Thứ Bảy, 3 tháng 5, 2014

Nhân Vật Lịch Sử : Trần Bình Trọng

 
"Thà làm Quỉ nước Nam còn hơn làm Vương đất Bắc"
      Trần Bình Trọng gốc người họ Lê, dòng dõi của Lê Hoàn, nguyên quán là làng Bảo Thái, huyện Thanh Liêm, nay thuộc tỉnh Hà Nam nhưng sinh trưởng tại kinh thành Thăng Long. Ông và cha đều làm quan cho nhà Trần, do có nhiều công lao nên được lấy theo họ Trần. Bản thân Trần Bình Trọng vì là con nhà gia thế lại rất giỏi võ nghệ nên được phong làm tướng và được kết hôn với Công Chúa Thụy Bảo (con gái của Hoàng Đế Trần Thánh Tông), tước Bảo Nghĩa Hầu, khi mất được truy phong là Bảo Nghĩa Vương.

      Trần Bình Trọng sinh năm kỷ mùi (1259), quê ở xã Bảo Thái, nay thuộc huyện Thanh Liêm tỉnh Hà Nam, nguyên là dòng giỏi Lê Đại Hành, nhưng vì ông nội có công dưới triều vua Trần Thái Tông, nên được phong quốc tích, mang họ vua. Bình Trọng mặt đẹp như ngọc, mắt sáng như sao, từ nhỏ đã theo võ nghiệp, sức mạnh siêu quần, không ai địch nổi. Năm mười bốn tuổi theo cha đi săn, từng đánh chết hổ ở núi Tản Viên. Ngài lại giỏi cả binh thư, lầu thông kinh sử, ngày sau có cơ trở thành cây cột chống trời. Gia đình mấy đời làm đại tướng.
      Tháng 1 năm 1285, 50 vạn quân Nguyên-Mông do Trấn Nam Vương Thoát Hoan, con trai của Hoàng đế nhà Nguyên Hốt Tất Liệt , cầm đầu chia quân làm hai cánh tấn công xâm lược Đại Việt lần thứ hai. Quân Nguyên Mông là đạo quân cực kỳ thiện chiến, nhanh chóng chiếm ưu thế tuyệt đối trước quân Đại Việt, ít hơn và không quen chiến trận. Sau thất bại trong vài trận đánh mở màn, tổng tư lệnh quân Đại Việt, Quốc công tiết chế Hưng Đạo Vương quyết định lui quân về giữ Vạn Kiếp (nay thuộc vùng vạn Yên, Chí Linh, Hải Dương). Sau đó, quân Đại Việt lui về Thăng Long , nhưng cũng không giữ được trước sức tấn công ồ ạt của quân Nguyên.
      Hưng Đạo Vương quyết định rút khỏi Thăng Long, lui về Thiên Trường (nay là tỉnh Nam Định ). Tháng 2-1285 Trần Bình Trọng được Hưng Đạo Vương và hai vua Trần giao cho một nhiệm vụ nặng nề: giữ vùng Đà Mạc - Thiên Mạc (nay là vùng giáp giới giữa hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương), ngăn chặn và cầm chân quân Nguyên, đảm bảo cho toàn quân rút lui an toàn và bí mật, không để lại dấu vết.
      Tướng Nguyên là Thoát Hoan đặc biệt ưu tiên cho cánh quân truy đuổi này với hai đạo cả thủy lẫn bộ đều do những tướng giỏi, hữu thừa Khoan Triệt và tả thừa Lý Hằng cùng Ô Mã Nhi, chỉ huy, đều dùng quân khinh kỵ và thuyền nhẹ để truy đuổi bằng được hai vua Trần.
      Trần Bình Trọng đã tổ chức cuộc đánh chặn ngay tại bãi Thiên Mạc. Do sự chênh lệch quá lớn về quân số, Trần Bình Trọng bị bắt, nhưng trận đánh là một thắng lợi cực kỳ quan trọng về mặt chiến lược với cuộc kháng chiến khi kể từ đó, quân Nguyên hoàn toàn mất dấu bộ chỉ huy kháng chiến.

      Khi Trần Bình Trọng bị bắt, Lý Hằng sai giải lại cho Thoát Hoan. Hoan thấy Bình Trọng người cao lớn, dáng đi hùng dũng, nét mặt đường hoàng, không có chút gì là sợ sệt thì biết không phải là tướng thường, nên muốn khuyên dỗ về hàng. Liền tiếp đãi rất tử tế, mời ăn uống hẳn hoi. Nhưng Bình Trọng không ăn. Hỏi đến việc nước, Bình Trọng cũng không nói. Sau Hoan lại hỏi:
- Tướng quân có muốn làm vương đất Bắc không?

Bình Trọng trả lời:

- Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc. Nay ta đã bị bắt thì chỉ có chết là cùng, can gì phải hỏi lôi thôi.

