Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2015

Mộng Đầu Phượng Tím


Úc châu gợi mộng đầu phượng tím
Trên nẻo đường hanh nắng trời xuân
Đôi chân nhỏ ngập ngừng bước lạ
Lòng giao hòa giữa phố không quen

Hạ chưa sang nụ chen cành lá
Sắc âm thầm rộn rã hồn xưa
Áo tuổi hoa trắng đôi tà vạt
Uốn lượn vòng chưa hẳn nét cong

Chiếc răng khểnh ngầm duyên con gái
Tóc bềnh bồng lượn sóng bờ vai
Từ đâu đến người mang bối rối
Tim tím màu một đóa trao tay

Ngày hai buổi trên con đường cũ
Vẫn hoa trao suốt cả mùa say
Đóa hương quen mãi ôm lòng nhớ
Tình không tròn phượng tím ngẩn ngơ

Mươi mấy năm cố nhân biền biệt
Người trao hoa chẳng biết phương nào
Giấu trong tim mộng đầu phượng tím
Buổi giao mùa đất khách bâng khuâng

Kim Phượng
***
Từ Mộng Đầu Phượng Tím

(Từ Mộng Đầu Phượng Tím của Kim Phượng)

Tím chung thủy, u hoài man mác
Thế mà tím cũng cứ mãi nặng lòng...
Trước kia,
Chỉ thấy toàn phượng đỏ
Cứ ngỡ phượng luôn thắm sắc hồng
Nghe phượng tím
Thật nhiều bỡ ngỡ
Vì chưa từng được thấy bao giờ
Thế mà có đấy
Phượng tím có đấy,
Đã gặp rồi đấy...
Còn phượng vàng?
Có lẽ chỉ trong mơ...

dovaden2010

Chiều Quê





Lá vàng từng chiếc nhẹ buông
Tầng cao lơ lững mây buồn chậm trôi
Gió về đưa đẩy không thôi
Sáu câu vọng cổ bồi hồi xuyến xao
Làng quê êm ả xiết bao
Chuông chùa vang vọng nôn nao niềm trần
Vẳng nghe hồn thấy bâng khuâng
Tiếng kinh thanh tịnh lâng lâng cõi lòng
Vườn cây khoe dáng bên sông
Êm êm con nước xuôi dòng về khơi
Cánh chim cô độc giữa trời
Mơ tìm tổ ấm thoát đời quạnh hiu
Khói lam lạc lỏng liêu xiêu
Bếp nhà ai toả trong chiều mờ sương
Nắng vàng đã tắt sau vườn
Kéo nhau mục trẻ trên đường về thôn
Sừng trâu nhịp gõ dập dồn
Nói cười ơi ới tiếng ồn lan xa
Yêu thương còn mãi trong ta
Thôn nghèo lam lũ thật thà tình quê

Quên Đi


Thán Hoa 歎花 - Đỗ Mục


Cái phong lưu lãng mạn đa tình của Đỗ Mục thường được người đời nhắc nhở đến với bài thơ Thất Ngôn Tứ Tuyệt tuyệt tác sau đây:

        歎花                           Thán Hoa

自是尋春去較遲,      Tự thị tầm xuân khứ giảo trì,
不須惆悵怨芳時。      Bất tu trù trướng oán phương thì.
狂風落盡深紅色,      Cuồng phong lạc tận thâm hồng sắc,
綠葉成陰子滿枝。      Lục diệp thành âm tử mãn chi!
               杜牧                                  Đỗ Mục


CHÚ THÍCH:
THÁN HOA: là Than thở vì Hoa, Than tiếc cho Hoa.
GIẢO TRÌ: là Có hơi muộn, có hơi trễ.
TRÙ TRƯỚNG: Ở đây có nghĩa là Băn khoăn, Ẩn ức.
PHƯƠNG THÌ: là Thuở hoa còn Xuân sắc, thuở người còn son giá. Phương thì nghĩa đen là : Thuở còn thơm ngát !
TỬ: là Trái, là Con, là Kết tinh của hoa, là hạt.
TỬ MÃN CHI: là Trái đầy cả cành, cũng có nghĩa là : Con cái đầy đàn.

