Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2022

Ngày Sinh Nhật Mẹ - Nhạc Nguyễn Tuấn - Trình Bày Mỹ Dung


Nhạc: Nguyễn Tuấn 
Trình Bày: Mỹ Dung

Xin Làm Con Mẹ Kiếp Lai Sinh



Nguyện làm con mẹ kiếp lai sinh
Đặng mẹ ban cho cả tấm tình:
Mát mẻ dịu dàng như bảo nguyệt
Lung linh huyền ảo tựa quần tinh...
Từng giây Chú Út hằng mơ bóng
Mỗi phút Cục Cưng vẫn tưởng hình
Phật độ,Trời thương cho toại ước
Nguyện làm con mẹ kiếp Lai sinh


LạcThủyÐỗQuýBái

Áo Tình Áo Thơ

 

Bây chừ tuổi đá tuổi mòn
Thơ còn viết bạn đông hơn thuở nào
Lời chia lời tặng ngọt ngào
Sá chi đời giấc chiêm bao chiếu nằm

Giấc mơ lành giấc trăm năm
Vẫn đi theo nắng thì thầm gió bay
Vẫn còn nồng ấm trên tay
Mông mênh bốn hướng thơ đầy ý riêng

Chân đi dưới ánh trăng hiền
Ôm tình thơ giữa hồn nhiên mấy phần
Bước đi trong cõi hồng trần
Nhớ quên năm tháng những lần tỉnh say

Cũng trời mây cũng gió bay
Ân tình vẫn đẹp vẫn đầy tiếng vui
Áo thơ mang vạn sắc đời
Áo tình mang một màu tươi thảo hồng

Vẫn son sắt vẫn như lòng
Thoáng như đời cũng vô cùng lá hoa
Hồn thơ mong mãi lụa là
Tình thơ mong mãi ngọc ngà trăng soi

Vẫn yêu đời vạn niềm vui
Mốt mai nắng vẫn mang lời sau xưa
Vẫn bồng bềnh vẫn đong đưa
Trái tim thơ vẫn cùng thơ trọn tình.

3/10/2022
Hoa Văn

Nợ Đời Sắp Hết

Hành trình cuối hỏi ai không  đuối
Chẳng muốn buông cũng phải đành thôi
Ngoảnh  lại nhìn lòng chợt bồi hồi
Ngày tiếp ngày mệt nhoài mỏi gối

Đoạn đường cuối bao Người đã tới
Tiếc nuối chi chớ để lệ rơi
Ánh hào quang soi bước đơn côi
Sống cho trọn, biệt ly đầy hoài niệm

Cả tuổi trẻ Ta bôn ba tìm kiếm
Có  thăng trầm vinh nhục  kiệm cần
Đã bước vào thế giới nhân sinh
Ai ngoại lệ nợ mang phải trả

Chặng đường cuối tịnh tâm buông thả
Bởi lòng đà sáng một đức tin
Ngẫm bao chuyện chung quanh mình
Nghe thanh tịnh đón bình minh ngày mới

Trúc Lan KTP

Độc Trì Châu Đỗ Viên Ngoại “Đỗ Thu Nương Thi” 讀池州杜員外杜秋娘詩 - Trương Hỗ

  

Trương Hỗ 張祜 (khoảng 785-849) tự Thừa Cát 承吉, người Thanh Hà (nay thuộc tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc), nổi tiếng về thể cung từ, thơ có 10 quyển.

Nguyên tác   Dịch âm

讀池州杜員外杜秋娘詩 Độc Trì Châu Đỗ Viên Ngoại “Đỗ Thu Nương Thi”

年少多情杜牧之 Niên thiếu đa tình Đỗ Mục chi, 
風流仍作杜秋詩 Phong lưu nhưng tác “Đỗ Thu thi”.
可知不是長門閉 Khả tri bất thị Trường Môn bế,
 也得相如第一詞 Dã đắc Tương Như đệ nhất từ.

Chú giải

Đỗ viên ngoại tức Đỗ Mục, thi nhân nổi tiếng đa tình thời Vãn Đường. Đỗ Thu Nương là giai nhân nổi tiếng thời Trung Đường, mười lăm tuổi đã về làm vợ lẽ Lý Kỳ đang giữ chức Tiết độ sứ Trấn Hải. Về sau Lý Kỳ làm phản, bị giết, vua Mục Tông tiếc bà có tài làm thơ, cho vào kinh dạy học một thời gian rồi thả về dân dã. Đỗ Mục thấy bà già nua sống trong cảnh nghèo túng, cảm thương viết một bài thơ về tình cảnh của bà.

長門 Trường Môn: cung Trường Môn: nơi trú ngụ của những cung nữ không được vua Hán sủng ái.
相如 Tương Như: Tư mã Tương Như, danh sĩ viết phú hay nhất triều Hán.

Dịch nghĩa

Đọc “Thơ Đỗ Thu Nương” của viên ngoại họ Đỗ ở Trì Châu

Chàng Đỗ Mục trẻ tuổi giàu tình cảm, (Đa tình) Hào hoa lại viết bài về Đỗ Thu Nương. Mới thấy nếu (Trần A Kiều) không bị bỏ phế trong cung Trường Môn*, Thì Tư Mã Tương Như đã không viết được một bài phú tuyệt hay.

Dịch thơ

Đọc “Thơ Đỗ Thu Nương” của viên ngoại họ Đỗ ở Trì Châu

Chàng trẻ đa tình Đỗ Mục ơi,
Hào hoa đã vịnh Đỗ Thu chơi.
Nếu Trần chẳng bị giam cung cấm,
Chửa chắc Tương Như giỏi nhất đời.

Đỗ viên ngoại tức Đỗ Mục, thi sĩ trẻ nổi tiếng đa tình thời Vãn Đường.
Đỗ Thu Nương là một giai nhân nổi tiếng thơ hay thời Trung Đường, năm mười lăm tuổi về làm vợ lẽ Lý Kỳ đang giữ chức Tiết độ sứ Trấn Hải. Về sau Lý Kỳ làm phản, bị giết, vua Mục Tông thấy bà có tài làm thơ, cho vào kinh dạy học một thời gian rồi thả về dân dã. (Bài thơ nổi tiếng nhất của Đỗ Thu Nương là Kim Lũ Y).

Trong bài này Trương Hỗ khen tài làm thơ của Đỗ Mục: Đỗ Mục thấy Đỗ Thu Nương già nua sống trong cảnh nghèo túng, cảm thương viết một bài thơ về tình cảnh của bà. Bài thơ này bất hủ ở chỗ nó có một văn phong vui nhộn kín đáo, gợi nhớ tài làm thơ của Đỗ Thu Nương lúc còn trẻ.

Con Cò 
***
Đọc Thơ Đỗ Thu Nương Của Đỗ Mục

Đỗ Mục đa tình tuổi mộng mơ
Phong lưu lại viết Đỗ Thu thơ
Ví như chẳng có Trường Môn khép
Chưa chắc Tương Như giỏi nhất từ!

Lộc Bắc
Jan22
***
Đọc thơ Đỗ Thu Nương

Chàng tuổi trẻ hào hoa phong nhã
Cảm thương người thất sủng vịnh thơ
Nếu nàng chẳng bị đày cung cấm
Lời gấm hoa biết có bao giờ?

Yên Nhiên
***
Đọc Thơ Đỗ Thu Nương Của Viên Ngoại Họ Đỗ Ở Trì Châu

Chàng trai Đỗ Mục lắm tơ vương,
Đã viết thơ tình xót Đỗ Nương.
Nếu chẳng thấy Trường Môn bỏ phế,
Tương Như sao nhất "phú" thi trường.

Mỹ Ngọc
Jan.16/2022.
***
Bài Độc Trì Châu Đỗ Viên Ngoại “Đỗ Thu Nương Thi” của Trương Hỗ.

Đây là một bài thơ ngắn của Trương Hỗ, không có nhiều chữ khó.
Đỗ viên ngoại, tức Đỗ Mục, tự Mục Chi, là một trong những thần tượng của BS. Đỗ Thu là Đỗ Thu Nương, ÔC đã giải thích cả rồi.

*Nhưng: là nhưng như tiếng Việt, là như cũ, lại còn, vẫn.
*Khả: là có thể, và nhiều nghĩa nữa, như hợp, thích nghi, đáng, thật là, tốt, ước chừng…
*Thị: là, đúng, chính.
*Trường Môn, là nơi ở của các cung nữ đời Hán bị thất sủng, một loại lãnh cung, nơi Trần A Kiều bị Hán Vũ Đế nhốt. A Kiểu nhờ Tư Mã Tương Như làm bài Trường Môn Phú dâng vua, Vũ Đế cảm động, lại sủng ái nàng thêm mấy năm. Bài phú này nổi tiếng là một tuyệt tác.

Trương Hỗ không phải là thi sĩ nổi tiếng, trong Thi Viện đăng 32 bài thơ nhưng trong các cuốn Đường Thi của BS thì không thấy. Có điều chắc chắn là Trương và Đỗ là đôi bạn rất thân, vì Đỗ có đến 3 bài nhắc tới Trương, và bài thơ này của Trương lại nhắc tới Đỗ. Bài này thật ra, đâu có gì xuất sắc, ÔC đưa lên diễn đàn vì nó dính tới bài Kim Lũ Y của Đỗ Thu Nương thôi.

Bài thơ của Trương chủ ý là khen bạn: Mục Chi trẻ tuổi, đa tình, phong lưu, mà lại làm thơ về Đỗ Thu Nương. Nếu không cảm thông hoàn cảnh của Đỗ

Thu Nương thì sao làm được bài thơ hay, cũng như Tư Mã Tương Như, nếu A Kiều không bị thất sủng, đẩy vào cung Trường Môn thì sao mà làm được bài phú nổi tiếng như vậy. Chỉ tiếc là Trương nhắc tới việc đọc Đỗ Thu Thi mà không ai biết bài thơ đó như thế nào?

Xin nói thêm là trong Thi Viện, chữ Phong Lưu ở câu 2 được dịch là “giầu tiền” thì sai bét. Phong Lưu, là phong cách sống của một người thông minh, có trí tuệ, nhưng lãng mạn, nặng về tình cảm. Thì đúng là phong cách của Đỗ Mục. Chắc ông làm thơ về Đỗ Thu Nương vì thương cảm hoàn cảnh của vị nữ lưu tiền bối lại cùng họ với mình.

Chắc quý vị đã biết, Đỗ Mục là tác giả bài A Phòng Cung Phú, cũng nổi tiếng không kém gì bài Trường Môn Phú. A Phòng là tên một cung điện tráng lệ do Tần Thủy Hoàng dựng lên để tưởng niệm người thiếp yêu của mình là nàng A Phòng: nàng đã tự tử vì không can được Thuỷ Hoàng diệt 6 nước.

Đọc Bài “Thơ Đỗ Thu Nương” Của Viên Ngoại Trì Châu Họ Đỗ.

Tuổi trẻ đa tình Đỗ Mục Chi,
Phong lưu lại viết Đỗ Thu thi,
Trường Môn nếu chẳng giam người đẹp,
Sao phú Tương Như ít kẻ bì.

Bát Sách.
***
Nguyên tác:                      Phiên âm:

讀池州杜員外杜秋娘詩 Độc Trì Châu Đỗ Viên Ngoại

張祜 Đỗ Thu Nương Thi - Trương Hỗ

年少多情杜牧之 Niên thiếu đa tình Đỗ Mục chi 
風流仍作杜秋詩 Phong lưu nhưng tác Đỗ Thu thi 
可知不是長門閉 Khả tri bất thị Trường Môn bế 
也得相如第一詞 Dã đắc Tương Như đệ nhất từ

Bài thơ Độc Trì Châu…không mấy phổ thông, chỉ tim thấy trong 2 sách. Lần đầu xuất bản trong Vạn Thủ Đường Nhân Tuyệt Cú - Tống - Hồng Mại 萬首唐人絕句-宋-洪邁 với tựa đề Độc Đỗ Viên Ngoại Thu Nương Thi 读杜员外秋娘诗.Và mới nhất đăng trong Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御定全唐詩-清-聖祖玄燁 với tựa có 10 chữ thay vì 7 chữ.

