Thứ Bảy, 6 tháng 5, 2023

Thông Báo: Chùa Liên Hoa Vạn Phật Quá Trình Xây Dựng Và Khánh Thành


Chúng tôi được biết, vào ngày 19, 20, 21 tháng 5/2023 nầy, Thượng Toạ Thích Nguyên Tâm, Viện chủ,Trụ trì sẽ tổ chức long trọng đại lễ Phật Đản PL 2567 (Vesak) và trân trọng tuyên bố lễ Khánh thành ngôi bảo tự Liên Hoa Vạn Phật. tại 1731, Stumpf Blvd, Gretna, Louisiana.

Kính bạch chư Tôn đức Tăng Ni, Quí Hội đoàn đồng hương và quí Thiện nam Tín nữ trong và khắp Tiểu bang Hoa Kỳ.

Nhân duyên Phật Pháp,

“Một cội, trăm cành, nghìn lá,
Đạo mầu muôn xứ đưa hương”.

Tiểu bang Louisiana nằm bên bờ vịnh Mexico, có thành phố New Orleans, một trong những thành phố lâu xưa và lớn của đất nước Hiệp Chủng Quốc. Nơi đây, được biết với số lượng người Việt nhập cư trước và sau 1975 trên dưới 25 ngàn người, và mang theo cả những tập tục, tập quán, tín ngưỡng, thờ phượng, văn hoá nơi quê hương ngàn đời Tộc Việt. Và cũng chính nơi đây, Thượng Toạ Nguyên Tâm sau khi tốt nghiệp Học Viện Phật Giáo Việt Nam vào năm 1997, cũng như Học Viện Quốc Tế Viên Quang tại Đài Loan vào năm 2000. Sau đó, Thầy tiếp tục cuộc hành trình sang Hoa Kỳ, và đến tại quận hạt Gretna, bang Louisiana nầy, để đưa đạo vào đời, thầy phát Bồ Đề Tâm Hạnh kiến tạo ngôi đạo tràng Chùa Liên Hoa để cho bá tánh cư dân gần xa có nơi kính ngưỡng, lễ bái cầu nguyện, gieo duyên kết phước và tìm hiểu giáo lý Đạo Phật.

Thời kỳ đầu khởi công xây dựng.

“Tiếng chuông lan mãi về muôn xứ
Cho người vơi bớt nỗi trầm luân”

Đến cuối năm 2002, nhờ hội đủ duyên lành từ những nhà hảo tâm, thân hữu, đồng hương, Phật tử, cùng chung đóng góp công của để thầy thực hiện ngôi đạo tràng tạm thời tại 1731, Stumpf Blvd, Gretna, Louisiana.
Nếu không có sự kiên nhẫn, thì không có sự vượt qua, nếu không có sự tiến thủ, thì không có những bước đi cao rộng. Bao nhiêu điều khó khăn, trở ngại trước mắt rồi cũng lần lượt qua đi, và những sinh hoạt hướng đến niềm an lạc hạnh phúc cuộc sống và tâm linh tại đạo tràng cũng lần lượt đi vào ổn định, sau 10 năm phấn đấu, đối diện, và hướng đến...

Thời kỳ thi công và hoàn thành.

“Nước chảy về nguồn,
Pháp đăng truyền chơn lý,
Gió mưa nào ngăn được bước hoằng dương”.

Mãi đến tháng 9 năm 2013, Thầy Trụ trì mới được giấy phép đại trùng tu toàn diện lại cơ sở cũ, và tổ chức lễ khởi công lần 2, để thực hiện ngôi Đại Hùng Bửu Điện theo mô hình như hiện nay, ngoài cổng Tam quan ra, chiều cao từ dưới đến mặt nền là 1m, chiều ngang mặt nền là 26m, chiều sâu mặt nền là 30m, và chiều cao tính từ mặt nền là 20m, bên trong Chánh Điện còn có tôn trí bảo tượng Đức Phật Di Đà trên 3 mặt vách, và phù điêu ao liên trì (tượng trưng thế giới liên hoa vạn Phật), mái chùa lợp bằng ngói Hoàng Lư ly sản xuất từ Lái Thiêu, Bình Dương Việt Nam, bên cạnh đó, có anh Huỳnh Hồng Quân chịu trách nhiệm quá trình thi công ngay từ buổi ban đầu, cũng như có quí thiện nam, tín nữ khác, mỗi người một công việc để ngôi Tam bảo sớm được thành tựu viên mãn. Trong thời gian nầy, thầy Trụ Trì có đổi tên chùa thành Liên Hoa Vạn Phật Tự.

Tất cả công trình trên, Thầy Trụ trì cũng như quí nhà hảo tâm, đồng hương Phật tử đã không biết bao lần thử thách và vượt khó như; trở ngại phần tài chánh, khắc phục sau những lần thiên tai tàn phá, và đôi lúc thiếu nhân sự thi công. Đồng thời, cũng đã nhiều lần vận động qua sự hổ trợ trong những lần lễ hội và văn nghệ tại đạo tràng, tổ chức gây quỹ tại một số Tiểu bang lân cận.v.v... để có được điều kiện từng bước hoàn thành, và cũng để có được như ngày hôm nay.

Ngoài ra, sau khi tổ chức mừng lễ Khánh Thành xong, Thầy sẽ thực hiện tiếp tục ngôi linh tháp An Lạc được chọn vị trí phía sau bảo tượng Bồ Tát Quán Thế Âm, để có nơi thờ phượng di ảnh và tro cốt các hương linh do quí Đồng hương Phật tử gởi vào để sớm chiều nghe tiếng kinh kệ nơi miền tịnh thổ. Đây là một công trình còn lại của Chùa Liên Hoa Vạn Phật.

Tóm lại, Ngôi chùa được tôn dựng nơi xứ người, nơi ấy có cộng đồng người Việt, như một quà tặng tâm linh, luôn đem lại sự an vui hạnh phúc, xa hơn nữa sẽ giúp con người được ý thức giác ngộ, biết tránh xa những điều ác quấy, thực hiện những điều tốt lành, một việc làm mà bậc Thánh và những người có trí luôn được chấp nhận và khen ngợi. Hơn thế nữa, trên dòng chảy của kiếp nhân sinh, bao giờ cũng có sự truyền tải những gương hạnh Giáo Dục Đạo Đức dù ngàn xưa và cho cả ngàn sau.

“Ai trước đã qua,
Còn đậm nét tâm truyền chân sử.
Ai sau đang đến,
Đất cằn chuyển mạch nở Đàm Hoa”

Đến đây, chúng tôi xin được khép lại phần giới thiệu công trình tôn tạo ngôi Tam Bảo và tán thán công đức Thượng Toạ Thích Nguyên Tâm cùng toàn thể quí thân hữu, quí nhà hảo tâm, quí đồng hương Phật tử tại bổn tự được nhiều sức khoẻ, và viên mãn công đức lành.

NAM MÔ CÔNG ĐỨC LÂM BỒ TÁT, MA HA TÁT.

Tampa, FL, ngày 8/3/2023.
MẶC PHƯƠNG TỬ.

Hoài Thu

 

Thấp thoáng hoàng hôn loang bóng tối
Đó đây tinh tú chợt du hành
Có phải hồn thu phơn phớt trỗi
khi làn sương tỏa dáng mong manh!?

Nhớ xưa Thu quyện vào hơi thở
trên cả bàn tay ấm tình đôi
Kỷ niệm còn đầy trong thương nhớ
Đời vẫn xoay vòng, Thu mãi trôi!

Tương lai mang giấc mơ hiện thực
Quá khứ ngập ngừng chút nhớ, quên
Lung linh kỷ niệm như ảo giác
khi lá vàng thu rụng bên thềm.

Ngồi bên khung cửa nhìn trăng muộn
thắp ngọn đèn khuya trên phố sương
như hỏa châu xưa lùa bóng tối
soi bước chinh nhân chốn sa trường.

Lòng chợt mênh mông trong đêm vắng
Ước một ngày vui buổi tao phùng
Mượn thoáng hương thu vừa đọng cánh
gửi Em lời ước hẹn tình chung.

Huy Văn

Gọi Tên Và Dừng Lại

 

Gọi tên. Khi tâm bạn lăng xăng: buồn, sợ, lo, hồi hộp, bứt rứt, không an, hận, ghét, nhớ, thương…
bạn hãy nhìn thẳng vào Tâm để xem đúng trạng thái và tên nó là gì lúc đó.
Khi thấy đúng "đứa" phá phách thì bạn, như cô giáo, kêu tên nó, chừng 2-3 phút sau bạn sẽ thấy nó biến mất, y như lúc chúng ta dạy học, gặp trò nào phá, mình gọi tên nó là nó sợ và hết phá (lúc đó).
Sao Khuê áp dụng 2 năm, rất hiệu nghiệm.

Dừng lại và chuyển hướng suy nghĩ: khi chán đời, buồn… bạn tự ra lệnh: stop và ngó đi cái khác(sắc trần sẽ giúp bạn quên ý xấu vừa qua = tà niệm, vọng niệm..) bạn chuyển sang ý niệm mới như mây đẹp, hoa đẹp… như lúc vào phòng tối thì bật đèn lên cho sáng.
Rồi sau đó bạn quay về với chánh niệm vì...

Mọi việc sẽ qua đi
Chán đời thì ngó mây trôi
Bềnh bồng trắng xoá giữa trời xanh tươi (dừng lại, chuyển dòng suy nghĩ)
Cảm ơn Trời giữ thân tôi
Vẫn còn mạnh khỏe, đừng, ngồi, đi, ăn …
Cảm ơn tâm lúc lăng xăng (quán Tâm, pháp và gọi tên )
Để thấy dừng lại, yên bằng, thích sao
Dù cho rắc rối thế nào
Thời gian sẽ xếp chúng vào hư vô
Chánh niệm để thấy cái “bồ “
“Quá khứ, dĩ vãng”: hồ đồ, rỗng không!
Tương lai, kế hoạch đã thông (già quá thì vào nhà già)
Bảo bối có sẵn, động lòng mà chi
Temps present giữ chặt “thì “. ( thì hiện tại, thì tương lai …: chia động từ tiếng Pháp)
Hiện tại an trú, vui vì học kinh
Dù bên tai có chầy kình (gặp khó khăn)
Tâm an, dẫu có giật mình tí ti:
Mọi việc rồi sẽ qua đi
Từ từ giải quyết chuyện chi cũng thành.

Sao Khuê 
8 fev 23
 

Trăng - Thơ Xuân Diệu - Thuý Đạt Diễn Ngâm


Trong vườn đêm ấy nhiều trăng quá
Ánh sáng tuôn đầy các lối đi 
Tôi với người yêu qua nhẹ nhẹ...
Im lìm, không dám nói năng chi

Bâng khuâng chân tiếc dậm lên vàng
Tôi sợ đường trăng tiếng dậy vang
Ngơ ngác hoa duyên còn núp lá
Và làm sai lỡ nhịp trăng đang

Dịu dàng đàn những ánh tơ xanh
Cho gió du dương điệu múa cành
Cho gió đượm buồn , thôi náo động
Linh hồn yểu điệu của đêm thanh

Chúng tôi lặng lẽ bước trong thơ
Lạc giữa niềm êm chẳng bến bờ
Trăng sáng, trăng xa , trăng rộng quá!
Hai người, nhưng chẳng bớt bơ vơ


Xuân Diệu
1936

Bên Dòng Cam Lộ

 

Em là người mộng của muôn hoa
Mỗi năm viếng cảnh dạo trăng ngà
Thướt tha tà áo bay trong gió
Em là tiên nữ nét kiêu sa …

Em như thần tượng của đời ta
Mắt môi như sóng lượn thu ba
Ngân giang một dải trời nghiêng ngửa
Hùng anh đảo lộn cả sơn hà

Tóc em đẹp tựa áng mây bay
Cho anh vuốt nhẹ những hương say
Cho anh dìu bước em trên cỏ
Xạc xào hoa rụng dưới chân ai …

Ðêm giao thừa bên dòng cam lộ
Thả tình trôi dạt bến sông mê
Thiên thu mật ngọt như huyền thoại
Ðọng trong ta một chút hương thề …

Hằng Nga giáng thế phải chăng đây
Quỳnh tương ta cạn chén tình say
Trong lòng thoang thoảng mùi hương vị
Ngàn sau nhớ mãi chuyện ngày nay

Gió phơn phớt nhẹ làm lay động
Thuyền rồng vội lướt sóng sang sông
Dáng xưa đài các ngàn năm ấy
Ðậm tình xuân mộng giữa trời đông

Lòng anh phơi phới buổi hôm nay
Vô ưu tắm mát mộng thơ ngây
Nắng đùa trên tóc mây duyên dáng
Em về rạng rỡ cả trời mây …

Ngàn xưa nối lại chuyện ngàn sau
Trăm năm thệ ước chẳng phai màu
Mỗi năm anh kết hoa hồng thắm
Bạc đầu ta vẫn cứ chờ nhau

Vần bình đôi chữ gửi người thương
Tình anh như tuyết phủ chiều sương
Tim anh héo rũ theo mùa lũ
Bơ vơ như lạc cõi vô thường …

Nguyễn Phan Ngọc An

Abraham Lincoln vs. John F. Kennedy

 

Chỉ là sự trùng hợp, hay một điều gì thần bí hơn?

Xin mời ghi nhận những điều sau...

Abraham Lincoln được bầu vào Quốc hội năm 1846.
John F. Kennedy được bầu vào Quốc hội năm 1946.

Abraham Lincoln được bầu làm Tổng thống năm 1860.
John F. Kennedy được bầu làm Tổng thống năm 1960.

Tên Lincoln và Kennedy mỗi tên gồm 7 chữ cái.
Cả hai đều rất âu lo với việc bảo vệ nhân quyền.
Phu nhân của cả hai Tổng thống đều mất con trai khi sống trong Nhà Trắng.
Hai Tổng thống đều qua đời vào một ngày thứ Sáu.
Hai Tổng thống đã bị giết bởi một viên đạn vào sau đầu.

Và Đây là một sự trùng hợp thú vị...

Họ của thư ký của Lincoln là Kennedy.
Họ của thư ký của Kennedy là Lincoln.

Hai Tổng thống đều bị ám sát bởi "người miền Nam".
Hai vị Tổng thống kế vị đều là "người miền Nam".

Họ của hai người kế vị đều là Johnson.
Andrew Johnson, người kế nhiệm Lincoln, sinh năm 1808.
Lyndon Johnson, người kế nhiệm Kennedy, sinh năm 1908.

John Wilkes Booth, kẻ ám sát Lincoln, sinh năm 1839.
Lee Harvey Oswald, kẻ ám sát Kennedy, sinh năm 1939.

Tên của hai sát thủ gồm ba chữ.
Tổng số chữ cái trong tên của họ là 15 chữ.

Lincoln chết trong nhà hát mang tên "Ford".
Kennedy chết trong chiếc xe có tên "Ford" Lincoln.

John Wilkes Booth trốn thoát khỏi rạp hát và bị bắt trong một nhà kho.
Lee Harvey Oswald trốn thoát khỏi một nhà kho và bị bắt trong rạp hát.

Booth và Oswald đều bị sát hại trước khi được xét xử.

Và bây giờ đây là sự viêc đáng ngạc nhiên nhất. 

Một tháng trước khi bị ám sát, Lincoln đang đi nghỉ ở Monroe, Maryland.
Một tháng trước khi bị ám sát, Kennedy đang đi nghỉ cùng Marilyn Monroe.

