Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2018

Thơ Tranh: Mỏi Trông


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Nỗi Niềm Tháng Bảy



(Tứ đối Ngũ độ thanh
Lục thanh vi thủ Lục thanh vi vận)

Tháng Bảy vương lòng đau mỗi độ
Thằng Hai ngóng mẹ hẫng bao lần
Đang mùa lá rụng ùa qua cửa
Vẫn giọt ngâu vầy đổ xuống sân
Tủi bóng người xưa về một cõi
Sầu vuông đất lạnh rẽ đôi phần
Hoa cài giữa ngực cùng tâm ý
Lệ rỏ bên thềm với mẫu thân.



Nguyễn Gia Khanh

Chiếc Lá Lìa Cành – Thơ Yên Dạ Thảo - Diễn ngâm Hương Nam


Thơ & Thực Hiện: Yên Dạ Thảo 
Diễn Ngâm: Hương Nam

Vu Lan 2018



Bài Xướng:
Vu Lan 2018

Chuông chùa báo hiếu đã ngân vang
Thương nhớ Mẹ Cha, cõi Niết bàn
Hương án, bầy con hoen mắt lệ
Huyên đường, mái ngói phủ rêu tang
Mộ phần cỏ úa, lòng chua xót
Di ảnh bóng mờ, dạ xốn xang
Bụi phấn thời gian nào xóa nhạt
Sắc hoa hồng trắng mấy mùa sang..!

Thanh Trương
***
Các Bài Họa:

Giữ Đạo Làm Con
Tháng bảy vu lan tiếng vọng vang
Đưa hương thắm thiết ngát mùa sang
Trầm dâng tiếng kệ mong siêu thoát
Dạ cúng lời kinh nguyện Niết bàn
Áo Mẹ cơm cha hoài ruột xót
Tình non nghĩa núi mãi lòng xang
Hằng năm báo đáp tròn phần hiếu
Giữ đạo làm con giữa tụ tan

Hương Thềm Mây GM.Nguyễn Đình Diệm 
13.8.2018
***
Ảnh Cưới Song Thân


Ngắm ảnh phai màu...rộn tiếng vang
Lòng yêu cha mẹ vẫn hay bàn
Nhớ hôm người bệnh còn chăm trẻ
Xót lũ con khờ phải đội tang
Ý chuộng hài thêu nền sắc sảo
Môi cười chân bước áo xênh xang
Cô dâu, chú rể về phương ấy
Hai quả tim nồng dáng thật sang!

Như Thu***
Cút Côi


Ngân vọng chuông hòa tiếng mõ vang
Hương hoa đạm bạc cỗ dâng bàn
Thương cha nửa kiếp đời xanh cỏ
Xót mẹ lưng mùa tóc trắng tang
Thỏa nhớ,mỏi mòn câu vọng cổ
Vơi sầu,đắng đót khúc xừ xang
Buồn trông sóng nước đò trôi dạt
Vắng cội xa nguồn,chẳng bến sang…

Lý Đức Quỳnh
***
Nỗi Sợ Lúc Tuổi Thơ


Lúc bé, mỗi lần nghe sấm vang
Tôi hay sợ hãi, nấp gầm bàn
Bịt tai, liên tưởng điều ghê rợn
Nhắm mắt, nghĩ về cảnh tóc tang
Múa võ, thiên lôi nom dữ tợn
Cầm cờ, bắc đẩu ngó xênh xang
Tướng trời nổi giận, dân điêu đứng
Giông bão, tai ương sắp kéo sang.

Sông Thu
***
Cảm Đề


Thinh không văng vẳng tiếng chuông vang
Hương khói am thanh ấm điện bàn
Mắt ứa xót bào viền lệ khóe
Dạ sầu đau thắt vấn khăn tang!
Thương Cha thâm cốt hồn day trở
Nhớ Mẹ nao lòng dạ xốn xang!
Chín suối ngậm cười,...ai thấu tận
Lá vàng tàn tạ buổi thu sang?!

13-8-2018
Nguyễn Huy Khôi
***
Hoa Trắng Mùa Vu Lan

(Họa 4 vần)

Tiếng trống , chuông Chùa vẫn dội vang
Trầm hương khói toả vọng kinh bàn
Lời nghe xúc động buồn gan phổi
Mõ tụng bồi hồi nhớ cảnh tang
Mẹ quý ra đi mùa hạ rực
Cha yêu giã biệt giấc đông tàn
Vu Lan cúi mặt cài hoa trắng
Mỗi độ Thu về cứ diễn sang

Minh Thuý
14 tháng 8 _2018
***
Tưởng Nhớ Song Thân

Chuông chùa nhắc nhở đã rền vang
Nghĩa Mẹ tình Cha khỏi luận bàn
Báo hiếu phận con ngày đã đến
Vu Lan đại lễ tháng vừa sang
Lời ru dạy dỗ câu hò lả
Công đức sinh thành nhạc cống xang
Biển Thái Bình Dương nào sánh được
Hoa hồng cánh trắng điểm màu tang

Songquang

8/15/2018
***
Trẻ Xênh Xang

Trống trường hôm ấy đã reo vang
Người dắt con đi tới tận bàn
Gửi gắm cô thầy nhờ thước bút
Rộn ràng hồn trẻ nhạc tinh tang.
Bước đời từ đó con dần lớn
Cõi niết giờ đây mẹ đã sang.
Từng tí từng li con dại nhớ
Làm theo lời Mẹ, trẻ xênh xang .

Trần Như Tùng
***
Kỷ Niệm Buồn


Hương hoa bài vị để trên bàn
Vải xé thô sơ, cảnh phát tang
Nhớ tiếng cha khuyên nên giản dị
Vâng lời mẹ dạy,chớ xênh xang
Câu kinh tiếng kệ hoài đều đặn
Mõ nhịp chuông hồi mãi vọng vang
Tim thắt hồn ngây mùa báo hiếu
Mắt nhoà lệ ướt mỗi thu sang.

Thanh Hoà

Đất Phương Nam I-Từ Tổng Bình An Đến Tỉnh Bình Dương Phần 4

MiễuThờ Bà Thiên Hậu 

Di Tích Lịch Sử Và Danh Lam Thắng Cảnh Bình Dương: 

Tại chợ Bình Dương hãy còn một biểu trưng đặc sắc của dân buôn bán người Hoa, đó là Miễu thờ Bà Thiên Hậu với tên chính thức là ‘Thiên Hậu Cung’. Miếu được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ thứ 19, được trùng tu lần đầu vào năm 1880, lần thứ nhì vào năm 1925. Theo truyền thuyết Trung Hoa, Thiên Hậu Thánh Mẫu quê ở Phúc Kiến, sanh ra vào đời nhà Tống. Bà có tài tiên đoán về thời tiết và gió bão trên biển khơi, nên đã giúp được dân chúng thoát qua nhiều cơn nguy hiểm, vì thế bà được tôn vinh như Hiền Thánh. Bà được đa số người Hoa di cư sang Việt Nam thờ phụng sau khi họ được an toàn đến quê hương mới, dần đà về sau này người ta đến cầu bà về việc mua may bán đắc, vì cầu đâu được đấy nên người ta trở nên tin tưởng bà về mọi mặt. Lễ hội chùa Bà hàng năm được tổ chức vào ngày 15 tháng giêng âm lịch. Ngoài việc cúng tế người ta còn tổ chức vui chơi tiệc tùng linh đình. 

Ngay tại trung tâm thị xã Thủ Dầu Một còn có một ngôi chùa Ông của người Hoa, nơi thờ ông Quan Công. Chùa được xây dựng vào năm 1868, ban đầu có tên là Thanh An Cung, về sau đổi lại là Thanh An Tự. Ngay trước chùa người ta cũng thờ tượng con ngựa Xích Thố(33), với Thanh Long Đao. Nhờ hai báu vật nầy mà Quan Công đã lập được rất nhiều chiến công hiển hách, và đã trở thành một danh tướng trong thời Tam Quốc. Chùa có lối kiến trúc Trung Hoa, theo kiểu cổ, trên lầu trang trí tứ linh(long, lân, qui, phụng), bên dưới có cảnh ‘Đào Viên Kết Nghĩa’, ‘Quan Công phò Nhị Tẩu’, và ‘Lưu Bị cầu hôn Giang Tả’. Chánh điện là bàn thờ ông Quan Công(34), kế đến là bàn thờ ngũ vị: chính giữa là Quan Công; hai bên gồm các vị Lưu Huyền Đức(35), Trương Dực Đức(36), Quan Bình(37), Châu Xương(38). Cả năm vị nầy đều được người Hoa tôn vinh là ‘Ngũ Công Vương Phật’. Ngoài ra, trong chùa Ông còn thờ Chúa Tiên Nương Nương, Tôn Ngộ Không, Lý Trích Tiên Chân Nhân, và Phước Lộc Thọ, vân vân. Nói đúng hơn, Thanh An Tự là một ngôi đền cổ, nơi phối hợp giữa hai luồng tín ngưỡng Phật giáo và tín ngưỡng dân gian của người Hoa. 

Tại thị xã Thủ Dầu Một còn có ngôi chùa cổ tên Hội Khánh(39), trong phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một. Chùa được Thiền sư Đại Ngạn thuộc dòng Thiền Lâm Tế xây dựng vào năm 1741. Năm 1861, khi thực dân Pháp tiến đánh tổng Bình An, họ đã san bằng ngôi cổ tự nầy thành bình địa. Năm 1868, Hòa Thượng Chánh Đắc tái xây dựng lại ngôi chùa dưới chân đồi, cách vị trí ngôi chùa cũ khoảng 100 mét, với diện tích khoảng 1.300 mét vuông, trên một khuôn viên rộng khoảng 3 mẫu. Năm 1883, Phật tử Dương văn Lúa đã hiến cúng một chiếc đại hồng chung cho chùa. Tính đến nay, chùa đã được trùng tu nhiều lần, vào những năm 1891, 1906, 1917, 1984, 1991 và 1999. 
Năm 1891, Hòa Thượng Ấn Long xây dựng lại ngôi chánh điện. Năm 1906, ngài lại cho trùng tu ngôi Đại Hùng Bảo Điện (nơi thờ Phật Tổ). Tuy đã được trùng tu và sửa chữa nhiều lần, chùa Hội Khánh vẫn còn giữ được nét kiến trúc cổ kín lúc ban đầu. Hiện chùa còn lưu giữ được rất nhiều hiện vật, trong đó có khoảng 126 cổ vật với vài trăm năm tuổi, có giá trị về lịch sử, văn hóa, tôn giáo, và mỹ thuật, như kinh sách, bản khắc in bằng gỗ, liễn đối, hoành phi, vân vân. Chùa có ba gian, gian đầu là chánh điện, phía trước thờ Phật, phía sau thờ các vị tổ. 

