Theo hai phóng viên Stephen Azzi và Norman Hillmer trong khoảng Tháng 8 tới Tháng 9.2016 tạp chí MacLean đã gửi thư tới 187 các nhân sĩ bao gồm các học giả về kinh tế, chính trị, lịch sử, ngọai giao và truyền thông một bản kiểm tra về các thủ tướng Canada với chức vụ từ bốn năm trở lên trong đó mỗi đề mục được đánh giá từ 1 tới 5 điểm.
Các đề mục bao gồm nhiều địa hạt như: sự hoạt động hữu hiệu của chính phủ, sự ủng hộ của đảng, của dân chúng, cuả quốc hội, thực thi những lời hứa hẹn khi tranh cử, để lại một di sản quan trọng, tiếp xúc một cách hiệu qủa với quần chúng, đề xuất và khai triển các quyền lợi của quốc gia tại hải ngoại, khơi dậy tinh thần đoàn kết, phản ứng trong các trường hợp khủng hoảng vv...
Toà báo đã nhận được sự đáp ứng của 123 người và kết qủa như dưới đây:
Ba thủ tướng Lester Pearson, Pierre Trudeau và John Macdonald đã được đề cập tới trong Chương “10 Vĩ nhân Canada” nên khỏi bàn lại tại đây.
NHẬN XÉT TỔNG QUÁT VỀ BẢN DANH SÁCH
Hector Mackenzie một chuyên gia về Thủ tướng King, người được xếp đầu bảng, cho rằng các thành tích của King vượt lên hơn hẳn các chính trị gia và chính phủ Canada khác. Kinh đã giành lại nền độc lập từ đế quốc Anh, đã thành lập chế độ an sinh xã hội, đã lãnh đạo Canada qua Thế chiến II và Thời kỳ Chiến tranh Lạnh, lãnh đạo đảng Tự Do một cách mềm dẻo, thấu hiểu tâm trạng quần chúng và đáp ứng, và nhất là luôn luôn gắn bó với chủ trương một Canada thống nhất theo như nhận xét của Frédéric Bastine, giáo sư tại Dawson College, Montreal.
Tuy vậy, một số các sử gia vẫn nêu ra khuyết điểm của King là óc kỳ thị đối với những di dân Á châu và Do Thái. Stephanie Bangarth, một người hoạt động cho nhân quyền còn chỉ trich việc bắt các người Nhật vào trại tập trung trong Thế chiến II là một vết nhơ trong lịch sử Canada. Tuy nhiên bà cũng nói, “ Tôi vừa tức giận vưà khâm phục Mackenzie King.”
Một nhà phê bình khác, Jonathan Vance tại ĐH Western Ontario lại cho rằng nếu vào thời bây giờ thì Mackenzie King sẽ thất cử bởi vì trong thời gian làm thủ tướng ông không gây được cảm tình với dân chúng mà còn làm cho họ tức giận là đằng khác.
Với Wilfrid Laurier, người đứng thứ hai danh sách, theo Patrick Brennan và John English thì “ Ai mà không kính phục một con người kiên trì và lạc quan như thế, một thủ tướng thông minh nhất và lãng mạn nhất?”
Réal Bélanger nhấn mạnh vịệc Laurier là thủ tướng nói tiếng Pháp đầu tiên luôn luôn tìm cách thoả hiệp và hoà giải để gìn giữ sự thống nhất Canada, ngoài ra Bélanger cùng với Barry Ferguson thuộc ĐH Manitoba còn cho rằng Laurier có công đem Canada hội nhập với thế giới.
Tượng Sir John A. Macdonald tại Kingston, Ontario, June 21, 2012. (Lars Hagberg/CP)
John A. Macdonald, thủ tướng thứ nhất của Canada, người đã có công lớn sáng lập ra Dominion of Canada lại chỉ được đứng thứ ba trong danh sách. Điều mà John Macdonald bị chỉ trích nặng nề nhất là chính sách kỳ thị dã man đối với những người Tiên Quốc, đã lấy đất đai của họ và bỏ họ chết đói một cách vô cảm.
Tiếp theo trong danh sách là Pierre Trudeau và Lester Pearson.
Pierre Trudeau đặc biệt đã thanh toán cương quyết việc Quebec đòi ly khai, ngoài ra còn có công đem bản Hiến pháp hồi hương từ Anh quốc, và đưa vào đó Nhân quyền và quyền Tự Do căn bản của con người. Trudeau có tài thuyết phục quần chúng nên đã tạo ra hiện tượng gọi là Trudeaumania/Cuồng Trudeau tương tự như Trump tại Hoa Kỳ hiện thời cũng tạo ra hiện tượng cuồng Trump.
Lester Pearson đươc nhớ tới do đã đề xuất nhiều sự kiện quan trọng như quốc kỳ Canada, chế độ bảo hiểm y tế, Qũy Hưu trí, đạo quân giữ hoà bình, các Uỷ ban song ngữ, đa văn hóa và quy chế phụ nữ. David Webster tại ĐH Sherbrooke, Quebec ca tụng Pearson đã làm tình trạng Canada khả quan hơn nhiều.
Phần thủ tướng Brian Mulroney cũng được ca tụng như một người cải tiến trong đó đáng kể là chính sách Tự do Mậu dịch với Hoa Kỳ, chế độ thuế Goods and Services Tax GST, cải cách chế độ hưu bổng, chú trọng tới nhân quyền và môi sinh.
