Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2024

Tình Không Như Ước Mơ - Lời: Bóng Mây - Nhạc: Lê Hữu Nghĩa - Hòa Âm: Phan Đê - Ca Si: Kana Ngọc Thúy


Lời: Bóng Mây
Nhạc: Lê Hữu Nghĩa  
Ca Si: Kana Ngọc Thúy 
Hòa Âm: Phan Đê

Một Thoáng Suy Tư



(Thủ Nhứt Thanh)

Một thoáng suy tư ướm hỏi lòng
Một chiều man mác đượm Thu phong.
Một niềm khắc khoải, người đơn bóng
Một nỗi bâng khuâng, kẻ quạnh phòng.
Một tấm tình thương...thôi trắc trở
Một vai chỗ dựa...hết long đong.
Một phương trời cũ hằng mong đợi
Một chuyến sang sông, cặp bến trong...

Duy Anh
Autumn 2024

Thu Nhớ

 
  (Ảnh: Kim Phượng)

Trông nắng thu vàng trải khắp nơi
Nhớ người biền biệt mãi phương trời!
Ở đây khắc khoải nhìn thu lại
Chốn ấy u hoài ngắm lá rơi!
Hội ngộ ?! bao mùa còn vắng biệt
Tao phùng?!mấy độ vẫn xa xôi!
Người ơi nét bút xin trao gửi
Mong bóng thu xưa chẳng nhạt mờ!

Hàn Thiên Lương



Trách Chi?

 

Trách chi tình đã lỡ rồi?
Trách chi chuyện cũ một thời bên nhau
Trách chi giây phút ban đầu
Trách chi tình ấy nhạt màu thời gian

Trách chi số kiếp lỡ làng?
Xem như bọt nước vỡ tan mất rồi
Đời bao giọt đắng đầy vơi ?
Còn chăng kỷ niệm tình tôi với nàng

Bây giờ tình đã sang ngang
Trách chi số phận một lần chia tay
Trách chi mắt lệ rơi đầy?
Vấn vương chi để đêm ngày xót xa

Hết rồi tình đã phôi pha
Giọt buồn, giọt nhớ chỉ là hư vô
Trách chi giây phút hững hờ ?
Riêng tôi lẻ bóng bên bờ nhớ thương

Nguyễn Vạn Thắng




Tháng Chín Mùa Thu

The tree of Live by TASIRUPEKAhARO
Ở Hai Đầu Nỗi Nhớ

Tháng chín. Tháng của rỉ rả mưa đêm, của lả chả cánh phượng và hiu hiu mùa chuyển.
Tháng chín. Tháng của líu ríu chim sẻ rủ nhau bỏ đi và xôn xao học trò rủ rê trở lại.
Tháng chín ... khi lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc...
Tháng chín bây giờ, xứ lạ đã thành quen và tháng chín hồi đó, rất quen mà như chừng đã lạ.
Tháng chín ở một thành phố nhỏ, giữa miền Nam nắng cháy mưa lầy, nơi tôi đã sống lụy như tình nhân và tấm tức bỏ đi như người bị ruồng rẫy.
Tháng chín ở đó với không biết bao nhiêu là kỷ niệm của những mùa thu giả tưởng. Lá thư tình ngây ngô viết vội cuối tháng sáu khi trường học sắp đóngcửa và cô bạn mắt-nai-tóc-thề sắp sửa hành lý về quê. Trời nắng rực sửa soạn vào hè mà quýnh quáng quơ vội quơ vàng phong vị mùa thu vào trang giấy học trò để tả tình tả oán về nỗi nhớ-thương-học-lóm của chim xa-bầy-thương-cây nhớ-cội. Cũng chẳng nhớ rồi lá thơ nhét trong tập sách cho mượn có nhận được hồi âm ? Mà điều có cần đâu. Cái thuở bạ đâu thích đó, có biết vân mồng gì đâu cái-gọi-là-tình-yêu.

Ôi những mùa-thu-giả-bộ ở cái tỉnh nhỏ êm đềm, sớm chiều như ngái ngủ. Thời tiết chuyển mùa mơ hồ như có như không. Nắng rồi mưa, mưa rồi nắng. Vậy mà lòng con trai mới lớn cứ phiêu bồng như lãng tử chạy đuổi theo mùa màng cho được. Thật ra có gì khác lạ đâu ở bên ngoài lòng người. Nhiều lắm là chút khang khác giữa cái nóng hừng hực và cái nóng hâm hấp, màu xanh rì của tàng lá xum xuê và màu xanh thoang thoáng của chùm lá non mới trổ. Vậy mà mỗi lượt nghe ai đó cất giọng rầu rĩ thu-đi-cho-lá-vàng rơi ... là bụng dạ lại cứ nao nao ... làm như nghe được cả tiếng chân thu đang chuyển dịch sẽ sàng. Chỉ tại cái lòng quá mơ mộng. Hay tại vì nhịp mùa có chuyển cũng chuyển từ trong tâm tưởng. Trời đất thay đổi rất vô tình. Tại mình tiếp tay với trời đất cho nên mùa màng mới có chuyện. Xứ sở đâu có bốn mùa vẫn cứ cố bày ra cho được. Trời miền Nam quanh năm suốt tháng nắng nướng dòn da mà cái đầu thì cứ mê muội bày đặt đủ thứ tứ thời tám tiết. Hết xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi đến anh vẫn thấy em ngồi đây tóc ngắn mà mùa thu dài lắm ở chung quanh ... Mình lợi dụng trời đất vào tình riêng riết rồi lậm lúc nào không hay. Đến nỗi hễ nghe xuân tới là cứ rậm rật hy vọng mà nghe tin thu về thì lại đâm ra buồn ngẩn buồn ngơ, buồn tới lơ ngơ cả ngày.

Truy cho ra nguyên ủy, chắc cũng đã xa lăm lắm, đâu từ đời Đường đời Tống bên Tàu, có thể gần hơn một chút thì Lamartine với Chateaubriand bên Tây. Gần hơn chút nữa thì cũng cỡ những năm 20 khi bà Tương Phố viết Giọt lệ thu buồn đến ngất ngư làm cái đám sanh sau đẻ muộn lỡ học phải rồi cũng đâm ra sầu thu đến chảy nước mắt, từ đó. Ai biểu.

Vài chục năm sau, ở một thành phố nằm trên vĩ độ 45 bắc, đột nhiên giữa một buổi chiều cuối tháng chín, tôi thấy mùa thu thật sự trở lại. Đúng ra chắc cũng đã rục rịch từ nhiều ngày trước mà không ai hay, từ bên kia dãy núi chắn ngang phía bắc thành phố. Ở đó rừng núi mênh mông, cây lá mênh mông, mặc tình cho trời đất xun xoe làm dáng. Ở đó, trên những chỏm núi ngất ngưởng cao đã thấy quầng thâm những ngụm mây xám. Và ở đó, chắc cây lá cũng đã len lén đổi màu từ khi mặt trời cứ bỏ đi ngủ sớm. Ở dưới này, giữa lòng phố, ngày đã ngắn lại đâu từ giữa tháng, mỗi ngày một chút. Và gió cũng đã đổi hướng, mỗi lúc một lạnh. Lòng người ta bén nhạy còn hơn đài khí tượng, đánh hơi mùa từ khi máy móc chưa kịp tính toán xong.

Vậy đó, một buổi chiều cuối tháng chín, tôi bỗng thấy mùa thu trở lại. Mặc dù mùa hè còn nấn níu chưa chịu bỏ đi.

Bắt đầu là một cơn gió lạ. Cũng không biết từ đâu thổi tới. Chỉ biết khi tôi thấy thì nó đã ra tới giữa lòng đường. Lúc đó đâu khoảng giờ cơm chiều nên lòng đường trống trơn, duổi dài như một cánh tay buông xuôi sau khi đã vật vã mệt nhoài với mớ xe cộ hối hả qua lại lúc nãy, khi tan sở. Mặt đường xám ngắt, lì lì giữa hai hàng cây im sững. Cơn gió lách tới bất ngờ, qượn qua qượn lại một chút rồi bốc thẳng lên, mang theo nhúm bụi mờ và một chiếc lá vàng nằm sẵn đó tự hồi nào, thổi ngược vào lề thả lá bay vất vưởng một đổi rồi bỏ mặc chiếc lá khô nằm chết bên cạnh về tường nứt nẻ. Cơn gió bỏ đi để lại chút gay gay lạnh trên cánh tay trần của người khách bộ hành vừa trờ tới. Một chút động đậy thôi trong một giờ chiều rất tịnh, bỗng nhiên làm quậy lên lao xao một cái gì rất lạ. Một cái gì rất mơ hồ, nhẹ hửng, chẳng đâu ra đâu vậy mà như đủ sức khều dậy giữa lòng người một ý niệm, hay đúng hơn, một ấn tượng ... Ngô đồng nhất diệp lạc. Thiên hạ cộng tri thu.

Vậy rồi đâm ra buồn ngang buồn ngửa, buồn ngất trên vai áo theo kiểu của thi sĩ du tử họ Lê.

Mà buồn cái gì ? Mùa thu ở vùng đông bắc Mỹ châu này rồi sẽ đẹp gần chết mà buồn nỗi gì. Trời hanh nắng, gió hiu hiu lạnh, khoác hờ chiếc áo dạ đen bỏ hở hàng nút, kéo cao cổ áo phủ ót, một tay đút túi, một tay quơ quơ hốt nắm sương la đà, thả cho đôi chân lang thang, rồi học đòi Hồ Dzếnh nhớ nhà châm điếu thuốc khói huyền bay lên cây là hết sẩy. Nhất là ngay lúc đó, trời đất đang rục rịch chuyển mình. Lá xanh không còn xanh nữa. Ngàn lá, triệu lá, triệu triệu chiếc lá như có hẹn tự bao giờ rủ nhau thay sắc. Xanh vàng tím đỏ rồi xanh xanh vàng vàng tim tím đo đỏ. Rồi nâu, rồi nâu nâu. Rồi cả những sắc màu pha trộn không gọi được tên lao xao dưới nắng thu trong như hổ phách. Dẫu có loạn thị cách mấy cũng phải chịu là đẹp. Vậy tại sao lại còn đòi buồn đòi tủi !?

Ờ ... thì đẹp. Mà điều cái đẹp là cái bây giờ, ở đây. Còn cái buồn là cái hồi đó, còn vận đến chừng này, trong tâm tưởng.

Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi. Trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi. Nghe gió thoảng mơ hồ trong mưa thu, ai khóc ai than hờ ...

Đố ai đã từng nghe Giọt mưa thu của Đặng Thế Phong một lần mà không thấy bùi ngùi tới xót ruột. Nhất là ở cái thời mới lớn. Lạ lắm. Tình buồn, nếu có là của riêng người nhạc sĩ. Ông sống cái mùa thu của ông ở đâu tận ngoài bắc xa mù mà rồi qua mấy nốt nhạc ông xô ùa cái mùa thu chưa từng đó vào lòng đám trẻ mới lớn ở miền Nam cái một. Từ đó, ở miền Nam có một mùa thu.


Rồi suốt dọc theo thời tiền chiến, cái mốt mới gọi là lãng mạn theo ông Tây đổ dập sang, cuốn theo không biết bao nhiêu là hồn thi văn nhân nhạc sĩ kèm theo đó là cái mớ độc giả khán thính giả bị “lây lan”. Khỏi nói lãng mạn với mùa thu là một cặp bài trùng anh-đâu-em-đó. Đã lãng mạn thì chạy đâu cũng không khỏi mùa thu.

Đoàn Chuẩn-Từ Linh. Lá đổ muôn chiều. Thu đi cho lá vàng rơi. Lá rơi cho đám cưới về. Ngày mai người em nhỏ bé ngồi trong thuyền hoa tình duyên đành dứt ... Cưới hồi nào không cưới đợi ngay tới cái lúc thu-đi-cho-lá-vàng-rơi rồi hè nhau bỏ bến cũ ôm tình sang thuyền khác. Cứ như vậy đó hỏi làm sao mùa thu không tạo ra những cõi-lòng-mít-ướt.

Rồi dọc theo cái thời tập tành làm người lớn, chập chững chân trong chân ngoài con đường tình ái hẵn là không biết bao nhiêu mùa thu nữa lãng đãng theo mấy nốt nhạc làm phông cho chàng trẻ tuổi thả trái tim mình ba chìm bảy nổi theo mấy dòng tóc mây thu. Dĩ nhiên là chắc chìm nhiều hơn nổi cho nên rốt lại cứ nghe tới thu là đâm ra rầu miết.

Đến khi Phạm Duy đem nhạc phổ thơ Adieu * của Apollinaire thì ôi thôi chắc mẻm thu ơi thu sao mà buồn lắm vậy. Ta ngắt đi một cùm hoa thạch thảo. Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi ... Mùa thu đã chết ...

Adieu của Apollinaire vỏn vẹn có năm câu, nhắc đến chuyện chết của mùa thu một lần. Rồi báo động chuyện người ta sẽ không còn gặp nhau trên mặt đất này nữa mới là hệ lụy. Nhưng rồi khi phổ nhạc, chắc do điều kiện hoà âm phối khí gì đó tôi mù tịt, bài nhạc phổ thơ cứ kêu rêu làm như mùa thu chết đi chết lại tới năm lần ... bởi vậy mà nghe tới nghe lui, phòng trà quán nhạc tiệm kem vũ trường nào cũng in hệt một lời cáo phó của mùa thu ... Mùa thu đã chết ...ngon ơ. Chết thì buồn là cái chắc.

Thêm nữa, hồi đó, những năm sáu mươi bảy mươi, mấy ông nhạc sĩ tài hoa của chúng ta hẵn cũng rất lậm mùa thu. Chuyện gì không biết, mà hể nhắc tới tình lở tình trễ tình phụ tình hờn ... là thẳng tay kéo mùa thu vào cho được. Làm như thất tình vào mùa thu thì rõ chắc là thất tình, không có cải chối gì được. Nghe thử một bài cũng rất thịnh hành hồi đó coi. Y chang. Biệt xứ hồi nào hổng biết, mà khi trở lại phố xưa tìm về dĩ vãng là chàng nhớ lại chuyện dang dở của mình : nàng đi lấy chồng cũng vào một ngày mùa thu. Điệp khúc ** nhắc rằng ... thu đến thu đi cho lá vàng nhẹ rơi, em theo bước về nhà ai ... Cũng lại mùa ... thu ! Thu buồn thu khổ thu sầu thu tủi thu hờn thu hận ... trăm chuyện đổ đầu thu. Ngay cả có khi đã bỏ nước ra đi, lang thang tuốt đâu bên Paris long lánh ánh sáng mà cũng không thoát khỏi cái mùa thu ảm đạm này.

