Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2020

Thơ Tranh: Hương Xuân - Kim Phượng


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh



Tâm Sự Ngày Về



Đường xưa lối cũ sáng hừng đông
Ngõ trúc quanh co lúa ngát nồng
Chim sáo véo von mừng tết đến
Chào mào lách cách đợi ai trông?
Ngập ngừng khách hỏi, đường vô xóm
Ngơ ngác trẻ đưa, lối xuống đồng
Xa cách bao năm giờ trở lại
Xuân nầy về nữa có hay không?!

Kim Dung 
(Jan. 3, 2020)

Hương Xuân


(Ảnh- Kim Oanh)

Những cánh hoa xuân rộ trước thềm
Gió mùa thao thức nhớ nhung thêm
Lối xưa dĩ vãng hoài vương vấn
Dáng cũ hương xưa ủ tóc mềm

Kim Oanh
(01/2020)



Chúc Xuân


Đầu năm khai bút đón xuân sang
Chít chít chuột kêu rộn cả làng
Heo buồn ủn ỉn đành lui gót
Nhường chỗ thế chân chú chuột vàng

Chúc người năm mới nhiều sức khỏe
Công danh sự nghiệp tiến vinh quang
Tấn tài tấn lộc xuân như ý
Vạn sự luôn mang đến bình an

Hồ Nguyễn
Đầu xuân Canh Tý 2020

Xuất Hành Đầu Năm



Đón giao thừa xong em xuất hành,
Bước sang năm mới nhiều mộng lành,
Bốn phương tám hướng em sẽ chọn,
Mong sẽ được may mắn gặp anh.

Giờ tốt, hướng tốt đã sẵn sàng,
Giờ hoàng đạo và hướng đông nam,
Cho dù anh ở hướng đông bắc,
Em cũng tìm đường rẽ đến thăm.

Sáng mồng một tết em xuất hành,
Mặc áo dài đẹp đón tin xuân,
Hoa mai hoa đào rơi trên áo,
Vạt áo em thơm mùi cỏ non.

Cầu tài cầu lộc vừa đủ thôi,
Khi cuộc đời là giấc chiêm bao,
Mùa xuân về reo vui nắng gió,
Mùa xuân về với một tình yêu.

Sáng mồng hai tết em xuất hành,
Mấy hướng rồi mà vẫn loanh quanh,
Biết anh đang ở phương nào nhỉ,
Em ngại ngùng sợ lạc bước chân.

Em sợ ngày xuân sẽ vội tàn,
Quanh đời vẫn chưa gặp tình thân,
Đâu chỉ riêng lòng em là tết,
Ước gì anh sẽ là tri âm.

Sáng mồng ba tết em xuất hành,
Sắp hết rồi những ngày đầu năm,
Em thay màu áo, màu son khác,
Muốn níu xuân còn em với anh.

Hoa xuân mai này sẽ kém tươi,
Đường phố mai kia bớt tiếng cười,
Ra giêng mình vẫn là xuân nhé,
Em sẽ gặp anh một hướng đời.

Nguyễn Thị Thanh Dương.
( Jan. 22, 2020)

Anh Hỏi Em



Bài Xướng

Anh Hỏi Em


Anh hỏi em quà Tết thích gì
Già rồi bày vẽ để làm chi
Ăn ngon, mặc đẹp không cần lắm
Chỉ mơ mình giữ chặt tình si

Anh hỏi còn nhớ hay đã quên
Trường xưa lối cũ bước gập ghềnh
Phương tím rơi đầy ngoài cửa lớp
Nhặt vội vàng ... sợ gió thổi lên

Anh hỏi em câu thề trước hiên
Trái chín thơm lừng tỏa hương duyên
Trầu cau biến mất nên chẳng sợ
Có tiếc nuối hoài mảnh tình riêng?

Anh hỏi em ... thề hẹn nhớ không?
Sống với nhau đầu bạc răng long
Trăm năm hạnh phúc tròn ân ái
Nghịch cảnh phải đành ... chôn ước mong

VKP Công Chúa Nhỏ
***
Em Hỏi Anh


Hôm qua em hỏi anh cần gì
Bối rối anh nào biết nói chi
Nếu có dư tiền lo cứu tế
Tâm hồn thư thả bớt sân si

Em không nhớ hay cố tình quên
Đường đèo dốc núi không thác ghềnh
Tay nắm tay nhau cùng tiến bước
Ta cần cẩn thận lúc leo lên

Còn chuyện hoa cau trổ trước hiên
Nhắc ta ngày đẹp kết hương duyên
Anh mong giao hảo ngang tình bạn
Giữ mãi tình mình một cõi riêng

Nói tới thêm buồn em biết không?
Trong lòng đã tính ở Kim Long
Không ngờ biến cố từ năm ấy
Dang dở mộng lành hết đợi mong

Khôi Nguyên


Bao Năm Ly Xứ


Xướng:
Tự Thán Cuối Năm: Bao Năm Ly Xứ


Ta sống lưu vong ở xứ người;
Tháng năm cứ thế lạnh lùng trôi!
Xuân qua Xuân lại, bao lần nhĩ?
Tết đến Tết đi, mấy bận rồi?
Đãng trí...nói hoài, không nhớ nữa!
Vô tâm...nhắc mãi, cũng quên thôi!
Tuy nhiên, nỗi tiếc thương quê cũ;
Ôm ấp trong tim mãi chẳng rời.

Thảo Chương TQV
22-01-2020
***
Họa:
Một thoáng bâng khuâng


Nửa đời phiêu bạt ở xứ người
Dấu vết thời gian vẫn cứ trôi
Năm tháng muộn màng xa cách mãi
Tháng năm mờ mịt rẽ chia rồi
Nhớ thương khắc khoải lòng đau thế
Tình ý triền miên dạ khổ thôi
Nương cánh chim bằng bay trước gió
Hương yêu ngày cũ vẫn không rời.

Toronto 22/1/2020
Nguyên Trần


Có Hai Mùa Xuân


1- Mùa Xuân hải ngoại

Xuân lại về đây, nhưng không ở trên quê hương Việt Nam yêu dấu cũ, mà cũng không cùng thời gian với mùa Xuân quê hương. Từ một hay hai tuần lễ trước hoặc mấy ngày sau Tết, Cộng-đồng người Việt tị nạn tại khắp nơi trên thế giới đua nhau tổ chức Lễ hội Văn hoá mừng Xuân đậm màu sắc quê hương đất tổ, giúp cho đồng bào Việt Nam ở hải ngoại quên đi nỗi niềm xa xứ. Khá đầy đủ lễ nghi truyền thống như đốt pháo,tế lễ có đọc sớ Táo quân,trình diễn văn nghệ,diễn hành,thưởng thức bánh chưng, mứt kẹo... Riêng về những hội đoàn nhỏ,có vô số hội đồng hương,chùa,nhà thờ,trường học... nhưng vì đã từng trải qua một thời cắp sách dài lâu,tôi chỉ biết rõ đến những Đại hội mừng Xuân đặc biệt: 3 hội cựu sinh viên của 3 trường Đại học Luật khoa Sài-gòn,Huế,Cần-thơ và 4 hội cựu học sinh của 4 trường Trung học Chu-Văn-An,Trưng-Vương,Pétrus Ký,Gia-Long. 

Tôi thức dạy giữa đêm 30 tháng Chạp trên xứ sở xa quê hương Việt Nam nửa vòng trái đất. Cũng như mọi đêm bình thường trong năm,cả một vùng rộng lớn chung quanh khu nhà tôi ở hoàn toàn yên tĩnh.Bốn bề im phăng phắc.Không một tiếng pháo nổ,không tiếng chúc mừng hay nói cười lao xao,không mùi thơm của hương bay khói toả,không thịt-mỡ-dưa-hành-câu-đối-đỏ-bánh-chưng-xanh.. Vì khác biệt thời gian nên Tết của ta không thể có sự hoà điệu chung vui với cảnh Lễ đầu năm (hayTết Tây)của người bản xứ.Ngay cả trong cộng đồng chúng ta cũng có nhiều người theo hoàn cảnh lao động bắt buộc hoặc theo lối sống mới nhập-gia-tuỳ-tục,thì vào đúng lúc này,gia đình họ vẫn đang im lìm trong giấc ngủ.Tiểu bang tôi ở đang vào giữa mùa Đông.Thời tiết lạnh giá,tuyết vẫn còn rơi.Một màu trắng bao phủ vạn vật.Cây cỏ,núi đồi,xa lộ,nhà cửa đều mang một vẻ ảm đạm,thê lương. Trong giờ phút giao niên,tâm hồn tôi như một giải mây xám lờ lững theo làn gió nhẹ bay về quê hương yêu dấu cũ.Sài Gòn ơi! Nhớ sao là nhớ! Tôi đang trải qua một cái Tết cô đơn,lặng lẽ hơn bao giờ Tôi nhớ,và cố nhớ lại,những cái Tết quê hương để may ra cảm nhận được một chút niềm an ủi.Đồng hồ chỉ 12g15.Buồn quá,đành mở Gmail. A!có những video về hình ảnh Đường Hoa Nguyễn Huệ Sài Gòn,và các chợ hoa Đà Lạt, Huế, Hồ Gươm Hà Nội:

Gần tết nhiều mail đến với mình 
Ngàn hoa trong ánh điện lung linh 
Mùa Xuân lộng lẫy muôn màu sắc 
Sống dậy hồn ta bản nhạc tình.

Và đây nữa,tôi vô cùng ngạc nhiên,thích thú: Hình ảnh 4 chữ CUNG CHÚC TÂN XUÂN đỏ óng ánh mạ vàng và một bánh pháo đỏ chót bên cạnh một chậu hoa cúc vàng tươi tuyệt đẹp hiện ra (với lời ghi chú:hãy click vào ngòi pháo):

Những tưởng mình ta chẳng có Xuân 
Nhưng nay Xuân đến tựa bao lần 
Giờ đây pháo nổ tung màn ảnh 
Thấp thoáng nàng Xuân đã tới gần. 

Tha thướt bóng Nàng Xuân trở về.Tà áo trắng bay bay ngát hương màu trinh khiết.Ngón tay ngà mát rợi vuốt trên mái tóc đã bạc màu._Này,Người ơi! Xuân đã đến,Người hãy mau thức tỉnh để vui cùng Ta trong giờ phút giao niên.Trong khói pháo mịt mù và xác pháo hồng tung rơi lả tả,tay trong tay run run nâng chén rượu nồng,cùng với nàng Xuân khai mạc hội mùa yêu.

