Tuổi thơ của tôi gần gũi với trại quân cụ ở Hạnh Thông Tây, quận Gò Vấp. Nơi đây người dân vẫn quen gọi là thành quân cụ
Nhà tôi ở mặt tiền đường đối diện xeo xéo với thành quân cụ, tôi cùng chúng bạn hay chơi đùa quanh cổng thành. Một thuở thanh bình của miền Nam và của tuổi thơ tôi.
Bên trong thành quân cụ tôi cũng quen thuộc luôn, vì có trường tiểu học Đồng Tháp mà tôi đã theo học suốt mấy năm trời.
Học sinh của trường toàn là con cái của quân nhân, dân chính làm việc trong thành quân cụ và cư dân trong xóm sống quanh đây, nhưng vẫn có trường hợp cá biệt, người ở vùng Xóm Mới cách mấy cây số cũng đến đây học như chị Nhạn học cùng với tôi năm lớp nhất. Chị hơn hẳn tuổi lũ chúng tôi nên cả lớp không ai bảo ai đều gọi bằng “chị”.
Về sau tôi đoán, chắc chị lớn tuổi mà học cùng lũ nhỏ ở địa phương chị ngại, chị mắc cỡ nên phải đi học trường xa ??
Mỗi buổi sáng lũ học trò nhỏ đi qua cổng thành có lính gác để đến trường, trong trại là những con đường , những dãy xưởng với hàng cây bóng mát. Từ cổng vào chúng tôi đi bộ trên con đường nhựa dài sạch sẽ là gặp ngôi trường nằm bên tay phải.
Tôi không nhớ kỷ niệm học trò những năm còn quá bé thơ, ngoài những lần làm đổ bình mực tím loang bẩn ra bàn học, tèm nhem sách vở và dính vào cả áo quần đã làm tôi khóc vì sợ bị thày giáo la và vì tiếc lọ mực, tôi lại phải ra tiệm tạp hóa mua những viên mực tím về pha chế trong một lọ mực nhỏ. Cẩn thận mấy “tai nạn” đổ mực vẫn xảy ra, về sau mẹ tôi mua bình mực loai hai ngăn không đổ để tôi mang đi học.
Nhưng cái bàn học của tôi ở lớp đã loang bẩn màu mực tím không thể lau chùi sạch như trước được.
Đời học sinh tiểu học tôi chỉ thích màu mực tím và chiếc ngòi bút lá tre. Tôi biết tiệm tạp hóa nào bán ngòi bút rẻ và đẹp. Tôi thường chọn lựa từng cái rồi mới mua về dùng.
Năm 1961 tôi học lớp nhất. Có hai kỷ niệm tôi vẫn nhớ mãi đến bây giờ.
Kỷ niệm thứ nhất: Đi thăm thày giáo bị bệnh.
Thày giáo lớp nhất của tôi người miền Nam tên là Muôn, thày trẻ trung có mái tóc bồng bềnh chải láng cóong, giống như mái tóc của nghệ sĩ cải lương Út Trà Ôn.
Một hôm thày nghỉ dạy vì bị bệnh và lớp chúng tôi nghe tin thày nằm trong Tổng Y Viện Cộng Hòa.
Tôi có đứa bạn thân cùng lớp cùng xóm tên là Tống thị Tới, bố nó tên Tấn nên đặt tên con là Tới cho ý nghĩa và vần điệu. Nó mắc cỡ vì tên và họ đều “xấu”, nhưng nó lại xinh đẹp dễ thương nhất lớp.
Tôi và Tới. Hai đứa rủ nhau đi thăm thầy dù chẳng biết thày nằm phòng nào, chẳng biết Tổng y viện Cộng Hòa lớn nhỏ ra sao, cứ tưởng đến nơi sẽ tìm ra thày giáo của mình.
Nhưng chúng tôi đủ khôn để hiểu rằng đi thăm người bệnh phải có quà là trái cây.
Hai đứa đã nhịn ăn quà sáng để góp tiền chung mua trái cây. Số tiền ít ỏi chúng tôi không dám hỏi mua cam quýt. Hai đứa bàn nhau mua…..một quả dưa hấu. Cũng là trái cây lại vừa to vừa rẻ.
