Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2023

O Sole Mio 1898 (Eduardo Di Capua)- It’s Now Or Never1960(Aaron Schroeder&Wally Gold) - Kìa Ánh Mắt Em 1914 (Phạm Ngọc Lân)

 

Nhạc của Eduardo Di Capua
Lời tiếng Napoli: Giovanni Capurro
Phiên bản tiếng Anh:Lời của Aaron Schroeder và Wally Gold
Lời Việt & Đệm Nhạc: Phạm Ngọc Lân
Hợp Ca: 4 bè Andréa Bùi và Phạm Ngọc Lân (hòa âm của C. Riffero)
Slideshow: Bạch Yến (Đà Lạt)

 

Gửi/To.H



Không được gặp Tố Hoa.
Anh đi tìm Tố Nữ
Mảnh tình treo chốn cũ
Ngẩn ngơ bước đứng nhìn

Saigon ngày không em
Mưa ngập đường quận cũ
Mành nhà em buông rủ.
Gió chạnh lòng lãng du.

Giờ em lại đi xa.
Bỏ quên mùa thu cũ
Lá vàng ơi…dành nụ
Cho những ngày đông sang


Hhai


Mùa Thu Nào?

 


Mùa Thu nào ...bên nhau mình dạo phố?
Lá vàng rơi trên lối nhỏ thân quen
Áo trắng bay trong gió nhẹ ru êm
Con đường vắng bên em chiều nhạt nắng

Em nơi đâu cho lòng buồn hiu quạnh?
Để Thu về giá lạnh lá me bay
Có phải Thu cho lá rụng rơi đầy
Như khơi lại đâu đây niềm thương nhớ

Mùa Thu nào ... cho tình ta dang dở?
Lá rơi đầy che kín dấu chân đi
Mưa sầu như tiếc nhớ tuổi xuân thì
Chân lạc bước bơ vơ tìm chút nắng

Sao Thu đến ... mang chi cơn gió lạnh?
Ta vụng về trong sương lạnh bơ vơ
Thả hồn theo gió nhẹ kết vần thơ
Nhìn chiếc lá co ro trên lối cũ

Còn không em những ngày xưa tình tự?
Mưa rớt buồn thương bến cũ chia xa
Ngày chia tay vương mắt lệ nhạt nhòa
Còn đâu nữa trong ta chiều kỷ niệm

Nếu Thu về để tình ta tắt lịm
Anh mong gì Thu đến để rồi đi
Giòng thời gian lụy mãi mối tình si
Để nuối tiếc những gì nay đã mất

Nguyễn Vạn Thắng 


Đón Mừng Chị Yêu


(Trái: Như Thu, chị Ngọc An, chị Phương Hoa, chị Hồng Thuỷ, chị
Đỗ Dung, chị Mặc Giao, Minh Thúy)

Hai tư, tháng chín ngày vui!
Đón chào Hồng Thủy chị tui đó mà!
Mọi người đã đến từ xa
Đâu màng khoảng cách thật là quý ghê!
Thức ăn một dãy ê hề
Miến xào, xôi cẩm người mê quá trời!
Chả giò hấp dẫn nào lơi
Ít trần xanh, trắng xin mời nhón tay
Phồng tôm giòn rụm đã bày
Tôm rim, cháo cá gừng cay ấm lòng
Rau câu, bánh ngọt chờ trông
Quít, nho tráng miệng thầm mong đoái hoài!
Tưng bừng chuyện vãn hăng say
Vàng, xanh, tím, đỏ…áo dài xôn xao!
Chị em cất tiếng ngọt ngào
Phó nhòm chụp mãi làm sao khước từ
Phone trao bấm lẹ đã nư
Món ngon vẫn đợi nhưng chừ bụng căng!
Bạn yêu lại quá ân cần
Bê tô cháo nóng tình thân dặn dò
Bỏ thêm chút đỉnh hành ngò
Mùi thơm ngào ngạt, quý O vô cùng!
Cảm ơn Anh Chị nói chung
Trời Đông, Lạc Việt khắp vùng vang danh
Hiên chiều nắng ngã thật nhanh
Ra về bịn rịn chẳng đành bước chân…

Như Thu
09/25/2023
***
(Cám ơn chị Bếp Trưởng, món nào em8 cũng ... thèm. Em8 tiếp vần chị Như Thu)
Love,

Bây giờ nhớ lại bâng khuâng
Gặp nhau chi để ... bần thần xuyến xao
Tình trao ôi quá ngọt ngào
Thức ăn đủ món món nào cũng ... mê
Chị Hồng Thuỷ bước ra về
San Jose lưu luyến, hẹn thề ... mùa sau :)


KimLoan
***
(Chị Út Xin tiếp Vần Út 8KimLoan cùng vui với chị Như Thu nha)

Trời Đông Lạc Việt cùng nhau
Đón chị Hồng Thủy với bao nhiêu tình
Đẹp xinh lưu những bức hình
Chia tay quyến luyến... lung linh ngấn buồn.

Kim Oanh


Quốc Dũng Và Nhạc Việt Ở Hải Ngoại


Nhân tài nhạc sĩ Quốc Dũng qua đời với sự tiếc nuối của bao người và đã có ngay nhiều bài viết trên "mạng" về anh. 

Xin viết ngắn về một khía cạnh hoạt động của Quốc Dũng mà chưa thấy ai nhắc đến. Rất nhiều tác phẩm âm nhạc sáng tác ở hải ngoại, đã có cơ hội được biết đến nhờ sự thu thanh ở trong nước vì sự thực hiện từ trong nước về phương diện "giá cả" dễ dàng hơn nhiều. Quốc Dũng là nhạc sĩ ở trong nước viết hòa âm đầu tiên và nhiều nhất cho âm nhạc hải ngoại, cho đến khi anh ngưng hoạt động vì lý do sức khỏe khoảng 10 năm trước đây... 

Từ trong nước Quốc Dũng viết hòa âm xong, mời các ca sĩ trong nước hát và thu thanh với những kỹ thuật rất là "cập nhật hóa". Lúc đầu anh thực hiện dưới hình thức CD gửi qua lại bằng bưu điện, và về sau bằng các chương trình làm WAV hay mp3 gửi qua internet. Nhờ có các hoạt động này của Quốc Dũng mà các tác phẩm và tác giả, các người sáng tác nhạc, đa số là "nghiệp dư" đã có cơ hội đến thính giả. Và cũng vì vậy một số thi phẩm cùng thi sĩ tác giả cũng được biết đến tên khi có những bài nhạc phổ vào thơ của họ. 

Ngày nay, cũng vẫn nguyên tắc đó nhưng nhiều người sáng tác hơn, nhiều nhạc sĩ hòa âm, nhiều studio hơn. Một thí dụ, chỉ riêng chỉ cá nhân tôi, có chắc chắn hơn 50 bài do Quốc Dũng hòa âm và trong đó khoảng hơn 20 bài là Bảo Yến hát và nhiều bài thật có giá trị. Và nhờ vậy, có một số nhạc phẩm được nhiều người biết đến là Tình Là Hư Không, Dạ Quỳnh Hương (thơ Hoàng Ngọc Quỳnh Giao), Tình Bỗng Khói Sương (thơ Phạm Ngọc), Xin Người Chút Quê Hương (thơ Vương Ngọc Long), Công Cha Nghĩa Mẹ (thơ Trần Ngọc) ... Mời nghe: Dạ Quỳnh Hương (thơ: Hoàng Ngọc Quỳnh Giao, nhạc: Phạm Anh Dũng) Bảo Yến hát, Quốc Dũng hòa âm: https://www.youtube.com/watch?v=fDoF3JYMvi8

Hình chụp năm 2002 tại nhà hàng Thanh Mai ở Westminster, Nam Cali
Từ trái qua phải: Đứng: Phạm Anh Dũng, Phạm Ngọc / Ngồi: Quốc Dũng, Nguyễn Đức Cường

Phạm Anh Dũng
(California) http://phamanhdung.wordpress.com/ ngày 27 tháng Chín, 2023

Văn Thơ Lạc Việt Chào Mừng Chị Hồng Thuỷ

Chị đã đến khi mùa thu thức dậy
Bắc Cali nhộn nhịp nét hân hoan
“Lạc Việt Văn Thơ “tiếp đón chu toàn
Thành viên hội lần đầu tiên gặp mặt

Là chủ tịch “Văn Bút Vùng Đông Bắc “
Biển văn chương sinh hoạt lớp hàng đầu
Ý tưởng tràn diễn đạt nghĩa thâm sâu
Chị Hồng Thuỷ mời vào không ngần ngại

Tình nghĩa đẹp Chinh Nguyên và Lê Hải
Họp mặt cùng “Cô Gái Việt “ thân yêu
“Minh Châu Trời Đông” nữa quý hóa nhiều
Lưu hình ảnh, tiệc tùng ôi mộng thỏa

Hòa vạt nắng hồn thu vừa buông xõa
Giữa khung chiều gió thoảng lá vàng rơi
Ôi giấc mơ dệt thắm bóng mây trời
Cho tôi giữ vào ngăn vùng kỷ niệm

Minh Thúy Thành Nội
Tháng 9/24/2023

月夜 Nguyệt Dạ 月夜 - Đỗ Phủ(Thịnh Đường)


Đỗ Phủ 杜甫 (712-770) tự Tử Mỹ 子美, hiệu Thảo Đường 草堂, Thiếu Lăng dã lão 少陵野老, người đời sau gọi là Đỗ Thiếu Lăng, Đỗ Lăng tẩu, Đỗ công bộ hay còn gọi là Lão Đỗ để phân biệt với Tiểu Đỗ là Đỗ Mục. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình quan lại lâu đời ở huyện Củng, nay thuộc tỉnh Hà Nam. Ông nội là Đỗ Thẩm Ngôn, một nhà thơ nổi tiếng thời Sơ Đường. Cha là Đỗ Nhàn, có làm quan.

Thời niên thiếu tính từ năm 712 khi ông mới chào đời cho đến năm 746 kết thúc đợt ngao du lần thứ ba, với khoảng thời gian 35 năm, Đỗ Phủ sống giữa thời kỳ phồn vinh của xã hội phong kiến thời Đường. Công việc chính của ông lúc này là làm thơ, ngao du sơn thuỷ. Với trí thông minh hơn người, Đỗ Phủ bắt đầu sáng tác thơ ca vào lúc bẩy tuổi. Thi tứ của ông phong phú và sâu sắc tùy theo tuổi tác.

