Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2021

Thơ Xướng Họa


Làm thơ xướng họa là cái thú văn chương tiêu khiển tao nhã, được chia sẻ, trao đổi giữa các thi hữu với nhau. Đó cũng là một cách gây hứng khởi, mời gọi nhau, khuyến khích nhau làm thơ. 

Thơ xướng họa là một thể thơ mà người làm thơ phải tuân thủ những luật lệ chặt chẽ, như các tay chơi cờ tướng, phải tuân thủ những luật chơi, như cầm một quân cờ, phải biết quân “tướng”, quân “sĩ”, “tượng, “xa”, pháo”, “mã, “tốt” phải di chuyển, phải đi ra sao trên một bàn cờ. Cầm một quân cờ mà chưa biết cách “đi”, nguyên tắc di chuyển quân cờ ấy ra sao trên một bàn cờ. Cầm cờ mà không biết nguyên tắc đi ra sao là chưa biết luật chơi, hoặc chơi mà chưa “sạch nước cản”!.

Làm thơ xướng họa cũng tương tự như vậy, phải biết luật chơi, biết “niêm-luật”. Thông thường là dùng một bài thơ theo thể “thất ngôn bát cú, 5 vần” để xướng họa. Người làm thơ phải tuân thủ luật phối trí “bằng trắc”, “niêm” trong câu và giữa các câu trong một bài thơ. Có biết những điều căn bản này thì mới thưởng thức được cái hay của thú vui xướng họa. 

Ngày nay, họa thơ chỉ là mượn 5 vần của bài xướng và nương theo 5 vần đó để sáng tác một bài thơ mới, một đề tài mới. Không nhất thiết bắt buộc hễ bài xướng làm theo luật bằng thì bài họa phải làm theo luật trắc, hoặc ngược lại, như ngày xưa, để người đọc dễ dàng phân biệt giữa bài xướng với bài họa.

Ngày nay, theo thời gian cải tiến đổi mới, thơ xướng họa mang nội dung cởi mở, khoáng đạt, nghệ thuật hơn thơ xướng họa ngày xưa giữa các thi gia thuộc thế kỷ thứ 19 trở về trước. Người họa thơ ngày nay chỉ cần giữ 5 vần của bài xướng, không nhất thiết phải khai triển chung một đề tài với bài xướng. Miễn sao cả 8 câu 5 vần của bài họa phải “nhất khí”, liền lạc, gắn bó chặt chẽ với nhau về một đề tài cho trơn tru, nghệ thuật để có một bài thơ, một sáng tác mới, đứng độc lập với bài xướng.

Họa thơ mà mỗi câu trong 8 câu tuy là suôn sẻ, không vấp váp, nhưng mỗi câu mỗi ý rời rạc, không quy về một đề tài thống nhất, khiến người đọc chẳng hiểu đại ý toàn bài tác giả muốn nói gì. Khác nào người chơi bài, cầm trên tay 13 lá rời rạc, thấy “dắt phé, dắt phé, mậu thầu đầu”, hoặc ba phé ba nơi, hết cả hào hứng. Bài thơ hay phải là một bài thơ “nhất khí”, diễn tả rõ ràng, mạch lạc, gẫy gọn, cả 8 câu trong bài đều quy về một mối, khiến người đọc nhận ngay ra được tư tưởng, tình cảm của tác giả qua bài thơ ấy. 
Cũng nên nói thêm rằng người làm thơ “thất ngôn bát cú” phải theo luật đối giữa hai vế trong các câu “thực đề” (câu 3 và 4) và “luận đề” (câu 5 và 6). Đối lời, đối ý sao cho tự nhiên. Đừng quá câu nệ gò gẫm, từng chữ đối nhau chan chát, khiến cho câu thơ trở nên gượng gạo, tối tăm, bất thành cú như việc làm của mấy ông thợ xếp chữ. Mới đọc câu trên, người đọc tinh ý có thể đoán trúng ngay chóc, câu dưới ông thợ xếp chữ nhà ta sẽ phải dùng chữ gì để đối một cách thật máy móc, bất kể cấu trúc ngôn ngữ hoặc nội dung ý tưởng qua câu thơ được viết ra, khiến cho toàn bài thơ chỉ còn là một mớ xác chữ, không hồn, đọc lên nghe thật ngây ngô!. 

Tôi chỉ xin phép được góp một vài ý kiến ngắn gọn, thô thiển, chung chung về thuật sáng tác trong thơ xướng họa. Có điều chi thất thố hoặc thiếu sót, xin quý thi hữu lượng thứ. 

Kính chúc quý thi hữu sáng tác mạnh. Mong rằng mỗi bài thơ xướng họa là một sáng tác mới, đóng góp mới vào kho tàng văn chương thi ca nước nhà. 

Austin ngày lễ Valentine 14 tháng 2 năm 2011
Hồ Công Tâm


Lá Thư Mùa Xuân - Phạm Đình Chương - Mai Hương


Sáng Tác: Phạm Đình Chương
Ca Sĩ: Mai Hương
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Mùng Một Tết Kính Chúc

(Ảnh: của Tác Giả)

Ngắm đóa mai tươi đón gió xuân 
Đầu năm kính chúc bạn xa gần
Chuột qua Trâu tới mang điều tốt
Sức khỏe tình thân gấp bội phần.

Hãn Nguyễn

Cung Chúc Tân Xuân - Vạn Sự Như Ý

 

Cung Nghinh Năm Mới ước hôm nay
Chúc khắp nhơn sanh hạnh phúc này
Tân Sửu bình an tiền của lắm
Xuân Trâu khỏe mạnh phước đong đầy
Vạn điều tốt đẹp thành công cả
Sự việc hanh thông phát đạt thay
Như nguyện gia đình luôn ổn định
Ý cầu tỷ muội đệ huynh ..."hay" (1)

Mai Xuân Thanh
Ngày Mùng Một Tết Nguyên Đán Năm Tân Sửu
( February 02, 2021 )
(1) Hay : sức khỏe, may mắn " tài lộc tấn phát, phước thọ tăng long là hay thật "

Tuyết Mai Tắc Giả 雪 梅 作 者 - Lư Mai Pha


雪 梅 作 者

梅 雪 爭 春 未 肯 降
騷 人 擱 筆 費 評 章
梅 須 遜 雪 三 分 白
雪 卻 輸 梅 一 段 香
有 梅 無 雪 不 精 神
有 雪 無 詩 俗 了 人
日 暮 詩 成 天 又 雪
與 梅 並 作 十 分 春

盧 梅 坡

Tuyết Mai Tắc Giả 


Mai Tuyết tranh xuân vị khẳng hàng
Tao nhân các bút phí bình chương
Mai tu tốn Tuyết tam phần bạch
Tuyết khước du Mai nhất đoạn hương
Hữu Mai vô Tuyết bất tinh thần
Hữu Tuyết vô thi tục liễu nhân
Nhật mộ thi thành thiên hữu Tuyết
Dữ Mai tịnh tác thập phần xuân

Lư Mai Pha
***
Bản dịch:

Tuyết Mai Là Thế


Tuyết Mai tranh chức nữ hoàng xuân
Bút mực tao nhân khó định phần
Tuyết kém Mai mùi hương tuyệt diệu
Mai thua Tuyết sắc trắng vô ngần
Có Mai không Tuyết coi phàm tục
Có Tuyết không thơ cũng thiếu thần
Hạ bút đề thơ phơ phất tuyết
Thêm Mai hé nụ trọn tình xuân.


Trần Quốc Bảo

Richmond, Virginia

Chúc Mừng Năm Mới Tân Sửu



CHÚC mừng năm mới bình an
MỪNG Tết Tân Sửu an khang đẹp giàu
NĂM nay hết dịch bệnh mau
MỚI là hạnh phúc ước ao mọi người
TÂN vui mới khỏe luôn cười
SỬU siêng cày một được mười tiền thưởng

Phượng Trắng
Canada Xứ Lạnh Xuân Tình Nghĩa 9/2/2021


Khai Bút Đầu Năm


Xướng:

Khai Bút Đầu Năm


Một ngày trịnh trọng của đầu năm
Lấy bút ra khai hỏi khoái không?
Hai giải hồng điều phơi trước mắt
Một bầu nhiệt huyết dấu trong tâm
Khoan thai chấm mực rung đầu thỏ (*)
Thoăn thoắt vung tay sổ nét trầm
Cọ - giấy nhiều phen đà quấn quít
Cứng mềm hai phía vẫn tri âm

Chung Văn
(*) đầu ngọn bút lông làm bằng lông con thỏ
***
Họa:

Ngày Đầu Xuân


Xuân đến đông tàn vừa giáp năm
Lan trong rừng vắng có buồn không
Thiều quang rạng rỡ ân thiên tứ
Công đức tiền nhân nguyện khắc tâm
Liễn mực hoa tiên đà sắp sẳn
Lòng son hướng vọng khói hương trầm
Đôi câu bộc bạch lời thô thiển
Kim cổ vang rền một vọng âm

Yên Nhiên 

Ý Nghĩa Các Loại Tranh Treo Ngày Tết

Ngày Tết, ngoài việc treo các câu đối và những lời chúc tết đầu năm ra, người ta còn treo các loại tranh vẽ để vừa trang trí cho phòng khách đẹp hơn, vừa có ý nghĩa vui tươi, may mắn cho ngày đầu năm đầu tháng.... Ta thử điểm qua việc làm vừa có tính nghệ thuật, vừa đem lại niềm tươi vui hy vọng theo tập tục cổ truyền nầy. Nào ta bắt đầu bằng ....


1. Tranh Cửu Ngư Đồ 九魚圖: Cửu 九 là số Chín, lại đồng âm với từ Trường Cửu 長久 là lâu dài. Ngư 魚 là Cá lại đồng âm với Dư 餘 (âm Quan Thoại) là Dư Dả, Có Thừa, lại vẽ chung với hoa sen là Liên Hoa 蓮花, đồng âm với Liên 連 là Liên Tục 連續, không gián đoạn. Nên tranh Cửu Ngư vẽ chung với hoa Sen, có nghĩa là: Luôn luôn sung túc dư dả có thừa liên tục mãi mãi!

