cấp Phù đồ". Có nghĩa : Cứu một người còn sống, còn hơn xây bảy cái tháp để chôn người đã chết. Nhưng ta lại thường nói trại thành :"Cứu một mạng người còn hơn lập bảy kiểng chùa" là vậy.

ĐỒ 塗 chữ ĐỒ nầy có 3 chấm Thủy 氵là Nước ở bên trái, phía dưới lại có chữ Thổ 土 là đất; Đất gặp nước thì nhảo ra; Nên ĐỒ là Bùn, là Sình. Động từ là Bôi, là Trây, là Trét. Nên gặp HỒ 糊 là Bột nhảo thành HỒ ĐỒ 糊塗 là Trây trét tùm lum tà la; nghĩa bóng là "Lơ mơ","mù mờ", "Không rõ ràng", là "Xớn xác"... Chuyện gì đó chưa dám quyết định, còn phân vân do dự, chưa biết phải như thế nào thì cũng nói được là còn đang HỒ ĐỒ, như khi Hồ Tôn Hiến cho đem lễ vật đến để chiêu hàng thì Từ Hải dở khóc dở cười chưa biết phải như thế nào :

Tin vào gửi trước trung quân,
Từ công riêng hãy mười phân HỒ ĐỒ.

Ta lại có thành ngữ HỒ LÝ HỒ ĐỒ 糊里糊塗 là "Ù ù cạc cạc", "Ngơ ngơ ngáo ngáo","Mơ mơ màng màng"... không phân biệt trắng đen phải trái gì cả. Còn...

ĐỒ THÁN 塗炭 là Bùn và Than; Động từ có nghĩa là : Trét bùn trét than, chỉ nơi lầy lội, dơ bẩn, đen tối, cực khổ; Ta nói là Lầm than khổ nhọc. Nên ta lại có thành ngữ : NHÂN DÂN ĐỒ THÁN 人民塗炭 hay SINH LINH ĐỒ THÁN 生靈塗炭 để chỉ đời sống cơ cực lầm than của dân chúng trong chiến tranh hay trong thiên tai đói kém. Thành ngữ nầy có xuất xứ từ Tấn Thư 晉書 như sau :
Cuối đời Đông Tấn, thiên hạ đại loạn, 16 nước tranh nhau xưng hùng, thảo phạt thôn tính lẫn nhau. Chiến loạn liên miên, Thừa tướng Vương Vĩnh 王永 của nhà Tiền Tần tập hợp lực lượng các nơi lại để thảo phạt thủ lĩnh của Hậu Tần là Diêu Trường 姚萇 và thủ lĩnh của Hậu Yên là Mộ Dung Thùy 慕容垂. Bản hịch văn hiệu triệu các nước viết rằng : Tiên đế bất hạnh, bị loạn thần khống chế, kinh sư Trường an thất thủ, đất nước điêu linh; đất đai hoang phế, đời sống dân chúng cơ cực như trong ao đầm lầy lội, như trong lò than thiêu đốt, khổ sở vô cùng... Mong các nơi trông thấy hịch văn nầy tức tốc điều động binh mã hội tụ về Trường an để cùng thảo phạt.

Nên SINH LINH ĐỒ THÁN 生靈塗炭 là chỉ đời sống vất vả cơ cực lầm than, sống nay chết mai của dân chúng trong chiến tranh loạn lạc la vì thế.




SINH LINH ĐỒ THÁN 生靈塗炭

ĐỒ 塗 là Bôi là trét, nên ta lại có thành ngữ ĐỒ CHI MẠT PHẤN 塗脂抹粉 là "Tô son trét phấn" (Thay vì nói "Thoa son Dồi phấn") để chỉ sự trang điểm vụng về cẩu thả của các bà các cô; TÔ SON TRÉT PHẤN còn có một nghĩa nữa là chỉ sự trang điểm lòe loẹt không khéo léo đoan trang. Theo "Dược Vương Bồ-Tát bản sự 藥王菩薩本事" trong kinh Pháp Hoa 法華經 lại có câu "HƯƠNG DU ĐỒ THÂN 香油塗身" là lấy dầu thơm xoa khắp thân mình, để... làm chi không biết ! (Mời tìm đọc Kinh Pháp Hoa sẽ rõ).

