Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2016

Thơ Tranh: Chợ Quê


Thơ: Ngọc Hải
Thơ Tranh: Kim Oanh


Sài Gòn Thương



Vần thơ lưu bút nhớ Sài Gòn
Khắc khoải một lòng mãi sắc son
Thương quá một thời đầy kỷ niệm
Duy Tân bóng mát nụ cười giòn

Ta vốn chung đường ướp mộng mơ
Sài Gòn đẹp quá tựa bài thơ
Cùng EM sánh bước tình ngây dại
Ngày tháng tươi hồng bao ngẩn ngơ

Sài Gòn hai chữ viết vần hoa
Để nhớ và thương nơi kiếp xa
Đất khách hoài mong ngày hội ngộ
Quê hương dấu ái ngự trong ta

Ta sẽ viết hoài để nhắc nhau
Sài Gòn muôn thuở đẹp tươi màu
Cho dù kiếp sống đầy xa lạ
Thương quá Sài Gòn nhớ biết bao ...

Hoàng Dũng


Phiến Đá Lăn



Bài Thơ Xướng:
Phiến Đá Lăn

Thanh thản nằm đây: phiến đá lăn
Ngàn năm trải nghiệm những thăng trầm
Lũ ào ào cuốn qua sườn dốc
Nước nhẹ nhàng mơn dưới suối ngầm
Gay gắt mặt trời nung tháng hạ
Êm đềm mưa bụi phủ ngày xuân
Qua bao thử thách, bao tình huống
Vẫn mãi ung dung giữa cõi trần 

Phương Hà
***
Các Bài Thơ Hoạ:

1/
Đá Cũng Dừng Lăn

An nhiên tự tại đá dừng lăn
Trãi nghiệm bao phen vật đổi, trầm!
Đá vẫn thi gan cùng suối cạn
Nước còn chảy xiết xuống khe ngầm!
Nằm nghe gió thổi mưa rào...hạ
Mơ thấy trời quang nắng ấm...xuân
Thử thách di dời bao lận đận
Trăm năm nhẵn mặt chốn dương trần

2/
Đá Vẫn Chôn Chân

Chớp biển mưa nguồn đá " sợ " lăn,
Sinh làm vật cản lún sâu... trầm.
Trơ gan rắn chắc, lòng thiên hạ,
Nhẵn mặt thời gian dạ ngấm ngầm.
Gió thổi, cuồng phong cây trốc gốc,
Mưa rào, thác đỗ, tuổi thanh xuân.
Trãi qua khí hậu mùa khô hạn,
Dày dạn chôn chân ở cõi trần.

Mai Xuân Thanh
Ngày 30 tháng 07 năm 2016

***
Sỏi Đá

Sỏi đá nằm im chẳng thấy lăn
Trơ gan bất động cõi hồng trần
Mưa tuông, sấm động nào lay chuyển
Gió rít mưa sa chẳng ngại ngần
Nắng táp đâu than ngày tháng hạ
Tuyết rơi không trách chớm vào Xuân
Tấm thân bao quản trời giông bão
Mặc thế nhân gian có bổng trầm!

Song Quang
***
Cổ Xe Lăn

Cái già vùn vụt cỗ xe lăn 
Mộng đẹp còn đâu đã lắng trầm 
Vô ngã sắc không lòng hiểu rõ 
Định tâm tuệ giác dạ vui ngầm .
An nhiên năm tháng quên thời thế 
Thơ thới tuổi vàng tắm nắng xuân 
Mỏi mệt một đời vùi sóng gió 
Về thôi sương khói khép lòng trần 

Mailoc
7-31-2016

Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2016

Về Làng Cũ - Hoàng Song Liêm - Quýdenver Phổ Nhạc


Thơ: Hoàng Song Liên
Phổ Nhạc: Quýdenver
Tiếng Hát: Đông Quân


Cố Viên 故園 - Nguyễn Tử Thành


故園 Cố Viên

西風冉冉鬢邊華,Tây phong nhiễm nhiễm mấn biên hoa ,
薄宦留人苦憶家。Bạc hoạn lưu nhân khổ ức gia.
歸思正愁秋正好,Quy tứ chính sầu, thu chính hảo
一團寒露未開花。Nhất đoàn hàn lộ vị khai hoa
阮子成 Nguyễn Tử Thành

Dịch Nghĩa

Gió tây lay động hoa bên mái tóc,
Chức quan bạc bẽo giữ người ta lại, khổ nỗi nhớ nhà.
Ý muốn về đang day dứt, mùa thu đang đẹp,
Một chòm móc lạnh trên nụ hoa chưa nở.

Dịch Thơ
Vườn Cũ Quê Nhà


Gió tây vờn mái đầu hiu hắt,
Bể hoạn sầu se thắt hồn quê
Trời thu khắc khoải mong về
Nụ hoa hàm tiếu dầm dề giá sương   

Mailoc phỏng dịch

Các Bài Dịch Khác:
Thầy ơi,
Hoa 華 ở đây là HOA NIÊN, tóc mai của tuổi hoa niên đã bị gió Tây (gió thu) thổi cho bạc đi rồi

Quê Nhà

Gió thu thổi bạc tóc hoa niên,
Chức nhỏ giữ chân nhớ cố viên.
Buồn muốn về nhà thu đang đẹp,
Hoa còn chưa nở bởi sương đêm.

Đỗ Chiêu Đức diễn nôm
***
Vườn Cũ Quê Nhà

Gió Tây nhuốm bạc tóc trên đầu
Chạnh nhớ quê nhà dạ nhói đau
Bận chức tiểu quan chưa dứt được
Nụ hoa ướt đẫm giọt sương thu

Phương Hà phỏng dịch
***
Nhiễm nhiễm 冉冉 : từ từ, dần dần.
Biên 邊 còn có nghĩa giới hạn, cuối.
Theo Quên Đi, câu 1 có nghĩa :
Gió tây đã dần mang đi hết nét xuân xanh

Vườn Cũ

Tuổi trẻ trôi dần theo gió tây
Nhớ nhà chức nhỏ giữ thân nầy
Muốn về thu đẹp thêm phiền muộn
Chưa nở hoa còn bị móc vây.

Quên Đi
***
Nhớ Nhà


Se lạnh, trung niên tóc muối tiêu,
Quê nhà cách trở nhớ thương yêu.
Quan sai chức nhỏ luôn đang bận,
Hàm tiếu sương rơi đẫm sớm, chiều!

Mai Xuân Thanh
***
Vườn Cũ

Trung niên gió bạt tuổi trôi dần
Chức nhỏ nhớ nhà bận bịu chân
Thu đẹp muốn về nhưng chẳng được
Nụ chưa nở đọng sương lần lần 

Kim Phượng

Sức Sống Huyền Diệu Của Ca Dao


Ngày nay nói đến Ca Dao là người ta nghĩ ngay tới Lục Bát, thậm chí có người còn thu hẹp hơn nữa, nghĩ rằng ca dao là những lời mẹ ru(?).

Sở dĩ người ta chẳng biết gì về ca dao là vì ngày nay người ta không hát nữa. Tuy trong nhà trường có nói tới, nhưng không có những giờ học, những lời bình giảng đàng hoàng nên học sinh ít chú ý, chẳng ai học, nên sau đó quên luôn.
Ở một vài nơi tại Bắc Ninh, người ta có hát lục bát trong những dịp lễ ... nhưng người ta gọi đó là hát Quan Họ, hát Xẩm ... chứ không ai biết rằng đó cũng là một thứ Ca Dao.

Riêng tôi thấy Ca Dao xưa, cùng với tục ngữ, chuyện cổ tích, chuyện tiếu lâm, không chỉ là bộ môn nghệ thuật mà là linh hồn của dân tộc, là tiếng nói, hơi thở, nhịp đập của con tim người dân Việt. Nhất là ca dao, nó xuất hiện bất cứ lúc nào, 24 tiếng trên 24, và ở mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp.
Từ một em bé:
Má ơi đừng đánh con hoài
Để con câu cá nấu xoài má ăn
đến những cô cậu mới lớn:
Cô kia núm vú chủm cau
Lại đây anh bóp có đau anh đền

và rồi đến tuổi lỡ thì:
Trai ba mươi tuổi rũ bờ
Gái ba mươi tuổi còn tơ mành mành

cả đến những ông bà già:
Mồ cha đứa chê thiếp già
Thiếp còn gánh nổi một và trăm kim

Bất cứ lúc nào người ta cũng có thể hát lên. Từ giữa trưa:
Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày

hoặc đêm khuya:
Lạnh lùng thay láng giềng ơi
Láng giềng lạnh ít sao tôi lạnh nhiều

Người ta nghe gió lạnh mà xuất khẩu như thế, nhưng nếu trằn trọc, không ngủ được, thì lời hát thấm thía hơn:
Đêm nằm vuốt bụng thở dài
Thương chồng thì ít, thương trai thì nhiều