Gian thứ nhì là trung điện, dùng làm giảng đường thuyết pháp; tuy nhiên, trung điện chùa Hội Khánh không nằm trên trục dọc với chánh điện như hầu hết các chùa ở Nam Kỳ, mà nó thẳng góc với chánh điện. Gian thứ ba là hậu điện được dùng làm trai đường, được tách rời khỏi trung điện bằng một khoảng sân nhỏ. Tính đến nay, chùa đã có trên 250 năm lịch sử với 9 đời trụ trì. Hiện nay chùa Hội Khánh còn là giảng đường cho chư Tăng Ni tại các chùa trong các tỉnh miền Đông.
Tại trung tâm thị xã Thủ Dầu Một còn có một ngôi chùa Tây Tạng, theo truyền thống Mật Tông. Tên cũ của chùa là Bửu Hương Tự, được dân chúng địa phương dựng lên để có nơi tín ngưỡng và thờ Phật. Đến năm 1937, các Phật tử địa phương thỉnh tỳ kheo Minh Tịnh(40), người vừa mới vân du tu học ở Tây tạng trở về. Sau khi trở thành vị sư trụ trì tại chùa, sư Minh Tịnh đã đổi tên chùa thành chùa Tây Tạng. Chùa nằm trên một ngọn đồi thoáng mát và được bao bọc bởi nhiều cây xanh. Từ khi được xây dựng đến nay, chùa đã nhiều lần được trùng tu. Phía trước chùa Tây Tạng có thờ Hộ Pháp và Long Vương, chứ không phải Hộ Pháp và Tiêu Diện Đại Sĩ như các chùa Bắc Tông khác. 

Chánh điện có cấu trúc hình khối vuông, chính giữa là ngôi tháp tứ giác, có chiều cao trên 15 mét, được thiết trí như một pháp hội khi đức Phật còn tại thế. Ngay giữa chánh điện là tượng Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni đang ngồi, cao khoảng 2,3 mét. Chung quanh đức Phật là các vị Bồ Tát như Địa Tạng, Di Lặc, Phổ Hiền, Văn Thù Sư Lợi, Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, vân vân. Cách thiết trí tầng thượng ở mặt bằng nóc chùa để thờ ‘Ngũ Trí Như Lai’, hệ thống Mạn Đà La trong Phật Giáo Mật Tông(41). Còn ‘Ngũ Trí Như Lai’ là năm vị Phật theo tông Chân Ngôn, gồm: Dược Vương Như Lai (Bhaisajya), Đa Bảo Như Lai (Prabhutaratna), Tỳ Lô Giá Na Như Lai (Vairocana), A Súc Bệ Như Lai (Aksobhya), và Ly Bố Úy Như Lai (Amoghasiddhi). Tượng mỗi vị cao khoảng 1,5 mét, ở tư thế ngồi kiết già phu tọa. Phía trên đỉnh tháp cũng thờ tượng ‘Ngũ Trí Như Lai’, nhưng kích thước nhỏ hơn.
Hiện tại, chùa có dáng dấp gần giống như một ngôi chùa Tây Tạng. Các đức tính của
‘Ngũ Trí Như Lai’ trong Phật giáo Mật Tông Tây Tạng cũng là những đức tính mà người Phật tử theo Mật tông hướng tới. Tưởng cũng nên nhắc lại, sư Minh Tịnh cũng chính là dịch giả của bộ ‘Lăng Nghiêm Tông Thông’, từ chữ Hán sang chữ Việt. Tuy chùa Tây Tạng không phải là một ngôi cổ tự như các ngôi chùa cổ khác ở Bình Dương, nhưng đây là ngôi chùa Tây Tạng đầu tiên trên vùng đất nầy, cũng có thể nói là ngôi chùa Tây Tạng đầu tiên ở Việt Nam, nên ngôi nầy khá nổi tiếng, chẳng những với người Việt Nam, mà còn với nhiều ngoại quốc nữa. Năm 2004, nhiều vị Lạt Ma từ Ấn Độ đã làm chuyến hành hương về thăm ngôi chùa Tây Tạng trên đất Bình Dương nầy.

Tại ấp Thạnh Lợi, xã An Thạnh, huyện Lái Thiêu, cách quốc lộ 13(42) khoảng 200 mét về phía tây, có một ngôi chùa cổ tên ‘Sắc Tứ Thiên Tôn Tự’. Chùa được Gia Tiền Đại Sư, thuộc phái Thiền Lâm Tế khai sơn vào khoảng năm 1773. Tương truyền đến năm 1776, khi Nguyễn Ánh chạy trốn nghĩa binh Tây Sơn, ông đã vào tá túc tại chùa và được thiền sư Gia Tiền tiếp đãi và chăm sóc rất hậu. Chính vì vậy mà về sau nầy, sau khi lên ngôi vua vào năm 1802, Nguyễn Ánh đã ban sắc tứ cho chùa, từ đó chùa mới có tên là ‘Sắc Tứ Thiên Tôn Tự’. 

Chùa được dựng trên một ngọn đồi cây cối xanh tươi, quang cảnh thoáng đãng, nhìn xuống phía dưới là dòng sông Búng lặng lờ uốn khúc, lúc ẩn lúc hiện qua các đồi gò. Năm 1806, vua Gia Long lại xuống chỉ cấp cho chùa 4 mẫu đất công điền và ra lệnh cho các quan chức địa phương trùng tu lại ngôi tự viện. Từ đó ngôi chùa trở thành một trong những ngôi chùa uy nghi tráng lệ nhất trong vùng. Từ xa trông lại, ngôi chùa đứng sừng sững cao ngất trên ngọn đồi, nên dân chúng địa phương còn gọi là chùa lầu. Về sau nầy, các thí chủ giàu có ở địa phương lại cúng thêm cho chùa gần 5 mẫu đất nữa, nên tổng diện tích của chùa lên đến gần 9 mẫu. Nhờ vậy mà từ đó về sau nầy, hầu hết những Phật sự quan trọng của Phật giáo tại Bình Dương đều được tổ chức tại đây. 

Năm 1933, Hòa Thượng Từ Phong đã đứng ra làm Đàn Đầu cho buổi lễ Đại Giới Đàn của Phật Giáo vùng Thủ Dầu Một. Đến năm 1945, thực dân Pháp chiếm đóng khu chùa để làm đồn bót, và ngôi chùa lớn nấy đã bị thiêu hủy vào năm 1946. Đến năm 1955, Tăng Ni và Phật tử trong vùng đã tái xây dựng lại ngôi chùa, nhưng chùa lại bị thiêu hủy lần nữa trong trận tổng công kích Tết Mậu Thân (1968). Đến năm 1970, chư Tăng Ni lại tái xây dựng ngôi chùa lần nữa ngay trên nền chùa cũ, và chùa được trùng tu vào năm 1977. Hiện tại, trong chánh điện có thờ các vị Phật A Di Đà, Thích Ca Đản Sanh, tượng Phật Niết Bàn, cũng như các vị Bồ Tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, Di Lặc, Ác Hữu, và Thiện Hữu, vân vân. Dầu ngày nay ngôi chùa cổ của thời Đại Sư Gia Tiền không còn nữa, nhưng ngoài sau vườn chùa vẫn còn lại 6 ngôi bảo tháp cổ, dấu ấn rõ ràng của ngôi ‘Sắc Tứ Thiên Tôn Tự’ hồi thế kỷ XVIII. 

Chùa Long Hưng

Tại Bến Cát còn có chùa Long Hưng do Hòa Thượng Thiện Hiếu xây dựng vào thế kỷ thứ XVIII. Hòa Thượng còn được dân chúng trong vùng gọi là “Tổ Đỉa” vì ngài có công trong việc giúp dân chúng trong vùng trừ nạn đỉa “lềnh như bánh canh” tại khu Hòa Định. 
Tại Dĩ An có chùa Núi Châu Thới, chùa do Thiền sư Khánh Long xây vào thế kỷ thứ XVII. Đây là một trong những ngôi chùa cổ nhất của miền Nam và cũng là một trong những ngôi chùa cổ nổi tiếng của vùng đất Gia Định xưa, phong cảnh thanh u mà trang nghiêm, đứng trước chùa người ta có thể nhìn thấy cảnh đẹp của toàn vùng Dĩ An. Chùa cách thành phố Biên Hòa chỉ vào khoảng 4 cây số, cách Sài Gòn khoảng 24 cây số và cách thị xã Thủ Dầu Một khoảng 20 cây số. Chùa được xây trên đỉnh núi Châu Thới(43), cao khoảng 82 mét, thuộc xã An Bình, huyện Dĩ An, nay thuộc tỉnh Bình Dương. 

Từ chân núi, người ta phải bước lên 220 bậc thềm mới lên tới cổng tam quan. Theo sách ‘Sơ Khảo Phật Giáo Bình Dương’ của tỳ kheo Thích Huệ Thông, xuất bản năm 2000, có nói về nguồn gốc chùa Châu Thới như sau: “Ngôi chùa đầu tiên ở vùng đất Bình Dương ngày nay được xây vào năm 1612 do thiền sư Khánh Long, trên bước đường vân du hoằng pháp, lên đồi Châu Thới, thấy cảnh hữu tình, sư cất một ngôi thảo am nhỏ để tu tịnh, thảo am được gọi là chùa Hội Sơn, sau đổi tên thành chùa núi Châu Thới.” Theo tấm bảng ghi nơi cổng thì chùa với bốn chữ ‘Châu Thới Sơn Tự’, được xây vào năm Tân Dậu 1612, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu, nhưng năm 1612 không phải là năm Tân Dậu, mà là năm 1681. Có người nói năm 1612, vùng nầy chưa có nhiều lưu dân Việt Nam, nên có lẽ chùa được xây dựng sau khi nhóm người Việt theo lời kêu gọi của công nữ Ngọc Vạn vào định cư ở xứ Nông Nại sau năm 1623. Dầu được xây dựng vào năm nào của thế kỷ thứ XVII thì chùa Núi Châu Thới vẫn là ngôi chùa cổ nhất của tỉnh Bình Dương. Hiện nay, chùa là tập hợp của một quần thể kiến trúc đa dạng, đã được trùng tu nhiều lần trong nhiều thời kỳ khác nhau. 

