Thứ Bảy, 13 tháng 11, 2021

Trong Đôi Mắt Anh -Thơ Mộc Lan Nhạc Nguyên Bích - Hòa Âm Quang Ngọc - Ca Sĩ Duyên Quỳnh.


Thơ :Mộc Lan    
Nhạc: Nguyên Bích
Hòa Âm: Quang Ngọc
Ca Sĩ: Duyên Quỳnh.

Bên Bờ Sông Cũ


Ngã ba sông mấy ai về đó nữa
Phía bên này năm tháng lở bờ trôi
Con đò nhỏ nối liền hai bến đợi
Tiếng ru buồn còn đó giọng à ơi...


Em có lẽ không còn hong tóc xõa
Ngày bên sông chờ nắng phủ vai mền
Đôi mắt ngó bên kia bờ nước đậu
Đã thấy gì trong tiếng gọi chiều lên?


Mây vẫn trắng bay ngang bờ sông cũ
Bến đò ngang còn đó rặng trâm bầu
Có người về xuôi theo mùa nước lũ
Soi bóng mình tưởng thấy lại đời nhau!


Dòng sông cũ chảy buồn trong trí nhớ
Qua bao nhiêu năm tháng của đời người
Chợt có lúc ngỡ ai còn đứng đợi
Giữa đôi bờ thương nhớ cuộc tình tôi...


Durham, North Carolina
Người Chợ Vãng

Từ Em…


Từ em rời bỏ chốn nầy

Rồi theo gió cuộn bóng mây lưng trời

Cỏ cây hoa lá rụng rơi

Tim anh thổn thức bồi hồi nhớ ai.

 

Tình ta như sợi chỉ dài

Đứt đi nhiều đoạn mấy ai nối liền

Trăm năm một mối lương duyên

Em đi – để lại ưu phiền cho ta.

 

Hôm qua mưa trên mái nhà

Tiếng kêu như thể em xa gọi về

Màn đêm nhầy nhụa cơn mê

Ngồi nghe mưa nhẹ… bốn bề hắt hiu.

 

Ở đây sáng cũng như chiều

Thương thay thân phận nâng niu ngõ hồn.

Từ em rời bỏ đi luôn

Anh về góp nhặt nỗi buồn hoàng hôn.

 

Dương hồng Thủy

 10/10/2021


Nhớ Diễn Đàn Văn Bút Miền Đông



Lâu rồi không ghé Diễn Đàn chơi
Văn Bút Miền Đông nhớ quá trời
Nhớ cô chủ tịch yêu Hồng Thủy
Nhớ văn thi sĩ mến thương ơi

Nghe có nhiều hội viên mới hơn
Hân hoan chào đón anh chị em
Vườn hoa Văn Bút thêm tác phẩm
Xin gởi lời hai tiếng cảm ơn

Nghe có nhiều truyện văn rất hay
Lắm thơ xuất sắc ngưỡng mộ thay
Phổ thơ thành nhạc bao ca khúc
Văn Bút Miền Đông nhất là đây

Nghe kỳ Đại Hội thứ mười hai
Việt Nam Hải Ngoại quá tuyệt vời
Bao nhiêu văn hữu từ xa đến
Chuyện trò, văn nghệ, chúc mừng, vui

Hội Sách tưng bừng cũng diễn ra
Eden thương xá tháng Mười qua
Trân trọng ghi hình từ ống kính
Cuả nhiếp ảnh gia thật tài ba

Tuyển Tập Miền Đông Bắc khá dày
Công lao các vị mãi nhớ ghi
Ngày nhận, trao tay từ chủ tịch
Trong lòng như nghẹn mắt cay cay

Thuyền Văn Nhân Lục sắp ra khơi
E-mail nhiều đợt báo tin rồi
Chủ tịch Miền Đông cùng tiếp sức
Lướt sóng thành công chắc chắn thôi

Lời nói chân thành xin chúc nhau
Bình an, hạnh phúc, khỏe dài lâu
Tinh thần sáng tác luôn phong phú
Hẹn ngày đại hội những lần sau

Dương Việt-Chỉnh 
 11/8/2021
  

Lưu Vũ Tích Và Huyền Đô Quán

 

Dưới thời Đường Thuận Tông, Lưu Vũ Tích cùng với Liễu Tông Nguyên giúp Vương Thúc Văn chấp chính, có đề ra một số biện pháp đổi mới. Chính sách canh tân bị nhiều người chống đôi. Không lâu sau, Thuận Tông mất, Đường Hiếu Tông lên ngôi, các quan lại trong triều và thái giám gièm pha, nên truyền chiếu, giáng chức Vương Thúc Văn và 8 vị quan, trong đó có ông và Liễu Tông Nguyên. Tất cả bị đưa đi làm Tư Mã nơi xa. Riêng ông bị đưa đi làm Tư mã Lãng Châu (nay là Thường Đức, tỉnh Hồ Nam), bấy giờ ông 33 tuổi. Lần chuyển này kéo dài 10 năm, do Ông và Liễu Tông Nguyên là người có tài, nên cùng được triệu về Kinh làm quan tại triều. Trở lại Trường An, thấy đào nơi Huyền Đô quán vẫn khoe sắc rực rỡ, Ông liền viết bài thơ với ngụ ý mỉa mai:

玄都觀桃花          Huyền Đô Quán Đào Hoa

紫陌紅塵拂面來   Tử mạch hồng trần phất diện lai
無人不道看花迴    Vô nhân bất đạo khán hoa hồi
玄都觀裡桃千樹    Huyền Đô quán lý đào thiên thụ
盡是劉郎去後栽。Tận thị Lưu lang khứ hậu tài.

劉禹錫                    Lưu Vũ Tích  
***
Dịch nghĩa : Hoa Đào ở quán đạo Huyền Đô

Con đường tím bụi hồng như quét trên mặt
Mọi người đều nói vừa đi ngắm hoa đào mới về
Đường đi nơi quán đạo Huyền Đô có hàng ngàn cội Đào
Tất cả đều được trồng sau khi chàng Lưu đã ra đi.

Dịch Thơ:

1/
Đường tím mặt đang phủ bụi hồng
Người người đều mới thưởng hoa xong
Đường Huyền Đô quán đào nghìn gốc
Tự thuở chàng Lưu vắng mới trồng.

2/
Lời gièm che lấp nẻo công danh
Xu nịnh a dua khéo giựt giành
Mới được thăng quan từ cái thuở
Lưu ta bị biếm khỏi kinh thành.

Quên Đi

Vốn là nhà thơ rất nổi tiếng đương thời, nên bài Thơ Huyền Đô Quáng Đào Hoa được mọi người truyền cho nhau thưởng thức. Một số quan trong triều cho bài thơ tuy nói về hoa đào, ngụ ý mỉa mai họ:
- Câu 1: Đường công danh bị bụi trần che lấp
- Câu 2: Những người xem hoa đều là kẻ xu nịnh, theo đóm ăn tàn.
- Câu 3: Những gốc đào tượng trưng cho những quan lại nhờ vào thời thế mà được trọng dụng.
- Câu 4: Khi chàng Lưu (Lưu Vũ Tích) đi rồi, các người này mới được thăng quan tiến chức.

