Lý Bạch 李白 (701-762) tự Thái Bạch 太白, hiệu Thanh Liên cư sĩ 青蓮居士, sinh ở Tứ Xuyên (làng Thanh Liên, huyện Chương Minh, nay là huyện Miện Dương). Lý Bạch xuất thân trong một gia đình thương nhân giàu có. Lúc nhỏ học đạo, múa kiếm, lớn lên thích giang hồ ngao du sơn thuỷ, 25 tuổi "chống kiếm viễn du", đến núi Nga My ngắm trăng, ngâm thơ rồi xuôi Trường Giang qua hồ Động Đình, lên Sơn Tây, Sơn Đông cùng năm người bạn lên núi Thái Sơn "ẩm tửu hàm ca" (uống rượu ca hát), người đời gọi là Trúc khê lục dật. Sau đó được người bạn tiến cử với Đường Minh Hoàng, ông về kinh đô Trường An ba năm, nhưng nhà vua chỉ dùng ông như một "văn nhân ngự dụng" nên bất mãn, bỏ đi ngao du sơn thuỷ.
Đến Lạc Dương, gặp Đỗ Phủ kết làm bạn vong niên (Đỗ Phủ kém Lý Bạch 11 tuổi). Họ cùng Cao Thích vui chơi, thưởng trăng ngắm hoa, săn bắn được nửa năm. Rồi ông lại tiếp tục chia tay Đỗ Phủ viễn du về phương nam. Những năm cuối đời ông ẩn cư ở Lư Sơn. Tương truyền năm 61 tuổi ông đi chơi thuyền trên sông Thái Thạch, tỉnh An Huy, uống say, thấy trăng lung linh đáy nước, nhảy xuống ôm trăng mà chết đuối. Nay còn Tróc nguyệt đài (Đài bắt trăng) ở huyện Đăng Đồ, An Huy, là địa điểm du lịch nổi tiếng. Người đời phong danh hiệu cho ông là Thi tiên, Trích tiên, Tửu trung tiên, ...
Sau khi ông qua đời, Lý Đăng Dương sưu tầm thơ ông, được khoảng 20.000 bài, nhưng không để tâm cất giữ nên nay chỉ còn khoảng 1.800 bài. Thơ ông viết về đủ mọi đề tài: vịnh cảnh, thưởng hoa, tình bạn, nỗi khổ đau của người dân, nỗi cay đắng của người vợ trẻ xa chồng (chinh phụ, thương phụ), của người cung nữ, nỗi cô đơn và bất lực trước vũ trụ vô cùng vô tận, nỗi cay đắng vì có tài mà không được dùng... Đề tài nào cũng có những bài tuyệt tác.
Lời phi lộ
Chất hiệp sĩ thấm trong máu của con người cho nên người ta dùng cụm từ máu hiệp sĩ để ám chỉ nó. Không có máu hiệp sĩ thì không bao giờ là hiệp sĩ. Không có thứ gì, kể cả lưỡi gươm kề cổ, có thể thúc đẩy một kẻ không có máu hiệp sĩ trở thành hiệp sĩ. Bài thơ Hiệp Khách Hành của Lý Bạch là một con yêu tinh tiếp sức cho hai người có máu hiệp sĩ hoàn thành sứ mạng.
Nguyên tác Dịch âm
俠客行李白 Hiệp Khách Hành
趙客縵胡纓 Triệu khách mạn hồ anh
吳鉤霜雪明 Ngô câu sương tuyết minh
銀鞍照白馬 Ngân an chiếu bạch mã
颯沓如流星 Táp đạp như lưu tinh
十步殺一人 Thập bộ sát nhất nhân
千里不留行 Thiên lý bất lưu hành
事了拂衣去 Sự liễu phất y khứ
深藏身與名 Thâm tàng thân dữ danh
閑過信陵飲 Nhàn quá Tín lăng ẩm
脫劍膝前橫 Thoát kiếm tất tiền hoành
將炙啖朱亥 Tương chá đạm Chu Hợi
持觴勸侯嬴 Trì trường khuyến Hầu Doanh
三杯吐然諾 Tam bôi thổ nhiên nặc
五岳倒為輕 Ngũ nhạc đảo vi khinh
眼花耳熱後 Nhãn hoa nhĩ nhiệt hậu
意氣素霓生 Ý khí tố nghê sinh
救趙揮金鎚 Cứu Triệu huy kim chùy
邯鄲先震驚 Hàm Đan tiên chấn kinh
千秋二壯士 Thiên thu nhị tráng sĩ
烜赫大樑城 Huyên hách Đại Lương thành
縱死俠骨香 Túng tử hiệp cốt hương
不慚世上英 Bất tàm thế thượng anh
誰能書閣下 Thùy năng thư các hạ
白首太玄經 Bạch thủ Thái Huyền kinh
Chú giải:
縵胡纓 mạn hồ anh: giải mũ bằng vải thô (điển tích trong sách Trang tử).
