(Tặng riêng cho anh chị Bảo)
Xin hãy quên em
Yến: Tôi là nhân viên của một công ty bảo hiểm của Mỹ, được cử về làm việc cho chi nhánh tại Saigon. Hải, kỹ sư xây dựng, là nhân viên của một công ty xây dựng có trụ sở chính tại Saigon, anh sang Bắc Kinh để tham dự cuộc triển lãm quốc tế về vật liệu xây dựng. Chúng tôi quen nhau nhờ sự ngẫu nhiên ngồi bên cạnh nhau trong chuyến máy bay trung chuyển từ Hong Kong về Saigon.
Có lẽ thấy tôi có chút bồn chồn tỏ vẻ lo lắng, loay hoay nhiều lần với tấm bản đồ Saigon và tấm thiếp của công ty đã làm Hải đoán biết tôi là Việt kiều, anh hỏi tôi với ý định giúp đỡ và chúng tôi quen nhau. Trong suốt gần 4 tiếng đồng hồ nói chuyện, Hải đã làm cho tôi rất ngạc nhiên với kiến thức tổng quát rất rộng của anh. Không chỉ trong chuyên môn mà mọi lãnh vực khác Hải cũng biết một cách rất tường tận. Khi tôi thắc mắc, Hải cười và nói, với sự phát triển của thông tin trên mạng như hiện nay thì việc tìm tòi, học hỏi chẳng có gì là khó khăn nếu người ta muốn biết .
Từ cảm phục về tài năng và chuẩn mực trong lối sống của Hải và cùng sở thích du lịch khám phá và yêu thiên nhiên đã kéo gần chúng tôi lại với nhau. Cuối cùng với hơn 2 năm gần gũi chúng tôi thực sự là một cặp tình nhân với biết bao nhiêu kỷ niệm. Tôi và Hải đến gần nhau êm nhẹ, nồng ấm như một bản hoà âm không mang một tí tạp âm nào của lo buồn hay sợ hãi cách ngăn. Nhưng cuộc sống không phải luôn luôn như người ta ao ước, vẫn có cái gì đó bấp bênh để rồi sinh ra những nghịch cảnh mà đôi khi người ta không thể đoán trước được!
Đúng như vậy, nghịch cảnh đã đến với tôi ba ngày trước. Căn bệnh đau nhức vùng lưng và bụng của tôi, lại tái phát với cường độ quá mạnh, làm cho tôi hoa mắt, chóng mặt không thể ngồi dậy để đi làm được. Tôi đã dùng thuốc chống đau nhức với lượng cao nhất nhưng cũng không làm dịu được cơn đau mà còn làm tôi nôn ói ra khắp nhà. Không thể cưỡng lại được cơn đau, tôi điện thoại đến cơ quan nhờ cô bạn đồng nghiệp đến giúp, đưa tôi đi bệnh viện. Sau vài ba giờ đồng hồ chữa trị và xét nghiệm, vị bác sĩ trưởng khoa trực tiếp đưa cho tôi tờ kết quả, với chút ngập ngừng ông ta cho biết. Tôi đã vướng vào một căn bệnh ung thư tuỵ tạng cấp tính, căn bệnh mà khoa học đến nay gần như vẫn bó tay, nhất là ở giai đoạn cuối, khi đã di căn sang các cơ quan khác như trường hợp của tôi. Biết tôi mang quốc tịch Mỹ và gia đình cũng định cư tại Mỹ, ông khuyên tôi hãy hãy trở về Mỹ ngay để chữa chạy càng sớm càng tốt. Dù hy vọng mong manh nhưng nơi đó vẫn có nhiều phương tiện tân tiến và nhân sự tài năng hơn VN, lại được người thân chăm sóc, một yếu tố tâm lý rất tốt cho sự hồi phục.
Suốt mấy ngày vừa qua, nằm trong bệnh viện chờ đợi trở lại Mỹ, tôi suy nghĩ rất nhiều về mối tình giữa tôi và Hải nếu tôi không qua khỏi được căn bệnh này. Tôi nhớ đến một buổi cuối tuần của tháng trước, lúc chúng tôi đang nghe nhạc tại phòng trà Lục Huyền Cầm, Đà Lạt, thì cơn đau phía sau lưng đã làm cho tôi khó chịu ( lúc đó tôi vẫn nghĩ đó là bệnh đau nhức bình thường). Không tìm thấy hộp thuốc đau nhức mà tôi luôn luôn mang theo trong xách tay, tôi mới nhớ ra, đã để quên trong khách sạn. Hình như nhìn thấy vẻ nhăn nhó vì đau đớn của tôi, Hải im lặng kéo tôi đứng dậy, nâng đỡ tôi ra khỏi phòng trà, và gọi taxis trở về khách sạn.
Hải dìu tôi nằm xuống giường, lấy thuốc cho tôi uống rồi dùng khăn nóng chườm sát chỗ đau cho tôi một lúc trước khi đắp chăn cho tôi … Sự săn sóc tận tình và vẻ mặt lo lắng của Hải đã làm tôi cảm động, ghé sát vào tai Hải tôi hỏi nhỏ:
-Em thấy đỡ rồi, cám ơn anh. Anh làm em cảm động quá.
Hải nhéo mắt nhìn tôi mỉm cười, đưa tay vỗ vào má tôi vài cái, không nói gì, ấn nhẹ tôi nằm xuống. Ngần ngừ tí chút, nắm lấy vai của anh, kéo lại gần, ghé sát vào tai, tôi hỏi nhẹ :
-Nếu em bị bệnh hay vì một lý do nào đó mà chết đi, anh sẽ ra sao, Hải nhỉ ?
Chẳng một tí lưỡng lự, Hải nhìn vào mắt tôi, trả lời:
-Anh sẽ không bao giờ lấy vợ, không yêu người đàn bà nào khác ngoài em. Anh sẽ sống độc thân suốt đời, tìm vui với những kỷ niệm yêu nhau của chúng mình.
Nghe Hải nói, tôi mỉm cười, nghĩ đó chỉ là lời nói buông lơi, đùa giỡn vu vơ. Hình như nhìn thấu suy nghĩ của tôi, anh nghiêm sắc mặt, đưa tay nâng cằm tôi lên, nhìn vào mắt tôi, Hải nói rất rõ ràng, chậm chạp:
-Em hãy nhìn xem, anh có vẻ gì là đùa giỡn không ? Không phải là câu nói môi mép cho em vui mà là sự suy nghĩ thật của lòng anh đó. Anh yêu em, người anh yêu đầu tiên và cũng là người cuối cùng của một người đàn ông 26 tuổi.
