Thứ Bảy, 13 tháng 9, 2014

Về Vấn Nạn Đạo Tranh Ở Việt Nam

Thời gian gần đây, thị trường tranh nghệ thuật ở Việt Nam bị xáo trộn rất  lớn do tình trạng tranh của một số họa sĩ Việt Nam bị ăn cắp bản quyền một cách thô bạo và trắng trợn. Một trong số tác giả bị ăn cắp tranh đó có tôi!
Các tác phẩm này đã bị ăn cắp dưới nhiều hình thức: hoặc người ta vẽ tranh giả rồi ký tên trên đó chính tên của tôi -Tín Đức- là tác giả bị ăn cắp; hoặc người ta dùng kỹ thuật in ấn, in sao phiên bản lại thành các bức tranh lưu niệm rồi xóa tên tôi. Và những người làm nghề ăn cắp bản quyền này không hề  đếm xỉa hay lên tiếng xin phép tác giả là nạn nhân của họ về hành động đó!
Hiện nay, tranh giả và tranh phiên bản từ tranh của tôi sáng tác bị người ta ăn cắp đang được bày bán ở khắp nơi trong nước. Điển hình là ở một số cửa hàng tranh như Galery Anh & Em nằm trên đường Trần Phú gần chợ An Đông, Galery Kim Đô ở đường Lê Lợi, hay trong đa số các cửa hàng bán tranh và đồ lưu niệm trong Thương xá Tax ở Thành phố Hồ Chí Minh. Còn ở Cần Thơ, tiệm Hải Lưu trên đại lộ Hòa Bình là nơi xuất xứ tranh giả ký tên “Tín Đức”.
Vấn nạn này, đã làm ảnh hưởng thật sự đến uy tín và quyền lợi kinh tế của các họa sĩ bị ăn cắp bản quyền tranh. Là người chuyên sống với nghề vẽ tranh nghệ thuật, bản thân tôi cảm thấy bị xúc phạm một cách nặng nề, bởi vì những  tác phẩm do chính tôi sáng tác, được sáng tạo một cách tâm huyết  từ sự tìm tòi, khổ luyện của mình qua bao nhiêu năm đang bị những cú đập phũ phàng! Song song đó, chính điều này cũng làm cho tâm lý của người mua tranh bị dao động. Người mua tranh không dám mạnh dạn mua tranh của tác giả thật vì sợ bị lầm… tranh giả(!) 
Khi việc này xảy ra với chính bản thân tôi, tôi có đem vấn đề này ra để tâm sự với một cán bộ đang công tác trong ngành Thông tin & Truyền thông . Vị này nhìn tôi rồi bảo rằng:” Hiện giờ, ở tỉnh không có ai phụ trách bộ phận này cả. Và việc này, từ trước đến nay không có tiền lệ, nên không có kinh nghiệm xử lý. Thôi thì, hồn ai nấy giữ…(!)”
Trước thực trạng này, chúng tôi, những họa sĩ là nạn nhân của vấn nạn bi đát trên, sẽ phải làm như thế nào để bảo vệ thành quả lao động chân chính của mình? Ai sẽ là người đi tìm sự công bằng cho chúng tôi?
Ước mong sao qua bài viết này, sẽ gióng lên hồi chuông róng riết về tình cảnh của chúng tôi. Đồng thời cũng giải trừ được tình trạng bát nháo hiện nay của thị trường tranh nghệ thuật đương đại Việt Nam, tái lập lại niềm tin của khách thưởng ngoạn tranh ở trong cũng như ngoài nước.

(11/10/2014)
 Tín Đức 
Hội viên Hội Mỹ Thuật Việt Nam 

Mùa Thu Cho Em - Ngô Thụy Miên - Lệ Thu

      Mùa Thu là mùa mà các văn nghệ sĩ lấy cảm hứng để cho ra những sáng tác về tình yêu,nhưng thường là các tác phẩm này mang một vẽ buồn nhè nhẹ.

      Bản nhạc này Ngô Thụy Miên lại ca ngợi tình yêu đôi lứa trong một mùa thu tràn đầy hy vọng trong tình yêu và mơ mộng Vì mùa thu ở đây sẽ là mùa thu càu hy vọng, của hạnh phúc để họ cùng chung bước nhau vào cõi mộng của tình yêu đầy mộng mơ và đầy yêu thương



Sáng Tác: Ngô Thụy Miên 
Tiếng Hát: Lệ Thu
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình


Nhìn Thu Lá Rụng Nhớ Người Tôi Thương




Thu về lá rụng ngoài sân
Sao lòng thầm nhớ mỗi lần thu sang
Nhớ sao, nhớ quá dáng nàng
Mỗi lần thu đến bàng hoàng trong mơ

Bao năm vẫn nhớ đến giờ
Từ thời áo trắng tình thơ học đường
Lời em nhỏ nhẹ dễ thương
Một lần chung bước đến trường năm xưa
Lao xao vàng lá gió đưa
Em chao nghiêng nón cho vừa tầm tay
Một cơn gió cuốn lá bay
Em vội hứng lấy, gió xoay đổi chiều.

Lá bay về phía bên tôi
Không ngờ chiếc lá bay rồi đáp vai
Tôi vừa đưa nhẹ bàn tay
Thì nàng cũng đến…chặp tay - tôi nàng
Trên vai…tôi nhặt lá vàng
Đôi tay êm ấm - tay nàng tay tôi.

Thế rồi từ đó trong tôi
Bàn tay mềm mại, nối đời thư sinh
Từng thu lá rụng đưa tình
Yêu thương càng lớn, thắm tình lứa đôi.
Trường xưa hết lớp, xa rời
Em vào đại học, tôi thời về quê
Từng thu, đôi lần em về
Thăm người bạn cũ, chân quê mùa này.

Tình đời lắm chuyện đổi thay
Thu nay lá rụng gió bay xa ngàn
Giờ đây tôi đã xa nàng
Nhìn thu lá rụng, bàng hoàng, nhớ thương...

Song An Châu

Còn Nhớ


Mưa vẫn theo mây ở cuối trời
Lưu luyến buồn vui, những giọt rơi
Thả xuống đồng xanh gieo hạt mộng
Sợi thương còn đọng ướt môi đời

Ta cố tìm quên những đắng cay
Vòng quanh phiêu lãng đã mòn giày
Lê bước phong trần quanh nỗi nhớ
Đường mây chưa xóa dấu chim bay

Đã mấy mùa mưa ngập lối về.
Đường xưa tìm lại tuổi đam mê
Nhưng vết chân buồn vương phố nhỏ
Lồng lộng ngày xưa buổi hẹn hò

Lẫn quẩn cuối đời cứ nhớ nhau
Cát bụi thời gian chẳng nhạt màu
Nụ cười âu yếm vương đôi mắt
Nhìn lá thu rơi nặng nỗi đau

Người ở bên nầy nhớ bên kia
Cùng nhau chia nửa ánh trăng khuya
Buông thả hồn trôi về bến cũ
Đò xưa sương lệ rớt đầm đìa.

Kim Quang


Giữ



Giữ giùm tôi chút nắng
Sợi tơ trời lung linh
Giữ giùm tôi chiếc lá
Chớm thu đã úa vàng

Giữ giùm tôi lời vọng
Tiếng thơ buồn đêm khuya
Giữ cho tôi tất cả
Tình thương – trái tim hồng

Giữ giùm tôi kiếp người
Hóa đá giữa hư vô
Mắt nhắm và mắt mở
Cõi ta bà – phù du

Hương Ngọc

Nguyễn Thượng Hiền - Khóc Kỳ Am


Nhất đổng thiên môn tịch chiếu trầm
Nho y phiêu bạt đáo như câm
Giang sơn phóng dật tài nhân bút
Phong vũ bi ca liệt sĩ tâm
Tứ tọa do văn đàm Bắc Hải
Cửu thu tằng cộng phỏng Đông Lâm
Ma sa hạp kiếm tri thùy tặng
Hồi thủ Nam minh tích vụ thâm

Nguyễn Thượng Hiền

Phỏng dịch:

Khóc Kỳ Am

Chiều âm u ai khóc bên trời
Bạc áo nhà nho đến thế thôi
Lưu lạc nhân tài bên trời thẳm
Gió mưa chí sĩ hát cuồng lơi
Đàm luận nhiều phen không lối thoát
Cao ngâm cửa Phật lại buông lời
Mài hoài kiếm sắc trao ai đó
Ngoảnh lại trời Nam tối mịt rồi

Chân Diện Mục

Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2014

Hiệp Lời Cầu Nguyện Cùng Gia Đình Thủy Hiệp Và Tang Quyến



Toàn thể gia đình hay tin trễ Bác Trai Anton Nguyễn Văn Bang là Thân phụ của Nguyễn thị Bích Thủy và là Nhạc gia của Lê Kim Hiệp, Cụ Ông đã được Chúa gọi về.
- Ngày Thứ Hai 1/9/2014
- Lúc 2giờ sáng 
- Tại Tucson, Arizona, USA
- Hưởng thọ 91 tuổi
- Thánh Lễ cử hành vào ngày Thứ Sáu, 6/9/2014.