吳鉤 ngô câu: đao mũi cong của người nam man...
颯沓 táp đạp: nhiều vô kể.
事了 sự liễu: việc xong rồi.
深藏 thâm tàng: dấu kín.
信陵 Tín Lăng Tín Lăng quân: con Ngụy chiêu vương, có tiếng là người chiêu hiền đãi sĩ thời Chiến quốc (giống Bình Nguyên quân và Mạnh Thường quân cùng thời). Hầu Doanh và Châu Hợi bày mưu cho Tín Lăng quân lấy trôm binh phù cùa vua để đem quân đi thủ đô Hàm Đan của nước Triệu cứu Bình Nguyên quân đang bị khốn ở đó.
膝 tất: đầu gối.
將 tương: đem.
炙 chá: (chích): thịt nướng trên lửa.
啖 đạm (đảm): mời ăn.
持 trì: cầm.
觴 trường (thương): chén uống rượu.
吐然 thổ nhiên: tỏ ý chân thành.
諾 nặc: vâng lời.
眼花 nhãn hoa: mắt nở hoa.
素霓 tố nghê: cầu vồng trắng.
揮 huy: vung lên.
金鎚 kim chùy: dùi bằng kim khí.
震驚 chấn kinh: rung động, kinh hoàng.
烜赫 huyên hách: chói lọi.
大樑 Đại Lương: kinh thành Đại Lương.
縱死 tùng tử: dù có chết.
慚 tàm: hổ thẹn.
太玄經 Thái Huyền kinh, Dương Hùng thời Hán Thành đế, nhờ văn tài phỏng theo kinh dịch làm Thái Huyền kinh, được ban chức quan nhỏ. Sau nhân sợ tội nhẩy lầu nhưng không chết và được tha rồi chết già. Tác giả so sánh Dương Hùng với Hầu Doanh & Chu Hợi để thấy rõ nét khinh trọng của 2 hạng ngườị.
Dịch thơ
Bài Ca Hiệp Khách
Khách Triệu giải mũ thô.
Kiếm Ngô câu tuyết pha.
Yên bạc trên ngựa trắng,
Long lanh tợ Ngân Hà.
Giết người trong mười bước,
Kể chi ngàn dặm xa.
Việc xong liền phủi áo,
Thân thế không lộ ra.
Tín Lăng quân đãi tiệc.
Bên hông kiếm nằm chờ.
Thịt nướng mời Châu Hợi,
Cùng Hầu Doanh rượu trà.
Vâng lời nâng ba chén,
Ngũ Nhạc nhẹ như tơ.
Mắt tai bừng nhiệt huyết,
Cầu vồng chí chói lòa.
Vung kim chùy cứu Triệu,
Hàm Đan trổ tài ba.
Đại Lương hai tráng sĩ,
Lưu danh ngàn thu qua.
Tro thơm xương hiệp khách,
Chẳng thẹn với sơn hà.
Không như Thái Huyền sách,
Lầu cao tóc bạc phơ.
Lời bàn:
Bài ngũ ngôn trường thiên 24 câu này xưng tụng hai hiệp sĩ Châu Hợi và Hầu Doanh. Một bài thơ siêu việt, đứng vào hàng đầu trong loại thơ xưng tụng anh hùng hào kiệt.
Hai câu kết chê Dương Hùng trong Thái Huyền sách (xem chú giải) nhảy lầu cao định chạy tội nhưng sau lại chịu chết già.
Rất gọn gàng. Rất mạnh mẽ. Rất hùng tráng.
Góp ý của Lộc Bắc:
Đây là một bài nhạc phủ cổ đề, thuộc Tạp khúc ca từ. Bài tuy nhiều câu nhưng ít chữ, viết cô đọng thật khó hiểu. Để hiểu rõ mời quý vị đọc truyện Tín Lăng Quân trong Sử Ký Tư Mã Thiên, nguồn cảm hứng cho Lý Bạch viết bài này. Xin xem tại link sau:
https://trinhdinhlinh.com/sach/su-ky-tu-ma-thien/nguy-cong-tu-liet-truyen/
Hiệp Khách Hành
1/
Khách Triệu giải mũ tuềnh
Ngô Câu sương tuyết thành
Yên bạc soi ngựa trắng
Vùn vụt sao băng nhanh
Một chết mười bước chân
Đi vạn dặm không đành
Giũ áo khi xong việc
Dấu kín cả thân danh
Rảnh qua Tín Lăng uống
Đặt kiếm trước gối mình.