=====
Và cuối cùng, điều quan trọng không phải là tổng số năm trong cuộc đời bạn, mà chính là cuộc sống như thế nào trong những năm bạn đã sống. '' - Abraham Lincoln


Những vấn đề của thế giới không thể được giải quyết bởi những người hoài nghi hoặc vô liêm sỉ mà tầm nhìn của họ bị giới hạn bởi những thực tế hiển nhiên. Chúng ta cần những người có thể mơ về những điều chưa từng hiện hữu''- 
John F. Kennedy


KHUYẾT DANH
Thái Lan Dịch 

 

Thương Tiếc Bạn Tôi

 
(Văn Cường 1960)

( và để chia sẻ cùng Văn Thị Xuân Thùy, cô em gái yêu thương, thân thiết nhất của bạn tôi)
Phạm Tín An Ninh

Đang lang thang với mấy người bạn trên bờ biển Alicante ở Tây Ban Nha, tôi bàng hoàng khi nhận được tin nhắn từ cô em gái của Cường: “Anh Cường vừa mới ra đi! Thùy đang khóc đây.”

Tôi không nghĩ là bạn tôi lại trút bỏ cuộc đời phiền muộn này nhanh như thế. Vì chỉ cách đây vài hôm, khi biết Cường vừa phải vào bệnh viện, tôi gọi thăm. Hai thằng vui vẻ chuyện trò, cười đùa với nhau, và tôi rất mừng khi nghe Cường khoe là bác sĩ bảo nằm dưỡng sức để chờ giải phẫu.
Cùng trang lứa bọn tôi, ai cũng biết đã đến lúc xếp hàng để lần lượt chờ đến phiên mình rời khỏi thế gian này. Bởi đó là luật trời, không ai ngăn được. Chỉ mong sao được ra đi một cách thanh thản nhẹ nhàng, như ngủ một giấc rồi không bao giờ thức dậy nữa, đừng phải ốm đau để làm khổ vợ con. Nhưng riêng sự ra đi của Cường làm bọn tôi cảm thấy đau lòng, tội nghiệp. Bởi vì bạn tôi chỉ mới vừa tìm lại được chút ít niềm vui, yên ả sau bao đắng cay nghiệt ngã gần cả một đời. Chưa kịp hưởng được khoảnh khắc hạnh phúc muộn màng thì đã phải bỏ lại tất cả cho trần gian.

Tôi quen biết Cường khi hai thằng cùng vào học lớp đệ lục trường Văn Hóa. Khi ấy nhà Cường ở trong một con hẻm lớn trên Phường Củi, gần nhà trọ của mấy người bạn đồng hương Vạn Giã với tôi, nên những ngày nghỉ tôi thường ghé lại đây thăm bạn cùng quê và chơi với Cường. Nhà Cường ở gần tư gia bà Lâm Thị Khương, chủ nhà hộ sinh lớn nhất ở Nha Trang. Không biết đó có phải là nguyên nhân để sau này Cường có ông anh rể mang họ Trần Lâm?

Ông cụ thân sinh của Cường là một công chức cao cấp trong ngành Quan Thuế, nên thời gian sau đó, gia đình Cường được cấp một ngôi biệt thự trên đường Duy Tân, ngay bờ biển, bên cạnh Viện Pasteur. Khu vườn khá rộng, nên ông cụ cho cất thêm một căn nhà tôn phía sau để các cậu con trai thoải mái sinh hoạt, đùa giỡn, học hành. Lúc ấy tôi đang trọ học ở nhà ông chú, một tiệm buôn ở đầu đường Quốc Lộ 1, gần Ty Thông Tin, bên cạnh nhà Thầy Võ Thành Điểm, nhưng hầu hết những ngày nghỉ và cả những lúc chuẩn bị thi cử, tôi thường xuống ở với Cường. Thực ra để học thì ít mà tắm biển và đi chơi thì nhiều, nhất là tránh bị ông chú tôi sai vặt.

Gia đình Cường có khá nhiều anh chị em, tất cả đều rất vui vẻ dễ thương. Hầu hết đều học ở trường Võ Tánh và Nữ Trung Học. Ông anh cả lớn hơn bọn tôi nhiều tuổi và đã sớm nhận lấy trách nhiệm “quyền huynh thế phụ”, hết lòng lo lắng, dạy dỗ, làm gương cho em út. Bà chị kế, học trên bọn tôi hai lớp, rất thùy mị, hiền lành chăm học, đặc biệt lúc nào cũng vui vẻ yêu đời, vì dường như đang lúc có tình yêu, cô em kế của Cường là một trong những giai nhân của Trường Nữ, nên mới năm đệ lục mà cũng đã có khối chàng si tình, lại toàn là những “anh hùng hào kiệt”, nên bọn tôi cũng được hưởng “phước” lây. Cô em này còn giới thiệu cho tôi làm quen với cô bạn học cùng lớp thân thiết, ở trên đường Hoàng Tử Cảnh. Cường còn mấy đứa em nữa, và bà cụ còn cưu mang nuôi một đứa cháu mồ côi. “Ông cụ rất đẹp trai và nổi tiếng đào hoa”, Cường thường khoe với tôi như thế. Lúc ấy tôi nghĩ có lẽ rồi Cường sẽ thừa hưởng cái “nghiệp” này của ông cụ. Vì Cường trông cũng phong độ lắm. Bà Cụ người Huế, là ái nữ của một vị đại thần triều Nguyễn, nhưng rất bình dị, hiền lành, phúc hậu, sẵn sàng chấp nhận mọi hệ lụy từ cái giá của sự đào hoa mà ông trời đã phú cho chồng mình. Bà rất thương con, lo lắng cho con từng ly từng tý. Đúng là một bà mẹ mẫu mực đáng kính của truyền thống Việt nam.

Biết tôi thân thiết với Cường, bà xem tôi như con cháu trong nhà, thường nhắc tôi, mỗi lần tôi đến chào bà để đi về: “Con nhớ xuống đây ở chơi và học với thằng Cường nghe!”

Lúc còn học đệ nhất cấp ở trường Văn Hóa, có lẽ nhờ vào lòng yêu thương của Thầy Hiệu Trưởng Nguyễn Bá Mậu, đặc biệt là Cô Tùng Linh, phu nhân của Thầy, cô giáo hướng dẫn lớp tôi, cũng có thể lúc ấy tôi chưa tập tành yêu đương, chưa hề “chết ở trong lòng một ít”, nên luôn chăm chỉ và học hành khá giỏi, tháng nào cũng đươc lãnh bảng danh dự. Cường khoe “thành tích” này của tôi với bà cụ, cốt để cho bà yên lòng mà “giao” Cường cho tôi. Tôi được bà cụ và các anh chị em của Cường quí mến. Thỉnh thoảng Cường theo về quê Vạn Giã của tôi chơi, khi trái tim chàng ta bắt đầu đập lạc nhịp mỗi khi nhìn con gái đẹp. Lúc ấy ở quê tôi có cô Hồng N, cũng là một trong những giai nhân bên trường Nữ, học sau bọn tôi hai lớp, mà Cường mới làm quen, có lẽ nhờ cô em gái giới thiệu.

Đầu năm Đệ Tứ, một số học sinh từ các trường tư thục khác “đầu quân” vào lớp tôi. Trong số này có hai cô có cùng tên Phương nhưng khác họ. Đễ dễ phân biệt,trong lớp gọi Phương Hòa và Phương Huế. Hai cô lại là đôi bạn thân nhau từ trước và ở chung một nhà ngay trước chợ Đầm. Cả hai đều thuộc hạng “mỹ nhân” và Cường bắt đầu trồng cây si Phương Hòa. Lúc ấy tôi nghĩ bọn tôi vẫn là những thằng con nít, bắt chước các nhân vật trong Hồn Bướm Mơ Tiên hay Đoạn Tuyệt của mấy ông nhà văn Tự Lực Văn Đoàn, hoặc ảnh hưởng mấy bài thơ của TTKh và ông Xuân Diệu, nên đóng vai “si tình” cho có vẻ người lớn vậy thôi, chứ biết yêu đương là cái gì đâu.

Nhưng tôi đã lầm, bạn tôi si tình thiệt. Chưa học được cách tỏ tình như thế nào, Cường thiết tha làm sao tìm được một tấm hình của Phương Hòa để có cớ làm quen và treo trên đầu giường cho đỡ nhớ.
Và đúng như là chuyện được ông tiên cho chiếc đèn thần. Một hôm ghé thăm anh bạn Cao Minh Thống, cũng ở Phương Sài, gần nhà cũ của Cường, bất ngờ tôi thấy Phương Hòa từ trong nhà anh Thống đi ra. Tôi “rồ ga” đi thẳng để Phương không nhìn thấy, rồi quẹo vào nhà anh Thống bằng một con hẻm khác. Tôi khá thân tình với anh nên hỏi anh quen biết thế nào với Phương Hòa. Anh bảo hai ông bà già là bạn thân thiết kết nghĩa huynh đệ tự ngày xưa, nên đám con xem nhau như anh em ruột thịt trong nhà. Tôi thực thà trình bày tự sự, và hỏi anh có tấm hình nào của Phương Hòa. Anh Thống đi lấy tập Album gia đình và chỉ cho tôi mấy tấm hình của Phương Hòa. Anh còn cho tôi được quyền tuyển chọn. Dĩ nhiên tôi chọn tấm chân dung đẹp nhất, và hứa ngày mai sẽ mang trả lại, mặc dù anh bảo “toa cứ giữ luôn cũng được!”

Cường trố mắt ngạc nhiên khi tôi đến tìm và chìa ra tấm hình của Phương Hòa. Tôi lên mặt ra lệnh cho Cường “mày chỉ có đúng hai tiếng đồng hồ để làm bùa phép gì đó mà thôi!” Chàng ta ríu rít tuân lệnh, bảo tôi chở ra tiệm ảnh Mai Ngôn trên đường Phan Bội Châu, năn nỉ ông chủ sang gấp ra ba tấm cỡ lớn, và sẵn sàng trả tiền phụ trội. Ông chủ mỉm cười, hiểu ý, bảo đúng hai giờ nữa ghé lại lấy. Cường rủ tôi ra Hưng Hoa thưởng công hai cái paté chaud và một ly sữa đậu nành, ngồi đấu láo để chờ đợi. Thời ấy tôi được ông chú giao cho một chiếc Lambretta mới toanh để chở bà thím đi đòi nợ, và giao dịch các nhà thầu, nên tôi thường lợi dụng “công vụ”, xách xe xuống đón Cường đi chơi. Sau đó, không biết Cường đã nhờ tay họa sĩ nào vẽ lại tấm hình của Phương Hòa rất đẹp, mang tới lớp tặng nàng. Phương Hòa trố mắt ngạc nhiên, tra hỏi tấm ảnh này ở đâu ra, Cường gãi đầu cười:
– Đêm nào cũng nằm mơ thấy Phương nên nửa đêm thức dậy vẽ thôi mà!
Phương Hòa nhìn vào mắt Cường với một chút cảm động và nở nụ cười.
Khi hai đứa ra ngoài, tôi đập vai Cường:
– Không ngờ mày cũng có tài tán gái, chắc mày học ông già?

Phương Hòa từ quê vào trọ học ở nhà Phương Huế. Một ngày Chủ nhật, Cường rủ tôi ghé lại thăm. Bọn tôi đến bất ngờ, bước vào cửa thì gặp ngay ông bà già của Phương Huế. Nhìn thấy bọn tôi, hai nàng xanh mặt. Cường lóng ngóng, ấp úng không ra lời. Nhờ không có tình ý gì, nên tôi bình tĩnh, bảo đến mượn bài tập, vì hai đứa bị bệnh, vắng mặt ngày hôm qua. Hai nàng biết ngay là tôi nói dối, nhưng cũng ríu rít đi lấy sách vở. Ông bà già tưởng bọn tôi hiếu học quá, nên vui vẻ rút lui để bọn tôi nói chuyện. Mà thực ra cũng có biết chuyện gì để mà nói! Chỉ vờ hỏi một vài câu không đâu vào đâu, rồi tôi kéo tay Cường đi, không dám ở lâu, sợ lộ tẩy. Vậy mà sau cái lần “đột nhập gia cư bất hợp pháp” này, bọn tôi và hai cô bạn tên Phương lại thân tình nhau hơn.

Cường nắn nót viết thư nhờ tôi thêm mắm muối, nhưng rồi “lá thư cứ còn hoài trong vở giữa giờ chơi mang đến lại mang về”. Cuối cùng phải cầu cứu tôi, vờ mượn sách của Phương Hòa rồi bỏ cái thư của Cường vào. Tôi nghĩ tối hôm ấy cả hai cô nàng đọc thư Cường mà tha hồ cười khúc khích. Không biết là Phương Hòa có tình ý gì, hay chỉ có chút cảm tình với Cường như một người bạn nhỏ. Vì thời ấy, dù học cùng lớp, nhưng các cô đều như lớn trước tuổi, và nhiều cô đã lấy chồng. Ngay trong lớp tôi cũng có cả hai cặp vợ chồng.
Không hiểu có thể gọi đó là cuộc tình đầu đời của Cường hay không, nhưng rồi cũng sớm kết thúc sau khi bọn tôi thi xong Trung Học Đệ Nhất Cấp. Cường có rủ tôi ra quê tìm Phương Hòa mấy lần nhưng không gặp. Bà cụ của Phương bảo nàng đi chơi trên Đà Lạt với bạn bè, nhưng không biết ở đâu. Giá mà biết thì chắc chắn tôi cũng đã có dịp đi Đà Lạt với Cường.

Sau Hè, mỗi người một ngả. Tôi vào Võ Tánh, Cường vào Bá Ninh, còn hai cô Phương không biết đi đâu. Đùng một cái, nghe tin Phương Hòa lấy chồng. Cường buồn đứt ruột, và dường như đó là lần đầu tiên trong đời, Cường biết tương tư!
Dù học khác trường nhưng bọn tôi vẫn thường xuyên gặp nhau ở nhà Cường như lúc trước.Vào thời điểm này, ông bà già Cường mới mua được khu nhà số 5 Lê Lợi, chung một hàng rào dâm bụt với nhà bác sĩ Nguyễn Gia Quýnh. Bọn tôi thường được bà Quýnh gọi sang đánh bóng bàn với bà ở sau vườn. Bà rất đẹp, quí phái, tốt bụng và vui vẻ. Nhiều lúc hai thằng cứ mải lo nhìn bà mà không thấy quả banh đang ở đâu!.

Rồi nhờ cao ráo đẹp trai, và cũng có thể nhờ mai mối của cô em gái, nên không lâu sau đó Cường quen biết thêm vài cô bạn nữa. Cô nào cũng xinh đẹp. Nói tên các cô nàng này thì trong đám học trò chắc ai cũng biết. Dù vậy hình ảnh của Phương Hòa vẫn còn trên vách, trên các tập bìa sách của Cường và chắc chắn là vẫn còn rất đậm nét trong trái tim Cường.

(Văn Cường 2011)

Bọn tôi nhập ngũ khi chiến trường miền Nam bắt đầu sôi động. Tôi ra Bộ Binh đánh đấm ở khắp Vùng 2, Cường vào lính sau và được chọn vào Nhảy Dù, nên đi khắp bốn Vùng Chiến Thuật. Thỉnh thoảng hai đứa mới có dịp liên lạc được, hẹn một lần gặp lại ở Nha Trang.

Nhưng rồi cuộc chiến càng lúc càng khốc liệt, chúng tôi không còn cơ hội để rời khỏi chiến trường. Mãi đến ngày 20.4.75, khi tôi lái xe xuống Bến Bạch Đằng để đón một số quân nhân của đơn vị di tản, thất lạc từ miền Trung, được tàu Hải Quân chở về đây, bất ngờ gặp Cường trong một quán ăn, đang ngồi với vợ. Đây là lần đầu tiên tôi biết bà xã của Cường, mặc dù tôi đã gởi quà mừng đám cưới hơn hai năm trước đó. Vợ chồng khoe với tôi đã có đứa con gái đầu lòng ba tháng tuổi, đang gởi cho bà ngoại. Uống với Cường một ly bia, tôi phải vội vã chia tay, trở về đơn vị đang hành quân ở Cần Giuộc, Long An. Trong cảnh dầu sôi lửa bỏng này, tôi bắt tay và ôm lấy Cường mà lòng dạ thật bùi ngùi, thầm nghĩ sau này không biết có còn gặp lại.

