Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2019

Nỗi Đau Muộn Màng - Sáng tác: Ngô Thụy Miên - Đàn & Hát: An Nguyen

Người hỡi em có nghe lá vàng rơi rơi.
Em có hay khi mùa thu tới ta mất nhau một đời.


Nhạc sĩ: Ngô Thụy Miên
Đàn, Hát  & Thực Hiện: An Nguyen


Bướm Trắng Vườn Thu(*)



Tôi nhớ ngày xưa con bướm trắng
Vờn đôi cánh mỏng thuở êm đềm
Vườn trưa thu trải vàng anh nắng
Hoa lá ngây tình ngập lối êm.

Lòng cũng say theo bươm bướm trắng
Quanh vườn êm ả thoảng hương nồng
Rồi từ thu ấy... tình thu ấy...
Đôi ngã đường đời, đôi ngã trông!

Đường mây phiêu bạt về vô tận
Một chiếc thuyền con giữa biển đời.
Xin giọt nắng hồng trên bến tạnh,
Cho lòng ta ấm gia ngàn khơi.

Tình ai ở lại vườn xưa ấy!
Chở mộng bên trời vẳng tiếng thu
Thăm thẳm chiều xa chim gọi nắng
Nghe hồn sương cát buổi vân du.

Dĩ vãng qua rồi lịm đắng cay
Bàn tay, tôi nắm lại bàn tay
Cho con bướm trắng vườn thu cũ,
Về với hương xưa, với nắng đầy.

Mặc Phường Tử

(*) Trích tập thơ Tình Biển.

Không Đề



Không Đề

Ngày Trời tháng Phật đà dần lụn
Sớm tối ngẩn ngơ chẳng đợi chờ
Hát tếu làm vui đời khổ nạn
Nói xàm cho bỏ kiếp ngu ngơ
Dại khôn cam phận niềm lơ láo
Say tỉnh xót thân nỗi vật vờ
Ai có lòng thương đâu nỡ trách
Ngàn năm mây trắng vẫn bơ vơ

Phạm Khắc Trí

PKT - Mây Tần

***
Họa:
Tự An


Giống cạn dầu đèn tim bấc lụn
Vô thường tiếp nối diễn không chờ
Qua thời được mất đầy điên đảo
Gặp chuyện đau buồn bớt ngẩn ngơ
Nghịch ý dìm tan cơn tức giận
Trái tai câm điếc lúc nên vờ
Bụi hồng sắc tướng này không, có
Mặc thị phi đời thích bá vơ.

Cao Linh Tử

13/5/2019

Nắng Vội


( Hình Ảnh - Paulle Minh)
Bài Xướng:
Nắng Vội

Nắng vàng vội vã sau đồi
Thông buồn im tiếng ngày trôi vô tình
Ngẩn ngơ nhìn bóng tưởng hình
Hoàng hôn tím nhạt riêng mình lẻ loi!

Kim Oanh
***
Bài Cảm Tác:
Hương Yêu

Ta hôn sợi nắng trên đồi
Tương tư nhớ Nguyệt bóng trôi vô tình
Hương yêu thắm nở bóng hình
Vườn mơ nhớ bạn khung trời lẻ loi..!

Đức Hạnh
05 12 2018
***
Vệt Nắng

Chiều soi vệt nắng lưng đồi
Hàng thông đứng lặng buồn rơi trao tình
Mây trời vài cụm tạo hình
Riêng tôi mãi ngắm...một mình ngẩn ngơ

12/7/2018
Song Quang
***
Chiều thu nắng trải lưng đồi
Đá nằm lặng tiếng mây trôi theo tình
Mặc lòng gió ruỗi rong hình
Hoàng hôn khép vạt bóng mình phù du

Hương Thềm Mây
GM.Nguyễn Đình Diệm 

12.10.2018


Nỗi Nhớ Tháng Năm


Tháng Năm hạ chớm về rồi
Ngả nghiêng cánh phượng đỏ trời trổ bông
Tiếng ve rưng rức qua lòng
Cơn mưa rưng rức nhớ nhung theo về

Nhớ xưa tóc xõa hương mê
Em về ngọn gió vân vê sợi buồn
Thơ anh mắc nợ làn hương
Lửng lơ theo cánh chuồn chuồn bay theo

Chìm trong hồ mắt trong veo
Câu thơ ngụp lặn quanh chiều tháng Năm
Có vàng hoa điệp thương dầm
Có tình em gió lâng lâng vẫy chào

Tháng Năm ngày ấy xôn xao
Tiếng chim ríu rít bay vào đôi tim
Thiên đàng trong ngất ngây nhìn
Thiên đàng trong tuổi thần tiên dại khờ

Tháng Năm ngày ấy vàng mơ
Đâu như xa cách bây giờ- chiêm bao
Trái tim rạch vết tình đau
Lại mang ký ức ngọt ngào lạ chưa

Chợt thèm sũng ướt cơn mưa
Nép vào, len lén cho vừa môi hôn
Ngọt ngào chếnh choáng đôi hồn
Thời gian dừng lại bồn chồn chờ mong

Tháng Năm thả nhớ đi rong
Biết em phương ấy môi hồng có phai?
Chợt nghe bờ mắt cay cay
Lệ rơi thầm lặng quanh ngày xa nhau

Áo xưa bay lượn về đâu
Điệp vàng, vàng nhớ trên đầu câu thơ
Tháng Năm trôi ngược về xưa
Tình anh trú trọ trên bờ môi em

Trầm Vân

Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2019

Mưa Rừng - Nhạc Sĩ Huỳnh Anh - Tiếng Hát Lưu Hồng


Nhạc Sĩ: Huỳnh Anh 
Tiếng Hát: Lưu Hồng
Thực Hiện: Đặng Hùng

Mưa Chiều



(Mưa là nước mắt sầu rơi
Của kẻ ở lại khóc người ra đi).

Chiều nay vắng bóng hoàng hôn
Mưa Chiều giăng mắc gợi buồn chơi vơi
Thả hồn theo tiếng mưa rơi
Nhớ về kỷ niệm một thời xa xưa.

Lâu rồi, cũng một chiều mưa
Có người thiếu nữ tiễn đưa bạn lòng
Nước mưa hoà lệ đôi dòng
Nhìn chàng cất bước mà lòng nát tan.

Cuộc tình thôi đã d dang
Dưới mưa nàng tiễn chân chàng ra đi
Buồn nào bằng cảnh sanh ly
kẻ còn ở lại, người thì về đâu?

Trời cao, đất rộng, biển sâu
Bóng chim tăm cá biết đâu mà tìm
Mưa Chiều lạnh buốt con tim
Bóng người tình cũ đã chìm trong mưa.

Trần Gò Công/Lão mã Sơn

Cỏ Dại


Em chớm mùa trăng non
Kiếp hoa lăn dốc mòn
Đêm mảnh hồn rét mướt
Thương bờ môi nhạt son!
Mưa buốt ngoài chân mây
Nghe bão đời giăng đầy.
Biết tìm đâu ánh mắt,
Nụ hương đầu thơ ngây?!

Mưa nhòa hương phấn dòng tóc buông lơi
Em buồn như liễu rũ xuống bên đời.
Lệ trong mơ thành suối đêm cô liêu.
Xin cho em nắng hồng lên mi úa
Cho vơi đi những ngày tháng xanh xao!
Xin cho em thuở áo trắng học trò
Cành phượng vỹ sân trường trong nắng thơ.

Ôi những giọt sương mai
Nhánh rong rêu cỏ dại,
Thương những tà áo trắng,
Bỏ sân trường nắng phai!

Đỗ Bình


Il Pleure Dans Mon Coeur - Paul Verlaine (1844-1896) - Mưa Cõi Lòng Tôi


Il Pleure Dans Mon Coeur

Il pleure dans mon coeur
Comme il pleut sur la ville
Quelle est cette languer
Qui pénètre mon coeur?

Ô bruit doux de la pluie
Par terre et sur les toits
Pour un coeur qui s'ennuie
Ô le chant de la pluie!

Il pleure sans raison
Dans ce coeur qui s'écoeure
Quoi ! nulle trahison?
Ce deuil est sans raison

C'est bien la pire peine
De ne savoir pourquoi
Sans amour et sans haine
Mon cơeur a tant de peine!

Paul Verlaine
(1844-1896)
***
Bài Dịch:
Mưa Cõi Lòng Tôi

Mưa rơi cõi lòng tôi
Như ngoài trời lã chã
Nỗi buồn vây khó tả
Sao đẫm ướt tim ta

Tiếng mưa rơi nhè nhẹ
Trên mái nhà mặt đất
Ray rứt trái tim òa
Ô nhạc sầu mưa sa

Không duyên cớ mưa rơi
Trong tim chừng nhức nhối
Không bị tình bội phản
Sầu lòng lại vấn tang

Có tệ hại nào bằng
Khi chẳng rõ nguồn cơn
Không yêu chẳng ghét hờn
Mà tâm can đau đớn

Kim Oanh
Melbourne 2018
***
Chuyển Thể Lục Bát:

Mưa Rơi Trong Cõi Lòng Tôi


Mưa rơi trong cõi lòng tôi
Như mưa qua phố, rã rời buồng tim
Mưa rơi nhè nhẹ, êm đềm
Mưa trên mặt đất, mưa trên mái nhà
Nhạc sầu ôi tiếng mưa sa
Lòng đang ray rứt thật là buồn tênh!
Có đâu bị kẻ phụ tình
Để tim nhức nhối quấn vành khăn tang?
Ngọn nguồn nào khiến mưa sang
Nỗi đau đớn có sánh bằng được đâu
Chẳng yêu thương, chẳng hận sầu
Thì thôi vô cớ nát nhàu tâm can!

Hồ Khiên


Chiều Trú Mưa




Bài Xướng:
Chiều Trú Mưa

Một chiều mưa gió khách dừng chân,
Dưới cổng từ bi rảo bước lần.
Bảo tháp im lìm sầu vận nước
Phật đài lặng lẽ lướt mây ngàn.
Mấy hồi Bát Nhã vơi niềm khổ
Một thoáng Tâm Kinh lắng bụi trần.
Im ắng tư bề chuông mõ dứt
Trúc tùng sỏi đá vẫn trầm ngâm !

Mailoc
01-11-19
***
Các Bài Thơ Họa:

Chiều Trú Mưa


Bóng ngã xế chiều mỏi bước chân
Đắng cay đã ngậm biết bao lần
Niềm vui chửa trọn trong muôn một
Tiếng nấc thừa hơn cả vạn ngàn
Lặng lẽ màu pha đầu họ Ngũ
Lơ thơ sắc nhuộm nét phong trần
Gió mưa cửa đạo tìm nơi trú
Vô trạo thuyền nghe tiếng dế ngâm.

