Thứ Bảy, 29 tháng 1, 2022

Câu Đối: Xuân Nhâm Dần 2022- Huỳnh Hữu Đức

 

Câu Đối: Huỳnh Hữu Đức
Trình Bày: Kim Oanh

Tết Quê Người Nhớ Cố Hương



Đông sắp tàn, hoa mai vàng đơm nụ
Báo tin cho nhân thế, sắp sang Xuân
Để chuẩn bị đón mừngTết Nhâm Dần
Người Việt ai cũng nôn nao chờ Tết 

Riêng lòng tôi hờ hững bâng khuâng
Buồn một nỗi buồn tan nhà, mất nước
Tủi thân phận mình trôi dạt viễn phương
Tết càng gần, càng buồn nhớ cố hương.

Nhớ bạn bè xưa nhiều người đã mất
Những kẻ sống còn, tóc đã nhuộm sương.
Tháng năm dài mong ngày hồi cố quốc
Dầu chỉ một lần (được) đón Tết quê hương.

Hoa Đô, Xuân Nhâm Dần 2022,
Trần Công/Lão Mã Sơn

Hương Xuân


Mỗi lần đông đến tuyết trắng phao
Biết Tết sắp sang nhớ dạt dào
Những ngày Xuân cũ bên cha mẹ
Hương Xuân ngập lối nôn làm sao

Này Mai vàng rực, kia Hồng đào
Đong đưa theo gió khẻ nghiêng chao
Nắng Xuân thật ấm trời trong vắt
Nhắm mắt hít vào hương Xuân đưa

Quây quần trước sân đón giao thừa
Chuẩn bị cùng nhau sẽ đi Chùa
Ba tôi xông đất nhà mình trước
Cầu xin gia đạo được thịnh an

Nàng Xuân rạng rỡ áo dài hoa
Chúc Mừng Năm Mới đến mọi nhà
Tấn tài tấn Lộc trong công việc
Sức khỏe đủ đầy hạnh phúc thêm

Bây giờ khi Xuân đến bên thềm
Nhìn bông tuyết trắng tưởng mai vàng
Cũng bánh tét, thịt kho, trà rượu
Sao dường như thiếu … hương Xuân xưa


Trúc Lan KTP

Nhớ Xuân Xưa



Xuân về trên đất Mỹ,
Ngồi nhớ lại tuổi thơ.
Đón xuân lòng nao nức,
Đợi Tết mãi mong chờ!

Chợ hoa đầy khắp lối,
Mai vàng nở xinh tươi.
Quất quít xum xuê trái,
Hoa cúc đẹp rạng ngời!

Đèn hoa giăng rực rỡ,
Bao người dạo chợ xuân.
Quầy hàng vang tiếng nhạc,
Pháo đỏ nổ tưng bừng.

Người người như mở hội,
Chào hẹn đón xuân sang.
Ngũ qủa bàn thờ Tổ,
Nghi ngút khói đèn nhang!

Giao thừa vang tiếng pháo,
Đầu ngỏ đến làng xa ...
Trẻ già đều hớn hở,
Chào xuân mới chan hòa!!!

Xuân đi rồi lại đến,
Đã biết mấy xuân qua.
Tuổi trẻ nay đã già,
Đón xuân trên xứ lạ!

Lòng bồi hồi chợt nhớ,
Xuân vui thuở tuổi thơ.
Thời gian chẳng đợi chờ,
Nhớ hoài xuân đất mẹ!!!


Đỗ Chiêu Đức
Xuân đất Mỹ 2017

Mộng Chiều Xuân


Đêm thức trắng nghe hồn sông núi
Núi thở dài hờn tủi buồn đau
Sông quằn quại, dáng xanh xao
Trải dài Nam Bắc một màu tang thương

Kể từ độ quê hương dâu biển
Người ra đi, không tiễn một lần
Mong cầu Ô Thước sông Ngân
Nhưng người biền biệt bao Xuân chẳng về

Nhiều năm đã chẳng hề tin tức
Em hằng luôn ray rứt mong chờ
Gom bao nước mắt thành thơ
Nhỏ lên trang giấy, hồn mơ vật vờ

Chiều hai chín Tết, chờ chi nữa
Tóc bạc sầu, lần lựa bên đời
"Gió đưa cây cải về trời
Rau Râm ở lại chịu lời đắng cay"(*)

Nắng nhàn nhạt, tàn ngày, đứng ngóng
Sông và Tôi với Bóng là ba
Bóng tôi nghiêng với bao la
Sông mang ra biển, mình ta thẫn thờ

Bến sông vắng, lặng lờ dòng nước
Mộng Chiều Xuân, thầm ước một điều
Quê hương đau khổ đã nhiều
Nhâm Dần, năm mới có chiều đổi thay

Vận hội mới, rồi đây sẽ đến
Em chấp tay, tâm nến nguyện cầu
Ngày quê Mẹ hết u sầu
Khằp nơi dân Việt hát câu thái bình...

(*)Ca Dao
Duy Anh
Xuân Nhâm Dần 2022

Bài Thơ Chúc Xuân



Mừng Xuân đến gieo thêm niềm hy vọng
Đường hoa xưa, xanh biếc lộc trồi non
Hồn trẻ lại dường như thêm vài tuổi
Má ửng hồng, môi mộng đỏ hương son.

Xuân rót mật cho đời thêm hưng phấn

Cho nỗi buồn tan biến vào hư không
Đời vẫn thế, có gì đâu phiền muộn
Hãy vui lên, thắp sáng ngọn lửa hồng.

Mừng cho em, tuổi đời xinh đẹp mãi

Thêm niềm vui cho hạnh phúc đong đầy
Cho nhan sắc, mặn mà như tiên nữ
Dáng em xưa, giữ mãi nét thơ ngây.

Mừng cho anh tuổi già thêm sức khỏe

Khỏe như thời trai trẻ mới biết yêu
Yêu say đắm, như chưa hề biết mệt
Lòng thầm vui, cho mong ước thêm nhiều.

Mừng cho bạn, tuổi trời thêm chồng chất

Tóc hoa sương, hồn vẫn lá mạ non
Cõi vô thường, đời người như vẫn thế
Tiếc làm chi, cho thân xác hao mòn.

Xuân vừa đến, cho niềm vui vô tận

Chúc mừng nhau, vui hưởng mãi lộc trời
Một sớm mai khi ta vừa thức dậy
Còn thấy nhau, niềm hạnh phúc tuyệt vời.

Lê Tuấn

Ký Viễn 寄遠 - Lý Bạch

(Bát Sách viết tặng Ông Cò)
Hôm nay là ngày 11 tháng giêng tây, năm 2022. Sáng thức dậy, nhìn ra vườn, thấy tuyết phủ trắng xoá, thật sạch sẽ, vì mọi thứ tạp nhạp còn sót lại từ mùa thu đã được che kín. Ánh nắng vàng rực rỡ, trời trong xanh, thấp thoáng vài đám mây trắng lững lờ… trông thì đẹp lắm, nhưng lúc đó ở bên ngoài là -240C, thêm gió nữa là người đi bộ có cảm giác tương đương với -360C. Với cái lạnh như vậy, nếu không vì việc gì cần thiết thì chẳng ai muốn ra đường. BS ngồi nhâm nhi ly cà phê sữa nóng, vừa nhìn ra vườn, vừa nghe nhạc. Chợt nghe lại bản Tóc Xưa của Ngô Thụy Miên, do Bằng Kiều hát.

Nguồn gốc bài hát này là một chuyện thật buồn:

Vào khoảng đầu thập niên 2010, một đồng nghiệp của BS là bác sĩ Dương Văn Thiệt, định cư ở Anh quốc, đã gặp cảnh không may là mất đi người bạn đời đầu gối, tay ấp trong bao nhiêu năm trời. Nỗi nhớ thương tha thiết của anh lúc nào cũng vời vợi trong lòng, nhưng anh chỉ âm thầm chịu đựng, cho đến một buổi sáng kia, khi vừa mơ màng thức giấc thì thấy một sợi tóc của chị vương trên gối.

Anh bồi hồi xúc động, làm bài thơ TÓC XƯA, mà quý vị đã nghe qua giọng hát của Bằng Kiều. BS thích hai đoạn này nhất:

Ngày nào nhặt tóc quanh đây,
Sợi nằm bên gối, sợi bay ra vườn,
Sợi dài buộc mối yêu thương,
Sợi ngắn cột lấy nỗi buồn xa quê...
......
Sợi nhìn ngày tháng qua mau,
Tóc xanh hôm trước bạc mầu hôm nay,
Tóc xưa giờ đã xa bay,
Sợi buồn ở lại, ngắn dài xót xa.

Anh Thiệt gửi bài thơ cho một người bạn là bác sĩ Lê Văn Thu. Vì quen thân với nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, anh Thu nhờ ông này phổ nhạc. Đọc bài thơ, ông Miên xúc động vô cùng, cảm thông với tác giả, nên chỉ vài ngày sau là cho ra đời một nhạc phẩm tuyệt vời…

Bát Sách biết nhiều người không may bị hoá vợ, bạn bè hoặc đồng nghiệp:

* Có người chụp hình mình đang khóc trước mộ vợ, đưa lên diễn đàn, rồi ít lâu sau lại gửi hình chụp chung với người yêu mới...
* Có người, sau đám tang vợ, đi đâu, kể cả đi ăn, cũng mang theo hũ tro cốt... vậy mà chỉ ít lâu sau là con tim đã vui trở lại…

Đó là chuyện thường tình… Người xưa cũng vậy thôi. Khi BS chưa biết gì, có bà Tương Phố, ông Đông Hồ đã làm thơ khóc chồng và khóc vợ, nhưng rồi cả 2, người tái giá, kẻ tục huyền, nên báo Phong Hoá có đăng bài thơ diễu, theo lời kể của gia mẫu:

Giọt châu Tương Phố, giọt lệ Đông Hồ,
Như mưa như gió, thế rồi cũng khô.
Thời gian biến đổi hư vô,
Đá vàng cũng nát, huống hồ nhân tâm,
Hồ Đông đã nối cung cầm,
Sông Tương cũng bắc độ dăm nhịp cầu.

Nhưng có vài người mà BS rất ngưỡng mộ, vì họ không giống thiên hạ, là anh Dương Văn Thiệt, anh NTK, một đồng nghiệp trẻ của BS ở Montréal, và ÔC Nguyễn Văn Bảo, đàn chủ nhóm LTCD 21 của chúng mình.

