Thứ Bảy, 17 tháng 4, 2021

Này Thu!


Này Thu!
Có phải thu là cung đàn muôn điệu
Theo tiếng lòng réo rắt những thanh âm
Bắt được tiếng lòng từ cõi xa xăm
Cùng hòa nhịp bản tình ca muôn thuở
Hay...
                             ... thu là ngã rẽ của lòng







Thơ & Ảnh: Kim Phượng


Buồn Tàn Thu


Lam mờ, bàng bạc, lạnh, tàn Thu
Ngõ vắng sương giăng phủ xám mù
Mưa tạt hiên sau, rơi tí tách
Gió lùa mái trước, thổi vi vu
Lang thang đất khách đời xa xứ
Ngấp nghé quê hương bóng ngoại thù
Rảo bước đường về trời sụp tối
Nhà mình leo lét ngọn đèn lu...

Duy Anh
Florida in late Autumn

Tiễn Biệt


      Để tang cho một mối tình.
Xin chào vĩnh biệt bóng hình người xưa.
      Những khi hò hẹn sớm trưa.
Trưng Vương tan học dầm mưa đường về.
     Chờ em dưới nắng  trưa hè.
Tim lòng rộn rã vai kề bên nhau.
     Thẹn thùng tạm biệt vẫy chào.
Đêm về mộng mị chiêm bao vội vàng.
     Tâm hồn theo gió đi hoang.
Trăng sao tàn lụn ánh vàng mông lung.
     Tình yêu đày đọa tuổi xuân.
Đã đưa ta đến tận cùng hang sâu.
     Niềm vui phút chốc qua mau.
Tình đầu tan biến đi vào lãng quên.
     Thì thầm giọt lệ thâu đêm.
Sương khuya lạnh buốt ướt mềm đôi vai.
     Chờ em bao tháng năm dài.
Em về xứ lạ miệt mài xa xăm.
     Đêm trăng anh khẻ thì thầm.
Mơ sẽ có lúc được nằm bên nhau.
     Lời em thỏ thẻ ngày nào.
Như mây như khói đi vào hư không.
     Khát khao chờ đợi nụ hôn.
Làm sao đón nhận môi son nữ hoàng.
     Dáng em tha thướt dịu dàng.
Mơ huyền kỳ ảo như nàng tiên nga.
    Nàng đi như một bóng ma.
Rồi lại xuất hiện như là thần tiên.
    Ban cho ta những giọt hiền.
Để lại những nỗi ưu phiền từ đây.
    Giờ nàng chấp cánh xa bay.
Cho ta mòn mỏi tháng ngày đợi mong.
    Không còn giây phút ngóng trông.
Xác thân lạc lỏng,tâm hồn đơn côi.
    Tim ta đã hết bồi hồi.
Giờ đây đã hết nụ cười đẹp xinh.
    Để tang cho một mối tình.
Xin chào vĩnh biệt bóng hình người xưa!

 Hoàng Phú.



Chuyện Xửa Chuyện Xưa


Gặp em đang độ chớm trăng rằm
Từ ấy tình trong đã nẩy mầm
Ngày thẫn thờ mơ hoa nhớ trộm
Đêm thao thức mộng nguyệt thương thầm
Lúc tơ tưởng hợp duyên loan - phụng
Khi ước ao hòa nhịp sắt - cầm
Nghĩ chỉ là vu vơ vớ vẩn
Mà rồi lại hóa chuyện trăm năm

Nhất Hùng
Kỷ Niệm 45 Năm Kỳ Ngộ


Cảm Tác Nhật Ký Của Mẹ


Sắp xếp đồ đạc trong phòng sau khi mẹ qua đời, anh phát hiện ra cuốn nhật ký, mẹ viết:

* Hồi nhỏ, mỗi lần cho con ăn, ba và mẹ chạy theo con khắp nhà để bón từng muỗng cơm, có muỗng con ăn có muỗng con nghịch nhả ra khắp nhà, cho con ăn xong tuy mệt mẹ phải dọn dẹp. Bây giờ, mẹ già rồi, tay chân lóng ngóng làm đổ vài hạt cơm mà con đã nhăn mặt khó chịu.
* Hồi nhỏ, mỗi lần mặc đồ cho con, mẹ phải tìm đủ mọi cách để mặc được bộ đồ vì quá nghịch. Bây giờ, tay run, mắt mờ, mặc đồ cho mẹ khó, con lại nói nặng lời.
* Hồi nhỏ, mỗi khi con ngủ, mẹ vẫn hàng đêm kể chuyện cho con nghe để có giấc ngủ ngon. Bây giờ, tai mẹ nghe không rõ, mẹ hỏi lại, con lại hét lên: tai bị điếc à....!
* Hồi nhỏ, con hiếu kỳ, gặp cái gì cũng hỏi, mẹ giải thích cặn kẻ, có những điều không biết mẹ phải đi hỏi người khác để về trả lời cho con. Bây giờ, mẹ hỏi con, con lại nói: thôi mệt đừng hỏi nữa, lẩm cẩm rồi.
* Một đêm mưa to, gió lớn, nước lụt đang dâng lên, con bị sốt, mẹ choàng vội tấm áo mưa cho con, bế con chạy hàng cây số đến trạm xá. Bây giờ, trái gió trở trời, mẹ ho, con lại cằn nhằn: ho chi ho lắm vậy không cho ai ngủ cả....!

Anh đã khóc và đứng trước di ảnh: Mẹ ơi ! con xin lỗi mẹ....!
Có những người còn có cơ hội xin lỗi cha mẹ nhưng có người không còn cơ hội....!
(Đinh Trực sưu tầm)
***
Cảm Tác: Nhật Ký Của Mẹ

Sau khi chôn cất Mẹ
Anh thờ thẫn về nhà
Chợt thấy cuốn Nhật ký
Cuả Mẹ vội giở ra:

Hồi nhỏ cho con ăn
Thật chật vật, khó khăn
Nó vừa ăn vừa chạy
Khạc tứ tung trên sàn.

Mẹ giờ tay lúng túng
Vài hột cơm vãi rơi
Nó lườm lườm nguýt nguýt:
Ăn gì tệ qúa thôi!

Trước tắm cho con thơ
Lau xong vội mặc đồ
Nó cứ tồng ngông chạy
Đâu chịu mặc ngay cho?

Mẹ giờ tay run rẩy
Mặc đồ cũng khó khăn
Nhờ con cài khuy hộ
Cũng bị nó cằn nhằn!

Đưa võng ru con ngủ
Mỏi miệng hát à ơi
Tới khi nó thiếp ngủ
Mới được chút nghỉ ngơi!

Mẹ giờ tai hơi nặng
Chỉ nghe thấy thì thào
Lỡ mồm miệng hỏi lại
Nó hạch: Điếc hay sao?

Hồi nhỏ con bệnh hoạn
Mẹ luôn ôm vào lòng
Xoa dầu rồi chườm đá
Ăn ngủ đều mất ngon

Nay Già thường sinh bệnh
Nhiều đờm rãi, ho hen
Nó vào ra than thở
Làm thức giấc cả đêm.

Ôi! đa thọ đa nhục
Thà chết quách cho xong
Khỏi phiền lụy con cháu
Xuống âm phủ nhờ chồng.

Đọc nhật ký của Mẹ
Anh nức nở khóc oà
Biết mình lỗi, nhưng Mẹ
Đã rời cõi ta bà...


Hoàng Xuân Thảo


Thứ Sáu, 16 tháng 4, 2021

Thu Mơ...

 

Mùa về phương ấy sắc vàng rơi
Gợi nhớ thu xưa thoáng ngậm ngùi
Nhặt nỗi cô đơn sầu chất ngất
Gió vẫn vô tình lá cuốn trôi...


Mùa nối mùa qua ngóng đợi chờ
Mang về gió hỡi lá nguyên sơ
Đón thu hương nhớ hồn năm cũ
Bên cội cây già trọn ước mơ!



