Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2024

Trích Đoạn Triệu Trinh Nương - Kim Trúc & An Lê


Sáng Tác: Tô Thiên Kiều
Trình Bày: Kim Trúc & An Lê


Tình Thơ Dại

 
(Ảnh: Nhất Hùng)
 
Tình đầu thơ dại yêu đơn phương
Tưởng bóng mơ hình cứ vấn vương
Nhút nhát vụng về đành trộm nhớ
Rụt rè cả thẹn phải thầm thương
Sáng ngồi vơ vần bên hàng nước
Trưa đứng lơ ngơ trước cổng trường
Để ngắm nàng hồn nhiên rảo bước
Và theo sau giả bộ chung đường


nhất hùng
 

Giữ Gìn Màu Xanh

 

Không ai…tự hủy thân mình!
Đau thể xác…quặn tâm linh!
Dòng đời nghịch cảnh…trôi trôi mãi…
Mây gió luôn giữ chung tình!

Quả đất tròn xoay…dáng ngọc ngà
Đóa hoa…giữa Vũ trụ bao la
Con người được vinh hạnh làm chủ
Trở mặt không phân rõ… Chính, Tà!

Cái gì cũng có hạng mà thôi!
Đã không vun đắp…tô bồi
Lại còn phá hoại…xác thân Mẹ!
Cuối cùng…tan nát hỡi ôi !!

Biết mình…mà không nghĩ tương lai
Lòng tham…đua sức tranh tài…
Kho tàn vô giá…càng mai một…
Nắng hồng, mây ấm…cũng dần phai!

Muốn sống còn…phải có con tim
Văn minh Khoa học…thuận nhân tình
Ích kỷ, Tà ma…mau xóa bỏ
Giữ gìn mặt đất…mãi màu xanh!

Tô Đình Đài

Anh Đi Phương Nào




Nằm nghe sóng vỗ bờ xa
Hoa rơi tàn tạ nhạt nhòa hương xưa
Nằm nghe sóng vỗ giữa trưa
Câu thơ lục bát đong đưa đời mình
Buồn tình cha chả buồn tình
Ai qua bên ấy cho mình gởi thơ
Nằm nghe sóng vỗ vào bờ
Trời xanh mây trắng lững lờ bay đi
Nằm nghe sóng vỗ thầm thì
Anh ơi anh hỡi. Anh Đi Phương Nào??!!

Hoàng Long


Ly Rượu Tháng Tư - Góp Rượu, Chung Sầu

 

 

Bài Xướng:

Ly Rượu Tháng Tư


(Viết tặng anh CVK, TBT và MVN)

Bao nhiêu năm rượu vẫn đầy
mời người uống lại vị cay năm nào
chút trái đắng chút niềm đau
chút da thịt máu chút màu tang thương

Xin nâng ly những đoạn trường
uống ngày tháng cạn mười phương cúi đầu
uống đời từng ngụm mưa mau
uống thân xác những áo nhàu nếp nhăn

Còn gì ở lại tháng năm
còn hương phấn cũ còn trầm tích xưa
tháng Tư uống mấy cho vừa
mời nhau ly rượu chiều mưa xứ người

Để rồi cũng giấc mơ thôi
đêm nằm rót mộng bờ môi thắm nồng
đưa người cuối một nhánh sông
tìm đâu bến đợi giữa trăm năm buồn...


Durham, North Carolina
Nguyễn Vĩnh Long
***
Bài Cảm Tác:

Góp Rượu, Chung Sầu

Sáng sớm Houston trời ảm đạm
uống rượu mời sao nghẹn từng hơi!
Tại người pha rượu khóc đời
để rơi giọt đắng của thời tai ương?
hay ta cùng nỗi đoạn trường
cùng nhau uống cạn nỗi buồn tháng tư?

Trần Bang Thạch
 

Giã Từ Tuổi Thơ


Sáng nay đi xem kết quả về, Thư nằm vùi, khóc sưng cả mắt. Công lao dùi mài kinh sử khổ cực cả năm trời đã thành công cốc! Tội nghiệp nhất là mẹ. Chắc bà thất vọng còn hơn Thư, nhưng thấy con gái ủ rũ như vậy bà cũng cố nén, an ủi :
- Thôi đừng buồn con ạ, học tài thi phận mà. Lần sau cố gắng nhiều hơn nữa. Yên chí, thế nào con gái của mẹ cũng thi đậu.
Thư rên rỉ:
- Bộ mẹ tưởng con không cố hết sức hay sao? Con học muốn khùng luôn đó!
- Mẹ biết! Mẹ biết! Thôi thì coi như ...xui!
Nói rồi bà Luân, mẹ Thư, cười. Thôi ngồi dậy rửa mặt ra ăn cơm. Bữa nay mẹ có món sườn ram mặn con thích.

Thư ngồi lên, xỏ chân vào dép. Bước ngang bàn học, nhìn đống sách vở còn ngổn ngang, nàng nhăn mặt rồi đi luôn vào buồng tắm. Đứng trước tấm gương tròn, Thư thấy một gương mặt phờ phạc, cặp mắt mọng đỏ, tóc tai bù xù. Nhìn chăm chú cái gương mặt lạ hoắc đó Thư lẩm bẩm "Ủa, mình đây sao? Xấu như ma lè!" Rồi thè lưỡi để tự chế nhạo mình, Thư cúi xuống vốc nước rửa mặt. Nước lạnh khiến nàng tỉnh táo hơn. Thư tự nhủ "Ừ, thì lần sau mình sẽ cố hơn. Thi rớt quê với mấy con ranh Ngọc, Hà... Nhất là con Lan Anh, sáng nay nó vác hất cái mặt thấy ghét!". Chỉ tội nghiệp con Ái Châu cứ theo an ủi Thư:
- Mày học khá mà sao rớt thiệt là kỳ. Thôi đừng thèm buồn, thua keo này ta bày keo khác. Ờ, mà sao con Lan Anh học thua mày mà nó lại đậu? Giọng Ái Châu có vẽ nghĩ ngợi. Tao nghi nó "quay" bài quá mày ơi.
Thư cười gượng:
- Thôi đừng nghi ngờ mang tội mày!
Trong lớp Thư thân nhất con Ái Châu. Ba má nó gốc Huế, lên buôn bán ở xứ Kontum này khá lâu. Hai đứa học chung từ năm Đệ Thất. Nó học rất giỏi, bọn con trai còn phải gờm.
Tiếng mẹ gọi lần nữa làm Thư vội vàng chải lại mái tóc, xong bước ra phòng ăn. Hôm nay anh Tiến không về, chỉ có hai mẹ con. Bà Luân đẩy dĩa sườn ram mặn tới trước mặt con gái, giọng âu yếm:
- Ăn đi con. Ăn nhiều có sức để học thi tiếp.
- Dạ. Lần tới không đậu, không về!
Thư đã qua cơn buồn, lấy lại tinh thần và cái máu tếu cố hữu lại nổi lên. Hai mẹ con cười rồi cầm đủa. Đang ăn, Thư chợt hỏi:
-Tuần này anh Tiến không về hả mẹ? Nghe con thi rớt thế nào anh ấy cũng mắng!
- Vớ vẩn! Bà Luân ngắt lời. Tại con muốn thi rớt sao mà anh con mắng? Nó nói gì có mẹ.
- Lần tới con phải gạo thật nhiều môn vạn vật mẹ ạ. Ban A mà con vẽ hình xấu ơi là xấu! Hóa thì học thuộc lòng dễ thôi. Môn toán con hơi kém.
-Hay con để mẹ nhờ cậu Thái kèm cho con.
- Thôi mẹ. Nhờ anh ấy kỳ lắm!
- Kỳ gì mà kỳ. Chỗ thân tình mà. Để mẹ nói cho.

Thái là con bác Minh. Bác gái là bạn buôn bán và rất thân với mẹ Thư. Nhà Thư ngó mặt ra đường Lê Thánh Tôn, nhà Thái ngó mặt ra đường Trịnh Minh Thế, nằm thành một góc chín mươi độ và dùng chung một giếng nước. Thái học trên Thư ba lớp. Sau năm Đệ nhị, trường Trung Học Công Lập hết lớp nên Thái phải về Sài gòn học tiếp. Anh chàng vừa đẹp trai vừa học giỏi thần sầu luôn. Lại là đứa con ngoan nữa chứ. Bác Minh gái mỗi lần gặp mẹ Thư là ca tụng cậu con trai cưng không tiếc lời. Hình như hai bà đang "âm mưu" chuyện gì đó. Vì thế mới nghe con gái than là bà già đã chụp ngay cơ hội. Chả là từ khi bác Minh gái, mỗi lần gặp Thư lại trêu: "về làm dâu bác nhen", làm con bé xấu hổ, cứ thấy bóng anh chàng Thái đâu là tránh liền.

Dùng cơm xong, Thư vừa mở cửa sau bước ra giếng định múc nước, bất ngờ gặp Thái đứng đó, Thư quay lui không kịp đành đứng đực người ra, mặt chợt đỏ (vô duyên chưa, Thư tự rủa thầm, mắc gì đỏ mặt!). Thái thì vẫn tự nhiên như không, reo lên:
- Thư! Lâu quá không gặp. Để coi. Dạo này xinh hẳn ra nhen.
Thư mắc cở, lắp bắp:
- Anh Thái khỏe không? Anh học dưới Sài Gòn chắc vui lắm hả?
- Ừ thì cũng vui. Nhưng đi xa cũng nhớ nhà lắm Thư à. Nhứt là nhớ mấy món ăn của má nấu.
Thư bỗng tò mò:
- Thư nghe nói mấy cô gái Sài Gòn đẹp lắm phải không?
Thái cười, núm đồng tiền trên má phải lúm sâu:
- Anh mắc học nên cũng không để ý lắm. Các cô Kontum cũng đẹp vậy. Còn đẹp hơn con gái Sài Gòn nữa đó.
- Thư nghi anh xạo quá à. Con gái xứ Thượng làm sao đẹp bằng mấy cô gái Sài Gòn!
(Trời, mới nói có mấy câu mà bao nhiêu ngại ngùng đã tan biến hết sạch. Mà còn có vẻ khoái nói chuyện với "chàng" mới chết chứ! Nhìn cái mũi thẳng gọn, cái miệng móm duyên và mái tóc lòa xòa trên vầng trán rộng cũng không tệ lắm! Con bé tự nhủ thầm và toét miệng cười).
- Cô này ghê nha. Dám nói anh xạo. Anh nói thiệt. Mấy cô ở xứ Thượng mà da trắng bóc hà. Anh thích da trắng.
(Sao mà thật thà như đếm vậy hở trời. Dân Nam kỳ có khác. Thư nghĩ thầm, nhìn Thái, đôi mắt như cười)
- Thư nghe bác nói anh Thái học kỹ sư điện phải không? Học chắc là khó lắm?
- Thi vô đó khó. Nhưng học không khó lắm đâu. Anh thích toán nên không thành vấn đề. À, kết quả thi Tú tài 1 vừa rồi ra sao?
Thư ngập ngừng, giọng buồn thiu:
- Trượt vỏ chuối rồi. Buồn quá trời!
-Còn kỳ nhì mà. Mà thôi, con gái thi rớt cũng không sao. Đâu có đi lính mà sợ. Thái an ủi.
- Anh nghĩ xem, công học cả năm mệt đứt hơi! Thư rớt môn toán.

Hai người đứng cà kê một hồi. Thái múc dùm Thư hai thùng nước rồi chia tay. Hôm sau, bà Luân nói với con gái là bắt đầu ngày mai, mỗi ngày Thái sẽ đến kèm cho Thư hai giờ toán. Con bé vui ra mặt khiến bà mẹ không khỏi ngạc nhiên. Hôm qua mới từ chối đây đẫy, hôm nay lại có vẻ...vui! Nghĩ thì nghĩ vậy chứ bà Luân rất hài lòng. Bà thấy hai đứa sao mà xứng đôi như cặp Tiên đồng Ngọc nữ! Bà còn nghĩ xa xôi, thằng này học giỏi, nếu lấy nhau, mai mốt con mình sẽ nhờ!

***

Hôm sau, Thư đang ngồi trong phòng học trên gác, chị người làm tên Xuân, nói vọng lên từ cầu thang:
- Thư ơi, có cậu Thái đến nè.
Thư vội vàng đi ra đầu cầu thang:
- Thư trên này. Mời anh Thái lên. Chị Xuân làm ơn mang cho Thư hai ly nước đá lạnh nhé.
Thái đi lên gác. Tuy bàn học trong phòng, nhưng Thư không dám mời Thái vô, mà mời ngồi ngoài bàn sa lông, rồi đem tất cả sách toán ra.
Một lúc sau chị Xuân mang hai ly nước đá lạnh và một đĩa cam đã cắt sẵn. Đặt tất cả lên bàn rồi mời:
- Bà nói mời cậu Thái dùng cam cho thấm giọng.
Chị này làm công cho nhà Thư đã lâu nên Thái không lạ gì:
- Cám ơn chị Xuân. Để đó học xong rồi tụi tui mới ăn sau.
- Có thực mới vực được đạo nghe cậu!
Thái kêu lên:
- Trời, bữa nay chị Xuân còn xổ nho!