Phạm Trọng Cầu. Em ra đi mùa thu. Mùa thu không trở lại. Em ra đi mùa thu. Sương mù giăng âm u. .. Ngày em đi nghe chơi vơi não nề qua vườn Luxembourg ...
Thiệt là chạy-trời-không-khỏi-nắng ... thu!

Mà đâu chỉ vậy thôi. Nhạc đã vậy, còn văn thơ thì khỏi nói. Trong một chục bài văn thu với thơ thu thì đã có tới chín mươi chín phần trăm nói về thu buồn thu khổ thu sầu thu tủi thu hờn thu hận ... thu nước mắt ngắn nước mắt dài ... ( đến nỗi mới nghe tới hơi thu là đã ngửi ngay ra mùi ẩm mốc, dầu rằng thiếu chi ngày thu khô ráo )

Hãy nghe bà Tương Phố ở cái thời mà tâm sự đàn bà còn giấu kín hơn cả giấu hột xoàn cũng đã đem thu ra than van thảm thiết ... về với anh mùa thu, tiễn đưa anh mùa thu, mất anh cũng lại mùa thu, cho nên mỗi năm cứ đến độ thu sang thì em lại bồi hồi nhớ trước tưởng xưa mà lòng thu một tấm cũng ngây ngất sầu ... thì đến đá tảng khi đụng tới mùa thu cũng phải rã rời nói chi trái tim con trai mới lớn mềm còn hơn mấy sợi bún thiu.

Tới ông Tản Đà, thì thu thiệt tình là buồn đến hết nói. Trận gió thu phong rụng lá hồng. Lá rơi tường bắc lá sang đông. Hồng bay mấy lá năm hồ hết. Thơ thẩn kìa ai vẫn đứng không. Đâu mà toàn là chuyện trắc trở với lại phòng không chiếc bóng. Nghe mà nhảo cả người.

Rồi Nguyễn Bính giang hồ rất mực, ra bắc vào nam như cơm bữa mà lại cũng chọn cho được ngay mùa thu để thất tình. Tôi về gom hết ba thu lại. Đốt hết cho cô khỏi thẹn lời.

Thậm chí ngay cái hồi chưa có chữ viết, chỉ mới bịa chuyện bằng môi miếng kể cho con nít nghe cho ... vui mà rồi cũng hổng ̣được vui trọn. Tại vậy mà mới nứt mắt ra là ngốn không biết bao nhiêu chuyện tình có oan gia với mùa thu. Mở đầu là câu chuyện của anh chàng chăn trâu Ngưu Lang với cô nàng dệt vải Chức Nữ. Yêu chi mà yêu khổ. Yêu chi mà một năm ba trăm sáu mươi lăm ngày chỉ cho gặp nhau có mỗi một lần. Mà rồi còn phải cậy nhờ bầy chim ô thước nối cánh bắt cầu cho qua sông Ngân tái ngộ. Đêm mùng bảy tháng bảy. Khóc mừng hay khóc tủi mà lụt lội trần gian.

Gió xa xôi vẫn về
Mưa giăng mù lê thê
Đến bao năm nữa trời ...
... Vợ chồng Ngâu thôi khóc vì thu ***
.....................................
Mà thôi, tàm tạm vậy đi, chớ mà lục cho hết trong mớ văn thơ năm châu bốn biển hổng chừng có gom hết ba cái khăn tay khăn tắm khăn quàng trong nhà cũng không đủ lau khô hết mấy hàng nước mắt.

Kể ra thì cũng oan ức cho cái mùa thứ ba của trời đất. Mùa nào không lấy cứ đè mùa thu ra mà gán ép cho bao nhiêu là oái oăm oan trái thất bát ái tình. Hổng phụ tình thì cũng tình phụ. Hổng dở dang thì cũng dang dở. Bộ yêu nhau rồi phụ nhau vào mùa xuân không được sao ? Hay mùa hè ? Hay mùa đông ? Mà cũng kỳ thiệt. Thiên hạ yêu nhau hồi nào đâu không biết mà hể tới lúc chia tay rẻ rúng rẫy ruồng em về lấy chồng anh đi hỏi vợ là cứ kéo cho được mùa thu ra làm cảnh và làm chứng. Cả cái cô Thúy Kiều và ông thương gia Thúc Sinh cũng cùng một điệu. Người lên ngựa kẻ chia bào. Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.

Riết rồi ai nấy cứ khăng khăng là mùa thu thì phải buồn, cho dẫu tôi-buồn-không-biết-vì-sao-tôi-buồn, mùa thu là phải nhớ, dẫu là nhớ vơ nhớ vẩn hay là nhớ có nơi có chỗ, nhớ độc chiếc hay là nhớ song phương, nhớ tam giác hay ngũ lục giác gì cũng được. Miễn là có buồn, có nhớ cho ra điệu ... thu sầu. Mùa thu thưa nắng gió mang niềm nhớ ... (****)

Bởi vậy, dẫu đâu có ai xúi biểu, mà rồi dù muốn hay không, thì ở đây, nơi mùa thu được coi là lộng lẫy nhất trần gian, khách tha hương cứ cảm thấy ... sao á, có cái gì như nghèn nghẹn, có chút gì như quá đáng mà lại như thiêu thiếu, thiếu chút thân quen. Xứ người, mùa thu chín rộ đẹp toàn bích như một thứ hạnh phúc thừa thải càng làm thắc thỏm lòng khi nhớ về cái chỗ đã bỏ đi sao mà chắt chiu toàn khổ hạnh. Làm như rốt lại, vài ba mươi năm rồi vẫn nguyên hình ... khách lạ ! Ăn ở nơi đất người mà vui buồn thì cứ vui buồn tận ở quê xưa!

Bởi vậy mà nên nỗi. Giữa khi trời đất trổ vàng hực hở thì lòng người bỗng chùng xuống, tối mịt những kỷ niệm. Mà kỷ niệm thì không vui. Kỷ niệm chỉ có buồn thôi vì kỷ niệm là cái đã mất. Giống như mùa thu chỉ để buồn thôi vì mùa thu chỉ là sự gắng gượng làm vui của trời đất khi sắp lịm vào cơn mê thiếp, khi âm phong sắp sửa trở mình thổi trắng cõi nhân gian ...

Dẫu vậy, nói ra cũng kỳ. Ở đậu xứ người mà không chịu vui với người. Người ta tung hô sự huyền diệu của thiên nhiên. Người ta đưa nhau lên núi, đưa nhau vào rừng, dắt nhau đi trên những lối mòn đã mất dấu dưới mấy lớp lá thay mùa, phủi cho nhau chiếc lá đỏ bám đầu vai, gở cho nhau chiếc lá tím vướng tóc, mời nhau nếm chút ngọt ngào của rượu nho đã ủ kín từ cuối mùa thu trước ... Cả một hoạt cảnh vừa thơ mộng vừa tình tứ vừa hoạt náo vừa êm đềm cứ diển ra hằng ngày suốt một mùa thu năm này qua năm khác.. Người ta rủ nhau đàn ca múa hát từ đồi cao đến phố thấp. Và lê la lề đường tới đêm hôm khuya khoắc như muốn kéo dài thêm khúc hoan ca của cây lá. Người ta thay nhau tổ chức hết lễ lá đến lễ màu. Vậy mà sao giữa lòng mình chỉ có mỗi một lễ duy nhất. Lễ nhớ. Mà hể nhớ thì buồn. Mà đã buồn thì lại nhớ. Tại cái mùa thu đó, nó gợi nhớ. Hay tại mình, mình không chịu quên.


Không dưng mà lại nhớ đến một câu trong bài tùy bút của Đinh Hùng viết đâu đã vài ba mươi năm trước về một mùa thu trở lại. Lâu quá đã quên gần hết. - Ờ mà sao lại không quên luôn. Lại nhớ chi loáng thoáng, vài ba hàng, đôi mươi chữ để cứ khượi lại những vết tích đã mờ ... Nắng ở đây vẫn là nắng ấm ngày xưa và linh hồn tôi vẫn là linh hồn tôi năm trước. Tôi đem lòng về để gặp lại mùa thu thương nhớ cũ ...

Ờ linh hồn tôi vẫn là linh hồn tôi năm trước. Năm nảo năm nao. Mà có cần và có thể xác định một thời điểm chính xác trong cái chuổi nhớ thương dằng dặc đó. Năm nào mà chẳng được. Khi đã là quá khứ thì ngày tháng cũng mù sương. Trí nhớ chập chùng. Kỷ niệm thì trùng điệp. Nhưng vẫn có đó. Đôi khi lộn đầu lộn đuôi. Nhưng có cần không một thời biểu rõ ràng cho mớ hình sương bóng khói.

Mùa thu. Mùa của năm học bắt đầu. Những buổi tựu trường. Tiếng trống giục giã. Áo trắng quần xanh. Tóc rẽ bảy ba. Sách vở, viết mực, hàng chữ nắn nót. Rồi phấn trắng bảng đen, thi cử, ly cà phê đen trắng mắt, lá thư tình thứ nhất.
Mùa thu. Mùa của tụ năm tụ bảy. Của góc phố đứng đường. Của hơi thuốc lá tập tành. Của lê la quán xá.
Mùa thu. Mùa của trăng đêm hò hẹn. Của giận hờn. Của xin lỗi. Của vụn dại dễ thương. Của lầm lỡ.. cố ý.
Mùa thu. Mùa của đưa người qua bên kia bờ Mỹ Thuận, trở ngược về nhớ Tống Biệt hành của Thâm Tâm. Đưa người ta không đưa qua sông...
Mùa thu. Mùa của chia tay giữa đường khi trời đông bắc mới sang thu. Gió sớm lung lay mấy sợi nắng mai làm biển lá đổi màu, lung linh như tranh tân ấn tượng của George Seurat. Sót một nụ hôn từ biệt làm đường xa thêm vạn dặm. Quanh co rừng núi sông hồ, đèo mây dốc đá, phố xá ngái ngủ và làng mạc còn thiêm thiếp, con đường lạc giữa sương thu, tôi về chạy giữa mùa thu lạc người.
Mùa thu. Mùa của sinh ly tử biệt. Của cửa sông đen ngòm. Của ngọn đuốc lập lòe. Của bỏ cha bỏ mẹ, bỏ bầy bỏ bạn, bỏ nước bỏ quê.
Mùa thu. Mùa của điêu tàn. Của nát tan. Của khúc ruột đứt lìa. Của ngón tay vuột mất.

Ôi mùa thu thương khó từ trong tâm thức. Có nhớ có thương năm nay thì cũng chỉ là nối tiếp cái thói quen thương nhớ từ năm kia năm kìa. Mà sao cứ nhớ thương hoài vậy. Rồi không chừng lại nhớ tiếp luôn tới năm sau, năm sau nữa. Bộ khoảng giữa của hai đầu thương nhớ nó nhủn nhẳn nhùn nhằn như cao su vậy sao mà kéo dài tới chừng nào cũng được.

Bộ chỉ có trí nhớ là đức tính cần thiết và dai dẳng đến vậy sao?
Còn đến chừng nào thì lãng quên sẽ là đức tính cần thiết hơn nữa?

Cao Vị khanh

Ngày Xưa Tôi Đi Học

 
 
Đây là bài số bảy trăm hai mươi tám (728) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.

Học trò các trường đã bắt đầu đi học trở lại sau mấy tháng hè. Tôi đã nhận được nhiều điện thư của bạn hữu gửi đến tôi bài viết "Tôi Đi Học" Của Thanh Tịnh". Hình như những người ở lứa tuổi U70- U80 như chúng tôi rất thích bài văn này vì gợi nhớ nhiều kỷ niệm ngày đầu tiên đi học chứ học trò học trường Mỹ như con cháu chúng ta hiện tại làm sao thấy được cái thi vị của bài viết đầy tình cảm này.

Tôi thích nhất là đọc văn dưới đây:

"......Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.
Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.
Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã.....
(Trich Tôi Đi Học " của Thanh Tịnh)

Tôi lại lan man nhớ lại thời học trò ngây thơ, hồn nhiên của tôi thuở thanh bình thạnh trị nơi quê nhà, xin được ghi lại đây gọi là chút “gợi nhớ hương xưa” đối với các bạn bây giờ đã bắt đầu bước vào tuổi “lảnh lương của chính phủ nơi xứ người.

Ngày xưa chúng tôi 6 tuổi mới bắt đầu đi học trường tiểu học. Bắt đầu là lớp năm, chứ không có lớp mẫu giáo như bây giờ ở Mỹ là phải đúng 5 tuổi tính đến ngày sinh mới được nhận vào lớp mẫu giáo (Kindergarten).

Học hết lớp năm, mới được lên lớp tư và cứ tuần tự lên lớp ba, lớp nhì, lớp nhất mỗi năm, nếu có học lực trung bình thi đậu kỳ thi cuối năm, đừng có làm biếng học thì sẽ bị ở lại lớp ngay.
Thời gian học tiểu học là vui nhất vì có giờ ra chơi được chạy nhảy tự do và được mua bánh trái , cà rem, me ngào, chuối chiên, bắp rang v…v… nếu ba má cho tiền mua quà ăn vặt.

Người viết học trường tiểu học Võ Tánh ở Phú Nhuận. Được làm trưởng lớp phụ lấy phấn, lau bảng, dọn dẹp bàn viết của thầy, cầm giấy tờ của thầy, cô giáo lên văn phòng hiệu trưởng, tóm lại là làm “tà lọt” cho thầy, cô giáo là một vinh dự, không phải trò nào muốn làm cũng được. Bạn phải là học trò giỏi hay có quen biết với cô, thầy giáo mới được chọn làm trưởng lớp.

