Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2018

Thơ Tranh: Vàng Lòng Nhớ Mẹ


Thơ: Trầm Vân
Thơ Tranh: Kim Quang

Tìm Mẹ Trong Mơ

    (Ảnh Gia Đình)

Con về thăm mẹ buổi chiều nay
Vạt nắng nghiêng nghiêng trải nẻo dài
Phú Hữu bao năm lần biệt xứ
Con về thăm mẹ buổi chiều nay

Bờ tre cỏ rạc lối quanh co
Làng xóm thôn xưa vắng bóng đò
Mẹ cõi thiên thu hồn cố quận
Bờ tre cỏ rạc lối quanh co

Giật mình tỉnh giấc thực chiêm bao
Hồng trắng thoảng hương sắc nghẹn ngào
Dâng đóa tinh tuyền thành khẩn nguyện
Giật mình tỉnh giấc thực chiêm bao 


Kim Phượng
Mother’s Day 13.5.2018

Con Vẫn Nhớ Hoài



Mẹ hái đậu tây luộc thật mềm
Hủ chao năm cắt, ớt cho thêm
Trái chanh nửa miếng, tô tương hột
Ăn hết nồi cơm ...vẫn thấy thèm.

Những buổi chiều mưa bắt ốc, cua
Đem về tặng mẹ nấu canh chua
Nồi canh bông súng thêm ngon lạ
Tép rong chấy mặn xúc theo mùa..

Thuở ấy đầu thập niên năm mươi
Tản cư về cuối đất cùng trời
Nhà tranh trống toác thời nghèo khó
Nhưng ấm tình quê tuổi trẻ tôi.

Nhớ lắm mỗi lần mẹ gội đầu
Than tro dừa nước sạch trơn gàu
Dầu dừa mẹ xức hong khô gió
Thơm tuổi thần tiên quá ngọt ngào.

Con khôn lớn bằng võng đong đưa
Bên con rạch nhỏ lau lách thưa
Tảo tần bươn chải nuôi con lớn
Nhớ mẹ chỉ còn mơ dáng xưa..!

Dương hồng Thủy

Nhớ Mẹ - Soạn Giả Viễn Châu - Kim Trúc


Soạn Giả: Viễn Châu
Tiếng Hát:Kim Trúc

Nhớ Mẹ (Nhân Ngày Của Mẹ: Mother’s Day)



Mẫu thân an nghỉ ở non tiên
Dưới thế trầm hương kính mẹ hiền
Bỏ lại đàn con thương nhỏ dại
Ra đi mình mẹ nhớ triền miên
Mẹ như chiếc lá rừng phong ấy
Vàng tựa mùa thu gió cát phiền
Bể khổ tang thương người biết mấy
Trần ai cam chịu mẹ bình yên

Thương mẹ ca ngâm điệu ngũ cung
Lời ru ngọt lịm cách muôn trùng
Bên bờ biển Thái trời thăm thẳm
Cập bến Âu Tây đất lạnh lùng
Phù hộ cho con gầy mái ấm
Độ trì hậu duệ dựng non sông
Mẹ ơi chắc vẫn theo con trẻ
Chạnh nhớ Mẹ hiền luống ước mong...

Mai XuânThanh 
Ngày 05 tháng 05 năm 2018
***
Họa Vận:
Mẹ Hiền

Mẹ vốn hiện thân của Phật Tiên,
Muôn đời nhớ mãi nét hiền hiền.
Một thân gánh vác đành cam phận,
Suốt kiếp tảo tần chịu khổ miên.
Khuya sớm lui cui không oán trách,
Tháng ngày vất vả chẳng ưu phiền.
Những mong con trẻ nên danh phận,
Gia đạo thuận hòa vạn sự yên.

Tận tụy suốt đời mãi cúc cung,
Bao la lòng mẹ sánh ngàn trùng.
Thương con viễn xứ lo ray rức,
Sợ trẻ đường xa chịu lạnh lùng.
Từ mẫu tam xuân tràn ánh nắng,
Thốn tâm tấc cỏ khó thành sông.
Mẹ là suối nước trong nguồn chảy
Mát mẻ muôn lòng thỏa ước mong!


Đỗ Chiêu Đức
Lễ Mẹ 2018

Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2018

Đêm Trăng Nhớ Nhà


Trên cao lơ lửng bóng trăng ngà
Đêm khuya lác đác giọt sương sa
Gió Bấc vi vu ngoài song cửa
Thấm lạnh tâm tư kẻ xa nhà.

Đêm về cô lẻ trên gác trọ
Đối bóng trăng khuya Ta với Ta
Nỗi lòng chẳng biết ai san sẻ
Âm thầm tâm sự với trăng ngà.

Trăng ở trên cao nào có biết
Nỗi buồn thầm kín kẻ ly gia
Vui là vui gượng qua ngày tháng
Buồn nào bằng cảnh sống xa nhà.

Thân ta nào khác chi chiếc lá
Lìa cành theo gió cuốn bay xa
Lang thang, trôi nổi nơi xứ lạ
Nhìn trăng viễn xứ chạnh nhớ nhà.

Trần Gò Công/Lão Mã Sơn

Men Quỳnh Hương!

       
(Ảnh - KimOanh)

Men Quỳnh Hương!

Áo lụa ngời dáng thướt tha
Nghê thường luân vũ trăng sa mơ cùng
Say men chén rượu tương phùng
Một đêm cũng đủ dệt chung tơ lòng
Quỳnh Hương ơi! Men tình nồng
Luyến lưu hương thoảng loan phòng giao bôi

Kim Oanh
***
Bài họa:
Tình Thi Hữu


“Ctkt”

Kìa hoa! Thắm nở thướt tha
In dòng sông mộng tiên sa hát cùng
Mối tình thi tứ tao phùng
Oanh Kim, quý bạn cùng chung tấm lòng
Ánh Quỳnh thắm tỏa Hương nồng
Nghĩa tình nảy nở thắm dòng sông thương
Hương hoa cánh Phượng vấn vương…

Đức Hạnh
06 05 2018

Kỳ Thi Đầu Đời


Là cựu học sinh ai cũng có nhiều lần đến trường thi, ai cũng có nhiều kỷ niệm đẹp của những lần thi cử trong đời mình. Kỷ niệm của tôi thì nhiều lắm nhưng không biết là đẹp, vui hay là buồn hiu hắt nhưng cũng xin mời các bạn cùng tôi ôn lại những kỳ thi trong cuộc đời bôn ba của tôi.

Tôi không nhớ rõ lắm vì lý do gì mà gia đình tôi phải sống xa quê rày đây mai đó trên chiếc ghe tam bản nhỏ tí tẹo, mãi tới năm tôi 7 tuổi mới được lên bờ, ở nhờ nhà bà con cô cậu của má tôi để đi học. 
Tôi chưa từng học qua lớp năm (lớp một bây giờ) mà khi tôi vô học là đã vào học lớp tư (lớp hai ) rồi. 
Bởi vì sống trên chiếc ghe thương hồ đó Má tôi đã dạy cho tôi biết đọc, biết viết và biết làm toán cộng trừ nhân chia lên tới số hàng trăm...
Trường học đầu tiên mà tôi ôm tập đến lớp, đó là trường Tiểu Học Vĩnh Thạnh thuộc quận Lấp Vò tỉnh Sa Đéc. Lớp tôi học do cô Phụng dạy.

Bảy tuổi đầu thì chả có gì để nhớ mà kể, chỉ là người cậu bà con đó, ông ta thuộc lớp người khó tánh, ngoài giờ đi học thì tôi được giao cho nhiệm vụ giữ em và chụm lửa lò nấu rượu. Hai việc nầy thì dễ lắm, lò nấu rượu, lâu lâu mới dùng cây sắt gạt một cái cho trấu rớt xuống lò để trấu cháy bùng lên, hết trấu thì lấy cái thúng xúc trấu trong bồ đổ thêm vào, khi nào rượu bắt đầu chảy ra thì lấy chai 1 lít mà hứng, hứng đầy rồi thì lấy chai khác thế vô, còn lại thì chỉ ngồi không chơi mà thôi. 
Vì ngồi không cả buổi, mà con nít thì lúc nào cũng năng động, không có việc gì để phá thì không chịu nổi, vì vậy mỗi khi tôi bị giao nhiệm vụ chụm lửa lò rượu, thì tôi lận theo cuốn truyện Tàu để đọc. 

Ông cậu tôi mê truyện Tàu dữ lắm, nhà ông có đủ các loại truyện từ Tam Quốc Chí, Tây Du Ký, Tam Hạ Nam Đường, Xuân Thu Chiến Quốc, Tiết Nhơn Quý...
Tôi ở đó một năm, đọc đi đọc lại tủ truyện của ông nhiều lần, nên những nhân vật trong truyện tôi nhớ rõ lắm, tôi thích Gia Các Khổng Minh với những sách lượt thần kỳ, ghét Bàng Quyên gian manh phản bạn, thích Na Tra tuổi nhỏ mà phép mầu cao cường, chịu ông Khương Tử Nha kiên nhẫn ngồi câu cá chờ thời..v..v..

Tám tuổi thì ba má tôi lại đem anh em chúng tôi lên bờ và gởi cho bà Tám là em ruột ông ngoại tôi trên xã Mong Thọ. Vậy là tôi phải đổi trường và vào học ở trường Sơ Cấp Mong Thọ. Trường nầy chỉ có vỏn vẹn 3 lớp, và tôi được xếp vào học lớp ba. 
Phụ trách dạy lớp đó là một cô giáo rất đẹp và rất hiền. 
Cô Nhiên khi ấy còn trẻ lắm, cũng có thể là mới vừa ra trường với nhiệm sở đầu tiên. Ở thôn quê học trò thường được đi học trễ vì vậy lớp tôi học toàn là những anh chị lớn hơn vài tuổi, to xác hơn tôi nhiều cho nên cô giáo xếp tôi ngồi đầu bàn nhứt.


