Có nhiều lối để xuôi về bến Trống, nhưng với tôi, con đường rẽ từ lộ An Hòa là lối quen thuộc và đẹp nhất. Con lộ đất chạy dọc hai bên bờ ruộng nhà xanh ngát. Bây giờ là mùa lúa trổ đòng. Thoang thoảng dìu trong gió, mùi lúa trổ đòng như hương thơm con gái. Con đường lộ nhỏ có vài khúc gập ghềnh, phía sau T. Dung ôm chặc tôi hơn. Chừng như tôi cảm nhận được cả phần má ấm hồng của nàng áp vào lưng.
-Hay mình xuống đi bộ đi anh!
Tôi ngừng chiếc xe đạp để T. Dung xuống. Như thói quen thường khi, tôi hai tay dắt chiếc xe đạp, T. Dung đặt bàn tay mềm ấm lên tay tôi và đi bộ phía trong. Dáng thẳng cao, mái tóc không cắt dài phủ lưng, khuôn mặt T. Dung càng lộ nét đẹp dịu dàng hơn. Đôi mắt to, sâu với hàng mi dài nằm phía dưới vệt chân mày rậm vắt ngang như một con tằm. T. Dung mang nét đẹp sắc nét của mẹ, người con gái đất Hà thành và phần đôn hậu của cha mình. Cha T. Dung là một nhà giáo lâu năm người Cần Thơ. Bọn tôi hay gọi chọc ghẹo T. Dung là cô Bắc kỳ “kỳ cục”. Lúc đầu, mỗi lần như vậy, T. Dung giận chúng tôi ít nhất cũng vài ngày! Nhưng lần lần rồi cũng quen, đôi khi lâu không ai chọc, nàng còn nhắc. T. Dung được mệnh danh là người đẹp khoa sinh ngữ. Tính tình T. Dung cởi mở, thẳng thắng nhưng đôi khi cũng chua ngoa không thua gì những cô gái bắc khác. Đối với nhóm bạn bè “ruột” chúng tôi thì T. Dung “tự nhiên hơn cả ngưới Sài-gòn”! Bọn tôi gồm bốn mạng, T. Hương “người đẹp” hóa sinh, T. Dung sinh ngữ, tôi và Duy cùng khoa văn. Thường thì hai người “đẹp” ít khi chơi thân nhau. Nhưng ngược lại, T. Hương và T. Dung thì thân nhau vô cùng. Ngoài giờ học, đi đâu, làm gì cũng có đôi có cặp. Đến nổi Duy và tôi hay chọc “tụi nầy nghi ngờ hai bà quá!”. T. Hương cười cười, còn T. Dung chanh chua ngay: “Ừ đó, rồi sao? Ghen hả?”. Người “hay cải” Duy (gốc Quãng Nam mà) nói ngay: “Tụi nầy không ghen. Nhưng con trai cả trường đang ghen và theo dõi hai bà đó!”. Cả hai “nàng” cười khoái chí. Có lẽ do tính tình hai “người đẹp” trái ngược nhau. T. Hương tháo vát, sốc nổi bao nhiêu thì T. Dung rụt rè, trầm lắng bấy nhiêu. T. Hương nghe để ngoài tai thì T. Dung dễ hờn giận. Riết rồi, mỗi lân T. Dung giận (chẳng hiểu lý do gì), bọn tôi nói nhau: “Để bả giận. Vài ngày cũng xách giỏ đồ ăn lại làm hòa”.
Hết vài bờ ruộng, con đường đi vào những xóm nhà vườn nhỏ. Một bên là hàng dừa chạy dọc theo bờ mương, bên kia là những căn nhà ẩn nấp phía sau lùm cây ăn trái. Bóng dừa tỏa bóng mát, lung linh vài vệt nắng trưa thoảng mùi hơi nước nhẹ. Có tiếng chim cu đất và gà gáy trưa xa vắng, tĩnh mịch. Con đường lộ nhỏ thật đẹp, thơ mộng.
-Đẹp quá. Thảo nào anh chẳng thèm về thành phố nữa.
T. Dung xuýt xoa. Có vài người đi đường, lướt qua, chợt vội ngoáy lại nhìn T. Dung ngạc nhiên. Dưng không trong con lộ nhỏ vắng lặng nầy, lại có người đẹp xuất hiện đến bất ngờ! Có chiếc xe máy chạy ngược chiều với hai người thanh niên. Họ tròn mắt, tưởng chừng như muốn đâm sầm vào chúng tôi. T. Dung quay qua hôn nhanh vào má tôi. Hai thanh niên huýt sáo, bấm còi khi lướt qua phía sau.