Thơ& Hình Ảnh: Kim Oanh
Thu Mt. Macedon, Victoria

Mòn Mỏi


(Ảnh: Kim Phượng)

Nắng vàng loang loáng trong chiều nhạt
Đưa đẩy chèo khua gợn sóng lòng
Biền biệt phương nao trời viễn xứ
Tà dương đà khuất vẫn mòn trông

Trời buồn hôm ấy chuyển cơn mưa
Thay nước mắt đời khóc tiễn đưa
Đi mãi dưới hàng cây trút lá
Hồn ta ai đấy...chỉ duyên thừa 


Kim Phượng

Lovesick -Thương Ai, Nhớ Ai

 
My Newest Creation * Tranh Mới
Lovesick -Thương Ai, Nhớ Ai - Họa sĩ Mùi Quý Bồng
(ballpoint pen on paper * bút bi trên giấy, 11”x14”,
after a photograph of Serena Nguyen * theo một bức ảnh của Serena Nguyễn)

Đề Thơ: Thương Ai, Nhớ Ai

Em vẫn điểm trang đợi bóng chàng.
Từ ngày hai đứa cách hai phương, 
Phòng không, gối chiếc em vò võ, 
Nhưng vẫn điểm trang đợi bóng chàng!

CTN
***
Em vẫn điểm trang đợi bóng chàng
Rồi từng thu đến chẳng hề sang
Thân gầy , má thóp khô dòng lệ
Em vẫn điểm trang đợi bóng chàng

Hãn Nguyễn.
***
Khép kín mi sầu thương nhớ ai,
Môi hồng má thắm nét trang đài,
Tay ngà nhẹ gắn hoa tai ngọc,
Nên để hững hờ lọn tóc mai.

Bát Sách
***
Vừa tiễn chàng ra đi
Ngồi trước gương, buồn vời vợi
Tháo bông tai, tháo kẹp tóc
“Vắng chàng điểm phấn tô hồng với ai!”

PQT
***
Soi gương làm dáng đón chò chàng,
Diễm y mát mẻ đợi chàng sang
Mắc chuyện chi? Sao chàng trễ vậy?
Tim em xao xuyến ngóng chờ chàng!.

NTL
***
Này em khăn áo vẫn còn nếp  nhàu 
Lược giương đâu có nỡ nào quên bóng hình
Này em, chăn gối vẫn còn ấm nồng
Chỉ người năm cũ như bóng trăng gầy liệm cuối sông...

Vĩnh Chánh


Sóng Vỡ


Sóng Vỡ

Thà như sợi khói về mây trắng,
Ta vẫn thèm say tát ánh trăng.
Sợ thế nước nghiêng thành sóng vỡ,
Quê hương trôi mãi tận cung hằng!

Biển Chiều

Ngày tháng dần trôi mùa xế bóng
Một đời rong ruổi cũng rêu rong.
Biển chiều hoang vắng nhìn mây nước
Chợt nhớ quê xa sóng ngập lòng!

Sầu Quê

Cuộc đời lắm lúc như sông vắng
Quạnh quẽ đêm khuya một bóng trăng.
Quê cũ biển đông dần sắp mất
Đảo xa có mỏi cánh chim bằng?

Đảo

Sóng vỗ ngàn năm trên đá phiến
Hàng thông vi vút vẫn cô miên
Nắng chiều loáng nước long lanh bạc
Biển vắng mênh mông một cõi thiền

Đỗ Bình

Trầm Tư


Nhìn trời nắng nhạt hoàng hôn
Nghe buồn u ẩn nghe hồn đi hoang
Âm vang tình khúc dịu dàng
Tóc em buông xõa thênh thang cuộc tình
Môi em hồng cả hành tinh
Tay em ngón nhỏ hài hình liêu trai
Thân anh như cuộn sông dài
Vẫn còn trôi mãi miệt mài nơi nao?
Tình si tình sẽ ra sao
Dù thiên thu nữa chờ nhau vẫn chờ
Em về ấp ủ cơn mơ
Đưa tay níu lại thẩn thờ thời gian
Ngóng tin biên giới võ vàng
Chiều lên tiếng gọi mênh mang nửa vời
Em nghe tình khúc chơi vơi
Cho nhau mật ngọt rã rời hương xưa
Thương anh biết mấy cho vừa
Nhớ ngày nào đó tiễn đưa một người
Ra đi từ thuở đôi mươi
Chí mong bồi đấp cho đời tươi vui
Dù em mang nỗi ngậm ngùi
Xót xa, mòn mỏi nhạt mùi phấn hương
Anh còn phiêu bạt chiến trường
Em ngồi ôn lại dư hương tháng ngày
Sầu như gió trở heo may
Buồn như tàn cuộc tình say rã rời
Bây giờ trời đất chơi vơi
Nghe như tiếng gió gọi mời tri âm
Bên song hoa rụng âm thầm
Xa xa như khúc cung trầm ai ru?
Chiều lên lãng đãng sương mù
Em còn ngồi đó nhìn Thu cuối mùa
Người từ trận tuyến về chưa?...


Vi Vân

Mùa Xuân và Vườn Thiện Tâm Của Bạn


Đây là bài số năm trăm năm mươi tám (558) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo, Portland, Oregon

Portland đã bắt đầu vào Xuân. Cây hoa vàng Forsythia mà người viết gọi là hoa mai xứ Mỹ để gợi nhớ màu vàng rực rỡ của hoa mai vàng ở quê nhà cũng đã nở rộ ở sân trước nhà của người viết cùng với đám hoa thủy tiên Daffodil đã đem lại chút sắc màu tươi đẹp của mùa Xuân đến với mái ấm gia đình của người viết..

Bạn và tôi đang ra vườn chăm sóc lại sân cỏ vườn hoa nhà mình và từ đấy tôi lại có cảm hứng viết lên đôi dòng về cái vườn Thiện Tâm của Bạn, của tôi và để được tâm tình với bạn ngày hôm nay.

Con người đã có sẵn vườn Thiện Tâm Phật Tánh tốt đẹp nhưng vì vô minh che lấp cho nên mảnh vườn Thiện Tâm Phật Tánh đó bị hư hoại, cằn cỗi. Những chất độc Tham Thân Si, những con sâu dại mang hình thức sắc tướng, ngã mạn, bầu không khí ô nhiễm thanh hương vị xúc pháp thâm nhập tràn đầy trong ngũ căn mắt tai miệng mũi lưỡi của người trần gian đã che mờ cái Chân Như tốt đẹp của mảnh vườn Thiện Tâm đó! Cho nên muốn cho vườn hoa tươi nở trở lại, chúng ta phải quay về chính tự cái vườn Tâm của chúng ta mà tìm tòi, khám phá ra những chất độc đó, những con sâu bọ phá hoại đó, bầu không khí ô nhiễm đó để diệt trừ.

Rồi từng ngày một, chúng ta phải săn sóc lại mảnh vườn Thiện Tâm tốt đẹp đó với các pháp âm trong sáng cao đẹp của Đức Phật, với lời dạy nhân ái thương yêu của Đức Chúa trên cao, với tư tưởng cao đẹp của các bậc Thánh Hiền đạo đức. Bạn và tôi cần vun xới lại mảnh vườn Phật tánh đó với giọt nước cành dương Từ Bi, Hỷ Xả, vun phân bón gốc với các chất dinh dưỡng của Thập Thiện Đạo, che mưa tránh gió với những bình phong lối chắn của Giới Định Huệ, để mảnh vườn Thiện Tâm đó phát triển trong Tĩnh Lặng, thanh thoát, đừng để nó thu nhập thêm những chướng khí, gió độc từ bên ngoài đưa đến làm cho những cành hoa Phật Tâm tốt đẹp kia không thể phát triển nở hoa được.

Tóm lại, chúng ta phải tự “hồi quang phản chiếu”, phải “bản lai diện mục” để nhận thức rằng chúng ta cũng có một vị Phật trong con người của chúng ta, nhưng ta đã bị cái vô minh che lấp cho nên không phát triển được cái Phật Tánh, cái Thiện Tâm tốt đẹp đó!