Nguồn cảm hứng của ca dao thật là vô tận. người ta nhìn cái điếu thuốc lào mà nhớ đến người tình:
Nhớ ai như nhớ thuốc lào
Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên

nhìn chim quyên xuống đất mà nghĩ về người ngãi
Chim quyên xuống đất tha mồi
Anh xa người ngãi đứng ngồi không yên
                                                              
Cái nhớ trong ca dao nó xôn xao, cuồn cuộn, bốc khói thì không thi sĩ nào tả nổi:
Nhớ ai em những khóc thầm
Năm thân áo vải ướt đầm như mưa ....
....NHớ ai ra ngẩn vào ngơ
Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai ....
....Nhớ ai bổi hổi bồi hồi
Như đứng đống lửa như ngồi đống than

Các thi sĩ chào thua thôi! Đương nhiên rồi!Vì nó là sức sống tư6 nhiên , không phải là sức sống khuôn mẫu, gò ép, mài giũa.
Thơ thì phải có niêm, luật, ngâm lên cho đúng điệu ... không khổ độc. Còn ca dao thì ai muốn nói, muốn ca, muốn hét hay rống lên ....  tuỳ thích:
Đi đâu mà chửa lấy chồng
Người ta lấy hết chổng mông mà gào
Gào rằng đất hỡi trời ơi
Sao không thí bỏ cho tôi chút chồng

câu sau đây:
Đêm qua anh đến chơi nhà
Thấy mẹ múc cháo thấy cha vét nồi
Thấy em dựa cột liếm muôi  
Anh tưởng con chó anh lùi trở ra

tuy cũng là lục bát (mà lục bát đúng điệu) nhưng tôi đố thi sĩ nào ngâm lên cho êm tai đấy!
còn câu sau đây nữa:
Hát cho ngựa tế bò lồng
Hát cho con gái bỏ chồng mà theo
Hát cho chó cắn mèo kêu
Hát cho ông lão trong lều bò ra

ôi!biết nói thế nào nhỉ! Tôi đành gọi nó là Kích Động Ca Dao(đâu kém gì kích động nhạc ngày nay)
Chính vì thế mà tôi nói rằng ca dao hơn hẳn thi, từ, ngâm, khúc ... vì nó chính là lời nói, hơi thở, nhịp đập của con tim.
Khi hai trái tim đã cùng nhịp đập, thì người đối diện nói ra câu nào cũng có duyên.
khi chàng than:
Phòng loan trải chiếu rộng thinh
Anh lăn đụng gối tưởng bạn mình anh hun

thì lời than có duyên này được đáp trả lại liền:
Phải chi em được ở chung
Thì đâu đến nỗi anh phải ôm hun gối gòn

Khi cô gái duyên dáng té xuống bùn:
Xẩy chân em té xuống bùn
Thân em lem lấm anh hun chỗ nào

thì chàng trai sẵn sàng ...hầu tiếp:
Cô ơi đừng nói thấp cao
Thân cô lem lấm chỗ nào tôi cũng hun

Chính ở giữa cánh đồng nên thơ, có một tiếng hát bâng quơ ... là có ngay tiếng khác... ứng theo liền!
Nếu có một giọng chanh chua:
Thằng kia be bé mà lại chơi trèo
Chị thắt giải yếm chị treo lộn cành

thì sẽ có một chàng trai trơ cái mặt thớt ra, đối lại một câu ... vô duyên mà ... có duyên tệ:
Lộn cành mặc kệ lộn cành
Hoa thơm ta cứ bẻ từng nhành ta cố đeo

Người ta đồn rằng những danh sĩ như Nguyễn công Trứ, Phan bội Châu cũng từng tham dự vào những hội hè đầy sức sống.   Một lần, đường trơn, chàng té nhào, bị các nàng cười, bèn hát rằng:
Đất đâu có đất lạ lùng
Bấm thì chẳng chịu nằm cùng thì cho

hoặc lần khác, chàng bị một nàng thách:
Cho anh một nắm ngô rang
Đút đâu cho mọc chịu chàng giỏi thay

thi sĩ cũng ứng khẩu đáp bừa:
Chỗ mô mà nắng không khô
Mà mưa không ướt đút vô mọc liền

Cái không khí tươi vui, thoải mái đó đã bất chấp học thức, sang hèn, giầu nghèo,   và ... hẳn nhiên nó thách thức cả lễ giáo.
lễ giáo ca tụng trinh tiết, ca dao thì:
Chữ trinh đáng giá ngàn vàng
Từ anh chồng cũ tới chàng là năm
Còn như yêu vụng dấu thấm
................................................
lễ giáo khuyên người ta phải chuyên nhất, ca dao thì:
Có chồng càng dễ chơi ngang
Đẻ ra con thiếp con chàng con ai

Các bạn nói tôi ca tụng sụ nổi loạn chăng?  Không đâu!  Luật Hồng Đức đã chẳng quy định là: nếu người chồng thất tung quá ba năn thì người vợ có quyền lấy người khác đó! nên sẽ là bình thường khi một người vợ lính hát:
Cô kia má đỏ hồng hồng
Chồng cô đi lính cô nằm với ai
Cô nằm cô đẻ thằng bé con trai
Chồng về chồng hỏi con ai thế này
Con tôi đi kiếm về đây
Có cho nó gọi bằng thầy thì cho

Tôi phải nói rằng chính ca dao đòi quyền sống cho người phụ nữ .
Ca dao hết than phận lẽ mọn:
Con mèo kia lúc túng cũng gào
Gái ba mươi tuổi ai đào thấy xuân
Mười phần chị bớt cho em một phần
Để em kiếm chút chơi xuân kẻo già .....
lại " bức xúc "  trước tục tảo hôn:
Tham giầu em lấy thằng bé tí tì ti
Làng trên xóm dưới thiếu gì trai tơ
Em đem thân cho thằng bé nó dày vò
Mùa đông tháng giá nó nằm co trong lòng

rồi cảnh lấy chồng già:
Vô duyên vô phúc múc phải chồng già
Ra đường người hỏi rằng cha hay chồng
Nói ra đau đớn trong lòng

Ấy cái nợ tiền kiếp có phải chồng em đâu

(nàng này sẽ được nhiều cậu thông cảm và an ủi đấy
Trời mưa nước chảy qua sân
Cô đi cô lấy ông lão qua lần thời thôi
Bao giờ ông lão chầu trời
Thời cô lại lấy một người trai tơ)

Và rồi phụ nữ vùng lên:
Đi thì ra dáng ông đồ
Về nhà hỏi vợ cám khô đâu mày?
- Cám khô tao để cối xay
Chó mà ăn mất thì mày đừng ăn

coi thường đàn ông:
Ba đồng một chục đàn ông
Ta bỏ vào lồng ta xách ta chơi
Ba trăm một vị đàn bà
Đem về mà trải chiếu hoa cho ngồi

Không được coi ngang hàng thì tức mình nói: bướng", coi đàn ông chẳng ra gì:
Làm trai rửa bát quét nhà
Vợ gọi thì dạ bẩm bà con đây

  hoặc:
Chồng người như trống mới bưng
Chồng em như khỉ trong rừng mới ra

thậm chí nói... ngược... rằng mình có nhiều chồng:
Gái chính chuyên lấy được chín chồng
Vo viên bỏ lọ gánh chồng đi chơi
Chẳng may quang đứt lọ rơi
Bò ra lổm ngổm chín nơi chín chồng
Chị em ơi cho tôi mượn cái gầu sống
Để tôi múc nước vớt chồng tôi lên

Nhưng cũng có thể là một thắng lợi tinh thần như A.Q.  để đối lại các chú đàn ông. Thử xem ai cần ai, ai thèm ai...
Cái cò là cái cò quăm
Mày hay đánh vợ mày nằm với ai
Có đánh thì đánh sớm mai
Chớ đánh chập tối không ai cho nằm

Nói cho cùng thì đây không phải là cuộc đấu tranh sinh tử, một mất một còn...  nó là cuộc đấu tranh có lý có tình!   Nên khi chàng có bức xúc bất tử:
Một bên lửa tắt cơm xôi
Một bên con khóc chồng đòi tóm tem

thì nàng sẵn sàng xí cô hồn cho chàng:
Bây giờ lửa đã cháy lên
Con thời đã nín tòm tem thì tòm
điều đó cho thấy người đàn bà Việt Nam thật là toàn vẹn, đảm .... mọi thứ chuyện.
Chắc chắn cái sức sống toàn diện này đã sản sinh ra những bà Trưng bà Triệu chứ không phải là thứ Nho Giáo khắt khe kìm hãm con người!
Chính vì được ca hát tự nhiên mà ca dao nó đi vào lòng người và lan toả theo không gian và thời gian.
Tôi đã từng nghe một cô gái hát trước sự chứng kiến và chấp nhận của bà già:
Xưa kia ai cấm duyên bà
Bây giờ bà già bà cấm duyên tôi

và tôi cũng từng nghe một nông dân hát trước mặt một địa chủ
Ít tiền thì ít cù lao
Ít cơm ít gạo thì tao ít làm