Cao Linh Tử
16/1/2019
***
Tìm Giấc Tao Nhân

Khúc nhạc khơi mào giả lộng chân
Du dương trầm bổng nối theo lần
Lời thơ óng mượt ru tình cũ
Êm ả giọng ai tựa suối ngàn
Chỉ muốn hồn tan vào cõi mộng
Tạm quên thân nhốt ở dương trần
Cảnh hư dò bước tìm an lạc
Lòng chợt tỉnh vì bặt tiếng ngâm.

Quên Đi
01-11-19
***
Mơ Giấc Mơ Dài

Người đã đi rồi dõi bước chân
Lòng đau như cắt đến bao lần
Trời đày hai đứa vào đơn lẻ
Khiến kẻ chân mây ruổi dặm ngàn
Mãi nhốt con tim vào cõi mộng
Mơ tiên hồn bướm lánh dương trần
Giật mình sực tỉnh xa vang vọng
Da diết điệu buồn ai oán ngâm

Kim Phượng
***
Cửa Thiền Núp Mưa


Mưa gió chiều xuân rảo bước lần
Cửa thiền rộng mở khách dừng chân
Sư ông chào đón như trà nước
Nhà Phật mừng vui tựa gió ngàn
Mõ tụng bài kinh vơi nỗi khổ
Chuông ngân chánh điện vọng châu trần
Trầm hương ngát tỏa cơm chay tịnh
Sỏi đá sông mê vẩn đục ngâm

Mai Xuân Thanh
Ngày 10/01/2019
***
 Cạm Bẫy Trò Đời

Lặng lẽ đường đời in dấu chân

Bước lên cạm bẫy biết bao lần
Rã rời tâm trí vì nhân thế
Tê tái xác thân bởi bụi trần
Vời vợi,phù sinh tuồng huyễn mộng
Ngậm ngùi ,ảo vọng khúc ca ngâm
Ngàn xưa mấy kẻ qua ghềnh thác
Chẳng dẫm đèo cao vượt núi ngàn

Songquang
1/11/2019
***
Một Thoáng Qua Song

Chiều xuống bên am tạm nghỉ chân
Nơi đây từng ghé đã bao lẩn
Bồ đề bóng mát che nhân thế
Kinh phật lời vang lộng thác ngàn
Ta những quên đi đời viễn khách
Người sao lại nhớ cảnh phong trần?
Thôi nào bỏ nhé đừng vương vân
Hãy đến cùng thơ chung vịnh ngâm.

Thái Huy
Jan-12-2019
***
***
Cánh Cổng Sân Thiền

Những muốn đi vào tạm nghỉ chân
Thiền môn rộng mở ghé qua lần
Dần phai lớp bụi đời dâu bể
Khả vợi khung trời áng ngũ vân
Cõi thiện tâm bày trau bản tính
Lời kinh kệ nhắc nhủ duyên trần
Phù sinh khuất dạng chìm vô ảnh
Vẳng tiếng chuông chiều mãi đọng ngân.

Mai Thắng
@1411~190113

Thứ Năm, 23 tháng 5, 2019

Gift Of Love - Pop Music -Nhạc, Lời, Phối Âm - Nguyễn Đức Tri Tâm




Words, Music, All Instruments & vocal arrangement, synthesizing, recording © 2005 Nguyen Duc Tri Tam

Nguyễn Đức Tri Tâm

Hạt Lệ Cưu Mang



Hạt sương hay lệ của Trời?
Âm thầm nhỏ giọt cho đời chứa chan
Xót thương bao nỗi cơ hàn
Duyên từ vô thỉ trần gian ngậm ngùi

Yên Nhiên

Tiếng Thu


Xướng:
Tiếng Thu


Lưng trời nhạn lẻ đón thu phong
Xào xạc đồi cây lá ửng hồng
Sương đục giăng màn mờ dưới lũng
Nắng vàng trải lụa hắt bên song
Vần thơ giao hưởng xanh hò hẹn
Chung rượu đoàn viên đỏ ước mong
Em có nghe chăng mùa lá đổ
Đàn ai réo rắt tiếng tơ lòng.

Hồ Công Tâm
2006
***
Họa:
Thu Sầu

Đường đi xào xạc lá vàng phong 
 Thoáng bước chân êm dáng má hồng
Vạt nắng lung linh từ trước ngõ
Heo may xào xạc tận ngoài song
Thương thời hò hẹn đầy mơ ước
Tiếc thuở tư tình đậm nhớ mong
Chợt thấy xôn xao mây xuống thấp
Thu ngoài buồn tợ nét Thu lòng

Toronto 1/4/2019
Nguyên Trần

Phù Thế Nan Trường



Bài Xướng:
Phù Thế Nan Trường

Phù thế nan nan đắc cửu trường
Xuân mai hạ liễu phục thu sương
Mỹ nhân đáo tuế tùng cô nguyệt
Hào kiệt chung thời dữ lạc dương
Nhất phiến bạch vân trầm ảnh thủy
Đơn thanh hoàng hạc thán tang thương
Cổ lai thiên địa vô tình ý
Tĩnh dạ tương tư cố bất trường

Trầm Thi Hoàng Cúc
***
Bài Họa:


Nỗi Lòng

Tiếng pháo chào xuân nhớ chiến trường
Tay sờ mái tóc đã pha sương
Dòng sông xóm cũ ngăn vầng nguyệt
Ruộng lúa thôn nghèo khuất ánh dương
Mất nước ly hương nhiều tủi hận
Xa nhà biệt xứ lắm bi thương
Đêm đêm trở giấc sầu lai láng
Giấc mộng hồi quê giấc mộng trường

Đinh Tường
May 20, 2019
***
Những Bất Hạnh Của Chiến Tranh 
(một vần)

Xác thân bỏ lại chốn sa trường!
Chiếu đất màn trời; dãi gió sương.
Cung kiếm nát tan cùng mãnh tướng;
Giáo gươm rỉ sét dưới tà dương.
Cô nhi khóc bố - lòng nghe vướng;
Quả phụ mất chồng - dạ cảm thương.
Hào kiệt anh hùng, ôi mộng tưởng!
Đời người thoáng chốc, kiếp vô trường.

Thảo Chương Trần Quốc Việt

20-5-2019
***
Quả Phụ Cô Nhi

Mất sạch sành sanh hết chiến trường
Tay không, chạy loạn lúc mờ sương
Đào tơ liễu yếu nương vầng nguyệt
Thục nữ thuyền quyên núp bóng dương
Một tấm lòng son đành tủi nhục
Bao người dạ sắt cũng bi thương
Xưa nay quả phụ, cô nhi đã...
Nuốt lệ chồng, cha bãi chiến trường

Mai Xuân Thanh
Ngày 22/05/2019
***
Hoài Niệm

Cảnh cũ người xưa cách dậm trường
Trãi bao năm tháng nắng cùng sương
Ngậm ngùi nuối tiếc thời lưu luyến
Xao xuyến chạnh lòng buổi nhớ thương
Nợ nước còn mang hồn Tổ quốc
Tình quê vẫn nặng sóng trùng dương
Một thời hào kiệt làm trang sử
Nay sống im hơi kiếp đoạn trường

songquang
20190522

Robertine Và Nàng Anichka


Những ai thường xuyên đi qua đường Kulana khi xuống phố Hilo sẽ không thể không để ý đến một cặp nam nữ xin qúa giang, với rất nhiều đồ đạc nằm ngổn ngang dưới đất.


Tôi không nhớ lần đầu cho họ đi nhờ xe xuống phố là ngày tháng nào. Chỉ biết, với thời gian gần bốn năm ở bên Đảo Lớn này, chúng tôi đã ngừng xe lại để họ “chất đồ” leo lên xe rất nhiều lần. Dùng chữ “chất đồ” không ngoa. Lần đầu chúng tôi tưởng hai người này dọn nhà. Bình thường, người qúa giang chỉ đem theo mình một hay hai cái túi. Qúa lắm thì thêm một cây đàn. Đôi nam nữ này lúc nào cũng như dọn nhà (chỉ thiếu đồ đạc bàn ghế, nồi niêu xoong chảo), khi xin qúa giang. Bao lớn, bao nhỏ ở dưới đất, chưa kể các bao khác, khoác trên vai, trên lưng.



Chúng tôi thắc mắc tại sao họ mang theo chi mà nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh khi xuống phố. Sáng đi chiều về, có vài tiếng. Thông thường, họ vào Thư Viện Hilo để đọc sách khi ngoài kia mưa to gió lớn hay khi trời nắng gắt. Đôi khi họ ghé Viện Dưỡng Lão thăm bà cụ, mẹ của người đàn bà, hoặc một hay lần trong tháng họ đi nhận rau qủa, đồ hộp từ các cơ quan từ thiện. Tôi tự hỏi họ phải bỏ ra bao lâu để xếp đồ đạc vào bao, khuân vác ra tới đầu đường, rồi lại bê, lại khiêng lên xe của người tốt bụng, rồi ngày hôm sau, lại bê, lại khệ nệ lôi xềnh xệch những bao, những bị trở về nhà vào buổi chiều? Cho tới một hôm, chúng tôi tìm được câu trả lời, khi đón họ từ Vịnh Hilo, và đưa họ về tận nhà, cũng như thường lệ, tay xách nách mang. Chàng của tôi bao giờ cũng nhanh nhẩu, gài thắng tay, mở cửa xe bước xuống, phụ họ chất đồ đạc vào thùng xe. Lần đó, chúng tôi mới biết được lý do tại sao họ mang qúa nhiều đồ đạc, dù chỉ rời nhà có vài tiếng.


Số là căn nhà của họ, đúng ra là của người đàn ông thừa hưởng từ ông bà hay cha mẹ, xây từ thời đồn điền trồng mía, trồng dứa, khoảng đầu thập niên của thế kỷ trước. Nay căn nhà đã rơi vào tình trạng vô phương sửa chữa! Căn nhà có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Vấn đề chỉ còn là thời gian. Mái nhà bằng tôn đã rỉ sét từ thập niên nào lâu lắm. Các bức tường gỗ màu sơn đã úa, đã phai tàn, đã hoàn toàn mất mầu nguyên thuỷ từ thế kỷ trước. Giờ, còn lại là những mảnh gỗ vá viú, những mảnh gỗ xám nhợt nhạt xen lẫn với những mầu không tên khác. Cầu thang đi lên tầng trên của căn nhà thì đã mục nát nhiều nơi vì mối mọt ăn mòn. Có bậc thang còn chút gỗ để bước lên. Có bậc trống trơn, nhìn xuyên sẽ thấy cỏ hay hoa dại nhú lên đó đây từ mặt đất ẩm. Trước mảnh sân nhỏ, sát mặt đường là một chiếc xe nằm ụ từ bao giờ, tôi không rõ. Tuy nhiên, khi thấy cỏ hoang mọc chung quanh chiếc xe, tôi đoán là đã lâu lắm, chiếc xe này đã không được lăn trên mặt đường tránh nhựa. Xe đưa người đi đó đi đây giờ chỉ là những kỷ niệm trong “xa tưởng”. Tình trạng căn nhà và chiếc xe là nguyên do hai ông bà này phải ra khỏi nhà, đi nhờ xe xuống phố và đem theo những gì qúy giá nhất của họ, phòng xa căn nhà buông xuôi, bỏ cuộc chơi, trở về với cát bụi trần gian.
Qua nhiều lần cho họ đi nhờ xe, và qua những trao đổi vài câu chuyện thường nhật, chúng tôi biết được tên của hai người. Người đàn ông tên Robertine. Người đàn bà tên Anichka. Chúng tôi chưa bao giờ hỏi họ về sự liên hệ của họ với nhau, chỉ đoán họ là vợ chồng.

