Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2020

Sinh Ký Tử Quy - Thơ Mỹ Nga - Diễn Ngâm Thanh - Phổ Nhạc Đinh Thế Dũng


Thơ: Mỹ Nga
Diễn Ngâm: Thanh
Phổ Nhạc: Đinh Thế Dũng
Ca sĩ : Minh
Thực Hiện: Đặng Hùng

Niềm Riêng Của Đá



Hỏi rằng sỏi đá biết đau
Thủy triều lên xuống trôi vào giác mê
Xuôi theo con nước vỗ về
Thời gian xoa dịu ê chề hẳn vơi


Kim Phượng

Răng Long Đầu Bạc



Bà ơi coi dùm được không?
Răng tôi giờ chắc đã long hết rồi
Ừ! ông hả miệng tôi coi
Đúng rồi răng cỏ coi mòi long chân

Bà xem tóc bạc toàn phần
Ồ xem! bạc hết tấm thân cũng gầy
Vậy giờ tui nói chia tay
Tui chờ tôi đợi ... ngày này đã lâu

Xưa mình đã hứa cùng nhau
Sống chung đến lúc “bạc đầu răng long”
Hỏi bà còn nhớ hay không?
Chúng mình nay đã răng long bạc đầu
Ngẫm đời lắm lúc biển dâu
Yêu nhau đừng hẹn bạc đầu răng long
Khi yêu chớ có “ viễn vong ”
Đến khi nằm xuống để không bất ngờ

Trúc Lan KTP

Thuyền Tình


Bài Xướng: 

Thuyền Tình

Hoàng hôn lặng bóng ngả qua đây
Dạo bước ven sông nắng phủ đầy
Nước cuốn mưa rơi về chốn ấy
Mây trôi gió thổi đến nơi này
Ta còn luyến nhớ tình xưa thắm
Người cứ yêu hoài mộng cũ lay
Mỏi gối chồn chân quay trở lại
Thuyền tình bến đợi xót xa thay...

Tuyết Phan
***

Bài  Họa:

Tình buồn


Trời chiều vạt nắng vẫn còn đây
Lá úa bên hiên mãi ngập đầy
Cuối ngỏ giò lan tươi góc đó
Đầu song bụi cúc nở bên này
Tay ôm gối mộng tâm tư giục
Mắt liếc người mơ cảm xúc lay
Một chút tình xưa cơn gió thoảng
Đèn khuya leo lét thấy buồn thay.

Toronto 8/8/2020
Nguyên Trần

Lời Cuối



Bài Xướng:
Lời Cuối

Đã nửa đêm rồi cạn nhớ nhung
Người đi cách biệt nẻo muôn trùng
Sân buồn luyến mộng hồn trăng đảo
Hẻm vắng mơ hình tĩnh rượu nung
Chạnh nghĩ vần thơ mòn đoản cuối
Rồi lo bản nhạc rớt âm cùng
Nhưng đời vẫn thế đành thôi vậy
Tiếc cũng đâu còn buổi hẹn chung.

LCT
23/08/2019
***
Các Bài Họa:
Màn Sương Ảo


Sương mờ ảo cuộn giống màn nhung
Cảnh núi rừng xa nổi điệp trùng
Gió vẫn mơ màng đôi nhạn đảo
Đêm còn thổn thức mảnh tình nung
Vần thơ dạo ấy còn âm cuối
Bản nhạc giờ đây thiếu đoản cùng
Khép mảnh tơ lòng nghe rướm lệ
Con đường đã vắng buổi về chung/

NPP 
23/08/2019
***
Đợi Chờ

Ai ngồi lặng lẽ dưới rèm nhung
Viễn xứ ngàn mây phủ điệp trùng
Tủi phận thuyền quyên hồn ngỡ cháy
Mong người lữ thứ dạ dường nung
Vài phen gió bụi còn trêu mãi
Một thuở tình duyên vẫn ước cùng
Tháng đợi năm chờ tuy đã mỏi
Chưa nhòa giấc mộng nẻo đường chung.

Nguyễn Gia Khanh
***
Nuối Mảnh Tình Chung

Si tình bởi cặp mắt huyền nhung
Mải nhớ bờ vai dẫu vạn trùng
Nẫu buổi thề trăng người dạ ngóng
Đau ngày giã bến kẻ lòng nung
Vùi chôn chuỗi ước vào sâu thẳm
Khắc giữ miền yêu khảm tận cùng
Nặng nghĩa ân đời đâu vứt bỏ
Nhưng lòng nuối giận mảnh tình chung.

0237 TC, 23/8/2019
Thái Chung
***
Khắc Khoải Tình Xa

Biên thùy khắc khoải giữa trời nhung
Dõi cảnh niềm thương cứ trập trùng
Dạ tủi như tình đang mãi đốt
Tâm sầu tựa ái vẫn còn nung
Đành nghe bản nhạc qua miền cuối
Đã đọc bài thơ đến nẻo cùng
Chẳng biết vì sao mà đẫm lệ
Hay là bậu mới bỏ điều chung

Vĩnh Long
***
Mỏi Níu Tình Chung!!!

Bao lần chỉ mặc áo màu nhung,
Giữa ánh hoàng hôn cảnh điệp trùng!
Trước bãi ai về trông cụm đảo,
Trên đồi kẻ lại dõi lò nung!
Lời thơ vẫn vọng đâu đà cuối,
Tiếng nhạc còn vang chửa đã cùng!
Dẫu hiểu canh đời luôn có vậy,
Thôi thì mỏi níu chuyện tình chung!!!

Dư Âm
***
Trắc Trở


Khi tình trắc trở nhạt màu nhung
Khúc tủi đàn ngâm lỗi nhịp trùng
Cảnh cũ khơi bày dâng lụy ngấm
Năm dài choán đọng ủ sầu nung
Còn trông bóng ngả mờ đêm tận
Vẫn đón mùa trôi lạnh buổi cùng
Lệ đẫm miên trường ai thấu hiểu
Ân tàn, cách biệt nỗi niềm chung.

Sầu Riêng 
24/08/2019
***
Trọn Đời

Duyên nồng nghĩa lụa ấm tình nhung
Ái đẫm đầy ân tuổi mộng trùng
Mãi rực đêm về hơn lửa đốt
Luôn rần buổi đến tựa cầy nung
Ngày loan hớn hở dài vô tận
Buổi nhạn mừng vui bữa tới cùng
Đượm thắm hoa lòng hương thỏa mãn
Êm đềm cánh rỡ trọn đời chung.

Trần Tòng
26/8/2019.
***
Hụt Hẫng

Đâu còn buổi hẹn sẽ về chung
Giấc mộng đề tên bỏ nhịp trùng
Những bận hoài mang tình tới ủ
Bao ngày vẫn trải ái vào nung
Thờ ơ thiệp cưới không người sánh
Rệu rã phòng loan chẳng bậu cùng
Bữa tiệc vừa khai mà vội khép
Nay đà trắc trở rã màn nhung

Nguyễn Kim Oanh

Phiếm Về Chuyện Làm Thơ

Sao bỗng dưng mình thấy thèm viết một đoản văn, thèm vô cùng, muốn viết cái gì đó giải cơn khát.
Định viết về chuyện ông PGS.TS Bùi Hiền Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nội Dung và Phương Pháp Dạy - Học Phổ Thông. Nghe đâu Ông từng nói, chính Ông đã bỏ ra mấy chục năm trời nghiên cứu để sửa đổi tiếng Việt, thế nhưng Ông lại chưa phân biệt phát âm của hai từ "quốc" và "cuốc". Nghĩ lại thấy hơi đâu mà nói về một người thiếu hiểu biết về Ngôn Ngữ Việt, chỉ biết dựa vào phát âm địa phương, để làm căn bản sửa đổi Tiếng Việt.
Đang bí lối, chợt thằng cháu chạy đến hỏi:

- Nội ơi, sao con thấy bây giờ có nhiều người làm thơ quá, mà phần nhiều là người lớn tuổi không hà! Trong đó có Nội nữa phải hông?
À há có rồi, có đề tài rồi. Tôi quay qua đứa cháu:
- Con nói cũng đúng, nhưng giờ thì khoan, đợi nội viết bài này xong mới trả lời nghen.

Làm Thơ 

Thời gian thừa mứa tập tành thơ
Tứ bảo văn phòng sẵn đợi thơ
Cắn bút lim dim tìm ý lạ
Giấy buồn ngơ ngác chẳng ra thơ
Cháu con thấy ngộ bu ông nội
Bà xã cười châm ổng nhập thơ
- "Tất cả xê mau đừng léo nhéo
Um sùm như thế khó làm thơ"
(Quên Đi)

Thế là tôi cặm cụi moi những hiểu biết tạp nhạp ra và bắt đầu viết.
Làm thơ! tại sao có rất nhiều người thích làm thơ? nguyên nhân nào khiến giới làm và yêu thơ nở rộ như lời đứa cháu vừa nói? 
Nói đến Nguyên nhân thì rất nhiều, tùy mỗi người mỗi cảnh. Riêng tôi thì có những nguyên nhân sau:
- Yêu thích thơ
- Ngôn ngữ Việt vốn đã là thơ, nên chuyện làm thơ không khó.
- Thời gian rảnh rỗi, giải buồn lúc nhàn hạ
- Có thêm nhiều bạn qua thơ...
- Tôi quan niệm thơ hay hoặc dỡ không lệ thuộc nhiều vào thời gian gia nhập làng thơ, mà ảnh hưởng từ trí tưởng tượng phong phú, nhất là năng khiếu, cách sử dụng ngôn từ... Miễn thơ làm người đọc cảm nhận được ý của mình, làm rung động lòng người, hợp với tâm trạng người đọc là được rồi.

Đó chính là những điều khiến tôi thích làm thơ.
Không biết Quý vị thế nào, chứ tôi hồi còn chập chững thơ với thẩn, bị bạn học chọc quê mỗi khi gặp mặt:"ê chào thi nhân; thi gia hay thi sĩ ". 

Thú thật thấy cũng ngượng, vì tự nghĩ mình đâu xứng đáng gọi như vậy. Thế nhưng khi nghe anh mình giải thích: "Mấy danh từ đó đại khái cũng có nghĩa tương tự như nhau, ý nói là người làm thơ thôi. Khi một người làm được một vài bài thơ thì gọi như vậy cũng không có gì là quá đáng". 

