Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2014

Kỹ Thuật Tìm Về

        Bầy chim vỡ tổ lìa cành!
        Những cánh chim non Kỹ Thuật, chưa ra ràng, bị bức tử, buộc đập cánh bay.
        Biết về đâu?
      Bên bờ mé tổ…trời ngoài kia thăm thẳm xa, phương hướng vô định, lòng đầy hoang mang và tương lai mịt mờ, vô vọng. Các thầy cô đành câm nín, khoanh tay đứng nhìn bầy chim con, trong uất nghẹn, xót xa. Cơn mộng dữ, khiến cảnh đời dở dang.
        Mới đó, nay đã mấy mươi năm rồi còn gì!

       
     Những buồn vui theo mệnh nước. Những mất còn của người đi kẻ ở. Những nước mắt đớn đau, khóc chia lìa. Tất cả chưa mờ xóa, vẫn còn và hằn sâu trong tâm tưởng. “Người Kỹ Thuật” hôm nào, màu áo còn xanh, tươi vui, hồn nhiên, thênh thang trên đường hy vọng. Bỗng chốc, ly tan, ngày xanh niên thiếu bị đẩy lui vào dĩ vãng. Không có sự chọn lựa, người người trôi dạt, tha phương. Kẻ bị vùi sâu vào lòng biển lạnh. Người lạc loài đến bến lạ xa xôi. Rồi thời gian, hẳn làm bạc dần màu áo. Nhưng điều kỳ diệu, con tim "Người Áo Xanh" vẫn nồng nàn, chan chứa tình. Tình Đồng Môn, tình Tôn Sư Trọng Đạo.

     Những cánh chim tưởng đã chết non, nay vững tin yêu chấp cánh, họp đàn, tìm về tổ ấm chung, Liên Trường Kỹ Thuật Việt Nam/ Úc Châu và cùng quay quần trong đêm Đại hội kỳ thứ 6, tại thành phố Melbourne. Nơi đây nắng xuân còn mơn man, lấp lánh đầu cành, hòa quyện hơi ấm tình người đến với người, trong ngày 29.11.2013, đầy nhộn nhịp và hẳn khó quên.
        Bằng nụ cười ấm, rạng rỡ, bằng cái siết tay thật chặt của các Anh Chị Em trong Ban Tổ Chức, đã thân tình đón chào Người đến tham dự. Chương trình bắt đầu là lễ chào Quốc kỳ Úc - Việt. Dù thời gian lưu lạc trên xứ người, dài hơn cả tuổi đời sống trên đất mẹ. Vậy mà…Nhìn lá cờ vàng ba sọc đỏ ngạo nghễ, Bài Quốc ca hùng hồn vang dậy, Phút mặc niệm, tưởng nhớ Tiền nhân, các Vị quốc vong thân, không ai tránh khỏi se lòng. Hồn thiêng sông núi bừng bừng sống lại…Hồi ức ngày tang thương của mấy mươi năm trước chợt về. Lòng bồi hồi một cách lạ và ươn ướt trên hàng mi.
       Thành phần quan khách góp mặt trong đêm Đại hội, được giới thiệu đến với mọi người. Trong số đó, có kẻ thân quen, người thật xa lạ. Nhưng trong ánh mắt, nụ cười trao đổi, quả thật…

Người xa mà ngỡ như gần
Gặp nhau chốn lạ tình thân tràn đầy

Trưởng Ban Tổ Chức khai mạc Đại Hội

      Bài diễn văn khai mạc của Trưởng Ban Tổ Chức tiểu bang Victoria, ông đã nói lên hết những cảm nghĩ sâu sa về lần đầu tiên tổ chức cuộc họp mặt.
        Bao niềm vui gặp gỡ bạn bè xưa cũ vừa chợt đến trong đêm hội ngộ, những giọt nước mắt trong phút mặc niệm chưa nguôi, thì một hồi trống vang lên. Nghi thức Bái lễ bắt đầu trong trang nghiêm và mọi người im phăn phắt để tỏ lòng, tưởng nhớ Thầy Cô và Đồng Môn, những Người đã vĩnh viễn ra đi. Nhịp đập con tim của người hiện diện dập dồn theo tiếng trống. Lòng người có mặt, cùng chung hồi hướng, chiêu hồn.

Nhang lòng thắp một nén thương
Mượn mây nhờ gió mở đường hiển linh

      Hương linh các Bậc Sư, những Đồng Môn, đã khuất, phải chăng đang hiện diện chứng giám, theo từng vòng bái lạy. Trong phút giây đầy xúc động này, có lẽ những oan hồn uổng tử “Áo Xanh” còn vất vưởng, đang lênh đênh trên biển cả mênh mông, không còn lẻ loi nữa.

Cựu Học Sinh phát biểu cảm ơn Thầy Cô

      Tiếp theo là cảm tưởng của một cựu học sinh Kỹ Thuật Vĩnh Long, lời ưu ái dành cho tất cả Thầy Cô. Giá mà mấy mươi năm trước, các em có được suy nghĩ như lời phát biểu này, thì “đỡ’ cho thầy cô biết mấy, đã trễ, nhưng không quá trễ. Thì ra, đàng sau sự nghịch ngợm, sự phá phách. Đàng sau biệt danh, nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò, các em đã cảm nhận được “Không thầy đố mầy làm nên”. Qua sự nhắc nhớ của Em cựu học sinh này, thầy cô có dịp nghiền ngẫm, thế nào là “ Dĩ thân vi giáo”, dùng chính thân mình để hướng dẫn học sinh và thế nào là “thiên chức” của một nhà giáo.

       Tinh thần Tôn Sư Trọng Đạo còn được thể hiện qua món quà lưu niệm, mang lại niềm hãnh diện lớn lao cho thầy cô trong đêm Đại hội kỳ 6 này. Quà tuy đơn sơ, nhưng “cho và nhận” bằng cả tấm lòng, mang ý nghĩa trọn vẹn, gói ghém tấm chân tình của người học sinh dành cho thầy cô và đã gợi lại bảng đen, bụi phấn mờ mờ, những hình ảnh thân quen ấy chưa vùi vào quên lãng. Ai dám bảo rằng, người của “dao, búa, kềm, đục” chỉ biết kềm, đục, búa, dao. Người khách học trò thưở nào, được đưa qua sông, vẫn chưa quên người lái đò thầy cô năm cũ.
      Xuân Melbourne đang đem mong nhớ trở về!