Cuối năm học cả bọn tôi phải ra Tân Hiệp thi vào lớp nhì. Một số anh chị to con, lớn tuổi bỏ học không đi thi. Cô Nhiên dắt 16 đứa bọn tôi lần đầu tiên ra chợ quận thi lên lớp. 
Sáu giờ sáng là chúng tôi tụ họp trước cổng trường cô tôi đã chờ ở đó trước. Cô đến khuyến khích tinh thần từng người một, với những anh chị lớn xác thì cô nói:
- Các em lớn nhất lớp, ráng cố gắng làm bài để cho tụi nhỏ noi gương
Với những tên nhóc tì như tôi thì cô dặn:
- Em nhỏ nhất lớp, ráng thi đậu hạng cao cho cô hãnh diện nghen...
Mổi đứa chúng tôi cô đều có một câu khuyên bảo riêng.

Thi xong, trước khi lên xe về nhà, cô dắt chúng tôi vào quán ăn ở trong chợ Tân Hiệp, các anh chị lớn người gọi cơm, bún, bánh mì thịt, còn nhà tôi thì không có tiền nên 5 giờ sáng má tôi đã chiên cơm cho tôi ăn rồi, nhưng mấy hột cơm đó sau hơn 7 giờ đồng hồ nó đã biến mất trong bao tử vì thế tôi cũng hơi đói bụng, nhưng không có tiền trong túi tôi đành núp ngoài cửa quán chứ không dám vào. Cô Nhiên sau khi điểm danh thấy thiếu một đứa thì dáo dác đi tìm, khi thấy tôi đang lấp ló ngoài cửa, cô ra hỏi:
- Sao em không vô ăn rồi còn đi về, ở ngoài nầy làm gì? Trưa lắm mình mới về tới nhà em nhịn đói không nổi đâu.
- Thưa cô! Em ăn rồi.
Cô Nhiên cười nói:
- Mấy em mới vừa thi xong là cô dắt lại đây liền. Em ăn hồi nào mà cô không hay vậy?
Tôi rụt rè trả lời:
- Thưa cô! Trước khi đi má em có chiên cơm cho em ăn rồi, bây giờ còn no lắm, thôi em để chiều về nhà ăn chung luôn.
- Vậy cũng được, nhưng em phải vô trong đó mà ngồi chờ, chừng nào về cô khỏi mất công đi tìm.

Tôi bước theo cô vào quán,15 người kia đã ngồi chật kín mấy cái bàn của quán ăn rồi, chỉ có bàn của cô giáo thì không có đứa nào dám ngồi ké. Tôi đứng xớ rớ chưa biết ngồi đâu thì cô Nhiên kéo tay tôi chỉ cái ghế kế bên:
- Em ngồi xuống đi, đứng xớ rớ ở đó làm gì?
- Thưa cô! Em không dám ngồi chung với cô đâu.
Cô giáo cười hồn nhiên nói lớn cho cả bọn cùng nghe:
- Tại sao không có em nào dám ngồi chung bàn với cô hết vậy? Cô có ăn thịt đứa nào đâu mà tụi em phải sợ?

Tôi bị bắt buộc ngồi chung bàn với cô nên vừa run vừa sợ không dám nhìn qua ngó lại xem tụi bạn đang ăn uống những thứ gì mà chỉ nhìn xuống đất. Cô Nhiên thấy vậy hỏi:
- Em! Hôm nay làm bài được hông vậy?
Nghe cô giáo hỏi tôi ngẩn đầu lên trả lời:
- Thưa cô! Bài thi dễ lắm, em làm còn dư giờ quá trời luôn.
Tôi chưa dứt lời thì bụng kêu rột rột.
Cô Nhiên cười cười:
- Em đói bụng rồi phải không?
Tôi chống chế:
- Thưa cô! Hổng phải đâu, em thường bị như vậy mà.
Cô tôi không nói gì chỉ lặng lẽ đến bên bà chủ quán nói nhỏ những gì không rõ, một lúc sau bà chủ đem ra một dĩa cơm sườn để trước mặt.
Má tôi chỉ đưa cho tôi có 2 đồng bạc để đi xe. Lượt đi trả hết một đồng rồi, đồng còn lại phải để dành cho lượt về vì vậy tôi sợ lắm nên nhìn cô Nhiên nói:
- Thưa cô! Em không có gọi mua cơm mà sao người ta đem ra vậy? Má em cũng không có cho tiền đem theo.
Nói xong tôi đứng vậy định đi ra để khỏi bị phiền phức với dĩa cơm sườn hấp dẩn đó. Cô Nhiên vò đầu tôi nói nhỏ:
- Cô mua cho em đó.
Tôi vừa thèm ăn vừa mừng quýnh trong bụng nhưng vẫn phải từ chối:
- Cô ăn trước đi em còn no chưa có đói đâu.
Bà chủ quán lại đem ra một dĩa khác còn lớn hơn và thịt nhiều hơn, hấp dẫn hơn làm tôi muốn chảy nước miếng. Cô tôi ra lịnh:
- Dĩa cơm đó em mà ăn không hết thì phải trả tiền, còn em ăn hết thì cô sẽ trả cho. Thôi ăn lẹ đi các em khác đã ăn xong rồi chỉ còn hai cô trò mình thôi.

( Sa Đéc)

Thú thiệt với các bạn nhà tôi lúc đó nghèo lắm, quanh năm suốt tháng chỉ biết có cá, mắm, chuột và rau mà thôi, thịt heo thì mỗi năm đến Tết mới được ăn còn ngày thường thì không bao giờ rớ tới vì thế khi mà cô giáo tôi vừa ra lịnh xong là tôi ra tay cấp kỳ, trong tít tắc dĩa cơm sườn kia đã nằm gọn trong bụng tôi rồi. 
Thấy tôi nhỏ con mà ăn mạnh hơn người lớn, cô tôi lấy cái dĩa không sớt bớt gần phân nửa phần cơm của mình rồi nói:
- Em ăn tiếp dùm cô đi, cô hơi mệt, chắc là ăn không hết đâu...
Cho đến bây giờ tôi vẫn tự hỏi "Không biết cô Nhiên vì kiêng ăn, sợ mập muốn giữ cho thân hình lúc nào cũng gọn đẹp hay là cô tội nghiệp cho đứa học trò nghèo mà ham ăn như tôi "...
Cô tôi thì thương những đứa học trò của mình như thế, còn đám nhóc chúng tôi sau kỳ thi đứa lên lớp thì ra Tân Hiệp học, đứa phải ở lại lớp có khi mắc cở nghỉ học luôn.

Tựu trường năm sau tôi không còn học với cô nữa nhưng thỉnh thoảng một vài tháng tôi cũng có ghé thăm cô nhưng rồi không biết từ khi nào tôi quên mất cô của mình, quên luôn dĩa rưởi cơm sườn tình nghĩa đó, cho tới 13 năm sau, khi tôi và hai đứa bạn đồng nghiệp đang xếp hàng chờ lảnh lương ở phòng tài vụ của sở học chánh tỉnh Kiên Giang thằng Mạnh nói:
- Ê! Long lảnh lương xong 2 thằng tao theo mầy về nhà chơi cho biết nghen? Rồi sáng mốt tụi mình về Xẽo Rô luôn.
Thằng Bé thì không đồng ý.
- Mong Thọ có khác gì Miệt Thứ đâu mà đòi vô chơi? Ba đứa mình mướn khách sạn ở chơi đêm nay tới chiều mai rồi về luôn.
Tôi lên tiếng phân đôi giữa 2 đứa bạn:
- Tao phải về thăm nhà mới được, đứa nào muốn vô chơi thì tao chở cho, còn muốn ở lại thành phố thì trưa mai tao ra khách sạn rước rồi cùng về Xẽo Rô luôn.
Nghe ba thằng tôi bàn cải um trời cô đồng nghiệp đứng phía trước quay lại nhìn. 
Tôi giật mình, sao mà giống cô giáo của tôi quá. Tôi lên tiếng hỏi:
- Xin lỗi! Cô có phải là cô Nhiên đã dạy ở Mong Thọ hơn mười năm trước không?

Mười ba năm sau cô giáo không có gì thay đổi, chỉ là tuổi đời chồng chất nhiều hơn một ít mà thôi, còn đứa học trò nhỏ tí ngày xưa thì đã thành đồng nghiệp nên cô không nhận ra. Cô nhìn tôi chăm chăm từ đầu tới chân rồi mới trả lời:
- Ừ! Đúng rồi, tôi đã dạy ở đó 4 năm rồi mới xin về cầu Quây, còn thầy là ai mà biết tôi vậy?
Tôi mừng quá vội bước tới cuối đầu chào:
- Thưa cô! Em là đứa học trò nhỏ mà khi cô dắt đi thi lên lớp nhì ở Tân Hiệp, nó đã đớp mất của cô hơn một dĩa cơm sườn...
Tôi chắc là học trò tâm đắc nhất trong đám nhóc tì ở Mong Thọ của cô nên vừa nhắc chuyện cũ là cô nhớ ra liền:
- Long hả? Mèn ơi! Lớn quá rồi, làm sao mà cô nhận ra em được. Đi dạy hồi nào vậy ? Bây giờ đang dạy ở đâu? 
Cô thì cứ liên tục hỏi, còn trò thì chỉ trả lời mà hồn thì trở về những ngày vui vẻ vô tư của thời con nít chưa hề biết phá phách...
Biết nhà và nhiệm sở của cô mình, vậy mà tôi quên bẵng đi chưa một lần ghé lại thăm để trả món nợ dĩa cơm sườn tình nghĩa, mặc dù hằng tháng đều đặng tôi vẫn chạy xe ngang qua trường cô dạy để đi lảnh lương.


