tiêu đề Nhãn
- BIÊN KHẢO
- CÂU ĐỐI
- CỔ THI
- GIA CHÁNH
- GIẢI TRÍ
- HÌNH ẢNH HỘI NGỘ
- HÌNH ẢNH NAY
- HÌNH ẢNH XƯA
- HỘI HỌA
- KHOA HỌC
- LỊCH SỬ
- LỜI HAY Ý ĐẸP
- LƯU NIỆM
- NHẠC
- SỨC KHOẺ
- SƯU TẦM
- THƠ
- THƠ CẢM TÁC
- THƠ DỊCH
- THƠ DIỄN NGÂM
- THƠ NHẠC
- THƠ PHỔ NHẠC
- THƠ SƯU TẦM
- THƠ TRANH
- THƠ TRANH NGHỆ SĨ
- TIN BUỒN
- TIN VUI
- VĂN
- VŨ HỐI THƯ HỌA
- VƯỜN THƠ VIÊN NGOẠI
- XƯỚNG HỌA
- YOUTUBE
Thứ Bảy, 9 tháng 10, 2021
Mưa Đêm Dĩ Vãng - Sáng Tác Nguyễn Thanh Cảnh - Ca Sĩ Hương Giang
Thu Mộng Lệ An
Một Lần Cho Tôi Gặp
Hãy cho tôi tìm gặp trong mơ
Sống lại xôn xao tuổi dại khờ
Giây phút êm đềm tim mở ngõ
Lời tình rung động bước vào mơ
Trong mơ tìm gặp một lần thôi
Sống với hồn nhiên với bồi hồi
Nụ hồng đang chớm vừa trở giấc
Vắng lặng! Một mình chỉ riêng tôi
Thời gian bạc lắm lướt trôi nhanh
Thôi đã ngày qua giấc mộng đành
Nghe tiếng trong mơ còn thổn thức
Não lòng lệ đẫm đọng mi quanh
Kim Phượng
Thank You Canada
Hoa Ánh Sáng
Những hạt bụi vô tình ai để rơi trong mắt.
Những nét mặt hốc hác thương gầy tuôn gió bấc,
Những tâm hồn khép kín dấu rêu phong
Tóc rối chiều mây ướt giọt sương bồng
.
Áo vá trời xanh,
Bước đi trong dấu ngoặc.
Những cơn gió rát người
Bên đường gập ghềnh sỏi đá,
Đi đâu, về đâu!
Từng dòng người cát bụi tung hô!
Mây trắng, mây đen
Mắt xanh, mắt đỏ
Bóng ảo, ma hời
Mộng đầy xao xác cơn mê.
Những chiếc lưng còng
Mang nặng ngàn cân gió bụi.
Ai thương đến bao lớp người lầm lủi
Thấy nghĩ gì bão nổi dân sinh.!
Dưới mắt trời sâu
Mặc tình trong bóng tối
Ầm ỉ thời gian,
Nhưng ta nào thấy đích thực câu trả lời.
Chỉ nghe gió lạnh,
Ta vẫn tin
Có nắng là hoa ánh sáng
Nở trong bến đục, ao tù
Nở trong hơi thở của ngàn hoa cỏ
Nở trong hồn cát bụi muôn đời
Để trở thành ánh sáng tinh khôi
Cho bao niềm mơ ước vui tươi.
Ai mang nặng tâm hồn tình trăng sao thuở ấy
Sức sống đâu phải là lau sậy
Thời gian đâu phải là hoang vu.
Hoa Nắng
Vẫn là hoa ánh sáng
Cho muôn vạn chồi xanh
Cho muôn triệu trái tim gầy,
Ai có nghe chăng
Từng nhịp đời trong hơi thở hôm nay.!?
Mặc Phương Tử
Tình Theo Chân Em
Em về Miền Dưới lâu rồi
Mình anh ở lại đứng ngồi không yên
Nhớ em suối tóc mượt huyền
Nhớ luôn cặp xuyến chiếc kiềng em đeo
Yêu em nhưng phải tội nghèo
Bước em đi trước anh theo sau nhìn
Trời xanh lại chẳng thương tình
Bắt anh khổ lụy một mình riêng mang
Số anh cái số muộn màng
Yêu em trước cũng xếp hàng đứng sau
Số anh cái số lao đao
Yêu em trước cũng đứng sau xếp hàng.
Từ Phở Đến “A Phở Love Story”
Với ba miền của đất nước, mỗi nơi có món ăn đặc sản ở các tỉnh thành lâu ngày thành món ăn truyền thống từ địa phương, dần dà phổ biến rộng rãi vì vậy khi nghe tên món ăn nào cũng biết gốc gác của nó. Có vài món được ca tụng, gọi là “quốc hồn quốc túy”, vừa phải thôi, phải chăng thái quá?.
Ngày nay ở trong nước món ăn nào cũng “tôn vinh” văn hóa ẩm thực… đến nỗi thịt chó, thịt mèo, vài động vật hoang dã… ở Mỹ và các nước văn minh cấm tuyệt, làm thịt bị tù, ở trong nước được gọi văn hóa ẩm thực! Chỉ có bánh chưng, bánh dầy theo sự tích từ đời Hùng Vương lưu truyền ở miền Bắc, ở miền Trung và Nam với bánh tét theo giai thoại từ thời Quang Trung… Sau nầy khi đến Tết Nguyên Đán hai loại nầy dâng cúng Tổ Tiên và Trời Đất, vì vậy trong dân gian mới gọi là “quốc hồn quốc túy”.
Nơi phố cổ Hội An thời xa xưa có cao lầu và mì Quảng (theo dân gian, mì Quảng xuất từ vài làng ở phía tây Hội An, nay thuộc xã Điện Phương, có nhà thờ tộc Trần của dòng họ tôi) … sau nầy cũng được phổ biến khắp nơi.
Sau năm 1954 phở Bắc “du nhập” vào nơi phố cổ nầy rồi chiếm lĩnh thị trường, “lấn đất dành dân” với cao lầu và mì Quảng với các tiệm như phở Tân Tiến (góc Phan Chu Trinh – Nguyễn Huệ), phở Tân Lập (sau nầy phở Liến), phở Liễu trong đình Ông Voi… Thực khác nhí thuở đó thì thích rủ nhau nơi phở Liễu.
Không có món ăn nào được đề cập nhiều qua các ngòi bút nổi tiếng trong văn chương như món phở (Hà Nội, Nam Định) làm “mê hoặc” thực khách từ cái nôi nầy đến khắp nơi. Món ăn nầy bay theo cùng chữ nghĩa vào vị giác của thực khách.
Với tôi, qua văn chương đề cập nhiều về phở nhưng không “mặn mà” bằng mỉ Quảng. Món ăn nầy độc đáo ở chợ Hội An và từ đó “tha phương cầu thực” từ trong nước ra hải ngoại vẫn thích nó, biết nơi nào có cũng tìm đến. Rất tiếc chỉ có người dân Quảng Nam mới viết về hai món ăn khi xa cố hương và sau nầy ra hải ngoại có vài bài viết để nhớ lại đặc sản quê nhà.