Rồi, Xuân nữ lại tha thướt bước đi.Bóng nàng khuất dần sau hàng cây tuyết trắng.Nàng tiếp tục đi tìm những mảnh đời lạc lõng trên vùng đất hải ngoại lúc Xuân về. 

Tôi chập chờn nửa ngủ nửa mê,đang mơ mơ màng màng chợt bàng hoàng tỉnh thức Mộng đẹp đã tàn.Có còn không thời hoa mộng xa xưa?Quê hương xa vời vợi.Ngàn trùng cách xa.Đã mấy chục mùa Xuân trôi qua nơi hải ngoại.Ngậm ngùi thắp nén hương lòng,vọng về cố hương. Cầu nguyện sớm được trở về ăn một cái Tết Việt Nam thật huy hoàng trên quê hương Việt Nam yêu dấu:Một mùa Xuân tương lai.

2- Mùa Xuân tương lai



Mồng........ tháng Giêng năm...........Việt Nam....

Chúng ta hôm nay vui hưởng một cái Tết............ rực rỡ huy hoàng.Tiếng pháo nổ ròn khai mạc hôi hoa đăng.Từng đoá hoa Xuân rực nở trên bàu trời,nở lung linh dưới đáy nước..............,nở long lanh trong lòng mắt,nở rạng rỡ trên miệng cười em bé mà bàn tay êm dịu đang dâng tặng chúng ta bông hoa tươi thắm mừng Xuân.Vui,vui,hãy vui lên bạn ạ! Ta vui........vui chung 90 triệu đông bào trọn vẹn cả tình thương yêu dân tộc.Để ngày mai,người dân Việt lại tiếp tục đứng thẳng mình lên.Bàn tay ta không còn ghì trên báng súng hướng về kẻ nội thù,nhưng bàn tay sẽ ghì chặt báng súng chống quân xâm lược trên đất liền cũng như trên vùng hải đảo, để bảo vệ tổ quốc thân yêu. Sẽ kiến thiết lại quê hương,khôi phục những truyền thống đẹp,tái tạo lòng người chứa chan tinh thần Chân Thiện Mỹ.Sẽ nối lại tình thương yêu đùm bọc giữa mọi người.Sẽ xây dựng lại tất cà.Và Xuân năm nay là mùa Xuân lịch sử,thật sự mở đầu cho Hạnh phúc,Tự do......./. 

ChinhNguyên/H.N.T. 
 GA/USA 2011-20.
(Phỏng theo Tuỳ bút Xuân-Đến-Trong-Lòng-Trai-Thế-Hệ của HNT/Nguyệt san BUT HOA#14-2/65,SAIGON và sửa tại GA/USA,2011-13-20.
**Trích và sửa đổi từ Nguồn:Tạp chí HN #116,Jan.07.2012+Tạp chí RĐ #389,Jan.05.12,và một số Web sites)




Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2020

Quê Hương Và Em

Bao nhiêu năm ra đi xa Hànội
Lòng nhớ hoài nhớ mãi Hồ Gươm xưa
Chút bâng khuâng ôn lại tuổi học trò
Hoài niệm cũ tròn đầy trong khao khát

Nhớ xứ Huế dòng sông Hương câu hát
Đò văn chương khoan nhặt dưới trăng mơ
Tiếng đàn ca xênh phách chẳng phai mờ
Anh yêu Huế tình yêu này bất tuyệt

Yêu Sàigòn những đêm dài vắng nguyệt
Chợ Bến Thành đi lại khách bán mua
Ngọn đèn đêm tròn vẹn đẹp vô bờ
Anh nhớ mãi Sàigòn buồn khôn tả
Yêu mến quá Việt Nam yêu mến quá
Xa thiệt rồi quê mẹ xót tim anh
Anh vẫn yêu vẫn quý trọn đời mình
Cả những lúc lòng anh còn dâu bể

Quê hương ơi mến yêu này vô kể
Viết bao nhiêu lòng vẫn thấy ngổn ngang
Anh vô cùng yêu mến quá miền Nam
Trong tim anh nặng tình yêu đất nước

Anh biết em sau mùa xuân năm trước
Trên xứ người bát ngát cúc vàng hoa
Em và anh cùng yêu mến quê nhà
Ba miền đất Huế - Sàigòn - Hànội

Yêu mến em áng thơ tình mở lối
Mộng mị nào chăm chút trái tim côi
Nhạc cùng thơ hoà quyện trọn cuộc đời
Cho tình đẹp tuyệt vời hương hoa cúc

Thơ và nhạc cung vàng niềm hạnh phúc
Chữ yêu thương trân trọng cuộc đời này
Quê hương nghèo vẫn ấm áp tim say
Cùng tình em trong lòng anh bất diệt

Dù xa xứ vẫn yêu quê tha thiết
Viết gì thêm cũng không hết được lời
Tim thơ yêu đầy ắp chẳng hề vơi
Em và quê hồn anh thêm da diết

Chút tình riêng tháng năm còn mải miết
Nắng có lên mong đừng vội phai tàn
Bước chân chiều hiu hắt lúc mây tan
Anh ôm em cả quê vào cõi nhớ.

Hoa Văn

ThơTranh: Long Hồ Vĩnh Long Chúc Mừng Năm Mới


Thơ: Huỳnh Hữu Đức
Thơ Tranh: Kim Oanh


Đêm Ba Mươi


Nửa khuya trừ tịch thật êm đềm
Rực rở muôn màu ánh pháo đêm
Ong bướm nhỡn nhơ khoe cánh đẹp
Đào mai nở rộ lộ thân mềm
Tổ tiên nghiêm chỉnh trên hương án
Con cháu đùa vui dưới bậc thềm
Ngày Tết thuở nào, xa vợi vợi
Tuổi già chạnh nhớ, chút buồn thêm 

VănThanh Trương

Vội Mà Chi



Bài Xướng:

Vội Mà Chi 


Vùi chôn ước hẹn tuổi xuân đi
Trẩy lá chồi mai kẻo lỡ thì
Quá nữa đời hơn hoài tiếc nuối
Đêm trời viễn xứ lệ tràn mi

Tô lại màu môi sớm nhạt phai
Để không thao thức biết đêm dài
Để thôi đau đớn trong thinh lặng
Nuôi mộng trở về tiếng bước ai

Chiếc bóng đơn côi giữa bóng đêm
Vẳng xa tiếng pháo rộn bên thềm
Vội vàng chi lắm vui chi lắm
Trừ tịch đêm này chỉ xót thêm 


Kim Phượng

***
Bài Họa:

Ước Vọng Đêm Xuân


Ước vọng tuổi thơ trở lại đi!
Cho ta khỏi lỡ kiếp xuân thì
Chừ nay quá nữa đời xa xứ
Đất khách bên trời lệ ướt mi

Làn môi tô lại kẻo tàn phai
Để chẳng đêm thâu cứ thở dài
Để chả đớn đau khi tỉnh lặng
Để còn mơ mộng bước chân ai!

Giao thừa sắp đến giữa trời đêm
Tiếng pháo vang xa rộn trước thềm
Chợt thấy thương thầm hương vị Tết
Của ngày Xuân ấy chỉ buồn thêm


songquang
(Đêm mùng một Tết Canh Tý)


Chiều Cuối Năm



Chiều cuối năm trên căn gác trọ
Nhớ hiu hiu hình bóng chân trời
Tâm sự đâu ai người san sẻ
Mưa giăng sầu, buốt giá tim tôi

Người không đến mà sao tha thiết
Tình vờn qua như gió thoảng ngoài
Nói làm chi những lời dịu ngọt
Hẹn làm chi khoảnh khắc đầy vơi

Ruồng rẫy nhau cho thêm thương nhớ
Khoét sâu thêm đáy vực lòng người
Mưa ngoài phố, hắt trên thơ ướt
Một chiều buồn lặng ngắm mưa rơi!

Locphuc.

Đêm Giao Thừa Buồn - Tác Giả Phương Lan Giọng Đọc: Nguyễn Hữu Nhung


Truyện:Phương Lan.
Giọng Đọc: Nguyễn Hữu Nhung - Nguyên Hà- Hải Lan
Hình ảnh : internet

Thơ Thẩn Giáp Tết


Thơ Thẩn Giáp Tết

Ngày tháng vèo bay...đã hết năm
Thân bằng quyến thuộc chẳng về thăm
Ngùi thương mộ Mẹ lòng chua xót
Chạnh nhớ mồ Cha lệ chảy thầm
Đất khách nghìn trùng nơi hải ngoại
Quê nhà vạn dậm chốn xa xăm
Lần tay bè bạn còn bao tá ?
Dăm kẻ giờ đây cũng biệt tăm!

Tâm sự đa đoan xót lặng thầm
Niềm riêng trăm mối nhớ tri âm
Quê nhà giáp Tết hoa tươi thắm
Đất khách còn Đông tuyết lạnh căm
Dạ lại bời bời như ngọn đuốc
Lòng thêm bối rối tựa tơ tằm
Mượn Xuân thơ thẩn vài câu nhé !
Ngày tháng vèo bay...đã hết năm .

songquang
20200114
***
Lễ Chùa - Lòng Quê

Cảnh chùa tươi mát lúc đầu năm
Mỗi Tết tôi thường mỗi viếng thăm.
Tiếng khánh vang vang lòng thánh thoát
Câu kinh êm ả gió thì thầm.
Góc tường xúm xít người xem bói
Chánh điện quây guần kẻ lắt xăm.
Đất khách tình quê da diết nhớ
Năm nào cùng mẹ...,mịt mù tăm!

Én liệng ngoài trời, lại cuối năm
Cuộc đời biến đổi bể dâu tằm.
Xuân về mây xám mơ màng nguyệt
Tết đến chuông chiều lạnh lẽo âm.
Tiếng pháo im lìm lòng khắc khoải
Mai vàng đâu tá mắt buồn căm.
Những khi lặng lẽ giao thừa đến
Ai biết chăng ai lệ ngấn thầm!

