Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2024

Mẹ Đã Ra Đi –Nhạc, Lời & Trình Bày: Văn Duy Tùng


Nhạc và lời: Văn Duy Tùng 
Trình bày : Tác giả 
Thực Hiện: Trúc Tiên

Khóc Mẹ

 

Soi gương mẹ bảo Mẹ già
Con thưa: chín bẩy vẫn là trẻ thôi*
trẻ hơn cả cụ chín mươi
muốn già mẹ phải chẵn chòi một trăm
Thời gian thấm thoát ba năm
Mẹ yêu đã đủ một trăm tuổi rồi
Không ngờ Mẹ bỏ con côi
Mẹ con mình đã chia đôi hai đường
Con còn ở lại dương gian
Mẹ đi về chốn Thiên đàng với Cha
Mẹ đang hạnh phúc chan hòa
Riêng mình con nhớ xót xa những ngày
Sáng, chiều, ôm mẹ trong tay
Mẹ con mình vẫn xum vầy bên nhau
Bây giờ con quá đớn đau
Mẹ ơi! mình đã mất nhau thật rồi.


Hồng Thủy
( Cảm xúc ngày mất Mẹ)
* Mẹ HT tuy 97 tuổi nhưng trông rất trẻ, chỉ như người ngoài 80 thôi.

Nhớ Mẹ



Mẹ ơi! trong cõi hư không
Con thương nhớ Mẹ dòng sông đợi chờ
Nỗi buồn thoáng hiện trong mơ
Ngôn từ hóa đá thành thơ cho đời.

Mẹ đi con lại đơn côi
Bây giờ tưởng nhớ bồi hồi xót thương
Nhện giăng tơ nối vô thường
Hư không kết lại đoạn trường qua mau.

Trăm năm ẩn hiện bên nhau
Cõi trần gian nở đóa sầu trên tay
Mẹ lo thân xác hao gầy
Ngày qua tàn cuộc mây bay về trời.

Đoạn trường vật đổi sao rời
Buồn trông nỗi nhớ đổi dời mưa sa
Nhớ thương trời đất nhạt nhòa
Dáng chiều rơi xuống bóng tà dương bay.

Tế Luân


 

Mẹ Tôi...



Bên con có Mẹ trên đời
Không quên vì Mẹ mĩm cười hôm nay
Nếu ai thương Mẹ từng giây
Thì nên quý Mẹ cho đầy niềm vui
Một mai nếu Mẹ đi rồi…!
Vành khăn tang trắng nửa đời thương sao
Mẹ tôi nước mắt, nghẹn ngào
Cho con ấm áp biết bao nghĩa tình
Mẹ tôi…nhựt nguyệt phân minh
Mưa thu từng giọt tái sinh nhân loài
Mẹ tôi tia nắng u hoài
Nước non rừng rú sông ngòi điệu ru
Mẹ như thắng cảnh mây mù
Câu thơ Đường Luật có từ phương Đông
Mẹ là bến nước dòng sông
Hàng cây xanh tốt chạnh lòng yêu quê
Trăm năm mỗi độ Xuân về
Mẹ như trái chín say mê tình người
Mẹ là một đóa hoa tươi
Mai đào khoe sắc cho người an vui
Ra đời khổ lắm Mẹ ơi…!
Mẹ là Bồ Tát tuyệt vời bên con
Hoa hồng cài áo Mẹ còn
Người ban hạnh phúc quý hơn kho tàng
Khi cài hoa trắng khăn tang
Mẹ đi…khuất núi muôn ngàn nhớ thương
Cuộc đời sinh tử vô thường
Về nơi cát bụi cuối đường thế thôi
Mẹ cho bú sữa đầu đời
“Cù lao cúc dục” nên người giỏi dang…!


Mai Xuân Thanh
Bay Area, May 09, 2024
 

Giọt Lệ Của Mẹ


Vừa xong buổi cơm tối thì phone reng. Mở phone thấy chị Phương Hoa gọi. Tôi “A lô nhưng không nghe chị nói gì. Tôi hỏi lại
- Chị Phương Hoa hở?
Vẫn im lặng tiếp tục, tôi bắt đầu hồi hộp linh tính như có chuyện gì bất thường, sau đó một phút nghe tiếng khóc nức nở của chị
- Calvin, con đầu mình bị bệnh ung thư, bác sĩ bệnh viện Stanford đã “chạy làng”
Tôi hốt hoảng
- Bệnh hồi nào?
- Cháu bệnh cũ tái phát, hơn hai năm rồi
Nghẹn ngào tôi không biết tìm lời gì để an ủi, cổ họng cứng đơ, lưỡi dường như tê cóng, bên kia vẫn tiếp tục những tiếng nấc nghẹn ngào. Hồi lâu tôi mới gắng hỏi
- Bây giờ chị tính sao?
- Còn nước còn tát, mình định đem cháu về VN chữa trị thuốc Nam xem có tiến triển không?
Chị nói đôi tiếng nữa rồi cúp phone. Tôi sững sờ không còn xem phim mỗi tối từ 8 giờ tới 10 giờ nữa.

Lặng lẽ đi nằm, nhìn trước mặt là bóng tối, đầu óc suy nghĩ mông lung về sống chết, về sự vô thường trong cuộc sống. Dù định luật là Sinh, Lão, Bệnh, Tử nhưng con ma tử thần vẫn không chừa một ai, luôn rình rập người ta, từ một tuổi, năm tuổi, hai mươi tuổi cho đến bốn mươi, năm mươi ... Sinh tử quay cuồng như điệu múa say ngà, con người số mỏng manh như đùa chơi với dòng thác lũ.

Tôi quen chị Phương Hoa từ năm 2015, khi gia nhập vào hai diễn đàn Tình Nghệ Sĩ, Tình Bằng Hữu của Nha Sĩ Cao Minh Hưng (nơi sinh hoạt của văn, thơ, nhạc, họa). Năm 2016 trong cuộc thi của Cơ sở Văn Thơ Lạc Việt tổ chức, tôi may mắn được giải nhì, chị Phương Hoa đoạt giải nhất (về văn). Ông hội trưởng bấy giờ là nhà thơ Chinh Nguyên đã tuyên bố “Các cô từ nay đều là thành viên của Văn Thơ Lạc Việt, hãy tham gia sinh hoạt thường xuyên nghe”.

Từ đó tôi mới gần gũi chị hơn qua những buổi sinh hoạt, ra mắt sách, giới thiệu sách cho các văn thi sĩ thành viên VTLV và trong cộng đồng. Tôi luôn thấy chị hoạt bát, nhiệt tình với mọi người và có tâm rất tốt. Thấy chị rành thơ Đường Luật tôi kéo chị gia nhập hội thơ Đường Xướng Họa, nơi đất dụng võ để tiến bộ hơn.

Chị thúc giục tôi viết bài gởi Việt Báo dự thi Viết Về Nước Mỹ, nhưng tôi lại mê thơ hơn nên cứ say sưa xướng họa thơ ĐL. Chị hăm he liên tục, có lúc tỏ ra giận, có lúc nói dai dẳng, “Minh Thúy là một cây bút rất có tương lai, hãy viết đi!” Tôi hẹn lần hẹn lựa mãi, cuối cùng hai năm sau tôi mới nghe lời chị, ngoài ra chị cũng kêu gọi thành viên trong hai hội phụ nữ Cô Gái Việt và Minh Châu Trời Đông gởi bài cho Việt Báo nữa.

Lúc chị em trong MCTĐ và CGV thắng giải, chị đánh phèn la báo tin ầm ĩ như chính bản thân chị trúng giải. Sau này chị giữ vai trò trong Ban Biên Tập của VTLV nên bận tối mặt, không có thì giờ vào Việt Báo đọc bài của ai, nhưng khi đọc được thì lại thúc giục “viết tiếp đi, viết tiếp nữa, viết nhiều vào...”, tôi buồn cười “đề tài đâu mà viết dữ vậy trời”.

Điều tôi nể phục nhất là anh chị ăn chay trường và tham gia nhiều khoá thiền Vipassana khắp các tiểu bang, thời hạn có khi tới nửa tháng. Về văn chương thơ phú thì chị rất xuất sắc, nhất là về văn đã đoạt hết mọi giải thưởng của Việt Báo, đến nay không còn giải nào nữa để lãnh.

Trở lại câu chuyện buồn, tôi không ngờ hai năm nay chị đã đè nén nỗi sầu lo, che kín chịu đựng sống trên đống lửa từng ngày, cả bạn bè gần gũi nhất cũng không hề biết để an ủi. Cách nay nửa tháng chị đã về VN lo chuyện giấy tờ nhà cửa và dẫn vợ chồng Dũng, cháu thứ nhì qua Mỹ theo diện bảo lãnh. Chị nói “Con trưởng thành dù khôn ngoan cỡ nào đi nữa, nhưng dưới mắt người mẹ luôn xem còn nhỏ dại như ngày nào, nên mình phải thông qua đường tour du lịch ghé VN vài ngày để giúp đưa tụi nó qua.”

Vừa lo ổn định xong cho gia đình cháu Dũng nơi quê hương mới, chị lại chuẩn bị dẫn Calvin về quê hương để chữa bệnh bằng cây thuốc Nam truyền thống, với niềm tin và tràn đầy hy vọng. Chị kể trước đây tình cờ ai gởi Youtube, xem thì biết ở Trà Vinh có Linh Mục Nguyễn văn Tường chữa trị bằng thuốc Nam, ăn toàn gạo lức nấu với nước kiềm (nước từ máy lọc của Nhật đã thải bỏ chất acid) và đã chữa trị rất nhiều bịnh nhân cancer lành bệnh sau khi bệnh viện chê.

Tôi hiểu và đồng cảm, trong bóng tối chợt tìm ra chút ánh sáng cuối đường hầm, chị tin tưởng và cầu nguyện ơn trên may ra còn hy vọng. Đồng thời cũng thở dài lo lắng đến sức khỏe chị có bảo đảm không, trong khi mới vừa xong chuyến đi xa và qua lại Mỹ chỉ thời gian ngắn. Nhưng chị nói chỉ cần chữa được bệnh cho cháu thì khó khăn gian khổ nào cũng là chuyện nhỏ mà thôi.

Được biết chị có bốn cháu, cháu thứ nhì tên Dũng cùng gia đình nhỏ mới qua định cư. Ba cháu ở đây đều ăn học thành tài, Calvin Liên Trịnh là cháu trưởng nam đang làm cho hãng Broadcom (Photonic Layout Design Engineer) ở San Jose. Gần đây bác sĩ tuyên bố bệnh cháu không còn chữa trị được nữa, cháu mới xin nghỉ để về VN cùng mẹ; cháu thứ ba tên Brian làm việc tại bệnh viện Stanford; cháu út tên Billy làm cho Google, tất cả đều lập gia đình, có con cái, và cuộc sống ổn định.

*** 

Về Trà Vinh một lần chị liên lạc với tôi qua điện thoại, vừa nói vừa khóc giọng đầy lo âu, có khi tôi không nghe rõ vì sóng yếu. Chị kể, về nơi chốn hẻo lánh miền quê an bình, có rất đông người đến chữa bệnh mà toàn là bị cancer. Hằng ngày chị không dám động tiếng ồn, ngồi canh giấc ngủ con, hoặc con thức thì xoa bóp tay chân cho đỡ mỏi, không dám liên lạc nói chuyện hay than thở với ai, không bày tỏ sự lo âu, sợ con nghe được sẽ buồn làm mất tinh thần chữa trị. Chị cố giấu những giọt nước mắt đau đớn tột cùng, không muốn con thấy mà phải nuốt vào trong. Mặt khác chị cũng tràn đầy niềm tin, vì những người bị bệnh ung thư ở các phòng trọ xung quanh thường qua lại thăm hỏi, cho Calvin và chị biết bệnh tình của họ khi mới đến rất trầm trọng, bác sĩ chê, bệnh viện bỏ, nhưng sau vài tháng điều trị bây giờ một số người đã lành, chuẩn bị được cho về.