Tặng quà tri ân Thầy Cô

        Đặc biệt hơn, trong lần họp mặt này, chất keo sơn tình nghĩa nào đã gắn bó gái Kỹ Thuật cùng trai Tống Phước Hiệp và tình trong câu hát ra đời, qua nhạc phẩm Kỹ Thuật Hành Khúc. Tác giả, Nhạc sĩ Nguyễn Canh Tân cho biết, anh nào biết gì về Kỹ Thuật, nhưng qua lời người bạn đường của anh, đã phôi thai cho đứa con tinh thần đó. Thướt tha trong chiếc áo dài xanh, các chị trong Ban họp ca cùng cất cao tiếng hát. Lời ca quyện vào, lay lay tà vạt và bắt được tiếng lòng của người nghe…để nhớ, để thương, thổn thức về thời xa cũ và xoa dịu vài nỗi muộn phiền chất chứa quá nhiều, từ bao năm trên bước đường lưu lạc. Hành Khúc Kỹ Thuật vừa chấm dứt. Những bản tình ca tiếp nối, buổi dạ vũ bắt đầu, cùng tiếng nói cười rôm rả của quan khách khi nhập tiệc.

        Cuộc vui nào rồi cũng tàn! Mọi người chia tay trong lưu luyến và hẹn đến năm sau. Hẹn hò năm sau, chỉ là lời hứa cùng các thân hữu, chứ “Người Áo Xanh”, chia tay sao nỡ...

Họp ca Kỹ Thuật Hành Khúc

     Bước sang ngày thứ hai, những người của năm xưa, cùng họp tại trụ sở RSL Footscray. Gọi là buổi tiệc chia tay, đưa tiễn, nhưng tiềm ẩn hội ngộ, để nuôi mầm gặp gỡ trong tương lai.
        Ngồi quanh đây, đa số những người con yêu của gia đình Kỹ Thuật và thân nhân. Mọi người có dịp hàn huyên tâm sự, cùng chia sẻ những chuyện đời góp nhặt, với thầy cô, đồng nghiệp cùng trường, bạn học cùng lớp một thời và là dịp quen biết với các bạn Kỹ Thuật từ các nước phương xa như Việt Nam, Đức và Hoa Kỳ đến tham dự. Nỗi xúc động khi diện kiến với bậc đồng nghiệp trưởng thượng, không cùng thời, nhưng từng dạy chung dưới một mái trường Kỹ Thuật Vĩnh Long. Mối duyên gặp gỡ các thầy cô, dù không một phút giây thọ giáo, nhưng có sự kính trọng và nặng tình một cách lạ lùng, như thể là thầy cô của mình vậy.
        Về phần ẩm thực, rất nhiều món ăn, món nào cũng đậm đà. Có lẽ được nêm nếm, thêm thắt bằng gia vị “tình” từ tấm lòng và đôi tay khéo léo của ‘Con”, “Dâu” Kỹ Thuật.
        Buổi họp mặt còn thêm phần karaoke giúp vui. Dù các vị tự giới thiệu mình là ca sĩ “cây nhà lá vườn”, nhưng từ giọng ca của ông Hội trưởng đến các Hội viên, đều ngọt ngào, mượt mà, trữ tình lẫn sôi động, đưa hồn người nghe về tận đâu đâu. Và một hình ảnh đậm nét, không thể không nhắc đến. Đó là Người cựu học sinh Kỹ Thuật Vĩnh Long, đã chỉnh sửa âm thanh, chọn lựa bài hát và anh đã âm thầm ngồi làm việc ấy, cho đến tàn cuộc vui.

Cựu Giáo Sư, Cựu Học Sinh, Thân Hữu

       Thời gian qua mau, tối đến, mọi người thêm một lần nữa chia tay trong lưu luyến. Đi không nỡ, ở không xong, đành hẹn sang năm gặp lại. Một số người khác, hôm sau sẽ trở lại, tại địa điểm RSL này, lúc 9 giờ sáng.
        Lần gặp gỡ thứ ba, buổi du ngoạn của nhóm Liên Trường Kỹ Thuật Việt Nam/ Úc châu. Số người đi ít hơn, nhưng không vì thế mà mất vui. Những người con Kỹ Thuật như có cùng một mẹ Âu Cơ. Một số đưa nhau lên Hanging Rock, leo núi. Một số đi biển, tìm đến Port Campbell ngắm 12 vị Thánh Tông Đồ. Đến chiều, mọi người cùng gặp lại, dùng bữa ăn thân mật tại nhà hàng Phú Vinh, đặc sắc với món ăn đậm đà quê hương …canh chua và cá kho tộ.

        Đại hội kỳ 6, nhưng là lần đầu tiên được tổ chức tại Tiểu bang Victoria. Sự thành công khá mỹ mãn. Có được kết quả như thế, nhờ sự đồng tâm và họp lực của những người quyết gìn giữ Màu Áo Xanh cho bây giờ và đến mai hậu. Công khó, sự giàu lòng, tích cực đóng góp, chuẩn bị chu đáo, của Anh Chị Em Ban Tổ Chức ở Melbourne. Sự hổ trợ nhịp nhàng, đắc lực, tận tình và đầy nhiệt tâm của các Anh Chị đến từ Sydney. Tài khéo léo của các “Nàng dâu hiền”, sự linh hoạt của các “Chàng rể quý” Kỹ thuật. Một điều rất chắc chắn, Đại hội lần này, chẳng được như mong muốn, nếu không có sự hưởng ứng và ủng hộ nhiệt tình của quý thân hữu và người thân của các thành viên. Dù là lần đầu gặp gỡ, nhưng sự hiền hậu, dễ thương, thân mật của mọi người, khiến người ta quấn quýt lúc bên nhau và lúc chia tay không tránh khỏi lưu luyến, bùi ngùi. Và dưới mái trường, Liên Trường Kỹ Thuật Việt Nam/Úc châu. một câu hỏi được đặt ra: Chúng ta họp mặt để làm gì? 
      Phần trả lời có lẽ tùy ở góc nhìn và trái tim cảm nhận của mỗi người đến tham dự. Trải qua bao sóng gió nơi trường đời, những “Người Áo Xanh”, dù đôi cánh mỏi vẫn ước mơ bay về trường xưa, tìm lại bạn cũ, thầy cô năm nào. Sống lại phút giây êm đềm vụng dại. Duyên quen biết giữa những người xa lạ mà lòng như gặp nhau tự thưở nào. Tuy nhiên, nghe không bằng thấy. Hãy đến với nhau để cùng chia sẻ.

Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Kỹ Thuật Vĩnh Long 

       Đại gia đình Liên Trường Kỹ Thuật Việt Nam/ Úc châu, hạnh phúc trong ba ngày ngắn ngủi, nhưng đã để lại cho nhau cả quảng đời thơ ấu ấm áp. Hôm cuối cùng, gặp để chia tay, nơi bãi đậu xe sau nhà hàng Phú Vinh, chẳng khác nào quang cảnh sân trường của mấy mươi năm trước. Mọi người tụm năm, tụm ba, bịn rịn giả từ. Buổi chia tay không rơi vào mùa hè, nhưng đâu đó âm vang tiếng ve, sắc màu phượng vỹ, sự thương cảm, nỗi thảm sầu của 90 ngày tạm biệt. Những dư hương của ngày xa xưa ấy, như vẫn còn đó và giờ đây Màu Áo Xanh năm nào đã vượt ngàn trùng cách trở, tìm lại, tìm những kỷ niệm êm đềm, tìm lại những cánh phượng, dù sái mùa.

Chiều hôm lại nhớ chiều hôm ấy
Đường những hương xa phượng sái mùa
Có phải tin về hè muôn đến
Hay lòng rộn nở vội đơm hoa

Lòng cảm hoài …

Thương buổi trưa ve êm ả giọng
Lim dim nằm ngóng guốc khua vang

Hạnh ngộ rồi cũng đến phút chia tay, hẹn năm sau gặp lại để tìm lại ta…

“Ta còn lại gì hôm nay
Trong cuộc đời nhiều chua cay
Còn là người, còn nụ cười
Nụ cười trên đôi môi
Nụ cười đời đổi thay…”*

      Sự việc thay đổi từng phút giây. Thời gian vô tình, cứ vùn vụt trôi, không chờ đợi. Nhưng lòng, “Chờ người không đến vẫn chờ…”*. Chờ “Người Áo Xanh”, ngày về một đông thêm. Bởi…

“Còn gặp nhau hôm nay mới hay thêm được một ngày”.**

Cựu Giáo Sư Cựu Học Sinh, Dâu Kỹ Thuật và thân hữu Vĩnh Long


Kim Phượng
29.11.2013
 *     Lời nhạc của Nhạc sĩ Nguyễn Canh Tân
   **  Lời nhạc của Nhạc Sĩ Lam Phương

Câu Đối: Hương Xuân - Giáp Ngọ 2014 - Quên Đi



Câu Đối: Quên Đi
Tranh Câu Đối:  Huỳnh Hữu Đức

Một Lần Qua Đất Vĩnh!



           (Cho người V.L. một lần gặp gỡ)

Ơi! Đất Vĩnh hai mùa mưa nắng.
Chiều tan trường áo trắng tung bay.
Tiếng cười xao xác cỏ cây.
Hương thơm xử nữ ngất ngây lòng người.

Ta chinh nhân cả đời phiêu lãng.
Cơ duyên nào vượt quãng đường xa?
Một lần chốn ấy đã qua.
Trăm năm chẳng thể phai nhòa dáng em.

Từ dạo ấy, mang thêm hình bóng.
Mái tóc thề xao động con tim.
Gió sương ấp ủ ngày đêm.
Bước quân hành đã có em theo cùng…

Dương Thượng Trúc
Thủy Gia Trang 2014

Sóc Trăng Tháng Chạp Ngày Về



Thì đốt cho tan trời khói sương
Người đi như kính vở chân tường
Ta về chăn chiếu ôm nhau hỏi
Cần thơ Cần thơ Nguyễn thị Hường

Chiều mưa chiều mưa hẻm Lầu chuông
Vai em đời nặng tiếng kinh buồn
Mắt sâu ngọn nến hồng đêm nguyện
Em chắc gì vui chuyện cuối cùng

Cần thơ Cần thơ mây trắng bay
Niềm riêng em gói chặc trên tay
Phải chi làm dấu mà em được
Chung mái thuyền ta dạo bến này

Sóc trăng Sóc trăng khi ta về
Cắm xuống ngọn sào nước chảy xiết
Lao xao tiếng sóng đùa theo ghe
Rượu chắc gì say đêm vĩnh biệt..

Lâm Hảo Khôi


Xuân Hứng



 Xuân đến, bận việc quan nơi đất khách, lòng thương nhớ quê nhà càng mãnh liệt, không thể về. Chỉ có thể thăm quê trong mộng mà thôi. Đó là tâm sự của Vũ Nguyên Hành trong "Xuân Hứng".
 

        春興                            Xuân Hứng
 
楊柳陰陰細雨晴     Dương liễu âm âm tế vũ tình
殘花落盡見流鶯。 Tàn hoa lạc tận kiến lưu oanh.
春風一夜吹鄉夢, Xuân phong nhất dạ xuy hương mộng
夢逐春風到洛城。 Mộng trục xuân phong đáo Lạc thành.
             武元衡                               Vũ Nguyên Hành

Dịch Nghĩa : Xuân về Cảm Hứng

Dương liễu đậm màu,  cơn mưa phùn cũng đã ngưng
Những cánh hoa héo úa cuối cùng rơi rụng mới thấy chim Oanh di chuyển
Nhớ quê mong đêm nay gió xuân  thổi vào giấc mộng
Để được mơ theo gió xuân  trở lại thành Lạc Dương

Dịch Thơ:

Mưa vừa ngưng hạt liễu um xanh
Hoa úa tàn rơi  thấy bóng oanh
Mong gió xuân len vào giấc mộng
Để theo gió đến Lạc Dương thành.