Trong ngôi chánh điện, phần trên thờ Phật A Di Đà, Bồ Tát Quán Âm, Đại Thế Chí; phần kế thờ Phật Thích Ca Mâu Ni; và phần dưới thờ tượng Phật Đản Sanh. Toàn bộ tượng đồng đều được đúc tại chùa, do nhóm thợ người Huế vào đây thực hiện. Chùa còn thờ bộ Thập Bát La Hán và Thập Điện Diêm Vương bằng đất nung. Đây là hai bộ tượng bằng gốm sứ khá xưa, nói lên sự phát triển mạnh mẽ của gốm sứ vùng nầy. Bên cạnh đó còn có các điện thờ cổ Phật Quán Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, Linh Sơn Thánh Mẫu, Diêu Trì Kim Mẫu, Ngũ Hành Nương Nương, và cả điện thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế nữa. Phải nói chùa núi Châu Thới là nơi dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian địa phương. Năm 1988, chùa khởi công đúc một đại hồng chung theo mẫu của chùa Thiên Mụ (Huế), nặng 1,5 tấn, đường kính 1,2 mét, cao 2 mét, được đặt trên một cái giá bằng gỗ lim đưa vào từ Hà Nội. Từ năm 1996 đến năm 1998, chùa cho đút thêm 7 tượng Phật bằng đồng và xây thêm một tòa bảo tháp cao 24 mét. Năm 2002, người ta xây thêm bên phải thêm ngôi bảo tháp thờ tượng Quan Âm bằng đồng, cao 3 mét và nặng khoảng 3 tấn. Hiện tại, chùa còn lưu giữ trên 55 hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học.

Sau năm 1975, quận Tân Uyên của tỉnh Biên Hòa được sáp nhập vào tỉnh Bình Dương. Tại xã Bửu Long, huyện Tân Uyên có hai ngọn núi đá, đó là núi Long Ẩn và núi Bửu Phong, tuy núi không cao lắm, nhưng cảnh trí rất đẹp. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, núi Bửu Phong cách huyện Phước Chính(44) khoảng 13 dặm, dòm xuống sông lớn, làm hậu vệ cho núi Long Ẩn. Trên núi có chùa Bửu Phong(45), núi và mây trời man mác, cây cối um tùm. Đây là đệ nhất thắng cảnh trong khu vực. Trong khi núi Long Ẩn ở phía Nam huyện Phước Chính khoảng 15 dặm, đất đá lẫn lộn, cây cối xanh tốt. 
Vì núi nầy nằm trong thôn Bình Điện, nên dân chúng ở đây còn gọi là núi Bình Điện. Hình núi uốn cong và cao đẹp, có đá pha lê. Núi nầy làm hậu bình cho văn miếu. Từ Biên Hòa, theo tỉnh lộ số 11 về phía Tây, sau khi qua những khu xóm đông đúc trong xã Tân Thành, đến ngã ba hương lộ 9, là tới xã Bửu Long. Đường tới chân núi khá rộng rãi nên xe cộ có thể di chuyển dễ dàng. Từ chân núi lên đến đỉnh có những bực xi măng rất thuận tiện cho việc lê và xuống núi. Trên đỉnh núi Bửu Phong có ngôi chùa Hang. Ngay phía trước chùa Hang, bên phải có một tảng đá hình đầu con hổ gọi là ‘Hổ Đầu Thạch’, xa xa trên đường mòn có một tảng đá khác có hình đầu con rồng gọi là ‘Long Đầu Thạch’. 
Nhờ hai tảng đá nầy mà cảnh trí của chùa được tăng thêm phần đẹp đẽ. Chùa Hang tạo thành bởi nhiều phiến đá lớn chồng chất lên nhau. Chánh điện và nhà khói (nhà bếp của chùa) thì được xây dựng xung quanh hang. Trong chùa có thờ một tượng Phật 18 tay. Từ trên sân chùa nhìn xuống bốn phía, chúng ta sẽ thấy về phía bắc là sông Đồng Nai, lờ mờ về phía tây là núi Châu Thới, về phía nam là thành phố Biên Hòa, và về phía đông là rừng núi Vĩnh An và Vĩnh Cửu chạy dài đến hồ Trị An.

Đình Bến Thế

Tại xã Tân An, cách thị xã Thủ Dầu Một khoảng 6 cây số còn có một ngôi đình cổ, đó là đình Bến Thế(46), cách quốc lộ 13 khoảng 3 cây số. Theo các bô lão trong vùng, đình Bến Thế là một trong những ngôi đình cổ kính nhất trong vùng, có lẽ đình đã được xây dựng từ năm Minh Mạng nguyên niên (1820), và có thể đã được trùng tu dưới thời vua Tự Đức, vì trong đình hãy còn tấm bảng đế 4 chữ ‘Chung Linh Dục Tú’ bên cạnh lại ghi thêm ‘Tự Đức Ngọ Thu’. Đình được xây dựng bằng gỗ sao trên một gò đất cao, với diện tích còn lại hiện nay khoảng 1.400 mét vuông. Chung quanh đình hãy còn nhiều cây cổ thụ cao đến 40 hoặc 50 mét. Phía trước đình là cổng tam quan, với cổng chính rộng đến 7 mét, và hai cổng phụ hai bên mỗi cổng rộng khoảng 3 mét. Bên trái cổng có một cây đa cổ thụ với rễ cây quấn quít khiến cho rạn nứt nhiều nơi trên cổng. 

Tại thị xã Thủ Dầu Một còn có một ngôi đình cổ, đó là đình Bà Lụa. Đình được xây dựng khoảng năm 1838, nhưng đến khi thực dân Pháp chiếm Thủ Dầu Một, họ đã triệt hạ ngôi đình. Đến năm 1890, dân chúng địa phương xây dựng lại ngôi đình trên nền cũ. Đây là một trong những ngôi đình cổ ở miền Nam, có lối kiến trúc cổ, với những cột gỗ quí. Trên tường có nhiều hoa văn, hoành phi và câu đối. Trong đình hiện vẫn còn nhiều chuông, khánh, binh khí và vật thờ cổ. Ngoài ra, vùng Thủ Dầu Một còn một ngôi đình cổ khác, đó là đình Phú Long, với kiến trúc cổ, hình chữ tam, lợp ngói âm dương, nền lót gạch tàu lớn. Đình gồm có tiền đình, trung đình và hậu đình. Trên mái tiền đình được trang trí bốn con lân đứng hàng ngang, hướng về phía trước. Phần mái của trung điện và hậu điện được trang trí hoa văn cá hóa long và lưỡng long tranh châu, mặt trước của đông lang và tây lang được đắp nổi cảnh ‘bát tiên’ rất đẹp. Đây là một trong những nét đặc trưng của những ngôi đình Nam Bộ với lối kiến trúc cổ kính, hoành tráng, nhưng đầy màu sắc dân gian, và cho đến nay vẫn còn giữ gìn tương đối nguyên vẹn. 

Ngoài những đình chùa với lối kiến trúc cổ xưa, mặc dầu đã bị thực dân Pháp phá hủy rất nhiều, Bình Dương vẫn là một trong những vùng đất ở miền Nam hãy còn rất nhiều những ngôi nhà có lối kiến trúc cổ. Sau năm 1862, ngay sau khi chiếm xong ba tỉnh miền Đông, thực dân Pháp đã ra lệnh triệt hạ hầu hết đình chùa và những ngôi nhà cổ trong vùng Thủ Dầu Một để lấy gỗ xây dựng dinh thự và công sở cho các quan Tây. Chính vì vậy mà hiện nay nếu còn tồn tại những ngôi nhà cũ, thường là những ngôi nhà xa khu chợ ‘Thủ’. Ngay tại chợ Thủ, nếu còn sót lại phải là trường hợp hiếm hoi như ngôi nhà dòng họ Trần ở số 21 trên đường Ngô Tùng Châu, phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một. 

Nhà được cụ tổ 4 đời trước của dòng họ Trần xây dựng từ năm 1835, đến năm 1839 mới xong. Ngôi nhà có hình chữ nhật, gồm 8 căn và hai chái, dài 24 mét, ngang 22 mét, trên một diện tích khoảng 500 mét vuông. Nhà lợp ngói âm dương, và chiều cao của căn nhà thật thấp so với những kiểu cách kiến trúc ngày nay; tuy nhiên, bốn phía đều có cửa sổ, nên bên trong nhà lúc nào cũng sáng sủa và mát mẻ. Toàn bộ vật liệu xây dựng đều được làm bằng những loại danh mộc như mun, sao, cẩm lai, huỳnh đàn, gõ, và trắc, vân vân. Đặc biệt, toàn bộ ngôi nhà được nối ráp với nhau bằng những khớp mộng chứ không dùng một cây đinh nào cả, nên không có chuyện rỉ sét ở đây. 

Bên trong nhà, tất cả những đồ đạt và đồ trang trí hầu như vẫn còn nguyên vẹn, như ba bộ ghế bành tượng khảm ốc xa cừ, với mặt bàn bằng cẩm thạch. Giữa nhà người ta chưng bộ ‘Bát Bửu’ và quanh vách nhà người ta trang trí nhiều tấm liễn và hoành phi chạm trổ rất tinh vi. Ngoài ra, nhắc tới Bình Dương-Thủ Dầu Một cũng nên nhắc tới nhà thờ Lái Thiêu và các cha cố tại đây, những người chẳng những đã có công mang niềm tin Thiên Chúa đến với dân tộc Việt Nam, mà còn có công mang đến Việt Nam những loại cây trái trứ danh từ những miền đất nhiệt đới khác. Ngày nay, Lái Thiêu nổi tiếng là ‘miệt vườn’ của miền Đông Nam Kỳ là cũng nhờ vào công lao của các ngài. Phải nói đạo Thiên Chúa đã có mặt khá lâu trên vùng đất Thủ Dầu Một, có mặt trước khi người Pháp cưỡng chiếm Việt Nam. Ngay từ đầu thế kỷ thứ XIX, họ đạo Lái Thiêu đã được thành lập tại tổng Bình An, thuộc trấn Biên Hòa, và hồi nầy nhà thờ Lái Thiêu là trung tâm của cả giáo phận phía Nam của xứ Đàng Trong. Theo quyển ‘Địa Chí Sông Bé’, xuất bản vào năm 1991, trong chương ‘Truyền Thống Văn Hóa’, nhà văn Sơn Nam đã viết: “Nhà thờ họ đạo Lái Thiêu đầu tiên được thiết lập tại chợ Cây Me, có bàn thờ Chúa do Bá Đa Lộc cho xây đơn sơ vào năm 1771”. 

