Thứ Bảy, 24 tháng 6, 2023

Grand Canyon


Grand Canyon phong cảnh hữu tình
Chiều hoàng hôn mây đủ mầu tím thẫm
Sáng rạng đông lạnh lẽo ra đứng ngắm
Cảnh tuyệt vời ôi ngây ngất, ngất ngây!

Sáng thức dậy ngắm trời, ngắm đất
Ôi mơ màng, tuyết trắng cả không gian
Lâu quá rồi ta mới gặp được nàng
Nàng tuyết ơi, chào em, chào tuyết nhé!

Mầu trắng tôi yêu, mầu tím yêu kiều
Hai mầu chính Grand Canyon đều có
Grand Canyon đẹp quá dù mưa gió
Đẹp mê hồn, đẹp đến độ xuýt xoa

Lần thứ hai đến thăm, gần gũi chẳng lạ xa
Thấy thích quá, ngẩn người nhìn cảnh lạ
Tuyết trắng xóa, tuyết rớt rơi đẹp lắm!
Con nai vàng nhìn ngơ ngác xa xăm

Grand Canyon… kỳ quan trên thế giới!
Tìm đến nơi, lòng rộn rã chơi vơi
Cảnh tuyệt đẹp, nắng vàng, mây xanh biếc
Nhìn thích ghê, cảnh thiên đàng hạ giới

Nhìn tuyết rơi, chợt thấy lòng phơi phới
Tuyết bay bay, đọng trên tóc, trên môi
Tuyết thật mịn, hoa tuyết trắng rụng rơi
Tuyết tan dần khi ngày trôi nắng tới

Mấy ngày ở Grand Canyon, bình an, hạnh phúc!
Một đời người ước được thế này đây…
Trăng buổi sáng ảo mờ, mùi thông già phảng phất
Đàn nai hiền, chú sóc, chim chóc cũng vui lây

Grand Canyon, Grand Canyon… là đây
Một kỳ quan nổi tiếng trên thế giới,
Cảm ơn trời, cảm tạ cuộc đời nầy
Grand Canyon hùng vĩ… quá tuyệt vời!


Ảnh & Thơ: Quách Như Nguyệt
Oct. 31st, 2013


Em Về Qua Bóng Hạ Qua

 

 Hạ đổ nắng xuống cành phượng nở
Hồn ta nghe chim hót trên cây
Như giọng nói em vừa khởi dậy
Mang ta đi tìm lại phút sum vầy

Xòe tay ngóng phượng buồn tình đọng
Bóng phôi phai cõi nhớ nghiêng lòng
Bỗng nghe tiếng ve sầu cất giọng
Rắc ngôn tình xuống chiều bâng khuâng

Bên vạt áo em bay vào mộng
Đã bao lần nương tựa chiêm bao
Ta đối diện gương đời lẻ bóng
Chợt ngộ ra em giờ ở phương nào

Chiều cô đơn bên trời đột tím
Nhớ em cằng đầy ngõ ngách tim
Ta cúi xuống hôn từng kỷ niệm
Giữa vô thường ta nhặt được tiếng em.


Bằng Bùi Nguyên

Màu Kỷ Niệm



Hơn nữa đời người vẫn còn thương
Sao ta cứ mãi bước ngược đường
Tìm cô áo trắng bên gốc phượng
Làm chết lòng tôi giữa sân trường

Thuở ấy sao mà dễ vấn vương
Huyên thiên gót nhỏ buổi tan trường
Tôi theo áo trắng chân không mỏi
Em nghiêng nón thẹn sao quá thương

Tôi muốn níu lại thời gian trôi
Tìm chút hương xưa đã xa rồi
Thuở bước theo nhau đêm ủ mộng
Mơ chuyện ngày sau duyên thắm đôi

Nhưng đó chỉ là ước mơ thôi
Nào ai giữ được thời gian trôi
Như lá xanh kia rồi vàng úa
Chỉ còn kỷ niệm giữ trong tôi

Kim Phượng Canada & Kim Trúc


Nghiêng

 
Nghiêng
Quán chiều nghiêng sóng bụi
Sông chiều nghiêng khói sương.
Đò chiều nghiêng mây nổi,
Ta chiều nghiêng vô thường.

Nắng Tha Phương
Như ta đi bao thuở
Qua điếm cỏ cầu sương.
Mấy trời mây vụn vỡ,
Đời đọng nắng tha phương.

Bóng Nào.
Bóng mấy cùng bóng nước
Bóng ảo khói sương mù.
Bóng vô thường thoáng trước,
Bóng ta - người. Thực-Hư.!

Dâu B
Trải bao mưa nguồn chớp bể
Người về mấy nẽo phong vân.
Lối cũ ngiêng chiều diễm lệ.
Đá còn tạc dấu trầm luân.

Chớp BMưa Nguồn
Bỏ quên phía sau giấc ngủ
Mắt đời trút cạn hoàng hôn.
Vẫn ta, dấu hài xưa cũ.
Qua bao chớp bể mưa nguồn.

Bến Đ
Bình an sau cơn sóng gió
Thuyền về với ánh trăng khuya.
Mái chèo thôi chao nhịp nước,
Trong ngần nỗi nọ niềm kia.!

Cuộc Tình
Giữa ngàn phương ảo hoá
Vi diệu lời bình yên.
Mây trắng về muôn ngã,
Thắp sáng trời Hoa Nghiêm.

Mặc Phương Tử.

Đời Lính

 

Mậu Thân 68, thuở đầu đời
19 tuổi tôi vào quân ngủ
Xa gia đình, xa cả người thương
Đời lính chiến đâu gì vui thú
Khoác chinh y đi giữ biên cương
Làm lính rừng lặng nghe gió hú
Ngắm mây trời tưởng về phố củ
Nơi thành đô sương có giăng mù
Phủ nhạt nhòa ươm đầy nỗi nhớ
Như núi rừng thấm đẫm cơn mưa…
Đường Lê Lợi chiều nhạt nắng thưa
Bước xôn xao vờn bay áo lụa
Vòng quay đời lạc dấu cơn mê!
Chuyện tích xưa giờ đây trở lại
Không phải để tìm hoa vàng động
Chỉ trải thân bảo vệ quê hương!!
Em có nghe rừng ngân tiếng hát
Sấm lưng trời rung chuyển Trường Sơn
Trong hư vọng tận cùng nỗi chết
Vẫn còn đây người lính biên phòng
Vì núi sông nặng hơn cuộc sống
Trấn giữ rừng, đóng đỉnh non cao
Phong sương lắm chiến trường lăn lộn
Chẳng nghĩ suy vì nước quên mình
Ngày mai nào biết ra sao nhỉ
Hiếu Nghĩa Trung vẹn tấm lòng son…
Rồi cứ thế dài theo vận nước
Chớ một lần thăm mái nhà xưa
Nơi cha mẹ mõi mòn trông đợi
Có cô hàng xóm tóc buông lơi
Mắt môi cười gợi trao thương nhớ!
Em gái ơi! Xin hãy gắng chờ
Một mai hết giặc anh trở lại
Cùng nhau ta dệt mối duyên này
Mẹ cha già thôi buồn đêm vắng
Không khóc anh bên ánh đèn vàng
Vậy em nhé! Cười vui ngày đó!!

Hoàng Mai Nhất
(Seattle, WA 2022)
* Trích thi tập “ CHÚT ĐỜI CÒN LẠI TRONG THƠ” / HMN

AranJuez Mon Amour - Sáng Tác: Joaquin Rodrigo - Tiếng Hát: Nguyễn Thượng Vũ, Pianist: Lê Xuân Cảnh

(Thực Hiện Youtube: Julia)

Cách đây vài tuần, anh chị Lê Xuân Cảnh & Bích Nhung có lại chơi thăm chúng tôi.
Chúng tôi rất mừng được tiếp khách quý. Chúng tôi bao giờ cũng rất mừng rỡ mỗi khi có bạn hiền tới thăm.
Bà Xã tôi và Bích Nhung vào bếp sửa soạn món Gà Hải Nam ăn cùng với tôm rim me.

Chúng tôi ăn uống, hàn huyên,nói truyện tâm tình với nhau, uống rượu với nhau.
Thật tình ra thì tôi uống nhiều hơn còn anh Cảnh thì chỉ nhấp nháp chút ít với tôi cho vui mà thôi.
Anh Cảnh thấy cái đàn Piano để trong phòng khách của chúng tôi thì cái máu đam mê âm nhạc của anh Cảnh lại nổi lên, anh chạy ra, ngồi xuống bên cây đàn và đánh lên nhiều bài nhạc cổ điển và bán cổ điển tuyệt vời.

Bích Nhung và vợ chồng tôi ngồi nghe một cách say mê, rồi cái máu mê nhạc của tôi lại nổi lên , và tôi ra xin hát cùng với tiếng đàn của anh Cảnh, vì anh Cảnh chơi hay quá, say mê quá, có hồn quá .

Bản nhạc lúc đó anh Cảnh chơi là bản Aranjuez Mon Amour trong Concierto De Aranjuez Con Tu Amor của Joaquin Rodrigo soạn ra vào cuối thập niên 30.

Bản Concierto De Aranjuez Con Tu Amor có 1 kỷ niêm rất hay đối với anh Cảnh.
Trong 1 cuộc chấm thi Classical Guitar thì anh Cảnh là Giám Khảo cuộc thi và giáo sư/nhạc sĩ/ Dương Thiệu Tước là Chánh Chủ Khảo.
Hôm đó GS Dương Thiệu Tước và anh Cảnh đã chấm 1 người học trò cưng của hai người, chơi bản nhạc này với Classical Guitar.

