Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2023

Sớ Táo Quân Long Hồ Vĩnh Long 2022 - Kim Phượng

 

Dạ! Dạ!
Bẩm tấu Ngọc Hoàng
Tháng Chạp Hăm Ba
Nhâm Dần ắt qua
Mèo nhà sẽ tới

Dạ! Dạ!
Táo thần Kim Phượng
Người chẳng dễ thương
Bởi tính ương ương
Gàn gàn dở dở
Mỗi điều không nhỡ
Thiên đình đúng hạn
Khấu đầu bái kiến
Bái kiến...cái mà...bái kiến

Bẩm báo tình hình
Tròn một năm qua
Covid chẳng tha
Lui tới không dừng
Tai trời ách nước
Bảo tuyết chưa ngưng
Nơi nơi khốn đốn
Úc châu rộng chốn
Mưa nắng thất thường
Tai ương dồn dập
Lượng tình hải hà
Đèn trời soi sáng
Thần táo lang thang
Lỡ leo lưng cọp
Thề quyết xông pha
Nào dám la cà
Loanh quanh chậm trễ
Rảo khắp vùng quê
Đến tận thị thành
Facebook lướt nhanh
Long Hồ lùng khắp
Nhìn trước ngó sau
Bấy nhiêu tao nhân
Chừng ấy mặc khách
Số dách đề thơ
Thiên hình vạn thể
Cả Mới lẫn Cũ
Cổ thi Đường luật
Lục bát Tự do
Cảm tác Xướng họa
Haiku Tanka
Văn chương rôm rả
Gợi cảnh tả tình
Đọc chữ xem hình
Tim con rung rinh
Thình thịch...cái mà...thình thịch

Diễn ngâm chắc nịch
Chuyên chở hồn thơ
Mấy ai có ngờ
Youtube Thơ tranh
Xoáy quanh thi phẩm
Tâm tình gửi gắm
Giọng ai đầm ấm
Êm mượt như nhung
Đơn ca... hát chung
Xuống câu vọng cổ
Ôi mùi đứt ruột
Các bậc Thầy thuốc
Lương y từ mẫu
Hướng dẫn tận tường
Cùng phương trị liệu
Thầy Huỳnh Chiêu Đẳng
Trưởng thượng tinh thông
Tận lực hết lòng
Giải bao thắc mắc
Hỏi vòng hỏi vo
Thầy vui pha trò
Trả lời hết thảy
Xúm xít nơi này
Lắm cây bút chuyên
Bút trẻ đủ duyên
Nương theo tôi luyện
Tập tễnh “học nghề”
Ngọc Hoàng Thượng Đế
Ngài nghe thần kể
Thần kể Ngài nghe
“Quá đã”... cái mà… “quá đã”*

Chữ này* má dạy
Không được dùng đến
Ý mà... thần quên
Thú tội mình ên
Xin Ngài lượng thứ
Nói thật nào ngay
Thần hoài trăn trở
Biết tỏ cùng ai
Từ tâm xin Ngài
Lắng nghe thần tấu
Vận nước nổi trôi
Kéo theo con chữ
Chịu kiếp lưu vong
Ai đành nỡ lòng
Con chữ bẻ cong
Vẽ vòng triệt thoái
Từng nghe từng nói
Tiếng Việt tuyệt vời
Khi mới ra đời
Đã yêu rồi đấy
Nhưng thần cảm thấy
Chỉ một sớm chiều
Trở nên tiêu điều
Tiếng lời khó hiểu
Sử dụng bừa bãi
Tự biên tự diễn
Tự chế ngông nghênh
Hớ hênh từ láy
Vô nghĩa vẫn dùng
Một nỗi đau chung
Là kẻ tội đồ
Ô danh dân Việt
Tim đau da diết
Lòng buồn mang mang

Bẩm tấu Ngọc Hoàng
Thiên đình thần cáo
Trở về hạ giới
Trước khi dời gót
Kính chúc Ngọc Hoàng
Như ý mọi điều
Năm Mới phúc an
Ngọc Hoàng vạn tuế
Vạn tuế...cái mà... vạn tuế

Thần Táo Kim Phượng Úc châu 2022

Táo Nhâm Dần! - Đức Hùng


(Bài Hát Nói cảm ơn và đáp lễ Nữ Sĩ Kim Oanh có lòng yêu mến Hát Nói của Đức Hùng, nhân dịp Cúng Ông Táo 23 tháng Chạp năm Nhâm Dần)

Hai Ông một Bà! Rất độc đáo!
Vậy mà Ngọc Hoàng Thượng Đế phong cả ba làm Táo Quân, Vua Bếp linh thiêng!
Đến nay, ngay cả Nữ Sĩ Kim Oanh cũng mong có một bài riêng!
Hát Nói! Để Ca Trù vang động mọi miền Tao Nhân, Mặc Khách!

Long Hồ thánh thót ngàn chuông khánh!
Vĩnh Tế luân lưu vạn lụa là!
Năm qua, chắc sợ “oai” Ông Ba Mươi Cọp Kễnh nên Thơ, Văn, Nhạc, Hát Nói bỗng nổi phong ba!
Sức sáng tác của các Thi Văn Nghệ Sĩ tuôn trào! Muôn hoa, muôn vẻ, rộn ràng tươi thắm!

Táo Long Hồ Vĩnh Long chúng con kính mời Ngọc Hoàng hạ giới tha hồ thăm, ngắm!
Cả một Vườn Ngự Uyển, cả một Thi Văn Đàn nguy nga, lung linh, thăm thẳm, huy hoàng!
Quần Tiên áo mũ xênh xang!
Hằng Nga, Hậu Nghệ cao sang tuyệt vời
Lý Bạch, Đỗ Phủ ghé chơi!
Tiên Điền đã đến! Sáng ngời Kiều Nhi!
Ngọc Hoàng hả dạ! Cười khì!

Đức Hùng
Sydney, Úc Châu, 14/01/2023
Hai Mươi Ba tháng Chạp năm Nhâm Dần. Lễ Cúng Ông Táo, chuẩn bị đón năm mới Quý Mão!

Đưa Ông Táo Về Trời - Đỗ Chiêu Đức

 

Theo câu nói của Lịch Thực Kỳ 酈食其 trong Sử Ký của Tư Mã Thiên là:"Vương giả dĩ dân vi thiên, nhi dân dĩ thực vi thiên 王者以民為天,而民以食為天". Có nghĩa : "Kẻ vương già lấy dân làm trời, còn dân thì lấy cái ăn làm trời". Ý là : "Vua thì phải lấy dân làm trên hết, vì không có dân thì làm vua với ai đây ? Còn dân thì lấy cái ăn làm nhu cầu trên hết, vì không có cái ăn thì làm sao mà sinh sống cho được !" Vế sau của câu nói nầy thường bị nói trại thành "Dân dĩ thực vi TIÊN 民以食為先". Có nghĩa : "Dân lấy cái ăn làm TRƯỚC NHẤT".

Vì dân lấy cái ăn làm trên hết, nên ông Táo cũng được thờ cúng trịnh trọng nhất trong gia đình. Ông Táo được tôn xưng là "Ngũ Tự Chi Thủ 五祀之首", là đứng đầu trong năm nơi phải tế tự ở trong nhà là Môn Thần, Hộ Thần, Tỉnh Thần, Táo Thần và Trung Lưu (Thổ Địa Thần và Trạch Thần) 門神、户神、井神、灶神、中溜 (土地神和宅神). Nên người Hoa khi rước dâu về đến nhà, sau khi lạy bàn thờ Trời Đất trước cửa thì người trưởng tộc dẫn cô dâu thẳng ra sau bếp lạy Ông Táo trước tiên rồi mới trở ra lạy Thần Tài Thổ Địa và bàn thờ ông bà. Cho ta thấy Ông Táo là ông thần được tôn vinh hàng đầu trong gia đình. Lại theo truyền thuyết dân gian là mỗi cuối ngày ông Táo phải bẩm báo với Ngọc Hoàng Thượng Đế về tất cả những hành vi tốt xấu của các thành viên trong gia đình; Nhưng diễn tiến theo thời gian lần hồi thì mỗi năm ông chỉ về chầu trời để bẩm báo có một lần thôi. Đó là vào ngày cuối năm 23 tháng Chạp, sau khi đã dọn dẹp quét tước nhà cửa sạch sẽ ngăn nắp để chuẩn bị ăn Tết.

Bắt đầu từ đời nhà Chu, hơn một ngàn năm trước Công Nguyên, tục tế Táo đã được đưa vào hoàng cung thành một nghi lễ chính thức. Còn trong dân gian thì theo như câu nói "Quan tam, dân tứ, thuyền gia ngũ 官三民四船家五" Có nghĩa : Quan thì cúng đưa ông Táo ngày 23, còn dân thì 24 và những người dưới ghe thuyền theo đời sống thương hồ thì cúng đưa ông Táo ngày 25. Vì có truyền thuyết là Ông Táo về trời sẽ tâu trình mọi việc tốt xấu trong nhà, nên thường thì cúng ông Táo không thể thiếu món ngon món ngọt, để ông Táo ăn cho ngọt mà báo cáo toàn việc "ngọt" việc tốt, lại thêm giấy vàng mã và xếp hình cò bay ngựa chạy để cho ông Táo có đầy đủ phương tiện để về trời. Trong văn học Việt Nam ta còn có thêm con cá chép để cho ông bà Táo cởi bay lên trời. Cung phụng đủ điều chỉ cốt lấy lòng để được báo cáo tốt mà thôi, lại còn phải van vái "nài nỉ ông đừng nói đến những chuyện không cần nói" như bài thơ Tống Táo Thi dưới đây :

送 竈 詩                  TỐNG TÁO THI

麥芽糖餅餞行蹤, Mạch nha đường bỉnh tiễn hành tung,
拜祝佯癡且作聾。 Bái chúc dương si thả tác lung.
只有一般應開口, Chỉ hữu nhất ban ưng khai khẩu,
煩君報我一年窮。 Phiền quân báo ngã nhất niên cùng !

CHÚ THÍCH:

1. Đường Bỉnh: là Kẹo bánh. Đường là Đường, mà cũng có
nghĩa là Kẹo nữa, còn Bỉnh là Bánh.
2. Dương: là Giả đò.Tác : là Làm, ở đây có nghĩa là Làm bộ.
3. Si : là Ngây, là Dại. Lung : là Điếc.
4. Nhất ban: là Mạo từ (Article) chỉ : Một Điều, Một Cái.
5. Nhất niên: là Cả năm, suốt năm, chớ không phải MỘT NĂM.

DỊCH NGHĨA:
Mạch nha, Kẹo, bánh... đưa tiễn bước chân ông đi. Khi bái kiến và chúc tụng Thượng Đế xin ông giả ngây giả điếc dùm cho (đừng nói lung tung những chuyện không tốt của tôi). Chỉ có một điều ông nên mở miệng nói là.... Cảm phiền ông báo với Ngọc Hoàng là sao tôi lại nghèo suốt cả năm vậy ?!