Xuân cười lỏn lẻn rồi đi xuống nhà dưới. Thái có lối giảng bài rất rõ ràng, dễ hiểu. Hỏi ra mới biết, để có thêm tiền chi dụng, ngoài giờ học ở trường, Thái còn nhận kèm Toán lý hoá cho hai học sinh thi Tú tài một như Thư. Thời gian qua nhanh bất ngờ. Sau giờ học, hai người ăn cam, nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Càng lúc Thư càng thấy có cảm tình với Thái. Chàng có lối nói chuyện tự nhiên (Nam kỳ mà lị!), không màu mè khách sáo. Nghĩ sao nói vậy, đôi lúc khá thật thà. Thái còn hỏi Thư:
-Nghe nói hôm trước có một anh chàng sĩ quan tới nhà Thư làm rùm beng vì chị Xuân này phải không?
Thư cười dòn tan:
-Cái nhà chị Xuân này coi cái mặt hiền hiền vậy mà đa tình ra phết anh ạ. Bả bắt cá hai tay. Bồ với anh Điền con bác Hợi ở gần Chùa Tam Bảo đó, rồi còn cặp thêm với anh Thiếu úy kia mới có chuyện.
Thái tò mò:
-Hai người đụng độ nhau sao?
-Thì đi đêm phải có ngày gặp ma chứ sao. Hôm đó chàng Thiếu úy vừa đi hành quân về đã vội vàng đi kiếm bà Xuân. Ai ngờ tới hàng keo chỗ sân vận động thì gặp bả với anh Điền đang ngồi ăn bò viên. Thấy thái độ quá thân mật của hai người, chàng Thiếu úy nổi xung thiên xông tới túm cổ anh Điền. Thế là đánh nhau. Bà Xuân sợ quá bỏ chạy về nhà. Chàng thiếu úy sau khi hạ đo ván anh Điền thì đến đây bấm chuông gọi cửa. Bà Xuân đâu dám ló mặt nên em phải ra hỏi ông ta muốn gì. Khi thấy vẻ đằng đằng sát khí của ổng em cũng rét phải gọi mẹ em ra. Cuối cùng sự thật phơi bày là bà Xuân tự nhận là cháu của mẹ em để bắt bồ với ổng. Hèn chi tối nào cơm nước xong bà ấy cũng diện le lói để đi chơi. Quần áo của bả ủi láng cóng còn hơn của Thư nữa mới nói...Rồi bất ngờ hôm đó ông ta bắt gặp bà Xuân với ông Điền. Bây giờ ông ta chỉ muốn nghe lời giải thích của bà Xuân. Mẹ em nghe vậy mở cửa bước ra ngoài, nhỏ nhẹ nói với ông ta:
- Nói thật với thiếu úy, Xuân là người làm của tôi, tuy nhiên tôi xem nó cũng như con cháu trong nhà. Thôi thì thiếu úy hãy quên nó đi. Xứ này thiếu gì con gái đẹp. Tôi xin thay mặt nó xin lỗi thiếu úy. Bỏ qua đi nhé.
- Cháu tức vì mình bị cô ta lừa dối. Nhưng bây giờ nghe bác nói vậy cháu cũng xin lỗi đã làm phiền bác. Thứ con gái này không đáng cho cháu luyến tiếc đâu! Nói xong ông ta bỏ đi. Mẹ em chửi bà Xuân một trận quá trời. Bả thề sống chết là không dám tái diễn cái trò nguy hiểm này.
Thái cũng lắc đầu, le lưỡi nói không ngờ!

Một tuần lễ trôi qua trong sự nuối tiếc của Thư. Thế là ngày mai anh ấy không còn đến đây dạy mình học nữa rồi. Thư hơi buồn. Không lẽ mình chạy qua nhà bác Lân để gặp anh ấy? Nhất định là không được. Cọc đi tìm trâu chứ có lý nào trâu đi tìm cọc?! Hoặc hẹn anh ấy đi uống sinh tố, ăn thạch chè ngoài bờ sông? Cũng không được. Tụi con Lan Anh, Ái Châu...mà biết, tụi nó sẽ trêu cho mà chết!
- Thư! Nãy giờ anh nói gì Thư có nghe không? Làm gì mà như mất hồn vậy? Giọng của Thái (cao hơn bình thường một tông) cắt đứt ngang giòng tư tưởng đang miên man chảy trong đầu của Thư, khiến con bé giật mình, ấp úng:
- Hả? Anh Thái nói gì Thư không nghe.
- Vậy Thư đang nghĩ gì đó. Nói nghe coi!
- Thư đang nghĩ...Thư đang nghĩ...Con bé càng ấp úng tợn. Thư đang nghĩ ngày mai anh Thái không tới dạy Thư học nữa.
Thái cười lớn:
- Trời, tưởng gì! Như vậy chứng tỏ là Thư thông minh. Anh giảng tới đâu hiểu liền tới đó. Bảo đảm kỳ hai mà không đậu thì chặt đầu anh.
- Ý, anh Thái nói gì nghe ghê quá vậy? Ai mà dám chặt đầu anh. Nếu có chắc bác Minh sẽ đến "trảm thủ" hết cả nhà người ta!
Hai người đang nói cười vui vẻ thì bà Luân từ dưới nhà đi lên:
- Hai đứa học xong chưa? Hôm nào có anh Tiến về thăm, Thái sang bác ăn cơm nhé.
- Dạ. Được gặp anh Tiến cháu mừng lắm. Anh Tiến là thần tượng của cháu đó bác. Cháu rất thích mấy anh phi công. Mai mốt nếu đi lính, cháu sẽ xin vô lính không quân. Thái nói một hơi, giọng đầy thích thú, khiến bà Luân cũng thấy vui lây. Tuy nhiên giọng bà thoáng buồn:
- Xem vậy chứ nghề này cũng nguy hiểm lắm cháu ạ. Súng đạn vô tình. Hơn nữa mình ở trên cao không thấy địch. Chúng nó dưới đất nhìn lên, thấy mình rõ mồn một!
- Mẹ! Sao con nói hoài mà mẹ vẫn cứ lo lắng. Anh Tiến không sao đâu. Thư nói giọng trách móc.

Thái vội đỡ lời:
- Thư nói đúng đó bác. Con người có số. Trời kêu ai nấy dạ. Bác cứ yên tâm đi. Có lo cũng không thay đổi được gì mà còn sanh bịnh đó bác. Ba cháu thường nói hoài "Quẳng gánh lo đi mà vui sống". Tại má cháu cũng hay lo như bác. Má cháu đang lo là cháu học xong phải đi lính. Ba cháu thì trái lại. Ổng nói: "Nếu ai cũng nghĩ như bà rồi chánh phủ lấy đâu ra người để đánh giặc, giữ gìn Tổ quốc? Làm trai cho đáng nên trai nhen bà!".
Nghĩ tới ông Minh bà Luân không khỏi bật cười. Nghe đâu hai ông bà này gốc người miệt Long Xuyên. Ông Minh tính tình xởi lởi. Thích nói bông đùa, nhưng là một người chồng rất mực yêu thương vợ con. Ông rất đẹp trai. Thái giống cha như đúc. Trong chợ có một bà góa chồng yêu ông, nhưng bị ông cự tuyệt. Chuyện này khiến cả chợ bàn tán và trêu ông dài dài. Ông giải thích, giọng dí dỏm:
- Trời ơi, tui bỏ ra ba năm ở rể. Trần ai khoai củ mới cưới được bà vợ chớ bộ. Đêm nào tui ngủ nhà ngoài cũng được bả lén đem đồ ăn tiếp tế. Tại buổi chiều ngồi ăn cơm với cả nhà, tui đâu có dám ăn thả ga, dầu ban ngày làm công chuyện mệt hết hơi! Bả biết tui đói nên bữa nào cũng giấu món gì đó đem ra cho tui ăn dặm. Tình nghĩa như vậy tui đâu có nở lòng nào "thấy trăng quên đèn" dầu cho đó là cây đèn dầu mù u! Í mà quên. Hồi mới qua ở rể đó, tui đâu có thấy mặt bả. Có lần tui chỉ thấy bả đứng dưới bến sông, đang xăn quần rửa chưn. Trời ơi, hai bắp chuối ta nói trắng như cục bột. Vậy là tui thương liền. Nói rồi ông ta cười ha hả, khoái chí! Bà Minh cằn nhằn:
- Ông này! Già rồi mà cứ nói cà rỡn, hổng sợ người ta cười.
- Nhờ cà rỡn vậy mới có người phái tui nha...
Bà Minh cắt ngang, sau khi đã xí một tiếng dài cả cây số:
- Ừ, thì có "Con ngựa thượng tứ" đó mê ông chớ ai!
Ông Minh chột dạ, sợ bà vợ đổ ghè thương bất tử:
- Thôi thôi. Giỡn chút mà. Tui có tình ý với người ta đâu mà bà giận.
Bà Minh thấy mình cũng vô lý nên liếc ông chồng, cười mím chi cọp.

Hai người có ba đứa con, mà Thái là con trai út. Anh cả và chị ba của Thái đã có gia đình con cái ở riêng. Bác Minh gái nhiều tuổi hơn mẹ Thư, nhưng hai bà rất hợp tính. Bà Minh vẫn ước ao hai người làm sui để tình cảm thêm đậm đà. Nhìn cảnh vợ chồng bà Minh yêu thương nhau đằm thắm, đôi khi bà Luân cũng tủi phận. Ông Luân qua đời vì bệnh tim cách đây năm năm, lúc Thư mới mười hai tuổi và Tiến mười tám, vừa đậu Tú tài toàn phần. Bà vẫn tiếp tục trông nom tiệm gạo như trước.

Tiến đang học Đại học năm thứ hai Luật khoa dưới Sài Gòn. Nhưng những cuộc biểu tình chống chính phủ, tình hình chiến sự ngày càng sôi động trên bốn vùng chiến thuật khiến Tiến quyết định dứt khoát. Chàng âm thầm làm đơn xin vào khóa đào tạo phi công mà không cho mẹ hay. Đúng như lời Trung tiên đoán. Với chiều cao một mét bảy mươi hai, nặng sáu mươi lăm ký, hai năm Luật Tiến đã dễ dàng được nhận.

Ngày được con trai báo tin bỏ học để nhập ngũ, bà Luân đã khóc hết nước mắt. Nhưng trước lời năn nỉ ỉ ôi của Tiến, bà dần dần xiêu lòng...và hiện tại Tiến đóng ở căn cứ không quân Biên Hoà.

***

...Thư đậu kỳ nhì. Buồn cười, hôm thi môn Toán, anh chàng giám thị phòng thi đến đứng bên Thư hỏi nhỏ: "Em có hiểu không?" Thư sửng sốt. Nếu nói không hiểu, chắc ông ta sẽ đứng đó để giải thích cho Thư hiểu hay sao đây? Tuy vậy, Thư cười, lễ phép trả lời " dạ hiểu". Ông ta đứng trên bục nhìn xuống đám thí sinh phía bên dưới. Nhưng lần nào ngước lên, con bé cũng thấy ông này nhìn mình chăm chú. Đến nỗi Thư đỏ mặt luôn! Chưa hết, ngày hôm sau thi môn Sử Địa. Có một ông giám thị khác canh lớp. Ông ta có khuôn mặt còn trẻ măng và hiền lành, đến cạnh Thư nói nhỏ "tôi là bạn của anh T. Anh ấy nói ngày mai sẽ đổi trở lại đây." Thư ngơ ngác, không hiểu T. là cái ông ma mãnh nào? Nhưng không dám hỏi. Hôm đó thí sinh phải vẽ bản đồ xứ Ấn Độ. Anh chàng quân nhân ngồi cạnh Thư hỏi nhỏ "chị biết vẽ bản đồ này không?" Thư lắc đầu. Anh ta nói thêm "chị nói thầy giám thị ra canh ngoài hành lang, tui sẽ dở cuốn sách ra xem rồi mình vẽ theo". Nói xong anh ta lận trong lưng ra cuốn Địa lý. Thật là hết nói! Tuy vậy Thư cũng ra hiệu thầy đến gần, nói nhỏ nhờ thầy canh dùm giám thị hành lang cho anh chàng quân nhân "quay bài", tất nhiên con bé cũng có chấm mút... Vậy mà ông thầy hiền như Bụt này cũng ra đứng trước cửa lớp canh giám thị hành lang!

Quả nhiên, hôm sau ông giám thị hôm đầu tiên trở lại gác phòng thi của Thư. Con bé chợt hiểu. À, thì ra đây là "anh T.". Nhưng tại sao ông ấy lại chú ý đến Thư? Con bé mù tịt không hiểu nỗi! Không lẽ mẹ có gửi gấm mình với ông ta? Mà Thư đi Qui Nhơn thi một mình với cả lớp, chứ mẹ đâu có đi theo. Lạ thật! Thôi kệ ông ta. Lo thi đi nhỏ ơi! Thư nhủ thầm.

Có điều Thư không biết là T. biết con bé. Và biết rất rõ nữa là khác. Gia đình T. ở Kontum. Nhưng chàng rời Kontum đi Huế học rất sớm. Sau này trở thành giáo sư trung học và đổi về dạy trường Trung Học Qui Nhơn. Hè năm trước T. về thăm gia đình. Một hôm cả nhà đi ăn mỳ ở tiệm mỳ cạnh nhà Thư. Trời xui đất khiến thế nào mà T. nhìn thấy con bé cũng đang ăn ở đó với đám bạn gái .Mấy cô nhỏ cười nói tự nhiên như không. Khuôn mặt trái soan trắng hồng, mái tóc tơ mềm rẻ giữa rủ ngang vai và nhất là chiếc miệng khi cười xinh ơi là xinh, khiến ông giáo sư trẻ thấy lòng cũng hơi thinh thích. Giá mà được đặt chiếc hôn lên đôi môi kia chắc là ...! chàng cả gan nghĩ thầm. Nhưng rồi khi rời Kontum ít hôm sau đó T. dần dần quên cô bé. Cho tới hôm đi gác thi. Bước vào phòng thi, vừa mới gặp lại khuôn mặt đó, đôi môi đó...bây giờ cô bé còn xinh hơn năm ngoái nhiều, T. thấy tim mình như ngừng đập. Dù biết là không nên, nhưng T. không cưỡng được, bước đến bên Thư. Hôm sau, T. đã gửi gấm Thư cho người bạn thân gác phòng thi và hôm sau nữa chàng đã cày cục xin đổi trở lại phòng đó để được gặp lại cô bé...Và bổn cũ soạn lại. Ông giám thị T. lại đến cạnh Thư hỏi "Em có hiểu bài không?" và con bé lại lễ phép trả lời "dạ hiểu". Rồi cặp mắt ông ta lại tiếp tục đậu trên khuôn mặt bối rối của Thư. Sau này cô em họ ở Qui Nhơn kể lại rằng mấy cô thí sinh cùng phòng với con bé đồn Thư là "bồ" của thầy T. Thật là oan ơi ông địa!!!