Em rể cột chèo bên vợ là bác sĩ giỏi ở Sài Gòn, xem Calvin như máu mủ, cũng nóng ruột về Trà Vinh theo dõi bệnh tình của anh. Thấy Calvin có vẻ yếu và than mệt, em rể tức tốc đưa vào bệnh viện Trà Vinh khám, kết quả tình trạng không mấy khả quan sau một thời gian uống thuốc Nam chữa trị, nên khuyên chị PH đưa cháu về Mỹ và mang theo thuốc Nam tiếp tục uống “Tâm trí mình hoảng loạn quá, cháu lại là bác sĩ giỏi nói sao làm theo vậy, chắc là “phước thầy không may chủ”. Chị nghẹn ngào nói với tôi trên điện thoại. Lên Sài Gòn các em vợ thương quý anh rể, cuống cuồng chăm lo đủ thứ. “Sẽ cố gắng đưa cháu về Mỹ sớm, mình hết biết làm gì rồi, sự căng thẳng hồi hộp chỉ sợ mình hay cháu gục nửa chừng trên đường về. Bây giờ miệng mình khô đắng, mắt mỏi nhừ, cầu xin ơn trên cho mình đem Calvin về đến nơi đến chốn, Thúy ơi”.

*** 

May mắn chị đã đưa Calvin về Mỹ an toàn. Khi nào có chút thì giờ chị lại gọi phone kể cho vơi sự lo âu tột cùng. Sau một thời gian an dưỡng nghỉ ngơi ở nhà, Calvin vào bệnh viện Stanford khám lại. Bác sĩ bệnh viện Stanford bao vậy khám bệnh, thử máu và cho uống thuốc, hình ảnh “lương y như từ mẫu” chăm sóc tận lực, thật cảm động tình người. Chị nghĩ một phần cũng nhờ Calvin làm hãng lớn có bảo hiểm tốt, nên cháu được hưởng những gì tốt nhất có lẽ vậy.

Phương Thảo vợ Calvin bận rộn đi làm, cháu nội Jenny, đứa con độc nhất của Calvin, học nội trú UC Berkeley, nên thời gian này chị Phương Hoa và chồng túc trực trong bệnh viện lo cho cháu. Chị kể hai người chẳng hề biết no đói là gì nhưng cũng cố gắng mua bánh mì không trong bệnh viện nhai lấy sức để kề cận chăm sóc Calvin. Tình thương con như có “energy” tăng cường lên, nên anh chị không hề thấy mệt.

- Nhìn con mà ứa nước mắt hoài. May mắn bệnh không hành, nên Calvin chỉ mỏi mệt chứ không có những cơn đau oằn oại, nhưng con ngày càng ốm đi lòng mình như tan nát. Calvin thương vợ thương con hơn cả bản thân, sau giấc ngủ chiều dậy, nhìn ra trời sụp tối, cháu hỏi mẹ mấy giờ rồi “mẹ vào bếp xem cơm còn hay không, nấu dùm Thảo nghe mẹ”, bữa khác cũng y vậy “mẹ ơi, nhờ mẹ nấu món gì để Thảo đi làm về có ăn kẻo đói”. Mình nghe con nói mà quặn thắt cả lòng, nước mắt muốn trào ra. Con trai thương vợ như vậy, gia đình hạnh phúc như vậy, sao ông trời lại nỡ đưa vào hoàn cảnh xót xa. Nhìn dâu hiền còn trẻ, nếu trở thành góa phụ thì còn nỗi đau nào bằng …

Tôi nghe tiếng chị như run rẩy nên vội khuyên lơn:
- Thôi chị bớt suy nghĩ, tuổi anh chị đã lớn, cứ bị xúc động quá sẽ ảnh hưởng sức khỏe rất nguy hiểm, chị nghỉ ngơi đi để còn lo cho cháu.

Nói thật, càng nghe chị kể tôi càng thấy buồn thấm thía với cuộc đời đầy bể khổ. Khổ nhất là khi phải chứng kiến cảnh người thân đang bước dần vào nơi vô định. Tôi nhớ những lần đi họp nơi hội VTLV, có lúc chị tới chở tôi đi sớm, ghé lại nhà Calvin đem vào khay bánh xèo đầy ngập, hoặc những khi ghé nhà tôi giao sách, chưa kịp mời uống nước chị đã lật đật kiếu từ.
- Mình nấu nồi canh chua đem đến đứa con ở gần đây, dâu thích món này lắm, và một nồi tôm thịt kho mặn nữa.

Vừa nói chị vừa kéo tay tôi ra mở cốp xe sau dở nắp vung khoe thức ăn. Tôi được biết rất nhiều lần chị nấu cho dâu này, dâu kia chụp hình khoe lắm món.
- Đừng tưởng mình ăn chay rồi không biết nấu mặn đó nghe. Dâu con cày bừa bận rộn thấy thương quá, thỉnh thoảng rảnh mình nấu cho con cháu chút gì cảm thấy rất vui.
- Chị ăn chay trường làm sao nếm
- Nêm ít cầm chừng, tụi nó nêm lại sau

Ngày có đám giỗ chị bày dọn một bàn chay nhiều thức ăn, chụp hình gởi khoe, sau đó chat với tôi “Buồn ghê, thức ăn nhiều như vậy mà các con ở quá xa, đi làm về trễ, đường xá kẹt cứng khó khăn không tới được, nhìn các món thật tiếc. Ở Mỹ này mơ ước một buổi con cháu tụ về đông đủ trong ngày giỗ thật khó, nhưng thông cảm vì hiểu đất nước Mỹ này tuổi trẻ luôn phấn đấu và tận lực bộ óc, tài năng phục vụ cho công việc là quan trọng trước”. Tình thương của người mẹ thật bao la vô bờ bến, cùng những quan điểm “Mẹ chồng cảm thông thoải mái”, tôi vô cùng cảm mến.

*** 

Tối Mồng Hai Tết Nhâm Thìn chị Phương Hoa gọi phone:
- Đầu năm MT có kiêng cử gì không?
Tôi linh tính điều không lành:
- Không chị, nhỏ lớn em cứng đầu, cứng cổ ít tin những chuyện mê tín dị đoan lắm
Chị oà khóc.
- Calvin mất rồi!
Tôi lặng người, dẫu đã chuẩn bị tinh thần, đoán trước những điều xấu sẽ đến, nhưng vẫn bàng hoàng ngơ ngẩn trước sự sinh ly tử biệt. Những giọt lệ của người mẹ nhoà nhạt, đau đớn, tâm trạng ví như những chiếc lá vàng vẫn còn dính trên cây phải đưa tiễn lá xanh rụng xuống. Chị cho biết những ngày gần Tết cháu còn ăn uống được chút chút, chủ yếu ăn yến sào và uống sữa ensure, vui vẻ tỉnh táo khỏe hơn. Ngày Mồng Một Tết, cả nhà nội ngoại quây quần chúc Tết và chụp hình kỷ niệm, Calvin còn nhắc vợ đi chùa cùng cha mẹ hai bên để cầu nguyện đầu năm mới.
Vậy mà, sáng Mồng Hai Tết cháu Calvin đã nhắm mắt trong giấc ngủ yên lành, giấc ngủ... nghìn thu vĩnh biệt.

***

Thứ Hai ngày bốn tháng ba. Đám tang cháu Calvin Liên Trịnh diễn ra tại Oak Hill Funeral Home Memorial Park nằm trên đường Curtner thuộc thành phố San Jose. Tôi gặp một số em gái trẻ thường sinh hoạt chung trên Chùa Phổ Từ, và em trai họ bên chồng đến thăm viếng. Hỏi ra giới trẻ ấy là bạn học của Calvin trường UC Davis ở Sacramento. Khoảng trưa bạn bè từ xa hẹn nhau đến cùng lúc rất đông, họ lên bày tỏ cảm tưởng tiếc nuối, ôm đàn hát đưa tiễn, và nhắc nhở chuyện vui buồn thời sinh viên trọ học gần trường UC Davis thật cảm động. Họ khóc nghẹn ngào kể bao nhiêu kỷ niệm, họ không ngờ lá xanh lại vội lìa cành. Tôi nhìn đôi vai chị Phương Hoa rung lên hàng ghế trước mặt, có lẽ chị đang cố đè nén tiếng nấc chỉ để những giọt lệ chảy âm thầm.

Nói đến đám tang là nói đến nỗi buồn đau chia lìa, nhưng nếu tuổi thọ như chuối chín rục xuống thuận theo luật tạo hoá còn giảm chút buồn phần nào. Đằng này tóc xanh đã rụng trước hình ảnh người mẹ già đứt từng đoạn ruột. Đoàn người lặng lẽ theo sau quan tài trong một ngày không có nắng, bầu trời mây xám giăng màu ảm đạm. Lòng tôi đầy thương tiếc ngậm ngùi nhìn hình ảnh người cha, người mẹ già héo hắt, từng bước chậm tay đặt trên quan tài con trai yêu quý. Người vợ và đứa con thơ, cùng các em trai quấn vành khăn tang, ôm di ảnh Calvin quá cố, bát hương, bình hoa...Thật quá não lòng

Một Đám Tang

Ngậm ngùi một đám tang
Trời buồn mây lang thang
Đưa người về cát bụi
Cảnh tang tóc diễn màn

Ngậm ngùi một đám tang
Hương khói cuộn gió ngàn
Sắc đen sầu tiễn biệt
Nén cảm xúc khóc than

Bạn UC Davis
Hung tin khiến ngỡ ngàng
Từ Sac-To đến chật
Nhắc kỷ niệm đầy mang

Thủa sinh viên hiếu học
Clip chiếu đẹp thời vang
Bạn bè buồn thương tiếc
Lời ca nghẹn tiếng đàn

Các em khăn vải chế
Vợ con quấn vành tang
Tứ thân phụ mẫu nghẹn
Họ hàng thắt ruột gan

Dẫu biết SINH và TỬ
Ơn pháp những lời vàng
Vô thường câu Phật dạy.
Đường trần luôn dỡ dang.

Cớ sao lòng thổn thức
Bởi lá xanh rụng tàn
Âm dương tách đôi ngả
Bóng mùa Xuân mới sang

“A DI ĐÀ PHẬT” niệm
Từng bước chậm theo hàng
Hương linh về Tịnh Độ
Ngậm ngùi một đám tang
MTTN

Mỗi cuối tuần vào sáng Chủ Nhật. Chị Phương Hoa và ông xã vẫn lên chùa An Lạc, San Jose, dự cúng thất tuần, hộ niệm cho Calvin nương vào tiếng gỏ mõ, tiếng kinh kệ cầu sớm được siêu sanh tịnh độ. Con đã hết nhân duyên với mẹ trong kiếp này, mẹ mong con đầu thai vào kiếp khác có đời sống dài hơn, khỏe mạnh hơn. Hiện tại mẹ cố bám víu những suy nghĩ về sự sống, sự chết, về lẽ vô thường thay đổi từng phút, từng giờ, từng ngày để ý thức sự hiện hữu của mình, nhắc nhở mình phải tập trung tu tập, làm những điều lợi ích cho đời, để sống thật xứng đáng lúc đang còn hơi thở.

Chị đã san sẻ những suy nghĩ tích cực để tự trấn tĩnh tinh thần đang yếu đuối, hụt hẫng và đau thương. Tôi hy vọng thời gian sẽ là liều thuốc xoa dịu, chị sẽ thấm nhuần Phật pháp nhiều hơn để tư tưởng thoát ra vòng luẩn quẩn, không còn vướng mắc vào sự bế tắt mà cần được giải thoát. Dẫu sao tôi biết chắc một điều, là dù thời gian bao lâu, những giọt lệ của người mẹ vẫn còn lặng lẽ rơi trên nỗi đau mất con mỗi lúc đêm về…

Minh Thúy Thành Nội

Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2024

Nhạt Phai - Sáng Tác: Nguyễn Thanh Cảnh - Ca Sĩ: Xuân Phú


Sáng Tác: Nguyễn Thanh Cảnh
Ca Sĩ: Xuân Phú

Mãi Thu Xưa

 

Nàng thu lén bước vào hạ giới
Mang yêu thương lơ lững khắp nơi
Anh dìu em đi khắp vùng trời
Tận hưởng màu thu dần rạo rực

Con đường đầy lá mình song bước
Buổi hẹn xưa em nói những gì
Dưới lá thu vàng bay lũ lượt
Cùng giăng tơ chặng lá thu đi

Vẫn ngây thơ như còn thuở nhỏ
Vẫn nụ cười khoé mắt vành môi
Vẫn tung tăng hoa lòng mở ngõ
Tóc mượt mà nắng nhẹ tinh khôi

Ta phụ thu cùng nhau bủa lưới
Ngược lên trời chống tiết đông sang
Mang bướm hoa trở lại thiên đàng
Khe khẻ nhỏ lời xưa hẹn ước.