Theo quyển ‘Lịch Sử Truyền Giáo ở Đàng Trong’ của Launay, xuất bản tại Paris vào năm 1924, kể từ năm 1747, họ đạo Lái Thiêu có tổng cộng 400 giáo dân, và đã nằm trong danh sách 11 họ đạo của vùng đất Trấn Biên. Điều nầy cho thấy họ đạo Lái Thiêu đã được thành lập từ trước năm 1747 rất lâu, vì hồi đó một họ đạo có được 400 giáo dân đã là họ đạo lớn và phải mất nhiều năm mới xây dựng được như vậy. Hiện tại, tại ấp Bình Giao, xã Thuận Giao, huyện Thuận An, trên một vùng gò rừng hãy còn một số mồ mả bằng đá ong của những tín đồ của nhà thờ Họ Gò. Người ta cho rằng Nhà Thờ Họ Gò là ngôi nhà thờ Thiên Chúa đầu tiên tại vùng Lái Thiêu, có thể tồn tại từ trước năm 1747 đến năm 1787. 

Đến năm 1782, sau khi chiến tranh giữa Nguyễn Ánh và Tây Sơn trở nên lắng dịu ở miền Nam, các cha cố và giáo dân tìm cách dời nhà thờ Họ Gò đến nơi khác thuận tiện hơn. Nhờ đó mà nhà thờ Họ Gò được chuyển về ấp Bình Đức, xã Bình Nhâm, và được đổi tên là nhà thờ Lái Thiêu. Tuy nhiên, ngôi nhà thờ nầy chỉ được cất bằng vật liệu nhẹ, mái ngói lợp ván. Đến năm 1894, khi người Pháp đã đặt nền móng cai trị khá vững chắc tại miền Nam, đạo Thiên Chúa hồi nầy cũng phát triển mạnh, nên họ đạo Lái Thiêu cũng lớn mạnh hơn và nhu cầu cho một ngôi nhà thờ lớn hơn cũng được đặt ra. 

Chính vì vậy mà cha sở họ đạo Lái Thiêu hồi đó là Herri Axémar đã đứng ra xây dựng ngôi nhà thờ mới, nhưng đến năm 1895 thì cha qua đời; cha sở mới là Jean Ernest Verrey tiếp tục công trình xây dựng và hoàn tất ngôi Thánh đường vào năm 1897. Có thể nói, đây là ngôi nhà thờ xưa nhất trong vùng Thủ Dầu Một với lối kiến trúc cổ kín, và đây là một trong những cơ sở truyền giáo quan trọng của đạo Thiên Chúa tại miền Nam. Ngoài ra, tại vùng Phú Cường hiện nay trong thị xã Thủ Dầu Một còn có ngôi nhà thờ Chánh Tòa, nhưng ngôi nhà thờ Chánh Tòa nầy chỉ mới được xây dựng vào khoảng thập niên 1930 mà thôi.

Người Long Hồ
Anaheim ngày 3 tháng 8 năm 2011
Copyright © 2012 by Ngoc Tran. All rights reserved.


Nhấp vào Links:


Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2018

Thơ Nhạc: Có Thể Em Chưa Hề Nghĩ




Thơ & Thực Hiện: Quên Đi
Nhạc Đệm: Trần Tiến

Cánh Cò



Cánh cò lặn lội nuôi con
Hoàng hôn ngã bóng cuối non mỏi mòn
Bếp chiều sương khói vẫn còn
Má Ba đâu nữa dáng còm cỏi trông!

Kim Oanh

Mưa Ngâu



Tục truyền tháng bảy mưa Ngâu
Con Trời lấy chú chăn trâu cũng buồn.
(Ca dao)

Thu về tháng bảy, Trời mưa Ngâu,
Đàn quạ nối nhau bắc nhịp cầu,
Chức Nữ, chân qua rơi nước mắt,
Ngưu Lang, tay vẫy đổ dòng châu.
Ngọc Hoàng, gái quý, làm canh cửi!
Thượng Đế, rể hiền, thích giữ trâu.
Cách biệt Sâm Thương mong đại xá,
Sông Ngân thôi thấy cảnh Thu sầu!

Khôi Nguyên

Tứ Tuyệt Lục Bát - Đỗ Bình



Hồn Thơ

Sương mai vướng kiếp bụi trần.
Long lanh trong nắng hóa trân châu ngời.
Phù du một thoáng chơi vơi
Vỡ ra trăm mảnh, chắp lời thơ bay.

Thời Gian

Chiều mưa nhợt sắc cầu vồng
Đời trôi theo ngọn sóng bồng xa quê.
Trăng xa đêm lạnh ngõ về
Hình như chẳng phải bóng thề năm xưa!

Biển Chiều

Viễn xứ ngày trôi mùa xế bóng
Một đời rong ruổi nỗi hoài mong.
Biển chiều bãi vắng nhìn mây nước
Quê cũ mờ xa sóng ngập lòng

Đỗ Bình

Đêm Lạnh



Bài Xướng: 
Đêm Lạnh

Trăng tàn bến lạnh ngõ chìm sâu
Vắng vẻ đàn ai trỗi nhịp sầu
Mộng bỗng đi tìm hương tháng bảy
Thơ còn ngủ đợi gió mùa ngâu
Quầng thâm kẽ mắt ngày xanh tuổi
Sẫm nám làn da buổi bạc đầu
Vết sẹo chưa liền nay rã mảnh
Mai rồi chẳng biết ngược về đâu

LCT (Thạch Hãn)
27/06/2010
***
Các Bài Họa:
Trăn Trở


Lỡ dấn thân vào vực thẳm sâu
Niềm xưa lạnh ngắt cả tim sầu
Trông về ngõ hạ mờ phai bóng
Bỏ lại hiên chiều ướt đẫm ngâu
Vỡ mảnh thề trao vàng úa mộng
Vầy cơn gió trở bạc hoen đầu
Bên thềm mỏi ngóng mùa trăng cũ
Một nỗi đau này biết gửi đâu.

Nguyễn Gia Khanh
***
Tim S
ầu

Tửu cũng vơi dần dạ lắng sâu
Màn đêm lặng lẽ để tim sầu
Duyên nồng Hạ vãn tìm ô thước
Nghĩa vắng Thu về trải giọt ngâu
Chẳng toại ngày kia tình rã cuối
Rằng hay buổi đó nợ se đầu
Bên đời thấy sẽ tan từng mảnh
Bởi số chưa tròn lại rẽ đâu...!

Trần Tòng
27/6/2018
***
Đêm Buồn
.
Thiết nghĩ duyên mình chả đậm sâu
Chùng dây lạc phím trải cung sầu
Lan hờn nắng đổ chờ mưa hạ
Liễu tủi sương vờn đợi tiết ngâu
Chẳng lẽ giông cuồng nơi suối ngọn
Thành ra bão lộng nẻo giang đầu
Thôi đừng huyễn hoặc đời êm sóng
Mộng ảo không hề có nữa đâu
.
Nhẫn Trung
27/6/2018
***
Tình Tan


Bởi chữ ân nồng vốn chẳng sâu
Người đi bỏ lại giấc mơ sầu
Làm đau đớn họ trong ngày hạ
Để xót xa chàng giữa tiết ngâu
Đành đặt nghĩa này câu nghĩa cuối
Rồi thôi duyên đó chữ duyên đầu
Ông tơ nối vội nên là đứt
Sợi chỉ hai phần sẽ đến đâu...?

Hà Ngân
***
Bóng Thời Gian


Vẳng tiếng tơ đàn tận ngõ sâu
Thềm sương giọng dế nỉ non sầu
Đường khuya gió lạnh mềm vai mỏng
Gối lẻ đêm buồn đẫm giọt ngâu
Bỏ chuỗi hồn nhiên chiều nắng hạ
Tìm hương kỷ niệm lúc thu đầu
Thời gian đã bạc mầu năm tháng
Chẳng biết anh giờ lạc những đâu ?

Tường Vân
27/06/18
***
Sầu Loang


Kỷ niệm bao ngày mãi lắng sâu
Buồng tim rũ rượi đếm cơn sầu
Ru đời ngớ ngẩn neo chiều lạnh
Dõi cảnh tiêu điều rớt giọt ngâu
Mộng đã vùi hương hồn gửi gió
Tình chưa trải lối cuộc giao đầu
Cho dòng lệ đắng âm thầm nhỏ
Chết rũ khoang lòng bởi tại đâu.

27/06/2018
Phạm Triều Hải
***
Bài Hồi Họa:
Tận Cùng


Trăng tàn lả ngọn phía đường sâu
Lối nhỏ chìm trong cõi lặng sầu
Lá đổ khô vàng quanh ngõ hạnh
Sương tràn ướt đẫm cả vườn ngâu
Nhìn cơn gió hạ tàn hương lửa
Tiếc mảnh tình xuân rã mộng đầu
Một kiếp phong trần chân lãng tử
Nay còn lại chẳng có gì đâu.

Thạch Hãn
LCT

27/06/2018

Thứ Năm, 23 tháng 8, 2018

Thơ Tranh: Lời Ru Mùa Vu Lan


Thơ: Trầm Vân
Thơ Tranh: Kim Quang

Chiếc Võng



Chiếc võng hằng in bóng mẹ hiền
Một thời thơ ấu đọng trong tim
Câu hò mẹ gởi lòng quê ngoại
Điệu lý cha tìm xe mối duyên

Chiếc võng đan từng những khoảng vuông
Ẩn trong lời mẹ ước vuông tròn
Bao la như cánh đồng bươn trải
Xào xạc trong từng tiếng mạ non

Chiếc võng cho tôi giấc ngủ nồng
Êm đềm như gió mát từ sông
Bôn ba mới hiểu trời cao rộng
Những cánh cò bay lả trắng đồng

Chiếc võng lớn dần những ước mong
Bên tôi san sẻ lúc đau lòng
Mẹ là chiếc võng nuôi hy vọng
Che chở đời tôi lúc bão giông

Bằng Bùi Nguyên

Nhớ Mẹ Hiền



Nhớ thương MẸ lắm, MẸ hiền ơi !
MẸ đã xa con mãi mãi rồi
Đã mấy mươi năm, con mất MẸ
Mà lòng thương nhớ vẫn không nguôi.
MẸ đã đưa con đến với đời
Khổ công dưỡng dục mới nên người
Đến ngày ly loạn, con xa MẸ
Không gặp được nhau, nói một lời.
Ngày Mẹ bước lên tàu thiên cổ
Con đang lưu lạc ở quê người
Không về gặp Mẹ giờ phút cuối
Đau lòng con lắm , Mẹ hiền ơi !!!
Nuôi con nhờ lúc trở về già
Đến lúc Mẹ già, con bỏ đi
Tích cốc phòng cơ, co bất cố
Dưởng nhi đải lão, lão vô nhi.
Hương lòng bốc khói tận trời xanh
Tưỡng nhớ công ơn đấng sanh thành
Đã lở kiếp nầy con bất hiếu
Con nguyền đáp nghĩa, kiếp lai sanh.

