Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2024

Cho Em Quên Tuổi Ngọc - Sáng Tác: Lam Phương - Trình Bày: Kim Oanh (Canada)


Sáng Tác: Lam Phương
Trình Bày: Kim Oanh (Canada)

Thành San Thu Biếc

 

Hôm nay thương nhớ đến miên man
Điếu thuốc ai châm lửa đã tàn
Người đốt tình xa xua khói tụ
Ta về buồn vợi ngó mây tan
Thềm xưa thấp thoáng làn sương tỏa
Biển cũ bâng khuâng lớp sóng tràn
Sơn quán buồn hiu bên lá rụng
Đầy trời thu biếc ở thành San

Cao Mỵ Nhân
17-8-2015

Vết Chàm Tháng Tư - Lòng Son



Vết Chàm Tháng Tư

Tròn trăng mười sáu mi ngoan
Trùng dương dậy sóng mộng tàn ước mơ
Vết chàm hằn dấu nhuốc nhơ
Tháng Tư vùi lấp ngây thơ tuổi đời

Kim Phượng
***
Bài Họa:

Lòng Son

Tựa vào lòng Mẹ, bé ngoan
Sóng kia xô vỗ có tàn giấc mơ
Giữ hồn luôn sạch không nhơ
Như trang giấy trắng tuổi thơ vào đời.

Thái Huy
 4/04/24


Nếu Đời Là Một Bài Thơ



Nếu cuộc đời là một bài thơ
Những điều có thật những ước mơ
Bao nhiêu cảm xúc bao vần điệu
Em sẽ viết về hai chúng ta.

Trời đất cũng có một trái tim
Lặng nghe em kể chuyện yêu đương
Em vì mưa nắng mà thổn thức
Em sẽ viết câu thơ đầu tiên.

Em làm tiếp câu thơ thứ hai
Nhớ nhớ thương thương gởi đến ai
Em thấy lòng mình mênh mông quá
Chắc tại em nhìn mây trắng bay.

Em nhìn những hình ảnh cuộc đời
Như họa sĩ màu sắc vẽ vời
Không muốn tâm hồn mình hoang lạnh
Câu thơ em sẽ trọn niềm vui.

Chiều nay em ra vườn ngắm hoa
Ngẩn ngơ một mùi hương bay qua
Hương bay vào trong thơ bất chợt
Em làm xong câu thơ thứ ba.

Câu thơ thứ tư, câu thứ năm…
Những câu thơ nối tiếp gieo vần
Hình như đất trời và nắng gió
Đã nói giùm em biết bao tình.

Thôi nhé em mơ ước một ngày
Hạnh phúc sẽ ở trong tầm tay
Em muốn đời là bài thơ đẹp
Câu thơ cuối em dừng ở đây.

Nguyễn Thị Thanh Dương.
( March 20, 2024)


Nỗi Nhớ



(Viết tặng chiến sĩ QLVNCH)

Mấy mươi năm rời xa tổ quốc
Lòng gợi buồn tiếng cuốc kêu thương
Ngậm ngùi nỗi nhớ quê hương
Tung hoành một thuở chiến trường hiên ngang

Mang áo trận vượt ngàn băng suối
Dấu giày sô rong ruổi đường xa
Bốn vùng chiến thuật đi qua
Sơn hà một dải bao la đất trời

Nghe sóng reo như lời của Nước
Vui trùng dương mộng ước hải hồ
Hy sinh giữ lấy cõi bờ
Ngày đêm biển rộng sông hồ gió sương

Cánh chim sắt muôn đường vạn nẻo
Bầu trời xanh mây kéo nắng mưa
Dọc ngang bay sớm về khuya
Vẫy vùng uốn lượn như đua ngân hà

Bao kỷ niệm thiết tha vô kể
Ký ức thời “Huynh đệ chi binh”
Kho tàng quý giá vô hình
Chứa tình đồng đội tử sinh sa trường

Đời dâu bể tha phương đất khách
Luôn nhủ thầm trọng trách không quên
Bảo tồn nòi giống Rồng Tiên
Ngày về dựng Lá Cờ Thiêng hào hùng

Dương Việt-Chỉnh 
 1/4/2024
 

"Công Viên Buồn"

(Ảnh: Tác Giả)

Từ khi còn là thằng con nít mười hai tuổi tui đã thấy anh ngồi ở đây rồi, mỗi lần đạp xe đi ngang qua đây, tui và đám bạn dừng xe lại, vừa quẹt lau mồ hôi trên trán vừa uống nước và vừa ngắm nhìn anh, gương mặt anh trầm tư như đang đau đáu nhìn về khoảng hư không của cuộc sống, lo cho vận nước lo cho những anh em còn đang gian khổ ngoài chiến trường, anh chính là pho tượng Thương tiếc ngồi gác cho đồng đội đang nằm yên nghỉ trong nghĩa trang quân đội Biên Hòa.

Tháng Tư lại quay về trên đất mẹ, cái nắng thật gay gắt khiến ai có ý định đi ra ngoài cũng ít nhiều e ngại, cho dù đang đau bệnh rề rà, cho dù tuổi tác đã đến độ "Thất thập lai hy" , tui cũng ráng theo chân một số bạn trẻ để đi viếng các chiến hữu ngày xưa của mình, các anh đang ngủ yên trong nghĩa trang quân đội Biên Hòa.
Hẹn với các bạn trẻ sáng hôm sau lên đường, đêm trước tui cứ trằn trọc mãi cho dù cố dỗ giấc nhưng chẳng thành, vậy là miền ký ức trong tui lại hiện về hai khuôn mặt hai thằng bạn cùng nhập ngũ cùng học tại quân trường Dục Mỹ và cùng ra đơn vị một ngày, thằng Lập và thằng Kháng nhà ở xóm cây Điệp gần rạp Hát Đông nhì ngày xưa, hai thằng bạn tui nó hiền như cục bột, vì từ khi quen biết rồi sống chung nhau nơi quân trường tui chưa bao giờ thấy tụi nó ba gai, cũng không thấy nó nỗi nóng và chửi thề bao giờ, vậy đó mà khi ra chiến trường An Lộc những tưởng hai thằng nó được bề trên che chở, nào ngờ tụi nó lần lượt ra đi tại chiến trường này, thằng Kháng thì vướng mìn khi đi hành quân, thân xác nó chỉ còn là những mảnh vụn nằm trên mặt đất, bạn bè phải gom lại gói trong chiếc Poncho từng che mưa cho nó trong những cơn mưa rừng, rồi thằng Lập cũng nối gót thằng Kháng giã từ cuộc chiến trong chiếc Poncho, khi chiếc trực thăng tản thương chở thi thể hai thằng bạn thân thương của tui rời miền hỏa tuyến, tui ngước nhìn theo bóng dáng chiếc trực thăng khi bầu trời vàng hoe nhuộm nắng, bất giác tui có tâm trạng như mất đi những gì quý giá nhất trong đời của mình, tự dưng nước mắt tui rịn ra hồi nào không hay.

Chưa đến giờ hẹn, tui nôn nóng lần mò ra đường lộ để chờ xe đến đón mình, nói ra xấu hổ nói đi viếng các anh mà tui chỉ góp được vài gói thuốc lá, còn lại toàn bộ chi phí các bạn trẻ lo hết ráo, có em nói:
- Chú lớn tuổi rồi, đâu có làm gì ra tiền nữa, tụi em còn trẻ để tụi em chung lo, chú đừng ngại.
Nghe mấy bạn trẻ nói vậy làm cho tui bớt áy náy trong lòng, nhân đây cũng cầu mong cho các em cháu này được nhiều sức khỏe và may mắn trong cuộc sống.
Xe bắt đầu lăn bánh, lòng tui bồi hồi vô cùng pha chút buồn buồn, vì gần nửa thế kỷ từ ngày tàn chiến cuộc, vậy mà mãi đến hôm nay mình mới đến thăm các anh, thôi thì mong các anh thông cảm vì bao nhiêu chuyện lo toan cho cuộc sống, nên tui đã tạm quên những người nằm xuống "Chiều qua", mặc dù muộn màng nhưng có còn hơn không, tui có dịp đến thăm để nhìn từng bia mộ, đọc từng tên cấp cấp bậc và đơn vị ngày xưa, biết đâu tui sẽ gặp lại hai thằng bạn của tui đang ở "Vùng 5 chiến thuật" nơi này.

