Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2023

Đêm Đông Lạnh Lùng - Soạn Giả Viễn Châu - Giọng Ca: Tịnh Đế Liên Hoa


Soạn Giả: Viễn Châu
Giọng Ca: Tịnh Đế Liên Hoa

Dấu Hỏi Nơi Lòng Lại Lớn Thêm

 

Ở đây khó biết khi nào Tết
Thiên hạ xung quanh “lạnh” giống trời!
Đâu bánh chưng xanh, phong pháo đỏ?
Tối nào là tối của “ba mươi” ?

Như thế, 6 lần ''xuân'' xứ lạ
Lòng xa mỗi chốc, mỗi thương lòng
Cố hương; nheo mắt mà không thấy
Chỉ mỏi tay gầy che gió đông!

Nhớ quá mùi hương trầm cúng Phật!
Dáng già lúi húi cắm hoa tươi
Câu kinh siêu thoát đi nhè nhẹ
Vào những hồn trong trắng, rạng ngời

Ngoan ngoãn con nằm nghe bố kể
Chuyện nhà, chuyện nước, chuyện đi xa
Chuyện thời thơ ấu bên anh chị
Bố khóc đâu, sao mắt lại nhòa?!

Mai mốt, dắt con về đó sống
Mình ăn Tết lớn ở quê mình
Mốt mai … ? Bố nói y như thật
Dấu hỏi nơi lòng lại lớn thêm!!!

1/1985
BP


Nguyên Tiêu Luyến Xứ

 

Tháng Giêng nguyệt rạng đón Nguyên-Tiêu
Muôn thuở Hằng Nga dáng diễm kiều
Đất khách Tết về còn lạnh lắm
Quê mình Xuân đến có vui nhiều?
Đôi khi thương nước trong thầm lặng
Lắm lúc nhớ nhà giữa tịch liêu
Ngước mắt dõi nhìn trăng diệu vợi
Chau mày chạnh nghĩ tuổi về chiều...

Duy Anh
Orlando FL.
02/05/2023

Giọt...

 

Giọt mưa đêm vắng vọng về mau
Tí tách reo vui ghẹo nỗi sầu
Tiếng gió rì rào như nhắc nhở
Chợt nghe hoang vắng suốt canh thâu

Giọt buồn thư thả quyện theo chân
Ly rượu chiều hôm cũng góp phần
Ngày tháng chậm buồn trôi lặng lẽ
Ngồi ôn dĩ vãng dạ bâng khuâng

Giọt thương lở dở mãi loay hoay
Tự trách riêng ta chẳng tỏ bày
Phố hẹn ngày qua còn đậm nét
Một mình dạo phố ngắm mây bay

Giọt nhớ thầm thì lẵng lặng khơi
Vấn vương ánh mắt nét môi cười
Hỏi EM, kỷ niệm ngày xưa đó
Chắc chẳng còn gì theo lá rơi

Giọt sầu còn lại chỉ riêng ta
Gởi gấm vần thơ nơi xứ xa
Nhắc nhở từng lời bao tiếc nuối
Hòa trong trang giấy khúc tình hoa

Giọt mơ ngày cũ đã phôi phai
Ngày tháng lặng trôi bóng miệt mài
Ba chữ ngại ngùng xưa chẳng nói
Giờ thì thương tiếc dáng hình ai

Giọt say một tối nhớ bâng quơ
Lặng ngắm mưa bay dạ thẫn thờ
Gác trọ im lìm ôn dĩ vãng
Về EM, thương nhớ mấy vần thơ...

Hoàng Dũng


Mơ Mùa Xuân Cũ

 

Xuân nầy đón Tết ở nơi đây
Nhớ nước thương quê ngấn lệ đầy
Nuối tiếc năm xưa thời bé bỏng
Mơ màng cảnh cũ thuở thơ ngây
Đi chùa Xá Lợi, xin xăm bói
Lạy Phật Di Đà, ngủ giấc say
Kỷ niệm trôi nhanh vào giấc mộng
Đâu tà áo mới gió tung bay


Thanh Song Kim Phú
(Họa)

Những Gì Sau Tết


(Bài Hát Nói cảm ơn và đáp lễ Nhiếp Ảnh Gia taotran Trần Đức Tạo đã chuyển đến bộ ảnh “Sau Tết” ngày 30/01/2023, Mùng Chín Tết Quý Mão)

Đã qua đi Lễ Hội huy hoàng, nhộn nhịp!
Đã qua đi Cúng Ông Táo, Cúng Ông Bà, Cúng Giao Thừa, tiếp nhận Tân Niên!
Đã qua đi Lễ Chùa, Nhà Thờ, thăm viếng Mồ Mả Tổ Tiên
Bốn làn khói trắng sau đôi cánh phản lực nghiêng nghiêng về chốn cũ!

Chim tìm quả cũ mong no đủ
Nụ nở hoa xưa ước đẹp hoài!
Giao ngộ thường chưa quen! Thừa tiếp vốn kéo dài!
Mỗi năm mỗi tuổi chỉ dành cho loài người trên quả đất!

Ngay đầu năm đã nghe thông báo giàu, nghèo, được, thua, còn ,mất!
Người thì lo âu hiện ra mặt! Kẻ thì cất mọi thứ vào nội tâm!
Thiên nhiên, vũ trụ âm thầm!

Đức Hùng
Sydney, Úc Châu, 01/02/2023
Ngày 11 tháng Giêng Âm Lịch năm Quý Mão


Hình Ảnh:Trần Đức Tạo

Chén Xuân - Mời Nhau


Chén Xuân

Kinh cầu khấn trọn tuần nhang
Hiên ngoài tiếng khánh nhẹ nhàng rung dây
Cho người vui phút sum vầy
Cho thêm chất ngất đọa đày trong ta
Xuân rồi đã mấy xuân qua
Bên trời cánh nhạn tin đà bặt tin
Chén xuân cạn chén một mình
Tiếp bồi chén cạn u tình men xuân

Kim Phượng
***
Cảm Tác:

Mời Nhau


Chén Xuân mình đã mời nhau
Tình Xuân phơi phới không sao sánh bằng
Ngày Xuân lân pháo rộn ràng
Lòng ai u uất hai hàng lệ rơi
Chén bồi chén cạn người ơi
Bên trời cánh nhạn rã rời lượn quanh
Chiều Xuân kiếm mãi nhìn quanh
Thân đây cô độc bóng anh mịt mờ....

Nguyễn Cao Khải


Thương Thay Lục Bát

 

  Học giả Phạm Quỳnh có một câu nói bất hủ:
         " Truyện Kiều còn, tiếng Ta còn. Tiếng Ta còn,  nước Ta còn "       

  Truyện Kiều của Thi Hào Nguyễn Du được viết bằng chữ Nôm, theo thể thơ Lục Bát, một thể thơ thuần tuý của Việt Nam. Đây là một thi phẩm văn học Việt Nam được giới thiệu rộng rãi trên thế giới.
   Chỉ một tác phẩm văn học thôi, sao lại có ảnh hưởng đến sự tồn tại của cả một dân tộc, một quốc gia. Một thi phẩm dù là tuyệt tác, cũng chỉ là một thi phẩm, không thể dính liền với cả một dân tộc nếu không còn thêm một lý do khác.
   Lý do khác đó chính là "Thơ Lục Bát", một thể thơ quốc hồn quốc tuý của Việt Nam. được các học giả Tiền Bối gọi một cách trịnh trọng là "Quốc Phong".

    Cầu thị, cầu tiến là bản chất của con người. Thơ cũng không ngoài quy luật đó. Những bài thơ mang dáng dấp mới lạ, những sáng tạo tân kỳ làm tăng thêm sức hấp dẫn của một bài thơ, lôi cuốn, thu hút người đọc hơn, rất đáng được trân trọng, rất đáng được khích lệ và khuyến khích nếu đó là những bài thơ Tự do, Thơ Mới, Thơ Cổ Phong...

          Tống Biệt

Lá đào rơi rắc lối Thiên Thai,
Suối tiễn, oanh đưa, những ngậm ngùi!
   Nửa năm tiên cảnh,
   Một bước trần ai,
Ước cũ duyên thừa có thế thôi.
   Đá mòn, rêu nhạt,
   Nước chảy, huê trôi,
Cái hạc bay lên vút tận trời!
Trời đất từ đây xa cách mãi.
   Cửa động,
   Đầu non,
   Đường lối cũ,
Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi...

Tản Đà

Qua bài thơ Tống Biệt, chúng Ta thấy cách sắp xếp các câu thơ thật hấp dẫn, hình thức thật lôi cuốn. Đâu cần phải xé đôi xé ba câu Lục Bát. Chặt khúc câu thơ Lục Bát, có thể ví như ta đang chối bỏ nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc. Hủy bỏ những gì thuần túy Việt Nam mà Ông Cha đã lưu lại từ ngàn năm. Chính vì thế, là con cháu, hậu bối, chúng ta cần giữ nguyên trạng như từ trước, giữ nguyên hình thức câu 6 và câu 8, để "Quốc Phong" mãi trường tồn.
 