Tháng 11 năm 755, An Lộc Sơn nổi loạn ở Phạm Dương và nhanh chóng đánh xuống Lạc Dương, Đồng Quan, Trường An. Tháng 8 năm 756, nghe tin Lý Hanh con của Đường Minh Hoàng lên ngôi ở Linh vũ lấy hiệu Đường Túc Tông; Đỗ Phủ tìm Túc Tông để nhập đoàn, giữa đường ông bị giặc bắt giải về Trường An. Nửa năm trời sống trong vùng địch tận mắt thấy cảnh đất nước bị dày xéo, ông viết khá nhiều bài thơ lâm ly, thống thiết như: Bi Trần Đào, Bi Thanh Bản, Xuân vọng, Ai giang đầu.

Bài Nguyệt Dạ làm năm 756, khi Ðỗ Phủ bị An Lộc Sơn giam cầm ở Trường An. Ðêm trăng nhớ con gái nhỏ còn ở với mẹ tại Phu Châu (nay thuộc tỉnh Thiểm Tây).

Nguyên bản Dịch âm

月夜 Nguyệt Dạ

今夜鄜州月 Kim dạ Phu Châu nguyệt,
閨中只獨看 Khuê trung chỉ độc khan.
遙憐小兒女 Dao liên tiểu nhi nữ,
未解憶長安 Vị giải ức Trường An.
香霧雲鬟濕 Hương vụ vân hoàn thấp,
清輝玉臂寒 Thanh huy ngọc tý hàn.
何時倚虛幌 Hà thì ỷ hư hoảng,
雙照淚痕乾 Song chiếu lệ ngân can?

Chú giải

只 chỉ: đơn chiếc, lẻ loi.
獨 độc: một mình.
只獨看 chỉ độc khan: chỉ có một người ngắm: ĐP muốn nhấn mạnh rằng đêm nay trong phòng the chỉ có một người ngắm trăng (người đó là vơ; con gái nhỏ không có trong phòng).
憐 liên: thương nhớ.
未解 vị giải: chưa biết giải nghĩa; trong câu này ý nói chưa biết đến ý nghĩa của…
雲 vân: mây; vật mềm như mây, ám chỉ tóc.
鬟 hoàn: uốn tóc, quấn tóc, búi tóc.
濕 thấp: ướt, ẩm thấp.
雲鬟濕 vân hoàn thấp: làm ướt mái tóc.
** 淚痕 lệ ngân: ngấn lệ: nước mắt chảy lâu ngày thành dấu vết trên da.

Dịch nghĩa

Vầng trăng ở Phu Châu đêm nay
Trong phòng khuê chỉ một người đứng nhìn
Ở xa thương cho con gái bé bỏng
Chưa hiểu nỗi nhớ Trường An
Sương thơm làm ướt mái tóc
Ánh trăng trong sáng làm giá lạnh cánh tay ngọc
Bao giờ được tựa bên màn mỏng
Để trăng chiếu cả đôi ta cho ngấn lệ ráo khô?

Dịch thơ

Đêm Trăng

Phu Châu đêm trông trăng.
Phòng khuê riêng một thân.
Thương nơi xa nhi nữ,
Chưa biết nhớ Trường An*.
Sương thơm dầm mái tóc
Trăng thanh lạnh tay măng.
Bao giờ tựa màn mỏng,
Hong ngấn lệ** dưới trăng.

Lời bàn

Lúc đầu vì quá chú ý đến cụm từ 只獨看 chỉ độc khan, (Đỗ Phủ dùng một chữ độc là đủ, sao lại dùng thêm chử chỉ; nhất là trong một câu 5 chữ của thể ngũ ngôn) nên ÔC đã hiểu sai câu 2; cứ tưởng con gái nhỏ là người ngồi trong phòng the trông trăng; nhưng thực ra con gái nhỏ chỉ đóng vai trò thụ động trong bài thơ này ngoài việc được bố thương (theo như Bát Sách hiểu).
Nay viết lại lời bàn như sau:
Đỗ Phủ từ xa tỏ tình với vợ:

Câu 1 & 2:
Đêm nay tại Phu Châu, nàng cô đơn một mình ngồi ngắm trăng trong phòng the. (Con gái nhỏ không có trong phòng)
Câu 3 & 4:
Từ xa ta thương con gái nhỏ, chưa biết nhớ Trường An. Cần phải mổ xẻ cụm từ Trường An* trong câu 4: họ Đỗ không muốn nói rằng con gái không biết nhớ cha (con gái dù rất nhỏ cũng phải biết nhớ cha); mà muốn nói rằng con gái còn quá nhỏ (có lẽ chỉ dưới 10 tuổi và giờ này đang ngủ say ở phòng khác) để biết đến việc nước (kinh đô Trường An bị giặc chiếm).
Câu 5 & 6:
Đỗ Phủ tưởng tượng rằng vợ đang ngồi cạnh cửa sổ mở rộng để ngắm trăng cho nên sương dầm mái tóc và trăng chiếu lạnh cánh tay.
Hai câu 7 & 8:
Đến bao giờ chúng mình mới được cùng nhau tựa màn mỏng để phơi khô ngấn lệ dưới ánh trăng… Phơi khô ngấn lệ (làm mờ ngấn lệ đi) thì dù dưới trời nắng cũng khó, chứ phơi dưới ánh trăng thì biết đến bao giờ mới phai mờ. Đỗ Phủ muốn nói rằng cảnh loạn ly này còn dài lắm; không chấm dứt một sớm một chiều đâu. Ngôn từ của Đỗ Phủ dùng rất hàm súc. Dịch ý này trong một câu 5 chữ là một thử thách lớn. ÔC sẽ dùng chữ hong (phơi trong râm mát) để dịch câu này: Hong ngấn lệ** dưới trăng.

Con Cò
***
Góp ý của Hoàng Xuân Thảo:

Đỗ Phủ cũng như hầu hết các nhà thơ khác trên thế gian rất hiếm có bài nói về tình cha với con gái, có khi còn bị cấm kỵ nữa. Xuất xứ của bài này là trong loạn An Lộc Sơn, Đỗ Phủ đưa vợ con về Phu Châu, Thiểm Tây rồi đi tìm vua Túc tông giữa đường bị quân giặc bắt đem về giam tại Trường An. Bài thơ này ông tả tâm trạng vợ tại Phu Châu rồi nói lên tấm tình của ông đối với vợ.

Đêm Trăng

Ngắm nguyệt Phu Châu đêm
Phòng the bóng bên rèm
Chạnh thương con gái nhỏ
Nào biết bố … xa thêm
Trăng lạnh tê tay ngọc
Tóc mây đội sương thềm
Bao giờ tựa song cửa
Đôi bóng… lệ vơi niềm

Lục Bát

Đêm nay ngắm nguyệt Phu Châu
Phòng đơn bóng lẻ lòng sầu lệ chan
Ngùi thương ái nữ hiền ngoan
Vô tư nào biết Trường An cha tù
Hương sương ướp tóc bụi mù
Vầng trăng lạnh buốt gió ù tay tê
Bao giờ rèm cửa phòng khuê
Trăng soi đôi bóng hong khô lệ tràn

Kiều Mộng Hà
Sept16th2023
***
Nguyên Tác: Phiên Âm:

月夜-杜 甫 Nguyệt Dạ - Đỗ Phủ

今夜鄜州月 Kim dạ Phu Châu nguyệt
閨中只獨看 Khuê trung chỉ độc khan
遙憐小兒女 Dao liên tiểu nhi nữ
未解憶長安 Vị giải ức Trường An
香霧雲鬟濕 Hương vụ vân hoàn thấp
清輝玉臂寒 Thanh huy ngọc tý hàn
何時倚虛幌 Hà thời ỷ hư hoảng
雙照淚痕乾 Song chiếu lệ ngân can

Bài thơ được chép lại trong rất nhiều sách:

Bổ Chú Đỗ Thi - Đường - Đỗ Phủ 補注杜詩-唐-杜甫
Cửu Gia Tập Chú Đỗ Thi - Đường - Đỗ Phủ 九家集注杜詩-唐-杜甫
Lô Xuyên Từ - Tống - Trương Nguyên Cán 蘆川詞-宋-張元幹
Doanh Khuê Luật Tủy - Nguyên - Phương Hồi 瀛奎律髓-元-方回
Thạch Thương Lịch Đại Thi Tuyển - Minh - Tào Học Thuyên 石倉歷代詩選-明-曹學佺
Ngự Tuyển Lịch Đại Thi Dư - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御選歷代詩餘-清-聖祖玄燁
Ngự Tuyển Đường Tống Thi Thuần - Thanh - Cao Tông Hoằng Lịch 御選唐宋詩醇-清-高宗弘曆
Đường Thi Tam Bách Thủ - Hành Đường Thoái Sĩ 唐诗三百首-蘅塘退士

Ghi Chú:

Phu Châu: địa danh, nay là Diên An, tỉnh Thiểm Tây
Khuê trung: bên trong phòng khách
Vân hoàn: mái tóc đen và xinh đẹp, người phụ nữ trẻ và xinh đẹp
Thanh huy: ánh sáng trong vắng, chỉ ánh sáng của mặt trời và mặt trăng.
Ngọc tý: cánh tay trắng. Sử dụng nhiều hơn để gọi là cổ tay của một người phụ nữ.
Hư hoảng: rèm cửa bị thấm ánh sáng hoặc màn che

Dịch Nghĩa:

Nguyệt Dạ                       Đêm Trăng

Kim dạ Phu Châu nguyệt Vầng trăng ở Phu Châu đêm nay,
Khuê trung chỉ độc khan Trong phòng khuê chỉ một người đứng nhìn.
Dao liên tiểu nhi nữ Ở xa thương cho con gái bé bỏng,
Vị giải ức Trường An Chưa hiểu nỗi nhớ Trường An.
Hương vụ vân hoàn thấp Sương thơm làm ướt mái tóc đen,
Thanh huy ngọc tý hàn Ánh trăng trong sáng giá lạnh cánh tay ngọc.
Hà thời ỷ hư hoảng Bao giờ được tựa bên màn mỏng
Song chiếu lệ ngân can Để trăng chiếu cả đôi ta cho ngấn lệ ráo khô?

Ðỗ Phủ, trên đường đi Linh Vũ để phò Ðường Túc Tôn, bị lính của An Lộc Sơn bắt đem về giam cầm ở Trường An. Ðêm trăng nhớ vợ và con thơ còn ở lại Phù Châu.

Dịch Thơ:

Đêm Trăng

Phu Châu trăng tỏa ánh vàng
Khuê phòng vắng vẻ mình nàng ngó trăng
Các con trong tuổi còn măng
Trường An đâu biết khó khăn dặm đường
Sương rơi ướt mái tóc hương
Ðôi tay ngà ngọc đêm trường giá băng
Bao giờ cùng tựa sau màn
Cùng nhau soi bóng, lệ khan môi hồng.

