Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2022

Vô Tình - Thơ Quách Như Nguyệt - Nhạc Đỗ Hải - Ca sĩ Ngọc Mỹ


Thơ Quách Như Nguyệt 
Nhạc Đỗ Hải 
 Ca Sĩ Ngọc Mỹ

Chiều Mưa Ở Vĩnh Viễn

 

Chuyến phà muộn theo người về Long Mỹ
Cơn mưa chiều bất chợt phía kia sông
Chân lúng túng giữa hai bờ gió lộng
Sóng lao xao theo từng giọt vô cùng

Con đường đất ướt lầy tay nắm chặc
Bước theo người mỗi bước mỗi thương chân
Những mái lá nằm yên nghe gió trở
Bờ môi ngon chạm hơi thở thật gần

Mưa ngấm đất chiều nay mưa Vĩnh Viễn
Làng quê em tên gọi thật xa xăm
Như đôi mắt buồn quanh ngày xuống thấp
Mưa quê nghèo có giữ được ai không?

Mưa cũng tạnh để phà quay trở lại
Một người thương đưa tiễn một người về
Con nước chảy mang theo chiều dĩ vãng
Phía kia bờ dáng ai đứng buồn ghê!

Mưa ngày xưa, chiều xưa mưa Vĩnh Viễn
Ướt môi người mưa thắm ướt tình tôi
Mưa bây giờ mưa thương nhớ khôn nguôi
Xin ở lại mùa mưa xưa mãi mãi...

Durham, North Carolina
Nguyễn Vĩnh Long
Để nhớ NML người con gái ở Vĩnh Viễn, quận Long Mỹ, tỉnh Chương Thiện
- nay thuộc tỉnh Hậu Giang)

Bỏ Phố Về Rừng

 

Nay
Ta bỏ phố về rừng
Ngồi bên khe suối
Thấy mình thảnh thơi
Sáng nghe chim hót
Chiều ngắm hoàng hôn
Những đêm trăng sáng
Phong cảnh tuyêt vời
Quên hết sự đời
Trăng sao là bạn
Cỏ cây là nhà
Ta đã xa lánh phồn hoa
An bần lạc đạo
Vô vàn an nhiên

Hoàng Long

Đầu tháng 2/2021

Ta Như Chiếc Lá

 

Hơn bốn mươi Thu đã về trên viễn xứ
Là bấy nhiêu Năm Ta sống đời lữ thứ
Nhìn chiếc lá lìa cành gió cuốn bay xa
Rồi chiếc lá sẽ mục rã trên đường phố
Ta gẫm đời Ta chẳng khác nào chiếc lá
Thời cuộc nước nhà đẩy ta xa cố thổ.
Bao năm dầu dãi nắng mưa trên xứ lạ
Ta sẽ như chiếc lá rục rã bên đường.
Ta chỉ tiếc rằng, đến ngày ta gục ngã
Ta không được nằm vào lòng đất quê hương.


Hoa Đô, 2022
Trần Công/Lão Mã Sơn

Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2022

Suối Mây - Thơ Tuệ Nga - Nhạc Mộc Thiêng - Hòa Âm Quang Đạt - Ca Sĩ Ngọc Quy


Thơ; Tuệ Nga 
Nhạc: Mộc Thiêng
 Hòa Âm: Quang Đạt 
 Ca Sĩ: Ngọc Quy

Vui Trong Tiếng Thơ

  

Tôi còn thi phú tới bây giờ
Vui với Nàng Thơ vui với thơ
Dăm bảy lời chia tròn mỗi sáng
Bên này bên ấy lối hoa mơ

Tôi làm thơ cốt để thêm vui
Mơ ước chi nhiều cũng vậy thôi
Cuộc sống có đôi phần nghiệt ngã
Mong hoa ngày một chút thêm tươi

Đôi khi cũng muốn có danh hờ
Chợt tỉnh nghe lòng những vẩn vơ
Lại nhớ những ngày lòng vắng gió
Ngậm ngùi năm tháng những đong đưa

Nhìn mái tóc thơ lắm bụi đời
Xuân không tròn nghĩa chỉ Thu thôi
Tôi đang bước cuối đường nhân thế
Ôm nỗi niềm riêng cũng tuyệt vời

Tôi có tình thơ đủ ngọt ngào
Còn gì thêm nữa để chiêm bao
Chiếc cầu thương đã cùng em bước
“HOA NỞ ĐƯỜNG VỀ” đẹp biết bao

Tôi giữ niềm vui trong tiếng thơ
Cho dù thân thế cũng hư vô
Mai kia mốt nọ còn lưu luyến
Thuyền bến trăm năm cũng chạm bờ.

09/10/2022
Hoa Văn

Nỗi Lòng

 

Bài Thơ Xướng:

Nỗi Lòng


Buồn sao mãi vấn vương
Trằn trọc suốt đêm trường
Hoa bướm đầy bao ngã
Tơ duyên chỉ một đường
Không là trai nước Lỗ
Chẳng phải Tề Tuyên Vương (*)
Tim lại luôn dao động
Cũng vì mỗi chữ thương.

Quên Đi

(*) Tề Tuyên Vương là vua nước Tề tuyên truyền rất mê nữ sắc.
Liễu Hạ Huệ nước lỗ không hề dao động trước nữ sắc.
Cả hai sống vào thời Xuân Thu nhà Chu.
***
Bài Thơ Họa:

Sợi  Tơ Vương


Có một sợi tơ vương
Xuyên ngang sổ đoạn trường
Sương rơi mờ gác nhỏ
Khói phủ trắng cung đường
Tiếng hát người dân giã
Câu thơ khách đế vương
Bao nhiêu lời tống biệt
Không vợi nỗi sầu thương...

Cao Mỵ Nhân,
Hawthorne 23 - 9 - 2022
***
Thơ Cảm Tác


TRẢI LÒNG

Lại cảm thấy buồn vương
Màn đêm phủ dặm trường
Mưa dàn rơi khắp ngõ
Bão nổi dậy trùng dương
Vẫn thức thao im lặng
Còn trăn trở vốn thường
Đâu thành mơ mộng nữa
Dỗ giác niệm hoài thương
 
Mai Thắng 
220929

Má Vẫn Về Thăm!

 

Hai mươi bốn năm! Hai mươi bốn mùa Đông trút lá!
Má đi rồi! Một đêm nằm mộng thấy Má về thăm!
Má không nói gì! Lặng lẽ ngồi, vẻ mặt u trầm!
Giật mình tỉnh dậy! Lòng Con xót xa thương nhớ!

Thuở còn trong Viện, Má kiên cường níu từng nhịp thở!
Giọng đã lạc! Đôi mắt Má vẫn long lanh ấm áp đến ngày nay!
Giỗ Má hằng năm là dịp để con cháu xum vầy
Dù trời đẹp, nắng vàng hay bỗng mưa tuôn rét mướt!

Má vẫn tự hào nét đẹp xinh
Của con cháu Má đọng trên hình
Tâm thành cúi lạy cầu xin Má
Phù hộ thông qua mọi sự tình!

Đức Hùng
Sydney, Úc Châu, 30/09/2022

Ngày Giỗ Nhớ Mẹ


Nhân ngày giỗ mẹ tôi tháng 9 vừa qua, người viết cũng xin phép tâm tình đôi lời để nhớ về mẹ tôi . Hy vọng sẽ nhận được sự cảm thông của qúy bạn.

Tháng Chín âm lịch hằng năm, ba chị em chúng tôi ở Mỹ hợp nhau ỡ nhà người viết để làm giỗ tiệc chay tưởng nhớ đến cha mẹ chúng tôi cùng một lúc cho tiện vì ba má tôi cũng mất vào tháng 9 âm lịch. Mẹ tôi mất năm 76 tuổi, còn ba tôi mất năm 99 tuổi, kể như cũng thuộc hàng thượng thọ rồi.
Mời xem Youtube
Đám giỗ Ba Má tại nhà Minh & Sương Lam ngày 7 Tháng 9 năm 2022

Hai năm vừa qua vì Covid 19 nên gia đình Nguyễn Hữu ở xứ Mỹ không có tổ chức đám giỗ Ba Má tại nhà Minh & Sương Lam như thông lệ hằng năm.

Năm 2022, tất cả thành viên cao niên gia đình Nguyễn Hữu đều được chích 4 mũi vaccine Covid 19 nên đồng ý tổ chức họp mặt gia đình làm đám giỗ Ba Má tại nhà Minh Sương Lam như thông lệ hằng năm. Các thành viên trẻ tuổi người đi làm, kẻ đi học nên được miễn lễ không tham dự vào tiệc chay đám giỗ này. Một chút lòng thành của các con tưởng nhớ công ơn Ba Má. Chắc Ba Má trên cao cũng vui lòng chứng dám.

(Hinh ảnh: Sư cô Huệ Hương, Minh & Sương Lam, Thành & Hương.)

Âm nhạc: Nhạc Thiền Đạo từ các CD về Mẹ của Nhạc sĩ Võ Tá Hân * Tạ Ơn Sinh Thành. * Cúng Giỗ Mẹ
Cầu nguyện Phật Trời gia hộ và Ba Má phù hộ cho các thành viên con cháu gia đình Nguyễn Hữu được ngày an lành, đêm an lành, tất cả các thời đều an lành trong ánh từ quang của chư Phật.
Xin click vào link dưới đây để xem youtube: https://youtu.be/u4v_wF87wZQ

Ba mẹ tôi dù không thuộc hàng "danh gia vọng tộc" nhưng giáo dục con cái rất nghiêm khắc, đạo đức,. Tôi nhớ mãi lời dạy của ba má tôi đã dạy: "Làm việc gì phải nghĩ đến hậu quả của nó" và sống như thế nào để "trên thuận với thiên lý, dưới hòa với nhân đạo". Các chị em chúng tôi được như ngày nay cũng là nhờ ân đức của cha mẹ chúng tôi.

Mẹ tôi không phải là người tài cao học rộng gì cả nên không truyền đạt lại cho tôi những tinh hoa văn học nhưng tôi đã học ở mẹ tôi đức tính nhẫn nại, hy sinh, lòng thương người và vật của mẹ tôi.

Tôi còn nhớ khi tôi còn nhỏ sống ở Phú Nhuận, tôi và các em tôi có một lần mua ốc gạo và cua sống đem về nhà để luộc ăn. Mẹ tôi đã thấy và bà bảo chúng tôi phải đến sông Cầu Kiệu thả hết xuống sông đám cua ốc này vì mẹ tôi không muốn chúng tôi mang tội sát sinh.

Khi tôi học ban Sinh Lý Hoá (SPCN) ở Đại Học Khoa học Saigon năm 1963, trong giờ thực tập mổ xẻ con cá lóc tôi không biết đâp đầu con cá lóc tươi như thế nào đến nỗi anh bạn trong nhóm phải cười nhạo tôi là một phụ nữ “dở”, không dám giết cá thì làm sao có thể “giỏi” về gia chánh nữ công nấu ăn cho chồng con được. Tôi chỉ biết cười mỉm chi đáp lễ mà không dám hó hé gì thêm nữa vì “bị rầy” đúng quá rồi!