Tôi lại nhấn mạnh một lần nữa ở đây là ca dao không những do đủ mọi hạng người sáng tác,  mà một câu ca đã do nhiều người sáng tác.  Nghĩa là người ta không chỉ hùa theo người khác để sáng tác, mà người ta toàn quyền sửa đổi hay thêm bớt lời ca của người khác. Không có bản quyền Tác Giả , người ta đã "sở hữu tập thể"  nên ca dao đã được "nhuận sắc","đổi mới" nên nó ngày một đẹp ra và phong phú hơn.
nghe một câu hát:
Nam Vang đi dễ khó về
Trai đi có vợ gái về có con

thì người ở Mỹ Tho, Cần Thơ, Rạch Giá có toàn quyền"Bẻ Lại"  như:
Kiên Giang đi dễ khó về
Trai đi có vợ gái về có con

nghe một câu xưa:
Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo
Thất bát giang cũng lội cửu thập đèo cũng qua

người ta có thể " Môi ra ":
Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo
Thất bát giang cũng lội, tứ cửu tam thập lục đèo cũng qua

người ta có thể môi ra cho một câu dài tới mấy chục chữ cho thêm phần lâm ly:
Em thấy anh tương tư bệnh chắc

Em mua một thang thuốc Bắc,đem về em sắc,ba mươi chén còn lại một phân, 
em thêm vào một lát gừng sống, một đống gừng lùi; một nồi chuối hột, một hộp đơn quy, một ky trái táo..... thần quy một lượng, 
khoai sương một trăm, rau răm một đám, cám  một bao, con gái lao rao mười hai đứa, sứa lửa vài trăm, huỳnh liên huỳnh bà huỳnh cầm, 
uống ba thang không khỏi em đào hầm chôn luôn

(ôi! tôi uống một thang chắc đã xí lắt léo rồi)

Tôi nghĩ những người bẻ lại, môi ra... này có nhiều khuynh hướnh, quan điểm khác nhau, nhưng bẻ qua bẻ lại nhiều lần, thì những câu nào ... hợp lòng người .... sẽ thắng thế > Ý tôi không muốn nói rằng đa số thắng thiểu số, tôi chỉ muốn nói rắng câu nào vui tươi, lạc quan, sảng khoái sẽ đi vào lòng người và sẽ tồn tại với thời gian.

         
Các nhà Nho hương nguyện sẽ không bao giờ chấp nhận những câu: " Chuột kêu rúc rích ....."hay" Ăn rồi nằm ngửa ..... "  .    Các thi sĩ quý tộc chỉ chấp nhận những từ thanh nhã dùng làm" thi liệu "thì sẽ lên án:
Em như cục cứt trôi sông
Anh như con chó đứng trông trên bờ

là tục tĩu, không phải là văn chương.  Nhưng người thường thì lại rất cần sảng khoái, thú vị, chơi cho mút mùa, chơi cho ... đã!
Chơi cho liễu chán hoa chê
Cho lăn lóc đá cho mê mẩn đời

Thật không còn ai vênh váo hơn anh chàng 9 vợ dưới đây :
Hôm qua đi chợ Gò Vấp
Mua một sấp vải
Đem về cho con hai nó cắt
Con ba nó may
Con tư nó đột
Con năm nó viền
Con sáu đơm nút
Con bẩy vắt khuy
Anh vừa bước cẳng ra đi
Con tám níu
Con chín trì
Ới mười ơi sao em để vậy còn gì áo anh

Nhưng mà ... có như thế .... nó mới ... đã!
Tôi nghĩ rằng chính vì sáng tác tập thể, sáng tác bình dân, sáng tác tự do... nên ca dao nó phản ảnh chân thực tâm tình người dân. Dù là tâm tình bộc lộ hay thầm kín (người ta có thể lầm thầm ca dao một mình khi đi trên quãng vắng) 
Đó là ý nghĩ lành mạnh hay chưa lành mạnh lắm thì nó cũng thực là của dân mình, và nó đồng hành cùng dân. Phải chăng đó là hành trang hay kho báu của dân ta mà ông cha đã gìn giữ và bồi đắp 
         
Vâng, ca dao đã được sáng tác và hát bởi mọi hạng người trng xã hội. Nếu cộn cả những câu xưa từ Bắc tới Trung tới Nam thì có thể có tới hàng trăn ngàn câu ca dao. Tôi chắc một điều là có bà ít học (và dĩ nhiên trí nhớ không tốt lắm) có thể thuộc tới cả ngàn câu!
Ôi! thật là kỳ diệu sức truyền tải của ca dao.
Ngày nay ta tự cho là văn minh(!)Nhưng tôi thấy các bà mẹ ngày nay quá xệ , chắc chẳng bao giờ họ được dạy:
Ngày con đã biết chơi biết chạy
Đừng cho chơi cầm gậy trèo cao
Đừng cho chơi búa chơi dao
Chơi vôi chơi lửa chơi ao có ngày
.......................................

Ngày nay người ta hát với sân khấu hoành tráng, áo đẹp , ánh sáng và âm nhạc tiến bộ, ắt hẳn họ sẽ chê ca dao là quê mùa:
Chuột kêu rúc rích trong rương
Anh đi kheo khéo kẻo đụng giường má hay
Ăn rồi nằm ngửa tinh hinh
Không ai nằm sấp lên mình cho vui

Nhưng ngày nay đâu có biết rằng ta có hằng trăm ngàn câu: Ơn vua nợ nước, làm trai tang bồng hồ thỉ, cha mẹ dạy con, vợ khuyên chồng... được hát với sự cảm thông chia sẻ trong không khí tràn đầy ấm cúng gia đình, làng nước.
Trong không khí thanh bình một đêm trăng mà vang lên câu hát:
Sáng trăng trải chiếu hai hàng
Bên anh đọc sách bên nàng quay tơ
thì ai mà không rộn lên một niềm tự hào về văn hoá Việt Nam .

Người Âu Mỹ không thấy ta có những kiến trúc hoành tráng như Tầu và Ấn Độ thì coi thường ta. Nhưng nếu họ biết rằng ta có hằng trăm ngàn câu ca dao thì hẳn cái nhìn của họ sẽ khác đi, và hẳn sẽ công nhận ta là một nước văn hiến. 
Bớ này các anh trai
Bớ này các em gái

Hãy cùng nắm tay nhau hát lên lời ca dao Việt Nam dưới mái nhà tình yêu, hãy hát lớn lên cho tiếng hát bay qua mái nhà ra ruộng đồng, sông dài, núi cao, cho mây ngừng bay, gió ngừng thổi, rắn cuộn tròn lắng nghe, chim thẹn thùng không ganh hót. Cho mặt trời đẹp hơn mọi ngày, giọt sương lóng lánh thêm trên cánh hoa lan ...  Tiên tổ hiện về gật gù hãnh diện: Ôi! Vẻ đẹp này sẽ trường tồn cùng dân Việt

Chân Diện Mục   

Thứ Năm, 4 tháng 8, 2016

Say! - Cay! - Ngọt Đắng - Rượu Mừng



Say

Rượu nồng giọt đắng giọt cay
Men đời cay nghiệt đọa đày tim tôi
Người say hò hát vui cười
Say say tôi thấy dòng đời ngã nghiêng
Người nâng chén rượu vơi phiền
Tôi nâng chén lệ niềm riêng ngậm ngùi
Bể tình hồ tửu buồn vui ...?!!
Men say lắng đọng chôn vùi đau thương

Khúc Giang
01.11.2009



Cay!

Men say giọt nhớ cay cay
Rượu yêu đăng đắng tình đày hồn tôi
Ly bôi người chén nói cười
Chia phôi tôi chén đã đời chao nghiêng
Cố quên vơi rượu muộn phiền
Sầu dâng cạn đáy bóng riêng bùi ngùi
Bên người hạnh phúc có vui
Xót chăng tim vỡ gắng vùi nhớ thương

Kim Oanh
 



Ngọt Đắng

Hương tình nửa ngọt nửa cay
Uống say quên nhớ buồn đày đọa tôi
Tương tư … trăng ngủ mỉm cười
Mặc cho sóng gợn thuyền đời xiêu nghiêng
Xin đừng chuốc giọt ưu phiền
Chén đầy chén cạn lòng riêng ngùi ngùi
Đêm buồn ngày cũng chẳng vui
Hương mơ ngọt đắng… say … vùi sầu thương!

Yên Dạ Thảo
 



Rượu Mừng


Rượu mừng sao lắm đắng cay
Thiệp hồng trao gửi người đày đọa tôi
Hân hoan nhộn nhịp tiếng cười
Tay nâng chén đắng quên đời chao nghiêng
Tình ơi chuốt lấy muộn phiền
Tơ lòng rối rắm lòng riêng ngùi ngùi
Người đi mang hết niềm vui
Thanh âm tiếng pháo dập vùi yêu thương

Kim Phượng


Say Tình

Khi yêu nào biết tình cay !!
Nếm vào mới biết đọa đày thân tôi
Đôi khi ngoài giả miệng cười
Nhưng môi mật đắng bởi đời ngã nghiêng
Giọt tình chuốc lắm lụy phiền
Thiệp hồng anh nhận ,lòng riêng ngậm ngùi
Theo chồng em có niềm vui???
Riêng cho tôi được say vùi nhớ thương!