      Thoát Hoan không thuyết phục nổi Trần Bình Trọng hàng, nhưng vì có ý mến phục, cũng không lỡ giết, cho giải theo quân. Được mấy hôm lại sợ Bình Trọng trốn mất, mới sai mang ra chém. Rồi ra lệnh cho mai táng chôn cất tử tế theo tục lệ Trung Hoa , dùng lễ nghi dành cho thượng tướng quân. Nhưng đến lúc y điên loạn thì lại sai quật mả lên. Trần Bình Trọng bấy giờ mới có 26 tuổi. 
      Ông đã để lại một câu nói nổi tiếng nhất trong lịch sử chống xâm lăng cũng như lịch sử Việt Nam nói chung, trở thành một trong những biểu tượng của tinh thần yêu nước của dân tộc Việt :

Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc. Ta đã bị bắt thì có một chết mà thôi, can gì mà phải hỏi lôi thôi"

 Huỳnh Hữu Đức Biên Soạn

Anh Đi Rồi



Anh đi rồi sương mù vây giăng kín
Gió hiu hiu buồn thổn thức thâu đêm
Lá thu  phong vàng úa rụng bên thềm
Như đồng cảm một nỗi sầu ly biệt

Anh đi rồi mưa chiều hoen mắt biếc
Bụi thời gian điểm tóc màu khói mây
Tiếc tàn Thu buốt giá đôi vai gầy
Đêm cô tịch miên man niềm nhung nhớ

Anh đi rồi khung trời không rực rỡ
Ánh mặt trời chẳng  sưởi ấm tim côi
Áng phù vân vần vũ trách tình đời
Trăng lẻ bóng nên cùng em bầu bạn

Anh đi rồi có đếm từng ngày tháng?
Bên quê nhà đã qua mấy mùa mưa?
Ở nơi dây em đã trãi bao mùa
Thu ảm đạm và những Đông rét lạnh

Anh đi rồi bờ vai em trĩu gánh
Trăm nỗi sầu lo, vạn gánh gian truân
Em còn lại mảnh đời mất tuổi xuân 
Nửa bầu trời và một vầng trăng khuyết

Khúc Giang
Tháng 11, 2010

Thơ Tranh: Ghen


Thơ: Lê Kim Thành
Thơ Tranh: Kim Oanh

Gọi Nắng




Nắng ở đây hiếm hoi như hạnh phúc
Anh có về gọi nắng đến cho em
Anh có về mang theo chút tình riêng
Em sưởi ấm trong những ngày mưa bụi

Gió ở đây hay làm em bối rối
Tình ở đây tình bay nhẹ như mây
Anh có về buộc hộ dưới chân mây
Trái tim nhỏ của ngày yêu nhau đó

Mưa ở đây mưa nhiều hơn lệ nhỏ
Những hạt mưa xanh làm ướt đêm dài
Anh có về tay đặt nhẹ lên vai
Đôi vai lạnh vì tóc mây đã cắt

Sương ở đây một dòng sông sữa đặc
Bướm muôn màu cũng gãy cánh trong sương
Vết chân ai cũng xoá vội bên đường
Tình cách núi mong gì nhìn thấy mặt

Con blue jay trên cành thông đợi nắng
Gọi tên anh nghe rất đổi lạ lùng
Chim quên tên hay tình đã thay lòng
Tiếng chim gọi não nùng không âm vọng

Trần Mộng Tú
(Trích trong Quê Hương Ngàn Dặm I do Anh Vân thực hiện - Anh Vân đánh máy gửi)

Chiều Thu -(1)



Chiều thu nhạt nắng chiếu qua đồi
Từng áng mây trời cứ mãi trôi
Lủ nhạn tìm đàn về tổ ấm
Heo may thổi lá tỏa muôn nơi
Lưng đèo suối nước ngoằn ngoèo chảy
Đỉnh núi trăng mờ lấp lánh soi
Chột dạ bâng khuâng thương Đất Mẹ
Ai người xót cảm lá vàng rơi ??!


Song Quang

Cầu Thiềng Đức - Vĩnh Long


Nhìn về đường Công Thần cũ ( đi bắc Cổ Chiên)
Nhìn về đường 2-9 (Đồng Khánh cũ)
 


Người chụp: Huỳnh Hữu Đức


Năm Ngọ Nói Chuyện Ngọ

LTG:  
   Chuẩn bị từ sau Tết Dương Lịch, trước Tết NGUYÊN ĐÁN, nhưng cứ... lần lừa nấn ná mãi ... có lúc đã định buông xuôi luôn, nhưng còn tiếc của đời... mãi cho đến hôm nay mới cố gắng viết xong!  Thôi thì có còn hơn không...
           Xin kính gởi đến tất cả Quí Thầy Cô, Quí Bạn Học, Quí Thân Hữu cùng tất cả Các Em Học Sinh Thân Quí  đọc chơi tiêu khiển!
Nay kính,
Đỗ Chiêu Đức.