Rồi vận nước đổi thay, cuộc đời thay đổi, tôi theo bạn bè vượt biển bỏ nước ra đi, phải đến đúng chu kỳ 13 năm sau tôi mới trở về thăm lại cô mình.
Cầm gói quà dán kín trong tay cô Nhiên cười nói:
- Em trả tiền dĩa cơm lại cho cô à?
- Thưa cô! Không đâu, dĩa cơm đó không có gì sánh với nó được. Gói quà nầy chỉ là em muốn bày tỏ lòng mình với cô giáo ngày xưa thôi mà. 
Cô giáo tôi tiếp tục cười:
- Vậy thì cô cũng chỉ để nó trong tủ kiếng mà chưng chơi vì đó là tấm lòng của học trò mình, đã gần 30 năm sau mà nó vẫn còn nhớ cô giáo cũ...

Trường Sư Phạm ở Việt Nam bây giờ đào tạo ra những cán bộ giáo dục, không đào tạo ra những cô giáo, thầy giáo như cô tôi ngày xưa nữa, cho nên các bạn đừng thắc mắc tại sao lại có những đứa học trò dám đánh cả thầy cô của mình để họ phải vào nhà thương...
Chẳng qua là...

Lanh Nguyễn

Vui Đón Hè


Xướng:
Vui Đón Hè
Thể Hoán vĩ vận- thuận nghịch đơn cú đối xứng.

Hè sang...mây trắng báo sang hè
Ve điệu rộn ràng nhịp điệu ve
Đỏ sắc phượng nồng khoe sắc đỏ
Hoe màu tóc mượt trổ màu hoe
Ngóng thầm tà áo...anh thầm ngóng
Nghe lặng tiếng chiều... chị lặng nghe
Đá dế...em mê xem dế đá
Te tè tít tít tít tè te!!!

Thy Lệ Trang
***

Các Bài Họa:
Thời Học Sinh

Hè đón ngày vui trẻ đón hè
Ve kêu dòn dã tiếng kêu ve
Rộn chân bay nhảy đôi chân rộn
Hoe mắt giã từ ánh mắt hoe
Nắn chữ trang thư lưu chữ nắn
Nghe hồn nét mực lắng hồn nghe
Thoắt quên....bỗng chốc đà quên thoắt
Te té vui đùa giỡn té te.

Sông Thu
***
Mùa Hè Rực Rỡ

Hè nắng lòng vui đón nắng hè
Ve kêu inh ỏi tiếng kêu ve
Đỏ tươi Phượng Vĩ xinh tươi đỏ
Hoe rực Tường Vi đẹp rực hoe
Ngóng mắt đàn chim bay mắt ngóng
Nghe tai tiếng nhạc dội tai nghe
Xập xình đàn trống reo xình xập
Te té kèn thổi vọng té te

Minh Thuý
Tháng 4_2018
***
Hè Sum Họp

Hè ngắm trời xanh phượng ngắm hè
Ve chào gió nhẹ bướm chào ve
Biếc cành trông đợi lay cành biếc
Hoe nắng mơ màng gợi nắng hoe
Nhớ nỗi u hoài xua nỗi nhớ
Nghe lòng phơi phới lắng lòng nghe
Bạn mời ta hát xin mời bạn
Te tí tưng bừng mãi tí te.

Như Thu
***
Hè Nắng Cháy


Hè nắng nung người buổi nắng hè
Ve rền rĩ gáy rĩ rền ve
Úa vườn ba quý thương vườn úa
Hoe tóc mẹ yêu tội tóc hoe
Đợi ngóng mưa sa hoài ngóng đợi
Nghe chờ gió tới cứ chờ,nghe
Thiệt thua gia súc đành thua thiệt
Te tua thóc gạo chịu tua te

Thanh Hoà
***
H
è Chia Tay

Hè ơi phượng nở nhớ ơi hè
Ve hát rỉ rền tiếng hát ve
Thắm đỏ ngàn hoa màu đỏ thắm
Hoe vàng sắc nắng cỏ vàng hoe
Cách xa bè bạn ,trường xa cách
Nghe lắng tim ai nhịp lắng nghe
Nhõ lệ rơi hoài giòng lệ nhõ
Te te tiếng dế khóc te te !

Thiên Hậu
***
Hè Về ...


Thể Hoán vĩ vận- thuận nghịch đơn cú đối xứng.

Hè đỏ phượng chưa phượng đỏ hè ?
Ve giọng chi sầu thế giọng ve
Rịm tím dòng lưu... vừa tím rịm
Hoe vàng ánh mắt đã vàng hoe
Cảm trầm tiếng đợi thêm trầm cảm
Nghe vẳng câu chờ cứ vẳng nghe
Ngọt mát dừa xiêm dù mát ngọt
Te buồn xa bạn vẫn buồn te !!!

Phan Tự Trí

Vào Hè

Hè đến nồng oi báo đến hè
Ve lời rỉ rả đáp lời ve
Đỏ hồng cánh phượng, môi hồng đỏ
Hoe cháy nắng trời, tóc cháy hoe
Ngắm sững diều bay, hồn sững ngắm
Nghe thầm gió hát, dạ thầm nghe
Mượt xanh đồng cỏ chiều xanh mượt
Te tích dế hờn, giọng tích te…

Cao Bồi Gìa
07-04-2018
***Hè Đến

Hè tươi óng ánh nắng tươi hè
Ve tấu rền vang nhạc tấu ve
Lóe cánh diều thênh ngời cánh lóe
Hoe trời phượng đỏ rực trời hoe
Gọi êm ả gió đềm êm gọi
Nghe thướt tha mùa lướt thướt nghe
Điệu vũ sắc màu muôn vũ điệu
Te le đón hẹn bước le te…

Lý Đức Quỳnh
***
Nh
ớ Hè Quê Hương

Hè ơi , đau đáu , nhớ ơi hè !
Ve chuyện nghe hoài thuộc chuyện ve.
Đỏ thắm phượng hồng lòng thắm đỏ
Hoe vàng mít mật múi vàng hoe.
Cảm rung cảnh trí ngày rung cảm
Nghe dậy tâm hồn đêm dậy nghe.
Gáy sớm vui chưa gà sớm gáy
Te ò , o ó , ó ò te !

Trần Như Tùng
***
H
è Về

Hè phựơng đong đưa tỏa phượng hè
Ve cùng quý bạn hát cùng ve
Thắm tình nảy nở hoa tình thắm
Hoe nắng xôn xao sợi nắng heo
Vọng tiếng em cười thương tiếng vọng
Nghe lòng sóng trỗi nhớ lòng nghe
Cánh diều lộng gió vui diều cánh
Te té vườn chiều sáo té te..

Đức Hạnh
08 04 2018
***Nhớ Hè

Hè nhớ trường xưa thật nhớ hè
Ve ngân khúc nhạc hát ngân ve
Đỏ màu phượng nở hoa màu đỏ
Hoe sắc em cài tóc sắc hoe
Hẹn đón người thương ai đón hẹn
Nghe chào bạn mến tớ chào nghe
Hắt hiu tâm khảm sao hiu hắt
Te tí thôi nào ngẩn tí te

Phạm Kim Lợi
***
Vui Đón Hè

Hè đến … loay hoay lại đến hè
Ve sầu hát tiễn … điệu sầu ve
Biếc trời xanh thẳm gom trời biếc
Hoe nắng vàng tươi toả nắng hoe
Lịm ráng chiều buông nhìn ráng lịm
Nghe hồn gió lộng thả hồn nghe
Khúc ca luyến tưởng lời ca khúc
Te tét vang rền giọng tét te !!!

Mai Thắng
180408
***Buổi Sớm Làng Quê

Hè sớm bình minh thức sớm hè.
Ve ca thánh thót giọng ca ve.
Trắng cò rời tổ bao cò trắng
Hoe đỏ rào hoa bụt đỏ hoe
Bóng nước rung sen soi nước bóng
Nghe chim reo nhạc gọi chim nghe
Lúa thơm gợn gió bừng thơm lúa
Te tác… gà la đẻ tác te…

Trúc Lệ - Trần Lệ Khánh



Thứ Tư, 9 tháng 5, 2018

Tự Tình - Thơ: Cát Biển Phổ Nhạc: Cẩm Hồng


Thơ: Cát Biển
Phổ Nhạc: Cẩm Hồng
Thực Hiện: Van Quach

Một Bức Tranh Xưa


Từ một bức tranh xưa, (xin bấm vào khung hình để thấy được rõ hơn), tôi đã có được vài phút giây giữa thực và mộng. Mong được chia sẻ với thân quen chút thoáng cảm xúc này, dù đã ghi vội, để đọc cho vui. PKT 04/28/2018

Nón lá, ngồi câu, không đợi cá,
Cảnh đời sông nước, giấc mơ tiên.
Nhánh mai nở muộn phô hương sắc,
Một cõi trời riêng, sạch lụy phiền.


Tri Khac Pham
***

Bài Họa:

Thuyền Độc


Lênh đênh thuyền độc trong chiều lắng
Êm ả mảnh đời đấy cảnh tiên
Phô sắc đơm cành mai muộn trổ
Trời riêng một cõi chẳng ưu phiền


Kim Phượng
***
Bài Cảm Tác:

Lặng Lẽ Thuyền Câu


Chiều tà, sông nước một thuyền câu,
Nón lá, gió tung trắng mái đầu.
Ngồi mãi hoa xuân từng cánh rụng,
Rượu tàn, khoang trống ngập trăng thâu!


Mailoc

Dân Tôi...



Bài Xướng
Dân Tôi...


Cali - Đà Nẵng cách xa rồi
Hoàn cảnh đẩy đưa sống nửa đời
Làng cũ ruộng nương nay lạ hoắc
Quê xưa phố chợ cũng chơi vơi
Định cư hải ngoại đồng bào khỏe
Lập nghiệp xứ người thịnh vượng thôi
Đốt nén nhang thơm chùa lễ Phật
Dân tôi gốc Việt trải nhiều nơi...

Mai Xuân Thanh
Ngày 13 tháng 03 năm 2018

Họa Thơ:
Bạn Thơ


Thân hữu xích xê thất thập rồi
Bao năm đắng ngọt vẫn yêu đời
Sức già dần cạn hồn luôn sáng
Ý tứ tràn đầy trí chẳng vơi
Xướng họa câu vần vui cứ hưởng
Giao duyên thi phú hứng quên thôi
Xa gần cách trở nào đâu kể
Giờ Bạn Thơ đà ở khắp nơi.