Lúc này thì tôi không còn một tí gì nghi ngờ lời nói của người đàn ông ngồi trước mặt mình nữa. Im lặng với chút đờ đẫn, con tim của tôi hình như run lên vì sung sướng, cảm động. Đưa tay ôm lấy Hải ghì sát vào ngực mình tôi nói rất nhẹ bên tai Hải:
- Cám ơn anh. Em cũng vậy, sẽ mãi mãi yêu anh.
***
Lúc này đây, nằm trong bệnh viện, cận kề với thần chết, những lời trao đổi của Hải và tôi vài ba tuần lễ trước ở Đà lạt lại trở về trong trí nhớ, cho tôi cái cảm giác rất hạnh phúc vì tôi đã có một mối tình đẹp, một người yêu chung thuỷ như Hải. Tôi chợt ước ao, lúc này có Hải ở bên cạnh để lại được hưởng những giây phút hạnh phúc từ những sự lo lắng, săn sóc của anh dành cho tôi. Nghĩ như vậy, nhiều lần cầm điện thoại định gọi báo tin cho Hải, nhưng sau vài ba phút bần thần suy nghĩ, lại bỏ xuống. Tôi tự hỏi với căn bệnh vô phương cứu chữa này, báo tin cho Hải, thực sự có phải là một giải pháp tốt nhất cho anh và tôi không?
Dĩ nhiên, khi biết tin, chắc chắn Hải sẽ đến, tôi sẽ sung sướng, tự hào vì có một người yêu tuyệt vời lo lắng lúc mình khi ốm đau. Nhưng khi nghĩ đến việc chữa trị căn bệnh giữ được sự sống cho tôi chỉ là điều quá mong manh, nếu không muốn nói là hoàn toàn vô vọng. Vậy báo tin cho Hải, để làm gì, chỉ làm cho người mình yêu thương buồn đau và gián tiếp cột chặt Hải vào một lời hứa quá nặng tình mà anh đã nói với tôi tại Đà lạt vừa qua?
Không! Tôi yêu Hải rất chân thành, tôi biết anh cũng yêu tôi. Tôi không muốn chỉ vì cái hạnh phúc ngắn ngủi, nhất thời được gần gũi nhau trước khi chết để rồi Hải phải mãi mãi độc thân. Điều này quá thiệt thòi và bất hạnh cho Hải quá. Tôi không muốn như vậy.
Một ngày trước khi rời bệnh viện để ra phi trưởng trở lại Mỹ , tôi viết cho Hải một lá thư, ngụỵ tạo ra một câu truyện không có thật. Trong lá thư đó tôi viết, trước khi sang VN làm việc, tôi đã có một mối tình rất sâu nặng với một người Mỹ gốc Afganistan, anh ta là bạn cùng đại học với tôi tại Mỹ. Sau khi tốt nghiệp, anh ta gia nhập quân đội và được gửi sang chiến đấu ở Trung Đông. Nhưng chỉ vài tháng sau, gia đình anh ta nhận được giấy báo cho biết anh ta đã mất tích trong một trận đụng độ với kẻ thù và được coi là đã chết. Với tin buồn đó, tôi muốn đi xa để tìm quên, đó là lý do hơn hai năm trước tôi đã về VN làm việc.Nhưng khoảng một tuần lễ trước, tôi nhận được điện thoại từ anh ta, gọi sang cho biết, anh ta vẫn còn sống và đã trở lại Mỹ. Nguồn tin anh ta chết mất xác tại chiến trường, chỉ là một vở kịch cần thiết cho một công tác đặc biệt của anh ta tại chiến trường mà thôi. Hiện nay công tác đã hoàn tất và anh ta vẫn yêu tôi và muốn tôi trở lại Mỹ để làm đám cưới.
Cuối bức thư buồn đau và giả tạo đó, tôi mong Hải cảm thông và tha thứ cho tôi khi phải quyết định rời xa Hải để trở về với người yêu xưa cũ mà tôi vẫn còn yêu. Tôi cũng không quên cầu chúc Hải chóng tìm được niềm vui mới với một người phụ nữ nào đó xinh đẹp, tài năng và xứng đáng hơn tôi.
Tôi đã gửi lá thư đó cho Hải, trước khi rời nhà lên taxis ra phi trường để trở về Mỹ, bỏ lại đằng sau tất cả niềm vui, hạnh phúc và kỷ niệm trong hơn 2 năm của mối tình giữa tôi và Hải. Tôi không thể ngờ được cuộc tình đẹp đẽ của tôi và Hải chỉ là ảo ảnh. Ngồi trong taxis trên đường ra phi trường, Saigon vẫn tấp nập, ồn ào, những dấu tích kỷ niệm của những lần hẹn hò, đi chơi với Hải như đập vào mắt làm cho tôi thẫn thờ. Nước mắt tôi trào ra khi biết mình đang rời xa một người mà tôi đã từng yêu thương để rồi mãi mãi chẳng bao giờ tái ngộ!
Anh vẫn nhìn thấy em trong ảo giác.
Hải: Đọc mấy lần lá thư của Yến, tôi vẫn không tin đó là sự thật, một sự thật rất khó tin mà tôi không bao giờ tưởng tượng ra được. Tôi điện thoại, nhắn tin cho Yến nhiều lần nhưng ngoài vùng phủ sóng. Không làm sao hơn tôi xách xe đến căn hộ của Yến, người quản lý chung cư cho biết, vài ngày trước, công ty của Yến đã sai nhân viên đến thu dọn để chuyển giao cho người khác. Trực tiếp điện thoại cho vị giám đốc, nơi làm việc của Yến, ông ta cho biết, 3 ngày trước Yến đã trở về Mỹ, để làm việc cho một chi nhánh ở Mỹ. Điều đó đã cho tôi hiểu là Yến đã lựa chọn ra đi, không một lời từ giã. Tôi thực sự là một kẻ thất bại và bị coi thường.
Mang cái cảm giác bị thua kém, khinh khi đó, tôi giận Yến, tôi trách Yến, đã quá coi thường và không biết rằng sự tự trọng không bao giờ cho phép tôi van xin, quỳ lụỵ khi Yến quyết định rời xa tôi để đến với người đàn ông khác, không muốn gặp tôi dù chỉ để nói một câu từ giã.
Nhưng suy nghĩ cho kỹ, tôi tự hỏi, tôi có tư cách gì để trách Yến khi hai chúng tôi vẫn chưa có gì để thắt buộc lấy nhau trong cuộc sống. Biết đâu, cô ta không muốn gặp tôi không phải sợ tôi van xin hay buồn đau mà vì không muốn làm vẩn đục niềm vui của mình trước lúc ra đi, đơn giản thế mà thôi !Có lẽ điều mà tôi nên tự trách mình, đó là chính tôi, đã quá nhiệt tình, không một chút nghi ngờ khi đem tất cả tình yêu của mình cho Yến để rồi khi bị phản bội phải nhận lấy thương đau mà thôi. Điều tốt đẹp nhất cho tôi lúc này là phải biết quên buồn và vui sống.