Ba tôi là người sống cố cựu và có “mặt mũi” ở Phú Nhuận nên quen biết rất nhiều người, kể cả thầy cô giáo, ông hiệu trưởng, ông phó hiệu trưởng trường Võ Tánh. Người viết hồi nhỏ cũng lanh lợi, dễ thương, sáng dạ nên thường được chọn làm “tà lọt” cho thầy cô giáo. Ngon lành lắm chứ bộ!

Học hết lớp Nhât thì phải thi lấy bằng Tiểu Học. Có đậu bằng tiểu học rồi thì mới được dự thi vào trường trung học công lập.


Vào thập niên 50, ở Sài Gòn chỉ có trường nữ Trung học Gia Long dành cho nữ sinh, và trường Petrus Ký dành cho nam sinh. Nữ sinh, nam sinh học riêng chứ không học chung như bây giờ và phải mặc đồng phục màu trắng khi đi học.

Sau năm 1954 mới có thêm trường Trưng Vương, Chu văn An dành cho con em đồng bào miền Bắc di cư vào Nam vào miền Nam năm 1954. Về sau số lượng học sinh tăng nhiều nên nhà nước mới lập thêm trường Võ Trường Toản, Lê Văn Duyệt, Trần Lục v..v.. Học trò giàu có thể học trường Lasan Taberd hay học trường tư bên ngoài nếu không đậu vào trường trung học công lập.

Thi đậu vào các trường trung học công lập không phải là chuyện dễ vì bạn phải là học sinh giỏi mới có thể có tên trên “bảng giấy” sau một kỳ thi tuyển toàn quốc để chọn “nhân tài”. Một phần khác, bạn phải là người có số may mắn nữa mới được. Nhiều học sinh giỏi ở bậc tiểu học mà cũng bị “trợt vỏ chuối” hoài.

Người viết có số may mắn nên thi đâu đậu đó, có lẽ nhờ má tôi cho ăn chè đậu đỏ nhiều trước khi đi dự thi hay chăng?

Người viết vẫn nhớ ngày đi nghe kết quả trúng tuyển, mẹ tôi và tôi hồi hộp lắng nghe loa phóng thanh đọc tên và số báo danh của “sĩ tử” được trúng tuyển, Lo sợ, hồi hộp lắm bạn ạ! Khi nghe tên mình được xứng danh, tôi đã la lớn và nhảy tưng lên, xong rồi lại chen lấn dò xem có tên mình trên bản danh sách trúng tuyển được dán trong một khung lưới trước cổng trường rồi mới chịu theo má tôi về nhà.

Thế là con bé nhỏ nhắn bé tí tẹo kia bây giờ là nữ sinh một trường nữ trung học danh tiếng nhất Việt Nam rồi đấy nhé. Mẹ tôi đặt may ngay cho tôi hai bộ áo dài trắng để thay đổi khi đi học.


Ngày đầu tiên đi học Gia Long, mẹ tôi phải dẫn tôi đi đến trường, tìm xe chở học trò đón tôi đi học và đưa tôi về nhà sau khi tan học.

Chương trình học ở trung học gồm có hai phần: Trung học đệ nhất cấp và Trung học đệ nhị cấp.
Chương trình Trung học đệ nhất cấp dành cho học sinh lớp đệ thất (Mới vào năm thứ nhất), đệ lục, đệ ngũ, đệ tứ. Cuối niên học mỗi lớp sẽ có một kỳ thi lên lớp. Nếu đậu kỳ thi cuối niên học mới được lên lớp kế tiếp, nếu rớt thì phải ở lại lớp. Thi rớt hai lần ở mỗi lớp sẽ bị đuổi ra khỏi trường. Cuối năm lớp Đệ Tứ là phải thi bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp. Nếu đậu, mới được tiếp tục lên học chương trình Trung học đệ nhị cấp.

Chương trình đệ nhị cấp gồm có lớp đệ tam, đệ nhị, đệ nhất. Bắt đầu lớp đệ tam là học sinh phải chọn ban ngành để học cho đến hết chương trình đệ nhị cấp này. Học sinh có thể chọn ban học tùy theo sở thích, khả năng của mình. Có ba ban: ban A là ban Lý Hóa Vạn Vật, Ban B là ban Toán và Ban C là ban Văn Chương. Tôi thì “văn dốt toán dở” nên chỉ có ban A là thích hợp nhất tuy rằng tôi cũng khoái thơ văn, thích làm thi sĩ lắm.

Hồi mới vào học lớp Đệ thất, người viết rất khâm phục các bậc đàn chị học các lớp trên mình nhất là các chị học chương trình đệ nhị cấp. Tôi thấy họ sao mà giỏi quá, không biết sau này mình có học được như vậy không? Các chị lại là thiếu nữ 17, 18 tuổi rồi nên nhiều chị đẹp lắm.

Đám nhóc con như tụi tôi đến giờ chơi là chạy về dãy lớp các chị để ngắm nhìn người đẹp rồi xuýt xoa, bàn tán, khen chê. Thỉnh thoảng có mấy anh các lớp lớn ở các hiệu đoàn khác đến bán báo cho nhà trường, tụi tôi chạy theo nhìn với ánh mắt ngưỡng phuc. Con nít mà!

Cuối năm Đệ Nhị là học sinh phải thi bằng Tú Tài 1. Đây là kỳ thi quan trọng, nhất là đối với nam sinh vì cuộc đời anh sẽ phải thay đổi rất nhiều nếu anh rớt Tú tài 1 như câu hát dưới đây:

“Rớt Tú Tài anh đi Trung Sĩ
Em ở nhà lấy Mỹ nuôi con”

Anh sẽ không còn ôm mộng hải hồ, hoặc làm quan to chức lớn được vì anh sẽ phải lên đường đi thụ huấn ở Đồng Đế học làm trung sĩ mà thôi.

Còn phía nữ sinh thì cũng chỉ còn con đường đi lấy chồng hay đi làm việc thư ký mà thôi, nhưng không đến nỗi “thê thảm cuộc đời” như các anh nam sinh.
Đậu Tú tài 1 rồi thì mới được lên học lớp Đệ Nhất để tiếp tục thi Tú Tài 2 cuối năm và con đường tương lai mới được rộng mở sau cánh cửa Đại học, nếu bạn đậu Tú tài 2.
Thi Tú Tài 1 và 2 ngày xưa phải thi cả phần viết lẫn phần vấn đáp. Có đậu thi viết rồi mới được vô thi vấn đáp để gạn lọc lại thành phần “thi tủ” hay “quay phim”. Trời ơi! Cá muốn vượt được “vũ môn” cũng mệt lắm đấy!


Theo thiển ý của người viết, thời áo trắng các trường trung học là thời kỳ đẹp nhất, thơ mộng nhất của đời học sinh vì khi bước chân vào đại học rồi thì bạn chỉ lo học làm sao cho ra trường sớm để đi làm việc cho rồi mà thôi chứ không có những phút giây mơ mộng nhiều như lúc còn học trung học.

Chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam
(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-MCTN-728-ORTB 1159-911924)

Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2024

Tình Xưa - Thơ: Hoàng Song Liêm - Nhạc: Trần Đại Bản - Ca Sĩ: Kana Ngọc Thúy


Thơ: Hoàng Song Liêm
Nhạc: Trần Đại Bản
Ca Sĩ: Kana Ngọc Thúy

Nắng Ờ... Đi Nha?!

  

Hạ hay đông lạnh nơi này
Mùa đâu tỏa ấm phơi đầy vàng sân
Nắng ơi lòng chút bâng khuâng
Chớ vội vàng tắt dừng chân chuyện trò
Dẫu rằng tình chẳng hẹn hò
Một lần đông chẳng đắn đo nghi ngờ
Lòng muôn sắc thắm trời mơ
Nắng tan đông mãi ươm tơ đợi chờ
Như tằm nhả sợi tình thơ
Quấn quýt se chỉ nắng ờ đi nha!

Kim Oanh
Sáng Đông 28.8.2024

Một Buổi Chiều Tà

 

Bài thơ tình anh viết
Ngọt bùi lẫn nồng cay
Vần thơ càng lai láng
Hương tình càng say đắm

Em là nguồn thơ hứng
Anh ngửa tay đợi chờ
Em ban anh mắt liếc
Đủ cho lòng chơi vơi

Ta cùng nhau đi chơi
Anh tặng em lời nồng
Em cần tình yêu thắm
Lâu dài cả trăm năm

Anh chỉ cần em thương
Khi đời anh cô độc
Chung tình không cần hứa
Thủy chung hai chữ thừa

Tình không là muôn thuở
Em cất cánh bay xa
Anh ngẩn ngơ nhớ tiếc
Trong một buổi chiều tà


Diệm Trân

Giọt Sầu Thiên Thu



Trăng rơi xuống đáy vực sâu
Bỗng tan thành những giọt sầu thiên thu
Vô duyên lạc mất đường tu
Dật dờ theo lá tàn thu vơi đầy

Trời buồn gom hết màu mây
Chỉ còn sương khói vòng tay mơ hồ
Nỉ non dế khóc đội mồ
Dỗ dành gò đống nhấp nhô thuyền tình

Núi rừng ngơ ngác lặng thinh
Bao nhiêu sao rụng thương mình nhớ ta
Về trong sắc cỏ màu hoa
Tóc bay ngơ ngẩn tình ca dỗi hờn

Thề xưa trăng cũ no tròn
Dìu nhau trên những lối mòn thơ ngây
Áo cơm trả nợ lưu đày
Còn dư mặn đắng chua cay bàng hoàng

Vành môi tiền sử tham lam
Cơn mê rơi xuống cung đàn hiện sinh
Trả sao cho hết nợ tình
Trong ta vẫn có trong mình hình như

Trái tim du mục hiền từ
Nhịp nhanh nhịp chậm nhịp dư nhịp còn
Xác thân dù trả nước non
Hồn còn thơ thẩn Sàigòn dạo chơi

Ban ngày không có sao rơi
Thì xem hoa nắng bên trời dọc ngang
Cần chi gậy trúc áo tang
Xin đừng để tiếng khóc than mủi lòng

Biển nào cũng vẫn mênh mông
Sầu nào cũng vẫn trong vòng tử sinh
Xin tha hết tội cho tình
Cho yên mồ mả yên mình yên ta

Để dành áo cưới xe hoa
Nghìn sau vóc ngọc da ngà hồi sinh ...

MD.25/10/07
LuânTâm


Bà Nội Tướng Của Tôi


Từ ngàn xưa, theo quan niệm Á đông trọng nam khinh nữ, thân phận người phụ nữ rất nhỏ nhoi tội nghiệp, luôn hứng chịu những bất công thiệt thòi và lắm khi còn bị xem thường như cỏ rác. Đối với xã hội, người phụ nữ không có một giá trị quyền lợi gì còn trong gia đình thì chỉ là một osin, một Cinderella lọ lem đầu bù tóc rối suốt ngày phải cúc cung phục vụ chồng con và cả gia đình nhà chồng mà chẳng bao giờ nhận được một tiếng cám ơn hay một lời khen thưởng khích lệ từ những người thân chung quanh. Nhưng thời bây giờ thì đã đảo ngược hòan tòan, totally up side down, nhứt là ở những xứ theo văn minh Âu Mỹ thì lady là first, là một đóa hồng rực rỡ sắc hương phải được nâng niu chiêm ngưởng cho dù có gai góc đến đâu. Vì thế cho nên giờ đây, từ báo chí sách vở cho đến internet, bất cứ chuyện gì có dính dáng đến phụ nữ đều được đề cao, tôn vinh, ca ngợi, đặc biệt là khi đề cập đến người vợ, thậm chí nếu có ai hỏi thương vợ để ở đâu thì trả lời là thương vợ để trên đầu. Nhứt vợ nhì trời, thứ ba là bồ nhí.


Khi muốn nói về vợ mình với ai, mỗi người có một danh từ riêng để ám chỉ bà vợ như là: nhà tôi (theo người bắc), vợ tôi, bà nhà tôi, bà xã tôi, bà boss tôi vv… Riêng tôi thì nghĩ chỉ có danh từ “bà nội tướng” là thích hợp nhứt. Không biết có ai đồng ý với tôi không chớ tôi thấy một người vợ đảm đang quán xuyến gia đình, tận tụy chăm sóc chồng con từ miếng ăn giấc ngủ, cho đến manh quần tấm áo, thuốc men lúc ốm đau bệnh tật thì cũng chẳng khác gì một vị tướng trong thành, lo an ninh no ấm cho thần dân, có khác chăng là vị tướng này không cần nhung y cẩm bào, không cần lương bổng hay mề đay huân chương mà chỉ một lòng hy sinh miễn sao con dân của mình ăn no ngủ kỹ thì đã thấy sung sướng mãn nguyện.

Ai thì không biết sao chớ bà nôi tướng của tôi thì rất mảnh mai ốm yếu, “nhỏ xíu nhỏ xíu anh thương”. Vậy mà nàng làm tối ngày không hở tay, buông cái này bắt cái kia như chuyền bóng rổ nhiều khi thấy chóng mặt giùm nàng. Tánh tôi thì hay dị ứng với đồ ăn nấu sẵn bên ngòai cho nên một năm mười hai tháng là nàng phải nấu ăn đủ ba trăm sáu mươi lăm ngày. Nếu chỉ nấu cho hai vợ chông ăn thôi thì cũng không đáng nói gì, có thể nấu một lần ăn hai ba ngày. Đàng này nàng còn nấu giùm cho con cháu, cha mẹ già và cả em út nữa. Bởi vì ai trong gia đình đã từng ăn qua những món nàng nấu rồi thì cứ tấm tắc khen hòai và muốn ăn mãi. Do đó nàng không nỡ bớt phần ai cho được, cộng thêm cái tánh thảo ăn, nấu cái gì cũng chia tam chia tứ, nhà này vài hộp nhà kia vài hộp như nấu cơm tuần. Ngay cả thằng em dù đã có vợ ở riêng nhưng cũng không chịu ăn cơm nhà với vợ mà chiều nào cũng kéo vợ chạy qua nhà bà chị ăn ké, còn take away đi làm cho bữa sau nữa. Có lần nàng làm cơm chiên “dã chiến” để ăn với soup, chỉ có dầu tỏi, trứng và hành lá. Ấy thế mà khi thằng em đem vào hảng heat up ăn trưa, nghe thơm phứt, mấy người đồng nghiệp xúm lại hỏi bữa nay ăn món gì hình như là cơm chiên mà sao không giống cơm chiên ngòai shop vậy. Cậu ta phịa ra đây là món cơm chiên “Dương quý phi” (chị em nàng họ Dương) đặc biệt ăn chung với soup măng tây làm cả đám tròm trèm đòi ăn thử. Thằng em “cá sấu” rất khôn khéo dụ khị bà chị. Cậu ta nói rằng cậu ta đi ăn giáp vòng ở ngòai rồi mà không có chỗ nào nấu hợp khẩu, vệ sinh và lành mạnh như nàng. Nàng cũng biết nó tán tụng dỗ ngọt mình nhưng vì nó là em, bỏ không đành nên mới rán chịu cực nấu cho nó ăn luôn.

