Thứ Bảy, 8 tháng 1, 2022

Thơ Tranh: Liên Khúc Sông Xưa

 

Thơ: Trần Bang Thạch
Thơ Tranh: Tố Lang


Phố Lạ Người Quen

 

Chưa một lần ta ghé qua phố núi 
Dạo trên đường Lê Lợi ngắm Bắc Hương
Sao như gì lòng dạ lạ vấn vương 
Bóng hình ai dường hoài trong tâm tưởng

Chưa một lần ta ghé qua phố núi
Pleiku ngậm ngùi áo trắng còn bay
Chiều tan trường tay ngượng ngập đan tay
Ly kem ngọt vị cay lần chia biệt

Chưa một lần ta ghé qua phố núi
Suốt cuộc đời dong ruổi bóng người đi
Tiếc thương thay cho tuổi mộng xuân thì
Lay lắt nhớ cố ghì trong huyết quản

Chưa một lần ta ghé qua phố núi
Để một lần viên mãn giấc mơ xưa
Hồn lún sâu trong dòng thác đổ mưa
Tắm mới lại chuyện tình xưa phố núi.

7/2010 
Kim Oanh

Cảnh Nào Cảnh Chẳng Đeo Sầu




Hôm nay tuyết vẫn cứ rơi nhiều
Bão lớn bao nhiêu khổ bấy nhiêu
Đất trắng xóa, gieo màu ảm đạm
Trời thâm u, gợi sắc cô liêu
Vườn sau ngó lại đầy hoang phế
Sân trước trông ra hết mỹ miều
Có phải tâm sầu sinh yếm thế?
Nhìn đâu cũng thấy cảnh tiêu điều

Nhất Hùng

Đề Thi Hậu 題詩後 - Giả Đảo

 

題詩後  Đề Thi Hậu - Giả Đảo

Tóm tắt tiểu sử Giả Đảo 

Giả Đảo (賈島,779-843) hiệu Kiệt Thạch Sơn Nhân, là người Phạm Dương, tỉnh Hà Bắc (nay thuộc ngoại ô Bắc Kinh).
Thời trẻ, ông thi nhiều lần không đỗ, đi làm tăng tại Lạc Dương, pháp danh là Vô Bản. Sau đến kinh đô Trường An, ngụ tại chùa Thanh Long. Ở đấy, ông gặp được Hàn Dũ và nghe lời danh sĩ này hoàn tục.
Tác phẩm của ông để lại là Trường Giang tập, gồm 10 quyển.
Thơ Giả Đảo phần nhiều viết theo thể thơ ngũ ngôn luật thi và ông đã tỏ ra sởtrường về thể loại này.
Từ điển văn học (bộ mới) viết:
Đặc sắc của thơ Giả Đảo là lạ lùng, trầm tĩnh, ít có niềm vui và nỗi buồn bồng bột. Phong cách cô đơn hiu quạnh đó đã từng được một số nhà thơ cuối thời Đường rất chuộng. Do vậy họ tôn sùng ông, sớm chiều cúng bái ông như Phật và sau này phái Giang hồ cuối thời Tống cũng suy tôn Giả Đảo là ông Tổ.
Ông mất năm 64 tuổi, tại nơi làm quan ở Phổ Châu.

Lời Phi Lộ

Giả Đảo là người gọt văn, chọn chữ rất cẩn thận khi làm thơ.
Truyện kể rằng, trong một đêm trăng sáng, Giả đang đi dạo, ngắm phong cảnh, thấy chim chóc đậu ở mấy cành cây bên bờ ao, và một ông sư đứng trước cổng chùa, phân vân chưa biết nên gõ hay đẩy cửa. Trước cảnh ấy, Giả xuất thần làm 2 câu thơ
Điểu túc trì biên thụ,
Tăng THÔI nguyệt hạ môn.
(Chim đậu trên cây cạnh ao,
Sư ĐẨY cửa dưới trăng.)

Nhưng Giả phân vân không biết nên dùng chữ THÔI hay chữ XAO.
THÔI là đẩy. Ban đêm mà đẩy cửa thì có vẻ lén lút, không quang minh chính đại. XAO là gõ. Nếu gõ thì làm khuấy động không gian yên tĩnh rất nên thơ vàêm đềm.
Giả vừa đi vừa suy nghĩ, tay trái dắt lừa, tay phải hết đẩy lại gõ, vô tình đụng phải xe của Hàn Dũ, là một thi sĩ nổi tiếng, đang làm Kinh Triệu Doãn. Giả xin lỗi rồi trình bầy tự sự, Hàn khuyên Giả nên dùng chữ XAO. Và câu thứ 2 thành “Tăng XAO nguyệt hạ môn”.
Từ đó, THÔI, XAO trở nên thành ngữ để chỉ việc gò chữ khi viết văn, Vì gò chữ như vậy nên Giả làm thơ rất vất vả, và rất lâu, như bài thơ này:

Nguyên tác       Dịch âm
題詩後             Đề Thi Hậu

二句三年得     Nhị cú tam niên đắc,
一吟雙淚流     Nhất ngâm song lệ lưu.
知音如不賞     Tri âm như bất thưởng,
歸臥故山秋     Quy ngoạ cố sơn thu.
 
Dịch thơ:
Đề Sau Tập Thơ

Ba năm làm được hai câu,
Một lần ngâm, ứa dòng châu đôi hàng.
Tri âm nếu chẳng ngó ngàng,
Thì ta về khểnh thu vàng núi xưa.

Bát Sách
***
Dịch nghĩa
Đề sau tập thơ

Ba năm mới làm được hai câu,
Ngâm lên một tiếng, hai dòng lệ rơi không cầm được.
Người tri âm nếu không cùng hưởng,
Mùa thu sang ta về núi cũ nằm.

Dịch thơ
 
Đề sau tập thơ
Ba năm được hai câu,
Một ngâm hai dòng châu.
Tri âm mà chẳng thưởng,  
Về ngủ núi thu sầu.


Con Cò
***
Các Bài Thơ Dịch Khác:

Đề SauThơ

1- 
Ba năm chuốt mấy câu,
Ngâm vọng lệ rơi sầu,
Chẳng đẹp lòng tri kỷ,
Núi xưa thu ẩn sâu.

2-
Ba năm viết được vài câu,
Dưng dưng mắt lệ âu sầu lúc ngâm,
Nếu không đẹp ý tri âm.
Ta về núi cũ sơn lâm thu này.
 


Mỹ Ngọc
Oct. 26/2021.
***
Ba năm làm được đôi câu
Ngâm lên một chút lệ châu hai hàng
Bạn bè nếu chăng ngó ngàng
Đành về núi cũ thu sang nằm dài
 
LTĐQB
***
Không Còn Ai

Ba năm trau chuốt câu thơ
Tự ngâm tự cảm thẫn thờ lệ rơi
Tri âm chẳng một bóng người
Thu sang về với núi đồi tịch liêu
 
Aesthete

I spent three years to sharpen up two verses
As I recited them, tears welled up in my eyes
If there were no poetic soulmate for me
I'll retreat into the mountains


Yên Nhiên
***
Đề Sau Tập Thơ

1-
Hai đoạn ba năm được
Một ngâm song lệ rơi
Tri âm không thưởng thức
Về núi cũ thu ngơi!

2-
Ba năm làm được hai câu
Một ngâm lệ rỏ âu sầu sóng đôi
Tri âm nếu chẳng góp lời
Trở về núi cũ nằm ngơi thu vàng!

Lộc Bắc
***
Nguyên Tác:   Phiên Âm:     Dịch Thơ:

題詩後*-賈島 Đề Thi Hậu - Giả Đảo Tuyệt Cú

二句三年得 Nhị cú tam niên đắc     Hai câu mất ba năm,
一吟雙淚流 Nhất ngâm song lệ lưu Lệ tuôn tràn khi ngâm.
知音如不賞 Tri âm như bất thưởng Không bạn cùng thưởng thức,
歸臥故山秋 Quy ngọa cố sơn thu    Về quê sống âm thầm.

* Tựa bài thơ có một ghi chú được nói bên duới.

Sách Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御定全唐詩

--聖祖玄燁 có đăng bài Đề Thi Hậu như một bài tuyệt cú riêng lẻ, trong khi các sách Trường Giang Tập - Đường - Giả Đảo 長江集--賈島 (mộc bản bên trên), và các sách Nguyên, Tống, Minh, Thanh khác… đăng 4 câu thơ như một phần tập thơ, nên không thấy có tựa riêng. Tựa bài trong NĐTĐT có một ghi chú: Đảo ngâm thành “độc hành đàm để ảnh, sổ tức thụ biên thân” nhị cú hạ, chú thử nhất tuyệt” 島吟成獨行潭底影數息樹邊身二句下註此一絶 (Đảo ngâm hai câu “Đi một mình dưới đáy vực, đếm hơi thở bên thân cây", ghi chú này độc đáo). Hai câu thơ này trong bài Tống Vô Khả Thượng Nhân 送無可 上人 của Giả Đảo.

Có một điển tích khác nói vể sự khó khăn, cân nhắc chữ của Giả Đảo trong thơ.
Một ngày nọ, ông đang cưỡi lừa, đột nhiên nghĩ ra hai câu thơ: Điểu túc trì biên thụ, tăng xao nguyệt hạ môn (Chim ngủ trên cây bên hồ, sư gõ cửa dưới trăng) trong bài Đề Lý Ngưng U Cư 題李凝幽居.
Ngay từ đầu ông nghĩ dùng tăng thôi nguyệt hạ môn (sư đẩy cửa dưới trăng.)
Cảm thấy không hay, ông mới dùng chữ xao = gõ, dùng xao = gõ lại cảm thấy không bằng thôi = đẩy. Nghĩ tới nghĩ lui không quyết định được, liền quơ tay làm ra tư thế gõ gõ ở trên lưng con lừa. Vì quá say mê ý thơ, lừa của ông chạm vào đội thị vệ của Kinh Triệu Doãn Hàn Dũ. Bị bắt đưa gặp Hàn Dũ, ông trình bày chuyện mình đắc ý làm thơ lại có một chữ không định được. Hàn Dũ, cũng là một nhà thơ, suy tư một lúc lâu, rồi khuyên ông dùng chữ xao = gõ.
 
Chữ xao = gõ hay hơn chữ thôi= đẩy ra sao? Chữ xao = gõ khiến cho câu thơ trong tĩnh có động, trong động có tĩnh. Chúng ta có thể nghĩ về một bức tranh: một đêm trăng sáng, tất cả đều tĩnh mịch, bỗng nhiên vang lên một tiếng gõ cửa nhẹ nhàng, làm náo động những con chim đâu trên cây bên hồ. Tiếng động như vậy càng rõ ràng trong sự yên tĩnh của đêm.
 
Ghi chú:
Nhị cú: theo ghi chú trong tựa bài Đề Thi Hậu như nói trên, hai câu thơ: Độc hành đàm để ảnh, sổ tức thụ biên thân (Đi một mình dưới đáy vực, đếm hơi thở bên thân cây) 1ấy từ bài Tống Vô Khả Thượng Nhân 送無可上人 của Giả Đảo. Cũng có thể là hai câu Điểu túc trì biên thụ, tăng xao nguyệt hạ môn
(Chim ngủ trên cây bên hồ, sư gõ cửa dưới trăng) trong bài Đề Lý Ngưng U Cư 題李凝幽居.
Tri âm: người có hiểu biết sâu sắc và đánh giá chính xác; Bá Nha giỏi cổ cầm, Chung Tử Kỳ biết nghe đàn. Nghe tiếng đàn Bá Nha có ý chí ở vùng núi cao, Tử Kỳ liền nói nga nga hề nhược Thái sơn (chót vót như núi Thái sơn); tiếng đàn thanh thoát ý như nước chảy, Tử Kỳ nói dương dương hề nhược giang hà (mênh mang như nước sông Hà).
Quy ngọa: từ quan về quê
Cổ sơn: núi cũ, ẩn dụ cho quê hương
 
Dịch Nghĩa:
Đề Sau Tập Thơ


Mất ba năm làm hai câu thơ,
Ngâm lên nước mắt chảy hai dòng.
Không bạn tri âm thưởng lãm,
Sẽ trở về quê sống cho hết đời.