Quên Đi


Cái Tôi Và Sự Hiểu Biết


Khi bàn về cái tôi, người ta thường nói hóm hỉnh rằng: trong cuộc sống, cái tôi mà nặng thì thành tội; cái tôi huyền thì thành tồi; và cái tôi sắc thì thành tối. Mà sống trong tội lỗi, tồi tàn và tăm tối đều là sống trong sự thiếu hiểu biết. Vậy phải chăng sự hiểu biết và cái tôi có sự đối lập như Albert Einstein đã từng nói: “Cái tôi và sự hiểu biết tỷ lệ nghịch với nhau. Hiểu biết càng nhiều thì cái tôi càng nhỏ. Hiểu biết càng ít thì cái tôi càng lớn.” 

Phát biểu của Albert Einstein đưa ra một vấn đề cần được xem xét và chứng minh. Vấn đề đó là mối liên hệ tỷ lệ nghịch giữa sự hiểu biết và cái tôi. Để có thể thấy được mối liên hệ tỷ lệ nghịch này, chúng ta cần xem xét một số vấn đề như định nghĩa về “cái tôi”, đặc điểm của “cái tôi” và phân tích “cái tôi” trong mối quan hệ với sự hiểu biết” 

Một cụ ông hỏi một cụ bà về định nghĩa của tình yêu. Cụ bà lắc đầu, không thể đưa ra một khái niệm chắc chắn về tình yêu bởi “yêu” là một khái niệm trừu tượng. Cũng như thế, rất khó để có thể đưa ra một định nghĩa hoàn hảo về khái niệm “cái tôi”. Bởi chúng ta không thể chỉ vào một vật nào đó và nói rằng đây là “cái tôi” hay kia là “cái tôi”. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận biết và gọi danh cái tôi thông qua những biểu hiện của nó. 

Cái tôi của một người có thể được xem là thái độ nhận định của người đó về chính mình, thái độ đó có xu hướng đề cao bản thân, xem bản thân hơn người khác. Vậy câu nói của Albert Einstein có ý cho mọi người thấy rằng: người càng hiểu biết sâu rộng thì càng tự hạ mình, tôn trọng và chấp nhận người khác. Còn người càng ít hiểu biết thì lại càng cho là mình hơn người khác, đặt bản thân lên trên người khác. Nói đến đây, chúng ta cũng đã có thể phần nào hiểu được về cái tôi. Tuy nhiên, chúng ta cần phải bàn thêm nhiều hơn để có thể thấy rõ những đặc điểm của cái tôi trong mối liên hệ với sự hiểu biết. 

Cái tôi đi liền với việc cá nhân luôn cho mình là đúng là hơn người. Người có cái tôi lớn tự tin một cách thái quá vào khả năng của bản thân, nên họ cho rằng suy luận, ý kiến của họ là đúng, là tốt nhất. Và khi nghĩ như vậy thì họ không chịu chấp nhận những ý kiến trái chiều hay những lời phê bình và chỉ trích. 
Họ sẵn sàng phồng mang trợn má, dùng mọi nỗ lực để bảo vệ cho “cái tôi” to lớn kia. Khi nhìn vào các cây liễu và cây dầu trong cơn bão, cây liễu mềm dẻo, uốn mình thừa nhận sự yếu đuối của nó trước những cơn gió mạnh bạo. 

Trong khi đó, cây dầu lại đứng hiên ngang, giương tất cả các cành to khỏe nhất, cứng cáp nhất để thể hiện sức mạnh của mình, để khẳng định “cái tôi” của nó. Kết quả là cây dầu đã bị quật đổ, cành cây xơ xác, còn cây liễu thì mỗi ngày mỗi lớn hơn dẫu cho biết bao nhiêu cơn bão đã qua đi. Người có cái tôi càng lớn thì họ lại càng không sẵn sàng tiếp thu những đóng góp của người khác nên chẳng thể thu tích được những tư tưởng hay những điều hay điều mới lạ. 

Dần dần, cái tôi của họ trở nên lớn hớn và sự hiểu biết thì đâm ra hạn hẹp. Còn đối với những người có cái tôi càng nhỏ, họ sẵn sàng rộng mở, đón nhận những yếu đuối của bản thân từ đó mà khắc phục và hoàn thiện hơn, hiểu biết nhiều hơn. 

Thêm một đặc điểm nữa khi nói về cái tôi, người có cái tôi lớn là người có xu hướng che giấu, giữ lấy cái xấu, cái dở và cả cái ngu của họ mà không thèm đến cái hay cái tốt nơi người khác. Lý do khiến họ muốn che giấu là vì cái tôi to lớn của họ không muốn người khác biết được yếu điểm của họ, vì như thế thì sẽ rất dễ bị thua người khác. Khi che giấu cái dốt của bản thân, họ đã vô tình đóng lại cánh cửa duy nhất của sự hiểu biết. 

Họ chặn không cho mình tiếp thu những bài học mới mà cứ giữ lấy những quan điểm, những định kiến cũ rít của mình. Một cái ao tù muốn đem lại sức sống mới thì không còn cách nào khác ngoài việc bỏ đi những khối nước tù đọng và nghèo nàn, thay vào đó là những dòng nước mới và giàu phù sa. 
Chúng ta không thể tiếp thu một điều mới mẻ và cấp tiến nếu cứ giữ lấy những tư tưởng bảo thủ. Giống như chúng ta không thể nào cầm lấy những quyển sách mà trên tay chúng ta lại ôm lấy cả một đống giấy vụn. Cách duy nhất là chúng ta hãy bỏ đống giấy đó xuống và đưa tay đón lấy những quyển sách. Hãy đặt cái tôi của chúng ta xuống và đón lấy những điều mới mẻ. 

Khi xem xét sự hiểu biết trong mối quan hệ với cái tôi, chúng ta có thể thấy rằng người có cái tôi lớn là người hiểu biết rất ít về chính họ. Còn người có cái tôi nhỏ hóa ra lại là người biết rất nhiều về bản thân. Dựa trên đặc điểm của cái tôi, chúng ta dễ nhận ra rằng, người có cái tôi càng lớn thì càng hành động theo cảm xúc. Có thể chỉ cần một lời nói tựa như một giọt nước lạnh đụng chạm đến cái tôi to lớn của họ, chê bai hay chỉ trích chẳng hạn, thì họ tưởng chừng như đang bị dội cả một gáo nước lạnh hay cả một xô nước lạnh lên đầu, thế là họ có thể đã bực tức, cau có phản ứng dữ dội và để cảm xúc lấn áp lý trí. 
Những người như thế thật thiếu hiểu biết về chính mình. Ngược lại, người có hiểu biết sâu rộng sẽ tìm để biết mình và hành động dựa trên lý trí, thay vì tình cảm. 

Người càng hiểu biết thì càng bình tĩnh và điềm đạm, họ suy xét kỹ lưỡng và sẽ nhận ra được những khiếm khuyết của bản thân. Từ đó, người càng hiểu biết thì càng hiểu bản thân hơn. Khi đã nhận ra yếu đuối của bản thân, thì cái tôi của họ sẽ càng ngày càng nhỏ lại. Dù có bị dội cả xô nước thì họ vẫn cảm thấy mát lạnh, sảng khoái, và thậm chí là họ còn cảm ơn người đã giúp họ rửa sạch những nhơ bẩn nơi họ. 

Sau khi phân tích mối quan hệ giữa cái tôi và sự hiểu biết, chúng ta có thể khẳng định rằng Albert Einstein đã đúng khi cho rằng “Hiểu biết càng nhiều, cái tôi càng bé. Hiểu biết càng ít, cái tôi càng lớn”. Cái tôi là một khái niệm thật khó để diễn tả hết. Cái tôi nằm trong ngay chính mỗi người, nhưng không phải ai trong chúng ta cũng đủ hiểu biết để nhận thức và làm cho nó nhỏ lại. 
Không ai trong chúng ta muốn bị người khác gán cho cái mác là “cái tôi lớn” và cũng không ai muốn trở thành một kẻ ngu si, thiếu hiểu biết, nên mỗi chúng ta cần nhận biết và kiểm soát cái tôi của mình. Chúng ta cần làm cho mình trở nên hiểu biết hơn và làm cho cái tôi bé hơn mỗi ngày. 

Micae Thân Trọng Hưng, MF

Thứ Ba, 8 tháng 5, 2018

Hẹn Hò Mùa Xuân - Thơ Hồng Thúy - Nguyễn Tuấn


Thơ: Hồng Thúy 
Nhạc:Nguyễn Tuấn 
Hòa Âm: Đặng Vương Quân 
Ca sĩ :Tâm Thư 
Thực Hiện: Đặng Hùng


Ghép Nửa Mảnh Tình



Đôi chúng ta hai mảnh đời xa lạ
Gặp nhau đây chấp vá lại con tim
Bỏ bao ngày thổn thức lẫn kiếm tìm
Ghép hai nửa thành niềm yêu trọn vẹn

Tuổi hoa niên ta chẳng hò không hẹn
Anh dở dang em đứt nghẹn tình đầu
Trời còn thương xui mình gặp được nhau
Thiếu hạnh phúc, thừa úa nhàu cay đắng

Hãy cho nhau nửa phần đời trống vắng
Chung mái nhà hoà nắng ấm trãi yêu
Bỏ những chiều hoang vắng bước liêu xiêu
Thèm dựng lại mái nhà xiêu bến đổ

Anh ly hương em khổ lìa xứ sở
Gặp nhau đây vốn chẳng phải tình cờ
Bận lòng chi câu ai đã nợ ai
Góp chung gạo, ta hát bài hạnh phúc

Thân bạc thếch mà tim hồng chửa mục
Vẫn thèm thuồng say khúc lạc hoan ca
Em ơi! tôi luôn mơ một mái nhà
Có bóng dáng đàn bà rất trần thế

Yêu lần này chẳng biển thề non hẹn
Hãy yêu như từng yêu lén lần đầu
Đừng lo buồn sợ côi cút mai sau
Đã trải nghiệm nỗi đau ngày ly biệt 

Trúc Lan KTP
03-2018

Lão Thanh Nhàn




Lão Thanh Nhàn

Chùa xa vãng cảnh ngắm chiều loang
Khi nắng vàng buông nhạt nẻo ngàn
Tiếng vọng chuông ngân triền núi dạo
Vang âm gió chuyển dốc đèo sang
Vui lòng tịnh cảnh tâm an ngự
Thỏa ý non thanh dạ ổn tràn
Bạc trắng ngàn dâu cơn mộng tưởng
Cửa sài vô sự lão yên nhàn.