                                      Quên Đi

 

Thơ Tranh: Một Sáng Xuân


Thơ: Thy Lan Thảo
Thơ Tranh: Kim Oanh

Xuân Khuê - Hoạ Hạn Vận



Mùa Hè năm 1926, trong dịp thi sĩ Đào Sĩ Nhã đến thăm gia đình họ Phan ở Hưng Yên. Ông khách Đào Sĩ Nhã thách lão thi sĩ Phan Mạnh Danh làm một Bài Thơ Nôm Đường Luật với các điều kiện sau:  

- Đầu đề : Xuân Khuê
  - Hạn 5 vần: chờ - hờ - thưa - tơ - thơ
  - Phải dùng 19 chữ: một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín, mười, trăm, ngàn, vạn, đôi, cặp, nửa, trượng, thước, tấc.
  Sau đây là bài thơ Nôm hoạ hạn vận của lão thi sĩ Phan Mạnh Danh:

            Xuân Khuê

Một mong hai đợi bốn ba chờ
Mười hẹn đêm trăng tám hững hờ
Nửa gối năm canh gà gáy giục
Tấc mây sáu cánh nhạn tin thưa
Trăm lần cặp mắt đôi hàng lệ
Chín khúc bên lòng vạn mối
Ngàn trượng thành sầu đo thước khó
Biếng đem bảy vẻ dệt nên thơ

                                   Phạm Mạnh Danh   
 

( Trích   http://dongsuoimo.com )

                    *
                *      *

          
Xuân Khuê 

Bảy thương tám đợi chín mười chờ 
Hai kẻ yêu nhau nửa hững hờ 
Sáu khắc một thân cô quạnh mãi 
Năm canh đôi bóng cặp kề thưa 
Ba thu buồn dệt dầy trăm mộng  
Bốn tiết sầu đan rối vạn  
Thước tấc nào đo tình mấy trượng 
Đem ngàn đau đớn gởi vào thơ.
                                 Quên Đi  

   

Thơ Tranh: Nhã Ngôn


Thơ Và Thơ Tranh: Kim Quang

Chạm xuân




Nghe lòng thấp thỏm bâng khuâng
Dẫu chưa chạm tết mà xuân thật gần
Người đi phố chợ len chân
Nét tươi qua nỗi gian truân cuộc đời
Sắc đào chúm chím làn môi
Vàng mai chín nắng mặt trời trong nhau
Xin về dẫu có chiêm bao
Xuân xưa với tuổi tôi trao gởi người
Ngày xưa – Ngày xưa đâu rồi?!
Cho tôi gói tặng đầy vơi xuân này.

Hương Ngọc



Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2014

Tục Tảo Mộ Cuối Năm Của Người Việt



Hàng năm, cứ vào khoảng ngày 24, 25 tháng Chạp nhiều gia đình người Việt bắt đầu đi tảo mộ. Họ đến thắp nhang thăm viếng, nhổ cỏ, chặt cây cối xung quanh, sửa sang, tu bổ mộ phần của những người quá cố trong gia đình, dòng họ và cả những phần mộ của các vị tổ tiên nhiều đời trước đó.

Đối với dân tộc Việt, tảo mộ ngày Tết mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng, ai ai cũng hướng về cội nguồn. Dù đang làm ăn ở phương trời nào, ai cũng muốn quay về nhà ngày Tết, thăm lại mồ mả ông bà, cha mẹ. Nếu vì một lẽ nào đó, do cuộc sống tha hương cầu thực, con cháu cũng tìm cách gởi gắm người thân chăm lo cho phần mộ ông bà, cha mẹ. Có như thế họ mới yên lòng. Tục tảo mộ cuối năm, không chỉ là phong tục phổ biến của người dân Việt khắp mọi miền đất nước, mà còn là một nét rất riêng của dân tộc Việt. Bởi lẽ, việc tảo mộ đầu năm bên cạnh chăm sóc mộ phần của dòng họ còn mang tính cộng đồng rõ nét. Tục lệ ấy ngày nay trở thành một truyền thống tốt đẹp của dân tộc và dù có tất bật thế nào đi chăng nữa trong cuộc mưu sinh, nhưng hàng năm cứ đến ngày tảo mộ thì tất cả con cháu vẫn luôn hướng về tổ tiên nguồn cội với lòng thành kính nhất

Để tưởng nhớ người đã khuất, những người còn sống mỗi năm đều cúng giỗ. Và vào mỗi dịp năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến, người ta còn lo sửa sang, thăm viếng mồ mả, làm sạch đẹp nơi an nghỉ của ông bà tổ tiên, người thân của mình.

Truyền thống tâm linh người Việt tin rằng, khi năm mới đến tất cả mọi thứ đều phải được chuẩn bị, sửa sang cho mới mẻ, kể cả nơi an nghỉ của ông bà, người thân.

Tục ngữ Việt Nam có câu “cao nấm ấm mồ”. Vì vậy, sửa sang nấm mồ cũng là một trong những việc hiếu đạo của con cái, thể hiện lòng kính trọng đối với đấng sinh thành, và các bậc tổ tiên đã khuất.

Tục tảo mộ cuối năm, ngoài là một phong tục phổ biến của người dân Việt khắp mọi miền đất nước, còn là một hoạt động mang tính dòng tộc rõ nét.

Đặc biệt, những dòng tộc lớn thường có những ngày tảo mộ được quy định rất cụ thể, thường ghi trong gia phả như một truyền thống của dòng tộc để con cháu ở các thế hệ sau tiếp tục thực hiện, cũng để thắt chặt tình yêu thương, đoàn kết đồng thời cũng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Về quê tảo mộ mỗi dịp xuân về đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Đó cũng là thể hiện của tình cảm hướng về với nguồn cội. Người ta ví: “Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn, nước có nguồn mới bể rộng sông sâu” là vậy. Ca dao xưa cũng có câu:

“Con người có tổ có tông
Như cây có cội, như sông có nguồn”

Đối với cư dân thành thị, những người đã khuất được mai táng trong các nghĩa trang ở thành phố, do vậy thường khó duy trì việc những người trong gia đình, dòng họ khi khuất núi được chôn cất gần gũi, đầm ấm với nhau như ở thôn quê.