Tôi cũng là người đam mê bản nhạc này, mà có người nói là Joaquin Rodrigo soan để tặng Andre’ Segovia, là người bạn thân của Joaquin,
Việc này không biết có đúng hay không vì trong giai đoạn đó, Andre’ Segovia và Joaquin Rodrigo đang giân nhau.

Thật tình khi thấy anh Cảnh chơi Dương Câm bản Concierto này hay quá, nên tôi năn nỉ anh Cảnh cho hát ké theo, và tôi chỉ hát 2nd movement của Concierto nay mà thôi, vì đây là đoạn dễ hát nhất.
Hai anh em say mê, người đàn, người hát thì bà xã tôi lấy cái Iphone ra thu video để làm kỷ niêm và gửi cho Hoai Trang và Julia coi và nghe.

Việc bất ngờ là cháu ngoại Julia thấy ông Ngoại hát thì upload vào Youtube, và cháu mới báo tin cho chúng tôi biết.

Cháu viết sai cả tênbản nhạc Aranjuez thành 2 chữ, và lỗi rất nặng là cháu viết sai cả tên nhạc sĩ Lê Xuân Cảnh nữa
Tôi phải chắp tay xin lổi anh chị Cảnh.
Tôi thì ham hát, nhưng hat không hay, nhưng anh Lê Xuân Cảnh đánh đàn thì tuyệt vời.

Xin các anh chị tha thứ cho 1 ông già không “nên nết” ra làm trò cười ( dù rất ngượng) cho tất cả mọi người

Rất thân mến

Nguyễn Thượng Vũ

Giai nhân Tự Cổ…

 

(viết tặng những giai nhân trường Nữ, và để tưởng nhớ một người…)

“O sinh ra tận mô ngoài Huế
Hà cớ gì trôi dạt tới Nha Trang
Để một “thằng Võ Tánh”phải lang thang
Đem cây si trồng trước sân trường Nữ”

Nhờ bài thơ với bốn câu mở đầu không đâu vào đâu này, tôi bất ngờ nhận được điện thư của một người có tên Van Loubet từ một nơi nào đó gởi ngợi khen và hỏi tôi có phải là cậu bé nhà quê ngày xưa vào Nha Trang, có thời trọ học ở một con hẻm lớn trên đường Phương Sài. Tôi khá ngạc nhiên, vì bài thơ tôi viết vội chỉ để gởi đăng trên Đặc San Võ Tánh&Nữ Trung Học Nha Trang, nhân dịp đại hội cựu học sinh hai ngôi trường này tổ chức tại Houston hơn hai năm trước đó, mùa hè năm 2005; và cái tên người gởi, Van Loubet rất xa lạ, có thể chỉ là một nick- name, không phải tên thật. Thấy một số chi tiết trên mẫu điện thư ghi bằng tiếng Pháp, tôi tò mò, tìm hiểu cái họ Loubet, được biết đó là họ của ông Émile Loubet, thủ tướng thứ 45 của nước Pháp và sau đó trở thành tổng thống (năm 1906)! Tôi giật mình, làm sao tôi có thể quen biết với một người thuộc “danh gia vọng tộc” tận bên trời Tây?

Hồi âm và hồi họp đợi chờ. Mãi đến hai hôm sau, nhận được thư trả lời, tôi mới vỡ lẽ, nhưng rồi lại có thêm nhiều điều ngạc nhiên khác. Người viết thư cho tôi là chị Bích Vân, bà chị cả của “O Huế” trong bài thơ tôi viết. Chị sang Pháp vào những ngày Sài Gòn trong cơn hấp hối, và bảy năm sau, lập gia đình với một người Pháp có dòng họ với ông tổng thống từ năm 1906 này. Chị cho tôi biết đã vô tình đọc được bài thơ “O Huế Ngày Xưa” của tôi trên diễn đàn của trường Đồng Khánh, mà chị là một thành viên. Trước khi chuyển vào trường Võ Tánh-Nha Trang, chị vốn là một nữ sinh Đồng Khánh.

Sau đó chị thử vào Google gõ tên tôi thì tìm ra cả trang Web, có cả địa chỉ email của tôi trong đó. Chị còn bảo, sở dĩ chị đoán ra tôi một phần là do nội dung bài thơ, phần khác chính là nhờ cái tên của tôi đã làm chị dễ nhớ. Điện thư chị viết khá dài, lại không có dấu nên khó đọc, nhiều chữ phải đoán mò. Tôi cố đọc đi đọc lại vài lần mong tìm xem có tín hiệu nào về “O Huế” của tôi, nhưng hoàn toàn không thấy. Phía dưới email, chị cho số điện thoại và dặn tôi gọi cho chị vào cuối tuần, khoảng sau bốn giờ chiều thứ bảy, để chị em tâm sự nhiều hơn.
Còn ba ngày nữa mới đến thứ bảy, nhưng ba ngày với tôi bây giờ có cảm giác còn dài hơn ba tháng!

Ký ức đưa tôi quay trở về một thời xa lắm, khi thành phố Nha Trang đang mở ra cho tôi cả một bầu trời xanh bao la trước mặt. Năm lớp đệ tứ, tôi đang trọ học ở nhà ông chú, nằm góc đường Lê Lợi – Hoàng Tử Cảnh. Ngôi nhà nằm ở một vị trí không thích hợp và cũng không đủ rộng cho việc kinh doanh, nên phải bán đi để xây một ngôi nhà lớn hơn tại khu đất mới. Chú tôi phải thuê tạm một căn phố gần rạp ciné Moderne của ông Bác Ái ở đầu đường Độc Lập để làm văn phòng, rất bất tiện cho tôi trong việc ăn ở học hành. Tôi phải dọn lên ở tạm nhà một người bạn thân của ba tôi, chú Thân Trọng Lý, trên một con hẻm lớn ở đường Phương Sài, Phường Củi. Hẻm khá rộng, hầu hết nhà cửa đều rất khang trang, yên tĩnh.

Khoảng hai tuần sau, một gia đình dọn đến thuê ngôi nhà lớn nhất ở cuối con hẻm. Nhà có bảy người, ông bà chủ, bốn người con và một chị giúp việc. Bà chị đầu, hai cậu con trai trạc tuổi tôi rồi đến cô gái út. Ông bố là trung úy ngành Quân Cụ, từ xa thuyên chuyển đến làm Chỉ huy phó trại Quân Cụ, nằm góc đường Phương Sài – Trần Quý Cáp. Trông tướng mạo oai phong nhưng ông rất hiền từ. Cả hai ông bà rất mộ đạo Phật, ngày rằm nào cũng đi lễ chùa. Gia đình gốc Huế, nhờ vậy, chỉ sau một thời gian, ông bố trở thành bạn đồng hương, đồng đạo với chú Thân Trọng Lý, chủ nhà của tôi, một sĩ quan cơ khí Không quân, và cũng là một Phật tử thuần thành. Vợ chú đã qua đời từ mấy năm trước, để lại cho chú một đứa con trai khoảng 6, 7 tuổi. Chú Lý có họ Thân Trọng, một tộc họ nổi tiếng ở Huế, nhưng lại được chôn nhau cắt rốn tại Vạn Giã, quê tôi. Bởi thân phụ của chú từ Huế đến Vạn Giã làm ngành Hỏa Xa cho Pháp khi còn trai trẻ, lấy vợ rồi lập nghiệp ở đây luôn. Gia đình này nổi tiếng giàu có nhất ở quê tôi lúc ấy. Cùng ở quê vào trọ học với tôi có hai chị em, chị Thân Thị Hảo và anh Thân Trọng Sỹ, cháu ruột, con ông anh cả của chú Lý, học ở Võ Tánh, trước tôi mấy lớp.

Tình bạn gốc Huế của hai ông chủ nhà đã bắc một nhịp cầu khá thênh thang cho anh Thân Trọng Sỹ và tôi dễ dàng làm thân với bốn đứa con của ông trung úy. Hai cậu con trai khá hiền lành và hai cô con gái cô nào cũng thùy mị, xinh đẹp. Sau đó chị cả Bích Vân vào học đệ nhị trường Võ Tánh, cùng lớp với anh Sỹ, còn cô út Bích Hà học lớp đệ lục trường Nữ Trung Học vừa mới mở. Hải và Sơn, hai anh con trai lại học bên trường bán công Lê Quí Đôn. Anh Sỹ may mắn được học cùng lớp, nên ngày càng thân thiết với cô chị, còn tôi thì “phải lòng” cô em, bởi giọng nói “rất Huế” nhỏ nhẹ dễ thương, đôi mắt nai tơ hiền lành và nhất là mái tóc thề bay bay trong gió mỗi lần chúng tôi đạp xe song song trên một đoạn đường dài trước khi rẽ về hai hướng để đến trường mỗi đứa.

“Tôi phải lòng O, khi O còn đệ lục
Nón trắng, áo dài – trắng cả mùa thu
O đạp xe đi hồn nhiên quá đỗi
Cuốn hồn tôi theo vào cõi sa mù”

Đều là Phật tử, nhưng anh Sỹ và tôi hiếm khi đi chùa. Vậy mà từ ngày có gia đình Bích Hà, bọn tôi không bỏ sót ngày rằm nào. Ông bố thường chở chú Lý cùng vợ và hai cô gái đến chùa bằng xe Jeep, còn anh Sỹ, tôi và hai anh con trai thì đèo nhau trên hai chiếc xe đạp, chạy theo con đường tắt qua hướng Mả Vòng. Chú Lý quen biết từ lâu với Thầy Trụ trì Chùa Hải Đức, nên tất cả chúng tôi thường đi lễ ở chùa này, hơn nữa ở đây không đông đảo như bên chùa Tỉnh Hội, chỉ cách đó vài trăm thước. Khi lạy Phật, bọn nhỏ thường quỳ sau mấy người lớn. Tôi thường quỳ bên cạnh Bích Hà. Không biết nàng lâm râm khấn nguyện điều gì, còn tôi thì chỉ xin đức Phật cho hai đứa được gần mãi bên nhau. Và dường như từ nhỏ đến giờ, tôi chưa từng cầu xin đấng linh thiêng nào một cách thành tâm như thế.