Hoa Đô,Mùa Vu Lan
Trần Gò Công/ Lão Mã Sơn       

Gởi Em

(Ảnh của Tác Giả)
Nỗi nhớ có mầu gì. Em hỏi.
Nỗi nhớ gởi đi.
Có mầu trắng, hoa mận hậu Mộc Châu tháng ba.
Có mầu vàng trên triền dốc cuối năm, hoa cải.
Có mầu đất cao nguyên vừa cày vỡ.
Có mầu mận tháng năm chín đỏ.
Có chiều đông, lạnh mù sương phố thị.
Và nỗi buồn không gởi được, cùng đi.

Nỗi nhớ có cần đâu óng ả.
Đủ sắc mầu, trong giấc mơ đêm vội vã.
Cũng chẳng cần thần linh cho phép lạ.
Để nỗi nhớ anh.
Lấy hết mầu xanh biển cả.
Lấy trời Saigon chờ thu, khi cuối hạ.
Lấy chút bâng khuâng, của gió chiều hôm là lạ.
Gởi cùng nỗi nhớ cho em.

Chỉ ước là nỗi nhớ theo em.
Cho em quên đi buồn đau hành hạ.
Cho em qua cơn đau vật vã.
Cho em được ngủ yên...trọn giấc mỗi đêm.

Hhai
P/s : trái mận hậu huyện Mộc Châu, Sơn La là một thương hiệu trái cây.

Kiếp Nhân Sinh


Xướng:
Kiếp Nhân Sinh


Nghiệp quả xô nhau bám kiếp người,
Nhân sinh ngoảnh lại mấy lần vui?
Chào đời run rẩy oa oa khóc,
Kiếm sống sầu tơi mếu máo cười.
Dằng dặc khổ đau buồn lắng đọng,
U hoài tan họp lệ đầy vơi.
Cái già xồng xộc tháng ngày lụn,
Thất thập mệnh tri tạ Đất Trời.

Mailoc
8-15-18
Các Bài Họa:

Sinh Lão Bệnh Tử


Thất tình lục dục bám theo người
Lẩn quẩn nhân duyên tọai ý vui
Mở mắt chào đời chu miệng khóc
Mọc răng mừng bé hé môi cười
Thoi đưa tháng lụn gân tay nổi
Thấm thoát năm chầy nước mắt vơi
Sức khỏe tiêu hao nên dưỡng lão
Cao Đài nương bóng tạ ơn Trời

Mai Xuân Thanh
Ngày 18/08/2018

Kiếp Nhân Sinh

Tiên thiên nào biết kiếp con người,
Khóc chóe cuộc đời qủa chẳng vui !
Sinh xuất bôn ba ràng buộc sống,
Lão lai thất thập tự do cười !
Bệnh hành vốn dĩ tư là vậy,
Tử biệt lẽ thường bỉ lại vơi !
Cuộc sống sinh sinh rồi hóa hóa,
An nhiên nhập thổ thuận theo Trời !

Đỗ Chiêu Đức

1948-2018
* Nhớ bài hát nói
" Chữ Nhàn " của Nguyễn Công Trứ :
Thoạt sinh ra thì đà khóc chóe,
Trần có vui sao chẳng cười khì ?
***
Tự Ngẫm 
Bể khổ trùng lai đọa phận người
Sương mưa dầu dãi mỏng niềm vui(!)
Thân nghèo kiên định quang tầm mắt
Đời hận khinh khi trả nụ cười (!)
Chân thật thẳng ngay lòng chẳng nhụt
Tín trung nhân ngãi dạ khôn vơi
Bần thanh thơi thảnh cùng con cháu
Vạn vật ư tâm thuận ý trời.

17-8-2018
Nguyễn Huy Khôi
***
Mẹ Tôi


Từ đau đớn cũ buộc theo người
Mẹ cố oằn mình con được vui
Tối giấu lưng tròng ngâm giọt lệ
Ngày đơm nửa nụ thoảng môi cười
Tang thương lắm nỗi đày khôn dứt
Oan trái bao lần đọa chẳng vơi
Gánh nặng không chồng san sẻ bớt
Lê thê một kiếp khổ kêu trời!

Lý Đức Quỳnh
***
Vô Thường
 

Sinh ra đã được kiếp con người
Thế cũng là may, hãy cứ vui
Hơn bọn cỏ cây không mắt ngó
Khác loài sỏi đá chẳng môi cười
Có buồn mới quý khi vui đến
Ngập khổ thêm mừng lúc rủi vơi
Lão, tử...muôn đời ai tránh khỏi
Nhường nhau đất sống dưới gầm trời!

Phương Hà
(18/08/2018)
***
Hãy Cố Tìm Khuây

Đừng bi quan mãi hại thân người
Hãy cố tìm khuây để được vui
Vẫn biết nhân sinh luôn khổ lụy
Và hay nghiệp quả mãi đầy vơi
Có khi con tạo xoay thời thế
Lắm lúc bể dâu chuyển số Trời
Thôi hãy yên tâm theo định mệnh
Tâm hồn thanh than mĩm môi cười

Songquang
8/19/18
***
Kiếp Nhân Sinh

Dài lâu nhiêu nhỉ ấy đời người?
Nỗi khổ nhiêu hơn so với vui .
Đây hả nhìn hinh thời mếu khóc
Bạn sao thấy cảnh hẳn toe cười ?
Những mong cái xấu thời tan hết
Và muốn tinh thân mãi chẳng vơi
Nâng tách trà thơm chào buổi sáng,
Cám ơn bạn hữu tri ân trời.

Thái Huy
25/8/18 
***
Kiếp Nhân Sinh
1/
Ngẫm lại nhân sinh, một kiếp người:
Những ai đau khổ, những ai vui?
Kẻ vui, vui lắm, vui nên nhộn
Ai khổ, khổ dai, khổ khó cười.
Chi khiến đa đoan, rồi cám cảnh 
Bởi chưng so sánh, mới đầy vơi 
An nhiên như tớ, buồn vui mặc:
Trời thưởng bao nhiêu, tạ lộc trời. 

2/
Trời thưởng bao nhiêu, tạ lộc trời.
Cớ chi mà nước mắt đầy vơi ?
Hơn thua, ngẫm lại, bao người khóc;
Được mất, so ra: lắm kẻ cười !
Ta đã tuổi nầy, chi bận nữa.
Đời đà thế đấy, hãy nên vui.
Bình tâm, ngẫm lại: Đời muôn mặt!
Cứ sống, cho xong trọn kiếp người.

Danh Hữu
Paris, 26.8.2018
***
Kiếp NhânSinh

Buồn thương giễu mệnh số con người
Sướng khổ liên hoàn những cuộc vui
Mở nhãn quang dò toe miệng khóc
Nhờ ân bảo dưỡng hé môi cười
Duyên đời ước thả bầu khôn cạn
Tấn kịch tuôn tràn cảnh cũng vơi
Điểm chuỗi năm dài toan thất thập
Hoà say thế tục hưởng cơ trời

Mai Thắng 
180901
***
Kiếp Nhân Sinh

Gian nan không ngớt để nên người
Trong chỗ nghèo xơ cũng có vui
Áo vá chân trần luôn vững đứng
Nhà xiêu bếp nguội vẫn tươi cười
Lâm nàn nhẫn nhục mài gươm bén
Vượt cảnh âu sầu biết khổ vơi
Một kiếp trần lao vào đoạn cuối
Xem tuồng thế sự giống mây trời.

Cao Linh Tử

23/9/2018

Thứ Tư, 22 tháng 8, 2018

Thơ Tranh: Câu Ngâm Của Người Con Đi Xa


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh


Mẹ Là



Vỡ lòng tập viết câu ca
Trái tim mách bảo: Mẹ là nguồn thơ
Mẹ là câu ví đò đưa
Mẹ là dòng sữa chảy từ lúa non
Mẹ là giọt nắng đầu thôn
Mẹ là bờ dậu xanh rờn mồng tơi
Những khi trái gió trở trời
Tìm về với Mẹ là tôi yên lòng.
Mẹ là bếp lửa đêm đông
Là luồng gió mát con mong trưa hè
Mẹ là hơi thở đồng quê
Mẹ là lá chắn sợ gì bão giông!

Xa nhà nhớ Mẹ ngồi trông…

Huy Phương

Mẹ Tôi - Nhị Hà -Phạm Đăng Hưng


Sáng Tác: Nhị Hà
Ca Sĩ: Phạm Đăng Hưng
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình


Người Bỏ Đi, Quanh Quẩn Nhớ



Người bỏ đi trăng vẫn còn đây
Đường khuya phố nhỏ bóng nghiêng dài
Năm tháng trườn theo màu kỷ niệm
Khăn nhàu dụi tròng mắt cay cay...

Người b đi thơ vẫn còn đây
Lời buồn trổ nhánh tóc vai cài
Rót nhớ vào quên cho vơi nhớ
Nhưng sao chén nhớ cứ thêm đầy?

Xuân sang nhớ áng mây Thu
Hạ về nhớ tuyết mịt mù trời Đông
Thu sang lại nhớ Xuân hồng
Đông về nhớ nắng Hạ hong giọt mềm
Giọt nào cho anh cho em
Giọt nào san sẻ đáp đền cho nhau?...

Người bỏ đi tình vẫn còn đây
Đêm sâu heo hút khói sương gầy
Trở giấc quơ tay va gối mộng

Yêu rồi, đâu cần rượu để say!
  
Quýdenver

Phượng Tím Nắng Hè


Phượng Tím Nắng Hè

Ca-Li phượng tím nắng hè
Hình như thiếu vắng tiếng ve bên nhà
Thanh xuân thuở ấy đã qua
Tiếng kêu réo rắt âm ba vọng về.

Buồn thôi nhẹ vuốt tóc thề
Trời xanh nắng lụa tiếng quê mãi còn
Bô-Sa khác với Sài Gòn
Nhớ thời tuổi ngọc lối mòn Nguyễn Du.