Vì thế họ cùng tấu lên vua, và lần nữa Ông bị biếm đi làm Thứ Sử Liễu Châu nay là huyện Liên, Quảng Đông.
Sau 14 năm bị đổi nhiều nơi, khi Bùi Độ lên làm Tể tướng, Ông được trở lại Trường An. Lúc này trời vào độ cuối Xuân, Ông nhớ tới những cây đào nơi Huyền Đô Quán, đến nơi mới biết vị Đạo sĩ trồng đào đã mất, những cây đào không người chăm sóc, cây thì khô héo, cây thì gãy đổ. Khắp nơi mọc đầy hoa cỏ dại, không còn cảnh hoa đào rực rỡ thuở nao. Nhớ tới bọn quyền thần từng hãm hại, lòng đầy cảm xúc, ông viết bài thơ thứ hai về Huyền Đô Quán với đầy tự hào:

再遊玄都觀          Tái Du Huyền Đô Quán

百畝庭中半是苔   Bách mẫu đình trung bán thị đài
桃花淨盡菜花開   Đào hoa tịnh tận thái hoa khai
種桃道士歸何處   Chủng đào đạo sĩ quy hà xứ
前度劉郎今又來   Tiền độ Lưu lang kim hựu lai.

劉禹錫                   Lưu Vũ Tích 
***
Dịch nghĩa:

Hằng trăm mẫu đất trong sân một nửa đã phủ đầy rêu
Hoa đào đã hoàn toàn mất hết chỉ có hoa rau đang nở
Không biết đạo sĩ trồng hoa đào đã đi về nơi đâu
Chàng Lưu của thuở nào nay lại đến đây.

Dịch Thơ:

1/
Năm mươi mẫu đất phủ rêu đầy
Chẳng thấy đào đâu chỉ cỏ vây
Đạo sĩ trồng hoa đà vắng bóng
Chàng Lưu thuở trước trở về đây.

2/
Một nửa triều ca lũ nịnh quan
Điều hay lẽ thiệt sắp suy tàn
Người bày chính sự còn đâu nữa
Lưu Tích về đây tiếp dựng dàn.

Quên Đi
***
1/ Huyền Đô Quán

Tím cả đường đi bụi phủ đầy
Thưởng hoa người ngắm mới về đây
Đường Huyền Đô quán đào ngàn gốc
Trồng lúc chàng Lưu khuất chốn nầy

2/ Tái Du Huyền Đô Quán

Nửa trăm mẫu đất rêu xanh phủ
Chẳng thấy đào đâu cỏ tứ bề
Đạo sĩ trồng hoa nay vắng bóng
Chàng Lưu ngày trước lại quay về

Kim Phượng
***
1 /Huyền Đô Quán Đào Hoa

Đường tím mịt mù lớp bụi hồng
Bao người ngắm bảo thưởng hoa xong
Huyền Đô quán mọc đào nghìn gốc
Từ lúc chàng Lưu khuất đã trồng.

2/ Tái Du Huyền Đô Quán

     Nửa trăm mẫu đất rêu dầy
Hoa đào tàn rụi chỉ đầy cỏ rau
    Đạo sĩ trồng đào nay đâu
Chàng Lưu thuở trước đã lâu mới về.

Kim Oanh
***
1/ Hoa Đào Quán Huyền Đô

Đất đỏ bụi bay rát mặt người
Ai ai cũng nói viếng hoa rồi
Huyền Đô ngàn gốc đào xuân rộ
Hết thảy trồng sau Lưu viếng trời!

2/ Lại Đến Chơi Huyền Đô Quán

Nửa sân trăm mẫu biếc rêu màu
Rụng hết hoa đào, nở cỏ rau
Đạo sĩ trồng đào đâu mất nhỉ?
Chàng Lưu thuở trước lại thăm chào!

Lộc Bắc
Nov21
***
Huyền Đô Quán Đào Hoa Lưu Vũ Tích.

紫陌②紅塵③拂面來 Tử mạch hồng trần phất diện lai,
無人不道④看花回。 Vô nhân bất đạo khán hoa hồi.
玄都觀裡桃千樹,      Huyền Đô Quán lý đào thiên thọ,
盡是劉郎⑤去後栽。 Tận thị Lưu Lang khứ hậu tài.

① 玄都觀:觀,音ㄍㄨㄢˋ,道院。玄都觀在長安。
Huyền Đô Quán : là Đạo Viện ở Trường An, nơi các đạo sĩ tu tiên.
② 紫陌:京師的道路。
Tử mạch: Đường ở Kinh Thành.
③ 紅塵:路上揚起的灰塵略帶紅色,故稱紅塵。
Hồng Trần: Bụi bên đường bốc lên hơi gợn đỏ, nên gọi là Hồng trần. Ở trên Trời nhìn xuống cũng thấy toàn bụi đỏ bốc lên, nên Hồng Trần còn có nghĩa là Cõi Dưới Thế Gian nầy.
④ 道:說。
Đạo: Động Từ : Có nghĩa là Nói.
⑤ 劉郎:即劉晨。傳說他和阮肇上天台山採藥,遇一仙女,結為夫妻。此處劉禹錫用以影射遭貶官的自己。
Lưu Lang : là Chàng Lưu, tức Lưu Thần, theo truyền thuyết cùng với Nguyễn Triệu lên Thiên Thai hái thuốc, gặp Tiên nữ, kết làm vợ chồng. Ở đây Lưư Vũ Tích dùng để ví mình vì cùng họ Lưu khi bị biếm quan.

Diễn Nôm:

Gió bụi kinh thành tỉnh giấc mê,
Ai ai cũng bảo ngắm hoa về.
Huyền Đô Quán ấy đào ngàn gốc,
Trồng lúc chàng Lưu trở lại quê.

Lục bát:

    Bụi hồng mát mặt tỉnh mê,
Người người đều ngắm hoa về kháo nhau,
    Huyền Đô Quán , ngót nghìn đào,
Đều trồng từ thuở chàng Lưu quay về.

再 游 玄 都 觀① Tái Du Huyền Đô Quán

百畝庭中半是苔②, Bách mẫu đình trung bán thị đài,
桃花淨盡菜花開。③ Đào hoa tịnh tận thái hoa khai.
種桃道士歸何處④, Chủng đào đạo sĩ quy hà xứ ?
前度劉郎今又來。     Tiền độ Lưu Lang kim hựu lai.

②百畝庭中:指玄都觀百畝大的觀園。苔:青苔。
Bách Mẫu Đình Trung : Sân vườn của Huyền Đô Quán rộng lớn đến cả trăm mẫu.
ĐÀI: là Rêu xanh.
③淨盡:淨,空無所有。 盡:完。
Tịnh tận: Tịnh, là sạch sẽ không còn gì cả.
Tận: là Hết.
Tịnh Tận: là Hết sạch.
④種桃道士:暗指當初打擊王叔文、貶斥劉禹錫的權貴們。
Chủng Đào Đạo Sĩ: Ám chỉ bọn quyền quý lúc đầu đã đả kích Vương Thúc Văn và biếm Lưu Vũ Tích.

Diễn Nôm:

Nửa vườn trăm mẫu đầy rêu phủ,
Đào đã tàn phai cải mọc đầy.
Đạo sĩ trồng đào đâu vắng bóng?
Chàng Lưu ngày trước lại về đây!

