Tiếng chuông Big Ben đưa thời gian từ ngàn năm trước Về bên bờ sông Thames đang tĩnh lặng xuôi giòng Một mình ngồi đây mơ màng trong phút giây trầm mặc Bám vòng quay lịch sử trở lại dĩ vãng xa xăm Nhịp sống cõi trần rung theo trường âm nhạc tấu Vở kịch đời thịnh suy biến đổi vô thường Lúc thăng hoa bay lơ lửng khắp bốn phương Khi xuống dốc chìm sâu tận đáy vùng tăm tối
*Kia! cầu London lấp ló sau màn sương mờ ảo Cảnh tượng công trình vĩ đại tan loãng vào hư không Cùng số phận với bao nhiêu điện đài lăng tẩm Của kinh thành đồ xộ, vương quốc huy hoàng! *Bánh xe thời gian tiếp tục lăn đều trong tiềm thức Xuyên qua đường hầm Channel Anh-Pháp đến Âu châu Notre-Dame de Paris soi bóng giòng sông Seine bốc lửa Roma Colosseum khán đài vỡ nát phơi trần *Tháp nghiêng Pisa chỉ chờ ngày tận số Thành phố Venice diẽm lệ ngập nước kênh đào Đền Hi Lạp cổ trơ trơ bức tường loang lở Lục điạ Atlantis ngổn ngang dưới đáy biển sâu *Sang châu Phi nhìn bão cát bào mòn Kim Tự Tháp Về Việt Nam thấy những Tháp Chàm hoang phế rêu phong Thành Nhà Hồ từng mảng tường đá khổng lồ xụp đổ Xem trống đồng Ngọc Lũ di tích văn minh Đông Sơn Như vang bóng một thời trong viện bào tàng lịch sử Cho 5 chữ Bốn-ngàn-năm-văn-hiến chói lọi muôn đời?
Một ngày mai lúc thế giới này bừng tỉnh giấc mơ Vạn vật đổi thay, dấu xưa mất dần hay tồn tại? Nghe âm vang tiếng u trầm bài ca nhân loại Đánh thức hồn ta... siêu thoát khỏi vũng suy tư.
ChinhNguyên/H.N.T.
USA,Jan.15.2022 (493) (Tặng M...người bạn đồng hành cùng tôi trên vùng trời hư ảo)
Bà Pélissand bước vào phòng khách, cô con gái của bà ngồi chơi dương cầm từ nãy giờ. Bà đi chầm chậm lặng lẽ, trên tay là một giỏ đầy cả những cuộn len và vớ phải khâu mạng lại; bà đi vòng quanh căn phòng, rồi đi vòng nữa và đứng trước chiếc ghế bành làm như bà muốn ngồi xuống, nhưng rồi bà quay lưng lại với con và ngồi bên cạnh chiếc đàn.
Ngay lúc đó, Marie Pélissand ngừng đàn. Cô biết là mẹ không thích nghe nhạc và cảm thấy tiếc rằng mình chưa thể đàn xong khúc nhạc yêu thích của mình; cô xoay mình trên chiếc ghế tròn và lật nhanh những tạp chí trên bàn.
Đôi tay bà Pélissand giữ chặt giỏ đan trên chân mình, mắt không nhìn con, rồi nói:
- Marie con, con có thể tiếp tục đàn nữa đi con à...
Marie ngước nhìn mẹ mình. Đôi mắt cô mở to lộ vẻ ngạc nhiên, có vẻ như muốn nói: "Ôi, mẹ mình bị gì vầy nè trời?"
Mà thật vậy, mấy ngày nay bà thay đổi thật nhiều. Từ xưa đến giờ bà không khi nào bước vô phòng khách trong khi con gái đang ngồi đàn. Bà cũng ghét cay ghét đắng nghề giáo viên của Marie, và không thể chịu nổi khi cô miệt mài bao nhiêu giờ cho công việc ấy. Vậy mà từ mấy ngày vừa qua, bà vẫn quanh quẩn trong phòng ăn khi Marie đang chấm bài vở cho học sinh. Và chiều tối hôm qua bà còn đến ngồi thật gần con gái và nhiều lần Marie nhìn thấy mẹ mình ngẩng đầu lên, mở miệng ra như thể bà đang tính nói điều gì, nhưng rồi cứ sau mỗi lần như thế bà lại cúi đầu xuống, vẻ thật bối rối.
Marie không dám lướt phím đàn trở lại, nhưng mẹ cô lặp lại lần nữa, cũng cùng giọng như lúc nãy:
- Marie, con có thể tiếp tục đàn đi con ạ.
Marie liền trở lại ngồi ở ghế trước cây đàn, nhưng đôi tay nàng không cảm thấy tự tin như lúc nãy và khúc nhạc yêu thích của nàng đang chơi dang dở không làm cho nàng hứng thú nữa. Nàng lén nhìn mẹ mình. Đôi mắt bà Pélissand nhìn chăm vào tấm thảm, đôi tay bà như thể đang bám thật chặt vào cái giỏ đựng vớ cũ.
Có một lúc, Marie nhìn thấy thật rõ rằng bà đang mở miệng để nói điều gì, nên ngưng đàn và hỏi mẹ:
- Mẹ ơi, mẹ nói đi, có chuyện gì vậy mẹ?
Đôi mắt bà lộ vẻ xúc động.
Bà đưa tay ra làm như muốn gạt câu hỏi đi, bà đứng lên rồi lại vội vàng ngồi xuống; và rồi, trong một thoáng, bỗng nhiên, nhìn thẳng vào đôi mắt của con, bà nói rất nhanh:
-Mẹ có chuyện gì ư? Đây nè: mẹ muốn tái giá.
Marie tưởng rằng bà đang nói đùa. Cô bèn ngã người ra sau và cười rú lên; nhưng bà Pélissand chụp cánh tay cô và nói bằng một giọng xẵng:
- Mẹ chẳng thấy có gì buồn cười cả.
Marie liền ngưng, không cười nữa cũng như đã không đàn nữa. Bỗng dưng cô hiểu rằng mẹ mình đang nói sự thật và cô cảm thấy vô cùng sững sờ. Cô lại nhìn mẹ mình lần nữa. Cô thấy mái tóc mẹ gần như bạc trắng đang phồng lên ở thái dương, cô nhìn thấy gương mặt mẹ đầy nếp nhăn, đôi vai trở nên lụ khụ, đôi tay thì xương xẩu, nên cô không thế nào nín cười được:
- Nhưng mà mẹ ơi, mẹ đã năm mươi tám tuổi rồi cơ đấy!
Sao nào? Sau đó thì sao? Marie không biết phải nói gì, mắt cô bỗng đẫm lệ, nhưng rồi cô lại nói tiếp:
- Còn con thì sao hả mẹ?
Bà Pélissand ngồi lùi ra sau; đôi mắt bà trở nên lạnh lùng như thể bà đang trả thù một sự việc ác hiểm nào đó, và trả lời:
- Con của mẹ ấy ư? Con đã đủ lớn tuổi để sống một mình rồi kia mà.
Rồi vừa vỗ vào những đôi vớ trong giỏ, bà vừa nói tiếp:
- Lúc nãy con trách mẹ đã năm mười tám tuổi, con có vẻ như đang quên rằng mình cũng vừa tròn ba mươi bảy đấy.
- Thưa Mẹ, con không quên đâu ạ, Marie nói, nhưng...
- Nhưng sao? Bà Pélissand hỏi.
-Thưa mẹ, Marie trả lời, con chỉ nghĩ là mẹ luôn ngăn cản không cho con lập gia đình bởi vì mẹ không muốn sống một mình, nhưng ngày hôm nay chính mẹ là người nói đến việc mẹ sẽ rời xa con.
Bà Pélissand lặng im, không nói, và Marie thì không dám trình bày với mẹ tất cả những gì chất chứa trong lòng mình.
Nhưng rồi khi mọi việc trở nên im lặng rất lâu sau đó, Marie đâm ra ngờ vực. Việc đám cưới của mẹ bỗng dưng trở nên quá sức bất khả thi và bây giờ nếu như cô không còn muốn cười như vài phút trước đây, cô bỗng cảm thấy rất muốn chế nhạo, khi nhớ ra rằng trong số những người đàn ông lớn tuổi mà cô biết, không có ai còn độc thân cả.
Cô đứng dậy, đến quỳ trước mặt mẹ, như thỉnh thoảng cô vẫn làm và nhỏ nhẹ nói với mẹ:
- Mẹ thân yêu của con. Ý tưởng về vụ đám cưới đó là mẹ chỉ muốn dọa con thôi phải không mẹ, mẹ chỉ nói đùa chơi thôi phải không mẹ?
Khi thấy bà Pélissand vẫn im lặng, cô trở nên dạn dĩ hơn và gần như muốn chọc ghẹo cho vui, cô hỏi:
- Mẹ ạ, mẹ nói cho con mẹ sẽ tìm được một người chồng ở đâu mẹ?
Ba Pélissand liền đứng bật dậy và trả lời bằng một giọng đầy tự ái:
- Có sẵn rồi con à, mẹ sẽ cưới ông Tardi.
Rồi liền sau đó bà lại giải thích:
- Con có nhớ người thanh niên đã hỏi cưới mẹ khi mẹ mười lăm tuổi và ông bà ngoại đã từ chối vì lúc đó ông ấy chưa được hai mươi nữa.
Marie gật đầu để mẹ biết rằng cô vẫn còn nhớ câu chuyện mà mẹ đã kể cho cô nghe.
- Ông ấy cũng đã có gia đình, nhưng vẫn một mực yêu mẹ. Vợ ông ấy đã qua đời cách đây ba tháng và tuần trước ông lại đến hỏi cưới mẹ .
