Thứ Bảy, 8 tháng 5, 2021

Mẹ

 

Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh:Kim Oanh

Mừng Ngày Nhớ Ơn Má 2021!

 





Má thương yêu ơi!

Những cánh hoa tha thiết yêu thương, từ hai đứa con của con tặng Mừng Ngày Nhớ Ơn Mẹ.
Con kính dâng lên Má với tất cả ấm nồng và hạnh phúc của con, Để Mừng Ngày Nhớ Ơn Má
Con cùng hai cháu mong nơi Thiên Đường, Ba Má cũng thật vui và hạnh phúc như con nha Ba Má.

Happy Mother's Day 2021!

Con gái của Ba Má

Kim Oanh

C'est Toi (Michaëla Degui) - Mẹ Yêu Dấu!


C’est Toi

C’est toi
Qui m’a porté, m’a donné le jour
Balancé, caressé, cajolé

C’est toi
Qui depuis toujours
M’a chéri, m’a aimé, m’a bercé

C’est toi
Qui a séché mes larmes
Adouci mes peines

C’est toi
Qui m’a offert mes premières armes
Contre la vie et la déveine

C’est toi
Qui m’offre ton épaule
Quand j’ai peur et que le jour s’achève

C’est toi
Qui me console
Quand je fais un mauvais rêve

C’est toi
Qui me supporte tout le temps
Qui me cède ce bonheur
Qui me fait sourire

C’est moi
A présent
Qui te rend cet honneur
Un peu, pour te séduire

C’est pour toi
Sincèrement
Ce petit mot de mon cœur
Juste pour le plaisir

Bonne Fête, tout simplement
A toi, maman…

Michaëla Degui
***
Bản dịch:

Mẹ Yêu Dấu!

Mẹ ơi,
Ôi! vất vả tháng ngày đau đáu
Nặng nề mang hòn máu trong người.
Rồi ngày con khóc chào đời
Mẹ ôm, mẹ ấp bao lời nỉ non.

Mẹ ơi, Mẹ!
Kể từ đó trong vòng tay mẹ,
Mẹ ôm tròn, con ngọ ngọe ơ .. ơ.
Mẹ ru trìu mến con thơ,
Đong đưa tay mẹ thay bờ chiếc nôi.

Mẹ ơi!
Giòng thời gian cứ trôi con lớn,
Tiếng đầu tiên đả đớt càng cưng.
Mẹ lau nước mắt con rưng
Con đau mẹ xót, đau cùng con yêu.

Mẹ ơi!
Bước chập chững, liêu xiêu mẹ nắm,
Nâng đở con mưa nắng cuộc đời.
Rủi may, sóng gió ai ơi!
Sợ con vấp ngả, một thời lo toan.


Mẹ ơi!
Khi con sợ, hoang mang cuộc sống
Bờ vai mẹ nơi chống lưng con.
Thương con chẳng nệ mõi mòn
Xua tan ảm đạm không còn vây con.

Mẹ ơi!
Mộng ước sai làm con thất bại,
Đến bên con mẹ lại vỗ về.
Ủi an tha thiết tỉ tê
Như hồi còn bé con mê ru hời.

Mẹ ơi, mẹ đã…
Nâng đ con không ngơi mọi lúc
Luôn nhường con hạnh phúc mẹ ơi!
Mẹ vui khi thấy con cười
Nhìn con sung sướng một đời mẹ mong.

Mẹ yêu hỡi!
Giờ chúng con tấm lòng tấc cỏ
Mẹ vinh quang trăng tỏ sáng ngời.
Niềm vui khó tả nên lời
Mẹ vui trên ấy mĩm cười cùng con.
Kính mừng ! kính mừng!
Mẹ yêu!

Mailoc 

Từ Nơi Mẹ


Ví xem tất cả là hoang đảo
Thì mẹ tôi như bóng hải âu
Soải cánh bên trời che gió bão
Để tôi đứng vững suốt xưa, sau

Chẳng nói lời văn hoa óng ả
Cũng không hề chấp lỗi, khuôn vàng
Khiến tôi phải ngẫm câu gương giá
Mà mẹ cho tôi nét dịu dàng

Nửa cuộc đời tôi bên gối mẹ
Nâng niu chuỗi ngọc sáng ân tình
Nụ cười nhân ái từ nơi mẹ
Đã thật nuông chiều đoá hạnh trinh

Mẹ ơi, tất cả bỗng mờ theo
Nước mắt, khi mưa ướt dáng chiều
Mẹ đã rời xa con cháu mẹ
Lòng tôi chùng xuống, chợt hoang liêu

Mẹ về tiên cảnh, hẳn vui hơn
Chốn ấy hoa đăng, nhã nhạc vờn
Mỗi lúc dõi theo vầng nhật nguyệt
Lung linh ảnh mẹ ...thắp tâm hồn 

Cao Mỵ Nhân

Buồn



Soi bóng nước tưởng về dòng sông cũ.
Nghe êm đềm như tiếng võng mẹ ru.
Vẫn con phố hàng cây xanh lối nhỏ
Sao phố đông lòng bỗng thấy hững hờ!


Ngày trôi mãi dòng thời gian lặng lẽ,
Những mùa qua ta vẫn nhớ thương quê!
Chiều viễn xứ sương mờ giăng bóng xế
Đời đổi thay nhòa mất dấu ta về!


Tiếng dương cầm khúc tình ca tiền chiến
Đường Sài gòn lóng lánh giấc cô miên.
Xa phố cũ mười ngón tay lạc phím
Nhìn tuyết bay lòng chợt cảm ưu phiền.


Tháp Effel đứng trăm năm buốt giá
Người tha hương như cánh vạc bay xa
Bước lưu lạc gặp nhau là hạnh ngộ
Tình đồng hương thơm mùi lúa quê nhà.


Nắng chiều vàng sợi tơ trời se lạnh
Ở đây buồn tình nhân thế mong manh!
Từ biển đông gió trường sa nổi sóng
Có lẽ nào ta quên lũy tre xanh?


Đất nước thăng trầm vàng son trang sử
Bốn ngàn năm bao hào kiệt anh thư
Hồn sông núi sẽ linh thiêng gìn giữ
Còn tình thương… bao giờ hết mây mù?!


Đỗ Bình

USA Mother's Day - Mừng Lễ Mẹ


Xướng:

USA Mother's Day - Mừng Lễ Mẹ


Một đóa hồng nhung mừng Lễ Mẹ
Con cài ngực trái nhớ ơn sâu
Cù lao bú mớm nuôi sinh khó
Cúc dục cưu mang dưỡng dạy lâu
Âu yếm thân thương khi tấm bé
Nâng niu trìu mến thuở ban đầu
Nam Sơn, từ mẫu cao huyền diệu (1)
Đông Hải, song thân rộng nhiệm mầu (2)

Mai Xuân Thanh
April 30, 2021
(1) & (2) ; Lấy ý của câu thơ cổ xưa : chúc cho cha mẹ ông bà
" Phước như Đông Hải, Thọ tỷ Nam Sơn "
***
Họa:
Nhớ Mẹ

Mười ba năm chẵn, còn đâu Mẹ
Chín chữ cù lao, nghĩa thấm sâu
Giọt lệ hoen mi, hồn giá lạnh
Hoa hồng trắng áo, dạ buồn đau
Cánh cò lặn lội thân hôm sớm
Di ảnh mờ phai dáng buổi đầu
Hiu quạnh hồn côi, tình mẫu tử
Bao lần viếng mộ, cỏ thay màu


Thanh Trương

Bên Nồi Xôi Của Mẹ


(Kính dâng lên Mẹ
Cho ngày lễ Mother's Day)

Viết những kỷ niệm về mẹ mình thì ai cũng giống tôi như đang ngồi đếm sao trên trời, như đang mênh mang nhìn dòng suối trong chảy tràn lên hai bờ cỏ êm, len lách qua từng viên đá sẫm phủ rêu xanh. Những kỷ niệm về mẹ đã luôn được tôi tự giát vàng nạm ngọc trong tim, rải dài trên con đường mà tôi đã nắm tay mẹ đi qua hơn nửa thế kỷ cùng người. Những đoạn đời dù có thăng có trầm, nhưng toàn cả những dịu dàng êm ả như mơ bên dòng suối tóc mẹ, bên đôi tay ấm áp ôm chặt lấy tôi hết đưa tôi vào những thế giới thần tiên này, lại dẫn dắt tôi đến những vùng thánh địa khác thơm ngát những bông hoa bất tử của mẹ tôi. Những gì trong kỷ niệm tuy thật xa vời nhưng cũng thật mới, thật gần như ngày hôm qua nếu ta cố nhớ và muốn sống lại cùng mình. Với tôi, cứ tưởng như tôi đang dầm mình trong cơn mưa lớn, ướt đẫm, chạy tung tăng trên đường phố hẹp cùng đám trẻ con cùng xóm, cùng lứa tuổi. Rồi trí nhớ lại đưa tôi về một vùng xa lắc, dòng hồi tưởng từ từ bung dần lên như chiếc bánh bông lan đang đến độ nở sung mãn trong lò nướng. Tôi đang nghĩ đến nồi xôi hông chín vàng ươm thơm ngát của mẹ.

Tôi nhắc lại, không biết lần này là lần thứ mấy với con gái tôi khi tôi nhấc ra khỏi bếp nồi xôi hông trắng bạch vô duyên, các hột nếp như không còn hiện nguyên hình của hạt nếp chín mà là một nắm nhão nhoét xôi ướt. Để che dấu cái vụng về nấu ăn của mình, tôi kể:

-Khi xưa mệ ngoại đã từng bán xôi để giúp me nuôi con đó. Mệ bán đắt lắm, xôi mệ nấu ngon và thơm, chỉ một tiếng đồng hồ là mệ bán sạch nồi xôi.

Quả thật, tài nấu nướng của mẹ tôi trong một gia đình quý phái cuả bà ngoại tôi, thì cái nồi xôi hông với đậu xanh một cách đặc biệt cổ điển thì thật là dễ như ăn một miếng bánh và tuyệt hảo như một nồi xôi "nếp một".