Quên Đi đâu thể nói càn 
Chẳng qua thổ lộ tâm can cùng người 
Ngàn năm văn vật ai ơi 
Tiền nhân truyền lại bao đời cháu con 
Hậu sinh phải giữ cho tròn 
Để vầng sáu tám mãi còn về sau 
Mỗi loại thơ mỗi sắc màu 
Không như đường luật của Tàu vẫn hay
Lục bát chẳng giống thơ Tây 
Nếu đem bẻ vụn sau này mất luôn. 
                                  Quên Đi

Thương Thay Lục Bát

Cũng vì tạo dáng bài thơ
Nên hình bóng cũ đến giờ thảm thay
Câu thơ người nỡ bẻ hai
Khiến Tình Lục Bát đêm ngày trở trăn!
                                              
Quên Đi
Nỡ nào chặt khúc câu thơ
Ôi thôi lục bát bây giờ ra sao?
Nguyễn Du trông thấy lệ trào
Thấy thơ tàn phế mà ngao ngán lòng !
huuuuuuuuu

                                                                 Cao Linh Tử

Huỳnh Hữu Đức

Đừng Giấu Mùa Xuân Của Em...


Sắp hết mùa đông rồi mà cũng nghe trong lòng còn hơi chớm lạnh.
Ấy thế mà những nụ hoa trên cành còn loay hoay hơn thì phải, còn chờ đợi hơn cả cõi lòng băng giá.
Hình như ngoài trời đang ấm hơn, những nụ hoa không đến nỗi chí chóe như những đàn chim đang giành nhau mùa Xuân, nhưng bỗng chốc âm thầm ở đâu trổ sẵn đầy cành, như cùng nhau chen chúc đứng đợi từ mùa đông.

Em đang giành giựt mùa Xuân cùng bao chim muông đang đua hót, cùng những nụ hoa tưng bừng đua nở. Em đang giành giựt ước vọng cùng với thế gian đang chuyển động âm thầm, em đang giành giựt tình yêu dấu từ tận đáy lòng ai đấy trong mùa xuân, cứ tưởng tượng ra như thế để thấy cõi lòng tươi mát, chim, hoa và em và mùa Xuân bất tận.

Em giấu tình yêu ở đâu, trong mắt những vì sao, có tiếng đàn văng vẳng khuya khoắt, em mở hộc bàn trên đầu, trang sách, ôi thú vị quá, em vừa từ từ mở mắt dậy mặt trời đã chiếu buổi sớm mai qua chiều khung cửa, nắng mùa

Xuân lại về, và anh nữa, mùa xuân về trong giấc mơ. Em chạy theo mùa xuân xa hơn mé trên đồi, anh có nghe tiếng suối róc rách không và nắng như chim bay ở đâu về đậu khắp trên cành, nắng trải trên những nụ hoa tràn xuống những bãi cỏ chớm xanh làm tan đi những làn sương mỏng làm ướt bước chân em. Nắng reo lên mùa xuân tự trong đáy hồn, xuân đến xuân đến với những nụ hoa đào chớm hồng hồng với những con bướm như hình đang oằn oại trở mình ra khỏi kén để đuổi kịp theo những bông hoa vừa chớm nở.

Chúng đã hẹn nhau mùa xuân lại về để nẩy nụ đơm hoa và kết trái, rồi những con bướm đã rong chơi hết cả vườn xuân bát ngát chúng rủ nhau tìm đậu trên những bức tường hoa trải những đôi cánh đủ màu sắc trong thiên nhiên rực rỡ.

Ôi! mùa Xuân của nhân loại, của ước mơ.
Anh nhé! đừng giấu đi mùa Xuân của em...

Lê Mỹ Hoàn
2/2021

Tình Yêu Và Tự ái


Vài lời dẫn truyện:

Có một lần, vào một ngày đẹp trời, mùa xuân ấm áp của Thuỵ Sĩ, tôi và một nhóm bạn quây quần cùng nhau ăn uống ở ngoài sân vườn. Chúng tôi nói chuyện với nhau rất sảng khoái về lãnh vực tình yêu và hôn nhân.

Một anh bạn đọc sách rất nhiều về tình yêu, lúc còn trẻ, độc thân, anh ta học hỏi kinh nhiệm từ những người từng trải trong tình trường với mục đích mong muốn tìm được một người vợ đích thực. Nhưng không biết vì chưa thuộc bài hay vì không may mắn để rồi anh ta có một người vợ không như ý. Gia đình luôn luôn xào xáo ! Cuối cùng với tâm thế của một người nhìn hôn nhân qua góc cạnh bi đát anh ta nói rằng : “ Hôn nhân để mong có một người vợ đúng như mình mơ tưởng, nó khó khăn như người ta mua một tấm vé số mà mong trúng được lô độc đắc vậy ! “

Một anh bạn khác, lại có cái nhìn thoáng khoát hơn về hôn nhân. Anh ta nhìn về người vợ của mình đơn giản và thực tế hơn mà đưa ra ý kiến: “Với tôi hôn nhân đúng là một lần mua một tấm vé số, nhưng tôi nghĩ tôi sẽ có rất nhiều hy vọng giật được giải độc đắc để có được một người vợ hiền thục, như ý. Nhưng nếu không được giải độc đắc tôi nghĩ mình cũng được giải an ủi bởi vì ít ra cuộc đời của tôi cũng bớt buồn tẻ vì cô đơn và lại còn có người chia xẻ với mình những chuyện buồn vui trong cuộc sống.“

Một anh bạn khác, dáng dấp khá đẹp trai, nổi tiếng là một người rất đa tình, sát gái trong nhóm bạn. Anh ta đến bất cứ nơi nào, chỉ cần vài ba ngày là đã có một người tình sánh vai bát phố. Nhưng không vì vậy mà người ta gọi anh ta là sở khanh bởi vì anh ta rất biết cách chiều chuộng và nói cho người đàn bà tích thú, say mê anh ta. Chính vi vậy bạn bè thường nói anh ta là người của chủ nghĩa yêu đương “ Loveism “ . Anh ta cho biết, khi yêu thương một người đàn bà nào thì không nên từ nan bất cứ một việc gì, điều gì kể cả việc phải bán sinh mạng và danh dự mình để cung ứng cho tình yêu. Với anh ta tình yêu là trên hết là hạnh phúc, là tự hào và cả là nguồn sống! Anh ta cho rằng tình yêu xuất phát từ con tim, nhưng con tim của anh ta có rất nhiều ngăn, tất cả các ngăn đều là một căn phòng hoa lệ, ấm cúng của tối tân hôn “!

Rồi một anh bạn khác, cũng rất đẹp trai và rất nhiều cao ngạo với phụ nữ. Anh ta cũng tôn vinh tình yêu, coi tình yêu là niềm vui, là nguồn sống của con người. Với anh ta thế giới và đoàn thể mà không tình yêu, không đàn bà, đó một thế giới, đoàn thể chết !! Nhưng anh ta cho biết tình yêu chỉ đáng tôn vinh và gìn giữ nếu nó là một tình yêu chân thật trong tình cảm và phải có sự tôn trọng phẩm cách, lòng tự ái của chính mình và cả của người mình yêu. Anh ta thường hùng hồn tuyên bố : “Tình yêu sẽ chẳng còn ý nghĩa gì khi lòng tự ái của người ta bị chà đạp hay buông bỏ ! Đó chỉ là loại tình yêu ăn xin và bố thí! Một người đàn ông đúng nghĩa không thể chấp nhận được dạng tình yêu bố thí đó ! “

Tôi ngồi im lặng nghe những suy tư, nhận định của nhóm bạn với rất nhiều thích thú. Một vài người hướng về tôi, nằng nặc muốn tôi phải cho họ biết về cái nhìn của tôi. Biết là không thể chối từ nhóm bạn, tôi im lặng suy nghĩ một chút rồi chậm rãi nêu lên ý kiến của mình. Theo tôi khi yêu thương một người đàn bà, muốn kết hôn với họ. Một người đàn ông khôn ngoan, từng trải phải biết dạng thức của người đàn bà đó.

Có dạng người đàn bà khi sinh ra, lớn lên họ đã mang sẵn trong con người, trong cá tính, trong con tim của họ thiên chức của một người làm vợ, làm mẹ. Họ biết yêu chồng, thương con, họ biết làm sao cho có một gia đình hạnh phúc, ấm êm. Nếu ai muốn có một người vợ thì hãy khôn ngoan mà chọn dạng người đàn bà này.

Có một dạng người đàn bà khác, họ sinh ra đã mang theo trong cơ thể, trong dòng máu, trong con tim và cả trong cá tính bẩm sinh của một người phụ nữ của đám đông, của xã hội… Họ biết ngả mũ chào khả ái, biết cúi mình xoè váy trước quan khách trong những buổi dạ vũ linh đình. Họ làm vinh dự, tự hào cho người đàn ông đi bên cạnh họ, được họ sánh vai. Họ có thể đứng trước hàng ngàn, hàng triệu người mà nói thao thao bất tuyệt như một người có thiên phú hùng biện…. Tóm lại đây là dạng người đàn bà, mà người đàn ông khôn ngoan đừng bao giờ ước mong lấy họ làm vợ rồi hy vọng họ sẽ là người vợ hiền, chiều chồng, thương con hay họ thích dành thời gian để nấu một bữa cơm, làm một cái bánh ngon, pha một ấm trà xanh … cho chồng, cho con thưởng thức! Tuy nhiên nếu người đàn ông là một chính trị gia, một ngài tổng thống, thủ tướng … thì quá phù hợp với họ, vì đó là vị trí chính xác cho tài năng thiên phú của họ. Nhưng với những người đàn ông bình thường trong thế gian yêu thương họ, mang họ về nhà, thì đó là một giấc mơ ngu xuẩn và bất hạnh suốt đời.