Mình nghiệm lại những danh từ dùng chỉ người làm thơ như: Thi nhân (詩 人) : người làm thơ. Thi sĩ (詩 士 ): người làm thơ nhưng có ăn học. Thi gia ( 詩 家) : nhà thơ. Thấy cũng chẳng có gì sai lắm.
Từ đó về sau, tôi không còn mắc cỡ khi bị bạn bè gọi là thi sĩ.

Trở lại vấn đề. 
Có những người yêu thơ, thích làm thơ từ thuở còn cắp sách đến trường, nhưng cũng có nhiều người mãi đến gần cái tuổi sồn sồn, cổ lai hy mới làm quen với thi ca, mới tìm hiểu và chập chững làm thơ, rồi bình thơ... 
Vì thế, người làm thơ ngày càng đông, qua thơ kết bạn, dần dà hình thành nhóm, câu lạc bộ, hội...

Cũng từ tình trạng xuất hiện quá nhiều "Nhà Thơ Tài tử, Nghiệp dư.. ", trong đó, có nhiều người không còn nhớ hay chưa biết luật thơ, đã cất công tìm kiếm, học hỏi nguyên tắc làm thơ. Với nhu cầu tìm hiểu về luật của các thể; loại thơ như thế, người đi trước, rành về Thơ, đã đưa lên Internet những hiểu biết về luật thơ cho người mới tập làm thơ. Đây là một điều rất tốt, giúp thơ ngày càng phát triển mạnh, và chúng ta có một sân chơi thú vị.

Tuy nhiên điều gì cũng có mặt trái của nó, tất cả những gì đăng trên trang mạng chưa hẳn là chính xác hoàn toàn, mà xảy ra trường hợp thừa thiếu, đúng sai lẫn lộn, chẳng những thế, có một số người, nghĩ ra thêm một số luật lệ, cấm kỵ... cho thơ, rồi đăng lên mạng, đôi lúc khiến người muốn tìm hiểu như lạc vào chốn mê cung, không biết tin điều nào.
Trước đây, từ vua, quan đến hàn sĩ ...đều đã làm quen với thơ từ thuở nhỏ, thường làm thơ để tỏ rõ quan điểm cũng như nỗi lòng từng giai đoạn của cuộc đời.

Như:
Trần Thánh Tôn người có sáng kiến triệu tập Hội nghị Diên Hồng, tỏ rõ khí khái mình:

Nhất đàn chỉ phá vạn trùng sơn (một cái búng tay, phá hàng chục ngàn quả núi)
Giá cá công phu dã thị nhàn.(việc làm đó cũng dễ dàng thôi)

Hay là quan tâm đế triều thần

Nhất đại công danh thiên hạ hữu, (Công danh một thời thiên hạ còn có)
Lưỡng triều trung hiếu thế gian vô. ( Trung hiếu cả hai triều vua thì thế gian không hề) 

Một lòng lo cho dân cho nước, làm nhiều hưởng thụ ít:

Chép miệng dăm ba con kiến gió 
Nghiến răng chuyển động bốn phương trời
(Lê Thánh Tôn)

Còn với quan lại thì tỏ rõ khí phách thao lược...

Trong lang miếu ra tài lương đống
Ngoài biên thùy rạch mũi can tương
Hay nguyện một lòng vì nước
Rồng mây khi gặp hội ưa duyên  
Mang quách cả sở tồn làm sở dụng. 
(Nguyễn Công Trứ)

Rồi đến hàn nho
Van nợ lắm khi tràn nước mắt. 
Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi...
(Trần Tế Xương)


Than duyên phận

Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng 
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung 
Năm thì mười họa, nên chăng chớ 
Một tháng đôi lần, có cũng không... 
(Hồ Xuân Hương)

Tức cảnh sanh tình
Bước tới đèo Ngang bóng xế tà 
Cỏ cây chen lá, đá chen hoa........
(Bà Huyện Thanh Quan)

Không chịu kém, giới bình dân tay lấm chân bùn cũng ra tài thơ thẩn:

          Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân...

         Gái có chồng như gông đeo cổ
Gái không chồng như phản gỗ long đanh...

               Trên trời có đám mây xanh
Chính giữa mây trắng chung quanh mây vàng...

vân ..vân...và... vân..vân.

Người Việt mình là thế đấy, từ vua cho chí dân, từ giàu sang quyền quý cho đến cùng đinh mạt vận, đều là "Thi Nhân" cả. 
Vì vậy chúng ta cũng đừng ngạc nhiên tại sao ai cũng có thể trở thành nhà thơ. Trong khi từ bản chất mỗi người Việt đã sẵn là một nhà thơ rồi
 
 Chuyện Làm Thơ
 
Mần thơ cũng thú lắm thay
Như đang kéo lại tháng ngày đã qua
Cái thời ong bướm vờn hoa
Cái thời mơ mộng chuyện ta với người
Cái thời chưa đến đôi mươi
Cái thời hai đứa vui cười bên nhau
Cái thời chưa nghĩ trước sau
Cái thời cứ mãi khát khao chuyện lòng.

Mần thơ đâu phải chuyện đùa
Đủ mùi đủ vị cay chua ngọt bùi
Nhiều khi thao thức tới lui
Những đêm cúp điện tối thui cũng mần
Đứng ngồi suy nghĩ phân vân
Nặn tim vắt óc bao lần chẳng xong
Phải chăng chữ đã đi rong
Khiến mình viết mãi khó hòng nên câu

Mần thơ đâu phải chuyện chơi
Nhiều khi dạ cũng rối bời như tơ
Lây quây ngẩn ngẩn ngơ ngơ
Ý tuy đã sẵn chỉ chờ vần gieo
Tiếc rằng từ vựng lèo tèo
Tứ thì một ngả nghĩa theo một đường
Làm thơ chớ khá khinh thường
Dù hay dù dở nhúng nhường đổi trao

Mần thơ cái thú an nhàn
Tâm hồn thoải mái ngập tràn tình thân
Làm thơ kết bạn xa gần
Đông tây nam bắc mượn vần kết giao
Làm thơ là thú thanh tao
Mỗi khi thi hứng nôn nao cả lòng
Hương lành gió mát trăng trong
Này này mặc khách sao không bút đề.

                                         Quên Đi


Huỳnh Hữu Đức

Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2020

Thơ Tranh: Sinh Nhật Bảy Tám


Thơ: Hương Thềm Mây
Thơ Tranh: Kim Oanh

Mừng Tuổi Bảy Tám



Bài Xướng:
Mừng Tuổi Bảy Tám

Xuân này bảy tám thọ rồi đây
Vẫn nhẹ chân hòa bước dặm mây
Thơ cổ đôi vần đan dạ tỏ
Trang lòng mấy khúc dệt tâm bày
Tình tròn mấy độ còn nồng đẫy
Nghĩa vẹn nghìn sau mãi thắm đầy
Bảy tám xuân thu an sở nguyện
Mai già mỗi lúc mỗi vui vầy.

Hương thềm Mây
28.8.2020
sinh nhật lần thứ 78
***
Các Bài Họa:
Mừng Sinh Nhật Hương Thềm Mây

Tám chục xuân tròn cũng thọ đây
Hương còn thơm ngát giữa Thềm Mây
Năm canh với vợ cùng chia sẻ
Sáu khắc vào thơ để giãi bày
Còn lắm trăng vàng soi mộng đẫm
Nhiều thêm phúc ấm mãi đong đầy
Quế hòe sân đượm cùng con cháu
Thật chẳng gì hơn được thỏa vầy.

Phan Tự Trí
28.8.2020
***
Happy Birthday To You

Bảy tám xuân đà chúc thọ đây!
Vui cùng thê tử thoả trời mây
Đôi ngày thơ phú còn ngâm vịnh
Mấy bữa trăng hoa tự thưởng bày
Hạnh phúc gia đình luôn ngút đẫy
Niềm vui bạn hữu mãi dâng đầy
Xuân qua thu tới luôn cầu nguyện
Sức khoẻ bình an mãi được vầy.

Thứ Năm 27/8/20
TDP
***
Diễm Mộng

NĐT- LTT- NTV- BVĐÂ

Bảy tám mùa xuân diễm mộng vầy
Hương nồng mãi quyện khắp thềm mây
Dòng sông biếc lững lờ xuôi chảy
Dặm liễu mờ tha thiết tỏ bày
Nghĩa vẹn tâm đồng như thuở ấy
Môi hồng mắt ngọc vẫn còn đây
Đường xưa lối cũ thầm khơi dậy
Bến hẹn màu trăng đã phủ đầy

Mộng Liên Lynn Phan
***
Bài Cảm Tác


Thơ rằng thất thập cổ lai hy
Bảy tám mà anh chị thế này
Một cặp y nguyên dáng mướt rược
Song đôi tròn vẹn nét môi cười
Mặn mòi hạt muối bền duyên nợ
Nồng ấm gừng cay đẹp tháng ngày
Xuân nữa. Cứ thêm nhiều nữa nhé
Thêm dần bát, cửu, bách hy lai

Phạm Hiền Lương

Vẫy Chào tháng Tám



Chào tháng Tám nắng hồng rơi dìu dịu
Qua lòng tôi mơn nỗi nhớ nhung người
Cánh phượng hồng nghiêng đỏ rực bờ môi
Người có nhớ nụ hôn đầu cháy bỏng?

Người có thấy hàng cây xanh lóng ngóng
Đợi chờ người tiếng gió lượn lao xao
Tiếng ve rơi lời hoa cỏ thầm thào
Con sóng vội lượn ngược dòng ký ức

Người có thấy nửa vầng trăng thao thức
Giọt sương rơi quanh lối cũ hẹn hò
Bàn tay người dài tháng Tám thơm tho
Còn giữ chặt bóng đêm dài thương nhớ

Người có thấy lòng đêm tràn nhịp thở
Của đôi tim ngờ ngẩn giấc chiêm bao
Vòng tay ôm còn ấm áp ngọt ngào
Tình xa cách nhưng lòng đâu ly biệt

Người có thấy làn tóc dài tha thiết
Cột tình tôi với mòn đợi gầy hao
Mắt hồ thu tình đã trót lạc vào
Tình ngụp lặn giữa dòng trôi mộng tưởng

Chào tháng Tám gió bay dài một hướng
Một vòng tay. một ánh mắt dại khờ
Một con đường hò hẹn trải hoa thơ
Xin giữ lấy tình tôi mòn ngóng đợi

Trầm Vân

Lặng Thầm



Trong thanh vắng tứ thi về lặng lẽ
Khi chữ yêu tràn ngập lúc riêng tư
Và chữ thương gieo đau xót chẳng từ
Giờ chỉ có mấy dòng thơ thổn thức.