Ta lại có thành ngữ CAN NÃO ĐỒ ĐỊA 肝腦塗地 Nghĩa đen là : Gan óc lầy đất, chỉ cảnh nhiều người chết chóc một cách thảm thương; Sau được dùng để chỉ dù cho có chết một cách thê thảm để trả ơn cho ai đó cũng cam tâm tình nguyện.
Thành ngữ nầy có xuất xứ từ Tam Quốc Chí. Khi Quan Công đem quân vây đánh Tương Dương và Phàn Thành, tướng soái của Tào Tháo lúc bấy giờ là Vu Cấm, tiên phong là Bàng Đức. Cấm nghi ngờ Đức sẽ đầu hàng Quan Công, tâu với Tào Tháo thu hồi ấn Tiên phong của Bành Đức. Đức tâu với Tháo là mình dù cho có chết thảm đến đổi óc gan lầy đất ở chiến trường cũng nguyện trung thành với Tào Tháo. Tháo tin Đức nên vẫn cho giữ ấn Tiên phong. Để tỏ lòng trung thành, khi ra trận Bàng Đức cho mang theo cả quan tài để tỏ lòng quyết tâm tử chiến. Cuối cùng vẫn bị Quan Công chém chết vì Bàng Đức quyết không đầu hàng. Quả là một mãnh tướng trung can thà "Óc gan lầy đất" cũng quyết chiến đến cùng.
 
CAN NÃO ĐỒ ĐỊA 肝腦塗地

Trong Truyện Kiều, khi Từ Hải đã giúp Thúy Kiều báo ân báo oán, Thúy Kiều cũng đã cảm kích mà :
Tạ ân, lạy trước Từ công:

“Chút thân bồ liễu nào mong có rày.
Trộm nhờ sấm sét ra oai,
Tấc riêng như cất gánh đầy đổ đi.
Chạm xương, chép dạ xiết chi,
Dễ đem GAN ÓC đền nghì trời mây!”

Ý của Thúy Kiều là còn sống thì "Chạm xương, chép dạ", ta thường nói là "Ghi lòng tạc dạ"; hay có chết một cách thê thảm, cũng "... đem Gan Óc" mà đền nghĩa (nghì) cao như "trời mây" của Từ Hải đã làm cho nàng!

Thúy Kiều và Từ Hải

ĐỒ 荼 là Một loại rau Đắng, rất khó ăn. Ta có từ ĐỒ ĐỘC 荼毒 là Rau đắng và Trùng độc; Nên ĐỒ ĐỘC có nghĩa là Bị Tàn hại, ngược đãi, hành hạ, làm cho khổ sở... Ta hay nói thành "ĐẦU ĐỘC" và hiểu thành "bỏ thuốc độc cho ai đó..."
ĐỒ 荼 còn là tên của một loài hoa trắng... như bông! Đó là Hoa ĐỒ MI 荼蘼. Nhắc đến hoa ĐỒ MI là người ta lại nhớ ngay đến Hồng Lâu Mộng, quyển tiểu thuyết nổi tiếng của Tào Tuyết Cần, trong đó tả lại trong một buổi tiệc vui chơi ở hồi thứ 63, một A hoàn của Giả Bảo Ngọc là Xạ Nguyệt đã rút nhằm cây xăm hoa có vẽ hình một cành hoa Đồ Mi với lời đề "Thiều Hoa Thắng Cực 韶華勝極" có nghĩa "Thời gian hoa mộng đã đến hồi cùng cực rồi" và bên dưới lại kèm thêm một câu thơ cổ là "Khai đáo ĐỒ MI hoa sự liễu 開到荼蘼花事了" Có nghĩa : "Nở đến hoa ĐỒ MI là chuyện chơi hoa đã đến hồi kết thúc rồi !" Giả Bảo Ngọc cho là điềm chẳng lành nên giấu cây xăm đi. Tại sao ? À, Thì ra Hoa ĐỒ MI rất trong trắng và xinh đẹp, nhưng lại nở vào cuối mùa xuân đầu mùa hạ, khi các loài hoa khác đã sắp tàn tạ hết rồi. Câu thơ trên có xuất xứ từ bài Thất ngôn tứ tuyệt "Xuân Mộ Du Tiểu Viên 春暮遊小園"(Cuối Xuân dạo vườn hoa nhỏ) của Vương Kỳ 王淇 một nhà thơ đời Tống. Cả bài như sau:

一從梅粉褪殘粧, Nhất tòng mai phấn thoái tàn trang,
塗抹新紅上海棠。 Đồ mạt tân hồng thướng hải đường.
開到荼蘼花事了, Khai đáo đồ mi hoa sự liễu,
絲絲天棘出莓牆.   Ti ti thiên cức xuất môi tường!