Tôi nói xong, cả nhóm bạn vỗ tay, gật gù ra vẻ thích thú. Tôi chẳng cần biết lý do tại sao họ thích thú với cái nhìn của tôi về tình yêu và hôn nhân. Tôi đã thu gom ý kiến như vài lời mở đầu cho truyện ngắn “ Tình yêu và Tự Ái “ này của tôi và cũng tặng riêng cho một người, tôi vẫn nhớ mãi không quên.

Lưu An ( Switzerland, Feb. 2023 )

Vào truyện:


Suốt hơn tuần lễ qua, ngày nào vào khoảng 6, 7 giờ chiều, một người khách khoảng 25, 26 tuổi cũng đến quán cà phê của Dung, im lặng đến ngồi vào sau cái bàn cuối của quán, sát với quầy bán hàng. Sau khi đã yên vị, anh ta gọi người phục vụ làm cho mình một vài món ăn đơn giản như đĩa trứng ốp la với ổ bánh mì, một ly trà đá hay nhờ họ sang nhà hàng ăn bên cạnh quán đặt cho anh ta một đĩa cơm. Ăn xong anh ta gọi một chai bia cùng đĩa đồ nhắm rồi chậm chạp nhâm nhi, im lặng đưa mắt nhìn bâng quơ ra ngoài con đường trước cửa quán luôn luôn ồn ào với xe cộ. Anh ta ăn rất chậm chạp, có phần uể oải, không mang tí cảm giác gì ngon miệng hay thích thú với món ăn, đồ uống. Chi nhìn qua lối ăn uống của anh ta không ai không nhận thấy anh ta đến quán là vì muốn có không gian để suy nghĩ hay để trốn tránh nỗi buồn nào đó trong tâm tư. Anh ta ngồi cho mãi đến khuya khi quán gần đóng cửa mới uể oải đứng dậy trả tiền cho khoảng 3 hay 4 chai bia và vài đĩa đồ nhắm rồi im lặng không nói gì ra lấy xe đi về.

Hàng ngày sau khi tan sở về nhà, ăn xong bữa cơm tối rồi Dung vội vàng ra quán cà phê để giúp đỡ 2 cô nhân viên vào buổi tối, thời điểm quán có nhiều khách nhất. Mấy ngày đầu tiên, khi đến quán làm việc, dù nhìn thấy anh ta có chút khác lạ với những người khách bình thường, nhưng Dung cũng không chú ý lắm. Nhưng qua những bàn luận của 2 người nhân viên, đã làm Dung chú ý hơn về người khách khác thường này. Nhìn dáng điệu từ tốn, ăn nói nhỏ nhẹ, trí thức của người khách, Dung đoán anh ta thuộc dạng trí thức trong xã hội. Có thể là nhân viên văn phòng của một công ty nào đó trong thành phố, vì buồn phiền trong công việc, trong cuộc sống mà sinh ra chán nản nên sau giờ làm, anh ta không về nhà mà tìm một nơi để giải sầu bằng rượu bia.

Hôm nay cũng vậy, khi Dung đến làm việc đã thấy anh ta ngồi uống bia, im lặng với nét mặt buồn cố hữu đưa mắt bâng quơ nhìn ra bên ngoài cửa quán. Dung cũng chỉ nhìn người khách thoáng qua rồi quay vào trao đổi vài chuyện lặt vặt liên quan đến công việc của quán với 2 nhân viên của mình. Một lúc sau khi 2 người nhân viên đang bận rộn với vài vị khách, Người khách đặc biệt quay nhìn Dung đang đứng sau quầy quán :
-Chị cho tôi thêm một chai bia và một đĩa củ kiệu tôm khô.
Dung trả lời anh ta :
-Sẽ có ngay, xin anh chờ tôi một tí.
Sau khi lau khô mặt bàn, Dung để chai bia, đĩa củ kiệu tôm khô trước mặt anh ta rồi định quay vào thì anh ta hỏi :
-Chị là chủ quán phải không ?
Với tí chút ngạc nhiên vì câu hỏi bất thình lình của người khách, Dung nhỏ nhẹ trả lời:
-Vâng, thưa anh có gì không chuẩn không ạ ?
Vội vã, đưa bàn tay lắc nhẹ, người khách vội vàng trả lời:
-Không! Chẳng có gì cả. Tôi chỉ tò mò mà thôi, nếu có chút khiếm nhã xin chị bỏ qua hộ.
Dung mỉm cười chưa kịp trả lời thì anh ta nói tiếp:
-Hơn chục ngày qua, hôm nào tôi cũng đến đây, ngồi uống bia cho đến lúc quán gần đóng đóng cửa mới ra về. Không biết tôi có làm phiền vì chiếm chỗ buôn bán của chị không ?
Dung cười thành tiếng nhỏ, không một tí ngại ngần, trả lời:
-Sao anh lại nói thế, chúng tôi cầu mong anh đến còn không được thì làm sao có chuyện không vui được ?
Đưa tay ra phía trước chỉ những chiếc bàn không có khách, Dung nói tiếp:
-Anh nhìn thấy đó, luôn luôn có bàn trống, không người… làm sao có chuyện anh làm phiền chúng tôi được. Xin anh đừng nghĩ như vậy mà oan cho chúng tôi lắm.

Với tí chút ngập ngừng, đưa mắt nhìn Dung người khách chậm rãi nói:
-Tôi tên Nam, khoảng gần 4 năm trước tôi tốt nghiệp ngành Kinh tế tài chánh ở Singapore , rồi về nước làm việc văn phòng cho công ty sản xuất ô tô Hyundai của Đại hàn tại TP HCM. Còn chị, chắc chị cũng đã học xong và đang đi làm ở đâu rồi? Việc kinh doanh quán cà phê giải khát này có lẽ chỉ là việc làm thêm, bên lề của chị phải không?

Lời tâm sự rất cởi mở của người khách đã làm Dung có chút ngạc nhiên. Hơi chau mày, Dung chậm rãi trả lời:
-Như vậy anh là đàn anh xa của em rồi. Em tên Dung. Vừa tốt nghiệp khoa Anh ngữ của trường sư phạm, hiện đang là cô giáo Anh ngữ cho trường trung học cấp 2 của thành phố. Em đã kinh doanh quán cà phê này khi còn là sinh viên khoảng 2 năm về trước. Chủ căn nhà là người bà con sống ở lầu phía trên, em mướn tầng trệt này để kinh doanh. Nhưng có lẽ không lâu nữa em cũng phải chuyển nhượng cho người khác vì không thể cáng đáng cùng một lúc 2 công việc được.

Ngần ngừ tí chút Dung nói tiếp:
-Như anh biết đó, hàng ngày đi dạy học từ sáng đến chiều, rồi lại vội vàng ra quán cùng làm với nhân viên cho đến giữa khuya mới đóng cửa, thu dọn quán … Về nhà sớm nhất cũng 1 giờ sáng rồi ngủ lấy sức cho sáng hôm sau lại đi làm. Dù có chút thu nhập khá hơn nhưng đổi lại rất mệt nhọc, không có ngày nghỉ hay giao tế bạn bè … dù là chủ nhật hay ngày lễ!
-À, Dung là cô giáo, nghề nghiệp mà ngày xưa tôi đã từng ước mơ. Cái nghề không giàu nhưng có nhiều dịp để mình truyền đạt những suy tư, mộng ước của mình hơn. Dĩ nhiên nghề nào cũng có những khó khăn, đụng chạm nhưng theo tôi nghề dạy học chắc chắn ít hơn nhiều.

Đưa mắt nhìn Dung tí chút, Nam chậm rãi nói tiếp:
-Dĩ nhiên cùng một lúc làm 2 công việc, bận rộn, khó khăn là chuyện đương nhiên. Cuộc sống là thế ! Chẳng có sự lựa chọn nào mà không kéo người ta vào một vài mất mát! Vấn đề là người ta có muốn chấp nhận sự mất mát đó để có được những cái mà mình mong muốn hay không mà thôi.
-Đúng như anh Nam nói, mấy năm qua, em gần như không một lúc nào có cảm giác thảnh thơi, không lo lắng vì công việc kinh doanh, đã thế còn phải lo chuyện bài vở cho việc dậy học. Đồng lương của nghề giáo không gọi là nhiều nhưng với cuộc sống độc thân, khá đơn giản như em, có lẽ không phải lo thiếu thốn. Đó chính là lý do mà em luôn có ý định rút lui việc kinh doanh cho nhẹ lòng .

Rồi Dung cũng chẳng ngại ngần cho Nam biết, Bố đã mất mấy năm trước, hiện nay Dung đang sống với mẹ cùng gia đình người anh trai tại một căn nhà khá khang trang trong một “ngõ hẻm ô tô “ rất gần với quán. Dung cũng có một người chị đã có gia đình sống tại Mỹ từ lâu, đang lo việc bảo lãnh cho Dung sang Mỹ định cư . Cuộc sống của đại gia đình Dung không quá giàu sang nhưng rất an toàn và yên ấm về mọi mặt.