Hơn thế nữa, mỗi lần nhà trường bắt mổ một con vật nào đó là tôi phải trốn học “cúp cua” chạy vào rạp ciné Rex lánh nạn vì tôi rất sợ cầm con dao mổ. Nếu bắt buộc phải thực hành việc mổ các con vật trong phòng thí nghiệm, tôi lại mổ tầm bậy tầm bạ lung tung. Mấy ông bạn cùng nhóm khi thấy người đẹp đang tròn xoe đôi mắt nai và đang hét oai oái thì các chàng xung phong ra tay cứu nguy giúp đỡ người đẹp ngay. Khoẻ quá! Nhưng đến kỳ thi cuối khóa năm thứ nhất ở Đại Học Khoa Học, tôi đành phải bỏ cuộc thi vì biết rằng tôi không có duyên với cái bằng Cử Nhân Khoa học chút nào với cái tính nghệ sĩ và lòng thương yêu loài vật của tôi.

Tôi đi lấy chồng không đem theo một chút của hồi môn nào về nghệ thuật nấu ăn cả vì tôi có nấu bếp ở nhà bao giờ đâu. Ba mẹ tôi chỉ mong tôi học hành chăm giỏi và ngoan hiền là đủ rồi, còn mọi việc khác thì đã có ba mẹ tôi lo và có người giúp việc lo rồi. Ở bậc Trung học, tuy tôi không học giỏi đứng đầu lớp nhưng tôi cũng thuộc loại học sinh nằm trong nhóm “top ten” trong lớp là ba mẹ tôi sung sướng và hãnh diện vì tôi rồi. “Nhân vô thập toàn” mà lị! Smile!

Cũng may sau đó, tôi trúng tuyển vào trường Quốc Gia Hành Chánh và thành hôn với một người không quan tâm đến chữ “công” trong tứ đức “công, dung, ngôn, hạnh” ngày xưa cho lắm nên tôi vẫn sống hạnh phúc trong sự thương yêu của chồng tôi. Ông chồng của tôi còn mua tặng tôi nồi nấu cơm hiệu National nhỏ xíu để nấu cơm khi cần thiết, còn thức ăn thì thì đã có bà nấu cơm tháng phụ trách rồi. Khoẻ re!

Tuy nhiên, nhờ trời thương, phú cho tôi cái tính ham học hỏi và biết phát huy sáng kiến nên bây giờ theo năm tháng tôi cũng biết nấu ăn tạm đủ để làm cho chồng con hài lòng về tài nấu nướng của tôi. Tôi không màng sự khen chê của người khác về tài nấu nướng của tôi, vì thú thật về phương diện ẩm thực, mỗi người có một khẩu vị và ý thích khác nhau, tôi nấu ăn như thế nào miễn là chồng con tôi không chê tôi nấu ăn dở là được rồi. Mời xem Sương Lam nấu ăn ở Mỹ 
www.youtube.com › playlistQuán Ăn Sương Lam Portland - YouTube
Quán Ăn Sương Lam Portland - YouTube


Trong những lúc gia đình tôi gặp hoàn cảnh khốn khổ nhất, chính Mẹ tôi là người là người chịu thương chịu khó “thân cò lặn lội bờ ao” tìm cách mưu sinh cho cả gia đình chúng tôi mà không một lời than thở. Mẹ tôi cũng đã nhịn ăn nhịn mặc tìm đường cho con cái vượt biên đi tìm tự do và đi thăm nuôi chồng con nơi chốn lao tù sau cuộc đổi đời. Bao nhiêu gánh nặng gia đình chồng chất trên đôi vai gầy của mẹ tôi.

Hình như người phụ nữ Việt Nam, nhất là phụ nữ các thế hệ trước đa số chỉ biết thương chồng, hy sinh cho con mà thôi. Xin mời quý bạn đọc những mẩu chuyện ngắn dưới đây. Rất đơn sơ, rất giản dị nhưng đã nói lên tình thương yêu của Mẹ dành cho con như thế nào:

Lương tâm
Con ốm, nhập viện. Làm thủ tục, bác sĩ mặt lạnh tanh. Biết ý, tay mẹ run run dúi trăm nghìn vào túi “lương y”… Bác sĩ thân mật: “Nằm giường này đi cháu, đừng lo có bác!”. Biết đâu mẹ đang xỉu dần vì bán máu cho con. Lương tâm?

Cua rang muối

Khi xưa nhà còn nghèo, mẹ hay mua cua đồng giả làm cua rang muối. Cua đồng cứng nhưng mẹ khéo tay chiên giòn, đủ gia vị nên thật ngon. Thấy các con tranh nhau ăn, mẹ nhường. Các con hỏi, mẹ bảo: răng yếu. Giờ, các con đã lớn, nhà khá hơn, chúng mua cua biển gạch son về rang muối mời mẹ. Các con nói vui:
- Cua rang muối thật đó mẹ.
Rồi chúng ăn rất ngon. Riêng mẹ không hề gắp. Các con hỏi, mẹ cười móm mém:
- Còn răng đâu mà ăn?!

( Nguồn: sưu tầm trên internet)
Kính mời qúy bạn vào xem youtube Cha Mẹ qua nét đẹp của thư pháp do người viết thực hiện để làm kết luận cho bài tâm tình hôm nay nhé.
Cha mẹ qua nét đẹp của Thư Pháp - YouTube

Xin chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn
Sương Lam
(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi MCTN 632-ORTB 1060-10052022)

Thứ Năm, 6 tháng 10, 2022

Còn Nhớ Sài Gòn - Thơ Hồng Thúy - Nhạc Liên Bình Định - Ca Sĩ Diệu Hiền


Thơ:Hồng Thúy 
 Nhạc: Liên Bình Định 
Ca Sĩ: Diệu Hiền
Thực Hiện: Hùng Đặng

Cung Trầm

  

Tiếng nhạc trong thơ rất thì thầm
Khúc tình lay đọng nỗi lặng câm
Khơi lòng tri kỷ hồn vương vấn
Vườn nguyệt tri tâm nối tơ tầm

Giăng lại mối duyên xưa chùng phím
Hòa theo giai điệu ý cung trầm
Dìu đưa vào mộng ngàn năm nữa…
Giấc ngủ miên trường dưới bóng râm

Kim Oanh

Huế Ơi! Nhớ Huế Vô Cùng!

 

Bao năm lưu lạc tha phương,
Nhớ về núi Ngự sông Hương quá chừng!
Duyên tình nặng với miền Trung,
Răng mà nhớ Huế vô cùng!... Huế ơi!

Nhớ xưa, Huế đẹp tuyệt vời!
Hương Giang lờ lững, trăng soi mái chèo,
Ngự Bình mây bạc, thông reo,
Tiếng chuông Thiên Mụ dặt dìu âm vang.

Khói sương Vỹ Dạ mơ màng,
Phất phơ áo tím, qua ngang Trường Tiền.
Câu hò mái đẩy giao duyên,
Thuyền về Bến Ngự, hay thuyền về mô?

Bây chừ… xa cách Cố Đô,
Nhớ cơm âm phủ, nhớ tô bún bò!
Nhớ nem-tré, nhớ câu hò,
Ngôi trường Đồng Khánh, bến đò Văn Lâu.

Nón bài thơ che nghiêng đầu
Tịnh Tâm thanh thản vui câu Nam Bình
Huế hiền hòa, Huế đẹp xinh
Ai làm cho đất Thần Kinh thảm sầu?

Tinh hoa Xứ Huế còn đâu!
Cờ Vàng trên Phủ Văn Lâu, mất rồi!
Cầu mong vật đổi sao dời,
Huế xưa sống lại, cho tôi trở về!

Trần Quốc Bảo
Richmond, Virginia

Thư Họa: Sang Thu - Vũ Hối

  

Vào Thu


Hoa Thịnh Đốn ngày một tháng mười
Vào thu cảnh đẹp lắm em ơi
Như tranh họa, phối màu hoàn mỹ
Tựa gấm thêu, hòa sắc tuyệt vời
Thêm gió heo may mây bạc nổi
Và mưa lất phất lá vàng rơi
Ngoảnh đi ngoảnh lại trời đà tối
Ngày ngắn quá, vui chửa kịp cười(*)

(*)Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng
Ngày tháng mười chưa cười đã tối(Ca dao)


Thơ & Ảnh: Nhất Hùng


Lạm Bàn Về Việc Mách Thuốc Trên Mạng


Từ xưa tới nay, câu chuyện mách thuốc đã rất phổ thông ở khắp mọi nơi trên trái đất này. Bên nước ta, người mách thuốc có khi giới thiệu những thang thuốc đầy đủ các vị thuốc Bắc chính cống, rồi có người nói tới các loại thuốc Nam, thậm chí tới các cây cỏ linh tinh cũng được người ta cho là những món thuốc thần diệu. Người giới thiệu phô trương hiệu quả “có một không hai” của môn thuốc, dựa vào kinh nghiệm bản thân, hoặc kinh nghiệm của thân nhân, lại có khi là: “Tôi nghe chính thằng X kể lại rõ ràng, nó uống thuốc này chỉ có 3 ngày là hết bệnh. ”

Xưa kia, việc mách thuốc chỉ lan truyền hạn chế qua nhóm người hiện diện khi nghe chuyện. Nay thì đã có mạng thông tin, chuyện gì cũng có thể có rất nhiều người đọc được và thử áp dụng. Vì thế, bên tiếng Anh mách nhau nhiều loại thần dược như sinh tố E, sụn cá mập, thuốc bào chế bằng lá bạch quả (ginkgo biloba)… Tin mách thuốc tiếng Việt trên mạng cũng không chịu kém, nào là đông trùng hạ thảo, nấm linh chi rồi tới canh dưỡng sinh, lá đu đủ chữa ung thư… Phong trào này không khi nào ngừng, khi một món thuốc hết ăn khách thì lại có món khác xuất hiện để thay thế. Điều nguy hiểm là có những bệnh nhân ung thư vì muốn thử thần dược mà bỏ ngang việc trị liệu chính thức, khiến tử vong sớm hơn. Ấy là chưa kể các phản ứng phụ nguy hiểm của các môn thuốc mệnh danh là dược thảo, thí dụ như thuốc bào chế bằng lá bạch quả gây xuất huyết bộ tiêu hóa. Thuốc này được tiếng là giúp trí nhớ, đặc biệt tốt cho người già. Các cụ uống vào rồi có một số bị tử vong mà không rõ nguyên nhân. Tới khi mổ khám nghiệm tử thi mới biết do xuất huyết bộ tiêu hóa. Sự việc này đã xảy ra trong một số nhà dưỡng lão (nursing home) bên Mỹ.