開到荼蘼花事了, Khai đáo đồ mi hoa sự liễu,
Có nghĩa:
- Bắt đầu từ hoa mai khi phấn nhạt hương tàn, thì...
- Hải đường lại thoa son đánh phấn để thay thế. Nhưng...
- Nở đến hoa Đồ Mi là viêc thưởng hoa đã đến hồi kết thúc rồi, Mặc dù...
- Sau đó vẫn có dây leo gai góc bò ra ngoài trên bức tường rêu xanh (trông cũng đẹp chán !)
Bài thơ diễn tả sự luân phiên thay đổi giữa các loài hoa trong mùa xuân. Đầu xuân là Hoa Mai nở sớm nhất, giữa xuân là hoa Hải Đường, đến cuối xuân là hoa ĐỒ MI trắng xóa nở trắng khắp đồng nội như thay lời chào cuối cùng của các hoa xuân. Thương xót cho loài hoa trinh trắng cuối cùng của mùa xuân, cụ Nguyễn Du đã dùng hình bóng của hoa Đồ Mi nầy để so sánh với thân phận của nàng Kiều khi thất thâh với Mã Giám Sinh:

Tiếc thay một đóa ĐỒ MI,
Con ong đã tỏ đường đi lối về !

... Vì chữ TRÀ 茶 và chữ ĐỒ 荼 chỉ khác nhau có một nét, nên có rất nhiều người đọc nhầm chữ ĐỒ 荼 thành chữ TRÀ 茶, nên mới có người đọc sai là :

Tiếc thay một đóa TRÀ MI,
Con ong đã tỏ đường đi lối về!


Từ ĐỒ 荼 cuối cùng cho chữ ĐỒ 荼 nầy là THẦN ĐỒ UẤT LUẬT 神荼鬱壘 thường hay bị đọc sai là THẦN TRÀ UẤT LŨY. Đây là hai vị Môn Thần, theo Sơn Hải Kinh 山海经 của Vương Sung 王充 đời Hán :
Trong thương hải mênh mông ở biển Đông, có núi Độ Sóc, trên núi có một cây đào lớn, cành lá vươn dài ba ngàn dặm. Ở giữa cành lá phía Đông bắc có một Quỹ môn là cửa của các loài quỹ ra vào hằng ngày. Phía trên cửa có hai vị thần, bên phải là THẦN ĐỒ 神荼, bên trái là UẤT LUẬT 鬱壘, chuyên trông coi và lãnh đạo chúng quỹ. Các con quỹ hung ác cứng đầu hay trốn đi hại người, thì sẽ bị hai vị thần dùng dây lạt trói lại đem cho bạch hỗ ăn thịt. Nên vua Huỳnh Đế mới cho dân chúng vẽ hình của Thần Đồ và Uất Luật vào hai bên cửa để cho các quỹ trông thấy mà tránh xa, không dám đến gần làm hại. Nhưng...
Theo 《Tam Giáo Sưu Thần Đại Toàn 三教搜神大全》 ghi rằng : Trong cung vua Đường hằng đêm đều nghe tiếng khóc than của các loài quỹ mị và tiếng ném gạch đá rổn rảng suốt đêm, khiến cho Đường Thái Tông không sao yên giấc được. Võ tướng Tần Quỳnh 秦瓊 mặt vàng tâu với vua rằng :"Thần nguyện cùng Uất Trì Kính Đức 尉遲敬德 mặt đen, đêm đêm sẽ nai nịt gọn gàng như đi đánh trận, cầm binh khí đứng gát ở trước của cung để trấn át các loài quỹ mị ma quái". Vua chuẩn y. Quả nhiên, khi hai võ tướng đứng gát trong đêm thì các ma quái quỹ mị im re không dám động tịnh gì nữa cả. Các quan trong triều rồi đến dân chúng trong kinh thành đều cho thợ vẽ vẽ hình của hai tướng treo hai bên cửa ra vào để trấn áp tà ma. Tần Quỳnh là TẦN THÚC BẢO 秦叔寶, còn Uất Trì Kính Đức là UẤT TRÌ CUNG 尉遲恭 đó .
 