Nam cũng cho Dung biết bố mẹ đã ở tuổi gần 70, ông bà đang sống với gia đình người anh cả làm thầy giáo môn hoá học cho một trường trung học phổ thông cấp 3 tại thành phố Cần Thơ. Người chị tốt nghiệp ngành dược rồi kết hôn với bạn trai cùng nghề, hiện nay vợ chồng đang làm chủ một nhà thuốc tây tại thành phố Nha Trang. Sau khi học xong tại Singapore về nước, Nam vào làm việc cho hãng Hyundai, nhờ bố mẹ và anh chị giúp đỡ, Nam mua được một căn hộ 3 phòng tại Quận 2. Sống độc thân lại vì công việc thường thường vắng nhà nên Nam đã nuôi dưỡng bà cô, em ruột của mẹ không chồng con để coi sóc nhà và cũng lo việc ăn uống cho cháu .

Sau khi nghe Nam kể khá chi tiết về công việc làm và gia đình, với tí ngập ngừng, miệng mỉm cười đưa mắt nhìn Nam, Dung hỏi nhẹ:
-Em hỏi điều này, nếu anh Nam thấy không có gì bất tiện thì cho em biết tí chút nhe. Một người được vào làm việc cho một công ty lớn ngoại quốc như anh không phải là chuyện dễ dàng. Nhưng em có cảm tưởng anh đang rơi vào tình trạng buồn chán trong cuộc sống thì phải?
Hơi nhíu mắt nhìn Dung , ngần ngừ tí chút rồi chậm rãi, Nam trả lời:
-Đúng như em nhận xét, khoảng hơn 2 tháng qua, anh bị mất cân bằng về tâm lý, chán nản trong cuộc sống… Không phải vì áp lực công việc mà vì tình cảm của riêng anh.

Rồi Nam cho Dung biết, trong khoảng gần 3 năm qua, Nam và Tuyết yêu thương nhau. Tình yêu toàn là mật ngọt, được cả hai bên gia đình đồng ý và đang có dự tính làm đám cưới vào năm sau. Nhưng bất thình lình gia đình Tuyết gặp lại một gia đình quen biết ngày xưa đang định cư tại Úc châu, họ có một người con trai tên Hậu, lớn hơn Tuyết vài ba tuổi, đã tốt nghiệp đại học, đang có công việc khá tốt tại Úc. Hai gia đình gặp lại nhau và có ý kết thân với nhau, nên hai bên bàn tính xếp đặt cho Tuyết và Hậu gặp nhau. Kết quả Tuyết đã chấp nhận, im lặng rời xa Nam để đến với Hậu. Ban đầu với những lần tránh mặt nhẹ nhàng, tế nhị, tiếp theo là những lý do không hợp trong lối sống, trong suy tư và cuối cùng Tuyết đã xin lỗi Nam để rời xa và đến với Hậu.

Rơi vào cú sốc tình cảm ngỡ ngàng, không ngờ được đó, Nam đã bỏ bê công việc cả tháng trời, có lúc muốn bỏ việc làm. Nhưng nhờ lời khuyên nhủ của anh chị và nhất là của bố mẹ nên Nam mới gượng lại để tiếp tục việc làm. Ngày mà Nam đến quán của Dung uống bia, dù vẫn còn buồn nhưng đã giảm đi rất nhiều. Tinh thần Nam đã ổn định dần dần, sức làm việc đã trở lại gần như trước. Nỗi buồn chán chỉ đến với Nam khi rảnh rỗi, lúc tan sở ra về hay khi về nhà một mình… Chính vì không muốn về nhà sau khi làm việc tại hãng, Nam đã tìm đến quán của Dung, ngồi uống bia, đưa mắt nhìn hoạt cảnh ngoài đường như để giết thời gian và cũng không phải buồn vì nhớ đến cuộc tình dang dở đã qua.

Trải bầy tất cả tâm sự cho Dung nghe, Nam kết luận:
-Tất cả mọi chuyện đến nay đã qua rồi! Tuyết cũng đã ra đi sau một đám cưới đơn sơ và nhanh chóng. Nếu nói là anh không còn buồn, không ray rứt mỗi khi nhìn thấy hay nhớ về những dấu tích kỷ niệm thì là giả dối. Nhưng anh hiểu rằng không thể dại khờ cứ ôm lấy nỗi buồn mà rời xa thực tế, kéo cuộc đời mình vào điểm tàn tệ, bi đát hơn. Đúng như vậy, anh vẫn buồn với dĩ vãng, với kỷ niệm nhưng chỉ là nỗi buồn rất tự nhiên ai ai cũng phải có khi gặp phải mà thôi, nó không có sức mạnh làm anh suy sụp, buông xuôi như trước nữa !

Sau khi đã nghe, đã hiểu khá nhiều về Nam. Không một tí băn khoăn Dung nói:
-Em không có tư cách gì và cũng chưa có kinh nghiệm gì để khuyên anh thế này thế nọ. Nhưng theo em, sự lựa chọn, tính suy của anh rất hợp lý. Em chúc mừng anh đã dần dần lấy lại được sự cân bằng trong cuộc sống và công việc.

Nam nói vài lời cám ơn rồi lại trầm mặc đưa anh mắt nhìn bâng quơ ra ngoài quán, nhìn không chủ đích dõi theo những đoàn xe gắn máy chen lấn ồn ào trên đường phố nhá nhem đèn đường.
Ngày hôm sau, cũng như thường lệ, sau khi tan trường về nhà Dung ăn vội vàng bữa cơm chiều rồi đến quán giúp đỡ 2 nhân viên của quán. Vừa đến quán được một lúc, đang coi lại sổ sách thu chi thì bất thình lình một chiếc xe du lịch dừng lại trước quán. Nam từ trên xe bước xuống đã làm Dung và hai người nhân viên ngạc nhiên vì anh chưa bao giờ đến quán bằng ôtô và sớm như vậy.
Với nụ cười trên môi trong vội vàng, Nam nói với mọi người :
-Xin lỗi Dung và mọi người, tôi đến quá thình lình, báo tin cho Dung và mọi người biết, có lẽ khoảng 5, 6 ngày nữa tôi sẽ không đến quán uống bia như mọi lần được. Bây giờ tôi phải về nhà chuẩn bị hành lý để bay ra Hà nội ngay tối hôm nay cho kịp cuộc họp sáng ngày mai.
Rồi cũng chẳng chú ý đến thái độ ngạc nhiên của Dung và 2 người nhân viên, Nam nói tiếp :
-Chắc chắn sẽ có quà Hà nội cho mọi người. Xin cho biết yêu cầu !

Thế là 2 cô nhân viên thích thú, ồn ào, người thì xin hộp bánh cốm “Làng Vòng “, người thì muốn hộp trà sen Hồ Tây để làm quà tặng bố… Thấy Dung đang ngần ngừ chưa có yêu cầu, cô nhân viên đã nói :
-Em đề nghị anh Nam mua cho chị Dung một tấm lụa Hà Đông để chị ấy may áo dài đi dạy học.
Rồi cứ thế hai cô nhân viên cứ thay nhau đưa ý kiến… Cuối cùng Dung nói:
-Thật ra ở Sàigon, vào siêu thị người ta có thể tìm được tất cả các đặc sản của Hà nội rồi. Nhưng em có một yêu cầu khác khi anh trở lại Saigon.
Đưa mắt nhìn Nam, miệng mỉm cười, chậm rãi Dung nói:
-Nói thật với anh Nam, suốt mấy năm nay cứ phải bù đầu với việc dạy học và hàng quán, em ước muốn có được một buổi tối rảnh rỗi, phủi bỏ công việc để đến phòng trà nghe nhạc sống. Ngày xưa khi còn là sinh viên, em và lũ bạn cùng lớp đã phải nhịn ăn, dành dụm mới có tiền để hưởng thụ cái thú vui này. Vậy nếu không có gì quá đáng , em đề nghị anh mời em một lần vào bất cứ ngày nào miễn là đừng vào cuối tuần vì hàng quán đông khách.
Không một tí lưỡng lự, Nam trả lời:
-Thế là xong, lời yêu cầu của mọi người đã được chấp nhận. Bây giờ tôi phải về ngay để lo công việc đây, người tài xế đang chờ!

Đúng như vậy, khoảng một tuần lễ sau, Nam trở lại quán với giỏ quà tặng như đã hứa và một ít bánh đậu xanh Hải Dương cho mọi người nhấm nháp khi nói chuyện. Dĩ nhiên, sau đó vài ngày Nam cũng chẳng quên dẫn Dung đi nghe nhạc sống tại một phòng trà khá nổi tiếng trên trung tâm Sàigon. Rồi thời gian bình thản đi qua, kéo theo những hẹn hò, săn đón để tình thân của Nam và Dung càng lúc càng gần nhau, thân thiết nhau hơn. Cả hai đều nhìn thấy rõ tình yêu mà họ dành cho nhau. Dung không còn dành quá nhiều thời gian cho kinh doanh nữa, dù vào những ngày cuối tuần quán cà phê của nàng vẫn đông khách. Đến một lúc, khoảng gần 1 năm sau, Dung đã chuyển giao quán cho một người bạn, trở về việc dậy học sáng đi, chiều về như mọi người giáo viên khác để có những ngày cuối tuần hẹn hò, dạo phố với Nam. Cả hai cũng như gia đình đã bàn bạc, dự tính cho cuộc lễ thành hôn vào năm tới.