Ghi chú:

Trì Châu: tên một huyện thời Đường, nay là thành phố Trì Châu, An Huy trên bờ Nam sông Trưng Giang
Trương Hỗ (782?-852) theo Đường Thi Đại Từ Điển Tu Đính Bổn 唐诗大辞典 修订本 quê quán Nam Dương (nay là Hà Nam), tuổi già cư trú ở Đan Dương (nay là Giang Tô). Nhiều năm lưu lạc giang hồ, không làm quan dù nhiều lần được tiến cử, mặc quần áo vải suốt đời. Ông để lại khoảng 155 bài thơ trong Toàn Đường Thi.

Đỗ Viên Ngoại là Đỗ Mục (803-852), theo Hoàng Hạc Lâu Chí-Nhân Vật Thiên 黄鹤楼志-人物篇, thi nhân đa tình thời Đường, tự Mục Chi. Người Kinh Triệu Vạn Niên (nay là Tây An, Thiểm Tây), cháu trai của Tể tướng và sử gia Đỗ Hữu. Đậu tiến sĩ năm Văn Tông Đại Hòa thứ hai (828), từng là giám sát ngự sử, đảm nhiệm thứ sử châu Hoàng, Trì, Hòa, Hồ, làm quan đến Trung Thư xá nhân. Những năm cuối đời sống ở biệt thự Nam Phàn Xuyên ở thành Trường An, nên người ta gọi là Đỗ Phàn Xuyên.

Đỗ Thu (791-? ): theo Tư Trì Thông Giám 资治通鉴, đời sau nhiều người gọi là Đỗ Thu Nương, là người Kim Lăng đời Đường. Năm 15 tuổi, cô làm thiếp của Lý Ký. Năm Nguyên Hòa thứ hai (807), Lý Ký chính thức khởi binh tạo phản. Sau khi Lý Ký thất bại, Đỗ Thu được đưa vào cung và được Đường Hiến Tông sủng hạnh. Năm Nguyên Hòa thứ 15 (820) Đường Mục Tông lên ngôi, bổ nhiệm bà làm Phó Mỗ (thầy dạy học) cho con trai Lý Thấu. Sau đó Lý Thấu bị phế mất ngôi vị Chương vương, Đỗ Thu được cho về quê sống như dân dã.

Khi Đỗ Mục đi ngang qua Kim Lăng, thấy tình cảnh bà vừa nghèo vừa già (thời Đường 40 tuổi đã coi là già), nên làm bài Đỗ Thu Nương Thi 杜秋娘诗, kể lại thân thế của bà. Toàn bộ bài thơ có 112 câu, mỗi câu 5 chữ, có thể chia làm hai phần: phần 1 viết về cuộc đời Đỗ Thu, lấy tường thuật làm chủ yếu. Phần này miêu tả những thăng trầm của thế gian, của cuộc sống vô thường, khắc họa hình tượng sống động và cuộc đời gập ghềnh của nhân vật. Phần thứ hai, tập trung viết về cảm thán của nhà thơ Đỗ Thu.

Bài Đỗ Thu Nương Thi không phải là bài thơ của Đỗ Thu Nương và không có liên quan đến bài Kim Lũ Y. Bài Đỗ Thu Nương Thi do Đỗ Mục viết có một đoạn chú thích: "Khuyến quân mạc tích kim lũ y, Khuyến quân tích thủ thiếu niên thì, Hoa khai kham chiết trực tu chiết, Mạc đãi vô hoa không chiết chi”, mà không nói bài thất ngôn tứ tuyệt là do ai sáng tác, nên có người cho là của Đỗ Mục, nhưng cũng có nhiều người cho là tác phẩm của Đỗ Thu Nương.

Trường Môn: tên cung điện nhà Hán, nơi cho các cung tần phi nữ (kể cả hoàng hậu) sinh sống khi không còn được sủng ái, ở đây nhắc đến điển tích hoàng hậu Trần A Kiều

Tương Như: Tức Tư Mã Tưong Như, người có tài làm thơ phú đời Hán. Khi hoàng hậu Trần A Kiều bị thất sủng ở cung Trường Môn, bà có sai người đem 10 cân vàng nhờ Tương Như làm cho bài phú tả nỗi lòng buồn thảm và tuyệt vọng trong thâm cung. Nghe bài hát Hán Vũ Đế trở lại yêu thương A Kiều.

Dịch nghĩa:

Độc Trì Châu Đỗ Viên Ngoại Đỗ Thu Nương Thi

Đọc “Thơ Đỗ Thu Nương” Của Viên Ngoại Họ Đỗ Ở Trì Châu
Niên thiếu đa tình Đỗ Mục chi Chàng Đỗ Mục Chi trẻ tuổi đa tình,
Phong lưu nhưng tác Đỗ Thu thi Hào hoa phóng khoáng làm bài thơ về Đỗ Thu Nương.
Khả tri bất thị Trường Môn bế Mới thấy nếu Trần A Kiều không bị biếm trong cung Trường Môn,
Dã đắc Tương Như đệ nhất từ Thì Tư Mã Tương Như đã không viết được một bài phú hay tuyệt vời.

Trương Hỗ là tiền bối lớn hơn Đỗ Mục 21 tuổi. Trong bài thơ ông nói Đỗ Mục trẻ tuổi đa tình. Nhưng ông khen Đỗ Mục viết bài Đỗ Thu Nương Thi không phải do đa tình mà do tánh hào hoa phóng khoáng. Ông còn khen bài thơ khi so sánh Đỗ Thu Nương Thi với bài Trường Môn Oán của Tư Mã Tương Như.

Dịch thơ:

Đọc Bài Thơ Về Đỗ Thu Nương

Đỗ Mục đa tình lắm mộng mơ,
Phong lưu ông viết Đỗ Thu thơ.
Giả thử A Kiều không bị biếm,
Tuyệt phú Tương Như sao có cơ?

On Reading the Du Qiuniang Poem by Du Mu by Zhang Hu
Du Mu 杜牧 was young and affectionate,

With an open mind he wrote the poem about Du Qiuniang 杜秋娘.
One can see that, if Chen Ajiao 陳阿嬌 were not banned to the Chang Men Palace, There would be no most famous song Cheng Men Yuan 長門怨 by Xiang Ru.

Phí Minh Tâm

Giới Thiệu Sách Mới & Phỏng Vấn Nữ Sĩ Cao Mỵ Nhân Về Tập Thơ “Chim Bay Mỏi Cánh”

 
Ngày 17 tháng 10/2021, tại Hội Chợ Sách (Book Fair) ở Trung Tâm thương xá Eden, do Nhà Việt Nam tại Virginia và Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại tổ chức, “Tuyển Tập THƠ Chim Bay Mỏi Cánh” của nữ sĩ Cao Mỵ Nhân được giới thiệu lần đầu tiên. Đó là một Hội Chợ Sách thật quy mô, quy tụ nhiều văn thi sĩ quanh vùng Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn và khắp các tiểu bang Hoa Kỳ. Khi ấy vì còn trong thời kỳ trốn tránh Covid -19, nhà thơ Cao Mỵ Nhân đã không thể bay qua miền Đông tham dự. Chị nhờ người viết đại diện đem sách qua cho nhà văn Hồng Thủy, Chủ Tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại Vùng Đông Bắc Hoa Kỳ (VBVNHN VĐB HK) nhờ ghi danh vào Hội Chợ Sách để “trình làng” cùng công chúng giúp chị.

Có rất nhiều đài truyền hình và ký giả các tờ báo ở Washington DC và vùng phụ cận tới quay phim, ghi hình, phỏng vấn, đưa tin ngày Hội Chợ Sách. “Tuyển Tập THƠ Chim Bay Mỏi Cánh” của nhà thơ Cao Mỵ Nhân đã được nhiều đài truyền hình khác nhau đến phỏng vấn những người đại diện cho tác giả Cao Mỵ Nhân: Cung Lan chủ tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, nhà văn Hồng Thủy chủ tịch VBVNHN VĐB HK, và người viết, Phương Hoa. Mỗi người đều giới thiệu kỹ càng chi tiết về tập thơ còn nóng hôi hổi bay từ California sang Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn dự Book Fair. Thật ra, từ California “bay” qua DC dự Hội Chợ Sách không phải chỉ có tập thơ của nữ sĩ Cao Mỵ Nhân, mà còn nhiều tác phẩm khác của nhóm văn thơ California, bao gồm của người viết nữa.

Từ trái qua, các tác giả có sách tham dự tại Book Fair: Phương Hoa, Hồng Thủy, Mỹ Hoàn, Phương Hoa, Minh Thúy, Hồng Thủy, Phương Hoa, Cung Lan.

Vài tháng sau đó, Văn Thơ Lạc Việt cũng đã giới thiệu “Tuyển Tập THƠ Chim Bay Mỏi Cánh” của Cao Mỵ Nhân trong một buổi sinh hoạt thường kỳ, bao gồm tiệc sinh nhật quý II trong năm của thành viên, tại San Jose. Sau cuộc họp, các thành viên vui vẻ ra về với tập thơ “THƠ Chim Bay Mỏi Cánh” nhưng vẫn còn cảm giác...thiêu thiếu, khi không được chính thi sĩ tác giả Cao Mỵ Nhân ký tên vào sách, mà là do chủ tịch Lê Văn Hải đại diện.

Trong khi chờ đợi nữ sĩ Cao Mỵ Nhân “xé rào Covid” để ra mắt sách tại Nam Cali - chưa biết đến bao giờ, vì Covid hiện vẫn tiếp tục lan tràn - người viết xin tạm giới thiệu đôi điều về tập thơ này cùng bạn đọc.

Trước hết, xin phép được tản mạn đôi chút về tác giả Cao Mỵ Nhân. Có lần tôi nói với nữ sĩ, “Chị là ‘hàng hiếm’ trong làng văn học Việt.” Mặc dù chị đã khiêm nhượng dãy nảy chối từ, nhưng tôi không nói quá, hay vì quen biết với chị mà “áo thụng vái nhau.” Vì sự thực đúng như vậy, những văn thi sĩ danh tiếng từng thời, mỗi người đều có biệt tài riêng, lập những kỳ tích riêng. Nhưng thật khó mà tìm ra một nhà văn nhà thơ khi còn nhỏ tuổi đã viết báo được trả tiền. 13 tuổi, cô bé Cao Mỵ Nhân đã có bài đăng trên tờ Liên Hiệp tại Hà Nội, tờ Tia Sáng, tờ Giang Sơn Hà Nội, và được mời cộng tác cho Trang Nhi Đồng của tờ Giang Sơn Hà Nội, chủ bút là Mộc Đình Nhân, vào năm 1953. Thêm vào đó, chị là một trong số không nhiều các nhà thơ nhà văn hiện tại còn nhớ và biết rõ về những văn thi sĩ nổi tiếng thời Việt Nam Cộng Hòa và cả thời tiền chiến.

Trong những lần trao đổi với tôi, và trong những bài viết đó đây của chị, tôi biết được rất nhiều điều thú vị. Chị Cao Mỵ Nhân đã có một chiều dài tham gia hoạt động về văn học Việt thật đáng nể. Chị gia nhập Thi Đàn Quỳnh Dao thời VNCH khi mới vừa 40, trong khi những bậc đàn chị như nữ sĩ Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội hay nữ sĩ Vân Nương đều đã gấp đôi niên tuế chị.