XUẤT XỨ CỦA BÀI THƠ:
Trong Tiểu thuyết bút ký đời Đường Tống có chép truyện sau đây : Cuối năm Thái Hòa đời Đường Văn Tông ( 824 ). Đỗ Mục còn trẻ ( khoảng 21 tuổi ) dạo chơi xứ Hồ Châu, gặp một bé gái khoảng hơn mười tuổi, mi thanh mục tú trông rất đáng yêu, bèn mang vàng lụa đến ước hẹn với bà mẹ cô bé rằng, mười năm sau sẽ về xin cưới. Nhưng vì lần lừa nấn ná với công danh, 14 năm sau, Đỗ Mục mới về lại Hồ Châu làm Thứ Sử. Lúc bấy giờ cô bé đã xuất giá 3 năm và đã có 2 con rồi. Đỗ Mục vô cùng hụt hẫng, thất vọng, hối tiếc, cảm thán cho sự trễ nãi của mình mà làm bài thơ THÁN HOA nầy. Tựa là Thán Hoa chớ thật ra là tự thán cho chính bản thân mình !

Bài thơ nầy còn có một dị bản như sau:

             叹花                  Thán Hoa

自恨寻芳到已迟,      Tự hận tầm phương đáo dĩ trì,
往年曾见未开时。      Vãng niên tằng kiến vị khai thì.
如今风摆花狼籍,      Như kim phong bãi hoa lang tạ,
绿叶成阴子满枝 .        Lục diệp thành âm tử mãn chi !

Diễn Nôm:

Tự hận tìm thơm trễ đã đành,
Năm xưa từng thấy hãy còn xanh.
Như nay gió cuốn hoa tơi tả,
Cây lá xanh om trái trĩu cành!

Đỗ Chiêu Đức

So với nguyên bản thì dị bản nầy lời lẽ rất ngô nghê tầm thường, không có sắc thái và tác phong tiêu sái như của Đỗ Mục. Có thể là do người sau gán ghép vào. Chỉ nêu lên đây để làm tài liệu cho rộng đường tham khảo.


Nghĩa Bài Thơ:

Tự thân ta, tìm xuân mà lại để đến đổi đi trễ. Thôi thì cũng chẳng nên ấm ức oán trách cho thời xuân sắc đã đi qua. Xuân đã tàn, gió đã nổi lên làm hoa rơi tan tác rụng hết cả sắc hồng. Lá cũng đã xanh om và trái cũng đã kết đầy cả cành cả rồi ( Đâu còn " vớt vát " gì được nữa ! ).
Nói là không oán, nhưng thật ra cái oán đã lên cao ngút ngàn. Bảo là " bất tu trù trướng " chỉ là để tự an ủi mình mà thôi, chớ thật ra là " áo não trù trướng " bội phần ! 

Diễn Nôm:

 Hoa 


Tìm xuân tự biết trễ thôi đành,
Nào oán làm chi xuân hết xanh.
Cuồng phong thổi rụng bao hồng thắm
,
Lá đã xanh om, trái trĩu cành!

Lục bát: 

 Tìm xuân tự trách muộn màng,
Thôi thì cũng chẳng hoa tàn oán than.
Gió lay hồng rụng hè sang,
Cành xanh trĩu trái dạ càng ngẩn ngơ !
 


Đỗ Chiêu Đức 
***
Những Bài Dịch Khác:

1/
Tìm xuân thuở trước nay đà lỡ
Chớ trách hương xưa chẳng đợi người
Gió dữ nổi lên hoa thắm rụng
Nay cành trĩu quả lá xanh tươi

2/
Trở lại tìm xuân đã lỡ làng
Đừng buồn sinh giận kẻ sang ngang
Gió đùa năm tháng hoa tươi rụng
Giờ lá cành xanh trái ngập tràn.

Quên Đi

***
Thương Tiếc Hoa

Trễ hẹn cùng xuân, lỗi tại ta
Trách gì hương sắc đã phôi pha
Cánh hoa tan tác theo cơn gió
Cành lá sum suê, quả lủng la...

Phương Hà
***
 Tiếc Hoa

Thương hoa tiếc ngọc trễ còn đâu!
Lỗi hẹn vì ta chậm bắt rầu...
Gió lạnh hết xuân đành đứng tiếc,
Xanh um những trái, rụng bông sầu !

