Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2020

Bài Ca Dâng Mẹ - Sáng Tác Võ Anh Dũng - Trình Bày B.N


 Sáng Tác: Võ Anh Dũng 
Trình Bày: B.N


Bóng Mẹ Trong Con


(Hình Má - Melbourne1999)

Để lòng theo nắng thu phai
Gió hiu hắt gió cành lay lá vàng
Thân con cá bể chim ngàn
Ôm hình bóng mẹ mỗi hoàng hôn rơi
Ơn sâu nghĩa nặng cao vời
Gánh sương gánh nắng một đời héo hon
Trong mơ nuối tiếc mãi còn
Nguyện cầu mẹ hỡi giấc tròn thiên thu.


Kim Phượng
Ngày Nhớ Ơn Mẹ 10.5.2020

Lại Về Ngày Lễ Mẹ Thương...


(Họa Sĩ Lê Thị Lưụ)

Lại Về Ngày Lễ Mẹ Thương
Lòng Con Nhớ Mãi Công Ơn Mẹ Hiền
LẠI về ngày Lễ Mẹ rồi
VỀ ngang thơ ấu ấm lời mẹ ru
NGÀY ngày bồng ẵm ấu thơ
LỄ hồng bóng mẹ bao giờ mới quên
MẸ ơi, thao thức bao đêm
THƯƠNG con đau ốm mẹ mềm lòng đau

LÒNG con ngấn giọt lệ sầu
CON không còn mẹ tìm đâu dáng hiền
NHỚ ngày đau, mẹ qui tiên
MÃI trong con trắng một miền xót xa
CÔNG ơn mẹ biển bao la
ƠN người nhớ mãi , buồn da diết buồn
MẸ về với cõi trời thương
HIỀN hòa tiếng mẹ mãi còn thương ru

Trầm Vân

Tình Má Trong Sắc Hoa!

Tháng Năm hoa Cúc trổ màu
Tượng trưng tình Má ngạt ngào tỏa hương
Gió mùa thơm ngát muôn phương
Tạ ơn Hiền Mẫu tình thương tuyệt vời!






Cho con ngày tháng rong chơi
Cho con nên vóc vào đời bình yên
Cho con nuôi dưỡng tâm hiền
Tạ ơn Hiền Mẫu thiêng liêng cao vời!





Thơ & Hình Ảnh: Kim Oanh
Mother’s Day Úc Châu 10.5..2020


Hai Người Mẹ

(Viết nhân ngày Lễ Mẹ - Mother’s Day 2020)


Cũng như bao nhiêu đứa trẻ thời kỳ chiến tranh, tôi được nuôi nấng và dạy dỗ bởi hai người phụ nữ, là mẹ và bà nội. Cha tôi là một quân nhân, rày đây mai đó, cuốn hút theo cuộc chiến, rất ít khi ở nhà với vợ con. Từ phi trường Bình Thủy, Pleiku, Nha Trang đến tận bờ sông Thạch Hãn ông đều có mặt. Tuổi thơ tôi không có hình bóng của cha: “dạy con đèn sách mẹ làm phụ thân”. Từ một nữ văn công ca múa Đồng Tháp thời kỳ Việt Minh, bà trở thành một người vợ, người mẹ, buôn bán tảo tần nuôi đàn con năm đứa và phụng dưỡng cả mẹ chồng. Đôi lúc chạnh lòng, bà ngâm những bài ca dao một thời để ru con: 

“Sông Vàm Cỏ nước trong thấy đáy,
Dòng Cửu Long xuôi chảy dịu dàng,
Ai về Mỹ Thuận, Tiền Giang,
Có thương nhớ gã đánh đàn năm xưa?"

Lúc đó tôi thấy mẹ thật đẹp. Mà bà đẹp thật chớ không phải chỉ tôi thấy. Mũi cao, khuôn mặt sáng, thanh tú và có làn da trắng, mịn màn. Giọng ngâm bà đầm ấm, thong thả không trau chuốt nhưng tròn trịa lôi cuốn lòng người. Còn nhớ mãi hình ảnh bà mẹ năm con, mà những quan chức trong làng và cả trên quận Chợ Lách theo đuổi, ve vãn bà không ít! Nhưng chừng như bà chẳng chút để tâm, cũng không tỏ ra lạnh nhạt “coi thường” người khác… Từ hình ảnh của mẹ, tôi sống và nhìn cuộc đời bằng trái tim nhiều hơn lý trí. Mẹ tôi không hề mắng chửi, đánh đập con cái, bà chỉ im lặng và nước mắt lưng tròng. Vậy mà chúng tôi sợ, rất sợ bà khi phạm lỗi. Tôi còn nhớ mãi đôi mắt và sự im lặng của bà đến mãi bây giờ. Thương mẹ nhưng chừng như tôi thấy bà xa cách quá. Có lẽ bà ít nói và nếu có nói cũng ngắn ngủi, kiệm lời. Anh em tôi thường đùa, “nếu mẹ tiết kiệm tiền như tiết kiệm lời nói, thì chắc nhà mình giàu biết chừng nào”. Mẹ tôi làm ra tiền nhưng cũng xài ra tiền. Không chỉ cho các con mà còn người chung quanh, nhiều khi chẳng quen biết gì. Một người lạ qua đường gặp nạn, một gia đình cùng quê di tản nhận ra bà, mấy đứa trẻ cùng xóm cha mẹ đi làm ăn xa... bà móc ruột giúp hết, cho hết đến đồng bạc cuối cùng. 
Nhiều lúc túng quẩn, tiền lương quân nhân của cha tôi trang trải không quá mươi ngày nửa tháng, bà không hề than van, lộ sắc. Vẫn điềm tỉnh nói cười, dù hai ngày qua mẹ tôi chỉ ăn cơm với canh trà, nước mắn. Khác xa với nhà trên của nội, người hầu kẻ hạ, cơm thịt ê chề. Bà nội tôi lại là một người đàn bà khác, hoàn toàn khác với mẹ (sẽ nói đến sau). Cứ vậy mà tôi khôn lớn, ra khỏi trường làng, chợ huyện và lên tận Sài-gòn. Suốt đời tôi chưa hề được mẹ ôm vào lòng (như sách giáo khoa, truyện tiểu thuyết) hay ngọt ngào chăm sóc. Thỉnh thoảng bà chỉ kể tôi nghe quãng đời con gái trong khu 7, vùng quê hương Đồng Tháp. Năm gặp cha tôi, bà bị Bình Xuyên bắt đánh đập, tra khảo tưởng chết vì tình nghi là văn công “gián điệp” của Tây. Kết quả của nhiều chứng bệnh hậu mà bà cưu mang. 

Sau nầy gặp lại nhiều người trong nhóm đã bắt và đánh đập, bà không oán trách hay hé môi nhắc lại. Hơn nữa mẹ tôi còn giúp và tìm kiếm công ăn việc làm cho họ. Bà không dạy con bằng những bài học, những ngôn từ to lớn mà bằng đời sống, cư xử hằng ngày rất thường tình của bà. Tôi bị ảnh hưởng nặng nề điều này từ mẹ. Một đời tôi rất ghét những “dao to búa lớn”, những thuật ngữ vay mượn từ “ông Tây bà Đầm” lạ quắt lạ quơ, cứ làm như không nói đến không đem ra trích dẫn thì không nói lên sự hiểu biết, bác học của mình. 
Tôi học được từ mẹ không chê bai, oán trách những người chung quanh mình, đồng bào mình. “Vì đơn giản họ chính là mình. Tội lỗi hay thói hư tật xấu của họ cũng chính là của mình. Hãy tha thứ và làm tốt chính mình thì tất cả sẽ cùng tốt hơn”, bà thường nói với chúng tôi như vậy. Hình như bà chỉ nói một hai lần trong đời, nhưng đã khắc sâu đậm trong mọi nhận thức của tôi. Mỗi lần tức giận, bị xúc phạm, chê bai hay buồn tủi điều gì là tôi thấy ngay đôi mắt và khuôn mặt lặng im của bà đăm đắm nhìn tôi. Tất cả chợt tan biến, như chẳng hề xảy ra.

Bà nội tôi là một người đàn bà nghiêm khắc và quyền lực. Là vợ thứ tư của ông Cả, nên trong làng gọi là bà Cả Út. Ruộng vườn mênh mông, luôn có ba bốn người ăn kẻ ở trong nhà, lúc bà mới ngoài ba mươi. Còn nhớ lúc nhỏ tôi rất sợ phải ngủ ở ngôi nhà trên của nội. Vừa rộng, phòng nầy nối phòng kia, bàn thờ giữa nhà, vừa âm u thiếu ánh sáng, tôi rất sợ ma! Mọi người gần như chỉ đi lại, ăn uống và sinh hoạt ở nhà dưới. Thời đó bà nội lại còn có cả ba đứa con trai: bác Hai, ba tôi và chú Sáu đều là sĩ quan của quân đội VNCH. Nhất là bác Hai, con trai lớn của nội, là trung tá trưởng ty an ninh quân đội của tỉnh nhà (Vĩnh Long). Không như mẹ tôi, bà điều khiển, la mắng và quát tháo người chung quanh như một thói quen. Mẹ con tôi được bà cất một căn nhà phía sau vườn, sát cạnh bờ sông. Bà nội và mẹ tôi như mặt trăng và mặt trời. Cái này có là cái kia không. Nhật thực, nguyệt thực hết đời, chỉ có đôi ba lần. Điều duy nhất hai người đàn bà có chung được là ca hát. Bà nội tôi rất mê hát bộ và cải lương. Vài tháng một lần, bà bao cả đoàn hát bộ hoặc cải lương về hát tại đình cho cả làng đến xem. Chỉ những dịp như vậy, con dâu mẹ chồng mới nhích lại gần nhau. Tôi không thích mẹ ca vọng cổ, mặc dầu giọng bà rất dày, hơi dài và rớt câu ngọt ngào. Nhưng mỗi có gánh hát về làng, bà đều tham gia với đoàn hát. Và còn nhớ một lần, cô đào trong đoàn bị đau nặng, mẹ tôi đem về nhà nuôi dưỡng cả tháng trời.

Sau ngày 30 tháng 4, 1975 thì cả tất cả thay đổi, nhà cửa, ruộng vườn đồ sộ của bên nội đều bị tịch thu. Con cháu không ai dám trở về làng thăm, chăm sóc bà. Sau 16 năm học tập cải tạo, bác Hai tôi là đứa con cuối cùng trở về, là lúc bà nội xuôi tay nhắm mắt. Mẹ tôi nói, bà nội đã sống để chờ đợi thấy được mặt đứa con trai lớn của mình như một phép lạ. Suốt trong thời gian đó, những người ăn kẻ ở của nội trước kia, đều có quyền cao chức trọng. Họ đến “thăm viếng” nội, buông lời nhớ ơn thương cảm, bà im lặng quay mặt không nhìn. Mẹ nói, “cái tôi” của nội lớn hơn cái đình làng và hơn cái chết. Đây cũng là điều hiếm hoi giống nhau của mẹ tôi và nội. Cả hai đều có “cái tôi” rất lớn. Nội mất, tôi đã vượt biên và định cư tại Mỹ. Mẹ tôi kể lại, nội ra đi thư thả như không còn gì bịn rịn, luyến tiếc đời nầy. Nội đã trải qua tất cả, vinh có nhục có, hạnh phước khổ đau, giàu sang hèn thấp, đều qua cả. Nội còn trối, gia đình tôi không cần về chịu tang, thương tưởng bà là đủ.

Mẹ tôi cũng không thua gì, “cái tôi” của bà không nhỏ. Sau 1975, gia đình đói khổ, cha tôi cũng lại “vắng nhà” như thường khi. Bà con, bè bạn của bà thuở xưa trong kháng chiến tìm gặp, ghé thăm muốn “ra tay” giúp đỡ. Không như nội, quay mặt không nhìn, mẹ tôi tươi cười nhưng trong lời nói rất lạnh lùng “cám ơn”! Đồ đạc, thực phẩm họ đem lại giúp đỡ, bà nhận hết rồi lặng lẽ đem chia đều cho người hàng xóm! Anh em tôi tiếc của, nuốt nước miếng nhưng rất hãnh diện vì mẹ. Qua Mỹ được vài năm, em rễ của tôi, bác sĩ Hòa đã qua rước bà về chửa bệnh ở Việt Nam. Bác sĩ Hòa hiện là trưởng phòng khoa máu ở bệnh viện Từ Dũ. Mẹ tôi không muốn chữa bệnh và chết ở Mỹ. Mặc dù bà biết rất rõ, nền y tế ở đây rất hiện đại và tiện nghi vô cùng. Mẹ nói, bà muốn nằm bệnh và có chết cũng là người mình, tiếng nói của mình chung quanh. Tôi biết “cái tôi” của mẹ lớn hơn cái chết!

*** 
Bây giờ sống trên “đất khách quê người”, chúng ta lại có đến hai lần Lễ Mẹ: Mother’s Day và Vu Lan… Năm nay Mother’s Day nhằm ngày cuối tuần, Chúa nhật 10 tháng 5. Hai lần Lễ Mẹ, để tôi nhớ về hai người phụ nữ quý báu nhất đời mình. Về hai người mẹ. Hai người mẹ của hai thế hệ, hai thời đại đã và đang thoáng chốc trôi qua. Đất nước tôi, quê hương tôi như chợt xa chợt gần, chợt nhớ chợt quên. Nhưng một điều tôi biết chắc chắn, là dù ở đâu, trong bất cứ cuộc đời nào, bất cứ tâm cảnh nào từ mọi vùng đất quê xa, mỗi con người chúng ta đều thiết tha thương tưởng một người – người mẹ! 

Tôi xin khép lại bài viết bằng câu nói dưới đây của nhà biên kịch người Anh, Bernard Shaw trong Ngày Của Mẹ 2020: 


Durham, North Carolina
Người Chợ Vãng

Ngày Hiền Mẫu



Xướng:
Ngày Hiền Mẫu

Ngày Hiền Mẫu gợi tuổi thơ xưa
Nhớ Mẹ tảo tần đội nắng mưa
Những lúc nhọc nhằn thương quá đổi
Thường khi lam lũ nói sao vừa
Mang hàng đến chợ trời hừng sáng
Quảy gánh về nhà buổi xế trưa
Lặn lội thân cò nuôi dạy trẻ
Buồn nghe con hỏi: Tía dìa chưa?

Duy Anh
Mother's Day
***
Các Bài Họa:
Nhớ Ơn Mẹ

Nhớ quá mẹ hiền thuở tuổi xưa,
Thân cò chẳng quản nắng cùng mưa.
Nhọc nhằn hôm sớm không than thở,
Lam lũ ngày đêm nói mấy vừa.
Quần xoắn áo te tua thức sớm,
Còng lưng mỏi gối sáng sang trưa.
Không than van kể luôn lo lắng,
Ơn Mẹ công dày có hiểu chưa?

Hồ Nguyễn
(07-5-2020)
***
Mừng Ngày Lễ Mẹ
(Sunday, 05/10/2020)

Đạo làm con hiếu thảo như xưa
Nhớ Mẹ Cha dầu dãi gió mưa
Mang nặng đẻ đau thương mấy đặng ?
Cần lao dưỡng dục biết bao vừa ?
Bán bưng tần tảo lo cơm sớm
Buôn gánh nhọc nhằn sợ chợ trưa
Hiền Mẫu, bông hồng xin kính tặng...
Mẹ già tóc bạc đáp đền chưa? 

Mai Xuân Thanh
Ngày 06/05/2020
***
Tưởng Niệm Ngày Lễ Tôn Kính Hiền Mẫu

TƯỞNG nhớ tình Người, nhớ thuở xưa
NIỆM đời tất bật thảy mùa mưa…
NGÀY ngày chăm sóc đàn con nhỏ
LỄ giáo khuyên răn cảnh cháu vừa…
TÔN trọng ông bà - khai lẽ sống
KÍNH mừng cha mẹ - đáp đền chưa!
HIỀN nhân nghĩa cả như trời biển
MẪU mực, kiên cường dẫu sớm trưa…

Đức Hạnh
07 05 2020
***
Ngày Từ Mẫu Năm 2020


Huy hoàng lộng lẫy những mùa xưa
Lễ Mẹ,xuân về,tạnh gió mưa
Con cháu quây quần không kẻ thiếu
Bánh hoa nườm nượp chẳng chi vừa
Muguet trắng nở trong sương sớmi
Mai Mỹ* vàng bung giữa nắng trưa
Chủ nhật,mùng mười còn cấm vận
Thèm ôm ,siết chặt,hỏi cho chưa ?