DIỄN NÔM:
THƠ TIỄN ÔNG TÁO

Mạch nha kẹo bánh tiễn chân ông,
Lên đó giả ngây giả điếc dùm.
Chỉ có một điều nên mở miệng,
Rằng ta nghèo suốt một năm ròng!

Táo Thần 灶神 còn được gọi là Táo Quân 灶君, Táo Vương 灶王, Táo Vương Gia 灶王爺, Táo Công Táo Mẫu 灶公灶母 (Táo Ông Táo Bà ) và Đông Trù Ty Mệnh 東厨司命 là cái Tước được Ngọc Hoàng phong cho, nên ta thường thấy bốn chữ hoành phi viết ngang phía trên bàn thờ ông Táo là TY MỆNH TÁO QUÂN 司命灶君 để chứng tỏ là được Ngọc Hoàng Thượng Đế phong tước hiệu đàng hoàng chớ không phải làm thần "ngang xương ". Về câu đối mà ta thường thấy nhất ở hai bên bàn thờ ông Táo là :

上天奏好事, Thướng thiên tấu hảo sự,
下界保平安. Há giới bảo bình an.

Có nghĩa:
- Lên trời thì tâu những việc tốt (việc xấu hãy quên đi!). Còn...
- Xuống dưới hạ giới thì nên phù hộ cho gia chủ được bình an.

Ta thấy, con người bình dân luôn luôn tỏ ra rất thân thiện và thực tế, coi thần thánh như là một thành viên đáng kính có nhiệm vụ phải bảo vệ và phù hộ cho gia đình. Nên bài vị thờ Thần Táo còn được viết là ĐỊNH PHƯỚC TÁO QUÂN 定福灶君. Có nghĩa "Táo Quân là người quyết định cho cái Phúc Lộc của gia đình. Cao hơn một bậc, kẻ sĩ có học thức thì làm ra vẻ trang trọng đàng hoàng hơn, nên đòi hỏi phải có tiêu chuẩn hẵn hoi như câu đối sau đây:

有德能司火, Hữu đức năng ty hỏa,
無私可達天。 Vô tư khả đạt thiên.

Có nghĩa:
- Có ĐỨC thì mới có thể trông coi việc củi lửa bếp nút được.
- Phải CHÍ CÔNG VÔ TƯ thì mới được lên chầu trời (để trình tấu mọi việc)

Như vậy là cái TIÊU CHUẨN để được làm ông Táo đâu phải dễ dàng gì đâu. Phải có TÀI có ĐỨC và còn phải CHÍ CÔNG VÔ TƯ nữa ! Nên được làm Thần Táo là một việc rất đáng tự hào, như câu đối dưới đây :

天上四時春作首, Thiên thượng tứ thời xuân tác thủ,
人間五祀灶為先。 Nhân gian ngũ tự Táo vi tiên!

Có nghĩa:
- Trên trời có bốn mùa thì muà xuân là mùa đầu tiên, còn...
- Ở dưới nhân gian nầy có năm điều tế tự thì tế Táo là việc đầu tiên !

Ngày cúng đưa ông Táo, người Hoa gọi là Qúa Tiểu Niên 過小年, (Người Hoa gọi ĂN TẾT là QUÁ NIÊN, nên QUÁ TIỂU NIÊN không phải là Ăn Tết nhỏ, mà có nghĩa là Ăn Tết Sớm). Vì sau khi đưa ông Táo về trời thì tất cả các bàn thờ trong nhà đều dứt hương khói, chưn nhang cũ được đốt đi chỉ chừa lại ba cây coi cho đẹp, đến ngày ba mươi Tết làm lễ Rước Ông Bà về ăn Tết mới tiếp tục hương khói mới. Trong khoảng thời gian ăn Tết sớm và Tết Nguyên Đán gọi là "những ngày vô cấm kỵ", có làm gì cũng khỏi phải coi ngày tốt xấu gì cả. Vì thần thánh đã về trời hết rồi, cho nên một số thanh niên nam nữ lợi dụng những ngày luôn luôn tốt và vô cấm kỵ nầy để "Kết Hôn". Ta thường nghe nói là "Tân tuế Tân hôn Tân nương tử 新歲新婚新娘子" Năm mới, đám cưới mới, cô dâu mới. Việt Nam ta nói là "Cưới vợ ăn Têt" chính là lúc nầy đây. Không nói đến cái háo hức rạo rực của các anh chàng thanh niên, các cô gái cũng bàn luận nhỏ to xôn xao không kém, muốn có chồng trước Tết phức cái cho rồi ! Ta hãy đọc bài thơ tứ tuyệt truyền khẩu trong dân gian sau đây sẽ rõ :

歲晏鄉村嫁娶忙, Tuế yến hương thôn giá thú mang,
宜春帖子逗春光。 Nghi xuân thiệp tử đậu xuân quang.
燈前姊妹私相語, Đăng tiền tỉ muội tư tương ngữ,
守歲今年是洞房! Thủ tuế kim niên thị động phòng!

Có nghĩa:
Cuối năm đám cưới khắp nơi nơi,
Cánh thiệp mừng xuân đã gởi rồi.
Tỉ muội trước đèn to nhỏ hẹn,
Giao thừa ta sẽ động phòng thôi!

Đó là chuyện vui cuối năm. Bây giờ nhìn lại thân ta...
Tha phương cầu thực, gởi thân nơi xứ lạ quê người, ta cũng không tránh khỏi chạnh lòng khi đến ngày cúng đưa tiễn Táo Quân về trời, vì đó là tín hiệu của năm hết Tết đến. Lòng kẻ tha hương không tránh khỏi bồi hồi xúc động khi trông ngóng về quê xa. Mời cùng đọc bài thơ của nhà thơ yêu nước Văn Thiên Tường 文天祥 đời Tống khi thất cơ bại binh bị giặc bắt ở Yên Kinh. Cuối năm ngày 24 tháng Chạp ông đã cảm khái khi trông về quê cũ và quyết chí hy sinh :

燕朔逢窮臘, Yên sóc phùng cùng lạp,
江南拜小年。 Giang Nam bái tiểu niên.
歲時生處樂, Tuế thời sanh xứ lạc,
身世死為緣。 Thân thế tử vi duyên.
鴉噪千山雪, Nha táo thiên sơn tuyết,
鴻飛萬里天。 Hồng phi vạn lý thiên.
出門意寥廓, Xuất môn ý liêu quách,
四顧但茫然。 Tứ cố đản mang nhiên!

Có nghĩa:

Yên bắc năm đà hết,
Giang Nam Tết sớm rồi.
Năm tàn vui cũng dứt,
Thân thế chết thì thôi.
Qụa kêu ngàn núi tuyết,
Hồng bay vạn dặm khơi.
Ra cửa quê chẳng thấy,
Bốn phương bát ngát trời!

Đưa Táo Quân về trời, cầu mong cho ông Táo tâu với Ngọc Hoàng Thượng Đế giúp cho thế giới năm châu năm tới QUÝ MÃO 2023 sớm ngày vượt qua cơn dịch lớn và chấm dứt chiến tranh, để cho mọi người mọi nhà đều được KHỎE MẠNH, VUI VẺ và AN KHANG THỊNH VƯỢNG !

Mong lắm thay !

杜紹德
Đỗ Chiêu Đức

Tư Rạng Và Con Cá Chép - Trang Châu


Kể từ khi trận lụt, nghe nói do mấy thằng chả ở trễn đột ngột xả nước, cuốn mất cái chòi tranh cùng vợ và đứa con trai 5 tuổi, Tư Rạng biến thành một thằng điên điên khùng khùng. Cái đêm định mệnh đó Tư
Rạng không có mặt ở chòi tranh của mình, vì buổi chiều, sau khi giao số cá câu được cho mấy mối hàng ở chợ, Tư Rạng ghé ngang quán Năm Chột, định bụng nhâm nhi món ốc gạo chấm nước mắm chanh với tí rượu nếp than pha nước dừa xiêm cho ấm bụng rồi về nhà. Không ngờ, nhân có thêm hai thằng bạn từ Sài Gòn xuống, Năm Chột nổi hứng chơi đẹp. Ngoài món cá lóc nướng trui còn có mặt lẩu cá linh,bồn bồn xào với tép và canh bông điên điển. No bụng, đầu hơi chếnh choáng, sợ quẹo, Tư Rạng đứng lên chào thua xin rút.Năm Chột đang hăng, chụp hai vai Tư Rạng dí ngồi xuống ghế hăm dọa:
-Bác đơn chào rút của mày.Hôm nay có bạn, vui say tới bến. Xin tới chớ không xin lui nghe mày. Xin lui là qua quạu đó nghen.

Tư Rạng xỉn hôm đó và ngủ quay ngoắc cù đơ ở quán Năm Chột.Thức dậy lúc gần trưa, Tư Rạng mới hay đêm rồi ở trển xả lũ gây ra một trận lụt kinh hồn. Chạy về chòi tranh của mình thì cái chòi biến mất kéo theo con vợ và thằng nhỏ. Ngót cả mấy ngày đi dọc hai bờ sông tìm kiếm, vật duy nhất Tư Rạng thấy lại được là chiếc xuồng ba lá tấp dính vào một lùm cây tràm.
Trước đây, đi thả câu về, lúc nào Tư Rạng cũng dành một hai con cá lóc cồ đem lại nhà ông bà kỹ sư Hậu bán. Ông kỹ sư Hậu chuyên về ngành tên gì thì Tư Rạng không biết, chỉ nghe nói ổng lo về cây rừng và sông nước. Nghe đâu ông Hậu nghỉ hưu đã mấy năm rồi. Thỉnh thoảng Tư Rạng cũng thấy có hội họp ở nhà ổng, khi năm khi bảy người. Qua bà Thơ, vợ ổng, Tư Rạng lõm bõm biết họ họp bàn chuyện con sông Cửu Long. Bà Thơ còn cho hay có khi có cả người Việt từ nước ngoài về họp nữa. Bà còn cho Tư Rạng biết thêm anh láng giềng to bự ở phía trển xây cả chục cái đập ngăn nước để làm điện thắp sáng nhà người dân của họ, làm nước phía dưới chảy chậm đi nên nước mặn tràn vào làm hư đất và hại mùa màng. Rằng mấy cái đập quỷ sứ ở trển, chận hết tôm cá, chận hết bùn non làm ở phía dưới ít tôm cá, làm đáy sông khô cạn, nứt nẻ vào cái mùa mà bình thường trước kia nước lớn cùng tôm cá đầy ắp. Rằng thỉnh thoảng anh bạn ác tâm ở trển bất thần xả nước, gây ngập lụt làm hư hại hoa màu trồng ven hai bờ sông. Rằng vậy mà mỗi lần bất thần xả nước, mấy thằng chả làm ra vẻ ưu ái cứu khô thằng đàn em ở phía dưới. Chúng hại mình mà còn muốn mình biết ơn.