2. Tranh Cá Chép: Tất cả các tranh cá đều có nghĩa là "Hữu Dư 有餘 "(do âm Quan Thoại Dư 餘 và Ngư 魚 đồng âm). Có Cá tức là Có Dư, Dư ăn dư để. Tranh Cá còn mang 2 Ý chính sau:

* Như Ngư Đắc Thuỷ 如魚得水: Ta nói là "Như Cá gặp nước!". Chỉ Như Ý, Thuận Lợi. Đây là câu nói của Lưu Bị đời Tam Quốc khi ông vừa gặp được Khổng Minh Gia Cát Lượng, mặc dù bị sự phản đối quyết liệt của Quan Vũ và Trương Phi, Lưu Bị vẫn nói là : " Ta gặp được Ngọa Long Tiên Sinh, như là Cá gặp được Nước vậy !".
* Như Hóa Long Ngư 如化龍魚: là "Như Cá Hóa Rồng", chỉ sự đổi đời, thay đổi hoặc thành công vượt bực. Theo tích : Sách Tân Thị Tam Tần Ký 辛氏三秦記 ghi : Nơi cửa sông Hoàng Hà đổ ra biển rất hẹp nên thường gây lụt lội ở vùng đồng bằng trung lưu của sông, cửa sông nầy gọi là Long Môn. Sau nhờ vua Hạ Vũ hướng dẫn trị thủy, mở rộng cửa sông thêm hơn một dặm để dân chúng không bị lụt lội, nên Long Môn còn được gọi là Vũ Môn. Tương truyền cá Lý Ngư, ta gọi là cá Chép, khi nhảy vượt qua được Vũ Môn thì sẽ hóa thành Rồng bay lên trời. Ngày xưa ví những chàng thư sinh mười năm đèn sách thi đậu được Trạng Nguyên, Tiến Sĩ thì như cá Chép vượt qua được Vũ Môn vậy ! Ngày nay, Cá hoá Rồng dùng để chỉ những sự thành công vượt trội mà người đời không ngờ tới được. Trong bài Hát nói " Cuộc Phong Trần " của Cao Bá Quát có câu ;
Hẵn bền lòng chớ chút oán vưu,
Thời chí hĩ Ngư Long Biến Hóa ...
Có nghĩa :
Hãy bền lòng mà đừng oán trách gì cả, khi thời đến thì Cá sẽ hoá Rồng mà thôi !

Ngoài ra còn rất nhiều loại tranh cá khác như:

* Ông Câu ôm con cá lớn với hàng chữ: Ngư Ông Đắc Lợi chỉ trong năm sẽ được cái lợi như của Ngư Ông, cái lợi nhẹ nhàng ít tốn nhiều công sức như trong thành ngữ "Duật Bạng Tương Tranh, Ngư Ông Đắc Lợi". 鹬蚌相爭,漁翁得利。" Ta nói là "Ngao Cò tranh nhau, ngư ông được lợi". Thành ngữ do tích : Thời Chiến Quốc, nước Triệu muốn đánh nước Yên, mưu sĩ của nước Yên là Tô Đại sang du thuyết nói với vua Triệu rằng : " Có một con Cò đi doc theo bến nước, thấy một con Ngao đang mở vỏ ra để phơi nắng, bèn mổ vào phần thịt trắng nõn của con Ngao, Ngao vội vàng khép vỏ lại giữ chặc lấy mỏ Cò không buông. Cò nói : " Nắng gắt thế nầy, ngươi không buông ta ra thì sẽ bị nắng phơi cho khô chết mà thôi !" Ngao đáp : " Hôm nay ta không buông ra, ngày mai cũng không buông ra, thì nhà ngươi cũng sẽ bị đói chết luônn !". Còn đang dằng co, thì có một Ngư ông đi đến, nhẹ nhàng tóm hết cả 2 bỏ vào giỏ !". Nay, Triệu và Yên đánh nhau, khác nào Ngao Cò Tương Tranh, chỉ làm lợi cho nước Tần là Ngư Ông đang chực chờ để thủ lợi mà thôi ! ". Triệu Vương nghe xong bèn không cử binh đi đánh nước Yên nữa.

* Tranh các đứa bé ôm con cá, lấy Ý "Tử Tôn Hữu Dư 子孫有餘" , vừa có nghĩa "Con Cháu có Thừa" vừa có nghĩa "Có thừa Con Cháu!". Tranh nầy thường có hàng chữ "Niên Niên Hữu Dư 年年有餘 ". Có nghĩa: Mỗi năm đều dư ăn thừa mặc. Năm nào cũng có của ăn của để hết.

3. Tranh Hoa Mẫu Đơn:
Nhớ bài Học Thuộc Lòng hồi nhỏ, Á Nam Trần Tuấn Khải đã viết:
... Mẫu Đơn hương kín thơm xa,
Liễu rơi trước gió ngỡ là bướm bay...
Hương kín thơm xa, nên Mẫu Đơn được phong tặng là Phú Quý Chi Hoa (Hoa tượng trưng cho sự Phú Quý). Ngoài ra, Hoa Mẫu Đơn còn được xem như là một loài hoa Vương Giả Không Sợ Quyền Uy, theo tích sau đây:
Khi đã lên ngôi và xưng là Châu Thiên Tử xong. Có một năm vào cuối đông khi Tết gần kề, Võ Tắc Thiên thấy mai vàng trong cung đều nở hoa rực rỡ, đang cơn tửu hứng, bèn cất bút viết lên một đạo Thánh Chỉ của nhà Vua bằng một bài thơ ngũ ngôn để ra lệnh cho Chúa Xuân như sau đầy:

明朝遊上苑,火急報春知;
花須連夜發,莫待曉風吹。

Minh triêu du Thượng Uyển,
Hỏa cấp báo xuân tri.
Hoa tu liên dạ phát, 
Mạc đãi hiểu phong xuy!
Có nghĩa:
Sáng mai ta sẽ dạo vườn Thương Uyển, hãy báo gấp cho Chúa Xuân biết là các loài hoa phải nở suốt trong đêm nay, đừng có đợi cho gió sớm thổi nhé ! ( Ý là : Tất cả các hoa phải nở trước khi trời sáng tỏ !).
Diễn nôm:
Sáng mai ta du Thượng Uyển,
Hỏa tốc báo Chúa Xuân hay,
Hoa phải suốt đêm nở rộ,
Trước khi gió sớm hây hây!


" Nói cũng lạ ", sáng sớm hôm sau, khi Võ Tắc Thiên dẫn hết quần thần ra Ngự Hoa Viên để ngắm hoa, thì tất cả các hoa đều nở rộ trong đêm cả rồi, muôn hồng ngàn tía, sắc màu rực rỡ khắp nơi. Võ Tắc Thiên rất đẹp Ý, duy chỉ có một loài hoa không chịu nở, chính là Mẫu Đơn đó vậy! Võ giận cho loài hoa dám không tuân chỉ, mới hạ lệnh nhổ hết cả ngàn gốc Mẫu Đơn và ra lệnh đày xuống vùng Mang Sơn của đất Giang Nam. Và... "Nói cũng lạ", năm sau Mẫu Đơn bén rễ và nở đầy cả đồi núi Giang Nam một dãy...
Trở lại với tranh hoa Mẫu Đơn, thường thì trên bức tranh luôn luôn có kèm theo 4 chữ "Hoa Khai Phú Quý" nên không cần phải giải thích nữa!

4. Tranh Hoa Sen:
Sen là Liên 蓮 đồng âm với Liên 連 là Liên Tục. Sen cũng còn được gọi là Hà Hoa chữ Hà 荷 đồng âm với chữ Hòa 和, là Hòa Thuận, Hòa Hợp.
Ngoài ra, Sen còn là biểu tượng của người Quân Tử trong sạch thanh cao, do câu nói "Liên xuất tự trọc nê, hữu Quân tử chi thanh đức 蓮出自濁泥,有君子之清德。Có nghĩa: Sen mọc ra từ bùn sình dơ dáy, nhưng lại có cái đức thanh cao của người quân tử. Trong tiếng Việt ta cũng có câu ca dao khen tặng bông sen là:
Trong đầm gì đẹp bằng sen,
Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng.
Nhụy vàng bông trắng lá xanh,
"Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn" ! 

Nên ...
Tranh Sen chỉ để tặng cho những người làm các nghề thanh cao chính trực, như Nhà Văn, nhà Giáo, nhà Báo, Luật Sư, Quan Tòa ...

5. Tranh Tùng Bách:


Tùng Trúc Mai là "Tuế hàn tam hữu" 歲寒三友. Cuối năm mùa đông lạnh lẽo, các loại cây cỏ khác đều chết rụi cả, chỉ có 3 người bạn Tùng, Trúc và Mai là còn xanh tốt và phát triển mà thôi! nên Tùng Bách tượng trưng cho sự bền bĩ, dẻo dai, chịu đựng bất chấp thời tiết khắc nghiệt, vẫn vươn lên xanh tốt như thường! Ngoài ra, Tùng Bách còn có thân cây to lớn, tán lá rộng rãi là nơi núp bóng và che chở lý tưởng cho các thảo mộc thấp hèn yếu đuối khác dễ "núp bóng tùng quân!". Như Vương Viên Ngoại đã gởi gắm Thúy Kiều cho Mã Giám Sinh vậy:
Nghìn tầm nhờ bóng Tùng Quân,
Tuyết sương che chỡ cho thân cát đằng !
Tranh Tùng Bách thường có 4 chữ "Tùng Bách Trường Thanh" 松柏長青. Có nghĩa Tùng Bách luôn luôn trường kỳ xanh tốt. Thích hợp để tặng cho Khai trương, Tân gia, Chúc Thọ. Nếu Chúc Thọ thì chỉ thích hợp tặng cho đàn ông, không thích hợp tặng cho các bà.

6. Tranh Hoa Lan:


Lan có nét đẹp thanh thoát, mềm mại, đầy tính nghệ thuật. Hoa Lan lại có mùi hương thoang thoảng nhẹ nhàng dễ làm say đắm ngất ngây lòng người. Chả trách từ xưa cổ nhân đã ca ngợi: "Lan sanh ư u cốc, vi vương giả chi hương 蘭生於幽谷為王者之!Có nghĩa: Hoa Lan sanh ra trong những sơn cốc thâm u, nhưng lại có mùi hương của bậc vương giả! Trong Cung Oán Ngâm Khúc Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều cũng đã từng thương tiếc:
Lan mấy đóa lạc loài sơn dã,
Uổng mùi hương vương giả lắm thay!
Tranh Hoa Lan chỉ thích hợp dùng để trang trí phòng khách, thư phòng... và chỉ thích hợp dùng để tặng cho các Bà các Cô mà thôi!

7. Tranh Rồng Ngựa Hổ:


Rồng Ngựa là Long Mã, linh hoạt và uyển chuyển như Rồng, nhanh nhẹn và xông xáo như Ngựa. Hai con vật: Một Huyền thoại, một thực tế tượng trưng cho sự hoạt động mạnh mẽ liên tục không ngừng nghỉ, không chồn chân, không lười biếng. Đó là cái tinh thần của Long và Mã. Các công ty, công xưởng, khi khai trương hoặc khi nghỉ Tết vào thường hay dán câu "Long Mã Tinh Thần" ở nơi làm việc và sản xuất để nhắc nhở nhân viên, công nhân phải làm việc lại với cái tinh thần xông xáo như rồng như ngựa vậy!

Về Tranh thì... trừ phi những người tuổi Thìn, hoặc tuổi Dần thì mới tìm mua tranh Rồng và Cọp, còn bình thường thì không ai dại gì rước Cọp về nhà, càng không có ai dám tặng Cọp cho người khác, nhất là lại vào dịp Tết nhất. Cọp là dã thú hung ác không thích hợp để treo và tặng. Nhưng nếu lỡ... có một bức tranh cọp trong nhà, thì nhớ treo làm sao cho cái đầu cọp hướng ra ngoài, để cọp... giữ nhà, chớ treo cọp quay đầu vào, nó sẽ... cắn hết những người trong nhà đó! Mặc dù nghe có vẻ ... hơi mê tín, nhưng " Tránh voi chẳng xấu mặt nào !", người ta vẫn rất úy kỵ Tranh Cọp! Trừ phi các Hổ Tướng ngày xưa, các vị Nguyên Soái hay treo hình con Cọp nhe nanh múa vút ở phía sau trướng của mình ngồi cho thêm vẻ oai phong, ta thường gọi là Trướng Hùm, như chỗ ngồi của Từ Hải và Thúy Kiều khi cô Kiều báo ơn báo oán:
TRƯỚNG HÙM mở giữa trung quân,
Từ Công sánh với Phu nhân cùng ngồi!