Thanh Hoà
* Forsythia,hoa 5 cánh vàng, người Việt cho tên Mai Mỹ này.
***
Ngày Nhớ Mẹ

Dịp lễ Mẫu từ nhớ lại xưa
Xót hoài dáng Mẹ dưới màn mưa
Trong thì lo lắng đàn con dại
Ngoài bận liệu toan cuộc sống vừa...
Sương gió tảo tần ra chợ sớm
Mỗi ngày lửng thửng trở chân trưa...
Vậy mà ân hiếu làm sao trả!!
Người đã vĩnh hằng ước khó chưa!!

Đặng Xuân Linh
***
Lòng Mẹ

Nhớ hoài hình ảnh mẹ quê xưa
Cắm mặt trên đồng trong gió mưa
Tần tảo cả đời thân chẳng quản
Hy sinh trọn kiếp dạ chưa vừa
Làn da đen sạm qua năm tháng
Sức khỏe hao mòn mỗi sáng trưa
Đau đáu trong lòng câu tự hỏi
Đàn con đang lớn đã no chưa ?

Sông Thu
***

Nhớ Hiền Mẫu

Hiền Mẫu thâm tình thậm bóng xưa
Một đời tần tảo sũng sương mưa!
Mồ hôi thấm giọt lầy năm tháng
Nước mắt đau tròng ứa sớm trưa!
Cúc dục đền bồi, khôn ứng xuể
Cù lao báo đáp, mấy cho vừa?
Muôn sau nghĩa Mẹ như nguồn chảy...
Ân đức cao sâu-đạo phụng thờ!

8-5-2020
Nguyễn Huy Khôi
***
Từ Mẫu

Hình ảnh mẫu từ tự thuở xưa,
Mấy ngàn năm cũ mấy giông mưa.
Tảo tần hôm sớm vui không quản,
Lặn lội ngày đêm khổ chẳng vừa.
Vất vả nuôi con dù sớm tối,
Nhọc nhằn riêng chịu dẫu chiều trưa.
Nhỏ nhoi tấc cỏ lòng con trẻ,
Báo đáp ba xuân muôn một chưa?!

Đỗ Chiêu Đức

Lễ Mẹ 2020
***
Bao La Tình Mẹ

Bao la tình Mẹ tự nghìn xưa
Bận bịu cả đời dưới gió mưa
Một nắng dải dầu thân chẳng quản
Hai sương chịu khó dạ đâu vừa
Chăm lo tần tảo dài năm tháng
Nuôi dưỡng nhọc nhằn suốt sớm trưa
Kết cỏ ngậm vành con tự xét
Đáp đền công đức có hay chưa ?

songquang

20200508
(cho ngày hiền mẫu 2020)
***
Nhớ Mẹ 

Lễ Mẹ se lòng nghĩ chuyện xưa
Công ơn biển rộng kể sao vừa
Lê đường bán đậu trời chan nắng
Lết chợ buôn chè gió đẫm mưa
Lặng lẽ không than, cày sáng tối
Âm thầm chẳng nói,cuốc chiều trưa
Tình sâu nghĩa nặng thương hiền mẫu
Bóng khuất xa rồi hỏi tủi chưa?

Minh Thuý

Lễ Mẹ
Tháng 5 /10/ 2020
***
Mẹ Tù "Cải Tạo"Bán Bánh Nuôi Con

Dù rằng năm ngoái cũng là xưa
Mẹ mới đây thôi sũng ướt mưa
Người đã chồn chân chờ hết loạn
Trời đang nổi gió biết đâu vừa
Đợi con lao lý không ngày tháng
Chờ Cải ra hoa quên sớm trưa
Bột Tạo nên hồ làm bánh bán
Hỏi thầm : " Khói lửa thật tan chưa? " 

Hawthorne 8 - 5 - 2020

Cao Mỵ Nhân
***
Biết Mình Chưa. . .!

Hàng năm ngày kị nhớ hồi xưa
Ăn nắng, ngủ ngồi lại uống mưa
Người bảo ngọt ngon sài phải đúng
Bà lo mặn nhạt nếm cho vừa
Đá mòn, trường lớp, con hôm sớm
Chân cứng, nương đồng, mẹ tối trưa
Vui vẻ như chưa từng mệt nhọc
Dâu hiền le lưỡi biết mình chưa . . .!

Trần Như Tùng
***
Người Mẹ Quê

Thâm tâm,ký ức tự ngàn xưa
Bóng Mẹ,thân cò sũng ướt mưa
Trong,đục nuôi con khôn lớn mãi
Khổ,vui giữ phận đói no vừa
Để cha vững bụng còn trai trẻ
Đánh giặc yên lòng cả sớm trưa
Đau yếu tuổi già không đếm xỉa
Lo làng xóm đã thoát nghèo chưa

Lý Đức Quỳnh
9/5/2020
***
Soi Gương Nhị Thập Tứ Hiếu

Làm con đạo hiếu giữ ngàn xưa
Lăn lội thân cò chịu nắng mưa
Con khóc con đau lòng thắt thẻo
Mẫu hiền đoạn ruột khúc cho vừa
Huyên đường vất vả nay còm cỏi
Năm tháng chắt chiu lo sớm trưa
Chăm sóc thường xuyên tròn chử hiếu
Mỗi ngày thăm hỏi mẹ cha chưa? 


Trần Đông Thành
***
Lời Vinh Danh" Nhà Tôi"

Nàng ui nói lắm vẫn như xưa
Chẳng đổi thay hoài tựa nắng mưa
Tự sắm luôn dè chừng ái ngại
Cho con xả láng mãi không vừa
Bao ngày dài phải đi cày sớm
Mấy chục năm nào biết ngủ trưa
Kiếp trước hình như em mắc nợ
Bây giờ biết trả đủ hay chưa

Nông gia hai lúa NJ

Mẹ!



Mẹ là ánh sáng của trăng sao
Dìu bước con đi tự thuở nào
Như giọt mưa thu ngày nắng hạ
Như làn gió mát tận trời cao...

Mẹ là ngọn đuốc thắp trong đêm
Lời mẹ cho con lắm ngọt mềm
Tất cả vì con quên khó nhọc
Nhẹ nhàng lời mẹ giọng ru êm...

Mẹ là tia nắng của ngày đông
Sưởi ấm cho con ngọn lửa hồng
Con dẩu đi qua thời tuổi dại
Đường đời mỗi bước mẹ hoài trông...

Mẹ là dòng suối chảy triền miên
Dõi bước con đi khắp mọi miền
Quên cả tuổi xuân vì gánh nặng
Cho đàn con dại sống bình yên...

Mẹ đã cho con cả một đời
Bao la tình mẹ giữa trùng khơi
Dịu êm những lúc con lầm lỗi
Lòng me bao la tựa biển trời...!!!

Bạc Liêu /9/3/2020

Hồng Vân

Ru Nắng - Trầm Tử Thiêng - Hương Thủy


Sáng Tác: Trầm Tử Thiêng
Ca Sĩ: Hương Thủy
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình


Nghe Lá Thu Rơi

(Tranh Nguyễn Sơn)

Lá rơi lả tả bên song
Nghiêng bay từng cánh sơn son thếp vàng
Bâng khuâng nhớ buổi thu sang
Giữa đường vừa gặp đã lòng xôn xao
Hoa môi hồng thắm nở chào
Mắt nai e ấp ngọt ngào dạ thưa
Nhớ hôm trời lất phất mưa
Ngực tôi em nép tóc da thơm nồng
Thu qua, em cũng sang sông
Mà hơi hướm ấy còn vương suốt đời
Bên song nghe lá thu rơi
Lòng tôi xào xạc... tiếng lời chào xưa...

Hoàng Xuân Thảo

Bức Ảnh Màu Ký Ức

(Cherating Refugees Camp -Malaysia)
(Viết tặng người trong ảnh, LTKO)

Người con gái tôi chưa hề gặp mặt
Bốn mươi năm và đến tận bây giờ
Qua bức ảnh tôi thấy mình trong đó
Ở một nơi, không hẹn rất tình cờ…

Người ta gọi đó là bao ngưỡng cửa
Của thiên đường, của những cánh chim bay
Tôi gọi đó là vùng trời em đến
Của một lần thay đổi vận bàn tay

Em bỏ lại phía sau ngàn sóng vỗ
Tôi đi tìm con ốc biển hồn ai
Tiếng gió gọi trên từng bờ đá tảng
Bao năm rồi tóc lỡ phủ bờ vai

Bức ảnh nhỏ trắng đen màu ký ức
Một ngày xưa, một để lại khó quên
Ôn dĩ vãng có gì em nuối tiếc
Hay chỉ là những mơ ước đi tìm?

Thương bức ảnh một đời nơi xứ lạ
Em và tôi dù vạn nẽo đường trần
Như con nước có bên bồi bên lở
Thời gian rồi cũng cạn đáy sông trôi…

Hôm nay chợt gặp người trong ảnh cũ
Lòng bâng khuâng nhớ lại những ngày qua
Biển vẫn mặn và hoa đời vẫn nở
Xin gửi người một chút phấn hương xa…

Durham, North Carolina
Người Chợ Vãng

Tà Áo Em Xưa



Tuy cách biệt vẫn thương tà áo trắng,
Tháng tư (1975) nào vương vấn giọt châu sa!
Khóc chia ly nhòa ánh mắt mặn mà,
Còn đâu nữa sân trường cùng tắm nắng…

Ta vẫn nhớ con đường xưa im ắng,
Giờ mình em vẫn nhẹ bước đơn côi.
Xa quê nghèo ta nhớ mãi em thôi,
Hồn câm nín thương về nàng áo trắng…

Có những buổi thả hồn về xóm vắng,
Lòng mơ màng tìm lại dấu cố nhân.
Trót lưu vong trôi giạt kiếp phong trần,
Luôn nhớ mãi tình ban sơ trong trắng…

Hơn nửa kiếp người ôm buồn canh cánh,
Tuổi xuân qua phải tập sống cảnh già,
Lòng bâng khuâng ngâm…'‘Dạ Khúc Chiều Tà’’(Serenata)
Cho vơi bớt nhớ thương tà áo trắng…

Hai Lúa Garden State NJ USA

Thơ Đường Vận Trắc

 

Thường nói đến gieo vần là người ta nghĩ ngay đến Vần Bằng. VẦN là những chữ những từ có âm điệu, âm sắc và âm vận giống nhau như SA, GIA, HOA trong bài thơ Thất Ngôn Tứ Tuyệt "BẠC TẦN HOÀI 泊秦淮" của chàng thi sĩ lạc phách phong lưu đa tình của buổi Tàn Đường Đỗ Mục 杜牧:

煙籠寒水月籠沙, Yên lung hàn thuỷ nguyệt lung SA,
夜泊秦淮近酒家。 Dạ bạc Tần Hoài cận tửu GIA.
商女不知亡國恨, Thương nữ bất tri vong quốc hận,
隔江猶唱後庭花。 Cách giang do xướng Hậu Đình HOA.
Có mghĩa: 

Khói mờ nước lạnh cát trăng nhòa,
Đêm ghé Tần Hoài cạnh tửu gia.
Ca kỷ biết đâu hờn mất nước,
Cách sông còn hát Hậu Đình Hoa ! 

Đó là cách gieo vần của các bài Ngũ Ngôn và Thất Ngôn Tứ Tuyệt mà cụ Nguyễn Du đã nói trong Truyện Kiều khi chị em Thúy Kiều đi du xuân Đạp Thanh nhân tiết Thanh Minh, trước mả Đạm Tiên cô Kiều đã:
Rút trâm sẵn vắt mái đầu,
Vạch da cây vịnh BỐN CÂU BA VẦN.

Không "Bốn câu ba vần" thì "Bốn câu hai vần" nghe vẫn êm tai như thường. Như bài "Ức Đông Sơn" của Thi Tiên Lý Bạch sau đây:

不向東山久, Bất hướng Đông sơn cữu,
薔薇幾度花? Tường vi kỷ độ HOA ?
白雲還自散, Bạch vân hoàn tự tán,
明月落誰家? Minh nguyệt lạc thùy GIA?

Có nghĩa:

Đông Sơn lâu không đến,
Mấy độ tường vi PHAI?
Mây trắng còn tan biến,
Trăng vàng rụng nhà AI?!

Lục bát:

Đông Sơn lâu qúa không QUA,
Tường Vi mấy độ hoa ĐÀ phôi PHAI.
Ngẩn ngơ mây trắng còn BAY,
Trăng vàng rụng xuống nhà AI đêm này?!

Ta thấy, vần BẰNG êm tai là thế, du dương là thế, gợi cảm là thế !... Nhưng trong thi ca, thỉnh thoảng ta vẫn bắt gặp những bài thơ gieo vần TRẮC, đọc lên nghe "Trúc trắc" chói cái lổ tai, nhưng vẫn có cái âm điệu độc đáo riêng của nó. Ta hãy nghe thử âm điệu bài thơ "Giang Tuyết 江雪" của Liễu Tông Nguyên 柳宗元sau đây sẽ rõ :

千山鳥飛絕, Thiên sơn điểu phi TUYỆT,
萬徑人踪滅。 Vạn kính nhân tung DIỆT.
孤舟簑笠翁, Cô chu toa lập ông,
獨釣寒江雪。 Độc điếu hàn giang TUYẾT !

Có nghĩa:

Ngàn núi chim bay MIẾT,
Muôn lối bóng người TUYỆT.
Thuyên côi một lão ông,
Buông cần trên sông TUYẾT!

Lục bát:

Chim bay về núi hết rồi,
Đường mòn muôn lối bóng người bặt tăm.
Thuyền côi áo lá ngư ông,
Buông cần một bóng trên sông tuyết mù!

Ba âm TUYỆT, DIỆT, TUYẾT khô khan cộc lốc lạnh lẽo như trời đông giá tuyết ! nêu bậc được cảnh trí độc đáo lạnh lùng vắng vẻ của trời đông tuyết giá trên sông, làm ta lại nhớ đến...

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo, 
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo...

của cụ Nguyễn Khuyến. Ai bảo thơ vần TRẮC không nên thơ, không gợi cảm đâu ? Thơ VẦN TRẮC hay theo kiểu VẦN TRẮC ! Nhưng, lại nhưng, luật thơ Đường, Luật chính quy lại không chấp nhận thơ Vần Trắc là thơ CHÍNH LUẬT, mà lại liệt vào hàng thơ Cổ Phong CỔ THỂ. Theo như tài liệu tham khảo trên mạng thì...

Cơ bản mà nói, cho đến trước mắt vẫn chưa có tài liệu văn bản nào quy định là "Thơ Đường luật không thể gieo vần TRẮC". Nhưng căn cứ vào tất cả tư liệu về Đường Thi trước mắt, thì rất hiếm có một bài thơ Đường Luật nào của đời Đường mang vần TRẮC cả, thường thì những câu thơ "Đúng Luật Bằng Trắc" xa cạ xen lẫn những câu "Thất Luật" trong cùng một bài thơ, nên có người xếp NÓ vào thơ Đường Luật, có người xếp NÓ vào thơ "Cổ Phong".
Sự phân biệt giữa thơ Đường Luật và thơ Cổ Phong không phải căn cứ ở chỗ gieo VẦN TRẮC hay VẦN BẰNG, cũng không phải xem SỐ CHỮ trong câu thơ, mà là căn cứ vào LUẬT BẰNG TRẮC TRONG TỪNG CÂU THƠ có đúng với "Cách Luật" hay không, nếu đúng thì là THƠ LUẬT, còn nếu không đúng thì là thơ CỔ PHONG.