Qua những kể lại với giọng cay cú của bà Thơ, Tư Rạng đâm ra ghét thằng đàn anh cà chớn. Và cứ mỗi lần thấy có hội họp là Tư Rạng, chờ sau khi khách ra về hết, tìm gặp bà Thơ để biết thêm tin tức, lòng
thầm mong tình hình sông nước sẽ từ từ dễ chịu. Nhưng lần nào cũng như lần nào, Tư Rạng chỉ nghe lại câu nói chán chường của bà Thơ:
- Còn khuya mới có chuyện dễ chịu, khó chịu thêm thì có. Nhà nước..nhà ta thì..lúc nào dũng dè dặt..dè dặt. Thất đức hơn nữa còn đầu tư vào xây đập ngăn nước cùng mấy thằng chả để khổ thêm dân.
Ông bà Hậu thương cảm cảnh nhà tan, vợ con bị nước cuốn trôi mất xác của Tư Rạng. Ông bà liền kêu 3 thằng con trai hợp sức dựng cho Tư Rạng một chòi tranh có phên che, nằm xích ra xa bờ sông, trên một thuổng đất cao cao. Nhờ còn chiếc xuồng ba lá, Tư Rạng vẫn tiếp tục đi thả câu để kiếm sống. Giả lúc rày trở nên lầm lì ít nói. Lũ trẻ con trong xóm rất sợ gặp Tư Rạng. Chúng nó truyền miệng nhau anh Tư Rạng nói chuyện với ma. Chuyện đồn lan ra kể từ khi có người cho biết thấy trên bàn ăn của Tư Rạng lúc nào cũng có 3 cái chén và 3 đôi đũa. Rồi có đêm nghe tiếng Tư Rạng nói chuyện với ai đó. Có khi nghe cả tiếng cười lẫn tiếng khóc.

Thằng Đía, 13 tuổi, lớn nhất trong đám trẻ con, chắc nịch nói nó đã có lần một tối tới núp ở ngoài rình nghe Tư Rạng nói chuyện với ma. Nó kể:
-Tao nghe ảnh nói với chị :’’Mình chỉ cho tui pha giấm nha. Sao? Giấm pha với nước, đường à? Rồi, chi nữa? Tiêu, muối. Rồi. Tỏi bằm phi vàng. Rồi. Chi nữa? Tỏi sống băm. Rồi. Xong hả mình? Cám ơn mình.
Tui thương mình lắm. Tại cái thằng Năm Chột nó rủ ren ép nhậu tới say xỉn nên không về có mặt để cứu mình và thằng Rỡ. Nói rồi ảnh khóc. Tao không nghe chị nói nhưng tao tin chỉ mình ảnh nghe tiếng chị.
Tao còn nghe ảnh nói với thằng Rỡ con ảnh nữa. Rỡ, mày ăn khoẻ cho mau lớn. Tao sẽ lo cho mày đi học. Mà mày ráng học giỏi nha. Sao có được bằng kỹ sư như ông Hậu để chăm nom sông nước nhà mình luôn tốt lành nha. Tao tên Rạng mà không rạng được thì mày tên Rỡ ráng mà rỡ thiệt, để cho tao hưởng ké khi nghe người ta khen cha rạng con rỡ nha. Nói xong anh lại khóc.’’
Những chiều giữa mùa khô hạn hán hay sau một trận lụt bất ngờ người ta thường thấy một gã đàn ông đứng ở bờ sông, mặt hướng về phía thượng nguồn, tay chỉ chõ ra vẻ hăm dọa. Đến gần thì nghe được
mấy tiếng lập đi lập lại :’’ Bọn cà chớn tuị bay sẽ biết tay tao.’’


Ngày hai mươi ba tháng chạp có lễ đưa ông Táo chầu Trời. Tư Rạng không đi thả câu mà lại đi ra chợ mua một con cá chép về cúng ông Táo. Biến cái bàn ăn vuông nhỏ tí thành bàn thờ, sau khi sắp xong
nhan đèn, Tư Rạng đem con cá chép ra làm. Giả để nguyên con cá, không đánh vảy, không cắt vây, không rạch bụng cá mà lại thò tay móc ruột từ họng cá. Xong, giả mở gói giấy để sẳn bên cạnh, bày ra chừng mươi viên bi đen, to cỡ đầu ngón tay út. Qua họng cá giả chậm rãi nhét từng viên bi vào bụng cá.
Xong, Tư Rạng để cá lên đĩa đem đặt ở bàn thờ, rồi đi rửa tay, rửa mặt. Xong, giả đến trước bàn thờ thắp nhang, đốt nến, đứng chắp hai tay, miệng lâm râm khấn. Lạy tạ xong Tư Rạng đem cá ra sân đặt trên một giàn củi khô châm lửa đốt. Giả lại đứng chắp tay, nhìn đám lửa bùng cháy, miệng lâm râm khấn, cho đến khi con cá chép cháy thành than.

Chiều mùng Ba Tết, khi thấy nhà ông bà Hậu thưa khách, Tư Rạng rón rén sang chúc Tết hai ông bà.
Thừa lúc ông Hậu lại bận tiếp khách mới Tư Rạng xuống bếp tìm gặp bà Thơ, nho nhỏ nói chuyện gì một lúc rồi lặng lẽ ra về. Vẻ mặt buồn buồn giả vừa đi vừa lẩm bẩm :
-Có lẽ tại thuốc nổ ..bị ẩm.
Ở nhà ông Hậu, sau khi hết khách, bà Thơ đem chuyện Tư Rạng kể cho ông Hậu nghe :
-Thằng Tư Rạng vừa làm một chuyện tức cười. Nó vo đất sét trộn với tro than làm chất nổ nhét vào bụng cá chép. Nó thiêu con cá rồi cầu xin với Táo quân, sau khi chầu Trời, trên đường về, cởi cá bay ngang
mấy cái đập, thả thuốc nổ xuống phá tan hết, để nguồn nước trở lại như xưa cho dân miệt dưới được nhờ.
Kể xong bà Thơ cười nói:
- Đúng là một thằng điên !
Nghe xong ông Hậu không cười. Ông ngồi im một lúc, rồi nói khẻ như để riêng mình nghe:
- Chẳng lẽ đất nước này chỉ còn những thằng điên tìm cách cứu dân cứu nước thôi sao?

Trang Châu
Xuân Quý Mão (2023)

Thơ Tranh: Tống Táo Thi

 


Nguyên Tác: Khuyết Danh
Dịch Thơ: Quên Đi
Tranh Thơ Hữu Đức

Những Ngày Cận Tết


Có lẽ những rộn ràng, hân hoan nhất trong năm không phải là "ba ngày Tết", mà là những ngày cận Tết. Bắt đầu vào ngày 23 tháng chạp, tối đưa ông Táo về trời. Tất cả mọi sinh hoạt đều hướng về việc chuẩn bị để đón một mùa xuân mới, chào đón nguyên đán và mấy ngày Tết trước mặt. Lúc nhỏ là mùi vải thơm của bộ đồ mới, mùi gạo nếp ngâm cho nồi bánh và hương thơm ngào ngạt cho sàng phơi mứt dừa, mứt bí, mứt gừng ngoài sân. Những đêm ngủ gà ngủ gật ngồi canh bên nồi bánh tét cùng với mẹ, với gia đình xúm quanh. Mùi bếp lửa, mùi khói hương, mùi áo mới lan tỏa của tuổi thơ ngan ngát những ngày xa...

Mùa xuân và tình yêu là sự hài hòa đẹp, thật đẹp của một đời người, của những ngày tuổi mới lớn "biết yêu". Gia đình là tổ ấm áp, tình yêu là hương sắc mùa xuân của những ước mơ, thương nhớ. Người ấy làm mùa xuân mang theo nhiều ý nghĩa đặc biệt hơn, rộn rã hơn và chờ đợi hơn. Bạn còn nhớ mối tình với những ngày cận Tết của mình? Ngày thơ bạn chờ mặc áo mới, bây giờ bạn sẽ chờ đợi một khuôn mặt, một ánh mắt, một nụ cười... dù vừa mới gặp hôm qua. Bạn nôn nao ngày mai tới sớm, để gặp "ai" rồi cùng đèo nhau đi loanh quanh những con đường quen thuộc; nói với nhau bao nhiêu câu chuyện đã nói với nhau chẳng biết bao lần. Hay "hai người" ngồi lặng yên cùng nhau nhìn ngắm phố phường đang khoắc lên những tà áo mới, không khí thật thơm mùi xuân thắm chợt về. Ngôn ngữ tình yêu của những ngày cận Tết là khoảng không trầm mặc và hơi ấm bàn tay trong gió xuân về.

"Em có nghe trời vào xuân chưa,
Bên sông từng giọt nắng vàng
Chợt lưa thưa và mùa xuân đó,
Có em thì xuân rất đẹp,
Anh không biết xuân về lúc nào,
Lời tình đong đưa theo gió,
Mình thương nhau mấy tuổi xuân rồi...." (1)

Mùa xuân với mối tình đầu tiên là mắt ngắm, là nỗi tương tư trong mùi thơm con gái, là mùi mồ hôi đẫm chút ngây ngây trong vòng tay ôm ngồi áp phía sau. Thế giới chung quanh chỉ là hư ào, chỉ có bạn và người ấy tồn tại bên đời... Một lần vào những ngày cận Tết, người ấy đưa ra hai mảnh giấy và nói với tôi: "Anh ghi quà anh muốn và em ghi quà em muốn vào giấy. Mình sẽ tặng cho nhau vào Tết này nghen anh"! Tôi và nàng trao nhau hai tờ giấy ước hẹn đó... Đã hơn bốn mươi năm tôi vẫn còn nhớ rõ mấy dòng chữ trong tờ giấy của người ấy và hai chữ của tôi. Dòng chữ ước muốn của nàng: "Tình yêu của anh!". Hai chữ ước muốn quà Tết của tôi: "Môi em"!

Tình yêu tôi, em đã nhận. Bờ môi em, tôi đã có. Vậy mà mhững ngày cận Tết biết bao mùa xuân sau, đã không còn có nhau. Cuộc sống bao la, số phận người hạn hẹp. Dù một lần, tình yêu vẫn mãi còn đó trong ta, cho những mùa xuân lại trở về muôn thuở. Cái mất đi là thân phận, điều còn là trái tim tươi thắm dòng máu trở về. Nâng niu từng kỷ niệm, từng nỗi nhớ thương dù chỉ như một lần thoáng qua như giấc mộng:

"Gió chiều thầm vương bao nhớ nhung
Người yêu thoáng qua trong giấc mộng
Vui nguồn sống mơ những ngày mong chờ
Trách ai đành tâm hững hờ

Mối tình đầu xuân ai thấu chăng
Lòng tha thiết vương theo tiếng đàn
Mơ đời ái ân những ngày phong trần
Sống trong mộng đẹp ngày xuân..." (2)

Mùa xuân đi rồi mùa xuân lại đến, nhưng tuổi xuân chỉ đến một lần và vĩnh viễn trôi xa. Những mùa xuân sau bạn đã đón mừng xuân với ai? Cùng với người ấy, bạn là người may mắn đời này? Hay với một người khác, mùa xuân vẫn luôn tươi đẹp nở hoa, vẫn luôn thơm mùi áo mới, vẫn nồng ấm mùi khói hương trong tối giao thừa! Những ngày cận Tết lòng vẫn luôn rộn rã hân hoan theo từng nhịp trôi nhanh của một đời người. Bạn luôn là người chờ đợi thời gian, nhưng thời gian chẳng chờ đợi ai bao giờ!