Lúc tiễn tôi ra xe, Cường ôm vai tôi hỏi:
– Mày biết tao đặt tên con bé con tao là gì không?
Tôi ngần ngừ chưa kịp trả lời thì Cường cười:
– Mỵ Cơ.
Tôi biết đó cũng là tên của một người con gái đẹp, nhưng hỏi Cường:
– Tao cứ tưởng mày đặt tên cháu là Phương Hòa chứ?
Cường cười to và siết tay tôi thật chặt.

Sau ngày 30.4.75, nỗi bất hạnh của đất nước đã kéo bọn tôi theo với bao cuộc trầm luân. Bạn bè kẻ tù tội người ra đi, tản mát khắp bốn phương trời.. Nhớ tới lần bất ngờ gặp nhau ở Bến Bạch Đằng, tôi lại hy vọng là vợ chồng Cường đã tìm đường ra đi, không phải tù tội như tôi.

Mùa hè 1984, chỉ vài tháng ra tù, tôi cùng vợ con vượt biển. Được tàu Na Uy vớt trước khi một cơn bão lớn ập tới, nên gia đình tôi đến định cư ở một nước tận Bắc Âu xa xôi. Một xứ thiên đường nhưng đầy băng giá và quanh năm tĩnh mịch.

Hai năm sau, trong một buổi tiệc Giáng Sinh, tôi có dịp quen biết vợ chồng một anh chị bạn, lớn tuổi hơn tôi. Khi nghe anh chống giới thiệu chị vợ tên là Nga, có họ là Văn, và bảo là khi vào quốc tịch NaUy, sở dân số thắc mắc bảo Văn là tên lót của đàn ông Việt Nam chứ sao lại là họ. Nghe họ Văn tôi bỗng nghĩ ngay đến Cường, bởi những người mang cái họ này không nhiều lắm. Tôi hỏi chị:
– Chị Nga họ Văn, vậy chị có biết bác Văn Thưởng ở Nha Trang?
– Ô, đó là ông chú ruột của tôi mà. Ba tôi thứ hai, còn chú ấy thứ năm.
Rồi chị ngạc nhiên, hỏi lại tôi:
– Mà sao anh biết chú Thưởng?
Tôi cười:
– Em là bạn thân của Văn Cường và biết gần như cả nhà bác Thưởng.

Chị Nga trố mắt khi nghe tôi kể từng người trong nhà Cường, và kể cả việc anh Nguyễn Mộng Giác cũng từng vào Nha Trang học và ở trọ nhà Cường. Anh Nguyễn Mộng Giác là anh, em cô cậu với Cường và chị Nga.
Chị cho biết Cường vừa sang Mỹ theo diện HO, và đang ở gần chị Như Khuê, rồi mở điện thoại gọi ngay. Tôi nói chuyện với chị Khuê và chị cho tôi số điện thoại của Cường.

Tối hôm đó, Cường và tôi tâm tình hơn hai tiếng đồng hồ. Cô vợ mà tôi gặp trong quán ăn với Cường ở bến Bạch Đằng vài ngày trước 30.4.75, đã lẵng lặng dắt đứa con gái ra đi, khi Cường vừa mới ra tù trong cảnh khốn cùng. Và từ ngày ấy không còn liên lạc với Cường. Cháu Mỵ Cơ giờ đã hơn 20 tuổi, nhưng Cường chưa hề gặp lại. Chỉ có XuânThùy, cô em gái của Cường liên lạc với cháu đôi lần, nhưng đã bặt tin từ lâu lắm.

Những ngày ra tù và khốn khó, Cường tập tành đi buôn bán với đám bạn học ngày xưa, thỉnh thoảng đến Bưu Điện nhận quà của bà chị và cô em từ Mỹ gởi về, lúc ấy chưa gởi được tiền nên chỉ là các thùng thuốc Tây và một ít vải vóc. Và tại Bưu Điện, Cường có cơ hội quen biết một phụ nữ trẻ làm việc ở đây. Cô ta đã ly dị chồng và có một cô con gái. Hai người làm đám cưới khi Cường có danh sách sang Mỹ theo diện HO. Cuộc hôn nhân chắp nối lần này cho Cường một thằng con trai.

Nhưng rồi sóng gió bất ngờ ấp xuống. Cuộc hôn nhân lại gãy đổ trong đau đớn mà tác nhân lại là cô con gái riêng của vợ, muốn hãm hại Cường nên đã dàn cảnh để truy tố Cường . Ra tòa, Cường không hề có lỗi. Vợ chồng chia tay, đường ai nấy đi. Cường nhường ngôi nhà cho vợ và cậu con trai, dọn ra, share phòng một người đồng hương và cũng là đồng nghiệp, làm chung sở với Cường.

Mùa hè 2011, theo lời hẹn, từ Bắc Âu tôi sang gặp Cường ở San Jose khi Cường về đây tham dự cuộc họp mặt Nhảy Dù. Chúng tôi có hơn một tuần bên nhau, rong chơi, đùa giỡn, tâm tình. Thỉnh thoảng có cả Xuân Thùy, cô em gái gần gũi và thân thiết nhất của Cường, từ Sacramento xuống. Trải qua nhiều thăng trầm, mất mát, Cường có gầy và già đi, nhưng vẫn còn ít nhiều phong độ. Cường nhắc tới Phương Hòa và bất ngờ cho tôi xem hình ảnh của Phương Hòa trên mặt chiếc điện thoại của Cường. Tấm ảnh ngày xưa, tôi mượn của anh Cao Minh Thống đưa cho Cường sao lại ở tiệm Mai Ngôn. Tôi ngạc nhiên, không ngờ thời gian đã quá lâu và trải qua quá nhiều sóng gió trong đời mà Cường vẫn còn nhớ tới cô bạn học xinh đẹp ngày xưa.
***
Một hôm, rất tình cờ tôi gặp lại Phương Hòa. Qua một người bạn thân, Phương Hòa biết tôi đang ở Cali, nên nhờ đưa đến thăm tôi. Tuổi đã lớn, nhưng Phương Hòa là một người đàn bà vẫn còn mặn mà nhan sắc, tính tình vui vẻ, yêu đời và gần gũi, dễ mến. Phương Hòa kể cuộc đời mình khá lao đao với một cuộc hôn nhân sai lầm, không hạnh phúc. Có lẽ hồng nhan thì thường bị đa truân. Bây giờ Phương Hòa sống một mình. Định cư ở Mỹ khá lâu và kinh doanh khá thành công, nhưng từ hai năm nay Phương Hòa về sống ở Nha Trang, chỉ thỉnh thoảng trở lại Mỹ thăm con cháu. Bọn tôi ngồi kể chuyện xưa, Phương Hòa tỏ ra luyến tiếc một thời son trẻ, nhất là lúc cắp sách đến trường. Tôi cười, nhại một câu ca cũ“Ai bảo lấy chồng sớm làm gì cho lời ru thêm buồn!” Phương Hòa cười rất tươi, nhưng vội nhìn lên trần nhà, long lanh đôi mắt. Phương Hòa cũng cho biết cô bạn Phương Huế vẫn sống cùng chồng con ở Ninh Hòa, và “hai cô Phương ngày xưa” vẫn thường gặp nhau ở đó. Chồng Phương Huế vốn là một giáo sư dạy Anh Văn ở trường Lê Quí Đôn, “phải lòng” khi Phương Huế còn là cô học trò đệ nhị.

Tôi nhắc lại những ngày Cường si tình rồi tương tư, khi nghe tin Phương Hòa đi lấy chồng, và kể cho Phương Hòa nghe về những phong ba, bất hạnh trong cả cuộc đời Cường. Sau một thoáng bùi ngùi, Phương Hòa nhắc tới chuyện tấm ảnh ngày xưa, hỏi tôi ở đâu mà có. Tôi khai thật là đã mượn của anh Cao MinhThống để cho Cường sao, vẽ lại. Tôi còn nói thêm, tấm ảnh ấy của Phương Hòa, lúc nào Cường cũng mang theo, và bây giờ đang nằm trên mặt chiếc điện thoại của Cường. Phương Hòa cảm động, bảo tôi gọi Cường để hai người nói chuyện.

Qua lời tâm tình, tôi biết Cường rất xúc động khi gặp lại Phương Hòa (dù chỉ qua Facetime) và được nghe Phương Hòa nói những lời thân ái. Tôi nghĩ hình bóng của Phương Hòa, một cô bạn cùng lớp đệ tứ ngày xưa, đang thức dậy mãnh liệt trong lòng Cường. Tôi hình dung tới những ngày đi học, khi bọn tôi vẫn còn là những thằng con trai mới lớn, tập tễnh chuyện yêu đương. Tôi nhớ tới tấm hình của Phương Hòa với mái tóc thề, khuôn mặt thơ ngây xinh đẹp như một thiên thần mà tôi đã mượn của anh Thống để cho Cường dùng “làm bằng cớ yêu thương”.

Đầu tháng 6/2016, theo lời hẹn, Cường về lại Việt Nam thăm Phương. Hai người bạn học ngày xưa, giờ tóc ai cũng bạc Họ dành nhiều thời gian cho nhau. Cùng đi thăm lại ngôi trường xưa, những con đường kỷ niệm cũ. Không biết những dấu tích ngày xưa có lấp được phần nào khoảng trống từ những bất hạnh của cuộc đời họ?

Sau hai tuần, Cường trở về lại Mỹ. Đi làm được vài hôm, thấy trong người mỏi mệt, Cường đến gặp bác sĩ gia đình và được đưa vào bệnh viện, phát hiện có dấu hiệu ung thư.
Tôi đang nghỉ hè ở Tây Ban Nha thì nhận hung tin này. Nói chuyện mấy lần với Cường qua điện thoại. Nghe Cường nhắc tới những ngày ở Nha Trang với Phương Hòa, cười vui và hy vọng bệnh tình sẽ sớm được chữa trị, tôi mừng. Nhưng chỉ hơn hai tuần sau đó, tôi ngỡ ngàng khi nhận được tin nhắn của Xuân Thùy:“Tình hình anh Cường tệ lắm rồi, ung thư lá lách đã lan ra gan, chắc không có gì cứu vãn được. Bác sĩ cho biết thời gian không còn nhiều nữa. Cả nhà đang giấu, không cho anh Cường biết sớm. Anh Cường quí anh lắm, nhắc anh luôn nên anh nhớ thường gọi sang thăm, an ủi anh Cường nghe!”

Cô em gái thân thiết nhất của Cường đã từ Sacramento (CA) lên tận Easton (PA) chăm sóc, ở bên cạnh an ủi anh mình.

(Văn Xuân Thùy 19-8-2016)

Điều bất ngờ và như một phép mầu, mò mẫm trên Facebook mấy ngày liền, Xuân Thùy liên lạc được với cháu Mỵ Cơ, cô con gái lớn mà trên 50 năm rồi Cường chưa bao giờ gặp lại, giờ đã là một bác sĩ trung niên. Cô Thùy tâm tình, báo tình trạng của Cường, và khuyên cháu nên nói với ba nó một đôi lời trìu mến. Trước giờ phút lâm chung, Cường vẫn còn tỉnh táo để được nghe cô con gái đầu lòng gọi tiếng “Daddy” và cả hai cha con cùng khóc. Không biết đó là những giọt nước mắt hạnh phúc hay xót xa, mà Thượng Đế đã dành cho con người, khi đã trải qua bao chia lìa, tang thương dâu bể? Và chỉ mấy giây sau đó, Cường ngả đầu sang một bên, lặng lẽ ra đi, để lại trên gò má hai dòng nước mắt.

Hiểu được anh mình, nên hôm ấy Xuân Thùy đã tìm những bộ quân phục và mấy chiếc nón sắt, nón đỏ Nhảy Dù mặc vào cho tất cả mọi người trong gia đình, tạo niềm vui cuối cùng cho Cường, một người lính Nhảy Dù bất hạnh, nhưng luôn hãnh diện, hết lòng với binh chủng và đồng đội của mình.

Tôi phân vân mãi chưa dám gọi về Nha Trang báo tin buồn này cho Phương Hòa. Liệu Phương Hòa có còn “dư nước mắt để khóc người ngày xưa”, khi cuộc hôn nhân của chính Phương Hòa vẫn còn để lại nhiều vết thương đau đớn trong lòng mình?
***
Văn Cường ơi, thằng bạn thân thiết nhất của tao cả một thời đi học! Tới tuổi bọn mình thì ai cũng đã đến lúc sẽ phải lần lượt rời khỏi thế gian vô thường đầy đớn đau phiền muộn này. Bọn mình vốn là những thằng lính chiến, lăn lóc trên khắp chiến trường rồi bất ngờ phải buông súng, bị tù đày khổ ải, mà sống được tới hôm nay cũng đã là may mắn lắm. Mày đi trước một bước. Tao buồn vì từ nay trong đám bạn bè thân thiết sẽ thiếu vắng mày, nhưng tao cũng mừng cho mày, hy vọng là trước lúc ra đi, mày cũng đã tìm lại những gì mất mát mà mày từng tha thiết, cho dù không toàn vẹn. Mà trên đời này có cái gì là toàn vẹn đâu, hả Cường? Hãy yên nghỉ nghe Cường!
Hẹn gặp lại mày.

Phạm Tín An Ninh
(Alicante – Spain 23.8.2016)


Thứ Sáu, 5 tháng 5, 2023

Như Lời Kinh - Nhạc Thiện-Bản - Hợp Ca Hoài Hương


Nhạc: Thiện-Bản 
Hợp Ca: Hoài Hương

Đà Nẵng Chiều Thu

  

Đà Nẵng, chiều Thu đếm lá bay
Sương Thu lành lạnh, dáng vai gầy.
Nhớ em... anh thường muốn khóc
Đầy trang Nhật ký em có hay

Quán cốc chiều xưa nắng ngập đường,
Đôi ta thủ thỉ chuyện yêu đương..
Gió buồn nhí nhảnh, nay còn đó,
Anh lại lang thang, khắp phố phường.

Chợ Cồn nay vẫn thấy như xưa
Ngang qua phố chợ, nhớ hương thừa.
Đâu đây..tiếng em còn văng vẳng..
Dáo dác nhìn quanh, họ bán mua.

Sông Hàn thuở ấy vẫn màu xanh,
Trăng bóng Thu xưa ngậm nửa vành.
Ôi, dáng con đò buồn ray rức,
Tơ trời thương nhớ, mắt long lanh.

Phố xưa còn đó, em ở đâu!
Tây-hồ trường cũ, lệ ứa sầu.
Anh đi, đi mãi..buồn rơi rụng,
Mỏi mòn thương nhớ, Em hỡi về đâu..

Tô Đình Đài

Cáo Chung



Mỗi bước đường xa mỗi bước xa
Quê hương ngàn dặm biết đâu nhà
Thê lương che kín đời ly tán
Nước mắt ngược dòng mẹ khóc cha

Mỗi bước đường xa ra biển khơi
Ngân Hà chia cách biệt đôi nơi
Nung người nắng hạ sao mà lạnh
Dõi mắt chân mây hận ngút trời

Mỗi bước đường xa vội nhớ nhung
Rưng rưng mắt lệ phút tương phùng
Cố hương rồi sẽ vinh quang đến
Hùm cáo đời đời đã cáo chung

Kim Phượng

Lòng Đau Canh Cánh - Vẫn Vẹn Lòng Son

 

Bài Họa:

Vẫn Vẹn Lòng Son

Quê hương từ độ vơi đầy
Lòng bâng khuâng nhớ những ngày yêu thương.
Đã đành lối mộng ngàn phương
Cánh chim muôn dặm còn hương nẽo về.
Đã đành thôi, Chuyện não nề
Nỗi lòng cát bụi còn tê tủi hờn.
Đá mòn, nhưng dạ chẳng mòn,
Ngàn năm vẫn vẹn lòng son đất trời..