Cổ nhân xưa đã dạy “Nhân chi sơ tính bổn thiện”. Hãy nhìn đứa trẻ thơ khi chúng ngủ, khi chúng cười, gương mặt rạng rỡ nét thiên thần vì cái Thiện Tâm của chúng chưa bị những con sâu độc chướng nghiệp xâm nhập phá hoại. Ngày qua tháng lại, chúng lớn dần lên, nếu được chăm sóc, giáo dục tốt trong một môi trường sinh thái tốt thì cái vườn Thiện Tâm tốt đẹp kia sẽ sản sinh những hoa xinh trái ngọt, bằng không, thì sẽ biến thành hoa dại trái đắng. Nhưng quan trọng nhất vẫn là chính tự cá nhân đó chọn lựa hạt giống mà đương sự muốn gieo trồng vì gieo đậu thì sẽ thu hoạch đậu, trồng lúa thì sẽ gặt hái lúa, không thể nào gieo hạt lúa mà thu hoạch đậu cho được, phải không Bạn hiền ?

Mùa Xuân đã trở về với nhân gian sau một mùa Đông lạnh lẻo giá lạnh. Trong cái giá lạnh của mùa Đông, mạch sống vẫn còn tích tụ trong cây cối đằng sau lớp vỏ cằn cỗi bên ngoài, chỉ chờ đủ phúc duyên nắng ấm thì sẽ khai hoa trổ quả trở lại. Con người dù có bị vô minh che lấp vẫn có thể vượt thoát được những nghiệp chướng tội lỗi nếu biết trở về với bản tính lương thiện, nhân ái của mình, biết tu tâm sửa tánh tìm đến cái hay cái đẹp của cái vườn Thiện Tâm sẵn có của mình, dứt bỏ những điều xấu ác vì nhà Phật có dạy: “Bỏ đồ đao xuống, quay đầu thành Phật” và người xưa cũng đã từng nói: “Trong đời, con người ai cũng có lần lầm lỗi, nhưng lầm lỗi mà biết hối cải, biết nhận chân, thì chẳng còn lầm lỗi nữa .”

Câu chuyện Thiện Ác, Nhân Nghĩa, Đạo Đức cũng chỉ là những mẫu chuyện bình thường trong đời sống mà chúng ta thường gặp hằng ngày trong cuộc sống của chúng ta nhưng “Đường tuy gần, chẳng đi chẳng đến, việc tuy nhỏ chẳng làm chẳng nên” cho nên Bạn đừng bao giờ chê việc thiện nhỏ mà không làm, Bạn nhé ?


Xin mượn những vần thơ dưới đây để làm đoạn kết cho đôi dòng tản mạn về mảnh vườn Thiện Tâm sẵn có của bạn, của tôi hôm nay:

Vườn Thiện Tâm Của Bạn

Hãy tìm lại Tánh Phật Quang đã mất
Trong mê mờ hư ảnh Tham Sân Si
Làm cho ta phải lạc nẻo đường đi
Quanh quẩn mãi trong cõi đời sinh tử

Xin hãy gắng làm việc lành lánh dữ
Dẹp bỏ đi tảng đá của Vô Minh
Quay trở về tìm lại ở chính mình
Để phát triển những tánh linh sẵn có

Tứ Vô Lượng Tâm trổ khai hoa nở
Những hương thơm Nhẫn Nhục với Từ Bi
Giới, Định hương phải quyết chí tu trì
Thì Trí Huệ sẽ hoa khai kiến Phật

Pháp Âm Phật nên lắng nghe thường nhật
Học và Hành để phát triển Thiện Căn
Giọt cành dương sẽ thâm nhập dần dần
Ta sẽ được thoát khỏi vòng sinh tử

Bạn cùng tôi chớ tạo nên nghiệp dữ
Xin gieo vào những hạt thiện mầm lành
Mảnh vườn Tâm sẽ nở đẹp long lanh
Hoa Nhân Ái, Yêu Thương và Hạnh Phúc

Sương Lam

Người viết thường dạo trên internet đi tìm tài liệu hay lạ đem về đây chia sẻ với quý cụ cao niên không có phương tiện hoặc không biết sử dụng internet. Chúng ta có thể học nhiều bài học rất hay qua những câu chuyện này. Xin mời bạn cùng đọc với người viết mẫu chuyện hay hay dưới đây:

Thắng hay Thua ???
Tranh cãi với bất kỳ ai, bạn cũng sẽ bị thua lỗ thôi!

– Tranh cãi với khách hàng?
Bạn thắng rồi, Khách mất đi.

– Tranh cãi với đồng nghiệp?
Bạn thắng rồi, Đoàn đội tiêu tan.

– Tranh cãi với người nhà?
Bạn thắng rồi, Tình thân biến mất.

– Tranh cãi với bạn hữu?
Bạn thắng rồi, Bạn hữu dần xa.

– Tranh cãi với vợ / chồng?
Bạn thắng rồi, Tình cảm nhạt phai.

–Tranh cãi với bất kỳ ai.
Bạn thắng rồi thì sao???
Thắng có nghĩa là bạn THUA???

(Nguồn: sưu tầm trên net)

Hãy cười như một đóa hoa


Mọi người yêu hoa vì chúng đem lại cho con người vẻ đẹp và sự ấm áp. Người yêu hoa hay nghĩ rằng con người cũng giống hoa về vẻ đẹp, sự trong sáng và ngây thơ.. Những bậc giác ngộ hoặc đại trí thường giữ nụ cười trên khuôn mặt, giống như những bông hoa luôn “nở nụ cười” vậy. Họ thích cười bởi vì họ hiểu được bản chất cởi mở, thảnh thơi và đầy ý nghĩa của hoa.

Trong thơ ca cổ, vẻ đẹp của nụ cười thường được tôn vinh cùng với hoa. Vẻ đẹp và sự tao nhã của nụ cười khó có thể diễn tả được. Những người thích liên hệ nụ cười với hoa trong cuộc sống là những người trân trọng niềm vui và hạnh phúc.

Có nhiều người có chút thông minh và quá trọng tình cảm, nên họ gặp rắc rối về sở thích cá nhân và luôn lo nghĩ về “được và mất”. Họ không thể thanh thản và vui vẻ. Họ có thể có danh tiếng, tiền bạc và địa vị, nhưng lại mất đi sự bình an và tĩnh lặng trong tâm hồn.

Một nhà tâm lý nổi tiếng đã từng nói: “Nụ cười là một tiêu chuẩn để đánh giá con người có thể điều chỉnh môi trường của họ hay không”.

Trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, những nụ cười có thể đem đến niềm vui, sự bình yên và hài hòa. Nụ cười thân thiện là phản hồi tự nhiên từ thế giới nội tâm của một người ra bên ngoài, và nó hàm chứa sự cảm thông và tán thành. Nụ cười cũng đem lại sự ấm áp, niềm vui và sự thấu hiểu. Vì vậy, một nụ cười có thể được gọi là “một bông hoa thấu hiểu”.

Tôi đã được kể câu chuyện này:

Lần nọ, trước khi máy bay cất cánh, một hành khách nói với tiếp viên ông muốn xin một ly nước để uống thuốc. Cô tiếp viên đã lịch sự nói với ông rằng: “Máy bay đang chuẩn bị cất cánh. Vì sự an toàn của quý khách, xin quý khách đợi thêm vài phút. Sau khi máy bay cất cánh và ổn định, tôi sẽ mang nước cho ngài”.

15 phút trôi qua, cô ấy đã quên mang nước vì bận giải quyết những vấn đề cho các hành khách khác. Sau đó cô mang nước đến cho người khách và xin lỗi với một nụ cười.

Tuy nhiên, người đàn ông đã rất giận dữ và chỉ vào đồng hồ, nói rằng: “Đây là kiểu phục vụ gì vậy? Cô có biết tôi phải chờ bao lâu không?” Người tiếp viên cảm thấy có lỗi. Tuy nhiên dù cô ấy có giải thích thế nào, ông khách kia cũng không tha thứ cho sự cẩu thả của cô.

