Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2023

Hiền Mẫu

Ngày Hiền Mẫu, để tưởng nhớ ba người Mẹ Hiền đã quá vãng của tôi

Thân Mẫu Bà Nông Thị Nuôi

Nhạc Mẫu Bà Nguyễn Thị Kim Thanh

Spiritual Mother Mrs. Florene Blevins

Mùi Quý Bồng

Lòng Mẹ

 

Lòng Mẹ trăng rằm ngự đỉnh khơi
Thiên thu tình cảm chẳng hề vơi
Khi còn thơ ấu lo nhiều thứ
Lúc đã trưởng thành dõi mọi nơi
Mong mỏi bóng chim bay góc biển
Nhớ nhung tăm cá lội chân trời
Loay hoay nghĩ ngợi không ngơi nghỉ
Tận tụy vì con suốt cuộc đời...!!

Nguyễn Minh Thanh

Lòng Mẹ



Ôi Lòng Mẹ, sánh tựa trùng khơi
Như suối nguồn tuôn mãi chẳng vơi
Ánh nắng mai chan hoà vạn hướng
Vầng trăng khuya tỏa rạng muôn nơi
Dạ khoan dung đọ sâu hơn biển
Tâm độ lượng so rộng quá trời
Tình mẫu tử, thiêng liêng vĩnh cửu
Là huyền thoại sống mãi trên đời

nhất hùng

Mẹ Về Đêm Qua

 

Cánh hoa vừa rớt xuống
Trong mộng đêm hôm qua
Còn theo đôi gót ngọc
Áo mẹ vừa thoảng xa

Mùi hương kia vẫn nhớ
Thả mái tóc mùa xuân
Con vùi đầu trên gối
Ngát đêm về như vội

Đôi tay còn rất mỏi
Ôm nhẹ bóng hư không
Nước mắt nào chưa vơi
Đang thấm mặn làn môi

Cánh hoa vừa rớt xuống
Lòng con giữa biển sầu
Bên bờ lời ru mẹ
Con biết tìm nơi đâu.

Lê Mỹ Hoàn
5/14/2023

…Nhưng Sao Mẹ Tôi Cũng Nói Dối!

(Hình Ảnh Kiến Tường Qua Ống Kính Của Tom Twitty)

Tôi còn nhớ năm tôi học lớp ba, gia đình tôi mới chuyển tới ở khu dinh điền Gò Chuối thuộc quận Kiến Bình, tỉnh Kiến Tường. Mồi buổi chiều tôi thường xin phép bố Mẹ ra một bãi đất trống để cùng các bạn chơi khăng, trốn tìm và những trò chơi khác. Lần đó, có khá đông, chúng tôi chơi trò “Cờ Lau tập trận”. Cũng chia hai phe rõ ràng, vũ khí là những cành cây được bẻ vội gần đó. Không may trong lúc nhập trận, một bạn, tôi nhớ hình như là Tuân (là cháu họ gọi tôi là cậu), có lẽ vì quá hăng say đã làm tôi bị nhiều vết trầy trên mặt, trên cánh tay. Bực mình quá, tôi lấy ngay cành cây đang cầm quất vào đầu Tuân làm Tuân bị chảy máu… Khi về nhà, sợ bị đòn tôi đã nói dối bố tôi là tôi bị trượt chân ngã khi đi ngang một cây cầu khỉ. Bố tôi không để ý và chỉ kêu tôi lấy thuốc sát trùng rửa những chỗ bị trầy. Mẹ tôi đã giúp tôi làm những chuyện này một cách chu đáo… Hôm sau Mẹ gọi tôi và dịu dàng nói: ”Hôm qua con nói dối bố Mẹ. Tuân nói với Mẹ là con chơi tập trận và gây sự đánh nhau với Tuân. Con nói dối bố Mẹ. Nói dối là không tốt con ạ. Từ nay về sau con không được nói dối nữa nghe Môn”. Tôi xin lỗi Mẹ và hứa từ nay sẽ không nói dối nữạ. Kể từ đó, mỗi lần xảy ra chuyện gì tôi thường nói thật với Mẹ và Mẹ tôi rất vui khi thấy tôi làm như vậy

….Nhưng sao Mẹ tôi cũng nói dối!!!

Mẹ tôi cũng nói dối!!! Vâng đúng vậy, Mẹ tôi đã nói dối ba anh em tôi nhiều lần. Tôi vẫn còn nhớ bốn lần Mẹ đã nói dối tôi và anh em tôi.

Khi anh em chúng tôi còn nhỏ, nhà tôi nghèo nhưng mỗi ngày đi chơ Mẹ đều mua chút quà về cho chúng tôi, khi thì vài cái kẹọ khi thì vài trái cây. Đặc biệt, biết chúng tôi thích ăn mía nên cũng Mẹ hay mua. Về nhà Mẹ tự dùng dao róc mía và tiện ra từng khúc nhỏ và bổ ra cho chúng tôi ăn. Ba anh em chúng tôi ngồi cạnh Mẹ chờ đợi. Khi tớí đầu mặt của cây mía thì thay vì bỏ đi thì Mẹ lại ăn khúc đó! Em Huệ ngây thơ hỏi Mẹ: “Sao Mẹ không ăn khúc kia, khúc đầu mặt cứng và không ngọt, sao Mẹ không bỏ đi?”. Mẹ từ tốn: “ Răng Mẹ còn tốt. Mẹ thích ăn khúc này các con ạ vì càng nhai lâu càng thấy vị ngọt của mía!”. Có thể em Huệ còn bé nên tin điều Mẹ nói nhưng tôi hơi nghi ngờ. Tôi nghĩ Mẹ tôi đã nói dối!

Năm 1966, tôi học lớp đệ tứ (lớp chín bây giờ) ở trường trung học Kiến Tường. Năm đó nước lụt lớn làm ngập các con đường trong tỉnh. Mỗi lần đi học, Mẹ chèo thuyền chở tôi đi và đến giờ tan học lại ra đón tôi về. Có một lần Mẹ chèo thuyền chở tôi đi học. Hôm đó trời mưa lất phất và gió thổi nhè nhẹ. Khi gần tới trường, một chiếc ca nô quân đội chạy băng qua với tốc độ khá nhanh để lại những gợn sóng to làm chiếc thuyền bé nhỏ bị chòng chành. Tôi bị mất thăng bằng và làm rơi chiếc cặp xuống dòng nước. Tôi chới với chồm qua thành chiếc thuyền nhỏ để níu lại chiếc cặp. Chiếc thuyền nhỏ ba lá mất thăng bằng và bị lật.

Mẹ buông chèo và nhảy vội tới để bế tôi vào chỗ mô đất cao. Người tôi run lên vì lạnh. Mẹ vội phủ chiếc áo mưa quanh người tôi và ấp tôi vào lòng để truyền hơi ấm cho tôi. Tôi hỏi Mẹ có lạnh không? Me trả lời rất nhanh: “Không, Mẹ không saọ, Mẹ không lạnh!”. Hôm đó tôi bị trễ một giờ học và Mẹ thì bị cảm lạnh mấy ngày sau đó. Như vậy khi đó chắc Mẹ lạnh lắm nhưng… Mẹ đã nói dối!

Thời gian đó, chiến tranh càng ngày càng khốc liệt. Điều này đã làm cho đời sống khó khăn thêm. Số lương công chức ít ỏi của cha tôi đã không còn đủ để trang trải cho cuộc sống của gia đình. Mẹ tôi đã phải vất vả đi vào những vùng sâu, nguy hiểm (hình như vùng Long Khốt) để mua hàng mang về chợ Kiến Tường bán thêm kiếm lời. Vất vả lắm nhưng Mẹ vẫn vui khi chúng tôi có thêm được cuốn vở mới hay một bữa ăn ngon hơn. Có lần thấy Mẹ hơi buồn sau một chuyến đi mua hàng. Hình như Mẹ bị mất hàng trong chuyến đi đó. Tôi gạn hỏi, Mẹ chỉ nói qua loa cho qua chuyện: “Mẹ không bị mất hàng, nhưng lần này không mua được hàng rẻ nên không có lời. Đi buôn thì cũng có lẫn này, lần khác con ạ!”. Sau lần đó, tôi không thấy Mẹ tiếp tục đi mua hàng nữa và tôi ngờ ngợ... Mẹ đã nói dối tôi!

Khi tôi lên trọ học ở thành phố Mỹ Tho vì đường xá đi lại khó khăn nên Mẹ khuyên tôi cứ lo học đừng lo chuyện ở nhà. Thỉnh thoảng tôi cũng về thăm gia đình. Lúc này Me tôi hơi yếu và bi chứng huyết áp cao, chú y tá Tánh thường hay đến nhà đo huyết áp và cho thuốc Mẹ tôi uống. Có một lần, Phạm Văn Tuyên, bạn tôi, về Kiến Tường ghé thăm Mẹ tôi và cho tôi biết lúc này Mẹ tôi có vẻ yếu và mệt nhiều. Tôi vội viết thư về thăm Mẹ. Mươi ngày sau Mẹ hồi âm ít dòng cho biết Mẹ chỉ bị cảm nhẹ do thời tiết thay đổi và nay thì Mẹ đã khỏe rồi, huyết áp của Mẹ cũng trở lại bình thường. Tôi yên tâm và tiếp tục chăm chú học nhưng… chỉ hơn một tuần sau, vào một ngày cách đây hơn bốn chục năm. Tôi được tin Mẹ tôi bị đứt mạch máu và qua đời! Vâng, Mẹ lại nói dối tôi và đây cũng là lần nói dối cuối cùng của Mẹ !!!

Đây chỉ là những lần nói dối của Mẹ mà tôi còn nhớ được. Tôi nghĩ, Mẹ còn nói dối anh em chúng tôi nhiều lần nữa.


Để tạm ngưng bài tùy bút này, tôi xin mượn lời hát trong bài “Lòng Mẹ” của cố nhạc si Y Vân. Bài này chắc hẳn ai cũng có thể hát một đôi câu. Tình Mẹ, hai chữ đó càng suy nghĩ tới thì càng không thể ngăn nổi đôi dòng lệ.

Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình, dạt dào,
Tình Mẹ tha thiết như dòng suốt hiền ngọt ngào
Lời ru êm ái như đồng lúa chiều rì rào,
Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng Mẹ yêu …

Thương con thao thức bao đêm dài,
Con đã yên giấc, Mẹ hiền vui sướng biết bao
Thương con khuya sớm bao tháng ngày,
Lặn lội gieo neo, nuôi con tới ngày lớn khôn...

Mai Khánh Thư - Phạm Doanh Môn

Những Giai Thoại Kỳ Thú Giữ Tôi Và Rượu(Phần Hai)


5.- Người hàng xóm họ Lưu Linh.

Trước khi dọn đến căn nhà hiện tại, gia đình chúng tôi sống ở khu nhà “xếp hàng liền kề “ (reihenHaus) của chính phủ, không có nhà để xe, nên cư dân phải đậu xe dọc theo con đường gần nhà. Một hôm, trời đã xâm xẩm tối, gia đình chúng tôi đang quây quần quanh chiếc bàn ăn, thình lình có tiếng gõ cửa gấp rút. Ông hàng xóm cũng là cư dân của khu nhà, báo cho tôi biết đang lúc đi dạo gần nhà tôi. Ông đã nhìn thấy một chiếc xe microbus trong lúc quay vòng xe, có thể vì mất tay lái nên đâm vào xe của tôi đang đậu bên vệ đường rồi phóng xe chạy mất. Trời quá tối mà chiếc xe gây tai nạn lại chạy quá nhanh cho nên ông đã không nhìn được số xe.

Cả gia đình vội vàng bỏ dở bữa cơm cùng ông ta chạy vội ra nơi tai nạn. Vết trượt của bánh xe gây tai nạn vẫn còn in rõ trên mặt đường, cánh cửa bên trái chiếc xe của tôi bị móp sâu vào cùng với vài lỗ thủng nhỏ do chấn ép tạo ra.
Có lẽ nhìn thấy cảnh vợ con của tôi ngơ khác, không vui vì sự không may mắn. Ông hàng xóm giúp tôi gọi cảnh sát và đứng tên làm chứng cho tai nạn. Nhờ vậy những thủ tục đền bù sau này của công ty bảo hiểm cho tôi được dễ dàng trôi chảy, hoàn toàn không có gì khó khăn. Cũng từ sự giúp đỡ đó chúng tôi và vợ chồng ông ta trở nên quen biết.

Vài ba tháng sau đó, gần cuối hè, giàn nho trắng Riesling trong vườn nhà tôi gặp năm được mùa, đầy đặc những chùm nho nặng trĩu, mùi thơm tỏa khắp cả khu vườn. Nhớ đến sự giúp đỡ của người hàng xóm tốt bụng, khoảng sau giờ cơm trưa, với chiếc bánh hạt dẻ do vợ tôi tự làm cùng một rổ nho trắng mới hái, tôi đem trả ơn sự giúp đỡ của ông ta. Cả hai vợ chồng ông hàng xóm có chút ngạc nhiên và cảm động khi nhận món quà của tôi, họ đưa mắt kín đáo nhìn nhau rồi vui vẻ mời tôi vào phòng khách.

Sau khi kéo ghế cho tôi ngồi, ông chồng hỏi tôi có muốn uống tí rượu với vợ chồng ông ta không? Dĩ nhiên tôi rất vui lòng, cũng không quên cho ông biết, dù thích và biết tí chút về rượu nhưng tửu lượng của tôi rất rất yếu. Sau vài câu chấn an, ông mở tủ lấy ra một chai rượu vang đỏ cùng với 3 cái ly cho tôi và vợ chồng ông ta.

Nhìn thoáng qua chai rượu Hallauer, tôi cũng có chút hiểu biết về sản phẩm khá nổi tiếng của tiểu bang Schaffhausen cực bắc Thuỵ Sĩ, Loại rượu này được sản xuất từ loại nho Pinot noir và được làm gia tăng mùi vị ,màu sắc với vài loại berries có màu đỏ hay đen ( roten & schwarz Beeren). Thêm vào đó một ít hoa Hop, loại hoa dùng trong kỹ nghệ làm bia để tạo ra vị đắng cho bia. Chính vì vậy loại rượu này có mùi thơm, khá ngọt của nho Pinot noir, màu đỏ đậm của berry, kèm theo tí vị đắng rất nhẹ của hoa Hop.

Trong cuộc uống rượu, nhâm nhi với vài loại fromages, chúng tôi nói chuyện qua nhiều lãnh vực. Nhưng có lẽ đề tài về rượu được chúng tôi thích và nói nhiều nhất. Khi nghe ông ta vanh vách nói ra đặc tính của từng loại nho, nơi sản xuất, phụ vật cũng như những tiểu xảo trong kỹ thuật sản xuất rượu… đã làm tôi ngạc nhiên đến nỗi ngẩn ngơ, cảm phục. Dù với chức vị là trưởng ban thanh tra tại trung tâm kiểm tra xe cơ giới của tỉnh Zuerich. Nghề nghiệp của ông hoàn toàn không liên quan gì đến kỹ thuật biến chế cũng như phẩm chất của rượu, nhưng đã làm tôi cảm mến, phục tài. Nhờ ông tôi biết thêm được khá nhiều về kỹ nghệ và tiểu xảo trong sản xuất rượu. Lúc chia tay tôi mời vợ chồng ông ta đến nhà tôi ăn cơm tối vào cuối tuần sau.