Sau khi dừng lại một lúc, bà lại nói:
- Ông ấy đang sống ở một thành phố miền Nam và mẹ sẽ đến với ông ấy.
Marie đứng dậy, đi vài bước, rồi lại đến tựa vào cái đàn, nói một cách nghiêm trọng:
- Đâu phải bởi vì ông ấy đến hỏi cưới là mẹ phải buộc phải chấp nhận.
Bà Pélissand dang cánh tay ra, nhưng Marie lại tiếp:
- Trước đây, mỗi khi có người đến hỏi cưới con thì mẹ đã cấm không cho con nhận lời...
Bà Pélissand cúi đầu xuống.
-... Rồi khi con vẫn muốn cưới anh Julien mà còn rất yêu, mẹ cũng đã cản con, nói rằng bổn phận của con là không được để mẹ một mình. Mẹ nói là khi ba con mất, mẹ con mình đã lâm vào cảnh túng quẫn.
Thế là con phải tất bật đi làm và đã từ chối hạnh phúc, bây giờ con biết là Julien đã chán nản, không chờ đợi được nữa và đã cưới cô gái khác.. rồi mẹ lại cho con biết là mẹ sẽ rời xa con để cưới một người đàn ông mà mẹ chưa bao giờ yêu, ông ấy đã là một người xa lạ với mẹ từ bao nhiêu chục năm nay rồi kia mà.
Bà Pélissand cúi đầu xuống thấp đến nỗi tưởng như cái trán của bà sắp chạm vào phần ngực, chỉ thấy cái gáy của bà nhô lên.
Marie ngừng nói, đợi mẹ sẽ trả lời.
Nhưng bà Pélissand vẫn cúi đầu và có vẻ ngang bướng. Marie lại tiếp:
- Mẹ này, con đã làm tròn bổn phận của con khi con vẫn ở bên mẹ, thế thì mẹ có làm trách nhiệm của mẹ và từ chối cuộc hôn nhân ấy để không bỏ con ở một mình cô đơn chứ? Mẹ nói đi mẹ, mẹ trả lời con đi!
Bà mẹ nhìn con gái và bỗng dưng nói xẵng giọng:
-Mẹ sẽ kết hôn với người ấy vì mẹ không muốn sống với con nữa.
Marie mở tròn mắt và áp mặt của mình gần sát với mẹ:
- Tại sao vậy mẹ? Mẹ trách con điều gì?
- Rất nhiều.
- Mẹ nói đi.
Bà lại trả lời vẻ bướng bỉnh:
- Con thông minh và tài giỏi khéo léo hơn mẹ. Con ngồi đó mơ mộng hàng giờ mà không nói gì, rồi khi bạn bè đến chơi, lúc nào con cũng nói chuyện với bọn đàn ông, mà mẹ không hề hiểu những gì con nói với họ. Con là người chọn sách cho mẹ đọc, rồi khi mẹ muốn đọc sách của con thì trong ấy toàn là những điều mẹ không biết ất giáp chi cả. Chính con là người chọn màu áo của mẹ, hình dáng mũ nón của mẹ. Chính con là người làm ra tiền để nuôi mẹ, rồi khi mẹ muốn ra lệnh cho người giúp việc thì họ chỉ tuân theo sau khi con đã đồng ý.
Giọng bà trở nên chua chát đau đớn:
- Ở đây, tất cả mọi việc bây giờ đã thay đổi, con đã là người mẹ và mẹ thành con gái. Nhiều lúc mẹ rất sợ bị la rầy và dù con rất dịu dàng và tốt bụng, mẹ cũng cảm thấy rất ngại khi con nhìn mẹ.
Một không khí im lặng bao trùm căn phòng.
Bàn tay đặt trên phím đàn, Marie suy nghĩ mông lung.
Bà Pélissand nhẹ nhàng thổn thức, rồi rụt rè nói với con gái:
- Con cho phép mẹ cưới ông Tardi nhé con.
Marie liền ôm choàng lấy mẹ, và sau khi lau nước mắt cho bà, cô âu yếm hôn vào trán mẹ và nói:
- Mẹ ơi, thế thì mẹ cưới ông Tardi đi mẹ, ít ra một trong hai chúng ta cũng có người được hạnh phúc, mẹ của con ạ.
Vườn chiều thoảng chút hương xưa Tình thơ gọi gió giao mùa Giọt nắmg mơ màng nỗi nhớ Bóng người mòn mỏi song thưa
Mưa đâu rơi xuống niềm đau Nhạt nhoà mắt môi yêu dấu Người xa xôi hoài tầm với Một đời ta lạc mất nhau
Kim Oanh *** Losing Each Other...by Kim Oanh
The garden is mixing lightly with the old fragrance in the afternoon Young naive love calls for the seasonally joining wind which comes soon The droplets of sunshine are dreaming in the missing totally The shadow of someone behind the loose rattan is wearing out gradually
Which rain that falls onto the pain that might Blur the lovingly lips and eyes The distant person is beyond the reach of other For a whole life we are losing each other
Tôi đã trở lại Việt Nam, trở lại Saigon, nơi chốn mà tôi đã rời bỏ nó cách đây hơn hai mươi năm. Không ngờ thời gian trôi qua quá nhanh, mới chớp mắt đây thôi đã hơn hai mươi năm rồi, hơn hai mươi năm xa lìa quê hương, đến sống ở một phương trời xa lạ cách nơi chôn nhau cắt rốn của mình tới nửa quả địa cầu, thì quả đúng là một điều có nằm mơ cũng không tin được, thế nhưng giấc mơ này đã là sự thật.
Đây là lần đầu đầu tiên tôi quay trở về quê hương đúng vào những ngày giáp Tết. Lúc ngồi trên máy bay tôi đã háo hức mong đơi được nhìn thấy Saigon yêu quý của tôi ngày xưa, nhưng khi nhìn thấy Saigon rồi thì tất cả những hao hức đó, những mong đơi đó đã vỡ tan như bong bóng xà phòng. Saigon đã thay đổi tất cả. Một sự thay đổi hỗn độn, nhớp nhúa như một kẻ tập ăn chơi, bắt chước khoác lên người những chiếc áo sặc sỡ, rẻ tiền, những thứ đó không mang cho tôi cái cảm giác ấm áp thân yêu ngày nào, mà tôi mong đợi, “Saigon ơi, tôi mất người như người đã mất tên…” *Vâng tôi đã mất Saigon yêu thương của ngày nào rồi. Giờ chỉ còn một chút hy vọng nhỏ nhoi là mong tìm thấy lại bóng dáng của người xưa mà tôi đã bị lạc mất, khi rời bỏ thành phố này.
Ngồi trong góc quán cà phê của Trà, ngưởi bạn học cùng trường Luật ngày xưa, tôi mơ tìm lại một chút kỷ niệm ngày nào còn xót lại tại nơi này, nơi mà mỗi lần muốn gặp gỡ nhau, Chấn và tôi đều lấy quán cà phê của Trà làm điểm hẹn. Quán cà phê nhỏ này cũng giống như hàng ngàn quán cà phê nhỏ khác của thành phố, nhưng với tôi nó thân thiết vô cùng, với tôi nó là những mảng ký ức của một cuộc tình đã mất nhưng chưa bao giờ phai mờ, hơn bao giờ hết, với tôi nó chính là Chấn, tình yêu đầu đời của tôi.
Sau khi rời khỏi Việt Nam, tôi vẫn thường xuyên liên lạc với Trà, nhờ có Trà mà tôi đã biết đươc tin tức của Chấn, người yêu cũ của tôi. Và cuộc gặp gỡ ngày hôm nay cũng do Trà sắp xếp. Tuần trước tôi nhận được email của Trà , báo đã gặp được Chấn sau nhiều lần tìm kiếm. Email Trà viết “.... Đã tìm thấy Chấn của cậu rồi, có muốn gỡ rối tơ lòng thì về đi, tớ sẽ an bày cho cuộc gặp gỡ này.....” Và hôm nay tôi ngồi đây để chờ được gặp lại anh, người của một thời đã từng làm cho trái tim bé bỏng của tôi phải xốn xang, phải rung động. Vâng, tôi đã từng yêu say đắm, yêu tha thiết, người lính Biệt Động Quân có cặp mắt thật đẹp, có ánh nhìn quyến rũ luôn làm chao dao trái tim tôi, có nụ cười quá đẹp làm lòng tôi phải say đắm, mê mệt. Thế nhưng mối tình ấy của tôi đã không trọn vẹn, tôi đã lạc mất anh trong đời và bây giờ, hôm nay đây, không hiểu sao tôi lại mong, lại chờ để gặp anh, người của năm tháng cũ. Để làm gì? Để ước mong tìm lại hình bóng mối tình của một thời dĩ vãng? Để muốn nói một lời xin lỗi hay muốn nghe một câu giải thich? Có phải như vậy không, dù sao tất cả những điều đó đã đi vào dĩ vãng quá lâu rồi, có lẽ tôi cũng không cần tới nữa, hơn hai mươi năm rồi còn gì. Vậy thì gặp để làm gì, tôi cũng không biết nữa nhưng tôi vẫn cứ chờ và vẫn cứ mong gặp anh. Không lẽ tự trong thâm tâm của tôi hình ảnh của anh vẫn còn sâu đậm, vẫn còn làm con tim tôi tê tái mà tôi không cam lòng sao? Hay là cái lợn cợn của nụ hôn ngày nào đã thắt thành một cái nút khó cởi?