Để sửa chữa lỗi lầm của mình, cô ấy đã tươi cười nói ông có thể lấy nước mỗi khi cô đi ngang qua. Không may thay, vị khách khó tính này đã không chấp nhận nỗ lực xin lỗi của cô.

Trước khi máy bay hạ cánh, vị khách này đã yêu cầu cuốn sổ hành khách để viết lời bình luận. Cô tiếp viên đã nghĩ rằng vị khách sẽ phàn nàn, vì vậy, cô ấy tươi cười nói rằng: “Xin hãy để tôi xin lỗi thêm một lần nữa. Tôi sẽ chấp nhận mọi lời phê bình và kiến nghị của ngài cho dù chúng là gì đi nữa”.

Vị khách không nói lời nào nhưng để lại vài dòng nói rằng: “Trong suốt chuyến bay, cô đã bày tỏ lời xin lỗi chân thành của mình; cô đã mỉm cười 12 lần, và đã cảm động tôi sâu sắc. Tôi đã quyết định viết một lá thư đánh giá cao thay vì một bức thư phàn nàn! Chất lượng phục vụ của các bạn thật tuyệt vời, và cô là người tiếp viên tốt nhất thế giới! Nếu có cơ hội trong tương lai, tôi sẽ lên chuyến bay này lần nữa!”

Quả thật, nụ cười như những đóa hoa.


Chúng là những bông hoa thơm ngát từ thế giới của một trái tim thuần khiết. Chúng không cần trang trí thêm, nhưng có thể cảm động đất trời.. Nụ cười là niềm vui và nguồn hạnh phúc vô tận. Nếu không có chúng, trái tim bạn sẽ như một dòng sông băng. Khi bạn có thể mỉm cười trước những lời nói xấu, trong cơn khủng hoảng, nỗi đau khổ và thử thách cam go, những điều không may sẽ yếu đi và dần biến mất. Nụ cười có thể cởi khóa trái tim, mang đến sự chân thành và cởi mở, giúp những người xa lạ gần bạn hơn và khiến người thân của bạn hạnh phúc.

Nụ cười là một đóa hoa cao quý, thanh khiết từ thế giới nội tâm của một người!

Quán Minh

Để cho tình thần chúng ta được an lạc, thôi thì chúng ta hãy bỏ việc tranh chấp thắng thua nhé. Mệt lắm!

Mời quý bạn cùng người viết ghé thăm Một Cõi Thiền Nhàn Mùa Xuân ở Portland qua youtube dưới đây do người viết thực hiện, xem cho vui mắt một ít phút giây nhé. Smile!


Bạn có thấy vui chút nào chưa nhỉ?

Xin chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam
(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-MCTN 558-ORTB 983-414-2021)

Thứ Năm, 15 tháng 4, 2021

Biển Nhớ - Trịnh Công Sơn - Khánh Ly


Sáng Tác: Trịnh Công Sơn
Ca Sĩ: Khánh Ly
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Mùa Phượng Năm Xưa


Mỗi độ Hè về hoa Phượng trổ
Nhạc ve sầu ra rã trên cây
Hai tháng Hè sắp sửa chia tay
Tuổi mười ba, tình đầu chớm nở.

Nhặt cánh Phượng ép vào tập vở
Kèm thơ xanh trao tặng người yêu
Gặp mặt nhau, hai người bỡ ngỡ
Bu
i chia tay buồn biết bao nhiêu.

Rảo mắt trông chẳng thấy ai nhìn
Nàng cám ơn, nhận bức thơ tình
Tặng lại chàng nụ cười e ấp
Má lúm đồng tiền, xinh thật xinh.

Ngày trưởng thành chàng đi giúp nước
Nàng phương xa cất bước theo chồng
Mối tình đầu đứt sợi tơ hồng
Con đò xưa xa rồi bến c
ũ.

Ngoài biên cương núi rừng giá lạnh
Nơi tiền đồn phiên gác đêm mưa
Chàng cảm thấy cô đơn, hiu quạnh
Nhớ thương người Mùa Phư
ng Năm Xưa.


Lão Mã Sơn


Tháng Tư Phượng Tím

 
((Ảnh: Kim Oanh))

Xướng:

Tháng Tư Phượng Tím


Tháng tư phượng tím rợp trời
Em thay áo tím chờ người tới thăm
Choàng thêm khăn tím phù vân
Lời anh, em viết có vần tím thơ

Sáng nay hoa tím mộng mơ
Mũ len mầu tím thắt nơ tím hồng
Tím nào là tím nhớ mong
Tím em hoa súng trên sông nở tràn

Tím nào theo chiếc đò ngang
Người đi mang khói mây sang tím chiều
Tím nào mực đậm tình yêu
Anh tô tím cả những điều đam mê

Tím hoang liêu khắp nẻo về
Tóc cài hoa tím hẹn thề lược gương
Tháng tư phượng rụng tím đường
Tình anh như nắng tím vương nồng nàn ...


Cao Mỵ Nhân
***
Các Bài Họa:

Vì Đâu… Thôi Đành!

Vì đâu sắc tím rợp trời
Vì đâu biệt xứ chẳng người về thăm
Vì đâu lang bạt phong vân
Thôi đành mượn bút thả vần tâm thơ

Vì đâu cách mộng xa mơ
Vì đâu cắt đứt dây nơ tình hồng
Vì đâu xót dạ hoài mong
Thôi đành nhỏ lệ theo sông tuôn tràn

Vì đâu thuyền tách bến ngang
Vì đâu ly biệt đò sang một chiều
Vì đâu vuột mất tiếng yêu
Thôi đành ôm giữ bao điều đắm mê

Vì đâu phòng vắng bóng về
Vì đâu đối mặt đơn thề trước gương
Vì đâu bước chẳng chung đường
Thôi đành chôn chặt vấn vương nồng nàn.


Kim Oanh
Melbourne 2021
***

Phượng Đỏ Tháng Tư

Bâng khuâng ngắm phượng đỏ trời
Em ngồi đỏ mắt đợi người về thăm
Tim hằn rực đỏ ngời vân
Ai gieo lửa đỏ nghẽn vần tình thơ

Thuở nào đỏ cháy ước mơ
Anh hôn mái tóc đỏ nơ bông hồng
Cánh buồm giờ đỏ chờ mong
Lục bình úa đỏ dòng sông lệ tràn

Đỏ tay ngà nhịp chèo ngang
Chúm làn môi đỏ hừng sang ráng chiều
Mây ngàn gợn đỏ niềm yêu
Đỏ màu mực vẽ trọn điều đắm mê

Áo em đỏ sẫm hè về
Nhặt hoa đỏ gắn tóc thề trước gương
Tháng Tư phượng trải đỏ đường
Vì chưng hoạ đỏ tình vương khổ nàn...

Phương Hoa

***
Bài Cảm Tác:

Màu Tím 

Sương loang tím phượng giăng trời
Ôi màu tím thuở đợi người đến thăm
Thương hoài tím lụa hàng vân
Mê dùng mực tím đôi vần khỏa thơ

Rung lòng hoa tím trải mơ
Tặng hoa cột tím bằng nơ lẳng hồng
Từng chiều mây tím đợi mong
Ngắm bông súng tím trôi sông ngập tràn

Khói vương mắt tím mờ ngang
Tím buồn man mác thổi sang nắng chiều
Muôn đời tím đẹp đáng yêu
Tím mùa thu gợi quá nhiều đắm mê

Tím ơi kỷ niệm lại về
Tranh màu tím bỗng cận kề soi gương
Bụi bay phấn tím đầy đường
Tháng tư sắc tím bỗng vương nồng nàn

Minh Thúy
***

Nhớ Người Yêu

Áo em tím cả bầu trời
Em yêu màu tím yêu người tới thăm
Người say theo bóng phù vân
Riêng em ở lại tím vần trang thơ.