Khoảng sáu tháng sau, chú tôi đã xây xong ngôi nhà mới ở đầu đường QL 1, nằm bên ngã tư Trần Quý Cáp, cạnh Ty Thông Tin. Ông đến nói chuyện với chú Lý để đón tôi về, nhưng tôi năn nỉ quá nên được cho ở lại đến cuối niên học. Sau này, mặc dù về ở nhà chú, nhưng sáng nào, tôi cũng đạp xe theo đường Trần Quý Cáp và đợi ở góc đường Phương Sài, trước sân phòng mạch của Bác sĩ Nguyễn Văn Tý để chờ Bích Hà, rồi chúng tôi cùng đạp xe song song trên những con đường Gia Long, qua Ngã Sáu Nhà Thờ, đến Lê Thánh Tôn. “Hộ tống” nàng đến trường Nữ, tôi mới rẽ sang đường khác để đến trường tôi. Đặc biệt, những ngày trời mưa lớn, Bích Hà không đạp xe mà nhờ anh Hải chở đi. Lúc ấy tôi phải năn nỉ “lấy lòng” thằng bạn, ông anh rất hiền lành của Bích Hà, cho tôi thay nó chở nàng ở phía sau. Đạp xe dưới trời mưa gió lạnh mà tôi thấy cả người ấm lên và mong sao con đường cứ dài thêm ra mãi.

“Cũng tại vì O mà tôi biết yêu
Tập viết thư tình từ năm đệ tứ
Đọc thư tôi làm sao O hiểu
Cái nghĩa yêu đương mù mịt quá chừng”

Anh Sỹ và chị Bích Vân sau khi đậu Tú Tài 2, đều chuyển vào Sài Gòn học tiếp. Và cuộc tình của hai người cũng kết thúc sớm, sau khi chị Bích Vân được sang Pháp du học.Tôi có cảm giác họ chỉ là hai người bạn thân chứ không hẳn là đôi tình nhân. Mặc dù tôi biết anh Sỹ rất mê chị Bích Vân, nhưng tính tình hoàn toàn khác nhau. Anh Sỹ lúc nào cũng đùa cợt, vui vẻ hồn nhiên, còn chị Bích Vân thì trầm lặng và sâu sắc.

Khi tôi vừa thi đỗ Tú Tài 1, Ba tôi từ quê nhân có việc gia tộc, cần gặp chú tôi bàn bạc, nên đã vào Nha Trang khao mừng và đón tôi về quê nghỉ hè với ông luôn. Khi ấy Bích Hà cũng vừa thi đậu Trung Học Đệ Nhất Cấp. Có thể lúc này cả hai đứa tự xem mình đã là người lớn… hơn một chút. Trước khi về quê nghỉ hè, tôi rủ Bích Hà đi ăn kem ở một tiệm bên cạnh rạp ciné Tân Tiến. Tôi tặng một cây bút màu xanh khá đẹp, có khắc đậm bốn chữ “Hoàng Thị Bích Hà”. Lần đầu tiên trong đời nắm tay một người con gái mà lòng thấy lâng lâng, man mác buồn. Bởi “chỉ mới nắm tay em hôm nay mà đã nghĩ đến chia xa ngày mai.” Lúc nói lời chia tay, cô bé không nhìn tôi, cúi xuống, giọt nước mắt tình yêu đầu đời của tôi rơi xuống hai bàn tay nàng.

Đọc trong sách, thấy người ta thường nói đến giọt nước mắt hạnh phúc, nhưng với tôi thì dường như đó lại là dấu hiệu của chia ly. Về quê chưa được hai tuần, tôi nhận thư của Bích Hà, bảo gia đình sẽ phải chuyển vào Cần Thơ, vì ông bố được thăng cấp lên đại úy và không hợp cung cách làm việc của vị chỉ huy trưởng, vả lại ông rất thích miền Tây sông nước, nên xin thuyên chuyển về đây, giữ một chức vụ cao hơn. Cả nhà sẽ di chuyển trong mùa hè này, bằng phi cơ quân sự, nhưng chưa biết ngày nào, có thể còn khá lâu vì ba cô phải chờ người đến thay thế.

Tôi viết thư, hứa nhất định sẽ trở lại Nha Trang để tiễn Hà và gia đình. Nhưng rồi tôi đã không có cơ hội để thực hiện được lời hứa này. Một hôm nhận được lá thư khác của Bích Hà, bảo là gia đình đã đi Cần Thơ, vì bất ngờ, nên cô bé không hề biết trước. Khi tôi đọc được những dòng chữ xinh xắn quen thuộc này, thì Bích Hà đã rời khỏi Nha Trang hơn một tuần rồi! Bỗng dưng tôi thấy cả đất trời và mọi thứ chung quanh mình trở nên trống rỗng. Chỉ còn có nỗi buồn đầy ắp trong lòng. Không ngờ chuyện tập tễnh yêu đương cứ tưởng chỉ là ngây ngô vụng dại, vậy mà đã làm trái tim tôi nhói đau như thế. Mất mẹ từ nhỏ, nên tôi rất gần gũi thân thiết với Ba tôi. Bất cứ điều gì tôi cũng tâm sự, kể lể với ông, có khó khăn gì tôi đều tìm đến ông để được nghe ông giải thích, chỉ dạy tận tình, nhưng lần này khi thấy tôi buồn, không còn đàn địch ca hát líu lo như mọi ngày, ông dò hỏi, tôi chỉ vờ nhoẻn miệng cười, lảng sang chuyện khác. Chẳng lẽ tôi lại ngu ngơ khai với ông rằng, thằng con yêu quí của ông còn đang học hành, chưa kịp lớn mà đã biết si tình? Vả lại, chính cả tôi cũng đang bâng khuâng không biết đó có phải thực sự là tình yêu hay không nữa!

Sau mùa hè, khi niên khóa mới sắp khai giảng, tôi khăn gói trở lại Nha Trang, nhưng không còn cái háo hức của những năm tựu trường trước đó. Thành phố biển xinh đẹp này với tôi bỗng dưng chẳng còn chút thơ mộng nào nữa. Tôi đạp xe lên nhà chú Thân Trọng Lý và vội vã chạy sang nhìn ngôi nhà của Bích Hà. Bây giờ đã có chủ mới, nhưng tôi vẫn cố ý kiếm tìm bởi cảm giác bóng dáng Bích Hà vẫn còn thấp thoáng quanh đây, và tai tôi phảng phất dư âm giọng nói rất Huế của nàng.

Tôi bắt đầu năm học mới với tâm trạng buồn và đầu óc mang mang như thế!

Lớp Đệ Nhất C của tôi khai giảng đúng vào những ngày biến động của chính trường miền Nam với liên tiếp những cuộc bãi khóa, biểu tình chống chính quyền Tổng Thống Ngô Đình Diệm, nhưng bù lại có thêm nhiều khuôn mặt mới, đa số là những giai nhân đến từ các trường Pháp và một số trường tư thục sau khi đã đậu Bac 1 hay Tú Tài 1. Lúc ấy Trường Nữ Trung Học Nha Trang vừa mới thành lập, chưa có các lớp đệ nhất, nên các nữ sinh “được” tiếp tục ở lại học chung với đám “ma quỷ” bọn tôi.

Thời ấy, nếu bên các lớp Đệ Nhất A, Nhất B có những tên tuổi đình đám, nổi bật như Trần Xuân Hoa, Nguyễn Thị Danh, Tôn Nữ Ngọc Hà, Thu “Mỹ Kim”, Phạm Phong Nhã…, thì bên Nhất C của bọn tôi vang lừng với nhiều cái tên khác: Thúy Liệu, Minh Châu, Kim Anh, Kim Thoa, Tỷ Muội, Túy Ngọc, Bạch Lan, Như Bá…Bọn tôi cũng hãnh diện khi cùng lớp với mình có quá nhiều người đẹp, nhưng như ông bà ta thường nói “ Bụt nhà không thiêng”, hơn nữa khi bằng tuổi nhau, đám con gái có khuynh hướng nhìn lên, chứ chẳng mấy cô chịu nhìn ngang, nhìn dọc, nên đa phần là hoa đã có chủ, vì vậy hầu hết đám con trai bọn tôi đều đem cây si trồng bên trường Nữ, tìm đối tượng ở một vài lớp nhỏ hơn mình.


Thời ấy, nữ sinh bên Trường Nữ Trung Học, có lẽ nhờ qui tụ từ khắp bốn phương nên hầu hết đều là những đóa hoa ngát hương, muôn màu muôn vẻ, làm khốn khổ trái tim của biết bao anh hùng hào kiệt, đặc biệt những chàng Sinh viên sĩ quan Hải Quân, Không Quân hào hoa từ khắp nơi tập họp về đây để sẵn sàng quỳ gối trước một giai nhân trường Nữ, xin rước những “cánh hoa biển” hay “cánh sao trời” về dinh để tự giam hãm cuộc đời mình.