Jean Chretien trong cuộc tranh cử 1997. (Andrew Stawicki/Toronto Star/Getty Images)
Jean Chrétien thường bị chỉ trích trong vụ Quebec đòi ly khai năm 1995 và vụ tai tiếng đối với những người ủng hộ tranh cử, vụ ra luật lệ cho Quebec trong những trưng cầu dân ý về ly khai, vụ quyết định đứng ngoài cuộc chiến tranh đối với Iraq.
Brian Mulroney được nhớ tới do sáng lập ra thuế GST Good and Services Tax và Thỏa ước Mậu dịch Tự do với Hoa kỳ và Mexico. Ông thất bại trong việc sửa đổi hiến pháp tại hội nghị Hồ Meech và theo giáo sư sử học tại ĐH Regina là Raymond Blake thì Mulroney bị nhiều tai tiếng trong đời tư sau khi thôi làm thủ tướng.
Stephen Harper xếp hạng thứ mười vì ông không có sự thông cảm với công chúng và không cổ súy được quyền lợi của Canada tại ngoại quốc. Theo Donald Wright tại ĐH New Brunswick thì Harper lơ là với vấn đề môi sinh trong khi tranh cử lại chủ trương cấm phụ nữ Hồi giáo mang mạng tại nơi công cộng nên bị mang tiếng là kỳ thị tôn giáo.
Brian Mulroney Stephen Harper
SƠ LƯỢC TIỂU SỬ CÁC THỦ TƯỚNG TRONG DANH SÁCH
1.WILLIAM LYON MACKENZIE KING
William Lyon Mackenzie King (17.12.1874 – 22.7. 1950), là thủ tướng thứ mười của Canada qua các nhiệm kỳ 1921–1926, 1926–1930 và 1935–1948. Ông cũng là thủ tướng nhiều năm nhất tại Canada, với thời gian là 21 năm và 154 ngày.
King đã nắm quyền lãnh đạo đảng Liberal từ 1919 và thắng cử năm 1921 với các cộng sự viên thân tín Ernest Lapointe và Louis St. Laurent và qua hai người này nắm được cử tri gốc Pháp. Trong những lãnh tụ thế giới trong Thế chiến II, King không có những xử thế hấp dẫn quần chúng như Franklin Roosevelt, Winston Churchill, hay Charles de Gaulle, không có tài hùng biện nhưng ông rất cần mẫn trong công việc và các hoạt động của ông áp dụng nhiều kỹ thuật tân tiến và có chính sách trung dung và thoả hiêp hơn là cực đoan và quyết liệt. Trong suốt 29 năm cầm quyền ông luôn đặt Canada ở vị thế trung lập. Tính tình ông ngay thẳng, thiếu sự tế nhị nên ông không có nhiều đồng sự tin vậy, và ông cũng không lập gia đình.
Ông được xếp đầu bảng các thủ tướng Canada lý do chính là ông có những cung cách xử sự khéo léo trong điạ hạt chính trị và ông luôn luôn chú trọng tới một Canada thống nhất.
Sơ lược tiểu sử
King sinh tại thành phố Berlin, Ontario (trong Thế chiến II đổi thành Kitchener). Ông ngoại của King là William Lyon Mackenzie, từng là thị trưởng đầu tiên Toronto, đã cầm đầu cuộc nổi loạn tại Canada-Thượng năm 1837. Bố ông là một luật sư sau trở thành giáo sư tại trường ĐH Luật Osgoode Hall. King học luật tại Toronto trong khi cư ngụ tại đường Beverly.
King tốt nghiệp luật khoa năm 1896 và Cao học năm 1897, ông sau đó tiếp tục học tại ĐH Chicago, rồi có bằng M.A.về kinh tế chính trị và Ph.D tại Harvard qua luận án “ Sự di cư của người Đông phương tại Canada” trong đó ông chủ trương chống lại và cho rằng Canada phải giữ nguyên vị là một quốc gia da trắng. King là vị thủ tướng Canada độc nhất có bằng Ph.D.
Năm 1900 King được chọn làm Thứ trưởng bộ Lao Động, tới năm 1908 ông trúng cử dân biểu và trở thành Bộ trưởng Lao Động năm 1909. Mặc dầu trong thời gian này ông đã đưa ra hai đạo luật cải thiện tình hình tài chánh của các công nhân nhưng ông và đảng Tự Do đã thất cử năm 1911.
Tháng 6.1914 ông được John D. Rockefeller mời làm Giám đốc Sở Nghiên cứu Kỹ nghệ cho tới năm 1918.
Trong cuộc bầu cử 1921 đảng Liberal do ông lãnh đạo đã thắng đảng Conservative của Arthur Meighen với số dân biểu 118/235 và ông trở thành thủ tướng.
Chính sách di dân
Năm 1923 chính phủ King ban hành luật Chinese Immigration Act hầu như cấm mọi hình thức di dân của người Hoa trong khi cũng kiểm sóat khá gắt gao sự di dân của các chủng tộc khác.
Năm 1937 King tới thăm nước Đức do Adolf Hitler mời và sau chuyến viếng thăm ông cho rằng Hitler sẽ dẫn giắt dân tộc Đức tới một tương lai sáng lạn và ông cho Hitler sẽ là một vĩ nhân yêu nước, yêu đồng bào mình và có thể sánh với Joan of Arc của nước Pháp.