Tiếng hát của một nữ ca sĩ vang lên từ chiêc máy ở góc phòng nghe day dứt quá:
“ Tôi đi tìm lại một mùa Xuân,
Mùa Xuân xưa cũ qua mất rồi,
Mùa Xuân đã rơi vào dĩ vãng,
Mà Xuân nay vẫn còn dư hương. ….
Nên tôi tìm lại một mùa Xuân
Người xưa không biết lạc phương nào
Không biết khi xuân về trên áo
Mầu xanh năm đó còn xanh không?..."*
Mầu xanh ở đây trong tim tôi không phải là mầu xanh áo cưới, mà là cái mầu xanh áo lính ngày xưa, tôi chưa quên được và cũng sẽ không bao giờ quên.
Đưa mắt nhìn qua ô cửa kính của quán, cảnh nhộn nhịp của những ngày trước Tết, thật là tấp nập, xe chạy như mắc cửi, những chiếc xe tải chở hoa từ ngoại ô vào thành phố, với đủ loại hoa và đủ mầu sắc làm lòng tôi chợt thấy nao nao, và rồi trong một thoáng chốc bâng khuâng, dĩ vãng ùa về tràn đầy tâm trí tôi như một cuốn phim quay chậm:
Đó là những ngày tháng trước năm 1975....
Theo thói quen, sau khi ra khỏi giảng đường tôi hay ghé vào quán của Trà để uống một ly sữa cacao. Tôi nhớ có lần đùa với anh chàng chủ quán tôi bảo:
_ Chả biết cậu cho cái quái gì vào ly cacao của tớ mà làm tớ ghiền đến thế, hôm nào cũng phải ghé vào đây làm một ly thì tối về nhà mới ngủ được.
Trà cười:
_ Bí mật nghề nghiệp không thể tiết lộ được, nói cho cậu biết nhỡ mà cậu ra mở quán , có bí quyết này, cậu câu hết khách của tớ, thì lúc đó tớ húp cháo rùa à. Hì hì…
_ Húp cháo rùa là còn khá đấy chứ tớ sợ cậu chả còn cái gì để mà húp đâu.
Tôi nghinh nghinh cái mặt lên trả lời Trà. Trà bật cười lớn:
_ Ha..Ha..Sao mà tàn nhẫn quá vậy cô nương, may ghê đi tại hạ chưa bật mí bí quyết của mình, nếu không thì chít ngộ dzồi. Thế cậu nghĩ tớ cho cái quái gì vào sữa của cậu thế nhỉ? Thôi thì cậu nghĩ tớ cho cái gì thì nó là cái ấy đi, miễn sao cậu cứ mê ly sữa cacao của tớ là được rồi. Thôi có khách vào, tớ đi làm việc đây.
Trà là bạn học cùng phân khoa với tôi nhưng trên tôi hai lớp, cuối năm nay Trà sẽ nộp luận án để ra trường. Anh chàng này cũng đã từng theo đuổi tôi trong hai năm, nhưng vì sự hờ hững của tôi làm anh nản chí, Trà quay sang tìm sự an ủi nơi Băng Thanh, cô bạn dễ thương và nhút nhát nhất trong bọn bốn đứa chúng tôi. Trà dư định sau khi tốt nghiệp, thì hai người họ sẽ làm đám cưới. Nhóm bạn bốn đứa Băng Thanh, Vân Anh, Thảo Dung và tôi thì ba đứa đã đều có nơi để chia ngọt, sẻ bùi, chỉ còn riêng mình tôi vẫn lông bông, lêu bêu, cô đơn một mình trên cõi đời ô trọc này. Lũ bạn tôi cũng nhiều lần thắc mắc, tại sao tôi vẫn chưa chịu tìm cho mình một chỗ để dừng chân, thì tôi chỉ đơn giản trả lời bọn nó:
_ Sao tụi bay thừa hơi để mà thọc gậy vào đời tư của tao vậy, tao chưa ế đâu mà là tao chưa thích, thế thôi.
_ Sao giản dị thế nhỉ, bộ mày không có tim, hay trái tim mày không biết đập?
_ Vớ vẩn cái con này, tao có phải là Tỉ Can đâu mà không có tim, tim tao mà không đập thì tao đã ngoẻo từ đời nào, còn đâu đứng đây cho tụi mày chất vấn, cười cười tôi tiếp, có điều là tín hiêu từ trái tim tao phát đi không gặp đúng tần số của nó nên tao vẫn còn ca bài “ Anh ơi, bây giờ anh ở đâu, Bến Hải hay Cà Mau” vậy thôi. Tao trả lời rồi đó, từ giờ trở đi em xin các chị tha cho em đừng hỏi “vì sao tay em run, vì sao chân không vững” nữa nha. Mệt với mấy mụ nì quá.
Từ đó không đứa nào hỏi han gì đến duyên nợ của tôi nữa, nhưng chúng nó vẫn không thôi, tìm tòi cho tôi một chốn nương thân
Hôm nay, cũng không ngoại lệ, tôi ghé quán của Trà. Thường thì vào khoảng giờ này quán không đông khách lắm nên luôn luôn cái bàn trong góc nhìn ra ngoài đường Trà vẫn để dành cho tôi, nhưng bữa nay quán lại đông một cách đặc biệt, tôi đưa mắt nhìn quanh và thấy chỗ ngồi thường ngày của mình đã bị chiếm rồi, định bước ra để về, chợt nghe có tiếng gọi tên mình, quay lại tôi thấy Băng Thanh đang mang cà phê cho khách, đi về phía tôi, nó bảo:
_ Đừng về, mày vào trong quầy chờ tao một lát.
Tôi gật đầu và bước nhanh vào trong. Không thấy Trà, tôi kéo cái ghế đẩu sau quầy và ngồi xuống. Một lúc sau, Băng Thanh tới bên tôi nó than nho nhỏ:
_ Không có khách thì lo mà có khách nhiều như ngày hôm nay thì mệt ơi là mệt. hôm nay đâu phải cuối tuần mà đông ghê đi.
Tôi cười:
_Có gì lạ đâu, gần Tết thiên hạ rảnh rỗi đi chơi, vào quán cà phê là chuyện bình thường. Không khách cũng than, có khách cũng than, sao mày khó tính thế. Mày là Thanh chứ có phải là than đâu mà rên rỉ gớm luôn.
_ Mày không biết chứ, cách đây gần hai tiếng, không hiểu sao quán của Trà tự dưng đông khủng khiếp, Trà, tao và bé Liên xoay như chong chóng mà còn không kịp, tí nữa còn làm đổ cà phê nữa chứ, bây giờ là bớt rồi đó, tao mới có thời gian nói chuyện với mày chứ cứ như lúc nãy thì có mà bò ra cũng không kịp.
_ Vậy là mừng cho mày và Trà, đông khách sẽ có nhiều tiền để làm đám cưới to, nở mặt, nở mày với chòm xóm. Ủa mà Trà đâu sao tao không thấy hắn
Băng Thanh nhìn tôi tủm tỉm cười, nụ cười của nó có vẻ gì kỳ kỳ, lạ lạ.
_ Lúc nãy vừa bớt khách, Trà có việc phải ra ngoài, tao chả biết ông ấy đi đâu nữa.
_ Thật mày không biết không? Sao tao thấy cái cười của mày nó gian gian thế nào ấy.
Băng Thanh bật cười thành tiếng:
_ Gớm cái con này, mày còn hơn Tào Tháo ấy, cười mày cũng nghi, tao làm cái gì mà gian chứ?
Tôi lườm nó:
_ Làm gì thì mày biết, đừng để tao bắt được tẩy của mày đó.
Tôi còn đang định chì chiết con nhỏ Thanh một hồi nữa thì Trà đã vào tới:
_ Không biết tiện nội đã phạm lỗi gì mà để cô nương phải nổi cơn tam bành lục tặc lên như vậy.
_ Đâu dám. Cặp đôi của cậu hợp lại thì tớ thua là cái chắc, hai người đánh một chẳng chột thì cũng què, tớ cô đơn có một mình, đâu dám đấu lại người có đôi có cặp chứ. Thôi tớ về đây, hôm nay đành nhịn một chầu sữa cacao vậy.
Trà cười:
_ Khoan đã, đi đâu mà vội, cậu không phải nhịn đâu, chầu cacao hôm nay tớ đãi, lại đây tớ giới thiệu với cậu một người bạn của tớ, Trung Úy Vương Ngọc Chấn, rất bô trai và cũng rất ga lăng, và đây là Thy Hạ cô bạn xinh xinh rất thân của bà xã tao. Hai người làm quen nhau nhé.
Nói xong, Trà nhich người sang một bên để lộ ra phía sau anh, một người lính thân hình cao ráo, khuôn mặt hơi sạm nắng với cặp mắt sáng có một ánh nhìn lạ lạ, tình tình làm sao, ẩn dưới đôi lông mày rậm. Chiếc mũi cao thẳng nằm trên cái miệng hơi rộng, đang cười phô ra một hàm răng trắng đều như hạt bắp. Nụ cười này nếu là của người quen chắc tôi phải thốt lên: “Trời ơi, sao lại có nụ cười quá đẹp, quá quyến rũ như thế chứ!”. Ai dè từ nãy giờ thấy anh ta đứng sau lưng Trà, tôi lại cứ ngỡ là khách hàng chờ gọi đồ ăn, thế có chết không chứ. Nhưng chẳng sao vì tôi nghĩ mình chưa nói hay làm điều gì thất thố để phải xấu hổ trước mặt một người khác phái và xa lạ như anh ta. Vậy có gì để phải rụt rè, nghĩ vậy tôi tỉnh bơ dơ tay ra trước:
_ Rất hân hạnh được biết trung úy
Một bàn tay rất ấm nắm nhẹ tay tôi kèm theo một ánh mắt tình tình, một nụ cười quyến rũ, nụ cười mà tôi đã chấm điểm mười:
_ Phải nói người hân hạnh là tôi mới đúng hơn.
Kể từ sau lần gặp gỡ đó, và thêm vài lần sau này nữa, tôi hiểu ra rằng tín hiệu từ trái tim tôi phát ra đã gặp được đúng tần số nó cần. Và mùa Xuân năm đó tôi đã tìm được điểm tựa của đời mình.
Chấn là lính tác chiến nên thời gian ở gần nhau không nhiều, nhưng những lần bên nhau chúng tôi thật hạnh phúc. Anh kể tôi nghe về gia đình anh, quê anh ở miền Bắc, năm 54, cả gia đình di cư vào Nam và cha anh chọn Vĩnh Long làm nơi lập nghiệp. Rồi một thời gian sau cha mất đi, còn lại mẹ, bà tần tảo bán buôn nuôi bốn con nên người. Khi lớn khôn, các con xa dần. Anh Hai đi lính đóng quân ở miền Trung, chị Ba lập gia đình theo chồng về Rạch Giá, anh Tư học trên Saigon, ra trường lấy vợ ở luôn trên thành phố không về quê nữa, chỉ còn anh ở với mẹ, nhưng rồi cuối cùng anh cũng vẫn phải nhập ngũ vào quân đội như bao thanh niên khác ở tuổi đăng lính. Anh chọn binh chủng Biệt Động Quân, một trong những binh chủng thiên chiến của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà để thỏa mãn chí tang bồng hồ thỉ của người trai đất Việt.
Đáp lại tôi cũng thủ thỉ kể cho anh nghe tiểu sử đời mình. Tôi mồ côi mẹ từ khi lọt lòng. Sống với Bố và người chị ruột, có lẽ vì thấy tôi thiếu tình mẫu tử nên bao nhiêu thương yêu Bố và chị đều dành cả cho tôi. Tôi bảo anh:
_ Anh sui sẻo rồi vì quen một đứa con gái được nuông chiều từ nhỏ , em tai quái, ngang ngược lắm đó, anh ráng mà chiều em nha.
_ Chuyện nhỏ, em có biết không, anh là con út cũng được cưng không thua gì em đâu, mà lại là con trai nữa, nên chắc chắn anh còn tai quái, ngang ngược hơn em nhiều. Anh biết hết những chiêu trò tai quái, em mà giở trò gì ra là anh trị lại liền, sợ chưa?
_ Anh dám?
_ Tại sao không?
_ Nếu vậy thì....Tôi sụ mặt xuống, em không thèm chơi với anh nữa. Tưởng sẽ được anh chiều, ai dè anh lại còn muốn bắt nạt em.
Bằng cả hai tay, Chấn ôm lấy khuôn mặt tôi, nâng lên:
_ Nhìn anh nè, cái măt đẹp như thế này mà nhè thì xấu lắm đó. Thy Hạ ơi, em có biết là em đẹp lắm không, cặp mắt này, cái mũi này và nhất là cặp môi này, mọng mọng như quả nho chín, làm người ta thèm cắn quá. Anh cắn nhe.
_ Í, í... không được đâu, vừa kêu tôi vừa lách đầu lùi ra khỏi tay anh, tôi rỡn, em mới đi Paris “ tút” lại sắc đẹp đó, anh đừng có mà đụng vào, hư hết cái mặt em thì sao.
Chấn trâng tráo:
_ Hư anh đền. Ai bảo em sửa cho đẹp làm chi.
Ôm được tôi trong tay, cặp môi tham lam của anh tìm đến môi tôi. Tôi ngất ngây trong nụ hôn ngọt ngào và đầy mê đắm của anh. Không gian như đông đặc lại quanh chúng tôi.
Từ ngày quen nhau đến nay đã gần một năm rồi, nhưng chưa bao giờ anh dẫn tôi về gặp mẹ anh, một lần khi tôi ngỏ ý muốn được đi thăm Người thì anh cười cười, nhéo mũi tôi và bảo:
_ Thời gian của anh rất ít, mỗi lần được về phép, anh ở nhà với mẹ vài ngày, trở lên đây gặp em, xong rồi quay về đơn vị. Nếu đưa em về Vĩnh Long thăm mẹ anh, đi đi, về về mất nhiều thời gian lắm, đâu còn giờ rảnh để hai đứa mình đi chơi với nhau. Thôi thì để lúc nào mình cưới nhau rồi, anh đưa em về dưới ấy ở luôn với mẹ anh, cho mẹ chồng với con dâu khi đó tha hồ mà tâm sự, được chưa?
Tôi nghiêng mặt nhìn anh, mắt hơi nheo lại tỏ vẻ không tin những lời anh nói:
_ Có thật như vậy không đó hay là …tôi phụng phịu, dỗi hờn, hay là anh có chị nhà ở dưới đó rồi nên không muốn đưa em về đấy thôi?
Chấn bật cười ha hả:
_ Băng Thanh nói em là Tào Tháo không ngoa, hay nghi ngờ mà không có bằng cớ, cái đầu nho nhỏ như thế này lúc nào cũng cứ suy nghĩ lung tung loạn sạ. nếu không tin, ngày mai trở về đơn vị, anh sẽ đưa em xuống gặp mẹ, nhưng sau đó là em phải trở về một mình đấy nhe, được chưa nào?
Tôi nhìn anh, nước mắt đã đong đầy:
_ Mai anh đi rồi sao, rồi bao giờ anh lại về nữa?
Ôm tôi trong vòng tay, anh không trả lời vì bờ môi anh đang hôn nhẹ lên mắt tôi rồi di dần xuống môi và đậu lại ở đấy thật lâu. Một lúc sau, môi chúng tôi rời nhau. Anh ôm lấy đầu tôi áp vào vùng ngực rắn dỏi của anh, tôi nghe anh thì thầm trên tóc mình:
_ Đừng buồn anh nhe, anh không dối gạt em đâu. Anh yêu em và sẽ yêu em đến suốt đời, hãy tin anh đi, tin anh nhé Thy Hạ.
Nhấc đầu ra khỏi vùng ngực ấm áp, vòng tay qua cổ anh, tôi kiễng hai chân lên cho môi mình áp sát vào môi anh, tôi nói trong nụ hôn:
_ Em tin anh, em tin anh mà Chấn ơi! Em yêu anh, yêu anh nhiều lắm.
Nụ hôn này dù ngọt ngào, dù say đắm, dù tha thiết bao nhiêu nhưng sao trong tim tôi vẫn thấy như có lợn cợn một cái gì mà tôi không thể cắt nghĩa được.
Chúng tôi vẫn quấn quit bên nhau mỗi lần anh về phép. Những hàng quà vặt bên hồ Con Rùa, nước mía Viễn Đông, trong chợ Bến Thành, hẻm Casino…không nơi nào là tôi không kéo anh đi để thưởng thức món ngon Saigon. Vòng quanh Saigon chưa đủ tôi còn rủ rê anh:
_ Tới Nguyễn Tri Phương ăn nghêu đi anh.
_ Sao em biết Nguyễn Tri Phương có nghêu mà rủ anh đi, à...à...chắc là đi ăn với cậu nào rồi nên mới rành sáu câu như vậy, đúng không?
_ Cậu nào là cậu nào, anh chỉ đoán mò, cậu nào mà mời nổi em đi ngoại trừ cậu trung úy Chấn này thôi. Anh biết sao em biết không?
_ Không.
Tôi cong môi lên:
_ Đương nhiên là anh không biết rồi vì em có nói đâu mà anh biết. Thế này này, nhà nhỏ Vân Anh ở gần Ngã Bảy, nó biết nên rủ cả bọn tui em đi ăn mấy lần ở đó, ngon ghê nhe anh ơi. Anh tưởng tượng mà xem, cầm con nghiêu nóng hổi, chấm và bát nước mắm chua chua, cay cay, ngọt ngọt, hút một cái chụt, ôi tuyệt cú mèo làm sao. Ơ, anh cười cái gì, bộ anh nghĩ em nói dóc hay sao?
_ Anh cười vì cái điệu bộ diễn tả của em thấy hấp dẫn quá chừng, nghe cũng thấy thèm rồi. Được rồi, đi.
Cuộc tình chúng tôi tưởng như cứ mãi êm đềm bên nhau như vậy.
Nhưng rồi cuộc chiến tại miền Nam đi vào giai đoạn khốc liệt, trên truyền hình, trên báo chí, tin về những thành phố miền Trung đang lọt vào tay giặc. hình ảnh dân tháo chạy trên quốc lộ 1 mới thảm thương làm sao. Người chết nằm phơi thây trên đường bởi những loạt đạn pháo kích không chút lương tâm của bọn cộng phỉ vô nhân đạo, cùng với hình ảnh đau thương đó là hình ảnh những anh chiến sĩ VNCH đang tiếp cứu cho người dân, các anh băng bó vết thương, khiêng, cõng, dìu những người dân cần sự giúp đỡ của các anh. Tấm lòng nhân đạo của các anh đã làm cả thế giới phải ngưỡng mô, đồng thời cũng làm bỉ mặt lũ bạo tàn cộng phỉ giết dân không chút gớm tay.
Hình ảnh những người lính ấy lại làm tôi nhớ đến Chấn của tôi. Bây giờ anh đang ở đâu? Đã mấy tháng rồi, anh không về thăm tôi, mà cả đến những lá thư tôi gửi cho anh theo địa chỉ anh cho qua KBC, cũng không có hồi âm. Lòng tôi như lửa đốt. Tôi muốn xuống Vĩnh Long nơi gia đình anh ở để tìm anh, tôi cũng đành bó tay vì không có địa chỉ. Tôi phải làm sao đây. Chấn ơi, anh ở đâu hả anh?
Ngày nào tôi cũng ra quán của Trà ngồi, với cái hy vọng mong manh nếu anh có về Saigon, thì chúng tôi sẽ được gặp nhau, nhưng cuối cùng cái hy vọng mong manh đó của tôi cũng bay theo mây gió. Tôi đã lạc mất anh rồi. Nhiều lần thấy tôi ngồi thẫn thờ chờ anh trong dáng vẻ tuyệt vọng, Trà bưng ly sữa cacao tới, nói vài lời an ủi. Tôi cám ơn Trà và nói trong dòng nước mắt chảy dài:
_ Cậu không cần phải làm như vậy đâu, cậu cho tớ ngồi nhờ ở đây là cám ơn cậu nhiều lắm rồi. Có lẽ mấy hôm nữa tớ sẽ thử đi Vĩnh Long một chuyến biết đâu chả tìm thấy Chấn.
_ Cậu biết hắn ở đâu mà tìm?
_ Không biết cũng phải đi tìm, chứ ngồi đây chờ cũng không phải là cách, hơn nữa tớ cũng chịu hết nổi cái cảnh phải chờ như thế này.
_ Vậy tớ đi cùng cậu.
Tôi cười buồn.:
_ Cám ơn cậu, cậu còn nhiều việc phải lo, bỏ quán và Băng Thanh đang bụng mang dạ chửa một mình sao được. Tớ biết mình phải làm gì mà, đừng lo, dầu sao cũng cám ơn cậu, cám ơn thật nhiều.
Trước khi về, để vợ chồng Trà yên tâm về tôi, tôi vỗ vai Trà giọng chua xót:
_Cũng có thể tớ sẽ không đi tìm anh ấy đâu, cậu nói đúng, biết anh ấy ở đâu mà tìm, với lại anh ấy bỏ tớ chứ không phải là tớ không chờ anh ấy.
Và cuối cùng tàn cuộc đã định, miền Nam rơi vào tay lũ côn đồ Việt cộng. Quán cà phê của Trà cũng đóng cửa. tuy vậy chúng tôi vẫn còn liên lạc với nhau. Băng Thanh bây giờ đã có con. Trà thì không có việc làm, cuộc sống khó khăn không chỉ riêng cho chúng tôi mà hầu như cho cả miền Nam này. Không còn quán cà phê, tôi rủ vợ chồng Trà đi làm công cho hợp tác xã may chiếu xuất khẩu. Cho tới một tối, tôi tới báo cho vợ chồng Trà biêt là đêm mai tôi sẽ rời VN, sẽ đi vượt biên với vợ chồng người chị, không có Bố tôi đi cùng vì Người đã mất trong một cơn bạo bịnh trước đó mấy tháng
_ Hãy cầu nguyện cho chúng tôi. tôi thì thầm, nếu qua được, tôi sẽ liên lạc với Trà sau.
Đưa tách cà phê lên miệng, tôi nhấp một chút, vị đắng của cà phê giữ trong miệng làm tôi nhớ đến vị ngọt của ly cacao sữa ngày xưa Chấn hay gọi cho tôi.
_ Sao không uống ca cao nữa, đã đổi “gu” rồi à?
Tôi giật mình quay lại, Chấn đã đến sau lưng tôi từ lúc nào với ly ca cao sữa nóng còn bốc khói trên tay, đưa về phía tôi. Tôi đứng bật dậy, ngẩn người ra nhìn anh, quên cả đỡ lấy ly sữa trên tay Chấn. Anh vừa cười, hỏi:
_ Không nhận ra anh sao?
Nghe anh hỏi, tôi như chợt tỉnh giấc, vội cầm lấy ly sữa:
_ Nhận, nhận ra chứ, tuy có chút ngỡ ngàng vì khuôn mặt anh cũng có chút đổi thay, nhưng không nhiều, duy có một điều không thay đổi, đó là anh lúc nào cũng thế, khi đến thì luôn nhẹ như một con mèo rừng vậy.
_ Ngày xưa thì là mèo rừng, còn bây giờ chỉ là mèo mướp thôi.
Vừa nói Chấn vừa kéo ghế ngồi đối diện với tôi. Đặt ly sữa lên bàn, tôi cũng ngồi xuống. thấy tôi nhìn anh chăm chú mà chẳng nói một câu, anh cười:
_ Sao mà nhìn anh kỹ thế? Trông anh già lắm phải không?
_ Già thì ai cũng phải già, em cũng vậy thôi. Hơn hai mươi năm rồi, thời gian đâu có ngắn, gần một phần ba cuộc dời đó anh. Sở dĩ em nhìn anh kỹ như vậy là em muốn tìm lại hình ảnh ngày xưa của anh, lúc anh từ bỏ em mà không nói một lời. nhưng tiếc quá, em không tìm thấy gì cả.
Nói xong tôi cầm ly sữa đưa lên mũi, hít nhẹ một hơi:
_ Thơm quá, nhưng để nguội chút mới uống, giờ còn nóng quá. Cám ơn anh, cám ơn về ly ca cao đầy kỷ niệm của một thời đã qua.
Chấn nhìn tôi định nói gì đó thì người tiếp viên đã mang lại cho anh một ly cà phê với cái phin ở bên trên. Kéo ly cà phê về phía mình, anh mở nắp ra, để xuống bàn rồi nhấc cái phin để lên trên đó xong anh từ tốn lấy chiếc muỗng nhỏ khuấy nhè nhẹ cho chút đường trắng trong đáy ly tan ra. Cầm ly lên, nhưng không uống ngay, anh nhìn tôi. Vẫn với ánh mắt cuốn hút của ngày nào đã từng làm trái tim tôi xao động, bây giờ ánh mắt ấy vẫn còn đủ uy lực làm lòng tôi xốn xang:
_ Thy Hạ vẫn còn nhớ đến một thời đã qua?
Cúi xuống để tránh ánh mắt của anh, tôi bưng ly ca cao lên thổi nhẹ trên mặt ly, có phải tôi muốn làm cho ly sữa nguội bớt hay chỉ muốn dùng hơi thổi này thay cho tiếng thở dài. Tôi nói với một chút cay đắng:
_ Có những cái thật sâu đậm nếu muốn quên cũng có thể quên dễ dàng, nhưng có những điều rất bình thường nếu muốn nhớ thì chẳng dễ quên, xá chi những chuyện của một thời đã qua.
_ Thy Hạ trách anh sao?
_ Anh nghĩ là em trách anh? Nếu thật sự là em trách anh thì anh có thấy là em trách sai không?
Nắm bàn tay tôi để trên bàn, anh bóp nhẹ:
_ Anh không nói là mình đúng, cũng như không bảo là em sai. Nhưng dù gì anh cũng phải xin lỗi Thy Hạ của hơn hai mươi năm trước và Thy Hạ của ngày hôm nay. Em không giận anh nữa chứ.
_ Có, hai mươi năm trước thì có giận và lo, nhưng hôm nay được gặp lại anh, mừng còn không hết, sao em lại giận chứ.
Rút tay mình ra khỏi tay anh, bưng ly lên nhấp một chút sữa, nhìn anh, tôi mỉm cười:
_ Sữa thơm và ngọt lắm nhưng…sao mùi vị không giống ngày xưa!
Ly cà phê đã được đưa lên định uống, anh bỗng dừng lại ở ngang miệng:
_ Vậy à?
Nói xong anh đưa ly lên uống cạn một hơi. Nhìn cách anh uống như giận dỗi câu nói của tôi, tôi chợt thấy bối rối, vì ngày xưa khi còn yêu nhau chưa bao giờ tôi thấy anh uống như vậy cả, tôi vụng về đính chính:
_ Em không có ý gì… em thấy khác có lẽ tại vì lâu quá rồi chưa uống lại nên thấy lạ miêng thôi. Lại giận em rồi à, đừng như vậy mà?
Chấn chợt bật lên cười, vẫn nụ cười mang vẻ sảng khoái đó mỗi khi anh bắt gặp một chuyện gì thích thú:
_ Lại trẻ con rồi, Thy Hạ nghĩ anh giận em hả? Rồi đột nhiên anh trầm ngâm, chúng mình đã đêu già cả rồi, giận hờn chỉ là chuyện của thời xa xưa. Vừa rồi anh bắt gặp ở em một nét nũng nịu rất dễ thương của ngày ấy làm anh lại nhớ đến thời đã qua đó, nhưng có lẽ em đã nói đúng, ly cacao của em hôm nay không còn cái mùi vị của ngày xưa nữa, không phải vì nó không ngon mà vì thời gian không còn là thời gian của ngày đó, nhất là con người cũng không còn là người của lúc bấy giờ nên khó trách có những đổi thay.
_ Anh nói chỉ đúng một nửa thôi. Có những chuyện cần đổi thay thì phải đổi thay, nhưng có những chuyện muốn đổi thay không dễ và có thể không bao giờ muốn đổi thay hết.
_ Thí dụ?
Tôi nhìn thẳng vào mắt Chấn, giọng trầm xuống:
_ Là em.
Sau câu trả lời của tôi sẽ là một khoảng im ắng đến ngột ngạt, nếu không có tiếng nhạc nhè nhè vang lên trong căn phòng nhỏ bé này làm dịu đi. Chấn ngồi im nhìn tôi, ánh mắt của anh lúc này không còn vẻ tình tứ ngọt ngào nữa mà nó như chứa cả một sự đau khổ không nói thành lời, một lúc sau, anh khẽ hắng giọng:
_ Thy Hạ này, anh biết, dù em nói là em không giận anh, nhưng trong cái đầu nhỏ bé kia của em nó đang chứa biết bao nhiêu thắc mắc cẩn được giải thích, mà chỉ có anh mới là người có thể giải đáp một cách tường tận cho em những thắc mắc này mà thôi. Em muốn nói là em không cần sao. Em không cần nhưng anh cần, anh cần nói rõ tất cả để em có thể hiểu rõ anh hơn cũng như để tâm hồn em sẽ thanh thản hơn trước khi chúng mình rời khỏi đây. Thy Hạ ơi, chắc em đã nghe nói anh lập gia đình trước khi chính quyền mới này vào chiếm miền Nam phải không? Đúng đó Hạ ạ. Sau khi từ giã em, anh trở về thăm mẹ sau đấy mới trở ra đơn vị, nhưng khi về nhà thì anh được biết anh Hai anh đã tử trận tại miền Trung và cũng chưa tìm được xác, mẹ anh buồn mà trở bênh. Chị Ba theo chồng đi xa cũng không ai báo được tin, còn anh Tư thì mẹ không cho báo, vì sợ trên đường di chuyển từ Saigòn về Vĩnh Long vào thời điểm đó rất không có an ninh. Rốt cuộc chỉ còn mình mẹ ở nhà. Anh đang bối rối không biết tính sao, bỏ mẹ đau ốm ở nhà một mình anh không đành, còn không trở lại trình diện đơn vị anh sẽ bị khép tội đào ngũ, đây là điều không bao giờ anh muốn làm cả, đang lúc tiến thoái lưỡng nan thì mẹ gọi anh vào bên giường, mẹ vừa nói, vừa khóc:
_ Chấn à, con đã biết hoàn cảnh gia đình của mình rồi đó. Mẹ đau lắm, buồn lắm khi nghe tịn anh Hai con tử trận, mẹ nhớ nó lắm. Mẹ cũng không muốn anh Tư con về, đường xá vừa xa xôi vừa nguy hiểm, còn chị Ba con cũng không thể bỏ chồng con mà về với mẹ. rồi ngay cả con, mẹ cũng không muốn vì mẹ mà con mang tội đào ngũ, để cái nhục cho ông bà tổ tiên. Thôi thì mẹ tính thế này. Con có nhớ con bé Mai, con nhỏ mồ côi mẹ, ở cùng xóm mình cách đây hai căn không? Con bé vừa xinh xắn lại vừa ngoan ngoãn đảm đang. Thời gian các con xa nhà, những hôm mẹ bị trở trời trái nắng đều nhờ con bé lo lắng đỡ đần cả. Cái ơn ấy mẹ giờ già cả lại ốm đau, quặt quẹo như thế này làm sao trả được. Nếu con thương mẹ thì con thay mẹ trả ơn cho người ta, con lấy con bé đó làm vợ, để khi con vắng nhà, mẹ có người hủ hỉ, chăm nom lúc ốm đau bệnh hoạn. Mai này, mẹ có chết cũng được nhắm mắt vì mẹ đã lo được cho con có một gia đình rồi. Đó là tất cả những gì mẹ muốn nói với con. Mẹ không ép con phải lấy người con không yêu, nhưng trong hoàn cảnh này, mẹ chỉ biết trông vào con.
Mẹ đã nói như vậy, mẹ không ép, nhưng phận làm con, bên tình, bên hiếu anh phải làm sao? Em biết không, sau đám cưới, chính cô ấy đã là người chăm sóc cho mẹ anh lúc mẹ anh bênh, đến khi bà nằm xuống việc ma chay, chôn cất đều do một tay cô ấy cả. Sau này khi anh bị đi tù cải tạo, cô cũng lại là người lo thăm nuôi anh trong tù. Không phải anh muốn đề cao cô ấy, nhưng những gì cô ấy làm cho gia đình anh mà anh coi đó cái nghĩa, anh phải biết. Tình yêu anh không thể cho cô ấy được vì lời hứa sẽ yêu em, và chỉ mình em đên tron đời, mãi mãi, em còn nhớ không. Tình yêu đó đến bây giờ anh vẫn giữ cho em, nhưng cái nghĩa thì anh bắt buộc phải trả cho cô ấy. Thy Hà, em hiểu cho anh không?
Nhìn vào đôi mắt anh, nghe giọng nói của anh, tôi hiểu anh nói thật. Thế nhưng tôi thấy lòng nghe chua xót làm sao. Anh có biết rằng khi hai kẻ yêu nhau luôn mong mỏi được sống bên nhau mãi mãi, tôi cũng như bao người con gái khác cũng ước mơ như thế, nhưng anh không cho tôi được điều tôi mong . Bao nhiêu năm qua rồi, trong lòng tôi vẫn còn in đậm hình bóng của anh, dù rằng bây giờ nó không còn sôi nổi, còn nóng bỏng như ngày nào. Tôi vẫn còn yêu ánh mắt đa tình của anh, vẫn còn rung cảm bởi nụ cười của anh nhưng sau những lời tâm sự tận đáy lòng anh thì tôi nhận ra rằng, tất cả nhưng gì thuộc về anh mà ngày xưa tôi sở hữu thì nay đã thuộc về người khác, vậy thì chút tình yêu anh giữ dùm tôi bấy lâu nay có ích gì khi anh không ở bên tôi, thôi thì cũng đã đến lúc tôi phải trả nó về cho chủ cũ rồi.
Cái nút thắt đã được mở, cái lợn cợn trong lòng tôi sau hơn hai mươi năm đã biến mất, tôi thấy lòng mình nhẹ nhõm làm sao, nhìn anh bằng cặp mắt đầy lệ, tôi nghen ngào nói với anh bằng tất cả sự chân thành của mình:
_ Cám ơn anh. Anh đã hiểu em rất rõ còn hơn cả em hiểu mình nữa. em đã nghĩ em không cần nghe những sự giải thích, nhưng cái ấm ức vì sự biến mất của anh, sự anh không từ mà biệt, nó chất chứa trong lòng em hơn hai mươi năm, cứ nằm đó mãi, như một chứng bệnh nan y không thuốc chữa. Nhiều khi em muốn tự bảo mình hãy quên đi, nhưng hình ảnh anh, những kỷ niêm yêu thương của anh và em vẫn còn đó, nó hằn sâu trong ký ức của em như một vết chém, không liền da, để mỗi khi nghĩ đến, giống như khi trời đổi gió, nó lại đau nhức khôn cùng.
Một lần nữa em cám ơn anh đã chữa lành cơn bệnh nan y của em, cũng như em xin cám ơn tình yêu anh đã gìn giữ cho em bấy lâu nay. Tình yêu này em thấy mình không còn tư cách để nhận nó nữa, em xin trả lại anh, hãy nhận lại nó và dành nó cho người xứng đáng với anh hơn.
_ Thy Hạ, giọng anh run run khi gọi tên tôi, anh cũng cám ơn em đã hiểu anh. đã không còn hờn anh nữa. Thy Hạ của anh đã trưởng thành nhiều rồi.
Tôi cười nhẹ:
_ Anh quên là em đã già rồi sao, với lại bây giờ em không còn là Thy Hạ của anh nữa rồi, anh bây giờ đã có người riêng của mình.
Với một chút bối rối, Chấn chữa thẹn:
_ Ờ nhỉ, anh quên, bây giờ già rồi hay lẩm cẩm thế đấy! À, mà từ nãy giờ anh chưa đươc biết gì về cuộc sống bây giờ của em cả, kể anh nghe được không?
Tôi cười buồn:
_ Cuộc sống của em cũng không có gì khác lạ lắm đâu. Sáng đi làm, tối về vào computer chít chát với bạn bè một lúc rồi đi ngủ, sáng mai dậy cày tiếp. Ngày nghỉ thì đi làm thiện nguyện ở chùa hay bênh viện, cuộc sống bình thường trôi qua. Lâu lâu hứng chí thì bạn bè rủ nhau đi du lịch cho biết đó biết đây. Chấm hết.
_ Thế còn…
_ Anh muốn hỏi chuyện tình cảm của em hả? trầm ngâm một chút, tôi nhìn vào mắt anh, em vẫn còn độc thân. Thú thật với anh, chuyện tình cảm em đã lâu không dám nghĩ đến đâu, em sợ lắm anh ạ. Em sợ trái tim mỏng manh của mình lại bị tổn thương nữa. “Một lần cho tởn tới già, đừng đi nước mặn mà hà ăn chân” Các cụ xưa dạy vậy mà, hơn nữa vết thương của em chưa được chữa lành làm sao em còn dám dùng dao để mà khoét nó sâu thêm ra. Ngày hôm nay, vết thương đã được chữ lành, thì thời gian không đợi mình nữa, nó đã phủ một lớp tuyết trắng trên đầu rồi. Ở tuổi này mà nói chuyện tình yêu không sợ thiên hạ họ cười cho sao anh? Anh viết chuyện tình yêu cho mọi người đọc thì được vì họ đâu biết tác giả già hay trẻ để mà cười nhạo, còn yêu thì xin …tình yêu ơi, ta xin chào mi. Anh cứ tưởng tượng mà coi hai cụ già yêu nhau nói chuyện mà cứ phì phà phì phò thì ai mà chiu nổi, chết cười mất thôi.
Câu nói của tôi làm Chấn bật cười, vẫn nụ cười sảng khoái của ngày xưa. Tôi nói thầm trong đầu. “cám ơn anh về tiếng cười này, ít ra còn một chút gì để em còn nhớ đến anh sau những tất cả mất mát”
Chấn chợt nắm bàn tay tôi, giọng anh ân hận:
_ Xin lỗi em, vì anh mà em đánh mất tuổi Xuân của mình.
Tôi đặt tay mình lên tay Chấn vỗ nhẹ, rồi rút hai tay về:
_ Không phải lỗi của anh, vì em cố chấp thôi, mà thật ra chẳng phải lỗi của ai cả, mà là đinh mệnh đã an bài thế thôi, anh đừng suy nghĩ nhiều. À mà chừng nào anh về lại Vĩnh Long?
_ Sáng sớm mai, còn em?
_ Trùng hợp nhỉ, sáng mai em cũng bay sớm.
Nhìn qua khung cửa, tôi thấy mặt trời đã ngả về chiều, thành phố đã bắt đầu lên đèn. Tôi rủ anh đi ăn tối, nhưng anh từ chối. anh đứng dậy ra quày để trả tiền nhưng Bích Liên, em gái Trà, không chịu lấy. Hôm nay vợ chồng Trà không có mặt ở quán nên hai đứa tôi đành phải gửi lời cám ơn và hẹn sẽ có dịp gặp lại.
Đứng trên hè phố chờ taxi, tôi bùi ngùi nói:
_ Không biết bao giờ mình mới gặp lại nhau nữa, cám ơn anh về buổi gặp gỡ hôm nay, em sẽ không quên. Chúc anh thượng lộ bình an, và…hạnh phúc.
Xe tới, trước khi bước vội lên xe, tôi còn thoáng nhìn thấy cái bóng cao gầy của anh đứng lẻ loi, cô đơn trên con phố đông người. Nước mắt tôi chảy dài trên má. Một bài hát của Ngô Thụy Miên qua tiếng hát Trần Thái Hòa phát ra từ chiếc máy cassette nhỏ của cậu tài xế, như xé nát hồn tôi:
"Hai mươi năm rồi em còn xa tôi
Chơi vơi trong đời lòng sầu chưa nguôi
Bâng khuâng mây trời về qua lối xưa
Chiều nao ta bước chung đôi
Tình yêu mình dâng kín lối
Hai mươi năm rồi em còn yêu tôi
Bên kia khung trời nhạc còn buông lơi
Nơi đây bây giờ ngồi nghe lá rơi
Mùa thu mưa mãi không thôi
Giọt lệ cho tình người...
Hai mươi năm rồi em còn yêu tôi
Yên vui bên trời một đời chia phôi
Bao nhiêu ân tình đành theo nước trôi
Lệ rơi héo hắt trên môi
Người bỏ tôi một mình." *
Gạt nước mắt, tôi nhìn qua khung cửa kính xe, tôi đã thấy thiên hạ đi sắm Tết đông vui quá, nhộn nhịp quá. Bỗng dưng tôi tự giận mình. Tại sao tôi lại về đây nhỉ, tại sao tôi lại lạc lõng, ngơ ngáo, cô đơn như thế này nhỉ? Saigon ngày xưa của tôi đâu? Tình yêu ngày xưa của tôi đâu? Nếu tôi đừng về để tìm lại mùa Xuân cũ, nếu tôi đừng về để tìm lại tình yêu cũ, thì có lẽ tôi sẽ chẳng phải hụt hẫng như thế này, có lẽ tôi sẽ chẳng phải cô đơn như thế này. Tình yêu của tôi ơi, có phải tôi đã thật sự mất anh rồi không? Bây giờ đi giữa mùa xuân của thành phố, mà như đi trong giá lạnh của mùa Đông thế này, tôi thấy mình đã lạc lối rồi, Thy Hạ ơi!!!!!!
Tường Thúy
Tucson - Az - 2019 *Saigòn Niềm Nhớ Không Tên -Nguyễn Đình Toàn
Rất bàng hoàng khi nghe tin phu quân của chị Khổng Thị Thanh Hương là anh Joseph Michael Adam Richard Krull vừa tạ thế.
Xin thành kính chia buồn với chị Thanh Hương và xin nguyện cầu hương hồn anh sớm hưởng nhan Thiên Chúa.
Hồng Thúy
***
Thành kính phân ưu cùng chị Thanh Hương và gia đình
Bạn hữu
Tuyết Phan
***
Thành Kính Phân Ưu,
Vừa hay tin buồn, Anh Joseph Michael Adam Richard Krull đã ra đi. Kim Phượng xin đồng hành cùng nỗi đau mất mát này với Thanh Hương và Tang Quyến.
Nguyện xin Chúa đón nhận Linh Hồn Anh Joseph Michael Adam Richard Krull về hưởng vinh quang của Chúa trên nước Thiên Đàng.
Thành Kính
Kim Phượng
***
Nghe tin phu quân của Thanh Hương đã tạ thế, xin chia buồn cùng gia quyến. Cầu nguyện cho linh hồn Adam về cõi vĩnh hằng.
Kim Trần
***
Thanh Hương mến,
Mình cảm xúc khi nghĩ đến Thanh Hương trong lúc đau buồn này. Can đảm lên nha Thanh Hương.
Thanh Vân
***
Kính thưa Chị Khổng Thị Thanh Hương ,
* Dù Phu Quân của Chị vội vàng ra đi về với Thiên Chúa nhưng đã để lại cho Chị và Bửu Quyến niềm đau to lớn không ai có thể chia xẻ; vì vậy , tôi xin chung cùng
Niềm Đau với Chị và Gia Đình với ước vọng Chị và Quý Quyến xem sự ra đi của Phu Quân như là một Định Mệnh mà đừng quá sầu đau . Trong tâm tưởng đó, tôi xin mượn ý của Thầy Thanh Trí Cao để: Thành Kính Nguyện Cầu Thiên Chúa; Cho Dù Linh Hồn Của Phu Quân Chị Ở Đâu; Trần Gian hay Nước Chúa; Chơn Linh Của Anh JOSEPH MICHAEL ADAM RICHARD KRULL Không Khổ Đau Và Lúc Nào Cũng An Lạc Vô Biên.
Thân kính,
Lý Ngọc Cương
***
Thanh Hương trân quý,
Vẫn biết chu kỳ Sinh Lão Bệnh Tử là quy luậtcủa Tạo Hóa trong cõi đời phù du vô thường này nhưng có mấy ai không đau lòng thương tiếc khi mất một người thân nhất là khi người đó là người bạn đời đầu ấp tay gối của mình.
Nhưng cho dù có đau khổ thế nào thì Thanh Hươngcũng nên gìn giữ bảo trọng cho sức khỏe mình.
Trước sự mất mát lơn lao nầy, Nguyên Trần xin chia sẻ cùng Thanh Hương nỗi buồn đau chất ngất qua bài thơ:
Anh đã đi rồi Buồn nào hơn tử biệt sinh ly
Chia cách ngàn thu anh đã đi
Bóng nhỏ đường chiều một thuở ấy
Giờ đây em khóc lúc phân kỳ
Về chốn vô ưu cõi vĩnh hằng
Là xong một kiếp đời siêu thăng
Adam anh hỡi! trong sương khói
Tình nghĩa phu thê đã cách ngăn
Trăng thề nay khuyết mai tròn
Duyên tình thệ ước chẳng còn bên nhau
Hai ta đã cách nhịp cầu
Âm dương đôi ngã cung sầu phím loan
Toronto 25/2/2022
NguyênTrần
Viết tặng Theresa Thanh Hương như một lời chia buồn chân phương nhất
Xin cầu nguyện hương linh Adam An Bình nơi cõi Vĩnh Hằng
Adam ơi! Rest in Peace Farewell for thousand Autumn
***
Thành thật chia buồn cùng chị Thanh Hương
Mong chị sẽ sớm nguôi ngoai nỗi buồn, một trong những nỗi buồn lớn nhất, sự mất mát lớn nhất đời người
Trong tình cờ, đọc được bài viết " Xuân Của Xuân Hương - với bài thơ Đánh Đu.." của Ngô Vưu trường Quốc Học Huế nơi trang Thơ Đường Đất Việt. Ngô Vưu đã không ngớt lời ca ngợi nữ sĩ Hồ Xuân Hương:
"... Ít viết về đề tài mùa xuân nhưng thơ Xuân Hương bài nào cũng tràn trề sức trẻ. Tả mùa xuân, nữ sĩ chọn một trò chơi dân gian.
Đánh Đu Bốn cột khen ai khéo khéo trồng Người thì lên đánh kẻ ngồi trông Trai đu gối hạc khom khom cật Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới Hai hàng chân ngọc duỗi song song Chơi xuân có biết xuân chăng tá Cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không !
...Hồ Xuân Hương tả khéo đến mức bạn đọc có thể hình dung đối tượng rõ mồn một từ toàn cảnh đến cận cảnh. Từ việc cây đu được dựng như thế nào đến cảnh chơi đu, kiểu chơi đu của con trai con gái xưa. Các cặp từ láy đối nhau: khom khom - ngửa ngửa, phấp phới - song song...
...Hai câu kết là lời trách móc, nuối tiếc: Vui chơi đón xuân mà có biết đến tình xuân? cuối vụ chơi xuân, các cột đu lại nhổ đi hết, chỉ còn trơ lại các lỗ cọc và rồi người ta sẽ lấp đi. Chân tình mà cũng thật chua chát về thói vô tâm đáng trách của người đời...
...Cái tài của Xuân Hương là biết tìm và diễn tả những điểm gặp gỡ, tương đồng giữa sự việc này và sự việc kia, giữa cái thanh và cái tục. Vì những lí do tế nhị, trên sách vở, người ta chỉ giảng cái thanh, nhưng để hiểu, để cười tủm tỉm, thích thú và thấm thía tài nghệ về chữ nghĩa của Xuân Hương thì phải hiểu nghĩa của cái tục.
Ở lớp nghĩa này, hai cặp thực, luận phát huy hết khả năng đăng đối của nó.
Trai đu gối hạc khom khom cật
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng
Thử sắp xếp ra từng cặp: trai - gái, đu - uốn, khom khom cật - ngửa ngửa lòng. Tổng hợp các yếu tố đối: nghĩa, từ loại, phối thanh, nhịp... tất cả tạo được hình ảnh trai gái chồng khít lên nhau, tạo được cảm giác bằng trắc, trên dưới êm ái, nhẹ nhàng; đạt được hiệu quả cao nhất của cảm giác thẩm mỹ. Đặc biệt từ cật ở câu luận là một danh từ chỉ bộ phận cơ thể nhưng đứng sau từ láy khom khom nó thường được hiểu là một động từ, âm cuối ất trắc cao như các âm gật, bật, lật tạo cảm giác hành động, có nhịp nhanh, liên tục... càng hay chứ sao!
Hình ảnh hai hàng chân ngọc duỗi song song thì có lẽ chỉ có thơ, mà phải là thơ Xuân Hương mới tả được như vậy. Họa sĩ làm sao vẽ được đôi chân khỏe đẹp, co duỗi sống động, nhịp nhàng đến thế. Trong trường hợp này, nghệ thuật hội họa đành chào thua nghệ thuật ngôn từ.
Hai câu kết là một sự liên tưởng độc chiêu của Xuân Hương. Chơi xuân có cảm nhận được xuân, có tình với xuân không? Thời gian đi, mối tình nào chẳng tàn, cuộc vui nào chẳng tan. Mở đầu bài thơ là cảnh khéo khéo trồng cọc, thì kết thúc bài thơ là cảnh cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không uể oải, mệt mỏi, pha một chút ngậm ngùi, nuối tiếc. Hình ảnh ở hai câu này quá rõ nhưng cũng không bắt bẻ được là nó tục. Cái đó là do người đọc tự liên tưởng, tác giả có nói đâu? Cái tài của Xuân Hương là sờ sờ ra đấy..."
Có lẽ nhà giáo Ngô Vưu chưa hề biết thơ đời Hậu Lê có bài "Cây Đánh Đu" trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập. Đây là một Bài Thơ dạng Đường Luật Thất Ngôn Xen Lục Ngôn, một dạng thơ rất thông dụng thời Hậu Lê. Nếu biết, Ngô Vưu có khen cách dùng chữ ở hai cặp Thực và Luận không?
Cây Đánh Đu
Bốn cột lang nha cắm để trồng,
Ả thì đánh cái, ả còn ngong.
Tế hậu thổ khom khom cật,
Vái hoàng thiên ngửa ngửa lòng.
Tám bức quần hồng bay phới phới,
Hai hàng chân ngọc đứng song song.
Chơi xuân hết tấc xuân dường ấy,
Nhổ cột đem về để lỗ không.
Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập
Như thế, Ngô Vưu có phải đã khen sai đối tượng chăng?
Điều này, làm tôi chợt nhớ đến bài viết của TS Phạm Trọng Chánh trong trang Giới Trẻ:
"...Bài thơ Chợ Trời được khắc vào đá núi Thầy, Sài Sơn dưới có ghi rõ: "Đề năm Hồng Đức thứ bảy »(1476) tác giả là Thiên Nam Động Chủ, tức Vua Lê Thánh Tông.
Chợ Trời
Bầu trời thú lạ cũng nhiều nơi, Chẳng thú đâu hơn thú Chợ Trời. Sáng sớm mưa tan, trưa nắng đứng, Chiều hôm mây họp, tối trăng chơi. Hàng bày hoa quả tư mùa sẵn, Chợ góp giang sơn một thú vui. Bán lợi mua danh nào những kẻ, Lại đây mặc cả một đôi lời.
Bài thơ đã tạc vào đá, không thể nhầm lẫn, không thể sửa chữa vài chữ, rồi bảo đó là thơ Hồ Xuân Hương..."
Chợ Trời
Khen thay con Tạo khéo trêu ngươi.
Bày đặt ra nên cảnh chợ Trời! Buổi sớm gió đưa, trưa nắng đứng, Ban chiều mây họp, tối trăng chơi. Bầy hàng hoa quả tư mùa sẵn, Mở phố giang sơn bốn mặt ngồi. Bán lợi, buôn danh nào những kẻ, Chẳng nên mặc cả một đôi lời.
Hồ Xuân Hương
Không chì riêng Hồ Xuân Hương, bà Huyện Thanh Quan còn để lại cho chúng ta nghi vấn về gốc của bài thơ "Vịnh Đèo Ngang".
Theo Nguyễn Vĩnh Tráng qua bài viết "Phải chăng Bà Huyện Thanh Quan đã trau chuốt lại bài thơ "Đèo Ngang" nguyên thủy ? " được đăng trên trang Chim Việt Cành Nam như sau:
"...tôi tìm thấy trong Contes et Légendes du Pays d’Annam của Lê Văn Phát, viết năm 1913, in lần thứ 2, tại Imprimerie de l’Union Nguyễn Văn Của, Sàigòn 1925, có bài "Le Râle d’eau " . Trong " Le Râle d'eau " lại có bài "Đèo Ngang", vô danh, rặt chữ Nôm, văn phong rất mộc mạc, còn nội dung thì giống hệt nội dung bài "Qua Đèo Ngang" của Bà Huyện Thanh Quan.
Bài " Le Râle d’eau " kể chuyện ngày xưa. Chuyện vua La Hoa (?) nước Chiêm Thành đem quân đánh Giao Chỉ. Môt cận thần tên Quốc đã hết lời can gián và xin hoãn lại cuộc viễn chinh, nhưng nhà vua không nghe. Biết rằng trận chiến này thế nào cũng đem lại thất bại, Quốc xin theo, hầu quyết tâm bảo vệ an toàn cho chúa.
Cuộc chiến xảy ra ở Đèo Ngang. La Hoa, quá hiếu chiến, quá chủ quan, tiến thẳng đến trận tiền, nên bị trúng tên mà chết. Quá đau đớn, Quốc liều xông ra chém giết giữa muôn tên ngàn giáo để báo thù. Nhưng đơn thương độc mã, nên Quốc đã chết dưới làn sóng của địch quân. Quá uất ức, hồn của Quốc không siêu thoát được, cứ phảng phất quanh Đèo Ngang để tìm xác chủ, nhưng vô hiệu quả. Sau đó Quốc tái sinh dưới dạng con chim Cuốc để đêm đêm rít lên những tiếng kêu bi ai của một vị trung thần khóc quốc vương tử trận: "Quốc Quốc, La Hoa ", Quốc ở đây, còn La Hoa ở đâu?
Một văn nhân vô danh, đi qua Đèo Ngang, nhớ lại chuyện xưa, đã làm bài thơ " Đèo Ngang ".
Ông Lê Văn Phát chỉ để lại hai tác phẩn La vie intime d’un Annamite et ses croyances vulgaires, (Bulletins de la Société des Etudes Indochinoises, Imprimerie F.H Schneider Sàigòn 1907 ), và Contes et Légendes du Pays d’Annam, (Imprimerie de l’Union Nguyễn Văn Của, Sàigòn 1913), bằng chữ Pháp. Như thế, có thể ông Lê Văn Phát không biết nhiều về các tác phẩm của Bà Huyện Thanh Quan. Những bài của ông Lê Văn Phát viết, toàn là chuyện cổ tích, huyền thoại dân gian cả. Bài «Đèo Ngang» trong Contes et Légendes du Pays d’Annam có thể là một giai thoại dân gian lâu đời, có trước thời Bà Huyện Thanh Quan chăng. Sau đây là bài "Đèo Ngang" theo ông Lê Văn Phát :
Đèo Ngang
Qua ải Đèo Ngang bóng ác tà, Cỏ cây chen đá, lá chen ba. Non cao rải rác tiều vài lão, Đất rộng lai rai xóm mấy nhà. Nhớ chúa đau lòng con Quốc-Quốc, Kêu người mỏi miệng tiếng Hoa-Hoa. Dừng chơn ngóng cổ miền non nước, Một tấm lòng riêng ta với ta.
Vô Danh.
[ ... Quốc-Quốc, tên của trung thần Quốc] [ ... Hoa-Hoa, tên của vua La Hoa]
Vậy phải chăng Bà Huyện đã lấy bài đó, đã có từ lâu, và trau chuốt lại thành một bài thơ bất hủ như ta đã biết"
Vịnh Đèo Ngang
Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà, Cỏ cây chen đá lá chen hoa. Lom khom dưới núi tiều vài chú, Lác đác bên sông chợ mấy nhà. Nhớ nước đau lòng con quốc quốc, Thương nhà mỏi miệng cái gia gia. Dừng chân đứng lại trời non nước, Một mảnh tình riêng ta với ta.
Bà Huyện Thanh Quan
Một vấn đề thật thú vị. Thuở còn đi học, tôi chưa bao giờ được Thầy Cô nói về vấn đề nầy. Có phải do Chương trình của Bộ thiếu sót khi đưa những bài thơ này vào chương trình dạy, hay tại những nhà biên soạn sách giáo khoa không ghi chú rõ ràng, trong khi những tài liệu đều có sẵn?
Nếu đứng trên quan điểm ngày nay, đây là hành động Đạo Thơ của Hồ Xuân Hương và bà Huyện Thanh Quan. Còn thời trước, tôi thật sự không biết, có lẽ do lúc đó không có tác quyền.
Nhưng thú thật, tôi rất thích thú với những bài thơ chỉnh sửa này qua thi tài của Hai Bà Chúa Thơ Nôm này