Lá me tua tủa gió thu
Nửa đêm về sáng mịt mù hơi sương
Lóc cóc thổ mộ bên đường
Hí vang vó ngựa lòng vương vấn sầu.

Trời làm tháng bảy mưa ngâu
Đành thôi lỗi hẹn dạ sầu đau thương
Giặc về chạy loạn tha phương
Không lời từ tạ đoạn trường ra khơi.

Trầm luân là số kiếp người
Xôn xao nỗi nhớ tơi bời niềm thương
Vườn ai hoa sứ ngát hương
Công viên bóng ngã con đường me cao.

Đáy hồ lồng bóng trăng sao
Phút giây hồi tưởng mà nao cõi lòng !
Xác xao tiếc nuối mênh mông
Thời gian thấm thoát chờ trông ngày về.

Dòng đời chìm nổi nhiêu khê
Bao mùa lá đổ lời thề chưa tan
Mấy mùa hoa nở, hoa tàn...
Còn nguyên mộng ước riêng mang trong lòng.

Sài Gòn xưa rợp phượng hồng
Ca-Li phượng nở rực trong nắng vàng
Buồn thương loan tỏa không gian
Mơ về cố thổ dạ càng nhớ nhung.

Dẫu nay xa cách ngàn trùng
Tình nhà tình nước... sầu chung nỗi sầu!

Dư Thị Diễm Buồn
***
Bài Họa: Phượng Đỏ Cần Thơ


Cần Thơ phượng đỏ trưa hè
Thiếu người bạn cũ sầu che hiên nhà
Ngày nào son trẻ đã qua
Bổng nghe tiếng vọng phương xa gọi về.

Nhớ ai buông mái tóc thề
Chiều nghiêng tiếng sóng sông quê vẫn còn
Cần Thơ đâu phải Sài Gòn
Nguyễn bỉnh Khiêm rợp lối mòn phù du ?.

Lá me mù mịt hương thu
Phan thanh Giản cũ - nét mù mờ sương
Cắc cụp hủ tiếu bên đường
Ngang hẻm Hai Địa lòng vương vấn sầu.

Tháng bảy ướt át mưa ngâu
Nhớ người xa xứ dãi dầu luyến thương
75 loạn bốn phương
Bỏ ta ở lại - đoạn trường mù khơi.

Chua cay số phận con người
Tù đày lây lất cuối đời còn vương
Hoa bưởi còn ngát mùi hương
Sông còn in bóng con đường dừa cao ?!.

Nhớ ai dưới ánh trăng sao
Bây giờ xa quá nôn nao cõi lòng
Chuyện buồn tiếc nuối mênh mông
Ngày đêm mơ tưởng chờ trông người về.

Thói đời bạc bẽo nhiêu khê
Người đi để lại lời thề chửa tan
Trăng tròn chưa trọn đã tàn
Chúc người bên ấy thênh thang cõi lòng.

Cần Thơ phượng nở đỏ hồng
Ca-Li thung lũng ngập sân hoa vàng
Hởi ai lở nhịp thời gian
Mau về cố quận thỏa lòng nhớ nhung.

Mong người xa cách ngàn trùng
Vui cùng nỗi nhớ - sầu chung nỗi sầu!


Dương hồng Thủy
19/08/2018

Đất Phương Nam I-Từ Tổng Bình An Đến Tỉnh Bình Dương Phần 3


Cây Trái Miệt Vườn Của Vùng Đất Bình Dương:

Ngoài những đồn điền trồng cây tiêu(17), vùng đất xám là vùng đồng bằng bồi đắp bởi phù sa từ các con sông Sài Gòn, Đồng Nai và Sông Bé chạy dài trên 100 cây số, từ Dĩ An, Lái Thiêu, lên Thủ Dầu Một, qua Tân Uyên, tạo nên các vườn cây ăn trái và những cánh đồng màu mỡ tại vùng Lái Thiêu, nổi tiếng miệt vườn của miền Đông với các loại trái cây như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, mít, xoài, mãng cầu, mít tố nữ, vân vân. 

Phải thật tình mà nói, Lái Thiêu là một vựa trái cây nổi tiếng nhất nhì Nam Kỳ, nhưng nổi tiếng nhất là hai loại sầu riêng và măng cụt. Ngày nay ở Sài Gòn, hễ nói đến trái cây là người ta nghĩ ngay đến các vườn cây ăn trái ở Lái Thiêu, đặc biệt là những vườn măng cụt Lái Thiêu. Thật vậy, ở Lái Thiêu có những vườn măng cụt rộng đến hàng chục mẫu đất, với hàng ngàn cây, và mỗi cây hàng năm cho ra vài trăm trái. Măng cụt là một loại trái cây đứng vào hàng đệ nhất đặc sản của Lái Thiêu, có vị thơm ngon khác hẳn với bất cứ nơi nào ở Nam Bộ. 

Măng Cụt có tên khoa học là ‘mangou stana’, tên tiếng Anh là mangosteen, lớn cỡ trái quít, có vỏ dầy với màu nâu đỏ, bên trong trái có từ 5 đến 6 múi màu trắng, có vị thoáng chua mà ngọt và mùi thơm. Khi trái còn xanh, người ta có thể lấy ruột măng cụt cắt mỏng ra để trộn gỏi, ăn có vị chua chua ngọt ngọt, rất ngon. Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí, được nhà Nguyễn soạn trong khoảng từ 1864 đến 1875, bản dịch của Nguyễn văn Tạo, năm 1973, trong mục ‘Thổ Sản’ của tỉnh Biên Hòa, có nhắc đến trái măng cụt tại huyện Bình An, tức địa phận tỉnh Bình Dương ngày nay. Và trước đó, vào thời Minh Mạng, khoảng từ năm 1820 đến năm 1840, nhà vua cũng đã từng biết đến trái ‘giáng châu tử’, tức trái măng cụt. Trong quyển ‘Địa Chí Sông Bé’, xuất bản năm 1991, trong bài ‘Vườn Lái Thiêu’, nhà văn Sơn Nam đã viết: “Theo nhà khảo cổ học Louis Malleret, cây măng cụt có nguồn gốc từ Mã Lai và được đem qua Việt Nam trồng đầu tiên ở nhà thờ họ đạo Lái Thiêu.” 

Vì thấy hương vị đặc biệt của măng cụt, nên sau đó người dân Lái Thiêu đã lập vườn chuyên trồng măng cụt. Theo Ngọc Am trong quyển ‘Địa Chí Sông Bé’, xuất bản năm 1991, trong bài ‘Vườn Cây Trái Lái Thiêu’, hiện nay Lái Thiêu được coi là vùng có diện tích trồng măng cụt lớn nhất vùng Đông Nam Á. Tuy nhiên, theo thiển ý, có lẽ tác giả Ngọc Am muốn nói đến thời kỳ sau năm 1897, tức là lúc Thủ Dầu Một được thực dân Pháp chọn làm thí điểm canh nông đầu tiên tại Nam Kỳ, vì thời đó đất đai Lái Thiêu hãy còn bao la bạt ngàn với những vườn cây măng cụt, chứ ngày nay sau khi vùng Bình Dương được công nghiệp hóa, diện tích trồng cây ăn trái đã bị thu hẹp, nên không thể nào hiện nay diện tích vườn măng cụt ở Lái Thiêu vẫn còn nguyên vẹn như xưa được.


Miệt vườn Lái Thiêu còn có một loại trái cây thuộc hàng đặc sản, và sự nổi tiếng của nó cũng không thua gì măng cụt, đó là trái sầu riêng, tên tiếng Anh là durian, tên khoa học là ‘duris zibethius’, cũng có nguồn gốc từ Mã Lai(20). Phải nói sầu riêng là một trong những loại cây sinh sống giữa vùng xích đới và nhiệt đới và rất khó trồng. Tuy nhiên, đất Lái Thiêu là vùng đất tốt, nên trồng loại cây ăn trái nào cũng ra bông kết trái thật nhiều mà không thay đổi hương vị nguyên gốc của nó. Trái sầu riêng có lớp vỏ rất cứng và có nhiều gai nhọn, bên trong chia làm nhiều múi, mỗi múi chứa khoảng từ 2 đến 3 hạt, mỗi hạt đều được bao bọc bởi một lớp cơm dầy, có màu ngà, với mùi thơm nồng và gắt; tuy nhiên, rất nhiều người không chịu nổi mùi sầu riêng. Ngày nay, trên đất Bình Dương người ta lập vườn khắp nơi để trồng sầu riêng, nhưng có lẽ không đâu sánh bằng Lái Thiêu.

Nhờ mùi thơm nồng nên sầu riêng còn được các nhà ẩm thực pha chế vào một số thực phẩm thông dụng như kem, mứt, bánh, kẹo, xôi chè, vân vân. Ngoài hai loại đặc sản của vùng đất Bình Dương là măng cụt và sầu riêng, mít tố nữ Bình Dương cũng nổi tiếng không kém. 
Đây là loại mít trái nhỏ, múi không dính với sơ, chỉ cần xẻ dọc một đường ngoài vỏ, rồi chẻ ra thì sơ sẽ dính hết vào vỏ, còn lại là những múi bám chặt vào lõi. Mít tố nữ có mùi thơm ngon và ngọt không có loại mít nào có thể sánh bằng.

Khi đến vùng Lái Thiêu-Thuận An, người ta sẽ thấy hiện ra trước mắt một cảnh quang ‘miệt vườn’ hết sức đặc sắc của miền Đông Nam Phần, với một màu xanh của những vườn cây ăn trái bạt ngàn rộng hàng ngàn mẫu đất. Đây là một vùng sông, nước, kinh, rạch san sát nhau bên tả ngạn của sông Sài Gòn. Nếu chúng ta đến đây vào những ngày mùa trái chín, chúng ta sẽ thấy trên nền xanh của miệt vườn rộn ràng vui mắt với đủ màu đủ sắc của những loại trái cây chín như vàng, tím, đỏ.. với tràn đầy hương vị nồng nàn của mít tố nữ, sầu riêng, măng cụt, dâu, xoài, ổi, mận, vù sữa, chôm chôm. Vào năm 1972, có lần tôi theo anh bạn về quê của anh ta ở Lái Thiêu, nhân tiện tôi đã đi một vòng quanh những làng vườn trái cây Lái Thiêu. Có đến tận nơi, có thấy tận mắt những sinh hoạt của người dân miệt vườn Lái Thiêu mới thấy được khung cảnh sinh hoạt cũng như những tình cảm gắn bó mà họ đã dành cho làng quê của họ, thật chân chất mà thật khắng khít. Tôi nghĩ người dân Lái Thiêu yêu làng quê của họ đến độ không một thứ gì có thể tách rời họ ra khỏi nơi mà họ đã sanh ra và lớn lên.