Tuyên bố lâm chiến với Khối Trục
King tuy vậy nhận ra chiến tranh với khối Trục không thể tránh được và ông ban hành lênh Tổng động viên ngày 25.8.1939 trước khi Đức tấn công Ba Lan ngày 1.9.1939. Ngày 10.9 thủ tướng King yêu cầu vua Anh George VI nhân danh Canada tuyên chiến với Đức. Tháng 8.1940 King ký với Roosevelt một thỏa ước cộng tác quân sự giữa hai quốc gia. Trong chiến tranh Hoa Kỳ hầu như nắm quyền kiểm soát địa hạt Yukon và tiểu bang Newfoundland trong khi xây dựng xa lộ Alaska và các căn cứ không quân tại các nơi này. Trong khi đó King và Canada lại hầu như bị Churchill coi như không biết tới mặc dầu Canada đã cung cấp cho mẫu quốc Anh các tài nguyên thiên nhiên, thực phẩm, các võ khí, tiền bạc lại còn giữ vai trò huấn luyện các nhân viên không lực gồm anh, Úc, Tân-tây-lan và Canada, giữ gìn an ninh phía tây Bắc Đại tây dương chống tàu ngầm U-boats của Đức và gửi quân đi chiến đấu tại Pháp, Ý và Đức dưới quyền chỉ huy của các tướng lĩnh người Anh. Trong chiến tranh Churchill tự ý quyết định các vấn đề quân sự và chính trị liên hệ tới Canada mà hầu như không thèm hỏi ý kiến của Canada. Ngay cả khi Canada là nơi diễn ra hội nghị quan trọng của các thủ lãnh Đồng Minh tại Quebec năm 1943 và 1944 Thủ tướng King cùng các tướng lĩnh và đô đốc Canada đều không hề được mời tham dự.
Trong chiến tranh và cả thời kỳ hậu chiến King đã có khả năng giữ vững nền kinh tế và tài chánh mà còn làm tình trạng khả quan hơn nhiều nữa một cách tương đối mau chóng.
Sự tập trung các người Canada gốc Nhật
Sau khi Nhật tấn công Pearl Harbor tháng 12.1941 thì chính phủ King ban hành luật War Measures Act, coi người Canada gốc Nhật như kẻ địch, thu hồi các quyền cá nhân căn bản, tịch thu 1,200 tàu bè đánh cá của họ. Ngày 14.1.1942 chính phủ còn cưỡng bách tất cả các người Nam từ 18 tới 45 tuổi phải cư trú cách bờ biển Thái Bình Dương 100 miles, tập trung trong các trại tại Jasper, Alberta, cấm người Nhật không được đánh cá, cấm sử dụng radio làn sóng ngắn, chịu sự kiểm soát về dùng dầu săng và các chất nổ. Tổng thống Roosevelt ngày 19.2.1942 cũng ký nghị định trục xuất 110,000 người Nhật ra khỏi các vùng sát bờ biển.
Tới ngày 24.2 chính phủ King còn ra luật trục xuất tất cả các người gốc Nhật tại bất cứ nơi nào nhưng chủ yếu vẫn là vùng sát biển Thái Bình Dương. Tổng kết thì có khoảng 27,000 người bị giam cầm không xét xử mà còn bị tịch thu tài sản nữa mặc dầu cả Cảnh sát Hoàng gia lẫn các tướng lãnh chỉ huy đều cho Ottawa biết rằng người Nhật không hề có dấu hiệu đe dọa nền an ninh quốc gia nhưng King vẫn làm đúng như luận án tiến sĩ năm 1909 của ông là Canada phải là một quốc gia da trắng.
Ngày 22.9.1988 thủ tướng Brian Mulroney đã nhân danh chính phủ Canada xin lỗi về việc cưỡng bách tập trung này và tuyên bố sẽ bồi thường các thiệt hại.
Thủ tướng King sau đó đã ký luật Canadian Citizenship Act năm 1946 và người Canada từ đó mới có quốc tịch Canada thay vì quốc tịch Anh. Chính thủ tướng King đã nhận bản chứng thư quốc tịch Canada số 1 từ Chánh thẩm Tối cao Pháp viện Thibaudeau Rinfret ngày 3.1.1947.
Những ngày cuối đời
Trong hội nghị đảng Liberal tháng 8.1948 King đã trao quyền lãnh đạo đảng Liberal cho St. Laurent và về nghỉ hưu sau 22 năm làm thủ tướng 6 lần, đứng trên Sir John A. Macdonald làm thủ tướng 19 năm.
King mất ngày 22.7.1950 do bệnh viêm phổi và được an táng tại Nghĩa trang Mount Pleasant, Toronto.
Về đời sống tình cảm, King không lấy vợ tuy ông có nhiều bạn gái, trong đó đáng kể là Joan Patterson, thường được cử làm nữ chủ nhân của các buổi dạ hội chính thức. Các sử gia khác thì cho rằng người King yêu là Lord Tweedsmuir mà ông đã chọn làm Toàn quyền Canada năm1935. Các nguồn tin khác, căn cứ trên các trang nhật ký của King thì thấy ông thường xuyên ngủ với các gái điếm.