Thức dậy sớm để chuẩn bị cho một chuyến của cua rơ xe đạp ra vùng quê dạy học là khi mẹ tôi đang còn thổi bùng những ngọn lửa lớn đang còn nhảy nhót dưới nồi hông xôi, khi ngọn gió ban mai lạnh nhẹ len vào những lỗ thoát khói của căn bếp tạm không đủ làm hồng đôi má của mẹ. Giúp mẹ, tôi chỉ việc mang những chiếc đòn nho nhỏ như mòn láng dấu ngồi, con bé 4 tuổi lủn chủn bắt chước me nó theo sau đặt quanh trước khoảnh hiên nhà thì biết là người ta đã đợi mẹ tôi. Khi nồi xôi láng bóng phủ tấm khăn mỏng trắng tinh được khệ nệ đem ra từ bếp và khi mẹ tôi dỡ chiếc khăn đậy xôi lên thì là cả một vùng trời thơm ngát của mùi lá dứa, nếp tươi ngào ngạt cùng làn gió sớm mai đưa đi xa. Màu vàng óng ánh của những hạt đậu đãi sạch vỏ xanh lấp lánh bên những hạt ngọc của trời trắng ngà, dẽo mềm, như một thủy chung của đậu xanh nếp trắng. Lúc đó hình như tôi không còn thấy mẹ tôi đâu nữa, mọi người khách bình dân lẫn sang cả của mẹ tôi đã bao quanh vây kín bà vào cõi trời riêng thơm phức đậu mè, dừa nạo của hàng xôi nổi tiếng như cồn ở đường phố Mai thúc Loan dạo ấy. Một cô giáo cấp ba lớn tuổi độc thân, ghiền xôi của mẹ tôi, sáng nào cũng đạp xe đến mua còn dặn: " Chị nhớ để dành cho em một gói lớn vào ngày mai nếu em đến trễ ." Không biết sau này cô được định cư ở Úc cùng chồng là một giáo sư đại học bến ấy, có còn nhớ gói xôi để dành hàng ngày cho cô và có gói xôi nào bên nớ ngon bằng gói xôi bên ni của mẹ tôi không .

Con bé nhà tôi lần này lại hỏi thêm:
- Răng mệ không nấu thêm nồi nữa?
- Một nồi cũng đủ làm cho mệ mệt rồi.

Con tôi vốn lớn lên ở một phương trời khác với phương trời của ba mẹ nó, nó không biết đến những gì đã xảy đến cho gia đình tôi khi mà toàn cõi nước Nam nhà ta gọi là biến cố, gọi là mất nước, là sụp đỗ, là chính biến của một lịch sử đen. Những con đường mang tên những vị anh hùng lịch sử cả ngàn năm bị đổi tên, ngôi trường thơ ấu và thời niên thiếu của tôi cũng bị sang tên đổi chủ, và ngay cả những con người cũng bị đánh mất những điều gì đó cần phải có trong tim người. Con bé tôi không biết được lúc ấy ba tôi bị đọa đày trên rừng sâu, hóc núi, ngôi nhà chúng tôi bị trưng thu chỉ được ở lại trong một gian nhỏ của nhà khi chúng tôi cứ ù lì không chịu đi vùng kinh tế mới. Giang sơn nhà tôi như cả một thế giới bị co rút lại, chật hẹp, ngỡ ngàng và ứa toàn nước mắt. May mà chúng tôi được ở mặt trước đường phố, và đó là nguyên nhân mẹ tôi “ phát minh” ra được cái sản phẩm xôi đậu xanh rắc dừa nạo và muối mè đậu phụng ngọt, ít vốn. Khi ấy, tất cả gia sản đi theo những lần vượt biển không thành cho chị em tôi. Những vòng vàng sẫm mầu, những chuỗi ngọc lóng lánh đã rời bỏ trên tay mẹ không muốn còn là những ký ức trong tôi. Kỷ niệm này hình như đã đi cùng với những chuyến đi để đánh đổi vận mệnh, để rồi cái họa cũng đã vấn vào gia đình tôi cùng vận nước đang bị vấn vào một oan khiên đứt đoạn. Những gì còn lại cho gia đình chỉ là đôi tay gầy guộc và ý chí sống còn của một vị anh hùng khi lâm trận mà mẹ đã trang bị lại cho kiếp sống mới của chúng tôi.

Con tôi không biết được khi tôi và nó đang còn thả những giấc mộng đẹp bên chiếc gối ôm dài thì mẹ tôi đã ngồi dưới ánh đèn, nâng niu đãi từng hạt đậu xanh cho sạch vỏ, lần từng hạt nếp ngâm từ đêm qua để gạt ra những hạt cát, sạn nhỏ, chắt chiu từng nắm nếp trắng như trắng cả đời của mẹ để được nghe những lời khen bên những gói xôi vàng thơm. Mẹ tôi như một nghệ sĩ biết trân quý tác phẩm của mình hơn là một thương gia, dù thương gia vốn chỉ là dăm ba đôi đủa múa trên đống xôi thơm mùi nếp mới. Mẹ đã trải nhiều thời gian để sửa soạn cho buổi bán ngày mai còn hơn sửa soạn cho một buổi tiệc đông người từ dạo nào ba tôi còn tại chức, nhóm họp, hội hè, thậm chí cả bài bạc để giải trí luôn mở ra tại nhà. Lúc ấy, tôi nhớ là mẹ tôi lại trổ tài bên bếp lửa trong căn bếp láng bóng không chút bụi than, mà đã một lần người bạn của ba tôi đến dự tiệc đã buột miệng than: " Ước chi bà nhà tôi được một phần mười của chị." Mẹ tôi cười sung sướng, hai má càng hồng thêm bên chảo bánh khoái Huế. Nay người ta để son nồi ngổn ngang, dẫm trên nền bếp ướt như dẫm trên trái tim đau của mẹ, như cày xới trên mảnh đất nhỏ màu mở nguồn sống của chúng tôi. Căn bếp sạch, tường vách trắng ngà láng lẩy đã bị vấy bẩn như những mảnh đời bổng dưng bị vẫn đục. Vị trí những chai lọ muối, đường, nước mắm của mẹ cũng bị người ta đổi địa chỉ như đổi thay của những con đường, của những khoảng trời xanh bị choán hết chổ thở. Bếp hồng của mẹ tôi đã trở thành một đống bát nháo như một đống cá lòng tong, mà ngay chính bản thân tôi lúc đó cũng tức giận, đau đớn hơn mẹ một khi biết mình là đã mất ngay chính trên tay mình những gì đã chính mình tạo dựng. Thỉnh thoảng, trong những phút dằn lòng mẹ tôi lại ngâm nga bên thúng nếp :

"Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa."

Mẹ tôi yêu chuyện Kiều, thuộc làu làu và biết đặt những câu thơ của cụ Nguyễn Du vào hoàn cảnh hiện tại, như tìm một giòng giải thoát cho chính mình để lấy lại chút an bình.
Con gái tôi lại không biết được khi ấy mẹ tôi đã trên dưới sáu mươi, sức khỏe mẹ không cho mẹ có thể ngồi lâu hơn để hông thêm nồi xôi nửa. Những tháng ngày đầu tiên của trận cuồng lũ lịch sử, những con thuyền tơi tả, những người lái thuyền mong manh tan tác như xác lá trôi trên dòng lũ. Mẹ và anh trai thứ ba của tôi đã lặn lội, trèo suốt qua mấy ngọn núi cao, đồi trọc, xuyên qua những buôn thượng, vượt tận đến vùng biên giới Việt -Lào hiểm trở để tìm cho ra được nơi người ta đang giam giữ ba tôi cùng với nhiều chiến hữu khác. Cũng mất gần cả tuần lễ mần mò, hỏi han, lầm lũi trong gió nắng của vùng hạ Lào cùng với một vài vị phu nhân khác, tìm thấy được dãy nhà lá thô sơ có ba tôi. Trở về, anh tôi bị một trận sốt rét thương hàn cả tháng, đầu tóc rụng sạch như hói, da vàng như những viên thuốc kí ninh. Còn mẹ tôi từ đó nhuốm cái bệnh đau đầu gối vì trèo núi, vượt đường bộ. Nhiều lần tôi bàn với mẹ đổi bán xôi sang một món nào khác, mẹ tôi cười hể hả :

-Me chỉ bán có tiếng đồng hồ, lại it vốn, bỏ công một chút. Kiếm đủ để bới xách cho ba con, lại cho con bé mấy hộp sữa Liên Sô.

May mắn cho tôi hơn các anh chị, tôi được ở bên mẹ, nhưng tôi và con gái tôi bỗng trở thành đôi quang gánh trên vai mẹ. Đồng lương cô giáo thời ấy cho dù có xuất thân từ một đại học sư phạm cũng chỉ đủ nuôi dưỡng thêm những thiếu thốn, mơ ước cho bản thân tôi và con, bên cạnh còn có thêm những thất bại của chồng tôi. Nhưng mẹ vui lắm, nhất là mẹ vui vì có con bé. Buổi chiều sau khi sàng sẩy, nhặt sạch thóc còn sót ở thúng nếp mới và đậu xanh đặt mua ở một làng quen, vút sạch rồi ngâm vào hai son nước lớn là mẹ tôi dạy con bé hát, hò các câu ca dao mà tôi không bao giờ thuộc. Mẹ thích nhất là bài hát Sơn Nữ Ca. Mỗi lần nghe mẹ bày cho con bé hát, thì như cả một vầng trăng sáng mơ màng trong rừng vắng rơi trên vai mẹ. Nghệ sĩ tính trong mẹ vẫn luôn nuôi dưỡng mẹ từ trăm ngàn cái khó trước mắt trong cuộc hành trình mới. Nhớ đến một câu của một vị thiền sư : " Mỗi bước đi trong cuộc hành trình chính là cuộc hành trình." Tôi lại nghĩ đến cuộc hành trình của mẹ trên những ngón tay gầy trắng xanh, âm thầm trải nốt đoạn đường đời cùng những hạt nếp trắng tròn. Trái tim tôi nhói đau âm ỉ từng giây từng phút, ngọn lửa liếm quanh nồi hông xôi như đang liếm cả vào người tôi cháy rụi dần. Mười ngón tay tôi bỗng dưng tê buốt như những cây kim phóng ra từ những hạt đậu vàng châm vào từng đầu ngón, khi mẹ tôi đưa bàn tay đãi đậu ra, mẹ nói:
- Móng tay me đã không còn mọc ra nữa, đãi đậu mỗi ngày nên nó trùi.