Chiều nay Thái qua nhà Thư bằng cửa sau, khi Xuân ra giếng múc nước. Biết có Thư ở nhà, Thái đi thẳng lên nhà trên. Nghe tiếng Xuân gọi báo có Thái qua chơi, Thư mừng rỡ mời Thái lên phòng khách trên lầu. Xuân bận nấu cơm nên Thư xuống bếp làm hai ly nước chanh bưng lên mời Thái. Anh chàng đưa mắt ngắm mấy bức sơn mài treo trên tường, khen đẹp. Thư chợt nhớ, hỏi:
- Chừng nào anh Thái đi Sài Gòn?
- Còn một tuần nữa anh đi rồi. Anh vô trong đó để còn đi kiếm "cần câu cơm" càng sớm càng tốt.
Thư không hiểu:
- Cần câu cá chứ sao lại cần câu cơm hả anh?
Thái cười dòn dã:
- Thư ơi là Thư. Tức là anh đi kiếm học trò để dạy kèm thêm đó biết chưa? Tiền ba má anh cho không đủ xài.
- Kiếm học trò thì nói kiếm học trò. Còn bày đặt nói móc ngéo! Thư háy. Từ hôm Thái kèm toán cho Thư, cô bé đã tự nhiên hơn nhiều. Riêng Thái thì không biết cái "âm mưu" của hai bà mẹ, nên đối với Thư lúc nào cũng tự nhiên. Nói chuyện một hồi, Thái móc trong túi áo ra một phong thư màu xanh nước biển trao cho Thư, rồi ngập ngừng:
- Thư làm ơn đưa dùm anh bức thơ này tới tay Ái Châu nha.
Nụ cười đang nở tươi rói trên môi con bé, bỗng vụt tắt như ngọn nến đang cháy bỗng bị trận cuồng phong thổi qua. Thư lắp bắp:
- Đưa thư này cho con Ái Châu?
- Ừ. Thư đưa dùm anh càng sớm càng tốt nha. Anh muốn Ái Châu trả lời trước khi anh đi Sài Gòn. Giúp anh được không?
Dù cõi lòng đang tan nát, Thư cũng gượng cười:
-Sao lại không. Anh cứ yên chí. Bức thư sẽ đến tay con Ái Châu tối nay. Được chưa?
Được Thư nhận lời làm chim xanh, Thái mừng lắm cám ơn rối rít và căn dặn Thư nói bạn trả lời sớm sớm.
Thư tò mò hỏi:
- Anh quen với con Ái Châu bao giờ mà Thư không biết?
Anh chàng nam kỳ thật thà khai:
- Lúc Thư đi Qui Nhơn, nhà Ái Châu làm một bữa tiệc mừng cô ấy thi đậu. Thằng Chương, anh của Châu là bạn của anh, nên nó mời anh tới chơi luôn. Thằng Chương đang học Chính Trị Kinh Doanh trên Đà Lạt. Hôm đó ăn ngoài vườn. Ái Châu bưng một mâm đồ ăn từ trong bếp đi ra. Con chó Nhật của Châu rượt theo con mèo tam thể, nhào vô chân cô chủ làm cô nàng loạng choạng. Đúng lúc anh tới. Anh hùng bèn làm một màn nhào vô cứu mỹ nhân liền. Vậy là quen. Anh biết Ái Châu hồi nhỏ. Đâu có ngờ bây giờ đẹp dữ thần vậy? Nói chuyện với Ái Châu anh thích lắm. Hai đứa thiệt hợp tính nhau...
- Mới gặp lần đầu sao anh biết hợp? Thư bực bội cắt ngang.
- Thì Châu thích xi nê, anh cũng thích xi nê nè. Châu thích đi du lịch, anh cũng thích đi du lịch nè...
- Con Châu thích ăn xí muội, chắc anh cũng thích ăn xí muội. Con Châu thích ăn cóc, ổi, soài dầm, chắc anh...
- Thư này! Chọc anh hoài. Anh nói hai đứa hợp thiệt mà. Ráng giúp anh đi, anh cám ơn. Thái ngượng nghịu cắt lời Thư. Mà nói thiệt, nghe giọng Huế êm như ru sao mà thấy thương gì đâu! Ánh mắt anh chàng bỗng xa vời, như đang đắm chìm vào chất giọng ngọt ngào, êm dịu của các cô gái Huế khiến Thư không khỏi tức cười.
Nhìn gương mặt điển trai, mà thật thà của Thái, Thư thấy tiêng tiếc. Nhưng nếu Thái không thích Thư thì cũng đành. Con bé có nhiều cảm tình với Thái, nhưng cũng rất yêu mến Ái Châu. Thật tình mà nói, Ái Châu hơn Thư nhiều thứ. Học giỏi hơn, đẹp hơn, nói năng cũng dịu dàng nhỏ nhẹ hơn. Quả thật giọng các cô gái Huế sao mà êm như nhung! Bạn bè và cả thầy cô đều mến Ái Châu. Vì thế chuyện Thái bị con nhỏ hớp hồn thì cũng tự nhiên thôi. Thư có nhiều tính xấu, nhưng may ông Trời không "ban" thêm cho con bé tính ghen tị. Sau ít phút buồn buồn, Thư đã lấy lại tinh thần, nói chuyện vui vẻ như trước.
-Anh nghe Ái Châu nói năm nay cô ấy xuống Sài Gòn học tiếp Đệ Nhất phải không? Thái hỏi.
-Đúng đó anh. Ái Châu sẽ ở nhà dì nó. Thư nghe nói đâu trong xóm Hòa Hưng, gần khám Chí Hòa.
Thái reo lên:
-Trời ơi, may quá. Anh ở trọ đường Tô Hiến Thành, không xa đó mấy.
- Anh xẹt qua nhà nó gần lắm phải không? Để con người ta học hành đàng hoàng. Đừng có rủ rê đi xi nê hoài, cuối năm thi rớt à! Thư trêu.
- Trái lại thì có. Anh sẽ kèm trẻ tư gia không lấy tiền công, lại còn bảo đảm thi đậu trăm phần trăm. Thôi anh về đây. Chiều nay má anh đổ bánh xèo. Thư qua ăn không?
- Bộ tính trả công cho Thư đó hả?

Thái cười cười rồi từ giả. Thư cầm bức thư lật qua lật lại, ngắm nghía rồi cảm thấy cuộc đời thật trớ trêu. Bao nhiêu chàng si tình gửi thư mà nào có được hồi âm của nàng. Giờ đây, lần đầu tiên người con trai mà nàng có cảm tình lại trao tình yêu của hắn cho con bạn thân nhất. Trớ trêu là chính nàng trở thành chim xanh, bắt nhịp cầu cho hai người này mới khổ!

Ăn tối xong, Thư cầm phong thư đến nhà Ái Châu. Nhà nó là một căn biệt thự xinh xắn nằm trên đường Trịnh Minh Thế. Lối đi vào nhà trồng hoa rực rỡ. Hồng, cúc, thược dược đều có. Nhưng Thư yêu nhất cây hoa ngọc lan trong góc vườn. Lần nào tới Thư cũng hái vài nụ bỏ túi đem về. Những nụ hoa cánh trắng muốt, thơm dịu dàng.

Ái Châu cũng vừa ăn cơm xong. Hai đứa dắt nhau ra ngồi trên chiếc xích đu, dưới tàn cây ngọc lan. Nói chuyện trời trăng mây nước một hồi, Thư bỗng quay nhìn Ái Châu chăm chú rồi cười nửa miệng:
- Nè Châu. Bồ đã gặp anh Thái. Thấy anh ấy thế nào?
- Hả? Ừ, thì mình thấy ảnh cũng...dễ mến! Bị hỏi bất ngờ, Ái Châu lúng túng, trả lời ngập ngừng.
- Nhưng "người ta" thì thấy bồ...dễ yêu!
Nói xong Thư cười dòn, móc túi lấy phong thư dúi vào tay Ái Châu. Lúc đầu con bé dẩy nẩy không chịu cầm. Thư phải nói:
- Cầm lấy đi. Đọc xong rồi tùy bồ. Anh ấy thật tình lắm. Thấy bồ là bị tiếng sét đánh trúng liền. Về nhà tương tư nàng bỏ ăn bỏ ngủ đấy. Bữa nay chỉ còn bộ xương cách trí!
Ái Châu phát vào vai bạn:
- Xạo vừa thôi nhỏ! Tớ thấy anh chàng mạnh cùi cụi.
- Đó là hôm trước. Bữa nay khác xa rồi. Người ta gọi là bệnh tương tư đấy biết chưa? "Ôi, giọng Huế êm như ru. Sao mà thấy thương ghê!". Thư làm điệu nhái lại giọng của Thái làm Ái Châu vừa buồn cười vừa mắc cỡ. Nè, nàng Tôn Nữ nhớ trả lời cho người ta sớm nhé. Chỉ còn một tuần nữa là anh Thái đi Sài Gòn rồi đó. Bây giờ "con chim xanh" phải đi về. Mai trở lại để "tiếp nối nhịp cầu". Xin đừng để cho chàng ôm một "Khối tình Trương Chi" đấy nhé.

Ái Châu nhìn con bạn lém lỉnh, lắc đầu chào thua. Trong lớp hai đứa thân nhau nhất, nên không giấu nhau chuyện gì. Thư nghĩ nếu Thái và Ái Châu yêu nhau thật là xứng đôi. Chỉ ngại nhà Ái Châu khá giả hơn nhà Thái, họ lại giòng Tôn Thất nên ba mạ Ái Châu cũng hơi khó tính. Nhưng với sức học của chàng, tương lai của Thái không phải tệ.

Hôm sau cầm thư Ái Châu chuyển cho Thái, Thư mừng rơn. Mặc dù Ái Châu nói chỉ bằng lòng làm bạn với Thái thôi, nhưng cũng là dấu hiệu tốt rồi. Ái Châu rủ Thư xuống Sài Gòn học. Lúc đầu Thư ngần ngại, vì chỉ có gia đình một ông chú họ dưới đó. Nhà ông nhỏ mà có tới sáu đứa con, nên Thư biết ở đâu? Thái nói Sài Gòn có Trường nội trú Régina Pacis tốt lắm. Thái có quen một chị đang ở nội trú trong ấy. Nếu Thư muốn, khi vào Sài Gòn Thái sẽ nhờ chị ấy xin chỗ dùm. Bà Luân thấy cũng tiện, hơn nữa anh Tiến của Thư đóng ở căn cứ không quân Biên Hòa. Khi nào rảnh, anh sẽ xuống thăm em. Thấy mẹ bằng lòng rồi, Thư vội vàng viết thư báo tin cho Tiến hay.

Hôm trước ngày đi Sài Gòn, buổi trưa Thái rủ Ái Châu và Thư đi ăn bánh khoái. Thái nói phải tập ăn món Huế dần dần khiến Thư cười dòn:
- Phải rồi. Còn phải tập ăn bún bò huế cay xé lưỡi, bánh bột lọc, bánh nậm, bánh lá...chấm nước mắm ớt. Người Huế không ăn nước mắm pha chanh đường ngọt lừ của anh đâu nhé.
Thái cười cười, liếc Ái Châu:
- Chuyện nhỏ! Thương "ai" ba bốn núi anh cũng trèo. Sá gì mấy thứ bánh lẻ tẻ đó. Còn chuyện ăn ớt cay thì mấy con nhồng còn thua anh xa!

Ái Châu làm như không nghe, đưa mắt nhìn mấy bức tranh trên tường. Ba người đang ăn uống ngon lành, bỗng một toán lính Thám Báo bước vào. Họ kéo ghế ngồi xuống bàn đối diện ba người. Yên vị xong các chàng Thám Báo nhìn sang, rồi chiếu tướng Ái Châu và Thư kỹ quá đến nỗi hai cô vừa ngượng vừa sợ ăn hết thấy ngon. Thư đưa mắt ra hiệu cho Thái. Chàng hiểu ý vội gọi tính tiền. Cả ba bước ra khỏi tiệm ăn, những câu chọc ghẹo còn đuổi theo sau. Ra khỏi quán, Thái đề nghị thả bộ ra bờ sông ăn thạch chè. Con đường Phan Thanh Giản rợp bóng phượng vĩ, trên cành còn sót lại vài bông hoa đỏ thắm đẹp mơ màng. Đi ngang trường Thánh Teresa, Thư không khỏi nhớ lại khoảng thời gian học với các Sơ nơi đây. Những năm đó Ái Châu và Thư còn là những cô bé ngây thơ, khờ khạo. Giờ ra chơi còn cột hai vạt áo dài chơi u mọi, chơi nhảy dây. Thế mà bây giờ đã có những chàng sĩ quan rà rà xe jeep theo tán tỉnh! Thư chợt nhớ tới chuyện con Thu Thảo:
- Châu nè, bồ nhớ con Thu Thảo lớp mình không?
- Sao không. Nó đẹp giống hệt một nàng Nhật Bổn. Bàn tay búp măng và mái tóc mây đen huyền của nó t đẹp nổi tiếng. Nghe đâu sau này nó làm việc trên Tòa Hành Chánh.
- Đúng. Mới tuần rồi nó đi làm về trên đường này nè. Đang đi thì một anh dê xồm chạy xe gắn máy rề rề bên cạnh đưa tay vỗ mông nó một cái rồi rồ ga phóng thẳng. Nhưng chẳng may con nhỏ đã nhanh tay xỉa cây dù một phát vô lưng khiến anh ta đau quá xuýt chút nữa là rớt xuống xe!
- Đáng đời cho đồ dê Chúa! Ái Châu rủa. Còn Thái thì lắc đầu. Không hiểu sao trên đời có những con người nham nhở như vậy!