Đúng hẹn, hai ông bà đến nhà tôi, ngay tại cửa ra vào, ông đưa tận tay vợ tôi hộp chocolate Thuỵ Sĩ thượng hạng Lindt rồi theo tôi vào phòng khách. Ông im lặng để 2 chai rượu Pháp cùng tên “ La Petite Chapelle, Paul Jaboulet Ainé “ . Cả hai chai cùng năm đóng chai nhưng mầu e-ti-két lại khác nhau lên bàn salon. Có chút ngạc nhiên, nhưng tôi cũng chẳng thắc mắc vì sao có sự khác biệt giữa hai chai rượu và ông lại để nó lên bàn mà không đưa cho tôi như một món quà tặng.

Có lẽ nhìn thấy sự ngạc nhiên của tôi, ông đưa tay xoay nhẹ 2 chai rượu , giải thích cho tôi biết. Đó là hai chai rượu được sản xuất từ 90% nho Syrah cùng với 10% là nho Roussanne và Marsanne của vùng Rhône bên Pháp. Người ta còn cho thêm vào một số phụ phẩm để tạo mùi vị, màu sắc từ nhiều loại berries của địa phương. Rượu được ủ trong những thùng gỗ sồi trong hầm ủ rượu khoảng 3- 4 năm mới được đóng chai và mang ra thị trường.

Đặc biệt mỗi năm công ty chỉ đóng một số lượng chai cố định để giữ giá cả và tăng sự tín cậy của giới tiêu thụ. Rượu còn lại, chưa bán hết, ít hay nhiều trong những thùng ủ được gom chung lại trong một hay hai thùng ( nếu còn nhiều ). Thùng rượu gom lại này tiếp tục để trong hầm ủ rượu cho rượu “ chín hơn “ rồi một hay vài ba năm rượu đó được đóng chai một lần. Rượu này ngon và mắc hơn rất nhiều so với chai rượu bình thường, dù chúng được đóng chai cùng năm, cùng tên rượu nhưng chỉ khác màu ê-ti-két ! Ở Thuỵ Sĩ nhiều cơ sở sản xuất rượu cũng bắt chước công ty “ La Petite Chapelle , Paul Jaboulet Ainé “ thu gom rượu cũ không bán hết, tiếp tục ủ rượu một hay 2 năm rồi đem đóng chai. Nhưng Thuỵ Sĩ không dùng màu sắc của ê-ti-két để phân biệt 2 loại rượu cùng tên như Pháp mà viết trên ê-ti-két một chữ : “ Auslese Wine “ có nghĩa là “ rượu lựa chọn” . Chai rượu Auslese này dĩ nhiên mắc hơn, ngon và đậm đà hơn chai rượu bình thường.

Sau khi giải thích xong, ông ta cho biết, trong cuộc gặp mặt vừa qua. Thấy tôi rất thích tìm hiểu về rượu và cũng có kiến thức về rượu nên cũng muốn cho tôi phân biệt được sự khác nhau của 2 chai rượu “chị em” này. Với lời giải thích đó, tôi cảm động trong ngạc nhiên khi biết rõ thành ý quá tốt của ông, muốn giúp tôi hiểu sâu thêm về “ RƯỢU”. Món ăn chơi mà tôi đã có khá nhiều dịp tiếp cận từ ngày còn ở VN, Nhật bản, nhưng vẫn vô duyên làm kẻ tâm giao! Cho đến khi sang Thuỵ Sĩ tôi mới thực sự hiểu và cảm nhận được sự ngọt bùi của nó!

Cũng từ sự thân tình đó, rất nhiều lần ông đã rủ tôi đi tham dự những lễ hội về rượu tổ chức tại Thuỵ Sĩ như Wine Expose hay Master of Wine ..v..v.. Trong những lần đi thử rượu đó ông đã hướng dẫn, giải thích cho tôi những điều căn bản để nhận biết sự khác biệt từ nhiều loại rượu trên thế giới. Nhờ ông, tôi đã có thêm kiến thức để phân biệt được sự khác biệt của những loại rượu được chế biến từ một loại nho nhưng khác nhau về khí hậu, độ ánh sáng của từng vùng miền. Cũng nhờ ông tôi cảm nhận được sự khác biệt từ cùng loại nho nhưng lại thu hoạch thời gian khác nhau. Thu hoạch sớm khi nho chưa chín rộ, trái nho còn khá tươi, độ ngọt ít cho ra loại rượu ít ngọt và mùi thơm của rượu cũng ít hơn. Ngược lại với cùng loại rượu nhưng chế tạo từ nho thu hạch cuối mùa, không khí đã khá lạnh. Nho ngọt hơn vì chất đường của nho cô đặc hơn ngoài ra còn nhờ một loại nấm đặc biệt sinh ra ở bên ngoài của nho chín tạo ra mùi vị của rượu ngon hơn.

Tóm lại, tôi đã học được rất rất nhiều từ ông hàng xóm tốt bụng và rất giỏi về rượu! Đôi khi bước vào văn chương thi phú, có lúc tôi so sánh ông với Lưu Linh, trong nhóm “Trúc lâm thất hiền” thời Tây Tấn bên Tàu. Một danh nhân rất mê say, tôn vinh vẻ cao quý của rượu. Nhưng tiếc rằng tôi không phải Kê Khang, bạn tri kỷ của Lưu Linh, người thi sĩ tài danh với những vần thơ trác tuyệt mà cụ Nguyễn Du đã dùng nó diễn tả tài đánh đàn của nàng Kiều trong tác phẩm của cụ :

Kê Khang này khúc Quảng Lăng
Một rằng lưu thủy, hai rằng hàng vân.

Sau đó khoảng 3,4 năm, khi gia đình tôi dọn nhà đến địa chỉ hiện nay, chúng tôi và vợ chồng ông hàng xóm “Lưu Linh “ vẫn gặp nhau ăn uống vào các dịp cuối năm hay lễ hội của thành phố. Nhưng trong một lần, tôi vô tình đọc tờ báo hàng tuần của thành phố. Trong mục danh sách người Thuỵ sĩ muốn xin vào hay xin ra khỏi cư dân của Zuerich, cũng như danh sách những đứa bé mới sinh ra hay người của tỉnh vì lý do gì mà chết. Tôi đã bàng hoàng, không thể tin vào tờ báo khi thấy tên của ông trong danh sách người chết. Vội vàng tôi điện thoại cho vợ ông, đúng là sự thật đau buồn! Bà vợ cho tôi biết vài tuần lễ trước trong lần đi leo núi, có thể vì vướng vào một cành cây khô, hay vì trượt chân ở góc đường dẫn lên cây cầu bắc ngang hai chỏm núi. Ông đã chết khi rơi xuống vực. Một tin rất buồn! Tôi đã mất một người bạn tâm giao và cũng là người thầy đã cho tôi những kiến thức về Rượu.

6.- Ông già Samichlaus với chai rượu trong mơ.

Một số quốc gia Âu châu như Đức, Thuỵ Sĩ, Áo…trong tháng 12 dương lịch có 2 dạng thức tặng quà Giáng sinh khác nhau về thời gian, ý nghĩa cũng như nội dung món quà tặng. Vào ngày 6 tháng 12 quà tặng có tính cách món ăn như: táo, quýt, đậu phụng, chocolate, một số hạt, củ sấy khô như trái sung, hạt óc chó, vài loại bánh ..v..v.. người cho quà có tên là ông già Samichlaus.

Còn buổi tối ngày 25 tháng 12, món quà tặng thường to lớn, giá trị hơn mang tính cách ước mơ hay yêu cầu của người nhận. Các món quà này do ông già Noel ( Weihnachtsmann) đem đến có chút kín đáo, bí mật hơn. Trẻ con thường nghĩ ông già Noel đã nghe lời ước muốn của chúng ( Đồng hồ, máy tính, đồ chơi, quần áo ..v..v.. ), đêm 25 tháng 12 ông sẽ theo ống khói vào nhà mang món quà ước mơ của chúng đặt trên đầu gường hay treo trên cây thông gần lò sưởi….

Cả hai ông già đều mặc áo choàng và mũ hình chóp bằng nỉ màu đỏ. Tóc, râu của các ông đều bạc trắng. Một cái chuông treo lủng lẳng vào thắt lưng tạo ra tiếng leng keng khi di chuyển. Một tay cầm cuốn sổ ghi những điều tốt xấu của đứa bé nhận quà trong năm qua. Tay kia cầm chiếc gậy để chống, thắt lưng còn cài thêm một cái roi bằng bó cây nhỏ để ông trừng phạt những đứa trẻ h, xấu ..v..v.. Cả hai ông già Samichlaus và Noel, được giúp sức bê đồ tặng hay sai bảo bởi một người trẻ mặc áo nâu gọi là thằng nhem nhuốc ( Schmutzli).

Khi chúng tôi dọn đến căn nhà mới được khoảng 4 năm thì căn nhà kế cận được phá đi để xây thành một căn nhà 4 tầng sang trọng, mỗi tầng cho một gia đình. Tầng cao nhất, chủ nhân là một cặp vợ chồng không con, ông ta hơn tôi 5 tuổi, giám đốc chi nhánh của một ngân hàng Thuỵ sĩ ngay trung tâm thành phố. Dù đã quá tuổi hồi hưu nhiều năm, nhưng đến nay (2017) ông vẫn được ngân hàng lưu dụng, chỉ làm việc bán thời gian, 2 hay 3 ngày một tuần.

Có lẽ hàng ngày từ trên cao nhìn xuống, vợ chồng họ thích thú với khu vườn đầy hoa cùng với những đứa bé Nhật bản dễ thương, ngoan ngoãn mà vợ tôi dậy học, đã làm cho họ muốn thân cận với gia đình chúng tội. Ngay khi mới dọn đến được vài ba tuần vợ chồng họ đã sang thăm và cho quà chúng tôi. Qua nói chuyện, tôi mới biết họ không có con, thuộc thành phần giầu trong xã hội. Ngoài căn hộ sang trọng này họ còn 2 căn nhà nghỉ ( ferien Hause ) ở Davos và Andermatt là những địa danh trượt tuyết nổi tiếng của Thuỵ Sĩ. Thú vui của họ là trượt tuyết vào mùa đông hay xuân tại Thuỵ sĩ còn mùa hè hay các mùa khác, họ đi lịch khắp thế giới chơi golf.

Ngay trong năm đầu tiên, đúng ngày 6 tháng 12, bà vợ ghé vào nhà, cho chúng tôi mấy chai rượu vang và chocolate. Nhận món quà khá to của họ đã làm chúng tôi suy nghĩ, chưa biết hồi trả ra sao. Vài hôm sau chúng tôi lại nhận được tấm thiệp xuân của họ kèm theo lời mời đêm Noèl đến nhà họ dự mừng Christmas cùng với 3 gia đình trong chung cư của họ.

Chẳng còn lý do từ chối, chúng tôi đành “ bóp bụng ” bỏ tiền ra mua một chai Champagne Imperial brut “Moèt & Chandon “ kèm theo một hộp chocolate Lindt khá mắc đem làm quà trao đổi ! Trong bữa tiệc hôm đó với chút ngạc nhiên, tôi được quen biết một người Thuỵ Sĩ khác, ở tầng trệt của căn nhà. Ông ta đã sang Việt nam nhiều lần tại các tỉnh vùng cao nguyên trung phần như Lâm Đồng, Kontum, Pleiku… để nhập cảng cafe Robusta của VN cho Thuỵ sĩ..

Thành thật những chai rượu mà chủ nhân mở ra đãi khách trong bữa tiệc mừng Giáng sinh đ1. Tôi chỉ vừa nhấp miệng đã cảm nhận được cái ngon rất mềm mại của rượu, nhất là trình độ thưởng thức, yêu rượu của chủ nhà. Nhưng thành thật chai rượu đó ngon đến mức độ nào trong thế giới rượu tuyệt hảo thì tôi khôngvà chưa có khả năng xét đoán được. Nhìn chủ nhân với cách uống từ tốn, hòa nhã, cẩn thận khi rót rượu cho khách, những khách mời thì chậm rãi thưởng thức từng ngụm rượu. Vài người khách cầm chai rượu lên, xoay xoay ngắm nhìn tên rượu, gật gù với vẻ đắc ý … Tất cả những cái đó cho tôi hiểu rằng đó là những chai rượu thuộc hàng thượng hạng và khách mời cũng là những người biết thưởng thức về rượu.

Cứ thế, cả chục năm qua rồi, năm nào vào ngày 6 tháng 12 , khi thì ông ta, khi thì bà vợ, khi thì qua bưu điện (nếu họ không ở Thuỵ Sĩ ), họ luôn luôn mang hay gửi quà cho gia đình tôi. Chính vì thói quen đó chúng tôi đã gọi họ là ông già Samichlaus. Còn chúng tôi cũng chuẩn bị dụng cụ để làm một khay khá lớn Sushi rất trong sạch và tươi ngon mang sang góp chung vào cuộc vui với mọi người trong bữa tiệc giã từ năm cũ ( Bonenkai ) hay chào đón năm mới (Shinnenkai) tuỳ thuộc vào ngày mà họ mời chúng tôi tham gia.

Cách đây 4 năm, vào buổi tối ngày 6 tháng 12 chính “ ông Samichlaus” đem quà đến cho chúng tôi như mọi năm. Nhưng đặc biệt năm đó, khi đưa cho tôi một chai rượu, ông ta nhìn tôi có chút ngại ngần và nói với tôi:
-Đây là một chai rượu rất ngon, rất đặc biệt, một khách hàng đã tặng cho tôi. Tôi đem tặng ông bà với một đề nghị là khi nào ông bà rất vui vẻ, thích thú hãy mở nó ra thưởng thức, xin đừng đem cho ai.!

Nghe ông ta nói, chúng tôi cũng chỉ biết tỏ lòng cảm động nhận món quà đặc biệt cùng với lời hứa chắc là sẽ làm như ông ta căn dặn. Rồi trong một dịp nói chuyện với người bạn trai của con gái tôi, gia đình anh ta có một cơ sở buôn bán rượu ở một tỉnh khác. Tôi tò mò và nhờ họ thẩm định giá cả của chai rượu. Chỉ với vài thao tác trên điện thoại, anh ta cho biết chai rượu có trên thị trường giá là 450 Euro ( khoảng 540 Sfr hay USD!)! Đúng là một món quà ngoài sức tưởng tượng, dù chỉ là một chai rượu!