Mai Xuân Thanh 
Ngày 19 tháng 11 năm 2015
***
Than Th Cùng Hoa

Gặp Xuân thì đã muộn màng rồi!
Oán trách chỉ làm hoa kém tươi
Gió cuốn nụ bông rơi lả tả
Chỉ còn lá,quả trĩu cành thôi!


Song Quang

Thành Kính Phân Ưu Bào Huynh của Nhà Văn Nguyên Nhung & Nguyễn Văn Đông

             THÀNH KÍNH PHÂN ƯU

Vì sức khỏe và chuyện gia đình, hay tin buồn trể:

Anh Nguyễn Văn Hòa, cựu SQ/QLVNCH, cựu phóng viên chiến trường vùng IV Chiến Thuật (trước 1975), bào huynh của ĐTĐ Nguyên Nhung (tức nhà văn nữ Nguyên Nhung Houston-TX),
Vừa qua đời tại Sài Gòn Việt Nam 
Ngày 16/11/2015 
Hưởng thọ 78 tuổi.
Chúng tôi, nhóm Cựu học sinh Phan Thanh Giản/ Đoàn Thị Điểm vùng Cái Răng - Cần Thơ 
Thành kính chia buồn cùng nhà văn nữ Nguyên Nhung & Nguyễn Văn Đông và tang quyến.
Nguyện cầu hồng Ân Thiên Chúa sớm đưa Linh Hồn Giuse Nguyễn Văn Hòa sớm về cõi thiên đàng.

Thành Kính Phân Ưu

Thay Mặt Nhóm Cái Răng – Cần Thơ

Cựu Học Sinh Vương Thủy Tùng

Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2015

Tri Ân


Tất cả cho hưu lễ
Tạ ơn Đất, ơn Trời
Và bạn bè khắp nơi
Thanksgiving dầm ấm

Quần quây bên tiệc mở
Nào gà tây béo vàng
Nhẹ,thôi chút rượu vang
Cho lòng thêm hưng phấn

Cho đời tan sân hận
Khỏa lấp nỗi thương đau
Chung một ý với nhau
Cầu hòa bình thế giới

Điều mọi người mong đợi
Cuộc sống thật an bình
Cho hết thảy nhân sinh
Khắp tận cùng trái đất.

Xin tạ ơn Trời,Phật
Đã ban cho muôn nhà
Mọi sự đều thăng hoa
Yêu thương trong tình mến.


Thái Huy
11-25-15

Tục Việt


Tục Mỹ nay ngày lễ Tạ Ơn
Bên nhà rằm lớn cuối năm hườn
Gà tây chốn ấy làm to tiệc
Chè đậu nơi này vái hạ ngươn
Thí thực cô hồn Sư tụng niệm
Luộc bày tôm thịt Bóng ca đờn
Đông tây dị ngưỡng cùng dân Việt
Bởi lúc giao thời tục khác hơn.

Cao Linh Tử
26.11.2015

Thu Vàng


Bài Xướng:
Thu Vàng


Tôi đi tìm lại nắng thu vàng
Thu của năm nào trở tiết sang
Ngơ ngẩn thả hồn theo sắc thắm
Miên mang mộng tưởng đến trăng tàn
Tình thư nắn nót o con chữ
Xương lá âm thầm ép những trang
Hơi lạnh thu mang lùa tóc rối
Ai lau nhan sắc nhuộm thu vàng

Kim Phượng
***
Bài Họa:
Sắc Vàng Mùa Thu


Xin gió đừng lay rụng lá vàng
Cho mùa đông xám khỏi theo sang
Trời mây bãng lãng màn sương nhẹ
Sông nước chơi vơi ánh nguyệt tàn
Áo lụa dịu dàng trong bóng nắng
Trang thư nhàu nhĩ dưới hành trang
Bên thềm, bụi cúc xôn xao nở
Nhuộm cả không gian với sắc vàng.

Phương Hà
***
Vườn Thu


Đường cũ còn đây ngập lá vàng,
Gió chiều lành lạnh chở mùa sang.
Từ khi bướm bỏ vườn hoang vắng
,Là lúc hoa rơi cánh úa tàn.
Nhớ quá bờ vai ai mảnh khảnh,
Thương hoài áo lụa nét đoan trang.
Lấy gì đổi được trời thu ấy,
Man mác hồn ta tuổi võ vàng.