Có rất nhiều cái tên vẫn luôn đi mãi cùng năm tháng. Riêng tôi chỉ biết (trong hạn hẹp) một vài người: Mỵ Cơ, Hồng Nữ, Xuân Thùy, Quỳnh Như Ý, Trung Thu, Bích Khuê, Như Ý (Thanh Cần), Lệ Son, Mỵ Hảo…Trong số những giai nhân này có mấy nàng từng làm cho vài thằng bạn của tôi đã phải điêu đứng, khốn khổ đến tự hủy hoại cả một đời. Riêng tôi, chỉ có duy nhất mỗi hình bóng cô nữ sinh gốc Huế vừa mới giã biệt ngôi trường Nữ này, dù rất kín đáo, thầm lặng, không có tên trong số những giai nhân ấy, nhưng đã đủ choáng ngợp tâm hồn tôi, đã cho tôi cái cảm giác thế nào là “chết ở trong lòng một ít” của ông nhà thơ Xuân Diệu, mà khi ấy tôi rất mê thơ của ông..
Bây giờ Sài Gòn – Cần Thơ trở nên xa cách muôn trùng, Bích Hà và tôi chỉ liên lạc nhau qua thư từ, và cũng chỉ dám nói đôi điều đùa cợt vu vơ, vì sợ ba, măng (mẹ) nàng kiểm soát. Ông bà không phải là người quá nghiêm khắc, nhưng tất nhiên lúc nào cũng mong cô con gái út chăm chỉ học hành theo chân bà chị cả Bích Vân.

Khi vào Sài gòn học thêm, tôi có rủ anh Sỹ đi Cần Thơ một chuyến nhân dịp Tết Nguyên Đán. Ông bà cụ và cả nhà Bích Hà vui mừng đón tiếp chúng tôi. Khi ấy chị Bích Vân còn ở bên Pháp. Ở đây chỉ có hai hôm, nên bọn tôi không có nhiều thì giờ riêng tư. Buổi tối cuối cùng, ông bà cụ bảo các con đưa bọn tôi đi bộ ra bến Ninh Kiều hóng gió và nhìn dòng sông Cần Thơ buổi tối lung linh dưới ánh đèn. Trên đường về, tôi kéo tay Bích Hà đi lùi lại phía sau, và bất ngờ hôn nhẹ lên má nàng. Đó cũng là nụ hôn đầu đời của tôi.

Tôi nhập ngũ khi Bích Hà vừa vào Đại Học Văn Khoa. Ra trường, tôi được chuyển ra một đơn vị tác chiến lưu động, hành quân liên tục khắp Vùng 2 Chiến Thuật. Có khi buổi sáng còn ở Quảng Đức, Lâm Đồng, buổi chiều đã có mặt ở Tuy Hòa, Phan Thiết. Có điều, đi đâu và lúc nào tôi cũng luôn mang theo bóng dáng của Bích Hà. Sau mỗi cuộc hành quân tôi đều viết thư, nhưng hộp thư KBC lại nằm ở hậu cứ tận Ban Mê Thuột, nên ba, bốn tháng ông thượng sĩ già bưu tín viên mới có phương tiện mang thư ra đơn vị một lần. Sự liên lạc ngày một nhạt dần. Sau đó không còn nhận được lá thư nào nữa của Bích Hà. Tôi hình dung Bích Hà bây giờ không còn là cô học trò bé bỏng của trường Nữ ngày xưa nữa, đã qua rồi cái thời mộng mơ, yêu đương khờ khạo. Một năm sau, tôi bị trọng thương ở chân trái, trong một trận đánh phản phục kích ở ngã ba Dak-Song, Quảng Đức, phải nằm nhà thương gần ba tháng. Rất may là không bị cưa chân.

Những ngày nằm treo cái chân băng bột cứng đơ lên thành giường, nghe những đồng đội thương binh bên cạnh rên xiết, tôi càng nhận ra mình chỉ là một thằng lính mạt hạng, năm tháng chỉ còn biết có đồng đội, súng đạn, chiến trường và ranh giới giữa sống-chết còn mong manh hơn sợi tóc, thì đâu có dám mơ gì đến chuyện tương lai hay công hầu khanh tướng.Tôi cố quên dần rồi mất hẳn liên lạc với Bích Hà.

Sau tháng 4/75, trong những tháng năm bị tù tội từ Nam ra Bắc, tôi chỉ còn biết chút cảm giác của hạnh phúc khi mơ màng tìm về quá khứ, hình dung lại thành phố Nha Trang xưa, thời tôi mới lớn, những ngày cắp sách đến trường với từng khuôn mặt bạn bè vô tư trong sáng, nhìn đất trời và mọi người ai nấy cũng hiền hậu dễ thương. Và từ trong ký ức ấy, hình ảnh của Bích Hà lúc nào cũng hiện lên đậm nét. Tôi nghĩ Bích Hà đã lấy chồng và thầm cầu mong cho “O Huế” của tôi sẽ luôn có tròn hạnh phúc. Một cô con gái xinh đẹp, hiền lành phúc hậu như Bích Hà phải xứng đáng để được ông Trời dành cho vòng tay nâng niu, che chở, yêu thương.

Hết chiến tranh ta lạc mất nhau
O cùng ai đó bước qua cầu?
Tôi bất ngờ thành người bại trận
Bước vô tù theo cuộc biển dâu
***
Từ khi đọc được email của chị Bích Vân, tôi nao nức đợi chờ, mong sớm đến chiều thứ bảy để gọi cho chị. Giọng nói của chị vẫn không hề thay đổi, cho dù đã hơn 45 năm tôi mới có dịp nghe lại giọng nói nầy của chị. Ấm áp, thân tình, làm tôi nhớ tới giọng nói của Bích Hà. Tôi thường trêu “cái giọng Huế của bồ làm khổ tôi rồi, bồ nói mà sao cứ như ru hồn người ta!”.

Bỗng tôi bàng hoàng khi chị im lặng một vài giây, rồi xuống giọng như muốn nói nhỏ với riêng tôi“Bích Hà đã không còn trên cõi đời này nữa! Bài thơ em viết chị đã đọc trước bàn thờ cho nó nghe trong ngày giỗ thứ 37 của Bích Hà, đêm Giáng sinh tuần trước”.

“O Huế” của tôi đã lẳng lặng bỏ đi, chỉ sau một cơn nhồi máu cơ tim. Bích Hà bất ngờ rời khỏi trần gian nhiều đớn đau phiền muộn này đúng vào đêm Giáng Sinh năm 1970, chỉ sáu tháng sau khi tu nghiệp một năm từ Tân Tây Lan trở về và dạy Anh văn cho một Trung Tâm Việt Mỹ. Hải, anh trai lớn của Bích Hà, người bạn hiền lành tốt bụng của tôi ngày ấy, sau này trở thành sĩ quan Pháo Binh và đã tử trận (mất xác) vào khoảng tháng 4 năm 1972 trong một trận chiến đẫm máu tại khu vực Cần Lê, gần An Lộc. Liên tiếp hai năm phải chịu hai cái tang con, mẹ của Bích Hà gần như kiệt sức, Bà cũng đã ra đi vào đầu năm 1975, sau một thời gian dài nằm trên giường bệnh, đúng vào lúc tình hình chiến sự ở miền Nam trở nên tồi tệ nhất. Điều uớc mong một lần trở về Huế, thăm lại quê hương, mồ mả mẹ cha, gia tộc, cuối cùng ông bà cũng không thực hiện được.

Nhờ giữ một chức vụ khá lớn trong Banque National De Paris (BNP), ngân hàng lớn nhất của Pháp tại Sài Gòn lúc ấy, nên trước ngày 30 tháng 4/75 chị Bích Vân đưa được ông cụ và Sơn, anh trai kế của Bích Hà sang Pháp. Ông cụ đã về hưu từ đầu năm 1970. Cũng kể từ đó ông bà dọn nhà về sống ở Sài Gòn. Khi đến Pháp ông đã khá lớn tuổi, cộng thêm nỗi buồn mất vợ, hai con và mất cả quê hương, ông trở nên trầm cảm, mất dần trí nhớ, rồi qua đời không lâu sau đó. Sơn thì kết hôn với cô bạn cũ, vượt biên cùng gia đình sang Úc, nên chàng ta cũng đã chọn Úc là quê hương cuối của đời mình. Riêng chị Bích Vân, lúc còn ở Sài Gòn, cũng vì hai cái tang em và gánh nặng phải lo toan cho bệnh tình của mẹ, tuổi già của cha, chị đã không lập gia đình. Mãi sau này, khi sang Pháp được bảy năm, chị mới kết hôn với một người Pháp, là bạn cũ của chị khi hai người cùng theo học ở Hautes Etudes Commerciales (HEC) Paris, từ những năm đầu thập niên 1960. Anh ta đã ly dị với người vợ trước và có một cô con gái.

Tối hôm ấy, khi được nói chuyện khá lâu với chị Bích Vân qua điện thoại, nghe tâm tình của chị, tôi có cảm giác những mất mát lớn lao của chị cũng là nỗi mất mát, đau đớn của chính tôi. Tôi trách ông Trời sao nỡ bất công với những con người phúc hậu dễ thương như ông bà cụ, như bạn Hải, và nhất là “O Huế”của tôi xưa.

Tôi đốt ba nén nhang, mở cửa bước ra balcon. NaUy đang mùa đông, tuyết rơi trắng xóa, trời đất và cả trong lòng tôi cũng ngập đầy băng giá. Hướng về phương Đông, tôi cầu nguyện và cám ơn Bích Hà đã để lại trong tôi hình bóng đẹp đẽ cùng giọng Huế dễ thương nhất của nàng.

***
Mùa Hè năm 2009, vợ chồng đứa con trai lớn mua vé rủ chúng tôi cùng đi tour năm ngày sang Nice, một thành phố biển nổi tiếng ở miền Nam nước Pháp. Tôi hăm hở nhận lời, mặc dù tôi đã từng đến đây vài lần rồi, nhưng vì biết chị Bích Vân đang sống ở đây, và tôi mong muốn có cơ hội được gặp lại chị. Chị rất vui mừng khi nghe tôi gọi, báo cho chị biết là chúng tôi đang có mặt tại Nice, và chỉ còn ở đây ba hôm nữa. Chị hỏi tên khách sạn chúng tôi ở và bảo là mười giờ sáng ngày mai anh chị sẽ lái xe đến đón.