Tôi đã để chai rượu dưới hầm rượu suốt 2 năm trời, nhiều lần muốn đem ra thưởng thức, nhưng lại nghĩ quá phí phạm cho hai người, nhất là tửu lượng của tôi chỉ khoảng một ly nhỏ! Nhưng sau đó vào mùa hè vợ chồng người bạn Nhật thâm giao với gia đình tôi sang chơi. Trước đây khoảng 10 năm ông chồng là hiệu trưởng trường học Nhật tại Zürich ( Japanische Schule in Zürich). Sau khi hết nhiệm kỳ 3 năm ông trở về Nhật, được ít năm ông rời bỏ bộ giáo dục Nhật, chuyển sang làm trưởng phân bộ ấu nhi và nhà trẻ cho một công ty giáo dục tư thục tại thành phố Yokohama Nhật bản. Cũng trong dịp này chúng tôi mời luôn bà hiệu trưởng đương nhiệm của trường học Nhật cùng đến nhà chúng tôi ăn cơm tối.

Đúng là một dịp để vợ chồng tôi đem món quà đặc biệt, mắt tiền của “ông Samichlaus” ra xử dụng. Trước khi mở chai rượu tôi nói cho mọi người biết rõ giá trị của chai rượu để mọi người cùng thưởng thức và nhận xét xem sao! Dĩ nhiên với một chai dành cho 5 người được coi là quá nhẹ.
Sau khi cả 5 người nhấm nháp rất cẩn thận chai rượu với thịt nướng, người nào cũng tấm tắc khen ngon và cám ơn rối rít vì nhờ tôi mà họ được thưởng thức một loại rượu trong mơ ! Cuối cùng tôi nói với mọi người :
-Dĩ nhiên với giá mắc như vậy thì phải là một loại rượu siêu hạng rồi, khỏi cần bàn cãi. Nhưng nói thật chữ NGON, chữ TUYỆT VỜI dù ở mức nào, tôi cũng không bao giờ bỏ ra món tiền to như vậy để mua nó, hoạ chăng tôi là kẻ thần kinh hay ngu dại !
Tất cả mọi người cười vui! Ông bạn Nhật bản thâm giao của tôi cười to, dí dỏm:
-Thì đó cái ngon, cái tuyệt vời của nó chưa đáng giá tiền nhưng thêm vào niềm vui vì đã được uống một chai rượu duy nhất trong đời thì đáng giá rồi phải không ?!

7.- Một người bạn mới quen nhờ rượu.

Dù đã có nhiều dịp sang Mỹ, nhưng California, thủ phủ của người Việt ở Mỹ vẫn xa lạ với tôi. Cho mãi đến mùa thu năm 2015 khi đã thực nghỉ hưu tôi mới có dịp dẫn vợ sang ra mắt và thăm viếng nhóm bạn cùng học với tôi ngày xưa ở Sàigon. Ngại ngần không muốn làm phiền đến cuộc sống bận rộn của bạn bè. Qua dịch vụ du lịch “ Air B & B “, chúng tôi thuê được một căn hộ ( apartment ) tiện nghi, sạch sẽ và khá rộng rãi, trong một khu trí thức, yên tĩnh của San jose. Chủ nhà là một cặp vợ chồng người Mỹ rất thân thiện, chồng một kỹ sư điện tử, vợ là thư ký của đại học địa phương.

Một hôm trời rất đẹp, ngồi trong nhà, qua khung cửa sổ, nhìn ánh nắng chiều chói chang bao trùm cả khu vực rộng lớn, hiền hoà yên tĩnh nơi cư ngụ. Chúng tôi bàn với nhau, làm một cuộc đi dạo, tạt qua những khu vực sầm uất mà nhiều lần chúng tôi đã nhìn thấy khi đi xe bus hay taxis. Đi loanh quanh ngắm nhìn những ngôi nhà đẹp đẽ đứng riêng biệt giữa những khu vườn rộng rãi, xanh tươi, tạt vào vài nơi buôn bán nho nhỏ của khu vực. Được một lúc, cảm thấy đã đến lúc phải về nhà. Nhìn đâu đâu cũng thấy giống nhau! Lúc đó chúng tôi mới nhận ra, đường phố, nhà cửa ở các khu nhà riêng biệt tại Mỹ không dễ dàng phân biệt cho những người chưa quen thuộc.

Kết quả với cả tiếng đồng hồ mò mẫm chúng tôi mới tìm được đường về nhà, lúc buổi chiều đang chuẩn bị nhường chỗ cho cái nhá nhem buổi tối. Vừa mở chiếc cổng gỗ của căn nhà. Vợ chồng người chủ nhà cùng với bốn người khác đứng tuổi hơn đang quây quần quanh chiếc bàn gỗ ở góc vườn ăn uống. Nhìn thấy chúng tôi, với vẻ lếch thếch vì mệt mỏi, cả hai vợ chồng chủ nhà vui vẻ giơ tay chào và hỏi lý do. Tôi cho họ biết vì thích lang thang ngắm nhìn cái yên tĩnh, thanh bình của khu vực mà lạc đường.

Người chồng tỏ vẻ lo lắng, cho chúng tôi biết, chính sự vắng vẻ, rất ít người qua lại mà khu vực đã xảy ra khá nhiều những vụ cướp bóc, trấn lột. Ông khuyên chúng tôi không nên sai lầm khi nghĩ Mỹ giống như Thuỵ Sĩ, nơi mà ông ta đã có một lần thăm viếng khi còn là sinh viên. Rồi tiếp theo là những câu trao đổi vu vơ liên hệ vài địa danh của Thuỵ Sĩ nơi mà ông đã có ít nhiều cảm mến.

Hình như, câu chuyện giữa tôi và ông chủ nhà làm cho tất cả người khác thích thú lắng nghe. Một người đứng tuổi ( sau này tôi mới biết ông ta là bố của chủ nhà ), rót rượu vào hai chiếc ly, rồi ra dấu mời vợ chồng tôi uống. Trong khi chúng tôi đang lưỡng lự, ông chủ nhà đứng dậy vui vẻ tiến đến nắm tay kéo tôi đến chiếc bàn đã có hai khoảng trống mà mọi người đã dành cho chúng tôi.
Cầm ly rượu, chỉ nhấp một ngụm nhỏ, tôi khá ngạc nhiên với vị ngọt rất đậm đà kèm theo mùi thơm thoang thoảng của dâu đất. Tôi chép nhẹ vài tiếng như nuốt trọn cái ngon ngọt của ngụm rượu, gât đầu nhẹ, đưa tay cầm lấy chai rượu lên xem. Ê-ti-két màu nâu in đậm hàng chữ: “ Conn Creek Herrick “ Napa Valley, California, 2013.

Người chủ nhà đưa mắt theo dõi thái độ của tôi, cho đến khi tôi bỏ chai rượu trở lại bàn, ông ta hỏi tôi:
-Ông thấy sao? Chắc không tệ lắm phải không ?
Nhìn trở lại ông ta, tôi gật gù tỏ vẻ thích thú, cho ông ta biết đây là một loại rượu mà tôi nghĩ thuộc hạng rất ngon. Ngon đến mức làm tôi ngạc nhiên. Tôi diễn tả cái cảm khoái của tôi với mùi vị kèm theo cảm giác đậm đà rất êm nhẹ khi nuốt rượu qua cuống họng.

Thế là cuộc nói chuyện của chúng tôi được chuyển sang đề tài về rượu. Qua ông ta tôi được biết khá nhiều về các loại rượu vang nổi tiếng được sản xuất tại miền Bắc và miền Trung California. Napa là vùng trồng nho rất nổi tiếng thuộc bắc Cali, hai loại nho Merlot và Cabernet Sauvignon được trồng nhiều nhất tại đây. Chính hai loại nho này được dùng phần lớn cho kỹ nghệ làm rượu của miền Bắc Cali. Rượu ở đây đậm đà về mùi vị nhưng trong nho có tỷ lệ đường hơi ít. Để gia tăng độ ngọt của rượu nhà sản xuất thường thu hoạch nho muộn hơn cũng như dùng trái táo đen chín ( prune ), dâu đất (strawberry) và một vài loại berries cùng với đường saccharose làm những chất phụ gia.

Còn vùng trung Cali ( Central coast) cũng là vùng sản xuất rượu vang nổi tiếng, rộng nhất nước Mỹ chạy dọc theo bờ biển. Pinot noir là loại nho được trồng nhiều nhất ở đây, là loại nho để sản xuất rượu vang của vùng này. Với loại nho Pinot noir nên rượu vang đỏ ở vùng này có mầu rất đỏ đậm, độ ngọt cao, mùi vị đậm đà và cũng là loại rượu vang của Mỹ xuất cảng sang Âu châu nhiều nhất.
Đúng lúc ông chủ nhà hỏi tôi về một loại rượu mà ông đã được uống trong lần du lịch Thuỵ sĩ nhiều năm về trước, khi còn là sinh viên. Sự thắc mắc của chủ nhà đã nhắc tôi nhớ đến bốn chai rượu Thuỵ Sĩ mà chúng tôi đã mang theo trong lần du lịch này, vẫn còn sót lại một chai trên phòng ngủ, chưa kịp cho ai. Nhìn sự thân thiện tiếp đãi của họ, nhất là cảm phục kiến thức của họ về rượu. Tôi lên phòng mang chai rượu cuối cùng còn sót lại để cùng họ nhập cuộc vui.

Đó là một chai rượu vang đỏ của Thuỵ sĩ ” Le Muzot “một sản phẩm rất độc đáo của tiểu bang Wallis, nằm dọc theo dãy núi Alpes, vùng xen kẽ giữa bắc Ý và đông nam Pháp. Rượu này cũng được làm từ nho Pinot noir, có màu đỏ rất đậm và ngọt nhờ nho có độ đường cao nhưng cũng nhờ chất phụ gia tạo ngọt từ vài loại berries và trái cherry màu thẫm đen. Đặc biệt rượu còn được làm tăng mùi thơm và có tí chút vị chát rất nhẹ bởi một vài loại gia vị tạo ra. Loại rượu này đã được nhiều chuyên gia thử nghiệm xếp vào hàng rượu thượng hạng trong thị trường rượu nội địa tại Thuỵ sĩ.
Không biết có phải vì rượu quá ít, một chai dung tích 750cc cho 8 người (kể cả vợ chồng tôi) đã làm tăng độ ngon của rượu. Nhưng cũng có thể vì họ đã quen thuộc với loại rượu địa phương nên khi uống được loại rượu có mùi vị khác, đã làm cho họ có cảm giác ngon hơn hay không ? Tất cả 6 người đều khen rối rít và có ý định tìm mua tại các tiệm rượu tại Mỹ.

Tôi cho họ biết, Thuỵ sĩ là quốc gia nhỏ bé, 90% là núi non nên không có những nông trang to lớn như các quốc gia khác. Cánh đồng trồng nho chỉ manh mún, nhỏ bé nên việc sản xuất rượu cung cấp cho nội địa đã không đủ, làm sao có dư để xuất cảng. Chính vì vậy không dễ dàng, nếu không muốn nói là không thể mua được rượu Thuỵ sĩ ở ngoại quốc. Trừ phi vài cơ sở đặc biệt của Thuỵ sĩ như ngoại giao, ngân hàng lớn… họ có được rượu Thuỵ sĩ qua những đường đặc biệt mà thôi.

Cuộc ăn uống nói chuyện rất tâm đắc, phần lớn là chủ đề về rượu của vợ chồng tôi và gia đình người bạn Mỹ mới quen đã kéo chúng tôi thân thiết rất nhanh. Buổi tối trước ngày chúng tôi phải ra phi trường trở lại Thuỵ Sĩ, vợ chồng họ đến chào từ biệt, không quên mang tặng chúng tôi chai rượu Woodbridge, năm 2011 của Cali. Hai vợ chồng họ thân thiện ôm xiết chúng tôi với lời từ giã chân tình, xin lỗi không thể tiễn đưa chúng tôi vào ngày mai vì phải đi làm. Họ hứa sẽ có lần sang thăm chúng tôi để được cùng uống và nói chuyện về rượu, một đề tài đã giúp chúng tôi và họ trở thành những người bạn thân quen.

Còn tôi mang chai rượu ( chắc chắn là ngon ) đầy tình thân đó về Thuỵ sĩ, tôi cũng chưa có dịp để uống. Nó vẫn được giữ cẩn thận trong hầm chứa rượu, mỗi khi nhìn thấy chai rượu hay những tấm thiệp cuối năm của họ gửi đến. Chúng tôi lại nhớ đến họ, một người bạn dễ mến mà tôi đã có được nhờ vào sự hiểu biết về cái chất lỏng mà biết bao nhiêu người, kể cả tôi đã từng có cái nhìn rất tiêu cực về nó.

8.- Một vài hiện tượng khó hiểu, những chai rượu ở Việt nam.

Lần đó tôi về VN đúng vào lúc hội nghị APEC 2006 họp tại Hà nội, hàng ngày trên TV, báo chí nhan nhản những tin về hội nghị, trong đó có một tin bên lề, không quan trọng. Nhưng với tôi nó có chút chú ý, đó là rượu vang Đà lạt được dùng tiếp đãi quan khách trong hội nghị. Thành thật trước đó, dù biết VN có sản xuất rượu vang nhưng tôi chưa bao giờ uống thử nên cũng không biết phẩm chất ra sao.

Ngẫu nhiên một lần đến thăm một gia đình người bạn, trong bữa ăn đãi khách khá thịnh soạn, người bạn cho biết có một chai rượu vang Đà lạt, muốn mời tôi uống và cho ý kiến xem sao. Dĩ nhiên tôi đồng ý. Một dịp để tôi xác định phẩm chất của loại vang mới được sản xuất tại VN, đã được chính phủ dùng tiếp đãi khách quốc tế trong hội nghị APEC đang tổ chức tại Hà Nội vừa qua.
Mới nhấp vài ngụm, đã cho tôi có chút ngạc nhiên. Với tôi, chai vang Đà lạt này không phải là loại vang cao cấp nhưng cũng không thể xếp dạng quá thấp được. Vị khá ngon, đậm đà nhưng mùi quá nhẹ, dù tôi đã lắc nhẹ và ngửi ở môi trường khá nóng của căn phòng ăn. Về màu sắc không đủ đậm, có thể rượu đã làm bằng những loại nho không có màu đậm như Syrad; Merlot hay Cabernet. Hay cho thêm vào những loại phụ gia như Blackberry hay Plume trồng tại VN không tốt, không có mầu xẫm như Âu châu hay Mỹ, Úc. Nếu ai lên Đà lạt sẽ nhìn thấy rất rõ, những trái Blackberry hay Plume nhỏ, không ngọt, rất ít có màu chín thẫm. Tuy nhiên với tôi thì Vang Đà Lạt khônh dở và cũng không lạ lùng khi nó được xuất cảng sang Nhật và nhiều quốc gia Đông Nam á ( dù chỉ với lương nhỏ bé ) .

Cũng trong lần về VN đó, nhân dịp lên Đà lạt, tôi đã mua 2 chai vang đỏ Đà lạt tại một gian hàng ngay trung tâm thành phố mang về Thuỵ Sĩ, làm quà cũng như giới thiệu với vợ về một loại rượu vang Việt nam, tạm tạm khá. Trong một bữa cơm gia đình với các con, tôi đem chai rượu ra cho mọi người thưởng thức. Một sự việc kinh hoàng ! Đó không phải là rượu mà là một chất lỏng giống rượu,mùi vị thum thủm ! Chai thứ hai mở ra cũng vậy ! Dĩ nhiên đó là hai chai rượu giả ! Và chẳng có lý do gì để tiếc rẻ khi phải đổ nó vào ống cống!