Trong niềm tin tưởng vào Chúa Kitô, cầu xin Ngài đón nhận Linh hồn Bác Anton Nguyễn Văn Bang sớm được về hưởng nhan Thánh Chúa.
Toàn thể anh chị em xin đồng hành với sự mất mát lớn lao này và hiệp dâng lời cầu nguyện cùng Thủy Hiệp và Tang quyến.

Hiệp Nguyện!  
                           
GĐ Chị Lê Kim Xuyến,
GĐ Chị Lê Kim Phương
GĐ Anh Lê Kim Thành
GĐ Chị Lê Thị Kim Nhi
GĐ Chị Lê Thị Kim Phượng
Các em:
GĐ Lê Kim Hội, 
GĐ Lê Thị Kim Oanh,  
GĐ Lê Thị Kim Diệp
GĐ Lê Kim Hữu

Thả Diều Vào Ngày Rằm Dọc Bờ Sông Vĩnh Long




Ở công viên Vĩnh Long dọc theo bờ sông 









Trương Văn Phú

Dư Âm Ngày Cũ


Ôi! dư âm ngày cũ
Vương vấn mãi hồn ta.
Tình quê hương ấp ủ
Hiu hắt ánh trăng tà!


Bỗng nhớ lại xóm xưa thời thơ ấu
Có con đường nho nhỏ phố liền nhau
Một trời thơ lưu dấu nỗi buồn đau
Bao kỷ niệm rạt rào theo năm tháng

Nhớ đầu xóm, ngôi nhà xưa ông Phán
Cạnh nhà bên bà Bắc bán tương chao
Cách vài căn nhà thằng Khọt người Tàu
Khoảng đất rộng, villa Tây rào sắt

Bạn cùng lứa ngày ngày chơi rượt bắt
Chơi đá lon, dàn trận bắn dây thun
Xóm dưới trên làm hảo hán chia vùng
Mưa tầm tả đá banh cùng hứng nước

Tàu cau rụng, giành nhau, tranh lấy được
Làm mích lòng lối xóm chuyện không đâu
Vậy mà sao cứ nhớ mãi trong đầu
Thân thương quá! bùi ngùi rơi nước mắt

Mỗi buổi sáng tiếng rao bà bán bắp
Hai cắc thôi gói nhỏ rắc mè thêm
Cơm nguội chiên, tép mỡ nhớ mà thèm
Ăn vội vã, mắt còn ghèn, cập xách

Quần xà lỏn chân không trường xa lắc
Đường quanh co lố nhố bóng học trò
Tiếng trống trường thúc giục chạy vắt giò
Sợ trễ buổi chào cờ chung cả lớp

Sáng thứ sáu, ôi chao! lòng nơm nớp
Giờ toán xong nghe nhẹ nhỏm thở phào
Bài thuộc lòng , cách trí, sử , lào lào
Nhưng dốt toán sợ thầy đâu dám hỏi .

Nhớ những buổi trưa hè ve inh ỏi ,
Nhớ những chiều đêm tối xóm lặng yên
Bản “ Trăng Mờ Bên Suối “ vẳng bên thềm .
Hồn ngây ngất, mơ màng từ dạo đó .

Lên trung học vào trường công thật khó
Ngàn thí sinh chỉ lấy có một trăm
Suốt năm dài khuya sớm học chuyên cần
Kỳ thi tuyển thật căng ta van vái

Vào đệ thất Nguyễn Thông lòng hăng hái
Vẫn cái quần xà lỏn áo sờn vai
Cùng bộ đồ phế thải của anh Hai
Năm Thất Lục, ai giày, ta mang guốc

Mái trường nhỏ hồn tôi như trói buộc,
Tình thầy trò bè bạn suốt bao năm
Tiếng chuông reng, lẫn tiếng guốc xa gần
Còn văng vẳng dư âm xưa thân ái

Theo năm tháng dòng đời trôi trôi mãi
Lòng bùi ngùi bỏ xóm cũ bạn thân
Dòng Cổ Chiên ta lặng đứng âm thầm
Cầu Thiền Đức, bâng khuâng nhìn sông nước!


Mailoc
Cali 9-1-14

Xướng Họa: Đêm Trăng Cửu Long


Dòng chảy hiền hòa thong thả bơi
Lan bờ rạo rực nhảy reo mời
Tầng cao lơ lửng vầng mây tán
Đêm lặng rì rào ngọn gió khơi
Sóng nước lung linh da ẩn ngọc
Ánh trăng lấp lánh bóng in trời
Cửu Long nuôi dưỡng hồn thôn dã
Tiếng hát ầu ơ nhập cuộc đời!

Nguyễn Đắc Thắng
11/09/2014
 * * *
Sông Quê Mùa Nước Nổi

Xuồng con gái nhỏ ngược dòng bơi
Điên điển vàng bông ánh gọi mời
Núp bóng lóc kền lên dựa mé
Theo đàn linh ống dợn ngoài khơi
Lung linh ngấn nước cần câu trúc
Thấp thoáng ngàn mây lũ vịt trời
Gắn bó sông quê nơi cắt rốn
Hai mùa trong đục trải bao đời


Cao Linh Tử
13/9/2014

* * * 
Miền Tây Nam Bộ 

Chiếc xuồng xinh xắn nhẹ nhàng bơi 
Vạt áo bà ba tím gọi mời 
Điên điển vàng tươi in bóng nước 
Đàn tôm trong suốt quẫy dòng khơi 
Đong đưa so đũa khoe rèm cửa 
Lả lướt cành tre vẫy gió trời 
Một khoảng không gian đầy quyến rũ 
Dâng tràn sức sống đến muôn đời. 

Sông Thu
* * * 

Đêm Trăng Cửu Long

Lãng du ngắm cảnh chiếc xuồng bơi,

Văng vẳng câu hò lảnh lót mời.
Sông nước Cữu Long xưa mát rượi,
Thuyền chài thấp thóang hiện ngòai khơi.
Sóng êm gió lặng đơm nhiều cá,
Nước bạc phù sa hưởng lộc Trời.
Thuở trước dân ta giàu thảo dã,
Bây giờ vất vả khổ bao đời...

Mai Xuân Thanh 
Ngày 08 tháng 01 năm 2015
* * * 
Trăng Nước Tầm Dương

Trăng trầm đáy nước ánh trăng bơi
Gờn gợn sông đưa bóng gọi mời
Ai khách đa tình xin chớ vội
Đàn xuân nhã khúc cũng vừa khơi
Tầm Dương bến vắng mơ vầng nguyệt
Kỹ Nữ buồn thân xót mệnh trời
Tan hợp bèo mây bao cảnh ngộ
Tỳ Bà lưu luyến khóc thương đời.
Quên Đi

* Hình phụ bản của Trương Văn Phú (Sông Vĩnh Long)

Chưa Đỗ Ông Nghè Đã Đe Hàng Tổng


Ngày xưa có một người học trò nghèo nhưng học giỏi, được Thiên đình rất chú ý. Trong sổ thiên tào hồi đó đã ghi cho anh chàng đậu tiến sĩ, làm quan đến thượng thư. Mỗi lần anh đi học thường qua một ngôi đền thờ thần ở làng bên cạnh. Vị thần làng đó vốn đã có đọc ở sổ thiên tào nên tỏ vẻ cung kính người học trò ấy. Những khi anh ta đi qua đền thì tượng thần đang ngồi trên bệ lật đật đứng dậy rất lễ phép.