THỦ TƯỚNG BRIAN MULRONEY (20.3.1939- )
Thời hoạt động chính trị
Mulroney sinh tại Baie-Comeau, Quebec và bố mẹ là người Irish theo công giáo. Mulroney học hết bậc trung học tại Chatham, New Brunswick. Năm 1955 Mulroney theo học tại ĐH St. Francis Xavier và bắt đầu hoạt động chính trị bằng cách tham gia ban vận động bầu cử của John Diefenbaker.
Mulroney sau đó học luật tại Dalhousie, Halifax và trong thời gian này đã vận động tranh cử cho Robert Stanfield trở thành thủ hiến của Nova Scotia.
Mulroney tiếp tục học luật tại ĐH Laval, Quebec City và trong thời gian này ông quen thân với Daniel Johnson sau trở thành Thủ hiến Quebec và với Joe Clark sau trở thành thủ tướng Canada.
Muà hè 1962 Mulroney làm phụ tá cho Alvin Hamilton, bộ trưởng Canh nông và quyền thủ tướng, học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm trong khi theo Hamilton đi vận động tranh cử.
Sau khi tốt nghiệp trường Luật Laval, Mulroney làm việc cho một tổ hợp luật sư tại Montreal Norton Rose Fulbright lúc đó là tổ hợp lớn nhất của Liên Hiệp Anh. Sau khi được nhận vô luật sư đoàn Quebec năm 1965, ông trở thành một luật sư Lao Động và chứng tỏ có nhiều khả năng trong lãnh vực này.
Năm 1967 ông vận động cho Stanfield tranh cử thắng lợi và trở thành lãnh tụ của đảng PC trong khi trong khi Mulroney, mới 28 tuổi trở thành cố vấn chính.
Trong cuộc bầu cử Liên bang 1974 Standfield thua Pierre Trudeau và đảng PC bầu Joe Clark làm lãnh tụ. Joe Clark mời Mulroney trong thành phần đối lập với chính phủ Trudeau nhưng Mulroney từ chối.
Sau đó Mulroney làm phó rồi chủ tịch công ty Iron Ore Company of Canada năm 1977. Mulroney trở nên bị trầm cảm và nghiện rượu sau cuộc thất cử năm 1974 nhưng nhờ có vợ là Mila Pinicnicki, người gốc Nam Tư nâng đỡ nên dần dần hết bệnh.
Lãnh tụ đảng PC Progressive Conservative
Trong cuộc bầu cử 1979 Joe Clark thắng Trudeau nhưng không chiếm được đa số trong quốc hội và chính phủ Joe Clark bị bất tín nhiệm trong một cuộc trưng cầu dân ý về ngân sách nên Joe Clark phải tổ chức một cuộc bầu cử khác và thua lại Trudeau với đảng Liberal. Trong cuộc tranh cử nội bộ đảng, Joe Clark thua Mulroney và Mulroney trở thành lãnh tụ đảng PC ngày 11.6.1983.
Trước viễn ảnh một cuộc thất bại trong kỳ bầu cử liên bang 1985 Pierre Trudeau quyết định từ chức lãnh tụ đảng, nhưng trước khi rời ghế thủ tướng ông đã ban phẩm hàm và chức tước cho một lô các công thần khiến bị dư luận chỉ trích dữ dội. John Turner sau bốn ngày nhận chức vụ thủ tướng đã cho tổ chức ngay một cuộc bầu cử liên bang. Đối với dư luận đang chỉ trích mãnh liệt việc phong chức của Trudeau, Turner có thể đề nghị với toàn quyền Joanne Sauvé đình hoãn nhưng Turner lại cũng theo vết chân Trudeau phong chức tước cho các người thuộc đảng Liberal một lô nưã làm cho sự bất bình của dân chúng lại càng tăng mạnh hơn gấp bội. Kết quả cuộc bầu cử ngày 4.9.1985 đã dành cho đảng PC của Mulroney 211 ghế trong khi đảng Liberal chỉ còn 40 ghế.
Mulroney trong chức vụ Thủ tướng - Nhiệm kỳ đầu 1984-1988
Tuy đảng PC nắm đa số tuyệc đối trong quốc hội nhưng số phiếu phổ thông chỉ hơn 50% chút ít nên Mulroney cần phải dựa vào các thế lức ngoài đảng để đứng vững và thi hành các chương trình và kế hoạch của mình, đó là miền tây thiên về xã hội, miền Quebec thiên về độc lập, miền duyên hải và Ontario thiên về bảo thủ trong chính sách về tài chánh.
Các tân bộ trưởng hầu hết thiếu kinh nghiệm, các người ủng hộ Mulroney cũng đòi quyền lợi này nọ và kết quả Mulroney cũng phạm vào lỗi là trả ơn cho họ bằng các chức tước chẳng khác gì chính phủ Liberal trước.
Mulroney cũng chủ trương giảm thiếu hụt của ngân sách, trước kia dưới thủ tướng Lester Pearson là $1 tỷ, tăng lên thời Trudeau là $32.4 tỷ nhưng dưới thời Mulroney còn tăng hơn nữa, lên tới $39 tỷ. Đã thế, thương viện vẫn do Liberal nắm đã cản trở nhiều dự án của Mulroney. Những khó khăn này làm Mulroney lại nghiện rượu trở lại.
