Ai cũng biêt "văn là người" rồi. Qua thơ lại càng thấy rõ Thơ với Người không thể như đầu sông cuối bể. Bể là biển chứ không phải là cái bể nước dùng trong nhà. Và, Thơ với Người đã cùng bơi trên một dòng nước. Vì thế hôm nay tôi xin đan cử một dòng Thơ rất bình thường ở hình thức, nhưng lại vòng vèo, tươi mát như mưa xuân trú ngụ nơi tâm hồn.
Tác giả của dòng thơ tươi mát này vốn là một đạo hữu, luật sư, đã từng nhập thiền hàng buổi kể từ khi còn ở quê hương Đà Lạt, tới lúc qua Hoa Kỳ, mà cành Vô Ưu vẫn nở hoa trước mặt. Ông ta không phải đi tìm mới có bởi ông luôn chăm sóc vườn Từ Bi ngay tại ta gia, ngõ hầu bước ra xã hội, với một tâm tư tình cảm hoan ca, hướng về cõi Phật.
Thứ nhất là tu tại gia
Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa.
(Ca dao Việt Nam)
Luật sư Ngô Tằng Giao dùng pháp danh Tâm Minh làm bút hiệu, sinh ở hà Nội, lớn lên ở Sài Gòn, và lập nghiệp ở Đà Lạt. Ông đã gia nhập Luật Sư Đoàn từ năm 1962, là cháu đích tôn của cụ Ngô Thúc Địch, Phó Thủ Tướng thời Quốc Trưởng Bảo Đại.
Cụ cố Ngô Thúc Địch người Hà Nội, nói tiếng Bắc, theo đạo Phật, nên chẳng thể là thân bằng quyến thuộc của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, gốc Quảng Bình được, điều này cho thấy Tổng Thống Ngô Đình Diệm không kỳ thị tôn giáo, và đồng thời cũng cho thấy, cụ Phó Thủ Tướng xưa tuy mang họ Ngô, song không chung gia phả với Tổng Thống thời đệ nhất Cộng Hòa.
Và, điều quan trọng hơn, người cháu đích tôn là đạo hữu, thi sĩ, luật sư Tâm Minh Ngô Tằng Giao khi biện hộ cho các thân chủ ở chốn quan trường, ông đang còn ở tuổi thanh niên, lại không ồn ào kiểu đấu tranh tâm lý, mà rất chính trị, là bày tỏ thái độ khoan hòa, thể hiện lẽ công bằng, thanh tịnh, hiền hòa như các tác phẩm sau này ở hải ngoại của ông.
Vì muốn phổ biến những lời hay ý đẹp của Đấng Thế Tôn, đạo hữu thi sĩ Tâm Minh Ngô Tằng Giao đã uyển chuyển viết những dòng tâm kinh Phật toàn thể bằng thơ lục bát, hầu phổ biến sâu rộng tới đại chúng, ngoại trừ hai cuốn Tìm Hiểu Kinh Pháp Cú và 101 truyện thiền, chuyển ngữ từ 101 Zen Stories của Nyozen Senzaki và Paul Reps bằng văn xuôi.
Bên cạnh 101 tác phẩm thơ, văn về "cõi Phật" là cuốn Mưa Xuân (Spring Rain) chuyển dịch thơ Anh ngữ của nhiều tác giả ngoại quốc từ nhiều không gian và từ nhiều thời đại, trong đó có tác giả Rudyard Kipling (1865-1936) mà thời trung học, tôi đã phải học thuộc lòng một bài thơ của tác giả đó.
Trong truyện Quan Âm Thị Kính, thi sĩ đạo hữu Tâm Minh viết lục bát như tất cả các thơ văn chương đại chúng khác, có điều nhà thơ gốc khoa bảng này kể chuyện ngọn ngành hơn:
Xuất gia từ thuở thiếu thời
Tu qua chín kiếp luân hồi thành tâm
Rũ gần sạch hết bụi trần
Và kỳ chứng quả cũng gần tầm tay
(Quan Âm Thị Kính)
Thế nhưng qua thơ chuyển dịch Mưa Xuân thì Tâm Minh trọn vẹn là thi sĩ trữ tình lãng mạn:
Mưa Xuân reo sấm không trung
Lòng em cuồng nhiệt trong lòng lửa yêu
Môi chàng từng thốt đã nhiều
Mắt chàng đêm đó muôn điều nói thêm
(Mưa Xuân)
Đó là thơ Spring Rain của Sara Teasdale (1884-1933) dòng thơ xúc cảm mang phong cách văn học.