Tranh vẽ cọp thường có 4 chữ: Khiếu Chấn Sơn Hà 嘯震山河. Có nghĩa: Tiếng gầm thét vang động cả núi sông! để chỉ cái Uy Vũ dũng mãnh của Chúa Sơn Lâm.

Tranh Rồng, nếu có treo và tặng cho ai, thì cũng thường thấy có 4 chữ "Vọng Tử Thành Long 望子成龍。" Có nghĩa: Ước mong cho con cháu mình, hoặc chúc cho con cháu người có được thành tựu vượt bực, trở mình hóa thân thành rồng!
Ngựa là tranh thường thấy nhất, 2 con, 4 con, 6 con, hoặc 8 con gọi là Bát Tuấn Đồ. Dễ tặng dễ treo vì luôn có 4 chữ Mã Đáo Thành Công 馬到成功, không cần phải giải thích mà ai nấy đều thích, đều mua, đều tặng, đều treo... nhan nhản khắp nơi!.

8. Tranh Dê:

Mùi: Đứng hàng thứ 8 trong Thập nhị Địa Chi, cầm tinh con Dê, từ Hán Việt là Dương 羊, đồng âm với Dương 陽 là Thái Dương, là Dương Khí sanh ra từ trời đất.
Theo sách Chu Dịch. Sau tiết Đông Chí thì khí âm hàn bắt đầu tiêu thoái, và khí dương thì bắt đầu sanh trưởng, ta thường nghe các Thầy Bói gọi là Âm Tiêu Dương Trưởng, đêm sẽ ngắn dần, ngày sẽ dài thêm ra, cho nên Tháng Mười Một là tháng Tý, thuộc quẻ Phục 復 là Nhất Dương Sanh, Tháng Mười Hai là Tháng Sửu, thuộc quẻ Lâm 臨 là Nhị Dương Sanh, và Tháng Giêng là Tháng Dần, thuộc quẻ Thái 泰 là Tam Dương Sanh. Vì thế nên Tết Nguyên Đán của tháng Giêng mới dùng câu Tam Dương Khai Thái 三陽開泰 mà chúc mừng cho năm mới mở ra vận hội mới, lấy Ý chữ Thái là Lớn, là Thông, như trong tiếng Việt ta thường nói "Hết vận Bỉ rồi thời lại Thái", hoặc "Bỉ cực thì Thái lai" và "Hết cơn Bỉ Cực, đến hồi Thái lai". Có nghĩa: Hết lúc Bế tắt, nghèo khó thì đến lúc Hanh Thông, khá giả!

Vì 2 chữ Dương đồng âm, nên ta thường gặp những bức tranh vẽ hình 3 con dê thay thế cho khí dương của trời đất mà chúc nhau bằng câu Tam Dương Khai Thái như ta thường thấy!
Tranh Dê rất thích hợp tặng nhau trong dịp Tết, để chúc cho đầu năm mở ra vận hội mới lớn hơn, phát đạt hơn năm rồi!.

9. Liễn Treo, Câu Đối:


Liễn treo và Câu đối ngắn để chúc Tết thì nhiều vô số kể! Tiêu biểu như:
* Nghinh Xuân Tiếp Phúc 迎春接福: Đón Xuân đón luôn Phước vào nhà.
* Hoa Khai Phú Quý 花開富貴: Hoa nở tượng trưng cho sự phú quí của gia đình.
* Trúc Báo Bình An 竹報平安: Tre Trúc luôn xanh tốt trong mùa đông như đem lại bình an cho mọi người.
* Mai Khai Ngũ Phúc 梅開五福: Hoa mai nở 5 cánh như mang đến 5 cái phước cho gia đình (5 cái phước đó là: Thọ, Phú, Khang ninh, Du hảo đức và Khảo chung mệnh. 五福 是: 寿,富,康寜,攸好德,考终命。Sống lâu, giàu có, mạnh khỏe, được tiếng tốt và chết an lành. Đó là 5 cái phước mà mọi người đều mong mỏi.)

* Trúc Báo Tam Đa 竹報三多: Một chi nhỏ của nhánh trúc thường có 3 lá, như điềm báo mang đến 3 cái nhiều (Tam Đa) mà người ta thường mong mỏi. Đó là: Đa Phúc, Đa Thọ, Đa Nam Tử 三多 是:多福,多寿,多男子。Nhiều phước, nhiều thọ, nhiều con trai.
* Vạn Sự Như Ý 萬事如意, An Khang Thịnh Vượng 安康盛旺, Cung Chúc tân Xuân 恭賀新禧 ....
Đặc biệt năm Dê, thịnh hành thêm câu: Tam Dương Khai Thái 三陽開泰 !


Ghi Chú:
Xin được nói thêm về 3 chữ "Nói cũng lạ"....
Sau khi đã "lỡ ra lệnh" cho Chúa Xuân bắt hoa phải nở suốt đêm để ngày mai mình đi ngắm hoa xong, thì Võ Tắc Thiên cũng ngầm... ra lệnh luôn cho những người trồng hoa trong vườn Thượng Uyển với sự phối hợp của Quân đội dùng vải căng lều để căng lều cho tất cả những nơi trồng hoa trong vườn. Đoạn cho nổi lửa nấu nhiều nồi nước khổng lồ trong vườn Thượng Uyển để tạo một luồn noãn lưu ấm áp khắp nơi, nhờ thế các hoa như ở trong các greenhouse ấm áp của mùa đông như ở Mỹ hiện nay... Nhờ thế các loài hoa mới nở kịp cho bà ta ngắm, và bà ta mới có dịp diệu võ dương oai với quần thần để chứng tỏ cái Chơn Mạng Thiên Tử của mình đến cả Chúa xuân, hoa cỏ cũng đều phải khuất phục vâng lời!

Đây cũng là cái cơ trí hơn người của Võ Tắc Thiên, chả trách bà ta là Nữ Hoàng Đế duy nhất trong lịch sử Trung Hoa cổ đại.

Đỗ Chiêu Đức
Viết lại xuân 2017

Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2021

Thơ Tranh: Có Còn Xuân - Kim Phượng


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Chúc Xuân



Mùa Xuân chín xin gửi lời thân ái
Chúc Gia-đình rực sáng lửa niềm tin
Hoa rợp nở vườn lòng thôi khắc khoải
Dìu nhau đi vào cuộc sống an bình!

Hàn Thiên Lương

Trà Đạo Tân Niên

 

Gần đến Giao Thừa trên đất Tây.
Ngồi yên ngẫm nghĩ viết chi đây?
Nhang đèn bánh quả Giao Thừa đón,
Canh Tý hết năm vất vả đầy,
Tân Sửu sang trang nhiều hứa hẹn,
An lành vui sống thế nhân hay!
Xuân về tươi mát đem hy vọng.
Trà nóng đêm nay để ngủ say.


Phí Minh Tâm 
(11-2-2021)
***
Chén Rượu Giao Thừa

Năm tàn ngày lụn cõi trời Tây
Chẳng pháo, không nêu tại chốn đây
Đuôi Chuột trải qua nhiều khốn đốn
Đầu Trâu hy vọng trước sau đầy
Trước thì xum họp gia đình ấm
Sau tiếp rong chơi thắng cảnh hay
Chuyện cũ dần quên tâm lắng đọng
Giao thừa chén rượu ước mơ say!

Lộc Bắc
Fev21

Xuân Nhớ Nhà



Vườn sau đang điểm trắng hoa lê
Báo hiệu mùa xuân lại trở về
Viễn xứ bâng khuâng niềm nhớ bạn
Tha hương xao xuyến nỗi thương quê
Mối lo non nước còn mờ mịt
Gánh nợ văn thơ vẫn bộn bề
Cứ muốn vượt ngàn thăm bến cũ
Cho dù cách trở mấy sơn khê

Nhất Hùng

Yêu Tết



Biết tết từ bao giờ,
Mà tôi yêu đến thế,
Tôi tìm tết mỗi mùa,
Cả một thời thơ trẻ.

Tìm trong tờ lịch mỏng,
Đếm thời gian vơi dần,
Ngày tết xa thăm thẳm,
Để tôi chờ tôi mong.

Đêm ba mươi tôi thức,
Rạo rực đón giao thừa,
Lại sợ mùa xuân hết,
Sẽ tàn một giấc mơ.

Tết từ trong nhà tôi,
Bánh chưng xanh, hoa qủa,
Tết ra ngoài đầu ngõ,
Xác pháo đỏ tiếng cười.

Tết của tuổi đôi mươi 
Tôi tìm trong hoa bướm,
Chưa biết điểm trang đời
Đã thấy mùa xuân thắm.

Tìm trong nắng trong gió,
Từ đất trời về đây,
Trần gian đang mở cửa,
Đón mùa xuân tràn đầy.

Tết đã đi theo tôi,
Trên đường đời vạn nẻo,
Tôi thêm bao tuổi rồi,
Mà lòng chưa khô héo.

Dù cùng trời cuối đất,
Vẫn hướng về một phương,
Tôi vẫn hoài yêu tết,
Vì tết là quê hương.

Nguyễn Thị Thanh Dương


Người Chợ Vãng Chúc Mừng Năm Mới Long Hồ Vĩnh Long

 

Thiệp Xuân: Người Chợ Vãng


Xuân Về Trong Áo Em Bay


Xuân về trên áo em bay

Trong hương suối tóc tiên dài hứng thơ
Giữa dòng sông mộng câu mơ
Trước hoa sau bướm thơm bờ tình ca

Mộng về trên sóng thuyền hoa
Trong mây trắng áo tiên nga học trò
Giữa rừng bạch tuyết hẹn hò
Trước hiên trăng xuống thăm dò lửa hương

Thơ về trên bến văn chương
Trong vần trăm nhớ ngàn thương dỗ dành
Giữa trời quê mẹ đất lành
Trước mưa sau nắng liền cành ca dao

Em về trên điệu ngọt ngào
Trong thơ ngây ngất nguồn đào nguyên sinh
Giữa chừng xuân hồng ân tình
Trước thềm hoa chúc quê mình thiên thai

Xuân về trên áo hoa mai
Trong hương môi ngọt chân dài câu thơ
Giữa dòng mắt biếc bao giờ
Trước mây sau núi vô bờ tình ca…

MD.02/23/13
LuânTâm


Quẻ Bói Đầu Xuân


Bồ cũ của cô dọa, sẽ theo cô miết, cho tới khi cô nối lại tình xưa. Cô rét quá, không dám lui tới những con đường tình ta đi. Thấy anh lòng vòng ở sân trường, cô mặt mày xanh mét, chạy lại anh lớp trưởng, hớt hơ, hớt hãi, bệnh nhức đầu kinh niên của cô tái phát, nhờ anh nói giúp, xin thầy chủ nhiệm cho cô nghỉ vài ngày. Đám bạn xúm lại cố vấn những biện pháp “trốn tình” cho cô. Liên la toáng mừng rỡ, như khi Archimède khám phá lực đẩy của nước: 
-Tao nhớ ra rồi, nhỏ bạn bên trường Nguyễn Thượng Hiền, gần nhà tao, có quen bà thầy bói giỏi lắm. Nó cũng tên Ngọc như mày. Tao dẫn mày tới nó, bảo đảm xong chuyện. 