Lê Kim Hiệp

Austin USA 15/11/07

Thơ: Lê Kim Hiệp
Thơ Tranh: Kim Oanh


Chiều Thu Đà Nẵng 1956

 

Chiều thu ra ngắm sông Hàn,

Nỗi buồn vời vợi ngỡ ngàn phố xưa!

Dòng sông tê cóng đò đưa,

Gió vờn sóng bạc, đong đưa nắng vàng!


Lục bình tàn úa, trôi dạt lang thang,

Ngoảnh nhìn phố thị thở than thu về!

Chim trời hoảng hốt, cất giọng lê thê,

Réo gọi bè bạn tìm về phương xa!


Thoáng xa dãy núi Sơn-chà

Ngũ-hành muôn thuở, tình ca muôn đời!

Bao nàng Tiên-nữ nói nói cười cười,

Nhìn về phố thị ngâm ngùi xót thương!


Đà-nẵng ơi, người đẹp sắc-hương,

Cõi đời trần-thế vấn vương lệ sầu!

Tránh sao được ác-mộng bể dâu,

Đã thay áo mới, đương đầu khó khăn!


Chúc cho chân cứng đá mềm,

Trường-sơn lưng dựa, biển Đông nghĩa tình!

Mây trời mãi mãi  đẹp xanh,

Đẹp lòng Tạo-hóa, long lanh thu vàng!


Tô Đình Đài

Quasimodo

 

Có một lão lưng gù
Yêu một nàng Công Chúa
Một mối tình thiên thu
Bếp hồng con đỏ lửa.
Hôm nay tôi cũng khóc
Như lão đã khóc nhiều
Như em rồi sẽ khóc
Châu ngọc của tình yêu.
Có chút chi cao quý
Trong hạt lệ âm thầm
Có chút chi thi vị
Trong mối tình lặng câm.
Hồng hoa đương độ nở
Cứ hát khúc yêu đương
Chi hay tình câm của
Tấm lá khô bên đường.
Trong vắng lặng lầu chuông
Của nhà thờ Đức Mẹ
Chiêm ngưỡng đóa hoa hương
Lão gù rưng mắt lệ.
Ôi nàng thì đẹp tuyệt
Giữa trời đất thanh tân
Trên ngôi mày nét nguyệt
Hiện vẽ chi thiên thần.

Nàng ngồi bên cửa sổ
Trong tiếng hát thiên đường
Đưa hai bàn tay nhỏ
Ôm chim mà yêu thương.
Hồn dâng tình tuyệt mỹ
Lão gù đứng dưới chân
Đưa tay che mặt quỷ
Ngắm bức tranh thiên thần.
Nàng quay đầu trở lại
Ngó xuống, ngó xuống thềm
Lão gù che mắt lệ
Mà trông lên, trông lên.
Đôi mắt lặng nhìn nhau
Đất trời không tiếng nói
Ôi nàng có hay đâu
Lòng ai đang khổ tủi.
Hôm nay tôi cũng khóc
Như lão đã khóc nhiều
Như em rồi sẽ khóc
Trăng tàn trong hoang liêu.

Trụ Vũ 
 1954.

Trả Hết Cho Người

 
(Thơ Tranh: Kim Oanh)

Trả thú thương đau lúc dỗi hờn
Bên đời thấm lạnh biết cô đơn
Tay buông dĩ vãng sầu quay quắt
Nước mắt quanh buồn cuộn nhớ thương


Kim Phượng
***
Cảm Tác:

Trả hết cho người cả lối đi
Đan đầy hoa mộng bởi yêu vì...
Nhưng đừng buồn nhé vì thời thế
Tận đáy lòng đây thương vẫn ghi.

Thái Huy
5/15/24


Quảng Nam Đất Thiêng Liêng



Vùng đất thiêng liêng ai có hay?
Địa linh sản xuất lắm nhân tài!
Mỹ Sơn Thánh Địa trang nghiêm quá!
Phố cổ Hội An rực rỡ thay!
Ngũ Phụng Tề Phi cùng hội ngộ
Anh hùng uy dũng dựng tương lai
Quảng Nam tuấn kiệt nhiều vô kể
Xứng đáng thơm danh nước Việt này!

Lâm Hoài Vũ

 

Chất Phụ Gia Thực Phẩm Dưới Cái Nhìn Của Âu Châu Và Hoa Kỳ

  

HCD: Bác sĩ Nguyễn Tích Lai forward bản tin tiếng Anh,


Tôi tạm tóm tắt như sau:

Khám phá mối quan hệ giữa phụ gia thực phẩm và nguy cơ ung thư
Dr. Chil Khakham, MBA, NMD

Phụ gia thực phẩm tiếp tục là một chủ đề gây tranh cãi và khó hiểu. Nhóm công tác môi trường (EWG) nói rằng hơn 10.000 hóa chất được phép sử dụng trong thực phẩm được bán ở Mỹ, chẳng hạn như chất bảo quản như BHA hoặc thậm chí kim loại nặng làm ô nhiễm thực phẩm. Những chất phụ gia này có liên quan đến các vấn đề sức khỏe như tăng nguy cơ ung thư và rối loạn hormone. Tuy nhiên, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) nói rằng "tất cả các chất phụ gia thực phẩm được chính quyền liên bang và các tổ chức quốc tế khác nhau xem xét cẩn thận để đảm bảo rằng thực phẩm an toàn để ăn và được dán nhãn chính xác.
Bài viết này nhằm giúp bạn giải mã thông tin thường gây nhầm lẫn này với nghiên cứu mới nhất về chủ đề này

Tìm hiểu về phụ gia thực phẩm

Chất phụ gia trực tiếp được thêm vào cho một mục đích cụ thể. Chất phụ gia gián tiếp gián tiếp lẫn vào thực phẩm khi chế biến, lưu trữ hoặc đóng gói.

Một số chất phụ gia được sử dụng phổ biến nhất là nitrat / nitrit và Butylated hydroxyanisole (BHA) được tìm thấy trong thịt xong khói, kali bromat thêm vào bột, propylparaben được dùng trong bánh ngọt, Butylated hydroxytoluene (BHT) trong ngũ cốc, titanium dioxide trong kẹo, và màu nhân tạo, chất làm ngọt nhân tạo trong thức uống. Những chất phụ gia thực phẩm và màu sắc này được sử dụng để duy trì độ tươi và giá trị dinh dưỡng hoặc cải thiện hương vị, kết cấu và hình thức.

Hiện tại, FDA là cơ quan quản lý chính chịu trách nhiệm xác định việc sử dụng và an toàn thực phẩm và phụ gia màu ở Hoa Kỳ. Để sử dụng một chất phụ gia đã được chấp thuận, nhà sản xuất có sự chấp thuận của FDA. Bản cho phép bao gồm bằng chứng chứng minh sự an toàn của chất này đối với mục đích sử dụng của nó.
Từ năm 1999, các chất phụ gia gián tiếp đã được phê duyệt thông qua quy trình thông báo trước khi đưa ra thị trường. Vùng xám hoặc những gì được coi là lỗ hổng trong các quy định này là việc phân loại “Thường được công nhận là an toàn” (GRAS), cho phép các nhà sản xuất quyết định sự an toàn của các chất phụ gia thay vì FDA.

Khám phá nguy cơ ung thư của phụ gia thực phẩm.

Ngày càng có nhiều bằng chứng liên kết một số chất phụ gia thực phẩm và ung thư. Trong phần này, chúng ta sẽ khám phá nghiên cứu về một số phụ gia thực phẩm thường được sử dụng đang được xem xét kỹ lưỡng về các đặc tính gây ung thư tiềm ẩn và thảo luận về các cơ chế thúc đẩy ung thư có thể có của chúng. EWG báo cáo rằng hơn 99% phụ gia thực phẩm được giới thiệu từ năm 2000 đã được các công ty thực phẩm và hóa chất chấp thuận thay vì được FDA xem xét kỹ lưỡng, với nhiều chất phụ gia liên quan đến rủi ro sức khỏe đáng kể, chẳng hạn như tăng nguy cơ ung thư, tác hại phát triển và rối loạn hormone.

Khoản trợ cấp này là do một lỗ hổng trong luật cho phép thực phẩm được phân loại là GRAS. Một số chất phụ gia có khả năng gây ung thư này bao gồm nitrat / nitrit, kali bromate, BHA, BHT, PFAS và các kim loại nặng như thủy ngân, chì, cadmium và asen. Chất gây ung thư hoặc tác nhân có khả năng gây ung thư. Kali bromat, BHA, BHT và PFAS đều có liên quan đến khả năng gây ung thư ở người, một số trong đó đã bị cấm ở các quốc gia khác (Brazil, Canada, EU và Anh), chẳng hạn như kali bromate.

Nitrat và nitrit thường có trong thực phẩm chế biến như thịt hong khói và cũng đã được tìm thấy trong nước máy. Những chất phụ gia này có thể tạo thành các hợp chất gây ung thư gọi là nitrosamine trong cơ thể liên quan đến ung thư dạ dày, thực quản và có thể là ung thư não và tuyến giáp. PFAS, được gọi là "hóa chất vĩnh cửu", được sử dụng trong các sản phẩm như chảo nấu ăn không dính.

Tiếp xúc lâu dài với kim loại nặng cao như asen và cadmium đã được chứng minh là dẫn đến tổn thương DNA, làm chết tế bào và làm tăng nguy cơ ung thư. Một số kim loại nặng, bao gồm cả asen, đã được tìm thấy trong thức ăn trẻ em và đang được các nhóm như EWG đòi loại bỏ.

What Food Additives Are Banned in Europe vs. the USA?

Dưới đây là danh sách một số phụ gia thực phẩm bị cấm ở châu Âu nhưng không bị cấm ở Mỹ:

Kali Bromat

Phụ gia này thường thấy trong các món nướng từ bột được thêm vào để làm cho bột nổi. Nó đã được tìm thấy trong hơn 130 thực phẩm chế biến khác nhau ở Hoa Kỳ. Kali bromat là một chất có thể gây ung thư đã bị cấm ở Liên minh châu Âu, Anh, Brazil và Canada. FDA vẫn chưa xem xét phụ gia thực phẩm này kể từ năm 1973.

Dầu thực vật brom (BVO)

BVO là một chất phụ gia chủ yếu được tìm thấy trong nước ngọt có hương vị cam quýt để giữ cho các hương vị không bị tách ra. Phụ gia này có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc các vấn đề về hệ thần kinh khi uống những đồ uống có chứa chất phụ gia này trong một thời gian dài. BVO hiện đang bị cấm ở châu Âu và Nhật Bản và được FDA phân loại là GRAS, cho phép sử dụng thành phần này mà không cần đánh giá an toàn.

Titanium Dioxide

Phụ gia này được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm chế biến, chẳng hạn như kẹo cho có màu sắc tươi sáng. Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA) xác định vào năm 2021 rằng các phụ gia này có thể tích tụ trong cơ thể và có khả năng gây tổn thương nhiễm sắc thể trong DNA, do đó khiến nó không an toàn để tiêu thụ ở châu Âu. Titanium Dioxide vẫn được phép ở Mỹ và chưa được đánh giá lại trong hơn 50 năm.

Propylparaben

Propyl paraben thường được tìm thấy trong các sản phẩm như mỹ phẩm và cả trong bánh ngọt. Mặc dù các paraben này đang được loại bỏ khỏi mỹ phẩm, chúng vẫn được tìm thấy trong 49 loại thực phẩm chế biến khác nhau. Paraben có liên quan đến việc gây rối loạn nội tiết và, theo CDC, đã được tìm thấy trong nước tiểu của 92,7% người Mỹ. Propyl paraben đã được loại bỏ khỏi danh sách phụ gia thực phẩm ở Liên minh châu Âu từ năm 2006.
---
Ủy ban Chuyên gia chung về Phụ gia Thực phẩm của FAO / WHO (JECFA) đã xem xét hơn 2600 chất phụ gia thực phẩm về độc tính, dịch tễ học và công nghệ sinh học. Một số hướng dẫn do JECFA đưa ra bao gồm, những chất phụ gia nào có thể được sử dụng, không được sử dụng, mức sử dụng tối đa, lượng tiêu thụ hàng ngày chấp nhận được, an toàn, độ tinh khiết của phụ gia thực phẩm.