Nhà thơ thường kể tôi nghe về kỷ niệm ngày xưa, những lần chị tháp tùng nữ sĩ Mộng Tuyết đi thăm những bậc tài danh như quý cụ Giản Chi, Nguyễn Hiến Lê, Đông Xuyên, Bàng Bá Lân...mà tên tuổi những vị này tôi chỉ nghe qua sách vở, vì khi họ nổi tiếng tôi vẫn còn đâu trong bụng mẹ, hoặc chỉ mới chập chững những bước đi đầu đời.

Có nhiều chi tiết độc đáo chị Cao Mỵ Nhân thuật lại tôi nghe qua rồi nhớ mãi, vì nó giống chuyện đời xửa đời xưa, thời còn vua chúa. Như trong đám cưới nữ sĩ Vân Nương, chú rể là Luật Sư Lê Ngọc Chấn một Tri Phủ, sau này làm đại sứ VNCH ở Luân Đôn và Tunisie, và nhị vị phù rể là hai thi sĩ danh tiếng thời tiền chiến: Huy Cận và Xuân Diệu. Rồi chuyện trong đám cưới anh chị Cao Mỵ Nhân, đại tá Biệt Động Quân VNCH Cao Văn Uỷ, thì phù rể là nhạc sĩ Nguyễn Hiền và nhac sĩ Nhật Bằng rất nổi tiếng thời VNCH.

Chị còn kể về hai nhà văn tên tuổi Duy Lam và Thế Uyên, về những người bạn thiết như thi sĩ Trần Dạ Từ và nhà văn Nhã Ca, nhà văn Thế Phong v.v.... Hơn thế nữa, chị Cao Mỵ Nhân còn biết rất rõ về những hậu duệ của Tự Lực Văn Đoàn. Cho nên nếu có ai hỏi, chị có thể kể vanh vách về dòng họ Nguyễn Tường, như Nguyễn Tường Tâm, con cụ Nguyễn Tường Cẩm, Nguyễn Tường Thiết, con cụ Nguyễn Tường Tam ( Nhất Linh ), Nguyễn Lân, con cụ Nguyễn Tường Long (Hoàng Đạo) bác sĩ Nguyễn Tường Giang, con cụ Nguyễn Tường Lân (Thạch Lam)... mà mỗi lần nghe tôi chỉ biết...há hốc vì khâm phục. Nữ sĩ Cao Mỵ Nhân quả đúng là một “nhân chứng sống” đã từng sống qua bốn chế độ: Cộng Sản Miền Bắc VN, Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa Nam Việt Nam, Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa sau 1975, rồi bây giờ thì ở trên đất nước tự do Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

Có ai đó đã viết một câu về tình yêu của nữ sĩ Cao Mỵ Nhân mà chị rất tâm đắc, "Người yêu thực sự của chị MỴ chỉ là THƠ thôi." Người viết cũng rất đồng ý với điều này. Đối với nhà thơ Cao Mỵ Nhân, thơ là tất cả. Chị có thể làm hàng chục bài thơ trong một đêm không ngủ và gửi cho tôi để đăng lên diễn đàn Văn Thơ Lạc Việt. Tôi mê chị nhất ở cái duyên dáng, cái nũng nịu, cái hờn giận dễ thương, trong thơ, và trong cả đời thường. Chẳng hạn như chị viết mail mà tôi chưa kịp hồi âm, là chị trách móc, “PH ghét gì chị Mỵ hay sao vậy? Không thèm trả lời trả vốn chi hết? Chị Mỵ buồn lắm cơ! Giận rồi, không thèm chơi nữa đâu nha!”

Những lời giận hờn trách móc đáng yêu này như phát ra từ một cô bé mới lớn, ai nghĩ là của một nhà thơ nhà văn lão thành chứ! Có lẽ đó là cái vốn “Trời cho” nên thơ Cao Mỵ Nhân lúc nào cũng mượt mà thướt tha và nũng nịu. Như trong bài “Trái Tim Mầu Tím” của thi phẩm “Chim Bay Mỏi Cánh,” Cao Mỵ Nhân đã bắt “chàng” tô trái tim máu đỏ tự nhiên bằng một mầu tím bất thường, nhưng lại là mầu tím trữ tình, một mầu tím hấp dẫn để cho ai kia phải quay quắt đến... nhận chìm cả tuổi thơ:

“Người tô tim sắc tím sim
Khiến ta quay quắt nhận chìm tuổi thơ” (Trái Tim Màu Tím tr. 34)

Tôi đã đọc hết 101 bài thơ trong Chim Bay Mỏi Cánh” của nữ sĩ Cao Mỵ Nhân với một sự thích thú khôn lường. Tôi hỏi chị, nguyên do nào mà mỗi tập thơ của chị đều giữ đúng 101 bài thơ, không hơn không kém. Câu trả lời của chị thật thú vị, đúng như người ta nói các nhà thơ hay “đi mây về gió” nên thường có ý tưởng khác người. Theo lời chị Cao Mỵ Nhân, “Con số 101 đó có nghĩa là... trên trăm vẫn còn tiếp nối, giống như chuyện “Nghìn Lẻ Một Đêm” vậy, vì chị muốn giữ cho dòng thơ “trên trăm năm vẫn tuôn chảy mãi không ngừng...”

Tuy tựa đề tập thơ là “Chim Bay Mỏi Cánh” nhưng thơ trong tuyển tập thì chẳng những không thấy chút... mỏi mệt nào, mà trái lại, còn bừng bừng sức sống và bát ngát hương yêu.

Sau đây Phương Hoa (PH) xin chia sẻ cùng quý vị về những trao đổi rất thú vị của nhà thơ Cao Mỵ Nhân (CMN) cùng người viết, về Tập Thơ “Chim Bay Mỏi Cánh.”

PH: Thưa chị Cao Mỵ Nhân, khi thấy tựa đề tập thơ “Chim Bay Mỏi Cánh” của chị, em nghĩ chắc đây là tập thơ cuối cùng vì chị muốn gác bút dừng chân. Thế nhưng, từ đó đến nay chị vẫn sáng tác ào ào, có nhiều đêm chị làm tới 5, 6 bài thơ xướng họa liên tiếp, vừa nhanh lại vừa hay, mà những cây bút hậu bối như tụi em đây phải bái phục. Vậy chị làm ơn cho biết, tại sao chị lại chọn cái tựa đề này? Và nó có ý nghĩa gì với chị như thế nào ạ?

CMN: Số là có vị bạn thân, nguyên thủ khoa khoá 14 Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, CMN đưa 3 tên sách, nhờ vị bạn lựa. Ông nói: "Chúng ta đã đi qua gần cả một chiều dài thế kỷ rồi, cô làm thơ đã cảm thấy mệt mỏi chưa, theo tôi, cô nên đặt tên cho sách thơ này là “CHIM BAY MỎI CÁNH." Mỵ tôi rất vui, vì bạn vàng đã chọn cho tựa đề mình ưng ý. Thế là tập thơ "Chim Bay Mỏi Cánh" thành hình.

PH: Dạ, hay quá! Vậy là “tư tưởng lớn gặp nhau” rồi (Smile). Thưa chị, trong thi phẩm “Chim Bay Mỏi Cánh” có một điều rất đặc biệt, đó là nơi trang đầu có bản nhạc do Gs nhạc sĩ Thái Phạm phổ tặng tác giả từ bài thơ “Nhặt Nắng Xuân”và em cũng đã được nghe giọng hát mượt mà của ca sĩ Thanh Hoài trình bày. (https://www.youtube.com/watch?v=XXtxVPQ9ZyY) Trong này có những câu thơ em rất tâm đắc như,“Anh rủ em nhặt nắng/Về hun khói lều tình/Ngọn lửa vàng hoang vắng/Sưởi ấm thơ hồi sinh.” Xin chị chia sẻ chị đã viết bài thơ này trong trường hợp nào, cảm hứng từ đâu mà có những lời thơ như đến từ tận trái tim?


CMN: Giáo sư Phạm Thái đã ưu ái phổ nhạc bài thơ "Nhặt Nắng Xuân." Cám ơn Gs Thái đã chọn đúng bài thơ tác giả tâm đắc và đã hoàn thành ca khúc thật bay bổng. Thì đúng là những lời thơ xuất phát từ tận cùng trái tim, với lý do rất thông thường: Viết cho ... người yêu tưởng tượng nào đó, nhờ điều tưởng tượng đó, mới làm được thơ tình chứ (Smile).

PH: Wow! Sự tưởng tượng của nhà thơ rất có hồn, rất sống động, hèn chi chị đã làm nên lịch sử. Thưa chị CMN, em nhận thấy chị là một người luôn vui vẻ và yêu đời. Nhưng xuyên suốt tập thơ “Chim Bay Mỏi Cánh” lại có rất nhiều bài thơ tình buồn, chẳng hạn như “Ánh Nguyệt Tà” với “Nguyệt vẫn tròn như dạ nửa khuya/Buồn tênh mây hẹn bóng trăng thề,” hay “Man Dại” cùng “Con rắn nào đã cuốn/Tình yêu trườn đi xa,” và bài “Tan Cơn Mê Hoảng” có những câu, “Thoáng hơi gió thoảng sau lưng/Giật mình tỉnh mộng, mơ chừng ấy thôi” v.v...nghe thật xót xa, thật não nề. Xin chị “bật mí” chút xíu, đây có phải là những sáng tác chị muốn ngầm “nhắn gửi cho cố nhân” hay cũng chỉ là những sáng tác từ trong tưởng tượng?

CMN: Đã làm thơ tình thì hình như phải viết những lời thơ thật buồn, thật não nuột. Thực tế, chỉ buồn chút thôi, nhưng tưởng tượng thêm cho khổ luỵ, xót xa, để được bạn đọc... thương cảm tác giả (Smile). Như những định luật cổ kim, chuyện vui thì dễ lấy nụ cười, nhưng chỉ trong thoáng chốc nụ cười liền bay theo gió, và khi chạm đến nỗi buồn thì nỗi buồn nó sẽ vương vấn mãi trong ta. Cho nên những câu chuyện tình với happy ending ít được người nhớ tới, nhưng “Romeo & Juliet” thì mãi mãi lưu truyền.

PH: Dạ cám ơn chị Mỵ cho những chia sẻ rất là thú vị này. Câu hỏi sau cùng: Trong trang đầu của thi tập “Chim Bay Mỏi Cánh” chị đã ưu ái ghi dành tặng “Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại Vùng Đông Bắc Hoa Kỳ” và “Văn Thơ Lạc Việt.” Chị có thể cho biết lý do?

CMN: Thưa quý vị và thưa nhà thơ Phương Hoa, tôi ghi tác phẩm được dành tặng và cám ơn 2 cơ sở văn học tên tuổi ở hải ngoại nói chung và Hoa Kỳ nói riêng, “Văn Bút Vùng Đông Bắc Hoa Kỳ” và “Văn Thơ Lạc Việt” lý do rất đơn giản. CMN tôi hiện đang là thành viên của 2 cơ sở Văn Học và Thi Văn Đàn này. Phàm một người nào sinh hoạt ở một Hội, Đoàn nào, cũng muốn ghi nhận những việc đang làm của các cơ quan ấy. Tôi là một người trọng lẽ thuỷ chung ở đời, nên chuyện cám ơn Văn Bút Vùng Đông Băc Hoa Kỳ và Văn Thơ Lạc Việt rất hợp tình lý.

Hơn nữa, Thi phẩm "CHIM BAY MỎI CÁNH" của CMN tôi, được sự chia sẻ của Nhà Văn HỒNG THUỶ, Chủ Tịch VB/VĐBHK viết Tựa và nhà thơ Phương Hoa hội viên trung tâm Văn Bút nêu trên viết Bạt.