Xe vô tới cổng nghĩa trang, bạn Ben gom giấy tờ của mọi người trên xe trình cho các anh bảo vệ nghĩa trang để vô sổ người đến viếng, để cho nhanh chóng người bảo vệ dùng Phone chụp lại giấy tờ rồi nhanh chóng trả lại để mọi người đi vô trong viếng mộ.
Xe chạy một đoạn trong nghĩa trang, các bạn trẻ chọn nơi có những ngôi mộ "Nhà nghèo", những mộ phần đơn giản từ lúc chôn cất không hề thay đổi đến bây giờ để viếng.
Trong nghĩa trang không gian thật vắng vẻ, tiếng ve kêu thật to trên những cây cao nằm chen trong các khu phần mộ, rồi tiếng kinh cầu siêu của một chiếc loa tự động dùng năng lượng mặt trời làm nguồn điện , nó phát liên tục những câu kinh khiến không gian càng thêm não ruột.
Cả đám tụi tui xúm lại, quơ đám lá khô khỏi các phần mộ cho thêm phần thoáng đãng, các cô gái trong đoàn liên tục thắp nhang đèn cho từng ngôi mộ, tụi tui tự chia nhau cắm theo từng hàng để chiến hữu nào cũng có phần, giấy tiền vàng bạc, bia Sài gòn, bánh kẹo được bày ra, thuốc lá đốt lên mời rồi đem đến từng ngôi mộ cho các anh.
Kia mộ anh lính trẻ, lính của niên trưởng Nguyễn Đình Bảo Tiểu đoàn trưởng TDd11 nhảy dù, người đã nằm lại trên đồi Charlie năm nào, trên mộ bia anh quân nhân thật trẻ với bộ quân phục và chiếc bê rê đỏ thật đẹp, thật oai hùng.
Cạnh đó vài ngôi mộ khác đủ binh chủng, cấp bậc, thương nhất những ngôi mộ không còn bia, các anh đã trở thành anh Hùng vô danh thật sự.
Tui thầm khấn vái:
- Hôm nay nhân dịp lễ Thanh minh, có duyên do các bạn trẻ tổ chức, tụi tui dâng lên các chiến hữu tấm lòng thành, chút ít lễ vật các anh cùng thụ hưởng, mong các anh được an lành nơi miên viễn.
Khói nhang nghi ngút bay lên, bất chợt tui nhìn vào tấm bia mộ người lính trẻ TDd11 nhảy dù, tui có cảm giác anh đang cười vui với mình khiến tui cũng cười lại với anh lính nọ.
Sau khi đi viếng ba khu, mỗi khu vài chục ngôi mộ, tui nói với Ben:
- Nếu mình viếng toàn bộ ngôi mộ ở đây có khi ba tháng chưa xong nữa há Ben.
Ben cười rồi nói:
- Đúng rồi anh, nhiều đoàn khác họ viếng khu khác, chia nhau làm việc nghĩa.
Tui có thắc mắc với Ben:
- Nay chủ nhật mà có vài đoàn đi viếng sao ít quá vậy Ben.
Ben nói :
- Mùa Thanh Minh mấy hôm trước thiên hạ vô đây viếng đông lắm, tụi mình đi vầy là chậm rồi đó anh
Khi Ben nói xong, tui đảo mắt nhìn, các khu kế cận ( Khu nhà giàu), những phần mộ được thân nhân tu sửa khang trang đẹp đẽ, trước mộ phần nhiều bó hoa cúc vàng ươm đang khoe sắc cùng nắng Hạ.
Rời nghĩa trang quân đội Biên Hòa, khi xe chạy ngang Nghĩa Dũng Đài, tui giơ tay chào kính theo quân phong quân kỹ ngày xưa, chào tạm biệt các chiến hữu thân thương, hẹn lần sau gặp lại nếu sức khỏe còn cho phép.

Xe chạy vòng vèo một hồi, tài xế đưa cả đám đến nghĩa trang Lái Thiêu, trước đây tui nghe có những ngôi mộ rất đặc biệt, đến hôm nay tui mới có dịp diện kiến.
Nghĩa trang ở Lái thiêu không khí thật u buồn, nó chật hẹp bởi mộ phần nằm chen chút bên nhau, vô cổng nhìn bên trái tui thấy một hàng bia chứ không có cốt, nào là các quân nhân chôn ở nghĩa trang quân đội gò vấp di dời về đây, các nhị tì khác trong thành phố cũng gom về đây, đủ thành phần dân quân lính cũ, lính phía bên thắng trận cũng vô đây vài người.
Đốt nhang và giấy tiền vàng bạc cho dãy này xong, tui tui bắt đầu lùng sục tìm đến mộ Nhạc sỹ Trúc Phương, một nhạc sỹ tài hoa mà hồi trước người lính nào cũng đã từng hát hò những bản nhạc của ông, nào là Kẻ ở Miền xa, trên bốn vùng chiến thuật, bông cỏ may, ông nói giùm tâm tư của những người lính ngày xưa, cảm ơn nhạc sỹ thật nhiều, vài nén nhang chút ít quà cho ông, tui mong ông có đời sống an lành không như những ngày ông lận đận trước đây.
Các ngôi mộ đặc biệt đây rồi, mộ ông Diệm Tổng Thống đệ nhất Cộng Hòa bên cạnh thân mẩu của ông, mộ ông Cẩn, ông Nhu, ông Luyện. Không ngôi mộ nào có hình ảnh và ghi tên thật, chỉ ghi tên thánh và huynh, đệ, thân mẫu.v.v...
Khi cải táng về đây nhằm tránh tụ tập đông người nên bia mộ các ngài chỉ ghi chừng đó mà thôi. Viếng xong các ngôi mộ này tụi tui cùng nhau ra về, ra khỏi nghĩa trang tui nói với ba cô gái trong đoàn:
- Tụi con thấy không, thân phận con người buồn lắm, người địa vị cao chín tầng mây, người cơ hàn thiếu đói, khi chết rồi cũng chừng đó huyệt mộ giống nhau.
Có cô nói:
- Tuy vậy, khi nằm xuống cũng còn có giàu nghèo nữa nha chú.
Tui trả lời :
- Chú thấy rồi, nhưng thấy phần mộ của cụ Huynh đơn sơ chú cũng thấy buồn cho ổng, chẳng bằng thời nay nhiều nơi mộ phần như cung điện, thật xót xa cho kiếp con người.

Ghé bờ sông Lái thiêu, cả đám tụi tui ăn cơm trưa rồi chia tay, hẹn các bạn gặp lại mùa sau nếu còn duyên nhé.

Mùa Thanh Minh 2024
Hai Hùng SG

Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2024

Định Mệnh - Sáng Tác: Song Ngọc - Trình Bày: Phạm Cao Tùng


Sáng Tác: Song Ngọc 
Trình Bày: Phạm Cao Tùng

Gối Mộng Mơ Trăng!

  

Đêm đã dần tàn sao trăng còn thức
Rón rén ghé gần khung cửa nhỏ to
“Gối mộng ơi, để thân lạnh co ro
Coi chừng cảm trăng lo không yên giấc”

Gối mộng chợt giật mình.. Ồ là thật!
“Khẽ khàng cười ...Bởi ngủ gật quên thôi
Cám ơn trăng đêm đã khuya lắm rồi
Ngủ ngon nhé kẽo hao tâm tội lắm!”

Chênh lệch thời gian giao hòa chầm chậm
Tỉnh giấc nồng còn âm ỉ trong tim
Một ngọt ngào một nhơ nhớ lắng im
Trời hừng sáng đắm chìm lòng thổn thức

Trăng ơi! Có phải chăng là sự thật?!
Cho suốt đời Trăng Mộng mãi trong mơ
Được nghe trăng thì thầm tiếng hẹn chờ
Để gối mộng khép hờ khung cửa sổ!

Kim Oanh
5.4.2024

Mai Này Đây



Mai này đây
dưới giàn hoa Thiên lý
anh đọc sách
em làm thơ
Dưới ánh trăng vàng hoa Lý thơm-thơm ngát
tình chúng mình cũng ngào ngạt hương thơm
Mai này đây
bên bếp lửa hồng
canh bầu em nấu
hai đứa mình cùng ăn
Cuộc sống thật là lặng yên
không ham danh lợi
cũng chẳng ganh đua với đời


Hoàng Long 


Sài Gòn Một Thuở


Một thoáng hương xưa lại trở về
Con đường rợp mát bóng hàng me
Nam thanh nữ tú dìu trên phố
Hàng quán bày rao khắp vĩa hè

Nắng chiều óng ả chiếu công viên
Từng đôi tâm sự hẹn trao duyên
Tình anh lính chiến về ngang phố
Cùng hẹn người yêu trọn ước nguyền

Bến Thành nhộn nhịp khách chợ đông
Ngựa xe tấp nập nối theo dòng
Một thuở thanh bình reo nắng ấm
Phất phơ tà áo má môi hồng

Quán nhạc xập xình cất vang xa
"Lúa mùa duyên thắm" thuở quê nhà
Sài Gòn hoa lệ thời hoa mộng
Khung trời ôm ấp dậm đường xa...

Sài Gòn rãi rác khắp năm châu
Chân trời góc bể tận đâu đâu...
Niềm riêng nỗi nhớ theo ngày tháng
Vạn dặm đường xa tóc bạc màu........!

Ngư Sĩ

Tôi Vẫn Nhớ



Tôi vẫn nhớ hàng dừa xanh Mỹ Thuận,
Chiếc phà ngang đưa đón khách ngược xuôi,
Bên kia sông lữ khách luống bùi ngùi
Đưa tay vẫy người em vừa quen biết

Tôi vẫn nhớ giòng Cửu Long chảy xiết,
Cá tôm đầy, nuôi sống nước Nam tôi,
Phù sa kia luôn vun xới đắp bồi,
Cho thêm đẹp, thêm xinh hình chữ S

Tôi vẫn nhớ trăng khuya buồn chênh chếch,
Bên phòng khuê cô gái đất thần kinh,
Tóc ngang vai mắt ướt lệ đa tình
Làm ngơ ngẩn những chàng trai xứ Quảng

Tôi vẫn nhớ Sài Gòn phiên chợ sáng,
Tiếng nói cười, bao kẻ bán người mua,
Trái cây tươi, cam quýt đủ mọi mùa,
Hàng hoa đẹp, với hoa hồng, hoa cúc

Tôi vẫn nhớ vườn Lái Thiêu măng cụt,
Trái sầu riêng, mít tố nữ, dâu xanh,
Bánh bèo bì, cô quán mắt long lanh,
Chiều chủ nhật, say lòng trai phố thị

Tôi vẫn nhớ những câu hò, điệu lý,
Bản Tình ca, nhũng tình khúc Phạm Duy,
Lời thiết tha theo vận nước hưng suy,
Vẫn sống mãi trong tim người nước Việt

Tôi vẫn nhớ màu mạ non xanh biếc,
Ở quê tôi, miền lục tỉnh Cần Thơ,
Đẹp hiền hòa, nhưng cả một nguồn thơ,
Khiến thi sĩ phải dừng chân thả bút

Xin hãy lắng lòng mình đôi giây phút,
Tìm lại về những hình ảnh Quê Hương,
Quê Mẹ kia, dù cách biệt đôi đường,
Người nước Việt, xin chớ quên Quê Việt!!