Tưởng cũng không nên can thiệp vào việc mách thuốc đó. Nó có và sẽ tiếp tục có, không ai cản được. Tuy nhiên, tôi chỉ muốn yêu cầu các bạn Y Nha Dược chúng ta đừng gián tiếp làm chuyện này. Khi quý vị chuyển lại lời mách thuốc kèm theo chức vị của mình e rằng người đọc nghĩ là chúng ta khẳng định giá trị của món thuốc đó. Đôi khi chúng ta lầm tưởng tin tức trên mạng có giá trị khoa học vì do một nhóm thuộc một trường đại học y khoa phổ biến. Về điều này, xin phép nhắc lại mấy nguyên tắc căn bản về y khoa chứng cứ (evidence based medicine) mà chúng ta ít nhiều đều đã am hiểu:Số người tình nguyện tham dự thử nghiệm lâm sàng phải là số nhiều để bảo đảm sác xuất (probability) cao. Con số này tối thiểu cũng phải là nhiều ngàn.
Cần 2 nhóm có tuổi tác, giới tính và tình trạng sức khỏe tương đương, cho dùng thuốc giống nhau rồi so sánh kết quả thử nghiệm đôi bên.
Hình thức thử nghiệm dùng phương thức ẩn danh kép (double-blind study) để đạt kết quả hoàn toàn khách quan.
Thời gian theo dõi thường là khoảng 5 năm để biết chắc là thuốc có hiệu lực lâu dài và cũng để cho kết quả thử nghiệm khỏi bị ảnh hưởng của hiệu ứng thuốc giả (placebo effect) là điều xảy ra trong lối 6 tháng đầu tiên.
Tỷ số kết quả tốt sẽ tính theo quy luật thống kê để quyết định thử nghiệm này có áp dụng được cho tập thể hay không.

Vì vậy cho nên khi một nhóm y học đưa ra một thống kê về bệnh lý, chúng ta cần tìm hiểu chi tiết về các số liệu đề xuất. Nói thí dụ họ cho biết là số người ăn, uống những món này sẽ sống lâu hơn nhóm không ăn hay không uống những thứ đó. Nếu thống kê của họ dựa vào việc lượm lặt trong sổ sách hộ tịch (đọc giấy khai tử), thử hỏi hai nhóm ăn uống khác nhau có tình trạng sức khỏe tương đương không? Ấy là chưa kể họ còn có những thói quen sinh hoạt khác nhau không, thí dụ người này vận động thân thể nhiều hơn người kia, người này ưa dùng thuốc ngủ, người kia thì không…

Thông thường khi các trường đại học y khoa phổ biến tin tức loại này mà nếu không áp dụng y khoa chứng cứ (thí dụ như làm thống kê theo hộ tịch), họ đều ghi thêm đây là khơi mào một giả thuyết để nghiên cứu. Nếu họ thử nghiệm theo đúng qui luật y khoa chứng cứ, cũng phải ghi chú chờ các nhóm khác thử nghiệm kiểm chứng. Các nhóm truyền thông dựa theo đó đổi thành tin tức giật gân để câu khách. Chúng ta nên tránh truyền lại loại tin tức có thiên kiến (biased news) này mà coi là nói có sách mách có chứng.

Hơn nữa, đối với chúng ta trong giới Y Nha Dược thì tốt hơn hết là nên tìm kiếm các tin tức y học cập nhật trong các trang web chuyên môn như Medscape, Medline, Merk Manuel… là những nguồn thông tin y khoa có kiểm chứng đứng đắn. Hà cớ gì ham của lạ mà lên mạng tìm đọc những tin tức giật gân không đâu.

Tôi xin cáo lỗi đã viết dài dòng về một vấn đề y học thường thức mà quý bạn Y Nha Dược chắc chắn đã hiểu biết từ lâu rồi. Mục đích là để giúp bạn đọc ngoài nghề thêm kiến thức. Và cũng mong rằng những dòng này góp ý để các diễn đàn Y Nha Dược thông tin hoàn toàn theo khoa học. Mong vậy thay!

Đinh Đại Kha (2022)


Thứ Tư, 5 tháng 10, 2022

Vùng Lá Me Bay - Anh Việt Thanh - Thiên Nhạn - Kim Trúc - Dũng Trà


Sáng Tác: Anh Việt Thu (Tân Nhạc),Thiên Nhạn ( Cổ Nhạc)
Trình Bày: Kim Trúc & Dũng Trà


Tự Mừng Sinh Nhật 4 Tháng Mười

  

Năm nay ta đã chín hai,
Tuổi tây chín mốt chẳng sai chút nào!
Sức khỏe thì chẳng có sao,
Trí còn minh mẫn chưa vào lãng quên.
Viết lách, lướt mạng liên miên,
Lấy làm thích thú, không phiền hà ai!
Bạn bè thì cứ lai rai
Những buổi họp mặt không sai hẹn hò.
Tuổi này là tuổi Trời cho
Ta vẫn cứ hưởng, đắn đo làm gì!
Chỉ buồn hiền nội ra đi,
Bỏ ta ở lại cu ky một mình!
Hỡi các lão hữu thân tình,
Đừng ai đi trước bỏ mình bơ vơ!
Sinh nhật có mấy vần thơ
Tự chúc mình sống không nhơ nhớp đời!

Phan Lục


Ngày Đại Thọ


(Qúy tặng Đại Đội Trưởng của tôi,
cựu Đại Úy "Vương Vũ"-Trần Văn Vương
nhân ngày Đại thọ 90 của ông)
 
Sáng dậy thấy mây mù giăng mắc
biết ngày sẽ trôi rất âm thầm
Thở dài khi nhớ...Ồ, thứ Bảy!
Nhìn qua khung cửa, bỗng bâng khuâng.

Thả dòng ký ức theo trăn trở
Treo tâm tư vào gió qua hiên
Một mình gặm nhấm thương và nhớ
Đến bao giờ dứt nỗi ưu phiền?!

Trầm ngâm theo mảnh hồn thu xám
Lòng không phương hướng, chẳng dư âm!
Một ngày thêm tuổi trong hoài cảm
Bềnh bồng theo cảnh tiết thu phân.

Một giấc tha phương rười rượi, nhớ
Mấy cuộc bể dâu thổn thức, buồn
Nhìn quanh đời mãi còn nặng nợ
Trông vào hồn vẫn lạnh mù sương.

Gánh quan san của đời viễn xứ
mang hành trang mưa nắng một thời
Mong cầu vòng trong mơ hiện thực
để ấm lòng trong lúc đầy, vơi.

Hôm nay trời, biển sao lạnh vắng!
Nên lòng như khói xám, sương huyền
Dường như có tiếng ai thầm lặng
gọi nhớ một thời lắm truân chuyên!

Thời gian gõ nhịp nghe rất khẽ
Điệp khúc chậm, đều cứ vọng đưa
Đã 90 tuổi! Đâu còn trẻ?!
Sao vẫn miên man chuyện Nắng, Mưa!?

Thì cũng bấy nhiêu cơn lốc xoáy
cuốn đời qua gian khó dặm trường
Thầm nhủ "Bao giờ thôi khắc khoải
Khi nào mới thấy lại quê hương?!"

Huy Văn


Biển Và Em

    

Hôm qua đứng mãi ở bên bờ
Rặng liễu buông cành chuốt óng tơ
Gió biển thầm thì nơi vắng lạnh
Lòng em chìm đắm chốn xa mờ
Ngày xưa áo trận lừng muôn thuở
Đến tận ngàn xanh vọng sử thơ
Triền sóng ru tình yêu thắm thiết
Trùng dương say giấc ngủ ai mơ.

Lê Mỹ Hoàn
(Họa thơ ts CV)


Em Vào Lục Bát

 

Bước vào lục bát điểm trang
Em làm rối loạn nhảy hàng câu thơ
Tình nào cháy bỏng đêm mơ
Môi em chín đỏ, đợi chờ nụ hôn.

Ý thơ như chợt thấm buồn
Trăm năm còn đợi cõi hồn lênh đênh
Bước qua cầu khỉ chênh vênh
Leo lên thuyền gỗ gập gềnh chơi vơi.

Tận nơi xa cuối chân trời
Vết chân chim gặp, hỏi nơi địa đàng
Bồ câu nhỏ mới ra ràng
Muốn nghiêng đôi cánh nhẹ nhàng tung bay.

Thấy em vóc dáng thơ ngây
Cho anh đắm đuối tình này vấn vương
Câu thơ lục bát vô thường
Hoa trinh nữ mọc bên đường lãng du.

Em từ lục bát điệu ru
Gây mê đêm vắng mời hư không về
Phấn son chăn chiếu cơn mê
Đêm thâu thức giấc vỗ về cho nhau.

Gió mưa gieo nhẹ từng câu
Sang thu lá cũng chuyển màu vàng hoa
Đường về hạt bụi mưa sa
Túi thơ bầu rượu quan hà uống say.

Tế Luân
Vần thơ lục bát
Viết cho em và mùa thu
09-26-22

Tự Trào

( Ảnh của Tác Giả)

(Bài Hát Nói ngẫu hứng khi xem tấm hình do Chuyên Gia Giác Nguyện chụp lưu niệm Công Cuộc Từ Thiện Tấm Lòng Vàng Lần Thứ Sáu thực hiện tại Bankstown, NSW, Úc Châu năm 2019 gây quỹ yểm trợ cho Bệnh Viện Bankstown-Lidcombe mua máy định bệnh ung thư phổi do bụi đá gây ra giúp cứu mạng nhiều người, trong đó có người Việt Nam ta, đã có thành quả viên mãn với số tiền quyên góp trên một trăm ngàn Úc Kim !)

Cái Tôi luôn luôn là đáng ghét!
Người đâu mà đang cười “toe toét” thế kia?
Có vẻ như làm “Em Xi”, “Em Xiếc”, ăn với chả nói lia chia!
Thời hiện đại mà lại theo cổ truyền Việt ta, mặc Áo Dài, đội Khăn Đóng, đi Hia trịnh trọng?!

Thôi! Chớ làm cho ai thất vọng!
Thế! Đừng khiến cả họ cười chê!
Không khéo nguồn đố kỵ hô toáng lên “rõ là hề”

Chẳng nhớ Chúa, Thánh, Phật, Tiên vẫn bị “nói xấu” với muôn đề tài không tưởng!
Tên là “Hùng”, nhưng không phải “Người Hùng”, chỉ mong thoát qua nghiệp chướng!
Chữ lót là “Đức” mà có “Đức” gì đâu! Lúc nào cũng tự khõ đầu “đừng có chấp tướng” nghe,không ?

Và họ “Bùi”! Văn thì dốt, Vũ thì nhát! Chắc đã từng cùng “Bùi Kiệm” thi rớt xuống sông!
Về Làng, Xã ngậm ngùi nhìn bạn bè “Vinh Quy Bái Tổ”, còn mình thì cúi đầu nghe Tổ Tông,khiển trách!

Mả Tổ có hình Bút Sáp Nhĩ (Viết Cài Tai) nên cũng mầy mò “viết lách”!
Bỗng giật mình! Tuổi giờ đã bẩy bó lẻ tư, bèn mở ra trang sách ố vàng
Thấy mình cùng tuổi với Cụ Phan Bội Châu năm ấy! Đây lời của Cụ vẫn vang vang:

“Mạc sầu tiền lộ vô tri kỷ
“Thiên hạ thùy nhân bất thức quân
“Bẩy mươi tư tuổi trót phong trần
“Nay gặp bạn lòng thêm hoạt hiện”
................