Mây thơ thẩn lặng yên chờ đợi gió
Gió vô tình mãi dạo bước rong chơi
Chợt nhớ mây mây tan biến cuối trời
Để lại đó những tháng ngày vô vị

Bao nhớ thương như rừng thu nhớ lá
Lá âm thầm lặng lẽ bỏ cây đi
Lá và cây còn lại được những gì
Giờ chỉ có một khoảng không vô tận

Kỷ niệm xưa hiện về trong cay đắng
Mỗi mùa thu nghe cảm giác bâng khuâng
Nhớ làm sao một nỗi nhớ vô ngần
Ôi dĩ vãng có bao giờ tái hiện...

Đêm mưa vắng chẳng còn nghe ray rức
Bao ưu phiền đã gởi gắm vào thơ
Lòng lặng yên cảm giác quá bất ngờ
Nghe thoải mái khi tâm tình giải tỏa.

Quên Đi


Đề Viên Thị Biệt Nghiệp 題袁氏別業 - Hạ Tri Chương


Nguyên tác       Dịch âm

題袁氏別業     Đề Viên Thị Biệt Nghiệp 

主人不相識     Chủ nhân bất tương thức, 
偶坐為林泉     Ngẫu toạ vị lâm tuyền. 
莫謾愁沽酒     Mạc mạn sầu cô tửu, 
囊中自有錢    Nang trung tự hữu tiền.

Hạ Tri Chương
***
Dịch nghĩa

Vịnh nhà riêng họ Viên

Chủ nhà chưa quen biết (khách)
Tình cờ ngồi (cạnh khách) bên suối rừng (thành quen nhau)
Đừng buồn vể việc uống rượu giải sầu (ai đãi ai)
Chẳng qua chỉ là trong túi (ta) sẵn tiền.

Dịch thơ:

Vịnh Nhà Riêng Họ Viên

Chủ nhân chưa quen biết
Mê suối rừng nẩy duyên
Đừng buồn ai đãi rượu
Chỉ vì túi sẵn tiền.

Con Cò
***
Dịch thơ:

Ai Mua Rượu


Không quen biết chủ nhà,
Suối đẹp tình cờ qua.
Nếu chủ không mời rượu,
Tiền mua nặng túi ta.
Who Buying the Wine by He Zhi Zhang


I do not know the master of the villa
By chance I stop by to the scenery
If he does not invite me to drink
The wine money is in my pocket.

Phí Minh Tâm
***
Dịch thơ:

1-
Chủ khách không quen biết
Suối rừng ngồi kế bên
Đừng buồn ai đãi rượu
Túi ta sẵn chút tiền!

2-
Chủ nhân quen biết chưa từng
Bất ngờ cạnh suối ven rừng ngồi chơi
Đừng lo vì thiếu rượu mời
Tớ may trong túi còn hơi chút tiền!
Lộc Bắc

Mùa Thu Canada


Mới cuối tháng Tám mà đã nghĩ đến mùa thu thì có sớm lắm không? Không, nếu các bạn muốn thăm Canada vào thu thì chuẩn bị lúc này là vừa.

Cơn bão Irene đang đe dọa miền Đông nước Mỹ và đuôi của cơn bão đang quét qua Canada làm cho gió và mưa dồn dập đổ xuống cả vùng trời tỉnh bang Québec. Sáng nay nhiệt độ được ghi nhận là 16 độ Celcius, bầu trời bao phủ một màu xám, chỉ hiu hiu gió lạnh làm cho chúng ta cũng vừa chút chút nhớ nhau!
Canada có bốn mùa rõ rệt, mùa nào cũng có những cái đáng nhớ, nhưng đặc biệt nơi đây, mùa thu là mùa đáng ghi nhận bởi nó tiêu biểu phần lớn cho Canada.

Canada, đất rộng dân thưa, trải dài từ đông sang tây hàng ngàn km, nối Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương, sông hồ chằng chịt, lớn vào bậc nhất nhì thế giới. Nguồn tài nguyên thì vô tận. Cây cối từ dặm vuông này đến dặm vuông kia. Dầu lửa thì thấm vào cát chỉ việc vắt ra đổ đầy bình xăng. Từng đàn nai hàng trăm ngàn con, thổ dân ở đây được tha hồ làm thịt dự trử cho mùa đông. Cách đây vài năm có một trận lụt, nước tràn ngập con đường mà đàn nai thường đi qua, làm cho hàng vạn con bị xỉn nước nằm phơi thây la liệt. Thổ dân không lấy thịt vì chê là thịt nai bị nhiễm “nước”, ăn thịt này nó phê nhanh quá, đâu còn thì giờ thưởng thức hương vị. Gặp dân mình, dùng dao vạch sống lưng nai lấy ra hai bắp thịt, cắt dày độ chừng 2 cm, bỏ vào chảo dầu sôi thêm vài tép tỏi, chanh, muối tiêu, cộng thêm một xị Vĩnh Sanh Hòa, hay một cốc đế Bà Đen thì Tản Đà cũng sống lại và xin ngồi chung bàn. Gặp tay nào muốn trở thành đại gia chỉ việc gom số nai này làm khô nai, thêm hai phần xác củ mì, bảo đảm ăn tiêu mệt nghĩ. Đời sống hiền hòa làm cho người dân chỉ “làm vừa đủ xài”, tuy nhiên cũng có nhiều người cũng muốn làm giàu, muốn làm đại gia cho nên cày ngày cày đêm. Nhưng không phải làm việc siêng năng mà giàu đâu! Muốn làm giàu phải nằm lòng câu danh ngôn thế giới: “Work smarter not harder”. Nhà đại tư bản Mỹ hiện giàu thứ nhì thế giới cũng đã vừa tuyên bố: “Càng giàu càng ít đóng thuế và càng đóng ít thuế thì càng giàu”. Đó là smarter của tư bản.


Nói xa thì cũng nên nói gần, Canada nói chung và vùng Québec nói riêng, phải kể đến những nguyên liệu nổi tiếng từ ngàn năm nay. 
Thứ nhất là “sâm”. Sâm Đại Hàn nổi tiếng, nguồn chánh để làm những hủ sâm danh tiếng. Đại Hàn nhập sâm của Canada. Sâm Canada còn gọi là “tuyết sâm”, có củ sống hàng ngàn năm trong tuyết. May mắn đào được sẽ có những củ sâm hình dạng rất giống thân thể con người. Loại này gọi là nhân sâm, và đặc biệt những củ lớn bằng bắp tay với đầy đủ tay chân nằm lâu năm trong tuyết gọi là “thiên tuyết nhân sâm”. Đại Hàn chỉ mua về ngâm rượu và tung ra thế giới, đây là “ work smatrer not harder” đó các bạn. 

Nhung, với đàn nai, đàn hưu hàng trăm ngàn con nên kỹ nghệ sản xuất nhung khô cắt lát hay rượu nhung nai đã tung ra thị trường mấy năm vừa qua. Hiệu quả của thứ này qua hẳn Viagra, thử đi rồi sẽ biết. Tuy nhiên luật lệ để sản xuất hay làm thế nào để có được nhung thì chưa chắc Canada cho phép. Thành thử các bạn nào muốn làm giàu theo kiểu smarter phải cẩn thận vì có ngày nhận được giấy chứng nhận học tập tốt, lao động tốt và được trở về nguyên quán. Khi mua được một cái nhung tươi, muốn sấy khô thì rang cát cho nóng và sấy nhung trong cát nóng. Sấy từ từ cho đến lúc nào mà trọng lượng cặp nhung không thay đổi, tức là nhung đã khô, sẽ bảo quản được lâu dài. Những cơ sở lậu ở đây sản xuất nhung bằng cách sấy qua máy sấy gió hay sấy đông lạnh gọi là lyophilisation. Phương pháp sấy đông lạnh phát minh bởi Arsène d’Arsonval và F. Bordas, năm 1906. Trước tiên người ta đông lạnh nhung nhiệt độ thường từ -10 độ hay hơn, sau đó hâm nóng nước chứa trong nhung ở dạng rắn ở áp suất thật thấp. Nước ở dạng rắn sẽ bốc hơi, nhung sẽ được sấy khô. Nhung sấy theo phương pháp này không bị hư và vẫn giữ được tất cả tính chất tươi của nhung. Bởi vậy đồ dùng của dân Canada còn tươi tốt là vì được bảo quản trong lạnh. 

Mật gấu, thế giới ngày nay đã đưa phụ nữ lên hàng tột đỉnh quyền lực. Vì vậy ngày nay ra đường người ta chỉ thấy đàn ông bị bầm mình bầm mẩy, vết đỏ vết nâu cùng người, còn phụ nữ thì không. Nhưng riêng đàn ông Canada, người nào da dẻ cũng láng cón không có vết bầm nào cả là nhờ do họ dùng mật gấu để xoa bóp mỗi khi họ bị một nửa của họ hành hạ. Những bạn già, mắt kéo mây, tiếng Tây nó gọi là cataracte, nếu biết sớm có thể dùng mật gấu hòa tan trong nước muối nhỏ vào mắt vài giọt lúc mới phát hiện bịnh cataracte thì mắt sẽ sáng trở lại. Tuy nhiên, đây là thuốc gia truyền của Việt Nam, chữa được cataracte không thì không bảo đảm, nếu có chính phủ lo thì đừng dùng nó. Chính phủ trả tiền cho mình mổ mắt thì đừng tìm mật gấu vì giá chợ đen năm rồi là vào khoảng 400 dollards cho một cái mật, nhưng phải đặt trước mùa săn. Một công dụng nữa của mật gấu là chữa thương “nội tâm”. Ai bị đào hay bồ đá, nội tâm tổn thương có thể dùng mật gấu ngâm rượu, uống rượu này vào nó sẽ tan hết những vết “bầm dập” bên trong. 