Căn cứ theo tài liệu nghiên cứu của Vương Lực 王力, một học giả cận đại chuyên nghiên cứu về Luật Thi đời Đường thì :"Thơ Đường luật đời Đường, mặc dù có những tác phẩm gieo vần trắc, nhưng rất ít. Một ít tác phẩm thơ Ngũ ngôn tứ tuyệt và Ngũ ngôn luật thi, còn Thất ngôn tuyệt cú và Thất ngôn luật thì lại càng hiếm thấy. Đại bộ phận Ngũ ngôn tuyệt cú đều được xếp vào "Ngũ Ngôn Cổ Phong", nên thơ gieo "Vần Trắc" đều được liệt vào nhóm "Cổ Thể Thi". Theo học giả Vương Lực thì:
"Thơ Chính luật Đường Luật lấy VẦN BẰNG làm chính, còn VẦN TRẮC thì giống như thơ Cổ Phong. Ta phân biệt chúng bằng cách căn cứ vào LUẬT BẰNG TRẮC trong một câu thơ làm tiêu chuẩn". Theo như mẫu BẰNG TRẮC dưới đây:

* NGŨ NGÔN: 

1.仄仄平平仄 T T B B T
2.仄仄仄平平 T T T B B
3.平平平仄仄 B B B T T
4.平平仄仄平 B B T T B

* THẤT NGÔN:

1. 平平仄仄平平仄 B B T T B B T
2. 平平仄仄仄平平 B B T T T B B
3. 仄仄平平平仄仄 T T B B B T T
4. 仄仄平平仄仄平 T T B B T T B

Cụ thể như bài "Tầm Ẩn Giả Bất Ngộ" (Tìm người ở ẩn không gặp) của nhà Thơ Giả Đảo 賈島的尋隐者不遇 đời Đường như sau: 

松下问童子,Tùng hạ vấn đồng TỬ, 平仄仄平仄 BTTBT sai luật câu
言师采药去。Ngôn sư thái dược KHỨ. 平平仄仄仄 BBTTT sai luật câu
只在此山中,Chỉ tại thử sơn trung, 仄仄仄平平 TTTBB đúng luật câu
云深不知处。Vân thâm bất tri XỨ. 平平仄平仄 BBTBT sai luật câu
Có nghĩa:

Dưới tùng hỏi đồng TỬ,
Sư hái thuốc đâu HỬ ?
Chỉ ở trong núi nầy,
Mây mù sao thấy CHỨ ?!

Lục bát:

Dưới rặng thông, hỏi tiểu đồng,
Rằng sư hái thuốc lòng vòng đâu đây.
Quẩn quanh trong ngọn núi nầy,
Mây mù khuất lắp bóng thầy thấy đâu!

Nếu kể theo Luật Thi thì bài thơ trên vừa "Thất Niêm" vừa "Thất Luật", nên phải được liệt vào nhóm các bài thơ "Cổ Phong". Sau đây là bài VỌNG NHẠC (Ngắm núi) của Thi Thánh Đỗ Phủ 又如杜甫的《望岳》:

岱宗夫如何? Đại tông phù như hà ? 仄平平平平 TBBBB sai luật câu
齐鲁青未了。 Tề Lỗ thanh vị liễu. 平仄平仄仄 BTBTT sai luật câu
造化钟神秀, Tạo hóa chung thần tú, 仄仄平平仄 TTBBT đúng luật câu
阴阳割昏晓。 Âm dương các hôn hiểu. 平平仄平仄 BBTBT sai luật câu
荡胸生层云, Đảng hung sanh tằng vân, 仄平平平平 TBBBB sai luật câu
决眦入归鸟。 Quyết tí nhập quy điểu. 仄仄仄平仄 TTTBT sai luật câu
会当凌绝顶, Hội đương lăng tuyệt đĩnh, 仄平平仄仄 TBBTT sai luật câu
一览众山小。 Nhất lãm chúng sơn tiểu. 仄仄仄平仄 TTTBT sai luật câu
Có nghĩa:

Thái Sơn đẹp ra sao?
Tề Lỗ xanh khôn nói.
Tạo hóa kết xinh tươi,
Âm dương chia sáng tối.
Lòng tợ mây trắng trôi,
Chim như bay lạc lối.
Quyết lên tận đĩnh cao,
Dưới thấp muôn ngàn núi!

Lục bát:

Thái Sơn đẹp biết dường bao!
Xanh tươi Tề Lỗ ngạt ngào cỏ hoa.
Khéo thay con tạo nguy nga,
Âm dương sáng tối nam qua bắc về.
Chập chùng mây trắng tư bề,
Chim bay mõi cánh đi về phương nao.
Cố lên tận đĩnh non cao,
Cúi trông ngàn núi khác nào dưới chân 

Ông Thánh làm thơ, mặc dù đối rất chỉnh, nhưng nếu kể là Luật Thi thì vẫn "Thất Niên Thất Luật" như thường, nên bài thơ trên phải được kể là thơ "Cổ Phong" chứ không phải "Ngũ Ngôn Luật Thi".

Lại như bài kệ VÔ MÔN QUAN của Tuệ Khai Thiền Sư đời Tống 宋.慧開禪師《無門關》như sau:

春有百花秋有月, Xuân hữu bách hoa thu hữu nguyệt, BTTBBTT Sai luật
夏有涼風冬有雪; Hạ hữu lương phong đông hữu tuyết. TTBBBTT Đúng luật
若無閒事掛心頭, Nhược vô nhàn sự quải tâm đầu, TBBTTBB Sai luật
便是人間好時節。 Tiện thị nhân gian hảo thời tiết. TTBBTBT Sai luật

Có nghĩa:

Xuân có trăm hoa thu có nguyệt,
Hạ thì gió mát đông thì tuyết.
Nếu không vướng mắc truyện trong lòng,
Nhân gian bốn mùa nào cũng tuyệt !

Lục bát:

Xuân hoa thu nguyệt lẽ thường,
Hạ thì gió mát đông thường tuyết rơi.
Nếu lòng thanh thản thảnh thơi,
Bốn mùa thời tiết tuyệt vời kể chi !

Ba câu trên còn giữ được "Nhị tứ lục phân minh", câu bốn thì bỏ luôn " Nhị tứ lục" và bài kệ cũng Thất cả Niêm. nên chỉ kể là Cổ Phong chứ không kể là "Thất Ngôn Tứ Tuyệt". 


Lại như bài Thất ngôn bát cú "Ý TỰ" của Hàn Ốc 韩偓的《意绪》đời Đường:

绝代佳人何寂寞,Tuyệt đại giai nhân hà tịch mạc, 仄仄平平平仄仄 Đ.luật
梨花未发梅花落。Lê hoa vị phát mai hoa lạc. 平平仄仄平平仄 S.luật
东风吹雨入西园,Đông phong xuy vũ nhập tây viên, 平平平仄仄平平 S.luật
银线千条度虚阁。Ngân tuyến thiên điều độ hư các. 平仄平平仄平仄 S.luật
脸粉难匀蜀酒浓,Kiểm phấn nan quân Thục tửu nùng, 仄仄平平仄仄平 Đ.luật
口脂易印吴绫薄。Khẩu chi dị ấn Ngô lăng bạc. 仄平仄仄平平仄 S.luật
娇娆意态不胜羞,Kiều nhiêu ý thái bất thắng tu, 平平仄仄仄平平 Đ.luật
愿倚郎肩永相着。Nguyện ỷ lang kiên vĩnh tương trác. 仄仄平平仄平仄 S.luật
Có nghĩa:

Người đẹp tuyệt trần sao vắng lặng,
Hoa lê chưa quét hoa mai rụng.
Gió đông mưa thổi góc vườn tây,
Kim chỉ thêm buồn lầu gác vắng.
Hương phấn khôn che rượu Thục nồng,
Son môi dễ để lụa Ngô ấn.
Yêu kiều diễm lệ thẹn thùng nên...
Tựa lấy vai chàng qua kiếp sống !

Lục bát:

Tuyệt trần người đẹp buồn sao,
Hoa lê chưa quét đã sầu hoa mai.
Gió đông mưa ướt vườn tây,
Ngàn kim mũi chỉ riêng đây lạnh lùng.
Phấn son rượu Thục vẫn nồng,
Son môi để dấu ấn hồng lụa Ngô.
Yêu kiều diễm lệ dường thơ...
Vai chàng tựa đến bạc phơ mái đầu !

Bài thơ có Vần Trắc trên đây, Niêm rất chỉnh, Đối rất chỉnh, Luật thì có câu Sai câu Đúng, nhưng vẫn không kể là Luật Thi được. 

Bài thơ Thất Ngôn Tứ Tuyệt độc nhất vô nhị trong Đường Thi (theo tài liệu nói, chớ không phải tôi nói). Thường thì Ngũ Ngôn Tứ Tuyệt gieo vần Trắc thì nhiều, chớ Thất Ngôn thì duy nhất chỉ có bài nầy mà thôi. Đó là bài "Lạc Kiều Vãn Vọng 洛橋晚望" của Mạnh Giao 孟郊 đời Đường:

天津橋下冰初結, Thiên Tân kiều hạ băng sơ kết, BBBTBBT Sai luật
洛陽陌上人行絕。 Lạc Dương lộ thượng nhân hành tuyệt. TBTTBBT Sai luật
榆柳蕭疏樓閣閒, Du liễu tiêu sơ lâu các nhàn, BTBBBTB Sai luật
月明直見嵩山雪。 Nguyệt minh trực kiến Tung Sơn tuyết. TBTTBBT Sai luật

Bốn câu trên, nghiêm chỉnh mà nói thì đều phạm LUẬT BẰNG TRẮC, nhưng đều giữ được "Nhị Tứ Lục phân minh" của một bài Tuyệt Cú, đáng là một bài thơ hay.

* Nghĩa Bài Thơ:
- Dưới dốc cầu Thiên Tân vừa mới kết băng, thì...
- Trên đường phố Lạc Dương đã tuyệt bóng người đi rồi.
- Các nhánh liễu lơ thơ tiêu điều đứng nhàn hạ trước lầu,
- Vầng trăng sáng cho ta nhìn thấy rõ ràng tuyết phủ trên ngọn núi Tung Sơn.

* Diễn Nôm:

Dưới dốc Thiên Tân băng mới kết,
Lạc Dương đường phố người đi hết.
Xác xơ tơ liễu rủ bên lầu,
Trăng chiếu Tung Sơn đầy núi tuyết !

Lục bát:

Thiên Tân cầu mới đóng băng,
Lạc Dương đường phố đã không một người.
Trước lầu tơ liễu tơi bời,
Trăng soi tỏ rõ tuyết ngời Tung Sơn.

Từ các ví dụ trên đưa ta đến kết luận là:

Thơ TRẮC VẬN (Vần Trắc) thuộc phạm trù của thơ CỔ PHONG, nên "Không thể kể là thơ Đường Luật " Chính Luật được. Nhưng thơ Vần Trắc cũng có nét độc đáo riêng, NÓ có thể nới lỏng hơn về Cách Luật trong từng câu, Niêm Luật và yêu cầu về Đối Xứng cũng dễ dàng hơn, dễ diễn tình diễn ý hơn mà âm điệu cũng hấp dẫn và lạ tai hơn, không đơn điệu gò bó như Luật Thi, nên thỉnh thoảng ta cũng hay bắt gặp một vài bài thơ độc đáo của các tác giả nổi danh tìm đến với không gian mới thông thoáng hơn nầy, như bài Sanh Tra Tử - NGUYÊN TỊCH (đêm Nguyên Tiêu) của Âu Dương Tu đời Tống 欧阳修的《生查子·元夕》sau đây:

去年元夜时, Khứ niên nguyên dạ thì,
花市灯如昼。 Hoa thị đăng như trú.
月上柳梢头, Nguyệt thượng liễu sao đầu,
人约黄昏后。 Nhân ước hoàng hôn hậu.
今年元夜时, Kim niên nguyên dạ thì,
月与灯依旧。 Nguyệt dữ đăng y cựu,
不见去年人, Bất kiến khứ niên nhân,
泪湿春衫袖。 Lệ thấp xuân sam tụ.

Hai câu thơ nổi tiếng là bất hủ đi vào văn học dân gian, hòa vào cuộc sống và đầu môi chót lưỡi của mọi người là: 

月上柳梢头 Nguyệt thượng liễu sao đầu, 
人约黄昏后 Nhân ước hoàng hôn hậu. 
Có nghĩa:

Trăng lên ngọn liễu rạng ngời,
Người cùng ước hẹn sau trời hoàng hôn.

Nhưng....
Trước mắt, các bạn thơ, các người thơ trong Vườn Thơ Thẩn hay các thi nhân, thi sĩ làm thơ Đường Luật gieo vần Trắc, nhưng vẫn giữ đúng NIÊM, LUẬT, VẬN một cách nghiêm chỉnh. Theo tôi thì đó cũng là một diễn biến theo thời đại của Luật Thơ, nên ta vẫn có thể gọi đó là TRẮC VẬN LUẬT THI 仄韻律詩 là : "Thơ Đường Luật được gieo vần Trắc" cho hợp với trào lưu tiến hóa, chớ nếu gọi bằng thơ CỔ PHONG hay CỔ THỂ thì nghe có vẽ CỨNG NGẮT không linh động thông thoáng chút nào cả ! Những từ chuyên môn như "Cổ Phong, Cổ Thể" chỉ để nghiên cứu và chỉ nên gọi ở trên lớp khi đang giảng cho các học viên mà thôi !

Sau đây là hai bài thơ xướng họa của Vườn Thơ Thẩn được gieo VẦN TRẮC và Niêm Luật đều rất chỉnh đúng với Luật Thơ Đường Luật chính thể :

Chúc Mừng Sinh Nhật 
Nguyễn Đắc Thắng

Sinh Nhật hôm nay mừng sáu sáu
Dù đang yếu bước chân kỳ lão
Cảm hoài tâm sự nặng lòng thơ
Cố gắng gìn thân an bộ não 
Bằng hữu nơi nơi gởi chúc mừng
Thâm tình đặc biệt mời đi dạo
Ngẫm mình thấy bạn thoáng nao nao
Mong mỏi yên bình sau gió bão.

Cao Linh Tử . 
Cao Lãnh, 4/4/2018
***
Họa Vận:

Mừng Sinh Nhật 66

Mừng đệ năm nay đạt sáu sáu,
Vượt vòng Hoa Giáp năm năm lão.
Lạc quan dưỡng bệnh chớ âu sầu,
Vui sống yêu đời đừng áo não !
Tình bạn chan hòa khắp mọi nơi,
Vườn thơ bát ngát chung cùng dạo.
Bền lòng vững chí chớ oán vưu,
Trời sẽ xanh hơn sau lốc bão !

Đỗ Chiêu Đức
Mậu Tuất 2018

Sau đây là các bài thơ xướng họa của Vườn Thơ Thẩn nhân MÙNG 1 TẾT Âm Lịch, Canh Tý 2020.



Khai Bút Canh Tý
(Thơ Vận Trắc)

Đôi vần khai bút xuân Canh Tý
Ước viết sao tròn câu ý nhị
Cầu sẽ trăm ngày vẹn thỏa tâm
Mong rằng vạn sự xuôi như ý
Mừng mừng bá tánh ngập tài danh 
Chúc chúc muôn nhà tràn phước hỉ
Quốc thái dân an, cảnh thịnh cường
Người người no thỏa tiền căng …ví.

Cao Bồi Già
25-01-2020
***
Họa Vận:

HỌP MẶT ĐẦU NĂM

Họp mặt bạn bè vui Tết Tý
Bên cành mai thắm vừa bung nhị
Hàn huyên câu chuyện mãi thân tình
Chúc tụng cuộc đời luôn toại ý
Chén rượu tương phùng say ngất ngây
Vần thơ xướng họa tràn hoan hỉ
Tuổi già thanh thản sống an vui
Lọ phải sang giàu tiền chật ví.

Sông Thu
(Mùng Một Tết Canh Tý 2020)
***
Chúc Mừng Năm Tý

Năm chuột địa chi gọi chú Tý,
Tết về trăm thứ hoa đương nhị.
Muôn điều may mắn thảy toại lòng,
Vạn sự hanh thông đều xứng ý.
Già trẻ tương thông cộng lạc an,
Gái trai hòa hợp cùng hoan hỉ.
Xóm làng khởi sắc hết lo toan,
Rủng rỉnh bàng dân tiền chật ví !

Đỗ Chiêu Đức

Xin được kết thúc bài viết về THƠ ĐƯỜNG VẦN TRẮC ở nơi đây. Hẹn bài viết tới!