Moonlight Night by Du Fu

The moon over Fuzhou tonight
Must be watched by my wife alone from her room.
Our son and daughter are too young
To understand and remember their father in Truong An.
A flagrant mist damps her flowing hair,
Her jade arms are cold in the clear moonlight.
When can we again lean together behind the thin curtain,
For the moonlight to reflect on our dried tears?

On A Moonlight Night by Du Fu
Translation by Witter Bynner

Far off in Fuzhou she is watching the moonlight,
Watching it alone from the window of her chamber-
For our boy and girl, poor little babes,
Are too young to know where the Capital is.
Her cloudy hair is sweet with mist,
Her jade-white shoulder is cold in the moon.
...When shall we lie again, with no more tears,
Watching this bright light on our screen?

A Moonlit Night by Du Fu
Translation by Betty Tseng

Back in Fuzhou, at tonight's moon
Alone in her chamber gazes my wife.
I miss my children from a distance,
I've run aground in Changan yet they may be too young to my presence pine.
My wife may have gathered mist in her hair as she by the window yearn,
Her arms may feel the cold of moonshine.
I wonder when we shall be together again to the window curtains lean against,
To let the moon shine on our tears till their trails are dry.

Moonlit Night
Translation by Stephen Owen, The Poetry of Tufu Volume 1

The moon tonight in Fuzhou
she alone watches from her chamber.
I am moved by my children far off there,
who don’t yet know to remember Chang’an.
Fragrant fog, her coils of hair damp,
clear glow, her jade-white arms are cold.
When will we lean at the empty window,
both shone upon, the tracks of our tears dried?

Du Fu managed to get his family to the relative safety of Qiang Village in Fuzhou, which soon fell to rebel forces moving on from conquered Chang’an. Suzong took the throne on August 11, 756, but was initially trying to gather support, and didn’t yet have a headquarters. We don’t know exactly what happened except that by the time Du Fu wrote “Moonlit Night,” he was in rebel-held Chang’an, and it was autumn. He may have been captured and sent back to Chang’an (or Duling, just outside the city, where he would have been registered), but he was clearly not interned and had freedom of movement in the city.

Đêm Trăng

Trăng tối nay Phu Châu,
Phòng khuê một bóng sầu.
Xa thương con gái nhỏ,
Chưa nhớ Trường An đâu.
Sương móc tóc thơm ướt,
Bóng đêm tay giá đau.
Bao giờ được tựa cửa,
Ráo lệ dưới trăng thâu.

Mỹ Ngọc phỏng dịch.
Sept. 16/2023.
***
- Hai câu đầu, Đỗ nhớ vợ, thương nàng cô đơn, đêm Phu Châu trăng sáng mà nàng trong phòng khuê, một mình vò võ ngắm trăng...
# Hai câu kế, Đỗ thương con gái nhỏ, còn quá ngây thơ để biết nhớ Trường An. Có lẽ cô không có nhiều kỷ niệm về Trường An hoặc không biết Trường An để mà nhớ… Nếu cho rằng nhớ Trường An có ngụ ý nhớ cha thì BS không đồng ý, con thì lúc nào chả nhớ người cha vắng mặt, trừ khi cô bé còn quá nhỏ, mới 1,2 tuổi.
-  Hai câu 5, 6, nói về người vợ: sương thơm làm ẩm mái tóc, ánh trăng khuya làm lạnh cánh tay ngọc. Chỗ này BS thấy có gì lấn cấn: nàng ở trong phòng khuê thì sao sương làm ẩm tóc được? ACE nghĩ sao?
-  Hai câu chót cũng nói về vợ: Xa nhau, 2 người đều khóc, biết chừng nào được ở bên nhau, cùng tựa màn, chờ cho khô ngấn lệ?

Trăng Đêm 

Đêm trăng Phu Châu tỏ,
Phòng khuê chỉ em sầu,
Xa thương con gái nhỏ,
Trường An biết nhớ đâu.
Tóc mây sương thơm ướt,
Tay lạnh dưới trăng thâu,
Bao giờ nương màn mỏng,
Khô ngấn lệ bên nhau.

Bát Sách.
(ngày 17/09/2023)
***
Xa Cách Dặm Trường

Phù Châu lặng lẽ ánh trăng buồn
Chốn ấy khuê phòng em chiếc đơn
Thương nhớ con thơ trong tuổi ngọc
Trường An xa cách dặm canh trường
Sương rơi thấm ướt tóc trầm hương
Buốt giá tay ngà cô lẻ lạnh
Biết có bao giờ ta tái ngộ
Cùng nhau 'hong lệ' dưới trăng tròn

Thanh Vân
***
Đêm trăng

Phu Châu đêm nay sáng
Phòng chiếc ngắm trăng mơ
Xa thương con gái nhỏ
Chưa biết nhớ thành đô
Sương thơm làn tóc ướt
Ánh lạnh tay ngọc đờ
Khi nao tựa màn mỏng
Chung chiếu ngấn lệ khô!

Đêm nay trăng sáng Phu Châu
Phòng khuê đơn chiếc trên lầu ngắm trông
Xa thương con gái buồn lòng
Tràng An chưa biết nhớ nhung dặm dài
Sương thơm ướt đẫm tóc mai
Ánh trong lạnh lẽo hai tay cứng đờ
Khi nào dựa tấm màn tơ
Chiếu chung đôi lứa lệ khô ngấn vòng

Lộc Bắc
Sept23
***
Bài Cảm Tác

Đêm khuya trời lạnh tuyết rơi
Ngồi bên cửa sổ thấy đời mung lung
Tình nhà tình nước lung tung
Buông súng tỵ nạn đường cùng thảm thương
Đâu khi chiến đấu sa trường
Đâu khi nghỉ phép trên đường về quê
Tình con, tình vợ phu thê
Nay mình cô độc ê chề nhớ thương!

Đồ Cóc

Thơ Và Văn Bút

  

Chiều Hội Ngộ Cảm Tác

(Tam khúc liên châu)

Chiều Bắc Cali nắng dịu dàng
Mây trời vẹt lối tỏa hừng quang
VĂN THƠ nhộn nhịp lời rôm rả
LẠC VIỆT xôn xao tiếng rộn ràng
HỒNG THUỶ dừng chân vùng điện tử
Nhà văn lạc bước phố Hoa Vàng
Cỏ cây xem cũng vui chào đón
Hạnh phúc trào dâng buổi họp đoàn

Họp đoàn gốc Việt đất Cờ Hoa
Con cháu Lạc Long vốn một nhà
Bốn biển Đông Tây cùng kết nối
Năm châu Nam Bắc mãi giao hòa
Ly hương nghĩa nước lòng không nhạt
Viễn xứ tình quê trí chẳng nhòa
Đón khách DC nhiều xúc động
Mặt mừng tim trổi khúc hoan ca.

Hoan ca hội họp thú không ngờ
Đàn sáo cung tràn vút tiếng tơ
VĂN BÚT VIỆT NAM hòa nghĩa bút
VĂN THƠ LẠC VIỆT kết tình thơ
Và đem vạn tự loang trần thế
Rồi trải muôn hoa khắp cõi bờ
Đất Tổ chờ ngày ta trở lại
Rượu mừng ly cụng thỏa lòng mơ.

Phương Hoa - SEP 24, 2023
 

Chiều Chúa Nhật 24 tháng 9, 2023, Hội Văn Thơ Lạc Việt (VTLV) San Jose, miền Bắc Cali, tổ chức buổi họp mặt chào đón một thành viên phương xa, nhà văn Hồng Thủy, đương kim Chủ Tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại Vùng Đông Bắc Hoa Kỳ (VBVNHN VĐBHK)

Bầu trời San Jose chiều hôm nay nắng vàng như dịu xuống. Gió nhè nhẹ, những chòm mây bạc bay tản mác, lung linh, như hòa cùng niềm vui và lòng hiếu khách của mọi người tại một góc nhỏ của thành phố Thung Lũng Hoa Vàng. Nơi đó là tư gia của cựu Chủ Tịch, cũng là cố vấn VTLV, văn thi sĩ Chinh Nguyên.

Một dãy bàn dài được bày biện rất tươm tất cạnh phòng thu âm ghi hình, nơi anh Chinh Nguyên dùng để phỏng vấn các nhân vật cộng đồng, các văn thi sĩ, và thực hiện Talkshow, cho chương trình của đài VNA-TV. Tôi đến được một lúc thì cuộc phỏng vấn nhà văn Hồng Thuỷ do anh Chinh Nguyên thực hiện cùng với sự tham dự của nhà thơ Lê Tuấn hoàn tất. Chị bước ra ngoài, nhìn tươi mát trong chiếc áo dài xanh được “design” hoa văn phá cách - nhưng rất nhu mì - dù nét mặt phảng phất chút mệt mỏi vì đã trải qua một chuyến bay dài từ miền Đông qua; và vì mấy ngày trước đó được bạn bè tại địa phương nhiệt tình chào đón, tiệc tùng suốt sáng thâu đêm. Niềm vui gặp lại nhóm đàn em Văn Bút tại Văn Thơ Lạc Việt và những người bạn cố cựu từ thời Nữ Trung Học Trưng Vương Sài Gòn đã giúp chị khỏe ra.

VTLV phỏng vấn nhà văn Hồng Thủy

Khách đến lai rai. Mỗi người đều mang theo một hay hai món đặc biệt của riêng mình. Thôi thì toàn mỹ vị cao lương hay có thể gọi là “Sơn hào hải vị”. Từ bánh kem, bánh thạch, bánh carrot, bánh ít; đến xôi cẩm, xôi dứa, xôi đậu xanh; rồi thì miến xào cua, chả giò, cháo cá, bánh nếp trần, và trái cây các loại….

Những vòng ôm, những câu chào câu hỏi, những ánh mắt rạng rỡ cùng những nụ cười … thả ga, làm cho bầu không khí thật rộn ràng, sôi nổi, vẻ hạnh phúc hiện rõ trên khuôn mặt mọi người. Nói sao cho hết niềm vui. Một số trong nhóm hội viên VTLV và thân hữu có mặt hôm nay đồng thời cũng là thành viên Văn Bút VNHN VĐBHK, có người lâu nay chỉ sinh hoạt trong Văn Bút từ xa, đây là lần đầu gặp mặt Chủ Tịch Hồng Thủy, cho nên sự hào hứng càng nhân lên gấp bội. Vừa đón “đồng môn” vừa đón “boss”; Có anh chị đến từ miền xa, xa tận Sacramento - thủ phủ Cali - như vợ chồng nhà văn Dương Vũ; một số đến từ vùng Đông Vịnh (East Bay), Vịnh Monterey, và Livermore phố Núi ... Số còn lại và Ban Điều Hành VTLV thì toàn là “thổ Địa” của San Jose và vùng phụ cận. Tất cả thực khách cũng trên vài chục người, đủ làm cho ngôi nhà vốn ấm áp của ông cố vấn VTLV càng thêm ấm.