Hương Thềm Mây
GM.Nguyễn Đình Diệm.
***
Các Bài Họa:

Chữ Nhàn

(Họa 4 vần)

Bạn thiết thân tình bỗng chợt sang
Niềm vui cao vút vượt mây ngàn
Sầu tư quên lãng thôi hờn giận
Phiền muộn xa rời chẳng trách than
Tiếng nhạc du dương người thưởng thức
Vần thơ êm ả ý dâng tràn
Chia tay quyến luyến...ân cần bảo
Ghi mãi trong tâm một chữ nhàn.

Như Thu
***
Thanh Th
ản

Vi vút heo may trải núi ngàn.
Lá vàng phất phới chuyển mùa sang.
Tưng bừng cúc hé đưa hương ngát
Ríu rít chim ca hợp khúc loang..
Thanh vẳng triền cây chuông điểm giọt.
Âm hòa khe suối nước dâng tràn.
Sân si rũ sạch hồn thanh thản.
Gió mát trăng trong hưởng cảnh nhàn.

Trúc Lệ Trần Lệ Khánh.
26-4-2018.
***Qua Hoành Sơn

(Nhớ Bà Huyện -Họa 4 vần)

Với phượng ve rền đón hạ sang
Mà sao như lửa cháy non ngàn
Mấy mươi đỉnh ấy đang quay dọc
Riêng một đèo này lại chuyển ngang
Nhà rợ như ri nào thẳng thớm
Chú tiều vẫn rứa cứ khom tràn
Xế tà khói mỏng vờn mây núi
Khổ tự tâm ta chẳng được nhàn.

Phan Tự Trí
***
1/Ho
ài Cảm

“Tuần hoàn bất tận thi”

Đàn bướm tưng bừng chào phượng vĩ
Sang mùa cánh mộng trỗi sông ngàn
Ngàn hoa nẩy nở vui trường lớp
Lớp học xôn xao vọng tiếng đàn
Đàn bướm tung tăng khoe phượng vĩ
Vĩ cầm rộn rã thả đường làng
Làng xưa nhạc sĩ ve hoài cảm
Cảm nhận tuổi thơ cảnh rất nhàn…

2/ Hoài Cảm

Nhàn nhã em về vẫy hạ sang
Sang mùa cánh mộng trỗi sông ngàn
Ngàn hoa nẩy nở vui trường lớp
Lớp học xôn xao vọng tiếng đàn
Đàn bướm tung tăng khoe phượng vĩ
Vĩ cầm rộn rã thả đường làng
Làng xưa nhạc sĩ ve hoài cảm
Cảm nhận tuổi thơ cảnh rất nhàn…

Đức Hạnh 
26 04 2018
***
Bao Giờ Thanh Thản??

Thu ẩm trong rừng mới chớm sang
Trời cao gió nhẹ khuất mây ngàn
Âm thầm góc núi cành hoa dại
Êm ả bên đồi cụm khói loang
Ý nhạc buồn rơi tình ấp ủ
Vần thơ sầu rụng lệ dâng tràn
Thương đời xuôi ngược bon chen quá
Dễ mấy khi mà được chữ nhàn.

Trịnh Cơ 
Paris 27/04/2018
***Cảnh Nhàn

Trên đồi ngồi ngó bóng mây loang
Cây cỏ vi vu với gió ngàn
Sảng khoái tâm hồn không vướng bận
Êm đềm thần trí chẳng mơ sang
Rừng thông êm ả say sưa ngắm
Khung cảnh bình yên cảm hứng tràn
Thấp thoáng xa xa làn khói trắng
Mình ta đang hưởng cảnh an nhàn!

Thiên Hâu
***
D
òng Tan Hợp

Lạnh cuối đông dần nắng ấm sang
Nguyên tiêu vành vạnh ánh trăng ngàn
Vườn khuya chén lặng trà đơn rót
Biển sớm chân đùa sóng điệp sang
Bến hạ vỗ về qua rón rén
Bờ xuân mơn trớn đã lan tràn
Thanh âm kết chuỗi dòng tan hợp
Thả giọt thường nhiên đón nguyệt nhàn

Lý Đức Quỳnh
***

Hưởng Thanh Nhàn

Nhà bên tiếng võng tiếng ru sang
Mình dạo ti vi ngắm núi ngàn.
Mát, máy Sony con gửi đến
Phê, cà Đắc Lắc cháu đưa sang
Để ta lấy rượu khui đồ nhắm
Mời tớ nâng li mực xé tràn.
Đầy đủ, ung dung ai cũng mộ
Một mình tĩnh lặng hưởng thanh nhàn.

Trần Như Tùng

Cuộc Đời !!!


Cuộc đời như một cuộc đua.
Nửa hiệp đầu chạy đua với bằng cấp, quyền lực, địa vị, thành tích, lương bổng...
Nửa hiệp còn lại chạy đua với huyết áp, mỡ máu, đường huyết, acid uric, cholesteron...
Nửa hiệp đầu, nghe cấp trên mà phụng mệnh.
Nửa hiệp sau, vạn sự tuỳ duyên mà theo…số mệnh.
Chúc các bạn trước sau như một, thắng trận cả hai.
Không ốm cũng cần tập luyện, không khát cũng cần uống nước, buồn mấy cũng phải nghĩ thông, mình đúng cũng phải nhường người.
Có quyền cũng nên khiêm tốn, không mệt cũng nên nghỉ ngơi, không giàu cũng phải biết đủ, bận mấy cũng phải luyện rèn thể dục thể thao!

Những lời sau đáng để chiêm nghiệm:
Một chiếc áo giá 2 triệu, giá niêm yết có thể chứng minh.
Một chiếc xe 1 tỷ, hoá đơn có thể chứng minh.
Một căn hộ 5 tỷ, giá thị trường có thể chứng minh.
Một con người, rốt cục đáng giá bao nhiêu tiền?
Duy nhất chỉ có SỨC KHOẺ có thể chứng minh được điều đó.
Khoẻ mạnh là sự bảo trợ tốt nhất của bạn.
Do vậy, đừng lôi máy tính ra tính toán bạn xài bao nhiêu tiền cho SỨC KHOẺ.
Bởi vì, bạn không tiêu cho trước đó cũng phải tiêu cho ..sau đó. Quyền lựa chọn là ở bạn.
Có SỨC KHOẺ gọi là TÀI SẢN... không có sức khoẻ, sớm trở thành…DI SẢN!

Thái Nguyễn
​(​Sưu tầm)

Thứ Hai, 7 tháng 5, 2018

Thơ Tranh: Nhớ Thu


Thơ: Quên Đi
Thơ Tranh: Huỳnh Hữu Đức


Ngày Qua



Xưa tay nâng phiến lá
Hồn một giấc ngủ vùi
Giờ đôi tay gầy guộc
Đùa lá chết reo vui

Ta nửa hồn rã mục
Đợi hạt mưa bấc về
Nhuộm đen tròng mắt đục
Dấy cuộc tình đam mê

Thủy xưa em là nước
Ngủ yên giấc tịnh bình
Ta cành khô mộng ước
Từng hạt ngọc lung linh

Thủy xưa đừng kín giấu
Gội mắt ta mê say
Trái tim lành tím dấu
Yên dòng máu lạc loài

Trương Văn Phú

Tịch Tình


Yêu lỡ bước trượt chân tình dốc hẩm
Trái tim son trầy xước máu lệ sầu
Nụ hôn đầu xót rát nửa đời đau
Ta không khóc mà cười đâu phải dễ

Em bỏ lại cho anh một nửa đời hối hả
Gánh vác một mình chuyện cũ chuyện xưa
Mưa mười năm mưa ray rứt sớm trưa
Mưa bấc sớm bạc đầu đêm trăn trở

Lẽ nào em quên dẫu đoạn trường anh vẫn nhớ
Tình mười năm dưa muối lắm mặn nồng
Rồi năm tháng mắt mờ un khói mỏng
Ngất ngư chờ đau đáu mỏi mòn hơi


Phủ Hiền

Bông Súng Mùa Nước Nổi



Xướng:
Bông Súng Mùa Nước Nổi


Bạt ngàn súng mọc khắp đồng hoang
Vẻ đẹp tinh khôi đến ngỡ ngàng
Xanh tím lá tròn bờ dẹp mảnh
Trắng trong hoa mỏng nhị hoe vàng
Cọng dài dòn ngọt chờ thu hoạch
Lẫu mắm thơm ngon đã sẵn sàng
Đặc sản quê hương mùa nước nổi
Trời cho Đồng Tháp với An Giang.

Phương Hà
***
Họa:
Một Món Ăn Miền Tây


Miền Tây bông súng mọc đồng hoang
Món trộn sao ngon chẳng ngó ngàng !
Thấy giống hoa sen màu cánh trắng
Nhìn như bông thẳng nhụy thơm vàng
Món ăn lẫu mắm trên bàn ghế
Một bữa cơm rau dưới ván sàn
Bằng hữu anh em cùng thưởng thức
Cây nhà sông nước ở Tiền Giang

Mai Xuân Thanh


Ngày 28 tháng 12 năm 2017

Về Miền Tây - Phần 18



Đến năm 1963, vì lý do an ninh lãnh thổ, Tổng Thống VNCH tách các quận Đức Long (khu trù mật Vị Thanh cũ), Long Mỹ, Kiên Hưng (Gò Quao), Kiên Long và Kiến Thiện của tỉnh Rạch Giá và Sóc Trăng để thành lập tỉnh Chương Thiện.