Sương Lam
 

Đồng Xanh Bốn Mùa

 

Đồng xanh quả thật chốn thiên đường
Trăm vạn loài hoa tỏa ngát hương
Suối nhỏ vươn tay về thung lũng
Nai hiền đùa giỡn với sơn dương

Xuân đến đồng xanh mướt cỏ may
Hạ về phượng tím điểm chân mây
Mùa thu khoác áo vàng trang nhã
Muông thú quay quần với cỏ cây

Mùa đông tuyết lạnh những đêm mưa
Gió hú qua khe núi từng giờ
Bếp lửa hang sâu cùng chiếc bóng
Ngoài kia băng giá vẫn mong chờ

Những quả đồi con vân nhấp nhô
Bên nhà hoa nở dưới cành khô
Mới hay nàng khóc thu tàn tạ
Khi cánh vạc bay qua núi xưa

Xuân hạ thu đông một cánh đồng
Hỏi thăm từng nhánh lúa đơm bông
Ru loài gấu ngủ vùi hang đá
Cho tới khi mùa đã gặt xong

Khi cơn mưa tới em ngồi khóc
Tiền kiếp nào sua đuổi ánh trăng
Tóc mây lồng lộng theo chiều gió
Sông tiễn ai về nơi giá băng

Thấp thoáng phương xa một mái nhà
Bốn mùa cây cỏ vẫn bao la
Chim muông hạnh ngộ ngàn tia nắng
Và nắng lưng đồi buông thướt tha

Đồng xanh là chốn người mơ tưởng
Bốn mùa lần lượt kéo nhau qua
Xuân nở, hạ vơi, thu tàn tạ
Đông tuyết vùi chôn những cánh hoa

Đèo Văn Trấn


Cô Hàng Xóm



Nhà nàng cùng xóm nhà tôi
Nhưng không có giậu mồng tơi xanh rờn
Mỗi chiều dịu nắng hoàng hôn
Nàng ra ngoài ngõ thả hồn mộng mơ
Tôi thằng con nít dại khờ
Ngang qua nhìn thấy rồi ngơ ngẩn lòng
Ngày đêm ôm ấp thương mong
Tương tư gởi trọn vườn hồng kia ơi!
Tôi thầm khấn nguyện Phật Trời
Xin cho con lấy được người con yêu
Thế là cứ mỗi buổi chiều
Tôi bèn giả bộ đánh liều đi ngang
Để mong nhìn thấy được nàng
Lung linh dáng ngọc rộn ràng lòng tôi
Có hôm tôi thấy nàng cười
Hình như thầm nói những lời yêu đương
Hồn tôi bay bổng thiên đường
Nghe tim rộn rã nhịp vương tơ tình

2
Hay là nàng cũng yêu mình
Ừ! Thì chắc vậy thình lình biết đâu
Làm sao bày tỏ tình đầu
Cho nàng hiểu được người đâu yêu thầm
Tình buồn san sẻ tình câm
Thương người chẳng lẽ ngàn năm đợi chờ
Muốn theo Nguyễn Bính làm thơ
Ý thơ chẳng có bơ phờ đảo điên
Nhưng rồi tơ tưởng thành duyên
Để cho thờ thẩn ưu phiền lụy thân
Ai mang sóng gió sông Tần
Xuôi người cuối Sở bâng khuâng cõi lòng
Em ơi! Có hiểu giùm không
Người trai lối xóm thương mong đêm ngày
Mồng tơi không có càng hay
Cho tôi nhìn nét trang đài rõ thêm
Mỗi khi em đứng trước thềm
Gót hài nhẹ bước đường mềm dưới chân
Tôi mơ làm bướm hóa thân
Chờn vờn suối tóc ái ân mượt mà
Kìa em áo lụa kiêu sa
Ngân hà lấp lánh màu hoa hoang đường
Em đi cây cỏ cũng thương
Em về mây cũng say hương rạt rào
Trên Trời có vạn ánh sao
Bắc thang hái hết quỳ trao cho nàng
Thư tình trau chuốt mấy hàng
Muốn trao nhưng sợ đò ngang lỡ làng
Sợ rằng trong phút ngỡ ngàng
Em không thèm nhận mộng vàng xa bay
Thà rằng trăn trở tháng ngày
Cầm bằng như gió đưa mây về Trời
Lạy Trời em hiểu lòng tôi
Lạy Trời em chịu lấy tôi làm chồng
Để cho Nguyễn Bính nằm không
Hết làm thơ nói rằng mồng tơi xanh!
Toronto August 2004
Nguyên Trần
 

Thế Nào Là 4 D Trong Toàn Cầu Hoá

 

1.Dẫn nhập về toàn cầu hoá


-Khi trận đá bóng chung kết giữa hai đội Pháp và Ý diễn ra ở Berlin tháng 7 năm 2006, trước con mắt hàng tỷ người trên thế giới, từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam, ta thấy trong đội cầu Pháp có đến một nửa là dân da đen và dân Bắc Phi!

-Nghe tin tức quốc tế qua CNN của Mỹ, BBC của Anh, TV5 của Pháp, thì hình ảnh một sự việc nào đó mới xảy ra vài phút trước đó ở một nơi xa xăm trên hành tinh Trái Đất thì trên màn truyền hình, màn máy tính đã thấy hiện ra ngay, vừa hình ảnh, vừa tiếng nói.

-Nhìn bảng hối suất ta thấy nhiều đồng tiền có thể hoán chuyển dễ dàng; đặc biệt Âu châu có Euro là đơn vị tiền tệ cho rất nhiều xứ Cộng đồng Âu châu. Trước kia đi du lịch từ Pháp qua Đức, qua Ý, qua Espagne lại phải thay đổi đồng tiền sang Mark, sang lire, sang peseta ..

-Bệnh SARS (viêm phổi cấp tính) từ Trung Hoa lây lan sang các xứ Đông Nam Á và qua Canada do sự lưu thông hành khách máy bay rất nhanh chóng

-Hàng năm, có chừng 250 ngàn người di dân đủ mọi chủng tộc, màu da, tôn giáo đến xứ Canada, đến hợp pháp ! Có thể nói mọi xứ từ A (A như Angola), đến Z (Z như Zimbabwe) đều có người ở đất nước Canada, khiến xã hội Canada càng ngày càng trở thành đa văn hoá.

Vài ví dụ trên đã cho ta 'hương vị' thế nào là toàn cầu hoá .  

 

2.Tiến trình của toàn cầu hoá.


-Toàn cầu hoá, danh từ này mới hiện hữu vào thập niên 80, nhưng thực sự đã có từ lâu đời với Magellan, với Marco Polo, với thương mãi các xứ quanh bờ biển Địa Trung Hải, với con đường tơ lụa buôn bán giữa các xứ Trung Đông, Cận Đông và Trung Hoa. Việt Nam đã buôn bán với  Nhật qua thành phố Hội An. Các nước Anh, Pháp chiếm thuộc địa cũng nhắm kiếm thị trường buôn bán. Chiến tranh nha phiến Anh-Trung Hoa nhằm tiêu thụ thuốc phiện. Đến năm 1930 xảy ra cơn suy trầm kinh tế rất lớn, nên nhiều nước như Mỹ chủ trương bảo hộ thương mãi.

-Chỉ sau đệ nhị thế chiến, các nước bắt đầu nhận thấy phải tăng cường hợp tác thương mại. Các nước Âu Châu  họp bàn thành lập thị trường chung qua nhiều giai đoạn:

a. thoạt đầu là các thỏa thuận ưu đãi thuế quan: hàng rào quan thuế giữa các nước tham dự thấp hơn so với các nước không tham dự.

b. sau đó tiến đến khu vực mậu dịch tự do (zône de libre échange, free trade area) xoá bỏ các cản trở thương mại giữa các nước thành viên;

c.thứ đến là liên minh thuế quan (union douanière) xoá bỏ thuế quan giữa các nước thành viên, hài hoà giữa các nước thành viên và chính sách thương mại

d.rồi mới đến thị trường chung (marché commun) có tự do lưu chuyển lao động và vốn giữa các nước,

e.cuối cùng tiến đến liên minh kinh tế, thống nhất tiền tệ thành EURO, với quốc hội Âu châu và hiến pháp Âu châu.

Các nước Đông Âu và Liên Xô cũng lập thị trường chung COMECON, nhưng vào thập niên cuối cùng của thế kỷ 20 khi Liên Xô và Đông Âu tan rã với hệ thống xã hội chủ nghĩa thì tổ chức này cũng tan theo.

Các nước Đông Nam Á họp lại thành tổ chức ASEAN bao gồm 10 xứ Đông Nam Á (Việt, Miên, Lào, Thái, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia, Singapour, Myanmar (tức Miến Điện). Các xứ này đang tiến dần đến chỗ giảm thuế quan để giúp hàng hóa cạnh tranh nhau, đưa đến tiêu thụ mạnh hơn, kéo theo sản xuất mạnh hơn, làm giảm thất nghiệp.

Bắc Mỹ cũng có NAFTA (North America Free Trade Area). Mậu dịch tự do, có nghĩa là giúp các hàng hoá tự do lưu thông giữa nước này với nước kia, cắt giảm quan thuế, bãi bỏ các hạn chế phi quan thuế v.v.

Với công nghệ thông tin phát triển như vỡ bờ qua trung gian của hàng ngàn vệ tinh nhân tạo bay quanh Trái Đất, các trao đổi và liên lạc thông tin đã giúp thế giới càng ngày càng gần hơn, nhỏ hơn, và là một nhân tố thúc đẩy sự tự do thương mại giữa các nước, thoạt đầu với Thoả thuận chung về Thuế quan GATT (General Agreement on Tariff and Trade), tức tiền thân của Tổ chức Thương Mại Thế giới (WTO, viết tắt từ World Trade Organization) ta thấy ngày nay .