Florida, 29/4/2023.
Mặc Phương Tử

Biển Của Người Vượt Biển

 

Biển đẹp hay xấu, biển vui hay buồn,
Biển kỷ niệm của mỗi người mỗi khác,
Dù biển nào cũng màu xanh cát trắng,
Dù biển nào cũng vô tận bao la..

Biển của người Việt Nam tìm tự do,
Là bao gian nan là bao ác mộng,
Từ con sông nhỏ, dòng sông nước ngọt,
Đưa người ra biển, biển mặn mù khơi..

Giã từ cửa biển nước lợ đôi nơi
Sông và biển đã gặp nhau hòa hợp,
Tàu đi âm thầm không người đưa tiễn,
Biển đã xa sông, người đã xa nhà....
 
Biển của người vượt biển không là thơ,
Ngày và đêm cuộc hành trình mạo hiểm,
Mây trời xanh cũng làm người nghi vấn,
Ánh sao khuya soi muôn dặm hãi hùng.

Giữa biển trời chiếc tàu nhỏ lênh đênh,
Sóng gió yên người chưa yên lo sợ,
Bọn hải tặc hại người và cướp của,
Bao oan hồn vất vưởng ở biển Đông.

Giữa biển trời cuộc hành trình cô đơn,
Một chiếc tàu và bao nhiêu sinh mạng,
Họ trôi theo tiếng thét gào của biển,
Tiếng họ thét gào biển có nghe không?

Biển của người vượt biển là tử thần,
Từng ngọn sóng cũng có mầm ác độc,
Từng ngọn gió cũng trở thành tàn nhẫn,
Tàu chòng chành chìm khuất giữa biển khơi.

Biển của người vượt biển là cuộc chơi,
Không ai biết được điều lành điều dữ,
Tàu khát vọng vượt qua từng hải lý,
Bến bờ vui ai sẽ đến ai không?

Bao nhiêu năm nữa biển vẫn màu xanh,
Đẹp cho đời thường cho người thơ mộng,
Bao nhiêu năm nữa biển còn dậy sóng,
Trong lòng những người vượt biển năm xưa.

  Nguyễn Thị Thanh Dương.
    ( Tháng Tư- 2015)
 

Bài Thơ Hồ Trường ( Nguyễn Bá Trác) - Nỗi Uất Hận Lưu Vong (Nguyễn Thị Mắt Nâu) - The Poem " Hồ Trường( Long-Drinking Wine Container)" - By Nguyễn Bá Trác ( Hương Cau Cao Tân Dịch)


Bài Thơ Hồ Trường ( Nguyễn Bá Trác)

Nỗi Uất Hận Lưu Vong(Nguyễn thị Mắt Nâu)


Sức mạnh thơ văn thật diệu kỳ

Hào khí trong như ngọc lưu ly 

Mênh mang khí phách người thi sĩ 

Lướt  gió tung mây chẳng sợ gì.


     Và quả là như thế. Sức mạnh của thơ văn thật kỳ diệu. Ví như bài Hịch Tướng của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, đã nung nấu ý chí ba quân tướng sĩ, quyết đánh đuổi quân Nguyên. 

     Hay là bài "Nam Quốc Sơn Hà" của Lý Thường Kiệt, đã cổ võ tinh thần binh sĩ trên dòng sông Như Nguyệt, đã đánh lui quân Tống, lấy lại non sông "Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư/ Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư", hịch này được coi như bản tuyên bố độc lập của nước VN.  

     Hay như áng thi văn của Hàn Thuyên dưới thời Trần Nhân Tông năm 1282 cũng vậy, làm bài văn tế vứt xuống dòng sông, đuổi con ngạc ngư đi mất 


Thơ văn trác tuyệt, khí thế hào hùng 

Sơn hà mệnh nuớc ấy của chung 

Gặp khi quốc biến cùng gìn giữ 

Bảo vệ giang sơn thỏa tấc lòng


     Người ta bảo sức mạnh của ngòi bút có khi hơn cả một đoàn quân dũng mãnh "Chỉ ngang ngọn giáo vào ngàn hang beo". 

    Hay là uy thế của "Thề vung gươm tiến ra sa trường"... 

    Những áng thơ đã từng làm nức lòng kẻ hào kiệt. Cái điều này được thốt ra từ miệng kẻ thất phu, thì người ta bảo đó là NGÔNG. Nhưng người xưa có câu "Quốc gia hưng vong/ Thất phu hữu trách" Có nghĩa là ai ai cũng phải có trách nhiệm khi đất nước lâm nguy. 

     Trong hội nghị Diên Hồng âm thanh dõng dạc hô lên "Toàn dân nghe chăng sơn hà nguy biến/ Hận thù đằng đằng nên hòa hay chiến!!?   Và các bô lão  đồng loạt hô to trong Hội nghị Diên Hồng "Quyết Chiến". Đó là khí thế dũng mãnh và lòng yêu nước dâng cao trong lòng cả sĩ phu lẫn thất phu 

     Trong các tuồng tích cổ, hình ảnh tráng sĩ kiêu hùng lặng lẽ mài gươm dưới trăng, hay vung gươm hào sảng thốt lên mà rằng Anh hùng tử khí hùng nào tử  - Là hình ảnh tráng sĩ hiên ngang, uỡn ngực, biểu lộ ý chí không bao giờ chịu khuất phục dù đứng trước lằn tên mũi đạn và cả trước cái chết. Xem cái chết tựa nhẹ lông hồng 

"Gieo thái sơn nhẹ tựa hồng mao/ Giã nhà đeo bức chiến bào/ Thét roi Cầu vị ào ào gió thu"

     Than ôi thế sự đổi dời. Ngày nay có phải vì đời sống của thế kỷ hiện đại có quá nhiều phương tiện và tiện nghi hưởng thụ, mà chí khí đã hao mòn, hay vì quen hưởng thụ, mà đôi khi chỉ cần một miếng đỉnh chung, hoặc chỉ là lời phủ dụ lợi danh, dù chỉ là danh tiếng hão huyền, cũng đủ làm ý chí nam nhi thời văn minh nghiêng ngả, vong quốc, vong thân, vong bản, và dễ dàng gục ngã trước những hứa hẹn vinh hoa hư ảo. - Lòng người lắm trớ trêu: Đói thì thèm ăn. No thì thèm danh.

 

 Tiện nghi vật chất với bạc tiền 

Lòng người xoay chuyển hóa đảo điên 

Vinh hoa phủ dụ người tham tiếng 

Mờ cả lương tri trước bạc tiền 

Một miếng đỉnh chung là quay quắt 

Khuất phục ươn hèn trước tổ tiên 

Quên cả giang sơn, quên nòi giống 

Mờ cả lương tri sống ươn hèn 


    Vậy thì, Ai bảo là ngông thì cứ bảo. Nhưng bài thơ Hồ Trường, một thi phẩm nổi tiếng của danh sĩ Nguyễn Bá Trác, được sáng tác vào đầu thập niên 20. Là bài thơ tác giả đã mượn rượu, để ngất ngưởng nói lên tâm sự uất hận của chính mình và của nhiều người khác cùng có chung tâm trạng và hoàn cảnh 

     Bài thơ ra đời lúc tác giả lưu lạc ở Trung Hoa, đang đi tìm ý hướng cứu nước, lại vừa khi đứng trước hoàn cảnh trớ trêu giữa bản thân và đất nước. Đúng lúc như thế, người chí sĩ đã bắt gặp bài Nam Phương ca khúc, sao mà phù hợp với hoàn cảnh và tâm trạng bi thương đến vậy....mà thành ra ý thơ 

 

** Bài thơ Hồ Trường và Nam Phương ca khúc, cho đến nay, đã có ít nhất năm bản in, các bản in không giống nhau. Nhưng vẫn giữ được hào khí trong thơ.

    Và người ta bảo bài thơ Hồ Trường nổi tiếng này, được lưu truyền tính tới nay đã trên 88 năm. Để trong những buổi hội họp, nhiều hội đoàn đã đem ra diễn ngâm, khiến nhiều người Việt tị nạn xúc động buồn đau xé ruột. Thậm chí còn có người phẫn kích, la hét và vớ lấy cây gậy của người già, vờ giả làm gươm và ngông nghênh quay cuồng như tráng sĩ nước Yên sắp lên yên ngựa đi thích khách vua Tần.


Uất hận lưu vong nổi sóng cuồng 

Của người kiếm khách ở bốn phương 

Ngông nghênh khí phách anh hùng tử 

Thịnh nộ uy hùng vọng cố hương 


      Người ta bảo NGÔNG là một phong thái quyến rũ trong cuộc sống, và nhất là trong văn học. Nó khẳng định cá tính sắc sảo, độc đáo, qua phong thái ngông cuồng mang tính kiêu hùng bất chấp. 

       Nguyễn Bỉnh Khiêm là Trạng, vẫn muốn mình ngông hơn nữa, để tự nhận biết mình là ngông mà cười sảng khoái lên rằng "Lão ngông tự tiếu thái sơ cuồng", nghĩa là "Tuổi già, tự cười mình cuồng ngông". Hoặc trong câu: "Bàng nhân mạc tiếu cuồng si khách",nghĩa là: "Người bên cạnh chớ cười khách cuồng si" - Ngông chính là thái độ bất mãn của kẻ có tài không được thu dụng và sử dụng.

    Tâm lý Ngông, là muốn vượt thực tế, để thỏa mãn một nhu cầu giải thoát - Nguyễn Công Trứ cũng ngông nghênh. Một chút rượu vào, là phẫn chí để từ hàng đại tướng xuống làm ông lính trơn. Ông ngang tàng đem ví cái đít con bò cái, với cái miệng của thế gian qua câu thơ "Xuống ngựa lên xe lọ tưởng nhàn/ Lợm mùi giáng tước với thăng quan/ Điền viên đạp đít con bò cái/ Sẵn tấm mo cày bưng miệng thế gian"

      Trong văn học cận đại, người ngông nhất có lẽ vẫn là ông Tản Đà. Khi rượu vào, ông đã biến cái ngông của ông thành phong cách văn chương "Thơ lưng chất nặng tay buồn rỗi/ Bán áo mà mua giấy viết cuồng" - Tản Đà còn nổi giận khi bị người đời khinh khi,  ông ngông nghênh đến độ viết thư đi hỏi con gái của Ngọc Hoàng làm vợ, đến nỗi Trời sai Nam Tào xuống điều tra xem xem lý lịch hư thực thế nào : "Nam tào tra sổ xét vừa xong/ Sổ đệ trình lên Thượng đế trông/ Bẩm, quả có tên Nguyễn Khắc Hiếu/ Đày xuống hạ giới vì tội Ngông" -Rồi ông ngang nhiên tung tăng đem rao bán hết Giấc Mộng Lớn, đến Giấc Mộng Con.

     Ông Tú Xương thì ngông kiểu khác, thế này mới khiếp chứ "Lúc túng toan lên bán cả trời/ Trời cuời thằng bé nó hay chơi

     Còn cái ngông của bài thơ Hồ Trường đuợc thể hiện trong hình tượng, trong thân thế sự nghiệp của tác giả và trong cả điệu thơ. Nó ngông cuồng như hình ảnh của một Lý Bạch, ngất nga ngất ngưởng nhảy ùm xuống nuớc ôm trăng chết đuối. Cũng như Lưu Linh, đã say khướt say nhè, lột bỏ cả quần áo, trần truồng mà la toáng lên rằng "Trời đất là nhà/ Nhà là quần áo/ Sao các người chui hết vào quần áo của ta

*   Và tác giả của bài thơ Hồ Trường là ai? 

     - Là Nguyễn Bá Trác, bút hiệu Tiêu Đẩu, sinh năm Tân tỵ 1881, làng Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (cùng quê với nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn). Miền đất nhiều tự hào vì mang lại niềm tự hào cho quê hương, phát sinh nhiều tài hoa văn học. Thuở nhỏ Bá Trác học ở Quảng Nam.

 

Cái đất Quảng Nam lắm người tài 

Người tài nhưng cũng khổ trần ai 

Mênh mang xứ khổ sinh hào kiệt 

Địa linh nhân kiệt lắm nhân tài 


     Năm 1906, Bá Trác thi đỗ cử nhân, khoa Bính Ngọ ở Huế. Hưởng ứng lời kêu gọi của các nhà ái quốc trong phong trào Đông Du. Ông ra Hà Nội học tiếng Pháp. Và năm 1908, ông sang Nhật du học. Nhưng cũng năm ấy dưới sức ép của Pháp, chính phủ Nhật giải tán phong trào Đông Du. Ông phải sang TQ, rồi trở về Hà Nội VN. 

     Năm 1914, làm ở phòng báo chí, phủ toàn quyền Đông Dương, và làm chủ bút phần Hán văn, cho tờ Cộng Thị cho đến năm 1916. Ông đã từng theo cụ Phan Bội Châu, cụ Phan Chu Trinh và Kỳ ngoại hầu Cường Để chống Pháp.

      Ngày 10/7/1907, Pháp Nhật ký hiệp ước thương mại. Nhật vay 300 triệu quan Pháp, để có nhiều quyền lợi khác, và trục xuất các thanh niên Việt Nam đi theo phong tào Đông Du buộc phải về nước.  Rồi cũng ngay năm ấy, chính phủ Nhật giải tán phong trào Đông Du 

      Biết ông có tài, năm 1916 Pháp cho ông làm nhà biên khảo ở phòng báo chí Phủ Toàn Quyền Đông Dương. Với mục đích kêu gọi thanh niên trí thức Việt Nam hợp tác với Pháp.

 

Phủ dụ thanh niên chống quốc gia 

Lênh đênh hải ngoại sống xa nhà 

Long đong hết Nhật rồi Trung Quốc 

Trở về Hà Nội với xót xa 

Chống Pháp Đông Du quay cuồng mãi 

Trí thức Việt Nam nhiều bôn ba.  


      Năm 1917, dưới sự bảo trợ của trùm mật thám đông dương Louis Marty. Phạm Quỳnh sáng lập tờ Nam Phong tạp chí, Nguyễn Bá Trác đảm nhận làm chủ bút phần Hán Văn. 

      Sau khi thôi việc ở báo Nam Phong, ông vào Huế làm Tá Lý Bộ Học, qua các chức vụ: Tuần Vũ Quảng Ngãi, Thị Lang Bộ Binh, Tổng Đốc Thanh Hóa, Tổng đốc Bình Định 

     Tháng 8/1945, thì Việt Minh  nắm chính quyền, đem ra xử bắn công khai ở Quy Nhơn, Bình Định 

     Ngoài nhiều bài viết trên tờ Nam Phong tạp chí từ 1917 đến 1932. Nguyễn Bá Trác biên soạn khá nhiều tác phẩm như: 


-1/ Cổ Học Viện Thư Tịch, gồm 11 quyển, soạn cùng Nguyễn Tiên Khiêm. 

-2/ Hoàng Việt Giáp niên biểu (1925).  

-3/ Bàn về học thuật nước Tầu 1918. 

-4 /Hạn Mạn Du Ký 1920 và 1921. Đông Kinh Ấn Quán, Hà Nội in lại. 

-5/ Bàn về Hán học 1920.  

-6/ Hương Giang mộng 1920. 

-7/ Ngã An Nam Dân tộc Nam Tiến Chí 1921. 

-8/ Mấy lời chung cáo của các nhà nho 1921. 

-9/ Nguyễn Bá Học Tiên Sinh Chi Lược Sử Cập Kỳ Di Ngôn (1921). 

-10/ Du Thanh Hoà ký (1921).  

-11/ Hán học Văn học Khảo lược (1932) 


   - Tuy ông biên soạn nhiều như vậy, nhưng tuyển tập được nhiều người biết tới là Hạn Mạn Du Ký (Đi chơi phiếm). Một thiên ký sự bằng chữ Hán gồm 14 chương, về sau ông dịch sang Việt văn rồi cho đăng trên báo Nam Phong tạp chí từ số 38 đến số 43 vào năm 1920.  

