Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2019

Thơ Tranh: Hương Xuân


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Mùa Xuân Tím


Mùa xuân tôi vẽ nơi đâu
Cành lan trắng mộng bạc đầu nhớ ai
Vàng màu hoa cúc vàng mai
Áo vàng ai lượn nhớ ngoài thương trong

Mùa xuân tôi vẽ trên sông
Êm đềm nước chảy vào lòng xuân em
Đôi bờ ngan ngát hương quen
Tóc em xõa xuống cho mềm câu thơ

Mùa xuân tôi vẽ trong mơ
Con đường nhộn nhịp đợi chờ dáng xưa
Môi hồng em đỏ hạt dưa
Tiếng cười đỏ pháo giao thừa dòn tan

Mùa xuân tôi vẽ mơ màng
Dắt nhau qua lối thiên đàng xa xăm
Con đường hoa cỏ thì thầm
Cỏ xanh mộng ước dự phần non tơ

Mùa xuân tôi vẽ thẫn thờ
Xác xao nỗi nhớ xa mờ cánh chim
Xa em sóng gió nổi chìm
Mùa xuân tôi vẽ tím lên bầu trời

Trầm Vân

Giai Nhân Miền Hoang Mạc


Nàng hoang dại như tên vùng đất dữ
Xứ Tân Cương miền Tây Bắc Trung Hoa
Nơi núi cao tuyết phủ
Nơi hoang mạc khô cằn bao la ...

Bầy gia súc miên man gặm cỏ
Đàn ngựa thuần soải chân với chiến binh xưa cung nỏ
Và thảo nguyên xanh
Chạy dài ngút mắt ...

Nàng xinh tươi trong vẻ đẹp huyền hoặc
Cổ thiên nga , thân măng búp dáng huyền
Mắt bồ câu , mũi cao thẳng , nụ cười duyên
Mặt thanh tú như nữ thần nhan sắc .

Dẫy Thiên San ngọn chọc trời cao ngất
Hồ Thiên Trì nước xanh ngắt long lanh
Giữa đất trời trên lưng ngựa tạo nét đan thanh
Nàng kiều nữ soi hình mình dưới gương nước .

Phải nàng là hậu duệ Dương Thái Chân thuở trước
Đường minh Hoàng cùng gã An lộc Sơn
Quân Vương, Thần Tử
Cuộc chiến khó khoan nhường
Khi lấp ló một bóng hồng mới nở ....

Chiều ngồi nghe câu hát xưa òa vỡ
" Qua Thiên San kìa ai tiễn rượu vừa tàn..."
Chợt nghe lòng hiu hiu
Buồn như đôi mắt em sâu
Trong vẻ đẹp kiêu kỳ, hoang dại
Để giữa thiên nhiên khắc nghiệt ...
Em đã vẫn tồn tại ....!

Locphuc

Quý Nguyễn Chúc Tết Kỷ Hợi 2019

 

Chào mừng năm mới Kỷ Hợi
Quý chúc mọi người khắp nơi
Luôn vui, khỏe, đẹp rạng ngời
Học tập, làm việc tấn tới
Gặp tình yêu như mong đợi
Cuộc sống hạnh phúc suốt đời
Chúc Tết 2019 tuyệt vời...

Nguyễn Quý&Phượng Trắng

Xuân Nhật Hiểu Khởi 春日曉起 - Nguyễn Văn Siêu


春日曉起         Xuân Nhật Hiểu Khởi

宿火明書牖, Túc hỏa minh thư dũ,
曉鍾聞佛臺。 Hiểu chung văn Phật đài.
主人催被起, Chủ nhân thôi bị khởi,
小子報花開。 Tiểu tử báo hoa khai.
夜氣融孤竹, Dạ khí dung cô trúc,
晴光弄小梅。 Tình quang lộng tiểu mai.
流鶯囀不已, Lưu oanh chuyển bất dĩ,
應有故人來。 Ưng hữu cố nhân lai!
阮文超             Nguyễn Văn Siêu
***
Dịch nghĩa

Ngọn đèn khuya còn chiếu sáng cửa sổ phòng sách
Đã nghe tiếng chuông sáng sờm của nhà chùa
Ông chủ vội vàng rời khỏi mền
Đứa nhỏ cho hay hoa đã nở
Hơi đêm đã ngấm vào cây trúc lẻ loi
Ánh sáng đang đùa giỡn với cây mai nhỏ
Chim Oanh cứ hót mãi không dừng
Chắc có bạn cũ nào đến đây.

Dịch Thơ
Ngày Xuân Dậy Sớm
Thư phòng đèn đêm hắt

Chuông sớm ngân Phật đài
Chủ nhà tung chiếu dậy,
Con trẻ báo hoa khai.
Hơi đêm lồng bụi trúc,
Nắng sáng giỡn cành mai
Hoàng oanh líu lo mãi,
Có khách, chắc không sai!

Mailoc
***
Dậy Sớm Ngày Xuân


Song sách đèn khuya sáng lập lòe
Chuông chùa cúng Phật vọng ngân nghe
Chủ nhà tỉnh giấc tung chăn dậy
Thằng bé xem hoa búp nở xòe
Trơ trọi hơi đêm vào ngọn trúc
Nô đùa ánh nắng rọi mai khoe
Hoàng oanh giục giả sao vang thế ?
Bạn cũ nào đây ghé lại hè ?

Mai Xuân Thanh
***
Ngày Xuân Dậy Sớm


Ngọn đèn rọi xuống án thư
Tiếng chuông chùa sớm vẳng đưa xa gần
Chủ nhà tung vội mảnh chăn
Trẻ con tíu tít báo rằng hoa khai
Hơi đêm len bụi trúc ngoài
Mặt trời giỡn ngọn cành mai nõn mầm
Giọng oanh rộn rã hòa âm
Hẳn là sắp có bạn thân ghé nhà.

Phương Hà
***
Ngày Xuân thức sớm


Ngọn đèn khuya lập lòe kệ sách
Tiếng chuông chùa lao lách gần xa
Tung chăn ngồi dậy giường nhà
Trẻ con ríu rít báo hoa nở rồi !
Hơi sương đêm nhẹ rơi bụi trúc
Măt trời lên nô nức cành Mai
Hoàng Oanh rộn rả kêu hoài
Chắc là nhà đã có ai đến tìm ?

songquang
***
Sáng Xuân Dậy Sớm


Diễn Nôm:


Đèn đêm còn soi song cửa,
Đã nghe
chuông sớm ngân nga.
Chủ nhân tung chăn thức giấc,
Tiểu đồng báo sáng nở hoa.
Hơi đêm tan vào tre lạnh,
Nắng sớm ghẹo cội mai già.
Tiếng oanh líu lo không ngớt,
Chắc là bạn đến thăm ta!

Lục bát :
Đèn còn hắt sáng cửa song,
Phật đài đã vẳng chuông ngân đầu ngày.
Chủ nhân thức giấc vươn vai,
Thư đồng đã báo nở vài cành hoa.
Hơi đêm nhành trúc la đà,
Vài tia nắng sớm ghẹo hoa mai vàng.
Chim oanh ríu rít rộn ràng,
Chắc là có bạn thuận đàng ghé chơi!


Đỗ Chiêu Đức
***
Sáng Xuân Dậy Sớm


Bàn sách đèn đêm vẫn
Chuông sớm chùa ngân dài
Chủ nhà vừa thức giấc
Hoa nở trẻ cho hay
Sương trắng trùm thân trúc
Nắng vàng cợt nhánh mai
Chim oanh kêu chẳng ngớt
Chắc bạn ghé nơi này.

Quên Đi

Năm Hợi Nói Chuyện... Trư Bát Giới


Đọc truyện Tây Du Ký, không ai là không biết đến Trư Bát Giới 豬八戒, nhân vật có cái đầu heo và mình mẩy phốp pháp ú lù như ... Trư Bát Giới ! Vốn dĩ là Thiên Bồng Nguyên Soái 天蓬元帥 ở trên trời, cai quản tám vạn thủy binh ở Thiên Hà, nhưng vì uống rượu say đi lạc vào cung Quảng Hàn, buông lời chọc ghẹo Hằng Nga nên mới bị Ngọc Hoàng Thượng Đế đày phải đầu thay xuống thế gian. Vốn tính hời hợt, lại đang buồn lòng, ù ù cạc cạc chui nhằm vào bụng của con heo nái đang chuyển dạ nên khi chào đời mới có cái hình dạng quái dị mình người mà đầu heo như thế !
Năm Hợi 亥 nói chuyện ... Trư Bát Giới là nói chuyện bao đồng quanh quẩn chung quanh cái con heo ham ăn ham ngủ mà háo sắc nầy để nghe chơi cho đở buồn khi trà dư tửu hậu.

Trư 豬 là Heo, thuộc bộ Thỉ 豕 cũng có nghĩa là Heo, Thỉ là một trong 214 bộ của CHỮ NHO ... DỄ HỌC, thuộc dạng chữ Tượng Hình theo diễn tiến của chữ viết như sau :

Ta thấy:
Từ Giáp Cốt Văn cho đến Đại Tiểu Triện đều là hình tượng của con heo, với cái mỏ nhọn, bụng bự, lưng cong cong, có 4 chân và đuôi hẵn hoi. THỈ 豕 chỉ chung các loại heo rừng hoang dã. Còn Trư 豬 là con heo đã được thuần hóa nuôi trong nhà, cùng với trâu, dê, chó, gà và ngựa họp thành Lục súc 六畜 là 6 con vật mà ta thường nuôi, nên mới có tác phẩm Lục Súc Tranh Công 六畜爭功 mà ta học ở chương trình cổ văn lớp Đệ Lục khi xưa. 