Như vậy đó, cô quen Ngọc trong một bối cảnh thật tức cười. Ngọc dẫn cô đến bà thầy bói. Cả hai kính cẩn nuốt từng lời của bà thầy. Bà thầy nghe nỗi niềm của cô, bói cho cô một quẻ tình duyên, sự nghiệp. Bà còn đoán rằng, số cô sẽ được xuất ngoại. Nghĩ cho cùng, thuở đó, bói như bà, ai cũng làm được. Nhưng cô vẫn tỏ vẻ rất thành tâm. Bà lấy ở bàn thờ xuống một trái quít, đưa cho cô. Bà dặn, chờ đêm khuya, bóc vỏ quít, ném lên mái nhà, rồi ăn trái quít. Nhất thiết không để ai thấy, người kia sẽ buông tha. Chỗ quen biết với Ngọc, bà tính giá đặc biệt. Cô nộp cho bà thầy bói trọn tháng học bổng, vẫn thấy xứng đáng đồng tiền, bát gạo. Cô răm rắp làm theo lời bà. Trái quít chua loét, có lẽ sắp hư, mùi ung úng. Từ đó, cô thoải mái đạp xe rượt rượt với đám bạn “quỷ” trên những con đường cây xanh, dẫn đến hàng chè, gỏi, bò bía... mà không phải lấm lét ngó quanh, sợ bồ cũ phóng xe Honda tới trước chận đường. Cô xuýt xoa, bùa của bà thầy linh nghiệm như thần. 

Ngọc cười rộn ràng: 
-Mày với tao, sao mãi đến bây giờ mới gặp nhau nhỉ! Ừ, kể ra có duyên lắm đấy. Buồn cười nhẻ! Tự điển tiếng Việt tổ tướng như vậy. Thế mà ông bà cụ nhà mày, nhà tao lại ưu ái cho hai đứa mình cái tên giống nhau. 

Trong đám bạn của cô, tự nhiên nảy sinh trục trặc kỹ thuật nho nhỏ. Thỉnh thoảng có những hiểu lầm do sự trùng tên của hai đứa. Bạn bè không thể kèm thêm tĩnh từ dựa theo trọng lượng như Ngọc ròm, Ngọc béo, vì hai đứa cùng có dáng dấp suy dinh dưỡng như nhau. Gọi Ngọc bắc, Ngọc trung có vẻ phân biệt địa phương. Gọi họ đi sau tên, cô nhiệt liệt ủng hộ. Nhờ họ Hoàng, cô sẽ “ngự” trên đầu thế gian. Nhưng Ngọc dãy đành đạch: 
- Ối! Ông bà ông vải ơi. Chúng mày muốn chôn sống tao đấy phỏng? Nghe tên như vậy, thiên hạ tưởng tao đổi hệ, mê ăn so đũa nàm thao. Thôi, tôi lạy các bà. 

Cả đám chợt nhớ ra cái họ Dương khó xử của Ngọc, cười lăn lộn, rồi cho qua sáng kiến này. Tự lúc nào cô chả rõ, đám bạn thân ông ổng gọi hai đứa cô là Mặt Dài và Trán Dồ, dựa theo nét nhân dạng đặc biệt, mà hai đứa giấu giếm, không khai trong thẻ căn cước. Dần dà, tụi bạn chẳng thèm nhắc cái tên quý phái, ngọc ngà châu báu của hai đứa. Hai đứa than thở, gọi hoài như vậy chết duyên... mỹ nhân. Cô đành thủ thỉ với Ngọc rằng, hai ta cứ như anh em thi sĩ Trung Quốc ngày xưa. Đứa thì, Tương tư giọt lệ rơi năm ngoái, Mãi đến năm nay chửa tới cằm. Đứa thì, Khấp khểnh chân chưa ra tới cửa, Trán đã nhô ra tận cổng ngoài. Hai đứa mến nhau ra mặt, hợp nhau đủ chuyện, từ đàn hát lăng nhăng, văn thơ phú lục cho đến triết lý cùn, tâm sự vụn. 

Cô bỗng nhiên ưa mò lên nhà Liên, tạt qua một chút, đôi câu quơ quàng với mấy chị em Liên. Rồi kéo Liên đi, đến ngồi chuyện trò sa đà bên nhà Ngọc. Cả đám bạn của cô học ở Đại Học Sư Phạm, Quận 5. Chỉ một mình Ngọc bơ vơ ở Trung Học Sư Phạm bên Quận 1. Cô nghe kể lại, hồi thi vào đại học, cả đám bạn Ngọc rủ nhau ăn xôi cho dẻo, làm bài cho dính. Trước đó, Ngọc đã liên tục phù phép, nay xôi đậu xanh, mai xôi đậu đỏ, mốt xôi bắp... Đến ngày lều chõng đi thi, Ngọc ngán xôi quá, lui cui đem xôi chiên sơ, bỏ chút hành mỡ, cho dễ nuốt. Mẹ Ngọc thấy vậy lo lắm, nhưng không dám nhắc, sợ nói gở. Khi có kết quả, cả đám bạn học chung vào hết đại học. Riêng Ngọc thiếu điểm, rớt xuống trung học sư phạm. Mẹ Ngọc chửi một trận tắt bếp. Từ đó, Ngọc kịch mặt món xôi, bất kể xôi hấp, xôi chiên. 

Vì “non sông” cách trở, thời khoá biểu khác nhau, trong tuần cả nhóm khó đi chơi chung. Nhưng cuối tuần có mục gì, cô cũng chèo nẹo, kéo Ngọc đi với nhóm. Liên từ trước đến giờ cặp kè với cô sát rạt, sợ bị “thất sủng”, giở giọng “ghen tuông”: 
-Ê Trán Dồ, sao mày bu con Mặt Dài dữ vậy? Bộ, mày tưởng nhờ nó mà ông bồ cũ của mày hết theo mày sao? Đừng tưởng bở! Tại, ổng bận tò tò đi theo nhỏ Quận Chúa bên Cao Đẳng đó. 

Cô trấn an Liên: 
-Bậy nà, bậy nà! Tao đâu có nhớ đến chuyện đó nữa. Tại thấy con Ngọc hợp tính tụi mình, kéo nó thêm vào cho vui. 
Cô khèo khèo mạng sườn Liên, cười rúc rích: 
- Gì thì gì! Chớ mày lúc nào cũng là bạn ruột, thân nhứt của tao. 
Liên ngúng nguẩy: 
-Xì, ruột dư hả, không thèm. 
Thật ra, dù gặp Ngọc sau, cô thương mến hai đứa như nhau và tận hưởng hạnh phúc tình bạn đầm ấm với bao nhiêu kỷ niệm khó quên suốt hơn hai thập niên. 

Khi không còn cơ hội cỡi ngựa sắt đến nhà Ngọc, nhà Liên, bởi giữa cô và bạn bè là cả mấy đại dương, hai đứa vẫn đều đặn thư từ cho nhau. Cô ríu rít về những náo nức, khi lần đầu hoà mình vào đám đông tươi vui trong ngày hội hoá trang vào tháng hai ở Cologne, nước Đức. Cô nghĩ, trên thiên đường với thiên thần bay vòng vòng chơi vĩ cầm, hạc cầm chắc chỉ vui như tiếng chào Hellau ơi ới, như cảnh già trẻ lớn bé đứng hai bên lề đường, tranh nhau nhặt kẹo, bánh người ta tung ném từ những xe hoa. Ngọc tỉ tê về những ngày Tháng Tư oi bức ở Sài Gòn, với những cơn mưa lùm xùm, dai dẳng. Nắng nóng, hơi ẩm, bụi bặm làm con người lừ đừ, uể oải. Có lẽ dưới địa ngục, khi phải lăn lộn trong mấy chảo dầu, bị quỷ sứ chiên xào cũng khó chịu đến như vậy thôi. 

Ngọc mơ màng kể cho cô về anh chàng cùng học lớp đàn guitar cổ điển. Một hôm, ngang nhiên vác đàn tìm đến nhà, lúc Ngọc đi vắng, chàng làm như thể rất thân quen. Mấy đứa em quý hóa, mừng, có người “trị” được bà chị, ưu ái mời chàng vào. Chàng xin cho chàng tự nhiên bên mấy cây lựu ngoài sân, rỉ rả trình diễn. Chàng đàn đi, đàn lại mãi bài Feste Lariane. Đám em ban đầu rất “hồ hởi phấn khởi”. Nhưng khi nghe bài nhạc đến lần thứ mấy chục, với đoạn chơi trémolo khục khặc như ngựa chứng, chúng rút ra sau bếp, cố tránh thật xa cung đàn của chàng. May quá, may cho chàng, lẫn cho đám em, lúc đó Ngọc về đến nhà. Đẩy cánh cửa sắt, Ngọc giật mình, ơ hay, thế nào mà “địch” lại vào tận sào huyệt nhỉ. Rồi Ngọc ngâm nga... yêu đàn là một, yêu chàng là hai... Lúc đó, cô thảo tờ sớ dài, báo cho Ngọc, cô lăm le bỏ đàn, một mực tin rằng đời êm như tiếng hát của lứa đôi. Cô kể cho Ngọc nghe về chàng của cô. Cô mượn ý của một nhà văn nổi tiếng để tỏ rõ quyết định của mình: Yêu nhau không phải chỉ nhìn nhau, để thấy rõ những khác biệt, những khuyết điểm nhau, mà cùng nhìn về một hướng. Cô chẳng hề bận tâm, mình sẽ thấy gì nơi hướng đó, vì cô mãi mơ được trọn đời với chàng. Dù con rùa bưu điện Việt Nam thuở ấy đạt kỷ lục thế giới về tốc độ... rùa bò, phong thư màu tai tái dày cộm của Ngọc, vẫn đến tay cô trước ngày cô hăm hở cùng chàng, ra sở hộ tịch đổi họ theo luật hôn nhân hiện hành tại Đức Quốc. Lá thư dài ngoằng của Ngọc, chi chít chữ trên giấy tái sinh, trăm điều nhắc nhở, dặn dò người con gái trước và sau ngưỡng cửa hôn nhân. Cô như nghe được giọng bắc Bùi Chu Phát Diệm của Ngọc: “Nhớ nhé con nỡm! Hãy mở mắt thật to trước khi quyết định, và nhắm tịt mắt lại sau khi đã gật đầu.” Giọng điệu dạy bảo của Ngọc, cứ như thể người đã lấy chồng dăm ba lần, hoặc như các cụ đã gả con mấy đám. 