Thế là tôi và Tới thay phiên nhau khệ nệ bưng quả dưa hấu đi bộ từ nhà đến Tổng Y Viện Cộng Hòa, đường dài cũng phải hơn một mile. Tôi còn nhớ chúng tôi đã dừng chân nghỉ mệt rất lâu dưới một gốc cây to trong khu quân khuyển ngã năm chuồng chó rồi mới đi tiếp nửa đoạn đường còn lại.
Đến cổng bệnh viện hai đứa con nít chúng tôi đã trả lời những câu hỏi của chú lính gác trong đồn canh .
- Các cháu đi đâu?
- Cháu di thăm thày giáo.
- Thày giáo tên gì?
- Thày tên Muôn.
- Tên họ của thày giáo Muôn là gì?
- Cháu không biết.
- Thày Muôn của các cháu nằm khoa nào, phòng nào?
- Cháu không biết.
Chú lính gắt:
- Cái gì hai cháu cũng không biết thì đến đây làm gì?
Chú nhìn hai đứa, nhìn quả dưa hấu tôi ôm trên tay. Sốt ruột:
- Vậy thì thày Muôn dạy trường nào?
- Trường Đồng Tháp trong thành quân cụ.
Chú lính xem xét sổ sách rồi gọi điện thoại một hồi lâu thì cho vào và chỉ rõ lối đi, số phòng.
Hai đứa lại bê quả dưa hấu đi tiếp qua những hành lang bệnh viện với lòng hớn hở vì sắp được gặp thày.
Thấy hai đứa học trò bưng quả dưa hấu bước vào phòng thày Muôn đã ngồi dậy tiếp chúng tôi. Thày cảm động lắm khi nghe chúng tôi ríu rít kể đã đi bộ từ nhà đến đây.
Ông bệnh nhân nằm giường bên cạnh thày Muôn cũng…ngồi nhỏm dậy nhìn quả dưa hấu tủm tỉm cười và khen hai đứa chúng tôi ngoan quá biết đi thăm thày và mua quà tặng thầy làm chúng tôi càng vui và hãnh diện.
Thày Muôn nói đã đỡ rồi vài hôm nữa thày sẽ về nhà và đi dạy lại. Khi chúng tôi chào ra về thày Muôn trìu mến nói cám ơn và thầy tặng lại hai đứa quả dưa hấu.
Hai đứa trẻ con thuở ấy không biết khách sáo, không biết áy náy hay thắc mắc món quà thày không nhận mà còn vui sướng nhận lại quả dưa hấu mang về để bổ ra chia nhau.
***
Kỷ niệm thứ hai là không biết bơi mà dự thi bơi lội tại trường.
Lớp tôi nhận được thông báo cuộc thi bơi vào chủ nhật tuần sau, môn bơi tự do, ai muốn dự thi thì ghi tên.
Tôi và Tới hí hửng ghi tên ngay tại chỗ.
Hai đứa tưởng bơi tự do có nghĩa là…tự do bơi lội trong hồ.
Cái hồ bơi nằm kế bên trường học, hàng ngày chúng tôi thấy nó, chúng tôi thích lắm nhưng chưa bao giờ được xuống hồ tập bơi hay vui đùa. Thì đây là cơ hội.
Chủ nhật tôi và Tới đến trường sớm để mong sớm được xuống hồ bơi cho thỏa thích. Chúng tôi mặc áo tay phồng, quần phồng để khi xuống hồ bơi. Nhưng vẫn tròng thêm cái quần dài bên ngoài vì e thẹn không dám mặc quần phồng hở chân đi từ nhà đến trường.
Hồ bơi hôm nay khác hẳn ngày thường, có giăng dây màu xanh đỏ chia ra từng hàng trên hồ nước trong xanh thật vui mắt. Trên bờ có những dãy ghế xếp hàng ngay ngắn như đang chờ quan khách.
Tôi và Tới gặp con nhỏ Minh Thu, nó cũng đến sớm và đã thay bộ đồ tắm đang đứng xớ rớ gần hồ bơi tôi liền hỏi:
- Sao hôm nay hồ bơi đẹp thế?
- Hôm nay chúng mình thi bơi mà, có quan khách trong thành quân cụ tham dự và phát thưởng nữa đó. Ba má tao cũng tham dự…
Con bé tôi lúc đó vẫn chưa hình dung ra thi bơi là thế nào nhưng đã phát hiện ra mình ăn mặc không đúng kiểu áo tắm bơi lội như con Minh Thu.