Trư là heo, Thỉ cũng là heo, nhưng Hợi không phải là heo. Vì HỢI 亥 là Ngôi thứ 12, ngôi cuối cùng của Thập nhị Địa Chi : Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, HỢI. Hợi không phải là heo, nhưng biểu tượng của Hợi là Con Heo, nên người ta cứ tưởng Hợi là Heo và hễ nhắc đến Hợi là người ta nghĩ ngay đến con heo. Nhất là bà con ở nông thôn hay nói chơi với nhau :
- Nhà hôm nay ăn cơm với thịt "Hợi".
- Bà Ba mới bán con "Hợi" được một tạ !...
và câu ca dao dân gian về :
Tuổi Hợi là con heo ăn hèm,
Ở dơ ở dáy mình lem lắm sình !

Hèm là chất bã của gạo sau khi đã cất lên để lấy rượu, trộn thêm cám vào để cho heo ăn thì heo sẽ rất mau lớn. Ở nông thôn Nam kỳ Lục tỉnh, vì khí hậu nóng nực, bà con nuôi heo hay thả rong ngoài vườn, nên heo hay tìm những vũng nước, vũng sình để vùi mình vào đó cho mát. Vì thế mới có câu : " Ở dơ ở dáy mình lem lắm sình !".
Theo truyện cổ dân gian kể về Trạng Quỳnh, thì một hôm ông Tú Cát nghe đồn Quỳnh thông minh, nên muốn thử tài, mới ra cho vế đối là :
Lợn cấn ăn cám tốn,
Có nghĩa :
Lợn Cấn là con lợn đã được thiến để nuôi nâng cho mau lớn, nên ăn rất nhiều rất tốn cám. Nhưng vế ra hóc búa ở chỗ CẤN 艮 và TỐN 巽 là 2 quẻ trong Bát Quái là : Càn 乾、Khảm 坎、Cấn 艮、Chấn 震、Tốn 巽、Ly 離、Khôn 坤、Đoài 兌.

Nhưng Quỳnh đã rất nhanh nhẩu đối lại ngay:
Chó khôn chớ cắn càn.
Có nghĩa:
Con chó khôn ngoan thì không cắn càn cắn bậy. Mà KHÔN 坤 và CÀN 乾 cũng là 2 quẻ trong Bát Quái nữa, thế mới tài!

2019 là năm Kỷ Hợi 己亥. Thiên Can KỶ 己 thuộc Thổ, màu vàng. Địa Chi HỢI 亥 thuộc Thủy, màu đen. Con heo màu đen là con heo đi vùi sình; còn con heo màu vàng là con heo đã được quay xong. Người Hoa gọi con heo quay là Kim Trư 金豬, dùng để tế lễ thần thánh, cúng trả lễ hoặc cúng bình an cuối năm. Còn dân ta thì trình làng cũng quay heo, đám cưới cũng quay heo, đám ma theo lệ xưa thì chàng rể phải cúng con heo quay, vợ chồng gấu ó ra làng hòa giải cũng phải khiêng heo ... cho nên con heo trong Lục Súc Tranh Công đã kể lể là:

Kìa những việc hôn nhân giá thú. 
Không heo ra, tính đặng việc chi? 
Dầu cho mời năm bảy chuyến đi, 
Cũng không thấy một người thấp thoáng. 
Việc hòa giải, heo đầu công trạng, 
Thấy mặt heo nguôi dạ oán thù. 
Nhẫn đến khi ngu phụ, ngu phu, 
Giận nhau đánh giập đầu, chảy máu. 
Làng xã tới lao đao, láu đáu, 
Nào thấy ai gỡ rối cho xong, 
Khiêng heo ra để lại giữa dòng, 
Mọi việc rối liền xong trơn trải. 
Phải chăng, chăng phải, 
Nghĩ lại mà coi, 
Việc quan, hôn, tang, tế, vô hồi 
Thảy thảy cũng lấy heo làm trước !...

và quan trọng hơn nữa là nhà vua tế Nam Giao hàng năm để cầu cho phong điều vũ thuận 風調雨順, quốc thái dân an 國泰民安 cũng phải có con heo mới thành " Tam Sên ", nên con heo lại lên mặt:
... Ai sánh đặng mình heo béo tốt? 
Vua ngự lễ Nam giao đại đột, 
Phải có heo mới gọi tam sanh ... 

Tam Sanh 三牲, phát theo âm Tiều Châu thành "Tam Sên". TAM SANH 三牲 là ba loại súc sanh, ba loài súc vật tượng trưng cho Tam giới : Thiên giới, Địa giới và Thủy giới. Nên ta thường thấy trên mâm cúng có con gà là phi cầm, tượng trưng cho Thiên giới. Một con heo. Heo là Tẩu thú, tượng trưng cho Địa giới và một con cá tượng trưng cho Thủy giới. Giới bình dân quê tôi cúng "Tam Sên" rất gọn gồm : Một miếng thịt heo, một con gà con và vài con tép cũng đủ để tượng trưng cho Tam Giới như thường. Dĩ nhiên, nhà giàu có hay quan quyền, vua chúa thì thường cúng bằng nguyên con heo quay cho trịnh trọng.

Tam sanh 三牲 thường dùng để cúng TAM THANH 三清, là 3 ông thánh cao nhất của Đạo Giáo : Ngọc Thanh Nguyên Thỉ Thiên Tôn 玉清元始天尊、Thượng Thanh Linh Bảo Thiên Tôn 上清靈寶天尊、và Thái Thanh Đạo Đức Thiên Tôn ( tức Thái Thượng Lão Quân ) 太清道德天尊 (太上老君). Thái Thượng Lão Quân là Lão Tử, người viết ra quyển Đạo Đức Kinh, chủ trương thuyết Thanh Tịnh Vô Vi 清淨無為 ... Nói theo giới bình dân, tu theo Đạo giáo thì thành Đạo sĩ, Đạo cô, Chân Nhân và cảnh giới cao nhất là thành Thần, thành Tiên, biết phép thuật và trường sinh bất tử. Đạo giáo sang đến Việt Nam ta là các Thầy cúng, Thầy bùa, Thầy Pháp ... chuyên trừ bịnh tà, giải nạn, bắt yêu bắt quỷ ... 
Còn "Tam sên" ở vùng "Cái răng, Bá láng, Vàm xáng, Phong điền" quê tôi, thường dùng để cúng Thần Tài, Thổ Địa, Đất Đai... là chỉ cần có một lát thịt ba-rọi, một cái trứng luộc và một con khô mực là đủ để tượng trưng cho Tam giới rồi !... và Con heo hay thịt heo là món ăn không thể thiếu trong những ngày giỗ quãy lễ tết, cả những ngày thường nữa, nên các từ thịt nạc, thịt đùi, thịt sườn, ba rọi ... không cần phải có chữ "heo" đi kèm, mọi người vẫn biết đó là thịt heo như thường ! Nhà nghèo nhưng phải cúng trả lễ, không có tiền quay nguyên con heo để cúng thì có thể cúng tượng trưng bằng cái Thủ Vĩ ...
THỦ 首 là cái Đầu; VĨ 尾 là cái Đuôi; nên THỦ VĨ 首尾 là Đầu Đuôi, là cái Đầu và cái Đuôi của con heo, nhưng thường thì có kèm theo 4 cái Móng Heo và một miếng mỡ chài nữa để tượng trưng cho đủ nguyên con heo. Nhưng vì cái đuôi và bốn cái móng nhỏ qúa để bên cạnh cái đầu heo đã được chẻ đôi ở giữa và lận ra cho lớn để cúng, người ngoài nhìn chỉ thấy có cái đầu heo, nên lầm tưởng THỦ VĨ có nghĩa là Cái ĐẦU HEO, mới có các câu nói :
- Cái mặt như cái Thủ Vĩ.
- Giận ai mà cái mặt như cái Thủ Vĩ vậy ?
- Thằng đó nó buồn cái gì mà suốt ngày cái mặt của nó giống như là cái Thủ Vĩ Lận vậy ? ( ý nói : Cái mặt chằm dằm).

Trư 豬 là Heo, còn Bát Giới 八戒 là tám giới cấm theo Giới luật Thanh quy của nhà Phật là : không sát sinh, không trộm cắp, không dâm dục, không nói bậy, không uống rượu, không trang điểm, không sống xa hoa và phải ăn chay. Bát Giới là tên mà sư phụ Đường Tăng đã đặt nhằm nhắc nhở cho cái tính tham ăn tham ngủ mà lại lười biếng làm việc của Trư Bát Giới. Đây là nhân vật tiêu biểu cho cái nhân bản của con người nhất của tác phẩm Tây Du Ký. Bản chất con người vốn dĩ thích ăn biếng làm, nếu đã có đủ cái để ăn, thì không ai muốn làm gì cả! Con Heo là con vật được chủ ưu tiên cho ăn no rồi ... ngủ cho mau lớn mau mập để gả bán cho chú lái heo. Nên thành ngữ dành cho lão trư là Cao Chẩm Vô Ưu 高枕無憂. Có nghĩa là : Gối đầu cao cao mà ngủ không lo lắng gì cả, giống như câu "Ăn No Ngủ Kỷ" của ta vậy !

Ta thường nghe câu Tam Quy Ngũ Giới 三皈五戒, Tam Quy là Quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Ngũ Giới là : Sát sanh, Trộm đạo, Dâm dục, Vọng ngôn và Uống Rượu. Năm giới cấm nầy chưa đủ làm cho con người trở nên trong sạch, cho nên phải thêm 3 giới cấm nữa là : Không trang sức, Không sống xa hoa phú quý và Không được ăn mặn. Tổng cộng là Bát Giới thì mới dễ dàng giúp cho người tu hành dễ tu tâm dưỡng tánh hơn, nhất là với bản chất đầy đủ cả tham sân si và sắc dục như Trư Bát Giới. Hằng năm viết liễn, thư pháp để gây quỹ cho chùa Tịnh Luật, ở hai bên chữ PHẬT phía sau lưng, tôi đã viết đôi câu đối sau :
TỊNH độ thập phương mê chúng, đồng đăng bỉ ngạn;
淨 渡 十 方 迷 眾, 同 登 彼 岸;
LUẬT hành bát giới thanh quy, tốc xả mê đồ !
律 行 八 戒 清 規, 速 捨 迷 途 。
Có nghĩa:
* TỊNH là Sạch, nên Tịnh Độ là Độ sạch sẽ, là ĐỘ HẾT cho chúng sinh mê muội ở khắp mười phương. Đồng đăng bỉ ngạn là : Cùng qua được bến bờ bên kia, vì chúng sinh đang chìm trong bể khổ, nên qua được bến bờ bên kia là đã vượt qua bể khổ để đến được niết bàn rồi.
* LUẬT là Giới luật, Hành là Thực hành, Thực hành tám cái giới luật và những quy tắc làm cho con người trở nên trong sáng trong sạch hơn của nhà Phật. Tốc xả mê đồ là: Nhanh chóng rời bỏ con đường mê muội mà về với chính giác.

Trư Bát Giới đã không thể "Luật hành bát giới", cho nên mặc dù có công phò Đường Tăng đến tận Tây Phương chầu Phật Tổ để thỉnh kinh, vẫn không thể thành Phật hay La Hán được. Khi thấy Phật Tổ chỉ phong mình làm "Tịnh Đàn Sứ Giả" để làm sạch các bàn thờ, Bát Giới đã khiếu nại và được Phật Tổ giải thích là :
" Tại nhà ngươi ăn khỏe tính lười, dạ dày to lắm. Mà khắp bốn đại bộ châu trong thiên hạ, những nơi ngưỡng mộ đạo ta rất nhiều, phàm các việc Phật, ta giao cho nhà ngươi làm tịnh đàn, cũng là một chức phẩm có được ăn uống, sao lại không tốt ?".( theo Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân ).

Cái tật ăn tạp và háo ăn của Trư Bát Giới còn hình thành một câu thành ngữ mà ai đã đọc qua truyện Tây Du Ký đều biết, đó là câu: "Trư Bát Giới thực nhân sâm qủa,( toàn bất tri kỳ vị) 猪八戒食人参果 (全不知其味)". Có nghĩa : Trư Bát Giới ăn qủa nhân sâm, (ý nói Ăn mà không biết được mùi vị gì cả !)". Theo Tây Du Ký:

Hồi thứ 24, 25, 26 : Trên đường thỉnh kinh, khi đi ngang qua đạo quan Ngũ Trang của Vạn Thọ Sơn, nơi vị Tổ sư của Địa Tiên là Trấn Nguyên Tử tu hành. Nơi đây có một cây Nhân Sâm Qủa, ba ngàn năm mới ra hoa, ba ngàn năm mới kết trái và ba ngàn năm trái mới chín, ăn một qủa có thể sống đến mười ngàn năm, ngửi một cái thôi cũng có thể sống đến ba trăm năm. Vì bận việc đi xa Trấn Nguyên Tử dặn dò hai đệ tử là Thanh Phong và Minh Nguyệt bẻ hai trái Nhân Sâm thết đãi Đường Tăng. Tam Tạng thấy loại trái hình thù như đứa bé, không dám ăn. Bát Giới thấy thèm mà không được ăn, mới xúi sư huynh Tôn Ngộ Không hái trộm. Khi đã hái trộm về 3 qủa, Tôn Ngộ Không kêu cả Sa Tăng đến để chia nhau 3 sư Huynh đệ cùng ăn. Bát Giới vì thèm qúa cầm trái nhân sâm thơm phức bỏ vào miệng, ngoạp một cái là nuốt trọng luôn, nhìn lại thấy Tôn Ngộ Không và Sa Tăng từ từ nhai từ từ thưởng thức, mùi thơm của qủa nhân sâm bay ngào ngạt lại bắt thèm, năn nỉ hai người cho cắn thêm một miếng để thưởng thức từ từ, vì không ai chịu cho nên Bát Giới đâm ra cằn nhằn cưởi nhưởi mãi khiến cho Thanh Phong Minh Nguyệt nghe thấy, mắng cho một trận và mách với sư phụ, tạo thêm một tai nạn rắc rối nữa trên đường đi thỉnh kinh ...

Vì sự việc trên mà sau nầy hễ ăn một cách vội vả cái gì đó, cứ ăn lấy ăn để mà chưa kịp thưởng thức mùi vị của thức ăn, thì mọi người đều bảo là : Ăn như Trư Bát Giới ăn nhân sâm vậy!

Trư Bát Giới còn được Phật Bà Quan Âm đặt cho pháp danh là Trư Ngộ Năng 豬悟能, Ngộ Năng là giác ngộ ra được cái bản năng của con người, của chính mình để mà tu tập sao cho thành chánh giác. Chính vì cái bản tánh của Trư bát Giới thể hiện đầy đủ cả tam độc là Tham Sân Si của con người, nên Quan Thế Âm Bồ Tát mới đặt cho pháp hiệu Ngộ Năng để nhắc nhở, nhưng cố tật tham tài tham sắc vẫn không bỏ được, hễ có dịp là lại thể hiện ra ngay, như hồi thứ 54 qua Nữ Nhi Quốc 女兒國 hay hồi thứ 72 khi đến Bàn Tơ Động 盤絲洞 gặp bảy con yêu nhền nhện cái, Bát Giới đều là người dễ bị mê hoặc, dễ bị dẫn dụ và dễ sa ngã nhất. Bản tánh háo sắc của Trư Bát Giới nổi tiếng đến nỗi làm cho "con heo" cũng bị mang tiếng lây. Bà con bình dân hễ nhắc đến những hành động dâm dục thì đều nói là : Giở trò "con heo". Mắng những người dâm dục hay quan hệ tình dục lăng nhăng thì nói là : Thứ cái đồ "heo nọc"! và phim ảnh khiêu dâm thì gọi là: Phim "con heo"!

Nhưng "Phim con Heo" ở Mỹ lại là một bộ phim hoạt hình rất dễ thương của gia đình chú heo Peppa Pig mà trẻ em rất thích, kể cả trẻ em Việt Nam. Kể từ lần đầu tiên ra mắt khán giả truyền hình năm 2004 tại Anh, Peppa Pig - con heo hoạt hình mặc váy đỏ 4 tuổi không chỉ khiến các nhóc tì mà cả phụ Huynh cũng thích thú. Việt Nam ta cũng có phim hoạt hình Ba Chú Heo con ...

Trư Bát Giới cũng luôn đẩy những người đồng hành với mình vào những tình huống rắc rối bởi sự lười biếng, thói ham ăn và bản tính háo sắc trước những cô gái đẹp của mình. Bát Giới cũng luôn tỏ ra ghen tị với sư Huynh Tôn Ngộ Không của mình và lúc nào cũng muốn tìm cách hạ bệ Ngộ Không xuống. Tại hồi thứ 27, khi Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh, Bát Giới đã gièm xiễm rằng Tôn Ngộ Không đã có ác ý giết chết ba mạng người lương thiện để cho Ðường Tăng nổi giận niêm chú khẩn cô trừng phạt sư huynh, rồi quyết định đuổi luôn về Hoa Quả sơn để đến nổi thầy trò đều lâm nạn lớn. Cái tánh ghét ghen ganh tị đó bị người đời thóa mạ là "Cẩu Trệ Bất Như 狗彘不如". Có nghĩa là : Không bằng Chó Lợn hay "Hành Đồng Cẩu Trệ 行同狗彘" là : Hành động giống như là chó là heo vậy. 

 
Tam đả Bạch Cốt Tinh 

TRỆ 彘 : là con heo nái; miền Bắc gọi là Con Lợn Sề. Nên cũng có câu mắng để nhục mạ người khác khi có hành vi không đứng đắn, đàng hoàng là : Quân Cẩu Trệ, là Đồ Chó Lợn, mà miền Nam chưởi là: "Thứ cái đồ heo, đồ chó !". 
Như vậy là ngoài Trư 豬 và Thỉ 豕 ra, ta còn có Trệ 彘 cũng là Heo nữa. Năm con Heo là năm Hợi 亥, đứng hàng thứ mười hai, là ngôi chót của Thập Nhị Địa Chi xếp sau năm Tuất; Tháng Hợi là tháng Mười âm lịch; Ngày Hợi là ngày đứng trước ngày Tý và Giờ Hợi là từ 9 đến 11 giờ đêm (pm), tức ở cuối canh hai gần sang canh ba. Vì thế mà ta mới có giai thoại văn chương sau đây :

Khi hay tin chị dâu sanh được con gái đầu lòng trong đêm rộn rịp vui mừng, Bà Đoàn Thị Điểm đã đùa với anh rằng:
Bán dạ sinh hài, Hợi Tý nhị thời vị định.
半 夜 生 孩, 亥 子 二 時 未 定 .
Có nghĩa là :
Nửa đêm sanh con, Hợi Tý 2 giờ chưa định, ý muốn nói không biết là sanh vào giờ Tý hay giờ Hợi.

Ông anh là Đoàn Viết Luân liền đối lại:
Lưỡng tình tương phối, Tỵ Dậu song hợp nãi thành.
两 情 相 配, 巳 酉 双 合 乃 成 .
Có nghĩa là:
Hai tình phối hợp lại với nhau, Tỵ Dậu 2 tuổi hợp lại mà thành.

Với lối chơi chữ, 2 chữ Hợi 亥 và Tý 子 ghép lại thành chữ Hài 孩; chữ Tỵ 巳 và chữ Dậu 酉 ghép lại thành chữ Phối 配. Ta còn gọi đây là lối đối chiết tự. Nói thêm ...
Đúng ra chữ PHỐI 配 là do 2 chữ Dậu 酉 và Kỷ 己 họp lại mà thành, nhưng nếu đối là "Kỷ Dậu song hợp nãi thành" thì KỶ 己 là ngôi thứ 6 của Thiên Can, nên Kỷ Dậu là " Một Can một Chi" sẽ không ăn với " Hợi Tý " ở câu trên đều là 2 ngôi của Địa Chi. Cho nên mới dựa vào tự dạng của 2 chữ KỶ 己 và TỴ 巳 giống nhau mà "Mập mờ đánh lận con đen" đổi KỶ 己 thành TỴ 巳, để cho "TỴ DẬU song hợp nãi thành" ( Vì theo Tử Vi : Tỵ Dậu Sửu là Tam Hợp ). Và như thế thì 2 Địa Chi "HỢI TÝ" sẽ đối với 2 Địa Chi "TỴ DẬU" rất ăn và rất chỉnh !
Trong văn chương Trung Hoa cũng có giai thoại sau đây : 

Tương truyền, vào giữa những năm Hoằng Trị triều Minh, ở đất Quỳnh Sơn tỉnh Quảng Đông có một học giả tên là KHƯU TUẤN 丘濬( 1421-1495 ), tự là Trong Thâm 仲深, đậu Tiến Sĩ năm Cảnh Thái thứ 5, làm quan đến chức Lễ Bộ Thượng Thơ, Văn Uyên Các Đại Học Sĩ. Thế mà xém chút nữa đã bị thua một cô gái nhà quê con chủ quán. Truyện kể ...
Một đêm, khi Khưu Tuấn đang ở trong một quán trọ. Chủ quán có một cô con gái rất thông minh, lại giỏi văn chương, nghe tin có Văn Các Đại Học Sĩ đến, bèn xin ra mắt. Sau khi đàm luận có ra cho ông một câu đố như thế nầy :

二人並坐, Nhị nhân tịnh tọa,
坐到二更三鼓, Tọa đáo nhị canh tam cổ,
一畏貓兒一畏虎。 Nhất úy miêu nhi nhất úy hổ.
Có nghĩa :
Hai người cùng ngồi ngang với nhau,
Ngồi cho đến canh hai ba hồi trống đổ,
Một người sợ mèo, một người sợ hổ ! 

Khưu Tuấn nghĩ ngợi hèn lâu, ông đang cân nhắc giữa câu " hai người ngồi ngang nhau " có thể là 2 chữ " Nhân 人 " mà lại một người sợ mèo một người sợ cọp, thì không phải là " 2 người " nữa, mà là 2 con vật gì đó. Con gì sợ mèo ?! Là ... CÁ là NGƯ 魚. Con gì sợ cọp ?! Là ... DÊ là DƯƠNG 羊. NGƯ 魚 và DƯƠNG 羊 ghép lại cho " ngồi ngang " với nhau thành chữ TIÊN 鮮 : Có nghĩa là Tươi Ngon. Chắc ăn như bắp, suy nghĩ xong, ông bèn vuốt râu mĩm cười nói ra đáp án. 
Nào ngờ, cô gái cũng mĩm cười lắc đầu bảo : " Sai rồi !". Ông ngạc nhiên hỏi : " Sao lại sai ? ". Cô gái đáp : " Thế thì ông giải thích thế nào về câu : Tọa đáo nhị canh tam cổ ? ( Ngồi cho đến canh hai ba hồi trống đổ ). Khưu Tuấn xịu mặt trầm tư, chợt ông tỉnh ngộ ra, vổ đùi đánh đét một tiếng bảo rằng : " Phải rồi ! Canh hai là giờ HỢI 亥, còn Ba hồi trống đổ là Canh ba giờ TÝ 子. Ghép chữ TÝ 子 với chữ HỢI 亥 lại với nhau, ta có chữ HÀI 孩 là Hài Nhi phải không ?! Cô gái gật đầu cười đáp : " Đúng vậy ! TÝ là Chuột sợ mèo; HỢI là Heo sợ Cọp !".
Khưu Tuấn khen lấy khen để, cho đây là câu đố thật tuyệt vời! 

Tuổi Hợi là tuổi con Heo, trong đề 36, sau nầy là đề 40, thì con heo mang số 7, có tên chữ là Chánh Thuận 正順, nằm trong Ngũ Hổ Tướng gồm có :
- Số 5 là Chí Cao con Trùng.
- Số 6 là Khôn Sơn con Cọp.
- Số 7 là CHÁNH THUẬN con Heo.
- Số 8 là Nguyệt Bửu con Thỏ.
- Số 9 là Hán Vân con Trâu.
Con heo Chánh Thuận làm cho ta nhớ đến lò heo Chánh Hưng, bên kia Cầu Chữ Y Quận Tám ngày xưa, nơi chuyên mỗ và cung cấp thịt heo cho toàn đô thành Sài Gòn Chợ Lớn. Giới bình dân ghiền số đề hiện nay đánh đề theo vé số Kiến Thiết xổ hằng ngày từ 00 đến 99 lại phải thua thêm 2 số nữa; ngoài số 7 là con heo con ra còn có con heo sồn sồn số 47, và một con heo già, lớn cở ... Trư Bát Giới nữa là con số 87. Giới thua đề thường than với nhau:

Chánh Thuận chẳng thuận chút nào,
Thua hoài thua huỷ quơ quào khắp nơi !

Xã hội còn dân nghèo, còn bất công, tham nhũng, thì nạn đánh đề và vé số còn hoành hành và còn làm khổ dân đen mãi mãi. Vì đâu có làm ăn gì bằng được với trúng số, trúng đề :
Phải thời một vốn bỗng liền bảy mươi!
có nhiều chủ thầu còn cho 1 đồng trúng tới 72, thậm chí 75 nữa là đằng khác. Cho nên dân ghiền số đề cứ cắm đầu vô đó mà chết ! Chánh Thuận 正順 có nghĩa là: Chính trực đàng hoàng thì sẽ được thuận lợi suông sẻ, nhưng Chánh Thuận là con heo của số đề thì không suông sẻ chút nào cả. Vướng vào rồi thì là từ chết đến bị thương mà thôi!

Xét ra thì cũng tội nghiệp cho con heo hiền lành dễ bị thuần hóa bởi con người, nhưng lại bị số đề và hình tượng đầy tính tham sân si của Trư Bát Giới làm cho xấu đi; con heo ục ịch dễ thương, ủn ỉn như lợn ăn khoai thành con heo dâm dật háo sắc, thấy đàn bà
đẹp thì thèm rõ dãi như Trư Bát Giới thì qủa thật là tội nghiệp cho con ... " heo đồng cỏ nội " quá đi thôi!

Thịt heo lại là món ăn hiền lành nhất, phổ thông nhất trong dân gian, người ta cử ăn thịt trâu thịt bò thịt chó ... chớ không ai cử ăn thịt heo cả ! Trong dân gian ta đầy rẫy những món ngon được chế biến từ thịt heo, như : Giò, chả, nem, lạp xưởng, thịt khô, thịt đông ... Nhà có tiệc đãi khách, hoặc ngày lễ ngày Tết ... là không thể thiếu thịt heo được, ta hãy đọc một bài thơ rất nổi tiếng của Lục Phóng Ông ( tức Lục Du ) đời Nam Tống tả cảnh xóm tây mời khách ăn Tết trong một cuối năm được mùa như sau:

遊 山 西 村                   Du Sơn Tây Thôn

莫 笑 農 家 臘 酒 渾, Mạc tiếu nông gia lạp tửu hồn, 
豐 年 留 客 足 雞 豚。 Phong niên lưu khách túc kê đồn 
山 重 水 復 疑 無 路, Sơn trùng thuỷ phục nghi vô lộ 
柳 暗 花 明 又 一 村。 Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn 
簫 鼓 追 隨 春 社 近, Tiêu cổ truy tuỳ xuân xã cận 
衣 冠 簡 樸 古 風 存。 Y quan giản phác cổ phong tồn 
從 今 若 許 閑 乘 月, Tòng kim nhược hứa nhàn thừa nguyệt 
拄 杖 無 時 夜 叩 門。 Trụ trượng vô thì dạ khấu môn. 
陸 游                               Lục Du

 

Đừng cười nhà nông chúng tôi uống rượu Tết không trong, vì rượu chỉ ủ thôi chớ không có cất nấu, và vì được mùa nên mời khách ở lại mà thường thức các món ăn do gà heo làm ra ... 

DẠO NÚI XÓM TÂY

Thôn dã chớ cười rượu nhạt phèo,
Cuối năm đãi khách sẵn gà heo.
Núi liền sông nước ngờ vô lối,
Liễu rũ đường hoa đến xóm nghèo.
Tiêu trống rộn ràng Xuân Xã đến,
Áo xiêm giản dị cổ phong theo.
Từ nay nếu rảnh đêm trăng sáng,
Gỏ cửa cùng vui gậy khẳng kheo.

Bài thơ trên cho ta biết thêm một từ chỉ Con Heo nữa, đó là từ ĐỒN 豚. Kê Đồn 雞 豚 : là Gà và Heo. Trong Tăng Quảng Hiền Văn có dạy :
貪 他 一 斗 米, 失 卻 半 年 糧;
Tham tha nhất đấu mễ, thất khước bán niên lương;
爭 他 一 腳 豚, 反 失 一 肘 羊。
Tranh tha Nhất Cước Đồn, phản thất nhất trửu dương.
Có nghĩa :
Tham của người ta một đấu gạo, mình lại bị mất hết nửa năm lương thực;( ăn gian chỉ có một đấu, bị phạt đến nửa năm lương );
Tranh với người ta Một Cái Giò Heo, ngược lại mình bị mất đi một cái đùi dê ! ( tranh nhau cái nhỏ để mất đi cái lớn hơn, ngon hơn !).
Ở đời, hễ tham thì thâm là thế !

Trở lại với nhân vật Trư Bát Giới trong Tây Du Ký, ngoài những thói hư tật xấu đã kể trên, Trư Bát Giới tuy đã xuất gia, nhưng vẫn còn rất nặng nợ với ... gia đình vợ con. Thật vậy, cứ mỗi lần Đường Tăng gặp nạn, bị yêu quái bắt đi hay bị Nữ Vương của Nữ Nhi Quốc giữ lại thì y như là Trư Bát Giới đòi " phân chia tài sản " rồi ai về quê nấy. Tôn Ngộ Không và Sa Tăng thì đâu có "quê" đâu mà về, nhưng Trư Bát Giới thì lại khác, trong lòng y luôn canh cánh nhớ tới Cao Tiểu Thơ của Cao Lão Trang, người vợ mà y thương yêu rất mực và làm việc cật lực hết lòng để làm giàu cho Cao lão Viên Ngoại. Khi đi theo Đường Tăng y cũng có dặn lại rằng : ... Khi nào không thỉnh được kinh thì con sẽ về lại nhà để làm ăn sinh sống như xưa. Cho nên, hễ có dịp là y lại thừa cơ bàn ra và luôn luôn muốn cho tan đàn xẻ nghé !

Trư Bát Giới và Cao Tiểu Thơ

Nhưng bên cạnh nhiều nhược điểm như trên, Trư Bát Giới còn là một nhân vật với rất nhiều đức tính tích cực. Đó là, không bao giờ chịu khuất phục trước bất cứ một yêu quái nào dù là loại hung dữ nhất hay gặp phải những hoàn cảnh khủng khiếp nhất, bị yêu quái bắt để ăn thịt chẳng hạn, mặc dù ngoài miệng y luôn cằn nhằn cưởi nhưởi, nhưng lại là một trợ thủ đắc lực của Tôn Ngộ Không trên con đường thiên lý đi Tây Thiên thỉnh kinh. Nhân vật Trư Bát Giới trong suốt chặng đường đi đã luôn gây cho người xem các trận cười thoải mái cũng như sự hồi hộp, lòng cảm mến trước những đức tính đáng yêu. Đó là hình tượng một anh nông dân thật thà với những cách nghĩ, cách làm rất... chất phác, dù dưới cái lốp hòa thượng, và y cũng một lòng một dạ đi đến tận Tây phương Lôi Âm Tự để diện kiến đức Thế Tôn : Phật Tổ Như Lai.

Tóm lại, trong Tây Du Ký nhân vật Trư Bát Giới là nhân vật có lý lịch và tâm lý phức tạp nhất và do vậy, y cũng là nhân vật có nhiều tính chất " nhân bản " nhất, kể cả tính tốt lẫn tật xấu và là nhân vật sinh động nhất trong tác phẩm.

Năm Hợi, mong rằng tất cả mọi người đều cùng vượt qua được tham sân si như Trư Bát Giới để xây dựng nên một gia đình hạnh phúc, một sự nghiệp thành công, một cuộc sống đầy từ bi bác ái tình người và ấm no đầy đủ như là Tịnh Đàn Sứ Giả vậy !

Đỗ Chiêu Đức

Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2019

Thơ Tranh: Năm Tuyệt Vời (Họa)

(Họa từ thơ tranh: Năm Tuyệt Vời - Huỳnh Hữu Đức)

Thơ: Ngô Văn Giai
Thơ Tranh: Kim Oanh

Đàn Đêm


(Nhiếp Ảnh Gia Nguyễn Hùng Dalat)

Đàn chờ trổi khúc tình xuân
Người đi xa khuất lệch cung nhạc sầu
Phím chờ lạnh buốt canh thâu
Đàn nén than thở gối nhầu mưa đêm
Đàn xưa dìu dặt tay êm
Đàn nay bặt tiếng cô miên bẽ bàng


Kim Oanh

Xuân



Bài Thơ Xướng:
Xuân


Khoác lên áo mới thật xinh tươi
Cây cỏ xanh non sắc tuyệt vời
Hệt kéo ta về vùng nắng ấm
Như mời bạn tới chốn vui chơi
Xem hoa mai hé xem đào nở
Ngắm dáng em đi dáng bậu cười
Trọn vẹn tình thân cho cuộc sống
Xin chào xuân nhé mến yêu ơi.

Thái Huy
***
Bài Thơ Họa:

Chờ Xuân


Những nụ hoa như sắp mỉm cười
Chờ nàng xuân đến để khoe tươi
Cội mai khóm cúc dường say ngủ
Cánh bướm chàng ong ngại ghé chơi
Anh chợt thấy giờ sao trống vắng
Vì em càng lúc lại xa vời
Tết nay có lẽ không tương ngộ
Nên chỉ khẽ khàng tiếng bậu ơi

Quên Đi


Chiều Cuối Năm




Chiều cuối năm ta về đâu Anh (Chị Em) nhỉ?
Sương gió mùa đông cây lá hao gầy
Còn xa lắm…quê nhà còn xa lắm
Nghe thời gian héo rụng ở quanh đây!

Lê bước độc hành đường chiều lữ thứ
Mịt mùng xa sông biển vẫn bao la
Mưa rơi rơi lạnh lòng người lữ thứ
Mãi hoài trông bếp lửa ấm quê nhà!

Chiều cuối năm bơ vơ trời viễn mộng
Từng bước đi mờ mịt nẻo lâm lành
Tiếng quê hương trong cõi lòng vang động
Đường lưu vong héo rụng những ngày xanh!

Chiều cuối năm vào đây ta đốt lửa
Cho bếp hồng nhớ lại lửa quê hương
Chính mẹ nhóm một buổi chiều giáp tết
Cháy bập bùng soi rõ dấu quê hương.

Chiều 
24-12-2018 Portland OR
Hàn Thiên Lương

Hoa Xuân - Phạm Duy - Hà Thanh


Sáng Tác: Phạm Duy
Ca Sĩ: Hà Thanh
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình


Tản Mạn Về Mùa Xuân Qua Thi Ca



Bây giờ tháng 12, cận cuối năm 2018, giới báo chí chuẩn bị bài vở cho Giai phẩm Mùa Xuân. Xuân cũng là dịp Tết. Hình như không gian đang rộn rã và hình như lòng tôi cũng đang hân hoan lắm. Nói đến Tết thì Tết lại vào mùa Xuân, là Năm Mới, là Lễ Hội. Tôi lại vung bút ca "bài ò e con ma đánh đu" tiễn đưa Năm Cũ Mậu Tuất 2018 ra đi và để đón mừng Năm Mới 2019, theo âm lịch là năm Kỷ Hợi. 

Thật vậy, Tết mang tính linh thiêng đối với mọi người, mọi nhà, mọi giới và mọi tôn giáo. Tết Nguyên đán là thời điểm giao mùa đón Xuân sang. Mùa Xuân vốn là mùa các thi sĩ có nhiều cảm hứng với thi ca. Từ Đông sang Tây, như từ Nguyễn Bính, Huy Cận, Vũ Đình Liên, J. Leiba, Đinh Hùng, Hồ Dzếnh, Hàn Mặc Tử, Phạm Anh Dũng, Hồng Vũ Lan Nhi, Cao Mỵ Nhân, Yên Sơn, Trần Dạ Từ, Lê Hân, Khiếu Long, Kim Oanh Australia, Annie Trần, Nguyễn Hiền, Kim Tuấn, Hồ Dzếnh, Hà Huyền Chi, Quyên Di, Hải Vân Sagittaires, Marie Christine TV, Thái Tú Hạp - Ái Cầm, Trần Việt Hải, Trần Mạnh Chi,... đến Victor Hugo, Paul Verlaine, Emily Dickinson, William Blake, William Shakespeare, Théophile Gautier, và Charles Baudelaire.

Khi nào là Tết? Khi nào hết Tết? 

Thuở nhỏ khi ta nhắc đến Tết như là cái gì còn lâu lắm, là cái gì phải trông chờ. Do vậy trong dân gian có những từ ngữ vui vui như: Tết Mán mọi, Tết Ma-rốc, Tết Công-gô,... như cái gì “còn khuya”, “còn lâu”! 

“Cu kêu ba tiếng cu kêu, 
Trông mau tới Tết dựng nêu ăn chè”. 

Với dân miệt Lục Tỉnh, hễ qua ngày Mồng 10 tháng Chạp là coi như Tết rồi. Mãi hết ngày Mồng 10 tháng Giêng năm sau thì cái không khí Tết mới hết dần đến cuối tháng Giêng là hết Tết. 
Mùa xuân là một trong bốn mùa thường được công nhận ở những vùng ôn đới và vùng cận cực nam bắc, tiếp nối mùa đông và diễn ra trước mùa hạ. Về mùa xuân có rất nhiều định nghĩa, nhưng cách sử dụng khác nhau tùy vào khí hậu, văn hóa và tập quán của mỗi khu vực. Khi ở Bắc bán cầu đang là mùa xuân thì ngược lại ở Nam bán cầu sẽ là mùa thu. Vào ngày xuân phân, ngày dài xấp xỉ 12 giờ và kể từ đó trở đi quảng thời gian ban ngày bắt đầu tăng lên. Ngoài đề cập đến một mùa trong năm, mùa xuân hay "thời kỳ mùa xuân" còn thường được liên tưởng đến sự tái sinh, trẻ hóa, đổi mới, sự sống lại và tái phát triển.


Trong phạm vi văn chương thì năm tháng hay bốn mùa (có mùa Xuân, danh từ chung) dùng để tính thời gian đã trôi qua, ví dụ như: 

"Xuân này đến nữa đã ba xuân, 
Đóm lửa tình duyên tắt nguội dần." 
(Nguyễn Bính) 

hay 

"Anh cho em mùa xuân 
nụ hoa vàng mới nở, 
chiều đông nào nhung nhớ... 
Anh cho em mùa xuân 
mùa xuân này tất cả 
lộc non vừa trẩy lá" 
(nhạc Nguyễn Hiền, thơ Kim Tuấn). 

hay 

"Bầy chim hót líu lo chào mừng 
Nụ xuân ngát hương dịu ngọt ngào 
Làn gió mát đưa tình lên cao... 
Mầu môi thắm sao mà nồng nàn 
Dòng tóc vắng bay trong chiều vàng 
Em có biết xuân về hay chăng?" 
(nhạc Phạm Anh Dũng) 

Về ý nghĩa "Xuân" như một tĩnh từ thì trong văn chương như "xuân sắc", "xuân xưa", "xuân xanh", "thanh xuân",... thuộc về tuổi trẻ, hay thuộc về thời xưa cũ, đã qua, 
hoặc hàm ý là tươi đẹp, tràn đầy sức sống như tuổi xuân, ví dụ như trong câu thơ sau: 

"Gió đưa cây trúc ngã quỳ, 
Ba năm chực tiết còn gì là xuân!" 
(Ca dao) 

hay 

"Đi bên nhau hồn chậm với vai gần 
Tiếng ca buồn ôi tiếng hát thanh xuân 
Ta dừng lại và nghe chiều rét mướt 
Em mười sáu, tuổi kiều thơm dịu ngọt" 
(bài "Ngự Trị", Trần Dạ Từ). 

hoặc 

"Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời. 
Bao cô thôn nữ hát trên đồi. 
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy, 
Có kẻ theo chồng, bỏ cuộc chơi". 
("Mùa Xuân Chín", Hàn Mạc Tử).

Trong thiên văn học người ta định nghĩa mùa xuân bắt đầu từ thời điểm diễn ra tiết xuân phân (khoảng ngày 21 tháng 3 ở Bắc bán cầu và ngày 23 tháng 9 ở Nam bán cầu) và kết thúc vào thời điểm diễn ra tiết hạ chí (khoảng ngày 21 tháng 6 ở Bắc bán cầu và 21 tháng 12 ở Nam bán cầu). Trong khí tượng học, để thuận tiện thì người ta tính mùa xuân bao gồm toàn bộ các tháng Ba, Tư và Năm ở Bắc bán cầu còn tại Nam bán cầu là toàn bộ các tháng Chín, Mười và Mười Một. 

Tuy nhiên, theo truyền thống thì lịch của một số nền văn hóa như lịch Ireland chẳng hạn, người ta tính toàn bộ các tháng Hai, Ba và Tư. Tại Việt Nam cũng như các nước khác chịu ảnh hưởng của nền văn minh Trung Hoa thì người ta tính mùa xuân bắt đầu từ thời điểm diễn ra tiết lập xuân (khoảng ngày 5 tháng 2) và kết thúc tại thời điểm diễn ra tiết lập hạ (khoảng ngày 5 tháng 5). 
Tết là mùa xuân của vạn vật. Mỗi năm xuân về một lần. Thế thì con gái tuổi nào là tuổi xuân? Xưa các cụ nói con gái tuổi trăng tròn là xuân. Tuổi đời của mỗi người đẹp nhất là thuở thanh xuân và nó lại càng đẹp hơn khi tuổi thanh xuân ấy bỗng xuất hiện một bóng hình để ta nhung nhớ và yêu thương, hãy xem thơ Đinh Hùng. Để rồi ta nghĩ ngợi về hồn thơ thi nhân Đinh Hùng nhìn xuân sang mà nhớ hương xuân người xưa: 

"Xuân nào như xuân mới? 
Hương nào như hương xưa? 
Lòng chàng không có tuổi 
Duyên chàng se tình cờ". 

Trong bài "Năm qua", nhà thơ J. Leiba (tức Lê Văn Bái đồng thuở với những Thái Can, Đông Hồ, Thế Lữ,...) 
cho thơ tỏa nét âu yếm yêu kiều của nỗi lòng vui buồn của người xuân nữ ở lứa tuổi trăng tròn: 

"Em nhớ năm em lên mười lăm 
Cũng ngày đông cuối sắp sang xuân 
Mừng xuân, em thấy tim hồi hộp 
Nhìn cái xuân sang khác mọi lần". 

Khi mùa xuân mới về mọi người chúc tụng những điều tốt đẹp an lành, hãy nghe thơ Cao Mỵ Nhân: 

"Hãy chúc nhau Xuân vàng bất tận 
Trên quê hương đại mộng viên thành 
Những cành lê tuyết từ muôn dặm 
Trao tặng non sông vạn ý lành". 

hay 

Xuân Muôn Ý 

Mở cửa xem Xuân đến cách nào 
Xuân từ tám hướng gọi xôn xao 
Trầm hương nhã nhạc lan trên sóng 
Cánh én bay cùng tiếng hát cao 

Xuân đến khi ta mải đợi chờ 
Xin cùng ta sánh bước vào thơ 
Ở đây không kể thời gian nữa 
Ta với Xuân chung một cõi mơ 

Ta hỏi Xuân tươi trọn cuộc đời 
Xuân cười: năm tháng có đầy vơi 
Nhưng, bao giờ cũng vui như Tết 
Bạn hỡi, mau về dự hội chơi 

Xuân ở bên ta mãi nhé Xuân 
Bốn bề bát ngát bóng giai nhân 
Nguồn thơ bất tận dâng muôn ý 
Xuân bỗng thăng hoa đẹp bội phần ... 
(thơ Cao Mỵ Nhân) 

Đón mừng, cung nghinh mùa xuân mới, thơ chào mùa xuân sang: 

Nhịp Xuân 

"nghe trong cành lá chờn vờn 
tiếng gió tâm sự van lơn nhánh cành 
màu xanh mướt rượt màu xanh 
nắng xuân vừa lót long lanh nét tình 

tôi nghe gót bước bình minh 
đi vào thành phố cung nghinh em về 
dáng mai huệ sánh đề huề 
bên lan bên cúc tỉ tê bước cùng 

áo hoa vạt lụa tà nhung 
lâng lâng chở mộng vào chung với người 
góp nhau từng mắt môi cười 
cho đời thắm thiết xuân tươi trổ màu 

nghe thăm thẳm lời nguyện cầu 
trời cao đất rộng lòng người bao la". 
(thơ Lê Hân). 

Trong bài "Khi Em Về Mùa Xuân" như lời bình minh khi xuân về, như khi em về đất trời tưng bừng rực rỡ, vì em là mùa xuân và vì mùa xuân là em, 
trông đàn bướm vàng bay lượn giữa mùa xuân, ta nhìn em lòng sao nhiều bỡ ngỡ, những mùa xuân xưa khi xa vắng nhau lòng nhớ nhung vô ngần, và nay... 

Khi Em Về Mùa Xuân 

"Khi em về đất trời bừng rực rỡ 
Đàn bứom vàng bay lựon giữa mùa xuân 
Ta nhìn em lòng sao nhiều bỡ ngỡ 
Xưa xa nhau lòng rạn vỡ vô ngần 

Khi em về mùa hoa đăng nở rộ 
Cúc, Mai, Đào thơm ngát những mùi hưong 
Hồn ta như lạc vào cơn mê lộ 
Trong gió xuân ai hát khúc mê thừong 

Khi em về ta giật mình ngoảnh lại 
Đã một thời mình đánh mất đời nhau 
Kỷ niệm buồn mắt nhìn nhau ngần ngại 
Dấu yêu xưa như chợt sớm phai màu". 
(thơ Khiếu Long). 

Với người lính năm xưa, xuân về trong tháng ngày xông pha chinh chiến, chinh nhân trôi nổi theo vận nước, nay trong kiếp sống lưu vong biệt xứ, 
ta đón mùa xuân nghe sao cằn cỗi trong lòng... 

"Anh tiếp tục cuộc đời làm lính 
Sinh tử, phiêu bồng đến 1975 
29 tháng Tư trời đất hờn căm 
Anh thảng thốt theo dòng người 
Lìa xa Tổ Quốc 
Gần ba mươi bảy năm qua 
Vẫn không thể nào quên được 
Một thuở ngang trời 
Một khúc chia ly 
Sáng hôm nay đầu mùa Xuân 
Anh ngồi ở nơi đây 
Ngồi với cốc cà phê nhỏ giọt 
Tai nghe nhạc phong linh cùng tiếng chim ca hót 
Đón Xuân về 
Sao nghe cằn cỗi trong tim!" 
(thơ Yên Sơn) 

Nhà thơ Vũ Đình Liên là một trong những thi nhân xuất sắc của phong trào Thơ mới. Thuở 1936 ông sáng tác bài thơ "Ông đồ" đăng trên báo Tinh hoa. 
Bài thơ đi vào văn học sử, ý thơ cho thấy sự thay đổi xã hội, chuyển mình từ nền nho học sang tây học. 
Bài thơ này được đánh giá như một thi phẩm tuyệt tác và được nhìn từ nhiều góc độ loại nhịp thơ ngũ ngôn, chất bi kịch xã hội tính, nét triết lý về thời gian, 
tinh thần dân tộc tính, nỗi buồn hoài cổ, nỗi u hoài trước sự xâm lăng của người Pháp,… Điểm chính trong bài viết này là áng thơ nói về mùa xuân... 

"Mỗi năm hoa đào nở 
Lại thấy ông đồ già 
Bày mực Tàu, giấy đỏ 
Bên phố đông người qua 
... 
Năm nay đào lại nở 
Không thấy ông đồ xưa 
Những người muôn năm cũ 
Hồn ở đâu bây giờ?" 

Vũ Đình Liên vốn chịu ảnh hưởng Baudelaire. Vũ Đình Liên là nhà thơ kiêm nhà giáo tận tụy với công việc sư phạm, ông dạy học (môn Pháp văn) và dịch thơ, mà hầu như chỉ dịch thơ đại thi hào Pháp Charles Beaudelaire. Do vậy, sự kiện ông thích thơ Beaudelaire, ít nhiều chất thơ tự do tây phương (vers libre occidental) đã là nét đột phá cho ông thành công trong phong trào thơ mới thuở ban sơ, nên bạn bè gọi ông là "Baud Liên", vắn tắt như là một "Baudelaire Vietnamien". 

Thơ Pháp Charles Baudelaire. 
Charles Baudelaire là chủ soái của phong trào thi ca lãng mạn Pháp. Sự lãng mạn vô song trong thi ca yêu đương đầy nét xuân tình của Baudelaire qua trích đoạn phân đoạn I trong bài thi ca như sau... 

" Que m’importe que tu sois sage ? 
Sois belle ! et sois triste ! Les pleurs 
Ajoutent un charme au visage 
Comme le fleuve au paysage 
L’orage rajeunit les fleurs. 
Je t’aime surtout quand la joie 
S’enfuit de ton front terrassé 
Quand ton cœur dans l’horreur se noie 
Quand sur ton présent se déploie 
Le nuage affreux du passé. 
Je t’aime quand ton grand œil verse 
Une eau chaude comme le sang 
Quand, malgré ma main qui te berce 
Ton angoisse, trop lourde, perce 
Comme un râle d’agonisant. 
J’aspire, volupté divine ! 
Hymne profond, délicieux ! 
Tous les sanglots de ta poitrine, 
Et crois que ton cœur s’illumine 
Des perles que versent tes yeux !" 

(bài Tình khúc buồn, Madrigal triste). 

Phần chuyển ngữ 

“Anh không cần em phải hiền ngoan. 
Em hãy đẹp! Và hãy buồn! Đầy nước mắt. 
Làm tăng thêm vẻ quyến rũ cho khuôn mặt. 
Như dòng sông làm cho phong cảnh đẹp hơn 
Như dông bão càng làm cho hoa trẻ lại. 
Tôi yêu em hơn hết - khi niềm vui 
Lẩn tránh vầng trán em nặng trĩu. 
Khi trái tim em chết đuối trong kinh dị. 
Khi sự hiện diện của em phơi bày. 
Đám mây xấu khủng khiếp của thời quá khứ. 
Tôi yêu em, khi đôi mắt to của em tuôn chảy 
Một dòng nước mắt nóng như máu. 
Mặc dù tay anh xoa dịu. 
Nỗi thống khổ của em quá đỗi nặng nề, làm khoét thủng. 
Như để tiếng rên của người hấp hối. 
Anh hút vào sự khoái lạc thần tiên. 
Bài ngợi ca thâm trầm tuyệt diệu. 
Với tất cả tiếng thổn thức trong lồng ngực của em. 
Và anh tin rằng trái tim em rực sáng. 
Qua những hạt ngọc trai long lanh từ mắt em tuôn chảy". 
(thơ Charles Baudelaire) 

Theo cung cách thi ca lãng mạn như của Baudelaire, xin đan cử ví dụ bài thơ sau: 

Kìa Xuân 

Nắng thức dậy tô son con gái 
Thắm má đào bỏng cháy hồn si 
Đôi mắt biếc thầm nói những gì 
Lời hò hẹn xuân thì mở ngõ 

Trang vở ước dòng thơ tình tỏ 
Pha mực hiền gắn bó xuyến xao 
Xếp từ Y-Ê-U con chữ kề nhau 
Trang giấy mới xôn xao thương nhớ 

Ý nguyên trinh đắm say bỡ ngỡ 
Đoá mộng đầu e ấp bờ môi 
Đời trổ hoa thơm ngát tinh khôi 
Chim ríu rít trên đồi Xuân mới 

Nắng Xuân nay, gió mùa chướng tới 
Ký ức hồi tung bới tình xưa 
Hồn ai vướng víu ngoài khung cửa 
Kìa Xuân! Mùi trầm thoảng hương đưa. 
(Kim Oanh, Australia) 

Sự lãng mạn trong thi ca của thi nhân Hồ Dzếnh trước chúa xuân như sau: 

Ý Xuân 

Trời đẹp như trời mới tráng gương, 
Chim ca, tiếng hát rộn ven tường. 
Có ai bên cửa, ngồi hong tóc 
Cho chảy lan thành một suối hương… 

Sắc biếc giao nhau, cành bắt cành, 
Nước trong, hồ ngợp thủy tinh xanh. 
Chim bay, cánh trĩu trong xuân ý, 
Em đợi chờ ai, khuất bức mành? 

Giữa một giờ thiêng, tình rất đẹp, 
Mắt buồn và rất… rất thanh thanh. 
Mày ai bán nguyệt, người ai nhỏ, 
Em ạ, yêu nhau…chết cũng đành! 
(Hồ Dzếnh, hay Hà Triệu Anh, 1916–1991). 

Kế đến, xét qua thơ của nhà thơ lãng mạn Pháp khác là Théophile Gautier. Xem rằng ý thơ khá táo bạo về tình cảm yêu đương... 

Nụ cười đầu tiên của mùa xuân(Premier sourire du printemps) 

Premier sourire du printemps 
Tandis qu’à leurs œuvres perverses 
Les hommes courent haletants, 
Mars qui rit, malgré les averses, 
Prépare en secret le printemps. 
Pour les petites pâquerettes, 
Sournoisement, lorsque tout dort, 
Il repasse des collerettes 
Et cisèle des boutons d’or. 
Dans le verger et dans la vigne, 
Il s’en va, furtif perruquier, 
Avec une houppe de cygne, 
Poudrer à frimas l’amandier. 
La nature au lit se repose ; 
Lui, descend au jardin désert 
Et lace les boutons de rose 
Dans leur corset de velours vert. 
Tout en composant des solfèges, 
Qu’aux merles il siffle à mi-voix, 
Il sème aux prés les perce-neiges 
Et les violettes aux bois. 
Sur le cresson de la fontaine 
Où le cerf boit, l’oreille au guet, 
De sa main cachée il égrène 
Les grelots d’argent du muguet. 
Sous l’herbe, pour que tu la cueilles, 
Il met la fraise au teint vermeil 
Et te tresse un chapeau de feuilles 
Pour te garantir du soleil. 
Puis, lorsque sa besogne est faite, 
Et que son règne va finir, 
Au seuil d’avril tournant la tête, 
Il dit : "Printemps, tu peux venir !"." 

Phần chuyển ngữ 

Đương khi con người chạy hết hơi 
Đến với những công trình tai quái của họ 
Tháng Ba cười, dẫu những cơn mưa rào ào ạt 
Vẫn ngấm ngầm soạn sửa mùa xuân 
Với những bông hoa cúc nhỏ xinh 
Nó thầm lén khi mọi vật còn đang thiếp ngủ 
Là đi là lại những cổ áo xếp nếp 
Rồi tỉa tót những nụ vàng tươi 
Trong ruộng nho trong vườn cây quả 
Nó đến rồi, gã thợ cạo lẻn qua 
Với một nhúm tua mào chim thiên nga 
Rắc sương giá lên vườn cây hạnh 
Trên giường thiên nhiên đang ngơi nghỉ 
Còn nó, đi xuống vườn hoang 
Và thắt giùm hoa hồng những nụ 
Trong chiếc yếm nịt nhung xanh kia 
Vừa sáng tạo những hoà âm 
Nó huýt khẽ với đàn chim sáo 
Vừa gieo những bông hoa tuyết trên đồng 
Còn trong rừng gieo hoa tím rung rinh 
Trên đám cải xoong bên dòng suối 
Tai nghe ngóng, hươu cúi đầu uống nước 
Bằng bàn tay kín đáo nó lẩy từng bông 
Hoa chuông bạc long lanh của cây linh lan 
Dưới cỏ, để cho anh hái được 
Nó đặt trái dâu, da mọng hồng tươi 
Và dệt cho anh chiếc mũ lá cây 
Để tránh ánh nắng trời 
Thế rồi, khi công việc đã xong xuôi 
Sự trị vì sắp đến hồi kết thúc 
Bên ngưỡng cửa tháng Tư quay đầu lại 
Tháng Ba ta bảo rằng: "Mùa xuân ơi, xuân đến rồi đó!". 
(Bản dịch của Đào Duy Hiệp). 

Nói về mùa xuân trong thi ca Pháp có lẽ không thể không nhắc đến bài thơ Printemps của thi sĩ Victor Hugo, 

Mùa  Xuân (Printemps) 

“Voici donc les longs jours, lumière, amour, délire ! 
Voici le printemps ! mars, avril au doux sourire, 
Mai fleuri, juin brûlant, tous les beaux mois amis ! 
Les peupliers, au bord des fleuves endormis, 
Se courbent mollement comme de grandes palmes ; 
L’oiseau palpite au fond des bois tièdes et calmes ; 
Il semble que tout rit, et que les arbres verts 
Sont joyeux d’être ensemble et se disent des vers. 
Le jour naît couronné d’une aube fraîche et tendre ; 
Le soir est plein d’amour ; la nuit, on croit entendre, 
A travers l’ombre immense et sous le ciel béni, 
Quelque chose d’heureux chanter dans l’infini.” 
(Victor Hugo). 

Phần chuyển ngữ 

“Đây rồi những ngày dài, ánh sáng, tình yêu, điên quá! 
Mùa xuân tới rồi! tháng ba, tháng tư với nụ cười dịu ngọt, 
Tháng năm đầy hoa, tháng sáu cháy da, những tháng đẹp bạn của ta! 
Rặng dương bên bờ những con sông đang ngủ, 
Uốn thân mềm như cành cọ thật to; 
Chim phập phồng trong đáy rừng yên ấm; 
Mọi vật như cất tiếng cười, và cây xanh 
Vui vì được bên nhau, trao nhau những lời thơ. 
Ngày mới chào đời quấn trên đầu bình minh hiền tươi mát; 
Buồi tối đầy tình yêu; đêm đến tưởng như nghe, 
Qua bóng tối mênh mông và dưới bầu trời đầy ơn phước, 
Một niềm vui đâu đây hát trong vô tận bốn bề.” 
(Hồ Văn Hiền dịch). 


Sau đây là trích đoạn của bài thơ Impression de printemps của thi sĩ Paul Verlaine. 

Impression de printemps 

Il est des jours - avez-vous remarqué? - 
Où l'on se sent plus léger qu'un oiseau, 
Plus jeune qu'un enfant, et, vrai! plus gai 
Que la même gaieté d'un damoiseau (*). 

(poème de Paul Verlaine). 
Ấn tượng khi mùa xuân về 
Ấy là những ngày hỡi bạn còn nhớ chăng ? 
Thuở mà bạn cảm thấy mình quởn hơn loài chim, 
Vô tư hơn một đứa trẻ, và thật vậy! vui tươi hơn 
Đó cũng là nỗi hân hoan của loài chim hải đảo. (*)
(thơ Paul Verlaine, VHLA chuyển ngữ.) 

*chim trogon damoiseau > loài chim hoang dã có nhiều ở hải đảo Haiti suốt ngày ca hót hồn nhiên, vô tư. 
Kế tiếp là trích đoạn thơ xuân của ba thi sĩ Mỹ Emily Dickinson; William Blake và William Shakespeare, người Anh. 

Trời xuân. 

Nắng xuân phơi phới đã về 
Quanh năm chẳng thấy đông hè thu sang 
Khung trời tươi mát không gian 
Tháng ba xuân đáo mai vàng hiếm khi. 
(VHLA phóng tác thơ Emily Dickinson) 

A Light Exists In Spring 
(Poet Emily Dickinson). 
A light exists in spring 
Not present on the year 
At any other period. 
When March is scarcely here 
(Poem by Emily Dickinson). 

Thơ trích đoạn của William Shakespeare, bài Spring. 

Vườn Xuân 

Vườn xuân mùa hoa cúc trổ bông 
Khung trời hiển hiện màu trắng bạc 
Cúc vàng chào đón mùa xuân sang 
Tô màu đồng hoa màu thỏa thích. 
(VHLA phóng tác) 

Spring 

When daisies pied, and violets blue, 
And lady-smocks all silver-white, 
And cuckoo-buds of yellow hue 
Do paint the meadows with delight. 
(William Shakespeare, derived from Love’s Labors Lost, by William Shakespeare (1564-1616). 

Thơ trích đoạn của William Blake, bài Spring. 

Sound the flute! 
Now it’s mute. 
Birds delight 
Day and night. 
Nightingale 
In the dale, 
Lark in the sky, 
Merrily, 
Merrily, merrily to welcome in the year. 
(poem William Blake) 

Mùa xuân 

Chim muông thay tiếng thanh tiêu 
Dạ oanh cất tiếng sáo chiều xuân sang 
Sơn ca tíu tít nắng vàng 
Đêm ngày tiếng hót âm vang năm dài. 
(VHLA phóng tác từ thơ xuân William Blake) 

Mùa xuân buồn ly hương, cảm tác thơ sầu viễn xứ, 
xem thi ca Hà Huyền Chi. 

Dạo Phố Mùa Xuân 

Chi Dậu người hoa bắt giây leo 
Vàng phai lá nhớ tay chiều ngùi thương 
Hôm mai sầu rụng bên đường 
Còn trên lưng gió chút hương hải tần 

Dặm dài cho biết phù vân 
Về đâu thì cũng cát lầm bèo trôi 
Lội mòn vỉa phố quê người 
Họa may tìm gặp cái tôi ngang tàng 

Giao thừa lửa đốt buồng gan 
Mỗi xuân lữ thứ có ngàn dao đâm. 
(thơ Hà Huyền Chi) 

Thi sĩ Hồng Vũ Lan Nhi cảm tác bài 

Xuân Đợi Chờ. 

Mai nở vàng cành khoe sắc tươi 
Mang màu hoa thắm đến tô đời 
Nắng hồng trải mông xuân như ý 
Đem thái hòa gieo khắp cõi trời. 

Xuân không hẹn, xuân về rồi đó 
Xuân của xum vầy của tình vui 
Riêng chỉ một người hiu hắt nhớ 
Cánh chim còn bay lạc phương trời. 

Đep quá tháng ngày quấn quít nhau 
Tiếng cười như suối chảy dòng sâu 
Thời gian không đủ hong tình nhớ 

Một phút xa nhau, một phút sầu. 
Bao mùa xuân đến, bao mùa đợi 
Chỉ thấy lòng quay quắt ngóng trông 
Tình ơi sao cứ xa vời vợi 
Để kẻ đầu sông kẻ cuối dòng. 
(thơ Hồng Vũ Lan Nhi). 

Nhớ mùa xuân xưa với nhà thơ Quyên Di. 

Trăng 14

Nhớ buổi xuân thì ngày xưa ấy 
Rạo rực lòng trai buổi trăng về 
Ngây ngất hương trời người con gái 
Bờ môi trót nếm rượu đam mê. 

Trăng lên vời vợi ngang đầu núi 
Trăng tàn bờ lạnh dải ngân hà 
Một bóng chim trời bay rất vội 
Về nơi viễn phố nẻo sương pha. 

Là lúc qua rồi thời xuân sắc 
Chén đời đã cạn rượu đam mê 
Những lúc đêm về ngồi trầm mặc 
Quên cả trăng xanh phủ bốn bề. 
(thơ Quyên Di, Nhân Văn Nghệ Thuật). 

Xuân Vui Say 

Rót chén mừng xuân rượu vui đầy 
Nâng lên cùng uống chúc lộc may 
Tân niên hạnh phúc bình an tiến 
Dốc hết bầu thơ tửu ngất ngây 

Xuân nhật vinh quang phú quý lai 
Say mèm cạn chén ôi men cay 
Tấn tài tấn phát tết an khang 
Hồn chếch choáng vui trong giấc say! 
(Trần Việt Hải). 

Nắng Xuân 

Gió nhẹ ru làn nước 
Liễu rủ ven bờ hồ 
Đong đưa cành lá vàng 
Mơn man chút tâm tư 

Man mác thoáng nỗi lòng 
Hôm nay xuân lại về 
Không gian trời vắng lặng 
Sao ta chợt thấy buồn? 
(Hải Vân Sagittaires, aka Marie Christine TV, Espagne) 

Xuân Sang 

Nắng đẹp bình minh tỏa ánh vàng 
Khung trời cảnh sắc lúc xuân sang 
Không gian gió thoảng lâng lâng nhẹ 
Phố xá tươi màu phố thênh thang 

Lữ khách thập phương mừng trẩy hội 
Cành mai khóm trúc tranh xóm làng 
Giao thừa hái lộc vui pháo tết 
Chúc phúc an bình nẽo quan san. 
(thơ xuân Trần Mạnh Chi). 

Mừng Chúa Xuân 

Xuân về tươi thắm cành đào 
Hoa Mai vàng rực đón chào tết sang. 
Chim muông ríu rít rộn ràng, 
Trời xuân tỏa ngát mênh mang an lành 

Xuân về thắm đượm trời xanh, 
Mai đào trúc cúc họp thành tứ hoa 
Tiết xuân trải lộc mọi nhà 
Khung trời nắng đẹp bao la mây ngàn 

Mùa xuân thay áo không gian 
Chan hòa cảnh vật bình an đất trời.
(thơ Annie Trần, Texas) 

Mùa xuân là mùa để bắt đầu một chu kỳ của thiên nhiên mới, dù thơ của nhà thơ Annie Trần cho là tiết xuân trải lộc mọi nhà, khung trời nắng đẹp bao la mây ngàn, và mùa xuân thay áo không gian, chan hòa cảnh vật bình an đất trời. Mọi cảnh quan có thể thay đổi, nhưng đối vì tình yêu cần sự trung trinh, sự thủy chung như thơ của nhà thơ Thái Tú Hạp. Mời xem áng thơ sau. 

Mùa Xuân Yêu Em 
(Thái Tú Hạp dành tặng Ái Cầm). 

mùa xuân từ thuở yêu em 
núi non xứ Quảng cũng mềm bước đi 
hàng cây nẩy lộc thầm thì 
nghe như giòng suối từ bi cội nguồn 

mùa xuân từ độ bao dung 
tiếng chung thuỷ ở, tiếng đường mật vui 
tiếng hờn ghen, tiếng ngậm ngùi 
tiếng đau dao cắt, tiếng mùi mẫm yêu 

lúc khuya sớm thuở quê nghèo 
lúc chinh chiến lửa phận treo tuổi mình 
lúc ngã ngựa, khi tàn binh 
lúc non cao vẫn trọn tình thăm nuôi 

trùng dương u thảm phận người 
quẩn quanh hải đảo tiếng cười đắng cay 
xa rồi thác lũ trời tây 
đời hư ảo thoáng chim bay cuối ngàn 

đất trời thơm ngát lộc non 
cho ta xuân thắm vô vàn yêu em.

Lời kết bài, thi ca bốn mùa luôn luôn là đề tài gây cảm tác dễ dàng cho giới thi nhân hay giới nghệ sĩ; xuyên suốt bài viết này là nhiều áng thi ca ca tụng mùa xuân cùng tình yêu lãng mạn được trích dẫn, bởi vì hai chủ đề này không bao giờ xưa cũ cả. Phàm là con người chúng ta vẫn phải đối diện với Mùa Xuân và Tình Yêu, mãi mãi vã mãi mãi. 

Để chấm dứt bài viết, người viết bài xin chúc mọi người, mọi gia đình một mùa xuân mới nhiều an lành và hạnh phúc, đặc biệt trong tình yêu thương vợ chồng, tình yêu của gia đình.
Trần Vit Hải
Los Angeles, tháng 12 năm 2018.