Nhưng thực tế không đơn giản như tôi muốn, Trong ảo giác, tôi vẫn nhìn thấy Yến với khuôn mặt trắng hồng, hạnh phúc, cười vui bên cạnh tôi. Điều đó cho tôi biết rằng tôi vẫn còn rất yêu Yến, dù biết rằng Yến đã ra đi, xa rời tôi và mãi mãi không bao giờ trở lại.
Hình như tôi đang tìm thấy một niềm vui mới.
Hải: Đã hơn 8 tháng trôi qua, kể từ ngày Yến trở về Mỹ, hàng ngày tôi vẫn đi làm nhưng sau giờ tan sở tôi thường tạt vào hàng quán ăn nào đó, dằn bụng sơ sài cho quên đói rồi lái xe lang thang đến những nơi khác. Khi thì quán cà phê, lúc thì phòng trà, snack bar …những nơi mà trước kia tôi và Yến đã có vài ba lần ghé qua. Đến đó tìm một góc vắng vẻ, tách riêng với đám đông ngồi uống rượu nhâm nhi vài bịch đậu phộng cho đến lúc hàng quán đóng cửa mới uể oải ra về. Nhiều khi vì quá say, cảm thấy không đủ tỉnh táo lái xe, thì tìm một khách sạn rẻ tiền ngủ qua đêm và cũng có chỗ giữ chiếc xe, rồi sáng hôm sau lấy xe đi làm.
Trong những nơi tôi thường la cà đến là quán cà phê sân vườn nho nhỏ nhưng khá ấm cúng của Vân ở Phú Nhuận. Vân là bạn cùng học cấp ba với tôi, khi lên đại học, tôi học ngành xây dựng còn Vân theo ngành kinh tế. Tốt nghiệp xong tôi vào làm cho một công ty tương đối nhỏ, chuyên môn cung cấp vật liệu xây cất. Nhưng chỉ được khoảng nửa năm nhờ gia đình quen biết tôi chuyển sang làm cho công ty chuyên xây dựng có tầm cỡ quốc gia cho đến ngày nay. Vân tốt nghiệp xong, không muốn đi làm, gia đình thuộc loại không giầu nhưng có chút vốn nên bước ngay vào kinh doanh. Vân thuê lại căn nhà hai tầng có sân vườn của người dì, em của mẹ tại Phú Nhuận, biến đổi tí chút thành một quán cà phê. Việc kinh doanh khá thành công, bạn bè thường lấy nơi này làm chổ gặp gỡ nhau trong các cuộc họp mặt cuối năm, sinh nhật, lễ hội, cũng là nơi tiếp đón thân nhân từ xa về ..v..v..
Tôi nghe loáng thoáng sau khi tốt nghiệp khoảng một năm, Vân có một người bạn trai tên là Khoa, một kiến trúc sư mới ra trường, nhà rất giầu, bố mẹ Khoa là chủ một công ty chuyên môn về địa ốc. Họ đã dự tính kết hôn, nhưng trong một chuyến du lịch sang Singapore, gia đình Khoa quen biết một gia đình khác cũng trong giới kinh doanh địa ốc, họ có một cô con gái tên Oanh, cũng vừa tốt nghiệp đại học. Trong lần du lịch đó, Oanh cũng như bố mẹ của Oanh rất có cảm tình với Khoa. Hai gia đình thấy việc kết thông gia quá thuận lợi cho việc phát triển kinh doanh vì cùng trong nghành nghề. Từ đó Bố mẹ của Khoa tìm đủ cách ngăn cản những cuộc hò hẹn, gặp nhau của Khoa và Vân. Họ cũng gặp trực tiếp Vân, yêu cầu Vân chấm dứt liên hệ với Khoa, và cho biết sẽ không bao giờ chấp nhận Vân là con dâu của họ. Trong khi Vân bị áp lực như vậy, thì Khoa dù yêu Vân nhưng bản tánh yếu đuối, không đủ dũng lực đối chọi với những áp đặt của cha mẹ nên cứ lập lờ trong tình cảm. Chán nản với cá tính nhu nhược, thiếu quyết đoán của Khoa, Vân đã tự động rời xa. Hiện nay Vân vẫn độc thân, sống khá khép kín, dành hết thời gian cho việc điều hành quán cà phê.
Trong hơn 2 năm gắn bó với Yến, không một cuộc họp mặt nào tại quán cà phê của Vân mà tôi không dẫn Yến đến tham dự, chính vì vậy hầu hết bạn bè trong nhóm đều biết rất rõ tình yêu của tôi và Yến. Chính vì vậy, được tin Yến im lặng rời xa tôi, trở lại Mỹ sống với người yêu cũ, làm cho tôi buồn chán, hàng ngày là cà say sưa tại các hàng quán đã làm cho bạn bè ngỡ ngàng, mọi người tế nhị, im lặng và kín đáo nhìn tôi với lòng thương hại.
Vài ba tuần đầu tiên sau ngày Yến ra đi, mỗi khi tan sở, tôi lang thang, la cà nhiều nơi khác nhau, nhiều lần vì say sưa, tôi đã tạo ra vài rắc rối cho quán, nên nhân viên của quán thường không mấy vui khi thấy tôi bước vào. Chính vì vậy, tôi thường đến quán của Vân hơn, Có lẽ vì là bạn thân quen và hiểu rõ nỗi buồn của tôi nên Vân cảm thông và thường giúp đỡ tôi mỗi khi tôi quá say không thể chạy xe về nhà được. Vân cho người mang xe của tôi vào quán, gọi xe ôm chở tôi về phòng trọ, sáng hôm sau tôi đi xe bus đến quán lấy xe đi làm. Ngoài ra, biết ý thích của tôi muốn có một chỗ yên tĩnh trong quán, tách xa với mọi người và im lặng uống rượu nên Vân dành riêng cho tôi cái bàn ở góc phía sau của quán, để cho tôi uống rượu và mơ màng. Chỗ đó sát cũng với quầy thu tiền và cũng là nơi Vân thường đứng đó quan sát, điều hành nhân viên của quán.