  Một hôm người từ giữ đền nằm mơ thấy thần bảo: - "Ngày mai ngươi phải quét dọn đền cho sạch sẽ tử tế vì có quan lớn đến chơi nhà ta". Người từ làm y như lời và suốt ngày hôm ấy hắn đứng trực ở cổng đền chờ đón vị khách quý của ông thần. Nhưng đợi mãi, hắn ta chả thấy một ai cả, trừ ra anh học trò xơ xác nói trên  hôm đó vô tình có ghé vào đền nghỉ chân một lúc. Người từ cho là dân thường không để ý gì đến.   Ít lâu sau, người từ cũng lại chiêm bao thấy ông thần dặn dò như trước. Lần này, hắn cũng chả thấy ai lạ hơn là anh học trò hôm nọ đến đây ngâm một bài phú rồi lại đi. Nhưng hắn vẫn không tin. Đến lượt thứ ba cũng thế. Bây giờ người từ mới cho là quả phù hợp với lời thần dặn, bèn kể chuyện cho người học trò nọ nghe và bảo: - Đã ba lần như thế, nên tôi chắc rằng nhà thầy sau này sẽ đỗ đạt làm quan to chứ chẳng chơi.   Nghe nói, người học trò như mở cờ trong bụng. Anh ta quyết chắc cầm sự vinh hoa phú quý trong tay. Hắn nghĩ ngợi rất nhiều về tương lai của mình. Một hôm khi ngắm lại nhan sắc vợ mình, hắn thấy không được đẹp tý nào cả. Thế rồi đêm hôm ấy nằm dưới bóng trăng, hắn mơ tưởng một người đẹp như chị Hằng. Hắn bụng bảo dạ: - "Rồi ta sẽ cho vợ ta về đi thôi! Một khi đỗ đạt thì thiếu gì nơi ngấp nghé muốn làm bà. Lúc đó ta sẽ tìm những đám con vua cháu chúa; đã da trắng môi son lại vừa lắm của". Nghĩ thế, qua ngày hôm sau hắn kiếm cớ gây sự với vợ và đòi bỏ cho kỳ được. Mọi người đều lấy làm lạ và tỏ vẻ khinh bỉ một người có học như hắn lại có thể nhẫn tâm đến thế được. Nhưng hắn chỉ cười khẩy mà không kể gì dư luận. Một hôm khác có một người đến đòi nợ hắn. Vừa mới bước chân vào sân, người ấy đã bị hắn chỉ tay vào mặt mắng cho một trận: - Ta chưa có trả. Không khéo nay mai ta sẽ cắm đất vào vườn ở của mày cho mày biết mặt[1]. Hắn còn đe dọa nhiều người nữa. Gặp ai không vừa ý, hắn nói: - Rồi chúng mày sẽ biết tay ông! Tất cả những hành động của người học trò đều được tâu báo về Thiên đình. Ngọc hoàng nghe nói rất phật ý. Cho nên ít lâu sau đó, người từ giữ đền lại nằm mơ thấy ông thần tin cho biết là không phải kinh sợ đối với người học trò nữa vì trên Thiên đình đã tước sổ mất rồi, không cho đỗ đạt nữa. Ông từ hỏi: - "Tội của nó như thế nào?" - "Nó bị kết án là "dưới trăng bỏ vợ, trước sân đòi nhà, chưa làm nên đã thất đức"[2]. Bây giờ nó không được hưởng phúc nữa". Quả nhiên người học trò đó thi mãi không đỗ, muốn nối duyên lại với vợ cũ cũng không được. Cửa nhà hắn ngày một sa sút dần. Do đó mà có câu tục ngữ: "Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng"[3].
KHẢO DỊ
 
Có người kể hơi khác về chi tiết: Người học trò đi qua cổng đền, ở đó có hai con chó đá đều vẫy đuôi mừng, hỏi thì đáp là vì biết ông sắp sửa đỗ ông Nghè. Từ đó người học trò ấy luôn luôn dọa dẫm những người không vừa ý mình. Về sau, hắn gặp chó không vẫy đuôi nữa. Chó bảo: vì ông ăn ở xấu nên Thiên đình không cho đỗ, bây giờ chỉ có cách làm việc thiện mới thay đổi được ý trời. Một hôm hắn qua sông thấy một bầy kiến trôi giữa dòng nước, bèn lội xuống vớt tất cả lên. Nhờ thế về sau hắn lại đậu.[4] Có hai truyện khác nội dung gần giống với truyện trên: Truyện Hai anh em họ Lê ở Thần-đầu: Xưa có hai vợ chồng một người tiều phu họ Lê. Vì nghèo khổ cô đơn nên bị bọn hương lý trong làng đối đãi rất tệ: phu phen sưu dịch lúc nào cũng tróc vào họ, hơi chậm một tý là bị chúng đánh phạt. Tức mình, vợ chồng cầu khẩn mong có một mụn con để sau này rửa hờn. Thượng đế sai hai Trạng xuống đầu thai. Hai vợ chồng mừng lắm, cố kiếm củi cho nhiều, lấy tiền cho con đi học. Về sau cả hai anh em đều đậu Trạng. Lúc vinh quy, voi ngựa quân gia đầy đường, đi đến đâu các quan và hương lý địa phương đều phải đón rước tấp nập. Những người khinh bỉ đánh đập hai vợ chồng ngày xưa bây giờ cũng đến chào lạy họ. Hai vợ chồng rất hả hê bảo con: "Ngày xưa chúng nó lấn áp nhà ta đủ điều, bây giờ các con cố làm cho chúng nó biết mặt". Con nghe lời, nhưng sau đó ít lâu, hai ông Trạng làm bậy, có một vị thần bèn tâu lên Thượng đế. Thượng đế liền đòi hai Trạng về. Một truyện Thần với Thần đồng: Làng Cẩm-lâm từ xưa chưa có người đậu đạt làm quan. Một hôm trên Thiên đình phái một ông Trạng đến làng ấy, cho đầu thai vào nhà hai vợ chồng đốn gỗ. Họ ngoài 40 tuổi mới sinh con trai. Thằng bé lên 7, nổi tiếng thần đồng. Gần nhà có đền thờ Thành hoàng, đứa bé thường ngày chơi với các bạn ở đó. Một đêm, ông từ mộng thấy thần bảo: - "Trạng hay đến đây bắt buộc ta vì kính lễ phải đứng dậy luôn. Vậy bảo làng làm cho ta một cái bình phong che trước ngai cho ta ẩn". Làng nghe nói không tin, cho một người ra ngủ ở đền cầu mộng. Thần lại cho biết như trước. Hương lý bèn xây một cái bình phong để không ai được nhìn vào tượng thần. Và từ đó trở đi nhiều người đâm ra ghen ghét nhà thần đồng, họ gây sự với bố mẹ và làm tình làm tội đánh đập dọa nạt luôn. Thiên đình thấy dân làng vô lễ đối với Trạng, bèn phạt họ bằng cách đòi Trạng về. Cho nên ít lâu sau thần lại báo mộng cho ông từ rằng: - "Chúng mày có thể phá bình phong được rồi vì Thiên đình quyết định không cho Trạng ở làng chúng mày nữa". Vài ngày sau thần đồng chết[5]. Trong Liêu trai chí dị có truyện Gả em thế chị (Tỷ muội dịch giá) có nói tới một người học trò chưa đỗ đã toan đổi vợ.   Một anh học trò họ Mao, bố trước làm nghề chăn trâu, được nhà họ Trương tư cấp và hứa gả con gái lớn cho. Nhưng cô gái không muốn kết duyên với con nhà chăn trâu, nên đến ngày cưới cương quyết không chịu về. Cô em khuyên dỗ bị chị mắng: "Đừng lắm lời, mày sao không lấy nó đi!" - "Nếu bố mà gả, em đáp, thì em sẽ lấy". Cuối cùng người bố phải đánh tráo người em thế chị.   Tuy biết có sự đánh tráo, lại vợ mới có bệnh chốc đầu, người học trò họ Mao cũng không phàn nàn, hai vợ chồng ăn ở với nhau tương đắc. Chồng sau đó, một hôm đi thi, qua quán họ Vương được tiếp đãi tử tế. Họ Vương cho biết đêm qua thấy thần báo mộng rằng sáng mai có giải nguyên họ Mao qua đây, sẽ giúp mình khỏi tai ách. Nghe tin này, người học trò họ Mao có vẻ hý hửng. Cũng như truyện trên của ta, hắn bắt đầu nghĩ đến vợ mình đầu tóc xấu xí, nay mai chơi với người sang không khỏi bị chê cười. Sau này khi phú quý sẽ thay đi thôi. Nhưng đến lúc treo bảng không thấy có tên mình, hắn rất buồn thẹn, bỏ về, không dám ghé lại quán họ Vương. Ba năm sau, hắn lại đi thi; và lại được họ Vương tiếp đãi tử tế như trước. Hắn trách họ Vương lần trước nói không nghiệm. Nhưng họ Vương đáp: - "Hồi ấy thần có báo mộng cho tôi biết vì ngài có âm mưu đổi vợ, nên bị âm ty phạt không cho đỗ". Người học trò họ Mao tỉnh ngộ, tỏ lòng hối hận, nên khoa ấy thi đậu giải nguyên, rồi thi đình đậu tiến sĩ, làm quan tể tướng. Vợ anh tóc cũng mọc dài tốt hơn trước. Còn người chị lấy chồng trọc phú, lười biếng lại hay cờ bạc, vận nhà ngày một suy. Không may chồng chết, trong khi đó em gái trở nên bà giải rồi bà nghè, cô chị càng thẹn, bèn cắt tóc đi tu.
 



[1] Ngày xưa ai đỗ tiến sĩ được phép lấy ba mẫu đất làm nhà ở, muốn cắm vào đâu cũng được. [2] Nguyên văn “Nguyệt hạ phóng thê, đình tiền tỷ trạch, vị đắc ý cố thất đức”. [3] Theo Nguyễn Văn Ngọc. Sách đã dẫn
 
 (Theo http://maxreading.com)
 
Huỳnh Hữu Đức sưu tầm

Xe Ta


Bon bon lăn khoảng đường dài
Xe ta sầu đã vàng phai lộ trình
Xe ta nằm dưới cội tình
Cheo leo dốc đợi bình minh em về...