THẦN ĐỒ UẤT LUẬT 神荼鬱壘 và TẦN THÚC BẢO 秦叔寶, UẤT TRÌ CUNG 尉遲恭

ĐỒ 徒 : Thấy chữ ĐỒ nầy là người ta nghĩ ngay đến từ ĐỒ ĐỆ 徒弟 là Học trò nói chung. Bất cứ theo học ngành nghề nào cũng đều gọi là ĐỒ ĐỆ được cả. Nếu không thích gọi là Đồ Đệ thì gọi là MÔN ĐỒ 門徒 cũng được. Và nên nhớ đây là cách gọi theo xưa, còn hiện nay thì tất cà đều được gọi là HỌC SINH 學生.
- SƯ ĐỒ 師徒 chỉ sự quan hệ Thầy Trò với nhau, như tình nghĩa Sư Đồ...
- CAO ĐỒ 高徒 : Không phải là học trò có chiều cao thật cao, mà là "Học Trò Giỏi", như thành ngữ DANH SƯ XUẤT CAO ĐỒ 名師出高徒 Có nghĩa là "Thầy nổi tiếng sẽ dạy ra học trò giỏi giang". Trái với Cao Đồ là...
- NGHỊCH ĐỒ 逆徒, PHẢN ĐỒ 反徒 là : Học trò ngổ ngáo, Học trò phản nghịch.
- TÍN ĐỒ 信徒 là Những người tin theo một Đạo giáo nào đó, nên còn được gọi là GIÁO ĐỒ 教徒 như Tín Đồ Phật Giáo, Giáo Đồ Thiên Chúa Giáo, Giáo Đồ Hồi Giáo...
ĐỒ 徒 ngoài nghĩa chỉ người tốt, người bình thường ra, còn để chỉ người xấu như :
- PHỈ ĐỒ 匪徒 : Chỉ quân du thủ du thực, phá làng phá xóm, dân du côn...
- ÁC ĐỒ 惡徒 : Quân Tàn ác, cũng dùng để chỉ Học trò xấu xa tàn ác.
- TỬU SẮC CHI ĐỒ 酒色之徒 : Chỉ những người ham mê tửu sắc, chữ ĐỒ ở đây đã được Nôm hóa thành : Thứ cái ĐỒ ham mê tửu sắc ! Tương tự, ta có...
- HIẾU SỰ CHI ĐỒ 好事之徒 : Ta bảo là "Thứ cái ĐỒ nhiều chuyện !". Một từ nữa mà ta cũng rất thường nghe...
- THỊ TỈNH CHI ĐỒ 市井之徒 : là "Thứ cái ĐỒ dân chợ búa !"...

ĐỒ 徒 còn là một chức quan lớn ở trong triều đại phong kiến : Quan TƯ ĐỒ 司徒 thuộc hàng Tam Công, tương đương như chức Tể Tướng sau nầy. Quan Tư Đồ mà ta thường nghe nói nhất là TƯ ĐỒ Vương Doãn 王允 (131-192) ở cuối đời Đông Hán. Ông đã dùng Điêu Thuyền, người đẹp Nguyệt Thẹn, làm mỹ nhân kế để ly gián cha con Lữ Bố và Đổng Trác đang chuyên quyền và thao túng nhà Hán, trong Tam Quốc Chí diễn nghĩa của La Quán Trung.

Ở nước ta, vào đời Hậu Lê, dưới đời vua Lê Thánh Tông năm 1466 những người thi đậu 3 trường của kỳ Thi Hương được gọi là SINH ĐỒ 生徒; Đậu cả 4 trường thì gọi là HƯƠNG CỐNG 鄉貢. (Đến năm 1828 vua Minh Mạng mới đổi cách gọi Sinh Đồ thành Tú Tài 秀才. Hương Cống thành Cử Nhân 舉人). Theo quy định của các vua Lê đậu Hương Cống mới được bổ nhiệm làm quan, còn muốn đi dạy học thì ít nhất phải đậu SINH ĐỒ, nên các thầy dạy học ngày xưa thường được gọi THẦY ĐỒ là vì thế.
Như ta đã biết, ông Tú Vị Xuyên Trần Tế Xương "Tám khoa chưa khỏi phạm trường quy" nên đành làm Thầy Đồ dạy học cho 4 đứa con tên Uông, tên Bái, tên Bột, tên Bành để được... lảnh lương vợ. Ta hãy nghe ông kể trong bài "Phú Thầy Đồ" :

... Thầy Đồ thầy đạc,
Dạy học dạy hành...
Mấy quyển vở rách,
Dăm thằng trẻ ranh !...