Mailoc
01-14-2020
***Xưa

Hớn hở đi chùa đêm cuối năm
Lẹ làng dâng lễ với xin xăm
Lâm râm khấn nguyện, lời khe khẽ
Thành kính cầu xin, giọng nhỏ thầm
Mong được toàn niên tài lộc đến
Ước rằng trọn kiếp phước an thăm
Cuộc đời nhàn nhã, yên vui trọn
Vận rủi, điều xui lặn mất tăm.

Nay
Một mình một bóng tự thì thầm
Lặng lẽ trong ngoài chẳng vọng âm
Nhà vắng đìu hiu sầu quạnh quẽ
Đêm dài thui thủi rét căm căm
Mượn thơ cho hết bao năm tháng
Rút ruột trả xong một kiếp tằm
Tích tắc đồng hồ thong thả điểm
Lạnh lùng thời khắc chuyển qua năm

Phương Hà
( 15/01/2020 )

Thứ Năm, 23 tháng 1, 2020

Thơ Tranh: Tầm Xuân Thi


Thơ: Phạm Khắc Trí
Thơ Tranh: Kim Oanh

Miền Ký Ức



Năm mới đang về với chúng ta
Thiên nhiên như hát khúc giao hòa
Rộn ràng áo mới bao em bé
Rực rỡ đua màu những cánh hoa
Chúc tết ngâm thơ từ tết trước
Mừng xuân viết đối của xuân qua
Chợt như thấy lại thời lâu lắm
Gói bánh Má ngồi thoáng hiện ra


Quên Đi

Đôi Ngã Xuân Về



Xuân về nghiêng tiếng hát bay
Lượn vào ký ức lòng đầy trở trăn
Người đi biền biệt xa xăm
Bao năm quê đợi mưa dầm nhớ thương

Bước chân mòn gót ly hương
Bao giờ trở lại con đường làng quê
Vịn cầu tre nhỏ mẹ về
Nón nghiêng làn gió ai che nụ cười

Quê nhà gửi nhớ phương trời
Đong đưa tiếng sóng trùng khơi dạt dào
Xuân về chim hót xôn xao
Cánh hương hoa lượn ngọt ngào về đâu

Thôi thì đôi ngã chúc nhau
Xuân về hạnh phúc nhiệm màu hồng ân
Xa xăm thương nối lại gần
Ước mơ nho nhỏ một lần cầm tay

Trầm Vân

Trúc Lan Chúc Mừng Xuân Mới Blog Long Hồ Vĩnh Long


Bồi Hồi Gần Tết


Bài Xướng:

Bồi Hồi Gần Tết


Mấy chục Xuân rồi biệt cố hương
Nhớ từng chi tiết mỗi con đường.
Hàng me trưa nắng ve ra rả
Mái lá lam chiều khói vấn vương.
Đầu xóm đơn sơ, trơ quán cóc
Bên đình cao ngất rủ thuỳ dương.
Bồi hồi gần Tết vang tu hú
Trong ký ức già nặng luyến thương.

Lạnh lùng Xuân đến, kiếp tha phương
Nhớ quá quê xưa nhớ lạ thường.
Tháng chạp se se làn gió bấc
Đường làng phơn phớt cỏ hơi sương.
Mơ màng trên nước cây cầu khỉ
Văng vẳng bên sông tiếng trống trường.
Cứ mỗi Tết về lòng quặn thắt
Bên trời đăm đắm mắt sầu vương!

Mailoc
01-10-2020
***
Nỗi Lòng Kẻ Xa Quê

Nhớ hoài nơi ấy, đất quê hương
Có những hàng tre rợp nẻo đường
Bến nước chờ đò khơi nỗi nhớ
Chim chiều gọi bạn gợi niềm vương
Mái tranh ẩn khuất sau vòm lá
Vườn ruộng mờ xa dưới ánh dương
Thoang thoảng hương thơm mùi lúa mới
Tiếng hò đôi lứa ngập yêu thương.

Trông vời quê cũ biệt mù phương
Hình ảnh thân yêu quá đỗi thường
Kênh rạch ngoằn ngoèo quanh ruộng rẫy
Xóm làng ẩn hiện dưới màn sương
Cây đa cổ thụ bên bờ giếng
Tán phượng hồng tươi trước cổng trường
Tất cả hằn sâu trong ký ức
Một trời kỷ niệm mãi còn vương.

Phương Hà
( 11/01/2020 )
***
Tết Xuân Đất Khách


Định cư đất khách vọng quê hương
Tâm khảm khắc ghi những quãng đường
Đôi bạn ngày xưa luôn luyến nhớ
Riêng mình cố quận vẫn tơ vương
Qua sông lối cũ theo hàng liễu
Tới bến đò chiều dõi ánh dương
Chạnh nghĩ năm tàn lòng thổn thức
Bâng khuâng tháng lụn dạ còn thương

Xuân về mấy độ sống ly hương
Số kiếp phù sinh ấy lẽ thường
Thấm thoát năm tàn heo Kỷ Hợi
Thoi đưa tháng lụn Tý canh sương
Bến kia trông ngóng ghe mành cá
Xe nọ đợi mong trống bãi trường
Cha mẹ chờ con lòng thấp thỏm
Tết duyên thiếu vắng nợ tình vương

Mai Xuân Thanh
Ngày 10/01/2020
***
Thương Vương Ngày Tết

Ai mà quên được cảnh quê hương
Tết dịp về thăm chốn tổ đường
Thắp ném nhan thơm pha nỗi nhớ
Dâng lời kinh sáng trải tơ vương
Đây công tiên tổ cần trân quí
Đó đức mẹ cha phải xiển dương
Đền đáp bao đời phần dưỡng dục
Giúp ta khôn lớn sống yêu thương.

Nối gót cùng muôn khách thập phương
Chùa và cổ miếu ấy đâu thường
Bậu đi với bạn,hồn mây gío
Anh đứng gần em,em khói sương
Khiến nhịp con tim mơ thủy động
Khơi tầm ánh mắt mộng đêm trường
Tạo cho ngoại cảnh thêm xuân sắc
Đan kết tình xưa luôn vấn vương.

Thái Huy
11/01/2020
***
Giây Phút Chạnh Lòng

Buồn nào hơn nỗi nhớ quê hương
Nhớ quá đi thôi những nẻo đường
Mỗi độ xuân về lòng héo úa
Bao lần én lượn mắt sầu vương
Đời con trôi mãi theo con nước
Bóng mẹ xa dần khuất cõi dương
Cố quốc trông về thêm khổ não
Còn đâu chốn cũ để mà thương

Gió bấc se lòng kẻ viễn phương
Bốn mùa vẫn thế chuyện đời thường
Thân dòn buốt giá cùng mưa tuyết
Phận mỏng lạnh lùng với gió sương
Đã cố vùi xuân vào dĩ vãng
Cớ chi khơi tết động tình trường
Hoa lòng đã chết từ lâu lắm
Xuân đến làm gì để vấn vương

Kim Phượng


Những Bài Thơ Xuân

Nhân dịp xuân về, Kính gởi đến Quý Thầy Cô và Anh Chị Em Vườn Thơ Thẩn một "Những Bài Thơ Xuân" của Việt Thi, bắt đầu bằng bài thơ "Xuân Hiểu" của ông Vua Trần Nhân Tông nhé !

1. XUÂN HIỂU - Trần Nhân Tông.

春曉                 Xuân Hiểu 

睡起啟窗扉, Thụy khởi khải song phi, 
不知春已歸。 Bất tri xuân dĩ quy. 
一雙白蝴蝶, Nhất song bạch hồ điệp, 
拍拍趁花飛。 Phách phách sấn hoa phi.

CHÚ THÍCH :

* Thụy Khởi 睡起 : là Ngủ dậy, chỉ Vừa thức giấc.
* Khải 啟 : là Mở ra, giống như chữ KHAI (thanh BẰNG, còn KHẢI là thanh TRẮC ).
* Song Phi 窗扉 : Cánh cửa của Cửa sổ.
* Phách Phách 拍拍 : là Vổ vổ(cánh), ở đây có nghĩa là Vổ Phần phật.
* Sấn : là Nhân(dịp), ở đây có nghĩa là Hướng về...

NGHĨA BÀI THƠ :

Sáng Sớm Mùa Xuân
Vừa mới ngủ dậy, ta mở toang hai cánh cửa sổ ra... Đâu biết rằng mùa xuân đã về đến rồi !( Trông kìa,) một đôi bướm trắng nỏn nà đang vổ vổ cánh bay về các khóm hoa ( đang nở rộ !). 

DIỄN NÔM:
Sáng Xuân

Thức giấc mở song ngay,
Xuân đến nào có hay.
Một đôi bươn bướm trắng,
Hướng hoa vổ cánh bay!

Lục bát:

Vừa thức giấc, mở cửa song,
Nào hay xuân đã về trong đất trời.
Một đôi bướm trắng xinh tươi,
Khóm hoa bay lượn thành đôi chập chờn.

Đỗ Chiêu Đức
2. XUÂN ĐÁN          Chu Văn An

春旦                         Xuân Đán
寂寞山家鎮日閒, Tịch mịch sơn gia trấn nhựt nhàn,
竹扉斜擁護輕寒。 Trúc phi tà ủng hộ khinh hàn.
碧迷草色天如醉, Bích mê thảo sắc thiên như túy
紅濕花梢露未乾。 Hồngthấp hoa tiêu lộ vị can.
身與孤雲長戀岫, Thân dữ cô vân trừơng luyến tụ
心同古井不生瀾。 Tâm đồng cổ tỉnh bất sanh lan.
柏薰半冷茶煙歇, Bá huân bán lãnh trà yên yết,
溪鳥一聲春夢殘。 Khê điểu nhất thanh xuân mộng tàn.

朱文安                    Chu Văn An

* CHÚ THÍCH:
- Xuân Đán 春旦: là Ngày Xuân, mà cũng có nghĩa là Ngày Tết nữa.
- Trấn Nhật 鎮日: la Suốt ngày. 
- Trúc Phi 竹扉 " là Cửa tre. 
- Tà Ủng 斜擁: TÀ là Xiên, xéo. ỦNG là Ôm. nên TÀ ỦNG là Ôm xeo xéo.
- Thiên Như Túy 天如醉 : Trời như say.
- Lộ Vị Can 露未乾: Sương chưa khô
- Tụ 岫: là Hang núi trên cao, thường có mây vần vũ trên đó.
- Lan 瀾 : là Gợn sóng lăn tăn.
- Trà Yên Yết 茶煙歇: trà Thuốc đều hết.
- Khê Điểu 溪鳥: Những con chim trong khe núi.