Về yêu cầu ghi nhãn, hiện nay, FDA yêu cầu các nhà sản xuất liệt kê tất cả các thành phần trên nhãn thực phẩm theo thứ tự liều lượng (số lượng lớn nhất nằm trên). Tuy nhiên, một số được liệt kê chung là "gia vị", "hương vị", "hương liệu nhân tạo" hoặc, "màu nhân tạo" mà không phải ghi tên cho từng thành phần. Nó có thể gây hiểu lầm cho người tiêu thụ.

Tin tốt là có một nỗ lực để giáo dục và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về những rủi ro tiềm ẩn của phụ gia thực phẩm bởi các nhóm phi lợi nhuận như EWG. giúp cho mọi người lựa chọn sáng suốt thông qua nghiên cứu. Họ cung cấp thông tin giáo dục và hướng dẫn người tiêu dùng về các hóa chất, phụ gia thực phẩm và thực hành nông nghiệp khác nhau.
----
Bác sĩ Lai ghi thêm:


The most common preservatives
Sorbic acid (E200) and sorbates (mã số E201 – E203)

Axit sorbic và muối của nó, chẳng hạn như kali sorbate và natri sorbate, thường được sử dụng trong phô mai, bánh nướng, đồ uống và nước sốt. Chúng ức chế sự phát triển của nấm mốc và nấm men.

Benzoic acid (E210) and benzoates (E211 – E213)

Axit benzoic và muối của nó, chẳng hạn như natri benzoat và kali benzoat, thường được tìm thấy trong thực phẩm có tính axit như nước ngọt, nước ép trái cây, nước sốt và confi. Chúng ức chế sự phát triển của vi khuẩn và nấm.

Sulfur dioxide (E220) and sulfites (E221 – E228)

Sulfur dioxide và các dẫn xuất của nó được sử dụng trong trái cây sấy khô, rượu vang, giấm, các sản phẩm khoai tây và mứt. Chúng hoạt động như một chất chống oxy hóa và ngăn chặn sự phát triển của vi sinh vật.

Nitrates (E251) and nitrites (E249, E250)

Nitrat và nitrit được sử dụng trong thịt ngâm như giăm bông, xúc xích và thịt xông khói. Ở đó, chúng ức chế sự phát triển của Clostridium botulinum và cũng góp phần bảo tồn màu sắc.

Propionic acid (E280) and propionates (E281 – E283)

Axit propionic và muối của nó, chẳng hạn như natri propionate và canxi propionate, chủ yếu được sử dụng trong các món nướng và phô mai. Chúng cũng ức chế sự phát triển của nấm mốc và vi khuẩn.

HCD: Các bạn ở Mỹ nhìn trên nhãn in sẽ thấy tên các chất nầy, dươi đây là hình thí dụ:

 

Các bạn nhìn vào nhãn nơi ghi Ingredients sẽ thấy thành phần chất phụ gia.
Thường nó nằm gần chót, lý do là phân lượng chất chứa nhiều nằm trên theo luật.
-----===o0o===-----


Thứ Năm, 23 tháng 5, 2024

Đỉnh Sầu - Nhạc: Nguyễn Tâm Hàn - Tiếng Hát: Quỳnh Lan


Nhạc: Nguyễn Tâm Hàn
Tiếng Hát: Quỳnh Lan
Thực Hiện: Đặng Hùng

Những Dòng Thơ Ngũ Ngôn


Suy niệm về mùa Phật Đản.

PHẬT

Sen thơm miền Cực Lạc,
Sen thơm cõi ta bà.
Tìm ra; đây đó khác,
Ngồi lại; PHẬT hằng sa.

YÊN TĨNH

Phật ngồi trên đỉnh tuyết
Mà sáu cõi dâng bông.
Đá ngồi bên hồn nguyệt,
Nghe tĩnh giọt sương strong.

GIÁO HOÁ

Phật gọi tỳ kheo đến
Mở ra phương trời tâm.
Ngồi bên bờ tuyết trắng,
Mà nghe lời thậm thâm.

SOI MẶT

Tự mình soi mặt cũ
Tìm ra cánh hoa vàng.
Pháp nào không sanh diệt,
Tâm nào không Niết bàn!

NHIÊM MẦU

Ta rót vào cõi mộng
Một chút niềm suy tư.
Để nghe từ cuộc sống,
Ngàn hương hoa nhiệm mầu!

HOA NỞ

Giữa màu xanh cỏ dại
Rêu dáu lối xuân mòn.
Sáng nụ cười tỉnh thức,
Hoa nở trắng hoàng hôn.

Houstons, 17/5/2024.
Mặc Phương Tử
 

Đức Phật Thích Ca Thành Đạo

 

Thơ & Trình Bày: Minh Lương

Kham Nhẫn Của Tứ Đại



Đất có nói gì đâu dù người ta khạc nhổ
Nước có nói gì đâu dù cống rãnh tràn ra
Gió không chê nghèo khó, vẫn ghé qua
Lửa bị dập vẫn tồn tại bảo tồn sự sống.

Người hãy học làm thinh đừng đối chống
Hãy “Lục hoà” như nước của đại dương
Từ bi như gió mát thổi muôn phương.
Không vướng bụi vì chính mình cát bụi 


*Lục hoà: lời Phật dậy 6 thứ hòa là thân, khẩu, ý, giới, kiến, lợi
hoà hợp với mọi người

Sao Khuê 
21 /9 /2023

Biệt Ly

 

Người ở lại mịt mờ trong sương khói
Tình cũ cũng khuất nẽo chốn mù sương
Người đi có ngoãnh lại nhìn bờ quạnh
Hàng cây xa chìm khuất khói hoàng hôn!

Tình lỡ hồn sầu sao mãi mãi nhớ
Dòng sông xưa con đò cũ chờ trông
Mới hôm nào tưởng xa xôi bao thuở
Tóc ngã màu vì ngày tháng long đong!

Ai xuôi chi tình ta nay lỡ chuyến
Không tao phùng mà chịu cảnh biệt ly
Ngưởi ở lại trọn cõi lòng xao xuyến
Lệ lưng tròng ngày tháng khóc người đi!

20-5-2024
Hàn Thiên Lương

Bâng Khuâng Nỗi Nhớ

 
 
Bài Xướng:

Bâng Khuâng Nỗi Nhớ

Tím mây điểm nhạt cuối chân trời
Con lộ chìm sâu vương lá rơi
Chẳng tiếng chim kêu lòng lắng đọng
Không chân khách bước cảnh xa vời
Ta như hụt hẫng vì thương bạn
Bậu thể hoang mang bởi đổi đời.
Phía trước thời kia con suối cạn,
Hỏi đâu dòng chảy nước non ơi?


Thái Huy 
5/14/24
***
Bài Họa:

Chiều Buồn

Những đám mây trôi ở cuối trời
Lá vàng từng chiếc ngập ngừng rơi
Dòng sông lờ lững chia đôi ngã
Con dốc quanh co uốn nửa vời
Quán gỗ đìu hiu nằm đợi khách
Con đò trầm mặc tiếc thương đời
Vi vu tiếng gió trong vòm trúc
Dằng dặc nỗi buồn, tri kỷ ơi!


Sông Thu
(18/05/2024)
***
Bên Song
 
Đứng mãi bên song ngó đất trời
Cánh chim hấp tấp thả thân rơi
Mây về núi thẳm bay xa tít
Hồn nhớ thơ quen đọc tuyệt vời
Có phải mỗi lần than khổ kiếp
Là thêm một lượt xót thương đời
Sương buồn từ biển vô thành phố
Khí lạnh luồn quanh thiếu thất ơi ...

Rancho Palos Verdes 17 - 5 - 2024
Cao Mỵ Nhân

Giọt Nắng Cho Người


Nhìn những giải nắng cuối cùng của một ngày, đang chầm chậm khuất mờ dần sau những đồi trà, Bảo Thi nghe lòng buồn rười rượi. Thi thấy mình cô đơn quá, lẻ loi quá, cô thèm vô cùng vòng tay ấm áp của Ngữ, cô nhớ bờ môi nồng nàn mùi thuốc lá, nhớ nụ hôn cháy bỏng và cuồng bạo của anh, cô nhớ về anh tất cả. Gục đầu trên cánh tay, Bảo Thi mặc cho những dòng nước mắt tuôn chảy, mặc cho dòng dĩ vãng ào ào tràn về dầy đặc hình ảnh của anh. “Ngữ ơi, anh đâu rồi, anh đang ở nơi nào, sao anh lại xa em như thế này, để em phải bơ vơ vì thiếu anh, phải não lòng vì nhớ anh như vầy hả Ngữ?”

Kể từ khi cô bỏ nhà lên Lâm Đồng sống với người vú già của gia đình cô ngày xưa, để xa rời, để trốn chạy một cuộc tình chưa trọn vẹn, cô không hề biết một chút tin tức gì về anh, ngoại trừ tin anh bị mất tích.

Đã hai năm rồi, cô chưa về lại thành phố, mà về để làm gì, có còn gì để mà lưu luyến nữa đâu. Căn nhà Ngữ ở nay đã đổi chủ, còn anh ở đâu thì không ai rõ. Bảo Thi đã khóc hết nước mắt. Cuộc tình đẹp, nhưng ngắn ngủi vài tháng trời của cô đã chết từ đấy. Bây giờ Thi nhận nơi này làm chốn dung thân cho hết đời, hàng ngày cô vui với đám học trò, vui với vai trò một cô giáo tỉnh lẻ. Thỉnh thoảng ngày nghỉ cô lại giúp vú Tùng hái trà, tưới tắm cho khu vườn trà nho nhỏ của vú. Cô làm để cố quên những kỷ niệm của một mối tình ngọt ngào, mà càng cố gắng quên thì hình như cô lại càng nhớ nhiều hơn, càng ray rứt nhiều hơn.

Bây giờ ngồi đây một mình, trên miền cao nguyên heo hút này, trong bóng chiều nhạt nhoà hiu quạnh, Bảo Thi thấy hình ảnh Ngữ hiện ra rõ nét hơn bao giờ hết.Cô xót xa thầm gọi tên anh trong dòng nước mắt âm thầm: “Ngữ ơi, em nhớ anh quá, giờ này anh ở đâu? Có bao giờ trong một phút giây nào đó, anh chạnh lòng nghĩ tới em không, hả Ngữ?” Chưa bao giờ Thi khao khát có anh bên mình bằng lúc này đây, một khao khát cháy bỏng đến rã rời và… dĩ vãng lại lẩn khuất đâu đây.

***

_ Á…
Cả người Thi và chiếc xe đạp cùng ngã lăn ra đường. Cô lồm cồm ngồi lên, giận dữ hướng về phía người lính, áo hoa rằn ri, đang dựng lại chiếc xe đạp của cô:
_ Đi đứng gì mà kỳ vậy, khi không đụng người ta, bộ không thấy đường sao?
_ Từ đằng sau đụng tới là cô đụng vào xe tôi chứ tôi đâu có đụng cô.
Thi chợt thấy là xe mình đâm vào sau xe người ta thật, nhưng cô vẫn cứ gân cổ lên cãi bướng:
_ Thì…thì tại… ông ….đang đi lại dừng bất chợt làm sao người ta tránh được.
Anh lính bật cười:
_ Đèn đỏ thì tôi phải dừng chứ, không lẽ…Tôi không muốn bị cảnh sát phạt đâu, cô bé ơi. May quá, xe cô bé không bị làm sao hết, tôi đi được chứ?
Không thèm trả lời anh ta, Bảo Thi đứng lên bước về phía xe mình bỗng thấy đau nhói ở chân, nhìn xuống, cô thấy cái quần trắng bị rách một mảng và máu từ đó đang chảy ra ướt đẫm. Lúc nãy lo đôi co, Thi không thấy đau, bây giờ nhìn thấy máu, cô hoảng hốt la lên, rồi ngồi xụp xuống, lấy tay đè lên chỗ bị thương, nước mắt trào ra, cô thút thít khóc.