Mailoc
Cali 11-13-15
***
Tình Theo Mùa Thu

Một buổi trời thu có nắng vàng 
Quen em,nên cũng muốn tìm sang 
Vờ xin xem lá rơi vừa rung 
Mượn cớ nhìn hoa úa sắp tàn 
Sẵn dịp,trao thơ tình mới viết 
Tìm vào nhật ký thảo vài trang 
Ngập ngừng,hàng dậu ngăn đầu ngõ 
Lại ngại ngoài hiên....cột chó vàng

Song Quang
***
Sắc Vàng Thu


Tà áo ai khoe lộng sắc vàng
Xui mình yêu trộm mỗi thu sang
Vô tư em hát trong nắng mới
Luyến tiếc anh lo nếu mộng tàn
Dẫu biết nhưng rồi đông vẫn đến
Niềm mơ đến lúc phải qua trang
Bao năm cách biệt anh còn nhớ
Tà áo ai khoe lộng sắc vàng

Quên Đi
***
Tình Thu Quê Mùa

Ví dầu than nướng cá trê vàng
Chấm nước mắm gừng chả gọi sang
Xuồng đục lênh đênh con nước bạc
Cà rèm mát mẻ nắng thu tàn
Xuân tình bậu muốn nghe vài lớp
Vọng cổ qua vừa thuộc mấy trang
Gặp gỡ chung luồng câu dấu ó
Đồng không đâu có lá rơi vàng.

Cao Linh Tử
14.11.2015

Bài Ca Dành Cho Những Xác Người

Ánh Nguyệt một người em, người bạn của Phố núi. Xin giới thiệu đến bạn bè và thân hữu tiếng hát Ánh Nguyệt với Bài Ca Dành Cho Những Xác Người của nhạc sĩ Trịnh công Sơn.(Ân Nguyễn)




Sáng Tác: Trịnh Công Sơn
Tiếng Hát: Ánh Nguyệt


Bàn Nhân Là Con Tim Thứ Hai Của Cơ Thể


“Bàn chân là con tim thứ hai” của cơ thể 
Trung y khuyên chăm sóc tốt “con tim thứ hai” của cơ thể: Bàn chân

Hàng ngày bạn tiêu tốn thời gian để dưỡng da, tập thể thao, thiền, yoga…với mục đích giữ gìn cơ thể khỏe mạnh nhưng lại bỏ quên đôi chân, nơi chịu toàn bộ trọng lượng cơ thể của cả ngày.

Chân được ví như con tim thứ hai của cơ thể. Theo Đông y tất cả các huyệt ở chân đều ảnh hưởng đến các cơ quan khác với vô số đầu dây thần kinh nối liền với não. Tất cả máu lưu thông trong cơ thể đều đi qua mạng mạch máu dưới chân. Bảo vệ đôi chân là bảo vệ sức khỏe của cơ thể. Nếu khí huyết lưu thông tốt , cơ thể sẽ mạnh khoẻ và tránh được bệnh tật. Mà chân lại là nơi giao nhau của rất nhiều kinh mạch, tập trung nhiều huyệt đạo, nên giữ cho khí huyết lưu thông ở chân rất quan trọng.
Bài viết này sẽ hướng dẫn cho bạn một số cách giúp khí huyết lưu thông ở chân một cách hiệu quả.

1. Để bàn chân được tự do
Hàng ngày khi đi làm, đi học, bàn chân đều được bọc kín trong tất, giày làm mồ hôi ứ đọng, các ngón chân không được vận động thoải mái, khí huyết cũng ứ trệ khó lưu thông. Vậy nên khi có cơ hội hãy để chân trần được thông thoáng, giúp bạn mang lại cảm giác dễ chịu hơn và ngăn ngừa được các bệnh ở chân như nấm, nhiễm khuẩn.

Lúc ở nhà, nên đi chân trần, như vậy các ngón và cơ bàn chân có cơ hội vận động, giúp cơ thể bám chắc trên nền đất. Điều này rất quan trọng vì chân là nơi chịu lực của cơ thể, một bàn chân mềm yếu thì tướng đi sẽ không đẹp, đi và đứng lâu dễ mỏi.