Phạm Hồng Ân

Thứ Năm, 11 tháng 9, 2014

Lần Khép Mắt 11.9

Thành kính dâng lên Hương Linh những người đã ra đi ngày 11.9 - New York - Hoa K 


Một lần khép mắt ra đi
Buồn vui để lại ôm ghì đất khô
Nằm sâu dưới đáy nấm mồ
Côn trùng rỉ rả cơ hồ đưa tang

Xuôi tay chào vẫy thế gian
Ra đi đơn lẻ ngút ngàn bơ vơ
Cuộc đời tựa một giấc mơ
Phù du ngắn ngủi dại khờ có hay

Nhân gian tự cổ đến nay
Sinh ly tử biệt sao thay mệnh trời
Sống còn thác gửi một đời
Nghìn thu miên viễn xa rồi người thương

Mất còn cũng chỉ lẽ thường
Tấm lòng nhân ái chẳng dường phôi pha
Hoàng hôn ẩn hiện chiều tà
Nấm mồ hoang lạnh rêu già phủ quanh

Xa người! Thôi cũng thôi đành
Hồn thiêng quấn quýt bên nhành vô ưu

Kim Phượng

Những Giọt Sầu Rơi


1.
Ai gieo giọt nhớ
ai tưới ngậm ngùi
ai xé tim ai
ai xé đời ai

2.
Xin hái hết những nụ hoa trần thế
riêng tặng ai làm di chúc
cho cuộc tình câm nín
trong tim

3.
Mùa thu đến ai có hay
lá bay hay nỗi nhớ bay
gió cũng đầy trong hồn vắng
ai nhớ ai, ai nhớ ai?

4.
Tim ai nhớ tim ai buồn
tim ai mang mãi tủi hờn vì ai

5.
Tôi như con thuyền lạc hướng
giữa mênh mông biển cả trần gian
bời vi đời ai đã vắng ai
và cuộc tình ai không bóng ai

6.
Ai đã nói yêu
ai mộng trăm điều
ai bỏ ra đi
ai chết nơi này
ai chết từ đây

Vĩnh Trinh

Rừng Thu Lá Đã Thay Màu


Gió hiu hiu thổi bến chiều
Nắng thu rơi sợi cô liêu xuống dòng
Mưa buồn trút giọt nhớ mong
Tiếng thơ thổn thức, tiếng lòng thở than!

Miên man nỗi nhớ miên man
Thương ngày tháng cũ chiều tan mây hồng
Hoàng hôn rơi giọt sương trong
Âm thầm chiếc bóng bên song muộn phiền

Thềm khuya một ánh trăng nghiêng
Hai phương trời một nỗi niềm như nhau
Rừng thu lá đã thay màu
Tình chưa phai nhạt nhưng sầu mang mang!

Yên Dạ Thảo

Một Đời Mất Nhau - Thơ: Đỗ Hữu Tài - Phổ Nhạc: Ái Hoa


Thơ: Đỗ Hữu Tài
Phổ Nhạc: Ái Hoa
Trình bày: Bích Hảo
Karafun by: Dĩ Vãng Buồn


Xướng Họa: Sầu Thu


Xướng:

Mấy hôm trời bỗng chập chùng mây
Rặng liễu sầu Thu lã ngọn gầy.
Ôm suối mơ màng, trăng thiếp ngủ
Giả cành xơ xác, lá xa bay.
Khuất sương, non nhớ khung trời rộng
Lạnh gió, rừng mơ giọt nắng đầy.
Trăn trở đêm dài ta gối mộng
Nỗi lòng ôi biết tỏ cùng ai?
Quang Tuấn

* * *
Các Bài Họa:

Thu Tàn

Gửi gió sầu xưa theo bóng mây
Nơi đây còn lại dáng hao gầy
Người đang huyền hoặc ru mơ ảo
Kẻ lại xa rời tựa lá bay
Rẽ khúc thuyền tình ra biển rộng
Để cho bến mộng lệ tuôn đầy
Rồi đây năm tháng trong thương nhớ
Vò võ thu tàn ta với ai.
Kim Oanh
* * *
Tàn Thu

Thơ thẩn hồn mơ theo áng mây
Vườn thu vắng lặng dáng thu gầy
Đầu cành trơ trọi bao vàng rụng
Cuối nẻo chơ vơ mấy chiếc bay
Én bắc phòng đơn sầu chất ngất
Nhạn nam một bóng nhớ đong đầy
Lòng riêng muốn gởi trao tâm sự
Sao chẳng nên lời ai hỡi ai!
Quên Đi

* * *
Nỗi Niềm

Gởi nỗi niềm riêng theo áng mây
Tâm tư sầu muộn, vóc hao gầy
Cuộc đời trôi nổi như dòng chảy
Tình cảm phai nhoà tựa khói bay
Người có dừng chân bờ bến cũ?
Trăng còn in bóng khúc sông đầy?
Cánh chim khất nẻo sau rừng vắng
Phương ấy, chờ ta, biết có ai?
Phương Hà
* * *
Trăng Thu

Man mác trời Thu phủ bóng mây
Đêm khuya mờ nhạt bóng trăng gầy
Mắt trông hồ nước lao xao động
Dạ nhớ rừng phong chiếc lá bay
Tiếng vạc kêu sương nghe thảm thiết
Heo may se lạnh gió dâng đầy
Niềm đau viễn xứ còn canh cánh
Tâm sự nầy đây tỏ với ai ???
Song Quang

* * *
Sầu Thu

Ngày thu sắc úa dợn màu mây
Ngập lối đường xưa xác lá gầy
Lặng lẽ vầng trăng soi bóng đỗ
Lang thang cánh gió thoảng ngàn bay
Trời cao xa thẳm tầng cao vợi
Con nước về xuôi sông nước đầy
Gối mộng đêm dài thầm hỏi mộng
Một mùa tâm sự có còn ai?

Nguyễn Đắc Thắng 
11/9/2014

* * *
Chiều Thu

Một mình thơ thẩn gió cùng mây
Chùa cổ xa xa ẩn mái gầy
Gió lạnh mênh mang cành liễu rũ
Nắng vàng lơ lửng cách chim bay
Chập chùng đồi núi trăng non rõ (khuyết)
Xơ xác vườn thu lá úa đầy
Vun vút thời gian sầu tóc trắng
Chuông chiều một tiếng thắm lòng ai.
Mailoc
* * *
Nỗi Lòng

Từ dạo người đi khuất nẻo mây
Tâm tư trầm lắng vóc hao gầy
Ngày mong thương nhớ mờ sương khói
Đêm đợi tàn canh bóng nguyệt bay
Biên ải chinh phu ôm nỗi nhớ
Khuê phòng cô phụ lệ rơi đầy
Ai gieo chi nỗi sầu ly biệt
Kẻ ở người đi lụy bi ai

Thiên Thu

Tấm Ảnh Ngày Xưa

Mới đây, nhận được vài tấm ảnh, chụp đầu thập niên 1970, trong ngày vui một đời của một người bạn quí, do một em cựu học sinh Phan Thanh Giản Cần Thơ, từ bên nhà gửi qua. Tấm Ảnh Ngày Xưa, cảm hứng theo dòng, riêng gửi các bạn và các em học trò cũ. Cầu chúc an lành cho tất cả mọi người thân quí.

Nhìn ảnh cũ, lòng ngậm ngùi xúc động,
Dòng đời trôi, đã bao cảnh sinh ly.
Cầu thệ thủy im ngồi trơ cổ độ,
Quán thu phong lặng đứng rũ tà huy.
Một thuở buồn vui, trò yêu,bạn quí,
Phấn trắng, bảng xanh, ngày tháng xuân thì.
Đổi thay dâu bể, kẻ còn, người khuất,
Bóng hình xưa còn lại chút tình chi.

Chú Thích:
(1) Hai câu 3, 4 , lấy ở trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều (1741 - 1798) : "Cầu thệ thủy ngồi trơ cổ độ / Quán thu phong đứng rũ tà huy " .
(2) Trong Luận Ngữ có chép lại lời nói của Khổng Tử : "Thệ giả như tư phù , bất xả trú dạ ". Ý nói mọi vật biến đổi phút giây như dòng nước ngày đêm trôi chảy không ngừng. 

Phạm Khắc Trí

Thứ Tư, 10 tháng 9, 2014

Chia Buồn Cùng Gia Đình Anh Chị Đỗ Đình Tiến


Chân thành chia buồn với anh chị Đỗ Đình Tiến và tang quyến về sự ra đi của Cụ Bà 
Cầu nguyện Linh Hồn Cụ Marie Aurelien Trần Thị Hạnh Lan, sớm hưởng Nhan Thánh Chúa
Thành kính

Nguyễn Hoàng Vũ
(Anh vợ của Lê Kim Hiệp)
Vancouver, Canada

Hạ Tàn Thu Tới


Hạ qua, mang theo cuộc tình rực cháy,
Thu về đây man mác nỗi xa Người.
Tóc vờn bay nhẹ gió chiều hiu quạnh,
Khoảng trời xanh vời vợi mắt huyền mơ.

Đôi cánh sắt đưa anh về xứ lạnh,
Tuyết còn vương thảo mộc đượm màu tang.
Em ở lại miền cát vàng nóng bỏng,
Trái tim hồng thổn thức cảnh chia xa.