Song Quang

(Riêng cho một người)
5/28/2017


Tình Vỡ

Khi buồn men rượu thêm cay !!
Khi tình tan vỡ....tình đày đọa tôi
Người thì nói nói cười cười
Còn tôi lại thấy cuộc đời đảo nghiêng
Càng say lòng lại muộn phiền
Đắng môi bởi lệ xót riêng ngậm ngùi
Hỏi người phương ấy có vui ???
Nơi nầy tim đã dập vùi đau thương !!!


Song MAI Lý Lệ
30/5/2017

Tiệc Thơ


Vui tiệc thơ, mời người say bữa chữ
khởi nâng ly, ta uống thử Ngũ Ngôn
hương đượm sắc bừng bừng men lạc thú
ngắm Đường Thi, con chữ lại bồn chồn

Tiếp ly nhé, này Thất Ngôn Tứ Tuyệt
chất trữ tình điểm xuyết mộng phong vân
nồng lửa ái, cung hầu nâng Lục Bát
ngất ngây tình khao khát giấc cuồng si

Nghiệm thế sự hồ nghi dòng Bát Ngữ
luận ân tình, chuốc Tứ Tự giao âm
thật hay ảo, cứ chính tâm hành xử
nệ hà chi Cổ Ngữ với Cách Tân

Uống nữa nhé, cho mềm rân con chữ
chếnh choáng rồi, thức ngủ cứ Tự Do
lấy nghĩa khí tri tình mà luận ngữ
ưỡm ờ chi cung cách để so đo

Nếu vì chữ mà say thì cũng đáng
đời trôi qua thấm thoát đã vạn ngày
bữa tiệc thơ, không hẹn chờ năm tháng
thơ còn đầy, chữ nghĩa vẫn vờn say!

Cao Nguyên

Khép Tấm Màn Nhung



Bài Xướng: 

Khép Tấm Màn Nhung

Có những lúc buồn như buổi nay
Đời sao chẳng khác chốn lưu đày
Niềm vui cuộc sống đang tàn lụi
Nỗi khổ nhân tình mãi lắt lay
Quyến thuộc, bạn bè đi tứ tán
Tình yêu, hy vọng đã phôi phai
Vở tuồng cõi thế hoài thay lớp
Theo tấm màn nhung khép, chuyển vai.

Phương Hà
***
Họa:

Nhắn Bạn Hồng Nhan


Chúng mình còn sống đến hôm nay
Sắp hết thời gian cõi đọa đày
Lận đận tâm hồn không vấp ngã
Nguy nàn ý chí chẳng lung lay
Chia ly hai mảnh tình chưa trọn
Tin tưởng một lời nghĩa khó phai
Dù ở phương trời hay góc biển
Sống đời đáng sống cho tròn vai.

Cao Linh Tử

20/11/2016


Thứ Tư, 3 tháng 8, 2016

Lệ Úa


Sáng Tác: Huy Phương
Ca Sĩ: Hồ Hoàng Yến
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Tóc Đuôi Gà



Tóc đuôi gà em nở buộc bằng dây
Cho tâm hồn tôi ngàn ngày thổn thức
Chùm tóc tung tăng dưới cơn gió ngược
Phất phơ bay trên vạn nẽo đường trần.

Tóc lang thang bên dưới ót mịn màng
Đôi guốc mộc khua trên hàng sõi nhỏ
Môi miệng mỏng như thoa son màu đỏ
Tôi vô tình hứng trọn suối tóc thơm.

Chiếc xe đạp em lái trước gần hơn
Bỏ lại sau lưng hương thừa mùi sả
Theo em chạy trên lối mòn sõi đá
Em ghé nhà - chợt ngõ lạ thành quen.

Tôi quay về trên đường tối đêm đen
Nhưng không quên tếch đuôi gà dây tím
Bây giờ đứng trên đường khuya hoài niệm
Mảnh tình xưa phủ kín tự bao giờ!

Dương hồng Thủy


Quê Tôi




Một hôm tôi trở lại làng,
Người quen không thấy nên hoang mang buồn.
Ở đây lạc lõng mưa phùn,
Giọt thầm thương nhớ về nguồn gốc đây!
Ngờ đâu cảnh cũ đổi thay,
Người dưng, kẻ lạ vung tay tung hoành!
Ngại ngùng đứng lại nhìn quanh,
Nghĩ mình phận bạc biến thành tha hương.
Quê tôi biết mấy niềm thương,
Yêu em kỷ niệm vấn vương vẫn còn!
Hòa bình ly tán héo hon,
Chia tay đôi ngã tâm hồn chơi vơi!
Hằng đêm nguyện với Phật, Trời,
Mong cho đất nước khắp nơi an lành.
Xứ người trằn trọc năm canh,
Đắng cay khổ cực, công thành ấm êm.
Vầng trăng tròn khuyết bên thềm,
Quê hương ô nhiểm... càng thêm chạnh lòng!

Mai Xuân Thanh
Ngày 22 tháng 07 năm 2016

Roseés - René-François Suppy Prudhomme - Hạt Sương

Cùng Bạn, 

Xin chuyển dến Bạn môt bài thơ của Sully Prudhomme đã làm tôi cảm xúc nhiều. 
Sully Prudhomme tên thật là René-Francois-Armand Prudhomme (1839-1907) là một nhà thơ Pháp và là thành viên của Viện Hàn Lâm Pháp. 
Ông là người đầu tiên trên thế giới đoạt giải Nobel Văn Học. 

Năm vừa lên hai tuổi, ông đã mồ côi cha, gia đình sa sút khó khăn, gia đình phải sống dưới sự đùm bọc của người chú. Cậu bé 8 tuổi vào học Lycée Bonapart, vừa giỏi toán vưà say mê ngôn nhử văn chương.. Năm 1860, ông in tập thơ đầu dưới bút danh Sully Prudhomme được đánh giá khá cao. Năm sau, một nhà xuất bản in thơ ông vào tập Le Parnasse contemporain. Năm 1870, chiến tranh Pháp Phổ bùng nổ, ông xin đầu quân, ông bị liệt bại, sau cùng phải cưa mất hai chân, Năm 1888 ông xuất bản trường ca Le Bonheur gồm 4000 câu thơ đê cao sự ham học , thiện tâm và lòng hi sinh. Năm 1901 ông trở thành người đầu tiên nhận giải Văn Học do lý tưởng cao cả kết họp giữa tình cảm và tài năng . Sully Prdhomme đã trao cả tiền thưởng của mình cho các nhà thơ trẻ nước Pháp. Ông mất tại nhà riêng ngoại ô Paris, hưởng thọ 68 tuổi. 

Trở lại bài thơ Rosée, Hạt Sương, theo chúng ta, người thường, thi hạt sương là hạt sương không hơn không kém có gì đâu phải nghĩ ngợi. Nhưng dưới mắt của thi nhân, nhìn giọt sương , người muốn biết nó từ đâu đến , kết thành ra sao ?do duyên nào? đưa đến nhân qủa. Rồi thi nhân lại liên tưởng hạt sương với giọt nứớc mắt của mình, nước mắt tự sẳn có trong hồn của mọi người. Người cứng rắn khô khan , trước những khổ đau họ chịu đựng giỏi, nhưng với người đa sầu đa cảm, nước mắt dường như phuc sẳn trong tim trong khoé mắt, chỉ cần một xúc động đau buồn hay một niềm hạnh phúc dịu dàng cũng đủ làm dòng lệ ràn rụa tuôn rơi... 
Xin lỗi đã dài dòng. Cám ơn Bạn 
Thân kính 
Mailoc 
*** 


Roseés

Je rêve, et la pâle rosée
Dans les plaines perle sans bruit,
Sur le duvet des fleurs posée
Par la main fraîche de la nuit.

D'où viennent ces tremblantes gouttes?
Il ne pleut pas, le temps est clair;
C'est qu'avant de se former, toutes,
Elles étaient déjà dans l'air.

D'où viennent mes pleurs? Toute flamme,
Ce soir, est douce au fond des cieux ;
C'est que je les avais dans l'âme
Avant de les sentir aux yeux.

On a dans l'âme une tendresse
Où tremblent toutes les douleurs,
Et c'est parfois une caresse
Qui trouble, et fait germer les pleurs

René-François Suppy Prudhomme
(1839-1907)
***
Bài Dịch: Hạt Sương

Hồn mơ đến hạt sương lóng lánh
Trong cánh đồng óng ánh lặng êm
Do bàn tay mát hơi đêm
Trên hoa nước đọng tơ viền ngọc sương.