Cao “hàng nàm” (foetus de biche), cao làm bằng sừng nai thì gọi là cao lộc (pâte de corne de cerf). Cao làm bằng nai con gọi là hàng nàm, là thuốc đại bổ, có thể chữa nhiều bịnh nan y, có thể chữa ung thư máu? Vừa mới đây thế giới phát hiện là người Tàu đã dùng thai nhi đưa ra thị trường với hình thức thuốc viên. Trong chiến tranh Việt Nam, thai nhi hoặc nhau con nít thường dùng hầm thuốc Bắc để bồi dưỡng những nhân vật cao cấp trong chiến khu. 
Việc bào chế cao này hơi cầu kỳ mà cá nhân tui được theo dõi sát cho nên ghi chép lại để các bạn tham khảo.

Thai nai phải còn tươi, nếu săn trong rừng thì phải bảo quản trong nước đá để tránh thai bị ươn. 

Cách nấu cao: 

Thai được bỏ vào cái bao, bao giống như ngày xưa đựng bột mì, cùng lúc với vị thuốc Bắc, nếu dùng cho đàn bà thì dùng thang thuốc “Lục Vị Đại Bổ”, cho đàn ông thì dùng thang “Thập Toàn Đại Bổ”. Tui không biết tại sao khác nhau, có thể vì phụ nữ khi dùng cao dễ bị nóng trong người cho nên các thầy thuốc giảm các vị chăng? Hoặc là các thầy thuốc ngày xưa dựa vào thuyết “âm dương ngũ hành” mà đưa ra bài thuốc, thuốc này có thể hỏi mua ở các tiệm thuốc Bắc. Khi nấu cao mà không biết phái nào sẽ dùng sau này thì nên dùng thang thuốc “Lục Vị Đại Bổ”. 

Đổ nước ngập và đun sôi, sau đó hạ lửa riu riu, đun ba ngày ba đêm? Nhớ canh chừng không cho thiếu nước vì khi cạn nước hay quá lửa, sản phẩm sẽ bị “khê” hay bị cháy khét. 
Sau ba ngày ba đêm, vớt xác chỉ giữ lại nước. Tiếp tục đun cho cạn dần, khoảng còn 1 lít dung dịch thì ngưng. 

Cho vào dung dịch nửa lít mật ong. Khuấy đều và tiếp tục đun với lửa nhỏ cho tới khi nào dung dịch còn lại chừng nửa lít. 

Đổ tất cả vào khay, để nguội, cao sẽ trở nên dẻo cứng. Khi nhiệt độ của cao đạt được nhiệt độ phòng thì cắt nhỏ cao thành từng ô vuông, gói giấy bóng, cất giữ trong tủ lạnh hay chỗ không ẩm ướt. 
Mỗi ngày ăn một miếng cao, công hiệu sẽ thấy ngay, thấy gì thì tui không biết? 

Chú ý là muốn dùng nhung hay cao này là những người trên 50 tuổi hay những người ở vào giai đoạn “thập tử nhất sanh” (Une chance de vie sur dix chances de mort). Dân cựu KHSG thì dùng được vì người nào người nấy đã được ông “Thọ” cấp giấy chứng nhận. Cũng như nhung nai, dùng cao này làm cho cơ thể trong người nóng lên, người nào chưa biết phản ứng thì phải thử từ từ từng lượng nhỏ. Trai trẻ thanh xuân, thiếu nữ ở độ trăng rằm không nên dùng vì rất nguy hiểm, áp huyết tăng cao hay hạ đột ngột, tim đập mạnh có thể nguy hiểm đến tính mạng. 

Giải thích theo khoa học hiện đại thì loại cao này được chế tạo từ những tế bào còn trẻ. Khi dùng cao này nó thẩm thấu ngay vào máu, những tế bào mạnh khỏe này hổ trợ cho cơ thể đang yếu mệt có thêm sinh lực để chống chọi với bịnh tật và sự già nua, hoặc cao là chất xúc tác làm cho cơ thể sản xuất ra những tế bào trẻ mới. Đây cũng là lý thuyết mà ngày nay người ta đang tìm cách sản xuất và cấy vào con người, những tế bào trẻ này sẽ thay thế những tế bào già và giúp cho con người tăng tuổi thọ. Khoa học cũng đã từng áp dụng phương pháp “cấy tủy” để chửa trị bịnh ung thư hoại máu, đây cũng là phương pháp bổ sung tế bào trẻ cho người bịnh.

Nhắc chừng là Canada có rất nhiều nai có chửa. Luật săn bắn cấm săn bắn nai cái và nai chửa. Tuy nhiên có năm vì nạn “nai mãn”, nai cái không bị săn bắn cho nên tràn đồng tràn sá, giống như các tiệm đầy các bà các cô vào mùa “sale” vì hàng bên Tàu tràn ngập. Nạn nai nhiều, phá hại mùa màng, nhà nông than phiền đòi giảm thuế, đòi bồi thường thiệt hại nên chánh phủ đã tháo khoán cho săn nai cái. Đây là lúc có thể gặp may để có vật liệu làm cao. Tuy nhiên không ai cho bắn nai chửa. Bạn nào gặp may hạ được nai chửa, phải tìm cách dấu kín không thì tụi kiểm lâm đóng ở bìa rừng sẽ gởi các bạn đi gở lịch đó.

Nếu không sản xuất được cao “hàng nàm” thì cao lộc làm từ sừng nai hay xương nai cũng là món hàng có thể làm giàu smarter ở Canada. Nếu không có thai nai thì cũng có thể dùng thai dê, dễ kiếm dễ mua hơn. 

Không biết cao đại thử ở Úc có tốt không? Chưa thấy ai nói về cao này. 
Nhớt trùng, Canada là xứ sản xuất nhớt trùng nhiều nhất thế giới. Nhớt này thêm vào những kem dưỡng da làm cho da căng ra, giúp cho những vết nhăn của những người đẹp thế giới biến mất. Người ta gọi nhớt trùng là “dược phẩm trẻ mãi không già”. Ra đường gặp các mệnh phụ phu nhân mà da mặt láng trơn là nhờ nhớt trùng đó. Nói vậy chứ nhóm bác sĩ do vợ chồng Carruthers lãnh đạo hãng đã dùng butulinum toxin (Botox) chích dưới làn da mặt để xóa vết nhăn ở mũi, ở mắt của các bà. 

Tào lao thiên địa làm cho tui trật đường rầy! Nói về thu Canada mà chưa tới đâu là đâu bởi vậy có nhà thơ ở Houston hay nhà viết sách tử vi ở Darwin-Úc đọc bài viết của tui thường phê bình là muốn biết tui viết cái gì thì chỉ cần đọc câu cuối cùng vì tui thường đưa độc giả vào “thạch mê hồn trận” của Hoàng Dược Sư. 

Thiếu những ngày nắng ấm, cái lạnh vừa đủ cắt da non, thường từ 0 đến 15 độ Celcius, đó là thu Canada. Đầu tắt mặt tối không thì giờ để ý ngoại hình ngoại cảnh thì khi lá đổi màu, đó là thu Canada. Khi những con nai vàng ngơ ngác đạp trên lá vàng khô thì thu Canada cũng sắp sửa đi qua. Khi trên không trung từng đàn ngỗng trời trắng xám nối đuôi nhau như một con rắn, hướng về phương Nam trốn lạnh, đó là cuối thu Canada. 


Mùa thu là mùa biểu tượng của xứ Canada với trùng trùng điệp điệp núi đồi trải thảm màu, một thứ màu vàng e ấp, vàng chanh, vàng hoàng yến, thường gọi là vàng mộng mị, chuyển sang hồng nhạt, hồng đậm, hồng mơ còn có danh xưng là hồng gợi tình đã làm xao xuyến nhiều thi sĩ. Chưa hết, màu lá tiếp tục chuyển sang đỏ rực, đỏ tía, đỏ thẩm còn gọi là màu “dâng hiến”, vì đây là giai đoạn cuối cùng của đời sống lá, nó dâng hiến cuộc đời cho gió. Khi một anh gió nhẹ thoáng qua là các em lá như những cánh bướm bay tản mạn, tạo nên những ngày hội trên thảm cỏ. Từ rừng già cực Bắc đến tiếp giáp biên giới Mỹ kết hợp một màu sắc hài hòa như một bức tranh thủy mạc, một tác phẩm của tạo hóa, một chút quà tặng của thượng đế dành cho người dân hiền hòa Canada, trước khi họ chuẩn bị vào đông.

Những ai muốn thưởng thức thu Canada thì phải ở đây khoảng từ ngày 5 đến ngày 20 tháng Mười. Có thể thơ thẩn từ đồi này qua đồi nọ vì đây là thời gian lá đổi màu. Rừng rừng lá lá thi nhau khoe sắc không khác gì các thiếu nữ Việt Nam ta trong mùa trẩy hội. Rừng vô tận với nhiều màu sắc được pha trộn một cách xuất sắc, duyên dáng. Cái tỉnh mịch của thu Canada sẽ ngừng lại khi có làn gió ngang qua. Lá rơi, bay lượn đủ màu đủ sắc sẽ làm xao động vườn thu, làm bồi hồi xao xuyến những tâm hồn dại khờ, và cũng nhờ cảm thông với thu Canada mà những vần thơ thu lãng mạn, bềnh bồng đã được góp mặt trong vườn thơ Khoa Học Sài Gòn. 

Cái gì đã tạo ra mùa thu Canada? Đó là những cây phong mà lá cây là biểu tượng cho ngọn cờ của đất nước này. Không biết ai đã chọn màu lá đỏ. Màu đỏ luôn luôn bay lượn trên các cột cờ, có lẽ người tô màu cờ cho rằng dân Canada đã trưởng thành đúng mức, cống hiến tất cả tâm huyết cho nhân loại, và hơn thế nữa người dân Canada tình rất nồng đến độ thắm đỏ. Cây phong còn có tên là Érable, hay là maple, một giống cây góp phần rất nhiều trong kinh tế của Canada. Cây thuộc loại gỗ cứng, rất chắc dùng làm sàn nhà thì khỏi chê, mấy năm gần đây giá gỗ phong đã cao hơn giá gỗ sồi (chêne). Trong họ nhà phong, có loại cho chúng ta đường. Cứ khoảng tháng Ba tháng Tư, tuyết tan, nhựa chảy, người ta thu hoạch nước đường từ các cây phong giống như Việt Nam mình lấy nhựa cao su. Giống như các dân tộc trên thế giới, hàng năm dân Québec cũng tổ chức những ngày ăn mừng thu hoạch “đường phong”, chúng ta có thể đến đó thưởng thức nước đường tươi, si rô trên tuyết, bacon chiên dòn... Thường những ngày này được tổ chức bắt đầu vào khoảng tháng Ba và chấm dứt vào cuối tháng Tư. 

