Thứ Ba, 1 tháng 4, 2025

Tân Cổ: Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên - Phạm Văn Phúc- Kim Trúc - An Lê


Sáng Tác: Phạm Văn Phúc
Trình Bày: Kim Trúc & An Lê

Hạ Tím!



 Em cả quyết: “ không thương mùa hạ!”
mùa hạ buồn ta phải xa nhau,
bãi trường mà … anh, em nghỉ dạy,
đang yêu mà… xa chút cũng đau.

Em cả quyết: “không thương mùa hạ!”,
chỉ thương… Thu… sớm… buổi tựu trường;
gặp lại anh chừng như lâu lắm,
ba tháng là ba năm nhớ thương.

Em cả quyết: “không thương mùa hạ!”
đi dạy hoài.. khỏi phải xa anh;
hội đồng giáo sư… mình đối diện,
chạm chân… cười…hiệu trưởng thao thao.

Em cả quyết: “không thương mùa hạ!”
giữ tình ta … bí mật nghe anh,
học trò biết… đồn rùm… mắc cỡ,
thể như mình chẳng được yêu nhau.

Mùa hạ đó… tụi mình mất nước,
lẳng lặng mình anh… biển bão giông;
mùa hạ đó… mất anh mãi mãi
nát lòng em… mùa hạ biết không?

 Xa anh, qua bao mùa hạ đỏ,
phượng rơi rơi… máu nhỏ tim mình,
quê người đó… có mùa hạ tím
jacaranda bằng lăng… tím chữ tình

Em giữ cho em mùa hạ đỏ,
mắt lệ khóc người… khóc tình ta;
anh giữ cho anh mùa hạ tím,
của người mà.. đâu của em đâu?!

Đoàn Xuân Thu
Melbourne

Hoài Bão Quê Hương


Năm mươi năm ra đi nhìn lại
Vẫn hẹn về luôn mãi băn khoăn
Đời người một kiếp qua nhanh
Giấc mơ chưa trọn không đành buông tay

Mang nợ nước lâu ngày chưa trả
Chí tang bồng sao thỏa lòng đây
Nhân sinh nhẹ tựa áng mây
Nhưng tim trĩu nặng tháng ngày xa quê

Thời tuổi trẻ tràn trề nhiệt huyết
Cùng anh em cương quyết tòng chinh
Sơn hà gặp cảnh điêu linh
Sống sao cho xứng thân mình làm trai

Lời cổ nhân khó ai quên được
Thất phu cần lúc nước lâm nguy
Hôm chào từ biệt mẹ đi
Xin người sống khỏe đợi khi con về

Lời hứa theo bụi mờ gió thổi
Bao năm dài rong ruổi tha hương
Thời gian dù tóc pha sương
Luôn nuôi hoài bão con đường phục hưng

Mong hậu duệ có cùng chí hướng
Vì quốc gia lý tưởng đầu tiên
Tự do no ấm ba miền
Rạng danh con cháu rồng tiên muôn đời

Dương Việt-Chỉnh

3/27/2025

Lễ Hội Anh Đào tại DC



Đông qua rồi, mùa vui đang tới,
Xuân đã về, nắng mới lao xao!
Em ơi… em ở phương nào?
Nhớ về dự “Hội Anh Đào-DC”(*)
Anh mong đợi em về …
Em ơi về nhé!

Chúng mình dã ngoại hanami (**)
Tưng bừng vui chẳng kém gì Kyoto.
Chiêm ngưỡng Anh Đào,
Giữa lòng Thủ đô nước Mỹ,
Tràn ngập Yoshino...
Rực rỡ như triền Phú sĩ,
Này em, nhớ về tham gia Lễ Hội.
Cuộc vui này thơ mộng lắm em ơi!


Mỗi Xuân chỉ một lần thôi,
Con người hòa với Đất Trời nở Hoa.
Ta sẽ đi giữa Anh Đào,
Con đườngTình đôi ta.
Mùa Xuân rồi nữa sẽ qua,
Em ơi về nhé, ngắm hoa Anh Đào!

Mênh mông rừng Đào phơi phới,
Tưng bừng nở hoa,
Dọc bờ hồ Tidal Basin
Chào mừng người yêu tôi tới ...
Nhẹ gót thiền vào yozakura (***)
Đầu Xuân, Lễ Hội Anh Đào
DC là Bồng lai hạ giới
Và em về … là Tiên nữ hiện ra

Hồng hồng... Xuân đôi má
Lá xanh rơi nhẹ bờ vai
Hoa vương trên mái tóc dài
Mặt hồ hiện bóng Thiên thai chan hòa
Hương thơm tỏa ngát gần xa
Em cười say đắm bên hoa Anh Đào.

Trần Quốc Bảo

Richmond, Virginia

(*) “Lễ Hội Anh Đào tại Washington DC” vào Tuần cuối tháng 3 đầu tháng 4 mỗi năm
(**) Hanami: Chiêm ngưỡng hoa Anh đào (Một động từ về Thiền học của Nhật)
(***) Yozakura: thuật ngữ của Nhật, nói về thiền hành và ngắm hoa ban đêm,
bên cạnh các đèn lồng mờ ảo


Nhạc Chủ Đề

Mùa đông năm nay đã tưởng sẽ có nhiều trận tuyết như 5, 7 năm về trước. Nhưng rất may vào một tuần cuối tháng Hai (February), thời tiết có nắng xua đi làn gió lạnh. Tôi rất vui khi các cô cậu em họ đến dùng bữa ăn trưa. Tôi thật may mắn vì có thêm một gia đình các em họ 4 người cùng hai rể và một dâu là con của người tôi gọi bằng cô. Một điều may nữa là chúng tôi ở cùng một thành phố. Chị em chúng tôi rất yêu thương và chia sẻ vui buồn cùng nhau, nên tuy là chị em họ nhưng chúng tôi lại thân thiết và gặp nhau thường hơn là chị em ruột.

Khi chưa có dịch Covid, vùng chúng tôi cư ngụ hàng năm thường có những buổi tiệc do các hội đoàn tổ chức mỗi lần cũng khoảng 2, 3 trăm người. Nhờ có những hội hè như vậy, mọi người có dịp gặp nhau tâm tình chia sẻ những vui buồn của người xa xứ. Rồi trận dịch xảy ra, mọi sinh hoạt đều ngừng lại. Và rồi, chuyện dù tang thương đau buồn cũng đã qua đi...

Khoảng năm 2023 - 2024, một vài hội đã bắt đầu sinh hoạt trở lại tuy không thể nào đầy đủ như trước nữa.
Tôi rất vui vì có cơ hội được gặp lại những khuôn mặt thân quen mà bấy lâu vì dịch bệnh chúng tôi chỉ liên lạc với nhau qua cái iPhone hiện đại nếu muốn nhìn thấy mặt nhau. Năm ngoái (2024) đã có hai chương trình nhạc thính phòng với những ca sĩ “cây nhà lá vườn” hát rất hay, rất điêu luyện với những ca khúc chọn lọc nổi tiếng, nhưng rất tiếc cả hai lần đó tôi đã không tham dự được. Chủ Nhật ngày 23 tháng Hai vừa qua, tôi được tham dự một buổi nhạc thính phòng có chủ đề do chính tác giả – Thi sĩ Trần Đại Bản sáng tác và phổ thơ – đứng ra tổ chức. Đặc biệt, trong những bài thơ phổ nhạc, có bài của hai cô em họ Ý Nhi và Mỹ Hoàn khiến tôi rất vui và hãnh diện vì có hai cô em rất giỏi về văn thơ.

Một ngày nắng trong se se lạnh, bệnh chóng mặt cả tuần lễ vẫn chưa khỏi hẳn. Nhưng tôi cũng cố gắng trang điểm một tí và tự nhủ mình phải tham dự để được gặp lại một số thân hữu mà tôi biết là quý vị đó cũng có mặt và thêm nữa là để chúc mừng Thi Nhạc sĩ Trần Đại Bản ra mắt tập thơ “Huế Ơi”. Ngoài ra, cũng để được thưởng thức hai ca khúc được phổ nhạc từ thơ của Ý Nhi và Mỹ Hoàn do ca sĩ trình bày.

Bước vào hội trường, tôi gặp ngay Đào Hiếu Thảo, một người thân với tôi, cũng là một người khá quan trọng, sinh hoạt trong nhiều lãnh vực, và chức MC thì khó ai có thể thay thế. Chúng tôi niềm nở chào hỏi nhau. Đứng ngay bên anh là nhạc sĩ Trần Đại Bản nên nhân thể tôi cũng chúc mừng ông. Tiếng nói chuyện vang vang náo nhiệt chứng tỏ hội trường đã đông khán giả, những hàng ghế gần như không còn chỗ trống.

Hai cô em VTS thật chu đáo đã dành cho tôi hai ghế để có thể đến dự cùng với một thân hữu. Chương trình mở đầu với phần chào cờ thật trang nghiêm giống như tất cả các chương trình khác mỗi khi hội họp đông người. Tiếng người MC thật rõ và ấm.

Chương trình đã bước sang phần ca nhạc. Tôi lắng nghe từng câu từng lời trong các ca khúc và ngắm nhìn những tà áo dài sắc màu thướt tha nổi bật trên sân khấu. Đây là nhóm ca sĩ cư ngụ quanh vùng thường xuyên tham dự những buổi ca nhạc đặc biệt như buổi hôm nay. Họ chỉ hát giúp vui chứ không đi hát chuyên nghiệp, dù giọng ca điêu luyện và truyền cảm. Tôi phải công nhận họ hát rất hay không thua gì những ca sĩ thực thụ. Say đắm thưởng thức những tiết mục trình diễn trong suốt gần 3 giờ đồng hồ khiến tôi quên cả chóng mặt và mỏi mệt.

Trong lúc ban nhạc tạm nghỉ, những người quen biết nhau, những bằng hữu tuổi trong khoảng U80 – U90, đã cùng nhau trò chuyện. Một điều rất mừng là các chị vẫn khỏe mạnh tinh tường tuy tóc đã nhuốm màu sương bạc nhưng vẫn còn phảng phất nét đẹp thủa thiếu thời. Một sự ngạc nhiên khác rất vui là được gặp lại mấy cháu vào cỡ tuổi con của tôi đã lâu trên dưới khoảng ba chục năm không gặp. Họ nhắc lại một thời cùng ở chung cư đường 28, giá thuê 3 phòng ngủ $320 đồng một tháng.

Trong lúc ban tổ chức mời tiệc trà nhẹ, tôi được gặp hai vị chủ tịch VĂN BÚT – Chủ Tịch Văn Bút CUNG LAN (CTVBVNHN) và Chủ Tịch Văn Bút HỒNG THỦY (CTVBMĐ). Đó là hai vị chủ tịch xinh đẹp tài giỏi mà tôi rất ngưỡng mộ, yêu quý.

Cám ơn Nhạc sĩ Trần Đại Bản đã bỏ công sức tổ chức buổi ca nhạc và để lại cho thế hệ mai sau một tác phẩm thi ca giá trị.