Đấy là ngay trước khi Cụ mất! Ôi! Thật là bàng hoàng, tỉnh ngộ!
Thời gian không còn nhiều trước mặt! Chẳng có gì để bon chen, thi thố,
Liệu mà thu vén mọi điều, mọi việc, vượt qua mọi thách đố, hố hầm !
Ráng quyết lo chân tu, đừng phiền hà khi có kẻ chửi mình là “hâm”

Nên có lời xin lỗi nếu đã sai lầm, cư xử đẹp, ôm lấy tâm tình thân hữu như Quách Tấn đã ngâm:

“Từ buổi thuyền đưa khách thuận dằm
“Trông chừng bến cũ biệt mù tăm
“Cảm thương chiếc lá bay theo gió
“Riêng nhớ tình xưa ghé đến thăm”

Nhà Thơ ấy đã xa xăm mà vẫn về! 
Làm cho mình âm thầm thương tiếc!

Rồi sẽ thăm non xanh nước biếc
Hiện đang xếp việc gấp công cần

Xin gia đình, các người thân
Xá cho mọi lỗi có lần làm ra
Xin cảm ơn lượng hải hà
Tấm lòng hỉ xả, vị tha, đồng hành
Bóng câu đang vút qua mành!

Đức Hùng
Sydney, Úc Châu, 12/07/2020

Tiết Trùng Cửu


Sau Tết Trung Thu là Tết Trùng Cửu, chữ Tết do chữ Tiết đọc trại ra mà thành. TIẾT 節 là Thời Tiết 時節 chỉ Khí hậu có liên quan đến mùa màng. TIẾT cũng có nghĩa là ngày Lễ Tết trong năm. Một năm có mấy cái Tết lớn. Nguyên Đán là cái Tết lớn nhất mở đầu cho một năm nằm trong tháng Giêng, Thanh Minh là Tết nằm trong tháng 3, Đoan Ngọ là Tết của tháng 5, Tháng 8 thì có Tết Trung Thu và Tháng 9 thì ta có Tết Trùng Cửu.
Trùng Cửu, Trùng là Trùng lắp, là lặp lại. Cửu là số 9. Nên Trùng Cửu 重九 là 2 số 9 được lặp lại, tức là ngày mùng 9 tháng 9 Âm lịch. Theo Kinh Dịch thì số 9 thuộc Dương, nên Trùng Cửu còn được gọi là Trùng Dương 重陽. Đây là cái Lễ tiết cuối cùng sau mùa thu hoạch của tháng tám, rồi trời sẽ trở lạnh để vào đông cho đến Tiết Đông Chí về, sẽ lại chuẩn bị để đón mừng năm mới !

Ngoài việc được gọi là Tiết Trùng Dương 重陽節 ra, Trùng Cửu còn được gọi là Tiết Đạp Thu 踏秋節, có nghĩa là Đạp lên lá vàng khô của mùa Thu, tức là Đi dạo chơi trong mùa Thu trước khi trời trở lạnh. Trong dân gian xưa còn gọi ngày này là Ngày Của Người Già : LÃO NHÂN TIẾT 老人節 hoặc KÍNH LÃO TIẾT 敬老節. Có thể là do sau khi mùa màng được thu hoạch vào mùa Thu, con cháu có nhiều món ngon vật quý để dâng hiến cho Ông Bà, hoặc đã có tiền để chăm lo săn sóc đến đời sống của Ông Bà hơn. Khi ông bà cha mẹ già đã quá cố, thì con cháu cũng nhân dịp Đạp Thu mà kéo nhau lên núi để Tảo Mộ (Ở những nơi có đồi núi thì người chết được chôn cất ở trên cao, vùng đồng bằng để trồng trọt canh tác. Cho nên ta thấy Cụ Nguyễn Du tả cảnh Tảo mộ của Tiết Thanh Minh là : " Ngổn ngang gò đống kéo lên, Thoi vàng hồ rắc tro tiền giấy bay, là thế !). Vì vậy, mà Tiết Trùng Cửu còn được gọi là Tiết ĐĂNG CAO 登高節. Ngoài ra, Tiết Trùng Cửu còn được gọi là Tiết THÙ DU 茱萸節, Tiết CÚC HOA 菊花節....
THÙ DU là loại cây ăn trái được thu hoạch vào khoảng cuối tháng 6. Cây lá có tính sát trùng tiêu độc, ngừa phong đón gió, nên trong ngày Lễ Trùng Cửu dân gian hay bẻ một nhánh lá nhỏ giắt bên mình để "trừ tà", để được bình an khoẻ mạnh nên ngày lễ nầy còn được gọi là Tiết Thù Du là vì thế.

Hoa Cúc và tục lệ uống rượu Cúc trong ngày Trùng Cửu

Trong bài thơ "Bốn mùa ăn chơi" của người xưa thì câu thứ 3 là "Thu ẩm Hoàng Hoa tữu". Hoàng Hoa tức là Hoa Cúc đó, loại hoa có màu vàng và nở vào mùa thu, nên được dùng để ủ rượu uống cho ấm vào những ngày cuối thu lạnh lẽo nầy, để ngừa cảm cúm, như ta chích "flu shot" vào mùa nầy ở Mỹ vậy ! Nên Tiết Trùng Cửu còn được gọi là Tiết Cúc Hoa là vì thế !

Theo truyền thuyết thì ...

Vào thời Nam Bắc Triều, người của Nam Triều là Ngô Quân Chi thuộc nước Lương, ghi trong " Tục Tề Hài Ký " rằng : Đời Đông Hán, ở huyện Nhữ Nam có một người tên là Hoàn Cảnh, cha mẹ đều chết vì bệnh ôn dịch ở cuối thu, nên anh ta quyết định lên núi tầm sư học đạo để trừ ôn dịch ôn thần. Đạo nhân Phí Trường Phòng dạy cho phép tiên dưỡng sinh và y học. Một năm, sau Trung Thu, đạo nhân gọi Hoàn Cảnh đến mà bảo rằng : mùng 9 tháng 9 năm nay, ôn thần lại đến gieo rắc bệnh dịch, con hãy về quê mà cứu nhân độ thế. Nói đoạn bèn trao cho anh ta một cây Thanh Long Kiếm, một bao lá Thù Du và một bình Rượu Cúc, căn dặn mọi người phải lên cao mà tránh nạn.
Đến hôm mùng 9 tháng 9, Hoàn Cảnh gọi hết bà con lối xóm cùng đăng cao lên núi, giắt cho mỗi người một lá Thù Du và uống một ly rượu Cúc, rồi đơn thân độc mã đứng chặn ở sườn núi, chiến đấu và tiêu diệt ôn thần. Từ đó về sau không ai còn bị chết về bịnh dịch nữa, và cũng từ đó về sau mới có tục Đăng Cao, cài lá Thù Du lên áo và uống rượu Cúc trong ngày Tiết Trùng Cửu cho đến hiện nay.

Trùng Cửu xưa Trùng Cửu nay

Trong văn học, nhất là trong Đường Thi, ngày Trùng Cửu luôn luôn được nhắc đến một cách thân thiết gần gũi qua các thi nhân nổi tiếng như Lưu Trường Khanh với ...

九日登李明府北樓 Cửu Nhật Đăng Lý Minh Phủ Bắc Lâu
  
九月登高望, Cửu nguyệt đăng cao vọng,
蒼蒼遠樹低。 Thương thương viễn thọ đê.
人煙湖草裡, Nhân yên hồ thảo lý,
山翠現樓西。 Sơn thuý hiện lầu tê.(tây)
劉長卿             Lưu Trường Khanh
***
Diễn nôm:
Ngày Chín Lên Bắc Lâu Của Lý Minh Phủ

Tháng chín lên cao ngắm,
Xanh xanh cây cỏ xa.
Hồ mờ sương người vắng,
Lầu tây núi biếc nhòa!
Đỗ Chiêu Đức diễn nôm

Còn Thi tiên Lý Bạch với ...

九月十日即事 Cửu Nguyệt Thập Nhật Tức Sự

昨日登高罷, Tạc nhật đăng cao bãi
今朝再舉觴。 Kim triêu tái cử trường.
菊花何太苦, Cúc hoa hà thái khổ,
遭此兩重陽。 Tao thử lưỡng Trùng Dương .
李白                  Lý Bạch

Chú Thích:

Mùng 9 tháng 9 gọi là Tiết Trùng Dương, hái hoa cúc, uống rượu cúc, nhưng...
Mùng 10 tháng 9 gọi là Tiểu Trùng Dương, lại hái hoa cúc, lại uống rượu cúc.
Chỉ trong hai ngày, hoa cúc BỊ HÁI, BỊ VÙI DẬP đến 2 lần. Lý Bạch ví thân phận đi đày của mình giống như là hoa cúc liên tiếp bị vùi dập vậy, nên mới hạ 2 câu cuối là : "Cúc hoa hà thái khổ, Tao thử lưỡng Trùng Dương". Có nghĩa : Hoa Cúc sao mà lại khổ thế, phải gặp cái nạn của 2 lễ Trùng Dương nầy !
KHỔ 苦 là Khổ sở, Cực khổ. KHỔ cũng có nghĩa là ĐẮNG nữa ! Tân là Cay, nên Tân Khổ là Cay Đắng, Đắng Cay!

Diễn nôm:

Chuyện của ngày mười tháng chín

Hôm qua sau leo núi,
Sáng nay lại nâng ly.
Hoa Cúc sao mà khổ,
Trùng Dương đến nhị kỳ!
Đỗ Chiêu Đức diễn nôm

Nhưng nổi tiếng và tiêu biểu nhất cho lễ Trùng Cửu là bài thơ của Thi Phật Vương Duy....

《九月九日忆山东兄弟》Cửu Nguyệt Cửu Nhật Ức Sơn Đông Huynh  Đệ

独在异乡为异客, Đôc tại dị hương vi dị khách,
每逢佳节倍思亲. Mỗi phùng giai tiết bội tư thân.
遥知兄弟登高处, Diêu tri Huynh đệ đăng cao xứ,
遍插茱萸少一人. Thiên tháp thù du thiểu nhất nhân!
王维                      Vương Duy
***
Chú Thích:

Khi làm bài thơ nầy Vương Duy chỉ mới 17 tuổi, đang xa nhà đến Trường An để mưu cầu công danh. Nhà ông ở Bồ Châu, phía đông của núi Hoa Sơn, nên mới đề tựa là " Ức Sơn Đông Huynh Đệ ". Bài thơ nổi tiếng với 2 câu đầu mà không có người du tử nào không trầm trồ với 2 từ " dị hương, dị khách ".

Nghĩa bài thơ:

Mùng chín tháng chín nhớ anh em ở phía đông núi.
Ta một mình ở nơi đất lạ làm người khách lạ, nên mỗĩ lần gặp Lễ Tết là lại nhớ người thân thêm bội phần. Ta biết rằng ở nơi xa xôi kia, anh em ta đang đăng cao trong ngày lễ nầy, và mỗi người đều có giắt một lá Thù Du lên áo, chỉ thiếu có một người không được giắt là ta mà thôi !