Từ đâu đến hạt sương run rẩy?
Trời sáng trong không lấy giọt mưa!
Trước khi thành hạt mới vừa
Đã trong không khí có thừa tạo thôi

Từ đâu nhỉ! lệ tôi nóng ấm?
Trời ru êm , thâm thẩm chiều nay!
Lệ sầu chất sẳn hồn ai
Trước khi mắt ướt cảm hoài tuôn mau

Hồn đã chứa niềm đau êm ái
Nơi khổ đau đọa mãi tâm can
Đôi khi cảm khái dịu dàng
Cũng làm nước mắt dâng tràn xót thương

Mailoc phỏng dịch
10 28-14

Thứ Ba, 2 tháng 8, 2016

Mưa Paris - Thơ Đỗ Bình - Phổ Nhạc Quách Vĩnh Thiện


Thơ: Đỗ Bình.
Nhạc: Quách Vĩnh-Thiện
Tiếng hát: Hoàng Quan


Gởi...Thu


Tháng Tám.
Bên em giờ đã vào đông.
SaiGon sắp qua cuối hạ.
Cây bàng ngoài phố còn xanh lá.
Mùa thu bẽn lẽn chưa về.

Đợi chờ sao lâu đến thế.
Xin em chút gió lạnh đầu mùa
Cho sớm vàng bên ngoài song cửa.
Và hình em, trong chiều muộn_lại về.

Kỷ niệm theo nhau lặng lẽ.
Lại lục tìm trong nỗi niềm chung.
Có còn lá vàng chưa kịp rụng.
Xin em, dành để đón thu về.


Hhai

Nhớ Dòng Sông Quê Nhà



Nhìn cảnh hoàng hôn vài cánh chim
Bay từ phương Bắc đến phương Nam
Dòng sông ta nhớ sao xa quá
Muốn hỏi đường về, sông lặng im

Khúc quanh có phải nơi ta ở
Sao chẳng còn ai ra đón ta
Giật mình tỉnh mộng còn dang dở
Mơ một dòng sông nay quá xa. 

Lý tòng Tôn
 
(05/2016)

Hai Người Bạn


Chẳng có sự yêu thương nào lớn hơn là vì bạn hữu mà phó sự sống mình.(Giăng – 15:13)

Hạnh về đến nhà là mười hai giờ ba mươi phút đêm. Theo thói quen, Hạnh tắt máy, ngồi yên trong xe quan sát chung quanh một lúc rồi mới mở cửa bước xuống và cẩn thận khoá lại. Gió đêm gây gây lạnh tạo cho Hạnh một cảm giác cô đơn, lạc lõng giữa bãi đậu xe rộng lớn của chung cư. Cảnh vật thật yên tĩnh. Ngoài đường thỉnh thoảng một chiếc xe chạy vụt qua rồi mất hút trong bóng đêm sâu thẳm. Hạnh bước từng bước ngắn vừa nhìn ngọn đèn vàng vọt, buồn thiu trước cửa, đang thắp sáng một khoảnh sân nhỏ trước nhà.


Vào đến nhà, Hạnh lắc đầu chán ngán khi nhìn cái bàn nhỏ trong phòng khách, trên đó những vỏ lon bia, vài cái chén, vài cái dĩa còn sót lại chút thức ăn, một cái gạt tàn đầy ắp tàn thuốc. Bên cạnh, trên ghế sô-pha, Thuý đang ngủ mê mệt. Thuý mặc áo thun trắng và quần đùi đen thật ngắn để lộ đôi chân trần. Dù đang bực mình, Hạnh cũng phải đưa mắt nhìn đôi chân của Thuý một lúc. Đôi chân Thuý thật đẹp, thon dài, khoẻ mạnh và trắng nõn nà.

Cảnh nầy thỉnh thoảng lại tái diễn khiến Hạnh không còn kiên nhẫn nổi. Tự nhiên cơn giận từ đâu ùa tới, Hạnh bước đến, xốc Thuý ngồi dậy, nói rít qua kẻ răng:
- Dậy, dậy!
Thuý giật mình mở mắt, gương mặt ngơ ngác một lúc rồi chợt nhận ra Hạnh đang đứng trước mặt, Thuý đưa tay xô Hạnh ra, hỏi lớn:
- Mầy làm gì vậy?
Hạnh giận dữ:
- Bộ chị định tiêu hoang cuộc đời bằng cách sống như thế nầy à? Càng ngày thấy chị càng tệ.
- Mặc tao. Tao sống thế nào mặc tao. Mầy có chịu trách nhiệm được cuộc đời của tao không? Nếu không, mầy đừng chen vào.
- Em không chịu trách nhiệm được cuộc đời chị nên em mới nhắc chị. Chính chị chịu trách nhiệm cuộc đời chị nên chị phải tìm cho nó một hướng đi lên. Chị không có quyền sống buông thả. Chị có biết bao nhiêu người thân ở Việt Nam đang hi vọng nơi chị không?
Tiếng Hạnh kéo dài ra như đay nghiến:
- Tưởng sao, đến được nước Mỹ rồi tiêu hoang cuộc đời qua men rượu, đàn đúm với lũ bạn trai hư thân mất nết, không biết nghĩ gì đến tương lai hết.
Thuý xua tay:
- Thôi, thôi, tao chán ngấy những lời của mầy rồi. Lập đi, lập lại cũng chỉ bấy nhiêu, như cái máy nói. Đừng làm mẹ tao nữa. Mầy vô ngủ đi, nhà cửa mai tao dẹp.
Thuý ngồi thừ người ra sau câu nói. Bỗng nàng đưa tay gạt phắt mớ chén dĩa trên bàn xuống thảm rồi khóc oà lên:
- Mầy nghĩ xem, đời tao còn gì để hy vọng nữa đâu mà mầy dạy tao. Còn thằng nào muốn lập gia đình với tao nữa không mà giữ gìn? Mầy làm quá, tao uống thuốc tự tử cho mầy vừa lòng. Mầy thương tao mà không biết tao đau khổ như thế nào à?
Cơn giận tan biến nhanh khỏi Hạnh. Nàng có cảm tưởng như mình vừa hụt chân trong đêm tối, tim nhảy mạnh trong lồng ngực. Hạnh vội vàng bước lại, ngồi xuống bên Thuý vỗ về:
- Em xin lỗi chị. Chị biết em thương chị là đủ rồi. Tuy là bạn mà em thương chị khác nào ruột thịt nhưng chị nghĩ xem, kéo dài mãi đời sống như thế nầy có được không? Có giải quyết được chuyện gì không? Chuyện xảy ra cho chị là một tai nạn. Người ta thương chị không hết, ai ở đó khinh bỉ chị. Tại sao đời chị không còn...
Hạnh nghẹn lời, không nói tiếp được. Lệ đã ứa ra ở hai khoé mắt.
Thuý lắc đầu, giọng nói thật mỏi mệt và buồn:
- Thôi, mầy để tao yên. Những lời an ủi của mầy không giúp gì cho tao được đâu.
Có tiếng đập vách của đơn vị kế bên, phản đối sự ồn ào của Thuý và Hạnh.
Hạnh thở dài, đứng dậy vừa nói với Thuý:
- Thôi được, em đi ngủ. Chị cũng nên ngủ lại đi. Em xin lỗi đã phá giấc ngủ của chị.
Hạnh bỏ vào phòng, thay quần áo và lên giường nằm sau khi đã cầu nguyện xong. Thường thì sau những giấy phút giao cảm với Chúa, Hạnh thấy tâm hồn thật bình an và chìm vào giấc ngủ dễ dàng nhưng Hạnh biết đêm nay nàng khó tìm đến với giấc ngủ. Khi hiểu được tâm sự Thuý, Hạnh nghe lòng hồi hộp và thương xót Thuý không sao nói nổi: “Đời tao còn gì để hi vọng nữa đâu...” nghe như tiếng than xé ruột. Bấy lâu nay, Hạnh có ý xem thường Thuý, cứ nghĩ Thuý là con người hời hợt, chỉ coi trọng đời sống vật chất, thích hưởng thụ nên chọn lối sống yêu cuồng sống vội.

Tâm tính Thuý thay đổi rõ rệt kể từ ngày đặt chân lên nước Mỹ. Thuý có những buồn vui bất thường, mới vui vẻ ồn ào đó rồi bỗng nhiên lạnh lùng xa cách, ai hỏi cũng không muốn trả lời. Hạnh mang bạn bè về nhà để Thuý có được những người bạn tốt. Hạnh đã nhờ những người bạn nầy làm chứng về Chúa với Thuý mong kéo Thuý về với đại gia đình của Chúa cứu thế, nhưng mỗi lần bạn bè Hạnh có dịp làm chứng về Chúa thì Thuý bỏ ngang vào phòng, không chịu nghe tiếp, khiến người nói phải bị ngỡ ngàng.
Khoảng cách giữa Hạnh và Thuý mỗi ngày một xa hơn, không khí trong nhà mỗi ngày một thêm tẻ nhạt. Hạnh bỏ mặc không lý gì đến Thuý nữa. Vì vậy trong bấy lâu nay, sống gần bên Thuý, Hạnh vẫn không hiểu được những đau đớn câm nín, những ray rứt, tủi nhục mà Thuý đã cắn răng chịu đựng, cho đến lúc bị đánh thức thình lình, tâm hồn bất định, Thuý mới để lộ nỗi lòng qua tiếng khóc bi thương.