 
Inscribed in the Poetry Book by  Jia Dao
It took me three years to produce two verses
When reciting them, tears dropped from my eyes
If you, my soul friend, do not appreciate them
I will return to the mountain to sleep through autumn.
 
Inscription After a Poem by Jia Dao
I thought about these two lines for three years before writing them,
At first reading, hot tears could not be helped.
With no one who understands my thoughts and feelings to appreciate them,
I shall go back to my hometown in the mountains and live through my autumn years.

Phí Minh Tâm
***
Bài Cảm Tác:

 Thơ sao bón quá người ơi!
Nhớ tới tri kỷ một đời không quên
Sao duyên mình chẳng gặp hên!
Năm nay không gặp sẽ bèn về quê

Đồ Cóc
***
Góp ý:

知音如不賞 tri âm như bất thưởng
Như ta thấy trong các câu dịch qua Anh ngữ do cùng một người (Tàu) dịch (Jia Dao), có hai lối hiểu câu thơ thứ 3.
If you, my soul friend, do not appreciate them
With no one who understands my thoughts and felings to appreciate them
Lối hiểu và dịch nào đúng? Chữ =thưởng là một từ hài thanh, thuộc bộ 賞 =bối (vật quý) và có nghĩa nguyên thủy là quà tưởng lệ; về sau được dùng với các nghĩa ban thưởng, thưởng thức, ngợi khen. Người 知音=tri âm là người tâm đầu ý hiệp, hiểu lòng/ý ta, nên "bất thưởng" phải có nghĩa là 'không thấy hay', không buồn khen, và lối dịch thứ nhì không đúng.
***
歸臥故山秋  quy ngoạ cố sơn thu

Câu này càng không dễ hiểu vì chữ =thu. Người đời sau cương ẩu rằng là một từ hội ý, gồm hay chữ hòa và hỏa với nghĩa lúa chín trong mùa thu nhưng thật sự ra trong giáp cốt văn chữ cho thu vẽ hình một con dế và dế là biểu tượng của mùa thu (với người Tàu cổ); lối viết đổi đi từ thời tiểu triện và trên thẻ tre với bộ , có thể vì không còn ai biết chữ nguyên thủy, mặc dầu nó hiện diện trong kim văn. Ngoài nghĩa mùa thu, còn có các nghĩa năm, lúc, già cỗi, nhưng hiểu lối nào thì chữ cũng "tối nghĩa" trong câu 4! 

- 漢語多功能字庫  Hán Ngữ Đa Công Năng Tự Khố cho ta:「春秋歲嘗」.歲」,「嘗」皆是祭名。歲祭一年舉行一次,「嘗」是秋季 的祭祀.
“xuân thu tuế thường”. ‘tuế’, ‘thường’ giai thị tế danh. 'tuế' tế nhất niên cử hành nhất thứ, 'thường' thị thu quý đích tế. [lễ tế xuân thu. 'tuế' và 'thường' là tên (của lễ). Tuế {lễ đầu năm} cử hành mỗi năm một lần, thường là lễ nùa thu.]
Hai chữ =thường và =thưởng viết gần giống hệt nhau và phát âm tựa nhau.
Có phải chăng Giả Đảo nghĩ đến các âm thường/thưởng khi viết thu? Thôi thì nếu bạn tri âm không khen hai câu thơ thì ta về núi thưởng thức mình ta vậy.

Huỳnh Kim Giám


Meeting (Boris Pasternak) - Gặp Gỡ

 

Meeting

The snow will bury roads
And houses to the roofs.
If I go to stretch my legs,
I see you at my door.
In a light fall coat, alone,
Without overshoes or hat,
You try to keep your calm,
Sucking your snow-wet lips.
The trees and fences draw
Far back into the gloom.
You watch the street, alone
Within the falling snow.
Your scarf hangs wet with snow,
Your collar and your sleeves,
And stars of melted flakes
Gleam dewy in your hair.
A shining wisp of hair
Lights suddenly your face,
Your figure in the cold,
In that thin overcoat.
Flakes gleam beneath your lashes
And anguish in your eyes.
You were created whole,
A seamless shape of love.
It seems as if your image
Drawn fine with pointed steel
Is now in silver lines
Cut deep within my heart.
Forever there you live
In your true humility.
It does not really matter
If the world is hard as stone.
I feel I am your double,
Like you outside, in dark.
I cannot draw the line
Dividing you from me.
For who are we, and whence,
If their idle talk alone
Lives long in aftertime
When we no longer live?

Boris Pasternak  

(1890-1960)
(Translated by Eugene M. Kayden in
The Poems Of Doctor Zhivago)
***
Bài Dịch:

Gặp Gỡ

Tuyết vùi chôn những lối mòn
Và rơi phủ trắng trên muôn mái nhà,
Khi anh dạo bước chân qua
Thấy em bên cửa thướt tha bóng hồng.
Đơn côi manh áo thu phong
Chân trơ hài lạnh, đầu không mũ hàn,
Vẻ thản nhiên, dáng bình an
Đôi bờ môi nhấm tuyết tan ướt mềm.
Hàng cây bờ dậu im lìm,
Xa, buồn, ảm đạm như chìm trong sương,
Em nhìn hiu quạnh phố phường
Bóng cô đơn giữa tuyết vương khắp trời.
Tuyết rơi làm ướt em tôi
Ướt khăn, ướt áo, ướt người tôi thương,
Một trời hoa tuyết vấn vương
Long lanh tinh tú gieo sương mái đầu.
Tóc mây óng ánh tươi màu
Khuôn trăng xinh đẹp chợt đâu rạng ngời,
Dáng em vùng lạnh chơi vơi
Phong phanh áo khoác giữa trời giá băng
Bờ mi tuyết đọng sáng ngần
Sáng thêm đôi mắt sầu dâng võ vàng.
Từ em sáng tạo vẹn toàn
Tình yêu hình tượng vô vàn tinh nguyên.
Dường như nếu bóng hình em
Vẽ bằng thép nhọn dễ chìm nét hoa
Thì giờ đây cũng khó nhòa
Khắc sâu nét bạc đậm đà tim anh.
Ấp e nơi đó mộng lành
Bóng em sống mãi, chân thành, khiêm cung,
Mặc cho trần thế mịt mùng
Khó khăn gian khổ chập chùng sá chi.
Trong anh tâm tưởng mãi ghi
Rằng hai ta chẳng cách ly bóng hình,
Anh đâu vạch được đường tình
Phân ranh đôi lứa chúng mình lìa xa.
Cội nguồn, lai lịch chúng ta
Có chăng ai biết cũng là thế thôi,
Mai này còn mãi chuyện đời
Dù đôi ta hết dong chơi cõi trần.

Tâm Minh Ngô Tằng Giao


Anh Tôi

 
(Ảnh của Tác Giả gửi)

Vùng Hoa Thịnh Đốn năm nay có tuyết muộn, đến đầu tháng 1 mới có tuyết đầu mùa.Thường tuyết rơi vào tháng 12 và có khi tháng 11 cũng có tuyết. Tuy là trận tuyết đầu năm nhưng cũng làm dân chúng bận rộn lắm. Sáng thứ hai ngày 3/1 mọi người chuẩn bị đến sở tuyết chỉ có chút ít. Bông tuyết nhỏ rơi từ từ chưa phủ kín mặt đường. Càng về trưa bông tuyết càng to và rơi nhanh cho đến 12 giờ 30 tuyết ngừng rơi. Lúc này sân cỏ , mái nhà, cành cây phủ một màu trắng xóa rát đẹp. Sân cỏ xanh trước kia chỉ còn màu trắng. Nhìn qua cửa kính cảnh vật đẹp như trên màn bạc,trong các phim ảnh. Mở cửa ra lạnh ơi là lạnh. Người bạn cho biết tuyết dày 23 cm.

Mới đây vào cuối năm tháng 12 mọi người ra đường chỉ mặc áo dài tay hay mang cái áo khoác là đủ .Tuy có ngày trời âm u nhưng cũng có những ngày nắng đẹp..Thời tiết tương đối tốt nhưng tôi chỉ quanh quẩn trong nhà. Nguyên nhân do dịch cúm Covid, lang thang lây nhiễm các quốc gia trên thế giới và Hoa Kỳ. Có nơi người bị lây nhiễm bệnh nhiều, có nơi ít. Đã hơn năm dịch cúm chưa chịu biến đi mà chuyển sang thành loại khác cũng hay lây. Vì dịch cúm mà các nhà hàng ăn uống, các thương xá, các tiệm thẩm mỹ, làm tóc, một số tiệm ăn, cửa hàng buôn bán... vắng khách. Có tiệm phải đóng cửa vì ế ẩm.Các con tôi dự định đưa tôi đi thăm bà con nước ngoài, vé máy bay mua rồi cũng hoãn lại và không biết đến bao giờ mới có dịp dùng đến chúng.

Dịch cúm Covid vừa lắng xuống lại đến “hâu duệ” của chúng quấy rối dân chúng. Bệnh dịch mới Omicron còn lây nhanh hơn Covid, theo tin tức các báo.. Vì thế chính quyền địa phương khuyên mọi người tiếp tục ở trong nhà, tránh tụ họp đông người đề phòng bị lây bệnh . Nếu cần ra đường phải mang khẩu trang và đứng cách xa nhau khoảng 2 mét (social distance) Các con tôi nhắc nhở là dịch cúm thích người già. Tôi mà được chúng viếng thì khó hồi phục sức khỏe như người trẻ tuổi dù đã chích đủ 3 lần vaccine.

Vì bệnh dịch các con thăm hỏi qua điện thoại, quà mang đến để ngoài cửa.Mẹ con bà cháu chỉ đưa tay vẫy vẫy, đứng xa xa vài thước nói chuyện, không vào nhà. Thôi thì cẩn thận cho an toàn trong mùa dịch. Mua thức ăn hay các thức cần dùng các con lo. Mỗi khi đi siêu thị hay hàng quán về là cô cậu thay giày, để thức ăn ngoài nhà xe xong mới vào nhà rửa tay bằng nước ấm và xà phòng, sau cùng là nước khử trùng, thật mất thì giờ.. Đã thế bà chị dâu ở Cali điện thoại nhắc nhở ” dịch cúm chưa hết đâu, em đừng ra phố hay đến chỗ đông người nha.” Từ ngày Cali có dịch cúm đến nay chị dâu chưa ra phố hay đến các siêu thị. Mọi thứ cần dùng các con cháu mua cho chị. Lâu lâu chị lái xe vòng vòng trong cư xá để xe không chết máy nhưng không ghé hàng quán nào cả....

Nghe tiếng chi dâu, tôi nhớ anh tôi vô cùng.Thời gian qua nhanh anh tôi mất thấm thoát đã 5 năm.Vào ngày lễ, gia đình sum họp, tôi càng nhớ anh hơn.Ba tôi mất sớm nên tôi không có nhiều kỷ niệm với đấng sinh thành trừ những tấm ảnh phai màu.

Tôi có 3 anh em và là những trẻ sớm mồ côi cha. Ba tôi mất lúc cô em út của chúng tôi được 6 tháng . Khi em đang còn ở tiểu học thì người Mẹ hiền hậu, dịu dàng của chúng tôi lại ra đi. Vậy là chúng tôi mồ côi cả Cha và Mẹ từ thơ ấu nhưng anh em tôi may mắn được hai bên Ông Bà nội, ngoại thương yêu, chăm sóc. Anh Cả tôi được cưng nhất nhà vì anh là cháu đích tôn lại ngoan ngoãn, chăm học. Anh được ông Nội gởi về thủ đô học trước tiên, rồi lần lượt mới tới các em.

Ông nội tôi là điền chủ và là nhà nho, ao ước anh em tôi được học hành tử tế nhưng thời kỳ loạn lạc, nhà dân bị Pháp rồi Việt Minh đốt phá, trường đóng cửa, bom đạn, phải tản cư, nên anh em tôi đều học hành dở dang, không được như ông nội mơ ước.Tôi tốt nghiệp cử nhân Văn Khoa muộn màng hơn những người cùng tuổi.Thời bình ông tôi hay giúp học trò nghèo học giỏi. Ông đã giúp người học trò sang Pháp du học và trở về nước khi có bằng Tiến sĩ Luật Khoa. Ông này cám ơn Nội nhiều lắm.