杜紹德
Đỗ Chiêu Đức

Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2020

Thơ Tranh: Hương Đêm



Thơ: Tuệ Nga
Thơ Tranh: Kim Oanh

Hồn Ta Thảnh Thơi


1/
Nhiều lần ta gọi bạn
bạn không trả lời
Ta tìm thăm bạn
bạn vắng nhà

Ta lang thang ra phố
bước vào quán nước quen
vẫn ly cà phê đen đậm đặc như trước
nhưng bấy giờ
nhạt nhẽo ,vô duyên

Ta trở về nhà
thư phòng vắng vẻ
đọc lại những câu kinh:
"Khi xúc chạm việc đời
"Tâm không động không sầu
"Tụ tại và vô nhiễm"
Hồn ta được thảnh thơi

2/ 
Trong tim tôi bé nhỏ
có Phật tượng kim cương
Trên vạn nẽo đường đời
tôi luôn luôn niệm Phật
Nhiều gian nan khổ ải
nhiều trắc trở chông gai
Đều vượt qua nhanh chóng
hồn tôi được thảnh thơi


Hoàng Long
 

Lễ Phật Đản



Bài Xướng:
Lễ Phật Đản

Đản Sanh Đức Phật Tổ Như Lai
Thái Tử hiện thân Đấng thiện tài
Muôn kiếp Hằng Hà tu đắc Đạo
Vạn đời cứu khổ hóa duyên may
Dân gian trọng thể dâng hoa quả
Phật tử trang nghiêm dựng tượng đài
Dưới thế, vô minh, mừng đại lễ
Trên trời tỏa sáng ánh dương ngày

Mai Xuân Thanh
Ngày Rằm Tháng Tư Năm Canh Tý
***
Họa: 
Ánh Đạo Vàng

Rằm lớn Tháng Tư Phật Đản lai
Đạt Đa Thái Tử bậc kỳ tài
Từ bi cứu thế ban ân điển
Phổ độ nhân loài giáng phước may
Uy lẫm chỉ tay Thiên Địa trụ
Vững vàng chân bước bảy sen đài
Đạo vàng tâm niệm lời truyền dạy
Danh hiệu Thích Ca tụng mỗi ngày

Phương Hoa 
 May 7th 2020

Lối Mòn Trăm Năm



Con đường đã, mỏi mòn chân bước
Chỉ chập chùng lá úa vàng phai
Đâu đóm lửa đoái hoài đêm tối
Bóng cô đơn lặng lẽ bên đời.

Dấu hương xưa còn đây chứng tích
Bông hoa tình tím dại lẻ loi
Nở giữa đời hương không phai sắc
Người ơi người đã vội quên rồi!

Người ơi người, chưa nhạt đôi môi!
Sương còn đẫm lời thề ân ái
Chắc gì đã hồn còn phơi phới
Bởi đêm mưa xoá hết hình hài.

Đường vinh nhục mơ hồ tiếc nuối
Thăng trầm như gió cuốn chiều thu
Ước mơ đâu, hạnh phúc giam tù
Xa xôi quá vòng tay hờ hững .

Nhánh tóc mây bâng khuâng gió lộng
Đàn chiều ai như tiếng kinh buồn
Tưởng chừng nắng xế mưa tuôn
Vẫn còn đây đó nỗi buồn trăm năm.

Ngọc Quyên

Đêm Phật Đản Nhớ Bạn Thơ



Xướng:
Đêm Phật Đản Nhớ Bạn Thơ

(Tưởng nhớ anh Lê Đăng Mành )

Đêm rằm Phật Đản nhớ Hiên Trăng
Tụ họp ngâm thơ ngắm bóng Hằng
Bỗng chốc...rụng rời...câu đứt đoạn
Thốt nhiên...run rẩy...lệ tuôn hàng
Đăng Mành danh bút, người thi sĩ
Như Thị thiện tâm, kẻ đạo tràng
Vĩnh biệt bạn bè cùng chữ nghĩa
Để niềm thương tiếc mãi miên man...

Sông Thu
( Đêm Phật Đản-15/4 âm lịch 2020 )
***
Các Bài Họa:

Đêm Rằm Mùa Phật Đản 

Phật Đản đang mùa dõi ánh Trăng 
Trà thơm uống đợi bóng cô Hằng 
Sương thầm nhẹ bám hoa lơi lã 
Gió khẻ hờ lay lá đổ hàng 
Tưởng tượng kinh cầu hương trắng khói 
Hình dung buổi lễ áo lam tràng 
Thi nhân “mộ đạo” giờ xa khuất 
Xướng họa thơ Đường nhớ dại man

Minh Thuý 
Tháng 5/7/2020
***
Khói Trầm

Tâm hồn trĩu nặng những tuần Trăng
Tiếc nuối người xa mãi chị Hằng
Hoạ xướng thơ ca bao lĩnh vực
Thả buông câu chữ bấy nhiêu hàng
Trần gian hứng chịu đời giông bão
Thân xác nguyện mang tấm áo tràng
Một lạy gửi anh về đất Phật
Khói trầm theo gió gói buồn man

Phượng Hồng
***
Trăng Buồn! 

Âm thầm lặng lẽ khóc hồn Trăng
Trơ trọi vườn Hiên vắng chị Hằng
Khắc khoải canh dài ôm một bóng
Sầu tư dạ buốt đẫm hai hàng
Đường thi trải luật còn ngơ ngẩn 
Thư pháp chờ ai có trễ tràng?
Lãm Nguyệt êm đềm luôn rộng mở
Tâm dường gió nhẹ thổi mơn man!

Như Thu
07/05/2020
***
Hoang Vắng Hiên Trăng

Trở lại hiên sương vắng bóng Hằng
Trời buồn như thiếu một vầng trăng
Phải vì gió nổi sầu tan nguyệt
Hay tại sao rơi lạc mất hàng
Trầm toả hoang liêu vùng tịnh tuyệt
Hương bay lãng đãng vạt lam tràng
Bâng khuâng sắc nến vàng trang sớ
Như Thị mơ hồ mõ vọng man...

Hawthorne 7 - 5 - 2020
Cao Mỵ Nhân
***
Đêm Trăng Nhớ Bạn

Cố nhân đâu hỡi,chỉ còn trăng
Để bóng lìm im nhớ vĩnh hằng
Thả giọt cô liêu vào mấy chữ
Hòa men thiện hảo tẩm đôi hàng
Nụ thơ,nhánh ý sầu khai hội
Hoa đạo,bờ duyên lẻ kết tràng
Đêm mãi lao xao cùng biển sóng
Nghe hồn cổ độ gió lan man

Lý Đức Quỳnh 
8/5/2020
***
Cảm Đề

Suông rằm, phiêu lãng dạo sông trăng
Thưởng ngoạn mây trôi giỡn bóng Hằng
Chung bến chung dòng, khôn sóng bậc
Cùng thuyền cùng hội, né so hàng (?)
Quy y khai trí gìn căn thiện
Quán đạo tu tâm giữ pháp tràng.
Xa xót!...Đăng Mành rời cõi tạm...
Chập chờn sương khói thoảng man man.

8-5-2020
Nguyễn Huy Khôi
***
Nhớ Đêm Rằm Nguyệt Lãm

Ngày qua thấm thoắt đã tròn trăng
Nguyệt Lãm,ngoài hiên,sáng chị Hằng ?
Cấm vận buồn đau ngưng đảnh lễ
Cách ly hoảng loạn,biếng lần tràng
Như Thị tịnh thiền,nào sai bữa
Bác Lê trì chú chẳng lạc hàng
Thương nhớ thiên tài vừa khuất bóng
Suốt mùa Phật Đản,dạ lan man


Thanh Hoà
***
Đêm Rằn Nhớ Lãm Nguyệt Hiên

(Họa 4 vận)

Đêm rằm sáng tỏ vọng cung trăng
Chú Cuội trao thơ gửi ả Hằng
Suối mộng mong chờ thương những nẻo
Nàng thi gặp gỡ tỏ muôn hàng
Thu vàng nhớ bạn khai thi tứ
Lễ Phật cầu kinh khẩn chuỗi tràng 
“Lãm Nguyệt Hiên” chan hòa biển ái
Tình Người cảm tạ đã cưu mang…

Đức Hạnh
08 05 2020
***
Nhớ Trăng Năm Xưa

(Họa 4 vận)

Lấp lánh trên trời ánh sáng trăng
Nguyệt Hiên say đắm cảnh cung Hằng
Tay tiên bạn thiết tô từng nét
Bút ngọc người thơ họa mấy hàng
Phật Đản dâng huơng lan khắp chốn
Lời Kinh tụng niệm tỏa bao tràng
Thời gian lặng lẽ trôi qua mãi
Thiện chí thành tâm vẫn cứ mang 

Nông gia hai lúa NJ 
***
Đêm Phật Đản Nhớ Bạn Thơ

Phật Đản đêm rằm lặng ngắm trăng,
Lạnh sao hiu hắt bóng cô hằng.
Ngậm ngùi nhớ bạn lòng canh cánh,
Bệnh tật hành thân ý chẳng hàng.
Lãm Nguyệt Thi Hiên lưu hậu học,
Đăng Mành Như Thị nhập đàng tràng.
Nguyện cầu chư Phật từ bi độ,
Cực lạc Tây Phương lộ diểu man !...

Đỗ Chiêu Đức
Phật Đản 2020.
LỘ DIỂU MAN 路渺漫 là "Đường xa diệu vợi...".
- Đường đến Tây Phương còn xa xôi lắm, nguyện cầu chư Phật hộ độ cho tín hữu Lê Đăng Mành sớm được siêu sinh.

Tiếng Chuông Chùa



Nhẹ nhàng theo gió tiếng chuông ngân
Dẫu đã đi qua vướng bụi trần
Thánh thoát âm thanh hồn lắng đọng
Lòng như thanh thản cõi phong vân
Mơ chiều quét lá trên sân vắng
Tiếng kệ câu kinh giác ngộ lần
Dưa muối cơm rau dù đạm bạc
Tâm thành hướng thiện chẳng si sân...!!!

Bạc Liêu
/29/4/2020
Hồng Vân
***
An Vui

Nghe tiếng chuông chùa thong thả ngân
Lòng riêng thoát khỏi chốn hồng trần
Nhẹ nhàng thân thể như làn khói
Thanh thản tâm hồn tựa áng vân
Danh vọng, tiền tài... buông bỏ hết
Âu lo, phiền não... quẳng đi lần
Sống cho có ích và trong sạch
Vui đón trăng thềm với gió sân

Sông Thu
(Mùa Phật Đản 2020)
***
Tịnh Thiền

Lay lắt chuông chùa tiếng vọng ngân
Phật linh quán chiếu khắp dương trần
Lòng thiền chân ngã trau căn pháp
Tâm tịnh thanh hòa thoát bụi vân.
Ân trả -đáp đền duyên hữu hợp
Oán tha- kiên trải nợ đồng lần.
Bần thanh thơi thảnh đùa trăng gió
Tự tại xây đời, lánh... ố , sân....

8-5-2020
Nguyễn Huy Khôi
***
Đêm Nghe Tiếng Chuông Chùa

Thảnh thót chuông chùa vọng tiếng ngân
Đêm nghe như thoát cõi hồng trần
Tâm hồn luôn giữ lòng thanh tịnh
Thân thể mãi gìn dạ ánh vân
Địa vị ,công danh buông bỏ hết
Âu lo,phiền lụy phủi tan lần
Câu kinh tiếng mõ xua mùi tục
Hướng thiện tô đời tránh ái sân...

songquang
20200508
(Mùa Phật Đản 2020)
***
Xa Mùi Tục Lụy


Thoảng nghe văng vẳng chuông chùa ngân
Lòng thấy băn khoăn muốn xuất trần
Thanh thản tâm tư thôi tục lụy
An bình suy tưởng hết phù vân
Bờ mê ngoãnh mặt đi nhiều lúc
Bến gíác dừng chân đã mấy lần
Gối chiếc mơ về vùng ánh đạo
Lời từ bi vọng tới ngoài sân.

Toronto 9/5/2020
Nguyên Trần
***
Nghe Tiếng Chuông Chùa

Chuông chùa nhắc nhớ mỗi chiều ngân
Đón lấy sạch trong giữa bụi trần
Để mắt thêm rành trong hỗn thế
Cho lòng được sáng dưới thanh vân
Giữ ngon ngô đậu dù hao sức
Tắm mát miu lu chẳng kể lần
Thầm lặng cau nhà trau dáng thẳng
Tỏa lành hương ngát thấm vườn sân.

Trần Như Tùng

***
Ngân Vọng Chuông Chùa

Hiu hắt nắng vàng chuông vọng ngân
Thiết tha hồn lắng đọng mê trần !
Khêu lòng hướng Phật nâng tràng đạo,
Gợi trí tu thân xoá mộng vân !
Dìu dặt tiếng kinh nêu pháp chánh,
Diệu kỳ câu kệ ngộ duyên lần !
Chiều sương phớt lạnh trời êm gió…
Siêu độ xin đời thoát hận sân !

Liêu Xuyên
***
Am Mây


Chuông khánh u trầm vẳng tiếng ngân
Xót xa lòng khách kiếp phong trần.
Trầm luân vất vả đời sương tuyết
Tan họp bồi hồi bức cẩu vân.
Phơi phới đầu xanh vui mấy lúc
Ngậm ngùi quá khứ khóc bao lần.
Am mây trở lại chiều dần xuống
Bàng bạc mái thiền nguyệt trải sân.

Mailoc

5-8-2020
***
Tiếng  Chuông Chùa

Xa chùa chuông thỉnh lặng vang ngân
Khiến khách tha phương rũ bụi trần
Giữa lúc hoàng hôn làm rối trí
Ngay khi canh vắng khiến phân vân
Nay ngày phật đản nhìn cung cách
Đây dịp chúng sinh nghĩ những lần
Đánh mất niềm tin vào bến giác
Sao qua vòng nhỉ bởi tham sân?

Thái Huy 
5/9/20
***
Tiếng Chuông Chùa 

Những lúc chuông Chùa vọng tiếng ngân

Âm vang thánh thoát cõi dương trần
Tâm thành dạ ái bừng vạt nắng
Ý thiện lòng từ rạng ánh vân
Quyét lá kinh trì khơi chánh niệm
Dâng hương hạt điểm thấm đạo lần
Trường chay muối đậu buông tham đắm
Ước muốn từng ngày bớt não sân 

Minh Thuý
Tháng 5/9/2020
***
Tiếng Chuông Ngân

Am núi sáng chiều vọng tiếng ngân,
Chuông chùa văng vẳng thấm lòng trần.
Tan vào sóng biếc dòng thanh thủy,
Vút đến trời xanh cõi bạch vân.
Thanh thản tâm hồn phiền não giảm,
Âu lo cuộc sống thảnh thơi lần.
Nhắc ta diệt khổ là buông xả,
Rũ sạch Tham Si giải thoát Sân.

Nguyễn Thị Mỹ Ngọc.
May 10/2020.
***
Nhớ Tiếng Chuông Chùa Liên Trì Thủ Thiêm

Biết thuở nào nghe lại tiếng ngân
Lão "Đinh" dùng búa phá gian trần
Liên Trì sống mãi cùng sông núi
Tịnh Thất tan tành bởi cẩu vân
Đảnh lễ quan viên cầu lắm bận
Dâng huơng đạo hữu khấn bao lần
Chuông chùa vọng mãi trong tâm trí
Đại chúng người quên si diệt sân

Nông gia hai lúa NJ
***
Nghe Chuông Ngân Vọng...

Lầu chuông chùa vẳng nện âm ngân
Làn gió đưa xa ngấm bụi trần.
Thấm thấu không gian xoa thế tục
Lặng êm thời tiết trỗ thanh vân
Buồn lo gởi sóng nhoà u ẩn
Lắng đọng nhàn tâm xoá khổ lần
Tiếng khánh nhẹ êm vào trí não.
Xả mê, hỉ, nộ bỏ tham sân.

Đặng Xuân Linh

Bóng Hạnh Phúc


Bóng ơi! Đừng bỏ chạy đi 
Cho tôi còn một chút gì để thương 

Huy sinh ra và lớn lên tại Mỹ Tho, một thành phố hiền hòa trù phú nằm ngay trên dòng Tiền Giang và cũng là cửa ngõ của miền Tây Nam Phần. Khác với đa số trẻ em khác lớn lên trong sự nâng niu đùm bọc yêu thương của cha mẹ, cái số hẩm hiu của Huy mồ côi cha từ tấm bé. Năm 1946, cha Huy bị bọn tay sai Cộng Sản quốc tế khủng bố núp dưới cái tên Việt Minh giết chết dã man bởi tội danh mà chúng ghép là Việt Gian (làm thông ngôn cho Pháp). Từ đó mẹ Huy phải lặn lội nuôi con dưới sự khủng hoảng vì cái bóng ma hung thần Việt Minh mà sau nầy người dân gọi chúng là Việt Cộng. 