Tôi và Tới đi tìm chỗ thay quần, chiếc quần dài cởi ra để trên bãi cỏ bên cạnh hồ bơi .
Thế là hai thí sinh tôi và Tới mặc áo tay phồng, quần phồng…rón rén ra đứng bên hồ bơi cùng các bạn khác để chuẩn bị cuộc bơi đua.
Bây giờ tôi mới biết các “đối thủ” của mình, ngoài Minh Thu còn có con Nga, thằng Mẫn, thằng Quân, thằng Hùng. Toàn là con nhà sĩ quan, cha chúng nó làm việc trong thành quân cụ, sống ở khu cư xá sĩ quan ngay trong thành quân cụ này. Hèn gì con Minh Thu biết rành rẽ cuộc thi bơi.
Nhìn phía trước mặt bên kia hồ khán giả đã ngồi đầy các hàng ghế, họ mặc đồ dân sự đẹp đẽ và mặc đồ lính mang cấp bậc sĩ quan cùng với vợ con của họ. Các thày cô giáo của các lớp cũng có mặt đầy đủ. Thật trang trọng.
Và bây giờ tôi mới hiểu rằng chỗ này không phải cho chúng tôi tung tóe nô đùa vui chơi trong hồ nước như tôi đã nghĩ.
Khi tiếng còi ré lên báo hiệu cuộc thi bắt đầu, mấy đứa kia phóng mình lao xuống nước và bơi, còn tôi và Tới thì…từ từ tụt xuống hồ và vất vả ngụp lặn trong làn nước, lội trong nước, chống trả với nước. Nước vào mắt vào miệng vào mũi vào tai, tôi không có rảnh phút giây nào mà ngước mặt nhìn trời xanh mây trắng nữa.
Mãi tới khi sang đến bờ bên kia, vịn tay vào bờ, tôi hối hả vuốt mặt mũi cho bớt nước và tỉnh người ra, nhìn quanh không thấy ai mà chỉ thấy Tới bên cạnh, tôi khấp khởi mừng thầm tưởng là hai đứa chúng tôi hạng nhất.
Chưa biết cách nào trèo lên bờ hồ thì may quá thày Muôn xuất hiện, thày kéo tay từng đứa lên bờ Tôi hồi hộp hỏi thày:
- Em hạng mấy hả thày?
Con Tới nhanh nhẩu:
- Chúng nó lên bờ trước mình lâu rồi.
Thày Muôn mỉm cười an ủi:
- Hai đứa em là hai người cuối cùng, nãy giờ khán giả vẫn kiên nhẫn ngồi chờ đợi hai em vào bờ. Tuy hai em không thắng giải nào nhưng riêng thày chấm hai em hạng nhất vì lòng can đảm.
- Em can đảm vụ gì hả thày?
- Vì hai em không hề biết bơi mà dám ghi danh dự thi bơi đó.
Thày Muôn an ủi thêm:
- Cũng như bữa hôm hai đứa đi thăm thày bệnh ở Tổng Y Viện Cộng Hòa, không biết thày bệnh gì, nằm phòng nào trong y viện Cộng Hòa rộng lớn, thế mà đến được cũng là hay là giỏi rồi.
Hai chúng tôi quên cả mắc cở vì thi bơi hạng bét, chạy bay ra bãi cỏ tìm quần dài mặc vào cho đỡ lạnh và ra coi mấy đứa kia chuẩn bị lãnh thưởng.
Sau này tôi mới biết đám con nhà sĩ quan ở cư xá trong thành quân cụ đã thường xuyên đến hồ bơi này tập luyện vui chơi nên đứa nào cũng biết bới và bơi giỏi.
Đám trẻ con xóm tôi, đa số là con trai, đứa nào thích bơi lội thì thường ra tắm mấy rạch mấy sông còn gọi là bến tắm ngựa ở An Phú Đông Xóm Mới hay đến những hồ tắm công cộng phải đi xa hơn, phải trả tiền như hồ tắm Đại Đồng cạnh rạp hát Đại Đồng Gia Định, hồ tắm Chi Lăng ở Xóm Gà để tha hồ học bơi.
Hơn một nửa thế kỷ từ khi tôi học lớp nhất đến nay, nhưng kỷ niệm tuổi học trò thơ dại này tôi vẫn còn nhớ vì thường kể cho người thân, bạn bè khi có dịp nên câu chuyện không bao giờ cũ.
Nguyễn Thị Thanh Dương