* Bài thơ Hồ Trường đã đăng trên Nam Phong Tạp Chí năm 1920. Một bài thơ mà trước đây những thanh thiếu niên có lòng yêu nước, đã ngâm diễn để chia sẻ nỗi lòng sầu hận về thế thái nhân tình, về tình thế nhiễu nhương trong thời lòng dân xôn xao với hiện tình đất nuớc. 

     Ngày xưa Quốc gia lâm nguy, thất phu hữu trách. Ngày nay Quốc gia lâm nguy, sĩ phu dường như còn đâu đó còn lơ mơ chưa thấy hết trách nhiệm của mình. Nếu có như vậy, âu có lẽ cũng là cái khác biệt của người thời xưa với người đời nay vậy !!

* Nguyên nhân sáng tác ở những lời mở đầu, Nguyễn Bá Trác cho biết như sau: "Tôi về nước đã 5 năm nay. Kể từ năm bước chân đi 1908, đến  khi trở về Saigon giữa tháng 8/1914. Tính đốt ngón tay, một dạo phiếm du, thoáng chốc đã sáu năm có lẻ. Loanh quanh trong nước một năm. Tạm trọ ở Xiêm La mười ngày làm khách. Qua Nhật Bản một tháng. Rồi lại sang Trung Hoa. Bao nhiêu thương nhớ, qua tỉnh lớn như Ba Thục miền tây, U Uyên đất bắc, Quế Việt cõi nam... đều là chỗ mà mình đã lưu lại ít nhiều dấu xe dấu ngựa. Nay, chỉ là đem những  đường lối phong cảnh đã đi qua trên đất khách, chép nhặt vài nơi thế thôi. Còn những chuyện chi chi thì không nói đến" .


Đất khách soi mòn gót lãng du 

Nhật Bản Xiêm La bước mịt mù 

Ngày tháng phiêu du nơi Trung Quốc 

Uất hận lưu vong sầu âm u 

Khao khát dừng chân về đất nước 

Xứ sở xa khơi khói mịt  mù


       Khi đề cập đến tác phẩm này, nhà nghiên cứu văn học Phạm Thế Ngũ đã viết rằng: "Câu Việt văn khá mạch lạc, đôi chỗ đăng đối du dương. Những tình tiết ly kỳ của cuộc phiêu lưu trên đất lạ, đã đem lại cho sự việc nhiều điều hấp dẫn. Nhất là với các nhà nho của nước ta thời ấy, cũng từng mơ cái mộng Đông Du. Nếu không phát tiết, thì trí não cũng chứa đầy những kỷ niệm về danh nhân, và danh lam thắng cảnh Trung Hoa".

      Ngày xưa rõ ràng Trung Hoa là thần tượng của các cụ nhà mình. Cả nữ giới cũng vậy. Cho nên đọc Hạn Mạn Du Ký thật là thú vị. 

    Bà Tương Phố cũng từng gối đầu trên Nam Phong tạp chí kê ở đầu giường để đọc du ký của ông Quỳnh (tức Phạm Quỳnh), và ông Trác (Nguyễn Bá Trác), để mộng du đất Pháp, đất Tàu. 

       Ông Dương Quảng Hàm khi làm sách Quốc Văn Trích Diễm 1925, dành hẳn cho thiên du ký của Nguyễn Bá Trác hai bài trích dẫn. Đó là  bài Đường Đi Hương Cảng và Điếu Kim Lăng.... đủ thấy đọc giả đương thời yêu thích thưởng thức văn chương đến dường nào.

 

Một thuở thời nào rất hiếm hoi 

Đọc giả hân hoan cất dành coi 

Ngày nay thừa thãi không còn quý 

Vương vãi cho nên hóa thành giòi


    Và trong tập quốc văn này có khúc ca phương Nam do ông dịch, giúp ông thêm nổi danh. 

     Sau đây là bản phiên âm Hán Việt trích từ Nam Phong tạp chí của Duơng Bá Trạc do nhà biên khảo Phạm Hoàng Quân sao chép lại 

"Trượng phu sanh bất năng phi can chiết hạm vị thế phù cương thường/ Tiêu dao tứ hải, hồ vị hồ thử hương/ Hối đầu nam vọng mạc vô cực /hề/ thiên vân nhất sắc đồ thương thương/ Lập công bất thành, học bất tựu, thiết tráng hữu cơ thời, hề, toại thị bách niên thân thế khu âm duơng/ Phủ chưởng cuồng ca vấn tư thế/ Mang mang thiên địa, an đắc tri nhất tri kỷ hề, thí lai đối chuớc hữu dư thương// ... Còn nữa nhưng tạm dịch nghĩa của đoạn này cái đã = Kẻ trượng phu, sống mà không vạch gan, bẻ cột, lo giềng mối cho đời/ Rong chơi 4 biển, quê hương ở nơi đâu/ Quay đầu trông về Nam, mịt mù vậy hỉ?/ Trời mây nổi màu xanh ngắt/ Lập công chẳng được, học không xong/ Trai trẻ có bao lâu/ Ngồi ngó trăm năm đuổi cuộc sớm chiều/ Ta quăng chén rượu đầy vào mưa núi tây một trận sao lênh láng/ Ta quăng chén rượu đầy đuổi theo gió bắc, gió bắc tung cát lăn đá bay nơi khác/ Ta quăng chén rượu đầy vào mây mù trời nam, trong mây mù có nguời há miệng điềm nhiên say tràn/ Trời đất dọc ngang đều mất hết, sao ta không say, chí ta thời ta làm/ Từ xưa nam nhi đuổi theo tang bồng/ Cớ gì sụt sùi sầu cố hương// - Khí phách nam nhi chí ở 4 phương "Tang bồng hồ thỉ nam nhi trái/Cái công danh là cái nợ nần".... Nhưng rồi hầu như ai cũng thích mang nợ vào thân.  Để thi hào Nguyễn Du lại thì thầm mà bảo "Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng  trách lẫn trời gần hay xa" 


Nam nhi bốn bể là nhà 

Cũng như con bướm la đà ngoài sân 

Giang tay trời đất hóa gần 

Rồi như cánh buớm phù vân là đà


    * Hồ Trường (nghĩa đen chỉ là chiếc nậm rượu) được trích từ phiên bản Hán Việt trong tuyển tập Hạn Mạn Du Ký (còn nghĩa bóng là ký sự của cuộc đi chơi phiếm) được phát hành vào năm 1920 do dịch giả Dương Bá Trạc chuyển dịch, đăng trên Nam Phong tạp chí số 41. Mà cho đến ngày nay, bài thơ này đã làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực của các văn nhân, thi sỹ, của các học giả, và cả các nhà nghiên cứu lịch sử văn học, để mà diễn bàn và khảo cứu về nguyên bản của bài thơ. Cái tên Hồ Trường, cũng là do người đọc đã trích chữ trong lời ca mà gọi, chứ không phải do Nguyễn Bá Trác đặt ra. Bài này nằm ở chương 10 tập Hạn Mạn Du Ký. 

    Trong chương 10 này, tác giả cho biết đó là ở thời điểm khoảng năm 1912, câu chuyện kể rằng, khi ông lưu lạc đến Thượng Hải, ông gặp người đồng hương cùng chí hướng, người này có giọng hát thật hay (giọng Quảng Đông) 

    Thế rồi vào  đêm nọ, hai người đi uống rượu, khi rượu đã ngà ngà. Người khách Nguyên Quân ấy, đứng dậy mà hát, sau này khúc hát ấy được gọi là Nam Phương Ca Khúc. 

   Vô tình ở bàn bên cạnh, có  võ quan họ Lưu, nguời Trực Lệ, nghe hát, chạy sang hỏi bài hát ấy điệu gì, và đuợc Nguyên Quân trả lời rằng "Ấy là 1 điệu hát đặc biệt ở phương nam". Người họ Lưu mới sảng khoái thốt lên: "Ồ. Nghe tiếng bi mà tráng, nhiều hơi khảng khái. Nam Phương mà có điệu hát hay đến thế hay sao?".  Và người họ Lưu kia, xin được chép ra giấy lời ca ấy để giữ mà xem. 

      Câu chuyện trong quán rượu với tâm sự khẳng khái qua lời ca, sảng khoái qua chung rượu, của người bi sỹ tha hương, khiến chúng ta mang mang hình dung hình ảnh trong các truyện kiếm hiệp của Kim Dung, đã một thời làm say đắm lòng người trước 75.

 

Ta tráng sĩ hề đường xa mờ bụi

Chí khí quật cường ngang dọc xá ngại chi

Nhìn quê hương xa cách nỗi sầu bi 

Mang chí cả dấn thân vì sông núi 

Chí nam nhi là non sông ngóng đợi 

Trường giang kia dậy sóng ầm ầm 

Ta mơ ngày thấy lại ánh quang vinh 

Trời cao xanh quên nỗi bất bình 

Ta sẽ hát trong ánh trăng huyền diệu. 


   Khi giới thiệu bản dịch Nam Phương ca khúc, Phạm Thế Ngũ đã viết: Trong Hạn Mạn Du Ký, đặc biệt nhất là có một bài  ca dao do chính người bạn là tác giả đã gặp ở Thượng Hải, cũng cùng trong cảnh đào vong vì quốc sự, nên thường hay nghêu ngao hát những khúc ca mượn chén tiêu sầu nơi lữ điếm. Bài ca ấy khiến độc giả thời đó, nhất là những người thuộc lớp người cách mạng, ai cũng ưa thích và học thuộc để ngâm nga. 


     * Và sau đây là bản phiên âm Hán Việt trích từ Nam Phong tạp chí số 41 năm 1920. Bản dịch của Dương Bá Trạc do nhà biên khảo, Phạm Hoàng Quân sao chép, Nguyễn Bá Trác dịch từ bài Nam Phương ca khúc:  "Trượng phu không hay xé gan bẻ cột phù cương thường/ Hà tất tiêu dao bốn bể, luân lạc tha phương/ Trời nam nghìn dặm thẳm/ mây nước một màu sương/ Học không thành/ Danh chẳng lập, trai trẻ bao lâu mà đầu bạc/ Vỗ tay mà hát, nghiêng đầu mà hỏi, trời đất mang mang, ai là tri kỷ, lại  đây cùng ta cạn một hồ trường/ Hồ trường! Hồ Trường! ta biết rót về đâu/ Rót về đông phương, nước bể đông chảy xiết sinh cuồng loạn/ Rót về tây phương, mưa tây sơn từng trận chứa chan/ Rót về bắc phương, ngọn bắc phong vì vụt, đá chạy cát dương/ Rót về nam phương, trời nam mù mịt, có người quá chén như điên như cuồng / Nào ai tỉnh, nào ai say, chí ta ta biết, lòng ta ta hay/ Nam nhi sự nghiệp nơi hồ thỉ, hà tất cùng sầu đối cỏ cây. 


    * Theo ông Vũ Ngọc Phan trong cuốn nhà văn hiện đại, thì đến nay vẫn có lầm lẫn giữa Tiêu Đẩu Nguyễn Bá Trác và Tuyết Huy Dương Bá Trạc (Dương Bá Trạc là bào huynh của giáo sư Dương Quảng Hàm) cũng là nhà văn có tác phẩm ấn hành khoảng giữa thập niên 20 và cũng viết trên tờ Nam Phong Tạp Chí.

 

Rắc rối linh tinh cái bản quyền

Trùng tên khác dấu lại truy nguyên 

An Nam tên chữ là như vậy/ 

Rắc rối nhưng rồi vẫn y nguyên 


    Bài thơ Hồ Trường đang lưu hành hiện nay là nghe trau chuốt nhất, và được nhiều người ưa chuộng, đó là bản trong cuốn băng cassette do chính ái nữ của tác giả thực hiện, qua giọng ngâm của Lệ Ba và Tôn Thất Hanh ở Canada phổ biến. Trong cuốn băng đó có lời của ái nữ nhắn nhủ hai con là: "Bài thơ Hồ Trường là bài thơ chí khí của ông ngoại, nhưng đó cũng là chí khí muôn đời của thanh niên".   Khi soạn Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển, Dương Quảng Hàm có trích một bài nữa trong Hạn Mạn Du Ký của Nguyễn Bá Trác, đó là  tập "Quanh Đường Vượt Ra Khơi" do nhà xuất bản Trung tâm Học liệu Saigon, ấn bản lần thứ muời vào năm 1968.


Chí khí can trường vượt biển khơi 

Trường giang sóng vỗ ngời ngời biển xanh 

Nam nhi chí cả tan tành 

Tung mây lướt gió trời xanh nắng vàng. 


- Qua bài thơ Hồ Trường, chúng ta thấy lời thơ lập đi lập lại, nhắc nhiều đến nguời phuơng nam. Nguời phuơng nam ở đây là chỉ người miền Lĩnh Nam Trung Quốc. Còn chữ "Chiết hạm" trong lời thơ có nghĩa là "Bẻ cột". 

    Điển tích "Bẻ Cột" xuất phát từ sách Hán Thư, truyện Chu Vân thời Hán Thành Đế như sau: Chu Vân  tâu vua đòi giết An Xương Hầu Trương Vũ, vua nổi giận giết Chu Vân. Khi bị bắt lôi đi, Chu Vân uất ức bám tay vào cột điện, đến nỗi cung cột điện bị cong vòng vặn gãy. Thế mà khi cho sửa sang lại cung điện, ông vua đã ra lệnh giữ nguyên dạng phần cột bị gãy, nhằm mục đích giữ lại hình ảnh đó, để biểu dương 1 lời nói ngay thẳng và thẳng thắn. Và đời về sau đã dùng chữ "chiết hạm" để chỉ hành vi dũng cảm trong việc dám dùng lời lẽ can gián vua.

Chơi với vua như là chơi với cọp

 Chẳng biết lúc nào cọp quào cấu nhe răng 

Có lúc hiền lại có lúc hung hăng 

Tâm sinh biến động lăng xăng khó lường 


     Còn chữ cương thường thì ai cũng biết là do chữ tam cương (vua tôi, cha con, chồng vợ). Và ngũ thường ( là: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín) ghép lại 

   Chúng ta chưa có Hàn Lâm Viện nên từ ngữ tiếng Việt không biết lấy đâu làm chuẩn. Nên tùy địa phương, nương theo thông thường mà xử dụng 

   Chữ Nôm, chữ Hán, chữ quốc ngữ, chữ La Tinh, đã phát sinh nhiều lầm lẫn, ví dụ như lúc đầu là "Thoi vật ông vải" từ lúc nào biến thành "ma vật ông vải".. rồi cứ thế thành "thành văn" của đại chúng 

    Dù thế nào bài thơ Hồ Trường đã tạo được cái hào hùng khí phách trong văn thơ giữa cánh đồng văn chương ủy mị than mây khóc gió của một thời lãng mạn chỉ viết tràn ra những lời rỗng tuếch ủ ê vô bổ, ví như lời trong bài Hành Phương Nam của Nguyễn Bính "Người ơi buồn lắm mà không khóc/ Mà vẫn cười qua chén rượu đầy/ Kinh Kha quán lạnh sầu nghiêng chén/ Ta với nhà ngươi cả tiếng cười/ Dằn chén hắt cao đầu cỏ dại/ Hát rằng phương nam ta với người"...

    Ngày nay, có người vẫn phân vân Nguyễn Bá Trác có phải là tác giả của bài Hồ Trường không?