Nếu những đứa trẻ thiếu mất cha hay mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ đều bị tổn thương thế nào thì đứa trẻ có cha bị kẻ thù sát hại như Huy càng đau đớn tổn thương đến vạn lần hơn. Huy đã sống và lớn lên trong mối hận thủ bọn Việt Minh và nổi kinh hoàng khủng khiếp đó. Thiếu sự dìu dắt dạy dỗ của người cha, Huy trở nên nhút nhát rụt rè, hầu như sợ hãi với tất cả mọi người lớn nhỏ chung quanh. Huy chỉ muốn sống riêng trong ốc đảo của mình, không muốn tiếp xúc với ai dù là bạn bè trương lứa. Khuynh hướng tự ý thức nặng nề phát sinh ra mặc cảm đã làm Huy cảm thấy cô đơn với xã hội bên ngoài. 

Điều trớ trêu nhất là mặc dù nhút nhát nhưng Huy lại có trái tim mẫn cảm đa tình. Cái nầy mới gây nhiều hệ lụy cho đời Huy về sau. 

Mẹ Huy từ khi chồng chết bồng hai con là Huy và Mai em gái chàng về tá túc nhà ông bà ngoại Huy ở xóm Chùa Chà. Sở dĩ cái xóm nghèo có tên nầy là vì ngay đầu ngõ có ngôi chùa Moslem mà vào những ngày lễ hội lớn họ thường phát chẩn cơm nị ca ri dê cho dân chúng trong xóm. Thôi thì ngày đó là cả một ngày vui cho bọn trẻ. Hơn 3,4 chục đứa con nít hai tay hai gamelles chen lấn đứng chờ chung quanh cái chảo bành ky cơm nị và ca ri dê bay mùi thơm phức. Mặc dù gọi là của chùa…Chà nhưng Huy chắc chắn là những bạn cùng xóm trang lứa thời đó phải công nhận rằng cơm nị ca ri Chùa Chà ngon nhất. 

Mẹ Huy có gian hàng trái cây ở chợ Hàng Bông để hôm sớm tảo tần nuôi con ăn học. Đời sống gia đình Huy không khá giả gì cho lắm nên cậu bé rất biết an phận không đua đòi so sánh với mấy đứa trẻ khác giàu có hơn trong xóm. Ngoài ra lề lối giáo dục khắc nghiệt đòn roi của bà dì vốn là một cô giáo khó tính càng làm Huy thêm khờ khạo hơn. Tối ngày cứ tìm sự che chở của ông bà nhất là bà ngoại. Sợ đòn riết rồi Huy đâm ra nhụt người luôn. 

Ngày tháng cứ êm đềm trôi qua với Huy trong nỗi cô đơn tẻ. nhạt. Như đã nói ở trên, bản tính Huy rất nhút nhát nhất là nhát gái nhưng khổ nổi lại biết yêu rất sớm. Xéo nhà Huy là nhỏ Phượng trông khá xinh làm Huy thấy khoái khoái nên mới có 9,10 tuổi đầu mà Huy đã đá lông nheo với Phượng rồi và nàng cũng đáp lại bằng những nụ cười e thẹn mỗi khi gặp Huy. Mối tình con nít nầy chỉ thể hiện bằng những nụ cười nhẹ nhàng đằm thắm trao nhau rồi thôi và chỉ có thế mà thôi chớ không tiến tới đâu cả. Mà thực ra tiến tới đâu bây giờ khi cả hai còn là hai đứa con nít trân. 

Năm 1951, bà ngoại Huy vốn là một nữ hộ sinh Đông Dương tại nhà bảo sanh Mỹ Tho (nói cho nó văn vẻ hoa lá cành một chút chứ dân hồi đó quen gọi là bà mụ) được chỉ định đổi sang phụ trách nhà bảo sanh Tân Thạch nằm ngay ngã tư An Hóa An Khánh An Hồ. Thế là từ đấy cứ mỗi mùa Hè bãi trường là Huy sang ở với Ngoại suốt 3 tháng. Nhà bảo sanh tọa lạc trên khu đất rộng gần hai mẫu. Dưới tay Ngoại có Dì Hai quê ở Xoài Hột là cô đỡ và Bác Hai Đẫu quê ở Bến Tranh là lao công. Nhờ siêng năng cần mẫn và dưới sự tiếp tay của Dì Hai và Bác Hai, Ngoại đã biến khu đất hai mẫu thành một nương rẫy rau trái tốt tươi. Thôi thì không thiếu một thứ hoa màu nào cả. Từ khoai lang khoai mi, đậu bắp, cà tím, cà chua cho tới rau cải, bầu bí, đậu rồng, dưa leo, mồng tơi, bù ngót, rau muống và cả trái căy như đu đủ cam quít…Nhưng cái món mà Huy mê nhất là mấy líp bắp trái tươi xanh với hàng cây thẳng tấp. Những trái bắp ngọt như đường cát mát như đường phèn đem luộc hay nướng thì hết ý. Ngoài ra Ngoại còn nuôi heo, gà vịt nên việc ăn uống trong nhà thật phủ phê. Đ/v Huy lúc bấy giờ thì thời gian thần tiên nhất là lúc Huy dông sang ở với Ngoại suốt ba tháng trời. Một phần là né tránh bà dì khó tính để được gần Ngoại. Tưởng cũng nên nói thêm là bà ngoại Huy ngoài việc lành nghề còn rất mát tay nên sản phụ hài nhi thảy đều mẹ tròn con vuông. Người dân thôn quê rất trọng ơn nghĩa nên mỗi lần sanh xong là gia đình họ luôn mang quà biếu tới khi thì gà vịt thịt cá, trứng gà trứng vịt khi thì trái cây làm Huy ăn uống …mệt nghỉ luôn. Họ còn cho con em tới xin học nghề mụ nên nhà bảo sanh bà ngoại Huy thiệt là tấp nập đông vui. 

Nhưng điều làm cho Huy thích nhất là chị Thắm con gái Dì Hai cô đỡ phụ Ngoại cũng tới chơi với mẹ trong ba tháng bãi trường. Thắm lớn hơn Huy ba tuổi học lớp đệ thất ở trường trung học Nguyễn đình Chiểu và ở nhà cậu Ba em dì Hai tại chợ Vòng Nhỏ. Thắm đẹp dịu dàng (tuy hơi quê mùa) nhất là đôi mắt long lanh trong sáng của chị lúc nào như ướt lệ mà mỗi khi Huy nhìn vào là như muốn chết ngợp luôn và vì thế cậu nhỏ Huy cứ mãi nhìn bà chị quên thôi khiến chị Thắm cứ cằn nhằn: làm gì mà nhìn người ta dữ vậy! 

Trong nhà bảo sanh, chỉ có Huy và chị Thắm là hai đứa con nít nên dễ thân nhau lắm. Suốt ngày hai đứa cứ quấn quit bên nhau, rủ nhau đi bắt bướm, chuồn chuồn, hái hoa chung quanh vườn, khi thì ra ruộng khô bắt dế, vớt cá lia thia. Thắm rất dễ thương nhưng phải tội nhõng nhẽo. Và Huy không biết có dòng máu galant trong người hay không mà đã chiều Thắm hết ý. Mà lại chiều với tất cả nỗi hân hoan sung sướng trong lòng. Thắm rất thích hoa lục bình nên thường bắt Huy lội xuống ao (mà Huy chỉ biết lội bì bỏm chứ có giỏi gì cho cam) để hái lục bình cho Thắm. Mà các bạn chắc cũng biết là hoa lục bình hễ khi rời gốc lên khỏi nước thì nó héo tả tơi liền. 

Thế là Thắm không chịu và phụng phịu bắt đền Huy phải hái cho Thắm hoa lục bình tươi tím hơn. Thắm hờn dỗi: 
- Huy phải hái cho chị hoa lục bình mà còn tươi mới được đó nha 

Yêu sách (cái nầy Mỹ nó kêu là love book đó) của Thắm, Trời cũng làm hổng được huống gì là Huy. Nghĩ thì nghĩ vậy nhưng Huy cũng không dám từ chối mà riu ríu lẫn hân hoan nhào xuống ao hái tiếp lục bình cho nàng. 

Lục bình tim tím lá xanh 
Nổi trôi vô định như anh với nàng 

Trong thời gian ở nhà bảo sanh, hai đứa có đủ chương trình cho nguyên ngày nô đùa. Nếu không ra ngoài chơi với tụi nít lối xóm thì bày trò nhảy nhà, đánh đủa và đặc biệt là trò chơi nào Huy cũng không được quyền ăn vì lỡ dại mà ăn đó hả thì sẽ bị Thắm giận dỗi khóc lóc mà làm tình làm tội suốt ngày luôn khiến cậu bé phải mắc công rối rít năn nỉ. 

Cũng có lúc hai đứa hát đồng dao với nhau vừa vỗ tay với những bài: 
Tập tầm vông, chị lấy chồng, em ở giá,chị ăn cá em mút xương … 

Hay: 
Trời mưa lâm râm, cây trâm có trái, con gái có chồng, đàn ông có vợ, đàn bà có con... 

Hoặc: 
Bắt kim thang, cà lang bí rợ 
Cột qua kèo là kèo qua cột 
Chú bán dầu qua cầu mà té 
Chú bán ếch ở lại mần chi 

Và: 
Tùm nụm tùm nịu, tay tí tay tiên, đồng tiền chiếc đũa, hột lúa ba bông, ăn trộm ăn cắp trứng gà, bù xa bù xích, con rắn con rít..

Hai chị em cứ tiếp tục nô đùa qua tuổi thơ hồn nhiên trong sáng thì một hôm Huy với Thắm đang hái trái bùm sụm ở ngay trước nhà thì bỗng cô bé thét lên thất thanh và nhào tới ôm Huy chặt cứng vừa la bài hãi: 
-Trời ơi! Con rít! Con rít kìa ! Huy ơi! 

Nhìn theo tay Thắm chỉ, Huy thấy cặp rít mỗi con dài gần hai tấc từ dưới hốc tam cấp chui lên chạy loanh quanh trên nền đá. Huy liền gỡ tay Thắm ra vội chạy lấy cục đá đập chết cả hai con mặc dù Huy cũng thấy nhợn cơ lắm nhưng đã lỡ ở cái thế “anh hùng cứu mỹ nhân” thì không còn cách nào khác hơn. Nhìn lại thấy Thắm vẫn còn run lẩy bẩy nên “anh hùng” không bỏ lỡ cơ hội lợi dụng bước tới vòng tay ôm sát “mỹ nhân” vừa trấn an: 

- Đừng sợ nữa chị. Huy đã giết hai con rít rồi. 

Nếu đời Huy có những giây phút nào rung động xao xuyến nhất thì chính là lúc nầy lúc mà cậu đang ôm ấp đê mê thân hình run rẩy của Thắm trong lòng. Thêm vào đó, mùi hương trinh nguyên con gái nhẹ nhàng thoát ra từ người Thắm cộng với mùi bồ kết thoang thoảng trên mái tóc thề của cô bé đã làm Huy ngây ngất đê mê và đầu óc Huy nóng bừng như lửa đốt. Và chuyện không tưởng nữa là Thắm đang ủp mặt vào người Huy. Trong một phút giây không dằn ngọn sóng tình dâng trào lòng, Huy siết chặt Thắm hơn và hôn nàng say đắm. Với phản ứng tự nhiên, Thắm lả người trong vòng tay Huy. Ngay sau đó, nàng chợt bừng tỉnh lại và xô Huy ra. Với dòng lệ tuôn trào trên đôi mắt, Thắm phụng phịu trách Huy: 

- Huy kỳ quá hà! Khi không mà ôm hun người ta hà! Thôi hổng chơi với Huy nữa đâu. 

Huy cuống cuồng năn nỉ: 
- Huy biết Huy lỗi nhiều lắm. Chị tha thứ cho Huy nha. Huy hứa không dám làm vậy nữa đâu. 

Thắm vẫn không buông tha và hình như nàng muốn Huy xác nhận một điều gì: 
- Tại sao Huy ôm hun Thắm vậy? 

Đến nước nầy thì Huy đâm liều: 
- Tại vì Huy thương Thắm lắm 

Thắm giả bộ ngây thơ cụ: 
- Bộ thương rồi phải làm như vậy hả? 

Đã lỡ thì phải cho tới luôn bác tài, con người nhút nhát cố hữu của Huy có lẽ vì cơn say tình ái nên vụt chạy đâu mất tiêu để cậu bé liều lĩnh ôm Thắm lần nữa vừa vuốt những sợi tóc óng ánh mượt mà như tơ trời Huy vừa thì thầm: 
- Thương Thắm quá mới làm như vậy chớ! Nữa lớn Thắm với Huy sẽ là vợ chồng nha. 

Thắm vùng vằn: 
- Thôi! Mắc cở lắm. Đừng có nói nữa. 
- Thấy thương quá hà. 

Huy thừa thắng xông lên cứ hôn say đắm lên mặt và suối tóc Thắm. 

Cả hai hình như đều không nhận ra rằng đã bắt đầu nói trổng với nhau, những lời trao đổi đã thiếu mất chữ “chị” đã vô hình chung “thăng cấp” Huy lên và “giáng cấp” Thắm xuống. Nam nữ bình quyền quá rồi còn gì. Cũng nên nói thêm là ông bà mình ngày xưa ghét đàn ông đàn bà nói trổng với nhau lắm vì quan niệm rằng phải có tình ý gì với nhau rồi mới nói trống không như vậy. 

Những ngày sau đó, Thắm trở nên e ấp thẹn thùng mỗi khi gặp Huy. Riêng Huy thì không muốn đi chơi chung với tụi con nít lối xóm như thằng Phi, thằng Hữu, con Lành, con Gương… Lý do chính là Huy muốn chỉ có Huy Thắm trong khoảng không gian nhẹ nhàng của hương đồng gió nội, ngoài ra Huy thấy khó chịu khi tụi nó nhất là thằng Phi ân cần vồn vã với Thắm. Chỉ cần trông cái bộ điệu mê muội của nó khi nhìn Thắm trân trân là thấy phát ghét. Điều làm Huy khó chịu nhất là Thắm với bản chất hồn nhiên cũng hay cười cười với mấy đứa nó. Mỗi lần như thế là Huy cau mặt lại và hết còn muốn chơi đùa gì nữa. Có hôm về tới nhà Huy sinh ra quạu quọ ngang xương, Thắm hỏi gì Huy cũng trả lời cộc lốc làm nàng thắc mắc: 
- Làm gì mà Huy quạu đeo vậy? 

Huy bực tức trả lời thẳng: 
- Ai biểu Thắm nói chuyện ngọt xớt với thằng Phi chi. 

Thắm ngạc nhiên: 
- Thắm nói chuyện bình thường với nó chớ cái gì mà ngọt xớt. 

Huy vẫn còn giận dữ: 
- Thôi đi! Huy thấy hết rồi. 

Thắm chợt hiểu ra: 
- Thấy cái gì đâu. Thắm chỉ coi nó là một người bạn bình thường thôi mà. Bộ Huy ghen rồi hả? 

Huy nghẹn ngào : 
- Nhưng mà Huy biết nó mê Thắm. Huy không chịu như vậy đâu. 

Thắm cười cười: 
- Nó mê gì thì kệ nó. Miễn Thắm hổng có thì thôi. Làm gì mà ghen dữ vậy. Thôi thì từ nay, Thắm sẽ tránh xa nó đó. Chịu chưa? 

Và kể từ đó, vì sợ cái nết “giữ chị” của Huy, Thắm thật sự xa lánh Phi. Nàng cũng không dám cười giỡn với tụi nhỏ lối xóm nhhư trước. Huy cũng nhận thấy như vậy nên vừa xúc động vừa sung sướng vô cùng. Nhưng điều làm Huy thích nhất là Huy có thể ôm hôn Thắm say đắm bất cứ lúc nào miễn là…đừng để người lớn trông thấy vì “chị Thắm đã cho phép như vậy rồi mà”. 

Ngày vui nào rồi cũng qua mau. Thắm và Huy chia tay nhau nhưng thỉnh thoảng “nhớ quá cḥịu hổng nổi “, Huy tới nhà cậu Ba thăm chị Thắm với lý do chính đáng là hỏi bài vở đàn chị. 

Từ đó cứ mỗi độ Hè là Thắm cùng Huy đều qua tạm trú ở nhà bảo sanh Tân Thạch và đó cũng là dịp Huy ngất ngư con tàu mà ôm mãi “chị Thắm” của mình. Nhưng mùa Hè năm 1954 là mùa Hè hạnh phúc cuối cùng của Thắm và Huy vì một tháng sau đó bà ngoại Huy về hưu sau mấy năm lưu dụng làm thêm. Lúc đó thì Huy đã được 12 tuổi còn Thắm 15. Trước khi chia tay, Huy và Thắm khóc sướt mướt, Thắm cầm tay Huy âu yếm nói: 
- Huy còn nhớ đã hứa với Thắm những gì không? 

