Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2022

Cha Già - Thơ PhamPhanLang - Nhạc Vĩnh Điện - Ca Sĩ Hương Giang


Thơ: PhamPhanLang
Nhạc: Vĩnh Điện 
Ca Sĩ: Hương Giang


Đôi Ngã Âm Dương



Kính dâng hương linh Thầy kính yêu 

Lạnh lùng sương trắng phủ không gian .
Hạ đến mà sao nắng úa vàng .
Hương khói ngậm ngùi mờ di ảnh .
Tiếng lòng thổn thức khúc ly tan .

Gió cuốn hồn con tìm nẻo về .
Ngàn trùng xa cách bóng sơn khê .
Thầy đi ngày ấy mùa hoa phượng .
Thánh thót chuông ngân thật não nề .

Bốn mấy hè rồi lặng lẽ trôi .
Nụ cười như tắt lịm trên môi .
Bềnh bồng nỗi nhớ khung trời ngọc .
Giấc mộng tương phùng đã vỡ đôi .

Biết đến bao giờ về cố hương !
Bao giờ từ giã kiếp ly hương .
Khấn thầy tha thứ vì con đã .
Luân lạc phương trời theo gió sương …

Lâm Hoài Vũ

Cha Là Núi Cao



Con không Cha như nhà không có nóc
Cha qua đời, con khóc mấy mươi Năm.

Tuổi đời của tôi nay đã một trăm
Tôi cố gắng làm một người Cha tốt
Là một cái nóc nhà không bị dột
Để con tôi vui ngày lễ của Cha.

Trăm Năm trong cõi người ta
Mẹ là Biển rộng, Cha là Núi cao

Trần Công/Lão Mã Sơn

Thương Cha


Cha thật hiền hoà với chúng con
Người thề đất nước một lòng son
Bao thời nếm mật tâm không nản
Mất thủa nằm gai dạ chẳng mòn
Áo nhuộm phong sương từ cuối biển
Vai sờn bạt mạng đến đầu non
Gia đình, tổ quốc lo tròn đủ
Cha thật hiền hoà với chúng con

Minh Thuý Thành Nội

Chúc Mừng Ngày Từ Phụ

 

CHÚC ngày tháng Sáu rộn ràng nha!
CHÚC khắp nhà nhà mở tiệc hoa
CHÚC thọ Father dâng mỹ tửu
CHÚC an Từ Phụ hiến Tiên trà
CHÚC lòng trung hiếu luôn bền vững
CHÚC chữ nghĩa nhân mãi hiệp hoà
CHÚC hãy đừng quên ơn dưỡng dục
CHÚC toàn chốn chốn thảy mừng CHA

MỪNG Cha luôn được sống an nhàn
MỪNG kính Phụ thân thọ tuổi vàng
MỪNG chúc niềm vui thêm chất ngất
MỪNG mong hạnh phúc mãi đầy tràn
MỪNG trong gia đạo nhìn con hiếu
MỪNG chốn học đường thấy cháu ngoan
MỪNG Lễ Father’s xin ước nguyện
MỪNG chờ ngày lấy lại gian san….

Phương Hoa 
Father’s Day 2022

Cali Khô Hạn Nhớ Lễ Của Cha

     (Ảnh: XuânThanh)

Cali khô hạn độ Hè - Thu,
Khí hậu qua Đông cũng tối mù.
Mơ tưởng mưa dầm như trút nước,
Chiêm bao mây kéo phủ âm u...

Chia tay dưới nắng trưa buồn bực,
Tạm biệt lên chùa nối gót tu.
Nhạc điệu du dương chào Tháng Sáu,
Nhớ ngày hăm mốt hát như ru !

Cúi đầu cầu nguyện: Nghĩ về cha,
Lễ trọng, thân thương nhớ gọi ba.
Dưỡng dục nuôi con bao khó nhọc,
Sinh thành huyết thống, biết ông bà.

Hai vai gánh vác non sông nặng,
Đôi mắt long lanh sống thực thà.
Nhớ mãi tình cha ghi khắc dạ,
Nghiêm đường từ ái vượt phong ba!

Mai Xuân Thanh

Cuộc Từ Ly

 
(Để nhớ Phêrô Huỳnh Văn Đặng
06/05/1930 - 14/01/2009)

Môi mấp máy như hòa câu kinh nguyện
Lời vô ngôn lạc vào cõi tỉnh, mê
Hoàng hôn đang trải dần làn mây tím
tiễn chân Ba trên miên viễn lối về.

Xưa tùng bách một thời Ba tỏa bóng
Nay cằn khô mà vẫn đượm thâm ân
Dẫu từng phút đang cạn dần sự sống
Ba mãi là cổ thụ chốn nhân trần.

Ba là bóng tùng nguyên, là biển rộng
Lượng từ tâm mang ngàn nỗi yêu thương
Ba như thuyền luôn căng buồm lướt sóng
Chở đàn con vượt bát ngát trùng dương.

Giọt lâm ly ngập ngừng trên khóe mắt
Hạnh phúc vừa chợt đến lúc lâm chung
hay u uẩn của vấn vương, trầm mặc?
Cuộc từ ly luôn mang nét não nùng!

Giấc ngàn thu khép mảnh đời từ phụ
Lời trối trăn như phảng phất trên môi.
Con đã hiểu những gì Ba nhắn nhủ
Xin yên lòng về với Chúa...Ba ơi!

Huy Văn

Tâm Sự Ngày Lễ Cha

 

Hoa tươi trong nắng đóa hoa tươi
Mãn khai rực rỡ mãn khai cười
Cha đã không còn, vì Cha đã…
Hạc vút trời mây…hạc vút trời !

Tầng tầng lớp lớp từng tầng lớp
Trùng khơi công đức tựa trùng khơi
Nuôi con lao nhọc nuôi con trẻ
Công ơn chưa đáp công ơn người

Mười Chín tới đây, Mười Chín tới
Lễ Cha Mỹ đón Lễ Cha rồi
Giọt tủi con trào tuôn giọt tủi
Mồ côi đắng chát phận mồ côi

Viễn khách thêm sầu thân viễn khách
Quê người xót dạ chốn quê người
Mãi ngóng mồ Cha con mãi ngóng
Bóng trăng lặng lẽ bóng trăng soi…

Thanh Song Kim Phú
CA. June/15/2022

Lòng Cha - Thơ Chương Hà - Nhạc Nguyễn Tuấn - Tiếng Hát Đông Nguyễn


Thơ: Chương Hà 
Nhạc: Nguyễn Tuấn 
Tiếng Hát: Đông Nguyễn

Ba Của Simon (Guy De Maupassant) - Thái Lan Dịch


Chuông báo hiệu giờ tan học. Cửa trường vừa mở, bọn nhóc chen chúc nhau để ùa ra cho nhanh . Nhưng thay vì như ong vỡ tổ để bay khắp nơi rồi nhanh nhẹn về nhà ăn cơm như mọi hôm, chúng lại tụm năm tụm bảy , và thì thầm to nhỏ với nhau.
Chỉ bởi vì sáng nay là ngày đầu tiên mà bạn Simon đến trường. Cậu bé là con của mẹ Blanchotte.

Tất cả bọn chúng đều đã nghe ba mẹ chúng nói đến Blanchotte; và cho dù dân làng đều niềm nỡ khi gặp cô ấy, các bà mẹ cũng có thương cảm cô ta nhưng cũng có chút khinh bỉ , và việc này cũng ảnh hưởng đến bọn trẻ, mà ngay cả chúng cũng không hiểu lý do.
Còn về Simon thì chúng không hề biết đến thằng nhóc, vì nhóc chẳng bao giờ ra khỏi nhà và cũng không hề chạy lang thang khắp đường phố hoặc bờ sông cánh đồng. Bởi thế nên chúng chẳng ưa gì cu nhóc; thế là bọn chúng đón chào thằng bé một cách vui thích pha lẫn một chút ngạc nhiên, rồi chúng truyền miệng từ đưa này sang đứa kia thông tin từ một thằng lớn hơn, cỡ mười bốn mười lăm tuổi có vẻ như rành đời, nó vừa nói vừa nháy mắt một cách tinh ranh:
- Này, bọn mày biết không... cái thằng Simon đó...nó không có cha.

Rồi chúng nhác thấy con trai của Blanchotte vừa ra đến cổng trường.
Nhóc có vẻ như khoảng bảy hoặc tám tuổi. Da mặt nó hơi xanh xao, ăn mặc rất tươm tất, có vẻ rụt rè, gần như vụng về.
Nó đang quay lại để về nhà mẹ, bỗng đám bạn vẫn vừa thì thầm và nhìn nó bằng ánh mắt tinh quái và ác độc của loại trẻ con đang mưu tính một vố xấu xa nào đó - chạy đến bao quanh thằng bé và dần dần khép nó trong một vòng vây thật chặt. Thằng bé đứng đó , rất ngạc nhiên và tỏ vẻ lúng túng, không biết chúng sẽ dở trò gì đây.
Nhưng rồi cái tên đã đưa thông tin hất giọng hỏi, nghênh ngang vì đoán trước thành quả sẽ có được:
- Này nhóc, mi tên gì?
Cậu bé trả lời:- Simon.
.Simon rồi gì nữa? tên kia lại hỏi.
- Cậu bé lập lại một cách bối rối: "Simon.
- Tên nhãi kia hét to: "Phải tên Simon gì chứ...như vậy không hẳn là cái tên..Simon cụt lủn".
Thế là cậu bé tội nghiệp nước mắt chực trào ra, lập lại lần thứ ba: - Tên tôi là Simon.
Bọn nhóc cười phá lên. tên phá hoại nói tỏ vẻ tự đắc: - "Bọn bây thấy chưa, nó không có cha."

Bỗng dưng mọi vật trở nên im phăng phắc. Bọn trẻ kinh ngạc khi biết được sự việc kỳ quặc, vô lý, ghê gớm ấy,- một thằng bé mà không có cha ư;- rồi tất cả bọn chúng nhìn chòng chọc vào nó như thể nó là một hiện tượng, một vật thể siêu nhiên, và rồi chúng cảm thấy dâng lên trong lòng sự khinh miệt của mẹ chúng đối với cô Blanchotte, một thứ cảm nghĩ mà cho đến hôm nay không thể nào giải thích được.
Còn Simon, nó phải đứng tựa vào một thân cây để khỏi bị ngã xuống; và nó cứ đúng như thế, như bị chôn chân vì một tai họa không thể nào cứu vãn được. Nó tìm cách để giải thích. Nhưng nó không thể tìm bất cứ điều gì để trả lời bọn kia, và cãi chính cái điều kinh khủng rằng nó không có cha. Sau cùng, gương mặt trở nên trắng bệch, nó nói to lên, nói đại cho rồi: "Có chứ, tôi có cha mà!".
- Ông ấy đang ở đâu? cái thằng ranh con lại hỏi vặn.
Simon không trả lời; nó thật sự không biết. Bọn trẻ rú lên cười, thật sự hứng thú; và rồi trong thâm tâm bọn con nhà nông dân ấy nổi lên ý muốn tàn ác: như là bọn thú trong sân gia cầm thúc giục tất cả bọn gà phải tận diệt một con trong đàn khi nó đã bị thương. Simon bỗng nhớ đến một đứa hàng xóm, con của một bà góa, nó vẫn luôn thấy bạn ấy cũng sống một mình với mẹ nó. - Này, bạn này cũng vậy, bạn không có cha giống tớ nè.
- Có chứ, tôi có cha chứ, thằng bé trả lời.- Thế thì ông ấy ở đâu?- Simon hỏi lại.
- Ông ấy mất rồi, thằng bé tuyên bố một cách hãnh diện, -Ba tôi ở trong nghĩa trang ấy.

Tất cả bọn chúng lại nhao nhao lên tán thành, làm như thể sự việc có cha ở nghĩa trang làm cho bạn của chúng có ưu thế hơn rất nhiều để đè bẹp cái thằng không có ông cha nào hết. Rồi những đứa mất dạy ấy, mà đa số người cha của chúng đều hung dữ, say sưa tối ngày, trộm cắp, và rất thô bạo với vợ, bọn chúng chen chúc nhau để siết chặt vòng vây hơn nữa, như thể chúng là những đứa hợp pháp đàng hoàng, đang muốn bóp nghẹt cái thằng ngoài vòng pháp luật kia.
Rồi bỗng dưng cái thằng nhóc đứng gần Simon nhất lại thè lưỡi ra với vẻ ranh mãnh và hét lên:
- Đồ không cha! Đồ không cha!
Simon dùng hai tay kéo tóc thằng nhóc và đá liên tục vào ống quyển nó, thằng nhóc thì cắn vào má Simon một cách tàn bạo. Rồi bọn chúng ẩu đả nhau. Hai kẻ chiến đấu bị tách ra, Simon bị đánh đập, áo quần rách nát, thân mình bầm tím, lăn tròn dưới đất, ngay giữa vòng vây của bọn nhãi con đang vỗ tay reo hò chiến thắng. Khi nó loạng quạng đứng lên, vừa lấy tay phủi bụi đất dơ bẩn trên áo, có một đứa nói to: - "Giỏi thì về méc ba của mày đi".