Thêm vào đó, Thi tập "CHIM BAY MỎI CÁNH" còn được nhà văn thi hoạ sĩ Phạm Thái giáo sư điện toán, Trưởng Ban Biên Tập VTLV, cùng nhà thơ Phương Hoa Phó Ban Biên Tập, đã giúp cho các phần trình bày và in ấn cuốn thơ đó. Như đã nói ở trên, Giáo sư Phạm Hồng Thái còn là một nhạc sĩ tài hoa, ông cũng tặng tác phẩm CHIM BAY MỎI CÁNH bản nhạc "NHẶT NẮNG XUÂN" ông phổ từ bài thơ cùng tựa đề của CMN trong tuyển tập.

Tóm lại, nhờ Văn Thơ Lạc Việt yểm trợ kỹ thuật để Thi phẩm "CHIM BAY MỎI CÁNH" của CMN được hình thành, cùng sự hỗ trợ của Văn Bút Vùng ĐBHK trong các phần giới thiệu cùng hội viên VĂN BÚT VNHN để phổ biến tác phẩm này, qua 3 mục đích chính đáng: Kỷ niệm, quảng cáo, một chút đóng góp thực tại của tác giả. Cao Mỵ Nhân xin cám ơn VB/VĐBHK, VBVNHN, và VĂN THƠ LẠC VIỆT cùng tất cả bạn văn thơ đã đọc tập thơ nhỏ "CHIM BAY MỎI CÁNH" này của Cao Mỵ Nhân, xin gởi lời kính chúc vạn an.

PH: Dạ cám ơn chị CMN. Những lý do trên chứng tỏ chị là một người rất trọng tình nghĩa. Xin cho hỏi thêm câu... chót chót: “Theo PH biết, thì ngoài việc sáng tác thơ... như vũ bão, chị còn viết rất nhiều những bài văn cũng hay không kém, đã được VTLV, Văn Bút, và các thi văn đàn khác phổ biến lâu nay. Vậy thì sau tập thơ này, chị có dự định xuất bản thêm tác phẩm nào nữa không? Nếu có, thì đó cũng sẽ là thơ hay sách truyện?

CMN: Từ khi bắt đầu tập viết lách, CMN đã thích cả Thơ lẫn Văn xuôi rồi. Thế nên đã viết những bài truyện cổ tích, nhi đồng, đăng trên báo Giang Sơn Hà Nội kể từ 19/3/1953. Di cư vô Nam 1954, tập viết tuỳ bút, truyện ngắn gởi đăng các báo học sinh, văn nghệ. Qua Mỹ, bắt đầu từ 15/3/1992, tuần báo Saigontimes dành cho CMN viết mục CHỐN BỤI HỒNG, mỗi thứ sáu 1 bài cho tới bây giờ vẫn tiếp tục viết. Nhà xuất bản Sông Thu của Thi Sĩ THÁI TÚ HẠP đã xuất bản cho CMN cuốn "CHỐN BỤI HỒNG 1" năm 1994. Nên, nếu định in ấn thêm các truyện Văn Xuôi, CMN có thể xuất bản tiếp các cuốn truyện "Chốn Bụi Hồng” 2,3,4 v.v... Nhưng bây giờ trong thời đại công nghệ thông tin ngày càng cao, những tác phẩm in bằng giấy hình như có vẻ không thực dụng nữa, có lẽ CMN sẽ nhờ người giúp xuất bản theo dạng Ebooks, hoặc là chỉ... để dành làm kỷ niệm vậy (Smile).

PH: Cám ơn nữ sĩ Cao Mỵ Nhân đã chia sẻ những tâm tình, những suy nghĩ rất độc đáo về văn học, và về tập thơ “Chim Bay Mỏi Cánh.” Kính chúc chị luôn vui khỏe trẻ bình an, tiếp tục sáng tác để cho đời thưởng thức những dòng thơ trữ tình và những áng văn đầy thú vị của chị.

Lời kết, Tuyển tập THƠ “Chim Bay Mỏi Cánh” của nữ sĩ Cao Mỵ Nhân là một tác phẩm văn học tuyệt vời, mà với trình độ thơ hạn hẹp của một hậu bối, người viết cảm thấy mình không đủ ngôn ngữ để diễn tả cho đầy đủ và xứng đáng với giá trị của tập thơ. Độc giả phải tự mình đọc thì mới thưởng thức được hết những cái hay, lạ, và độc đáo trong tuyển tập.

Xin trân trọng kính giới thiệu Tuyển tập THƠ “Chim Bay Mỏi Cánh” của nữ sĩ Cao Mỵ Nhân cùng quý độc giả khắp nơi.

Link order sách từ Amazon: 
https://www.amazon.com/s?k=chim+bay+moi+canh+-+cao+my+nhan&i=stripbooks&crid=1TAOLWWEPOPZE&sprefix=chim+bay+moi+canh+-+cao+my+nhan%2Cstripbooks%2C174&ref=nb_sb_noss

Phương Hoa

Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2022

Chân Dung Thư Họa Vũ Hối - Họa Sĩ Vũ Quốc

   

(Chân dung Danh Họa Vũ Hối do Họa Sĩ Vũ Quốc thực hiện. Thuở sinh thời, danh họa Vũ Hối rất thích chân dung này)

Họa Sĩ: Vũ Quốc

Thương Tiếc Thần Tượng Vũ Hối



Nguời có tài sao về quá sớm
Cọ thần múa vẽ giống hoa đơm
Bút vừa phết tạo ngàn lả lướt
Mê mẫn tâm nầy: những Cảo Thơm

Phưọng múa rồng bay chữ thước tha
Ông đi chỉ lánh cõi ta bà
Lụa vàng nét mực luôn tươi mướt
Thư họa còn đây....xao xuyến ta

Nguyễn Cao Khải

Thương Một Dòng Sông

 

Quê tôi có một dòng sông
Em soi bóng nước giữa dòng cô liêu
Câu thơ thương nhớ hắt hiu
Đôi bờ dòng chảy buồn thiu đợi chờ.

Nỗi buồn bến vắng chơ vơ
Bóng con đò cũ bây giờ về đâu
Tìm em mái tóc hương cau
Dòng sông nước chảy mạch sầu canh khuya.

Con thuyền đợi bến bờ kia
Bãi sông đưa tiễn còn chia nỗi buồn
Đợi ai gió cuốn mưa tuôn
Chia dòng nước chảy gợi nguồn nhớ thương.

Dòng sông tình tự quê hương
Lục bình trôi nổi mù sương khói mờ
Con sóng nhẹ vỗ vào bờ
Tiếng chim Bìm Bịp thờ ơ giang đầu.

Trách sao không nối nhịp cầu
Để cho đôi lứa chọn câu ân tình
Bây giờ nhìn lại đời mình
Dòng sông còn nhớ hành trình hư hao.

Nỗi buồn bến vắng dạt dào
Thương con đò nhỏ bến nào thả neo
Nước sông còn mãi chảy theo
Thương dòng sông nhỏ tình nghèo dễ thương.

Tế Luân
Viết cho một dòng sông

Thuở Ban Đầu

 

Thuở mới biết yêu, sao thật khờ
Yêu thầm, tưởng tượng tình như thơ
Ngày vơ vẩn thẫn thờ xây mộng
Tối vật vờ thao thức dệt mơ
Hết khấn phật gầy duyên kết tóc
Lại cầu trời nối chỉ se tơ
Một hôm nàng sóng đôi người khác
Mặc kẻ bên lề đứng ngẩn ngơ

Nhất Hùng

Giữ Gìn Tinh Hoa



(Cảm tác cuốn thơ “Viết Cho Hồn Dân Tộc”
của thi sĩ Phương Hoa)

Một dòng thơ thắm đượm chan hòa
Say đắm lòng ai ngập tiếng ca
Viễn xứ dâng hồn dân tộc Việt
Tha phương gửi mộng nước non nhà
Còn đây một thuở thơm hương mẹ
Để mãi muôn đời ngát ý cha
Nguồn chữ Phương Hoa tuôn sóng chảy
Góp công gìn giữ những tinh hoa.

Lê Mỹ Hoàn
8/21/2022
***
Chờ Ngày Trở Lại

(Kính họa cùng chị Lê Mỹ Hoàn)

Vận nước chao nghiêng đợi thái hoà
Mong ngày toàn cõi được hoan ca
Xứ người lưu giữ văn chương Việt
Hải ngoại bảo tồn tiếng Quốc Gia
Danh toại đừng quên phò đất Tổ
Công thành hãy nhớ trợ quê Cha
Hoà bình khắp chốn không còn giặc
Hạnh phúc đầy trời rực pháo hoa

Phương Hoa 
AUG 30, 2022

Thái Liên Khúc 採蓮曲 - Bạch Cư Dị


Cũng là Thái Liên Khúc, cũng là "khúc hát hái sen", nhưng không phải của giới qúy tộc, mà là của một thôn nữ vừa đến tuổi cài trâm, được Thi Bá Bạch Cư Dị diễn tả lại một cách rất thực tế sống động sau đây :

採蓮曲                    Thái Liên Khúc


菱葉縈波荷颭風, Lăng diệp oanh ba hà chiếm phong,
荷花深處小船通。 Hà hoa thâm xứ tiểu thuyền thông.
逢郎欲語低頭笑, Phùng lang dục ngữ đê đầu tiếu,
碧玉搔頭落水中。 Bích ngọc tao đầu lạc thủy trung.
白居易                     Bạch Cư Dị

Chú Thích:
- Lăng Diệp 菱葉 : là Lá Ấu, lá của Củ Ấu.
- Oanh 縈 (còn đọc là Quanh, Vinh ): là Lòng vòng, lẩn quẩn.
- Chiếm 颭 : là chữ Hình Thanh, gồm có chữ Phong 風 là Gió chỉ ý, và chữ Chiêm 占 chỉ âm, nên CHIẾM có nghĩa là : Bị gió lay động.
- Tao Đầu 搔頭 : Búi tóc. Danh từ có nghĩa là Cây Trâm.
- Bích Ngọc 碧玉 : là Ngọc Bích. là Cẩm Thạch, nên Bích Ngọc Tao Đầu 碧玉搔頭 là Cây trâm bằng Ngọc Bích, bằng Cẩm Thạch. Người Hoa gọi là Ngọc Bích nghe rất qúy giá. Ta gọi là Cẩm Thạch nghe có vẻ bình dân hơn.

4 bản thư pháp của bài thơ

Nghiã Bài Thơ:
Khúc Hát Hái Sen

Lá ấu phủ trên mặt nước làm gợn sóng lăn tăn và những lá sen lay động trước gió. Trong chỗ sâu thẳm của ao sen chiếc thuyền nhỏ cũng có thể qua lại được. Gặp chàng muốn nói nên cúi đầu cười e thẹn, làm cho cây trâm bằng ngọc bích rớt tỏm xuống ao sen!
Khéo ngớ ngẩn mà nên thơ thi vị làm sao ấy! Không biết "chàng" đây là người cùng xóm hay là người trong mộng của nàng, 4 chữ " Phùng lang dục ngữ : Gặp chàng muốn nói" mới mơ hồ làm sao, vì "nó" ở giữa hai đàng: "Chàng muốn nói hay là Gặp chàng nàng muốn nói ?" để thẹn thùa đến nổi cúi đầu lơ đểnh ... đánh rơi cành trâm ngọc xuống ao sen!
Qủa là một bức tranh tâm lý sống động thực tế của các cô gái mới đến tuổi cài trâm rung động bối rối trước mặt người mà mình hằng mơ ước.

Diễn Nôm
Thái Liên Khúc

Sóng vờn lá ấu gió lay sen,
Trong đám hoa xa thuyền nhỏ len.
Muốn nói, gặp chàng cười cả thẹn,
Cúi đầu trâm ngọc rớt ao sen!

