Đời Đường có 4 tài thơ được xưng tụng là tứ bất tử: Thi Tiên Lý Bạch , Thi Thánh Đỗ Phủ , Thi Quỉ Lý Hạ , và Thi Phật Vương Duy.Tôi chép ra đây 4 bài để chia sẻ cùng với mọi người trong nhà chút cảm nhận cá nhân về "tính tiên - cốt người hồn tiên" trong thơ Lý Bạch , "tính thánh - cốt người hồn người" trong thơ Đỗ Phủ , "tính quỉ - cốt người hồn quỉ " trong thơ Lý Hạ , và "tính phật - cốt người hồn phật" trong thơ Vương Duy. Không có tham vọng định nghĩa thế nào là người, là tiên , là quỉ , là phật. Xin đọc cho vui với nhau thôi. PKT 08/07/2015
A - THI TIÊN
Tuyên Châu Tạ Diểu Lâu Biệt Hiệu Thư Thúc VânLý Bạch (701 - 762)
Khí ngã khứ giả tạc nhật chi nhật bất khả lưu
Loạn ngã tâm giả kim nhật chi nhật đa phiền ưu
Trường phong vạn lý tống thu nhạn
Đối thử khả dĩ hàm cao lâu
Bồng lai văn chương Kiến An cốt
Trung gian Tiểu Tạ hựu thanh phát
Câu hoài dật hứng tráng tứ phi
Dục thướng thanh thiên lãm minh nguyệt
Trừu đao đoạn thủy thủy cánh lưu
Cử bôi tiêu sầu sầu cánh sầu
Nhân sinh tại thế bất xứng ý
Minh triêu tản phát lộng biên chu
Dịch Xuôi: Trên Lầu Tạ Diểu Ở Tuyên Châu Tiễn Biệt Hiệu Thư Thúc Vân
PKT 08/07/2015
Hôm qua qua rồi, bỏ ta mà đi, không giữ lại được,
Hôm nay phiền muộn, quấy nhiễu lòng ta, đầy những lo âu.
Gió dài muôn dặm tiễn đưa bầy nhạn bay trong trời thu,
Đối cảnh, mấy vần thơ say tỉnh có thể làm vui chăng ớ trên lầu cao này.
Văn chương Kiến An,phong cách bồng lai, thoát tục,
Lại thêm đang ở trong lầu Tiểu Tạ,một không gian Tiểu Tạ tiêu sái thanh tao,
Hứng khởi, ý dâng, tràn đầy phiêu hốt,
Dục hồn bay lên trời xanh ngắm vầng trăng sáng.
Rút đao chém nước, nước vẫn chảy,
Nâng chén giải buồn, buồn vẫn buồn,
Sống ở cõi đời này không có gì vừa ý,
Sớm mai xõa tóc thả thuyền rong chơi.
Chú Thích:
(1) Lầu Tạ Diểu ở Tuyên Châu do Tạ Diểu (464-499) khi làm Thái Thú Tuyên Châu cho xây cất. Tạ Diểu có biệt hiệu là Tiểu Tạ , để phân biệt với Đại Tạ là biệt hiệu của Tạ Linh Vận (385-433). Sách chép Tiểu Tạ là hậu duệ của Đại Tạ
(2) Văn chương Kiến An chỉ thơ văn sáng tác từ đời nhà Hán đến đời nhà Đường thiên về thiên nhiên , cảnh giới bồng lai , thoát tục. Một số các nhà thơ tên tuổi ở thời kỳ này là Tào tháo , Tào Thực , Đại Tạ (Tạ Linh Vận) , Tiểu Tạ (Tạ Diểu)...
Tiễn Bạn
Hôm qua, đi mất, giữ không được,
Hôm nay, nhiễu loạn, những lo âu.
Muôn dặm gió thu theo cánh nhạn,
Lầu thơ, say tỉnh, tiễn đưa nhau.
Văn chương Kiến An tiêu sái,
Không gian Tiểu Tạ thanh tao.
Hứng khởi tràn đầy ý phiêu hốt,
Dục lên Vân Hán ngắm trăng sao.
Rút đao chém nước, nước không đứt,
Uống rượu giải sầu, sầu chẳng vơi.
Thiết tha chi nữa vòng danh lợi,
Sớm mai xõa tóc thả thuyền rong chơi.