Simon bỗng cảm thấy mọi việc như hoàn toàn sụp đổ trước mặt. Bọn chúng mạnh hơn nó rất nhiều, và đã cho nó một trận nhừ tử, nhưng nó không thể nào trả lời chúng được, vì nó biết rằng thật sự nó không có cha. Nó thu hết can đảm, và hãnh diện cố gắng không để nước mắt đang ứ nghẹn trong cổ họng tràn ra. Nó bị nghẹt thở, rồi nó bắt đầu nấc lên từng hồi , rồi thầm lặng khóc.
Khi thấy nạn nhân của mình như vậy, đám kẻ thù của chú bé cảm thấy vui lên, một niềm vui ác độc, và rồi cũng như bọn thú hoang khi vui một cách kinh khiếp, chúng nắm tay nhau, vừa nhảy vòng tròn quanh cậu bé, vừa lập lại như một điệp khúc:
-" Đồ không cha! Đồ không cha!"

Nhưng rồi bỗng nhiên Simon ngưng khóc. Bây giờ nó nổi điên lên. Nó nhặt những hòn đá dưới chân rồi thu hết sức mạnh ném vào bọn ác độc. Hai ba đứa bị ném trúng, chúng phải vừa la vừa bỏ chạy; và rồi cậu bé trở thành như một cao thủ, khiến bọn kia hoảng sợ. Chúng trở nên hèn hạ cũng như một đám đông khi đứng trước một người phẫn kích, chúng tan hàng và bỏ chạy tán loạn.

Còn lại một mình, đứa bé không cha liền bỏ chạy về phía cánh đồng, có một sự việc nó vừa mới nhớ ra và khiến nó đi đến một quyết định quan trọng.
Nó muốn trầm mình xuống dòng sông.
Thật vậy, nó bỗng nhớ rằng cách đây tám ngày, có một người khốn khổ phải đi ăn xin để sống qua ngày đã phải tự tử vì ông ấy chẳng còn xu nào để sống nữa. Khi họ vớt ông ta lên thì Simon có mặt ở đó; và người đàn ông tội nghiệp ấy, ngày thường trông thấy đã thảm thương lắm rồi, xấu xí, bẩn thỉu, lúc ấy sao trông ông ta rất yên phận, vẻ mặt trắng bệt, hàm râu dài ướt sũng và đôi mắt mở to, rất bình thản. Mọi người quanh đó đều nói: "Ông ấy chết rồi". Có ai đó lại nói thêm: -"Bây giờ thì ông ấy hạnh phúc rồi."
Và Simon cũng vậy, nó muốn tự vẫn, bởi vì nó không có cha, cũng như gã đàn ông khốn khó kia không có tiền bạc.
Nó đến gần mé sông, và nhìn nước đang chảy. Vài chú cá đang bơi lượn rất nhanh trong dòng nước trong vắt, đôi khi nhảy lên cao để ngoạm lấy bọn ruồi đang bay là là trên mặt nước. Chú bé ngưng khóc để nhìn đám cá, vì nó bỗng nhận thấy động tác đùa chơi của chúng rất hay. Nhưng rồi cũng như lúc tạm ngưng sóng gió của một cơn bão, bỗng dưng những trận cuồn phong nổi lên làm gãy đổ cây cối rồi lại tan biến đi ở cuối chân trời, ý nghĩ buồn chán lại nổi dậy trong tâm trí nó một cách đau nhói: "Ta sẽ trầm mình xuống đây bởi vì ta không có cha".

Bầu trời nóng ấm, và thật dễ chịu. Ánh dương dịu nhẹ làm cho cỏ cây thật ấm áp. Mặt nước sáng bóng như tấm gương soi. Rồi Simon bỗng cảm thấy những khoảnh khắc thật phúc lạc xâm chiếm hồn mình, rồi cảm giác uể oải lờ đờ khi nó vừa mới khóc xong, khiến nó ao ước làm sao có thể ngủ một giấc ngay nơi này, trên cỏ, trong nắng ấm.

Rồi một con nhái xanh màu lá nhảy trên cỏ. Nó muốn bắt chú nhái kia. Con vật nhảy đi. Simon chạy theo, rồi chụp hụt ba lần liên tiếp. Sau cùng cậu chụp được hai cẳng sau của con vật và bật cười to lên khi thấy con nhái cố vùng vẫy để thoát. Nó chụm hai chân lại, rồi bỗng nhanh chóng xoải dài ra, thẳng tắp; đôi mắt tròn to, hai cẳng trước ngọ nguậy như hai bàn tay. Nhìn con vật nó lại nhớ đến món đồ chơi cũng làm bằng những thanh gỗ nhỏ chéo nhau có thể nhúc nhích như vậy làm cho chú lính gắn bên trên cử động theo.Thế rồi nó nhớ đến nhà của mình, đến mẹ nó, và trở nên buồn tủi , nó lại khóc. Toàn thân nó bỗng run lẩy bẩy; nó quỳ gối xuống và thầm đọc kinh như nó vẫn làm trước khi ngủ. Nhưng nó không thể nào đọc hết lần kinh được, vì nó cứ nấc nhiều hơn, to hơn, làm xáo trộn đầu óc nó.

Nó không suy nghĩ gì được nữa, không nhìn thấy bất cứ gì chung quanh nữa, và chỉ khóc và khóc.
Bỗng dưng một bàn tay to mạnh đặt lên vai nó và một giọng nói ồm ồm hỏi nó:
- " Tại sao mà cháu buồn dữ vậy, cậu bé kia?"
Simon quay đầu lại. Và nhìn thấy một người thợ cao lớn với bộ râu và mái tóc đen quắn đang nhìn nó với vẻ thiện cảm. Nó trả lời ông ta, mắt vẫn còn đầy ngấn lệ và cổ vẫn còn nghẹn ngào:
- Da chúng nó đánh đập cháu... bởi..vì..cháu không ..không ..có..cha..cha..
- Cháu nói sao được, người nào cũng có cha chứ, ông ta vừa nói vừa cười.
Rồi đứa bé nói một cách khó khăn trong những tiếng nấc đau khổ: - "Nhưng cháu ..cháu..thì ..không"
Người thợ bỗng trở nên nghiêm trang; ông ta nhận ra đây là con trai của cô Blanchotte, và cho dù mới đến làng này không lâu, ông ta đã biết câu chuyện của nhà đó một cách mơ hồ.
- Nào, nào, nguôi giận và bớt buồn đi cháu, bé con của ta à, và đi với ta về nhà gặp mẹ con xem nào. Nếu con muốn, con sẽ có... một người cha nhe con.

Rồi hai người cùng đi, người lớn cầm tay người bé, và ông ấy lại mỉm cười nữa, bởi vì ý nghĩ được đến gặp Blanchotte cũng làm cho ông ta vui chứ, nghe đâu cô ấy là một trong những cô gái đẹp nhất vùng; và ngẫm nghĩ rằng, một tuổi trẻ nào đó đã lầm lỗi lại cũng có thể phạm sai lầm nữa...
Hai người đến trước một ngôi nhà nhỏ màu trắng, rất gọn gàng sạch sẽ.
- "Thưa chú, ở đây nè", rồi nó kêu lên" "Mẹ ơi!".

Một người đàn bà bước ra, và nụ cười bỗng vụt tắt trên môi người thợ, vì ông ấy hiểu rằng không được đùa giỡn với cô gái dáng vẻ cao gầy đang đứng với vẻ mặt rất nghiêm nghị, làm như thể cô muốn ngăn cản không cho người đàn ông nào bước qua ngưỡng cửa này nữa, nơi mà trước đây đã có một người phản bội cô ta .
Trở nên rụt rè, ông ấy cầm cái nón trên tay, và một cách chậm rãi, ấp úng nói:
- Thưa bà, tôi mang cậu bé về cho bà đây, cậu bé bị lạc đường cạnh bờ sông.
Nhưng Simon nhảy tót lên bá vào vai mẹ và vừa nói vừa khóc:
- Không phải mẹ ơi, con muốn tự vẫn bởi vì bọn chúng đã đánh đập con.. đánh con..bởi vì con không có cha.

Người phụ nữ cảm thấy đôi mà mình đỏ hồng lên, và đau đớn tột cùng cho đến tận xương tuỷ, bà vội ôm hôn con rất mạnh trong khi những dòng lệ lăn nhanh xuống má. Người đàn ông đứng đó, xúc động, nhưng không biết làm thế nào để bỏ đi. Bỗng dưng Simon chạy đến bên ông ta và nói:
- Chú ơi, chú có muốn làm cha của cháu không?
Không một ai nói lời nào. Cô Blanchotte, không biết phải nói gì và tâm hồn bị dằn vặt vì xấu hổ, đứng tựa vào tường, hai tay để trên ngực. Cậu bé thấy không ai nói gì mình, lại tiếp tục:
- Nếu chú không muốn, cháu sẽ trở lại sông tự vẫn cho xem.
Anh thợ nghĩ rằng cậu bé nói đùa chơi nên vừa cười vừa trả lời :
- Tất nhiên rồi cháu à, ta muốn lắm chứ.
- Vậy thì tên chú là gì vậy, để khi tụi nó hỏi thì cháu biết trả lời tên của chú chứ?
- Philippe, ông ấy nói. Simon im lặng giây lát để cho cái tên ấy in hẳn vào tâm trí mình, rồi nó dang hai tay ra, như thế đã được an tâm rồi, và nói: - A, như vậy thì chú Philippe à, chú là ba của cháu đấy nhé.
Người thợ đưa hai tay ra ốm chú bé lên cao, rồi bỗng dưng hơn vào đôi má nó, rồi sãi những bước thật dài và bỏ chạy đi.

Và rồi sáng hôm sau, khi đến trường, thằng nhãi ranh hôm qua lại cười chế nhạo nó một cách ác độc nữa; đến khi tan học, nó lại có ý trêu chọc nữa, nhưng Simon hét vào tai nó, như thể ném cục đá vào người nó: " Này, ba của tôi tên là Philippe"!
Thế là một tràn tiếng hét vui mừng vang lên cùng khắp:
-Philippe gì?. Philippe rồi thêm gì nữa?.. Philippe cụt lủn nghĩa là gì?..Mày moi cái tên đó ở đâu ra vậy?
Simon không thèm trả lời; và với lòng tin vững chắc không gì có thể lay chuyển được, cậu bé nhìn chúng với vẻ thách thức, sẵn sàng để bị hành hạ nữa chứ không bỏ chạy trước mặt chúng.
Ông hiệu trưởng đến giải thoát cho nó và cậu bé đi về nhà.

Trong suốt ba tháng sau đó, anh thợ Philippe cao lớn thường đi ngang qua nhà cô Blanchotte và đôi khi anh còn đánh bạo gợi chuyện với cô ta khi anh thấy cô ngồi khâu vá bên cửa sổ. Cô ấy trả lời anh rất lịch sự, lúc nào cũng rất nghiêm trang, không bao giờ cười đùa với anh, và không mời anh vào nhà. Tuy nhiên, với tính hơi tự phụ như tất cả quý ông, anh nghĩ rằng cô ấy hay đỏ mặt e thẹn hơn thường ngày khi cô nói chuyện với anh.
Nhưng sự đời, một khi mà thanh danh đã bị tổn hại thì rất khó mà trở lại như xưa, giờ đây trở nên quá bấp bênh, và hậu quả là cho dù Blanchotte cố giữ gìn ý tứ để không bị chú ý, miệng thế gian cũng đã bàn tán xôn xao trong vùng rồi.

Về phần Simon thì cậu bé rất yêu người cha mới của mình, và thường đi dạo với ông mỗi chiều sau khi ông xong việc. Nó rất chăm chỉ đến trường và mỗi khi đi ngang trước mặt bạn thì vẻ mặt nó trở nên rất chững chạc, và không bao giờ trả lời chúng.
Nhưng rồi, một ngày nọ, thằng nhãi ranh trước đây đã tấn công nó lại nói:
- Mày nói dối, mày không có cha tên là Philippe.
- Tại sao vậy? Simon hỏi, có vẻ chạnh lòng.
Thằng nhóc xoa hai tay vào nhau, và nói:
- Bởi vì, nếu như mày có cha, thì ông ấy đã là chồng của mẹ mày rồi.
Simon cảm thấy thật bối rối khi nghe sự lý giải rất đúng ấy, nhưng rồi nó vẫn trả lời: -" Tuy vậy ông ấy vẫn là cha của tôi mà".
- Cũng có thể là như vậy, nhưng ông ấy chưa hẳn là cha của mày, - tên ác ôn ấy lại vừa cười khẩy vừa nói .
Cậu bé con của Blanchotte bèn cúi mặt và vừa đi vừa mơ màng về phía xưởng rèn của già Loizon, Philippe là thợ ở đó.