BS phải nói lòng vòng như vậy, cốt để viết bài này tặng ÔC, nhân ngày giỗ 30/01 của Bà Cò sắp tới…và BS chọn bài Ký Viễn của Lý Bạch.

寄遠                         Ký Viễn

美人在時花滿堂, Mỹ nhân tại thời hoa mãn đường,
美人去後餘空床。 Mỹ nhân khứ hậu dư không sàng,
床中繡被卷不寢, Sàng trung tú bị quyển bất tẩm,
至今三載聞餘香。 Chí kim tam tải văn dư hương,
香亦竟不滅,         Hương diệc cánh bất diệt,
人亦竟不來。         Nhân diệc cánh bất lai,
相思黃葉落,         Tương tư hoàng diệp tận,
白露濕青苔。         Bạch lộ thấp thanh đài.

Ghi chú:

- Ký là gửi.
- Tú là thêu, nhiều mầu, hoa lệ, đẹp đẽ.
- Bị là cái chăn, áo ngủ.
- Quyển là xếp lại.
- Tẩm là ngủ.
- Diệc là cuối cùng, rốt cuộc.
- Diệt là hết.
- Lộ là sương, móc.
- Thấp là ướt, thấm nước.
- Đài là rêu.

Nếu viết ra văn xuôi thì bài thơ sẽ như sau đây:

Khi người đẹp còn thì hoa đầy nhà,
Sau khi người đẹp ra đi thì chỉ còn chiếc giường không,
Trong giường, tấm chăn thêu cuộn lại, không ai nằm,
Tới nay đã ba năm rồi mà còn nghe mùi hương thừa..
Cuối cùng thì hương cũng không tan, người cũng không tới,
Thương nhớ nhau, lá vàng rụng hết, sương trắng làm ướt rêu xanh.
Chữ VĂN trong văn dư hương, sao giống Việt Nam quá, vì mình cũng hay nói NGHE mùi, thay vì ngửi mùi. Những câu thơ trong bài đều nói lên nỗi nhớ thương tha thiết, nhất là 2 câu cuối, với cảnh buồn của mùa thu, lá vàng rụng hết, sương trắng phủ rêu xanh…Đó là dùng cảnh buồn mà tả nỗi lòng.
Theo ý của bài thơ, thì người đẹp bỏ Lý mà đi, nàng không chết.
Thi Viện cho rằng bài thơ được làm vào năm 734.

Theo tiểu sử thì Lý sinh năm 701, kết hôn với cháu gái tướng công họ Hứa năm 726, khi làm bài thơ năm 734, thì nàng bỏ đi đã 3 năm, tức là 731, vậy thì Lý và Hứa đã sống với nhau được 5 năm (731 trừ 726). Lý có 4 đời vợ, nhưng BS không biết bà họ Hứa là thứ mấy?

Tặng ÔC bài này thì không hoàn toàn thích hợp, vì nàng họ Hứa bỏ Lý mà đi, còn bà Cò thì về miền tiên cảnh, nhưng BS không tìm ra bài nào vừa hay vừa diễn tả được nỗi lòng người ở lại như Ký Viễn. Thôi thì bỏ đi hay ra đi vĩnh viễn đều là xa nhau cả, niềm đau nỗi khổ cũng tương tự mà thôi….

Đây là bài dịch cũ của BS:

Gửi Nới Xa

Người đẹp còn đây, hoa ngập phòng,
Người đẹp đi rồi, giường bỏ không,
Trên giường chăn cuộn không ai ngủ,
Ba năm còn thoảng chút hương nồng,
Hương không bay đi hết,
Người cũng chẳng trở về,
Tương tư lá vàng rụng,
Sương ẩm rêu não nề.

Bài này theo đúng âm điệu của nguyên tác, nhưng BS thấy nó không có vẻ Việt Nam, nên chưa ưng ý. Bèn theo cách của Yên Nhiên, dịch thoát theo thể lục bát, và đổi cái tựa đề:

Tình Xa

Có em hoa nở đầy nhà,
Em đi, giường trống, mình ta ngậm ngùi,
Trên giường, chăn gấm cuộn rồi,
Ba năm còn thấy quyện mùi hương xưa,
Đâu đây nghe thoảng hương thừa,
Mà người đẹp biết bây giờ nơi nao?
Tương tư, rụng hết lá đào,
Rêu xanh, sương trắng gợi bao nỗi niềm.

Bát Sách.
***
Nguyên tác          Dịch âm

寄遠                     Ký Viễn

美人在時花滿堂 Mỹ nhân tại thì hoa mãn đường,
美人去後餘空床 Mỹ nhân khứ hậu dư không sàng.
床中繡被卷不寢 Sàng trung tú bị quyển bất tẩm,
至今三載聞餘香 Chí kim tam tải văn dư hương.
香亦竟不滅         Hương diệc cánh bất diệt,
人亦竟不來         Nhân diệc cánh bất lai.
相思黃葉落         Tương tư hoàng diệp lạc,
白露濕青苔         Bạch lộ thấp thanh đài.                      
                            Lý Bạch

Dịch thơ

Gửi Người Đi Xa

Mỹ nhân tại đây hoa khắp nhà
Mỹ nhân khuất dạng giường dư thừa
Trên giường chăn gấm gấp chẳng đắp
Ba năm dư hương còn như xưa
Hương vẫn không bay mất
Người nay đã về chưa?
Tương tư lá vàng ngập
Sương trắng ướt rêu thưa.

Con Cò

4 câu đầu có hai đặc điểm:
a/ Câu 3 dùng tới 5 chữ vần trắc ở cuối câu (tú bị quyển bất tẩm) để tả cái chăn gấp quá kỹ, gấp tới 5 lần. Hay tàn nhẫn. Bài dịch chỉ dùng được 4 chữ vần trắc liền nhau ở cuối câu này (chăn gấm gấp chẳng đắp).
b/ Câu 3 & 4: Người đi đã 3 năm mà chăn vẫn còn dư hương. Có giặt đâu mà dư hương không mất! Đồng bào của Lý Bạch đã quen thói ở dơ; thế mà giới sĩ phu Giao-Chỉ còn bắt chước: Xếp tàn y lại để dành hơi: không giặt quần áo cũ để ngửi mồ hôi của người yêu.

4 câu kết dùng ba màu xấu xí để tả nỗi buồn lúc xa cách người yêu:
- Màu vàng dơ của lá úa,
- Màu trắng nhợt của sương mai,
- Màu xanh đục của rêu.
Một bài cổ phong bát cú toàn bích.

***
Tình Xa

Người đây hoa ngập phòng
Vắng rồi giường trống không
Chăn buồn không ai ngủ
Ba năm ủ hương nồng

Mùi xưa còn phảng phất
Hồn ẩn khuất nơi nao
Thương nhớ rụng hoa đào
Sưong ẩm rêu xanh xao.


Kim Oanh
***
Gửi Người Xa

Nàng ở đây, nhà đầy hoa nở
Vắng nàng rồi, giường bỏ trống không
Chăn gấm cuốn, chẳng ai nằm
Dư hương lưu luyến ba năm ngậm ngùi
Người biền biệt tăm hơi đâu thấy
Thoảng hương kia còn đấy gợi sầu
Lá vàng rơi rụng nhớ nhau
Sương đêm thấm ướt bạc màu rêu xanh

Yên Nhiên
***
Gửi Chốn Xa

Khi em còn, nhà đầy hoa hạnh
Em bỏ đi, giường lạnh âm thầm
Chăn thêu cuộn kỹ không nằm!
Hương yêu phảng phất ba năm vẫn còn
Phấn son chưa nhạt hết
Người mãi chẳng quay lui
Nhớ nhau vàng lá rụng
Rêu xanh, sương trắng vùi!

Lộc Bắc
***
Gửi Phương Xa

Người đẹp còn nhà hoa ngập đầy,
Người đi giường trống chẳng còn ai.
Chăn thêu xếp gọn không người ngủ,
Hương đã ba năm vẫn chẳng phai.
Vẫn thơm thoang thoảng mãi,
Người vẫn biệt tăm hoài,
Thương nhớ lá vàng rụng,
Rêu xanh đẫm sương mai.

Mỹ Ngọc
Jan. 17/2022.
***
Nguyên Tác: Phiên Âm:

寄遠 -李白 Ký Viễn – Lý Bạch

美人在時花滿堂 Mỹ nhân tại thì hoa mãn đường,
美人去後餘空床 Mỹ nhân khứ hậu dư không sàng.
床中繡被卷不寢 Sàng trung tú bị quyển bất tẩm,
至今三載聞餘香 Chí kim tam tải văn dư hương.
香亦竟不滅         Hương diệc cánh bất diệt,
人亦竟不來         Nhân diệc cánh bất lai.
相思黃葉落         Tương tư hoàng diệp lạc,
白露濕青苔         Bạch lộ thấp thanh đài.

Dị bản:


Bài Ký Viễn được đăng như thủ 2 của Trường Tương Tư Nhị Thủ trong Ngự Định Toàn Đường Thi quyển 169 御定全唐詩巻. Mộc bản này được sử dụng bên trên và cho các dị bản:

1 花餘空 hoa dư không thay vì 空餘床không dư sàng
2 更不巻cánh bất quyển thay vì 卷不寢quyển bất tẩm
3 聞餘香văn dư hương thay vì 猶聞香do văn hương
4 盡tận thay vì 落lạc
5 濕thấp thay vì 點điểm
6 此篇一作寄逺 Thử thiên nhất tác Ký Viễn

Ngự Định Toàn Đường Thi Quyển 25 御定全唐詩卷二十五 đăng cả 3 bài Trường Tương Tư của Lý Bạch trong 1 bài duy nhất nơi trang 91 đến 93 thành Trường Tương Tư Tam Thủ. Lý Thái Bạch Văn Tập (Đồ Thư Quán) chỉ đăng thủ 1 nơi trang 54 李太白文集 第54頁 (圖書館) và Phân Loại Bổ Chú Lý Thái Bạch Thi (Đồ Thư Quán) Đệ Tam chỉ đăng thủ 2 nơi trang 205 分类补注李太白诗三 第205页 (图书馆). Như thế NĐTĐT đã gom 2 bài Trường Tương Tư của Lý Bạch đăng trong 2 sách khác nhau và 1 bài khác, chưa tìm được mộc bản khác ngoài NĐTĐT, làm thành 1 bài Trường Tương Tư Tam Thủ. Thủ 3 là bài Ký Viễn.