Nhưng trong cuộc sống, không phải tất cả đều được xảy ra như ước mơ hay tính toán của mọi người. Đúng thời điểm mà Dung và Nam đang tính toán cho một đám cưới thì Dung nhận được giấy báo tin từ tòa lãnh sự quán Mỹ tại Sàigon và từ người chị từ Mỹ gửi về cho biết, chuyện bảo lãnh cho Dung sang Mỹ đã được hoàn tất. Sự việc xảy đến bất chợt đó đã tạo ra những rắc rối cho cả Dung và Nam. Nếu đám cưới được tổ chức, sau đó cả hai sẽ cùng sang Mỹ dưới dạng vợ chồng, thì hồ sơ bảo lãnh sẽ phải làm lại từ đầu và cũng chẳng có gì chắc chắn với thời gian . Cuối cùng với lời khuyên của gia đình người chị của Dung tại Mỹ và hai gia đình tại VN, Dung sẽ đi Mỹ trước theo đúng chương trình bảo lãnh. Sang Mỹ, Dung sẽ tìm việc làm để an định về tài chánh, nhà cửa rồi sẽ kết hôn, làm giấy hôn thú và kéo Nam sang Mỹ định cư sẽ nhanh và đơn giản hơn.

Đúng như tính toán, Dung sang Mỹ, nhờ căn bản ngôn ngữ Anh đã có sẵn nên việc hoà nhập vào xã hội Mỹ cũng khá trôi chảy. Thời gian đầu mới đến, Dung phải làm những công việc tạm bợ, không ổn định. Nhưng chỉ khoảng gần 2 năm sau. Dung đã tìm được việc làm chắc chắn cho chi nhánh của công ty mỹ phẩm Shiseido của Nhật bản, đang tính toán vay mượn ngân hàng để mua lại căn nhà cũ của anh chị rồi sẽ lo việc kéo Nam sang Mỹ định cư như dự tính. Trong gần 2 năm xa nhau, tình yêu của Nam và Dung vẫn đầy mật ngọt trong nhớ thương và chờ đợi. Cả hai vẫn liên hệ thân thiết gần như hàng ngày qua thư từ, điện thoại ( thời gian đó chưa có internet, viber… )

Một cuối tuần, vào khoảng 6 giờ chiều, từ Mỹ, Dung điện thoại đến nhà của Nam. Lúc đó có vợ chồng Khoa người bạn chí thân của Nam thời tiểu học cũng đến chơi. Hồng vợ của Khoa là cô hàng xóm sát vách với gia đình Nam khi Nam còn là thằng bé bậc trung học, chưa đi du hoc Singapore. Chính vì quá thân tình đó nên Nam đã là người phù rể cho Khoa trong lễ cưới. Làm người chứng trong tờ hôn thú của Hồng và Khoa rồi lại làm cha nuôi đỡ đầu cho bé Thuý, con gái đầu lòng của Khoa. Trong giao tiếp, bé Thuý gọi Nam là bố xưng con, ngược lại Nam cũng gọi cô bé là con xưng cha.

Đúng lúc Dung điện thoại, trong nhà chỉ có Hồng, bé Thuý và Nam, Khoa phải ra ngoài mua sữa cho con gái. Bé Thuý chơi đùa với vài món đồ chơi có chút ồn ào. Hồng sợ con gái làm phiền cuộc điện thoại của Nam nên từ trong bếp nói vọng ra:
-Thuý, con đừng nghịch phá nữa, để yên cho bố điện thoại!
Bé Thuý không dừng cuộc chơi mà còn quay lại trả lời mẹ:
-Bố Nam vẫn điện thoại mà, con có làm gì ồn ào đâu?!
Như mọi lần, Nam luôn luôn bênh con bé mỗi khi bị bố mẹ rầy la. Hướng vào bếp Nam bình thản nói với Hồng:
-Em đừng rầy la con, tội nghiệp! Anh vẫn điện thoại được mà.
Quay sang bé Thuý, Nam nói:
-Con gái của bố đừng lo, cứ vui chơi đi, không có gì phiền phức cho bố đâu!
Nói xong, Nam trở lại cuộc điện thoại với Dung. Từ bên kia đường dây những câu hỏi dồn dập của Dung :
-Tại sao mẹ con đứa con gái trong nhà anh? Tại sao anh lại là bố của nó?…
Chẳng để cho Nam kịp trả lời, Dung nói tiếp :
-Em không thể ngờ được, anh đã lừa dối em như vậy….
Không để cho Dung nói tiếp, Nam vội vàng đính chính:
-Dung ơi, em lầm rồi. Đó là vợ và con gái của người bạn thân thiết của anh đó ….
Cũng chẳng để cho Nam nói thêm. Với giọng chán chường Dung nói:
-Em đã hiểu rồi! Xin anh đừng bao giờ liên hệ với em nữa ! Thế đã quá đủ cho em hiểu về con người thực của anh rồi .

Nói xong, không cần chờ đợi phản ứng của Nam, một tiếng động ngắn, mạnh của ống nghe đập vào tai của Nam. Cuộc điện thoại đã được chấm dứt trong dáng vẻ ngẩn ngơ của Nam. Ngay sau đó và suốt ngày hôm đó, Nam quay số trở lại cho Dung nhiều lần nhưng chuông reo vài tiếng rồi bị cắt ngang vì tiếng dập của ống nghe. Ngày hôm sau và nhiều ngày sau đó cũng vậy, Nam quay số nhưng tổng đài cho biết số máy không hiện diện !… Không thể làm khác hơn, Nam đành viết một lá thư phân trần cho Dung hiểu, nhưng vài tuần lễ trôi qua cũng im lặng. Rồi một hôm, khoảng 1 tháng sau cuộc điện thoại cuối cùng buồn bã đó, Nam nhận được một lá thư, người viết không phải là Dung mà là chị gái của Dung. Lá thư không dài nhưng đầy lời lẽ kẻ cả, người khôn ngoan, từng trải… tự nhận thay mặt cho em gái để trả lời Nam. Sau đây là một đoạn trong lá thư đã làm Nam trăn trở, chán nản và nhớ mãi, suốt đời:

“……………………. Cuối thư, chị em chúng tôi muốn khuyên anh một điều rất thực tế, đó là khi anh bỏ vài ba đồng bạc ra mua một tờ vé xổ số, “Anh đừng bao giờ nghĩ nó sẽ trúng giải độc đắc hay ít nhất nó sẽ trúng lô an ủi ! “. Cũng vậy anh đừng bao giờ nghĩ anh khôn ngoan, anh tính toán khi kết hôn với em gái tôi để có điều kiện sang Mỹ định cư và tiến thân ( lô độc đắc) . Anh đừng nghĩ, nhờ em gái tôi mà sang được Mỹ, dù không có một mái gia đình hạnh phúc, ít ra anh cũng có được tờ giấy định cư, lập nghiệp tại Mỹ ( lô an ủi ) .
Anh Nam à, em gái tôi đã may mắn nhìn và hiểu rõ về anh đúng lúc, có lẽ anh hiểu rõ điều này mà không nên làm phiền em gái của tôi nữa !………. “

Sau khi nhận được lá thư của chị em Dung. Nam đã hiểu rõ, đời mình lại vừa có thêm một cuộc tình dang dở. Người ta thường nói tinh yêu sẽ lớn khôn và chín chắn hơn khi nó phải trải qua một vài thất bại, gió bão… Chính những thất bại đó sẽ làm cho người ta hiểu nhiều về ý nghĩa của tình yêu thực tế hơn mà tránh được những dại khờ, buông xuôi trong cuộc sống. Đúng như vậy lần gãy đổ tình cảm này với Dung, dĩ nhiên cũng mang cho Nam những trăn trở buồn phiền, nhưng không quá mạnh như lần vỡ đổ tình yêu với Tuyết nhiều năm về trước. Nó chỉ như một cơn lốc ngắn hạn, không làm cho Nam phải khổ sở buồn đau, bỏ bê công việc mà than vắn thở dài nhiều tháng trời như trước. Nam vẫn đi làm, vẫn giữ được nhịp độ phấn đấu vươn lên trong công việc vì tương lai của một người đàn ông đúng nghĩa không vì tình cảm riêng tư mà làm suy sụp những ước mơ, tham vọng trong sự nghiệp.

Thời gian qua mau, cũng khoảng gần 2 năm kể từ khi chấm dứt liên hệ tình cảm với Dung. Nam vẫn miệt mài với công việc của mình trong công ty sản xuất ô tô Hyundai. Khởi đầu, Nam đến với công ty trong vai vế của một người nhân viên văn phòng, rồi lên trưởng phòng và tiếp theo là phụ tá giám đốc chi nhánh tại Việt Nam. Tất cả sự thăng tiến đó được tuần tự đến với Nam trong thực tài và chuẩn xác. Càng lên cao những thách đố càng nhiều và khó khăn hơn, Nam đã chứng minh được tài năng quản trị của mình trong công việc của hảng một cách rất chuyên nghiệp. Nam được điều chuyển sang Anh Quốc với chức giám đốc kinh doanh cho chi nhánh của Hyundai tại đó. Dĩ nhiên trước khi được giấy phép vào Anh Quốc làm việc, Nam cũng như mọi công dân ngoại quốc khác phải có những giấy tờ thẩm xét lý lịch rất kỹ lưỡng từ Hàn Quốc, từ Việt Nam và cả từ Anh Quốc, trong đó có bản khai báo nhân thân, tình trạng gia đình ..v..v..