Diễn nôm

Xứ lạ quê người làm khách lạ,
Mỗi lần lễ tết nhớ khôn nguôi.
Anh em mùng chín đăng cao đó,
Đều giắt thù du thiếu một người!

Lục bát

Đơn thân xứ lạ quê người,
Mỗi khi lễ tiết ngậm ngùi nhớ nhau.
Quê xa huynh đệ đăng cao,
Thù du giắt áo nghẹn ngào riêng ta!

Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm
***
Để kết thúc bài viết, mời tất cả cùng đọc bài thơ CỬU NHẬT ĐĂNG CAO của Thi Thiên Tử Vương Xương Linh sau đây:

九日登高                 Cửu Nhật Đăng  Cao

青山遠近帶皇州, Thanh sơn viễn cận đới hoàng châu,
霽景重陽上北樓。 Tễ cảnh trùng dương thướng bắc lâu.
雨歇亭臯仙菊潤, Vũ yết đình cao tiên cúc nhuận,
霜飛天苑御梨秋。 Sương phi thiên uyển ngự lê thu.
茱萸插鬢花宜壽, Thù du tháp mấn hoa nghi thọ,
翡翠橫釵舞作愁。 Phỉ thúy hoành thoa vũ tác sầu.
謾說陶潛籬下醉, Mạn thuyết Đào Tiềm ly hạ túy,
何曾得見此風流。 Hà tằng đắc kiến thử phong lưu !
王昌齡                     Vương Xương Linh
***
Chú Thích:

- Hoàng Châu 皇州 : là Vùng châu thổ của hoàng thành.
- Tễ Cảnh 霽景 : là Cảnh trí lúc trời vừa mới tạnh mưa.
- Đình Cao 亭臯 : là Bờ, luống chung quanh đình.
- Thiên Uyển 天苑 : là Vườn hoa của Thiên Tử.
- Ngự Lê 御梨 : là Cây lê trồng trong vườn ngự uyển.
- Thù Du 茱萸 : là loại cây ăn trái được thu hoạch vào khoảng cuối tháng 6. Cây lá có tính sát trùng tiêu độc, ngừa phong đón gió, nên trong ngày Lễ Trùng Cữu dân gian hay bẻ một nhánh lá nhỏ giắt bên mình để "trừ tà", để được bình an khoẻ mạnh nên ngày lễ nầy còn được gọi là Tiết Thù Du. Thù Du là trái cherry ở Mỹ đó.
- Mạn Thuyết 謾說 : Ta còn nói thành Mạn Đàm, là nói lan man, nói chơi về người nào hoặc việc gì đó.
- Đào Tiềm 陶潛 : tức Đào Uyên Minh, là một ẩn sĩ cao nhã đời Tấn, thích hoa cúc và chuyên trồng cúc ở bờ giậu phía đông, nổi tiếng với câu : Thái cúc đông ly hạ, du nhiên kiến nam sơn 採菊東籬下 悠然見南山. Có nghĩa : Hái cúc rào phía đông, xa xa thấy núi nam.

Nghĩa bài thơ:

Ngày Chín Lên Cao

Núi xanh gần gần xa xa như là một vành đai bao quanh mảnh đất của hoàng thành. Cảnh vật sau cơn mưa của Tiết Trùng Dương khi lên lầu phía bắc để ngắm nhìn. Những luống hoa cúc tiên bên đình mượt mà hơn sau cơn mưa, và những trái lê trong vườn ngự uyển ửng hồng hơn khi nhuốm sương thu. Nhánh thù du cài lên tóc mai cùng với hoa cúc là hoa trường thọ, giống như là cành trâm phỉ thúy lắc lư trên mái tóc khi đang ca múa càng gợi niềm sầu. Đừng nói là Đào Tiềm say dưới giậu hoa cúc là vô cớ, vì trong đời ta há dễ được mấy lần nhìn ngắm cái cảnh phong lưu tao nhã nầy ?!

Vương Xương Linh là nhà thơ biên tái nổi danh thời Thịnh Đường, nổi tiếng là Thánh thủ của thơ Thất ngôn Tứ tuyệt và là Thi Thiên Tử của đương thời, cùng với Thi Tiên Lý Bạch, Thi Phật Vương Duy, Cao Thích, Sầm Tham và Vương Chi Hoán giao tình rất hậu. Những bài thơ tả cảnh ghi lại các phong tục dân gian như bài thơ nầy rất hiếm thấy trong thi phẩm của ông, nên được mọi người rất trân qúi.

Diễn Nôm:
Mùng Chín Đăng Cao

Núi xanh vây phủ lấy hoàng châu,
Trời tạnh Trùng Dương lên bắc lâu.
Đình cúc sau mưa vàng sắc mượt,
Ngự lê sương nhuốm ửng màu thu.
Thù du cài lẫn hoa trường thọ,
Phỉ thúy vắt chung tóc gợi sầu.
Chả trách Đào Tiềm say dưới giậu,
Bao lần được thấy nét phong lưu?!

Lục bát:

Núi xanh cao thấp bốn phương,
Hoàng thành trời tạnh Trùng Dương lên lầu.
Sau mưa luống cúc tươi màu,
Nhuốm sương lê cũng đỏ au trong vườn.
Thù du cài tóc thọ trường,
Lắc lư phỉ thúy vấn vương mối sầu.
Đào Tiềm say khước vì đâu
Trong đời há dễ qua cầu phong lưu?!

Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm

杜紹德
Đỗ Chiêu Đức
                                   

Thứ Ba, 4 tháng 10, 2022

Những Mùa Thu Qua Trên Cuộc Tinh Tôi - Nhạc: Trường Sa - Tiếng Hát Đình Lộc


 Nhạc: Trường Sa 
 Tiếng Hát; Đình Lộc
Thực Hiện: Oanh Dang

Chớm Thu



Tôi ngồi lại chỗ cũ
Mùa thu nắng hồ phai
Điếu thuốc châm không cháy
Hình như gió thở dài

Thu xa từ đâu đến
Mang sầu theo nhạn về
Tinh sương lòng đã rũ
Ngày từng ngày, buồn ghê

Đêm chập chờn biếng ngù
Rượu chiều chưa đủ say
Ngoài trời mưa thác lũ
Lòng bỗng luống tình ai

Tôi lại ngồi chỗ cũ
Mùa thu sẽ bỏ đi
Ai chờ, ai đứng đợi
Buồn ơi, ta chào mi 

Tình thu ngó bộ bẽ bàng
Bỏ thu cho lá nhuộm vàng tiếc thương
Trúc ti đã lắm đoạn trường
Đã ngần dâu bể vô thường, từ khi

Thu về. Rồi lại thu đi
Tay đưa thu, tiễn. Tay ghì nỗi đau
Bao nhiêu lá đã giang đầu
Còn tôi ngồi với đêm sâu, đếm sầu 

Cao Vị Khanh

Mùa Thu Em

 

Mùa thu em không có lá vàng
Mùa thu em không trời gió lạnh
Chỉ nước đầy chiều xuống mênh mông
Màu bông tràm rụng trắng bờ sông...

Mùa thu em chuyến đò ngang muộn
Hoa lục bình tím một dòng đưa
Mùa thu em phủ cánh đồng trưa
Bông điên điển vàng bàn tay nhỏ

Mùa thu em loanh quanh nỗi nhớ
Con nước ròng phơi nắng ven sông
Mùa thu em mấy lần mắt ngó
Cho mai này là những chờ mong!

Mùa thu em vọng tiếng từ tâm
Đồng nước lũ in hình mái lá
Mùa thu em, mùa thu như đã
Xuôi một dòng mây trắng ngàn năm...

Durham, North Carolina
Nguyễn Vĩnh Long

Mùa Thu Và Những Bông Hoa Vàng - Nhà Văn Hồng Thủy


Sáng Tác:  Hồng Thủy 

Vẽ Vời Tình

 

Tình vô hạn mà thời gian hữu hạn
Em yêu anh không biên giới đầy tràn
Em yêu anh mặc sóng gào mưa lũ
Tình mù lòa, bất chấp hết nhân gian…

Em yêu anh nên chẳng ngại lầm than
Không một tiếng than van dù đau khổ
Vẽ tình hồng mặc dù đời ái ố
Tô mầu xanh để tình khỏi võ vàng

Em tô điểm cho tình ta đẹp mãi
Vẽ vời tình, thơ mộng hóa, ngợi ca
Em bất chấp nên yêu anh mù lòa,
Nên bây giờ mới tiếc nuối xót xa!

Như loài chim vô tư hát vang ca
Em yêu anh, em yêu nhiều biết mấy
Tình yêu em có nhớ nhung vùng vẫy
Nhớ quắt quay, nhớ từng phút từng ngày!

Em yêu anh miệt mài, yêu mãi mãi

Tỉnh giấc nồng thực tế quá bi ai
Phủ phàng quá, muốn giữ mà chẳng được
Tình tàn dần…tình mất biến, tình say!

Như Nguyệt

Kệ Đi

 
(Ảnh: Tác Giả gửi)

Mặc thu đang đến bên Ta
Vẫn còn nắng ấm điệu đà đó đây
Đón chào ngày mới mỗi ngày
Nụ cười vẫn nở ngại gì gió đông

Vẫn nương mây thả mơ hồng
Vàng thu kỷ niệm trắng lòng theo đông
Ngại ngần nắng táp mưa giông
Bốn mùa tuần tự nhủ lòng …kệ đi

Trúc Lan KTP

Những Mỹ Nhân Trong Tiểu Thuyết Kiếm Hiệp Kim Dung

Lời phi lộ: Đọc kiếm hiệp của Kim Dung, ngoài những nhân vật nam thì các nhân vật nữ đóng một vai trò rất quan trọng, nó làm hấp dẫn, say mê người đọc. Tất nhiên, trong lòng mỗi người hâm mộ đều sẽ có một nhân vật yêu thích của riêng mình. Để giúp quý vị hưởng không khí tươi vui, LHCT mạn phép giới thiệu cùng quí độc giả vài bông hoa trong bộ sưu tập lâu năm mà LHCT sống cùng với nhà văn Kim Dung..