Chủ Tich VTLV, Không Quân Lê Văn Hải, người nổi tiếng là “nhân-vật-rất-hào-phóng-và-chịu-chơi” (lời của bà con trong cộng đồng Việt ở San Jose). Thành viên VTLV nào ở xa đến Bắc Cali đều được mọi người đón chào vui vẻ, huống chi là thành viên “nặng ký” như nhà văn Hồng Thủy, Chủ Tịch VBVNHN VĐBHK. Hồi tháng trước, trong buổi Tiệc mừng sinh nhật chung VTLV và Ra Mắt Sách của nhà thơ Cao Bồi Già, khi nghe tin chị Hồng Thủy sắp sang Cali dự đại hội cựu Học Sinh Trưng Vương Nam Cai, và chị sẽ dừng chân ghé lại Bắc Cali một tuần, anh Lê Văn Hải tỏ ra vô cùng vui vẻ và hào hứng. “VTLV chúng ta sẽ tổ chức đón tiếp chị Hồng Thủy thật long trọng nhé các bạn!” Anh nói với Ban Điều Hành. Và chính anh Hải đã chọn ngày, lên chương trình, ra thông báo mời tham dự buổi tiếp đón chị Hồng Thủy, kể cả việc cùng anh Chinh Nguyên xếp lịch ghi hình phỏng vấn chị cho đài VNA -TV. Mọi việc đã chuẩn bị kỹ càng. Nhưng rất tiếc đến giờ chót anh Hải có việc “vui bất ngờ” phải bay đi Nhật gấp nên vắng mặt.

Chủ Tịch VTLV Lê Văn Hải, nhà văn Chinh Nguyên, và nhà văn Hồng Thủy

Trước khi nhập tiệc, anh Chinh Nguyên và TS Nguyễn Hồng Dũng đại diện Chủ Tịch VTLV Lê Văn Hải lên nói lời chào mừng nhà văn Hồng Thủy. Anh Hồng Dũng với vẻ tôn kính, nhưng không kém phần dí dỏm, gọi chị Hồng Thủy là “nhà văn lão làng” vì khi chị bắt đầu viết văn thì anh mới... vừa được sinh ra. Và chị Hồng Thủy đã đáp lại bằng những câu rất khiêm nhường nhưng cũng dí dỏm với cái phong-cách-rất-Bắc-Kỳ, duyên dáng, và dễ thương. Chị nói các anh ấy “long trọng hóa” chị quá, chứ thực ra VTLV đầy những “tôm hùm” còn chị chỉ là “con tép” và “Hậu sinh khả úy, tài không tính tuổi...” làm mọi người thích thú cười vang cùng những tiếng vỗ tay như rung rinh cả ngôi nhà; và tiếng cười tiếng nói vọng lại dội quanh rền cả phòng thu âm của gia chủ, như một bản hòa tấu vui tươi rộn ràng trong buổi chiều thu.

Nhà văn Chinh Nguyên, TS Nguyễn Hồng Dũng, và nhà văn Hồng Thủy

Xen vào giữa bữa ăn là mục ký sách, tặng sách, trao quà cho nhau. Chị Hồng Thủy là người nhận quà nhiều nhất, vì ai cũng muốn tặng người chị xa chút quà lưu niệm

Thức ăn thật ngon, hình chụp thật đẹp, tình cảm thật đậm đà, ánh mắt nhìn thật ấm áp, chứa đầy yêu thương. Chiều tối mọi người chia tay ra về còn được togo rất nhiều món ngon, vì chị Thanh phu nhân hiền dịu của anh cố Vấn Chinh Nguyên ép uổng bắt thực khách phải chia sẻ bớt thức ăn đem về.

Chưa xa mà đã nhớ. Tiễn chị Hồng Thuỷ ra xe, tôi hẹn gặp lại chị với cõi lòng đầy vương vấn. Cảm xúc buổi hội ngộ cùng chị tại San Jose đến bây giờ vẫn còn đong đầy man mác trong tôi. Chị Hồng Thủy và nhóm chị em San Jose chúng tôi còn có những tình cảm vô cùng thú vị và thân thiết không-thể-nói-hết-bằng-lời. Đó là hai nhóm sinh hoạt toàn là “phe kẹp tóc”: Hội Cô Gái Việt do Hội Trưởng Phương Thúy điều hành, và Hội Minh Châu Trời Đông do Hội Trưởng Ngọc Hà và Đỗ Dung quản lý. Chúng tôi cũng sinh hoạt đều đặn, văn thơ thi phú chia sẻ đủ bốn mùa tám tiết.

Tóm lại, lần này Văn Thơ và Văn Bút gặp nhau tại San Jose trong tình nghĩa thật đậm đà trân quý đã đem lại cho mọi người niềm hạnh phúc vô biên.

VĂN THƠ và VĂN BÚT.

Dù hai hội văn thơ với tên gọi khác nhau, lần họp mặt này mọi người đã nhận ra, Văn Bút hay Văn Thơ trên bốn biển cũng đều là một nhà trong lãnh vực văn chương, có chung một mục đích bảo tồn Văn hóa và Quốc ngữ của dân tộc Việt Nam, một dân tộc có lịch sử trên bốn nghìn năm văn hiến.

Văn Thơ bốn bể chung nhà

Văn Thơ - Văn Bút đều là... văn chương

Xin kèm theo đây YouTube của phóng viên VTLV Mạc Phương Đình, ghi lại một số hình ảnh và những lời tâm tình của nhà văn Hồng Thủy và các đại diện VTLV trong buổi tiệc chào đón:

Và đây là YouTube của nhà thơ Lê Tuấn:
https://www.youtube.com/watch?v=N02XwOBwmoU

Miền Bắc Cali - Sep25, 3023
Phương Hoa

Hình ảnh buổi tiền họp mặt đón nhà văn Hồng Thủy

Phương Hoa

Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2023

Thu Đang Tới

 

*“mùa Thu gió lạnh lá chao nghiêng”

Ngoài khung cửa mùa Thu đang tới
Chút lạnh_nắng vàng trải khắp nơi
Cành lá chao nghiêng Thu còn mới
Cảm xúc Thu về khỏa đầy vơi
Thu nguồn thi hứng gieo bao nỗi
Khuấy động rạc rào trái tim côi
Bâng khuâng gợi thức hồn say đắm
Lạc bước đường thu mộng đến rồi

Hoàng Mai Nhất
(20/9/2023)

Trăng Quê - Thơ: Đặng Minh Mai - Nhạc: Văn Duy Tùng - Trình Bày:Trần Vũ


Thơ: Đặng Minh Mai
Nhạc: Văn Duy Tùng
Trình Bày:Trần Vũ

Niềm Vui Một Thuở


Vào khoảng thập niên 1960, một đặc ân dành cho các học sinh trường Công Lập Vĩnh Bình, là lễ đón Tết Nhi Đồng, được tổ chức ngay tại dinh Tỉnh Trưởng, tỉnh Vĩnh Bình.
Sự có mặt của ông Tỉnh Trưởng và phần quà nho nhỏ trao tận tay chúng tôi, đủ rõ tình cảm Ông dành cho thiếu nhi.

Lúc ấy được món quà nhỏ đủ vui suốt ngày. Nhưng đến nay, không chỉ là quà mà cảm nhận được cả tấm lòng của Ông.

Năm xưa đón Tết Nhi Đồng
Khắp dinh Tỉnh Trưởng đèn lồng lung linh
Rước đèn muôn sắc xinh xinh
Nhận đầy kẹo bánh đấy tình ông trao
Đôi chân chim sáo xôn xao
Hòa theo nhịp điệu ngọt ngào lời ca
Đèn lồng này chính tay ba
Chẻ tre dán giấy làm quà cho con
Trung thu vành vạnh trăng tròn
Lòng muôn năm cũ sắc son chửa nhòa

Kim Phượng

Trung Thu 2023

Chuyện Ngày Thơ...



Mỗi độ Trung Thu lại trở về
Lung linh giỡn bóng bến sông quê
Thả thuyền mơ ước ta cầu nguyện
Cho chuyện tình trăng vẹn ước thề!

Ngày qua tháng lại vẫn trông chờ
Ánh nguyệt duyên tròn soi bóng mơ
Bến vắng ngày xưa còn ngóng đợi
Nhớ người nhớ quá chuyện ngày thơ...!

Kim Oanh


Đêm Rằm Trung Thu

 

Trăng tháng tám vầng trăng tròn rất đẹp

Chú cuội già ngơ ngẩn dưới gốc đa

Mối tình si chờ mãi bóng Hằng Nga

Chờ tình yêu, ôm mộng đến tuổi già.

 

Huyền thoại ngày xưa trăng rằm đưa lối

Đợi tình yêu muôn thủa bóng chị Hằng

Đốt đèn trời thả thơ tình thăm hỏi

Đêm trung thu đẹp mãi một bóng trăng.

 

Ngày xưa nhớ vầng trăng thu sáng tỏ

Đêm hẹn hò e thẹn dáng ngây thơ

Ngọn đèn treo rực rỡ đêm trăng sáng

Em hồn nhiên tiên nữ của đêm mơ.

 

Ngoài sân sáng tiếng cười vang tiếng nói

Gái trai làng hội ngộ hát trống quân

Tà áo bay phất phơ theo ngọn gió

Liếc mắt trao duyên hò hẹn tình nhân.

 

Ngồi lặng lẽ ông lão già tưởng nhớ

Thả đèn trời uống rượu ngắm trăng trôi

Đầu lân múa ngả nghiêng theo nhịp trống

Trăng trung thu lòng ta bỗng bồi hồi.

 

Trăng đã già chị Hằng bao nhiêu tuổi

Để trung thu còn mãi đến bây giờ

Trong trí nhớ tuổi già còn mơ mộng

Cho niềm vui trọn vẹn tuổi ngây thơ.