Sau khoảng một tháng trời khi đã ổn định công việc và cư trú tại Anh Quốc. Một hôm ngẫu nhiên trong lần thu dọn giấy tờ, Nam chợt thấy những kỷ vật của mối tình với Dung, trong đó có cả lá thư của người chị gái của Dung viết cho Nam để rồi cuộc tình hoàn toàn im lặng. Đọc lại lá thư, đã thôi thúc Nam muốn chứng minh cho Dung sự thật thà của mình trong tình yêu, dù biết sự chứng minh này chỉ là việc làm của một người không muốn bị người khác hiểu lầm. Nam đã viết một lá thư rất đơn giản cho biết là mình hiện nay đang làm việc tại Anh Quốc và cũng cho Dung biết là đến hôm nay, sau gần 2 năm trời sau khi cuộc tình chấm dứt, chính ngay lúc ngồi viết lá thư này thì Nam vẫn là một kẻ độc thân. Đó là sự thật mà Nam không và chưa bao giờ dối trá, lừa đảo Dung. Bức thư được viết trên tờ giấy giao dịch thương mại của công ty, trong đó có địa chỉ, số điện thoại của công ty nơi Nam làm việc. Nam cũng kèm một bản sao tờ khai lý lịch chứng minh tình trạng độc thân của mình trong hồ sơ xin làm việc và cư trú của Nam gửi cho chính phủ Anh Quốc. Lá thư và bản sao lý lịch được Nam gửi tới địa chỉ xưa cũ của Dung với một hy vọng thư sẽ đến để Dung hiểu được sự chân thành mà Nam đã dành cho Dung trước khi rời xa nhau. Nam cũng không quên cho Dung biết lá thư chỉ là một sự nói nên một sự thật, hoàn toàn không có vai trò của một lá thư cầu xin nối lại tình cảm.

Thư được gửi đi được gần 2 tuần lễ, im lặng đã cho Nam nghĩ lá thư không đến vì địa chỉ đã thay đổi, nhưng cũng có lẽ cuộc sống của Dung đã yên định và nàng không muốn liên hệ với những chuyện vô ích, đã đi vào dĩ vãng. Nhưng trong một lần Nam phải đi công tác xa công ty vài ngày, khi trở lại văn phòng. Bà thư ký cho Nam biết vài ngày trước có một người phụ nữ từ Mỹ, điện thoại đến muốn được nói chuyện với Nam. Bà ta cho cô ta biết Nam không có trong văn phòng, bà cũng không cho địa chỉ và số điện thoại riêng tư của Nam vì đó là nguyên tắc của công việc. Cuối cùng bà thư ký hỏi mục đích điện thoại và sự quen biết thế nào với Nam. Người điện thoại cho biết là bạn xưa cũ của vợ chồng Nam! Câu trả lời của người điện thoại đã làm bà thư ký ngạc nhiên, bà ta lịch sự trả lời:
-Theo tôi thì bà đã lầm lẫn ông Nam với người khác rồi! Tôi chắc chắn ông Nam vẫn còn độc thân và chưa bao giờ kết hôn!

Khi nghe bà thư ký trả lời xong, người điện thoại nói vài lời xin lỗi vì lầm lẫn, cám ơn bà thư ký và cắt điện thoại. Nghe bà thư ký nói xong, Nam nói vài lời cám ơn, không muốn bà tư ký thắc mắc, Nam ra vẻ lơ là, coi như một cuộc điện thoại nhầm lẫn bình thường. Nhưng Nam đoan chắc người điện thoại là Dung. Với chút thẩn thờ, buông tiếng thở dài nhẹ, không vui vì biết rằng Dung vẫn còn nghi ngờ và lại dùng một lối tiểu xảo không trong sáng để xét đoán. dò la tình trạng độc thân của mình qua người thư ký.

Khoảng hơn một tuần lễ sau, Nam nhận được một lá thư của Dung cho biết rất vui khi nhận được lá thư kèm theo tờ lý lịch của Nam. Ngoài những câu hỏi thăm về sức khỏe, cuộc sống hiện tại và công việc của Nam tại Anh quốc, Dung cũng cho biết cuộc sống của mình đã vào khuôn thước dù có chút bận rộn và nhạt nhẽo của một nhân viên bán hàng mỹ phẩm, vẫn gìn giữ những kỷ niệm đẹp vui, đáng nhớ của thời gian sống và yêu Nam tại VN. Dung cũng nhắc lại những ước mơ, tính toán cùng với Nam cho một tương lai trước khi sang Mỹ định cư ..v..v.. Cuối cùng Dung cho biết nếu Nam vẫn còn giữ lại tình cảm của hai người, thủa yêu nhau, vẫn còn ý định đến với nhau, Dung sẵn sàng làm thủ tục để kéo Nam sang Mỹ định cư như dự tính xa xưa. Ngược lại nếu Nam không muốn sang Mỹ, Dung sẽ bỏ Mỹ sang Anh Quốc để sống với Nam.

Nam đã đọc lá thư khá dài của Dung nhiều lần với rất nhiều lưỡng lự, suy tư. Có lẽ chẳng có gì vui mừng hạnh phúc hơn khi người ta yêu nhau mà được gặp lại nhau, cùng với nhau đi trọn con đường mà cả hai người đã bao lần mong ước, đón chờ. Nhưng mỗi khi khi nhớ lại những lời đay nghiến, nghi ngờ, những cú cắt điện thoại của Dung khi mình gọi đến cho Dung để mong phân trần. Rồi những câu nói thẳng thừng, trách móc, nghi ngờ không khoan nhượng của Dung về tình thân thiết của Nam với vợ chồng Khoa Hồng và bé Thuý…. Dung đã muốn buông bỏ , cắt đứt tình yêu với Nam, coi Nam như một người gian trá, lừa dối Dung. Đã thế, Dung lại còn nhờ người chị viết cho Nam một lá thư với giọng điệu khinh rẻ, kết án Nam là một kẻ mưu mô, thủ đoạn thấp hèn với ý định lừa dối sự nhẹ dạ, cả tin của Dung để được sang Mỹ định cư. Rồi mới đây, vài ngày trước, dù đã nhận được lá thư kèm theo tờ khai lý lịch chứng minh tình trạng độc thân của Nam, Dung vẫn nghi ngờ không tin rồi dùng một phương cách dò la không quang minh qua bà thư ký.

Những việc làm không vui đó đã làm cho Nam suy nghĩ rất nhiều. Nam tự hỏi nếu hai người đến với nhau, cuộc sống gia đình sẽ ra sao khi phải sống trong không khí nghi ngờ, không tin vào người đồng hành của mình ? Chỉ một chuyến đi xa đâu đó vài ba ngày, hay một lần giao tế thân thiết với một người đồng nghiệp, bạn bè xa xưa… lại phải nhức đầu để chứng minh, phân trần, năn nỉ mong được cảm thông! Rồi biết đâu những phân trần, giải thích đó không kết quả để rồi cuộc sống gia đình vỡ tan và con cháu tự nhiên bị xoáy vào cái vòng lẩm cẩm của mẹ cha …. Tất cả những suy tư đó đã làm cho Nam lưỡng lự rất nhiều về lời đề nghị của Dung. Sau nhiều ngày vật vờ với suy nghĩ, cuối cùng Nam đã quyết định viết cho Dung một lá thư khá dài để từ chối lời đề nghị trở lại với nhau của Dung. Trong lá thư có đoạn chính như sau :

“………………...Anh muốn nói với em một điều, em tin hay không tin tuỳ em , nhưng đó là một điều rất thật. Từ khi xa em, hơn 4 năm về trước, anh vẫn chưa có một mối tình nào khác để thay thế cho em. Những kỷ vật, hình ảnh, thư từ em viết cho anh khi đi Mỹ định cư, anh vẫn giữ bởi vì anh không muốn mất đi những cái mà anh đã từng quý mến thân thương. Dĩ nhiên cả lá thư cuối cùng mà em đã nhờ chị của em viết gửi cho anh. Lá thư vẫn còn đó, anh vẫn giữ nó, nhưng nó không phải là dấu tích đẹp đẽ, yêu thương mà lại là một di vật đã làm tổn thương lòng tự ái của anh. Anh vẫn giữ lá thư đau buồn đó, chẳng phải để thù hận mà chỉ để nó nhắc nhở anh nhớ một điều rất cần thiết và quan trọng cho đời khi anh muốn bước vào một cuộc tình yêu tiếp theo. Đó là :“ Nếu vì tình yêu mà người ta phải mất đi sự tự ái của mình thì tình yêu đó chẳng còn gì để mất nữa ! “
Đúng như vậy, anh không thể tiếp nối cuộc tình của chúng ta được nữa, dù ở một góc sâu nào đó trong trí nhớ và hoài niệm của anh về em, về cuộc tình của chúng ta,vẫn mãi mãi đẹp đẽ, không quên. Hãy hiểu cho anh, dù chỉ một lần cuối cùng nhé Dung. Dĩ nhiên chẳng có gì để ngăn trở chúng ta nhìn nhau qua tình bạn thân thương. Một tình bạn đúng nghĩa! ……“

Viết xong lá thư, đọc lại rất nhiều lần với tâm trạng đầy đắn đo, ngại ngần, nhưng cuối cùng sau một tiếng thở dài Nam nhất định dán tem và gửi nó đi. Đó cũng là lá thư cuối cùng Nam gửi cho Dung, không bao giờ có hồi âm ! Một lá thư ghi dấu một đoạn cuối cùng của một cuộc tình yêu pha trộn ngọt bùi lẫn đắng cay đã đi qua trong cuộc đời của Nam.