Đem thịt mời Chu Hợi
Nâng chén kiến Hầu Doanh
Ba ly gật đầu tạ
Năm núi cũng nhẹ tênh
Sau mắt hoa tai nóng
Ý khí vồng trắng sinh
Cứu Triệu huơ búa quý
Hàm Đan trước thất kinh
Ngàn thu hai tráng sĩ
Lừng lẫy Đại Lương thành
Dẫu chết xương thơm lành
Chẳng thẹn khách hùng anh
Ai người viết dưới gác
Bạc đầu Thái Huyền kinh
2/
Khách nước Triệu tuềnh toàng giải mũ
Thanh Ngô Câu sáng tỏ tuyết sương
Ngựa hay toàn trắng yên cương
Vó câu lấp loáng trên đường sao sa
Mười bước chân gươm ra người chết
Ngàn dặm xa chẳng thiết du hành
Việc xong giũ áo biến nhanh
Nhân thân giữ kín, ẩn danh xóm làng
Lúc thảnh thơi Tín Lăng ghé lại
Cởi kiếm ra khoanh gối chuyện chơi
Chả nem Chu Hợi được mời
Hầu doanh nâng chén rượu sơi giải sầu
Uống ba chén chỉ gật đầu
Năm non, bẩy núi sánh đâu lông hồng
Mắt hoa, tai nóng sau cùng
Trắng tinh ý khí cầu vồng sản sinh
Vung búa vàng, liều mình giúp Triệu
Nơi Hàm Đan tiếp cứu viện binh
Hai tráng sĩ trả ân tình
Thanh danh lừng lẫy khắp thành Đại Lương
Thân dẫu tử cốt xương còn ngát
Chẳng thẹn thùng với khách hùng anh
Ai người dưới gác viết thành,
Bạc đầu tham sống, cuốn kinh Thái Huyền?
Lộc Bắc
***
Bài Ca Người Hiệp Khách
1/
Giải mũ thô người Triệu.
Ngô câu sương tuyết pha.
Yên bạc soi ngựa trắng,
Lấp lánh ngàn sao sa.
Giết một người mười bước,
Đâu cần ngàn dậm xa.
Việc xong là giũ áo,
Dấu kín thế danh gia.
Rảnh tới Tín Lăng uống,
Trên đùi kiếm gác qua.
Đãi Chu Hơị thịt nướng,
Mời Hầu Doanh rượu hoa.
Ba chén xong vâng lệnh,
Ngũ Nhạc nhẹ coi pha.
Ý khí cầu vồng trắng,
Tai nóng mắt đơm hoa.
Vung chùy đồng cứu Triệu,
Hàm Đan dẹp can qua.
Ngàn thu hai tráng sĩ,
Đại Lương danh chói lòa.
Dẫu chết còn thơm cốt,
Không thẹn đời tài ba.
Không như ai dưới gác,
Soạn Thái Huyền chết già.
2/
Người nước Triệu vải thô giải mũ,
Gươm Ngô Câu loáng phủ tuyết sương.
Sáng ngời ngựa trắng yên cương,
Long lanh như những sao đương chuyển dời.
Chỉ mười bước một người bị giết,
Nên gươm kia chẳng thiết đi xa.
Việc xong giũ áo cho qua,
Không cần ai biết danh mà làm chi.
Nhà Tín Lăng rảnh thì qua uống,
Ở ngang đùi đặt xuống thanh gươm.
Chu Hợi đãi thịt nướng thơm,
Hầu Doanh mời tiệc rượu đơm đầy vò.
Uống ba chén liền lo vâng lệnh,
Ngũ Nhạc kia nhẹ tễnh lông hồng.
Tai bừng nóng, mắt nở bông,
Khí hùng tỏa tựa cầu vòng trắng tinh.
Chùy đồng giáng hết mình giúp Triệu,
Gây kinh hoàng giải cứu Hàm Đan.
Ngàn thu tráng sĩ hai chàng,
Danh thơm vang dậy rỡ ràng Đại Lương.
Dẫu có chết cốt xương thơm mãi,
Không thẹn người hồ hải anh hùng.
Không như ai dưới thư phòng,
Thái Huyền ngồi soạn trắng bông mái đầu.
Mỹ Ngọc phỏng dịch.
Aug. 17/2024.