Từ Cần Thơ đi theo quốc lộ 4 qua ngã bảy Phụng Hiệp, Vũng Thơm, nếu đi thẳng sẽ đến Sóc Trăng, rẽ phải trên quốc lộ là tiếp tục đi về Bạc Liêu, một vùng đồng ruộng thênh thang, cò bay thẳng cánh. Bắt đầu từ phía Nam của Phụng Hiệp chạy dày đến Quản Long, chúng ta đã thấy rải rác các sóc Miên dọc theo quốc lộ 4 cũng như tận trong các vùng sâu. Họ là hậu duệ của những người Thủy Chân Lạp đã định cư ở đây rất lâu đời, có thể vào những thế kỷ thứ 7 hoặc 8, ngay khi vương quốc Phù Nam sụp đổ. Rồi sau này khi lưu dân người Việt bắt đầu di cư đến Nam kỳ, thì họ lại lui dần về các vùng sâu. Có lẽ vì không hợp với người Việt về phong tục tập quán nên hễ người Việt đi đến đâu là họ cứ lui dần và lui dần. Từ Mô Xoài lui về Tầm Bôn (Tân An), rồi từ Tầm Bôn lui về Lôi Lạp (Gò Công), rồi từ Lôi Lạp lui về Tầm Phong Long (Châu Đốc, Sa Đéc, Vĩnh Long, Trà Vinh), rồi từ Tầm Phong Long lui về những vùng mà ngày nay chúng ta gọi là Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Đa số những người Miên ở các vùng Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau thường trong các phum sóc, gần gủi với người Triều Châu (Tàu), họ thường làm ruộng rẫy. Thời Nguyễn Ánh còn lẩn trốn quân Tây Sơn, thì ông thường lui tới vùng mà bây giờ là Sóc Trăng và Bạc Liêu.

Sau khi chiếm xong Nam Kỳ, người Pháp chia tỉnh An Giang ra làm bốn tỉnh: Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ và một phần phía cực Nam của tỉnh An Giang và một phần cực Nam của tỉnh Hà Tiên (vùng Bạc Liêu bây giờ) để thành lập tỉnh Sóc Trăng. Sóc Trăng nằm bên bờ sông Hậu và dung chứa ba cửa của con sông này (Ba Thắt, Định An và Tranh Đề) nên toàn tỉnh là một vùng đất bồi trũng, thấp thoáng có một vài giồng cao hình vòng cung (đó là những bờ biển ngày xưa), đất giồng thường là đất cát pha trộn đất sét, rất mầu mỡ, thuận tiện cho việc cất nhà và lập vườn cây ăn trái, hay làm rẫy. Thường thì giữa giồng là những dãy ruộng trũng. Sau khi chiếm xong Nam Kỳ, Pháp cho đào nhiều kinh xẻ dọc xẻ ngang, nhằm giúp dẫn thủy nhập điền và tháo phèn ở những vùng trũng, nhưng mục đích chính của họ là dễ dàng trong việc vận chuyển lúa gạo về tỉnh hay lên Sài Gòn. 

Sóc Trăng là một trong những tỉnh trù phú nhất của miền Tây, nằm cách Sài Gòn 230 cây số, cách Cần Thơ 60 cây số. Cũng như hầu hết các địa danh ở miền Nam, Sóc Trăng là chữ đọc trại theo âm của tiếng Khmer, có nghĩa là “Xứ nhiều vàng bạc châu báu.” Về vị trí của Sóc Trăng thì Bắc và Tây Bắc giáp Cần Thơ, Nam giáp biển Đông, Tây giáp Bạc Liêu và Cà Mau, và Đông Bắc giáp Trà Vinh và Vĩnh Long. Trước năm 1975, tỉnh Sóc Trăng gồm có tỉnh lỵ Sóc Trăng và 8 quận gồm các quận Kế Sách, Mỹ Xuyên (Bãi Sào), Lịch Hội Thượng, Mỹ Tú, Thuận Hòa, Ngã Năm, Hòa Tú, Long Phú và Thạnh Trị. 

Diện tích toàn tỉnh Sóc Trăng là 4.500 cây số vuông. Về khí hậu, Sóc Trăng thuộc vùng khí hậu nhiệt đới, tuy nhiên, nhờ xung quanh là biển nên tiết trời cũng tương đối dễ chịu, nhiệt độ trung bình quanh năm khoảng 27 độ C. Có hai mùa Mưa Nắng rõ rệt. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 với gió mùa Tây Nam với lượng nước mưa gần 1.5 li hằng năm, và mùa nắng từ tháng 12 đến tháng 4 với gió mùa Đông Bắc. Sóc Trăng ít khi bị bão và hạn hán kéo dài. Dân số Sóc Trăng năm 1894 khoảng 105.000 người, gồm người Việt, người Miên và người Hoa; đến năm 1924 tăng lên 183.000 người. Trước năm 1975 vào khoảng 800.000 người. 

Sau năm 1975, chính quyền Cộng Sản phân chia lại lảnh thổ nên Sóc Trăng chỉ gồm những quận sau đây: Kế Sách, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Thạnh Trị, Long Phú, Vĩnh Châu, Cù Lao Dung và Ngã Năm, với tổng diện tích là 3.223 cây số vuông. va tổng dân số theo thống kê mới của chánh quyền Cộng Sản vào năm 2000 vào khoảng 1.350.000 người. Các quận đông dân nhất là Mỹ Xuyên, Long Phú (nhất là cù lao Dung nằm trên sông Hậu), Kế Sách, và Thạnh Trị; quận ít dân cư nhất là Hòa Tú. Đa số là người Kinh, chiếm khoảng 65%, người Khmer chiếm khoảng 27%, người Hoa khoảng 7%, còn lại là các dân tộc khác. Đa số dân Sóc Trăng theo đạo Phật, tuy nhiên, trong thời Pháp thuộc, do sự nâng đỡ của chính quyền thuộc địa nên đạo Thiên Chúa cũng phát triển. Khoảng giữa thế kỷ 20, đạo Phật Giáo Hòa Hảo khởi xướng từ An Giang cũng phát triển khá mạnh ở Sóc Trăng. Hiện nay Sóc Trăng là một trong những nơi có nhiều tôn giáo lớn ở Nam Việt như Phật giáo, Thiên Chúa, Cao Đài, Hòa Hảo, Tin Lành... 

Đài Chiến Sĩ và Bưu Điện Sóc Trăng Gánh hàng rong chợ Sóc Trăng

Cũng như các tỉnh ven biển ở Nam Việt, Sóc Trăng cũng có một bờ biển, tuy không dài như Bạc Liêu và Cà Mau, cũng đủ cung cấp hải sản cho dân trong tỉnh. Tuy Sóc Trăng hãy còn rất nhiều vùng thấp trũng úng phèn như các vùng Mỹ Tú và Thạnh Trị, những vùng dọc theo sông Hậu kéo dài đến sông Mỹ Thanh đất đai phì nhiêu mầu mỡ với nguồn nước ngọt quanh năm. Ngoài ra, những vùng như Kế Sách, một phần của Mỹ Tú, và Long Phú tuy nằm trong sâu, nhưng thế đất khá cao, gần nguồn nước ngọt, và việc tháo nước ủng phèn cũng dễ dàng, nên dân các vùng này thường đào giếng lấy nước xài được quanh năm. 
Còn lại các vùng khác, thuộc vùng phù sa mặn, tuy việc thoát nước phèn không bị trở ngại, nhưng thiếu nước ngọt vào mùa khô. Khoảng 85% dân chúng trong tỉnh làm ruộng rẫy. Lúa gạo là nông phẩm chính của tỉnh, thường toàn tỉnh chỉ sử dụng 1/3 số lượng lúa gạo, còn lại 2/3 xuất cảng hàng năm. Tuy đồng bào Khmer chỉ chiếm khoảng 27%, và người Hoa chỉ khoảng 7%, nhưng khắp nơi trong tỉnh đâu đâu người ta cũng tìm thấy sắc thái thật đặc sắc của hai dân tộc này. Dọc theo trục lộ Bắc Nam trong tỉnh, có khoảng 90 chùa Miên và 50 chùa của người Việt và người Hoa. Người Khmer theo đạo Phật Theravada (Nam Tông), và các chùa Khmer có lối kiến trúc thật độc đáo và trang nghiêm. Với người Khmer, ngôi chùa chính là trung tâm văn hóa, nơi tổ chức các lễ hội lớn hàng năm, nơi học kinh, học chữ, và học đạo lý làm người tu thân. 

Ngoài ra, chùa còn là nơi lưu giữ những giáo điển và sách sử của dân tộc. Mỗi chùa đều có lối kiến trúc đặc sắc riêng biệt, tuy nhiên, chùa Khmer nào cũng xoay mặt về hướng Đông. Những Chùa Khmer nổi tiếng như Chùa Dơi (hay chùa Mã Tộc đã được xây dựng cách nay hơn 400 năm), nằm cách thị xã Sóc Trăng chưa đầy 2 cây số. Khuôn viên chùa rợp bóng mát của các cây cổ thụ nên có hàng vạn con dơi đến đây trú ngụ, chính vì thế mà người ta gọi nó là chùa Dơi. Cứ khoảng 6 giờ chiều là chúng bay đi kiếm ăn, đến 5 giờ sáng hôm sau là bay về ngủ trên các tàng cây trong sân chùa. 
Tuy nhiên, dơi ở đây không bao giờ ăn trái cây trong sân chùa. Đối diện với chùa Dơi là một kiến trúc cũng theo kiểu chùa, nhưng không phải là chùa, mà là nơi lưu trữ những hiện vật nói lên đời sống của dân tộc Khmer như áo quần, trang phục, nhạc cụ, vân vân. Người dân ở đây gọi đó là viện Bảo Tàng của người Khmer. Chùa Khơ-leng là một trung tâm văn hóa lớn của người Khmer tại đây, được xây dựng vào năm 1533. 