-Có đứa học trò nào nhìn thấy cảnh nầy, đồn ra, là anh hết lấy vợ luôn.
-Thì cho đáng đời anh luôn.
T. Dung vừa nói vừa kéo mặt tôi vào, hôn thật sâu trên môi. Ngây ngất, ngạt thở. Lần nầy thì không phải là cái hôn đùa cợt bạn bè, như bao nhiêu lần đã. Trước đây, lần nào gặp đám thanh niên, sinh viên nhìn không chớp mắt, chọc ghẹo là T. Dung kéo mặt tôi hôn vào má vào mắt. Đợi đám thanh niên thất vọng lướt qua, T. Dung cười nói:
-Cho Dung mượn anh Hoàng chút nghen!
-Sao T. Dung không mượn anh đi. Duy lên tiếng.
Còn T. Hương phát tay vào vai T. Dung:
-Đừng có giả mượn, rồi mượn luôn đó nghen.
-Xí, ai thèm cái mặt lù khù đó của bà!
Và cũng vì trò “chơi” nầy, tôi đã bị công an huyện Bình Thủy, Cần Thơ bắt giữ vì tội... để tóc dài! Thời gian chờ phân công của trường, T. Dung rủ tôi về thăm quê nội của nàng. Ngồi uống cà phê sáng, đàn ông thanh niên trong quán dồn mắt vào bàn hai đứa. Trong đó có một bàn gần, gồm bốn thanh niên buông lời trêu chọc, đôi lúc khiếm nhả. T. Dung ôm lấy tay tôi, ra khỏi quán nàng hôn nhanh má. Nào ngờ, nhóm thanh niên đó, chận T. Dung và tôi lại hỏi giấy tờ. Họ là công an huyện Binh Thủy, mời chúng tôi về trụ sở. Tôi bị giữ giấy tờ vì tội để tóc dài. Đi cắt tóc xong, quay lại họ sẽ trả. Đó là đầu tiên tôi thấy T. Dung giận, giận đến tím mặt, cắn chặc môi không nói được gì.
Thời gian trôi nhanh, một dòng không trở lại. Tất cả rôi cũng qua đi. Nhưng T. Hương, T. Dung sẽ là những hình ảnh, xúc cảm sống mãi trong hầu hết thơ, truyện, tùy bút của tôi trên T.N, V, K.H... và những họa phẩm của Duy trong những buổi triển lãm tranh của hắn. Mỗi người một số phận. Duy vừa dạy vừa vẽ phông cho các đoàn kịch và chương trình ca nhạc ở Sài-gòn. T. Hương bỏ lại tình tôi phía sau theo chồng về Củ Chi. T. Dung về dạy Anh ngữ ở Bến Lức. Còn tôi, với nguyện vọng “đi bất cứ nơi đâu”, về Kiên Giang dạy văn trường cấp 3 Rạch Sỏi.
Nụ hôn dài, ngon như ngụm nước dừa tươi, đẩy cả ký ức tôi trở về những ngày tháng cũ. Cũng nụ hôn đắm đuối, cũng ánh mắt thiết tha, người con gái tôi yêu đã quay lưng bỏ lại. Đã phụ tình tôi chẳng tiếc những ngày. Tình yêu tôi có, tưởng chừng đã định, duyên phận một đời, cợt đùa vết thương lòng không kéo được lớp da non. Số phận luôn có lý do để hiện hữu, nhưng T. Hương đã mang theo hết những niềm tin yêu của tôi để bước theo chồng. T. Hương trong tôi, bây giờ chỉ là một cành cây cong định mệnh. T. Dung đang đi cạnh, đang trao cho tôi những xúc cảm chênh vênh của sợi dây cung tình bạn. Chúng tôi đi bên nhau yên lặng đến cuối con lộ nhỏ. Đã nghe tiếng gió, hơi nước biển mặn thổi về. Dọc bờ là hàng cây mắn nối nhau, mọc chằn chịt như một khoảng rừng thưa. Tôi ngừng trước một lối mòn, dẫn qua những hàng cây.
-Tới nơi rồi. Mình rẽ vào lối nầy đi em.
-Đừng nói với Dung là anh tự tìm ra chỗ nầy nghen. Người dẫn anh đến đây chắc không phải là thầy nào trong trường, phải không?
Tôi cười không trả lời. Những cây mắn khẳng khiu, vươn cao theo chiều ánh sáng và gió biển. Lớp lá mùa rụng đả nhiều năm thành một lớp thảm dầy, thơm mùi lá mục. Tôi chọn một góc cây lớn dựng xe đạp và trải tấm khăn cũ. Hai chúng tôi ngồi bó gối bên nhau. T. Dung nhìn bâng quơ, nói nhỏ:
-Anh không muốn hỏi em gì sao?