Lưu An, Vũ Ngọc Ruẩn
( Switzerland February 2023 )

Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2023

Thơ Tranh: Mộng Đêm Xuân

  

Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Du Xuân Lạc Bước

 
( Tết Sàigòn trước 1975)

Du Xuân mãi tận xứ xa
Khi về mang nặng tình ta với người
Thi nhân mặc khách khắp nơi
Tình Xuân thi tứ ngàn đời khó quên..


KGDalat
Cali Jan 32-2023

Nắng Xuống Đôi Bờ


Lòng như có
Để trái tim hồng thêm ý thơ
Cho bước chân chiều đừng vội mỏi
Đường về khô ráo chẳng còn mưa

Viết trọn tình em chữ tuyệt vời
Đầu năm cuối tháng vạn niềm vui
Lấy thơ tô điếm lên mùa nhớ
Cho cõi trời hoa mãi sáng tươi

Mừng Xuân chúc Tết bạn xa gần
Mấy ngả đường đời vững bước chân
Nốt nhạc lời thơ tròn ý bút
Câu tình câu nghiã vẹn thâm ân

Năm mới chúc nhau chẳng cạn dòng
Thơ văn nhạc hoạ đẹp mênh mông
Hồn tôi một cõi tình nhân thế
Đếm tuổi thời gian ấm áp lòng

Vui đón mùa xuân tuổi xế chiều
Dòng đời trôi chảy chữ thương yêu
Ân đầy ngày một vuông tròn nghĩa
Ơn tạ tình nhau mỗi một nhiều.

Hoa Văn

Tết Quý Mão 01/22/2023



Ly Rượu Đắng

 

Cũng trà bánh mứt cũng mai vàng
Cũng pháo đì đùng lẫn khói nhang
Bầy cháu nghịch đùa lòng háo hức
Riêng mình thơ thẩn trí mơ màng
Xuân về bạn cũ còn hoan lạc?
Tết đến quê xưa vẫn rộn ràng?
Rượu đón giao thừa lại độc ẩm
Vị sao đắng quá đành ngưng ngang


Nhất Hùng

Đón Xuân Này Nhớ Xuân Xưa - Sáng Tác: Châu Kỳ - Trình Bày: Kim Oanh (Canada)


Sáng Tác: Châu Kỳ
Trình Bày: Kim Oanh (Canada)

Xuân Xa Lạ

 

Tôi đi lang thang...
Trên đường phố lạ.
Ở đây Xuân về,
Tuyết rơi trắng xóa!
Đất trời che mặt ngủ yên.

Nét chì xám hai hàng cây trụi lá,
Vẽ đường vào công viên.
Những hạt mưa bụi và những giọt sương,
Đọng trên giây điện,
Lấp lánh đèn vàng, như xâu chuỗi kim cương.

Miệng cống bốc hơi,
Mái nhà quyện khói,
Hàng xe phủ tuyết nằm bên đường.
Riêng có con chim cardinal đỏ chói,
Đậu trên vai tượng đá,
Chia lạnh xẻ buồn... với kẻ tha hương!

Gió hun hút từng cơn buốt giá,
Đem Xuân đi khắp nẻo đường,
Trải rét mướt trên mặt hồ đông đá,
Ẩn mơ hồ trong tơ khói vấn vương.
Xuân về đây - không hoa không lá!

Vạn vật thờ ơ,
Xuân xa lạ!
Khách phong sương chợt thấy dạ bồi hồi!
Xuân ơi! Xuân...
Từ lâu đã mất Xuân rồi!
Bao giờ Xuân thắm Quê tôi trở về?

Trần Quốc Bảo
Richmond, Virginia

Tản Mạn Về Thi Phẩm Xuân Vẫn Tha Hương Của Nữ Sĩ Minh Đức Hoài Trinh


Chúng ta đều rõ là Âu, Mỹ đón Tết Dương Lịch mỗi năm vào ngày 01.01.
Hằng năm, người Á Châu nói chung và người Việt Nam nói riêng đều đón Tết theo Âm Lịch.
Như vậy người Á Chân có dịp mừng Năm Mới đến hai lần.
Chúng ta biết rồi, ngay từ khi còn bé cho đến lúc già chắc chắn không ai mà không biết đến Tết. Khác một điểm là mỗi miền của Việt Nam tổ chức Tết theo phong tục của điạ phương điển hình qua Mâm Cổ Cúng Tết.
Trước khi giới thiệu về Nữ Sĩ Minh Đức Hoài Trinh và tác phẩm của bà cho tôi được mở ngoặc ở đây, đề cập sơ vài điểm chính về Mâm Cổ Tết của Ba Miền Nam-Trung-Bắc Việt Nam.

Đặc trưng Miền Bắc trên Mâm Cỗ Tết thì có bánh chưng, Miên Nam có bánh Tét và Miền Trung Việt Nam thuần túy với Mâm cỗ ngày đơn giản, chân thành.
Mâm cỗ ngày Mùng Một Tết của người miền Bắc gồm có: Bánh chưng, dưa hành, thịt gà luộc, thịt lợn (heo) chiên, thịt đông, miến xào, chả giò, nem chua, canh khoai tây.
Mâm cỗ ngày Tết của người miền Trung gồm có những món ăn cơ bản mỗi thứ một ít, được bày trên chiếc mâm tròn thường thấy, bao gồm:
Gà luộc, Thịt heo
Bánh tét, Nem chua, Dưa hành
Ram cuốn (Ghé Đà Nẵng/Quảng Nam, bên cạnh những đặc sản Mỳ Quảng, bún mắm, bánh tráng cuốn thịt heo, ram cuốn cải là món ăn xuất sắc không thể bỏ qua),…

Món ăn không thể nào không kể tên trong mâm cỗ cúng Tết ở miền Nam là thịt kho trứng. Ngoài ra cũng phải kể đến món canh khổ qua nhồi thịt với quan niệm cho rằng mọi sự khổ ải sẽ đều qua đi để đón chào một năm mới hạnh phúc hơn.
Ngoài 2 (hai) món ăn trên người miền Nam còn chuẩn bị thêm
Gà luộc, Chả giò, Gỏi ngó sen, Tôm khô củ kiệu và đặc biệt là bánh tét.
Riêng Bánh Tét ở miền Nam rất đa dạng về nhân, có bánh Tét nhân đậu xanh, đậu đen, chuối, dừa, … Một số gia đình cũng chuẩn bị thêm chả lụa, giò thủ, lạp xưởng nếu thích.

Mâm cỗ, mâm cúng Tết của 3 miền Bắc, Trung và Nam của Việt Nam tuy có nhiều điểm khác nhau trong các món ăn, cách trang bày cho đến những nguyên tắc, ý nghĩa của nó. Tuy nhiên cho dù thế nào đi chăng nữa thì những mâm cỗ của Ba Miền Việt Nam nói chung đều phản ảnh những giá trị thiêng liêng, sâu sắc của nền văn hóa và tín ngưỡng của người Việt Nam.

Nói chung sự khác biệt về “Mâm Cổ” cúng Tết của mỗi miền vì nhiều lý do theo Phong Tục, Tập Quán của miền đó nhưng vẫn không thể thiếu các món chính trong các mâm cỗ ngày Tết là Bánh chưng, Dưa hành, Thịt gà luộc, Xôi gấc, Nộm, Nem rán.

Trước khi đề cập chi tiết hơn về bài thơ tôi mạn phép giới thiệu sơ về Nữ Sĩ Minh Đức Hoài Trinh (NS Minh Đức Hoài Trinh T), người mà tôi tuy viết lách chỉ là nghiệp dư từ hơn 20 năm qua đã hân hạnh và tình cờ được quen biết ..
Theo internet thì tác giả Minh Đức Hoài Trinh có tên khai sinh là Võ Thị Hoài Trinh, sinh ngày 15 tháng 10 năm 1930. Bà là một nữ văn sĩ, trước 1975 từng là phóng viên chiến trường thời Việt Nam Cộng Hòa. Bà còn dùng một số bút hiệu khác như Hoàng Trúc, Nguyễn Vinh và Bằng Cử.

Bà  Minh Đức Hoài Trinh  sinh ra ở Huế trong gia đình danh gia vọng tộc, dòng dõi Xuân Hòa hầu Võ Liêm, Thượng thư bộ Lễ dưới hai triều Hoàng đế Khải Định và Bảo Đại nhà Nguyễn. Thân phụ là Tổng đốc tỉnh Quảng Nam. Năm 15 tuổi, bà Trinh tham gia phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp một thời gian ngắn rồi về Huế tiếp tục học.