Như định mệnh từ ngàn năm, kiếp trước,
Hai giòng sông nhập lại bến đò xưa.
Nước thôi chày, mây ngừng bay khoảnh khắc,
Lúc vòng tay đan kết hội giao mùa.

Anh chợt đến cho lòng em biển động,
Rồi chợt đi để lại sóng âm thầm.
Em xuất hiện cho hồn anh bão nổi,
Rồi biệt ly để vũ trụ hoang tàn.

Mùa Thu này như kéo dài bất tận,
Nhưng mùa Thu ươm chín mộng tình ta.
Đông sẽ tàn mau và Xuân tới sớm,
Đón Hè sang: nở đẹp nụ hoa đời.

ChinhNguyen/H.N.T. 

USA 22/8/11

Thơ Tranh: Có Phải Vì Em


Thơ: Khánh Hà
Thơ Tranh: Kim Oanh

Với Bàn Tay Ấy


Với bàn tay ấy ở trong tay,
Tôi đã nguôi quên hận tháng ngày,
Một tối trăng cao gieo mộng tưởng
Vào lòng gió nhẹ thẩn thơ baỵ

Một tối bầu trời đắm sắc mây,
Cây tìm nghiêng xuống cánh hoa gầỵ
Hoa nghiêng xuống cỏ, trong khi cỏ
Nghiêng xuống làn rêu, một tối đầỵ

Những lời huyền bí toả lên trăng,
Những ý bao la rủ xuống trần,
Những tiếng ân tình hoa bảo gió,
Gió đào thỏ thẻ bảo hoa xuân.

Bóng chiều đi vụt: bỗng đêm nay
Tôi lại đa mang hận tháng ngày
Dưới ánh trăng cười, tôi kiếm mãi
Dấu bàn tay ấy ở trên tay
 Xuân Diệu
(Suối Dâu sưu tầm)

Áo Trắng Ngày Xưa


Trong anh tình cũ vẫn còn say
Cho dẫu tháng ngày cứ loạn quay
Kỷ niệm vương hoài bao khắc khoải
EM ơi, nhớ quá bước lưu đày

Tình cũ ngày xưa tuy nhạt phai
Dư âm mời gọi tháng năm dài
Nên nhờ nét chữ vời thương nhớ
Khơi đống tro tàn đã một mai

Thơ mãi là thơ ... năm tháng qua
Niềm vui đọng lại chút lời hoa
Trao EM nét chữ tình thân đó
Còn lại những gì cho chúng ta

Áo trắng ngày xưa hai ngã đời
Bên đây, bên đó chốn mù khơi
Quê người, đất Mẹ sao xa quá
Chỉ có câu thơ ghép nụ cười

Chừ đây xứ lạ với vần thơ
Trang trải nhớ thương đã quá mờ
Vẫn biết tình xưa nay vĩnh biệt
Vương buồn hoài niệm chút vần mơ

Đừng hỏi tại sao thơ mãi buồn
Mãi thương và nhớ lúc mưa tuôn
EM ơi, còn đó dư âm cũ
Lưu luyến tình xa chốn cội nguồn

Hoàng Dũng


Ân Tình Phố Vĩnh

             ( Phố Vĩnh Long 1967)

Hai lượt Tú Tài đến Vĩnh Long
Hàn sinh quyết chí cởi mây hồng
Hàng ngày no chén cơm từ thiện
Mỗi bữa sạch bồn nước Nguyễn Thông
Dấu vết Mậu Thân buồn lửa đạn
Mùa thi Kỷ Dậu thỏa tâm lòng
Chưa lần ghé lại thăm đường cũ
Lặng lẽ sông Tiền đổ biển đông

Cao Linh Tử
6/9/2014

Thứ Ba, 9 tháng 9, 2014

Hôm Nay Rằm Tháng Tám - Thơ Quách Như Nguyệt - Hương Nam Diễn Ngâm



 Thơ:  Quách Như Nguyệt 
Diễn Ngâm: Hương Nam 

Say Đắm Cung Hằng



Sương thu nhè nhẹ toả sân nhà
Trăng thu dìu dịu ánh lung lay
Gió thu đùa cợt bao cành lá
Hương thu ngây ngất dật dờ say

Chiếc bánh trung thu mừng trăng sáng
Bao đàn em nhỏ hát ca vang
Trà thơm từng ngụm hương ngào ngạt
Ánh nguyệt ôi sao quá dịu dàng

Có lẽ nàng trăng quá hữu duyên
Bao người say đắm giấc mơ huyền
Thi nhân sờ sửng chờ gục ngã
Nát đẹp đêm rằm tựa cảnh tiên

Thả lỏng hồn mơ đến ả Hằng
Ta người nhân thế luỵ tình trăng
Ghe phen những muốn xuôi vào mộng
Biết chốn Quảng Hàn có nhận chăng?... 


Quên Đi

Trung Thu Và Tuổi Thơ!

       Hồi xưa ở làng Trung Ngãi, ba má tôi buôn bán, sợ lơ là con cái hư nên kiểm soát con cái rất nghiêm minh, anh em chúng tôi không được đi rong trong xóm, nên sân nhà tôi và hai bên lối xóm là địa điểm tụ họp con nít trong làng.
       Năm tôi lên năm lên sáu tuổi, thời đó thanh bình lắm, những đêm trăng sáng người lớn ra hàng hiên trò chuyện dây chuyền từ nhà này sang nhà nọ, còn con nít chúng tôi sau khi học bài xong được ra sân đùa giỡn, con nít tụ năm túm ba nhảy dây, bịt mắt bắt dê, tạt lon, kéo tiếp sức… trò chơi không phân biệt trai gái.. còn con nít ké biết gì mà phân biệt.
      Trăng là ngọn đèn điện của tuổi thơ! Trước khi giải tán thì kể một câu chuyện ma, kể xong, hù một tiếng mạnh đứa nào nấy chạy về nhà….


       Đặc biệt ngày lễ Trung Thu, trước một tháng, chúng tôi đã chuẩn bị tập dợt đi rước đèn thế nào cho ăn nhịp và bài hát phải thuộc lòng. Thường trong nhóm chúng tôi có Lệ Hoa là trưởng nhóm. Lệ Hoa lớn hơn tôi một tuổi nhưng có tài điều khiển con nít và giỏi ca hát. Lệ Hoa ra lệnh là bọn tôi nghe rôm rốp.Làng tôi nghèo nên cha mẹ đâu dư giã mua lồng đèn màu như con nít trên tỉnh.
      Chúng tôi nghĩ cách làm lồng đèn, tiền ăn hàng để dành mua dưa hấu loại nhỏ, dạt phần trên, dùng muỗng nạo ruột ăn, nạo sao cho vỏ dưa càng mỏng càng tốt. Sau đó dùng đuôi ngòi viết muỗng hay lá tre, khắc vỏ dưa tùy theo mình chế kiểu. khắc hình cái mặt nạ, hay cánh hoa..v.v.. lấy dây kẻm quấn lại vừa với cây đèn cầy, ghim vào phần dưới đáy trái dưa đế cặm đèn cầy. Cuối cùng làm cái quai và xỏ vào que trúc để cầm.
      Khi đèn đốt lên thì ánh sáng tỏa ra những hình dạng đã khắc rất đẹp mắt.
      Ngồi chờ trăng lên, chúng tôi đi diễn hành trong khu phố nhỏ, cất tiếng ca, con trai lấy lá dừa quấn làm kèn, lấy thùng làm trống đi theo phụ họa….
“ … Tùng dinh dinh cắt tùng dính dính ..em rước đèn này đến cung trăng…. “
       Sung sướng và vui biết bao… Tuổi trẻ hồn nhiên đẹp biết dường nào!
      Nhưng rồi giặc giã nổi lên, cuộc sống bình yên không còn nữa, năm Mậu thân làng Trung Ngãi (quận Vũng Liêm) cháy ra tro, gia đình tôi rời làng tản cư lên Vĩnh Long. Bạn bè tứ tán, tôi đã bỏ làng ra đi nhưng ký ức tuổi thơ và những gương mặt của Lệ Hoa, Ánh, Hoa Nhỏ, Mỗi, Bé Em, Nguyệt, Chương (em họ tôi), Mãn, Bảnh, Khởi …. Và nhiều lắm kể sao cho xuể… mãi đi theo tôi suốt đời. Dễ thương quá!