 

Tế Luân

Đêm Trung Thu

09-18-23


Tạp Ghi và Phiếm Luận:Tết Trung Thu


TẾT TRUNG THU chữ Nho gọi là TRUNG THU TIẾT 中秋節. Một năm có 4 mùa, gọi là Tứ Qúy 四季, mỗi một qúy có 3 tháng, chia làm Mạnh, Trọng, Qúy 孟、仲、季 3 phần; nên theo Âm lịch, Tháng Bảy là Mạnh Thu 孟秋, tháng Tám là Trọng Thu 仲秋 và Tháng Chín là Qúy Thu 季秋. Tết Trung Thu nằm trong Tháng Tám nên còn gọi là Tiết Trọng Thu 仲秋節.
TẾT TRUNG THU là ngày rằm (15) tháng Tám Âm lịch với tiết trời trong vắt, nên ta thấy trăng tròn, to và sáng hơn những tháng trước đó, vì thế nên dân gian còn gọi đêm rằm tháng Tám là NGUYỆT TịCH 月夕, có nghĩa là Đêm Trăng, vì mọi người cùng nhau ngắm trăng nên còn gọi là Tiết NGOẠN NGUYỆT 玩月, và vì dân gian có tục lệ cúng trăng nên lại có tên là Tiết BÁI NGUYỆT 拜月, nhất là các cô gái đương xuân mới lớn, lòng xuân phơi phới bái nguyệt để gởi gắm những ước nguyện trong lòng, nổi tiếng nhất trong lịch sử cổ xưa là Điêu Thuyền Bái Nguyệt 貂嬋拜月. Nên ngày rằm tháng Tám còn được gọi là ngày NỮ NHI TIẾT 女兒節, là ngày lễ hội của các cô gái mới lớn.

Môt trong những khúc hát nổi tiếng ở các giáo phường của đời Đường là Bái Tân Nguyệt 拜新月, có nghĩa là "Lạy mừng trăng mới", có nguồn gốc xa xưa từ đời Tần Hán, mãi cho đến đời Đường mới thịnh hành tục lệ cúng trăng nầy. Gọi là cúng vầng trăng mới, chứ thực ra chỉ có ngày Thất Tịch, mùng bảy tháng bảy âm lịch là trăng mới thôi, còn thì đa số các bà các cô cúng trăng vào ngày Trung Thu rằm tháng tám. Cúng để ước nguyện gặp được người chồng tốt, hay gia đạo bình an hạnh phúc, nhất là luôn luôn được đoàn viên sum họp một nhà, như khi nàng cung nữ của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều được tuyển vào cung đã mơ ước cùng nhà vua :

Mượn điều Thất Tịch mà thề bách niên!

Còn các cô gái đương xuân với lòng xuân phơi phới thì bái lạy vầng trăng bất cứ lúc nào để ước ao và để gởi trao tâm nguyện, như bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt rất nổi tiếng của Lý Đoan 李端 đời Đường sau đây :

開簾見新月, Khai liêm kiến tân nguyệt,
即便下階拜。 Tức tiện hạ giai bái.
細語人不聞, Tế ngữ nhân bất văn,
北風吹裙帶。 Bắc phong xuy quần đái.

Có nghĩa:
Vén rèm ra thấy vầng trăng mới, nàng bèn bước ngay xuống thềm mà vái lạy. Lầm rầm khấn khứa nhỏ to không ai nghe biết được gì, chỉ thấy dải lụa đào thắt lưng phất phơ trước làn gió bấc mà thôi !

Cuốn rèm thấy ánh trăng trong,
Xuống thềm qùy lạy lầm rầm ước ao.
Khấn chi ai biết được nào...
Bắc phong phe phẩy lụa đào phất phơ!

Trăng rằm Trung Thu còn là một khối Đoàn Viên 團圓, ĐOÀN là Khối tròn, VIÊN là Tròn trịa không sứt mẻ. Nên ĐOÀN VIÊN là một khối tròn đầy đặn hoàn hảo. Gia Đình Đoàn Viên 家庭團圓 là tất cả những thành viên trong gia đình đều về hội tụ đầy đủ không thiếu ai cả. Nên TẾT TRUNG THU còn được gọi là ngày TẾT ĐOÀN VIÊN 團圓節. Người du tử ngày xưa lang bạt giang hồ, hay những thương nhân buôn bán phương xa... nhưng đến Tiết Trung Thu cũng phải rán cố gắng quay về để gia đình được đoàn viên mà cùng ngắm trăng tròn đón Tết. Những ai không về được nhà thì ngắm trăng Trung Thu cũng nhớ về quê nhà, như Thi Tiên Lý Bạch đã viết trong bài Tĩnh Dạ Tư 靜夜思:

床前明月光, Sàng tiền minh nguyệt quang,
疑是地上霜。 Nghi thị địa thượng sương.
舉頭望明月, Cử đầu vọng minh nguyuệt,
低頭思故鄉。 Đê đầu tư cố hương!

Có nghĩa:
Trước đầu giường nhìn ánh trăng sáng bàng bạc khắp nơi, cứ ngỡ như là sương gieo đầy mặt đất. Ngẩn đầu lên nhìn vầng trăng sáng tròn trịa, nên cúi đầu xuống lại nhớ đến cố hương ! Nhớ đến gia đình không thể về được để đoàn viên như vầng trăng đầy đặn.

Trước giường nhìn trăng sáng,
Ngỡ sương gieo khắp nơi,
Ngẩn trông trăng đầy đặn,
Nhớ quê dạ bời bời!

Còn Thi Thánh Đỗ Phủ trong bài Nguyệt Dạ Ức Xá Đệ 月夜憶舍弟 (Đêm trăng nhớ về em trai) nổi tiếng với 2 câu thơ bất hủ là :

露從今夜白, Lộ tòng kim dạ bạch,
月是故鄉明。 Nguyệt thị cố hương minh.

Có nghĩa:
Đêm nay sương trắng từ đây,
Quê nhà trăng mới sáng đầy khắp nơi !

Từ nay sương thu trắng sẽ phủ khắp nơi, nhưng chỉ có vầng trăng ở quê nhà là sáng nhất mà thôi ! Cũng cùng một ánh trăng, nhưng trong mắt kẻ tha hương vầng trăng của xứ người vẫn lạnh lẽo cô đơn và luôn gợi nhớ đến vầng trăng ấm áp vui tươi ở quê nhà. Nhất là những người yêu nhau càng nhớ nhau lắm trong những đêm trăng. Như trong bài Vọng Nguyệt Hoài Viễn 望月懷, ngắm trăng mà nhớ về nơi xa của Trương Cửu Linh 張九齡 thi nhân đời Đường với 4 câu đầu như sau:

海上生明月, Hài thượng sanh minh nguyệt,
天涯共此時。 Thiên nhai cộng thử thời.
情人怨遥夜, Tình nhân oán diêu dạ,
竟夕起相思。 Cánh tịch khởi tương tư...

Có nghĩa:
Trăng lên trên biển khơi,
Cùng lúc khắp chân trời.
Người yêu xa vắng quá,
Đêm thương nhớ khôn nguôi !...

Từ xưa đến nay, vầng trăng Trung Thu cũng gợi nên biết bao ý thu cho thi nhân, hãy đọc bài thơ "Thập Ngũ Dạ Vọng Nguyệt Ký Đỗ Lang Trung 十五夜望月寄杜郎中 của Vương Kiến 王建 sau đây sẽ rõ:

中庭地白樹棲鴉, Trung đình địa bạch thụ thê nha,
冷露無聲濕桂花. Lãnh lộ vô thanh thấp quế hoa.
今夜月明人盡望, Kim dạ nguyệt minh nhân tẫn vọng,
不知秋思落誰家. Bất tri thu tứ lạc thuỳ gia ?!

Có nghĩa:

Trong sân sáng trắng qụa nương cây,
Lặng lẽ sương sa hoa quế lay.
Trăng sáng đêm nay ai chẳng ngắm,
"Ý thu" ai biết ... lạc nhà ai ?!

Càng thi vị hóa ánh trăng hơn với bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt "Ức Đông Sơn 憶東山" của Thi Tiên Lý Bạch:

不向東山久, Bất hướng Đông Sơn cửu,
薔薇幾度花。 Tường vi kỷ độ hoa.
白雲還自散, Bạch vân hoàn tự tán,
明月落誰家。 Minh nguyệt lạc thùy gia ?!

Có nghĩa :
Đông Sơn lâu qúa không qua,
Tường vi mấy độ hoa đà phôi phai.
Ngẩn ngơ mây trắng còn bay...
Trăng vàng rụng xuống nhà ai đêm này ?!

Vầng trăng, ánh trăng, bóng trăng... trong văn học và cả trong dân gian cũng có rất nhiều tên để gọi. TRĂNG chữ Nho là NGUYỆT 月, theo thần thoại Trung Hoa trong mặt trăng có cây quế, nên còn gọi trăng là Vầng NGUYỆT QUẾ 月桂, và vì trong trăng còn có những vùng tranh tối tranh sáng, nên lại gọi là QUẾ PHÁCH 桂魄, như 2 câu đầu trong bài thơ Thu Dạ Khúc 秋夜曲 của Vương Nhai 王涯 đời Đường là:

桂魄初生秋露微, QUẾ PHÁCH sơ sanh thu lộ vi,
輕羅已薄未更衣。 Khinh la dĩ bạc vị canh y.

Có nghĩa:
TRĂNG vừa mới mọc sương thu nhẹ,
Mỏng mảnh áo là chửa kịp thay.

Ngoài QUẾ PHÁCH, trăng còn được gọi là QUẾ CUNG 桂宫 mà thi sĩ Tản Đà nhà ta đã gọi là CUNG QUẾ trong bài thơ "Muốn Làm Thằng Cuội":

Đêm thu buồn lắm! CHỊ HẰNG ơi!
Trần thế em nay chán nửa rồi.
CUNG QUẾ đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi.

Trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều tả nàng cung nữ thất sủng trong cung với tâm trạng:

Trong CUNG QUẾ âm thầm chiếc bóng,
Đêm năm canh trông ngóng lần lần...

CHỊ HẰNG tức Hằng Nga, người Hoa ít khi gọi bằng HẰNG NGA 姮娥, mà thường gọi Chị Hằng là THƯỜNG NGA 嫦娥. Như trong bài thơ "Thường Nga 嫦娥" của Lý Thương Ẩn trong buổi tàn Đường:

雲母屏風燭影深, Vân Mẫu bình phong chúc ảnh thâm,
長河漸落曉星沉. Trường hà tiệm lạc hiểu tinh trầm.
嫦娥應悔偷靈藥, THƯỜNG NGA ưng hối thâu linh dược,
碧海青天夜夜心. Bích hải thanh thiên dạ dạ tâm!

Có nghĩa:
Bình phong Vân mẫu nến lay thềm,
Sao rụng Ngân hà trở sáng thêm.
Trộm thuốc HẰNG NGA chừng tiếc nuối,
Trời xanh biển biếc hận đêm đêm !