-Chuyện Dung muốn nói sẽ nói. Anh hỏi thêm làm gì.
-T. Hương nói đúng. Anh lãng đãng đến cứng đầu. T. Dung nhanh rồi chợt ngập ngừng: Em... em xin lỗi. Dung không có ý như vậy.
T. Dung quay lại nhìn tôi, khuôn mặt thật gần. Thật gần để tôi nhìn rõ từng sợi lông tơ trên má nàng trắng mịn.
-Em muốn những giây phút nầy sẽ ở mãi với anh, suốt mãi trong anh. Hôn Dung đi anh. Đừng quên T. Dung nghen anh!
Nàng nói như thở, đôi mắt khép nhẹ. Hai bờ môi đỏ chỉ khép hờ. Tôi tham lam hôn lên đôi mắt và lần xuống thật chặc, thật sâu bờ môi con gái. Không gian đọng lại, thời gian ngừng trôi. Như những hớp rượu nếp ngọt lịm, say nồng. Tôi không kịp thở cho đến lúc vị mặn đắng chạm khóe môi. Tôi nâng khuôn mặt đẹp não nùng của T. Dung tràn trụa nước mắt. Nàng úp mặt vào vai tôi khóc thổn thức.
Tôi biết, T. Dung chỉ còn vài ngày nữa là xa tôi biền biệt, mịt mùng. Xa mãnh đất nầy, xa bao nhiêu kỷ niệm của tuổi đầy úp yêu thương, hờn giận một đời con gái. Người đeo đuổi T. Dung thì nhớ không hết. Nhưng hẹn hò, nhớ thương thì không được mấy người. Tôi đã chứng kiến bao gặp gỡ, hợp tan của T. Dung. Tôi là người bạn bên nàng trong nhiều hòan cảnh, khổ đau, hạnh phúc, đổ vỡ lìa xa. “Chỉ có anh là ở lại bên Dung không đòi hỏi, không điều kiện. Bên anh Dung luôn yên tâm, sống thật với chính mình mà không phải luôn đeo cái mặt nạ xinh đẹp nầy. Em đã quá mệt mỏi rồi!”, T. Dung nhiều lần nói với tôi như vậy. Và tôi cũng rất nhiều lần khẳng khái với T. Dung: “Bất cứ lúc nào Dung nói, anh đừng bao giờ gặp mặt em nữa. Anh sẽ vĩnh viễn biến mất, không thắc mắc”.
Vài tháng trước, trong một lần đi công tác chủ nhiệm thăm viếng gia đình học trò, T. Dung gặp Vĩnh. Chỉ không đầy một giờ đã thay đổi mọi số phận đời nàng. Vĩnh, Đàm Kiến Vĩnh, đã như một người say, một người yêu thương T. Dung đến “điên cuồng”. Cả gia đình sẵn sàng cho chuyến đi bán chính thức, dành cho người gốc Hoa. Vĩnh tuyên bố, nếu không có T. Dung đi, anh sẽ ở lại, không đi. Là một người buôn bán thuốc tây thật giỏi, lại là con trai trưởng, gia đình không còn lựa chọn khác là thuyết phục T. Dung và cả gia đình nàng cùng đi. Mọi sắp xếp, chi phí sẽ do Vĩnh và gia đình anh lo. Ba má T. Dung không muốn đi, chỉ ba anh em nàng. T. Dung là con gái út. Vài ngày nữa là họ sẽ rời bến ở Tắc Cậu.
-Anh hãy nói, hãy giữ em ở lại đi. Dung sẽ ở lại, sẽ ngồi lại bên anh, mãi mãi đời nầy.
T. Dung nói trong nghẹn lời. Gió đã trở chiều, thổi từng đợt từ phía biển xa. Mùi lá mùa quyên trong mùi hương tóc của T. Dung nhẹ tỏa quanh đây. Chợt đâu tiếng chim biển gọi đàn, thiết tha theo mùa gió.
-T. Dung, em có nghe những tiếng chim biển ngoài khơi. Em chính là những cánh chim đó. Hãy bay thật cao, thật xa cho ước mơ và niềm hạnh phúc. Chợt có khi mõi cánh, em chỉ cất lên tiếng gọi, anh và mùa gió biển mặn sẽ mãi bên em dù bất cứ nơi nào.
Mắt T. Dung đã khô. Nàng nắm lấy tay tôi, đặt lên phần ngực trái mềm mại của mình.
-Em sẽ để phần nầy ở lại với anh. Nằm xuống đây và nhắm mắt lại đi anh.