Đi hết con đường Phan Thanh Giản, quẹo ra bờ sông là tới quán thạch chè. Lúc họ bước vào cũng có vài cặp ngồi đó. Thư nhận ra Bích Hằng, học chung năm đệ tứ, đang ngồi đó với một chàng phi công. Bích Hằng đẹp nổi tiếng. Cô nàng có một sắc đẹp hoàn hảo, như một bức tượng mỹ nhân. Đàn ông nhìn thấy là động lòng ngay. Chỉ tội số phận quá long đong. Hạnh phúc đến rồi đi như những cơn gió đêm hè. Thoảng qua rồi tan biến. Mới học xong năm đệ tứ, Bích Hằng lên xe hoa với một anh Đại Úy Biệt Động Quân. Chưa đầy một năm anh chồng tử trận. May mà chưa có con vì con bé còn trẻ quá. Sau đó nàng cặp bồ với một anh Trung Úy Thiết Giáp. Trong một cuộc hành quân, xe anh Trung Úy lãnh nguyên một trái B40, tan nát! Từ đó Bích Hằng mang một cái "mác" rất đáng nể: "La Veuve Noire". Anh Tiến giải thích cho Thư hiểu đây là một loài nhện bên xứ Nam Mỹ, có nọc độc cực kỳ nguy hiểm. Bị "Nàng" cắn là coi như đời đi đứt! Tưởng không ai dám nhào vô nữa. Ngờ đâu Bích Hằng, với nhan sắc trời cho cộng thêm một chút u sầu càng tăng thêm vẻ mơ màng kỳ bí, hôm nay đang ngồi đây với một anh Trung Úy phi công cao lớn, đẹp trai. Anh chàng nhìn Bích Hằng, đôi mắt không giấu được vẻ đắm đuối. Cho nên câu tục ngữ "Cái nết đánh chết cái đẹp" không phải lúc nào cũng đúng!

Ba người kín đáo ngồi vào một góc. Quán trang trí thật đơn sơ, toàn bằng tre trúc với những giò lan rừng trắng, vàng, tím...tỏa hương thơm nhẹ nhàng, sang trọng. Hai cô ăn thạch chè, Thái gọi ly cà phê đen nóng.
Bây giờ Thư mới lên tiếng:
- Hồi nảy mấy ông lính Thám Báo làm Thư sợ hết hồn! Nghe nói mấy ông này dữ dằn lắm!
Thái cười nhẹ:
- Trong binh chủng nào cũng có người tốt kẻ xấu mà Thư. Những người lính thuộc Lực Lượng Đặc Biệt, Lôi Hổ, Thám Báo có những sứ mạng rất nguy hiểm ngoài chiến trường. Cũng như binh chủng Biệt Động Quân, Dù, Thủy Quân Lục Chiến... hành quân liên miên trong rừng núi. Đánh nhau với địch trong rừng, trong núi gian nan lắm. Tử thần lúc nào cũng rình rập bên cạnh. Thành thử mình cũng phải thông cảm nếu họ có ...phá phách chút đỉnh mỗi khi về thành phố. Để xả bớt sự căng thẳng mà thôi. Các cô nghĩ coi, mình đánh trận liên miên, sống chết không biết chừng nào. Về thành phố thấy dân chúng phè phỡn đôi khi cũng "nực" lắm chớ phải không?
- Biết thế nhưng vẫn sợ chứ anh. Thư hy vọng anh Tiến không bao giờ "hù" đàn bà con gái kiểu này.

Biết Thái thế nào cũng muốn có chút riêng tư với Ái Châu, nên Thư viện cớ tới quầy mua chè đem về cho mẹ và chị Xuân. Thư đứng ỳ đó đấu hót với cô chủ quán, một thiếu nữ trạc hăm lăm, hăm sáu. Xinh xắn với mái tóc thề đen nhánh xỏa tới thắt lưng, đeo băng đô màu tím. Cô chủ vừa duyên dáng vừa nói năng ngọt ngào như những ly thạch chè của cô, nên quán lúc nào cũng đông. Phần lớn là những anh lính chiến xa nhà, hoặc những cặp tình nhân. Thư kín đáo liếc về phía hai người bạn. Thấy Thái đang nghiêng đầu thì thầm gì đó vào tai Ái Châu. Cô bé cúi đầu, mái tóc thề rủ xuống một bên má nên Thư không thấy phản ứng trên nét mặt Ái Châu. Ít phút sau Thư cầm bọc chè đi về chỗ ngồi. Ngang qua Bích Hằng, Thư cười với bạn và Hằng cũng cười lại, nhưng không giới thiệu người bạn mới với Thư. Con bé kịp đọc thấy tên Toàn trên ngực áo. Thư ngồi xuống ghế, Thái nháy mắt, nụ cười rạng rỡ trên môi. Ái Châu làm như bận ngắm chùm lan trắng, nhụy vàng rực rỡ treo trên vách.

Thấy cũng gần ba giờ, Ái Châu đòi về. Cả ba thả bộ dọc theo bờ sông. Hàng phượng vỹ trổ hoa đỏ rực soi bóng trên giòng sông Dakbla êm đềm, xinh đẹp. Bên kia giòng sông là ruộng lúa chạy ngút ngàn vào tận chân núi xa xa. Ngang qua nhà cô bạn học tên Mai, Thư thấy lòng rưng rưng. Gần Tết năm đệ tứ, gia đình Mai đi xem Hội chợ Tết dưới Pleiku. Trên đường về Kontum, xe nhà bị Việt cộng từ trong rừng bắn ra. Mai bị trúng đạn vào cổ chết ngay tại chỗ. Con bé mới mười lăm tuổi, ngây thơ xinh đẹp như thiên thần. Chiến tranh thật tàn nhẫn và súng đạn thì vô tình!

Qua khỏi chợ là tới nhà Thư. Thái tiếp tục hộ tống Ái Châu về nhà cách đó độ ba trăm thước. Đến trước cửa, Thái bất ngờ nắm tay Ái Châu đưa lên môi. Con bé sợ hết hồn giựt tay lại, nhìn dáo dác vô nhà. Thở phào. May quá không có ai! Thái cười:
- Mai anh đi. Nhưng con tim để lại đây.
- Châu nói rồi đó. Anh đừng lộn xộn nghe. Phải lo học trước, nếu thi rớt quân trường đang chờ anh kia kìa. Ái Châu vừa phản đối vừa đe dọa.
Thái trấn an:
- Anh biết rồi. Từ đây anh càng phải gắng sức hơn trước kẻo nàng Tôn Nữ chê anh thì chết!
- Châu không dám chê. Nhưng ba mạ nói, đàn ông phải có sự nghiệp vững vàng mới nghĩ đến tình yêu. Ba mạ nói thì không ai được xem thường.
- Biết rồi! Biết rồi! Nếu Châu muốn, anh sẽ cố học thêm vài cái bằng nữa cho Châu vui! Thái giơ một tay lên thề.
- Thôi, Châu đi vào đây. Anh cứ đùa hoài ốt dột quá tề! Ái Châu ngúng ngẩy, dợm bước đi.

Thái định cản lại nhưng con chó nhỏ của Ái Châu từ trong nhà chạy ra sủa ầm ỉ. Nàng cúi xuống bế con chó lên. Nó nhìn Thái, nhe răng gầm gừ đầy vẻ dọa nạt khiến chàng đành phải từ giã Ái Châu. Thái cảm thấy mình thật may mắn nếu được Ái Châu yêu. Nhưng dù sao thì chàng cũng đã bước một bước khá dài. Ái Châu! Ái Châu! Thái gọi thầm...Thái không biết nàng Tôn Nữ của lòng mình có mơ ước cao xa gì hay không. Riêng Thái, chàng chỉ mơ ra trường rồi, kiếm được chỗ làm tốt, lấy vợ rồi sinh một lũ con. Mộng ước hết sức bình thường.
***

Hôm ra phi trường chờ máy bay đi Sài Gòn, Thái nhờ cậu em họ chở bằng xe gắn máy. Ái Châu và Thư đi xe đạp. Hai cô đạp lên đến đầu dốc tòa Tỉnh Trưởng thì ngừng lại thở. Cái dốc cao gì đâu! Thư đưa mắt nhìn dãy nhà phía sau Tòa Tỉnh. Đây là tư gia của Ông Bà Tỉnh trưởng. Thư nghe đồn ông này hào hoa rất mực. Có vợ và một đàn con đông đúc, nhưng con tim của Ngài không bao giờ chịu ngủ yên. (Rất lâu sau này, Thư biết có ít nhất hai trong số bạn quen của nàng có con với ông ta). Bù lại ông là một nhà quân sự tài giỏi. Có tài thì có tật! Có lẽ những mối tình nóng bỏng giúp thần kinh của các ông bớt căng thẳng khi ra trận mạc?

Bốn người cố ý đi sớm để ghé vào quán phở phi trường ăn trưa luôn. Quán này có tên gì đó, nhưng tất cả mọi người quen gọi là phở Phi Trường, vì nó nằm sát cạnh phi trường Kontum. Ông chủ người Bắc chính cống và phở ông ta nấu ngon hơn những tiệm phở trong thành phố. Vì thế tiệm lúc nào cũng đông khách, dù phải đi khá xa. Bốn người đang thưởng thức bốn tô phở thơm ngon bốc khói thì máy bay Air Việt Nam đáp xuống phi đạo. Ít phút sau, cả phi hành đoàn kéo nhau bước vào quán. Té ra họ cũng biết tiếng quán phở này. Cô tiếp viên, trong chiếc áo dài màu thiên thanh có thêu rồng ở cổ áo, người cao ráo, thon thả rất xinh đẹp. Thư nghe nói những cô tiếp viên hàng không phục vụ trên máy bay, muốn được đậu vào, điều kiện tiên quyết phải là... đẹp! Thư thầm nghĩ với chiều cao khiêm tốn của mình, chắc chẳng bao giờ có thể trở thành tiếp viên hàng không! Nàng kín đáo quan sát cô tiếp viên với cặp mắt đầy ngưỡng mộ.

Phi hành đoàn ngồi đây, bốn người yên chí ăn từ từ. Thư kể mẹ Thư đã liên lạc được với vợ chồng người chú họ của nàng. Chú nói con bé cứ xuống ở tạm nhà họ rồi chừng nào có chỗ trong Régina Pacis thì vào. Mẹ còn nói trường này không xa chợ Vườn Chuối mấy.
Thằng em họ của Thái nãy giờ ngồi im, xen vào:
- Mặc sức cho Thư ăn hàng nha. Tui nghe nói chợ Vườn Chuối có bán nhiều đồ ăn ngon lắm.
Thư háy nó, nhái giọng Nam kỳ:
- Dô diên chưa! Làm như tui là chúa ăn hàng hổng bằng!
Thằng em họ của Thái học cùng lớp với Thư. Nó cũng tò tò theo Thư nhưng con bé ...chê vì nó học dốt. Con bé lý luận với mấy đứa bạn:
-Tụi bay nghĩ coi. Nó cùng lớp, cùng tuổi mà học dở hơn tớ. Với trí khôn đó làm sao tớ dám trao trọn cuộc đời. Tớ thà trao thân lầm...tướng cướp, nhưng nhất định không trao cho thằng ngu. Tướng cướp thì tớ còn có thể cải hóa thành người lương thiện, nhưng một đứa ngu thì muôn đời vẫn ...ngu! Mấy cô bạn gật gù, công nhận con bé có lý!

Anh chàng "dô diên" chưa kịp trả lời thì phi hành đoàn đứng lên trả tiền. Bốn người cũng vội vàng đi ra nhà chờ đợi trong phi trường. Thái và Ái Châu bịn rịn chia tay. Thái buồn thì đúng hơn. Ái Châu cảm thấy hơi se lòng một tí, vì tình cảm trong tim cô bé chưa có gì sâu sắc. Cũng chỉ như một cuộc chia tay với bạn bè mà thôi. Thái xách túi đồ bước lên thang, tới cửa phi cơ còn cố quay lại chào ba người đứng dưới đất. Cả ba rời phi trường khi phi cơ cất cánh bay lên cao như một con hải âu khổng lồ. Thư và Ái Châu thong thả đạp xe về hướng Phương Nghĩa, định bụng ghé thăm cô bạn Lệ Hồng. Nhà Hồng có cây mần quân ngon đặc biệt.

Con đường từ phi trường đến nhà Lệ Hồng ở Phương Nghĩa khá vắng. Lác đác vài căn nhà hai bên vệ đường, phía sau là vườn rộng trồng rau cải. Dân làng có nghề trồng rau, hàng ngày có mối tới lấy đem bán dưới chợ. Vì khí hậu ngang ngửa Đà Lạt nên rau cải cũng xanh non. Trên những khúc vắng, hai bên đường vàng màu hoa cúc dại. Sau này Thư biết loại cúc này còn có tên rất đẹp là Dã quỳ. Thư yêu loài cúc dại này vô cùng, hơn cả những loại cúc trồng làm cảnh trong vườn nhà hay trong chậu. Thân dã quỳ rất cao so với những loài cúc thường. Chen chúc vươn lên giữa những loại cây dại mọc hai bên đường. Dù không được tưới tắm gì cả, loài hoa hoang dã này vẫn nở quanh năm. Nhưng đặc biệt vào mùa thu, dưới bầu trời trong veo xanh như ngọc, hoa Dã quỳ nở vàng, rực rỡ trong bầu không khí se se lạnh. Thư yêu màu hoa kiêu sa và yêu nhất cái vẻ ngạo nghễ của nó. Trong khi các anh chị em họ cùng gia đình Cúc như cúc vạn thọ, đại đóa, hồng cúc, bạch cúc...chỉ thấp lè tè từng cụm dưới đất thì dã quỳ vươn cao, thật cao có khi quá đầu người và không cần bàn tay ai chăm sóc vuốt ve, tưới bón... nó vẫn hiến cho đời những đóa hoa đẹp rực rỡ, lung linh trong nắng vàng.

Thư và Ái Châu đạp xe thong thả, lòng cảm thấy lâng lâng vui vẻ, yêu đời. Rồi đây các cô sẽ từ giã gia đình và quãng thời gian vô tư của thời trung học để bắt đầu cuộc đời sinh viên mới toanh. Chắc chắn là sẽ có rất nhiều thay đổi. Nhưng hiện tại, các cô cứ vui cái đã. Cứ thoải mái hưởng nốt sự cưng chiều của mẹ cha. Không cần biết " ngày sau sẽ ra sao".

Từ giã nhé tuổi thơ...