Cô hãnh diện gởi cho Ngọc những tấm hình của cô trong bài thơ vu qui. Trông mặt mày hớn hở của cô trong hình, Ngọc bảo, dám cá mười ăn một rằng cô sẽ hạnh phúc đến răng long, đầu bạc. Đàn nhạc thơ thẩn cô cho ra rìa cái một. Nhưng có lẽ cô lầm, cô không dễ dàng dứt đường tơ với con người mơ mộng của mình. Giữa bận rộn của những ràng buộc trong cuộc sống gia đình, cô có lúc rón rén, lấy cây đàn guitar xuống, lau nhẹ lớp bụi mờ, mở những cuốn nhật ký, tập thơ chép tay ngày xưa, nhìn những nét chữ mình lạ lẫm. Rồi cô vội vàng treo đàn lên tường, cất tập thơ tận đáy tủ, cảm thấy lòng bứt rứt, bất an. Nghe Ngọc tầm sư học đạo các phương pháp dưỡng sinh. Cô cầu cứu Ngọc: “Lang băm ơi, hốt cho tao vài thang thuốc thực tế, cho tao chữa dứt bệnh mơ mộng đi”. Cô thút thít với Ngọc. Mẹ chồng cô kể bâng quơ, rằng có ai đó ham học hành, xao nhãng chuyện nhà, chồng hăm he bỏ. Bà cụ biểu đồng tình: 
-Bỏ là phải! Đàn bà mà học cho lắm, thì đối xử tệ với chồng chớ hay ho gì. 

Rồi như chợt nhớ ra, bà cụ quay qua hỏi cô: 
-Ủa, dậy chớ con học bao lâu nữa mới xong? 

Cô tưởng như Ngọc đang nắm nhẹ tay cô dỗ dành: “Tránh voi chẳng xấu mặt nào, nhỏ ơi. Nhất định đừng bỏ cuộc nhe. Ráng học nhe, thêm được chữ nào hay chữ ấy. Trong cuộc chiến không đồng cân sức này, mày phải nhường cho đỡ thiệt hại. Tôn Tử dạy rồi, tri bỉ, tri kỷ. Thì cứ nghĩ thế này, chồng nói thì ra, bà gia nói thì vô.” 

Ngọc vẫn thư đều cho cô: “Con ranh ạ, đừng trách chàng trai nước Việt không biết nịnh đầm. Bằng chứng rành rành trong lịch sử đấy nhé. Lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đi thăm nước Tàu. Gặp lúc công chúa từ trần bất đắc kỳ tử, bèn làm bài văn tế thế này: Thanh thiên nhất đóa vân, Hồng lô nhất điểm tuyết, Thượng uyển nhất chi hoa, Giao trì nhất phiến nguyệt. Ô hô! Vân tán, tuyết tan, hoa tàn, nguyệt khuyết. Thấy chưa! Cái gì cũng only one cả. Cho nên mày phải kiên nhẫn một tị đi nhé, sẽ có ngày phu quân hò rằng only you đó thôi.” Cô không nhớ đã kể cho Ngọc nghe chưa. Các cô em của chàng vừa giỡn, vừa thiệt, nói, cỡ như chàng ở Việt Nam, giai nhân đầy đủ công dung ngôn hạnh, bu theo, gạt ra không hết. 

Cô trách Ngọc: 
-Mày “nguyền” tao hạnh phúc đến lúc bạc đầu. Nên tao mới ngoại tam tuần, mà tóc muối nhiều, tiêu ít. Hèn chi... 
-Này, con nhãi kia! Đừng bắt chước Chí Phèo. Hở một tí là lăn đùng ra nằm vạ. Tóc bạc thì đã sao? Tao đây, độc thân vui tính. Mới từng tuổi đầu, trông cứ như Kim Hoa bà bà đấy. 

Cô tưởng như Ngọc vừa nói, vừa vén cho cô thấy mái tóc với nhiều sợi đã đổi màu. 
-Có lẽ tại tụi mình hay suy nghĩ vẩn vơ nên mau già. Cô như nói với chính mình. Tình cảm phai tàn theo thời gian. Nhưng những khác biệt giữa tụi tao thì không. Xem chừng, ngày càng đậm nét. 

-Trán Dồ, dỏng tai nghe cho rõ nhé. Tóc bạc có Hà Thủ Ô, có thuốc nhuộm L’Oreal. Hãy sống vui, sống nhộn. Tao muốn cuộc sống mày lúc nào cũng rổn rảng tiếng cười. Mày cứ một mực tự làm khổ mày, chẳng có trời nào thèm cứu. 

Bao năm qua, mỗi khi đem những thư từ của Ngọc ra đọc, cô vẫn những bồi hồi, xúc động. Khi cô về Việt Nam, những tối, những khuya hai đứa rù rì nói chuyện không muốn dứt. Ngọc tặng cô một cuốn sách nặng ký, ngay trang đầu Ngọc phóng bút lả lướt: Có một bạn tri âm, như có vầng trăng sáng. Có đôi bạn tri âm, cả ngân hà lai láng*. 

Bố Ngọc mất sớm, Ngọc quyền... tỉ thế phụ. Mẹ Ngọc an tâm giao Ngọc trọng trách, lo cho các cô em gái, tìm bến trong để trao thân gởi phận. Cứ vài ba năm nghe Ngọc báo tin, nhà vừa bớt đi trái bom nổ chậm. Nhưng trái bom lớn nhất vẫn chưa có hiện tượng dời đô. Con của cô đã bước vào tuổi dậy thì, Ngọc vẫn cu ky một mình. Các em Ngọc thấy viễn ảnh bà-cô-già-khó-tính, thường thúc chị, đừng kén cá chọn canh, cố tìm cho chị chút bầu bạn. 

Ngọc cười giòn giã: 
-Bầu thì thôi. Tao xin hai chữ bình an. Bạn hả? Tao có con Trán Dồ rồi. 


Ngày nay, phương tiện truyền thông ngày càng nhanh chóng hiệu quả. Cô vẫn nhanh tay trên bàn phím gởi điện thư cho Ngọc, hoặc quay lẹ số điện thoại đã thuộc nằm lòng 00848... rù rì với Ngọc chuyện đời, chuyện người. Cô kể về nghệ thuật ăn uống của vợ chồng cô. Chồng cô nhận xét, món mì Quảng của cô, nước chẳng ra nước, khô chẳng ra khô. Rau mì xà bần, chẳng giống ai. Cô quan sát món thịt ba rọi kho trứng của anh, ăn với cơm, ngọt giống chè, ăn tráng miệng, lại quá béo. Cho nên nhiều bữa ăn, hai vợ chồng cô, đồng... bàn, dị mộng. Thỉnh thoảng, cô đưa điện thoại để Ngọc nói chuyện với chồng cô. Cô đi làm về trễ, ở Việt Nam đã nửa đêm. Thế nên trong tuần, chồng cô thường thay mặt cô, voice chat với Ngọc. 

Cuối tuần, điện đàm với cô, Ngọc phân tích tình hình: 
-Chàng không phải dở người đâu mày ạ. Nước sông Cửu Long khác nhiều so với nước sông Hương, sông Hồng. Ở đây đốt đuốc đi tìm, vất vả lắm mới tìm được mẫu mã tương tự. Mày tập nghĩ đơn giản hơn một chút. Cứ nơ- pa, xăng- phú hết mọi việc đi. 

Cô máy móc gật đầu, chẳng biết sẽ đơn giản như thế nào: 
-Ừ, tao đã tập thay đổi tao từ lâu rồi. 

Ngọc cũng phần nào nhận thấy thay đổi trong cô, chẳng còn là những hỉ nộ ái ố rõ ràng như xưa. Con người hăng tiết vịt của cô ngày nào, bây giờ trở thành nghị gật. 

* * * 
Chồng cô nói, anh phải về Việt Nam để lo vài công chuyện cho họ hàng. Anh nói sao, cô biết vậy, không hỏi thêm. Cô ngại những đối thoại, khi cả hai chẳng bận tâm nhiều đến đề tài mình bàn cãi, mà chỉ bực tức nhau vì lối đặt vấn đề. Liên lăng xăng nhờ người quen ra đón chồng cô ở phi trường. Xếp đặt chương trình gặp gỡ đám bạn cô với chồng cô. Liên gọi điện thoại qua cho cô mấy lần, hỏi quanh quẩn khó hiểu: 
-Mấy bữa nay con Ngọc đã nói năng gì với mày chưa? 
-Chưa. Có gì sao mày cứ úp úp, mở mở hoài vậy? 
-Hễ nó liên lạc với mày, báo cho tao liền nghe. 

Khi nhận điện thư của Ngọc, kể bằng giọng điệu thản nhiên rằng, mấy hôm nay bận rộn không thư từ cho cô, vì có chồng cô lại chơi ở nhà. 

Cô gọi Liên báo tin, lúc đó Liên mới ấm ức: 
-Tao nhắc nó mãi. Bắt phải chính nó thông báo cho mày chuyện ổng đang tá túc nhà nó. 

Cô dường như vẫn chưa thấy sự lạ: 
-Ừ, có gì gấp gáp đâu. Anh đến thăm bạn bè tao là chuyện thường. 
-Ừ, ổng sẽ đến thăm gia đình tao cho đúng thủ tục. Nhưng đằng này, ổng ở nhà con Ngọc, ngay hôm đầu từ phi trường về, cho đến bữa nay luôn. 

Cô giật mình, cà lăm: 
-Là, là sao? Anh ở nhà bác anh, rồi tới nhà con Ngọc thăm gia đình nó cho phải phép chứ. Hay là sao? 
- Ngọc à, sao mày dật dờ, trời ơi đất hỡi quá. Đến bây giờ mày chẳng hiểu gì ráo trọi hả? Tao tức mình ghê. Mày coi! Tao hỏi nó, bữa nào rảnh, qua tao, cùng nhau đi mua sách cho mày. Nó tỉnh bơ kể, mấy hôm nay, bữa nào cũng thức khuya lắc, khuya lơ tán gẫu với ổng, sáng đi dạy, mở mắt không ra. Nó nói, đã hẹn ổng cuối tuần đi mua quà cho mày, tao bị cho de rồi. 

Cô bỗng nghe tai mình lùng bùng, lắp bắp: 
-Trời ơi, anh ở đó sao tiện cho con Ngọc. Nhà còn có ba chị em. Mẹ nó ở hoài bên chùa. Anh lui tới như vậy, hàng xóm nghĩ sao. Tội nghiệp cho mấy chị em nó chớ. 
-Thì vậy. Tao cũng không biết sao nữa. 

Liên coi bộ còn “bức xúc” hơn cô. Liên hay gọi điện thoại qua tường thuật, đưa những tin tức sốt dẻo. Đường dây từ Việt Nam, gọi qua internet, đôi khi không rõ, nhiều khi nghe chính giọng mình nói, nhiều hơn là người đối thoại. Có lẽ nhờ vậy Liên không nhận được rõ những bối rối của cô, cô không cảm được hết nhiệt lượng máu nóng của Liên sôi sùng sục. 

Liên tức tối: 
-Tao nói với nó, để ông xã mày ở lại nhà nó, rồi nó ăn nói sao với mày. Biết nó trả lời sao không? Đừng nghĩ nó là ni cô, trên giường bệnh hấp hối, xin được muỗng nước mắm. Nó nói vậy, tao câm luôn. Bây giờ chỉ có nước mày hỏi nó, hoặc hỏi thẳng chồng mày. 

Cô chớp nhanh mắt, quay mặt khỏi ống nghe, đằng hắng cho giọng mình khỏi khàn: 
-Hỏi là hỏi sao bây giờ? Nếu câu trả lời không phải sự thật, thì hỏi làm chi, cho khó nghĩ cả mấy đàng. 
-Vậy, mày chờ khi ổng về lại bên đó, quan sát thái độ ổng có gì thay đổi không. 