* Dịch Nghĩa:
Ngày Xuân

Suốt ngày nhàn hạ rảnh rổi với ngôi nhà quạnh quẽ vắng lặng ở trên núi nầy. Chiếc cửa tre xiêu vẹo ôm ấp lấy căn nhà che chắn bớt cái cơn lạnh nhè nhẹ đang lan tỏa. Nhìn xuống xa xa bãi cỏ non xanh biếc, bầu trời cũng xanh biếc như ngất ngây say. Những đóa hoa hồng lên trên cành rực rỡ với các giọt sương còn lóng lánh chưa khô. Tấm thân ta như đám mây đơn lẻ kia cứ mãi quyến luyến không nở rời đỉnh núi, và lòng ta thì đã khô cằn như chiếc giếng xưa kia đã không còn dậy sóng nữa. Những nhánh tùng bách cháy tàn nửa vời lạnh lẽo, trà thuốc cũng đã cạn rồi. Những con chim bên khe núi vổ cánh bay tiếng kêu oang oác làm ta chợt tỉnh giấc, nên mộng xuân cũng tàn lụi theo luôn.

* DIỄN NÔM:
Ngày Xuân

Nhà tịch mịch núi cao nghe vắng vẻ,
Cửa phên tre nghiêng ngã lạnh lan tràn.
Trời như say thảm cỏ biếc mênh mang,
Hoa đỏ thắm đầu cành sương chưa ráo.
Thân nầy tựa như mây còn luyến núi,
Lòng thì như giếng cạn sóng đà an.
Lửa tắt trà khô thuốc hết đêm tàn,
Chim oang oác giật mình tan giấc mộng!

Lục bát:

Nhà cao vắng vẻ an nhàn,
Cửa tre xiêu vẹo lạnh tràn gió đông.
Trời xanh đồng cỏ mênh mông,
Ngậm sương mấy đóa hoa hồng nở xinh.
Thân như mây nổi linh đinh,
Lòng như giếng cạn không sinh sóng hời.
Đêm tàn lửa tắt trà vơi,
Chim kêu tỉnh giấc một trời xuân mơ!

Đỗ Chiêu Đức.
3. XUÂN DẠ Nguyễn Du: 

Năm 1789, Tây Sơn chiếm Bắc Hà, cụ vừa 24 tuổi. Để tránh nạn binh lửa, cụ đã về ẩn tại quê vợ, huyện Quỳnh Côi (Thái Bình). Bài thơ trên nằm trong Thanh Hiên Tiền Hậu Tập, có lẽ đã được cụ Nguyễn Du làm trong thời gian này, lúc cụ chưa tới 30 tuổi. Qua đấy ta có thể thấy thể chất của cụ không mấy khỏe mạnh do cuộc sống nghèo túng và bản thân cụ cũng hay đau ốm. Chính nơi đây đã chôn vùi quãng đời thanh xuân của cụ. Sống nơi thôn dã, cụ đã gần gũi và hiểu biết rõ ràng đời sống và tâm tình của tầng lớp dân quê nghèo khó. Mãi hơn 10 năm sau, lúc đã 37 tuổi (1802) cụ mới ra làm quan với triều Nguyễn với chức vụ Tri Huyện Phù Dung (Hưng Yên) rồi sau đó thăng Tri phủ Thường Tín (Hà Tây).

春 夜                             Xuân Dạ

黑 夜 韶 光 何 處 尋? Hắc dạ thiều quang hà xứ tầm?
小 窗 開 處 柳 陰 陰. Tiểu song khai xứ liễu âm âm
江 湖 病 到 經 時 久, Giang hồ bệnh đáo kinh thời cửu
風 雨 春 隨 一 夜 深. Phong vũ xuân tùy nhất dạ thâm
羈 旅 多 年 燈 下 淚, Ký lữ đa niên đăng hạ lệ
家 鄉 千 里 月 中 心. Gia hương thiên lý nguyệt trung tâm
南 臺 村 外 龍 江 水, Nam Đài thôn ngoại Long Giang thủy
一 片 寒 聲 送 古 今. Nhất phiến hàn thanh tống cổ câm (kim).

阮攸                           Nguyễn Du

* CHÚ THÍCH:
- Thiều Quang 韶光 :là Ánh sáng tốt đẹp của mùa xuân, của tuổi trẻ. Như cụ Nguyễn Du cũng đã viết trong Truyện Kiều :"Thiều Quang chín chục đã ngoài sáu mươi".
- Liễu Âm Âm 柳陰陰 : Liễu nằm im lìm rũ bóng trong đêm.
- Ký Lữ 羈旅: Gởi thân nơi đất khách.
- Nam Đài 南臺: Tên xóm nhà nơi Nguyễn Du ở trọ.
- Long Giang 龍江: Còn gọi là Thanh Long giang, tức Sông Lam.

* NGHĨA BÀI THƠ:

Đêm Xuân

Biết đến nơi đâu để tìm cho được ánh thiều quang rực rỡ trong đêm tối nầy ? Nơi cánh cửa sổ nhỏ mở ra là cành liễu rũ im lìm trong đêm tối. Thân trải giang hồ sông nước nên bịnh cứ dai dẵng mãi cho đến hiện nay. Mưa gió lại theo ngày xuân mà về trong đêm dài dằng dặc nầy. Dưới đèn ta lại rơi lệ vì thân còn phiêu bạc xứ người đã nhiều năm nay. Ngắm trăng mà trong lòng tưởng nhớ đến quê hương ở xa ngoài ngàn dặm. Nhìn dòng nước Long Giang chảy ngoài thôn Nam Đài với dãi nước cuồn cuồn lạnh lùng như cuốn trôi cả dòng đời kim cổ.

* DIỄN NÔM: 
Đêm Xuân

Ánh xuân đêm tối biết đâu tìm,
Mờ mịt ngoài song liễu lặng im.
Bệnh tật song hồ cùng dai dẵng,
Gió mưa xuân sắc vẫn im lìm.
Dưới đèn giọt lệ sầu xa xứ ,
Bóng nguyệt quê nhà xót nhói tim.
Dòng nước Long Giang cuồn cuồn mãi,
Lạnh lùng cuốn sạch cổ cùng kim.

Lục bát:

Tìm đâu đêm tối thiều quang?
Ngoài song liễu rũ mơ màng trong đêm.
Giang hồ dai dẳng bệnh thêm,
Gió mưa não nuột bên thềm xuân sang.
Dưới đèn lệ nhỏ trăng ngàn,
Tấm thân lữ thứ ly tan ai hoài.
Long Giang dòng nước Nam Đài,
Lạnh lùng cuồn cuộn chảy dài cổ kim.

Đỗ Chiêu Đức.
4. XUÂN NHẬT HỮU CẢM - Trần Quang Khải:

春日有感 一.       Xuân Nhật Hữu Cảm 1

雨白肥梅細若絲,    Vũ bạch phì mai tế nhược ty,
閉門兀兀坐書癡。 Bế môn ngột ngột tọa thư si.
二分春色閒蹉過,    Nhị phân xuân sắc nhàn sai quá,
五十衰翁已自知。 Ngũ thập suy ông dĩ tự tri.
故國心還飛鳥倦, Cố quốc tâm hoàn phi điểu quyện,
恩波海濶縱鱗遲。 Ân ba hải khoát túng lân trì.
生平膽氣輪囷在,    Sinh bình đãm khí luân khuân tại,
醉倒東風賦一詩。 Túy đảo đông phong phú nhất thi.

春日有感 二.         Xuân Nhật Hữu Cảm 2

月色微微夜向闌, Nguyệt sắc vi vi dạ hướng lan,
東風特地起春寒。 Đông phong đặc địa khởi xuân hàn.
翻空柳絮黏高閣, Phiên không liễu nhự niêm cao các,
攪夢湘筠撲畫欄。 Giác mộng tương quân phốc hoạ lan.
被物潤從天外雨, Bị vật nhuận tòng thiên ngoại vũ,
驚心紅褪昔時顏。 Kinh tâm hồng thối tích thời nhan,
袪愁賴有三杯酒, Khử sầu lại hữu tam bôi tửu,
撫劍悠悠憶故山。 Phủ kiếm du du ức cố san.
陳光啓                     Trần Quang Khải. 

* NGHĨA 2 BÀI THƠ:
BÀI 1:
Mưa xuân trắng xóa phơi phới như tơ làm tươi tốt mấy cành mai, một thư sinh mọt sách đóng cửa ngồi trơ mà nhìn ra ngoài. Hai phần ba xuân sắc đã trôi qua một cách vô ích, Lão già năm mươi già yếu tự biết sức mình. Tấm lòng đối với cố quốc thì như cánh chim bay đà mõi, Còn ơn Vua thì rộng như biển nên chưa kịp vươn vẫy để cố bơi. Cái đãm khí của bình sinh vẫn còn sừng sửng đó, nên say khước dưới gió xuân vẫn làm nốt một bài thơ !
BÀI 2 :
Bóng trăng mờ ảo nhạt dần vì trời sắp sáng, gió xuân có Ý mang cái lạnh của sáng mùa xuân đến, những cành liễu bay lộn trên không phất vào gác cao, những cành trúc đập vào lan can làm tỉnh giấc mộng xuân. Muôn vật được tưới gội nhờ mưa từ trời đổ xuống, giật mình vì dung nhan ngày cũ đã phai tàn. Đành chỉ mượn ba chung rượu để tiêu sầu, và chỉ còn biết vuốt ve kiếm báu mà nhớ đến sông núi xưa vằng vặc đã qua rồi !

* DIỄN NÔM:
Cảm Xúc Ngày Xuân

Bài 1:
Mai đẹp mưa xuân gội trắng ngần,
Thư sinh trong cửa dạ lần khân.
Hai phần xuân đã qua hơn nửa,
Năm chục già đà tự biết thân.
Cố quốc chút lòng chim cánh mõi,
Ơn Vua tợ biển cá đuôi sần.
Bình sinh đởm lượt còn hun đúc,
Say khướt gió xuân vẫn họa vần!