Với toàn cầu hoá, các sản phẩm sản xuất ra có một thị trường tiêu thụ rộng lớn ở khắp  toàn cầu, giúp tăng lợi nhuận, làm đầu tàu kinh tế kéo theo các lãnh vực khác; thực vậy, thị trường trong xứ thì nhỏ hẹp, không nhiều người tiêu thụ. Cũng chính vì Trung Quốc có một thị trường tiêu thụ khổng lồ nên các doanh nghiệp Mỹ, Đức, Nhật v.v. mới đầu tư sản xuất tại đó nhiều, từ xe hơi của Đức làm ở Thượng Hải đến các công ty điện tử, điện thoại vì thị trường càng lớn thì quy mô sản xuất cũng lớn (économie d'échelle) làm giảm giá thành, tiêu thụ sâu rộng, lời lãi nhiều .

Với toàn cầu hoá, các nước quy định phải giảm thuế nhập cảng, xoá bỏ các hàng rào phi thuế quan như hạn ngạch, cấp giấy phép xuất-nhập cảng nên mọi hàng nhập cảng đều rẽ, khiến người tiêu thụ mua sắm thoải mái.

Với toàn cầu hoá, các đầu tư, các dịch vụ như ngân hàng, bảo hiểm, các hàng hóa sẽ được lưu thông tự do hơn, giúp tiêu thụ mạnh hơn.

Toàn cầu hoá có nghĩa là thị trường sẽ tự do trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đầu tư, bưu chính viễn thông, giao thông vận tải. Toàn cầu hoá bao gồm nhiều lãnh vực nhưng riêng trong lĩnh vực kinh tế tài chính, có thể tóm lược trong 4 chữ D sau đây cho dễ nhớ.

3. Thế nào là 4 D trong toàn cầu hoá?

31.Délocalisation .

Toàn cầu hoá  đòi hỏi cạnh tranh về giá cả, về chất lượng; các xí nghiệp phải có mặt hàng rẻ, bền, đẹp mới cạnh tranh được trên thị trường quốc tế.

 Thực vậy, trước kia, các nước để bảo hộ sản xuất trong nước nên đánh thuế nặng vào mọi hàng nhập cảng (30-50%) nhưng với các hiệp định tự do thương mại, mọi mặt hàng đều từ từ giảm thuế xuống hết (0-5%).

Do đó, vào luồng trong sự gia nhập thương mại quốc tế đòi hỏi phải có các sản phẩm nhiều, chất lượng tốt, giá rẻ mới cạnh tranh được với các hàng  xứ khác. Đó là lý do nhiều xí nghiệp các nước kỹ nghệ tổ chức sản xuất các cơ phận khác nhau tại các xứ nhân công rẻ như Mexico, Ấn Độ, Trung Quốc .Thực vậy, trong xe hơi, có thể động cơ sản xuất bên Nhật,  bánh xe ở Mexico, ráp cuối cùng tại Mỹ. Máy điện toán thì bộ nhớ 'chip' chế ở Singapore, các linh kiện khác chế ở Mexico, ráp cuối cùng ở Mỹ v.v.

Ngày nay, không thể có và cũng không nên có một nền kinh tế tự cung, tự cấp cho mỗi  xứ mà trái lại phải tìm trong xứ đó các lợi thế so sánh, xem mình có ưu điểm ở đâu, ưu điểm thế nào và nhất là khai thác cái ưu điểm ấy ra sao?


 Ví dụ: Canada có nguồn nước vô tận, sản xuất điện rẻ nhất. Mexique cũng như các hải đảo miền Caraibes có mặt trời và nắng ấm và đó là một lợi thế  so với Canada, mùa đông dài hun hút nên kỹ nghệ du lịch và dịch vụ rất phát triển; riêng Việt Nam thì giá nhân công rẻ nên cần có các kỹ nghệ tận dụng nhân công như may mặc, giày dép ..

Không xứ nào độc lập về kinh tế được hết vì không xứ nào có đủ nguyên liệu để sản xuất sản phẩm. Máy bay sản xuất ở Canada hay ở Mỹ phải có nhôm mà nhôm phải lấy ở các xứ nhiệt đới. Vùng Chicoutimi tại Quebec có nhiều nhà máy sản xuất nhôm vì điện năng Quebec dồi dào, nhưng quặng bauxit phải lấy từ Jamaica, Haiti, ..Tương tự đồng dùng trong các dây điện là xuất xứ từ các mỏ bên Chili, Congo v.v. Chiều hướng toàn cầu hoá là sự phân công lao động trên bình diện quốc tế, ví dụ: sản xuất sẽ chuyển mạnh vào các nước kém phát triển, còn các nước phát triển cao sẽ sống nhờ dịch vụ như bảo hiểm, ngân hàng v.v..

3.2 Déréglementation . Vì các rào cản thương mại giữa các nước bị xoá bỏ nên  các dòng tài chính di chuyển dễ dàng, tạo vốn đầu tư cho các nước có môi trường đầu tư tốt, thông thoáng, có nguồn nhân lực giỏi.

3.3. Désintermédiation . Không cần trung gian vì với toàn cầu hoá, các thông tin có sẵn trên mạng. Các cổ phần, cổ phiếu bán tự do ai mua vào cũng được, ai bán ra cũng được. Mọi dịch vụ ngân hàng phụ thuộc vào truyền thông mà truyền thông tiến đến mọi nhà, hang cùng ngõ hẻm nhờ máy vi tính, nhờ truyền hình, nhờ truyền tin, sử dụng máy vi tính để mua, bán, chuyển ngân ..với Web, với e-commerce.Trong lãnh vực mua, bán, người  ta có thể khảo giá vé máy bay, vé xe lửa, đặt chỗ trước khách sạn, mua vé máy bay qua Internet.Trong lãnh vực nhân sự, con người với mạng Internet có thể giao cảm, tìm kiếm thông tin dễ dàng nhanh chóng; các tán gẫu (chat), các  thảo luận liên lục địa của các công ty đa quốc gia, phỏng vấn nhân viên cũng qua Internet với Webcam: người xin việc có thể được phỏng vấn ngay trên mạng, không cần bay đến chỗ phỏng vấn. Trong lãnh vực tài chính, mọi người chỉ cần  máy điện toán là có thể mua, bán cổ phần chứng khoán, các công ty đa quốc gia có thể chuyển tiền từ lục địa này sang lục địa khác trong nháy mắt.

3.4. Décloisonnement. Trước kia, các thị trường có hàng rào (cloison) bảo hộ, với toàn cầu hoá, không còn hàng rào che chở nên thị trường rộng mở, từ hàng hóa đến dịch vụ,  đông người tiêu thụ hơn, kéo theo sản xuất mạnh hơn, làm giảm thất nghiệp.

Gần đây hơn, 2019, trào Tổng Thống Trump, với Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trở nên căng thẳng, áp đặt thuế nhập cảng lên hàng hoá Trung Quốc đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến các hoạt động kinh tế toàn cầu. Hoạt động xuất khẩu Việt Nam ngay lập tức hứng chịu cú sốc này, tăng trưởng xuất khẩu 6 tháng đầu năm chỉ còn 7,3% - thấp hơn rất nhiều so với con số 17,8% đạt được ở 6 tháng 2018. Hệ quả là thâm hụt thương mại đã quay trở lại ở mức 37 triệu USD trong khi một năm trước đó thặng dư cao ở mức 4,12 tỉ USD.

Cú sốc này đã phần nào bộc lộ rõ điểm yếu lớn của nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào khu vực kinh tế nước ngoài. . Các dữ liệu kinh tế hồi giữa tháng 7 này cho thấy, tăng trưởng của Trung Quốc đang sụt giảm đã khiến giới lãnh đạo nước này không khỏi lo lắng. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc quý II/2019 chỉ đạt 6,7%, mức thấp nhất trong 27 năm qua. Kể từ khi xung đột thương mại với Mỹ bùng phát, đồng Nhân dân tệ cũng rớt giá với mức cao nhất vừa qua lên tới 6,2%. Trung Quốc trước đó đã đưa ra nhiều giải pháp, gồm cả cắt giảm thuế quy mô lớn nhưng vẫn chưa chặn được đà suy giảm tăng trưởng. 

4.Các cơ hội và thách thức trong toàn cầu hoá

4.1. Nói qua về các thử thách:


a/. về nông nghiệp. Mỗi năm, các nước chậm phát triển phải nhập cảng phân bón, thuốc diệt cỏ, diệt sâu với giá cao hơn, nhưng bán nông phẩm như gạo, như cà phê với giá rẻ hơn.  Như những trận mưa rào đôla nông nghiệp, các nước phát triển nghĩa là thuộc OCDE (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế ) trợ cấp hàng trăm tỷ đôla mỗi năm,-xem như 1 tỷ đô la mỗi ngày- cho nông dân để họ sản xuất thực phẩm với giá phải chăng và để họ có mức sống tương đương mức sống ở thành thị. Trợ cấp dưới nhiều hình thức như cho vay lãi xuất rẽ, bớt thuế, khảo cứu nông nghiệp v.v. Nhật Bản và Đại Hàn muốn bảo vệ sản xuất gạo trong nước bằng cách đánh thuế  cao trên gạo nhập cảng. Hai nước này trợ cấp cho nông dân rất nhiều, nhất là gạo: cứ 1 đôla gạo sản xuất ra trong nước thì phải trợ cấp 80 cents cho nông dân. Pháp, Mỹ, Thụy sĩ  v.v. đều trợ cấp cho nông dân. Vì vậy, các nước này thặng dư lương thực, thặng dư sữa, thặng dư bơ, thặng dư dầu ăn, thặng dư lúa mì, thặng dư đậu nành, thặng dư bắp .. ,nên họ phải bán rẻ hay cho không các nước, đặc biệt là  Phi Châu. Nông dân Phi Châu phải ra thành thị, tạo thêm thất nghiệp và kéo theo bất ổn chính trị .Các nước chậm mở mang, muốn có ngoại tệ lại xuất cảng lương thực cho các nước Tây phương, dù trong nước dân ăn chưa đủ no. Ví dụ: Việt Nam xuất cảng gạo nhưng các vùng xa, vùng sâu là địa bàn cư trú người sắc tộc miền núi non còn chưa đủ no. Ấn Độ cũng là nước xuất cảng gạo nhưng gần 260 triệu dân còn bấp bênh lương thực  (tạp chí Le Courrier số 197 Mars/Avril 2003).