T. Dung duỗi thẳng hai chân dài. Tôi nằm xuống, ngướt mắt nhìn thật sâu vào mắt T. Dung.
-Anh không muốn nhắm lại, vì sẽ không nhìn thấy em nữa.
-Mở mắt, anh chỉ nhìn thấy em hiện tại. Nhưng nhắm mắt lại, anh sẽ nhìn thấy em, giữ mãi hình ảnh em mai nầy.
Tôi nghe lời T. Dung nhắm chặc đôi mắt. Bến Trống đã không còn trống nữa mà đầy ấp những ngọn gió mùa biển mặn; đầy ấp bóng hình, khuôn mặt của T. Hương, của T. Dung. Những gì đang có quanh tôi cũng sẽ theo gió mùa biển mặn bay xa. Có và mất trong đời sống chúng ta huyễn hoặc, vô thường. Nhưng tình yêu với tôi có thật. Tình yêu hiện hữu trong mọi ngõ ngách của đời sống, tư duy và ngày mai của chúng ta. Không tình yêu, ngày mai chỉ là bóng tối và quỷ dữ. Sự mất mát, khổ đau trong tình yêu chính là vị ngọt hòa quyện, nâng tâm hồn ta đến mọi tầng cao của mơ ước và yêu thương... Tôi nghe từng hơi thở của T. Dung. Tôi cảm nhận hơi ấm từng ngón tay nàng vuốt ve bờ môi tôi, tiếc nuối. Gió mùa chừng như trở ngọn, mang theo hương lá đâu đây, thoang thoảng tiếng hát ai trong lòng đời không dứt:
“... Thôi em đừng xót thương, rồi ngày tháng phai đi
Thôi cuộc tình đó tan rồi
Không còn gì nữa, tiếc mà chi
Đời một người con gái, ước mơ đã nhiều
Trời cho không được mấy, đến khi lấy chồng
Chỉ còn mối tình mang theo... "
(Bài Không Tên Số 2 – Vũ Thành An)
***
Hình ảnh bến Trống – khu lấn biển ngày nay.
Chiếc taxi ngừng lại trước dãy nhà phố, đối diện những quán cà phê vườn dọc theo biển. Người tài xế trẻ chỉ tay một vòng trước mặt:
-Cả khu nầy ngày xưa gọi là bến Trống đó cô chú.
Tôi và bà xã nhìn theo hướng chỉ tay của anh tài xế, ngẩn ngơ. Bến Trống đây sao? Con đường tráng nhựa rộng, dập dìu xe cộ, người qua lại ngược xuôi. Bà xã trả tiền và cám ơn anh tài xế. Chúng tôi đi dài theo dãy quán ăn, cà phê dọc theo phía biển. Đã nghe vị mặn trong gió hòa lẫn nhẹ hanh hanh hương biển bùn. Hương vị gió biển rất Rạch Giá, rất quê nhà. Tiếng nhạc vọng ra lề đường với những bài hát bolero của những thập niên 60, 70. Thật quen thuộc nhưng cũng thật xa lạ, dưng không. Mọi vật thể đều phải vận chuyển như quy luật tạo hóa. Dãy nhà phố xây thẳng, kề nhau trông thật hiện đại, đẹp mắt. Hình như chú tài xế gọi khu nầy là 16 HA thì phải? Quê hương tôi đang phát triển, thay da đổi thịt, đó là điều đáng mừng, đáng trân trọng. Nhưng chừng như trong nỗi vui mừng, tôi cảm thấy niềm mất mát, ngậm ngùi. Có lẽ tôi đã già, đã quá khứ trong bao nỗi đời riêng. Bà xã dừng lại một quán cà phê vườn rộng:
-Mình vào quán nầy đi anh. Hình như có ngõ dẫn ra ven biển.
Quán cũng thưa khách, bà xã và tôi chọn bàn nằm sâu phía trong. Ngoài nước uống, quán còn bán khá nhiều món ăn trong thực đơn. Cô tiếp viên thật trẻ, cười lộ chiếc răng khểnh xinh xắn.
-Cô chú dùng gì. Quán tụi cháu có nhiều món ăn ngon, phục vụ tận tình.
Tôi gọi hai ly nước dừa, một ly xí-muội và một cà phê đen nóng. Bà xã một ly bơ, một dĩa gỏi cuốn và hai tô bún cá. Lướt qua thoáng ngạc nhiên của cô tiếp viên, tôi hỏi:
-Chú muốn được ra phía sau sát mé biển chụp vài bức hình được không cháu.
-Dạ được, dạ được chú. Chừng nào chú muốn, con sẽ dẫn chú đi. Phía sau có mé biển, chụp hình đẹp lắm chú.