Yêu người em dệt mộng mơ
Tô lên màu má ban sơ tình hồng
Yêu người ngày nhớ đêm mong
Soi gương đối bóng đèn chong tim tàn.

Sông Hương vắng bóng đò ngang
Câu hò mái nhị vẳng sang cuối chiều
Trường Tiền vắng bóng người yêu
Cô đơn từng bước nhớ nhiều đam mê.

Người ơi sao chẳng trở về
Để cho áo tím lỗi thề lược gương
Như hoa héo rũ bên đường
Còn đâu đôi bóng yêu đương nồng nàn.


Nguyễn thị Thêm


Phượng Tím Khóc Thầm

(Ảnh; Kim Oanh)

Tháng Tư Phượng Tím khóc thầm
Tháng Tư Phượng Tím đau lòng nhớ quê
Tháng Tư Phượng Tím mong chờ
Tháng Tư Phượng Tím ngày về cố hương
Tháng Tư Phượng Tím rơi buồn
Tháng Tư Phượng Tím tóc suông bạc màu
Tháng Tư Phượng Tím tìm nhau
Tháng Tư Phượng Tím tìm đâu bây giờ
Tháng Tư Phượng Tím trong mơ
Tháng Tư Phượng Tím bơ vơ gọi người
Tháng Tư Phượng Tím yêu ơi
Tháng Tư Phượng Tím rối bời trong tim
Tháng Tư Phượng Tím triền miên
Tháng Tư Phượng Tím cả đường tình xưa
Tháng Tư Phượng Tím ướt mưa
Tháng Tư Phượng Tím nhạt nhòa mắt môi
Tháng Tư Phượng Tím bầu trời
Tháng Tư Phượng Tím xuống đời nổi trôi
Tháng Tư Phượng Tím đành thôi
Tháng Tư Phượng Tím hẹn người kiếp sau

Dương Việt-Chỉnh 
 11/11/2021


Chiều Trên Đảo Bidong



(Bài Họa)

Mây trắng giăng ngang kín đất trời 
 Nhớ nhà nhớ nước lệ đầy vơi 
 Ly hương đất lạ nhìn hoa rụng 
 Xa xứ trại buồn ngắm lá rơi 
 Thân phận thuyền nhân vui tới đất 
 Kiếp đời tị nạn xót ra khơi 
 An nhiên tỉnh tọa chờ rời đảo 
 Chiều xuống nhìn nhau rạng nét cười.

Toronto 28/2/2021 
 Nguyên Trần

Mẹ Bác Sĩ

 

Bà Mậu thoải mái ngồi đợi ở phi trường LAX, bà biết rằng 1 tiếng đồng hồ nữa, khi hết giờ ở phòng mạch thì con trai bà mới đến đón.

Hai vợ chồng nó đều là bác sĩ, đều bận rộn nên sự chờ đợi vẫn là đặc ân và hãnh diện đối với bà.

Khi bà Mậu sửa soạn hành lý đi California bà đã gởi gấm bà Diệu, hàng xóm cũng là bà bạn thân ở bên cạnh để ý trông nom nhà cửa giùm.
Bà Diệu đã vui vẻ nhận lời và nói:
– Mẹ bác sĩ sướng thật, mỗi lần đến thăm con tha hồ mà khai bệnh cho con nó tận tình khám chữa. Con giỏi giang cha mẹ được nhờ.

Bà Diệu luôn gọi bà bằng cái tên dài “Mẹ bác sĩ ” vừa thân mật vừa nể nang. Bà Mậu thích thú nhưng vẫn khiêm nhường:
– Vậy chớ thằng nhỏ cũng còn khờ lắm chị à…

Bà Diệu dặn dò:
– Mẹ bác sĩ nhớ hỏi nó giùm tôi sao mấy tuần nay mắt trái tôi bị một chấm đen hiện ra nhé, không biết có nguy hiểm gì không?
– Chị thiệt lo xa, đằng nào cũng sắp đi khám bác sĩ mắt rồi mà.
– Biết rồi, nhưng 2 tuần sau mới đến hẹn, tôi nóng ruột quá, bà cứ hỏi giúp tôi.
– Tui nhớ chứ, tui sẽ hỏi nó và gọi phone cho chị hay liền…
Con gái bà Mậu đã đến chở mẹ ra phi trường.

Bà Mậu có 2 đứa con, thằng Thông là bác sĩ lấy vợ cùng nghề, sống ở California, cô Minh em gái thì học business và lấy chồng Mỹ, hiện sống cùng tiểu bang New Jersey, cùng thành phố với mẹ, cách nơi ở của mẹ không xa.

Ông Mậu mất cách đây 2 năm, nên chỉ còn mình bà sống trong căn phòng của apartment mà hai vợ chồng đã sống bấy lâu nay.
Bà Mậu ngồi ngắm nhìn thiên hạ xung quanh nhưng cũng không quên để mắt xem có bóng dáng con mình không, khi vừa thấy Thông đi tới là bà mừng rỡ đứng dậy kêu lên:
– Má nè con…

Gương mặt Thông không lộ vui mừng như bà mẹ, vừa kéo va ly cho mẹ vừa hối hả đi, làm bà Mậu chỉ biết hấp tấp bước nhanh theo cho kịp với con.
– Má à, má đến chơi vào thời điểm này vợ chồng con rất bận.
– Ừa, má biết lúc nào vợ chồng con cũng bận, má không làm gì phiền con đâu, má chỉ đến chơi, nhìn thấy mặt con và 2 đứa cháu nội là má thấy đủ vui rồi.
Khi ngồi vào chiếc xe sang đẹp của con trai, bà Mậu cũng cảm thấy chút khép nép như đang đi nhờ xe ai đó, bà cất tiếng hỏi phá tan sự im lặng:
– Vợ con khỏe không? Hai cháu nội má chắc lớn dữ ha?
– Cả nhà đều bình thường.
Chắc thấy mình trả lời cộc lốc nên Thông dịu giọng lại:
– Hàng tháng con gởi má 500 đồng có đủ không? Má cần thêm thì cứ nói con biết…
– Không sao, má còn lãnh tiền quả phụ của ba con mà, con Minh cũng cho má tiền, má còn dư chút đỉnh nữa nè, ráng hai năm nữa má đủ tuổi lãnh tiền già là khỏe re, con khỏi phải gởi tiền cho má nữa.

Xe về tới khu nhà của Thông, phải qua một cổng security mới vào trong, nơi có những ngôi nhà đẹp đắt tiền.
Cô Nguyệt con dâu bà Mậu đang đứng làm bếp chỉ chào “Hi, má” rồi tiếp tục công việc của mình.

Bà Mậu mang va ly vào một phòng trống, nơi mỗi lần đến bà thường ở, thay vội quần áo bà ra phòng khách tìm hai đứa cháu nội, ôm thằng Peter một cái, ôm con bé Sophia một cái, rồi bà ra chỗ bếp với con dâu:
– Con để đó má mần phụ cho…
Cô con dâu từ chối:
– Món này má không làm được đâu…

Con dâu bà luôn không cần sự giúp đỡ của bà, không phải vì cô tôn trọng bà như 1 người khách, mà cô muốn tạo ra một khoảng cách.
Bà Mậu đã từng cảm thấy mình xa lạ và vô dụng khi đến nhà con trai mình.

Bà lại ra phòng khách chơi với cháu, cũng may còn 2 đứa trẻ ngây thơ, có người ôm ấp và chơi với chúng thì chúng vui thích lắm.
Con bé Sophia 4 tuổi, giống mẹ và đẹp gái như mẹ.
Thằng Peter năm nay 6 tuổi, thì giống y hệt cha nó nên bà Mậu vẫn gọi thầm nó là “thằng cu Đen” như cái tên ngày xưa vợ chồng bà hay gọi Thông, cũng đôi mắt một mí duyên dáng, cũng nụ cười đẹp, cũng dáng người cao ráo, chỉ khác là làn da nó không bị ảnh hưởng khí hậu và mùi biển mặn mà ngăm ngăm như cha nó ngày xưa.