Khi ở Nha Trang, làm rể dân Hà Nội, bố vợ chỉ thích “hương vị quê hương” của 36 Phố Phường ngày xưa nên phải chiều cụ. Khi cụ lên Đà Lạt, trời lạnh, nhìn tô phở nóng bốc hơi, cụ lại khen “Không có nơi nào ăn phở thú vị bằng nơi nầy”.
Có 3 vị nhớ vanh vách Hà Nội là bố vợ (con vị thầu khoán ở phố Hàng Đào và làm Cảnh Sát) qua từng mẩu chuyện, tôi viết Hà Nội, Giấc Mơ Mịt Mù (ký tên Hoàng Bích Yên), đăng trên đặc san Ức Trai của Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị, hè 1973 (nhà thơ Tô Kiều Ngân làm chủ bút) dùng bài viết nầy với nhà thơ Hoàng Anh Tuấn (quản đốc đài phát thanh Đà Lạt) làm chủ đề cho 2 chương trình cùng tên với các ca khúc viết về Hà Nội. Sau nầy ở hải ngoại, cùng uống cà phê với nhau có nhà văn Nguyễn Thạch Kiên và nhạc sĩ Nguyễn Hiền. Lúc đó internet chưa phổ biến rộng rãi nên nhạc sĩ Nguyễn Hiền được xem như “tự điển sống” về Hà Nội. Cho đến bây giờ Hà Nội vẫn là “giấc mơ mịt mù” với vợ và tôi!
Trong cuốn Hà Nội 36 Phố Phường của Thạch Lam, NXB Đời Nay, Hà Nội năm 1943.
Chương 2: Phở Bò – Món Quà Căn Bản:
“Phở là một thứ quà thật đặc biệt của Hà Nội, không phải chỉ riêng ở Hà Nội mới có, nhưng chính là vì chỉ ở Hà Nội mới ngon. Đó là thứ quà suốt ngày của tất cả các hạng người, nhất là công chức và thợ thuyền. Người ta ăn phở sáng, ăn phở trưa, và ăn phở tối. Phở bán gánh có một vị riêng, không giống như phở bán ở hiệu. Các gánh phở có tiếng ở Hà Nội đều được người ta đặt tên và tưởng nhớ: phố Hàng Cót, phố ô Quan Chưởng, phố Cửa Bắc v.v…
Kẻ viết bài này vẫn trung thành với lối phở cổ điển cũng như ưa nghe tuồng chèo giữ đúng điệu xưa”.
Chương 3: Phở Gà: “Ở Hà Nội, có hai ngày trong tuần mà những người “chuyên môn ăn phở” bực mình: thứ Sáu và thứ Hai. Hai ngày đó là hai ngày không thịt bò. Anh nào nghiện thịt bò, nhớ phở bò hai hôm ấy như gái nhớ trai, như trai nhớ gái.
Thật ra công việc so sánh phở bò và phở gà không thể thành được vấn đề, nhưng một buổi sáng mùa thu rỗi rãi, trời hơi lành lạnh, mà ngồi ăn một bát phở gà, có đủ rau mùi, hành sống, vừa ăn vừa nghĩ thì phở gà cũng có một phong vị riêng của nó, khác hẳn phở bò. Điều người ta nhận thấy trước nhất là phở gà thanh hơn phở bò: thịt dùng vừa đủ chứ không nhiều quá: ở giữa đám bánh phở nổi lên mấy miếng thịt gà thái nhỏ xen mấy sợi da gà vàng màu nhạt, điểm mấy cuộng hành sống xanh lưu ly, mấy cái rau thơm xanh nhàn nhạt, vài miếng ớt đỏ: tất cả những thứ đó tắm trong một thứ nước dùng thật trong đã làm cho bát phở gà có phong vị của một nàng con gái thanh tân - nếu ta so sánh bát phở bò với một chàng trai mà hào khí bốc lên ngùn ngụt.
… Vì thế, những hàng phở gà ngon vẫn thường dùng gà mái, ăn thơm mà mềm. Về điểm này, có một hàng phở gánh, đỗ ở dưới một gốc si phố Huyền Trân Công Chúa đặc biệt lưu ý tới, mà cũng đặc biệt nữa là người hàng phở này quanh năm chỉ bán phở gà, nhất quyết làm khác hẳn phở Tráng, không bán phở bò, “dù có thể làm được phở bò ngon”.
Thạch Lam được mệnh danh là nhà văn viết tùy bút hay nhất, khi đọc mà không thèm mới lạ.
Nguyễn Tuân viết bài tùy bút Phở với nhiều phát hiện độc đáo. Nào là sự phân biệt giữa “xẩu” và “xương” trong nồi phở. Nhiều người cứ nghĩ “xẩu” cũng giống như “xương”, là một tiếng đệm mà thôi, nhưng thực ra “xẩu” có nghĩa là những đầu xương trong nồi phở có dính thịt và những cái xương chưa róc hết thịt... Nguyễn Tuân còn đề cập bát phở ngon nhất đối với ông luôn luôn là một “bát phở cổ truyền Hà Nội ăn ngay bên lò than quả bàng đỏ lửa giữa ngàn năm văn vật”.
Trong quyển tùy bút Miếng Ngon Hà Nội, Sài Gòn năm 1960. Với 15 món trong Miếng Ngon Hà Nội, nhà văn coi như các món “quốc hồn, quốc túy”. Bài viết Phở Bò - Món Quà Căn Bản. Ông nhớ về từng hàng phở của Hà Nội xưa như: phở Sứt, phở Nhà thương Phủ Doãn, phở Đông Mỹ ở phố Mới, phở Cống Vọng kéo xe, phở Mũ Đỏ đằng sau miếu chợ Hôm, phở Tàu Bay ở ngã ba phố Hàm Long…
Vũ Bằng mô tả về Phở Tráng ở phố Hàng Than, được mệnh danh là “vua phở 1952”. Ông gọi bát phở ấy là một “bài thơ phở”: “Cứ nhìn bát phở không thôi cũng thú. Một nhúm bánh phở, một ít hành hoa thái nhỏ, điểm mấy ngọn rau xanh thơm biêng biếc; mấy nhát gừng màu vàng thái mướt như tơ; mấy miếng ớt mỏng vừa đỏ màu hoa hiên vừa đỏ sẫm như hoa lựu… Nước dùng nóng lắm đấy, nóng bỏng rẫy lên, nhưng ăn phở có như thế mới ngon. Thịt thì mềm, bánh thì dẻo, thỉnh thoảng lại thấy cay cái cay của gừng, cay cái cay của hạt tiêu, cay cái cay của ớt; thỉnh thoảng lại thấy thơm nhè nhẹ cái thơm của hành hoa, thơm hăng hắc cái thơm của rau thơm, thơm dìu dịu cái thơm của thịt bò tươi và mềm… Rồi thì hòa hợp tất cả những vị đó lại, nước dùng ngọt cứ lừ đi, ngọt một cách hiền lành êm dịu, ngọt một cách thành thực thiên nhiên, không có chất gì là hóa học…”.