Bài Trường Tương Tư Tam Thủ cổ nhất đăng trong Nhạc Phủ Thi Tập Thập Nhị 樂府詩集十二 của Quách Mậu Thiển 郭茂倩(1041-1099) , thủ 1 có một dị bản, thủ 2 và 3 (bài Ký Viễn) không có dị bản nào.


Ghi chú:

Ký viễn: gởi cho người ở xa
Mỹ nhân: người phụ nữ có ngoại hình xinh đẹp, người có đạo đức tốt, danh hiệu phi tần
Thời hoa: hoa nở theo mùa
Mãn đường: tràn ngập sảnh đường
Hoa mãn đường: hoa đầy sảnh, nhà tràn đầy vui tươi, hạnh phúc
Khứ hậu: sau khi đi rồi
Tú bị: chăn được thêu hoa văn màu sắc
Bất tẩm: không ngủ, không đắp
Chi kim: cho đến bây giờ

Dịch Nghĩa:

Ký Viễn Gửi Người Phương Xa

Mỹ nhân tại thời hoa mãn đường Khi người đẹp còn ở đây thì nhà đầy hoa,
Mỹ nhân khứ hậu không dư sàng Khi người đẹp đi rồi thì chỉ còn lại chiếc giường trống cô đơn.
Sàng trung tú bị quyển bất tẩm Chiếc chăn thêu được xếp lại không ai đắp
Chi kim tam tải do văn hương Nay đã ba năm mà còn phảng phất mùi hương của nàng.
Hương diệc cánh bất diệt Hương thơm không bao giờ hết,
Nhân diệc cánh bất lai Người ra đi không bao giờ trở lại.
Tương tư hoàng diệp lạc Thương nhớ nàng cho đến khi lá vàng rụng hết
Bạch lộ điểm thanh đài Và sương trắng tan đẫm ướt rêu xanh.

Bình loạn:

Bài thơ này không theo thông lệ, không tóm lược ý nghĩa ở phần kết trong hai câu chót, mà có thể nói là toàn bộ ý nghĩa nằm trong hai câu đầu. Những câu sau chỉ khai triển và bổ túc ý nghĩa chủ yếu khi nàng còn sống và sau khi nàng đã mất. Chữ viễn đây tạm dịch là ở xa, nhưng câu 6 cho biết là nàng đã chết vì không bao giờ còn trở lại.

Khi nàng còn sống, nhà đầy hoa thơm ngát, tràn ngập vui tuơi hạnh phúc. Sau khi nàng mất rồi, bông hoa cũng rơi rụng, chỉ còn lại một chiếc giường trống rỗng. Chiếc giường nhắc nhở hình dáng yêu kiều của nàng, tiếng nói dịu dàng của nàng, hương thơm mái tóc của nàng, vị ngọt của môi nàng, da thịt mềm mại ấm áp của nàng…

Bây giờ nhà trống không, giường trống không, không tiếng nói yêu thương, không lời nhắc nhở, trách móc nhẹ nhàng…Khi nàng còn sống, càng hạnh phúc bao nhiêu, thì bây giờ không có nàng, càng cô đơn lạnh lẽo, càng thương nhớ nàng bấy nhiêu.

Dịch Thơ:

Gửi Người Phương Xa

Người đẹp còn đây nhà đầy bông
Người đẹp đi rồi phòng trống không
Chăn gối nệm giường không đổi nếp
Ba năm còn thoảng chút hương nồng
Hương thơm không tiêu tán
Dù người không lai vãng
Thương nàng lá vàng rụng
Rêu xanh ướt sương tan.

The FairLady by Li Bai Translation by Sun Yu

When the fair lady was here,
I filled our house with flowers;
But she went away,
Leaving her empty couch behind!
There stands her couch, with the embroidered quilts all folded.
Could I sleep anymore?
It is three years since then;
Her sweet perfume still lingers...

The perfume never dies out;
She never comes back again.
I think of her till the yellow leaves
All fall off from the trees,
And the white dew wets the green moss, twinkling silently.

Phí Minh Tâm

Thăm Viếng Florida

 

Năm nay vùng Hoa thịnh Đốn mãi đến đầu tháng giêng mới có trận tuyết đầu mùa. Hôm nay là trận tuyết thứ 2, tuy không nhiều như lần đầu nhưng cũng rất lạnh. Ngồi nhà nhìn qua cửa kính đẹp lắm. Hoa tuyết rơi bám lên cành cây, sân cỏ, mái nhà… trắng xóa một màu, cảnh đẹp như trong phim ảnh. Nhìn tuyết lạnh ướt át tôi chợt nhớ những ngày ấm áp ở Florida.

Vào tuần lễ đầu tháng 11 năm vừa qua khi Hoa Thinh Đốn bắt đầu se lạnh, lá vàng lá đỏ rơi rụng chỉ còn cành trơ trụi, các con lấy ngày nghỉ, rủ nhau đi Florida. Ai cũng chích vaccine ngừa Covid đủ 3 lần. Vã lại từ Hoa thịnh Đốn đến Florida không xa lắm, chỉ cách nhau 2 giờ bay không ngại phải ngồi lâu một chỗ.

Chúng tôi đến Naples trước. Sáng sau khi điểm tâm các cháu cho xe chạy dọc theo bãi biển. Ít người tắm biển, họ chỉ đi bộ trên bãi biển rộng và sạch. Nhà vùng này rất đẹp, phần lớn là biệt thự rộng rãi, hàng rào cây xanh bao quanh, cắt xén gọn gàng mỹ thuật. Họ có lối đi riêng ra biển, không dùng bãi biển công cộng. Hoa trong sân các kiến trúc này rực rỡ màu sắc, cây lớn bé trong vườn lá xanh tươi trong khi vùng Hoa thịnh Đốn cây rụng lá trơ cành, hoa kiểng phải mang vào nhà. Xe chạy lòng vòng ngang qua Beach Club, Beach Resort, Surf club, Medical Center... Nơi nào cũng đẹp.

Tối đến các cháu cho xe đến thị xã (downtown) Naples. Các khách sạn gần downtown to và đẹp. Tuy còn hơn 2 tuần nữa mới đến lễ Tạ Ơn những phố phường lúc ấy đã trang hoàng hoa đèn rực rỡ cho ngày lễ. Các tiệm buôn hàng hóa bày biện nhiều và sáng trưng, hấp dẫn người mua. Trời ấm, người đi lại nhộn nhịp, chỉ số it mang khẩu trang mà thôi.

Naples Pier:


Hôm sau chúng tôi đến Naples Pier, cầu tàu bằng gỗ chạy dài từ bờ biển ra biển.Cầu dài ngoằn, có lan can, có băng gỗ đặt rải rác dọc theo cầu gỗ. Gần cuối cầu có 2 cái nhà nhỏ ( cái quán), 1 cái bên phải, 1 cái bên trái cầu, xéo xéo nhau.Cái bên trái bán bánh ngọt, pizza, sandwich, salad,...các loại nước giải khát, cafe... Cái bên phải có những bàn, ghế và băng gỗ để khách nhàn du ngồi nghỉ ngơi, thưởng thức gió biển. Thiên hạ đi lại trên cầu cũng nhiều. Có vài người ngồi trên ghế thấp câu cá. Một số ít người tắm, phần lớn đi bộ trên bãi biển cát trắng. Xa xa các chiếc tàu nhỏ lướt trên mặt biển thật nhanh. Water ski? Cũng có người ngồi dưới những dù xanh đỏ, ghế xếp đọc sách hay trò chuyện với nhau. Nắng nhẹ và ấm, khoảng 75-80 độ F.
 
Siesta Key Beach:


Hôm sau chúng tôi đến Siesta Key Beach ở Sarasota County, Florida. Trên đường xe chạy chúng tôi thấy nhà thờ, các tiệm bán thức ăn đông khách. Dọc hai bên đường có những hàng cây kiểng xanh tươi, xinh đẹp, trù phú. Bãi đậu xe công cộng nơi bãi biển rộng lắm. Đối diện với bãi đậu xe là khu dân cư khang trang. Bãi đậu xe tuy rộng nhưng xe đậu kín phải loanh quanh một lúc mới tìm được chỗ đậu. Nơi này lịch sự, có nhà vệ sinh, nơi tắm nước ngọt, nhà thông tin (visitor center)t o rộng, có nơi cho mướn phao, áo tắm, ghế, dù... Tôi thấy những xe đến sau chúng tôi họ mang theo ghế xếp, dù, xe đạp và thức ăn, người lớn trẻ con đông lắm. Có lẽ họ là người địa phương và thường đến nơi này. Có mấy quầy bán quà kỷ niệm, quần áo, khăn tắm, kiếng mát, kem chống nắng... Cạnh đó có 1 nơi bán thức ăn nhanh và cả thức ăn nóng, nấu tại chỗ theo yêu cầu như mì xào, trứng chiên... nhưng mắc hơn ngoài phố chút it. Người ta đứng xếp hàng chờ mua thức ăn.
 

Bãi biển nơi đây rộng chưa từng thấy, từ bờ đến nước xa tít. Cát trắng và mịn như bột, như đường cát trắng và chắc, đi bộ hay xe chạy không bị lún.

Thỉnh thoảng có xe jeep, xe đạp chạy trên bãi biển. Họ mang thực phẩm, dụng cụ cho người cắm trại. Nhìn lên không trung lơ lửng những cái dù màu sắc (parasail) của những người yêu chuộng thể thao. Xa xa có các tàu nhỏ lướt thật nhanh trên mặt nước biển(Water ski ?) Vài cái chòi gát sơn xanh, sơn vàng trên bãi biển gần mực nước cho lifeguard?Một số người tắm biển nhưng không nhiều lắm. Trên bãi biển một nhóm người chăng lưới chơi bóng chuyền, bóng rổ, bày biện ăn uống. Thiên hạ đông ơi là đông, không thấy ai mang khẩu trang. Có lẽ họ nghỉ ”gió biển thổi bay Covid”. Một số phụ nữ mặc y phục bình thường, không phải áo tắm. Họ làm picnic và trải khăn lên cát nằm phơi nắng...