Một vấn đề quan trọng mà Mulroney quyết tâm thực hiện là bản Hiến Pháp mà Trudeau đem từ Anh về năm 1982 để trở thành một nước hoàn toàn có chủ quyền thì Quebec lại không chịu ký nên Mulroney muốn được Quebec đồng ý đã tổ chức và điều đình với các tỉnh bang ký thoả ước Meech Lake năm 1987 bằng cách tăng thêm quyền hành cho các chính phủ tỉnh bang đồng thời công nhận Quebec là một Xã hội đặc biệt/ distinct Society nhưng ông bị thất bại.
Một quan tâm khác nữa của Mulroney là giảm bớt các Nghiệp đoàn Hoàng gia/ Crown Corporation mà tổng số năm 1984 là 61. Mulroney cho tư nhân hóa 23 nghiệp đoàn trong đó có công ty Air Canada và công ty dầu Petro Canada.
Trong thời kỳ Mulroney lại xảy ra chuyến máy bay Air India 182, khởi hành tại Montreal bị nổ bom khi đanh bay làm thiệt mạng 329 người mà hầu hết là người Canada. Mulroney gửi thông điệp chia buồn với thủ tướng Ấn Rajiv Gandhi trong khi lại không hề chia buồn với thân nhân các người Canada bị tử nạn khiến nhiều ngừi Canada gốc Ấn cho là Mulroney kỳ thị chủng tộc. Thêm nữa, trước đó chính phủ Ấn đã thông báo cho Canada cảnh cáo là các chuyến bay Air India có nguy cơ bị khủng bố mà Canada không có biện pháp gì.
Tuy nhiên gần cuối nhiệm kỳ Thủ tướng lần thứ nhất Mulroney đã chính thức xin lỗi các gia đình của 22,000 người Nhật trong thế chiến II đã bị cưỡng bách tập trung và tịch thu gia sản, đồng thời bỏ ra một khoản tiền là $300 triệu để bồi thường.
Mulroney có những sự giao thiệp rất gần gũi với Reagan nên hai nước đã có một thoả ước về Mậu dịch Tự do qua đó các thuế thương mại giữa hai nước sẽ bị hủy bỏ từ 1998 mặc dầu dân chúng có khuynh hướng chống lại.
Thủ tướng Nhiệm kỳ II: 1988 – 1993
Sự thoại hóa kinh tế đã xảy ra trong nhiệm kỳ II của Thủ tướng Brian Mulroney. Mulroney đưa ra một sắc thuế mới là Goods and Services Tax GST thay cho Sales tax trước kia mặc dầu đa số dân chúng phản đối. Mulroney lấy một điều khoản trong Hiến pháp trong tình trạng nguy kich để đề nghị Nữ hoàng Anh phê chuẩn cấp tốc 8 thượng nghị sĩ mới để thông qua dự luật GST.
Thoả ước Hồ Meech cũng là một thất bại của Mulroney trong năm 1990 vì hai tỉnh bang Manitoba và Newfoundland không chịu ký.
Ngày 2.12.1991 Canada là quốc gia tây phương đầu tiên công nhận nền độc lập của Ukraine.
Khi Chiến tranh vùng Vịnh xảy ra, Mulroney ủng hộ quyết định của Liên Hiệp Quốc cho thi hành các biện pháp quân sự lãnh đạo bởi Hoa Kỳ và chỉ có thể gửi tượng trưng một phi đội với hai chiến hạm nhỏ vì trong thực tế dù Canada có muốn gửi bộ binh thì cũng không có nổi một lữ đoàn. Năm 1984, Mulroney hứa hẹn sẽ gia tăng ngân qũy quốc phòng và tăng quân số lên 92,000 nhưng chỉ thực hiện được một số quân dưới 80,000 binh sĩ.
Do số lượng cá thu tại Đại Tây Dương có chiều ngày một giảm Mulroney ra các quy tắc để hạn chế việc đánh cá thu khiến cho kỹ nghệ ngư nghiệp miền duyên hải bị ảnh hưởng trầm trọng và uy tín của chính phủ Mulroney bị giảm theo tại vùng này.
Mulroney chú trọng tới việc bảo vệ môi sinh, thành lập thêm nhiều công viên quốc gia để bảo vệ các thú vật bị đe dọa giảm chủng và ký nhiều thỏa ước quốc tế về môi sinh.
Mulroney rút lui khỏi chính trường
Uy tín của Mulroney vào cuối nhiệm kỳ II giảm rõ rệt vì dân chúng bất mãn với thuế GST, kinh tế suy thóai, sự thất bại của thoả hiệp Hồ Meech, tình trạng Quebec muốn ly khai vì không được công nhận là một thực thể đặc biệt do đó Bouchard, vốn là một cộng sự viên của Mulroney từ chức khỏi chính phủ và rủ thêm nhiều lãnh tụ đảng PC ly khai khỏi đảng và lập ra Bloc Quebecois. Theo cuộc thăm dò Gallup năm 1992 mức độ tín nhiệm Mulroney tụt xuống thê thảm chỉ còn 11%, nhưng tới tháng 2.1993 ngay trước khi ông về hưu có tăng lên chút đỉnh thành 21%. Mulroney sau đó được thay thế bởi bộ trưởng Quốc phòng Kim Campbell. Trong những ngày tháng cuối cùng trước khi rời nhiệm sở, hai vợ chồng Mulroney đi chu du thế giới với ngân qũy của chính phủ, không trao dinh thự thủ tướng tại 24 Sussex Drive cho tân thủ tướng nên kết qủa cuộc bầu cử 1993 là một sự thất bại cho đảng PC chưa từng có trong lịch sử, số ghế quốc hội đang từ đa số 151 tụt xuống còn có hai ghế và mất luôn quy chế một chính đảng đòi hỏi ít nhất phải có 12 ghế dân biểu và ngay cả thủ tướng Kim Canpbell cũng thất cử luôn và Campbell phải kêu than chính bà là một con dê tế thần thay thế cho Mulroney.