Những thảm cỏ màu sắc tô điểm bởi lá phong đã cho chúng ta một cái nhìn mơ mộng của Canada, ngược lại nó cũng đem lại cái công việc mà đối với tui ít khi muốn làm. Đó là quét lá mùa thu. Lá rụng thì phải hốt cho vô bao, mỗi năm phải vừa cào vừa cho vào hàng chục bao giấy. Nếu trong sân nhà có chừng năm cây maple thì cũng đủ mỏi gối, cùn chân, quẹo cùi chỏ do cái lao động “cào lá thu”. Nhớ là chính sách mới của chính phủ là thu nhặt lá phong để làm phân bón. Thành thử phải bỏ vào bao giấy, tự mua, tự trả tiền, bỏ vào bao nhựa nó gởi giấy phạt tận nhà. Làm phân rồi gọi người ta đến lấy về rải trong vườn. Tui cho rằng thế giới cần giấy cần tập vở, nếu chính phủ dùng lá thu này mà chế ra giấy thì kinh tế quá đi chứ vì lá chứa 50% cellulose, một nguyên liệu để sản xuất giấy. Không, bởi vì tư bản thông minh, muốn làm giàu phải giữ giá, không xài đồ bỏ đi, giá giấy sẽ hạ lấy đâu tiền vào hồ bao. 

Các bạn ơi, muốn thưởng thức thu Canada thì chuẩn bị ngay bây giờ, đừng đợi cuối tháng Mười lá rụng úa, cây phong đã bị lột áo tơi tả rồi thì chỉ còn hưởng thú hốt lá thu chứ không hưởng được mùa thu Canada đâu.

Lệnh Hồ Công Tử
Montreal, Canada, 2011

Thứ Năm, 27 tháng 8, 2020

Giã Biệt Hạ Buồn.D5 - Thơ Ngọc Quyên - Nhạc Nguyễn Tuấn


Thơ: Ngọc Quyên 
 Nhạc: Nguyễn Tuấn 
Guitare Hawaii & Thực Hiện: Trịnh Quân


Một Khúc Hoài



Lòng tìm quên mà tim luôn cố nhớ
Thời gian trôi, kỷ niệm cũng phôi pha
Ngày chậm qua, đêm dài như vô tận
Và mưa rơi... Cứ lã chã, nhạt nhòa!

Không biết tự bao giờ chân mỏi bước
Đường viễn phương dài quá bóng trùng khơi
Người lầm lũi thả xuôi dòng ly biệt
Chốn phù sinh, cuộc sống bạc theo đời!

Hồn vời vợi theo mùa trăng tàn khuyết
Buồn vui theo con nước chảy qua cầu
Từng đêm nhớ cảnh đời trong bão loạn
Chơi vơi như trầm tích lắng vực sâu.

Thương quê cũ lất lây vì kiếp nạn
Nửa đời qua còn rưng rức hoài mong
Dấu nỗi buồn trong tháng năm phiêu lãng
Khúc ly tan mang giai điệu nát lòng.

Lối du mục thênh thang màu cô tịch
Bến ly hương còn vọng mãi câu nguyền
Cuộc tử sinh dù đã là dĩ vãng
vẫn trăm năm hằn nét tận buồng tim.

Cất tiếng ca khan một bài vong quốc
Trên gió tha phương treo mấy nhánh sầu
Thả bước thăng trầm cùng trời, cuối đất
Hồng hạc lìa đàn về đâu, ...về đâu?!

Huy Văn

Mãng Cầu Vườn Sau



Vườn sau trồng Mãng Cầu Dai
Quả to vị ngọt, oằn sai trên cành
Một cơn đông giá, trời hành
Thân cây chết lạnh trơ cành, tiếc ghê!

Khi Xuân ấm áp trở về
Hồi sinh, gốc mọc, sum suê, xanh màu
Những đêm trăng sáng vườn sau
Nhủ lòng chăm sóc cho mau kịp mùa

Rồi đây tháng sáu vào mưa
Cây đâm chồi lộc như xưa...lớn dần
Hai năm chăm bón chuyên cần
Khai hoa, kết trái, đáng ngần ấy công...

Tìm vui trong thú cây trồng
Nhìn cây quê Mẹ trong lòng thảnh thơi
Năm nay thành quả tuyệt thôi!
Mãng Cầu, con, cháu, Bà, tôi mỉm cười... 

Duy Anh
Orlando, FL. 08/15/2020

Lời Chào



Bóng chiều không hoàng hôn
Sáo diều chẳng dẫn lối
Mắt lòa thấy gì đâu
Tai chối không nghe hỏi

Khúc cuối đường hắt hiu
Thinh lặng người già cỗi
Bóng tối dường đến nhanh
Màn đêm đang mở hội

Hồn xanh thuở học trò
Sân trường hoa phượng đỏ
Sài Gòn lá me bay
Nắm tay nghe em tỏ

Biên cương làm lính canh
Hành quân mồ hôi đổ
Tiếp nối lên rừng xanh
Học làm người thôn dã

Một đời hai lần đi
Di cư rồi di tản
Vài cuộc tình phân ly
Chửa kịp lời than vãn

Bóng tối đã mênh mông
Nàng thơ xin giã biệt
Vẫy tay lúc lên đường
Chào mọi người thân thiết

Locphuc

Một Mình



Bài Xướng:
Một Mình

Một mình đơn độc dưới mưa giông,
Lạnh lẽo buồn thương xé buốt lòng.
Cây thiếu lá che dầm xót đất,
Dù e thân núp lạnh sầu đông.
Tàu xa chẳng đến chờ bao tá?
Người vắng lâu về đợi biết không?
Đơn lẻ bóng ai nhìn thảm não,
Một mình một góc ghế mong trông!

 Hồ Nguyễn
(23-7-2020)
***
Các Bài Họa:

Đêm Mưa

Thức lắng bên ngoài kéo bão giông,
Mưa rơi nặng hạt buốt se lòng.
Im lìm gối nệm cô đơn bóng,
Quạnh quẽ gian phòng lạnh lẽo đông.
Khoảng nhớ âm thầm anh mất biệt,
Dòng chờ lặng lẽ kẻ hoài không.
Muôn ngàn giọt lệ trời đang khóc,
Quặn buốt tim này nỗi đợi trông.

Minh Thuý Thành Nội
Tháng 7/23/2020
***
Tình Thơ

Nghĩa cử nồng nàn chẳng ngại giông…
Vườn thơ nụ nở ngát hương lòng.
Khai nguồn sáng tỏ ngời hoa mộng,
Thả vận tươi cười thắm biển đông.
Quý hữu giao hòa duyên lắng đọng,
Tâm hồn cảm mến bạn chờ trông…
Khung trời kỷ niệm bao hình bóng,
Ước vọng vui vầy chẳng lẽ không!?

Đức Hạnh 
(16/08/2020)
***
Lòng Già


Buổi chiều trời bỗng nổi cơn giông,
Nhà vắng mình ta sợ nhói lòng.
Cửa nát ngoài sân còn vững nổi?
Tôn mòn trên mái có yên không?
Cháu chưa ai đón nơi trường vắng?
Con vẫn xe ùn giữa phố đông?
Rét bưốt nhưng tâm dường lửa đốt,
Ra vào run rẩy, mắt mờ trông.

Sông Thu 
(16/08/2020)
***
Cơn Giông Mùa Hạ

Đang giữa ngày hè nổi bão giông,
Trời long đất lở xốn xao lòng.
Ngoằn ngoèo chớp loáng bùng âm sấm,
Xối xả mưa mù choán khoảng không.
Đá rớt...ngỡ từ màu trắng tuyết...
Mắt nhoè...tưởng tới sắc buồn đông...
Được vài tháng hạ hồng tươi nắng,
Ròng rã năm dài mãi ngóng trông.

Thanh Hòa
***
Giông Gió Mùa Hè

Trời nóng trưa hè bỗng nổi giông,
Cát bay lá rụng hoảng trong lòng.
Bộ hành núp vội hiên chen chúc, đối ý
Xe cộ lấn mau lộ bớt đông.
Nước đổ cuồng phong nghiêng
Sấm rền gió hú rộn thiên không.
Mưa ngưng trời tạnh cầu vòng hiện,
Cây rửa bụi trần sạch mắt trông.

Mỹ Ngọc 
(Aug.16/2020)
***
Mùa Đông Đầu Tiên

Đất khách lần đầu nếm bão giông,
Thê lương cảnh vật tái tê lòng!
Cánh đồng quạnh quẽ mênh mông tuyết,
Tượng đá im lìm lạnh lẽo đông.
Hiu hắt ánh đèn buồn phố vắng,
Lê thê đàn vịt xám trời không.
Một mình lắng bước căn phòng vắng,
Tin tức quê nhà khắc khoải trông!

MaiLoc
*Nhớ mùa đông Erie 1984.
***
Trời Sa Mưa Giông

Đang yên, mưa trút lấp tầng không,
Mái rách bươm rơi giọt não lòng!
Trẻ nép bà tìm...hơi cuối hạ,
Chồng mong vợ trú...ấm đầu đông.
Kèo tre cọt kẹt trong cơn gió,
Răng rắc phên buồng giữa bão giông.
Từng bữa cơm nghèo lo thiếu đủ,
Cầu Trời, khấn Phật…chỉ chờ trông!…

Thanh Song Kim Phú 
(CA: 08/16/2020)
***
Lỡ Dỡ

Chạnh nghĩ cuộc đời trước bão giông,
Thân mình đất khách xót xa lòng.
Như cây thiếu nước khi vào hạ,
Tựa hạt ươm mầm lúc chớm đông.
Lặng lẽ ngày qua sao mãi đợi?
Âm thầm tháng lại cứ hoài trông!
Đã đem chí cả gìn non nước,
Hỏi mộng một thời lỡ dở không?

Songquang
 (20200816)
***
Vui Một Mình

Bao ngày nóng nực được cơn giông,
Không lớn không lâu thảy mát lòng.
Giải bớt bơ phờ trong nắng hạ,
Cảm rằng lành lạnh dưới mây đông.
Con người hớn hở đang cười đó,
Cây cối vui mừng biết nói không.
Mưa thuận gió hòa cầu Phật mãi
Một mình, cuộc sống mỏi mòn trông.