Robertine người nước gì tôi cũng không biết rõ. Hình như ông có hai dòng máu Phi Luật Tân và Bồ Đào Nha. Robertine người tầm thước, nhưng cái lưng to gần như một tấm phản. Hai bàn tay hộ pháp với mười ngón tay ngắn nhưng to như nải chuối cau bên nhà. Hai cánh tay to bằng hai bắp vế của một người đàn bà mảnh khảnh. Da nâu sậm, cánh mũi to vừa phải, đôi môi dầy, và cặp mắt, đặc biệt là cặp mắt sáng quắc, ngay cả sau khi Robertine bị té thang, cái mặt nhăn nhó như qủa mận muối. Té thang, lưng đau nhưng đôi mắt vẫn không kém phần tinh anh, sáng quắc. Robertine té thang vì đã qua phụ giúp bà hàng xóm bên kia đường, leo thang lấy dùm cái gì trên gác nhà bà ấy. Nhìn đôi mắt Robertine tôi cứ liên tưởng đến một ca sĩ Opera người Tây Ban Nha, đang trình bày bản nhạc tình bất hủ của mình, đôi mắt sáng rực, dõi mắt về hướng người yêu đang tạm mất dấu. Robertine biết nhiều về chuyện đồng áng, về máy cầy, máy bừa, về phân bón, về thuốc diệt rầy, về đủ loại nông cụ. Phong tục tập quán của người bản xứ Robertine cũng rất rành. Robertine người Công Giáo nhưng đã ngừng đi nhà thờ từ lâu. Khi thấy cỗ tràng hạt trong tay tôi, Robertine cho hay là giờ chỉ còn nhớ mỗi kinh Lạy Cha.

Còn người đàn bà tên Anichka tôi đoán là người Hạ uy Di. Mầu da, đôi mắt, cái mũi to và đôi môi dầy cũng như chiều cao và chiều dầy của thân thể cho tôi thấy được bà phải là hậu duệ của người Hạ Uy Di chính gốc. Tôi không biết được tên Anichka là do ai đặt cho bà, vì tên phụ nữ Hawaiian thông thường là Lanakila, là Maka Mae, là Aolani, Puakea … chứ không phải là Anichka, nghe rất là Nga hay Đông Âu. Anichka luôn hỏi thăm về mẹ tôi và gia đình còn ở lại Cali. Khi nghe tin mẹ tôi mất, Anichka tỏ ra rất xúc động, luôn miệng nói “Rất tiếc! Tôi xin chia buồn cùng bà. Rất tiếc!”
Anichka rất khéo tay, có mắt mỹ thuật. Dù căn nhà có thể đổ sập bất cứ lúc nào, bà vẫn cố chăm xóc, làm đẹp cho mặt tiền của căn nhà. Bà trồng những bụi hoa geraniums, treo những chậu cây lá xanh. Khi gió lay nhẹ, những cành lá, cành hoa làm duyên cho căn nhà, dù đang khoác trên người tấm áo chiều tà. Trước lễ Tình Yêu, Anichka treo nhiều lồng đèn mầu đỏ, hình trái tim dọc theo cầu thang. Căn nhà tuy sập xệ, nhưng đây là tổ ấm của ông bà. Những màng nhện bắc ngang bắc dọc, khi còn đọng sương mai, nhìn như một chuỗi giây đeo cổ lóng lánh.

Từ khi trở thành thân thiện với chúng tôi, Robertine và Anichka đã không còn hỏi xin bốn đồng để đi xe buýt nữa. Nhớ lại những lần đầu, bao giờ khi vừa ngồi vào trong xe, Anichka cũng ghé vào tai Robertine nói nhỏ điều gì chúng tôi không rõ. Sau này, mới biết là Anichka nhắc Robertine xin tiền. Tội nghiệp Robertine, không bao giờ tự ý xin tiền đi xe buýt (mặc dù chưa bao giờ chúng tôi thấy hai người lên xe buýt), vì người dân trong vùng thường xuyên đón họ.
Cách nay vài tháng chàng của tôi có ngỏ lời với Rich, một người bạn mới cũng ngụ trên con đường Kulana, làm nghề thầu khoán, chuyên xây cất nhà mới và sửa chữa nhà cũ, ghé qua nhà của Robertine và Anichka xem có thể cứu vãn phần nào tình trạng của căn nhà. Tuy nhiên, Robertine chỉ cho khách đứng nói chuyện phía ngoài, vì “thiếu an toàn” bên trong.

Căn nhà sập xệ nhưng có cái duyên dáng riêng của nó, lại có … ma! Anichka kể là hay thấy có người đàn ông đứng bên ngoài cửa sổ nhìn vào. Rất nhiều lần. Chuyện tin được, vì Anichka và Robertine ở trên lầu. Người sống làm sao mà bay lơ lửng trên không cho được? Hơn nữa, phần dưới của căn nhà không có ai ở vì đã hư hỏng qúa nhiều, đã bị bỏ hoang từ bao nhiêu năm nay.
Robertine kể lại là ngày xưa còn bé, có một lần, khi mấy anh em của ông ta đang chơi banh ngoài sân thì một đứa em đã rơi tọt xuống một cái hố bên hông nhà. Lôi được đứa bé lên thì mới khám phá ra đó là một ngôi mộ bỏ hoang. Mọi sự đã tan rã, chỉ còn những khúc xương dài, xương ngắn.
Tôi là con nhỏ hay sợ ma. Nghe kể chuyện căn nhà của Robertine có ma khiến tôi sợ phát sốt phát rét. Khi lái xe đi nhà thờ một mình, tôi hay ngừng lại đưa họ xuống phố hay đưa họ về nhà. Khi thả họ xuống trước nhà, bao giờ tôi cũng có cảm giác lành lạnh nơi gáy, vì trí tưởng tượng của mình làm việc lung qúa.

Mấy hôm nay trời mưa liên tục. Ngã ba Kulana và Quốc Lộ 19 thiếu dáng “hai người di tản buồn”, một hình ảnh quen thuộc. Hy vọng Robertine và Anichka không gặp hiểm nguy gì từ căn nhà qúa cũ. Tôi cũng mong sao con chó của họ cũng bằng an. Vâng, Robertine và Anichka có nuôi một con chó giữ nhà. Vì sự an toàn của chú chó cưng, họ không để nó ở trong nhà, mà cột nó trước cửa nhà, mỗi khi xuống phố.


Khổng thị Thanh-Hương

Thứ Tư, 22 tháng 5, 2019

Dư Âm Ngày Cũ


(Xin riêng tặng anh Phước, anh Mẫn, chị Hiếu Đức, chị Hiếu Hậu Bác sĩ Nguyễn Văn Thông, bạn Lưu Vĩnh Tươi, bạn Hồ Văn Chính, Kim Phượng, Kim Oanh v..v.. để nhớ Vĩnh Long những ngày xưa thân ái.)

Ôi! dư âm ngày cũ
Vương vấn mãi hồn ta
Tình quê hương ấp ủ
Hiu hắt ánh trăng tà!

Bỗng nhớ lại xóm xưa thời thơ ấu
Có con đường nho nhỏ phố liền nhau
Một trời thơ lưu dấu nỗi buồn đau
Bao kỷ niệm rạt rào theo năm tháng

Nhớ đầu xóm, ngôi nhà xưa ông Phán
Cạnh nhà bên bà Bắc bán tương chao
Cách vài căn nhà thằng Khọt người Tàu
Khoảng đất rộng, villa Tây rào sắt

Bạn cùng lứa ngày ngày chơi rượt bắt
Chơi đá lon, dàn trận bắn dây thun
Xóm dưới trên làm hảo hán chia vùng
Mưa tầm tả đá banh cùng hứng nước

Tàu cau rụng , giành nhau , tranh lấy được
Làm mích lòng lối xóm chuyện không đâu
Vậy mà sao cứ nhớ mãi trong đầu
Thân thương quá! buồn cười rơi nước mắt

Mỗi buổi sáng tiếng rao bà bán bắp
Hai cắc thôi gói nhỏ rắc mè lên
Cơm nguội chiên, tép mỡ nhớ mà thèm
Ăn vội vã, mắt còn ghèn, cập xách

Quần xà lỏn chân không trường xa lắc
Đường quanh co lố nhố bóng học trò
Trống trường xa thúc giục chạy vắt giò
Sợ trễ buổi chào cờ chung cả lớp

Sáng thứ sáu, ôi chao! lòng nơm nớp
Giờ toán xong nghe nhẹ nhỏm thở phào!
Bài thuộc lòng, cách trí, sử, lào lào
Nhưng dốt toán sợ thầy đâu dám hỏi

Nhớ những buổi trưa hè ve inh ỏi
Nhớ những chiều đêm tối xóm lặng yên
Bản “Trăng Mờ Bên Suối“ vẳng bên thềm
Hồn ngây ngất, biết yêu từ dạo đó

Lên trung học vào trường công thật khó
Ngàn thí sinh chỉ lấy có một trăm
Suốt năm dài khuya sớm học chuyên cần
Kỳ thi tuyển thật căng ta van vái

Vào đệ thất Nguyễn Thông lòng hăng hái
Vẫn cái quần xà lỏn áo sờn vai
Cùng bộ đồ phế thải của anh Hai
Năm Thất-Lục, ai giày, ta mang guốc

Mái trường nhỏ hồn tôi như trói buộc
Tình thầy trò bè bạn suốt bao năm
Tiếng chuông reng , lẫn tiếng guốc xa gần
Còn văng vẳng dư âm xưa thân ái

Theo năm tháng dòng đời trôi trôi mãi
Lòng bùi ngùi bỏ xóm cũ bạn thân
Dòng Cổ Chiên chiều lặng đứng âm thầm
Cầu Thiềng Đức, bâng khuâng nhìn sông nước!


Mailoc
Cali 9-1-14
Hình Ảnh: Vĩnh Long Xưa
Thực Hiện:THANIE VÕ



Trái Tim Thi Sĩ



Trái tin thi sĩ không già
Dẫu cho trăm tuổi vẫn là tuổi thơ
Đại dương con sóng xa bờ
Sóng bao nhiêu tuổi sóng mơ bạc đầu

Thi nhân bạc tóc bạc râu
Trái tim son trẻ ngỡ hầu đôi mươi
Mơ màng Cung Quảng rong chơi
Hằng Nga đôi tám mỉm cười làm duyên

Chắp tay toạ thị tham thiền
Sen vàng lãng đãng thiên tiên la đà...
Trăng bao nhiêu tuổi trăng già
Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non...