***
Góp ý của Kiều Mộng Hà:
Kính phỏng dịch thoát ý bài số 43 HIỆP KHÁCH HÀNH của Lý Bạch
Bài Ca Ngợi Hiệp Khách
Giải mũ thô sơ khách Triệu gia
Gươm Ngô sắc trắng ánh sương pha
Ngân yên bạch mã vung roi thép
Vùn vụt vó câu lướt dãy Hà
Tuốt gươm mươi bước… có người chết
Ngàn dặm kể chi đường quá dài
Xong việc phủi y không luyến tiếc
Cố che thân thế chẳng lộ hài
Nhàn nhã ghé Lăng quân dự tiệc
Bên hông kiếm báu lửng lơ chờ
Rượu ngon thịt nướng cùng Châu Hợi
Bên cạnh Hầu Doanh chén tạc thù
Mời nhau ba chén đầu cung kính
Ngũ nhạc âm giai nhẹ tợ tơ
Nhiệt huyết bừng lên, tai/mắt đỏ
Cầu vồng bảy sắc chói lờ mờ…
Vun vút chuỳ vàng nhanh cứu Triệu
Trổ tài mưu lược tướng Hàm Đan
Đại Lương tên tuổi hai danh sĩ
Sách sử lưu danh tuế nguyệt ngàn
Hiệp khách xương tan còn tiếng mãi
Ngàn đời không thẹn với non sông
Dương Hùng Thái Huyễn trong đời Hán
Dẫu sống bạc đầu cũng… số không
Kiều Mộng Hà
Aug.17.2024
***
Nguyên tác: Phiên âm: Dịch thơ:
俠客行-李白 Hiệp Khách Hành – Lý Bạch
趙客縵胡纓 Triệu khách man hồ anh Khách Triệu mũ đơn sơ,
吳鈎霜雪明 Ngô câu sương tuyết minh Mang kiếm bén sáng ngời.
銀鞍照白馬 Ngân an chiếu bạch mã Ngựa trắng yên bạc chói,
颯沓如流星 Táp đạp như lưu tinh Lấp lánh tợ sao rơi.
十步殺一人 Thập bộ sát nhất nhân Mười bước giết một mạng,
千里不留行 Thiên lý bất lưu hành Vạn dặm không âm thanh.
事了拂衣去 Sự liễu phất y khứ Xong việc liền giũ áo,
深藏身與名 Thâm tàng thân dữ danh Trầm lặng sống ẩn danh.
閑過信陵飲 Nhàn quá Tín Lăng ẩm Nhàn tìm Tín Lăng uống,
脫劍膝前橫 Thoát kiếm tất tiền hoành Gác kiếm trên gối xanh
將炙啖朱亥 Tương chích đạm Chu Hợi Thịt nướng mời Chu Hợi
持觴勸侯嬴 Trì thương khuyến Hầu Doanh Chung rượu đãi Hầu Doanh
三杯吐然諾 Tam bôi thổ nhiên nặc Ba chén chân thành hứa,
五岳倒為輕 Ngũ nhạc đảo vi khinh Năm núi nặng non sông.
眼花耳熱後 Nhãn hoa nhĩ nhiệt hậu Mắt hoa tai nóng bỏng
意氣素霓生 Ý khí tố nghê sanh Ý khí sanh cầu vồng.
救趙揮金槌 Cứu Triệu huy kim chùy Vung chùy cứu nước Triệu,
邯鄲先震驚 Hàm Đan tiên chấn kinh Hàm Đan không chấn thương
千秋二壯士 Thiên thu nhị tráng sĩ Ngàn năm hai tráng sĩ
烜赫大梁城 Huyên hách Đại Lương thành Lừng danh thành Đại Lương.
縱死俠 骨香 Túng tử hiệp cốt hương Dù chết thơm xương cốt,
不慚世上英 Bất tàm thế thượng anh Không thẹn với nhân sinh.
誰能書閣下 Thùy năng thư các hạ Ai người viết lại sách
白首太玄經 Bạch thủ Thái Huyền kinh Đầu bạc Thái Huyền kinh.
Dị bản: Câu 10 Lý Bạch chép dị bản chữ thượng上 thay vì chữ tiền前
Bài Hiệp Khách Hành có đăng trong sách:
Lý Thái Bạch Văn Tập - Đường - Lý Bạch 李太白文集-唐-李白
Ghi chú:
Hiệp Khách Hành: là một tạp khúc ca từ, dạng ngũ ngôn cổ phong, mô tả và ca ngợi tinh thần hiệp sĩ, tôn trọng lời hứa, giúp đỡ người yếu kém, hy sinh cho chính nghĩa…
Triệu khách: hiệp khách từ xứ Yến Triệu. Từ xa xưa, Yến Triệu đã có nhiều người hào hiệp.