Xin mời vào Link này để thưởng thức, do Cung Thị Lan thực hiện:


Nguyễn Tường Nhung
28.2.2025

Thứ Hai, 31 tháng 3, 2025

Hoa Nở Bao Giờ - Thơ: Phan Khâm - Nhạc: N.S. Nguyễn Túc & Tiến Đạt


Thơ: Phan Khâm
Nhạc: N.S. Nguyễn Túc & Tiến Đạt

Tiếng Quê


(Thêm cảm hứng từ bài viết
Tiếng Quê của anh Xuân Nguyên- NXV)

Chao ơi một tiếng gà trưa
Nhớ sao nhớ quá ngày xưa xứ mình
Nửa đời một dạ đinh ninh
Như lòng giếng nước giữ hình bóng nhau...
Giọng cười khua với tiếng gàu
Mấy O* như thể nụ đào tắm trăng.

Mơ hồ sóng nước Tam Giang
Thuyền ngư gõ mạn “lanh canh” nhịp đều
Đầy vơi mấy ngọn hải triều
Có đôi nhạn trắng cõng chiều bay qua
Đầu bờ lẻ bạn thiên nga
Mãi kêu “quang quác” như là nhớ ai?

Nhớ xuyên tháng rộng năm dài
Tiếng quê há dễ gì phai đáy lòng
Chiền chiện về hót trên đồng
Du dương chao vạt nắng hồng cuối thu
Bồ chao đậu nhánh mù u
Hỏi thăm con sáo biệt mù chốn nao!

Bờ tre kẽo kẹt rì rào
Con đường đất, những lỗ đào đánh bi
Trống trường đã giục từ khi
Mấy lần trễ học cũng vì ham chơi
Bạn xưa còn lại mấy người
Chân mây tản lạc cuối trời lêu bêu

Còn nghe đồng vọng sáo diều
Tiếng dế gáy tiếng ve kêu phượng hồng
Xuân về trên ngọn sầu đông
Con chim én liệng mấy vòng tương tư
Quê hương là tiếng cúc cù
Ê a giọng trẻ lời ru mẹ hiền

Một làn gió quét qua hiên
Hoa cau rớt rụng đầy thềm nắng xưa
Cây đa bến cộ còn lưa
Con đò xa bến đã thừa lênh đênh
Dư âm tiếng sóng bập bềnh
Vỗ lòng cố quận vỗ tình tha phương

Tiếng Quê nhập mộng canh trường
“Lòng Quê đi một bước đường một đau” **
Ngẫm thơ bậc Đại Thi Hào
Nhìn cây ngắm cỏ còn nao dạ Người
Huống gì tiếng vọng chơi vơi
Từ thăm thẳm lại bên trời Cố Hương...

Quang Hà, 
8Apr2024

*O: cô gái (tiếng Huế)
**Thơ Kiều, Thi Hào Nguyễn Du

 

Loanh Quanh



Trái non anh xẻ làm đôi
Cho em một nửa để rồi ăn năn
Biết đời chỉ những phù vân
Trái sầu, trái chín, cũng dần rụng thôi
Hôm qua tha thẩn trên đồi
Nhìn về lũng cạn từng hồi nhớ nhung
Biết nhau tự thủa vô cùng
Xa nhau đã thấy mịt mùng trùng quan
Đời mình là những dở dang
Cuộc tình muộn vội mơ màng đó em
Thơ không ghi đủ nỗi niềm
Trong anh còn chút êm đềm thuỷ chung
Với trời, với đất mông lung
Với ta khăn áo não nùng biệt ly
Ô hay,"sinh ký tử quy"
Níu thân nhau mối sân si kiếp này
Thì thôi buông lỏng vòng tay
Loanh quanh đã hết tháng ngày của anh
Một đàn chim quý trên cành
Hoà ca điệp khúc tiễn trình miên man …

Cao Mỵ Nhân




Huế Ở Buồn Đi Nhớ


Nếu mai ai về Huế
Qua Quốc Học Đồng Khánh
Trường Tiền nghể áo trắng
Nghiên nón lá qua cầu

Mai mốt ghé Đông Ba
Mưa phùn đầu mái rạ
Bên nớ mô Thuận Long?
Lối xưa hồn thu thảo

Nắng gió Nồm cuối Hạ
Thu rượng bến Văn Lâu
Ôn Mệ buồn vật vã
Con cháu chừ lưu vong

Bờ ni qua bến nớ
Khoảnh khắc như thiên thu
Nhớ Huế buồn trăn trở
Áo trắng chừ nơi mô?

Nước tràn Đập Đá chưa?
Ngắm xóm lạ quen quen
Bóng củ chừ dư âm
Thương Ôn biết mô tìm?

Bên ni chùa Thiên Mụ
Bên nớ Long Thọ Cương
Gió đưa trúc la đà
Trăng sáng chuông chùa ngân

Bên ni tê tái mộng
Về thăm chốn chôn nhau
Chừ ngày thực đêm mơ
Huế ở buồn đi nhớ

Lê Huy Trứ

Dưới Bầu Trời Paris


Đầu thập niên 1990, một ngày như mọi ngày, dưới ánh nắng Nam Cali ấm áp và bầu trời xanh trong vắt không một bóng mây trên cao, trong một góc quán giải khát bàn ghế kê trên vỉa hè có cây dù che nắng, hai người bạn văn đang ngồi uống cà-phê. Họ lơ đãng nhìn đường phố đã quá giờ đi làm, xe cộ bắt đầu thưa thớt. Bên kia đường, chỗ trạm xe buýt, hai người đàn bà Việt Nam đứng tuổi nói chuyện vãn cho quên giờ, lúc hào hứng họ cao giọng và tiếng họ bảo nhau về các món hàng đang bán sale ở chợ vẳng sang tới bên này.

Tưởng như buổi sáng chỉ dành cho những kẻ ăn không ngồi rồi hay các cụ cao niên nhàn nhã, thời gian chậm rì, buồn bã. Bỗng nhà thơ lên tiếng hỏi:
- Hình như tháng rồi không thấy ông ra đây uống cà-phê?
Quay lại nhìn bạn, nhà văn trả lời:
- Đúng vậy, tôi đi Pháp thăm gia đình .
Thi sĩ hỏi tiếp:
- Paris có gì lạ không anh?
Câu hỏi cửa miệng rất phổ biến ấy không dưng làm người kia đăm chiêu. Một lúc mới nghe tiếng đáp:
- Tôi qua dự đám tang ông anh ruột mất.
Có vẻ như nhà văn muốn tâm sự nên lấy vẻ mặt nghiêm trọng, nói tiếp:
- Anh có rảnh không?
Hơi chột dạ, đoán chừng bạn sắp nhờ mình việc gì, thi sĩ trả lời lửng lơ:
-Tôi về hưu non, chỉ còn mỗi công việc ngày hai buổi đưa đón vợ đi làm nail, xong thì ngồi chơi xơi nước, uống cà-phê, bàn chuyện văn nghệ...với ông.
Đôi mắt nhà văn ánh lên nét mừng rỡ, như người khát được cho uống. Anh bắt đầu chậm rãi, nhỏ nhẹ và hạ thấp giọng :
-Câu chuyện của tôi hơi dài dòng, có thể khá nhạt nhẽo và không chừng vô duyên vì nó không liên quan gì đến ông nhưng tôi canh cánh nó bên lòng, không biết tỏ cùng ai. Hy vọng ông có thời giờ cho tôi gõ cửa mà không phiền?
Đã có chủ đích nên không chờ bạn trả lời, văn sĩ tự động để giòng tâm tư trôi chảy:
-“Thật ra, không hẳn là đám ma mà chỉ là lễ cầu siêu thì đúng hơn. Anh Vinh tôi mất ở Singapore khi đang làm việc cho hội thiện nguyện Pháp tại Galang. Anh bị bệnh kiết lỵ, được đưa qua nhà thương ở Singapore điều trị và mất ít ngày sau đó.

Gia đình tôi có ba anh chị em: anh Vinh lớn nhất rồi đến chị Hạnh, tôi là út. Hai anh chị tôi du học Pháp đã lâu và ở lại đó luôn. Anh ly dị vợ, sống đơn chiếc, nên nghe tin anh lâm trọng bệnh, chị Hạnh tôi vội từ Paris bay qua định săn sóc anh song vừa đến nơi, chưa kịp gặp thì anh ấy đã tắt thở. Di hài anh được hỏa thiêu và tro cốt được chuyển về Chùa K. ở Paris. Chúng tôi chỉ làm một lễ cầu siêu đơn giản cho anh nhưng không ngờ bà con, thân hữu đến quá đông, chật cả chùa. Nhìn thấy quanh cảnh ấy, tôi hơi bất ngờ tuy lòng ấm hẳn, biết anh được nhiều người thương tiếc.

Kỳ đi vừa rồi là lần thứ nhì tôi qua Pháp. Lần đầu cách đây hai năm, tôi chỉ gặp được chị Hạnh, còn anh Vinh đang làm việc ở Galang với tư cách điều hợp viên cho chương trình trợ giúp thuyền nhân các trại tị nạn ở vùng biển Đông, đồng thời cũng là cố vấn xã hội cho phái đoàn Pháp. Tuy cách nhau 8 tuổi, anh em tôi giống nhau như hai giọt nước.

Lúc trước ở Sài-Gòn, nhiều khi nhìn thấy anh chạy xe Honda trên đường Nguyễn Huệ, mấy thằng bạn tưởng lầm là tôi, gọi ơi ới, phóng xe đến gần mới biết là Vinh. Ngoại hình đúc khuôn nhau nhưng tính tình chúng tôi thì khác biệt rõ rệt. Anh Vinh rất nghệ sĩ, cả trong tâm hồn lẫn cách sống. Không viết văn hay làm thơ nhưng anh quan niệm cuộc sống của mỗi người là tác phẩm quan trọng nhất. Tính anh phóng khoáng, sống hết mình như không có ngày mai. Còn tôi, tuy là tác giả vài ba cuốn sách nhưng đời sống ngăn nắp, quy củ như nhà binh. Gặp lần đầu, ai cũng nghĩ anh phải là một thi sĩ với mái tóc bồng bềnh gợn sóng, làn da trắng hồng, sống mũi thon cao nằm cân đối giữa đôi mắt nâu tròn, to, nổi bật như hai viên ngọc toàn bích . Anh có làn môi hơi mỏng, tưởng chừng là dấu hiệu của sự khắc nghiệt nhưng trái lại, anh lúc nào cũng xuề xòa, mơ màng như một triết gia tư lự chuyện đời. Anh dễ dãi với mình và với người, sẵn sàng đồng ý với bất cứ ai khi chuyện trò hay tranh cãi, có lẽ do bản tính thiếu kiên nhẫn, dễ thích nghi để có sự bình an tận hưởng hiện tại. Thông minh, đọc nhiều, thấy anh tà tà ở trường Luật mà năm nào anh cũng thi đậu.