Một sáng được nghỉ dạy, tôi ngồi phụ mẹ bán. Một thằng bé trạc mười một hay mười hai, tay cầm xấp vé số còn mới cứng, da sạm nắng, ốm, nhỏ nhắn nhưng đôi mắt sáng đen, lanh lợi đến bên mẹ tôi. Nó cúi chào " Thưa mệ" rất lễ phép và tươi cười với mẹ, mẹ tôi đưa cho nó gói xôi đã gói sẳn hồi nào. Nó cám ơn mẹ rồi vụt chạy đi cho kịp khách ở một vài quán cà phê ngoài trời nào đó để cho họ dò số và mua vé. Một giờ sau nó lại chạy vội vả về đến hàng hiên nhà tôi, tự động, chỉnh chạc như một vị chủ nhân, thu dọn lại mấy chiếc đòn, để vào một góc nhà, bưng nồi xôi đã sạch nhẳn và một số lỉnh kỉnh khác đem vào bếp cho mẹ tôi, nhìn quanh thấy không còn sót món nào, lại dùng cây chổi nhỏ ở góc nhà quét những xác lá gói vơ vẫn quanh hiên nhà. Nó lại nhìn quanh một lần nữa, thấy vừa ý, rồi chạy vụt đi bán lại. Như biết nỗi thắc mắc ngờ ngẩm của tôi, mẹ tôi ngần ngừ một chút, rồi kể:

- Nhiều lần, sáng sớm, nó đi ngang qua, chỉ đứng nhìn me bán. Lần đó, me gọi lại hỏi, nó nói : ”Con thích ăn xôi của mệ, nhưng mới sáng con chưa bán được vé mô cả”. Biết là nó đang nhìn và thèm vì đói, me gói cho nó gói xôi thật lớn. Nó không dám nhận, me bảo cứ ăn đi rồi đi bán, ngày mai đến mệ để dành cho con nữa, nó nhận rồi chạy đi. Một giờ sau nó chạy về lại gặp mệ và nói : Mệ cho con xôi thì con phải giúp mệ dọn dẹp.

Kể xong mẹ tôi hả hê nói thêm:
- Thằng nhỏ ngó vậy mà mẹ nó biết dạy con.

Mẹ tôi không phải cùng thằng bờm muốn đổi lấy nắm xôi mà chỉ thương nó như thương cho một số phận đang rơi trên vai nhỏ của nó. Cha đi lính chết trận Hạ Lào 72, bốn mẹ con nó được hưởng tiền tử tuất cho đến 75 thì không còn hưởng nữa, mẹ nó bán chè gánh lại hay đau, nó đành đi học lớp bổ túc văn hóa ban đêm, ngày đi bán vé số phụ mẹ nuôi hai em. Từ đó, mối giao tình giữa mẹ tôi và thằng bé mỗi ngày mỗi gắn bó thêm, gần gũi thêm, như một nhân duyên của hai bà cháu. Tôi nghe mẹ tôi thường mắng yêu nó : " Cáí thằng ni, cha mi nờ , mệ có biểu con dọn dẹp cho mệ mô nờ. " Ít ra mẹ tôi cũng có người cùng đi chung trong cuộc hành trình mới, cho mẹ tôi một chút ấm áp, san sẻ cùng bà những cơn gió lạnh ban mai của mùa đông. Dù chỉ là một trái tim nhỏ bé của trẻ thơ, nhưng biết cùng hoà nhịp điệu trong trái tim lớn của mẹ tôi. Chính lúc đó là tôi học được ở mẹ: - cho dù trong mỗi cuộc sống có bị thui chột, có những nỗi đau, nhưng trái tim hãy cứ giữ những thăng hoa để rồi được gặp thêm hạnh ngộ.

Mười năm sau, căn nhà tôi được trả lại trong hoang tàn, đổ nát của phá phách. Mẹ tôi nghỉ bán xôi từ mấy năm trước, từ khi ba tôi được trở về. Chung quanh đường phố vùng nhà tôi ở cũng có nhiều hàng xôi mọc lên, họ cố làm giống như nồi xôi của mẹ tôi. Nhưng những tay ngang nấu xôi ấy làm sao sánh nổi với nồi xôi của những hương liệu kén chọn kỹ, cung cách nấu cầu kỳ cổ điển, lại thêm cách trình bày trên dĩa hay gói có một phong thái tao nhã, quý phái của mẹ. Tôi có thêm con trai, cũng mấy lần chập chững mang đòn ngồi cho mệ ngoại bán xôi. Sau những lần thất bại, vợ chồng tôi được mẹ cho phép mở một photo ' shop ngay trên căn phòng trước nhà, mà trong những năm qua, gia đình chúng tôi đã tụ lại trong khoảnh trời nhỏ nhoi nhưng chứa đầy tình yêu của mẹ . Nơi đó, ngày nào trước thềm nhà long lanh nắng mai, đã là một "công ty" có danh xưng của mẹ tôi: " Xôi đậu xanh dừa mè của mệ ..." Cái phước đến sau cái họa, chúng tôi thành công, shop rất đông khách.

Rồi gia đình nhỏ của tôi lại ra đi, đi để được thoát một mệnh số đen tối. Mẹ tôi ở lại hương khói cho Ba tôi, ông bà, tổ tiên. Thằng bé bán vé số trong mối lương duyên bà cháu của mẹ, nghe nói đã theo mẹ nó và hai em bỏ xứ vào Nam. Hai gói xôi trong quá khứ để dành của mẹ, một bay qua phương trời Úc, còn gói để dành cho thằng bé, mẹ vẫn để dành và cất giữ mãi trong trái tim già nua chan hòa tình người của mẹ, cho dù không biết giờ này nó là một aí, đang ở phương trời nào. Còn tôi vẫn luôn cất giữ trong tim tôi đôi bàn tay ngà ngọc đầy gân xanh của mẹ, với những ngón tay đãi đậu đẫm ướt không được mọc ra lại những chút móng mỏng mảnh sinh lực của người. Thật là đôi bàn tay tuyệt đẹp như một kỳ công của người mẹ tảo tần.

Nhìn thấy hồ nước long lanh trong mắt con gái tôi, như chính đôi mắt tôi cũng đang rươm rướm lệ. Những chuyện kể về nồi xôi của mẹ không như là chuyện thần thoại, không như là cổ tích nhưng mẹ tôi đối với con gái tôi luôn là một bà tiên mẹ đầy nhân đức, yêu cháu, yêu người. Một bà ngoại tiên mà nó luôn thương nhớ và tôi biết là đã ghi đậm trong tận cùng sâu thẳm của con tôi. Bà tiên của con tôi có trái tim của một người Mẹ mà không một trái tim nào khác lớn bằng.

Trong cõi riêng tôi, mỗi ngày như một nỗi niềm cùng mẹ và trên mỗi trang trong cuốn nhật ký viết lung tung của tôi, chỉ một hàng chữ duy nhất đã được tôi đóng khung, vẽ hoa. Mẹ tôi sẽ đọc được từ nay, mãi mãi, và cho đến muôn đời sau : " Con thương Mẹ nhất, mẹ ơi "

Laveen , AZ
14 tháng tư 2012
Võ Hương Phố

                                                                                                              

Phúc Đức Tại Mẫu


Ngày còn bé con..., tôi cứ thắc mắc: Tại sao trên đất nước này cái gì cũng mang dấu ấn của sự tôn vinh lại là "người Mẹ....!"
Dòng sông lớn nhất ở phía Bắc đất nước ta quen gọi sông Hồng cũng còn có tên khác là sông Cái....
Con đường nào lớn gọi là “đường cái”. Thứ tiếng ta nói hàng ngày cũng gọi là tiếng “Mẹ đẻ”.
Tổ Quốc thiêng liêng cũng được gọi với giọng tha thiết là “đất Mẹ”.
Trên dải đất nhỏ hẹp mang hình chữ S này, đâu đâu cũng có những đền thờ Mẫu...
Bài học đầu tiên con trẻ được học cũng là từ trường Mẫu giáo và do các cô bảo mẫu truyền dạy...
Đến cái đũa lớn nhất để xới cơm ở quê mình cũng gọi là “đũa cái”, “đũa cả”.

Nhớ Lời Mẹ Dặn

Mẹ không được học chữ, vậy mà khi con học xa nhà, có một lần mẹ đã cố gắng viết cho con mấy dòng ngắn ngủi, nét chữ run rẩy và to như trẻ con học mẫu giáo tập viết. Mẹ viết: “Mẹ ít học hơn con nên mẹ tin con hiểu đời nhiều hơn mẹ. Mẹ chỉ muốn dặn con một điều rằng con đi xa hãy nhớ: "Ăn một miếng của người con tạc ân vào dạ; Học một chữ ở đời con xem nặng nhẹ bao nhiêu”.
Lời dặn của mẹ đã làm con khóc. Và con tâm niệm điều đó suốt cả cuộc đời và nó đã trở thành lẽ sống của con...

Hôm con phỏng vấn xin việc vào công ty của Nhật cùng với ba chục người khác. Con không giỏi vi tính và ngoại ngữ như họ, song người được lựa chọn lại là con. Mẹ có biết họ hỏi con câu gì không? Họ hỏi con câu nói nào và của ai gây "ấn tượng" và có tác động mạnh đến cuộc sống của con, con đã nói lại lời mẹ dặn.
Họ bảo: “Vi tính và ngoại ngữ cần, nhưng bạn có thể học trong vài tháng. Chúng tôi cần hợp tác với một người nặng lòng biết ơn và biết chắt lọc trong học hỏi”. Mẹ ơi, chính mẹ đã để phúc đức cho con...!