Nhà chị ở không xa lắm, khoảng một tiếng đồng hồ lái xe. Bà xã và đám con cháu tiếc nếu phải bỏ một tour du thuyền đến Monaco, nên chỉ có mình tôi nhận lời.
Anh chị ở trong ngôi nhà cổ, khá rộng. Đặc biệt anh chồng nói được tiếng Việt, dù không thạo lắm. Tóc của chị đã hoa râm, nhưng vẫn còn nguyên mái tóc thề ngày trước, khuôn mặt vẫn đầy đặn hồng hào và cả dáng dấp của chị vẫn phảng phất nét xinh đẹp, thanh lịch một thời. Sau khi ăn trưa bằng món bún bò Huế do chính chị nấu sẵn, tôi theo chị lên tầng trên. Nguyên một căn phòng lớn dùng để thờ Phật, nơi chị tụng kinh niệm Phật mỗi ngày, và một bàn thờ phía sau dành cho những người thân quá cố. Thoáng nhìn bốn tấm ảnh phóng lớn có cùng một kiểu khung trên bàn thờ, tôi nhận ra Bích Hà. Vẫn khuôn mặt khả ái, đôi mắt hiền từ ngày nào, đặc biệt với cái miệng rất duyên. Tôi xin phép thắp mấy nén hương. Đứng trước bàn thờ, lâm râm vài lời trong niềm xúc động. Nhìn thật lâu vào đôi mắt của Bích Hà, tôi có cảm giác như nàng đang nhìn tôi mỉm cười, tai tôi văng vẳng một giọng Huế rất dễ thương, quen thuộc một thời.

Trước khi đưa tôi về lại khách sạn, chị Bích Vân nhắc tới anh Thân Trọng Sỹ. Tôi cho biết là sau khi tốt nghiệp ở trường Luật, anh Sỹ được thực tập tại văn phòng một vị luật sư lớn tuổi, cũng là cậu họ của anh, nhưng chỉ một thời gian sau thì anh bị động viên vào Thủ Đức. Anh được chọn về phục vụ trong Ngành Quân Pháp. Lương ba cọc ba đồng và đời sống quân ngũ dường như không thích hợp, nên sau đó anh thi vào Khóa 1 Tham Vụ Ngân Hàng và ra làm Phó Giám Đốc, rồi sau đó là Giám đốc Ngân Hàng Phát Triển Nông Nghiệp Châu Đốc cho đến ngày mất nước.

Anh vượt biển khi tôi còn đang ở trong tù, Được tàu Nhật vớt nên phải sang Nhật định cư một thời gian, rồi chán nản quá nên anh xin sang Mỹ. Trải qua nhiều khó khăn mới được Cơ quan Di Trú Mỹ chấp nhận. Hiện anh sống ở San Jose. Có điều, không biết có phải thất tình ai đó mà anh không chịu lấy vợ. Mãi một lần về Việt nam thăm gia đình, bị bà già la quá, hối phải lập gia đình để bà có cháu nội mà an lòng nhắm mắt.

Sau đó, khi xuống Châu Đốc tìm thăm lại những nhân viên ngân hàng cũ của mình, anh làm đám cưới luôn với cô thư ký ngày xưa, vẫn ở vậy chưa chồng. Nghe nói lúc trước dường như hai người từng đã có tình ý với nhau. Lúc đám cưới anh đã trên năm mươi, nhưng may mắn hai vợ chồng có được một cháu trai. Cha già con mọn. Mỗi lần nói chuyện với tôi anh cứ than “lỡ nay mai tao đi sớm thì không biết ai lo cho thằng bé.” Nhưng chị vợ là người hiền hậu đảm đang, và bây giờ cháu cũng vừa lên High School rồi!
Để làm vơi đi không khí buồn bã, tôi trêu chị:
–Ngày xưa chị đẹp quá chừng. Em nghĩ là anh Sỹ si tình, chắc đã hứa cả một đời tôn thờ hình bóng chị. Sau ngày chị đi du học, anh ấy bắt đầu sống bất cần đời. Chị có nghĩ vì vậy mà anh ấy không chịu lấy vợ không ?
Chị nở một nụ cười thật tươi. Lắc đầu.
***
Khi tôi ngồi viết lại những dòng này thì chị Bích Vân đã không còn trên cõi đời này nữa. Chị không có con, anh chồng tốt bụng thì cũng đã khá già, nhưng còn có đứa con gái riêng lo lắng cho anh. Tôi hình dung đến cái bàn thờ, có di ảnh Bích Hà trên đó. Không biết bây giờ ra sao, có ai thắp cho nàng một nén hương mỗi ngày và gõ cho nàng một hồi chuông vào tối những ngày rằm. Riêng tôi, nén hương đặc biệt ấy vẫn được đốt cháy mãi trong lòng mình.

Anh Thân Trọng Sỹ thì cũng vừa ra đi năm ngoái, sau một thời gian dài bị tai biến mạch máu não, và sống cả một cuộc đời vô ưu, thanh bạch. Anh mất âm thầm trong mùa dịch Covid-19, nên tang lễ chỉ tổ chức rất hạn hẹp trong gia đình. Tôi lại thêm một lần nữa nợ anh. Không có mặt để xin lỗi anh nhiều điều, và tiễn anh rời xa nhân thế. Anh ra đi bỏ lại người vợ hiền và đứa con mới chập chững vào đời. Anh cũng bỏ lại biết bao kỷ niệm buồn vui của hai anh em tôi, một thời đẹp đẽ nhất của Nha Trang. Cầu nguyện hồn anh được thanh thản, và ở một nơi xa xăm nào đó, nếu có dịp ngó lại trần gian này, xin anh vẫn nở nụ cười bao dung vui vẻ như ngày nào, cho dù thế gian này đã không mấy sòng phẳng với chính anh.

Cuối cùng, cũng sẽ đến lượt tôi. Rồi tất cả sẽ gặp lại nhau ở một thế giới khác, bình yên, không còn chiến tranh,hận thù, khổ đau, chia lìa mà chỉ còn có tình yêu thương miên viễn.

Phạm Tín An Ninh

Thứ Sáu, 23 tháng 6, 2023

Chuyện Dòng Sông - Thơ: Phan Khâm - Nhạc: Nguyễn Tuấn - Trình Bày: Quốc Duy


Thơ: Phan Khâm
Nhạc: Nguyễn Tuấn
Trình Bày: Quốc Duy

Phụ Nữ Miền Nam Thời Khói Lửa

 

Phụ Nữ Miền Nam trong thời khói lửa
Đáng được vinh danh “Tiết Hạnh Khả Phong"
Chăm sóc Mẹ già, con dại thay chồng
Để chinh phu yên lòng lo chống giặc.

Đêm cô đơn, nhớ chồng rơi nước mắt
Nhìn đám con thơ, ruột thắt gan bào
Lo lắng cho chồng, khi nghe tiếng pháo
Cầu xin Phật Trời che chở chinh phu.

Kẻ đón chồng về chân cụt, mắt mù
Người đổ lệ, nhận xác chồng tử trận
Vợ tù cải tạo vô cùng lận đận
Lặn lội thăm chồng ngàn dặm xa xôi.

Nặng đôi vai gánh vác cuộc đổi đời
Cùng con trẻ đi vùng kinh tế mới
Trồng sắn, trồng khoai, mẹ đào, con xới
Thiếu áo cơm, đời chẳng thấy tương lai.

Phải cùng con vượt biên ra hải ngoại
Biết bao người nạn nhân quân cướp Thái
Chết trên biển Đông bỏ lại con thơ
Lạc lõng quê người, bọn trẻ bơ vơ 

Phụ Nữ Miền Nam Trong Thời Khói Lửa
Đã góp công giữ đất nước non sông
Dù không cầm súng ra ngoài chiến tuyến,
Cũng xứng đáng được Tổ quốc tri ân.

Trần Công / Lão Mã Sơn

Cũng Một Kiếp Người - Dòng Đời

 

Bài Xướng:

Cũng Một Kiếp Người


Cuộc sống đời ta lắm nổi trôi
Bao năm phiêu bạt cứ liên hồi
Ngày mừng con cháu luôn thanh thản
Tối với bạn bè thôi cút côi
Nước lớn nước ròng như gió núi
Trăng tròn trăng khuyết tựa mây đồi
Trăm năm thân thế đời cô lữ
Một kiếp phù du chỉ khổ thôi./.

Toronto 19-6-23
Nguyên Trần
***
Bài Họa:

Dòng Đời


Dòng đời lặng lẽ, tưởng êm trôi
Sóng gió cuồng điên cũng tới hồi
Xưa đã quây quần trong ấm cúng
Nay thì hiu hắt giữa đơn côi
Mắt mờ không thể qua ghềnh thác
Chân mỏi làm sao vượt núi đồi?
Kết bạn bao năm cùng gậy trúc
Xóm nhà mươi nóc quẩn quanh thôi!


Hồ Khiên
6-21-23



Người Lính Còn Nghe Hận Chiến Trường?