Cửa hàng đó bị lấp phía sau hàng cây cao. Trời đã sẩm tối lắm rồi; ta chỉ thấy ánh sáng đỏ rực của một lò lửa đang chiếu rọi năm người thợ rèn đang cùng gõ nhịp với tiếng khua đập vào đe một cách đinh tai nhức óc. Tất cả họ đều đứng, cánh tay trần, khí thế sung sức như ác thần, đôi mắt chăm chăm vào miếng sắt nóng rực mà họ đang hành xử: mọi suy nghĩ nặng nề của họ bay lên cao rồi giáng xuống cùng với tiếng búa gõ.
Simon bước vào mà không ai nhìn thấy cậu bé, và cậu đến kéo tay áo người bạn lớn của mình. Ông ấy quay đầu lại. Rồi thì mọi người bỗng đều ngưng việc, và tất cả họ đều chăm chú nhìn hai người. Và trong cái thinh lặng bất thường ấy, giọng nói yếu ớt của cậu bé vang lên.
-Chú Philippe này, lúc nãy bạn nhóc con nhà Michaude nói với cháu rằng chú không hẳn là cha của cháu kìa.
- Tại sao vậy? anh thợ hỏi nó.
Cậu bé trả lời tỉnh bơ, một cách vô cùng ngây thơ:
- Bởi vì chú không phải là chồng của mẹ cháu.

Không ai còn có thể cười được nữa. Philippe đứng đó, áp đầu vào đôi tay vạm vỡ đang cầm cái búa đang chĩa xuống cái đe. Anh ta đang mơ màng. Bốn người bạn đồng nghiệp nhìn anh ta, và Simon tội nghiệp thật nhỏ bé ở giữa những anh chàng khổng lồ ấy đang chờ đợi, lo âu. Và bỗng dưng một anh thợ như đoán được suy nghĩ của cả bọn, nói với Philippe:
- Nghĩ cho cùng, cô Blanchotte ấy là một người phụ nữ tốt, rất can đảm, mạnh khỏe và nền nếp , đã tự vươn lên cho dù phải chống chọi với khổ đau của mình, cô ấy sẽ là một người vợ thật xứng đáng cho một người đàn ông trung thực.
- A, điều này thì thật là đúng, ba người kia thêm vào.
Người thợ tiếp tục:
- Đâu phải lỗi cô ta đâu, nếu như cô ta chưa có được một gia đình đàng hoàng? Họ đã hứa là sẽ cưới cô ta, và tôi cũng có biết một trường hợp như thế, ở đây ai cũng quý trong cô ấy, và cô ấy cũng không làm gì sai trái kia mà.
- Ồ, thật đúng như vậy, ba người còn lại cùng nói .
Rồi người thợ lại nói tiếp: "Cô ta thật cực khổ biết bao, thật tội nghiệp khi phải tự mình nuôi con như thế, hẳn cô ta đã khóc thật nhiều từ dạo ấy, và chỉ đi ra ngoài để xem lễ ở nhà thờ, chỉ có Chúa lòng lành hiểu được thôi.
- Thật chính xác, những người kia trả lời.
Rồi ta chỉ còn nghe tiếng ống bễ lò rèn đang quạt cho lửa rực sáng thêm. Bỗng dưng Philippe quay qua nói với Simon:
- Cháu về nói với mẹ là chiều nay ta sẽ đến nói chuyện với cô ấy.
Nói xong, ông đẩy cậu bé ra ngoài sân.

Ông trở lại làm việc, và ngay tức khắc, năm chiếc búa cùng nện vào đe. Bọn họ đập mạnh vào miếng sắt như thế cho đến khi màn đêm buông xuống, những người thợ mạnh mẽ, sung sức, thật vui vẻ như những cái búa đầy sức sống. Nhưng trong những tiếng nện râm vang ấy, tiếng búa của Philippe át hẳn tiếng ồn của các bạn, gõ đập nhịp nhàng xuống từng phút giây, thật chói tai, như tiếng chuông lớn vang lên trong những ngày lễ hội, chế ngự tiếng ngân của tất cả những chuông khác. Và anh ta, với đôi mắt sáng linh động đang làm việc một cách hăng say giữa những tia lửa rực sáng trên bầu trời đêm.

Bầu trời đầy sao sáng khi ông ấy đến gỡ cửa nhà cô Blanchotte. Ông ấy diện bộ vét ngày chủ nhật, áo sơ mi tươm tất , râu cằm nhẵn nhụi. Thiếu phụ trẻ bước ra đến ngưỡng cửa và nói với ông ta, giọng không vui :
-"Thưa ông Philippe, ông đến vào chiều tối như thế này thật là không tốt chút nào đâu ạ".
Ông ta định trả lời, nhưng rồi lắp bắp điều gì và trở nên bối rối khi đứng trước mặt cô ấy.
Cô ấy lại tiếp:
- " Ông cũng thừa biết là không nên để mọi người bàn tán xôn xao về tôi nữa ."
Và rồi , ông ấy bỗng dưng can đảm lên:
- Có sao đâu, nếu như cô bằng lòng làm vợ của tôi!

Cậu bé không nghe tiếng trả lời, nhưng trong bóng tôi có thể nghe được tiếng thân mình khụyu xuống. Rồi ông ấy lách người vào rất nhanh; Simon lúc đó đang nằm trên giường nghe tiếng một nụ hôn và tiếng mẹ nó thì thầm rất nhỏ.
Thế rồi, bỗng dưng nó thấy mình được nhấc lên cao trên tay người bạn to lớn của nó, rồi ông ấy vừa bế nó trên đôi tay lực sĩ vừa nói thật to:
- Ngày mai con nói với bạn của con, là ba của con tên là Philippe Rémy, chú thợ rèn, và ông ta sẽ đến véo tai đứa nào làm cho con đau nhe.

Sáng hôm sau, trường thật đông đủ học trò, và khi cô giáo bắt đầu dạy học, cậu bé Simon đứng lên giữa lớp, gương mặt xanh xao vì xúc động và thốt lên bằng một giọng run rẩy:
" Cha của tôi tên là Philippe Rémy, người thợ rèn, và ông ấy báo trước là bạn nào làm tôi đau thì sẽ bị ông ấy véo tai đó!
Cậu ta tuyên bố thật rõ ràng như thế.

Bây giờ thì không ai còn dám cười nhạo nữa, bởi vì mọi người đều biết cái ông Philippe Rémy , cái ông thợ rèn ấy, và rồi nói đến ông thì họ cũng biết ông ta là một người cha không thể chê vào đâu được, một người cha mà ai cũng đều rất hãnh diện được làm con của ông.

1879 - Guy de Maupassant
Thái Lan Dịch

Nhớ Ba


Ngày Fathers Day năm nay, lần đầu tiên anh chị em chúng tôi thiếu vắng Ba . Tháng sáu Canada thời tiết đẹp, tôi ngồi bên vườn sau nhà, tưởng tượng bên nghĩa trang Moore ở thành phố Arlington, Texas, phong cảnh đẹp đẽ với những con đường trải sỏi dưới hàng cây Magnolia to cao xòe bóng mát, chắc đang nở những hoa trắng thơm hương tinh khiết và bên những ngôi mộ, là thảm cỏ xanh có ngọn nước phun lên mặt hồ tung bọt trắng xóa, Ba đang nghỉ ngơi trong không gian và thế giới êm đềm đó.

Tôi đã từng kể về xuất xứ cái tên KimLoan của tôi, lẽ ra là tôi tên Thoa như Má tôi muốn, nhưng Ba đã ...nhẹ dạ vô tư nghe theo lời ông nhân viên hộ tịch, muốn tôi được mang tên của nàng ca sĩ “Căn Nhà Ngoại Ô” đang nổi như cồn lúc bấy giờ . Sau này có lần tôi nói đùa với Ba :
- Tại Ba đó, con có hai tên, mà cái tên KimLoan chả có gì đặc biệt!
Ba bảo:
- Tên ca sĩ nổi tiếng mà còn khiếu nại gì chớ ??

Chắc rằng nàng ca sĩ ấy có giọng ca ngây thơ nũng nịu, khuôn mặt đẹp xinh lắm nên chẳng riêng gì Ba tôi, mà còn nhiều ông bố bà mẹ khác đã lấy tên nàng đặt tên cho con gái của mình, bằng chứng là khi tôi đi thi Đại Học bên Việt Nam, cả cái phòng thi của tôi, hơn 50 thí sinh đều có tên “Thị Kim Loan” chỉ là khác nhau họ Nguyễn, Lê, Trần, Phạm ...mà thôi! Ui chao, nổi tiếng đâu chả thấy, chỉ thấy tên mình ...đại trà bao la vô số kể, như ...cá cơm được mùa !

Má tôi mất sớm, đôi khi Ba lo việc cơm nước phụ với bà chị Cả, mà hễ Ba nấu món gì là chúng tôi mê mẩn tới đó, dù chỉ là món đơn giản như canh bí, rau muống xào tỏi . Những ngày vừa hết Tết còn ngán với thịt mỡ bánh chưng, sau đó Ba tôi gom hết các hũ dưa chua, hành muối, củ kiệu, cùng nồi thịt kho tàu còn dư, nấu thành một món canh dưa thập cẩm ngon thần sầu, có đổi cao lương mỹ vị tôi cũng không chịu đâu nhé.
Hồi Ba mất, tháng8 năm 2021, thằng bạn học cũ nhắn tin:
“Xin chia buồn cùng bạn, về sự ra đi của người Bố vô địch cờ tướng quận Gò Vấp”!
Ái chà, hắn hơi nói thách, chớ Ba tôi cũng là vô địch Cờ Tướng, mà chỉ cỡ cấp phường khóm thôi . Đó là niềm đam mê vô bờ bến của Ba . Ba có thể ngồi đấu cờ tại quán cafe của gia đình tôi cả ngày, quên cả ăn cơm . Có lần Ba chạy xe đạp đi chợ, sau khi mua xong các thứ, Ba dắt xe ra ngoài cổng chợ thì thấy đám đông vây quanh một bàn cờ tướng, người ta đặt một thế cờ khó mời các “cao thủ” vào giải, Ba liền hào hứng “nổi máu anh hùng” nhảy vào bàn cờ, rộn ràng những tiếng góp ý của các “quân sư” ồn ào cả một góc đường , một hồi sau, tàn cuộc cờ thì chiếc xe đạp và mớ thức ăn đã không cánh mà bay!! Hôm sau tôi đi học, thằng bạn cùng lớp khoe:
- Hôm qua tui chứng kiến Ba của bà oai phong lẫm liệt tại bàn cờ, ai cũng trầm trồ nể phục, vì đã giải một nước cờ hóc búa, mọi người vỗ tay khen ngợi rần rần!
- Ừa, rồi sau đó ông có chứng kiến... hồi kết, lúc Ba tui mất chiếc xe đạp có còn “oai phong lẫm liệt” nữa không? Còn mấy chị em tui phải chạy ra xóm mua mấy trái trứng về chiên cơm ăn cho xong bữa.

Một lần khác, Ba chạy xe gắn máy đến miệt Long Khánh thăm người làng xưa, đến chiều chạy xe về, đỗ ngay cổng nhà, kêu chúng tôi ra lấy trái mít đem vào, nhưng khi chúng tôi mừng rỡ chạy ra thì chẳng thấy mít ở đâu, thì ra trái mít đã rớt ở dọc đường mà Ba không hề hay biết, vẫn cứ phăng phăng lái xe trên xa lộ . Mấy bà hàng xóm bu lại bảo:
- Ba của chúng mày là người đàn ông vô tư vô lo nhất trần đời!
Có lẽ vì ngày xưa Má tôi đảm đang quá, Ba đi làm Cảnh Sát Quốc Gia, còn Má trông coi cả tiệm giải khát, nuôi một bầy con tám đứa, Ba chỉ phụ hợ má lúc sáng sớm khi chuẩn bị mở quán .

Mà nào Ba vô tư, trên đường đi làm ngang qua đường Mạc Đỉnh Chi thấy người ta mang con cái vào học Hội Việt Mỹ, Ba cũng nhanh chân vào tìm hiểu rồi ghi danh cho các anh của tôi lần lượt vào học, nếu không có biến động tháng 4 năm 1975 thì chắc chắn cũng đã đến lượt tôi rồi .

Mà nào Ba vô tư, bữa đó ba đang ngồi đánh cờ tướng trong nhà vơi ông bác ruột của tôi. Hai ông già chưa phân thắng bại gần một ngày trời, tôi đứng sớ rớ gần đó với khuôn mặt sưng phồng đỏ vì bôi thuốc lang-ben quá liều lượng. Ai dè Ba nhìn thấy, bỏ bàn cờ kêu tôi lại gần hỏi nguồn cơn. Tôi vừa khóc nức nở vừa trình bày rằng, vì muốn da mặt mau hết lang ben nên tôi lỡ ...mạnh tay tra thuốc ào ào, những tưởng sẽ mau hết lang ben, nhưng ngược lại nó làm da tôi rát bỏng, đau đớn. Nghe xong Ba nổi nóng, mắng tôi một trận, rồi săm soi khuôn mặt tôi, bắt tôi ngày mai theo Ba đi bác sĩ để tìm cách...cứu làn da của tôi, kẻo tôi mang sẹo. Vậy đó, mê cờ mà Ba sẵn sàng bỏ ngang chỉ vì sợ còn gái cưng bị ...xấu!