Trần Như Tùng

The Old Teacher



The Old Teacher

This poem is dedicated to all of my former teachers, who died for the sake of education. 
Dear teachers, you were the unknown heroes, who silently built our Homeland, VietNam, with multiple difficulties, bitterness and hardship in the thunder of cannons and bomb blast. Your pure faith was recognized by God. Rest in peace! Dear teachers!. 
Pham Dinh Lan 

Every evening when the sunlight faded,
The old teacher walked slowly to the school gate.
The gate was closed.
He sighed with disappointment in contemplating
The mossy walls surrounding the school.

The cicada’s songs reminded him
Of mixed memories,
Of the old days’ mutual respect
Between teachers and students.
Many memories have been carved
On the old trunks of the flamboyants (1)
Many teachers got old.
Many young generations were gone.

The old school and the flamboyants have existed.
The teacher was at the windy sunset of his age.
He found joys through some vague memories
To forget all of his heart- broken life.

Some of his old students died,
Some were alive.
Some had resounding reputation;
Some had their wandering life
Like the yellow leaves scattered in the wind.
They missed the ferry boat
Due to their dusty and stormy life.

The yellow leaves fell.
The fall came then left.
The frosty winter came then flew by.
One evening, the urban and rural residents
Learned the old teacher said good- bye to the world.
He left silently in a quiet night.
The dead leaf left the root of worries.

The flamboyants bloom, welcoming the Summer.
The old school no longer sees the old teacher
Every evening when the bell resounds from the pagoda.
The thick curtain of darkness covers the mossy school.

(1) Flamboyant (French): flame tree; royal poinciana (English); scientific name: Delonix regia, Family: Caesalpiniaceae

David Lan Pham, F.A.B.I. 
***
Bài Dịch:
Ông Giáo Già

Cứ mỗi chiều nắng tà vương vấn,
Ông Giáo Già thơ thẩn gậy lần
Cổng trường đã đóng âm thầm
Buồn nhìn trường sở, vách dầm rêu phong

Tiếng ve sầu mênh mang gợi nhớ
Kỷ niệm về trăm mối ngổn ngang
Ngày xưa, ngày ấy rộn ràng
Thầy trò tương kính lòng tràn mến thương

Gốc phượng già còn vương dấu vết,
Cái tình xưa hằn nét chưa phai
Thầy cô sương điểm tóc mai
Tuổi xanh từng lớp nắm tay ra trường

Cây phượng xưa mái trường còn đấy,
Ông giáo già đã thấy tuổi thu
Vui theo kỷ niệm mịt mù
Để quên cuộc sống dãi dầu lòng đau:

Biết bao trò đã vào lòng đất
Bao nhiêu thằng lây lất vô danh
Nhiều em lừng lẫy tiếng tâm
Nhiều em cuộc sống âm thầm ai hay 


Như lá vàng, bay bay trong gió,
Lỡ chuyến đò thương khó vai mang
Cuộc đời cát bụi gió vàng
Bao nhiêu trong cảnh lầm than tủi hờn

Lá vàng rơi từng cơn theo gió
Rồi thu đi lá bỏ cành không .
Lạnh về sương trắng mênh mông
Đồng hoang hiu quạnh đông sang lạnh lùng !

Một chiều đông cả vùng được biết,
Ông giáo già vĩnh biệt dương gian
Phố phường thôn xóm bàng hoàng
Người đi lặng lẽ lòng trần sạch trơn

Phượng vẫn nở chập chờn hè đến
Ngôi trường xưa đâu bóng Giáo Già?
Chuông chiều xa vắng ngân nga
Đêm dầy buông xuống xót xa mái trường!!


Mailoc 
Cali 11-20-16

Hùng Ca Sử Việt 2 - Bố Cái Đại Vương - Khúc Thừa Dụ

       

Vào thời nước ta bị giặc Đường đô hộ(603-906) ở châu Đường Lâm có gia đình họ Phùng thuộc loại giàu có. Phùng Tói Cái - người đã từng vào trong cung vua Đường Cao Tổ, thời niên hiệu Vũ Đức (618-626) dự yến tiệc và làm quan lang ở đất Đường Lâm.
Các đời sau là Phùng Khiêm, Phùng Thông, Phùng Đạt. Cha truyền con nối, qua 5 đời đều là quan lang (Tù Trưởng) Châu Đường Lâm (gần bằng một huyện bây giờ). Cha của Phùng Hưng là Phùng Hạp Khanh, một người hiền tài đức độ, từng tham gia cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan (Mai Hắc Đế) chống sự chiếm đóng của nhà Đường ở nước ta, sau đó trở về quê lo việc điền viên và trở nên giàu có, trong nhà có đến hàng nghìn nô tỳ.(bia Quảng Bá).

Theo truyền thuyết, Phùng Hạp Khanh có một người vợ họ Sử. Ông bà sinh được ba người con trai khôi ngô khác thường, lớn lên ai cũng có sức khỏe, có thể kéo trâu, quật hổ. Con cả là Phùng Hưng. Năm Phùng Hưng được 3 tuổi lại sinh hai con trai nữa. Em thứ 2 là Phùng Hải (tự là Tư Hào) và em út là Phùng Dĩnh (tự là Danh Đạt). Đến năm ba anh em qua 18 tuổi thì bố mẹ đều mất.Ở tuổi trưởng thành ba anh em họ Phùng đều là những chàng trai chí khí, đảm được hơn người. Đặc biệt Phùng Hưng so với hai em Phùng Hải và Phùng Dĩnh, ông có sức khỏe và khí phách đặc biệt. Ông được sử sách và truyền thuyết dân gian lưu truyền về tài đánh trâu, quật hổ ở đất Đường Lâm. Có lần ông đánh được 2 con trâu mộng đang húc nhau, dân làng ai cũng thán phục. Lần khác lại trừ được hổ dữ, bằng mưu kế, đem lại bình yên cho làng xóm mà cho tới giờ nhân dân Đường Lâm còn lưu truyền về câu chuyện đó.

Một lần vào rừng, Phùng Hưng bị hổ vồ nhưng nhanh nhẹn né tránh được rồi vật nhau với hổ, và cuối cùng đánh chết hổ, mang về. Còn Phùng Hải thì đã có lần thử sức, vác cả một con thuyền nặng nghìn hộc, đi được hơn mười dặm mới dừng.

Sau khi người cha qua đời, Phùng Hưng mới nối chức cha cũng làm tù trưởng Châu Đường Lâm, được các châu ấp lân cận mến phục.
Dưới ách cai trị của quan quân nhà Đường, dân ta thường phải chịu trăm bề điêu đứng. Trước đó đã có các cuộc khởi nghĩa của Lý Tự Tiên (năm 687) rồi của Mai Thúc Loan (năm 722) nhưng đều bị đàn áp.
Đến năm đại lịch thứ hai (767) có giặc cướp đi thuyền lớn từ biển phía nam (đảo Java) tới, Đô úy Châu Vũ Định là Cao Chính Bình đánh dẹp được. Rồi Bình ở lai cái trị, bắt dân đóng góp rất nặng nề.
Phùng Hưng tự nhủ:

Đất nước ta từ khi có vua Hùng lập quốc, có núi tả Sông Hồng anh linh đến vạn thuở, cớ sau bây giờ vẫn phải chìm đắm mãi trong cảnh lầm than? Ta phải cùng các anh hùng hào kiệt cứu lấy giang sơn, đánh cho giặc bắt tan tành. Đất nước ta phải do người nước ta làm chủ, chứ lẽ nào phải cống nạp mãi?
Thế rồi Phùng Hưng nuôi ý định dấy binh. Trước hết ngài bàn việc đó với hai người em. Cả hai người em cũng cùng có chí hướng như Ngài.
Vào ngày đầu tháng ba, ba anh em lập một đàn tràng thề nguyền đồng tâm chung sức, dấy
binh khởi nghĩa, quyết đánh đuổi giặc Đường, giành lại giang san cứu dân thoát khỏi cảnh nô lệ.
Bỗng nhiên có một vầng hào quang xuất hiện. Khi hào quang biến mất, trước mặt ba anh em là một lão nhân râu tóc bạc phơ. Anh em Phùng Hưng cúi lạy chào. Lão Nhân cất tiếng
- Lão đây vốn là Long Thần Nam Hải, đang đi tìm hiểu sự tình nhân gian, thấy đàn tràng hào khí rực một góc trời, nên lấy làm lạ mà tới. Nghe các con có tâm nguyện đuổi giặc xâm lăng cứu lê dân bá tánh. Ta lấy làm cảm động vô cùng. Nay cho các một móng rồng của ta
Phùng Hưng Cất tiếng hỏi:
- Thưa Long Thần, Ngài cho chúng con vật quý này để làm gì?
- Con về rèn một thanh kiếm lệnh, dùng móng này làm thành cái chuôi. Khi vung kiếm hiểu thị, muôn người như một nhất nhất tuân theo lệnh ban ra.
Nói xong Long Thần biến mất
Sau đó, ba anh em rèn ngay một thanh kiếm thật bén, rồi tra vào chuôi được làm từ móng rồng, ở giữa khắc ba chữ "Long Thần kiếm".
Từ đó, Phùng Dĩnh ở nhà trông coi công việc trong Châu, còn Phùng Hưng và Phùng Hải chia nhau đi khắp các vùng gần xa, chiêu tập hào kiệt.
Để đánh lạc hướng chú ý giặc, Phùng Hưng đổi tên Cự Lão, Phùng Hải đổi tên là Cự Lực. Sẵn có sức khỏe hơn người, hai anh em đến các sới vật thường xuyên tổ chức trong các kỳ lễ hội tại các địa phương, vừa để tham gia mà cũng vừa là cách tốt nhất để nhận mặt làm quen với các anh tài.

Đi đến đâu hai anh em cũng được mọi người mến mộ. Các tay đô vật ở khắp các trang ấp đều rất mực phục tài anh em Phùng Hưng và Phùng Hải, lại vừa nhận thấy ở họ những tấm lòng thật hào hiệp, quảng đại, nên khi nghe nói tới việc dựng cờ khởi nghĩa, họ đều nhiệt liệt hưởng ứng và cùng nhau hẹn ngày khởi sự.
Sau mấy tháng đi khắp các vùng, anh em Phùng Hưng, Phùng Hải trở về nhà. Nhân ngày húy kỵ ông bố 11 tháng 3, ba anh em làm cỗ thật to, mời tất cả anh em, họ mạc và dân làng. Lại mời tất cả bạn bè và hàng ngũ chức sắc dưới quyền trong châu Đường Lâm, đó là các trang ấp trưởng.