Huy vừa úp mặt và suối tóc hương bồ kết nhẹ nhàng của nàng vừa nói: 
- Làm sao mà Huy quên được. Mình sẽ là vợ chồng với nhau. 

Thắm hôn lại Huy và thì thầm: 
- Mình sẽ giữ mãi tình yêu nầy nghe Huy. Đừng quên Thắm nghe. Thắm sẽ luôn chờ Huy đó. 

Rồi cả hai xa nhau trong nghẹn ngào tiếc nuối. Thực ra, thì cũng đâu có chia cách hẳn. Vì Huy Thắm vẫn ở chung thành phố và học chung trường trung học Nguyễn Đình Chiểu kia mà, Huy học lớp Đệ Thất, Thắm Đệ Tứ. Huy ở xóm Chùa Chà còn Thắm ở trọ nhà Cậu Ba ở chợ Vòng Nhỏ chứ có xa xôi gì đâu.. 

Những tháng ngày sau đó hai đứa thường liên lạc nhau trên danh nghĩa chị Thắm và em Huy. Huy còn nhớ cứ mỗi lần gặp nhau, Thắm luôn nhắc nhở: 

- Nếu Huy thật lòng thương Thắm thì phải rán học nghe. Nhà mình không giàu thì chỉ có học vấn là chìa khóa cho tương lai và hạnh phúc cho cả hai đứa. Nhớ nghe Huy. 

Cuộc tình so le nhưng tuyệt đẹp của hai đứa trẻ cứ thắm thiết và êm đềm cho tới một hôm thì nào ai học được chữ ngờ đưa cả hai tới một khúc quanh mới, khúc quanh của định mệnh trái ngang đau đớn. Một buổi tối nọ, Thắm hớt hãi tới tìm Huy nghẹn ngào báo hung tin là dì Hai bảo Thắm bỏ học để lấy chồng là con thầy Cai Tổng Thạnh Trị và cũng là chủ nợ của dì. Nghe tin sét đánh ngang mày, Huy bũn rũn cả tay chân, cổ họng khô đắng và tưởng chừng như nguyên bầu trời đất sụp đổ. Huy mong ước mình có phép mầu nhiệm để đưa Thắm tới một phương trời xa thẳm riêng biệt xa xôi nào đó để hai đứa cùng sống chung với nhau. Nhưng đó chỉ là một mơ ước hảo huyền của một cậu bé mới 13 tuổi đầu. 

Thắm ôm Huy trong đôi mắt rươm rướm nghẹn ngào : 
- Huy ơi! Thắm thương Huy vô cùng.Thắm khổ lắm Nhưng biết làm sao với hoàn cảnh khắc nghiệt nầy.Thắm phải lấy chồng. Người ta nhà quyền quý và còn chủ nợ của má Thắm. Thắm phải đau đớn mà hy sinh tình yêu mình. Huy đừng ghết Thăm nha Huy.Tuy phải xa nhau nhưng suốt đời Thắm sẽ không quên Huy và những kỷ niệm êm đềm của hai đứa sẽ ở mãi trong lòng Thắm. Thắm cầu nguyện Huy sẽ tìm được người tình tâm đầu ý hiệp mang hạnh phúc cho Huy. Suốt đời Thắm chỉ yêu Huy mà thôi. Thôi vĩnh biệt Huy! 

Trước khi vĩnh biệt Thắm còn nói một câu qua màn lệ làm Huy chết điếng: 
- Anh! Em yêu anh ngút ngàn. Cả đời em sẽ kh̀ông bao giờ quên anh. 

Kể từ đó, Huy sống như người chết rồi. Nhìn đâu cũng thấy một màu đen tang tóc thê lương. Những tưởng hạnh phúc trong tầm tay nhưng sau cùng lại tan biến như sương khói mong manh. Đúng là cuộc đời hư ảo vô thường 

Những ngày tháng kế tiếp trôi đi trong bẽ bàng hiu quạnh. Những bài vở hằng ngày, những cuộc vui tuổi trẻ không xóa được vết hằn đau thương của một cuộc tình dang dở. Huy biết rằng giờ nầy tuy đang sống với chồng nhưng Thắm cũng đau khổ không kém gì mình vì định mệnh nghiệt ngã có chừa một ai đâu. 

Rồi hai năm sau, bấy giờ Huy đã 14 tuổi thì trong một đêm văn nghệ bãi trường, Huy bỗng thấy Huyền, cô hàng xóm học dưới cậu một lớp đang trên khán đài cùng 5, 6 cô bạn khác dịu dàng tha thướt múa theo điệu nhạc “Quanh Lửa Hồng” của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ. Hai tay nàng uốn éo nhịp nhàng trong chiếc áo bà ba trắng làm Huy cứ tưởng như đôi cánh thiên thần mở rộng để ban ân phước xuống đời Huy. Huy thấy tim mình như ngừng đập, đầu óc quay cuồng và nóng bừng thêm đôi mắt lạc thần say đắm nhìn người đẹp lã lướt nghê thường. Trời ơi! Huyền đẹp đến thế sao! Dưới ánh đèn lung linh mờ ảo, Huyền kiều diễm thanh tú như Hằng Nga giáng trần . Rất tiếc là Huy không đủ ngôn từ để diễn tả hết được nét đẹp thánh thiện đài các của nàng. Bấy lâu nay người đẹp ở trước mắt mà sao Huy không thấy vậy cà ! Chắc là Huy bị mù rồi sao? Thế là tối hôm đó, Huy cứ nằm mơ tưởng tới Hằng mà thấy lòng ngây ngất đê mê. Huy có cảm tưởng như nhà thơ Nguyễn Bính khi viết bốn câu thơ mở đầu bài Tương tư: 

Thôn Đoài ngồi nhớ phương Đông 
Một người chin nhớ mười mong một người 
Gió mưa là bệnh của trời 
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng 

là viết riêng cho tâm trạng Huy lúc đó. 

Kể từ hôm ấy, hình bóng yêu kiều của Huyền đã ngự trị hết cả tâm hồn Huy và phủ kín trái tim mê mẫn của cậu bé si tình quá sớm nầy hay nói rõ hơn Huyền là người đã dạy chàng bài học tương tư vỡ lòng. 

Riêng đối với Phượng, cô bé xéo nhà ngày trước đã mang đến Huy sự rung động đầu tiên thì chàng không còn thấy một xao xuyến nào mỗi khi gặp nàng mặc dù Huy thấy qua nét mặt u sầu của Phượng cả một trời oán trách đau thương. 

Huy cũng thấy thoáng bâng khuâng nhưng biết làm sao bây giờ đây khi chàng không đủ yêu thương gắn bó cùng nàng. Ngay cả Thắm bây giờ cũng mờ nhạt trước một Huyền trang trọng kiều diễm đang hớp cả hồn phách Huy. Đối với Huy hiện giờ, Huyền là tất cả. “Huyền ơi! Em là mùa Xuân của đời anh đó” 

Nhà Huyền ở đầu ngõ còn nhà Huy trong hẻm sâu, thế nên mỗi lần qua phố là Huy phải đi ngang nhà nàng. Thỉnh thoảng nàng hay ra đứng bên hiên nhà ngắm trời mây non nước làm biết bao nhiêu cậu bé xóm nhỏ lẽ dĩ nhiên trong đó có Huy nhìn thấy mà chết mê chết mệt. Cứ thấy dáng tha thướt quyến rũ của nàng từ xa là Huy mình mẩy như tê dại, hai chân run rẩy không muốn bước đi. Thật là khó để diễn tả nổi tâm trạng Huy lúc đó mà chỉ biết là nó xao xuyến bồi hồi lẫn mê man ngây ngất. Thế là Huy cứ kiếm chuyện ra phố để được đi ngang nhà nàng hầu chiêm ngưỡng dung nhan người đẹp. Nói thẳng ra là Huy đã trồng cây si nhà Huyền rồi nhưng kẹt nổi cây si chưa chịu bén rễ. 

Cứ ôm mối tình câm lặng một chiều như vậy cho tới năm học Đệ Nhất, Huy mới giựt mình nghĩ rằng mình không còn quá một năm nữa là phải lên Sài Gòn học Đại Học rồi. Lên Sài Gòn có nghĩa là mình phải xa Huyền và biết đâu chừng đường đời hai lối rồi xa nhau mãi mãi nghĩa là mất nàng luôn mặc dù chưa có gì với nàng. Nghĩ tới đây chàng thấy “quýnh” lên hết trơn. Thế nên mặc dù vẫn còn nhát gái nhưng Huy quyết định hành động chứ không chịu theo cái trò NATO (No Action Talk Only). Với ý nghĩ đó thêm sự xúi giục của bạn bè, Huy gom hết văn chương chữ nghĩa học từ thầy Nhi giáo sư Việt Văn và chôm từ tiểu thuyết bà Tùng Long để viết một lá thư tình lâm ly bi đát. (Gom suy tư thao thức bao đêm, chàng bèn viết lá thư). Chàng còn chọn giấy pelure hồng cho nó có vẻ romantique hơn. Sau khi đọc đi sửa lại cả chục lần, Huy yên tâm bỏ vào phong bì dán kín lại rồi theo sự chỉ dẫn của một đứa bạn, chàng bỏ lá thư tình vào quyển sách Toán Le Bosset để cho kín đáo rồi chờ dịp trao cho Huyền. 

Sau nhiều lần rình rập nói cho đúng hơn là chờ cơ hội thì cơ hội cũng đến. Đó là một buổi trưa tan học về trời nắng ấm, Huy phục kích ở ngã tư đại lộ Hùng Vương và đường Thủ Khoa Huân ngay trước nhà bảo sanh Mỹ Tho là nơi mà sau khi quan sát tình hình địch, Huy biết là hai cô bạn kỳ đà cản mũi của Huyền tiếp tục đi thẳng trên đại lộ Hùng Vương bỏ Huyền một mình tách ra quẹo trái qua đường Thủ Khoa Huân, chàng bèn lập cập chận Huyền lại, mặt mày nóng bừng, tay run run đưa quyển Le Bosset bìa đỏ, miệng ú ớ: 
- Huyền!... Huyền! Tôi…gởi Huyền …quyển sách nầy… 

Có lẽ trên thế giới nầy, đây là câu nói vô duyên nhạt nhẻo nhất. Huyền có vẻ hoãng hồn sửng sốt một thoáng trên khuôn mặt yêu kiều rồi lắc đầu: 
- Huyền không dám nhận đâu

Đường Đinh Bộ Lĩnh (gần Ngã Tư Quôć Tế Trịnh Hoài Đức) 

Nhà Huyền là căn nhà lầu đối diện cột điện 
Xong nàng tàn nhẫn bước đi bỏ lại đàng sau một Huy trơ vơ ngỡ ngàng với lá thư tình ủ rũ buồn hiu trong tay. Chàng đứng lặng người như bị trời trồng, đôi mắt lạc thần nhìn Huyền quay mặt mà cõi lòng tan nát đớn đau. Cả một vũ trụ quay cuồng sụp đổ trước mắt Huy, tim chàng cơ hồ ngưng đập, cổ họng khô đắng và đầu óc nóng bừng. Trời ơi! Sao lại thế này? Giấc mộng tình lại kết thúc bi thảm đến thế sao? Chàng rưng rưng muốn khóc và thẫn thờ vô định bước đi tong đau thương hụt hẳng, 

Suốt đêm hôm đó chàng không hề chợp mắt, đầu óc cứ hiện lên hình ảnh phủ phàng của buổi trưa định mệnh. Tim Huy nhói đau như bị một vết chém bạo tàn, vài giọt nước mắt đã tự nhiên lăn dài trên má chàng.. Trời ơi! Mình đã trao tình yêu chất ngất thiêng liêng cho Huyền mà nàng nhẫn tâm không thèm nhận thì cuộc đời nầy còn ý nghĩa gì đâu. Chàng nhớ lại là cuộc tình tan vở với Thắm trước đây cũng đâu có làm cho chàng đau thương khổ sở như vầy. Hình như đây mới chính là tình yêu và cũng hình như trời sinh ra Huy để yêu và say mê có mình Huyền.(He was born to love her and to be infatuated with her only) 

Xóm Chùa Chà (Trịnh Hoài Đức) Mỹ Tho-Nơi tác giả sinh ra và lớn lên 
Kể từ hôm đó thiệt là tội nghiệp cho Huy, chàng đã không dám đi ngang nhà Huyền mà thay vào đó chàng phải đi vòng ngã bờ sông xa xôi nghìn trùng để tránh gặp mặt Huyền cho khỏi đau lòng chua xót. Bấy giờ Huy thấy thấm thía vô hai câu thơ trong bài”Qua nhà” của Nguyễn Bính: 

Cái ngày cô chưa có chồng 
Đường gần tôi cứ đi vòng cho xa 

Hai câu thơ diễn tả tâm trạng hoàn toàn khác với Huy. Nếu Nguyễn Bính “đi vòng cho xa” để được gặp người đẹp thì khổ thân Huy “đi vòng cho xa”để trốn người đẹp. 

Nỗi buồn hằn rõ lên nét mặt Huy cho tới bà ngoại và má chàng đều nhận ra và hỏi: 
- Sao thằng Huy lúc nầy mặt cứ dào dào hoài vậy? 

Chàng cứ phải nói dối là không có gì. Ôm ấp nỗi đau tận cùng triền miên và niềm yêu thương Huyền ngút ngàn cứ thôi thúc khiến Huy đâm ra liều. Hơn hai tuần sau ngày bị ngoảnh mặt, chàng lại chận đường Huyền ngay dốc Cầu Quây để đưa tiếp lá thư tình với hy vọng cho dù mong manh là lần nầy “ đài gương soi thấu dấu bèo” nhưng cay đắng thay! Lá thơ oan nghiệt chịu chung số phần như lần trước vì người đẹp đã gởi một thông điệp dứt khoát qua câu nói: 
- Gần nhà quá, sợ ba Huyền thấy.

Cầu Quây Mỹ Tho (nơi chứng kiến lá thư tình không được nhận) 

Thôi thế là hết rồi!!! Huy đã vĩnh viễn mất Huyền trước khi được nàng. Cõi lòng Huy đã thực tan nát thành từng mãnh. Cuộc đời chàng xem như đã chấm dứt từ đây. Hằng ơi! Sao em vô tình đến tàn nhẫn như vậy. Những tiếng sợ ba thấy nghe tưởng êm đềm nhưng đã như một nhát dao chí tử đâm ngay giữa tim Huy khiến chàng chua chát đắng cay thêm. Nhà Huyền ở ngay Ngã Tư Quốc Tế, Huy chận nàng ở dốc Cầu Quay cách cả trăm thước thì làm sao mà “ba thấy” được trừ phi “ba” có thiên lý nhãn. 

Chàng buồn rầu với cảm giác là Huyền và chàng ở thật gần nhau mà sao xa cách ngàn trùng. Hạnh phúc giờ đây đối với Huy thật xa xôi diệu vợ̣i vói hoài mà không bao giờ tới. 

Trong khoảng thời gian đen tối nầy, Ngọc cũng là cô hàng xóm (lại là cô hàng xóm nữa! Sao mà hàng xóm ở Việt Nam rắc rối quá phải không các bạn?. Ngọc đang học lớp Đệ Ngũ trường Lê Ngọc Hân tới nhờ Huy kèm giùm hai môn Toán Lý Hóa để chuẩn bị năm sau thi Trung Học Đệ Nhất Cấp. Ngọc mới 15 tuổi dáng người cao cao và khá xinh nên mặc dù vết thương tình yêu còn đang rướm máu, Huy cũng bằng lòng giúp nàng. (Giúp kiểu nầy là khôn thấy bà luôn) 

Thắm thoát mà Huy đã làm precepteur cho Ngọc hơn ba tháng. Nàng rất thông minh nên ông thầy Huy cũng dễ dàng trong việc dạy học trò. 

Ngoài ra trong suốt thời gian gần bên nhau, Ngọc luôn tỏ ra săn sóc quan tâm đến Huy, thỉnh thoảng qua ánh mắt nàng đã biểu lộ cả một tình yêu nhẹ nhàng nhưng say đắm. Ngọc cũng lo tẩm bổ cho ông thầy mình bằng món ngon vật lạ. Và Huy trong khoảnh khắc đau buồn hụt hẳng đã cùng hòa điệu khúc nhạc tình với Ngọc. Hai người bắt đầu yêu nhau từ đó. 