Ngòai chuyện bếp núc việc nhà, nàng còn babysit hai thằng cháu từ lúc mới sinh. Khi hai thằng cháu tới giai đọan toddler bắt đầu quậy phá thì tôi cũng tới tuổi hưu trí cho nên tôi có thể ở nhà làm tùy viên cho bà tướng, giúp nàng bất cứ chuyện gì khi nàng cần đến.

Nhưng nàng có cái tật độc lập tự… lo, bất cần ai, lại chê tôi chỉ biết có cầm cây viết thôi chớ đụng tới đâu là hư tới đó không vừa ý nàng khiến tôi nhiều lúc nổi dóa muốn bỏ mặc để nàng tự xoay sở làm sao đó thì làm mà trong bụng thầm phục sao nàng hay quá, tay thì làm, miệng thì la chừng hết thằng này tới thằng nọ, đứng trong bếp chớ nàng vẫn để ý nghe ngóng coi bọn nhỏ đang làm gì, đòi cái gì là nàng chạy lại đáp ứng ngay. Cứ như vậy rồi tới chiều khi ba má bọn nhỏ đi làm về thì nàng đã chuẩn bị xong cơm nước với ba món ăn ngon, còn nhà cửa thì sạch sẽ trắng bóng ngăn nắp gọn gàng. Lúc xưa đi làm, tôi nào đâu biết công việc nội trợ nhiều ngập đầu đến như vậy. Vô sở, boss giao việc gì thì chỉ làm việc đó thôi chớ có đâu mà đánh đông dẹp bắc, trăm dâu đổ đầu tằm như những bà nội trợ ở nhà. Tôi cứ tưởng đâu ngồi nhà là “hưởng phước”. Bây giờ gác bút về hưu mới biết việc nhà chẳng “ngon ăn” chút nào và nhứt là không có giờ giấc nghỉ ngơi hay giải lao gì cả.

Nghề nào cũng có ngày hưu
Chỉ nghề nội trợ không hưu làm hòai
Cũng không cả ho-li-day
Quanh năm suốt tháng ngày ngày như nhau
Nấu ăn giặt ủi chùi lau
Một ngày ngưng nghỉ biết bao là phiền
Ai người đứng bếp thay phiên
Ai lo cháu nhỏ ai kiêm việc nhà?!

Và cũng vì ngày tối cứ quanh quẩn trong nhà riết thành quen cho nên bà nội tướng của tôi không thiết se sua đua đòi như đa số chị em phụ nữ khác. Cả đời nàng không hề bước chân vào mỹ viện, cũng không theo thời trang ăn mặc và cũng rất dửng dưng với đồ trang sức. Đó là một đặc tính rất hiếm hoi ở phụ nữ mà nàng đã làm tôi mừng hết già. Vòng vàng, chuỗi ngọc bông tai gì nàng cũng không tỏ ra ước muốn hay nhắc tới mỗi khi sinh nhựt nàng hay Valentine’s day. Hồi đám cưới, tôi có tặng nàng một chiếc nhẩn hột xòan nho nhỏ nhưng khi vượt biên ở đảo chúng tôi đã bán đi để tiêu xài chờ định cư. Cho tới bây giờ đã ba chục năm sau, nàng cũng không đòi tôi sắm lại cho nàng chiếc nhẩn khác dù là để làm của hay để đeo cho có với mọi người. Nàng quan niệm sự đời là vô thường theo triết lý nhà Phật, có là không, không là có, có cũng vậy, không có cũng vậy, cũng vẫn là mình với thân xác và bản chất trời sinh. Đối với nàng, vật chất xa hoa phù phiếm không quan trọng bằng đời sống tinh thần và tâm linh hướng thượng. Nàng cũng như tôi không có ai là bạn thân thiết để tâm tình mà chỉ biết dâng mình phó thác ở đấng thiêng liêng.

Tâm tính nàng do đó rất hiền hậu dễ thương, không bon chen, không ganh tị. Ai hơn thì nàng mừng cho, ai thua thì nàng tội nghiệp giùm. Đối với ai, nàng cũng nhiệt tình tốt bụng, thà mình chịu thiệt thòi một chút chớ không để người ta phiền lòng dù vẫn biết rằng ở rộng sẽ bị người cười. Có một lần đi chợ trời, trông thấy một bức tượng thiếu nữ sống động gợi cảm được bày bán, nàng hỏi giá người chủ bán bao nhiêu. Ông này là một người Hoa, tướng người cần cù khắc khổ, tuổi khỏang sáu mươi, không rành tiếng Anh mấy trả lời là 65 đồng. Bà vợ không hiểu tưởng ông chồng ra giá rẻ hơn nên trừng mắt la ông chồng là “líu xử ù” (tiếng quan thọai là 65). Nàng mới phân trần với bà ta rằng ông xã bà nói giá như bà vậy, nhưng nàng muốn trả xuống 55 đồng, hỏi bà ta chịu không. Rốt cuộc thì bà ta đồng ý bán với giá 60 và bảo ông chồng mang bức tượng ra xe cho chúng tôi.



Khi ra tới chỗ đậu, thấy ông này hì hục bê cái tượng đặt vào cốp xe rồi cẩn thận lót giẻ chêm carton cho khỏi bể, nàng bỗng chạnh lòng bèn mở bóp rút tờ 10 đồng đưa thêm cho ông ta và dặn ông ta nhớ nói lại với vợ. Lên xe, nàng hỏi tôi:
- Biết tại sao em cho ông ta thêm 10 đồng không?
Tôi đang lái xe nên ơ hờ hỏi trỏng :
- Sao?
Nàng cười cười đáp:
- Tại vì nghĩ tới công sức của người ta, muốn bán một cái tượng không phải dễ, từ nhà phải chở ra chợ, khiêng lên khiêng xuống nặng nề mấy bận rồi ngồi phơi nắng cả ngày chờ người tới mua. Mình mua đựơc món hàng ưng ý là mình đã mua được niềm vui, nhứt là đã trả được giá rẻ. Vậy thì mình cũng nên cho lại người ta một chút gì coi như đền ơn, như thế thì cái vui của mình sẽ hơn gấp bội. Và biết đâu nhờ vậy mà bà vợ ông ta hôm nay sẽ vui vẻ bớt cằn nhằn chồng một ngày.
Bà nội tướng của tôi là vậy đó. Kèo nài bớt một thêm hai cho tới được, cho hả dạ mát lòng rồi cuối cùng lại biếu thêm. Ai nói nàng dại nàng ngu thì chịu chớ không làm vậy thì nàng không thấy vui. Sẵn dịp nàng đang vui tôi xỏ xiên nàng:
- Bộ em tưởng ai cũng có tật cằn nhằn chồng như em hết hả?
Nàng tỉnh bơ đáp:
- Vậy chớ sao. Một trăm bà là hết chín mươi chín bà như vậy rồi. Chỉ còn người thứ một trăm không cằn nhằn chắc là vì… bất bình thường hoặc vì quá chán nãn muốn bỏ mặc xác ông chồng, không thèm đếm xỉa tới nữa. Bởi vậy ông nào còn được vợ cằn nhằn là phải nên mừng chớ đừng có nổi xung thiên đổ quạu. Một mai bà vợ chết rồi muốn nghe lại điệp khúc trường thiên của nàng cũng không còn đâu nữa mà nghe.

Tôi lắc đầu chịu thua lo lái xe chớ không dám đôi co gi thêm nữa để mặc nàng thích chí cười một mình. Chỉ cần làm được chút gì nho nhỏ cho người khác vui là nàng đã thấy lòng hân hoan phơi phới còn hơn được ai mời đi party tiệc tùng. Nàng không thích những nơi ồn ào náo nhiệt đông người vì ở những nơi đó nàng cảm thấy bỡ ngỡ lạc lõng làm sao. Bởi vậy, chỗ nào có “sơn đông mải võ”, chỗ nào có hội chợ, có họp hành hoặc chen lấn giành giựt là chỗ đó không có nàng đúng theo quan niệm nhàn của trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ, người khôn người đến chốn lao xao”. Ở những chỗ lao xao thì trước sau gì cũng sẽ có xào xáo bởi vì cái miệng người đời khó tránh được những chuyện thị phi lời qua tiếng lại và những đố kỵ dèm pha. Thôi thà cứ núp trong vỏ sò vỏ ốc của mình sống với nội tâm và niềm vui riêng do mình tự tạo. Nàng với tôi hợp nhau ở điểm đó. Có vài người quen thấy chúng tôi cứ quanh quẩn trong nhà hòai khuyên chúng tôi thỉnh thỏang nên đi nghe nhạc giải trí hoặc đi coi đại nhạc hội cho vui thì nàng nói vô đó ngồi rủi gặp tiết mục nào không thích thì làm sao fast forward được khiến người ta cũng á khẩu làm thinh luôn.

Về phương diện nhân nghĩa, tình người thì nàng nhân nhượng thua thiệt vậy đó nhưng đụng tới đời sống thực tế họặc những gì có liên quan tới khoa học thì phải có chứng cớ, lý lẻ rành mạch hẳn hoi thì mới mong thuyết phục được nàng. Nếu không nàng sẽ cãi lý tới cùng. Cũng rắc rối khó chịu lắm chớ chẳng vừa gì. Chẳng hạn như tôi nói với nàng là có người mách cho một bài thuốc rất đơn giản, chỉ cần gạo đem rang rồi nấu nước uống hằng ngày như uống trà thì có công hiệu rất tốt cho cơ thể như ngủ ngon, giảm huyết áp, giảm mỡ vv… thì nàng hỏi lại tôi bộ miracle hả? Gạo rang hay không rang cũng là gạo, tại sao nấu cơm ăn hằng ngày thì chỉ chữa bệnh đói còn đem đi rang, cho qua lửa luyện tội lại trở thành “dược phẩm” là sao, vô lý quá vậy. Ấy vậy mà tôi cũng đòi nàng phải rang gạo nấu nước “thánh” cho tôi hết một thời gian hai ba tháng. Nàng bực mình lắm, tuy chìu ý tôi nhưng trong lòng không phục cho là what a silly vớ vẩn!

Có một thời gian, người ta đua nhau đi kiếm mua rau má đỏ con mắt, nói là rau này chữa được bệnh thấp khớp làm tôi cũng rán đi tìm cho được (vì là mùa đông nên khó kiếm chớ mùa hè thì lọai rau này mọc đầy dãy trong vườn nhổ không kịp) thì nàng bảo rau cỏ nào mà không có dược tính . Theo nàng biết thì rau má có tác dụng giải nhiệt, khi nào nóng trong người uống vô sẽ hạ hỏa nhưng nếu lạm dụng nó thì sẽ sinh hàn. Mà thấp khớp thì kỵ hàn. Uống riết chắc đi không nổi phải bò luôn. Rồi còn nhiều phương thuốc khác nữa như Lô hội, trái Nhào, đậu nành, canh dưỡng sinh gì đó lung tung, thứ nào cũng chữa bá bệnh như là thần dược. Tôi thì thứ nào cũng muốn thử coi có hiệu nghiệm không chớ nàng thì nhứt định giữ vững lập trường không là không. Nàng nói thời buổi y học tân tiến này, có biết bao là thuốc hay thầy giỏi, bệnh gì thuốc đó, chữa còn không được, ở đó mà nghe người ta bày. Muốn bào chế một viên thuốc, người ta phải nghiên cứu dung hòa bao nhiêu chất trong đó chớ đâu phải đơn giản một thứ một mà được. Phàm cái gì cũng vậy, phải có chừng mức, cứ một thứ mà tống vào cho cố xác thì có hại chớ sao. Có thể nó chữa được bệnh này nhưng lại phản ứng sinh bệnh khác, hễ có hợp thì có khắc, có lành tính thì cũng có ác tính. Vì vậy trung dung là thượng sách hơn cả, rủi ai phát giác ra là có hại thế nào đó thì mình cũng không đến đổi nào, còn trở tay kịp.



Cụ thể như một lọai cải có tên là Phi Long (English spinach) mà tất cả các giống dân Âu, Á, Trung đông gì cũng rất ưa chuộng (nhứt là Lebanese, mua một lần cả trolley) vì nó có rất nhiều chất sắt làm tăng cường sinh lực đến đổi có một phim cartoon muốn khuyến khích trẻ con ăn vegies đã bịa ra chuyện một nhân vật tên Popye. Anh Popye ngày nào cũng ăn thật nhiều spinach nên mới có đủ sức mạnh để đấu lại mấy thằng baddies. Đó là nói về mặt lợi ích của lọai cải này, nhưng đồng thời nó cũng có tác hại gây bệnh gout (thống phong) nếu ăn nhiều (không biết nhiều là bao nhiêu) vì nó cũng chứa hàm lượng uric acid rất cao. Như vậy thì tốt nhứt là đừng nghe ai cả mà hãy nghe chính mình. Mỗi tuần nấu canh họặc xào ăn hai ba lần là đủ liều rồi, cứ coi đó là thức ăn thôi, còn muốn làm thuốc thì để cho pharmacist họ làm, đâu có tới phiên mình. Cũng như rượu, mỗi ngày một ly nhỏ cho máu lưu thông điều hòa thì có ích cho tim mạch nhưng nếu cứ uống cạn ly đầy, rót đầy ly cạn thì sơ gan đứng tim luôn là cái chắc.