Hiện nay tại chùa Khleang vẫn còn lưu trữ một bản sao tài liệu ghi chép từ thư tịch cổ, trong đó có nói đến nguồn gốc của đĩa danh Sóc Trăng. Theo đó, vào đầu thế kỷ thứ 16, một viên quan cai quản vùng Sóc Trăng tên là Tác, đã cho xây dựng nhà kho để tích trữ sản vật do dân chúng quyên góp. Từ đó ông đặt tên cho vùng này là Srosk Khleng. Khi người Việt đến định cư họ đọc trại lại là Sóc Trăng. Đến năm 1532, ông Tác vâng mệnh vua Ang Chan của Chân Lạp, xây dựng một ngôi chùa và lấy địa danh ấy mà đặt cho chùa là “Khleang. 
Chùa Đất Sét (hay Bảo Sơn Tự của người Việt, được xây từ năm 1906 với lối kiến trúc và điêu khắc thật đặc sắc vì tất cả những pho tượng và những bức hoành phi đều làm bằng đất sét trộn với vỏ cây. Tại đây có tám cây nến mỗi cây nặng 200 kí lô, cao 2.6 mét, sáu cây còn nguyên hảo, và hai cây đang được thắp sáng mỗi ngày). Ngoài ra, Sóc Trăng còn có chùa Sà Lôn hay chùa Chén Kiểu, rất nổi tiếng. Chùa nằm trên quốc lộ 4 (nay là quốc lộ 1A), từ Sóc Trăng đi Bạc Liêu và cách Sóc Trăng chừng 12 cây số. Nét đặc sắc của ngôi chùa là việc sử dụng những mảnh chén bát, dĩa sứ ốp lên tường để trang trí, chính vì vậy mà chùa còn được gọi là chùa Chén Kiểu. Tại tỉnh lỵ Sóc Trăng, người ta có thể tìm thấy những khu phố của người Hoa mà đa phần là người Triều Châu. 

Sinh hoạt văn hóa trong tỉnh rất đa dạng với những lễ Tết của người Kinh và người Hoa, có thể nói Sóc Trăng là xứ sở của lễ hội, hàng năm thu hút đông đảo khách thập phương về đây dự lễ và thưởng ngoạn. Những lễ hội chính của người Khmer như Chul-Ch’nam-Thmay, Ok-om-bok, và Dolta... với các cuộc đua ghe ngo và những vũ điệu Lam-thol. Lễ Ok-Om-Bok của người Khmer vùng Sóc Trăng cũng giống như lễ Ok-Om-Bok của người Khmer ở Trà Vinh. Vào ngày rằm tháng 10, ban ngày thì người ta tổ chức đua ghe ngo, còn tối đến khi mặt trăng vừa ló dạng thì người ta bày lễ vật trước sân chùa hoặc sân nhà gồm đủ thứ nào cốm dẹp, chuối chín, dừa tươi đã lột vỏ, khoai lang, khoai mì... 
Các gia đình làm lễ cúng và thả những chiếc đèn giấy bay lên trời, những chiếc đèn lồng khác được đặc trên những chiếc bè với đủ đầy lễ vật, trôi trên các sông rạch lung linh huyền ảo. Ngoài ra, ngày mồng một tháng 8 âm lịch, người Khmer Sóc Trăng còn mở hội tế Thần Linh, lễ hội kéo dài 15 ngày. Trong suốt thời gian ấy, các gia đình đến chùa nhờ sư sãi tụng kinh cầu an cho người sống và cầu siêu cho người quá vãng. Tục truyền thuở xưa vua Pimpisar, một đêm kia nghe tiếng kêu đòi ăn uống trong hoàng cung, vua bèn hỏi các sư sãi thì được biết đó là bọn ma đói đi lang thang đòi ăn uống, muốn yên phải cúng lễ, nên từ đó người Khmer mở hội tế thần linh, để cúng tế cho thần linh và người chết. 

Về kinh tế thì Sóc Trăng là một trong những tỉnh trù phú nhất của miền Tây. Phần đất Sóc Trăng dọc theo bờ sông Hậu giang với cù lao Dung được phù sa bồi đắp, và bên trong đất liền, Sóc Trăng có những vùng như Kế Sách và Đại Ngãi với bạt ngàn ruộng đồng và vườn tược xanh tươi, nào vườn mận, vườn xoài, vườn ổi, chôm chôm, nhãn. Cây trái Sóc Trăng tuy không nổi tiếng như Bến Tre, Bình Dương hay Lái Thiêu, nhưng phẩm chất và số lượng trồng trọt cũng không thua những nơi đó. Nhất là trái cây của các quận Ngã Năm, Thuận Hòa và Thạnh Trị chẳng những được bán lên Sóc Trăng hay Bạc Liêu, mà còn được đưa lên Cần Thơ và Sài Gòn nữa. Riêng hai quận Kế Sách và Long Phú, nổi tiếng về xoài, mận, chôm chôm và ổi đủ loại. Bên cạnh đó Sóc Trăng còn có một vùng biển khá dài với đầy đủ những hải sản như cua, tôm, sò, ốc, nghêu, vọp, và đủ loại cá biển, dư dùng cho nhân dân toàn tỉnh và còn xuất khẩu sang các tỉnh lân cận như Cần Thơ, Chương Thiện, Vĩnh Long, Long Xuyên, vân vân. Đặc biệt là tôm thẻ và cá gộc của xã Trung Bình (thuộc quận Lịch Hội Thượng), cua và cá biển của xã An Thạnh Nhì (nằm trên cù lao Dung thuộc quận Long Phú), cá cháy của xã Đại Ngãi (quận Kế Sách) và xã An Thạnh Nhất (nằm trên cù lao Dung thuộc quận Long Phú). Nói về thủy sản và hải sản trong tám quận thuộc tỉnh Sóc Trăng thì luôn luôn dư dùng trong tỉnh, nên ngoài việc bán qua các tỉnh lân cận, khoảng 60% thủy sản và hải sản còn lại được dân chúng làm cá khô, tôm khô hay mắm để chở đi Cần Thơ và Sài Gòn. 

Về chăn nuôi thì Sóc Trăng nuôi rất nhiều trâu, bò, heo, dê, gà, vịt, cá, tôm nước ngọt, vân vân, đặc biệt xã An Thạnh Nhì (nằm trên cù lao Dung thuộc quận Long Phú) còn nuôi rất nhiều vịt thả rong trong đồng sau mỗi vụ mùa. Khoảng trên 50% số lượng gia súc chăn nuôi được xuất cảng sang các tỉnh lân cận hay lên Cần Thơ và Sài Gòn. Ruộng lúa Sóc Trăng nổi tiếng thơm ngon, vì đất đai phì nhiêu nên mỗi công ruộng thường cho ta trung bình từ 25 đến 35 giạ lúa. Tại chợ Khánh Hưng và ngay cả những chợ quận tại Sóc Trăng có rất nhiều nhà máy chà lúa cho dân trong tỉnh. Tuy nhiên, đa phần lúa gạo Sóc Trăng dư dùng nên được chở lên Cần Thơ hay Sài Gòn để xuất cảng ra nước ngoài (khoảng trên 85% lúa gạo Sóc Trăng được xuất cảng). 

Về lâm sản, Sóc Trăng không có rừng lớn, cũng không có gò cao thích hợp với những cây cho ra gỗ quý nên phải mua các loại gỗ quý từ các tỉnh miền Trung để cung ứng cho kỹ nghệ đồ gỗ trong tỉnh. Tuy không có gỗ quý, nhưng Sóc Trăng là tỉnh sản xuất thật nhiều dừa (không thua gì Bến Tre). Ngoài cho trái ra, thân dừa lâu năm còn được dân các vùng quê cùng làm cột nhà, rất chắc và rất bền. Sóc Trăng là một tỉnh trù phú về mọi mặt, nên dân trong tỉnh đa phần khá giả và thường cơ giới hóa trong mọi lãnh vực từ máy cày, máy xới, máy chạy thuyền bè, máy phát điện, máy bơm nước. 

Chính vì thế mà nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu trong tỉnh rất cao, không kém gì các tỉnh lớn ở miền Nam như Mỹ Tho và Cần Thơ. Ngoài ra, Sóc Trăng còn nổi tiếng với bánh cống Sóc Trăng (loại bánh có hình trụ, làm bằng bột và đậu xanh, tép hoặc tôm, và thịt bằm), bánh pía và lạp xưởng Vũng Thơm. Về nghệ thuật thì có lẽ hiện nay chỉ có Trà Vinh, Sóc Trăng, và Bạc Liêu là hãy còn ca kịch Dù Kê (một thứ giống như cải lương của người Khmer). 

Ngoài ra, tuy không có núi non hùng vĩ hay những bờ biển cát vàng cát trắng, Sóc Trăng vẫn còn nhiều nơi đáng được thăm viếng, như Hồ Nước Ngọt, nằm ngay trên đường đi vào thị xã Sóc Trăng, hồ rộng hơn 30 mẫu tây, với những hàng dương liễu rủ xuống mặt hồ trông rất thơ mộng. Tại quận Kế Sách có cồn Mỹ Phước, nằm giữa sông Hậu Giang, cách Kế Sách chừng 10 cây số. Trên cồn người ta tìm thấy những khu vườn cây ăn trái đầy hoa quả quanh năm, là nơi nghỉ mát lý tưởng cho khách du lịch từ thành thị không kém gì cù lao An Thành của tỉnh Vĩnh Long. Cách thị trấn Phú Lộc chừng 20 cây số, trong quận Ngã Năm, có vườn cò Tân Long với một sân chim thật lớn, nơi trú ngụ của hàng vạn loại chim cò, sống trên những ao đầm thiên nhiên. 