Tất cả nước uống, thức ăn đã dọn ra đầy bàn. Bà xã sắp sếp lại một góc bàn, chỉ chừa một ly nước dừa, cà phê cho tôi và ly sinh tố bơ cho mình. Tôi uống ngụm nước dừa tươi, mát ngọt đầu lưởi.
-Đây là những ly nước uống và món ăn chị Từ Dung và ông chia nhau buổi chia tay năm đó?
Tôi gật đầu, không dám mở miệng trả lời. Tôi sợ nếu trả lời, dù một chữ, tôi sẻ không cầm được xúc cảm lòng mình. Bà xã chừng hiểu,cũng không nói gì thêm.
-Chú muốn ra phía sau mé biển chụp hình chưa chú?
Cô tiếp viên ân cầm quay lại nhắc tôi. Tôi gật đầu, đứng dậy.
-Anh đi một mình đi. Em ở đây đợi.
Theo cô tiếp viên, tôi ra phía sau quán. Con đường trải đá nhỏ dẫn ra trước mặt biển khơi. Biển vẫn đẹp, vẫn in bóng bầu trời mây trắng thuở nào. Tôi chợt thấy mình thật nhỏ bé, bơ vơ trước biển. Từng đợt sóng nhỏ, lao xao vỗ vào bờ đá nổi. Không còn cầm được lòng, tôi như nghẹn lời: “Từ Dung ơi, anh đã trở về đây. Anh đã trở về với em, với nơi chốn tâm cảnh riêng của chúng ta”.
Chuyến đi của Từ Dung đã không đến được bến bờ tự do. Con tàu định mệnh đó vĩnh viễn nằm lại lòng biển rộng. Nhưng Từ Dung đã thật sự đến được một bến bờ tự do, giải thoát khác rộng lớn hơn và vĩnh cửu hơn. Năm đó, Lê Thị Từ Dung vừa hai mươi bốn tuổi.
Tôi để mặt những dòng nước mắt tuôn trào không giữ lại. Cứ ngỡ bao nhiêu thăng trầm, bao nhiêu hệ lụy đã qua tôi không còn khóc được nữa. Tôi buông thả lòng mình, buông thả dòng đời, dòng thời gian xuôi chảy. Bây giờ, nếu em ở đây, sẽ mắng anh và nói:
-Đàn ông, con trai gì mà mau nước mắt, cứ dễ chạnh lòng như cọng bún vậy... Nhưng hôm nay, Dung sẽ cho anh khóc. Hãy khóc đi anh, cho vơi mọi nỗi lòng. Hãy khóc đi anh, những giọt nước anh sẽ xuôi nhẹ bao tấm lòng em để lại.
Chừng như gió trở ngọn, mang hơi thở mặn của biển phương xa. Chợt đâu cánh chim biển gọi về, như tiếng gọi đàn xa vắng. Từ Dung như đang hiện hữu đâu đây trong tiếng chim biển gọi chiều. Ly nước dừa vị ngọt môi hôn vẫn còn đợi em về hiến tặng. Ly xí-muội vẫn dành cho em mỗi lần mếm chua ngọt môi cong. Tô bún cá mà em xuýt xoa, nhíu đôi mày đẹp cay xè. Miếng gỏi cuốn, tay em nâng niu để chia phần đời con gái. Từ Dung ơi, anh đang đứng đây thời gian gội trắng mái đầu. Nhưng với em, Từ Dung của anh, luôn mãi tuổi hai mươi. Như mới hôm qua, anh tiễn em về con đường đất ngập nghềnh in dấu. Hãy ngủ yên đi em, ngủ yên giấc ngủ ngọt mềm:
“Ngủ đi em đôi vai lụa mát
Ngủ đi em da thơm quả ngọt
Ngủ đi em tay thôi mời mọc
Ngủ đi em trong tiếng ru êm…"
(Em Hãy Ngủ Đi – Trịnh Công Sơn)
***
Tiếng Kim H, bà xã tôi nhắc nhẹ phía sau.
-Chiều rồi, mình chia tay chị Từ Dung đi anh.
Tất cả rồi cũng sẽ đến và qua đi. Chúng ta không níu giữ được thời gian, nhưng sẽ giữ mãi tin yêu trong trái tim người không dứt. Bà xã và tôi rời quán, đi dọc theo con đường tắt nắng. Những ngọn gió chiều biển mặn, chừng như phảng phất đâu đây, mùi hương mùa lá cũ tóc người.
Người Chợ Vãng
(*) Em Hãy Ngủ Đi – Trịnh Công Sơn