Có lẻ nhờ phước của ông Nội nên khi hồi cư tôi đã quá tuổi thi vào trường công và phải học trường tư. May mắn có nhà hảo tâm ẩn danh đóng tiền trường cho tôi mấy năm.Tôi chẳng biết ông là ai và có lẻ ông cũng chẳng biết tôi, chỉ xem danh sách ai nghèo và học khá thì cho học bổng. Ông bà chỉ đóng tiền trọ và khỏi tốn tiền trường cho tôi. Anh Cả là học sinh Petrus Ký, em gái học trường nữ Trung học Gia Long, riêng tôi là học sinh tư thục, vừa tốn kém vừa quê với bà con nhưng anh Cả an ủi là tôi may mắn so với các chị em còn kẹt lại hậu phương, cha mẹ chưa hồi cư để trở lại học tiếp tục. Anh Cả như thế đấy, luôn khuyến khích cho các em vui vẻ, lên tinh thần

Vào thời gian ấy lợi tức hai bên Nội và Ngoại tôi không còn sung túc như trước. Ruộng vườn bỏ hoang không người cày cấy, nhà nông như chủ đất đều bỏ nhà, bỏ ruộng tìm nơi khác ở tạm cho đến khi bình an trở lại. Em gái yêu thương của tôi thi đậu vào trường nữ Trung Học Gia Long, rất tốn kém vì ở em nội trú.Tuy không tốn tiền học nhưng tháng nào anh Cả cũng đóng tiền ăn, ở cho em ngoài tiền quần áo, sách vở. Nếu chẳng may em ốm đau, anh lại trả tiền bác sĩ và thuốc men. Đã nghèo mà có lần em bệnh phải nằm bệnh viện. Anh Cả trả tiền bệnh viện và dấu Nôi vì sợ ông bà lo.

Lúc em gái học Trung Học Gia Long, anh Cả đã đi làm có tiền. Anh còn quan tâm tới hạnh kiểm các em, gửi thư đều đặn , nhắc nhở việc học, chỉ bảo cách cư xử ở đời, mong các em tránh các cám dỗ phù phiếm, xa hoa nơi đô thị... Anh khuyên chúng tôi nên đọc sách nhiều, chăm học, tránh các bạn xấu... Anh thích đọc sách và viết thư hay, cảm động lắm. Mỗi lần được thư anh tôi khóc vì thương và nhớ anh. Anh thường kèm, nhắc nhở các em làm bài, học bài khi anh còn ở nhà. Nêu có ai đọc được những bức thư ấy, người ta có thể nghĩ đó là những thứ của một bà mẹ hiền gởi cho con gái. Khi đám cưới các em dù anh làm việc xa đi đường nguy hiểm vì hay bị Việt Minh giật mìn, đắp mô nhưng anh vẫn về tham dự và trở lại nhiệm sở ngay hôm sau.

Ông bà muốn anh lập gia đình nhưng anh cứ chần chờ, sợ có gia đình không thể chăm sóc giúp đỡ các em được nữa. Không những thế, anh còn gây dựng gia đình tốt đẹp cho các em. Các cậu trai bị anh kiểm tra cẩn thận trước khi anh cho phép các cậu được làm em rể. Anh vừa là anh mà cũng vừa là cha, là mẹ của các em. Ông bà rất mừng khi anh lập gia đình. Chị dâu chúng tôi là cô giáo, một phụ nữ biết chiều chồng, khéo nuôi con, có lòng với các em chồng. Tôi xin cám ơn người chị dâu đảm đang đã đem lại cho anh tôi những ngày tháng hạnh phúc khi anh khỏe mạnh, tân tâm chăm sóc lúc anh đau ốm.

Lúc sinh tiền anh thường nói không ngành nghề nào cực cho bằng các quân nhân và cảnh sát, các lính cứu hỏa. Lúc cần họ là những anh hùng, dám hy sinh tình mạng để cứu người. Quân nhân ngày đêm giữ gìn đất nước, chống xâm lăng, đóng quân nơi xa xôi hẻo lánh, xa nhà hàng vạn dặm. Vợ sinh em bé, con tốt nghiệp, gia đinh có việc mừng vui cưới xin chưa chắc được phép về nhà tham dự nếu đang hành quân hay tình hình bất ổn. Lúc chiến tranh cái chết luôn kề cân, có thể ra đi bất cứ lúc nào hay bị thương tật làm gánh nặng cho cha mẹ vợ con ...

Cảnh sát cũng nhọc nhằn nhiều trách nhiệm, giữ gìn an ninh trật tự cho hậu phương, bảo vệ dân lành, chống kẻ xấu, gian tham, trộm cướp. Đêm hay ngày nếu có xe cảnh sát chạy lòng vòng các khu phố nhất là các nơi kém an ninh là dân chúng an tâm nhiều lắm.Thiên tai, hỏa hoạn đều có cảnh sát hiện diện để giúp người bị nạn. Có lẻ quý độc giả còn nhớ Tháp Đôi World Trade Center ở Nữu Ước bị không tặc dùng bom phá hoại ngày 11/9/01 làm cháy và sụp đỗ cả hai tòa nhà, hơn 3000 người thiệt mạng, cả ngàn người bi thương.Tai nạn khủng khiếp ấy có 71 sĩ quan cảnh sát (police officers) thành phố Nữu Ước và New Jersey đã hy sinh, vĩnh viễn rời bỏ gia đình, đồng đội, xa lìa người thân, 35 vị bị thương theo Bách Khoa Toàn Thư. Biết nguy hiểm nhưng với tinh thần trách nhiệm họ đã dấn thân. Tháng 5/2020, kẻ xấu đã bắn sĩ quan cảnh sát hồi hưu khi ông muốn bảo vệ tài sản dân lành, không cho kẻ xấu cướp của dân. Hằng ngày trong đời thường nếu chẳng may gặp tai nạn, cảnh sát là người gọi xe cứu thương đưa nạn nhân đến bệnh viện nếu nặng, bắt kẻ gian nếu họ bẻ khóa, xâm nhập gia cư bất hợp pháp. Là người Mỹ gốc Việt tôi cám ơn nhân dân, chánh phủ, quân nhân, cảnh sát Hoa kỳ nhiều lắm. Ở đâu có sự hiện diện cảnh sát là tôi an tâm vì cảnh sát là bạn của dân, là khắc tinh kẻ tôi phạm.

Tôi nhớ anh Cả tôi và những lời nói của người về các ông cảnh sát, quân nhân. Cảnh sát mãi mãi là bạn tốt cho dân lành. Tôi xin cầu nguyện cho những người “bạn dân”, cho nhân loại được bình an, nhà nhà vui vẻ...Tôi cũng ước mong dịch cúm sớm tiêu diệt, kinh tế phục hồi, dân chúng Việt Nam và Cờ Hoa sống trong truyền thống tốt đẹp, yêu thương, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Trong dịch cúm dân Hoa kỳ đã tặng thực phẩm, khẩu trang cho người nghèo hay người già neo đơn, thiếu thốn ở Hoa Kỳ, tặng thuốc vaccine ngừa bệnh cho các nước nghèo. Ngoài ra tôi ước ao dân chúng Hoa kỳ hợp tác với chính quyền, chích ngừa dịch cúm, không tụ họp đông người theo khuyến cáo các cơ quan y tế để bệnh dịch không lây lan sang người khác làm tốn tiền bạc, thì giờ và tính mệnh dân lành.

Bên ngoài tuyết còn đọng trắng xóa trên cành cây sân cỏ do trận tuyết đầu mùa cách đây vài ngày, vài ba con nai ngơ ngác thơ thẩn nơi sân sau. Chúng không biết lạnh?

Ngọc Hạnh

Thứ Sáu, 7 tháng 1, 2022

Khi Em Đến Tìm Tôi - Thơ Phan Khâm - Nhạc Trần Đại Bản

 
Thơ: Phan Khâm 
 Nhạc: Trần Đại Bản
Tiếng Hát: Đông Nguyện

Tôi Đi Từ Cõi Vô Thường


Tôi đi từ cõi vô thường

Băn khoăn từng mỗi đoạn đường bước chân

Mơ hồ thân thế thế thân

Bận lòng đôi chữ thơ trần thế đau

 

Mang thân cát buị dãi dầu

Nắng mưa sương gió biết đâu võ vàng

Ân tình mấy thuở xốn xang

Sông này bến nọ muộn màng chân đưa

 

Áo thơ kim chỉ thêu thùa

Lên non xuống biển mấy mùa gió mây

Chỉ là bọt biển sóng đầy

Trăm năm nặng một vai gầy sớm hôm

 

Năm đi tháng lại vui buồn

Bôn ba ngang dọc hơi mòn lắm khi

Bâng khuâng từ thuở non thì

Trắng tay từ thuở hàn vi đến giờ

 

Thơ hoa như đã trang thừa

Tròn câu thương ái gió mưa đẹp lòng

Tình đời nay đục mai trong

Tình thơ như đã vô cùng tơ duyên

 

Nâng niu chữ hậu chữ hiền

Chữ Tình chữ Nghĩa nỗi niềm riêng tư

Tôi cùng em một cõi thơ

Không danh không lợi giấc mơ tuyệt vời.


12/2/2021

Hoa Văn


Thuyền Ai?


Thuyền ai lướt sóng dưới trăng tà
Giữa đêm sương lạnh cuối trời xa
Phải chăng thuyền của người tình cũ
Tìm đến bến này đón rước ta
Tái ngộ sau bao năm xa cách
Để cùng hát trọn bản Tình ca?

Người ơi, gặp lại làm chi nữa
Mái tóc đôi ta bạc hết rồi
Hãy chôn kỷ niệm vào dĩ vãng
Ta chỉ còn là cố nhân thôi.


2022
Trần Công/Lão Mã Sơn

Uống Trăng Hàn Mặc Tử - Drinking The Moon

 

Uống Trăng

Bóng hằng trong chén ngả nghiêng,
Lả lơi tắm mát làm duyên gợi tình.
Gió đùa mặt nước rung rinh,
Lòng ta khát tiếng chung tình từ lâu.
Uống đi cho đỡ khô hầu,
Uống đi cho bớt cái sầu miên man.
Có ai nuốt ánh trăng vàng,
Có ai nuốt cả bóng nàng tiên nga

Hàn Mặc Tử
***
Drinking The Moon


The moon throws her shadow in the wine glass
To take her lascivious love-inducing bath.
The wind playfully ripples the water
Leaving my heart to thirst for love.
Let us drink to soothe and soften our throats
Let us drink to lessen the pervasive gloom.
Is there one to gulp the yellow moonlight
Along with the reigning moon queen?

Translated by Thomas D. Le

24 February 2008

Đông Ơi Đừng Vội


Lìa cành lá rơi
Thu qua mất rồi
Đông buồn sắp về
Hồn nghe tái tê

Đông ơi chậm thôi
Ta đang vẫn ngồi
Bên dòng nước cạn
Nghe chiều nhẹ trôi

Mây bay lững lờ
Thu buồn hắt hiu
Trời chiều dịu êm
Ta ngồi đợi đêm

Xa xa tiếng chuông
Nghe thăm thẳm buồn
Con chim lẻ loi
Nhìn quanh ngó quanh

Thu chưa muốn đi
Đông buồn vội về
Ta ngồi đợi mưa
Nghe cơn gió đùa....

PhamPhanLang
2/12/2020

Gã Biết Chữ Nhưng Chữ Không Hề Biết Gã


Ai chả hay biết làm văn phải có chữ. Chỉ một dúm chữ không thôi, chỉ phảy vài nét mà túm tó được thần thái, lột được hết hồn vía của con chữ. Thế mà gã không hay. Đèo bòng thêm gã mắc bệnh từ ám, mê muội với con chữ. Mỗi lần gã đi tìm chữ,...chữ lại làm như không có mặt trong cõi nhân gian này.
Vì thế gã vật lên cái tục tên: gã biết chữ nhưng chữ không hề biết gã.
Bởi đau đáu với văn chương, gã phải đi tìm ông dế mèn để mót chữ.