Cô ờ ờ cho xong chuyện. Cô nghĩ mãi đến Ngọc. Nếu có điều gì xảy ra, Ngọc sẽ mất mát nhiều lắm. Biết Ngọc bao nhiêu năm, cô hiểu Ngọc lắm chứ. Cô không dám kết luận võ đoán. Nhưng cô không tìm được lời giải thích nào thoả đáng. 

Cô lóng ngóng trông tin Ngọc. Nghĩ, có lẽ Ngọc quá bận, không thư cho cô. Tối nào, cơm nước xong, để mặc nhà bếp bừa bộn, cô vào hộp thư, lúc nào cũng vẫn chút hy vọng, hồi hộp. Cô chờ mãi thư của Ngọc, tưởng tượng sẽ nhận được thư đại khái như, “Trán Dồ ạ, hồi nào mày chán chê đi làm bên xứ người, về đây, hành nghề đòi nợ. Mày ủng oẳng đòi thư, làm tao sốt cả tiết.
Người ta kể rằng, từ khi Khuất Nguyên tự trầm dưới sông Mịch La, văn nhân tài tử nào muốn đàm đạo chuyện thơ văn, cứ viết vào giấy thả trôi trên sông Mịch La, Khuất Nguyên sẽ chứng cho. Ấy, chớ nghe chúng xúi dại, quẳng cái gì xuống sông, một đi không trở lại. Phú- lít bắt gặp, lại phạt tội xả rác bừa bãi. Chớ ngốc nhé. Cứ viết thư cho tao, năm bữa nửa tháng, thể nào chả có lúc tao ngoáy cho mày đôi dòng. Tao bận quá nhỏ ạ, đám học trò dốt của tao đang quay tao như chong chóng...” Có lúc cô đổ tiệt hotmail làm ăn bê bối, bị trục trặc kỹ thuật nên thư Ngọc đi lạc. Nhưng lạ một điều, cô vẫn nhận thư của bao nhiêu người khác từ Việt Nam. Cô gọi điện thoại thăm những bạn bè chung của hai đứa. Nói chuyện trời trăng mây gió một hồi, cô vờ hỏi đám bạn có tình cờ nhận tin tức gì của Ngọc chăng. Năm đứa trong đám bạn xưa vẫn thỉnh thoảng nhận điện thư, đều “tình cờ” nhận được thiệp xuân của Ngọc. Tính Ngọc luôn chu đáo. Riêng cô, cũng rất tình cờ, chẳng nhận được chữ nào của Ngọc. Tự nhiên, cô mất trắng đứa bạn thân. 

Cô se sẽ nói với Liên: 
-Thôi cũng tiện. Nhỡ khi chàng gọi thầm tên em, đỡ khó xử cho chàng. 
Liên la lên: 
-Mày khùng thuộc loại siêu đẳng rồi. Chuyện như vậy, mà còn tửng tửng cái giọng dở hơi. 

Không biết bà thầy bói ngày xưa còn sống chăng. Có lẽ cô phải đến tìm bà, nhờ bà xem cho một quẻ đầu xuân, cho cô biết thực hư thế nào. Không biết rồi bà sẽ đưa cho ai trái quít, để cô được lại con bạn xưa. 

Hoàng Quân 
*Trích lời ca trong các nhạc phẩm: 
Hương Xưa của nhạc sĩ Cung Tiến 
Ngày Đó Chúng Mình của nhạc sĩ Phạm Duy 
*Bài thơ Tri Âm trích trong quyển thơ Biếc của thi sĩ Trụ Vũ 

Thứ Năm, 11 tháng 2, 2021

Câu Đối Đêm Trừ Tịch

Câu Đối & Trình Bày: Quên Đi

Trưa Ba Mươi Đón Ông Bà



Trưa Ba Mươi đón ông bà
Nén nhang thắp khói bay xa phương trời
Kính mời chư vị về chơi
Bên mâm cơm cúng con ngồi suy tư

Tai còn vẳng tiếng ầu ơ
Lời ru của mẹ lửng lờ bên tai
Lời cha dạy vẫn nhớ hoài
Công ơn cha mẹ biển trời nào quên

Khấn thầm lên cõi cao trên
Kính mong cha mẹ vui miền trăng sao
Rưng rưng giọt lệ nghẹn ngào
Nhớ Người tiếng gió lao xao nghĩa tình

Tiệc vui họp mặt gia đình
Bên đàn con cháu lung linh nụ cười
Như bên có mẹ cha ngồi
Miếng ngon thịt ngọt gắp mời mẹ cha

Trưa Ba Mươi tiệc an hòa
Niềm vui họp mặt trổ hoa xuân về

Trầm Vân


Xuân Nay Còn Nhớ!


Mỗi độ mùa xuân về trên quê hương
Chạnh lòng lưu luyến nỗi buồn vương
Chiều ba mươi gặp người nơi cuối chợ
Một lần bỡ ngỡ vương tơ suốt đời

Đã bao lần Tết nô nức về đây
Trải tình thơ với nỗi nhớ nhung đầy
Người vui bên ấy xuân nay còn nhớ
Tôi lặng nơi này nhìn cánh hoa lay
 



Thơ & Hình Ảnh: Kim Oanh
Góc Xuân Melbourne 2021


Còn Có Lần Nào

(Mộ phần Phú Hữu - Ảnh Kim Phượng)

Xa cách mười năm Phú Hữu ơi
Quê cha đất tổ lại xa vời
Bờ tre mồ mã còn in dấu
Mà nặng lòng yêu Phú Hữu ơi

Hoang vắng hồn tôi lạnh một trời
Nắng xuân viễn xứ nắng chiều rơi
Lấy ai san sẻ buồn xa xứ
Nhớ mãi khôn nguôi lạnh một trời

Đất Vĩnh bao giờ sống lại nơi
Chôn nhau cắt rốn của từng thời
Cô đơn cùng với người trong mộ
Còn có lần nào sống lại nơi

Kim Phượng
Ảnh Ấp Phú Hữu Xã Trung Ngãi, Tỉnh Vĩnh Long (2011)


Giao Thừa

(Tết - Người Bắc ở Sài Gòn trước 1975)

Ngoài phố rền vang tiếng pháo
Mới hay đến giờ giao thừa
Con vẫn ngồi đây lơ láo
Đã bốn xuân rồi, mau chưa!

Nhớ quá, chao ơi bếp lửa
Nồng ấm tình thương Mẹ già
Tóc Mẹ bạc phơ quá nửa
Tuổi đời ngày một trôi qua

Con nhớ những mùa Xuân trước
Mẹ dẫn con đi lễ chùa
Nguyện cầu Phật ban ơn phước
Trong làn khói ngát hương đưa

Lại một mùa Xuân về nữa
Vắng con có ai xông nhà?
Mẹ vẫn ngồi bên bếp lửa?
Con vẫn lưu đày phương xa

Con của Mẹ giờ khôn lớn
Gần ba mươi tuổi, không ngờ
Tương lai chẳng tìm ra hướng
Ga đời, con đứng bơ vơ...

Nguyễn Kinh Bắc
Trại tù Thành Ông Năm (Hóc Môn)
Xuân 1979

Ngồi Đồng


Chắt chiu ngụm nhỏ
Cà phê bụi đời
Ngồi đồng quán nước
Nhìn tháng ngày trôi

Nhạc ru hồn khách
Thoáng chút dịu dàng
Khói thuốc lơ đãng
Như chuyện hợp tan

Bạn bè ta đâu
Tháng năm hầu hết
Người em mắt nâu
Cũng bỏ đi biệt

Những dòng xe trôi
Im lặng mải miết
Đèn đỏ đèn xanh
Chiều ba mươi Tết

Mùi hương quê xưa
Nhà ai nhang khói
Ta còn ngồi đây
Nghe tim nhức nhối

Locphuc.

Ngày Cuối Năm

                        Ảnh: Kim Phượng

Bài Xướng:


Ngày Cuối Năm


Ngày Xuân đã trở lại nơi nầy
Đất khách ta còn ở chốn đây
Dạ nuối ưu tư ôn quá khứ
Lòng buồn khắc khoải nghĩ tương lai
Tân niên ,mong gót dừng phiêu bạt
Năm mới , rửa hồn thoát đắng cay
Trừ tịch chạnh sầu thương đất Mẹ
Mai vàng già cỗi....chắc phôi phai ?

songquang
( viết cho đêm trừ tịch 2021)
***
Bài Họa:

Xuân Đất Khách

Mấy chục mùa Xuân đất khách nầy
Bên trời lữ thứ vẫn còn đây
Nhọc nhằn tay trắng thời thương khó
Nhàn nhã tuổi già lúc thái lai.
Bàn Phật đèn nhang lòng da diết
Giao thừa khói nến mắt sè cay.
Thiêng liêng giờ khắc quê nhà nhớ
Mộng ước ngày về đã nhạt phai!

Mailoc
2-10-21
***
Ôn Cố


Vì cớ sao ta lại chốn nầy
Nỗi buồn xa xứ vẫn quanh đây
Bao năm bóng lẻ đời lưu lạc
Một kiếp thân đơn khách vãng lai
Vận lỡ gìn lòng dù khổ ải
Năm cùng vẹn nghĩa dẫu chua cay
Chi giao bằng hữu ngồi ôn cố
Năm Mới tình đầy chớ nhạt phai

Kim Phượng


Xuân Lòng



Xướng:

Xuân Lòng

Mở mắt nhìn xuân bỗng nực cười
Ta giờ chạm ngưỡng chín lần mươi
Vần thơ mãi nhớ người trong mộng
Chén tửu còn neo nghĩa cuộc đời
Những lúc mây tà luôn vọng cảnh
Bao lần nguyệt khuyết vẫn nhìn khơi
Tình em trẻ mãi ngày đôi tám
Lạnh ngõ hồn mơ tuổi thiếu thời.

LCT 
06/02/2019
***
Bài Họa:

Xuân Yêu Thương

Triền xuân rộn rã tiếng ai cười
Đẹp mối duyên dù tuổi mấy mươi
Khép cửa lòng đêm đành ủ mộng
Cài then giấc điệp để xây đời
Đây miền nắng hạ tàn trên bến
Đó mảnh trăng chiều lịm giữa khơi
Sóng vỗ nào đâu là tuyệt vọng
Vì hương cuộc sống mãi giao thời

NPP 06/02/2019
Loan Nguyen
***
Xuân Đời


Dõi mắt nhìn ta bỗng bật cười
Xuân xanh đã ngoại lục tuần mươi
Hồn thơ vẫn vẹn lòng chung thủy
Nét chữ còn nguyên thuở mộng thời
Tết đến lời yêu càng muốn ngõ
Đêm về giấc điệp mãi còn khơi
Sương khuya vướng động tình hoa lá
Ước điểm tô thêm cảnh sắc đời

(Họa hoán vận cùng anh)
Lê Cảnh Thông
***
Chạnh Nghĩ

Nhìn ai cũng hớn hở tươi cười,
Cứ tưởng xuân về đẹp rõ mươi!
Đám trẻ ngồi chơi chừng đẫm mộng,
Đàn em chạy nhảy ngỡ yêu đời!
Nghiêng chiều nắng nhạt ra nhìn cảnh,
Giữa buổi mây nhoà lại ngóng khơi!
Chạnh nghĩ năm nào hai khoảnh tám,
Hoà vui nghĩa đượm lúc giao thời!!!