Lục bát:

Ấu gợn sóng gió lay sen,
Hái hoa thơ thẩn xuồng len trong cùng.
Gặp chàng muốn nói thẹn thùng,
Cuối đầu trâm rớt xuống bùn trong ao!

Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm

杜紹德
Đỗ Chiêu Đức
***
Khúc Hát Hái Sen


Thất ngôn

Lá ấu neo dàn quyện gió lay...
Hoa sen rậm đám bủa xuồng xoay
Gặp chàng muốn nói mà e thẹn
Trâm ngọc cúi đầu rớt chẳng hay


Lục bát

Sóng vờn lá ấu gió lay
Hoa sen rậm đám dần xoay thông xuồng
Gặp chàng cúi mặt thẹn thuồng
Làm cho trâm ngọc thả buông chẳng ngờ


Mai Thắng
220820

Mẹ tôi


Ngày này, 78 năm về trước Mẹ tôi “vượt cạn mồ côi một mình “ và tôi chào đời khi Mẹ bệnh.
Mẹ tôi quê ở Nhị Quý, quận Cai Lậy, tỉnh Định Tường, cách quận Cái Bè hơn chục cây số.

Mẹ tôi là phụ nữ đẹp, xuất thân từ 1 gia đình khá giả. Ông Ngoại tôi là một Ông Lang mát tay, thời còn xài tiền xu, tiền điếu thì Ông tôi đã có hơn 70.000 đồng, nhưng Ông đã sai lầm không cho Mẹ tôi học chữ.

Tất cả cuộc đời của Mẹ tôi người đều kể hết cho tôi nghe, nhưng Mẹ tôi gặp và thương Ba tôi “một người thợ may tầm thường“ ở Cái Bè trong dịp nào, thì tôi ngốc nghếch đã không hỏi điều đó.
Mẹ tôi lập gia đình với Ba tôi , không được sự đồng ý của Ông Ngoại tôi.
Thời đó không có việc đăng báo từ con, nhưng Ngoại tôi không ngó ngàng, giúp đở gì cho Mẹ tôi nữa.

Mẹ tôi đầu quân vào một gia đình nghèo và khắc nghiệt.
Cô Loan trong Đoạn Tuyệt qua ngòi bút tài tình của Nhất Linh đã lấy đi bao nước mắt của người khác, nhưng so với hoàn cảnh của Mẹ tôi thì không nghiệt ngã bằng.
Mẹ tôi phải sống như tôi đòi, thậm chí việc ăn uống cũng không bao giờ được chung mâm với gia đình.

Nấu nướng ngon miệng thì mọi người ăn hết, Mẹ tôi chỉ còn đôi chút vụn sót. Không vừa miệng thì bị nặng nhẹ, thậm chí có khi còn bị phá , như bị bỏ thêm muối mặn để có cớ đay nghiến.

Hồng trần bạch lảng lưỡng cưu mang
Nhẩn nhục nhu hoà thị diệu phang

Mẹ tôi không biết chữ để tiếp thu lời giáo huấn của Thánh hiền, nhưng bản chất nhẩn nhục, nhu hoà có tự nhiên trong con người đôn hậu của Mẹ nên lần hồi chinh phục được tình thương của cả gia đình nhà chồng (trừ Ba tôi).

Điều oái oăm là khi tôi tròn tuổi thôi nôi thì Ba tôi lại bỏ nhà theo một bóng sắc khác, đem nhau lên Sài Gòn lập tổ ấm.
Chị chồng và cô em chồng của Mẹ tôi cũng tách nhà lập gia đình riêng.


Mẹ tôi trước không biết, nhưng giờ phải đầu tắt mặt tối, dấn thân vào nghề làm bánh bán để nuôi Bà Mẹ chồng lú lẩn và 2 con thơ dại.
Chị tôi chỉ lớn hơn tôi 4 tuổi, nên tôi đã thường toạ trong 1 chiếc thúng của gánh bánh.

Mẹ tôi làm bánh thật khéo: bánh ít, bánh tét, bánh qui, bánh cúng, bánh bò, bánh chuối, xôi..., buôn bán thật uy tín và có tiếng nên được hàng xóm rất thương mến.

Lúc tôi lên 8, Bà Nội tôi mất.
Chị tôi hết bậc tiểu học cũng phải nghỉ, lên Sài Gòn giúp việc cho Cô tôi và từ đó tôi đảm nhận vai "phụ tá chánh" , nên ngoài giờ học phải tham gia phụ Mẹ tất cả các khâu.

Năm tôi học lớp nhất, một hôm tan học về, tôi vòng tay thưa Mẹ con đi học về, thì thấy bên cạnh giàn xay bột có một bà cụ. Mẹ tôi bảo tôi "chào Ngoại đi con". Tôi vâng lời nhưng trố mắt vì Bà Ngoại tôi đã mất trước khi tôi chào đời.
Số là Ông Ngoại tôi buồn Mẹ tôi nên tái lập gia đình với 1 bà. Bà này cùng mấy người Cháu bòn rút sạch tài sản của Ông Ngoại tôi khiến Ông buồn phiền sanh bệnh và qua đời.

Không rõ bà Ngoại kế này làm thế nào mà trở thành trắng tay, nên tìm đến con chồng là Mẹ tôi để nhờ vã. Bà đã ở với chúng tôi hơn tuần lễ mới trở về Nhị Quý.
Năm sau thì Bà qua đời vì bị ung thư cuống họng. Mẹ tôi dẩn tôi lần đầu về quê Ngoại, nhưng thật tình mà nói tôi không có chút lưu luyến nào.
Hết bậc tiểu học, tôi tiếp tục bậc trung học ở Mỹ Tho. Chỉ cuối tuần và những tháng hè tôi mới được gần Mẹ.
Xong bậc trung học, tôi lên Sài Gòn tiếp tục học nên cũng rất ít khi về quê.
Chị tôi trước đó vài năm cũng đã lập gia đình.

Tôi là con trai duy nhất của gia đình, có thể xin hoản dịch để tiếp tục học, nhưng từ nhỏ đã chứng kiến sự man rợ của Viêt Minh (tiền thân của VC )nên năm 1966, tôi tình nguyện đi lính để đánh giặc.

Năm 1970 , tôi lập gia đình .
Đời lính, cuộc sống rày đây mai đó, thêm bổn phận với vợ con khiến tôi bất hiếu, chẳng mấy khi đươc gần Mẹ.
Mẹ tôi có con, cháu, nhưng vò võ cho đến khi nhắm mắt năm 1976 vẫn không thấy mặt được thằng con bất hiếu vì lúc đó tôi đang tù VC ở Hoàng Liên Sơn.

Riêng về Ba tôi, ở khu Bàn Cờ, quận 3 Sài Gòn, hành nghề may và dạy may, cùng phụ chút việc cho người Anh Rễ để nuôi vợ và 3 cô con gái.
Ông chỉ nghĩ đến tôi khi tôi học lớp Đệ Tam và bắt đầu trả tiền cơm tháng thay cho Mẹ tôi

Năm 1971, khi tôi đi công tác ở nước ngoài về, đến thăm Ba thì Bà Dì - vợ kế của Ba tôi bảo "Ba tôi đang bệnh, đợi tôi về để đem vô nhà thương".
Tôi có người quen là CHT /TYV Cộng Hoà và Bạn làm việc ở đó, nên muốn đem Ba tôi vào điều trị ở nơi này, nhưng Ba tôi không chịu.

Muốn đem Ba vào bệnh viện Hải Quân, Ba cũng không đồng ý, với lý do chỗ quân đội, 3 em gái của tôi ra vào không tiện.
Ba tôi muốn nằm ở bệnh viện Sùng Chính - Tàu , thật đắt đỏ.

Chỉ tiền phòng 1 tháng đã ngốn hết 2 tháng lương của tôi và tôi phải ra chợ trời đường Tôn Thất Thiệp bán đi hầu hết những gì tôi mua được ở PX khi công tác ở nước ngoài.
Một tháng sau Ba tôi xuất viện về nhà vì cho là đã khoẻ, nhưng thật ra là đèn loé lên trước khi tắt và Ba tôi mất tuần lễ sau đó.

Trồng trầu thì phải khai mương
Làm trai hai vợ phải thương cho đồng

Ba tôi đã không công bình, thiếu bổn phận với Mẹ con tôi.
Tuy những năm cuối đời Ba đã trường chay, ăn năn, hối hận, nhưng thật muộn màng.
Ba tôi thật khắt khe với tôi, nhưng tánh tôi giống Mẹ thật nhiều, nên khi hối hận thì Ba tôi cũng thương tôi hơn.
Ba tôi mong ước được chôn dưới chân mộ Nội tôi và tôi đã cố gắng thực hiện điều đó.

Khi quan tài Ba tôi về đến quê nhà, Bà Dì ghẻ sụp lạy Mẹ tôi, Mẹ tôi né tránh khiến tôi hết hồn, nhưng may thay mọi diển biến tiếp theo đều tốt đẹp.

Ba tôi mất năm 1971, Mẹ tôi mất năm 1976, cả hai đã xong một kiếp người.
Dù không hoàn hảo, nhưng Cha Mẹ tôi đã cho tôi một tình thương bao la.

Ngày nay, ở xứ người tôi cũng cô đơn như Mẹ tôi, nhưng tôi nguyện "sẽ thương tôi và thương tất cả mọi người", nhất là với phụ nữ vì họ là hình ảnh của Mẹ tôi (như là sự sám hối muộn màng vì tội bất hiếu).

Đại phúc thay cho những ai còn đủ cha mẹ, nên trân quý và luôn hành động cụ thể trong khả năng và hoàn cảnh, đừng đợi ngày lễ Mẹ hoặc mùa Vu Lan

Paris, tháng 08. 2022
HQ.tkd

Thứ Năm, 25 tháng 8, 2022

Xin Trả Lại Em - Sáng tác: Liên Bình Định - Ca sĩ: Thanh Hoài


Sáng Tác: Liên Bình Định
Ca Sĩ: Thanh Hoài

Rù Rì Gọi Em

 

Gọi người khản tiếng mòn hơi.
Người nghe hay vẫn miệng cười mím chi?
Nghe hay không, có xá gì
Còn hơi ta cứ rù rì gọi chơi!
“ví dầu tình bạn muốn thôi”!


Trần Bang Thạch

Mòn Trông


Nắng vàng loang loáng trong chiều nhạt

Đưa đẩy chèo khua gợn sóng lòng
Biền biệt phương nao trời viễn xứ
Tà dương dần khuất vẫn mòn trông

Trời đang vần vũ chợt mưa sa
Nước mắt phân ly những giọt ngà
Mưa mãi trên hàng cây trụi lá
Bóng hình ai đấy thoáng vừa qua.

Kim Phượng

Sao Không Giữ

 

Sao không giữ khối tình lưu niệm
Chẳng còn gì vương vấn bước anh
Dù thời gian phai mái đầu xanh
Môi héo hắt da mồi nhợt nhạt

Sao không giữ để tim mất mát
Đêm lạnh lùng lợt lạt đèn khuya
Trên tường loang ngóng đợi bóng dìa
Đành chấp nhận… âm thầm bỏ cuộc

Sao không giữ để tay lạnh buốt
Chập choạng đi nhung nhớ một mình
Có tiếc thương hồn linh gầy guộc
Chới với tìm tia sáng mong manh

Sao không giữ chút tình tản mạn
Chút nắng hồng chạng vạng ngày đi
Trót yêu ai lỡ dại ngu si
Người xưa ơi! Giữ đi đừng trả.