Văn có hay đã đỗ làm quan, võng điều võng tía,
Võ có giỏi đã ra giúp nước, khố đỏ khố xanh.

Ý hẳn thầy văn dốt vũ dát,
Cho nên thầy lẩn quẩn loanh quanh...


Bỏ qua ông Tú Vị Xuyên, ta trở lại với bài hát nói "Giễu Thầy ĐỒ làng Cổ Nhuế" khi ông ta đi dạy học ở Phủ Vĩnh Tường :

Thầy ĐỒ là người tài bộ,
Quẩy cầm thư đi giáo thụ phủ Vĩnh Tường.
Trước nha môn thiết một học trường,
Dạy dăm đứa “chi, hồ, dã, giả”.
Nhân lúc Thầy ĐỒ nhàn hạ,
Ra hồ sen xem ả hái hoa.
Ả hớ hênh ả để ĐỒ ra,

ĐỒ trông thấy ĐỒ ngâm ngay tức khắc :

Phong tiền lạn mạn hoa sinh sắc, 風前瀾漫花生色,
Thuỷ diện vi mang bạng thổ thần. 水面微茫蚌吐唇.*

ĐỒ ngâm rồi ĐỒ đứng tần ngần,
ĐỒ nọ tưởng ĐỒ kia thêm thắc mắc.
Suốt năm canh ĐỒ nằm khôn nhắp,
Những mơ màng ĐỒ nọ tưởng ĐỒ kia!
ĐỒ đâu gặp gỡ làm chi!

* Chú thích:
- PHONG TIỀN 風前 : là Trước gió.
- LẠN MẠN 瀾漫 : chỉ Màu sắc xinh tươi rực rỡ.
- HOA SINH SẮC 花生色 : là Hoa khoe màu sắc đẹp đẽ của mình.
- THỦY DIỆN 水面 : là Mặt nước.
- VI MANG 微茫 : là Ẩn hiện chập chờn.
- BẠNG THỔ THẦN 蚌吐唇 : BẠNG 蚌 là con Trai, con Hến; THỔ 吐 là Nhổ ra, Lè ra; THẦN 唇 là Cái Môi.

* Nghĩa hai câu thơ chữ Nho :
- Trước gió hoa sen cũng như người đẹp khoe vẻ xinh tươi rực rỡ của mình. Còn...
- Mặt nước thì ẩn hiện chập chờn khi mờ khi tỏ hình dáng của con trai, con hến đang lè hai cái môi ra !...
Quả là:

Gió lay rực rỡ hoa khoe sắc,
Nước gợn chập chờn hến lỏ môi!

Vì cái hình ảnh "chập chờn" của con "hến lỏ môi" ra, mà "ĐỒ ngâm rồi ĐỒ đứng tần ngần", và "ĐỒ nọ tưởng ĐỒ kia thêm thắc mắc". Rồi sau đó...

Suốt năm canh ĐỒ nằm khôn nhắp,
Những mơ màng ĐỒ nọ tưởng ĐỒ kia!

... và ngẩn ngơ tự hỏi:
ĐỒ đâu gặp gỡ làm chi!

Thầy ĐỒ quả là người Tài Bộ, trông bộ dạng đã biết có tài, thầy đã rất tinh tế, rất khéo léo trong phép so sánh "Con trai lè hai cái môi ra" trong khi hình ảnh chỉ "chập chờn" trên mặt nước...

Hẹn bài viết tới!