Tiểu Thu

Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2024

Từ Giọng Hát Em - Sáng Tác: Ngô Thụy Miên - Đàn & Hát: Phạm Anh Dũng

 


Sáng Tác: Ngô Thụy Miên
Đàn & Hát: Phạm Anh Dũng


Tiếng Quốc Bi Thương


Não nùng tiếng quốc đêm hè
Canh chầy lữ khách chợt se sắt lòng
Quê hương ngàn dặm những mong
Biết ai là kẻ tâm đồng chung vai
Lật trang oanh liệt những ngày
Một thiên ái quốc chí trai kiêu hùng
Sầu đưa thúc giục cáo chung
Mây quang trời tạnh một vùng chói chang

Kim Phượng

Tháng Tư 2024

Hoa Đào Trong Mưa

 
(Ảnh: Nhất Hùng)

Cuối tuần giông gió kéo dây dưa
Hoa rụng kín nền khách viếng thưa
Trời xám vẻ mây mù chuyển hoá
Đất hồng màu xác pháo giao thừa
Cánh bồng bềnh trên hồ trôi nổi
Nhụy tả tơi dưới gió đẩy đưa
Đào đẹp quá mà sao yểu mệnh
Vừa khoe sắc vội tàn trong mưa


nhất hùng


Song Tu Thiền Định

 

Thơ & Trình Bày: Minh Lương
 

 

Ngồi Ở Quán Givral

 
 
Ngồi ở quán Givral, anh nhìn thấy em trên đường phố, những tà áo mềm mại tung tăng như đàn bướm.

Một buổi sáng bình yên, anh trở về từ chiến trận, ly cà phê tỏa khói, mùi thơm thành phố và những êm đềm của tuổi ấu thơ, anh nhớ tất cả qua làn khói thuốc, ôm ấp màu tóc em trong đó.
Có bạn bè chung quanh, nhưng bao nhiêu người như một, một tâm tình gặp gỡ, ôn cố, rồi chia phôi, nhấp cạn giọt đắng cuối cùng, sao vội qúa.
Tà áo bay trong mắt người đối diện, khói của màu mắt xa xăm. Lại nghĩ đến những chuyến đi về, còn và mất, khói chơi vơi như khói chiều.

Ngồi ở quán Givral, một buổi sáng hay một buổi chiều, ấm áp từng giây gặp gỡ, mắt lạc thần một buổi sang đông.
Ngồi ở quán Givral, chờ gặp gỡ ngày cuối cùng, những bạn bè những bốn vùng chiến thuật, mắt em thăm thẳm xa xôi trong niềm nhung nhớ.

Mai anh đi, mai tôi đi, gặp lại nhé một ngày, hay bàn ghế sẽ trống trơn,
Ly cà phê nhỏ giọt buồn chờ ai nữa hay không, thành phố thơm ngát, vắng bóng người.

Ngồi ở quán Givral, mùa Đông Sàigòn không lạnh lắm, bản luân vũ xếp bút nghiên âm thầm tiếp nối. Mùa Đông lạnh ở nơi rất xa.

Lê Mỹ Hoàn

Ơn Em


Tôi đến thăm chị Dung đang nằm bịnh. Anh Việt mở cửa đón tôi với bộ mặt hốc hác xanh xao tiều tụy. Nhìn chị nằm trên giường gần như bất động, tôi đè nén sự xúc động. Không ai ngờ vợ anh đang còn mạnh mẽ bất ngờ bị ung thư bướu trong đầu thời gian ngắn, nay đành bất lực. Dầu biết luật đời gắn chặt Sinh Lão Bệnh Tử không ai tránh thoát. Nhưng có chia lìa là có đau buồn ngậm ngùi, nhất là với người phụ nữ có quá nhiều đức tánh tốt, người vợ tuyệt vời, người mẹ mà các con xem như thần tượng, người dâu được cả giòng họ nhà chồng khen ngợi, bạn bè thương mến.
Anh Việt mời tôi ra phòng khách uống nước. Ngoài trời đang mưa, bầu trời ủ ê, mây mù trắng xóa càng tăng thêm vẻ ảm đạm. Tôi thả dòng suy nghĩ theo những hạt lệ mưa đang rơi qua khung cửa sổ…

Biết chị Dung từ lúc còn ở VN, thời gian anh Việt đi “cải tạo”, ngày đêm chị phơi mặt với nắng la lết trước chợ Bà Chiểu bán thuốc vấn hơn bảy năm lam lũ, rồi xoay qua xe hủ tiếu. Cơ may sau đó có bà con truyền nghề bán mặt hàng khác khá hơn. Ngày chồng về cùng nhau phụ bán buôn, tuy nguy hiểm nhờ trời cho phất lên như diều gặp gió. Nhưng anh chị vẫn tìm đường vượt biên vì nghĩ đến tương lai con trẻ, và vì không có niềm tin nơi quê hương mình đang ở, lòng canh cánh sợ một ngày nào bị đánh tư bản mại sản, công an có thể ập vào nhà bất cứ lúc nào không hay. Anh chị luôn đề phòng khi nghĩ đến lời Tổng Thống Thiệu “Đừng tin những gì Cộng Sản nói mà hãy nhìn những gì CS làm”, như đã từng nghe “các anh học tập một tuần rồi sẽ được thả về”, và nhiều chuyện khác nữa.

Đi vượt biên không thành, sau đó anh chị cũng qua Mỹ theo diện HO. Hai vợ chồng bắt tay vào đời sống mới ở Mỹ. Chị học tóc, anh học Smog Check, làm thời gian đầu lấy kinh nghiệm rồi mở tiệm. Bước đầu anh kể thật thà: khách bản xứ tới tiệm, anh nói tiếng Mỹ “ù ù cạc cạc”, họ đòi gặp manager, anh nói là tao, họ đòi gặp boss, anh nói ...cũng tao, họ cám ơn bảo sẽ trở lại, nhưng rồi... đi luôn. Vậy mà anh lại thành công hơn 30 năm trên đất Mỹ, bây giờ thuê người làm. Hai vợ chồng siêng năng cần cù nuôi sáu con ăn học đều tốt nghiệp bằng đại học và có công ăn việc làm ổn định.

Còn nhớ những ngày đầu chân ướt chân ráo đến Mỹ, nhờ người bảo trợ thuê căn nhà hai phòng dạng apartment trong khu chung cư. Anh chị nhờ tôi hướng dẫn đi chợ. Tôi lựa dùm mấy vĩ gà, nhưng chị để xuống bảo” gà nằm trong bịch rẻ hơn em ơi”. Tôi tiếp tục bốc cà chua dùm, chị lại nói “chợ Food 4 Less gần nhà mình đang sale giá chỉ bằng 2/3 so ở đây, để chị đi bộ qua mua cũng được. Tôi cảm phục thầm, suy nghĩ: “Đời sống đang sung túc bên VN, vừa qua Mỹ biết chịu cực chịu khổ hà tiện, tính toán tiết kiệm lo xa, so với sự vụng về tính toán của tôi.”

Gia đình anh chị sống chung quanh bà con nhà chồng, mỗi lúc có đám giỗ mời hơn một trăm người chứa trong ngôi phòng apartment chật chội. Bụng mang bầu lớn, chị quơ tay nấu nhanh nhẹn các món mì vịt tiềm, soup, cá hấp, tôm rim..v..v..mặt tươi vui chào đón bà con bên chồng, đến nỗi có ông cậu hơi lẫn lộn: “con giỏi dang, đảm đang biết kính nể bà con nhà chồng, rất xứng đáng là dâu họ Lê” (trong khi chị là dâu họ Nguyễn).

Dần dần anh chị mua được ngôi nhà, nhưng vấn đề mời mọc đám giỗ vẫn duy trì cho đến nay, chị lo liệu một mình vì dâu con đi làm cả. Lần nào dự đám giỗ ba má chồng chị, thức ăn bày ngập mấy bàn một tay chị nấu. Dâu con ở riêng đi làm về muộn, tới đứng hỏi “con làm gì bây giờ hở má?”, chị cười hiền hoà “các con chỉ việc ăn và sau đó dọn dẹp dùm má”. Giờ đây chị ở nhà giữ cháu nội, thương con chị còn lo nấu bới xách, hoặc cuối tuần nấu nồi phở, nồi bún gọi các con về ăn. Các con kể cả dâu rể rất quý chị, sinh nhật mời má ăn nhà hàng, nhưng chị không bao giờ để các con trả tiền. Mấy con trai gặp chị dù lớn vẫn ôm hôn má như đứa trẻ thơ. Nhiều khi tôi đến bắt gặp con trai đầu xay đủ thứ trái cây đem đến má uống, hỏi ra mới biết mỗi chiều đi làm về cháu đều làm công việc đó…

Anh Việt trở lại phòng khách sau khi chăm sóc chị Dung vài việc. Hai anh em cùng nhìn mưa, hình như trời mưa làm tăng thêm nỗi buồn, nỗi uẩn khúc mà lâu nay anh chưa từng nói...Giọng anh trầm xuống, anh kể như đang sống lại với quá khứ …

Ngày xưa đời lính phiêu bạt nơi này chốn nọ, anh được thuyên chuyển đến Cần Thơ đóng quân. Những lần về thành phố thường ghé tiệm ăn ba má chị làm chủ. Gia đình chị thuộc diện giàu có, lúc đó chị ở tuổi thiếu nữ dậy thì đang đi học, anh là khách thường ghé ăn hủ tiếu lâu dần cũng quen mặt với chị Dung, rồi “phải lòng nhau”. Ba chị biết được cấm cản, ông nói “quen lính sớm trở thành goá bụa”. Chị vẫn lén lút hẹn hò đi chơi với anh, ông biết được càng cấm đoán nghiêm khắc dùng những biện pháp mạnh. Chị tức tối đòi tuyệt thực, rồi một hôm mù quáng dùng liều thuốc quyên sinh nhưng số còn lớn được cứu thoát.
Cuối cùng ba má chị phải bằng lòng gả con gái. Anh lại thuyên chuyển về Sài Gòn, dẫn vợ về ở ké nhà chị ruột của anh, thời đó chị ruột cũng nghèo, nhà không có phòng ốc, chỉ che màn làm buồng ngủ. Lúc chị Dung sinh được hai cháu, có khi về ở chung trong căn cứ Quân Sự, đêm ngày bị pháo kích nhảy xuống hầm núp, chị nói “sống chết có nhau”.

Nhờ tài vén khéo dành dụm của chị, cuối cùng cũng tậu được căn nhà. Chị xoay sở buôn bán thêm. Đời lính rày đây mai đó, anh thuyên chuyển xuống căn cứ vùng xa nơi Long Khánh, lúc này chị không thể theo sát anh được vì bận buôn bán. Giai đoạn ấy thường có các nhóm nữ xuống căn cứ anh đóng để ủy lão hoặc ban nhạc tâm lý chiến đến ca hát giúp vui. Anh bị vướng mắc một cô gái đẹp tên H thường xuyên xuống thăm và ở lại cùng anh. Tình cảm kéo dài được thời gian, cô đòi anh giải quyết để cô được làm vợ, anh thẳng thắn nói “ngay từ đầu anh đã cho H biết có gia đình với vợ bốn con, anh không thể bỏ vợ, chính H tự nguyện đến thì phải chấp nhận điều đó thôi”. Cô H đã cuồng loạn tử tự, bạn cô tìm đến nhà cho vợ anh hay tin. Chị biết hoàn cảnh gia đình cô ở tận miền Tây chẳng có ai, nên nuốt nước mắt vào thăm nuôi cô một tuần, cô H hồi tỉnh có vẻ cảm động mến chị, và hứa từ nay sẽ trả lại hạnh phúc cho gia đình chị. Anh về chị chỉ biết khóc nói một câu nhẹ nhàng “Em bỏ danh dự gia đình, bỏ cuộc sống giàu có và hy sinh cả mạng sống vì anh mà…” câu nói đã đâm vào tim anh sự nhói buốt và ray rứt ân hận đến bây giờ.


Tháng 4/1975 VC tràn vào miền Nam, ngày tang thương của đất nước. Trong lúc dầu sôi lửa bỏng, thời điểm lộn xộn căn thẳng cô H lại về nơi căn cứ Sư Đoàn. Tình hình đang nguy hiểm náo loạn, anh thay bộ lính mặc quần áo thường dân thúc giục cô H về gấp. Không thể dùng xe Jeep, anh lái chiếc Vespa chở cô H về Sài Gòn bị ngăn chận nhiều đoạn, cũng nhờ cô nói chuyện khéo được thoát nhiều lần. Chạy tới Quốc lộ 1 (nay gọi là Cách Mạng Tháng 8) xác lính Nhảy Dù tử tự nằm chết giữa đường la liệt, ngang chợ Hoà Hưng anh thả cô H xuống và chạy về nhà. Tâm tư rối bời, tinh thần đang còn hoãn loạn thì hai hôm sau anh bị bắt đi “cải tạo”. Đầu óc chấn động nhục nhã chuyện mất nước, hối hận dày vò với vợ con, hãi hùng kết quả sự bê tha tình cảm của mình, anh như một cái xác không hồn chẳng còn tha thiết sống nữa.

Anh Việt dừng lại có lẽ để ngăn chận sự xúc động. Hồi lâu lại kể tiếp:
Anh bị tù ngoài Bắc vùng Lào Cai, vì ngành An Ninh nên đã từng bị nhốt xà lim suốt tuần nhiều lần sau màn tra tấn. Còn ngôn từ nào cho đủ để diễn tả những ngày gian khổ lưu đày. Lao động việc nặng, thức ăn thiếu thốn, người suy dinh dưỡng, lúc nào cũng thấy đói khát, thấy con vật nhỏ gì cũng bắt như sâu bọ, rắn rít, bóp mạnh cho chết dúi vào túi quần, chờ lúc vào nhà xí xẹt que xiêm vội vã, chẳng biết còn sống hay đã chín, bỏ vào miệng nhanh chóng vì sợ quản giáo phát hiện. Anh bị nhốt chung với tù hình sự, chúng là những thiếu niên đói quá ăn cắp củ mì, củ khoai bị bắt, nhưng được ra ngoài lao động như đi lấy củi về. Bạn bè chung trại ra đi cũng nhiều lớp vì bịnh hoạn, lớp đói rách suy dinh dưỡng yếu dần.