Rồi sau đó, một lần khác tôi về Việt nam, cũng đến nhà thăm một người bạn, vợ anh ta là nhân viên cấp cao của một cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm của Saigon. Anh ta khoe với tôi là có khá nhiều rượu và muốn mời tôi thưởng thức. Dù đã có ít nhiều kinh nghiệm tình trạng rượu giả tại VN ( Thật ra qua báo chí cho biết, nạn làm rượu giả ở hầu hết các quốc gia Á châu, có lẽ chỉ trừ Nhật bản mà thôi ). Tưởng rằng với vị trí chuyên môn của người vợ, chắc chắn anh ta phải có những chai rượu đúng nghĩa. Nhưng khi anh bạn vừa mở chai rượu vang Pháp Bordeaux. Chỉ mới nhấp một ngụm nhỏ, tôi đã ngẩn ngơ vì nó đại loại giống như chai rượu vang Đà lạt mà tôi đã bê về từ VN làm món quà tặng cho vợ tôi ! Chẳng có gì để gọi là rượu vang, Không mùi, không vị, không tí chút nào của loại vang Bordeaux nổi tiếng của Pháp mà tôi khá hiểu biết ! Lại một trò gian trá rượu tại VN !

Một hiện tượng khác, tôi quen một người bạn trẻ, có vị trí khá tốt tại trụ sở trung ương của một ngân hàng tư nhân tại Saigon. Với vị trí này những dịp ăn uống sang trọng, đầy rẫy của ngon vật lạ với các xếp chóp bu của ngân hàng được coi là rất thường. Những chai cognac có giá tại VN trên dưới 7, 8 triệu đồng ( khoảng 300, 400 USD) như Remy Martin XO, Courvoisier Emperor; Hennessy XO… hay những chai rượu vang từ Pháp, Ý, Úc… giá không dưới một vài triệu đồng (khoảng 50-100 USD) coi như chuyện rất thường.

Có một lần trong bữa tiệc, nhờ lúc tàn dư của bữa tiệc anh ta lấy được một chai vang đỏ dư thừa chỉ còn khoảng 1/3 chai, đem về nhà liệng vào một góc nào đó trong nhà rồi quên luôn. Một lần tôi đến chơi, tình cờ thấy chai rượu trong góc kẹt của căn bếp. Nhìn thấy tên chai rượu, Clarendon Hills (Syrah Liandra) đã làm tôi tò mò. Vì nó là loại rượu khá nổi tiếng của miền Nam Úc, được làm bởi 100% nho Syrah. Tôi biết tí chút về rượu của hãng rượu này trong một hội chợ triển lãm rượu tại Thuỵ Sĩ. Mẹ của anh bạn cho tôi biết, vì bà chẳng biết và cũng chẳng chú ý đến chai rượu dư thừa đó, đã hơn 3 năm nay nó lăn lóc, dời chuyển khắp nơi trong nhà mỗi khi bà quét dọn.

Mở chiếc nút bần ra, đưa sát vào mũi, mùi thơm của rượu vẫn còn tí chút, nhìn kỹ đáy chai vẫn không có một tí cặn, rượu vẫn trong! kinh nghiệm cho tôi biết với chai rượu đã mở, nhất là chỉ còn 1/3 rượu trong chai, qua hơn 3 năm di chuyển và tiếp xúc với không khí như vậy mùi thơm của rượu không thể tồn tại được. Cũng như với thời gian dài và tác động sinh hoá của các thành phần hữu cơ như chất tanin, chất pectin, hợp chất đa đường… Chắc chắn những chất đó sẽ ít hay nhiều bị kết tủa và phải có tí cặn dưới đáy chai. Nhưng chai rượu này hoàn toàn trong, không có! Đó là sự khác thường! Tò mò tôi rót một tí vào ly và nhấp môi, vẫn thấy ngon! Càng làm chi tôi khó tin!

Tôi chắc chắn đây không phải là rượu thật mà là rượu giả! Nhưng tôi cũng công nhận kỹ thuật làm giả có bài bản, có chuyên môn ( dĩ nhiên với những người có kiến thức về sinh hoá học thì kỹ thuật làm giả này quá dễ dàng ). Nhớ đến những chai rượu, nhưng không là rượu mà tôi đã thử trước ( chai tôi mua ở Đà Lạt và chai người bạn mở ra đãi tôi ), đó là sự giả mạo ngu xuẩn, một hành động ăn cướp của kẻ ngu, thiếu trình độ! Với cái lối mua vỏ chai, trau chuốt cho giống với nguyên thuỷ, rồi cho vào một chất lỏng nào đó pha thêm vào chất tạo màu …. Thế là xong ! Kiểu làm giả như vậy chỉ lừa người ta được một lần hay lừa được những người dại khờ , không biết gì về rượu nhưng hám danh, thích khoe mẽ mà thôi!
Còn kiểu làm giả của chai rượu dở dang , lăn lóc 3 năm trời này. Đúng là kiểu làm gỉa có trình độ, có kiến thức, tính toán dài lâu. Người bị lừa không nhận ra, vẫn xử dụng và còn tin tưởng để mua thêm hay giới thiệu bạn bè với sản phẩm! Một lối lừa đảo có bài bản, rất thông minh và khôn ngoan.

Với suy nghĩ như vậy đã kéo trí nhớ tôi về những bài báo mà tôi đã có dịp đọc nói về trình độ làm giả những loại rượu nổi tiếng của Pháp, Ý, Úc, Mỹ ..v..v.. trên thế giới, trong đó siêu hạng làm giả là Trung Quốc, tiếp theo là Thổ nhĩ Kỳ. Các quốc gia Đông Nam Á, nhất là Phi luật tân,Thái land cũng là vương quốc của rượu giả. Ngay như Singapore nơi được coi là tốt nhất, có kỷ cương nhất của Đông Nam Á nhưng cũng có tỷ lệ rượu giả khá cao.

Tại Âu châu, kinh nghiệm cho tôi biết, ở các quốc gia Nam Âu châu ( Italy, Spanien, Portugal, Yugoslavia cũ…) Đông Âu ( Nga, Tiệp Khắc, Balan…) cũng chưa chắc mua được chai rượu thật nếu không chú ý . Nhất là mua tại các kiosk hay tại các tiệm bán rượu luộm thuộm tại các khu vực lam nham trong thành phố ! Ngay cả tại Pháp, những chai rượu Bordeaux, Burgound..v..v... Nếu mua tại các tiệm bán rượu lẹp nhẹp sẽ không chắc là rượu thật. Nếu mua tại các cửa hàng có tên tuổi hay tại chính cơ sở bán hàng của chính hãng hay tại các lâu đài nơi nghỉ chân hay thăm viếng… Khách được thử rượu trước khi mua thì chắc 100% dù giá cả có phần mắc hơn tại các tiệm bán rượu hay tại các siêu thị nhỏ ( tại các siêu thị danh tiếng cũng an toàn ).

9.- Những cảm nhận lạc quan về rượu.

Tôi chắc chắn nếu sống ở Việt nam, tôi sẽ mãi mãi là người xa lạ với rượu. Lý do rất dễ hiểu vì trong tâm thức của tôi đã ghi đậm quá nhiều hình ảnh không đẹp của cái chất lỏng tạo cảm giác“ đê mê “ này cho những người đến với nó. Ngay hiện tại với những lần về lại VN, không khó khăn, nếu người ta muốn chứng kiến những cảnh khó coi như đánh nhau, chém nhau hay điên khùng lái xe khi trí não họ đang mê mẩn với men say. Không! Nhất định tôi sẽ không ngu dại mà đâm đầu vào cái chất lỏng lem nhem đó ! Với tôi nếu tôi ở VN, rượu là một tên tội phạm mà người khôn ngoan, biết suy nghĩ phải tránh xa, chưa nói đến nó toàn là rượu giả, độc hại ! .

Với gần 6 năm tu học và làm việc tại Nhật, một xã hội văn minh, một dân tộc có ý thức, trọng luật pháp … nhưng tôi cũng vẫn chưa tìm thấy cái lý do để thuyết phục tôi bước vào lãnh vực tìm vui trong rượu. Tôi cũng đã chứng kiến khá nhiều bạn bè Nhật, họ nhịn ăn, bỏ học vì rượu. Vài người còn tâm sự với tôi, họ ao ước sau khi học xong, đi làm, lấy được người vợ biết chiều chuộng để mỗi khi đi làm về họ được cung phụng cho ăn ngon và uống rượu! Đúng như vậy, tôi đã gặp lại vài người khi họ có gia đình, họ đã được sống như tính toán của họ ngày xưa.

Rồi khi đi làm việc, tôi cũng tận mắt nhìn thấy những người trẻ tuổi hoàn toàn không biết gì về rượu bia, thuốc lá khi họ vẫn trong lứa tuổi dưới 20! Nhưng chỉ cần đúng một ngày, họ đặt chân vào tuổi thành nhân 20 theo luật pháp Nhật, thì họ phải biết uống rượu và hút thuốc! chỉ vì hệ thống đàn anh, đàn em ( sempai-cohai ) bắt buộc họ ! ( Hy vọng ngày nay cái nạn chồng chúa vợ tôi hay cái trò bắt đàn em nhập cuộc để chứng tỏ tuổi trưởng thành không còn tồn tại hay đã được giảm bớt trong xã hội Nhật bản. ). Chính những góc cạnh kỳ lạ, không mấy đẹp đó, đã làm tôi suy nghĩ và tôi vẫn là người đứng xa với rượu bia dù xã hội và con người Nhật bản vẫn là hình ảnh khá khuôn mẫu trong suy nghĩ của tôi.
Nhưng khi sang Thuỵ sĩ, bước vào lãnh vực chuyên môn về thực phẩm, tôi đã có dịp gần với rượu. Rượu không chỉ đến với tôi trong phòng thí nghiệm mà cả trong cuộc sống giao lưu trong xã hội. Sư đụng chạm và hiểu biết của tôi với rượu trong lãnh vực khoa học đã cho tôi cái nhìn khác về rượu.

Cũng chính những hiểu biết đó, tôi đã có dịp quen biết những người bạn thân thiết. Họ hoàn toàn không phải là những con sâu rượu, những kẻ chẳng ra gì trong xã hội vì rượu. Ngược lại họ là những người trí thức, có trình độ và vị trí cao trong xã hội. Họ biết thưởng thức và hiểu biết về rượu một cách rất đáng nể. Tôi chưa bao giờ thấy họ quá chén, say xỉn như tôi đã từng chứng kiến tại VN hay nhiều quốc gia mà tôi đã có dịp du lịch hay công tác. Trong các buổi tiệc tùng tại các cơ quan, nơi hội họp hay tại nhà tôi, nhà họ… họ uống rượu rất từ tốn. Họ dùng rượu như một vật thể giao tế, kết gắn tình thân, làm vui vẻ trong tâm sự, chuyện trò….không có chuyện họ say xưa đến mức mất phẩm chất một con người có ý thức.
Tôi cũng không bao giờ bị họ ép uống, hay chê bai vì uống ít hay từ chối không uống . Tôi cũng không phải nghe những câu nói sốc óc, cười chê tương tự như “ nam vô tửu như cờ vô phong”! hay “ nước mắt quê hương không được chối từ” ! …v..v ..

Tóm lại ở Thuỵ sĩ ( tôi không biết tại các quốc gia khác ra sao ), Rượu không còn là “ chất độc “ tàn phá tư cách hay nguồn gốc sinh ra tội phạm như tại nhiều quốc gia khác. Trong đó có cả VN, nơi mà tôi đã bao lần nhăn mặt, chán chường khi phải chứng kiến những cảnh quá nhem nhuốc xảy ra từ những con người say xỉn! Dĩ nhiên tôi không ngu đần đến mức để không biết về những tác hại của rượu. Nhưng nếu người ta biết xử dụng và kiểm soát được những tác hại đó thì rượu không còn là vật thể hãm hại mà ngược lại nó lại là một vật thể mang tính ngoại giao và thân thiện. Hãy tưởng tượng xem, nếu những bữa tiệc chiêu đãi trong môi trường chính trị, ngoại giao hay thương mại … mà không có rượu thì cũng là một sự khiếm khuyết rất quan trọng vậy.

Hết

Lưu An Vũ ngọc Ruẩn
(Viết lại Zürich March 2023 )

Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2023

Hoasen - Sáng Tác: Mai Phạm - Hoà Âm: Minh Mẫn -Trình Bày: Triệu Yên


Sáng Tác: Mai Phạm
Hoà Âm: Minh Mẫn
Trình Bày: Triệu Yên

Mừng Phật Đản 2023

 

Trần gian một đoá vô thường

Mừng ngày Phật Đản tỏ tường sắc không

Ngài sinh trong cõi bụi hồng

Trong ngôi Thái Tử thuộc dòng đế vương.

 

Tấm lòng rộng mở chân phương

Thế nhân trong kiếp đoạn trường phù vân

Cởi hoàng bào độ thế nhân

Cơn mê tỉnh mộng chuyên cần đường tu.

 

Sen hồng nở cánh vô ưu

Mở ra chánh pháp khởi từ nơi đây

Pháp luân tuôn chảy đêm ngày

Đem nguồn hạnh phúc trải bày thế gian.

 

Phật về tâm đạo mây ngàn

Hào quang rực rỡ xóa tan u buồn

A Di Đà Phật trường tồn

Soi tâm thánh thiện dẫn hồn thế nhân.

 

Tràng kinh niệm Phật bao lần

Ngộ ra trong cõi phù vân kiếp người

Phật về chánh niệm sáng ngời

Linh thiêng Phật pháp tuyệt vời đường tu.

 

Lê Tuấn

 

Kính Mừng Phật Đản

 

Đản sinh thị hiện khắp muôn nơi
Phật giáng trần gian bố đức ngời
Trí sáng soi mình, sân hận bỏ
Tâm bình quán ngã, oán thù vơi
Bồ đề thấu hiểu thì siêu việt
Bát nhã am tường mới diệu vời
Bảy bước sen mầu, Ngài nhập thế
Hoằng dương chánh pháp, độ muôn đời...