Những ngày cận Tết đang đến trên quê nhà hay ở một quê xa, bạn vẫn hân hoan hay bâng khuâng chờ đón xuân về và có bao giờ tự hỏi thầm: " Mình thương nhau mấy tuổi xuân rồi"? Đã có mấy tuổi xuân rồi thoáng chốc, bạn không đếm nhưng tuổi thời gian luôn mãi chất chồng. Bây giờ chắc bạn không còn với ai đó lang thang, mà ngồi đợi con cháu mang từng nhánh xuân về. Bây giờ chắc bạn không còn háo hức bao tà áo mới, mà hạnh phúc nhìn thế hệ cháu con lũ lượt tụ lại quanh ta. Đó là quê nhà, còn những ngày cận Tết quê xa? Mùa đông đang rét mướt bên ngoài, bạn và tôi chắc cũng đã quen rồi "thương mấy tuổi xuân" xa xứ! Hoa mai, hoa cúc, hoa vạn thọ, hoa đào... bây giờ ở đâu cũng có. Dưa hấu đỏ, mứt dừa, mứt bí, mứt gừng... bây giờ ở đâu cũng không thiếu, phải không các bạn? Nhưng không hiểu sao, những ngày cận Tết vẫn luôn làm tôi ngồi nhớ những ngày cận Tết năm nào, của một thời thương nhớ rất xa...

"Đón Xuân này tôi nhớ Xuân xưa
Hẹn gặp nhau khi pháo giao thừa
Em đứng chờ tôi trước song thưa
Tôi đi qua đầu ngõ
Hỏi nhau thầm Xuân đã về chưa..." (3)

Durham, North Carolina,
Nguyễn Vĩnh Long
(1) Mùa Xuân Đó Có Em - Anh Việt Thu
(2) Mộng Chiều Xuân - Ngọc Bích(3) Đón Xuân Này Nhớ Xuân Xưa - Châu Kỳ, Anh Châu

Ăn Tết

 

Không biết từ ngữ “Ăn Tết” có từ lúc nào. Nhưng khi nói về tết với đầy đủ ý nghĩa của nó người ta dùng từ Ăn Tết. Và chỉ hai chữ đơn giản đó đã gói ghém hết những gì người ta làm, vui và hưởng thụ trong mấy ngày Xuân.

Từ khi tờ lịch cuối cùng treo trên vách được lột xuống là mọi người Việt Nam đều có cùng ý nghĩ “Sắp Tết rồi”.
Sắp Tết rồi thì phải lo chuẩn bị chớ. Nghèo đến đâu, ba ngày Tết cũng phải có với người ta. Gì thì gì trong lu, trong khạp cũng phải có gạo. Bàn thờ phải có đủ hương, hoa, quả. Nhà cửa sạch sẽ, quần áo tinh tươm và trong vườn cũng nuôi vài ba con gà, con vịt.

Ăn Tết đối với người nghèo là một bi kịch. Nhất là trong thời buổi gạo châu củi quế. Đó là một gánh nặng mà những người chủ gia đình phải thao thức cả đêm.

Đối với phong tục Việt Nam ta, ngày Tết là ngày quan trọng nhất trong năm. Con cái thế nào cũng phải có một bộ đồ mới. Nếu cũ cũng phải lành lặn, sạch sẽ. Nhưng nghèo quá, cái ăn không có thì làm sao có cái mặc. Tuy nhiên làm cha mẹ, đâu nỡ cho con quá thua thiệt với bạn bè. Vay mượn hay bán cái gì đó để cho con có manh áo lành ngày tư ngày Tết với người ta.

Tôi nhớ khi tôi còn nhỏ, thời kỳ tem phiếu sau 75. Mẹ tôi đi làm công nhân được mua hai mét vải theo tiêu chuẩn cả năm trong dịp Tết. Từ kho vật tư đem ra là chỉ còn 1 mét 9. May quần thì ngắn, may áo thì dư. Cầm xấp vải dở khóc dở cười. Vải này cũng không thể may cho em tôi quần hay áo. Thực là trớ trêu cho giai cấp công nhân.
Tiêu chuẩn nhu yếu phẩm công nhân có thêm vài lạng đường, vài gram bột ngọt, nửa lít nước mắm, nửa lít dầu hôi, vài lạng xà bông và nhất là nửa ký thịt heo. Thật ra nửa ký thịt heo này có nhầm nhò gì với những nghi thức cúng kiến và ước mơ được ăn ngon, no đủ trong ba ngày Tết của mấy em tôi.

Cho nên để chuẩn bị cho Tết, để có tí thịt ngày Xuân, má tôi đã chơi hụi heo bắt đầu từ tháng giêng năm trước.
Thế hụi heo là gì? Như thế này. Ở quê tôi, mấy gia đình thân quen hùn nhau chơi một chân hụi. Chân hụi đó được gọi là hụi heo. Nghĩa là hụi để mua heo ăn Tết. Một người được tin cậy sẽ đứng tên chân hụi đó. Hụi heo có thể đóng bằng tiền. Nhưng nếu không có tiền sẽ được quy ra bằng gạo. Tiêu chuẩn công nhân 18 kg gạo một tháng. Thôi thì độn thêm khoai vào với cơm, bớt ra 1 kg gạo để chơi hụi heo ăn Tết.

Tính toán thế nào để hụi dứt vào khoảng tháng 11 hay đầu tháng Chạp. Khoảng 20 Tết cả nhóm tìm mua một con heo theo số tiền mình có. Heo được đem về làm vào 27 Tết. Tất cả thịt, lòng đều được chia đều. Như vậy mỗi nhà đều có thịt ăn trong ba ngày Tết.


Chiều 28 Tết được lãnh lương, má tôi đi chợ mua vội vàng vài thứ cho có với người ta. Còn thì trong nhà cũng đã chuẩn bị trước. Lúa xen canh để dành, chị tôi đem đi chà sạch. Gà, vịt cũng có vài con trong chuồng, đề phòng có khách đường xa đến thăm và ở lại.

Mứt nhà làm bằng mấy lạng đường tiêu chuẩn. Bông hoa, trái cây, cây nhà lá vườn có gì chưng nấy. Cây mai trước nhà ba tôi lặt lá từ những ngày giữa tháng Chạp. Bông vạn thọ má tôi trồng một đám trước nhà. Cắt vài nhánh mai chưng trên bàn thờ gia tiên và bàn thờ Phật. Bứng vài gốc vạn thọ trồng hai chậu để trước nhà. Chặt một quày chuối sứ dú cho kịp Tết. Chuối chưng với cam, quít, bưởi cắt từ vườn nhà ngoại. Vậy là gia đình tôi đã ăn một cái Tết bĩ bàng hơn nhiều gia đình khác.

Ngày Tết đối với chúng tôi thật nhiều kỷ niệm. Cả nhóm ra đường chạy chơi thỏa thích. Một chiếc xe chạy qua, bụi mù trời vậy mà chúng tôi không thấy mất vệ sinh chút nào. Tết được ăn đặc biệt, có thịt kho tàu hũ, khổ qua hầm, dưa giá... Má nấu một nồi kiểm chay ăn ngày mồng một Mệ nội gói bánh Tét, bánh chưng ăn với dưa món ngon ơi là ngon. Cơm ba ngày Tết không độn khoai nên quá ư là no bụng. Tết của nhà nghèo nhiều kỷ niệm hơn những người giàu, vì nó in sâu trong ký ức không thể nào quên.

Qua Mỹ ngày Tết không thiếu quần áo hay thức ăn. Nhưng thiếu hương vị quê nhà và cái hồn của Tết.
Xóm tôi toàn là người Mỹ và Mễ. Tết Việt Nam vắng lặng, buồn thiu. Mấy năm đầu chưa quen ai nhiều, chùa chiền không có. Chỉ gia đình quây quần vui Tết. Nếu không có Mệ nội nhắc nhở và lo cúng bái thì chắc chẳng ai nhớ Tết.

Vài năm sau ba chở gia đình đi hội chợ Tết ở vùng Little Sài Gòn. Không khí Tết bắt đầu sôi động. Chùa được một vài vị sư lập ra trong khu vực gần nhà. Ngày đầu năm cả gia đình được dịp đi lạy Phật mừng Xuân rồi dẫn nhau đi chơi hội chợ.
Khi chúng tôi lớn hơn vào đại học. Chúng tôi tham gia các hội đoàn văn nghệ Tết sinh viên. Ngày Tết trở nên náo nức, bận rộn và có ý nghĩa hơn.
Bây giờ, chúng tôi đã lập gia đình và có con. Chúng tôi cố gắng tạo cho con chúng tôi quay về nguồn cội. Mà Tết là một hình thức về nguồn ý nghĩa nhất của người Việt Nam.

Đại gia đình tôi tháng 12 âm lịch là tháng bận rộn nhất. Kỵ giỗ dồn trong tháng này. Không hiểu sao gia tộc tôi lại rũ nhau về cõi Vĩnh Hằng trong những ngày cuối năm.
Khi mọi người coi ngày 23 tháng Chạp, đưa ông Táo về trời, là bắt đầu chuẩn bị Tết. Thì gia đình tôi phải chuẩn bị từ ngày 19. Bởi vì ngày 20 là ngày kỵ giỗ ông ngoại tôi.

Má tôi sẳn sàng mọi thứ để gói bánh tét vào ngày 18 tháng chạp hàng năm. Má mua lá chuối về rửa sạch lau khô. Má cẩn thận lau từng lá và sắp ra từng cái bánh. Thịt heo má ướp trước một ngày. Dây nhợ sẳn sàng, đậu xanh và nếp được ngâm trong đêm để sáng mai má dậy sớm bắt đầu.
Chỉ một mình má. Vâng chỉ một mình má tôi vật lộn với bao nhiêu là thứ. Có năm tôi phụ được, có năm không. Mà tôi có phụ được gì đâu, chỉ cột dây mà cũng không xong. Má rờ rờ, nắn nắn rồi tháo ra làm lại.

Bánh má tôi gói không giống bánh tét hay bánh chưng bán ngoài chợ. Tụi tôi hay nói đùa bánh này “Made in cô Chín”. Bánh tét má gói chặt tay, rất dẻo. Đậu xanh và thịt vừa phải nên ăn không ngán. Đặc biệt má không dùng nước dừa nên để ngăn tủ đá cả năm cũng không sao. Cứ lấy ra bỏ vào Microwave hâm nóng là ăn như bánh mới.

Bánh tét má làm, ngoài để ăn với dưa món còn để chiên. Vâng! Dùng một sợi dây nhỏ cắt bánh ra từng lát, bỏ vào chảo có tí dầu đang nóng. Chiên vàng lên ăn giòn rụm. béo béo, thơm thơm thật tuyệt vời. Bánh tét tự tay má gói là món độc nhất em trai tôi rất mê, không ăn bánh nào khác. Chỉ “Bánh tét cô Chín” mới có hương vị này. Đậm tình quê hương xứ Huế, đậm tình mẹ con.

Có lẽ cách gói bánh của má tôi giống bà nội vì cách gói bánh của bà ngoại và bà nội tôi khác nhau.
Bà ngoại tôi dân miệt vườn miền Nam nên thường gói bánh tét có nước dừa. Nào là mứt dừa, bánh ít nhân dừa, bánh tổ, cà ri gà, kiểm, thịt kho tàu...Những món ăn thuần túy trong gia đình miền Nam trong dịp Tết đều phải có dừa.

Vườn nhà ngoại tôi nhiều cây ăn trái và lá chuối không phải mua. Cứ lấy một cái lưỡi liềm cột vào cây sào là ra vườn mặc sức lấy lá. Ưu tiên lá chuối sứ vừa to bảng, vừa chắc , gói bánh thật thơm. Lá chuối lửa, chuối hột, chuối già, chuối chua cũng được dùng, nhưng không phải là lá tốt nhất. Lá cứ để nguyên tàu như vậy mà phơi. Trở vừa hơi se mặt là đem vào rọc. Lá tốt to bảng gói bánh tét. Lá nhỏ hơn gói bánh ít. Lá vụn gói bánh bột lọc, bánh nậm và còn lại là lót nồi hay để trên mặt cho giữ hơi. Cọng lá chuối được rọc ra, phơi héo để cột.

Má tôi đi chợ lựa thịt ba chỉ, không quá nhiều mỡ cũng không nhiều thịt. Thịt cắt miếng dài theo đòn bánh, ướp tiêu hành, đường, muối cho đậm đà. Thịt được ướp trước một hoặc hai ngày cho thấm gia vị. Nếp ngâm qua đêm được vớt ra để ráo. Tới đây là giai đoạn hai cái khác giữa nội và ngoại. Ngoại tôi trộn thêm nước cốt dừa, còn nội tôi thì không, chỉ ướp tiêu hành hương, muối cho ngon. Phần đậu xanh, ngoại tôi để nguyên đậu xanh vút sạch để ráo mà gói, còn nội tôi thì nấu lên và vắt từng vắt nhỏ.

Qua bên Mỹ lá chuối phải mua, dây cột bằng ny long hay dây nhợ, nhưng các vật liệu không thay đổi. Cái khéo là gói chặt tay, hai đầu bằng nhau và khi cắt ra nhân nằm ngay ngắn ở chính giữa bánh. Bánh chín đều, dẻo và thơm. Tôi không thích những cái bánh hoa hòe, cắt ra nhiều màu hay thành chữ. Chắc chắn là để đẹp chứ không ngon.

Má tôi gói bánh từ ngày 19 tháng Chạp. Một nồi thật to, lửa nấu ga nên không cần phải canh hay thêm củi như thời ở quê. Nước được châm thường xuyên để bánh luôn được sôi trong ngập nước. Được phân nửa thời gian nấu là má lấy ra và trở đầu để bánh được chín đều.

Khi bánh chín, má vớt ra rửa sạch, lau khô và bọc lại bằng plastic wrap rồi sắp lên bàn cho nguội. Lúc ở VN bà ngoại tôi vớt ra là treo trên sào cho rút nước. Ngày xưa, lúc chúng tôi còn nhỏ, lần gói bánh nào má, bà nội, bà ngoại cũng gói cho mỗi đứa một đòn bánh đeo. Bánh đeo cũng giống như bánh tét, nhưng nhỏ xíu vừa một người ăn. Chúng tôi thức theo nồi bánh để chờ ăn đòn bánh đeo này. Kỷ niệm tuổi thơ háo hức chờ ăn, trải dài theo từng nồi bánh tét mỗi dịp Tết về.

Ngày 21 tháng Chạp là má đã chuẩn bị sẵn sàng đem bánh đi biếu bà con cho kịp cúng đưa ông táo. Má nói: “Bánh mình ngon dỡ gì không biết, nhưng gói sớm bà con cúng ông Táo xong, ăn sẽ thú vị hơn. Mai mốt gần Tết, bánh trái ê hề hương vị sẽ không bằng”.

Má cũng hay làm những món như giò thủ, nem, dưa món, dưa chua, thịt kho tàu, khổ qua hầm thịt, chả giò, bánh ít, bánh bột lọc…để khi nào có khách đến nhà là có sẵn để ba tôi lai rai cùng bạn.

Những ngày Tết rơi vào cuối tuần. Con cái về sum họp đầy đủ. Nhà tôi rộn ràng đông vui biết mấy. Ba tôi cùng mấy người bạn cùng sở làm, đồng đội ngày xưa, những người bạn tù CS họp nhau lại. Giữa tiết Xuân se lạnh xứ người, uống vài lon bia, nhâm nhi những món ăn quê hương, nhắc chuyện xưa ngẫm chuyện nay, thật đậm đà hương vị Tết.
Quê hương bỗng thật là xa mà hóa ra gần. Gần như mình có thể chạm tay vào, ôm vào lòng và rơi nước mắt. Giọt nước mắt xúc động nhớ nhà của những người con lưu lạc xứ người.
…..

Bây giờ thì má tôi không còn gói bánh tét hay làm nhiều món mỗi khi Tết đến. Không phải vì má lười mà vì những lý do thực tế khác.
Các con tôi không thích bánh tét, bánh chưng. Chúng chê quá béo, không hợp khẩu vị. Chúng tôi cũng không dám ăn nhiều vì thành phần có nhiều thịt mỡ và nếp. Các loại mứt cũng vậy, mua chỉ để cho có để cúng kiến ông bà và ra vẽ Tết chứ trong nhà chẳng có ai ăn. Những món mứt sau những ngày Tết bày cúng, tôi đem lên chỗ làm. Các bạn chung sở rất thích vì được thưởng thức những hương vị lạ.

Ngày Tết Nguyên Đán ngày xưa, tôi nôn nao chờ đợi để được mặc đồ mới. Để cùng chúng bạn chạy chơi đốt pháo hay được ăn những món mà cả năm không có.

Bây giờ các cháu ở Mỹ không còn nôn nao “Ăn Tết”. Cuộc sống đầy đủ vật chất khiến chúng no đủ. Những món đặc biệt ngày Tết thì cũng chẳng có gì lạ lẫm. Vào nhà hàng gọi một tiếng là có ngay. Nóng, ngon và rất hấp dẫn. Ngày Tết, làm thịt kho tàu ư? Chúng sợ mỡ. Khổ qua hầm ư? Chúng sợ đắng. Nem, chả, thịt đông thì còn lâu chúng mới động đũa. Vậy thì nấu một nồi phở, ăn lẩu hoặc làm một bữa thịt BBQ ngoài trời chúng lại thích hơn.

Thật lòng chúng thích ngày lễ Giáng Sinh hơn. Vì Giáng Sinh là hòa vào nhịp sống cộng đồng ở nơi này. Nhà nhà treo đèn kết hoa. Cây thông lấp lánh sặc sỡ. Quà cáp chất đầy gốc cây với bao nhiêu hăm hở, hồi hộp và đầy kích thích. Ở xứ người, dù theo đạo hay không người VN mình cũng chung hưởng niềm vui với người bản xứ. Một lễ Tạ ơn thật ý nghĩa trong tháng 11. Lễ Giáng Sinh vào tháng 12. Những buổi tiệc họp mặt gia đình đông vui và khoái khẩu. Các cháu nhỏ được tặng nhiều quà và có những ngày nghỉ lễ dài ngày. Nên trong lòng chúng háo hức nhiều hơn.

Ngày Tết Nguyên Đán là ngày đầu năm thiêng liêng. Ông bà cũng căn dặn con cháu đôi điều kiêng cử. Nghe xong, chúng sẽ trợn mắt ngạc nhiên và hỏi cho ra. Con nít bên đây chỉ chấp nhận những điều chúng thấy hợp lý. Cho nên giải nghĩa không thông thì chúng không hề phục. Chẳng hạn tục lệ xông đất chúng sẽ không bao giờ tin và cho rằng tên người chẳng có liên hệ, ảnh hưởng gì đến tốt xấu một năm trong gia đình. Tục lệ xuất hành chúng sẽ cho là không khoa học.


Tục lệ đưa rước ông Táo chúng sẽ nói là dị đoan, vì bây giờ nhà xài bếp ga hay bếp điện. Cơm ngon hay dở là do người nấu ăn. Tài lộc là do người siêng năng làm việc. Công ty điện, nước, gas chính là mấy ông bà Táo. Trả tiền đúng hạn thì không sao, không trả tiền thì họ cắt. Nhất là chuyện xưa tích cũ, một bà Táo mà có tới hai ông chồng, chúng sẽ nói là phạm luật hôn nhân.
- “Ủa! Như vậy thì còn gì là Tết. Không lẽ mình không Ăn Tết?” Má tôi hay ngậm ngùi nói như vậy và bà thở dài.

Tôi không biết trả lời sao với má. Bà đang nhớ lại cả một quảng đời ngây thơ vui Tết quê nhà. Bà đang lạc lõng với những tư tưởng rất mới của bầy cháu nhỏ đang học hỏi và hòa nhập với người dân bản xứ.
Tôi cũng vậy, tôi rất buồn khi nghĩ đến những thế hệ đời sau có còn ai muốn Ăn Tết nữa không. Sẽ Ăn Tết như thế nào để hợp với thời đại mới nơi xứ người mà vẫn giữ được truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Tết bây giờ không còn cái ăn, các mặc là chính. Mà Tết là trở về nguồn cội. Là ghi nhớ công ơn tiền nhân, tổ tiên. Là sum vầy đoàn tụ. Tết là ngày khởi đầu một năm mới hạnh phúc, an lạc. Đón Tết mặc áo dài, quần áo tề chỉnh là chứng tỏ mình tôn trọng ông bà cha mẹ, những bậc trên trước. Mừng tuổi là chúc thọ ông bà, cha mẹ, mừng nhau một năm bình an. Nhận lì xì là nhận tài lộc đầu năm. nhận lời chúc lành năm mới. Đi chùa lễ Phật để hướng tâm về Tam Bảo mà làm điều thiện, điều lành. Không phải hì hục lạy để xin ông Phật cho mình nhiều tiền, nhiều của.

Không phải dị đoan xin xăm để lòng thấp thỏm không yên cả năm. Không phải bẻ cho hết hoa ở chùa hay ngoài đường để lấy lộc đầu năm. Tết là hòa vào khí Xuân tươi đẹp của đất trời mà sống hoan hỉ và an lạc.

Tôi lại nhớ mấy câu thơ của Vũ Đình Liên về ngày Tết.

Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ

Ngày Tết, thật trang trọng đốt nén hương trên bàn thờ gia tiên. Ta sẽ cảm nhận được những người muôn năm cũ đang hiện diện trong tâm ta. Đang lắng nghe ta tâm sự và cùng ta vui Xuân đoàn tụ.

Nguyễn thị Thêm


Xuân Tới Sớm

 

Xuân đến rồi ư, gợi nhớ rồi
Xứ người hiu quạnh phủ quanh tôi
Tuyết rơi ngoài ngõ đầy hương lạnh
Buồn thắm trong lòng kém sắc tươi
Phố sá hoang vu ngừng sức sống
Cỏ cây trơ trụi hết đâm chồi
Lìa quê xót dạ thương ngày Tết
Nhắc nhở âu sầu, chẳng có nguôi...


Hoàng Dũng

Xuân Nhớ Bạn

 

Hoa Đô trời lất phất mưa bay
Mấy chục niên rồi cứ chốn này
Viễn xứ mơ màng xuân hội ngộ
Tha hương luyến nhớ tết sum vầy
Quê người cũng tạch đùng lân pháo
Đất khách vẫn vàng rực cúc mai
Nhà có đủ trà thơm rượu ngọt
Thiếu là thiếu bạn để cùng say


Nhất Hùng


Cảm Tưởng Về Tết Trong Nam - Vương Hồng Sển


Tuy cùng một gốc nhưng nước Việt ta, Bắc-Nam-Trung, vẫn thưởng Tết không đâu giống với đâu: Tết trong nam mộc-mạc sơ sài, không như tết miền Trung và ngoài Bắc, trước đây giữ nhiều lễ phép và kiêng-cử. Tuy không lạnh lẽo đến có tuyết rơi giá phủ, nhưng Trung và bắc, có đủ xuân-hạ thu-đông bốn mùa phân biệt: Các thi ông ngoài nớ hơn chúng tôi ở trong nam vì được thưởng Xuân trọn vẹn, khi chén rượu ấm lòng, khi câu thơ phấn khởi, khi nhắp chén trà hương đượm... và ngoài ấy mới thấy chiếc áo ngự hàn bằng dạ bằng nhung có mãnh lực làm tăng giá-trị con người và cũng làm khổ con người bằng cách bắt buộc mọi người phải tùy theo túi tiền, săn-sóc và chạy theo từ cái "ăn no mặc ấm". Nhưng đã là "ăn Tết" đúng theo ý-nghĩa tục-lệ ông bà để lại, thì đâu đâu cũng như nhau, dùng dịp Tết nhứt để mừng đoàn-tụ gia-đình, tưởng-niệm cúng vái tổ-tiên đã khuất, há đợi gì: "Xuân từ trong ấy mới ban ra"?

Mấy chục năm nay, chiến tranh không dứt, nhơn-tâm suy bại, khiến nên cái tết đã thay đổi rất nhiều và trở nên tạm bợ, ai ai cũng có ý-nghĩ "chờ hết giặc sẽ ăn tết lớn "... chớ trước kia, trước năm đảo-chánh I945, miền Nam dật lạc thái bình, tiền rừng bạc biển, ngày Xuân đối với con dân làm ruộng, quả là những ngày xả hơi và phải thừa dịp ấy, ăn chơi cho thỏa phỉ chí. Thời-tiết trong nam luôn luôn có tiếng là khoan-hậu : nóng đều đều, tuy không cho phép nhà giàu mượn dịp tra mãi bộ đồ dạ ấm đắt tiền, nhưng sức nóng mặt trời trong Nam không bao giờ đến cháy da phỏng trán, và ấm áp dễ chịu quanh năm. Tự cổ chí kim, chưa nghe có nạn chết rét vì thiếu y-phục, hoặc chết đói vì thiếu cơm. Bẻ cây cần trúc tạm, ra ruộng đứng nhắp chơi cũng có cá tươi kho đầy mẻ, đến ăn không hết. Còn nói chi làm siêng ra đồng quơ bậy bạ cũng đủ nấu nồi canh rau nhẹ lòng. Thiết-tưởng miền nam từ Đồng-nai đến vùng Cà-Mau, trước đây, trước khi bị nạn tranh-giành cấu xé như nay, quả là một Phật-địa, cảnh thiên-đường, cảnh cực-lạc giữa chốn trần-gian. Thuở ấy trong nam lúa thóc đầy đồng, cá tôm đầy dẫy, có đâu như ngày nay tuy đồng sống chung trên ruộng vườn mầu mỡ, mà phải ăn gạo viện trợ và ăn thịt heo ướp lạnh chở từ phương xa đem lại. Còn đâu cái cảnh cũ, tôm tép ăn không hết đến phải phơi làm « phân tôm » xa xí để dành bón trái dưa hấu ngọt lịm của bãi biển Bạc-Liêu hay dưa đất giồng Xoài-Cả-Nả (Sóc-Trăng)? Ngày xưa dân Miền Nam không bao giờ thiếu ăn, không cần nhờ nhõi nước ngoài và hưởng nhiều Tết thú vị. Ngày nay Tết không cánh đã bay về đâu mất dạng và mỗi lần gió xuân phất mặt, dường như đã làm cho mình thêm tê-tái cõi lòng.
 

Mấy chục năm về trước, Miền nam gồm toàn người củi lụt làm ăn, đầu tắt mặt tối, quanh năm chơn lắm tay bùn, lặn lội eo sèo trong sình lầy nước thúi, chỉ có mỗi lần Tết đến mới có dịp nhớ đến ngôi nhà đang ở và ra công quyét tước dọn dẹp từ trên trang thờ đến bếp núc ông Táo ông Vôi, một năm chỉ có một lần ấy mà thôi. Nhà nào có vườn có sân thì đốn tre trồng nêu để nhắc lại cổ-tục chầu xưa, nhà nào ở chợ búa phố xá hẹp hòi thì cũng treo cờ trước cửa cho gió bay mấp máy thấy đủ vui mắt, nhưng nhà nhà bất luận sang hèn, dẫu ọp ẹp bằng tre lợp lá chằm lá khíu, cũng có đôi liễn mới dán đỏ cột và trên bàn thờ tổ tiên sao sao cũng có lộc-bình, quả-tử, nhứt là phải có bộ lư đồng và cặp chưn đèn thau o-bế chùi bóng nhoáng rất nên thơ. Nhớ đến phong-tục chùi lư mà tiếc hối buổi xuân thời: lúc nào còn bé thơ, mãi sợ nạn chùi lư vì mỏi tay thêm mất dịp đi xin bánh và đi lượm pháo tịt ngòi. Nay đã khôn già thì người lớn đã khuất hết, tiếc cho mình nay không còn cha mẹ để được bắt chùi lư! Phong-tục dán liễn Tết nay đã lui lần vào dĩ vãng.

Gẫm lại xưa các nhà làm ăn vừa phát, vẫn nhà gỗ cột tre cột cây tạp nên ba bữa Xuân phải nhờ đôi liễn đỏ che cho cột gỗ bớt xấu xí và cũng vừa để khoe trong nhà còn hiếm kẻ độc-thơ-nhân:

"Thiên tăng tuế nguyệt, nhơn tăng thọ,
Đức mãn càn khôn, phước mãn môn "

vân vân... Ngày nay tân tiến, là tân tiến chỗ nào? Sợ dán liễn phết hồ dơ cái mặt tiền và làm bẩn cột gạch, tường đá nhân tạo! Lại cũng còn đâu đủ tài ăn học, đọc nổi câu Hán-văn hòng thưởng thức ý-nghĩa câu đối câu liễn ? Nhắc đến lư thờ mà tủi lòng : nhiều nhà khá giả có đến ba giàn giường thờ, nay không còn giữ được một. Lớp nào khi tản cư năm I945-46 đào đất chôn giấu lư xưa, khi hồi cư moi lên thì kẻ trộm nó đã moi trước lấy mất tự hồi nào, lớp lại thật thà tự tay dâng cúng cho đồng chí năm xưa tuần lễ thau đồng ái-quốc lấy đó làm súng đạn chống giặc Tây... nay nhớ ông bà muốn sắm mua lại cũng không có thợ khéo, chỉ có lư hàng chế-tạo dối trá, đồng xấu, kiểu không đẹp. Lối năm I920, bộ lư đồng năm tấc bề cao, giá độ năm chục đồng bạc lớn, nhưng năm chục đồng bạc ấy lớn thật, có bao nhiêu ấy mua sắm lung tung và giá trị năm chục đồng bạc I920 còn lớn hơn năm ngàn bạc ngày nay xa lắc! Có thứ lư thau trơn dễ chùi, ở trên chóp đỉnh có đặt con lân giỡn trái châu, đứng nhe răng cười « cầu phúc », có thứ lư gồ ghề rất khó chùi cho bóng, vì lư làm theo kiểu "lư mắt tre", lư "ttrúc hóa lân". Lư trơn láng thì phải lựa thứ kiểu thật rôm, xứng trái xứng bề cao. Lư mắt tre thì phải lựa cho được thật hùng-vĩ, bặm trợn, cân xứng y gốc tre già cỗi đã biến hình thành con thú, con lân. Muốn chùi lư cho bóng, lọ là phải có dầu bóng hiệu Tây-u cho thêm tốn nhiều tiền. Miễn có khế chua đập giập lấy nước chua chấm với tro bếp thật mặn, chấm với "cặt bần"  cọ xát thật mạnh thì bao nhiêu ten rỉ cũng sạch.

Lư khéo chùi là đến khi nào bóng sáng đến ngó thấy mặt tỏ rõ, nhưng bóng lộn không chưa đủ, thuở ấy con mắt mỹ-thuật còn kén thi nhau khoe khéo khoe tài. Giỏi chùi và biết "trau lư" là nhà nào lư bóng như kiếng soi thêm toàn trên da đồng, tìm không thấy lằn gạch lằn trầy, lằn rễ tre vằn sọc. Như đã nói, nhà cửa lớp xưa, mỗi năm chỉ đổi bộ mặt mới có một lần và phải đợi năm sau mới có dịp quét dọn lau mò hóng, quơ váng nhện lại lần nữa. "May sắm hà-rầm" và muốn có áo mới; mặc tình đến tiệm, lựa hàng đặt may. Xưa muốn cắt áo phải tra lịch lựa ngày, và trẻ nít phải đợi đến Tết mới có dịp cha mẹ may cho cái quần lãnh Bắc-Thảo hay cái áo lá liễu bằng củng-xá hay hàng lụa Tứ-Xuyên bền chắc.
Ngày nay đâu còn hạnh-phúc mừng xuân đến "không nhắm mắt được" và tục chờ mau đến Tết để được bận đồ mới! Tượng trưng "ăn Tết" đối với trẻ con buổi ấy là mỗi lần cận Tết, đêm nào cũng nghe cô bác "đỗ Tam-Hường" tiếng hột lút lắt ngà nhảy bồng trong tô da kiểu, tiếng xu bạc khua khi chung tiền, tiếng cười giòn khi đổ được Trạng-Nguyên, Bảng Nhản hoặc khiêm-tốn chỉ đỗ "Ngũ tử phò tứ", tức là sáu hột có năm mặt chữ "Ngũ" và một mặt tứ màu hồng.


Chiều ba mươi cúng "vào Khem" trong Nam cũng giản-dị đơn-sơ, không quá kiêng cữ như ngoài nớ, và "vào khem" đối với dân "lục tỉnh" mấy mươi năm về trước thì thâu gọn lại như nhà mấy ông mấy thầy tức nhà quan quyền thì rước ông bà nội ngày ba mươi hoặc trưa hoặc chiều đều được, còn như nhà thường dân, dân dã, thì vẫn rước vào đầu hôm một lượt như nhau. Cứ từ chạng vạng tối bắt đầu phải giữ gìn cho trong nhà bình tịnh, không nên cười lớn và khi nói phải lựa lời, cử chỉ phải thanh bai lễ giáo vì hiểu rằng vào khem trong nhà có rước vong ông bà quá vãng về sống chung ba ngày xuân nhựt với con cái, nên phải thủ lễ. Lại nữa cũng tin-tưởng, tin rằng đêm ba mươi rạng mồng một Tết, có ông Hành cũ và mới đến nên trong nhà nhỏ lớn đều kiêng không "động đất". Cái cổ-tục " hai nhà bàn giao việc đã qua và sắp đến, ông Hành giao việc" đã phai mờ trong trí óc mộc mạc dân Nam, có họa chăng độ mấy mươi năm trước nhớ có một tờ báo Xuân nào đó, ngạo mạn dám vẽ hình bìa ông Táo-quân cũ quần áo rách nát và khói đóng đen xì, Táo cũ chưn bước ra cửa tránh chỗ nhà trong cho vị Táo-quân mới áo mão xúng-xính đỏ loe-loét, tuy vẽ chơi làm vậy mà đã đụng chạm vào cổ-tục, và phàm đã bất kính thì lần hồi những tục xưa lệ tốt cũng khó được bảo tồn. May sao, tuy vậy, nhiều gia-giáo ngày nay còn giữ được lệ cấm nói tục-tĩu ba ngày Tết và bớt rầy la con cháu khi lâm lỗi buổi đầu xuân, ý tốt muốn giữ là mong năm mới và suốt năm ăn nói thanh bai thì sẽ trọn năm không xúi quảy.

Nhưng ngày nay xem cho kỹ, cái thị hiếu và cái sở cầu hai thế-hệ xưa và nay đã đổi khác, xưa quen thắp đèn dầu dĩa mỡ, nay toàn dùng điện dùng neon, cho đến thôn quê cũng một vài nơi có máy điện viện trợ chạy nghe xành-xạch, xưa kia ngày Tết là ngày tưởng niệm vong linh ông bà, con cháu thừa dịp ấy qui tụ về nhà chung để giáp một năm thấy mặt mừng nhau khỏe mạnh, nay đà đổi khác thừa dịp Tết người lớn tha hồ đi nghỉ mát, cặp tay nhơn tình đưa nhau ra bãi biển giỡn sóng hay lên non hứng gió, ông bà tổ-tiên phú mặc cho vợ con hiu quạnh cúng quảy lấy lề. Tết Bính-Ngọ đã qua, Tết Đinh-mùi sắp đến, cũng như bao nhiêu tết khác nếu còn được hưởng, đều là Tết điện sáng vàng, neon sáng xanh, nhưng biết đâu chừng cái sáng sủa văn minh tân thời chỉ sáng bề ngoài để càng thêm thấy rõ nạn chiến tranh dai-dẳng không thôi, giết chóc kéo dài không dứt và trong lòng coi rẻ mạng người và sặc mùi bôn danh trục lợi chợ đen chợ đỏ hơn bao giờ cả, sao bì được những Tết cổ-lỗ năm xưa tuy thắp mỡ dầu mà trong lòng thơ thới sáng sủa hơn nay nhiều. 

Thậm chí tuy thắp đèn dầu mù-u hay dầu cá, có năm I93I-I935 kinh tế khẩn bách, đến vùng Mỹ-thuận và Sa-Đéc thắp đến dầu mỡ chuột tanh rì, nhưng vậy mà dẫu sao cũng lúa gạo chứa đầy mái đầy thùng, cá mắm cả lu, và tết đến lại có dịp vặn máy hát thức xem đèn dầu, tim bằng cỏ bấc trổ bông báo điềm lành và nhờ đêm thanh tịnh không tiếng súng nổ mà cũng không tiếng máy bay rầm rầm, nên cổ-nhân canh chừng mới biết được "con thú gì ra đời": gà gáy đem lại thăng bình hay chuột túc con bày điềm sang năm sung túc. Mỗi dịp tết đến, dẹp đèn chong leo lét, lấy trong tủ cây đèn họng ba mươi Huê-kỳ ra thắp, hy vọng sang năm mới trong nhà trong cửa sáng suốt hơn năm rồi có đâu như ngày nay tuy đã vượt xa cái cảnh tối tăm cũ, nhưng dẫu nhà sáng hơn thật nhưng nhiều gia-đình vẫn nội tâm bê bối còn rối rắm hơn bao giờ. Và mãi bao giờ còn ruồng xét ráp bố, bắt bớ, đánh qua càn lại, thì đâu có yên-ổn cho dân cư làm ăn vui Tết: thà sống âm thầm như buổi trước mà nhẹ lòng đỡ lo hơn.


Ngày xưa trông mau đến Tết đặng về quê thăm nhà. Ngày nay đướng xá bế tắc thêm bị lụt bị đào, thôn xã bất an, còn đâu cảnh từ hai mươi lăm hai sáu Tết, nôn nao nhộn nhịp băng đường, kẻ ở Lục-Tỉnh trồi đầu về Sài-Gòn, kẻ ở Kinh thành lại hơ hãi lội về quê ăn Tết! Ngày xưa bên Trung-quốc tải qua đây hoa-quả đặc-biệt : trái hồng khô hai xu, trái hồng tươi và trái cam Tàu (cam Quảng-Đông dính vỏ, cam Triều-Châu tróc lóc), mỗi trăm trái chỉ có sáu bảy đồng bạc mà ông bà thuở ấy đã le lưỡi than mắc không dám mua ăn, nay Tàu đã nhuộm đỏ, dân Nam không được phép chơi với mầy và tao ăn quả nho tươi Âu Mỹ, mỗi ký giá bạc trăm bạc ngàn và trái lê trái táo ngoại bang tuy lạ miệng nhưng vẫn nhớ cam Tàu có cái hậu thanh thanh mát đóc giọng. Bởi xưa ham uống rượu Trung-hoa, hiệu « Ngũ-gia-bì » nên khiến dân ta say ngủ ly-bỳ, và thích uống "Mai-quế-lộ" nên thường túy lúy nằm đo đường té lộ. Khách tân thời đua đòi theo Âu-Mỹ, có độ uống sâm-banh cổ-nhác, nay day qua chai ba góc hay chai vuông huýt-ky. Sao cho bằng uống mỹ-tửu quốc-hồn : rượu đế lậu đặt tại Thủ-Đức với nếp đầu mùa, do các chị đàn bà Bắc tải xuống chợ Bà Chiểu và để đánh lạc mắt nhà đoan, giả bụng chữa, độn bụng thè lè, chớ kỳ thật chị mang bong bóng trâu phơi khô, trong chứa hai ba chục lít rượu nếp chánh hiệu có bọt. Xứ Cai-Lậy (Mỹ-Tho) nay đánh lung-tung – trước đây có đặt rượu đậu nành nước trắng trong khe, mùi thơm ngon ngọt có thua gì rượu Tây, rượu lục-vị, Pháp-danh là Anisette.

Ngày nay tiếng súng nổ quanh đêm suốt năm lấn át mất tiếng chày giòn quen tai cận Tết giã gạo làm bánh phồng dịp dầu Xuân và khói lửa chiến chinh đã dập tắt lửa cuối năm nấu bánh tét bánh chưng. Ngày nay muốn ăn những bánh khiêu gợi Tết, đã phải nhờ quán khách làm sẵn, chớ còn đâu lửa reo vui mắt bữa chưng bánh chung quanh gia-đình đoàn tụ, ông kỹ-sư tóc hoa râm, đứng chờ bánh nói chuyện với nhà học giả quá mùa, xúm xít gần bà mẹ tuy lụm cụm nhưng không khứng bỏ tục cổ truyền. Hai ông tân nhơn vật tuy bụng chứa đầy văn minh Âu-Mỹ, nhưng trong lòng thỉnh thoảng vẫn thèm vẫn nhớ miếng bánh phồng nướng bằng lửa rơm thơm ngát, hay miếng bánh nhưn đậu giữa có cục mỡ béo bùi của đòn bánh tét gói và nấu tại gia, bánh ấy tuy xấu mặt nhưng hương-vị đặc-biệt đã đánh lui các bánh tây bánh ngoại-quốc dồn vào kẹt tủ buổi Tân Xuân.

Ngày nay miền nam càng tiến hóa bao nhiêu càng đi xa lần và lãng quên những phong-tục cũ, độ nào phải chờ Tết đến mới có dịp cho trẻ con thấy đồng xu đỏ au và bạc cắc phong gói trong tờ giấy làm gói "lì xì" tân niên. Được vài ba gói trẻ đã mừng húm, nhờ vậy mà con nít chóng lớn và người lớn thấy vậy cũng phấn-khởi thấy đời thêm vui. Ngày nay đổi đời, trẻ con đi học đã có bạc ngàn bỏ túi, và thử cho trẻ một tờ giấy bạc năm trăm, chưa thấy nó mừng bắng lớp trước đây, được thưởng nửa đồng bạc đã cắp ca cắp củm để dành và đó là sưu-tập-phẩm cà-rô-bi (roupie) hiếm có.
Mấy năm gần đây có tục-lệ đầu năm đi xin xăm nơi miếu Tả-Quân trong Gia-Định, báo hại các bà di-cư ham hái lộc như thuở nào ở ngoài kia, báo hại kiểng cây kiểng gốc trong Lăng trụi lủi lá cành. Xin lộc là một phong-tục cổ kính của xứ có hoa đào hoa hồng hoa thủy tiên. Đất Nam-Trung ít bông nhiều lá làm gì có hoa chời chở để hái lộc?


Nhắc lại một phong-tục nhỏ trong Nam. Ba ngày Tết trong nầy ăn dồn thịt kho, thịt lạp xường và vịt phơi khô, nhiều ngày quá nên lợm giọng, vì thế qua ngày mồng bốn Tết có lệ "cúng tất", tết nhà tết cửa – Ngày ấy nấu bữa cơm cúng đất đai ông bà, lễ tất, đại để có tục lệ cắt giấy kim ngân ra hình vuông hình hồ-lô để dán vào cột cửa tủ bàn và dâng lên bàn thờ Tổ-tiên "nồi cháo cá ám". Cũng thì cháo cá nhưng cháo nấu kiểu cá luộc chần thì vẫn cá luộc sơ và xắt khúc, không để nguyên con, còn trái lại « cháo cá ám » là nấu nồi cháo rất kỹ, cá để nguyên con không chặt ra khúc và khi nấu nồi cháo vẫn không đậy nắp vung (nấu ám). Theo tôi đây là món thuốc vệ-sanh trừ độc của ông bà lưu truyền lại, vì ba ngày tết ăn mỡ đã nhiều, qua mồng bốn ăn tô cháo ám có rau ghém chát xắt nhỏ, chuối cây non và rau thơm, vừa nhẹ lòng khoan khoái thêm ngon miệng, trở bữa, nghệ-thuật bí quyết trường sanh là đó !
Nay cũng thấy bớt đi cái tục « cung chúc tân xuân ». xưa có lệ sáng mồng một thay nhau vái lạy ông bà lối xóm và chúc nhau bằng cánh thiệp viết tay có để tên họ và câu chúc cổ truyền. Nay đã thôi đi « cung hỷ » và quen nhờ nhà bưu điện đem thơ giùm, làm cái việc trả nợ quỉ thần, báo hại mỗi lần Tết người đem thơ mỗi lần đổ quạu.

Người Việt ta vì quá đua đòi chạy theo cái mới lấy cái Tết Dương-lịch làm lớn và thuần phong cổ tục về Tết âm-lịch đã mất lần hồi. Tục thờ kiếng ông bà đã xem nhẹ hơn xưa và cái lễ Tết là lễ nhớ người chết đã trở nên ngày xả hơi vui chơi của người sống. Chúng ta có thể giản-dị-hóa phần nào những gì phiền phức rườm rà, nhưng không nên để cho mất ý nghĩa của cái Tết cổ truyền của một xứ lấy việc nông-tang làm gốc, chớ nên quá duy-vật mảng ăn chơi vui sướng cho mình mà quên câu "mộc bổn thủy nguyên" trước có ông bà sau mới có ta vậy. Theo tôi, ngày Tết Nguyên-Đán phải được bảo tồn với bao nhiêu cổ-tục của nó.

Vương-Hồng-Sển
I3 XII-66

Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2023

Mùa Xuân Của Mẹ - Trịnh Lâm Ngân - Kim Trúc


Sáng Tác: Trịnh Lâm Ngân
Trình Bày: Kim Trúc
Thực Hiện: Nikki

Hương Cố Nhân

 

Xuân đã về lòng khách viễn phương
Bâng khuâng hồi tưởng lúc chung đường
Xuân nao lối ấy lần hò hẹn
Trộm hái anh đào hồng cõi thương

Cánh mỏng chao nghiêng theo gió bay
Một phần hương thoảng tóc hoa cài
Mộng lòng xuôi mãi theo chiều gió
Hương cố nhân gió hỡi đừng lay.


Kim Phượng

Xuân Trong Em

 

Em khoác áo tình xuân soi nắng ấm
Dáng thon gầy vạt lụa mỏng thu đông
Khi lá thu bay bay chiều phố vắng
Thấy lòng mình vương vấn mối tình hồng.

Thoáng hương thơm lá thu cài trên tóc
Lãng đãng mù sương gió nhẹ mây trời
Em hong tóc hương thơm mùi hoa bưởi
Đôi môi hồng chúm chím với nụ cười.

Em hóa thân làm tiên nga hạ giới
Bướm vàng bay reo rắc phấn lộc trời
Nụ hoa non vườn tình em hé mở
Xanh cả hồn anh, thánh hoá đôi mươi.

Chờ tháng giêng gió xuân về hong chín
Hoa đào tươi đỏ tím nụ trên cành
Em son phấn đường tình duyên cháy bỏng
Thắp ngọn lửa tình chiếu sáng hồn anh.

Tế Luân
người nghệ sĩ lang thang hoài trong tâm tưởng
viết vần thơ ca tụng tình yêu.

Xuân Ước Vọng

 

Tuyết rơi vẫn ngập lối Xuân sang 
Thông đứng bơ vơ xếp thẳng hàng 
Đất khách ta còn mang lận đận 
Quê nhà dân chẳng được an khang 
Nếu như thời thế xoay dần lại 
Có lẽ cuộc đời tiếng hát vang 
Mong ước có mùa Xuân Nguyễn Huệ 
Ta về quê Mẹ bước thênh thang 

Lâm Hoài Vũ

Có Ba Thứ Trong Đời Không Bao Giờ Nên Nuối Tiếc

- Cái gì đã cũ là cũ, Có cố đánh bóng cũng không thể mới.
- Cái gì đã qua là qua. Có quay trở lại cũng chẳng như xưa.
- Cái gì đã vỡ là vỡ. Có hàn gắn lại cũng còn vết rạn nứt.
- Cái gì đã đứt là đứt. Có ráng nối lại cũng chẳng tồn tại dài lâu.
- Cái gì đã đi là đi. Có níu kéo nó về cũng chẳng còn là của mình nữa.
- Cái gì phải quên là quên. Có nhớ nhung mãi cũng chỉ là hoài niệm.
- Sự tin tưởng giống như một tờ giấy, một lần bị vò nát nó sẽ không thể toàn hảo như xưa.
- Khi ai đó rời bỏ ta, hãy để họ ra đi . Số phận của ta không bao giờ kết chặt với những ai quyết tâm rời bỏ ta. Họ không phải là người xấu, họ chỉ là nhân vật kết thúc vai trò trong câu chuyện của cuộc đời ta mà thôi.

Có ba thứ trong đời không bao giờ nên tiếc nuối. Đó là:

* Tình yêu đã ra đi.
* Người bạn không xứng đáng.
* Ngày hôm qua.

Bởi vì đó là những điều đã không còn có thực, không còn có ý nghĩa và không còn tồn tại trong ngày hôm nay và ngày mai của ta. Vì thế, là những điều không nên làm vướng bận lòng ta, không nên làm u sầu trái tim ta và làm rơi nước mắt ta thêm nữa.

Tống Viết Minh Sưu Tầm

Mật Ong Tươi Nguyên Chất Tốt Cho Sức Khỏe Là Một Bí Ẩn Y Học Chưa Thể Giải Thích


Từ lâu, chúng ta biết rằng đường ngọt sucrose không tốt cho sức khỏe vì lạm dụng sẽ đưa đến các bệnh về biến dưỡng, nhất là chứng Tiểu Đường loại 2. 

Đường ngọt sucrose làm từ mía hay củ cải đường gồm 50% fructose và 50% glucose. Fructose từ trái cây chín muồi là loại đường ngọt nhất nhưng cơ thể con người chỉ có thể tiêu thụ 25 grams mỗi ngày, số fructose quá trớn sẻ bị gan biến thành mở. Glucose ít ngọt hơn, là loại đường cần thiết để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Bình thường thì glucose không độc hại cho đến khi cơ thể bị rối loạn biến dưỡng đến trở thành kháng insulin khiến glucose cũng tạo mỡ và viêm mô. Bộ canh nông Mỹ khuyên người dân không nên dùng quá 50 grams đường ngọt sucrose mỗi ngày căn cứ trên sự độc hại của fructose khi vượt quá giới hạn 25 grams (50% của 50 grams sucrose). Xi rô bắp cao fructose không có trong thiên nhiên nhưng được dùng nhiều trong kỹ nghệ biến chế thực phẩm và nước ngọt trong hơn 40 năm qua đã gây nhiều vấn đề bệnh tật cho người tiêu thụ:

Nhiều bệnh nhân mập phì, Tiểu Đường và cả người Mỹ bình thường cũng tránh ăn đường ngọt và dùng các chất ngọt nhân tạo khác được FDA chấp thuận để thay thế và gần đây nhất họ dùng Stevia là một chất không đường có vị ngọt từ loại cây đặc biệt để thay thế đường sucrose. Than ôi, các vị ngọt đó lại khiến cho cơ thể mất cảm giác no nên lại ăn nhiều calorie hơn và không giúp gì được cho việc giảm mập phì và nhất là không giúp gì cho bệnh biến dưỡng mà có thể làm nặng thêm như trong trường hợp chất ngọt nhân tạo gây xáo trộn môi trường vi sinh của ruột già.

Vấn đề tưởng như là nan giải cho đến gần đây khi nhiều khảo cứu cho thấy Mật Ong Tươi, nguyên chất không chế biến, thanh lọc là chất ngọt tốt nhất cho người tiêu thụ. Các nhà nghiên cứu ở Đại Học Toronto đã tổng hợp dò xét các kết quả khảo cứu về Mật Ong Tươi (Raw Honey) nguyên chất không thanh lọc pha chế hay sát trùng và kết luận rằng dùng mật ong tươi làm chất ngọt gây tác dụng tốt cho cơ thể làm giảm nguy cơ các bệnh biến dưỡng và tim mạch:

Đây là một bí ẩn cho Y học hiện đại vì mật ong có hơn 80% là đường ngọt với lượng đường fructose cao hơn glucose, tương tự như lượng đường trong xi rô bắp cao fructose mà chúng ta đều biết là có hại trong sức khỏe. Điều đáng chú ý là chỉ có Mật Ong Tươi, nguyên chất là tốt cho sức khỏe, loại này được thu hoạch từ tổ ong không thanh lọc hay pha chế nên có màu đục như trong hình này:

Màu đục do các phấn hoa (bee pollen), một chút sáp ong lẫn vào, các loại đường hiếm và protein thực vật mà chúng ta vẫn chưa biết. Loại mật ong tươi như trong hình có thể mua tại các nhà nuôi ong làm mật tại chổ hay trong các tiệm bán thực phẩm thiên nhiên có uy tín. Các loại mật ong thanh lọc pha chế và sát trùng đến trong veo sẽ không có các tác dụng lợi ích kể trên.

Tóm lại, thay vì dùng đường ngọt hay các chất ngọt không đường đều không hoàn toàn tốt cho cơ thể, chúng ta nên bắt đầu thay thế với mật ong tươi mà các khảo cứu cho thấy tốt cho sức khỏe. Theo khảo cứu từ Toronto thì liều lượng không quá 40 grams hay là hai muỗng canh mỗi ngày (do đó lượng fructose sẻ là dưới 25 grams mỗi ngày) không nên cao hơn. Bệnh nhân Tiểu Đường có thể dùng mật ong tươi nếu lượng glucose trong máu không tăng.

Mật ong tươi không được sát trùng nên có thể gây bệnh Botulism trên trẻ em dưới một tuổi. Do đó chúng ta nên đợi khi bé lớn hơn 18 tháng mới dùng được. Ngoài ra, không nên lầm mật ong tươi nguyên chất (đục) với mật ong thương mại biến chế (trong) vì loại biến chế không có lợi gì cho sức khỏe mà có thể làm hại nửa.

Phạm Hiếu Liêm, MD