Bài 2.
Ánh trăng mờ chiếu báo đêm tàn,
Se lạnh hơi xuân gió sớm sang.
Phe phẩy liễu cành vương gác tía,
Phất phơ trúc nhánh vướng lan can.
Tốt tươi vạn vật nhờ mưa móc,
Già cỗi một lòng nhớ sắc nhan.
Đành mượn tiêu sầu ba chén rượu,
Vuốt thanh kiếm báu nhớ giang san !

Đỗ Chiêu Đức 
5. SƠ XUÂN Nguyễn Tử Thành:

初春                         Sơ Xuân

臘梅開盡雪飄零, Lạp mai khai tận, tuyết phiêu linh,
老大情懷節勿驚。 Lão đại tình hoài tiết vật kinh. 
傍水人家楊柳嫩, Bàng thủy nhân gia dương liễu nộn,
寒天客院半陰晴。 Hàn thiên khách viện bán âm tình . 
遊蜂摘蜜穿花去, Du phong trích mật xuyên hoa khứ, 
野蝶偷香帶粉經。 Dã diệp thâu hương đới phấn khinh. 
檢點名園供勝賞, Kiểm điểm danh viên cung thắng thưởng, 
春花一樣百般生。 Xuân hoa nhất dạng bách ban sinh.

阮子成                     Nguyễn Tử Thành 

* NGHĨA BÀI THƠ: 
Đầu Xuân

Tháng chạp hoa mai đã nở hết trong khi tuyết vẫn còn bay lả tả,
Tâm tình của người già biết tiết chế, nên không lấy làm lạ.
Nhà ai đó bên mé nước với hàng dương liễu xanh non.
Phòng khách trong mùa lạnh nên nửa nắng nửa râm.
Ong đi lấy mật nên bay xuyên qua cả chòm hoa.
Bướm ngoài đồng trộm hương nhẹ nhàng mang theo cả phấn hoa.
Điểm qua hết các vườn hoa nổi tiếng để mà thưởng ngoạn, thì thấy...
Cũng chỉ là trăm vẻ hoa xuân cùng đẹp như nhau mà thôi !

* DIỄN NÔM:
Đầu Xuân

Tuyết rơi mai nở báo xuân sang,
Già cả nhìn quen chẳng ngỡ ngàng.
Bến nước nhà ai xanh liễu mới,
Trời đông phòng khách nắng râm vàng.
Ong vui hái mật đùa bay lượn,
Bướm hút nhuỵ hoa vội tách ngang.
Điểm hết xưa nay bao thắng cảnh,
Hoa xuân trăm vẻ đẹp mơ màng. 

Đỗ Chiêu Đức 
6. HỮU SỞ CẢM Phạm Đình Hổ:

有所感             Hữu Sở Cảm

長安小兒女, Trường An tiểu nhi nữ; 
纖手綰丫鬟。 Tiêm thủ quán a hoàn. 
深閨不知苦, Thâm khuê bất tri khổ; 
猶掃落花看。 Do tảo lạc hoa khan. 

長安小兒女, Trường An tiểu nhi nữ; 
眉黛月雙彎。 Mi đại nguyệt song loan. 
為愛梅花潔, Vị ái mai hoa khiết; 
臨風不覺寒。 Lâm phong bất giác hàn. 

長安小兒女, Trường An tiểu nhi nữ; 
花前獨倚欄。 Hoa tiền độc ỷ lan. 
只怕檀郎聽, Chỉ phạ đàn lang thính; 
橫琴笑不彈。 Hoành cầm tiếu bất đàn.

范廷虎             Phạm Đình Hổ

* CHÚ THÍCH:
- Trường An 長安: Còn đọc là Tràng An. Vốn là từ chỉ kinh đô cuả thời Tây Hán. Sau dùng chung để chỉ kinh thành, nơi vua ở. Trong bài thơ nầy chỉ kinh đô Thăng Long của ta ngày xưa.
- Tiêm Thủ 纖手: Chỉ đôi cánh tay nhỏ nhắn dịu dàng của các cô gái.
- Quán A Hoàn 綰丫鬟 : Búi hai búi tóc hình trái đào ở trên đầu. Đây là kiểu búi tóc của các cô bé mới lớn. Ngày xưa các tiểu thơ hay có các cô bé theo hầu búi tóc như thế, nên từ A HOÀN 丫鬟 (còn đọc là NHA HOÀN) dùng thét rồi trở thành danh từ chung để gọi các cô hầu của nhà quyền qúy.
- Mi Đại 眉黛: Đôi mày đen đẹp.
- Nguyệt Song Loan 月雙彎 : là Cong như hai vành trăng.
- Ỷ Lan 倚欄: Đứng tựa vào lan can.
- Đàn Lang 檀郎 : Từ dùng để gọi bóng dáng người yêu của các bà các cô xưa.

* NGHĨA BÀI THƠ:

Cô con gái nho nhỏ ở Trường An.
Đôi tay nhỏ xinh xinh bện hai bím tóc đen.
Ở trong khuê phòng thầm kín chẳng biết sầu khổ là gì.
Cô còn đang quét hoa rụng xem chơi.

Cô con gái nho nhỏ ở Trường An,
Đôi mày tô điểm cong cong như hai vành trăng cánh cung.
Vì yêu thích sự trong sạch của hoa mai, nên... 
Cô ra gió ngắm hoa mà không cảm thấy lạnh.

Cô con gái nho nhỏ ở Trường An,
Một mình đứng tựa lan can trước khóm hoa.
chỉnh e người yêu nghe thấy, nên...
Cô đặt ngang đàn cầm, cười mà không gảy.

* DIỄN NÔM:

Có Niềm Cảm Xúc

Trường An cô thiếu nữ,
Tay ngọc búi tóc cao.
Phòng khuê nào biết khổ,
Quét hoa dạ chẳng nao !

Trường An cô thiếu nữ,
Mày trăng mới cong sao !
Thương mai hoa tinh khiết,
Gió bấc chẳng lạnh nào !

Trường An cô thiếu nữ,
Ngắm hoa tựa lan can.
Vì sợ chàng nghe thấy,
Cười e ấp không đàn ! 

Lục bát:

Trường An cô bé xinh xinh,
Tay ngà búi tóc cho mình thêm tươi.
Buồng khuê chỉ biết vui cười,
Quét tàn hoa rụng làm vui xuân về !

Trường An cô bé xinh ghê,
Đôi mi cong tựa trăng thề trên cao.
Yêu mai tinh khiết biết bao,
Mặc cho gió lạnh lao xao chẳng màng.

Trường An cô bé mơ màng,
Trước hoa ngồi tựa lan can e dè.
Chỉnh e đâu đó chàng nghe,
Đặt ngang cầm phím, cười e, không đàn !

Xuân Canh Tý 2020
Đỗ Chiêu Đức

Thứ Tư, 22 tháng 1, 2020

Thơ Tranh: Hương Tết


Thơ: Đỗ Bình
Thơ Tranh: Kim Oanh

Chị Yến Anh Tuấn Chúc Mừng Xuân Mới 2020



Anh Chị Đặng Anh Tuấn 

Mộng Chiều Xuân



Cuối năm rười rượi buổi chiều đông
Lặng ngắm mây trời dệt khoảng không
Tháng tận nghênh tân trà đắng chát
Năm cùng tiễn cựu rượu cay nồng
Cho người biệt xứ tình lưu giữ
Để khách ly hương tuổi chất chồng
Xa tít dặm ngàn quê Mẹ đó
Mơ nồi bánh Tét ấm than hồng


Duy Anh
Xuân Canh Tý 2020


Đón Xuân Ngoạn Cảnh Nhủ Lòng



Ta đón nắng xuân ánh sáng ngời
Cỏ cây tươi thắm sắc đầy vơi
Hoa Hương chứa chất mơ huyền ảo 
Địch sáo chan hòa mộng tốt tươi 
Qua lại miếu chùa, duyên độ sãi...
Tới lui đàn viện, phúc chờ người...
Xa xưa đạo hạnh chuyên cần nhớ
Tha thứ lầm sai, miệng mỉm cười

LạcThủyÐỗQuýBái 

ChúcTết Canh Tý Long Hồ Vĩnh Long - Người Chợ Vãng




Mùa Xuân Sẽ Đến



Xướng:
Mùa Xuân Sẽ Đến

Mặt trời lên,xóa bóng mù sương
Nắng sớm lung linh rải khắp vườn
Chậu Cúc xác xơ, chồi đã nhú
Giàn Hồng trơ trụi, lộc đang vươn
Chim đua thanh khiếu, khua vang động
Hoa đọ sắc màu, tỏa ngát hương
Hết buổi Đông tàn, Xuân lại đến
Hoại-sinh hưng- phế lẽ vô thường

Nhất Hùng
***

Họa:
Xuân Xứ Lạ Nhớ Quê Xưa
(bài họa một âm)

Đêm lạnh sáng nay, thấy muối sương
Một màn trắng xoá phủ đầy vườn.
Ngọn cây nắng nhạt, còn đang vướng
Nền đất cỏ vàng, vẫn chửa vươn.
Nhìn đám mây bay, ngùi trí tưởng
Nghe cơn gió rú, nhớ quê hương.
Đời người trôi nổi bao nhiêu hướng?
Ôi kiếp nhân sinh, quả dị thường.

Thảo Chương Trần Quốc Việt
19-5-2019

Mỗi Năm Hoa Đào Nở…



Một bình rượu, một khay trà 
Một đôi bạch lạp, giấy hoa bút vàng 
Nghe hơi gió chuyển mùa sang 
Tuổi già cám cảnh đôi hàng rụng rơi 

Chuyện em muốn thưa với bác năm cùng tháng tận buồn tình khề khà thơ lão bạn thâm căn cố cựu. Chưa kịp nghe hơi gió chuyển mùa sang, chợt nhớ trong nhà có một khay trà đâu đó. Chả là nhăm thu trước sắm nắm được bộ ấm cổ giả Giang Tô gan gà. Mới quá mất vui, em bèn chôn dưới gốc cây mai, và nhủ thầm: Mai này bộ ấm trà lạc tinh cũ rích, thua gì bộ ấm Mạnh Thần của cụ Nguyễn trong Vang bóng một thời. 