   Nhưng mặc kệ, sau 1975, trên bàn nhậu sơ sài của những người thất chí, và của ai say sưa đâu đó, vẫn xuất hiện bài thơ mang tên Hồ Trường, dù bài thơ được ngâm lên với đủ chất giọng. Lời thơ kiêu bạc, pha lẫn hùng tráng, lại bi ai, khiến những ai thất cơ lỡ vận cũng một phen ngậm ngùi nghĩ đến phận mình. Ví dụ lớp người buông tay súng về quê làm ruộng. Những sĩ quan mãn hạn tù trở về đạp xích lô, ba bánh ...vv... Nghe bài thơ Hồ Trường, cũng cảm khái và thấy gần gũi với mình sao sao đó. Họ biết đến tên Nguyễn Bá Trác, nhưng thân thế nguời tác giả này thì không biết gì mấy. Nhưng những  lời thơ chí khí và hùng tráng =Hồ Trương, Hồ Trường Ta biết rót về đâu / Chí ta ta biết lòng ta ta hay/ Nam nhi sự nghiệp ở hồ thỉ/ Hà tất cùng sầu đối cỏ cây//... Tâm can kẻ nam nhi lại bừng bừng rúng động, điên cuồng. Để hết chén này đến chén khác. Rượu rót vào lòng. Rượu chảy ra môi, cho tan nỗi nhục nhằn bi thiết. Tan nỗi buồn lưu vong vất vưởng.

 

Chí khí nam nhi đến lạ lùng 

Lạnh lùng như gió thổi qua song 

Thoáng đâu chùng nhão mềm như lụa 

Ấm áp tột cùng trong long đong 

Thê lương đứt quãng tơ chùng nhão 

Nắn phím buông dây khẽ động lòng 


    - Nhà thơ Vũ Hoàng Chương từng bi thiết kêu lên  "Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ/ Một đôi người u uất nỗi chơ vơ/ Đời phiêu bạt không dung hồn giản dị/ Thuyền thuyền ơi, xin ghé bến hoang sơ/ Men đã ngấm bọn ta chờ tắt nắng/ Treo buồm cao, cùng cất tiếng hò khoan/ Gió đã thổi nhịp trăng chiều hiu hắt/ Thuyền ơi thuyền theo gió hãy cho ngoan" 

     Thi nhân, chí sỹ, hào sảng hơi men. Ngất ngưởng trong hồn thơ, đau thương hiện  tình đất nước, u hoài  kiếp sống tha hương... tất cả là chí khí.

 

Nguời xưa chí khí vun cao 

Ngất nga ngất nguởng tự hào trào dâng 

Tình yêu tổ quốc xa gần 

Tha huơng viễn xứ bâng khuâng đáy lòng 

Yêu nguời yêu cả non sông 

Quyết không tha hóa, chờ mong một ngày  


     Chờ mong một ngày quê hương đẹp tươi trở lại để cùng chung tay đắp xây nền văn hóa, như câu chuyện yêu văn hóa của một nhà văn hóa. Đó là chủ nhân nhà sách Khai Trí trên đường Lê Lợi của Saigon trước 1975 

     ----> Ông Nguyễn Hùng Trương,  mà người Saigon thời đó quen gọi ông là ông Khai Trí - Một người quảng bác, ít nói về bản thân mình, nên ít người biết ông là  tấm gương sống động. Từ 2 bàn tay trắng mà thành  nhà kinh doanh ngành sách lớn nhất và uy tín nhất miền nam trước 1975. 

       Ông Nguyễn Hùng Trương sinh 1926 tại Thủ Đức. Mất 11/3/2005. Sau 2 tuần nằm bệnh viện.Thọ 80 tuổi -Thân thế như sau: Thuở nhỏ ông thường nhịn ăn sáng, dành 2 đồng xu mẹ cho để mua báo đọc - Ông học trường Pétrus Ký Saigon, và được sắm một cái xe đạp cũ để cuối tuần đạp về nhà (Saigon Thủ Đức 12 cây số). Sách báo ông mua hầu hết là sách báo nước ngoài. Đầu năm 1940, ông đã lập được 1 tủ sách có giá trị. Bạn bè thấy ông có nhiều sách báo, nên hay nhờ ông mua giúp. Có lần có 5 người bạn nhờ mua sách, ông mua hẳn 10 cuốn để được hưởng quy định 30% hoa hồng của quán sách cho. Số sách dư  lại, ông ký gửi ở quán sách, 3 hôm sau chủ quán hỏi loại sách đó còn không, thì đem tới tiếp, vì số sách gửi đã bán hết.

 

=Ham đọc sách từ khi còn trẻ/ 

Ý tưởng nhiều mới mẻ trẻ trung/ 

Kiến thức du nhập thung dung/ 

Tiết kiệm để dùng vào việc kinh doanh//


    -Từ sự việc nho nhỏ đó, từ khi còn là học trò, ông nảy ra ý định mua sách báo nước ngoài về gửi nhà sách bán. Sách ông chọn là sách có giá trị và quý hiếm. Lúc đầu mua ít, sau bán chạy, ông mua tăng lên tới vài chục cuốn. 

     - Nhờ tiết kiệm, năm 1952, ông Khai Trí đủ vốn mở hiệu sách nho nhỏ ở số 62 đuờng Bonard (Lê Lợi), đó chính là nhà sách Khai Trí, mà ngày nay gọi là nhà sách Saigon. 

     -Đây là nhà sách đầu tiên ở Việt Nam bán theo kiểu tự chọn, khách có thể đứng đọc tại chỗ hàng giờ mà không phải mua. Các nữ nhân viên ăn mặc đồng phục, vui vẻ ân cần, đứng rải rác quan sát trông nom lịch sự kín đáo 

    -Vào thời ấy, đó là  cách phục vụ khá mới mẻ, văn minh và đuợc khách hàng ủng hộ. Nhờ vậy nhà sách được mở rộng thêm hai căn liền kề nhau với nhiều tầng lầu.

 

=Phục vụ khách hàng khá văn minh/ 

Đầu tư suy nghĩ của riêng mình/ 

Mở mang khai trí là khai mở/ 

Con đường Lê Lợi càng thêm xinh/ 

Khai phóng tư duy về văn hóa/ 

Nhờ thế Saigon càng văn minh// 


     - Nhà sách Khai Trí còn phụ trách cả việc xuất bản với những đầu sách được chọn kỹ càng và phong phú - Một thú chơi nữa của ông Hùng Tương là sưu tầm sách báo. Chỉ riêng tờ Le Monde bằng Pháp ngữ, ông đã có từ số đầu tiên cho tới số báo 30/4/1975. - Ông cùng nhà văn Nhật Tiến chủ trương tờ báo thiếu nhi và soạn giả của nhiều sách giá trị --Trong 10 năm, từ 1993-2003, ông biên soạn 15 cuốn sách: 

>Thơ tình VN. 

>Thế Giới chọn lọc. 

>Quê em mến yêu. 

>Làm con nên nhớ. 

>Chánh tả cho người miền nam. 

>Huế mến yêu. 

>Những bài thơ hay trong văn chương VN..


     - Nhà văn Nguyễn Thụy Long, (tác giả cuốn Loan Mắt Nhung, cuốn tiểu thuyết mà sau này giới nghiên cứu miền bắc sau 1975, hết lời ca ngợi) - Có  bài viết có nhan đề "Vĩnh biệt ông Khai Trí", trong đó nhắc đến cảnh buồn thương của ông sau 75.

 

=Văn hóa khác miền nên khác nhau/ 

Nhân sinh vì thế bị đổi màu/ 

Nhưng văn là đẹp là trong sáng/ 

Vì thế phải cùng nhau nâng cao/ 

Oan oan tương báo chiều hiu quạnh/ 

Sự nghiệp tiêu tan gió nghẹn ngào// 


     --- Ông Khai Trí  qua đời vì sức già lực kiệt. Sau nhiều năm cố gắng xin lại tiệm sách đã bị tịch thu trong đợt bài trừ văn hoá 1976. Nhiều tác phẩm bị đốt. Nhiều văn nghệ sĩ bị bắt. Ông Khai Trí cũng bị coi là tội phạm vì kinh doanh văn hóa. 

 

      Ngày nay nhà sách Khai Trí của ông mang tên Phahasa giữa thành phố Saigon hoa lệ. 


=Thế thái nhân tình cuộc đắng cay/ 

Nhân sinh phù phiếm giữa ban ngày/ 

tưởng tiêu tan mang hờn tủi/ 

Nước mắt nhạt nhòe trong mi cay/ 

Xót thương một kiếp người tích cực/ 

Thấp thoáng mộng chiều như mây bay/ 

Đam mê sách báo đời mơ ảo/ 

Thời thế xoay vần bỗng trắng tay// 

    

 - Trong khung cảnh của một buổi chiều bâng khuâng nơi hải ngoại, khi dừng chân ở góc đường nào đó, chúng ta thử hình dung  hình ảnh một người đàn ông đứng lặng câm, nhìn đăm đăm vào cửa tiệm sách Khai Trí. Đấy là  người đàn ông đam mê sách báo. Cả một đời ham mê, và đóng góp tích cực cho  nền văn hóa của một xã hội, tạm gọi là vàng son ngày cũ 

      - Cái bóng âm thầm lặng lẽ ấy, chắp tay sau lưng đứng nhìn đăm đăm vào cửa tiệm sách báo của chính mình... nay trở thành quá vãng. Rồi  vài nguời buớc đến gật đầu chào, khe khẽ hỏi 

-"Tiệm sách ra sao rồi? ". 

Cái bóng xiêu vẹo ấy cuời rất nhạt, thở ra rất nhẹ và chép miệng thật mơ hồ: 

- "Chắc phải đến năm 3000 thì may ra" 

   Ồ, ông ơi 


= Sao ông không cố đợi nguời ta/ 

Hoàn trả ông trong kiếp sa bà/ 

Chưa chi đã vội sang bên kia thế giới/ 

Lủi thủi than phiền với hồn ma/ 

Cảm thương chủ sách nhà Khai Trí/ 

Xin kính dâng người một vòng hoa/ 

Tưởng niệm vong linh người quá cố/ 

Mong ông vĩnh viễn được an hòa/ 

Một chút nhớ nhung con đường cũ/ 

Lê Lợi hôm xưa về cùng ta/ 

Lệ dâng nước mắt chan hòa/ 

Ép dòng dư lệ nhạt nhòa cố nhân/ 

Văn chuơng văn học ân cần/

 Nam nhi nhỏ lệ thế nhân vẫy chào/

Hồ trường một thuở bay cao/ 

Lưu vong u uất lệ trào bờ mi/ 

Cao xanh thăm thẳm còn ghi / 

Rượu kia rót chén sầu bi ngàn trùng 


"Hồ trường Hồ trường ta biết rót về đâu/ 

Nào ai tỉnh nào ai say/ 

Chí ta ta biết lòng ta ta hay/ 

Nam nhi sự nghiệp nơi hồ thỉ/ 

Hà tất cùng sầu với cỏ cây"...

 Nguyễn Thị Mắt Nâu

--o0o--

The Poem " Hồ Trường( Long-Drinking Wine Container)" - By Nguyễn Bá Trác


Nỗi Uất Hận Lưu Vong
(By Nguyễn thị Mắt Nâu)

Translated from Vietnamese into English by Hương Cau Cao Tân on March 21st, 2023 in British Columbia, Canada 

The Suffering of Deep Resentment in Exile 

(By Nguyễn Thị Mắt Nâu) 

O, how marvelous is the power of poems and prose writings Where clear spirit of magnanimity, crystal pearl, is showing  Being immense is the poet’s purposeful uprightness Riding the winds, rummaging the clouds in fearlessness  And it is truly so. The power of poems and of prose writings is so  marvelous. For example, the Proclamation for Officers and Soldiers  by Ethical Revival Lord General Trần Quốc Tuấn did nurture the  fighting spirit of his army’s personnel in their determination to fight  off the Yuan’s armies. 

 Or, the poem “The Mountains and Rivers of Southern Nation” by  Lý Thường Kiệt, which did enthusiastically fire up his soldiers’ spirit  on the water of Như Nguyệt River, drove back the Song’s army and  regained lost land, and which, that contained such verses as “The  Mountains and Rivers of Southern Nation where Southern  Emperor resides/That in Heavenly Books, it is naturally and  absolutely destined”, is deemed to be the Proclamation of  Independence of the Vietnam nation. 

 Or, take the poem-and-prose writing of Hàn Thuyên (Academic  Thuyên), composed in the year of 1282 during the reign of King Trần  Nhân Tông, which also served the same purpose, where the writing  was written in a form of eulogy and thrown into the river, chasing off  alligators. 

Pre-eminent poems and proses, magnanimous impetus The country’s mountains, rivers, destiny are common for us As nation’s misfortunes come, we safeguard it together And defend it, satisfying our patriotic nature  

 It is said that a pen’s power is sometimes stronger than that of an  overwhelmingly brave, vast army who can “point their lances towards  thousands of leopards’ lairs”.  

 It is the same when we consider the power and influence of the  verse “We swear that we will brandish our swords, marching  courageously into the battlefields …” 

 Those are the poems that have aroused the inspiration in the  hearts of heroes and heroines. Yet if these have been uttered from  the mouths of foolish men, then they are deemed to be  ECCENTRICITY or RASHNESS. But people of old have a saying that  states “When the country is in the danger of being dwindling and  nearly lost to the enemy/ Then even fools will be held accountable  for and be bearing the responsibility”, i. e. everyone is assumed to be  responsible when the country is threatened by danger. 

 In the Diên Hồng Conference (War Referendum Conference), it  was loudly shouted “Countrymen, listen up, can you see that the  homeland is in a state of danger/ Since the spirit of hatred and  revenge is boiling madly, then should we fight or surrender!!?” And  the seniors did shout in unison in the Diên Hồng Conference “To  determinedly fight”. That is the overwhelmingly brave spirit and the  rising patriotic love in the hearts of both the noble and the not-so 

noble. 

 In traditional opera plays, there is the image of a purposeful  fighter who is quietly sharpening his sword under the moonlight, or  who is brandishing his sword and carefreely uttering that The hero  may die, his spirit may not - It is the image of an undauntedly  dignified fighter who stands with thrown out chest, displaying his  forever indomitable will as he is facing the lines of arrows or bullets,  or even death. Death only means something that is as light as a  bird’s feather to him. 

“Yet to regard his body, Grand Mountain, as if it were a feather or a  strand of hay/ So let’s leave home and wear war protective armor so  proudly/ Whipping the horse to cross the Vị Bridge, while autumn  wind is roaring impetuously” 

 Oh my, Life means it is changeable. It makes one wonder  whether because there are so many means and conveniences for  enjoying fulfillment in the life of current century that these things  would wear out one’s dedication, or because of the habit of frequent  indulgence that, when one is facing the temptation of luxurious living,  

or when one is listening to the appeasing words of fame and profit,  even though when it is only impracticable fame, that would still be  enough to falter men of modern time’s will, making them lose their  nature, themselves, their country, and causing them to easily fall into  the trap of empty promises of illusory fame and reputation. Man’s  heart is so ironical: We cry for foods in hunger, but then we crave for  fame when our bellies are full.  

Convenience, materials and gold and money 

All these manipulate man’s hearts, making them crazy Fortune placates people who are craving for reputation Who when facing money sell short their conscience A form of luxurious living is devious by nature 

Making one submissive and cowardly before his ancestors Forgetting his home country and his ancestry 

Selling short his conscience and living so cowardly  So then, if one thinks that is eccentricity, let it be. But the poem  Hồ Trường (Long Drinking Wine Container) was a famous poetic  writing of the renowned poet Nguyễn Bá Trác, composed in the  beginning of the twentieth decade of the nineteenth century. It is a  poem where the author employs wine to drunkenly express his own  hearty resentment and to openly display that of many others who  share the same feelings and situations.

 The poem was composed during the time when the author was  living in exile in China, and was searching for direction in his efforts  to save the homeland while being caught in an ironical conflict  between his situation and that of his homeland. The timing was  perfect for the strong-willed scholar, who came across the song  Southern Melody which fitted so nicely into his lamenting mood and  situation, to be inspired to generate such poetic ideas.  