Cũng có một lý do khác làm cho tôi thường đến quán của Vân, tôi có cảm tưởng Vân rất tế nhị khi tiếp đón tôi, thân thiện khi chào hỏi nhất là luôn tỏ ra là người biết im lặng, lắng nghe mỗi khi tôi tâm sự. Đôi khi Vân biết dùng những lời nói êm ả, rất hiểu tâm lý khi đưa ra những ý kiến hay lời khuyên răn cố kéo tôi ra khỏi những khi tôi quá buồn phiền hay chán nản…Tất cả những cái đó, với thời gian, đã làm cho tôi có cảm giác Vân là người bạn gần gũi, hiểu rõ tâm tư của tôi và tôi hoàn toàn không một chút ngại ngần, dám nói tất cả những suy tư của mình cho Vân nghe.
Một lần vào buổi chiều thứ sáu của vài tuần trước, lúc tan sở ra về, lại gặp hôm trời mưa lâm râm. Thông thường tôi tạt vào một tiệm cơm nào đó ăn một tí dằn bụng trước khi đến quán uống rượu. Nhưng hôm đó để bụng trống không, tôi chạy xe thẳng đến quá của Vân. Thấy tôi đến sớm hơn thường lệ, nhưng Vân cũng chẳng tỏ ra thắc mắc, vẫn vui vẻ chào đón tôi như mọi lần và dĩ nhiên cũng dành cho tôi cái bàn quen thuộc ở góc quán. Vẫn với những chai bia, vài gói đậu phụng rang, tôi im lặng cho nỗi buồn quen thuộc tràn lan trong lòng mình. Nhưng lần này cơn say đến với tôi nhanh hơn, có lẽ vì chưa ăn cơm tối, bụng còn đói mà ra. Chỉ với bốn lon bia đã làm tôi không thể cưỡng được, tôi gục xuống bàn, đôi tay quờ quạng làm mấy vỏ bia loảng xoảng rơi xuống đất.
Thật sự tôi đã say, cảm giác lâng lâng nhưng tôi cũng vẫn còn nhận thức để nghe được tiếng thở dài và tiếng kéo ghế của Vân. Vân ngồi sát bên tôi, đưa tay kéo tôi dựa vào thân thể mềm ấm của Vân, dùng chiếc khăn ướp lạnh lau khắp mặt tôi. Với giọng buồn bã,Vân nói rất nhỏ, sát bên tai của tôi:
-Hải ơi, anh còn buồn khổ đến thế sao ? Đã gần một năm trời, Yến bỏ anh ra đi, không lời giã biệt và cũng không một tí hồi âm…Điều đó vẫn chưa đủ để anh hiểu được rằng mối tình của anh và Yến đã thực sự chấm dứt rồi sao ? Anh có biết những lần thấy anh say sưa, buồn đau bên chai rượu đã làm em xót thương anh lắm không ?
Im lặng một lúc, đưa bàn tay mát lạnh vuốt nhè nhẹ lên mặt tôi, với giọng rất buồn, Vân nó tiếp:
-Có lẽ tình yêu của anh với Yến và em với anh là một cuộc chạy đuổi theo nhau. Anh chạy theo Yến , nhưng anh không biết rằng em cũng đang chạy theo sau anh. Nhiều năm qua, ngay từ khi cùng học với nhau tại cấp ba em đã mến yêu anh.Tại sao anh không biết hả Hải ?
Im lặng lại một lúc, hình như để cho lòng mình can đảm hơn, cũng với giọng thì thầm, Vân nói tiếp:
-Anh có hiểu là em đã buồn đau ra sao khi biết anh quen rồi yêu Yến không? Lúc đó niềm hy vọng được gần và yêu anh thực sự chấm dứt rồi! Em thấy chung quanh mình, tất cả bạn bè đều có đôi, có lứa, còn em thì vẫn cô đơn. Em nghĩ rằng chính em đã quá cứng nhắc để rồi khác với mọi người, vẫn là một kẻ cô đơn! Em đã cố gắng đến với Khoa, nhưng chỉ một thời gian ngắn, em đã hiểu được rằng thứ tình cảm đó không phải là tình yêu. Giả sử nếu có một tí mù mờ nào đó cũng chỉ là một tình yêu với quá nhiều ngộ nhận. Chính vì vậy khi gặp rắc rối với gia đình Khoa, em đã nhẹ nhàng vẫy bỏ, rời xa. Hải ơi, nếu cần có một người đàn ông để làm chồng thì đến lúc này em vẫn chưa muốn có. Nhưng em luôn luôn ước ao có một người đàn ông để yêu và để làm chồng, bây giờ Yến đã rời xa anh, và người đàn ông em ao ước là anh đó.
Dù còn say nhưng lời nói của Vân đã làm tôi giật mình. Có lẽ vòng tay của Vân đã cảm nhận được sự kích thích của tôi khi Vân ôm tôi trong lòng, Vân vội vàng làm ra vẻ bình thường đưa chiếc khăn lạnh lên lau mặt cho tôi và hỏi nhỏ:
-Hải, Hải !… Đã tỉnh lại chưa ? khổ thật, ngày nào cậu cũng say sưa thế này sao?
Làm ra vẻ như vừa tỉnh dậy, ngồi thẳng người lại, lấy tay vuốt lại mái tóc, tôi nói:
-Xin lỗi Vân, mình uống say quá.
Vươn vai đứng dậy, cầm lấy chiếc cặp, tôi nói tiếp:
-Thôi, Hải phải về đây, chắc cũng muộn rồi.
Nhưng Vân đã đưa tay ra vẻ ngăn cản và nói với tôi:
-Hải còn say, hãy ngồi lại thêm một tí cho tỉnh, Vân sẽ gọi xe ôm đưa Hải về như mọi lần cho an toàn.
Thế là chiếc xe của tôi đêm hôm đó được để lại quán và Vân gọi xe ôm đưa tôi về nhà. Khi tiễn tôi, Vân còn nói với theo:
-Sáng mai đến ăn điểm tâm với Vân nhé. Vân sẽ điện thoại đánh thức Hải đó.
Sáng hôm sau, đúng 6 giờ, điện thoại reo đánh thức tôi dậy, Vân cho biết đang sửa soạn bữa điểm tâm và chờ tôi đến. Ngồi trên chuyến xe bus đến nhà Vân, tôi đã mường tượng thấy cuộc đời của mình sau gần một năm trời chìm đắm trong buồn chán và say sưa dưới dạng của một kẻ thất tình, có lẽ đã đến điểm chấm dứt. Những sự dịu ngọt, lo lắng của Vân là ánh đèn dõi đường cho tôi thoát khỏi con đường hầm mà Yến khi ra đi đã để lại trong đời tôi.
Tôi cảm nhận được anh đã hiểu lòng tôi.
Vân: Sau khi gọi xe ôm chở Hải về nhà, suốt đêm hôm qua gần như tôi không ngủ được. Cảm giác đê mê khi ôm Hải vào lòng, nói ra được những yêu thương thầm kín mà tôi đã giữ trong lòng mình suốt nhiều năm qua, từ khi chúng tôi cùng học với nhau ở trường cấp ba. Đúng như vậy, không phải chỉ riêng một mình tôi mà có lẽ hầu hết con gái trong lớp ít hay nhiều đều mê mẩn với dáng dấp sang trọng, vững trãi rất đàn ông của Hải.