Hồ Công Tâm

Tiếng Thu



Nghe nói mùa thu đã trở về
Người còn rong ruổi chốn sơn khê
Hay là đánh mất câu hò hẹn
Cho mãi ngàn sau chẳng vẹn thề

Hun hút con đường ngập lá phong
Vàng thu sắc úa chuyển sang lòng
Trăng đêm thổn thức hồn sương phụ
Khắp nẻo dâng đầy nỗi nhớ mong

Kim Phượng

Ngày Mới...



Xướng: Ngày Mới

Mỗi khắc thu qua lá trở vàng
Nhánh sầu bay bổng gió lùa sang
Rơi bao phiền muộn ngày pha sắc
Nhịp sống bình yên dẫu muộn màng.

Kim Oanh
***

Họa: 
Ngày Mới...

Trời đông rạng rỡ sợi tơ vàng
Tuyệt quá, ôi ngày mới đã sang!
Sương kết thành màn bay lãng đãng
Núi chen tạo dãy đứng mơ màng

dovaden2010 (DVD)

Mưa Sớm Buổi Đông




Mưa Sớm Buổi Đông

Rả rích bên hè những giọt mưa
Tàn đông vệt hửng khó lên vừa
Bình minh buổi sớm còn im đọng
Lửa bếp hương trà vẫn nhẹ đưa
Nghiệm chuỗi nguy nàn treo bất ổn
Tìm phương bỏ chạy lướt đi bừa
Nhìn quanh thế cuộc màn sinh tử
Khéo vẽ an nhàn cảnh dạ thưa!

Mai Thắng
@1406~181227
***
Các Bài Họa:

Về Hamburg

Chân về Hamburg ngày đông mưa,
Ba tám năm xa kỷ niệm thừa.
Quãng vắng sau lưng buồn chất chứa,
Dòng đời định mệnh khúc hơn thua!
Nơi đây mái ấm ngày nương tựa,
Chốn cũ ân tình thuở nắng xưa.
Tuổi đã xế chiều nghiêng bóng cửa,
Từng ngày tóc bạc điểm lưa thưa.

31.12.2018
Ngô Văn Bé
***
Sáng Mưa Giông

Bạn đã nhìn xem sáng chuyển mưa
Một màn hơi nước ướt mây vừa
Rớt ngang thành phố như buồn bực
Đọng lại chân trời tưởng tiễn đưa
Tạm trú hiên nhà nghe gió tạt
Rời vô ngõ hẻm đẩy xe bừa
Ngày lên chưa đủ chan hoà nắng
Thấp thoáng bên đường ánh điện thưa...

Hawthorne 8 - 1 - 2019
Cao Mỵ Nhân
***
Trận Tuyết Đầu

Bước xuống phi trường, tí tách mưa
Tháng giêng Bắc Mỹ rét nào vừa.
Bếp hồng ấm áp sương mờ đọng
Ngõ tối lạnh lùng tuyết trắng đưa.
Xe cũ đi cày, khi ái ngại
Ngựa già kiếm sống, lúc xông bừa.
Nhớ nhà quạnh quẽ, ai chia sẻ?
Mộng ước Xuân về, gió sẽ thưa.

Mailoc
( Kỷ niệm trận tuyết đầu khi đến Mỹ 1983 - Pennsylvania)
***
Mưa California

Cali sáng dậy thấy trời mưa
Sửa soạn đi làm cũng kịp vừa
Tám hướng mây đen sương lá đọng
Bốn phương gió nhẹ nhánh cây đưa
Tuổi già lụm cụm đi run rẩy
Trai tráng hiên ngang chạy nhảy bừa
Thế sự kẻ bàn người mỗi ý
Phong trần có gọi chẳng ai thưa

Mai Xuân Thanh
Ngày 09/01/2019
***
Nhớ Làng Quê

Rơi lạnh qua lòng những giọt mưa
Làng quê khóm trúc nhớ sao vừa
Rộn lời chim hót hàng cây đón
Vui bóng con về dáng mẹ đưa
Vườn biếc hoa cười nghiêng bướm lượn
Ruộng xanh nắng rải nhẹ tay bừa
Đẹp tình sông nước con đò nhỏ
Mùa gọi xuân về tiếng gió thưa!

Trầm Vân
***
Mưa Bình Minh

Sáng sớm mà trời đã đổ mưa
Đắp thêm chăn ấm vẫn chưa vừa
Rào rào mái ngói từng cơn dội
Sầm sập cửa nhà mỗi đợt đưa
Xót kẻ gánh hàng không chỗ nghỉ
Thương người cày ruộng thế trâu bừa
Cảnh đời vất vả trong giông bão
Lo bữa cơm nghèo buổi chợ thưa.

Phương Hà
***
Chờ Xuân

Qua rồi những tháng ngập vì mưa
Tiết trở lạnh khô cũng mới vừa
Mặt nhật say vùi trong giấc mộng
Cỏ cây héo rủ gió mùa đưa
Ấm no đang đã sao lo rét
Hạnh phúc thực hư khéo nói bừa
Đông đến úa tàn bao ước vọng
Trông xuân mòn mỏi bạc đầu thưa.

Quên Đi
***

Mưa Sầu

Chiều đây thảm đạm cũng vì mưa
Tiễn cuộc tàn đông khắc khoải vừa…
Bến bãi buồn tênh nào kẻ gọi
Sông bờ lặng lẽ chẳng đò đưa
Đường quê quạnh quẽ trong mùa cấy
Nẻo xóm đìu hiu giữa chặng bừa
Xối xả ngoài song dầm rã rượi
Chen sầu miệng vẫn thốt lời thưa

Như Thị
***
Mưa Đầu Xuân Vẫn Bên Nhau

Trời mới đầu Xuân đã đổ mưa
Giọt rơi bao nhớ thấm cho vừa ?
Để ta âu yếm đem trao gởi
Mong bạn chung tình khỏi đợi đưa
Mặc gió chao nghiêng nào sợ ướt
Dẫu dù không mở cũng đi bừa
Bên nhau vẫn thấy lòng yên ấm
Chợ Tết ba mươi khách vắng thưa

Song Quang
***
Mưa Chiều Đông


Lòng chiều bước dạo dưới cơn mưa
Áo lạnh quàng khăn ấm đủ vừa
Góc phố trời giăng mây xám ủ
Bên đường gió thổi lá vàng đưa
Sương mờ ngõ lối ai đi chậm
Nước đọng gương xe kẻ chạy bừa
Ánh điện đêm lên màu héo úa
Hoàng hôn lịm buốt bóng người thưa

Minh Thuý
9 tháng 1 _2019
***
Sáng Mưa

Sáng ngày tuyết tạnh lại dầy mưa
Nằm nán trong chăn mấy cũng vừa
Vắng vẻ tìm khôn ra kẻ đón
Đìu hiu kiếm khó được người đưa
Chẳng nề độc mã còn chăm ruổi
Không quản đơn thương vẫn gắng bừa
Sũng hạt mưa rơi thêm rét đậm
Cà phê lúc nẫy...khói mau thưa!

Thanh Hoà.


Thứ Ba, 21 tháng 5, 2019

Ngăn Cách - Sáng tác: Y Vân - Tiếng Hát: An Nguyen



Nhạc sĩ: Y Vân
Tiếng hát & Thực Hiện: An Nguyen

Yêu Trong Mơ



Anh quen em ngày ấy
Mới chuyện một đôi lần
Em yêu thơ ghép nhạc
Anh ôm mộng phù vân

Em một lòng thích nhạc
Anh rất mực yêu thơ
Nhạc và thơ là một
Gặp nhau thật tình cờ

Rồi ngày tháng qua đi
Thơ trao và nhạc gửi
Rồi thư đến thư về
Lòng anh bỗng thương nhớ

Tình yêu em chớm nở
Hết mộng rồi lại mơ
Ngỏ lời anh rất sợ
Sợ em còn hững hờ

Rồi những ngày sau đó
Anh làm thơ yêu em
Em đưa thơ vào nhạc
Tình đến thật êm đềm

Tháng ngày yêu trong mộng
Và mộng kết thành thơ
Gửi người yêu trong mộng
Không tưởng cũng chẳng ngờ

Em chưa yêu hay đã
Nhờ tâm hồn mộng mơ
Chỉ lòng em mới rõ
Anh vẫn tạ tình thơ

Rồi thời gian trôi qua
Tình yêu thêm tha thiết
Hết trăng tròn rồi khuyết
Thương em thật đậm đà

Có khi buồn hỏi lá
Đôi lúc ướm thử hoa
Cuộc tình thơ rất lạ
Thu Cúc người yêu xa

Hết Xuân rồi vào Hạ
Vẫn yêu em trong mơ
Trời cho tình như thế
Để thương nhớ mong chờ.

Hoa Văn
Phổ nhạc: Mộc Thiêng

Nhớ Nhiều... Chẳng Thương



Nhớ day dứt, nhớ vu vơ
Cổ kim thế sự bạn bè người thân
Bên hiên nhớ thoảng nợ trần
Đưa tay bãng lãng bạn cùng chim di
Người ơi ta đợi người về
Người về què quặt cây đa đầu làng
Có gi mà phải lăng xăng
Chẳng qua hình bóng tháng năm vẽ vời
Nhớ trở về nhớ chơi vơi
Ôm ghì hình bóng để rồi.. chẳng thương!

Chân Diện Mục

Lan Man Thơ Lục Bát


Thơ Lục Bát xuất hiện vào thời nào. Có từ bao giờ?

Một câu hỏi không riêng gì cá nhân tôi, mà còn rất nhiều người, trong đó có các nhà nghiên cứu văn học. Nhưng đến nay không có lời giải mà chỉ có những giả thiết.

Có một vài nhà nghiên cứu cho rằng thơ Lục Bát xuất hiện vào khoảng thế kỷ 15. Vì theo tìm hiểu của các vị ấy, đến thế kỷ 16, các tác phẩm viết bằng thể thơ Lục Bát vẫn chưa hoàn chỉnh về âm điệu và gieo vần. 

Về văn bản Nôm cũng theo nghiên cứu của các học giả, thì bản Nôm viết theo thể Lục Bát đầu tiên có "Cổ Châu Pháp Vân Phật Bản Hạnh", truyện "Trinh Thử", và về sau, có rất nhiều tác phẩm Lục Bát được viết bằng chữ Nôm như: Trê Cóc, Mục Liên Bản Hạnh, Bích Câu Kỳ Ngộ...và nổi bật nhất là Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Tuy nhiên nhìn chung, các nhà nghiên cứu này chỉ truy nguyên nguồn gốc thơ Lục Bát qua những tác phẩm, rõ ràng đây lại là cách tiếp cận phần ngọn, trong khi Ca Dao là loại Văn chương truyền khẩu, xuất xứ từ những người bình dân lam lũ, chớ không phải là những nhà trí thức nho học.