 

một ngày tháng sáu năm mười tám
ta xuống hồ bơi để tắm chơi
hồ rộng thân ta thì bé nhỏ
có nàng tiên cá nhởn nhơ bơi

thấy chán bỏ đi tìm quán cốc
mặt bàn cô độc gió đưa hơi
ly cà phê nhỏ không đường sửa
ta uống ta ngồi rửa mắt chơi…

đường vẫn trưng bày mọi thể xe
phố đem hạt bụi gọi trưa hè
chừng mươi năm nữa ai nào biết?
người mọc chân dài thay thế xe

cứ ngắm cứ đem hồn tản mạn
chuyện xưa cọ quẹt chuyện hôm nay
chuyện ông Trang Tử ta thường mộ
như rượu chưa mời nghe đã say

tờ lịch trên tường vội bốc hơi
ô hay! tháng sáu lại lên đời
tênh hênh con số ngay mười chín
thằng lính nào không giật cẳng khơi…

bỗng nhớ những ngày đi dã trại
bắt đêm mưa rớt nhốt trên rừng
bắt con nắng dội trên vành nón
đem hiểm nguy vào trong lãng quên

bạn của ta cười nghe khệch khạc
thời gian chết ngắt chẳng cần chôn
ai khơi tâm trí tìm nhân ảnh
người lính nằm trơ đáy mộ buồn…

nản quá, về nhà đi lướt net
ở nhờ dĩ vãng chán tương lai
những người ta có lần trông thấy
hình sống còn nguyên vẹn gót giày

ai dựng bia đài chẳng tuổi tên
xót từng nét bút lẫn câu văn
tuyệt cùng trên cả đau thương ấy
người lính còn nghe hận chiến trường…?


Lâm Hảo Dũng
Ảnh: Internet- June-2018


Tình Già - Thơ: Nguyễn Thị Thêm - Thư Họa: Đỗ Dung

Thơ: Nguyễn Thị Thêm
Thư Họa: Đỗ Dung


Cánh Diều Tuổi Thơ - Nhạc&Lời: Tuyết Phan -Tiếng Hát: Thùy Trang


Mùa hè đã về qua con phố vắng thưa người thân quen ...
Những sợi nắng vàng mong manh dễ vỡ đang nhẹ buông lơi trên giòng sông Mơ (Meuse)...
Gió Xuân vẫn còn sót lại hòa cùng những cánh nắng bay cao như cánh diều xanh biếc trên bầu trời tuổi thơ...
Dạ khúc mùa hè cùng tiếng râm ran của những chú ve sầu ở đâu đó trong tiềm thức nhỏ nhoi của Tôi đang cùng nhau quay tròn... quay tròn...

Cánh diều tuổi thơ
Mộng ước đong đầy...
Đã không còn nữa
Khi đời đổi thay...
 
Tôi ước mơ níu được cánh diều để cùng bay lên bầu trời tuổi thơ trở về VƯỜN HƯƠNG THUỞ NỌ ...Nhưng hình như đã quá trễ để thực hiện ước mơ đầy ấp trong tim ...
Tôi chợt nhận ra mình đã già rồi ...Quỹ thời gian không còn để Tôi ôm mơ ước bay xa ...
Bởi có những điều tôi chưa thực hiện ...Tôi vẫn muốn đi quanh co vạn dặm ...Đời vẫn còn bao điều Tôi chưa nói hết...Đời vẫn còn bao điều Tôi chưa nói ra ...và dưới chân Tôi đường còn bao vạn dặm mà chân tôi chưa hề có đi qua...
Tuổi thơ của Tôi là những tiếng reo hò vang vang khắp trời theo cánh diều bay xa ...

Tuyết Phan

Thứ Năm, 22 tháng 6, 2023

Xin Trả Lại Hồn Nhiên

 


Ai nỡ lòng giết cái hồn nhiên
Tuổi Xuân xanh hoa nở khắp miền
Đồi sim tím hiền thơ ngây dại
Ngại ngùng trao cánh mỏng làn môi

Rồi bỗng chốc Cao Nguyên tang tóc
Khóc than dầm mưa tháng Sáu rơi
Nơi em an thanh thản triền đồi
Hay giá lạnh ôm môi hờn dỗi

Đánh đổi gì ngăn được mưa tuôn
Đôi chân sỏi chặn nguồn nước lũ
Mệt mỏi vào giấc ngũ chiêm bao
Nhờ trăng sao đưa đường dẫn lối

Trái tim tin nỗi lòng tâm sự
Chúng mình vào xứ thần tiên
Cao xanh thiêng nối liền tơ khúc
Dệt tiếp lần dang dỡ vụt tan

Nhặt lụa đào mang em về lại
Tuổi Xuân thì cất giọng thiên thai
Trám vành trăng khuyết dài tăm tối
Vun đắp tình nụ nở vành môi!

Tội em tôi lạnh quá lâu rồi
Xin mau trả hồn nhiên em gái!


Pleiku 29-7-2011
Lê Kim Hiệp

Lời Ru Của Gió

 

Chẳng bao giờ mắt ta nhìn thấy gió
Nhưng mây bay lá rụng làm rung động hồn ta

1-
Gió vi vu ngát hương đồng cỏ nội
Gió ào ào ngập lệ vợ chồng Ngâu
Gió mơn man ve vuốt hạ cơn sầu
Gió nồng ấm xoa nỗi buồn tê tái

Gió hây hây chớp hàng mi thơ dại
Gió thì thầm an ủi trái tim đơn
Gió rì rào gột rửa mối giận hờn
Gió lạnh lẽo che mờ tia hi vọng

Gió êm ái ru ta vào viễn mộng
Ru đời ta qua những phút thăng trầm
Nghe tiếng gió tâm hồn ta xáo động
Bóng người xưa uốn lượn sóng thanh âm

2-
Ta nghe lời gió ru ta
Lời ru của gió đưa ta về người
Trải qua cơn bão cuộc đời
Tri âm tri kỷ một thời xa nhau
Ngày xưa mái tóc xanh màu
Mắt ai theo mãi con tàu ra khơi
Ngày nay cách biệt đôi nơi
Tuyết sương đã nhuộm bạc phơ mái đầu

Ta nghe lời gió quên sầu
Thì thầm như tiếng từ đâu gọi về
Tha phương vẫn giữ tình quê
Thương người ở lại não nề lòng ai
Dù cho biển rộng sông dài
Vấn vương kỷ niệm không phai trọn đời
Nhớ nhung đất tổ xa vời
Hẹn ngày tái ngộ với người năm xưa

ChinhNguyên/H.N.T. 
 May.18.23 (597bis)
(Xem thêm Lời Ru Của Suối/CN-HNT: lhvl Nov.7.13)

 

Dưới Mái Hiên Đời

 

Chờ bao lâu nữa vẫn chờ
Đứng đây gọi gió đôi bờ nắng trong
Bốn mùa một thoáng thong dong
Thơ đôi chim hót tuổi hồng bay cao

Đưa tay đón chút nắng đào
Mơ tình diệu vợi chiêm bao nửa vời
Có không không có ngậm ngùi
Còn trong tay mộng muôn đời phù vân

Trăm năm cũng đủ hồng trần
Vai đôi nửa gánh phù trầm đong đưa
Còn ân tình mãi cõi thơ
Cùng nhau chung lối chung mưa gió rời

Bước đi dưới mái hiên đời
Dọc ngang một thuở nửa vui nửa mừng
Vin cành thơ tưởng đã từng
Bộn bề bốn hướng vô cùng gió bay

Đường chiều nắng nhỏ lá đầy
Mùa Thu như đã guộc gầy thời gian
Thu tàn còn lại dung nhan
Dẫu xa xôi dẫu quan san giang hà

Dấu xưa xanh nét lụa là
Bút hoa vẫn đẹp thơ hoa từng dòng
Mốt mai tình thắm lời mong
Chiều xuân xuống muộn cõi lòng muôn hoa.

11/09/2022
Hoa Văn

Phú Đắc Cổ Nguyên Thảo Tống Biệt 賦得古原草送別 - Bạch Cư Dị

 

Nguyên tác           Dịch âm.

賦得古原草送別 Phú Đắc Cổ Nguyên Thảo Tống Biệt

离离原上草 Ly ly nguyên thượng thảo,
一歲一枯榮 Nhất tuế nhất khô vinh.
野火燒不盡 Dã hoả thiêu bất tận,
春風吹又生 Xuân phong xuy hựu sinh.
遠芳侵古道 Viễn phương xâm cổ đạo,
晴翠接荒城 Tình thúy tiếp hoang thành.
又送王孫去 Hựu tống vương tôn khứ,
萋萋滿別情 Thê thê mãn biệt tình.

Dịch thơ

Bài Phú Nhớ Cỏ Trên Đồng Xưa Buổi Tiễn Đưa

Cỏ trên đồng bát ngát
Hằng năm úa lại tươi
Lửa đồng không thiêu hết
Gió xuân gây sinh sôi
Hương xa về đường cũ
Thành hoang xanh biếc rồi
Lại tiễn người vương giả
Lê thê sầu chia phôi

Lời bàn

Bài thơ 8 câu tiễn đưa bạn mà đọc gần hết bài vẫn chưa thấy bạn đâu. Đột nhiên đẩy bạn ra giống như trò ú tim trong 2 câu chót.

- 6 câu đầu: nói rằng hằng năm vẫn đi trên cánh đồng này. Mùa đông, cỏ xanh trên đồng tàn úa rồi xuân về lại sinh sôi. Sinh sôi rồi tàn úa.
- Đọc 2 câu chót mới biết tác giả muốn dùng 6 câu đầu để ngụ ý rằng: "Hằng năm vẫn tiễn đưa bạn vương tôn trên cánh đồng này. Bạn cũ đi, bạn mới tới. Tụ họp rồi chia ly".
Cỏ tươi rồi úa, úa rồi lại tươi. Người đến rồi đi, đi rồi lại đến. Tình đầy rồi vơi, vơi rồi lại đầy. BCD chịu ảnh hưởng Phật giáo trong đoạn này (đời là bể khổ, khổ là luân hồi).