Nhưng cứ mỗi dịp cuối năm, khi sắp đến Tết Nguyên đán, người thành thị cũng luôn sắp xếp thời gian để đi thăm viếng, chăm sóc phần mộ ông bà, cha mẹ, người thân của mình để tỏ lòng hiếu thuận.

Thăm viếng phần mộ tổ tiên cũng là nét đặc trưng của văn hóa cổ truyền, một tục lệ trong “đạo thờ ông bà” của dân tộc ta vốn từ lâu đã trở thành truyền thống. Dù tất bật thế nào đi chăng nữa trong cuộc mưu sinh, dù cả năm bôn ba làm ăn ở nơi xa, nhưng chốn quay về vẫn là gia đình.

Nhiều gia đình cho rằng mỗi dịp tảo mộ cũng là một dịp giãi bày với ông bà, tổ tiên những chuyện đã xảy đến trong năm với cả gia đình, dòng họ; cũng là để thành tâm mời ông bà tổ tiên chuẩn bị cùng về ăn Tết với gia đình.

Do đó, theo sau phong tục này ta có tục rước ông bà vào trưa ngày 30 âm lịch, và đưa ông bà, thường là vào trưa mùng 3 hoặc mùng 4, tùy theo tập quán ở mỗi địa phương, và nếp sống của mỗi gia đình.

Thường thì ngày tiễn đưa ông bà cũng là ngày cuối cùng của những ngày nghỉ ngơi vui Tết, mọi người trong gia đình lại quay trở về với cuộc sống thường nhật, với những công việc phải làm, cùng với lòng tin là sẽ được tổ tiên phù hộ cho những ngày tiếp sau đó.

(Theo Blog Phong Thuỷ)
 

Huỳnh Hữu Đức Sưu Tầm


Đón Xuân Hải Ngoại



     Tôi thức dạy giữa đêm 30 tháng Chạp trên xứ sở xa quê hương Việt Nam nửa vòng trái đất .Cũng như mọi đêm bình thường trong năm, cả một vùng rộng lớn khu vực chung quanh hoàn toàn yên tĩnh. Bốn bề im phăng phắc. Không một tiếng pháo nổ, không tiếng chúc mừng hay nói cười lao xao, không mùi thơm của hương bay khói toả, không thịt-mỡ-dưa-hành-câu-đối-đỏ-bánh-chưng-xanh...Giờ này, Tiểu bang tôi ở đang vào giữa mùa Đông. Thời tiết lạnh giá, tuyết vẫn còn rơi. Một màu trắng bao phủ vạn vật. Cây cỏ, núi đồi, xa lộ, nhà cửa đều mang một vẻ ảm đạm, thê lương.

      Tại nhiều Tiểu bang trên đất nước rộng lớn này, nơi có đông đảo Cộng Đồng Người Việt tị nạn, chắc hẳn đang diễn ra một cảnh Tết đậm nét màu sắc quê hương. Truyền thống dân tộc vẫn còn thấy rõ trong dịp Tết Ta (hay các Lễ hội Văn Hoá Mừng Xuân) giúp cho đồng bào quên đi nỗi buồn xa xứ. Nhưng vì khác biệt thời gian nên Tết của ta không thể có sự hoà điệu chung vui với cảnh Lễ đầu năm (hayTết Tây) của người bản xứ. Ngay cả trong cộng đồng chúng ta cũng có nhiều người theo hoàn cảnh lao động bắt buộc hoặc theo lối sống mới nhập-gia-tuỳ-tục, thì vào đúng lúc này, gia đình họ vẫn đang im lìm trong giấc ngủ.
Còn riêng tôi, trong giờ phút giao niên, tâm hồn như một giải mây xám lờ lững theo làn gió nhẹ bay về quê hương yêu dấu cũ. Sài Gòn ơi! Nhớ sao là nhớ! Tôi đang trải qua một cái Tết cô đơn, lặng lẽ hơn bao giờ :
Ai nhắc mùa Xuân tới/Lệ sầu vương đôi mi/Ai đón mùa Xuân tới/ Cho tan giấc mộng đương thì/.

      Nhớ! Và cố nhớ lại những cái Tết quê hương để may ra cảm nhận được một chút niềm an ủi. Đồng hồ chỉ 12g15. Buồn quá, đành mở Gmail.
      A! Có những video về hình ảnh các chợ hoa Sài Gòn, Đà Lạt, Huế, Hà Nội:
      Gần tết nhiều Mail đến với mình/ Ngàn hoa trong ánh điện lung linh/
      Mùa Xuân lộng lẫy muôn màu sắc/ Sống dậy hồn ta bản nhạc tình/.

      Thế là tôi đang được vui hưởng mùa Xuân trên mảnh đất quê nhà rồi đấy chứ!
Và đây nữa, tôi vô cùng ngạc nhiên, thích thú: Hình ảnh 4 chữ CUNG CHÚC TÂN XUÂN đỏ óng ánh mạ vàng và một bánh pháo đỏ chót bên cạnh một chậu hoa cúc vàng tươi tuyệt đẹp hiện ra (với lời ghi: hãy click vào ngòi pháo) :
      Những tưởng mình ta chẳng có Xuân/ Nhưng nay Xuân đến tựa bao lần/ Giờ đây pháo nổ tung màn ảnh/ Thấp thoáng nàng Xuân đã tới gần/.
      Tha thướt bóng Nàng Xuân trở về. Tà áo trắng bay bay ngát hương màu trinh khiết. Ngón tay ngà mát rợi vuốt trên mái tóc đã bạc màu._Này,Người ơi! Xuân đã đến, Người hãy mau thức tỉnh để vui cùng Ta trong giờ phút giao niên. Rồi trong khói pháo mịt mù và xác pháo hồng tung rơi lả tả, tay trong tay run run nâng chén rượu nồng, cùng với nàng Xuân khai mạc hội mùa yêu :

Rượu nồng vừa nhắp ngọt ngào
Dìu tay Xuân nữ đi vào Thiên Thai
Đêm khuya ôm giấc mộng dài
Tình Xuân trẻ-mãi-không-già trăm năm.