Các nước nghèo mà kinh tế nông nghiệp là chủ chốt lại muốn các nước tiên tiến cắt giảm trợ cấp nông nghiệp và thuế quan để có thể xuất cảng nông sản được:

-đường mía sản xuất ở Bresil rất rẻ nhưng các nước Tây Âu chỉ muốn nhập cảng đường mía từ các xứ cựu thuộc địa ở miền Caraibes như Tobago & Trinidad, Barbados v.v.

-bông vải xứ Mali ở Phi Châu không xuất cảng được sang các nước Âu Châu vì mua bông vải ở Mỹ rẻ hơn, vì ở Mỹ, nông dân được trợ cấp.

-gạo Thái Lan không xuất cảng qua Nhật được vì nông dân Nhật cũng được trợ cấp khi sản xuất gạo. Giá thành sản xuất gạo ở Mỹ năm 2002 là 475USD một tấn gạo nhưng vì được trợ cấp nên bán ra thế giới với giá 275 USD một tấn do đó bắt buộc các nước xuất cảng gạo như Việt Nam, Thái Lan cũng phải xuất cảng với giá đó .

Thực vậy, vấn đề nông nghiệp chính là vấn đề gay cấn nhất trong các đàm phán tương lai, đặc biệt là ở hội nghị thương mãi họp ở Cancun (Mexico) năm 2003 vì lập trường khác biệt giữa các xứ.

Như vậy, chính sách thương mại trong toàn cầu hoá phải tăng cường công bằng xã hội chứ không nên làm tăng hố cách biệt giàu nghèo.

 

b / về y tế .Với toàn cầu hoá, sự du lịch, đi lại, nhập cư được thông thoáng hơn nhưng cùng đó, sự di chuyển các bệnh truyền nhiễm, từ cúm gà đến bò điên v.v. các bệnh lây lan về tình dục như AIDS cũng nhanh hơn, gây ra thêm gánh nặng y tế trong khi đó thì lợi tức của các chính phủ bị giảm do việc cắt giảm thuế quan trên mọi hàng nhập cảng nên kéo theo giảm chi cho các ngành y tế, giáo dục ..Nhiều thuốc trị bệnh hiểm nghèo được bảo vệ tác quyền đến hàng chục năm do hiệp định TRIPS viết tắt từ Trade-related aspects of intellectual property rights, có nghĩa bảo vệ các lãnh vực của quyền sở hữu trí  tuệ, do đó Việt Nam cũng như mọi nước nghèo khác không có quyền sản xuất thuốc đó bán rẻ cho người đau.


c/ về tệ nạn xã hội . Do di chuyển thông thoáng, các buôn bán phụ nữ, trẻ em, các tội ác xuyên biên giới như ma tuý, vũ khí, nguy cơ khủng bố cũng cũng dễ dàng hơn

 

4.2. tuy nhiên, toàn cầu hoá cũng tạo ra những cơ hội : các doanh nghiệp nước ngoài sẽ đem vốn liếng, kỹ thuật cao, lối làm việc do đó các doanh nghiệp trong nước cũng phải cải tổ lối làm việc, cạnh tranh hơn, sáng tạo hơn nếu không sẽ bị đào thải .

 Với toàn cầu hoá, khu vực tư trong nước không bị chèn ép bởi các xí nghiệp quốc doanh . Toàn cầu hoá đưa thông tin đến mọi nhà, thông tin khoa học, kinh tế, chính trị ..nên xã hội bắt buộc phải cởi mở hơn,  giúp dân trí cao hơn .

Toàn cầu hoá với thông tin Internet, Facebook .. giúp cho người dân không có huyền thoại như thời Việt Nam còn dưới bóng Liên Xô, các huyền thoại mà nhà thơ Việt Phương,-nguyên trợ lý cố Thủ Tướng Cộng sản Phạm Văn Đồng- đã viết sau này:


..'Ta cứ nghĩ là đồng chí rồi không còn ai xấu nữa

Trong hàng ngũ ta chỉ dành cho chỗ yêu thương

Đã chọn con đường  đi

Chẳng ai dừng ở giữa Mạc Tư khoa còn hơn cả thiên đường

Ta nhất quyết đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thuỵ Sĩ

Hình như đây là ý chí, niềm tin, tự hào

Mường tượng rằng trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ

Sự ngây thơ đẹp tuyệt vời nhưng ngờ nghệch làm sao ..'

 

Toàn cầu hoá về kinh tế đòi hỏi các doanh nghiệp phải nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng sản xuất trong nước mới xuất cảng được. Nó đòi hỏi những công nghệ mới, kỹ năng mới, quản lý hiện đại giúp sản xuất có hiệu quả hơn, tạo sản phẩm có chất lượng hơn với giá cả rẻ hơn, tạo điều kiện để sản phẩm được tiêu thụ nhiều hơn. Ngoài ra, nếu các nước kỹ nghệ như Âu châu hay Mỹ thấy Việt Nam có giá thành quá thấp là họ nghĩ ngay Việt Nam bán phá giá nên họ đánh thuế nhập cảng cao như Âu Châu đánh thuế trên giày dép, Mỹ đánh thuế trên tôm v.v.

 

5.Toàn cầu hoá với Việt Nam.


Như vậy, gia nhập vào Tổ chức Thương Mại Thế giới (World Trade Organization WTO) có nghĩa Việt Nam phải  cam kết mở cửa thị trường về hàng hóa (từ nông phẩm đến xe hơi, hàng hoá điện tử ..) và dịch vụ (y tế,ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, giáo dục, năng lượng ..). Điều này hàm nghĩa các doanh nghiệp  Việt Nam phải ra sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài trong quản lý, trong sản xuất, trong tiếp thị, trong giá  năng lượng, trong giá cước điện thoại, giá thuê đất v.v. để có sản phẩm rẻ, đẹp và mới, tạo điều kiện để sản phẩm được tiêu thụ nhiều hơn.  Việt Nam có lợi thế nhân công rẽ, phải tạo môi trường đầu tư thuận lợi,- nghĩa là trong sạch, không tham nhũng- cho những công ty, những doanh nghiệp  ngoài nước đến đầu tư. Thực vậy, càng ngày nhiều doanh nghiệp các nước kỹ nghệ muốn đầu tư tại các xứ nhân công rẻ hơn. Thực vậy, lương tháng người thợ ở Việt Nam năm 2005 ở mức 135 Mỹ kim trong khi tại Thái Lan là 146, Trung Quốc là 163, Malaysia là 205 và Philippines là 176. Như vậy chi phí thấp ở Việt Nam là một lợi thế.. Song song theo đó, Việt Nam cũng cần đào tạo thêm nguồn nhân lực có kỹ năng cao để thu hút các ngành có chất xám cao, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giúp nâng cao mức sống. Ví dụ tại tỉnh Bangalore ở Ấn độ, có nhiều xí nghiệp Mỹ, Canada đến đầu tư vì xứ này đào tạo nhiều chuyên viên điện toán giỏi và lương thấp hơn so với  kỹ sư các nước kỹ nghệ 

Trong nông nghiệp thì với toàn cầu hoá, khi các cam kết cắt giảm thuế trong AFTA (Asian Free Trade Area) và WTO được thực hiện thì có nhiều loại nông phẩm sẽ bị nhiều cạnh tranh hơn: đậu nành, bắp sản xuất tại Việt Nam thì khó cạnh tranh với nông sản Mỹ vì tại Mỹ, các khảo cứu về  bắp, đậu nành rất tiến bộ, tạo ra nhiều giống cải thiện năng xuất cao. Việt Nam thì quy mô kinh tế sản xuất manh mún nên giá thành cao. Do đó, Việt Nam phải tìm các lợi thế so sánh trong nông nghiệp, sản xuất những sản phẩm không bị cạnh tranh với các nước khác như trái cây nhiệt đới, rau cải tươi, ngư sản, đó là chưa nói đến phải chuyển đổi nông nghiệp như giảm số nông dân, chuyển từ sản xuất sang dịch vụ, huấn nghệ lại v.v. 

6. Kết luận


Nền kinh tế thế kỷ 21 này là một nền kinh tế xu hướng càng ngày càng khu vực hoá, toàn cầu hóa với đổi trao, thay vì khai thác và lấn chiếm như xưa. Nhưng sự đổi trao đó  đòi hỏi một tinh thần liên đới và trách nhiệm:

-liên đới giữa các nước giàu/nghèo, giữa các nước mở mang/các nước kém mở mang với mục đích là để vực dậy các nước nghèo, thoát khỏi cùng cực triền miên. Trong một nước, sự tăng trưởng kinh tế do toàn cầu hóa mang lại phải được chia xẻ cho tất cả mọi người chứ không phải chỉ một bộ phận xã hội. Sự phát triển kinh tế phải có tính cách bền vững, không phát triển trên nợ nần của các thế hệ tương lai 

-trách nhiệm vì toàn cầu hoá có thể giúp các mặt tiêu cực xã hội lan nhanh hơn, các tổ chức mafia in bạc giả, rửa tiền, buôn ma túy, buôn bán phụ nữ và trẻ em tội ác, khủng bố do đó mọi xứ có trách nhiệm hợp tác để ngăn ngừa tội phạm, ngăn ngừa trước khi tội phạm xảy ra. Một nền kinh tế cạnh tranh theo kiểu thị trường cần có những thể chế, quy tắc, luật pháp, trong đó có việc tăng cường kiểm soát các ngân hàng bằng giám sát chặt chẽ hơn.  