Duy Anh
Đại lễ VESAK Phật lịch 2567

Lễ Phật Đản - Cây Ngọc Lan


Lời phi lộ:

Khi còn ở Việt Nam, gia đình em có hai căn nhà: một căn ngoài mặt đường để bán quán cà phê, một căn trong hẻm để sinh sống. Căn nhà mặt tiền gần nhà thờ xứ Đức Tin, căn nhà trong hẻm, phía sau Chùa Vĩnh Quang. Chùa nhỏ bé, nên sân chùa cũng bé nhỏ, nhưng trồng nhiều chậu hoa, cụm bông xinh xinh, đặc biệt là cây Ngọc Lan có những bông trắng, dài như những ngón tay thon, thơm ngát.
Những ngày lễ lớn, ngày Rằm, Vu Lan, Phật Đản, Tết Nguyên Đán, cổng chính và hai cổng phụ của Chùa rộng mở đón khách thập phương. Cùng với tiếng kinh mõ đều đặn, là mùi trầm nhang lan toả, quyện với hương Ngọc Lan ngào ngạt, là cảm giác yên bình, thanh tịnh đến ngất ngây …

Ngọc Lan

Chỉ vì Ngọc Lan, tôi làm thơ
Nhớ về kỷ niệm của ngày xưa
Tôi và anh, hai người xa lạ
Tình cờ gặp nhau, vãn cảnh chùa
Trời nắng, dưới cây tìm bóng mát
Hoa trắng tinh, đài các, dài thon
Lá xanh mượt mà, làm ngây ngất
Êm ả không gian mùi nồng thơm
Điếu thuốc trên tay, anh mơ màng
Khung trời bé nhỏ thật bình an
Bỏ ngoài kia buồn vui, sương gió
Chẳng vướng bận lòng chuyện trần gian
Đời anh ngược xuôi vì thời cuộc
Đợi chờ ngày sóng nổi ra khơi
Tôi cũng mong một lần biển gọi
Vượt trùng dương tìm bến xa xôi
Mình đi dạo vườn chùa trước sân
Bướm hoa ríu rít cũng bâng khuâng
Vào chánh điện nghe hồn thanh tịnh
Trai phòng, chén trà sen lâng lâng
Bữa cơm chay ngon miệng lạ lùng
Nhang trầm lảng bảng đại hồng chung
Chú tiểu lí lắc mang tay nải
Oản xôi, tiễn khách về, chiều buông
Ngọc Lan rung rinh, chào lưu luyến
Anh hái tặng tôi một nụ tươi
Đêm về giấc ngủ còn xao xuyến
Khói thuốc bay, hay cành hoa rơi?
Hôm nay ai nhắc đến chùa xưa
Ôi ngọt ngào cánh gió ngẩn ngơ
Của một lần tao ngộ năm cũ
Tóc rối bồng bềnh …Tôi mộng mơ …

Edmonton, Mùa Phật Đản 2023
Kim Loan

Khổ Đau Khi Tình Tan Vỡ

 

(Cảm tác phù hiệu KĐKT&TV.
Thân tặng quý chiến hữu KQ.)

MỘT giấc mơ hoa luyến nhớ quê .
KIẾP người trôi nổi giữa sông mê .
KHỔ sao duyên nợ không tròn ước !
ĐAU lắm đường tơ đứt lối về !
KHI cách sẻ chia san giới tuyến .
TÌNH nồng khắng khít vượt sơn khê .
TAN rồi ! Khát vọng bao lâu nữa ?
VỠ mộng trùng hoan đã lỗi thề !!!

Lâm Hoài Vũ
Mag 24 , 2023

Biển Tháng Năm

 

Tháng Năm trở lại nơi này
Ngắm màu nước biển cùng mây lam chiều
Gió lên nghĩ đến con diều
Âm thanh trầm bổng dập dìu tiếp nhau
Tháng Năm bên ngọn cỏ lau
Phất phơ bông trắng một màu hoang sơ
Xa xa như những ngọn cờ
Trên đồi cát trắng dật dờ ngả nghiêng
Tháng Năm bờ biển bình yên
Mây trời cao rộng nỗi niềm riêng tôi
Lao xao ngọn gió bên đồi
Biển mênh mông quá mù khơi nổi chìm
Tháng Năm tôi trở lại tìm
Nghĩ về quá khứ lim dim mơ màng
Trôi theo sóng nước nhịp nhàng
Long lanh ánh bạc mênh mang đất trời!

051223 – First Landing Virginia Beach!

Võ Phú

Em Hiền Như Cọp

 

(Thơ cho Như Nguyệt và Mãnh Thú)

Vòng tay ôm chúa sơn lâm,
Cỏ cây bạt vía, âm thầm nhìn em!
Gió rừng phút chốc lặng im,
Suối run run chảy, bày chim sững sờ!

Mắt hồn nhiên vẫn nai tơ,
Miệng hoa, em vẫn ngây thơ mỉm cười!
Dường như mãnh hổ và người,
Trái tim hòa nhịp những lời từ bi (?)

Yêu thương huyền phép diệu kỳ,
Từ em cảm hóa nhu mì hùm thiêng.
Em hiền như cọp Phú Yên (*)
Và con mãnh hổ cũng hiền như em.

Trần Quốc Bảo

Richmond, Virginia
(*) Cọp dữ Phú Yên (Khánh Hòa);
Voi hiền Lạc Thiện (Ban Mê Thuột)
- Ca dao miền Trung

Bạn Và Những Con Số Trong Đời Sống


Đây là bài số sáu trăm sáu mươi ba (663) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo

Hình như đời sống của chúng ta đều gắn liền với những con số.

Khi mới sinh ra đời, nhiều người hỏi đứa bé mới sinh nặng bao nhiêu ký lô theo kiểu Việt Nam hoặc nặng bao nhiêu pounds theo kiểu Mỹ.

Rồi đứa bé biết lật, biết trườn, biết bò, biết nói, biết đi, biết chạy tương hợp với các số tuổi nào đó.

Rồi đứa bé phải đi học lớp mẫu giáo 1 năm, lớp tiểu học 5 năm, lớp trung học 7 năm, lớp đại học 4 năm hay nhiều năm hơn nữa tuỳ ngành nghề chọn lựa.

Bây giờ đứa bé đã trở thành người vị thành niên. Cha mẹ phải lo dựng vợ gả chồng cho các cô cậu chứ lị. Gia đình lúc đầu chỉ có “hai đứa chúng mình thôi nhé” nhưng dần dần được gia tăng nhân số với những các cô chú bé con ra đời. Bây giờ mỗi gia đình chỉ mong sinh 2 con mà thôi chứ không dám sinh đủ “chục có đầu 10 hay 12” như gia đình các thế hệ trước với quan niệm “trời sinh trời dưỡng” vì bây giờ lo cho tụi nhỏ ăn học tới nơi tới chốn cũng mệt “ná thở” rồi!

Rồi thời gian qua, các cô cậu bé con ngày xưa trở thành các vị trung niên trên 40 tuổi và trở thành quý cụ cao niên trên 60 tuổi.

Nếu bạn đi làm đủ 10 năm với 40 tín chỉ (hơn nữa càng tốt) bạn sẽ được hưởng tiền an sinh xã hội (SSA) do chính phủ cấp cho Bạn dựa vào tiền thuế an sinh xã hội bạn đã đóng cho nhà nước khi bạn còn đi làm. Số tiền bạn lãnh được nhiều hay ít tùy theo số năm làm việc và lương bổng nhiều hay ít của bạn trước đây.

Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi và thích ngâm nga câu nói:
“tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc.
Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn”

Tạm dịch là “nếu biết đủ thì là đủ, biết nhàn thì là nhàn, đợi đủ biết bao giờ là đủ, đợi nhàn biết bao giờ là nhàn”. Bạn có thể “treo ấn từ quan, lên non tìm động hoa vàng” nếu bạn muốn hưởng nhàn.


Lúc đó bạn chỉ được lãnh tiền an sinh xã hội khoảng 75% so với tiền hưu nếu bạn về hưu đúng tuổi về hưu chính thức của bạn (66 hay 67 tùy theo năm sinh của bạn). Việc này bạn phải hỏi kỷ lại các cơ quan an sinh xã hội về việc nghỉ hưu và tiền hưu như thế trước khi quyết định chứ đừng bắt chước về hưu sớm như người viết, rồi sau này đổ thừa cho người viết thì than ôi, tội nghiệp cho tôi lắm đấy!

Nếu bạn còn đủ sức khỏe và cần phải tiếp tục đi làm, thì bạn cứ tiếp tục đi làm cho đến khi đúng tuổi về hưu hoặc đã về hưu rồi mà vẫn thích đi làm thêm vì ở nhà buồn quá, thì bạn cứ việc đi làm, vừa được thêm tiền, vừa được đấu hót với bạn bè trong sở. Ở đây là xứ tự do mà lị, bạn có quyền tự do làm gì cũng được miễn là đừng hại mình hại người và vi phạm pháp luật là được. Smile!

Một niềm vui khác là khi bạn đúng 65 tuổi và là công dân Mỹ , dù bạn đã đi làm hay không có đi làm, bạn sẽ được nhà nước ưu ái gửi đến bạn một thẻ Medicare về bảo hiểm sức khỏe của bạn. Tuy nhiên, nếu dịch vụ cung cấp sức khỏe của Medicare không được tốt cho lắm, theo ý bạn, nên bạn cần phải mua thêm phần bảo hiểm sức khỏe phụ thêm nơi các dịch vụ bán bảo hiểm này, để họ có thể trả tiền cho những phần nào mà nhà nước không chịu trả cho bạn khi nằm nhà thương, khám bác sĩ, mua thuốc. v..v.. Dĩ nhiên dịch vụ này tốt hay xấu tùy theo số tiền premium mà bạn đã đóng cho họ hàng tháng. Thường thường bạn vẫn phải chịu phụ trả một khoản phụ phí nào đó.

Một tin vui hơn nữa là nếu bạn có mức lợi tức thấp hơn mức lợi tức tối thiểu mà nhà nước ấn định, bạn được nhà nước ưu ái tặng thêm một thẻ Medicaid cho bạn nữa và được cung cấp thêm phiếu thực phẩm (food stamp) nữa. Nếu đã có Medicare và Medicaid rồi thì bạn cứ ung dung mà sống vui sống khỏe vì rủi ro bạn có bị bịnh thì nhà nước sẽ lo cho bạn hết. Khỏe re!

Khi nhìn hình ảnh các cụ già ở Việt Nam bán từng bó rau héo úa hay làm lụng cực khổ để kiếm miếng ăn cho cá nhân, cho gia đình trong khi ở xứ Mỹ, các cụ già cao niên hưởng được nhiều ưu đãi của chính phủ từ miếng ăn, nhà cửa, săn sóc y tế thì mới thấy được sống ở nơi đây quả là có phúc vô cùng, cho nên chúng ta cần vui sống với những gì đang có trong tầm tay hiện tại là tốt lắm rồi, đừng nên đòi hỏi, so sánh gì thêm nữa nhé.

Về phương diện khác, sống ở xứ Mỹ, ai ai cũng sợ nhất là tiền nhà và tiền đóng bảo hiểm. Thôi thì đủ loại bảo hiểm mà bạn bắt buộc bạn phải đóng, nếu bạn là người tôn trọng luật pháp và muốn an tâm một tí: bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xe, bảo hiểm nhà, bảo hiểm nhân thọ v..v...

Nếu bạn chưa trả hết tiền nhà, tiền xe và nếu chẳng may bạn bị thất nghiệp thì than ôi sau 6 tháng không trả tiền nhà, tiền xe thì kể như nhà của bạn, xe của bạn thuộc về nhà băng rồi dù bạn đã đóng tiền trước đây bao nhiêu cũng mặc kệ. Nhà băng lấy nhà, lấy xe của bạn trước đã. Tình trạng kinh tế suy thoái hiện nay đã có biết bao nhiêu người phải đau đớn giả từ ngôi nhà thân yêu của mình đã sống bao nhiêu năm qua. Nếu bạn đã trả tất (paid off) nợ nhà, nợ xe, người viết xin chúc mừng và góp vui với bạn. Bạn đã là người may mắn và có điểm tốt rồi vì bạn đã thoát nợ. Bravo!

Rồi thời gian lại thấm thoát thoi đưa, bạn sẽ không thể thoát khỏi vòng sinh lão bịnh tử. và rồi đây bạn và tôi sẽ phải mua vé xe đi về một nơi không có sự lo toan, phiền muộn ở chốn vĩnh hằng. Dĩ nhiên bạn hay gia đình bạn phải bỏ một số tiền để mua vé “một chiều” (one way) đó vào cái tuổi thượng thọ ( trên 70 ) hay đại thượng thọ ( trên 90 hay 100).

Cũng lại là những con số theo ta suốt đời, bạn nhỉ? Chạy trời không khỏi số!
Mời Bạn cùng đọc với người viết lời khuyên của Thượng tọa Thích Tánh Tuệ gửi đến đại chúng mà chúng ta cần nên biết để được sống an lạc giữa chốn hồng trần này. nhé. Kính tri ân Thầy Thích Tánh Tuệ.


Thấu Hiểu Bản Chất Đời Sống Liền Thanh Thản

Nếu bạn đang cảm thấy phiền não, cảm thấy mất niềm tin vào cuộc sống này, thì hy vọng rằng sau khi bạn biết được 10 điều “bất lực” trong đời người này, bạn sẽ thấu hiểu được nhiều hơn, buông xả nhiều hơn, sống chấp nhận được nhiều hơn.

1. SỰ CÔ ĐƠN KHÔNG AI HIỂU THẤU
Con người, bất kể là đang vui vẻ hay ưu sầu, cao sang hay hèn mọn, đều có thể bắt gặp cảm giác cô đơn không sao hiểu thấu, nó quanh quẩn trong tâm hồn mỗi người, tựa như đang tìm kiếm ý nghĩa chân thực của đời người.

2. NGƯỜI BẠN THƯƠNG LÌA XA BẠN
Con người đến với nhau vì duyên, ra đi cũng là duyên, không cần quá níu kéo, bởi có níu kéo cũng không giữ được. Người rời xa bạn, đó là họ đã đánh mất bạn, không phải bạn đã đánh mất họ. Cũng có thể, rời xa là để gặp lại nhau tại một nơi nào đó tốt đẹp hơn.

3. THỜI GIAN TRÔI QUA
Trong dòng chảy cuộc đời, thời gian cuốn trôi đi bao thị phi, phiền muộn, bao niềm vui nỗi buồn, cũng như cả tuổi thanh xuân. Thời gian một khi trôi qua là không thể nào trở lại, vậy nên, việc gì cần làm thì nên cố gắng nỗ lực, đời này, ít nhất là không hổ thẹn với chính mình.

4. TÌNH YÊU VÔ VỌNG
Một loại độc dược rất ngọt ngào gọi là “ưa thích”, cái thích này không có giới hạn, đủ dạng đủ loại, nhưng rốt cuộc ưa thích vẫn là ưa thích, nó không phải là “yêu” mà la sự khát khao sở hữu trong vô vọng.

5. THẤT BẠI
Thất bại tựa như một bức tường đổ sụp, nó đè lên thân bạn, khiến bạn không cách nào vùng vẫy, không thở được, khiến bạn mất đi niềm tin. Tuy nhiên, nếu bạn lặng lẽ buông xuôi thì bạn sẽ không cách nào đứng dậy được nữa. Nếu bạn cố gắng đứng lên, bạn sẽ thấy mọi thứ không quá tồi tệ như mình vẫn nghĩ.