Con Cò
***
Nguyên Tác:        Phiên Âm:

賦得古原草送別 Phú Đắc Cổ Nguyên Thảo Tống Biệt
白居易 Bạch Cư Dị

離離原上草 Ly ly nguyên thượng thảo
一歲一枯榮 Nhất tuế nhất khô vinh
野火燒不盡 Dã hoả thiêu bất tận
春風吹又生 Xuân phong xuy hựu sinh
遠芳侵古道 Viễn phương xâm cổ đạo
晴翠接荒城 Tình thuý tiếp hoang thành
又送王孫去 Hựu tống vương tôn khứ
萋萋滿別情 Thê thê mãn biệt tình

Đường Thi Tam Bách Thủ của Hành Đường Thoái Sĩ 蘅塘退士 biên soạn, Trần Uyển Tuấn 陈婉俊 bổ chú

Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御定全唐詩-清-聖祖玄燁
Ngự Định Toàn Đường Thi Lục - Thanh - Từ Trác 御定全唐詩錄-清-徐倬
Thạch Thương Lịch Đại Thi Tuyển - Minh - Tào Học Thuyên 石倉歷代詩選-明-曹學佺
Doanh Khuê Luật Tủy - Nguyên - Phương Hồi 瀛奎律髓-元-方回
Văn Uyển Anh Hoa - Tống - Lý Phưởng 文苑英華-宋-李昉
Bạch Hương San Thi Tập - Đường - Bạch Cư Dị 白香山詩集-唐-白居易
Bạch Thị Trường Khánh Tập - Đường - Bạch Cư Dị 白氏長慶集-唐-白居易

Ghi chú:

Phú đắc: Theo Hán Ngữ Đại Từ Điển, “phú đắc” là một thể thơ Đường luật có thêm những yêu cầu chặt chẽ hơn thơ luật. Ngoài niêm, vận, tiết tấu, bố cục, đối xứng…ý thơ phải giải thích, phát triển và phù hợp với đề bài.

Trước kia khi lấy ý của người xưa làm tựa bài thơ, hai chữ “phú đắc” được thêm trước tựa. Ví dụ, vua Lương Nguyên thời Nam Triều có bài Phú Đắc Lan Trạch Đa Phương Thảo 赋得兰泽多芳草.

Trong các bài thơ thi thời phong kiến, vì đề thi thường có sẵn, phần lớn là câu đối, thành ngữ hay ca dao, tục ngữ hay một câu thơ…nên trước tựa đều có thêm hai chữ “Phú Đắc”. Bài Thảo 草 của Bạch Cư Dị với cái tựa dài Phú Đắc Cổ Nguyên Thảo Tống Biệt 賦得古原草送别 có 2 câu: “Dã hỏa thiêu bất tận, Xuân phong xuy hựu sinh 野火燒不盡,春風吹又生 Lửa dại đốt không tiệt, gió Xuân lại phát sinh”.

Sau này, "Phú Đắc" được coi như một loại phong cách thơ. Các tác giả thơ tức thì thường dùng “phú đắc” làm chủ ngữ. Nhi Dĩ Tập- Cách Mạng Văn Học của Lỗ Tấn 鲁迅 《而已集·革命文学》nói: “cách mạng phú đắc, năm chữ tám vần” chỉ có thể đánh lừa được người chấm thi mù quáng. Đàm Văn Học -Tác Văn Dữ Vận Tư của Chu Quang Tiềm 朱光潜 《谈文学·作文与运思》nói: "Trước đây, những người làm thơ cổ thường sử dụng các từ ‘ngẫu thành’ và ‘phú đắc’ trong tiêu đề ... ‘Phú Đắc’ đặt vần cho chủ đề. Nếu bạn được một từ, bạn có thể sử dụng nó để làm vần cho một bài thơ”.

Li li: dáng vẻ tươi tốt của cỏ xanh.
Khô: khô héo
Vinh: tươi tốt
Phương: mùi thơm nồng đậm của cỏ dại.
Viễn phương: lan xa. xâm lược, chiếm đoạt, phát triển đầy đủ
Tình thúy: Thảo nguyên tươi đẹp và xanh tươi.
Vương tôn: bản gốc nói đến hậu duệ quý tộc, đến bạn bè ở phương xa.
Thê thê: mô tả cây cối trông tươi tốt.

Dịch nghĩa:

Phú Đắc Cổ Nguyên Thảo Tống Biệt Tiễn Biệt Trên Đồng Cỏ

Ly ly nguyên thượng thảo Cỏ mọc cao tươi tốt tua tủa trên đồng,
Nhất tuế nhất khô vinh Mỗi năm một lần mọc mạnh và rồi héo khô.
Dã hoả thiêu bất tận Lửa đồng đốt không bao giờ cháy tiệt,
Xuân phong xuy hựu sinh Gió xuân thổi đem lại sinh sôi nảy nở.
Viễn phương xâm cổ đạo Mùi thơm lan xa ngập các lối đi cũ,
Tình thúy tiếp hoang thành Màu xanh biếc tươi thắm liền thành hoang.
Hựu tống Vương tôn khứ Lại tiễn đưa người bạn thân thiết ra đi,
Thê thê mãn biệt tình Chứa chan tình ly biệt như cỏ xanh tươi.

Dịch Thơ:
Cỏ

Trên đồng cỏ có khi,
Lúc úa lúc xanh rì.
Lửa dại đốt không tiệt,
Xuân về lại phát huy.
Hương thơm ngập lối cũ,
Biêng biếc khắp đường đi.
Tiễn bạn thêm lần nữa,
Chứa chan tình biệt ly.

Grasses by Bai Juyi

Boundless grasses over the plain
Come and go with every season
Wildfire never quite consumes them
They are tall once more in the spring wind.
Sweet they press on the old high- road
And reach the crumbling city-gate….
O Prince of Friends, you are gone again….
I hear them sighing after you.

Notes:

Bai Juyi wrote this poem in an examination at the age of 16. The first four sentences focus on the beauty and vitality of the resisting grass; the last four sentences praise sincere friendship. The poet combined the occasion of departure with natural surroundings to describe profound friendship.

Grass of the Ancient Prairie Bidding Farewell by Bai Juyi (772-846)
Translation by Andrew W.F. Wong (Huang Hongfa)

Lushly, O lushly, you grass of the prairie thrive;
(You demise to arise, each year, gloriously so!)
You die to arise, O each year, gloriously so!
Wildfires do burn: they blaze in vain to purge you;
As spring winds blow: come alive, again you grow.
Your sweet scent spreads far, suffusing the old highway;
Your green blades, sun bathed, to the citadel ruins go.
Once more, I’m seeing my noble friend away --
Cheers, O cheerio! Our parting feelings o’erflow.

Grass

The grass is spreading out across the plain,
Each year, it dies, then flourishes again.
It's burnt but not destroyed by prairie fires,
When spring winds blow they bring it back to life.
Afar, its scent invades the ancient road,
Its emerald green overruns the ruined town.
Again I see my noble friend depart,
I find I'm crowded full of parting's feelings.
Grass (chinese-poems.com)
詩詞 白居易 賦得古原草送別 (sou-yun.cn)

Phí Minh Tâm
***
Phú ĐắcThảo Nguyên Xưa Tiễn Biệt

1/
Tươi tốt trên đồng cỏ
Mỗi năm, lượt héo tươi
Lửa đồng thiêu chẳng dứt
Gió mát thổi sinh sôi
Đường cũ hương lan tỏa
Hoang thành sắc biếc soi
Vương tôn lại tiễn biệt
Chan chứa sầu chia phôi!

2/
Thảo nguyên cỏ tận cuối trời
Mỗi năm mỗi héo lại tươi tốt lành
Lửa đồng chẳng tiệt cỏ xanh
Gió xuân mát thổi lá cành lại sinh
Lối xưa hương tỏa ngát tình
Sắc xanh nối tiếp hoang thành chon von
Laị thêm tiễn bước vương tôn
Biệt ly chan chứa thê lương cõi lòng!

Lộc Bắc
Jun23
***
Bản dịch của Tản Đà:

Đồng cao cỏ mọc như chen
Khô tươi thay đổi hai phen năm tròn.
Lửa đồng thiêu cháy vẫn còn,
Gió xuân thổi tới mầm non lại trồi.
Xa xa thơm ngát dặm dài,
Thành hoang láng biếc khi trời tạnh mưa.
Vương tôn đi lại tiễn đưa,
Biết bao tình biệt đầm đìa lướt theo.

(Nguồn: Báo Ngày nay, số 86, 21-11-1937)
***
Bản dịch của Trần Trọng Kim:

Cỏ kia chằng chịt trên gò
Một năm thay đổi vinh khô một lần
Lửa đồng đốt chẳng trừ căn
Lại lên mơn mởn khi xuân trở về
Thơm xa ngào ngạt lối đi
Màu xanh lấp lánh tiếp kề thành hoang
Lại đưa du khách lên đường
Tốt tươi xiết nỗi đoạn trường phân ly

(Nguồn: Trần Trọng Kim, 
Đường thi, NXB Văn hoá thông tin, 1995)
***
Tiễn Biệt Nơi Hoang Cỏ

Cỏ xanh mơn mởn khắp đồng,
Vào mùa tươi tốt, mênh mông đất trời.
Đến kỳ hạ cháy ỉ ôi,
Héo khô tàn lụi - than đời trách thân.
Lửa tràn hun đốt ngút ngàn,
Vẫn không diệt hết rễ hằng bám sâu.
Chúa Xuân cắp gió kíp mau,
Sanh sôi nảy nở, sắc màu cỏ xanh.
Hương thơm lan tỏa mong manh,
Lối mòn xưa cũ, trâm anh gót hài,
Thắm tươi biếc nõn trải dài,
Thành hoang cổ kính - lá lai sự đời.
Vương tôn giã biệt khắc thời,
Chứa chan lệ nhỏ - xa rồi cỏ non...