      Khi tôi lên Vĩnh Long, ba tôi đổi nghề làm nhà máy xay lúa ở Mây Tức, Càng Long, gia đình ổn định. Má tôi chỉ nhiệm vụ ở nhà chăm sóc và kèm chị em tôi học, những giờ rảnh má thích học đàn Mandolin, anh Tư tôi viết nốt nhạc dán lên cây đàn cho má tự học, má tôi rất giỏi, học rất nhanh và có thể reo đàn dòn dã. Má tôi thích đàn những bài ca hùng tráng Hòn Vọng Phu, Bạch Đằng Giang và những bài hát của nhi đồng.
      Những năm 1969 -1971, trước một tháng Trung Thu, chúng tôi mua giấy purlure đủ màu, quậy bột làm hồ, những chiếc lồng đèn cánh hoa do chị Sáu tôi sáng chế. Đến ngày đó lồng đèn được treo từ cổng vào nhà, hai cây xoài và cây mận trước nhà cũng đầy lồng đèn. Trước sân trải một chiếc đệm, bày bánh mứt, hột sen rang, tàng cây xoài và mận che khuất ánh trăng, lồng đèn thắp sáng trưng rất đẹp, vui mắt biết bao.
      Má tôi đàn Mandolin, cậu em họ đàn Guitar, cậu em Út nhịp trống, Ba và chúng tôi cùng quây quần vỗ tay ca hát “Bóng trăng trắng ngà có cây đo to có thằng cuội già ôm một mối mơ…..” hay “ Tết Trung thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường….lòng vui sướng với đèn trong tay, em hát ca dưới ánh trăng rằm....tùnh dinh dinh cắc tùng dính dính....”
       Trẻ nít trong xóm nghèo không có lồng đèn, không bánh mứt bu quanh nhìn, trông ánh mắt thèm thuồng, má tôi bảo mở cửa rào cho chúng vào chơi chung, tụi nhỏ hớn hở vào ngồi và vỗ tay phụ họa…..
      Rồi chiến tranh lại tiếp tục, niềm vui tuổi thơ cũng bị ảnh hưởng và má tôi buồn không muốn làm Trung thu như thế nữa. Ba má tôi bảo thương cho những người lính chiến lặn lội gió sương, nằm gai nếm mật cho mình được ấm no sung sướng, mình vui không đành. Ba má tôi là thế!
      Từ đó về sau, mỗi độ Trung Thu về, trước cửa nhà chúng tôi chỉ treo một lồng đèn con cá, hoặc con bươm bướm mà thôi. Bọn trẻ chúng tôi ngồi ở hành lang đàn hát vừa đủ nghe….
       Tuổi thơ tôi đi qua…!!!

  
      Thời cuộc sau 1975 phải xa rời Việt Nam, định cư ở Úc tôi lại tìm được tuổi thơ qua hai con tôi, khi chúng sinh hoạt với cộng đồng thiếu nhi ở trường Việt ngữ.
       Nhưng rồi…. tuổi thơ của hai con cũng đi qua…!!!
       Thời gian cũng không dừng lại…!!!
      Tôi thường lặng lẽ trong những đêm trăng lên. Đôi lúc tôi sợ nhìn trăng … vì trong trăng nhốt trọn hình ảnh tuổi thơ có ngôi làng thanh bình, có ba má, có anh em, có con cái, có bạn bè… mà tôi với …với hoài ….
       Xa quá trăng ơi!

Kim Oanh
Đêm Trung Thu 2012

Thu Trong Tay


Rừng thu giỡ nón chào ta
Đỉnh đồi trọc, cũng gọi là thể giai
Choàng tay ta đã choàng tay
Ôm tròn bóng xế tình khai sương mù
Cúi hôn môi ngọt mùa thu
Ngã đầu lên những định từ đi hoang
Gọi em lên đỉnh thiên đàng
Dìu em xuống ngỏ huyền quang vô bờ
Rừng thu buông nón hửng hờ
Mặt trời thiêm thiếp vật vờ ngủ quên
Vòng tay ru lá bình yên
Ôm tròn chiếc bóng chiều nghiêng vào lòng
Thu nhè nhẹ thở phập phồng
Ta nhè nhẹ dỗ đường cong đất trời

Hoài Tử

Thơ Tranh: Trung Thu Nhớ Mẹ



Thơ: Trầm Vân
Thơ Tranh: Kim Quang

Tìm Hiểu Khái Quát Về Mặt Trăng.

Trong Tiếng Việt, Mặt Trăng còn được gọi bằng những tên khác như ông trăng, ông giăng, giăng, nguyệt, Hằng Nga, Thường Nga, Thái Âm v.v... Không giống như vệ tinh của những hành tinh khác, Mặt Trăng - vệ tinh của Trái Đất - không có tên riêng nào khác. Trong một số ngôn ngữ, Mặt Trăng của Trái Đất được viết hoa để phân biệt với danh từ chung "Mặt Trăng", nói đến các vệ tinh tự nhiên của các hành tinh khác như "the Moon" trong tiếng Anh và "the moon".

Mặt Trăng chuyển động quanh Trái Đất trên quỹ đạo hình elip gần tròn ở khoảng cách trung bình 384.403 km với cận điểm 363.104 km, viễn điểm 405.696 km và độ lệch tâm  trung bình 0,0554. Giá trị độ lệch tâm này thay đổi từ 0,043 đến 0,072 trong chu kỳ 8,85 năm. Mặt phẳng quỹ đạo của Mặt Trăng quanh Trái Đất nằm nghiêng so với mặt phẳng quỹ đạo của Trái Đất quanh Mặt Trời trong khoảng 4°59′ đến 5°18′, với giá trị trung bình 5°9′. Chu kỳ quỹ đạo khoảng 27,321 ngày.
Nguồn gốc của Mặt trăng vẫn còn là dấu hỏi lớn đối với con người. Có nhiều lý thuyết chính về nguồn gốc của Mặt trăng. Lý thuyết phân đôi cho rằng Mặt trăng từng là một phần của Trái đất đã được tách ra. Lý thuyết thu nạp nói rằng Mặt trăng từng lang thang trong vũ trụ cho đến lực hấp dẫn hút nó lại. Còn một lý thuyết khác cho rằng Mặt trăng tập hợp từ các tiểu hành tinh hoặc các phần còn lại của vụ va chạm của Trái đất với một hành tinh sao Hỏa có kích thước không rõ.

Nhiều cơ cấu đã được đưa ra nhằm giải thích sự hình thành của Mặt Trăng. Mọi người tin rằng Mặt Trăng đã được hình thành từ 4,527 ± 0,010 tỷ năm trước ( trên dưới 4.5 tỷ năm ), khoảng 30-50 triệu năm sau sự hình thành của Hệ Mặt Trời.

Giả thuyết Phân Đôi
Nghiên cứu ban đầu cho rằng Mặt Trăng đã vỡ ra từ vỏ Trái Đất bởi các lực ly tâm, để lại một vùng trũng – được cho là Thái Bình Dương. Tuy nhiên, ý tưởng này đòi hỏi Trái Đất phải có một tốc độ quay ban đầu rất lớn, thậm chí nếu điều này có thể xảy ra, quá trình đó sẽ khiến Mặt Trăng phải quay theo mặt phẳng xích đạo của Trái Đất, nhưng thực tế lại không phải như vậy. 

Giả thuyết bắt giữ
Nghiên cứu khác lại cho rằng Mặt Trăng đã được hình thành ở đâu đó và cuối cùng bị lực hấp dẫn của Trái Đất bắt giữ. Tuy nhiên, các điều kiện được cho là cần thiết để một cơ cấu như vậy hoạt động, như một khí quyển mở rộng của trái đất nhằm tiêu diệt năng lượng của Mặt Trăng đi ngang qua, là không thể xảy ra. 

Giả thuyết cùng hình thành
Giả thuyết cùng hình thành cho rằng Trái Đất và Mặt Trăng cùng hình thành ở một thời điểm và vị trí từ đĩa bồi đấp nguyên thuỷ. Mặt Trăng đã được hình thành từ vật chất bao quanh Tiền Trái Đất, tương tự sự hình thành của các hành tinh xung quanh Mặt Trời. Một số người cho rằng giả thuyết này không giải thích thỏa đáng sự suy kiệt của sắt kim loại trên Mặt Trăng.
Một sự thiếu hụt lớn trong mọi giả thuyết trên là chúng không thể giải thích được động lượng góc cao của hệ Trái Đất-Mặt Trăng. 

Giả thuyết vụ va chạm lớn
Giả thuyết ưu thế nhất hiện tại là hệ Trái Đất-Mặt Trăng đã được hình thành như kết quả của một vụ va chạm lớn. Một vật thể cỡ Sao Hoả được cho là đã đâm vào Tiền Trái Đất, đẩy bắn ra lượng vật chất đủ vào trong quỹ đạo Tiền Trái Đất để hình thành nên Mặt Trăng qua quá trình bồi tụ. Bởi bồi tụ là quá trình mà mọi hành tinh được cho là đều phải trải qua để hình thành, các vụ va chạm lớn được cho là đã ảnh hưởng tới hầu hết, nếu không phải toàn bộ quá trình hình thành hành tinh. Các mô hình giả lập máy tính về một vụ va chạm lớn phù hợp với các đo đạc về động lượng góc của hệ Trái Đất - Mặt Trăng, cũng như kích thước nhỏ của lõi Mặt Trăng. Các câu hỏi vẫn chưa được giải đáp của giả thuyết này liên quan tới việc xác định tương quan kích thước của Tiền Trái Đất và Theia ( Sao Hoả ) và bao nhiêu vật liệu từ hai thiên thể trên đã góp phần hình thành nên Mặt Trăng. 