Ngoài những đồn điền trồng cây tiêu và những trái cây nổi tiếng như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, mít, xoài, mãng cầu, mít tố nữ, vân vân, Bình Dương còn nổi tiếng với những đặc sản như bánh bèo bì chợ Búng và bún tôm Châu Trúc. Bánh bèo bì chợ Búng được làm từ loại bột gạo đỏ rất thơm. Sau khi đổ bột vào khuôn, người ta bỏ vào bên trên cái bánh một ít đậu xanh không vỏ đã được quết ra cũng thành bột. Thường thì trong một dĩa bánh bèo người ta để thêm vào thịt heo khìa trộn thính rồi cắt thành sợi như cọng bún (giống như bì của miền Tây, nhưng không có da heo). Khi ăn chỉ cần thêm vào một ít dưa chua, rau thơm, giá sống và rắc đậu phộng đâm rồi chan nước mắm tỏi ớt lên chúng ta sẽ có một dĩa bánh bèo bì chợ Búng thật đặc sắc. Còn bún tôm Châu Trúc cũng ngon không kém gì bánh bèo bì chợ Búng.

Nghề Mộc Và Nghệ Thuật Điêu Khắc Trên Gỗ Của Tỉnh Bình Dương:


Ngày trước, hầu như toàn bộ các miền đất Bình Dương, từ Phú Giáo qua Dầu Tiếng, xuống Thủ Dầu Một, Thuận An, Tân Uyên, và Dĩ An... đi đâu đến đâu người ta cũng thấy rừng là rừng. Đối với dân Bình Dương, rừng là huyết mạch, rừng là tài sản quí báu mà vùng đất nầy đã ban tặng cho họ. Mà thật vậy, rừng Bình Dương đã không phụ lòng người tại đây, vì trong những khu rừng nầy người ta sẽ tìm thấy toàn là những loại gỗ tốt như sao xanh, sao vàng, sao đá, sao chân tôm... Đây là những danh mộc quí hiếm cho kỹ nghệ đóng ghe xuồng. Ngày trước, nghe nói đến ghe ‘Thủ’ ai cũng phát thèm vì chất lượng tốt của gỗ, cũng như độ bền và sức chịu đựng dưới nước của chúng. 

Có lẽ ngày nay không còn những khu rừng sao bao la bạt ngàn như vào thập niên 1950 nữa, nhưng ngày trước, về phía bắc Thủ Dầu Một, những cây sao mọc thành rừng. Chính vì vậy mà ngày nay vẫn còn những địa danh như ‘Sở Sao’, ‘Dầu Tiếng’, vân vân. Ngoài cây dầu và cây sao ra, rừng Bình Dương còn có rất nhiều loại gỗ quí khác như gõ, huỳnh đàn, giáng hương, trai, vân vân. Cây gõ là một loại cây có thớ thịt tím thâm, cứng và rất nặng, người ta thường dùng gõ làm cột nhà, vì nó có thể chịu đựng hàng mấy trăm năm. Cây huỳnh đàn có sớ thịt trắng, có thể chịu đựng lâu năm dưới đất, nên người ta thường dùng huỳnh đàn để đóng hòm. Cây giáng hương có mùi thơm, màu gỗ cũng tốt như cẩm lai nên người ta thường dùng nó để đóng bàn ghế. Cây trai là một trong những loại cây rất bền, có thể chịu đựng hàng trăm năm không mục. Dầu trai rất tốt, thường được dùng để trét ghe xuồng. Muốn lấy dầu trai, người ta đụt vài cái lỗ gần gốc cây, rồi đốt lửa vào cho nhựa chảy ra, mà dân địa phương gọi là dầu rái. Đây là một trong những nguồn tài nguyên quí hiếm và đặc biệt của vùng đất Bình Dương.

Chính nhờ tài nguyên lâm sản phong phú như vậy mà Bình Dương ngày nay rất nổi tiếng về ngành mộc và nghệ thuật điêu khắc cũng như chạm trổ trên gỗ. Cũng như các vùng khác của miền Nam, cư dân Bình Dương ngày nay đều là con cháu của các lưu dân vùng Thuận Quảng từ miền Trung Việt Nam đi vào thời khẩn hoang lập ấp. Ngoài những nông dân và những người không có nghề nghiệp chuyên môn, còn có rất nhiều người thợ thủ công đủ các loại ngành nghề. Khi vào vùng đất miền Nam đầy hứa hẹn nầy, từ nông dân đến những người thợ chuyên môn, vừa hành nghề và cũng vừa truyền nghề lại cho những thế hệ sau nầy. Nhờ vậy nên chỉ sau thời khẩn hoang lập ấp chừng nửa thế kỷ, nghĩa là đến giữa thế kỷ thứ XVIII, ngành mộc và điêu khắc trên gỗ tại vùng Bình Dương ngày nay, tức vùng tổng Bình An ngày trước, đã lên đến tột đỉnh nghệ thuật. Đến cuối thế kỷ thứ XIX, đầu thế kỷ thứ XX, sản phẩm ngành mộc tại các vùng Lái Thiêu và Thủ Dầu Một đã được ưa chuộng trong nhiều tổ hội chợ tại Hà Nội cũng như tại Pháp. Hiện tại, tại thị xã Thủ Dầu Một vẫn còn những ngôi nhà bằng gỗ quí, chỉ nối kết bằng các khớp mộng, chứ không dùng đinh sắt. Trong những ngôi nhà nầy, các bao lam đều được trang trí bằng các công trình mỹ thuật chạm trổ hết sức tinh vi, từ các bức tranh bông sen, chim cò, chim phượng, đến bát tiên và lưỡng long tranh châu, vân vân. Sau khi đã đi qua và quan sát các loại hình chạm trổ trên gỗ nhiều nơi tại miền Nam, mình mới thấy quả là chưa có nơi nào có thể qua mặt được Thủ Dầu Một về mặt nầy. Năm 1901, thực dân

Pháp đã thành lập trường Mỹ Nghệ Thực Hành tại Thủ Dầu Một, còn gọi là trường Bá Nghệ, chuyên dạy đủ thứ các ngành nghề liên hệ đến ngành mộc.
Bên cạnh những người thợ thủ công lành nghề người Việt Nam, phải nói người Hoa cũng góp phần không nhỏ trong việc đưa ngành mộc và chạm trổ trên gỗ của Bình Dương lên hàng đầu. Họ là hậu duệ của những người Minh Hương đã cùng tướng Trần Thượng Xuyên đến khai phá vùng Cù Lao Phố hồi hậu bán thế kỷ thứ XVII, rồi sau đó tản mác đi khắp các tỉnh miền Đông. Do nhu cầu tạo tác tượng thờ trong các đình chùa, như các tượng Phước Lộc Thọ, Quan Công, Bồ Tát, Phật, hay Thập Bát La Hán, Thập Điện Minh Vương, Văn Thù, Phổ Hiền, Hộ Pháp, vân vân, mà những người thợ lành nghề tại vùng Bình Dương đã tạo nên những pho tượng trứ danh, vẫn còn lưu lại đến ngày nay. 

Chính nhờ vậy mà nét đặc sắc của ngành chạm trổ và điêu khắc tại đây là các tượng gỗ với nét mặt vừa trang nghiêm mà hiền hòa, nói lên được bản sắc đặc thù của người dân Nam Kỳ. Ngoài nghệ thuật tạo tác những pho tượng gỗ, người Bình Dương còn có khả năng chạm lộng(21) trên gỗ những tác phẩm nghệ thuật hết sức đặc sắc như Phước Lộc Thọ, Bát Tiên, Bát Bửu, Mai-Lan-Cúc-Trúc, Thập Bát La Hán, và Mai-Điểu, vân vân. Hiện tại, những tác phẩm trứ danh nầy vẫn còn tồn tại trong các đình chùa ở Bình Dương. Bên cạnh nghệ thuật chạm lộng, người Bình Dương còn có khả năng chạm nổi những bức phù điêu nhằm trang trí các bờ rìa của những tấm hoành phi, liễn đối hay bàn hương án, và các cột tròn trong nhà cũng như tại các đình chùa. Ngoài ra, ngay từ thời xa xưa, người Bình Dương đã biết tận dụng những gốc cây lớn để tạo thành những tác phẩm nghệ thuật hết sức độc đáo và có giá trị thẩm mỹ rất cao.

Ngành Thủ Công Nghệ Sơn Mài Và Gốm Sứ Tại Bình Dương:


Về nghệ thuật sơn mài và điêu khắc trên gỗ chắc không có địa phương nào ở miền Nam có thể qua mặt được Bình Dương. Đối với người Bình Dương, nghệ thuật tạo tác sơn mài và điêu khắc trên gỗ không chỉ đơn thuần là cái nghề kiếm cơm, mà hai ngành nầy đóng vai trò rất quan trọng trong việc giữ gìn truyền thống cổ truyền từ cha anh ngay từ thời còn đi khai hoang trong vùng. Mà thật vậy, ngày nay nếu chúng ta chịu khó ngồi lại để ngắm nhìn một tác phẩm sơn mài hay điêu khắc trên gỗ của Việt Nam, chúng ta sẽ thấy phảng phất đâu đó một trời Việt Nam trong tác phẩm nầy. Đây là những ngành thủ công nghệ có lẽ xuất phát từ những nhu cầu cần thiết của lưu dân buổi đầu đi khẩn hoang. Khi vào các vùng hoang địa của rừng núi miền Đông, lưu dân không mang theo thứ gì, ngoại trừ những hiểu biết về những nghề thủ công nghệ truyền thống đã được lưu truyền từ nhiều đời ở miền ngoài(22), như các ngành mộc, sơn mài, điêu khắc trên gỗ, vân vân. Thêm vào đó, rừng đồi miền Đông Nam Phần thời đó lại có rất nhiều gỗ quí có thể dùng làm nguyên liệu để sản xuất ra sản phẩm, xây dựng nhà cửa, cũng như đóng ghe thuyền cho việc vận chuyển như các loại sao, dầu, cẩm lai, trắc, gõ, mun, trai, huỳnh đàn, giáng hương, vân vân. 