Tạm hiểu em vừa thêu dệt xong cái khuôn của bài khảo chữ này, thưa bác. 
Chẳng dấu gì bác, bấy lâu nay em sáng dăm ba chén, chiều làm một vài chung. Tỉnh giâc mơ trần, em lại trở về trần ai một cõi cùng ba khóm tùng, bụi trúc, rồi thẫn thờ với ai ra bến nước trông về Bắc, chỉ thấy mây trôi chẳng thấy làng. Mặc dù chẳng biết quê nhà mịt mùng ở nơi đâu, chỉ bàng bạc đến cành đào đất Bắc năm xưa đeo đẳng với em không thôi. Bởi dòm cành đào nghiêng ngả trên báo Tết, bụng dạ lại chộn rộn tợn, mặc dù chả biết hoa đào năm ấy nó…cười nhăn nhở gió đông ở khổ nào (Đề tích sở kiến xứ - Thôi Hộ). Cuối năm ôn cố tri tân, dều người ra với ông thầy tu để tóc dài, mặc áo nâu sòng. Một ngày ông ngồi bó gối ngòai vườn đằng sau chợ Tân Định ngắm cái gò mối nổi u, từ khỏen vườn ông bật ra câu thơ (trong bài Động hoa vàng) lên non cuốc sỏi trồng hoa, xuôi thuyền lá trúc la đà câu sương. Từ gò mối, ông đùn ra câu thơ (trong bài Ðưa em tìm động hoa vàng) rằng xưa có gã từ quan, lên non tìm động hoa vàng ngủ say. Đến câu động nam hoa có thiền sư, đổi kinh lấy rượu tâm hư uống tràn. 

Vậy chứ thông thiên địa nhân viết nho như bác, nhờ bác kiến ngã dùm phải chăng Nam Hoa đây là Nam Hoa kinh của người Trang Tử. Nếu vậy Trang Tử đâu phải thiền sư mà là…đạo sĩ. Em lại nghĩ quẩn khi không ông thầy tu mang con chim gì gì ấy vào thơ con chim chết dưới…cội hoa, tiếng kêu rụng giữa giang hà xanh xao. Dám là…con hạc lắm ạ! Bác cười ruồi mà rằng em ngồi không nên rồ chữ, sao không gọi con hạc là…con vạc. Bởi ông thầy tu “lên non cuốc sỏi trồng hoa” rồi bước xuống bờ kinh lấy nước tưới hoa hỏi con vạc hỏi con vạc đậu bờ kinh, cớ sao lận đận cái hình không hư. Con vạc bèn đáp vạc rằng thưa bác Thiên Thư, khoác chi cái áo thầy tu ỡm ờ. 

Nom dòm bác cũng hóm gớm, tuy nhiên trộm thấy bác mặt ngầy ngật như say thuốc lào ấy! Ấy bu nó là dân “ri cư” Cái Sắn, để em bảo bu nó dọn thuốc lào mời bác sơi. Nhắc đến hai chữ “ri cư”, em nhớ năm 75 qua đây, năm hết tết đến ngồi ngòai vườn nhìn cây cảnh qua ngày tháng thiếu vắng, em bất giác bồi hồi không thấy hoa nở chẳng biết xuân về hay chưa. Nhưng vạn sự giai không ấy là thơ của cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm mà người sau thuổng đỡ làm nhạc tân thời. Đó là hai câu thấy nguyệt tròn thì kế tháng, nhìn hoa nở mới hay xuân trong bài Thú tiêu dao của cụ Trạng. Bất tri tam bách dư niên hậu, hậu sự cụ Trạng mang dây ba-trạc, đầu đội mũ sắt, đeo ba lô vào rừng, gác súng M16 bên vai, chằm bằm ngắm hoa mai nở mà chính mình cũng chả hay. Nhẽ này Sấm Trạng Trình chả luận bàn tới. Bậy thật, thưa bác. 


Tiết xuân năm nay điểm tí nắng hanh, em ghé vựa cây thửa cây mai về trồng. Chung quy tại em tối ngày vất vưởng với cái đĩa Mai Hạc của cụ Nguyễn Du có câu thơ nghêu ngao vui thú yên hà, mai là bạn cũ hạc là người quen. Nói cho ngay hai câu thơ đây trong bài Thú Yên Hà và...cũng của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm khi cụ cáo lão về hưu. Bác khẽ đánh mắt một cái gật gù ra ý cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm từ dịch lý qua dịch học để có Mai Hoa dịch số, tới cụ Nguyễn Du với người tình ba năm tên Hồ Phi Mai ngẫm ngợi thế mà hay: Vì có trùng một tên…mai. Ấy mà hay thật cũng nên, vì đang em đậm đà với cả hai cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du đều có cái thú ăn thịt…cầy như em. Như cụ Trạng với thịt chó ăn hoài gặp…chó dại. Còn cụ Nguyễn Du viết…nguyên con trong Hành lạc từ tội gì ngàn năm lo, có chó cứ làm thịt, có rượu cứ nghiêng bầu, được thua trên đời chưa dễ biết. Ấy thế mà sống trên đời gần chót đời, để rồi bây giờ bỗng dưng em ôm rơm rặm bụng với…con hạc chết tiệt của ông thiền sư ăn mặn vừa rồi. 

Từ con hạc, em mạn phép bác nhai văn nhá chữ với Mai thê, hạc tử, và Hạc nhi. Để rồi nỗi buồn chạm mặt đó là điển tích điển cố và hình tượng chim hạc đã lững thững đi vào văn học Trung Hoa từ 3000 năm qua Mai hạc kinh: Vì hạc có thể sống hơn sáu mươi năm, thọ nhất trong các lòai điểu thú, dài hơn tuổi ngũ thập tri thiên mệnh của người Tàu thời xưa. Bởi thế hạc biểu tượng cho chữ thọ, để có tuổi hạc, tuổi vàng. Nếu Nam Tào Bắc Đẩu có sổ tọet thì thôi cũng đành…“hạc nội mây ngàn” để…cưỡi hạc về quê. Bằng vào nhiễu sự ấy, các danh họa Trung Hoa thường kết hợp hạc đậu trên cây tùng, với nỗi niềm có thêm cây tùng thì sống…dai dẳng hơn. Nhưng khổ nỗi đó là bố cục chéo cẳng ngỗng, vì giống hạc lẩn thẩn ở đầm lầy, không sống ở trong rừng và không đậu được trên cây vì móng chân của hạc quá ngắn. 

Bác ngúc ngắc đầu ra điều chuyện chẳng ra chuyện với con hạc ở bên Tàu, nhưng bác nào có mục sở thị con hạc Tàu bay lạc qua nước ta thì khác. Số là thời Xuân Thu, có tượng Liên hạc khắc con hạc đứng ngay đơ giữa đài sen. Ngẫu sự con hạc Tàu bay qua ải Nam Quan sang nước ta, hạc rời bỏ tòa sen nhẩy tót lên lưng con rùa, chỉ vì “hai chữ thọ” gặp nhau nên ca dao ta có câu “Thương thay thân phận con rùa, lên đình đội hạc xuống chùa đội bia”. Vì vậy vô phép vô tắc, em xin thưa với bác trước, nếu bác có hạc nội mây ngàn, em sẽ vào…chùa dâng hương cúng bác. Ở chùa, hạc là quan văn nên nhẩy tót lên bàn thờ lo việc nhang đèn. Trong khi ấy với trường thi và quan trường, cử nhân là “cử” người ra làm quan, tú tài là người có “tài” ra giúp nước. Thời nhà Nguyễn, thi hương không đỗ để làm Hương cống hay cử nhân, mà chỉ đội sổ là tú tài làm lại viên ở huyện, ở phủ. Tên được yết ở bảng vẽ cành mai là…Mai bảng. 
Chuyện chẳng ra chuyện như chó nhai giẻ rách thế đấy, thưa bác. 

Nói về hạc mà em không phang ngang bửa củi đến Hòang Hạc lầu trong thi ca của văn học Trung Hoa là…có tội với thi nhân đời Đường: Kiến trúc này nằm trên đỉnh núi Hòang Hạc ở nam Trường Giang. Chủ nhân họ Tân giao du rộng, nên các văn nhân mặc khách thường lui tới đây uống rượu ngắm cảnh…hạc nội mây ngàn. 

Cứ theo gia phả của cụ Ngộ Không thì cụ cao tằng tổ tổ họ Phí theo sách Thái Bình vũ ký ghi: Có người nước Thục tên Phí Văn Vỹ, theo sách Đồ kinh tu thành tiên, thường cưỡi hạc và nghỉ ngơi ở lầu này nên đặt tên là Hòang Hạc lầu. Từ tích theo sách Đồ kinh, một họa sĩ nào đó để lại trên tường bức tranh Vũ hạc, vẽ hạc múa sống động…như thật. Người Thôi Hiệu nghe tiếng, bèn tìm đến đề thơ Hòang Hạc lầu có câu “Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản – Bạch vân thiên tải không du du”. 

Thơ thẩn như vậy là nhất với chiếu hoa một cõi, nhưng nghe óc ách sao ấy. Phải đợi đến cụ Tản Đà chỉ cần vẩy mực nhẹ hai câu cái hạc bay lên vút tận trời, trời đất từ nay xa cách mãi. Thế là hạc bay cái vù, lại bay đẹp nữa mới tuyệt bút. Nhưng chả phải đợi cụ Tản Đà, trước đó người Lý Bạch mon men tới uống rượu ngắm hoa và cũng bon chen thơ thẩn “Hòang Hạc Lâu trung xuy ngọc địch - Giang thành ngũ nguyệt lạc mai hoa”. Xin thưa với bác thi hào, thi bá Trung Hoa có gật gịa hạc vàng, hạc trắng gì gì chăng nữa thì câu: Giang thành ngũ nguyệt lạc mai hoa, em hiểu lơ mơ lỗ mỗ là ngắm mai rụng vào tháng năm. Với em quanh quẩn nơi xó vườn, nên đóan chừng người Lý Bạch ực rượu, ngất ngư làm thơ ngắm…mai hoang, mai dại đấy thôi, thưa bác. 

Bác lễnh đễnh cây mai này bác đã nhòm thất tận mắt ở bên…Nhật, tên nó là Toyo Ashitaba Nishiky. Cây mai Nhật đây có hai màu hồng hồng và đỏ như xác pháo. Bác thở ra Đường thi, đường mòn khó nhai lắm. Vì có tích Lý Bạch thấy Thôi Hiệu viết thơ lên vách bèn khóc thét lên rằng “Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc - Thôi Hiệu đề thơ tại thượng đầu” nên…tịt, do đó ấy chỉ là giai thọai. Như giai ngẫu Trương Kế đậu thuyền giữa đêm khuya, bỗng nghe tiếng đại hồng chung bật ra hai câu thơ cuối trong Phong kiều dạ bạc. Để cụ Tản Đà lại vất vả diễn thơ thuyền ai đậu bến Cô Tô, nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San. Nhưng cụ núi Tản sông Đà nào có hay sư ông, chú tiểu bộ mất ngủ sao, giữa khuya khua chuông ầm ỹ thì ông cố nội ai mà ngủ được hả bác. 