Di Sản
Cái di sản Mulroney để lại cho Canada là Thoả ước Mậu dịch Tự Do giữa Canada với Hoa kỳ và Mexico NAFTA và chế độ Thuế GST. Trong bảng danh sách các thủ tướng xuất sắc, Mulroney được xếp thứ 8.
Brian và Mila Mulroney co bốn con, trong đó có con gái Caroline từng đã tranh cử lãnh tụ đảng PC tại Ontario năm 2018 nhưng thất bại. Hiện Caroline là Bộ trưởng Tư pháp của tỉnh bang Ontario.
THỦ TƯỚNG STEPHEN HARPER (30.4.1959- )
Stephen Harper là thủ tướng thứ 22 của Canada từ 6.2.2006 tới 4.11.2015 và được bầu chọn là thủ tướng thứ 10 trong bảng danh sách 10 thủ tướng có khả năng nhất của Canada. Ông được bầu làm dân biểu bảy lần với tư cách đảng viên đảng PC. Ông từng là sáng lập viên đảng Canh Tân Canada/ Reform Party of Canada, sau hợp nhất năm 2005 với đảng PC để thành đảng Conservative of Canada. Đảng ông thắng cử năm 2006 và Harper trở thành thủ tướng và tại vị cho tới cuộc bầu cử 2015 thì bị thua đảng Liberal với lãnh tụ là Justin Trudeau.
Harper từ chức lãnh tụ đảng ngày 19.10.2015 được thay thế tạm thời bởi Rona Ambrose cho tới năm thì đảng chính thức bầu cử Andrew Scheer làm lãnh tụ cho tới hiện nay.
Thời kỳ đi học
Harper sinh tưởng tại Leaside, Toronto, học tại trường Trung học John G. Althouse và Richview Collegiate Institute tại Etobicoke. Ông ghi tên học ĐH Toronto được ha tháng thì bỏ ngang, tới Edmonton làm cho công ty dầu Imperial Oil. Ông học tại ĐH Calgary và tốt nghiệp về Kinh tế năm 1985 rồi Cao học Kinh tế năm 1991.
Con đường chính trị
Harper thời học Trung học hoạt động cho đảng Liberal nhưng sau ông trở thành trợ tá cho dân biểu PC Jim Hawkes nhưng sau đó ông không tán thành chính sách của Mulroney về tài chánh nên bỏ đảng.
Harper sau đó được kinh tế gia tại ĐH Calgary Bob Mansell giới thiệu vơi Preston Manning, sáng lập viên và lãnh tụ đảng Canh Tân/ Reform Party và trở thành Chiến lược gia của đảng Reform. Năm 1988 ông ra tranh cử tại đơn vị Calgary West nhưng bị thua Hawkes là chủ cũ của ông. Khi Deborah, đảng viên Reform trúng cử dân biểu thì mời Harper làm phụ tá cho tới năm 1993. Harper sau bất đồng với Manning về đường lối chính trị của đảng nên từ chức phụ tá cho Manning tháng 10.1992.
Dân biểu Canh Tân 1993-1997
Năm bầu cử liên bang 1993 Harper lại ra tranh cử và lần này thắng phiếu Jim Hawkes với sự trợ lực gián tiếp của National Citizens Coalition và trở nên một lãnh tụ quan trọng của đảng Reform cùng với Manning.
Tuy nhiên giữa Harper và Manning vẫn có sự khác biệt về đường lối, Harper quan tâm tới các nguyên tắc bảo thủ trong khi Manning lại nghiêng về chủ trương dân túy/ populism mà Harper coi đó là một lối thoả hiệp về lý thuyết căn bản.
Sự tranh chấp về ý thức hệ gay go tới mức Harper tuyên bố sẽ không ra ứng cử dân biểu trong kỳ bầu liên bang tới, và ông từ chức dân biểu ngày 14.1.1997 và ngay ngày hôm đó nhận chức Phó chủ tịch National Citizens Coalition NCC và ít lâu sau trở thành Chủ tịch. Trong cuộc bầu cử 1997 đảng Liberal tuy có bớt đi một số ghế nhưng vẫn nắm đa số ghế và đảng Reform cũng chỉ thêm được vài ghế.
Thời kỳ 2000-2001
Đảng Reform qua một thời kỳ đổi tên là United Alternative tới năm 2000 lại đổi tên thành đảng Canadian Alliance và Stockwell Day trở thành thủ lãnh thay cho Preston Manning và Harper chỉ trích Day có khuynh hướng hoạt động về tôn giáo nhiều hơn là xã hội.
Sau khi Pierre Trudeau qúa vãng, Harper viết nhiều bài chỉ trích chính sách của Trudeau đã thi hành một chính sách xã hội qúa đáng như chủ trương các nghiệp đoàn hoàng gia thay vì giao cho tư nhân khiến cho nền kinh tế bị ngưng trệ.