Gã ghé quán bia hơi ở phố Huế mà ông dế mèn gọi là “bia bơm”. Ông thường ngồi ở đấy lăn tăn chê nhiều người viết văn bây giờ thiếu chữ và dùng chữ rất ẩu. Làm văn thì phải học chữ. Tạng tiếng Việt ta có chữ “ăn nằm” rất hay, tránh nói thô. Cờ nhà chùa phải gọi là cờ “điều” chứ không phải là cờ đỏ, sơn đen phải gọi là sơn “then”, quần đen phải gọi quần “thâm”. Gã đến quán không gặp.

Tới nhà, gã gõ cửa và hỏi:
- Có ai ở nhà không?
Tiếng ông dế mèn vọng ra:
- Đi vắng rồi.
Thế là gã tìm ông ấm đất để kiếm ông dế mèn

Ghé quán nhậu văn chương bên vỉa hè, mắt gã đảo tít như rang lạc thì gặp ông thật. Trước mặt ông ấm đất là một đĩa lạc rang, một chai cuốc lủi và một đĩa tiết canh chó. Ông luận đĩa tiết canh đánh giỏi là “tiết canh xâu lạt” treo lên giây phơi quần áo ở sân.
Gã um thủ tiết canh xâu lạt treo để làm gì. Ông mắng gã như vặt thịt:
- Cậu làm văn mà sao ngu thế! Làm văn phải biết quan sát. Làm văn tức là kể một câu chuyện. Trong quá trình kể, có rất nhiều tình huống, nhiều chi tiết vụn vặt như đĩa thịt chó với rau thơm là… lá húng chó, là lá mơ mà trong Nam bộ gọi là…lá thúi địt

Rồi ông hỏi gã vác xác đi đâu thế. Gã thưa tìm ông dế mèn, tới nhà không gặp nên mò tới đây. Ông cười lủng lẳng:
- Ông dế mèn nói đi vắng vì ngỡ cậu đến ve con gái ông ấy đấy.

Gã bí rị muốn viết truyện ngắn, mà bí ngô, bí khoai. Ông bổm bảm:
- Giả sử cậu bảo tôi viết về ‘’Rượu’’. Thế là sẽ có truyện ngắn với nhan đề ‘’Cái chai’’. Hình ảnh sinh động làm nên tư tưởng, chứ không phải tư tưởng tạo ra...cái chai.

Ực cốc cuốc lủi một cái tót, chống cái ba toong, ông búi bấn:
- Hay nhất là đi thực tế trại bồi dưỡng sáng tác Quảng Bá gặp ông dế mèn đang dậy văn ở đấy. Mỗi người một khác: Tôi viết ký. Ông ta viết truyện ngắn.

Móc cái Iphone 12 bấm số ông dế mèn. Máy kêu tít tít. Vì hoài bão chết tiệt, vì túng bấn chữ để hóng cái viết, gã đèo ông ấm đất đi tìm ông dế mèn.

***
Đang phóng nhanh, gã biết chữ nhưng chữ không hề biết gã giảm tốc độ con @ còng, vì phía trước có ông chăn bò ngồi bên vệ đường. Gã thắng xe lại. Ông chăn bò vểnh vành nón lên nhìn, hai con mắt sắc lẹm, hiện rõ sự cân nhắc. Ông ấm đất nhận xét mắt như thế gì cũng biết, không gì qua mắt được, ông ấm đất hấm húi với gã: “Ấy là ánh mắt ông dế mèn”. Ông chăn bò gọ gạy hỏi: “Tìm ai đấy” - “Tìm ông dế mèn... nhà văn.” - “Mua văn à?” - “Không, chỉ học văn thôi” - “Đất nước ta nhiều trại văn để học lắm, Trại sáng tác văn học Đồ Sơn này, Trại dậy văn Tam Đảo này…”. Gã hỏi: “Vậy trại bồi dưỡng Quảng Bá ở đâu?”. Ông chăn bò chỉ về phía xa xa: “Đấy, một dãy xanh xanh tre lá ấy”.

Ngồi sau lưng, ông ấm đất vừa xỉa răng vừa nói chuyện nhậu văn chương:
- Ông dế mèn bảo viết văn chả khó gì, na ná như mổ lợn. Thao tác chính là lọc phần thịt, để trơ ra phần cốt tức cái nội dung của tác phẩm. Tính sáng tạo viết lách chẳng qua là sự nấu nướng những gì có sẵn thành một món ăn mới. Đó là một quá trình dàn dựng sự kiện nhân sinh vào một mâm cỗ ngôn ngữ. Nếu văn chương bị bày biện vụng về trên các mâm cỗ quá tràn ngập đồ ăn chưa được nấu, sống sượng. Sự tiêu hóa của người đọc sẽ bị ngộ độc hay bội thực. Cái dở của văn chương ta là nhiều chữ quá mà chẳng nói lên được điều gì. Ẩm thực là một quá trình văn hóa chuyển hóa từ nấu nướng là thịt, là cá, là gạo và bày biện món ăn với thật nhiều gia vị.

Như cậu biết đấy, người Bắc chuộng văn, người Trung làm thơ, người Nam viết báo. Người Bắc viết văn mang cái bệnh đểu, sâu sắc, ẩn dụ, bóng gió, nói cay, nói đắng, lấy cái gia vị của gừng, của ớt làm cái ngon miệng. Vì thức ăn chả có gì, như một chén cơm sống trộn tỏi với nghệ. Vậy mà người đọc cứ ào lên khen hay.

Gã rồ máy, để lại một làn khói vẩn vơ trên khóm mai vàng. Gã chợt nhận ra…một dãy xanh xanh tre lá ở phía…sau lưng mình. Bèn bòn mót: “Hỏi lần nữa xem sao”. Ông bơ bải: “Cái thằng mắt sắc lẹm dân Hà Đông đó cũng đếch biết đâu!”. Gã quay xe lại để gặp ông chăn bò: “Xin lỗi hỏi lại lần nữa, trại Quảng Bá nằm phía tay nào?” - “Ban nãy tôi chỉ phía tay nào?” - “Có chỉ tay nào đâu” - “Vậy ư! Vậy thì rẽ tay trái, tay phải cũng tới” - “Làm sao tới” - “Hỏi vớ vẩn”. Ông chăn bò lom lom nhòm con @ còng rồi vạy vọ: “Cứ lội bộ tàn tàn, tìm chiếc xe bò nào đó nhảy lên. Xe bò tự hành không có chủ đâu”. Ông chăn bò nói dón: “Xe bò chở rơm trong làng ra. Người ngoài này đón. Xong, chỉ cần dắt nó đến đầu đường, thả ra, tự khắc nó tự hành kéo xe về lại làng”.

Gã lại phóng xe, chạy gần nửa giờ vẫn không thấy chiếc xe bò. Gã hục hặc: “Thằng cha chăn bò chơi xỏ mình! Em nhớ là...là…”. Gã bỏ lửng câu nói, và hô hoán: “A! có thằng bé cõng em đằng trước kìa, đi hỏi già về nhà hỏi trẻ là chắc cú”.

Ông ấm đất đập đập vai gã và reo lên như ấm nước sôi: “Lũy tre xanh đây rồi”. Gã rẽ xe vào, con đường bê tông dẫn vào làng lũy tre xanh thao thiết như ông chăn bò chỉ. Gã góp nhóp: “Quái. Làng vắng hoe, chả thấy người”. Ông ấm đất nói, giọng chắc nịch, làm như mình đã từng sống ở đây: “Họ đi làm đồng cả rồi. Đây đúng là làng Quảng Bá.” Gã chạy xe chậm lại. Chó sủa vang. Chúng phóng ra cả đàn, nhỏ, to, đực, cái đều có. Ông bảo: “Đi ra ngay khỏi làng. Nhiều chó quá! Mà tôi lại ghét chó, nhưng tôi lại thích…chó luộc” - “Bác chỉ em đường ra nào?”.

Nghe thủng rồi, Ông ấm đất nói một câu tròn vành rõ chữ:
- Tôi chịu ông dế mèn dậy văn trên mặt bằng văn học chính quy. Ông đăng đàn phát biểu: Người viết nào cũng tìm cách tiến từ truyện ngắn sang truyện dài. Dừng lại ở truyện ngắn, sợ không phải là nhà văn. Họ viết truyện dài như phóng ngựa chạy, chẳng rõ mặt mày gì cả. Nhưng viết dài một chút, độ ba trăm trang trở lên, tôi cảm thấy có những phần đã phải độn rồi. Độn, lấy cái nọ đỡ cho cái kia, kéo nhau đi. Mệt!

Ông dế mèn thích truyện ngắn. Ông cho rằng truyện ngắn là một thể văn tập cho người viết, viết từng cái ngắn là vừa sức hơn cả. Chỉ với truyện ngắn, là nơi người ta có thể thử tìm phong cách cho mình. Người ta mới biết tận dụng từng câu, lo săn sóc từng chữ, rèn luyện đến việc dùng từng dấu phẩy, dấu chấm.

Chạy một thôi một hồi gã cũng đuổi kịp thằng bé cõng em. Thằng bé khoảng mười tuổi, đen nhẻm, đang địu đứa em thò lò mũi xanh. Gã giật mình vì con mắt thằng bé ma mãnh như ông chăn bò. Gã rà rà xe lại và dọ dẫm: “Ông chăn bò là gì với cháu?” - “Không biết” - “Thế cháu biết gì?” - “Bò”. Gã ớ ra vì ông dế mèn viết chuyện loài vật như bò chẳng hạn. Vậy là có “liên hệ” với ông dế mèn rồi, nên gã hỏi tới nữa: “Thế cháu biết ông dế mèn không?” - “Nhiều dế mèn lắm, mùa này bắt không xuể” - “Dế mèn viết văn ấy mà” - “Văn ở đây cũng nhiều như dế”. A! Thằng bé này cũng biết…văn chữ như gã, nên gã chắc như cua đinh là con ông dế mèn.

Gió hiu hiu, giữa sự dằn dỗi của trời đất, ông ấm đất đùn chữ:
- Ông dế mèn có lúc chủ trương viết những truyện không rắc rối. Hay nói khác đi là truyện chẳng cần có cốt truyện. Và viết càng nhạt càng hay (sic), có lần ông nói với tôi như thế. Nhưng đừng quên, đừng viết theo thị hiếu của người đọc mà bắt họ đọc những gì mình viết. Phải hé lộ những điểm thắt nút, gợi mở những gì sắp sẩy ra, những chi tiết tinh tế. Viết sao cho người ta đọc văn mình, đọc đi đọc lại, vẫn thấy hay. Có truyện đọc lần đầu hay. Đọc lại không thấy hay nữa. Văn phải đọc đi đọc lại…Cứ theo Nguyễn Công Hoan: Viết truyện tức là bịa. Nhưng phải dựa trên chuyện có thật, thật quá thì khô cứng nên phải hư cấu. Hiểu theo Nguyễn Công Hoan là…bịa như…thật.

Đột dưng ông bịa như thật và chỉ gã: “Có lão hót phân kia kìa”. Gã hom hõm dòm lão hót phân quấn khăn đầu rìu, quần sắn móng lợn, quang gánh đôi thúng. Tay cầm cái xương háng trâu, háng bò ắt để hốt phân. Thế nên gã chắc mẩm lão đây người làng Cổ Nhuế ở Hà Đông cùng quê với ông dế mèn phiêu lưu ký lưu lạc tới đây. Gã táp xe lại: “Bác cho hỏi thăm nhà ông dế…” - “Dế nào?” - “Dế mèn có râu ấy” - “Nói thối inh, dế nào mà chẳng có râu” – “Râu dế để ngo ngoe gáy đó” – “Đúng rồi, dế này có râu nhưng cạo nhẵn thín rồi” - “Sao vậy” – “Phát tâm Bồ đề đi tu” - “Đi tu?” – “Tu hú thì có” - “Tu chùa nào?” - “Chùa Một Cột.” - “Chùa Một Cột ở đâu?” - “Ai biết đó là đâu!”.