Dư Âm
 

Trước Thềm Xuân Hòa Bình


Hơn một tuần ra vào cổng trường Tiểu Học Ghềnh Ráng, cộng thêm mấy ngày ứng trực và tăng cường cho Ty Cảnh Sát Quận Nhơn Định trong thị xã làm cho cả đám chúng tôi hầu như sạch túi. Hôm rời Đồng Đế, bóp ai cũng dày cộm, mấy ngày lòng vòng Qui Nhơn thì cứ xài xả láng. Đang gồng mình gánh chịu kỷ luật quân trường thì tự nhiên có lệnh đi công tác chiến tranh chính trị. Đợt đầu đi Bình Thuận gần 3 tháng. Hiệp Định bị đình trệ. Chúng tôi vừa từ Bình Thuận trở về quân trường được mấy ngày thì lại vác ba lô và túi quân trang đi tiếp. Lần này văn bản đình chiến đã có hiệu lực hẳn hòi.

Lính quân trường lại một lần nữa được tung ra để hỗ trợ các đơn vị địa phương và trực tiếp tham gia công tác giải thích hiệp định cho người dân ở nông thôn. Cả tuần nay, không hiểu sao vẫn còn trì trệ trong việc chia toán và phân công cho toàn bộ Tiểu Đoàn Sinh Viên Sĩ Quan gần 500 mạng. Vì vậy họ đang ở tạm trong Ghềnh Ráng, còn toán chúng tôi, thuộc khóa đàn em, là toán duy nhứt tình nguyện tăng phái, nên nhận công tác tạm thời cho bên Cảnh Sát, và nhờ vậy đã có dịp nhởn nhơ trên các nẻo đường của phố xá Qui Nhơn trong khi Đồng Môn SVSQ khóa đàn anh còn nằm tại Ghềnh Ráng chờ phân công tác.

Rảnh cả ngày nên chúng tôi cứ “cà nhỏng“ ngoài công viên của thị xã, hoặc lê la quán xá hay lòng vòng mấy khu chợ hoa và gian hàng bán Tết, đặc biệt là chợ trời. Hơn nữa đang là những ngày giáp Tết. Phố xá nhộn nhịp. Không khí tưng bừng với triển vọng hòa bình đang ló dạng làm mọi người, quân cũng như dân cảm yêu đời hơn xưa. Hôm nay đã 29 âm lịch, và cũng là ngày đầu tháng 2, 1973. Hiệp định Paris vừa có hiệu lực đúng 5 hôm. Tuy vậy, tin tức chiến sự vẫn dồn dập xuất hiện trên mặt báo và loan truyền cả trên các đài phát thanh, trung ương cũng như địa phương. Đánh nhau dữ dội tại Cửa Việt, rồi địch lấn đất tại Sa Huỳnh, các cửa ngõ ra vào Sài Gòn bị địch phá rối và ngăn chặn, nhứt là mặt tây bắc, hướng Tây Ninh, Hậu Nghĩa, cũng như dọc theo các Quốc Lộ 1 và 20. Thôi thì đủ mọi chuyện liên quan đến chiến sự lẫn chánh trị làm những ai quan tâm cảm thấy chán ngán cho mặt trái của bản hòa ước.

Nhưng đất trời đang xuân, lại là mùa xuân mang hy vọng hòa bình nên đánh đấm ở đâu thì cứ đánh. Nơi nào đang yên lành, hay không phải là mặt trận thì cứ vui xuân. Qui Nhơn cũng không ngoại lệ. Vẫn là bông hoa từ vùng quê đổ vào phố thị để kịp bán tết. Vẫn những tà áo đủ màu bay lượn khắp đó đây. Vẫn xe cộ đủ loại lạng, lách để tránh những bộ hành đang lấn cả trên lòng đường. Trong không khí se lạnh của biển và núi giao hòa, là tiếng nhạc xuân quen thuộc đến nằm lòng. Những Đan Aó Mùa Xuân, Đồn Vắng Chiều Xuân, Ly Rượu Mừng, Xuân và Tuổi Trẻ…v/v… là những bài hát không thể thiếu trong những ngày vui Tết âm lịch. Nói chung, là những sinh hoạt cố hữu trên phố xá, trong những ngày tàn năm của bất cứ nơi nào trên phần đất tự do của miền Nam.

Lẫn trong dòng người xuôi ngược, người lính trẻ còn mang Alpha trên cổ áo thấy mình như đang sống lại thời chưa khoác chinh y. Chung quanh chúng tôi là quang cảnh tấp nập mua sắm, cùng với những rộn ràng không thể thiếu trong nhịp sinh hoạt của ngày cận Tết. Đón xuân phương xa tạo cảm giác bồi hồi cho những ai lần đầu không có mặt với gia đình vào dịp Tết, nhưng nghĩ lại thì vẫn còn hạnh phúc hơn những chiến sĩ đang đối diện với địch quân ngoài chiến tuyến, hay đang âm thầm chong súng gát giặc tại những nơi đèo heo, hút gió. Có ở những nơi đó mới thấy thấm thía, khi nghe bài nhạc bất hủ của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh “ …Nếu mai không nở anh đâu biết Xuân về hay chưa…” Chưa đầy hai mươi tuổi, chưa vào lính mà sao lúc đó, năm 1960, người nghệ sĩ tài hoa này đã có những câu nhạc và lời hát tuyệt vời đến như vậy?!

- Mai là 30 Tết rồi. Có chương trình gì không tụi bây?
- Tao cần đi lễ đêm giao thừa. Rồi tính gì thì tính.
- Còn tao đi lễ chùa và hái lộc lấy hên.
- Hai đứa bay đi ngắm mấy em thì có. Ê “Mọt sách “! Mày có “‎cao kiến” gì không? Sao cả ngày lầm lì không mở miệng vậy!?
- Tụi bây tính sao cũng được.
- Vấn đề là mấy bữa nay mình ngủ hành lang ban đêm, tà tà ngoài đường ban ngày. Bày biện mọi thứ và nhậu nhẹt lộ liễu thì kỳ lắm, nhứt là ba ngày tết. Cần phải có phòng ốc kín đáo mới được.
- Vậy thì Lâm Hoài Nam lo vụ này đi!
- Chuyện này phải do Trung Úy Danh dàn xếp mới được. Ổng là sĩ quan cán bộ, còn mình chỉ là Sinh Viên Sĩ Quan. Tao chỉ là phát ngôn viên bất đắc dĩ của tụi mình thôi!
- Hay là nếu không có công tác gì hết thì mình đi mướn khách sạn, lấy hai, ba phòng gì đó, rồi gom vào một chỗ ăn tết. Mệt thì rút về nghỉ. Ai khỏe thì xập xám hay domino sáng đêm. Tụi mày thấy sao!?
- Nghe được lắm! Nhưng không chắc là mình lè phè ăn tết thoải mái đâu. Chưa kể súng ống nữa. Ban ngày còn gởi mấy ông bạn dân được, chứ còn…
- Thì mang theo luôn. Chỉ gởi túi quân trang cho họ giữ dùm thôi. Nhứt cử lưỡng tiện. Phải không tụi bây?
- Thằng Khanh nói đúng đó. Nhưng “xông đất“ chỗ nào mới được?!
- Thì tới khách sạn Việt Cường ở gần bến xe đò đi! Gần núi, sát biển. Mướn phòng trên lầu 5, lầu 6 thì tha hồ cho thằng Huy tìm hứng khai bút. Thôi! Coi như thông qua vụ này đi. Còn bây giờ thì làm gì cho hết buổi tối đây?
- Tìm quán cà phê nào gần đây ngồi câu giờ là tốt nhứt.
- Cà phê Thảo Ly trên đường Võ Tánh. Tao thấy được lắm. Nhạc hay. Người cũng xinh xắn. Đứa nào muốn ngắm em thì theo tao.

Đêm Qui Nhơn rộn ràng trong không khí đang vào xuân. Đêm bâng khuâng trong tâm hồn lính trẻ. Mười sáu “Thanh kiếm bạc trên mặt trời rực sáng“ đội bê rê màu nước biển, thoạt đầu làm cho mấy nhân viên và cả người chủ quán có vẻ e ngại và lúng túng vì lính đông quá. Đã vậy, mấy chàng Alpha tinh nghịch cứ xin giấy viết tên mấy bản nhạc rồi yêu cầu cho nghe. Nhạc Việt rồi qua nhạc Anh, Pháp, Mỹ làm hai chị em cô hàng có lúc bối rối vì nhiều bài không có trong tủ nhạc của quán. Nhưng sau đó thì không khí trở thành thân ái như trong gia đình, khi Hoàng “cờ tướng“ nhận ra một bạn học trong những người khách. Anh này từ Sài Gòn về Qui Nhơn ăn Tết và là bà con với người chủ.

Từ câu chuyện hàn huyên của hai người bạn học dẫn đến chuyện văn nghệ văn gừng của thời sinh viên, rồi người bạn Khoa Học về nhà vác cây đàn trở lại quán. Sau đó thì nhạc máy trở thành nhạc sống, hát theo lời yêu cầu, hát đủ mọi thể loại trong tinh thần “hát cho nhau nghe”. Chẳng mấy chốc thì không còn chủ, khách. Không khí đúng là của một nhóm bạn, hay một gia đình đang quây quần đón xuân. Gần nửa đêm mới tan hàng. Đường về rộn ràng chân bước. Phố đã không còn người qua lại. Vài chiếc xe Tuần Tiểu của Cảnh Sát và Quân Cảnh Tiểu Khu chạy qua dòm dòm…thông cảm. Họ dư biết nhóm lính trẻ là ai và đang hướng về đâu. Đêm lành lạnh mang hương xuân ngào ngạt. Tết đến nơi rồi!...

Một ngày vui vừa qua trong đời. Đã bước qua ngày mới và cũng là ngày cuối năm âm lịch. Trong ánh điện nhá nhem, tranh tối tranh sáng, có những đóm lửa của vài điếu thuốc lập lòe. Giấc ngủ đêm xuân thường đến muộn và mọi người như vẫn muốn tận hưởng sự thoải mái và hạnh phúc vừa trải qua trong ngày. Vui được lúc nào hay lúc đó. Ai biết được ngày mai sẽ ra sao. Nhứt là những ngày mai của Lính, dù chỉ là…Lính quân trường. Quả đúng như vậy! Sáng ra là đã thấy Trung Úy Danh đến tận nơi cho biết sẽ có xe đến đón cả toán đi Phù Mỹ. Vậy cũng được! Còn hơn cứ đoán già đoán non, không biết chừng nào lên đường. Cả nhóm đã sẵn sàng từ lúc được thông báo, nhưng lại phải chờ dài cổ đến quá trưa mà vẫn chưa có xe của Chi Khu Phù Mỹ ghé đón.

- Biết vậy đi ăn rồi tạt qua công viên nghiên cứu cờ thế sướng hơn.