Công cuộc lãnh đạo đảng Canadian Alliance của Day gặp nhiều khó khăn trong nội bộ và vào mùa hè 2001 nhiều dân biểu kêu gọi Day từ chức, Day đành phải tổ chức một cuộc bầu cử trong đảng và tuyên bố là một ứng cử viên, trong khi Harper cũng từ chức chủ tịch NCC vào tháng 8.2001 để chuẩn bị tranh cử.
Lãnh tụ đảng Canadian Alliance 2002-2003 và đảng Conservative
Trong cuộc vận ộng tranh cử Harper chống lại sự ly khai của Quebec, cho rằng tiếng Pháp không bị nguy cơ đe dọa mất vị thế ưu tiên tại Quebec và chủ trương công nhận Quebec là một thực thể chính trị đặc biệt. Harper cũng chủ trương cho các tỉnh bang được rộng quyền tự trị về bảo hiểm y tế, chủ trương các phụ huynh có quyền trừng tri con cái và gia tăng tuổi đồng thuận về tính dục từ 14 lên 16 tuổi. Harper cũng chủ trương không cộng tác với đảng PC do Joe Clark lãnh đạo.
Cuộc bầu cử trong đảng được tổ chức ngày 20.3.2002, Harper được bầu với 55% số phiếu, Day chỉ được 37%. Sau đó Harper trúng cử dân biểu tại đơn vị Calgary Southwest một cách dễ dàng và chính thức trở thành lãnh tụ phe đối lập tại quốc hội từ tháng 5.2002.
Ngày 12.1.2004 Harper từ chức Lãnh tụ Đối lập để tranh chức lãnh tụ đảng Conservative Canada và đã thắng cử ngày 20.3.2004 với sự ủng hộ mạnh mẽ của Ontario, Quebec và các tỉnh bang duyên hải.
Cuộc bầu cử Liên bang 2004
Harper lãnh đạo đảng Bảo Thủ Canada vào cuộc bầu cử Liên bang đối đầu với tân thủ tướng Paul Martin nhưng đảng Liberal vẫn thắng lợi với tư cách một chính phủ thiểu số. Đảng của Harper có kết quả khả quan hơn tại các tỉnh có khuynh hướng xã hội miền trung Canada nhưng không được một ghế nào tại Quebec, tuy vậy Harper vẫn quyết định tiếp tục lãnh đạo đảng và đa số đảng viên cũng nghĩ rằng Harper chưa có đủ thời giờ từ khi làm lãnh tụ.
Trong cuộc bầu cử nội bộ đảng Bảo Thủ tại Montreal ngày 17-19.3.2005 Harper được tái bầu cử lãnh tụ với số phiếu 84%.
Tháng 5.2005 đảng Bảo Thủ không chịu bỏ phiếu về ngân sách với mục đích cưỡng bách chính phủ Liberal phải tổ chức một cuộc bầu cử mới nhưng do số phiếu hai bên chính phủ và đối lập bằng nhau do dân biểu Bảo Thủ chạy sang Liberal nhưng thêm phiếu của Chủ tịch Quốc hội thuộc Liberal nên chính phủ Liberal vẫn không bị đổ.
Tuy nhiên khi phe Harper đưa ra bằng chứng là một dân biểu Bảo Thủ Gurmant Grewal được Tim Murphy, chánh văn phòng của thủ tướng Martin, qua một buổi nói chuyện có ghi âm là nếu Grewal bỏ phiếu cho phe Liberal thì sẽ được đền ơn bằng một ghế bộ trưởng, và Harper dựa vào đó đòi bỏ phiếu bất tín nhiệm Martin và thắng thế với tỷ lệ số phiếu thuận là 171/133.
Phe Liberal đành phải tổ chức một cuộc bầu cử mới vào ngày 23.1.2006.
Cuộc bầu cử Liên bang 2006
Harper thắng cử và trở thành thủ tướng Canada thứ 22 ngày 6.2.2006 và trong bài diễn văn nhậm chức ông đã ca tụng nữ hoàng Elizabeth II cùng hoàng gia hết lời tương tự như thủ tướng John Diefenbaker trước kia.
Cuộc bầu cử Liên bang 2008
Ngày 14.10.2008 trong cuộc bầu cử Liên bang đảng Bảo Thủ được tăng số dân biểu từ 127 lên 143 trong khi đảng Liberal bị giảm từ 95 xuống 77 và chính phủ Harper vẫn giữ nguyên tình trạng một chính phủ thiểu số.
Ngày 29.1.2010 Harper đề nghị toàn quyền Joanne Sauvé bổ nhiệm năm thượng nghị sĩ mới, khiến đảng Bảo Thủ trở thành đa số tại Thượng viện.
Tuy nhiên ngày 25.3.2011 viện Dân biểu bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ với tỷ số 156/145 với lý do chính phủ đã miệt thị quốc hội.
Cuộc bầu cử Liên bang 2011
Trong cuộc bầu cử lần thứ ba này đảng Bảo thủ do Harpaer lãnh đạo đã thắng với số dân biểu tăng lên thành 166 và chính phủ do Harper thành lập chiếm đa số tại viện dân biểu. Cuộc bầu cử này cũng biến đảng NDP thành đảng đối lập chính thức còn đảng Liberal bị tụt xuống hàng thứ ba, giúp cho đảng Xanh/ Green Party lần đầu tiên có một dân biểu trong khi Bloc Quebecois bị tụt từ 47 ghế xuống còn 4 ghế.