1. Hoàng Dung - (Anh hùng xạ điêu & Thần điêu đại hiệp)

Hoàng Dung là con gái duy nhất của đảo chủ đảo Đào Hoa, Đông Tà Hoàng Dược Sư và Phùng Hằng. Nàng mồ côi mẹ từ nhỏ và được cha nuôi nấng, truyền thụ võ nghệ. Hoàng Dung cực kì xinh đẹp và võ công rất cao cường, trên người lại mặc Nhuyễn vị giáp khiến cho những kẻ háo sắc không thể đến gần. Nét đẹp nổi bật ở Hoàng Dung là trí tuệ siêu phàm, thông minh nhanh trí, lắm mưu nhiều kế không thua bất cứ bậc nam tử nào và có chút kiêu ngạo. Hoàng Dung cùng Quách Tĩnh đã trở thành một bộ đôi nổi tiếng, đồng hành cùng nhau phiêu bạt giang hồ. Nàng là nhân vật nữ được Kim Dung ưu ái nhất khi đưa vào trong 2 tác phẩm Anh Hùng Xạ Điêu và Thần Điêu Hiệp Lữ. Hoàng Dung có được sắc đẹp và trí thông minh của mẹ nhưng tính cách nhanh nhẹn, tinh quái giống cha. Vẻ đẹp của nàng đã khiến cho Quách Tĩnh phải thốt lên rằng "Rất giống với tiên nữ trên núi tuyết của ta". Bởi nàng có một dung mạo tuyệt trần, da trắng như tuyết, xinh đẹp tới mức không thể nhìn gần và không ai sánh bằng". Hoàng Dung còn am hiểu rất nhiều về các bộ môn khoa học của cha mình và kiến thức uyên thâm cũng giúp nàng rất nhiều trên con đường hành tẩu giang hồ. Ngoài ra, Hoàng Dung có võ công rất cao, môn võ nàng thường sử dụng là Đả cẩu bổng pháp, Mãn thiên hoa vũ trịch kim châm, Lạc anh thần kiếm chưởng, Tiêu dao du và Lan hoa phất huyệt thủ.

2. Triệu Mẫn (Ỷ Thiên Đồ long Ký hay Cô Gái Đồ Long)

Kim Dung miêu tả về Triệu Mẫn như sau: "Xinh đẹp vô cùng, nhan sắc diễm lệ, mặt sáng như ngọc, mắt trong như nước, nét cười dịu dàng, diễm lệ. Chỉ trong một hai câu nói cũng không thể miêu tả được hết vẻ đáng yêu, thuần khiết và xinh xắn của nàng". Nàng là quận chúa Mông Cổ, có thân phận cao quý. Triệu Mẫn là một cô nàng thông minh, cơ trí, thậm chí là có phần tàn nhẫn. Tuy nhiên sau khi gặp và phải lòng Trương Vô Kỵ, nàng đã từ bỏ thân phận mà đi theo người mình yêu.. Dù có dung mạo hơn người nhưng Triệu Mẫn lại khá ngang bướng, tự kiêu và ích kỷ trong chuyện tình cảm vì sinh ra trong cuộc sống nhung lụa, giàu có. Vì tình cảm sâu nặng với Trương Vô Kỵ, Triệu Mẫn dần thay đổi tính cách từ một nàng Quận chúa độc ác, tai quái thành một Triệu Mẫn hiền lành, biết nhường nhịn, dám yêu và hi sinh hết mình. Nhiều người nhận xét, cứ sau mỗi lần xem lại truyện hay phim Ỷ thiên đồ long ký, người ta lại càng thêm yêu thích nhân vật Triệu Mẫn. Chính nhà văn Kim Dung thừa nhận, Triệu Mẫn là nhân vật "phụ nữ nhất trong số những phụ nữ" mà ông sáng tạo ra.

3. Nhậm Doanh Doanh (Tiếu ngạo giang hồ)

Doanh Doanh là con gái duy nhất của Nhậm Ngã Hành, giáo chủ của Nhật Nguyệt thần giáo và được tôn là Thánh cô. Nàng là nhân vật nữ được Kim Dung miêu tả là hội tụ đầy đủ về nhan sắc, tài năng và đức hạnh. Có thể nói, nàng một người phụ nữ toàn diện, mười phân vẹn mười. Chính nhà văn đã từng nói rằng Nhậm Doanh Doanh chính là hình tượng người vợ lý tưởng của mình. Nhậm Doanh Doanh mang nhiều hình ảnh của một cô gái hiện đại, yêu và sẵn sàng hy sinh cho tình yêu, mong manh nhưng không yếu đuối. Chính những điều ấy đã tôn thêm vẻ đẹp của cô trong Tiếu ngạo giang hồ. Nhậm Doanh Doanh là người đầy quyền uy, dưới một người mà trên cả vạn người. Nam nhân trong thiên hạ không một ai dám tơ tưởng tới nàng. Lần Doanh Doanh xuất hiện trên Gò Ngũ Bá đã khiến cho quần hào phải bỏ ra Nam Hải, nàng giết người cũng không gớm tay. Tuy nhiên, Doanh Doanh thực ra là mẫu người phụ nữ hết sức e thẹn trong chuyện tình cảm, nhưng hết lòng hi sinh vì người mình yêu. Vì người yêu, nàng cũng sẵn sàng làm bạn và rất bao dung với Nhạc Linh San, tình địch của mình, người từng khiến cho Lệnh Hồ Xung thất điên bát đảo. Tình yêu của Nhậm Doanh Doanh dành cho Lệnh Hồ Xung thuần khiết như ngọc, trong sáng như pha lê, ngàn vạn năm không thay đổi.

4. A Châu (Thiên long bát bộ)

A Châu là con gái của Đoàn Chính Thuần, một vị vương gia của nước Đại Lý. Cha của nàng vốn là một người có tướng mạo tiêu sái, uy võ nên dung nhan của A Châu chắc chắn không thể tầm thường. Trong Thiên long bát bộ, nàng được miêu tả như "một người con gái xinh đẹp, có đôi mắt linh động, nụ cười như hoa xuân mới nở, da trắng như tuyết, là một mỹ nhân hiếm thấy của thiên hạ". A Châu là con gái lớn của Đoàn Chính Thuần và Nguyễn Tinh Trúc, là tình yêu và hạnh phúc của Tiêu Phong, rất có tài giả trang. Dù chỉ là một hầu gái trong nhà Mộ Dung Phục, nhưng cùng với tấm lòng đạo hiếu, nét dịu dàng và mối tình trong sáng dành cho Kiều Phong, nhân vật này vẫn được hết lòng yêu mến, được coi như biểu tượng mẫu mực cho tấm lòng cao cả, đức hi sinh của người phụ nữ phương Đông.

5. Vương Ngữ Yên (Thiên Long bát bộ)

So với những nhân vật nữ khác trong tiểu thuyết Kim Dung, Vương Ngữ Yến trong Thiên long bát bộ không để lại nhiều ấn tượng sâu sắc vì hình ảnh của cô quá hoàn hảo - hoàn hảo đến "phẳng lỳ". Xét về nhan sắc, có thể nhiều người cho rằng Vương Ngữ Yến đẹp nhất, song cuộc đời của nàng chỉ "một màu" nên kém hấp dẫn hơn Tiểu Long Nữ. Vương Ngữ Yên là con gái của Vương phu nhân (chủ nhân của Mạn đà sơn trang) và Đoàn Chính Thuần. Vương Ngữ Yên sống cùng mẹ ở Mạn Đà sơn trang từ khi còn nhỏ. Vẻ đẹp của Vương Ngữ Yên được ví như thiên tiên khi nàng xuất hiện trước mắt Đoàn Dự: "Chỉ một tiếng thở dài tựa như có ma lực hớp mất hồn của Đoàn Dự, vừa thoáng thấy bóng dáng, chàng ta cảm thấy như mây mù bao phủ, tựa như đang ở cõi thần tiên. Nàng xuất hiện với thân hình thon thả, mái tóc dài thướt tha, vẻ đẹp thuần khiết của nàng như còn lan toả ra cả xung quanh khiến ai ai cũng choáng ngợp". Vương Ngữ Yên là em họ của Mộ Dung Phục.Vương Ngữ Yên gặp Đoàn Dự lần đầu tiên tại Mạn đà sơn trang, và Đoàn Dự ngay lập tức yêu cô ngay từ cái nhìn đầu tiên do cô có cùng vẻ đẹp với "Thần tiên tỷ tỷ", tượng bà ngoại của Ngữ Yên mà anh tình cờ tìm thấy.Vương Ngữ Yên được trời phú vẻ đẹp sắc nước hương trời và một trí tuệ mẫn tiệp hơn người. Cô thuộc làu hầu như mọi kinh sách võ thuật trong thiên hạ (ngoại trừ Lục mạch thần kiếm của Đoàn thị Đại Lý), đến nỗi ai đánh một chiêu một thức cô đều gọi đúng tên chiêu thức đó, đồng thời biết luôn cả cách phá giải. Vô tình cô trở thành quyển từ điển sống võ học, và do cô không hề biết võ công, nên nhiều thế lực thèm khát muốn bắt cóc cô để làm áp lực với họ Mộ Dung và để cô dạy cho mình những đòn thế võ công thất truyền.

6. Tiểu Long Nữ (Thần điêu đại hiệp)

 

Tiểu Long Nữ là một tuyệt sắc giai, đứng đầu danh sách những mỹ nhân của nhà văn võ hiệp này. Tiểu Long Nữ được người hâm mộ công nhận là nhân vật đẹp nhất trong số các mỹ nhân kiếm hiệp của Kim Dung. Kim Dung mô tả rằng Tiểu Long Nữ có một sắc đẹp tuyệt trần khi nàng gặp Dương Quá lần đầu như sau: "Dương Quá ngẩng đầu nhìn, chỉ thấy một bàn tay trắng như ngọc vén tấm màn che, rồi một thiếu nữ bước vào. Thiếu nữ ấy mặc bộ đồ lụa màu trắng, tưởng như thân hình ấy đang trong một lớp sương mù. Nàng trạc mười bảy, mười tám tuổi. Trừ mái tóc đen, toàn thân nàng trắng như tuyết, khuôn mặt tú mỹ tuyệt vời, có điều da dẻ trắng xanh, thiếu màu hồng", "Dương Quá ngẩng mặt lên, bắt gặp ánh mắt của nàng. Nó cảm thấy thiếu nữ thật thanh lệ tú nhã, càng nhìn càng ưa thích, song thần sắc lại lạnh lùng. Đúng là thanh khiết như băng tuyết, giá lạnh như băng tuyết. Thật chẳng biết nàng mừng hay giận, buồn hay vui". Nhắc đến những mỹ nhân đẹp nhất trong truyện Kim Dung chắc chắn không thể nào thiếu Tiểu Long Nữ. Tiểu Long Nữ từ nhỏ đã sống trong Cổ Mộ, lại được dạy dỗ nghiêm khắc bởi sư phụ nên rất ngây thơ nhưng lạnh lùng, ít nói, suy nghĩ lại chất phác, đơn thuần, thường thể hiện ra ngoài vẻ thờ ơ, có chút vô tình. Bản tính nàng trầm mặc nhưng đối với Dương Quá lại hết mực dịu dàng, nồng ấm, chu đáo. Tình yêu của cô dành cho Dương Quá - đồ đệ kém mình bốn tuổi và trọn đời chỉ có mối tình ấy, không có một mối tình, một hình bóng nào khác.

7. Trình Anh (Thần điêu hiệp lữ)

Trình Anh là cháu họ của Lục Lập Đỉnh, chị họ của Lục Vô Song, cũng có tình cảm với Dương Quá, cùng Dương Quá kết nghĩa huynh muội. Đệ tử cuối cùng của Hoàng Dược Sư. Sắc đẹp của Trình Anh được ví như hoa cúc và thanh trúc, hai trong số “hoa trung tứ quân tử” (4 loại hoa tượng trưng cho người quân tử). Sở hữu vẻ đẹp thanh cao, trong veo như ngọc bích, ở cô luôn toát ra khí chất hơn người khiến người khác dễ dàng bị thu hút.