Bị ám ảnh đi tu với tu hú, gã ngước mặt lên dòm thấy có con tu hú thật. Nó có hai con mắt to như đeo kính lão, giống như con đà điểu lưng còng đang đậu trên ngọn tre.

Nhìn theo lão hót phân đi trên con đường làng, ông ấm đất gọ gạy:
- Ông dế mèn một lần nói với tôi dễ hiểu như tiếng Việt trong sáng. Sao cứ bịa ra những chữ khó hiểu: Ông ta rất chú ý học chữ. Ông phân biệt “mồm” với “miệng”. Nói “miệng” sang hơn nói “mồm”. Nhưng mồm miệng thì lại khác. Chữ như cái búa. Không có chữ, không tạo ra hình ảnh đập vào đầu người đọc. Cuối cùng phải tìm từ, một bài viết hay là có được một hai từ “đắc địa” nói lên được cái tâm địa của mình. Đó là cái thần của bài viết.

Gã lái xe về hướng mặt trời, vì bị chói mắt nên chạy lạc bu nó mất. Ông ấm đất nhắc khéo: “Nhớ rẽ trái, rẽ phải như thằng chăn bò chỉ nhá”. Gã lại nổ máy xe, rẽ trái, rẽ phải. Gã lau mồ hôi trán: Ông lại nhắc: “Rồi cũng ra khỏi làng thôi”. Bỗng không ông ấm đất cười cục cục như con gà trống về chuyện ông dế mèn:
- Ông ta bia rượu, gái ghệ chẳng kém ai, có 7 con. Vợ cứ đẻ sòn sòn. Tôi thì rất ghét người đẻ nhiều, vô kế hoạch. Đi đâu ông cũng tuyên truyền sinh đẻ có kế hoạch. Tôi bực với ông ấy: “Sao đẻ lắm thế?”. Ông ta có câu trả lời rất lạ: “Sướng con cu mù con mắt”. Rồi cười nhạt nhách: “Vì vợ tôi nó xấu”. Tôi không hiểu được ý ông muốn nói gì. Ông dế mèn lại hay đánh vợ. Quái thật! Chả lẽ vì vợ ông ấy…xấu! Hỏi ra ông ấy tống cho một câu gọn lỏn: “Ông không biết chứ đánh vợ xong, nó chiều mình lắm”.

Gã thêm một đận nữa thì chui tọt vào nghĩa địa...

Nỗi buồn chạm mặt là gặp một bà đang vái lấy vái để ngôi mộ mới đắp. Dựng xe, gã nắn no: “Vợ ông dế mèn chôn ở đâu” - Bà vỗ trán: “Chết thật rồi hử”. Và dóng dứ: “Không biết ông ta học ai chữ như...cái búa. Ông búa vào đầu vợ chết tốt”. Bà lây dây: “Mà hỏi làm khỉ gì vấy”. Ông nói nhỏ: “Rõ dở hơi, có chỗ chôn cũng giấu như mèo giấu cứt”. Gã cãi nhắng: “Vợ ông dế mèn chưa chết, biết mộ đâu mà chỉ”. Ông cười tít: “Cậu làm văn mà sao ngu thế! Làm văn phải biết quan sát. Cậu không thấy bà ta xấu lắm à”.

Ông có cái cười khinh đời, khinh mạn. Cái cười của ông không phải cười, mà chỉ là sự nhăn răng, nhăn nhó. Đột dưng ông ấm đất nhũn não:
- Trời phú cho ông dế mèn có khả năng sống trong nước đục, sống giữa những cái nhờ nhờ, tối tối mà vẫn sống được. Giữa đời sống, ông ta xoay sở có chục khuôn mặt khác nhau, táo tợn một cách kín đáo, để ý từng tí một, tinh tế trong những cái vặt. Trong văn nghiệp, ông nhẩn nha kể mọi việc, ghép chuyện nọ với chuyện kia, không thuyết phục ai, ấy thế mà lại đọc được. Cái chất văn của ông nó nằm trong một cái gì ẩn dưới chữ nghĩa. Truyện ông viết sau 1975 là chỗ sắc sảo, lọc lõi, nhất là sau 1986 với hồi ký mới thực sự là ông dế mèn với: Chiều chiều, Cát bụi chân ai, Ba người khác...

Vừa lúc bà đi về, gã biết chữ nhưng chữ không hề biết hỏi với: “Đây có trại bồi dưỡng Quảng Bá không” - “Không có trại, chỉ có làng thôi” rồi quay ngoắt đi. Gã lạc quan thấy rõ: “Dám cái nghĩa địa này là trại bồi dưỡng sáng tác lắm ạ”.

Bỗng có tiếng chó sủa vang. Cả đàn, nhỏ, to, đực, cái đều có, chúng đang theo bà đi về làng, ông ấm đất cười lăn tăn: “Thôi, quên cái trại dấm dớ ấy đi. Giờ tôi phải vào…chùa kiếm đĩa thịt chó cái đã...” rồi thả bộ theo đàn chó vào làng.
Gã nổ máy xe. Đám gà tre trong mấy cái mộ đất giật mình nhao lên một lượt kêu “tác…tác…”. Nhưng con @ còng lại kêu “tít…tít…”, và…tịt. Chắc vì hết xăng!

***
Gã biết chữ nhưng chữ không hề biết gã rời nghĩa địa…

Trời đất ánh lên những tia hấp hối của ngày nhưng chưa chịu…chết lịm. Cuối cùng xuất hiện một đốm đen cuối đường: một chiếc xe bò. Đúng là xe bò chở rơm trong làng ra như ông chăn bò chỉ và…chỉ cần dắt nó đến đầu đường, thả ra, “tự hành” nó về…Hà Nội. Gã đu lên nằm ngửa trên sàn xe và nhìn trời. Nao nao buồn tênh. Gã giơ tay vẫy vẫy chào…mấy cái mộ bia. Và nói lớn: “Chào!”

Đoạn gã hôn “chụt” vào bàn tay mình rồi quăng bàn tay ra xa...

Gã nghe thoảng mùi hương tàn khói lạnh. Trên sàn xe lung linh một bó nhang đỏ kệch cắm vào cái loong sữa bò. Gã nhẩm chừng chiếc xe bò từ nghĩa địa đi ra ắt là xe tang chở quan tài. Vì chả có rơm, rạ quái gì sất. Gã học ông ấm đất phải biết quan sát. Vừa lúc ông đánh xe bò quay lại bật quẹt, lúi húi che gió hút thuốc. Gã sững người vì hai con mắt sắc, sắc lẹm. Gã chợt thấy gần gũi với ông này vì ông trông ma lắm, ma đến tận xương thịt. Mà ma sống cao tay không biết sợ người là gì nên có mắt ở mọi nơi, ma dám ở trên xe bò lắm a! Cái quẹt nháng lửa. Gã bắt gặp đôi mắt ve vé, nhỏ, dài và hẹp của ai đó.…Bất giác gã nhành mồm ra la toáng lên: “Ông dế mèn…”.

Ông vẫn cái tật hấp háy mắt:
- “Hà…hà…chú bảo không ma sống sao được. Sau vụ Nhân văn, tội tôi còn to bằng mấy tội bọn ấy, thế mà chúng nó đều phải đi cải tạo tận Lào Cao, Yên Bái. Còn tôi cứ ở Hà Nội làm đến bí thư đảng uỷ Hội Nhà văn. Phải là ma để mà sống chứ!.

Ông dế mèn đốt thuốc, gương mặt lập lòe di ảnh. Ông hỏi: “Đi Hà Nội?” – “Vâng” - “Đi làm ăn?” – “Thăm bạn” – “Phố hay ngõ?” – “Phố” - “Đến đâu?” – “Trường dậy văn Nguyễn Du”. Ông tháo ống cống: “Trước tôi dậy ở đấy”. Ông hong hanh mắt: ‘’Dậy khỉ gì”. rồi hỏi gã: “Chú tới trường mấy lần rồi?” – “Lần này là lần thứ một trăm lẻ một” - “Hà…hà…Vậy là có ghệ ở đấy rồi” - “Không ghế không ghệ, em đi thăm ông bạn văn để ăn thịt chó, uống rượu cuốc lủi” – “Ai vẩy” – “Ông ấm đất”.

Con bò bước từng bước một. Xương hông nhô lên. Đầu cúi gục. Ông dế mèn trườn tới vỗ vào mông. Thuận tay lấy chai bia hơi và nói:
- Vậy hả! Vậy thì chú hãy coi chừng. Cáo cụ đấy. Ông này thì tôi biết quá! Rất khó chơi, rất kiêu ngạo, ngông nghênh quá lắm. Không bao giờ nói yêu ai, mến ai bao giờ. Ghét ai thì ghét ra mặt, nói thẳng, nói công khai. Tôi nói thật đấy…Đấy!”.

I xì như ông ấm đất gầm ghè hồi nãy, là ông dế mèn sống giữa những cái nhờ nhờ, tối tối nên để ý từng tí một, tinh tế trong những cái vặt. Ông khẽ đánh mắt một cái …
- Hà…hà…chú không biết chứ…chứ ông ấm đất yêu ai, quý ai không thích nói ra, nhưng ghét ai thì nói thẳng không chút dè dặt. Những người ông ghét khá nhiều, ấy là: Như Phong, Chế Lan Viên, Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan, Vũ Đình Liên. Như Phong chết rồi, ông còn gọi là thằng mặt lợn.

Qua ông, tôi biết ông rất quý Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nhưng ghét Vũ Đình Liên:
“…Tôi ghét cái anh Vũ Đình Liên. Tôi biết hồi trước anh ta có chơi bời gì đâu. Thế mà cứ nói dối là ngày xưa tôi cũng chơi bời cô đầu, cô đít, ra vào tiệm ăn, tiệm hút. Hay ho gì cái đó mà cũng phải nói dối, cứ “hư cấu” làm gì…”.

Được thể ông dế mèn kể chuyện cô đầu, cô đít:
Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương và tôi kéo nhau lên xe lửa làm chuyến giang hồ suốt cả tuần lễ. Vũ Hoàng Chương khi đó đang làm xếp ga nhưng vẫn bỏ việc đi chơi. Ở Bắc Ninh, Vũ Hoàng Chương đưa cả bọn ghé nhà cô đào hát có tiếng tên Tuyết Lành ở phố Niềm. Tối hát, ngày ăn bún ốc trừ cơm. Rong chơi ngày này qua ngày khác. Từ nhà hát cô đầu, sau này Nguyễn Bính qua người con gái ấy với chuyến đi định mệnh có câu thơ rồi đây sóng gió ngang sông, đầy thuyền hận, chị lo không tới bờ

Vui chuyện, gã biết chữ nhưng chữ không hề biết len chân vào chuyện là gã đang học chữ. Chữ đuổi bắt nhau, vật lộn nhau ngay trước mắt nhưng gã không hề thấy. Ngược lại, người ta nghe, người ta ngửi thấy chữ. Làm như những con chữ có thể bốc lên, tỏa ra. Nghe có hơi. Người ta gọi là hơi chữ. Gã thú thật chả là gã đang tập tễnh viết ký nhưng chữ nghĩa, văn vẻ cứ như có hơi,…có mùi thum thủm sao ấy.

Ông dế mèn ngửa cổ chai tu…chai bia hơi, khà một cái…
- Vậy thì chú cứ viết ký như ông ấm đất đi. Có người hỏi ông làm thế nào để viết ký cho hay, không nhạt. Ông ấm đất cho rằng phải có vốn văn hoá, vốn kiến thức. Kiến thức lịch sử, địa lý. Viết văn học sử thì không phải cứ có tài liệu nhiều là đủ. Phải viết có hồn. Có tài liệu và có hồn.

Còn bọn mới thì chả có tài liệu gì, cứ phóng ý ra thôi. Rồi vận dụng các ngành nghệ thuật. Mà nói chung nghệ thuật nào chẳng phải vay mượn nghệ thuật khác để thể hiện. Như không chỉ tả mặt mà còn tả cái gáy, cái vai, tả người cúi xuống, cái mông cong lên, bóng lên, là vô tình đã phải vay mượn anh điêu khắc rồi.
Ông hươu nhiều lắm. Lâu lắm... Gã không nghĩ mình ngủ trong lúc…mở mắt, vì thấy xe bò đang xuống dốc. Phía sau những mái nhà dường như đang im ngủ như gã.