Trong suốt hơn ba mươi năm chung sống, có rất nhiều vấn đề khi bàn bạc với nhau, nàng phân tích, đưa ra những lý lẽ vững chắc hợp lý nhưng vì tự ái, tôi đã không nghe theo nàng (bụt nhà vốn không linh) đưa đến những hậu quả tai hại, nhẹ thì hư đường hư bột, cơm không lành canh không ngọt sơ sơ, còn nặng thì bếp tắt lò nguội, chiến tranh lạnh kéo dài triền miên bởi vì đã không cùng nhau nhìn về một hướng và không cùng quan điểm như nhau. Điển hình là chuyện nuôi chó. Không biết có phải vì chúng tôi có nợ dòng họ “tuất” hay sao. Sau hai lần nuôi chó, chó cha và chó con lần lượt già chết đi, cả nhà chúng tôi khóc thương hai ba tuần lễ, nhớ nhung đau khổ y như mất người thân. Bà nội tướng của tôi tuyên bố hạ lệnh là từ rày về sau không được nuôi chó nữa. Vừa tốn công tốn của lại còn hao tổn tinh thẩn, động mối thương tâm.

Lúc đó tôi và đứa con gái cũng đồng ý với nàng nhưng rồi sau một thời gian nguôi ngoai tôi lại lờn, quên hết kinh nghiệm đau thương vừa qua. Nhà hàng xóm kế bên có một con chó to đầu như con bò con mà hiền khô, mỗi lần đứng bên này ngó qua thấy nó, tôi lên tiếng kêu tên nó DJ là nó dáo dác ngó qua ngó lại kiếm coi ai kêu mình, bộ điệu thấy mà thương. Tôi nói dèm con chó của ông Paul dễ thương quá. Nghe vậy nàng chận đầu tôi nói thôi nghe, nuôi chó cũng như nuôi con vậy, cực biết bao nhiêu, nuôi hết hai con rồi chưa tởn hay sao. Bây giờ ông đã mấp mé sáu chục, cái thân già bệnh họan tự lo còn chưa xong, lại đèo bồng thêm chó. Rồi đây ai tắm rửa, ai dẫn nó đi dạo, chở đi ty thú y khi nó bệnh họan. Chưa kể hằng ngày, ngày nào như ngày nấy nàng đều phải lo đồ ăn cho nó, rồi hốt dọn vệ sinh tẩy uế, sát trùng. Đâu phải chó không cần lo, bỏ liều bỏ lún được đâu. Thêm vào đó, kẹt với nó một đời mười mấy năm, muốn đi đâu vài ngày cũng đi không được, bất tiện phiền phức vô cùng. Bây giờ đang thong thả tự do, tội gì lại ràng buộc cho tàn đời.

Vậy mà một ngày đẹp trời, đi ngang một nhà thấy để bảng free puppies, tôi lại ghé vào và lại bồng về một con. Nàng giận lắm, lầm lầm lì lì mấy ngày nhưng thấy hai cha con tôi yêu thích quá thì nàng cũng miễn cưởng xuôi theo, ngày ngày chăm sóc nó chu đáo như những con chó trước kia mặc dầu thỉnh thỏang vẫn than thở rằng chắc kiếp trước thiếu nợ chó. Một vài năm sau, quả nhiên những gì nàng tiên đóan đều trúng phóc. Có những lần nàng bệnh, đi nhà thương cả tuần lễ, không ai nấu ăn, tôi cho nó ăn dog food, nó không chịu ăn, hoặc chỉ nhơi nhơi ăn cầm hơi. Còn tôi mỗi ngày một già, mỗi lần phải tắm nó, tôi rất ngán ngẩm, đứng lên ngồi xuống xoay trở mệt mỏi làm sao. Lúc đầu mỗi tháng tôi tắm cho nó một lần. Lần hồi thì dồn hai ba tháng, riết rồi ỏai quá thành ra chỉ còn xuân thu nhị kỳ. Lúc đó tôi ước sao có ai xin nó thì cho phứt cho rồi. Có lần nó tự làm bị thương khá nặng phải chở tới chở lui đi ty thú y mấy lần, tôi đã nảy ý định sẵn dịp này chích thuốc cho nó đi luôn nhưng bị nàng la quá trời nói rằng đã cản trước mà không nghe, tự rước nợ vào thân. Lỡ nuôi rồi thì phải nuôi cho trót. Con chó cũng có số trời định như con người, mình đâu có quyền sinh sát nó theo ý mình bất nhân như vậy được. Dẫu sao nó cũng như con cái trong nhà thì phải chạy chữa cho nó tới cùng. Chừng nào nó tới số hẳng hay. Thế là chúng tôi lại phải “phụng dưỡng” nó thêm bảy năm nữa.


Còn rất nhiều, nhiều chuyện lớn chuyện nhỏ mà nàng đã thấy trước là không ổn khuyên ngăn tôi hoặc đề nghị thế này thế nọ nhưng tôi đều gạt phăng ra để làm theo ý mình, vì nghĩ mình là gia trưởng thì có quyền định đọat dù đôi khi tôi cũng tự biết mình độc đóan độc tài không đúng. Do đó chúng tôi thường hay bất hòa tranh cãi với nhau ngay cả những chuyện tào lao không đáng gì như chuyện dạy bảo con cháu, chuyện lợi hại trong đồ ăn thức uống hay chuyện mua sắm này nọ vv.. . Hình như chúng tôi có số khắc khẩu đúng như thầy tử vi khi xưa đã phán nên nhứt nhứt chuyện nào cũng bất đồng ý kiến, hễ ông nói gà thì bà nói vịt, vừa nhập đề đã cãi lai rai.

Kẻ sinh năm thìn, người cầm tinh hổ
Khi đề huề như long hổ phong vân
Như gió mây luôn quấn quít ân cần
Khi bất đồng thành long tranh hổ đấu

Chẳng ai nhường ai, long hổ quyết đấu
Là nước lã người dưng, nàng với tôi
Công bằng lẽ phải quyết cãi tay đôi
Ai chịu nhịn khi đối phương vô lý

Tuy thường xuyên cắn đắng nhau nhưng không vì thế mà nàng thờ ơ bổn phận của nàng. Nàng vẫn lo cho tôi chu tòan từ chén cơm cái áo tới sức khỏe thậm chí cả chuyện giao tế bạn bè. Biết tôi không có nhiều bạn nên cứ vài tuần là nàng nhắc tôi gọi phone họặc gởi email thăm bạn bè để giữ liên lạc. Hôm nào đề huề vui vẻ, thấy tôi cứ mãi cắm đầu vào tờ báo, nàng còn trổi giọng Điêu Thuyền ngọt lịm “Anh à, đi nằm nghỉ một chút đi để lát nữa còn đi rước hai thằng cháu” . Có lẽ đó là chữ “tùng” trong bổn phận người vợ còn sót lại ở thế hệ nàng.


Người xưa có nói vợ chồng là nợ là oan gia cũng có phần đúng. Nhìn đi nhìn lại chung quanh mình thì đâu có bao nhiêu gia đình được ấm êm hạnh phúc trọn vẹn một lèo. Vợ hay chồng nếu không tật xấu này thì cũng chứng nọ thói kia đưa đến tình trạng gây gổ chì chiết nhau bởi con người đâu có ai hòan mỹ vẹn tòan. Không đổ vỡ là đã may mắn. Phần tôi, nếu nói hạnh phúc là dối lòng, nhưng nói không hạnh phúc thì cũng không hẳn. Thôi thì cứ cộng trừ nhơn chia rồi lấy điểm trung bình để tự an ủi. Bản thân mình đâu có hòan hảo mà muốn người khác thập tòan. Nếu biết châm chước, chấp nhận những gì xảy đến với mình trong cuộc sống hằng ngày thì sẽ thấy mình tu chín kiếp mới gặp được nàng. Rồi một đời cũng sẽ qua. Một trong hai sẽ có người đi trước để người còn lại phải ngậm ngùi tiếc thương…


Dẫu sao phu thê một ngày cũng nghĩa
Trẻ mặn nồng, già làm bạn đỡ nâng
Biết bao người khao khát một tình thân
Để chia sẻ những tháng ngày sau cuối…

Người Phương Nam

Tâm Tư Vơi Đầy

 
 
Tôi quen với vợ chồng anh Quang từ rất lâu, lúc tôi đưa con gái đi học Kindergarten gặp anh chị cũng đưa con gái út đi học lớp 5 cùng trường, rồi nhận ra là đồng hương, bắt chuyện . Thấy tôi sôi nổi thích hoạt động, anh chị đề cử tôi cùng vào Ban Chấp Hành Hội Người Việt Edmonton. Ông xã tôi bận rộn với tiệm thuốc Tây nên được... tha, nhưng luôn luôn ủng hộ tinh thần hoặc thời gian mỗi khi chúng tôi túi bụi với những chương trình sinh hoạt của cộng đồng.

Hơn nhau mười mấy tuổi, nên anh chị coi vợ chồng tôi như em trai em gái trong nhà. Chúng tôi hợp nhau ở tính tình dĩ hòa vi quý, tinh thần chống Cộng, sinh hoạt cộng đồng, và nói chuyện hài hước, thoải mái, đặc biệt là tâm hồn văn nghệ, văn thơ, báo chí.
Chuyện tình của anh chị cũng rất lãng mạn, rất văn nghệ. Nghe kể lại, thuở đó đầu thập niên 80s anh làm MC thiện nguyện trong cộng đồng còn thưa thớt người Việt, chị và mấy cô em gái tham gia tiết mục biểu diễn đàn tranh trong các chương trình văn nghệ do Hội Người Việt tổ chức. Lúc ấy, con gái rất có giá, chị xinh đẹp, biết bao nhiêu chàng trai vây quanh, nhưng cuối cùng chị chọn anh vì anh có tài lẻ là đờn ca, hơn hẳn mấy người khác. Ngày đám cưới, anh bước lên sân khấu, ôm đàn, rất lãng tử, hát tặng cô dâu bài Bên Kia Sông của Nguyễn Đức Quang với ánh nhìn say đắm:

Này người yêu, người yêu anh ơi!
Bên kia sông là ánh mặt trời
Bên kia đồi, cỏ hoa đan lối
......
Này người yêu anh hỡi!
Yêu nhau mình đưa nhau tới
Bước nhẹ - và nói êm xuôi
Nói cho vừa mình anh nghe thôi!

 
Mỗi lần nhóm chúng tôi tụ tập sân sau nhà anh chị, bên đống lửa bập bùng đêm hè, anh lại ca bài này, rồi nói chuyện văn nghệ, thời sự, sách báo... đến nửa đêm mới chia tay nhà ai nấy về . Anh thường nói:
- Ngoài tình yêu Thiên Chúa, yêu quê hương, đất nước, cha mẹ anh chị em con cháu, thì bây giờ tôi còn có hai tình yêu lớn, đó là bà xã tôi và sách báo.

Tủ sách nhà anh, dưới basement, tuy không lớn, nhưng được trình bày rất mỹ thuật, gọn gàng. Nhiều lúc tôi đứng ngắm sách, anh bảo:
- Phía dưới này là sách tôi có thể tặng nếu cô muốn cuốn nào thì cứ lấy. Còn phần trên đây là không cô nhé, sách quý của tôi đấy, cô chỉ được mượn thôi.

Thời gian trôi qua mau, hai đứa con gái của anh chị lấy chồng, đám cưới đều do tôi làm MC. Một đứa theo chồng về Vancouver, một đứa thì qua bên Toronto, còn lại anh chị về hưu, quanh quẩn bên nhau hưởng thú vui điền viên, nghe nhạc, đọc sách, tụ tập bạn bè. Thỉnh thoảng anh chị đi du lịch đó đây, thăm gia đình hai con gái và các cháu ngoại.

Rồi chị qua đời vì bệnh tim, bỏ lại anh thui thủi một mình, nhưng vốn là người lạc quan vui vẻ, anh mau chóng ổn định tinh thần, tiếp tục cuộc sống tuổi già với những niềm vui hàng ngày trong căn nhà bé nhỏ.

Sau khi mãn tang chị một thời gian, anh gọi điện thoại cho tôi:
- Cô Loan ơi, tôi có một chuyện quan trọng muốn nhờ cô giúp, mong cô đừng từ chối.
Tôi cười, trêu anh:
- Chắc anh tính nhờ em mai mối một cô một bà nào đó, đúng không nà?
- Ôi giào, tôi còn “xí quách” nữa đâu mà đi thêm bước nữa, cô tha cho tôi đi! Tôi sẽ dọn về Toronto ở với vợ chồng đứa con gái út cô ơi. Tụi nó kêu mấy năm nay, bây giờ tôi mới đồng ý.
- Thật ư? Edmonton và tụi em sẽ rất nhớ anh đấy, nhưng anh đã quyết định đúng, tuổi già nên sống gần con cháu. Vậy chuyện quan trọng anh tính nhờ em là chuyện gì?

Bấy giờ anh ấy mới tâm sự:
- Chẳng giấu gì cô, lần này tôi đi qua Toronto là để sống đoạn cuối cuộc đời, mấy lần trước con gái và thằng rể qua đây đã phụ mang một mớ đồ của tôi qua bển, kỳ này tôi chỉ mang vài cái va ly. Tôi còn hai thùng sách, một thùng là gần trăm số báo Làng Văn tôi gìn giữ bao lâu, một thùng là những cuốn sách tôi yêu quý. Tôi chỉ biết cậy nhờ cô giữ, hay nói thẳng ra là tôi tặng cô.
- Nhưng ...
- Khoan! Cô để tôi nói hết nhé. Thùng báo Làng Văn cô xem bạn bè ai thích thì cho, còn không thì cô có thể đem ra thùng rác “recycle” để họ đem đi giùm tôi. Còn thùng sách, có những cuốn nào thích thì giữ lại, tôi tin là cô sẽ thích, ví dụ như 4 cuốn Hồi Ký Phạm Duy do chính tác giả ký tên tặng khi ông qua Edmonton trình bày Tổ Khúc Bầy Chim Bỏ Xứ, rồi Hồi Ký Lý Tống, và nhiều sách giá trị khác, những cuốn thân hữu ra mắt sách mà tôi mua ủng hộ, có lời đề tặng và chữ ký tác giả, sau đó những cuốn còn lại cô có thể tặng bạn bè ...