Đang luận về thơ Đường, em chợt nhớ bức tranh Đạp tuyết tầm mai của Ngô Tuấn Khanh vẽ lão ông đội nón mê, tay nắm gậy lom khom đi tìm …hoa mai. Em lại vất vưởng tới bức Thạch đào của Vương Du vẽ đào với chim. Được thể em ba điều bốn chuyện vùng Lào Kai có lòai chim ngói ăn đào từ bên Tàu, chúng tha hột về và đánh rơi trên tiền núi biên thùy. Hạt đâm chồi, mọc cây, có cây cổ thụ sống cả trăm năm, thân câ ba, bốn người ôm không xuể. Các cụ ta chặt cành đào đặt góc bếp trong đêm ba mươi để trừ ma quỷ. Sau thấy hoa đào đỏ như xác pháo, tượng trưng cho ngày Tết. Tháng giêng rét đài, tháng hai rét lộc, tháng ba rét Nàng Bân, mùa đông càng rét mướt, hoa đào càng càng rộ hoa đỏ tươi. Mỗi năm thời tiết mỗi đổi thay, đang đông lại chứa thu, trong đông lại ẩn xuân. Chính sự nghịch lý của đất trời đã làm hỏng sự tuần hòan của những cánh đào, hoa không thắm mà lại hồng hồng. Nên được gọi là…đào mơ. 

Ừ thì mộng với mơ cho lắm, cũng đến lúc bác và em nên dãi nắng dầm mưa với cây mai của miền Nam mưa nắng hai mùa với tháng sáu trời mưa, trời mưa không dứt. Số là họ hàng hang hốc nhà mai nhiễu sự gì đâu với tên cũ xưa là…Lạp Mai, xuất xứ từ…Chân Lạp. Nặng nợ với sử thi, chúa Nguyễn Hòang rong ruổi theo chân người Chàm xuôi nam. Nhà chúa mang cây mai vàng từ núi Cổ Mông tức núi Hòang Mai (cụ Đào Tấn) thuộc đất Bình Định, theo cuộc Nam tiến lưu lạc vào Hà Tiên. Vùng này có giống mai trắng bốn cánh là một lọai mai hiếm và quý, vỏ cây hơi đỏ được tìm thấy ở núi Bình San, khu lăng tẩm họ Mạc. Mai năm cánh mọc trong rừng sâu là giả mai, thân cao, cành sần sùi. Mai ở trên núi được gọi là lãnh mai, cây thấp, cành mảnh mai. Thời tiết càng nóng, mai càng nở vàng đậm. 

Ở Biên Hòa, xưa kia là Cù Lao Phố, ở vùng núi Châu Thới (suối Lồ Ồ), Bửu Long cũng có lãnh mai hoa và lá nhỏ do cụ Đào Tấn mang từ Bình Định vào. Riêng bạch mai rất hiếm, theo cụ Vương Hồng Sển chỉ có một cây duy nhất lại ở trong…trại tù Cây Mai. Em xin phép bác vẽ rắn thêm chân, bởi cụ Vương ngồi nhà vẽ vời ấy thôi. Vì sau 75, sử gia Phạm Văn Sơn bị tù trong trại tù Cây Mai, ông nom dòm ấy là…cây mù u. Em năng chặt bị cây mù u người Nam kêu là “cây sầu đâu”, người Trung gọi là “cây sầu đông”, người Bắc ới là “cây xoan” vì hoa màu tím, em mà nói sai bác cứ vả mồm em nha. 

Bác thủng thỉnh rằng “rết” chứ chả là...rắn từ Tàu có câu hoạ xà thiêm túc. Vì Ta học Tàu chữ nghĩa cường điệu như Việt điểu sào Nam chi nên cụ Phan Bội Châu lấy hiệu là Sào Nam. Như giai thọai Trương Kế, bác đưa em xuống thuyền ở “Ông già Bến Ngự” chỗ cụ Phan ngồi câu cá, em chả thấy tổ chim nào ở phía nam gì sất. Bác dẫn em lên chùa gần đấy ắt nghe sư đánh chuông…giữa trưa. Chùa núp bóng cây sung già cỗi, có nhà sư ẩn tu gõ mõ sớm chiều đem lại sự lắng dịu trong lòng người…“ẩn sĩ”. Cây sung tượng trưng cho ẩn sĩ, vì hoa…”ẩn núp” trong trái gọi là ẩn hoa. 

Theo em chữ nghĩa dùi đục chấm mắm cáy em chả dòm thấy ẩn tu, ẩn sĩ với thân cây sung sù sì, quả xanh non dầy như rận bám dái trâu. Thế nên.mạn phép bác, em…cóc cáy về mấy cái tên ngữ danh đi với địa danh như…”Giang mai” và…”Xiêm-la”, ấy bác đừng bốc nhằng là…”tiêm la” nha, tội chết. Bác nắng nỏ là “bồ dục” chứ chả phải là…dùi đục. Dạ thì bồ dục chấm mắm cáy với tên gọi cỏ cây, em cứ đồng bái quê mùa cây trái giống cái vú bò, gọi là cây vú bò. Quả giống dái dê, kêu cà giựt là cà dái dê. Mai, đào, mận, mơ cùng một giuộc, nên mới có câu cành mai, gốc đào, chồi mận, lá mơ. Mai là tên dân dã, chữ Hán gọi là lý. Mơ là chữ Nôm, chữ Nho là đào. Các cụ đặt tên con gái bằng tên các lòai hoa Đào, Mai, Lan, Lý, rồi gật gù…mặn mà cả tư, thế đấy thưa bác. 

Qua tên họ, em gà gật trở lại cụ cao tằng tổ tổ họ Phí của cụ Ngộ Không với họ Tàu tàu, Lưu Bị chả ra Lưu Bị, Tào Tháo chả ra Tào Tháo, tào lao thì có. Vì ăn khoai môn ngứa miệng, em buồn răng ngứa miệng với cụ cửu huyền thất tổ của họ Phí là cụ danh họa Phí Mễ chỉ vẽ…đá. Vẽ rồi cụ cúi đầu lạy hòn đá là…nhạc gia. Thế là em với một ngón tay mổ chữ như cò mổ ruồi trên bàn gõ, mõ sớm chuông chiều bài tạp chữ này. Thề đứa nào nói láo ông táo đội nồi cơm, em ớ ra mình đang ngồi trong vườn hậu duệ, hậu thân của cụ Phí Mễ chỉ tòan đá là đá có tên...Thạch trúc gia trang. 

Bác dậy... “phí“ thật, vì cũng là cái danh sao không…rách chuyện với giai thọai lưu danh thiên cổ Nhất chi mai của sư Tuệ Kỷ đời Đường “Tiền thôn thâm tuyết lý - Tạc dạ sổ chi khai”, là ngòai đầu thôn, trong tuyết dầy, đêm qua có mấy cành mai nở. Sau Trịnh Cốc thay chữ “sổ” bằng chữ “nhất”, từ…nhất tự thiên kim Tuệ Kỷ cúi đầu nhận Trịnh Cốc là…nhất tự sư. Cũng là sư, thiền sư Mẫn Giác, tôn sư của vua Lý Nhân Tông, có bài Cáo tật thị chung thâm viễn hơn “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận - Đình tiền lạc dạ nhất chi mai”, diễn nôm là đừng ngỡ xuân tàn hoa rụng hết, đêm qua sân trước lạc một cành mai. Ở đây “xuân tàn” là trầm luân, “hoa lạc tận” là hư vô, giữa mê và ngộ, phân ra hữu và vô, có và không. “Nhất chi mai” chính là giác ngộ với trong sinh có diệt, trong diệt có sinh. Các cụ nhà Nho ta xưa …thiền sư mả thế đấy. Khác hẳn thiền sư thời nay rằng thưa bác Thiên Thư - Khoác chi cái áo thầy tu ỡm ờ. 

Thêm chuyện đời Trần “Nhất chi mai”…lạc đường vào lịch sử: Chuyện là trên thuyền Hồ Qúy Ly đọc truyện Quảng hàn cung lý nhất chi mai giống chuyện cổ tích của ta trên cung trăng có chú cuội và cây đa. Ngày nọ vua Trần nghỉ ở điện Thanh Thử, nhân đó vua ra câu đối Thanh Thử điện tiền thiên thụ quế, với nghĩa trước địên Thanh Thử có cả ngàn cây quế. Hồ Qúy Ly nhớ lại chuyện chú cuội và cây đa liền đối ngay: Quảng Hàn cung lý nhất chi mai. Vua giật mình hỏi sao biết chuyện vua đang sửa sọan dựng cung…Quảng Hàn cho công chúa tên…Nhất Chi Mai. Họ Hồ tình thực trả lời, vua Trần cho là số trời nên gả công chúa cho, sau Hồ Qúy Ly sóan ngôi nhà Trần. 
Vô hình chung sử nhà lật sang chương khác: Vì…một cành mai. 

Năm mới nói chuyện cũ, em muốn eo sèo với người trăm năm nặng nợ với mai. 
Thời Tự Đức, nhân quy kỳ hà nhật thị, lão tận cố hương mai, trên đường hồi cố quận, cụ Cao Bá Quát ghé thăm bạn đồng liêu là cụ Đào Tấn ở Đào mai viên, thuộc Bình Đinh. Cụ Đào Tấn làm quan đến chức Thượng thư bộ Công, là người chuộng mai cụ để lại bộ Mộng mai từ lục, bút hiệu Mai Tăng. Trong đó cụ đề cao cái thanh nhã của mai với Tứ đức: “Cao, tú, nhã và đạm”. Mai cũng biểu tượng tình bằng hữu qua câu Tuế hàn tam hữu: “Mai, tùng và trúc”. Cụ Cao Bá Quát, về lại chốn cũ cố viên hồi thủ bất tăng bi, bạn xưa chẳng còn nữa, ngoài nồi buồn hiu quạnh cùng những gửi gấm niên nào của cụ Đào Tấn với mai mốt non mai ta gửi xác, để cho mai dỗ giấc mai tăng. Cụ Cao tìm đến chân núi Hòang Mai viếng mộ chí của cụ bạn già đã quá vãng để lại câu di cảo mai sơn tha nhật tàng mai cốt, ưng hữu mai hoa tác mộng hồn. 