8. Hương Hương công chúa (Thư kiếm ân cừu lục)


Không phải là nhân vật lớn, trong tác phẩm Thư kiếm ân cừu lục cũng không hẳn là vai chính nhưng nhà văn Kim Dung đã dành khá nhiều câu chữ mỹ miều để miêu tả nhan sắc của cô gái người dân tộc Hồi này. Vẻ đẹp của Hương Hương công chúa khiến vua Càn Long bị mê hoặc. Hương Hương công chúa là em gái của “Thúy vũ hoàng sam” Hoắc Thanh Đồng. “Vẻ đẹp huyền ảo như trăng in đáy nước, hoa nở trong gương” chính là những mỹ từ mà Kim Dung ưu ái dành tặng cho nàng. Rất nhiều khán giả nam đã xem hình ảnh Hương Hương công chúa như “người tình trong mộng”.

9. Chu Chỉ Nhược (Ỷ thiên đồ long ký)

Chu Chỉ Nhược là con gái của người lái đò trên sông Hán Thuỷ, trưởng môn nhân đời thứ tư của phái Nga My. Chu Chỉ Nhược xinh đẹp tuyệt trần, đem lòng yêu Trương Vô Kỵ nhưng oái oăm thay lại bị sư phụ là Diệt Tuyệt sư thái bắt thề độc, đồng thời kết hợp với lòng ghen tuông khi Trương Vô Kỵ yêu Triệu Mẫn nên đã rắp tâm hãm hại. Chu Chỉ Nhược từng bị sư phụ của mình ép buộc dùng Ỷ Thiên Kiếm để đâm vào ngực Trương Vô Kỵ khiến chàng bị thương. Có lẽ nhiều người không thích Chu Chỉ Nhược, nhưng khi đọc những dòng miêu tả của Kim Dung, hoặc xem cô trên màn ảnh, người ta không thể dửng dưng với vẻ đẹp trí tuệ của vị chưởng môn nhân đời thứ tư của phái Nga Mi này.

10.A Kha (Lộc đỉnh Ký)   

A Kha cũng là một đại mỹ nhân khi thừa hưởng vẻ đẹp tuyệt trần của mẹ. Trong tác phẩm Lộc Đỉnh Ký, A Kha là người vợ đẹp nhất trong số 7 người vợ tuyệt trần của Vi Tiểu Bảo. Qua ngòi bút của tác gia võ hiệp sinh năm 1924, A Kha xinh đẹp không thua gì người mẹ tuyệt sắc danh kỹ của mình. Mỹ nhân này cũng là người khiến Vi Tiểu Bảo phải liêu xiêu, tìm mọi cách để chinh phục nàng. Trải qua vô vàn khó khăn, gã trai trăng hoa này mới giành được người thương từ tay Trịnh Khắc Sảng phong độ, tuấn tú. Trái với vẻ đẹp trời ban, A Kha sở hữu võ công làng nhàng, tính tình cố chấp, cứng rắn, kém thông minh. Đây cũng là một người được biết đến với suy nghĩ đơn giản, nông cạn, mù quáng trước hư vinh, không nhận biết được người tốt kẻ xấu. Nhưng cho đến cuối cùng, A Kha vẫn yên lòng làm thê tử của Vi Tiểu Bảo, cùng chồng và các chị em khác san sẻ tình yêu, sống êm đềm, hòa thuận, cùng nhau hành tẩu giang hồ.
Thừa hưởng nhan sắc của mẹ là Trần Viên Viên nên dưới ngòi bút Kim Dung, A Kha cũng là một mỹ nhân "khuynh quốc khuynh thành" trong Lộc đỉnh ký. Tuy vậy, sức hấp dẫn của cô không thể bằng Song Nhi và khi viết về A Kha, Kim Dung cũng không thật ưu ái, vì thế mà nhân vật này không phải ai cũng yêu thích.

11.Mộc Uyển Thanh (Thiên Long Bát Bộ)

Được đánh giá là một trong những nhân vật nữ có cá tính mạnh trong truyện Kim Dung, ngang bướng, cố chấp nhưng chung tình, khi yêu cũng rất mạnh mẽ, Mộc Uyển Thanh xuất hiện khá ấn tượng trong Thiên long bát bộ. Chính tính cách đặc biệt đó đã khiến cho nhân vật trở nên hấp dẫn hơn.Mộc Uyển Thanh là người có võ công không tầm thường và một quá khứ khá đặc biệt. Cô có gương mặt trái xoan xinh đẹp, nước da trắng ngần, hai mắt to tròn và sáng, trái tim chỉ thuộc về duy nhất một người.Khi hành hiệp giang hồ, cô thường mặc y phục màu đen và quấn khăn bịt mặt. Mộc Uyển Thanh có một mối tình khá ngang trái với Đoàn Dự nhưng sau này cũng được Kim Dung cho kết thúc một cách êm đẹp, sở trường dùng ám khí.Là người khá ngang bướng, cố chấp nhưng khi yêu cô cũng rất chân thành, nồng nhiệt và tuyệt đối chung tình, tính cách đặc biệt này khiến Mộc Uyển Thanh rất được yêu thích và chú ý trong phim.

12. Phu nhân Khang Mẫn

Khang Mẫn là vợ của Mã Đại Nguyên, phó bang chủ Cái Bang. Khang Mẫn tuy sở hữu một dung mạo mỹ lệ, thanh tú, hết sức đáng yêu nhưng lại có lòng dạ xảo quyệt và độc ác. Nhờ có nhan sắc của mình, Khang Mẫn đã thu hút được sự chú ý của Đoàn Chính Thuần và khiến cho nhiều vị anh hùng mê mệt. Nhưng vì bị Đoàn Chính Thuần bỏ rơi nên nàng đã tìm đến Mã Đại Nguyên và trở thành phu nhân của ông ta.

13. Trần Viên Viên (Lộc đỉnh Ký)

 

Đây là một nhân vật có thật trong lịch sử Trung Quốc sống vào cuối thời nhà Minh, đầu thời nhà Thanh. Cuộc đời của giai nhân họ Trần gắn liền với hai phản tặc nổi tiếng là Ngô Tam Quế và Lý Tự Thành. Với một bút pháp kể chuyện xen lẫn mô tả khá tinh tế, nhà văn Kim Dung đã vẽ nên một Trần Viên Viên tuyệt thế giai nhân bằng những câu từ mỹ miều nhất. Đây cũng là nhân vật được đánh giá là đệ nhất mỹ nhân trong số hàng ngàn nữ nhân xuất hiện trong những tác phẩm của cây bút kiếm hiệp đình đám. Trong tác phẩm Lộc Đỉnh ký, Kim Dung đã mô tả đoạn nhân vật chính Vi Tiểu Bảo gặp Trần Viên Viên tại một ngôi chùa nhỏ ở ngoại ô thành Côn Minh. Dù quen biết với không ít những người đẹp, trong đó có cả A Kha, con gái của Trần Viên Viên nhưng Vi Tiểu Bảo vẫn xiêu lòng trước vẻ tài sắc của người phụ nữ gấp đôi tuổi mình. Nhà văn Vũ Đức Sao Biển từng dành những lời khen ngợi khi so sánh nhân vật này với các đại mỹ nhân khác trong thế giới truyện Kim Dung: “Những Tiểu Long Nữ, Nhậm Doanh Doanh, Chu Chỉ Nhược, Tiểu Siêu, Hân Tố Tố, Viên Tử Y, Vương Ngữ Yên... cũng là những đại mỹ nhân nhưng là đại mỹ nhân ở tuổi 18-20. Họ không thể sánh bằng Trần Viên Viên ở tuổi 40 tươi đẹp, chân tình, trí tuệ, tài hoa và đau khổ!”.

Montreal 01 october 2022
Lệnh Hồ Công Tử
Sưu Tầm và Biên Soạn


Thứ Hai, 3 tháng 10, 2022

Tiếng Thu - Thơ: PhamPhanLang- Nhạc: Mai Hoài Thu - Tiếng Hát Vân Khánh


Thơ: PhamPhanLang
Nhạc: Mai Hoài Thu 
Tiếng Hát Vân Khánh

Hạnh Phúc Là Đây

 

Buổi sáng nằm nghe chim hót vang,
Tựa như tiếng nhạc với cung đàn.
Từng hồi lãnh lót xua hoang vắng,
Mỗi lúc ngân nga phủ ngút ngàn.
Có lẽ lời yêu mơ hiệp ý,
Hay là nguyện ước mộng chung sàng.
Thế thôi cũng đủ vui ngày mới,
Hạnh phúc là đây chẳng bạc vàng.

Hoàng Dũng

Vàng Thu Xứ Lạ

 

Mây trắng tha phương trắng dặm trường
Quan hoài chạnh khúc dạ sầu vương
Kiếm Hồ gió có bay tà áo
Trấn Võ ai còn lắng nhịp chuông
Trăng lạnh đôi bờ đau ý trúc
Tuyết rơi mấy nẻo quạnh vườn sương
Vàng thu xứ lạ thương thu cũ
Mặt giấy loang sầu sóng đại dương.

Tuệ Nga

Đừng Vội

 
(Kim Phượng Canada- Kim Trúc)

Em tôi muốn kéo thời gian
Gió khoan thổi lạnh , lá khoan đổi màu
Vội chi đón giọt mưa ngâu
Vội chi đuổi nắng , để sầu thu sang
Vẫn là những bước lang thang
Vẫn là hoa thắm bướm vàng trời thanh
Vẫn là chim hót trên cành
Hãy vui nắng ấm , lá xanh khắp trời
Mai nầy gió lạnh nơi nơi
Mây buồn giăng lối thu rồi đó em

Kim Phượng Canada 

Mở Ngõ - Đóng Ngõ


Mở Ngõ

Chiều nơi đây
Mưa rơi tầm tã
Cũng nơi này
Nắng hạ nung nung

Đời vô tư
Chẳng chút bận lòng
Người êm ái
Thắt vòng vương vấn

Trong cơn mê
Chừng như bất tận
Vết thương lòng
Im ngủ trong tim

Lời ôn nhu
Ru nỗi muộn phiền
Người chợt đến
Bên người như mộng

Sương mai sớm
Hương đêm còn đọng
Nắng lưng đồi
Vẽ bức tranh mơ

Bầy chim sẻ
Rung đôi cánh nhẹ
Ríu rít lời..
Khe khẽ đủ nghe

Tiếng yêu thương
Dệt mộng thiên đường
Người chợt đến
Tim hồng mở ngõ

Kim Phượng
***
Đóng Ngõ

Ở phương nầy
lá rơi tơi tả
Thu lại về
nắng hạ hết nung
Đời vạn hướng
sao lại ngã lòng?
Cứ yêu nhé!
cớ gì tâm vấn!