- Anh ơi, thùng Làng Văn thì em đồng ý nếu anh muốn để lại, còn thùng sách quý kia, anh có thể đóng thùng đem theo lên máy bay, chỉ trả thêm chút tiền.
- Cô ơi, tuổi tôi đã gần 80, nay mai ở nhà con cháu, dễ gì có chỗ thoải mái cho mình làm tủ sách? Hơn nữa, tuổi già bệnh hoạn có thể ập đến bất cứ lúc nào, tấm thân tôi còn không giữ nổi, nói chi giữ sách? Tôi chỉ mang theo khoảng chục cuốn có nhiều kỷ niệm. Mà bây giờ biểu tôi đem mớ sách còn lại đi “recycle” hoặc đem đốt bỏ, vứt bỏ thì thật tình tôi không nỡ, đau lòng tôi lắm cô ơi!
- Ủa Ủa!!! Cho em được ngắt lời anh nhe? Anh biết đau lòng khi bỏ sách, rồi anh đẩy qua cho em, bộ anh nghĩ em là gỗ đá, không có trái tim, hổng biết đau lòng sao!
Anh cười xòa:
- Ý tôi không phải vậy, mà vì cô trẻ hơn tôi nhiều tuổi, nhà cô lại rộng thênh thang, nên tôi xin cô nhận lời, coi như tôi năn nỉ cô. Tình yêu đời tôi là bà xã đã ra đi, nay còn lại tình yêu sách báo, tôi không thể giữ chúng được nữa, cô hiểu cho tôi không?

Dĩ nhiên là tôi hiểu lắm, ngậm ngùi cho anh và cho những cuốn sách quý anh từng gìn giữ, bây giờ đành phải buông xuôi, và gửi gắm chúng cho tôi, thì cớ gì tôi lại từ chối?
Anh đã nói thế thì tôi vâng lời cho anh an tâm đi nghỉ dưỡng tuổi già. Buổi tối hôm đó, anh chạy xe mang đến 2 thùng sách, báo. Hai anh em đứng tán dóc chút đỉnh, tôi chúc anh lên đường bình an mạnh khỏe rồi chia tay.

Với thùng Làng Văn, tôi mở ra liếc sơ qua, mấy chục cuốn xếp ngay ngắn, còn khá mới. Hồi tôi đến trại tị nạn Thailand, bà chị dâu đã đặt báo Làng Văn cho tôi, mỗi tháng đều đặn báo đến trại. Khi qua định cư Canada, tôi tiếp tục đặt Làng Văn một thời gian nữa mới thôi. Bây giờ nhìn thùng Làng Văn này, tôi tự hỏi đã có bao giờ anh ấy mở ra xem lại chúng chưa? Bởi tôi cũng đang giữ một số cuốn DVDs ca nhạc của Trung Tâm Asia và Trung Tâm Thúy Nga, những chủ đề đặc sắc như nhạc Phạm Duy, Lam Phương, Nhật Trường, Hoàng Thi Thơ ...với ý định để dành sau này xem lại, nhưng thực tế là bao nhiêu năm qua chúng vẫn nằm trên kệ sách mà tôi chưa hề có dịp xem lần thứ hai. Hiện tại và tương lai còn bao nhiêu việc chưa xong, nhiều cuốn sách chưa đọc, nhiều bài viết chưa hoàn chỉnh, thời gian đâu mà trở về quá khứ xem lại những cuốn DVDs ấy? Mỗi lần vào lau bụi, quét dọn kệ sách, nhìn đống DVDs này, đúng là “bỏ thương vương tội”, tôi thấy mình thiệt có lỗi.

Trên lầu nhà tôi, ngoài ba phòng ngủ, còn có một phòng xem tivi, kế bên đó còn một góc phòng có kệ sách cùng bàn làm việc của ông xã. Còn một góc phòng khác, nhỏ bé, nằm khuất kế bên phòng giặt đồ, là nơi có tủ sách, albums, vài thùng sách báo, là thế giới riêng của tôi. Tuy nhiên, hàng ngày đi qua đi lại cái “cõi riêng” này, tôi ngại phải dừng chân ghé vào nhẩn nha, chỉ khi nào cần vào lấy cuốn sách nào đó, hoặc đến ngày hút bụi, lau chùi, bởi tôi biết, trăm lần như một, hễ tôi ghé vào, ngồi xuống, là y như rằng tôi sẽ bị chôn chân tại nơi này, để rồi tâm tư tôi lãng đãng bởi những miền ký ức, rồi bâng khuâng suốt cả ngày.

Thuở ấy, chưa có youtube, facebook, ebooks, googles nên nhu cầu đọc sách báo là khao khát nồng cháy của người mê sách. Hồi mới qua Canada định cư, tôi tìm đến các thư viện trong thành phố, vào kệ sách Tiếng Việt, mỗi tuần khuân về vài cuốn, đọc say sưa, một hai tuần sau lại đổi truyện khác, chỉ trong vòng vài tháng tôi đọc hết các sách truyện Việt trong thư viện. May mắn là bạn bè tôi còn lại bên Việt Nam chịu khó gửi sách cho tôi theo những người về thăm nhà, cộng thêm những lần tôi qua California vào tiệm sách Tự Lực nổi tiếng khu Bolsa, nên dần dà tôi cũng có được một kệ sách với đủ thể loại và tác giả bốn phương.

Thôi thì nhà tôi còn rộng, tôi quyết định để thùng Làng Văn của anh Quang nơi garage, rồi sau này hạ hồi phân giải. Đó là tâm huyết, là trí tuệ của bao nhiêu người trong từng số báo, tôi không nỡ đem ra ngoài rác tái chế một thùng báo như thế. Riêng thùng sách, tôi đem lên trên lầu, ngay kế kệ sách trong “cõi riêng tư” của tôi.

Ngày nay, người ta có thể tìm bất cứ “đầu sách” nào trên mạng, đó là chưa kể các youtube đọc truyện, các ebooks ... nên chẳng còn nhiều người còn thú đam mê cầm cuốn sách, mân mê mở từng trang, thơm mùi giấy mới (hoặc giấy cũ) để rồi chầm chậm bước vào thế giới văn chương đầy quyến rũ. Giờ mà đem sách đi tặng có khi còn bị cho là... “không bình thường”, nên tôi sẽ giữ lại, coi như kỷ niệm mối thâm tình của chúng tôi và vợ chồng anh Quang.

Và tôi cũng vậy, những bận rộn đời thường, youtube, facebook, emails, sinh hoạt nhà thờ, cộng đồng, tôi không còn nhiều thời gian thảnh thơi như trước đây thả hồn theo từng con chữ của những cuốn sách mình yêu thích. Cho nên “cõi riêng” của tôi giống như... viện bảo tàng kỷ niệm, mỗi ngày đi qua, liếc một cái, đôi khi dâng lên chút áy náy, rồi lại nhủ lòng, các “bạn” hãy đợi đấy... chờ tôi về hưu!
.......................................
Hôm nay, tôi lại có dịp ghé vào “cõi riêng” của tôi để lau dọn, quét bụi. Nhìn thùng sách nằm nơi góc phòng, tôi nhớ anh Quang, không dám mở thùng sách ra, rồi chẳng hiểu sao, lại tha thẩn ngồi xuống ngắm nghía những cuốn albums và tủ sách của riêng mình.

Tôi nhẹ nhàng lấy ra từng cuốn sách, xem tựa đề, để tâm hồn lại lang thang trôi về quá khứ. Mỗi cuốn sách là một kỷ niệm, trang đầu tiên có chữ ký của tôi và ngày tháng năm, nơi chốn, nếu đó là sách tôi mua. Nếu là sách của bạn bè tặng, hoặc của các tác giả thân hữu thì cũng có chữ ký và lời đề tặng trang trọng, ấm áp.

Thú thật, một số cuốn sách trong kệ sách này, tôi vẫn đọc chưa xong, còn dở dang, thậm chí có vài cuốn chưa hề đọc (là những cuốn tác giả trẻ bên Việt Nam mà bạn bè gửi qua). Phần vì tôi còn đi làm, lo chuyện cơm nước nhà cửa, thỉnh thoảng còn viết lách Văn Thơ cho vui nên thực sự không có thời gian rộng rãi. Tôi đã thề hứa (ôi, “biết bao lần em đã hứa”, Vũ nhạc sĩ rành tui quá chừng!), khi về hưu, sẽ đọc tất cả những cuốn sách tôi còn “nợ”.

Cũng như từng cuốn sách là một trời kỷ niệm, thì từng cuốn album, từng tấm hình, cũng chất chứa một trời thương nhớ.

Này đây, vài cuốn albums của thời hiện tại nằm trên kệ sách, còn ở trong cái thùng carton là một đống albums khác. Albums của thời xa xưa khi còn ở Việt Nam tôi đã chụp với bạn bè trong các chuyến đi chơi thời đi học, đi làm, chụp với gia đình người thân trong các dịp lễ Tết. Khi đi vượt biên tôi chẳng mang theo tấm hình nào, nhưng suốt mấy chục năm qua, mỗi lần tôi qua Mỹ đến nhà anh chị em ruột, mỗi nhà tôi “xin” lại được vài tấm, gom lại cũng đủ một cuốn album.

Còn album của bốn năm tôi sống ở trại tị nạn Thailand, rồi các albums đám cưới của tôi, rồi hình ảnh các con từ khi chúng mới ra đời, theo thời gian lớn lên, các events như sinh nhật, ra trường, những lần gia đình đi du lịch qua Mỹ ... Cũng may là ngày nay, chúng ta đã biết save hình ảnh albums trên máy computer, USBs, chớ không thì chắc phải cần thêm vài cái thùng nữa mới chứa hết.

Tôi lại nhẹ nhàng mở từng cuốn album với tất cả bồi hồi hoài niệm. Tôi có thói quen ghi chú phía sau mỗi tấm hình, có khi viết cả tâm sự kín cả tấm hình, nhưng ít nhất các tấm hình luôn luôn có hai thông tin quan trọng, là ngày tháng năm và nơi chốn chụp tấm hình ấy. Trí nhớ tôi còn dẻo dai lắm, hầu như nhìn tấm hình nào tôi cũng đoán được thời gian và bối cảnh. Tuy vậy, đôi lúc tôi không thể nhớ chính xác, liền lấy tấm hình ra, lật phía sau, đọc những dòng chữ xa xưa của chính mình, bần thần , mỉm cười, suy tư, sao thời gian trôi nhanh quá . Chiếc áo này tôi mặc cho con gái tại tiệc thôi nôi đây mà, tôi còn nhớ rõ, mua ở tiệm GAP, mình vải mềm dịu đong đưa khi con bé chập chững bước đi trên sàn nhà. Kìa là nông trại ngoại ô, chúng tôi đi fieldtrip mừng sinh nhật con trai khi còn tiểu học, hôm ấy trời nắng chang chang, cả nhà dừng lại nơi chiếc xe truck giữa xa lộ mua những giỏ trái cây của farmers mới hái, và cả một chục bắp tươi đem về nấu chè.

Lần lượt từng cuốn album được lật qua, nâng niu, từng kỷ niệm sống lại, bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông, để rồi ngẩn ngơ chép miệng, mới ngày nào!

Bên ngoài trời đã về chiều, tôi đã ngồi trong phòng sách này gần hai giờ đồng hồ rồi ư, mà vẫn chẳng sắp xếp dọn dẹp được gì. Tôi liền phone cho ông xã, nhờ chàng trên đường đi làm về ghé mua vài món về ăn tối, với lý do hôm nay tôi “không được khỏe”.
Tôi đứng dậy, bước ra khỏi “cõi riêng” của mình với những cảm xúc không thể gọi tên.

Thế đấy, chúng tôi dọn đến căn nhà này cũng đã chục năm, thùng sách anh Quang “tặng” cũng vài năm rồi, trong khi mọi thứ trong nhà đã gọn gàng ổn định, thì nơi “cõi riêng” này, với những cuốn albums và những cuốn sách (chúng có linh hồn cả đấy), vẫn còn lộn xộn, ngổn ngang, như cõi lòng tơ vò và tâm tư đầy vơi của tôi vậy.

Edmonton, Tháng 9/2024
Kim Loan 


Thứ Năm, 12 tháng 9, 2024

Vườn Ai

 

Vườn nhà vắng mặt người chăm sóc
Lý trắng đào hồng tự nở hoa *
Một đóa đầu mùa khoe sắc thắm
Ngạt ngào hương đấy ai vừa qua


Thơ & Ảnh: Kim Phượng
Anh Đào sân trước nhà - Xuân Úc Châu
* Thơ của Trúc Lâm Đại Sĩ tức vua Trần Nhân Tông


Người Xa/ Đời Khuất

 


Ta gọi người xa mút biển xa 
quạnh, im như tiếng lạnh tỳ bà. 
Người xa biết mấy lần sông núi 
lẵng lặng buồn riêng. Chung với ta. 
Người xa, xa huốt mấy tầng mây 
hẵn biết lòng ta giữa đọa đày. 
Từng đêm thức trắng, vùi trong hận 
nỗi nước non và vị tình cay. 
Mấy thuở bôn ba, đời đá sạn 
cằn như con nước lạc xa nguồn. 
Chắt chiu chút mộng về quê cũ 
rồi cũng tàn theo giọt nắng tan. 
............ ............ 
Ta gọi người vọng suốt biển sầu, 
một đời tuyệt tận, tựa chiêm bao. 
Còn dăm ba mớ rong rêu cũ 
đắp đổi đời nhau. Chút biển dâu.

Cao Vị Khanh

“Si Tình Tức Là Tình Si”!



(Bài Hát Nói đáp lễ NPHVH Trần Việt Long. Tựa đề là lời bình về “si tình” của Trần Việt Long!)