Vũ Bằng ca ngợi món phở: “Ngay từ đằng xa, mùi phở cũng đã có một sức huyền bí, quyến rũ ta như mây khói chùa Hương, đẩy bước chân ta, thúc bách ta...
Qua làn cửa kính đã thấy gì? Một bó hành hoa xanh như lá mạ, dăm quả ớt đỏ buộc vào một cái dây, vài miếng thịt bò tươi và mềm: chín có, tái có, sụn có, mỡ gàu có, vè cũng có...
Người bán hàng thỉnh thoảng lại mở nắp cái thùng sắt ra để lấy nước dùng chan vào bát. Một làn khói tỏa ra khắp gian hàng, bao phủ những người ngồi ăn ở chung quanh trong một làn sương mỏng, mơ hồ như một bức tranh tàu vẽ những ông tiên ngồi đánh cờ trong rừng mùa thu... Trông mà thèm quá!”.
Năm 1937, Tú Mỡ làm bài thơ Phở Đức Tụng:
“Trong các món ăn quân tử vị
Phở là quà đáng qúy ở trên đời
Một vài xu nào đắt đỏ mấy mươi
Mà đủ vị: ngọt, bùi, thơm, béo, bổ
Này bánh cuốn, này thịt bò
Này nước dùng sao nhánh mỡ
Ngọn rau thơm hành củ thái trên
Nước mắm, hồ tiêu, cùng dấm ớt điểm thêm
Khói nghi ngút đưa lên thơm điếc mũi
Như xúc động tới ruột, gan, tim, phổi
Như dục khơi cái đói của con tì
Dẫu sơn hào hải vị khôn bì
Xơi một bát thường khi chưa thích miệng
Kẻ phú qúy cho chí người bần tiện
Hỏi ai là đã nếm chẳng ưa?
… Sống trên đời, phở không ăn cũng dại
Lúc buông tay, ắt phải đưa kem
Ai ơi! nếm phở kẻo thèm”.
Cũng như phố cổ Hội An, sau năm 1954, món phở từ Bắc (Hà Nội) vào Sài Gòn. Lúc đầu chỉ đếm trên đầu ngon tay nhưng sau đó thịnh hành nhất. Theo ghi nhận, phở Tàu Bay có mặt ở Sài Gòn năm 1954 và nhanh chóng trở thành tiệm phở quen thuộc, phở Thịnh đường Gia Long, Phở Turc đường Turc, phở Minh nằm trong hẻm nhỏ (hẻm 63), đường Pasteur và phở 79 ở đường Frère Louis (sau đó đường Võ Tánh). Phở Cao Vân, không nằm trên đường Trần Cao Vân (Larclause) mà trên đường Mạc Ðĩnh Chi (Massiges) chủ nhân từ Hà Nội vào bán xe phở rồi mở tiệm. Phở Hòa trên đường Pasteur năm 1960, khai trương mang tên Hòa Lộc chỉ có phở bò, thực khác chỉ gọi phở Hòa. Thích phở gà có Hương Bình trên đường Hiền Vương, phở gà Nam Phiên ở đường Trần Quang Diệu. Phở Quyền trên đường Võ Tánh gần cổng phụ của Bộ Tổng Tham Mưu nên thu hút giới quân nhân. Phở Lệ trên đường Nguyễn Trãi, quận 5. Bảng hiệu phở Lệ ghi (Tái Nạm - Gầu – Viên) kèm theo chữ Hán và tiếng Anh (Beef Noodle Soup Restaurant). Thời gian đầu phở Bắc không có rau, dần dà theo sở thích của người miền Nam nên có thêm loại rau thơm như rau húng quế, bạc hà, ngò gai, hành xanh và hành trắng, chén củ hành tây bào… và giá. Còn nhiều xe, quán, tiệm phở nhan nhản ở Hòn Ngọc Viễn Đông tôi đã đọc được sẽ có dịp đề cập.
Riêng phở không bản hiệu có mặt từ năm 1958 trong hẻm 288 đường Công Lý (trước năm 1954 là Mac Mahon, sau 1975 “Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý”). Quán với mái tôn bên ngoài, bàn ghế thấp lè tè nhưng thu hút thực khách trong giới văn nghệ và quan chức… Tiệm không có bảng hiệu, có lẽ chủ nhân là bà Dậu nên gọi phở Dậu. Có nhiều bài viết, gần đây Phở Dậu của nhà văn Song Thao:
“… Phở Dậu thời của chúng tôi. Thời đó, bàn ghế trong tiệm lỏng chỏng không đồng đều. Hình như chúng được gom dần trong nhiều thời gian khác nhau. Trông chúng cũ kỹ, đơn giản. Có lẽ chủ nhân chẳng cần để ý tới chúng. Cứ có chỗ ngồi và chỗ để tô phở là được. Khách cũng chẳng cần câu nệ. Miễn ăn được bát phở. Nếu những tiệm phở khác thời đó dùng cái có thể gọi là “tô” thì phở Dậu chỉ có “bát”. “Bát là tiếng Bắc, “tô” là tiếng Nam, chẳng phân biệt lớn nhỏ. Nhưng bát phở Dậu nhỏ hơn hẳn những tô phở của các tiệm phở khác. Người ăn khỏe, một bát vẫn thòm thèm. Phải hai bát. Cỡ tôi thì hai bát thì quá bụng nhưng một bát vẫn thiêu thiếu. Thường tôi gọi thêm một bát tái nước có tiết. Tiết là thứ chỉ có ở phở Dậu. Tiết tươi chan vào nước phở nóng tạo thành những màng màu nâu đục là thứ ngọt ơi là ngọt.
… Không thể gọi phở Dậu là tiệm hay quán được. Nó không có được một cái tên. Dậu là tên mà hồi đó thực khách nghĩ là tên của bà chủ. Thực ra bà đứng bán tên là chi, chẳng ai biết. Dậu là tên bà chủ đầu tiên khi tiệm thành lập vào năm 1958. Sau vài năm bà nhường lại tiệm cho bà Uy là bà đang bán phở cho chúng tôi. Bà khoảng ngũ tuần, người nhỏ nhắn, phong thái Bắc kỳ rặt, bận tíu tít nhưng vẫn không bao giờ quên gu tô phở của từng thực khách quen. Những khách quen không cần phải order nhưng tô phở để trước mặt đúng là tô phở ưng ý nhất. Ngay những ý thích nhỏ nhặt của khách bà cũng thuộc nằm lòng. Ngày đó khi bát phở của tôi được bưng ra không bao giờ thiếu một chén hành tây bên cạnh. Vắt múi chanh, thêm vào chút ớt, chén hành tây ăn kèm với phở ngon tuyệt vời. Cái tên “phở Dậu” chỉ là tên… bán chính thức, thực khách còn đặt cho tiệm này nhiều tên khác.