Ngồi trên xe, người thanh niên định nổ máy, nghe tiếng kêu thất thanh của cô, anh quay lại nhìn và thấy Thi trong tình trạng thảm thương đó, anh lùi xe lại:
_ Sao vậy cô bé?
Ngước lên nhìn anh ta bằng cặp mắt thù hận, sũng nước, Thi gầm gừ:
_ Không sao hết, ông đi đi.
_ Không sao, sao lại khóc? Ôi, chảy máu rồi kìa.
Nói xong anh vội vã dựng xe và đến ngồi bên cạnh Bảo Thi giọng lo lắng:
_ Đưa đây tôi xem nào, có cần đi bác sĩ để băng bó lại không, tôi chở đi.
Bảo Thi cong môi lên:
_ Không cần, cũng tại ông mà tôi ra nông nỗi như thế này, bây giờ lại còn nhân nghĩa nữa à?
_ Tại tôi? Ừ, thôi cũng được, tại tôi. Bây giờ tôi sẽ đền cho cô bé bằng cách đưa em đi bác sĩ để cầm máu vết thương lại, còn nếu không cần, thì cứ ngồi đây cho đến khi nào vết thương bị nhiễm trùng, phải cưa cái chân thì lúc đó tôi không chịu trách nhiệm đâu à nhe. Ôi chao, người đẹp như thế này mà cụt chân thì giống ai nhỉ ?
Nghe nói bị nhiễm trùng phải cưa chân, Bảo Thi hết hồn, nhưng cô vẫn nói cứng;
_Ông đừng có dọa tôi, làm sao mà nhiễm trùng được, nhưng …Ui cha, đau quá…
_ Đã nói rồi, phải đi bác sĩ mà không chịu nghe. Thôi để tôi kêu xe chở cô bé đi nhé.

Bảo Thi không muốn anh ta đụng vào mình, cô cố gắng đứng lên, nhưng vết thương quá đau làm cô lại sụp xuống, anh lính đã nhanh nhẹn đưa tay ra đỡ, Bảo Thi muốn vùng khỏi cánh tay người con trai này nhưng cái đau lại nhói lên, cô đành phải mặc cho anh ta dìu đi. Lần đầu tiên trong đời bị ôm bởi vòng tay người đàn ông lạ, Bảo Thi nghe máu trong người chạy rần rật, cô cảm thấy má mình nóng lên. Cô ráng nhích xa ra, cố tạo một khoảng cách với anh ta nhưng hình như vòng tay ấm áp của người ấy lại càng như gần hơn.
Người lính đỡ Thi lên xe xích lô cùng chiếc xe đạp, anh dặn bác xích lô chạy theo anh đến một phòng mạch tư gần đó:
_ Bác chạy theo cháu, tới đó bác chờ ở ngoài để chở cô bé này về nhà luôn.
Ra khỏi phòng mạch, sau khi nói tên đường nhà mình với bác xích lô, Thi ngồi trên xe quay lại bảo:
_ Cám ơn ông …gì đó….
Người lính cười, nụ cười của anh ta mới thấy đáng ghét làm sao, thế nhưng tim cô lại chao dao vì nụ cười của anh, một nụ cười thật quyến rũ. Bảo Thi sẽ chẳng thể quên được nụ cười này đâu.
_ Bộ tôi già lắm hay sao mà cô bé cứ gọi tôi là ông, mà lại còn là cái ông gì đó nữa chứ. Tên tôi là Ngữ. Tôi chả già hơn cô bé bao nhiêu đâu, gọi bằng ông, tôi tổn thọ chết.
Bảo Thi ngồi im, làm bộ như không nghe thấy lời anh nói, vì cô còn đang lo, hôm nay về nhà quá muộn như thế này, thể nào cũng bị bà Hải, mẹ kế của cô kiếm chuyện la cho xem. Khi bác xích lô cho xe quẹo vào một cái hẻm cụt và ngừng lại trước nhà, thì Thi thấy xe anh cũng quẹo và cũng ngừng theo. Cô còn đang ngạc nhiên chưa kịp hỏi thì Ngữ đã lên tiếng trước:
_Nhà cô bé ở khu này sao?
_Bộ tôi không được phép ở đây à? Mà ông theo tôi làm chi vậy, tôi đã cám ơn ông rồi mà.
_ Sao mà chua ngoa thế, anh hỏi vậy vì anh cũng vừa mới dọn tới nhà ở bên cạnh đây nè. Anh không đi theo cô bé để biết nhà đâu. Đúng là “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ” không ngờ tôi lại có một cô láng giềng xinh đẹp như thế này.

Vừa trả lời, Ngữ vừa phụ bác xích lô đỡ chiếc xe đạp của Bảo Thi xuống. Khi cô đưa tay đón chiếc xe, Ngữ hóm hỉnh nhìn Thi cười. Bây giờ đứng gần anh, cô mới nhận ra khuôn mặt Ngữ rất đàn ông, và cặp mắt của anh thật tình, không lấc cấc ra vẻ người lớn như mấy người bạn trai cùng lớp đang đeo đuổi cô, và nhất là nụ cười, nụ cười thấy ghét của anh làm Thi bối rối. Bảo Thi lúng túng trước cái nhìn của anh, cô cúi xuống lấy chìa khóa trong cặp, mỡ cổng rồi nói mà không nhìn Ngữ:
_ Sao ông không về đi, còn đứng đây làm gì?
_ Tôi muốn dắt dùm cô bé chiếc xe vào nhà, tính tôi đã giúp ai thì giúp cho chót.
_Không cần, ông về đi, tôi làm được.
Bảo Thi cắn răng dắt nhanh chiếc xe đạp vào sân, không quay đầu lại, mặc dù cái chân của cô lại đau nhói lên. Sau lưng cô, Thi nghe tiếng anh cười nhẹ:
_ Khó thế!
Rồi Ngữ hát một bản nhạc rất quen thuộc như để trêu cô: “Cô làng giềng ơi, không biết cô còn nhớ đến tôi…” Bảo Thi lầu bầu:
_ Vô duyên.
Từ ngày biết Ngữ là hàng xóm của mình, Bảo Thi tránh không xuất hiện ở sân trước. Cô không muốn đụng mặt anh, dù trong lòng cô hình ảnh người lính với nụ cười quyến rũ luôn luôn làm cô thấy nhớ nhớ. Anh đã trở về đơn vị từ lâu, căn nhà của anh vắng hẳn tiếng đàn, Thi thấy như thiếu thiếu một cái gì. Tiếng hát trầm ấm của anh vào những buổi chiều nhạt nhòa như thế này, vẫn như còn vang vọng đâu đây:
Cô láng giềng ơi, nay bóng hoa bên thềm đã xa rồi
Chân bước vui trên bờ đường quê, em có hay chăng giờ tôi về.

***

Cơn mưa mỗi lúc một to, một đợt gió mạnh thổi những hạt mưa bay tạt vào hàng hiên của quán cà phê nơi Bảo Thi đang đứng. Cô cố nép mình sát vào tường, hai tay ôm chiếc cặp che trước ngực cho đỡ lạnh và đỡ ướt. Hôm nay Thi lại không mang áo mưa, vì cô thấy trời thật đẹp và nắng to, cô không nghĩ ông trời lại cắc cớ thay đổi ý kiến, mang đến cho thành phố này một cơn mưa khủng khiếp như vậy. Lo lắng nhìn trời, mưa như không muốn ngừng và buổi chiều lại tối thật mau, hai vạt áo dài của Thi đã bắt đầu thấm ướt, chiếc cặp không đủ che chắn những luồng gió, cô cảm thấy lạnh run. Thi dấu mặt sau chiếc cặp mà đang tự trách sao mình chỉ vì lười một tí mà khổ thế này, thì một bóng người đến bên cô và một giọng nói trầm trầm quen thuộc vang lên:

_ Bảo Thi, em đứng đây à, ướt hết rồi, vào quán ngồi đi.
Thi ngẩng nhìn lên, Ngữ đứng đó với nụ cười quyến rũ của anh. Hôm nay anh không mặc đồ lính, trông anh có vẻ thư sinh hơn. Không để ý Bảo Thi đang quan sát mình, anh nắm nhẹ cánh tay Thi, kéo cô vào trong quán. Chắc tại vì quá lạnh nên Thi không có một chút phản kháng nào, cô ríu ríu theo chân anh.
_ Em ngồi xuống đây, uống cái gì nóng cho đỡ lạnh nhe. Cacao được không?
Bảo Thi chỉ biết gật đầu, cô dạ khẽ
Ngữ quay lại nói với người hầu bàn đứng gần đó:
_ Cho một ly sữa cacao nóng.
Trong khi chờ đợi anh ta mang sữa tới, Ngữ khoanh tay ngồi ngắm Thi:
_ Hôm nay em trông giống một con mèo ướt hơn là một con mèo rừng mà anh gặp hôm đầu tiên.
Bảo Thi đỏ mặt vì lời trêu chọc của anh, cô tính trả đũa lại, nhưng vì nghĩ mình đang mang ơn người ta nên cô im lặng, chỉ nhếch mép cười nhẹ, mà trong bụng thì cô đang rủa thầm Ngữ: “Đừng làm phách, anh thử đứng ở ngoài mưa như tui coi, anh sẽ giống con gì, chắc gì anh đã đẹp bằng con mèo ướt này mà chê”
Thấy cô không trả lời, Ngữ cười, anh nháy mắt với cô:
_ Đang rủa anh đấy phải không? Thôi, không trêu em nữa. BảoThi này, ở cạnh nhà em mà sao lần nào về phép, chả bao giờ anh gặp được Bảo Thi cả. Bộ em có phép tàng hình hả?
Cô trợn mắt ngó anh:
_Tàng hình, bộ thời buổi này còn có phép tàng hình sao? Ông ít thấy tôi chỉ vì tôi không có thì giờ cà nhỏng. Tôi bận lắm. Ờ mà sao ông biết tên tôi vậy.
_ Dễ ẹc à, chỉ cần nghe bà dì của em la chói lói hàng ngày, thì cả nước cũng biết nữa là anh. Nhưng Bảo Thi nè, đừng gọi anh bằng ông, làm anh thấy mình già quá, đổi cách xưng hô đi nhe Thi, giọng anh trở nên tha thiết hơn, chúng mình là hàng xóm với nhau mà, coi anh xa lạ vậy anh buồn lắm. Gọi bằng anh đi Thi nhé.
Tránh ánh mắt nồng nàn của anh, cô nhìn lên ngọn đèn ở góc tường, môi cong lại:
_ Không
Một nụ cười thoáng nhẹ trên môi trước câu trả lời bướng bỉnh của cô bé, đẩy ly sữa mà người hầu bàn vừa mang đến về phía cô, anh ân cần:
_ Sữa thì uống chứ, phải không nào,Thi uống đi cho nóng.
Nhìn vẻ nai tơ của cô khi uống từng hớp nhỏ, Ngữ tủm tỉm cười. Bảo Thi ngượng, bỏ ly sữa xuống bàn, cô hỏi:
_ Anh cười cái gì vậy, bộ… mặt tôi tức cười lắm sao?
_ Không, mặt em đẹp lắm, Ngữ vẫn tủm tỉm cười, cái gì cũng đẹp hết, nhìn Thi nãy giờ anh thấy Thi có cặp mắt tròn to giống như mắt của Audrey Hepburn nè, có cái miệng dễ thương của Sandra Dee nè, cái mũi xinh xinh của Romy Schneider và mái tóc man dại của Ursula Andress nữa…
Bảo Thi nghiêng nghiêng cái đầu, cô nhìn Ngữ vẻ mặt không vui, dù Ngữ đang khen cô. Thi ngắt ngang:
_Anh đang tả ai đó? Một giai nhân tuyệt sắc nào vậy? Đừng nói là anh đang tả tôi đó nghe. Tôi biết, tôi biết anh có thích cặp mắt của Audrey, cái mũi của Sandra, cái miệng của Romy hay cái gì gì đó, nhưng cũng xin đừng đem những thứ ấy đặt lên khuôn mặt của tôi. Tôi không thích đâu. Bảo Thi sẽ chỉ là Bảo Thi mà thôi, không là bản sao, hay bản copy của ai hết, cho dù người đó có là tuyệt sắc giai nhân đi chăng nữa.