Tâm Minh Ngô Tằng Giao chưa từng "vỗ ngực" ông sáng tác thơ mà luôn khiêm tốn nói mình là soạn giả.
Tác phẩm của ông gồm:
- Truyện cổ Phật giáo 1, 2, 3.
- Cuộc đời Đức Phật Thích Ca
- Kinh Pháp Cú
- Tặng một vầng trăng
- Truyện thơ thần tiên Đức Phật 1, 2, 3, 4.
- Tìm Hiểu Kinh Pháp Cú
- Kinh Bách Dụ
- Niết Bản (dịch)
- Quan Âm Thị Kính
Và mới nhất đối với tôi, trong mùa Vu Lan này, trong gói quà đã cất kỹ từ vài năm nay, 2 cuốn thơ thật đẹp, thật sang, thật trân trọng hiện ra:
- Mục Liên Thanh Đề (Sáng tác)
- Mother's Love (Tình Mẹ, dịch thuật)
Thi sĩ luật sư Phật tử thuần thục khẳng định đó là Hương Mùa Vu Lan, với 54 bài thơ tuyển về những hiếu hỉ vuông tròn của đấng sinh thành gương mẫu đáng ca ngợi với hình ảnh những người con tiêu biểu.
Tâm Minh Ngô Tằng Giao đã từ lâu mang vóc dáng của một thiền sĩ, tâm tư tình cảm lắng trầm, phóng khoáng, khá trọn vẹn là thi sĩ...thiền. Không dám viết thiền sư, vì tác giả, hiền thê và 3 ái nữ đều là Phật tử chính thống, hiện cư ngụ ở Virginia, nên nhà thơ đôi lúc cũng bồng bềnh trước thực hư, huyễn ảo, bài thơ gần nhất diễn tả cõi mù sương đạo, đời ấy:
Hư không
Bồng bềnh ẩn hiện bóng ngư ông
Neo chiếc thuyền nan giữa bến sông
Rộn rã thả câu trong quạnh vắng
Lao xao buông lưới giữa mênh mông
Chập chờn cõi ảo mù sương bạc
Thấp thoáng bờ chân rạng ánh hồng
Muôn đợt sóng vàng loang nước biếc
Dập dồn khuất nẻo chốn hư không
Tâm Minh Ngô Tằng Giao
Bài thơ này đã có một số vị họa, nhưng bởi tử vận "mông" cuối câu thực đề (câu thứ 4) khiến có bài họa đi vào...tai họa, là ngoài chữ "mênh mông" ra, thì còn gì hay hơn từ "mênh mông" đó chứ.
Thế nên, giới trân trọng Đường thi, không thể gò ép chữ "mông" tầm tầm, làm khách thưởng ngoạn phải chau mày khó cảm thông.
Vì nội dung là thơ thiền, nên một thi sĩ gởi bài họa thật tương đối, và thật tương kính là nhà thơ Đường Luật Nguyễn Kinh Bắc viết như sau:
Tâm Không
Cửa thiền thanh thản dáng sư ông
Vui cảnh huy hoàng của núi sông
Dân tộc âu ca thời thịnh Việt
Giặc thù tan tác, buổi bình Mông
Câu thơ ngan ngát non Yên Tử
Nền đạo bồi vun giống Lạc Hồng
Rừng Trúc đêm nay xào xạc gió
Một trời lắng đọng giữa tâm không
Nguyễn Kinh Bắc
Bài xướng thiền, nên bài họa cũng phải thiền, Tâm Minh Ngô Tằng Giao chơi "phá bằng" (bồng bềnh). Nguyễn Kinh Bắc cũng "phá bằng" (cửa thiền) và xử dụng nguyên nội dung lịch sử vua nhà Trần thời thịnh Việt, sau khi bình quân Mông Cổ, vua Trần đã lên núi Yên Tử lập chùa tu, phái Trúc Lâm Yên Tử, "rừng Trúc" đầu câu chuyển (thứ 7) được tôn phong từ đó, có thể vậy.