*** 
Từ nấm mộ cụ Mai Tăng u lên dưới chân núi Hòang Mai, tiếp đến em sa đà tới gò mối của thiền sư mặc áo nầu sòng, đầu để tóc dài đã đẩy đưa em đến với bác qua câu: chân chim nào đậu bên cồn, ngược xuôi có kẻ lại buồn dấu chim (Ðưa em tìm động hoa vàng – PTThư). Khúc cuối bài tạp chữ này, em thêm chữ, bớt câu lặn lội theo những bước chim di của một người di tản buồn qua truyện ngắn dưới đây, thưa bác… 

(…) Truyện viết về một cụ ông Bắc Kỳ 54 đành chọn nơi này làm quê hương thứ hai, cuối đời nhờ con cái để lại cho căn nhà cũ che mưa che nắng. Một ngày, cụ bắt gặp một đàn kiến lũ lượt từ ngòai vườn bò vào nhà. Cụ tẩn mẩn ngắm chúng hàng giờ và bâng khuâng vì thấy chúng giống như cụ chạy lọan trên đất Bắc năm nảo năm nào. Lát sau, chúng lếch thếch vác cơm nguội rơi rớt của cụ ra ngòai. Nhìn đàn kiến, cụ hình dung đến cuộc di cư vào Nam tay gánh tay gồng như mới đâu đây. 

Buồn tình cụ lẩn thẩn theo chúng ra ngòai vườn. Nhìn tổ kiến u lên một đống, cụ chẳng hoang tưởng như lên non tìm động hoa vàng…ngủ quên. Cụ ngồi bệt xuống mấy cọng cỏ, tỉ tê với chúng những chuyện gần xa của quê cha đất tổ. Cụ lan man với chúng qua khóm tre bụi chuối, nhà ngang, nhà chái bàng bạc ao vườn này kia, kia nọ. 

Cụ rì rầm với đàn kiến về 40 năm bèo dạt mây trôi của cụ: Cụ vào đến Cái Sắn, chưa rít hết điếu thuốc lào ba sô 8 thì đụng đầu cái chát năm Ất Mão 1975, lại tay xách nách mang xuống thuyền khăn gói gió đưa lếch thếch qua mảnh đất này và cụ cầy như…vạc. Cụ thở ra, bây giờ sắp bước qua năm Ất Mùi 2015. (…) 

Vội năm vội tháng ai lại vội ngày, trời chưa tối đất, còn sớm chán mà, hượm hãy về thưa bác. Chết chửa đã bấy lâu nay bác tới nhà, vườn rộng rào thưa khó đuổi gà, để em bảo bu nó bắt…con vịt làm tiết canh. Trong khi chờ đợi, em thông ống điếu mời bác sơi thuốc cái đã…Thuốc lào ba sô 8 Cái Săn của bu nhà em đấy, thưa bác. 

Với năm Ất Mùi tới đây, vậy là đã 40 năm chẵn, bất chợt em chợt dạ quan hòai đến một vũng tang thương nước lộn trời vào cái năm 75. Thế nên em vay mượn hình bóng cụ ông trong những ngày chập chọang nắng quái chiều hôm, suốt ngày quanh quẩn trong vườn nhà. Thêm đất trời buồn rười rượi như cơm nguội chiều đông, với chuyện của cụ ông, em lại hiu hắt đến Nguyễn Bính qua Hành phương Nam với quê ta xa mãi bên kia biển, chỉ thấy tơi bời mây trắng vương. 

Vương vấn với chúa Nguyễn Hoàng mở mang bờ cõi về phương Nam: Cây mai đi đến đâu, dân tộc Chàm mất đất đến đó. Chơ vơ còn lại là những tháp Chàm qua những lớp sóng phế hưng. Cũng qua một vũng tang thương nước lộn trời, bác và em như những người viễn xứ u hòai vọng cố hương trong những ngày cuối năm hình ảnh ngày nào còn đang lẩn khuất. Năm 54 xuôi Nam theo những bước chim di của chúa Tiên, bác và em chỉ mang theo hoa đào năm ấy còn cười gió đông qua tâm tưởng. Năm 75 vượt biên, vượt biển qua đây, với lịch sử là một cuộc tái diễn không ngừng, cả hai bỗng khi không hóa thân vong quốc như người Chàm lúc nào không hay, thưa bác. 

Bác và em, khác gì “Đồng thị thiên nhai luân lạc nhân - Tương phùng hà tất tằng tương thức”, là cùng một lứa bên trời lận đận, gặp gỡ nhau lọ đã quen nhau. Nay nhân giải cầu vong niên cửu trùng tri ngộ, cùng hoài cố quận qua cành mai, nhánh đào. 

Mỗi năm hoa đào nở 
Lại nhớ cánh mai vàng 

Bác làm như trầm luân trong bể phù sinh và thở hắt ra sẵn cái mạch quê hương bản quái vạn kiếp tha phương nghìn đời thêm thảm ấy, thì…Ừ thôi thì một ngày nào đó không có mây sao có mưa, bác và em hãy hồi bản trạch để giối già một lần cho nhẹ mình nhẹ mẩy tưởng tượng ta về nơi bản trạch, con còng ẩn nhẫn bò quanh quẩn. Hay ta về tắm lại dòng sông cũ, truy tầm mê mỏi lý sơ nguyên. (Tô Thuỳ Yên). 

Chẳng dấu gì bác, em hơn một lần đã ta về tắm lại dòng sông cũ… 

Thì về với bến sông xưa 
Hút tàn điếu thuốc mà chưa gọi đò 
Nhìn theo ngọn khói vu vơ 
Nhớ thương thì có, đợi chờ thì không 

Thạch trúc gia trang 
Ất Mùi 2015 
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng 
(cắt tỉa cho Tết năm 2020) 

Nguồn: Cung Vĩnh Viễn, Hồ Tấn Nguyên Minh, Tô Hòai
Nguyễn Thị Chân Quỳnh, Thái Văn Kiểm, Xuân Sách 

Thứ Ba, 21 tháng 1, 2020

Câu Đối Tết - Huỳnh Hữu Đức


Câu Đối: Huỳnh Hữu Đức
Trình Bày: Kim Oanh

Thăm Anh Ngày Cuối Năm



Em đến thăm anh ngày cuối năm
Tuyết rơi trắng xóa chỗ anh nằm
Quanh anh lạnh lẽo buồn tê tái
Như cõi lòng em buốt giá căm

Này hỡi anh ơi anh có hay
Em đã về đây với anh này
Hãy đến với em dù một thoáng
Cho em cảm thấy trong vòng tay

Anh đã rời em bấy nhiêu lâu
Nhưng sao như chỉ mới năm đầu
Khăn tang em vẫn trong lòng đó
Vẫn tưởng nhớ anh những đêm thâu

Em chờ anh mãi anh không đến,
Tuyết lạnh làm em tê cóng rồi
Lạy anh giã biệt lòng đau xót
Để lại anh nằm trong đơn côi...

phamphanlang
 Phổ nhạc: Nhạc Mai Hoài Thu
Hòa âm: Nhạc sĩ Quang Đạt
Ca sĩ: Lan Phương trình bày.



Xuân Nay Còn Lại Gì?



Xuân Nay Còn Lại Gì

Áo em xám dợt màu mây khói
Còn áo anh xanh đậm lá rừng
Bỡ ngỡ nhìn nhau đâu dám ngỏ
Ước mơ nhiều lắm...dạ lâng lâng

Luyến láy giọng em đầy quyến rũ
Nên anh yêu thích nói dài hơi
Men tình dạo đó như Xuân mới
Tựa đám mây bay giữa núi đồi

Chỉ sợ em nhìn thêm mắc cỡ
Đứng gần chẳng dám nắm tay nhau
Khi xa mắt ngó như tìm mãi
Mà ý tình Xuân đã đượm màu

Đất khách vào Đông đầy gió lạnh
Nhớ em anh nhớ đến khôn cùng
Cuộc đời xứ lạ thêm hiu quạnh
Như núi đồi kia mãi chập chùng

Lục túi lần tay tìm điếu thuốc
Que diêm bùng cháy lửa đầu môi
Người ơi ! Có hiểu chừ xa cách
Đêm tối dần buông khắp khoảng trời ?

Tóc anh chừ đổi thay màu bạc
Hỏi má em hồng có nhạt phai ?
Cái thuở hoa niên đầy mộng tưởng
Có còn chi nữa buổi Xuân nay !

songquang
(Gần cuối năm 2019)
***
Chim Xưa Vườn Cũ

Đông chữa đi Xuân đã tới rồi
Ngàn hoa chừng đượm nét xuân tươi
Nắng hoen nền cũ mờ nhân ảnh
Gió đọng phòng khuê dợn bóng người

Nếu đã muôn đời muôn nỗi nhớ
Thì đành một kiếp một mình tôi
Xuân cũng như đông ngày lại tháng
Chim xưa vườn cũ vẫn muôn đời!

Trần Bang Thạch
***
Dìu Nhau
Năm mới năm me đã tới rồi
Mặt mày nhăn nhéo ráng cười tươi.
Mùa đông sương tuyết đìu hiu xóm
Hè phố giá băng quạnh quẽ người.

Trong nắng lưa thưa lần gậy trúc

Bên bà ấm áp nắm tay tôi.
Hàn ôn bóng xế dìu nhau bước
Bỗng thấy lâng lâng ý nghĩa đời!

MaiLoc
12-27-19
***
Thơ Chúc Tết Bạn Bè

Chưa Tết mà mai nở rộ rồi
Thôi cầu thế giới mãi xinh tươi
Chúc mừng bạn hữu niềm tin mới
Tài lộc an khương đến mọi người

Quốc thới dân an vui hạnh phúc
Hưởng nhàn gia quyến bạn bè tôi
Nâng ly cạn chén ta cùng uống
Trần thế ra sao mặc sự đời!

Dương hồng Thủy
27/12/2019