Kim Oanh

Ta Muốn Ôm(Xuân Diệu) - I Want to Grasp Thee(Thomas D. Le)

 

Xướng:

Ta Muốn Ôm


Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!


Xuân Diệu
***
Bài Họa:

I Want to Grasp Thee


Life has just begun to burst forth.
I want to seize the clouds and wind,
Drunk with love on butterfly wings.
I want to embrace in an ardent kiss
The mountains, streams, trees, and bright grass
To delight in this world of perfume and light,
To satiate my soul with the prime of life.
O, vermeil spring! I want to bite into thee!

Translated by Thomas D. Le
22 February 2009

Họa Bùi Địch "Đăng Tân Tân Tự" Ký Vương Thị Lang - Đỗ Phủ (712 - 770)



和裴迪登新津寺寄
王侍郎

何限倚山木,
吟詩秋葉黃。
蟬聲集古寺,
鳥影度寒塘。
風物悲遊子,
登臨憶侍郎。
老夫貪佛日,
隨意宿僧房。

Đỗ Phủ (712 - 770)
***
Lên Chùa Nhớ Bạn

Tha thẩn tựa cây núi,
Ngâm thơ tụng lá vàng.
Tiếng ve rộn chốn vắng,
Bó ng nhạn thoáng thu sang.
Thương bạn mây vời vợ i,
Nhớ ai chiều ngỡ ngàng.
Thân già tham cửa Phật,
Tối ngủ lại phòng tăng.
Họa Bùi Địch "Đăng Tân Tân
Tự" Ký Vương Thị Lang
Hà hận ỷ sơn mộc
Ngâm thi thu diệp hoàng
Thiền thanh tập cổ tự
Điểu ảnh độ hàn đường
Phong vật bi du thử
Đăng lâm ức Thị Lang
Lão phu tham Phật nhật
Tùy ý túc tăng phòng

Cảm Dịch:

Họa Bài "Lên Chùa Tân Tân" Của Bùi Địch Để Gửi Vương Thị Lang

Buồn chi mà ngồi dựa gốc cây trên núi
Ngâm thơ giữa rừng lá thu vàng
Tiếng ve ran trong ngôi chùa cổ
Bóng chim thoáng bay ngang trên đầm nước lạnh
Cảnh vật u tịch não lòng khách viếng
Lên núi thăm chùa lại nhớ đến bạn
Tuổi già lòng tham ngày Phật
Nên đã tự ý ngủ lại qua đêm trong phòng tăng.

Phạm Khắc Trí 
Mây Tần



Trôi Theo Dòng Đời


1-

Vạt nắng Tháng Tư xuyên qua cửa sổ như một dải lụa mềm. Qua mấy ngày mưa gió lê thê, bầu trời ảm đạm; cảnh vật như được hồi sinh! Ngôi nhà của cô con gái chúng tôi nằm giữa một thung lũng bao quanh bằng những đồi cỏ mênh mông, những con đường uốn lượn quanh co nên thơ, những rặng đào trắng, hồng khoe sắc. Hôm nay ngày cuối tuần nên từng nhóm người đi bộ trên đồi, rủ nhau đến những thảm hoa vàng, hoa tím quanh sườn đồi để tạo dáng chụp hình. Nhìn khung cảnh tươi đẹp, yên bình như thế nhưng sao trong tôi vẫn khắc khoải u hoài. Tin tức chiến sự ở Ukraine dồn dập chưa hề thuyên giảm. Chết chóc, đau buồn bao phủ lên cả một dân tộc, kinh động cả thế giới và đang thức tỉnh lương tâm nhân loại toàn cầu.

Thương xót thường dân Ukraine đang bồng bế nhau chạy loạn trong bom đạn, khói lửa, thêm Tháng Tư đau buồn khiến tôi chạnh nghĩ về quê hương Việt Nam. Những hình ảnh xưa cũ hiện về như một cuốn phim quay chậm.

Buổi sáng hôm ấy con bé em vừa thò đầu qua cánh cửa đã mếu máo nói:
- Chị ơi! Nhà mình bị kiểm kê, họ đóng chốt từ ngày hôm qua, không cho ai ra khỏi nhà, đồ đạc bị niêm phong hết. Sáng nay tụi em vì đi học nên được ra ngoài, mẹ nói em đến báo tin cho chị!
Rồi nó ghé vào tai tôi nói nhỏ:
- Mẹ bảo chị sang nhà bà Tầu lấy mấy gói đồ tụi em quăng sang nhà bà đêm hôm qua.

Nghe em nói mà tôi bàng hoàng, tê điếng. Nhà mẹ tôi không phải là cửa hàng buôn bán hay cơ sở kinh doanh. Qua hai đợt nhà nước đánh Tư Sản, mẹ tôi đã không bị vướng. Bây giờ vì lý do gì và tại sao đây! Con bé em rươm rướm nước mắt còn tôi cũng lo đến ngộp thở. Đợi con bé bình tĩnh lại tôi hỏi em thêm vài điều rồi nói:
- Thôi em đến trường đi học như bình thường cho họ khỏi nghi. Để chị tính!

Nhìn con bé xiêu vẹo đạp xe đi mà không cầm được nước mắt. Bỏ công việc đang làm dở dang, tôi thay bộ quần áo bà ba đen, xách chiếc giỏ cói, đội chiếc nón lá, lấy xe đạp sang nhà bà Tầu “depot” bia và nước ngọt bên cạnh nhà mẹ tôi xem sao.
Đến nơi, liếc sang nhà mẹ, thật kinh hoàng, hai người bộ đội cầm súng lăm lăm gác ngay hai bên cổng. Tôi lạnh cả người, lủi vội vào cửa hàng nhà bà Tầu. May quá tiệm đang không có khách, chỉ có ông chồng bà đang ngồi cưa cây nước đá lớn ra thành những khúc đá nhỏ hơn bỏ vào thùng đựng trấu để khi những người có xe bán đồ giải khát đến mua thì đã sẵn sàng. Bà ta kéo vội tôi vào phòng rồi hổn hển nói:
- Tội nghiệp bà quá cô Ba ơi, trưa hôm qua cả đám bộ đội vô nhà bà, họ có mang súng, vô lục soát, kiểm kê đồ đạc. Lúc đó có mình bà ở nhà, mấy người con đi học hết. Khi mấy người về thì bị nhốt luôn, không ai được ra ngoài. Tôi sợ quá, thương bà quá! Đêm thật khuya tôi nghe như có gì rớt ngoài sân nước, ra coi, ngó lên sân thượng nhà bà thấy mấy người ngoắc, mấy cô xá lia lịa rồi liệng xuống sân nhà tôi hai gói này, may là quấn vải bên ngoài nhiều nên không gây tiếng động. Cũng may nữa là mấy người đóng chốt trong nhà chắc ngủ hết nên không ai biết. Thôi cô đem về cất cho bà. Tôi sợ lắm, lỡ họ biết mà qua nhà tôi thì khổ!

Cám ơn hai ông bà hàng xóm tốt bụng, tôi mua vài chai xá xị bỏ vào chiếc giỏ gắn trước ghi đông xe rồi lặng lẽ đạp xe về mà lòng trĩu nặng âu lo. Cha tôi, một sĩ quan cấp tá quân lực VNCH đang bị nhốt ở trại học tập cải tạo Hà Sơn Bình ngoài bắc không biết ngày nào về. Mẹ tôi với đàn con còn kẹt lại 7 đứa, lớn nhất vừa mới 20, đang học trường Nha còn bé Út mới 7 tuổi. Của cải bị tịch thu hết thì làm sao mà sống đây! Liệu mẹ tôi có chịu đựng nổi qua cơn sóng gió này! Một bầy con tổng cộng 12 đứa, ba người con du học ngoại quốc chưa có công việc vững chắc. Ông anh cả bên Pháp mới ra trường. Hai đứa còn đang học dở dang bên Mỹ. Cô em kế tôi may mắn đi thoát với bên nhà chồng ngay ngày 30/4/75. Tôi đã lập gia đình có hai đứa con nhỏ cũng bị kẹt lại và tang thương không kém.

Ngày hôm sau cô em lớn đi học về ghé nhà tôi kể là khi em về thấy bộ đội gác trước cửa, biết là có biến nên em phóng xe Suzuki chạy đi luôn, là con gái lớn nhất ở nhà nên mẹ tôi giao cho em một cái ruột tượng lúc nào cũng cột chặt vào người, em trở lại trường Nha cất ngay vào tủ khóa riêng trong đó. Đem gửi chiếc Suzuki ở nhà bạn rồi nhờ bạn chở đến đầu đường để đi bộ về nhà.
Vào nhà, khung cảnh thật kinh hoàng. Họ lục tung cả nhà lên, lục hết quần áo, đồ đạc, sách vở trong các ngăn tủ, ngay cả những thứ cất trong ngăn chiếc tủ thờ bằng gỗ cẩm lai ở sát vách cũng bị lôi ra hết. Họ theo sát mẹ tôi, bà đi đâu họ đi theo ngay bén gót. Họ đổ hết đồ đạc ra đầy sàn nhà rồi chất vào thùng những gì họ cho là quý giá, ngay cả những hộp sữa bột để dành cho hai đứa cháu ngoại, những món quà kỷ niệm, những tấm plaque vàng dát mỏng mà bạn bè tặng khi sinh nhật hay ngày tết hoặc những ngày khao vọng gì đó, mấy chuỗi ngọc, vòng đeo tay và hộp nữ trang của mẹ, mấy xúc vải mua sẵn để may quần áo vì nhà con đông. Họ đóng chốt tại nhà, ăn ngủ tại chỗ để lục lọi, kiểm kê tiếp. Họ chiếm phòng sinh hoạt chính của gia đình, cả nhà bị dồn vào một phòng ở dẫy đằng sau, không biết bao giờ họ mới rút đi! Họ niêm phong hết những gì họ tìm thấy và khi khám phá ra mấy giỏ thuốc tây mà mẹ mua bán hàng ngày làm kế sinh nhai thì họ quy mẹ vào diện tư sản mại bản, thêm nữa vì là vợ của sĩ quan cấp tá “ngụy” nên họ bắt mẹ phải đi kinh tế mới!

Tôi nghe em kể mà xót xa. Biết bao công lao mồ hôi nước mắt gây dựng nên cơ nghiệp của cha mẹ tôi mà bỗng dưng người ta tước đoạt hết và cưỡng bách ra khỏi nhà để họ chiếm nốt ngôi nhà của chính cha mẹ tôi đã dựng xây. Tương lai các em tôi sẽ ra sao đây!
Sau khi tịch thu hết cuả cải, đồ đạc họ đem xe đến chở mẹ tôi cùng những người cũng bị kiểm kê đợt đó lên khu kinh tế mới để nhận đất, nhận nhà. Lên đến nơi thấy rừng núi hoang vu, loáng thoáng những mái tranh không tường, không vách. Mẹ tôi nghĩ đến đàn con còn đang đi học mà lại toàn là con gái nhỏ không có sức lao động, không thể khai phá đất hoang. Lên đây thì không thể nào sống được, trước sau gì cũng chết! Mẹ tôi không chịu ở lại và với vài người khác nữa rủ nhau trở về thành phố. Bị dồn đến đường cùng mẹ đi kêu nài khắp nơi, từ ban cải tạo phường, quận đến ban cải tạo thành phố và uỷ ban quân quản, ủy ban nhân dân. Cuối cùng có người mách nước là nếu có nơi để về hồi hương thì không bị ép đi kinh tế mới. May mắn còn cái ruột tượng và hai gói đồ còn giữ được, mẹ tôi mua một căn nhà lá tại Long Thành ngay cây số 80 trên đường đi Vũng Tàu để có địa chỉ hồi hương.