Gia đình chúng tôi trước ở Sài-Gòn, trong một con hẻm đường Tự-Đức, vùng DaKao. Thân sinh chúng tôi là Chủ Sự Nha Học Chánh Bộ Giáo Dục, lương chỉ vừa đủ sống. Nhờ mẹ chúng tôi đảm đang, tháo vát, giỏi chắt chiu tính toán việc chi tiêu nên dù cả nhà sống trong căn phố tương đối nhỏ song rất đầy đủ, không thiếu thốn thứ gì. Lâu lâu, ông được bà nấu cho món cơm tây, bèn trịnh trọng mở chai rượu vang ra uống: Những bữa như thế, ông vui hẳn lên và dễ chịu với con cái, thăm hỏi bọn tôi, không như thường ngày ông chỉ ngồi lầm lì như pho tượng trong nhà. Ông bà hãnh diện được hai người con lớn đỗ đạt, xuất ngoại du học, chỉ mình tôi út ít chẳng ra gì, thi rớt Tú Tài rồi đi lính (nên ngày nay mới trở thành...văn nghệ sĩ!) Từ nhỏ, tôi biết bố tôi đối xử thiên vị với các con trong nhà, thương yêu hai con đầu hơn tôi mà mãi sau này tôi mới hiểu lý do: họ đã học giỏi lại vâng lời ông, còn tôi thì xà bát, hay cãi bướng và được mẹ luôn bảo vệ. Mẹ tôi làm thế để bù trừ với ông và bố tôi không bằng lòng ra mặt khi thấy mẹ tôi nuông chiều tôi quá, sợ tôi hư hỏng? Bà thường cãi lý với chồng: “Nó giống ông nhất nhà thì tôi thương nó!” Nhưng thôi, hai cụ quy tiên lâu rồi, nên để hai cụ được yên và tôi xin trở lại câu chuyện ở Paris...

Như bao thanh niên của Sàigòn những năm 50- 60 xa xưa, thủa còn thanh bình và dưới ảnh hưởng của văn hóa Pháp (chưa xuất hiện bóng dáng người lính Mỹ,) qua sách báo, văn thơ, phim ảnh từ Paris xâm nhập vào, thêm nữa, mấy ông thi sĩ /nhạc sĩ nhà ta du học bên Tây trở về, sáng tác những bài thơ, những bản nhạc tuyệt cú mèo ca tụng Paris, không khí văn vẻ, lãng mạn ấy khiến chúng tôi mơ mộng và thần tượng hóa thành phố nên thơ kia, muốn tới đó một lần rồi chết cũng cam lòng, Voir Paris et mourir! Ngoài ra, anh Vinh còn là dân trường Tây nên anh vô tình "đầu độc" tôi về Paris (?) Anh thường kể cho tôi nghe sinh hoạt ở khu La -Tinh và trường Sorbonne như thể anh đã từng sống và học hành ở những nơi này! Lắm khi anh còn đọc thơ, lúc thì Verlaine, khi thì Prevert, thơ mộng, trữ tình, say đắm, gieo vào lòng tôi niềm đam mê tha thiết muốn được đi Tây như một điểm hẹn phải đến mới bõ cuộc đời! Thế nhưng học không ra gì, tôi đành lỡ mộng. Sau này, qua Mỹ, tuy mộng vẫn chưa nhạt phai và cơ hội có trong tầm tay nhưng than ôi, ưu tiên đã thay đổi, phải lo chuyện bảo bọc gia đình, con cái nên tôi đã không đi Pháp ngay, ngờ đâu cuối đời anh em không gặp nhau.

Khi tôi học Đệ nhị Chu văn An thì chị Hạnh đã đậu Tú Tài Pháp ở Marie Curie, sửa soạn du học. Anh Vinh xong Luật, làm chuyên viên cho Bộ Kinh Tế. Có tiền lương, anh giúp đỡ gia đình nhưng ít thời giờ ở nhà mà hay đi chơi mạt chược ở nhà bạn, la cà cả mấy ngày không về. Ông cụ thấy anh đã thành đạt nên nể nang, không nói gì. Riêng bà mẹ thì hay than thở với tôi là anh bắt đầu ăn chơi, nghiện thuốc lá, uống bia, có thể còn nhiều món tứ đổ tường khác nữa. Mỗi khi có dịp, bà không bao giờ bỏ qua ước muốn thấy anh yên bề gia thất để ông bà có cháu đích tôn. Từ lâu, cụ ngấm nghé cho anh cô con gái người bạn hàng xóm lúc trước ở cạnh nhà nhau trong cư xá công chức Đa Kao. Thân phụ cô là đồng nghiệp với bố tôi, hai gia đình quen nhau từ thời di cư vào Nam, thân thiết với nhau còn hơn ruột thịt. Hai ông làm chung sở, hai bà thường ngồi chung chiếu tổ tôm, tài bàn. Cô láng giềng tên Mai ấy học Dược sắp ra trường, tương lai vững vàng, tính tình chăm chỉ và hiền thục. Lúc còn nhỏ, Vinh và Mai có lúc quyến luyến nhau không rời, nhiều lần đi chơi với nhau. Hai bên gia đình ngầm ưng thuận, ao ước họ sẽ nên duyên vợ chồng. Mai vừa ngoan vừa học giỏi, chỉ có điều bề ngoài trông cô giản dị, nhan sắc không có nét nổi bật, để lại ấn tượng cho người từng gặp gỡ cô. Đối với mẹ tôi thuộc thế hệ các bà mẹ chồng vốn quan niệm “cái nết đánh chết cái đẹp,” bà tin kén dâu càng bình thường càng dễ cho con trai mình tìm được hạnh phúc gia đình về lâu về dài, đẹp quá e lại hồng nhan đa truân.

Ngày đi xem kết quả kỳ thi Tú Tài đôi, tôi ngượng ngùng như mèo bị cắt tai, về nhà báo tin thi rớt, vừa quê vừa thất vọng với chính mình trước khi chịu trận bài giảng mo-ran dài như bất tận của ông bố với cả trăm hình ảnh khốn khó cụ nêu lên. Nào là tôi sẽ bị gọi động viên làm lính quèn, tương lai mù mịt, suốt đời nghèo khổ không ngoi đầu lên được..vv...Như thường lệ, tôi đang được mẹ xót xa, vỗ về, thì anh Vinh đi làm về. Nhờ có mặt anh, hai ông bà mới dịu đi, không khí trong nhà bớt căng thẳng và không ai còn đả động đến chuyện tôi thi rớt nữa. Được thể, cá nhân tôi bỗng dưng như người bị dồn vào chân tường, đâm ra giận dữ, bất cần, tự tìm lý lẽ an ủi mình là nếu có bị động viên làm lính cũng chẳng sao, biết đâu rủi hóa may kiểu Tái Ông mất ngựa, nhờ thế mà biết phấn đấu với đời, mà cuộc sống sẽ gay cấn, thú vị, tạo ra cái vốn nội tâm cho tôi theo nghề viết văn sau này! Rõ rệt khi ấy còn trẻ dại, đầu óc mông lung lý sự cùn, biết đâu đến những hiểm họa của chiến tranh, đến đời lính đầu sóng ngọn gió, lênh đênh, cơ cực, xa gia đình, xa bạn bè, xa cả Sàigon phồn hoa đô hội. Nghĩ cho cùng, học giỏi như anh Vinh rồi cũng chỉ như anh là cùng, chết một mình nơi xa xôi hẻo lánh, đâu có ngồi đây uống cà phê hươu vượn với ông, đâu có hạnh phúc bên vợ đẹp con khôn như tôi bây giờ? Ôi, vạn sự âu cũng do số mệnh cả, biết phúc đâu mà tìm, họa đâu mà tránh?

Hôm ấy, biết tôi trượt tú tài, anh Vinh khuyến khích tôi: " Thi rớt là chuyện thường tình, chẳng sao, đừng buồn, không có gì quan trọng cả. Biết đâu nhờ vậy, sau này chú trở thành nhà thơ nổi tiếng như ông Cung Trầm Tưởng, đi lính Không Quân, qua Tây sống ở Paris nên mới có cảm hứng sáng tác bài Lên xe tiễn em đi chưa bao giờ buồn thế, nổi tiếng như cồn, tên tuổi đi vào văn học sử, chẳng đáng giá trăm lần hơn mảnh bằng Bác sĩ hay Tiến sĩ kia hay sao?”

Để giúp thằng em bớt buồn, anh rủ tôi đi ăn tiệm cơm Tây gần nhà. Anh nói:"Mình đi ăn nhà hàng Duy Ban, tay đầu bếp ở đây có món bouillabaisse nấu đặc biệt kiểu miền Nam nước Pháp, xuất sắc lắm. Anh đãi chú cho biết mùi cơm Tây, mai mốt có sang đó thì còn biết món mà gọi!" Con đường Đinh Tiên Hoàng thời đó còn vắng xe cộ, người qua lại thưa thớt trên vỉa hè, cuộc sống về đêm chậm chạp, nhàn nhã. Nhà hàng nhỏ thôi, bài trí giản dị, ấm cúng, với hai dãy bàn sát tường, phía trong cùng là quầy thu ngân. Tuy đã hơn bốn chục năm trôi qua, tôi vẫn chưa quên món “poulet marengo,” gà sốt cà chua nấu với nấm, thêm cái lòng đỏ trứng vừa chin tới nằm lơi lả trên cái đĩa sứ sâu lòng mà anh Vinh kêu hôm ấy, cả ly rượu vang trắng tôi nhấp môi lần đầu, vị ngọt và nồng chứ không chua như rượu beaujolais tôi uống lén ông bố nhiều lần. Qua Mỹ định cư, tôi nôn nao nhờ bà xã nấu thử món gà này sau khi giúp bà tìm công thức qua mạng. Bà xã trổ tài nấu đủ kiểu nhưng không hiểu sao, chưa bao giờ món gà được ngon bằng bữa đó tôi ăn với anh Vinh. Tôi cứ băn khoăn tự hỏi: “Phải chăng đầu bếp nhà hàng Duy Ban ngày xa xưa ấy có bí kíp gì chăng? Hay món gà quá ngon hôm ấy chỉ đơn giản là do không khí đặc biệt của tiệm chiều hôm xưa đó: quán yên ả, chỗ ngồi ấm cúng, lần đầu tôi được thưởng thức hương vị cơm Tây và ngắm cảnh phố xá buổi tan sở người người vội vã về nhà? Ăn xong, anh kêu một shot cognac, hai anh em vừa khoan khoái nhâm nhi vừa rủ rỉ thổ lộ chuyện tâm tình ít khi anh em có dịp đả động tới. Anh cho tôi biết anh mới quen cô Lan, chị của người bạn học, hơn anh một tuổi. Nếu chỉ có thế thì chắc cũng là chuyện thường tình thôi nhưng đột nhiên, anh đổi nét mặt nghiêm trọng rồi nói thêm: "Cuộc đời của Lan na ná truyện cô Thúy Kiều ngày xưa, hoàn cảnh đáng thương lắm." Nói đến đó, cho rằng tôi đã hiểu ý, anh ngừng lại và xoay qua chuyện khác sau khi hứa sẽ đưa cô Lan về nhà giới thiệu với ông bà cụ và gia đình. Tò mò, tôi hỏi thêm về nhân vật này thì anh cho biết cô không đẹp nhưng rất khéo và có duyên ngầm, đang khiến anh mê mệt. Để chấm dứt thắc mắc của thằng em, anh cười mủm mỉm thốt lên câu tiếng Tây hầu như ở sẵn cửa miệng những ai đang bước vào cuộc tình báo trước không êm thấm: "Le coeur à des raisons que le raison ne connait pas!" - Con tim có lý lẽ riêng mà lý trí không hiểu nổi, Pascal- ý muốn biện minh cho tình cảm của mình, một điều mà có lẽ anh cần phải giãi bày với bố mẹ tôi thì đúng hơn!

Khi ấy, tôi còn trẻ, lại có chút máu nghệ sĩ tơ lơ mơ và ngây ngô nên tình duyên của anh Vinh không làm tôi quan tâm. Là anh lớn, học giỏi và thông minh, tôi đinh ninh tương lai anh tất nhiên phải tươi sáng, nhất là trong cái xã hội coi trọng bằng cấp thời ấy.