Tuy nhiên có một điều rất kỳ lạ, dù lũ con gái chúng tôi, ai ai cũng thích và tìm cách gần gũi Hải mọi nơi, mọi lúc, trong lớp học cũng như trong các cuộc sinh hoạt, vui chơi…Hải rất hòa đồng, tham gia với mọi người nhưng không bao giờ anh dành sự đặc biệt, riêng rẽ nào cho bất cứ một ai. Khi lên đại học cũng vậy suốt 4 năm, gần như Hải không bao giờ vắng mặt trong các cuộc đi chơi tập thể hay họp bạn vào những dịp lễ lạc, cuối tuần …Nhưng cũng chẳng có một cô gái nào có một vị trí đúng nghĩa bạn gái của Hải. Với cá tính khác biệt, có chút lạ kỳ đó, rất nhiều người đã có ý nghĩ Hải có vấn đề về giới tính. Nhưng với tôi, hoàn toàn không bao giờ có ý nghĩ đó, tôi cho rằng Hải là một dạng đàn ông rất cá tính, nếu không muốn nói là khó khăn trong vấn đề lựa chọn người bạn gái đúng nghĩa cho mình. Sở dĩ anh vẫn chưa tìm được người mình yêu thương là vì chưa tìm thấy một người có những cái mà anh thích mà thôi. Với suy nghĩ như vậy, tôi vẫn không bao giờ bỏ được ý định tìm cách gần gũi, tìm hiểu về Hải.
Khi lên đại học, dù chúng tôi không học với nhau nhưng không một dịp họp bạn vui chơi nào mà tôi bỏ qua và không tìm cách gần gũi Hải. Bạn bè đều biết rõ tôi yêu Hải, tìm cách gần gũi Hải nhưng vẫn chỉ là tình cảm đơn phương, không một tí hy vọng. Nhiều người đã gián tiếp hay trực tiếp khuyên tôi hãy bỏ ý định đó đi, vì đó chỉ là một chuyện vô ích, Hải không phải là người đàn ông đúng nghĩa.
Nhưng bất thình lình, Hải quen biết rồi yêu thương Yến, đã làm cho tất cả bạn bè bàng hoàng, lúc đó mọi người mới biết sự nhận xét của tôi về Hải là chính xác. Riêng tôi rất buồn khi biết Hải yêu thương Yến, với tôi đó là một cú sốc tình cảm rất mạnh, một thất bại ê chề. Nhưng tôi vẫn thầm yêu mến Hải dù biết đó chỉ là tình yêu đơn phương. Cũng chính vì cú sốc đó, tôi đã ép mình gần gũi với Khoa, nhưng cũng chẳng đến đâu và tôi cũng chẳng có gì để tiếc nuối khi nó tan vỡ.
Trong tâm thế buồn bã đó, niềm hy vọng của tôi được trở lại khi nghe tin tình yêu của Hải và Yến tan vỡ. Yến rời bỏ VN trở về Mỹ với người tình xưa, Hải đang rơi vào tình trạng chán chường, dìm mình vào say sưa. Tình yêu đơn phương của tôi dành cho Hải lại được sưởi nóng, mối tình mà tôi đã tưởng rằng nó đã bị đóng băng khi Hải và Yến yêu nhau. Tôi lại tìm đủ mọi dịp để đến gần Hải, những cuộc họp mặt bạn bè tại quán cà phê của tôi được tổ chức nhiều hơn. Tôi cố tạo ra một không gian riêng biệt tại quán của tôi dành cho Hải, mỗi khi anh cần có một nơi yên tĩnh để say sưa, hoài niệm về mối tình đổ vỡ của anh và Yến. Với tôi chỉ được gặp và nhìn thấy anh bất cứ ở trạng thái nào, tỉnh táo hay say sưa là đủ . Tôi sẵn sàng im lặng ngồi hàng nhiều giờ để nghe, mỗi khi Hải muốn có người để trút nỗi buồn sau khi tan sở..v..v..
Nhưng tối khuya hôm qua, lần đầu tiên, tôi đã dám ôm Hải vào lòng mình và nói ra tất cả nỗi lòng thầm kín của mình. Dù lúc đó anh đang say nhưng tôi có linh cảm anh vẫn còn đủ ý thức nghe và hiểu những lời tỏ lộ của tôi. Lúc dìu anh lên chiếc xe ôm, tôi thẩn thờ đứng nhìn theo và biết rằng một khi đã nói ra được nỗi lòng mình và cảm nhận được những rung động của Hải, thì cuộc đời của tôi vừa chạm vào ngưỡng cửa của tình yêu. Với tình yêu đó tôi tự nhủ lòng mình sẽ tìm đủ mọi cách để giúp Hải gạt bỏ nỗi buồn chán mà Yến đã để lại trong lòng anh lúc ra đi. Tôi phải làm sao để Hải biết được rằng tôi đã có một vị trí quan trọng trong lòng Hải và đủ sức kéo anh ra khỏi những lúc buồn đau khi anh nhớ đến Yến mà phải vùi mình vào những cơn say.
Một tình yêu có hậu.
Vân: Thời gian qua mau quá, đã gần sáu tháng kể từ ngày mà tôi ( có lẽ cả Hải nữa ?) đã nhìn thấy chúng tôi cần có nhau. Tất cả nỗi buồn phiền của tôi và anh đều được gạt bỏ sang một bên để thay thế bằng những buổi hẹn hò và tính toán tương lai . Cuộc sống trong 6 tháng vừa qua của chúng tôi là một bản hợp ca toàn là những tấu khúc của hoan lạc và hạnh phúc. Nhóm bạn bè cũng rất ngạc nhiên với mối tình muộn màng của chúng tôi, họ tìm đủ mọi cách vun vào để cho chúng tôi tiến gần hơn nữa.
Cuối cùng thì việc gì đến cũng phải đến. Chúng tôi chuẩn bị một tiệc cưới rất đơn sơ nhưng tràn đầy niềm vui của hai chúng tôi và bạn bè. Tôi và Hải đã nắm tay nhau khởi sự một cuộc sống mới. Hải trả lại căn nhà trọ, dọn về cùng sống với tôi ở lầu hai. Chúng tôi dự tính sẽ cố dành dụm để 5 hay 7 năm sau sẽ mua một căn nhà riêng. Hải vẫn đi làm ăn lương tháng, tôi sẽ tìm cách mở một cơ sở thời trang trên trung tâm thành phố.