Tác giả Đỗ Duy Ngọc bàn như sau: “Sài Gòn có một quán phở bán suốt mấy chục năm mà chủ nhân không đặt tên quán. Trong suốt một thời gian dài, quán đều do khách đặt tên. Đầu tiên là “Phở Công Lý” vì tiệm nằm trong hẻm thuộc đường Công Lý. Thời gian sau, quán thường có đám khách thường xuyên là các sĩ quan Không Quân. Thành ra quán được gọi là “Phở Không Quân”. Thời gian mang tên này ngắn ngủi vì sự xuất hiện một thực khách đặc biệt. Đó là tướng Nguyễn Cao Kỳ. Từ đó người ta gọi là “Phở Ông Kỳ” hay “Phở Nguyễn Cao Kỳ”.
… Ông Kỳ là thực khách đình đám của phở Dậu nhưng còn có những thực khách khác, cũng đình đám vậy. Như ông Trần Minh Công. Ông này là bạn học với tôi tại Chu văn An. Ông đi du học bên Úc rồi về gia nhập ngành cảnh sát. Ông đóng tới lon Đại Tá và giữ chức Viện Trưởng Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia. Theo một ông dân cư xá Công Lý từ năm 1955 đến 1988, nơi có phở Dậu, thì “tôi thấy có ông Trần Minh Công tới ăn có ba bốn xe cảnh sát hộ tống”.
… Nhà văn Phan Nghị, từng lê lết nơi phở Dậu, nhớ lại: “Phở Dậu có những đặc điểm không giống bất cứ một tiệm phở nào: không rau, không giá và rất sạch, và nhất là không có cái mùi phở kinh niên. Thịt thái mỏng và bánh phở to bản thích hợp với cái gu của người Hà Nội. Vì ở sâu trong hẻm, nên thoạt đầu khách tới ăn uống rất lơ thơ tơ liễu buông mành, chỉ có dăm bảy mống. Sau đó, nhờ sự cổ động của người Hà Nội, người ta mới bắt đầu chiếu cố tới hương vị không rau không giá đó”.
Sau 1975, phở Dậu là ngã ba hẹn hò của giới ăn phở Dậu trước đó, khi thành phố chưa đổi tên. Ngày đó, bạn bè chúng tôi tan tác sau cơn bão dữ, ai còn, ai đi thoát, ai chưa “cải tạo” về, cứ tới phở Dậu là biết hết. Gọi là “ngã ba hẹn hò” cho thêm phần tình cảm chứ thật ra chúng tôi chẳng ai hẹn ai. Cứ thuận chân tới. Tới sẽ gặp. Gặp rồi đấu láo chửi thề. Thường chúng tôi mắng mỏ nhau sao chậm lụt thế. Trông thấy cái mặt nào còn trình diện là thêm một ngao ngán..”..
Sau nầy bà Uy định cư tại San Jose, mở quán Phở Dậu Phở số 1939 đường Alum Rock Ave Suite H. Song Thao viết tiếp: “Ông bạn thân nhất của tôi ở San Jose là ông ký giả Hà Túc Đạo đã bị cô Vy rủ đi mất tiêu, tôi nắm áo ông bạn chung của ông Hà và tôi là ông Nguyễn Xuân Phác, một cây sành ăn. Ông cho tôi một số tin tức: “Vào thời gian sau 2010, tin Phở Dậu mở ở San Jose đã khiến cho dân ghiền phở nơi đây xôn xao và kéo đến thưởng thức hương vị Sài Gòn cũ khá đông đảo… Tôi có hỏi dò bà cụ thường ngồi khiêm nhường ở một góc quầy thì bà xác nhận chính là chủ Phở Dậu ở Sài Gòn trước đây, nay qua San Jose truyền nghề cho đứa con (hay cháu?), tên Dũng đứng ra mở tiệm. Cô vợ ở quầy tính tiền là con gái một ông chủ tiệm vàng nổi tiếng trong vùng. Tiệm đang kinh doanh phát đạt thì đột nhiên bị xé đôi. Nửa tiệm ở lại tại chỗ vẫn mang tên "Phở Bà Dậu" nhưng bấy giờ do cô vợ làm chủ. Nửa kia do ông chồng mang qua một tiệm ăn mới sang nhượng nhưng trước đó có tên là "Quán Nhà Tôi". Sau khi sang nhượng, quán mang tên "Phở Công Lý". Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, cả hai tiệm đều đã "âm thầm đóng cửa" không biết lý do vì sao”.
Với tiệm phở mà vợ chồng xé đôi cũng có thể viết thành sách vì câu chuyện anh em với nhau với hai tiệm phở cạnh tranh nhau, cô Loan Le viết thành quyển sách “A Phở Love Story” sẽ đề cập dưới đây.
Trong khi Sài Gòn và miền Nam VN món phở “trăm hoa đua nở” thì Hà Nội và miền Bắc trong thời kỳ tem phiếu, bao cấp, thịt khan hiếm nên chỉ sống còn với phở quốc doanh, phở mậu dịch!
Bà Nguyễn Thị Hậu, tiến sĩ, chuyên gia khảo cổ và nghiên cứu văn hóa viết về phở ở Hà Nội viết: “Những quán phở mậu dịch như vậy thì nổi tiếng với món “phở không người lái”, tức là không có thịt gì cả chỉ có nước dùng trong veo và thậm chí rất nhạt cùng với bánh phở. Có một ít hành ngò và thịt bò, thịt gà thì không bao giờ thấy mà đôi khi chỉ có thịt heo, nếu có vài miếng thịt heo thì rất mỏng mà hồi đó bọn học sinh chúng tôi hay nói đùa là miếng thịt heo nó bay qua bát phở và biến đâu mất không kịp nhận ra cái mùi vị của miếng thịt như thế nào nữa.
Đi kèm với bát phở mậu dịch không người lái như vậy chúng tôi nhớ rất rõ có đôi đũa và cái muỗng bị đục thủng, bị cái đinh đóng thủng vào để ngăn chặn tình trạng người ta lấy cái muỗng về nhà mất.
Cái muỗng nó bị thủng nên khi múc một miếng nước phở lên để húp thì có khi nhiều khi nước nóng nó chưa đến miệng thì nước dùng trong cái thìa đã chảy xuống hết cái tô phở rồi… Cái muỗng bị đục lỗ để tránh bị ăn cắp vẽ nên diện mạo của nền kinh tế bao cấp kiệt quệ, tương quan một cách lý thú với khái niệm “phở gia truyền” của người Hà Nội trong tư duy giữ chặt bí quyết nấu phở nhưng cũng từ đó mất đi sự sáng tạo cần có mà sau này người miền Nam đã mạnh dạn bổ khuyết”.
Bà Nguyễn Thị Hậu nổi tiếng trong giới khảo cổ ở VN, bà cũng là nhà văn và những dòng bà viết của thời sinh viên ở Hà Nội. Chao ôi! “Cái muỗng bị đục lỗ để tránh bị ăn cắp vẽ nên diện mạo của nền kinh tế bao cấp kiệt quệ” không thể nào ngờ nhân cách, phẩm giá con người bị khinh rẻ đến mức đề phòng “bần cùng sinh đạo tặc” như vậy! Có ai gọi phở mậu dịch là “quốc hồn quốc túy”.