Theo Trung y, khi chân trần tiếp đất cũng là lúc cơ thể và mặt đất cân bằng âm dương, giúp cơ thể giải tỏa những khí dương dư thừa và bổ sung tính âm còn thiếu. 

2. Ngâm chân bằng nước ấm
Chân có hệ thống mạch máu phức tạp và dày đặc, là nơi phần lớn máu của cơ thể tập trung để trao đổi chất độc và đi ngang qua. Vì vậy chân được mệnh danh là trái tim thứ hai, tuy nhiên trái tim này ở xa trung tâm và dễ bị nhiễm lạnh nhất. Ban đêm nếu chân lạnh, dòng máu lưu thông từ chân trở về tim sẽ mang khí lạnh khiến cơ thể dễ nhiễm bệnh, và làm tim tiêu hao năng lượng để sưởi ấm máu.

Vì vậy ngâm chân bằng nước ấm vào ban đêm chính là cách tốt nhất để bảo vệ sức khoẻ cho cơ thể, nhất là những ngày đông lạnh hay lúc cơ thể bị cảm lạnh. Nước ấm giúp mạch máu nỡ ra, giúp cơ thể trao đổi chất được nhiều hơn.
Cách thức: Ngâm chân với lượng nước ấm vừa phải từ 40-50 độ C, nước ngang mắt cá chân , ngâm từ 5-10 phút trước khi đi ngủ. Có thể rắc 1 chút muối, có tác dụng diệt khuẩn, sẽ giúp làm sạch bề mặt da và các khoé móng. Sau khi ngâm nhớ lau thật khô bàn chân cũng như khoé móng.

3. Tắm nắng cho chân
Cũng giống như ngâm chân bằng nước ấm, tắm nắng cho chân cũng là một biện pháp tuyệt vời để sưởi ấm cơ thể, giúp khí huyết lưu thông, trao đổi chất hiệu quả. Sáng sớm hoặc chiều tà là khoảng thời gian tuyệt nhất để tắm nắng.
Bạn hãy cởi hết giày tất, để hai bàn chân về hướng mặt trời sưởi nắng 20-30 phút, các chuyên gia cho rằng đây là biện pháp tắm trần cho chân. Điều kỳ diệu của biện pháp này là làm cho tia tử ngoại trong ánh nắng mặt trời trực tiếp chiếu rọi vào lòng bàn chân, thúc đẩy toàn thân trao đổi chất, tăng nhanh tuần hoàn máu, nâng cao hoạt lực cho các cơ quan nội tạng, làm cho chức năng của các bộ phận trong cơ thể được phát huy dồi dào.
Cách này có hiệu quả chữa trị khá tốt đối với các bệnh như huyết áp thấp, thiếu máu, viêm mũi, bệnh còi xương v.v.

4. Xoa bóp chân
Như đã trình bày ở trên, chân là nơi tập trung của hầu hết các đường kinh mạch lớn của cơ thể, và tập trung nhiều huyệt quan trọng bổ trợ cho ngũ tạng. Vậy nên xoa bóp, bấm huyệt giúp kinh mạch lưu thông, có thể gián tiếp điều chỉnh những bất ổn hay thiếu xót trong cơ thể, tránh được bệnh tật.
Cách làm cụ thể là mỗi lần rửa chân thì massage toàn bộ phần chân 1-2 lần, mỗi lần khoảng 30-40 phút.

5. Vận động ngón chân tốt cho bao tử
Các nhà y học Nhật bản gần đây đã nghiên cứu và phát hiện, thường xuyên vận động ngón chân có thể làm mạnh khỏe bao tử. Lý luận kinh lạc cho rằng, kinh lạc của dạ dày là nằm giữa ngón chân thứ 2 và thứ 3, nguồn huyệt của bao tử cũng nằm ở vị trí đốt ngón chân. Vì vậy, chúng ta nên luyện tập ngón chân thứ 2 và thứ 3 giúp 2 ngón có tính đàn hồi, linh hoạt. Ngoài ra, người có chức năng bao tử mạnh, khi đứng thẳng thì ngón chân cũng bám rất chắc. Người có chức năng dạ dày yếu thì nên thường xuyên luyện tập các ngón chân.
Cách làm rất đơn giản mỗi ngày bất cứ khi nào rảnh bạn cho các ngón chân cử động, dùng 2 ngón thứ 2 và 3 gắp đồ… Cứ luyện tập dần dần như vậy chức năng của bao tử sẽ mạnh dần lên.