Hoàng “cờ tướng“ đi tới, đi lui, lẩm bẩm một mình.
- Ba mươi Tết rồi cha nội! Không còn ai bày cờ thế cho mày phá trận nữa đâu. Ghiền đánh cờ tướng dữ vậy hả?!
- Không phải vậy. Một công hai ba chuyện thôi. Vã lại tao muốn chộp vài món nhắm để lai rai mấy ngày tết.
- Nó nói đúng đó! Chưa mua sắm gì hết. Ra Phù Mỹ thì lấy gì mà nhâm nhi?
- Thì có gì mua nấy. Quận chứ có phải Xã, Ấp mà sợ không có tiệm bánh mứt hay trà rượu!?
- Hy vọng là như vậy. Chứ nếu không…
- Nếu không thì còn Ration C để làm gì!? Tụi bây sao khéo lo quá.
- Xe tới rồi kìa! Nhớ coi lại mọi thứ cho cẩn thận nghe!...

Chỉ chừng 10 phút sau là chiếc GMC trở đầu ngược bắc. Quốc lộ đã vắng xe dù chỉ mới 2 giờ chiều. Vì đã là 30 tết, hay vì không khí chiến tranh vẫn còn lãng vãng đâu đây, nên đã phần nào ảnh hưởng đến sinh hoạt của vùng quê?! Mấy hôm trước cả đám hăm hở ngồi trên xe nhìn quang cảnh hai bên đường suốt cuộc hành trình 250 km từ Đồng Đế đến Qui Nhơn. Bây giờ thì hầu như sự nôn nao đã lắng dần đâu đó trong lòng. Tuy vậy, vẫn một thoáng chạnh lòng thật man mác khi nghĩ đến vùng đất đã đi vào lịch sử nước nhà qua nhiều thời kỳ của thăng trầm, hưng phế. Bình Định là đây, vùng thạnh trị cuối đời của Chiêm quốc trước khi cam lòng khuất phục trước sức nam tiến của Lê Triều.

Bình Định của biển cả chập chùng, của núi rừng hung hãn. Bình Định của những trận thư hùng quyết liệt giữa những danh tướng lưu danh thiên cổ của hai dòng họ Nguyễn: Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, Võ Tánh, Ngô Tùng Châu, Võ Di Nguy, Võ Văn Dũng, Lê Văn Duyệt. Tuy Viễn, An Nhơn là đây! Một thời lẫy lừng trong lịch sử, quê hương của Tây Sơn Tam Kiệt, bây giờ nằm buồn thiu chờ qua năm mới. Gò Chàm của thị trấn Bình Định thuở xưa, nổi danh nhờ những ngày chợ phiên truyền thống là chốn nào trong quận Phù Cát của ngày nay? Phù Cát! Một địa danh quen thuộc, nơi có căn cứ không quân chiến thuật và chuyển vận khá quan trọng. Điểm nóng của những lần pháo kích và đụng độ thường xuyên nảy lửa với địch quân, đang nằm hiền hòa phía xa xa, sau màn bụi đỏ xoắn thốc ven đường theo đà xe lướt chạy.

Rồi cũng đến Phù Mỹ. Hai dãy phố nhìn nhau thầm lặng trong sinh hoạt của ngày tàn năm. Xe rẽ trái để vào quận đường kiêm chi khu nằm sát bên quốc lộ. Trung Úy Danh lo liên lạc. Một số trong chúng tôi rút vào câu lạc bộ của quận đường để nhâm nhi chút cà phê trong khi chờ đợi công tác chánh thức, nhóm còn lại thích chỗ đông người nên lạng nhanh ra cổng để rửa mắt và…sắm tết. Quang cảnh và sinh hoạt của chợ chiều ba mươi tết cũng như mọi nơi khác, rộn ràng và nhộn nhịp trong những giờ phút cuối. Phố quận chỉ là hai dãy nhà cùng với hàng quán ven quốc lộ, nên một vòng qua lại chưa mỏi chân là đã không còn gì để xem, để ngắm. Vài gói trà, chút bánh mứt, hai chai “Ông Già Chống Gậy” cùng với thuốc lá và vài món đưa cay là xong buổi chợ xuân của đám “con bà phước“. Trở vào quận đường, xớ rớ ngoài câu lạc bộ chưa bao lâu thì có lệnh tập họp lên xe để đến nơi nhận công tác.

Từ Chi Khu Phù Mỹ đến Ấp Diêm Tiêu, Xã Mỹ Trinh chỉ chừng trên dưới 3 km, nên xe chạy chừng vài phút là đã vào ngay trong sân cờ của văn phòng Xã. Thủ tục chào đón cũng đơn giản và nhanh chóng vì chỉ có Xã Trưởng và một Trung Đội Trưởng Nghĩa Quân tiếp cả toán trong văn phòng kiêm nhà hội họp. Sau vài lời dặn dò là Trung Úy Danh theo xe về lại Phù Mỹ. Thêm vài câu chào đón và chúc xuân của vị xã trưởng, là cả toán vác túi quân trang qua làng định cư ngay bên cạnh để nhận chỗ ở và tuyến đóng quân.

Bốn dãy nhà vách ván, hai gian, lợp tôn "lạnh“, nằm gọn gàng và vuông vức sát bên cạnh văn phòng Xã, mỗi nhà cách nhau một mảnh sân con, vừa đủ để có nơi trồng vài loại rau quả thông dụng cho bữa ăn hằng ngày. Làng định cư xài chung cổng trước với trụ sở xã, phía sau bỏ trống để mọi người có thể thoải mái ra vào khu vực nhà xí “ thiên nhiên “ vốn là phi đạo dã chiến của quân đội Mỹ mấy năm trước. Bên ngoài hàng rào kẽm gai là ba lớp concertina chạy song song với quốc lộ và bao vòng qua phía nam, hướng về phía chi khu. Toán công tác được phân trách nhiệm phòng thủ mặt này và được giao cho một ngôi nhà từ lâu đã vô chủ để làm nơi sinh hoạt cố định.

- Mấy anh không cần phải lo an ninh hay canh gác. Chuyện này đã có chúng tôi đảm trách.
Người Trung Đội Trưởng kết luận sau khi đã chỉ sơ vị trí bố phòng của cả toán.
- Nếu như có địch tấn công thì chỉ cần mấy ông ở yên tại chỗ, còn dân chúng thì đã quen với việc phòng thủ của chúng tôi nên sẽ không ra khỏi nhà trong bất kỳ tình huống nào. Nhưng chỉ phòng hờ vậy thôi, chứ nơi này an ninh số một. Chưa có lần nào bị tụi nó léo hánh tới nơi cả. Cứ yên chí ở đây ăn tết!

Đơn giản chỉ có vậy. Sau đó là công việc đào hố phòng thủ cho chắc ăn- kinh nghiệm căn bản học được lúc công tác ở quận Hòa Đa, Bình Thuận- và dọn dẹp lại căn nhà tạm dùng làm “tổng hành dinh“ của cả toán. Khi đâu vào đó thì chiều cũng vừa tắt nắng. Một vòng thăm bà con tản cư, coi như đáp lại thạnh tình chào đón lúc ban đầu của họ, mới thấy người dân nghèo quá mức. Làng tạm cư không có điện. Để tiết kiệm, nhiều người dọn cơm ăn ngay ngoài sân, hay trên bộ ván hoặc tấm phản bên hiên khi còn chút ánh sáng le lói, thay vì phải thắp đèn dầu hôi trong nhà. Hầu như rất ít người có khả năng mua sắm cho ra vẻ đón xuân, mà nếu có thì cũng lắt nhắt chút đỉnh …cho có lệ. Bữa cơm gạo sấy, thịt ba lát của Lính quân trường đặt cùng mâm với cá trào kho mặn và mớ rau chấm nước mắm của gia đình ông bác “hàng xóm“ thật đơn sơ nhưng thân thiết làm sao!

- Chúng tôi là dân miền biển tản cư về đây. Đa số là dân của vùng Mỹ Chánh, Mỹ Thạnh. Làm rẫy làm ruộng chỉ là phụ thôi. Mà đất nơi này thì không trồng được gì nhiều ngoài mấy gốc sắn, mấy nhúm rau hay vài dây khoai èo uột như mấy cháu đã thấy.

Ông Tám thở dài, quơ tay chỉ một vòng quanh khu nhà tái định cư, rồi nói tiếp:
- Nhiều người đã bỏ đi nơi khác từ lâu. Những ai còn ở lại đều phải làm thuê, làm mướn dưới quận hay trong vùng này để sinh sống qua ngày. Nghe nói sắp có hòa bình nên bà con mừng lắm. Chỉ cầu mong được như vậy để mai này yên ổn làm ăn...

Không có màn văn nghệ bỏ túi với cây đàn mượn của người chủ quán cơm ngoài đầu xã, không có những nụ cười chất phác và hồn nhiên của trẻ thơ khi nhận từng miếng bánh mứt khiêm nhường của nhóm công tác, thì không biết phải định nghĩa ra sao về không khí đón tết của cả đám Alpha xa nhà lần đầu tiên trong đời. Mọi thứ mua sắm dự tính để cả nhóm lai rai ba ngày tết, đều được chia xẻ tận tình với tất cả những ai tìm đến khoảng sân trước “tổng hành dinh” của toán công tác, nên khi có tiếng súng của ai đó từ hướng quận vang lên lúc đón giao thừa, thì cả đám chỉ còn lại vài hộp bánh Ration C với ấm trà để quây quần với nhau trong tâm trạng vừa nhớ gia đình, bè bạn, vừa bâng khuâng với hoàn cảnh trước mắt.

Lại lan man trải lòng theo khói thuốc và tiếng ghi ta rỉ rả của một bạn SVSQ bên hiên vách. Tiếng súng mừng xuân đã lặng yên. Thoang thoảng trong đêm là hương thơm của khói nhang từ đâu phảng phất trong làn gió nhẹ. Đêm giao mùa đang về trong lời nguyện thầm của những người hướng lòng thành đến đất trời và tổ tiên bên mâm cúng đơn sơ trước sân nhà. Đêm yên lắng thật bình thường nếu không có những nôn nao và hy vọng cho một mùa xuân thanh bình. Chắc chắn sẽ có những trăn trở và cả âu lo khi nghĩ đến chiến tranh vẫn còn lảng vảng đâu đó, khi mà người lính vẫn còn phải chong súng gác giặc từng giờ.

Nhưng dù sao thì cũng là đêm đầu tiên của mùa xuân mang nhiều hy vọng. Mai này sẽ như thế nào thì không ai biết chắc, nhưng hy vọng vẫn là nguồn trợ lực và cũng là hạnh phúc cho mọi người, trong đó có chúng tôi, những người đang tràn trề hy vọng khi nghĩ đến ngày mình sẽ trở thành quân nhân phục vụ trong thời bình. Chỉ cần bấy nhiêu thôi cũng đủ để quây quần suốt đêm quanh những câu chuyện không ngừng nghỉ, hay thầm thì “hái lộc“ của nhau bằng domino và xập xám để gọi là đón xuân, một mùa xuân …chiến dịch.

Huy Văn
( Để nhớ toán công tác Chiến Tranh Chính Trị của ĐĐ 727, TĐ3 SVSQ, khóa 4/72B, quân trường Đồng Đế và những ngày Tết “hòa bình“ tại Ấp Diêm Tiêu, Xã Mỹ Trinh, Quận Phù Mỹ, Tỉnh Bình Định. Tháng 2/1973)