Những Lá Thư Cũ

Con và chồng con có xích mích lớn vì con nghi anh ấy vẫn gặp gỡ với người bạn gái cũ. Con bực mình bỏ nhà chồng về khóc lóc với mẹ. Tối ấy mẹ mang từ trong chiếc hòm cũ ra một tập thư đã ố vàng. Đó là những lá thư của người yêu cũ gửi cho bố con trước đây.
Mẹ bảo khi bố quyết định lấy mẹ, bố định đem hết đám thư và ảnh của người yêu cũ ra đốt đi để chứng minh sự “một lòng một dạ với mẹ”. Mẹ đã ngăn lại và bảo: “Thư anh đốt mà lòng anh còn nhớ cũng chẳng ích gì. Hãy cứ để em giữ lại làm kỷ niệm...! Thỉnh thoảng anh đọc lại cũng thấy vui. Dù sao đấy cũng là những kỷ niệm gắn bó với anh một thời, sao lại cạn tàu ráo máng như vậy”. Bố sững sờ và ôm chầm lấy mẹ cảm động lắm. Thỉnh thoảng bố mẹ còn đọc lại những lá thư ấy, nhưng bố cả đời thuỷ chung với mẹ...!

Hôm ấy con đã khóc thật nhiều và con tự tìm về nhà làm lành với chồng. Mẹ nói ít nhưng mẹ dạy nhiều. Chính mẹ đã lấy lại cho con hạnh phúc...!

Hai Vùng Sáng Tối

Khi em trai con đưa người yêu về ra mắt, con không ưng ý lắm. Mẹ im lặng không nói gì. Sau hôm gặp mẹ cô ấy, mẹ nhận xét: Mẹ cô ấy hiền hậu, phúc đức lắm. Người mẹ như thế chắc chắn cô con gái sẽ là đứa con ngoan, dâu hiền...!
Mẹ đã không lầm. Hôm mẹ chồng tương lai của con sang chơi với mẹ, cụ cũng nhận xét về con y như thế. Hoá ra nhiều người nhìn nết mẹ mà đoán tính cách của con...!

Năm trước con đọc báo thấy có chuyện một cô gái đang tâm đẩy con chồng xuống sông Hồng. Một thời gian sau thấy có bà dì ghẻ bắt con chồng tự khâu miệng mình lại. Con nhận xét rằng phụ nữ nhiều người ác quá. Mẹ lại bảo “phúc đức tại mẫu, những người như thế rồi lại ác giả ác báo thôi”.

Mẹ nói với con rằng những người ác chỉ là số ít, đừng vì thế mà vơ đũa cả nắm. Mẹ chỉ cho con thấy bao nhiêu người mẹ đã hy sinh hết lòng vì con, không ít người phụ nữ đã nhận nuôi hàng mấy chục trẻ mồ côi mặc dù bản thân mình còn khó khăn, vất vả. Trong đời có hai vùng sáng tối, mẹ bảo con nhìn ánh sáng mà đi..!

Bài Học Làm Gương

Thấy con phàn nàn về sự chểnh mảng học tập của các cháu, mẹ bảo: “Con nhắc các cháu đi học bài, mà vợ chồng con cứ ngồi xem ti vi. Con chê các cháu lười học tiếng Anh mà bản thân con cũng không thông tỏ ngoại ngữ thì dạy bảo chúng nó thế nào...?"

Ngẫm kỹ lời mẹ nói, con đã quyết định đi học lớp tiếng Anh buổi tối cùng cháu. Tối về mẹ con trao đổi bài rôm rả. Đúng như mẹ nói, khi thấy cả bố và mẹ đều miệt mài làm việc, các cháu cũng tự động lấy sách ra làm bài...!

Đến nay chúng con rất yên tâm về việc học hành của các cháu. Sao có mỗi bài học đơn giản rằng “muốn con chăm thì mẹ phải siêng, muốn con hiền thì mẹ phải thảo” mà con không nhớ, phải để mẹ nhắc nhở...!

Mẹ nghèo không có tiền bạc cho con, nhưng mẹ đã cho con hiểu giá trị của sự tần tảo, lòng bao dung, đức hy sinh. Mẹ không đi học, nhưng mẹ dạy con biết sống đúng mực, trọng ân tình...!

Cuộc đời con lúc nào cũng có mẹ ở bên. Con có cuộc sống hạnh phúc hôm nay là do bàn tay mẹ tạo dựng. Đến bây giờ con đã hiểu rằng công sinh thành dưỡng dục do cả mẹ cả cha chung sức, nhưng không phải vô tình trong nhạc, trong thơ, nơi đâu cũng thấy vang lên những “Huyền Thoại Mẹ”, ” Tình mẹ”, ” Lòng mẹ”…!

Nguồn:Đinh Thủy
(Đinh Trực sưu tầm - Tống Viết Minh chuyển)


Thứ Sáu, 7 tháng 5, 2021

Cho Tôi Lại Từ Ðầu - Trần Quang Lộc - Quang Dũng


Sáng Tác: Trần Quang Lộc
Ca Sĩ: Quang Dũng
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Hạ Buồn



Nắng vàng hiu hắt phủ sơn khê
Nghe tiếng ve kêu vọng não nề
Tiếc thuở hẹn hò bên ngõ trúc
Thương thời đuổi bắt cạnh bờ đê
Từng trang lưu bút khơi niềm nhớ
Một cõi ly hương khuất nẻo về
Đỏ mắt tìm đâu hoa phượng v
Ép vào trong vở giữ tình quê

Nguyễn Kinh Bắc  


Phai Tuổi Ngọc



Trường Tống Phước Hiệp Vĩnh Long - Ảnh Phan Vũ Bình

Trở về trường xoáy rơi vào cơn lốc
Trên vôi tường rêu mốc bám xanh xao
Hàng Phượng xưa đang rỉ máu hận trào
Rơi vung vãi trên vai người năm cũ

Giờ ra chơi ủ rủ áo ngà phai
Gió gục đầu tóc chết lịm đôi vai
Lười tung nhảy vờn lay trong nắng sớm
Mắt chợt hằn rươm rướm nét mi cay

Bước chân âm thầm trên hành lang vắng
Bảng đen nào cay đắng phủ phấn tang
Bàn ghế xiêu che giấu nỗi hoang tàn?
Dung nhan lớp ngỡ ngàng phai tuổi ngọc

Kim Oanh

Về Thăm Trường Xưa


Trường Nam Tiểu Học Gò Công, nơi tôi từng dạy học 1965- 1966.

Chiều cuối hạ tôi về thăm trường cũ
Của một thời tuổi nhỏ học nơi đây
Sáu mươi năm ôm kỷ niệm thật đầy
Theo vận nước bồng bềnh trôi muôn ngã

Đâu thể nào quên quảng đời êm ả
Mái trường xưa hình ảnh của ngày thơ
Bao năm qua còn đó tuổi dại khờ
Cho mãi đến giờ vẫn hằn nỗi nhớ!

Ngoài kia hoa "Lim" vàng đang rực nở
Theo gió đong đưa ngập cả sân trường
Trước mái hiên còn đọng dáng em thưong
Trang sách cũ ghi vần thơ dệt mộng

Tôi trở lại đây một chiều gió lộng
Như thấy người xưa, ánh mắt thơ ngây
Tóc xỏa vai gầy vạt nắng lung lay
Áo trắng bay bay, lá khua xào xạc

Chiều dần xuống mùi hoa "lim" thơm ngát
Nhớ lúc tan trường anh bước theo em
Đuổi bướm tung tăng nắng đổ bên thềm
Bướm bay mất em rưng rưng nước mắt

Anh đền em hoa bí vàng mới ngắt
Thay con bướm vàng, thương nhớ mênh mang
Nay trường xưa hoa bí vẫn nở vàng
Nhưng thiếu em, anh ngỡ ngàng héo hắt

Cảnh cũ đã hiện ra ngay trước mắt
Còn em đang lưu lạc phương trời nào
Em thiên thần có lạc chốn trăng sao
Nghe vang mãi giọng ngọt ngào em hát

Hoa bí tươi màu, trời xanh bát ngát
Tôi lặng nhìn hoa, thương mối tình đầu
Trường cũ giờ, có phải Hoàng Hạc Lâu?
Con bướm vàng bay mất, tìm đâu thấy?!


Kim Dung

-Hoa Lim*: hoa màu vàng, cánh nhỏ như hoa mai, mọc dọc theo bờ lộ cạnh trường Nam Tiểu Học Gò Công, gọi là "bờ lộ lim", để phân biệt với "bờ lộ dương" cũng ở Gò Công.

-Cảm tác, mượn ý từ bài hát "Màu hoa bí" của Võ Đông Điền và bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu. Kỷ niệm tuổi thơ thật êm đềm mộng đẹp, giờ tìm đâu thấy? Còn chăng là những ngậm ngùi luyến tiếc!


Vác Đời Đi Rong


Vác đời đi dạo đi rong

Nửa vòng phố thị nửa vòng phố quê

Chút sương gió lạc dấu về

Trăm năm đi ở bộn bề trăm năm

 

Áo manh dấu tích chốn nằm

Lời ru ngào ngọt nghe thầm thì đau

Đường xưa vàng ngập lá sầu

Thời gian chân bước bạc màu trần ai

 

Nhớ về đâu ngậm ngùi hoài

Lời xưa lạnh mấy dặm dài tháng năm

Bao dâu bể bấy thăng trầm

Bài thơ thừa chữ dư vần thiết tha

 

Đêm tàn trăng lặn lời ca

Chén trao chén gửi rượu hoa nghiêng lòng

Cuộc đời vẫn đẹp vẫn trong

Nhớ mùa sương cũ chập chùng cung đi

 

Nắng vàng để cạn dòng suy

Vần thơ nốt nhạc bộn bề Thu Đông

Một mai thân thế bụi hồng

Chẳng nhòa nhạt bóng Hương nồng lối xưa.