6. KHÔNG THỂ LỰA CHỌN NƠI XUẤT THÂN
Có người sinh ra đã là vua, có người sinh ra là quý tộc, nhưng rất nhiều người sinh ra đã là thường dân. Trên thế giới này, chúng ta có thể thay đổi được mọi thứ, nhưng không thể lựa chọn cho mình được nơi sinh ra, lựa chọn bậc sinh thành. Bạn không thể lựa chọn nơi sinh ra nhưng hoàn toàn co thể lựa chọn được cách sống.

7. LÃNG QUÊN
Nhiều người trong chúng ta cho rằng cả đời sẽ không bao giờ quên đi sự tình, ngay cả những chuyện chúng ta cho rằng không thể quên, rốt cuộc vẫn sẽ bị lãng quên. Cuộc sống vì có kỷ niệm, nên mới có những phút giây hoài niệm. Hãy cứ để mọi chuyện thuận theo tự nhiên, sống an vui với hiện tại là điều nên làm nhất.

8. QUÁ KHỨ ĐÃ QUA
Một giây vừa trôi qua đã trở thành quá khứ. Cuộc sống này, rất nhiều thứ sẽ mất đi, dù muốn hay không cũng nên chấp nhận. Điều duy nhất có thể đọng lại, đó là những yêu thương chân thành bạn đã dành cho người thân và và tha nhân.

9. NGƯỜI KHÁC CƯỜI NHẠO, CHÊ BAI..
Miệng là của người khác, tai là của bản thân mình, nói hay không đó là việc của họ, còn nghe hay không lại là chuyện riêng của mình, chúng ta phải học cách mỉm cười khi đối mặt với tất cả điều này.

10. KHÔNG TRÁNH KHỎI CÁI CHẾT
Cuộc sống là một quá trình, và cái chết là điều không thể tránh khỏi. Nếu như đã không tránh khỏi, vậy chớ nên đầu tư và cung phụng quá nhiều cho thân xác hư giả này mà hãy để thời gian tìm hiểu và thực nghiệm đời sống tâm linh, sống có ích và sống trọn vẹn trong hiện tại rồi chuyện gì đến sẽ đến, như vậy những phút giây hiện hữu trên đời này mới có ý nghĩa và hạnh phúc đong đầy..

Mây kia nào phải bầu trời
Mặc mây vờn gió
Bụt ngồi an nhiên
Nắng mưa.. là chuyện trần duyên
Đến đi vẫn thế an nhiên Bụt ngồi.
Mắt nhìn vạn sự cùng trôi
Hương trà thực tại
bờ môi biết là..
(Như Nhiên - ThíchTánhTuệ)

Chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam
(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi MCTN 663-ORTB 1092-52423)

Những Giai Thoại Kỳ Thú Giữ Tôi Và Rượu(Phần Một)


Đã bao nhiêu lần dự tính viết một bài về rượu vang, một hiện tượng khá kỳ thú trong cuộc đời tôi, nhưng vì bận rộn với công việc làm ăn và cũng vì chưa thực sự có niềm tin về kiến thức của mình nên tôi đã lưỡng lự chưa làm được. Tuy nhiên, trong những dịp gặp gỡ bạn bè quanh bàn ăn nhậu hay liên hệ trên emails. Tôi lại mong có dịp “phô diễn “ một chút kiến thức của mình về rượu với bạn bè làm vui và cũng để thỏa mãn bản tính thích tâm sự trong lãnh vực ít hay nhiều có liên quan đến chuyên môn của mình.

Ngẫu nhiên, tuần vừa rồi khi nhận được tạp chí “ Viên Giác “ số 221, tháng 10 năm 2017, bài viết “ RƯỢU VÀ TÔI ” của tác giả Nguyên Trí Hồ Thanh Trúc. Tôi đã đọc bài viết với tất cả cảm khoái khi tác giả dùng lối văn rất chân thật để dẫn dắt người đọc vào con đường duyên nợ của tác giả với rượu ngay từ khi lên bốn tuổi. Đặc biệt là nhờ bài báo đó, tôi tìm ra một cách viết, chủ đề về rượu nhưng không đi quá sâu hay quá nhiều vào khía cạnh khoa học mà chỉ lướt qua một cách khái quát về rượu (giống như tác giả Hồ Thanh Trúc) mà thôi .

Điều quan trọng nhất là tôi muốn làm nổi bật lên cái cơ duyên lạ kỳ mà Rượu đã đến với tôi, cho tôi những kiến thức khá tốt về nó. Chính nhờ kiến thức này tôi đã có những người bạn rất tốt, rất chân thành, mặc dù tửu lượng của tôi rất kém nếu không muốn nói là tôi không thể uống được quá một ly nhỏ rượu vang.

Tôi không biết những thế hệ trước ông nội tôi có ai nghiện hay có khả năng uống rượu như hũ chìm hay không. Nhưng thế hệ của ông tôi, bố tôi cũng như thế hệ của tôi, không có một ai trong họ hàng ghiền hay mang tiếng bê tha với rượu. Lúc tôi còn là đứa bé 8,9 tuổi, đôi lần trong các dịp giỗ tết, bố tôi cùng với chú bác tôi quây quần ăn uống, nhưng chỉ vài chai bia cho cả 5, 6 người. Rồi ai ai cũng đỏ mặt tía tai, than nhức đầu và tìm cách đi ngủ. Bài viết này khá dài nên tôi chia nó ra làm 2 phần:

Phần một gồm 4 tiểu đề:

1. - Rượu, người bạn vẫn còn xa lạ.
2.- Một vở kịch khó quên.
3.- Rượu, những kiến thức khởi đầu.
4.- Ông bố vợ, Lệnh Hồ Xung Nhật bản.
Phần hai gồm 5 tiêu đề :
5.- Người hàng xóm, họ Lưu Linh.
6.- Ông già Samichlaus với chai rượu trong mơ.
7.- Một người bạn mới quen nhờ rượu.
8.- Vài hiện tượng khó hiểu, những chai rượu ở Việt Nam.
9.- Những cảm nhận lạc quan về rượu.

Phần một

1.- Rượu, người bạn vẫn còn xa lạ.

Cá nhân tôi vì hoàn cảnh gia đình nghèo túng nên tôi đã bước vào đời rất sớm so với bạn bè cùng lứa. Tôi đã giao du với đủ hạng người, tốt cũng như xấu trong một khu lao động tối tăm của xã hội mà gia đình tôi là một thành viên. Ngay ở cái tuổi lên 8 , lên 9, hình ảnh những cảnh say sưa ngả nghiêng, chân bước xiêu vẹo, phá làng phá xóm, đánh vợ chửi con… của những ngài Lưu Linh trong xóm, đã xảy ra quá thường trong tuổi thơ ấu của tôi. Bạn bè tôi tại đó, chỉ với tuổi chớm lớn, 12, 13 nhưng hầu hết đã biết phì phò điếu thuốc trên môi hay tham gia những bữa nhậu lai rai kèm theo lon bia hay tí rượu đế ! Trong cái môi trường “ dễ đua đòi, bắt chước “ đó tôi vẫn đứng ngoài và dị ứng với rượu một cách rất kỳ lạ, khó tin.

Đôi lần vì mồi chài, xui bẩy của bạn bè hay o ép của “ đàn anh “ trong xóm. Tôi cũng đã phải nhăn mặt nhấp môi hay hít vài hơi thuốc lá. Nhưng cũng đủ làm cho tôi nhức đầu, ho sặc sụa và chịu thua ! Có lẽ vì hiện tượng kỳ lạ, không quen đó đã giúp cho tôi cách xa những tật ách của rượu và thuốc lá rất dễ dàng, suốt cuộc đời của tôi vậy.?

Lớn lên, bước qua bậc trung học, chập chững bước lên đại học. Ở cái lứa tuổi 19, 20, phần rất lớn bạn bè đồng lứa, họ hút thuốc, ăn nhậu, cờ bạc, rượu bia coi như là chuyện thường tình, không có gì để phê phán. Nhưng tôi vẫn chưa tìm thấy cái cảm khoái từ những thú vui mà các bạn tôi cố gắng tập tành, coi như biểu tượng sự khôn lớn của người thanh niên thời đại văn minh. Sau khi tốt nghiệp, đi làm việc được hơn một năm, cũng như bao thanh niên thời chiến tranh. Tôi bị động viên vào quân đội khoảng một năm trời rồi lại trở về với cuộc sống dân sự. Với môi trường quân đội và công chức, có thể nói “dịp may” quen thuộc với rượu bia, ăn nhậu đã đến với tôi rất nhiều và dễ dàng. Những lần hội ngộ bạn bè cùng quân ngũ. Tiệc tùng chiêu đãi khách tại cơ quan rồi đám cưới, đám hỏi, sinh nhật, ngay cả chuyện chia buồn vì cha mẹ, ông bà ra về với đất đá hư vô ..v…v.. Vẫn phải có những lon bia, hũ rượu. Tôi vẫn là kẻ vô duyên, không cảm khoái, đứng bên lề với cái chất lỏng đê mê, mộng ảo đó!

Biết bao nhiêu lần nhập cuộc vui với bạn bè, tôi luôn luôn mang tiếng là tên “ phá mồi “ vì chỉ biết ăn mà không biết uống! Nói thật, dù bị mang tiếng như vậy, nhưng tôi vẫn có cái tốt để bạn bè không ghét bỏ và cũng chẳng quên mời gọi tôi nhập cuộc khi có dịp ngả nghiêng! Đó là tôi có tố chất của một người duy nhất trong cuộc nhậu còn tỉnh táo, không say (có uống đâu mà say!). Cuối cùng tôi đóng vai trò “ thu dọn chiến trường” hay cõng vác những chiến tướng của Lưu Linh không còn khả năng đi về bằng hai chân!

Đầu năm 1974, lên máy bay rời xa Vietnam sang Nhật bản. Một môi trường mới, dù khuôn thước, luật lệ khắt khe nhưng nạn say xỉn có lẽ cũng chẳng thua kém gì so với Việt nam. Những buổi tối lang thang ở những khu ăn chơi. Huynh đệ Lưu Linh, chân phải đá chân trái, nghêu ngao hát hò. Miệng toàn mùi sake hay bia rượu thơm lừng bước ra từ những ăn tiệm, quán nhậu cũng đầy nhóc. Nhất là thời gian, khoảng hơn 5 năm tôi học hành và kiếm sống tại Kagoshima, thành phố cực nam của Nhật bản, vương quốc của rượu shoyu (sản phẩm từ khoai ngọt, còn sake từ gạo ) danh tửu của địa phương. Tôi có thể đoan chắc, cư dân nơi đây không một ai, dù đàn ông hay đàn bà, trí thức, giầu có hay lao động, bần dân mà không ai, không biết uống rượu. Uống một cách rất đáng nể, uống không biết say mà đầy cảm khoái!

Với thời gian khá dài đó, trong môi trường đại học cũng như trong xưởng hãng nơi tôi làm việc. Những dịp “ kom-pa “ (company) của sinh viên, giảng viên trong đại học hay bạn đồng nghiệp trong công ty xảy ra rất thường.Tôi vẫn là thành viên được mọi người kêu gọi, dù họ biết tôi chỉ dám nhấp môi để cụng ly làm vui cho cuộc nhậu và im lặng “phá mồi“ ! Có lẽ nhờ bản tính dễ hoà đồng, thích vui đoàn nhóm. Thêm vào đó, cái khả năng “bi bô” tiếng Nhật của tôi không chuẩn, đã làm cho họ thích thú, cười vui mà cho nhập cuộc !.

Có thể nói với khoảng 6 năm ở Nhật, tôi vẫn giữ được bình thản, lạ lùng với rượu bia. Vẫn không biết ý nghĩa thật của chữ ngon hay dở của nó dù rất nhiều người ôm lấy nó như một người bạn tâm giao ! Dĩ nhiên cũng có những lúc buồn chán vì thất bại, vì tương lai mờ mịt ( khoảng 3,4 năm sau 1975) tôi cũng đã bao lần có ý buông xuôi, tìm quên trong mờ ảo! Nhưng may mắn thay, những ý nghĩ tiêu cực đó chỉ thoáng qua. Ngày xa rời Nhật bản, tôi vẫn là kẽ xa lạ với rượu.

2.- Một vở kịch khó quên.

Trong khoảng thời gian ở Nhật bản, có một giai thoại mà tôi nhớ mãi liên quan đến rượu và vị giáo sư trưởng phân khoa thực phẩm, cũng là thầy đỡ đầu cho việc học của tôi. Một hôm vào khoảng gần 7 giờ tối thứ bẩy, tất cả các sinh viên khác đã ra về. Chỉ còn một mình tôi đang loay hoay với công việc trong phòng thí nghiệm. Không biết từ lúc nào, ông đến vỗ nhẹ vào vai tôi, nói vài chuyện vu vơ rồi mời tôi đi ăn cơm tối để chia vui vì ông vừa có đứa cháu nội đầu tiên. Tôi cúi đầu nói vài câu chúc mừng, nhưng vẫn không dấu được chút suy nghĩ. Hình như nhìn thấy vẻ ngần ngừ của tôi vì lời mời không báo trước. Ông vỗ nhẹ vài cái lên vai tôi, miệng mỉm cười nói:
-Tôi biết anh đang khó nghĩ vì chuyện quà mừng cho cháu tôi phải không ? Khỏi lo lắng cho mệt! Anh nhận lời mời, chia vui với tôi là đủ lắm rồi.

Rồi chẳng cần tôi trả lời, ông xua tay ra dấu cho tôi dẹp công việc, chuẩn bị đi với ông.Với hoàn cảnh đó tôi chẳng có lý do gì để từ chối, nhất là tôi biết rất rõ, ông chỉ mời một mình tôi trong khi trong phòng thí nghiệm có khoảng chục sinh viên khác, một ông thầy phó và một ông phụ giảng.

Chúng tôi đến một nhà hàng sang trọng tại trung tâm thành phố. Vừa đẩy cánh cửa kéo, chưa kịp cởi đôi giầy. Từ phía trong nhà hàng, một phụ nữ trung niên, có lẽ là chủ hay quản lý, trong bộ kimono sặc sỡ đon đả, nồng nhiệt bước ra tận mép thềm cửa quỳ lạy đón chào thầy trò chúng tôi. Qua vài câu đối đáp rất thân quen giữa bà ta với thầy, cho tôi biết ông là một khách hàng rất thường của nhà hàng.

Theo hướng dẫn của người phụ nữ, chúng tôi vào một căn phòng trải tatami không quá rộng. Nơi đó đã bầy sẵn những món ăn trên một chiếc bàn bằng gỗ màu nâu đậm, ngắn chân. Hai người phụ nữ khác cũng với bộ kimono, hoan hỉ quỳ lạy đón chào chúng tôi. Họ đưa tay xếp nắn lại chiếc gối nệm ra ý mời chúng tôi ngồi quanh chiếc bàn ăn.Thầy vui vẻ giới thiệu tôi với hai người phụ nữ hầu rượu. Rồi với giọng nói rất chậm và rõ ràng ông nhắc hai người tiếp viên phải làm sao cho tôi uống thật say, càng nhiều càng tốt. Quay sang tôi, ông đập nhẹ cánh tay tôi, đầu gật gật với vẻ thích thú:
-Hôm nay là ngoại lệ, anh phải uống thật say. Đừng lo, tôi sẽ gọi taxi ,đưa anh đến tận nhà.