Thực tế, thơ Lục Bát có nguồn gốc từ ca dao Việt Nam, và ca dao đã có từ rất lâu, nhưng có thể do người sáng tác không biết chữ, cũng như chưa có ký tự, nên chỉ truyền khẩu. Vì vậy không thể xác định ca dao đã xuất hiện vào lúc nào, nhưng có một điều chắc chắn là thơ Lục Bát xuất hiện sau khi ngôn ngữ Việt đã có thể dùng để giao tiếp dễ dàng, và người Việt đã hình thành cuộc sống định cư.

Theo huyền sử, Đế Viêm được gọi là Thần Nông, người được cho là thủy tổ của nền Văn Minh Lúa Nước, trong khi tổ của họ Hồng Bàng là Đế Minh chính là cháu 3 đời của Thần Nông. Nên dân Việt đã học được nghề trồng lúa nước, một nghề chính trong lịch sử nước nhà từ thời dựng nước đến nay. 

Trên những cánh đồng ngập nước sau những trận mưa đầu mùa, những thôn dân trai có gái có, nam thì kéo bừa, kéo cày...gái thì thi nhau cấy lúa...giữa khung cảnh an bình và trữ tình như thế, những câu trêu ghẹo của đôi bên xuất hiện. Lúc đầu chỉ là những câu nói bình thường, nhưng từ từ chúng được sắp xếp nghe êm tai và du dương hơn, để rồi theo thời gian khuôn phép thơ Lục Bát hình thành và đi đến hoàn chỉnh như ngày nay:

Em như ngọn cỏ phất phơ
Anh như con nghé nhởn nhơ giữa đồng
Lưng dài có võng đòn cong 
Áo dài đã có lụa hồng vua ban.
(Ca Dao)
và từ đó những câu nói êm có vần có điệu được phát triển thành những đoạn dài hơn:

Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cấy cày vốn nghiệp nông gia
Ta đây trâu đấy ai mà quản công
Bao giờ cây lúa còn bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.
(Ca Dao)

Có lẽ thơ Lục Bát khởi đầu như thế. Khởi đầu và hình thành vào thời kỳ dân ta phát triển mạnh nghề làm lúa nước.
Thơ Lục Bát bắt nguồn từ Ca Dao. Muốn tìm hiểu về thơ Lục Bát, các Học giả đã đi sâu vào nghiên cứu Ca Dao để từ đó rút ra quy tắc về luật thơ Lục Bát. 
Mỗi loại thơ đều có những nét riêng, để phân biệt, Ta thường dựa vào Hình thức và Cách gieo vần để phân biệt các dạng thơ.

A- Hình Thức Thơ Lục Bát

1- Thơ Lục Bát

Các nhà nghiên cứu đã dựa vào số chữ trong câu mà đạt tên cho dạng thơ Việt chúng ta, đó là câu 6 chữ và câu 8 chữ:

Chẳng tham ruộng cả ao liền 
Tham vì cái bút cái nghiên anh đồ.

Của chua ai nấy cũng thèm 
Em cho chị mượn chồng em vài ngày 
Chồng em đâu phải trâu cày 
Mà cho chị mượn cả ngày lẫn đêm

Anh đi không lẽ em cầm 
Chấp tay đưa bạn ruột bầm như dưa 
Anh về không lẽ em đưa 
Hai hàng nước mắt như mưa tháng mười.
(Ca Dao)

2- Thơ Lục Bát Biến Thể

Thơ Lục bát không chỉ đơn thuần là câu 6 và câu 8, mà còn có những câu nhiều hoặc ít hơn 6 hay 8 chữ, các Học giả gọi đó là Lục Bát Biến Thể:

Rượu Phù Li chuốc để hai hàng
Phụ mẫu anh uống trước, phụ mẫu nàng uống sau.

Anh thương em không muốn vào nhà
Đi qua ngoài ngõ hỏi có bán không
- Nhà em buôn vải bán bông
Buôn tơ bán lụa em không có gà.
(Ca Dao)

3- Thơ Song Thất Lục Bát

Đây cũng là dạng thơ Lục Bát Biến Thể, nhưng có quy định rõ ràng là 2 câu 7 rồi đến câu 6 và 8

Câu Thất 1: b b T t B b T 
Câu Thất 2: t t B b T t B
Câu Lục: b B t T b B
Câu Bát: b B t T b B t B

Đoạn hai: b b T t B b T (giống 4 câu trên )

t t B b T t B
b B t T b B
b B t T b B t B

Nước thanh bình ba trăm năm cũ 
Áo nhung trao quan từ đâỵ 
Sứ trời sớm giục đường mây 
Phép công là trọng, niềm tâynào...(Chinh Phụ Ngâm)

B - Cách Gieo Vần Trong Thơ Lục Bát

Khác với các loại thơ Tây, thơ Tàu chỉ gieo vần cuối câu (Cước Vận), thơ Việt chúng ta ngoài gieo vần cuối câu mà còn gieo vần ở giữa câu gọi là vần lưng (Yêu Vận). 

Khởi đầu là chữ cuối câu 6 sẽ gieo vần với chữ thứ 6 của câu 8. Chữ thứ 8 của câu 8 gieo vần với chữ cuối của câu 6 kế tiếp. Cứ tuần tự như thế cho đến hết bài thơ.

Đèn khoe đèn tỏ hơn trăng 
Đèn ra chỗ gió còn chăng hỡi đèn 
Trăng khoe trăng tỏ hơn đèn 
Gặp mây trăng phải nhiều phen phải luồn
(Ca Dao)

Trăm năm trong cõi người ta 
Chữ tài chữ mệnh khéo ghét nhau 
Trải qua một cuộc bể dâu 
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

(Kiều)

Không biết có phải do bản chất đơn thuần dân dã không, mà cách gieo vần của Lục Bát cũng dễ dãi:
- Chữ cuối câu 6 gieo vần với chữ thứ 4 câu 8:

Thuyền dời nào bến có dời 
Khăng khăng một lời quân tử nhất ngôn 

Trời mưa trời gió đùng đùng 
Bố con ông Nùng đi gánh phân trâu... 
Đời vua Thái Tổ Thái Tông
Lúa mọc đầy đồng trâu chẳng buồn ăn
(Ca Dao)

- Gieo Vần Trắc: đây cũng là một điều thú vị chứng minh sự dễ dãi và phóng túng của dân quê mùa chúng ta:

Con kiến bò ngang ổ mối 
Anh báo với nàng để tối anh qua 
Tóc ngôi dài, tóc mai cụt 
Cầu trời khấn Bụt cho tóc mai dài 
Bao giờ tóc chấm ngang vai 
Thì ta kết nghĩa làm hai vợ chồng
Anh ham giàu là anh dại 
Của hoạnh tài người lại mau hư
(Ca Dao)

C- Luật Thanh (Luật Bằng Trắc)

Thông thường cấu trúc âm điệu Bằng Trắc của thơ Lục Bát như sau:

B B T T B B
B B T T B B T B

Ai bì anh có tiền bồ
Anh đi anh lấy sáu cô một lần
Cô Hai buôn tảo bán tần
Cô Ba đòi nợ chỗ gần chỗ xa
Cô Tư dọn dẹp trong nhà
Cô Năm sắc thuốc mẹ già cô trông
Cô Sáu trải chiếu giăng mùng
Một mình cô Bảy nằm chung với chồng

(Ca Dao)

Tuy thế, thơ lục bát không quá câu nệ trong luật bằng trắc. Như chữ thứ 2 không nhất thiết phải Bẳng và chữ thứ 4 có thể là Bằng, chữ thứ 5-6 vẫn có thể Trắc:

Số cô chẳng giàu thì nghèo
Ngay ba mươi tết thịt treo trong nhà
Số cô có mẹ có cha
Mẹ cô đàn bà cha cô đàn ông...

Biển cạn, lời nguyền không cạn 
Núi lở non mòn nghĩa bạn không quên 
Đường mòn sáng xuống chiều lên 
Dặn ai hãy nhớ đừng quên nghĩa tình.
(Ca Dao)

Thời gian gần đây, có những người làm thơ Lục Bát, nhưng các câu thơ được chia ra thành nhiều câu nhỏ gọi là Lục Bát Cách Tân gì đó, ví dụ như:

Trên trời,
Có đám mây xanh
Ở giữa 
Mây trắng,
Chung quanh mây vàng

Ước gì
Anh lấy được nàng
Thì anh
Mua gạch Bát Tràng
Về xây...    
           ...vân vân và vân vân...(Xin mươn Ca Dao Làm thí dụ)

Theo cá nhân tôi, mỗi loại thơ có cấu trúc câu, vần riêng biệt, khi nhìn vào Ta sẽ biết ngay đó là Thể Thơ gì. Tuy thí dụ trên là thơ Lục Bát, nhưng khi xé ra như thế, thì không còn chút gì mang đặc điểm của thơ Lục Bát cả. Phải chăng người có sáng kiến này ngầm ý chê Lục Bát thơ kệch, quê mùa, cần phá bỏ nét cũ hằng ngàn năm qua, thay vào phong thái mới cho hiện đại hơn?

Tôi có người Bạn Thơ ở Đồng Tháp, khi nhìn thấy những bài thơ kiểu này anh đã thốt lên:

Nỡ nào chặt khúc câu thơ 
Ôi thôi lục bát bây giờ ra sao? 
Nguyễn Du trông thấy lệ trào 
Thấy thơ tàn phế mà ngao ngán lòng!    huuuuuuuuu 
(Cao Linh Tử)

Đọc mấy câu thơ Lục Bát trên của người bạn, tôi thấy vui vui vì có người cùng cảm nghĩ như mình. Tôi cũng viết ngay mấy câu: 

Cũng vì tạo dáng bài thơ 
Nên hình bóng cũ đến giờ thảm thay 
Câu thơ người nỡ bẻ hai 
Khiến tình Lục Bát đêm ngày trở trăn! 
(Huỳnh Hữu Đức)

Thiết nghĩ thơ Lục Bát có thể xem như là Quốc Hồn Quốc Túy, hy vọng các nhà thơ đừng vì thích kiểu cách mới lạ, mà làm mất đi cái dáng dấp thuần Việt, một nét văn hóa đọc đáo của đất nước chúng ta. 
Xin thứ lỗi cho sự ví von:

Ta về ta tắm ao ta
Ao nhà có đục cũng là cái ao 

Huỳnh Hữu Đức

Ngày Mới



Xướng: Ngày Mới

Ánh sáng bừng lên theo nắng mai
Rộn ràng hoa nở giữa vòm cây
Trên cành, ríu rít chim khoe giọng
Dưới suối, tung tăng cá hợp bầy
Chấp chới vườn xanh, đàn bướm lượn
Dập dìu ruộng biếc, cánh cò bay
Hít căng lồng ngực: ta đang sống
Hạnh phúc dâng tràn, vui ngất ngây.