2-

Đầu óc tôi lại bềnh bồng trở về những ngày tháng cũ xám xịt thê lương. Những nhục nhằn, khổ đau của những người đàn bà còn ở lại, phải đối phó với những kẻ đang vênh vang thắng thế, phải đương đầu với những hoàn cảnh khắt khe.

Căn nhà mẹ tôi mua ở Long Thành thấp lè tè, tối om, chỉ nhỏ như một cái buồng, mái tranh, vách lá, nền đất nện. Mẹ tôi ở đó một mình, như bị đầy đọa, ra vào im lìm như cái bóng. Các em tôi may mắn được ở lại Sài Gòn để đi học. Sau nhà có một ao rau muống nước đục ngầu. Quanh nhà có những luống khoai mì ốm yếu, siêu vẹo vì không người tưới bón thường xuyên.
Ngôi nhà cuả mẹ tôi ở Sài Gòn bị phường khóm trưng dụng, nguyên tầng dưới làm kho chứa hàng, chất đầy các cần xé cá khô và những hũ mắm xông mùi nồng nặc. Họ chiếm mấy tầng trên làm nơi cư ngụ. Các em tôi bị dồn vào một phòng ở dẫy nhà sau.

Trên những chuyến xe đò từ Sài Gòn ra Long Thành để thăm mẹ, tôi thường ngồi khóc lặng lẽ vì nghĩ đến mẹ mà thương. Mẹ tôi mới ngoài năm mươi mà tưởng chừng như già lắm, sống quạnh hiu ở một nơi không người thân thích. Nhà một bầy con mà phải một mình sống cô đơn, lủi thủi trong căn nhà lá lụp xụp, ban đêm chỉ có một ngọn đèn dầu leo lét. Mẹ tôi, cô con gái Hà Thành, con một ông giáo mà theo thời cuộc tang thương của đất nước đã trải qua bao cơn bĩ cực, đắng cay. Năm 1944, mười tám tuổi, lên xe hoa về nhà chồng. Hạnh phúc chưa được bao lâu, cửa hàng ở phố Huế do ông bà ngoại giúp vốn để làm ăn vừa mới ổn định thì đầu năm 1946 đã phải bồng đứa con thơ đầu lòng tản cư ra khỏi thành phố. Ngày hồi cư Hà Nội cuối năm 1947 cha mẹ tôi xơ xác, tả tơi, quần áo rách mướp, túi tiền gần cạn. Bà nội, cô Nga còn nhỏ, hai đứa con còn bé xíu, anh tôi mới hơn hai tuổi, tôi mới ra đời được vài tháng. Nhà bà nội tôi chỉ còn là một đống gạch đổ nát và cửa hàng ở phố Huế của mẹ tôi cũng tan hoang, đồ đạc mất sạch. Cha mẹ tôi phải xây dựng lại cuộc đời từ hai bàn tay trắng. Mới có chút cơ ngơi thì năm 1954 vì hoàn cảnh đất nước bị chia đôi, hai người lại phải khăn gói ra đi, bỏ lại quê cha, đất tổ, mồ mả tổ tiên. Lần này quần áo lành lặn, tươm tất nhưng gánh trên vai nặng hơn, bà nội tôi và sáu đứa trẻ, cậu Thắng mới 11 tuổi, năm anh em chúng tôi, anh Dũng mới lên chín, em Tuấn còn phải bế trên tay.

Tôi còn nhớ ngày đầu tiên tới Sài Gòn, máy bay đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất lúc giữa trưa. Trời Sài Gòn nắng gắt, chúng tôi mệt nhoài và nóng nực vì rời Hà Nội từ sáng tinh mơ nên bà và mẹ tôi đã cẩn thận cho chúng tôi mặc áo ấm. Vừa được đưa đến dãy lều vải ngay trước phi trường thì mây đen từ đâu ùn ùn đến và cơn mưa đổ ập xuống. Mỗi người được phát một ổ bánh mì và một ly nước chanh. Chúng tôi co ro ngồi trong lều, vừa ăn vừa nhìn mưa. May qúa ăn xong vừa lúc tạnh, cha tôi đi làm thủ tục giấy tờ và chúng tôi được xe đưa đến nhà thương Bình Dân ở đường Hai Mươi (sau đổi thành đường Phan Thanh Giản). Nhà thương khi ấy mới xây, dùng làm nơi ở tạm cho đồng bào di cư. Mỗi gia đình được phát một chiếc chiếu cói, chiếm ngụ một góc phòng.

Chưa đầy ba mươi tuổi, vào miền nam, cha mẹ tôi phải xây dựng lại từ đầu, từ căn nhà gỗ mái ngói nhỏ xíu trên đường Thành Thái. Nhà tuy nhỏ nhưng miếng đất rộng rãi, xinh xắn có thể phát triển sau này và ở ngay mặt đường lớn sẽ dễ làm nơi buôn bán, nhất là lại vừa số tiền có lúc đó nên chỉ sau 3 ngày cha mẹ tôi đã làm xong mọi thủ tục giấy tờ và chúng tôi rời khỏi nhà thương Bình Dân ngay.
Khi ấy lòng đường Thành Thái rộng, được chia đôi bằng một hàng cây điêp to cao ở giữa. Đứng trong nhà nhìn sang bên kia đường như xa vời vợi vì mỗi nhà đều có một khoảng sân đằng trước cây cối xum xuê.
Căn nhà gỗ nhỏ ngăn hai buồng, cách một sân nước là căn nhà sau mái tôn không cửa, như một quán chợ. Ngay góc phòng có một cầu tiêu nhỏ như một cái tủ áo, liền đó một bàn xây bằng xi măng trên để mấy bếp lò bằng đất nung. Chủ nhà cũ để lại cho hai bộ ván ngựa và 1 cái lu đựng nước.

Các em tôi lần lượt ra đời trong căn nhà đó và do sự chịu thương chịu khó, làm lụng khó nhọc, sự cần kiệm và tháo vát của mẹ tôi, căn nhà phát triển từ từ theo thời gian, từ nhà gỗ sang nhà gạch một tầng nới rộng tới vỉa hè. Đường Thành Thái được tu sửa, hàng cây điệp ở giữa được bứng đi, lòng đường được san bằng và trải nhựa đen bóng thành một đại lộ kéo suốt từ đường Cộng Hoà lên tới chợ An Đông, tiếp nối với đường Hùng Vương, đi thẳng vào Chợ Lớn. Thoạt đầu các xe đò được đậu dọc hai bên đường Thành Thái, kéo dài từ Trần Bình Trọng đến đường Petrus Ký. Mẹ tôi khai trương tiệm tạp hóa Tiến Thịnh ngay khi có bến xe đò lục tỉnh trước cửa. Mẹ tôi bán những vật dụng cần thiết cho khách vãng lai như khăn mặt, sà bông, thuốc đánh răng, thuốc cảm, bông băng, giầy dép, bánh kẹo, những đồ chơi nhỏ để làm quà và đồ ăn vặt. Xung quanh có vài nhà cơi phòng phía ngoài, kê ghế bố cho khách ngủ qua đêm. Các mặt hàng thêm vô từ từ, mẹ tôi đi chợ Cầu Ông Lãnh và chợ Bình Tây để bổ hàng, bắt đầu là những nhu yếu phẩm cần thiết cho con người như gạo, muối, đường, nước mắm, dầu, dấm, dầu hôi, củi than... Vài năm sau chúng tôi lớn lên, cửa hàng của mẹ khấm khá và nhân số gia tăng, căn nhà được xây lên thành nhà hai tầng với sân thượng có một phòng nhỏ thờ Phật, cũng là phòng riêng cho ông anh cả. Khi xây nhà mẹ tôi dặn nhà thầu đóng cừ và đổ móng thật chắc để mẹ dự trù sẽ xây nhà lên cao hơn khi có thể. Mẹ tôi làm việc bẩy ngày một tuần từ sáng sớm đến nửa khuya, trừ mấy ngày nghỉ Tết và một tuần sau khi sanh em bé. May mắn là có bà nội trông nom săn sóc chúng tôi và cha tôi khi di cư vào nam đã mang lon Thiếu Uý, ông tiến triển đều đều trong binh nghiệp và mỗi tối chăm lo dậy bảo, kiểm soát bài vở các con.

Cuộc sống êm đềm trôi, vài năm sau mẹ tôi lại cơi nhà thêm một tầng nữa và cửa tiệm của mẹ tôi đã phát triển thành một siêu thị nho nhỏ gồm đủ các mặt hàng, bán đủ các đồ dùng, sách vở, giấy bút cho học sinh, thêm một góc chứa vải vóc và đủ các vật dụng cần thiết cho các tiệm may. Các nhu yếu phẩm vẫn còn đầy đủ.

Đến năm 1965, cha tôi khi ấy đã lên cấp tá, đang làm quản lý tại Viện Bài Lao Ngô Quyền thì bà nội tôi mất, anh cả đã đi du học, tôi là chị gái lớn nhất, vừa xong Tú Tài, sắp lên Đại Học. Cha mẹ tôi quyết định dẹp tiệm, bán hết hàng tồn kho, quầy tủ. Thu góp tiền bạc, vay mượn thêm bạn bè để xây căn nhà mái tôn phiá sau thành một dãy nhà bê tông bốn tầng để cho thuê lấy lợi tức vì lương sĩ quan của cha tôi chỉ đủ cho nhu cầu căn bản của gia đình. Cuối năm đó nhà cửa xây xong, có người thuê đầy đủ, mẹ tôi yên chí lo tề gia nội trợ, cho người làm nghỉ việc và dành thời gian cùng cha tôi chăm chút đàn con, uốn nắn một bầy con gái đang tuổi lớn của cha mẹ.

Tưởng cuộc đời cứ thế bình thản trôi. Cha tôi được chuyển về dạy Hành Chánh tại trường Quân Y ở Sài Gòn. Năm 1971 gả chồng cô gái lớn. Năm 1972 gả chồng cô em tiếp theo. Sau khi lo cho hai người con nữa sang Mỹ du học, ông bà bắt đầu vui với hai đứa cháu ngoại thì tang thương ập đến! Ngày Ba Mươi Tháng Tư Oan Nghiệt!!

3-

Đầu óc tôi chập chùng, lùng bùng những hình ảnh Sài Gòn sau ngày đổi chủ, những đau xót, tang thương, những tủi nhục, đọa đầy. Mẹ tôi biết là không thể sống được với chế độ này nên đã từ từ tung các con ra đại dương để đi tìm tương lai, chỉ giữ cô út ở lại với mẹ để chờ bố. May mắn nhờ Trời Phật và tổ tiên che chở, các em tôi đến bến bờ bình an. Cuối cùng sau hơn mười năm tù đầy cha tôi cũng được thả về.

Ngày 20/ 4/ 1990 chúng tôi đã kéo nhau đến phi trường San Francisco để đón ông bà và dì út. Đại gia đình chúng tôi đoàn tụ hết trên đất nước Hoa Kỳ. Anh tôi cũng đã từ Pháp sang sống gần các em từ sau 1975. Mười hai người con của cha mẹ, thêm dâu, rể và các cháu tề tựu hết cho ông bà điểm danh.

Từ trước 1975, với bầy con 12 đứa, cha mẹ tôi đã ấp ủ có một Đỗ Gia Trang, một dẫy nhà hình chữ U gồm 13 phòng lớn. Ông bà một phòng và mỗi gia đình con một giang sơn nhỏ để khi ông bà về hưu thì gia trang này sẽ là nơi con cháu tụ họp vào những ngày Tết, ngày giỗ hay dịp nghỉ hè. Ông sẽ cầm cây gậy chỉ huy để chỉ huy lũ cháu chắt. Cả một gia trang sẽ rộn rã tiếng cười. Cha mẹ chúng tôi đã mua sẵn mấy mẫu đất trên sườn đồi khu Mê Linh, Đà Lạt, trông ngay ra mặt hồ, phong cảnh thật nên thơ để thực hiện giấc mơ đó. Nhưng ai ngờ, đến ngày mất nước! Tất cả các mộng ước của ông bà đều vỡ tan. Nhà đã vẽ nhưng chưa kịp xây thì cha tôi, một sĩ quan cấp tá của Quân Đội VNCH đã phải khăn gói đi tù.