Lần đầu tiên chị ra thăm anh, mấy trăm người tù ngồi nhìn sững sờ số thực phẩm thăm nuôi. Không thể ngờ tưởng được, người ba vợ luôn ghét anh không thèm nhìn mặt, nay lại đi cùng con gái ra thăm anh. Thức ăn chất mấy bao bố thuê người khiêng phụ vào, chị kể nỗi đoạn trường lết bao nhiêu chặng đường vất vả mới đến được đây. Nhìn chị khác hẳn, tóc hớt cao, mặt mày đen đủi như con trai, chứng tỏ chị lăn lết ngoài chợ đời dữ lắm. Chị cố kể chuyện trên trời dưới đất để đè nén những giọt nước mắt khi nhìn anh tiều tụy. Ba vợ bắt tay anh, ánh mắt lộ vẻ biết thương yêu đứa rể lính VNCH bị tù đày. Tối đó bạn bè cũng được chia sẻ niềm vui chung. Anh dọn dẹp các thứ bới xách cho gọn thì thấy bộ áo Trây-Di, ai ngờ có mớ tiền trong túi, nhờ vậy anh thường nhờ tù hình sự đi lao động bên ngoài mua dùm thứ gì mình cần. Một lần bạn anh bị bệnh kiết lỵ, anh nhờ mua nếp, nấu lén trong lon sữa bò cho bạn ăn, không ngờ ăng-teng báo cáo cán bộ quản giáo, anh bị lôi nhốt vào xà lim một tuần, cũng chân còng trong gian phòng tối om. Một chính sách cai quản tàn nhẫn độc ác không xem ai là con người, phải chăng họ chỉ muốn những người tù chết lần chết mòn khô xương nơi đó. Nếu không có vợ anh thăm nuôi nhiều lần có lẽ anh cũng khô máu đổ bệnh nặng, từng đêm anh đã ứa nước mắt vì thấy mình nhận cái ơn quá lớn của người vợ.

Giờ đây cuộc đời ba chìm bảy nổi đã qua, cũng giống như chị Dung khi ngồi ghế cao, lúc ngồi đòn thấp, xoay chuyển lăn lộn như trái banh. Nếu không có chị thì cuộc đời anh đã bỏ từ lâu, các con anh cũng không được như ngày hôm nay. Anh chỉ biết làm việc, chẳng để ý gì ngoài ba bữa cơm ăn, bao nhiêu tiền bạc cũng như việc sổ sách giấy tờ, cùng việc nhà chị đều quán xuyến hết. Chị động viên các con mua nhà bằng cách cho tiền “down” một số, mua thêm cơ sở khác cho thuê, sắp xếp vén khéo. Anh không hề lái xe, đi đâu có chị làm tài xế, giờ đây anh cảm thấy hụt hẫng vô cùng. Không biết có người vợ hiền nào chăm sóc chồng như chị đối với anh?!! Mỗi trưa chị bới cơm ra shop, hâm nóng để trên khay, bên cạnh món trái cây và cây tăm xỉa răng chu đáo, anh có muốn nói chữ cám ơn triệu lần cũng vẫn chưa đủ và luôn hổ thẹn một thời trăng hoa bay bướm làm chị khổ, đồng thời cũng không dám biết tin tức về cô H, vì nỗi dày vò đã làm hai người đàn bà trong tình yêu dám sống chết vì mình.

Tôi không biết nói gì hơn, lắng nghe câu chuyện với nỗi xúc động vô bờ. Chị sống như thế nào mà để người chồng thương quý tôn thờ, các con yêu mẹ, người người mến phục nể trọng. Còn nhớ hồi xưa nhiều người qua Mỹ trước anh chị Việt đã kể rằng: chú thím Việt tốt bụng rộng rãi lắm, bao nhiêu gia đình HO ngoài làng vào Sài Gòn chờ đi Mỹ, chú thím đều cho tá túc trong nhà, kể cả người không quen đi theo diện con lai, biết người cùng làng cũng mở lòng”.

Mấy năm trước có người anh tên Hưng, anh chị Việt không quen, chỉ nghe qua người bạn thân giới thiệu. Biết được anh bạn này cũng là lính VNCH và ở tù còn lâu hơn anh, nay lại góa vợ, anh chị niềm nở chào đón và đưa đi nhà hàng đãi phủ phê nhiều lần mỗi khi anh Hưng qua chơi. Đây cũng là nét đẹp theo cách nhìn về Chân Thiện Mỹ để mọi người học theo những đức tánh tốt đáng ngưỡng mộ.
- Nãy giờ em ngồi lắng yên nghe anh trang trải nỗi lòng, vậy bây giờ anh trả tiền đi nhé
Anh cười gượng đứng lên vừa đi vào phòng chị vừa nói
- Để anh vào xem chị một tí
Tôi cũng có ý chào về nên muốn vào thăm chị lần nữa trước khi từ biệt. Chị vẫn nằm yên, nhắm mắt. Anh lấy khăn ướt lau nhẹ mặt chị, vừa lau vừa hát nho nhỏ giọng run run cố ru chị:

Tôi muốn phá tan bầu không khí buồn bã, đùa với anh

Ơn em thơ dại từ trời, theo ta xuống biển, vớt đời ta trôi.
Ơn em dáng mộng mưa vời, theo ta lên núi, về đồi yêu thương.
Tạ ơn em, tạ ơn em.
Ơn em tình như mù lòa, như con sâu nhỏ bò qua giấc vùi.
Ơn em hồn sớm ngậm ngùi, kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau.
Tạ ơn em, tạ ơn em (*1)


Tiếng anh nghẹn dần nhưng vẫn cố hát, tôi thấy nơi khóe mắt chị có dòng nước mắt trào ra, có lẽ chị vẫn còn biết nhưng không thể nói được nữa sau lần mổ đầu, các dây thần kinh đã lấp bộ dây nói, và những bộ phận khác. Chị không bị hành hạ bởi những cơn đau đớn vật vã, chị nằm yên như ngủ…

Chào ra về. Trên đường lái xe, tôi nghĩ mông lung “một đời người sống thật xứng, thật đẹp, sống xây dựng cho gia đình, góp phần an lành cho xã hội. Một tấm gương sáng để mình soi, để người chồng hồi tâm sống đúng, sống phải và bù đắp thương yêu với cái “Ơn” quá lớn đối với người vợ lính trong thời chiến tranh, người vợ nuôi chồng bị cộng sản giam tù dài năm.

Chị yên nghỉ nay mai...rồi ai cũng sẽ lần lượt ra đi, chỉ là kẻ trước người sau…
Tôi lái xe, đầu óc miên man nhớ từng chi tiết anh Việt vừa kể, anh nhắc không biết bao nhiêu lần về cái “Ơn sâu” mà cuộc đời anh đã may mắn gặp được chị. Tôi sẽ xa rời người chị rất quý, rất thương nay mai.

Nỗi buồn bao trùm, mắt hơi cay, mưa rơi ngoài trời, mưa rơi trong lòng...Tôi nhẩm lại lời mà hồi nãy anh Việt đã hát cho chị Dung nghe

“Ơn em ngực ngải môi trầm, cho ta cỏ mặn, trăm lần lá ngoan.
Ơn em hơi thoáng chỗ nằm, dấu quanh dấu quẩn nỗi buồn một nơi.
Tạ ơn em, tạ ơn em. ...” (*1)
*** 
Chị Dung đã trút hơi thở cuối cùng ba ngày sau ...chị xứng đáng được vinh danh là người vợ “tù cải tạo “đáng ca tụng. Chị ngủ yên, giấc ngủ nghìn thu...nguyện cầu hương hồn chị sớm được vãng sanh tịnh độ ...

“Về đi lữ khách! đường xa lắm.
Cát bụi sầu thương đã vướng nhiều.
Thanh thản ngủ trong lòng Đạo cả.
Cho hồn thơ ấu được nâng niu.” (*2)

(*1) “Ơn Em” nhạc Từ Công Phụng, thơ Du Tử Lê
(*2) Thơ Sư Ông Thích Nhất Hạnh

Minh Thúy Thành Nội

 

Thứ Năm, 18 tháng 4, 2024

Phù Vân - Thơ: Trần Quốc Bảo& Phan Khâm - Nhạc: Trần Đại Bản - Ca Sĩ Vân Khánh


Thơ: Trần Quốc Bảo & Phan Khâm
Nhạc: Trần Đại Bản
Ca Sĩ Vân Khánh

Đã Đến Tháng Tư

 

Mới đây đã đến tháng Tư rồi
Buồn bã vào ra đứng lại ngồi
Một thuở quê xưa tràn mạch sống
Mấy thu nơi cũ cạn nguồn vui

Trông trời cánh nhạn nghiêng đầu núi
Nhớ cảnh con thuyền lạc giữa khơi
Ai chở thời gian xa bất tận
Lệ như còn mặn chát bờ môi

Tháng Tư lại đến chân vừa bước
Một chút mưa bay thấm lạnh hồn
Ôi mối sầu em sao mãi ướt
Trên vai anh bao tháng Tư buồn

Tháng Tư tờ lịch vừa mới xé
Mặt đất vẫn còn loang nỗi đau
Biển chẳng nguôi sóng sầu đáy nước
Tình đầu ai mộng gặp kiếp mai.

Lê Mỹ Hoàn


Tháng Tư Trong Nỗi Nhớ



Muốn quên mà vẫn nhớ 
Một thuở đã xa vời 
Kỷ niệm nào sống lại 
Trong ký ức chơi vơi 

Ôi ! tháng Ba gãy súng 
Và tháng Tư tan hàng 
Có triệu người sầu tủi 
Có vạn kẻ huênh hoang 

Tháng Tư vừa gõ cửa 
Mùa Xuân đến mà chi?
Ngậm ngùi trên xứ lạ 
Kẻ ở níu người đi 

Bốn chín năm ly hận 
Nửa thế kỷ tang thương 
Ngày về? ôi xa quá!
Trong nỗi nhớ đoạn trường 

Ta nghe giòng nước chảy 
Suối róc rách bên nhà 
Giòng đời trôi nghiệt ngã 
Kỷ niệm nào phôi pha 

Nắng bên thềm vẫn đổ 
Mùa Xuân lại về đây 
Gượng nghiêng ly rượu đắng 
Chưa cạn hồn đã say…

NHT


Ký Viễn 寄遠 - Đỗ Mục (Vãn Đường)


Tâm Tư Của Bát Sách và Tiểu Đỗ.

Năm 1975, ngày 30 tháng 04, lúc chiều tối, Bát Sách theo tầu hải quân, xuôi dòng Tiền Giang, ra biển. Khi tầu sắp chìm, mọi người được tầu buôn Song Long (Twin Dragon) cứu, chở tới Vọng Các, rồi về Phú San (Busan), Đại Hàn ngày 21/05. BS ở đây 2 tháng, tới Montréal ngày 22/07/1975.

Lúc đó, Bát Sách còn trẻ, độc thân, vui tính, làm đủ thứ nghề để kiếm sống, học bài thi bằng tương đương, và quen một đồng nghiệp đàn anh lớn tuổi là bác sĩ Nguyễn Khắc Định, cùng lớp với anh Nguyễn Tấn Hồng, cựu Tổng Trưởng Thanh Niên hồi ông Nguyễn Cao Kỳ làm Thủ Tướng. Theo truyền thống y khoa, tôi gọi các đồng nghiệp lớn tuổi bằng anh, xưng em.

Tôi có đến chơi nhà bác sĩ Định nhiều lần, và gặp con gái của ông là Ng N.H, du học ở Mỹ, tiểu bang Oregon, qua thăm cha mẹ. Tôi đã bị mê hoặc bởi chiếc răng khểnh và nụ cười rất tươi đẹp của nàng.

Năm 1976, dù đã đỗ bằng tương đương, nhưng tới tháng 7 năm 1977 tôi mới có chỗ để đi nội trú. Mùa hè năm đó, nàng lại qua chơi, chúng tôi gặp nhau đôi lần, nói chuyện vu vơ, nhưng khi nàng về Mỹ thì tôi bắt đầu thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai kiểu Quang Dũng.

Mùa đông năm 1977, ở Montréal, tuyết rơi nhiều… Một hôm, sau phiên trực, tôi về nhà mệt mỏi rã rời, bỏ ăn, lăn ra ngủ. Đến đêm thức giấc, chợt nhớ tới nàng, lại biết ở Oregon trời không lạnh, nhưng mưa liên miên, bèn làm 4 câu thơ:

Người ở phương trời, mưa mãi rơi,
Nơi đây tuyết trắng phủ ngập trời,
Nửa đêm thức giấc sầu cô quạnh,
Em có khi nào nghĩ đến tôi?

Mùa xuân năm 1978, người đẹp qua chơi, tôi cầu hôn và nàng đồng ý. Chúng tôi làm đám cưới ngày 17/06/1978, 2 tuần trước khi tôi xong nội trú.

Đây là chuyện riêng, đưa lên diễn đàn, BS thấy hơi kỳ, nhưng vì một hôm, vô tình đọc bài KÝ VIỄN của Tiểu Đỗ, tức Đỗ Mục 杜牧 (803-853), sao nó giống y chang tâm tư của mình.

Đỗ lúc đó, chắc ở miền bắc, đêm nằm nghe tuyết rơi, nhớ tới người yêu ở miền nam, mưa tơi bời…

寄遠 杜牧             Ký Viễn (Đỗ Mục)

前山極遠碧雲合, Tiền sơn cực viễn bích vân hợp,
清夜一聲白雪微. Thanh dạ nhất thanh bạch tuyết vi,
欲寄相思千里月, Dục ký tương tư thiên lý nguyệt,
溪邊殘照雨霏霏. Khê biên tàn chiếu vũ phi phi.

Bài này không nhiều chữ khó.

# Câu 2 có 2 chữ thanh, chữ thứ nhất 清 là trong trẻo, chữ thứ 2 聲 là tiếng động.
# Vi 微: là nhỏ, nhẹ.
# Tàn chiếu 殘照:là lúc mặt trời sắp lặn, lúc chiều tà, hoàng hôn.
# Phi Phi 霏霏: viết với bộ vũ, là lã chã, tầm tã, lất phất, tả mưa rơi.