Phạm Khắc Trí
Phụ Chú: Vân Hán chỉ dải Ngân Hà ở trên trời. Trong bài Nguyệt Hạ Độc Chước (Uống Rượu Một Mình Dưới Trăng) của Lý Bạch có câu " Vĩnh kết vô tình du / Tương kỳ mạc Vân Hán " (Cuộc ngao du vô tình đã gắn bó tình nhau mãi mãi / Hẹn gặp nhau lại ở sông Ngân để cùng ngắm sao trời ).
PKT 08/07/2015
B - THI THÁNH
Thu Hứng(Kỳ Nhất) - Đỗ Phủ (717 - 770)
Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm
Vu Sơn Vu Giáp khí tiêu sâm
Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng
Tái thượng phong vân tiếp địa âm
Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ
Cô chu nhất hệ cố viên tâm
Hàn y xứ xứ thôi đao xích
Bạch Đế thành cao cấp mộ châm
Dịch Xuôi : Thu Hứng
PKT 08/07/2015
Rừng cây phong ủ rũ, úa tàn trong sương thu
Núi Vu khe Giáp chìm trong khí núi bốc mờ mịt
Ngoài sông sóng động dâng cao ngất trời
Trên ải gió bay mây phủ tối sát đất
Đã 2 lần khóm cúc nở hoa là từ đã 2 năm khôn ngăn được nước mắt tha hương
Mỗi lần neo chiếc thuyền lẻ loi vào bến đỗ là mỗi lần da diết xót xa nỗi nhớ
Mùa lạnh sắp về ,nơi nơi rộn rịp lo dao kéo, thước đo để may áo rét
Vào buổi chiều,từ thành Bạch Đế trên núi cao ,dồn dập nghe tiếng chày giặt vải
Chú Thích:
1- Bài này là bài số 1 trong 8 bài Thu Hứng của Đỗ Phủ. Đại ý nói:trời thu, mùa lạnh sắp đến, tác giả đã 2 năm đất khách, nhớ nhà.
2- Ngọc lộ là sương thu.
3- Núi Vu Sơn thuộc huyện Vu Sơn ,tỉnh Tứ Xuyên.
4- Kẽm (hay Khe) Vu Giáp thuộc huyện Ba Đông ,tỉnh Hồ Bắc.
5- Thành Bạch Đế ở trên núi Bạch Đế thuộc huyện Phụng Tiết , tỉnh Tứ Xuyên.
Thu Cảm
Rừng phong thu úa chĩu sương sa
Khí núi âm u bóng nhạt nhòa.
Sông lộng trời cao đầu sóng dữ
Gió vờn mây xám cuối thôn xa.
Hai mùa cúc nở, thương vườn cũ
Mấy lượt thuyền neo, xót nỗi ta
Lo lạnh, nhà ai may áo rét
Chày đâu vang động nắng chiều tà
Phạm Khắc Trí
C - THI QUỈ
Lý Bằng Không Hầu Dẫn - Lý Hạ (789 - 816)
Ngô ti Thuc đồng trường cao thu
Không sơn ngưng vân đồi bất lưu
Giang Nga đề trúc Tố Nữ sầu
Lý Bằng trung hoa đàn không hầu
Côn sơn ngọc toái phượng hoàng khiếu
Phù dung khấp lộ hương lan tiếu
Thập nhị môn tiền dung lãnh quang
Nhị thập tam ti động Tử Hoàng
Nữ Oa luyện thạch bổ thiên xứ
Thạch phá thiên kinh đậu thu vũ
Mộng nhập thần sơn giáo thần ấu
Lão ngư khiêu ba sấu giao vũ
Ngô chất bất miên ỷ quế thụ
Lộ cước tà phi thấp hàn thố
Thu Mênh Mang
Thu mênh mang, tơ đồng khoan nhặt,
Non quạnh, mây ngàn lưu luyến ngừng trôi.
Lệ trúc vấn vương sầu tố nữ,
Không hầu đàn ai , khúc nhạc chơi vơi.
Phượng hoàng hót vang, ngọc châu vỡ vụn
Phù dung ngậm sương, hương lan hé nụ
Mười hai cổng thành bỗng dưng rực sáng,
Hai mươi ba dây tơ xáo động cõi Tử Hoàng.
Nữ Oa luyện đá vá trời
Trời kinh, đá nát, mưa thu tuôn đổ
Vào mộng thần tiên nhã nhạc
Cá già, rồng ốm, quẫy sóng, múa ca.
Ngồi tựa gốc quế, mơ màng không ngủ,
Sương khuya xuống nhẹ, ướt vầng trăng lạnh, nào hay.
Phạm Khắc Trí
Phụ Chú:
(1) Lý Bằng là 1 nhạc sư trong ban nhạc cung đình Lê Viên, đời vua Đường Minh Hoàng (685 - 761).