Năm tháng đã bỏ lại sau lưng, cứ tưởng rằng nỗi đau sau lần bị thảm nạn hải tặc trên đường vượt biển Đông đã theo thời gian chìm vào quên lãng. Không ngờ hơn ba năm qua, cơn ác mộng vẫn còn bám lấy Thuý như nỗi chết khôn rời, vẫn còn là một vết thương đau nhức trong tầm hồn Thuý. Bên ngoài, Thuý vẫn nói vẫn cười nhưng bên trong, Thuý đã sống với một nội tâm đầy sóng gió. Vết thương đó chừng nào mới lành để Thuý có thể sống an bình như mọi người khác hay nó sẽ là mối ám ảnh kinh hoàng cho đến hết đời Thuý?
Hạnh đưa tay áo chùi hai giọt lệ vừa ứa ra khỏi mắt. Nàng biết Thuý chưa vào phòng ngủ vì ngoài phòng khách vẫn còn ánh đèn. Có thể Thuý đang ngồi bó gối trong đêm như vài lần Hạnh bắt gặp. Chúa ôi! Dáng ngồi lặng lẽ, bất động với đôi mắt thao thức nhìn vào khoảng không mịt mờ trước mặt đó, trông cô đơn, đau khổ đến tột cùng, sao Hạnh không để tâm tới mà phải đợi đến lúc Thuý vô tình thố lộ nỗi lòng nàng mới biết? Sao nàng có thể thờ ơ, lãnh đạm với bạn như vậy? Huống chi tai nạn xảy ra trên biển Đông gần như Thuý đã thọ nạn thay nàng.

Trời đêm thật yên tĩnh. Hạnh nghe được cả tiếng thở dài của Thuý ở bên ngoài. Hạnh thấy thương Thuý quá chỉ muốn bước ra an ủi Thuý nhưng nàng biết những lời an ủi trong lúc nầy chỉ khơi dậy niềm đau đớn, tủi nhục trong Thuý mà thôi. Vả lại Hạnh biết Thuý đang giận nàng vì từ nào tới giờ có khi nào Thuý xưng hô mầy tao với nàng đâu.
Đối với Hạnh, cơn ác mộng biển Đông đã mờ dần trong trí nhớ nhưng trước nỗi đau tận cùng của Thuý đêm nay, nó bỗng hiện về rõ ràng và mãnh liệt trong đầu như thảm nạn vừa mới xảy ra:
“ ...Đã ra khỏi hải phận quốc tế, nhiều người trên thuyền nằm la liệt vì mỏi mệt và say sóng. Con thuyền nhỏ mong manh như chiếc lá giữa trùng dương dậy sóng, mệt nhọc tiến vào một cuộc hải trình tội nghiệp, cuộc hải trình mà không ai biết sẽ về đâu. Qua ngày hôm sau, trời vừa tờ mờ sáng, bỗng có tiếng la lớn: “Có một chiếc tàu, bà con ơi!” Đoàn người đi tìm tự do bỗng đồng thanh reo hò mừng rỡ khi thấy trước mặt, khoảng cách không xa, một chiếc tàu lớn lờ mờ trong sương sớm. Người ta nhảy múa, cười vang, la hét như vừa thấy được cổng Thiên đường. Hi vọng bừng sáng trong tâm hồn mọi người, rực rỡ như ánh bình minh vừa ló dang ở phương Đông. Con thuyền như được tăng thêm sinh lực, tiến nhanh về phía chiếc tàu lớn một cách hăng hái nhưng rồi cổng Thiên đường đóng ngay sau đó. Cửa địa ngục được mở ra với những tiếng khóc, tiếng rú hãi hùng, tiếng rên siếc. Đàn ông bị lùa về phía sau thuyền. Một đứa trẻ bị ném xuống biển, người cha nhảy theo cứu con với tiếng rú hãi hùng. Cái man rợ của khung cảnh không phải là tiếng than khóc, tiếng kêu la, tiếng van xin mà là những tràng cười thoả mãn đầy thú tính của bọn quỷ sứ trên những thân thể trần truồng của những cô gái, những người đàn bà bất hạnh. Trong cái hỗn mang đó, Hạnh bị một tên hải tặc bắt đi. Tên hải tặc chưa kịp làm gì nàng thì đã bị Thuý từ phía sau lao tới, đấm túi bụi vào đầu vào cổ. Tên hải tặc buông Hạnh ra, vung mạnh tay về phía sau, Thuý té ngửa vừa khóc vừa kêu gào. Tên hải tặc trợn mắt nhìn Thuý một lúc. Nó ngạc nhiên trước sắc đẹp của Thuý nên không để ý gì đến Hạnh nữa, nhào tới ôm chầm lấy Thuý. Thảm cảnh đã xảy đến cho Thuý sau đó, trong nỗi sợ hãi tột cùng của Hạnh. Hạnh rúc người trong một xó thuyền, run cầm cập, không dám xông ra cứu Thuý như Thuý đã liều mạng cứu nàng...”


Đêm đã khuya, khuya lắm mà mắt Hạnh vẫn mở thao láo nhìn lên trần nhà. Hạnh thấy thương Thuý quá, chỉ muốn ra ôm lấy Thuý để cùng khóc với Thuý nhưng Hạnh không làm được. Hạnh nghĩ, nhứt định phải làm một điều gì để giúp Thuý quên đi cơn ác mộng biển Đông. 
Một tia sáng chợt loé trong đầu Hạnh, khiến nàng nhớ đến Dũng. Phải, chỉ có Dũng và hi vọng Dũng có thể giúp được Thuý quên đi những ngày tháng đen tối đã qua. Hạnh lẫm bẩm: “Phải, chỉ có Dũng.”
Có lần Hạnh bắt gặp ánh mắt Thuý nhìn Dũng thật nồng nàn nhưng rồi Thuý giựt mình, đứng lên bỏ vào phòng khi chợt bắt gặp Hạnh đang đăm đăm nhìn nàng. Ý nghĩ mượn Dũng đưa Thuý qua ải khổ quả thật táo bạo và đã làm lòng Hạnh xao xuyến nhưng Hạnh vội lắc đầu để trấn áp nỗi lòng. Hạnh tự nhủ: “Phải giúp Thuý trước đã, còn sau đó mọi việc theo ý Chúa được nên.” Một lần nữa, Hạnh cố trấn áp lòng mình vì chính Hạnh cũng thầm để ý đến Dũng và nàng cũng mơ hồ nhận thấy được Dũng đặt nhiều cảm tình nơi nàng dù cả hai chưa ai ngỏ lời cùng ai. Hạnh lẫm bẩm: “Phải hi sinh cho Thuý vì chính Thuý đã thọ nạn thay mình.” Hãy tạo cho Dũng và Thuý có hoàn cảnh thuận tiện để họ có thể tìm hiểu nhau và biết đâu nhờ thế mà tình yêu sẽ nẩy nở giữa hai người và biết đâu tình yêu sẽ giúp Thuý yêu đời trở lại. Từ xưa đến giờ có biết bao nhiêu người nhờ vào tình yêu mà vượt qua những khổ ải của cuộc sống.
Nghĩ là làm ngay. Hạnh chụp điện thoại gọi Dũng. Đầu dây bên kia, tiếng Dũng nhừa nhựa:
- Hello, tôi nghe.
- Anh Dũng, Hạnh nè Dũng.
Giọng Dũng thảng thốt:
- Có chuyện gì mà gọi anh giờ nầy, Hạnh?
- Chúa nhật nầy em bận việc, em muốn nhờ anh chở Thuý đi nhà thờ. Anh giúp em chuyện đó được không?
Có tiếng thở phào của Dũng:
- Em gọi anh giờ nầy để nói chuyện đó à?
Hạnh cười khúc khích:
- Anh biết tính em rồi mà. Nghĩ chuyện gì là làm ngay chuyện đó. Bằng không em đâu ngủ được.
Dũng cũng cười theo:
- Nhưng Thuý đâu chịu đi nhà thờ.
- Em sẽ thuyết phục chị Thuý.
- Ngon hé! Nếu em thuyết phục được, anh sẽ chở Thuý thay em. Thôi, ngủ đi Hạnh.
Dũng gác điện thoại. Hạnh nằm im dỗ giấc ngủ nhưng những hình ảnh kinh hoàng trên biển Đông cứ nhảy múa trong đầu, mãi cho đến gần sáng, Hạnh mới chợp mắt được trong một giấc ngủ nặng nề.