4 tháng 5/2021

Hoa Văn


Câu Chuyện Xóm Cầu Lầu (Tập truyện Truyền Kỳ Trên Quê Nam ) - Tác Giả Hồ Trường An


Tác Giả: Hồ Trường An

Thứ Năm, 6 tháng 5, 2021

Thơ Tranh: Ngày Nghỉ Đầu Xuân

 

Thơ: Thanh Hòa
Thơ Tranh: Kim Oanh

Có Lẽ


Gặp lại em rồi tôi không thể làm ngơ
Nên mới lặng im để mà im lặng
Nhớ câu ca dao ngày xưa người hát tặng
Đưa tay hái một lá ngò…

Có lẽ chiều nay tôi mới biết
Em còn hương phấn đẹp trên môi
Còn xanh mắt biếc đêm hò hẹn
Còn bắt người đi tiếc nửa đời

Có lẽ vườn tôi chưa nở kịp
Màu hoa tím tợ áo em khoe
Cái duyên con gái em còn giữ
Là để riêng ai một chốn về

Tôi như con nước xuôi dòng cũ
Lòng cứ mênh mông những bến bờ
Đâu biết ngày đêm mà đứng đợi
Sông dài ai bắt nhớ trăng thơ

Và em có lẽ là cơn gió
Đâu dể ngừng đưa hoa lá tôi
Có lẽ vô tình em biết được
Sông dài tôi nặng bóng trăng soi..

Lâm Hảo Khôi



Hạ 75

Loanh quanh nhặt cánh phượng rơi
Ép vào cuối vở thay lời con tim
Trưa hè ngỡ nắng ngủ im
Tiếng ve réo gọi môi tìm môi trao
Phượng Hồng rực sắc trên cao
Mùa hè năm ấy xa nhau trọn đời

Kim Phượng


Tình Đầu Là Tình Nhớ


Tình áo trắng tóc dài bay lộng gió
Để con tim lưu luyến ngỏ lời thương
Buổi tan trường hò hẹn bước chung đường
Mối tình đầu thường là tình áo trắng

Đi bên nhau thẹn thùng tim loạn lắm
Tay trao thơ, ánh mắt đã ngấm ngầm
Nhớ người ta định nói lại cười thôi
Khe khẽ dỗi ...người gì ... mà hay hỏi

Dòng thời gian trôi nhanh giờ tiếc nuối
Có bao người đạt được mối tình đầu
Áo nhạt màu nhưng tình khó nào phai
Hoàng hôn xuống, bước lên ngôi tình nhớ

Trúc Lan KTP

Nghịch Lý

Nhiều lần soi bóng xuống dòng sông,
Tôi vẫn phân vân tự hỏi lòng.
Có phải cuộc đời là ảo ảnh,
Và rằng cõi thế chỉ hư không?
Niềm vui, hạnh phúc dần tan biến,
Nỗi khổ, sầu thương mãi chất chồng.
Nhưng dẫu ngậm ngùi, hoen mắt lệ,
Mà yêu cuộc sống lại vô cùng!


Sông Thu
 

Thứ Tư, 5 tháng 5, 2021

Tống Biệt Hành - Thơ: Vi Khuê - Nhạc: Trần Đại Bản


Thơ: Vi Khuê 
Nhạc: Trần Đại Bản
Tiếng Hát: Duyên Quỳnh


Thành Phố Gió

 

 Hôm nay trời nổi gió,
Thời tiết thật bất ngờ,
Cành cây nghiêng lá đổ,
Đường dốc kia bụi mờ.

Nghe gió về rên xiết,
Quần quật trên mái nhà,
Một mình em bước chậm,
Không ai đưa em về.
 
Gío tung làn tóc rối,
Mây bơ vơ trên đầu,
Tóc và mây hai lối,
Nhưng cùng buồn như nhau.

Gió bay khăn áo mỏng,
Em làm dáng cho đời,
Em xa xôi hình bóng,
Trong ký ức anh rồi

Mặc cho thành phố gió,
Điên đảo một góc trời,
Bước em liêu xiêu đổ,
Cuốn em đi, gió ơi!

Buồn em thành phố gió,
Lồng lộng thổi trăm bề,
Anh có là lối cũ
Để em được trở về.

Ngày mai trời thôi gió,
Thành phố lại bình thường,
Nhưng tình em mảnh vỡ,
Vẫn còn đây vết thương.


Nguyễn Thị Thanh Dương.
( July- 2009) 

Nhặt Lá Thời Gian - Hoài Thu Xa

 

(Mùa Thu Bright - Kim Oanh)

Bài Xướng:

Nhặt Lá Thời Gian

Lá mùa xào xạc ngỡ ai qua
Chờ đợi bao thu mộng ước già
Tình yêu nụ trẻ đâm chồi biếc
Thu lại trở về người vẫn xa

Thời gian nhặt lá đếm ngày mau

Chầm chậm thu đi sắc đổi màu
Tình yêu ngày cũ không nhàu úa
Lá vẫn xạc xào dạ tất đau

Kim Oanh
***
Bài Họa:

Hoài Thu Xa

Nhìn cây thay lá mấy mùa qua
Rưng rức nhớ ai bên cội già
Lạc mất tình nhau từ dạo ấy
Thu đi thu đến ... hoài thu xa!

Xin thời gian chớ vội qua mau

Đừng nhuộm lá duyên phai nhạt màu
Chớ rót mưa thu nhoà mắt ngọc
Mơ xa mộng vỡ .... trái tim đau!!!

Yên Dạ Thảo
***

Lá Thời Gian

Thời gian dù có lướt trôi qua
Ta vẫn như Thu ...sẽ chẳng già
Để đợi để chờ người trở lại
Dù cho Thu biếc có đi xa...

Mặc lá thời gian cứ lướt mau
Làm cho Thu úa có phai màu
Tình ta vẫn vẹn như ngày trước
Lá rụng chắc làm xoá nỗi đau


Song Quang
***
Tình Bay Xa

Đã mấy mùa thu lặng lẽ qua
Chiều ra đứng ngóng cạnh mai già
Nhạn trời lẻ bạn kêu tha thiết
Người ở phương nào có xót xa?

Vườn cũ từng đêm gió thổi mau
Mới hay đông đến lá phai màu
Trúc khua đầu ngõ ngờ chân bước
Tưởng bóng anh về dạ thấm đau!


Kim Dung
(29/4/21)

Níu Sợi Tơ Trời


Tôi vẫn thường nghĩ :"Đi vào cõi thơ là bước vào cõi vô tận. Thơ vốn sẵn trong thiên nhiên, hàm chứa nhiều tính chất trong trời đất, ngôn ngữ của thơ đôi khi ẩn trong văn, nhạc và hội họa nhờ sự rung cảm con tim trước ngoại cảnh và tâm cảnh bật thành thơ. Hồn thơ tựa làn khói, mùi hương; mà hương thì vô ảnh người đời chỉ cảm nhận chứ nào thấy được hình tướng, nhưng ngay cả lúc hữu hình hồn thơ hóa thể thành sợi khói, vầng mây chúng ta đều nhìn thấy nhưng nào ai nắm bắt được ? Thơ bắt nguồn từ cảm xúc của tâm hồn nơi ẩn chúa những khối tình thiêng liêng sâu kín. Làm thơ là đi giữa cõi mộng và thực để đời trổ nhánh đâm hoa, và đưa thực vào mộng cho hồn vơi đi những nỗi đau trần thế.".

Ở Paris tôi có cái may mắn là được hân hạnh được sinh hoạt chung trong lãnh vực Văn Hóa với một số văn nghệ sĩ, tác giả nổi tiếng, trong đó có những vị là Tu sĩ của một số Tôn giáo.
Trên bước đường hành đạo, có những Tu sĩ đã theo trọn con đường Tu Đạo đến cuối đời, nhưng cũng có những Tu sĩ bỏ dở đường tu lúc còn trẻ. Dù cho đi trọn đường tu hay xuất tu thì tâm hồn họ vẫn trong sáng, vẫn giữ đạo và giữ được phẩm chất nhân cách nên luôn được những người đồng đạo, đồng hương qúy trọng.

Tôi biết Linh mục Guise Đinh Đồng Thượng Sách trên 30 năm, ông là cha xứ quản hạt giáo phận Cergy mà tôi là một cư dân và cũng là một tín đồ. Ở đây tôi muốn nói đến nhà thơ Cung Chi, chất nghệ sĩ trong con người linh mục hơn là nói đến cuộc đời một linh mục, hay nói đến một tiến sĩ ngành Viễn Đông Học. Cuộc đời tu sĩ Đinh Đồng Thượng Sách là con đường dài đầy gian nan và nhiều thử thách mà ngay từ hồi còn nhỏ tu sĩ đã chọn để dâng hiến tâm hồn và thể xác hướng về Thiên Chúa để Theo Bước Chân Người là đi và sống theo Lời Chúa.

"Ta là Đường là sự Thật và là Sự Sống"
(Gio.14 ;6).
"Ta là Lời của Cha Ta, ai nghe Ta sẽ sống đời đời. Kẻ ấy không bị phán xét, vượt qua sự chết để vào Thiên Quốc vĩnh hằng".
(Gio.5 ;24).

Từ chư Thánh của Cựu Ước và Tân Ước, đến nhân chứng các ơn gọi linh mục và tu sĩ,. Tiếng xin vâng của Mẹ Maria là tất cả một tâm tình hun đúc nhờ lời các tiên tri trong Cựu Ước và xuất phát thành một cuộc đời đồng công cứu chuộc của Mẹ Maria chúng ta.
Đạo và Đời là hai con đường khác nhau, ở cõi phàm Thơ vẫn là Đạo (Văn Dĩ Tải Đạo) nên thi nhân đã được ơn Trời ban cho một đặc ân đó là nguồn cảm hứng dào dạt để dệt lên những vần thơ tuyệt tác tặng đời, nhà thơ Cung Chi là một trong số thi nhân đó tay lần tràng hạt tay phóng bút làm thơ. Theo nhà thơ Thanh Hương (GS Trần Văn Cảnh) đã viết về ý nghĩa Bút hiệu Cung Chi:

"Bao gồm một ý nghĩa tôn giáo lấy từ sách Luận Ngữ: "Vi chánh dĩ đức thí như Bắc-Thần cư kỳ sở, nhi chúng tinh củng chi". Làm việc liêm chánh, đức độ, ví như sao Bắc thần đứng một chỗ, các vì sao khác đều quy chầu. Người liêm chính và đức độ nhất không ai bằng Đức Mẹ. Trong kinh cầu Đức Bà có câu: "Đức Bà như sao mai sáng vậy". Cung Chi, lấy từ chữ "củng chi", bỏ dấu hỏi đi cho dễ đọc, hàm ý một sự cung kính và yêu mến Mẹ Maria. Đó là tâm nguyện và đường hướng thánh đức của Cha Đinh Đồng Thượng Sách. Ký bút hiệu Cung Chi, có lẽ cha Đinh Đồng Thượng Sách muốn gói ghém một tâm tình cung kính và yêu mến Giáo Hội Việt Nam. Và vì vốn sẵn một tâm tình yêu mến và cung kính mẹ Maria, cha đã muốn."