Ba qua Mỹ lúc tuổi hơn 60. Ba vẫn xin đi làm hãng cho đến ngày nghỉ hưu. Đến tuổi 80 ba vẫn chạy xe đạp loanh quanh gần nhà . Mỗi khi gia đình chúng tôi từ Canada qua thăm, ba hăng hái đạp xe ra Phước Lộc Thọ mua trái cây, bánh mì, mua thêm vài tờ báo Việt Ngữ cho tôi đọc . Thuở đó, các tài xế vùng Bolsa có phải dừng xe ngay ngã tư nhường đường cho một ông già mảnh mai, tóc bạc trắng, áo quần mũ nón chỉnh tề, đạp xe bon bon với túi trái cây và mấy tờ báo, thì đó chính là Ba tôi đấy .

Qua tuổi 90, Ba không còn chạy xe đạp, một phần vì mắt kém, và cũng vì phản xạ chân tay đã chậm, dù sức khỏe vẫn còn tốt, chưa phải uống một viên thuốc bệnh nào, không bị “ba cao một thấp” như các cụ lớn tuổi khác . Ba thường bảo, tới tuổi này chết là vừa rồi, nên mỗi ngày còn lại của Ba là mỗi ngày sống rất...vui vẻ, ăn uống nghỉ ngơi để ...chờ ngày về gặp Ông Bà tổ tiên.

Những ngày tháng cuối đời, Ba về ở Arlington, Texas vì có đông con cháu hơn bên California.
Tôi nhớ, lúc ông nội tôi mất khi tôi mười tuổi. Trước lúc nhập quan, bà nội tôi dặn dò đám con cháu: chút nữa các cháu nhớ khóc thật to vào, càng to càng tốt, gào lên kể lể nữa nhá…

Trong đám tang của Ba, chúng tôi bảo nhau, mừng cho Ba đã sống 95 năm đầy đủ một kiếp người, chưa bao giờ sống trong viện dưỡng lão, không dầm dề bệnh tật trong hospital, không đớn đau triền miên, nên chúng tôi đã làm theo lời dặn của Ba khi sinh thời, là hãy đón nhận chuyện ba ra đi, và celebrate 95 năm cuộc đời của Ba, để Ba ra đi thanh thản, không vướng bận ngậm ngùi ...
Thế nên, tại nhà quàn, sau nghi thức phát tang, hai đứa cháu trong gia đình ngồi vào cây đàn piano (của nhà quàn có sẵn) và hát liên tục những bài tình ca êm ái, nhẹ nhàng tỏa bay như làn khói hương nơi bàn thờ, làm nhạc nền background mỗi khi có khách đến viếng, và ngày hôm sau tại nghĩa trang, bên cạnh những giọt nước mắt xúc động của phút tử biệt khi hạ huyệt, chúng tôi đã cùng cất tiếng hát ...
Hát cho người ra đi và hát cho những người ở lại:

“ ...Lá úa trên cao rụng đầy
Cho trăm năm vào chết một ngày ...” (nhạc TCS)

Edmonton, Fathers Day 2022
Kim Loan


Bó Hoa "Father's Day"


Có tiếng gõ cửa nhẹ nhàng...
Con chó Minet nhà tôi gầm lên, chạy ra nhà trước, nó hửi hửi bên trong cánh cửa, coi thử phải người quen không.
Tôi cũng ngạc nhiên, ở Hoa Kỳ từ 1/4 thế kỷ nay, chưa thấy ai tới nhà mà không hẹn trước.
Tôi lén xuống bếp, từ cái view ngó ra cửa sổ, thấy một bà Mỹ trắng ôm bó hoa đẹp lắm, đủ mọi thứ hoa, nhưng toàn thể mầu vàng đủ độ đậm nhạt ...

Phân vân vài phút, tôi mở cửa gỗ lớn, nói qua cửa lưới sắt hỏi bà tìm ai, nếu tôi có thể giúp bà.
Bà Mỹ cũng thuộc giới cao niên, nhưng khá duyên dáng, trang điểm tương đối kỹ càng.
Bà nói: " Con gái tôi nhờ tôi mang hoa tới đây, trao cho Mr. Don, tôi muốn gặp ông Don, please..."

Tôi ngạc nhiên quá, nhà tôi có ai tên Don, gọi là Mr. Don, ông Đông, ôi có phải ông " sông Đông êm đềm " không đây?
Don hay Đông đều không có ở đây, chưa nghe ai nói tới tên đó, ở đây.
Tôi xin lỗi trả lời bà lầm nhà, nhà tôi toàn người Việt Nam, không có ai tên Don cả.
Bà Mỹ lại giới thiệu thêm:" Tôi tên Nancy, hàng xóm nhà này, bà giơ tay chỉ về phía đầu đường Gerkin.
Rồi tiếp lời: con gái tôi mở tiệm hoa trên down town, hình như mấy lâu nay, vẫn có ai đặt bông như thế này, bà cúi xuống bó hoa vàng tuyệt đẹp, rồi nhỏ giọng hơn : Hay là bà cứ nhận dùm, chắc người nhà đặt mua, ghi đúng địa chỉ đây.
Không, tôi không dám nhận, bà nên mang về trả con gái bà, cô ấy sẽ hiểu mọi chuyện thôi.

Bà Mỹ đành phải ra xe, sau khi đưa cho tôi tấm card nhỏ của tiệm hoa ở tận đường " Mặt trời mọc " Los Angeles.
Tôi bâng khuâng với chuyện lạ, và cái tên ông Don nào đó.
Hôm nay, lại cũng đúng giờ đó, 11:00 am, lại có tiếng gõ cửa, tôi lại làm đúng những cử chỉ sáng qua.
Lần này không phải bà Mỹ trắng nữa, mà là một phụ nữ chắc phải 30 tuổi rồi.
Tôi mở cửa: " Vẫn lại bó hoa à? Sao cứ tới nhà tôi  "
Cô gái xưng tên, rồi nói: " Bởi vì có lời hứa, là mỗi dịp Father's day, cô ấy sẽ tặng cho ông Don một bó hoa mầu vàng thế này ".

Nói rồi, cô Hanna mở cái điện thoại ra, cho tôi coi tấm hình người đàn ông châu Á đứng trước tiệm hoa, cô ngần ngừ : "Mr . Don đã liên tiếp mua hoa ở tiệm cô từ hơn 10 năm trước, trả hết tiền rồi, năm nay là năm thứ 10, không thấy ông Don đến , nên cô có ý đưa hoa tới tận nhà, cho ông ngạc nhiên " .

Tôi chẳng biết Mr.Don nào ngạc nhiên, mà chính tôi đang ngạc nhiên. Ông Don châu Á, lại lấy địa chỉ nhà này là sao?
Tôi xin lỗi cô Hanna đó, và xin được coi lại tấm hình .
Cô bán hoa có vẻ mừng, cho tôi xem lại ông Đông ba vạ nào chẳng biết.
Tôi cứ nhìn và nhìn mãi, vì tấm hình trong Iphone cô ấy rất mờ, có lẽ là hình chụp lại từ một tấm hình ở ngoài.
Cô ấy cứ quan sát tôi, và tôi cứ nhận ra từ từ ...
Tôi nhìn lại cô Hanna, như cố nén tiếng thở dài :
" Tôi thấy có vẻ quen quen người này "
Cô Hanna hét lên mừng rỡ:
Bà biết ông Don này chứ, ông ấy ở căn nhà này, mỗi sáng đi bộ ngang qua nhà chúng tôi, để ra cái tiệm cafe Starbucks ngoài ngã tư kia.
Một dịp tình cờ vào ngày Father's day năm đó, tôi gặp ông ở Starbucks down town, tôi thấy ông buồn buồn, thì ra ông ở Mỹ mấy chục năm, mà chưa hưởng được một ngày Father' s day, ông muốn có cảm giác ấy.
Sẵn gia đình tôi mở tiệm hoa, nên tôi có vẻ thích cái cảm giác được tặng hoa cho một người đang ao ước có kỷ niệm về Father' s day.

Sau đó không gặp ông, nhưng mỗi năm vẫn có người tới lấy hoa về cho Mr. Don ,
Năm ngoái không thấy ai tới nhận hoa.
Năm nay chúng tôi thử đi tìm xem Mr.Don đang thế nào ? Đúng lúc 2 hôm nay bà đã thấy chuyện đó .
Tôi cười hiu hắt :
" Quả là ông Đông ấy ở nhà tôi, nhưng ông đã mất 10 năm nay rồi . "
Hanna lại hét vừa đủ cho cô và tôi kinh ngạc:
Trời, hoá ra Mr. Don không còn nữa, thế mà chúng tôi không được biết.
Thì chúng tôi, là tôi đây, không biết chuyện ông Đông tự đặt tiền mua hoa đó cho ông.
Thôi xin lỗi, cho tôi nhận bó hoa này.

Tôi thấy hình như cô Hanna đó khóc, nước mắt chảy ra.
Cô lắc đầu, rồi vùng ôm bó hoa phiêu lưu 2 ngày vừa qua, lủi thủi ra xe cô đậu ở sát lề nhà tôi.
Tôi không biết nói gì hơn, ngày Father's day cuối cùng năm 2006, ông xã tôi có ăn bữa " Ngày của cha " lần ...sau chót ở nhà cùng với chúng tôi.
Thì ra, ông Mr. Don đó là ông D. Cũng tên vần D, nên đã phiên âm cho bà Nancy và cô Hanna là Don cho tiện.

Ông xã tôi có thói quen ít nói, và rất nhiều tình sử, nên tôi không lạ khi tình cờ được nghe hay được thấy một nghịch cảnh nào, nó có vẻ như chuyện ở ngoài đường, không liên hệ tới mình mới lạ.
Song, làm sao biết được những gì xẩy ra trong câu chuyện đã kể đâu đó, hoặc vừa đây.
Điều chỉ biết đối với tôi, từ xưa rồi, không phải mới hôm nay, là tôi luôn luôn được đặt trước một hoàn cảnh vô cùng lãng mạn, trữ tình ...
Hay có thể nói là những cuộc tình thơ đẹp lạ lùng, có thể anh không chấp nhận sự nhẹ dạ, mơ mộng, nhưng chính anh huyễn hoặc, cũng như Mr. Don, đã từng thấy tôi tiếc nuối nhưng không than van bao giờ .
Và nhất là, phải có anh cho tôi thổ lộ ...tâm tình huyễn ảo của mình.

Anh mỉm cười lạ lắm, giống như nụ cười của người vô rừng hoang dã, chợt thấy một bông ngải trầm, rất đẹp, rất thơm, nhưng lại sợ hương độc của loài hoa nha phiến nào đó chưa được khám phá ...

Cao Mỵ Nhân


Thư Ba Viết Cho Con


Hôm nay ngày Father's Day

Ngày của những người cha, trong đó có ba và con. Những người được ơn trên cho nhận một thiên chức vô cùng tốt đẹp và cao quý. Ngày mình có một đứa con.

Ngày đó ba đã hân hoan và xúc động khi bồng con trên tay. Thằng con trai đầu tiên, người sẽ thay ba gánh vác gia đình và duy trì giòng tộc.
Khi bà nội con cuống quít mừng rỡ la lên "Con trai", ba đứng bên ngoài phòng sanh nghe như trái tim mình ngừng đập. Ba quên đi sự đau đớn của má con, quên đi những lúc má con trân người chịu đựng. Quên đi hai bên bờ sống chết người mẹ vượt cạn một mình. Trong phút chốc vui mừng ba đã ích kỷ như vậy đó. Người đàn ông trong ba lúc đó chỉ nghĩ đến con. Đứa con trai đầu lòng yêu quý của ba.
..........

Bây giờ ba đang ngồi trên chiếc xe lăn, hai tay yếu đuối không thể lăn vòng tròn để chiếc xe di chuyển. Hai chân ba bất động và đôi mắt không còn nhìn rõ những cụm hoa cuối vườn.
Chiều qua má con hỏi ba:
-"Father's Day ông muốn quà gì?"
Ba nhìn má con và Ba nói thật lòng:
-" Tôi không cần chi cả. Tôi chỉ cần mình ở bên tôi".

Má con cười, đôi má nhăn nheo hơi đỏ. Bả là vậy đó con, già rồi nhưng nếu ba nói câu nào có vẻ tình tứ một chút là bả đỏ mặt mắc cở. Cuộc đời má con gắn liền với ba từ ngày bả còn con gái. Con gái miệt vườn nước da trắng bóc vì tàng cây bóng mát quanh năm. Bả đẹp lại giỏi thêu thùa bánh trái nên bà nội con chấm cho ba từ ngày ba còn chưa tốt nghiệp trung học.

Còn ba, con trai một trong một gia đình khá giả. Bà cố con cưng ba như ngọc như vàng vì ba là cháu trai đích tôn. Ông bà nội con khó lòng la mắng hay đánh ba một cái. Lúc nào cái bóng bà cố con cũng phủ xuống bao che mọi tội lỗi của ba.
Cho nên từ ngay lúc còn nhỏ ba đã thuộc loại con cưng. Ba luôn vòi vĩnh, muốn gì được đó. Ba coi mình như là cái rốn của vũ trụ mà vũ trụ đó là trái tim yêu thương của ông bà cha mẹ.