6. Đấm chân luyện tập sức khỏe
Sau mát xa, ngâm chân nước ấm thì đấm chân cũng là 1 cách tác động lên các huyệt đạo, giúp khí huyết lưu thông.
Dùng một cây gậy đấm lưng đấm nhẹ lên lòng bàn chân, mỗi lần khoảng 50-100 cái, làm cho chúng ta có cảm giác nhức, tê, nóng, sưng, lần lượt đấm từ chân trái rồi chân phải. Thông qua đấm chân để kích thích hậu tố thần kinh dưới chân, thúc đẩy tuần hoàn máu, có thể đạt được hiệu quả khỏe mạnh và phòng chống bệnh tật.

7. Lắc chân giải tỏa mệt mỏi
Nằm ngửa, hai chân nhắc lên cao, sau đó lắc đi lắc lại hai chân, cuối cùng chuyển động một cách có tiết tấu giống như đạp xe đạp, mỗi lần làm từ 5-6 phút. Cách này có thể thúc đẩy toàn thân tuần hoàn máu, giải tỏa cảm giác mệt mỏi.

8. Cọ xát chân thư giãn gân cốt
Bỏ giày, đặt một vật hình tròn to như quả bóng tennis vào lòng bàn chân, chuyển động qua lại 1-2 phút, như thế có thể giúp cho chúng ta phòng chống chuột rút ở chân hoặc mệt mỏi quá độ.

9. Ấm chân phòng bệnh
Hàn lạnh bắt đầu từ chân, cho nên mùa đông chúng ta phải đặc biệt chú ý. Lòng bàn chân cách xa tim, lượng máu cung ứng ít, bề mặt có liên kết với thần kinh của đường hô hấp trên, đặc biệt là có liên kết chặt chẽ với niêm mạc mũi. Vì vậy không nên xem nhẹ giữ ấm cho chân, nếu không sẽ dễ bị cảm, trúng gió. Nếu bạn bị nghẹt mũi, cảm lạnh, có thể dùng dầu gió thoa một ít ở lòng bàn chân, cũng là 1 cách giữ ấm và chữa bệnh hiệu quả.

10. Chăm sóc chân đuổi bệnh
Móng chân chỉ cần một chút là có thể bong ra khỏi ngón và vùng đó có thể sẽ bị viêm nhiễm do vi khuẩn. Để tránh trường hợp này chúng ta có thể thường xuyên cắt móng chân để tránh móng chân bị gãy đột ngột. Ngoài ra, khi cắt móng chân không nên để móng chân nhọn, hai bên móng cũng không nên cắt quá ngắn, nếu không móng chân sẽ châm vào da và ảnh hưởng đến sự phát triển của thịt móng phía trong.

Qua 10 phương pháp đơn giản trên bạn đã có thể chăm sóc bàn chân để cơ thể khỏe mạnh. Hãy nhớ kiên trì và bền bỉ để có được hiệu quả tốt, ngoài ra cách đơn giản nhất để bảo vệ chân là không nên đứng quá lâu, massage chân trước khi đi ngủ.

Trần Ngọc sưu tầm

Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015

Họp Mặt Cựu Giáo Sinh SPVL lớp 6 Khoá 8 lần thứ 19

Như thường lệ, sau ngày 20 tháng 11, lớp chúng tôi đều có buổi họp mặt. Năm nay, buổi gặp gỡ được tổ chức tại nhà Trần Văn Lượm huyện Chợ Mới An Giang. Do sức khoẻ chưa bình phục, tôi không thể tham dự buổi họp mặt lần thứ 19. 
Từ sáng sớm, Các Bạn ở các tỉnh đã khởi hành. Đến hơn 10 giờ, tất cả có mặt đông đủ.
Duyên đã chu đáo, lưu lại những tấm ảnh kỷ niệm này.

Vợ Chồng Lượm

Trước nhà Lượm: Vợ chồng Lượm đứng trước
Hàng phía sau: Phỉ, Sương, Thơ, Chí Thanh, Đào, Điệp, Lài, Cúc Duyên. 