Từ sân visitor center ra biển có lối đi bằng gỗ đen (hay plastic màu đen?) bề ngang khoảng hơn 2 thước trải sát mặt cát dài ra gần đến mé nước biển. Cách hai bên lối đi chừng 3, 4 mét hàng trăm con cò đậu thành một nhóm trắng xóa, bay lên đáp xuống. Thỉnh thoảng mới có mươi con vạc mỏ dài cổ cao, to (pelican?) đi lẻ loi trên bãi biển. Có rất nhiều chim nhỏ, chiều dài khoảng độ gang tay, lông trắng hoặc xám, mỏ dài, chân nhỏ khẳng khiu tong teo, vừa đi nhanh nhanh, vừa mổ lia lịa trên cát. Con tôi gọi chúng là sandpiper, không biết có đúng không. Tất cả các loại chim trên bãi biển rất dạn. Có khi mình gần bên, chúng vẫn tỉnh queo, không sợ chi cả. Theo tài liệu phòng thông tin các chim biển khôn và nhanh lắm. Chúng quanh quẩn theo những người cắm trại có mang theo thức ăn. Cầm thức ăn trên tay hoặc để trong giỏ mà không đậy nắp , ngó lơ là chúng nhào xuống mổ, ăn cắp rồi bay ra xa. Người ta nói biển này có nhiều rùa, chúng đẻ trứng trên cát nhưng tôi chẳng thấy con nào.

Ngoài ra những người tắm biển hay người đi bách bộ có thể đến nhà thông tin ngồi nghỉ và thưởng thức các món ăn vừa mua hoặc mang theo. Nơi đây bàn ghế tiện nghi rộng rãi, gió mát mẻ. Quầy sách báo có nhiều loại miễn phí.

Bãi Biển Siesta Tốt Nhất
 

Theo tài liệu của nhà thông tin bãi biển Siesta tốt hơn các nơi khác, kể cả Bahamas, được xem là 1 trong 10 bãi biển tốt trên thế giới. Cát trắng như bột và mịn, sạch sẽ, nước biển trong, màu xanh đẹp, không có rong rêu trôi từng chùm lên bãi cát như Cancun, sáng sáng công nhân phải đi quét,gom lại để xe đến đem đi nơi khác. Đi bộ chân trần không lún trong cát, êm, mát, thích lắm. Thất tình tôi cũng chưa thấy bãi biển nào rộng, sạch và đẹp như vậy: cát trắng mịn, không vỏ sò hay rác rến, rong biển. Người ta đông lắm, họ ăn uống chơi đùa nhưng có lẽ họ dẹp sạch sẽ trước khi rời bãi biển

Sanibel Island:


Các con đưa tôi đưa đến viếng đảo Sanibel, một trong đảo ở Florida nổi tiếng có nhiều ốc, sò nhất nước. Viện bảo tàng Sanibel có nhiều vỏ sò, ốc to và lạ. Trước kia Sanibel có cá sấu nhưng đã chết năm 2010 vì già và lạnh. Sanibel có nhiều thỏ và rùa...(theo Wikipedia)

Từ khách sạn chạy xe cả tiếng mới đảo Sanibel, đi qua cầu dài và đẹp. Sanibel có nhiều tua (tour) hấp dẫn, có nước giải khát và thức ăn nhẹ khi thăm viếng các nơi: tua xem dolphin, cá sấu, cá mập, câu cá, tua nhặt vỏ sò, xem cá, cua, tua xem chim và các thú hoang dã (wildlife), tua xem phong cảnh bằng tàu nhỏ (canoe) chạy vòng quanh các đảo, xem mặt trời lặn trên biển... Mỗi tua dài từ vài tiếng đến cả ngày. Chúng tôi đi tự túc xem chim và thú hoang wildlife. Phải trả số tiền nhỏ để mua vé vào cổng. Nơi đây thấy có xe chạy ra vào. Xe chúng tôi chạy vào con đường nhựa, phía bên phải là rừng cây chằng chịt lá xanh um, bên trái như đồng ruộng có nước, khi sâm sấp mặt ruộng, khi thấy toàn là nước như sông hay hồ. Đi chừng 20 phút thấy một nhóm cò trắng cả 100 con, đứng 1 chòm trên khoảng đất khô ráo bên tay trái. Thỉnh thoảng có con pelican, to gấp 5 lần con cò bay lên đáp xuống và bầy vịt trời. Hồng hạc năm bảy con lạc loài bên nhóm cò trắng... Bên tay phải thỉnh thoảng thấy vài con chim mỏ vàng lông xanh và vài con chim lạ đậu trên cành. Mấy con kỳ đà nằm bên vệ đường, thản nhiên nhìn xe qua lại... Tuy thế cũng có vài người xe đậu bên đường ngắm nghía chụp ảnh... Cũng có vài tấm bảng nhỏ ở vệ đường ghi: “không nên cho thú hoang ăn”

Xe chạy khoảng 40 phút không thấy thú lạ, chúng tôi quay xe trở về visitor center lấy bản đồ vào thăm hải đăng Sanibel. Không biết tour guide đưa khách đi đường nào để thấy nhiều chim, thú hơn. Theo tài liêu visitor center khu hoang dã có hơn 200 loài chim và nhiều dã thú.

Hải Đăng và Bãi Biển Sanibel:


Cho xe vào bãi đậu chúng tôi đi bộ trên đường trải nhựa chừng 15 phút thấy hải đăng xưa cũ cao 98 feet (30m), xây năm 1884, nằm về phía đông đảo Sanibel và vài kiến trúc nho nhỏ khác chung quanh. Hải đăng được thắp sáng lần đầu tháng 8 năm 1884, đến năm 1949 đèn được cháy tự động (theo bách khoa toàn thư).Từ hải đăng đi 5-7 phút là đến bãi biển. Nơi đây vỏ sò nhiều vô số nhưng phần lớn bị bể. Con nào còn nguyên thì bé quá không đáng kể. Có 2 phụ nữ trung niên da trắng, sách cái sô nhựa, lom khom nhặt vỏ sò. 

Chúng tôi đi khoảng 10 phút dọc theo bãi biển thấy toàn vỏ sò,nhiều loại, phần lớn bể nát. Chúng bị sóng dạt vào bờ nằm chung nhau. Bề rộng đám vỏ sò có nơi rộng cả mét bề ngang ,không biết bề dài bao nhiêu.Gần bờ nhiều vỏ sò hơn phía có nước biển. Tạo hóa nhiệm mầu, biển Siesta Key 1 vỏ sò cũng không thấy, biển Sanibel thì nhiều vô kể...

Sanibel City Pier:


Chúng tôi đến cầu tàu Sanibel City pier. Nơi đây đông người,trên cầu và dưới bãi cát. Bãi biển có vỏ sò nằm đó đây rải rác, không nhiều lắm. Nhiều vỏ còn nguyên không bị bể.

Dân đi tắm biển hay ngồi trên ghế xếp dưới những cây dù to nhiều màu sắc, ngắm trời mây... Cầu Sanibel bằng gỗ chạy dài từ bờ ra biển khá xa. Có hai nhà gỗ nhỏ và băng gỗ trên cầu cho khách giải lao và nghỉ chân. Nhiều người câu cá nơi đây. Có người câu được cá khá to, mừng lắm, người ta xúm lại xem nhưng ông ấy gở câu và... thả cá xuống biển. Người ta cũng ra gần cuối cây cầu để xem dolphin. Tôi thấy mấy đuôi cá to nhô lên khỏi mặt nước nhưng không thấy nguyên con cá...

Thưa quý độc giả tôi định cư Hoa Kỳ hơn 40 năm có đi đến một số bãi biển nhưng chưa thấy nơi nào có vỏ sò, vỏ ốc nhiều và đẹp như ở Sanibel. Bãi biển Siesta rộng,sạch, cát trắng mịn màng. Dĩ nhiên dân Hoa Kỳ hay người địa phương không lạ gì các nơi này.

Xin chia sẻ những điều nghe thấy với quý độc giả chưa có cơ hội thăm viếng các bãi biển Florida chút khái niệm chuyến đi “cưỡi ngựa xem hoa” vùng đất ấm tình nồng. Ước mong quý vị có thể giải trí trong chốc lát. Hy vọng dịch cúm sớm bị diệt trừ cho mọi người an tâm khi thăm viếng gia đình,họp mặt đông người, mua sắm...


Nhân dịp Tết sắp đến tôi xin cầu chúc đồng bào hải ngoại - quê nhà có mùa Xuân vui tươi, Năm Mới an lành hạnh phúc. Xin có mấy câu thơ quê mùa chúc Tết quý anh chị em:

CHÚC TẾT

Mây trắng trời xanh ánh nắng vàng,
Năm cũ sắp tàn, Năm Mới sang.
Cầu chúc đồng bào nhiều phúc lộc,
Sống vui, sống khỏe, sống an nhàn.

VA ngày 17/1/22
Ngọc Hạnh
* Hình ảnh của Tác Giả gửi

Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2022

Em Cũng Là Hoa: Hoa Mai



Những nụ mai vàng dưới nắng mai
Đong đưa trước gió buốt đông ngày
Nụ hoa hàm tiếu còn e ấp
Lộc biếc rộn ràng đợi nhụy khai

Những nụ mai chờ cuối tiết đông
Vườn tâm nụ trổ đóa hoa lòng
Vàng sân phơn phớt màu vương vấn
Xuân đã vẫn chờ mắt mỏi mong


Thơ & Ảnh: Kim Phượng
Hoa Mai Vườn Sau Trong Ngày Đầu Xuân Úc Châu 

Tình Xuân

 

Lần đầu! Như mới lần đầu!
Nụ hôn ngây ngất, xuân nào ngất ngây
Lần đầu, từ đó đến nay
Tình như trăng mật, ngọt hoài xuân sau.
Anh yêu nhớ nhé! Nhắc nhau
Thu, đông hay hạ, ngàn sau thương hoài.

Á Nghi, 
3.2.2009

Những Người Quen Cũ

 

Những người quen cũ bỏ mùa xuân
Tháng chạp buồn tênh lúc hạ tuần
Khi ánh dương pha mầu diễm ảo
Trên từng hoa lá nỗi bâng khuâng

Ta nhìn nhau, bỗng thấy không vui
Như có chi mang vẻ ngậm ngùi
Tuổi tác xa thêm mùa lỡ hẹn
Ngập ngừng kỷ niệm muốn chôn vùi

Ngó quanh trời đất rộng thênh thang
Tiếng kệ lênh đênh ngỡ nhạc vàng
Không khí ấm hơn ngày giã biệt
Từ đi sông núi thoáng mơ màng

Những người quen cũ ở chân mây
Đứng đợi hoàng hôn thăm thẳm đầy
Chợt tiếng ho khan văng vẳng gọi
Phút giây còn lại đếm trên tay ...