Ba có thể hất tung chén cơm xuống đất nếu không vừa lòng, chị của ba phải loay hoay đi dọn, lại còn bị la cho một trận là không biết dỗ dành em. Ba đi chơi nhiều hơn đi học nhưng bà nội ba lại bảo ba còn nhỏ không nên học nhiều tổn hại sức khỏe. Ba có thể lấy tiền bao bạn bè ăn xài mà không bị la rầy. Ông nội con la mắng thì bà cố bao che nói :" Tiền của mày không để cho nó xài thì để cho ai"
Con ơi! cái tư tưởng con trai là nhất, con trai nối dõi tông đường đã làm bà cố con đưa ba vào con đường ích kỷ. Ba không quan tâm tới mọi người xung quanh, chỉ nghĩ đến mọi người phải phục vụ và chìu theo ý mình.
Ba chưa hề nghĩ đến sự cực khổ cha mẹ lo cho mình ăn học. Ba chưa hề nghĩ đến bữa cơm mình ăn là do mẹ chăm chút nấu nướng. Quần áo mình mặc là chị phải giặt sạch sẻ, ủi phẳng phiu cho mình lich sự đến trường. Con mắt ba luôn nhìn phía trước đẹp hơn, tốt hơn để ước muốn và đòi hỏi.

Rồi bà cố con mất, ông nội của con qua đời trong một tai nạn. Gia đình ta suy sụp không còn được như xưa. Nhưng bà nội con vẫn gánh gồng để cho ba không bị thiệt thòi, để ba không cảm thấy hụt hẫng vì thân phận mồ côi. Ba vẫn đến trường và vẫn mang ý nghĩ mình tất cả.
Ba đi học, ba đi chơi, ba sống trong cuộc sống vui tươi của lứa tuổi học trò tươi đẹp. Cho đến một hôm ba về nhà thấy bà nội con nằm trên giường bệnh. Chị của ba cuống quít bên cạnh mẹ. Thì ra do lao lực quá nhiều, bà nội con đã ngã quỵ trên đường đi chợ. Trái tim và thân hình yếu đuối của bà không chịu nỗi với phong ba và bão táp của đời sống.

Chị của ba phải thay mẹ buôn bán nuôi em và lo thuốc men cho mẹ. Ba không còn có những bữa sáng ngon lành vì cô con phải lo cho bà nội trước khi đi đến chợ dọn hàng. Buổi trưa ba ăn qua loa gói xôi hay ổ bánh mì chứ không còn tiền rủng rỉnh để ăn ngon như mình thích. Những bạn bè xôi thịt ngày xưa không còn chơi với ba như trước. Họ lẩn tránh mỗi khi ba đến gần. Ba mới biết sự hào phóng của mình ngày xưa là sai lầm lớn. Ba đã phung phí tiền bạc của cha mẹ và cuộc đời mình một cách sai lầm.

Ba như người tỉnh mộng, khi nhìn cô của con gầy rạc đi trông thấy vì vất vả. Nhìn bà nội con trên giường bệnh đau đớn rên siết từng cơn. Ba nghĩ mình phải làm một điều gì đó để chuộc lại lỗi lầm. Ba vụng về nhóm lửa nấu cho mẹ mình bình nước. Ba phát hiện công việc đơn giản mà mẹ và chị mình làm hàng ngày không dễ dàng chút nào. Những đóm lửa nhỏ nhoi lóe lên rồi không bắt được mồi chợt tắt. Như những mơ mộng hão huyền, những tự cao tự đại về vai vế đàn ông trong gia đình cũng tàn lụn theo.

Ba cố gắng nhiều lần. Thổi lửa ho sặc sụa. Tro bay tung mù trời. Bụi bám đầy mặt, ba mới nấu được bình nước. Ba vụng về pha trà rồi đem đến cho nội của con. Ly nước đầu tiên trong đời tự tay ba nấu đem mời mẹ khiến bà nội con đã khóc. Bà khóc vì thương ba, vì sự suy sụp của gia đình. Bà khen nước ngon lắm nhưng bây giờ ba mới biết là nó rất hôi khói. Đó là lần đầu tiên ba làm một công việc đúng nghĩa của một người đàn ông có trách nhiệm với gia đình.
Con có biết không, ba đã từng nấu cơm dưới khê, trên sống mà cả nhà vẫn chịu khó ăn. Nếu ngày xưa với cơm này ba đã quăng đủa và mắng mỏ, giận hờn. Nhưng bây giờ ăn hạt cơm mình nấu ba mới biết bài học ở trường dạy mình là đúng; "Phải biết quý hạt gạo do người nông dân làm ra. Biết quý chén cơm do người nấu cho mình ăn"

Ba chưa bao giờ thấy mình trưởng thành như lúc đó. Buổi sáng thay vì tới lớp sớm để la cà như xưa. Ba phụ cô của con lo cho nội ăn sáng, dọn dẹp nhà cửa rồi mới tới trường. Tan trường ba ra chợ phụ cô con dọn hàng rồi chị em về nhà cơm nước. Ba không còn thấy mình cần những thứ xa xỉ, những quần áo hợp thời trang, vì đồng tiền làm ra vô cùng vất vả. Căn nhà trở nên ấm cúng hơn, thân tình hơn vì mọi người đều biết nghĩ cho nhau, lo lắng cho nhau.

Ba hãnh diện thấy mình như vậy mới là đàn ông. Ba có cánh tay rắn chắc của thanh niên để chẻ củi thay cho chị. Ba có thể quay nước đầy lu để bà nội con xài. Ba tự mình giặt những bộ đồ mình thay ra mà không cần ai làm dùm. Ba hiểu rõ vị trí của mình trong gia đình. Ba sẽ là cánh tay của chị, là niềm vui và hy vọng của mẹ. Ba không còn tự tôn tự đại để phân biệt chuyện đại sự của đàn ông và chuyện cơm nước bếp núc là của đàn bà. Ba hiểu hơn ai hết câu nói "Khi đói thì đầu gối phải bò"
Ba không ngờ những việc ba làm đã lọt vào đôi mắt xanh của mẹ con, cô bạn đẹp người đẹp nết mà ai cũng thích. Ba đã thoát xác từ một tên học trò lười, ăn chơi lêu lỏng để thành một người con có hiếu, một người đàn ông biết tháo vác lo cho gia đình.

Bà nội và bà ngoại con là đôi bạn học ngày xưa, nội rất thích mẹ con khi mẹ con còn là một cô bé gái. Ngày đó theo mẹ đi chơi, ba thích leo trèo để hái trái cây trong khu vườn rợp bóng. Mẹ con nhỏ nhắn dễ thương loay hoay đâm muối ớt hai đứa cùng ăn, nói cười thơ ngây, vui vẻ. Nhưng càng lớn ba lại thích ở thành phố nhiều hơn vì những thú vui hợp với lứa tuổi. Ba trở nên ngổ ngáo vì được cưng chiều và mẹ con càng lúc càng xa tầm với của ba.
Khi gia đình lâm cảnh khó khăn, Bà nội con bị bệnh, mẹ con thường thay mẹ mình đến nhà thăm viếng nội, đôi khi ở lại nấu cho nội tô cháo hay phụ cô con vào những ngày kỵ giỗ trong nhà. Ba đã phát hiện vẽ đẹp thùy mị, dịu hiền nơi cô bạn học cũ. Ngoài gương mặt xinh đẹp, mẹ con còn có một tấm lòng. Biết yêu thương và tha thứ, giỏi giang nhưng không kiêu ngạo, khoe khoang.

Trong tình hình đất nước chiến tranh, ba phải lên đường nhập ngũ. Mẹ con tiễn ba với giọt lệ ngấn mi. Trong quân trường và suốt những tháng ngày chiến đấu, đối diện với tử thần, ba nhớ mãi đôi mắt mẹ con hôm ấy. Tình yêu của người con gái trao cho ba âm thầm kín đáo. Ba thấy mình không thể chần chờ, ba nhờ những cánh thư từ KBC gửi về để thay ba gửi đến mẹ con những lời giao ước.
Thế là những cánh thư của hai người yêu nhau cho ba một niềm an ủi vô bờ trong những ngày chiến tranh khốc liệt. Ba yên tâm vì bên cạnh nội con đã có người ân cần chăm sóc. Chưa có một lễ nghi chính thức nào nhưng mẹ con đã gánh vác vai trò của một người con dâu trong gia đình ba. Ba càng thương yêu và trân trọng mẹ con hơn.

Mẹ con đã lên xe hoa về nhà ba vào một sáng mùa Xuân tươi đẹp. Sau lễ cưới, ba lại lên đường ra đơn vị. Mẹ con ở lại nhà làm một chinh phụ chờ chồng. Mẹ con đã thay ba lo cho nội khi cô con đi lấy chồng xa. Trong một lần về phép, mẹ con đã mang trong người giọt máu của ba. Con thành hình từng ngày trong tình yêu của mẹ xen lẫn nỗi hoảng hốt lo sợ từng ngày khi chiến tranh càng ngày càng khốc liệt.
Cơn lốc xoáy 30/4/75 tàn khốc tràn về. Ba bị bắt buộc buông súng đầu hàng trong oan ức. Xuôi ngược trong dòng người xuôi Nam hỗn độn, ba đã về lại nhà với hình dáng tang thương của người lính bại trận. Không còn bút mực nào diễn tạ tâm trạng của ba lúc ấy. Xôn xao mừng rỡ gặp lại vợ con. Uất hận trào dâng khi chứng kiến xác đồng bào, đồng đội chết thảm thương. Nhục nhã khi mình phải cởi bỏ quân phục và vũ khí để mưu cầu sự sống. Tất cả những điều đó làm ba mất phương hướng và suy sụp tinh thần.
Một lần nữa mẹ con dìu ba đứng dậy. Mẹ con đã tìm cách trấn an và bảo vệ ba bằng tất cả khả năng mình. Rồi việc gì đến đã đến, ba phải khăn gói 7 ngày đi học tập theo lệnh chính quyền mới. Nhưng sự thật là ra đi không biết được ngày về.
Ba bị tù CS 10 năm, bị chuyển từ Nam ra Bắc. Những khổ cực, gian lao nơi núi rừng Việt Bắc đã hũy hoại cuộc đời ba. Mấy lần ba tưởng mình đã chết. Những cơn đói, những trận sốt rét rừng vùi dập thân thể người tù. Nhưng ba tự nhũ "Phải sống để còn về đoàn tụ" Ba tha thiết được về để giúp đỡ mẹ con, và tìm cơ hội để con thoát ra khỏi cái địa ngục đang giam hảm tương lai.

Bà nội con vì yếu đau, thuốc men không đủ lại nhớ thương ba nên đã vĩnh viễn ra đi. Mẹ con một lần nữa thay ba lo cho nội những ngày cuối đời và mồ yên mã đẹp. Con à! Nói sao hết những gì mà mẹ con đã làm cho ba, những gì mà mẹ con đã hy sinh cho cha con ta có được ngày hôm nay.
Ba đã được trở về nhà với một thân thể tàn phế. Hai chân ba đã bị cả bó tre nứa đè lên trong một lần lao động trên đồi. Bạn tù đã đặt ba lên bè để xuôi theo dòng nước chuyển ba về lán trại. Tưởng đâu ba đã chết vì vết thương mưng mũ mà thuốc men không có. Nhưng nhờ ơn trên, ba đã vượt qua và được trả về nhà . Một tay mẹ con đã lo cho ba và gia đình ta qua cơn khó khăn, đói rách.
Thú thật! Ba có công tạo con ra, nhưng công ơn của mẹ con mới thật là vô cùng không sao kể xiết. Mẹ con đã hy sinh cho chúng ta biết bao nhiêu. Không có ba con vẫn trưởng thành và sống tốt. Nhưng nếu không có mẹ con, ba không biết mình sẽ làm sao để chống chọi nghịch cảnh.

Hôm nay ngày lễ Father's Day, ba lại ngồi viết những dòng này cho con, bởi vì ba bắt được trong đôi mắt con dường như không vui. Con có ý phàn nàn là các con của con yêu mẹ chúng hơn con. Ngày Father's Day chúng tỏ ra không mặn mà bằng ngày Mother's Day của mẹ.
Đừng như vậy con à! Người phụ nữ lúc nào cũng bị thiệt thòi nhiều hơn chúng ta. Khi con tan sở, con có thể yên tâm cùng bạn bè vui chơi, tiệc tùng. Nhưng vợ con phải vội vã về nấu ăn cho cả gia đình, lo cho con cái. Khi con có thể đi công tác xa nhà cả tuần lễ mà vẫn an vui thì vợ con chỉ cần vắng nhà 3 ngày thôi căn nhà đã đổi khác.

Trong trái tim người mẹ, con cái là tất cả. Người phụ nữ dù ở quốc gia nào, chủng tộc nào cũng vẫn gắn liền đời mình với hai chữ hy sinh. Ba công nhận ở đây người phụ nữ được tôn trọng và hưởng quyền lợi nhiều hơn. Nhưng đó là sự công bằng của xã hội. Còn trong gia đình người mẹ vẫn là chỗ dựa tốt nhất cho những đứa con. Dù người mẹ ấy có làm đến Tổng thống hay chỉ là một người công nhân vệ sinh bình thường.