Thành thật khi nghe ông nói với giọng quả quyết như vậy đã làm tôi có chút run lo! Bữa cơm buổi trưa quá nhẹ, sơ sài với vài mẩu bánh mì và một trái chuối. Cái dạ dày trống không như vậy có lẽ chỉ cần vài giọt rượu, không quá 10 phút, cũng đủ làm cho tôi không còn tỉnh táo đứng dậy. Nói chi đến việc cầm cự nhiều giờ để chia vui với ông được? Nếu như vậy, tôi sẽ làm niềm vui của ông thành nhạt nhẽo, vô duyên! Điều mà tôi hoàn toàn không muốn !

Đúng lúc đang bối rối, một cô hầu bàn từ phía cửa căn phòng khệ nệ đem vào một cái khay gỗ mầu nâu đựng nước nóng dùng cho việc hâm rượu. Trên nắp khay có khoảng chục bình rượu nho nhỏ bằng sứ trắng để vừa khít vào những lỗ tròn của cái khay. Cô gái để chiếc khay hâm rượu xuống mặt tatami khoảng giữa hai phụ nữ tiếp rượu mặc kimono rồi lễ độ cúi đầu chào và lui ra khỏi phòng. Hướng mắt nhìn vào chiếc khay hâm rượu với chút vui mừng vì tôi đã tìm ra một lối thoát cho cái khó khăn của mình.

Ghé sát vào tai người phụ nữ tiếp rượu, ngồi sát bên cạnh. Tôi thì thầm nói với bà ta vài câu, rồi lấy cớ đứng dậy muốn vào phòng rửa tay. Người phụ nữ hơi chau mày khó hiểu nhưng cũng đứng dậy, bước theo tôi ra ngoài phòng ăn.Tôi nói cho bà ta hiểu về hoàn cảnh khó xử cũng như khả năng uống rượu bết bát của tôi. Nếu tôi say quá sớm sẽ làm thầy buồn vì cuộc vui qua mau !! Mong bà cảm thông mà pha cho riêng tôi những bình rượu rất nhẹ! Ban đầu bà ta có vẻ ngạc nhiên, có ý không bằng lòng. Nhưng có lẽ, vẻ chân thành xin xỏ và nhất là với cái vốn tiếng Nhật sứt mẻ của một tên ngoại quốc đã làm bà thích thú. Mỉm cười bà nhìn tôi hỏi:
-Hai, tám (2:8) được không ? ( 2 phần rượu pha với 8 phần nước, khoảng 5% rượu nguyên chất, tương đương với bia )

Hơi nhăn mặt, tôi nói với bà ta, tỷ lệ đó vẫn còn rất nặng so với “ tửu lượng” của tôi ! Cuối cùng sau vài lần cù cưa, bà ta lắc đầu, thở dài nhè nhẹ nhưng cũng không quên đưa mắt thích thú nhìn tôi vì cái trò ma mãnh, mà có lẽ lần đầu tiên trong nghề nghiệp bà ta được tham gia !! Tỷ lệ một, hai mươi (1:20) đã được chúng tôi thông suốt!

Thế là xong, tôi trở lại bàn ăn. Một lúc sau, cô gái hầu bàn khệ nệ bưng ra một cái khay hâm rượu khác, cũng đầy những bình rượu nhỏ trên nắp khay, thay thế cho cái cũ, rồi ra khỏi phòng ăn như chẳng có gì xảy ra. Người phụ nữ tiếp rượu nhìn tôi mỉm cười. Kín đáo chỉ cho tôi dấu tích khác biệt của mấy bình rượu trong chiếc khay hâm rượu mới, vừa được thay thế!

Thế là cuộc ăn uống của thầy trò chúng tôi tiếp tục trong vui vẻ sảng khoái cùng với những lời nói đưa đẩy ngọt ngào, cung phụng món ăn và rượu rất chuyên nghiệp của hai người tiếp rượu. Với cái lối pha lạt nhách, chỉ khoảng 1.25 % chất rượu. Thêm vào đó lại được ăn no những món ăn “vương giả “ thì làm sao đánh gục được tôi, để rồi tôi phải nhờ đến thầy dìu đỡ về nhà như thầy tưởng tượng được?! Dĩ nhiên, dù với lượng rượu như nước lã cũng làm cho khuôn mặt tôi gay đỏ nhưng tôi vẫn tỉnh táo, cười vui không một lần từ chối khi thầy muốn cụng ly, cạn chén!

Cuộc vui thật sự trọn vẹn! tôi vẫn tỉnh táo! Thầy cũng vừa lòng vì tôi đã nhập cuộc với ông từ lúc khởi đầu cho đến lúc tiệc tan. Một điều rất thích thú đã làm tôi và ông cười vang mỗi khi gặp nhau và nhắc lại. Đó là sau bữa nhậu hôm đó, không phải ông đưa tôi về nhà. Ngược lại chính tôi đã phải dìu ông vào taxis và cũng chính tôi phải đỡ ông vào nhà với cái nhìn rất ngạc nhiên của bà vợ của thầy.

Sáng thứ hai tuần kế tiếp, khi tôi đến phòng thí nghiệm, mọi sự bình thường như mọi ngày, chẳng có gì khác lạ. Nhưng vào khoảng 10 giờ là thời gian giải lao, tôi và nhóm sinh viên đang quây quần uống trà ăn bánh. Thình lình thầy bước vào với khuôn mặt rất vui, tự kéo chiếc ghế ngồi xuống mép bàn rồi đưa mắt nhìn chúng tôi. Cười thành tiếng, Thầy chỉ vào tôi ông vui vẻ nói to:
-Cả phòng chúng ta bị anh ta đánh lừa rồi! Tối hôm trước, anh ta đã đi ăn nhậu với tôi trên trung tâm thành phố. Tửu lượng của anh ta chẳng yếu tí nào, ngược lại còn tỉnh táo, dìu dắt đưa tôi về tận nhà đó!

Rồi ông kể rất rõ ràng từng chi tiết cuộc ăn nhậu của tôi và ông cho tất cả mọi người nghe! Bạn bè trong phòng thí nghiệm ồn ào, nhìn tôi với khá nhiều thắc mắc, khó tin! Họ hỏi tôi đủ chuyện. Có người còn nhẹ nhàng phê phán tôi đã không thật lòng với họ trong các buổi kom-pa trước kia ..v..v… Tôi cũng chỉ tìm cách biện hộ cho qua, nào là vì vui quá với thầy mà quên say! Nào là người hầu bàn tiếp mời liên tục những món ăn hợp khẩu vị nên không sót bụng mà không say! ..v..v.. và ..v..v … Tôi giấu kín cái trò ma mãnh của mình.

Cũng thật may, sau cuộc vui (không trong sáng đó ) khoảng vài ba tháng sau thì tôi tốt nghiệp. Nhờ sự giới thiệu của ông, tôi đã có việc tại một công ty về thực phẩm trong tỉnh cho đến ngày tôi sang Thuỵ sĩ định cư. Vào khoảng năm 1990 ông và ông thầy phó trên đường sang Anh quốc dự hội thảo khoa học, cả hai ông tạt thăm gia đình tôi vài ngày. Trong một bữa cơm, tôi đem rượu mời hai ông. Thấy tôi uống ít, có vẻ yếu rượu. Với chút ngạc nhiên, ông nhắc lại lần uống rượu “ dữ dội “ với ông nhiều năm về trước. Lúc đó tôi mới nói sự thật của lần uống rượu không minh bạch đó cho hai ông nghe ! Cả hai nhìn tôi thích thú cười vang và còn khen tôi lanh trí, khôn ngoan!

Năm 2005 trong lần về thăm gia đình bên vợ tại Kagoshima, tôi có điện thoại đến nhà ông, nhưng lạ kỳ không có ai bắt máy, tôi nghĩ chắc hai ông bà đi thăm gia đình con cháu ở Osaka.Tôi điện thoại đến ông thầy phó, mới biết tin ông bị ung thư phổi đã đến giai đoạn cuối và hiện đang nằm tại một bịnh viện trong thành phố. Vội vàng cùng vợ, chúng tôi đến thăm ông. Nhìn thấy ông tong teo nằm trên giường bệnh. Những sợi dây nối vào cơ thể đến những máy móc chung quanh, cho tôi cái cảm giác rất buồn vì biết chắc không lâu nữa tôi và ông sẽ vĩnh biệt nhau. Khi được người y tá đánh thức. Ông nhìn vợ chồng tôi với ánh mắt mừng rỡ, cố gắng đưa tay ra hiệu cho người y tá dùng máy rút đàm ra khỏi cổ họng để ông nói chuyện. Ra hiệu cho tôi cúi xuống gần hơn, ông thì thào hỏi thăm sức khoẻ tất cả người trong gia đình tôi. Chúc tôi mãi mãi hạnh phúc, thành công. Đưa cánh tay èo ọt vời vợ tôi đến gần, ông nói nhỏ nhưng rất rõ ràng:
- “ Nó là một người chồng rất tốt, hãy biết trân trọng ! “

Tâm sự với ông thêm một lúc, thấy ông quá yếu, gần như muốn ngất đi vì cố gắng tiếp chuyện với chúng tôi. Người y tá ra dấu cho biết cuộc thăm viếng nên chấm dứt. Trong nước mắt, tôi nói vài lời từ giã, cám ơn và chúc ông mau mạnh khỏe để lại có dịp đến thăm viếng ông trong lần về thăm Nhật bản sắp tới. Nhưng tất cả chỉ là những lời chúc tụng, hứa hẹn vu vơ! Tôi về lại Thuỵ sĩ được vài tuần lễ thì nhận được tấm thiệp với hai sọc “ chỉ đen” chéo bên góc phải, từ người con trai cả của ông báo tin ông đã ra đi !!

3.- Rượu, những kiến thức khởi đầu.

Cuối năm 1979, khi rời Nhật Bản đến Thuỵ Sĩ định cư. Tôi vẫn là người rất mù mờ và có ít nhiều thành kiến không tốt với cái chất lỏng mà rất nhiều người coi nó như nguồn vui tuyệt vời trong cuộc sống của họ. Nhưng khi được vào làm việc cho phân khoa thực phẩm thuộc Đại học bách khoa Zuerich. Tôi đã có dịp tiếp xúc với rượu dưới khía cạnh khoa học, nhờ đó sự hiểu biết của tôi về rượu có vẻ thoáng khoát, tích cực hơn. Cũng chính nhờ những kiến thức đó tôi đã có được những tao ngộ rất thú vị trong cuộc sống.

Vào làm việc cho đại học cùng với 8 người khác, mỗi người chúng tôi đều nhận một đề tài khảo cứu khác nhau trong lãnh vực khoa học thực phẩm. Trong đó có một người chuẩn bị cho luận án tiến sĩ của anh ta, liên quan đến những tác nhân trong biến đổi phẩm chất của rượu vang trong biến chế và tồn trữ. Với đề tài này, anh ta đã nhờ tất cả nhân viên cơ hữu của phân khoa, vào mỗi chiều thứ sáu hàng tuần, sau bữa cơm trưa, dành cho anh ta khoảng 5 ,10 phút tại phòng đọc sách trong thư viện của phân khoa. Nơi đó trên mỗi chiếc bàn nhỏ đã để sẵn khoảng 8, 9 ly rượu vang khác nhau cùng với một đĩa các món ăn như fromage, salami, thịt xông khói..v..v.. dùng cho người thử rượu nhấm nháp và một tờ giấy khổ A 4 ghi số loại rượu thử với những khoảng trống dành cho sự nhận xét. Sau đó anh ta thu nhận tờ giấy ý kiến của mọi người. Sáng thứ tư tuần kế tiếp, cũng tại thư viện của khoa. Anh ta sẽ cho mọi người biết về kết quả thử nghiệm đồng thời nói sơ qua về kỹ thuật biến chế, đặc tính của loại nho, chất phụ trợ tạo mùi, tạo sắc ..v..v… đã được nhà sản xuất xử dụng trong sản xuất và tồn trữ của những mẫu rượu mà tuần trước anh ta nhờ mọi người uống thử và cho ý kiến.

Có thể nói trong suốt 3 năm trời khảo xét rượu và tường trình kết quả của anh ta, tôi không bỏ qua một lần nào. Với tôi mỗi một lần thử rượu và nghe anh ta giải thích, tường trình kỹ thuật biến chế. Nêu ra những khác biệt về mùi, vị kèm theo những bảng phân tích hoá học của các mẫu rượu bằng máy sắc ký áp suất cao (HPLC). Đối với tôi là những bài học tuyệt vời , rất say mê. Tôi có cảm tưởng mỗi lần tham dự là một lần kiến thức về rượu vang của tôi tăng lên rõ ràng. Với khoảng 3 năm dài liên tục học hỏi một cách say mê như vậy, sự hiểu biết về rượu vang của tôi đã có những căn bản rất chuẩn xác, đầy tự tin!

Cũng nhờ cái bệ phóng kiến thức căn bản đó, rượu vang thực sự đã là người bạn rất tâm giao của tôi, mặc dù tửu lượng của tôi vẫn yếu kém như xưa! Chỉ với một ly nho nhỏ khoảng 50cc cũng đã làm tôi đỏ mặt tía tai và muốn đi nghỉ ! Nhưng tôi không bao giờ bỏ qua những dịp may nếu được cử đi tham dự các cuộc triển lãm hay hội thảo về rượu tại Thuỵ sĩ và Âu châu. Tại Zuerich, vào khoảng cuối tháng 10 hàng năm có lễ hội “thử rượu “ (Wine Expose ) qui tụ rất nhiều nhà sản xuất rượu vang trên thế giới đến tham dự và quảng cáo sản phẩm của họ. Đó cũng là dịp rất thường tôi cùng với bạn bè từ xa đến Thuỵ sĩ để được cùng với họ nếm thử những loại rượu trên thế giới .

Cũng nhờ hiểu biết về rượu một cách khoa học đó. Trong suốt nhiều chục năm sống và làm việc tại Thuỵ Sĩ, nhờ tì kiến thức về rượu, tôi đã có được những dịp may quen biết được người bạn tâm giao, trí thức trong xã hội. Tôi nêu ra một vài giai thoại xảy ra trong đời tôi có liên quan đến rượu như một kỷ niệm hoài tưởng về họ.

4.- Ông bố vợ, Lệnh Hồ Đại Ca Nhật Bản.

Bố vợ tôi trong thời chiến tranh thế giới ông là một sĩ quan huấn luyện Kendo (3 đẳng) cho quân đội Nhật tại Mãn Châu. Khi chiến tranh chấm dứt ông bị Nga Xô bắt làm tù binh, lao động khổ sai tại để xây dựng đường hoả xa xuyên Siberia. Sau đó được tự do, trở về Nhật, ông bước vào nghề giáo học. Qua vợ và mẹ vợ tôi cho biết ông là một người rất mê và uống rượu rất giỏi.