***
Dũng giữ lời hứa, mới bảy giờ mười lăm, Dũng đã đến chở Thuý đi nhà thờ. Hạnh hơi khó chịu, biết tính Dũng vốn giản dị, ít khi để ý đến chuyện quần áo nhưng hôm nay Dũng mặc thật đẹp. Chiếc quần bằng loại vải đắt tiền, màu xám đậm được ủi thẳng nếp, chiếc áo sơ-mi trắng tinh, cái cà-vạt xanh đen điểm hoa đỏ vá chiếc áo vest màu xám nhạt mới toanh, trông Dũng vừa đẹp trai vừa sang trọng. Hạnh không nén nổi một câu nói mỉa mai:
- Chưa bao giờ Hạnh thấy anh Dũng mặc đẹp như vậy.
Dũng có vẻ ngượng ngập, chống chế:
- Có gì mà đẹp.
Trả lời Hạnh xong, Dũng mới chợt nhận ra quả tình hôm nay, anh mặc rất đẹp và anh cũng chợt nhận ra một chút hàm ý mỉa mai trong câu nói của Hạnh nhưng anh chỉ mỉm cười.
Lúc đó, Thuý từ trong phòng bước ra, uyển chuyển trong chiếc áo dài màu hoàng yến. Thuý đã đẹp lại càng đẹp hơn trong chiếc áo cắt thật khéo. Nhìn gương mặt tươi sáng hạnh phúc của Thuý, Hạnh thấy lòng dâng lên một chút ganh tị:
- Ái chà! Chị Thuý đẹp quá chừng! Đúng là tài tử, giai nhân có khác.
Nói xong, Hạnh hối hận ngay. Giữa nàng và Dũng chưa một lần tỏ tình, chưa một lần hứa hẹn. Đã quyết mượn tình cảm của Dũng để giúp Hạnh vượt qua ải khổ sao vẫn còn những nhỏ nhen tầm thường thì sao xứng với tấm tình của Thuý dành cho nàng.
Thuý đỏ hồng đôi má, bước đến nắm tay Hạnh:
- Sao Hạnh không cùng đi với chị và Dũng.
- Em bận, sẽ đến nhà thờ trễ. Sau lễ thờ phượng, em mời chị và anh Dũng ăn cơm trưa với em.
Dũng cười vui vẻ, nói đùa:
- Hạnh thì hào sảng rồi. Thuý nên nhận lời, sợ không có dịp thứ hai.
Thuý đáp:
- Thuý với Hạnh như chị em trong nhà. Vấn đề là anh Dũng có nhận lời không?
Dũng nhún vai:
- Ai dại gì từ chối một bữa ăn mà không phải trả tiền.
Hạnh đến bên kệ sách lấy quyển Kinh Thánh trao cho Thuý:
- Chị cầm theo quyển Kinh Thánh của em. Rồi em sẽ tìm cho chị một quyển.
Dũng chen vào:
- Việc đó để anh lo. Anh sẽ mua tặng Thuý một quyển.
Hạnh thúc giục:
- Thôi, anh chị đi đi. Anh Dũng nhớ chở chị Thuý đi ăn sáng nhé.
Hạnh khỏi lo chuyện đó.
Dũng và Thuý cùng bước ra bên ngoài. Mùa Thu đã đến sớm hơn mọi năm với màu nắng hanh vàng, ấm áp trải lên lối đi, với những chùm hoa cúc đã bắt đầu nở rộ trong vườn hoa trước chung cư. Lá thu lác đác rơi theo từng cơn gió thoảng. Qua khung cửa sổ hình ảnh Dũng và Thuý sánh đôi bước qua bãi đậu xe như đóng khung trong một cảnh sắc vô cùng thơ mộng. Hạnh đứng nhìn theo cho đến lúc cả hai tới bên chiếc xe thể thao màu đỏ quen thuộc của Dũng. Hạnh thấy Dũng lịch sự đến mở cửa xe mời Thuý lên chứ không như những lần đi với nàng, Dũng lên xe ngồi rồi mới nghiêng người qua bên phải mở cửa cho Hạnh.