Sông Thu
***
Các Bài họa:

***
Đồng Quê Buổi Sáng

Rực rỡ thôn làng buổi sớm mai.

Nắng hồng tô đẹp cả lùm cây.
Trên đê thấp thoáng người từng nhóm
Ngoài ruộng lao xao vịt mấy bầy.
Xao xác tiếng gà đập cánh gáy
Là là cò vạc xếp hàng bay.
Đồng quê bát ngát trong lành khí
Theo gió hương trời thoang thoảng ngây.

Mailoc

5-13-19
***
Tia Nắng  Đầu Ngày

Đầu ngày,tia nắng tiếp ban mai
Xuyên rọi qua cành xuống cỏ cây
Sương sớm la đà giăng lối bước
Trời trong lãng đãng gợn mây bay
Líu lo chim chóc kêu rời tổ
Nhộn nhịp bướm ong rủ kiếm bầy
Thanh thản cảnh đời vui kiếp sống
Hương hoa tỏa ngát khiến hồn ngây

songquang
20190513
***
Ngày Mới

Bừng theo cái nắng của ban mai,
Sức sống vươn lên với cỏ cây.
Giáo chức lăng xăng lo đến sở,
Học sinh vui vẻ họp thành bầy.
Cụ già thể dục trông trời thẳm,
Bà lão ra vườn ngắm bướm bay.
Hạnh phúc ươm mầm ngày đổi mới,
Chan hòa sức sống đến thơ ngây!

Đỗ Chiêu Đức
***
Tóc Bạc Da Mồi

Hom hem thức dậy sớm ban mai
Hấp háy nhìn ra huyết phượng cây
Thấp thoáng trên cành chim hót tiếng
Chập chờn dưới nước cá bơi bầy
Lang thang gà ngỗng loay hoay... lại
Lúc lắc cái chuông thoăn thoắt... bay
Tóc điểm hoa râm mơ trẻ dại
Da mồi lốm đốm mộng thơ ngây !

Mai Xuân Thanh
Ngày 13/05/2019
***
Theo Dấu Chân Quê Ngày Mới

Ven đường lá cỏ đẫm sương mai
Vạt nắng vàng chia nửa ngọn cây
Ríu rít trên cành chim gọi bạn
Leo nheo dưới bến cá lên bầy
Ra trường đám trẻ vui chân bước
Xuống ruộng đàn cò nhẹ cánh bay
Chỉ được vài năm không tiếng súng
An bình trọn vẹn tuổi thơ ngây.

Cao Linh Tử
16/5/2019
***
Cơm Sáng Quê Nghèo

Ngủ dậy vươn mình đón nắng mai
Gánh mươi gàu nước tưới vườn cây
Lòng tong dớn bóng tìm lưng tộ
Sặt bướm lờ êm nhốt cả bầy
Nồi gạo sôi bừng hơi khói toả
Mùi canh chua ngọt vị hương bay
Hành tiêu ơ cá nghe cào bụng
Cơm sáng quê nghèo cũng ngất ngây!

Thuận. 
16/05/2019
***
Nhớ Buổi Sáng Ở Thái Hiệp

Tiếng guốc trên đường mỗi sớm mai.
Những người đi lễ dưới hàng cây.
Vườn rau hửng sáng người vun tưới.
Đàn bướm chập chờn cánh lượn bay.
Nuốt vội chén cơm quên lấy nón.
Mè nheo đồng cắc nhảy theo bầy.
Khung trời thuở ấy hằn in dấu.

Lại nhớ vô cùng ôi ngất ngây!

Nguyễn Thị Trọng
***
Ngày Mới Vẫn Chờ

Vững tin mãnh liệt một ngày mai
Cố quốc quay về với cỏ cây
Bỏ xứ lìa quê luôn nhớ cội
Xa đàn họp sức gắng chung bầy
Phận người mỏng mảnh thân bèo dạt
Vận nước long đong chiếc lá bay
Rể bám cho dù trên đất lạ
Vẫn chờ sống lại tuổi thơ ngây

Kim Phượng

***
Ngày Mới

Cảnh trời tươi mát lúc ban mai
Khi nắng vừa lên xuyên ngọn cây
Dưới lũng lũ nai đi dọc suối
Trên ngàn đàn khỉ tụ nguyên bầy
Cà hum cọp rống theo mây chuyển
Ríu rít chim ca nương gío bay
Sơn nữ hái chè sương bám tóc
Thoáng nhìn dáng lụa khiến đây ngây !

Thái Huy
15/5/2019


Ngày Mới



Xướng: Ngày Mới

Ánh sáng bừng lên theo nắng mai
Rộn ràng hoa nở giữa vòm cây
Trên cành, ríu rít chim khoe giọng
Dưới suối, tung tăng cá hợp bầy
Chấp chới vườn xanh, đàn bướm lượn
Dập dìu ruộng biếc, cánh cò bay
Hít căng lồng ngực: ta đang sống
Hạnh phúc dâng tràn, vui ngất ngây.

Sông Thu
***
Các Bài họa:

Xuân Về Thôn Dã

Xuân về đầy rợp những cành mai
Vườn tược xum xoe các khóm cây
Chim chóc vui đùa kêu họp bạn
Bướm ong ríu rít kéo đàn bầy
Trên đê kĩu kịt từng cân gánh
Dưới ruộng te tua mỗi rạ bay
Mây trắng trời quang đời hạnh phúc
Từ xa tiếng sáo điệu trầm ngây.

Paris, 13/05/2019
Trịnh Cơ
***
Những mùa Xuân cũ


Xuân về khoe sắc thắm đào mai
Trai gái vui vầy dưới rặng cây
Oanh yến xôn xao tìm họp tổ
Bướm ong nô nức lượn từng bầy
Xứ người mùa Tết mây mờ nhạt
Đất mẹ trời Xuân áo trắng bay
Thương tiếc một thời hương tuổi ngọc
Nép mình nón lá nét thơ ngây.

Toronto13/5/2019
Nguyên Trần 
***
Ngày Vui Mới 

Mặt trời ló dạng nắng ban mai,
Trúc liễu cành tươi trĩu nặng cây.
Huệ cúc khoe mầu vương nhị sắc,
Bướm ong hút mật lượn từng bầy.
Vườn xuân lộc biếc hương hoa toả,
Phố thị người đông chim chóc bay.
Gió nhẹ mơn man trời ấm áp…
Một ngày vui mới ngất cùng ngây !

Liêu Xuyên
***
Đầu Ngày

Nắng hồng rực rỡ lúc ban mai,​
Sương sớm còn vương ướt cỏ cây.​
Chim chóc truyền cành đua tiếng hót,​
Bướm ong kiếm mật lượm từng bầy.​
Hương đồng dìu dịu hồn thanh thản,​
Gió nội hiu hiu tóc rối bay.​
Vài cánh vạc đêm về tổ nghỉ.​
Gõ sừng mục tử nét thơ ngây.​

Nguyễn Thị Mỹ Ngọc.​
May 13/2019.
***
Ban Mai Lành

Cành dương,ngọn trúc vẫy trời mai
Sức sống trào dâng nhựa thắm cây
Rực đóa hồng khai hoa dệt thảm
Ngời chim én lượn cánh chao bầy
Êm làn khói núi vờn mây tỏa
Rộn khúc thơ tình lộng gió bay
Náo nức tay đời gom bất tận
Tươi hồn vạn thuở nụ cười ngây

Lý Đức Quỳnh
14/5/2019
***
Buổi Sáng Ra Vườn

Vườn nhà tràn ngập nắng ban mai
Mát mẻ, xanh mầm, mượt cỏ cây
Trước ngõ... Chipmunks vừa xuất hiện
Bên hiên... Tu Líp đã phô bày
Gió xuân mấy lượt mơn man thổi
Chim sẻ từng đàn hớn hở bay
Thong thả theo chàng...em nhẹ bước
Ngỡ mình trở lại thuở thơ ngây !

Thy Lệ Trang
***
Ban mai


Chào vui tiếng hót lúc ban mai
Của chú Hồng Y* đậu khóm cây
Cất giọng ngọt ngào lôi cuốn bạn
Chuyền cành lả lướt rủ rê bầy
Vầy trong nắng mới,hoa đua nở
Quyậy giữa vườn xuân,bướm lượn bay
Vạn vật như bừng lên sức sống
Vầng dương rạng rỡ khiến hồn ngây...
*chim đỏ ,tên Cardinal hót rất hay

Thanh Hoà
***
Nắng  Mới

Trời hồng rực rỡ buổi ban mai
Đám trẻ tung tăng dưới khóm cây
Rộn rã học sinh chờ chuyến buýt
Là đà chim chóc liệng đàn bầy
Mùa xuân ấm áp đang bừng dậy
Ong bướm dịu dàng đã lượn bay
Nắng mới tưng bừng chan cuộc sống
Lòng người cũng cảm thấy ngây ngây!

Thiên Hậu
***
Sớm Nay

Phố tôi ngắn ngủn mỗi ban mai
Hoa sấu rơi đầy quanh gốc cây.
Đôi bác xe ôm đà đợi sẵn
Vài hàng quà sáng đã mau bầy.
Bóng người dưỡng sức mau chân nhảo
Tiếng nhạc gìn hình níu gió bay.
Cuộc sống yên bình đâu dễ có
Trời già căng mắt ngó mà ngây .

Trần Như Tùng
***
Bình Minh

Tưng bừng rực rỡ ánh ban mai
Đánh thức muôn loài, gọi cỏ cây
Ong bướm trong vườn, khoe vẫy cánh
Chim muông trên ngọn, hót đua bầy
Khói lam quyện nắng mơ màng tỏa
Hương sứ dầm sương nhẹ thoảng bay
Thanh thản tâm hồn trong nắng sớm
Ngắm nhìn cảnh vật, dạ ngây ngây


Cao Bồi Già
15-05-2019
***
Rực Lòng 
“Tung hoành trục khoán”

Rực rỡ mùa xuân đời cảnh thắm
Nồng nàn suối mộng nẻo tình ngây

Rực lòng đất Mẹ nở đào, mai
Rỡ tỏa non ngàn đẹp khóm cây
Mùa trái đầy cành chim vọng tổ
Xuân sang trĩu nụ én chung bầy
Đời luôn sáng tỏ muôn người ước
Cảnh vẫn công bình vận nước bay
Thắm đượm hương trời hoa mãi nở
Nồng nàn suối mộng nẻo tình ngây.

Đức Hạnh
15 05 2019
***
Nặng Tình Quê

Trên nhành be bé hạt sương mai
Nắng rực vui mừng ngắm cỏ cây
Chíu chít đàn gà kêu nhóm bạn
Xôn xao lũ kiến nhập chung bầy
Băn khoăn lắm nỗi chờ mưa gội
Sầu muộn bao điều gửi gió bay
Để lại tim nầy thương lẫn nhớ!
Bởi tình non nước quyện lòng ngây!