Chúng ta sống trên con thuyền, thuyền chìm thì cộng đồng nhân loại cũng chìm luôn . Con người như vậy phải tập sống bao dung, bao dung với tôn trọng sự khác biệt văn hoá, màu da, tín ngưỡng nhưng trong một khung cảnh luật pháp ở đó quyền ăn nói, quyền làm người phải được tôn trọng. Quyền hành dù là chính trị, văn hoá, truyền thông, tín ngưỡng phải đi đôi với trách nhiệm. Con người gồm thân và tâm. Của cải vật chất dĩ nhiên là  quan trọng nhưng còn có các giá trị tâm linh không thể mua hay đo bằng tiền bạc. Hạnh phúc con người không thể đo bằng bit hay byte mà sự quán chiếu nội tâm để hiểu được bản thân mình có thể còn quan trọng hơn là biết mọi chuyện trên thế giới trong chớp mắt nhờ Internet. Các đền đài, các di tích lịch sử, các cảnh quan chứa các giá trị phổ quát không thể đo bằng tiền. Một khu rừng, một dòng sông có giá trị thẩm mỹ, huyền bí, mơ mộng, tình yêu, thần thoại, tâm linh, lãng mạn chứ không thể xem như là các vật đổi chác.


Mai sau dù có bao giờ
Đốt lò hương ấy, so tơ phím này
Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về

Nhiều vật vô tri như cỏ cây, như rừng núi, như lăng miếu, đền đài có linh hồn như thơ của Lamartine (Objet inanimés, avez-vous donc une âme ? ..) .Các giá trị văn hóa phức tạp hơn là các giá trị tài chính. Không thể xem cái gì cũng là mặt hàng đổi chác buôn bán được.

Mọi vấn đề liên hệ đến nhau: bệnh dịch toàn cầu SARS là một ví dụ; khủng bố World Trade Center cũng là một ví dụ khác. Từ vụ 911 này, du lịch sút kém khiến máy bay không ai đi, nhà hàng không ai đến, do đó nhân viên hàng không bị đuổi và vì máy bay không ai đi nên các hãng sản xuất máy bay phải sa thải nhân viên v.v.  Như vậy các vấn nạn không những liên hệ với nhau mà lại có sự gia tăng những yếu tố bất định không đoán trước được, chúng phụ thuộc và phản tác dụng lẫn nhau với những gián đoạn, những hỗn loạn, rẽ hướng, như tăng trưởng các vũ khí nguyên tử tại các xứ Ấn Độ, Hồi quốc, Bắc Hàn, khủng bố Hồi giáo bảo căn v.v. .. .

Nhưng vấn đề cốt lõi lại chính lại là một vấn đề văn hoá: làm sao cho thế giới không phải là một sân chơi cho các cầu thủ hạng nặng ( các xứ giàu có) mà là một sân chơi đa dạng trong đó mọi dân tộc tham dự chia xẻ các khổ đau, các an lạc, các thành quả, tạo ra một hiền hoà giữa người và  người, nghĩa là tạo một nền kinh tế có bộ mặt con người, một hài hoà giữa người và thiên nhiên,  trong một tinh cầu nhỏ bé (Trái Đất) trong giải Thiên Hà bao la .

                               

Thái Công Tụng


 

Thứ Năm, 11 tháng 4, 2024

Tâm Lành Hạnh Phúc

 

Thơ & Trình Bày: Minh Lương


Sạch Trong Cho Trọn

( Ảnh: Tác Giả)
Bên trời muôn dặm tha phương
Áo vai nhuốm bạc màu sương gió đời
Thời gian rót một dòng trôi
Nhân tình tỏ mặt ngọt, Bùi, đắng , cay.
Tấn tuồng sân khấu xưa nay
Xếp trang đạo nghĩa bên đài đỉnh chung.
Đường muôn nẽo. Người muôn trùng,
Đó đây, Trong đục xoay vòng ảo hư 
Sắc màu dù đến bao giờ
Vẫn là màu sắc tung hô rộn ràng
Vẫn là lắm nỗi thế gian
Một phen vở mộng bên ngàn khói sương 
Ta đâu đợi bước Xuân phương
Ngoài kia hoa cỏ đưa hương bốn mùa
Mai này nắng đẹp quê xưa
Thong dong đời vẫn sớm trưa an bình
Theo nguồn đạo nghĩa tồn sinh
Sạch trọng cho trọn hành trình cuộc chơi 

New Jersey (USA) 15/3/2024
Mặc Phương Tử

Sầu Có Cạn



Biết đến bao giờ thôi khóc nhau!
Chừng nào vải trắng hết ngùi đau!
Ta về thăm lại vườn quê cũ,
Nước một dòng sâu có cạn sầu?

Cao Vị Khanh
 

Đêm Thức giấc



Đêm thức giấc ngậm ngùi nghe gió rít
Ta thầm thương cây lá đổ sau vườn.
Thương lữ khách giờ nầy đang lỡ bước
Nẻo gập ghềnh khúc khuỷu giữa mù sương!.

Đêm thức giấc nghe tiếng buồn tử sĩ
Lời oán hờn văng vẳng cõi nhân sinh.
Chốn quê hương thương ai còn lao lý
Đời lầm than khi đất nước thanh bình!

Đêm thức giấc thương mẹ già cô quạnh
Dưới mồ xanh giữa đồng vắng hoang vu.
Vẳng xa xa tiếng chuông sầu lanh lảnh
Ánh sao buồn rơi rụng giữa trời khuya!

Đêm thức giấc nhìn trăng qua mành cửa
Ánh nhạt mờ phác vẽ cõi tang thương
Nhớ người đi chẳng bao giờ trở lại
Ai thiên thu chờ đợi dưới trăng buồn?!

Đêm thức giấc sầu đời hai lối mộng
Buổi trùng lai đâu biết đến bao giờ
Vẫn nhớ thương, chập chờn mờ ước vọng
Bóng người xa biền biệt cõi sương mờ!

Đêm thức giấc nghĩ sự đời ngang trái
Kiếp bèo mây tan họp biết về đâu?
Chuyện đầu đời giờ đây là dĩ vãng
Trong đêm buồn lệ thấm những niềm đau!

Hàn Thiên Lương

Năng Lượng Và Sức Khỏe


Con người được cấu tạo bởi hai thành phần vật thể và tinh thần. Muốn có một tinh thần minh mẫn trong một cơ thể tráng kiện, chúng ta phải chăm sóc cả cơ thể lẫn tâm thần.

Tổ chức Y tế Quốc tế đã định nghĩa : «sức khỏe là một trạng thái an lạc (bien-être) toàn diện của thân, tâm và xã hội, nó không phải chi cốt ở sự vắng bóng của bịnh hoạn hay tật nguyền».

Yếu tố đầu tiên ảnh hưởng tới sức khỏe con người là vấn đề ẩm thực. Chúng ta thử xem xét vấn đề này.

Con người có bốn loại thức ăn:

A/- Thức ăn cho cơ thể vật chất: có những loại sau đây:

  1. OxyNước uống, (nước rất quan trọng vì cơ thể có từ 65-75% nước)

  2. Thức ăn có phân tử lớn: chất đường, chất prôtid và chất béo.

  3. Các sinh tố: loại tan trong mỡ như A,D,E,K/ loại tan trong nước như C, B1, B2, B3, B5, B6, B8, B9, B12.

  4. Các chất khoáng và kim loại: Calcium, Magnésium, Potassium, Sodium, Chlore, Chrome, Cuivre, Iode, Fer, Fluor, Phossphore, Silicium, Sélénium, Zinc

  5. Các acides béo thiết yếu:Oméga3 và Oméga6. Thiết yếu vì cơ thể không tạo ra được.

  6. Tám loại acides aminés thiết yếu: Lysine, Tréonine, Isoleucine, Leucine, Méthionine, Phénylalanine, Tryptophane, Valine

  7. Những thớ sợi (fibres) có trong rau cải, trái cây, ngủ cốc, rong biển...                           

Những chất này vào cơ thể sẽ được chuyển hóa để nuôi dưỡng cơ thể và trở thành cơ cấu tạo nên cơ thể.

      8) Những chất chống-oxy-hoá thiên nhiên: trái bạch quả (Ginkgo biloba), các chất polyphénol như resvératrol có trong vỏ nho, trong các trái cây màu đỏ, Trà xanh, Curcumin (nghệ) vừa có chất chống oxy hóa mạnh, chống viêm, đồng thời tăng cường hiệu quả của chất BDNF (Brain Derived Neurotrophic Factor) là chất có nhiệm vụ trong sự phát triển và bảo tồn các tế bào não...

B/- Loại thức ăn thứ nhì là những thức ăn để nuôi dưỡng 5 giác quan: hình ảnh màu sắc cho mắt/ âm thanh, tiếng nói cho tai/ mùi hương cho mũi/ vị mặn, ngọt, đắng, cay, chua, béo cho lưỡi/ nóng lạnh, cứng mềm, đau sướng cho da. Các giác quan phải được kích thích thường xuyên, nếu không chúng sẽ bị tiêu hoại vì các tế bào thần kinh không còn nối kết với nhau nữa.


C/- Loại thức ăn thứ ba là kiến thức để cung cấp cho ý thức, nếu không óc não sẽ bị teo tóp khi về già và bị các bịnh thoái hóa thần kinh như bịnh Alzheimer, bịnh mất trí tuổi già,bịnh Parkinson, bịnh DMLA, ...Như vậy cần phải đọc sách, học hỏi, nghiên cứu, nghe giảng,...