“Si Tình” tức là “Tình Si”! Hình như không phải!
“Tôi chỉ là một Khách Tình Si! Xuân Diệu uể oải “quên đời” từ lâu!
Tây Thi! Đệ Nhất Mỹ Nhân kim cổ! Cá cũng phải si mê chìm sâu!
Phạm Lãi, Kẻ Tình Si! Sống sót! Ngô Phù Sai, Kẻ Si Tình! Đâu còn thân mạng!

Sắc đẹp! Tình si hình mất dạng!
Si tình! Kiếp nạn tử theo vong!
Khi Chế Mân si tình thì xá gì hai Châu Ô, Lý! Thỏa ước mong!
Khi Càn Long si tình thì Hương Hương trọn đời bị nhốt trong lầu vàng, gác tía!

Mùa Thu mà si tình thì mưa khóc, gió than, sương lam mờ thiên địa!
Mùa Xuân mà si tình thì triệu triệu hoa trổ hương sắc mọi phía, muôn nơi!
Đông si tình! Lạnh quên lời!

Đức Hùng
Sydney, Úc Châu, 02/09/2024

 

Chỉ Một Mối Tình – Un Seul Amour – Lưu Nguyễn Đạt (Arts & Poésie Bilingue – Thơ Tranh Nhạc)


Thơ Tranh Nhạc: Lưu Nguyễn Đạt
Nhạc Nền:Musique de fond: Ngô Tín
Video Design: Luudat

Trăng Sáng Nẻo Phù Vân

(Ảnh: Lê Đăng Mành)
Xướng:
Trăng Sáng Nẻo Phù Vân

Mắt trừng cuộc lữ, khói sương đùa bóng mộng
Mây nước muôn trùng, cát bụi hẹn hò nhau.
Vẫn biết dòng đời dập dềnh con sóng,
Nổi chìm từ bao thuở bể nương dâu.

Theo dòng chảy, mắt sầu rưng lệ đá
Nước cuồn si trời đất nộ thanh âm.
Để lở lói sắc màu muôn bến lạ
Hoạn lộ tiêu hoang lạnh bước đêm thầm.

Đời biết mấy rong rêu từ bao thuở
Vẫn bám vào bùn đất để tồn sinh
Và cũng lắm bao kẻ còn du thủ
Sá gì khi sống tạm kiếp vô minh.

Nửa đêm chạnh nghe bước đời luân lạc
Tiếng tru dài loài dã thú vô tâm.
Cơn gió rít não nùng hồn sa mạc,
Lời tự tình chết lặng phút trầm ngâm.

Đã ngàn xưa trót bao dòng lệ sử
Khói sương còn trang điểm bến trầm luân.
Ta vẫn đi giữa sắc màu hoa cỏ,
Đường trăng còn thắp sáng nẻo phù vân.

South Dakota, 29/8/2019.
Mặc Phương Tử
 ***
Họa:
(Đêm nay trời mưa dữ dội sáng mai lũ sẽ về)

Kết Tình Bạn Lũ!

Ta lênh đênh các ngươi cũng phiêu lãng
Mây chết đuối cho bọn mình gặp nhau
Giữa mênh mông ra-vào cùng sanh tử
Tan hợp - chòng chành giữa cuộc bể dâu!

Rều rác bọt bèo nhởn nhơ theo lũ
Quây quần bên ta hơn cả tri âm
Thiện căn gieo tiêu dao đùa hoạn nạn
Rơm rạ kết bè cứu hộ âm thầm!

Nhìn lũ kiến chơi vơi đeo sóng nước
Tôm cá băn khoăn động tánh hiếu sinh
Sóng vô tư lùa gom bèo lữ thứ
Dạt vào bờ dế dạo khúc bình minh

Trăng vén mây nhìn thèm toa an lạc
Thấy bọn giang hồ chia sẻ vô tâm
Chẳng điều kiện như bầy đàn dã thú
Bèo kiến dế rều cứ thế trầm ngâm

Muôn thuở vô ngôn cần chi tích sử
Lều bều bát ngát giữa cuộc trầm luân
Sống với lũ chưa hề nhen cừu hận
Bởi rơm,rác,người cũng bụi phù vân!

Như Thị (Lê Đăng Mành)



Thiên Thần Gãy Cánh


Theo thông lệ, mỗi khi làm việc nhà, tôi thường mở Ipad để nghe các truyện văn học nước ngoài, sử ký hay tin tức. Những lần như thế, youtube thường gửi cho thêm cho tôi những video có những chủ đề liên quan. Thế mà, suốt cả một tuần, kể từ ngày 23 tháng 8, tôi không hiểu sao Ipad của tôi liên tiếp hiện ra những clip nhạc của một cô gái với giọng ca thật trong trẻo và thống thiết.
“I’m so lonely broken angel. I’m so lonely listen to my heart. One and only broken angel. Come and save me before I fall apart.”

Những lời ca đơn giản và âm điệu của bài hát được nhắc đi nhắc lại nhiều lần khiến tôi thuộc ngay. Tò mò, tôi ngưng công việc mình đang làm và ghé mắt nhìn vào màn hình xem hình ảnh trong ấy để thực sự hiểu rõ ý nghĩa của bài hát. Hình ảnh cô gái rơi từ cao xuống sau câu hát: “Hãy đến và cứu em trước khi em gục ngã!” (Come and save me before I fall apart.) đã làm tôi khá hồi hộp đến độ tôi phải kéo ngược trở lại đoạn video ngắn xem lại nhiều lần.

Rồi, tôi cảm thấy lo khi nghĩ bài hát và hình ảnh ấn tượng này có thể gây nên sự khích động cho các em trong tuổi thanh thiếu niên đang trong tâm trạng trầm cảm hay tuyệt vọng vì một vấn đề gì đó, dễ dàng nghĩ đến cái chết. Nhưng, mối bận tâm của tôi dần phôi phai vì những công việc khá bận rộn của tôi.

Chiều ngày thứ Sáu hôm đó, tôi cảm thấy khoan khoái tôi đã hoàn tất việc làm của sở. Vui hơn là tôi không phải chuẩn bị bữa cơm tối mà được con mời ăn tiệc ở nhà hàng. Một bữa tiệc với toàn bộ bà con và người thân quen. Không gì vui hơn chuyện được gặp con cháu trong đại gia đình sau một tuần bận rộn. Thế nhưng, một cặp vợ chồng đứa cháu từ chối không đến với lý do bận. Chuyện bận vì việc làm trên đất nước Cờ Hoa này luôn được thông cảm, cho dù ngay trong buổi tối thứ Sáu nên chúng tôi không thắc mắc gì. Nhưng vài ngày sau chúng tôi mới biết sở dĩ đứa cháu không đến được vì gia đình vợ của cháu đang đau buồn vì nhận tin em gái ruột duy nhất của vợ cháu mới quyên sinh. Tôi bàng hoàng khi nghe tin dữ này. Khi biết cô bé tự tử bằng cách trầm mình dưới nước, tôi càng đau nhói hơn. Bỗng dưng những âm giai của bài hát Broken Angel (Tạm dịch là Thiên Thần Gãy Cánh) vang dội trong đầu tôi như những lần tôi mở Ipad.

“I’m so lonely broken angel. I’m so lonely listen to my heart. One and only broken angel. Come and save me before I fall apart.”
“Come and save me before I fall apart.” “Hãy đến và cứu em trước khi em gục ngã!”

Những lời trong bài hát khiến nước mắt tôi trào ra liên tục. Tưởng tượng cảnh cô bé đã ở trong tình trạng hết sức tuyệt vọng và buồn khổ trước khi quyết định kết liễu cuộc đời mình, tôi cảm thấy tim mình đau nhói với cảm giác thương tiếc khôn nguôi. Càng nghĩ đến cô bé, tôi càng thấy đau lòng với tin dữ. Có thể nào một cô gái trẻ đẹp trong lứa tuổi hai mươi, hồn nhiên vui vẻ thế mà giờ đây đã trở thành người thiên cổ. Tôi nhớ mãi hình ảnh cô bé trong ngày Đám Hỏi và Đám Cưới của con trai tôi. Cô luôn nở nụ cười vui tươi kèm theo những cử chỉ dịu dàng và sự quan tâm hết sức chu đáo đối với tôi:

“Bác muốn con giúp gì không?”
“Con xếp mấy cái bánh như thế này đúng không ạ?”
“Bác còn muốn con làm gì nữa không?”
“Bác muốn con chụp hình với bác ở đâu?”
“Bác cháu mình đứng như thế này nhé? Kiểu này nhé…”

Trời ạ! Có thể nào một cô gái hồn nhiên, hăng hái, hoạt bát như thế lại hủy hại thân thể mình. Tôi không thể nào chấp nhận tin vừa nghe. Khi nghe cháu tôi báo gia đình cô sẽ không gửi Cáo Phó và sẽ không cho bất cứ người nào thăm viếng từ biệt, tôi tự an ủi với ý nghĩ cho rằng mình chưa hề nghe tin dữ này, sẽ bình thản sống với sự tin tưởng rằng cô bé đang ở tiểu bang nào đó, bận rộn với công việc gì đó mà mình không thể gặp lại.

Thế nhưng, tôi không thể đành tâm tảng lờ như không có việc gì xảy ra. Qua tin nhắn trong điện thoại cầm tay, tôi đã viết vài hàng cho cô cháu dâu. Tôi khuyên cô nên chăm sóc ba mẹ kỹ lưỡng trong thời gian này vì ba mẹ cô đang tâm trạng rất đau lòng, cần được an ủi.

Vài ngày sau, chồng tôi cho biết ba mẹ cô cháu dâu cho phép vợ chồng tôi đến nhà quàn tiễn cô bé lần cuối nhưng chúng tôi chỉ có thể đến đó trong vòng nửa giờ, từ mười một giờ đến mười một giờ rưỡi ngày 29 tháng 8. Có lẽ những người làm việc ở nhà quàn hiểu tâm lý thương tổn của bậc cha mẹ mất con trong tình trạng như thế nên tổ chức ngắn gọn và mau lẹ. Y theo lịch, vợ chồng tôi không muốn mất một giây phút nào trong ba mươi phút ngắn ngủi ấy nên rời nhà rất sớm. Mười giờ bốn mươi lăm phút, chúng tôi đã có mặt tại trước nhà quàn. Đậu xe xong, chúng tôi ngồi im trong xe chờ đợi. Đây là nơi nông thôn rất yên tĩnh và biệt lập vì cách thành phố rất xa. Nhà quàn nhỏ gọn có hai ống khói lớn bằng thép song song, thẳng đứng lên trời. Bầu trời u ám với những đám mây xám làm cho khung cảnh vắng vẻ càng trở nên ảm đạm hơn.


Bỗng một cơn mưa nặng hạt rơi xuống, xóa tan cái màn u ám trước mặt kính xe của chúng tôi. Những giọt nước mưa lớn liên tiếp chảy dài trên mặt kính như những giọt nước mắt lăn không ngừng. Khoảng mười phút, những giọt mưa trên mặt kính xe được xóa nhòa và tôi có thể nhìn thấy có một đốm sáng giữa những đám mây xám nhạt đã ửng hồng trên bầu trời. Mặt trời ló dạng, dần xua tan các đám mây xám khiến bầu trời sáng rực hơn. Một chiếc xe tiến vào bãi đậu. Không phải chiếc xe của ba mẹ cô bé mà là chiếc xe của con trai đầu của chúng tôi. Cháu xin phép hiệu trưởng nghỉ dạy vài giờ để đến đây. Đậu xe xong, cháu đi thẳng vào nhà quàn. Chúng tôi vẫn ngồi yên trên xe chờ xe của ba mẹ cô cháu đến. Đúng mười một giờ, xe của cháu tôi, vợ chồng chị của cô bé, trờ tới. Chiếc cửa xe vừa mở, mẹ cô bé khụy xuống đất, ba của cô và chị của cô vội vàng bước ra khỏi xe, cùng nhau dìu bà vào nhà quàn. Khó khăn lắm, họ mới có thể dìu bà đến cửa vì bà nhất quyết ghì ra phía sau, không muốn vào trong nhà quàn. Với những tiếng khóc nấc đau thương và thê thảm bà nhất định kéo trì cái thân hình ốm yếu của bà, không để vượt qua cái ranh giới của chiếc cửa mở do người quản trị đang kìm giữ. Khá đau lòng, tôi mở cửa xe, ào chạy về phía họ, ôm bà, khóc than với những lời an ủi mà tôi không nhớ mình đã nói điều gì. Cuối cùng, chúng tôi cũng đưa bà vào căn phòng, nơi có một số ghế xếp ngay ngắn trước một chiếc quan tài đơn giản, nắp che kín phần bên dưới và chỉ để lộ một nửa phần trên. Trong nửa phần trên ấy là khuôn mặt của cô gái trẻ trắng nhợt và đôi tay chắp ngay ngắn trên bụng. Hình ảnh này khiến bà mẹ khóc nức nở, gào thét rất thương tâm. Những tiếng khóc than xé lòng người và thân hình gầy guộc vật vã của bà khiến chúng tôi đau lòng không kém. Sáu người chúng tôi, mắt đỏ hoe, nghẹn ngào quây quanh bà nhưng bất lực, không biết tỏ cử chỉ hay dùng lời khuyên lơn an ủi nào để có thể xoa dịu được nỗi đau đớn trong lòng bà. Tôi gọi là “bà” vì vai vế nhưng thực sự bà còn rất trẻ, chỉ khoảng bốn mươi mấy tuổi.
Vài phút sau, một vị linh mục người da trắng với khuôn mặt nhân hậu, khoảng thất tuần, bước vào. Với lời nói dịu dàng, ông giới thiệu về mình và sự vinh hạnh làm Phép Xác cho cô bé. Bà mẹ vốn là người trọng lễ nghĩa nên im bặt khi thấy sự hiện diện của vị linh mục, nhưng sau đó, bà nức nở khóc bất kể những lời giảng đầy ý nghĩa của vị linh mục ra sao. Tôi chú tâm từng lời nói của ông về sự tạm bợ của cuộc sống, về sự giang tay cứu rỗi của Chúa, sự bình an của cô bé trên nước thiên đàng và cả cơn mưa bất chợt khá mầu nhiệm mà chúng tôi vừa chứng kiến cách đó hai mươi phút. Những lời thuyết phục của ông hết sức tâm lý dành cho tâm hồn đầy thương tổn của chúng tôi. Tuy nhiên, chúng không thể nào bù đắp sự đau khổ tột cùng của người Mẹ mất đứa con thân yêu.