Ba nhớ lời bà nội con đã nói với ba:
- Má không ép con về vấn đề hôn nhân. Nhưng má chỉ dặn con một điều là chọn vợ không phải chọn người thật đẹp. Mà hãy chọn người có trái tim thật tốt. Chọn cho mình một người vợ còn có nghĩa chọn cho con mình một người mẹ đức hạnh và biết hy sinh.
Mẹ con là người phụ nữ đó, Mẹ con đã cho con tất cả những gì bà có. Ba nghĩ vợ con cũng vậy nếu con đem hết tình yêu và niềm tin đặt vào trái tim của cô ấy.
Con à! Hôm nay là ngày Father's Day. Hai cha con ta đều có quà và là những người quan trọng nhất. Mẹ con và vợ con đã chuẩn bị những thức ăn thật ngon cho cha con ta.

Chúng ta là những người đàn ông, là người cha trong gia đình. Ba đã lớn tuổi lắm rồi, lại đau yếu, thương tật. Thời gian còn lại của ba không nhiều lắm đâu con. Cuộc đời ba bị thất bại rồi. Điều ba thấy mình làm đúng nhất là đã đem được vợ con qua đây. Mẹ con đã có một cuộc sống an bình tuổi già. Không vất vả lo lắng vì miếng cơm manh áo hay thuốc men bệnh hoạn. Còn con đã được hưởng không khí tự do và sống theo lý tưởng của mình. Đó là điều ba mãn nguyện.
Ba đã làm cha và con đã trưởng thành. Con đang làm cha và con của con hãy còn nhỏ. Hãy yêu thương và giáo dục chúng đúng hướng nghen con. Dạy chúng phải mạnh dạn dấn thân , thực hiện lý tưởng và làm một người đàn ông đúng nghĩa. Biết yêu thương, tha thứ và san sẻ trách nhiệm gia đình.

Nếu ba ra đi, hãy chăm sóc và yêu kính mẹ con. Người đàn bà đã dâng hiến cả đời vì cha con chúng ta./.

Nguyễn thị Thêm

Lời Nói Dối Của Cha


 
Gia đình nghèo, mẹ cha lớn tuổi
Mới cưới nhau, không hỏi, không xin.
Suốt cuộc đời bẩy nổi ba chìm,
Tần tảo nuôi bầy con bốn đứa.
Cuộc sống là một chuỗi gian khổ.
Thường cơm rau, ba bữa lót lòng.
Nhà ven sông, nhưng cá cũng không.
Vì cha yếu, mẹ thường bệnh hoạn.
Có cá ăn, kể là thịnh soạn.
Nhưng luôn luôn tôi nhận thấy rằng
Cha chỉ dành ăn đầu và xương.
Tôi thắc mắc hỏi ông sao vậy.
Cha nghiêm nghị, nói như răn dậy:
"Cha già rồi, thường thấy nhức đầu.
Các Cụ dậy hễ đau ở đâu
Thì cứ ăn thật nhiều thứ đó.
Cha lại còn bị đau xương nữa.
Nên xương, đầu phải cố mà ăn.
Cốt là để bồi dưỡng bản thân!"
Chúng tôi nghe, đinh ninh là thật.
Năm mẹ con chia nhau phần thịt,
Còn xương, đầu dồn hết cho cha.
Một đôi lúc tôi cũng nghi ngờ,
Phân vân hỏi, thì cha cười bảo:
"Lúc trước đây, khi Cha còn nhỏ,
Nội cho ăn thịt đã đời luôn,
Đến bây giờ còn ớn tởn thần!
Khi các con lớn khôn sẽ hiểu!"
Rồi sau này qua thời niên thiếu,
Anh em tôi có thể thay cha
Mò cua, bắt cá, lội sông hồ.
Cuộc sống đỡ vất vơ, vất vưởng.
Cha cũng có thịt ăn thỉnh thoảng,
Nhưng vẫn dành từng mảng xương, đầu.
Có lẽ muốn chứng tỏ trước sau
Ông không hề tào lao, nói dối.
Tháng ngày qua, vật dời, sao đổi,
Cha ra đi, về cõi vĩnh hằng.
Còn phần tôi, theo với tháng năm
Đã ổn định, không giầu sang lắm,
Cũng gọi là dư dả, êm ấm.
Vợ con hiền, thảo, chẳng thua ai.
Những bữa ăn, thỉnh thoảng đôi ngày
Có món cá, vợ tôi sửa soạn.
Tôi nhớ lại những ngày cay đắng
Dặn vợ giữ những mảng đầu, xương
Cho riêng tôi. Nàng rất cảm thông
Nên đầu, xương xẻ riêng một chỗ.
Con gái tôi, ngạc nhiên, hỏi bố:
"Sao Bố ăn lạ thế, Bố ơi?"
Tôi mỉm cười: "Bố lớn tuổi rồi
Đầu thường đau, xương hay nhức nhối!
Ăn đầu, xương tốt thôi, con gái!
Sẽ giúp Bố khỏe lại mấy hồi!"
Nói vậy rồi, nhớ đến cha tôi,
Nước mắt bỗng tuôn rơi trên má!

Chẩm Tá Nhân
(phóng tác)
06/03/2014


Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2022

Vườn Thơ Thơ Thẩn 2


Thơ Vườn Thơ Thẩn
Thực Hiện: Huỳnh Hữu Đức

Nhớ



Ta nhớ em như gió nhớ mây ,
Như sông nhớ biển nước dâng đầy .
Như chim lẻ bạn buồn quên hót ,
Như tiếng đàn ai chợt đứt dây ..

Em có nghe gì khi xa nhau ?
Ngoài sân thư viện nắng phai màu .
Mắt buồn em nhuộm phai màu nắng ,
Hay nắng phai vì ta vắng nhau ..?

Ta nhớ em như son nhớ môi ,
Như trường nhớ tiếng học sinh cười .
Đường qua thư viện buồn hiu hắt ,
Lối cũ ta về bóng lẻ loi ..

Ta nhớ em như lá nhớ cây ,
Như vòng tay nhớ lấy vòng tay .
Như tim nhớ máu từng giây phút ,
Dù phút giây buồn hay đắm say ....

Nhược Thu


Dặn Dò


Cầm tay dợm hỏi con đường
Mùa xuân quá lứa dè chừng dợm phai
Chờ nhau ở cuối dặm dài
Ngẫm ra y thể đọa đày chiếu chăn
Thì thôi cõi mộng thiệt gần
Cầm như sau trước chỉ ngần ấy thôi
Vui đi, mai mốt ... cũng rồi
Nguôi ngoai tất cả một đời chiêm bao.

Cao Vị Khanh

Hạnh Phúc Tìm Đâu


Hạnh phúc biết tìm đâu hỡi em?
Hồn anh là cánh lá ưu phiền
Em hãy là một cơn gió thoảng
Lá sẽ reo vì gió lướt êm.

Hạnh phúc biết tìm đâu hỡi em?
Nhìn tương lai trong quá khứ hiền
Mối thân thương của ngày tháng cũ
Ước mơ thầm như thuở mới quen.

Hãy nhớ lâu những ngày nồng mặn
Hãy quên mau đôi phút giận hờn
Đừng vướng mắc nụ buồn u tối:
Đôi môi sầu không rộ nét son.

Hãy trao lòng, đừng giữ tim nhau:
Niềm tin là đường sắt nhiệm mầu
Dẫn con tàu xuyên tâm chở nặng
Những toa tình hẹn đến mai sau.

Hạnh phúc biết tìm đâu hỡi em?
Trong ta, dù sấm động ngoài hiên
Trong ta, dù thuyền từ trăm ngả
Vẫn một dòng theo con nước lên.

Trang Châu

Tháng Sáu Kỷ Niệm

Tháng Sáu, một tháng trong mười hai tháng
Nhưng với tôi, tháng Sáu lại không thường
Bao nhiêu ngày, bao nhiêu là kỷ niệm
Quá khứ đẹp ngời, vui giận yêu thương

Lễ Hôn Phối xa xưa hứa yêu thương
Tháng Sáu Mười Hai, ngày tôi nhớ mãi
Trao nhẫn cưới anh nhìn tôi yêu ái
Đâu nào ngờ tình nhòa nhạt, tàn phai
Còn quá trẻ để biết mình may mắn
Anh yêu tôi… tôi nghĩ chuyện bình thường

Hai đứa con ra đời vào tháng Sáu
Tháng Sáu mùa hè, tháng Sáu đổ mồ hôi
Ở Cali chỉ có phượng tím thôi
Không phượng đỏ chào mừng hè nóng bức

Đêm hôm nay tháng Sáu nằm thao thức
Tôi nhớ về tháng Sáu, ngày mười hai
Tôi cùng chồng làm giấy chia tay
Ôi tháng Sáu, mùa hè xưa… nhớ mãi…

Như Nguyệt

Khoảng Trống Cuối Cuộc Đời


(Kính dâng linh hồn bác Bẩy với sự kính mến của cháu)

Qua người bạn thân cùng lớp, tôi quen với gia đình bác Chấn, một gia đình gốc Tây học, giầu có và thế lực của miền Nam trước năm 1975. Bác có hai người con, một trai, anh Quang hơn tôi 3 tuổi. Một gái, chị Yến hơn tôi 1 tuổi. Hai người con của bác đều theo học chương trình Tây. Sự quen biết của tôi với gia đình bác rất sơ sài, không bước xa hơn những lời chào hỏi xã giao thông thường hay vài câu hỏi tò mò về thân thế tôi trong những lần tôi theo người bạn đến nhà bác chơi.

Sau này tôi được biết hai người con của bác Chấn đã đi du học tại Thụy sĩ ngay sau khi tốt nghiệp bậc trung học Pháp. Còn tôi không có điều kiện nên học đại học trong nước. Năm 1971 tôi tốt nghiệp rồi xuống Cần thơ dậy học. Từ ngày lên đại học rồi đi làm tôi không có dịp nào đến chơi nhà bác Chấn nữa. Đầu năm 1974 trước khi nhận học bổng di du học ở Nhật bản, tôi được người bạn cho biết bác Chấn trai đã bị mất vì ung thư. Bác gái vẫn sống với vài người cháu họ xa ở căn khá nhà lớn, sang trọng ngày xưa ở đường Ngô Tùng Châu.

Rồi với bao nhiêu đưa đẩy của thời cuộc, cuối năm 1979 tôi rời bỏ Nhật bản vì tìm được việc làm đúng với chuyên môn ở thành phố Zürich, vùng nói tiếng Đức ở miền bắc Thụy Sĩ. Sang Thụy Sĩ được khỏang một năm tôi lập gia đình với người bạn gái người Nhật mà tôi đã quen biết nhiều năm trong thời du học tại đó.

Một lần vào năm 1983 gia đình tôi xuống Genève thăm người bạn, ngẫu nhiên tôi gặp được chị Yến, cô con gái của bác Chấn. Chị cho biết chị và anh Quang đã tốt nghiệp xong đại học Genève từ lâu, cả hai đang đi làm, vẫn sống ở Genève, nhưng kẻ ở đầu tỉnh, người ở cuối tỉnh, lại bận rộn với công việc làm cho nên cũng rất ít gặp nhau. Chị cũng cho biết cả hai vẫn chưa lập gia đình nhưng sống chung với người yêu đều là người Thụy Sĩ. Tôi cũng hơi ngạc nhiên vì cả hai đều đã xấp xỉ 40 tuổi mà vẫn độc thân, nhưng không dám thắc mắc vì có lẽ lối sống Tây phương là thế.

Trong lần gặp nhau đó, tôi cho chị địa chỉ, số điện thoại của gia đình, ân cần mời chị và anh Quang đến chơi, coi như tìm được người bạn xa xưa nơi xứ lạ quê người. Nhưng tôi có cảm tưởng chị không có vẻ hồ khởi với lời mời vồn vã, chân thành của tôi lắm. Vô tình hay cố ý, chị cũng không cho tôi biết địa chỉ! Tuy nhiên tôi cũng chẳng bận lòng vì nghĩ họ đã sống với nền văn hóa Tây Phương từ ngày bé, sự lạnh lùng, cách biệt với những người không cần thiết là lẽ tự nhiên như thế mà thôi.

Chỉ có vậy, lần gặp nhau như thoáng qua, được quên đi dễ dàng. Bất thình lình, khoảng gần 2 năm sau ngày chúng tôi gặp chị, tôi nhận được điện thoại của chị cho biết bác Chấn gái đã được anh em chị bảo lãnh sang đoàn tụ, hiện đang sống với chị ở Genève đã được khoảng một tháng rồi. Chị có nói với bác Chấn về gia đình chúng tôi, bác mong muốn mời gia đình tôi đến chơi để tâm sự. Đặc biệt trong cuộc điện thoại này chị rất thân thiện, thân thiện đến nỗi tôi có cảm tưởng chị năn nỉ chúng tôi đến chơi với mẹ chị, giúp bà vui mà quên đi nỗi nhớ quê hương khi chưa quen biết ai ở Genève.