Ngày nay, phở trở thành món ăn phổ biến trên thế giới, nơi nào có đông người Việt sinh sống, nơi đó có bán phở. Ở Little Saigon được xem như “thủ phủ” của món phở. Càng nhiều thì càng cạnh tranh để sống còn nên vừa ngon vừa rẻ. Đồng hương có đến nơi nầy cũng hỏi thăm để thưởng thức món “quốc hồn quốc túy”, có vài tiệm bán thâu đêm.
***
Đứa cháu ngoại đang học High School, từ nhỏ đã thích đọc sách và cũng thích viết văn. Trong lớp học của cháu, ngoài Mỹ có vài sắc dân Nhật, Nam Hàn, Mễ… Cô giáo ra đề tài học sinh viết về món ăn em thích. Để có nội dung phong phú, cô giáo gợi ý thêm các học sinh sắc dân đề cập đến món ăn của xứ sở (ông bà, cha mẹ)…
Cháu vào thư viện nhà trường tìm được cuốn A Phở Love Story của vây bút trẻ Loan Le. Quyển này dày 406 gồm 49 chương, phát hành vào Feb, 9, 2021 ở Mỹ cũng là dịp Valentine’s Day (Lễ Tình Yêu) vì nội dung liên quan đến đề tài nầy. Cô giáo trong chuyến du lịch Nhật và Việt Nam, có ăn món phở nầy nên khi cháu nói về phở cũng hợp ý.
Với Phở và Love Story, gợi nhớ lại tác phẩm Love Story của Erich Segal, ra mắt vào dịp Valentine’s Day năm 1970, là một trong những tác phẩm bán chạy nhất ở Mỹ vào thời điểm đó và cuốn phim cùng tên với hình ảnh Ryan O'Neal (Oliver) và MacGraw (Jennifer), đẹp và dễ thương trong cuộc tình bi thảm. Lúc đó nhà văn Erich Segal cùng độ tuổi của Loan Le sau nầy.
Nếu viết về phở, khi search vào internet có các bài viết bằng tiếng Anh đã mô tả nhưng dựa vào đó để viết thì thuần túy về ẩm thực nên có quyển sách xoay quanh chuyện tình để lồng vào đó thì có tính cách văn chương.
Cuốc sách xoay quanh câu chuyện về Bảo Nguyễn (nam) và Linh Mai (nữ) tuổi teen, người Mỹ gốc Việt nầy có cha mẹ là chủ tiệm phở đối diện nhau bên kia đường và cạnh tranh nhau. Vì cạnh tranh chuyện làm ăn ở nơi chốn trên xứ người nên hai gia đình chủ tiệm phở cũng mang tính ích kỷ ảnh hưởng đến con cái.
Với Bảo làm việc tại nhà hàng phở của bố mẹ như nhân viên yêu thích thứ năm của bố mẹ mình và nghĩ về bản thân, chẳng có gì trong địa vị xã hội nên không lý tưởng. Với Linh thì có niềm tự hào về công việc của mình được bố mẹ giao phó… Linh là họa sĩ, có ước vọng theo đuổi nghệ thuật
Qua nhiều năm Bảo và Linh đã mâu thuẫn với nhau, cạnh tranh trong trong công việc làm ăn của tiệm phở, không ưa và tránh mặt nhau… Rào cảng đố kỵ giữa hai gia đình, hai tiệm phở đã ảnh hưởng đến con cái.
Trong cuộc gặp gỡ tình cờ đưa Bảo và Linh gặp nhau, với tuổi trẻ có tầm nhìn thoáng hơn, không ôm ấp mâu thuẫn, hận thù của quá khứ mà cùng nhau nhìn về con đường phía trước.
Nhà văn Saint Exupéry cho rằng “Khi hai người yêu nhau, họ không cùng nhìn nhau mà cùng nhìn về một hướng” và “Khi một tâm hồn mở ra để đón tình yêu thì bỗng dưng có hàng ngàn cách để biểu lộ tình yêu ấy”. Câu nói của Saint Exupéry cũng là ý tưởng của Loan Le trong phần cuối quyển sách.
Với món phở, cháu hỏi ông sao không có tiếng Anh như các món ăn của nhiều nước khác? Tuy các cháu được gởi học tiếng Việt ở các trường Việt ngữ vào cuối tuần nhưng nghe và nói cũng tốt rồi. Các cháu đều than viết tiếng Việt khó quá với các dấu hỏi ngã, có g, không g, cùng âm mà d, g ở đầu và c, t ở cuối có nghĩa khác nhau…
Với phở, ông chỉ biết từ thời xa xưa trong tự điển Việt Nam như Việt Nam Tự Điển (1930) ghi “Món đồ ăn bằng bánh thái nhỏ nấu với thịt bò” (không có thịt gà).
Theo Wikipedia “Phở or pho is a Vietnamese soup dish consisting of broth, rice noodles, herbs, and meat, sometimes chicken. Pho is a popular food in Vietnam where it is served in households, street stalls and restaurants countrywide. Pho is considered Vietnam's national dish”.
Chữ “rice noodle” không thuần túy là bánh phở nhưng cũng được giải thích chữ: “Banh Pho” is traditionally made from rice flour, coated in thin sheets and then cut into fibers.
Loại gạo xay nhuyễn thành bột, tráng thành bánh mỏng rồi cắt ra thành sợi cũng dành cho các món như hủ tiếu, cao lầu, mì Quảng… Loại nầy sấy khô, đóng gói được bán ở supermarket có tên Việt/Mỹ rất thông dụng. Bún cũng làm bằng bột gạo nhưng chế biến khác nhau, món ăn nầy cũng thông dụng như phở ở trong nước và hải ngoại.
Nhân bài văn của cháu ngoại về phở nên “bàn hươu tán vượn” về phở và cuốn sách “A Phở Love Story”, rất tiếc báo chí Việt ngữ ở Mỹ không khuyến khích giới thiệu nhiều về quyển sách nầy, cây bút trẻ Loan Le có ý nghĩ chọn món ăn của quê hương để viết cho độc giả Mỹ qua chuyện tình tuổi teen với bìa sách chân dung đôi bạn trẻ (trai, gái) với tô phở thật ý nghĩa.