Cao Mỵ Nhân

Những Mùa Xuân Phai


(Tặng ĐXL-12A1 NTT)

Ai vừa nhắc tới một thời Xuân trẻ
Mười tám, đôi mươi xanh lắm cuộc đời
Đường vào yêu như một cuộc dạo chơi
Tôi vụng dại mất người từ dạo đó

Khi còn trẻ, hồn ta là nắng gió
Mong manh như nắng sớm với mưa chiều
Nên khi người chưa kịp ngỏ tiếng yêu
Tôi đã vội đi tìm tình yêu khác

Tôi đâu biết đã vô tình dẫm nát
Nụ hoa tình hé nở một đêm xuân
Người đã vì tôi thương nhớ bao lần
Tình trong trắng tuổi học trò hoa bướm

Ôi ngắn ngủi những mùa xuân mới lớn
Đã tàn phai, tôi lạc mấy nẻo đườngvb
Chợt bàng hoàng nhớ lại một người thương
Êm ái quá mùa xuân trong ánh mắt

Nhưng mà thôi, tình đầu không có thật
Như khói sương tan biến tự bao giờ
Cám ơn người cho một mối tình thơ
Làm kỷ niệm, dù bụi mờ năm tháng

Rồi hôm nay, Xuân về, buồn man mác
Lòng bâng khuâng tiếc nuối môt tình si
Những mùa xuân đời vẫn đến, rồi đi
Nhưng Xuân Mộng không bao giờ đến nữa!

Kim Loan

Chúc Xuân


Tân niên lại đến mỗi gia đình
Khai bút làm thơ chúc bạn mình
Tài lộc vào nhà vui khấp khởi
Bình an gỏ cửa nụ cười xinh
Nhà nhà hết sợ con vi rút
Chốn chốn mừng vui cảnh thái bình
Cuộc sống thanh nhàn ta tận hưởng
Nhâm Dần dịch bệnh cũng lui binh

Nguyễn thị Thêm

Tết Bên Này Nhớ Tết Bên Kia

 

Xướng:

Tết Bên Này Nhớ Tết Bên Kia


Lại thêm một cái tết ly hương
Bao kỷ niệm sao cứ vấn vương
Nhớ láng giềng thân thương một xóm
Nhớ bè bạn quậy phá chung trường
Nhớ Sài Gòn, thuộc từng con phố
Nhớ Chợ Lớn, quen mỗi góc đường
Cảnh cũ đâu còn đâu đã mất
Người xưa ai ở ai tha phương


Nhất Hùng
***
Họa:

Nhìn Tuyết Rơi Nhớ Tết Quê Nhà


Mỗi độ Tết về nhớ cố hương
Cõi lòng nặng trĩu mối tơ vương
Câu thơ bày tỏ niềm tâm sự
Chén rượu cố quên nỗi đoạn trường
Mơ thấy trẻ đùa vang trước ngõ
Ước nghe pháo nổ rộn ngoài đường
Nhâm Dần sắp đến buồn tê tái
Nhìn tuyết lạnh lùng phủ tứ phương


Thảo Chương Trần Quốc Việt

17-01-2022

Phút Cuối


Chút hơi thở đọng trên môi tím
Lời vô ngôn lạc giữa hôn mê
Tiếng cầu kinh vang câu chiêu niệm
tiễn chân Ba trên lối đi, về.
 
Lệ tràn mi đọng trên khóe mắt
Hạnh phúc khi nhẹ gánh nhân sinh
hay u uẩn của đời trầm mặc
còn vấn vương trong cõi thân tình?

Xưa tùng bách một thời tỏa bóng
nay héo khô lúc cuối nẻo trần
Dẫu từng phút cạn dần sự sống
vẫn bao la cổ thụ thâm ân.

Như Đại Hải ôm con sông nhỏ
như Thái Sơn nghiêng chắn bão giông
Ba là đuốc soi đường gian khó
Là từ tâm độ lượng ngập lòng.

Trọn một đời mang hồn từ phụ
Tim bao dung rất đỗi vô biên
Như kho sách trong con lưu trữ
Lời yêu thương tàng ẩn nhiệm huyền.

Thấp thoáng vực sâu đêm vĩnh tận
Trong cơn mê ảo, Đất nối Trời
Đây lòng hiếu tử xin nguyện khấn
Hãy vững lòng yên nghỉ Ba ơi!

Huy Văn
(Để nhớ Phêrô Huỳnh Văn Đặng
06/05/1930- 14/01/2009)

Tết Tới Nơi


-Ông biết không, bà nhà ông hồi này ghê gớm lắm đấy!
Ông Luân suýt chút nữa là tròn mắt, hấp tấp tra hỏi “Ghê gớm chuyện gì?”. Nhưng may mắn,ông đã kịp thời dừng lại và đôi mắt lá răm chưa kịp đổi sang hình tròn, đã nhấp nháy ra vẻ hững hờ.
-Thế à?
Câu nói thoát ra với giọng điệu thờ ơ của ông Luân, khiến người bạn già có biệt danh“Tám Triệu” mà mọi người hay đọc bằng giọng nhão nhẹt “Tám Chịu”, xìu thấy rõ,vì không có cơ hội để nhiều chuyện.

Tuy miệng lẩm bẩm “Hừ! lắm chuyện”, nhưng đầu óc ông Luân lại lảng vảng câu nói “Bà nhà ông hồi này ghê gớm lắm đấy”. Trước đây, ông bà Luân cùng sinh hoạt trong Hội Cao Niên,nhưng lâu rồi, ông đã tạm ngưng, còn bà thì vẫn tiếp tục sáng đi, trưa về, một cách vui vẻ, thích thú. Có nhiều lý do về sự rút lui của ông. Nhưng nỗi niềm khó bộc lộ nhất, là ông cảm thấy khó chịu mỗi khi bạn bè nhái giọng miền tây“quê trất” của vợ mình.

Cũng chính vì vậy mà ông Luân không đưa bà tham dự những bữa tiệc hội ngộ trường xưa, lớp cũ. Ôi chao! vợ người ta quý phái trong cách ăn mặc, trí thức trong cách ăn nói. Còn bà, dù ông góp ý biết bao lần, bà vẫn là bà. Trang phục cổ điển. Chân chất đến quê mùa trong ngôn ngữ. Khổ nỗi, bà lại truyền nguyên cái chất quê mùa đó cho đứa cháu ngoại vừa tròn năm tuổi.

Ông bà có bốn đứa con, cháu nội, cháu ngoại đầy đủ, nhưng toàn là con trai. Rồi bỗng nhiên đứa cháu gái xuất hiện đúng lúc, đáp ứng nỗi khao khát của cả gia đình, nên đương nhiên nó trở thành một viên hột xoàn quý giá. Viên hột xoàn này có nước da trắng mịn,cặp mắt đen láy, cùng với đôi môi hồng chúm chím, mỗi khi cười, dù hàm răng được khoe ra không đều đặn, nhưng lại có duyên. Con bé khá thông minh và khôn lanh,nhưng điểm nổi trội chính là cái tính lý sự. Mới năm tuổi mà nó nói năng rành mạch,lưu loát, đôi lúc có hơi “cụ non” -điểm này có lẽ bị ảnh hưởng sâu đậm bởi bà ngoại.

Từ lúc lọtl òng, con bé đã được bà ngoại chăm sóc, yêu thương, chìu chuộng, nên nó mê mẩnvà xem bà như thần tượng. Từng cử chỉ, lời nói đều rập khuôn theo bà. Điều đólàm ông “bức xúc”. Ông muốn con bé phải giống ông. Giống giọng nói Hà Nội rấtchuẩn của ông, nhưng chẳng bao giờ nó theo ông. Bà thì có dịp chì chiết mỗi khiông ganh tỵ:
-Cũng tạiông. Phải hồi nó còn nhỏ, ông “gáng” phụ tui chăm sóc nó, thì bây giờ nó cũngđeo ông “dậy”.

Có cháu xinh đẹp, thông minh, và rất dạn dĩ khi tiếp xúc với người lớn là một điều hãnh diện,nhưng cũng có lúc nó làm ông Luân muốn độn thổ. Lần đó, ông hẹn vài người bạn đi uống cà phê. Ai ngờ, bà ngã bệnh ngay ngày ấy, nên ông phải mang nó theo. Bạn ông không tiếc lời khen ngợi cháu gái của ông, làm ông hứng chí:
-Hát cho các ông nghe đi con.

Vậy là conbé hăng hái chạy ra phía trước, bàn tay cuốn tròn lại như đang cầm “micro”. Vớinụ cười tươi tắn, nó tự giới thiệu:
-Bé Na hát tặngcác ông “Quại” bài “Đám Cưới Đầu Xưng”. Xin “dui” lòng ủng hộ bé Na một “chàng”pháo tay.

Tiếng vỗ tayvang lên đôm đốp. Con bé cúi đầu cảm tạ, và rồi cả thân hình nó đong đưa, uốnéo theo giọng hát trong trẻo, làm mát rượi cái lỗ tai của các ông già cùng bệnh“mê cháu”:

Ngày xửa, ngày xưa đôi ta chung nón,đôi ta chung đường.
Lên sáu, lên năm, đôi ta cùng sách, đôi ta cùng “chường”.
…..
Chiều nao đuổi bướm, bướm bay “dô dườn” mà nước mắt “gưng gưng” ...

Một trận cười nghiêng ngã nổi lên. Các bạn ông thích thú, đồng loạt yêu cầu “Hát lại đi con”.Ông Luân ngượng chín người khi ông bạn cạnh bên lớn tiếng trêu ghẹo:
-Con bé chính cống là dân miền tây, bắt con cá“gô” bỏ “dô” “gổ”, nó kêu “gột, gột”. Ông ngoại Bắc kỳ của mày thua đậm trong mặt trận ngôn ngữ rồi.

Trên đường về,ông ra sức dụ dỗ con bé:
-Con nói theo ông nhé. Vô vườn chứ không phải “dô dườn”, rưng rưng chứ không phải “gưng,gưng”.

Bé Na nhìn ông cười hiền hòa, miệng nhai tỏm tẻm thanh kẹo ông vừa mua cho, đầu gật gù ravẻ hiểu biết. Ông xoa đầu khen “Cháu của ông ngoan”. Con bé cười tươi, đưa ngóntay cái lên “Con là số một mà”. Thế nhưng, sự thích thú của ông chẳng hơn mườiphút. Vừa xuống xe, đi vào nhà, con béđã yểu điệu ngoái mông, cất giọng thánh thót:
-Bướm bay“dô dườn” mà nước mắt “gưng gưng”.