Ông vẫn khề khà nói chuyện với chai bia hơi:
- Lại có người nhận xét ông ấy viết tùy bút lan man, trộn lẫn thời gian không gian, chuyện này xọ qua chuyện kia, không phải không đúng. Nhưng kể chuyện là lan man vì bài văn đâu phải bản báo cáo mà phải có các mục 1, 2, 3. Cũng không phải bài thơ Đường luật có đề, thực, luận, kết....Lan man là hiện tượng. Nó không có hại gì về bố cục. Viết tùy bút đưa ra kết luận rõ ràng, dứt khoát. Có cách viết không kết luận, để tự người đọc kết luận lấy. Tôi thích lối thứ hai này của ông ấm đất. (xem kết cấu cuối ta 7)

Vẫn theo ông ấm đất: Viết văn tức là kể một câu chuyện…Nhưng người kể chuyện không nên có giọng điệu giảng giải, không nên hướng dẫn cho độc giả. Mà cần tôn trọng sự thông minh và khả năng thẩm thấu tác phẩm theo cách riêng của họ. Bằng cách người viết phải viết một cách thông minh hơn mình…thông minh.

Cái đầu gã gật gù theo nhịp xe. Xe chạy vặt. Gã chập chờn để cái đầu lóc cóc theo bánh xe bò. Chán. Chấm hết. Gã suýt bật tiếng thở dài. Ông mang cái điếu cày ra hút. Hai bàn tay ông khum lại, be chặt đốm lửa và ve ve mắt liếc sang gã. Gã giật mình, khép vội mắt lại. Chó dại từng mùa người dại quanh năm, bỗng không gã buột miệng nói ông ấm đất đang chiếu trên chiếu dưới ở trong làng với con khoang, con mực.

Thế là ông dế mèn lêu bêu về ông ấm đất với chiếu hoa một cõi:
- Vậy sao! Ông ấm đất khí khái và khảnh ăn lắm. Nhưng không tạp uống. Như một lần đến đồi Kim Tân có một hàng miến gà. Xe dừng lại để ăn trưa. Ông không ăn, tuy tôi đã bảo nhà hàng làm cho một bát miến gà đặc biệt. Hồi chiến tranh chỉ có loại miến làm bằng bột đao, vào thời ấy, thế là đã sang lắm rồi. Ông lấy trong túi ra gói cơm nắm, xắt ra mấy lát, ăn với ruốc. Sau đó lấy bi đông rượu rót ra cái nắp uống. Khi đến nơi, anh em bầy tiệc lớn chiêu đãi. Tôi thấy ông ấm đất không có vẻ mặn gì, ông chỉ gắp vài miếng trứng tráng. Anh em phụ trách sinh hoạt thủ sẵn một chai vang ngoại đợi ông thì đưa ra. Trông thấy chai vang, ông ấm đất nói: “Rượu đàn bà, uống làm gì”, lại lấy bi đông rượu rót ra cái nắp. Chất cổ điển là ở chỗ đó. Tôi nói thật đấy…Đấy.

Gã vén mắt thấy cái điếu cày gật gù theo đầu con bò. Cuối cùng, gã ngủ nốt. Một giấc ngủ khô. Trong gió thoảng, gã nghe có mùi…phân. Nhỏm dậy thấy chiếc xe bò lùm lùm leo lên Cầu Đơ. Gã ớ ra đây là Hà Đông, quê của ông dế mèn (làng Nghĩa Đô) và ông ấm đất (làng Mọc). Cũng là đất thổ tả của làng Cổ Nhuế với nghề gánh phân. Ấy vậy mà hai ông dế mèn và ông ấm đất…lắm chữ quá thể! Gã mài óc nghĩ không ra.

Bên đường có nhà le lói đỏ đèn qua cánh cửa khép hờ. Ông dế mèn nhảy ra khỏi xe, bước về phía ngôi nhà nọ. Có tiếng chó hậc lên. Ông gõ cửa : “Xin cho hỏi Hà Nội đi lối nào?”. Có tiếng làu nhàu: “Hà Nội nào?” – Và tiếp: “Hà Nội chừng bao nhiêu tuổi?” – “Một ngàn năm”. Ông Hà Nội ba đời uống nước máy nhong nhóng mắt với gã...
- Viết ký, tùy bút phải đọc nhiều như ông ấm đất. Thượng vàng hạ cám, đọc tuốt. Đọc xong phải có cái ý của mình, ghi lại. Có chỗ phải đánh dấu vì hay, để đọc lại. Viết truyện, phải có nhân vật. Nhân vật truyện không bị gò bó trong không gian, thời gian. Ký không bắt buộc phải có nhân vật, hay đúng ra chỉ có bóng dáng của nhân vật. Nên nhân vật không cần có lý lịch rõ ràng. Ký ghi sự việc, ẩn ẩn hiện hiện thoáng một tý hình ảnh một nhân vật nào đó như…ông ấm đất đã từng. Không có tài không viết ký được. Ký là sự việc. Sự việc thì cũng phải có thằng người.

Với đối thọai của người ta. Kịch hỏi khác. Truyện hỏi khác. Văn khác toán. Toán chỉ có một đáp số. Văn lắm đáp số. Ông ấm đất mắng anh phê bình cứ đòi một đáp số.

Đến trần ai khoai củ này, ông dế mèn mắt nhau nháu…ra điều viết ký phải đọc tới nơi tới chốn, thượng vàng hạ cám, đọc tuốt. Ông hỏi gã đã đọc chuyện này chưa và chuyện là ông ấm đất thổ lộ “Sao những anh viết văn theo nhau chết, mà mấy anh phê bình cứ sống mãi”. Theo lời nhà phê bình văn học Hà Nội gần ông nhất viết: “Ba ngày trước khi ông qua đời, tay cầm điếu thuốc lá nhưng không hút, ông ra thêm câu nữa: “Khi nào tớ chết, đốt cho mình vài anh phê bình để xuống cõi âm cãi nhau cho vui”.

Đúng 3 ngày sau ông qua đời thật,…tay vẫn cầm điếu thuốc lá chưa đốt.

Đi thêm chút nữa nghe tiếng chó sủa. Từ xa, có một đốm sáng phát ra từ ngọn đèn treo dưới mái hiên ở căn nhà bên đường. Một người đàn bà đang sàng cái gì đó trong sân. Ông đánh tiếng. Người đàn bà bước ra. Con chó nhũng nhẵng sủa. Ông hỏi: “Phố Trần Hưng Đạo ở đâu” – “Nhiều Trần Hưng Đạo lắm, đợi vào hỏi đã”. Một người đàn ông để ria mép, ngậm píp, cầm ba-toong theo bà đi ra. Bà quay lại nói với ông này: “Có người hỏi thăm ông Trần Hưng Đạo“ – “Ông Trần nào? Tôi họ Nguyễn”.

Gã giật mình, ông đây trông quen quá lắm. Gã dòm kỹ hơn hóa ra là ông ấm đất mới chén thịt chó về. Ông ấm đất đang đờ đẫn cười và to nhỏ với ông dế mèn:
- Ừ thì như ông biết đấy…Chẳng ai có dũng khí được đâu, kể cả Phan Khôi, và tôi. Chẳng sợ rượu vào nói cà khịa, phiền, thế nên tôi đã nói với ông: “Không phải tôi sợ nói sai mà sợ nói đúng mới gay go”. Tôi vẫn được tiếng là ngang bướng. Vậy mà…
Vậy mà lần uống rượu với Đồ Phồn, tôi khóc: “Tôi được như thế này là vì biết sợ”.

Vồ được chữ “sợ”, ông búi bấn với gã:
- “Hà…hà…chú biết tại sao ông ấm đất sợ không?

Không đợi gã ngẫm nguội, ông dế mèn ngay thòng thõng…
- Cả đám kéo nhau từ Hội Nhà văn ra phố gần đấy có quán chả cá, trong đó có Kim Lân, và ông ấm đất. Theo Kim Lân, ông ấm đất vừa quạt chả vừa khoe: “Tôi đã viết xong một cái về phở. Tôi sẽ viết một cái nữa về chả cá”. Vì Tùy bút phở ông bị tai họa, bà chả cá bảo ông: “Cứ im im mà ăn nhá. Thiên hạ người ta ăn chán ra, ăn bao nhiêu cũng chả sao. Ông ăn được mấy tí mà đã bị kiểm điểm. Rõ khổ”. Theo Kim Lân, ông mang cái vạ vịt vì…ngòai phở vịt, phở ngan, phở ngỗng, phở thịt lợn, đến phở không có thịt, sau ai đấy thêm vào phở không người lái nên ông ấm đât mới bị kiểm điểm.

Ông dế mèn táp vào gốc cây bên đường vẩy vẩy làm một bãi thật to. Xong, trở lại xe. Ông hỏi gã: “Chú ngủ ngon không?”. Mắt dòm xa thấy một ngã ba, không biết rẽ trái khúc nào, gã thấy ông rối như gà mắc tóc, nửa như nói một mình, nửa như hỏi: “Đây là đâu ta?”. Tất nhiên gã biết chữ nhưng chữ không hề biết gã…không biết. Ông dế mèn lấy chai bia hơi quay trở lại với ông ấm đât. Cả hai cùng ngồi xuống gần rặng chuối bên hè. Ông ấm đất tay cầm chai cuốc lủi, tay vỗ vỗ đầu con chó nằm cạnh. Ông cười khặc một cái như chó khạc xương và nói với ông dế mèn: “Tôi từng được một ông sư đãi một bữa thịt chó độc đáo. Thịt chó ướp gia vị, đặt vào giữa bông sen…”.

Gã thiếp đi. Trong giấc mơ hoang, gã mơ thấy ông ấm đất dặn dò gã về Hà Nội gặp ông để viết ký chuyến đi thực tế này. Gã biết chữ nhưng chữ không hề biết gã đáp ký và tùy bút như thịt chó với lá mơ. Ông chép miệng và mắng gã chả biết chó gì. Vì ký là ký sự, là ghi chép, ít cảm tính. Tùy bút khác ký. Với tùy bút người viết mặc sức để ngòi bút…tùy tiện lan man mang tâm cảm của mình vào bài viết.

Gã định đáp ấy là gã đang học ở ông thì cái đầu gục xuống…

Con bò kéo chiếc xe như chiếc xe tang trên có bó nhang đỏ kệch cắm trong loong sữa bò và gã vào Hà Nội. Trong đêm tối, gã nghe tiếng móng bò gõ đều đều từng tiếng một trên mặt đường. Tiếng móng bò thanh, khô, gọn, gõ tiếng một “cóc…cóc…cóc…” thoáng như mõ sớm chuông chiều gọi hồn ai... Đêm tha ma mộ địa, gã sợ chiếc xe bò lạc lối chân ai về cõ u u minh minh thì...Thì chiếc xe bò biến mất, như thể một cỗ xe ma. Như ông dế mèn vừa biến mất như con ma sống, ma đến tận xương thịt.

Gã biết chữ nhưng chữ không hề biết gã ngờ ngợ nhà ông ấm đất có cây sấu, cây me thì phải. Theo gã thì không. Nhưng biết đâu với con bò lại khác. Rút cái I-phone 12 hỏi con bò. Màn hình hiện lên con bò đang bước ngoằn ngoèo, gã theo vệt trâu đái của…con bò đi miết, thì tới phố Huế có quán bia hơi. Hà Nội phố mới sáng sớm ông dế mèn đã ngồi ở đấy rồi. Nhòm thấy gã, ông nhẩy bổ ra hỏi gã vác mặt đi đâu thế. Gã đáp tìm ông ấm đất để học viết ký.

Nghe thủng rồi ông dế mèn mổ chữ như gà mổ mo cau rằng viết ký chữ nghĩa hẻo lắm, hãy viết truyện ngắn như ông. Nhưng viết truyện phải tìm chữ, một truyện ngắn hay là có được một hai chữ “đắt” nói lên được cái hồn, cái cốt của truyện ngắn.