Rồi không nhìn Ngữ nữa, quay đi, cô lẩm bẩm một mình:
_Bản sao…bản sao là cái quái gì. Tôi chẳng bao giờ ưa là bản sao của bất kỳ ai hết.
Ngữ hơi ngạc nhiên một chút khi thấy cô bé có vẻ giận vì sự nhận xét của mình, nhưng vì trong lúc phản bác lại lời khen của Ngữ, vô tình Thi quên là mình đã gọi Ngữ bằng anh, anh chậm chạp vỗ tay nhè nhẹ:
_ Ừ, thì không là bản sao của ai cả, hình như em…có vẻ dị ứng với hai chữ này thì phải. Nhưng thôi bỏ đi, dù gì thì anh cũng phải hoan hô em một cái vì đã bỏ tiếng ông, gọi anh nghe vẫn hay hơn phải không Thi?
Bảo Thi chợt nhớ ra, cô hơi quê vì bị Ngữ chộp được sự vô tình của mình,vờ như không nghe anh nói, cô nhìn ra ngoài, mưa đã ngớt, mở cặp lấy tiền để lên bàn, Thi nói dỗi:
_ Tôi về, anh ngồi đó với cái bản sao của anh đi. Cám ơn anh đã kéo tôi vào đây, bây giờ anh cho tôi gửi…
Nói xong cô phụng phịu định đứng lên đi nhưng Ngữ đã nhanh hơn, anh chộp lấy bàn tay của cô và giữ lại:
_ Này, đừng làm như vậy chứ cô bé, anh không đãi nổi Bảo Thi một ly sữa sao, trẻ con quá, nóng tính như thế thì mất đẹp đấy, không là bản sao thì thôi, ngồi đó đi Thi, anh xin lỗi.
Vừa nói, anh vừa lấy chỗ tiền để trên bàn đặt vào tay cô, rồi với hai bàn tay của mình, Ngữ úp lấy bàn tay Thi vào giữa, giọng anh tha thiết:
_ Chúng mình còn gặp nhau nhiều, nếu muốn trả lại anh, thiếu gì dịp cho Bảo Thi trả, nhưng cái anh muốn Thi trả không phải là ly sữa đâu, Bảo Thi hiểu không? Ngừng một lúc anh tiếp, Thi nói đúng, Thi không là bản sao của ai hết, trong tim anh Bảo Thi vẫn luôn chỉ là Bảo Thi thôi. Một Bảo Thi với đôi mắt sáng, long lanh như những giọt nắng và những giọt nắng này sẽ tồn tại mãi trong trái tim anh,Thi ạ.
Lời tỏ tình bất ngờ này làm trái tim cô run lên, nó đang đập loạn nhịp rồi, Bảo Thi đỏ mặt, muốn rút tay mình ra khỏi đôi bàn tay ấm áp này, nhưng sao cả người cô cứ tê cứng lại. Cô biết mình đã bị đốn ngã và từ đây Ngữ không chỉ nắm giữ bàn tay cô, mà ngay cả con tim ngang ngược của cô cũng đã bị anh nắm trọn rồi. Ngữ bóp nhẹ tay Thi, anh thì thầm:
_ Đừng giận anh nhe cô bạn nhỏ, chúng mình là láng giềng phải không Thi? Các cụ nói “bán họ hàng xa, mua láng giềng gần”, Anh đã mua được một cô láng giềng rất dễ thương, dễ thương đến chết người đó Thi ơi.
Bảo Thi bối rối, cúi nhìn bàn tay mình nằm gọn trong tay người ta, mà nghe con tim bồi hồi, sai nhịp đập.

***
Ngữ trở lại đơn vị, anh thật vui, không ngờ lần về phép này, anh đã có được một mối duyên kỳ ngộ. Người con gái anh gặp rồi yêu, chắc chắn sẽ không giống Thuỷ Tú, chắc chắn sẽ không làm trái tim anh tổn thương. Nghĩ đến Thuỷ Tú, vị hôn thê cũ của mình, anh thấy chán nản. Phải công tâm mà nói, Thủy Tú là một người con gái rất đẹp, cái sắc đẹp rực rỡ dễ làm siêu lòng người. Cô ta đi đến đâu cũng có cả đám đàn ông vây quanh , nhưng oái ăm thay, cô lại chỉ thích Ngữ. Dù Thủy Tú không phải là đối tượng thuộc tiêu chuẩn anh tìm, nhưng sắc đẹp quyến rũ của cô ta cũng đã làm Ngữ phải đầu hàng. Hai người làm lễ đính hôn ngay khi Ngữ được nghỉ phép nửa tháng, sau ngày làm lễ mãn khóa của trường Võ Bị. Thời gian đó, Ngữ như bơi lội trong cái ảo ảnh của hạnh phúc mà anh tưởng là thật. Rồi khi ra đơn vị, bất cứ lúc nào rảnh rỗi, anh đều dành thời giờ viết thơ về cho Thủy Tú, những lá thơ đầy lời yêu đương mặn nồng. Nhưng những ngày hạnh phúc như vậy không được bao lâu, thư về thành phố thì vẫn ngập tràn lời ân ái, nhưng những lá thư gởi ra đơn vị thì ngày một thưa dần. Đầu tiên Ngữ còn lo lắng cho vị hôn thê của mình, không biết có chuyện gì đã sảy đến với Thủy Tú, dần dà, sau vài lần về phép anh đã hiểu được lý do, anh cay đắng hủy hôn khi biết Thuỷ Tú đã phản bội anh. Cô không thể là người vợ hiền như anh mong muốn. Cô chỉ là một người đàn bà đẹp để mọi người đàn ông chiêm ngưỡng mà thôi. Anh trả Tú về với thế giới của cô, chấm dứt một cuộc tình đầy ảo tưởng.Với Ngữ, dù không tha thiết mặn nồng lắm với Thủy Tú, nhưng anh cũng cảm thấy chua xót vì bị cô lừa dối. Sau khi chia tay với vị hôn thê cũ, Ngữ không còn tin tưởng vào một người con gái nào. Yêu đương với anh, tất cả chỉ là chuyện qua đường. Anh tự nhủ với chính mình sẽ không để bị ràng buộc với bất cứ cô gái nào cả, thế mà hôm nay hình ảnh của một cô bé với đôi mắt trong, sáng như hai giọt nắng, có kiểu nói ngổ ngáo, bất cần đã làm trái tim anh phải chùng xuống. Anh đã nhớ đến cô rất nhiều, anh nhớ cái môi cong cong của cô, đôi môi mới mềm và ngọt làm sao!

Nghĩ tới Bảo Thi, Ngữ lại nghĩ tới bài hát Cô Láng Giềng, anh cất tiếng hát nho nhỏ:
Tôi mơ trời Xuân bao tươi thắm, Đôi mắt trong đen mầu hạt huyền
Làn tóc mây chiều cùng gió ngàn dâng sóng, xao xuyến nỗi niềm riêng.

***
Thi đã từng kể cho Ngữ nghe về cuộc sống của mình. Mẹ cô mất sớm, ba cũng bỏ cô mà đi sau vài năm bước thêm bước nữa với người đàn bà mang một dung nhan có nhiều nét giống mẹ của cô, nhưng tính tình thì khác hẳn.Bởi vậy Bảo Thi luôn luôn ghét những sự so sánh vì người dì ghẻ, bà Hải là một bản sao không hoàn hảo của mẹ cô. Ở với người dì ghẻ mà lúc nào cũng coi cô như một cái gai trước mắt, cuộc đời Bảo Thi thật chẳng dễ chịu chút nào. Cô cũng được nghe tâm sự của anh về một cuộc tình bất hạnh.Thi tự hứa với lòng sẽ cố gắng mang hạnh phúc đến cho anh để bù đắp những nỗi khổ đau mà anh đã chịu.

Những ngày tháng bên anh, cô vui biết bao. Cô nhớ lại lần đầu tiên đi chơi với anh, bên một bờ sông vắng, Bảo Thi đã đón nhận nụ hôn đầu đời trong vòng tay ấm áp của Ngữ. Cô bỡ ngỡ, vụng về áp môi mình vào bờ môi nồng nàn, tham lam và đầy đam mê của anh để sau đó nghe anh trêu:
_ Bảo Thi hôn anh giống như hôn em bé vậy, đây này phải hôn như vầy nè.

Và Ngữ cúi xuống, anh say sưa ngậm lấy bờ môi con gái đang hé mở như chờ đợi của Thi, mà nghe tim Thi đập rộn rã trong lồng ngực bé nhỏ của cô.Tình yêu là thế đấy và cảm giác yêu và được yêu mới tuyệt vời làm sao. Bảo Thi đã từng có những người con trai theo đuổi mình, nhưng cô thật dửng dưng trước tình cảm họ dâng hiến cho cô. Thế mà riêng với Ngữ, cô lại thấy lòng mình, nao nao, xao xuyến trước nụ cười của anh, để rồi cô chấp nhận hình ảnh anh, mãi mãi ngự trị trong trái tim bé bỏng của mình. Khi yêu,Thi đã biết thế nào là đam mê,là nồng cháy và khi xa anh cô đã hiểu thế nào là nhung nhớ, là lo âu.

Những lần Ngữ về phép là những ngày hạnh phúc nhất của Thi. Đường phố Saigon lại được dịp đón những bước chân đầy đam mê của hai người yêu nhau:
_ Hôm nay Bảo Thi muốn đi đâu, cho Bảo Thi chọn đó.
Thi nhí nhảnh nhìn người yêu, cô nháy một mắt:
_ Đi uống nước mía Viễn Đông, rồi ăn phá lấu, xong mình đi bến tàu hóng gió, được không anh?
_ Hai mục đầu còn chấp nhận được chứ cái mục ra bến tàu hóng gió coi bộ …nhà quê quá.
_ Chứ ăn xong thì mình đi đâu?
_ Đi ciné, ở Lê Lợi có Verte Demeure, Anthony Perkin và Audrey Hepburn đóng, tài tử mà em thích đó, đi nhe.
Bảo Thi nghiêng đầu nhìn Ngữ, ánh mắt cô đầy vẻ cảnh giác:
_ Anh không thích xem phim sao lại rủ em đi ciné, có âm mưu đen tối gì không đó, nhìn cái mặt anh thấy gian gian làm sao ấy.
Ngữ bật cười lớn:
_ Sao lại bảo mặt anh gian gian, tại anh thấy em thích Audrey nên rủ em thôi…
_ Nghi anh quá…Chứ không phải…
_ Phải cái gì…
Bảo Thi đỏ mặt:
_ Ai mà biết…
Vẫn giữ nụ cười trên môi, anh nâng mặt cô lên:
_Chứ không phải sợ bị anh hôn hả? Cặp môi cong cong dễ thương như thế này mà không hôn thì uổng quá.

Rồi ngày vui qua mau, Ngữ trở lại đơn vị để lại cho Thi một khung trời trống vắng vô bờ.Ngày qua ngày những bức thư tình tha thiết nhất của Ngữ đến với Thi làm cô thấy nhớ anh thật nhiều. Tình hình chiến sự ngày càng sôi động, trên các mặt báo đầy rẫy những hình ảnh của một chiến trường khốc liệt làm tê tái trái tim người dân thành phố. Đêm đêm hỏa châu hình như rơi nhiều hơn và tiếng súng từ xa vọng về nghe cũng dồn dập hơn. Những lá thư từ chiến trường gửi về lại thưa thớt dần mặc dù thư từ thành phố gửi ra vùng hỏa tuyến vẫn nồng nàn, đầy ắp yêu thương. Như mọi người tình của lính, Bảo Thi cũng bồn chồn, lo lắng cho người yêu. Mỗi khi đi đường, nhìn thấy bóng một chiếc xe GMC chở cỗ quan tài phủ cờ và hình ảnh người góa phụ trong tang phục màu trắng, gục đầu bên xác chồng là cô lại thấy sợ, thấy lo cho Ngữ. Đưa tay làm dấu thánh giá, cô thầm cầu xin ơn trên ban phước lành cho Ngữ của cô bình an nơi sa trường, trong vùng lửa đạn, mịt mù khói súng.