      Ngựa là con vật đứng hàng thứ 7 trong 12 con giáp, và là con vật gần gũi thân cận với con người nhất. Từ ngàn xưa, Ngựa đã được thuần hóa, cùng chung sống và cùng tiến hóa với con người qua các thời đại, nên những điều có liên quan đến ngựa trong cuộc sống nhiều không thể kể xiết. Trong phạm vi bài viết hạn hẹp nầy , tôi chỉ đề cập đến Một Phần của con Ngựa trong Văn tự và trong Văn học mà thôi.                

      Ngựa, từ Hán Việt là MÃ 馬. MÃ là loại chữ Tượng Hình trong Lục Thư gồm : Tượng hình, Chỉ sự, Hội Ý, Hài thanh, Chuyển chú và Giả tá. Vì là chữ Tượng hình nên ta thấy chữ Mã có ba nét ngang ở trên tượng trưng cho bờm ngựa đang bay về phía sau, và có  bốn chấm ở bên dưới, tượng trưng cho bốn cái chân của con ngựa đang chạy về phía trước, sau diễn biến và tiến hóa của chữ viết như sau.....

 甲骨文—馬字 金文—馬字 大篆—馬字  小篆—馬字

Giáp Cốt Văn            Kim Văn           Đại Triện            Tiểu Triện

 隸書—馬字 楷書—馬 宋體 – 馬字

       Chữ Lệ             Chữ Khải      Chữ Tống         Chữ Trên                

                                                                       COMPUTER.腦字體 – 馬字
        Theo Giáp Cốt Văn  ( Giáp là Cái Vỏ cứng được bọc ở bên ngoài, ở đây chỉ cái Mu Rùa. Cốt là Xương của các loại động vật. GIÁP CỐT VĂN là loại văn tự chữ viết được khắc lên trên Xương của động vật và trên Mu rùa ) mà các nhà Khảo Cổ Học đã tìm thấy được, thì chữ Mã được khắc như thế nầy:          
  甲骨文—馬字 :
 * GIÁP CỐT VĂN : Còn gọi là " Khế Văn " 契文, " GIÁP CỐT BỐC TỪ " 甲骨卜辭 hoặc " QUY GIÁP THÚ CỐT VĂN " 龜甲獸骨文, chỉ loại chữ ghi lại những việc bói toán trong cung ở cuối nhà Thương, là thể chữ viết được hình thành và có hệ thống sớm nhất của chữ Hán, nó là cái gạch nối giữa hai hệ thống Vẽ hình và phù hiệu ghi lại sự việc với Hệ thống chữ khắc trên kim loại đồng đen, là khởi thủy đầu tiên của Hệ thống tiếng Hán Hiện Đại.

 金文—馬字
 * KIM VĂN   金文 : Còn được gọi là Minh Văn 銘文 ( Chữ được khắc ) hoặc Chung Đỉnh Văn ( Chữ được khắc trên Chuông và Đỉnh ) là loại chữ của thời đại Đồ Đồng, phát xuất từ cuối đời nhà Thương và thịnh hành ở đời Tây Chu, ghi lại tất cả những sinh hoạt trong cuộc sống của thời đại nầy, nên còn được gọi là Tây Chu Kim Văn.

 大篆—馬字
 * ĐẠI TRIỆN : Là một dạng chữ viết sớm nhất của chữ Hán, thông dụng ở nước Tần thời Chiến Quốc, là tiền thân của thể chữ Tiểu Triện, còn mang  rất nhiều hình tượng của chữ Tượng Hình.

 小篆—馬字
 * TIỂU TRIỆN 小篆: là loại chữ mà Tần Thủy Hoàng sau khi thống nhất đất nước ( năm 221 trước Công Nguyên ) đã ra lệnh cho Thừa Tướng LÝ TƯ tiến hành chính sách " Thư đồng văn " 書同文 ( viết cùng loại chữ ) thủ tiêu các chữ dị thể của 6 nước để thống nhất chữ viết và cách viết chữ.

 隸書—馬字
* LỆ THƯ :( Chữ LỆ ) là do Tiểu Triện diễn biến mà thành, chủ yếu là kéo thẳng các nét cong queo của chữ Triện. Bắt đầu từ đời Tần, đến đời Hán mới định hình thành một thể chữ chính thức. Chữ LỆ làm cho chữ Hán cổ tiến thêm một bước dài trong việc phù hiệu hóa ngôn ngữ thành chữ viết, xa rời hẵn với loại chữ tượng hình.