Sau khi xâm chiếm miền Nam, thực dân Pháp đã sớm nhận ra ngành nghề thủ công mỹ nghệ của người Việt rất tinh xảo, nên ngay từ năm 1901, trường Mỹ Nghệ Thủ Dầu Một đã được thành lập, vì từ thời nhà Nguyễn, Thủ Dầu Một đã nổi tiếng với những ngành mộc, chạm trổ, cẩn ốc xa cừ, và sơn mài. Về sau nầy, hầu hết những học sinh tốt nghiệp trường Mỹ Nghệ Thủ Dầu Một đều trở thành những tay thợ giỏi, những nhà giáo hay những nghệ sĩ, họa sĩ tài ba của miền Nam. Đến năm 1964, chánh quyền Đệ Nhị Cộng Hòa đã quyết định biến trường Mỹ Nghệ Thủ Dầu Một thành trường Kỹ Thuật Bình Dương. Từ đó về sau nầy, đã có rất nhiều người đã thành danh từ ngôi trường nầy. Riêng về ngành sơn mài đã phát triển mạnh tại Bình Dương từ thế kỷ thứ XVII. Đây là một trong những ngành thủ công nghiệp cổ nhất của miền Nam, nó đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế cũng như trong cuộc an cư lạc nghiệp của dân chúng trong vùng đất Bình Dương.

Lái Thiêu(23) còn là cái nôi của tranh sơn mài nổi tiếng tại miền Nam, với những làng thủ công nổi tiếng như làng sơn mài Tương Bình Hiệp(24). Từ thị xã Thủ Dầu Một đi trên quốc lộ 13 về phía Bắc khoảng 8 cây số là làng Sơn Mài Tân Bình Hiệp, từ lâu đã nổi tiếng về sản phẩm sơn mài cha truyền con nối. Làng nầy qui tụ những người thợ sơn mài chuyên môn từ các tỉnh miền Bắc và Trung vào Nam lập nghiệp từ giữa thế kỷ thứ 18, và tại đây ngày nay hầu như nhà nào cũng sinh sống bằng nghề sơn mài. Ban đầu thì họ chỉ truyền nghề trong gia đình (cha truyền con nối), mỗi nhà đều làm riêng lẻ, hoặc vài nhà hợp tác với nhau làm thành một công ty, nhưng về sau nầy, do nhu cầu sơn mài lên cao, người Pháp cũng đặt mua tranh sơn mài rất nhiều, nên những người thợ lão luyện từ miền ngoài đã truyền nghề lại cho dân địa phương. Những năm gần đây, để cung ứng kịp với nhu cầu sơn mài sản xuất ra ngoại quốc, hàng chục hay hàng trăm gia đình kết hợp lại thành một công ty tương đối khá lớn, cộng với việc cơ giới hóa các bộ phận làm tranh nên việc sản xuất cũng khá nhanh và sắc xảo hơn. 

Phải nói Bình Dương là một vùng đất có truyền thống rất lâu đời về mỹ nghệ. Đến đầu thế kỷ thứ XX, thì hầu như trai tráng cả làng Tương Bình Hiệp đã trở thành những người thợ tài hoa chuyên điêu khắc trên gỗ, chạm lộng, hay vẽ trên đồ gốm sứ. Sau nầy, những thợ chuyên môn nầy qui tụ lại tại vùng Tương Bình Hiệp, chỉ chuyên làm sơn mài. Vào những năm đầu thế kỷ thứ XX, sản phẩm của họ nổi tiếng từ trong quốc nội ra đến hải ngoại. Chính vì vậy mà vào khoảng năm 1901, khi thực dân Pháp mở trường Bách Nghệ Thủ Dầu Một, họ đã cho mời những tay thợ lão luyện của làng Tương Bình Hiệp về trường giảng dạy. Đến hậu bán thế kỷ thứ XX(25), khi nói đến làng Tương Bình Hiệp người ta mặc nhiên xem nó là làng sơn mài. Vào những năm nầy, làng Tương Bình Hiệp có nhiều xưởng sơn mài nổi tiếng như Thành Lễ và Trần Hà, chuyên môn sản xuất tranh sơn mài để xuất khẩu sang các nước Âu Mỹ. Sở dĩ tranh sơn mài ‘Tương Bình Hiệp’ luôn giữ được tiếng tăm từ xưa đến nay là nhờ những tay thợ giỏi ở đây lúc nào cũng tuân thủ những phương pháp cổ truyền trong kỹ thuật làm tranh như sơn lộng, sơn mài vẽ chìm, sơn mài vẽ mỏng, sơn mài khoét trũng, sơn mài cẩn ốc sa cừ, vân vân. 

Những người thợ lành nghề sơn mài tại vùng Tương Bình Hiệp có khả năng sáng tạo rất cao trong các loại hình vẽ kiểu như hoa lá, long-lân-qui-phụng, phong cảnh địa phương, nông dân làm ruộng, phụ nữ Việt Nam, hay ngư-tiều-canh-mục, vân vân. Sản phẩm làm ra, ngoài những tuyệt tác qua tranh sơn mài, người Bình Dương còn dùng hình thức sơn mài qua những đồ lưu niệm, hộp đựng đồ trang sức, tủ thờ, ghế ngồi, hay bàn ăn, vân vân. Sau năm 1975, có lúc làng sơn mài Tương Bình Hiệp sa sút, trai tráng phải bỏ nghề đi lập nghiệp ở xứ khác. Tuy nhiên, ngày nay ngành sơn mài bắt đầu sống lại, và Tương Bình Hiệp vẫn luôn là trung tâm sơn mài nổi tiếng trong cả nước(26).

Ngay từ khi mới di cư vào khẩn hoang lập ấp ở miền Nam, cha anh chúng ta đã tìm thấy ở Bình Dương với một trữ lượng rất lớn về Kaolin(27) và đủ loại đất sét, là những nguyên liệu cần thiết cho việc phát triển ngành gốm sứ. Và nhắc tới Bình Dương là người ta liên tưởng ngay đến những làng gốm sứ nổi tiếng của miền Nam.

Thủ Dầu Một là một trong hai trung tâm sản xuất đồ gốm sứ lớn nhất của miền Nam Việt Nam(28). Hiện nay, trong tỉnh Bình Dương có ba làng gốm truyền thống đã thành hình và phát triển cho đến ngày nay, như Phước Khánh (Tân Uyên), Lái Thiêu (Thuận An), và Chánh Nghĩa (Thủ Dầu Một). Người sành điệu chỉ cần nhìn vào lớp men tráng bên ngoài là họ có thể biết ngay xuất xứ của loại gốm sứ đó. Lớp men tráng bên ngoài vừa đóng vai trò bảo vệ sản phẩm mà cũng vừa mang phong thái của trường phái đã chế tác ra nó. Hiện tại, ngoài phong thái cổ truyền của Việt Nam, các sản phẩm gốm sứ Bình Dương còn mang sắc thái của các trường phái Trung Hoa(29) như Phúc Kiến, Triều Châu và Quảng Đông, vân vân.

Về phía Bắc và Đông Bắc thị xã Thủ Dầu Một có nhiều đất sét và đất đá ong, nên vùng đất Bình Dương còn nổi tiếng về ngành đồ gồm sứ với hàng ngàn lò gốm. Theo các nhà nghiên cứu về gốm sứ Việt Nam, thì nguồn gốc của gốm sứ Bình Dương xuất hiện từ vùng Tân Phước Khánh, trong huyện Tân Uyên, là nơi có nhiều nguyên liệu thạch cao(30). Khoảng năm 1867, người Hoa ở Bình Dương đã xây một ngôi miếu để thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, trong miếu có trang trí nhiều lư hương và bình hoa bằng gốm sứ có xuất xứ từ làng Tân Khánh. 
Như vậy, người Hoa đã đến vùng nầy từ trước khi ngôi miếu Bà Thiên Hậu được xây dựng. Ngày nay, hãy còn nhiều lò gốm sứ của người Hoa trong vùng Tân Phước Khánh như lò Thái Xương Hòa. Tuy nhiên, về sau nầy, đồ gốm sứ phát triển mạnh sang các vùng Lái Thiêu và Thủ Dầu Một. Hiện nay, tại Lái Thiêu có rất nhiều lò gốm và lò gạch sản xuất với số lượng cao và phẩm chất nổi tiếng cả nước. Các sản phẩm đồ gốm ở đây rất nổi tiếng nhờ hình thức đã phong phú, kiểu cách rất đẹp lại thêm nước men bóng và bền nên được nhiều người ưa chuộng. Nghề gốm sứ Bình Dương(31) có lẽ đã được du nhập vào Lái Thiêu vào cuối thế kỷ thứ XVII, do những người Hoa theo chân các đoàn thuyền buôn đi vào, có lẽ từ Móng Cái đã đi vào Gia Định lập nghiệp. Họ đã phát triển những lò gốm sứ trong vùng Lái Thiêu. 

Ngày nay, vùng Lái Thiêu vẫn còn những lò gốm sứ lớn của người Hoa, như lò Anh Ký, Quảng Thái Xương, Kiến Xuân, Liên Hiệp Thành, vân vân. Ngoài ra, tại Thủ Dầu Một còn có gần 500 lò gốm sứ, và một số làng lân cận như Hưng Thịnh, Tân Phước Khánh, vân vân. Tưởng cũng nên nhắc lại là Lái Thiêu đã sản xuất rất nhiều đồ gia dụng, đồ trang trí mỹ nghệ và sản phẩm sơn mài đã từng tham dự tại các hội chợ nổi tiếng thế giới. Những năm gần đây, tại Bình Dương có nhiều người chuyển hẳn sang nghề làm đồ gốm, nhất là những làng Định Hưng, Thuận Giao, Bình Hòa và Chánh Nghĩa có hơn 500 lò gốm sứ. 

Làng gốm Chánh Nghĩa(32)thời xa xưa còn có tên là làng gốm Bà Lụa, thuộc thôn Phú Cường,huyện Tân Bình. Đước thời Pháp thuộc, làng gốm Bà Lụa thuộc làng Phú Cường, tỉnh Thủ Dầu Một. Gôm Chánh Nghĩa có nguồn gốc từ gốm Cây Mai bên Gia Định và từ Lái Thiêu chuyển lên vào khoảng giữa thế kỷ thứ 19. Có người cho rằng vào khoảng những năm từ 1840 đến 1850, đã có ba lò gốm xuất hiện đầu tiên trong vùng đất nầy (Chánh Nghĩa); tuy nhiên, đa số các lò gốm tại đây đều do người Hoa làm chủ.

Người Long Hồ
Anaheim ngày 3 tháng 8 năm 2011
Copyright © 2012 by Ngoc Tran. All rights reserved.

Nhấp vào Links: