Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2020

Dĩ Vãng - Thơ Pham Phan Lang - Nhạc Vĩnh Điện- Ca Sĩ Đông Nguyễn


Thơ: Pham Phan Lang
Nhạc: Vĩnh Điện
Ca Sĩ: Đông Nguyễn

Hai Phương Trời



Em ở lại khi trời hè đỏ Phượng
Anh ra đi vượt biển, ẩn sâu rừng
Màu tan tác trùm quê hương khốn khổ
Bởi sơn hà đã mất mắt buồn rưng

Em ở lại sầu giăng trời xứ Huế
Anh âm thầm nhớ mãi bến đò xưa
Nhớ Vỹ Dạ hoa Sầu Đông sắc tím
Nhớ con đường Đại Nội những chiều mưa

Em ở lại có còn nhìn nắng úa
Mỗi đêm về mơ khúc nhạc du dương
Hay thổn thức niềm đau tràn sóng dậy
Nép trăng vờn cửa sổ khóc tơ vương

Em ở lại, anh phương trời khách lạ
Thời gian đành phủ lấp lối xanh rêu
Sương điểm tóc còn ôm màu kỷ niệm
Lời thề xin thả gió cuốn mây chiều


Minh Thúy

Bỗng Dưng Sao Lai Buồn Tê Tái Lòng!



Đêm qua tàn cuộc vui về.
Bỗng dưng sao lai buồn tê tái lòng!
Em dần quên mối tình… không.
Xui chi gặp lại để đong nỗi sầu.

Đã không duyên, chẳng tìm nhau
Áo xưa giờ đã bạc màu thương yêu
Sao cho em thấy những điều
Làm tim em rạn với nhiều vết sâu!

Người vui, em cứ nghẹn ngào.
Lòng không ngăn được sóng trào,.. quặn đau!
Tình như những nhánh sông sao.
Nhánh soi rực rỡ, nhánh vào hư không.

Bao phen lòng đã nhủ lòng.
Xin làm kẻ lạ, gặp không ngoảnh nhìn
Đêm qua, nhớ lại… giật mình.
Gặp người, sao vẫn lặng nhìn, hỏi han?

Tình ơi, đá nát vàng tan.
Sao em còn mãi đa đoan nỗi niềm?

Tưởng Dung

Chùa Cầu Bây



Về thăm quê ở Bắc Ninh
Về thăm làng cũ mái đình cong cong
Về thăm sóng lúa đòng đòng
Tả tơi trước gió long đong thân gầy
Về thăm ngôi chùa Cầu Bây
Còn đâu ao cá bên cây ngô đồng?
Còn đâu thơm ngát khóm hồng?
Còn đâu hàng sói ai trồng năm xưa?
Còn đâu chiếc võng đong đưa?
Sư Già nằm đó những trưa mùa hè
Vườn sau thiếu vắng bụi tre
Cây cau rậm lá bóng che giàn trầu
Láng giềng xưa cũ nay đâu?
Cô đơn một bóng cây cau cao gầy
Hương nhài thoang thoảng đâu đây
Chích chòe nhẩy múa trên cây vải thiều
Lung linh vạt nắng ban chiều
Vi vu gió thổi cánh diều vút bay

Chùa trong, xin bạch cùng Thầy
Con là đệ tử chùa này năm nao
Từ ngày còn có cái ao
Từ ngày còn có hàng rào bụi tre
Ở đây trọn một mùa hè
Nơi đây con nhớ muối mè cà tương
Sớm hôm lên chốn Phật Đường
Chú Kỳ, chú Cúc dâng hương cúi đầu
Chắp tay con cũng nguyện cầu
Quan Âm Bồ Tát nhiệm mầu chứng minh
Xin Ngài phù độ chúng sinh
Mai cho con oản xinh xinh vàng vàng

Chuông chùa thong thả ngân vang
Mặt trời đã lặn, chiều sang êm đềm
Cùng Thầy bước lên chùa trên
Trước ban thờ Phật tay mềm rung rung
Cuối ngày hồn bỗng rưng rưng
Cuối ngày lòng bỗng vô vùng thiết tha
Này đây là chốn quê cha
Này kia quê mẹ, nhà nhà tả tơi
Xa xa vẳng tiếng à ơi!
Ru con yên ngủ, quên đời khổ đau.

Lê Thị Nhị

Sa Mạc - Hoa


Sa Mạc

Trời đã vào đông mà lòng sa mạc
Khao khát mưa dầm chợt nắng quanh năm
Trở mình hoa tỏa ngát hương thầm
Xao động lạ và lòng thôi sa mạc

Trời đã vào đông nụ hồng tan tác
Theo gió mùa từng cánh mỏng rụng rơi
Xơ xác xơ kia một đóa hoa đời
Làm sao giữ hoa đời thôi tan tác

Trời đã vào đông mảnh hồn đơn độc
Môi mắt cười mà sao lệ rưng rưng
Mưa nắng ơi hãy luân chuyển không ngừng
Hòa máu tim cho hồn thôi đơn độc 


Kim Phượng
Ngày đầu Đông
***
Thơ Cảm Tác:


Hoa

Hãy cắm một nhánh xương rồng
Vào trong khô cằn sỏi đá!
Sa mạc gió cát mịt mờ...
Có ngày rực rỡ trổ hoa!


dovaden2010 
***
Sa Mạc Hồng

1-Sa mạc tuyết


Trời vào Đông hồn ai cô độc
Gió lạnh lùng hoa tuyết rơi rơi
Hình bóng xưa hiển hiện sáng ngời
Trên sa mạc -  nụ hồng cô độc

2-Hoa sa mạc

Có một cây xương rồng
Mọc ra từ tảng đá
Trong sa mạc mênh mông
Bỗng trổ hoa_một nụ hồng


ChinhNguyên/H.N.T. 
 USA đầu Hạ 2020


Bố Muốn Về Nhà


Ông Đê mở mắt thức dậy sau giấc ngủ trưa, hôm nay là thứ mấy và bây giờ là mấy giờ ông cũng không biết. Ở đây ngày nào cũng như ngày nào, ông là người già trí óc lúc nhớ lúc quên bên cạnh những người già khác, bệnh hoạn, lú lẩn, thì ngày tháng có nghĩa gì đâu.

Ông ngồi dậy nhìn sang giường bên cạnh ông Mỹ già đã thức từ lúc nào. Ông Đê thản nhiên hỏi bằng tiếng Việt Nam:
- Ông ngủ trưa có ngon không?
Ông Mỹ vốn mất trí nhớ khá nặng lại không hiểu tiếng Việt nên cũng thản nhiên và ngu ngơ đáp lại dĩ nhiên là bằng tiếng Mỹ:
- Ông muốn đi ăn bữa chiều không, ông đói bụng chưa ?
Hai ông già chung phòng trong nursing home vẫn nói chuyện với nhau trời ơi đất hỡi chẳng ai hiểu ai như thế. Cả hai đều vui vẻ y như vừa xong một cuộc trò chuyện tâm đầu ý hợp..

Ông Đê tìm chiếc gậy để đi ra ngoài, chiếc gậy này con gái ông mua 20 đồng trong cửa tiệm bán dụng cụ, đồ dùng y khoa cho người già, có thể điều chỉnh cao thấp tùy ý và đầu gậy có bọc cao su khó trơn trượt để cho ông nương tựa.

Ông Đê lúc nào cũng hướng về phía cổng nursing home dù ông biết là cánh cửa đã khóa cùng với người nhân viên ngồi canh cổng, không bao giờ ông có thể đi ra ngoài, nhưng ông được nhìn qua tấm cửa kính cảnh vật bên ngoài, ở nơi nào đó ông đã từng có một mái nhà.

Thẫn thờ đứng rất lâu nhìn ra ngoài ông Đê lại dò dẫm chống gậy bước về phòng, đi qua phòng khách hay các hành lang ông thấy vài người già như ông, mỗi người một vẻ, một kiểu, lặng lẽ ngồi gục đầu trong xe lăn, hay lò dò từng bước đi walker 

Về chiếc giường của mình ông Đê lại nằm xuống, mắt mở thao láo, ông rất hồi hộp lo lắng sợ mình ngủ quên mấy đứa nhân viên bất ngờ đến dựng ông dậy để đưa ông …xuống phòng tắm hay phòng ăn dù ông đang say sưa ngủ đến đâu, dù ông không muốn tắm, dù ông chẳng muốn ăn, nhưng chúng nó làm việc ăn lương cứ đúng giờ là làm nhiệm vụ.

***
Sáng hôm sau con gái ông đến, ông mừng rỡ túm lấy áo con nài nỉ:
- Con ơi…đưa bố về nhà đi.
Con gái an ủi:
- Thì con đến đón bố về thăm nhà chơi với con cháu đây.
Ông kể lể và khóc, không biết vì mừng vui hay vì tủi thân, nhưng giọng điệu ông tỉnh táo hẳn ra:
- Bố thèm món ăn Việt Nam, thịt kho, cá kho, rau luộc chấm với nước mắm…bố thèm nhiều thứ lắm.
Con gái nhắc nhở:
- Con biết rồi. Bố nhớ mang hai hàm răng giả vào để ăn cơm cho ngon miệng. Về nhà con sẽ làm thịt ba rọi luộc chấm với nước mắm như ngày xưa bố từng nhắm rượu..
- Thế hả con… mẹ mày làm cho bố chén nước mắm dằm tỏi ới đậm đà ngon lắm.

Những ngày ấy đã qua lâu rồi. Vợ ông mất cả chục năm nay, vậy mà mỗi lần nhắc lại ông đều tưởng như mới ngày hôm qua, hôm kia..
Bà mất, căn phòng housing trợ giúp thuê ở apartment chỉ còn lại một mình ông tiếp tục sống, một mình tuy buồn nhưng ông thảnh thơi tự do như ý . Ông đi bộ ra chợ Việt Nam ở bên kia đường, thích ăn gì thì mua về nấu. Ông vẫn nhớ món thịt ba rọi luộc chấm nước mắm của vợ mà ông dù có làm cũng không ngon bằng bà làm.

Nhà con gái ở gần, cách 10 phút lái xe, vẫn thường đến thăm và phụ giúp ông nhiều việc vặt như nấu nướng, giặt giũ hay dọn dẹp nhà cửa cho đến khi con gái ông nhất quyết bắt ông phải dọn vào ở trong nursing home này.
Ông Đê năm nay vừa đúng 90 tuổi, về thể chất ông “khỏe mạnh” so với tuổi, không bệnh hoạn ngặt nghèo, chỉ có tội chân tay run rẩy yếu ớt nhưng ông vẫn đi đứng được, về tinh thần ông nửa nọ nửa kia, lúc tỉnh nói năng bình thường, lúc lú lẩn nói không đâu vào đâu, chẳng nhận thức gì cả. Ông không thể tự chăm sóc bản thân được nữa.

Con gái ông đã suy nghĩ tính toán cặn kẽ, nhà chị có 4 phòng đã đủ cho 4 người, hai vợ chồng và hai đứa con. Vợ chồng chị đều đi làm, hai đứa con đi học, không thể mang bố già về ở chung, lấy ai chăm sóc? Với lại chị quan niệm để bố trong nursing home còn có y tá theo dõi tình trạng sức khỏe, ăn uống hợp lý cho tình trạng từng người.
Thỉnh thoảng chị ghé thăm bố như ngày hôm nay.
Ông Đê hớn hở chống gậy lê bước theo con gái ra xe, như một đứa bé vui mừng náo nức sắp được mẹ chở đi chơi công viên.
Con cháu vui vẻ đón ông về nhà, hai đứa cháu ngoại từng được ông bà chăm sóc đón đưa từ lúc lọt lòng đến khi đi học nay đã lớn phổng phao, đứa 15 đứa 17. Thỉnh thoảng ông vẫn lú lẩn hỏi chúng là…con cái nhà ai. Cũng may lúc tỉnh ông vẫn nhớ ra và nói tên từng đứa .
Con gái thu xếp cho ông một phòng vì ông sẽ ở nhà hai ngày cuối tuần

Bữa cơm đầu tiên về nhà đã được dọn ra, có bát đũa sạch đẹp, có napkin , có mảnh báo trải sẵn, có chai bia lạnh mới lấy trong tủ lạnh ra và có món ông ưa thích là canh mồng tơi nấu tôm khô giã nhỏ, có thịt ba rọi luộc thái mỏng chấm nước mắm nguyên chất dằm tỏi ớt.

Con gái chỉ mảnh báo dặn dò:
- Bố nhai gì không được thì nhả ra để vào tờ báo này, đừng vứt xuống sàn nhà sinh ra kiến dán đấy. Còn napkin này bố lau tay.
Lúc bố còn ở apartment, phòng ăn, góc bếp đầy dán, chúng tự do sinh sôi nẩy nở chẳng thuốc nào tiêu diệt nổi dù chị đã thay đổi mua nhiều loại thuốc diệt dán khác nhau..
Tuy dặn dò kỹ lưỡng thế chị vẫn…ngồi canh chừng kẻo bố trí óc lãng đãng hoặc quen tay vứt thẳng rác xuống sàn nhà như bấy lâu nay .
Ăn cơm xong ông tráng miệng miếng bánh đậu xanh Bảo Hiên Rồng Vàng. Từ đầu đến cuối toàn là những món mà ông ưa thích.

Con gái ông ngồi tiếp thức ăn cho bố. Chị kiên nhẫn ngồi đợi ông ăn đến miếng cuối cùng. Khi ông vừa ăn xong thì chị đã nhanh nhẩu:
- Bố ra chỗ sink kia rửa tay xúc miệng.

Đích thân con gái rửa tay và đưa nước ấm cho bố xúc miệng, chị nhắc nhở từng chút một:
- Bố rửa tay xà bông xong tháo răng giả ra xúc miệng vài lần cho sạch sẽ. 

Chị rửa sạch bộ răng giả cho bố và ngâm vào hộp nước.
Khi ông Đê vào restroom vừa ra thì tức khắc con gái… chạy bay vào để lau chùi, chị biết chắc thế nào bố đi tiểu cũng vương vãi ra sàn nhà như chị từng thấy khi bố ở apartment trước kia, nếu không lau sạch mùi khai sẽ bốc lên và người khác dẫm vào là bôi bẩn ra cả nhà.

Buổi tối con gái trải sẵn giường gối cho bố, đưa tận tay bố chiếc remote control ti vi và chỉ dẫn:
- Đây là các đài ti vi Việt Nam. Bố tha hồ mở xem khi nào muốn ngủ thì tắt đi. Chúc bố ngủ ngon nhá.
Ông nằm đắp chăn xem ti vi ngoan ngoãn như một đứa trẻ


Chị yên chí ra ngoài và làm việc của mình, đến khuya chị sắp sửa vào phòng ngủ của mình thì bắt gặp bố già vừa lẻn vào bếp xong vội vã trở về phòng ngủ, chị ngạc nhiên…dí theo bắt gặp bố đang bóc thanh bánh đậu xanh Bảo Hiên Rồng Vàng bỏ vào miệng ăn ngon lành như người đang đói khát. Chị dãy nãy lên:
- Trời ơi, nửa đêm bố còn mang bánh ngọt vào phòng ngủ để ăn, sẽ sinh ra dán kiến bố biết chưa? Với lại bố đã xúc miệng rửa tay rồi, bây giờ phải…làm lại tất cả.
Ông trở thành lú lẩn cáu kỉnh:
- Thôi, thôi, để cho tao yên, tao đi ngủ đây.
Và ông nhất định từ chối rửa tay xúc miệng, nằm trùm chăn phản đối con gái tới cùng. Ông đã chiến thắng.

Suốt hai ngày cuối tuần con gái quá căng thẳng vì cứ phải liếc mắt để ý từng hành động của bố, ông làm gì cũng vương vãi rơi đổ không canh chừng sao được, chưa kể phải trả lời hàng chục lần các câu hỏi của bố giống như nhau mà mỗi lần hỏi xong ông lại quên và…hỏi nữa. 
Vất vả nhất là bắt bố vào phòng tắm, bố không chịu để con cái tắm giùm, bố tự ái tao còn tay còn chân không phải nhờ đứa nào.
Chị đã pha sẵn thùng nước ấm, xà bông gội đầu, xà bông tắm để gần kề, một chiếc ghế con cho bố ngồi tắm, khăn áo mới sạch sẽ để bố thay…

Vậy mà 10 phút sau bố tinh tươm quần áo mới ra khỏi phòng tắm và khoe rằng bố đã …lau chùi mình mẩy đủ sạch rồi, khỏi cần tắm rửa làm gì…tốn nước.
Không biết bố “lau chùi” kiểu nào mà thùng nước ấm còn nguyên.
Chị lại chịu thua như tối qua đã thua bố khi ông không chịu rửa tay sau khi ăn bánh trong phòng ngủ. 
Chỉ có nhân viên trong nursing home làm việc thẳng thừng may ra bố mới chịu nghe. Với lại bố không biết tiếng để nói năng cãi cọ với họ được.

Con gái đang soạn đồ cho bố trở lại nursing home thì ông chống gậy ra ngoài sân từ lúc nào, chị vội vã đi tìm thì thấy ông đang đi mãi phía xa, chị chạy lại cầm tay bố:
- Bố đi đâu thế, làm con hết hồn tưởng bố đi lạc…
Giọng ông dõng dạc:
- Về nhà.
Con gái dỗ ngọt:
- Đúng rồi, con đang chuẩn bị đưa bố trở về nhà, về nursing home của bố .
Ông tỉnh táo hơn bao giờ, tuôn ra một tràng… thống khổ:
- Bố không về nhà của con đây, không về nursing home kia. Bố về nhà của bố, về căn nhà housing ở apartment, nơi ấy bố được quyền sống theo ý bố. Ở nursing home là một nhà tù, họ khóa cửa, có người canh cổng. Buổi trưa bố đang ngủ, họ giở thốc tấm chăn lên một cách phũ phàng để bắt bố đi tắm cho bằng được. Bố chưa đói nhưng tới giờ ăn cũng bị đưa xuống phòng ăn cho bằng được. Họ không cần biết cảm xúc bố ra sao, họ cho gì ăn nấy, bố không có quyền đòi hỏi thứ mình muốn. Hỏi, đời còn gì vui?

Về nhà con chơi lại là nhà tù thứ hai, tuy con cháu thương yêu chăm sóc nhưng bố cảm thấy luôn bị theo dõi rình rập, nhất cử nhất động của bố đều bị con cháu bám theo, chỉ huy bố từng ly từng tí chỉ để giữ gìn sạch sẽ cái nhà này. Hỏi, đời còn gì là hai chữ tự do?

Nói xong ông bật khóc như đứa trẻ, là lúc trí óc ông lẩn thẩn ngu ngơ mà vẫn khẳng định:
- Để bố về nhà… về nhà của bố…

Nguyễn Thị Thanh Dương
( Father's day, 2020)

Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2020

Trang Sách Cũ



Tôi lặng lẽ giở từng trang ngày cũ
Ôm ấp thời đông đủ bạn bè xưa
Lòng sách ơi quay quắt nhớ mấy vừa
Bao kỷ niệm dù trở mình vàng úa

Của thuở ấy trong giảng đường im vắng
Sách chưa trao ôi khóe mắt dạt dào
Lòng bồi hồi hồn lạc cõi trăng sao
Giấc mộng lành ướm hương tình ngào ngạt

Nhuộm thời gian đã mấy mùa chờ đợi
Nghe trên cành ra rả những mùa ve
Và lim dim cánh phượng dưới nắng hè
Lòng sách đây bóng người nay biền biệt







Thơ & Ảnh: Kim Phượng

Về Đâu


Ngồi thiền nhìn cánh hoa rơi
Giất mình nghĩ đến cuộc đời nhân gian
Hoa rơi vì đã úa vàng
Con người rồi sẽ lụn tàn về đâu ?
Cuộc đời thay đổi bể dâu
Sáng cười chiều khóc buồn vui trong ngày
Nhân sinh một kiếp đọa đày
Quay về tâm Phật như lai vĩnh hằng 

Hà Quế Linh
Rằm tháng 4 năm Mậu Tý (6-6-20)

Trả Lời Anh


(Viết thay cho một người con gái)

Em đã nhận thơ anh tặng rồi
Tâm sự có nhiều cũng thế thôi
Dù anh không nói câu từ giã
Em biết chúng mình sẽ cách đôi

Cứ mỗi năm nhìn lá úa vàng
Chạnh lòng nhớ lại lúc thu sang
Anh ơi! Thu đến mang sầu tới
Khơi dậy mối tình đã trái ngang\

Chỉ một lần yêu đã khổ rồi
Sao còn nhắc đến chuyện hôn môi
Thân tuy gầy yếu, tim băng giá
Giữ mãi trong em bóng một người

Nay viết lá thư để trả lời:
“ Em bây giờ cũng vẫn đơn côi 
Bao nhiêu kỷ niêm, bao đau đớn ,
Và khóc âm thầm, khóc mãi thôi”…

Hoàng Nguyên Linh

Trên Môi Tháng Sáu



Mùa sa giông phía bờ biển rộng
Bởi mắt người thăm thẵm chiều sâu
Tôi thấy rõ bóng hình trong đó
Mắt lệ nào sóng gợn về sau

Mưa tháng Sáu bắt đầu hôm trước
Nên tôi đành ngồi lại chiều nay
Nghe từng giọt môi người mấy lượt
Trên môi tôi biển mặn vơi đầy

Mưa tháng Sáu, hởi người thôi đã
Nụ hôn buồn mi đọng rưng rưng
Ai sẽ nếm hương tàn bữa nọ
Tóc vàng phai về úa con đường

Giờ xa lắc kiếp người lận đận
Một đời trôi cuối bãi vô chừng
Thôi có lẽ như chiều cúi mặt
Dấu một thời tháng Sáu sau lưng..?


Durham, North Carolina
Người Chợ Vãng


Tựa Đám Phù Du



Bài Xướng: 

Tựa Đám Phù Du


Bởi nhịp thời gian thoáng đã vù
Nên đời cũng chỉ mớ phù du
Buồn cơn huyễn mộng vừa tan tác
Ngán nẻo phồn sinh vẫn mịt mù
Một cõi đi về nương tấc cỏ
Đôi bờ mất được gửi ngàn thu
Rồi khi biển hóa thành dâu mãi
Giữa cuộc trầm luân thẳng sánh gù.

Nguyễn Gia Khanh
***
Các Bài Họa:
Chỉ Là Cát Bụi

Trầm mê cát bụi cũng bay vù
Mệt mỏi chưa hề bước lãng du
Thế sự tranh giành buôn huyễn ảo
Nhân tình cướp giật đổi sương mù
Nào hay cuối đoạn vầy hoa cỏ
Chẳng ngỡ sau vườn nhận gió thu
Vã chốn phù sinh tầm cực khổ
Rồi mai rốt cuộc cũng lưng gù.

Hoa Mai
***
Bèo Bọt


Thì xuân bỗng chốc vụt bay vù
Chạnh tủi thân bèo kiếp lãng du
Những tưởng tiền danh cười vận số
Nào hay lối mộng phủ mây mù
Mơ cầu thuở ấy từng trông đợi
Ước nguyện năm nào chẳng bõ thu
Thảng thốt niềm xưa vầy dạ nẫu
Đời duyên nặng gánh tải thêm gù.

0481 H,23/6/2020
Thái Chung
***
Mộng Phù Du


Đời như giấc mộng thoảng bay vù
Cuộc sống như là cảnh lãng du
Giữa buổi hoàng hôn mờ cát bụi
Rừng mai vạt nắng đẫm sương mù
Êm chiều chén rươu ngồi mơ tuổi
Khổ nỗi âm đàn lại nhớ thu
Níu mảnh thời gian sầu vụn vỡ
Cùng đêm lạc lõng tiếng chim gù.

Thạch Hãn(LCT)
 23/06/2020
***
Phù Du

Giấc mộng hoàng lương sẽ thoáng vù
Vui nồng một sớm thoảng tàn du
Vần xoay Qụa lửa chiều qua sáng
Đảo hoán Thiềm băng rực để mù
Phách lạc mây trời tan khởi gió
Thân vào bụi đất rã tàn thu
Về đi một cõi đều không cả
Lý lẽ mà chi!....chuyện thẳng gù

23-6- 2020
Nguyễn Quê
***
Vịnh Con Lật Đật


Bất đảo vì ông nghĩ định vù
Thân tròn mũi tựa quả thù du
Buồn vui chạm đến đều nghiêng ngả
Thật giả sờ xem cũng rối mù
Mẽ đỏ tươi màu trông đấy hạ
Tên nghèo rỗng ruột biết gì thu
Tình yêu chẳng có vô hồn mãi
Tỏ nỗi niềm chi cứ gật gù?

Nguyễn Thế An
***
Mộng Du


Thời xanh một thoáng đã bay vù
Ngoảnh lại bao thời quãng mộng du
Áí ố tham sân che dạ sáng
Ai bi hỷ nộ khỏa tâm mù
Sông đời tụ tán hoài mưa nắng
Kiếp sống xoay vần mãi hạ thu
Cát bụi buồn vui …xôn xao ấy
Rồi ra bỏ lại thẳng như gù.

Hương Thềm Mây 
23.2020
***
Một Thoáng Dương Trần

Trần gian một chốc cũng bay vù
Chẳng khác đâu là cõi mộng du
Chớ ngỡ rằng ta là nguyệt tỏ
Mà nên nghĩ đó lọn sương mù
Ai rồi mấy giữ đêm vào hạ
Vậy để mai còn lối vãng thu
Dõi cảnh vui buồn đâu trọn ý
Cần chi phải hót tựa chim gù ..!

Hữu Thiên
NL24/06/2020
***
Tựa Đóa Phù Dung

Sầu cho kỷ niệm bỗng nhiên vù

Giận kẻ theo đoàn khách lãng du
Những buổi thầm mơ thành cát bụi
Từng đêm đã mộng hóa sương mù
Quên tình ngỡ cảnh ngời trăng hạ
Bỏ nghĩa như chiều lộng gió thu
Biển lạnh đìu hiu hờn bãi vắng
Trời khuya nức nở dỗi chim gù

Dinh Tuan Minh
***
Đời Người


Ngày qua tháng lại ngỡ bay vù
Một kiếp nhân tình tựa lãng du
Kẻ được giàu sang vầng nguyệt tỏ
Người ôm đói rách phận mây mù
Khi đau ruột cháy ve mùa hạ
Lúc khổ tim buồn lá tiết thu
Lắm cảnh trời sinh đời ngược lối
Thương cho thế sự giống lưng gù.

Mai Thảo
***
Rộn Rã Mùa Sang


Thời gian lặng lẽ thoáng trôi vù
Trải dạ êm đềm chuyến lãng du
Nhạn thẫn thờ trông bờ biển ấm
Hằng ngơ ngẩn lạc áng mây mù
In dòng kỷ niệm huy hoàng ngõ
Luyến khảm ân tình đẹp đẽ thu
Huyễn hoặc xin đừng se sắt tủi
Bình minh rộn rã tiếng chim gù 

Bích Hằng
2020 .06 . 25

Cũng Tại Cái Ông Khuất Nguyên Của Nước Sở

Tiết Đoan Ngọ: Tết Giữa Năm

Mùng 5 tháng 5 là TIẾT ĐOAN NGỌ 端午節, theo Ngũ hành Bát quái, vì số 5 thuộc dương, nên Tiết Đoan Ngọ còn gọi là Tiết ĐOAN DƯƠNG 端陽. ĐOAN: là Đầu mối, là mở đầu; NGỌ: là giờ Ngọ, là giữa trưa; còn DƯƠNG là mặt trời, là khí dương, ĐOAN DƯƠNG có nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh. Còn ĐOAN NGỌ là bắt đầu lúc giữa trưa. Theo truyền thuyết Trung Hoa...

KHUẤT NGUYÊN 屈原 (340-278 TCN) : Vào cuối thời Chiến Quốc, có một vị đại thần nước Sở là Khuất Nguyên. Ông chẳng những là vị trung thần của nước Sở mà còn là nhà thơ, nhà văn hoá nổi tiếng của Trung Hoa. Ông là tác giả hai bài thơ bất hủ là LY TAO 離騷 và SỞ TỪ 楚辭, nổi tiếng trong văn hóa Trung Hoa cổ đại, thể hiện tâm trạng buồn vì đất nước suy vong. Do can ngăn Sở Hoài Vương không được, lại bị gian thần hãm hại, ông đã uất ức gieo mình xuống sông Mịch La tự trầm ngày mùng 5 tháng 5. Dân chúng nơi đó đã mang thuyền đến giữa dòng sông để cố gắng cứu vớt nhưng không thành. Để cho các loại cá và linh hồn của các yêu ma quỷ quái không lại gần được thi thể của ông họ đã đánh trống và vẩy nước bằng các mái chèo của họ. Sau đó để tưởng nhớ, tiếc thương cho một người trung nghĩa, mỗi năm cứ đến ngày mùng 5 tháng 5, dân Trung Hoa xưa lại làm bánh ú gói nhân thịt mỡ, quấn chỉ ngũ sắc bên ngoài (ý làm cho cá sợ, khỏi đớp mất) rồi bơi thuyền ra giữa sông, ném bánh xuống để cúng Khuất Nguyên. Do đó, hình thành hai tập tục trong ngày lễ Đoan Ngọ cho đến hiên nay là : Đua thuyền rồng và Ăn bánh ú.

Trong văn học, tác phẩm LY TAO của Khuất Nguyên hình thành những từ như : Tao Nhân Mặc Khách, Tao Đàn ... Trong thơ ca Trung Hoa còn ghi nhận SỞ TỪ là nguồn gốc của thơ Thất ngôn sau nầy. Sau đây là hai bài thơ Thất ngôn Tứ tuyệt có liên quan đến Tết Đoan Ngọ ở đời Đường. 

同州端午                 ĐỒNG CHÂU ĐOAN NGỌ

鶴髮垂肩尺許長, Hạc phát thùy kiên xích hứa trường,
離家三十五端陽。 Ly gia tam thập ngũ Đoan Dương.
兒童見說深驚訝, Nhi đồng kiến thuyết thâm kinh nhạ,
卻問何方是故鄉。 Khước vấn hà phương thị cố hương ?
殷堯藩                     Ân Nghiêu Phồn

Có nghĩa:

Tóc bạc qúa vai cả thước thường,
Xa nhà ba mươi lăm Đoan Dương.
Trẻ con nghe nói đều kinh ngạc,
Cùng hỏi nơi nào là cố hương?

Tết giữa năm cũng khiến cho người lữ khách nhớ nhà như là Tết Nguyên Đán vậy ! Đọc bài thơ trên làm cho ta lại nhớ đến bài "Hồi Hương Ngẫu Thư" của Hạ Tri Chương... Ta đọc thêm một bài thơ về Đoan Ngọ nữa nhé !

端午                         ĐOAN NGỌ

節分端午自誰言, Tiết phân Đoan Ngọ tự thùy ngôn,
萬古傳聞為屈原。 Vạn cổ truyền văn vị Khuất Nguyên.
堪笑楚江空渺渺, Kham tiếu Sở giang không diểu diểu,
不能洗得直臣冤。 Bất năng tẩy đắc trực thần oan !
文秀                         Văn Tú

Có Nghĩa:

Đoan Ngọ ai chia Tết tháng năm,
Khuất Nguyên từ vạn cổ xa xăm.
Nực cười sông Sở trôi trôi mãi...
Rửa chẳng sạch oan đấng nghĩa thần!

Sông Mịch La của nước Sở, nơi Khuất Nguyên nhảy xuống để tự trầm, mấy ngàn năm vẫn không thể rửa hết oan khiên cho đấng bề tôi trung nghĩa. Bài thơ nầy làm cho ta nhớ đến một "Giai thoại văn chương Việt Nam thời vua Tự Đức", ông vua rất giỏi văn thơ của Việt nam ta ...

Trong "Giai thoại văn chương Việt Nam" của Thái Bạch có kể về tài ứng đối của Đinh Nhật Thận như sau : Đinh Nhật Thận sinh năm Ất Hợi (1815) tại làng Thanh Lạo, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, đỗ cử nhân khoa Đinh Dậu (1837), đỗ tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1838) được bổ làm Tri phủ. Ông thường giao du với Cao Bá Quát và Nguyễn Hàm Ninh. Sau Cao Bá Quát dấy binh chống lại triều đình, Đinh Nhật Thận bị tình nghi, bắt giải về kinh giam lại, sau lại được thả ra. ("Quốc Triều Hương Khoa Lục" chép về Đinh Nhật Thận: “ Vì là bạn cũ của tên giặc Cao Bá Quát nên bị bắt giam, sau được thả”.

Vì mến tài ông, vua Tự Đức lưu ông lại ở kinh đô để dạy cho con em trong hoàng tộc và cũng để dễ bề kiềm chế ông. Tục truyền khi ở kinh đô, một hôm Đinh Nhật Thận cùng các quan đại đại thần theo thuyền ngự đi ngoạn cảnh trên sông Hương. Nhân bàn luận về Nho giáo, ông nhắc đến câu: “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung; Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu” và cho đó là một câu chí lý. Nghe xong, vua Tự Đức phán :
- Vậy trẫm truyền cho khanh nhảy xuống sông này chết đi, khanh có dám làm không ?
Nghe vua phán vậy, các quan trên thuyền đều lo sợ thay cho ông, vì không nhảy xuống sông thì không trung với vua, mà nhảy xuống thì chết là cái chắc. Ấy vậy mà ông vẫn bình tĩnh lạy nhà vua ba lạy xong đâu vào đấy, rồi lao mình nhảy tỏm xuống dòng sông. Mọi người đều bàng hoàng, tưởng đây là nơi an nghỉ ngàn thu của ông rồi. Nhưng chỉ trong giây lát, ông ngoi đầu lên khỏi mặt nước và vói tay bám vào mạn thuyền ngự. Vua Tự Đức hỏi: 
- Sao khanh không ở dưới đó luôn mà còn trở lên đây chi vậy?
Ông bình tĩnh đáp rằng:

- Chỉ tại cái ông Khuất Nguyên của nước Sở. Nhà vua ngạc nhiên hỏi:
- Tại sao lại Khuất Nguyên ?. Ông chậm rãi kể :
- Thần định ở luôn dưới đó, nhưng khi vừa xuống đến đáy sông thì thần gặp ông Khuất Nguyên, ông ấy đuổi thần lên và mắng thần rằng: 

Ngã phùng ám chúa hàm oan nhẫn, 我逢黯主含冤忍,
Nhữ ngộ minh quân nịch tử hà ? 爾遇明君溺死何?

Có nghĩa:

Ta gặp phải chúa hắc ám, nên phải chịu oan đã đành,
Còn ngươi gặp được minh quân sao lại phải nhảy xuống đây trầm mình tự tử vậy ?
... hạ thần nghe ông ấy mắng quá đúng cho nên phải ngoi lên đây để tâu cùng bệ hạ rõ!

Vua Tự Đức cả cười, sai thị vệ kéo ông lên thuyền ngự, lấy quần áo cho ông thay rồi đích thân rót một chén rượu để khen thưởng cho cái tài ứng đối mẫn tiệp, mặc dù biết đó là một câu chuyện hoàn toàn bịa đặt.
Giai thoại trên nghe thì rất lý thú, nhưng chỉ để kể cho nhau nghe chơi khi trà dư tửu hậu mà thôi. Nay nhân Tết Đoan Ngọ, ở nơi xứ lạ quê người nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn, nên kể hầu chư vị cho vui với một ngày Lễ chỉ có ở vùng của các nước Đông Nam Châu Á mà thôi.

杜紹德
Đỗ Chiêu Đức 

Thứ Năm, 25 tháng 6, 2020

Lá Rụng Ven Sông - Hoàng Nguyên - Thanh Thúy


Sáng Tác: Hoàng Nguyên
Ca Sĩ: Thanh Thúy
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình


Chờ Nhau



Rừng núi bao la cao ngút ngàn,
Chân đèo sóng vỗ tiếng rền vang.
Mây giăng khắp lối trời u ám,
Sương phủ đồi quanh đá gập ghềnh.
Xứ Huế đường ra băng núi dốc,
Quảng Nam nẻo đến vượt đồi hoang.
Lăng cô gió cuốn neo thuyền đợi,
Phước Tượng chờ em nắng đổi vàng.

Nguyễn Thành Tài

Cô Đơn


( Ảnh: Tác Giả)

Cô đơn như mảnh trăng gầy
Chiều hôm giá buốt đong đầy nhớ thương
Tìm ai thao thức đêm trường
Chờ ai một bóng bên đường bơ vơ
Cô đơn sao quá hững hờ
Người xa xa mãi bao giờ gặp nhau
Cô đơn tim thốt niềm đau
Bờ môi ánh mắt làm sao quên người
Ôm em ôm chặt nụ cười
Yêu em yêu cả một đời cô đơn.

Biện Công Danh

Bình Minh Lên Tiếng Gọi



Gió cuốn ta về đâu
Sương ướt đẫm mái đầu
Ánh sáng buồn mờ ảo
Bình minh như xa xôi
Bình minh lên đó hở
Vui buồn cùng sương rơi
Ta níu kéo lời xưa
Dệt thơ tình tặng người


Chân Diện Mục

Tương Tư



Em đau khổ ôm nỗi sầu thầm kín
Phương cách nào anh hỡi vợi tương tư
Để lòng em đừng mòn mỏi cánh thư
Đừng thi vị chuyện tình yêu không thật


Bao kỷ niệm dưới trăng vàng ngây ngất
Anh xóa mờ vơi nhẹ nỗi nhớ nhung
Nếu hương tình còn âm ỉ không ngưng
Anh cố quên để tâm hồn thanh thản

Nếu cõi mộng là phù du buồn nản
Lối đi nào hưởng hoa gấm thần tiên
Con đường nào đưa em thoát ưu phiền
Đợi kiếp nào cho tan sầu cách biệt

Chúc Anh

Hùng Ca Sử Việt 1 - Lời Mở Đầu Phần 1




Hùng Ca Sử Việt 1 - Lời Mở Đầu
Phần 1


Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
Lý Thường Kiệt

Sông núi nước Nam, vua Nam ở,
Rành rành định phận tại sách Trời.
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời

Mục Lục

- Lời Mở Đầu
- Đồng Bào
- Phù Đổng Thiên Vương
- Tiếng Hờn Sông Hát
- Nhuỵ Kiều Tướng Quân
- Mai Hắc Đế
- Bố Cái Đại Vương

Lời Mở Đầu

Mỗi dân tộc, mỗi quốc gia, đều có niềm tự hào, hãnh diện của nòi giống. Dân Việt ta lại càng hãnh diện hơn khi có những Tiền Nhân cân quắc anh thư, là những anh hùng xuất chúng.
Là một nước nhỏ bé nằm kề cận một nước lớn Trung Hoa, luôn tìm cách xâm chiếm và đồng hoá, thế mà vẫn kiên cường bất khuất. Trong suốt mấy ngàn năm luôn bị phương bắc xâm lược, Tổ Tiên ta vẫn giữ vững văn hoá dân tộc, để con cháu đời sau luôn hãnh diện tự hào: đất nước ta có hơn 4.000 năm văn hiến. Tiền Nhân luôn nêu gương sáng cho hậu thế, giữ vững truyền thống bảo vệ tổ quốc, bảo vệ giang san, không làm tay sai cho giặc như câu nói của Vua Lê Thánh Tông:

“Một thước núi, một tấc sông của ta không nên vất bỏ... Nếu ngươi dám lấy một thước, một tấc đất của Thái Tổ (Vua Lê Lợi) mà đút mồi cho giặc thì tội phải tru di...” (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư)

Lịch sử Việt Nam nếu tính từ lúc có mặt con người sinh sống thì đã có hàng vạn năm trước Công nguyên, còn tính từ khi đất nước được hình thành thì mới khoảng từ hơn 4000 năm trước đây
Những người Việt Tiền Sử trên vùng châu thổ sông Hồng sông Mã đã khẩn đất, chế ngự nước lụt của các sông, phục vụ cho việc trồng lúa và đã tạo nên nền văn minh lúa nước.
Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Vua Thần Nông (một trong Tam Hoàng của Huyền Sử Trung Hoa vốn người gốc Phương Nam) là tổ tiên của dân tộc Việt, đã đem cách trồng lúa ở phương Nam ra truyền dạy lại cho người phương Bắc.

Khu vực trung du bắc phần Việt Nam đã có người ở từ thời kỳ Đồ Đá Cũ (Thời Tiền Sử). Các nhà khảo cổ đã tìm ra các dấu vết người Vượn cư ngụ tại Lạng Sơn, Ninh Bình và Thanh Hoá cách đây hàng trăm nghìn năm. Thời kỳ này mực nước biển thấp hơn, và Việt Nam khi đó nối liền với đảo Hải Nam, bán đảo Mã Lai, Indonesia, với khí hậu ẩm và mát hơn bây giờ.
Do chính đặc trưng về địa chất nên vùng đồng bằng sông Hồng, vịnh Bắc Việt không có điều kiện khai quật nền đất cổ đại có ở khoảng 8000 năm trước Công Nguyên (trước khi có đại hồng thủy) để xác nhận dấu vết của các nền văn minh khác nếu có. Trang sử Việt có một khoảng trống không xác định được từ khoảng năm trước 5500 năm - 18000 năm trước.

Qua những khảo cứu trên, Thuỷ Tổ Tộc Việt không phải chỉ xuất xứ từ nam sông Hoàng Hà thôi, nên vì thế mới có một nền văn minh riêng, ngôn ngữ riêng, không hề giống với tiếng nói của các dân tộc Đông Á. 
Đó chính là sắc thái riêng, bản chất riêng được gìn giữ và lưu truyền trong tâm khảm của người Dân Việt. 
“Hùng Ca Sử Việt" nói về những bậc Anh Hùng Dân Tộc Việt Nam. Cấu trúc mỗi truyện được chia làm hai phần, phần đầu được kể như truyện cổ tích, phần sau tóm lược Bối Cảnh Lịch sử đương thờ. Phần lớn nội dung được Biên Soạn từ "Đại Việt Sử Ký Toàn Thư" của Lê Văn Hưu, Phan Thu Tiên, Ngô Sĩ Liên.., “Lĩnh Nam Chích Quái”của Trần Thế Phát(?), "Việt Nam Sử Lược" của Trần Trọng Kim, cùng tham khảo một số bài viết trong các trang Web trên google (vì quá nhiều nên không thể nhớ đưa hết vào đây. Mong Các Vị thông cảm)…


Huỳnh Hữu Đức Biên Soạn

Huỳnh Hữu Đức

Thứ Tư, 24 tháng 6, 2020

Tình Liêu Trai - Ý Thơ: Vũ Hoàng Chương Nhạc: Nguyễn Đức An Hòa âm:Quang Đạt


Ý Thơ: Vũ Hoàng Chương 
Nhạc: Nguyễn Đức An 
Hòa âm:Quang Đạt 
Trình bày: Ngọc Quy 
Hình ảnh:Tăng Di Linh 
Video: Cảnh Ngô

Mơ Nguyệt



Vườn bên nguyệt quế tỏa hương lan
Ao ước đêm nay viếng Quảng hàn
Để ngắm ả Hằng xuân có đổi
Hay là cô bóng sắc dần tan
Minh Hoàng hữu hạnh du cung quế
Tục sĩ vô phương thỏa mộng vàng
Tròn khuyết nguyệt kia hư lẫn thựcMơ trăng ảo giấc vẫn còn đang.

Quên Đi

Hồng Phấn


Ngọt ngây, lịm hồn ta
Màu Hồng phấn điệu đà
Hương dịu dàng thoang thoảng
E ấp dấu kiêu sa

Mong manh hoa Hồng phấn
Sương đọng lá buâng khuâng
Chỉ được ngắm một lần
Chắc xin kết tình thân

Tôi hàng xóm thật gần
Cách nhau vài bước chân
Nhìn Hồng phấn láng giềng
Dạ xao xuyến lâng lâng
Hoa nhẹ đưa trong gió
Có vài con bướm nhỏ
Vờn quanh như thì thầm
Hoa thẹn đứng lặng câm

Trúc Lan KTP

Hí Đề Bàn Thạch 戲題磐石 - Vương Duy



Nguyên tác          Dịch âm

戲題磐石            Hí Đề Bàn Thạch 

可憐磐石臨泉水 Khả liên bàn thạch lâm tuyền thủy,
複有垂楊拂酒杯 Phục hữu thùy dương phất tửu bôi.
若道春風不解意 Nhược đạo xuân phong bất giải ý,
何因吹送落花來 Hà nhân xuy tống lạc hoa lai?
Vương Duy

Dịch thơ

Vui Vịnh Bàn Đá


Khá khen bàn đá bên bờ suối
Đã khiến thùy dương phẩy chén mời.
Nếu bảo gió xuân không chủ ý
Ai thổi hoa rơi đến đây chơi?


Con Cò
Lời bàn: 
Đang ngồi chơi bên bờ suối thì một cành dương liễu chạm nhẹ vào ly rượu đặt trên bàn đá. Người thường không ai thèm để ý tới chuyện đó. Nhưng Vương Duy không đơn giản như vậy. Ông cho rằng bàn đá đã xui cành dương liễu phẩy tay mời rượu ông. Ông biện minh rằng: "Có một bông hoa vừa được gió thổi tới cạnh tôi. Nếu bảo rằng gió không hữu tình thì ai đã xui nó thổi hoa đến đây? Từ đó suy ra rằng nếu bàn đá không sai bảo thì sức mấy mà cành liễu phẩy nhẹ tay vào ly rượu để nhắc tôi uống!". 

Vương Duy có biệt danh là thi Phật nên tư tưởng rất cân bẳng giữa liễu, rượu và thơ. Ông bày rượu trên bàn đá, dưới cây liễu mà không uống. Mãi tới khi cành liễu phẩy tay mời, ông mới sực nhớ tới chén rượu mình đã rót từ lâu. Tuy nhiên, ông vẫn chưa uống vội! Dường như ông không rót rượu để uống mà rót để ngắm liễu trong lúc chờ nàng thơ. 
***
Dịch nghĩa:

Bài Vui Bàn đá

Dễ thương thay bàn đá nhìn suối nước,
Lại có cành dương vuốt ve chén rượu.
Nếu bảo rằng gió xuân không hiểu ý,
Thì sao lại thổi đến một đoá hoa rụng.

Phỏng dịch thơ:

Khoái thay bàn đá bên khe nước
Thêm nữa cành dương vuốt chén quỳnh
Nếu bảo gió xuân không hiểu ý
Thì sao mang tặng cánh hoa xinh!

Lộc Bắc
***
Vui Vịnh Bàn Đá

Thích thay bàn đá kề bên suối
Liễu phẩy xui chi chạm chén mời
Nếu bảo gió xuân không ngó tới
Cớ gì mang lại cánh hoa rơi

Kim Oanh

Y Học Thường Thức - Hệ Thống Tiết Niệu (Bác sĩ Đinh Đại Kha)


Y HỌC THƯỜNG THỨC
Hệ Thống Tiết Niệu 
Đại cương 

 Chức năng chính của hệ thống tiết niệu là vừa tạo ra vừa bài tiết nước tiểu. Đây là phương cách để con người thải ra khỏi cơ thể các chất sau đây: 

. Lượng nước dư trong máu 
. Phần dư của các hóa chất bình thường trong cơ thể 
.Chất thải do thức ăn thức uống biến dưỡng mà sinh ra  
. Các hóa chất độc hại  

Kể từ trên xuống dưới thì hệ thống tiết niệu bình thường gồm có:  Hai quả thận là cơ quan tạo ra nước tiểu.  Rồi tới 2 niệu quản là 2 ống nhỏ dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang (bọng đái).  Bàng quang là một cái túi do cơ nhẵn tạo thành, chứa nước tiểu trước khi bài tiết ra ngoài.  Rồi sau cùng tới niệu đạo là 1 ống lớn hơn niệu quản để dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể.  Thận liên tục tạo ra nước tiểu không ngừng nghỉ. Nước tiểu đó từ từ chảy vào niệu quản rồi xuống tới bàng quang. Khi bàng quang đựng đầy nước tiểu là tới lúc người ta đi tiểu ra ngoài qua niệu đạo. Đầu ngoài của niệu đạo hoặc là ở đầu dương vật (phái nam) hoặc là ở lỗ hở trong âm hộ (phái nữ).   

Thận  

Cấu tạo: Quả thận hình dáng tương tự như một hạt đậu, chiều dài lối 12cm và nặng lối 150 gram. Hai quả thận nằm ở 2 bên cột xương sống, gần kề với các bắp thịt lưng.  Tuần hoàn tới mỗi quả thận do một động mạch thận từ động mạch chủ nhánh bụng chia ra. Động mạch thận chia nhánh nhỏ dần, tới lúc trở thành mao quản thì tập trung trong tiểu cầu thận là nơi tạo ra nước tiểu. Các mao quản động mạch này sẽ tiếp nối với các mao quản tĩnh mạch. Các mạch máu bên phía tĩnh mạch chập lại với nhau từng đợt một, từ nhỏ chuyển dần tới lớn và sau cùng hợp thành một tĩnh mạch thận duy nhất.  
Mỗi quả thận chứa lối 1 triệu tiểu cầu thận là thành phần nhỏ nhất của mô thận. 
Các cơ quan nhỏ này hình cầu, chứa đựng mao quản động mạch thận và là nơi mà nước và một số hóa chất trong máu được thải ra để tạo thành nước tiểu. Toàn thể nước và hóa chất do toàn thể các tiểu cầu thận thải ra có thể tích rất lớn và sẽ chạy qua một hệ thống ống nhỏ li ti. Hệ thống ống nhỏ này có chức năng hút trở lại lối 99% lượng nước thải ra và cũng rút trở lại một ít hóa chất cần dùng trong cơ thể. Dung dịch đậm đặc còn lại mới chính là nước tiểu.  
Các tiểu cầu thận tập trung ở vùng ngoài cùng của quả thận. Nơi đó được đặt tên là vỏ thận. Các ống nước tiểu nhỏ xuất phát từ tiểu cầu thận và chạy về phía giữa thận. Chúng hợp lại từng đợt thành các ống dần dần lớn hơn và lớp ống nước tiểu lớn sau cùng sẽ đổ vào khoảng trống ở giữa quả thận gọi là bể thận. Bể thận nối tiếp với đầu trên của niệu quản.  Chức năng: Thận có nhiều chức năng riêng biệt như sau đây: 

. Giữ cân bằng cho nước và các chất khoáng trong cơ thể. 
. Loại bỏ các chất thải do biến dưỡng của thức ăn tạo ra. 
. Loại bỏ các thứ thuốc và các hóa chất độc hại cho cơ thể. 
. Điều hòa huyết áp. 
. Tạo kích thích tố.    

Thận giữ cân bằng của nước và các hóa chất trong cơ thể.  Lượng nước trong máu chúng ta tăng lên do nước uống và nước chứa trong thức ăn. Khi máu dư nước hay thiếu nước cũng đều có hại cho sức khỏe. Một chức năng của thận là lọc máu nghĩa là thải phần nước dư trong máu và các hóa chất dư để giữ cho nồng độ của các hóa chất trong máu luôn ở mức bình thường.  Toàn thể các tiểu cầu thận trong cơ thể thải ra lối 180 lít nước trong một ngày. Thận sẽ hút lại lối 99% lượng nước này và thải ra nhiều hóa chất bao gồm:  
- Nat-ri dư,  -Ka-li dư, 
- U-rê là chất thải do biến dưỡng của thức ăn có chất đạm tạo ra.  
- Các chất độc hại. 
- Các loại thuốc.  

Thận làm điều hòa huyết áp.  

Cơ chế của thận chống lại huyết áp cao là thải chất Nat-ri dư ra khỏi cơ thể. Đối lại khi huyết áp xuống quá thấp thì thận tiết ra 2 loại kích thích tố, một loại kích động hóa chất có sẵn trong máu biến thành chất gia tăng huyết áp, một loại nữa làm co rút các tiểu động mạch khiến cho huyết áp tự động tăng thêm.  Chức năng nội tiết khác của thận.  Thận còn tiết ra các kích thích tố khác để tạo ra hồng huyết cầu và điều hòa nồng độ của Can-xi và Phôt-pho trong máu như sau đây:  
-Một loại kích thích tố thận tác động tại tủy xương là nơi cơ thể tạo ra hồng huyết cầu. Vì vậy, người bị suy thận sẽ thiếu máu.  
-Một loại kích thích tố khác biến đổi sinh tố D không hoạt động hiện diện trong máu (do thức ăn cung cấp và cũng do hiệu lực của ánh sáng mặt trời khiến da sản xuất ra sinh tố này) thành sinh tố D hoạt động điều khiển ruột non hấp thụ Can-xi và Phôt-pho.   

Niệu quản  

Niệu quản là 2 ống do cơ nhẵn tạo thành, mỗi ống dài lối 40cm, đầu trên ăn thông với bể thận, đầu dưới ăn thông với bàng quang. Nước tiểu từ bể thận từ từ chảy qua niệu quản rồi rót vào bàng quang. Niệu quản cũng còn có hoạt động co thắt nhịp nhàng để giúp nước tiểu chảy dễ dàng hơn.  Đầu dưới của 2 niệu quản đi xuyên qua thành bàng quang ở 2 góc phía trên cơ quan này. Khi người ta đi tiểu, cơ nhẵn của thành bàng quang co thắt lại để đẩy nước tiểu thoát ra ngoài. Sự co thắt này đồng thời bóp chặt khúc cuối của niệu quản, bịt kín lòng niệu quản khiến nước tiểu không trào ngược trở lên niệu quản và bể thận được.  

Bàng quang  

Bàng quang có hình dáng giống như một cái túi, chứa nước tiểu do 2 niệu quản mang từ thận xuống. Thành bàng quang do cơ nhẵn hợp thành và có tính đàn hồi cao độ. Khi co thắt tối đa, dung lượng của bàng quang chỉ còn lối 30ml và khi đựng đầy nước tiểu thì dung lượng này lên tới khoảng 1500ml.  Khi bàng quang đựng đầy nước tiểu, xung động thần kinh từ cơ quan này truyền lên tới não bộ gây ra cảm giác mắc (mót) tiểu. Khi người ta đi tiểu tự ý, cơ vòng nơi bàng quang tiếp giáp với niệu đạo dãn nở ra đồng thời thành bàng quang tự động co thắt lại để gây áp xuất đảy nước tiểu ra ngoài. Người ta cũng thường tự ý co thắt các cơ bắp ở bụng dưới để tăng áp xuất trong bàng quang và co thắt cơ bắp sàn chậu khi đi tiểu tới khúc cuối. Sự co thắt của thành bàng quang bóp nghẹt khúc cuối của 2 niệu quản nên nước tiểu không bị trào ngược trở lên. 

 Niệu đạo  

Niệu đạo là 1 ống lớn hơn niệu quản, dùng để dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể.  Niệu đạo của phái nam dài lối 20cm và trổ ra ở đầu dương vật.  Niệu đạo của phái nữ dài lối 4cm, đầu phía ngoài ăn thông với một lỗ hở trong âm hộ.   

Lão hóa của hệ thống tiết niệu: Hệ thống tiết niệu cũng chịu ảnh hưởng của thời gian mà thay đổi theo tuổi tác con người. Lão hóa của thận:  So với các cơ quan khác thì thận bị lão hóa rất sớm. Khi con người mới tới lứa tuổi 40 thì đã có 2/3 nhân số bị giảm bớt chức năng lọc máu trong thận.   Tới lứa tuổi 60 là lúc mà tuần hoàn tới thận bị suy yếu khiến thận vì thiếu dinh dưỡng mà nhỏ bớt đi. Đồng thời, các thành mao quản trong tiểu cầu thận sẽ dày hơn. Vì vậy thận bị giảm chức năng lọc các chất thải, các chất acit, các chất độc hại và các thứ thuốc.    Mặc dầu những người này không vì vậy mà sinh bệnh nhưng thận của họ luôn phải hoạt động ở mức tối đa nên mọi tổn thương nặng, nhẹ của mô thận đều có thể dẫn tới tình trạng suy thận. 

Lão hóa của niệu quản:  Niệu quản không thay đổi gì nhiều theo thời gian, cơ quan này coi như không bị lão hóa. Lão hóa của bàng quang:  Dung lượng bàng quang của người già giảm sút đi nên cơ quan này chứa được ít nước tiểu hơn khi trẻ và tia nước tiểu chảy ra cũng yếu hơn.  Bàng quang mọi người đều có những lúc tự nhiên co thắt bất thường. Khi đó thần kinh hệ của người trẻ sẽ phát sinh phản xạ tự động làm co thắt cơ vòng của bàng quang nên nước tiểu không trào ra. Người già có khi mất phản xạ này nên lâu lâu bị són tiểu.  Tới tuổi già, thể tích nước tiểu lưu lại sau khi đi tiểu tăng lên hơn trước khiến cho thường ngày người già tự nhiên đi tiểu nhiều lần hơn khi còn trẻ. Thể tích lớn của nước tiểu lưu lại sau khi đi tiểu cũng dễ gây ra nhiễm trùng đường tiểu. 

Lão hóa của niệu đạo:  Niệu đạo của phái nam không thay đổi theo tuổi già. Đối lại, phụ nữ tới tuổi mãn kinh bị lũng đoạn về kích thích tố nữ khiến niệu đạo rút ngắn lại và mỏng hơn trước nên nhiều người bị són tiểu. Lão hóa của tuyến tiền liệt:  Tuyến tiền liệt của người già (phái nam) từ từ lớn hơn, chèn ép phần trên của niệu đạo khiến họ đi tiểu khó khăn vì tia nước tiểu bị nhỏ bớt. Trường hợp tuyến tiền liệt lớn quá độ có thể gây bí tiểu lâu dài và làm tổn thương thận.  


Tóm tắt 

 Hệ thống tiết niệu lọc máu để tạo ra nước tiểu nghĩa là thải ra khỏi cơ thể lượng nước dư, hóa chất dư, chất thải do biến dưỡng của thức ăn thức uống tạo ra và chất độc (kể luôn các thứ thuốc).  Hệ thống tiết niệu bài tiết nước tiểu ra ngoài qua thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo.  Hai quả thận gồm khoảng 2 triệu tiểu cầu thận, mỗi ngày lọc máu sinh ra 180 lít dung dịch nước tiểu rồi các ống nhỏ trong thận hút lại 99% chất lỏng này nên lượng nước tiểu bài tiết ra ngoài còn lối 1800 milli-lít mỗi 24 tiếng đồng hồ.    
Thận còn có các chức năng khác là điều hòa huyết áp và tác động ruột non hấp thụ Can-xi và Phôt-pho. 

Đối chiếu danh từ y học Việt-Anh 

Hệ thống tiết niệu  Urinary system 
Thận Kidney 
Niệu quản   Ureter 
Bàng quang (bọng đái)  Bladder 
Niệu đạo   Urethra 
Tiểu cầu thận   Nephron 
Vỏ thận    Renal cortex 
Bể thận    Renal pelvis 
Tuyến tiền liệt   Prostate  
Âm hộ  Vagina 
Tia nước tiểu  Urine flow 
Thể tích nước tiểu lưu lại sau khi đi tiểu  
Residual urine Nhiễm trùng đường tiểu   
 Urinary tract infection   

Bác Sĩ Đinh Đại Kha

"The Winner Takes It All" - Born Ulvaeurs & Benny Anderson


The Winner Takes It All 

I don't wanna talk
About things we've gone through
Though it's hurting me
Now it's history
I've played all my cards
And that's what you've done too
Nothing more to say
No more ace to play

The winner takes it all
The loser's standing small
Beside the victory
That's her destiny

I was in your arms
Thinking I belonged there
I figured it made sense
Building me a fence
Building me a home
Thinking I'd be strong there
But I was a fool
Playing by the rules

The gods may throw a dice
Their minds as cold as ice
And someone way down here
Loses someone dear
The winner takes it all
The loser has to fall
It's simple and it's plain
Why should I complain?

But tell me does she kiss
Like I used to kiss you?
Does it feel the same
When she calls your name?
Somewhere deep inside
You must know I miss you
But what can I say?
Rules must be obeyed

The judges will decide
The likes of me abide
Spectators of the show
Always staying low
The game is on again
A lover or a friend
A big thing or a small
The winner takes it all

I don't wanna talk
If it makes you feel sad
And I understand
You've come to shake my hand
I apologize
If it makes you feel bad
Seeing me so tense
No self-confidence
But you see
The winner takes it all
The winner takes it all

So the winner takes it all
And the loser has to fall
Throw a dice, cold as ice
Way down here, someone dear
Takes it all, has to fall
It seems plain to me

Born Ulvaeurs & Benny Anderson
***
Lược Dị́ch:

Người Chíến Thắng Lấy Tất Cả

Tôi không muốn nói chuyện gì
Những điệu buồn đã đi trong u hoài
Giờ thì ngậm đắng nuốt cay
Vì tôi đánh hết quân bài tử sinh
Sau cùng tôi đã hại mình
Ván bài tiền ván bài tình cũng thua
Giống như ngọn cỏ gió đùa
Bạn người chiế́n thắng là vua mọi điêu 
Tôi thua lặng lẽ buồn thiu
Nói gì khi mênh số phiêu lưu dành
Trách thay tạo hóa đành hanh
Khiến tôi tùy thuộ́c người thành công đăy
Luật chơi đã được sẵn bày
Trới ném con vụ trởi chia ván bài
Rôi theo số phận rủi may
Tôi đen phận bạc mất ngay người tình
Người chiến thắng với quang vinh
Lấy hết tất cả chỉ mình tôi đau
Riêng mình gục ngã lệ trào
Đời tôi mất hết còn nhau nỗi buồn
Tiếc chi em một nụ hôn
Ngày xưa tôi cũng đã hôn em rồi
Giờ nghe cay đắng bờ môi
Hương xưa có chút bồi hồi xót xa
Tên tôi em gọi đậm đà
Chắc em còn nhớ giọng ca ngọt ngào
Nụ cười tha thiết hôm nao
Mà nay lặng lẽ mang màu quạnh hiu
Thôi tôi chẳng nói chi nhiều
Nghe em xin lỗi mây chiều nhẹ trôi
Buồn chi chuyện đã lỡ rồi
Cầm bẳng như nước cuốn tr̀ôi qua cầ̀̀u
S̀ông kia nào biết nông sâu
Khói sương mờ mịt hoen màu lệ mi
Ngàn năm chờ đợi ích gì
Vì người chiến lhắng lấy đi cả rồi.

Toronto 31/5/2020
Nguyên Trần

Thứ Ba, 23 tháng 6, 2020

Đông



Đông rắc sương mù lên lối xưa
Thu đi bỏ lại chút hương thừa
Tình cô đơn nhuộm màu băng giá
Lòng chợt buồn như trời đổ mưa.

Đông về mây xám về đông quá
Kéo cả mưa phùn lạnh cắt da
Ngọn bấc hất vào lòng cô tịch
Bụi sầu ai rắc tóc sương pha

Ta ngồi nghe lá than mùa lạnh
Hương ấm xa rồi bờ vai quen
Hồn cứ loanh quanh tìm lấy bóng
Vô tình vấp phải giữa lòng em

Bằng Bùi Nguyên

Hạ Nắng



(Summer bắt đầu tại HK June.20.20)

Nắng Hạ bừng lên anh biết không!
Thiên nhiên lấp lánh ánh mai hồng
Cỏ cây hoa lá tràn tia sáng
Năng lượng chan hoà thắp ước mong

Hy vọng từ đây khắp thế gian
Siêu vi dần mất lực hung tàn
Nhân loại tưng bừng sinh khí mới
Môi trường ô nhiễm sớm tiêu tan

Em biết tình ta vẫn thắm tươi
Mắt môi thoả ý nở hoa cười
Khẩu trang che đậy còn đâu nữa
Dáng nét thanh tân hiện dấu người

Sức sống vươn mình giữa tiết Xuân
Nay thêm nắng Hạ mạnh vô ngần
Dang tay đứng dạy cùng ca hát
Mộng đẹp thiên thần vọng tiếng ngân.

ChinhNguyên/H.N.T. 
 June 20.2020

Thu Phong Từ 秋風詞 - Lý Bạch

Nhớ đến bạn bè, những lúc cùng nhau bên túi thơ bầu rượu, tinh cảm thật tràn đầy vui vẻ. Nay giữa đêm thu trăng sáng, cơn gió thu lành lạnh, một mình trong đêm trăng vắng, Lý Bạch càng thấy lòng cơ đơn, nhung nhớ.



秋風詞                    Thu Phong Từ
  
秋風清,                 Thu phong thanh, 
秋月明。                 Thu nguyệt minh. 
落葉聚還散,         Lạc diệp tụ hoàn tán, 
寒鴉棲復驚。         Hàn nha thê phục kinh.
相思相見知何日, Tương tư, tương kiến tri hà nhật? 
此時此夜難為情     Thử thì thử dạ nan vi tình..
李白                         Lý Bạch
***
Dịch Nghĩa: 

Gió Thu

Gió thu trong
Trăng thu sáng
Lá rụng lúc tụ lại lúc phân tán
(Ý nói các Bạn già dầu gặp nhau rồi cũng chia tay)
Quạ đậu trên cành thấy lạnh phải rùng mình
(Lui về ẩn dật cũng cảm thấy đơn độc quạnh vắng)
Nhớ nhau không biết đến ngày nào mới gặp 
Giờ này đêm ấy tình cảm thật khó tả. 

Dịch Thơ:

Gió thu trong,
Đêm thu sáng,
Lá rụng, đùa xào xạc,
Quạ ngủ, lạnh giựt mình
Nhớ nhau không biết ngày nào gặp,
Đêm dài trăn trở xiết bao tình.

Phạm Khắc Trí
***
Gió Thu

Gió thu lành
Trăng thu thanh
Người đến rồi cũng đi
Cô đơn càng thêm lạnh
Nhớ nhau gặp lại chẳng biết ngày
Giờ nầy đêm ấy thiết tha thay 

Quên Đi
*** 
Gió Thu

Gió thu trong
Trăng thu sáng
Người đến rồi người xa
Cô đơn thêm lạnh giá
Nhớ nhau biết khi nào gặp lại
Giờ này đêm ấy lòng khó tả.

Kim Oanh 
***
Lời Từ Gió Thu

Gió thu hiu hắt lạnh lùng, 
Trăng thu vằng vặc khắp cùng không gian. 
Lá rơi như tụ lại tan, 
Qụa kêu đêm lạnh xua tan giấc hồ. 
Nhớ nhau, gặp lại bao giờ? 
Đêm nầy lúc ấy ngẩn ngơ bao tình! 

Đỗ Chiêu Đức 
***
Gió Thu Cảm

Gió Thu trong,thổi nghe mát lạnh
Trăng Thu lành,khiến chạnh lòng ta
Bạn già lúc đến lúc xa
Nỗi cô đơn ấy xót xa lạnh lùng
Biết khi nao trùng phùng gặp lại?
Giữa đêm nầy khoắc khoải khôn nguôi
Canh Thu luống những ngậm ngùi
Lòng đây khó tả buồn vui bây giờ

songquang 
***
Gió Thu

Gió thu mát
Trăng thu thanh
Đã gặp sao đành xa
Một mình thêm quạnh vắng
Biết bao giờ được trông thấy nhau
Nhớ đêm ấy càng xao xuyến lòng

Kim Phượng 
***
Gió Mùa Thu...

Thu gió hồ trong nghe mát mẻ
Thu trăng vằng vặc khỏe bình an
Cây vàng lá rụng hợp tan
Thân cao niên tủi chứa chan lệ nhòa
Quạ đậu cành cao nghe giá lạnh
Thương thân mình lòng chạnh chia tay
Nhớ nhau giáp mặt đợi ngày
Đêm nào giờ ấy mới hay nặng tình...

Mai Xuân Thanh
Ngày 19/06/2020
***
Gió Thu

1/
Gió thu nhẹ
Trăng thu sáng
Lá thu rơi tụ tán
Quạ đậu lạnh cồn cào 
Mơ nhiều nhớ lắm ngày nao gặp?
Giờ này đêm ấy hỏi tình sao? 

2/
Đêm thu gió nhẹ lùa qua
Thu không rọi ánh trăng tà thanh tao
Lá thu tụ tán lao xao 
Đàn chim quạ đậu lạnh dao cắt lòng
Nhớ thương có sẽ tương phùng?
Giờ này đêm ấy có mong vẹn tình?

Mai Thắng
200622

Nắng Tháng Sáu



Nắng Tháng Sáu

Nắng tháng sáu đượm buồn Hạ nhớ
Sài Gòn mình, Phượng nở sân trường?
Ngày xưa tuổi ngọc dễ thương
Gom bao tình tự quê hương tuyệt vời

Nắng tháng sáu không lời mà hiểu
Cứ tan trường, ai biểu đợi nhau
Dưới tàng Phượng Vỹ xạc xào
Lung linh nắng đẹp, lòng nao nghỉ Hè

Nắng tháng sáu bầy ve rả rít
Hoa Phượng hồng em thích anh cài
Tóc thề buông xỏa bờ vai
Lòa xòa vầng trán, tóc mai ngắn dài

Nắng tháng sáu cùng ai sánh bước
Bên hàng Me mình ước chung đôi
Quân vương Hoàng hậu lên ngôi
Nào ngờ dâu bể, tình thôi lỡ rồi

Nắng tháng sáu nhắc đời viễn xứ
Tình hoài hương đọng ứ buồng tim...
Bay sang quê Mẹ hở chim?
Hợp đoàn về tổ hay tìm hướng đông?

Duy Anh
Orlando, Florida
19-6-2020
***
Kể Lại Chuyên Xưa

Ngày mười sáu qua rồi điểm nhớ
Mùa tháng sáu phượng nở sân trường
Màu tươi đượm vẻ mến thương
Gom về ép lại giữ hương tình vời

Ngày mười sáu nhớ lời tâm sự
Lúc tan trường cứ tự chờ nhau
Điệp cho bóng mát...xạc xào
Tia ngà lấp lánh chen trao tháng hè

Ngày mười sáu mây che cũng ít
Chim gọi bạn ríu rít âm cài.
Tóc nàng xoả lửng bờ vai
Trên đầu nón lá nghiêng lay bóng dài.

Ngày Mười sáu cùng ai hẹn ước
Đường đất mòn cùng bước sánh đôi
Tay trong tay ý thành ngôi
Nào ngờ hẹn gió lỡ rồi mây trôi

Ngày mười sáu duyên đời viễn xứ
Bao kỷ niệm luôn giữ trong tim
Nửa nơi bến lạ im lìm
Nửa hoài phượng đỏ lặng nhìn phương Đông.

Đặng Xuân Linh

Mẹ Chồng Nàng Dâu


Trang đứng trầm ngâm trên sân thượng, những sợi tóc dài theo gió nhẹ bay. Trời cao thăm thẳm màu nhung thẫm, cảnh vật xung quanh im lặng như đã say ngủ trong bóng đêm, hương thơm từ bụi hoa hồng và hoa nhài trồng trong chậu ở góc sân thoang thoảng dịu dàng. Chỉ còn đêm nay. Ngày mai Trang sẽ lên xe hoa, sẽ dời bỏ căn phòng thân thương của nàng. Trang rùng mình, đôi vai thấm lạnh vì sương khuya. Nàng trở vào phòng cố dỗ giấc ngủ. Cô dâu phải đẹp, cô dâu không được hốc hác với cặp mắt thâm quầng. 

Thực ra Trang chưa sẵn sàng với vai trò làm vợ và làm dâu vì nàng còn đang đi học. Trang còn một năm nữa mới thi ra trường mà ý của ông bà Phương, cha mẹ Trang là nàng phải tốt nghiệp Dược Khoa xong mới được làm đám cưới, mặc dù Huân được cả nhà qúy mến và đã theo đuổi Trang từ ngày nàng còn đang học ở Trưng Vương.

Nhớ những lời dặn dò của mẹ, Trang cố gắng nhưng vẫn không thể nào ngủ được vì những nỗi lo sợ vu vơ. Trang phải về nhà chồng và phải làm dâu vì Huân là con trai độc nhất, ba bà chị gái đã lập gia đình, đã ở riêng. Chỉ còn một mẹ, một con, Huân không thể để bà Kha, mẹ Huân, ở một mình được. Mẹ dậy Trang cứ đối xử tố́t, coi mẹ chồng như mẹ đẻ và có chuyện gì phải nhớ chữ nhẫn, chữ nhịn vì một sự nhịn là chín sự lành, chuyện gì rồi cũng sẽ qua. Vì tình yêu của Huân, vì hạnh phúc của nàng, Trang sẽ yêu mẹ của Huân như mẹ của nàng. Trang sẽ ngoan ngoãn bầy tỏ lòng yêu thương, kính trọng mẹ chồng trước. Huân cũng nói là mẹ chàng yêu thích Trang mà. Chính bà đã sang xin phép cha mẹ nàng cho cưới sớm vì bà đi xem tuổi thì thấy là năm nay tốt cả cho hai người, phải mấy năm nữa mới có năm tốt như thế và bà Kha đã hứa với ông bà Phương là bà sẽ lo cho nàng học hành đến nơi, đến chốn.

Buổi sáng Trang thức dậy thật sớm, chiếc áo dài hồng máng trên cái móc treo tờ lịch trên tường. Chiếc hộp đựng bộ lúp voan hồng với chiếc vương miện gắn chùm hoa hồng bằng vải nhỏ xinh xinh nằm ngoan ngoãn trên mặt bàn phấn. Tự nhiên Trang thấy bâng khuâng. Tiếng gõ cửa của chị Trâm đưa Trang về thực tại. Ngọc, Vi theo chân chị vào phòng, hai cô nàng làm phù dâu cho Trang. 

Thằng Cu Tý chạy lên lầu gọi chị Trâm: 
- Mẹ! Bà ngoại nói mẹ đưa các cô xuống đi, nhà trai tới rồi! 

Trâm kiểm soát lại đầu tóc, quần áo của Trang, Ngọc, Vi. Chị cầm chiếc bông phấn xoa thêm cho các nàng một lần cuối. Chị gọn gàng trong chiếc áo dài nhung màu huyết dụ dẫn đầu; cô dâu tóc bới cao, đội chiếc vương miện kết một chùm hoa hồng nhỏ, đính với một khăn voan mỏng, phủ xuống quá hai vai, một mảnh che trước mặt; hai cô phù dâu tóc đen mướt xõa dài ngang lưng; cả ba cô đều mặc áo dài tơ màu hồng phấn thật nuột nà.


Ba nàng con gái được đưa tới trước bàn thờ đã nhang đèn nghi ngút. Qua làn voan mỏng phủ mặt, Trang cảm động nhìn Huân trịnh trọng trong bộ đồ lớn sậm màu, ôm bó hoa Lilly trắng dài. Hai chàng phù rể Hùng và Nguyên cũng nghiêm trang không kém. Trang lúng túng, ngượng ngùng trước bao cặp mắt phía nhà trai đi đón dâu đang chăm chú nhìn nàng. Bà Kha phúc hậu trong chiếc áo dài gấm màu nâu gụ điểm những bông cúc vàng óng ánh, tóc búi gọn trên đầu. Bên cạnh bà có mấy cụ bà trông thật đĩnh đạc và sang trọng. Nghi lễ diễn ra trong vòng thân mật nhưng không kém phần trang nghiêm. Sau phần trao hoa, trao nhẫn và lạy trước bàn thờ, đại diện hai gia đình giới thiệu các thành viên. Trời bỗng dưng đổ xuống cơn mưa rào như muốn cầm chân khách. Bữa tiệc trà giản dị nhưng thân mật và ấm cúng. Bà Phương và chị Trâm đã sắp đặt rất chu đáo. Mưa tạnh hẳn, lại đúng giờ tốt đã định nên đại diện nhà trai xin được đón dâu. Ông Phương dặn dò con những lời cảm động trước khi ra đi. Bà Phương rơm rớm nước mắt. Người thiếu nữ vu quy bật khóc và hai cô phù dâu cũng nghẹn ngào.

Buổi sáng sau ngày cưới Trang ngượng nghịu theo chồng xuống nhà chào mẹ chồng. Trang gọi bà Kha bằng tiếng mẹ chưa quen thì bà đã đon đả:
- Các con sửa soạn ăn sáng rồi đưa nhau về bên ngoại làm lễ Nhị Hỉ, mẹ đã sắp sẵn mọi thứ rồi đây. Liệu về sớm cho kịp sửa soạn đi Đà Lạt kẻo trễ chuyến bay.

Sau tuần trăng mật thần tiên trên Đà Lạt, Trang lại cắp sách đi học và Huân trở về trường với nghề gõ đầu trẻ. Cuộc sống không đến nỗi như nàng lo và chuyện mẹ chồng nàng dâu hình như không có ở đây. Nhà có ba người, bà Kha vẫn lo việc chợ búa, cơm nước. Trang đi học về thì xà vào bếp phụ mẹ chồng và ăn xong nàng dọn dẹp, rửa bát đĩa. Khi bà nằ̀m xem TV ở phòng khách thì nàng vào phòng để học bài. 

Nhà hai tầng, phòng ngủ của bà Kha ở tầng dưới còn phòng hai vợ chồng ở tầng trên nên không có gì đụng chạm. 
Hồi trẻ bà Kha là một nữ hộ sinh, mới về hưu vài năm nay. Bà tân tiến, không cổ hủ như nhiều người cùng lứa tuổi. Những ngày đi học về sớm Trang xuống bếp phụ làm cơm, bà chỉ dậy tận tình và cũng nói như để trấn an Trang:
- Mẹ biết con còn bận học, con cứ lo học cho xong, bao giờ con ra trường mẹ sẽ giao hết việc nhà cửa, cúng giỗ cho con. Bây giờ thì việc cơm nước, việc nhà lặt vặt để mẹ làm như mẹ vẫn làm từ bấy lâu nay. Con đừng ngại.

Bà kể cho Trang về tuổi thơ của Huân, cuộc sống của gia đình bà hồi ở ngoài bắc. Ông Kha mất từ năm bà mới ngoài ba mươi tuổi, bà đã ở vậy nuôi các con ăn học nên người và dĩ nhiên cậu út Huân là cục vàng, cục ngọc của bà.
Sau ngày cưới độ hơn hai tháng Trang lên cơn sốt, bụng dạ cồn cào không ăn được, chỉ muốn ói. Bà Kha tủm tỉm cười và hôm sau bà đưa Trang vào khám nghiệm ở nhà thương Từ Dũ. Kết quả thử nước tiểu nàng đã cấn thai. Không bút mực nào tả xiết được nỗi vui mừng của cả nhà ngày hôm ấy.
Việc học của Trang ngày một nặng hơn, nhiều khi Trang phải ở lại thư viện thay vì về nhà vào bếp làm phụ với mẹ chồng. Thêm nữa bụng ngày một to khiến Trang mệt mỏi, về nhà ăn cơm xong chỉ muốn lăn ra ngủ.

Một hôm vì có việc bận ở trường nên Trang về trễ giờ cơm. Hai mẹ con Huân ngồi sẵn bên bàn ăn như có ý đợi. Không khí nghiêm trọng khác thường khiến nàng hơi hoảng.
Trang xin lỗi mẹ chồng và nói lý do về trễ rồi ngồi vào bàn ăn ngay, không dám đi thay quần áo. Bà Kha đứng dậy thoái thác là mệt không muốn ăn, vào phòng đóng cửa lại.
Trang nhìn Huân dọ hỏi, chàng lắc đầu nói:
- Em để phần mẹ rồi ăn cơm đi. Một lát mẹ hết mệt mẹ sẽ ăn sau.

Trang ngại ngùng nhưng cũng im lặng ăn nhanh cho xong bữa. Vào phòng, vừa đóng cửa lại Trang đã thì thào hỏi chồng cho rõ nguồn cơn. Huân cho biết:
- Nhân lúc không có em ở nhà anh đề nghị mẹ mướn người giúp việc để mẹ đỡ vất vả, em đỡ cực và mất thì giờ vì còn phải lo học thi. Mẹ giận anh, mẹ nói anh ở với mẹ bao nhiêu năm mà không hiểu mẹ. Mẹ đâu quản ngại với các con. Mẹ còn khỏe mẹ rất vui khi làm việc, nếu Trang bận thì để mẹ làm một mình cũng được.

Trang chép miệng:
- Sao anh không bàn với em? Mẹ giận anh là phải. Nếu cần em sẽ ở lại trường hay em đi thư viện học. Nhà có ba người, công việc có là bao. Không có em ở nhà mẹ vẫn làm như mẹ đã từng làm khi anh chưa cưới em mà! Biết mẹ nấu ăn ngon mình khen mẹ và ăn uống tận tình là mẹ vui rồi. Anh không biết tâm lý phụ nữ. Lỗi tại anh hết đó, anh biết chưa?

- Tại anh? Anh biết tính mẹ và anh hiểu tính em. Mẹ thích bao đồng mà em lại hay ôm việc. Mẹ làm việc mà em không làm gì có được không? Cứ lấn cấn nhìn nhau về mấy công việc lặt vặt trong nhà thì cả hai cùng bận, cùng mất thì giờ. Việc nhà chỉ cần mướn một người làm là cả mẹ khỏe, em cũng khỏe. Anh nghĩ chuyện chỉ giản dị như vậy chứ có gì đâu mà rắc rối. Bây giờ mẹ đã giận, em lại còn trách anh!

Đêm sâu, dù mệt nhưng Trang vẫn trằn trọc. Thái độ của bà Kha khiến Trang bàng hoàng, hình như bắt đầu có sự rạn nứt. Trang đã tâm niệm rằng mình sẽ yêu mẹ chồng như mẹ mình, sẽ nhẫn nhịn như lời mẹ dặn dò nhưng trước hoàn cảnh này Trang không biết phải làm sao.

Mấy hôm Huân thấy không khí trong nhà vẫn căng thẳng, ngột ngạt. Như để chuộc lỗi, sáng Thứ Bảy chàng lau chiếc xe vespa sẵn sàng, khi mẹ thức dậy chàng đã lại gần xun xoe:
- Mẹ ơi, hôm nay mẹ có đi đánh tổ tôm không? Con “đánh xe” đưa mẹ đi nha.

Chàng biết cuối tuần mẹ chàng hay đến nhà mấy bà bạn để chơi bài hoặc chuyện trò cho vui. Thường bà tự mình gọi xích lô đi. Nay Huân muốn lấy điểm nên sốt sắng đề nghị. Ai ngờ bà lắc đầu từ chối ngay:
- Thôi hôm nay mẹ không đi đâu hết. Con muốn đi đâu thì cứ đi.
Huân tiu nghỉu lên gác rủ Trang:
- Anh định đưa mẹ đi chơi mà mẹ không chịu. Để anh đưa em về bên nhà thăm bố mẹ hay em muốn đến thăm chị Trâm? Lâu lâu nghỉ một bữa đi chơi cho khuây khoả.

Ngày cuối tuần Trang chỉ muốn nằm nhà nghỉ nhưng hôm nay bà Kha ở nhà, không khí không vui nên nàng cũng nghe lời Huân thay quần áo xuống xin phép mẹ chồng để về thăm cha mẹ.
Đúng dịp có cả gia đình chị Trâm và Trang cùng về chơi, bà Phương rủ các con xuống bếp cuốn chả giò cho vui ngày họp mặt và để ông Phương có dịp uống bia, chuyện trò cùng hai chàng rể. 

Trong không khí thân mật của gia đình cha mẹ, nghĩ đến chuyện nhà mình Trang rất buồn. Nàng không hiểu tại sao bà Kha lại thay đổi thái độ như thế, không lẽ chỉ vì việc Huân muốn mướn người làm. Khi về bà Phương gói cho con một bọc chả giò với đủ bún, rau giá và nước mắm pha sẵn để biếu thông gia. Trang bịn rịn chia tay với bố mẹ, anh chị và thằng cu Tý.

Buổi tối về đến cửa thấy tối om, Huân bước vào nhà bật đèn lên, mọi thứ vẫn ngăn nắp, tinh tươm nhưng vắng tanh, vắng ngắt. Bà Kha không có nhà. Huân đi khắp tầng trên, tầng dưới, vào cả phòng bà cũng không thấy mẹ đâu. Cả hai hoảng hốt, nhà không bật đèn thì chắc bà đi từ sớm, nhưng bà đi đâu. 

Tiếng Huân:
- Em ở nhà nghỉ để anh sang nhà các chị tìm, đón mẹ về. Nhớ đóng cửa ở yên trong nhà nhé. Để anh đi một mình được rồi.

Đầu óc Trang như tê điếng, gật đầu mà nước mắt chỉ trực trào ra. Huân có ba người chị, hai chị lớn, chị Hiền, chị Nhu ở Sài Gòn còn chị Nhã ngay sát trên Huân thì theo chồng ra sống ngoài Nha Trang. Huân nghĩ có thể bà sang nhà một trong hai chị thôi. Trang ngồi yên đợi trong ghế salon ở phòng khách, không dám một mình lên phòng riêng ở trên gác.

Đã hơn hai tiếng chưa thấy Huân về, tiếng đồng hồ treo tường phát ra những tiếng tic tac rõ rệt trong đêm. Trang ôm mặt khóc rấm rứt. Những ngày mới về nhà chồng, không khí trong nhà thật vui vẻ, bà Kha dường như rất yêu Trang và Trang cũng ngọt ngào, ngoan ngoãn với mẹ chồng. Nàng nhớ những ngày nghỉ cùng ngồi chung chiếc xich lô với bà để bà đưa Trang đi thăm các bà bạn như có ý khoe cô con dâu. Bà còn kể Trang nghe những người có con gái muốn gả cho Huân mà chàng không để ý. Thế mà chỉ mấy tháng sau, sao cớ sự lại như thế này. Trang tự kiểm điểm xem nàng có làm gì sai không. Riêng về phía bà Kha nàng thấy bà là mẹ chồng thật tốt, không cay nghiệt hay bắt bẻ con dâu. Bà luôn chiều chuộng nàng và vẫn âu yếm, chăm sóc Huân. Bà là người hiểu biết, không cổ hủ. Ngay hôm đám cưới, thường thì mẹ chồng chỉ đến làm lễ xin dâu rồi về trước để tránh cảnh mẹ chồng, nàng dâu đụng chạm. Bà tuyên bố với họ hàng: “Con dâu tôi, tôi đón” và đã ở lại cho đến lúc đón nàng về. Vậy thì tại sao??

Trang vừa mệt mỏi thiếp đi thì tiếng mở cửa đánh thức nàng dậy. Huân buồn bã dắt xe vào nhà.
- Anh đã đến nhà chị Hiền, chị Nhu, sang cả nhà dì Khang, dì Hà mà không tìm thấy mẹ. Anh lo quá. Mẹ chưa đi đâu qua đêm bao giờ, trừ những chuyến đi nghỉ hè ở xa. Không biết mẹ đang ở đâu. Thôi cứ chờ mẹ, chắc mẹ về trễ chứ nếu đến chơi nhà mấy bà bạn thì không bao giờ mẹ ở qua đêm. Nhất là nếu có chuyện buồn trong nhà thì mẹ cũng không muốn cho người ngoài biết vì mẹ rất tự ái.

Gói đồ ăn đem từ nhà bố mẹ về cũng như đang buồn bã nhìn Trang. Nàng để nguyên cả bọc cất vào tủ lạnh.
Đợi cửa thật khuya cũng không thấy bà Kha về. Hai vợ chồng lên phòng ngủ mà lòng nóng như lửa đốt. Lăn qua, trở lại không tài nào ngủ nổi.

Sáng sớm tinh mơ nghe tiếng chuông cửa. Trang hốt hoảng ra ban công nhìn xuống, thấy chị Hiền thì vội vàng gọi Huân cùng chạy xuống ngay. Chưa vào phòng khách chị đã thì thầm:
- Chị phải sang Huân trước khi chị đi làm để báo tin cho hai em yên tâm. Mẹ đang ở nhà chị. Mẹ đến từ chiều hôm qua nhưng dặn cả nhà là em có đến tìm thì nói không có mẹ ở đó. Mẹ giận Huân lắm. Lúc Huân đến mẹ đang ở phòng trong. Nghe em lo mẹ cũng rất thương nhưng mẹ vẫn còn giận Huân. Mẹ nói với chị là mới sáng sớm em đã muốn đuổi mẹ đi để giắt nhau về nhà vợ. Bây giờ em chỉ biết bên vợ thôi. Người già tính nết như trẻ con, buồn giận vớ vẩn thôi mà. Chiều nay vào giờ cơm cả hai vợ chồng làm như vô tình đến nhà chị sẽ gặp mẹ đang ngồi ở bàn ăn. Liệu lời mà nói xin lỗi, nói cho mẹ nguôi rồi đón mẹ về. Đừng nói là chị báo nhá. Thôi chị đi làm đây, tuần này chị phải trực ngày Chủ Nhật.

Cả đêm hôm qua bà Kha cũng không ngủ được. Khi Huân đến nhà Hiền để tìm bà, Huân đã hoảng hốt lo sợ thật sự khi nghe chị nói không có mẹ ở đây. Huân đã đến nhà chị Nhu trước mà không tìm thấy mẹ, sang đây cũng không có. Huân đã lo cuống lên, bà nghe cũng thương. 


Ngày đầu tiên Huân đem Trang về trình diện mẹ, nhìn nàng bà Kha đã có cảm tình ngay. Trang trông phúc hậu, duyên dáng, chuyện trò vui vẻ dễ thân. Bà lại biết thêm là khi còn ở ngoài bắc nhà bà nội của Trang là hàng xóm với bà ngoại Huân, là chỗ quen biết cũ nên bà cũng mừng thầm và nghĩ là bà sẽ có một cuộc sống về già êm đềm và hạnh phúc. Bà chỉ có một người con trai, theo lẽ thường cha mẹ phải ở với gia đình con trai, nghĩa là bà sẽ sống với vợ chồng Huân. Chuyện mẹ chồng nàng dâu xung đột xẩy ra rất nhiều xung quanh bà, người ta thường thấy mẹ chồng hiền lành lại gặp con dâu đáo để. Con dâu biết điều lại bị mẹ chồng khó khăn. Bà tự nhủ sẽ cảnh giác để tránh cái cảnh Mẹ Chồng Nàng Dâu muôn thuở ấy. 
Mấy tháng đầu nhà như rộn rã hẳn lên khi có thêm Trang. Bữa cơm gia đình ấm cúng, ba người ăn uống, nói cười vui vẻ. Trang ăn món gì cũng tấm tắc khen ngon và hỏi bà cách nấu. Trông hai vợ chồng trẻ ríu rít với nhau bà thật vui. Vậy mà lúc gần đây có những chuyện xẩy ra khiến tâm trạng bà không an, canh cánh trong lòng một nỗi buồn tủi. Thái độ của Huân, cách cư xử của Huân khiến bà đau đớn. Con trai không hiểu lòng thương yêu của mẹ. Bà thương dâu, biết là Trang còn bận học lại bụng mang dạ chửa, bà đã nấu những món ăn ngon lành, đặc biệt để tẩm bổ cho Trang. Huân như không nhận ra, không biết đến những điều ấy. 

Tình thương bà cho đi, những gì bà vun đắp chàng không biết trân quý. Bà rất giận khi Huân tỏ ý muốn mướn người làm. Huân như không cần đến sự hiện hữu của mẹ, sự quan tâm của mẹ. Trong khi bà muốn tự tay chăm sóc cho Trang như đã lo cho mấy cô con gái. Bà goá chồng từ sớm, một mình vừa làm mẹ vừa làm cha nuôi dậy cho bốn người con nên người, khi trưởng thành đều có công ăn việc làm tử tế. Cậu ấm Huân, cậu con trai được cả nhà cưng chiều, chỉ có việc học, chẳng phải đụng tay vào việc nhà. Khi các chị chưa đi lấy chồng thì quần áo cả nhà được các chị giặt giũ, là ủi phẳng phiu. Khi các chị từ từ lập gia đình, ra ở riêng hết, nhà chỉ còn bà với Huân thì chính tay bà giặt ủi cho cả hai mẹ con. 
Chợ búa, cơm nước, dọn dẹp cũng một tay bà. Nhà chỉ có hai người lớn, công việc chẳng có là bao vả lại bà không muốn trong nhà có thêm người lạ. Khi có vợ thì Huân ngồi giặt quần áo cho cả hai vợ chồng. Nhìn con trai lưng dài, vai rộng mà ngồi xổm giặt giũ thì bà thật thương, bà sang nhờ Hiền mua cho cái máy giặt để con trai đỡ cực. Huân như không hiểu lòng thương con của mẹ, lúc nào cũng như sợ Trang bị bà sai bảo, hành hạ và luôn như gồng mình lên để che chở vợ. 
Cả một đời bà đã ở vậy để nuôi dậy các con, Huân có xót, có thương mẹ không! Nghĩ lại buổi sáng nay Huân đã làm bà bẽ bàng, cụt hứng. Ngày nghỉ cuối tuần bà đã nấu sẵn một nồi thịt bò kho, đợi hai con dậy bà sẽ ra đầu ngõ mua mấy ổ bánh mì nóng để ăn cho ngon. Thế mà bà vừa thức giấc Huân đã muốn bà đi cho khuất mắt. Xưa nay có bao giờ Huân để ý đến việc chở bà đi chơi đâu mà hôm nay lại tự nguyện. Biết bà ở nhà mà hai vợ chồng đã tỉnh bơ kéo nhau sang nhà vợ, không nghĩ gì đến sự buồn bực của bà. Qua giờ ăn trưa cũng không thấy hai vợ chồng đưa nhau về. Một mình vò võ trong nhà với nỗi tủi thân, bà không thể ngồi nhà mà gặm nhấm nỗi buồn. Bà thay quần áo, bê cả nồi bò kho, gọi xích lô sang nhà cô con gái lớn.

Mấy lần hai vợ chồng sang xin lỗi và năn nỉ mời bà về nhưng bà vẫn chưa nguôi. Huân và Trang cũng lo buồn nên không khí trong nhà thật ảm đạm. Trang không yên lòng để chú tâm vào việc học, ngày thi đã gần kề mà ngày sanh cũng sắp tới. Ban đêm nàng vùi đầu vào ngực chồng mà khóc. Việc ra trường thì nếu khóa này không đậu thì thi khoá sau, mỗi khoá cách nhau có mấy tháng nhưng nàng sợ rằng nếu cứ lo âu, buồn khổ như thế này sẽ ảnh hưởng đến con. Nàng sợ con nàng ra đời sẽ xấu xí, nhăn nhó như khỉ. Một hôm nàng đánh bạo đi một mình sang nhà chị Hiền. Vừa nhìn thấy mẹ chồng là những giọt lệ tự nhiên ứa ra, nghẹn ngào không nói lên lời. Bà lại gần vừa nắm tay Trang thì như tủi thân nàng oà lên thổn thức, hai dòng nước mắt tuôn ra như suối. Trang tha thiết xin lỗi mẹ, xin mẹ trở về. Bà Kha thương cô con dâu vì trong việc này cô không có lỗi. Bà giận là giận con trai bà nhưng chuyện cũng thật tế nhị khó nói ra lời. 

- Con yên tâm, con không có lỗi gì cả. Con biết là mẹ thương con phải không? Lo giữ sức khỏe và học thi cho xong con ạ. Mẹ ở chơi với chị vài hôm nữa rồi mẹ sẽ về.

Nhìn Trang liêu xiêu với cái bụng đã khá nặng nề. Tính nhẩm bà chắc chỉ còn hơn hai tháng là đến ngày sanh, lại trùng với tuần lễ thi ra trường của Trang. Mấy hôm nay chả biết hai vợ chồng nó ăn uống ra sao. Thôi bà sẽ về chăm sóc con dâu cho đến ngày sinh nở, mẹ tròn con vuông. Bà sẽ trải lòng, chăm chút con cháu, hy vọng là Huân sẽ hiểu. Đợi đến ngày Trang tốt nghiệp bà sẽ đem sổ sách ra giao hết tiền bạc mà bà giữ cho Huân từ bấy lâu nay; giao nhiệm vụ quán xuyến gia đình và săn sóc con cái cho Trang. Bà sẽ vui với câu kinh tiếng kệ, vui cảnh chùa chiền và chăm bón vài gốc hoa. Thỉnh thoảng bà đến thăm mấy cô con gái và vui với mấy đứa cháu ngoại. Bà sẽ không tự trói buộc mình vào những trách nhiệm trong nhà, buông bỏ hết những hệ lụy, những lo âu, suy nghĩ lẩm cẩm để tự chuốc khổ vào mình. Không can thiệp vào đời tư của các con. Gia đình của ai nấy lo, bà sẽ coi mình như một người khách. 

Đêm nay bà Kha sẽ ngủ một giấc thật ngon.

Đỗ Dung