Bà thương hai đứa cháu, bà nhớ thằng con trai, bây giờ nó là một bác sĩ có phòng mạch đông khách và nổi tiếng chẳng những trong cộng đồng người Việt mà cả với người bản xứ.

Bà không được gần gũi con trai cả về thực tế lẫn tình cảm, thì còn cháu bà, nhất là thằng Peter, mỗi lần bế cháu bà đã tìm lại cái cảm xúc hạnh phúc yêu thương như ngày xưa bế thằng Thông, thằng cu Đen vậy.

Vợ chồng bà Mậu là ngư dân nghèo vùng biển Phước Tỉnh, Vũng Tàu, ông Mậu lái ghe đánh cá mướn cho người ta, cái nghề cha truyền con nối.
Gia đình ông cũng nghèo cha truyền con nối, từ trước 1975, đến sau 1975 càng nghèo khó hơn.

Năm 1987 có người móc nối nhờ ông làm tài công cho một chiếc ghe vượt biên, cái gía họ trả công là vợ con ông được đi theo.
Bà Mậu và thằng Thông, con Minh cùng lên 1 chuyến “taxi”, chờ ghe lớn tới bốc đi, nhưng khi chiếc “taxi” chở bà Mậu cặp sát được ghe lớn, bà vừa đưa được 2 con xuống ghe lớn thì bể chuyện, ghe của công an đang đi tới, nên chiếc “taxi” phải vội vàng bỏ chạy, mang theo một số người chưa kịp lên ghe lớn, trong đó có bà Mậu.

Ghe lớn do ông Mậu lái đã thoát được ra khơi, còn những “taxi” đều bị bắt hết và người thì bị tù giam.

Những ngày đầu tiên ở trong tù bà Mậu như phát khùng vì lo lắng cho số phận chồng con, được tin chiếc ghe lớn đi trót lọt ra khơi, ra hải phận quốc tế, lòng bà càng thêm lo âu hơn là mừng rỡ. Ghe chồng con bà có vượt qua được sóng gió tới bến bờ bình an không? hai đứa nhỏ sẽ ra sao khi không có mẹ bên cạnh? Bà thầm trách số phận, trách chồng thà cứ bình yên ở nhà làm nghề cá no đói mà có nhau, còn hơn là ra đi thập tử nhứt sinh, hay ly tán như thế này.

Những ngày ngồi trong tù là những ngày bà khóc ròng, đau đớn, buồn bã vì nhớ con, nhớ chồng…
Ông Mậu đến đảo Mã Lai báo tin về, lòng bà Mậu cũng nguôi ngoai và vui mừng hy vọng đợi chờ ngày đoàn tụ với chồng con.

Nhưng ông chồng bà bao năm trong nghề đánh cá, cá mắc vào lưới của ông thì bây giờ trời quả báo sao đó, ông mắc vào lưới tình với một bà bỏ chồng đi vượt biên tìm tự do, tìm hạnh phúc.
Hai người tằng tịu với nhau từ trên đảo Mã Lai, qua Mỹ họ tiếp tục chung sống ăn ở như vợ chồng nên ông Mậu cứ tìm cách thoái thác chưa chịu bảo lãnh vợ, cho đến khi ông bị bà kia bạc tình, phản bội, bỏ ông đi theo người đàn ông khác khá giả hơn ông, thì ông Mậu mới tỉnh cơn mê, lo giấy tờ cho vợ sang sum họp gia đình.

Bà Mậu sau đó biết chuyện này đã không oán trách chồng mà còn chất phác tuyên bố với người quen biết:
– Thiệt cám ơn chị ta hết sức, thời gian đầu ở Mỹ cuộc sống khó khăn chị đã chăm sóc an ủi ông Mậu, sau đó chị ra đi trả ông Mậu lại cho mẹ con tui.

Bà Mậu sang Mỹ năm 1993. Khi đó thằng Thông đã 16 tuổi và con bé Minh 14 tuổi, bà nhà quê, ít học, chữ Việt Nam viết không rành, nói chi đến học ăn học nói tiếng Mỹ mà đi làm, nên chỉ ở nhà lo chuyện nội trợ, cơm nước, chăm lo cho chồng con…

Buổi chiều thứ Bảy vợ chồng Thông đều nhận khám ít bệnh nhân, phòng mạch đóng cửa sớm, để gia đình quây quần bên nhau. Họ thích ra biển để thư giãn sau một tuần lễ căng thẳng bù đầu vì công việc.


Bà Mậu cũng được dịp đi biển với con cháu, bà sửa soạn mặc quần áo cho Peter, cho Sophia, lấy những chiếc mũ, chiếc khăn tắm hay đôi giày đôi dép cho cháu… những thứ mà cô con dâu không thể ba đầu sáu tay làm hết được, dù cô khinh khỉnh không muốn bà mẹ chồng đụng tay vào chuyện nhà của cô.

California có nhiều bãi biển tắm, ngày nào mà chẳng đông người, vì đất California là nơi du lịch, ngày cuối tuần thì càng đông hơn.
Bà Mậu lăng xăng bên hai cháu nội. Bà âu yếm nhìn thằng Peter cởi trần vui đùa trên mép biển, mỗi khi cơn sóng nhào tới thằng bé lại vội vàng chạy lên bờ, có khi nó ôm chầm lấy bà tìm sự che chở và cười vang vì vui thích, nó nhút nhát không dám ra xa hơn, cứ trò chơi ấy mà không biết ngán.

Chẳng bù cho cha nó, thằng Thông ngày xưa, ngay từ lúc 3-4 tuổi đã dạn dĩ, quen với sóng với gió rồi. Những khi theo mẹ ra biển đón ghe cha về bến, nó dám lội ra xa khi thấy bóng cha trên chiếc ghe đang lửng lơ thả trôi vào bờ, để cha sẽ nhảy ra ẵm nó lên, công kênh nó lên vai mặc cho sóng biển xô tới phủ kín mặt mũi hai cha con.

Vợ chồng bà âu yếm gọi Thông là “Thằng Cu Đen” vì thằng bé được sinh ra nơi miền biển, nó được nuôi lớn bằng cá tôm từ biển, và được nếm bao lần mùi biển mặn, mùi gió chướng, mùi gió mùa, cái thứ gió chở đầy mùi tanh của biển cả ngay trước mặt hay dù từ chân trời, góc biển nào thổi về. Tất cả những thứ đó đã thấm vào thằng Thông, làn da nó xạm lại, rắn rỏi và khỏe mạnh, đúng là con nhà nòi ngư dân.

Ông Mậu thường khề khà bên chén rượu và hãnh diện nói với vợ:
– Thằng cu Đen lớn lên sẽ là tay đi biển giỏi như tui cho bà xem.

Nhưng ông đã đoán lầm, thời vận đã đẩy đưa cuộc đời gia đình ông sang hướng khác, thằng cu Đen đẹp trai cao ráo của ông không là anh ngư dân giỏi, mà trở thành một bác sĩ giỏi sống ở Mỹ, cái điều mà cả tổ tiên nhà ông, cho đến đời ông, chưa ai dám mơ tới.

Cả nhà còn đang ngủ muộn vì chiều qua chơi biển thật lâu và vui, sau khi ăn uống nhà hàng cho đến tối khuya mới về đến nhà.
Bà Mậu thức dậy trước đang dọn dẹp lau chùi chỗ bếp thì con trai đã đến bên cạnh:
– Má khỏi phải làm ba cái việc này, mỗi tuần vợ con đều thuê người đến dọn dẹp nhà cửa rồi.
– Không sao, má rảnh thì làm cho sạch, trong khi người ta chưa đến có sao đâu con…
Giọng Thông có vẻ ái ngại khi hỏi:
– Má có cần mua thêm quần áo gì không? Lát nữa con nói vợ con đưa má đi mua…
Bà Mậu ngạc nhiên:
– Chi vậy con? Khi không má mua quần áo làm gì chớ, đồ má mặc cả đời không hết…
– Chiều nay là buổi tiệc mừng sinh nhật bà mẹ vợ của con ở nhà hàng, mời nhiều khách khứa, cả nhà mình sẽ tham dự… chỗ đông người má cũng nên tươm tất một chút.
– À, má hiểu rồi…
Bà Mậu khựng lại rồi tiếp:
– Má có đem theo đồ đàng hoàng mà con, quần Tây và chiếc áo có bông thiệt bự, cổ nhún tai bèo nè, chiếc áo sơ mi màu đọt chuối nè, bắt mắt lắm, người bạn mua về từ Việt Nam giùm má đó. Má ưng hết sức.