Món quà cưới của Yến.
Hải: Đám cưới vừa xong được khoảng một tuần. Tôi và Vân đang ở trên lầu sắp xếp lại những bề bộn còn lại của ngày cưới thì cô nhân viên của quán cho biết, một phụ nữ nhận là đồng nghiệp của Yến, muốn gặp vì có vài việc quan trọng liên quan đến Yến. Hiện bà ta đang ngồi đợi ở dưới quán.
Sau vài câu chào hỏi, người phụ nữ cho biết sau khi Yến rời VN trở về Mỹ để chữa trị bệnh ung thư được khoảng 2 tháng, nhưng không thành công và Yến đã mất. Trước khi mất, Yến có uỷ quyền cho công ty giúp đỡ cô ấy làm một vài việc có liên quan đến tôi.
Trước hết, Yến mong tôi tha lỗi vì lúc rời xa đã không gặp tôi để nói lời từ giã, lý do là vì không muốn tôi biết cô ấy bị căn bệnh không phương cứu chữa, tránh sự buồn đau cho tôi. Không muốn cái chết của cô ấy tạo ra khó xử cho tôi trong việc yêu thương một người phụ nữ khác. Chính vi vậy trước khi rời VN về Mỹ, Yến đã ngụỵ tạo ra một chuyện không bao giờ có thật, đó là Yến trở về Mỹ để kết nối với một người yêu xưa cũ của mình.
Bà nhân viên cho biết thêm, trước khi rời VN, lúc còn khoẻ mạnh, chưa biết gì về căn bệnh đang tiềm tàng trong cơ thể mình, Yến tích góp tiền bạc, dự tính sẽ mua một căn hộ trong một chung cư tại quận 2, dành cho tôi và Yến sau khi thành hôn. Nhưng tất cả chỉ là ảo tưởng, khi căn bệnh quái ác, vô phương cứu chữa đến với Yến. Cô ấy trở lại Mỹ để gần gũi cha mẹ, anh chị em trước khi vĩnh viễn rời bỏ sự sống. Món tiền tích góp của Yến vẫn được giữ trong một tài khoản tại ngân hàng. Trước khi rời VN, Yến đã uỷ quyền cho công ty nơi Yến làm việc tại Sàigon quản lý món tiền đó. Chờ đợi cho đến ngày tôi lập gia đình, công ty sẽ mua một căn hộ tại quận 2 và trao tặng cho tôi, như là món quà cưới cuối cùng mà Yến muốn dành tặng cho tôi, người mà cô ấy mãi mãi yêu thương.
Bà nhân viên cho biết, sau khi biết tin tôi lập gia đình. Bà ta đã liên hệ với ngân hàng và công ty địa ốc để đặt mua một căn hộ tại quận hai, đúng như ý muốn cuối cùng của Yến để tặng cho tôi. Nói xong bà ta mở chiếc cặp lấy ra một xấp hồ sơ đưa tận tay tôi và nói :
-Mọi thủ tục mua bán, giá cả đã được công ty chúng tôi và ngân hàng thu xếp xong, chỉ còn chờ anh Hải dành chút thời gian đến ngân hàng làm thủ tục sang tên là xong. Ngoài ra món tiền dành dụm của cô Yến sau khi trả cho căn hộ vẫn còn dư thừa chút ít, ngân hàng cũng sẽ chuyển đến tài khoản cho anh. Tất cả đều minh bạch.
Tôi và Vân im lặng nghe bà nhân viên nói, chúng tôi không giấu được xúc cảm với lòng tốt và tình yêu trong sáng, đầy lòng vị tha của Yến. Vân đưa mắt nhìn tôi khẽ lắc đầu, hiểu ý tôi cầm xấp giấy tờ đưa trả lại bà nhân viên và nói :
-Tình cảm và lòng tốt của Yến đã làm cho chúng tôi quá cảm động, nó đã vượt ra ngoài sự tưởng tượng của chúng tôi. Cá nhân tôi đã hiểu lý do và lòng tốt của Yến dành cho tôi khi cô ta phải im lặng rời xa tôi, thế là quá đủ ! Chúng tôi không dám nhận nhiều hơn nữa, nhất là người bất hạnh và chịu thiệt thòi vẫn là Yến và gia đình. Xin bà vui lòng trả lại cho gia đình Yến món quà to tát này, để chúng tôi không bị dày vò vì đã vô tình hờn trách Yến….
Bà nhân viên đưa tay gạt nhẹ xấp giấy tờ, đưa mắt nhìn hai chúng tôi, ngắt lời và nói:
-Anh chị khỏi lo lắng về vấn đề này cho mệt! Món tiền mà cô Yến tặng anh chị, là tiền lương dư thừa, dành dụm của cô ta trong gần 4 năm làm việc, nó không quá nhiều đâu. Ngoài món tiền đó, Yến vẫn còn 2 món tiền khác, to lớn hơn, đó là tiền bảo hiểm nhân thọ, cô ấy đã vào qũy này ngay khi vừa tốt nghiệp đại học rồi đi làm. Món tiền thứ hai từ công ty của chúng tôi trả cho nhân viên vì lý do nào đó bị chết hay tàn tật trong thời gian làm việc. Tất cả hai món tiền đó nhiều hơn món tiền cô Yến dành làm quà cưới tặng cho anh chị và nó đã được dùng cho việc báo hiếu cha mẹ của cô ta rồi.
Im lặng tí chút, đưa mắt nhìn chúng tôi bà nhân viên nói tiếp:
-Hơn nữa, ý muốn của cô Yến cũng đã được toàn thể gia đình tại Mỹ đồng ý. Mọi người cho đó là một món quà rất xứng đáng và đúng với ước nguyện cuối cùng của con gái họ. Tôi nghĩ anh chị không có lý do nào để từ chối cả.
Trước khi ra về bà nhân viên cho biết thêm:
-Cũng với sự ước muốn cuối cùng của Yến, gia đình cô ấy đã hoả thiêu và đem hũ cốt của Yến để tại chùa Vĩnh Nghiêm, Saigon. Có lẽ cũng là một niềm vui cho linh hồn của Yến nếu hàng năm anh chị đến viếng thăm và đốt cho cô ta vài nén hương tưởng nhớ một người bạn thân thương đã một thời yêu thương anh .
Cả ngày hôm đó, sau khi tiễn đưa bà nhân viên ra về, tôi thẫn thờ khi tưởng tượng ra cảnh cô đơn, buồn đau của Yến lúc rời xa VN, trở lại Mỹ. Có lẽ Yến đã phải cố gắng chịu đựng những oan ức khi tưởng tượng ra những lời trách móc của tôi khi đọc lá thư hoàn toàn không có thật! Nhìn thấy vẻ thẫn thờ, buồn bã hiện ra trên khuôn mặt và những tiếng thở dài của tôi, Vân quàng tay lên vai tôi và nói nhỏ:
-Bây giờ em thực sự đã hiểu lý do tại sao, anh đã yêu Yến. Cô ta thật xứng đáng và rất đúng để anh phải phải lạnh lùng tránh xa những người bạn gái khác dù họ luôn luôn tìm cách gần gũi anh. Trong đó có cả em.
Nghe Vân nói, đưa tay kéo vợ sát vào thân mình, nhỏ nhẹ tôi nói:
-Đúng như vậy, Yến là một người rất tình cảm với chút yếu mềm của giòng máu đông phương, nhưng cũng có cá tính mạnh mẽ, rất thực tế mà Yến thu nhận từ nền văn hoá tây phương. ( Ngần ngừ tí chút, nhìn vào mắt Vân, tôi nói ) Nhưng cuối cùng chúng ta vẫn thuộc về nhau. Đó là một điều rất thực.
Vài lời cho đoạn kết.
Tác giả: Có lẽ hàng chục năm nay mỗi khi về thăm VN, dù ngắn hay dài hạn, tôi luôn luôn dành thời gian đến thăm viếng mộ phần hay nơi để hũ cốt của những người thân quen trong đời tôi, đốt cho họ vài nén hương mà tưởng nhớ đến những kỷ niệm với mình khi họ còn sống. Lần này về nước cũng vậy, vào ngày thứ bẩy tôi đến chùa Vĩnh Nghiêm vào ngôi tháp ở góc phía sau cùng trong khuôn viên nhà chùa, nơi mà hũ cốt của một người bạn thân thiết nhất đời tôi được lưu trữ nơi đó, Người bạn mà tôi đã học hỏi từ anh ta rất nhiều, nhờ anh ta mà tôi đã thành người có chút lòng tự trọng trong cuộc sống.
Ngôi tháp hiện nay đã chật chỗ, tất cả các kệ để hũ cốt đã đầy tới nóc, không còn một khoảng trống nào cho những người đến sau nữa. Nhà chùa đã phải xử dụng căn đại sảnh ở phía sau chánh điện của chùa để thay cho ngôi tháp. Nơi đây thoáng đãng , rộng rãi hơn toà tháp. Dọc theo vách tường của đại sảnh, những dãy kệ bậc thang xếp đầy hũ cốt liên tiếp kéo từ nóc xuống phía dưới gần như cũng đã được che kín. Nếu chú ý, người ta có thể dễ dàng nhìn thấy những hũ cốt của những người nổi danh một thời trong xã hội được đặt tại đây. Họ có thể là dân biểu, thượng nghị sĩ, nhà ngoại giao hay giáo sư đại học …cuộc đời họ ít nhiều khi còn sống đã tác động vào những biến đổi của VN trong thời chiến tranh vừa qua, chẳng hạn như hũ tro cốt của ông Nguyễn cao Kỳ cũng được đặt nơi đây.
Đúng lúc tôi dừng lại nhìn hũ cốt của một vị giáo sư đại học danh tiếng ngày xưa mà tôi biết khá rõ về ông. Sát gần bên tôi có một cặp vợ chồng còn khá trẻ, họ chắp tay hướng lên dãy kệ tro cốt lâm râm khấn vái, bên cạnh họ cô con gái khoảng 5, 6 tuổi xinh xắn, ngơ ngác đưa mắt nhìn ngang, nhìn dọc khắp căn đại sảnh. Hình như thấy cô bé không chú ý vào việc cúng lễ, người mẹ nhìn con gái, nói nhỏ :
-Quyên, con lạy cô Yến đi con.
Tôi cũng chẳng chú ý gì khi nghe họ nói với cô bé, và chậm chạp theo vài người khác hướng về phía cửa rồi vào chánh điện nơi thờ Phật Tổ. Tìm một chỗ xa xa với bệ thờ, ngồi xuống, mắt khép nhẹ… dựa vào không gian trầm lặng, trang nghiêm của nơi thờ phượng, cố đuổi đi tất cả những phiền muộn, vui buồn…trong lòng mình, dành một khoảnh khắc trống không để hướng về đấng toàn giác uy nghiêm trên bệ thờ.
Một lúc sau, khi mặt trời đã đứng bóng, tôi vào quán cơm chay bên trái trong khuôn viên của chùa. Có lẽ vào đúng lúc cơm trưa nên cũng khá đông khách, may mắn tôi tìm được một bàn còn trống ở giữa quán. Vừa ngồi vào ghế, đưa mắt nhìn bâng quơ, chờ người phục vụ đến để gọi món ăn, chợt có giọng đàn ông lễ phép ngay phía sau tôi:
-Chú có thể cho gia đình cháu ngồi chung bàn được không ạ?
Tôi quay lại, đúng là cặp vợ chồng và đứa bé gái xinh xắn mà tôi vừa gặp họ trong ngôi đại sảnh thờ tro cốt. Với vẻ khá vui mừng, tôi đưa tay ra ý mời họ :
-Anh chị và cháu gái cứ tự nhiên, bàn còn dư chỗ mà.
Có lẽ cũng chẳng có gì để nói, khi tôi và gia đình họ ăn xong rồi mạnh ai nấy đi, nếu có hơn một tí thì cũng chỉ nói vài câu từ giã môi mép thông thường là xong. Nhưng một việc đã làm tôi và họ gần gũi và có dịp nói chuyện với nhau, khi bà phục vụ của quán đem ra ấm nước trà và chờ chúng tôi đặt món ăn. Trong lúc chờ đợi món ăn, người vợ rót trà ra mời tôi trước khi đưa cho chồng và cô con gái. Không biết loay hoay làm sao cô bé làm đổ ly nước trà, tràn ra mặt bàn và chảy xuống chiếc ba lô của tôi để trên chiếc ghế trống. Người vợ cuống quýt nhắc chiếc ba lô lên, lấy tay phủi liên tục những giọt nước bên ngoài ba lô rồi nhìn tôi ra vẻ ân hận và nói liên tục mấy lần:
-Cháu xin lỗi chú....
Rồi quay sang cô bé gái, nhăn mặt trách mắng:
-Quyên, con hư quá! làm đổ nước trà làm ướt ba lô của ông rồi.( với giọng quyết liệt bà ta nói tiếp ) Con hãy khoanh tay xin lỗi ông đi.
Cầm lấy chiếc ba lô trên tay người mẹ, tôi để nó lại trên ghế, như chẳng có gì quan trọng, tôi cũng chưa kịp nói gì với người mẹ thì đã thấy cô bé gái đã khoanh tay , đứng nghiêm chỉnh, cúi đầu rất lễ độ đưa cặp mắt đen tròn nhìn tôi với lời lẽ lí nhí nhưng rất rõ:
-Xin ông tha lỗi cho cháu.