Lục bát:

     Trăm mẫu nửa phủ rêu xanh,
Đào hoa tàn hết, cải dành nở hoa.
     Trồng đào đạo sĩ đâu ta ?
Chàng Lưu ngày cũ lại qua chốn nầy!

杜紹德
Đỗ Chiêu Đức

Mây Lá Mùa Thu

 

Trời đã vào Đông hay còn Thu 
Sao mưa rả rich suốt đêm ngày?
 Nhìn mưa tôi nhớ thời dĩ vãng 
Tháng năm tù đày Tiên Lãnh** xa 
Một chiều nghỉ mệt bên bờ suối 
Bạn tù ứng khẩu đọc thành thơ: 
“Cơn gió núi muộn màng thổi lại 
“Thương cành lau nghiêng ngửa buổi tàn Đông
 “Ta ngồi khóc trong rừng sâu mòn mỏi
 “Thầm trách người bạc nghĩa muốn sang sông “***
Ôi !cuộc đổi đời oan nghiệt quá  
Và long người cũng chóng đổi thay!
 Bạn tù ngày nay vẫn còn đó 
Người anh yêu biết có còn không?? 

Hoàng Long
Ngày 4 tháng 11/2014 
**trại tù Tiên Lãnh 
***thơ Hạ Quốc Huy

Chuyện Vui Vợ Chồng

  

Đàn ông và Đàn bà là cả hai thế giới khác biệt nhau. Họ khác nhau về thể chất, về tinh thần, về cách suy nghĩ, cũng như về cách hành sự trong cuộc sống. Bởi những nguyên nhân này mà thường xảy ra biết bao nhiêu là chuyện hục hặc, hiểu lầm lẫn nhau, cơm không lành canh không ngọt, khắc khẩu, ảnh hưởng không nhỏ đến hạnh phúc gia đình…

Bài gõ này được phỏng theo tác phẩm nổi tiếng đã đạt số bán kỷ lục 8 triệu cuốn: Why Men Don’t Listen & Women Can’t Read Maps (*) by Barbara and Allan Pease, Broadway Books, New York.
Ở đây tác giả không có chủ đích đánh giá hay phán xét sự tốt xấu của các hành động ở phía người đàn ông cũng như ở phía người đàn bà. Tất cả các điều nêu ra dưới đây là kết quả nghiên cứu và nhận xét của giới y khoa và của các nhà tâm lý học Tây phương.
Đúng hay sai đều do bạn đọc tự mình phê phán lấy…
(NTC)

Đàn ông và đàn bà khác nhau về nhiều mặt: về thể chất, về tinh thần, về cách suy nghĩ cũng như đôi khi về cách giải quyết một vấn đề ! Họ thường tuân theo những quy luật khác nhau… Đấy là chưa nói đến cá tánh bẩm sinh của từng cá nhân. Ngoài ra, tôn giáo, giáo dục gia đình và kinh nghiệm sống cũng chi phối phần nào cách suy nghĩ và hành động của họ.

Mỗi khi người đàn ông vào washroom, là họ có một mục đích rõ rệt và nhất định rồi.
Tại nhà hàng, đàn bà không những xem washroom là một nơi để giải quyết một nhu cầu của cơ thể mà nó còn là một nơi hẹn hò, để các bà tâm sự to nhỏ tám với nhau về đủ thứ chuyện và dĩ nhiên cũng là nơi chốn để làm duyên, để tô lại môi son, thêm chút má hồng và chải lại mái tóc…
Bạn có để ý không? Giữa buổi tiệc, các bà có lệ là thường rủ nhau đi washroom cùng một lúc. Ngược lại, các ông nếu cần đi thì chỉ tự động đi có một mình mà thôi…

Lúc xem TV, đến phần quảng cáo thương mại các ông thường bóp cái tầm xa (remote control) lia lịa để đổi đài, ngược lại các bà thì nhẫn nại hơn và vẫn tiếp tục xem phần quảng cáo một cách bình thản…

Các bà thường phàn nàn các ông sao làm biếng kéo nắp toilet xuống quá mỗi khi tè xong, còn các ông thì càu nhàu tại sao các bà sao không chịu giở nắp lên khi các bà xong việc cho người ta nhờ một tí…

Các bà thường hay tỉ mỉ từng ly từng chút, chi tiết quá trời nên thường trách các ông sao quá bừa bãi.

Đàn ông thường phải mất rất nhiều thời giờ để tìm được hai chiếc vớ cùng màu bỏ lộn xộn không thứ tự trong ngăn tủ, nhưng ngược lại các CDs của họ đều được xấp xếp rất ư là có thứ tự trên bàn.

Đàn ông phải mất cả buổi mới tìm ra xâu chìa khóa xe bị thất lạc, trong khi đàn bà tìm ra ngay chỉ trong một thời gian rất ngắn…

Đàn bà thường không thấy ánh đèn phụt lên ngay trước mặt báo hiệu xe sắp hết xăng, nhưng họ thấy ngay chiếc vớ bẩn vất bừa bãi trong góc kẹt phòng…

Các ông thường trách các bà về cách lái xe, còn các bà thì không hiểu tại sao các ông lại rất thích đậu xe kiểu song song (parallel parking) bằng cách vừa nhìn kính chiếu hậu vừa lui vô chỗ đậu hẹp bé tí.

Đàn ông có khiếu xác định vị trí trong không gian, họ đọc bản đồ rất nhanh và tìm ra hướng Bắc rất dễ dàng. Nhờ năng khiếu này mà thuở tạo thiên lập điạ, người đàn ông mới có thể đi săn thú trong rừng để nuôi sống gia đình. Đàn bà nếu có xem bản đồ họ thường xem ngược ngạo.

Lỡ có lạc đường, thì các bà thường mau mau ngừng xe lại trạm xăng để hỏi thăm, còn các ông thì ít chịu làm như vậy để khỏi quê và bị chê là mình quá yếu, quá dở.H
Các ông thường ráng chạy loanh quanh cả tiếng đồng hồ để tìm đường, miệng thì lẩm bẩm: “Hình như tui có thấy chỗ này rồi”...


Đàn bà thường có thị giác ngoại biên rộng lớn (wider peripheral vision), đàn ông thì có thị giác hẹp hơn nhưng lại thấy rất xa (narrow tunnel vision). Bởi vậy, nếu có lái xe đường xa, người ta khuyên nên để đàn bà lái xe lúc ban ngày sáng tỏ, còn đàn ông thì nên lái xe lúc về đêm tăm tối vì họ có thể nhận thấy các xe khác từ xa ở phía trước lẫn phía sau…

Đàn bà xem việc đi chợ, đi shopping hay đi window shopping là một cái thú tiêu khiển, một cách để giảm stress mặc dù không cần phải mua một món hàng nào cả.
Ngoại trừ mấy năm đầu vừa mới cưới vợ, đàn ông thường tò tò theo chân bà xã cho bả vui lòng và hãnh diện với thiên hạ, nhưng lần lần vài năm sau thì các ông rất ngại cái món này lắm, nó vừa mỏi cẳng, vừa bực mình và nó cũng vừa mất công mất thời giờ quá đi thôi.
  