Như Thu

Thứ Hai, 20 tháng 5, 2019

Đường Mưa - Thơ Ngọc Quyên- Nhạc Ngô Hữu Hùng


Thơ: Ngọc Quyên
Nhạc: Ngô Hữu Hùng
Hòa âm: Minh Đạo
Trình bày: Kim Khánh
PPS: Huyền Ái


Tam Muội Đến Chơi Nhà (*)


(Kim Hương, Kim Quang, Diệp Trần, Dương hồng Thủy)

Tam muội thật lâu mới ghé ta
Sáng nay, bệnh lão vẫn chưa tha
Rạch sau khô cạn khôn tăm cá
Vườn trước thênh thang chẳng có gà
Sai vợ thổi cơm thêm củi ướt
Cà phê bột hết kiếm không ra
Thôi thì ngồi lại mình mua chuyện
Tán gẫu cho vui cái tuổi già!


Dương hồng Thủy
(*) Kỷ niệm sáng 18/05/2019.

Sầu Ở Lại



Sầu Ở Lại

Đời lỡ nhúng sầu bên cốc rượu
Mượn vui bè bạn sống qua ngày
Đoạn trường hơn cả thân ca kỷ
Cơm áo làm quên chuyện nước mây

Năm cùng tháng tận đời hoang vắng
Bên quán ngờ đâu lại gặp mầy
Gọi để mừng nhau khi hội ngộ
Thì xin hãy cạn chục ly đầy

Quàng vai tìm chút dư hương cũ
Nhắc đến hằng trăm chuyện đổi thay
Nhắc đến những thằng nay đã chết
Những thằng đang sống kiếp trâu cày

Bạn ơi, nước mắt mình tuôn đấy
Ngồi nhậu bên đường ta khóc đây

Tạ Ký (Cựu Giáo Sư Pétrus Ký)
***
Nhúng Sầu

Nhúng sầu trong chén rượu rồi
Uống hoài chỉ thấy buồn rời rã mây
Uống nhiều ly cũng chẳng say
Rót thêm ly nữa tràn đầy ưu tư

Nhúng sầu trong lá rụng thu
Úa vàng nỗi nhớ mịt mù xa xăm
Tình xa từ độ mưa dầm
Phong ba bão tố trào dâng biển đời

Nhúng sầu trong lệ sương rơi
Quán khuya tiếng hát chỗ ngồi lênh đênh
Xưa bên nhau tựa vai tình
Giờ chia đôi ngả một mình đành sao

Nhúng sầu trong gió xạc xào
Áo xưa bay lượn vẫn dào dạt hương
Với bàn tay chạm nỗi buồn
Về đâu bóng nhỏ thiên đường mắt nai

Nhúng sầu trong gió thở dài
Đảo điên bao chuyện đổi thay thế trần
Vô thường mưa nắng phù vân
Vô thường tan hợp trầm luân kiếp người

Trầm Vân

Việt Thi trang 28 - 31 - Việt Thi - Trần Trọng Kim






Việt Thi - Trần Trọng Kim
Huỳnh Hữu Đức sưu tầm

Hương Thu



Hương Thu
"Dĩ đề khoán thủ"

Hương yêu suối mộng nở hoa tình
Ướp cánh Thu vàng cảnh đẹp xinh
Ơn bạn hòa lưu ngời biển nước
Nghĩa thơ xướng họa thắm duyên mình
Gió luôn ước vọng trao nguồn sống
Trăng vẫn yêu đời thắp vệ tinh
Hớn hở non ngàn khoe áo mới
Ung dung đất Mẹ sẽ an bình..!

Đức Hạnh

03 05 2019
***
Các Bài Họa:
Hơi Thu Trong Nắng Hạ

Ô hay ai sớm đón thu tình
Mùa vẫn hạ vàng cánh nắng xinh
Mới phượng Ka Li vừa tím mắt
Sao mây viễn xứ đã vương mình
Lá phong chưa thấy chơi vơi mộng
Sương trắng đâu hề lóng lánh tinh
Thi sĩ mơ hồ mong diệp lạc
Nghe hiu hắt gió gọi thanh bình ...

Hawthorne 3 - 5 - 2019
Cao Mỵ Nhân
***
Bến Mơ

Bến mát hương say một cuộc tình
Dành nàng vẽ những giấc mơ xinh
Êm chân cảnh biển chồng cùng vợ
Ngọt giọng môi hoa thiếp với mình
Chiếu ấm nồng nàn cơn điệp mộng
Chiều tà chạng vạng ánh thiên tinh
Con ngoan nối gót tiền hiền nghiệp
Hậu vận mênh mang sóng thái bình

Nguyễn Kiệm

03 05 2019
***
Tiếng Thu
"Dĩ đề khoán thủ"

Thánh thót mùa thu kể chuyện tình
In dòng kỷ niệm trỗi càng xinh
Êm đềm ước vọng hòa sông núi
Nhã nhặn nàng thi vẫy chúng mình
Gió vọng vườn yêu trời sáng sủa
Trăng cười ngõ mộng cảnh tường tinh
Hương rừng bát ngát hồn xao động
U tối…qua đi, tỏa thái bình

Hồng Xuyến

03 05 2019
***
Trăng Thu
"Dĩ đề khoán thủ"

T răng thu lơ lửng gợi hương tình
R ay rứt lòng ai cảnh tuyệt xinh
Ắ t hẳn Hằng Nga mê mẩn bóng
N ày đây Chú Cuội xót thương mình
G ió lùa ngọn trúc lay vầng nguyệt
T ay nhặt sao trời gạn thủy tinh
H ơi thở cỏ cây cùng chuyển giấc
U hoài mãi nhớ thuở thanh bình

songquang

20190503
***
Hồn Thu
"khoán thủ chiết tự"

Hoa thắm trời quê nở đẹp tình,
Ươm hồn Thu quyện nắng vàng xinh.
Ơn đời thương mến vui non nước,
Nghĩa bạn hoà ca luyến bọn mình.
Giữ mối chân tình đầy sảng khoái,
Trao duyên thơ phú vẹn khôi tinh.
Huệ lan mùi đượm chừng thanh thoát…
U uất còn đâu chuyện bất bình !

Liêu Xuyên
04 05 2019
*** 
Trái Nhân Sinh

Đất biết non cao sống có tình
Vì từ khốn khó mới tươi xinh
Hoa xanh đúng chất thơm hương ấy
Nước biếc không gương thấu bóng mình
Nếu lúc khai hoang ươm giống tốt
Và người kiến thiết muốn cây tinh
Mang danh với đức gieo liên đới
Kết trái nhân sinh ắt thái bình

Thamduong thi tập
04 05 2019
***
Đáo Họa:
Tiếng Thu

"Dĩ đề khoán thủ"

Trở lạnh nàng thu nhớ biển tình
In từng chiếc lá trải vàng xinh
Êm đềm suối nhạc hòa non nước
Nhanh nhẩu hằng nga nói chuyện mình
Gió trỗi nồng nàn trao cánh mộng
Trăng mời thắm thiết vọng thanh bình
Hương trời sáng tỏ lùa mây xám
U ám xa rời cảnh trắng tinh.

Đức Hạnh
***
Tiếng Thu


Thoảng gió vân du cảnh hữu tình
Im lìm cảnh vật nét ngời xinh
Êm say cánh hạc bên dòng nước
Ngọt đắm vòng tay của chúng mình
Gửi chút hương yêu ngày mới đượm
Trao nhiều mật ái thuở đầu tinh
Hờ rung quyến rũ làn mi nhỏ
Uống giọt sương sa cõi thái bình

Minh Hiên
05 05 2019
***
Đáo Họa
Tiếng Thu


Trời thu cảnh vật rất đa tình
In bóng em cười dáng thật xinh
Êm ái non ngàn trao biển mộng
Ngơ ngơ chiếc lá vọng duyên mình
Gương lòng sáng tỏ ngời trăng nước
Trái mộng trong lành thắm thổ tinh
Hạnh phúc vô bờ hoa mãi nở
Ung dung mãn nguyện hưởng thanh bình.

Đức Hạnh
05 05 2019
***
Mời Thu Về

Mộng thắm nàng thu đã tỏ tình
Ơi mùa! Lãng mạn nở hồng xinh
In dòng kỷ niệm hòa trăng nước
Trỗi nụ vườn thơ gởi chúng mình
Hớn hở hoa cười vui đất mẹ
U sầu gió lộng tẻ bình minh
Vần thi sáng tỏ nào tranh chấp
Êm thấm mời Trăng thỏa luận bàn

Thành Kha

05 05 2019

Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2019

Yêu Người - Nhạc Nguyễn Văn Thơ - Tiếng Hát Giáng Hương



Nhạc: Nguyễn Văn Thơ 
 Tiếng Hát: Giáng Hương

Sợi Khói Đốt Đồng



Khói đồng lan tỏa bên chiều vắng
Dĩ vãng hiện dần trong khoảng không
Xứ lạ em về anh mất bóng
Bên anh đồng vẫn trắng mưa lòng

Nỗi nhớ bay cùng chùm khói trắng
Cái mùi rơm rạ ấm tình quê
Chiều đong vạt nắng chia bờ bải
Khói lựng chân mây dựng lối về.

Mười năm đồng vẫn xanh màu lá
Lòng nắng vàng mơ hạt lúa xuân.
Anh vẫn âm thầm gom lấy gió
Sợ lòng dông bão lúc sang đông

Cái mùi khói ám mang hương rạ
Thành một chuyện tình ký ức xưa
Em như sợi khói vương tình đất
Bỏ lại tàn tro ủ lấy mùa

Bằng Bùi Nguyên

Trăm Năm Cuộc Thế - Khắc Khoải



Lão Lai chỉ dẫn cho ta
Qua chín mươi tuổi, ông bà giống nhau
Vì làm được quái gì đâu
Cốt xương lỏng lẻo, cái đầu ngẩn ngơ.

Con tim đập chậm hững hờ
Mắt nhìn kẻm nhẻm, bơ phờ tóc tai
Đêm nghe chị gió thở dài
Tưởng như gió cũng buồn dai như mình.

Nghĩ về cái kiếp phù sinh
Nào đâu danh vọng , đâu tình ái xưa?
Vui buồn như thể nắng mưa
Tiền tài, địa vị, sánh vừa móng tay!

Trăm năm lừng lững đến rồi
Bây giờ thì đứng, nằm, ngồi, giống nhau
Đứng lên chẳng biết đi đâu
Thôi thì nằm xuống thẳng đầu với đuôi.

Đầu, đuôi, thì cũng thế thôi
Phía nào nặng sẽ tự truồi trước tiên
Cuốn phim quay ngược liên miên
Ta là khán giả, diễn viên một lần.

Hỡi ơi thằng nhỏ cù lần
Hỡi ơi chú lính vui phần " ắc - ê "
Hỡi người con gái tóc thề
Yêu nhau, yêu mãi, yêu mê đến già!

Sao giờ còn mỗi mình ta?
Trăm năm cuộc thế như là bóng mây!
Còn nghe văng vẳng bên tai
Ta ngon, ta giỏi, ta tài, nhất ta!!