Người Long Hồ

Chủ Nhật, 6 tháng 5, 2018

Mẹ Tình Yêu - Nhạc Sĩ Trúc Hồ - Ban Họp Ca Asia


Nhạc Sĩ Trúc Hồ 
Ban Họp Ca Asia
Thực Hiện: Vân Đỳnh

Lời Nguyện Cầu Trong Đêm


Lời Nguyện Cầu Trong Đêm

Đêm nay con thắp hương trầm
Nguyện xin ơn Mẹ lời thầm thì van
Cho dân tộc bớt lầm than
Cho Người lính chiến hiên ngang tuyến đầu
Dù đời con có dãi dầu
Cũng cam chịu phận khổ đau một mình
Cho quê hương được thanh bình
Tạ ơn Mẹ đã thương tình đỡ nâng.
Hạt tràng tâm nguyện con lần
Cầu mong Mẹ giúp con dâng hồn này

Kim Phượng
***
Hoa Lòng Kính Mẹ


Vọng nghe tiếng quốc cung trầm
Lời ca não ruột thì thầm than van
Sơn hà biến động muôn vàn
Sóng buồn, sóng trỗi tiếng than cung sầu
Dù cho bão tố dãi dầu
Niềm tin vững chãi nguyện cầu hiển linh
Mân Côi thắm nở an bình
Hồng ân Đức Mẹ thương tình đỡ nâng
Sương mù đất Mẹ tan dần
Chúng con cảm tạ, hoa dâng, hương lòng…

Đức Hạnh
05 05 2018

Tiếng Suối Giao Mùa




Sân nhà tuyết vừa tan
Anh thảo nở vội vàng
Từng đóa hoa cười mỉm
Nghiêng nghiêng đón nắng vàng

Mấy búp xanh vừa chớm
Trên cành cây trơ xương
Con suối nhỏ ven đường
Chạy tìm ai hối hả

Ôi một con suối lạ
Từ giấc mộng xa xôi
Xác lá vàng trôi nổi
Có chở hộ hồn tôi

Bỗng dưng mà nhớ nhà
Ở một kiếp nào xa
Có chiều vàng đứng đợi
Suối chở thuyền ra khơi

Người có nghe tiếng suối
Từ giấc mộng xa xôi
Giữa cõi đời im lặng
Hình như chỉ còn tôi...

Khánh Hà

Trở Lại Non Bồng


Bài Xướng:
Trở Lại Non Bồng

Trở lại non bồng,biệt mấy sương
Trời mây tụ tán nhịp nghê thường
Trăng nằm lõa thể ngoài cung nguyệt
Hoa đứng trần thân giữa mảnh vườn
Sực tỉnh hồn yêu thời điện ngọc
Bừng say cánh mộng giấc thiên đường
Vui mùa vũ trụ ngời quang ảnh
Phối ngẫu ta bà tuổi dậy hương.

Lý Đức Quỳnh
***
Các Bài Họa: 
Thoảng Hương Mùa Cũ

Xuân thả hoa tàn ướp đẫm sương
Nâng niu đôi cánh cảm vô thường
Mây bay lã lướt chen màn liễu
Gió thổi tung tăng lượn lá vườn
Nẻo vắng âu sầu tràn choáng ngõ
Bờ xưa héo hắt đổ giăng đường
Ngập ngừng lối mộng say mùa cũ
Bám cửa lưu đày tựa thoảng hương

Minh Thuý
Tháng 3_2018
***
Đây Cảnh Chia Phôi

Giã biệt người, tôi lại gió sương
Giận hờn luôn mãi...chuyện thông thường
Nhớ ngày xưa đó bên con phố
Quên chuyện cũ kia cạnh góc vườn
Đã hết lần rồi, lời ngọt mật
Đâu còn khi tới, giọng ngào đường
Hoàng hôn vừa xuống trời sang tối
Hoa lá chợt buồn... hết vị hương !

Paris 22/03/2018
Trịnh Cơ
***
Khúc Nghê Thường

Đã mấy mùa qua gội tuyết sương
Mừng sao nghe lại khúc nghê thường
Hoa Tiên huyền ảo trần gian bướm
Cung Quảng lung linh thượng giới vườn
Nhung vũ lả lơi choàng thoáng mộng
Thiên thanh quyến rũ lạc mê đường
Cảm ơn Người đã lưu trần thế
Giá trị Huyền Tông mãi ngát hương.

Phan Tự Trí
***
Đơn Lẻ

Âm thầm lặng lẽ dưới màn sương.
Cảm thấy cô đơn đến lạ thường.
Ánh nguyệt mượt mà trùm dáng liễu.
Ngà cau lấm tấm rắc khu vườn.
Còn đâu anh núp giàn thiên lý
Đổi lại em len khóm hải đường..
Nhẹ khép riềm mi mơ bóng cũ...
Quanh mình hoa dậy ngát mùi hương

Trần Lệ Khánh
22-3-2018
***
Ngẫn Ngơ

Ô kìa tiên nữ dưới màn sương!
Lộng lẫy xiêm y múa lạ thường
Trầm bổng lời ca luôn ngọt tiếng
Thướt tha mảnh lụa quá xinh vườn
Cảnh mang hồn lịm làm mê chốn
Nhạc tấu lòng say ngỡ lạc đường
Ngưỡng mộ dâng tràn yêu vũ khúc
Quanh mình như thể đượm nồng hương.

Như Thu
***
Dạo Khúc Liêu Trai
Đêm vắng trăng mờ lãng đãng sương
Thư sinh xuất hiện cuối con đường
Áo bay phơ phất theo cơn gió
Chân bước xăm xăm tới khoảng vườn
Tim lại người xưa thời tuổi mộng
Mơ về kỷ niệm đóa quỳnh hương
Dịu dàng thiếu nữ ra nghênh đón
Xiêm áo, dung nhan đẹp lạ thường ...

Sông Thu
***
Vãn Tuyết

Lên đỉnh Palos ngắm tuyết sương
Mới hay thiên hạ cõi vô thường
Xuân chưa thật muốn xa đầu phố
Hạ đã như đang đợi cuối vườn
Mầu cũng phai dần nơi bán đảo
Thơ còn đọng mãi chốn cung đường
Tình ơi, xin chớ vô quên lãng
Hoa nở thịnh khai sắc khói hương...

Hawthorne. Mar- 22 - 2018
Cao Mỹ Nhân
***
Trở Lại Trần Gian

Đêm qua bỗng thấy lướt trong sương
Lạc đến hoa viên cảnh lạ thường
Chất ngất ưu đàm (*) thơm khắp chốn
Khoan thai địch tử (**) nhã trong vườn
Bàn mây Phật Tổ ngồi khai pháp
Góc núi Tiên Ông lợp thảo đường
Tiếng sấm ngoài trời làm tỉnh giấc
Còn nghe giấc mộng đọng dư hương.

Thủy Lâm Synh
Mar. 22, 2018
(*) loài hoa 3000 năm nở một lần, theo điển tích.
(**) một loại sáo bằng ống tre, nhạc cụ cổ.

Trở Lại Vườn Xưa 

Về đây xóm cũ mịt mờ sương,
Ngõ vắng buồn tênh vẻ khác thường.
Lạnh lẽo đèn đêm ru trước cổng,
Nỉ non tiếng dế khóc trong vườn.
Trăng khuya run rẩy vin cành liễu,
Lữ khách bâng khuâng lạc nẽo đường.
Đâu tá người xưa sầu vạn cổ,
Ngạt ngào thiên lý nhớ nhung hương.

Mailoc
***
Ca Khúc Bồng Lai

Trăng thanh dạo gót dưới màn sương
Vương vấn tiễn nhau một đoạn đường
Cuối hạ ve ca vang khắp ngõ
Đầu thu lá rụng rắc đầy vườn
Ngỡ ngàng với cảnh đào khoe sắc
Chộn rộn cùng tình cúc tỏa hương
Lúa trổ đòng đòng lòng rạo rực
In sâu kỷ niệm của đời thường

Tú Rớt Trần Đình Thư
***
Trần Ai Dày Dạn

Trần ai dày dạn tóc pha sương,
Sinh tử giờ coi cũng thấy thường.
Sáng ngắm mây trôi bên góc núi,
Chiều xem hoa nở phía sau vườn.
Danh tranh đoạt lợi gieo mầm hoạ,
Thiền định tu tâm tạo chính đường !
Nước nhược non bồng dường trước mặt…
Trời yên tĩnh lặng gió đưa hương !

Nhật Hồng Nguyễn Thanh Vân
***
Về Thăm Quê Cũ

Về thăm quê củ sáng mờ sương
Cũng tưởng mọi khi ,chả khác thường
Ngày trước, phà đưa ngồi bến đợi
Bây giờ, cầu bắt dựa bên đường
Cửa nhà san sát không bờ ruộng
Quán xá lao xao chẳng mảnh vườn
Cô gái năm xưa,đâu có thấy?
Chỉ còn phảng phất chút dư hương!

Songquang
3/22/18
***
Tiền Kiếp

Thẫn thờ, lạc bước giữa trời sương
Tà áo ai bay đẹp lạ thường
Một ánh trăng vàng treo cạnh núi
Muôn vầng sao sáng tỏa quanh vườn
Ngày xưa Lưu Nguyễn yêu Tiên Nữ
Thuở trước chàng Từ gặp Giáng Hương
Có phải tình ta từ kiếp đó
Nên nay hội ngộ ở ven đường?

Thy Lệ Trang
***
Vô Thường
“NĐT”

Gió thả tay đùa giỡn giọt sương
Nhìn sâu mới thẩm điệu vô thường
Mây còn nhảy nhót lòe cung nguyệt
Nước đã vần xoay bủa cạnh đường
Những tưởng phù sa chuồi phía ruộng
Đâu dè cát bụi tử trong vườn
Về..đi..cũng chỉ tầm tia chớp
Dẫu chết hoa ngào ngạt tỏa hương

Như Thị