Năm 1964, bà sang Pháp du học ngành báo chí và Hán văn tại trường ngôn ngữ Á Đông La Sorbonne ở Paris. Sau khi ra trường, kể từ năm 1967 bà làm phóng viên cho đài truyền hình ORTF (Office de Radiodiffusion Télévision Française) của Pháp. Bà cũng từng là phóng viên chiến trường trong chiến tranh Việt Nam và được cử theo dõi tường trình Hòa đàm Paris vào năm 1972 hầu chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình Việt Nam.
Năm 1973, bà sang Trung Đông theo dõi chiến tranh Yom Kippur.
Năm 1974, bà trở về Sài Gòn và giảng dạy khoa báo chí ở Viện Đại học Vạn Hạnh.

* Đóng góp văn học
 

Sáng tác của bà Minh Đức Hoài Trinh thuộc nhiều thể loại như thơ, truyện ngắn, truyện dài. Sau năm 1975, bà trở lại Pháp và cho xuất bản tạp chí Hồn Việt Nam. Bà cũng sáng lập Hội Văn bút Việt Nam Hải ngoại và ra sức vận động để hội được công nhận tư cách hội viên Hội Văn bút Quốc tế vào năm 1979 tại Rio de Janeiro, Brasil.
Năm 1980, bà sang Hoa Kỳ định cư tại quận Cam, California.
Năm 2017, bà qua đời tại thành phố Huntington Beach, California.

* Nữ Sĩ Minh Đức Hoài Trinh đã xuất bản những tác phẩm

Lang thang (năm 1960); Thư sinh (1962); Bơ vơ (1964); Hắn (1964); Mơ (1964)
Thiên nga (1965); Hai gốc cây (1966); Sám hối (1967)
Tử địa (1973): Trà thất (1974); Bài thơ cho ai?, năm 1974.
Dòng mưa trích lịch, Bruxelles (năm 1976)
· 2014, Chính Khí Của Người Cầm Bút do Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ thực hiện, Nhân Ảnh xuất bản.
Nữ Sĩ Minh Đức Hoài Trinh mất ngày 19 tháng 6 năm 2017.

Ở trên là tóm lược về tiểu sử và tác phẩm của Bà Minh Đức Hoài Trinh.
Cho tôi mở ngoặc thêm ở đây chút xíu là năm 2015 tôi hân hạnh được làm quen với Cố Thi-Văn Sĩ Minh Đức Hoài Trinh khi nhận được quyển sách Chính Khí Của Người Cầm Bút do bà  Minh Đức Hoài Trinh gửi tặng (s. Att.).

Cũng xin được nói thêm, Bà Minh Đức Hoài Trinh đã cùng với hai ông Trần Tam Tiệp và Nguyên Sa Trần Bích Lan sáng lập ra Trung Tâm Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại (Founder of Vietnamese Abroad Pen Center). Năm 1978-1979 bà Minh Đức Hoài Trinh là Chủ tịch của Pen VietNam.

Bây giờ tôi mạn phép thử đưa “Thi Phẩm của Nữ Sĩ Minh Đức Hoài Trinh lên bàn mổ và xin mạo muội giới thiệu ngắn gọn cùng Quý độc giả. Chỉ xin một điều mong Quý vị và nhất là những thi sĩ hoan hỷ cho mọi sự nếu tôi không hay chưa diễn đạt trọn vẹn ý thơ.

( Thơ: Minh Đức Hoài Trinh - Thơ Tranh: Kim Oanh)

Tiêu đề “Xuân Vẫn Tha Hương” của bài thơ cũng đủ để chúng ta biêt hay hình dung ra ngay được hoàn cảnh của chính Thi Sĩ tác giả cũng như của một người thật sự bỏ nước ra đi vì hoàn cảnh để tị nạn cộng sản.

Mở đầu thi phẩm,  Minh Đức Hoài Trinh đã xác định rõ ràng thân phận của chính mình (và có lẽ của nhiều người Việt Nam khác cùng cảnh ngộ, trong đó có người viết kể từ khi tị nạn chính trị ở Đức sau 1975!):
Thế mà con mẹ vẫn tha hương,

Tác giả đã phác họa cảnh sống của mình nơi xứ người với bao nỗi nhớ thương:
Xa mẹ, xa nhà, xa mến thương,

Sự khác biệt về Đêm Giao Thừa của quê hương Việt Nam và quê hương mới xứ người được thu gọn đơn giản và dễ hiểu qua hai câu thơ sau đây:

Trừ tịch đêm nào hồng tiếng pháo,
Nơi nầy chỉ thấy tuyết hòa sương.

Để rồi tác giả nhớ lại khung cảnh ngày xưa khi còn ở quê nhà mà có lẽ nhiều người Việt Nam đều đã trải qua trưóc 1975 :

Đêm nay hồi tưởng đến đêm xưa,
Ngây ngất đâu mùi hương thoáng đưa,
Bóng Mẹ cúi bày mâm cỗ cúng,
Khấn Ông Bà đến để say sưa.

Riêng những gia đình nào có con cái “vượt biên, vượt biển” tìm Tự Do sau 1975 có lẽ hiểu rõ hơn ai hết khi thiếu vắng hình bóng người thân trong gia đình:

Mẹ bảo ông bà vẫn hỏi con,
Rằng Tr. sao nó vắng nhà luôn,

Tác giả hồi tưởng lại cảnh xa xưa khi còn cấp sách đến trường mà chúng ta cũng đã trải qua:

Mẹ có nhớ thưa con cố học,
Bao giờ thi đỗ mới hồi hương.

Đặc biệt khung cảnh lúc gần Tết mà tác giả thi sĩ không quên được, còn ghi nhớ:

Bánh chưng mẹ nấu có nhiều không?
Nồi bánh chưng này ai thức trông?
Mẹ có gói thêm đòn bánh nhỏ?
Để cho con út mẹ vòi công . . .

Để rồi, tác giả diễn tả hoàn cảnh của mình (và có lẽ cũng là của những người Việt Nam đồng cảnh ngộ), đơn giản nhưng trung thật khi nhắc đến Mẹ:

Xuân này con mẹ vẫn tha hương,
Mẹ một phương trời, con một phương,

Hình ảnh Người Mẹ Già được tác giả phác hoạ chỉ với một câu thơ nhưng rõ nét:

Tóc trắng Mẹ già thêm chút nữa,

Vâng, xa nhà xa quê hương, xa gia đình nhất là xa Mẹ, nhớ thương Mẹ đã được Thi Sĩ tác giả tâm sự để kết thúc thi phẩm, được gói trọn qua câu thơ:

Và con, nhòa nhạt tiếng yêu đương.

Bài thơ thật súc tích, không những cho người đọc hình dung ra được ngay cảnh gia đình chuẩn bị đón Tết mà còn đong đầy tình cảm thương nhớ người thân và quê hương.

Bây giờ tôi mạn phép được giới thiệu nhạc phẩm do tôi phổ nhạc bài thơ Xuân Vẫn Tha Hương dưới đây với khả năng tự học mò tàm thụ với ông thầy Google để kết thúc bài tạp ghi.

Thú thật trong đời tôi hầu như ít khi viết giới thiệu về Thơ-Văn-Nhạc vì tôi không biết gì nhiều về nhạc nên xưa nay nào dám. Thêm nữa, văn chương chữ nghĩa của một cựu học sinh ban B như tôi thì “khỏi chê vì xưa lúc còn đi học tôi rất ghét môn Việt văn”, vậy mà thời gian qua tôi lựu đạn đã xí xọn, gồng mình viết vài bài tạp ghi giới thiệu về thơ nhạc, lại còn bày đặt phổ vài bài thơ mình thích tình cờ thấy trên nhóm / diễn đàn thành nhạc nữa. Thầm nghĩ cũng lạ thật !.

Xin nói thêm, cái hay của thi phẩm “ Xuân Vẫn Tha Hương ” của Nữ Sĩ Minh Đưc Hoài Trinh theo tôi là Văn-Thi Sĩ Minh Đưc Hoài Trinh đã vẻ ra đơn giản cái “Không Khí Tết xứ người, pha lẫn sự nồng nàn nhớ Quê Mẹ của một người đang sống tha phương trong đó.

Thi sĩ tác giả kết thúc bài thơ diễn tả nỗi thương nhớ “Mẹ” của người mất nước và cũng chính là nỗi đau của tác giả đối với quê hương khi còn trẻ cho đến cuối tháng Tư năm 1975 …

Tôi mạn phép ngưng ở đây và mời Quý độc giả ghé xem bản nhạc do tôi (người soạn nhạc) biên soạn tài tử như là món quà nhỏ kính tặng Cố Nữ Sĩ Minh Đức Hoài Trinh, tác giả của thi phẩm “ XUÂN VẪN THA HƯƠNG ” mà tôi hân hạnh và tình cờ quen qua diễn đàn Thơ-Văn và Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ ở California/USA.

Lê-Ngọc Châu
* Nam Đức, Chiều Mồng Bảy Tết Quý Mão, 28. January 2023
* Tài liệu tham khảo: Internet / Wikipedia & hình tác giả từ internet tự minh họa với nhạc.