Như với ông ấm đất, chả lẽ gã lại nói cũng đang bòn mót ông những chữ “đắt” để con chữ có hồn, có vía như…con tinh trùng ngọ nguậy trên trang sách. Với gã, viết chữ là…làm tình với chữ nghĩa. Vì vậy gã giơ tay chào…mấy vại bia bơm. Và nói: “Chào”.

Tiếp đến bên phố đông người qua, gã lẫn đẫn theo vệt trâu đái của…con bò tới trước cửa nhà ông ấm đất hồi nào không hay. Từ lề đường Trần Hưng Đạo, gã quan sát hai bên đường cây nào là cây me, cây sấu, cây gạo, cây bàng . Nhìn cửa nào là cửa chính, cửa phụ, cửa thật, cửa giả. Gã bò lên cầu thang để học chữ…

Gã gõ cửa và hỏi:
- Có ai ở nhà không?
Ông ấm đất thò đầu ra nói in hịt như ông dế mèn:
- ……………………..

Thạch trúc gia trang
Nhâm Thìn 2012
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
(thêm bớt 2014, 2021)

Nguồn: Nguyễn Hưng Quốc, Nguyễn Danh Lam, Ngô Phan Lưu, Tchekov, Nguyễn Đăng Mạnh, Vương Trí Nhàn, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Huy Thiệp, Trần Doãn Nho

Thứ Năm, 6 tháng 1, 2022

Ở Lại Với Anh - Thơ: Ngọc Quyên Nhạc: Văn Duy Tùng



Thơ: Ngọc Quyên 
Nhạc: Văn Duy Tùng 
Ca Sĩ: Vũ Phương 
Diễn ảnh: Trúc Tiên

Hôn


Ngẩng lên cho anh cúi hôn
Mưa cũng mặc kệ cho hồn ngất ngây
Nuốt từng hơi thở cho say
Vuốt từng sợi tóc cho dai đê mê
Mới chiều hay đã nửa khuya
Mà nghe gió động rèm thưa ngập ngừng
Vòng tay ôm nhẹ ngang lưng
Cho hơi ấm tỏa mộng chùng gối êm
Cho đêm sâu thẳm vào đêm
Cho ngày chậm đến. cho quên lối về

Quýdenver

Hoa Tường Vi - The Climbing Rose


Hoa Tường Vi

( Tặng Tường Vy = Mưa Buồn )

Hương ngát cho đời một cánh hoa
Tường Vi duyên dáng giữa trời xa
Dây leo uốn khúc đường mây trắng
Hoa nở bên trời xanh thướt tha

Hoa vẫn thơ ngây giữa biển trời
Cho dù mây gió lững lờ trôi
Đem yêu thương trải vào dương thế
Hoa sống cho đời dẫu nổi trôi

Dù cánh hoa xuân chẳng mộng gì
Nghìn năm người vẫn nhớ Tường Vi
Hoa thơm muôn thuở hương ngào ngạt
Hoa trắng, hồng tươi chẳng ngạo vì

Hoa nở cho đời những ước mơ
Niềm tin hy vọng nỗi mong chờ
Tường Vi hoa mãi vương niềm nhớ
Cho thế nhân nầy một áng thơ.

Viễn Phương
***
Bài Dịch:

The Climbing Rose 


Scent gives life a petal
The Climbing Rose is charming in the middle of the far sky
The vines meander on the white cloud path
Flowers blooming by the side of the graceful blue sky

Flowers are still innocent in the sky
Even if the clouds and wind drift by
Bringing love into the world
Flowers live for life even if they drift

Even though spring petals don't dream anything
Thousands years that people still remember The Climbing Roses
Fragrant flowers forever with sweet scent
White flowers, fresh pink are not arrogant

Flowers bloom for life dreams
Faith, Hope, Expectation
The Climbing Roses flowers forever bring affection of remembrance
Give this human life a poem.

Translated by Nguyên Trần

Bóng Trăng Lệch Khuyết Bờ Vai


chạy theo bảng chỉ đường
về nhà em mạn bắc
nơi em ở cách phố phường xa lắc
một khu rừng rợp bóng cả lối đi
chắc nơi đây chẳng mấy thuở mấy khi
vắng hoa lá, thiếu chim muông ríu rít

chiều hơi sương mờ mịt
có ngàn thông reo vui
sánh vai nhau từng bước nhỏ rong chơi
dừng bên suối vẫy đàn nai ngơ ngác
tôi đứng lại nhìn bước chân đài các
mái tóc huyền óng ả ngập bờ vai

thương con nắng cuối ngày
như lụa vàng, heo hắt
cuối chân mây bóng ngày vừa chợt tắt
tay trong tay lưu luyến phút quay về
tự đáy lòng choáng ngập nỗi đam mê
và hương sắc đã làm tôi chao đảo

em thầm thì khẽ bảo
gió se lạnh làn da
tôi hôn em với tất cả thiết tha
lời run rẩy trong làn hơi đứt quãng
không biết bao lâu chỗ ngồi chợt sáng
khi vầng trăng lơ lửng vượt lên đồi

em ơi đã khuya rồi
giã từ bờ suối mộng
ngước lên cao nhìn trăng sao lồng lộng
đêm mênh mang, đêm rạo rực vô bờ
ôm chặt em vẫn cứ tưởng như mơ
nghe sóng vỗ trong biển tình dào dạt

***

gió rì rào, xao xác
lòng tràn ngập niềm vui
sáng tinh mơ em đã nhoẻn môi cười
ngày chưa đến mà ánh hồng rạng rỡ
nằm bên em nhưng lòng tôi đã nhớ
đến một ngày khi tôi phải xa em

ước chi đêm dài thêm
cho tháng ngày dừng lại
để nghe gió vờn hoa hát lời ân ái
cho mây ngàn dừng lại giữa đồi trăng
cho chú cuội nôn nao nói với chị hằng
lời tình tự giấu trong hồn se thắt

em bắt tôi nhắm mắt
vớ chăn quấn lên vai
giấu nụ cười trẻ con sau mớ tóc dài
kéo màn cửa cho nắng xuân tràn lên gối
một chú sóc trên đầu cành chới với
phóng lên cao khiến chim chóc giật mình

kìa giọt nắng lung linh
xuyên qua vuông cửa sổ
đến rồi đi cũng chỉ là duyên số
cũng một đời dài ngắn chỉ thế thôi
tôi yêu em, yêu chất ngất em ơi
như trời rộng bên ngoài khung cửa sổ

Yên Sơn

Tuyết Đầu Mùa


Tuyết đầu mùa ghé thăm Miền Đông Bắc (*)
Bích Môn Thành, đổi mầu sắc trắng tinh (**)
Rặng trúc đào mặc áo cưới băng trinh,
Vũ điệu nhịp nhàng, rung rinh theo gió.

Như bông gòn, trải xuống đầy thảm cỏ,
Và trát lớp kem, lên các mái nhà.
Phố phường thưa thớt kẻ lại người qua,
Xe phủ tuyết, nằm bên đường say ngủ.

Hàng liễu nghiêng đầu, thướt tha quyến rũ,
Mái tóc, hôm nay bạc trắng như bông!
Trước sân nhà, hình tháp nhọn, cây thông,
Tuyết quấn quít đẹp như cây Sinh Nhật!

Tuyết nở đầy trời… Tuyết bay phơ phất…
Bích Môn Thành, trời đất tựa Bồng Lai!
Buổi xế chiều, tuyết vẫn xuống lai rai,
Bỗng rực rỡ, ánh tà dương le lói!

Những bông tuyết sáng bừng lên chói lọi!
Như kim cương lấp lánh, sáng tinh cầu.
Cảnh trí huy hoàng. Chừng nửa giờ sau,
Tất cả Thành phố chìm vào đêm tối.

Từng dẫy đèn đường bật lên rất vội,
Ánh điện chập chờn phản chiếu tuyết sương.
Trận tuyết đầu mùa,vào dip Tết, dễ thương.
Xuống vừa phải, như món Quà Mừng Tuổi!

Trần Quốc Bảo

Richmond, Virginia
(*)Trận Tuyết đầu mùa, đổ xuống Miền Đông Bắc Hoa Kỳ, (7 inch) vào
ngày hôm qua, Jan 3rd 2022.
(**) Bích Môn Thành: phiên âm tên Thành Phố Richmond, Virginia

Để Thương, Trọng & Biết Ơn Trần Quang Hải & Quách Vĩnh Thiện Hai Bạc Học Cùng Trường Petrus Ký

(Nhờ bạn Mùi chuyển cho hai chị BẠCH YẾN & THANH VÂN! Cám ơn bạn!)

Quách Vĩnh Thiện & Trần Quang Hải năm 2005

Sáng 29/12 (tin báo không chính xác!) tôi đã khóc trong khi thông báo điện thoại cho bạn Lê Trường Xuân, trưởng nhóm hay đại diện lớp 1956-1963 Petrus Trương Vĩnh Ký ở Sài Gòn và một bạn khác không muốn đề tên, về sự ra đi vĩnh viễn của bạn Trần Quang Hải, giáo sư tiến sĩ nổi tiếng khắp thế giới (nhứt là ở Pháp).

Nhân tiện, tôi viết bài lưu niệm nầy cho cả hai bạn học của tôi ở Petrus Ký là Trần Quang Hải và Quách Vĩnh Thiện mà hai năm trước bạn Hải và vợ là nữ ca sĩ Bạch Yến đã đưa bạn Thiện về cõi hư vô và có gởi hình cho tôi.

Tuy nhiên, tôi xin phép viết về bạn Thiện trước theo thứ tự thời gian ra đi và sự quen biết của tôi với bạnThiện trước bạn Hải và dùng chữ “bạn” trước tên họ dù rằng thuở xưa chúng tôi gọi nhau bằng “mầy” và xưng “tao” vì cả ba chúng tôi đều là người miền Nam.

Bạch Yến, Trần Quang Hải và Thanh Vân (vợ của QVT)

Quách Vĩnh Thiện

Chúng tôi học chung hai lớp 7F và 6F ở trường Petrus Ký trong hai năm 1956-1958. Nhưng qua tháng 3, 1957 tôi mới dọn nhà về Gia Định ở gần nhà của bạn Thiện. Tôi nhỏ hơn bạn Thiện một tuổi và bạn tôi cao và mập mạp hơn tôi nhiều thuở bấy giờ.

Nhà của bạn Thiện ở đường Ngô Tùng Châu (như một biệt thự đơn giản trên đất rộng khoảng 30m x 50m, hàng rào kẽm sơ sài) cách Ngã Ba Cầu Cống (Gia Định) độ 1km và hồ tắm Chi Lăng độ 1km5; nhà tôi ở khu Xóm Đình, vô sâu đến chỗ Xóm Ruộng, nhà tôi ở cuối xóm. Tuy nhà của chúng tôi cách nhau non 3 cây số nhưng tôi rất thích đạp xe đến để nói chuyện âm nhạc, nhạc cụ và thỉnh thoảng tôi khoái thọt hay leo lên hái vài trái trứng cá chín mùi mà bạn Thiện còn nhớ nên nhắc ở E-mail hồi âm từ bên Pháp sau hơn 50 năm hai chúng tôi không thấy nhau.

Tôi chỉ biết tổng quát ba má bạn Thiện là công chức và có dịch vụ tương đối khá giả, có xe hơi. Thuở bấy giờ, sống chung trong nhà bạn Thiện có anh trai là anh Quách Vĩnh Trường (mà thỉnh thoảng tôi cũng có nói chuyện đôi chút, về sau anh trở thành thương phế binh anh hùng nổi tiếng trước 1975 và chắc hiện còn sống ở Gia Nã Đại hay Hoa Kỳ), một em gái kế và hai em trai. Hai người mà bạn Thiện thường hãnh diện nói đến và cho coi hình ảnh là hai cậu Lương Vinh Sanh và Lương Vinh Diệu đều là nhạc sĩ và dạy nhạc ở Mỹ Tho và tôi tin chắc rằng tài nghệ âm nhạc nổi danh của bạn Thiện về sau là cũng nhờ ơn dạy dỗ chút ít của hai cậu khi Thiện chưa qua lớp đệ nhị cấp trung học (lớp Đệ Tam hay lớp 10 bây giờ). Bấy giờ tôi chỉ mới bắt đầu học măng cầm với giáo sư Trần Anh Tuấn nổi tiếng nhứt về đàn nầy ở lớp nhạc tư trong phòng trà Anh Vũ trên đường Bùi Viện gần sau lưng rạp hát Nguyễn Văn Hảo và sau đó học tiếp môn nầy với nhạc sĩ Hương Tử vốn tốt nghiệp môn nầy với thầy Tuấn trước kia; còn bạn Thiện thì đã đàn khá cả măng cầm và Tây ban cầm.