Thông bỏ đi, còn lại một mình bà Mậu tự nhiên thấy lòng xốn xang buồn.
Ôi, phải chi nó cứ mãi là thằng cu Đen bé bỏng đi đâu cũng níu áo mẹ, túm áo cha, dù là những chiếc áo cũ, chiếc áo rách sờn vai.

Mà thôi, bà đã quen với những điều này rồi, con bà là một bác sĩ tài ba thành đạt thì nó phải cao sang với đời chứ, chẳng lẽ bà muốn nó là một anh ngư dân nghèo khổ như bà hồi ở Việt Nam để mẹ con thông cảm, gần gũi với nhau sao!

Gia đình bên vợ của Thông rất danh giá, họ xuất thân giàu có từ trong trứng nước, hai ông bà sui gia đều là bác sĩ từ thời còn ở Việt Nam, anh em, con cháu, dâu, rể của họ cũng toàn là bác sĩ, nha sĩ, có lần bà nghe Thông hãnh diện kể về nhà vợ, tổng số bác sĩ và nha sĩ trong đại gia đình cha mẹ vợ lên đến hơn 20 người. Nghề nghiệp y khoa của họ cũng cha truyền con nối như nghề đánh cá đi biển nhà bà.

Nếu Thông không là bác sĩ thì khoảng cách giữa Thông và gia đình vợ là một trời một vực Bà Mậu vẫn hãnh diện khi kể cho bạn bè, người quen về bên sui gia danh giá của mình.
Buổi chiều trong khi vợ chồng Thông sửa soạn quần áo để đi dự tiệc thì bà Mậu than là bị đau bụng, bà hỏi xin con thuốc để uống và nằm đắp mền nghỉ ngơi.
Thông hỏi mẹ:
– Má thích ăn gì thì con sẽ mua về cho má?
Bà Mậu rên khe khẽ:
– Má đau bụng quá trời ăn gì nổi, mà nếu tối đói bụng thì có nhiều đồ trong tủ lạnh rồi.

Thế là bà không thể đi đến nhà hàng dự tiệc sinh nhật bà sui gia được.
Nhưng khi cả nhà Thông lên xe đi khỏi thì bà Mậu tung mền ra, nhà cửa vắng tanh chẳng có chuyện gì làm, bà bỗng nhớ đến một bà bạn cũng ở gần đây, là đồng hương Phước Tỉnh của bà, thuở đó hai bà nhà ở gần nhau, cùng nghèo khổ như nhau, cùng chia sẻ bao nỗi vất vả, bao nỗi buồn lo chồng chất của cuộc sống nơi miền biển, nơi chôn nhau cắt rốn của họ.

Lần nào đến California bà Mậu chẳng ghé thăm bà Chung, nhân dịp trống trải này thì gặp bạn luôn.
Bà Chung cũng góa chồng, lớn hơn bà Mậu mấy tuổi nhưng lanh lợi hơn nhiều, qua Mỹ bà nhanh chóng hội nhập vào đời sống mới. Bà sống ở apartment diện housing, tiền nhà hầu hết do chính phủ trợ cấp, mấy con bà sống gần đó, nên bà vẫn chạy qua chạy lại phụ giúp con cháu khi cần, mà vẫn giữ được cuộc sống tự lập không lệ thuộc con cái là bao.

Bà Mậu mở cuốn sổ tay tìm số phone và gọi bạn, bà Chung nói sẽ lái xe đến đón bà Mậu đi chơi.
Bà Mậu hẹn bà Chung ở ngoài cổng khu nhà.
Bà Chung đưa bà Mậu đi vòng quanh thăm mấy chợ Việt Nam, vì sống ở tiểu bang New Jersey đâu có nhiều chợ, nhiều hàng quán Việt Nam như khu Bolsa này.

Rồi bà ghé vào một khu shopping rộng lớn, lái xe đến trước cửa một nhà hàng, bãi đậu xe đã đông, nên bà Chung đang tìm cách len lách vào, trong khi bà Mậu tò mò nhìn ngó xung quanh.

Bà Mậu bỗng giật mình khi nhìn thấy gia đình Thông đang sánh vai cùng bố mẹ vợ bước vào một nhà hàng, hai đứa cháu nội của bà đang tíu tít bên ông bà ngoại của chúng. Họ thật là những khách hàng lịch sự, sang trọng trong bữa tiệc sinh nhật chiều nay

Bà Mậu vội quay ra hốt hoảng hỏi bạn:
– Chị tính vào nhà hàng này hả?
Bà Chung khoe:
– Ừ, nhà hàng này có nhiều món ngon lắm, nhưng hôm nay chắc có người đặt tiệc nên đông quá, tôi chưa tìm ra chỗ đậu xe…
– Thôi, thôi, thôi… đi chỗ khác, tôi không thích ăn nhà hàng đâu.
– Làm gì mà chị phản đối liên hồi như tôi sắp đưa chị vào hang hùm, ổ rắn vậy? Ở Mỹ mà, tiền già của tôi cũng dư sức bao chị vô bất kể nhà hàng nào. Chị thích đi ăn ở đâu, tôi sẽ đãi chị?
– Ra Phước Lộc Thọ đi, ở đó cũng ngon rồi.
Bà Chung cụt hứng trách bạn:
– Tưởng gì, lần nào đến Cali chị cũng đòi ra ăn hàng ở Phước Lộc Thọ, lúc nào cũng nhà quê in như hồi còn ở Phước Tỉnh với ba con cá con tôm vậy đó…
Bà Mậu chống chế:
– Tui theo con đi ăn nhà hàng nhiều lần rồi, lạ gì đâu, ra chỗ Phước Lộc Thọ, vừa ăn vừa ngắm nhìn ông đi qua bà đi lại cho vui, có khi lại gặp được người quen.
May quá, bà Chung đã mải lo tìm chỗ đậu xe trước nhà hàng nên không trông thấy những gì bà Mậu đã thấy. Nếu không, bà không biết giải thích làm sao với bà bạn thân này.

Đến khu Phước Lộc Thọ, hai bà ghé vào một tiệm, tiệm không đông khách, bàn ghế thênh thang nên bà Mậu tha hồ ngồi một ghế, gác chân lên một ghế, đủng đỉnh ngắt từng cọng rau răm xanh tươi ăn với hột vịt lộn hiệu Long An nóng hổi rắc muối tiêu ngon lành.

Rồi mỗi bà ăn một dĩa bánh bèo, một ly chè là vừa no bụng vừa ngon miệng…
Cách hai bà là một bàn khách đang ăn gỏi đu đủ bò khô, uống cà phê sữa đá, vui vẻ nhộn nhịp cứ như đang ở Việt Nam.

Thật thú vị và thoải mái khi đi với bà Chung, bà Mậu không phải e dè như khi đi với cô con dâu cao sang của bà. Bà từng theo vợ chồng Thông đi ăn nhà hàng coi bộ sang trọng lắm mà chưa cho bà cảm giác như thế này.
Bà Chung kể:
– Con trai và con dâu chị ăn nên làm ra tại Cali này đó. Chồng bác sĩ nhãn khoa, vợ bác sĩ phụ khoa, toàn là nghề hốt bạc.
Bà Mậu sung sướng:
– Tui thiệt hãnh diện vì tụi nó đó chị Chung à…
Bà hãnh diện thật, khoe thêm:
– Hai ông bà sui gia cũng bác sĩ luôn. Chèng ơi, sao mà họ giỏi dữ vậy không biết!
Bà Chung gật gù:
– Tui phát ganh với chị đó, được là mẹ bác sĩ.