Tới kỳ thi, Ngọc đã đậu Trung Học Đệ Nhất Cấp còn Huy đậu Tú Tài Hai cùng với thứ hạng cao. Kết quả mỹ mãn nầy càng làm thăng hoa thêm tình yêu đôi lứa. Thực ra, với Huy, tuy có yêu Ngọc nhưng chàng chưa nghĩ tới đoạn đường xa hơn. Có lẽ hình ảnh Huyền vẫn còn ẩn hiện trong tâm tư Huy hay nói rõ hơn là Ngọc chưa thể thay thế Huyền để che lấp hẳn khoảng trống vắng đắng cay trong lòng Huy. Hoặc là chàng chưa hẳn yêu Ngọc trong một tình yêu đúng nghĩa của nó. Hơn nữa đối với chàng, Ngọc còn nhỏ quá về tuổi tác cũng như cách nhìn suy nghĩ cuộc đời. 

Sau đó, Huy trúng tuyển vào Đại Học Sư Phạm Sài Gòn (ban Anh Văn) rồi luôn cả Học Viện Quốc Gia Hành Chánh. Chàng còn đang lưỡng lự chọn lựa thì cô Lý Hoa một cô giáo dạy chàng ở cấp tiểu học sau cô học lên thêm ở trường Quốc Gia Hành Chánh, hiện đang làm Tổng Thanh Tra Tài Chánh khuyên chàng nên học Quốc Gia Hành Chánh cho có tương lai và chàng đã nghe theo. Tưởng cũng nên nói thêm cô Lý Hoa cũng chính là người đã đưa tài liệu khó nuốt về thuyết nhân vị tam túc tam giác tam nhân của ông cố vấn Ngô Đình Nhu để Huy học luyện thi QGHC. Và sau nầy cô đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám Đốc Ngân Khố trở thành người phụ nữ làm lớn nhất chế độ Cộng Hòa. 

Trong thời gian theo học, Huy ở Ký Túc Xá Học Viện. Thỉnh thoảng Ngọc có lên thăm chàng với tình quyến luyến và nỗi quan tâm đặc biệt. Mặc dù có nhiều dịp gần gũi với nàng nhưng Huy vẫn luôn cố gắng gìn giữ và quý trọng Ngọc cũng như tình yêu trong sáng thánh thiện của nàng . Một phần có lẽ hình bóng ai kia vẫn còn ám ảnh cả tâm hồn chàng. 

Sau mấy lần lên thăm người yêu mà thấy Huy cứ mãi lần lựa ơ thờ, Ngọc buồn chán nên bỏ cuộc luôn để tự ôm nỗi đau đớn vĩnh biệt một cuộc tình không tới. Huy cũng thấy ngậm ngùi thương cảm cho Ngọc nhưng biết làm sao hơn khi con tim có lý lẽ riêng của nó. Nếu Ngọc soi thấu tâm tư thầm kín của chàng là vẫn còn tôn thờ thương nhớ và cay đắng với người ta thì không biết nàng sẽ đau đớn đến mức nào nữa. Lòng chàng lúc nầy rối bời như tơ vò trăm mối: 

Đa tình cho lắm rồi than khổ 
Chỉ tại nơi mình chứ tại ai 

Đến cuối năm 1964, Huy đang học năm thứ hai và ở Ký Túc Xá thì một hôm chàng qua phòng Hải và Thọ là hai bạn ở gần bên chơi. Tình cờ chàng thấy trên bàn viết Hải có một thiệp cưới. Tò mò chàng mở ra xem thì bỗng hoa mắt và mặt mày xây xẩm khi đọc thấy hàng chữ: 

ÔB.Trần Quan Thanh ÔB. Dương Đức Phụng 
75 đường Ngô Quyền 26 đường Đinh Bộ Lĩnh 
Cần Thơ Mỹ Tho 
Trân trọng báo tin lễ thành hôn của con chúng tôi: 
Trần Quan San Dương thị Huyền 
Thứ Nam Thứ Nữ 
Cần Thơ Mỹ Tho 
Học Viện Quốc Gia Hành Chánh 
10 Trần Quốc Toản- Quận 3- Đô Thành Sài Gòn 

Trời ơi! Huyền lấy chồng rồi sao! Dương thị Huyền 26 Đinh Bộ Lĩnh Mỹ Tho thì đích thị là nàng rồi chứ còn ai vào đây nữa. Vốn người nhạy cảm mà lại bị shock mãnh liệt như vậy, Huy rơm rớm nước mắt bỏ chạy ra khỏi phòng mặc tiếng hai người bạn gọi vói theo: 

Huy! Huy! Mầy sao vậy? 

Về tới phòng, Huy nằm vật xuống giường với đôi mắt mờ lệ. Cũng may mà người bạn chung phòng là Lê Tấn Trạng có bà con xa vứi Huy (sau nầy là dân biếu Quốc Hội) bỏ đi chơi rồi. Nỗi đau bị từ chối thư tình trước đây tưởng đã phôi phai nhưng ai ngờ tối nay chiếc thiệp cưới quái ác lại thêm là một cái tát tay nẩy lửa nhận chàng chìm sâu vào trong đau khổ tận cùng. 

Trong một thoáng, chàng thấy hối hận tại sao sang phòng Hải chơi làm chi đúng lúc để chuốt thêm thảm sầu. 

Người ta bảo rằng thời gian là liều thuốc nhiệm mầu để quên lãng nhưng đối với Huy, thời gian và tình yêu như gió với lửa, gió làm tắt những ngọn lửa nhỏ nhưng càng làm cháy bùng lên những ngọn lửa lớn. 

Chàng tự trách mình tại sao yêu Huyền làm chi cho khổ thân như vầy. Rồi chàng lại oán trách Huyền nhẫn tâm chối bỏ tình chàng. Chàng cũng trách cao xanh sao đưa chàng vào cuộc tình trái ngang lỡ làng. Không hiểu tại sao anh chàng Trần Quan San nào đó có diễm phúc đến thế. Từ một nơi xa lơ xa lắc mà anh ta được đưa Hằng về dinh…Cần Thơ trong khi chàng ở kế bên lại chuốt sầu nuốt thảm trong nỗi cô đơn hiu quạnh. Chàng thấy thắm thía đau buồn với hai câu: 

Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ 
Vô duyên đối diện bất tương phùng 

Tất cả chỉ tại người ta mà thôi.Trong nỗi sầu thất chí đó, Huy thấy cảm nhận biên giới giữa hạnh phúc và khổ đau chỉ cách nhau trong gang tấc, nếu ngày đó mà Huyền chịu nhận thơ và đáp lại tình chàng thì cuộc diện đã hoàn toàn thay đổi để chàng đâu có tan tác khổ lụy và cái anh chàng Trần Quan San làm sao có được hạnh phúc hôm nay. Hóa ra trong cuộc đời nầy sự may mắn của một người thường là nỗi bất hạnh của người khác. Dù than khóc tiếc thương thế nào thì trong câu chuyện ba người, chàng cũng vẫn là người đau khổ vì làm kẻ thua cuộc đứng bên lề. Chàng có đọc đâu đó một nhà văn tự hỏi là “nên lấy người mình yêu hay lấy người yêu mình”. Huy thấy câu hỏi nầy không thực tế mấy vì có thể là người ta sẽ cố gắng để lấy người yêu mình chứ làm sao mà lấy được người mình yêu đối với những cuộc tình đơn phương không tới vì người mình yêu người ta có ngó ngàng gì đến mình đâu như trường hợp Huyền với chàng. 

Số anh cái số lỡ làng 
Yêu em trước cũng xếp hàng đứng sau 
Số anh cái số lao đao 
Yêu em trước cũng đứng sau xếp hàng 

Từ những khổ đau gánh chịu, trong một thoáng nào đó, Huy thấy căm hờn Huyền vô cùng nhưng buồn thay là tình yêu nàng vẫn còn âm ỉ trong tận đáy lòng Huy. Tình yêu và hận thù chỉ cách nhau một biên giới mong manh để rồi chừng như chúng đang nhập vào nhau thành một khối kết chặt trong lòng Huy thành chuổi yêu thương vừa oán hờn hằn sâu dằn vật trong con tim khối óc Huy. 

Không dằn được nỗi khổ đau tận cùng, Huy lấy giấy viết xuống Câu Lạc Bộ vừa uống ly bia vừa viết câu chuyện tình bi thương nghiệt ngã đời mình trong nỗi chán chường tuyệt vọng mà chàng đặt tên tựa là “ Kẻ thua cuộc” kèm theo bài thơ lồng trong truyện: 

Tình một chiều 

Đau khổ tình tôi chỉ một chiều 
Mây trời mờ mịt sắc đìu hiu 
Rong rêu phủ kín lầu khuê các 
Khói biếc nhòa phai nét mỹ miều 
Đôi ngả rưng rưng niềm thống hận 
Caćh chia tan nát nét tin yêu 
Ngày mai đám cưới hoa đan lối 
Giã biệt tình tôi đã chắt chiu 

Nước mắt chàng hòa vào chất bia vàng óng ánh trong ly khiến chàng không biết men cay mà chàng nhấp vào là rượu hay nước mắt. Tâm hồn chàng vốn rất nhạy cảm với ngoại cảnh và con người nên sự đau khổ càng thê thảm đắng cay hơn.

Ao Bà Om (Vĩnh Bình) nhiệm sở đầu tiên của Huy 

Ngày hôm sau, Huy gởi truyện tới tòa báo Văn Nghệ Tiền Phong và được họ chọn đăng có tiền nhuận bút. Mặc dù là vô vọng nhưng chàng cũng mong sao Huyền đọc truyện nầy để hiểu nỗi đau của chàng (Chi vậy? Có ích gì không? Người ta có nghĩ gì đến mình đâu). 

Nếu hai năm trước, trong lúc Huy đau khổ khi bị Huyền từ chối nhận thư bỗng có Ngọc đến đúng lúc xoa dịu phần nào nỗi buồn khổ thì hôm nay cũng có một sự việc không biết gọi là vui hay buồn đến với Huy. Đó là một arranged marriage mà gia đình muốn áp đặt cho Huy với Lan, một cô gái đang học năm thứ ba trường Nữ Hộ Sinh Quốc Gia. Về nhân dáng, Lan không bằng Thắm, Huyền nhất là Huyền. Người khuyến khích và tha thiết cho cuộc hôn nhân nầy nhiều nhất là Bà Ngoại Huy với lý do duy nhất là Lan là hậu duệ nữ hộ sinh của bà. Với mục đích xoa dịu vết thương lòng còn rỉ máu và nhất là muốn làm vui lòng bà ngoại là người yêu thương Huy nhất nhà và cũng là người mà Huy thương nhất, chàng đã bằng lòng cưới Lan cho bà ngoại vui lòng lúc cuối đời bà. 

Đám cưới Huy xong một năm sau, bà Ngoại Huy mất. Chàng tin rằng nơi chín suối Ngoại đang mỉm cười sung sướng khi thấy thằng cháu ngoại bà yêu thương lấy vợ nối cái nghiệp bà hằng tha thiết. 

Trong thời gian nầy, Huy cũng biết tin những người xưa, Thắm đã có hai con và có tiệm tạp hóa ở Xoài Hột. Thôi thì cũng yên phận nàng.Tình xưa rồi như một thoáng mây bay có còn chăng như một kỷ niệm buồn. Còn Phượng và Ngọc thì đã đi tu cả hai. Huy cầu mong đó không phải là oan nghiệt từ chàng và thành khẩn nguyện cho hai nàng được thân tâm an lạc dưới ánh sáng từ bi Đức Phật. Thôi thì sự 

thân tình quen biết nhau ngày xưa cứ xem như bình thủy tương phùng cho lòng được nhẹ nhàng thanh thản. Tuy vậy chàng vẫn thấy rưng rưng buồn và có chút ăn năn sám hối. 

Sau khi ra trường, Huy được bổ nhiệm về một tỉnh miền Tây và lần lượt bốn đứa con chào đời. Nhờ thông minh và có khả năng cũng như đức tính cần mẫn trách nhiệm, hoạn lộ đời chàng thênh thang bay bổng cho tới ngày 30 tháng tư đen, trận hồng thủy đổ ập tới làm tất cả tan tành theo mây khói. Chàng trốn học tập và sống theo vận nước nổi trôi dưới chế độ toàn trị, ngu dốt, tham ô, sắt máu của băng đảng mafia đỏ cho tới năm 1980, chàng đem cả gia đình vượt biên tới đảo Bidong (Mã Lai). Thời gian ở đây thật êm đềm nhàn nhã, với số vố Anh Văn lớp 8 hội Việt Mỹ, Huy được mời làm thông dịch viên và phiên dịch viên cho Sam, trưởng đồn Cảnh Sát Mã Lai để khỏi phải làm công 

tác vệ sinh tạp dịch hằng ngày trên đảo do trại phân công. Nhiệm vụ Huy là phiên dịch các tờ tự khai của những đại diện ghe vượt biên mới tới và thông dịch những vụ thưa gởi nấu rượu lậu, quịt tiền vượt biên, đánh lộn, bán thịt heo trái phép (ở Mã Lai cấm mua bán thịt heo)… Công việc không bận rộn lắm nên chàng thường ngồi văn phòng đọc báo, tán gẫu tới hết giờ. 

Nhờ quota nhận người tị nạn của Thủ Tướng Canada là Pierre Trudeau bấy giờ là 50,000 người nên chỉ ba tháng ở đảo là gia đình Huy đã tới định cư ở thành phố Toronto mở đầu cuộc đời mới cho Huy và vợ con. 

Cuộc sống mới đã bắt đầu tạo ra vấn đề cho gia đình Huy. Nếu ngày xưa, lúc còn ở Việt Nam, một tay Huy lo hết đời sống sinh kế gia đình thì qua tới xứ người từ việc mưu sinh hàng ngày, tổ chức đời sống cũng như dạy dỗ con cái đều phải san sẻ đều cho hai vợ chồng. Chính từ điểm nầy mà những khác biệt từ cá tính cho tới sự suy nghĩ cách nhìn cuộc đời của Lan và Huy càng lộ hẳn ra. Sự xung đột gia đình cứ ngày thêm trầm trọng. Có phải lý do quan trọng của tấn bi kịch gia đình bắt nguồn từ việc arranged marriage. Huy đã cố tình chịu đựng ẩn nhẫn để lo cho các con ăn học lớn khôn. Tình trạng lục đục cứ kéo dài theo thời gian và chữ hạnh phúc gia đình không có trong quyển tự điển đời sống hàng ngày của Huy. 

Sau khi các con khôn lớn thành tài và lập gia đình thì sự chịu đựng của Huy đã vượt quá giới hạn để đưa đến tình trạng đường ai nấy đi. 

Từ đó chàng sống thu mình trong ốc đảo cô đơn hiu quạnh. Hobby duy nhất của chàng là làm thơ viết văn như để trang trải một trời tâm sự đau thương bẽ bàng mà nguồn cảm hứng bất tận cho chàng vẫn là Huyền muôn thuở. Huy thường gởi bài viết mình lên các báo khắp nơi và nhất là các trang web, đặc biệt là của các hội cựu học sinh Nguyễn Đình Chiểu-Lê Ngọc Hân ở các nơi với hy vọng là Huyền sẽ đọc được để hiểu nỗi lòng của chàng. Đã nhiều lần chàng cố hỏi han bạn bè hy vọng biết tin tức Huyền hạnh phúc với chồng con thế nào nhưng chẳng ai biết gì về nàng. Nỗi nhớ thương cố nhân oằn nặng tâm hồn Huy nhưng khổ một nỗi là chàng không biết thổ lộ tâm tình cùng ai mà cứ mãi ôm ấp sâu kín trong nỗi lòng u uẩn. 

Dòng đời vẫn vô tình là lạnh lùng trôi cho tới năm 2004, một hôm, Võ Trung Hải người bạn đồng khóa Quốc Gia Hành Chánh (người có thiệp cưới Huyền-San) hiện định cư tại Texas và cũng từng là chứng nhân cuộc tình lỡ của chàng ở Ký Túc Xá ngày xưa phone sang báo một tin gần như rung chuyển cả đất trời: 

- Ê! Huy! Tao báo mày hay tin tối quan trọng. Cố nhân của mầy, chị Huyền đang định cư cùng gia đình đứa con gái tại San Jose. Thằng San, chồng chị ấy và cũng là bạn Cần Thơ của tao đã mất từ năm 1973. Mầy có còn nhớ cái đêm mầy qua phòng tao chơi rồi rơi nước mắt khi đọc thiệp cưới mời tao tham dự không? 