Locphuc.
***
Khắc Khoải


Nằm ngồi đi đứng giống nhau
Quanh ta gió thảm mưa sầu không nguôi
Nào đâu mộng đẹp đầu đời
Cùng ai dạo bước lên đồi ngắm mây
Cuối đường ngơ ngẩn trắng tay
Công danh sự nghiệp vèo bay phương nào
Đêm nghe sóng biển lao xao
Ngỡ như âm vọng tiếng gào hư vô

Yên Nhiên

Lãng Đãng Du Sơn - 浪蕩 遊 山



Dạo:
Diệu Phong, Ngũ Lão, Ngũ Đài,
Đường lên núi ấy, mấy ai tỏ tường.
Cóc cuối tuần:

浪蕩

,
.
,
,
.
,
使 .

陳 文 良
***
Âm Hán Việt:
Lãng Đãng Du Sơn

Thự nhật sơ thăng tán hiểu lam,
Ung dung trì tích thướng cao nham.
Tiên tùy phương thảo biên nhai lộ,
Hậu trục lạc hoa phục Phật am.
Ngũ Lão nguy nguy, tằng vị đáo,
Diệu Phong ngật ngật, chỉ hồ đàm.
Kim Cương Quật lý phùng hoang tự,
Nhất cú "tam tam" sử khách tàm.

Trần Văn Lương

Dịch nghĩa:

Lang Thang Đi Chơi Núi

Mặt trời bình minh mới mọc lên làm tan khí núi buổi sớm,
Thong thả ung dung chống gậy đi lên núi cao.
Trước theo mùi cỏ thơm bước xiên xẹo trên đường núi, 
Sau đuổi theo vết hoa rụng để về lại am Phật (chùa). (1)
Ngũ Lão Phong cao vòi vọi, (tăng) chưa từng đến, ( 2)
Diệu Phong Đỉnh cao chót vót, (người) chỉ bàn bạc lung tung. (3)
Trong hang Kim Cương gặp ngôi chùa hoang,
Một câu "tam tam" (ba ba) khiến khách phải hổ thẹn (vì không hiểu). (4)

Chú thích:
(1) Bích Nham Lục, tắc 36, Trường Sa Du Sơn,
Cử: 
Trường Sa một hôm đi chơi núi. Về đến cửa, thủ tòa hỏi, " Hòa thượng đi đâu về vậy?" Trường Sa nói, "Đi chơi núi." Thủ tòa nói, " Đi đến chỗ nào?" Trường Sa nói, "Trước theo mùi cỏ thơm đi, sau theo vết hoa rụng về." Thủ tòa nói, " Có vẻ rất giống ý xuân." Trường Sa nói, " Hơn cả giọt sương thu trên đóa sen." Sư (Tuyết Đậu) bình rằng, " Cám ơn đã đáp lời."

Trích lời Bình của Viên Ngộ:
...
Trường Sa Lộc Uyển Chiêu Hiền Đại Sư, pháp từ của Nam Tuyền, đồng thời với Triệu Châu và Tử Hồ, cơ phong mẫn tiệp. Nếu như có người hỏi về giáo pháp thì Sư sẽ giảng về giáo pháp, muốn tụng thì Sư tụng. Nếu như quý vị dùng tư cách là một tác gia để gặp Sư thì Sư sẽ gặp quý vị với tư cách là một tác gia.
... 
Nhân một ngày đi chơi núi về, thủ tòa là người trong chúng hội hỏi, "Hòa thượng đi đâu về vậy?" Trường Sa nói, "Đi chơi núi." Thủ tòa nói, " Đi đến chỗ nào?" Trường Sa nói, "Trước theo mùi cỏ thơm đi, sau theo vết hoa rụng về." Phải là người ngồi cắt đứt được cả mười phương thiên hạ thì mới nói thế được. Cổ nhân ra vào chưa bao giờ không lấy điều ấy làm tâm niệm. Nhìn xem họ chủ khách đổi chỗ, trực tiếp đương đầu với cơ duyên, chẳng hề nhường nhau. Biết Sư (Trường Sa) đã đi chơi núi, sao thủ tòa còn hỏi, "Hòa thượng đi đến chỗ nào?" Những người học Thiền ngày nay chắc sẽ nói, "Đi đỉnh Giáp Sơn về." Nhìn xem cổ nhân chẳng chút tơ hào so đo, cũng chẳng chấp trụ, nên mới nói, "Theo mùi cỏ thơm đi, theo vết hoa rụng về." Thủ tòa bèn nương theo ý của Sư nên nói," Có vẻ rất giống ý xuân." Trường Sa nói, "Hơn cả giọt sương trên đóa sen." Tuyết Đậu nói, "Cám ơn đã đáp thoại." Đó là lời sau cùng. Câu nói của Tuyết Đậu rơi vào hai bên, nhưng rốt cuộc chẳng rơi vào bên nào.
...
(2) Bích Nham Lục, tắc 34, Ngưỡng Sơn Lạc Thảo,
Cử: 
Ngưỡng Sơn hỏi tăng, "Mới rời khỏi chỗ nào?" Tăng nói, "Lô Sơn." Ngưỡng Sơn nói, "Từng đến Ngũ Lão Phong chưa?" Tăng nói, "Chưa." Ngưỡng Sơn nói, "Như thế là xà lê chưa từng đi chơi núi." Vân Môn nói, "Sở dĩ có lời nói ấy là vì từ bi, nên có lối đàm thoại của kẻ rơi vào cỏ."
(3) Bích Nham Lục, tắc 23, Bảo Phúc Du Sơn,

Cử: 
Bảo Phúc, Trường Khánh đi chơi núi. Bảo Phúc lấy tay chỉ nói, "Đó chính là Diệu Phong Đỉnh." Trường Khánh nói, "Đúng thì có đúng, nhưng thật đáng tiếc!" Tuyết Đậu phê rằng, "Hôm nay đi chơi núi với mấy gã này để làm gì?" Rồi lại nói, "Trăm ngàn năm sau chẳng nói là không có, chỉ là có ít thôi." Sau có kẻ kể lại cho Kính Thanh. Thanh nói, "Nếu như không có Tôn công (Trường Khánh) thì đồng hoang đã đầy đầu lâu rồi."

Trích lời Bình của Viên Ngộ:
...
Trong kinh có nói đến Diệu Phong Đỉnh. Tỳ khưu Đức Vân chưa bao giờ xuống khỏi Diệu Phong Đỉnh. Thiện Tài đến tham phỏng bảy ngày mà không gặp. Một hôm lại gặp nhau ở đỉnh núi khác. Gặp rồi, Đức Vân giảng cho Thiện Tài về một niệm ba đời (nhất niệm tam thế), trí huệ của tất cả chư Phật thể hiện qua các pháp môn. Tỳ khưu Đức Vân đã không bao giờ xuống núi, sao lại cùng Thiện Tài gặp nhau trên đỉnh núi khác? Nếu bảo rằng Đức Vân xuống núi, sao trong kinh lại nói rõ ràng rằng Đức Vân chưa từng hạ sơn, vẫn thường ở trên Diệu Phong Đỉnh. Đến chỗ này rồi thì hãy nói xem Đức Vân và Thiện Tài ở đâu?
...
(4) Bích Nham Lục, tắc 35, Văn Thù Tam Tam,
Trích lời Bình của Viên Ngộ:
Vô Trước đi chơi Ngũ Đài Sơn, giữa đường đến chỗ hoang vu. Văn Thù hóa phép tạo ra một ngôi chùa để cho Sư trú đêm. Văn Thù hỏi, "Vừa rời chốn nào?" Vô Trước nói, "Phương Nam." Văn Thù nói, " Phật pháp phương Nam trụ trì thế nào?" Vô Trước nói, "Các tỳ khưu thời mạt pháp ít giữ giới luật." Văn Thù hỏi, "Tăng chúng thường có bao nhiêu người?" Vô Trước nói, "Hoặc ba trăm hoặc năm trăm." Vô Trước lại hỏi, "Ở đây trụ trì như thế nào?" Văn Thù nói, "Phàm thánh ở chung, rồng rắn lẫn lộn." Vô Trước nói, "Tăng chúng được bao nhiêu người?" Văn Thù nói, "Tiền tam tam, hậu tam tam (trước ba ba, sau ba ba)."

Sau đó dùng trà. Văn Thù giơ chén pha lê lên hỏi, "Phương Nam có cái này không?" Vô Trước nói, "Không." Văn Thù nói, "Thế dùng cái gì để uống trà?" Vô Trước không nói gì được, bèn từ biệt ra đi. Văn Thù sai Quân Đề Đồng Tử tiễn ra cửa. Vô Trước hỏi Đồng Tử, "Vừa rồi đại thánh nói "tiền tam tam, hậu tam tam" là bao nhiêu vậy?" Đồng Tử gọi, "Đại đức!" Vô Trước đáp, "Dạ." Đồng Tử nói, "Là bao nhiêu?" Vô Trước lại hỏi, "Đây là chùa gì?" Đồng Tử đưa tay chỉ tượng Kim Cương phía sau lưng. Lúc Vô Trước quay đầu lại thì ngôi chùa đã biến mất và Đồng Tử cũng không thấy, chỉ còn là một cái hang trống không. Về sau nơi ấy được gọi là hang Kim Cương.
...
Phỏng dịch thơ:

Nhẹ nhàng nắng sớm xóa sương mai,
Chống gậy ung dung hướng tuyệt nhai.
Bước tới, chân theo mùi cỏ dại,
Quay về, gót giẵm dấu hoa phai.
Hỏi đường Ngũ Lão, tăng mờ mịt,
Bàn chuyện Diệu Phong, khách miệt mài.
Chùa vắng đồng hoang đêm tạm trú,
Một câu chuyển ngữ lụy trần ai.

Trần Văn Lương
Cali, 5/2019

Lời bàn của Phi Dã Thiền Sư:
Núi chỉ là núi, sông chỉ là sông, có gì rắc rối đâu! 
Muốn đi chơi núi ư? Ối dào, thì cứ "đi theo mùi cỏ thơm, về theo vết hoa rụng". 
Thắc mắc làm chi chuyện đó là Ngũ Lão Phong, Diệu Phong Đỉnh hay Ngũ Đài Sơn. 
Thương thay, một câu không biết rõ, đành trọn kiếp lang thang. 
Hỡi ơi!
***
Bài Dịch Khác:
Lang Thang Chơi Núi

Gà gáy liên tu buổi sớm mai
Ung dung dạo bước hướng thiên nhai
Khi đi nhẹ gót theo hương cỏ .
Lúc lại mau chân chốn nụ phai .​​
Ngũ Lão tìm đường tăng mỏi mắt .
Diệu Phong kể chuyện khách dùi mài
Đồng hoang chùa vắng đêm ngơi tạm
Dịch thử tam tam khó hiểu ai

Lạc Thủy Ðỗ Quý Bái