Ông đã sang Thuỵ Sĩ thăm gia đình tôi vài ba lần ngắn hạn, nhưng mùa hè năm 1990 khi đã nghỉ hưu, ông sang ở với gia đình tôi nhiều tháng trời. Với thời gian khá dài này, ông đã được chúng tôi tiếp đãi rất nhiều loại rượu, từ bia, rượu vang, champagne đến những rượu mạnh (whisky, cognac ….) của nhiều nhãn rượu trên thế giới. Biết ông thích và hiểu rượu cho nên tôi luôn luôn lựa chọn những loại rượu thuộc hàng khá cho ông thưởng thức. Đôi lúc cũng thấy xót túi tiền vì không hề rẻ cho những chai rượu ngon! Tuy nhiên phải công nhận khi nhìn cách uống rượu rất từ tốn, chậm rãi cùng với vẻ mặt tràn trề khoái cảm của ông. Nhất là khi ông nuốt từng ngụm rượu, rồi gật gù, nói vài tiếng ngắn gọn : “Tuyệt ! Tuyệt ! đúng là ngon thật “ ! Đã làm tôi quên hết cái cảm giác tiếc tiền vì mua rượu mà còn thích thú được nói chuyện với ông về phẩm chất của loại rượu mà ông thưởng thức.

Một buổi tối cả đại gia đình vui vẻ quanh bàn ăn, trong khi ông đang nhâm nhi một ly rượu với thịt xông khói. Cũng như các lần trước ông hít hà tấm tắc khen rượu ngon. Nói vài câu cám ơn tôi đã cung cấp cho ông. Bà mẹ vợ nhìn ông mỉm cười trêu chọc:
-Với ông, con sâu rượu thì có loại rượu nào mà không ngon!?...Chỉ tổ tốn tiền của chúng nó mà thôi !
Vợ chồng chúng tôi chưa kịp trả lời thì ông đã nói:
-Cái khoái của người dám bỏ tiền ra mua rượu cho người khác uống, Đó là họ biết, người uống rượu có khả năng hiểu biết về rượu đó, bà à!

Thế là khởi đầu cuộc thảo luận về tiền mua rượu của vợ chồng tôi và tài năng uống và biết về rượu của ông được đưa ra tranh cãi. Cuối cùng ông vui vẻ nói:
-Tôi chỉ tội nghiệp chúng nó phải bỏ tiền ra mua rượu, chứ biết giá trị của rượu với tôi thì bà khỏi lo cho mệt !

Tôi im lặng ghi trong lòng câu nói đó của ông với một dự tính tìm cách xác định sự thật tài năng uống rượu của ông khi có dịp. Rồi khoảng tuần lễ sau đó, mùa nghỉ hè của lũ con đã đến, gia đình chúng tôi và ông bà làm cuộc du lịch Âu châu bằng xe microbus. Với khoảng gần 3 tuần lễ chúng tôi đi gần như khắp Nam và Trung Âu châu. Đến đâu tôi cũng kín đáo dành thời gian đến các cửa hàng bán rượu hay siêu thị lựa mua vài chai vang có tiếng tăm hay thông dụng. Đặc biệt tại Pháp tôi đến các địa danh nổi tiếng về rượu như Bordeaux, Burground, Loire, Côtes du Rhône… Hay ghé vào thăm viếng, nghỉ chân tại các lâu đài, và cũng phải “ bấm bụng “ bỏ ra khoảng 50 hay 60 USD trả cho một chai rượu vang, chưa thể gọi là siêu hạng nhưng cũng thuộc loại “ khá ngon “ cho mục đích muốn chứng thực tài năng uống rượu của ông bố vợ!

Mang về nhà với khoảng hơn 10 loại rượu khác nhau, cộng thêm một số rượu khác của Úc, Mỹ , Nam Phi, Chile và 5 loại của Thuỵ sĩ, đã có sẵn trong hầm rượu (hầm trú ẩn của căn nhà, đã được tôi dùng chứa trái cây, thực phẩm và rượu) của mình. Tổng cộng tôi đã có một danh sách gồm 23 loại rượu vang khác nhau sẵn sàng cho việc kiểm nghiệm.

Sau vài ngày nghỉ ngơi, vào một ngày cuối tuần ấm áp. Tôi nói ý định của tôi là muốn thử tài biết và hiểu về rượu của ông. Không tỏ ra ngạc nhiên khi nghe tôi nói. Có lẽ ông đã manh nha đoán được ý định của tôi trong lần du lịch vừa qua. Ông nhìn tôi mỉm cười và nói:
-Tao chỉ ngại làm vợ chồng mày tốn tiền quá nhiều mà thôi, chứ cái trò muốn thử tài uống rượu của tao, chắc chắn mày sẽ không phải thất vọng đâu !
Nghe ông nói quá tự tin như vậy, tôi cũng có phần hào hứng. Nhưng tôi nghĩ đến vấn đế khác và nói với ông:
-Tiền mua rượu có tiếc thì tôi cũng đã mua rồi ! Nhưng vấn đề ở đây, tôi phải mở ra một lúc hơn 20 chai cho ông thử. Rượu còn lại khi đã mở, làm sao tiêu thụ hết, nếu để quá 2,3 ngày thì coi như chỉ làm dấm trộn salade mà thôi!
Nghe tôi nói xong, ông cười thành tiếng, đưa tay nắm vai tôi lắc nhẹ, Với vẻ thích thú ông nói :
-Khỏi lo về chuyện phí phạm, tao bảo đảm với mày trong 2 hay quá lắm 3 ngày là tất cả sẽ được giải quyết ổn thoả!
Chẳng chờ tôi trả lời, ông dí dỏm:
-Nhưng phải là loại rượu ngon mới hết nhe!

Thế là cuộc “xét nghiệm “được thực hành ngay vào buổi tối hôm sau. Cũng như kiểu thử rượu mà người bạn tôi làm ở phòng thư viện phân khoa thực phẩm hơn 10 năm về trước. Hơn 20 chục cái ly đựng rượu khác nhau, được đánh số mà chỉ tôi có danh sách. Tất cả được xếp thẳng hàng trên chiếc bàn ăn khá to, cùng với một đĩa lớn có đủ những món “ mồi “, sẵn sàng cho ông bố vợ nhập cuộc, trổ tài.


Ông im lặng nhắc từng ly rượu, nhấp một ngụm nhỏ, nuốt từ từ rồi chép miệng vài cái trước khi bỏ một miếng đồ nhắm vào miệng nhai chậm chậm. Im lặng một chút rồi ông lập lại y như vậy cho ly rượu tiếp theo. Sau khi nhấp tất cả các ly rượu xong, đưa mắt nhìn lại hàng ly, suy nghĩ một chút rồi cầm lấy khoảng 9, 10 cái ly bỏ sang một bên, nói nhỏ trong miệng: không đặc biệt!
Ông lập lại như lần đầu với số ly rượu còn lại. Rồi cũng trầm ngâm suy nghĩ và loại ra 4, 5 ly! Nhưng lần loại thứ hai này ông có chút lưỡng lự, cầm 2 ly trong số bị loại lên uống và thử lại một lần nữa, với tí chau mày, nhưng cuối cùng ông quyết định loại nó ra khỏi vòng chiến .

Lần thứ 3, rồi thứ 4 kéo dài lâu hơn, có ly rượu được ông thử đi thử lại 2, 3 lần rồi mới quyết định rút nó ra khỏi vòng tranh chấp! Đến vòng thứ 5, còn lại 4 ly, ông nhấp lại nhiều lần, mỗi lần lại im lặng trầm tư, lưỡng lự! Có lúc ông cầm một ly lên, bỏ sang một bên, suy nghĩ rồi lại nhấp thử và lại mang nó để lại chỗ cũ. Cuối cùng ông nói vợ tôi rót cho ông một ly nước lọc ! Uống ngụm nước to, sục nước trong miệng một tí rồi mới uống, như rửa đi cái mùi vị của rượu còn sót lại trong miệng. Rồi ông cầm ly rượu còn lưỡng lự lên nhấp một ngụm để nó trong miệng một lúc rồi mới từ từ uống. Cuối cùng không có chút lưỡng lự, ông quyết định bỏ ly rượu đó vào nhóm bị loại.

Vòng kế tiếp với 3 ly cuối cùng.Trước khi nhấp một ly nào ông đều dùng nước súc miệng như đã làm với vòng trước. Cứ vậy ông làm đi làm lại 3 lần, uống nước, súc miệng rồi uống rượu. Cặp lông mày đen đậm của ông cháu lại tỏ vẻ không dễ tìm ra được sự lựa chọn. Ngồi thừ ra im lặng đưa mắt nhìn cả 3 ly rượu, sau cùng ông đưa tay cầm lấy một ly rượu xoay vài vòng, ánh mắt chau lại, đưa mắt nhìn tôi và nói:
-Tao loại ly này, nhưng hai ly kia, nói thật tao không thể nào xác định được ly nào nhất, ly nào nhì! Cả hai đều đạt đến mức ngon, đậm đà không thể chê được. Mùi vị quá ngon thấm vào cổ họng một cách rất êm nhẹ. Nuốt xong rồi nhưng trong miệng vẫn còn dư hương mùi thơm của rượu!
Cũng chẳng để cho tôi nói, ông tiếp theo:
-Tao hy vọng cảm nhận của tao là đúng, nhưng nói thật tất cả mấy chục loại rượu hôm nay tao thử thuộc thuộc hàng ngon hay rất ngon. Bỏ xa những chai rượu vang mà tao đã uống ở Nhật!

Mang tờ danh sách 23 loại rượu ra, đối chiếu với chọn lựa của ông. Tôi đã thừ người ra vì ngạc nhiên với kết quả! 5 trong số 6 loại rượu vang đỏ của Thuỵ sĩ bị loại ngay vòng đầu hay vòng thứ 2. Còn duy nhất 1 loại đó là ly rượu mà ông đã loại nó ra trong 3 ly rượu cuối cùng. Chai rượu tên là Sassi Grossi được sản xuất tại tiểu bang Tessin vùng nói tiếng Ý của Thuỵ sĩ tại làng Mendrisio một làng chuyên trồng nho giống Merlot để làm rượu. Chai rượu này do một anh bạn làm trưởng ban kiểm soát phẩm chất thực phẩm của tiểu bang Tessin tặng tôi trong một lần anh ta đến thăm gia đình tôi. Với vị thế trong ban kiểm soát phẩm chất thực phẩm của tiểu bang thì chắc chắn phải là một chai rượu rất ngon. Anh ta là một người trong nhóm khảo cứu của chúng tôi và dĩ nhiên biết rất rõ khả năng biết về rượu của tất cả mọi người trong nhóm nên phải là chai rượu đặc biệt.

Còn 2 chai cuối cùng mà ông không quyết định được ngoài chữ tuyệt hảo là 2 chai của Pháp đều ở vùng Bordeaux. Trong lần du lịch vừa qua khi ghé vào thăm quan lâu đài Figeac (quận St. Emilion). Người hướng dẫn viên của lâu đài dẫn chúng tôi thăm viếng sơ sơ hầm ủ rượu của họ, giới thiệu những loại rượu độc đáo mà họ sản xuất. Vì sự nồng nhiệt của anh ta, tôi đã phải bấm bụng bỏ ra khoảng 45 Euro mua cho họ một chai. Chai rượu này được đóng trong hộp gỗ kèm theo một tờ giấy nhỏ mô tả sơ sơ về loại rượu. Nó được đóng chai năm 1986( 5 năm tuổi ) và được làm bởi 3 loại nho của địa phương là Cabernet Sauvignon, Cabernet Franc và Merlot. Tên chai rượu là Figeac ( St.Emilion) cũng là tên của lâu đài.

Chai còn lại, cũng ở Bordeaux, tôi mua trong ngày cuối cùng của Wine Expose, tai Zürich khi các hãng rượu bán đại giảm giá để thu dọn ( hình như với giá khoảng 40 Sfr.), Tên chai rượu là Baychevelle ,St. Julien ( Beychevelle là tên của lâu đài, làng St. Julien ) rượu làm từ 54% nho Cabernet Sauvignon + 38% nho Merlot và 8% nho Petit Verdot. Trong năm Expose đó loại rượu này được xếp hạng 19/20 !( của cuộc xét nghiệm ) và được xếp vào nhóm rượu tuyệt hảo.

Sau khi nghe tôi giải thích kết quả kèm theo lời cảm phục với tài thưởng thức rượu của ông. Ông nhìn tôi và nói câu xin lỗi vì đã không cho rượu Thuỵ sĩ vào nhóm 2 chai cuối cùng ngon nhất. Tôi cười và cho ông biết thật ra rượu vang của Thuỵ sĩ cũng như các QG khác còn rất nhiều loại rất siêu hạng nhưng tôi không có khả năng bỏ ra hàng trăm hay hàng ngàn USD cho một chai để ông thử đó mà thôi.
Trước khi dẹp bàn tiệc thử rượu, tôi nhắc khéo ông về 23 chai rượu đã mở, dở dang nhờ ông thu vén hộ! Ông cười vỗ vài cái vào vai tôi và nói tôi khỏi lo, tất cả sẽ hết trong thời hạn như ông đã hứa!

Đi làm từ sáng sớm đến chiều tối mới về, tôi cũng chẳng chú ý đến việc còn hay hết của hơn 20 chai rượu dở dang. Dĩ nhiên ở bữa cơm tối, vài chai trong số đó được mang ra cho bữa ăn. Nhưng đến ngày thứ ba, buổi tối khi về nhà, chưa kịp ngồi vào bàn ăn, vợ tôi cho biết tất cả rượu uống dở dang đã hết nhờ tôi xuống hầm rượu mang lên một chai khác !Tôi ngẩn ngơ một lúc nhưng cũng thấy khoái trong lòng. Đúng như ông bố vợ đã hứa, tất cả số rượu đã được ông “ thu dọn “ rất đúng hẹn. Tôi không phải lo phí phạm vì để lâu,rượu sẽ hư !

Nhìn ông bố vợ, to lớn võ biền, hình ảnh Lệnh Hồ Xung với tửu lượng kinh hồn trong truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung chợt hiện ra trong trí nhớ tôi.Tôi có cảm giác ông bố vợ của tôi hình như có cái gì giông giống Lệnh Hồ đại ca thì phải ?! Ông cũng có tài nhận biết, thưởng thức rượu đến mức thượng thừa! Tửu lượng cũng đạt đến mức không say, khó có người so sánh được! Chỉ với hơn 3 ngày mà ông tiêu thụ rất nhẹ nhàng khoảng 15, 16 chai rượu, không phải là một chuyện dễ dàng mà kẻ bình thường có thể làm được như ông! Nhất là trong hai ngày đi làm về nhà vào buổi tối ông không có dấu hiệu gì chứng tỏ say xỉn! Rất bình thường khi nói chuyện cười đùa với mọi người và chơi đùa với 3 đứa cháu ngoại hoàn toàn tỉnh táo, vô tư!

Hết phần một

Lưu An Vũ ngọc Ruẩn
(Viết lại Zürich March 2023 )