Đưa tay vuốt mái tóc búp bê xinh xắn của con bé, mỉm cười với giọng rất nhỏ nhẹ, tôi nói với nó:
-Cháu ngoan lắm, có một tí tẹo mà xin lỗi cái gì? (Có lẽ thấy ánh mắt to tròn, ngây ngô, rất dễ thương của con bé khi nó nhìn bà mẹ và ngoan ngoãn nghe lời mẹ đã làm tôi cảm mến, mỉm cười tôi nói tiếp với nó) Ngày xưa còn bé như cháu, ông còn hư đốn gấp mười lần cháu bây giờ đó !
Tôi cũng tưởng nói thế là xong, không ngờ con bé giương cặp mắt đen láy lên nhìn tôi với vẻ không tin, nó hỏi:
-Ông còn hư đốn gấp mười lần cháu cơ hả?(nó nói tiếp) Ông kể cho cháu nghe những cái hư đốn của ông đi.
Lúc này thì bố mẹ con bé đã có chút ngẩn ngơ vì câu nói của con bé rồi. Người vợ định đưa tay kéo con bé về phía mình, nói lời ngăn cản nó. Nhưng tôi đã đưa tay ra ý cho họ im lặng để tôi nói chuyện với con bé. Lấy tay vỗ nhẹ lên vai con bé, ra vẻ thích thú với câu hỏi của nó, tôi cười thành tiếng và nói rất chậm chạp:
-Ôi! Ông kể sao mà hết được những lỗi lầm của ông lúc còn bé như cháu! Đại khái ngày đó khi uống sữa hay ăn cơm, gần như cứ vài ngày ông lại làm vỡ một cái ly hay cái bát. Lúc ăn cơm thì thức ăn rơi tung toé khắp nơi, bố mẹ của ông đã phải khốn khổ vì thu dọn . Đã thế ngày nào ông cũng đánh nhau, dành ăn với các em của ông… Tóm lại ông hư lắm. Hư gấp mười lần hay nhiều hơn nữa nếu so với cháu bây giờ.
Con bé nghe rất chăm chú, nó gật đầu vài cái ra vẻ hiểu rất rõ , chẳng cần suy nghĩ nó nói:
-Đúng vậy, ông ngày đó hư đốn thật, hơn cháu xa!
Lúc này thì hai vợ chồng, bố mẹ của con bé không còn im lặng được nữa. Ông bố đưa tay kéo con gái về sát phía mình, với giọng trách mắng đứa bé:
-Quyên con hư thật! Dám nói với ông như vậy hả?
Con bé sợ hãi, im lặng đưa mắt nhìn cha mẹ và tôi có vẻ như không hiểu lý do tại sao bị bố mắng.Thế là vì lời nói vô tâm của con bé xinh xắn, dễ thương đã đưa chúng tôi vào cuộc nói chuyện tâm tình thân thiết hơn.
Tôi kể cho họ nghe lý do tôi đến chùa thăm viếng , đốt hương cho người bạn tâm giao mà tôi thương quý nhất, dù đã gần 50 năm ly biệt nhưng không một lần nào về thăm quê hương mà tôi không dành thời gian đến đây để cúng bái, đốt hương cho anh ta. Người bạn đã có ảnh hưởng rất nhiều vào cá tính và cuộc sống của tôi.
Ngược lại, họ cũng kể cho tôi nghe về một người bạn gái, đã một thời là người yêu của người chồng. Nhưng chỉ vì mệnh số, vướng phải một căn bệnh trầm kha mà phải tìm cách rời xa người đàn ông mà cô ta yêu mến. Đã thế cô ấy còn bước ra khỏi cái bản chất ích kỷ, ganh tỵ trong yêu đương. Dù biết mình phải chết cô ấy vẫn tìm cách giúp cho người mình yêu thương không vì cái chết của mình mà khổ đau. Đã thế cô ấy còn dành dụm tiền bạc làm quà cưới cho người yêu của mình khi anh ta lập gia đình với người đàn bà khác mà cô ấy không biết là ai.
Tôi nghe họ kể rất chi tiết về mối tình của ba người họ, để hôm nay, trong cái lạnh lẽo của cuối thu, tôi đã dùng văn chương viết ra một truyện ngắn. Câu truyện được kết nối bằng những đoản văn mô tả tâm tư, suy nghĩ của từng nhân vật . Tôi viết ra như một kỷ niệm dành cho gia đình người bạn mới quen nhưng rất mến ( và cả cho cô con gái ngoan ngoãn dễ thương, đã làm tôi ngẩn ngơ vì những câu đối thoại ngây ngô, chân thật của cô bé ). Tôi cũng không quên viết tặng và tôn vinh một phụ nữ có một tâm hồn khoáng đãng, bao dung, người mà tôi chưa bao giờ biết mặt nhưng đã làm cho tôi cảm kích với lòng cao thượng của cô trong tình yêu.
Trong bài, tôi chỉ viết đến đoạn Yến nhờ người bạn đồng nghiệp đến gặp vợ chồng Hải và Vân để đưa cho họ món quà cưới cuối cùng của Yến, và cũng báo tin cho Hải và Vân biết là Yến đã vĩnh biệt trần gian hơn 2 năm về trước cũng như cho Hải biết, lá thư Yến viết cho anh về việc trở lại Mỹ để theo người tình xưa của Yến , chỉ là sự ngụỵ tạo có ẩn ý nhưng không bao giờ có thật.
Tôi đã không viết về khoảng thời gian sau khi Hải và Vân kết hôn, khi họ có một căn hộ tại quận hai rồi Vân trả lại quán cà phê cho người dì và mở một cơ sở buôn bán thời trang trên thành phố. Với thời gian khoảng hơn 6 năm sau khi kết hôn, vợ chồng họ có một cô con gái ngoan ngoãn, dễ thương tên Quyên. Rồi cũng nhờ thư từ qua lại, gia đình cha mẹ, anh em của Yến ở Mỹ có những gắn bó thân thiết với vợ chồng Hải, họ vẫn thường gặp nhau mỗi khi về VN du lịch. Đúng như vậy, tôi đã không cho vào bài viết những sự việc này. Lý do rất dễ hiểu là tôi không muốn đi xa hơn chủ đề của bài viết, đó là : “Một câu truyện tình yêu “. Nếu không bài viết sẽ không còn đúng ý nghĩa khi đi sâu vào cuộc sống của một gia đình.
Lưu An Vũ ngọc Ruẩn
(Thuỵ sĩ, giữa thu 2018)