 楷書—馬字
* KHẢI THƯ : Chữ KHẢI còn gọi là Chân Thư 真書 hoặc Chính Thư 正書 , bắt nguồn từ những năm cuối đời Đông Hán, lưu hành rộng rãi trong đời Ngụy Tấn. KHẢI có nghĩa là Khuôn Mẫu, cũng như chữ LỆ, chữ KHẢI là do các nét bút  ( bút pháp )  kết hợp thành một phù hiệu vuông vắn thành chữ viết, hoàn toàn thoát khỏi tự dạng tượng hình, là thể chữ Tiêu Biểu nhất cho chữ Hán Hiện Đại, còn được sử dụng tới ngày hôm nay.

 宋體 – 馬字
 *TỐNG THỂ : Là thể chữ dùng để in ấn. Theo đà phát triển của kĩ thuật in ấn Trung Hoa, một thể chữ vuông vắn ngay ngắn được hình thành để thích ứng với nghề in ấn. Vì thịnh hành ở đời Tống, nên được gọi là Tống Thể.

電腦字體 – 馬字

    Bên trên là các kiểu chữ được sử dụng trên máy Vi Tính ( computer ) hiện nay, rất đa dạng và rất thông dụng.
    Quá trình diễn tiến của chữ MÃ từ TƯỢNG HÌNH đến hoàn chỉnh thành biểu tượng của chữ viết, đại khái như sau:


              馬,甲骨文 Chữ MÃ Giáp cốt văn : Mặt dài mắt to,lông bờm bay về sau, là hình tượng của động vật đuôi dài có móng。金文 Đến Kim Văn, thì tự dạng chữ MÃ được đơn giản hóa thật nhiều, bỏ đi cái mặt dài mắt to tai vểnh ,Chỉ giữ lại phần giữa của Giáp Cốt Văn ,Đổi bụng ngựa  và bờm trên lưng ngựa  viết thành 。篆文 Chữ Triện : Kế tục và hoàn thiện hơn tự dạng của Kim Văn 承续金文字形。隶书 Chữ Lệ : Kéo thẳng ra các nét của chữ Triện, đuôi ngựa và chân ngựa  viết thành bốn chấm bên dưới  và nét cong xuống  thành 。行书 Chữ Hành : Kết hợp tự dạng của chữ Thảo  và Chữ Khải 楷书 biến bốn chấm thành một gạch ngang để viết cho nhanh。

              Như trên đã trình bày, chữ MÃ quả là chữ Tượng Hình tiêu biểu của Văn Tự Trung Hoa trong tiếng Hán Cổ cho đến hiện đại. Quá trình diễn tiến của chữ Mã cũng là quá trình diễn tiến của chữ Hán từ thượng cổ cho đến hiện nay.
              Chữ MÃ 馬 hiện diện rất nhiều trong cuộc sống của chúng ta trong quá khứ cũng như hiện tại. Trước tiên, MÃ là Ngựa, là con vật được xếp hàng thứ 7 trong Địa Chi của 12 con giáp. MÃ là một trong Bách Gia Tính mà ta gọi là Bá Tánh có họ MÃ. Mã Giám Sinh là cái tên mà ai cũng biết, kể cả giới bình dân ghiền hát Cải Lương cũng biết khi xem tuồng Vương Thúy Kiều. MÃ là con Ngựa trong cờ Tướng, đi theo hình Chữ Nhật 日, khi sắp bị chiếu bí thì nhảy sảng hình chữ ĐIỀN 田, nên mới có câu " Sự cấp mã hành điền " ( khi cấp bách thì Ngựa đi hình chữ Điền ), Ý nói : Lúc qúynh quáng thì người ta hay làm sảng.
              MÃ là con Ngựa Đỏ Xanh Vàng Trắng trong bài Tứ Sắc, mà tất cả từ trí thức cho đến bình dân, từ thành thị cho đến nông thôn đều mê mẫn ngày đêm không nghỉ!
      Ngựa là con vật đứng đầu trong Lục Súc ( 6 con vật nuôi trong nhà là : Ngựa, trâu, dê, gà, heo, chó ). Đầu tiên, ngựa dùng để kéo cày, sau này mới chuyển qua kéo xe và đắc dụng trong công việc nầy cho đến thời cận đại khi máy hơi nước được phát minh. Mặc dù máy móc đã thay thế cho sức ngựa, nhưng vẫn không thoát khỏi từ MÃ LỰC, dùng sức ngựa để đo độ mạnh yếu cũa máy móc, giới bình dân thì gọi thẳng bằng một chữ NGỰA mà thôi : " Cái máy nầy " 2 Ngựa " đó bà con ! ". Ai đã từng học Trung Học ngày trước, thì chắc chắn học qua tác phẩm văn học bình dân bằng Văn Nôm nổi tiếng là Lục Súc Tranh Công, ta hãy nghe con Ngựa kể công đây...        
Tao đã từng, đi quán, về quê,
Đã ghe trận đánh nam, dẹp bắc.
Mỏi gối nưng phò xã tắc,
Mòn lưng cúi đội vương công.
Ngày ngày chầu chực sân rồng
Bữa bữa dựa kề loan giá....