À! con bé đang chọc tức ông đây. Lạ cái là ông không giận, mà lại mê tít cái mông tròn lẳng của nó. Vói tay kéo con bé, ông ngồi xuống đất, để vừa tầm với chiều cao củanó. Nắm hai bàn tay nhỏ nhắn, ông ngọt giọng:
-Này, nói theo ông, “Bướm bay vô vườn mà nước mắt rưng rưng”. Tập nói cho đúng, không thôi người ta cười.

Con bé đưahai bàn tay nhỏ xíu ôm lấy khuôn mặt ông, đôi mắt to tròn như hai hòn bi nhìnthẳng vào mắt ông:
-Con thíchhát “dậy”, tại “dì” bà “Quại” nói, hát “dậy” mới dễ thương.

Nói xong,con bé quay lưng đi -nói đúng kiểu của bà cháu nó là quay lưng cái “gột”- đong đưa cánh tay theo điệu hát.
-Bướm bay”dô dườn” mà nước mắt “gưng gưng”.
***
-Chơi “gumba” đi “Quại”.
Bà Luân trợn mắt, lắc đầu. Con bé le lưỡi:
-Ố ồ!!!!
Rồi chụm hai ngón tay, xẹt ngang môi, ra dấu khóa miệng lại.
-Xin lỗi “Quại”,con quên….
-…
-Con xin lỗi“gồi”, “Quại” đừng giận con nữa.
Nhìn thấy bà Luân môi vẫn mím chặt, con bé liền kiếm chuyện khỏa lấp:
-Hông biết mẹ có nhớ mua “chái” cây để “Quại” chưng bàn thờ tết hông. Tối qua, mẹ nói…
Rồi nó nghiêng đầu, ra vẻ bí mật:
-“Quại” biếtmẹ nói gì hông?
Bà Luân không trả lời, hất mặt ngó chỗ khác. Con bé chống càm, thở dài:
-“Quại” cò ngiận thì con hông nói nữa, con đi “ga” ngoài sau. Mà con “ga” ngoài sau “gồi”thì “Quại” đừng có năn nỉ con à nha… “Quại”… tại con quên mờ… đâu phải con hông nghe lời“Quại”.

Con bé xụ mặt,rơm rớm nước mắt. Thấy thương quá, bà Luân cười phì một cái:
-Mẹ con nói cáigì?
Mắt con bélong lanh vui mừng:

-Mẹ hỏi, “Quại”dặn mua cái gì?. Con nói, bà “Quại ” nói “ga gả” từ hổm tới giờ, sao mẹ hông nhớ. “Quại”nói, tết phải có mâm “chái” cây “cầu dừađủ xài”, có “dậy” mà mẹ quên miết. Thiệt là “gầu”.
-Ừ! mẹ conhư quá, có “dậy” mà quên miết hà.

Ông Luân nhíu mày nghĩ ngợi. Hình như bà đang giấu ông chuyện gì, và rõ ràng con bé biết,nhưng bà bắt nó im lặng. Nhớ lại câu nói của “Tám Chịu”, ông cảm thấy bực bội,nhưng nếu hạch hỏi thì té ra mình ghen bóng, ghen gió, mà không hỏi thì khó chịu,nên thừa dịp, ông ngứa mỏ xen vào.
-Tại thấy không hợp lý, nên nó chẳng thèm nhớ. Dừa chớ đâu phải vừa, xoài chứ đâu phải xài. Nói sai bét mà cứ nhét vào đầu con bé.
Con bé chu mỏ,nhìn ông Luân với vẻ không hài lòng.
-Thì cũng ychang thôi. Ủa! mà cái này là “chiện” nhỏ, sao ông “Quại” x…e…é ra bự chảng làmchi cho “gắc gối” “dậy”.

Thấy ông Luân lắc đầu tức tối, bà mỉm cười đắc ý. Phần ông, giờ mới ngẫm ra, những điều nó nói, giống y những điều bà từng nói, mà ông không thèm chú ý.
Nhớ có lầnông bảo con bé:
-Vào phòng gọi bà Ngoại cho ông.
Mải xem TV,đến khi quay lại chẳng thấy bà đâu, chỉ thấy con bé đang chúi đầu vào chiếc Ipaid.
-Này bé Na!có gọi bà không?
Đặt Ipaid xuống,con bé gát cằm lên đầu gối, nhìn ông chằm chặp:
-Bà “Quại”ngủ “gồi”. Con kêu hai, ba lần mà “Quại” im “ghe”. Ông muốn “Quại” làm gì choông hả? Con làm dùm được hông?.
-À! ông muốn… nhưng… con không làm được đâu.
-Sao hông được hả ông?
-Tại vì concòn bé.
Con bé ngồi thẳng người lên, ngón tay trỏ nhịp nhịp theo giọng nói:
-Con thấy ông cũng lớn “gồi”, mà đâu có làm mình ên. Cái gì cũng “géo” bà. “Quại” nói,mình lớn “gồi” phải tập làm, đừng sai người khác, như “dậy” người ta cười, ngườ ita nói mình làm biếng nhớt thây. Đúng quá phải hông ông?

Ông Luân nhìn cái mỏ vo vãnh của con bé mà trong lòng hậm hực. Ông không hậm nó, mà hực người đã nhờ nó mắng xéo ông. “Thật chẳng ra thể thống gì, chỉ làm hư con bé!”

***

Vừa bước vào hội trường, ông Luân đã được chào đón nồng nhiệt bởi những người bạn cũ:
-Lâu ghê mới gặp ông.
-Trở lại sinh hoạt đi. Vắng ông buồn quá.

Ông Luân vu ivẻ bắt tay từng người, rồi đưa mắt nhìn quanh. Khung cảnh này rất quen thuộc,nhưng hôm nay thật lạ lẫm bởi sự trang trí khéo léo với những đóa hoa mai vàng thắm, nhữngbao lì xì đỏ chói, đong đưa trên cành đào, trìu trĩu những cánh hoa xinh xắn đang khoác lên màu hồng tươi tắn như gọi mời. Rồi những câu đối, những chậu hoa rực rỡ, những bức tranh màu sắc, tạo nên một không khí tết rộn ràng, dù bây giờ chưa thật sự bước qua năm mới.

Tuần trước,ông “Tám Chịu” đã thay mặt Ban quản trị, ân cần mời ông Luân đến dự tiệc tất niên của Hội Cao Niên. Mấy ngày nay, bé Na đã òn ỉ, xin ông dắt đến đây để xemvăn nghệ. Thật ra, ông Luân chẳng muốn tham dự chút nào, nhưng nhìn con bé lăng xăng, lính quýnh khi thấy ông chần chừ mà tội nghiệp. Đã vậy, nó còn lên giọng hăm dọa:
-Ông hổng dắt con đi, con nghỉ chơi ”dới” ông luôn.
Ông lắc đầu:
-Thì con đivới bà ngoại kìa.
Bà Luân lắc đầu:
-Bữa đó, tui phải đi sớm. Ông dắt bé Na đi, sẵn coi “dăn” nghệ luôn.
Ông trề môi:
-Hay ho gì mấy cái màn hát hò của các ông già, bà lão.
Bà háy ông:
-Chưa coi đã chê. Ông có giỏi hơn ai mà bày đặt “chề” nhún.
-Có, giỏi hơn bà.
-Bởi “dậy” mớicó câu “Biết người biết ta, ‘chăm chận chăm thắng’. Ông biết có mình ên ông,thành “ga” có thua cũng đừng…
Con bé đưa hai bàn tay nhỏ xíu bịt tai lại, than thở:
-Người lớn dạy con nít phải thương nhau, mà sao cứ gấu ó với nhau “quài” “dậy” ta!
Nhớ lại, ông Luân bật cười, đưa tay định xoa đầu cháu, nhưng con bé vội nghiêng qua bên trái, né tránh:
-Ông! coi chừng“gớt” cái nơ “chên” đầu con.

Ông Luân phì cười, rồi giật mình khi nghe tiếng nhạc xập xình nổi lên và thấy bà Luân xuất hiện trên sân khấu với chiếc áo đầm phùng xòe. Hai tay áo phùng, ngực phùng,ngang eo còn phùng tợn, thêm chiếc nơ tổ bố sau mông, làm cho bà tròn quay như đòn bánh tét. Bà vừa đi, vừa uốn éo, thì từ cánh gà, một anh chàng đen thui, cória mép mỏng dính tiến ra, đưa bàn tay ôm ngang lưng bà và nhạc đổi sang điệu Rumba, hai người nhẹ nhàng bước theo nhịp điệu. Ông bỗng nhớ câu nói của con bé“Chơi ‘gum ba’ đi “Quại”. Thì ra, con bé đã đến đây xem bà tập dợt, nên quyết chí phải tham dự buổi văn nghệ này cho bằng được.

Khuôn mặt của bà Luân dưới ánh đèn màu trông lạ hoắc. Cách hóa trang khiến bà trông ngộ nghĩnh đến buồn cười. Tuy vậy, lối diễn xuất của bà, từ điệu bộ, giọng nói, với những câu đối thoại tưng tửng đã làm cho bầu không khí sôi động hẳn lên. Khimàn kịch chấm dứt, mọi người đã đồng loạt gọi tên bà với hai bàn tay vỗ nhịp thậtrôm rã. Con bé ngồi bên cạnh ông cười lăn chiên, lăn ngữa. Phần ông, dù muốn,dù không, ông cũng phải công nhận bà diễn hài rất có duyên.

Sau nhiều tiếtmục tiếp theo màn kịch, một lần nữa tên bà lại được long trọng giới thiệu cùng với bản nhạc “Đám Cưới Đầu Xuân”. Ông xuất mồ hôi khi nhớ đến câu con bé hay hát “Bướm bay ‘dô dườn’ mà nước mắt ‘gưng gưng”. Lần này, ông phải biến mất trước khi “sự cố” xảy ra. Dịp may đến bất ngờ khi người MC cáo lỗi, vì âm thanh đang trục trặc. Ông nói khẽ với con bé:

-Bé Na! mình đi về nhé.
-Sao “dậy”? “Quại”chưa hát mà.
-Tại… tại vì…ông đau bụng.
Con bé hạ chiếc cằm xinh xắn xuống, đôi mắt trợn ngược nhìn ông:
-Có thiệthông?. Ở nhà, con thấy lần nào đau bụng, ông cũng “gên gỉ” dữ thần luôn, chớ hổng có nói nhỏ như “dầy” đâu.