D/- Loại thức ăn thứ tư cho cả vật thể và tinh thần là năng lượng. 

Năng lượng được định nghĩa là khả năng của một vật thể hay một hệ thống sản sinh ra được một công năng (travail) như gây ra được một chuyển động, một sức nóng hay một sóng điện từ (như ánh sáng)...Muốn có năng lượng đầy đủ ngoài thức ăn, cần phải luyện tập cơ thể như thể dục, thể thao, khí công, Tài chí, Yoga, Thiền...


Năng lượng được qui định bởi 2 nguyên lý quan trọng cần phải được kể tới:

1- Nguyên lý thứ nhất về sự bảo tồn năng lượng : Trong một hệ thống nhiệt-động kín (thermodynamique isolé), năng lượng luôn luôn được bảo tồn, nghĩa là nó có thể chuyển đổi từ dạng năng lượng nầy sang dạng khác trong diễn trình chuyển biến tự nhiên, nhưng tổng số năng lượng vẫn không thay đổi.

2- Nguyên lý thứ hai về sự chuyển đổi năng lượng:Sự chuyển đổi của một dạng năng lượng sang một dạng duy nhất khác không bao giờ toàn vẹn, sự hao tổn thường dưới dạng nhiệt lượng. Người ta cho sự mất mát nhiệt lượng này là « tai hại » ví nó không được sử dụng, nhưng cần thiết đề minh chứng cho nguyên lý thứ nhất trên.


Những loại năng lượng vận chuyển trong cơ thể con người gồm có :

            -năng lượng biến dưỡng (énergie métabolique

-     ''        ''      tiềm tàng (é. Potentielle)

  • ''        ''     sinh-hóa (é. Biochimique)

  • ''        ''     sinh-điện (é. Bioélectrique)

  • ''        ''     sinh-từ (é.Biomagnétique)

  • ''        ''     sinh-điện-từ (é.Biolectromagnétique)

  • ''        ''     sinh-quang-tử (é.Biophotonique)

  • ''        ''     sinh-động-học (é.Biocinétique)

  • ''        ''     sinh-nhiệt-học (é.Biothermique)

  • ''        ''     tinh thần (é. Mentale)


Sự biến dưỡng (métabolisme) trong cơ thể tương ứng với toàn thể những phản ứng hóa học của tất cả những tế bào của cơ thể và mức độ biến dưỡng thường được diễn tả dưới dạng nhiệt lượng phóng thích xảy ra trong những phản ứng hóa học. Nhiệt độ là mẫu số chung (dénominateur commun) của tất cả năng lượng được phóng thích trong cơ thể. Đơn vị được sử dụng để chỉ định năng lượng được phóng thích hoặc tiêu thụ là Kcalorie hay Calorie = 1000 calories (c không viết hoa). Nên nhớ là 1c là nhiệt lượng cần thiết để đưa nhiệt độ của 1g nước lên 1 dộ C. Hoặc một người nặng 70 kílô, cần mỗi ngày khoảng 2000 Cal. cho những nhu cầu bình thường. Trong cơ thể, năng lượng được dự trữ dưới dạng chất ATP (Adénosine triphosphate) hoặc chất Créatine phosphate. Chất này có thể biến thành chất kia và ngược lại.

Năng lượng trong cơ thể được sử dụng để :

-Biến dưỡng trong tế bào (métabolisme cellulaire)

-Phân chia tế bào (division cellulaire)

-Vận động bắp thịt (contraction musculaire)

-chuyển vận thần kinh và sinh hoạt tâm não

-chuyển tải tích cực (transport actif)

-công việc thẩm thấu (travail osmotique)...vv


Năng lượng vật chất đã được khoa học nghiên cứu rất tường tận, riêng năng lượng tinh thần ít được đề cập đến.Sau đây chúng ta thử tìm hiểu sơ lược về Năng lượng tinh thần :

Ta biết là Tâm-Não làm việc rất nhiều, lúc thức cũng như trong lúc ngủ: như suy nghĩ, giải quyết các vấn đề, sáng tạo, kiểm soát tư tưởng và cảm xúc, gìn giữ sự chú tâm trên một công việc chuyên biệt trong một thời gian dài, ghi nhớ vào ký ức, hoặc điều khiển những cử động tay chân...Năng lượng tinh thần cũng có giới hạn, nó có thể bị hao tổn nếu làm việc trí óc quá cật lực hay bị kích ứng (stress) liên tục lâu dài sinh ra kiệt sức (burn out) hay trầm cảm...

Năng lượng tinh thần làm cho Tâm sống và tồn tại. Tâm lý học Phật Giáo có nói đến yếu tố Tâm-Mạng-Quyền, không có nó tâm không thể nào tồn tại.

Năng lượng tinh thần chỉ hùng mạnh khi nó hội đủ 5 yếu tố:

-Lòng tin tưởng nơi một mục đích hay một lý tưởng sống, nơi những giá trị, nơi chính mình.

-Sự cố gắng tinh thần (effort mental)

-Ý thức, hay biết (attention)

-Sự định tâm trên mục tiêu (concentration)

-Sự hiểu biết sáng suốt (connaissance éclairée)

Khoa học ngày nay chưa hiểu rõ lắm năng lượng tinh thần phi vật chất này, nhưng từ từ đã có những nhà khoa học tiến bộ không bằng lòng với bức tường ngăn cách giữa vật chất và tinh thần, vì họ thấy rằng những năng lượng vật lý thuần túy không giải thích được tất cả những hiện tượng trong cuộc sống con người, nhất là những hiện tượng tâm linh, phi vật chất, hoặc những hiện tượng mà giác quan con người không cảm nhận được (hiện tượng ngoại cảm giác(extrasensoriel), tâm thức ngoại thần kinh (conscience extraneuronale).

Từ năm 1994, giáo sư thần-kinh sinh-học Jacobo Grinberg ở Mexique đã thí nghiệm trên 2 người đang thiền sau 20 phút, người này hướng tâm đến người kia, cả hai đều ngồi trong 2 cái lồng Faraday cách xa nhau (lồng Faraday làm bằng kim loại để ngăn chặn ảnh hưởng của các sóng điện từ [onde électromagnétique]). Ông kích thích não bộ của người thứ nhứt, sau đó ông đo những thay đổi trên điện-não đồ của người nầy. Đồng thời, người ta đo điện-não đồ của người thứ 2, thì thấy nó ghi nhận những thay đổi giống như ở người thứ nhứt. Hai người nầy chỉ liên lạc với nhau bằng tư tưởng và ở cách xa nhau có thể hằng trăm kilomét.

Thí nghiệm nầy được lập lại năm 1999 tại Luân-Đôn bởi bác sĩ Fenwick và năm 2004 tại Seattle bởi giáo sư Standish. 


Bản chất của Năng lượng tinh thần phải chăng là sóng Vô-hướng (onde scalaire)?

Trong thập niên 1900, Nikola Tesla (1856-1943) là người đầu tiên đã khám phá và thử nghiệm sóng vô-hướng với những cuộn dây cảm điện của ông, ông đã thắp sáng những ngọn đèn không gắn liền với nguồn phát điện nào cả, làm kinh ngạc những nhà khoa học và chứng minh sự hiện hữu của một nguồn năng lực không biết phát xuất từ đâu, phát truyền dưới dạng những sóng hình xoắn ốc và theo chiều thẳng dọc và có thể dẫn truyền đi rất xa.

Ngày nay GS Konstantin Meyl (1952-), thuộc Đại học Stuttgart Đức, chuyên gia nghiên cứu về vật-lý-trường xoắn ốc (champs des Vortex) đã chế tạo được những máy phát sóng scalaire để điều trị được bịnh tật (SWD: scalar wave device) cùng với BS thú-y và sinh-học-gia Pháp Hervé Janececk đều công nhận: «các sóng tinh thần do não bộ phát ra hay thu nhận có đặc tính của các sóng scalaire»

Đặc tính của những sóng Vô-hướng:

-Theo BS Janececk, mặc dầu gọi là Vô-hướng, nhưng khi cái nguồn xuất phát sóng có được sự cộng hưởng (cùng tần số) của một vật thể hoặc một bộ phận thu nhận thì liền tạo một luồng sóng ổn định giữa 2 bộ phận xuất phát và thu nhận một cách chặt chẽ, không phát tán chung quanh.

-Sóng Vô-hướng hình xoắn ốc, sức mạnh sóng tác động thẳng dọc cùng chiều với dạng sóng như cái lò xo ; khác với các sóng điện-từ hình sin (sinusoïde)

-Sóng này có sức xuyên thấu rất mạnh, có thể vượt qua lồng Faraday làm bằng hợp-kim để ngăn chận ảnh hưởng của các sóng điện từ và chuyển vận rất xa.

-Vận tốc sóng thay đổi tùy theo môi trường, có thể chậm hơn vận tốc ánh sáng hoặc nhanh hơn 2-3 lần; không như sóng điện-từ có vận tốc nhất định c= 300.000 Km/giây và bị giảm sức mạnh với khoảng cách, trong khi sóng Vô-hướng càng tăng sức mạnh khi đến gần bộ phận thu nhận. Nikola Tesla trong thập niên 1930 đã gọi bộ phận phát sóng của ông là «bộ phát sóng phóng đại» vì năng lượng khi đến bộ phận thu nhận cao hơn lúc được phát ra. Còn GS Meyl thì giải thích đây không phải là một phép mầu, mà là sự thu thập từ môi trường chung quanh hoặc từ xa toàn bộ những sóng Vô-hướng đồng bộ (harmonique) đến để kết hợp do sự cộng hưởng (résonance) với chùm sóng ban đầu đã được tạo ra một cách nhân tạo. Hiện tượng này làm tăng số năng lượng thu nhận so với số năng lượng phát xuất: đó chính là đặc tính của sóng Vô-hướng.