Little Saigon, Oct 2021
Vương Trùng Dương
Thứ Sáu, 8 tháng 10, 2021
Từ Em Là Bóng Chim Di-Thơ: Nguyễn Nam An; Phổ Nhạc: Phạm Anh Dũng Hòa Âm: Đỗ Thị Thu Hằng
Hòa âm: Đỗ Thị Thu Hằng
Clinique Dr Sohier Tại Dalat
Một Đời Cỏ Dại
Anh làm gió đưa hương
Bông cỏ rãi khắp đường
Anh lạc tình muôn hướng
Anh một đời gió chướng
Mang xuân đến bình yên
Xin đôi phút thiêng liêng
Hôn lên hoa cỏ dại
Cỏ ơi! Xin đừng ngại
Đừng héo úa tàn phai
Anh làm ánh sương mai
Ướp vai mềm đời cỏ
Kim Oanh
Tình Thơ
Bước qua bến vắng thấy bờ tịch liêu
Thấy em, một bóng đường chiều
Sân ga không có người yêu đứng chờ
Thấy đời, khoảng trống tiêu sơ
Thấy em, chiếc lá bơ vơ giữa dòng
Cung buồn tơ cũng buồn giăng
Lênh đênh duyên phận, thăng trầm kiếp hoa
Nòi tình một lứa trong ta
Người chưa tương kiến hoá ra tương phùng
Gánh sầu một ghé vai chung
Chia nhau trống vắng, vui cùng đơn côi
Lấy hoen lệ điểm nụ cười
Lấy tai ương kết hoa đời tin yêu
Chút bình minh, chút nắng chiều
Chút hương tìm lại ít nhiều trao nhau
Trang Châu
Sonnet D'Arvers (Félix Arvers) - Tình Tuyệt Vọng - Đời U Uẩn
Sonnet D' Arvers
Một thoáng thôi, tình bỗng thiên thu
Ngấm ngầm ôm vô vọng sầu đau
Nhưng người ấy nào đâu lưu ý
Cạnh bên người, mà ta đơn lẻ
Đồng hành trong lặng lẽ, nín câm.
Cho đến cuối đời vẫn âm thầm
Không đón nhận, hỏi xin chi cả.
Con người ấy, dịu hiền, thanh nhã
Hồn nhiên đi, như thể vô tâm
Tai không nghe những tiếng yêu thầm.
Đoan trinh và thủy chung, nàng sẽ
Đọc thơ rồi bâng quơ, hỏi nhỏ:
“Ai là người đẹp tả đây ta?”
Mà vô tình không nhận ra là
Bóng dáng mình chan hoà trong đó.
Mùi Quý Bồng
10/07/2021
Hoa Đô Hôm Nay
Trời Hoa Đô u ám cả ngày
Mây xám nhuộm một màu tang tóc
Gió im, cành lá chẳng lung lay.
Chim chóc trốn, không ra khỏi tổ
Lữ khách buồn, cõi lòng tê tái
Cảnh thê lương như mùa Thu chết
Cốc rượu hồng chưa cạn, đã say
Hoa Đô, 6-10-2021
Trần Công/Lão Mã Sơn
Bài Viết Không Tên
Có một thời tôi rất mê nghe nhạc Vũ Thành An. Những “Bài Không Tên” với các con số theo sau là những tác phẩm nổi tiếng của người nhạc sĩ một thời được yêu mến. Bài viết dưới đây không liên hệ gì đến các bản nhạc Không Tên; chẳng qua chỉ vì tôi không thể tìm ra một đề tựa ăn ý nhất cho câu chuyện muốn viết về một tấm hình. Một câu chuyện dưới dạng connect the dots, để từ đó tìm hiểu nhân vật, qua sự góp nhặt từng bức thư chia sẻ – là những dots, dù là thư riêng nhưng lại thuộc loại tình chung.
Đầu tháng 2, 2021, bác sĩ Đoàn Thanh Long, một đàn em khóa 20 (1980-1986) đưa vào diễn đàn Y Khoa Huế Hải Ngoại một bức ảnh Văn Bằng Tiến Sĩ Y Khoa Quốc Gia cấp cho bác sĩ Huỳnh Ánh Nguyệt vào ngày 15, tháng 3, 1972, với lời viết ngắn nhưng đầy khâm phục “Bà ấy năm nay đã ngoài 80, ngày ấy đã giỏi mà còn đẹp nữa”. Trong văn bằng, ngoài chữ ký của 3 vị Giáo Sư Viện Trưởng Viện Đại Học Saigon, Khoa Trưởng Đại Học Y Khoa Saigon và Xử Lý Thường Vụ Tổng Trưởng Bộ Giáo Dục VNCH, có tấm hình của cá nhân bác sĩ Huỳnh Ánh Nguyệt. Người trong hình làm tôi liên tưởng đến công chúa Audrey Hepburn, duyên dáng, ngây thơ, sống động với đầu tóc cắt cao, trong phim Vacances Romaines mà tôi từng thích thú xem nhiều lần, từ Huế vào đến rạp Vĩnh Lợi ở Saigon trong cuối thập niên 60.
Thật đúng khi người đời thường cho đằng sau mỗi tấm hình là một câu chuyện, vậy câu chuyện đằng sau tấm ảnh Văn Bằng này kèm theo tấm hình bác sĩ Huỳnh Ánh Nguyệt là như thế nào, tôi tự hỏi? Vì sao lại lưu lạc trên mạng giang hồ sau năm 1975. Bộ Giáo Dục, Bộ Y Tế VNCH và Đại Học Y Khoa Saigon có thể là nơi cất giữ bản nguyên thủy của Văn Bằng, ngoài một bản trao cho bác sĩ Ánh Nguyệt sau kỳ trình luận án Tiến sĩ Y Khoa Quốc Gia. Sau biến cố 1975, có thể chăng các nơi chứa hồ sơ của các cơ quan nói trên bị lục soạn, tìm hiểu, đánh cắp, loại bỏ theo kiểu tẩy xóa, đập đổ, đốt hủy tất cả tư liệu văn hóa “gìn vàng giữ ngọc” của chế độ cũ? Tôi không nghĩ chính đương sự có hình trong Văn Bằng lại đi phổ biến tài liệu cá nhân của mình lên mạng hay facebook của mình vì Chị vốn có một cuộc sống kín đáo xa cách hồng trần từ rất lâu. Có thể chăng một người bán giấy tờ vụn nhưng có học thức, biết quý trọng giá trị của mảnh giấy nên giữ lại? Hay có chăng một bác sĩ đàn con cháu trong chế độ mới tìm thấy Văn Bằng khi làm việc tại phòng nhân viên của Bộ Y Tế trước đây, rồi giữ lấy nó như một loại antique quý báu? Hay phải chăng một bạn hữu, một đồng môn nào tình cờ lượm nhặt tờ Văn Bằng, hay mua nó lại từ chợ trời, và sau mấy chục năm cất giữ, bỗng một ngày nào đó muốn tìm thăm hỏi bạn mình nên chuyển tấm ảnh Văn Bằng lên mạng lưới, thầm mong bạn mình sẽ hồi âm?
Trong cuộc săn tìm dấu chân chim, tôi chuyển tấm hình Văn Bằng đến các diễn đàn y khoa thân thuộc rộng lớn hơn. Đến khi có vài mấu chốt làm sáng tỏ phần nào con người thật trên tấm Văn Bằng, tôi lại loay hoay với nhiều đề tựa khác nhau, không biết nên chọn cái nào. “Về Khung Trời Cũ”? Hay “Một Thoáng Hương Xưa”, hoặc “Tìm Màu Hoa Hương Cũ”, “Nối Kết Tình Bạn Qua Hình Xưa”, “Giải Mã Một Tấm Hình”, “Hình Xưa Bạn Cũ”, “Vang Bóng Một Thời”, “Connect The Dots - Friendship Blossoms”… Hay vẫn đơn giản giữ nguyên “Bài Viết Không Tên”, nghe cho có vẻ mơ hồ, và hấp dẫn bạn đọc. Thật thú vị và đầy ngạc nhiên khi tôi nhận những giải thích thân tình, đầy thán phục và ca ngợi từ những điện thư có ngày tháng và tên người gởi.