      Ngựa lại được trọng dụng và đắc dụng trong quân đội như con ngựa đã khoe ở trên : " Đã ghe trận đánh Nam dẹp Bắc ".... Từ ngàn xưa, bất cứ là quân đội của nước nào, Âu cũng như Á đều có đội KỴ BINH, nhất là đội THIẾT KỴ nổi tiếng của Mông Cổ, không những chỉ dọc ngang trên các thảo nguyên Châu Á, mà còn tung hoành lấn chiếm sang cả Châu Âu. Sống trên mình ngựa, đánh giặc trên mình ngựa, xưng hùng xưng bá trên mình ngựa, rồi... cũng chết trên mình ngựa luôn, nên ta mới có thành ngữ " Da Ngựa Bọc Thây " là thế !

        Mới nghe qua, thì Thành ngữ nầy rất Nôm như tiếng Việt thuần túy, nhưng khi xét xuất xứ thì nó lại rất Hán. Da Ngựa Bọc Thây có xuất xứ là " MÃ CÁCH QUẢ THI 馬革裹屍 ", là lời nói của một danh tướng đời Đông Hán Mã Viện : " Làm trai phải chết ở biên cương, lấy da ngựa để bọc thây, chớ sao có thể chết ở trên giường với vợ con được chứ ?! ". Qua câu nói nầy, ta thấy con ngựa càng gần gũi thân thiết và gắn bó với con người biết bao, khi sống thì cùng với con người " đánh Nam dẹp Bắc ", khi chết, thịt ngựa là lương thực đở đói cho chiến sĩ, da ngựa thì để bọc thây khi chết ở sa trường, quả là một con vật gắn bó và cùng sống chết với con người !
         Còn một thành ngữ nghe rất Việt mà lại có gốc Hoa nữa là câu : " Ngựa quen đường cũ ", xuất phát từ điển tích " LÃO MÃ THỨC ĐỒ 老馬識途 " theo câu truyện sau đây : Tề Hoàn Công đem binh đi giúp nước Yên đánh bại được quân Sơn Nhung, trên đường về lại bị dẫn dụ lạc vào sa mạc Hàn Hải với gió cát mịt mù không nước uống, lạnh lẽo buốt giá không biết đường ra, quân sĩ kiệt quệ chết chốc rất nhiều . Tướng Quốc Quản Trọng mới tâu với Tề Hoàn Công về đặc tính nhận được đường về của loài Ngựa, bèn chọn một số ngựa già, thả cho chúng tự tìm lối ra, rồi ra lệnh cho toàn quân đi theo sau. Quả nhiên sau vài lần quanh quẹo đã ra khỏi được sa mạc hiểm ác kia.
      "Lão Mã Thức Đồ" là thành ngữ chỉ những con ngựa già có khả năng tìm về đường cũ đã đi qua, dùng để chỉ những người già dặn có kiến thức, có kinh nghiệm sống, có thể hướng dẫn ta đi những con đường đúng. Còn " Ngựa Quen Đường Cũ " của ta thì chỉ những người đã làm việc xấu việc sai, dù cho có cải hóa sửa đổi lại rồi, cũng dễ dàng đi lại con đường sai lầm cũ, tật xấu khó chừa!

      Còn một thành ngữ mà cả Hoa cả Việt đều sử dụng như nhau, Ý nghĩa như nhau, phát âm như nhau, đó là thành ngữ " THIÊN QUÂN VẠN MÃ 千軍萬馬 "
      
    Ta không có dịch " Thiên Quân Vạn Mã " là " Ngàn quân muôn ngựa ", mà sử dụng thẳng thành ngữ Thiên Quân Vạn Mã để chỉ lực lượng quân đội hùng hậu với một khí thế to lớn để áp đão đối phương.
    Tương tự như " Thiên Quân Vạn Mã ", ta còn có thành ngữ " CHIÊU BINH MÃI MÃ " là chiêu mộ binh lính và mua thêm ngựa, thêm khí giới để thành lập lực lượng quân đội định làm việc lớn .
     Qua 2 thành ngữ nêu trên, cho ta thấy có những thành ngữ Hán Việt rất thông dụng trong tiếng Việt, đến nổi ta không cần phải dịch nó ra tiếng Nôm nữa mà sử dụng thẳng thừng luôn những thành ngữ đó một cách rất tự nhiên. Sau đây là một thành ngữ về ngựa nữa mà ta chỉ cần nói trại đi có một từ thôi, đó là " TÁI ÔNG THẤT Mà 塞翁失馬 ", tức là " TÁI ÔNG MẤT NGỰA " đó ! Theo điển tích thì câu truyện như sau...
                           