Trong bữa cỗ, mọi người ăn uống vui vẻ, rồi sau đó bàn sang chuyện khởi nghĩa. Anh em Phùng Hưng đưa ra thanh "Long Thần Kiếm". Các trang ấp trưởng và mọi người đều đặt tay lên ngựa mà và hứa: "Chúng tôi nguyện xin đem hết tài năng cùng Tướng Quân đuổi giặc " Anh em họ Phùng nổi dậy làm chủ Đường Lâm cùng mấy ngàn nghĩa quân tiến lên đánh chiếm được cả một miền rộng lớn quanh vùng thuộc Phong Châu. Phùng Hưng xưng là: Đô Quân; Phùng Hải xưng là Đô Bảo và Phùng Dĩnh xưng là Đô Tổng, chia quân đi trấn giữ những nơi hiểm yếu. Để Phùng Dĩnh ở lại trông coi các việc, còn Phùng Hưng, Phùng Hải mượn tiếng là đi tuần thú trong châu, đã dẫn quân chếch xuống phía nam, đến Thời Trung trang (nay là làng Chuông, tức xã Phương Trung - Thanh Oai - Hà Tây) thì dừng lại.
Đây là địa điểm thuận lợi cho việc tập luyện, phiên chế quân ngũ, vừa đủ xa để bọn giặc đóng ở thành Đại La (Hà Nội) không dòm ngó tới, lại vừa đủ gần để từ đây có thể hành quân bất ngờ tấn công quân địch.
Thời Trung trang cách thành Đại La khoảng ngoài 20 dậm (khoảng 17,6 cây số theo đơn vị đo lường thời xưa của Việt Nam, 1 dậm = 444 mét), chỉ cần di chuyển quân nửa ngày là đã lên tới nơi.
Theo hẹn ước, các anh tài khắp nơi mang theo những người cùng chí hướng, lục tục tìm về. Trong một thời gian ngắn, quân số đã lên tới hàng vạn.
Cao Chính Bình đem quân đi đàn áp nhưng chưa phân thắng bại. Tình hình diễn ra như vậy hơn 20 năm.

Đến tháng 4 - 791 (Đường Trinh Nguyên năm thứ 7), theo kế của Đỗ Anh Luân một danh sĩ cùng người Đường Lâm, là bạn Phùng Hưng từ nhỏ, nay là quân sư lo việc bày binh bố trận. Anh em Phùng Hưng, Phùng Hải đã mang quân chia làm hai ngả, bao vây thành Đại La trong đêm tối.
Cao Chính Bình mặc dù là viên tướng đảm lược, nhưng cũng đành chịu bó tay thúc thủ trong thành. Không thể đem quân trốn ra ngoài, vì tất cả các nẻo đường đều đã bị chặn giữ, Cao Chính Bình đành phải cho một vài tên lính lanh lợi, giữa đêm tối tìm cách lẻn ra, đưa thư cấp báo về nhà Đường, xin tiếp viện.
Ba tháng ròng, thành Đại La bị vây chặt. Các đoàn viện binh của nhà Đường đến đều bị quân của Phùng Hưng đánh tan. Cao Chính Bình hay tin lo lắng quá thành khối u lớn ở sau lưng. Rồi khối u vỡ, Cao Chính Bình chết.
Khi tin Cao Chính Bình chết bay ra ngoài thành, Phùng Hưng hạ lệnh cho quân lính từ các nơi hiểm yếu, nhất loạt tiến công. Quân nhà đường chống không nổi, phải kéo cờ trắng ra hàng.
Phùng Hưng dẫn đại binh vào chiếm Đô hộ phủ trong niềm hân hoan của mọi người. Tướng sĩ suy tôn ngài là Vi đô Tướng quân.
Vi đô Tướng quân lập tức bắt tay vào việc chấn hưng đất nước và xây thành đắp lũy, luyện tập binh mã, đẻ đối phó với nhà Đường sau này.
Ngài chưa xưng Đế, nhưng thực sự đã điều hành công việc như một vị Hoàng đế. Ngài mang lại cho muôn dân cảnh no ấm, thái bình, không phải đem lễ vật cống nạp cho ngoại bang, và các thuần phong mỹ tục trong nước cũng đang được khôi phục lại.
Nhưng thật tiếc thay, những công việc mà Ngài thực thi đang tiến triển thì dừng lại, bởi cái chết đến quá đột ngột, vào đúng bảy năm sau tức năm 798, lúc đó Ngài mới đang ở độ tuổi sung mãn.
Xét về công lao cũng như tài năng, đức độ, nhiều người muốn lập Phùng Hải lên thay, vì thấy ông xứng đáng nhất. Nhưng một người đầu mục phụ tá cho Phùng Hưng, và sau này phụ tá cho Phùng An, con trai trưởng của Phùng Hưng tên là Bồ Phá Cần, không tán thành

Bồ Phá Cần là người có sức mạnh vô song, nhưng liều lĩnh và thiển cận, một mực lập Phùng An lên thay, rồi đem quân chống lại Phùng Hải. Không muốn nhìn thấy cảnh máu chảy đầu rơi, lại cốt nhục tương tàn nên Phùng Hải né tránh, cùng vài người thân tín, bỏ lên ở động Chu Nham, rồi sống cuộc đời dân giã cho đến lúc mã chiều xế bóng.
Phùng An nối nghiệp cha, nhưng là người không có đảm lược lớn. Một người như thế chỉ có thể trị vì đất nước trong cảnh thái bình, còn khi đất nước có biến động thì sẽ không đảm đương nổi.
Công việc đầu tiên mà Phùng An tiến hành là tổ chức lễ an táng cho cha thật trọng thể. Sự trọng thể lại càng tăng gấp bội phần, vì tất cả dân chúng và binh lính đều thực lòng tiếc thương vị anh hùng của mình vừa nằm xuống.
Dân chúng và binh lính đưa tang, khóc Ngài đến đỏ hoe cả hai con mắt.
Họ thương tiếc, gọi Ngài là Bố Cái, tức Cha Mẹ? (có nhiều người không đồng tình với giải thích này. Thứ nhất chữ Cái có nghĩa là giống cái, là phụ nữ chớ không phải nghĩa là mẹ. Thứ hai chữ Cái có nghĩa là Lớn. Bố Cái là người Cha Lớn ). Rồi họ lại gọi Ngài là Đại vương, như trước đó vẫn gọi 
Ngài như thế. Phùng An con trai Ngài, do cảm nhận được những tình cảm ấy của dân chúng và binh
lính cũng suy tôn Ngài làm "Bố Cái đại vương". Và cái tên ấy còn mãi đến ngày nay.

                    

Lăng mộ Bố Cái Đại Vương ở Giảng Võ Hà Nội                  

Nhưng Phùng An là người tài hèn trí mọn, không nối được cái chí của cha, chú. Hai năm sau Đường Đức Tông sai Triệu Xương sang làm An Nam Đô hộ phủ. Xương đi sau, sai sứ giả đem đồ lễ vật đi trước để dụ dỗ An. An sắp xếp nghi vệ đầy đủ, dẫn quần thần ra hàng.
Nhiều người họ Phùng có chí khí và nhiều người họ khác nữa, thấy vậy, bèn tản đi các nơi, không muốn ở lại hợp tác với giặc. Sau khi đặt nền cai trị, bọn quan quân nhà Đường liên tục truy sát những người trong gia tộc họ Phùng.
Theo các dòng sông lớn dòng họ Phùng toả về các vùng núi, trung du, các vùng hạ lưu các con sông lớn nhỏ để lập nghiệp.
Bố Cái Đại Vương mất nhưng Ngài rất hiển linh, thường ở trong thôn dân hiện hình thành thiên xa vạn mã phi đằng trên nóc nhà, trên cổ thụ; chúng nhân trông lên thực như đám mây ngũ sắc, lại nghe thấy ti trúc, quản huyền giao hưởng trên không trung, tiếng hô hoán, tiếng cờ trống võng kiệu vọng lên nghe thấy phân minh giữa ban ngày.

Phàm trong ấp có tai nạn hoặc việc vui mừng thì Ấp trưởng trong đêm đã thấy có dị nhân báo trước; chúng phục là thần, lập đền phía tây Đô phủ mà phụng sự, phàm có việc trộm cướp, việc hồ nghi thì đại thể tề tựu trước đền mà bái yết thần, vào trong đền mà minh thệ, lập tức thấy họa phúc. Nhà thương mại đem lễ đến đền cầu lợi hậu đều có linh ứng; thôn dân gặp phải mưa dầm hay đại hạn; cầu đảo liền được như ý. 

Mỗi năm xã đến ngày tạ lễ, người đến đông như rừng như biển, bánh xe dấu ngựa đầy đường; miếu mạo nguy nga, hương đèn chẳng dứt. Tất cả đều thấy ứng nghiệm, vì vậy "mỗi khi vào ngày tạ lễ, người đến nhiều như núi như biển, bánh xe chật đường". Về sau, dân chúng xây dựng thêm,"miếu mạo nguy nga, lửa hương bất tuyệt"(theo Việt điện u linh).
Đúng 100 năm, sau ngày Ngài mất, cũng tại quê hương của ngài (Đường Lâm), một người anh hùng nữa đã ra đời. Đó là Ngô Quyền (898 - 944). Sau khi giết Kiều Công Tiễn trả thù cho bố vợ (Dương Đình Nghệ), Ngô Quyền xưng vương, rồi đánh tan quân Nam Hán ở cửa sông Bạch Đằng. Trước trận đó, thấy quân giặc đông, nhà vua cũng có phần lo lắng, nhưng"đêm nằm mộng, bỗng thấy một ông già tóc bạc, mũ áo nghiêm trang ... xưng là Phùng Hưng đến cổ vũ và hứa sẽ đem vạn đội thần binh mai phục trước ở chỗ hiểm yếu" . 
Sau trận thắng, nhà vua tạ ơn, xuống chiếu lập đền thờ Phùng Hưng ở làng Cam Lâm to hơn quy mô cũ, và tổ chức lễ hội thật trọng thể. Từ đó thành điển lệ. Các triều đại về sau đều có sắc thượng phong: "Phụ hựu", "Chương tín", "Sùng nghĩa". Đó là những tên hiệu mà các triều Trần trùng hưng đã tặng thêm cho Ngài.