Rồi, tôi không nhớ rõ dịp nào tôi gặp người chị dâu lần đầu, ấy thế nhưng ngược lại, tâm trí tôi khắc sâu hình ảnh chị. Tôi nhớ chị có nước da rất trắng, dáng vẻ đài các với khuôn mặt đầy đặn, đôi mắt hơi mọng nhưng tinh anh và khi nói, giọng chị ngọt ngào, trầm bổng như tiếng chim. Vóc vạc chị hơi đẫy đà, toát ra sức sống của người phụ nữ khỏe mạnh, tương phản với dáng mảnh khảnh thư sinh của anh Vinh. Trong trang phục sang trọng của giới thượng lưu, trông chị có phong cách của một mệnh phụ phúc hậu, đằm thắm và thu hút. Xuất hiện giữa đám đông, chị trở thành trọng tâm thu hút sự chú ý của mọi người nhờ tiếng nói hơn là nhan sắc. Thành thạo hai sinh ngữ Anh - Pháp, khẩu khiếu hoạt bát, giao tế lịch thiệp nên mặc dầu chỉ là một cô thư ký sở Mỹ, chị nổi bật vì dáng vẻ từng trải quý phái hơn là cô thiếu nữ biết yêu lần đầu.

Đôi lần đưa chị về nhà, anh Vinh chỉ ngồi yên lặng và mỉm cười sung sướng trong khi ngắm chị chuyện trò thao thao bất tận. Sau khi thăm hỏi ông bà cụ đủ lễ bộ, họ rủ nhau đi ăn, đi ciné hay đi nghe nhạc sống, toàn những chỗ giải trí của giới thượng lưu ngoài tầm với của thằng em là tôi lúc đó chẳng có một thứ gì để anh chị phải quan tâm.
Muốn về làm dâu nhà tôi, chị thừa khôn ngoan để hiểu rằng chị chỉ cần mua chuộc những nhân vật có ảnh hưởng đến việc ấy, cắc ké cỡ tôi là ngoài danh sách.
Một hôm bà cụ chợt hỏi tôi: "Sao mẹ không thấy con đi ăn uống ngoài với anh Vinh và cô Lan? Con ngại đi chơi chung bộ ba, thừa con à?" Tôi thành thực trả lời cụ: “Thưa mẹ, anh chị có bao giờ gọi con đâu!” Nghe vậy, bà suy nghĩ giây lát rồi thở dài, vẫn bênh cậu cả chầm chập: "Anh Vinh là đàn ông con trai, tính nết tềnh toàng, không nhớ ra đã đành nhưng cô Lan chưa gì đã đối xử với con như vậy, mẹ thấy không ổn, có vẻ coi thường con quá." Tôi muốn trả lời cụ: “Tại người nhà mình trước mẹ ạ! Con chưa có vai vế gì trong nhà này, chỉ lòng mẹ thương con vô điều kiện thôi!” Nhưng tôi lặng im để chỗ đau như một vết xước nhẹ, không làm chảy máu thêm.

Sau khi chị Hạnh đi du học, tôi lên đường vào quân trường, từ đó ít khi về nhà. Ngày đám cưới anh Vinh, tôi không có mặt vì đã lên Pleiku nhận đơn vị. Khi được phép về Sàigòn, tôi ghé thăm anh ở căn nhà nhỏ bên Tân Định, trông anh mập ra và vui tươi hơn trước, có lẽ nhờ hạnh phúc bên người vợ mới cưới. Hôm đó chị Lan không có nhà, hai anh em được thể chuyện trò rất lâu. Anh than phiền hoàn cảnh chính trị đang bất ổn, nhất là về kinh tế, ngành chuyên môn anh đang phụ trách. Anh tiết lộ tình trạng tài chánh của Việt Nam lúc này hoàn toàn trông cậy vào viện trợ Mỹ, chính yếu là đừng để thất thoát ngoại tệ vì nạn tham nhũng và lãng phí. Chính phủ nên theo gương nước Nhật thời hậu chiến, biết thâu tóm ngoại tệ viện trợ để xây dựng đất nước. Anh hăng say, nói rất nhiều, khiến tôi không nhớ hết ngoại trừ một thí dụ lý thú anh nêu ra làm tôi chú ý: sau Đệ Nhị Thế Chiến, khi lính Mỹ giải giới, Nhật Bản đã quy hoạch cả việc mở quán rượu và những chỗ ăn chơi để thâu tóm đồng đô-la do các GI tiêu xài. Nhờ vậy, họ đã gom thành vốn cho các công trình xây dựng lớn. Anh cũng nói về vụ quỹ tiết kiệm của Quân Đội, được coi là nguồn vốn rất quan trọng để đầu tư cho kinh tế hậu chiến, dự trù tái thiết khi Mỹ rút lui, cắt viện trợ. Tiếc rằng mấy ông tướng tá chịu trách nhiệm về kế hoạch to tát này đã "mượn đầu heo nấu cháo," khi đổ bể thì xù luôn “cơm chim" của lính, lớp người thấp cổ bé miệng, đã nghèo lại mắc eo, không dám hé miệng. Theo anh, nếu dự án được áp dụng một cách đường hoàng thì kết quả đầu tư hẳn đã cho phép chúng ta thực hiện được biết bao điều lợi ích, biết đâu tránh được cảnh phá sản tháng 4 năm 1975?

Lâu ngày mới gặp lại nhau, hai anh em ngồi đến quá giờ cơm chiều vẫn chưa thấy chị Lan về. Tôi rủ anh đi nhậu nhưng ngạc nhiên thấy anh lắc đầu từ chối: "Anh chờ chị về ăn chung. Để anh đưa chú tiền, rủ bạn bè đi vui hơn." Nói xong, anh đi vào phòng lấy tiền cho tôi.

Bữa đó cũng là lần cuối tôi gặp anh. Năm 75, tôi đi tù. Ra tù, về Sàigòn, lo vượt biển, tôi cứ thế trải qua biết bao biến cố. Chín năm sau, tới Mỹ, mới nghe lại giọng nói của anh qua điện thoại từ Pháp gọi sang, rất ngắn gọn, chỉ hỏi thăm nhau vài câu. Lúc đó, lệ phí gọi viễn liên rất đắt, thêm nữa, anh chị em vẫn đinh ninh còn cơ hội một ngày nào gặp lại nhau, không ai có thể ngờ đấy là lần cuối cùng tôi được nghe giọng nói của anh. Ít lâu sau anh đi Galang!


Sau lễ cầu siêu, tôi theo chị Hạnh về căn chung cư của chị ở Créteil, một thành phố nhỏ thuộc ngoại ô Paris, nơi chị ở một mình từ ngày về hưu non, chấp nhận lãnh món tiền hưu trí khiêm nhường để dồn thời giờ vào việc công quả ở chùa và đi du lịch. Cảnh đơn chiếc của chị khiến tôi ngậm ngùi nhưng rồi cố kiếm ra lý lẽ để tự an ủi, cho rằng dù sao chị có tâm hồn bình an, tự tại khi đến với đạo, chọn nếp sống cao đẹp trong việc phụng tự ở chùa K. với nhóm bạn rất đông cùng chí hướng và đùm bọc nhau. Hôm nay, phần lớn khách dự lễ cầu siêu cho anh Vinh là bạn của chị.

Sau một ngày dài bận rộn trên chùa, cả hai chị em đều thấy mệt mỏi nên bảo nhau đi nghỉ. Tuy vậy, một thắc mắc lúc ở chùa không thôi đeo đẳng tôi: đó là cảnh bà đầm đứng tuổi Roseline, bạn của anhVinh, chít khăn tang, cúng bái như người trong tang gia mà tôi không biết là ai? Tôi hỏi chị Hạnh: "Ban nãy em thấy bà Roseline chít khăn tang ở đám ma, chả lẽ bà ta là vợ anh Vinh à?" Quay nhìn tôi, chị mỉm cười: "Ôi, bà ấy mê anh Vinh và tự coi mình là “madame Vinh” thôi! Bà có gia đình chồng con tử tế nhưng cứ đeo đẳng ông anh đào hoa yểu mệnh nhà mình, Tây Đầm mà! Em đi nghỉ đi, ngủ dậy, chị kể em nghe chuyện anh Vinh ở Paris. .."

Trở về căn phòng nhỏ thường ngày là phòng đọc sách của chị Hạnh, nay được trải một tấm nệm cho tôi có chỗ nằm nhưng tôi không sao chợp mắt được. Cái chết bất ngờ khi còn trẻ của người anh ở tuổi 54 làm tôi vừa đau lòng vừa băn khoăn về cuộc sống và cả con người anh nói chung. Thời cuộc và số phận đã chia lìa chúng tôi một thời gian khá lâu, nay tôi chỉ còn trông cậy vào chị Hạnh để tìm hiểu quãng đời sau này của anh vì chị là người duy nhất trong gia đình sống gần anh ở Pháp. Căn chung cư này chị mua từ khi làm công chức thành phố. Lúc trẻ, Hạnh là học sinh giỏi ở Việt-Nam. Qua đây, chị ghi danh học Văn Chương ở Sorbonne. Lấy bằng cử-nhân xong, chị muốn xin đi dạy nhưng vì chưa có chưa quốc tịch và tín chỉ sư phạm, đành phải nhận công việc thư ký quèn tại một hãng tư rồi sau chuyển qua ngành kế toán. Sống độc thân, chị không có nhiều nhu cầu vật chất, bao nhiêu tiền chỉ để dành gửi về cho cha mẹ cho đến khi ông bà qua đời (lúc tôi đang bị tù ở Yên Bái.) Chị là một trong những người về thăm quê hương sớm, từ năm 80, từng lặn lội ra Bắc thăm tôi trong tù nhưng không được gặp, chỉ để lại quà cáp chị đem theo. Có lẽ trải qua nhiều cảnh đời thăng trầm, hứng chịu bao thất vọng và chán nản với nhịp sống bon chen, xô bồ ở Paris, chị tìm tới con đường giải thoát của đạo Phật, toàn tâm toàn ý lao vào việc từ thiện trên chùa và kinh kệ ở nhà, trái ngược với thằng em là tôi cả đời tâm niệm “Đến Paris rồi chết cũng cam!"

Mùi trầm hương từ phòng ngoài nhẹ nhàng lan tỏa đến chỗ tôi nằm, đánh thức tôi dậy sau giấc ngủ trưa. Đi ra phòng khách, tôi thấy chị Hạnh đang lúi húi bày mấy món chay trên bàn thờ Phật, có thêm tấm ảnh anh Vinh với nụ cười ngập ngừng, ánh mắt xa xăm, buồn bã, như thường thấy trên ảnh thờ của người vừa khuất. Chị Hạnh pha trà, chuẩn bị cho câu chuyện chị hứa kể về quãng đời lưu lạc của anh Vinh ở Paris mà chị biết rõ.

Mở đầu, chị nhắc lại thời gian sau hai năm làm việc cho bộ Kinh Tế, anh Vinh nhận được học bổng ngành ngân hàng để qua Luân Đôn tu nghiệp một năm. Từ Luân Đôn, anh tìm cơ hội đi Pháp hai lần, vừa để thăm em gái, vừa du lịch Paris cho thỏa lòng khao khát bấy lâu. Áp dụng kinh nghiệm hàm thụ qua sách vở, anh lùng sục mọi ngõ ngách Paris, chỗ nào bán bánh mì ngon, chỗ nào có quán ăn rẻ tiền cho du khách, chỗ nào là quán cà phê trước kia Jean Paul Sartre từng ngồi nói chuyện triết lý với Simone de Beauvoir. Anh thổ lộ với em gái là khi xong khóa tu nghiệp, anh sẽ trốn qua đây sinh sống luôn, không về lại Việt Nam nữa, đoán là sau cuộc đàm phán đang diễn ra ở Paris, Mỹ sẽ bỏ Việt Nam như Pháp đã cuốn cờ ở thời điểm năm 54. Hạnh thắc mắc hỏi về chị Lan còn đang ở Sài-gòn thì sao, anh Vinh cười, trả lời với vẻ tự tin: "Lan đã biết ý định của anh nên sẽ bán nhà, chạy passport xuất ngoại qua đây sau khi anh học xong. Lan xoay sở rất giỏi, anh nghĩ là chị ấy sẽ thành công như dự tính."

Năm đó, Hạnh ở thuê một căn hộ rẻ tiền hai phòng ngủ trong Quận 11. Và, sau khóa tu nghiệp bên Anh, Vinh trốn qua Paris ở tạm với em gái trong khi chờ xin việc, đi làm, dành dụm tiền dọn ra để đón Lan sang đoàn tụ. Cả năm chờ đợi giấy tờ di trú, Vinh ghi danh học về ngân hàng và bắt đầu la cà khu La Tinh, gần trường Sorbonne. Vốn thông thạo tiếng Tây, anh học dễ dàng và làm quen nhiều bạn, phần đông là mấy cô Đầm non hơn là lũ Tây con. Quả nhiên, như Vinh tiên đoán, chỉ vài tháng sau Lan bay qua Paris. Ngày đón Lan về, bước vào nhà, nhìn căn phòng bé nhỏ, nàng buột miệng than liền: “Phòng gì mà bé tí teo, chỉ đủ kê cái giường ngủ. Chắc tụi mình phải kiếm chỗ ở lớn hơn thôi!" Nghe vợ chê, Vinh ngạc nhiên nhưng không nói gì. Thực sự, anh chưa hề lưu ý đến chi tiết này. Đối với anh, chuyện nhà cửa không đáng kể, quan trọng là được sống dưới bầu trời Paris, tận hưởng khung cảnh lãng mạn của thành phố mà những khi đi lang thang, anh mới thấy mình có nhiều khám phá thú vị. Vinh mơ mộng bao nhiêu thì Lan thực tế bấy nhiêu, hai tính tình rất khác biệt liệu có bù đắp cho nhau hay chị sẽ phải vất vả níu kéo anh trong cuộc sống trưởng giả mà chị mong muốn, không biết êm ấm được bao lâu? Dù sao, thoạt tiên chị cũng chiều ý anh. Với số tiền bán tài sản mang theo, hai vợ chồng tiêu xài rộng rãi như đang hưởng tuần trăng mật mà, nghĩ cho cùng, sau đám cưới cho tới nay, họ vẫn chưa được nếm trải. Chị tin là anh sẽ kiếm được việc làm rồi mọi sự sẽ đâu vào đó, nghĩa là họ sẽ có lại cuộc sống phong lưu, trưởng giả, mà chị đã quen xưa nay: villa, xe hơi, lâu lâu đi nghỉ hè, du lịch thỏa thích như tài tử trong các phim ciné...

Lan xuất thân từ một gia đình công chức nghèo, ông bố làm thư ký sở Bưu Điện, giản dị và an phận, thiếu cả tự tin lẫn khả năng. Và, như phần đông những ông cha không thành đạt, hầu như suốt đời chịu đựng cảnh chợ chiều leo lét, ông trông mong vào những đứa con đỗ đạt, thành danh, muốn thấy chúng thay mình thực hiện những ước mơ không thỏa. Thực tế trước mắt, ông may mắn nhờ vào tài buôn bán tảo tần của bà mẹ đàn con ấy nên cuộc sống gia đình khấm khá. Cũng do sự quán xuyến và tài giao thiệp khôn khéo của bà, Lan được đi học trường Đầm. Mỗi lần đến chơi nhà bạn học cùng lớp, chứng kiến cảnh giàu sang của gia đình chúng, tuy còn bé nhưng Lan ý thức rõ khoảng cách xã hội giữa hai nơi và cảm thấy tủi hổ cảnh túng nghèo của cha mẹ với căn nhà xiêu vẹo ở cư xá công chức đường Phan Kế Bính. Nàng tự hứa bằng mọi giá, sẽ không để cái nghèo đeo đuổi mình nữa. Nàng mường tượng cuộc đời mình sẽ sung túc và để đạt được quyết tâm ấy, cho dù có phải làm điều gì trái với lẽ thường, nàng sẽ vượt qua không nề hà.

Lớn lên vào giai đoạn lịch sử Mỹ bắt đầu vào Việt-Nam thay thế cho Pháp, Lan nhanh trí nhận ra con đường tiến thân là phải học tiếng Anh. Sẵn có năng khiếu về sinh ngữ, Lan nói năng thành thạo và xin được việc làm ở Phòng Thông Tin Hoa Kỳ. Tuy đồng lương sở Mỹ tương đối khá hơn so với công sở Việt-Nam nhưng Lan không hài lòng với nghề thư ký bàn giấy. Lan bắt đầu để tâm làm quen với các xếp lớn, từ đó nàng tiến thân càng nhanh hơn. Lan không đẹp lắm nhưng ăn nói lưu loát, duyên dáng, là đối tượng được nhiều tay Mỹ thèm muốn, săn đón, gạ gẫm, mời đi chơi. Đột nhiên, Lan đem về nhà nhiều tiền, khiến gia đình ngỡ ngàng song không tiện tìm hiểu. Khi ông bố sắp nghỉ hưu, Lan đã có đủ khả năng tài chánh sang được căn nhà trệt ở Tân Định cho ông bà cụ có nơi dưỡng già. Là người trong cuộc, Lan biết quen mấy tên ngoại quốc chỉ là cơ hội nhất thời, không có gì hứa hẹn lâu dài và nàng phải lập gia đình trước khi tuổi xuân qua đi. Vinh đã tới đúng lúc với đầy đủ điều kiện “ăn tiền”: đẹp trai, hiền hậu, có bằng đại học, quan trọng hơn hết là say mê nàng. Lan nghĩ ngay đến việc chinh phục con nai vàng ngơ ngác này và nắm đầu anh để sai khiến. Tuy nhiên, tấm mề đay nào cũng có mặt trái, chỉ là Lan tự tin quá nên bỏ qua, không nhìn. Vinh có nhiều ưu điểm song cũng nhiều khuyết điểm: nghệ sĩ, lười kiếm tiền, nghiện thuốc lá nặng và uống rượu như hũ chìm.

Buổi sáng, Hạnh rời nhà lấy Métro đi làm sớm trong khi hai vợ chồng Vinh vẫn còn ngủ. Họ dậy trễ, mệt mỏi sau cả ngày hôm trước lang thang khắp Paris, bát phố là chính, ăn uống chỉ qua loa rồi lại bát phố tiếp. Paris đã vào Thu nhưng năm đó trời vẫn chưa lạnh, khí hậu mát mẻ như Đà Lạt dù ngoài đường lá đã đổi màu, rơi lác đác…Tuy vậy, đây là cơ hội để Lan khoe chiếc áo dạ mới mua mang từ Việt-Nam qua dù nó khiến nàng trông lạc lõng giữa đám đông, không thích hợp với thời tiết còn ấm áp. Dưới bầu trời trong xanh, lơ lửng vài giải mây vô định, họ cầm tay nhau đi dạo bờ sông Seine. Nhìn qua bên kia, nhà thờ Đức Bà Paris trông cổ kính và đồ sộ. Bên dưới, giòng nước hững hờ phản chiếu ánh nắng bạc, trôi lặng lẽ trong cô đơn. Trong đời, Vinh chưa bao giờ cảm thấy lâng lâng, thư thái và hạnh phúc bằng lúc ấy. Tay trong tay đi bên cạnh người vợ yêu thương dưới bầu trời Paris, giữa cảnh trí thanh bình, an nhàn và sung túc của kinh đô ánh sáng mà đầu óc thanh thản, không lo gì đến ngày mai, không bận tâm chiến tranh hay thế thái nhân tình, còn gì vui sướng hơn? Dọc bờ sông, nhiều đôi tình nhân cũng đi dạo, tình tứ nắm tay nhau, chốc chốc dừng lại ôm nhau dưới một gốc cây, không cần để ý đến xung quanh. Cảnh vật làm Vinh nhớ đến lời của bản nhạc" Sous le ciel de Paris" được nghe đã lâu, khi còn là học sinh, qua giọng hát trữ tình và lẳng lơ của Edith Piaf:

“...Dưới bầu trời Paris
Văng vẳng lời ca
Của bản nhạc vừa sáng tác
Từ đáy lòng một nhạc sĩ trẻ
Riêng cho mấy đôi tình nhân đang dạo phố
Ngập lòng hân hoan
Theo điệu ca dành riêng cho họ...”



Đến gần cầu Pont Neuf, Vinh dìu Lan leo các bực thang để băng qua cầu, đi theo hướng đến Nhà Thờ Đức Bà. Trên này xe cộ tấp nập, ồn ào, quay cuồng, khác hẳn dưới bờ song. Hai người như đi lạc vào một thế giới khác, không còn thơ mộng, vắng vẻ, yên tĩnh mà xô bồ, huyên náo, với những cửa hàng thương mại dọc bờ sông. Dừng lại ở chân cầu, ngoái nhìn lên một tòa cao ốc, Vinh kể cho Lan nghe: "Này em, trăm năm trước, tầng dưới căn nhà này là quán cà phê, chỗ la cà tụ họp của mấy ông họa sĩ phái hiện thực thời đó. Renoir đã thuê một phòng khách sạn trên ấy đúng một ngày vì không đủ tiền thuê lâu hơn nữa, để vẽ bức tranh nổi tiếng về cầu Pont Neuf này. Hình như ông còn bắt đứa em trai đứng ở giữa đường chặn xe ngựa để ông từ trên cao nhìn xuống vẽ. Bây giờ, quán cà-phê không còn nữa mà thay vào toàn là cơ sở hay văn phòng thương mại. Chán quá, bao nhiêu vẻ thơ mộng của Paris đã mất theo." Ngước nhìn lên, Lan chỉ thấy tòa nhà cao sừng sững, không có gì khác lạ. Câu chuyện Vinh say sưa kể, xem ra đâu có gì đặc biệt? Nàng nghĩ thầm trong bụng: “ Chỉ có ông họa sĩ nghèo mà sao Vinh quan trọng và tiếc nuối thế?” Chàng mê man Paris bao nhiêu thì Lan thờ ơ bấy nhiêu. Trong mắt nàng, Paris chỉ đơn thuần là một thành phố tây phương như bao nơi khác, đông đầy người và xe cộ, ồn ào, bẩn thỉu! Có lẽ từ nhỏ, qua sách giáo khoa, xem những bức hình cảnh đồng quê nước Pháp, thanh bình và êm ả, Vinh đâm ra bị ám ảnh cho đến khi khôn lớn? Hay là lối sống tự do, lôi cuốn của Tây Phương phù hợp với tính tình phóng khoáng của Vinh, ngấm vào tâm khảm chàng từ lúc nào không hay, như bếp than tuy tàn lửa nhưng vẫn âm ỉ nóng, bây giờ chợt bùng lên?