      TÁI ÔNG là Ông già ở vùng biên tái, mà cũng có thể là Ông già họ TÁI, rất chuyên về ngựa. Một hôm, con ngựa quí nhà ông bỗng nhiên chạy mất. Hàng xóm mọi người cùng đến chia buồn. Ông cười bảo : Đây chưa chắc là việc không vui. Mấy hôm sau, con ngựa của ông trở về, lại dẫn theo một con ngựa quí khác. Mọi người hay tin lại đến chúc mừng. Ông bảo, đây chưa chắc là việc đáng mừng. Quả nhiên vài hôm sau đó, con ông tập cưởi con ngựa đó, bị nó quăng cho té què chân. Mọi người lại cùng đến an ủi, chia buồn. Ông lại bảo : Đây vị tất đã là chuyện buồn. Năm sau, giặc đánh vào vùng biên tái, tất cả thanh niên đều phải lên đường nhập ngũ tòng chinh, chỉ có con trai ông vì bị què chân nên được ở lại, khỏi phải ra chiến trường.
     Đây là câu truyện Ngụ ngôn trong sách Hoài Nam Tử 淮男子, cho ta thấy chuyện đời may rủi vô chừng, họa phước khó mà lường trước được. Có lắm chuyện tưởng như rủi mà lại may, tưởng như phước mà lại là họa... cho nên ta phải để lòng rộng mở, khoáng đạt, bình tĩnh mà ứng phó những tình huống khôn lường trước được nầy.
      Ngoài các thành ngữ nêu trên, ta còn có rất nhiều thành ngữ có liên quan đến ngựa được sử dụng thẳng trong văn chương tiếng Việt mà khỏi cần phải diễn nôm gì cả. Ví dụ như :
                               Mã đáo thành công.
                               Ngưu đầu mã diện.
                               Thanh mai trúc mã.
                               Đơn thương độc mã.
                               Trường đồ tri mã lực.
                               Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã
                               Nhất ngôn kÝ xuất, Tứ mã nan truy...

    Thành ngữ " THANH MAI TRÚC MÃ " ( Mai xanh và Ngựa trúc ) được sử dụng rộng rãi và rất phổ biến trong văn chương Việt Hoa, mãi cho đến hiện nay, trong đàm thoại thông thường người Hoa vẫn còn sử dụng thành ngữ nầy : " Hai đứa nó là Thanh mai Trúc mã với nhau đó !".
      Điển tích Thanh Mai Trúc Mã xuất xứ từ bài thơ Ngũ Ngôn trường thiên nổi tiếng " Trường Can Hành " 長干行 của Thi Tiên LÝ BẠCH 李白 đời Đường, bài thơ tả lại đôi vợ chồng trẻ từ nhỏ ở chung xóm, cùng chơi đùa vô tư với nhau, trong đó có 2 câu:
Lang kị TRÚC MÃ lai, 郎騎竹馬來,
Nhiễu sàng lộng THANH MAI. 繞床弄青梅。
( Chàng cởi ngựa trúc đến, vòng quanh miệng giếng mà ghẹo cành mai xanh ).

         Vì là bài thơ kể lại mối tình cảm khắng khít của một đôi trai gái đã chơi đùa và quen nhau từ tấm bé, rồi lớn lên thành chồng thành vợ với nhau, cho nên thành ngữ Thanh Mai Trúc Mã dùng để chỉ những cặp vợ chồng đã quen biết nhau từ thuở nhỏ. Sau này dùng rộng ra để chỉ những người yêu nhau từ trước lâu rồi, sau đó mới lấy nhau. Từ đó, từ TRÚC MAI hay MAI TRÚC còn để chỉ tình nghĩa vợ chồng mà Nguyễn Du đã tận dụng đến 4 lần: 2 lần với Kim Trọng và 2 lần với Thúc Sinh trong TRUYỆN KIỀU như sau ...
          Lần thứ nhất : Khi cô Kiều bán mình chuộc tội cho cha, đã nhắn lại với Kim Trọng là :
                          Tái sinh chưa dứt hương thề,
                          Làm thân trâu ngựa đền nghì TRÚC MAI.
       
          Lần thứ hai : Trước đêm phải lên đường theo Mã Giám Sinh, cô Kiều đã trối lại với Thúy Vân là :
                           Hồn còn mang nặng lời thề,
                           Nát thân bồ liễu đền nghì TRÚC MAI.

          Lần thứ ba : Dùng để tả lúc Thúc Sinh chuộc Thúy Kiều ra khỏi lầu xanh là :
                          Một nhà sum họp TRÚC MAI
                          Càng sâu nghĩa bể, càng dài tình sông

          Lần thứ tư : là khi Thúc Sinh trở lại tìm Thúy Kiều :

                          Tưởng rằng MAI TRÚC lại vầy
                          Ai hay vĩnh quyết là ngày đưa nhau.....
     Nhân năm NGỌ lại nhắc đến TRUYỆN KIỀU của Cụ NGUYỄN DU, ta thử điểm lại những từ MÃ và NGỰA được nhắc trong Truyện Kiều cho vui nhé !...