Man hồ anh: giải mũ thô sơ của người thiểu số/hiệp sĩ; man-không có hoa văn, hồ-chỉ dân tộc thiểu số phía bắc, anh-giải mũ, ảnh hưởng của phong tục địa phương, biểu hiện chánh sách hòa hợp Hồ và Hán của triều đại nhà Đường.
Ngô câu: một loại đao đầu hơi cong, tương truyền do vua Hạp Lư nước Ngô chế ra, sau dùng để chỉ đao sắc bén.
Hai câu 5 và 6: từ sách Trang Tử Thuyết Kiếm: “Thanh kiếm của tôi cứ mười bước lại giết chết một người, vì thế không để cho đi xa ngàn dặm”, có nghĩa là kiếm sĩ hào hiệp rất mạnh mẽ và dũng cảm.
Tín Lăng/Tín Lăng Quân: con Ngụy chiêu vương, có tiếng là một trong bốn người chiêu hiền đãi sĩ thời Chiến quốc, có lúc có đến 3000 thực khách.
Hầu Doanh: lính giữ cửa đông Đại Lương, kinh đô nước Ngụy.
Chu Hợi: sống ẩn dật như một đồ tể.
Hầu Doanh và Chu Hợi thuộc hạ bày mưu cho Tín Lăng lấy trộm binh phù của vua Ngụy để đem quân đến Hàm Đan kinh đô nước Triệu cứu Bình Nguyên quân đang bị quân Tần vây khốn.
Hai câu 13 và 14: trong thi văn cổ, 3 và 9 thường là hư cấu, và lời hứa được coi trọng/nặng hơn 5 ngọn núi.
Tố nghê: còn gọi là bạch hồng, cầu vồng trắng. Người xưa tin rằng khi có một sự kiện bất thường, sẽ có một hiện tượng thiên thể tương ứng, chẳng hạn như “ bạch hồng quán nhật ”cầu vồng trắng xuyên qua mặt trời. Câu này có nghĩa là tinh thần hiệp sĩ xem nhẹ cái chết đã lay động thiên đình. Cũng có thể hiểu rằng với lời hứa trong tinh thần hiệp sĩ, một điều gì đó lớn lao sẽ xảy ra trên thế gian.
Hàm Đan: kinh đô nước Triệu, địa danh này nằm ở phía tây nam của tỉnh Hà Bắc, giáp với tỉnh Hà Nam.
Đại Lương: Thành phố Khai Phong, tỉnh Hà Nam.
Thái Huyền Kinh: một tác phẩm triết học của Dương Hùng mô phỏng Kinh Dịch. Dương Hùng là người có văn tài, làm chức lang trung ở đời Hán Thành Đế. Đến thời Vương Mãng, làm chức hiệu thư tại Thiên Lộc các. Nhân việc, sợ bị bắt, gieo mình từ trên gác xuống, nhưng không chết.
Bài thơ Hiệp Khách Hành lấy cảm hứng từ câu chuyện: Tín Lăng là đại thần nước Ngụy. Ngụy và Triệu thành lập liên minh để cùng nhau đối phó với Tần. Tín Lăng là một người ủng hộ tích cực cho sự hợp tác. Quân Tần bao vây Hàm Đan, thủ phủ nước Triệu. Triệu nhờ Ngụy cứu giúp. Vua nước Ngụy sai Tấn Bỉ dẫn quân đến giải cứu nước Triệu, nhưng sau đó do sự uy hiếp của vua Tần, ông đã ra lệnh cho Tấn Bỉ án binh bất động. Cứ như thế, liên minh Ngụy Triệu nhất định sẽ sụp đổ và Tần sẽ thôn tính cả Triệu lẫn Ngụy.
Tín Lăng là người nghĩa khí, trọng lời cam kết, chuẩn bị đích thân dẫn quân của mình đi cứu Triệu, chiến đấu với quân Tần. Đến từ giã Hầu Doanh (thực ra là để thử lòng Hầu Doanh), nhưng Hầu Doanh không nói gì. Tín Lăng đi được nửa đường, quay lại gặp Hầu Doanh. Hầu Doanh mỉm cười nói: "Anh biết em sẽ trở lại." và chỉ kế cho Tín Lăng, thông đồng với ái phi của vua Ngụy, trộm hổ phù, đến gặp Tấn Bỉ giả vờ Vua Ngụy ra lệnh tiến binh đánh Tần. Khi Tấn Bỉ nghi ngờ, Chu Hợi dùng chùy đánh chết Tấn Bỉ. Tín Lăng sau đó dẫn quân Ngụy tấn công quân Tần, giải vây Hàm Đan.
Phí Minh Tâm