Ngay sáng sớm thứ bẩy cuối tuần, vợ chồng tôi lái xe xuống Genève đến tạm trú nhà một người bạn cũng ở trong Genève, nghỉ ngơi một lúc. Khoảng 2 giờ chiều chúng tôi mới đến nhà chị Yến thăm bác Chấn. Trong lần gặp gỡ này có cả anh Quang cùng với hai người Thụy Sĩ là bạn trai và bạn gái của chị Yến và anh Quang.

Ngay khi bước vào nhà, sau vài câu chào hỏi thông thường, vợ chồng tôi đã nhận thấy ngay bầu không khí nặng nề giữa bác Chấn với hai người con của bác cùng với 2 người bạn của họ. Bác Chấn hoàn toàn bị tách xa trong cuộc sinh hoạt của hai người con và bạn của họ, dù ngôn ngữ Pháp với bác không thành vấn đề. Sau vài câu xã giao bình thường, nói chuyện vu vơ với chúng tôi, nhóm con của bác Chấn cũng tự tách rời. Họ nói chuyện, cười đùa, âu yếm nhau trước mặt chúng tôi, chẳng có tí ngại ngần rồi dẫn nhau vào phòng bên cạnh đùa giỡn trong âm thanh của âm nhạc khá ồn ào.

Bác Chấn có vẻ ngượng ngùng, nhưng chúng tôi cố làm ra vẻ không để ý, coi như chuyện bình thường của giới trẻ Tây phương. Chúng tôi cũng ân cần mời bác lên nhà chúng tôi chơi bất cứ lúc nào, có thể hàng tháng cũng chẳng sao vì nhà khá rộng lại có vườn riêng để ăn uống ngoài trời. Bác tỏ vẻ rất cảm động với nhiệt tình của chúng tôi, lại càng thích hơn khi thấy vợ tôi cầm chiếc áo len mà bác đang đan nửa chừng, tò mò xem ra chiều hiểu biết và đồng sở thích thêu thùa. Lúc sửa soạn ra về, vợ chồng tôi có ý gặp hai người con để chào từ giã, ngần ngừ một chút, trong vẻ ngượng ngùng bác nói:
-Thôi, các cháu cứ về đi, bác sẽ nói với chúng nó sau !

Sáng hôm sau, ngày chủ nhật, sau khi ăn sáng với gia đình người bạn xong chúng tôi từ giã để về lại Zürich. Tôi định lái xe đi một vài vòng thành phố Genève trước khi về lại Zürich. Đang lúc chạy xe tôi thoáng thấy bác Chấn ngồi ở chiếc ghế của một trạm xe bus. Dừng xe vào lề đường tôi chạy vội đến nói với bác:
-Bác Chấn, bác đi đâu vậy? Bác lên xe cháu chở cho.
Bác giật mình khi nhìn thấy tôi, nhưng ngay lúc đó cảm giác ngượng ngùng buồn bã hiện rõ trên khuôn mặt, ánh mắt của bác. Chẳng đợi cho bác trả lời tôi nói tiếp :
-Cháu đang định chạy lòng vòng xem thành phố đây, bác đừng ngại gì cả , cứ lên cháu chở đi mà !
Nói xong tôi cầm tay, kéo bác về hướng chiếc xe, nơi đó vợ tôi đang mở cửa xa chờ đợi. Ngần ngừ tí chút, nhìn tôi như gửi gấm nỗi buồn kín đáo, bác nói như muốn khóc :
-Bác có muốn đi đâu đâu! Ở nhà buồn và cô đơn quá cháu ạ, chịu không được, ngày nào bác cũng ra ngồi ở các trạm xe bus, xe điện để nhìn người ta lên xe, xuống xe cho đỡ buồn đó mà thôi!

Tôi ngẩn ngơ, nhìn bác trân trối, câu trả lời xót đau quá! Tôi có cảm nhận người đàn bà xấp xỉ tuổi 70 đang đứng tước mặt tôi có rất nhiều tâm sự buồn đau khó nói. Hình ảnh cuộc gặp mặt chiều hôm qua ở nhà cô Yến, con gái bác lại hiện ra, trở về trong ký ức tôi ! Tôi thoáng hiểu một phần nào nỗi buồn, cô đơn của bác. Nhân dịp gặp lại trong ngẫu nhiên này tôi muốn được nghe bác tâm sự, biết đâu tôi lại tìm được điều gì đó giúp bác giảm được nỗi buồn mà bác đang chất chứa trong lòng ?! Nghĩ như vậy, tôi thân thiện khoác tay lên vai bác, khẩn khoản nói :
-Bác cháu mình tìm một quán nước nào đó nói chuyện đi! Bác đừng ngại ngần gì cả, ngày hôm qua cháu muốn nói chuyện với bác nhiều mà chưa hết.

Hình như sự nhiệt lòng của tôi và cũng có lẽ vì quá buồn, bác im lặng đi theo. Sau một lúc chạy lung tung, chúng tôi vào một quán nước bên ngoài hành lang của một khách sạn trên đại lộ Quai du Mont Blanc, bên kia đường là hồ Léman. Bầu trời trong xanh, ánh sáng ban mai chiếu rọi lên mặt hồ nhấp nhô tạo ra những dải sáng lấp lánh tuyệt đẹp của một buổi sáng nắng tốt. Bác Chấn đã khóc gần như suốt thời gian ngồi kể cho tôi nghe về lý do của bác khi lựa chọn rời xa VN, sang Thụy Sĩ định cư. Một lựa chọn mà bác nghĩ rằng đã sai lầm, đang làm cho bác buồn đau vì cô đơn.

Bác cho biết, với lời khuyên nhủ rất hợp lý, chân tình của hai con. Bác bán căn nhà của mình ở trong nước, gom vào với tất cả nữ trang, tiền bạc mà bác đã dành dụm từ khi mới kết hôn để giúp hai con, mua cho mỗi người một căn hộ ở Genève. Căn hộ mà chúng tôi đến thăm hôm qua là của Yến. Một căn khác cho Quang, đến nay dù đã hơn một tháng ở Thụy Sĩ nhưng bác vẫn chưa có dịp đến xem nó ra sao!

Trước khi rời bỏ quê hương sang Thụy Sĩ, bác nghĩ rằng, tuổi đã già, bệnh hoạn, sống chết không biết lúc nào, vì vậy nếu được sống với chính con của mình là một điều rất hợp lý, vẫn hơn sống với những đứa cháu họ xa ở Việt Nam. Đã thế với khả năng thông thạo tiếng Pháp của bác, có lẽ chẳng khó khăn trong việc giao tế với người địa phương, ngoài ra với sở thích đọc sách báo, thêu thùa cũng sẽ giúp bác che lấp được những lúc nhà rỗi, cô đơn khi các con đi làm. Với ý nghĩ lạc quan như vậy bác đã chờ đợi từng ngày cho việc ra đi đoàn tụ với hai con. Nhưng khi đến Thụy Sĩ, chỉ sau một tuần lễ đầu tiên bác đã nhận thấy mình sai lầm, cái sai lầm ra ngoài tưởng tượng, tính toán của bác. Dù thích đọc sách, thích thêu thùa nhưng bác chẳng có được hứng thú mà làm được như mong muốn!

Bác được Yến, người con gái mà bác thương yêu nhất đón về sống chung. Mấy ngày đầu tiên Yến nghỉ làm việc, dẫn bác đi lo giấy tờ hành chánh, bảo hiểm sức khỏe đồng thời chỉ dẫn bác cách mua vé, xử dụng các phương tiện giao thông công cộng như xe bus, xe tram của thành phố. Yến cũng không quên hướng dẫn bác xử dụng các máy móc trong nhà như máy giặt, máy sưởi cùng với những việc làm trong tập thể chung cư.

Mấy ngày đầu tiên còn bận rộn với những học hỏi, làm quen với cuộc sống mới nơi xứ lạ quê người, bác không có thời gian để cảm thấy cô đơn. Nhưng chỉ một tuần sau, mọi hoạt động đã được đưa vào thứ tự và đều đặn. Buổi sáng Yến vội vàng đi làm, chiều tối về nhà, mệt mỏi cô ta chẳng có thì giờ và hứng thú để nói chuyện với bác ngoài vài câu hỏi sức khỏe vu vơ. Đã thế Yến thường về với người bạn trai, họ lại quây quần với nhau trong phòng riêng, chẳng thèm để ý đến bác. Bác sống im lìm như một chiếc bóng thừa thãi trong căn hộ .

Mấy ngày đầu tiên, có lẽ vì món ăn lạ hay nể nang công lao nấu nướng của bác, Yến và người bạn trai còn về nhà ăn cơm tối. Nhưng chỉ được vài ngày, họ chẳng còn thú vị với món ăn của bác nữa, Yến nói với bác đừng nấu cơm cho họ, họ tự lo được. Từ đó Yến và bạn trai thường ăn cơm ở đâu đó trước khi về nhà khá muộn. Thỉnh thoảng Yến mua đồ ăn nguội, rượu bia mang về bầy ra bàn, ăn uống, nói chuyện cho đến khuya rồi chẳng thèm thu dọn…. Sáng mai nhìn thấy đống bát đĩa bác lại phải lau chùi, thu dọn…! Không nói ra nhưng bác Chấn đã có cảm tưởng mình là người hầu hạ trong nhà, không còn là người mẹ được con đón sang để phụng dưỡng nữa. Còn Quang thỉnh thoảng cùng cô bạn gái đến chơi, thoáng qua một vài giờ đồng hồ rồi từ giã ra về.

Đôi lần thấy bác buồn, than van cô đơn không bạn bè… Yến khuyên bác hãy làm theo lối giải trí, tìm vui của người Thụy Sĩ khi về già, không có việc gì làm. Để tránh thời gian rảnh rỗi, cô đơn họ mua vé tháng của thành phố cho xe bus, xe tram…rồi sáng đi, tối về, ngày ngày dùng phương tiện giao thông đi từ phố này, sang phố kia ngắm nhìn người ta buôn bán ở các siêu thị. Buổi trưa hay lúc mệt mỏi thì tạt vào những nhà ăn bình dân rẻ tiền trong các siêu thị uống cà phê hay ăn trưa.

Nghe lời đề nghị của cô con gái, bác hình dung khá rõ con đường sống của mình sẽ ra sao nếu còn sống nơi đây. Bác chợt hiểu ra rằng hai đứa con của bác thật sự đã là dân Thụy Sĩ rồi, chúng sống, chúng suy nghĩ và giải quyết theo xã hội, con người Thụy Sĩ. Chúng không thể nào nhìn thấy hay cảm thấy nỗi buồn, cô đơn của bác được nữa. Nói đến đây, bác Chấn ngước nhìn tôi với đôi mắt nhòa lệ, buông tiếng thở dài buồn bã bác than thở:

-Có lẽ bác phải về lại VN cháu ạ, sống ở đây chắc bác sẽ chết vì cô tịch mà thôi. Mấy ngày trước bác có liên lạc với toà lãnh sự VN ở Genève để hỏi về việc hồi hương. Theo bác không khó khăn lắm, nhưng cần nhiều thủ tục để lấy lại hộ khẩu của bác ở VN và nhất là chứng minh được sự bảo đảm về tài chánh cho sự sinh sống của bác khi hồi hương.

Thấy tôi im lặng, bác buồn rầu nói tiếp:
-Hiện nay bác chẳng có gì ở VN nữa. Nhà cửa đã bán, tiền bạc, nữ trang cũng không còn. Bác đúng nghĩa một người nghèo, già lão đơn độc nếu về lại quê hương thì sống làm sao đây ?
Tôi buột miệng hỏi :
-Tại sao bác không nói với anh Quang, chị Yến trả lại bác một ít tiền để có thể về VN sinh sống?
Lắc đầu ra vẻ thất vọng, bác cho biết tiền bán nhà, bán nữ trang vừa rồi rất lớn so với xã hội VN nhưng có đáng bao nhiêu so với Thụy Sĩ đâu! bác đã chia cho hai con để gíúp chúng mua nhà, theo bác biết thì hai người con cũng phải mượn ngân hàng hơn một nửa mới có đủ tiền để mua hai căn hộ. Hiện nay tiền lời ngân hàng cùng với chi phí dịch vụ cho chung cư như thang máy, điện nước, lau chùi, cắt cỏ, xúc tuyết,làm vườn… tất cả không phải nhỏ, chẳng thua gì tiền đi thuê nhà. Bác đã bàn với hai con để đưa trả lại bác một số tiền cho bác mua một căn nhà nhỏ ở VN, nhưng coi vẻ không được vì chúng vẫn phải trả nợ ngân hàng mỗi tháng, chẳng dư dã để đưa cho bác được! Đã thế khi về VN tiền sinh sống, thuốc thang, bệnh viện khi ốm đau cũng không thể coi là nhỏ được!