         Đầu tiên là trong Tiết Thanh Minh với...
                          Dập dìu tài tử giai nhân,
                NGỰA XE NHƯ NƯỚC, áo quần như nêm.

    Thành ngữ NGỰA XE NHƯ NƯỚC có xuất xứ từ Hậu Hán Thư trong câu : " Xa như lưu thủy, mã như du long 車如流水,馬如游龍。 " ( Xe như nước chảy, Ngựa tợ rồng bơi ). Chỉ xe ngựa qua lại đông đúc xôn xao huyên náo, chỉ sự náo nhiệt của nơi phồn hoa đô hội.
    Kế đến là sự xuất hiện một cách hào hoa phong nhã của Kim Trọng với...
                  TUYẾT in sắc NGỰA câu dòn,
                  Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời.

     Ngựa trắng như tuyết là Bạch Mã, chỉ màu lông của Ngựa, chớ không phải là một loại ngựa, nhưng nếu ta thêm vào giữa một chữ thì nó sẽ trở thành một loại ngựa quí, đó chính là BẠCH LONG MÃ, con ngựa huyền thoại do Tiểu Bạch Long chuyển hóa mà thành,đã chở Đường Tam Tạng đi Tây Phương thỉnh kinh suốt 13 năm trời  trong tác phẩm nổi tiếng TÂY DU KÝ của Ngô Thừa Ân.

      Ngựa trắng còn là Bạch Mã của Bạch Mã Hoàng Tử với nàng Công Chúa ngủ trong rừng. Đông Tây đã gặp nhau ở con NGỰA TRẮNG nầy. Chàng Kim chính là Bạch Mã Hoàng Tử của nàng Kiều đó vậy !  Nhưng đến cuối ngày vẫn phải chia tay để cho...
                    Khách đà lên Ngựa người còn ghé theo...  
          Rồi khi " Thề hoa chưa ráo chén vàng " thì chàng Kim lại phải ...
                 Buộc Yên quảy gánh vội vàng...
                 để đến Liêu Dương hộ tang cho chú.

          Đến khi gia biến của Thúy Kiều, ta lại thấy...
                Đầu trâu mặt NGỰA ào ào như sôi.

     ĐẦU TRÂU MẶT NGỰA là thành ngữ phát xuất từ Phật giáo với Địa Ngục Luân Hồi, với Đầu Trâu Mặt Ngựa là Câu hồn Sứ giả  chuyên bắt hồn và làm công việc hành hình những người có tội và gian ác. Sau dùng rộng ra để chỉ những bọn côn đồ, tay sai ác ôn chuyên làm hại và hành hung người khác. Thành ngữ nầy nguyên gốc là NGƯU ĐẦU MÃ DIỆN 牛頭馬面
      Tương truyền, lúc đầu Phật giáo chỉ có Ngưu Đầu, khi truyền vào Trung Hoa mới phát sinh thêm một Mã Diện nữa cho đối xứng với cách nói của người Hoa. Theo Thiết Thành Nê Lê Kinh : A BÀNG khi là người vì không có hiếu với cha mẹ, cho nên khi chết mới bị đày phải đeo cái đầu trâu, làm công việc tuần tra và bắt hồn những người tới số chết. Còn có tài liệu cho rằng : Mặt Ngựa là Mã Diện La Sát, nhưng trong Phật giáo chính tông Ấn Độ thì không có nói đến, chỉ trong Phật giáo Mật Tông thì có nhắc đến một MÃ DIỆN MINH VƯƠNG có mặt ngựa, nhưng đây lại là một Bồ Tát, chứ không phải là Sai Nha.

       Để diễn tả cảnh chia tay não lòng của cô Kiều, khi phải đau lòng mà đi theo Mã Giám Sinh, NGUYỄN DU đã viết :
                      Đoạn trường thay lúc phân kì,
                      VÓ CÂU khấp khểnh bánh xe gập ghềnh.