Ngay khi lễ vừa xong, người đàn bà quản trị bước vào cho biết đã đến giờ đưa linh cữu vào phòng thiêu. Bà mẹ đau đớn nhào đến chiếc quan tài như muốn níu kéo lại nó, cố gắng hy vọng đứa con mình được sống lại và mình có thể ôm ấp nó như xưa. Sức mạnh của cái nhào bất thần ấy khiến chiếc quan tài trượt vào tận bức tường nên chồng bà phải kéo bà về lại ghế ngồi. Cô cháu dâu, trong trạng thái vô hồn, bước đến vị linh mục xin phép cho chúng tôi đặt những hoa trắng vào linh cữu của cô bé. Linh mục gật đầu rồi nhận vài chiếc hoa trắng đặt trên đầu cô bé. Chúng tôi lần lượt chia nhau những chiếc hoa trắng đặt xung quanh cô. Riêng tôi, khi đặt hoa vào bên cạnh cô bé xong, tôi đã đặt bàn tay mình trên đôi bàn tay của cô. Đôi bàn tay lạnh ngắt của cô làm tôi tưởng tượng sự lạnh buốt mà cô chịu đựng khi chìm trong nước sông. Tôi nghĩ phải chi mình có mặt trong lúc ấy để có thể nắm đôi bàn tay cô và kéo cô ra khỏi sức hút của Tử Thần. Có lẽ bất cứ người thân của cô hiện diện nơi đây cũng ao ước được làm điều tương tự như thế! Nhưng, có mấy ai có thể ngờ sự việc đã xảy ra như cho dù mỗi người, khi còn trẻ, đã từng nghĩ đến chuyện quyên sinh khi gặp những điều bất như ý hay tuyệt vọng.
Hình ảnh người Mẹ đau đớn bất lực khi mất đứa con khiến những người chứng kiến đau lòng khôn tả. Ngay cả những người làm trong khu Nhà Quàn cũng không thể che giấu được những khuôn mặt đầy căng thẳng và những đôi mắt chứa chan niềm đau khổ vô biên. Không gì đau khổ hơn chuyện không có phương cách nào để an ủi người đang trong tình trạng đau khổ tột cùng. Những tiếng gào thét đau thương của bà mẹ xé nát lòng của chúng tôi và tôi đã xin cáo từ ngay khi chiếc quan tài đẩy vào phòng thiêu. Tôi cảm thấy mình không còn đủ can đảm để chứng kiến thêm chuyện đau lòng. Vợ chồng tôi và con trai tôi lần lượt ôm ba mẹ cô bé chào từ biệt. Tôi không biết nói gì hơn ngoài những lời nghẹn ngào là chúng tôi rất thương ông bà và mong ông bà giữ gìn sức khỏe.

Trên đường về, tôi chợt nhớ ra là Ngày Từ Biệt hôm nay chỉ có vỏn vẹn bảy người của gia đình tôi và gia đình của cô bé. Phải chăng đây là ước muốn của cô xui khiến ba mẹ cô cho phép chúng tôi tiễn đưa cô lần cuối cùng. Dù sao, tôi cố gắng an ủi mình bằng cách xóa sạch những diễn biến mà tôi chứng kiến trong ngày. Sự đau đớn của người Mẹ làm tôi kinh hoàng, tưởng chừng như bà sẽ ngất lịm sau khi mọi việc kết thúc chứ không thể nào chịu đựng thêm được nữa. Và khi tưởng tượng mình trong hoàn cảnh của bà, tôi cảm thấy tim mình đau thắt từng cơn.

Người Mỹ thường nói câu: “Hãy quên đi quá khứ buồn đau và tiếp tục cuộc sống bình thường với những người đang sống xung quanh mình!” Tôi cố gắng làm theo lời khuyên ấy bằng cách khuây khỏa qua những video hài hước. Thế nhưng, khi mở Ipad thì bài hát Broken Angel lại vang lên. Lần này thì bài hát được thêm vào bởi giọng ca nam đáp lại lời thống thiết khuẩn khoản của nữ ca sĩ:

You, you are the one
I miss you so much. Now that you’re gone
Don’t, don’t be afraid
I’ll be your side, leading the way
I wish that I could touch, touch you again
Feeling in love, don’t want it to end
Two, two worlds apart
Less in a dream, it’s breaking my heart

Những lời ca “I’ll be your side, leading the way” (Tôi sẽ bên cạnh em dẫn đường), “Two, two worlds apart. Less in a dream, it’s breaking my heart” (Hai thế giới cách xa. Dần tan trong giấc mơ làm tim tôi tan nát!)

Tôi tự hỏi: Hai thế giới biệt lập này là hai thế giới nào? Phải chăng là khoảng cách của hai người sau khi tình yêu tan vỡ hay khoảng cách của biệt ly của hai thế giới sống và chết. Có thể nào khoảng cách này xảy ra trong tích tắc, gây cho cảnh chia ly bất ngờ đến kinh hoàng.

Tôi không hiểu cô bé có hình dung được cảnh mẹ cô đau khổ trước khi quyết định hủy hại thân mình không. Tôi đoán cô đã phải đớn đau trong thế giới cô đơn với lý do nào đó. Có thể là cảm giác vô vọng và cô độc vì không ai có thể thấu hiểu nỗi lòng. Có thể là bất lực với sự kém cỏi và thua sút về mặt nào đó. Có thể là sự thua cuộc hay thất tình. Không ai biết lý do vì sao cô hành động như vậy và có lẽ cũng không ai ngờ một cô gái tươi vui lại hành động một cách đường đột đối với sinh mạng của mình như vậy.

Buổi tối hôm ấy, tôi không hề chợp mắt. Suốt đêm tôi thao thức với bao nhiêu ý nghĩ xung đột trong đầu. Càng nghĩ, tôi càng thương cô bé, mẹ cô bé và thương cả những bậc làm cha mẹ và những đứa trẻ có tinh thần yếu đuối. Trên đất Mỹ, phần lớn cha mẹ chỉ dành thời giờ để lo kế sinh nhai, và chú tâm việc học của con hầu mong con có việc làm cho tương lai rực rỡ hơn mình. Sự bận rộn hàng ngày và mệt mỏi sau những ngày làm việc khiến cha mẹ không thể gần gũi con cái nhiều để có thể chia sẻ tâm tư tình cảm. Có nhiều bậc phụ huynh không biết rằng có những đứa trẻ, mà trong đó có cả con mình, có tâm lý yếu đuối, luôn mặc cảm vì bản thân thua sút kém cỏi, nên thường trầm cảm, khép mình trong thế giới đơn côi, cô độc, rồi hành động không cân nhắc, dễ thiệt thân. Nếu không có sự giúp đỡ, an ủi, hay động viên tinh thần từ gia đình, các em này thường tựa vào bạn bè hay những thú vui không phù hợp. Đây không phải lần đầu tôi chứng kiến cảnh này. Sự mất mát đột ngột của con cái và tình trạng ân hận của những bậc cha mẹ từ những câu chuyện kể của những người thân quen của tôi và sự chính mắt chứng kiến từ thực tế đã làm tôi đau đáu buồn khổ. Nhưng rồi những người ấy và tôi không bao giờ nhắc đến những vấn đề này trong lúc cùng âm thầm cố quên đi.

Giờ đây, tôi bỗng nhớ lại thời gian hai mươi năm trước, lúc ba đứa con tôi trong lứa tuổi thanh thiếu niên. Hôm ấy, sau khi dự trại Hướng Đạo trên núi cao, chúng tôi về nhà khá tối. Để kịp ăn uống, nghỉ ngơi cho ngày hôm sau chúng tôi không ai nói ai, cố gắng dọn dẹp đồ đạc từ trại về. Riêng tôi, vội vã làm thức ăn tối rồi đem lên bàn ăn ngay. Khi đi ngang qua phòng khách thấy một chiếc ba lô bày bừa giữa nhà, tôi la chủ nhân của nó. Lúc đó, có lẽ vì tôi bị áp lực với thời gian cần kíp, nên tôi đã càu nhàu thêm về tính lè phè, không ý thức phải làm gì của một người đã từng đi Hướng Đạo. Chồng tôi và đứa con trai đầu của tôi cùng hùa theo lời càu nhàu của tôi, la thằng bé. Tôi lại xuống bếp rồi lên phòng ăn đem thêm những món cuối. Khi ngồi vào bàn, tôi không thấy thằng bé vừa bị la, gọi nó ra ăn cơm thì chồng tôi bảo nó vừa ra khỏi nhà, không biết đi đâu rồi. Tôi thảng thốt, nhớ lại những lời mình vừa càu nhàu. Linh tính chuyện gì không ổn, tôi lấy chìa khóa xe rồi tuôn ra khỏi nhà ngay. Trời lúc này tối đen. Ba con đường vắng ở góc nhà chúng tôi heo hắt những ánh đèn đường buồn bã. Không một người nào trên đường bộ hành và cũng không có chiếc xe nào qua lại trên những con đường nhựa. Tôi không biết tìm thằng bé hướng nào, rồ máy, tôi đạp ga trên những con đường thường đi làm theo quán tính. Đến một con đường hẹp tối đen, tôi bỗng giật mình, hãm tốc độ vì một bóng người trong y phục tối sẫm đang đi giữa đường. Bấm còi người ấy cũng không chịu bước vào lề. Tôi chiếu đèn soi rõ, nhận ra người ấy là con mình. Tôi dừng xe, bấm còi rồi kéo kính xe xuống, gọi tên nó. Thằng bé giật mình, dừng bước, đứng im nhưng không quay lại. Tôi gọi tên nó, bảo nó hãy lên xe. Nó quay lại nhìn xe tôi, ngần ngừ một lúc rất lâu rồi từ từ bước đến xe tôi. Đợi nó lên xe xong, tôi không nói gì, chở nó đi vòng vòng những con đường trong xóm. Xe chạy lòng vòng trên những con đường tối và vắng khoảng hơn mười lăm phút mà chúng tôi không ai nói với ai lời nào. Khi tôi lái xe vòng về nhà, nó chợt nói với tôi:

“Con không hiểu sao tính con khác với mọi người trong nhà. Con muốn cố gắng nhưng…”
Tôi đáp:
“Hóa ra chỉ vì sự khác biệt mà con muốn từ bỏ gia đình sao?”
Nó không đáp.
Tôi lại nói:
“Thực ra, trong nhà không ai giống tính ai hoàn toàn cả con à! Có người nhanh nhẹn trong việc gọn gàng ngăn nắp, có người thì chậm chạp. Nhưng khi chúng ta nhắc nhở nhau không phải là chúng ta ghét nhau. Đó là cách chúng ta quan tâm đến nhau, giúp nhau tiến bộ hơn. Có lẽ con thường nghe ba mẹ và anh la nên con buồn. Nhưng, trong nhà đâu phải chỉ có mỗi mình con bị la. Các con làm gì không phải, đều bị ba mẹ la cả. Ba mẹ la là để uốn nắn các con chứ đâu phải là ghét các con? Hôm nay con bị ba người trong nhà la cùng một lúc vì cả bố, mẹ và anh con đều thấy như vậy nhưng con đừng bao giờ quên là gia đình mình đều thương con, và quan tâm đến con. Con nghĩ lại đi! Có phải tất cả ba mẹ anh em con đều thương con không?”

Nó ngồi im không đáp.
Tôi ngừng xe trước nhà rồi bảo:
“Thôi vào nhà ăn cơm với mẹ rồi ngủ, mai đi học.”
Nó líu ríu làm y lời khiến tôi vui mừng khôn tả. Tôi không ngờ khi dùng chữ thương yêu trong lúc đối thoại lại hữu hiệu như thế.

Giờ đây nghĩ lại, nếu lúc đó, tôi không chạy theo nó để xoa dịu sự tổn thương trong lòng nó, thì có thể tôi cũng bị lâm vào tình trạng khủng hoảng tinh thần như bà mẹ cô bé, không thể tránh khỏi.

Trong những ngày này, tôi muốn dùng những giòng chữ giải tỏa tâm lý nặng nề của mình qua các trang nhật ký. Nhưng khi biết sự khủng hoảng tinh thần của những người mẹ mất con đến nỗi không thể sống trong căn nhà có nhiều kỷ niệm của đứa con đã mất thì tôi lại muốn gửi thông điệp đến quý độc giả (các bậc phụ huynh và các em thanh thiếu niên) để tránh những tình trạng làm đau lòng nhau.

“Hãy ngay lập tức cứu các em trước khi các em ngã gục!” và “Xin hãy chia sẻ nỗi buồn của mình với cha mẹ với ghi nhớ: Cha mẹ lúc nào cũng thương yêu các con!”

Cung Thị Lan
Ngày 09.09.2024


Song: Broken Angel

You, you are the one
I miss you so much. Now that you’re gone
Don’t, don’t be afraid
I’ll be your side, leading the way

I’m so lonely broken angel.
I’m so lonely listen to my heart.
One and only broken angel.
Come and save me before I fall apart

I wish that I could touch, touch you again
Feeling in love, don’t want it to end
Two, two worlds apart
Less in a dream, it’s breaking my heart


Bài Hát: Thiên Thần Gãy Cánh

Em, em là người anh nhớ em vô cùng.
Nhưng bây giờ em đã đi xa
Đừng, đừng sợ hãi!
Anh sẽ bên cạnh em, dẫn đường

Em thiên thần gãy cánh cô đơn
Em đơn độc nghe theo trái tim mình
Là thiên thần gãy cánh duy nhất
Hãy đến và cứu em trước khi em gục ngã!”

Anh ước anh có thể chạm em lần nữa.
Để cảm thấy yêu đương, không muốn kết thúc
Hai thế giới cách xa
Tan dần trong giấc mơ làm tim anh tan nát

Cung Lan chuyển ngữ
* Nhà quàn = Nhà tang lễ.