Lăng mộ Phùng Hưng hiện ở đầu phố Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội. Đền thờ ông được dựng lên ở nhiều nơi như quê hương Đường Lâm, đình Quảng Bá (Tây Hồ, Hà Nội), đình Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội)... Ở xã Gia Thanh, Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình có 3 ngôi đền thờ Bố Cái Đại Vương, tương truyền ông mất tại đây. 


Đền thờ Bố Cái Đại Vương ở Triều Khúc

Bối Cảnh Lịch Sử

Năm Mậu Thân (768). (Đường, năm Đại Lịch thứ 3).

Nhà Đường lại đổi Trấn Nam làm An Nam đô hộ phủ. Năm Đinh Mùi (767) là năm Đại-lịch thứ 2, đời vua Đại-tông 代 宗 nhà Đường, sử chép rằng có

Quân Côn-lôn 崑 崙(Mã Lai) và quân Đồ-bà 闍 婆 (Chà Và-Java) là quân ở những đảo ngoài bể vào cướp phá đất Giao-châu, lên vây các châu-thành.

Quan Kinh-lược-sứ là Trương bá Nghi 張 伯 儀 cùng với quan Đô-úy là Cao chính Bình 高 正 平 đem quân đánh phá được lũ giặc ấy. Trương bá Nghi bèn đắp La-thành 羅 城 để phòng thủ phủ-trị. La-thành khởi đầu từ đấy.

Năm Tân Tuất (791) quan Đô-hộ là Cao chính Bình bắt dân đóng sưu-thuế nặng quá, lòng dân oán-giận. Khi bấy giờ ở quận Đường-lâm 唐 林 (bây giờ là làng Cam-lâm, huyện Phúc-thọ, tỉnh Sơn-tây) có người tên là Phùng Hưng 馮 興 nổi lên đem quân về phá phủ Đô-hộ. 

Phùng Hưng xuất thân từ dòng dõi cự tộc, hào trưởng đất Đường Lâm. Đường Lâm xưa kia vốn là vùng đồi gò và rừng cây rậm rạp, thú vật dữ tợn thường hay lui tới, nên nơi đây tục gọi là Đường Lâm hay Cam Lâm.

Cao chính Bình lo sợ thành bệnh mà chết. Phùng Hưng mới chiếm giữ phủ-thành, được mấy tháng thì mất. Quân-sĩ lập con Phùng Hưng là Phùng An 馮 安 lên nối nghiệp. Dân ái-mộ Phùng Hưng mới lập đền thờ và tôn lên làm Bố Cái Đại vương 布 蓋 大 王, bởi vì ta gọi cha là bố, mẹ là cái, nghĩa là tôn Phùng Hưng lên làm cha mẹ.
Giới sử học hiện vẫn chưa rõ ngày sinh của ông, chỉ biết ông mất vào năm 791. Một nguồn dã sử cho biết Phùng Hưng sinh ngày 25 tháng 11 năm Canh Tý (760) (tức 5-1-761) và chết ngày 13 tháng 8 năm Nhâm Ngọ (tức 13-9-802), thọ 41 tuổi.
Phùng Hưng chiếm lĩnh thành trì và vào phủ Đô hộ, coi chính sự đất nước được 7 năm thì mất. Rất tiếc trong 7 năm ấy, sử sách không để lại một nguồn tài liệu nào về ông. 
Tháng 7 năm tân-vị ấy, vua nhà Đường sai Triệu Xương 趙 昌 sang làm Đô-hộ. Phùng An liệu thế chống không nổi xin ra hàng.
Nền tự chủ vừa mới xây dựng, chỉ tồn tại vẻn vẹn trên dưới 9 năm.
Mãi đến đầu thế kỷ thứ 10 năm 906 Họ Khúc nổi lên dấy nghiệp.


HỌ KHÚC DẤY NGHIỆP:

KHÚC THỪA DỤ (906-907). Trước khi nhà Đường sắp mất ngôi độ mấy năm, thì bên Tàu loạn, giặc cướp nổi lên khắp cả mọi nơi. Uy-quyền nhà vua không ra đến bên ngoài, thế-lực ai mạnh thì người ấy xưng đế, xưng vương. Ở Giao-châu, lúc bấy giờ có một người họ Khúc tên là Thừa Dụ 曲 承 裕, quê ở Hồng-Châu (thuộc địa-hạt Bình-giang và Ninh-giang ở Hải-dương). Khúc thừa Dụ vốn là một người hào-phú trong xứ, mà tính lại khoan-hoà, hay thương người, cho nên có nhiều người kính-phục. Năm bính-dần (906) đời vua Chiêu-tuyên nhà Đường 唐 昭 宣, nhân khi trong châu có loạn, chúng cử ông ấy lên làm Tiết-độ-sứ 節 度 使 để cai-trị Giao-châu. Nhà Đường lúc bấy giờ suy-nhược, không thể ngăn cấm được, cũng thuận cho ông ấy làm Tĩnh-hải Tiết-độ-sứ và gia phong Đồng-bình-chương-sự 同 平 章 事.
Năm sau nhà Đường mất ngôi, nhà Hậu-Lương 後 梁 phong cho Lưu-Ẩn 劉 隱 làm Nam-bình-vương 南 平 王, kiêm chức Tiết-độ-sứ Quảng-châu và Tĩnh-hải, có ý để lấy lại Giao-châu.
Khúc thừa Dụ làm Tiết-độ-sứ được non một năm thì mất, giao quyền lại cho con là Khúc Hạo 曲 顥.

KHÚC HẠO (907-917).

Khúc Hạo lên thay cha làm Tiết-độ-sứ, lập ra lộ, phủ, châu, xã ở các nơi, đặt quan-lại, sửa-sang việc thuế-má, việc sưu-dịch và

lại cho con là Khúc thừa Mỹ 曲 承 美 sang sứ bên Quảng-châu, tiếng là kết hiếu với nhau, nhưng cốt để dò-thám mọi việc hư thực.

Lưu Ẩn ở Quảng-châu đóng phủ-trị ở Phiên-ngung được 4 năm thì mất. Em là Lưu Cung 劉 龔

(trướcgọi là Lưu Nham 劉 巖) lên thay. Được ít lâu, nhân có việc bất bình với nhà Hậu-Lương, Lưu Cung tự xưng đế, quốc hiệu là Đại-việt 大 越. Đến năm đinh-sửu (947) cải quốc hiệu là Nam-hán 南 漢.

KHÚC THỪA MỸ (917-923). Năm đinh-sửu (917) Khúc Hạo mất, truyền nghiệp lại cho con là Khúc thừa Mỹ. Khúc thừa Mỹ

nhận chức Tiết-độ-sứ của nhà Lương, chứ không thần-phục nhà Nam-Hán. Vua nước Nam-Hán lấy sự ấy làm hiềm, đến năm quí-mùi (923) sai tướng là Lý khắc Chính 李 克 正 đem quân sang đánh bắt được Khúc thừa Mỹ, rồi sai Lý Tiến 李 進 sang làm thứ-sử cùng với Lý khắc Chính giữ Giao-châu.

DƯƠNG DIÊN NGHỆ VÀ KIỀU CÔNG TIỄN (931-938). Năm tân-mão (931) Dương Diên Nghệ 楊 筵 藝 (Dương Đình Nghệ) là tướng của Khúc Hạo ngày trước, mới nổi lên, mộ quân đánh đuổi bọn Lý khắc Chính và Lý Tiến đi, rồi tự xưng làm Tiết-độ-sứ. 

Được 6 năm, Dương Diên Nghệ bị người nha-tướng là Kiều Công Tiễn 矯 公 羨 giết đi mà cướp lấy quyền.

Đây cũng là giai đoạn nước ta bắt đầu giành lại quyền tự chủ, không còn bị nước Tàu đô hộ. Chấm dứt các thời kỳ Bắc Thuộc

Thứ Tư, 26 tháng 8, 2020

Nỗi Niềm - Nhạc sĩ Tuấn Khanh - Ca Sĩ Hà Thanh


Nhạc sĩ: Tuấn Khanh 
Ca Sĩ: Hà Thanh
Thực Hiện: Đặng Hùng

Mùa Trăng Tháng Tám

(Ảnh: Daniel Bien)

Đong đưa kỷ niệm cuộc tình
Cành cây trụi lá trĩu mình im hơi
Dạt dào niềm nhớ không nguôi
Người đây ta đấy ai vui ai buồn
SPCH

Mình lặng ngắm chiều trôi
Khi hoàng hôn xuống thấp
Mây trời không che lấp
Được niềm nhớ trong tôi

Người đến một lần thôi
Khi tình xuân chớm nở
Nhưng mình không duyên nợ
Hai đời đành rẽ đôi

Thương tiếc thời xa xôi
Trăng lên buồn một bóng
Trên cành khô còn đọng
Nước mắt ngày chia phôi...

Biện Công Danh
25/8/2018

Chào Thu Plymouth



Rồi chốn xưa xa khuất dặm ngàn
Xin chào thu mới cũng vừa sang
Bâng khuâng nhớ lại thương ngày cũ
Lặng lẽ ngồi đây đếm tuổi vàng
Xào xạc rừng thông đùa gió lộng
Chập chùng sóng biển vỗ bờ hoang
Có ai đồng cảm niềm tâm sự
Hãy níu giùm ta vạt nắng tàn!

Nguyễn Kinh Bắc

Plymouth, MA 9-15-18

Họp Nhóm Thân Hữu


1-
Sống được ngày nào cứ thảnh thơi
Bạn già họp mặt để vui chơi


Biết chẳng bao giờ qua giới hạn
Bia nồng chỉ dám một vài hơi

2-
Thày trò họp mặt rất là vui
Tình sư nghĩa đệ chẳng phai phôi
Không để bao giờ say quá độ
Chầu bia chỉ nhắp một vài hơi

3-
Đồng nghiệp, đồng môn, sư đệ họp
Mái đầu tuyết trắng cạnh sương pha
Chia sẻ tin vui buồn cũ mới
Cho tình thân hữu mãi thăng hoa.

ChinhNguyen/H.N.T

US, Aug.11.20