Được sang đoàn tụ với con cháu trong một đất nước thanh bình, thở hít không khí tự do; nhìn đàn con cháu tươi vui, tâm hồn trong sáng, cha mẹ tôi rất mãn nguyện. Luôn nhắc nhở con cháu phải nhớ về cội nguồn dân tộc, giữ gìn những truyền thống tốt đẹp của cha ông. Nhất là anh em phải đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau khi cần. Đại gia đình dù không sống gần nhau cũng phải ít nhất gặp nhau mỗi năm một lần để giữ sợi dây thân ái.

Giờ đây cha mẹ tôi đã ra người thiên cổ!

Đỗ Dung

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2022

Ballade Chiều Mưa Hạ - Thơ: Tiểu Vũ Vi Nhạc: Đình Đại Đàn&Hòa Âm: Sỹ Đan Trình Bày; Mê Linh


Thơ: Tiểu Vũ Vi
Nhạc: Đình Đại
Đàn&Hòa Âm: Sỹ Đan
Trình Bày; Mê Linh

Mùa Mưa Tháng Mấy

 

Mưa chiều xứ lạ không buồn mấy
Chỉ đủ pha vừa một nhớ thêm
Mưa đâu cũng giọt trời rơi xuống
Sao giọt nơi này mặn lãng quên!

Chừng như có chút mùi hương cũ
Của một bờ lưng phủ tóc mềm
Mưa theo từng sợi dài hiu hắt
Đọng khóe môi viền ngây ngất đêm

Mưa rơi, rơi ướt miền ký ức
Như nước mắt người thương nhớ tôi
Những mùa mưa trước chừng như thể
Về lại trong cùng một giọt rơi...

Tháng mấy trời mưa tìm quanh quẩn
Đâu vết chân người thuở mới quen
Vòng tay bỡ ngỡ chiều mưa lạnh
Cuối nụ hôn dài không nhớ tên!

Bây giờ mưa lại về theo những
Cơn gió thời gian nặng trĩu lòng
Mùa mưa tháng mấy người đi biệt
Mang cả tôi và một bến sông...

Durham, North Carolina
Nguyễn Vĩnh Long


Chiều Bến Phà

 

Bài Xướng: 

Chiều Bến Phà

Những chiều tan học, một mình ta
Lặng đứng bơ vơ dưới bến phà.
Chiếc bắc lừ đừ vương khói xám
Dòng sông lấp lánh nhuộm dương tà.
Nhấp nhô sóng nước vài thuyền lá
Ẩn hiện bờ tre mấy nóc nhà.
Não nuột bên đường bài vọng cổ
Hững hờ hành khách lớp người qua!

Mailoc
8-16-22
***
Các Bài Họa:

Những Chuyến Phà Ngày Xưa

Một thời kỷ niệm tuổi thơ ta
Theo mẹ cùng lên những chuyến phà
Có lúc sang sông từ sáng sớm
Nhiều khi xuống bến lúc chiều tà
Xôn xao cảnh tượng người buôn bán
Đông đúc bóng hình kẻ lướt qua
Tất cả chỉ còn trong ký ức
Nhớ sao khi trở lại quê nhà

Phương Hà
(17/08/2022)

Nhớ Phà Cần Thơ


Thơ thẩn bên bờ chỉ một ta,
Nhìn sông nhìn nước nhớ sao phà...
Xôn xao trên bến người chờ xuống,
Tấp nập dưới cầu khách vội qua...
Buôn gánh bán bưng từ sáng sớm,
Kẻ xuôi người ngược đến chiều tà...
Xa rồi cảnh cũ còn đâu nữa !?
Thấp thoáng bên sông mấy mái nhà!...


Đỗ Chiêu Đức
08-17-2022
***
Chiều Bến Phà

Vàm Cống chiều nay đã chuyển ta
Lênh đênh sông hậu với con phà
Cánh bèo lờ lững theo dòng chảy
Màu nước đỏ au dội ánh tà
Khiến cảnh trời thu lơ lửng lá
Cho lòng lữ khách luyến lưu nhà
Ngày xưa Cái Sắn sân trường cũ
Chừ rõ đổi thay năm tháng qua…

Thái Huy 
8/178/22
***
Vì Mai Sau


Đừng nghĩ nơi này lắm bạn ta
Rồi đâm ỷ lại cứ phì phà
Chung tay bồi đắp đời thêm đẹp
Góp lực xua tan những ý tà
Chớ để thời gian trôi lãng phí
Khiến cho mộng ước lặng thầm qua
Tháng năm xuôi ngược dày sương gió
Học hỏi được bao giúp trẻ nhà.

Quên Đi
***
Nhỡ Chuyến Phà Chiều


Chậm chạp xuống xe nhỡ chuyến phà
Chiều vàng quạnh quẽ đứng ênh ta
Xuồng ghe nhộn nhịp chèo đưa vội
Cảnh vật lao xao nắng đã tà
Bến cũ còn đây người bước tới
Sông xưa vẫn đấy kẻ đi qua
Bâng khuâng chút mảnh tình riêng đó
Hiu hắt tâm tư …thấy nhớ nhà


songquang
20220817
***
Bến Bắc Mù Tăm

Một thuở còn đâu bạn với ta
Chuyến xe xuôi ngược ngóng qua phà
Cây cầu Mỹ Thuận mờ in bóng
Chiếc bắc Cần Thơ ẩn nguyệt tà
Lờ lững lục bình theo sóng nước
Cư dân lặng lẽ tháng ngày qua
Bao năm xa vắng quay nhìn lại
Bến cũ mù tăm xót cảnh nhà.


Kim Oanh
***
Phà Về Long Xuyên

Thế là bạn cũ lại cùng ta
Trở lại Long Xuyên dọc chuyến phà
Cây vẫn xanh tươi đầu bến lở
Nước còn trong vắt cuối sông tà
Lòng buồn chi lạ rời Sadec
Hồn nhớ bâng khuâng gởi quận nhà
Bát ngát chiều vương Vàm Cống bắc
Mai này ai nhớ tháng ngày qua...

Hawthorne 17 - 8 - 2022
Cao Mỵ Nhân
***
Lỡ Chuyến Phà

Sóng biếc rì rào nhắc nhớ ta
Cô liêu cảnh cũ đợi sang phà
Lục bình lờ lững dòng sông mộng
Mờ mịt thuyền câu bóng ác tà
Lưu lạc bao năm hồn tứ xứ
Một thân trôi nổi kiếp muôn nhà
Đôi bờ gửi gắm thời mong ước
Lỡ chuyến phà duyên lỡ chuyến qua


Kim Phượng
***
Một Thời Vang Bóng

Cái thời nhỏ dại bản thân ta
Đi học gieo neo ở bến phà
Dậy trễ le te khi sáng sớm
Ngủ trưa lật đật lúc chiểu tà
Sóng xao, nước xoáy ghe vài chiếc
Lác đác mưa rơi cảnh mấy nhà
Giọng nữ́ nỉ non câu vọng cổ
Nam ai thấm thía khách tình qua...

Mai Xuân Thanh

Aug. 19, 2022
***
Bài Cảm Tác:

Khúc Hát Con Phà

Nhớ thuở xưa cần mỗi dịp xa
Từ Cao Lãnh phải mượn đôi phà (*)
Xuyên dòng đổi hướng bờ đi lại
Cậy bắc đưa người kẻ dẫn qua
Cuộc sống kêu đòi khung viễn ảnh
Thời gian đậm khắc cảnh quê nhà
Sông dài vẫn chảy soi cầu mới
Đã khuấy tâm hoài niệm của ta.


Mai Thắng 
220818
(*) Từ Cao Lãnh đi Sài Gòn phải qua 2 lần phà: lần 1 qua phà Cao Lãnh đi Sa Đéc hướng Vĩnh Long; lần 2 qua phà Mỹ Thuận nhưng là đi ngược lại về hướng Cái Bè rồi mới thẳng hướng Sài Gòn.

Mùa Hè Đến Thăm Em



Đến thăm em vào mùa hè rực nắng
Hè Cali không phượng đỏ ve sầu
Được gặp em, người yêu hằng mong nhớ
Lâu lắm rồi… anh mơ ước bên em
 
Hàng phượng tím chúi đầu hôn nhau đó
Nhỏ và anh, mình bắt chước không nào?
Hè nắng gắt nhưng sao anh thấy mát
Gặp người yêu, ôi hạnh phúc biết bao

Làn mây trắng lững lờ trôi diễm ảo
Đàn chim xanh đang ríu rít trên cành
Người yêu ơi, nhìn em anh ngây ngất
Vui quá chừng, tim anh thấy xôn xao
 
Tay nắm tay hai ta cùng đi dạo
Con đường tình mình rảnh bước rong chơi
Ngày mai nhé, em đưa anh ra biển
Thái Bình Dương, mây tím ở chân trời
 
Rồi tối tối ta lên đồi hóng gió
Đèn lập lòe thành phố đẹp như mơ
Dẫy kim tuyến đủ mầu ta đứng ngó
Em, em à, trăng sao đẹp nên thơ
 
Đời đẹp quá, đẹp như những bài thơ
Em đã làm gửi anh đầy nhung nhớ
Anh đang ở thiên đàng nơi hạ giới
Ở bên em, anh chới với, chơi vơi….
 
Ôi thương quá tiếng cười em yêu dấu
Mắt em nhìn làm xao xuyến tim anh
Cali hỡi, nắng Cali êm quá
Có em yêu đời đẹp quá em à

Anh yêu quá tiếng em cười hớn hở
Miệng cười tươi, đôi mắt cũng biết cười
Em nhắm mắt hai vành môi hé mở
Cúi hôn em…tan biến với mặt trời…

Quách Như Nguyệt


Mông Lung

 

Tháo gương bụi, lau vết hoen hận sử
Thấy lem nhem màu Chiến Quốc, Xuân Thu
Dụi đôi mắt, vẫn lờ mờ quá khứ
Đá vàng phai. Đời loáng thoáng sương mù.

Nâng dây Oán, khảy điệu buồn Tứ Đại
Nghe lòng dâng từng đợt sóng cuồng tâm
Đã bao năm chưa trả được thâm ân
Trăn trở mãi một cung thương hoài vọng!

Thân ly khách mà hồn luôn dõi bóng
Nắng hay mưa cũng đẹp lắm quê tôi!
Nỗi niềm dâng theo từng phút bồi hồi
Xa tít tắp lối mù tăm cố xứ.

Thèm chuốc chén tương phùng bên chiến hữu
Mong vài câu thơ thẩn với tri âm
Những ước mơ bình dị của đời trần
Mông lung quá! Đâu suối nguồn hạnh phúc?!


Đời viễn phương như bản đàn gãy khúc
Giai điệu buồn ngân mãi giọng bi ai!
Trách chi người luôn thao thức đêm dài
khi lòng vẫn đa mang trời mặc niệm.

Dòng thời gian trải từng mùa dâu biển
Một đường mây chẻ trăm lối quẩn quanh
Trùng khơi nào ôm mộng ảo xuân xanh
cho hoa nắng trổ nhánh buồn biệt xứ!?

Chiều hun hút theo gót trầm du tử
Ngàn trùng nương cánh gió gọi mù khơi
Trời xanh biếc mà hồn như lá mục
Nhìn gần xa, chỉ thấy một bóng... Tôi!

Huy Văn