Nguồn gốc của sóng scalaire đến từ mặt trời và từ các sinh vật như con người, thú vật và cây cỏ. Những hạt Trung-hòa-tử (neutron) ở mặt trời bị phân hủy thành những hạt Neutrinos rồi bị bắn vào vũ trụ và rơi xuống trái đất với lượng khoảng 66 tỷ/ 1cm2/ 1 giây. Lúc đầu người ta nghĩ rằng những hạt này không có trọng lượng, không mang điện tính. Nhưng đến năm 2015, hai nhà vật-lý-học Nhật Bản và Gia Nã Đại đoạt giải Nobel về vật lý vì đã chứng minh được những hạt Neutrinos có khối lượng và có điện tính ; như vậy chúng là một nguồn dự trữ năng lượng (E=mc2). Trong những tế bào của cơ thể chúng ta, chất ADN có hình dạng xoắn ốc là những ăng-ten có thể cộng hưởng với các sống scalaires đến từ bên ngoài và có thể hấp thụ hay ban phát năng lượng hoặc chuyển tải, trao đổi các thông tin bên trong tế bào và giữa các tế bào với nhau. Hình thức chuyển tải thông tin này được chứng minh là hiệu quả hơn sự chuyển tải qua sự biến dưỡng hóa học các chất hormone hay thần kinh chuyển hóa (neurotransmetteurs)(Médecine énergétique, Oshman).

Sự chuyển tải thông tin và năng lượng giữa các tế bào trong cơ thể kết hợp 2 hệ thống sóng điện-từ (trong đó yếu tố điện mạnh hơn) và sóng scalaire thì yếu tố từ, magnétique, chủ động (còn yếu tố điện gần như vô hiệu, gọi là cách điện=diélectrique). Hai hệ thống có thể chuyển đổi với nhau : cái này biến thành cái kia giống như hạt biến thành sóng và sóng biến thành hạt. Do đó ở mức độ năng lượng và thông tin của tế bào, ta có thể giải thích bằng lý thuyết lượng-tử, nhờ đó ta có thể hiểu tại sao tâm có thể ảnh hưởng trên não (như cấu trúc của não bộ các thiền sư lão luyện được thay đổi kiện toàn) và não có thể ảnh hưởng trên tâm (như não của người bịnh Alzheimer làm cho họ mất trí nhớ hoàn toàn.


Sau khi đã điểm qua một phần lý thuyết và bây giờ chúng ta đi vào thực tế, muốn cải thiện sức khỏe vật chất và tinh thần chúng ta nên làm những việc sau đây:

1/- Ăn uống lành mạnh, quân bình :

-Không ăn ngọt quá (30g đường mỗi ngày= 6-7 cục đường nâu)/ Không ăn mặn quá (5g muối=1 muỗng càfé)/ Không ăn béo quá (1g-1,2g/ kg sức nặng/ngày)/ Không ăn chất gây dị ứng, gây táo bón, gây không dung nạp lactose.

-ăn nhiều rau cải và trái cây (5 loại vừa rau vừa trái cây/ ngày)

-đừng quên những loại quả có vỏ cứng: hồ đào (noix), phỉ tử (noisette), Hạnh nhân (amande), quả đào lạc (pistache)...mang lại nhiều chất Oméga3, Oméga6...

-Không hút thuốc và uống rượu, nhất là đối với phụ nữ mang thai.

2/- Hoạt động cơ thể:

Các nhà khoa học đã chứng minh rằng hoạt động cơ thể có ảnh hưởng tốt, trực tiếp đến sức khỏe vật chất và tinh thần. Tổ chức Y Tế Thế Giới (OMS) khuyến cáo những người trên 60 tuổi mỗi ngày nên đi bộ 30 phút. Những môn thể dục tài chi, khí công, Yoga… đều tốt cả, hoặc thể thao như đi bộ, chạy bộ, bơi lội, xe đạp... đều tốt, với điều kiện phải tập đều đặn và mỗi lần tập phải ra mồ hôi.

Sự vận động làm giảm nguy cơ mất trí của tuổi già xuống phân nửa, nguy cơ bệnh Alzheimer xuống 60%, có thể ngăn ngừa bệnh trầm cảm, bệnh lo âu và nhiều bệnh ung thư, bịnh tiểu đường. Sau 4 tháng luyện tập đều đặn, khả năng tinh thần người già được cải thiện mọi mặt. 

3/- Ngủ nghỉ đầy đủ :

    Giấc ngủ rất cần thiết cho cả con người và sinh vật, con người bỏ ra 1/3 cuộc đời để ngủ. Trong                         khi ngủ, bộ não ghi lại những điều đáng ghi nhớ, học hỏi lúc ban ngày và tẩy rửa những chất độc    sinh ra từ những hoạt động của não. Nếu không ngủ, những sinh hoạt nhận thức bị xáo trộn : sự chú tâm, trí nhớ ngắn hạn suy giảm, tính khí trở nên gắt gỏng, hung hăng, lý luận không hợp lý, sự khéo tay chân và hoạt động cơ bắp cũng suy yếu (Les pouvoirs cachés de votre cerveau / John Medina). Nếu tối ngủ không đủ, sáng dậy còn mệt mỏi, các nhà khoa học khuyên nên ngủ trưa khoảng 30 phút để lấy lại sức.

    Chẩn đoán và điều trị các bịnh làm mất ngủ như hội chứng ngừng thở lúc ngủ,h.c.chân không yên

4/- Luyện tập sự chú tâm tỉnh giác (pleine conscience): bằng cách ban đầu chú tâm trên hơi thở hay tư thế toàn thân, rồi từ từ biến sự chú tâm này thành sự quan sát một cách thư giãn.

Sự chú tâm tỉnh giác là một hành động cố ý đặt các giác quan trong trạng thái ý thức, hay biết những gì xảy ra bên trong và bên ngoài ta, trong giây phút hiện tại, nó đòi hỏi: 

-một sự cố gắng tinh thần,

-một sự tỉnh thức sáng suốt,

-chấp nhận không phê phán, không phản ứng tức khắc với những thực tại bên trong con người như những cảm giác, những tình cảm và cảm xúc, hay những thực tại bên ngoài mưa nắng gió lạnh...

-trong mục đích tìm hiểu sự vận hành của thân, tâm và sự tương tác của chúng với ngoại cảnh.

5/- Phát triển sự buông xả (Lâcher-prise): 

-buông xả là một trạng thái của tâm không vui, không buồn/ không sướng, không khổ/ một cảm giác trung tính, chấp nhận sự việc xảy ra cho dù có xấu như thế nào.

-Buông xả là một thái độ, một hành động của tâm vô tư, không luyến ái cũng không ghét bỏ. Nhìn đối tượng qua nguyên nhân và hậu quả của nó với tâm trạng bình thản và không đòi hỏi nó phải theo sở thích của mình.

-Buông xả là chấp nhận sự khác biệt giữa người khác và mình, mỗi người một quan điểm, một chọn lựa, một sở thích. Đừng bắt buộc người khác phải giống mình.

-Buông xả là không quan tâm tới những điều nhỏ nhặt cứ làm khổ mình, những điều không liên quan tới mình chút nào.

6/- Phải giữ lòng tin nơi chính mình, nơi thân bằng quyến thuộc, không mặc cảm cho dù có bịnh tật hay già yếu. Phải cố gắng gìn giữ sự giao tiếp xã hội, là loại thức ăn thứ nhì nói ở trên, một yếu tố hiệu quả nhất để kích thích bộ não chống lại sự cô đơn của tuổi già. Sự cô lập dễ gây ra trầm cảm, làm mất sự tự tin, làm giảm thể tích của cơ quan hải-mã vỏ não tiền trán (hippocampe + cortex préfrontal) là những bộ phận của trí nhớ, của nhận thức và chú tâm. Sự giao tiếp xã hội sinh ra những tình cảm tốt đẹp, sự cảm thông, kích thích sự sản xuất chất ocytocine (là kích thích tố của tình thương,gắng bó) và những chất làm phục hồi thần kinh (neurotrophines) như chất BDNF đã nói ở trên.

Những người lớn tuổi, đa số vì cơ thể mệt mỏi, chân cẳng đau nhức, tai điếc mắt mờ, nên không muốn ra đường xuất hiện trước công chúng, sợ làm phiền người khác hoặc sợ hình ảnh tốt đẹp của mình trước kia bị mất đi. Nhưng càng ít ra ngoài, càng bị cô lập, thì cơ thể cũng như trí não không được kích hoạt một cách đúng mức.

7/- Sau cùng hãy kích hoạt thân và an định tâm : phải giữ quân bình giữa thân và tâm, quân bình giữa sự hướng tâm ra thế giới bên ngoài và vào thế giới bên trong.


Đời người thật ngắn ngủi nhưng rất quý, cái chết có thể đến với ta bất cứ lúc nào. Do đó phải tận dụng khoảng ngắn ngủi này để sống cho có ý nghĩa và để lưu truyền những giá trị cho các thế hệ mai sau. Các nhà khoa học đã công nhận «ở bề sâu của vật chất có năng lượng (E=mc2), ở bề sâu của năng lượng có hệ thống tín hiệu (information structuée), và ở bề sâu của tín hiệu có tâm thức»(BS Xavier Emanuelli). Ba yếu tố này cộng hưởng với nhau và là những yếu tố quan trọng, thiết yếu cho con người. Phải chuẩn bị cho các thế hệ mai sau tiếp nối mình, đừng để lại cho chúng những đổ vỡ hoang tàn, những ngu dốt, nghèo đói, bịnh tật và những cuộc sống không có ánh sáng tương tai.


Nguyễn Tối Thiện
 31/03/2024