      Rồi, Xuân nữ lại tha thướt bước đi. Bóng nàng khuất dần sau hàng cây tuyết trắng. Nàng tiếp tục đi tìm những mảnh đời lạc lõng trên vùng đất hải ngoại lúc Xuân về.
      ...Tôi chập chờn nửa ngủ nửa mê, đang mơ mơ màng màng chợt bàng hoàng tỉnh thức. Mộng đẹp đã tàn. Có còn không thời hoa mộng xa xưa? Quê hương xa vời vợi. Ngàn trùng cách xa. Đã mấy chục mùa Xuân trôi qua nơi hải ngoại. Ngậm ngùi thắp nén hương lòng, vọng về cố hương. Cầu nguyện sớm được trở về ăn một cái Tết Việt Nam thật huy hoàng trên quê hương Việt Nam yêu dấu.


ChinhNguyen/H.N.T.
GA/USA, 2013-14



Nhạc phẩm: Ai lên Xứ Hoa Đào 
Sáng tác Hoàng Nguyên (Cựu Giáo Sư Trường Tống Phước Hiệp Vĩnh Long)
Tiếng Hát Thùy Dương


Câu Đối: Đồng Bằng Phố Núi Vui Xuân Giáp Ngọ - Nam Chi


Câu Đối: Nam Chi
Tranh: Kim Oanh

Ngóng Xuân



Xuân đang tới nhói lòng người xa xứ
Không Mai vàng chẳng có bánh Chưng xanh
Đêm giao thừa giọt nước mắt vòng quanh
Cả dáng ai ....cũng len vào nỗi nhớ !

Xuân Quê Hương đã đến gần bên cửa
Ở nơi này cái rét cứa cắt gan
Tìm hơi thở .... Vòng tay ấm sẻ san
Khoảng mênh mông cứ dâng tràn ký ức

Giữa miên man ...không biết mơ hay thực
Bông tuyết tràn ... Ngỡ như sắc pháo hoa
Biết là mình .... đang trên xứ người ta
Nỗi khát khao vẫn chỉ là .... khao khát ...

Có ai không .... giống ta điều được mất ???
Ngậm đắng môi cười nước mắt chứa chan
Lệ đôi hàng bao mộng ước vỡ tan
Giờ thao thức mong một ngày Xuân tới

Để bớt đi nỗi nhớ thương vời vợi
Trên xứ người ....khi Tết đến nhớ Quê

Vĩnh Trinh


Hồ Trường - Nguyễn Bá Trác - Giọng Ngâm Dương Thượng Trúc


Ðại trượng phu không hay xé gan bẻ cột phù cương thường,
Hà tất tiêu dao. 
Công chưa thành danh chẳng đạt, tuổi trẻ bao lâu mà đầu bạc,
trăm năm thân thế bóng tà dương.
Vỗ gươm mà hét, nghiêng bầu mà hỏi, trời đất mang mang ai người tri kỷ, 
Lại đây cùng ta cạn một hồ trường.
Hồ trường! Hồ trường! 
Ta biết rót về đâu?
Rót về Bắc phương, ngọn Bắc phong vi vút cát chạy đá tuông.
Rót về Nam phương, miền Nam nghìn dặm thẳm, non nước mờ sương.
Rót về Ðông phương, nước biển Ðông chảy xiết sinh cuồng lạn.
Rót về Tây phương, mưa Tây sơn từng trận chứa chan.
Có người quá chén như điên như cuồng.
Nào ai tỉnh nào ai say?
Chí ta ta biết lòng ta ta hay.
Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ, hà tất thành sầu đối cỏ cây!

Thơ: Nguyễn Bá Trác
Giọng Ngâm: Dương Thượng Trúc
Thực Hiện: Mũ Nâu 11

Sáng Xuân





Sáng nay thức giấc
Chập chùng bóng em
Nhìn qua khung cửa
Muà xuân bên thềm
Tiếng chim ríu rít
Trên cành hoa đào
Trời xanh mây trắng
Gió mùa đẹp sao
Tiếng ai gõ cửa
Em đến bên đời
Áo màu xanh mới
Má hồng thắm tươi
Choàng tay đón nhận
Tình xuân nồng nàn
Nụ hồng chớm nở
Xuân tình mênh mang


Khiếu Long


Thơ Tranh: Xuân Viễn Xứ


Thơ: Dương Thượng Trúc
Thơ Tranh: Suối Dâu

Thứ Năm, 23 tháng 1, 2014

Câu Đối: Chúc Mừng Năm Mới - Suối Dâu

Kính Chúc Mừng Năm Mới Giáp Ngọ Quí Thầy Cô, Bạn bè và Thân hữu


Câu Đối: Sưu Tầm, 
Trình Bày: Suối Dâu

Sự Tích Ông Táo


       
      Dân Việt Nam theo tập tục cổ truyền thì hàng năm đến ngày 23 tháng Chạp là ngày tiễn ông Táo về Trời, theo như trong  Sách Thọ Mai Gia le chép đời Vua Tự Đức thứ Tư tháng Tám ngày Cốc Vũ, có bài văn cúng ông' Táo, và nói rằng ngày 24 tháng Chạp hàng năm là ông Táo về Trời, vì thê nhân dân tiễn chân ông Táo trước một ngày, còn Sự tích ông Táo thế nào thì không thấy nói đến, và chỉ được nghe những truyền thuyết của dân gian, rồi các ông già bà cả trong nhà kề lại cho con cháu nghe như sau.