** Until now, there have been at least five versions of the poem Long-Drinking Wine Container and of the song Southern Melody in  circulation, and they are printed in five different prints. Yet they all  

preserve in them the powerful sense of magnanimity.  And it is said that this famous Hồ Trường poem has been passed  by tradition for over 88 years. So it is brought out for recital in  meetings of many associations, inducing the hearty sufferings and  creating painful knots in the stomachs of Vietnamese refugees. There  are even people who is so excited that he yells and picks up a senior’  s cane, and, pretending that he is holding a sword, he would twirl  and brandish it as if he were the purposeful fighter of the country of  Yên who is about to mount his horse for the mission of assassinating the Chin emperor. 

Suppressed resentment in exile causes crazy waves of action From the swordsman who has come from four directions His swaggering uprightness sense is mindless of heroic death His majestic anger’s longing for homeland is firmly set 

 It is said that ECCENTRICITY is an attractive form in life,  especially in literature. It affirms the sharp-witted, unique character through which eccentric form is valiant in defiance of everything. 

 Despite his being a Doctorate already, Nguyễn Bỉnh Khiêm still  wants to be more eccentric so that he could consider himself  eccentric enough to heartily laugh and utter the words “Lão ngông tự tiếu thái sơ cuồng", i. e. “In old age, one laughs at  himself for being eccentric on his own”; or other words that are  written in the following verse: “Bàng nhân mạc tiếu cuồng si khách”,  which means: “Surrounding people should not laugh at the heavily  eccentric patron” - Eccentricity is the very resentfully displaying  attitude of talented people whose talents have not been recognized  nor put to good use.  

 Eccentricity psychology is the want of surpassing reality, in order  to satisfy the needs for being liberated - even Nguyễn Công Trứ is  eccentric. Having consumed just a little wine, he then would  drastically transform himself from a general into a plain private. He is  so extraordinarily proud in comparing the cow’s butt with the mouth  of secular gossipers through the verses “Horse dismounting and  carriage riding make one feel that he is in leisure enjoyment/ Being  fed up with rank demotions and mandarinic promotions/ While  residing in retirement in the country’s garden, booting the cow’s butt/  Then using the readily dried petiole base to cover the secular mouths  and keep them shut” 

 In modern literature, perhaps Tản Đà is the most eccentric poet.  When he has drunk some wine, he would transform his eccentricity  into literal form “With poems laden on my back and arms are so  carefree/ I would sell my coats to buy paper for writing in  eccentricity” - Tản Đà also becomes angry when he feels indignant 

by people’s scorning; he is so eccentric that he even dares to write a  marriage proposal letter asking for the Heavenly Emperor’s  daughter’s hands in marriage, and that he pesters the Heavenly  Court so much that the Emperor has to send Nam Tào, His Royal  Assistant for Births, to investigate into Tản Đà’s biography for facts:  “His Royal Assistant for Births has just finished his record  investigation/ Here is the record submitted to His Highness for  consideration/ Sire, there is a Nguyễn Khắc Hiếu by the name, really/  Who has been sent down to earth in exile for his crime of  eccentricity” 

- He then proceeds to joyfully and carefreely calling out for sale  all his goods, from his Grand Dreams to his Little Dreams.  Meanwhile, poet Tú Xương is eccentric in his own different style,  which is so frightening “In hardship I intend to sell even the Heavenly  King/ His Highness only smiles and says that the little boy is fond of  playing”  

 But the eccentricity in the poem Hồ Trường is manifested in the  image, in the biography, in the literal career, and even in the poetic  style of the author. Its image is as eccentric as that of Lý Bạch, who,  being drunk with wine, totteringly jumps without hesitation into the  river, only to die of drowning while thinking he is embracing the  beautiful Moon Queen. It is the same eccentricity of Lưu Linh, who,  having been dead drunk, strips off his clothes, and remains naked  while yelling loudly that “Heaven and Earth are my home so dear/  Home means clothing, it is so clear/ Why are you all crawling into my  clothes, my dear”  

* And who is the author of the poem Hồ Trường?  

 - He is Nguyễn Bá Trác, of penname Tiêu Đẩu, who was born in  the Year of the Snake of 1881, in Bảo An Village, Điện Bàn Prefecture,  in the province of Quảng Nam (same place of origin with composer  Lê Trọng Nguyễn). It is the place that prides itself so much on being  the pride of the homeland for having produced many literal talented  

elites. Bá Trác was studying in Quảng Nam when he was little.  There are many talented people in the Quảng Nam region Yet the talented is suffering greatly beyond imagination Immense place would produce men of outstanding talent In holy places, talented men are produced in abundance  In 1906, Bá Trác passed Bachelor Examination in the Session of  the Year of the Horse in Huế. He responded to the callings of the  patriots who directed the Đông Du (Eastern Overseas Studying)  Movement by moving to Hà Nội to learn French language. 

In 1908, he travelled to Japan to study. But in the same year,  under pressure from the French, the Japanese government  disbanded the Đông Du Movement. He was forced to go to China,  and later returned to Hà Nội, Vietnam. 

 Since 1914, he worked in the Media Office of the Indochina  Plenipotentiary Mansion, and was Editor-in-Chief for Archaic Chinese  Section of the Cộng Thị Magazine until 1916. He had accompanied  Old Phan Bội Châu, Old Phan Chu Trinh, and the Foreign Affairs  Attaché Mandarin Cường Để in their devoted fights against the  French.  

 On July 10th, 1907, France and Japan signed a Commercial  Agreement. Japan borrowed 300 million francs and, in order to gain  other benefits, Japan expelled Vietnamese youths who participated in  the Đông Du Movement and forced them to return to their homeland.  The Japanese government also disbanded the Đông Du Movement in  the same year. 

 Knowing his talents, in the year of 1916, the French commissioned him to be the researcher for the Media Office of the  Indochina Plenipotentiary Mansion so they could appease Vietnamese  

intellectuals and scholars into co-operating with France Appeasing the youth to fight the nations 

Drifting overseas, living out of home in the distance Living unluckily from Japan to China in wandering Now returning to Hà Nội as his heart is suffering Fighting France with the whirling Đông Du Movement Hence Vietnamese intellectuals’ life is itinerant  In 1917, under the umbrella of Chief of Secret Police of  Indochina, Louis Marty, Phạm Quỳnh founded the Nam Phong  Magazine and Nguyễn Bá Trác assumed the role as Editor-in-Chief for  the Archaic Chinese Section.

 After leaving his post at Nam Phong Magazine, he came to Huế to serve as Legal Assistant for Ministry of Education, holding these  titles: Provincial Governor of Quảng Ngãi, Departmental Chief of  Ministry of Military, Provincial Governor of Thanh Hóa, and Provincial  Governor of Bình Định. 

 In August of 1945, when the Việt Minh assumed governmental  power, they held a public execution by shooting of him in Quy Nhơn,  Bình Định. 

 Besides writing many articles on Nam Phong Magazine from  1917 to 1932, Nguyễn Bá Trác also compiled quite a number of  books such as: 

1/ Cổ Học Viện Thư Tịch (Book Selections of Institute of Ancient  Studies) which consists of 11 volumes, co-compiled with  Nguyễn Tiên Khiêm. 

2/ Hoàng Việt Giáp Tí niên biểu (The Hoàng Việt Year of the Rat Chronicle) (1925). 

3/ Discourses on Chinese Academics (1918).  

4/ Hạn Mạn Du Ký (Travelling Diaries on Restrained Discussions) (1920 and 1921). Reprinted by Đông Kinh Ấn Quán (Tokyo  Press), Hà Nội. 

5/ Discourses on Archaic Chinese 1920. 

6/ Hương Giang Mộng (Perfume River’s Dreams) 1920. 7/ Ngã An Nam Dân tộc Nam Tiến Chí (Annamite Self in  Southbound Forward Serials) 1921.  

8/ Last Words of Proclamation of Confucianists 1921  9/ Nguyễn Bá Học Tiên Sinh Chi Lược Sử Cập Kỳ Di Ngôn (Nguyễn  bá Học Esquire’s Fine Last Words Regarding Fundamentals of  History (1921).  

10/ Du Thanh Hòa Ký (Du Thanh Peace Agreement) (1921)  11/ Hán Học Văn Học Khảo Lược (Literal Compilations for Archaic  Chinese Studies (1932)  

 Although his compiling work is abundant; but the most well known writing collection is Hạn Mạn Travelling Diaries (Leisure  Travelling and Sightseeing). It was a descriptive collection written in 

archaic Chinese consisting of 14 chapters which he later translated it  into Vietnamese and submitted for publication on the Nam Phong  (Southern Wind) Magazine from Volume no. 38 to Volume no. 43 in  1920. 

* The poem Hồ Trường was published in the Nam Phong  Magazine in 1920. It is a poem which previous patriotic youths have  widely recited to express their resentful sorrows about people’s  attitude and behaviour towards others, about the currently  troublesome times when people were in an uproar over the country’s  situation.  

 Previously, “When the country is in the danger of being  dwindling and nearly lost to the enemy/ Then even fools will be held  accountable for and be bearing the responsibility”. Presently, as the  country is in the danger of being dwindling and is nearly lost to the  enemy, yet it seems that the intellectuals are still unclear about what  needs to be done and about what their responsibilities are. If it is  true, then it simply shows the difference between people of old and  those of present 

* In his Introduction, Nguyễn Bá Trác told us about the reasons for his composition as follows: “I had returned to the country for 5  years. From the time I left in 1908 until the time of my return to Sài  Gòn in the middle of August of 1914. When I mutely count the time  by my fingers for the period of vagabond travelling, it has been  already six years since. I was wandering within the country for a year.  I temporarily resided in Thailand for ten days as a guest. I went to Japan for one month. Then I went to China. All the missing and  longing, as I was travelling past the places of western Ba Thục, of  northern U Uyên, or of southern Quế Việt, have left somewhat the  traces of my goings. So I now only recall the sceneries of the places I  have visited and of the roads I have travelled and record some  selected few. I have not mentioned any of the other things.” 

Strangers’ land have worn out the heels of the wanderer He crosses Japan, Thailand as the pacing is still blurred As the wandering time in China is under mental recollection The dark sorrow in exile would be his deep resentment As he craves for the paused moment of return to the country Homeland seems so distant, covered with smoke thickly  When regarding this writing, the literal researcher Phạm Thế Ngũ wrote: "The Vietnamese sentences are quite coherent as there  are some melodious parallel sentence pairs. The sensational details  of the explorations in strangers’ land provide us many arresting  things. It is especially so to the current Confucian readers, who have  been dreaming about the Eastern Overseas Studying Dream. If that  does not come out, then their minds would still be full of the  memories of famous people and of famous landscapes and of beauty  spots of China.” 

 In the old days, China was clearly the idol to our people of old. It  is even so to women. So the reading of Hạn Mạn Travelling Diaries is  very interesting. 

 Poetess Tương Phố has used many editions of Nam Phong  Magazines as pillows, placed at the end of her bed, to read travelling  diaries of Esquire Quỳnh (alias Phạm Quỳnh) and of Esquire Trác  (alias Nguyễn Bá Trác), in order to travel France and China in dreams.  

 When he prepared the book Quốc Văn Trích Diễm (Fine Excerpts  in National Script) in 1925, Mr. Dương Quảng Hàm reserved two  articles for writings from the travelling diaries of Nguyễn Bá Trác.  Those were the writings of Roads to Hong Kong and Kim Lăng  Eulogy … so it is obvious how fond the current readers loved and  enjoyed reading literature at that time.

There was such a time that was so rare, if ever When readers joyfully save materials for reading later But now they are no longer precious due to overabundance Being scattered all over so they transform into worms easily  And in this very National Script Writing, there is the Southern  Melody, translated into National Script, which helps make him more  famous. 

 The following is the Vietnamese transliteration from the archaic  Chinese version, excerpted from the article by Dương Bá Trạc in Nam  Phong Magazine, which has been copied by researcher Phạm Hoàng  Quân.  

"Trượng phu sanh bất năng phi can chiết hạm vị thế phù cuơng  thuờng/ Tiêu dao tứ hải, hồ vị hồ thử huơng/ Hối đầu nam vọng mạc  vô cực /hề/ thiên vân nhất sắc đồ thuơng thuơng/ Lập công bất  thành, học bất tựu, thiết tráng hữu cơ thời, hề, toại thị bách niên  thân thế khu âm duơng/ Phủ chuởng cuồng ca vấn tư thế/ Mang  mang thiên địa, an đắc tri nhất tri kỷ hề, thí lai đối chuớc hữu dư  thương// ...”  

There are more of it but let’s translate this paragraph first:  “The noble man, while living but without exposing his courage  in his liver, nor bending the post in his determined decision before  death in order to care for and resolve life’s matters 

But he just continues wandering aimlessly in the four oceans,  searching for the whereabouts of his homeland forever As he turns his head towards the southern direction, hey, it is  just so misty and distant 

The clouds are rising in the sky of blue colour that is deepened He can neither create meritorious work nor finish his studying Yet how long can he stay young in his youth as away is it  floating 

He can only sits watching the hundred-year lifespan floating  away in alternate mornings and evenings

I throw the full wine glass into the rain falling on the western  mountain, which all over its ground is it spreading 

I then throw the full wine glass into the northern wind and  chase it as it blows, lifting the sand and stones and moving them to  places 

I throw the full wine glass into the dark cloudy southern sky, in  which there are people who open their mouths wide and stay in  unruffledly drunken state 

All of my dreams of moving freely in the four directions of open  sky are already lost, so why can’t I be drunk and be doing what I aim  to do in things 

It has been traditional for men to follow their great dreams in  life 

So what is the point of lamenting about and crying for the dear  homeland, I wonder why.” 

Men’s uprightness is manifested in roving freely over the four  corners of the earth “Being a man means you employed bows and  arrows to build your career in life/ And to consider fame and  reputation as unwanted debts, never mind” … 

Yet almost everyone seems to like being tied down with those  debts. It has been such so that even the Grand Poet Nguyễn Du has  to murmur softly that “Since you have voluntarily taken up your  conditioned destination/Then blame it not when you wonder whether  close or far is heaven” 

To men, home is where all the for oceans are 

It is like a fluttering butterfly in the yard 

Spreading your arms wide, heaven and earth seem closer But then you would be like that fluttering butterfly as ever * The poem Hồ Trường (which physically means the wine  drinking container), excerpted from the archaic Chinese – Vietnamese  version in the Hạn Mạn Travelling Diaries (which means the diaries of  a sightseeing), was published in the year 1920, and later was  translated by translator Dương Bá Trạc, and published in the Nam  Phong Magazine no. 41. Yet since its appearance, this poem had  consumed so much paper and ink by writers, poets and poetesses,  learned intellectuals, and even researchers of literal history in their  discussions and studying of the original version of the poem. 

Even the name Hồ Trường was not initially created by Nguyễn  Bá Trạc, but rather was excerpted from some verse’s wording and  was named as the title of the poem. This poem was in chapter 10 of  the Hạn Mạn Travelling Diaries Collection. 

In this 10th chapter, the author wrote that the timeline was  about in the year 1912, and as the storey went, while he was  wandering into Shanghai, he met with a country fellowman who had  similar direction and who possessed an excellent voice speaking the  Cantonese dialect.  

 Then in one night, the two of them went out drinking; as they  became half drunk, that Nguyên Quân guest stood up and sang a  song which later was called The Southern Melody. 

Incidentally, there was a military mandarin from the next table,  who was from Trực Lệ and had the last name of Lưu, and who heard  the song and came to inquire about its name, to whom the Nguyên  Quân guest replied: “That is a special Southern Melody.” The Lưu  man then joyfully uttered: “It sounded sad yet heroic, with many  undaunted stanzas. Why is there such excellent melody from the  South?” And Mr. Lưu asked for permission to copy the song onto  paper for safekeeping.  

The story from the pub, which consists of the hearty heroism  and carefree wine drinking of the lamenting wanderer, somewhat  reminds us of the images in the martial stories of Kim Dung that have  once doted on our minds and hearts before 1975. 