Sau khi tạt qua thăm nhà thờ, hai người thấy đói nên tản bộ qua cầu, trở lại bên Tả Ngạn để vào khu St Germain- des- Prés kiếm tiệm ăn. Đi loanh quanh ngoài đường lớn không thấy có nhà hàng nào vừa túi tiền, họ rẽ vào một con hẻm ngập du khách, thấy một tiệm nhỏ bày bàn bên rìa đường và đang đông khách. Họ bước vào và gọi vài món Pháp. Yên chỗ rồi họ mới nhận ra ông chủ tiệm là một tay"rệp" mặt mũi dữ tợn và láu cá, chỉ quảng cáo gạ gẫm những món đắt tiền. Bữa ăn miễn cưỡng ngay giữa lòng Paris vừa đắt, vừa nhạt nhẽo, làm họ thất vọng. Riêng với Vinh, hương vị hôm nay kém xa nhà hàng Duy Ban ở khu Đakao, Saigon ngày xưa. Ra về, đi một quãng khá dài vẫn chưa thấy trạm metro, Lan chán nản đề nghị kiếm chỗ ngồi nghỉ mệt vì đôi giày bốt cao gót mới mua làm nàng đau chân.
Tuần trăng mật qua nhanh, nhường chỗ cho thực tế cuộc sống xồng xộc kéo đến, đầy đen tối. Không có giấy tờ di trú, chưa kiếm được việc làm chính thức, tiền Lan mang theo đã gần cạn nhưng Vinh chỉ mải mê uống rượu và kéo nàng đi chơi Paris, dù lúc này lang thang nhiều hơn là vào tiệm ăn. Với đầu óc thực tế, Lan lập tức xoay ra làm chả giò ở nhà và đem bỏ mối cho các nhà hàng khu chợ Tàu. Công việc cực nhọc mà lợi tức chẳng bao nhiêu, thêm căn nhà vốn đã chật nay lại càng trở nên bừa bộn, không khí sặc sụa mùi dầu chiên khét lẹt, rất khó chịu! Vinh thấy vợ lăn sả vào kiếm tiền nên cũng biết thân, cố kiếm một chân làm chui lãnh tiền mặt, lau chùi, dọn dẹp, cho một tiệm mổ gà vịt của người Hoa ở Quận 13. Vào đến chỗ làm, mùi hôi tanh của thịt sống xộc lên đầu không tài nào chịu nổi, anh cúi gập người lại và lấy tay bụm miệng vì sắp nôn ọe, khiến ông chủ phải cho anh nghỉ việc ngay ngày đầu. Từ đó, anh chỉ còn biết chú tâm vào việc học cho xong khóa huấn luyện về ngân hàng, vợ chồng ít nói chuyện với nhau vì đâu còn thời giờ nữa? Về phần Lan, sau một ngày lam lũ, tối đến Lan đi ngủ sớm để mặc Vinh ngồi học đến khuya.

Năm sau Vinh tốt nghiệp, cùng lúc giấy tờ di trú hoàn tất, họ lập tức đi xin việc. Cả hai cùng vác đơn đến một ngân hàng lớn, Lan được thu nhận vào vị trí tiếp khách hàng (bank teller) nhưng Vinh thì, mỉa mai thay, bị từ chối vì không có kinh nghiệm! Chán nản,Vinh quyết tâm học nữa. Lần này, chàng đổi sang ngành tâm lý xã hội. Nhờ thông minh, anh xong Cao Học trong vòng một năm. Trong thời gian đó, với một đầu lương khiêm nhường nhưng ổn định, họ vững bụng hơn phần nào song vẫn phải chi tiêu dè xẻn theo bản tính lo xa của Lan. Vinh tính quen tiêu xài rộng rãi nhưng trái với vợ, khi lâm hoàn cảnh thiếu thốn thì anh không để mình bị ảnh hưởng và khó chịu như vợ. Lan thích giao du với giới quyền quý nên chú trọng bề ngoài và nhiều nhu cầu sắm sửa. Ngược lại, Vinh gần gũi thoải mái với giới bình dân hơn giới trưởng giả. Chàng không câu nệ học thức hay giàu nghèo, sang hèn, anh quen đủ hạng người trong xã hội và thường kết bạn dễ dàng với những phận người hẩm hiu. Vinh luôn quan niệm đức tính đáng quý ở một người là có lý tưởng chứ không phải nhiều tiền hay bằng cấp, khoa bảng.

Mùa Xuân ở đây đẹp quá! Thời tiết, khung cảnh thiên nhiên thơ mộng làm dịu đi nỗi nhớ nhà của kẻ tha hương. Thế nhưng khi trời trở rét, nhất là mùa Đông lạnh cắt da, dù đi ngoài đường ấm hơi người qua lại nhưng lòng Vinh vẫn băng giá, nhớ quê hương, nhớ Sàigòn nóng bức và thân quen, thành phố của mình một thời chứa chan hy vọng. Giờ đây, Paris với người lữ khách lạc loài, sao mà xa lạ và lạnh lùng. Cuộc sống thiếu thốn ở nơi phồn hoa đô hội ảnh hưởng đến Lan nhiều hơn Vinh. Chàng cảm thấy mủi lòng khi tay không với tới Trời, nhìn vợ hàng ngày đọc báo tìm chỗ bán hàng hạ giá để chắt chiu từng đồng bạc chi ra. Bản thân Vinh, chỉ cần có điếu thuốc lá trên môi và mỗi tối vài chai bia hay một chai vang đỏ là bằng lòng rồi, không đòi hỏi gì hơn.

Năm sau, Vinh tốt nghiệp khoa Tâm Lý Xã Hội với thứ hạng cao và chàng xin được việc làm bán thời gian tại hội thiện nguyện H. Dù chỉ lãnh nửa lương, chàng vẫn làm việc cả ngày, tối về đến nhà thì Lan và Hạnh đã đi ngủ. Quen thức khuya, Vinh rót rượu uống một mình, để hơi men, khói thuốc và sự tĩnh mịch xung quanh lâng lâng thấm vào lòng. Có khi khói thuốc theo gió thoảng đến chỗ Lan ngủ, đánh thức nàng dậy. Hai người trao đổi vài ba câu chuyện vu vơ và chỉ một chốc Lan lại buồn ngủ nên vào giường trước chồng.
Là nhân chứng bất đắc dĩ của cuộc sống chung giữa Vinh và Lan, Hạnh không thể nhớ rõ từ lúc nào thì tình cảm của Lan bắt đầu thay đổi vì chẳng bao giờ Hạnh nghe anh chị lớn tiếng với nhau.

Sau lưng Hạnh, nhiều đêm, Lan nhỏ nhẹ khuyên Vinh nên bỏ thuốc lá và bớt uống rượu vì nàng muốn có đứa con. Anh yên lặng ngồi nhìn vợ một lúc, có lẽ để cân nhắc mọi khả năng, rồi than thở một cách tệ hại: "Khổ quá Lan ơi, anh đã thử nhiều lần mà không bỏ được. Nhiều người nghiện nói bỏ vợ thì được chứ thuốc lá thì chịu thua. Anh thấy rất chí lý." Nói xong, anh lảng ngay sang chuyện khác, biết mình không kham nổi sự thật. Thực tế là chính anh đang mượn rượu và thuốc lá để quên đi phiền muộn. Thiếu những thú tiêu khiển giản dị này, anh tự hỏi đời còn gì đáng sống nữa? Điều đáng tiếc là anh không chia sẻ được với vợ mong ước chính đáng của nàng muốn có một đứa con mà vin vào nỗi lo sợ cũng chính đáng của cả hai trong hoàn cảnh túng thiếu và cuộc sống bấp bênh hiện nay, liệu có nên sinh con không? Chưa kể Lan thường nhắc lại với chồng chuyện người chú họ của nàng ở Việt-Nam, cả đời hút thuốc lá rồi bị ung thư phổi ở tuổi mới ngoài năm mươi. Trên giường bệnh, lúc sắp chết, ông thổ lộ: "Chú không ân hận gì cả vì thuốc lá đã mang lại cho chú bao vui thú. Nếu bỏ thuốc, có thêm được vài năm sống buồn tẻ thì sống để làm gì?" Biết tâm lý người nghiện, nghĩ có thể Vinh cũng quan niệm như ông chú này hoặc thậm chí chàng không có đủ nghị lực để bỏ, nàng không mảy may cảm thấy buồn giận Vinh vì đã từ lâu, Lan ý thức tình cảm của mình đối với chồng dường như đã chuyển sang tình bạn, lắm khi nàng còn coi Vinh như đứa em trai cần sự bảo bọc. Thỉnh thoảng mỗi khi có dịp, Vinh bắt đầu nghe vợ nói về ông xếp của nàng ở sở. Chưa có dấu hiệu rõ rệt nào cho thấy Lan có cảm tình đặc biệt với ông ta nhưng trí thông minh bình thường của một người đàn ông báo cho Vinh biết gió đã xoay chiều. Vinh hiểu và chấp nhận. Có lẽ cuộc sống thiếu sinh khí bấy lâu của hai vợ chồng mà chàng không bận tâm sửa, không biết làm sao để sửa, đã làm chàng quá mệt mỏi để có phản ứng. Cũng có lẽ Vinh biết mọi sự đã thật trôi xa khỏi tầm tay, đã thật muộn màng và không còn gì thay đổi được lòng vợ nên đành phó mặc giòng đời đưa đẩy tiếp, tới đâu là do số phận thôi! Cuộc chia ly nào cũng âm thầm, buồn bã như thơ của Prevert: “Nhưng ...cuộc đời ...chia cách lặng lẽ những kẻ yêu nhau... không một tiếng động..."

Dầu sao, họ cùng gắng gượng thêm một thời gian nữa. Ngoài giờ đi làm, Vinh ngồi nhà hút thuốc, uống rượu chát rẻ tiền mười đồng quan một chai. Còn Lan, hàng ngày hết vật lộn với những con số: tiền nhà, tiền ăn, tiền gửi về giúp gia đình còn kẹt lại quê nhà sau 1975, lại bận rộn với việc tìm kiếm chỗ nào bán quần áo hạ giá để mua mặc đi làm cho tươm tất như tụi đầm.

Đầu thập niên 80, tình hình bên nhà trở nên rối ren: cuộc chiến lan rộng sang Miên và phong trào bỏ nước ra đi ngày càng ồ ạt. Pháp mở cửa đón nhận thêm nhiều đợt thuyền nhân tị nạn nên cơ quan của Vinh trở nên bận rộn, chàng được chuyển sang quy chế nhân viên toàn thời gian. Buổi tối, sau bữa cơm, ba anh chị em thường quây quần bên đài truyền hình để theo dõi tin tức. Đêm hôm đó, Hạnh cảm giác có điều gì khác lạ, không khí trong phòng chùng xuống, nặng nề, không phải vì tin xấu đang xảy ra cho nhiều thuyền nhân hay cảnh đói rách ở quê hương mà là những gì đang xẩy ra tại đây, ngay trong căn phòng khách nhỏ bỗng trở nên u uất này. Chốc chốc Lan liếc nhìn cái đồng hồ treo tường, vẻ bồn chồn. Riêng Vinh thì vẫn mơ màng, điếu thuốc lá không rời tay và ly rượu bỏ dở trên bàn. Cuối cùng, khi chương trình tin tức chấm dứt, Lan đứng lên tắt máy truyền hình xong ngồi xuống, nhìn Vinh và lên tiếng nhắc: "Anh nói cho Hạnh biết đi...Nên cho cô biết càng sớm càng tốt." Vinh nhìn em gái, vẻ mặt bình thường nhưng giọng nói run rẩy: "Hạnh ơi, anh và chị Lan quyết định chia tay..Kiếm được chỗ thuê khác, Lan sẽ dọn ra. Anh vẫn sẽ ở đây với em, cho vui ...Đây là ý định chung của hai người và tụi này vẫn sẽ là bạn." Nghe nói, Hạnh sửng sốt. Anh Vinh nói “cho vui” nhưng Hạnh nghe chua chát giùm anh. Ngại nhìn vào đôi mắt sẽ nói nhiều điều bẽ bàng của Vinh nhưng Hạnh không cưỡng được nỗi lo lắng muốn biết tâm trạng của ông anh trong phút giây định mệnh này nên nàng hướng mắt về phía anh. Vinh ngồi yên, như pho tượng. Pho tượng yên lặng ấy cứ lớn dần ra, choáng hết căn phòng, làm Hạnh ngộp thở, hai tay ôm lấy ngực.