Thật thế, bác sĩ vẫn là nghề cao siêu đối với bà Mậu từ đời tám hoánh nào rồi. Ngày xưa ở Việt Nam đâu có tiền mà mỗi chút mỗi gặp bác sĩ, mỗi lần ốm đau bất kể nhức đầu, đau bụng hay bịnh gì đi chăng nữa cứ… đè nhau ra cạo gió, xông hơi, cực chẳng đã bịnh không hết mới đi khám bác sĩ.

Sau 1975 càng tồi tệ hơn nữa, bác sĩ là cấp cao không thèm đếm xỉa tới bịnh nhân, thậm chí bịnh nhân lo lắng hỏi han cũng chẳng được bác sĩ mở miệng trả lời trả vốn cho mấy chữ, nội mấy cô y tá phường xã cũng đủ uy quyền gắt gỏng, nạt nộ những bịnh nhân vừa nghèo vừa dốt như bà.

Vậy mà bây giờ con trai bà là bác sĩ, có lần bà đến phòng khám của Thông để khám mắt, nhìn cơ ngơi của con với những dụng cụ, máy móc soi mắt tinh vi, nhìn mấy cô nhân viên vừa là Việt Nam vừa là người Mỹ răm rắp và nghiêm chỉnh làm việc cho bác sĩ và Thông nói tiếng Mỹ vèo vèo với nhân viên, bà Mậu càng tự hào và nể phục con trai mình.

Đến thăm phòng mạch của con dâu bà cũng cảm giác nể phục như thế. Cho nên bà vẫn tự hào, tự an ủi mình là chiều chuộng con, nhường nhịn con, thua thiệt con cũng xứng đáng lắm.
Bà Mậu thật thà nói với bà Chung:
– Tui cũng không ngờ con trai mình là bác sĩ, qua Mỹ chỉ cầu nó lớn lên đi mần việc công nhân, thoát khỏi nghề đi biển cực nhọc như cha ông nó ở Việt Nam là tui mừng rồi.

Hai bà ăn uống chuyện trò đủ thứ xong, bà Chung chở bà Mậu trả về nhà.
Vợ chồng Thông vẫn chưa về, bà Mậu lại thơ thẩn một mình trong căn nhà vắng.
Bà nào có đau bụng đau bão gì, chẳng qua bà nói thế để không đi dự đám tiệc sinh nhật bà sui, điều mà bà cảm thấy con trai cũng như con dâu bà không hề mong muốn bà có mặt, mà thật ra chính bà cũng thấy ngại ngùng giữa đám người giàu sang có học thức cao ấy. Tới đó bà biết ăn nói làm sao cho xứng với họ?

Số bà không may, chồng chết trước, lại không được gần gũi con cháu. Xưa có lần bà coi tử vi ông thày đã nói số bà “canh cô mồ quả” thui thủi một mình, thật không sai.

Hai đứa con qua Mỹ từ nhỏ, cách sống và cách suy nghĩ của chúng như người Mỹ. Con Minh lấy chồng Mỹ càng Mỹ hóa hơn, bà Mậu không thể đến nhà con gái thường xuyên chứ đừng nói chuyện dọn vào ở chung, dù bà đã từng mong muốn kể từ khi ông Mậu từ trần.

Mỗi lần đến nhà con gái, gặp con rể bà Mậu chỉ chào được một chữ “Hi.” rồi thôi, rồi bà cười trừ thay cho lời nói mỗi khi đối diện với thằng rể Mỹ, mà con rể cũng không mấy thân thiện với bà mẹ vợ, anh ta không muốn “người lạ” ở lâu trong nhà, dù người ấy là bà mẹ vợ.
Nó đã hỏi vợ nó:
– Tại sao mỗi lần mẹ em nhìn anh bà lại cười? Anh có cái gì khôi hài lắm sao???
Con Minh phải giải thích:
– Mẹ em cười là thân thiện với anh đó, vì mẹ không thể nói chuyện với anh.

Vợ chồng con gái vẫn thỉnh thoảng ghé đến apartment thăm bà, mỗi dịp lễ Mẹ, Lễ Tạ Ơn, Giáng Sinh và Năm Mới họ đều tặng bà quà, và bà phải hiểu rằng bà cũng chỉ được đến nhà thăm họ như khách thế thôi.

Chỉ khi nào con rể đi công tác xa nhà mấy hôm thì bà Mậu mới cảm thấy tự do thoải mái khi đến thăm con gái và cháu ngoại, bà được ngủ lại nhà con gái. Đó là những ngày bà sung sướng hạnh phúc mà không món quà tặng nào sánh nổi.
Thỉnh thoảng không thể đến thăm cháu ngoại, bà Mậu lại sốt ruột gọi phone cho con gái và thật thà hỏi:
– Chồng con sắp đi công tác chưa? Má trông nó đi quá trời nè…
Hoặc bà hỏi kỹ hơn:
– Chuyến này nó đi công tác mấy ngày, hả?
Chẳng ai như bà, cứ mong con rể thường xuyên đi công tác mà không sợ con gái buồn, miễn là bà được thảnh thơi đến nhà nó.

Còn về vợ chồng con trai bác sĩ của bà cũng chẳng khác vợ chồng con gái bà là bao, cả hai đều giữ khoảng cách với bà. Dù họ không tìm được người giúp việc, mấy lần bà Mậu ngỏ ý về ở chung để trông cháu và lo cơm nước cho hai vợ chồng, nhưng Thông đều từ chối với lý do:
– Má là má con làm sao con có thể để má làm như người giúp việc được.

Con trai bà cũng có lý của nó, nhưng bà mẹ nào chẳng muốn đỡ đần cho con cho cháu? Đối với bà được chăm lo cho con cháu là niềm vui, bà tha thiết muốn được làm điều đó mà con không chịu thì bà đành phải tiếp tục sống một mình, càng rảnh rang bà càng buồn vì nhớ cháu.

Cả cháu nội, cháu ngoại đều xa quá tầm tay của bà. Nhưng bất cứ ai hỏi đến chuyện này thì bà Mậu đều hớn hở trả lời và giải thích luôn:
– Thằng con trai bác sĩ của tui, hai vợ chồng nó giàu có, lại có cha mẹ vợ ở gần, đâu cần tui giúp đỡ gì nữa, thỉnh thoảng tui đến thăm là chúng nó mừng vui rồi, tui ở gần con gái để chạy qua chạy lại thăm cháu ngoại, tụi Mỹ đâu thích mẹ vợ ở chung, nhà ai nấy ở cho thoải mái, chớ thằng rể Mỹ cũng biết điều với tui lắm.

Bà Mậu ngồi suy nghĩ lan man và ngóng ra cửa chờ đợi vợ chồng Thông về. Bà nhớ hai cháu, chỉ mong có chúng nó để bà chơi đùa với chúng và âu yếm chúng.
Lòng bà rộn ràng chờ đợi, bà chẳng dại gì tự ái để mất con mất cháu, máu mủ ruột thịt của mình mà. Bà đánh đổi tất cả sự lạnh nhạt của vợ chồng Thông để được đến gần họ.

Nguyễn Thị Thanh Dương


Thứ Tư, 14 tháng 4, 2021

Sông Tiền - Vĩnh Long


Bờ sông Tiền đang lở mạnh các cây cạnh bờ nghiêng mình soi bóng




Trên sông Long Hồ buổi buổi sáng chang vạng tối 

Bên bờ sông tiền buổi sáng


ghe cào buổi sáng chuẫn bị chuyến rời bến

Dòng kênh nhỏ bên cù lao An Bình ngang sông Tiền vĩnh long ngó sang

Hình Ảnh: Trương Văn Phú