Chiếc xe đã ra khỏi bãi đậu mang theo nỗi buồn vui lẫn lộn trong tâm hồn Hạnh.
Mùa Thu trôi qua âm thầm như những ngày tháng âm thầm trôi qua trong đời Hạnh. Từ ngày Hạnh giới thiệu Dũng với Thuý với ước mơ tình yêu sẽ giúp Thuý vượt qua vực đời tối đen, sâu thẳm. Việc làm nầy đã mang đến một kết quả khá tốt đẹp và Hạnh đã yên tâm phần nào khi thấy Thuý có vẻ yêu đời hơn trước. Thuý đã từ chối những lời mời gọi của đám bạn bè hay rủ Thuý đi nhảy ở các vũ trường, cũng không còn cái cảnh ngồi uống bia, hút thuốc, nói năng bạt mạng trong nhà từ giờ nầy sang giờ khác. Điều làm Hạnh vui mừng là Thuý đã chịu đi nhà thờ đều đặn hàng tuần với Dũng. Những lần như vậy, Hạnh luôn luôn tìm lý do đi riêng để mong tạo được hoàn cảnh thuận tiện cho tình yêu giữa Dũng và Thuý nẩy mầm. Thuý đã chịu ghi danh đi học mà lúc trước đã bao nhiêu lần Hạnh năn nỉ nhưng Thuý cứ khăng khăng chối từ. Cũng từ đó, Dũng và nàng có phần xa cách. Sự thân mật giữa hai người cũng nhạt dần và lòng Hạnh đã trở lại an bình, không còn những xáo trộn đầu óc, những quặn thắt của con tim khi tưởng tượng ra những cảnh yêu đương giữa Thuý và Dũng. Khi giới thiệu Dũng với Thuý rồi, Hạnh mới chợt nhận ra nàng đã yêu Dũng nhiều hơn nàng tưởng. Tình yêu đã bén rễ không ngờ trong những lần thong thả đi bên nhau trên những con đường vàng lá thu bay hay những lần ngồi bên nhau trong những công viên đầy bóng mát hoặc bên lề những con đường dọc theo bờ sông vào những buổi hoàng hôn trên đất nước người để cùng nhắc lại cho nhau nghe những kỷ niệm khi còn ở quê nhà. Những thứ đó đã bắt đầu nhạt dần trong tâm khảm Hạnh.
Đang suy nghĩ viễn vông, Hạnh nghe tiếng chìa khoá tra vào ổ. Nàng biết Thuý đã về. Thuý đặt cái bọc giấy lên bàn rồi đi thẳng vào phòng Hạnh, sau khi gõ cửa.
Thuý hỏi:
- Sau giờ thờ phượng, chị và anh Dũng tìm em mà không thấy em đâu cả.
Hạnh ngồi dậy:
- Em bị nhức đầu nên lái xe về thẳng nhà nghỉ ngơi.
Thuý đến ngồi bên cạnh giường, đưa tay sờ trán Hạnh, cử chỉ âu yếm như đối với đưa em ruột thịt.
- Thế em đã khoẻ chưa? Có cần chị bóp đầu cho không?
- Không, chị nấu cho Hạnh một miếng cháo đi.
- Chị có mua cho em một tô cháo lòng ở quán bà Tư. Cháo lòng ở đây còn ngon hơn ở Việt Nam. Đang ăn, anh Dũng nhắc “Hạnh thích cháo lòng lắm. Ăn xong, mua về cho Hạnh một tô.”
Hạnh nghe một chút bồi hồi xao xuyến trong lòng. Đã bao nhiêu lần Hạnh và Dũng ngồi đối diện bên nhau ăn cháo lòng ở quán bà Tư. Bây giờ người ngồi đối diện với Dũng trong những bữa ăn là Thuý chớ không phải là Hạnh nữa.
- Chị hâm cháo lại cho Hạnh đi.
- Ừ, để chị hâm cháo lại cho em.
Tuy nói vậy nhưng Thuý vẫn ngồi yên đó, gương mặt xa vắng và ánh mắt đầy nét ưu tư.
Hạnh hỏi:
- Chị có gì muốn nói với em phải không?
Thuý thở dài, gật đầu:
- Ừ, chị cần phải tâm sự với em và cần em giúp ý kiến. Tuần lễ nay có vài điều làm chị bận tâm mà không tự giải quyết được.
Thuý trầm ngâm một lúc rồi nói tiếp:
- Hạnh...chị cám ơn em đã giới thiệu Dũng với chị. Chị nghĩ, em cũng biết chị đã âm thầm để ý đến Dũng từ những ngày Dũng đến nhà chơi với em nhưng chị thắc mắc không biết giữa em và Dũng có thứ tình cảm nào khác hơn tình bạn bè không? Cho đến khi em giới thiệu Dũng với chị, chị mới hiểu em và Dũng chỉ là bạn thôi, bằng không em đâu làm việc đó. Chị cũng hiểu, em giới thiệu Dũng với chị, hi vọng tình yêu sẽ giúp chị yêu đời trở lại mà quên đi cơn ác mộng biển Đông. Quả thật tình yêu đã giúp chị yêu đời trở lại. Yêu Dũng nhưng chị không bao giờ dám tỏ bày cùng Dũng, cho đến ngày Chúa nhựt rồi, trong bữa ăn trưa, Dũng ngỏ lời yêu chị và muốn cùng chị đi đến hôn nhân. Chị vừa cảm động vừa đau khổ khi nghĩ đến tai nạn của chị. Chị bối rối không biết trả lời Dũng như thế nào. Ôi! Cơn ác mộng kinh hoàng đã giết chết cuộc đời chị, chị... muốn quên mà không sao quên được...
Giọng Thuý run run rồi oà lên khóc nức nở
Hạnh ngồi dậy, vòng tay ôm Thuý:
- Chúa ôi! Sao chị khổ đến như vậy? Cứ quên đi tai nạn trên biển Đông có được không và coi nó như chưa hề xảy đến cho chị. Đừng nói gì với Dũng về chuyện đó.
Thuý nín khóc, giọng buồn rầu:
- Lúc đầu chị cũng nghĩ như em nhưng rồi suy nghĩ , chị thấy không thể giấu Dũng. Chị nghĩ rằng, tình yêu phải đặt trên căn bản thành thật. Nếu giấu Dũng, chị sẽ mang cái mặc cảm trong tình chồng vợ đến suốt đời. Còn nói thật với Dũng thì chị không biết phải nói như thế nào. Nếu Dũng rộng lượng, chấp nhận chuyện đó thì không nói gì nhưng nếu Dũng coi chuyện đó không thể chấp nhận được thì chị sẽ bị bẽ bàng biết chừng nào.
Mắt Hạnh đã ứa ra hai giọt lệ, nàng buông Thuý ra, đứng dậy, đến bàn lấy nước uống. Suy nghĩ một lúc, Hạnh nói với giọng quả quyết:
- Chị để phần việc đó cho em. Em sẽ lựa lời nói cho Dũng biết.
Thuý lo lắng:
- Không biết Dũng sẽ phản ứng như thế nào sau khi nghe chuyện đó.
Giọng Hạnh thật nghiêm trang:
- Em nghĩ, không chừng nhờ vào chuyện nầy mà mình biết rõ về con người của Dũng hơn. Nếu Dũng coi chuyện đó không có gì quan trọng thì tốt, không có gì để nói. Bằng Dũng coi chuyện nầy không thể chấp nhận được thì con người của Dũng quá tầm thường, hẹp lượng, thiếu lòng yêu thương và sự cảm thông. Con người như vậy cũng không có gì để chị phải tiếc. Em quen Dũng đã lâu, em biết một phầm tâm tính Dũng. Em nghĩ Dũng không đến nỗi quá tệ đâu. Thôi để em ra sau hâm lại cháo lòng. Em đói bụng rồi!
Thuý sốt sắng:
- Em nằm nghỉ đi để chị lo cho.
Hạnh cười:
- Nghe câu chuyện của chị, em bỗng thấy hết nhức đầu. Hay là chị cùng ra sau, em vừa ăn vừa nói chuyện với chị.
- Ừ, chị còn muốn nói chuyện với em.
Thuý ra trước phòng khách, lấy cái bọc giấy để trên bàn lúc nảy, đưa cho Hạnh.
Hâm cháo xong, Hạnh và Thuý cùng đến ngồi ở bàn ăn. Hạnh vừa ăn vừa xuýt xoa khen ngon.
Hạnh hỏi:
- Khi Dũng ngỏ lời muốn tiến tới hôn nhân với chị, chị trả lời sao?
Thuý thở dài:
- Lúc đó chị vừa đau khổ, vừa bối rối nên hẹn với Dũng tuần sau sẽ trả lời. Trưa nay, Dũng nhắc lại chuyện đó, chị lại hẹn thêm một tuần nữa khiến Dũng nổi giận, hỏi: “Em gặp trở ngại gì mà không nói cho anh biết. Hay em cho rằng, anh không xứng với em?” Chị sợ hãi, nói với Dũng là chị có nỗi khổ tâm riêng, không thể nói cho Dũng biết. 
Dũng đứng dậy, đến quầy trả tiền. Khi trở lại Dũng nói: “Em hẹn một tuần nữa, anh sẽ ráng chờ. Tuần sau, em chưa có câu trả lời, anh sẽ không bao giờ nhắc đến chuyện nầy nữa.”
Nói xong, Dũng chở chị về nhà với thái độ lạnh lùng. Tuần lễ qua, chị đau khổ vô cùng, muốn tỏ bày cùng em nhưng nghĩ rằng em cũng chẳng có cách nào giải quyết giùm chị, chỉ làm em khổ lây với chị mà thôi.
Nói xong, Thuý ngồi trầm ngâm, Hạnh cũng im lặng. Mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng. 
Ăn xong tô cháo, Hạnh đứng dậy nói với giọng quả quyết:
- Em sẽ đến ngay nhà Dũng. Chị ở nhà chờ em.

***

Thuật xong câu chuyện. Hạnh đưa vạt áo lên chùi nước mắt. Hạnh không ngờ, nàng có thể thuật lại câu chuyện một cách rõ ràng, mạch lac và cảm động. Câu chuyện đã làm Dũng nhiều lần phải cầm ly nước lên uống để nén cảm xúc. Căn phòng trở nên thật im lặng. Tiếng xe cộ di chuyển bên ngoài nghe rõ mồn một. Dũng vẫn ngồi yên, đôi mắt đỏ hoe, gương mặt hằn nét đau đớn
Một lúc lâu Dũng nói:
- Tại sao Thuý không dám tỏ bày cùng anh? Anh yêu Thuý và biết Thuý cũng yêu anh. Anh nhận được tình yêu của Thuý qua ánh mắt, qua những cử chỉ và việc làm Thuý dành cho anh nhưng đến khi anh cầm tay Thuý, ngỏ lời muốn tiến tới hôn nhân thì tay Thuý lạnh ngắt, run rẩy và khất lần câu trả lời.
- Chị Thuý sợ là phải. Chị Thuý yêu anh và rất sợ phải mất anh. Chị ấy làm sao biết được anh sẽ phản ứng như thế nào sau khi nghe câu chuyện bi thảm đó. Bây giờ anh nghĩ sao về chị Thuý.
Dũng thở mạnh:
- Còn nghĩ gì nữa, anh đã yêu Thuý rồi. Thuý là mẫu người đàn bà mà anh tìm kiếm, dịu dàng và lòng đầy nhân ái. Quan niệm sống của Thuý và anh rất giống nhau. Anh và Thuý hợp nhau trong hầu hết các vấn đề. Việc xảy đến cho Thuý là một tai nạn. Nỗi đau của Thuý là nỗi đau chung của dân tộc mà anh nghĩ, anh phải có bổn phận phải chia sẻ với Thuý. Việc nầy đã cho anh thấy, Thuý là người rất thành thật trong tình yêu, càng làm anh quý Thuý hơn.
Nói xong, Dũng đứng dậy:
- Anh phải đến với Thuý ngay bây giờ.
Hạnh mừng rỡ:
- Anh Dũng! Quả em nhìn không lầm về con người anh. Vấn đề nầy khó khăn và anh cần phải tế nhị nhiều hơn trong những lời an ủi chị Thuý.
Dũng gật đầu:
- Anh biết.
Hạnh hỏi:
- Anh cùng đi chung xe với em hay đi xe riêng?
- Xe riêng để lúc về không phải phiền Hạnh.
Đến nơi, Dũng đưa tay bấm chuông. Thuý bên trong chạy ra mở cửa, cứ ngỡ Hạnh đã về, không ngờ người bước vào là Dũng. Trong lúc Thuý còn đang bỡ ngỡ thì Dũng đã ôm chầm lấy Thuý, giọng nghẹn ngào:
- Thuý, anh yêu em! Không có gì thay đổi trong tình yêu của chúng mình hết. Anh đến đây để nói với em rằng, anh yêu em, yêu em hơn tất cả bao giờ.
Thuý oà lên khóc trong vòng tay Dũng. Hạnh đầy cửa bước vào. Nhìn cảnh đó, Hạnh cảm động đưa tay chùi nước mắt và Hạnh hiểu rằng, những giọt nước mắt còn sót lại trên gương mặt Thuý sẽ xoá hết những đau thương đè nặng trong tâm hồn nàng từ lâu. Cơn ác mộng kinh hoàng rồi sẽ được rửa sạch bằng tình yêu giữa hai người và chỉ có tình yêu mới làm được chuyện đó.

Hạnh đứng im, mỉm cười nhìn Thuý và Dũng, lòng bỗng dâng lên một niềm vui nhẹ nhàng và Hạnh biết, nàng đã làm xong một việc phải làm đối với Thuý, một người bạn, người chị trong tình thương bao la của Chúa Cứu Thế. 

Anh Vân