Hành tinh đôi. 
 Do kích thước lớn nên Mặt trăng không thực sự quay được hết vòng quanh Trái đất. Thay vào đó, Trái đất và Mặt trăng quay quanh nhau, xung quanh một điểm chung của cả hai. Ta có ảo giác như Mặt trăng quay quanh Trái đất nhưng thực tế lại là một quy luật khác biệt.

Trọng lực trên Mặt trăng. Trọng lực trên Mặt trăng chỉ bằng 1/6 trên Trái đất, việc di chuyển trên bề mặt của nó thật sự là một điều khó khăn. Trọng lực thấp, quán tính của một người lại cao nên mọi thứ trở nên khó khăn nếu con người muốn chuyển hướng nhanh hoặc thay đổi. Nếu các phi hành gia muốn đi nhanh, họ sẽ di chuyển trông rất vụng về . 

Bề mặt dị thường. Một số hình ảnh được chụp bởi các tàu do thám Mặt trăng cho thấy những điều rất kỳ lạ trên bề mặt của hành tinh này. Có những cấu trúc cao chót vót có thể lên tới độ cao ít nhất 1,6 km. Thậm chí, những người đam mê huyền bí cho rằng có một lâu đài lớn được xây cao trên bề mặt của Mặt trăng. Tuy nhiên, tất cả vẫn chỉ là bí ẩn.

Bụi Mặt Trăng.
 Một trong những mối nguy hiểm nhất của Mặt trăng là bụi. Bụi xuất hiện ở khắp mọi nơi, ngay cả trên Trái đất, nhưng trên Mặt trăng, nó hết sức nguy hiểm. Bụi Mặt Trăng giống như bột, nhưng cực kỳ thô và bám ở khắp mọi nơi. Các phi hành gia từng hít phải lớp bụi này và cảm thấy rất khó hít thở.

Động đất trên Mặt trăng. Mặc dù ít xảy ra các hoạt động địa chất nhưng Mặt trăng cũng rất hay có các chấn động. Những chấn động đó cũng như Trái đất và có bốn loại khác nhau. Các loại chấn động chính trên Mặt trăng gồm chấn động sâu, chấn động do các va chạm thiên thạch, và chấn động gây ra bởi nhiệt của Mặt trời tương đối vô hại. Chấn động thứ 4 khá khó chịu, có thể lên tới 5,5 độ Richter, đủ để làm di chuyển các đồ nội thất. Động đất của Trái đất thường gây ra bởi sự chuyển động của các mảng kiến tạo, nhưng Mặt trăng không có bất kỳ kiến tạo địa tầng nào hoạt động nên những chấn động nơi đây vẫn còn là bí ẩn đối với con người.

Mặt trăng và giấc ngủ. Ảnh hưởng của Mặt trăng đối với con người vẫn là điều gây nhiều tranh cãi. Nhiều người tin rằng trăng tròn sẽ gây ra những hành vi kỳ lạ ở con người, mặc dù khoa học chưa thể cung cấp bằng chứng kết luận về việc này. Nhưng có một điều chắc chắn là khi Mặt trăng lên, con người sẽ chìm vào giấc ngủ giống như các chu kỳ đều đặn.

Thủy triều 
Thuỷ triều là hiện tượng nước biển, nước sông... lên xuống trong một chu kỳ thời gian phụ thuộc biến chuyển thiên văn. Trong âm Hán Việt, thủy có nghĩa là nước, còn triều là cường độ nước dâng lên và rút xuống. Sự thay đổi lực hấp dẫn từ Mặt Trăng (chủ yếu) và từ các thiên thể khác như Mặt Trời (phần nhỏ) tại một điểm bất kỳ trên bề mặt trái đất trong khi Trái Đất quay đã tạo nên hiện tượng nước lên (triều lên) và nước rút (triều xuống) vào những khoảng thời gian nhất định trong một ngày.

Nguyên nhân của thủy triều là do thuỷ quyển có hình cầu dẹp nhưng bị kéo cao lên ở hai miền đối diện nhau tạo thành hình elip. Một đỉnh của  nằm trực diện với Mặt Trăng - là miền nước lớn thứ nhất, do lực hấp dẫn của Mặt Trăng gây ra. Còn miền nước lớn thứ hai nằm đối diện với miền nước lớn thứ nhất qua tâm Trái Đất, do lực ly tâm tạo ra. Giữa hai nước lớn liên tiếp là nước ròng. Một khi vận tốc góc (tốc độ quay) của Quả Đất không đổi thì lực ly tâm lớn nhất nằm ở nơi có bán kính quay lớn nhất khí đó là miền xích đạo của Trái Đất. Tuy nhiên bán kính quay chưa hẳn là bán kính Quả đất tại Xích đạo, là vì: Quả đất không hoàn toàn quay quanh trục của nó, cũng như là Mặt Trăng không hoàn toàn quay quanh Trái Đất, mà là: Hệ Quả Đất - Mặt Trăng quay xung quanh điểm trọng tâm của hệ này. Do khối lượng của Trái Đất lớn hơn của Mặt Trăng rất nhiều nên trọng tâm của hệ Trái Đất-Mặt Trăng nằm trong lòng Trái Đất, trên đường nối tâm của chúng. Tóm lại: Trái Đất vừa quay, vừa lắc.

Thủy triều đạt cực đại khi mà cả Mặt Trăng và Mặt Trời cùng nằm về một phía so với Trái Đất, và mức triều phía đối diện lúc đó sẽ xuống điểm cực tiểu.

Khái niệm thủy triều được mở rộng trong vật lý học dành cho chênh lệch lực tác động lên các vật thể nằm trong trường hấp dẫn không đều.

Một số nơi trên thế giới, cư dân vùng ven biển nhận biết có hai loại thủy triều: nhật triềubán nhật triều. Nhật triều là trong một chu kỳ triều hay một ngày (khoảng 24 giờ 50 phút) có một lần triều lên và một lần triều xuống. Bán nhật triều là trong một chu kỳ triều có 2 lần triều lên và 2 lần triều xuống, những vùng chịu ảnh hưởng của loại triều này thường nằm ở vĩ tuyến gần xích đạo. Đôi khi, người ta còn phân biệt chế độ bán nhật triều đều và bán nhật triều không đều.

Nhật triều


Nhật triều là một ngày có một lần nước lên và một lần nước xuống (với chu kỳ là 24h52'), ví dụ ngày 12/03/2010 tại địa điểm A thủy triều lên lúc 5h chiều thì ngày 13/03/2010 tại địa điểm A thủy triều sẽ lên lúc 5h52'.(Do Trái Đất quay quanh trục và Mặt Trăng lại quay quanh Trái Đất nên để đạt được vị trí lúc ban đầu phải cần mất 52 phút nữa=>nên thời gian chênh lệch của thủy triều của ngày hôm trước và ngày hôm sau là 52 phút)

Bán nhật triều


Cặp Trái Đất-Mặt Trăng quay và chịu một lực ly tâm. Khoảng cách Trái Đất-Mặt Trăng lớn nhất ở phía đối bên kia nơi không có Mặt Trăng, sẽ bằng 61 r thay vì 59 r (r là bán kính Trái Đất)

Theo công thức tính lực hấp dẫn, lực yếu khi khoảng cách tăng. Nghĩa là phía gần Mặt Trăng (zénith), lực hấp dẫn sẽ lớn hơn phía đối xứng bên kia (Nadir). Do đó nơi gần Mặt Trăng, lực hấp dẫn sẽ lớn hơn lực ly tâm.

Trong trung tâm quả đất hai lực triệt tiêu lẫn nhau (ly tâm = - hấp dẫn). Bên kia quả đất, vì lực hấp dẫn yếu hơn nên lực ly tâm thắng thế. Do đó mà cùng một thời điểm, ta có hai lực FM hướng từ tâm ra ngoài, gây sự biến dạng mặt nước, do đó có 2 lần thủy triều lên trong một ngày.

Lực FM sinh ra thủy triều

Mặt trời cũng có ảnh hưởng trên lực sinh ra thủy triều, tuy rằng lực hấp dẫn của mặt trời nhỏ hơn của Mặt Trăng, nhưng khi cả ba thiên thể thẳng hàng (Trái Đất không nằm giữa) thì lực tạo thủy triều sẽ lớn hay còn gọi là triều cường vì là tổng của hai lực hấp dẫn Mặt Trời và Mặt Trăng thay vì chỉ có một lực hấp dẫn của Trăng như thông thường. Nhưng nếu mặt trời thẳng hàng với Mặt Trăng ngay trên vùng xích đạo, thì thủy triều lớn tối đa.

Người xưa, sống bao đời gần sông và biển. chủ yếu là họ tính theo con nước, theo chu kì của nó (nước triều lên và nước triều xuống) và vì thế chính là nhờ vào hiện tượng thủy triều, nên con người sống ở thời đó đã biết cách bắt hải sản như tôm, cua, cá...