Phỏng dịch:

Gửi Nơi Xa

Bềnh bồng mây biếc trước non côi,
Đêm thanh nghe tuyết trắng nhẹ rơi,
Muốn gửi tương tư trăng vạn dặm,
Mưa khe chiều xuống, rớt tơi bời

Bát Sách.
(ngày 12/02/2024)
***
Gửi Nơi Xa

Thật xa trước núi tụ xanh mây,
Lất phất đêm buồn tuyết trắng bay.
Muốn gửi tương tư trăng vạn dậm,
Về bên bờ suối gió mưa đầy.

Mỹ Ngọc 
Feb. 23/2024.
*** 
Dịch nghĩa

Gửi Người Xa

Mây xanh tụ ở dẫy núi rất xa phía trước,
Trong đêm thanh nghe tuyết trắng rơi nhè nhẹ.
Muốn nhờ vầng trăng cao vạn dặm kia, gởi niềm riêng tới…
... Người ở bên bờ suốt có trăng mờ soi và có mưa rơi lất phất kia.

Dịch thơ

Gửi Người Xa

Đỉnh non xa tắp mây xanh tụ,
Đêm tĩnh chợt nghe tuyết trắng phơi.
Muốn gởi niềm riêng trăng vạn dặm,
Về bên bờ suối có mưa rơi.

Lời bàn:

Bài thơ thất ngôn tứ tuyệt giản dị, du dương và lãng mạn; ngôn từ gợi những ý súc tích của Đỗ Mục.
Câu 1:
Trên đỉnh núi xa tắp có mây xanh tụ (ám chỉ nơi xa xôi và ấm áp của người yêu),
Câu 2:
Trong một đêm trăng thanh có tuyết trắng lất phất (ám chỉ nơi lạnh lẽo của mình).
Câu 3:
Muốn nhờ vừng trăng ở trên cao gởi niềm tương tư của mình tới…,
Câu 4:
… Bên bờ suối, nơi (đang) có mưa rơi, (cụm từ bạch tuyết vi tương phản với cụm từ vũ phi phi ở câu 2).

Con Cò



Gởi Chốn Xa

Trước núi xa xăm mây biếc phủ
Đêm khuya nghe tiếng tuyết rơi hờ
Tương tư muốn gởi trăng ngàn dặm
Bên suối chiều tà mưa phất phơ?

Mây mù bao phủ núi xa
Đêm khuya nghe tiếng tuyết va kính mờ
Nhớ thương, trăng gởi người mơ
Nụ cười răng khểnh, tóc tơ suối nguồn!

Lộc Bắc

***
Gửi Người Xa

Mây chắn xanh rờn, dáng núi xa
Đêm thanh tuyết trắng bay la đà
Trăng ơi! Cho gửi niềm tâm sự
Bên suối mơ. Chiều. Mưa lướt qua

Kiều Mộng Hà
Austin.4.6.24
***
Gởi Người Xa

Mây xanh lãng đãng quyện quanh non
Đêm xuống tuyết rơi êm ái buông
Muốn gởi qua trăng tình đắm đuối
Ánh dương bên suối hạt mưa buồn

Thanh Vân
***
Gửi Người Xa

Bềnh bồng xa tắp mây xanh
Phất phơ tuyết trắng đêm thanh riêng mình
Nhờ trăng ngàn dặm gửi tình
Đến người bên suối muôn nghìn nhớ nhung.

Kim Oanh
***
Nguyên tác: Phiên âm:

寄遠-杜牧 Ký Viễn - Đỗ Mục

前山極遠碧雲合 Tiền sơn cực viễn bích vân hợp
清夜一聲白雪微 Thanh dạ nhất thanh bạch tuyết vi
欲寄相思千里月 Dục ký tương tư thiên lý nguyệt
溪邊殘照雨霏霏 Khê biên tàn chiếu vũ phi phi
Hán bản của bài thơ được đăng trong các sách đời Thục, Tống, Minh, Thanh:

Tài Điều Tập - Thục - Vi Hộc 才調集-蜀-韋縠
Vạn Thủ Đường Nhân Tuyệt Cú - Tống - Hồng Mại 萬首唐人絕句-宋-洪邁
Thạch Thương Lịch Đại Thi Tuyển - Minh - Tào Học Thuyên 石倉歷代詩選-明-曹學佺
Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御定全唐 詩-清-聖祖玄燁

Sách của Huyền Diệp có cho 2 dị bản ở câu 1 và 4.

Ký Viễn là một đề tài rất thơ mộng nên nhiều thi nhân đời Đường, trong đó có Lục Quy Mông 寄遠, Lý Thương Ẩn 寄遠, Bạch Cư Dị 寄遠… đã tham gia làm thơ dưới mục này. Có 46 bài thơ có hai chữ Ký Viễn trong tựa, có 32 bài tựa chỉ có hai chữ Ký Viễn.

Ngoài bài Ký Viễn này (không có tựa như thế trong sách chữ Hoa nào), Lý Bạch có làm một bài Ký Viễn 11 Thủ 寄遠十一首.
Ngoài bài Thu Tễ Ký Viễn, Đỗ Mục còn có 3 bài Ký Viễn: 寄遠 1, 寄遠 2, 寄遠3.

Chú thích:

Bích vân: mây xanh, mây trên bầu trời xanh biếc
Thanh dạ: một đêm yên tĩnh
Tàn: phần còn thừa lại của cái gì đã dùng rồi
Tàn chiếu: lúc mặt trời đã lặn
Phi phi: lả tả, tiếng mưa rơi, nhiều dày dặc…

Dịch nghĩa:

Gởi Người Phương Xa

Xa xa phía trước núi những đám mây xanh biếc hòa quyện với nhau,
Trong đêm yên tĩnh có tiếng vi diệu tuyết trắng rơi.
Muốn gửi mối tình say đắm đến một nơi cách xa ngàn dặm qua ánh trăng,
Bên dòng suối dưới những tia sáng cuối cùng của mặt trời mưa lả tả rơi.

Bình luận:

Bài thất ngôn tứ tuyệt là một tuyệt tác về hình thức, gợi cảm và sâu sắc về ý, trữ tình và lãng mạn. Khi dịch nghĩa cũng như dịch thơ, cần lưu ý về thời lúc và thứ tự hợp lý của các sự việc đã xảy ra. Chiều mây, tối tuyết, khuya trăng, và gần sáng mưa. Chữ tàn chiếu dịch đúng nghĩa là lúc mặt trời sắp lặn, lúc chiều tà, hoàng hôn… e không ổn với thứ tự thời gian trong các câu trước. Quên đi thời điểm trong câu 4 hoặc phỏng dịch hết đêm, gần sáng, bình minh, tia nắng đầu tiên…

To Someone Far-Away by Dù Mù

Blue clouds drifted in the distance in front the mountains,
In the quiet night, only the marvellous sound of falling white snow.
I wanted to send love, through the moon, to a distant place thousands of miles away,
But on the bank of the stream under the last sun rays, it rained heavily.

Phỏng dịch thơ: Gởi Người Phương Xa

Thể thất ngôn: 

Trước núi mây xanh phủ góc trời,
Trong đêm thanh vắng tuyết êm rơi.
Gởi người vạn dặm bao thương nhớ,
Bên suối dưới trăng mưa khắp nơi.

Thể lục bát: 

Mây xanh phủ núi mờ xa,
Trong đêm yên tĩnh trắng ngà tuyết rơi.
Nhớ thương vạn dặm ngươi ơi!
Dưới trăng bên suối mưa nơi giang đầu.

Phí Minh Tâm
***
@ Ý kiến của Lộc Bắc:

Chữ tàn chiếu dịch đúng nghĩa là lúc mặt trời sắp lặn, lúc chiều tà, hoàng hôn… e không ổn với thứ tự thời gian trong các câu trước Pmt

Ba câu đầu đúng theo thứ tự thời gian: lúc trời còn sáng núi mây hòa quyện; đêm yên tĩnh nghe được cả tiếng tuyết rơi; rồi chợt có ý muốn nhờ trăng để gởi tâm tình đến người thương ở phía nam xa ngàn dặm.
Câu 4 tả cảnh mưa bay bay bên suối lúc chiều tà nơi người yêu dấu!

***
Tương Tư

Mây xanh bao phủ trên đầu núi
Hoàng hôn chìm xuống ở phương xa
Đêm buồn bóng Nguyệt lu mờ chiếu
Bên trơi ai có hiểu lòng ta

Văn Ngọc

21-4-2024

Noi Gương Tiên Tổ

 

Xướng:

Noi Gương Tiên Tổ

Quốc Tổ Hùng Vương của nước ta
Công lao gầy dựng mảnh sơn hà
Trường Sơn bát ngát non hùng vĩ
Đông Hải bao la biển thái hòa
Truyền thống thương nòi thề bảo vệ
Tinh thần chống giặc quyết xông pha
Diên Hồng hào khí còn vang dội
Giữ vững ngàn năm tổ quốc nhà.

Phương Hà
( 16/04/2024 )
***
Họa: 

Quốc Tổ Hùng Vương


Vua Hùng Quốc Tổ của dân ta
Hơn bốn ngàn năm dựng nước nhà
Biển bạc mênh mông dài mút tận
Rừng vàng bát ngát rộng hằng hà
Kiên cường chống giặc không sờn chí
Bất khuất hy sinh chẳng ngại pha
Hào khí anh hùng vang dội mãi
Dẫu lòng mến chuộng cảnh an hoà

songquang
20240416
( Giỗ tổ Hùng Vương 2024)

Nhớ Về Hùng Vương

Hùng Vương, Chư vị Tổ dân ta
Người đã khai sơn, vạch thủy hà.
Tổ Quốc, hai nghìn năm ổn định
Non sông, muôn thuở vững an hòa.
Dẫu rằng Đất Nước nhiều chao đảo
Nên vậy Non Sông lắm lệch pha.
Con cháu nghìn đời còn nhớ Tổ :
Nén hương nghi ngút, tỏa quanh nhà.

​ Danh Hữu kính bái
Chú thích: Lệch pha là không bằng phẳng ổn định (Từ cổ)

***
Gương Tiên Tổ

Nhờ Ngài khởi nghiệp có nay ta
Công đức thời thôi lượng hải hà
Con cháu hôm nay cần đảm lược
Cha ông thuở trước giữ an hòa
Bắc quân khó thắng bao lần bại
Nam tộc càng thua mấy trận pha…
Khí thế diên hồng luôn rạng rỡ
Thượng Kinh trăm họ sống chung nhà

Thái Huy 
4/16/24
***
Giỗ Tổ Hùng Vương ( 10/3 Âm Lịch )…


Hùng Vương Quốc Tổ, cố hương ta
Một cõi giang sơn tới Bắc Hà
Hùng vĩ…”Nam Quan” sinh bất khuất
Thiêng liêng chữ S sống ôn hòa
Con Rồng phong thủy như quan tái
Cháu Lạc từ đường tựa ráng pha
Lập nghiệp tiền nhân tung vó ngựa
Cổ truyền dân tộc chốn quê nhà


Mai Xuân Thanh
Bay Area Thung lũng hoa vàng April 15, 2024
***
Nghiệp Tổ Hùng Vương

Hùng Vương quốc tổ dựng sơn hà
Khởi nghiệp lưu truyền bản Việt ta
Thoát Động Đình xuôi bề vững nước
Nhường Hoa Hạ chọn lối yên nhà
Giang san ổn định ngàn năm giữ
Cuộc chiến sai lầm máu lệ pha
Mở hướng trời nam nương biển cả
Buồn cho số phận chửa quang hoà.

Mai Thắng
240417

Cảm Tác: Gối Mộng Mơ Trăng!

  

Gối Mộng Mơ Trăng!


Đêm đã dần tàn sao trăng còn thức
Rón rén ghé gần khung cửa nhỏ to
“Gối mộng ơi, để thân lạnh co ro
Coi chừng cảm trăng lo không yên giấc”

Gối mộng chợt giật mình.. Ồ là thật!
“Khẽ khàng cười ...Bỡi ngủ gật quên thôi
Cám ơn trăng đêm đã khuya lắm rồi
Ngủ ngon nhé kẽo hao tâm tội lắm!”

Chênh lệnh thời gian giao hòa chầm chậm
Tỉnh giấc nồng còn âm ỉ trong tim
Một ngọt ngào một nhơ nhớ lắng im
Trời hừng sáng đắm chìm lòng thổn thức

Trăng ơi! Có phải chăng là sự thật?!
Cho suốt đời Trăng Mộng mãi trong mơ
Được nghe trăng thì thầm tiếng hẹn chờ
Để gối mộng khép hờ khung cửa sổ!

Kim Oanh
5.4.2024
***
Bài Cảm Tác:

Gối Mộng Mơ Trăng

(Viết Tặng VTS Kim Oanh)

Trăng tò mò nhìn qua khung cửa sổ
Thấy em buồn tiếc nuối một giấc mơ
Thời con gái tâm hồn đang thổn thức
Nhớ và yêu tình thao thức đợi chờ.

Đêm đã thật khuya trăng còn sáng tỏ
Rón rén vén màn cửa sổ hẹn hò
Đêm kỳ diệu em bước vào huyền thoại
Để ước mơ về không phải đắn đo.


Tế Luân
04-09-24


Tản Mạn Nhân Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương


Lâu lắm rồi KimPhú từng có nghe:

"Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ Mồng Mười Tháng Ba…”

Nghe câu nhắc nhở từ dân gian, KimPhú cũng ước ao có dịp được về thăm viếng nơi di tích thiêng liêng của Việt Nam, để lắng nghe được cảm xúc dâng lên từ trái tim mình khi đứng trên mảnh đất mà xưa kia, tiền nhân đã lưu lại biết bao dấu ấn cho đàn con cháu chúng ta. 