Hàng Nữ trên cùng: như ảnh trên
Hàng giữa: Tài (Bến Tre), Xuân, Vinh, Khai, Anh Hồng, Xiềm, Khải
Hàng ngồi: Hưng, Huệ, vợ chồng Lượm.
 Từ trái sang phải: Khai, Khải, Tài(đứng), Điệp, Huệ, Lài.
Đứng: Thơ và Tài 
Ngồi: Chí Thanh, Sương, Đào.
 Vinh, Tài, Hồng, Xiềm, Lượm.
 Cúc, Chánh, Hưng, Tài Xế.
 Thơ, Phỉ, Chí Thanh, Sương, Đào.
 Xuân, Cúc, Chánh, Huệ, Vinh.
Đào thay mặt các bạn trao quà kỷ niệm cho vợ chồng Lượm.
Từ trái sang phải:
Đứng: Xiềm, Vinh, vợ Lượm, Khai, Huệ, Lượm, Khải, Xuân, Chánh, Hưng, Hồng, Tài.
Ngồi: Duyên, Thanh, Cúc, Lài, Đào, Điệp, Thơ, Phỉ, Sương.

Buổi Họp Lớp kết thúc vào lúc 13 giờ cùng ngày trong niềm vui và quyến luyến của mọi người.
Tất cả cùng hẹn gặp lại vào lần họp mặt năm sau 2016 tại nhà Phan Văn Huệ huyện Bình Đại tỉnh Bến Tre.

Hình ảnh: Vương Kim Duyên
Lời bình: Huỳnh Hữu Đức

Xích Bích - Đỗ Mục


           Một trong những bài Thất ngôn Tứ tuyệt của nhà thơ Đỗ Mục được người Việt Nam ta biết đến nhiều nhất, đó là bài Xích Bích  ( Còn có tựa là Xích Bích Hoài Cổ ). Mời tất cả cùng đọc bài thơ nầy dưới đây :
           赤壁                          Xích Bích
   折戟沉沙鐵未銷,   Chiết kích trầm sa thiết vị tiêu,
   自將磨洗認前朝。   Tự tương ma tẩy nhận tiền triều. 
   東風不与周郎便,   Đông phong bất dữ Chu lang tiện,
   銅雀春深鎖二喬。   Đồng Tước xuân thâm tỏa nhị Kiều ! 
                     杜牧                                        Đỗ Mục
CHÚ THÍCH:
     XÍCH BÍCH : Trận chiến xảy ra ở tháng 10 năm Kiến An 13 đời Hán Hiến Đế  ( 208 sau Công Nguyên ). Đây là trận chiến quan trọng để hình thành thế Tam Quốc. Kết thúc với liên quân
Lưu Bị và Tôn Quyền đánh bại 80 vạn quân của Tào Tháo. Nhân vật nổi trội nhất của trận chiến này là vị Đô Đốc 34 tuổi văn võ song toàn, tài hoa rất mực của xứ Đông Ngô là CHU DU (còn được gọi là Châu Do ).
     TIÊU : là Hao mòn, Rỉ sét.
     ĐÔNG PHONG:  Gió Đông, ngọn gió chướng của tháng 10 đã giúp cho Chu Du dùng thế hỏa công đốt tiêu và đánh tan 80 vạn quân của Tào Tháo.
     CHU LANG: là Chàng Chu, tức Chu Du, Chu Công Cẩn, Đô Đốc thống lĩnh tam quân thủy bộ của Đông Ngô. Người đã đánh tan 80 vạn quân Tào Tháo trên sông Xích Bích.
      Ngoài tài cầm binh và thao lược, Chu Du còn là một Nghệ sĩ tài hoa lỗi lạc, giỏi cả cầm kỳ thi họa, nhất là về đàn tranh.
     ĐỒNG TƯỚC: là Đồng Tước Đài, là Đền Đồng Tước, do Tào Tháo xây dựng nên để thị uy và để hưởng lạc.  
      NHỊ KIỀU: Tức là 2 nàng KIỀU, Đại Kiều là vợ của Tôn Sách  ( anh của Tôn Quyền, người dựng nên nước Đông Ngô ), Tiểu Kiều là vợ của Chu Du.