Cuộc bầu cử Liên bang 2015
Trong cuộc bầu cử ngày 19.10.2015 Harper và đảng Bảo thủ bị thất bại trước đảng Liberal và Justin Trudeau, chỉ còn được 99 ghế trên tổng số 338. Tuy vẫn trúng cử tại Calgary nhưng Harper từ chức lãnh tụ đảng Bảo Thủ và sau đó được thay thế bởi Rona Ambrosa vào tháng 11.2015.
Muà hè 2016 Harper từ chức dân biểu. Tuy nhiên khi Trump đòi xóa bỏ Hiệp ước Mậu dịch Tự do thì Harper lên tiếng chỉ trích Trudeau ăn cánh với Mexico để chống lại Trump và có khuynh hướng thiên tả. Harper cũng lên tiếng ủng hộ việc Trump công nhận và dời tòa đại sứ Mỹ tới Jerusalem và việc Trump rút khỏi hiệp ước về Uranium với Iran.
Harper có quan niệm Thượng viện chỉ là một tổ chức để các thủ tướng trả ơn cho các cộng sự viên của mình và ông gợi ý là các thượng nghị sĩ phải được dân chúng bầu ra cho nên trong nhiệm kỳ đầu thủ tướng ông đã bỏ trống 16 ghế thượng viện và về sau ông chỉ chỉ định một người là Michael Fortier với lý do cần có mặt của một người Montreal, việc này bị phe đối lập phản đối và năm 2008 Fortier phải từ chức.
Tuy nhiên sau cuộc bầu cử tháng 10.2008 Harper biết có lẽ không thể nào thay đổi lối đề cử vào thượng viện nên đã bổ nhiệm 18 thượng nghị sĩ và còn tăng thêm 9 ghế nữa cho Thượng viện và tất cả những thượng nghị sĩ mới này đa số thuộc đảng Bảo Thủ và là những người hoạt động thân tín của Harper, do đó dư luận nổi lên công kích Harper là đạo đức giả và còn đặt ra danh từ mới là Harpocrisy.
Harper gặp Laureen Ann Teskey năm 1990 cũng thuộc đảng Bảo Thủ, phụ trách về ấn loát. Hai người lấy nhau ngày 11.12.1993 và có với nhau một trai, một gái.
Di sản của Harper
Chủ trương giảm thuế: Giảm thuế GST từ 7% xuống 5%. Giảm thuế Nghiệp đoàn từ 21% xuống 15%. Chủ trương tiết kiệm ngân sách và chính sách thuế khóa đã làm thiệt hại cho chính cá nhân ông $1.8 – $2.2 triệu năm 2012 theo lời một nhân viên sở thuế, điều mà họ chưa từng thấy ở một thủ tướng nào khác..
Chủ trương cân bằng ngân sách: Canada thời Harper là một trong các nước G8 thoát ra khỏi tình trạng suy thoái kinh tế sớm nhất. Để tiết kiệm cho ngân sách ông đã đóng băng lương bổng các thượng nghị sĩ, dân biểu và nhân viên chính phủ trong hai năm 2010-2012.
Tại đại hội Bảo trợ Mẫu nhi tổ chức tại Muskoka, Canada năm 2010 của các nước G8 Harper đã kêu gọi các hội viên phải gia tăng tiền bảo trợ các chương trình bảo trợ mẫu nhi tại các nước đang phát triển.
Harper ngày 11.6.2006 đã chính thức xin lỗi chủng tộc Tiên Quốc về chế độ cưỡng bách nội trú và đi học qua đó đã đối xử thậm tệ với các học sinh thổ dân.
Harper năm 2006 cũng chính thức xin lỗi về việc đánh thuế di dân lên người Hoa trong các năm 1885-1913.
Harper ngày 12.2.2015 ra bản tuyên ngôn xác nhận Quebec là một quốc gia trong Canada với những tính cách riêng biệt và được Quốc hội thông qua.
Harper cho gia tăng tuổi đồng thuận về dục tính từ 14 tuổi lên 16 tuổi để tránh cho các thiếu niên bị lạm dụng về dục tính.
Về bầu cử, Harper đã thắng cử dân biểu 7 lần trong suốt 18 năm. Ông cũng lãnh đạo đảng Bảo Thủ thắng ba cuộc bầu cử Liên Bang liền.
Về ngoại giao ông ủng hộ Do Thái, ông ủng hộ tổng thống Trump dời tòa đại sứ tới Jerusalem. Ông chống đối kịch liệt Putin trong việc xâm chiếm Ukraine. Ông bảo thẳng Putin, “ You need to get out of Ukraine.” Ông được tổng thống Ukraine tặng huy chương cao qúy nhất nước. Ông cũng được các cộng đồng Do Thái ban tặng nhiều tước vị danh dự.
Về thương mại, ông chỉ trích Justin Trudeau đã liên kết với Mexico để chống lại việc Trump đòi sửa lại Thoả ước Mậu dịch Tư Do giữa ba nước.
Về tính tình ông qúa thẳng thắn và cương nghị cho nên chính ông cũng phải than , “ I can’t even get my friends to like me.”
Khi bị thất cử ông rất nhã nhặn khi nói, “ The people are never wrong.”
Hoàng Xuân Thảo