KimPhú từng mang ba lô đi khắp nẻo đường đất nước, từ Mũi Cà Mau mênh mông sóng biển, đến biên giới Lạng Sơn heo hút xuyên qua hằng trăm di tích lịch sử, những thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam đã quyến rũ biết bao khách du lịch trong nước lẫn nước ngoài…vậy mà ước mơ thăm viếng Đền Hùng đúng vào dịp Giỗ Mồng Mười Tháng Ba Âm lịch…KimPhú chưa kịp thực hiện hoài bảo của mình, thì đã đi định cư ở Mỹ 17 năm nay rồi…Thật là tiếc lắm, bởi vì hiện tạivới tuổi đời chỉ năm sau là đến tám mươi, mấp mé bờ sanh tử, chắc không có dịp và còn sức để thực hiện giấc mơ về thăm nguồn cội của tiền nhân cho thỏa chí phiêu bồng…

Nên hôm nay, xin kính mời quý tiền bối, quý anh chị em thương yêu, dành chút thì giờ vui lòng đọc bài KimPhú góp nhặt trên Internet, gom lại thành bài viết cộng thêm truyền thuyết của dân gian, kể lại các vị Tổ của chúng ta, dù không đầy đủ lắm so với thời gian hằng mấy ngàn năm trị nước của các Ngài, ngoài tập tục thờ cúng, tín ngưỡng, cưới xin, ma chay, trồng lúa, làm hèm, và bánh chưng bánh dày được truyền lại từ đời nầy sang đời khác trong Tế Lễ Đền Thờ các vị Vua Hùng, Miếu, Chùa của người sau thờ cúng các bậc tiền nhân cùng một số vật tìm được do khảo cổ như Trống Đồng Đông Sơn, mũi tên sắt, rìu, giáo, dao găm, trống đồng minh khí, các vật dụng bằng đồng thau, trang sức, thạp, thố, âu…cũng khá đủ khiến cho ta không khỏi ngậm ngùi nhớ về mấy ngàn năm từ xa xưa mà các Ngài đã để lại cho ngàn sau, nhất là các lớp
cháu con vẫn không thiếu lòng trung kiên nghĩa khí, vốn tinh thần quý giá của tiền nhân, cùng việc trải qua hàng ngàn năm bị đô hộ mà tổ tiên ta cũng giữ lại được tiếng nói cho người dân Nước Việt từ xưa đến giờ, không để bị đồng hóa bởi Tàu, thật cũng đáng cho hậu sinh chúng ta vô cùng kính phục...

Truyền thuyết Nước Việt từ thuở hồng hoang…

(Kính mời đọc giải buồn, nếu có chi thất thố hay thiếu sót, mong quý vị vui lòng miễn thứ, xin đa tạ.)

- Cháu 3 đời của Viêm Đế họ Thần Nông là Đế Minh, sanh ra Đế Nghi. Đế Minh đi tuần phương Nam, đến Ngũ Lĩnh lấy con gái Vụ Tiên, sanh ra Lộc Tục. Lộc Tục Thánh trí thông minh, Đế Minh rất yêu quý, muốn cho nối ngôi. Lộc Tục không dám vâng mệnh mà cố nhường cho anh. Đế Minh lập Đế Nghi nối ngôi cai quản phương Bắc, và phong Lộc Tục làm Kinh Dương Vương cai quản phương Nam, Lộc Tục đặt tên nước là Xích Quỷ.
- Kinh Dương Vương Lộc Tục xuống Thủy phủ, lấy con gái của Động Đình Quân tên là Thần Long, sanh ra Lạc Long Quân.
Lạc Long Quân thay cha trị trước, Kinh Dương Vương không biết đi nơi đâu, không để lại vết tích.
- Đế Nghi ở phương Bắc, truyền ngôi cho Đế Lai, Đế Lai nhân Thiên hạ vô sự, mà đi chu du khắp nơi, đi qua nước Xích Quỷ, thấy Lạc Long Quân đã về Thủy phủ, liền lưu con gái mình là Âu Cơ ở lại đó.
- Lạc Long Quân trở về, thấy Âu Cơ xinh đẹp, liền biến mình là chàng trai phong tú mỹ lệ, nên Âu Cơ ưng theo, Lạc Long Quân rước nàng về núi Long Trang. Sống với nhau được 1 năm sinh 1 bọc 100 trứng nở ra 100 trai anh dũng phi thường, Lạc Long Quân về ở lâu dưới Thủy phủ, Âu Cơ là người Bắc quốc, nhớ nhà gọi Lạc Long Quân trở về. Âu Cơ nói với Lạc Long Quân: "Thiếp vốn người Bắc quốc cùng ở một nơi với Quân, sinh 100 con trai mà không gì cúc dưỡng, xin cùng theo nhau chớ nên xa bỏ, đã khiến ta người không chồng không vợ vò võ một mình…"

Lạc Long Quân bảo…"Ta là loài Rồng, sinh trưởng ở Thủy tộc, nàng là giống Tiên, người trên đất, vốn chẳng như nhau, tuy là khí âm dương tương hợp lại mà có con, nhưng phương viên bất đồng, Thủy Hỏa tương khắc, khó mà ở cùng nhau trường cửu. Bây giờ phải ly biệt, ta đem 50 con trai về Thủy phủ, phân trị các xứ, 50 con trai theo nàng ở trên đất, chia nước mà cai trị, dù lên núi xuống nước nhưng có việc thì cùng nghe không được bỏ nhau.” - Âu Cơ cùng 50 con trai ở lại Phong Châu, tự suy tôn người Hùng Trưởng lên làm vua, hiệu là Hùng Vương.
- Con cháu Thần Nông thị là Đế Minh, lấy con gái Vụ Tiên mà sanh Kinh Dương Vương Lộc Tục, tức thủy tổ của Bách Việt. Vương lấy con gái Động Đình Quân là Thần Long sanh ra Lạc Long Quân (Rồng). Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai (Âu Cơ), có phước lành sanh ra 100 con trai…đó chẳng phải là đã gây nên cơ nghiệp của nước Việt ta hay sao?…

- Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư thì tính thời điểm Kinh Dương Vương Lộc Tục lên ngôi năm Nhâm Tuất (năm 2879 trước CN) đến năm Qúy Mão (năm 258 trước CN) truyền được 18 đời. Các vua Hùng nối ngôi nhau trị vì 2622 năm. Nước Văn Lang tồn tại cho đến 258 trước CN bị Thục Phán An Dương Vương thôn tính.
- Hùng Vương đời thứ III là con trai của Lạc Long Quân, lên ngôi đặt Quốc hiệu là Văn Lang, chia nước làm 15 Bộ là:

(1) Văn Lang, (9) Lục Hải,
(2) Giao Chỉ, (10) Vũ Định,
(3) Chu Diên, (11) Hoài Hoan,
(4) Vũ Ninh, (12) Cửu Chân,
(5) Phúc Lộc, (13) Bình Văn,
(6) Việt Thường, (14) Tân Hưng,
(7) Ninh Hải, (15) Cửu Đức,
(8) Dương Tuyền,

và đóng đô ở Bộ Văn Lang, Phong Châu.
- Đường bờ cõi : Đông giáp Biển Đông - Tây đến Ba Thục (Tứ Xuyên,Trung quốc) - Bắc đến Hồ Động Đình (Hồ Nam, Trung Quốc) - Nam giáp Hồ Tôn, tức Chiêm Thành.
- Hùng Vương sai các em phân trị, đặt em thứ làm Tướng võ, gọi Lạc Tướng, Tướng văn là Lạc Hầu. Con trai vua gọi Quan Lang, con gái vua gọi là Mỵ Nương, quan Hữu ty gọi là Bố Chính, thần bộc, nô lệ gọi là nô tỳ, xưng thần là khôi, cha truyền con nối gọi Phụ đạo, thay đời truyền nhau, giữ hiệu Hùng Vương không đổi.
- Theo ý kiến của 1 số nhà Sử học, và có sự đồng thuận tạm chấp nhận 18 đời vua Hùng, không phải là 18 người, mà là 18 chi / nhánh / ngành, mỗi chi nầy có nhiều vị vua, thay nhau trị vì, dùng chung Vương hiệu là:

(1) Kinh Dương Vương,
(2) Hùng Hiền Vương Lạc Long Quân húy là Sùng Lãm,
(3) Hùng Lân Vương,
(4) Hùng Diệp Vương,
(5) Hùng Hi Vương,
(6) Hùng Huy Vương,
(7) Hùng Chiêu Vương,
(8) Hùng Vĩ Vương,
(9) Hùng Định Vương,
(10) Hùng Hi Vương *( Chữ Hi của vị Vương nầy khác với chữ Hi của vị Vương trên bởi khác về tự dạng và ý nghĩa),
(11) Hùng Trinh Vương,
(12) Hùng Vũ Vương,
(13) Hùng Việt Vương,
(14) Hùng Anh Vương,
(15) Hùng Triêu Vương,
(16) Hùng Tạo Vương,
(17) Hùng Nghị Vương,
(18) Hùng Duệ Vương (Vị Hùng Duệ Vương là vị sau cùng của họ Hùng, cuối cùng bị Thục Phán cướp mất nước Văn Lang.

- Nếu xét theo thời gian trị vì kéo dài đến 2622 năm cho 18 đời vua thì con số nầy khó thuyết phục, Nhà Sử học Ngô Thì Sĩ đã viết trong "Việt Sử Tiên Án" …"Người ta không phải là vàng đá, sao lại sống lâu được như thế? Điều ấy càng không thể hiểu được."
- Như đã nói trên, 18 đời nầy không phải là 18 người, mà là 18 chi / ngành / nhánh. Mỗi ngành gồm nhiều đời vua mang cùng Vương hiệu, khi dứt 1 ngành, thì mới đặt Vương hiệu mới cho ngành mới.
Thời gian trị vì cũng như tuổi thọ của Vương vị vua, có thể hiểu là tuổi của nhiều đời vua và số năm trị vì của nhiều đời vua cộng lại, nên với thời gian là 2622 năm của các vua Hùng theo cách giải thích nầy thì cũng không có gì là hoang đường.
- Vì vậy mới có câu:

Sơ khai Nam Việt hữu Kinh Dương
Nhất thống sơn hà thập bát Vương
Dư bách hệ truyền thiên cổ tại
Ức niên hương hỏa ức niên phương

- Nghĩa là:

Mở đầu Nam Việt có Kinh Dương
Mười tám ngành vua mười tám chương
Bách Việt sơn hà muôn thuở đó
Đời đời đèn nến nức thơm hương

- Mặc dù với thời gian 2622 năm trị vì của 18 đời vua Hùng đã gây ra không ít hoài nghi, tuy nhiên trong các bản Ngọc Phả, Thần Tích như bản Ngọc Phả Hùng Vương được soạn năm Thiên Phúc nguyên niên (980) đời vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn) nhà Tiền Lê, thì ghi không phải 18 đời vua Hùng mà là 18 nhành / ngành, tổng cộng 180 vị vua:
* "Dĩ thượng Hùng đồ thập bát diệp, tỷ phú truyền cơ thái bảo Nhất bách bát thập đại đế vương tôn vị nhất thống sơn hà"

Nghĩa là:
Mười tám nhành nhà Hùng, ngọc tỷ và ấn tín truyền quyền đại bảo trong khoảng 180 đời nhường ngôi đế vương, một mối non sông xa thư trị nước”
Nhiều tác phẩm khác như Tân Đính Lĩnh Nam Chích Quái của nhà Sử học thời Hậu Lê là ông Vũ Quỳnh cũng viết là 18 ngành vua Hùng.
- Trong Ngọc Phả Hùng Vương thì chữ "Đời" phải hiểu là chữ "Thế" trong Hán Tự, có nghĩa không phải là 1 đời người mà là "1 dòng gồm nhiều đời ". Hiện ở Đình Tân Đằng, huyện Ba Vì Hà Nội, còn Bài vị:
"Tam Vị Quốc Chúa" thờ 3 vị vua cuối cùng thuộc thế / chi / nhành Hùng Vương thứ 18.
- Bản Thần Tích xã Vi Cương (Phú Thọ) ghi chép khá rõ về các đời vua với những chi tiết liên quan, theo đó 18 ngành vua tổng cộng 180 đời nối nhau trị vì.
- Tính trong 18 Chi đời vua Hùng truyền ngôi đại bảo cho 180 đời đế vương, sơn hà quy về một mối, kiến lập được 122 thành điện. Tổng cộng các năm của 18 đời Thánh Vương di truyền ngôi cho các triều Thánh Tử Thần Tôn là 2622, thọ tất cả 8678 tuổi, sinh được 986 chi…”

Trước đây, người dân không có tục đi Lễ ngày Mồng 10 Tháng 3 Âm lịch, họ thường chọn ngày tốt theo từng bản mệnh của mỗi người và nô nức đến Lễ Bái các vua Hùng suốt năm, đông nhất là vào các ngày của mùa Xuân, Thu, chớ không định rõ ngày nào.
- Lễ Cúng Tổ ở địa phương thì được cử hành vào 12 Tháng 3 Âm lịch, kết hợp với thờ Thổ Kỳ. Con cháu ở xa về sẽ làm Giỗ trước 1 ngày chớ không mở Hội lớn trên toàn quốc.
- Nhận thấy điều nầy gây bất lợi vì người ta cứ lo đi cúng Giỗ quanh năm…Tuần Phủ Phú Thọ là ông Lê Trung Ngọc, vào năm 1917, niên hiệu Khải Định năm thứ nhất, đã làm bản tấu trình lên Bộ Lễ, xin định Lệ lấy ngày Mồng 10 Tháng 3 Âm lịch hàng năm làm ngày Quốc Lễ.

Từ đó về sau, vào ngày Mồng 10 Tháng 3, người dân cả nước tựu về vùng đất cội nguồn, Xã Hy Lương, Lâm Thao, Phú Thọ hiện nay, để tôn vinh công lao của các vị vua Hùng.


Nhớ Ngày Giỗ Tổ

Gìỗ Tổ Hùng Vương nước Việt ta
Dù cho cách biệt mấy quan hà
Thương về đất mẹ thời thân ái
Vọng đến làng cha thuở thuận hòa
Nghĩa tựa trầu cay thêm quấn quýt
Tình như vôi thắm khó phôi pha
Con Hồng cháu Lạc thề chung sức
Bảo vệ giang sơn biển đảo nhà
(ThanhSong ntkp-Họa)

CA.Apr/17/2024 (Nhằm ngày
Mồng 9 Tháng Ba Âm lịch)
Kim Phú