Xin quý bạn đọc ngồi vào ghế dựa, cài dây an toàn – như khi chúng ta đang di chuyển trên toa xe Back in Time của Disney World - cùng nhau đi tìm lại quá khứ của tuổi hoa niên – trước khi đọc những dòng mails liên lạc sau đây, hiện lên từ từ trên màn hình trong Epcot Center.
Có quý đại sư huynh nào nhớ và biết đồng nghiệp này?? (kèm hình Văn Bằng)
V. Chánh. gởi lên diễn đàn tmg ngày 7 tháng 2, 2021
Y Khoa Hue Hai Ngoai <ykhoahue@googlegroups.com
Bác ấy năm nay đã ngoài 80, ngày ấy đã giỏi mà còn đẹp nữa ...
Đoàn Thanh Long
Ngay liền sau đó là thư trả lời của anh Bát Sách:
Tôi không biết, Chị ấy cỡ tuổi tôi,.
Bình.
Vì anh Bình không biết dù anh thuộc loại “Hán Rộng” nên tôi đành gởi thư hỏi riêng anh Thượng Vũ, một Encyclopédie sống, quen biết với rất nhiều nhân vật tên tuổi mà không ít người thuộc loại legendary:
Anh Vũ mến,
Em không hiểu hình ở đâu mà có nhưng do 1 bs đàn em của YKH sưu tầm và gởi cho forum YKH Hải Ngoại xem.
Em cũng có nhìn kỹ trên tấm hình, thấy năm sinh của chị là năm 1939, chắc thuộc khóa khá lớn, nhưng vì sao lại trình these vào năm 1972. Hơi trễ!?
Em mong là chị BS. Huỳnh Ánh Nguyệt nhìn lại được cái bằng Tiến Sĩ Quốc Gia của mình.
Thân mến, em V. Chánh
Thưa anh Bình
Đây là bằng cấp của chị BS Huỳnh Ánh Nguyệt, trước học Marie Curie, bạn của tôi từ ngót 65 năm về trước.
Nguyệt bây giờ ở Hawaii, ông xã trước là Professor về Radiology.
Nguyệt ra trường sau tôi 1 năm
Nguyen Thuong Vu.
Tôi đọc thư của anh Vũ mà lòng rộn lên. Thì ra người trong Văn Bằng vẫn còn trên dương thế. BS. Huỳnh Ánh Nguyệt hiện sống tại quần đảo Aloha, với nắng ấm hầu như quanh năm và biển xanh trong tầm mắt. Phải vậy chứ! Tấm hình với Văn Bằng bỗng trở nên sống động, là chứng nhân của một con người thật. Nhưng không chỉ vậy thôi. Vì trong vài hôm sau, tôi vô cùng ngạc nhiên và hạnh phúc nhận thư của 2 vị bác sĩ niên trưởng gởi riêng cho tôi. Người thứ nhất là người mà tôi rất kính mến, là Đích Thân của tôi trong TĐQY Nhảy Dù. Với người thứ hai, tôi chưa diện kiến lần nào dù biết tên. Như những tiếng chim bạt gió mãi tận từ Pháp Quốc và từ London/ UK, 2 vị cất tiếng gọi đàn khi chiều về, với tuổi vàng phản chiếu trong mắt và tình bạn nhộn nhịp trong tim. Cả hai vị hé mở thêm vài kỷ niệm về BS. Ánh Nguyệt, người bạn cùng lớp tại ĐH Y Khoa Saigon và cùng tốt nghiệp Y Khoa năm 1966.
Bác Sĩ Trần Đức Tường viết như sau:
Vĩnh Chánh thân,
Huỳnh Ánh Nguyệt năm nay 81 cùng lớp cùng groupe với mình. Gửi Vĩnh Chánh mấy tấm hình có Ánh Nguyệt còn có tên là "quatre cent trois" vì đi học có xe nhà Peugeot 403 tài xế đưa;
Trần Đức Tường QY
Bác Sĩ Trần Đức Tường là một con người kín đáo, hiếm khi xuất hiện trên giang hồ; năm thì mười họa tôi mới nhận được vài dòng chữ từ người. Nay Đích Thân lên tiếng, tôi phải thông minh để hiểu rằng, sau bao nhiêu thập niên mất dấu nhau, BS. Ánh Nguyệt vẫn để lại cho người bạn học cùng groupe với mình vô số ấn tượng đẹp và khó quên đến thế nào! Do anh Tường không có lời chú thích cho các tấm hình đen trắng, nên tôi vẫn không biết đích xác bác sĩ Ánh Nguyệt là người nào trong các hình này. Tuy nhiên dựa vào tấm hình mẫu trong Văn Bằng thì BS. Ánh Nguyệt phải là người cao, gầy, có mái tóc ngắn demi garcon. Vậy mời quý bạn đọc phỏng đoán cùng với tôi.
Với 2 thư nối tiếp nhau của Bác Sĩ Nguyễn Ngọc Bích, tôi có nhiều chi tiết hơn về người trong hình, và còn được thêm một tấm hình bonus về anh Bích với nhóm bác sĩ làm việc năm 1968 tại QYV Nguyễn Tri Phương, Huế:
Kính anh BS Vĩnh Chánh.
BS Huỳnh Anh Nguyệt học cùng lớp tôi trong suốt thời gian học y khoa ra trường 66
Thời gian sinh viên chị đẹp, vui vẻ, dịu hiền thường di chuyển từ trường YK tới BV thực tập với BS Bửu Châu [ chắc anh biết ] trên xe Vespa , nhưng sau khi ra trường tôi không có tin nữa .
Anh có biết BS Tôn Thất Sơn ở Na Uy ? Sơn và tôi là anh em con cô con cậu .
Tôi được biết tài của anh qua BS N.T. Vũ .
Thân mến .
BS Nguyễn Ngọc Bich [ London UK ]
BS Vĩnh Chánh thân mến.
Xin gửi ảnh hình chụp lớp tôi hồi năm thứ 3 sau giờ Bacteriologie của GS Nguyễn văn Ái có hình BS Huỳnh Ánh Nguyệt chị đứng hàng đầu thứ 2 từ phía phải, tóc vấn cao trông đẹp và sang. Và hình tôi chụp ở QYV Nguyễn tri Phương với anh BS Đương và các bạn năm 1968.