      Thuở xa xưa vào thời Hỗn mang, có một cặp vợ chồng người Việt tên là Táo, (không có Họ) cả hai người tính nết hiền lành chất phác, có một không hai, cha mẹ của hai người đều đã qua đời sớm, nhà nghèo, không được học hành gì nên không biết chữ, hai người quanh năm chỉ đi làm mướn đề sinh nhai cho qua tháng rộng năm dài, vợ chồng tuy ăn ở với nhau đã lâu mà chưa có người con kế tự, vì thế hai người thường than thờ với  nhau về nỗi quạnh hiu, trong nhà thiếu bóng dáng đứa trẻ nô đùa, thuở ấy trời lại ra tai mấy năm liền bão lụt hạn hán, đồng khô, hồ cạn, ruộng rẫy bỏ hoang, mười phần thì bỏ đến tám chín, dân chúng xác xơ vì cảnh thiếu ăn thiếu mặc.

      Mỗi độ đông về tuyết rơi lả tả, gió rét căm căm, các súc vật nuôi ở trong nhà, vì đói rét mà chết dần mòn quá nửa, trước cái cảnh túng thiếu khốn cùng quẫn bách ấy, hai vợ chồng chỉ còn biết lấy nước mắt thay cho cơm cháo cho qua tháng rộng ngày dài, nhưng sức người có hạn, những lúc lửa cơ đốt ruột dao hàn cắt da người chồng dặn vợ ở nhà để anh đi kiếm việc làm cho qua cơn túng quẫn, cực chẳng đã chị vợ cũng phải bằng lòng, để anh chồng đi tìm kiếm việc làm, đi thì dễ nhưng đi về đâu phương nào đây, làm gì, có ai mướn mình hay không đây, làm thế nào cho qua cơn đói khát bơ vơ nơi xứ lạ quê người, bụng nghĩ vậy mà chân thì cứ bước hoài, chẳng biết đi về đâu gần hay đã đi xa rồi chăng, bụng đói cái rét, người mệt chân tay rã rời, cực chàng đã đành gục xuống bên vệ đường mê sảng mà thiếp đi lúc nào không hay.

      Khi tỉnh lại thì thấy mình đang nằm lăn lóc trên chiếc băng ca ở một trạm xá hẻo lành xa xôi, hỏi ra mới biết là mình bị bệnh nằm thoi thóp hầu như gần tắt hơi, nằm lịm ở vệ đường, có người khách đi đường thấy vậy thương tình bỏ lên xe chở về đây cứu chữa, hỏi ra mới biết quê quán mình ở quá xa xôi nghe tiếng không ai biết là người nước nào, hỏi thì không ai biết quê quán mình ở đâu, đường về nước về nhà quá xa xôi, lại túi rỗng hầu không, có tiền đâu mà trở về nguyên quán nổi nữa, đành phải ở lại để đi làm thuê mướn kiếm ăn cho qua ngày, thời gian đi nhanh như ngựa chạy tên bay, chốc đã vài chục năm trời trôi qua bấy giờ mới nghĩ đến quê hương xứ sở người vợ hiền chất phác quê mùa ra sao trong lòng nao nao hồi hộp mong có ngày về.

      Còn Chị Táo ở nhà trông đợi chồng đã mòn con mắt mà chàng thấy tăm hơi gì, cực chang đã, chị đánh liều khăn gói lên đường quyết đi tìm kiếm chồng, nhưng oái oăm thay trời gia cũng độc địa vô cùng, người một nơi, kiếm một nơi, mênh mông nào biết bể trời là đâu, lòng buồn chán nản, trông lên mái tóc đuôi gà ngày nào nay đa sương pha qua nửa, mặt đã nhăn, da đã xạm chớm có những nốt đồi mồi, một hôm đi thất thều đến một xóm nhỏ dưới chân cầu bụng đói miệng khát, chân tay rã rời, vội lau mắt nhìn vào trong thấy có một ngôi nhà khang trang sạch sẽ, chị Táo liền mạnh dạn bước vào gõ cửa xin ăn, thấy có tiếng xin ăn chủ nhà liền mở cửa và mang đi ăn ra cho, nhìn thấy mâm cơm lành canh ngọt, mà đời chị cùng chồng chưa bao giờ được có thường ngày.

      Chị Táo bỗng dưng hai hàng nước mắt chảy xuống ròng ròng khác nào trận mưa đầu muà, kéo vạt áo lau mà vẫn chưa ráo, người chủ nhà nhìn thấy đoán ngầm ở trong bụng rằng chắc han người đàn bà này có sự gì u uất, uẩn khúc trong lòng, nên trông thấy cơm lại nghĩ đến mà cầm lòng không vững, xúc động tâm thần đó chàng liền lại gần lân la dò hỏi, Chị Táo nói tôi có một người Cha già vài chục năm trời trước đây trời làm đói kém, người Cha phải tha phương cầu thực, đến nay đã một thời gian dài, mà vẫn chưa thấy Cha về, thương người Cha già một nắng hai sương đạo làm con chữ hiếu không lo tròn, nên tôi đành phải, ra đi tìm tòi bồn phương mong gặp lại người cha già để phụng dưỡng cho tròn cái đạo ấp lạnh quạt nồng, nên phải lặn lội đi tìm, mong sao gặp mặt, ròng rã mấy năm trời trôi đi mà vẫn tìm không thấy mặt thấy tăm hơi gì, nay thấy ông cho mâm cơm ngon lại nhớ đến người Cha già bỗng lệ trào ra không cầm lại được, chỉ biết thổn thức trong lòng.

      Người chủ nhà nghe nói bỗng dưng động lòng trắc ẩn, bảo rằng Bà hãy nán chân ở đây ít lâu cho tỉnh táo hồi sức lại rồi sau dần dà dò la tin tức cha già cũng không muộn, nhà này cũng chi có mình tôi cha mẹ tôi qua đời  đã lâu vợ con chưa có nơi nào, đang lúc khốn cùng có người tốt bụng cưu mang giúp đỡ chi Táo bèn nhận lời từ đó trở đi khác nào chuột sa vào chỉnh gạo, thắm thoắt thời gian trôi qua đã đến bốn năm tròn, mỗi độ đông về, mỗi khi hoàng hôn đổ xuống, những khi mưa ngâu rả rích, những lúc lớt phớt mưa xuân, những buổi chiều thu lá vàng tơi tả dụng xuống bên hè, lòng Chi Táo càng nao nao sao xuyến những nỗi nhớ quê nhớ nhà  thương người chồng quê mùa chất phác một nắng hai sương, lại khóc thầm trong bụng và nghêu ngao câu hát anh ơi ! Bây giờ anh ở đâu? Bến Hải hay Cà Mau, núi thảm hay rừng sâu anh ơi…