Thuở mà Hội Thơ Ba Lê Thi Xã còn đông đủ, quy tụ nhiều trí thức văn nghệ sĩ nổi tiếng Paris, thường có những cuộc họp thơ giới thiệu những bài thơ mới sáng tác để phân tích và phê bình những cái hay cái đẹp của một bài thơ nên sinh hoạt hội luận Thơ rất sôi nổi. Nhà thơ Cung Chi cũng đến tham dự do lời mời của người hội trưởng là cố Nữ sĩ Minh Châu GS Thái Hạc Oanh. Ngày đó cố Thi sĩ Phương Du BS Nguyễn Bá Hậu làm phó hội trưởng và tôi làm tổng thư ký. Nhà thơ Cung Chi rất khiêm tốn, ông không hề đem thơ mình đọc trước những văn nhân thi sĩ khác, mà chỉ im lặng cảm nhận những nét tinh hoa của thơ người nên được tất cả mọi người qúy mến.

Có lẽ tôi là một trong số người bạn thơ may mắn được thi sĩ Cung Chi trao gởi những bài thơ. Vào nhiều dịp lễ hội lớn ở Giáo Xứ Việt Nam Paris tôi được ban tổ chức mục vụ mời đọc thơ, nhưng tôi không đọc thơ mình mà xin diễn ngâm những bài thơ Tâm linh của Cung Chi hợp với không khí trang nghiêm của giáo đường.

Vài Nét Về Tiểu Sư:


Nhà thơ Cung Chi tên thật là Đinh Đồng Thượng Sách, ông sinh ngày 15 tháng 8 năm 1939 tại Tử Nê, Bắc Ninh, thủa nhỏ được học chữ nho với ông bác họ.
1950 vào tiểu chủng viện Antôn Ninh Đạo Ngạn, Bắc Ninh. học xong trung học phổ thông ở Hà Nội.
1954 Vào Nam.
1958 Đậu tú tài, ghi tên học Đại Học Văn Khoa Sài Gòn.
1959 lên học Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt.
1960 trở về tiếp tục học Đại Học Văn Khoa.
1963 Tốt nghiệp cử nhân giáo khoa Việt Hán Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, sau đó đi dạy học ở trường Nguyễn Trãi. Hằng năm ông được mời chấm thi và chủ khảo một trung tâm Tú Tài. Lần chót chấm thi tú tài là năm 1965. Cũng trong năm 1965 ông đã trình tiểu luận cao học văn chương Trung Hoa ở Đại Học Văn Kkoa Sài Gòn về đề tài:"Tính Chất Trữ Tình Trong Văn Chương Tào Thực", mà chủ khảo là giáo sư Nghiêm Toản. Đây là tiểu luận cao học văn chương Trung Hoa đầu tiên ở Đại Học Văn Khoa Sài Gòn». Khi vừa trình tiểu luận cao học xong thì Giáo sư Nghiêm Toản hỏi có muốn làm giảng viên dậy đại học không để ông giới thiệu. Nhưng ông đã cám ơn giáo sư và thưa rằng muốn tiếp tục đi tu.
1966 Sang Pháp (Tập Viện Dòng Thánh Thể, Mayenne).
1968-1969: Đại Học Louvain (Bỉ)
1969-1972: Học viện Công Giáo Paris (cử nhân thần học)
Đêm Noël 24.12.1972, được thụ phong linh mục tại nhà thờ Dòng Thánh Thể, Paris Champs Elysées, quận 8.
1986 Tiến sĩ (Paris 7), chuyên ngành Viễn Đông Học

Con Người và Tác Phẩm:

Nhà thơ Cung Chi sáng tác rất khỏe có hơn 1000 bài thơ đủ loại: Đạo,Tâm Linh, Trào Phúng(Ngứa Mồm, Nụ Cười Lịch Sử,), Tự Trào (Quét Đỡ, Thơm Thay), Cảnh (Sa Mạc, Những bài thơ về Đền Đài, Cung Điện, Di Tích Lịch Sử Paris ), Xướng Họa, Tình Người, Tình Quê(Những Người Con Yêu, Ru Con)…qua nhiều bút hiệu: Cung Chi, Lương Nhi Tử, Chổi Cùn Giáo Xứ.

Những tác phẩm:

- Thương Ngàn Thương (bộ 3 tập), ‘2012)
- Họ Là Ai (2013) (117 Bài thơ về 117Thánh Tử Đạo VN)
- CD Thương Ngàn Thương(Ca khúc phổ thơ Cung Chi), Thư Viện Giáo Xứ Paris, 2014

- Tuyển tập thơ Cung Chi (2015) Lê Đình Thông
- Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II (2016) (cuộc đời bằng thơ về Đức JP II)
- Tuyển tập thơ Cung Chi (2017) (Thư Viện mừng 70 Năm GXVN/ Paris.)
Sắp in:
- Tuyển tập thơ Cung Chi 45 năm LM)
- Thương Ngàn Thương tập IV

Trước khi bước vào vườn thơ Cung Chi xin trích một đoạn bài giới thiệu mang tựa:Gởi Chút Này Làm Tin của nhà thơ, nhà nghiên cứu tôn giáo Lê Đình Bảng trong thi tập Thương Ngàn Thương của Cung Chi:
"Với số lượng khổng lồ, dày đặc hàng ngàn bài thơ dài, ngắn, Mới, Cũ, Cổ Điển, Hiện Đại với nội dung phức hợp, mênh mông bát ngát không cho phép tôi quy nạp, thâu tóm để võ đoán, chủ quan, một chiều. Nhưng thật lòng tôi yêu những bài thơ ngăn ngắn nhẹ nhàng mà sâu lắng được viết theo thể loại Ngũ Ngôn hoặc Lục Bát của Cung Chi….".

Bài giới thiệu thật là hay, lời văn nhẹ nhàng trầm bổng như một bài thơ. Bài nghiên cứu sâu rộng tác giả không những đã làm nổi bật giá trị của thơ Cung Chi, mà còn làm tăng ý nghĩa về Thi Ca.

Trong tác phẩm Tuyển tập Thơ Cung Chi (2017) (Thư Viện mừng 70 Năm GXVN/ Paris.), mở đầu là bài giới thiệu của Đức Ông Giuse Mai Đức Vinh: "Hành Trang Mục Vụ". Thi tập gồm nhiều bài thơ diễn tả về những sinh hoạt giáo xứ VN Paris. Nhà thơ đã mượn những vần thơ như lời tâm sự để tạ ơn Trời, cảm ơn Người, những người bạn đồng tu, những tín hữu đã cùng với linh mục gắn bó nhiều năm phục vụ trong cộng đoàn giáo xứ Paris mà nay có người còn kẻ mất. Qua tập thơ này cho thấy linh mục Đinh Đồng Thượng Sách thương yêu giáo xứ VN Paris vô cùng vì nó đã chất chứa bao kỷ niệm buồn vui trải dài nhiều năm tháng. Cách nay vài năm, nhà thơ Cung Chi có nhã ý muốn tôi ghi đôi dòng cảm nhận như lưu chút tình thơ văn nghệ giữa tôi và ông, nhưng tôi không dám nhận lời vì không am tường nhiều về thơ Tâm Linh, nhất là thơ nặng về thần học! Mới đây gặp thi sĩ Cung Chi, nhà thơ vẫn còn giữ ý định cũ, và còn bảo rằng tôi muốn ghi gì thì ghi. Tôi đã bỏ thời giờ đọc thơ Cung Chi và hỏi thêm tác giả. Trước cả ngàn bài thơ bao gồm nhiều lãnh vực nếu có viết cả cuốn sách cũng chưa đủ, do đó tôi xin gởi chút Lời cảm như một khúc dạo đầu cho một bản Trường Ca, và cùng vần thơ của thi sĩ làm một khúc phiêu du:

"Con vui mừng dâng mẹ
Đôi vần thơ nhỏ bé
Như búp nụ tầm Xuân
Trong rừng thơ nhân thế"
(DângMẹ, trang 144)

Tâm hồn của Linh mục Đinh Đồng Thượng Sách luôn hướng về Chúa, ngài chọn con đường mục vụ là được vác Thánh Gía theo Chúa nên đã quên mình để phục vụ người khác làm vinh danh Chúa, cho dù gian nan, khó khăn nguyện đi đến hơi thở cuối cùng. Phải có ý chí và đức tin vững mạnh mới vượt qua những thử thách, những cám dỗ mà nhiều người đồng tu đã bỏ cuộc!
Như đã trình bày ở trên trong con người linh mục có chất thơ, khi nguồn thi hứng trỗi dậy thì chẳng có nhà thơ nào không phóng bút ghi lại những rung cảm bất chợt mà chỉ có thi sĩ mới cảm nhận được. Cung Chi mang tâm hồn thi nhân nên nặng nợ với tình thơ như kiếp tằm nhả tơ, thi sĩ đã hóa thân vào cuộc sống tha nhân, hòa với nhịp thở của nhân gian nên cảm thông được nỗi buồn của nhân thế mà viết lên vần thơ. 
Bài thơ: Ngâm Thơ Ngày Tết, nhà thơ mượn những vị cay đắng, ngọt bùi của tình đời làm chất men, là nguồn cảm hứng sáng tác để thi sĩ dệt thành thơ. Khi say đắm thơ nghiã là tâm hồn thi nhân đã bước vào cõi mộng, vào thế giới mơ hồ đầy ảo tưởng thì làm sao không khỏi xao xuyến những nỗi buồn vui của nhân thế? Trong con người của nhà thơ Cung Chi còn có một linh mục Đinh Đồng Thượng Sách với trái tim mãnh liệt đã luôn hiện hữu Lời Chúa trong tâm hồn. Cung Chi thi nhân đã thương cảm cho những tâm hồn tha nhân yếu đuối bị sa ngã trước thói đời! Làm sao trong tâm thức của một vị linh mục không xót xa khi nhìn thấy những cuộc tình của tín hữu tan vỡ chia ly, mà ngày trước chính mình với bổn phận linh mục là người làm chủ lễ cho cuộc hôn phối của hai tâm hồn trẻ yêu nhau đã kết hợp thành một trước mặt Thiên Chúa, nay họ lại chia tay! Linh mục buồn cho tín hữu không giữ được lời hứa trước Chúa, và Nhà thơ đã buồn cho cái buồn của tha nhân:

"Ta ngâm lên những lúc hồn bay bổng
Lúc vui buồn, lúc sướng khổ, lúc cô đơn.
Lúc đắng cay cũng như lúc tủi hờn,
Khi yêu đương khi mộng mơ nung nhớ
Ta ngâm thơ nhẹ nhàng như hơi thở,
Như tiếng ca, như chim hót ngọt ngào.
Như giọng hò, như tiếng sáo thanh tao
Như hoa bướm trao tình ngày nắng đẹp.
Ta ngâm lên những lời thơ tha thiết,
Bao mối tình dang dở đến ngẩn ngơ,
Ta giật mình và bỡ ngỡ chẳng ngờ
Cứng cỏi lắm như ta mà say đắm !..
. Ta muốn ngâm trong gío vờn xuân thắm
Giữa lời kinh pháo nổ đón giao thừa
Như trầm bay khói cuốn thoảng đương đưa
Vào không gian ướp sương trời mờ sáng.
Cả lòng ta là thửa vườn lênh láng
Nhạc và thơ như Thánh vịnh chân thành
Mỗi lời ngâm giọt nước mắt long lanh
Của buồn vui pha lẫn cùng sướng khổ
Ta cứ ngâm bao lâu còn hơi thở
Giữa giòng đời trôi chảy chở ta đi
Lên Thiên đàng chốn ấy rất từ bi
Bao thơ ý dương gian thành bất tử."
(Ngâm Thơ Ngày Tết).

Bài Tơ Trời, nhà thơ không dùng ngôn ngữ thần học nhưng ý thơ là lẽ đạo, nngôn ngữ trong thơ đượm tư tưởng Phật giáo (bến mê) có từ thuở còn trẻ học ban Việt-Hán ở đại học Văn Khoa Sài Gòn. Nhiều từ ngữ Hán Việt có ẩn chứa những tư tưởng Phật giáo, rất gần gũi với thi ca Việt Nam.

"Khởi giác cho con đường sinh lộ
Dắt dìu con ra khỏi bến mê
Cho máu trong tim luôn tươi đỏ
Mở cõi lòng xanh chớ chấp nê.
Lòng con rung chuyển như tơ trời
Trong trắng vừa đủ mong manh thôi
Biết giữ làm sao cho khỏi gió
Lúc nào còn chăng lúc rã rời?
Tơ trời biết bám vào đâu nhỉ
Đành xin suốt đời vẫn cứ bay!
Đến khi trong Chúa nằm an nghỉ
Đẹp như tuyết trắng nhẹ như mây"
(Thương Ngàn Thương tập2, trang 192)

Tơ trời ở đây là Ánh Sáng Nhiệm Màu, là Đức Tin, ta không thể thấy bằng mắt trần, kiểm chứng bằng khoa học mà chỉ cảm nhận bằng tâm hồn nên tin tưởng. Hình ảnh ngôn ngữ trong thơ là những mảng màu: cõi lòng xanh, máu đỏ tươi, trong trắng, tuyết mây gợi hình có lúc hiện thực có lúc trừu tượng. Bài thơ có sắc thái riêng thuộc tâm linh.
Thường người ta phân biệt hai loại Thơ: Thơ Ðời (Poème de l’Existence) và Thơ Ðạo (poème de l’Être). Thơ Ðời, ai cũng biết là Thơ phản ảnh hiện thực đời sống thế gian; Thơ Ðạo là Thơ đề cập đến vấn đề Tâm Linh. Nhưng Ðạo là gì, Tâm Linh là gì ? Hầu như chưa thể định nghĩa, giải thích tường minh. Ta thường nghĩ rằng Thơ Ðạo đề cập đến những vấn đề siêu hình, vượt khỏi phạm trù hiện tượng, hướng đến việc tìm hiểu chính tự thân sự vật, chính bản thể của sự vật mà những biểu hiện của chúng nơi thực tại vật lý chỉ là hư diện (apparence). Với nhà nghệ sĩ, nhất lại là tín đồ tôn giáo, những vấn đề siêu hình đó phát xuất từ Ðức Tin chứ không từ cái Lý trí luận lý (raison raisonnante) như nơi các Khoa học thực nghiệm. 

Ðức Tin là sự gắn bó vào một chân lý nền tảng cao xa nào đó được xem là đã tạo dựng, điều hướng diễn tiến mọi sự vụ thế gian để viên dung bản chất, bản thể mình và khi tất cả cùng quy về với bản thể nơi mình thì sự sống thoát được mọi hư phù, giả hoặc và tất cả đều được sống trong cảnh giới thực hữu, tự tại, bằng an, không còn thị phi, tranh chấp, không còn gây tội, tạo khổ cho mình và cho nhau. Do đó, Thơ Ðạo luôn trong cái khuynh hướng đem Ðức Tin của mình soi rọi vào thực tại đời sống, đưa Ðạo vào Ðời. Nhưng còn trong vòng hiện tượng, do tương tác thường trực giữa mọi thứ ‘hữu’ (vạn pháp, nói theo từ nhà Phật), trong hai môi trường thiên nhiên và đồng loại (môi trường xã hội) , do sự ‘phân ly chủ-khách’ (scission sujet-objet), con người luôn thấy mình yếu đuối, tuy luôn hướng về một ơn thiên triệu, một ơn cứu rỗi nhưng nhiều khi cũng cảm thấy Ðức Tin nơi mình chưa thực sự vững vàng nên phải luôn luôn cầu nguyện. Bài Thơ ‘Tơ Trời’ có thể xem là lời cầu nguyện, vừa nói lên cái yếu đuối của thân phận con người như sợi tơ trời mỏng manh:

"Biết giữ làm sao cho khỏi gió
Lúc nào còn chăng lúc rã rời?"

Không biết bám vào đâu nên ‘đành vẫn cứ bay’ trong cõi đời vô thường nầy. Bài ‘Tơ Trời’ với hai hình ảnh ‘tơ’ và ‘mây’ nói lên ý đó. Như ta biết Tơ, là thứ mỏng manh dễ đứt nhưng đây là ‘tơ trời’ có nghĩa Tơ trời ở đây là ánh sáng Nhiệm Màu. ‘Tơ Trời’ trong bài thơ nầy là hình ảnh phần sống Tâm linh, hình ảnh Ðức Tin nơi nhà thơ, một tín đồ Thiên Chúa giáo. Sợi ‘tơ trời’ đẹp đẽ đó bị quăng ném vào đời, vào cõi hiện tượng trở nên‘ mong manh’ nổi chìm, ‘đành xin suốt đời mãi cứ bay’. Bài thơ, theo tôi, vừa là ‘lời xưng tội’ với Trời, với Thượng Ðế về Ðức Tin nơi tác giả có những khoảnh khắc bị giao động, vừa là lời cầu nguyện, ước mong được được trở về với nước Trời, được an nghỉ trong Chúa, sợi Tơ Trời sẽ luôn trắng trong, ‘đẹp như tuyết trắng, nhẹ như mây’, có nghĩa được luôn bình an, được trở về với bản thể tinh anh, thuần khiết, thanh thoát, nhẹ nhàng như mây trắng không còn đọng lại chút nào sắc màu tục lụy. Con đường trở về dược bình an trong Chúa, theo tác giả bài thơ, chính là ‘sinh lộ’ của con người do từ Ðức Tin nhưng Ðức Tin luôn bị cõi đời vùi dập nên nhiều lúc trở nên mỏng manh, dễ vơi, dễ cạn, do đó phải luôn cầu nguyện ơn Cứu Rỗi ‘khởi giác’ cho mình.

Ở nhà thờ Cergy thỉnh thoảng linh mục Đinh Đồng Thượng Sách đã đem thơ của những nhà thơ công giáo tiền bối ở những thế kỷ trước vào bài giảng. Điều đó làm tươi mát bầu không khí trang nghiêm. Chất thơ Đạo tỏa hương nhẹ nhàng làm lòng người thêm thân thiện mến nhau. Vào ngày Tết nhà thờ đã tổ chức văn nghệ cho giáo dân và những người đồng hương trong vùng đến xem, lớp thiếu nhi đã diễn kịch thơ, và lên đọc những bài thơ Đạo làm không khí ấm áp chan chứa tình quê hương.
Linh mục Đinh Đồng Thượng Sách dáng người nhỏ bé, giọng Bắc, Hà Nội cũ nên rất truyền cảm, ấm áp. Ông là người thành lập cộng đoàn Công giáo Cergy. 