杜紹德
Đỗ Chiêu Đức



Chủ Nhật, 13 tháng 4, 2025

Như Giấc Mơ - Thơ Nguyễn Văn Cường - Nhạc: Nguyên Bích - Hòa Âm: Lê Minh Trí - Ca Sĩ: Hoàng Nguyên


Thơ Nguyễn Văn Cường
Nhạc: Nguyên Bích
Hòa Âm: Lê Minh Trí
Ca Sĩ: Hoàng Nguyên

Thơ: Như Liên - Thư Họa Quang Hà

 

Thơ: Như Liên
Thơ Tranh: Quang Hà

Mơ Hồ Xuân

( Ảnh: Tác Giả )
 
Vẫn là giọt nắng mùa rơi
Một nơi hiu hắt, một nơi chan hoà!
Cuối chiều cánh gió ngang qua
Nhẹ lay hạt nắng vỡ òa trong mây
Mưa khuya rót giọt vơi đầy
Nhòa tan phiền muộn đợi ngày mới sang
Xuân chậm đến đông chậm tàn
Khẽ khàng tiếng bước trong hoàng hôn sương
Người xa rời cõi vô thường
Hay đi tầm mộng xuân hương mơ hồ?

Yên Dạ Thảo
11.04.2025

Sầu Ca - 愁 歌 - Trần Văn Lương


Dạo:

Lời xưa trối lại còn đây,
Sao ta vô dụng thế này, hỡi ơi!

Cóc cuối tuần:

愁 歌

悲 文 鎖 石 碑,
遺 命 永 難 移.
勵 志 惟 紅 淚
依 前 漬 爛 衣.

陳 文 良

Âm Hán Việt:

Sầu Ca


Bi văn tỏa thạch bi,
Di mệnh vĩnh nan di.
Lệ chí, duy hồng lệ
Y tiền tí lạn y.

Trần Văn Lương

Dịch nghĩa:

Khúc Ca Sầu


(Bài) văn buồn khóa chặt bia đá,
Lời (người xưa) trối lại vĩnh viễn khó thay đổi.
(Dù) gắng sức (nhưng) chỉ có lệ máu
Thấm (ướt manh) áo rách như trước.

Phỏng dịch thơ:

Khúc Ca Sầu


Hằn bia đá vết sầu dâu bể,
Di mệnh buồn há dễ đổi thay.
Trọn đời dẫu cố loay hoay,
Trên manh áo rách lệ nay vẫn hồng.

Trần Văn Lương

Cali, 7/2023

Mái Tóc




Mái Tóc

(Cho Vân-Anh)

Nàng có mái tóc huyền
Đẹp như tranh thủy-mặc;
Đường nét thật dáng duyên,
Thật mặn-mà màu sắc.

Tóc như múa nghê-thường;
Sóng đàn như tóc lướt;
Tóc như ướp trầm hương;
Tóc như nhung mịn mướt.

Khi nàng về với tôi,
Nàng thay nhiều kiểu chải;
Như mắt, má, và môi:
Vui tươi và trẻ mãi .

Tôi vuốt dợn tóc êm,
Tôi hít mùi tóc thuộc.
Nắng biển và sương đêm:
Tóc kiêu hào nhập cuộc.

Đời rộng cánh bằng+âu;
Thanh-bần nên sướng chán.
Đôi lứa tưởng còn lâu
Mới bạc đầu, hói trán.

Nhưng, chớp bể, mưa nguồn!
Sắt thép kìm xương thịt:
Mắt nàng rát lệ tuôn,
Lưỡi tôi tê mật rịt!...

Nàng lặn-lội thăm tôi;
Tóc trùm khăn lấm bụi;
Tôi tránh nhìn mắt, môi;
Cổ nghẹn lời tức tủi .

Rồi, một hôm (ngỡ-ngàng!)
Nàng tháo khăn gỡ rối,
Tôi sửng-sốt nhìn nàng:
Tóc điểm màu tiêu-muối!

Ôi! Mới một thời-gian
Mà cồn dâu, bãi bể!
Giếng hẹp ếch gào khan;
Bức bần nên khổ thể!

Mắt nàng đã quầng thâm;
Môi khô và má hóp.
Nhìn mái tóc hoa-râm,
Tim tôi như nghiến bóp!

Tóc hết múa nghê-thường!
Sóng đàn tóc hết lướt!
Tóc hết ướp trầm hương!
Tóc hết nhung mịn mướt!

Tôi muốn vuốt tóc nàng,
Mà bị đời ngăn cấm!
Đành đợi giấc mơ-màng
Để sưởi lòng tạm ấm!