Trong Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du gọi Trăng là GƯƠNG NGA, BÓNG NGA. Trong buổi đầu khi Kim Kiều gặp gỡ; lúc trở về nhà, đêm đó khi:

GƯƠNG NGA chênh chếch vòm sông,
Vàng gieo ngấn nước cây lồng bóng sân.
Hải đường lã ngọn đông lân,
Giọt sương trĩu nặng cành xuân la đà...

thì Thúy Kiều đã:
Một mình lặng ngắm BÓNG NGA,
Rộn đường gần với nỗi xa bời bời!...

Theo thần thoại Trung Hoa, Thường Nga hay Hằng Nga là vợ của anh hùng xạ nhựt Hậu Nghệ 后羿, người đã bắn rơi chín cái mặt trời là chín con qụa lửa thiêu đốt nhân gian, nên được bà Tây Vưong Mẫu tặng cho viên thuốc trường sinh bất tử. Hằng Nga đã lén trộm thuốc của chồng uống vào, nên thân hình nhẹ nhõm bay lên và bay tuốt... vào cung trăng lạnh lẽo, rồi trở thành chủ nhân của cung Quảng Hàn và con Thỏ Ngọc giả thuốc trường sinh. Vì tích nầy mà mặt trăng còn được gọi là QUẢNG HÀN CUNG 廣寒宫 hay CUNG QUẢNG, như khi Thúy Kiều nhớ Thúc Sinh lúc chàng về thăm Hoạn Thư:

Thân sao nhiều nỗi bất bằng,
Liều như CUNG QUẢNG Ả HẰNG nghĩ nao!
Đêm thu gió lọt song đào,
Nửa Vành Trăng khuyết, ba sao giữa trời!

Vì có con Thỏ Ngọc giã thuốc trong trăng, nên mặt trăng còn được gọi là NGỌC THỐ 玉兔. Khi Vương Quan kể lể về thân thế của ca nhi Đạm Tiên đã kết bằng 2 câu:

Trãi bao THỎ LẶN ÁC TÀ,
Ấy mồ vô chủ ai mà viếng thăm!

THỎ LẶN là Trăng lặn, ÁC TÀ là Mặt Trời chiều; Trăng lặn là hết đêm, Mặt Trời về chiều là hết ngày. Nên THỎ LẶN ÁC TÀ chỉ ngày tháng qua đi. "Trãi bao THỎ LẶN ÁC TÀ," là biết bao là ngày tháng đã qua đi !

Cũng theo thần thoại Trung Hoa, trong cung trăng lại có con Thiềm Thừ 蟾蜍 (con cóc) ba chân; vì các hố thiên thạch trên bề mặt mặt trăng trông giống như các hoa văn trên lưng con Thiềm Thừ; Lại có tích cho rằng vì Hằng Nga trộm thuốc bay lên cung trăng nên mới bị trời phạt biến thành con Thiềm Thừ tinh. Vì thế người Hoa còn gọi Cung Trăng là THIỀM CUNG 蟾宫. Trong bài thơ Ức Giang Thượng Ngô Xử Sĩ 憶江上吳處士của Thi Nô Giả Đảo 賈島 có câu :

閩國揚帆去, Mân quốc dương phàm khứ,
蟾蜍虧復圓。 THIỀM THỪ khuy phục viên.

Có nghĩa:
Mân Nam giương buồm tách bến,
THIỀM THỪ đang khuyết đã tròn.

Còn trong truyện Nôm khuyết danh Trinh Thử của ta cũng có câu:

THIỀM CUNG bóng đã tà tà,
Khuyên rằng mau trở lại nhà với con.

Trong cung trăng còn có một nhân vật nam là Ngô Cương 吴剛, vốn là lính gác Nam Thiên môn, tình cờ gặp được Hằng Nga qúa đẹp, nên ở lại cung trăng chơi một ngày, bị Ngọc Đế phạt phải đốn cây Quế trong cung Quảng Hàn. Tương truyền hễ Ngô Cương ban cành quế cho ai thì người đó sẽ thi đỗ Trạng Nguyên, vì thế mà hình thành thành ngữ THIỀM CUNG CHIẾT QUẾ 蟾宫折桂. Có nghĩa là "Bẻ Quế Cung Thiềm" để chỉ những người thi đậu. Trong truyện Nôm khuyết danh Phạm Tải Ngọc Hoa của ta cũng có câu:

Những mong BẺ QUẾ nên danh,
Mà đền công dưỡng sinh thành hai thân.

Qua đến Việt Nam ta thì Ngô Cương thành Chú Cuội, và Cành Quế thành Cành Đa. Cũng trong bài thơ "Muốn Làm Thằng Cuội" của Tản Đà cũng có câu:
CUNG QUẾ đã ai ngồi đó chửa?
CÀNH ĐA xin chị nhắt lên chơi!

Tục lệ cúng trăng đã có từ xa xưa, nhưng đến đời Tùy, Đường mới thật sự thịnh hành các lễ ngoạn nguyệt, thưởng nguyệt, bái nguyệt; và đến đời Nam Bắc Tống thì tất cả nam phụ lão ấu, giàu nghèo qúy tiện gì đều cúng trăng vào đêm rằm tháng tám, cầu cho gia đạo bình an, đoàn viên hạnh phúc. Vật cúng thường là các loại qua qủa 瓜果 là dưa trái có hình tròn, như bưởi bồng, hồng, Thị, dưa hấu, khoai môn được xắt thành từng khoanh tròn, bánh in bánh đậu xanh, bánh được làm bằng các loại mứt, loại hạt... có hình tròn gọi là BÁNH TRUNG THU tượng trưng cho trăng tròn và cũng là niềm mơ ước cho gia đình cũng mãi mãi được đoàn viên hạnh phúc. Đến đời Minh, Thanh thì các tục lệ đón Tết Trung Thu càng đa dạng hơn với các hoa đăng đủ loại, múa lân múa rồng, thả đèn trời để cầu an...

TẾT TRUNG THU qua đến Việt Nam ta thì lại diễn tiến thành TẾT NHI ĐỒNG với các lồng đèn đủ loại... Người lớn thì cũng mừng trăng cúng trăng và thưởng thức Bánh Trung Thu, nhưng trẻ em thì lại vui mừng hơn vì được dịp rước đèn như lời hát...

TẾT TRUNG THU đốt đèn đi chơi,
Em đốt đèn đi khắp phố phường...

Trước mắt người Châu Á chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa ở rải rác khắp các châu lục; nhất là sau 1975, người Việt Nam ta cũng hiện diện khắp nơi trên thế giới. Tuy định cư ở nước ngoài, nhưng cứ mỗi lần Trung Thu ngắm cảnh trăng tròn thì lại nhớ đến chốn cũ quê xưa, nhớ về làng xưa người cũ... rồi cũng phải đành âm thầm ngâm hai câu thơ của Tô Đông Pha trong Thủy Điệu Ca Đầu 水調歌頭 để cùng an ủi nhau:

但願人長久, Đản nguyện nhân trường cửu,
千里共嬋娟。 Thiên lý cộng THUYỀN QUYÊN.*

Có nghĩa:
Những mong người mãi trường tồn,
Cùng chung ngàn dặm trăng tròn một thôi!

Chỉ cần còn sống để ngắm trăng, thì tuy có cách trở xa xôi ngoài ngàn dặm, ta cũng nên cảm thấy yên ủy vì cũng cùng ngắm chung một vầng trăng nầy mà thôi!

Cầu mong cho tất cả mọi người đều có được một cái TẾT TRUNG THU sum vầy vui vẻ, ĐOÀN VIÊN như ánh trăng rằm tháng Tám vằng vặc mãi trên không.

杜紹德
Đỗ Chiêu Đức

* THUYỀN QUYÊN 嬋娟: là từ chỉ các cô gái có thân hình yểu điệu đẹp đẽ; ở đây Tô Đông Pha mượn để chỉ vầng trăng tròn, sáng và đẹp của đêm Trung Thu. Bài từ "Thủy Điệu Ca Đầu 水調歌頭" của Tô Đông Pha 蘇東坡 đã được nhạc sĩ Lương Hoằng Chí 梁弘志 phổ nhạc và danh ca Đài Loan Đặng Lệ Quân 鄧麗君 hát. Mời tất cả cùng thưởng thức ...鄧麗君 《但願人長久》 ~ 千里共嬋娟 Teresa Teng

Giấc Mơ ĐêmTrung Thu

  

Trung-Thu ta mộng vượt trời cao
Đáp xuống mặt trăng được đón chào.
Nguyệt điện nơi đây vui biết mấy
Cung Hằng chốn đó thích dường bao.
Người tiên múa hát...môi hồng thắm
Kẻ tục say nhìn...mặt đỏ ao.
Muốn ở trển luôn, chơi xả láng
Giật mình, vợ cạnh, biết làm sao!


Duy Anh
Mid-Autumn Festival 2023

Chân Dung Chị Hằng!

 

(Bài Hát Nói cảm ơn và đáp lễ Nhiếp Ảnh Gia taotran Trần Đức Tạo đã chuyển đến ngày 28/09/2023 một bức ảnh mang tựa đề “Chân Dung Trăng Trung Thu”.
Kính mời Quý Thi Hữu họa lại bài Hát Nói này.)

Chị Hằng! Huyền thoại!
“Ánh trăng trắng ngà, có cây đa to, có Thằng Cuội già, ôm một giấc mơ”!
Ngày mai là Rằm Tháng Tám! Tết Trung Thu! Niềm cảm xúc không bến bờ!
Bác Phó Tạo Trần vội “nhắc nhở” bằng một bức ảnh trăng “nên thơ, tròn trịa”!

Ngày xưa kể chuyện trăng như “bịa”!
Hiện tại trình bày ảnh tựa “khoe”!
Nhìn ra cửa sổ thấy “sáng trưng”! Vội vã chạy “tung bay cả mái tóc thề”
Ngửng mặt lên trời ngắm “Chị Hằng” tròn vành vạch có đám “mây vô duyên” kề bên cạnh!

Sydney, Úc Châu hào hứng “Lễ Hội Thiếu Nhi, Tết Trung Thu Nhi Đồng” ngày càng vững mạnh!
Trưởng Nguyễn Văn Thuất sáng lập, chăm nom! Đa văn hóa, đa sắc tộc! Hưng thạnh muôn màu!
Từ ngày vất vả khởi đầu!
Đến nay tràn ngập những câu chúc mừng!
Thiếu Nhi Lễ Hội tưng bừng!
Tiến lên, hoàn thiện chẳng ngưng, không sờn!
Rất cần diễn tả nhiều hơn!