      Trong lòng đang suy tư ngao ngán thì bỗng nghe thấy bên ngoài cửa có người đến xin cơm, chị bèn mở cửa bước ra ngoài tay bưng tô cháo còn nóng hổi, vừa ra đến cửa thì oái oăm thay người xin cơm kia lại chính là người chồng cũ của mình, mà bao năm trời chờ đợi tìm kiếm đêm ngày, mong chờ gặp mặt, thấy chồng cũ Chị Táo liền buông chén cháo xuống thềm, mà ôm chầm lấy người chồng đề kể lể tâm tình, còn Anh Táo bao năm xa cách vợ hiền nỗi nhớ nhung ấp ủ trong lòng nay gặp được vợ cũng bàng hoàng như người đang mê sảng bồi hồi, hai vợ chồng cứ ôm lấy nhau mà chưa ai thốt được lời nào, giữa lúc ấy thì người Chủ nhà đi làm đồng đã về, nhận thấy hai người đang ôm nhau đứng giữa sân như hai pho tượng gỗ dính liền, cơn thịnh nộ nổi lên trước cái cảnh sàm sỡ này sẵn trên tay đang cầm điếu thuốc hút giở anh liền đưa lên miệng hít một hơi dài rối quăng tàn thuốc vào chân đống rơm khô, thấy có tiếng động ngoài ngõ, chị Táo liền bảo người chồng cũ rằng, anh hãy tạm lánh mặt vào sau đống rơm khô kia, rồi sau sẽ nói chuyện.

      Nói đoạn Chị Táo trở vào trong nhà, thì vừa lúc ấy người Chủ nhà cũng vừa vào đền cửa chị Táo cũng chưa kịp trình bầy với người Chủ nhà là người ăn xin nấp sau đống rơm kia chính là người Chồng cũ của chị, nhưng chưa kịp nói thi trông ra sân lửa đã bốc cháy ngút ngàn, trong đống rơm khô, chị Táo hoảng hốt chạy ra định cứu chồng nhưng lửa mạnh quá chừng khiến cho chị loanh quanh mắt hoa; lảo đảo nhẩy vào đống lửa đề cứu chồng nhưng chồng đã không cứu được mà chị cũng bị thần hoả thui luôn, người chủ nhà thấy hai người đang quằn quại trong đống lửa hồng, thì nhẩy vào để cứu ra nhưng cũng bị thần hoả nướng cả trọng đống rơm tàn . .

      Khi ngọn lửa đã lặng tàn thì ba hồn kia được Quỷ sứ dẫn về toà Phong Đo trình với Vua Diêm Vương. Vua Diêm vương sai Đang niên Thái Tuế tra xét giấy báo tử của Nam Tào Bắc Đầu trên Đế Đình, Đang Niên Thái Tuế xét xong tâu với Diêm vương rằng ba người này chưa có tên trong bộ tử của Đế đình ban xuống. Vua Diêm vương thấy ba người đều không có. tên trong bộ tử nên không dám phán xét, bèn sai Quỷ sứ dẫn ba người lên tâu trình Ngọc Hoàng để Ngài phán quyết, Ngọc Hoàng nghe Đang niên trình bầy là ba người này chưa có tên trong Bộ tử mà chết cháy tròng một đống rơm khô, không rõ về lý do gì.

      Ngọc Hoàng nghe tâu trình xong liền phán ta cho phép ba người được trinh bầy lý do cặn kẽ đầu đuôi như thế nào, khi nghe xong ba người tâu trình Thương Đế liền phán:
      bAnh Táo gặp vợ chưa thổ lộ tâm tình mà đã chết chưa đủ yếu tố để phán xét.
Chị Táo gặp chồng chưa kịp dãi bầy nỗi lòng mong đợi mà đã bị thiêu chưa đủ lý lẽ để luận tội.
Người Chủ nhà cho Chị Táo nương thân, ân nghĩa ấy chưa được sáng tỏ, nay thấy lửa cháy đâm đầu vào cứu chữa mà bị thiêu cũng chưa đủ yếu tố định công hay luận tội cả ba.
Vậy ta tạm tha cho ba vong hồn kia được phép trở về Dương thế ngồi chụm đầu lại trong đám than hồng, để cùng nhau giãi bầy tâm sự, cùng các ưu tư của ba người cho rõ ra trắng đen minh bạch, bấy giờ lên đây ta sẽ  phán xét công tội, việc này ta cho hạn một năm, nếu các người chưa làm xong thì được phép đến ngày 24 tháng Chạp hàng năm được lên trời đề báo cáo sự việc của các ngươi đã làm trong những tháng vừa qua. Này các Vong hồn kia, một chút việc cỏn con trong gia đình thu xếp không xong, lại còn nổi sùng lấy cái chết làm trò chơi, thật là đồ vô dụng, ngày nào câu truyện rõ ra trắng đen rồi, thì về Toà Diêm Vương xét xử.

      Từ đó ba cái Vong hồn chết thiêu kia mang một tên chung là Táo được phép về Dương trần ngồi chụm ba cái đầu vào trong bếp than hồng mà biện bạch nỗi lòng của mình, cho hết đời này đời khác vẫn chưa ra. khỏi đống than hồng, mà nỗi lòng của ba người vẫn chưa bầy tỏ được, vẫn chỉ còn là một huyền thoại của dân gian.

      Việc ông Táo về chầu Trời là việc riêng của gia đình ông Táo, chứ không phải ông Táo tâu việc của người trần, còn việc của người trần thế đã có nhiệm vụ của ông Đang Niên (Thái Tuế) tâu trình với Ngọc Hoàng. Đề kết thúc bài Sự Tích ông Táo tôi xin mở một dấu ngoặc Phong tục cũng như Tập quán của người dân nước ta từ đời khai thiên lập địa đến nay vẫn cũng nhiều huyền thoại còn việc tin hay không tùy theo ý nghĩ của mỗi người.

Thái Hanh