Nàng thương tôi mặn-nồng,
Vì tôi mà lận đận.
Tóc nàng càng trắng bông,
Lòng tôi càng uất hận!


Thanh Thanh
(Trong “Cơn Ác-Mộng”)
***
Her Hair

(For Vân Anh)

She had a head of black hair
Fine like water-color painting
The style so graceful to air
Always charming remaining

Her hair seemed to dance
And glide in musical strain
With perfumes to trance
And velvet in a soft vein

When she became mine
She changed in many ways
Eyes, cheeks, and lips shine
Jolly, joyful, and young always

I stroked her ripple smooth
I breathed her familiar scent
It proudly enjoyed to soothe
Sea sun and night dew extent

Life was wide like an eagle
Pure and right creates elated
The couple thought of regal
As never to be to abyss fated

But, bliss abruptly became bore
Bones and flesh gripped by steel
Her eyes with tears turned sore
My tongue numb with bile to feel

She hiked miserably to visit me
Her hair covered in dusty wimple
I avoided her eyes, lips to see
Throat choked with anger simple

Then once oh! how surprising
She untied the headscarf there
I amazedly stared at her realizing
Her now pepper and salt hair

Alas! Only in a so short time
This topsy-turvy had occurred
Frogs in wells: unheard chime
Famine formed miserable herd

Her eyes were black and blue
Lips dried and cheeks sunken
Looking at the grey hair through
I felt that my heart got shrunken

Her hair had stopped to dance
No more on musical tune to glide
Aromatic spices neither chance
No longer on velours to ride

I wanted to stroke her hair
But life had forbidden to do so
I must wait for dreams to share
To warm my heart chilled in snow

She loves me needless to say
Weary, painful because of me
The more her hair grows gray
The deeper my resentment will be

English version by Thanh Thanh


Saigon Trùng Trùng Nỗi Nhớ Và Thơ Xuân Đất Khách

Kính thưa quí bạn

Hôm nay xin đến với các bạn đề tài thơ nhạc qua góp ý của chư bằng hữu, nhận xét về khuyên hướng nhạc “mới” trong nước hiện giờ, cũng như sự góp mặt của AI “đánh bóng” hình ảnh và âm thanh.

1. Bằng hữu giới thiệu Saigon Trùng Trùng Nỗi Nhớ (thơ nhạc) Gởi các bạn video Thơ Xuân Đất Khách (Thanh Nam_Hoàng Oanh)
 
Huỳnh Chiêu Đẳng
6-Apr-2025
-----===o0o===-----

Saigon Trùng Trùng Nỗi Nhớ và Thơ Xuân Đát Khách
From: 'yen hoang' via Toronto medical group  

On Wed, Apr 2, 2025 at 2:52 PM:

Xin gửi lại quý anh chị MP4 từ năm ngoái "Sài Gòn trùng trùng nỗi nhớ"!!! do Giáo Sư Huỳnh Chiêu Đẳng thực hiện.

Link:
< == click để xem hay right click để download

Cám ơn Giáo Sư Huỳnh Chiêu Đẳng đã thu thập các hình ảnh thân quen và các văn nghệ sĩ diễn tả nỗi nhớ Saigon thật tuyệt vời! 

Thân kính

Hoàng Yến
-----===o0o===-----
From: Kim Oanh Le Thi  
On Friday, April 4, 2025 at 06:32:00 AM PDT

Anh Chiêu Đẳng và chị Hoàng Yến kính mến.
Tháng Tư nghe những bài hát này lòng buồn quá anh chị.
Em cám ơn anh Đẳng đã thực hiện MP4 này.
Em cám ơn chị Hoàng Yến gửi lại nhắc nhớ Sàigòn xưa.

Kính chúc tất cả anh chị luôn an bình.

Kim Oanh
-----===o0o===-----

From: yen hoang 
On Sat, Apr 5, 2025 at 5:38 AM

Kim Oanh, cuối dòng là khúc nhạc, Mùa Xuân Nào Ta về của nhạc sĩ Lam Phương sáng tác ngày đầu xuân khi ông xa xứ, sống trong tình đồng hương mà dường như quê hương-mùa xuân đã mất nhau tự bao giờ.