Ánh mắt con bé quét dài trên khuôn mặt ông Luân. Ánh mắt chứa đựng sự dò xét. Và sau khi dò xét kỹ lưỡng, nó cười hè hè:
-Thôi, con biết “gồi”…. là ông giả bộ đau bụng. Ông sợ “Quại” hát hay, “gồi” người ta nói “Quại”giỏi hơn ông, phải hông?

Ông chưa kịp nói gì bà đã bước ra sân khấu. Ông ngỡ ngàng nhìn bà trong chiếc áo dài thời trang. Giờ thì bà không tròn như lúc nãy. Chiếc áo dài được cắt may thật khéo léo như gói gọn thân hình bà, mái tóc bới cao trông quý phái và khuôn mặt trangđiểm thật tỉ mỉ, sắc sảo, khác xa với khuôn mặt ông nhìn thấy trong màn hài kịch.Nhưng ông càng ngỡ ngàng hơn khi bà cất giọng hát. Không biết bà luyện tập từ bao giờ, mà phát âm lời bài hát bằng giọng Bắc rõ ràng, không chút ngọng ngịu như ngôn ngữ chất phác thường ngày của bà. Ông thở nhẹ, lặng người ngắm nghíabà. Đúng như bạn bè thường giễu cợt “vợ ông hàng xóm đẹp hơn”, nên từ lâu, ông không khám phá ra nét duyên dáng tiềm ẩncủa bà.

Khi bà Luân cúi đầu chào và nhạc bế mạc trổi lên, đám con cháu ùa lên sân khấu, ôm lấy bà, ríu rít khen ngợi, trong khi ông đứng lẻ loi ở phía dưới. Trong phút chốc, ông cảmthấy cô đơn vô cùng. Bây giờ, ông Luân mới chợt hiểu, chính ông đã tự tách rời các con, vì chẳng bao giờ ông gần gũi, chia sẻ với chúng những buồn vui trong gia đình, cũng như trong cuộc sống, mà hơn hết là thái độ xem thường bà, khiến chúng có sự bất mãn ngấm ngầm đối với ông. Có lần, cô út khoe:
-Bố xem “youtube” dì Năm làm cho má nè. Má hát hay quá, người ta “like” cho má đếm không hết.Bây giờ má nổi tiếng rồi đó bố.
Ông cảm thấy khó chịu với lối cường điệu, tâng bốc của đám con, nên nhếch mép, cười khỉnh rồi bỏ đi.

Ông Luân xưa nay vốn xem thường vợ. Ngày bà đi thi quốc tịch, ông thẳng thắn bài bác “Bà có thi thì cũng rớt thôi. Đi làm gì cho phí thời gian”. Cũng đúng, tiếng Anh của bà không đầy lá mít. Nhưng chính vì biết mình kém, lại thêm nỗi lo, nếu không có được quốc tịch Mỹ, sau này bà sẽ không xin được Medicare, rồi lỡ khi bệnh hoạn,lại báo hại con cái, nên cố gắng học thuộc “một trăm câu vấn đáp thi quốc tịch”.Mỗi ngày, trong lúc nấu ăn, bà để máy “cassette” cạnh bên, đọc theo từng chữ, từngcâu. Cuối tuần, bà nhờ mấy đứa cháu đọc câu hỏi, và nghe bà trả lời để giúp bà phần phát âm. Một tuần trước ngày thi, bà thuộc làu bài học khó và đã vượt qua được kỳ thi quốc tịch. Thằng con Cả bước vào nhà, nói mà như hét:
-Bà con ơi!má đậu quốc tịch rồi.

Đang đọc báo, ông Luân tháo kính ra, trố mắt nhìn bà, dường như không tin vào tai mình.Đám con cháu sáng giờ ở nhà, hồi hộp trông ngóng, chạy ùa ra, tranh nhau ôm bà.Thay vì hòa nhập với cả nhà để vui vẻ chúc mừng bà, ông lại lủi vào phòng,tránh xa đám con đang hào hứng nghe bà kể chuyện “khó tin mà có thật”.

Lần này cũng vậy, ông lặng lẽ quay lưng bước đi. Vừa ra ngoài thì gặp ngay “Tám Chịu”. Với nét mặt rạng rỡ, ông hân hoan kể lể:
-Đấy! tôi đã bảo “bà nhà ông hồi này ghê gớm” lắm mà. Thế… ông có biết bà tốn bao nhiêu thờigian để tập dượt không? Và ông có biết ai dạy bà ấy giọng Bắc không?
Không chờ câu trả lời, ông “Tám Chịu” vỗ ngực tự hào:
-Tôi đấy. Bà ấy nói, muốn dành bất ngờ cho ông nên không nhờ ông dạy. Thích nhé, có bà vợ giỏi giang, tha hồ mà hãnh diện.

Bây giờ, ông Luân mới thấm thía câu nói của người xưa “Biết người, biết ta, trăm trận trămthắng” mà bà đã từng nói với ông. Vì ông chỉ biết có mình và xem thường đối phương nên ông thua đậm, trong khi bà có hàng đống “fan”, nào con, nào rể, nào dâu, nào cháu ngoại, cháu nội. Còn ông thì sao? Một mình… thua là phải!. Ý nghĩ này làm ông bật cười. Nhưng lạ thật, lầnnày ông không tức tối mà lại cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái với chiến thắng của bà. Lúc bà bước ra ngoài, quanh quất tìm kiếm, ông bước đến gần, cười tỏn tẻn:
-Tôi thua bà rồi.
-Thua thắng gì ông ơi!

Rồi bà ngước mắt nhìn ông. Không phải là cái nhìn khiêu khích thường lệ, mà trong ánh mắt của bà như ẩn chứa một chút âu yếm với giọng nói dịu dàng:
-Tết tới nơi“gồi”, tui chỉ mong vợ chồng mình đừng cãi ‘dã” nữa, lúc nào cũng “quà thựng”, để con cái quy tụ lại, cùng nhau đón một năm mới “dui dẻ”, hạnh phúc.

Ngân Bình
Nhạc phẩm “Đám Cưới Đầu Xuân” của TrầnThiện Thanh.

Thứ Năm, 27 tháng 1, 2022

Nếu Mùa Xuân Vắng Anh - Nhạc: Mai Hoài Thu - Thơ: Minh Thúy - Ca Sĩ: Diệu Hiền


Nhạc: Mai Hoài Thu
Thơ: Minh Thúy
Ca Sĩ: Diệu Hiền

Xuân Ngóng Chờ


( Đón Tết Tưởng nhớ thầy Trầm Vân)

Chào buổi sáng mùa xuân về rất nhẹ
Lửng lơ  tôi trong nỗi nhớ mông lung
Giọt nắng trôi xa về phía muôn trùng
Và thấp thoáng con đường tà áo lượn

Tiếng chim hót về xa xưa lối hẹn
Xuân về thơm ánh mắt nụ môi người
Dòng sông thơm từng con sóng lượn trôi
Người có thấy đò tôi neo bến nhớ ?

Người có nghe gió rung từng nhịp thở
Vòng tay ôm quấn quít nụ hôn nồng
Con đường dài đi sao hết nhớ mong
Tóc người cột đôi bàn chân lưu luyến

Cột mùa xuân với lòng hoa xao xuyến
Ngóng em về con phố đứng tương tư
Hàng cây nghiêng làn tóc lượn chạm hờ
Em. hương ngát rừng bao la lá gió

Và đôi mắt đẹp thiên đường mở cửa
Tôi tìm tôi- tiếng thông hát vi vu
Bàn tay em thung lũng gió giam tù
Tôi. róc rách tiếng suối khe bất tận

Em không về, bước mùa xuân lận đận
Tôi và xuân trôi dạt phía phương trời
Cánh thơ tình giăng buồm gió ra khơi
Nghe sóng vỗ chập chùng hoang đảo. nhớ

Trầm Vân

Tiếc Một Thời Xuân

  

Đào khoe trước ngõ nụ tình
Nắng vàng hương gió lung linh cợt đùa
Bướm say hoa thắm đón mùa
Nhớ xuân thuở trước như vừa đâu đây
Thời gian nhạt cánh hồng phai
Tiếc thời xuân sắc tháng ngày vụt nhanh
Như hoa rồi s lìa cành
Đong đưa trước gió mỏng manh cánh dòn

Kim Oanh
Xuân 2022

Xuân Tha Hương



Bài Xướng:

Xuân Tha Hương


Tha hương một Tết sắp trôi qua
Mấy chục lần xuân kém mặn mà
Vẫn thấy lạnh lùng nơi đất khách
Hằng mơ ấm cúng chốn quê nhà
Giao thừa ngày trước, ôi trân quý!
Ngày tết bây giờ chẳng thiết tha
Nhớ quá khung trời thôn xóm nhỏ
Đăm đăm phương ấy, mắt ai nhoà!

Mắt ai nhòa lệ kiếp tha phương
Cách trở quan san vạn dặm đường
Tâm vẫn buộc ràng cùng cố quốc
Hồn còn vương vấn với tình thương
Mơ màng trời cũ đình chùa miếu
Xao xuyến ngày xưa tiếng trống trường
Thôn xóm nghèo nàn hằn ký ức
Xuân về man mác, nhớ quê hương

Mailoc
***
Bài Họa:

Xuân Tha Hương

Vui hả mươi hôm rồi sẽ qua
Tuần hoàn con tạo ấy thường mà
Chỉ buồn ray rứt-Xuân xa mẹ
Càng xót dẳng dai-Tết vắng nhà
Lại nữa Omi đang tác quái
Còn kìa Covid vẫn đâu tha
Cho nên mọi sự thành vô nghĩa
Nỗi nhớ quê xưa chẳng thể nhòa.

Nhòa nhạt được sao khách viễn phương
Đau lòng khi nghĩ đến tôn đường
Ngày xuân nhớ lại nhiều trân quý
Thàng tết khơi lên lắm xót thương
Cho kẻ xa nhà-chung mái ấm
Tới người vắng bạn-suốt canh trường
Làm sao quên được khi giờ cúng
Mồ mả cha ông chẳng khói hương.