(2) Không Hầu , tên 1 loại đàn cổ 23 dây (?)
(3) Cõi Tử Hoàng chỉ một cõi trời xa xăm nào đó ,ở ngoài cõi trần gian này.
(4) Truyền thuyết bà Nữ Oa luyện đá vá trời. Thuở khai thiên lập địa , trên thiên đình , thủy thần nổi loạn ,bị hỏa thần đánh thua chạy , va phải một cột trụ chống trời ,một góc trời bị sụp , nước trên trời tuôn đổ xuống khiến trần gian bị ngập lụt . Bà Nữ Oa, một vị nữ thần , đã phải luyện đá ngũ sắc, vá lại chỗ trời sụp này.
(5) Lý Hạ (789- 816) được đời xưng tụng là Thi Quỉ vì tài thơ , chữ nghĩa lạ lẫm, uẩn xúc , ma quái . Sách chép , mới 7 tuổi đã làm được những câu thơ khiến các bậc thi sĩ đương thời như Hàn Dũ (768- 824) phải kinh ngạc và khâm phục . Chuyện kể , nhà thơ sở dĩ chết trẻ lúc mới 27 tuổi , vì nhà trời mới làm xong ngôi lầu Bạch Ngọc nên đã sai Thiên sứ xuống trần đón ông về gấp để làm thơ mừng.
(6) Đọc 4 câu 5,6,7,8 tả tiếng đàn Không Hầu của Lý Bằng "Côn sơn ngọc toái, phượng hoàng khiếu / Phù dung khấp lộ hương lan tiếu/Thập nhị môn tiền dung lãnh quang/Nhị thập tam ti động Tử Hoàng" lại nhớ đến 4 câu cúa Cụ Nguyễn Du trong Truyện Kiều , tả tiếng đàn của Thúy Kiều, đánh lần đầu tiên cho Kim Trọng nghe trong một đêm trăng : "Trong như tiếng hạc bay qua / Đục như tiếng suối mới sa nửa vời / Tiếng khoan như gió thoảng ngoài / Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa".
D - THI PHẬT
Điểu Minh Giản - Vương Duy (699 - 759)
Nhân nhàn quế hoa lạc
Dạ tĩnh xuân sơn không
Nguyệt xuất kinh sơn điểu
Thời minh tại giản trung.
Dịch Xuôi:
Người nhàn nhã, hoa quế rơi rụng
Núi xuân im lìm trong đêm thanh vắng
Trăng lên đầu núi khiến chim ngủ giật mình
Hót sảng từng tiếng âm vang ở dưới khe sâu.
Chim Hót Lòng Khe
Nhàn lão ngắm hoa rụng
Núi khuya xuân ngủ đâu
Trăng lên chim hót sảng
Từng tiếng động khe sâu
Phụ Chú: Điểu Minh Giản, Khe Chim Hót, tên một thắng cảnh ở Võng Xuyên, bên Tàu. Hoa quế là một loại hoa được trồng làm cảnh chùa hay ở nơi ẩn cư của các bậc thiền giả.
Phạm Khắc Trí
Cảm Đề Tiên, Thánh, Quỉ, Phật, Trong Thơ Xưa
Tôi muốn như Tiên, mỗi sớm mai thức giấc, nếu lòng còn phiền muộn, rút đao chém nước nước không đứt, lấy rượu giải sầu sầu không vơi, thì còn có thể một con thuyền nhỏ, xõa tóc rong chơi
Tôi muốn như Thánh, rừng phong sương úa, sơn khí nhạt nhòa, còn có nơi chốn để nhớ về, bao mùa cúc nở thương vườn cũ, mấy lượt thuyền neo xót nỗi ta.
Tôi muốn như Quỉ, vào thu mênh mang, tơ đồng khoan nhặt, non quạnh mây ngàn lưu luyến ngừng trôi, thì còn được ngồi tựa gốc quế mơ màng, để sương khuya ướt vầng trăng lạnh không hay
Tôi muốn như Phật, đêm đêm nhàn lão, nhìn trăng dần lên, ngắm từng cánh hoa quế rụng rơi, nghe từng tiếng chim hót sảng âm vang dưới lòng khe sâu, mà thầm hỏi giờ này núi xuân chắc đang yên giấc ngủ
Và, tôi cũng muốn, vào những ngày tháng này, có được một phút giây nào đó, dù biết có thể vẫn là đau xót lắm, quên được mình với câu hỏi từ thuở đầu đời tôi là ai, tôi là ai đây.
Phạm Khắc Trí