Mùa xuân nào là ta về
Mùa xuân nào là ta về
Về quê hương yêu dấu sống bên mẹ cha
Về sống cạnh dòng sông hiền
Về nghe giọng hò ba miền
Về thăm riêng đôi má lún sâu đồng tiền

Ngày đầu xuân trên xứ xa
Tình đồng hương thêm thiết tha
Sao vẫn nghe trong lòng mình như cay đắng
Trời mùa Xuân đây lắm hoa
Đường ngựa xe như sóng xa
Sao thế gian như còn mình ta với ta

Cũng cảm nhận như Kim Oanh,

Hoàng Yến
-----===o0o===-----

From: huy017  
On Sun, Apr 6, 2025 at 4:48 AM

Cảm ơn cô Út Oanh
Cảm ơn cô Hoàng Yến

Ơi hỡi quê hương, bè bạn cũ
Những ai còn mất giữa sa mù.(Thơ Thanh Nam)

Huỳnh Chiêu Đẳng
-----===o0o===-----

From: Kim Oanh Le Thi
Sent: Sunday, April 6, 2025 6:42 SA
Subject: Re: HC Đẳng  Sài Gòn, trùng trùng nỗi nhớ

Anh Chiêu Đẳng kính mến.

Cám ơn anh nhắc 2 câu thơ của tác giả Thanh Nam buồn cho kẻ ly xứ, nhất là thời gian đầu mới định cư.

"Một năm người có mười hai tháng
Ta trọn năm dài Một Tháng Tư!" (Thanh Nam)

Em nhớ bài thơ sưu tầm xin gửi tất cả anh chị nha.

Thơ Xuân Đất Khách

Tờ lịch đầu năm rớt hững hờ
Mới hay năm tháng đã thay mùa
Ra đi từ thuở làm ly khách
Sầu xứ hai xuân chẳng đợi chờ
Trôi giạt từ đông sang cõi bắc
Hành trình trơ một gánh ưu tư
Quê người nghĩ xót thân lưu lạc
Đất lạ đâu ngờ buổi viễn du
Thức ngủ một mình trong tủi nhục
Dặm dài chân mỏi bước bơ vơ
Giống như người lính vừa thua trận
Nằm giữ sa trường nát gió mưa
Khép mắt cố quên đời chiến sĩ
Làm thân cây cỏ gục ven bờ
Chợt nghe từ đáy hồn thương tích
Vẳng tiếng kèn truy điệu mộng xưa .
Ơi hỡi quê hương, bè bạn cũ
Những ai còn mất giữa sa mù
Mất nhau từ buổi tàn xuân đó
Không một tin nhà, một cánh thư
Biền biệt thời gian mòn mỏi đợi
Rối bời tâm sự tuyết đan tơ
Một năm người có mười hai tháng
Ta trọn năm dài Một Tháng Tư !
Chấp nhận hai đời trong một kiếp
Đành cho giông bão phũ phàng đưa
Đầu thai lần nữa trên trần thế
Kéo nốt trăm năm kiếp sống nhờ
Đổi ngược họ tên cha mẹ đặt
Học làm con trẻ nói ngu ngơ
Vùi sâu dĩ vãng vào tro bụi
Thân phận không bằng đứa mãng phu
Canh bạc chưa chơi mà hết vốn
Cờ còn nước đánh phải đành thua
Muốn rơi nước mắt khi tàn mộng
Nghĩ đắt vô cùng giá Tự Do !
Bằng hữu qua đây dăm bẩy kẻ
Đứa nuôi cừu hận, đứa phong ba
Đứa nằm yên phận vui êm ấm
Đứa nhục nhằn lê kiếp sống thừa .
Mây nước có phen còn hội ngộ
Thâm tình viễn xứ lại như xa
Xuân này đón tuổi gần năm chục
Đối bóng mình ta say với ta.

(Thanh Nam,Seattle, mùa xuân 1977)

Kim Oanh
-----===o0o===-----

Huỳnh Chiêu Đẳng

Cám ơn cô Út Oanh và các bạn.
Xin giới thiệu các bạn slide show (video)

Link;
(6-Apr-2025) < == click để xem hay right click để download
 
-----===o0o===-----

From:yen hoang
On Wed, Apr 9, 2025 at 12:04 AM
 
Cảm ơn anh Đẳng đã làm những MP4 thật Tân tiến cho mọi người nghe nhạc!

Hoàng Yến


Huỳnh Chiêu Đẳng Biên Soạn