Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2024

Dưới Chiếc Ô Đời Nhau - Thơ: LT Cao Nguyên - Nhạc: Nguyên Bích - Ca Sĩ:Vân Châu


Thơ: LT Cao Nguyên
Nhạc: Nguyên Bích
Ca Sĩ:Vân Châu

Tự Vấn

 

Dâu bể thăng trầm đến thế a?
Đau thương chồng chất, tuổi thêm già
Bao năm luân lạc phai màu tóc
Một thuở lưu đày đổi nếp da
Xót nỗi non sông chờ hận rửa
Thẹn đời cơm áo gửi sương pha
Đôi khi tự hỏi lòng : không lẽ
Vùi nắm xương tàn ở chốn xa?


Tầm Nguyên
Massachusetts 8-14-24

Còn Có Nhau

 

Những lúc âu yếm nhìn nhau
Văng vẳng nghe…tiếng hú con tàu
Dòng sông đời đang trôi chảy…
Mịt mù…cát bụi tung bay!

Em ơi…hãy gắng cười lên
Vượt qua thác lũ băng ghềnh…
Hương sắc tàn phai theo năm tháng…
Đốm lửa lòng…sưởi ấm cõi lênh đênh!

Dù chi…cũng cố gắng mà vui
Nụ cười tươi…để lại cho đời…
Thân xác rã rời…nhưng còn hơi thở
Hơn là lạnh lẽo…chốn xa xôi !

Làm sao! biết được ngày mai
Hoa gì… rồi cũng tàn phai!
Bướm ong…đâu còn quyến rũ
Vòng tay đất mẹ…sẽ van nài!

Em ơi…lúc còn có nhau
Đừng đợi khi…xa bến, lạc tàu!
Mong hồn chúng ta sẽ cùng về Nơi ấy
Mây trời vinh hiển…tuyết trắng phau.

Tô Đình Đài

Cảnh Giới Hoa Nghiêm


Mưỡu:

Rừng thông con suối tịnh thanh
Cọp ngồi nghe kệ, rồng nằm ngân kinh


Hát nói:

Hoa Nghiêm, cõi Phật, bất tư nghi,
Khi chưa đến đó luống mơ màng.
Kìa vi trần, vạn sắc tướng,
Vô nhất vật, niết bàn, ảnh hư vô?

Phóng quang minh Như Lai thuyết pháp,
Mở tâm lòng bồ tát nghe kinh.
Thoảng đâu âm nhạc ngân trầm,
Lòng thanh thản thấm nhuần vô quái ngại.

Trong hư trần thâu muôn thế giới,
Bất khả tư nghị bất khả thuyết.
Mỗi trần mười phương ba pháp,
Vô lượng cõi phật trên đầu cọng lông.

Thế giới chẳng một cũng chẳng hai,
Kim cương ngũ sắc long lanh dệt.
Tri kiến phật tịnh pháp tánh,
Thấy vạn pháp bản tánh như không pháp.

Tri kiến Phật vô sở vô trụ,
Tâm vô ngại chứng pháp vô ngại.
Tánh không, Hoa Nghiêm khởi pháp,
Tâm, Phật, Chúng Sanh cả ba là một.

Ngũ Trí Như Lai viên diệu pháp,
Như huyễn nhất tâm quang minh chiếu.
Trùng trùng duyên khởi, đồng hiện,
Quan Âm Bồ Tát, viên hạnh Phổ Hiền.

Nam-mô Hoa-Nghiêm vô thượng Phật bồ-tát


Lê Huy Trứ


Vườn Con Nho Nhỏ

(Mồng Tơi - Tác giả gửi)

Xuân tươi thắm khung trời hoa nở
Vui thú điền viên một mảnh vườn
Gió vi vu đàn bướm chập chờn
Thổi nắng ấm xum xuê cành lá....

Bầu lên giàn chờ hoa nở rộ
Mướp đang lên bỏ ngọn xanh đời
Cùng xum xuê tươi thắm Mồng Tơi
Mùi Húng Lủi góp phần hương sắc

Luống Ớt dài đua chen cành lá
Góp màu xanh sắc thắm mây trời
Chậu Ngò Om nỡ rộ buông lơi
Góp hương sắc vườn con nho nhỏ....

Mỗi sáng sớm chiều tà dạo bước
Dạo vườn xanh thấy đẹp cuộc đời
Nghe tiếng chim ríu rít có đôi
Một ngày mới đời vui phía trước....

Ngư Sĩ

Chút Tình Quê

 

Bài Xướng:

Chút Tình Quê

Nhìn ánh hoàng hôn thấy chạnh lòng
Miền Tây tôi đó vẫn hoài mong
Cách chim bạt gió tìm nơi trú
Lữ khách xa nhà dõi mắt trông
Chầm chậm đêm đen sương lả tả
Ngậm ngùi chốn cũ lạnh lùng sông
Nghe hơi gió lạ càng thêm nhớ
Nỗi nhớ trong tim đất chín rồng.

Quên Đi
***
Các Bài Họa:

Bên Trời


Hướng về cố quận xót xa lòng
Tin nhạn cành xưa những mỏi mong
Đất khách năm cùng luôn lắng đợi
Hồn quê vận lỡ gắng chờ trông
Ngậm ngùi dõi mắt ngoài song cửa
Thề quyết dìm mình tận đáy sông
Bất tử khí hùng gương tuẫn tiết
Lưu danh muôn thuở giống Tiên Rồng

Kim Phượng
***
Hồn Mẹ Việt Nam

Lận đận trời xa thấy đắng lòng
Hướng về đất nước vẫn ch mong
Một đàn chim Việt bay về tổ
Vạn đứa con Nam trở lại sông
Hùng khí tiền nhân tung cánh hạc
Hậu sinh tổ quốc xứng nòi Rồng
Quây quần chia sẻ vui nguồn cội
Hồn mẹ Việt Nam mãi ngóng trông

songquang
20240813
***
Mòn Mỏi Đợi

Nghĩ đến người xưa chợt chạnh lòng
Biết đà tử biệt, vẫn hoài mong
Ngậm ngùi dạ nhớ, tim mòn đợi
Khắc khoải tâm chờ, mắt dõi trông
Tháng bảy mưa rơi tràn ngạch cửa
Chiều hôm triều phủ ngập dòng sông
Thẫn thờ nhìn cánh chim bay khuất
Trong áng mây loang tựa dáng rồng.

Phương Hà
***
Tìm Về Chốn Cũ

Từ đi, cách mặt đến xa lòng
Sao vẫn âm thầm nỗi nhớ mong
Sa Đéc mịt mù sương khói đợi
Long Xuyên thăm thẳm nắng mưa trông
Khi mình kiếm được đường ra biển
Lúc bạn chưa xong chuyện vượt sông
Mấy chục năm rồi, nay trở lại
Bờ xưa khô khốc bãi xương rồng ...

Los Angeles 13 - 8 - 2024
Cao Mỵ Nhân
***
Trắc Ẩn

Thu về tức cảnh xuyến xao lòng
Lá rụng chừng nhiêu bấy nỗi mong
Nào biết mô ngày cho khỏi đợi?
Khó hay nọ bến để còn trông?
Ai người hiểu giúp đây lòng mỗ?
Ai bạn chia giùm đó nhánh sông?
Nếu chẳng thôi thời muôn kiếp lạc,
Còn chi hậu duệ của con Rồng.

Thái Huy 
8/13/24
***
Tình Quê Hương

Về thăm cố thổ chạnh đau lòng
Bạn quý thầy yêu, vẫn nhớ mong
Cách trở trùng dương em ngóng đợi
Xa khơi vạn lý chị vời trông…
Bà con ruột thịt ngoài song cửa
Quyến thuộc họ hàng cạnh bến sông
Nam Việt Cữu Long, người hiếu khách
Miền Tây Lục Tỉnh, đất Tiên Rồng…!

Mai Xuân Thanh
Silicone Valley, August 13, 2024
***
Ngàn Dặm

Tìm về lối cũ nhói đau lòng
Người đã quên rồi hết đợi mong
Nhà vắng tiêu điều bao luyến tiếc
Vườn xưa hiu hắt những hoài trông
Lỡ làng đôi ngã xa ngàn dặm
Khắc khoải hai nơi cách biệt sông
Hoàn cảnh ngày nay như cổ tích
Bởi ta dòng dõi cháu Tiên Rồng

Kim Oanh
***
Tình Quê

Hoàng hôn đất khách ngẩn ngơ lòng,
Cố quốc tình quê những ước mong.
Lục tỉnh vườn cây ra sức ngắm,
Nam kỳ ruộng lúa bạt ngàn trông.
Cần Thơ Bình Thủy xôn xao khách,
Chợ Nổi Cái Răng tấp nập sông.
Xa cách muôn trùng lòng vẫn nhớ,
Cửu long là đất chín con rồng!

Đỗ Chiêu Đức
08-15-2024

Hoán Sa Nữ 浣紗女 - Vương Xương Linh(Thịnh Đường)


Vương Xương Linh 王昌齡 (khoảng 698-756) tự Thiếu Bá 少伯, người đất Giang Ninh (tỉnh Giang Tô), năm 727 (đời Ðường Huyền Tông), thi đậu tiến sĩ, được bổ làm chức hiệu thư lang. Sau vì sơ suất về hành vi, bị biếm ra làm chức úy tại Long Tiêu, ở phía Tây sông Tương. Khi trở về quê nhà, gặp lúc loạn lạc, bị Thứ sử Lư Khâu Hiển giết chết vì tư thù.

Vương Xương Linh được người đương thời xưng là Thi thiên tử, có bạn thân là Vương Chi Hoán và Tân Tiệm.

Lời phi lộ

Vương Xương Linh không muốn tả cảnh Tây Thi giặt lụa mà chỉ muốn nói tới cái duyên đã gài cô gái xinh đẹp, hiền hậu này vào một màn bi hùng kịch vô tiền khoáng hậu của lịch sử Trung quốc. Mời các bạn đọc và suy tư.

Nguyên tác Dịch âm

浣紗女 Hoán sa nữ


錢塘江畔是誰家 Tiền Đường giang bạn thị thuỳ gia,
江上女兒全勝花 Giang thượng nữ nhi toàn thắng hoa.
吳王在時不得出 Ngô vương tại thì bất đắc xuất,
今日公然來浣紗 Kim nhật công nhiên lai hoán sa.

Chú giải:

Tiền Đường: Tên khúc cuối của sông Phú Xuân, chảy qua thành phố cảng Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, rồi ra cửa biển. Sông này cách suối Nhược Da ở huyện Thiệu Hưng, nơi Tây Thi xưa giặt lụa, khoảng 60 km.

Ngô vương: Tức vua Phù Sai nước Ngô, được vua Câu Tiễn nước Việt dâng người đẹp Tây Thi làm ái phi.

Dịch nghĩa

Gái Giặt Lụa


Bến sông Tiền Đường có nhà (ai),
Có cô gái đẹp hơn hoa (giặt lụa) trên bờ sông.
Lúc vua Ngô đang tại vị thì cô chưa ra đời,
Hôm nay nghiễm nhiên ra giặt lụa (để bước vào lịch sử).

Dịch thơ

Gái Giặt Lụa

Tiền Đường bến nước gái nhà ai,
Người đẹp thắng hoa trên bến dài*
Vua Ngô trị vì nàng chửa có,
Nay bỗng hồn nhiên giặt lụa chơi. **

Lời bàn:

Bài thơ này hay nhất trong chủ đề vịnh Tây Thi. Lời thơ trang nhã. Súc tích. Ý thơ kín đáo, gợi cảm. Âm điệu hài hòa.
* Câu 2 muốn nói trên khắp nước Việt rộng lớn này không ai đẹp bằng Tây Thi.
** Câu chót có nhiều ẩn ý: Nàng đang hồn nhiên vui chơi giặt lụa thì lọt vào mắt xanh của Phạm Lãi, từ đó số phận đưa đẩy tới vinh quang rồi chết thảm (nàng hoàn toàn vô tội).

Con Cò
***
Mỹ Nhân Giặt Lụa

Mỹ nữ sông Tiền, suối Nhược Da
Nét thanh tuyệt sắc đẹp hơn hoa
Phù Sa vừa thấy đà ngây ngất !!!
Nghiêng nước nụ cười… nhạn cũng sa


Kiều Mộng Hà

Aug.10.2024

Gái Giặt Lụa

Bến nước Tiền Đường tại những nhà,
Bờ sông gái đẹp át trăm hoa.
Ngô Vương còn sống không người hiện,
Giờ cứ ngang nhiên giặt lụa là.

Mỹ Ngọc 
Aug. 10/2024.
***
Cô Gái Giặt Lụa

Tiền Đường vang tiếng, một dòng sông
Kiều nữ bên bờ giặt lụa bông
Nhan sắc thời Ngô nàng giấu kín
Bây giờ khoe nét, thẹn hoa hồng


Thanh Vân
***
Gái Giặt Lụa

Tiền Đường bến nước ấy nhà ai
Gái đẹp, hoa tươi chẳng sánh tày
Tại vị Ngô Vương không dám đến
Tự nhiên giặt lụa thỏa giờ đây!

Lộc Bắc
***
Nguyên tác:        Phiên âm:

浣紗女-王昌齡    Hoán Sa Nữ


錢塘江畔是誰家 Tiền Đường giang bạn thị thùy gia
江上女兒全勝花 Giang thượng nữ nhi toàn thắng hoa
吳王在時不得出 Ngô vương tại thì bất đắc xuất
今日公然來浣紗 Kim nhật công nhiên lai hoán sa

Vạn Thủ Đường Nhân Tuyệt Cú - Tống - Hồng Mại 萬首唐人絕句-宋-洪邁
Thạch Thương Lịch Đại Thi Tuyển - Minh - Tào Học Thuyên 石倉歷 代詩選-明-曹學佺
Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御定全唐 詩-清-聖祖玄燁

Chú thích:

Hoán: giặt.
Sa: thuật ngữ chung cho vải và lụa
Tiền Đường: tên của dòng sông mằm ở vùng hạ lưu của tỉnh Chiết Giang phía nam huyện Hàng Châu, dòng sông ngoằn ngoèo, vì vậy nó còn được gọi là Khúc Giang 曲江

Thắng: vượt qua, giành chiến thắng
Ngô Vưong: Ngô Phù Sai, quốc vương nước Ngô trong thời Xuân Thu.
Bất đắc xuất: (các cô gái trên sông đẹp hơn hoa) không dám ra ngoài vì sợ Ngô Phù Sai, với bản tính háo sắc, bắt vào cung
Công nhiên: nghiễm nhiên, công khai.

Dịch nghĩa:

Các Cô Gái Giặt Lụa


Sông Tiền Đường là quê hương xứ sở của ai?
Những cô gái trên sông đều xinh đẹp hơn cả hoa.
Lúc Ngô vương cai trị, các cô gái đẹp không dám đi ra ngoài,
Nhưng bây giờ, các cô công khai đến giặt lụa bên bờ sông.

Bài thơ ẩn dụ chuyện Tây Thi giặt lụa bên suối, nhưng không trực tiếp nói gì đến Tây Thi và Phạm Lãi. Thi Viên dịch sai ý nghĩa bài thơ, nhất là câu 3: Ngô vương tại thì bất đắc xuất mà dịch là Lúc vua Ngô còn tại thế cô chưa ra đời thì có ý nghĩa gì? Câu 4 có vẻ như ca ngợi triều đại Đường, hơn ngàn năm sau, với các cô gái an lòng công khai đi giặt lụa trên sông Tiền Đường.

Dịch thơ:

Các Cô Gái Giặt Lụa


Sông nước Tiền Đường đất nước ta,
Các cô giặt lụa đẹp hơn hoa.
Ngô vương cai trị không ai dám,
Xuống bến công nhiên giặt lụa là.*

*câu này chê nhà Ngô, câu nguyên tác hàm ý khen nhà Đường

The Girls Washing Clothes by Wang Changling
Whose country is the Qian Tang river?
The girls washing clothes on the river are more beautiful than flowers.
During the reign of emperor Wu, they would not dare to go out,
But nowadays, they publicly wash clothes on the river.

Phí Minh Tâm

***
 Góp ý:
浣紗女=Hoán sa nữ

Bài thơ dĩ nhiên hàm điển tích Tây Thi và Ngô vương Phù Sai, nhưng 女, cô gái trong bài thơ này là ai? Điều thường gặp khi đọc các bài thất ngôn tứ tuyệt này là văn phạm cô đọng quá nên khó mà suy ra các antécédant (tiên hành từ) và chủ từ là gì.

是誰家=thị thùy gia trong câu đầu nghĩa là (con) nhà ai? nhưng truyền thuyết cho biết rằng Tây Thi là con của nhà họ Thi ở thôn hướng Tây dưới chân núi Trữ La [苧蘿山, hình như cũng là một tên huyền thoại vì người ni chỉ tìm thấy một ngọn núi dưới tên đó ở Đài Loan] nên Vương Xương Linh đang tả một, hay những, cô gái khác giặt lụa trên bờ sông Tiền Đường; trạng từ 全=toàn trong câu “toàn thắng hoa" cho ta biết là thi nhân đang ngắm nhiều cô gái, không phải một và thế có nghĩa rằng họ Vương đang tả cảnh đương thời của mình, không phải tả Tây Thi của 10 thế kỷ trước.

Chủ từ của 得出 trong câu 'bất đắc xuất' (không dám, hay không thể, ra khỏi nhà) không phải là vua Ngô mà từ ẩn dụ ám chỉ các thiếu nữ đồng thời với Tây Thi, Ngô Phù Sai và Việt vương Câu Tiễn; và chủ từ của lai hoán sa (來浣紗) là các cô gái đang giặt lụa trên bờ Tiền Đường cho thi nhân ngắm.

Trạng từ kép công nhiên (公然) trong câu cuối cho ta hiểu rằng các cô gái không còn sợ bị bắt cóc để hiến cung như trong thời xa xưa. Đây là lý do mà một số người bình luận nghĩ rằng họ Vương làm bài thơ trong thời bị thất sủng và biếm truất để ca tụng cảnh thái bình thịnh trị của thời Đường và mong được cho hồi kinh. Có thật thời loạn An Lộc Sơn có thái bình hay thịnh trị chăng là chuyện khác vì nếu thật thịnh trị thì thi nhân đã không chết oan uổng!

Ý tưởng trong bài Hoán sa nữ này đi tiếp theo ý của hai bài Cung từ. Thân phận cung nhân là thứ thân phận hẩm hiu mà họ Vương không muốn xảy ra cho các cô gái giặt lụa bên sông thời Đường. Nhưng cho dù thụy hiệu của Đường Huyền Tông là Minh Hoàng, ông ta có thật sáng suốt chăng trong lãnh vực này lúc cuối đời với hành động loạn luân của chính ông ta theo những gì sử liệu để lại về Dương Quý Phi?

Huỳnh Kim Giám


Nói Là Bạc, Im Lặng Là Vàng

  

Đây là bài số bảy trăm hai mươi ba (723) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.

Người ta thường nói: “Nói là bạc, im lặng là vàng.” Như vậy chắc chắn là im lặng có giá trị hơn nói, vì vàng vẫn có giá trị hơn bạc vì bán được nhiều tiền hơn.

Tuy nhiên, ngày nay quý bà không thích sắm nữ trang bằng vàng y ba số 9 nữa mà lại thích sắm nữ trang bằng bạc trắng hay vàng trắng vì trông có vẻ sang trọng, hợp thời trang hơn là nữ trang bằng vàng. Ngày nay, nhiều nơi cũng đã không dùng vàng để làm đơn vị bảo đảm trong các giao dịch kinh tế, tài chánh như xưa nữa vì giá vàng lên xuống bất thường. Như vậy có thể nói “im lặng” chưa chắc là đã là có giá trị hơn là “nói năng.”

Trong đời sống bình thường, như trong tình yêu chẳng hạn, đôi khi sự im lặng của bạn đã vô tình làm “lỡ một cung đàn” và bạn phải ngậm ngùi nhìn người yêu sang sông vì cái sự im lặng tai hại của bạn vì bạn:

Thương người ta mà không chịu nói
Xách cây dù đi tới đi lui”

hoặc là

“Sao anh không hỏi những ngày em còn không
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng, như cá cắn câu”

để khi người mình yêu đi lấy chồng rồi mới ngồi than thở:

“Nụ tầm Xuân nở ra xanh biếc
Em đi lấy chồng, anh tiếc lắm thay!”

Vấn đề ở đây là phải nói như thế nào mới là có giá trị vì:

“Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”

hoặc là:

“Chim khôn hót tiếng rảnh rang
Người khôn nói tiếng, dịu dàng dễ thương”

Tuy nhiên, nếu chúng ta tập học im lặng đúng lúc thì vẫn tốt hơn để tránh bớt những tai họa có thể xảy ra cho mình vì người xưa cũng đã từng nói: “Bịnh tùng khẩu nhập, họa tùng khẩu xuất” người viết tạm hiểu là “bịnh hoạn là do ăn uống những chất độc vào cơ thể, tại họa là do những lời nói từ cửa miệng thốt ra.” Đúng không bạn nhỉ?

Trong lĩnh vực tu học, Bạn phải tập “học im lặng” để bớt đi nghiêp tội từ Thân, Khẩu, Ý phát sinh ra. Bạn biết như thế là phải thế, nhưng Bạn có im lặng được hay không là một chuyện khác nhé! Xin mời các bạn đọc qua mẫu chuyện Thiền vui vui dưới đây:

Học Im Lặng

Những học sinh của trường Tendai thường học trầm tư trước khi Thiền du nhập vào Nhật Bản. Bốn người trong bọn họ là những bạn thân cam kết thi im lặng với nhau trong bảy ngày.

Ngày đầu, cả bốn đều im lặng.
Cuộc trầm tư của họ bắt đầu một cách may mắn
Nhưng khi đêm đến và những ngọn dầu mờ dần, một anh không giữ được nữa kêu một người giúp việc:
“Hãy giữ những ngọn đèn đó lại”
Anh thứ nhì ngạc nhiên khi nghe anh thứ nhất nói, liền nhắc:
“Chúng ta không được nói tiếng nào”
Anh thứ ba hỏi:
“Tại sao chúng mày nói?”
Anh thứ tư kết luận:
“Tao là người duy nhất không nói.”
(Nguồn: trích trong Góp Nhặt Cát Đá - Thiền Sư Muju - Đỗ Đình Đồng dịch )

Mời đọc tiếp câu chuyện cuộc sống để biết im lặng như Bồ Tát không dễ dàng

Trượt chân còn có thể đứng dậy đi tiếp, lời nói lỡ thì khó vãn hồi vì thế khi đọc về câu chuyện cuộc sống sau đây bạn sẽ hiểu ra rằng im lặng là thượng sách, còn tốt hơn là nói lời không phù hợp.
Câu chuyện về gã ăn xin muốn thế chỗ của vị Bồ Tát

Một người ăn mày vô tình đi qua một ngôi miếu thờ tự thấy rất đông người bèn ghé vào vì tò mò. Bước vào bên trong, anh nhìn lên chính điện thấy một vị Bồ Tát đang ngồi trên đài sen ung dung tự tại. Người ăn mày ngỏ lời xin Bồ Tát: “Con có thể đổi vị trí của ngài không?”.

Bồ Tát nghe vậy mới nói: “Chỉ cần con ngồi đây không nói gì cả là được”.

Thấy việc quá dễ anh vội nhận lời và lên trên đài sen ngồi. Trước mắt anh ta là cả một thiên hạ hỗn loạn phân tranh, người cầu cái này, người cầu cái khác chẳng phút nào ngơi. Tuy nhiên vì đã nhận lời Bồ Tát không mở miệng nói gì nên anh ta vẫn giữ im lặng không nói.

Một hôm có một người phú ông đến cầu khấn: “Xin Bồ Tát hãy ban cho con mỹ đức”, người này vái dập đầu quỳ gối, dập tới dập lui, không may túi tiền của ông ta bị rơi ra ngoài nhưng phú ông hoàn toàn không hay biết. Người ăn xin định mở miệng nhắc phú ông nhưng nhớ lại lời dặn của Bồ Tát nên nhẫn lại không nói.

Sau khi vị phú ông rời đi, có một người nghèo đói tới:

Người nghèo: “Xin Bồ Tát hãy cứu giúp con, ban cho con xin chút tiền, nhà con có người bệnh nặng không tiền cứu chữa, con đang cần tiền gấp”. Xin xong người này cúi xuống dập đầu vái lạy. Khi người này vừa ngẩng đầu nên thì thấy một túi tiền bên cạnh.
Quá vui mừng, người nghèo nói: “Bồ Tát thật quá hiển linh”.

Có được tiền rồi người này mau chóng rời đi, người ăn xin ngồi trên đài sen chứng kiến mọi việc định mở miệng nói đó không phải là Bồ Tát hiển linh mà là của vị phú ông đánh rơi nhưng sau cùng nhớ lại lời Bồ Tát nên lại thôi không nói nữa.

Lúc này lại có một người đánh cá đến.

Người đánh cá: “Xin Bồ Tát hãy ban cho con sự an toàn để con ra khơi không phải gặp sóng to gió lớn”. Vái lạy xong người này vừa định quay đầu bước đi thì vị phú ông khi nãy mất tiền quay lại.

Vị phú ông cho rằng túi tiền của mình đánh rơi bị người đánh cá nhặt được không trả nên sinh ra mâu thuẫn, hai người lao vào đánh nhau. Phú ông thì một mực khẳng định túi tiền của mình bị người đánh cá lấy, còn người đánh cá vì bị oan ức nên cũng chẳng thể nhẫn lại được.

Chứng kiến cảnh tượng ấy, người ăn xin nhẫn nhịn không được nữa nên lớn tiếng quát: “Dừng tay”, sau rồi bước xuống đem toàn bộ chân tướng nói ra, mọi việc được xử lý êm đẹp.

Khi người ăn xin xử lý xong xuôi, Bồ Tát mới hỏi anh ta: “Con cảm thấy xử lý như vậy chính xác không? Con tốt nhất vẫn nên đi làm một người ăn xin thì tốt hơn.

Con mở miệng nói ra sự thật và cho rằng đó là công đạo nhưng con không biết rằng người nghèo kia vì vậy mà không có tiền cứu mạng người nhà. Vị phú ông cũng vì thế mà không tích được công đức, và người đánh cá vì ra biển mà bị sóng lật thuyền tan bỏ mạng nơi đáy biển.

Nếu như con không mở miệng nói ra, thì người nghèo kia có tiền cứu mạng người nhà. Vị phú ông kia mất chút tiền nhưng lại cứu được một mạng người, tích được công đức. Và sau cùng người đánh cá kia vì chuyện hiểu nhầm nên sẽ phải phân bua, vướng mắc, không kịp theo thuyền ra khơi, ắt sẽ bảo toàn được tính mạng”.

Người ăn mày nghe xong cúi lạy khi hiểu ra vấn về, anh lặng lẽ rời đi.


Bài học từ câu chuyện cuộc sống về im lặng

Vậy đấy, tưởng rằng im lặng là việc rất dễ làm nhưng thực tế đó là việc phải có trí huệ cao mới thực hiện được. Vì thế, từ câu chuyện cuộc sống trên chúng ta rút ra kinh nghiệm rằng, hãy để vạn sự tùy duyên, mọi chuyện sẽ có cách sắp xếp tốt nhất theo cách của nó đang diễn ra. Có những việc tưởng như rằng vì tốt bụng nên ta giúp đỡ nhưng kỳ thực là đang làm hỏng việc.

Khi chúng ta đang rơi vào một hoàn cảnh nào đó thì có thể tưởng là tốt đẹp nhưng lại thành tệ hại, trong khi đó có những việc tưởng là xấu nhưng hóa thành hoàn mỹ. Đó chính là vẻ đẹp cuộc sống khi không ai dự đoán trước được điều gì sẽ diễn ra với chúng ta ở phía trước. Vậy nên, có thể im lặng mà quan sát sự đời biến đổi cũng là một loại năng lực, có thể tuỳ kỳ tự nhiên mà sống đó cũng là một loại hạnh phúc.
(Nguồn: Trích Lichngaytot.com/Blog-cuoc-song)

Chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam
(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi

Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2024

Hoàng Hôn Tím - Nhạc & Lời: Khanh Phương (Trần Văn Khang)- Hòa Âm: Quốc Dũng - Tiếng Hát: Bảo Yến


Nhạc & Lời: Khanh Phương (Trần Văn Khang)
Hòa Ân: Quốc Dũng
Tiếng Hát: Bảo Yến

Tháng Tám Của Tôi

( Ảnh: Tác Giả)

Tháng tám của tôi, nắng hè bát ngát
Thảm hoa vàng trên xa lộ tôi qua
Những hàng cây xanh êm ái mượt mà
Dẫn lối tôi đi vào trời mơ mộng

Tháng tám của tôi, hoa thơm quả mọng
Như đôi môi thiếu nữ tuổi xuân thì
Mây gió dịu dàng theo bước tôi đi
Để ngất ngây khi ráng chiều buông khẽ

Kìa hạt sương khuya vừa rơi, rất nhẹ
Đánh thức trong tôi một thoáng bâng khuâng
Hỡi ánh trăng đêm, xin chớ ngại ngần
Đến cùng tôi đêm nay bên cửa sổ

Tháng tám đẹp, bởi hồn tôi để ngỏ
Để yêu người, để thương nhớ vu vơ
Để hẹn hò cùng với những vần thơ
Và nghe tiếng trái tim mình lãng mạn

Tháng tám của tôi, có bè có bạn
Có những thân tình yêu mến gần xa
Ngọt ngào trao những lời chúc thật thà
Lòng xao xuyến, đời bỗng đẹp biết mấy

Tháng tám của tôi, mặt trời thức dậy
Có phải vì tôi mà nắng lung linh?
Có phải vì tôi gió cũng reo vui?
Vì hôm nay tôi bước vào tuổi mới!

Cám ơn cuộc đời, cám ơn tháng tám
Ta hãy vì nhau, làm đẹp nhau hơn
Tháng tám về, tôi điểm phấn tô son
Tháng tám vì tôi, nở hoa rực rỡ


Kim Loan


Có Gì Mà Không Hiểu?


(Bài Hát Nói cảm ơn Nhiếp Ảnh gia taotran Trần Đức Tạo, ngày 11/09/2022.)

Mọi cảnh đời rõ ràng, rành rành như canh nấu hẹ!

Sen nở đẹp rồi tàn! Cho nhân thế hạt sen!
Bướm vui thoát khỏi kén! Tung cánh ca tự do chẳng trống kèn!
Còn mối chúng tôi đâu phải sinh ra là vận đen bị lũ chim ăn thịt?!

Đôi ta lội nước tình khăng khít!
Một bắp trên cành chuối vấn vương!
Dù thân Mẹ bé tí teo nhưng cũng ráng gội nắng sương
Tha biết bao cành nhỏ, lá khô về lót giường cho Con ấm áp!

Này! Loài người có biết tại sao hai Vẹt chúng ta tung trời cánh chắp?
Vì ta đẹp lắm! Sắc màu tuyệt phích! Từng cặp thủy chung!
Tim ai? Giấu mãi! Ngượng ngùng!

Đức Hùng
Sydney, Úc Châu, 11/09/2022


Oanh - Thơ: Nguyễn Tất Nhiên - Phạm Duy Phổ Nhạc: Hãy Yêu Chàng

 

Hãy yêu chàng, yêu chàng như yêu dòng sông
Ngậm ánh trăng non bàng bạc đêm rằm
Sông chở phù sa về ươm lộc mới
Chàng chở tình về cho mắt em ngoan

Hãy yêu chàng, yêu chàng như yêu áng mây
Lãng đãng trôi xuôi ngọn thuở mộng dài
Mây ủ mưa hồng thơm hoa kết trái
Chàng ủ tình hồng thả tóc em bay

Hãy yêu chàng, yêu chàng như yêu giọt sương
Sớm vẫn ngủ quên trên cánh hoa hường
Sương kết hơi mù mơn man lá cỏ
Chàng kết tình vui hơi thở em nồng

Hãy yêu chàng, yêu chàng như yêu luống mạ
Say gió chiều nghiêng kể chuyện thanh bình
Mạ đơm lúa đầy trẻ thơ mau lớn
Chàng đơm tình đầy trong ngực em, xinh

Hãy yêu chàng, yêu chàng như yêu mặt trời
Bỏ quên sợi nắng lụa vàng tươi
Mặt trời nổi lửa soi trần thế
Chàng thắp tình soi dáng nhỏ em, lười

Hãy yêu chàng, yêu chàng như yêu hy vọng
Bay nhảy siêng năng từng trái tim người
Hy vọng vuốt ve sau lần thất thế
Chàng vuốt ve tình nóng hổi bàn tay

Hãy yêu chàng, yêu chàng như yêu cánh gió
Chơi giỡn tung tăng hai vạt áo dài
Gió đưa mây về, trời mưa, bong bóng vỡ
Chàng đưa tình về, xót ngọn cỏ may


1969
Nguyễn Tất Nhiên

Phạm Duy Phổ Nhạc: Hãy Yêu Chàng  - Thái Hiền Hát


AI (Artificial Intelligence) - Trí Tuệ Nhân Tạo

    

      Trong vài năm gần đây, chúng ta thương nghe nói về AI (Artificial Intelligence) hay trí tuệ nhân tạo. PL  muốn được chia sẻ một chút thông tin cơ bản về Trí Tuệ Nhân Tạo (AI) mà PL vừa tìm hiểu được.  AI là một lĩnh vực trong khoa học máy tính, nơi mà máy móc được lập trình để thực hiện những nhiệm vụ thông minh giống con người như nhận thức, học hỏi, lập luận, và giải quyết vấn đề. AI đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như y tế, tài chính, sản xuất, và thậm chí cả trong nghệ thuật và giải trí. Công nghệ AI giúp tăng cường hiệu suất, cải thiện ra quyết định, và mang lại nhiều tiện ích trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Tuy nhiên, AI cũng đặt ra những thách thức về bảo mật, quyền riêng tư, và nguy cơ mất việc làm mà chúng ta cần lưu ý.

       Kính chúc sức khỏe và an vui.
PLang

AI (Artificial Intelligence)

       AI (Artificial Intelligence) hay trí tuệ nhân tạo là một lĩnh vực của khoa học máy tính, nơi mà máy móc được lập trình để thực hiện các nhiệm vụ mà thường cần đến trí thông minh của con người. Đây có thể là các nhiệm vụ như nhận thức, học hỏi, lập luận, giải quyết vấn đề, hiểu ngôn ngữ, và thậm chí sáng tạo.

Các loại AI phổ biến:

  1. Narrow AI (AI hạn chế):

    • Đây là dạng AI phổ biến nhất hiện nay, được thiết kế để thực hiện một nhiệm vụ cụ thể hoặc một tập hợp các nhiệm vụ hạn chế.
    • Ví dụ: Trợ lý ảo như Siri, Alexa; hệ thống đề xuất phim của Netflix; nhận diện khuôn mặt trên điện thoại di động.
  2. General AI (AI tổng quát):

    • AI này có khả năng thực hiện bất kỳ nhiệm vụ trí tuệ nào mà con người có thể làm được.
    • Tuy nhiên, AI tổng quát hiện nay vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu và chưa thực sự được phát triển.
  3. Superintelligent AI (AI siêu việt):

    • Đây là một khái niệm về AI vượt trội hơn cả trí tuệ của con người.
    • Dạng AI này chưa tồn tại và vẫn là một đề tài gây tranh cãi trong cộng đồng khoa học.

Công dụng và ứng dụng của AI:

  1. Trong đời sống hàng ngày:

    • Trợ lý ảo: Siri, Google Assistant, Alexa.
    • Giải trí: Hệ thống gợi ý phim ảnh, âm nhạc (Netflix, Spotify).
    • Mua sắm: AI giúp cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm online qua các gợi ý sản phẩm (Amazon).
  2. Trong y tế:

    • Chẩn đoán bệnh: AI giúp phân tích hình ảnh y khoa để phát hiện sớm các bệnh như ung thư.
    • Phát triển thuốc: AI hỗ trợ trong việc phát hiện và phát triển các loại thuốc mới nhanh hơn.
  3. Trong sản xuất:

    • Tự động hóa: Robot và AI giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, từ việc quản lý chuỗi cung ứng đến kiểm tra chất lượng sản phẩm.
    • Dự báo nhu cầu: AI dự đoán xu hướng thị trường và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm.
  4. Trong tài chính:

    • Giao dịch tự động: AI thực hiện các giao dịch tài chính dựa trên các thuật toán phức tạp.
    • Quản lý rủi ro: AI phân tích dữ liệu để dự đoán và quản lý rủi ro trong đầu tư và bảo hiểm.
  5. Trong giao thông:

    • Xe tự lái: Công nghệ AI giúp phát triển xe tự lái an toàn và thông minh hơn.
    • Quản lý giao thông: AI giúp tối ưu hóa việc quản lý giao thông trong thành phố để giảm kẹt xe và tai nạn.
  6. Trong sáng tạo nghệ thuật:

    • Âm nhạc: AI có thể sáng tác nhạc hoặc hỗ trợ trong việc tạo ra âm thanh mới.
    • Hội họa: AI có thể tạo ra các bức tranh, ảnh nghệ thuật từ những mô hình học máy.
    • Văn học: AI có khả năng viết truyện ngắn, thơ, và thậm chí hỗ trợ trong việc tạo kịch bản phim.
  7. Trong giáo dục:

    • Cá nhân hóa học tập: AI giúp thiết kế các chương trình học tập phù hợp với từng học sinh.
    • Trợ giúp học tập: AI có thể trả lời câu hỏi, giải thích khái niệm, hoặc thậm chí làm gia sư ảo.

Lợi ích của AI:

  • Tăng cường hiệu suất: AI giúp tự động hóa các công việc, giảm thời gian và công sức của con người.
  • Ra quyết định tốt hơn: AI phân tích dữ liệu và đưa ra những quyết định chính xác hơn dựa trên lượng thông tin lớn.
  • Cá nhân hóa: AI có khả năng cá nhân hóa các dịch vụ và sản phẩm, mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng.

Thách thức và rủi ro của AI:

  • Bảo mật và quyền riêng tư: AI sử dụng lượng dữ liệu lớn, điều này gây lo ngại về việc bảo mật và quyền riêng tư.
  • Mất việc làm: Sự tự động hóa của AI có thể dẫn đến mất việc làm trong nhiều ngành nghề.
  • Thiên vị: Nếu dữ liệu mà AI sử dụng bị thiên vị, các quyết định của AI cũng có thể bị thiên vị.
  • Rủi ro về đạo đức: AI có thể được sử dụng cho các mục đích không đạo đức, như giám sát hoặc tấn công mạng.

  • PhamPhanLang

Ngục Tù Êm Ái

Ông Ba thường nói đùa rằng, ông đang bị tù chung thân trong nhà lao êm ái, mà cai tù không ai khác hơn là bà Ba. Bà “quản lý” tất cả sinh hoạt từng ngày của ông. Từ đi đứng, ăn mặc, nghỉ ngơi, và cả giấc ngủ của ông nữa. Con mắt dòm ngó của bà không bỏ sót bất cứ hành động nào của ông. May mắn cho ông, bà không làm chung một sở, nếu không, thì e công việc sở của ông, cũng không khỏi bị bà xía vô, và ông cũng sẽ mất hết vài chút thì giờ riêng tư ngắn ngủi đang có để thở tự do. Bà Ba thì dường như cảm thấy cái thiên chức tự nhiên của bà là chăm sóc ông chồng từng ly, từng tí, như chăm trẻ sơ sinh.

Mỗi buổi sáng, ông Ba cứ nằm nướng mãi không chịu dậy sửa soạn đi làm, cứ thiếp đi trong những giấc ngủ ngắn ngủi muộn màng. Cái giấc ngủ nướng mà ông cho là ngon nhất, khoan khoái nhất, và nó quyến rủ cái vốn liếng lười biếng tiềm tàng trong mỗi con người. Kỳ lạ thật, cả đêm thì mất ngủ, cố gắng mà không chợp mắt được, chờ khi gần sáng, cần dậy đi làm, thì lại ngủ ngon, ngủ say. Bà Ba thì chạy vào chạy ra phòng ngủ, nhắc nhở chồng. Bà cúi xuống bên giường, luồn tay vào tóc ông, vuốt ve dỗ dành : “Dậy đi anh, đừng để muộn rồi hấp tấp, lái xe xa lộ nguy hiểm. Tội nghiệp quá, anh còn buồn ngủ lắm sao? Đêm nào em cũng bảo đi ngủ sớm, mà anh cứ thức khuya. Để em pha cà phê cho anh uống liền nghe. Dậy trễ cà phê nguội mất ngon đi.”

Bà kêu réo đến lần thứ ba, thứ tư ông Ba mới uể oải dậy. Có khi bà phải bật truyền hình lên, và tìm loại nhạc vui, nhạc hùng, vặn lớn tiếng, cho ông tỉnh ngủ. Trong lúc ông làm vệ sinh buổi sáng, thì bà pha cà phê áp suất, mùi thơm nồng bay lan tỏa khắp nhà. Nước cà phê màu đen sẩm quánh đặc trong ly thủy tinh trong veo. Bà biết chồng thích loại cà phê nầy. Mỗi lần mua cà phê sống, bà phải đi xa hơn một trăm dặm để tìm cho ra loại đặc biệt nầy, đắt nhất và danh tiếng nhất. Bà ít dám uống thường xuyên, vì cà phê đắt, tiếc tiền, chỉ để dành cho ông mà thôi. Tuy phải đi xa để mua, nhưng bà không dám mua nhiều một lúc, vì dự trữ lâu ngày sợ cà phê “bay hơi” không còn giữ được chất lượng nữa. Nhiều lúc ở trong phòng tắm, ông nói vọng ra : “ Em ơi, ống kem đánh răng hết rồi, xà phòng em để đâu, lần sau đi chợ nhớ mua dao cạo râu cho anh nhé...”. Cái gì ông cũng kêu réo gọi bà, như trẻ con vòi vĩnh mẹ. Ông biết, bà thích được nghe những lời vòi vĩnh của chồng, được chăm sóc chồng. Có lẽ, nếu tất cả mọi sự, ông tự làm lấy, không réo gọi bà, thì chắc bà buồn lắm. Bà tìm được cái thích thú, hạnh phúc trong việc chăm sóc chồng.

Ông làm vệ sinh buổi sáng xong, thì ngồi vào bàn. Trên bàn đã sẵn dĩa thịt nguội, mấy lát thịt ba chỉ chiên, vài lát bơ mặn, một khúc bánh mì thơm dòn, và một ly nước cam vắt. Bà hối ông ăn món nầy, món kia ríu rít. Rồi bà chạy mau vào phòng tắm, lấy cái lược, yêu cầu ông chải tóc lại, vì khi nào bà cũng thấy mấy sợi vô kỷ luật chổng lên trời. Mỗi khi bà thấy da ông tróc vãy, thì bà lấy kem dưỡng da bôi vào má, vào mặt ông. Những lúc đó, ông giẫy nẩy mà la lối: “Thôi thôi, anh đâu phải đĩ ngựa mà bôi kem dưỡng da của đàn bà! Em tha cho anh đi, vào sở, họ cười anh tội nghiệp.” Bà cứ lầu bầu : “ Mùa đông không bôi thuốc, da hư cả, xấu lắm.” Cái hộp thức ăn trưa của ông Ba to cồng kềnh, nặng trĩu. Bà đã chất sẵn cơm, thức ăn hai ba món khác nhau, một hộp rau sống, trái cây đã cắt sẵn vì bà biết nếu không cắt gọt sẵn thì ông không bao giờ ăn, mấy miếng bánh ngọt, chai sữa tươi nhỏ, bình thủy đựng cà phê, trà. Bà còn bỏ vào đó một hộp đựng thuốc đau đầu, đau bụng, băng dán cấp cứu, dầu cù là. Ông Ba thường thường thử sức nặng cái hộp đựng thức ăn, rồi cười mà ví như ông sắp đi cắm trại, mang đồ ăn cho toàn cả gia đình. Đôi khi xách nặng quá, ông lầm bầm: “ Thôi, vợ thương thì rán chịu cho bả vui lòng, chứ không làm chi khác được.” Thà mang đi , ăn không hết thì đi năn nỉ, mời bạn bè, hoặc đổ vào thùng rác, còn hơn là để cho vợ lo lắng, áy náy. Đôi lúc ông quên, đem một ít thức ăn thừa về nhà, là bà quýnh quáng, sờ đầu ông xem có nóng không, sao mà hôm nay “ biếng ăn”.

Những khi ngồi ăn chung với bạn bè trong sở, có ai ngạc nhiên nhìn vào hộp thức ăn tràn đầy, phong phú của ông, thì ông giải thích:
“ Đây là hộp thức ăn 'tình thương', không phải tầm thường như những hộp thức ăn mua bằng tiền bạc của các bạn đâu.”
Mỗi buổi chiều, ông Ba về nhà trước bà chừng nửa giờ. Ông nằm dài trên ghế bành, nghe cái xương sống dãn ra thoải mái, ông mở truyền hình nghe tin tức. Khi ông nghe tiếng xe bà vào sân, thì liền theo đó, có tiếng bà nhắc, câu nhắc nhở cố hữu:
“Nầy, anh đi tắm đi chứ. Nhớ dùng loại thuốc gội đầu chứ đừng dùng xà bong bôi lên tóc mà mai mốt hói đầu đó”
Bà chạy vào bếp, lấy cho ông hai trái táo khô trước khi đi tắm, và nói:
" Ăn cho nhu động ruột được điều hòa, tránh táo bón. Anh nhớ vặn cho nước đủ ấm nghe, nước lạnh sinh ra cảm mạo .”

Ngày nào bà cũng nhắc nhở cùng một câu đó. Đôi khi, bà chưa kịp nói hết, thì ông đã nói nguyên câu của bà. Bà chỉ cười. Khi nào bà cũng chạy vào phòng tắm trước, kiểm soát xà phòng, khăn tắm, thuốc gội đầu. Lấy sẵn áo quần lót treo lên giá cho ông. Bà chạy ra, hối ông thêm vài ba lần nữa, nhưng khi nào ông Ba cũng ngồi im tại chỗ, vì gắng nghe cho hết tin tức quan trọng buổi chiều. Đôi khi bị vợ thúc dục quá, ông liếc nhìn bà, rồi rời ghế bành mà mặt còn quay lại nhìn màn ảnh truyền hình tiếc rẻ. Những lúc ông xem đấu bóng rổ, đang đến hồi gay cấn, thì dù đã đến trước cửa phòng tắm, ông cũng đứng lại nấn ná, xem trái banh trên màn ảnh có lọt lỗ hay không. Bà nhìn ông mà cười nói:

“ Anh thật lạ. Đã lớn rồi, mà chiều nào cũng nhắc nhở năm lần bảy lượt mới chịu đi tắm. Không có em nhắc, thì chắc xuân thu nhị kỳ anh mới tắm rửa chăng?”
Khi nào ông Ba cũng cười, và trêu lại bà :
“ Anh nhớ năm ngoái đã tắm rồi mà. Tắm gì mà tắm mãi thế, tắm mãi thịt da nó thau hết. Hồi xưa chưa lấy em, hai mươi mấy năm anh chỉ tắm có ba lần thôi, vậy mà cũng có người thương , cũng lấy được vợ, có thua ai gì đâu?”

Rồi ông Ba vào phòng tắm, mở nước chảy ào ào trên thân thể. Thường thường , khi mở vòi thì không cần thử, mà nước ấm đã thoát ra ngay, vì bà Ba đã xả trước phần nước lạnh nằm trong ống rồi. Ông Ba vừa nhảy nhót vung vẫy tay chân dưới vòi nước, vừa hát theo điệu nhạc vang vang từ máy hát nhỏ trong phòng, mà bà Ba vặn sẵn, và đã chọn những băng nhạc ông ưa thích. Tắm xong, thì vói tay lấy khăn và áo quần, đã được treo sẵn trên máng mắc áo. Ông Ba mặc áo quần vào mà không hề thắc mắc, không hề nghĩ đến cái chu đáo và chăm sóc của vợ. Ông xem chuyện đó như đương nhiên được hưởng, và ông cũng chưa bao giờ máng sẵn khăn tắm hay áo quần cho bà. Bà cũng không bao giờ đòi hỏi, hay cân phân cái việc chăm sóc nhau giữa hai vợ chồng.

Trong khi ông tắm, thì bà xuống bếp, cắt rau, lạng thịt, nấu ăn, chuẩn bị cho bữa cơm tối. Tắm xong, ông Ba lần xuống bếp giả vờ hỏi bà:
“ Em ơi, có cần anh giúp việc gì không?”
Ông hỏi cho có lệ, hỏi cho bà vui, chứ ông đã thuộc lòng câu trả lời của vợ mỗi ngày:
“ Thôi, anh đã tắm sạch sẽ rồi. Đừng làm gì nữa mà vấy bẩn vào áo quần. Để em làm một mình cho mau. Anh lên nhà xem truyền hình đi.”.

Trước khi ông đi, bà lau tay, và luồn tay vào tóc ông, kiểm soát xem tóc đã sấy khô chưa. Rồi bà liếc nhìn ông với con mắt âu yếm, nhìn cái dáng hớn hở của ông, mà bà mĩm cười như thích thú lắm. Thỉnh thoảng từ bếp, bà chạy lên phòng khách, đút cho ông một miếng thức ăn, yêu cầu ông thử xem có “vừa miệng” không. Khi nào ông cũng nói:
“Em nấu ăn là nhất rồi, không ai nấu ngon bằng em cả. Em thử thấy ngon, là anh ăn ngon.”
Bà cười vui vẻ :
“ Em nấu cho anh ăn, thì phải hợp với khẩu vị của anh mới được”
“Dễ thường em không ăn sao?”

Chưa bao giờ ông cho ý kiến là hơi mặn, hơi lạt, thiếu cay. Câu trả lời cố hữu là: “ Ngon lắm rồi, vừa ăn lắm rồi.” Bà Ba hí hửng quay xuống bếp nấu tiếp. Đôi khi ông Ba nói vọng từ phòng khách xuống: “ Em nấu gì mà thơm quá, làm anh đói bụng quá chừng.” Bà biết ông thích ăn tỏi và ăn cay, bà cho thật nhiều tỏi và ớt vào các món ăn.

Ông Ba tiếp tục xem truyền hình, xem tin tức, và các trận thể thao buổi chiều. Đôi khi ông cũng muốn dọn bàn ăn, soạn chén dĩa giúp bà, nhưng không dám làm, sợ không vừa ý vợ. Nhiều lần bà căn dặn:
“Để em làm. Em biết hôm nay cái gì cần, cái gì không. Anh dọn đầy ra bàn, có cái không cần đến, rồi sắp xếp vào lại, thêm mệt.”

Ông cũng hiểu bà nói thế, để cho ông có thì giờ mà xem truyền hình nhiều hơn. Nấu cơm xong, bà dọn ra bàn, bật đèn vàng, và chạy ra quay cái truyền hình về hướng bàn ăn, để ông vừa ăn, vừa xem các chương trình đang dang dở. Trong khi ăn, ngày nào bà cũng nhắc nhở, thúc hối ông gắp món nầy, gắp món kia: “Anh ăn tôm đi, tôm tươi và dòn, ngon lắm.” Ông mới đưa đũa vào dĩa tôm, chưa kịp gắp, thì bà đã nói tiếp: “Thịt nầy ninh mềm và bùi lắm, anh ăn miếng thịt nầy đi.” Ông lại chuyển đũa từ dĩa tôm qua dĩa thịt, mới gắp, chưa kịp đưa lên miệng, thì bà đã nói: “Anh ăn canh đi, canh mồng tơi mát và ngọt nước. Mồng tơi tươi, ngon lắm.” Ông theo lời bà, chưa kịp múc canh, đã nghe bà nói: “Rau tươi đây, anh ăn nhiều vào cho có chất xơ, trị được bệnh đường ruột.” Rồi bà dục ông gắp rau. Khi chén ông đã đầy cả tôm, thịt, canh , rau, ông bắt đầu thanh toán dần, thế mà bà cũng cứ dục ông gắp thêm. Ông thường trêu ghẹo bà:
“ Ước chi anh có ba cái miệng, sáu cánh tay để ăn và gắp thức ăn cho em vui.”

Ngày xưa, khi mới cưới, ông hơi bực mình vì ăn chưa hết món nầy, thì bà đã hối gắp món khác. Đôi khi ông gắt: “Để cho anh thở với chứ. Có ai dành hết đâu mà gấp thế?” Nhưng sau nhiều lần bắt gặp ánh mắt buồn bã của vợ, thì ông hiểu rằng, không tội gì mà làm cho bà buồn. Cứ gắp lia lịa cho bà vui, ông cũng chẵng mất gì cả. Trong lúc ăn, bà để dành miếng ngon gắp bỏ vào chén ông, ông bỏ lại vào chén bà, cứ thế mà đẩy qua, đưa lại, cho đến khi bà làm mặt giận ông mới chịu ăn. Biết vợ thương, ông thường gắp thức ăn bỏ vào chén bà và nói:
“Miếng nầy dở lắm, em ăn giúp anh, anh không muốn ăn miếng dở.”
Bà âu yếm nhìn ông và mỉm cười, như thầm bảo: “Anh không gạt nỗi em đâu, em biết hết.”. Mỗi khi ăn cá, bà ân cần nhắc nhở ông:
“Khéo hóc xương nghe, anh ăn phần hông con cá, nhiều thịt, ít xương, đừng ăn phần kia”
Ông lại trêu chọc bà:
“ Phải. Để phần nhiều xương lại cho em hóc xương, cho bác sĩ và bệnh viện có việc làm, đỡ thất nghiệp.”

Mấy chục năm, chưa bao giờ ông bị hóc xương, mà bà vẫn nhắc nhở. Bà cho rằng, nhờ bà nhắc nhở, nên ông không bị hóc xương.

Gần cuối bữa ăn, bà thường ép ông ăn thêm nửa chén, một phần tư chén, hoặc húp thêm chén canh, vài muỗng nước rau. Biết ý bà, nên ông thường để dành, trống một góc dạ dày, mà có sức ăn thêm cho vợ vui lòng. Ông cũng biết sau bữa ăn còn bánh ngọt, trái cây, phải ăn cho hết. Nhiều lúc cơm ngon, ông ăn đã đầy bụng, không ăn thêm được nữa, ông thường cầm các thứ trái cây mà bà ép ông ăn, len lén gói lại, đem cất vào tủ lạnh. Ông biết rõ, ông không có quyền nói là no lắm rồi. No cũng phải rán mà ăn. Nhiều lúc bà ép ăn nhiều quá, bao tử chịu không nỗi sức ép, phải bài tiết gấp. Sau khi xả xong, ông nói đùa vói bà: “Nầy em, của Caesar đã trả lại cho Caesar hết rồi. Phí mất một bữa ăn”. Thế là bà vội vã đi lấy dầu nóng thoa vào rốn ông, bắt ông phải mang vớ vào cho ấm chân, dù trời đang tiết nóng nực. Bà lại nhắc nhở : “ Anh không được khỏe, tối nay phải đi ngủ sớm. Đừng đọc sách, đừng xem truyền hình.” Sau đó bà vội vã nấu nước gừng, bắt ông uống nóng, để dằn cơn đau bụng. Ông nói rằng thải ra hết, là xong rồi, không đau đớn gì nữa cả, mà bà không tin, cứ lo lắng mãi.

Sau mỗi bữa ăn, ông Ba nói cho có lệ:
“ Em có cho anh dịp may, hôm nay được dọn dẹp chén dĩa và rửa bát không?”
Bà Ba gạt phắt đi như mọi hôm:
“ Không được đâu, việc nầy của em. Anh rửa chén bát rồi sắp xếp lung tung, đến khi cần, em không biết đâu mà tìm.”
Ông Ba hỏi, chứ đã biết chắc câu trả lời của vợ rồi. Bởi đôi khi ông cũng áy náy, muốn giúp vợ một tay, vì việc gì bà cũng dành lấy mà làm. Khi có việc bà không làm nổi, mới kêu ông phụ giúp.
Mỗi đêm, ông Ba thường ưa đọc sách, nhưng bà cứ thúc dục ông đi ngủ sớm, đừng thức khuya hại sức khỏe. Chín giờ đêm là phải tắt đèn đi ngủ. Không được qua khỏi cái giới hạn đó. Ông thường nói với bà:
“ Em xem, cuộc đời ngắn ngủi, người xưa còn biết thắp đuốc đi chơi, mình ngủ sớm, uổng đời quá.”
Khi đi ngủ, bà đưa thêm áo ấm cho ông mang, bắt ông đi vớ, đội nón, vì sợ khuya trời chuyển lạnh. Nhiều đêm trời nóng nực, không chịu nỗi đôi vớ, cái nón nực nội, nhưng ông cũng không phản đối. Chờ cho bà ngủ, ông len lén cởi ra các thứ vướng víu nóng nực đó. Thường ông nói nhỏ:
“ Em à, mình đang ở California vào mùa xuân, chứ không phải ở Alaska vào mùa tuyết phủ.”
Bà trả lời yếu ớt:
“Thà chịu nóng một chút, mà chắc chắn khỏi cảm lạnh khi về khuya.”

Thường trước khi ngủ, bà ép ông uống vài viên thuốc bổ. Bà đứng canh cho đến khi ông uống xong mới chịu đi, vì có lần , bà tìm thấy thuốc bổ nằm la liệt trong thùng đựng rác. Có khi ông Ba vờ uống cho bà vui, nhưng ông ép viên thuốc vào dưới lưỡi, và sau đó phì ra.

Mỗi khi pha trà cho ông uống, bà cũng thử xem độ nóng đến đâu. Khi nước quá nóng, thì bà không quên dặn dò:
“ Nước nóng lắm đó. Coi chừng kẻo phỏng lưỡi”

Những lúc nầy, ông Ba giả bộ như sắp uống ngay ly nước, làm bà hốt hoảng la ơi ới. Dù bà biết ông đùa nghịch mà thôi. Rồi ông Ba nhăn răng cười, bà quay mặt bỏ đi. Mỗi khi ông dẫn bà đi phố, bà thấy áo quần đẹp, vưa ý, thì mua cho ông ngay. Bà biết kích thước, tầm số của áo quần ông, từ áo lót, quần lót, cho đến áo tay dài, áo tay cụt, vòng lưng, vòng mông, mà chính ông Ba cũng không biết và không nhớ phải mua áo quần cỡ nào cho chính ông. Tất cả áo quần của ông Ba đều do bà mua sắm, cứ chất đầy trong tủ. Có khi ông Ba thấy vợ chọn cái áo lòe loẹt quá, ông nói:
“ Em nầy, quanh vùng chúng ta ở, có ai lập gánh cải lương không? Để anh xin gia nhập. Sẵn có cái áo nầy, đỡ may mặc tốn kém”
Bị ông trêu chọc, bà không giận hờn, chỉ nói nho nhỏ:
“ Anh không thích màu áo đó, thì em sẽ đem đổi lại.”
Thường khi ông lái xe, bà ngồi bên cạnh. Bà ngồi mà mắt nhìn kiếng chiếu hậu, nhìn qua phải, nhìn qua trái, xem xe cộ chung quanh mà nhắc nhở ông biết tình trạng lưu thông trên đường.
“ Coi chừng chiếc xe bên phải, nó chạy sát xe mình quá.” Hoặc: “Chạy chậm lại chút đi, cái xe đàng trước xem loạng quạng như người say rượu.” Hoặc la lên nho nhỏ: “Anh phải nhường cho xe kia qua chứ. Tranh nhau làm gì?”.
Ông Ba thường bảo:
“ Anh thì lái xe, mà em thì lái anh. Lên xe, em hãy ngồi nghỉ ngơi, đọc báo, nghe nhạc hoặc ngủ cho khỏe , việc lái xe để anh lo.”
“ Em phải chia xẻ cùng anh chứ, bốn con mắt, hai cái đầu vẫn hơn hai con mắt, một cái đầu. Vã lại, làm sao mà yên tâm nghỉ ngơi được?”


Mỗi lần đi đâu xa, không quen đường, bà Ba thường dở bản đồ nghiên cứu trước. Phải đi lối nào, xa lộ nào, đến đâu thì chuẩn bị, và ra khỏi xa lộ quẹo mặt hay quẹo trái, đi thêm bao nhiêu ngã tư nữa thì quẹo hướng nào. Trước khi quẹo là ngã tư tên đường gì. Rồi bà vẽ ra trên giấy, dán vào tay lái cho ông. Tuy thế, bà vẫn chưa yên tâm, sao chép lại một bản khác mà cầm trên tay. Rồi chỉ đường cho ông đi. Ông cứ lái xe theo hướng dẫn của bà, và thành một thói quen, lái xe mà không suy nghĩ, không vận dụng trí nhớ để tìm đường. Bỡi vậy, những khi đi đâu một mình, ông hay bị lạc đường, và phải dừng xe lại xem bản đồ. Ông thường nghĩ, vợ chăm sóc quá, làm ông mất đi một phần năng khiếu có sẵn. Những khi bà chỉ sai đường, đi quanh co mà không tìm ra nơi muốn đến, thì bà áy náy, nôn nao, làm như bà đã phạm vào một lỗi lầm tầy trời. thường thường, ông Ba an ủi vợ:

“ Có sao đâu. Lạc đường thì quay lại. Cứ xem như mình đi chơi, đi ngắm cảnh, đi cho biết đó biết đây. Gấp gáp gì đâu? Đến trể cũng chẳng chết ai cả. Tìm mãi rồi cũng sẽ ra đúng đường.”

Dù được chồng an ủi như thế, mà bà vẫn quay quắt dòm qua, ngó lại, rồi cúi đầu vào cái bản đồ, cho đến khi xe dừng lại đúng dịa chỉ, bà mới hết băn khoăn.

Những khi đi bộ băng qua đường, bà hốt hoảng nhìn quanh và la lối nhắc nhở:
“Coi chừng xe cộ. Nhiều người lái ẩu tả lắm. Phải nhìn phải, nhìn trái, và nhìn lui cả đàng sau nữa mới được.”
Bà thường nói : “Anh không biết một chút gì về luật đi đường cả. An toàn là trên hết.” Câu nói của bà làm ông Ba mĩm cười, vì chính ông là kỹ sư lưu thông, phụ trách về an toàn cho xe cộ di chuyển trong thành phố nhà.
Những khi ông ngồi chờ bà đi rảo trong các khu hàng hóa lớn, trước khi đi bà dặn dò:
“Ngồi đây nhé. Đừng đi đâu mà xe cộ nguy hiểm, làm em lo.”

Ông Ba ngồi đọc báo, có khi quẹo đầu ngủ gật. Khi mỏi mệt, ông đi một vòng cho giãn gân cốt, hoặc lảng vảng ở các tiệm bán đồ điện tử. Nếu bà trở lại mà không thấy ông, thì bà hốt hoảng như con gà mắc đẻ, chạy quanh tìm kiếm. Khi tìm được ông, thì bà lớn tiếng và giận hờn:
“Anh làm em sợ muốn chết. Tưởng đâu chúng nó bắt cóc, hoặc giết chết anh rồi. Đi đâu mà không cho em biết?”

Ông Ba hiểu rằng, vì thương chồng nên bà mới có thái độ đó. Không phải bà độc tài hay khó tánh. Ông thường trả lời:
“ Em tưởng tấm thân anh quý báu lắm sao? Ai mà bắt cóc anh làm gì , nuôi cho thêm tốn cơm, cạy không ra một đồng xu. Họ giết anh làm gì, sừng sỏ như anh, không giết ai thì thôi, chứ ai mà giết được anh. Em làm anh tưởng mình là nhân vật quan trọng lắm.”

Những lúc đi ăn tiệc, hoặc tham dự đám cưới, dù đã được ông căn dặn trước, nhắc nhở nhiều lần, thế mà bà Ba vẫn quen thói như khi ở nhà, gắp lia lịa các miếng ngon bỏ vào chén ông. Hoặc thúc hối ông ăn món nầy, ăn món kia. Những lúc đó, ông Ba đưa mắt kín đáo ra dấu cho bà, hoặc đá chân bà ở dười gầm bàn mà nhắc nhở. Bà chỉ mĩm cười. Những lúc nầy, ông Ba thấy thương vợ vô cùng, dù hơi bực mình vì ngượng với những người ngồi chung bàn, sợ họ nghĩ ông bà tham ăn, thiếu lịch sự. Có khi ông chữa thẹn bằng vài câu khôi hài vu vơ.

Trong mùa hè, ông Ba thường đi đánh quần vợt với bạn bè vào sáng chủ nhật .Thấy ông Ba xuất hiện trên sân, là đám bạn đã nhao nhao lên trêu chọc ông: “Hôm nay chúng tôi được ăn, uống món gì đây?” Bởi họ biết rằng, khoảng gần trưa, bà Ba sẽ lể mể bưng đến bánh trái, nước ngọt cho ông Ba và bạn bè. Bà thường đặn dò:
“ Đánh banh vừa phải thôi, đừng chơi nhiều, đứng ngoài nắng lâu không tốt . Các anh ăn uống đi, cho có sức mà đập banh.”

Cái chu đáo của bà thường được bạn bè ông Ba đem ra làm đề tài để trêu chọc ông. Cũng có vài người tỏ ra ganh tị, vì không có được bà vợ hết lòng vói chồng như bà Ba. Bị trêu chọc, ông Ba chỉ cười và trêu lại rằng, các bạn ông không có phước phần thì rán cắn răng mà chịu. Có bà thấy bà Ba đem thức ăn ra sân banh cho chồng, thì phàn nàn và lớn tiếng:
“Việc gì mà nối giáo cho giặc. Mấy chả ham chơi, lười biếng chảy mỡ ra, việc nhà thì thoái thác rằng yếu, mệt, mà chạy chơi, đập banh suốt ngày ngoài nắng thì không mệt. Đàn bà mình cũng đi làm chứ! Thứ bảy, chủ nhật mình lo việc nhà mờ con mắt không hết, mấy ổng thì đi chơi, lại còn nhậu nhẹt, bàn tán chuyện vá trời xô núi. Đem thức ăn ra sân banh làm chi cho mấy chả thêm lừng!”
Bà Ba chỉ cười, nói nhỏ nhẹ:
“Thương chồng thì có mất mát gì đâu? So đo làm chi? Thương thì cho bao nhiêu cũng không vừa, và không cần đền đáp. Làm gì được cho chồng vui là em thấy sung sướng trong lòng. Tình thương cho đi, không bao giờ thiệt hại cho ai cả.”

Ông Ba sợ nhất là những khi nhức đầu sổ mũi. Những lúc đó, bà đè sấp ông xuống, dùng cái muỗng, bôi dầu cù là mà cạo gió cho nát cái lưng ông ra. Da lưng rướm máu, đỏ bầm lằn ngang vết dọc. Ông chỉ biết la ơi ới, và xin bà nhẹ tay cho, vì quá đau. Đau quá, ông thều thào: “Em làm như công an tra tấn, khai thác lấy tin tức không bằng. Thôi tha cho anh đi.” Bà đâu có chịu tha dễ dàng. Sau màn cạo gió, là xông dầu gió. Rồi bắt ông uống nhiều loại thuốc khác nhau cho mau lành bệnh. Ông hỏi bà: “ Em bắt anh uống nhiều thuốc như thế nầy, không sợ phải ra tòa mang tội sát phu hay sao?” Ông biết bà không có một chút kiến thức y khoa nào cả, cứ nghĩ uống nhiều thuốc là mau lành bệnh. Ông giả vờ uống cho bà đỡ lo, rồi đem quăng vào thùng rác. Thường ông thì thầm đùa với bà: “ Em muốn anh hết bệnh ngay tức thì không? Dễ lắm. Chúng ta vào buồng đóng cửa, thương nhau cho nhiều, mồ hôi ra, là hết bệnh ngay.” Bà phát yêu vào vai ông: “Bậy bạ, muốn chết sớm hay sao. Bệnh mà còn loạng quạng là sụm ngay luôn đó.”

Mỗi khi ông Ba đi công tác xa nhà vài hôm, bà soạn hành lý cho ông, bỏ vào hành trang đủ thứ lỉnh kỉnh. Bà có sẵn mấy cái danh sách dài lòng thòng, về những món cần thiết chuẩn bị sẵn cho ông. Đi ngắn ngày, đi dài ngày, đi một hai ngày, đều có danh sách riêng cho các thứ hành trang mang theo. Đi xa trên ba ngày thì có năm mươi bốn món, đi dưới ba ngày thì có bốn mươi tám món. Trong đó có cả tăm xỉa răng hai loại, loại bằng nhựa có dây chỉ, loại tăm thơm trong bao giấy, có cả giấy lau kiếng, giấy ướt chùi tay, con dao Thụy Sĩ có cờ chữ thập trắng, thuốc đau đầu, đau bụng, dầu gió... Bà kiểm soát và đánh dấu vào những món cần dùng đã nhét vào rương da. Suốt đêm hôm trước khi đi, dù ông đã vặn đồng hồ reo báo thức rồi, bà cũng lăng xăng không ngủ được, chạy lui chạy tới trong nhà cho đến khuya, và không ngủ được vì sợ ông trễ giờ lên máy bay, bà thức dậy nhiều lần nhìn đồng hồ, và mở hành trang ông ra, kiểm soát lại xem có thiếu món gì không. Đôi khi ông bực mình, gắt bà, nói là ông đã lớn, đã già rồi, không còn là trẻ con nữa mà phải lo lắng từng ly, từng tí như vậy. Bà chỉ nói nho nhỏ là nếu bà không lo cho ông, thì ai lo cho đây. Nghe giọng nói buồn bã của vợ, ông Ba biết rằng, vì thương chồng mà bà quay quắt như vậy, nên để yên cho bà lăng xăng. Có lẽ không được lo lắng cho chồng, thì bà buồn hơn. Mỗi lần nhìn đống hành trang, khi nào ông cũng kêu lên:
“ Em làm như anh dọn nhà không bằng. Mang đi nhiều, nặng nhọc mà không dùng đến, uổng công.”
“ Thà dư còn hơn thiếu. Lỡ anh cần, thì có ngay mà dùng.”

Ngoài hành trang mang theo, bà còn kiểm soát xem ông còn đủ tiền mặt trong túi không. Nếu không đủ thì bà bỏ thêm. Bà còn mua cho ông cái thắt lưng da hai lớp, dấu mấy trăm đồng đô la xếp gọn. Bà cũng không quên dấu thêm tiền trong một ngăn bí mật trong rương da, để phòng khi bất trắc.

Ngày thường, mỗi sáng bà bỏ thêm tiền mặt vào ví da cho ông, dù ông bảo là đã có thẻ nhựa, không cần tiền mặt làm chi. Trong hộp gạt tàn thuốc của chiếc xe ông, bà cũng dấu ít chục đồng, để phòng hờ khi khẩn cấp, khi ông cần đến. Và quả thật, ông đã nhiều lần sử dụng cái số tiền bí mật phòng xa đó. Những lúc nầy, ông thấy thương vợ vô cùng.
Lần hai ông bà đi du lịch Trung Hoa, đêm ngủ lại Bắc Kinh, nằm trong khách sạn rộng rãi, ông nói:

“Em à, nằm đây mà anh nhớ đến thời xưa, các sứ thần Việt Nam qua cống Thiên Triều, như cụ Ngô Thời Nhậm, cụ Nguyễn Du, họ đi bộ hàng ngàn dặm, lại phải ở lại công quán, đâu có tiện nghi, đâu có sang trọng như khách sạn bây giờ mà lại có vợ ôm trong tay nữa. Chúng ta sung sướng quá, tội chi không để lại một kỷ niệm yêu thương nơi đây?”

Ông luồn tay vào bụng bà. Bà giẫy nẩy không chịu:
“Ngày mai leo Vạn Lý Trường Thành, phải để dành sức khỏe mà đi. Không thì uổng lắm”
“ Một trăm cái Vạn Lý Trường Thành cũng bỏ.
Bà nói nho nhỏ:
“ Thiên hạ biết, họ cười cho mà xấu hổ”
“Vợ chồng thương nhau là hợp với lẽ trời đất, có gì sai trái mà sợ thiên hạ cười. Ai không có chuyện nầy, mà lại dám cười mình? Ngày mai lên xe, anh sẽ hỏi vợ chồng nào dám dong tay lên, xác nhận là chưa có chuyện “thương” nhau bao giờ. Xem có ai dám dong tay lên không?”
“ Thôi anh ơi, đừng nói chuyện tào lao nữa. Kỳ lắm.”
Hôm sau ông Ba thở phì phò leo lên dốc Trường Thành Vạn Lý. Bà đi bên cạnh xót xa: “ Đã bảo mà không nghe. Tội nghiệp anh chưa.”

Được thể, lần đi du lịch Âu châu, hai tuần qua sáu quốc gia, ông cũng nài bà để lại kỷ niệm thương nhau tại thủ đô của mỗi nước. Tại London thủ đô Anh Quốc , Paris của Pháp , Geneva của Thuỵ sĩ, Rome của Ý, và Vienna Áo Quốc. Khi di chuyển, ngồi trên xe, ngày nào bà cũng thấy ông quẹo đầu nhắm mắt ngáy phì phò mà cái miệng chu dài ra, bà xót xa nói nho nhỏ:
“ Khổ chưa, đi du lịch ngắm cảnh mà mệt ngủ khì ra thế, có uổng tiền không. Thiệt như là trẻ con. Thương quá!”
Đang ngáy, mà ông cũng nghe được, giật mình mở mắt, quay qua bà nói đùa:
“ Thương hả? Chưa được đâu. Trên xe đông người thế nầy, kỳ lắm.”
Bà cấu ông một cái , nói nho nhỏ :
“ Bậy nào, anh cứ nói chuyện khôi hài mãi. Thiên hạ nghe được, họ cười cho”

Rồi ông lại tiếp tục ngủ gục, cái đầu lắc lư theo nhịp xe di chuyển. Mỗi khi xe dừng lại ở các thắng cảnh cần viếng thăm, bà đánh thức ông dậy. Cái mặt ông đờ ra, ngơ ngác nhìn quanh.
Mấy lần ông đi trượt tuyết, từ nhà lái xe lên núi cũng mất gần năm giờ. Bà dành lấy tay lái, đưa ông đi, vì sợ ông lái xe đường xa mệt nhọc, không còn sức mà trượt tuyết. Bà thường nói:
“ Anh nhắm mắt ngủ cho khỏe, lấy thêm một chút sức khỏe mà trượt đua với thiên hạ.”

Lên núi, bà đứng canh, và đưa mắt theo dõi ông từ trên cao lao người vòng vèo lượn xuống. Hai tay bà luôn luôn ôm lấy ngực lo lắng, sợ ông té ngã. Mỗi khi ông lượn vòng qua , bà không quên nhắc nhở : “ Cẩn thận nghe anh, coi chừng té gãy tay, gãy chân thì khổ.” Nghe bà nhắc, ông lướt đến gần bà, rồi giả vờ té lăn nằm ngữa trên tuyết. Biết là ông chồng đùa nghịch, mà bà vẫn hốt hoảng chạy gấp đến hỏi han rối rít. Ông nhăn răng cười. Bà nhẹ nhàng trách:
“ Anh ác lắm. Anh làm em lo, tội nghiệp em.”

Mỗi lần có bạn ông đến chơi, bà lo lắng nấu món nầy, món kia, làm thức nhậu cho các ông. Thường thường bà nấu thức ăn theo sở thích của khách mà bà biết. Rồi bà bảo đứa con trai xuống hầm nhà lấy những chai rượu nho cũ nhất mà đãi khách. Hằng năm, có những đợt rượu nho được bán ra với giá rẻ để quảng cáo. Bà mua vài ba chục chai, cất vào hầm, gác lên kệ và ghi chú năm sản xuất. Mười mấy cái kệ dưới hầm nhà chất toàn rượu nho. Những chai rượu để dành lâu năm, có khi giá tăng thành năm bảy lần giá mua ban đầu. Bà lý luận rằng, thế nào cũng phải mua rượu đãi bạn, tội gì không mua trước, tiết kiệm được vô số tiền. Khi đãi người ta, thì phải cho ăn ngon, uống ngon, còn không thì thôi, đừng mời. Đó là cái chủ trương của bà. Bỡi vậy cho nên nhà ông bà Ba thường có khách khứa liên miên. Đãi đằng bạn bè, là một thú vui của bà. Bà Ba thường nói rằng, những niềm vui nho nhỏ hàng ngày gom lại, thành ý nghĩa hạnh phúc đích thực của cuộc sống. Bà không mơ cao xa, không ước vọng giàu sang xa hoa phú quý tột bực.

Những khi việc sở cần kíp, ông Ba đi làm thêm vào thứ bảy, hay buổi chiều về muộn, bà thường xuýt xoa, lo cho sức khỏe của ông. Bà thường bảo ông:
“ Mình có đủ ăn rồi, kiếm thêm bao nhiêu tiền cũng không thể giàu được. Mà giàu làm chi? Có nhiều tiền để sau nầy chết cúng cho chùa, cho nhà thờ ư ? Con mình, chúng không cần tiền đó. Mình đến đất nước nầy khi đã quá nửa đời người, mà còn làm ăn sinh sống được, huống chi con mình lớn lên tại đây, học hành và tốt nghiệp tại đây. Tương lai của chúng, chắc chắn khá hơn mình nhiều, tại sao mà phải lo ngược ?”

Có người chế nhạo ông Ba rằng, đã già đời rồi, mà còn để vợ chăm sóc như con trẻ, bị vợ “quản lý” như kẻ đi tù chung thân. Ông Ba cười, và nói rằng, trong cái vòng lao tù êm ái nầy, ông mong được ở tù càng lâu càng tốt, và cầu sao cho đừng bao giờ có ngày “ân xá”.
Bà Ba cũng bị bạn bè thân thiết trách mắng:
“ Sao mà dại thế, các ông cũng có tay có chân, cũng có sức khỏe, tội chi mà hầu hạ cho các ông thêm lười biếng, thêm hư hỏng. Mai sau mình có chết trước, mấy ông sống một mình không nổi, phải đi kiếm gấp bà khác mà điền thế vào chỗ trống của mình. Phải tập cho các ông tự lập, tự lo lấy cho quen.”
Bà Ba nhẹ nhàng đáp:
“Tình thương không có so đo. Làm được gì cho chồng vui là mình vui, là xây thêm được một viên gạch vào cái nền hạnh phúc cho vững vàng hơn, không mất mát đi đâu cả. Cho còn sướng hơn nhận.”

Tràm Cà Mau

Thứ Năm, 15 tháng 8, 2024

Qua Sông - Thơ & Nhạc: Trần Văn Lương - Tiếng Hát: Quỳnh Lan


Thơ & Nhạc: Trần Văn Lương
Tiếng Hát: Quỳnh Lan

Nếu Được...

 

Nếu được làm đóa hoa
Sẽ ươm hương lan tỏa
Nếu được làm cánh gió
Đáp nhẹ bờ vai ai
Nếu là lá thuộc bài
Ngoan hiền trong trang vở
Ép mãi hương tình thơ

Nếu ai người ngu ngơ
Kẻ khù khờ trộm nhớ
Nếu thuyền neo bến đợi
Cùng ngắm ánh trăng soi
Chỉ nhỏ nhoi mơ mộng
Nếu ai là vợn sóng
Cánh chim lướt trùng khơi

Nếu ai bình minh tới
Hoàng hôn sẽ sáng ngời
Một đời thanh thản sống
Ước vọng thật bình an
Theo từng bước thời gian
Hành trang cùng chia sớt
Ôi hạnh phúc vô vàn!

Kim Oanh
29.7.2024

Bài Thơ Mùa Hạ

  

Xuân đã qua rồi theo chuyển luân
Hạ mang đầy nắng, gió bâng khuâng
Trời cao bàng bạc vương mây trắng
Những cụm hoa vàng, thảm cỏ xanh

Thung lũng hoa vàng bao tháng năm
Ðơn côi vời vợi chốn xa xăm
Ði về giữa sáng chiều sương phủ
Bóng dáng chim hồng vẫn biệt tăm

Ước hẹn ai về nơi bến trăng
Hồn thơ mộng cũ tít cung hằng
Tình thơ hư huyển buồn sương khói
Ðẹp mãi cho đời bớt giá băng

Hạ nắng, rừng xa vui tuyết tan
Lưng đồi suối lạnh, nước lang thang
Thông xanh đứng thẳng reo trong gió
Ðỉnh núi mờ xa vẫn trắng ngần …

Nguyễn Phan Ngọc An


Chờ

 

Đêm đêm mong gặp chiêm bao
Chờ hương áo ngủ chờ màu son môi
Chờ dáng đứng chờ điệu ngồi
Chờ hơi quen thuộc chờ lời mê say

Chờ cưng cho vẽ chân mày
Chờ lưng tình tứ chờ tay gọi mời
Chờ cuối đất chờ cùng trời
Chờ mưa nhè nhẹ biển khơi dạt dào

Chờ trầu thương quấn yêu cau
Chờ từng hơi thở xôn xao xuân hồng
Chờ thu về gió ven sông
Chờ môi rượu ngọt chiều đông đa tình

Chờ nắng ghẹo áo thủy tinh
Chờ thơm hương tóc trói mình buộc ta
Chờ gối bướm chờ chăn hoa
Chờ chân nũng nịu thịt da dỗi hờn

Chờ tay dài móng mới sơn
Chờ cơn lãnh đạm chờ cơn ngọt ngào
Chờ rừng trầm chờ núi sao
Chờ môi khao khát cho nhau dỗ dành

Chờ tươi trẻ chờ mong manh
Chờ vai trốn kiếm chờ vành mi cong
Chờ nhỏ bé chờ mênh mông
Chờ no tròn đến hư không vẫn chờ

Chờ âu yếm chờ tôn thờ
Chờ ôm hạt bụi cuối bờ phù du…

MD 03/22/04
LuânTâm
(Trích trong Tuyển Tập Thơ Quốc Gia Hành Chánh,
Cơ Sở Hoài Bảo Quê Hương xb,CA/USA.2007,tr.139-140)

Một Thời Xi Nê


Ngày nào còn nhỏ xíu lúc học bậc tiểu học, đến giờ ra chơi tôi thấy vài thằng nhóc, sau khi ra khỏi cửa lớp là chạy ngay đến bu quanh chiếc xe đạp của một người đàn ông tuổi độ trung niên để mua bánh mua kẹo ăn. Lớp tôi chỉ có một hai đứa như thế và ngày nào cũng vậy, hễ đến giờ ra chơi là chúng chạy ra để đóng góp cho ông chủ chiếc xe đạp phía sau có đặt một cái thùng bằng gỗ có nhiều ngăn hộc chứa nào kẹo đậu phộng, kẹo Nuga, kẹo dừa, kẹo thèo lèo, hạt dưa, vài loại bánh và một đòn kẹo kéo trắng phau. Phần tôi, thấy thế nhưng chưa bao giờ được thưởng thức những món ăn nơi sân trường. Lý do đơn giản: không có tiền vì chưa bao giờ được cha mẹ cho tiền dằn túi để ăn vặt, qua suốt trong thời kỳ trung học
 cũng vậy.

Tôi chẳng quan tâm gì đến chuyện ăn vặt của mấy thằng nhóc đó. Trong số có một thằng tên là Chấn mà tôi biết thuộc con nhà “có tiền” và hắn ta suốt mấy năm tiểu học đã là khách thường trực, ái mộ chiếc xe đạp có chở theo thùng bánh kẹo. Nhưng rồi có một hôm, tôi ra sân chơi, đứng xem mấy thằng nhóc đang cãi lộn vì bắn bi ăn gian sao đó, thấy thằng Chấn miệng đang nhai kẹo, nhìn thấy tôi hắn đưa tay ngoắc tôi lại chỗ chiếc xe đạp đang có bốn năm đứa bu quanh. Tưởng hắn gọi để cho ăn kẹo nhưng không phải. Thấy hắn móc túi đưa tiền cho ông chủ chiếc xe đạp và bảo với ông này: “tui bao thằng này coi xi nê”, xong bảo tôi đặt hai con mắt vào một cái ống bằng giấy như cái ống nhòm sau này tôi biết. Tôi cũng chẳng hiểu chuyện gì nên cứ khom lưng cúi đầu để đặt mắt vào đó. Sau mấy cái chớp mắt liền tù tì tôi mới thấy được. Hình ảnh đầu tiên là hình của ông hề Charlot rất dễ nhận ra, sau đó xuất hiện liên tục hình các nam nữ tài tử điện ảnh của Mỹ vào thời đó mà mãi về sau tôi mới biết tên một số như nữ minh tinh có Katharine Hepburn, Grace Kelly, Joan Crawford, Elizabeth Taylor, Sophia Loren, Audey Hepburn, Greta Garbo, Vivien Leigh… Nam tài tử thì có Robert Michum, Burt Lancaster, Kirk Douglas, James Dean, Gary Cooper, Clark Gable, Anthony Quinn, Robert Taylor…

Chuyện xem xi nê của tôi bắt đầu như thế. Khi lên lớp nhì và lớp nhất thì tôi thực sự được xem xi nê ở ngoài rạp. Không phải tôi có tiền mua vé đi xem nhưng được đi xem xi nê không tốn tiền. Số là trường tôi học là trường tư, trường Tuệ Quang nằm trên đường Bạch Đằng thường gọi là cây số bốn. Sau mỗi kỳ thi lục cá nguyệt, có khi là những ngày gần tết, nhà trường tổ chức cho học sinh đi xem xi nê miễn phí. Dạo đó còn rạp chiếu bóng Kinh Đô nằm trên đường Hàm Nghi. Tôi được xem phim hoạt họa màu “Bạch Tuyết Và Bảy Chú Lùn”, và “Cô Bé Quàng Khăn Đỏ”. Những phim khác là những phim chiếu về “các loài động vật” và cảnh đẹp thiên nhiên. Khi tôi lên trung học được chừng một hai năm thì rạp Kinh Đô không còn nữa. Tôi có biết anh Vinh con của chủ rạp Kinh Đô học trên tôi bốn lớp ở trường Quang Trung, mặt anh giống như lai Tây (hồi đó chưa có lai Mỹ). Có chuyện liên quan đến rạp Kinh Đô là sau 1975 là có thời gian tôi làm những nghề bất đắc dĩ ngoài đường phố Sài Gòn trong đó có “nghề” sửa và giữ xe đạp trước cổng trường Quốc Gia Sư Phạm, việt cộng đổi thành trường Cao Đẳng Sư Phạm nằm ở góc đường Cộng Hòa và Thành Thái. Trong số những người học ở đây, có một số không nhỏ sinh viên tôi biết là người của Sài Gòn. Rất dễ nhận biết họ là “người xưa” qua vóc dáng, diện mạo, cách ăn mặc và lối nói chuyện khác với mấy “con em thuộc dòng thác cách mạng”. Cũng như tôi, họ cũng nhận ra tôi thuộc loại bị cách mạng đuổi ra đường. Do đó tôi có nhiều cơ hội chuyện trò với họ. Trong số những người tôi tiếp xúc có một nữ sinh viên nói giọng Bắc Hà Nội xưa, thường hay ghé lại “tiệm sửa xe” của tôi để sửa hoặc bơm bánh xe, qua vài câu chuyện thân tình, cô này cho biết tên là Hằng, trước có ở Đà Lạt và là con của chủ rạp ciné Kinh Đô, năm 1957 thì gia đình cô dọn về Sài Gòn và mở rạp ciné Văn Hoa ở DaKao nằm trên đường Trần Quang Khải. Trước tháng tư 75 thỉnh thoảng tôi cũng có xem phim tại rạp này. Cô Hằng học được chừng vài tháng rồi biến mất, hỏi các sinh viên quen thì họ nói cô ta vượt biên rồi. Mong là cô và gia đình đang sống trên đất nước Tự Do.

Ngoài việc xem “xi nê thùng” như đã kể, tôi còn được xem xi nê ở ngoài trời. Xem xi nê loại này không phải đi xa mà xem ngay tại khu vực nhà tôi ở. Xi nê ngoài trời loại này có lẽ nhiều người dạo đó cũng được xem. Đó là loại xi nê do ty thông tin đến chiếu cho dân chúng xem vào ban đêm, thường vào lúc sáu bảy giờ tối. Chiếc xe của ty thông tin mang theo máy chiếu, màn ảnh và vài thứ dụng cụ khác đến một khoảng đất trống trong khu phố, có khi trong sân trường tiểu học với chỉ hai ba nhân viên, treo một tấm màn trắng vào cây thông hay cột điện. Khoảng năm giờ chiều là xe thông tin chạy vòng vòng trong khu phố để thông báo có buổi chiếu phim, mời đồng bào đến xem. Thường là sau giờ cơm chiều nên ai cũng rảnh, rủ nhau đến đứng quanh xe thông tin, có người mang cả ghế xếp để ngồi. Buổi chiếu phim bắt đầu với màn chào cờ Việt Nam Cộng Hòa với bài quốc thiều “Này công dân ơi đứng lên đáp lời sông núi…”, sau đó là ảnh của tổng thống Ngô Đình Diệm cùng với bài hát suy tôn Ngô Tổng Thống “Ai bao năm từng lê gót nơi quê người. Cứu đất nước thề tranh đấu cho Tự Do…” Tiếp đến là vài đoạn phim thời sự như “Tổng thống đi kinh lý nơi này nơi nọ, đồng bào di cư đang xây dựng nhà cửa tại các khu dinh điền, khu trù mật; hình ảnh thủ đô Sài Gòn hoa lệ hoặc hình ảnh các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa trong các chiến dịch bình định…Tiếp theo là phim chính “Chúng Tôi Muốn Sống” mô tả những cuộc đấu tố đẫm máu tại miền Bắc trong chiến dịch “cải cách ruộng đất” hoặc phim mô tả cuộc di cư của hơn triệu đồng bào miền Bắc vào Nam với cảnh những chiếc ghe lênh đênh trên biển và những con tàu của Pháp và Mỹ chở hàng triệu đồng bào di cư vào Nam…Phim do ty thông tin chiếu toàn màu trắng đen, chỉ có một lần chiếu phim màu. Đó là phim chiếu cuộc công du của tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm sang Hoa Kỳ vào tháng 5 -1957 thời tổng thống Dwight D. Eisenhower.


Tôi còn được xem phim chiếu ngoài trời ở Dòng Chúa Cứu Thế vì nhà tôi ở gần đó, cách chừng hơn cây số, thuộc cây số 7. Thỉnh thoảng các Cha trong Dòng Chúa Cứu Thế tổ chức chiếu phim cho dân chúng ở quanh khu vực DCCT xem vì đại đa số dân ở ấp An Phong, Kim Thạch và Thánh Mẫu đều là tín hữu Công giáo nên họ kéo nhau đi xem rất đông. Tôi có quen mấy đứa bạn ở An Phong nên thường được chúng rủ đến xem. Cũng chiếu phim vào buổi tối và chiếu phim màu về những câu chuyện được ghi trong thánh kinh hoặc nhưng chuyện có liên quan đến niềm tin Thiên Chúa. Tôi rất thích phim nói về vị nữ anh hùng nước Pháp tên là Jeanne D’ Arc đã giúp vua Charles VII đưa nước Pháp ra khỏi sự thống trị của quân Anh vào thế kỷ thứ 15, sau bị phe thân Anh kết tội “phù thủy” và bị hỏa thiêu năm 19 tuổi. Mãi 25 năm sau được tuyên bố vô tội và được phong thánh vào năm 1920. Ngoài những phim về đạo còn có những phim hoạt họa rất vui.

 

Lên đến trung học thì tôi có đi xem xi nê ở rạp. Lý do là có nhiều bạn bè ở phố thường bàn bạc về phim này phim nọ mà chúng đã xem. Phần tôi, nghe thế biết thế nhưng họa hoằn mới có một vài đồng để mua vé vào rạp để xem.

Trong trí nhớ của tôi, tại Đà Lạt lúc bấy giờ – thập niên 50 của thế kỷ 20 chỉ có ba rạp chiếu bóng mà đám con nít như tôi thường gọi là rạp xi nê hay còn gọi là rạp hát. Đó là các rạp Ngọc Hiệp nằm trên đường Phan Đình Phùng đối diện với đầu dốc Minh Mạng, rạp Langbian cũng trên đường Phan Đình Phùng, kế tiệm ăn Như Tỉnh của một ông chủ người Bắc – chuyên về món tiết canh vịt, me xừ này ghiền cờ bạc nên sập tiệm phải trở về quê ở Hố Nai rồi cũng mở lại tiệm Như Tỉnh (không phải Như Say!). Rạp có tên Kinh Đô nằm trên đường Hàm Nghi. Dạo đó đoạn đường Hàm Nghi từ chùa Linh Sơn cho đến nhà thờ Tin Lành hai bên chưa có nhà cửa, rạp Kinh Đô là căn nhà đầu tiên phía tay phải đi từ nhà thờ Tin Lành. Cả hai rạp Langbian và Kinh Đô đều không có vẻ gì là một rạp ciné như rạp Ngọc Hiệp hay rạp Ngọc Lan và rạp Hòa Bình sau này. Bảng hiệu “Langbian” lẫn “Kinh Đô” viết phía trước rạp hát rất khiêm nhường, so ra không “hoành tráng” như rạp Ngọc Hiệp. Nghe nói chủ nhân rạp Ngọc Lan về sau cũng là chủ nhân của rạp Ngọc Hiệp thường chiếu những phim hay. Thỉnh thoảng các đoàn cải lương từ Sài Gòn lên Đà Lạt trình diễn cũng mướn rạp Ngọc Hiệp. Những lần có đại nhạc hội do giới nghệ sĩ tân nhạc của Sài Gòn tổ chức cũng thường diễn ra tại rạp Ngọc Hiệp. Giá vé để vào xem đại nhạc hội thường mắc gấp hai ba lần vé xem xi nê nên chưa bao giờ tôi lọt được vào cửa để xem. Riêng rạp Hòa Bình nằm trên đỉnh downtown Đà Lạt được gọi là “Hội Trường Hòa Bình” vì nơi đây ngoài việc chiếu phim còn là nơi tổ chức đại nhạc hội, các cuộc hội thảo về văn học nghệ thuật và cho các trường học mướn để tổ chức lễ phát phần thưởng cuối năm vân vân... Chủ nhân của Hội Trường Hòa Bình là người Hoa và vị này sẵn sàng cho chính quyền địa phương xử dụng để tổ chức các buổi nói chuyện liên quan đến các vấn đề chính trị, xã hội. Điểm đặc biệt nữa của Hội Trường Hòa Bình là trên tháp nóc cao có gắn một chiếc loa lớn và cứ đúng 12 giờ trưa là còi hụ phóng qua loa trong vòng 30 giây để cho mọi người ở xa năm sáu cây số cũng nghe được.

Nói đến chuyện xem xi nê, phần tôi năm thì mười họa mới có tiền mua vé vào xe. Tôi nhớ có hai cuốn phim tôi được xem ở rạp Langbian là phim
“Tant qu’il y aura des homes” với nam tài tử Burt Lancaster, Montgomery Cliff, Frank Sinatra và nữ minh tinh Deborah Kerr, phim thuộc loại chiến tranh và tình yêu. Phim thứ hai có tựa đề The Comancheros do John Wayne thủ vai chính, thuộc loại Western. Có bài hát lặp đi lặp lại trong phim nên tôi nhớ mãi và hát trại ra bằng tiếng Việt là “Ô ế…mấy con gà ri…Ô ế…mấy con gà cồ…”

Với rạp Ngoc Hiệp tôi cũng xem được nhiều phim khi dành dụm được vài ba đồng. Tôi lại có nhiều bạn bè ở phố và được chúng chỉ cho cách vào xem xi nê khi không có đủ tiền. Đó là mình cứ đứng lảng vảng bên trong rạp chờ cho mọi người có vé vào hết bên trong rạp và phim bắt đầu chiếu năm mười phút thì mon men đến cầm đưa cho người soát vé rồi tọt vào trong tìm chỗ trống để ngồi. Số tiền này chỉ bằng khoảng một phần tư giá vé phải mua. Lũ bạn và tôi nhiều lần xem xi nê như thế.

Nếu tôi nhớ không lầm thì rạp Ngọc Lan được khai trương năm 1964 và chiếu nhiều phim Pháp-Mỹ rất hay nên được giới trung lưu rất ái mộ. Rạp Ngọc Lan nằm trên đường Thành Thái đối diện với con dốc đá đưa xuống bến xe Minh Trung. Tại bến xe này có nhiều hàng quán ăn uống “dã chiến” trong đó có quán phở người Đà Lạt gọi là phở Ngọc Lan. Quán chỉ có hai chiếc bàn trong và năm sáu chiếc ghế đẩu đặt bên dưới một tấm bạt màu xanh lớn để che nắng che mưa. Chủ quán phở là một ông người Bắc, nấu phở ngon nên có nhiều khách ghé ăn với giá bình dân. Khoảng năm 1969 hay 1970 khi tôi đang làm việc tại Vũng Tàu, đọc báo thấy tin việt cộng ném lựu đạn vào rạp Ngọc Lan khiến nhiều người chết.

Có một chuyện cũng liên quan đến xi nê là tôi thích sưu tầm các tờ giấy quảng cáo phim mà thiên hạ gọi là tờ program. Hồi đó các rạp xi nê đều có in các tờ program với các chi tiết ghi nội dung của phim đang chiếu để phát cho khán giả. Người đi xem xi nê đọc tờ program để biết cốt chuyện đã đành, tôi dù có xem hay không, mỗi lần có phim nào đang chiếu là tôi đều ghé rạp để xin tờ progam để mang về đọc. Những tờ program này tôi để thứ tự thành một tập dày để lâu lâu lấy ra đọc cũng thấy thích. Trong tờ program có in hình ảnh những tài tử chính đóng trong phim.


Viết “Một Thời Xi Nê” đến đây tôi nhớ ra rằng mình còn mắc một món nợ. Chẳng phải nợ tình mà là nợ tiền. Số tiền tôi nợ trị giá sáu đồng ($6.00 VN) của năm 1957. Tính ra đã 66 năm! Năm ấy tôi đang học lớp đệ lục và cũng đã bắt đầu đọc sách và tạp chí về văn học. Một trong số những tác phẩm nổi tiếng tôi được đọc là cuốn “Chiến Tranh Và Hòa Bình” của đại văn hào người Nga - Leo Tolstoy. Tác phẩm này được dựng thành phim với những tài tử chính là Audrey Hepburn trong vai Natasha, Mel Ferrer trong vai Andrei, Henry Fonda trong vai Pierre. Cũng cần nhắc: Henry Fonda là bố của Jane Fonda, kẻ đã đến Hà Nội 1972 để được đội nón cối và leo lên súng phòng không của bắc việt để bắn máy bay Mỹ.

Khi thấy trước rạp Ngọc Hiệp treo bảng chiếu “Chiến Tranh Và Hòa Bình” tôi rất háo hức mong được xem nhưng không biết làm sao có số tiền sáu đồng cho vé hạng bét để vào xem. Vì nhà nghèo nên tôi không bao giờ dám mở miệng xin tiền mẹ tôi tiền để đi xem xi nê hay ăn quà vặt. Thế rồi một hôm bạn cùng lớp với tôi là Trần Quốc Tôn rủ đi xem phim “Chiến Tranh Và Hòa Bình”. Tôi bảo “không có tiền, nếu mày cho mượn thì tao đi…”. Thế là Tôn vui vẻ gật đầu đồng ý. Buổi chiều Tôn hẹn tôi đến rạp Ngọc Hiệp và mua hai vé vào xem. Phim màu “Chiến Tranh Và Hòa Bình” được chiếu trên màn ảnh “đại vĩ tuyến” kéo dài trên ba tiếng đồng hồ với khung cảnh bi hùng của cuộc chiến tranh Pháp - Nga vào đầu thế kỷ thứ 19.

Cho đến nay đã 66 năm, tôi vẫn còn nợ Trần Quốc Tôn sáu đồng – số tiền mà Tôn không bao giờ đòi vì biết rằng tôi không đủ khả năng. Phần tôi, tôi vẫn nhớ mãi không bao giờ quên. Có một lần tôi nhắc Tôn món nợ này. Tôn cười và nói “Tao bao mày mà…”.

Tuần tới đây tôi sẽ gặp Tôn tại thành phố San Jose và sẽ nhắc lại món nợ của thời học sinh…

Phong Châu