Đã ba tháng rồi, Bảo Thi không nhận được một hồi âm nào của Ngữ. Lo quá, cô muốn tìm chị Tư, người làm của Ngữ, để hỏi thăm cũng không thấy bóng chị đâu, cánh cửa nhà Ngữ vẫn cứ đóng im lìm, cho tới một hôm, có một gia đình lạ dọn đến căn nhà của anh, còn anh thì như bóng chim, tăm cá. Và rồi cuối cùng Bảo Thi cũng biết được tin Ngữ đã mất tích trong một trận đụng độ lớn ở Quảng Trị. Thế là hết, Ngữ đã xa cô, xa cô thật rồi. Bảo Thi không còn có can đảm ở lại một nơi đầy ắp kỷ niệm về anh, về mối tình đầu một thời thơ mộng. Cô tìm lên miền cao nguyên heo hút với vú Tùng và sống cùng cái dĩ vãng êm đềm của một cuộc tình dang dở và gìờ đây, dĩ vãng ấy cứ mãi xé nát trái tim bé bỏng của Thi, để cô thấy nhớ anh da diết, một nỗi nhớ cháy lòng:
_Ngữ ơi, anh đâu rồi?
***
_ Bảo Thi
Tiếng gọi của người thanh niên mới tới, đã kéo cô về thực tại
_ Anh Tạ, đi đâu mà lạc xuống đây thế?
Tạ dắt chiếc xe đạp xuống dốc, dựng ở một gốc xoài gần đó, xong anh đến bên cạnh Bảo Thi:
_ Anh xuống đây để phụ Thi xấy trà cho vú Tùng. Anh thấy Thi mệt lắm rồi, mồ hôi ra đầy mặt kìa.
Tạ đưa tay định lau những giọt mồ hôi trên trán Thi, nhưng cô nghiêng đầu tránh:
_ Tôi xấy xong rồi, tính đi lên thì anh lại xuống, uổng công anh không, mời anh lên nhà trên uống trà, tôi đi rửa tay xong sẽ lên ngay. À ngày mai có buổi họp trên văn phòng hiệu trưởng, không biết Trung Thu này trường mình có tổ chức gì không, anh Tạ nhỉ?

Tạ nhìn theo cô, anh không trả lời vì anh biết cô hỏi chỉ để có chuyện thôi, chứ cô chả bao giờ chú tâm khi nói chuyện với anh cả. Không hiểu sao anh vẫn thấy thích cô, không, phải nói là say mê thì đúng hơn. Ngày nào không gặp cô, anh thấy bứt rứt, khó chịu như người nghiện thiếu thuốc, mà chỉ có Thi mới là liều thần dược cho trái tim anh thôi. Nụ cười của Thi và nhất là đôi mắt, nó mới long lanh làm sao, anh như chết chìm trong ánh nhìn đó. Không chỉ mình anh là người theo đuổi Bảo Thi, bên cạnh anh cũng còn những người khác, kể cả những người đã có gia đình rồi cũng vẫn thầm mê cô. Nhưng anh thấy, dù ngọt ngào, dù tươi cười với mọi người nhưng tim cô hình như được đúc bằng đá, cô dửng dưng đến lạnh lùng với tất cả tình cảm quanh mình.

Cầm tách trà Bảo Thi vừa rót, Tạ đưa lên mũi:
_ Trà thơm quá, trời hơi lành lạnh uống nóng như thế này mới đã. À Bảo Thi này, nếu trường mình có tổ chức trình diễn văn nghệ, Bảo Thi có tham gia không?
Thi cười:
_ Anh đùa hoài, tôi biết gì mà tham gia với chẳng tham dô.
_ Nghe các em nói cô giáo Bảo Thi hát hay lắm cơ mà.
_ Hát trong lớp cho các em nghe vui thôi, chứ trình diễn chỗ đông người tôi nhát lắm, vả lại hét thì được chứ tôi mà hát cái gì.
_Tại sao cứ khiêm nhường thế, có tài thì cũng phải cho thiên hạ thưởng thức với chứ. Bảo Thi ghi tên tham dự, anh biết đàn, anh sẽ tập cho Thi, đừng lo.
_ Cám ơn anh, tôi đã nói không được là không được, anh đừng nhắc lại nữa nhé, tôi giận đấy.
Tạ biết Thi không thích nên anh cũng không nhắc nữa. Yên lặng một lúc, anh chuyển đề tài.

_ Hình như năm nay Bảo Thi hai mươi mốt tuổi phải không?
_ Không, tôi vừa chẵn hai mươi. Anh nói tôi hai mươi mốt chắc tôi già lắm nhỉ?
_Không, không phải thế, Tạ luống cuống đính chánh, tại anh nhớ hình như có ai nói năm ngoái Thi hai mươi, nên anh mới hỏi vậy thôi, chứ Thi còn trẻ và đẹp lắm. Biết bao nhiêu cậu mê đấy thôi. Chừng nào thì Thi cho tụi anh uống rượu đây?
_ Chả có rượu gì mà mời các anh cả. Muốn uống thì ra quán, thiếu gì.
_ Ra quán thì nói làm gì, ý anh nói là rượu mừng cơ. À, có chuyện này anh hỏi, nếu thấy trả lời được thì trả lời, còn không thì cứ im lặng, nhưng đừng giận anh nhe.
_ Chuyện gì mà anh phải rào trước, đón sau thế, cứ hỏi đi, tôi chả giận đâu. Cứ như anh nói đấy, thích thì trả lời, không thì thôi, có gì mà giận. Hỏi đi.
_ À…Nghe nói Bảo Thi có một chuyện tình buồn lắm phải không? Anh ấy đâu rồi?
Chống hai tay dưới cằm, Bảo Thi đưa ánh mắt buồn rời rợi nhìn ra xa, giọng cô chùng xuống:
_ Vâng, buồn lắm. Anh ấy bây giờ ở đâu tôi cũng không biết nữa, nhưng tôi có thể nói với anh là tôi không bao giờ quên được anh ấy và tôi sẽ chờ anh ấy trở về. Anh Tạ này, đã nhiều lần anh thắc mắc sao tôi không chịu lập gia đình, thì đấy là lý do. Tôi sẽ chỉ lấy chồng khi người con trai đó chính là anh ấy, vì thế tôi vẫn đợi và tôi tin tôi sẽ gặp lại anh ấy một ngày rất gần đây, anh Tạ ạ.
Nghe Bảo Thi nói, nỗi thất vọng hiện rõ trên khuôn mặt của Tạ, anh cố nén tiếng thở dài:
_ Anh chúc cho niềm mơ ước của Thi thành sự thật.
Nghe Tạ chúc, ánh mắt Bảo Thi trở nên xa xăm hơn
_Vâng, cám ơn anh, hy vọng lời chúc của anh sẽ thành hiện thực.

Thật ra có đôi khi Bảo Thi cũng thấy Tạ rất đáng mến, nếu chưa yêu ai chắc Thi cũng sẽ chọn anh. Nhưng tiếc rằng trái tim của Bảo Thi đã trót trao về một người, một người lính mà cô không thể quên, bây giờ anh đang ở đâu, hả Ngữ?

***

Đứng trước một biệt thự có cái cổng xanh và giàn hoa giấy trắng, Bảo Thi cầm tờ giấy ghi địa chỉ, đọc lại một lượt nữa, cô lẩm bẩm:
_Đúng cái nhà này rồi.
Cô ghé mắt qua khe cổng, bên trong khoảng vườn rộng rãi không có một bóng người. Thi đang đưa mắt tìm cái chuông để bấm, thì bất chợt âm điệu trầm trầm của một giọng hát thân yêu quen thuộc hòa với tiếng đàn guitar, vang ra từ trong nhà, Bão Thi sững người lại, tim cô chợt nhói đau.
Cô láng giềng ơi, tuy cách xa phương trời tôi không hề
Quên bóng ai bên bờ đường quê, đôi mắt đăm đăm chờ tôi về…
Phải tựa người vào bờ tường Bảo Thi mới giữ cho mình không phải té sụp xuống, hai tay ôm lấy ngực, cô nhắm mắt lại với những dòng nước mắt tuôn trào:
_ Ngữ ơi, phải anh không, anh còn sống sao, bài hát này, giọng ca này làm sao em quên hả Ngữ?
Mừng rỡ tận cùng, Thi để mặc cho lòng mình trôi theo tiếng hát.
_ Cô Bảo Thi?
Nghe gọi tên, giật mình Thi mở choàng mắt, cô nhận ra ngay chị Tư, người làm của nhà Ngữ. Cùng lúc ấy chị Tư cũng reo lên:
_ Đúng là cô Bảo Thi rồi? Trời ơi, đi đâu mà giờ mới gặp được cô. Ủa sao cô biết tụi tôi ở đây mà kiếm?
Nghe chị Tư hỏi, Bảo Thi nắm bàn tay chị Tư, nghẹn ngào:
_ Chị Tư, em cũng không ngờ gặp chị ở đây, mừng quá. Hồi đó nghe tin anh Ngữ bị mất tích, em buồn quá chịu không nổi, nên mới bỏ lên trên này, tưởng không bao giờ còn gặp lại anh ấy nữa. Lúc nãy đứng ở cổng em nghe tiếng anh ấy hát, em đã sững người ra, lạy Chúa, không ngờ anh Ngữ vẫn còn đây. Thật tình em không hề biết đây là nhà của anh Ngữ, có người giới thiệu em tới đây mua xe cũ. Ai dè, trời thương còn cho em gặp lại anh ấy.Anh Ngữ có khỏe không chị? Anh ấy không sao chứ? Vẫn còn nghỉ phép ở nhà chưa ra đơn vị sao chị?
Chị Tư nhìn Thi lắc đầu, giọng chị thật buồn:
_ Khỏe gì mà khỏe, không ở nhà thì ở đâu, quân đội nào chứa người mù…
_ Người mù, Bảo Thi thất thanh, mù, mà ai mù?
_ Câu Ngữ chứ ai.
Câu trả lời của chị Tư làm Thi như chết đứng tại chỗ, cô lắp bắp:
_ Tại… tại sao anh ấy lại bị mù. Chị nói đi chị Tư, sao Ngữ lại bị mù hả chị?
Bảo Thi lắc mạnh tay chị trong dòng nước mắt tràn trề. giọng cô nghẹn lại:
_ Chị kể cho em nghe đi tại sao Ngữ lại bị mù, chị Tư?
_ Nghe đâu lúc đi hành quân, cậu ấy lao vào đám nhà cháy vì bị pháo kích, để cứu dân. Bị bỏng khắp người nhưng nhẹ thôi, đã khỏi, khốn nỗi con mắt lại bị mù. Chị chỉ biết thế thôi. Sau khi bị mù, cậu ấy dấu mọi người rồi phao tin là bị mất tích. Cậu Ngữ có nhờ chị đi tìm em, gặp dì em, bả nói em đi theo người ta rồi, cậu chủ buồn lắm, bỏ Saigon về ở đây luôn. Em có muốn vào thăm cậu ấy không, chị đưa vào.

Bảo Thi nhìn chị gật đầu lia lịa, cô nói:
_ Muốn, muốn chứ, em muốn gặp anh ấy ngay chị ơi.
Chị Tư vừa mở cổng vào thì nghe tiếng Ngữ từ trong nhà vọng ra:
_ Chị Tư hả? Sao bữa nay đi chợ lâu vậy?
_ Dạ. tui đây. Bữa nay trễ vì…
Bảo Thi đưa tay lên ra dấu cho chị đừng nói gì về cô. Vừa lúc đó cô nghe tiếng gậy khua trên sàn nhà và Ngữ xuất hiện giữa khung cửa. Bất chợt trông thấy anh, cả người Thi như đông cứng lại, cô buột miệng kêu một tiếng “Á”. Ngữ nghiêng nghiêng cái đầu lắng nghe rồi anh hỏi:
_ Cái gì vậy chị Tư, ai đó?
Nhìn về phía Bảo Thi lúc đó, hai tay đang bịt miệng để ngăn tiếng khóc, chị Tư thấy thương cô vô cùng, chị lấp liếm:
_ Có ai đâu…tôi sơ ý bị vấp chân thôi mà, ui da, đau quá. Mà cậu dô nhà đi, cần gì nói tôi lấy cho, ngồi ngoài này nắng lắm.
_ Ngồi trong nhà mãi cũng chán, tôi muốn ra đây sưởi chút nắng. Ờ, nhưng mà ở đâu cũng vậy thôi, mù còn thấy gì nữa mà chọn.