Cơn mê chợt
đến chừng vô tận
Mà cõi lòng
vết sẹo buốt tim
Đời đã cho
ta lắm não phiền
Xin buông hết
không còn mơ mộng

Trong ký ức
vẫn còn ứ đọng
Nỗi niềm đau
ray rứt cơn mơ
Vào đời nhau
dù đi nhè nhẹ
Vẫn thấy mình
chưa đủ lắng nghe

Lời yêu đương
giấc mộng hoang đường
Em chợt để
tim hồng đóng ngõ

songquang
20220917

Quán Cà Phê Trang


Có lẽ, chưa có lúc nào mà người miền Nam uống cà phê nhiều như sau 4/75 . Cũng như chưa bao giờ mà các quán cà phê mọc lên như nấm trên các “ vỉa hè “ thành phố . Từ sau cơn " hồng vũ “!

Miền Nam, sau 4/75 , không còn bao nhiêu người “ở nhà“. Người đi tù, kẻ đi bán, người " xung phong ", kẻ thủy lợi vân vân.  Trong số những người buôn bán, nhiều nhất là các quán cà phê “ lề đường “ mà tôi gọi là “ cà phê ghế đẩu “. Bởi vì chúng không cần nhiều vốn, dễ thu xếp, dọn dẹp, giá cả phải chăng, ít khi sợ ế  Một tấm bạt lớn. Một cái lò nhỏ để nấu nước. Một cái bàn với vài bình cà phê, vài chục ly lớn, nhỏ. Dăm ba cái “ bàn “ (đủ chỗ để vài cái ly) thấp , mươi mười chiếc ghế đẩu. Là xong. Đó là “ chân dung “ một quán cà phê vỉa hè, ít tuần sau “giải phóng “!
Khách cà- phê -vỉa -hè hầu như chỉ là phái nam, thi thoảng mới thấy dăm ba “ tơ liễu “. Tất cả đều thuộc giới “ lao động “. Từ bác xích lô đến ông giáo sư. Từ chú tài xế đến cậu sinh viên. Không phải vì “lao động là vinh quang“ mà vì “không lao động là chết đói“! Rất ít mấy “cái nồi ngồi trên cái cốc“ trên vỉa hè! Một là vì họ không biết thưởng thức món“ quốc cấm“ (thời chiến tranh) . Hai là họ có tiền nên vào quán hẳn hoi, không sợ bị “cô lập“!

Trước 75, tôi không biết uống cà phê, đôi khi theo bạn ra Pasteur, thì chỉ kêu một ly “sữa đá“ (nhiều sữa, ít … phê) . Nhưng sau 75, bè bạn không biết gặp nhau ở đâu để “trút bầu tâm sự“ mà không sợ tai vách, mạch rừng nên rủ nhau ra vỉa-hè ngồi cho qua ngày, đoạn tháng trong khi chờ trường mở cửa lại! Riết rồi quen. Riết rồi nghiện! Sáng nào không có ly đen là người cứ ngáp vắn, thở dài! Nhớ “phê“ như nhớ thuốc lào. Không chôn điếu, cũng cứ đào .... đại lên!
Thời điểm sau 75 đó, gần trường tôi, đối diện đại học Sư Phạm đường Thành Thái, “mọc“ ra một quán cà phê vỉa-hè. Tôi có vinh hạnh là một trong những khách hàng đầu tiên. Chả là một hôm chán đời quá, tôi mò lên trường, “ không bạn bè, không có ai “, chỉ có một hai đứa nằm vùng và mấy đứa 30/4, trên đường về, gặp quán nhỏ, tiện chân ghé vào. Thế thôi.
Thế mà cái “quán bên đường“ ấy đã “đi bên cạnh cuộc đời tôi“ (TTKH) cho đến ngày bỏ nước, vượt biên giữa năm 1979.

Lúc đầu, quán chỉ có anh B. (cận thị)  khoảng 23, 24 tuổi  đứng trông. Thỉnh thoảng có mẹ anh, Dì Ba, và cô em gái anh, tôi gọi là “cô V.“ , đứng trông. Cô V. trắng trẻo, người dong dỏng, hiền hậu, ít nói lại hay cười (khi tôi chọc). Có cô, tôi lại càng siêng ra quán hơn. Không phải để thả cua, câu cá gì cả vì tôi (xin thề) chỉ xem cô như em gái (dù cô gọi tôi là .. “chú“!) mà vì mấy khi được ngồi “ một mình ” với một cô hàng cà phê dễ thương như thế. Từ đó tôi gọi là “quán cô V.“ , bạn tôi cũng theo đó mà gọi. Với một số bạn chung trường KH, đó là “quán dì Ba“.
Quán cô V. là quán nhà của tôi, của chúng tôi : những người bạn thân. Tôi có hai “loại“ quán cà phê: quán “nam“, quán “nữ“! Quán “ nam là quán vỉa-hè, bình dân, bạn bè “uống tục nói phét“. Quán “ nữ “ là quán “sang“ (Hoàng Gia, Givral ..vv ), ăn nói nhỏ nhẹ, “duyên dáng“ nhưng “ hao “ nhiều! Nhiều khi tôi ghé vào quán “ nam “ chỉ để nhờ cô V. ứng trước, để đi quán … “nữ “! Cơ khổ đến thế!
Thế nhưng, đời có nhiều cái bất ngờ. Và tôi rất cám ơn một chiều mưa năm 1976 . “ Trời không mưa tôi cũng lạy trời mưa ” vì , nhờ đó , trên đường từ nhà bạn về, để trú mưa, tôi ghé vào một quán cà phê, đường Lý thái Tổ: quán “Trang“

Quán cà phê Trang, Sài Gòn, dĩ nhiên khác với quán cà phê ở Chợ Dầu ngoài Bắc. Nhưng hai cô hàng thì cứ như nhau. Nghĩa là cứ “giết người trong … quán“ , ít nhất cũng là hai. Một là nhạc sĩ Canh Thân (sanh năm canh thân?) , tác giả " Cô Hàng Cà Phê" (ở chợ Dầu / có hàng cà phê / có một cô nàng be bé xinh xinh .. ) và hai … là tôi!
Theo tiết lộ của nhạc sĩ Nguyễn văn Thương (chiều chưa đi màn đêm rơi xuống ) thì cái cô “ be bé xinh xinh “ ấy là cô Thái Hằng, trưởng nữ ông bà chủ quán Thăng Long (*)
Quán Thăng Long ở chợ Đại, Cống Thần (thời kháng chiến) được ông Canh Thân sửa lại là chợ Dầu.  "Cô hàng cà phê “ là tâm sự, là nỗi lòng của ông Canh Thân. Ca khúc này có đoạn thật, đoạn không thật. Đoạn thật là đoạn cô hàng “làm say mê bao gã thiếu niên đa tình“ trong đó có Canh Thân, đoạn không thật là đoạn người khách viễn phương ghé qua, rồi say đắm cô hàng . Nhưng tình không được đáp. Cho đến khi chàng bị tương tư hành hạ “ sắp đến thiên đàng “thì “ vừa lúc cô hàng biết yêu“ ! Không thật , bởi vì cái anh viễn khách đó chính là ông Phạm Duy , bố 8 đứa con của cô hàng. Có lẽ ông Canh Thân sợ bị ông Phạm “ đập vỡ cây đàn “ nên chêm vào mấy chỗ không thật chăng?

Tôi không biết có bao nhiêu “thiếu niên đa tình“ ở quán cà phê Trang. Và tôi cũng không biết Trang là ai. Bởi quán do 3 thiếu nữ trông coi. Cô lớn nhất cỡ tuổi tôi (nhưng mặt buồn hơn ... tôi) , tóc chấm vai, cô giữa (xinh nhất) khoảng 17, 18 , tóc ngắn hơn tí, và cô bé khoảng 14, 15, cột tóc đuôi ngựa miệng lúc nào cũng như có nụ cười. Trang có thể là tên của cả 3 cô, chỉ khác nhau tên đệm (như mấy anh em tôi chẳng hạn) . Mà cũng có thể là tên của mẹ … các cô (khoảng 40 tuổi)!
Chủ nhân là một gia đình khán giả, ở căn nhà mặt tiền đường Lý Thái Tổ. Sau 75 , không biết ông bố có bi đi tù cải tạo không nhưng, như hầu hết các gia đình miền Nam, gia đình của Trang phải mở quán cà phê kiếm sống.

Quán có lẽ là phòng khách gia đình trước đây, khoảng mười mấy (?) thước vuông, trang trí thanh lịch, không màu mè, chứa độ mươi người khách. Caisse nằm ở phía trái, ngay cửa vào ra. Một cây đèn nhỏ trên bàn mà, khi đêm xuống, ánh sáng hắt ra đủ để nhìn thấy một khuôn mặt, dù không rõ nét, nhưng đó là một khuôn mặt đẹp. Của người ngồi caisse. Thế thôi.
Pha cà phê là cô lớn (và Mẹ?). Ngồi caisse là cô giữa. Cô út " servir" khách! Khi ngồi uống thì tôi chỉ ngắm (kín đáo) cô giữa. Càng ngắm càng thấy .. mệt! Từ mệt sang ghiền.. cà phê. Ngày nào cũng ghé quán. Dù cho mưa hay cho bão tố có kéo qua đây! Lúc đầu tôi hay ghé tối . Nhưng buổi tối, tuy lãng mạn, ấm cúng nhưng đông người quá. Nên tôi chọn buổi sáng, khoảng 11H, quán vắng, khách dễ được … " chú ý" hơn! Một tối tháng 6 mưa, dù "mưa dầm dề, đường trơn ướt tiêu điều" , chả biết làm gì, chợt nghĩ đến lúc " riêng một góc … bàn" ở đường Lý thái Tổ, thèm một ly cà phê, tôi lấy xe đến  "Trang".

Tối đó, mưa nhiều, khách thưa, một mình ngồi thả khói, một mình nghe mấy chị em chủ nhân nói chuyện với nhau. Giọng Bắc kỳ sao mà êm, mà ngọt ! Bao nhiêu nốt nhạc bay đầy!
Và tôi ra về với những câu thơ trong đầu:

Ở quán cà phê Trang _ đường Lý Thái Tổ

ghé quán cà phê cô gái Bắc
(gái Bắc bao giờ cũng dễ thương!)
cô ngồi trong ánh đèn hiu hắt
nên mắt cô hiu hắt lạ thường

tôi tới đây ngồi nghe … quán vắng
nhìn cô mà nhớ nụ tầm xuân
"nụ tầm xuân nở ra xanh biếc"
xanh ngắc lòng tôi khấp khởi mừng

tôi tới đây ngồi say với thuốc
khói chẳng làm tôi lạc lối về !
đôi khi tôi cũng buồn cô lắm
bởi nào tôi thích nghiện cà phê !

uống cà phê , nhỏ từng giọt nhỏ
uống cả môi cười trong mắt kia
giọt cà phê , hay là giọt nước .. mắt
cũng làm mất ngủ những đêm khuya!
tôi tới chờ tay hoa tưới nước
nước trà rất dễ héo cây .. si
dù sao tôi cũng từng ao ước
được chết vì tay gái Bắc kỳ !!!

muốn nói cùng cô , cô gái Bắc :
" hãy giả bộ buồn khi quán khách đông
nhưng hãy cười khi …. " anh xuất hiện
lúc ấy cà phê sẽ ngọt lòng!

6/1976
BP