Thái Huy Jan/18/22
***
Chợt Nhìn Xuân Sang

Đất khách xuân về lặng lẽ qua
Quê hương ngàn dặm nhớ thôi mà
Êm đềm kỷ niệm qua hình ảnh
Giòn giã dư âm dưới mái nhà
Đất Vĩnh tôi ơi đừng nhắc nhớ
Dòng xưa tình hỡi hãy buông tha
Cành mai nụ trổ ngoài hiên vắng
Thoang thoảng hương đưa mắt lệ nhòa

Mắt lệ nhòa đây khách viễn phương
Quê hương thu nhỏ mộng thiên đường
Cành mai khóm trúc hoài vương vấn
Đất tổ quê cha mãi luyến thương
Đắm cúc mơ màng tròn giấc mộng
Say lan thao thức suốt canh trường
Qua rồi cái thuở thời thơ dại
Nhìn én lượn lờ vọng cố hương

Kim Phượng
***
Xuân Mùa Dịch


Xuân lại thêm lần nữa sắp qua
Còn chưa thay đổi có chi mà
Mặc mai rực rỡ ngoài sân nắng
Dịch vẫn tràn lan khắp nước nhà
Tăng thuốc Vắc sin ngăn chẳng xuể
Cô vi biến thể bám chưa tha
Đành thôi ăn tết cùng bọn chúng
Hy vọng năm nay dịch sẽ nhòa

Dịch sẽ nhòa dần khắp bốn phương
Niềm vui bừng sáng mọi con đường
Người người lại thấy đời vui vẻ
Nước nước không còn cảnh thảm thương
Tết tới rộn ràng trong nắng mới
Xuân về ấm áp cả đêm trường
Ước mong tất cả đều an lạc
Để cánh hoa còn tỏa sắc hương.

Quên Đi

Người Ăn Thì Còn …

 

Năm đó cả miền Nam đói meo sau lần đổi tiền kinh thiên động địa. Qua một đêm toàn dân thức dậy thấy mình trắng tay. Nhà nhà cầm cự bằng cách ôm đồ ra chợ trời, khi cần đong gạo thì giá nào cũng bán.

Gần Tết. Nghĩ tới bầy con, làm sao để may cho mỗi đứa một bộ đồ mới. Nghĩ tới Tết nhất với mâm cúng gia tiên. Ít ra cũng phải có cái bánh chưng, đòn bánh tét, hủ dưa hành củ kiệu, chút ít thịt kho với trứng. Nghĩ tới nghĩ lui, bấn cả ruột gan, biết bán cái gì nữa đây cho đủ chi tiêu ba ngày Tết.

Rốt cuộc sau nhiều màn “chà đồ nhôm” thì năm đứa trẻ trong nhà, đứa lớn nhất 13 đứa nhỏ nhất 4 tuổi cũng được tíu tít, rộn ràng bên thau đậu, thau nếp và mấy miếng thịt heo mỡ và da nhiều hơn nạc. Mấy mẹ con “hồ hỡi” xúm nhau rửa lá, đãi đậu, ngâm nếp, rộn ràng xếp xếp, gói gói được 6 cái bánh chưng lớn, 4 đòn bánh tét và 5 cái bánh chưng nhỏ xíu đặc biệt phần mỗi đứa một cái.

Thấy bầy con lăng xăng sung sướng, đứa bé nhất cũng ngoan ngoãn ngồi bên cạnh đưa dây cho mẹ cột bánh, nhìn bàn tay bé xíu, ốm nhom vì không đủ dinh dưỡng, thỉnh thoàng sờ sờ, vuốt ve những cái bánh với đôi mắt sáng trưng thèm thuồng mà lòng đau như cắt. Chỉ mới mấy năm tuyệt đại đa số dân miền Nam đã rơi xuống gần chạm đáy vực thẳm thê thảm đến vậy rồi !!!

Tối đó cơm nước xong bầy trẻ nhất định xin thức để cùng canh nồi bánh. Nhà không có vườn sau, chỉ có sân trước với cây ngọc lan, cây khế ngọt và chỗ đậu của chiếc xe hơi chưa bán được. Hai đứa lớn lăng xăng bên nồi bánh được đào lỗ bắt ông táo dưới gốc ngọc lan, ba đứa nhỏ ngồi xích đu trên thềm nhà chọc ghẹo nhau nói cười như nắc nẻ, cả nhà hân hoan bên nồi bánh cho tới gần nửa đêm thì bầy trẻ bắt đầu ngủ gục. Cả ngày vất vả tới một giờ sáng cha mẹ cũng nhíp mắt. Lửa đang cháy liu riu, cổng đã khóa kỹ, tự nhủ mình chợp mắt một chút cho đỡ mệt rồi ra canh tiếp. Vậy nhưng ngủ quên cũng gần 2 tiếng đồng hồ.

Giật mình choàng dậy nhớ tới nồi bánh, thôi chết không biết lửa củi ra sao rồi. Ra sân thật mừng thấy than vẫn còn hồng dưới bếp dã chiến, vừa quay qua hông nhà lấy thêm củi khi ông xã dở nắp nồi định châm thêm nước thì bỗng nghe “ủa” một tiếng thật to, tiếp theo là tiếng nắp nồi rơi loảng xoảng trên sân xi-măng.
- Sao vậy bố?
- Em coi nè, bánh mất tiêu hết rồi.
- Trời đất ơi, thiệt không?
- Thiệt, cái nồi trống rỗng.

Nồi bánh, công trình và tâm huyết của cả nhà, có cả 5 chiếc bánh chưng be bé xinh xinh của năm đứa trẻ đã không cánh mà bay. Hai vợ chồng ngồi xệp xuống hiên, nghĩ tới gương mặt thất vọng của các con mà đau thắt ruột. Phải chi mình đừng vô ý ngủ quên. Phải chi người ta vớt hết bánh lớn, làm ơn làm phước chừa lại 5 cái nhỏ xíu cho bầy con nít. Đã ba mươi rồi, chỉ còn một ngày nữa là Tết, đào đâu ra bánh chưng bánh tét cho con ăn tết. Thời gian đó làm gì có hàng quán bình thuờng, cái gì cũng hợp tác xã, cũng nhà nước, từ cây kim sợi chỉ, từ cọng rau cho tới củ hành, chút tiêu chút muối nhất nhất đều phải sắp hàng trước cửa hợp tác xã …

Cả đời chưa hề tưởng tượng có ngày chỉ vì mất chục cái bánh chưng mà mình phải rơi nước mắt. Cả đời chưa hề nghĩ tấm bánh, miếng ăn, lại trở thành quan trọng nhường ấy. Vậy mà khuya đó, giữa đất Saigon, giữa một xã hội dở tờ giấy nào ra cũng thấy đập vào mắt “độc lập, tự do, hạnh phúc” có người ngồi trước bếp lửa, than vẫn còn hồng, trước cái nồi đen thui trống rỗng mà khóc ngon lành.

Khóc chán. Lửa tàn. Muỗi bắt đầu tấn công. Thì cũng phải thất thểu đứng dậy vào nhà. Cũng may là người ta không lấy luôn cái nồi. Mà cũng đâu phải may mắn gì, người ta không lấy vì nó chỉ là nửa cái thùng phuy nhỏ cắt ra một năm chỉ dùng một lần để nấu bánh. Thôi thì tự an ủi bằng câu nói của người xưa “Người ăn thì còn, con ăn thì hết”, chắc con người ta còn đói hơn con mình … nghĩ thì nghĩ vậy nhưng cả cha lẫn mẹ lại nhìn nhau ngơ ngẩn, sáng ra biết an ủi các con bằng cách nào đây?

Cái Tết năm đó thật là xui hết biết. Mất nồi bánh làm lũ trẻ chưa hết buồn thì sáng mùng ba mới bảnh mắt đã nghe con gái lớn kêu hoảng “Bố mẹ ra coi nè”. Bước ra trước thềm thấy con gái đang chỉ tay vào chiếc xe Ford Taurus từ lâu nay vẫn nằm một chỗ chờ được bán. Thoáng nhìn thấy có gì kỳ kỳ, nhìn kỹ thì ra cái xe bỗng nhiên lùn tịt … 4 bánh xe đã bị gỡ mất tiêu. Kẻ trộm rành nghề chắc tay chân không hề bối rối trong khi chủ nhân của chiếc xe thật tình bối rối không biết giải thích với con trẻ ra sao trước những hành vi “bần cùng sinh đạo tặc” của một xã hội mới mẻ, hết mất mát này đến mất mát kia, với cuộc sống hoàn toàn đảo ngược mà những tâm hồn non trẻ chưa thể nào hiểu được.

Bầy trẻ năm đứa mặt mũi buồn hiu một ngày Tết năm nào bây giờ đã là những trung niên với đời sống vui vẻ thoải mái nhờ bao nhiêu năm được hấp thụ không khí “độc lập, tự do, hạnh phúc” thật sự chứ không chỉ trên những mảnh giấy. Những gương mặt trẻ thơ mếu máo ngày nào bây giờ mỗi lần nhắc lại kỷ niệm cũ ở Saigon không bao giờ quên được “chiếc xe cụt bốn giò” và “nồi bánh chưng không bánh” mùa Tết năm đó. Có khi chúng còn đùa đùa đổ lỗi cho cha mẹ, phải chi bố mẹ cho tụi con thức canh lửa thì mình đã không mất tiêu nồi bánh chưng bánh tét ít thịt nhiều đậu đó rồi !!!

Sông-Hương

Qua Đèo Ngang (Bà Huyện Thanh Quan) - Passing By The Ngang Pass(Hương Cau Cao Tân)



Qua Đèo Ngang Bà Huyện Thanh Quan

Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom-khom dưới núi tiều vài chú
Lác-đác bên sông rợ mấy nhà.
Nhớ nước, đau lòng con cuốc cuốc
Thương nhà, mỏi miệng cái da da.
Dừng chân đứng lại: trời, non, nước
Một mảnh tình riêng, ta với ta.

Bà Huyện Thanh Quan
***
Bài Dịch:
Passing by the Ngang Pass
by Wife of Head of District of Thanh Quan

Pausing my footsteps at the Ngang Pass when the sun has declined over
Where the grass is competing with the rocks, and the leaves the flowers.
At the mountain’s bottom, there are some woodsmen who are bent walking
And beside the river, some houses on stilts are here and there, scattering.
Pondering upon motherland’s fate pains the country swamp hen’s heart
Crying the love for the family tires its bill on the home francolin’s part.
I am pausing, scanning the sky, the mountain, and the water so deeply
There is a whole lot of personal sentiments, but only with me and for me.

Translated from Vietnamese into English
by Hương Cau Cao Tân 
On 07 July, 2019
Revised on 31 August, 2019, in British Columbia, Canada

Tháng Giêng Gọi Đông Về - Nhạc & Lời Tuyết Phan - Hòa Âm VCD - Ca Sĩ Quốc Duy


Nhạc & Lời Tuyết Phan
Hòa Âm VCD
Ca Sĩ Quốc Duy