Khánh-Hưng
***
Đưa Tiễn Trên Cánh Đồng Cỏ

Xanh rì biêng biếc tận thôn trang
Nắng mới còn non… chốc úa vàng
Lửa Hạ liếm lan đâu tận diệt?
Gió Xuân ùa tới lại cưu mang
Hoa đồng lắng đọng mùi hương cũ
Mây phủ lan tràn ngợp phố hoang
Đưa tiễn bạn hiền rời cố xứ
Lòng sầu sao cỏ vẫn mơn man?

Lục Bát

Cỏ non cao vút bạt ngàn
Đồng xanh thoáng đã ngã vàng vì sao?
Nắng chiều rêu phủ mái sầu
Gió Xuân thổi tạt phai màu thời gian?
Tiễn người lệ úa dung nhan
Con đường ngược dốc phố hoang mang chờ!
Tiễn nhau đâu phải tình cờ
Hồn như cỏ úa vật vờ dõi theo…

Kiều Mộng Hà
June11st2023
***
Góp ý:

Đây là một bài thơ rất hay của Bạch Cư Dị, nhưng BS có vài thắc mắc:

- Nguyên thảo là đồng cỏ, vậy sao lại có chữ cổ? Chắc là đồng cỏ cũ, nơi Bạch đã tiễn bạn nhiều lần.
- Chữ LY, ÔC theo Thi Viện, viết không giống anh Tâm, có thêm chữ truy bên phải. Đó là 2 cách viết khác nhau của cùng một chữ hay là viết theo giản thể và phồn thể?

LY LY, Thi Viện giải nghĩa là bời bời, coi bộ không đúng. Theo tự điển Phổ Thông, Trần Văn Chánh, Nguyễn Quốc Hùng là rời xa, chia lìa, xa cách, đều không hợp với ý câu thơ. Tự điển Nguyễn Tôn Nhan thì giảng LY LY là từ kép, chỉ ngọn rủ xuống, như ngọn lúa, ngọn cỏ. Giải thích này có vẻ hợp lý, vì khi cỏ tốt quá, mọc cao, thì ngọn rủ xuống.

Câu chót, hai chữ THÊ THÊ làm BS nhớ tới câu “phương thảo thê thê anh vũ châu“ trong bài Hoàng Hạc Lâu.

Bài thơ nhắc đến thảo và biệt ly, cũng làm BS nhớ tới bài từ của Lý Dục:

Ly hận khước như xuân thảo,
Cánh hành, cánh viễn, hoàn sinh.

(Hận biệt ly giống như cỏ xuân,
Càng đi, càng xa, vẫn nẩy sinh, nghĩa là không bao giờ hết.)

Tiễn Bìệt Nơi Đồng Cỏ Xưa.

Đồng cỏ xưa mơn mởn,
Mỗi năm khô lại xanh,
Lửa đồng thiêu chẳng hết,
Gió xuân thổi, phục sinh.
Hương xa lùa lối cũ,
Mầu biếc chạm hoang thành,
Lại tiễn vương tôn nữa,
Chan chứa biết bao tình.

Bát Sách.
(Ngày 11/06/2023)
***
Góp Ý:

- Nguyên thảo là đồng cỏ, vậy sao lại có chữ cổ?
Bát Sách ơi, 草原=thảo nguyên mới là đồng cỏ, và danh từ 原=nguyên (cánh đồng) đứng sau tĩnh từ 草= thảo.

原草= nguyên thảo không có nghĩa gì cả và không có trong các từ điển trên internet. Nếu hỏi Google hay Baidu thì ta sẽ được đưa tới các trang chứa danh từ riêng, tên cho thuốc, tác giả, hay tựa đề sách.

Amazon bán một cuốn truyện viết về thời cách mạng văn hóa-hồng vệ binh tựa đề 原草枯荣- 冉莹= Nguyên thảo khô vinh - Nhiễm Oánh. Bảo Google dịch trang quảng cáo của Amazon thì người ta hoặc chịu thua và để nguyên tựa đề, hoặc dịch thành "grass dry". Lý do là vì trong tựa đề này, thảo (khô-tươi) là danh từ chính trên cánh đồng,
 
Tựa đề 赋得古原草送别= Phú Đắc Cổ Nguyên Thảo

"Cổ nguyên thảo" là cái chi chi? Các trang tiếng Việt trên mạng hiểu cổ nguyên thảo là cỏ trên đồng xanh, cỏ trên đồng xưa, hay cỏ trên cao nguyên, v.v... Cỏ xưa hay cánh đồng xưa ?! Bốn câu đầu không nói về một đồng cỏ riêng biệt trong một thời điểm nào đó nhưng tả sự thay đổi qua thời gian và hai chữ 荒城=hoang thành gợi ý "sông xưa rày đã nên đồng". Hình như người Hoa Lục bây giờ cũng không hiểu tựa đề bài thơ nói gì nên cho dù bài thơ được dùng làm tài liệu giáo khoa bậc tiểu học, người ta chỉ dùng bốn câu đầu và đổi tựa đề thành độc một chữ 草=thảo!

Các trang chữ Hán viết về 赋得=phú đắc cho ta biết thể thơ bắt đầu thời Lương để đặt tên cho các bài phú có một câu thơ cổ trong tựa đề. Trang zn.Wikipedia về bài phú này cho ta biết rằng 赋得体=phú đắc thể là một thể thơ thịnh hành đời Đường với âm vận nhất định và với tựa đề dưới dạng 赋得某某=phú đắc mổ mổ.

赋得体”指的是按照给定的成题成句,用给定的韵脚作的诗,一般是排律。诗题都用“赋得某某”的格式。”phú đắc thể” chỉ đích thị án chiếu cấp định đích thành đề thành cú, dụng cấp định đích vận cước tác đích thi, nhất bàn thị bài luật. thi đề đô dụng “phú đắc mỗ mỗ’ đích cách thức.

某某=mổ mổ nghĩa là ai đó, người nào đó nên "phú đắc Cổ Nguyên Thảo tống biệt" nghĩa là bài phú đặt ra nhân dịp tiễn đưa một người tên Cổ Nguyên Thảo. Rất tiếc rằng người ni tìm không ra người họ Cổ Nguyên này là ai! Không biết bây giờ còn có ai họ Cổ Nguyên bên Tàu và Wikitonary cho biết rằng đây là một họ ở Nhật.

Huỳnh Kim Giám
***
Thơ Cảm Tác:

Đường đi xe kẹt tưng bừng
Nắng xuân vàng nhạt thổi mừng mùa sang
Óc tâm còn rộn lang bang
Vô thường cuộc sống mênh mang không bờ
Thiết tha rồi cũng thờ ơ
Tuổi hạc sắp rụng chẳng mơ ước gi
Nhà quàn ở cuối đường đi
Tới nơi thăm viếng bạn phi thiên đàng

Đồ Cóc

Thứ Tư, 21 tháng 6, 2023

Danh Tướng Lý Thường Kiệt

 

Hoạn Quan hào kiệt bất hư truyền
Lẫm liệt truy thù chúng nể kiên
Phạt Bắc điều binh khi đánh Tống
Chinh Nam khiển tướng lúc bình Chiêm
Đề thơ Nam Quốc khơi hồn nước
Xây tự Ngưỡng Sơn trọng đạo thiền
Phò chúa ba đời tâm nhật nguyệt
Trăng rằm gương sáng rọi sơn xuyên

Nguyễn Minh Thanh
- Ngưỡng Sơn Linh Xứng Tự, Thanh Hóa
- Phò chúa 3 đời: Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông


Cũng Một Kiếp Người

 

Cuộc sống đời ta lắm nổi trôi
Bao năm phiêu bạt cứ liên hồi
Ngày mừng con cháu luôn thanh thản
Tối với bạn bè thôi cút côi
Nước lớn nước ròng như gió núi
Trăng tròn trăng khuyết tựa mây đồi
Trăm năm thân thế đời cô lữ
Một kiếp phù du chỉ khổ thôi./.

Toronto 19/6/2023
Nguyên Trần

Lệ Tiễn Đưa - Người Đi Kẻ Ở



Lệ Tiễn Đưa

Hoa trắng cài trên nắp áo quan
Lung linh nến trắng thắp hai hàng
Trắng trời lất phất màng mưa bụi
Buốt giá lòng côi tợ nghĩa trang

Tiếng khóc âm thầm hay tiếng mưa
Bao nhiêu kỷ niệm mới như vừa
Chưa phôi hương cũ đời chia vội
Một sớm đưa người lệ tiễn đưa

Là biết nghìn trùng mãi cách xa
Bóng hình năm cũ chửa phai nhòa
Sương buồn phong kín hồn sương phụ
Mắt vẫn hoen sầu lệ vẫn sa

Kim Phượng
6.6.2023
***
Cảm Tác:

Người Đi Kẻ Ở

Tháng Sáu trời đông gió lạnh lùng
Trời mù ảm đạm với tin hung
Tình thâm nghĩa đậm đành rời biệt
Mưa phất lệ tuôn mãi mịt mùng

Người đi kẻ ở sao đành đoạn
Một lối chung vai lại rẽ hàng
Đôi ngã thôi đành từ đây vậy
Người đi kẻ ở quá bẽ bàng

Đành sao người hỡi lệ vẫn tràn
Chớp mắt ướt mi tiếng than van
Vĩnh biệt đôi dòng lời chẳng tỏ
Người đi kẻ ở lệ hai hàng

Tạm biệt rồi đây mình tái ngộ
Tận nơi xa hẳn bụi thế gian
Không ngày chẳng tháng luôn vui thú
Kẻ ở người đi tạm ly tan

Nguyễn Cao Khải