Thân mến, NNBich . London
Cám ơn thế giới ngày nay, tuy ảo mà thiệt, tuy thật mà lắm lúc lại fake, cung cấp cho chúng ta bao nhiêu thông tin một cách nhanh chóng, cho chúng ta nhận thư tín hình ảnh từ bất cứ nơi xa xôi nào gởi đến, không những vậy mà còn được nhìn thấy nhau qua Facebook, Facetime, hay Zoom…Liên lạc giữa các bạn bè, giữa các nhóm không còn là một vấn đề. Tình thân từ đó dễ kết nối và nở hoa, các dị biệt dễ cảm thông. Trong chỉ gần 2 ngày, từ một tấm hình không biết nói, tôi tìm biết được một đàn chị tốt nghiệp năm 1966, có lẽ thuộc loại con nhà quyền quý, học chương trình Pháp từ trường Marie Curie được xe nhà Peugeot 403 có tài xế riêng chở đi học, vì vậy mới có thêm tên cúng cơm là “Quatre Cent Trois”. Chị có lẽ là hoa khôi của lớp với tóc demi garcon, cao sang, thanh tú, vui vẻ và dịu dàng. Toàn là những từ ngữ mỹ miều cho một giai nhân – mà lại là một giai nhân có học. Các bạn cùng lớp chắc chỉ đứng xa xa mà nhìn, ngoại trừ nhiều khi Chị phải nhờ anh bạn hiền khô có dáng thư sinh Bửu Châu (RIP) đèo giùm sau xe vespa từ trường YK đến bệnh viện này, rồi qua bệnh viện khác, khi cùng nhau đi thực tập. Tiết lộ này từ BS. Nguyễn Ngọc Bích khiến tôi càng liên tưởng đến chàng ký giả Gregory Peck chở công chúa Ann trong Vacances Romaines! Xe Peugeot nhà khó mà biết công nương ở bệnh viện nào mà chờ, mà đón!? Thôi đành ngồi sau xe vespa là yên trí, vừa mát vừa phơi phới – dù có mưa thì mặc mưa - lại không một thám tử tư nào bắt được! Ui chao ơi là vui!
Bỗng nhiên tôi nhớ đến mấy câu thơ Áo Lụa Hà Đông của Nguyên Sa được nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ thành nhạc:
Câu chuyện bỗng sống động hẳn lên, tấm hình trở nên vivid, có thêm linh hồn hơn nữa là khi tôi nhận được thư của chính bác sĩ Ánh Nguyệt viết do anh Vũ chuyển đến. Tôi xin giữ màu đỏ nguyên thủy của lá thư Chị. Vì qua màu đỏ thắm này, tôi có cảm giác câu chuyện rất thực này đang và sẽ lưu chuyển trong tim của bao bạn hữu xa gần, những người từng một thời là đồng môn với nhau,
Chánh ơi
Cho anh thăm Minh Châu. Bisous,
Love. Anh Vũ
Chuyen nay bat ngo (quelle bonne surprise) va vui that! Rat han hanh douc biet BS Chanh Vinh, da co nha y tham hoi. Nguyet nam nay 81 tuoi, het dep roi! Neu co chang, thi chi la dep lao thoi (belle vieille)
Nho Vu chuyen loi toi cam on BS Chanh Vinh da quan tam den toi.
Men chuc Vu Cham Doan va cac chau Nam Moi duoc manh khoe, an vui va moi su nhu y.
Mong co ngay duoc gap lai. Nguyet.
Chị đã biến mất sau ngày tốt nghiệp, sự kiện mà tôi nghĩ, không những vì các anh bắt đầu trở thành chiến sĩ Quân Y bay nhảy khắp lãnh thổ Miền Nam, hay “lang thang bên cuộc đời vội vã” mà cũng có thể chị lặng lẽ chóng yên bề gia thế, hay chị chọn nơi làm việc trên bàn giấy trong Bộ Y Tế thay vì trong các bệnh viện hoặc phòng mạch tư. Chi tiết Chị trình Luận Án Tiến Sĩ Y Khoa năm 1972, sáu năm sau khi tốt nghiệp, cho tôi có cảm tưởng Chị không cần hành nghề tư mà muốn một cuộc sống an nhàn, không bon chen, không mấy tranh đua.
Dù biết chị viết “Mong có ngày gặp lại” là với anh chị Thượng Vũ Châm Đoan, nhưng tôi đây cũng mong có ngày gặp được người vang bóng một thời trong một lần hội ngộ nào đó của các vị niên trưởng cùng khóa 1959-1966. Để một lần chứng kiến các anh chị vui đùa thân mật bên nhau, sống lại những ngày xưa thân ái, cùng lúc điểm lại quân số khi số tuổi người nào cũng trên tám mươi. Với người nào cũng đẹp lão – Beaus Vieux, Belles Vieilles - cũng dễ xúc cảm, cũng dễ nước mắt lưng tròng, cũng ngây thơ hồn nhiên và dễ…chướng, ngang như cua, y như lão Ngoan Đồng Châu Bá Thông.
Trong phần kết, xin gởi tặng chị Ánh Nguyệt cùng các vị đang trên đường óng ánh lá vàng bài thơ Vieillir en Beauté (của Ghyslaine Delisle***) và bài thơ Vieillir en Beauté et en Sagesse của Félix Leclerc (***), được người BS đàn anh tài hoa Mùi Quý Bồng phóng tác trong vòng vài tiếng đồng hồ sau khi nhận bài thơ nguyên thủy bằng tiếng Pháp của tôi gởi trong chiều ngày 6 tháng 6, 2021. Bài thơ “Tuổi Già Trong Niềm Vui Và Sự Hiểu Biết” này làm tăng thêm màu sắc thanh nhã và sự trân trọng cho bài viết. Vô cùng cám ơn BS. Mùi Quý Bồng.
Tuổi Già Trong Niềm Vui Và Sự Hiểu Biết
Là bước vào với trái tim thơ
Không tiếc nuối, nhìn giờ, hối hận.
Mạnh bước tới, lo âu không bận,
Vì hạnh phúc tiềm ẩn mỗi thời.
Già vui, là già cùng cơ thể,
Giữ cho thân tráng kiện, mạnh khoẻ
Bên trong, và đẹp đẽ bên ngoài.
Gắng sức, đừng bao giờ buông xuôi.
Tuổi tác liên quan gì cái chết?
Già trong niềm vui, là giúp sức
Cho tha nhân vượt thoát khó khăn
Khi mà họ đã mất lòng tin
Thấy cuộc đời không còn êm ấm.
Cho họ biết bên cạnh họ vẫn
Có bàn tay để nắm, khi cần.
Cách tốt đẹp bước vào tuổi già
Là với lòng hăng say, tích cực
Quá khứ, không bận tâm, thổn thức
Hãnh diện mái tóc bạc trên đầu,
Vì niềm vui, hạnh phúc mai sau,
Vẫn còn đó, hơi đâu mà vội.
Già mà vui, là với thương yêu
Luôn cho đi, không cầu hoàn trả.
Vì dù bạn ở đâu đi nữa
Mỗi ngày khi mở cửa bình minh
Luôn có ai đón tiếng chào mừng.
Già phong cách, già trong hy vọng.
Tự bằng lòng mình khi chiều xuống.
Và khi thời gian điểm hồi chuông
Thì chúng ta hãy tự nhủ lòng
Chẳng qua chỉ là màn tạm biệt.
Đừng tiếc nuối tuổi trẻ bạn nha.
Được bước vào tuổi già, bạn ạ,
Là một đặc ân mà, thật ra,
Nhiều người ước mong, nhưng không có.
Mùi Quý Bồng
(phóng tác)
Vĩnh Chánh,
Trung tuần tháng 6, 2021
Mission Viejo, CA