Vào những năm đầu sau biến cố 1975 những người Việt quốc tịch Pháp và người tị nạn ồ ạt đến Pháp. Cha Sách là một trong những vị linh mục tiên phong rất nhiệt tâm đến giúp đỡ người đồng hương. Những người cư ngụ lâu ở Cergy hiện còn sống cho biết cha từ Paris ra ngoại ô vùng Cergy rất vất vả, thuở ấy phương tiện di chuyển đi lại còn khó khăn, hàng giờ mới có chuyến xe lửa, sau đó còn phải đi bộ nhiều cây số mới đến địa điểm chung tâm đón tiếp người tị nạn, chứ không như bây giờ xe điện cao tốc 15 phút là có. Thời gian đầu cha Sách đến Cergy vào chung cư tị nạn mượn một phòng nhỏ để hành lễ dù chỉ vài tín hữu. Hàng tuần cha vẫn kiên trì bỏ nhiều thời gian đi vào Cergy hành lễ. Cergy hôm nay phồn thịnh, lộng lẫy, là thành phố đông dân cư của Paris, một thành phố có nhiều di tích cổ, Cergy- Pontoise có hai ngôi giáo đường cổ của thế kỷ 12 và 14, ở đó cũng có nhiều trường đại học danh tiếng của Pháp. 
Nói đến Cergy là người ta bảo thành phố đại học. Cộng đồng công giáo ở Cergy lên đến hàng ngàn, và cha Sách đã quản trị địa hạt đó mỗi tháng hành lễ hai lần, ở những buổi lễ trọng đầy người dự lễ. Linh mục Đinh Đồng Thượng Sách rất tận tụy với đời sống mục vụ, nhiệt tâm với mọi người giáo dân. Không phân biệt tôn giáo, ông thường lưu tới thăm hỏi người già đơn chiếc, người bệnh nan y, người nghèo khó bằng tình thương anh em đồng hương. Sự hiện diện của cha Sách đối với cộng đồng người Việt ở Cergy là một biểu trưng về tinh thần. 

Ngày đó tôi sáng lập ra Hội Văn Hóa Cergy và thành lập thu viện Cergy sau này đã trở thành thư viện quốc gia của thành phố do chính quyền địa phương quản trị. Một thời gian sau ở Paris giáo sư Bạch Thái Hà thành lập ra thư viện Diên Hồng và cha Đinh Đồng Thượng Sách thành lập ra thư viện Giáo Xứ VN Paris. Những thư viện đó còn tồn tại đến hôm nay. Viết bài này tôi rất thận trọng nên đã đi nhiều nơi hỏi nhiều người sinh sống ở Pháp về Cha Đinh Đồng Thượng Sách, và để kiểm chứng lại suy nghĩ, nhận xét của mình trước khi viết: Linh mục Đinh Đồng Thượng Sách một con người chân phương, rất trong sáng, là một vị chân tu. Cha rất nghèo, đời sống giản dị để có chút tiền gởi về Việt Nam xây nhà thờ hoặc giúp đỡ người khốn khó. Ở những dịp tết hàng năm tôi thấy một số người biếu cha một ít hộp bánh, cha mở ra và phân phát ngay cho những gười khác. Ở Paris tôi có quen biết và thân với vài người ngày trước có thời làm tu sĩ, linh mục, nhưng sau xin xuất để lập gia đình. Họ là giáo sư, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ…bản thân rất tốt, tử tế với mọi người, vẫn ngoan đạo nhưng bỏ tu vì con đường tu rất gian nan, họ chỉ đi được một đoạn đành bỏ cuộc cuốn theo lốc đời giữa Paris đầy quyến rũ!
Vị tu sĩ trẻ Đinh Đồng Thượng Sách năm xưa đã thành linh mục từ lâu, và đã đi suốt con đường dài tu hành, vượt qua bao khó khăn cho đến lúc tóc bạc phơ vào nhà hưu trí, tâm hồn luôn trong sáng.

Paris 10.08.2017
Đỗ Bình

  

Cảm Nguyệt Thi 感月詩 - Lê Thánh Tông

    

感月詩                     Cảm Nguyệt Thi

澄澄碧漢彩雲收, Trừng trừng bích hán thái vân thu,
天際無瑕月色浮。 Thiên tế vô hà nguyệt sắc phù,
百念功人肝肺熱, Bách niệm công nhân can phế nhiệt,
不能清夢到神州。 Bất năng thanh mộng đáo thần châu.

* Chú thích:
- Cảm Nguyệt Thi 感月詩 : Bài thơ ghi lại "Cảm xúc đêm trăng".
- Trừng Trừng 澄澄 : là Trong vắt, trong veo.
- Hà 瑕 : là Tì vết trên ngọc. Thiên Tế Vô Hà 天際無瑕 là "Cả bầu trời đến cuối chân trời không một vết mây".
- Bách Niệm 百念 : là Trăm mối suy tư, nhớ đến việc gì đó...
- Công Nhân 功人 : là Người có công; đối với vua là CÔNG THẦN 功臣 là bề tôi có công với vua.
- Thanh Mộng 清夢 : Thanh thản mà nhập mộng, ý chỉ Ngủ một cách thanh thản, ngon giấc.
- Thần Châu 神州 : là nói gọn lại của XÍCH HUYỆN THẦN CHÂU 赤縣神州 : Theo Thượng cổ sử thì Xích Huyện là đất của Viêm Đế cai quản, còn Thần Châu là đất của Huỳnh Đế cai quản. Nói chung "Xích Huyện Thần Châu" là đất nước của vua, là cương thổ của Trung Hoa; nhưng dùng rộng ra chỉ "Cương thổ của một đất nước"; gọi tắt là THẦN CHÂU hay XÍCH HUYỆN gì cũng thế. Trong bài thơ dùng để chỉ "cương thổ của nhà Lê" mà vua Lê Thánh Tông đang cai quản.

* Nghĩa bài thơ:
Cảm Xúc Đêm Trăng
Bầu trời xanh biếc trong veo, các đám mây màu đều tan biến. Ở mãi tận chân trời cũng không một tì vết nào, chỉ thấy ánh trăng trong như trôi nổi trên khoảng không. Trong lòng ngổn ngang trăm mối nghĩ đến các công thần (không biết phải ban thưởng ra sao!) mà cảm thấy nóng lòng nóng ruột, nên không thể nào thanh thản mà ngủ cho ngon trên đất nước của riêng mình.

* Diễn Nôm:
Cảm Nguyệt Thi

Trong vắt bầu trời chẳng gợn mây,
Chân trời xanh thẳm ánh trăng đầy.
Công thần trăm mối suy tư mãi,
Thanh thản khó lòng nhập mộng đây.

Lục bát:

Từng không chẳng gợn chút mây,
Chân trời xanh thẳm ngập đầy ánh trăng.
Công thần trăm mối băn khoăn,
Khó bề dỗ giấc trong lòng Thần châu!

Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm
***
Đêm Trăng Cảm 

Đám mây tan bầu trời trong vắt
Giữa không trung trăng mắc đỉnh đồi
Quân,Thần,việc nước đầy vơi
Khiến lòng xao xuyến khó ngơi đêm chầy

Songquang 


Hoa Đào Năm Cũ

(Ảnh: Thịnh Nguyễn)

Cùng các anh chị và các bạn,

Chắc nhiều người còn nhớ, tôi đã đi lạc vào rừng đào trong vườn ngự uyển Hoàng Gia Shinjuku tại Tokyo (2013); Và đã thấy 

Chỉ một cơn gió thoảng
Hàng ngàn cánh hoa bay
Mưa hoa hay mưa bụi
Làm ngây ngất hồn say”.

Hoa anh đào "sakura", khi rơi rụng cũng đẹp như lúc còn trên cây, lãng mạng và mong manh như cuộc đời người võ sĩ Nhật.

Sau khi tôi đăng trong mục “mỗi tuần một ảnh đẹp” của tờ Viet Tribune(San Jose) và chia sẻ với bạn bè tấm hình “Sakura” cùng mấy vầng thơ trên vào tháng 4, 2016, thì lập tức nhận được một cơn bão hồi âm với những vần thơ họa tràn đầy cảm xúc.

Có một anh bạn trẻ sau khi nhận được email trên của tôi, thích quá, và anh đã làm một chuyến du lịch Nhật Bản vào mùa Xuân năm sau (2017).

Anh đã tìm đến đúng cây hoa đào trong tấm hình "Sakura". Dáng cây vẫn đẹp nhưng (hỡi ơi), vì đến trễ một tuần và sau một cơn mưa lớn nên hoa đã rụng hết. Bóng hồng kia cũng chẳng thấy đâu! Tuy không mong tìm thấy được “người xưa”, nhưng anh cũng muốn được ngắm “hoa đào cười trước gió Đông” giống như thi sĩ Thôi Hộ. “Thật chán!”, anh nói.

Thường hoa đào nở vào cuối tháng 3 hay đầu tháng 4 bên Nhật. Tuy nhiên, mỗi tỉnh mỗi khác và có thể thay đổi tùy theo thời tiết.

Phải chăng yếu tố may mắn nhiều khi quan trọng hơn yếu tố kỹ thuật và nghệ thuật trong nhiếp ảnh?

Thân tình.

Thịnh Nguyễn

T.B. Vào những ngàỳ Xuân khi hoa anh đào nở hoặc mùa Thu rực rỡ mầu lá úa, ta có thể bắt gặp đâu đó phụ nữ Nhật hoặc du khách mặc kimino đi chơi hay đứng chụp hình kỷ niệm với bạn. Nếu như may mắn, mình có thể mời người phụ nữ không quen biết ấy làm người mẫu, tạo dáng để làm cho tấm ảnh thêm thi vi. Cái khó là ngôn ngữ bất đồng. Cho nên, trước  khi đi, ta phải “dzợt” body và sign languages😊 😊 😊


Thứ Ba, 4 tháng 5, 2021

Màu Tím Bằng Lăng Tím Ước Mơ


Hoa tím bằng lăng tím ước mơ
Không gian phơi phới điệu mong chờ
Nghe câu hò hẹn chừng vô tận
Lữ khách qua cầu dạ ngẩn ngơ


Gởi sắc tím buồn đi bốn phương
Lung linh hư ảo cõi vô thường
Mong manh giấc ngủ trăng huyền thoại
Như mảnh đời ta tắm gió sương


Ta từ viễn xứ nhuốm thương đau
Trở lại quê xưa luống nghẹn ngào
Để thấy lòng buồn vương khắc khoải
Như màu tím phủ dạ nao nao


Ta ghép vần thơ thế kỷ dài
Mỹ Tho ngày cũ Cali nay
Cách nhau màu tím khung trời tím
Mà thấy lòng nhung nhớ tháng ngày.

Nguyên Trần 
Toronto