NGHĨA BÀI THƠ:
           Ngọn giáo gãy vùi chìm trong cát, nhưng sắt vẫn không bị hao mòn rỉ sét. Ta đem nó rột rửa sach sẽ vẫn còn nhận được là đồ của triều đại trước. Ôi, nếu như gió đông không làm phương tiện cho Chu Du đánh thắng trận, thì đền Đồng Tước của Tào Tháo đã khóa xuân hai nàng Kiều của Giang Đông mất rồi ! 
           Đây là một bài thơ Vịnh Sử với một thủ pháp rất đặc biệt. Hai câu mở đầu xem như tầm thường, nhưng lại đầy cảm khái, ngọn kích gãy của hơn sáu trăm năm trước mặc dù đã chìm xuống đáy sông, đã chôn sâu trong cát, là vật của tiền triều, nay vẫn còn đây. Vật vô tri của chiến tích vẫn còn sờ sờ đó, mà người xưa, kẻ chiến bại cũng như người chiến thắng, nay đã còn đâu ?  
           Hai câu kết của bài thơ là 2 câu được mọi người nhắc nhở nhiều nhất. Đây là 2 câu được Đỗ Mục dùng thủ pháp giả thiết phản biện. Ai cũng biết Chu Du hỏa thiêu Xích Bích thắng được trận là nhờ vào gió đông. Đỗ Mục lại bảo rằng : Nếu gió đông không tạo điều kiện cho Chu Du thắng trận, thì Tào Tháo sẽ thắng trận và 2 nàng Kiều sẽ bị khóa xuân trong đền Đồng Tước để mua vui cho Tào Tháo trong tuổi già.
          Cụ Nguyễn Du của ta cũng mượn vẻ đẹp tuyệt sắc của Nhị Kiều xứ Giang Đông để cho người đọc hình dung vẻ đẹp của chị em Thuý Kiều Thuý Vân bằng câu :
                  Trộm nghe thơm nức hương lân,
                  Một nền Đồng Tước khóa xuân hai Kiều.
Diễn Nôm:
Xích Bích 
Kích gãy chìm sông sắt chửa tiêu,
Nhận ra quả vật của tiên triều,
Đông phong chẳng giúp Chu Du thắng,
Đồng Tước khóa xuân cả nhị Kiều !
  Lục bát:
Kích chìm sắt vẫn chưa tiêu,
Nhận ra vật của tiên triều bao thu.
Gió đông chẳng giúp chàng Chu,
Thì đền Đồng Tước ngàn thu khóa Kiều!
Đỗ Chiêu Đức
***
Các Bài Thơ Dịch Khác:
    Xích Bích 
Giáo vùi trong cát sắt không hao
Vũ khí triều xưa nhắc thuở nào...
Ví thử gió đông không thổi đến
Thì Đồng Tước mãi khoá hai Kiều
Phương Hà 
***
Xích Bích 
Dưới bùn gươm gẫy sắt còn kia
Mài rửa tìm ra dấu vết xưa
Gió Đông chẳng giúp chàng Chu thắng
Hai Kiều e nhốt dưới đài rêu
Chân Diện Mục
***
1) Hỏa Công Xích Bích
Hỏa công Xích Bích gảy gươm hàng,
Cát lấp sóng vùi giáo kích ngang.
Tháo chạy đông phong, Du chiến thắng,
Nhị Kiều, Đồng Tước cách quan san...

2) Trận Xích Bích
Cát vùi lưỡi giáo vẫn nằm đây,
Cổ vật còn lưu dấu thế này.
Đắc kế gió đông, Chu tướng thắng,
Nhị Kiều, Đồng Tước, chuyện xưa nay...
Mai Xuân Thanh
***
Xích Bích
1/
Kích gẫy cát vùi sắt chẳng tiêu
Cạo ra còn dấu của tiền triều
Gió đông nếu phụ Chu Công Cẩn
Đổng Tước đài xuân ắt giữ Kiều.

2/
Giáo chìm đáy cát chưa tiêu
Rửa mài thấy dấu tiên triều chưa lu
Gió đông nếu chẳng chiều Du
Đài xuân Đổng Tước sẽ lưu hai Kiều.
Quên Đi