Một lúc khá lâu, Vinh uể oải đứng dậy và nói thong thả: "Thôi, hai cô đi ngủ trước đi. Anh xem tiếp ti-vi rồi ngủ sau." Lan và Hạnh cùng đứng dậy. Bước đi được vài bước, Lan dừng lại, nói nốt với Hạnh câu gì nàng quên hay vừa sực nhớ ra: "Tụi này đã bàn với nhau nhiều rồi mới quyết định như vậy Hạnh ạ! Nếu đàng nào cũng xảy ra, thà bây giờ hơn là lâu về sau, lỡ vướng mắc con cái. Chị muốn cám ơn Hạnh đã lo lắng cho chị từ khi qua đây, chúng mình mãi mãi là bạn nhé! Chị đã có chỗ ở rồi, sẽ dọn ra cuối tuần này."

Chiều thứ sáu đi làm về, Hạnh thấy nhà trống hoác. Lan dọn ra mà không chờ đến cuối tuần như đã hẹn. Từ đó, Vinh cũng ít về nhà ăn cơm tối với em, lấy cớ không thích ăn chay. Hạnh để ý quan sát, thấy Vinh không tỏ lộ vẻ gì khổ sở của người đàn ông bị vợ bỏ. Hạnh thầm xót xa anh nhưng yên tâm tự nhủ chắc nhờ rượu và thuốc lá, anh mình có nơi trú ẩn an toàn trong tình cảnh ngang trái không ai học được chữ ngờ này.

Bão tố quét qua đời người nhưng bầu trời Paris vẫn đẹp như từ ngàn năm qua. Dòng sông Seine vẫn êm đềm trôi, vẫn ái ngại làm chứng cho các đôi tình nhân soi bóng bên nhau trên dòng nước lung linh đổi thay lặng lẽ từng giờ. Cuộc sống nhân loại khắp nơi vẫn tiếp diễn, lẫn lộn hạnh phúc và khổ đau chẳng khác mấy với đĩa xà lách trộn dầu dấm nhiều màu sắc và thơm ngon trong các tiệm ăn thanh lịch của Paris hoa lệ.
Đôi khi tan sở, Vinh không về nhà ngay mà tản bộ dọc bờ sông ngắm nhìn cảnh cũ, đếm từng bước chân ngập ngừng nhớ đến người xưa. Nỗi buồn từ con tim chất chứa cô đơn như một làn hương nhẹ nhàng lan tỏa, làm dịu mát tâm hồn chàng trong thoáng giây quay nhìn quá khứ. Vinh hiểu Lan không chịu nổi cuộc sống bạt mạng, bất cần, nhuốm chất nghệ sĩ của mình, càng thông cảm hơn khi xa nhau nàng không một lần trách móc chàng vì đã không thể mang đến cho nàng cuộc sống ổn định như ao ước đơn sơ của nàng. Rồi Vinh tự an ủi một cách lười biếng với ý nghĩ nay Lan đã có niềm vui mới bên anh chồng Tây vừa giàu có, vừa chiều chuộng nàng hơn chàng. Hóa ra, triết lý “ta cứ yên tâm sống, rồi ai cũng sẽ có phần” đã được cuộc đời của Lan chứng nghiệm? Cái triết lý cầu âu, dở hơi, mà Vinh sung sướng tưởng như chính chàng khám phá ra đó đưa chàng đi tới chỗ bất thường khi Hạnh biết anh mình vẫn thỉnh thoảng ghé thăm người vợ cũ, thậm chí đi chơi bộ ba với cả ông chồng Tây của Lan, khiến bạn hữu xì xào đàm tiếu. Tình yêu khiến anh vượt qua tự ái thường tình hay anh suy nghĩ gì? Có Trời mà biết!

Những năm sau đó, khi nhiều thuyền nhân đến được các trại ty nạn ở vùng biển Đông, cơ quan từ thiện H. có thêm ngân khoản từ chính phủ Pháp nên họ tuyển dụng thêm nhân viên, trong số này có bà Roseline, được chỉ định làm việc dưới quyền Vinh. Lần đầu gặp nhau, Vinh không có một ấn tượng gì về người phụ nữ mà nếu có gặp ngoài đường, chắc chắn bà cũng chìm trong đám đông rồi bị quên đi. Roseline không già, cũng không còn trẻ, khoảng gần năm mươi và chỉ kém Vinh vài tuổi. Bà trông gầy nhưng thân hình săn chắc, khỏe mạnh, dáng dấp nhanh nhẹn. Sống mũi cao, khuôn mặt chữ điền phảng phất nam tính nhưng khi bà mở miệng thì giọng nói nghe reo vui, tươi tắn và thánh thót như tiếng hát. Tốt nghiệp sư phạm, bà từng dạy tiếng Pháp cho các học sinh ngoại quốc ở ngoại ô Paris. Bà thích gần gũi người Á Đông, mê nhất thức ăn Việt-Nam mà theo bà là ngon nhất thế giới vì gồm đầy đủ các thành phần trong một món ăn: chất tươi ở rau sống, chất bột ở cơm, chất đạm ở thịt cá. Có chồng và hai con đã vào Đại học, Roseline không vướng bận gia đình nhiều, say mê làm từ thiện, yêu thích công việc vì nó kích thích lòng trắc ẩn của bà mỗi khi giúp được người khác trong cảnh khốn khó của họ.

Cùng với làn sóng vượt biển lên cao, hoạt động của cơ quan cũng trở nên bận rộn, đòi hỏi Vinh và Roseline phải làm thêm giờ. Nhiều buổi tối, khi Vinh đưa người nữ nhân viên dưới quyền đi bộ một quãng phố để lấy Metro về nhà, cả hai thường ghé vào một quán bistro ăn lót dạ một món nhẹ hay nhâm nhi ly rượu vang. Trên danh nghĩa thì chàng đề nghị đưa nàng về nhưng thực tế, chính nàng chủ động mọi chi tiết, từ việc chọn chỗ, kêu thức ăn, đưa chàng vào bến xe, ân cần và chu đáo hơn một người bạn. Hay nàng nhìn thấy ở Vinh hình ảnh một người tị nạn cô đơn, yếu đuối, đang cần sự săn sóc, phù hợp với bản tính sẵn sàng giúp đỡ của nàng? Đối với Vinh, nàng không những là đồng nghiệp mà dần dần trở thành tri kỷ vì họ hiểu nhau. Lớn lên cùng thời và đều học trường Pháp, cùng thấm nhuần văn hóa Tây Phương. Vinh và Roseline có nhiều điểm tương đồng, dễ dàng chia sẻ tâm sự khác với trước đây anh không bao giờ thổ lộ thoải mái với Lan. Phải chăng do hoàn cảnh đưa đẩy mà họ dễ cảm thông rồi thương nhau? Cuộc gặp gỡ tình cờ không hẹn trước nhưng cứ cho đó là cuộc hẹn hò của đôi tình nhân, khoác lên nó vẻ nên thơ và lãng mạn, như mấy câu thơ mà Vinh từng mê mẩn từ khi còn ở Việt-Nam:

Mùa thu Paris
Trời buốt ra đi
Hẹn em quán nhỏ
Rưng rưng rượu đỏ tràn ly
....
Mùa thu nơi đâu?
Người em mắt nâu
Tóc vàng sợi nhỏ
Mong em chín đỏ trái sầu ...( Mùa Thu Paris, thơ Cung Trầm Tưởng )

Trại tỵ nạn Galang nằm trên một hoang đảo nhỏ thuộc Nam Dương, được xây cất vào đầu năm 1979, bằng tiền của quỹ tỵ nạn Liên Hiệp Quốc. Galang có vị trí thuận tiện do rất gần Singapore, chỉ cách khoảng hai giờ đồng hồ nếu đi bằng tàu biển loại nhỏ, dễ dàng cho việc chuyển người tị nạn đi định cư bằng máy bay đến các nơi trên thế giới. Trại do Cao Ủy Tị Nạn quản trị với sự giúp đỡ của nhiều cơ quan thiện nguyện Quốc Tế, trong đó có cơ quan H. nơi Vinh làm việc. Là người Việt, thông thạo hai sinh ngữ Anh và Pháp, Vinh được điều qua Galang phụ trách công việc dịch thuật cùng các dịch vụ xã hội khác cho thuyền nhân. Đáng lẽ đi một mình, Vinh đề nghị đem theo Roseline, với lý do cần giáo viên dạy tiếng Pháp căn bản cho các thuyền nhân chờ đợi định cư tại các nước nói tiếng Pháp.

Đến Singapore một ngày đầu thu, Vinh và Roseline được người của cơ quan ra đón tại phi trường và đưa về khách sạn nghỉ ngơi.Vừa bước ra khỏi phòng hành khách, cơn nóng nhiệt đới bất ngờ ập tới, rát mặt, không gian như một lò nướng khổng lồ gợi Vinh nhớ ngay đến những mùa hè Sàigòn, con đường Duy Tân cây dài bóng mát chạy qua trường Luật năm nào. Xe chạy trong một thành phố thanh bình, văn minh, sạch sẽ, bỗng làm Vinh chạnh lòng liên tưởng đến quê hương nhung gấm giờ này không còn níu được chân những người dân hạ quyết tâm ra đi, thà chết hơn là sống tủi nhục trong gông xiềng và đói khổ.

Tân Gia Ba là tên Việt, phiên âm từ chữ Hán. Nguyên ngữ, Singapore bắt nguồn từ tiếng Mã cổ, có nghĩa là Thành Phố Sư Tử tuy chẳng ai thấy con sư tử nào ở đảo này bao giờ, có lẽ chỉ có con hổ thì đúng hơn. Mảnh đất này gồm nhiều giống dân sinh sống: thổ dân Mã, người gốc Hoa và kiều dân Ấn. Họ đã cùng nhau dựng lên một quốc gia nhỏ bé, diện tích chỉ bằng với một thành phố lớn song cuộc sống phát triển hài hòa và sinh động dưới đủ màu sắc dân tộc và tôn giáo. Với tính cần cù, óc thực tế, đám người gồm nhiều chủng tộc này đã xây dựng nên một quê hương tiến bộ và sung túc.