Thủy triều còn đóng góp môt phần lớn là làm nên các chiến thắng trên sông Bạch Đằng vào năm 038 của Ngô Quyền trước quân Nam Hán và năm 1288 của nhà Trần trước quân Nguyên Mông. Cho đến ngày nay thì con người đã biết sử dụng thủy triều để phục vụ cho công nghiệp như sản xuất điện, ngư nghiệp như trong đánh bắt thuỷ sản, và khoa học, như  nghiên cứu thuỷ văn.
Nhật - Nguyệt thực 

Chỉ có thể xảy ra khi Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng cùng nằm trên một đường thẳng. Nhật thực xảy ra gần tuần trăng mới, khi Mặt Trăng nằm giữa Mặt Trời và Trái Đất. Trái lại, nguyệt thực xảy ra gần lúc trăng tròn, khi Trái Đất nằm giữa Mặt Trời và Mặt Trăng.

Vì Mặt Trăng quay quanh Trái Đất với góc nghiêng khoảng  5° so với quỹ đạo của Trái Đất quanh Mặt Trời, các cuộc nhật/nguyệt thực không xảy ra tại mọi tuần trăng mới và trăng tròn. Để có thể xảy ra nhật/nguyệt thực, Mặt Trăng phải ở gần nơi giao cắt của hai mặt phẳng quỹ đạo.

Tính định kỳ và sự tái diễn các lần thực của Mặt Trời bởi Mặt Trăng, và của Mặt Trăng bởi Trái Đất, được miêu tả bởi chu kỳ thiên thực, tái diễn sau xấp xỉ 6.585,3 ngày (18 năm 11 ngày 8 giờ).

Các đường kính góc của Mặt Trăng và Mặt Trời khi quan sát từ Trái Đất chồng lên nhau trong sự biến đổi của chúng, vì thế cả Nhật thực toàn phần và Nhật thực một phần đều có thể xảy ra. Khi xảy ra nhật thực toàn phần, Mặt Trăng hoàn toàn che lấp đĩa Mặt Trời và hào quang Mặt Trời có thể được nhìn thấy bằng mắt thường từ Trái Đất. Bởi khoảng cách giữa Mặt Trăng và Trái Đất hơi tăng thêm theo thời gian, đường kính góc của Mặt Trăng giảm xuống. Điều này có nghĩa từ hàng trăm triệu năm trước Mặt Trăng có thể luôn che khuất Mặt Trời ở mọi lần nhật thực, vì thế có thể trong quá khứ nhật thực một phần không thể xảy ra. Tương tự, khoảng 600 triệu năm nữa (giả thiết rằng đường kính góc của Mặt Trời không thay đổi), Mặt Trăng không thể che khuất hoàn toàn Mặt Trời nữa và khi ấy chỉ xảy ra nhật thực một phần.

Một hiện tượng liên quan tới nhật/nguyệt thực là sự che khuất. Mặt Trăng liên tục ngăn tầm nhìn bầu trời của chúng ta với một diện tích hình tròn rộng khoảng 0,5 độ. Khi một ngôi sao sáng hay một hành tinh qua phía sau Mặt Trăng thì nó bị che khuất hay không thể quan sát được. Một cuộc nhật thực là một sự che khuất của Mặt Trời. Bởi Mặt Trăng gần với Trái Đất, các cuộc che khuất các ngôi sao riêng biệt không nhìn thấy được ở mọi nơi, cũng không ở cùng thời điểm. Bởi sự tiến động của quỹ đạo Mặt Trăng, mỗi năm các ngôi sao khác nhau sẽ bị che khuất. 
 Các tên gọi tuỳ theo hình dáng của Trăng
Mặt trăng xuất hiện vào ban ngày cũng nhiều như vào ban đêm. Chỉ có điều ban ngày mặt trời sáng hơn tất cả mọi thứ, sáng đến nỗi chúng ta không thể nhận ra mặt trăng ngay cả khi nó đang xuất hiện. Tuy vậy, vào ban đêm chị Hằng là thứ sáng nhất trên bầu trời.
Do mặt trăng di chuyển quanh trái đất trong một tháng, nên nó có mặt ở mọi vị trí trên bầu trời suốt 24 giờ. Diện tích bề mặt mặt trăng được nhìn thấy phụ thuộc vào tuần trăng, hay vào diện tích mà nó được ánh mặt trời chiếu tới tại một thời điểm nhất định.
Ban ngày trời sáng vì bầu khí quyển tán xạ ánh mặt trời, nhưng mặt trăng đủ gần và đủ to để phản chiếu đủ ánh mặt trời nên nó sáng hơn bầu trời xung quanh. Vì thế ta vẫn thấy mặt trăng. Song điều này không đúng với các vì sao.
Tuy vậy, một nhà du hành trên mặt trăng thậm chí vẫn có thể nhìn thấy các vì sao khi mặt trời đang mọc, bởi vì mặt trăng không có bầu khí quyển để phân tán ánh mặt trời và làm sáng loá bầu trời ban ngày.
Do tự thân không thể phát sáng và nhiệt, nên Mặt Trăng chỉ là một tinh cầu hoàn toàn tối đen. Ánh sáng mà chúng ta thấy trên Mặt Trăng chính là ánh sáng phản chiếu từ nguồn ánh sáng của Mặt Trời. 
Mặt Trăng xoay quanh Trái Đất và cả hai cùng xoay quanh Mặt Trời. Vì ánh sáng mặt trời chỉ chiếu được một phía, nên dù đang ở vị trí nào Mặt Trăng cũng luôn có một phần ánh sáng và phần còn lại chìm trong màn đêm. Từ Trái Đất, tùy theo góc độ, chúng ta chỉ thấy được từng phần sáng khác nhau của Mặt Trăng. 
Do vậy, tùy theo sự thay đổi vị trí tương đối của địa cầu, Mặt Trăng và Mặt Trời mà chúng ta có được các hình ảnh khác nhau về nó.

Trăng lưỡi liềm hay Trăng khuyết là ánh trăng mà chỉ có một phần nhận được từ Mặt Trời, thường xảy ra vào cuối tháng âm lịch. Ánh trăng này thường màu cam, ở Việt Nam là màu cam nhạt. Ánh trăng chỉ làm sáng một phần khu vực đang chiếu sáng.


Trăng thượng huyền là ánh trăng lớn hơn trăng lưỡi liềm một chút. Ánh trăng này thường màu vàng. Ánh trăng có thể thấy vào gần chiều. Ánh trăng chỉ làm sáng một số khu vực trong thành phố.

Trăng bán nguyệt là ánh trăng mà chỉ nửa diện tích là nhận được từ Mặt Trời, xảy ra vào tuần thứ 3 trong tháng. Ánh trăng này màu vàng cam, chỉ làm sáng được cho một thành phố

Trăng hạ huyền là ánh trăng nhỏ hơn trăng xế. Ánh trăng này màu vàng nhạt, có thể thấy vào tối hoặc chiều tối. Ánh trăng chỉ làm sáng một miền đất của một quốc gia

Trăng xế là ánh trăng mà một phần không nhận được từ Mặt Trời. Ánh trăng chỉ xuất hiện được vào buổi tối hoặc chiều. Ánh trăng chỉ làm sáng cả đất liền của một quốc gia.

Trăng tròn là ánh trăng nhận được toàn phần từ Mặt Trời. Ánh trăng xuất hiện vào đêm rằm, ngoại trừ đêm Nguyên tiêu. Ánh trăng làm sáng cả đất và biển của một quốc gia.

Trăng quầng là ánh trăng nhạt hơn tất cả các ánh trăng nêu trên. Ánh trăng xuất hiện vào đêm Nguyên tiêu. Ánh trăng vốn mờ nhạt nên chỉ làm sáng vùng biển của thế giới.
Không trăng hay Trăng non là một ánh trăng mà không thấy được, xuất hiện vào tuần 1 của tháng. Không trăng có thể do nhiều mây nên trăng trốn mất hoặc do không nhận được toàn phần từ Mặt Trời.
Kết Luận
Nhìn trăng qua khía cạnh khoa học thì rất nhiều chuyện cần tìm hiểu thêm, vì trong sự tiến bộ cũng như trình độ của loài người hiện tại chưa thể vén bức màn đang bao phủ quanh mặt trăng.
Tuy nhiên trong dân gian hay giới văn nhân thi sĩ lại khác, họ hiểu biết rất nhiều về mặt trăng qua trí tưởng tượng. Nào là Hằng Nga, Thỏ Ngọc, còn có Cây Đa và Chú Cuội. Không một nhà thơ nào không nói đến trăng trong số các tác phẩm của mình, ít nhất cũng có một bài về Trăng. Chẳng những thế, có thi sĩ lại giành trăng cho riêng mình để rồi rao bán...
Còn với trẻ nhỏ thì không gọi là Hằng Nga hay chị Hằng, Các em đã thay đổi giới tính của chị Hằng thành Ông Trăng.
Nói đến trăng, từ khoa học kỹ thuật đến thi văn có lẽ không bao giờ cạn. Trăng sẽ mãi mãi gắn liền với nhân loại và luôn đồng hành trong tương lai.

Huỳnh Hữu Đức Tổng Hợp và Biên Soạn.
(Theo:http://kienthuc.net.vn-http://baomoi.com -http://vi.wikipedia.org)