Đức Hùng
Sydney, Úc Châu, 28/09/2023

14 Tháng 8 Âm Lịch năm quý Mão, Ngày Kỷ Sửu. Hành Hỏa, Trực Định, Sao Đẩu. Cát Thần : Mẫu Thương, Tam Hợp, Thời Âm
Ngày mai là Rằm Tháng Tám, Trung Thu Năm Quý Mão 2023
 

Trăng Rằm Trung Thu



Trung Thu trống thúc địa lân 
Hoàng hôn nắng tắt trăng dần dần cao
Trên trời có triệu…ngàn sao
Chị Hằng tỏa sáng biết bao đèn lồng
Thiếu nhi vui nhộn ngập lòng
Cười tươi hớn hở nối dòng cháu ngoan
Múa lân địa quạt trống vang
Giữa đường nghẽn lối chẳng than trách gì
Sắp hàng các cháu thiếu nhi
Lồng đèn đủ sắc kịp thì con thơ
Biết bao cha mẹ đợi chờ
Một thời bé bỏng bây giờ nhớ thương…!


Mai Xuân Thanh
California USA, September 18, 2023




Đèn Trung Thu


Sàigòn đang vào Tết Trung Thu. Sàigòn, bấy giờ đã được đổi tên. Cũng đúng thôi! Bởi vì “nó” không còn giống cái “Sàigòn” của thời trước, cái thuở mà mỗi món vật mỗi con người đều được nhận diện một cách trung thực, cái thuở mà tiếng nói chưa bị thâm nhập bởi những “mỹ từ... dao to búa lớn”, cái thuở mà tình cảm còn thật là tràn đầy... Cái tên mới của Sàigòn có hơi... dài, nên sau này, người ta chỉ còn gọi là “thành phố”, vừa ngắn gọn lại vừa hợp... thời trang!

Sàigòn bình thường đã rộn rịp. Vào dịp Tết Trung Thu lại còn rộn rịp gấp bội. Xe cộ – đông nhứt là xe mô-tô, loại sau này được gọi chung là Honda – chạy đầy đường, chạy loạn, tiếng máy nổ điếc tai thêm bóp kèn liên hồi inh ỏi. Quán lều cũng đầy đường. Hàng họ chưng bày cũng đầy đường. Bánh mứt đèn lồng Trung Thu cũng đầy đường. Coi thật là phồn vinh sung túc.

Trong rừng xe cộ đó, có một người đàn ông cỡi xe đạp chở ba đứa nhỏ. Nhìn anh ta là thấy ngay rằng anh ta không “hợp thời”. Anh ta còn đội nón Panama, một loại nón mà thời trước người ta nhập cảng từ Nam Mỹ. Mặc dù cái nón – vốn là màu trắng – đã ngã màu vàng và vành nón có nhiều chỗ rách tưa..., cái nón đó vẫn thấy lạc lõng giữa phố phường đầy nón cối, mũ tai bèo, nón lá, nón rơm, nón kết. Anh ta còn mặc áo sơ-mi sọc, cổ đứng tay dài, mặc dù sơ-mi bỏ ngoài quần và mang đầy nếp nhăn vì đã không được ủi. Anh còn mặc quần tây dài màu sậm còn đủ bờ-li và nhứt là còn mang đôi giày da đen mũi nhọn – loại “xịn” – mặc dù giày đen đã ngã màu xam xám vì đầy bụi đất.

Trong lúc mọi người ăn mặc rất tự do, rất... giải phóng, đại loại như áo thun ba lỗ quần đùi dép cao su, hoặc sơ-mi ngắn tay phạch ngực quần pi-da-ma chim cò dép nhựt hoặc những bộ đồ màu xanh cỏ úa rộng thùng thình dép lớp xe... thì lối ăn mặc của anh ta – thật tình – không đúng “tác phong của thời đại” ! Ngay như chiếc xe đạp của anh ta cũng không hạp với rừng xe cộ chung quanh. Nó ọp ẹp cũ kỹ, giống như đã được lắp ráp chắp vá bằng những món đồ góp nhặt được từ những chiếc xe đạp phế thải. Cái giỏ sắt gắn ở phía trước ghi-đong (thường dùng như pọt-ba-ga) đã được cắt xén để trở thành cái ghế ngồi cho thằng bé, đứa nhỏ nhứt trong ba đứa. Còn cái pọt-ba-ga phía sau thì được nối dài ra một chút, mặt được lót ván và phía dưới có hàn hai thanh sắt ngắn để gác chân. Hai đứa nhỏ còn lại ngồi trên đó, đứa lớn ôm đứa bé, đứa bé – vì còn nhỏ quá không ôm được eo ếch của gã đàn ông – nắm chặt lấy vạt áo sơ-mi, nắm bằng cả hai tay...

Trong luồng xe cộ chạy như điên, hối hả, lòn lách... người đàn ông thản nhiên đạp chậm rãi vững chắc dọc theo hè phố. Mấy đứa nhỏ nhìn ngang nhìn dọc, tranh nhau hỏi, tranh nhau nói, líu lo:
- Ba ! Ba ! Coi kìa ! Đèn Trung Thu ở đâu mà nhiều quá hén ba.
- Ba ! Ba ! Cái gì mà bự quá xá đàng kia vậy?
- Tại sao ông già ổng ôm cột đèn vậy?
- Sao ông xích-“dô” ổng nằm ngủ trên xe vậy?
- Bộ ở đây người ta đái ở gốc cây được hả ba ?
- Cha... Ông này ổng mua tới bốn cái đèn Trung Thu.
- Mình cũng đi mua đèn nữa, hén ba?
Đứa nhỏ ngồi ở giữa, giọng khàu khàu:
- Anh Việt nói chừng ảnh “dớn” ảnh mua cho con cái đèn máy bay bự bằng cái nhà ớ !
Đứa lớn ngồi phía sau cười hắc hắc, ôm em nó lắc qua lắc lại:
- Ừa ! Mà Nhi phải đừng nói ngọng mới được. “Lớn” thì nói “lớn”, chớ cái gì mà “dớn” hả ?
Đứa nhỏ nhứt ngồi trong giỏ phía trước, nói chen vào, cũng ngọng trớt :
- Anh Nhi ảnh nói “nhọng” “vá” hà. Há ba?
Làm cả bọn cười vang. Tiếng cười của cha con nhà đó hồn nhiên, thanh thoát, bị chìm lấp trong dòng thác tiếng động điếc tai, vừa ô-hợp, vừa khô khan của phố phường đầy người, đầy xe, đầy bụi...
Đến một gốc đường khá thoáng, nghĩa là vỉa hè còn có chỗ trống, thấy có một xe đẩy treo đầy đèn Trung Thu đủ kiểu đủ cỡ và đủ màu sắc đang nằm gần đó, người đàn ông rà xe đạp vào lề:
- Tụi con coi kìa, đèn Trung Thu kìa ! Để ba ngừng đây cho tụi con xuống lựa nghen !
Mấy đứa nhỏ “ồ” lên sung sướng. Đứa bé nhứt bỗng vỗ tay cười hắc hắc giống như bị cù léc. Nó la lớn:
- Đèn! Đèn! Đèn! Đèn!
Thả bầy con xuống xong, người cha bảo:
- Tụi con lại đó coi đi! Lựa đi! Ba ngồi đây đợi.

Trong lúc mấy đứa nhỏ vây quanh xe bán đèn lồng, người đàn ông chống chân lên bờ hè, rút ở túi áo sơ-mi một điếu thuốc. Đó là loại thuốc vấn tay (sau cuộc “đổi đời”, vì không còn tiền để hút thuốc loại sản xuất kỹ nghệ nên phần đông dân “ghiền” mua thuốc rê Gò Vấp về trộn với thuốc vàng Lạng Sơn rồi vấn hút. Nhiều người vấn sẵn ở nhà rồi cho vào bao hay hộp mang theo mình cho tiện khi cần đi đâu...). Cầm hộp quẹt máy trong tay lắc lắc cho xăng thấm lên đầu tim, người cha đó hướng về bầy con nói to, khá to, để át tiếng ồn man dại của thành phố:
- Tụi con lựa đi nghen! Lựa đi! Thứ nào cũng được hết! Máy bay, xe tăng, bươm bướm gì cũng được hết! Đứa nào thích thứ nào thì nói cho ba biết. Lát nữa về nhà, ba làm cho y như vậy hà!

Nói xong, anh ta để điếu thuốc lên môi, chẹt hộp quẹt đốt. Bập vài cái cho lửa bắt rồi hít một hơi thật sâu để thở khói ra dài, thật dài... Làm như anh ta muốn trút ra theo khói một cái gì đang nghẹn trong lòng ngực. Chung quanh, người ta, xe cộ đi như loạn.

Tiểu Tử


Trung Thu Kể Chuyện


Đó là Tết Trung Thu đầu tiên ở trại tị nạn Thailand. Thực ra, cuộc sống ở trại ngày nào cũng như ngày nào, nhất là trong “trại cấm” dành cho những người đến trại sau ngày Cao Ủy tuyên bố đóng cửa, ngày dài lê thê, tương lai chưa biết ra sao, có ai để ý cái Tết của trẻ con.

Nhưng may nhờ có Chùa và Nhà Thờ, các Cha các Sư xin phép Ban An Ninh Trại, rồi cho người ra ngoài chợ Lào chợ Thái, mua đầy đủ tre, giấy bóng kiếng, sơn màu, cọ, dây kẽm… để làm những chiếc đèn Trung Thu. Từ một vài tuần trước, sân Chùa sân Nhà Thờ bắt đầu rộn ràng những người ngồi vót tre, cắt giấy, làm nao lòng người tha hương, và không khí trong trại thêm sinh động, hứng khởi hơn thường ngày .

Nhóm chúng tôi bốn nàng: tôi làm thiện nguyện ở post office, một nàng làm cô giáo Tiếng Việt, còn hai nàng kia ở nhà phụ trách cơm nước và chiều tối sinh hoạt trong Ca Đoàn Nhà Thờ. Mấy bữa gần kề Trung Thu, hai nàng ấy có mặt hầu như cả ngày ngoài Nhà Thờ, tôi và nàng cô giáo đi làm về phải ăn mì gói trộn cơm nguội, nhưng mà vui, vì ăn xong cũng chạy ra ngoài đó tán dóc, ăn bánh kẹo, phụ mấy chuyện lặt vặt linh tinh… trừ cơm cũng no ngang.