Chỉ nghe tới đó là Huy thấy rụng rời tay chân, tim chàng se thắt lại. Trời ơi! Chuyện tình buồn của 40 năm trước tưởng đã chôn vùi theo cát bụi thời gian nào ngờ lại vụt sống lại mãnh liệt trong lòng chàng. Chiếc thiệp cưới tàn nhẫn ngày xưa vẫn còn như nhát chém sắt bén hằn sâu tận trái tim Huy. 

Huy run run hỏi Hải: 
- Trời! Thiệt hả mậy? Mầy có địa chỉ số phone của Huyền không? 

Võ đắc ý trả lời: 
- Tao biết thế nào mầy cũng hỏi như thế nên đã tìm hiểu trước cho mầy. Đây là số phone của chị Huyền. 

Người ta nói “ tình cũ không rủ cũng tới” thiệt đúng với hoàn cảnh của Huy bấy giờ. Thực ra giữa chàng với Huyền đâu thể gọi là tình cũ vì ngày xưa giữa hai người nào có tình ý gì, nếu có thì chỉ là mối tình đơn phương u uất của chàng mà thôi. Tuy nhiên sau khi nhận cú phone của Hải, Huy thấy lòng xao xuyến nôn nao, chàng tức tốc gọi ngay cho nàng. 

Bên đầu giây bên kia có tiếng hello. Huy hồi họp hỏi: 
- A lô! Xin lỗi có phải nhà chị Huyền không? Xin cho tôi nói chuyện với chị Huyền. 

Giọng Huyền thoáng chút ngạc nhiên: 
- Thưa chính là tôi đây. Xin hỏi là ai vậy? 

Huy bồi hồi xúc động nói trong nước mắt: 
- Thưa … Thưa tôi là Huy, người cùng xóm với chị ngày xưa 

Huyền sửng sốt bàng hoàng: 
- Trời! Anh Huy đó hả? Bấy lâu nay tôi mãi tìm anh khắp nơi, hỏi tất cả bạn bè quen biết mà vẫn không biết anh ở đâu.Tôi tìm anh để chỉ xin được nói lời xin lỗi, thật tình xin lỗi anh về tất cả mọi chuyện đáng tiếc ngày xưa nha anh. Mong anh hiểu cho, lúc đó hai đứa mình còn nhỏ nên tôi phải lo chuyện học hành trên hết. Chắc anh buồn giận tôi lắm phải không? 

Giọng Huy nghẹn ngào: 
- Cám ơn chị, những lời nói chân tình của chị đã làm vơi đi bao đau thương cay đắng mà tôi đã ôm kín trong lòng từ mấy chục năm qua.Trong tình yêu, nếu thực sự yêu nhau thì không có chữ sorry. Về chuyện thất tình ngày xưa tôi chỉ buồn thôi chứ làm sao giận người mình yêu được (thiệt hôn đó?) 

Huyền cất giọng buồn rưng rưng: 
- Được bày tỏ nỗi lòng tôi ấp ủ từ lâu là tôi mừng lắm rồi. Nhưng xin anh đừng gọi tôi là chị nữa. Bộ tôi già lắm sao? 

Nghe cố nhân nói vậy, Huy liền đổi ton: 
- Nếu Huyền cho phép tôi dẹp bỏ tiếng chị xa cách. Nói thiệt với Huyền là cho tới bây giờ, tôi vẫn chưa quên chuyện ban đầu đau thương đó và tôi mong rằng hết cơn mưa trời lại sang. 

Kể từ đó Huy Huyền liên lạc nhau thường xuyên và tâm tình hết cho nhau. Huyền từ khi chồng chết vì bạo bênh năm 1973 đã ở vậy nuôi đứa con gái duy nhất. Đến năm 1980 nàng mang con vượt biên giã từ thiên đàng xã hội chủ nghĩa. Trước đó nàng cũng biết tin Huy lập gia đình và chỉ biết cầu mong cho chàng được hạnh phúc êm đẹp. Hiện nay nàng ở tại San Jose cùng vợ chồng đứa con gái và ba cháu ngoại. Nàng bảo rằng cả đời nàng không bao giờ quên ánh mắt u buồn chàng lúc trao thư tình. Và ngay sau hai lần từ chối nhận thư tình chàng trao, nàng thấy lòng băn khoăn áy náy và trông chàng trở lại như là việc nhất quá tam. Nhưng hình bóng Huy vẫn cứ biền biệt (người ta đã trốn luôn thì làm sao mà thấy được) làm nàng nghĩ là chàng chỉ đùa vui qua đường với nàng , “chắc là người ta đã quên mình rồi”. Ý nghĩ nầy làm nàng chạnh buồn mà tuổi xuân thì cứ lần lượt qua mau nên nàng phải lấy chồng là một giáo sư trường trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ tên San, người nàng quen biết lần đầu tiên trong một dịp sang chơi bên ấy để rồi San luôn theo đuổi nàng cho tới lúc cưới được nàng chỉ trong vòng 5 tháng sau. Đúng là coup de foudre. 

Sau đó Huyền theo chồng về Cần Thơ, cứ mỗi lần về thăm nhà cũ Trịnh Hoài Đức là Huyền chạnh lòng nhớ lại hình ảnh cậu học trò xóm Chùa Chà thường đi ngang nhà nàng, cái cậu học trò lần đầu tiên đã khuấy động tâm tư cô nữ sinh trong trắng thơ ngây. Nhìn thấy cảnh cũ mà người xưa đâu rồi làm lòng nàng buồn vời vợi. Sang tới Mỹ, trong những lần họp mặt bạn bè cũ, nàng cố hỏi thăm tin tức Huy nhưng hoàn toàn vô vọng và hình bóng người xưa vẫn biệt vô âm tín để lại lòng nàng cả nỗi niềm ray rứt khôn nguôi. Mặc dù biết là vô vọng nhưng Huyền cũng cố dõi tìm Huy nhưng tin sương vẫn bằng bặt.

San Jose – Thung lũng hoa vàng 

Đọc đến đây chắc các bạn đều thấy rằng chuyện tình lỡ làng của Huy phần lớn là do Huyền thế mà khi tái hợp cùng nhau nàng lại tự nhiên nói thêm một câu làm lòng Huy mềm nhũn đi vì tiếc nuối: 
- Sao ngày xưa anh không try thêm lần thứ ba hở anh ? Chắc là tại em không đủ trọng lượng phải không ? 

Một thời gian ngắn sau đó, Huy không đè nén được mối chân tình tha thiết ôm ấp từ hơn 40 năm qua nên đã ngõ lời yêu đương: 
- Huyền ơi! Cho tới giây phút nầy, anh vẫn yêu em rạt rào như ngày xưa. Vậy bây giờ, em có chịu nhận thơ tình anh trao không? 

Huyền bồi hồi đáp: 
- Em đã cố tìm anh từ bấy lâu nay chỉ để chờ đợi giây phút nầy thôi. 

Huy mừng rỡ: 
- Cám ơn em nhiều lắm nghe Huyền. Em đã làm anh hồi sinh rồi đó. 

Chỉ một thời gian ngắn sau đó, cả hai đều thấy rằng mình không thể sống thiếu nhau nên Huy đã move về San Jose để sống kiếp “thân cư thê” say tình ý mộng sau khi làm hôn thú với Huyền và được nàng bảo lãnh sang Mỹ theo diện vợ chồng. Hình như để bù đắp lại cho 40 năm thiếu vắng nhau, họ thương yêu chìu chuộng săn sóc nương tựa nhau hết mức khắng khích. Đây là khoảng thời gian hạnh phúc nhất đời Huy. Bên Huyền. chàng thấy lòng rộn rã yêu thương và an bình thanh thản. Trong suốt hơn 40 năm qua, Huy chỉ trông đợi có giây phút nầy mà thôi. Có nằm mơ, Huy cũng chẳng dám mơ rằng có ngày mình ôm được Huyền trong vòng tay đam mê ngây ngất như thế nầy. Kể ra định mệnh cũng còn ngó lại chàng đấy chứ. Mặc dù tuổi đã trên sáu mươi nhưng tình yêu của Huy Huyền thật nồng nàn cuồng nhiệt như bỏ lại những ngày tháng trống vắng lạnh lùng thuở xưa. Dữ ác hôn! Tính ra, cây si Huy trồng trước nhà Huyền phải kéo dài tới 43 năm bây giờ mới mọc lên được. 

Người vui mừng nhất trong câu chuyện châu về hợp phố nầy phải là Huy. Nói không cường điệu chút nào là Tổng Thống John F, Kennedy ngày xưa khi hay tin đắc cử tổng thống thứ 35 của nước Mỹ thì mừng vui cở chàng bây giờ là cùng. 

Cũng nên nói thêm là Uyên đứa con gái duy nhất của Huyền cũng rất tán thành khi thấy mẹ tìm lại hạnh phúc cuối đời với người xưa. Ngoài ra, các anh chị em Huyền vốn cũng là lối xóm của Huy nên rất có cảm tình với chàng và mừng cho hai người tái hợp nhau như mối lương duyên tiền định. 

Hai vợ chồng Huy Huyền cứ tay trong tay âu yếm rong chơi dưới trời phiêu lãng khi thì Thái Lan, Singapore hay Kampuchia, Việt Nam. Lúc thì Trung Quốc, Nhật, Đại Hàn, Hồng Kông, Macau, Hawaii… 
Bạn bè của Huy lẫn Huyền cũng rất vui mừng và nhiệt tình ca ngợi sự tái hợp huyền diệu tuyệt vời của hai người. Có bạn còn nói: 
- Tại ngày xưa anh dở quá chứ gặp tôi thì không bao giờ mất chị Huyền đâu.Trong tình yêu sống còn thì mình phải cương quyết và mạnh dạn mới được. Đẹp trai hổng bằng chai mặt mà. 

Huy nghe nói mà nghe lòng buồn vời vợi và tiếc nuối vô cùng. Phải rồi! Cậu bé Huy ngày xưa nhút nhát và lừng khừng quá làm nên đã làm mất đi một trời hạnh phúc yêu đương một cách oan uổn cho cả hai người. Huy tự nói thầm: Huyền ơi! Anh xin lỗi em đó! Tính lôi thôi yếu đuối của anh đã làm chúng ta mất gần cả một đời hoa mộng yêu thương. 

Cho tới gần cuối đời Huy mới có diễm phúc có được Huyền một cách trọn vẹn. Chàng ngây ngất thì thầm bên tai nàng câu nói mà anh đã mơ ước từ 43 năm trước: Huyền ơi! Anh yêu em vô vàn. Chàng cũng thầm cám ơn ba má Huyền đã sinh ra nàng để làm vợ anh tuy có muộn màng. 

Sau 6 năm hương lửa mặn nồng bên nhau tràn trề hạnh phúc, hai vợ chồng chuẩn bị một chuyến du lịch một vòng Âu Châu. Vé máy bay, hotel đã booked sẵn, chương trình và hành lý cũng được sắp xếp xong chỉ chờ ngày chuẩn bị máy bay. Thì rủi ro hay! Một chuyện thương tâm lại đến gieo rắc kinh hoàng cho cả hai vợ chồng đang yêu thương trong hạnh phúc ngút ngàn. Trong một ngày định mệnh, Huy bỗng ngất xỉu và mê man. Huyền hoảng hốt đưa chồng tức tốc tới nhà thương. Sau khi khẩn cấp xét nghiệm bằng MRI và biopsy, bác sĩ thông báo cái tin như một hồi chuông báo tử: “ Huy bị ung thư phổi giai đoạn chót hết phương cứu chửa, chỉ còn có chút chemo therapy để cầm cự thôi”. Huyền nghẹt thở và bất tỉnh luôn khi nghe tin sét đáng ngang mày. 

Trời ơi! Cách chia hơn bốn mươi năm giờ sum họp chỉ có ngần ấy thôi sao. Trời xanh sao ác nghiệt chi lắm vậy! Những chuổi bất hạnh lại cứ tiếp nối phủ chụp lấy đời Huy. 
Trong những tháng ngày cuối cùng bên nhau còn sót lại, Huyền luôn kề cận bên giường bịnh chồng. Nàng ôm Huy khóc ngất: 
- Huy ơi! Đừng bỏ em nghe anh! Sao đời anh với em khổ thế nầy? Anh rán mà sống với em nghe anh. Em yêu anh lắm. 

Huy buồn rầu nhìn vợ thều thào: 
- Anh mơ ước được đi với em trong suốt quãng đời còn lại nhưng định mệnh tàn nhẫn chia cách mình cuối đời. Anh sẽ không yên lòng mà nhắm mắt đâu em ơi! Mai đây cho dù âm dương đôi ngã xin em hãy nhớ rằng anh luôn luôn yêu em cả muôn ngàn kiếp. 

Trước giờ sinh ly tử biệt, Huyền thấy thương chồng hơn bao giờ hết. Trời ơi! Sao số Huy và của cả nàng bạc phận hẩm hiu đến thế. Hạnh phúc đâu phải xa xôi diệu vợi gì mà sao Huy của nàng cứ vói mãi mà không tới. 

Sau hơn 3 tháng vật lộn với tử thần trong nỗi đau nhức kinh hoàng vì giai đoạn cuối cùng của ung thư, Huy đã trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay Huyền, kết thúc một đời vô duyên bất hạnh và bỏ lại đàng sau một trời thương nhớ buồn đau cho người vợ bất hạnh vừa mới trùng phùng sau thời gian dài cách chia thống khổ. Dù sao thì được nhắm mắt trong vòng tay Huyền cũng là niềm an ủi vô biên cho một kẻ xấu số như chàng. Đó là hạnh phúc trong đời mà chàng thực sự có được. 

Cả đời Huy, hạnh phúc như một cái bóng mà chàng cứ mệt mỏi chạy theo đuổi bắt nhưng không bao giờ nhận được. Nếu bảo rằng mỗi con người sinh ra trên đời nầy đều có số mạng thì ngôi sao của Huy quả là nghiệt ngã tối đen. 
Sau khi chôn cất chồng xong, Huyền không còn thiết sống nữa, nàng cứ như người mất hồn, biếng ăn, biếng ngủ, đôi mắt lạc thần, ngơ ngẩn như mơ tìm hình bóng người xưa, người mà nàng biết rằng yêu thương nàng nhất đời. Cuộc đời nàng từ đây chỉ là một trời đau thương chất ngất. 

Huy ơi! Sao đời anh và đời em khốn khổ đến thế nầy. Lận đận cả một đời mà chỉ một chút tình cuối dâng cho nhau cũng vẫn không được toại nguyện. Tội nghiệp cho anh của em quá! Nhưng em, người ở lại còn đau khổ hơn anh vạn lần. Anh yêu ơi! Có nghe em nói không? Hạnh phúc đối với chúng mình thật xa vời. Thôi mình hẹn nhau kiếp sau anh nhé! Mình làm lại từ đầu, lúc đó em sẽ nhận thơ tình của anh liền để mình sẽ đời đời có nhau nha anh. Hãy chờ em anh nhé! 

Nếu đời là vô thường mong manh nhưng cũng có một điều vĩnh cữu, đó là tình yêu vô bờ của Huyền và Huy. 

Cả đời hạnh phúc thấy đâu 
Tới khi nhắm mắt cũng sầu đau thôi 
***

Và cũng kể từ đó, tại Tu Viện Thiên Trúc ở ngoại ô phía Nam thành phố San Jose có thêm một ni cô trọng tuổi với đôi mắt buồn vời vợi mới quy y. Đó chính là bà Dương thị Huyền giờ đã gởi thân nơi cửa thiền để lánh bụi hồng trần với pháp danh là ni cô Diệu Đức. Thỉnh thoảng có người nghe ni cô thì thầm trong nước mắt “ Huy ơi! Chờ em anh nhé!” 

Câu chuyện tình buồn đã kết thúc từ đây trong tan tác đau thương.

Nguyên Trần
Toronto 

Hơn bốn mươi năm trời khổ đau 
Hai ta gặp lại tưởng tươi màu 
Ai ngờ con tạo trêu ngươi mãi 
Xui khiến ngàn thu vĩnh biệt nhau.