Nhẩm tính lại cuộc sống ở VN, tôi nói với bác:
-Theo cháu nghĩ nếu hai người con của bác giúp bác mỗi tháng 200 quan Thụy Sĩ ( thời điểm 1986 ) chắc bác sống không khó khăn lắm đâu!
Bác Chấn mỉm cười trả lời:
-Cháu tưởng đơn giản như thế sao? giả dụ mà chúng nó gửi cho bác 200 quan mỗi tháng thì cũng chỉ đủ cho sinh sống bình thường mà thôi. Còn lúc ốm đau, chi dụng cho việc thuê nhà, cho người quen, họ hàng để người ta vui vẻ mà săn sóc cho mình làm sao mà đủ?! Tuổi già của bác đâu có thể sống độc lập được, mà phải dựa vào người khác, nhất là lúc ốm đau. Dù là họ hàng, quen biết cũng phải có tiền cháu ạ! Không dễ dàng như cháu nghĩ đâu!

Nghe bác tâm sự, tôi đã đã tạm hiểu hoàn cảnh của bác. Đúng như vậy, cái sai lầm là bác đã bán nhà, thu dọn tài sản để gửi cho con mong được sống gần con. Điều này nghe ra nó đơn giản và hợp lý như thói thường của gia đình văn hoá VN, nhưng với hai người con của bác, sự việc đã xẩy ra khác hoàn toàn! Tìm một giải quyết cho bác không dễ dàng, họa chăng một hay cả hai người con bác biết cảm thông nỗi cô đơn, buồn bã của mẹ mà tìm cách giúp đỡ mà thôi. Bác không nói ra, nhưng tôi có cảm tưởng hai người con bác không như bác chờ mong .

Trước khi chia tay tôi ân cần nhắc lại lời mời của gia đình tôi, bất cứ lúc nào bác có ý muốn đến nhà tôi chơi nhiều tuần, vài tháng hoàn toàn không có gì khó khăn. Hình như nhìn rõ sự chân thành của tôi, bác vuốt nhẹ bàn tay vợ tôi mỉm cười và hỏi vợ tôi:
-Cháu có phiền lòng nếu bác đến nhà cháu chơi không ?
Dù ngôn ngữ VN chỉ hiểu lõm bõm, nhưng vợ tôi cảm nhận hoàn toàn ý nghĩa lời nói của bác qua ánh mắt, khuôn mặt và cả dáng điệu chân thành trong giọng nói, nụ cười của bác. Vợ tôi đưa tay ra dấu thêu đan, lõm bõm câu tiếng Việt:
-Bác cứ đến chơi đi…có nhiều việc làm với nhau lắm, bác đừng lo! …
Có lẽ đây là lần đầu tiên trong cuộc gặp gỡ bác hôm qua và hôm nay tôi nhìn thấy nỗi buồn bã biến mất, thay vào đó là niềm vui thoáng hiện trên khuôn mặt, trong ánh mắt của người đàn bà xấp xỉ 70 tuổi mà tôi cũng chỉ thoáng quen trong quá khứ.

Trở về Zürich đã cả tháng trời, tôi cũng chẳng có dịp liên lạc với bác nữa. Đôi lúc trong trí nhớ tôi cũng nghĩ đến bác, nhưng cho rằng với thời gian bác sẽ làm quen với những người VN khác, rồi cũng giống như mọi người, đâu vào đó mà thôi . Nhưng bất thình lình vào buổi tối khi tôi đang ăn giở bữa cơm thì bác gọi đến. Với giọng nói thều thào, chứa đầy buồn bã, chán nản bác cho biết hiện đang ở bịnh viện đã gần một tuần lễ nay. Tôi hỏi lý do, bác không nói rõ ràng lắm nhưng có lẽ liên quan đến tim mạch lại thêm bị trầm uất vì buồn bã, cô đơn mà ra. Bác khóc qua điện thoại cho biết hai người con chỉ đến thăm bác một lần duy nhất vào ngày đầu tiên, sau đó vì bận rộn họ chỉ điện thoại hỏi thăm mà thôi. Tôi buông tiếng thở dài, nói vài câu an ủi bác, hứa sẽ chở vợ đến thăm bác vào ngày mai hay ngày kia ! Có lẽ cảm nhận được ý nghĩa tiếng thở dài của tôi trong điện thoại, bác nói rất nhẹ:
-Cám ơn vợ chồng cháu, biết là làm phiền cháu nhưng bác muốn gặp lại các cháu lắm. Cháu cố đến với bác lần nữa nhé! chắc bác không có dịp gặp lại vợ chồng cháu nữa đâu!

Tôi nghe mà rụng rời, tưởng như bác muốn gặp để nói lời trối trăn! Tôi nói vài câu an ủi, nâng đỡ tinh thần rồi hứa chắc ngay ngày mai sẽ xin nghỉ làm một ngày đến thăm bác.
Xế chiều hôm sau chúng tôi đến bệnh viện của tỉnh, căn phòng khá rộng có 4 bệnh nhân. Chúng tôi đã giật mình đến độ nghi ngờ thị giác của mình khi nhìn thấy nằm như đang ngủ, chỉ hơn một tháng trời mà sắc diện của bác thay đổi quá mau! Khuôn mặt tái xanh, hốc hác như người bệnh lâu năm, cơ thể như bị thu nhỏ lại nằm ép dính xuống tấm nệm của chiếc giường! Cánh tay trái khẳng khiu, tái xanh thò ra ngoài chiếc chăn, được nối với sợi dây truyền serum treo lủng lẳng trên chiếc giá bằng alumin trắng .Tôi nhẹ nhàng nắm lấy cổ tay xương xẩu làm bác giật mình tỉnh dậy. Nhìn thấy chúng tôi,sự vui mừng, cảm động hiện rõ trên khuôn mặt già nua trắng bệch. Bác gật đầu nhẹ,đáp lại lời chào hỏi của vợ chồng tôi, rồi thều thào:
-Cám ơn hai cháu đã đến thăm bác, mời hai cháu ngồi !

Bác cho biết mấy ngày trước tự nhiên bị mệt mỏi, chóng mặt rồi bị xỉu, ngã ngay ở bếp vào ban đêm.Yến nghe tiếng động của chiếc ghế bị đổ, chạy ra mới biết và chở bác đến bệnh viện. Qua kiểm nghiệm bác sĩ cho biết do chứng suy tim đã có từ trước kèm theo thận hoạt động không bình thường gây tắc trách sự tuần hoàn dẫn đến chứng lậm độc máu.

Sau vài giờ đồng hồ tâm sự, bác kể cho chúng nghe những ngày tháng cô độc, buồn chán càng lúc càng đè nặng lên bác vừa qua. Tôi cũng chỉ biết khuyên nhủ để nâng đỡ tinh thần bác mà thôi. Trước khi từ giã, bác nói với vợ chồng tôi trong nước mắt:
-Chắc bác và vợ chồng cháu không có dịp gặp lại nhau nữa đâu! Dù thế nào thì bác rất cảm động với lòng tốt của các cháu đã vì thương bác mà nghe tất cả những lời tâm sự của bác. Bác cũng không ngờ cuối đời mình lại cô độc và buồn đau như thế này. Con của bác vì bận rộn hay vì vô tâm mà quên săn sóc bác,biết làm sao hơn là im lặng ! Nhưng ít ra vào lúc cuối đời này bác cũng có một niềm vui đó là có hai cháu để hàn huyên, tâm sự ….

Bác nói với chúng tôi nhiều lắm, toàn là những câu nói đượm buồn và kín đáo than van! Tôi có cảm tưởng tinh thần bác hoàn toàn suy xụp, buông xuôi. Nỗi chán nản cùng cực của bác không những thể hiện trên khuôn mặt mà còn trong những lời nói như trăn trối với vợ chồng tôi. Tôi cố gieo vào bác lòng tin về tài năng của y học Thụy Sĩ, họ sẽ mang lại cho bác sức khoẻ và niềm vui. Tôi hứa chắc chắn khi bác khỏe mạnh tôi sẽ xuống chở bác lên chơi với gia đình tôi vài tháng. Bác nghe lời hứa của tôi trong trạng thái bâng quơ hình như kín đáo che dấu sự thất vọng ở trong.

Sau khi từ giã ra về, tôi tạt vào phòng y tá trực của dẫy phòng bác nằm, ý định gặp người y tá nào đó nói với họ vài lời cám ơn, nhân tiện nhờ họ thông báo cho tôi biết ngay nếu có gì cần thiết. Thật may, tôi gặp được cô y tá trưởng, biết nói tiếng Đức, nhờ vậy mà vấn đề giao tiếp, nhờ vả của tôi dễ dàng hơn. Tôi cũng chẳng ngần ngại nói rõ với cô ta sự thật về hoàn cảnh không vui của bác cùng với sự nhạt tình, thiếu săn sóc của hai người con Tôi mong cô ta cảm thương nỗi cô tịch của bác mà đặc biệt quan tâm. Tôi cũng không quên đưa cho cô ta số điện thoại, ân cần xin cô ta báo tin cho tôi biết ngay, bất cứ giờ nào, ban đêm hay ban ngày nếu có gì bất trắc, để tôi kịp đến thăm viếng hay giúp đỡ bác nếu cần.

Trở về nhà, vừa được 2 ngày, vào buổi sáng khi đang sử soạn đi làm thì cô y tá trưởng từ bệnh viện Genève gọi đến. Tôi giật mình, linh cảm có gì không may xẩy đến cho bác rồi. Cô ta cho biết bác hiện đang ở khoa cấp cứu, trong tình trạng tuyệt vọng! Với tí chút ngập ngừng cô ta cho biết đêm hôm qua vào khoảng nửa đêm, khi mọi người an ngủ. Bác đã dùng kéo cắt đứt sợi dây truyền serum, rồi để nguyên mũi kim trong mạch máu ở khủy tay cho máu chẩy ra ngấm vào chăn, đệm! Khi người y tá trực đêm biết thì bác đã rơi vào hôn mê. Bác sĩ khoa cấp cứu cho biết rất khó hy vọng cứu chữa vì bệnh nhân đã bị sẵn bệnh về tim mạch lại cơ thể rất yếu. Theo cô ta, nếu tôi đến bệnh viên trước buổi trưa hy vọng có thể gặp được bác lần cuối cùng.
Dù bị vướng bận với việc làm, nhưng tôi cũng xin nghỉ, lái xe một mình xuống Genève hy vọng gặp được bác thêm một lần nữa. Trên đường đi, tôi cầu mong sự kiện không phải quá bi đát như lời cô y tá nói với tôi .

Đến Genève,người đầu tiên tôi tìm gặp là cô y tá ,cô ta cho biết bác đã mất ngay sau khi cô ta điện thoại cho tôi, hiện đang nằm ở một phòng riêng gần khu nhà xác của bệnh viện để làm thủ tục cần thiết trước khi đưa vào nhà xác của bệnh viện. Tôi thẩn thờ khi biết mình đến quá chậm để không gặp được bác lần cuối cùng!

Mở cửa bước vào căn phòng nhỏ ở cuối hành lang của dẫy nhà phụ được tách biệt với khu vực chính của bệnh viện. Chỉ có một chiếc giường duy nhất trên đó bác Chấn đang nằm. Cặp mắt của bác nhắm lại, bình thản như đang trong giấc ngủ ! Chỉ có khác là khuôn mặt của bác hốc hác làm cho đôi gò má nổi hẳn lên giữa mầu xám, tái xanh xấu xí của làn da mặt . Tôi im lặng đặt nhẹ bàn tay lên thân thể, lên cánh tay xương xẩu của bác như muốn cảm nhận rõ hơn cái lạnh lẽo của cơ thể cũng như nỗi buồn đau, cô độc của tâm hồn bác lúc ra đi.

Cũng chính lúc đó,lời tâm sự của bác mấy ngày trước khi vợ chồng tôi đến thăm bác ở bệnh viện hình như vang nhẹ bên tai tôi : “ Bác đã lầm lẫn chọn lựa! cái lầm lẫn đã làm cho bác mất tất cả! mất nhà cửa, mất tiền bạc nữ trang và có lẽ mất cả hai đứa con của bác nữa! Bác đã không thể hình dung ra cuộc sống xa quê hương nó lại mang đến cho bác thất vọng và buồn đau đến như thế ! Nhưng ân hận cũng đã muộn, chẳng còn giải quyết nào khác hơn là phải chấp nhận những ngày tháng cô liêu đang đến. Nhưng bác tự hỏi bác có can đảm để chấp nhận nó suốt cuộc đời còn lại của bác hay không ? “

Tôi đưa mắt nhìn qua khung cửa sổ, bên ngoài ánh nắng hoàng hôn đổ dài trên con đường trải đá sỏi trong khung viên của bệnh viện. Vài con chim nho nhỏ chuyền nhẩy trên cành cây làm rung động những bông hoa cuối mùa đã khô vì nắng gíó còn sót trên những đọt cây … Không gian thật vô tư, im lặng, chẳng có gì khác lạ để cảm thương cho một người mẹ đã vượt xa biết bao nhiêu khoảng cách trời đất, rời bỏ quê hương đến nơi đây với hy vọng được sống gần những đứa con, tìm cho mình một niềm vui đoàn tụ. Nhưng cuối cùng phải mang lấy nỗi buồn đau, cô tịch mà về với hư vô !

Lưu An