Theo chương trình, vào ngày Trung Thu, sau giờ lễ tại Chùa và Nhà Thờ, các em thiếu nhi có mặt (bất kể tôn giáo) đều được phát một chiếc lồng đèn và vài chiếc bánh kẹo (lúc ấy trại chưa có người làm bánh Trung Thu). Nàng cô giáo trong nhóm nổi hứng đề nghị chúng tôi làm bữa tiệc “Đón Trăng Rằm” tại nhà, kêu đám học trò nhỏ đến cùng chung vui.

Cả đám hào hứng đồng ý, chúng tôi sẽ nấu một nồi chè đậu xanh bột báng nước dừa, mua thêm vài bịch bánh kẹo, đậu phộng da cá và vài bình nước Coca Cola. Khi tan lễ các em sẽ kéo về nhà chúng tôi, quay quần ăn uống, ca hát, chơi trò chơi tập thể, rồi sau đó là phần vui nhất của đêm trăng tròn: rước đèn Trung Thu. Chúng tôi sẽ dẫn các em rước đèn vòng quanh các lô nhà, các con đường của trại, vừa đi vừa hát:

“Tết Trung Thu em đốt đèn đi chơi/ Em đốt đèn đi khắp phố phường/ Lòng vui sướng với đèn trong tay/ Em múa ca dưới ánh trăng rằm/ tùng dinh dinh tắc tùng dính dính …”

Dù ở trại, hổng phải “phố phường” của xóm cũ quê xưa bên bờ đại dương, nhưng ai cấm các em được “vui sướng với đèn trong tay” và “múa ca dưới ánh trăng rằm” trại tị nạn?

Đúng 6 giò 30 chiều, các trò nhí lục tục kéo đến, mỗi đứa trên tay một lồng đèn đủ màu xanh đỏ tím vàng, chúng tôi cũng vui lây với sự hồn nhiên của chúng. Bỗng trời bên ngoài bắt đầu chuyển sang âm u, gió mạnh. Chuyện gì vậy cà, chả lẽ lại là mưa đúng đêm Trung Thu như nhiều lần khi tôi còn ở Việt Nam, dù mùa mưa Ngâu đã trôi qua? Câu hỏi chưa kịp trả lời thì mưa lộp bộp trút xuống, hối hả như kìm nén cả ngày giờ mới được bung xả. Cả cô lẫn trò ngơ ngác, nhìn những hạt mưa nặng nề bên ngoài mái lá.

Tôi bâng quơ nhớ về Trung Thu năm trước, có xa xôi gì lắm đâu, lúc ấy tôi còn đi dạy học, cùng với các thầy cô giáo trẻ trong trường, hẹn nhau sau buổi dạy chạy ra Nhà Văn Hóa Thanh Niên xem ca nhạc mừng Trung Thu. Vừa xong tiết dạy, trời đầy mây xám báo hiệu sẽ có mưa, nhưng với lòng hăng say tuổi trẻ, hơn nữa ngày hôm sau là cuối tuần không phải bận rộn với giáo án, với trường lớp, chúng tôi vẫn lên đường, sáu bảy chiếc xe đạp, chuyện trò rôm rả mặc kệ ông trời đang hăm dọa với vài tiếng sấm sét dạo đầu. Khi chúng tôi đến tụ điểm ca nhạc, những hạt mưa lớn, nhỏ rủ nhau ào xuống, trắng xóa cả trời đất, chúng tôi cũng kịp gửi xe, chạy vào hội trường an toàn.

Hai tiếng sau, tan đêm nhạc, chúng tôi trở ra thì ôi thôi, mưa không còn lớn nhưng vẫn rả rích, đoạn đường trước mặt ngập nước lênh láng, qua nửa chiếc bánh xe đạp. Đành bỏ tiết mục ăn đêm, chúng tôi phải về nhà, có mấy cô mang theo áo mưa, nhưng nước vướng chân vướng xe, nên các cô cởi bỏ áo mưa, cả đám hì hục lội nước dắt xe qua những khúc ngập lụt, khúc nào không ngập thì lại leo lên xe, cho mau về khu Gò Vấp ngoại ô thân yêu. Tới nhà, tôi ướt như chuột lột, sau khi thay quần áo khô ráo sạch sẽ, ngồi ăn cơm, mưa vẫn tí tách trên mái tôn nhà bếp, tôi lặng lẽ vừa nhai cơm vừa ngẫu hứng “xào” thơ Hàn Mặc Tử:

Sao anh không về thăm xóm cũ
Nhìn nước vừa lên, nước vẫn lên
Nhà em thấp thoáng nơi đầu hẻm
Mái ướt che ngang cột bóng đèn

Gió theo lối gió, mưa kệ mưa
Dòng nước thành sông, chẳng như xưa
Thuyền giấy chúng mình trôi lờ lững
Giờ đây lênh láng, lội mút mùa

Mơ khách về chơi, khách về chơi
Áo em ướt quá làm sao phơi
Ở đây mưa đến mang ngập lụt
Ai biết vì ai, ơi hỡi trời!

Tiếng ồn của lũ trẻ đưa tôi về thực tại trại tỵ nạn, mưa càng nặng hạt hơn, không biết khi nào sẽ ngưng, mà đợi đến lúc ấy thì “sau cơn mưa trời lại… tối thui”, nên chúng tôi cho các em ăn tiệc ngay. Các lồng đèn được thắp nến, treo quanh nhà, tạo nên một không gian lung linh, kỳ ảo, và rất lãng mạn. Căn nhà tỵ nạn tưng bừng bởi tiếng ăn uống, hát ca, trò chơi tập thể hòa với tiếng mưa, tiếng sấm sét rền vang.

Tiệc tàn nhưng mưa chưa tàn, còn mưa lâm râm, gió rít nhiều hơn. Thương lũ nhỏ không được ngắm “chị Hằng” nhưng phải ra về vì sắp đến 10 giờ giới nghiêm. Tụi nó nhốn nháo tạm biệt các cô, mấy đứa bước ra trước bỗng quay lại hét lên:
– Cô ơi, ma!! Em mới thấy ma!!
Tôi nhanh nhẩu trấn an:
– Bậy nà, ma cỏ gì ở đây chớ?

Nói xong, tôi khựng lại, vì ai ở trại cũng biết chuyện trước đây có nhiều lính bộ đội Việt Nam đào ngũ từ chiến trường Cambodia chạy sang trại Thailand tỵ nạn, bị Cao Ủy từ chối không cho đi định cư vì nghi ngờ lý lịch “bộ đội”, các người lính này đã thất vọng, thắt cổ tự tử, hoặc những trường hợp đau bệnh chết oan uổng. Người ta rỉ tai nhau, vào lúc đêm khuya, nhất là những đêm mưa gió bão bùng, vẫn có những bóng ma lởn vởn, thực hư ra sao tôi không biết, chỉ biết giờ đây chúng tôi nhìn nhau run như cầy sấy. Vừa lúc ấy, một đứa khác xuất hiện ngay cửa:
– Hổng có ma cô ơi, hổng có ma, mà là… người ta.
– Là sao?
– Dạ, là một chú mặc áo mưa, cầm cây dù, đứng ngay bên hông nhà, chú đưa con bịch trái cây, biểu đem vô đây.
– Chú đó là ai, tên gì, có nói bịch trái cây này cho ai không?
Thằng nhỏ gãi đầu:
– Dạ, con… quên hỏi!
Chúng tôi liền chạy ra cửa, chỉ kịp thấy một dáng người, che cây dù đen, rảo bước trong làn mưa nơi cuối con đường, dưới ánh đèn hắt hiu y như trong bài hát nào đó “người đi ngoài sương gió, đêm mưa ngoại ô buồn”, thương ghê nơi!

Còn lại bốn đứa chúng tôi, cùng tự hỏi và tự trả lời, chắc là chàng nào đó muốn đến thăm nàng nào đó, nhưng vì mưa quá lớn và vì có lũ trẻ trong nhà, nên ngại vào chăng? Mà chàng đó là ai? Trong bốn đứa, nàng Quyên đã có người yêu là anh Trinh, hồi nãy anh ấy cũng có mặt ăn tiệc Trung Thu và cũng mới ra về trước đó không lâu, vậy thì là ai, và muốn thăm nàng nào?

Là một đồng nghiệp post office của tôi ư? Không phải, vì mấy anh ấy nghịch như “quỷ sứ”, đã đến đây thì ngại gì mà không bước vào? Cũng có thể là một chàng nào đó thường lên bưu điện lãnh thư rồi làm… cây si của tôi? Ủa, biết đâu đó lại là chàng trong ca đoàn nhà thờ tương tư nàng ca đoàn, và còn mấy thầy giáo trường Việt Ngữ nữa chi, nàng cô giáo nhóm tôi xinh xắn lắm đấy. Nhưng cuối cùng chúng tôi vẫn không thể đoán ra là ai, để còn cám ơn hoặc muốn trả lại cho đúng người.
Nàng Quyên bỗng la lên:
– Hay người ấy là… ma?
Cùng lúc ánh chớp lập lòe ngoài cửa, chúng tôi rú lên, nhưng kịp lấy lại bình tĩnh, bật cười với câu đùa “vô duyên” của nàng Quyên, rồi mở bịch trái cây ra xem, là những chùm nho căng mọng cùng mấy trái táo đỏ thơm ngát, ngọt ngào.

Ôi, bất kể người ấy là ai, chúng tôi sẽ phải… ăn hết mớ trái cây này, chớ biết làm sao.
Và đêm Trung Thu năm ấy, nơi trại tỵ nạn, có ba cô nàng đi vào giấc ngủ trong tiếng mưa đêm êm ái và cõi lòng xao xuyến bâng khuâng.

Edmonton, Trung Thu 2023
Kim Loan

Nhớ Trăng Xưa

Có một mùa Trăng rất xa xôi
Thuở bé thơ lên chín lên mười
Trăng về để lòng tôi nao nức
Phá cỗ trăng rằm, ôi là vui
Mẹ làm bánh nướng, bánh dẻo thơm
Ba mua cho tôi chiếc lồng đèn
Xanh xanh đỏ đỏ màu rực rỡ
Ngọn nến lung linh đẹp tuyệt vời
Hội đêm rằm, bóng Trăng chơi vơi
Chú Cuội chị Hằng đang mỉm cười
Tôi và lũ bạn đi khắp xóm
Ô kìa, Trăng vẫn ở trên trời!!
Tôi đã ngắm Trăng với mộng mơ
Ước gì như chuyện cổ tích xưa
Được lên Cung Trăng chơi thỏa thích
Giấc ngủ đêm Thu với sao khuya
Ngày Trăng năm ấy đã lụi tàn
Quê hương xa lắm, bạn ly tan
Ba tôi, mẹ tôi …không còn nữa
Nhìn Trăng, tôi khóc …nhớ mênh mang …

Kim Loan
(Trung Thu 2023)