Bảo Thi nãy giờ cứ đứng như trời trồng, nhìn thấy Ngữ như thế, lại nghe những lời yếm thế của anh, lòng cô như muối sát, cô muốn chạy đến gần để ôm lấy anh, để hôn lên đôi mắt vô hồn kia, hôn lên khuôn mặt thân yêu kia, khuôn mặt mà ngày đêm cô khao khát, thế nhưng sao cô không làm nổi, cô cứ đứng đấy mà nhìn Ngữ, mà nghẹn ngào. Thấy vậy, chị Tư nhè nhẹ kéo cô vòng qua bên hông nhà để ra sau bếp.Chị thì thầm:
_ Cậu ấy thính tai lắm, cô đứng đó mà khóc là cậu ấy nghe thấy ngay. Ờ, mà sao cô không cho cậu ấy biết là cô đến thăm?
_ Không được đâu, em sợ anh ấy còn giận em, nếu ảnh biết em ở đây, ảnh giận lên có hại cho sức khỏe. Em phải làm sao đây chị Tư.
_ Tôi không nghĩ vậy đâu. Lúc đầu thì có giận thiệt, ai mà không giận, bồ mình theo người khác, không giận mới là lạ đó, nhưng sau này, tôi thường nghe cậu gọi tên cô, gọi tha thiết lắm kìa. Nhiều lúc thấy cậu vừa đàn, vừa khóc. Đàn cái bản mà có cái câu in như là cô láng giềng ơi gì đó, ngày nào cũng đàn bản đó, không biết chán.

Nước mắt Thi lại trào ra, bài hát này Ngữ hát không biết bao nhiêu lần cho cô nghe rồi, không những vậy anh còn đổi lời bài hát để trêu cô: “Cô láng giềng ơi, tuy cách xa “ bức tường”tôi không hề, quên bóng ai bên bờ “tường kia” Đôi mắt đăm đăm “nhìn tôi hoài”. Mỗi lần như vậy, Thi lại cong môi lên phản đối:
_ Nghèo mà ham, ai thèm nhìn anh, cứ đổi lời bài hát của người ta đi, có ngày bị kiện cho mà xem.
Bây giờ cô ở đây, rất gần anh mà sao đến bên anh lại khó thế: “Ngữ ơi, em phải làm sao để anh đừng giận em nữa, hả Ngữ?”
_ Chị Tư ơi, đưa dùm tôi cây đàn
Tiếng Ngữ từ trước nhà vọng xuống, Chị Tư đưa mắt nhìn Bảo Thi rồi ra dấu cho cô đi theo mình. Cầm cây đàn, chị trao cho Thi:
_ Cô lên đưa cho cậu ấy đi. Không sao đâu, đừng sợ, tôi bảo đảm cậu ấy còn yêu cô nhiều lắm, lên đi.

Bảo Thi đỡ lấy cây đàn, cô nhìn lên nhà trên rồi nhìn chị Tư, chị cười đưa tay đẩy nhẹ vào lưng cô. Bảo Thi chầm chậm bước lên nhà trên, từng bước, từng bước thật chậm, cuối cùng rồi cô cũng đứng trước mặt Ngữ. Vẫn giữ cây đàn trong tay, cô quan sát anh. Ngữ gầy hơn trước, một vài cái thẹo nhỏ nằm ở dưới cằm và đám râu mọc lởm chởm trên mặt vẫn không làm mất đi vẻ đẹp của anh. Cặp mắt đã bị che bởi đôi kính đen nên Bảo Thi khó đoán được anh đang nghĩ gì. Đứng trước mặt anh, cô hiểu cô vẫn còn yêu anh nhiều lắm, yêu thật nhiều dù bây giờ anh chỉ là một người tàn tật. Cắn môi lại để ngăn tiếng nức nở, nhưng nước mắt Thi lại trào ra, rơi xuống trên mặt đàn. Chỉ là tiếng động của một giọt nước mắt nhỏ xuống mặt đàn, Ngữ cũng nghe thấy rõ, anh hỏi:
_ Chị Tư hả, đàn tôi đâu?
Nghe vậy, Bảo Thi vội vàng đưa cây đàn cho anh. Cầm lấy cây đàn, vừa so phím, anh vừa cười, vẫn nụ cười quyến rũ đó:
_ Chị Tư này, hôm nay sao chị tiết kiệm lời nói thế?
Chợt anh ngừng tay, nét mặt cau lại, anh sẵng giọng:
_ Tôi đã nói chị bao nhiêu lần, đừng để nước dính vào đàn, hư rồi làm sao tôi mua được cái đàn khác. Chị có hiểu không, thật bực mình.
Bảo Thi chợt buột miệng:
_ Em xin lỗi.
Tiếng Thi vừa vang lên, Ngữ đang lau đàn, anh giật bắn người lên, đứng bật dậy, cây đàn tuột xuống chân:
_ Ai, ai nói đấy?
Nghe Ngữ hỏi, sợ quá, Bảo Thi nín thinh. Ngữ không nghe tiếng trả lời, anh lại quát lên:
_ Ai, Tôi hỏi ai vừa nói câu xin lỗi. Ai, nói đi. Ai… Ai.
_ Là…là em, là Bảo Thi.
Ngữ lặng người, một lúc sau với giọng run run anh nói:
_ Còn tìm tôi làm gì, bây giờ tôi chả còn gì để cho mấy người cả. Hãy đi đi.
Bảo Thi đã lấy lại được bình tĩnh, cô bước lại gần anh hơn, giọng vẫn còn sũng nước:
_ Em không đi vì anh vẫn còn, anh còn tình yêu dành cho em, cho cô bé láng giềng ngày xưa.
Ngữ nhếch mép lên cười, một nụ cười chua chát, đau khổ, không phải nụ cười quyến rũ lúc nãy, anh cay đắng:
_ Cô bé láng giềng ngày xưa, hừ, cô ấy đã chết rồi.

_ Cô ấy chưa chết, cô ấy vẫn còn sống, vẫn còn yêu anh, và yêu thật nhiều như ngày đầu. Ngữ ơi, đừng dối lòng mình, đừng xua đuổi em nữa, em không có tội gì khi quyết định bỏ đi xa.Anh có hiểu không, khi nghe tin anh mất tích, em như chết cả cõi lòng. Em làm sao có thể sống được khi thiếu vắng anh. Mỗi lần nhìn sang nhà anh, căn nhà đã có gia đình khác đến ở đấy, em đã khóc không biết bao nhiêu lần khi biết anh không còn ở nơi đó nữa. Chỉ còn một cách là bỏ đi thật xa để sống với những kỷ niệm về anh, mà không bị quấy rối bởi những lời cay nghiệt của dì. Anh cũng biết dì không thương em nên dì có thể nói những điều không tốt cho em. Anh có thể nghe những điều dì em nói, nhưng anh không thể không tin em. Ngữ ơi, đây không phải lúc để mình trách móc nhau, mà em chỉ muốn anh hiểu một điều là em vẫn yêu anh,em vẫn trọn vẹn là của anh như ngày xưa và sẽ yêu anh mãi mãi, dù anh như thế nào, Ngữ ạ!

Ngữ đứng im, Bảo Thi quỳ xuống bên anh, nắm bàn tay của một thời thương nhớ, giọng nghẹn ngào, cô tha thiết:
_ Ngữ ơi, mọi chuyện không phải như anh đã nghe, đừng giận em, đừng đuổi em đi. Anh có đuổi em cũng không đi đâu, em sẽ ở lại đây với anh mãi mãi.
Giọng Ngữ phẫn nộ, vô cảm:
_Ở lại làm gì, để nhìn thấy thằng mù mà thương hại nó sao?
Rồi anh rút mạnh tay mình ra khỏi tay Thi, tàn bạo, anh đẩy cô ngã ngửa và hét lên:
_ Đi đi, đi ra khỏi đây ngay, tôi không cần sự thương hại của ai hết, tôi mù nhưng tôi không cần ai thương hại cả, nghe rõ chưa. Em đi đi.
Lúc này trông Ngữ thật thảm hại, anh như cái cây bị đốn sắp đổ gục, anh rên rỉ:
_ Đi đi, đi ngay đi, tôi không muốn gặp em nữa, em có biết không?
_ Ngữ ơi…
_ Đi ngay, Ngữ gầm lên, tôi bảo em đi ngay, đi đi, đi khuất mắt tôi đi.
_ Vâng ….em đi….

Nhưng Bảo Thi không đi, cô vẫn đứng đó, với những dòng nước mắt âm thầm chảy, Thi cố nén tiếng khóc lại để Ngữ tưởng cô đã rời đi, mà lòng cô tan nát. Một lúc sau Ngữ nghe ngóng, không thấy tiếng khóc của Thi, anh bước về phía trước, hai tay chới với, quơ cào trong không khí, giọng thảng thốt:
_ Thi ơi, Bảo Thi ơi, em đâu rồi, em bỏ anh thật sao?
Tiếng khóc bị nén lại, chợt òa ra, Thi chạy lại phía sau Ngữ, cô ôm anh thật chặt, đầu tựa vào lưng anh, cô nức nở:
_ Ngữ ơi, em đây, em không đi đâu cả, em sẽ ở lại bên anh, mãi mãi bên anh, em yêu anh mà. Anh có biết khi xa anh, em khổ như thế nào không, em nhớ anh như thế nào không, Ngữ ơi, đừng vì tự ái mà đuổi em nữa. Em biết anh mù chứ, nhưng rồi sao, em vẫn yêu anh, vẫn mãi mãi yêu anh. Đừng tự làm khổ mình và làm khổ em nữa. Hãy để cho em được ở bên anh, được làm cặp mắt thay anh, nhe Ngữ.

Ngữ đứng bất động, hai dòng nước mắt chảy ra từ con mắt vô hồn của anh. Những lời nói chân tình của Thi đã làm trái tim anh tưởng như đã đóng băng, đã hóa đá từ lâu nay tan chảy không ngờ. Ngữ nhẹ gỡ vòng tay của Thi ra, anh quay người lại, hai bàn tay quờ quạng tìm tới khuôn mặt Thi. Đưa tay vuốt nhẹ đôi má gầy gò của cô, anh từ từ cúi xuống, ôm chặt Thi vào lòng, anh mơn man bờ môi khô héo của cô bằng đôi môi mình. Bảo Thi run rẩy trong vòng tay Ngữ, cô nhắm mắt lại tận hưởng vị ngọt của đôi môi anh như nụ hôn lần đầu. Những giọt nước mắt lại chảy xuống, nhưng đây là những giọt nước mắt của tình yêu vừa tìm lại… Bảo Thi thấy mình như tan biến đi trong niềm hạnh phúc bất ngờ. Ôm chặt lấy Ngữ, cô kiễng chân lên đáp trả nụ hôn tham lam, cuồng nhiệt của anh bằng tất cả sự nồng nàn, cháy bỏng của mình.

Ngoài vườn, mùa Thu đang về, và làn gió như đang thì thầm cùng những cánh bướm muôn màu, những cành lá vàng rực rỡ trên cây, những đóa hồng kiêu sa dưới nắng và những bụi cúc đầy màu sắc. Gió nói rằng, hạnh phúc đang tràn ngập khắp nơi, và tình yêu đã trở về với những người yêu nhau.

Ngồi dưới bếp, nghe tiếng cười sảng khoái, yêu đời của Ngữ từ nhà trên vọng xuống, chị Tư đưa tay lau nước mắt rồi cười một mình. Đã lâu lắm rồi chị mới thấy Ngữ vui như thế, cười to như thế, lòng chị cũng vui lây.

Trong vòng tay ấm áp của Ngữ, tựa đầu bên vai anh, Bảo Thi nhắm mắt lại nghe anh hát. Bản nhạc Cô Láng Giềng vang lên bằng những nốt nhạc thật hạnh phúc, thật nồng nàn:


Hôm nay trời Xuân bao tươi thắm
Dừng gót phiêu du về thăm nhà
Chân bước trên đường đầy hoa đào rơi
Tôi đã hình dung nét ai đang cười…

Tường Thúy
Tucson- AZ-2013