Như thế, bài thơ thiền Tâm Không, nhà thơ Nguyễn Kinh Bắc họa thật nhất khí (một mạch câu chuyện vua Trần Nhân Tông đánh giặc Nguyên Mông) và nhất quán (cùng cách nhìn thiền với tác giả bài xướng Hư Không của Tâm Minh Ngô Tằng Giao).
Mỵ tôi vốn cũng tập toạng làm thơ Đường Luật, qua phảng phất khói sương "thiền" thôi. Biết gặp vần "mông" tử vận ngay, bèn chợt nhớ một phần đời thơ của thi sĩ cận đại tài hoa Hàn Mặc Tử ở Quy Nhơn xưa. Cố thi sĩ được điều trị bệnh phong tại bệnh viện Trại Cùi Quy Hòa, ở bên kia Ghềnh Ráng, và nếu đi từ trong Nam ra, khách phải vượt đèo Cù Mông, xin tạm họa thế này:
Huyền Không
Nghe sầu lãng đãng bước thi ông
Biển gọi thuyền trăng ở cuối sông
Thấp thoáng lương y qua núi Ráng
Chơi vơi bạch mã vượt Cù Mông
Mõ xa ủ mãi tàn hoa lửa
Sân lạnh đầy thêm xác pháo hồng
Đã khiến Hàn quân rời cõi tục
Tạ từ vần điệu gởi huyền không
Cao Mỵ Nhân (8/2014)
Sự thực thì thơ xướng được quyền "hay", lý do thơ xướng thoải mái tìm vần điệu, ngôn từ, ý tứ. Thơ họa đúng nghĩa chỉ là...họa mà thôi, đôi khi ghép chữ lạc lõng, có khi còn vô nghĩa nữa.
Thế nhưng bài họa Tâm Không của Nguyễn Kinh Bắc lại có dáng dấp của bài thơ xướng khác, nếu như khách thơ không được đọc bài Hư Không của Tâm Minh Ngô Tằng Giao.
Còn bài Huyền Không của Cao Mỵ Nhân thì chẳng qua kẻ họa thơ muốn huyền ảo tâm tư cụ cố thi ông Hàn Mặc Tử, tác giả bài thơ lừng danh Đây Thôn Vỹ Dạ, có câu:
Thuyền ai đậu bến sông trắng đó
Có chở trăng về kịp tối nay
(Hàn Mặc Tử)
Nên tưởng tượng vị lương y qua Núi Ráng để chữa bệnh nan y cho Hàn thi sĩ, đồng thời khách văn nhân, người mộ điệu...phi ngựa trắng (bạch mã dành cho văn quan, tao nhân mặc khách) vượt Cù Mông là cái đèo cao ngất, xẻ đôi núi, hình chữ V ở Phú Thạnh, ngoại vi thành phố Quy Nhơn. Cũng chỉ vì vần "mông" của Tâm Minh Ngô Tằng Giao, mà Cao Mỵ Nhân phải xử dụng địa danh "Cù Mông" đấy ạ.
Do đó, để giới thiệu với quý vị độc giả Chốn Bụi Hồng, quý đạo hữu của Tâm Minh, quý thi hữu, bằng hữu của luật sư Ngô Tằng Giao, tôi xin được lần nữa vẽ lại hình ảnh tươi mát, trong sáng của dòng thơ đạo vô ưu, phẩm chất đức hạnh vô cùng, vô ngã, mà người Phật tử đã gởi gắm tâm tình vào các truyện thơ Phật Giáo Việt Nam, lời thơ chân phương, hỉ xả, mang âm hưởng trung hậu đầy dân tộc tính của Ngô thi sĩ nêu trên.
Hawthorne, 8-8-2015
Cao Mỵ Nhân (HNPĐ)