Có thể nói, hầu như các ông xồn xồn ngại cái món bị bắt buộc phải đi tò tò lòng vòng theo vợ trong mấy cái thương xá lắm…
Trong các tiệm bán thời trang cũng như trong các thương xá người ta thường thấy có băng có ghế cho các ông ngồi chờ các bà.
Đàn ông nếu có muốn mua một món gì thì họ đã biết họ thích cái gì rồi, cho nên đi thẳng vào tiệm mà mua một cái rụp khỏi phải mất công lê bước hết tiệm này đến tiệm khác.

Đàn bà rất tinh ý, và có lẽ có giác quan thứ 6 gì đó. Người Đàn bà có khiếu bắt mạch, và hiểu rất dễ dàng ý nghĩa của các sự thay đổi trên nét mặt người đàn ông.
Các ông đừng có mong dối gạt các bà được đâu. Nếu có muốn nói dối thì hãy dùng telephone, viết thơ, hoặc gởi email thì có thể dễ thành công hơn là phải chạm mặt thẳng với các bà.

Đàn ông không có cái khiếu này như ở đàn bà… Đàn bà cũng rất thính tai hơn đàn ông. Nửa đêm, nếu cháu bé khóc oẹ oẹ ở phòng bên cạnh thì thường là các bà hay liền. Nước lavabo nhểu lỏn tỏn thì các bà biết liền, còn các ông thường ngủ khò mà thôi.
Não của Đàn ông chỉ program để làm mỗi lần một việc mà thôi. Họ chỉ sử dụng có một bán cầu não (thường là phía trái) để suy nghĩ. Mỗi khi ngừng xe lại để đọc bản đồ là họ cần phải vặn nhỏ cái radio xuống rồi mới có thể đọc được.

Đang xem TV mà bà xã hỏi thì có ông nào nghe đâu. Bởi vậy lúc các ông xã đang lái xe các bà xã đừng nên nói đừng nên hỏi gì hết có thể nguy hiểm đó !
Ngược lại ở đàn bà, mỗi khi suy nghĩ họ thường sử dụng cả hai bán cầu não phía trái và phía phải, và nhờ vậy các bà có thể dễ dàng làm được nhiều việc cùng một lúc.

Đàn bà có thể vừa đọc sách và vừa nghe radio hoặc vừa làm bếp nấu nướng vừa nói điện thoại.

Các bạn có để ý không, trong các siêu thị ở quày trả tiền thường các cô thu ngân viên, mắt vừa nhìn các món hàng, tay thì bấm máy lia lịa, đôi khi vừa làm vừa trả lời khách hàng hoặc vừa viết và vừa nói điện thoại kẹp nơi cổ.

Nếu được hỏi thình lình phía nào là tay phải, phía nào là tay trái, các bà thường hay lộn nếu họ không nhìn vào chiếc nhẫn đeo trên tay. Các ông thường phàn nàn các bà là miệng thì biểu người ta quẹo trái nhưng trong đầu họ thật sự muốn mình quẹo mặt.

Đàn ông thán phục đàn bà về cách bắt chuyện giữa đám đông hay trong các buổi tiệc. Mặc dù toàn là khách lạ nhưng các bà vẫn có cách trau đổi với nhau về đủ thứ chuyện, người này khen qua người kia khen lại, nói đẩy đưa quên thôi…

Các bà cho rằng các ông thường hay lạnh nhạt về tình cảm, ít thố lộ tâm sự và có vẻ kín đáo e dè trước đám đông. Các bà nghĩ rằng đàn bà có nhiều tình cảm hơn đàn ông, còn các ông thì cho rằng bọn họ cũng rất tình cảm nhưng ít bộc lộ ra ngoài.

Tuy nhiều lúc thấy người đàn ông im lặng nhưng thật sự chính lúc đó họ nói một cách âm thầm cho chính họ! đàn ông không thích ai cho mình ý kiến nầy nọ.

Sự ít nói của người đàn ông có thể được người đàn bà hiểu lầm là mình không còn được thương nữa.

Đối với chuyện múa lân trên giường, các bà thường trách các ông thiếu sự lãng mạn, sao chỉ muốn vụ đó một cách nhanh chóng, nhào vô là làm liền để các ông có thể hạ hỏa gấp rút rồi sau đó thì lăn ra ngủ khò quên cả người ta nằm bên cạnh, còn các ông đôi khi trách các bà hơi thụ động và thiếu sáng kiến…
Nói tóm lại, theo Allan Pease thì.... "men want to have sex but women want to make love".

Đàn ông thường trách đàn bà thường hay nói nhiều và cũng thường hay so sánh quá.
Nói chuyện mới đã đành đi, đàng này chuyện cũ đã nói nhiều lần rồi các bà vẫn có thể hâm nóng lại và đem ra nói nữa.

Ở người đàn bà, các dữ kiện, tín hiệu, thông tin bên ngoài được cất giữ trong não của họ một cách khá lộn xộn. Cách duy nhất để các bà đem vấn đề ra ngoài là phải nói nó ra và nhìn nhận nó.
Bởi vậy đàn bà nói nhiều hơn đàn ông là lẽ thường. Các bà cần nói ra để bớt căng thẳng tinh thần, để làm giảm stress. Các ông phải ráng nghe mà thôi và đừng bao giờ đề nghị một giải pháp nào hết cho vấn đề mà các bà tuôn ra. Các bà chỉ cần có người ngồi nghe chớ không phải các bà muốn tìm cách giải quyết vấn đề đâu.

Ở đàn bà, việc nói chuyện và tâm sự là cách duy nhất để họ làm bạn với nhau. Tuy cả ngày đã đi shopping với bà bạn, mà khi vừa về đến nhà các bà cũng còn chuyện để nói với nhau qua điện thoại cả tiếng đồng hồ nữa.

Các ông mỗi khi cần nói chuyện là họ đi thẳng vào vấn đề. Ở người đàn ông các tín hiệu thông tin bên ngoài được cất giữ riêng rẽ trong những ngăn riêng biệt trong não. Cuối ngày các ông đem nó ra ngoài rất dễ dàng để giải quyết.

Việc nói nhiều của các bà thường làm các ông bực mình không ít, nhưng đó là dấu hiệu tốt có nghĩa là các bà còn thương, còn quan tâm đến các ông, cần người chia sẻ các vui buồn khổ cực trong cuộc sống vợ chồng.

Trường hợp các bà im lặng, thì các ông phải đề phòng là có điều chẳng lành sắp xảy ra đó, còn tệ hơn nữa là các bà phớt tỉnh ăn glê, không thèm đếm xỉa đá động gì đến các ông và xem các ông như nơ pa không có, đó là dấu hiệu sắp rã hùn rồi đố tránh khỏi!

Tóm lại dù Đông hay Tây, dù xưa hay nay, Đàn bà vẫn là đàn bà còn đàn ông vẫn là đàn ông.
Muốn sống hạnh phúc thì cả hai vợ chồng cần nên noi theo những lời vàng ngọc sau đây:

Chồng giận thì vợ bớt lời.
Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê.
Râu tôm nấu với ruột bầu,
Chồng chan vợ húp, gật đầu khen ngon.

Chồng gương mẫu… lẹ lên ông già.

Kính vợ đắc thọ, Sợ vợ sống lâu, Nể vợ bớt ưu sầu, Để vợ lên đầu là trường sinh bất tử... Đánh vợ nhừ tử, là đại nghịch bất đạo. Vợ hỏi mà nói xạo, là trời đất bất dung. Chê vợ lung tung, là ngậm máu phun người. Gặp vợ mà không cười, là có mắt không tròng.

Montreal
Nguyễn Thượng Chánh, DVM

Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2021

Ngày Xưa Còn Bé

 
(Kim Oanh - Một tháng tuổi)

Ba Má kính yêu.

Thời gian đã trôi đi nhưng tình yêu của Ba má vẫn đậm nét hoài trong con.
Mỗi lần nhìn những hình ảnh thời con nhỏ xiú, lòng con vui sướng và hảnh diện vì con được sống trong một mái gia đình tràn đầy hạnh phúc.Một tuổi thơ hồn nhiên trong sáng trong vòng tay ấm áp của Ba Má.
Điều con trân quý nhất, Ba Má đã trao cho con một gia tài vô giá.
Dù trải qua bao nhiêu biến loạn của thời cuộc, nhà cửa cháy ra tro nhưng tất cả khai sinh, văn bằng và hình ảnh của con cái Ba Má luôn giữ bên mình.
Ba Má ơi! 
Con cảm ơn Ba Má đã cho con chào đời, cho con được làm con của Ba Má.Cho con học hỏi làm người tử tế. 
Hy vọng là đời sau các cháu cũng noi gương và hưởng những đức trọng mà Ba Má đã để lại cho đời con. 

Phút tuyệt vời con rời lòng mẹ
Ba vui mừng " con gái Mình ơi! "
Mẹ chọn tên con cánh Chim trời
Líu lo hát bên đời rất nhẹ...

Mẹ! Giọt sữa ngọt ngào môi trẻ
Ba! Chở che ngày tháng thơm nồng
Con tung tăng bay giữa trời hồng
Yên ả ngủ trong lồng hạnh phúc

Mẹ! Hạt gạo thơm mùi lúa mới
Ba! Hương đồng toả lối Chim di
Gót chân son hy vọng xanh rì
Đôi cánh mỏng xuân thì vụt lớn.

Ba Má và con Oanh được Sáu tháng tuổi
Một tuổi
Hai tuổi
Bé Chín Oanh-3tuổi
Chị Sáu Kim Phượng ẵm, em Mười Kim Diệp 
Bốn tuổi
Chị Năm Kim Nhi và bé Oanh - 5tuổi
Hai chị em Chín Oanh (6tuổi) - Mười Diệp (4tuổi)

Kim Oanh
Giồng Ké 1957- 1962



Phía Mặt Trời


Màu nắng chiều nay thật dễ thương
Từ thinh không ngỡ khúc nghê thường
Là anh có phải anh là nắng
Trải khắp hồn hoa cả vấn vương

Màu nắng chiều nay đến lạ thường
Nương theo cánh gió nhẹ như sương
Là anh có phải anh là nắng
Xao xuyến hoa lòng dậy ngát hương

Kim Phượng

Mùa Thu Và Tình Sầu


Trời đã vào thu lá đổi màu
Như cuộc tình cũ thoáng phai mau
Lá như kỷ niệm nào rơi rụng
Ký ức không ngờ: vẫn khắc sâu
Thu về. Gió lạnh buốt canh thâu
Gợi nhớ tình xưa một thuở nào
Năm tháng yêu người tươi đẹp quá
Sao đành chia cách, phủ phàng nhau!
Có lẻ thời gian làm đổi thay
Hèn chi lá úa, tình nhạt phai
Thu ơi! Tuyệt vọng hay thương nhớ?
Mà sao bàng bạc nỗi u hoài!
Cây không giữ được lá trên cành
Có phải như là em với anh?
Yêu nhau là thế mà buông bỏ
Để một đời nuối tiếc xuân sau
Lá rơi tan tác biết bao sầu
Yêu nhau sao nỡ đành xa cách
Thu gợi trong lòng kỷ niệm đau

10/18/2019 
Hoàng Phượng 

Cám Ơn Anh - Thơ: Hồng Thủy - Nhạc: Nguyễn Ánh 9 Tiếng Hát: Hồng Tước


 Thơ: Hồng Thủy 
 Nhạc: Nguyễn Ánh 9 
Tiếng Hát: Hồng Tước

Một Chiều


Một Chiều

Một chiều về thăm chốn cũ
Gió vàng se sắt vào đông
Bơ vơ giữa lòng phố cổ
Thời gian như có như không

Bàn tay luống cuống nắm vội
Hơi ấm trao nhau tình đầu
Còn đó tháng năm yêu dấu
Để rồi bao nỗi bể dâu

Cuối đời đi tìm quá khứ
Ngày xanh tuổi dại không còn
Lạc lõng giữa trời thiên cổ
Bạc đầu một tấm lòng son

Phạm Khắc Trí
Mây Tần - PKT
***
Thơ Cảm Tác:

Trở Về

Bồi hồi đi trên lối cũ
Một ngày trời chớm sang đông
Hơi lạnh lan theo làn gió
Sương mờ giăng mắc tầng không

Gần nhà, chân dường bước vội
Miên man ý nghĩ trong đầu
Cây đa đầu làng đã cỗi
Xóm thôn thay thế vườn dâu

Kỷ niệm xôn xao hồi khứ
Một đời phiêu bạt vẫn còn...
Hình ảnh mẹ hiền thuở đó
Răng đen, môi thắm trầu son

Phương Hà
26/09/2021
***
Quê Tôi

Tìm em đi về lối cũ
Buổi chiều mưa gió sang đông
Nhà mái tranh phên tre cót
Sương mai trời lạnh mây không

Về quê mau chân chạy vội
Thôn trang tóc muối tiêu đầu
Cây bàng khi xưa lão cội
Thổ cư nay đã trồng dâu

Bạn học cao niên lưu dấu
Tấm thân xiêu lạc sống còn
Tầm mắt thiết tha lữ thứ
Bà ba khăn vắt còn son

Mai Xuân Thanh
Sept. 26, 2021

Đêm Thu Đối Bóng Riêng Mình


Thu thả lá cho mùa vàng phố thị
Nơi tha phương chiều nắng nhạt màu mây
Lá xa cành theo gió thẫn thờ bay
Gợi lòng nhớ phố xưa chiều xuôi ngược.
 
Sơn khê đã vạn dặm trường sông nước
Nửa vòng quay, đôi bờ nhớ mịt mù
Tháng năm dài, nhật nguyệt tựa thiên thu
Nên vạt tóc sớm nhuộm màu sương gió.
 
Dáng Thu lướt trong bóng đêm mờ, tỏ
Phố phường như đang dỗ giấc xanh xao
Đêm tần ngần cho hồn lạnh chiêm bao
Gom quá khứ lờ mờ tìm nhân ảnh.

Trăng viễn xứ đượm nét buồn hoang lạnh
Ảnh hình xưa chìm khuất cõi mịt mùng
Đã sang mùa, ước mộng cũng mông lung
Đời tán, tụ. Người lất lây, trầm, bổng!
 
Gửi về đâu những nỗi niềm hoài vọng?
Giữa đêm thu ngồi đối bóng riêng mình
Nhìn trăng mờ đang nghiêng ánh huyền linh
Thấy Đà Lạt, Em, Tôi và... kỷ niệm!

Huy Văn


Kỷ Niệm Đêm Màu Kỷ Niệm

 

Tháng 10, 1971, sau khi nhập học tại Viện Đại Học Đà Lạt, phần lớn các sinh viên từ các thành phố khác đổ về bắt đầu ổn định cuộc sống mới. Quen dần nơi ăn chốn ở. Sinh hoạt thường xuyên hằng ngày. Tên các Giáo Sư giảng dạy. Thời khóa biểu của từng lớp học. Thư viện nằm ở đâu. Nơi lãnh những xấp bài Roneo cho những môn học tới…Từng ngày chen chân nhau sánh bước trên những con dốc dẫn đến các giảng đường với những cái tên đặc biệt ý nghĩa, rất là văn hóa - Thụ Nhân, Hòa Lạc, Hội Hữu, Đôn Hóa, Thượng Hiền…

Spellman, giảng đường chính lớn nhất của phân khoa CTKD, đã không đủ chổ chứa cho gần cả ngàn SV ghi danh năm đầu tiên, nên có rất nhiều người phải đứng trong và ngoài với tất cả nao nức của tuổi trẻ. Vui như hội! Hai cư xá cho nữ SV nằm ngay trong khuôn viên Đại Học, mang tên “Kiêm Ái” và “Bình Minh”. Từ Kiêm Ái mỗi sáng thức giậy sớm lúc 5 giờ, khăn áo, trùm quấn, chỉ leo lên một con dốc nhỏ và ngắn, vừa đi vừa run, là có thể xem lể tại nhà thờ Năng Tĩnh. Với các nam SV có cư xá “Trương Vĩnh Ký” và “Rạng Đông”, nằm bên ngoài viện ĐH, trên con đường gần đó.

Tháng 10, 1971, mùa Thu đến. Ngoại trừ hoa Mimosa đã không còn trên cành, rải rác đó đây vài cây phong đang thay màu lá, rơi rụng trên nền cỏ hay bên vệ đường. Còn lại tất cả là một màu xanh bạt ngàn của rừng thông, với tiếng gió thổi, thông reo. Một khoảng trời vương vấn sương mù mà những giọt sương long lanh chỉ tìm thấy sau khi mặt trời đã lên. Trong sự mê hoặc tĩnh không của thiên nhiên ấy và cái mát lạnh tuyệt vời của khí hậu miền Trung Nguyên, bạn bè bắt đầu làm quen với nhau, chia phe, lập nhóm. Những con người của bốn phương, vừa rời bỏ mái ấm gia đình, kết nối với nhau để cùng nhau học hỏi, chia xẻ một thế giới mới lạ, rộng rải hơn, tự do hơn, phóng khoáng hơn, để từ đấy nẩy sinh bao mối thân tình. Tình một chiều. Tình hai chiều. Tình câm. Tình tươi đẹp. Tình nhộn nhịp. Và Tình trọn vẹn khi một nhóm 10 người chỉ còn 2 người, như Chánh & Ánh, như Châu & Khiết…


Tuổi trẻ sống với tâm tư và âm nhạc. Lúc nào bên tai cũng văng vẳng những bài hát nổi tiếng của một thời. Những ca khúc hay nổi tiếng thế giới – Put Your Head on My Shoulder, Smoke Gets in Your Eyes, Green Fields, Let It Be, Hey Jude, Sounds of Silence, Hello Goodbye, Come Together, It ‘s Now or Never, Imagine, Yesterday, Aline, Et Pourtant, Can’t Stop Loving You…Cùng với những tình khúc của Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Hoàng Trọng, Cung Tiến, Anh Bằng, Hoàng Thi Thơ, Khánh Băng, Văn Phụng,Từ Công Phụng, Lê Uyên Phương, Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Nguyễn Văn Đông, Tuấn Khanh…Đố bạn nào mà không biết ?!

Lớn lên trong chiến tranh, đời người SV cũng bị chi phối bởi những biến cố của đất nước. Qua các đợt đôn quân, số nam SV lần lần rơi rụng. Giảng đường vắng dần sau mỗi mùa hè. Con số đầu người trong lớp xuống thấp từ từ để rồi chỉ còn khoảng 200 sinh viên tốt nghiệp hè 1975. Khóa 8 CTKD là khóa chịu nhiều thiệt thòi theo thời cuộc.

Chúng ta đều có biết qua những từ ngữ về màu như: màu thời gian, màu thương nhớ, màu tang tóc, màu quê hương, màu phôi pha, màu học trò, màu luyến thương, màu nắng hay là màu mắt em… Nhưng khi thoáng nghe đến chử Màu Kỷ Niệm, có phải mỗi chúng ta đều liên tưởng đến chiếc cầu vồng với nhiều màu sắc rực rở thỉnh thoảng xuất hiện trên bầu trời sau cơn mưa giông. Và có lẻ trong tâm tư mỗi chúng ta đều không thể quên một màu sắc đặc biệt nào đó trong quá khứ đã từng đi vào kỷ niệm thân thương nhất trong cuộc đời mình. Như vào một chiều rực nắng của hè 1967, tôi nhìn thấy một cô bé dáng người nho nhỏ trong một chiếc áo đầm màu vàng hoàng gia đi dạo ở công viên bên bờ sông Hương với mẹ và các em. Tôi theo mãi màu vàng ấy. Để từ đấy màu vàng luôn là màu kỷ niệm của tôi trong suốt thời gian tôi yêu Nàng, xa Nàng, bên Nàng và mãi mãi về sau này….


Này nhé: áo Xanh Lá Mạ của tình quê hương, áo Vàng Hừng Đông của tuổi mới vươn lên trong bình minh, áo Hồng Cánh Sen của thanh thoát nội tâm, áo Xanh Hoàng Cung đầy vẻ mỹ miều quý phái, áo Xanh Biển Khơi của thú vui hải hồ, áo Tím Hoa Cà của bình dị đơn sơ, áo Nâu Cổ Đồng của thầm lặng xa vắng, áo Tím Hoa Sim của hoang dại chia ly, áo Tím Hoàng Hôn của tha thiết nhớ mong, áo Xanh Ngọc Thạch của kiêu sa sang trọng, áo Tím Chiều Hoang của biền biệt chờ mong, áo Nâu Hồ Đào của mộc mạc chân thật, áo Xanh Lá Cây Sân Trường của ngây ngô trong trắng, áo Tím Sim Rừng của vấn vương thầm kín, áo Xám Khói Lam Chiều của thanh bình êm ả. Màu áo của ai thì xin các bạn tự nhớ và giữ lấy để còn mang theo về…nhà chồng.

Thật đúng với ý nghĩa Màu Kỷ Niêm khi mọi người sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng 15 bạn mình trong những chiếc áo dài duyên dáng Việt Nam mang nhiều màu sắc thanh nhã khác nhau. Một hàng áo dài trong sáng sắp hàng tươi cười chào đón khách quý và bạn hữu trước khi trân trọng trình bày bản hợp ca mở đầu chương trình. Chính màu sắc những chiếc áo dài trong đêm Màu Kỷ Niệm, biểu hiện cho bao hình ảnh vui buồn của thời sinh viên, nay góp chung lại một lúc, một nơi, sẽ làm sống lại thời gian bốn năm chung lối, chung lớp, chung trường..

Ngày 7 tháng 10, 2016. Mùa Thu ở Miền Nam Cali khác hẳn mùa Thu của 45 năm trước. Nắng nơi đây ấm hơn, trời nơi đây trong xanh không mây, lá nơi đây vẫn chưa đủ vàng để rơi rụng, gió nơi đây vừa đủ nhẹ để làm tung bay những tà áo của các nàng cựu sinh viên diễm kiều quấn quýt trong bước đi giữa những lời khen từ các bạn. 45 năm vụt qua như một giấc mơ. Theo năm tháng, mỗi chúng ta đều từng trải nghiệm bao thay đổi, thử thách, thăng trầm của cuộc sống. Nhưng giờ đây, ở lứa tuổi ngoài 60, bước vào mùa thu của cuộc đời, là lúc chúng ta thấu hiểu giá trị của tình bằng hữu. Cuộc sống ở cuối đường có lửa hồng tỏa sáng, tìm đến nhau, xích lại gần nhau, hội nhập vào nhau một cách tự nhiên để cho nhau niềm vui trong sự đằm thắm đầy thân ái. Thật là cảm động, thật là ấm lòng, có gì vui sướng, hạnh phúc hơn khi BTC được hân hạnh đón tiếp gần 80 bạn A và B của khóa 8 CTKD/ Đà Lạt. Những gương mặt hân hoan rạng rở, những ánh mắt trìu mến thân mật cảm thông, bên những tiếng cười đùa ríu rít, những ôm choàng bắt tay xiết chặt tô thêm màu sắc cho đời sống.


“Kỷ niệm là những viên ngọc mà thời gian làm tăng giá trị, càng lớn tuổi kỷ niệm càng trở thành báu vật, có phép thuật đưa ta về ngược dòng đời, cho chúng ta những cảm giác, những hình ảnh không bao giờ có thể có lại được. Kỷ niệm như loại rượu quý, càng cất lâu càng ngon, uống vào đê mê, có khi say, có khi bật tiếng cười, có khi chảy nước mắt…Nhớ ngày nào vào đại học ngồi chung lớp, bạn bè vui nhưng có lúc yêu thầm, tương tư người qua màu áo thương yêu… Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc, áo nàng xanh anh mến lá sân trường…

Có lẽ đây là thời gian đẹp nhất của các bạn, khoảng đời làm sinh viên vừa lớn đủ để thoát khỏi cha mẹ kiểm soát, vừa nhỏ đủ để không đi làm, chưa lớn đủ để biết đời có trăm vạn nẻo nhiễu nhương, chưa làm ra tiền nhưng biết xài tiền, có khuynh hướng nhìn đời bằng màu hồng và nghĩ mình có thể thực hiện mọi giấc mơ.

Có bạn may mắn hơn học bài rồi hẹn hò rủ đi chơi, dù chỉ quanh quẩn đây đó trong khuôn viên đại học. Thưa quý vị và các bạn, đêm nay là đêm vô cùng đặc biệt cho thân tình của anh chị em khóa 8. Màu Kỷ Niệm sẽ đổi thay theo thời gian. Cho dù mai nay ra sao, kẻ xa người gần, đêm nay sẽ đuợc ghi vào trí nhớ của mỗi người chúng ta…để thỉnh thoảng bật lên nụ cười hay ngậm ngùi muốn khóc. Dù một mai có xa nhau, màu tóc bạc dần theo thời gian, mắt mờ dần không nhìn thấy người bạn năm nao, chân yếu mệt không đến được với nhau, thì hảy xin giữ cho nhau thương yêu một màu kỷ niệm…”

The Mind replays what the Heart can’t delete

Vĩnh Chánh

Thứ Năm, 11 tháng 11, 2021

Rủ Nhau Bắt Bướm - Thơ Nguyễn Văn Cường - Nhạc Nguyên Bích - Ca sĩ Ngọc Quy


Thơ: Nguyễn Văn Cường 
Nhạc: Nguyên Bích 
Ca sĩ: Ngọc Quy

Chiều (Xuân Diệu)- Evening

 

Chiều 

(Tặng Nguyễn Khắc Hiếu)

Hôm nay, trời nhẹ lên cao,
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn...
Lá hồng rơi lặng ngõ thuôn,
Sương trinh rơi kín từ nguồn yêu thương.
Phất phơ hồn của bông hường,
Trong hơi phiêu bạt còn vương máu hồng.
Nghe chừng gió nhớ qua sông,
E bên lau lách thuyền không vắng bờ.
- Không gian như có dây tơ,
Bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu.
Êm êm chiều ngẩn ngơ chiều,
Lòng không sao cả, hiu hiu khẽ buồn...

Xuân Diệu 
(Thơ Thơ, 1938) 
***
Bài Dịch:

Evening

(To Nguyễn Khắc Hiếu)

Today the weightless clouds ascend aloft.
 Joyless I am, yet know not why.
The roses' leaves fall quiet on rustic paths
While virgin dew covers the founts of love.
Floating about, the soul of rose wanders,
Spreading under its breath sweet love's beauty.
It seems the wind hungers to cross the stream,
Yet fears the reeds reveal the empty boat.
It seems the air is in a tangled web
That each step tears and each move rips.
Serene the eve lingers in dusky haze.
Though safe my heart wallows in mild soft gloom.

Xuân Diệu (Poetry Poetry, 1938)
Translated by Thomas D. Le
16 February 2008 

Chập Chờn


Tủi hờn bỏ lại sau lưng
Đường tình quanh quất đâu cần trốn ta
Vườn xưa bưởi có còn hoa
Để em ướp tóc mặn mà duyên quê

Áo mây vàng nhuộm bờ đê
Cỏ may quấn quít lối về thực hư
Bao con đường tắt giăng mưa
Lội đồng bắt ốc mò cua ngại gì

Xin đừng giông bão làm chi
Để bàn tay nhỏ không ghi vết hằn
Mây buồn xin chớ che trăng
Để còn được thấy hàm răng ngọc ngà

Chỗ nào cỏ chỗ nào hoa
Chập chờn đom đóm gần xa hẹn hò
Không có sông đâu cần đò
Mà sao lận đận quanh co cả đời

Mai kia hai đứa đi rồi
Còn ai phơi áo trên đồi cỏ non
Tóc tiên gót đỏ môi son
Chỉ còn hạt bụi mỏi mòn lãng quên…


MD.03/16/04
LuânTâm
(Trích trong TuyểnTập Thơ Quốc Gia Hành Chánh,
Cơ Sở Hoài Bão Quê Hương xuất bản ,CA,USA.2005, tr.150)

Đôi Dòng Tâm Sự


Đôi khi có những điều chất chứa trong lòng rất muốn nói ra, nhưng lại ngại. Lý trí khuyên không nên, nếu nói ra coi như mình phơi bày cái tôi. Còn tình cảm thì khuyến khích, những gì sâu lắng nơi lòng hãy mạnh dạn giải bày những gì mình muốn, những gì mình yêu, những gì mình thích. Cuối cùng tình cảm đã thắng, và tôi không còn đắn đo khi viết lên "Dòng Tâm Sự" này.
Từ lúc nhỏ, tôi đã thích đọc sách. Không, phải nói mê mới đúng hơn. Tôi có thể nằm trên võng cả ngày để đọc sách, thường khi vừa bưng tô cơm vừa ăn vừa đọc sách. Lịch mỗi ngày, ngoài học và chơi. Sách, báo đã chiếm rất nhiều thời gian, sách tôi đọc rất đa dạng: kiếm hiệp Ta lẫn Tàu, truyện Tàu, khoa học, tôn giáo (triết lý Đông phương)..., Văn, Thơ, Truyện Thơ...cứ thấy sách, thấy báo là đọc, ngoại trừ tiểu thuyết tình cảm ướt át.