     VÓ CÂU hay VÓ NGỰA là chỉ BƯỚC CHÂN của NGỰA. VÓ còn dùng để chỉ CHÂN NGỰA, như trong câu : Con ngựa bị ngã chổng BỐN VÓ lên trời !. Còn...
       CÂU 駒 : là Ngựa Non, Ngựa Trẻ, Ngựa Khỏe, Ngựa Mạnh, Ngựa Giỏi. Thêm vào chữ LONG, ta có từ LONG CÂU 龍駒, còn được đọc trại thành LONG CU, là loại ngựa hay được dùng cho Hoàng tộc, cũng dùng để chỉ loại ngựa mạnh mẽ như rồng, và còn được gọi là LONG MÃ, như BẠCH LONG MÃ còn gọi là TUYẾT LONG MÃ , con ngựa của Thường Sơn Triệu Tử Long cởi trong Tam Quốc diễn nghĩa, đã xông xáo trong 80 vạn quân Tào ở Trường Bản cứu ấu chúa A Đẩu đưa về cho Lưu Bị.
     CÂU là Ngựa, nên ngựa quí được gọi là LƯƠNG CÂU 良駒 hoặc BẢO CÂU 寶駒. Như Hãn Huyết Bảo Câu, con ngựa có mồ hôi đỏ như huyết tương, có thể chở cả Hoàng Dung và Quách Tĩnh mà ngày đi được cả ngàn dặm. CÂU là ngựa chạy nhanh, nên ta có thành ngữ " Bóng CÂU qua cửa sổ " để chỉ thời gian vô tình qua rất nhanh không chờ đợi ai cả. Thành ngữ nầy phát xuất từ thành ngữ gốc là " LƯƠNG CÂU QUÁ KÍCH " 良駒過隙 hoặc BẠCH CÂU QUÁ KÍCH 白駒過隙, có nghĩa : " Ngựa giỏi màu trắng thoáng qua KHE cửa " diễn tả còn nhanh hơn là qua " Cửa sổ " của ta nữa !
       Ta gặp lại từ VÓ CÂU khi Hoạn Thư khuyên Thúc Sinh về Lâm Chuy để viếng Thúc Ông :
               Được lời như cởi tấc son,
               VÓ CÂU rung rủi nước non quê người.

    và khi...
               VÓ CÂU vừa gióng dặm trường,
               Xe hương nàng cũng thuận đường qui ninh.
           ... " QUY NINH " để mét má với " Nỗi chàng ở bạc, nỗi mình chịu đen ! ".. .. 

                Khi cô Kiều hỏi về biện pháp mà Sở Khanh sẽ dùng để giải cứu mình, thì được chàng họ Sở trả lời :
              Rằng ta có NGỰA TRUY PHONG,
              Có tên dưới trướng vốn dòng kiện nhi.

    TRUY là Rựơt đuổi, PHONG là Gió. Ngựa TRUY PHONG là Ngựa rượt đuổi theo gió, Ý là Ngựa chạy nhanh như gió, nên tất cả ngựa chạy nhanh đều có thể gọi được là Ngựa Truy Phong. Sở Khanh khoe có ngựa chạy nhanh như gió  để... rủ cô Kiều bỏ trốn ! " Ba mươi sáu chước chước nào là hơn ? ". Cho nên mới :

              Cùng nhau lẻn bước xuống lầu,
              Song song NGỰA trước NGỰA sau một đoàn. 

       Nhưng... TRUY PHONG Mà 追風馬 là tên của con ngựa của Ngũ Vân Triệu ( thường bị đọc trại đi thành Ngũ Vân THIỆU )  trong truyện THUYẾT ĐƯỜNG Diễn Nghĩa . Con ngựa chạy nhanh như gió giống như tính cách của chủ nhân nó, làm việc gì cũng mau mắn. TRUY PHONG Mà nầy ngày có thể đi ngàn dặm, đêm có thể đi thêm 800 dặm đường nữa !  
          Vì là phương tiện giao thông, nên hình ảnh con ngựa còn là hình tượng của sự chia tay, khi cô Kiều khuyên Thúc Sinh về thăm Hoạn Thư, NGUYỄN DU đã viết :

             Người lên NGỰA, kẻ chia bào,
             Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.

    và là...
phương tiện hành hung đã giúp cho Khuyển Ưng bắt cóc cô Kiều :

             Vực nàng lên NGỰA tức thì,
             Buồng đào viện sách bốn bề lửa dong.

   và cũng là...
hình ảnh hào hùng, dứt bỏ nhi nữ thường tình, của người đi làm việc lớn :

              Trông vời trời bể mênh mang,
              Thanh gươm yên NGỰA lên đàng thẳng dong.

    ... để đưa đến một kết quả có hậu là...
hình ảnh của sự long trọng tiếp đón khi mà Từ Hải đã :

             Kéo cờ lũy, phát súng thành,
             Từ Công ra NGỰA thân nghinh cửa ngoài. 
                                         ... để rước nàng Kiều về dinh...  
    Với " Râu hùm hàm én mày ngài " ta thấy hình tượng của Từ Hải uy vũ như là hình tượng của một Trương Phi, nên... con Ngựa mà Từ Hải cởi chắc cũng phải thuộc loại NGỰA Ô TRUY như của Trương Phi cởi vậy. Ô TRUY MÃ 烏追馬 là loại ngựa có bộ lông đen tuyền, chạy nhanh như điện xẹt, là một trong những loại ngựa quí hiếm.      

Đỗ Chiêu Đức