Bạn Thiện tuy là con nhà giàu, nhưng ăn nói và đối xử với bạn học bình dân và chân thật bởi thế tôi, con nhà nghèo và trong hoàn cảnh không may (ba bạo lực và có dì ghẻ khó chịu—xin xem đính kèm!) đã chơi thân với bạn Thiện. Trung bình mỗi tháng tôi đạp xe lên nhà bạn Thiện ít nhứt một lần để nói chuyện văn nghệ, tập đàn với nhau; thỉnh thoảng bạn Thiện san sẻ cho tôi bánh, trái trong gia đình mà một học trò nghèo như tôi gần như lúc nào cũng cần thiết; tình bạn học và văn nghệ giữa tôi và bạn Thiện càng ngày càng thân. Ngoài ra, vì nhà nghèo, tôi làm gì có tiền mua dĩa nhạc ngoại quốc để nghe (tôi đã rồi biết nghe nhạc ngoại quốc từ khi mới 4-5 tuổi khi sống với má tôi ở Thị Nghè bên kia Sở Thú Sài Gòn) nên nhà bạn Thiện là nơi tôi may mắn có dịp để nghe.

Kể từ tháng 9, 1958, tôi lên lớp 5C, còn bạn Thiện lên lớp Đệ Ngũ nào tôi không nhớ nên chúng tôi gần như không còn cơ hội gặp nhau. Tôi không biết gia đình bạn Thiện dọn về đường Vườn Chuối bên hông chợ Vườn Chuối năm nào; mãi đến năm 1962 tôi mới biết và đôi khi tôi có ghé thăm bạn Thiện ở nhà mới và cũng còn gặp anh Quách Vĩnh Trường. Sau khi thành lập ban nhạc Les Fanatiques với các ca sĩ Công Thành, Tới, Helena, v.v., bạn Thiện trở thành thần tượng của tôi, nhứt là khi bạn Thiện trổ tài biểu diễn cây ghi-ta điện sau lưng. Trong đặc san Tết Quí Mão (1963) mà tôi là trưởng ban báo chí toàn trường Petrus Ký (vì tôi học lớp duy nhứt 1C chuyên ban văn chương và sinh ngữ), tôi thích nhứt bài “Chất Học Sinh” (trang 9-10) của bạn Thiện.


Đến cuối mùa Hè 1964, bạn Thiện qua Pháp du học. Trước khi đi, bạn có cho tôi địa chỉ sẽ sang cư ngụ ở Paris mà tôi còn giữ đến bây giờ (nhưng để bên Hoa Kỳ trong khi tôi viết bài nầy ở Sài Gòn!). Năm 1979, từ thành phố Nữu-Ước tôi qua Pháp lần đầu tiên để thăm má tôi, tôi có kiếm nhà của bạn Thiện nhưng bạn đã dọn đi nơi khác nên tôi không có dịp tái ngộ với người bạn xa xưa.

Mãi đến khoảng năm 2013, tôi mới có dịp liên lạc lại với bạn Thiện qua E-mail, và mỗi tuần Thiện chắc đã nhận những tài liệu hữu ích mà tôi sưu tầm, phổ biến và tôi cũng đã gởi những tác phẩm do tôi sáng tác như thơ, văn và nhạc đã đăng trên Google , Youtube và vài mạng khác. Tôi cũng đã giới thiệu tựa của hơn 10 cuốn sách của tôi đã được xuất bản ở Hoa Kỳ và Việt Nam, nhưng tôi chắc bạn Thiện quá bận sáng tác và trình diễn văn nghệ nên không có thì giờ cho các tác phẩm của tôi.

Dù là kỹ sư toán, nhưng Quách Vĩnh Thiện đã được người Pháp công nhận tài năng âm nhạc nên được phong chức Viện sĩ của Viện Hàn Lâm Âm Nhạc (?) Pháp. Tôi rất khâm phục bạn Thiện hy sinh, kiên nhẫn trong 5 năm (2005-2009) cho công trình phổ nhạc Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du gồm 7 CDs, được Unesco xem như di sản văn hóa nhân loại và phổ nhạc thi phẩm Chinh Phụ Ngâm Khúc của bà Đoàn Thị Điễm qua 2 CDs trong 2 năm 2010-2011. Ngoài ra, bạn Thiện còn sáng tác nhiều CDs nhạc tâm linh, v.v..

Tóm lại, bạn Thiện và tôi đã học chung lớp và san sẻ bao nhiêu kiến thức âm nhạc trong non 2 năm (thật ra, tôi học nhiều ở bạn Thiện trong giai đoạn nầy); sau đó, dù ít gặp nhau và sau 1964 thì không còn gặp nhau nữa, nhưng tình bạn chung lớp và văn nghệ vẫn luôn gần nhau. Có một điều tôi phải công nhận là tài âm nhạc của Quách Vĩnh Thiện hơn tôi quá xa và lý tưởng phục vụ âm nhạc của bạn Thiện cũng hơn tôi nhiều và rất đáng trọng.

Trần Quang Hải

Bạn Hải và tôi học chung lớp 5C, 4C và nửa năm lớp 3C cho đến khi bạn được ba là giáo sư Trần Văn Khê rước sang Pháp.

Khi còn học chung 2 lớp đầu, tôi thật sự không biết ba của Hải là ai mà chỉ biết má của Hải đang làm giám thị ở trường nữ trung học Gia Long thời đó.

Nhà của Hải ở trong hẽm Xóm Chùa (bấy giờ chưa đặt tên đường cho hẽm nầy), đâm ra đường Trần Quang Khải độ 200m và cách đường Hai Bà Trưng độ 250m. Từ tháng 9, 1958 (tôi học lớp 5C) đến tháng 1, 1959, đang đi hoang, sống tự lập, buổi sáng tôi lo bán bắp rang trong khu vực đường Nguyễn Tri Phương và Lý Thái Tổ nên coi như tôi không biết hay không quan tâm đến bạn Hải học chung lớp. Từ tháng 2, 1959 (đã trở về nhà trong tháng 1, 1959), tôi nhớ là có thì giờ đi đây đó nên tôi có đến nhà của bạn Hải chơi khoảng 2-3 lần, một lần được bạn kéo vĩ cầm cho tôi nghe khá hay nhưng tôi không hề biết bạn đang học ở Trường Quốc Gia Âm Nhạc về môn nầy; bạn cũng mời tôi ăn bánh trái trong nhà và tôi thích nhứt là được bạn Hải cho nghe ké dăm dĩa nhạc ngoại quốc phổ thông và cổ điển như khi ở nhà bạn Thiện. Từ đầu tháng 9 năm 1959 đến Hè 1960, ngoài giờ học tôi quá bận với chuyện mưu sinh trong Giải Trí Trường Thị Nghè nên không còn thời gian để giao du với bạn bè, bởi thế chúng tôi chỉ thấy nhau trong giờ học mà thôi.

Qua tháng 9, 1960, tôi không còn mưu sinh ở Giải Trí Trường Thị Nghè nữa, chúng tôi vẫn học chung lớp 3C, nhưng tôi lại quá lo việc học hành nên mỗi tuần ba bốn lần vào Thư Viện Quốc Gia cũ ở góc đường Gia Long (bây giờ là Lý Tự Trọng) và Tự Do (bây giờ là Đồng Khởi) để sưu tầm và học hỏi nên gần như chúng tôi không còn gặp nhau cho đến một ngày các bạn trong lớp cho biết rằng bạn Hải đã qua Pháp.

Mùa Hè 1979, tôi sang Pháp để thăm má tôi và các em lần đầu tiên và tôi vô cùng ngạc nhiên và thán phục thấy và nghe những dĩa cổ nhạc Miền Nam do giáo sư Trần Văn Khê và bạn Hải trình bày, khi thì độc tấu, khi thì song tấu hay toàn ban hòa âm. Bấy giờ tôi cũng có phần nào hãnh diện có người bạn học giỏi và tài tình như thế. Tôi đem các dĩa giới thiệu với bà con ở bên Pháp, chứ không có thời gian để đi tìm gặp bạn Hải hay Thiện vì tôi đang làm việc ở thành phố Nữu-Ước, chỉ được nghỉ phép qua Pháp 2 tuần thôi.

Độ đầu năm 2011, giáo sư Trần Văn Khê có tổ chức một buổi văn nghệ ngay tại tư gia của ông ở gần chợ Bà Chiểu với sự tham dự của bạn Hải và vợ là ca sĩ Bạch Yến từ bên Pháp về. Tôi được bạn Hải thông báo nên đã mướn xe tắc-xi để đi với bạn gái ở thành phố Biên Hòa xuống. Biệt thự của giáo sư tuy rộng rải nhưng phòng trình diễn thì quá nhỏ cho một buổi văn nghệ có tiếng tăm. Tôi và bạn gái đến đúng giờ nhưng vẫn phải đứng nghe ở ngoài hành lang. Bạn Hải và tôi có gặp nhau ở ngoài sân sau, nhưng chỉ trau đổi một hai câu xã giao rồi bạn Hải phải trở vô tiếp tục trình diễn. Quá mõi chân cho một người ở tuổi đã về hưu như tôi phải đứng coi nên khoảng nửa tiếng sau thì tôi và bạn gái tự động kêu xe đã mướn trở về Biên Hòa.


Đầu tháng 2, 2015, bạn Hải nhờ tôi dịch bài về “Hát Bài Chòi” từ Việt văn qua Anh văn (13 trang) và tôi đã giúp. Mỗi tuần bạn Hải đều nhận ít nhứt 5 E-mails của tôi và thỉnh thoảng tôi cũng nhận một E-mail của bạn Hải. Ngày 20/12/21 tôi nhận E-mail trong đó bạn Hải mặc đồ Ông Già hát và thổi “the Jew’s harp” bài “We wish you a merry Christmas and a happy New Year” và ngày 21/12/21 tôi lại nhận E-mail của Hải với tựa “meilleurs voeux pour un joyeux NOEL” trong đó bạn Hải hát bài “JINGLE BELLS WITH THE OVERTONE SINGING”. Nước mắt của tôi trào ra khi nghe bạn hát bài thứ hai nầy vì không ngờ đời quả vô thường và từ nay tôi không bao giờ thấy hay gặp bạn Hải của mình nữa.

Những ai quan tâm đến cổ nhạc, nhứt là cổ nhạc Nam phần, hãy tin rằng chúng ta sẽ KHÔNG bao giờ tìm lại được một Trần Quang Hải thứ hai với di truyền gia đình, tài nghệ, kiên nhẫn và tấm lòng và chúng ta nên biết nhớ ơn giáo sư, tiến sĩ Trần Quang Hải (cộng với sự phụ tá của vợ là ca sĩ Bạch Yến) đã trình diễn và truyền bá cổ nhạc Việt Nam khắp bốn phương trời trong hơn 40 năm qua.

Tôi trọng cả hai bạn học của tôi vì căn cứ vào tiểu sử cũng như hoạt động suốt đời, tôi tin rằng bạn Quách Vĩnh Thiện và bạn Trần Quang Hải là hai cá nhân sống lương thiện mà với tôi ai sống lương thiện là người được sự kính trọng của tôi bất kỳ người đó giàu, nghèo, có tài hay bất tài.

Tạ ơn Trời, Phật, Chúa hay Thượng Đế đã cho tôi có hai người bạn học như Quách Vĩnh Thiện và Trần Quang Hải để tôi thương, trọng và nhớ ơn; và chắc chắn sớm muộn gì tôi cũng nối gót theo hai bạn Thiện và Hải.

Vương Đằng
(Trưa Thứ Ba 04/01/22 là lúc dự định hỏa thiêu bạn Hải ở Pháp)