Năm học Đệ Ngũ, tôi tập tành viết lách, trong khi nhiều người viết nhật ký, tôi thì không. Với quyển sổ bìa cứng khổ 20 x30, giấy trắng kẻ carré, tôi ghi chép lại, tất cả những điều mình cảm thấy hay và thích từ sách, báo, viết những cảm nhận; những suy luận non nớt của bản thân hay những bài thơ con cóc...
Nhiều lúc tự hỏi:
- Viết để làm gì?
- Viết để thoả mãn sở thích. Viết để khi buồn lấy ra xem. Đôi lúc tôi nhìn ra hình ảnh của tôi trong những câu, chữ, lời thơ...Cũng như bản chất hơi ương bướng qua những bài viết nghị luận, phản biện.
Thế nhưng, sau khi rời ghế nhà trường vài năm, vì sinh kế, phải quần quật lo chuyện áo cơm cho gia đình, tôi đã không thể có điều kiện để tiếp tục những sở thích của mình.
Thời gian gần đây, từ khi có Internet, những trang web xuất hiện, tôi cảm thấy cuộc đời thêm thú vị. Một người bạn ngày xưa khuyên tôi nên viết lại. Sau đó có em hướng dẫn tôi làm một Blog riêng tư. Thật sung sướng, thế là tôi bắt đầu sưu tầm lại những sách ngày xưa mình từng đọc và thích, đưa vào trang blog, để những khi nhàn rỗi, mở ra đọc lại. Song song đó, tôi cũng tiếp tục viết những gì mình ưa thích; thơ, văn, phiếm luận...Mặc dù chỉ một mình vừa viết, vừa tìm hiểu, vừa ôn,vừa đăng bài, tôi tự hài lòng với trang blog của mình, vì không lệ thuộc vào một ai.
Tôi như trở về thời đi hoc; nhưng không phải với quyển sổ lớn giấy ca-rô bìa cứng, với cây viết bơm mực hiệu Alpha, Pilot, mà với một computer, một màn hình, một bàn phím và một con chuột (mouse). Thật là thoải mái, tự do.

Ngoài hài lòng với những gì mình đang có, tôi được làm quen với nhiều Bạn qua văn thơ, Thầy có, Bạn có, Lớn có, nhỏ có, từ khắp nơi. Tuy chưa hề biết mặt, nhưng tình cảm thật khắng khít và sâu đậm, trong lòng tôi cứ ngỡ chừng đã quen từ rất lâu.
Trong một lần bịnh, hai người bạn chưa hề biết mặt, tuy gần tuổi Cổ lai hy, đã dùng xe gắn máy, vượt đường xa đến thăm tôi. Ôi sao mà nghĩa tình lai láng. Một cảm xúc khiến tôi gần như nghẹn. Những người Bạn Quý mến của tôi ơi, những người bạn trên Internet, những người Bạn nơi diễn đàn thơ, những người Bạn tôi chưa hề biết mặt, đã mang đến cho tôi những thứ mà tiền cũng không thể mua được.Từ những xúc động này, tôi đã viết:

Thầy bạn thăm tôi mừng trong bỡ ngỡ
Vì mình đây chưa gặp gỡ lần nào
Sao lòng nghe cảm giác nao nao
Chừng như đã vốn là cố cựu
Internet giao tình thi hữu
Nơi vườn thơ kết nghĩa văn chương
Chúng ta tuy mỗi kẻ ở một phương
Chưa biết mặt sao chẳng hề xa lạ
Lại quan tâm như thâm tình giục giã
Giờ cám ơn và mơ tương ngộ có ngày
Lòng xin ghi khắc nghĩa này

Hai Bạn Thơ lần đầu tiên gặp mặt, từ Cao Lãnh sang thăm khi tôi bệnh.
Từ trái sang phải: Đức, Đắc Thắng, Cao Linh Tử

Những khi cùng tâm sự với bạn bè trên mạng, thỉnh thoảng tôi nhận được những thắc mắc, đại khái là sao không thấy tôi gởi các bài viết cho những trang web quen nào cả.
Trong những lần như thế, tôi thường trả lời:
"Mình chưa dám đưa cái thô thiển của mình đến với mọi người. Có những điều mình viết chưa hẳn đúng, nếu gởi đăng tùm lum, sợ trở thành cái tai hại cho người đọc, sẽ biến sai thành đúng, tạo nên sự lẫn lộn giữa vàng thau, chẳng hoá ra hại người hay sao."
Có phải mình quá lo xa chăng? Thật ra tôi cũng biết, ngoại trừ những quy tắc đã được xác nhận, mọi vấn đề khác đều có hai mặt đúng và sai. Không thể lý luận một chiều. Phải có những lập luận, những ý kiến đối chọi, trái ngược, sẽ mang đến cho người nhận xét, phân tích, từ đó đưa ra kết luận riêng. Được như thế có gì không tốt.

Còn về thơ thì có thể nói thuộc loại ba rọi, nửa nạc nửa mỡ, bản thân mình chưa đủ tự tin. Đôi lúc, tôi nghĩ, trong văn học nghệ thuật, ranh giới giữa hay và dở dường như không hề rõ rệt. Một bản nhạc được ca ngợi, khen đến mấy, vẫn có người chê dở. Một bát hát dù bị chê dở cũng có nhiều người khen hay. Trong văn thơ nào có khác.
Nhớ lại thời gian qua, tôi có hỏi một vài người, già có trẻ có: Bài thơ nào hay nhất? Những câu trả lời không ai giống ai. Nhưng khi hỏi bài thơ nào dở nhất thì có cùng một đáp án: bài thơ Con Cóc .

Con cóc trong hang
Con cóc nhảy ra

Con cóc nhảy ra
Con cóc ngồi đó

Con cóc ngồi đó
Con cóc nhảy đi

Quả là một điều thú vị. Bài thơ nổi tiếng nhất, được nhiều người biết nhất, lại là một bài thơ mà đa số đều cho rằng quá tệ, đến mức được xem như một thành ngữ: "Thơ Con Cóc".
Như thế tại sao không giới thiệu những gì mình đã viết gởi đến cho mọi người xem. Nếu tất cả đều hay thì sẽ trở nên bình thường. Phải có cái dở để làm nổi bật cái hay. Biết đâu cái dở của mình sẽ được những cái hay làm cho sáng chói, như bài thơ Con Cóc nêu trên! Được như thế còn gì sung sướng cho bằng!.

Và giờ đây, mượn trang Blog này, qua "Dòng Tâm Sự", tôi cũng  muốn chia sẻ với Bạn bè, thân hữu, nhất là với gia đình và con cháu, những bài viết mang trọn cả tâm tư, tình cảm, mà trong đó ẩn chứa hình bóng con người tôi theo thời gian. Điều quan trọng hơn, trong blog có lưu trữ một số sách sưu tầm được, đấy là một trong số những quyển sách mà ngày xưa tôi thường gối đầu.

Đây chính là niềm hạnh phúc đối với tôi trong hiện tại.

Huỳnh Hữu Đức