I, the purposeful fighter, being dusty from long travelling Have indomitable will, mind it not the road, and roam freely Regarding distant homeland with sorrowful suffering With high expectation, for homeland’s sake, responding 

Men’s will is what the homeland is waiting for  

Even the long river would have its waves in an uproar I dream of the day of seeing again the light of glory When heaven forgets about the resentment from me I would sing in the moonlight so magnificently. 

When he introduced the translation of the Nam Phương Melody,  Phạm Thế Ngũ wrote: In the Hạn Mạn Travelling Diaries, there is a  special folk song composed by the author, a friend, who he  personally met in Shanghai, and who, because of the same situation  of wandering in exile due to political reasons, frequently employed  songs for singing in travelling inns with the hope of minimizing  personal pains. That song was favoured and memorized by heart by  current listeners in occasional reciting, and was especially favoured  and memorized by groups of people who belonged to the  revolutionary class  

* The following is the transliteration from archaic Chinese into  Vietnamese which is excerpted from the Nam Phong Magazine no. 41  of 1920 edition. The translation, done by Dương Bá Trạc and is  copied by researcher Phạm Hoàng Quân, which Nguyễn Bá Trác has  translated from the original Nam Phương Melody: 

“The noble man, will not be frequently exposing his  liver to show his courage, nor be bending the post in his  determined decision before death, in order to support the  Three Ethical Relationships Code and the Five Moral Virtues 

So what’s the point in wandering aimlessly in exile in  the four oceans, away from his homeland forever The southern sky is thousands of miles away over The clouds and the water are blended together in same  misty colour 

He cannot complete his studying 

Neither can he establish his reputation, as his youth is  lingering momentarily and white is his hair becoming So I clap my hands in my singing, and bend my head  aside in my asking, as heaven and earth are immense ever Whoever is my soulmate friend, please come here and  drink up with me this long-drinking wine container Long drinking wine container! Long drinking wine  container! How can I know where to pour it or towards  which direction  

When I pour it towards the eastern direction, the water  of the eastern oceans are flowing heavily, generating the  turbulence 

When I pour it towards the western direction, the  western mountain rains are pouring one by one so  immensely  

When I pour it towards the northern direction, the  northern wind is blowing hastily, moving stones and raising  the sand so spreadingly 

When I pour it towards the southern direction, the  southern sky is so misty and distant, and there are people  who are so drunk that they appear to be so eccentric and  crazy 

Who is the sober one, who is the drunken one; my will  only I know well, my heart only I can comprehend much Men’s career is built on the skills of using the bows and  arrows, so there is no need for carrying the sorrow and  facing grass and trees as such. 

 * According to author Vũ Ngọc Phan, whose writing is in the book  The Current Writers, there has been a mix-up between the authors  Tiêu Đẩu Nguyễn Bá Trác and Tuyết Huy Dương Bá Trạc, who is a  brother of Professor Dương Quảng Hàm; the latter is also a writer 

whose books were published in the middle of the 20th decade and  who also wrote in the Nam Phong Magazine. 

Complex and complicated is the copyright situation Involving name duplication but words’ signs are different That is the nature of names in Vietnamese 

As confusions remain as they would usually be

The current poem Hồ Trường, the most refined and most  favoured in circulation, is the one which is recited by the voices of  Tôn Thất Hanh and of Lệ Ba, Nguyễn Bá Trác’s own daughter, is  recorded on cassettes, and is distributed in Canada. In the tape there  is the author’s daughter’s message for her two children as follows:  

“The poem Hồ Trường is not only the will and expectation of  your maternal grandfather but also is the lasting will and expectation  of the current youths.” While preparing the book Vietnamese Prose and Poetry Anthology (Việt nam Thi Văn Hợp Tuyển), Professor  Dương Quảng Hàm did excerpt another poem from the same Hạn  Mạn Travelling Diaries, the poem “Quanh Đường Vượt Ra Khơi”  (Banking On The Way To The Open Ocean), and he had the book  published by the Trung Tâm Học Liệu Saigon (The Saigon Studying  Materials Centre), in the tenth edition in 1968. 

O the hearty courage that dares to cross the vast ocean Where the ever blue ocean’s waves are slapping so often Men’s will and expectation are shatteringly broken minutely Cloud and wind ridings in blue sky, in golden sunray so easily. 

- In the poem Hồ Trường, one can see “the people from the  South” are mentioned repeatedly many times in its verses. This term  “the people from the South” refers to those from the region of Lĩnh  Nam, China. And the term “chiết hạm” in the verse means “bending  the post”.  

The classical reference “Bending the Post” originates from the  book Hans Book, in the story of Chu Vân under the reign of Hán  Thành Emperor, which is as follows: Chu Vân submits to the Emperor  asking for the execution of the Baron An Xương Trương Vũ; this  angers the Emperor so much that he decides to kill Chu Vân. When  Chu Vân is dragged away, he grabs a post in the palace so tightly  that it is bent and broken. 

Yet when the Emperor renovates the palace, he orders that the  partly broken post to be left untouched so it can preserve the  implying image of integrity and honest saying. Hence this term  “Bending the Post” is used by posterity to show a courageous act of a  loyal subject who dares to advise the Emperor against his will. 

Empirical acquaintance is like playing with a tiger It means not knowing when it would make you suffer Sometimes it is decent, other times so aggressively harmful Since its heart is unpredictable, you should be very careful  

 And the term “cương thường” is well-known to everyone; it is  derived from the combined word of “tam cương ngũ thường”, The  Three Ethical Relationships Code and The Five Moral Virtues, the  former means “the three relatively moral relationships between 1.  The king and his loyal subjects; 2. A father and his children; 3. A  husband and his wife”; And the latter consists of the five moral  virtues a person should strive to keep, i. e. Benevolence, 

Righteousness, Rites, Knowledge, Trustworthiness. 

Since we do not have an Institute of Academics, our  Vietnamese language has not developed standards for it usage. So it  is up to the local intellectuals to employ the language for use at their  wills.  

The Southern Script, the Archaic Chinese, the National Script,  and Latin Script, all have created many errors and misunderstandings,  e. g. the initial term “thoi vật ông vải” (The Shuttle is Wrestling with  Mr. Cloth) has already and eventually transformed into “Ma vật ông vãi”, i. e. “Ghosts Wrestling with the Monk”. And these would  gradually become the “official literature” for the common people.  

Despite of everything, the poem Hồ Trường has created the  magnanimity and uprightness in the vast field of mawkish literature of a once romantic period, which that “laments to the clouds and  cries with the winds”, and which that can only produce uselessly  sorrowful, empty words such as those in The Southern Voyage by  Nguyễn Bính  

“O man, I still cannot cry despite my feeling so sorrowful But I rather laugh out loud going through wine glasses that are full Like Kinh Kha, the commissioned assassin, who drinks in a cold inn You and I are joining together in a hearty laughing

I stress the bowl and throw the content the wild grass over And sing that in the South you and I are together 

Nowadays, there are people who are still wondering if Nguyễn  Bá Trác is the true author of the poem Hồ Trường. 

Regardless of everything, after 1975, on sparse drinking tables of discontented people and of those who are occasionally drunk,  there appear the same poem Hồ Trường, recited in so many varied  formats and styles of voices. They sound somewhat so proudly  vainglorious and heroic yet so woeful that they make the once down and-out people grieve for their own destiny and situation. People like  those soldiers who have retired from holding weapons for shooting to  taking up ploughshares for toiling the fields in the country. Or those officers, whose sentences have expired and who have come back to  civil life pedalling tricycles to make a living, etc... When these people  listen to the poem Hồ Trường, they would feel touched, and they  somehow could identify with it. They may know the name Nguyễn Bá  Trác, yet very few know well about this author’s biography. But when  they listen to the strong-willed and grandiose verses such as “Long  drinking wine container! Long drinking wine container! How  can I know where to pour it or towards which direction  

… my will only I know well, my heart only I can  comprehend much 

Men’s career is built on the skills of using the bows and  arrows, so there is no need for carrying the sorrow and facing grass and trees as such” then their strong-willed innermost  heart would be violently shaken and be flaring up with emotion. So  they would drink up glass by glass. The wine is absorbed into the  heart. It then flows out by the lips to melt away the dolefully  humiliating burden. And to melt the lingering sorrow of wandering in  exile 

Men’s will is so strangely astounding 

As cold as the wind, through the window is it blowing Yet it turns as rubbery and soft as silk all of a sudden

Or as incredibly warm in times of unlucky misfortune Desolation would sever the rubbery silk strand as such Tenderly press the frets, pluck the strings, feeling touched 

- Poet Vũ Hoàng Chương has dolefully cried out: 

“We have been born at the wrong time of the century  A couple of us are spleenfully suffer the sense of solitary An errant life does not tolerate a soul of simplicity 

O boat, O boat, please dock at the simple, distant dock in the country The wine has penetrated into the blood as we are waiting for sunset We hang the sails high and join in the fisherman’s lullaby The winds have blown in time with wavering moonlight so sad O boat, O boat, please yield to the winds, behave well accordingly” 

Poets, strong-willed scholars, all are mildly and generously  drunk. They are now tottering along in a poetic spirit, are suffering  from current homeland’s situation, and are melancholic and nostalgic  of an errant life of wandering in strangers’ land … all of these depend  on their strong will.  

The strong will of people of old is rising so loftily As they totter in feeling self-proud so contentedly  Love for homeland is strong, whether close or faraway Feeling deeply dazed of homeland as they are away Love a person; love also his home and his country Determinedly avoid degeneration for the day of return-to-be  That is the idea of waiting for the day of returning to the  homeland when it is beautiful again, so we could join our hands  together to do its literal rebuilding, just like the culture loving story of  a culturist. He is the owner of Khai Trí Bookstore, located on Lê Lợi  Street in pre-1975 period.  

Mr. Nguyễn Hùng Trương, who the Saigonese of that time  affectionately called Mr. Khai Trí, is a generous and compassionate  person who rarely talks about himself; therefore, very few people  know that he is a living model. 

Starting from nothing, he has become the greatest and most  prestigeous book investor in the South during the pre-1975 period.  Mr. Nguyễn Hùng Trương was born in 1926 in Thủ Đức and he  passed away on March 11th, 2005 after two weeks of staying in the  hospital. He was 80 years old. - His biography is as follows: When he  was little, he often skipped his breakfast, saved the money his  mother had given to him so he could buy newspapers to read - He  studied at Petrus Ký High School in Saigon, and was able to buy an  old bicycle to return home in the weekends (The distance between  Saigon and Thủ Đức is about 12 kilometers). The majority of books  and magazines he bought were from overseas. Until the beginning of  1940, he already had had a valuable bookcase. His friends realized  that he had many books and magazines so they frequently asked him  to buy books and magazines for them. Once there were five of his  friends who wanted his help in buying, so he decided to buy a whole  lot of 10 books to receive the wholesale discount rate of 30% in  commission, given by the bookstore. He left the unsold books on  consignment at the bookstore and three days later the owner asked  him to supply more of the same books because those on  consignment had been sold.  

Fond of reading since the time he was a youngster He who has many good ideas so fresh and better Who absorbs knowledge in a leisurely manner 

And saves money to use in some business later  - From such trivial matter, since he was a student, he had had  the idea of buying books and magazines from abroad and then  reselling them on consignment at domestic bookstores. The books he  chose would be valuable and rare ones. He bought only a few at first,  and then increased the amount to some twenty books when the  selling was getting better.

 By saving up money gradually, in time, he had enough money  to purchase and open a small bookstore at number 62 on Bonard (Lê  Lợi) Street in 1952, which later became known as the Khai Trí  Bookstore before it was called the Saigon Bookstore nowadays.  

 - This bookstore was the first one in Vietnam which employed  the self-serving format where customers could stand in place for  hours reading books without having to buy them. There were female  employees in uniforms here and there who received customers in a  pleasant and caring manner while watching them discreetly and  politely.  

 - At that time, such form of service was quite new, civilized and  was strongly supported by customers. The result was that the  bookstore was expanded into two joined compartments with many  storeys.  

Customer Service form is quite civilized 

Such thinking and idea are from his own mind 

Developing Khai Trí means opening the mind 

And making the Lê Lợi Street better and nice 

Liberating self-meditating culturally 

So to make Saigon a better civilized place-to-be  - The Khai Trí Bookstore was also responsible for the  publication of carefully selected books of diversified and high quality.  Another hobby of Mr. Hùng Trương was the collecting of books and  magazines. Taking the French Le Monde Magazine alone, he had in  his possession all editions from the first to the edition of April 30th,  1975.  

- Together with writer Nhật Tiến, he founded a newspaper for  youths and was the compiler of many valuable books. During the  period of ten years, from 1993 to 2003, he compiled 15 books:

> Vietnamese Love Letters 

> World Selection 

> My Beloved Homeland 

> What Children Should Remember 

> Word Writing For Southerners 

> Beloved Huế 

> Beautiful Poems in Vietnamese Literature … 

 - Writer Nguyễn Thụy Long, (author of the book Loan Mắt  Nhung “Velvet Eyed Loan”, the novel which northern researchers of  post 1975 later utmostly and heartily praised)  

And there was a writing titled “Farewell, Mr. Khai Trí”, which  mentioned about his sad and sorrowful situation in post-1975. Different in region, different in culture 

Personal viewpoints to be changed in colour 

But literature is beautiful and should be transparent We ought to lift it up to higher elevation 

Meditating on mutually wicked reactions in one sad evening Lifelong work is destroyed as the wind seems choking  --- Mr. Khai Trí passed away from old age’s exhaustion after so  many years of trying to get back his bookstore since its expropriation  during the Cultural Purge in 1976. Many writings were burned in this  period. Many more writers and artists were arrested. Even Mr. Khai  Tri was considered a criminal for his running a cultural business.  

Nowadays, his Khai Trí Bookstore employs the name Phahasa in  the same resplendent Saigon capital

Men’s mutual behaviour and the world’s ways are bitter Human livelihood in daytime is fleeting, and is soon over Ideals are vanished leaving only resentment and sulking  Eyes are burning as teardrops are falling 

I pity him for his life full of active devotion 

Evening dreams appear and then disappear in flying motion Indulging in books and magazines is indeed very dreamy As life is changed, one finds himself utterly poor and empty 

- In a setting of a dazed evening overseas, while stopping at  some street corner, let’s imagine an image of a silent man, looking  fixedly at the gate of the Khai Trí Bookstore. That is the man who is  passionate about books and magazines. He has a life full of passion,  and has actively contributed to the culture of a society, which we  might call the Society of the Good Golden Days.  

- That same silent and quiet shadow, with his hands clasped  behind his back, is still looking fixedly at the gate of his once own  bookstore which has now become the past. Then some other people  step up and quietly ask: 

- “How is the bookstore now?” 

That tottering shadow attempts a very faint smile, exhaling very  lightly and chirping his lips so vaguely: 

- We might have to wait for a chance perhaps until the year of  3000” 

Oh, my man

Why can’t you try to patiently wait for them for a while When they return it to you in this very secular life Why do you have to go away to another world in a hurry Only to wander complaining among the ghosts so lonely My love and gratitude to the Khai Trí Bookstore’s owner As I present to him a simple wreath of flowers In remembrance of the soul of the man who passed away May you be forever in peace, come what may 

A little missing for the old road of the old days Lê Lợi Street, where we have walked together on the way Tears are swelling in my eyes as they would be overflowing When I try to suppress them, your image is blurring I remember your caring spirit for the homeland’s literature That would make one cry and wave to you now and forever “Long Wine Drinking Session” once is flying highly, proudly Now only tears are overflowing in exile so spleeny Your story is received in heaven by the lofty Creator I am pouring the wine, feeling sadness in thousand layers 

“Long drinking wine container! Long drinking wine container!  How can I know where to pour it or towards which direction  Who is the sober one, who is the drunken one; my will only I  know well, my heart only I can comprehend much 

Men’s career is built on the skills of using the bows and arrows,  so there is no need for carrying the sorrow and facing grass and  trees as such” 

Translated from Vietnamese into English by Hương Cau Cao Tân
on March 21st, 2023 in British Columbia, Canada