Xe chạy qua khu phố Tàu, Vinh ngắm nhìn phố xá đông đúc người qua lại mà cứ ngỡ như đang lạc về Chợ-Lớn năm xưa. Các cửa hàng san sát nhau dưới cả dãy bảng hiệu chữ Tàu màu mè, sặc sỡ, quyện với mùi hương trầm và trái cây chín bày bán ngoài đường, quang cảnh tấp nập, phồn thịnh với người qua lại như nước chảy.

Sau một ngày làm việc ở cơ quan với nhân viên Cao Ủy, Vinh và Roseline lấy xe buýt về lại khách sạn. Họ ở hai phòng cạnh nhau. Đêm hôm sau, do chưa quen giờ giấc thay đổi nên cả hai cùng khó ngủ, họ bèn rủ nhau ra phố. Thấy một nhà hàng điển hình kiểu Trung Hoa, họ vào ăn tô mì và uống vài chai bia. Phố xá ban đêm ở đây vẫn dập dìu người qua lại, đông khách đi chơi, trông nhàn nhã, thanh bình và an toàn hơn cả Ba Lê.

Quá nửa đêm, hai người mới về đến khách sạn. Vinh ngà ngà say nhưng ga lăng như một ông Tây chính cống, chàng mở khóa cửa giùm Roseline rồi ấp úng chúc “Bonne nuit et à demain.” Roseline ngước nhìn Vinh, đôi mắt nâu to long lanh trong ánh sáng mờ ảo của dãy hành lang khách sạn, ánh lên một vẻ âu yếm khác thường. Rồi bất ngờ, nàng nghiêng đầu, chìa má để hứng nụ hôn của anh. Hai khuôn mặt áp gần nhau, thoang thoảng mùi thơm nhẹ nhàng của rượu, của eau de cologne từ tóc nàng tỏa ra êm dịu và cả mùi hơi người ấm áp khiến Vinh ngỡ ngàng, nhận ra bình thường Roseline không hề trang điểm và dùng nước hoa. Chàng chưa kịp trả lời câu hỏi Roseline trang điểm cho mình ư thì đôi tay rắn chắc của nàng đã vươn ra, quấn lẩy cổ chàng, nhẹ nhàng ghì đầu Vinh xuống để môi nàng chạm vào môi anh, nồng nàn như một đóa quỳnh mở ra chờ đón hương đêm ...


Ngày mới đến đảo, nước da Vinh đỏ ửng như con tôm luộc khiến nhiều người lầm tưởng anh là người Nhật Bản làm việc cho Cao Ủy. Chỉ sau một năm sống ở đây, chắc do ăn uống thất thường, cộng thêm tật hút thuốc lá liên tục như cái ống khói nhà máy, sức khỏe Vinh sa sút hẳn. Anh gầy guộc, da sạm đen, ăn mặc lè phè, chân đi dép, áo bỏ ngoài, Vinh giống hệt một thuyền nhân bị kẹt lâu đời ở Galang. Tuy vậy, anh vẫn vui thú với công việc và yêu đời vì luôn có bên cạnh người bạn đồng nghiệp tri kỷ.

Sau bữa cơm chiều với gia đình người bạn vốn là một luật sư chế độ cũ mới vượt thoát đến Galang, khi về tới khu nhà tiền chế dành cho nhân viên, Vinh lên cơn đau bụng dữ dội và tiêu chảy không ngừng. Được đưa vào bệnh xá PMI của trại (Hội Hồng Thập Tự Nam Dương) nhưng sau hai ngày điều trị, Vinh vẫn không thuyên giảm. Roseline lo lắng chuyển Vinh vào nhà thương tối tân hơn ở Singapore. Tại đây, anh được chẩn đoán bị kiết lỵ, một bệnh bình thường rất dễ chữa song có lẽ vì cơ thể anh suy nhược lâu ngày rồi, như căn nhà mục nát không chống chọi nổi nữa, các bác sĩ đành bó tay. Có lẽ cảm nhận mình không qua khỏi, từ giường bệnh anh gọi cho Hạnh, phều phào báo tin và than rất mệt. Có một lúc anh đã khá hẳn lên nhưng rồi hai ngày sau, bệnh lại bất ngờ trở nặng, anh yếu dần như ngọn đèn cạn hết dầu, đôi mắt to không khép kín trên khuôn mặt khô héo, đầu ngoẹo sang một bên, anh thở hơi cuối cùng trong tay Roseline như đứa trẻ trong vòng tay bao dung của mẹ hiền.

Kể đến đây, Hạnh nhìn lên bàn thờ. Cây nhang đã cháy hết, tàn nhang cuốn thành vòng, không chịu rơi. Đứng bật lên, Hạnh khẽ reo: “Anh Vinh về với bọn mình đấy! Trông cây hương cháy kỳ lạ không!” Dù không dễ tin như chị, tự nhiên tôi cảm nhận một cách mơ hồ là tàn tro cong queo của cây hương không quan trọng song ít ra nó tượng trưng cho điều gì khác hơn bình thường, biết đâu không là hương linh của Vinh hiển hiện? Trong cái thế giới thực hư hư thực của loài người, niềm tin cho chúng ta sự xác tín đáng kể, tiếc thay, tôi không được diễm phúc ấy.

Nhớ lại lúc còn ở trên chùa, không có dịp nói chuyện với Roseline, tôi đề nghị với chị Hạnh: “Chị ơi, ngày mai mình mời bà Roseline đi ăn nhé. Em muốn có dịp hàn huyên và cám ơn bà ta đã lo cho anh Vinh lúc nguy khốn nhất.” Đang cầm trên tay đĩa đồ cúng, Hạnh quay đầu trả lời:
“Ồ, trễ rồi em. Ngày mai, Roseline đi với gia đình xuống nghỉ mát ở Côtes D’Azur theo thông lệ hàng năm vì họ có căn nhà ngay bãi biển Saint Maxime.”
Thất vọng, tôi hỏi tiếp: “Chị thấy anh Vinh sau này có hạnh phúc không?”
Hạnh tần ngần nhìn em rồi đáp: “Theo chị, người sung sướng là người biết được mình muốn gì ở đời. Anh Vinh là một người như thế, có can đảm sống theo sở thích riêng và như vậy, anh ấy đã sống trọn vẹn đời mình.”
Tôi ăn bữa cơm chay hôm đó thấy thật ngon miệng. Vài ngày sau tôi bay về Ca-li mà không gặp lại Roseline…

Nhà văn kể xong câu chuyện về người anh ở Pháp thì nắng đã lên cao. Nhìn đồng hồ tay thấy đến giờ đón vợ, người bạn thơ lên tiếng: “Xin chia buồn cùng anh. Đã đến giờ phải đi đón bà xã rồi.”
Hai người cùng đứng dậy, bịn rịn chia tay dưới bầu trời trong xanh, nắng vàng như lụa của California.

Ngọc Cường

Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2025

Thơ Tranh: Xuân Tứ 春思 - Lý Bạch - Dịch Thơ: Con Cò

 

Cổ Thi: Lý Bạch
Dịch Thơ: Con Cò
Thơ Tranh: Kim Oanh

Cà Trù - Tỳ Bà Hành - Thơ: Bạch Cư Dị - Ca Nương: Phạm Thị Huệ

 
 
Tỳ Bà Hành
Thơ: Bạch Cư Dị
Ca Nương: Phạm Thị Huệ

Ngụ Cư Định Tuệ Viện Chi Dông Tạp Hoa Mãn Sơn Hữu Hải Đường 寓居定慧院之東雜花滿山有海棠 - Tô Thức (Chúc Mừng Sinh Nhật 91 Ông Cò)



(Chúc Mừng Sinh Nhật 91 Ông Cò)
 
寓居定慧院之東雜花滿山有海棠 Ngụ Cư Định Tuệ Viện Chi Dông Tạp Hoa Mãn Sơn Hữu Hải Đường  (
Bắc Tống, Liêu )

Tô Thức và em là Tô Triệt là con của Tô Tuân (người đương thời gọi lả Tam Tô: Tô Tuân là văn hào viết văn suôi thời Tống, rất giỏi nuôi con thành tài; Tô Thức và em là Tô Triệt đều là đại thi hào thời Tống)

Tô Thức 蘇軾 (1037-1101) tự Tử Chiêm 子瞻, Hoà Trọng 和仲, hiệu Đông Pha cư sĩ 東坡居士, người đời thường gọi là Tô Đông Pha 蘇東坡, thuỵ Văn Trung 文忠, người My Sơn (nay thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc). Ông từng làm quan Thông phán, Thái thú.

Thái độ của ông rất hào sảng, lạc quan; tuy ông làm quan thăng giáng nhiều lần, song ông không để ý, vẫn ưu du tự tại, đọc sách làm vui, ông là người giàu tình cảm, cho nên phản ánh tới thơ và từ của ông, vừa hào phóng lại vừa tình tứ. Ông có tài nhất trong số bát đại gia của Trung Hoa từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIII, gồm có Hàn Dũ, Liễu Tông Nguyên (thời Đường); Âu Dương Tu, Tô Tuân, Tô Thức, Tô Triệt, Vương An Thạch và Tăng Củng (thời Tống).



Nguyên tác                                         Dịch âm

寓居定慧院之東雜花滿山有海棠 Ngụ cư Định Tuệ viện chi đông tạp hoa mãn sơn hữu hải đường

江城地瘴蕃草木 Giang Thành địa chướng phiền thảo mộc,
只有名花苦幽獨 Chỉ hữu danh hoa khổ u độc.
嫣然一笑竹籬間 Yên nhiên nhất tiếu trúc ly gian,
桃李滿山總粗俗 Đào lý mãn sơn tổng thô tục.
也知造物有深意 Dã tri tạo vật hữu thâm ý,
故遣佳人在空穀 Cố khiển giai nhân tại không cốc.
自然富貴出天姿 Tự nhiên phú quý xuất thiên tư,
不待金盤薦華屋 Bất đãi kim bàn tiến hoa ốc.
朱唇得酒暈生臉 Châu thần đắc tửu vựng sinh kiểm,
翠袖卷紗紅映肉 Thuý tụ quyển sa hồng ánh nhục *
林深霧暗曉光遲 Lâm thâm vụ ám hiểu quang trì,
日暖風輕春睡足 Nhật noãn phong khinh xuân thuỵ túc.
雨中有淚亦凄愴 Vũ trung hữu lệ diệc thê sảng, **
月下無人更清淑 Nguyệt hạ vô nhân cánh thanh thục. ***
先生食飽無一事 Tiên sinh thực bão vô nhất sự,
散步逍遙自捫腹 Tán bộ tiêu dao tự môn phúc.
不問人家與僧捨 Bất vấn nhân gia dữ tăng xá,
拄杖敲門看修竹 Trụ trượng xao môn khán tu trúc.
忽逢絕艷照衰朽 Hốt phùng tuyệt diễm chiếu suy hủ,
嘆息無言揩病目 Thán tức vô ngôn khai bệnh mục.
陋邦何處得此花 Lậu bang hà xứ đắc thử hoa,
無乃好事移西蜀 Vô nãi hảo sự di Tây Thục.
寸根千里不易到 Thốn căn thiên lý bất dị đáo,
銜子飛來定鴻鵠 Hàm tử phi lai định hồng hộc.
天涯流落俱可念 Thiên nhai lưu lạc câu khả niệm,
為飲一樽歌此曲 Vị ẩm nhất tôn ca thử khúc.
明朝酒醒還獨來 Minh triêu tửu tỉnh hoàn độc lai,
雪落紛紛哪忍觸 Tuyết lạc phân phân na nhẫn xúc. ****.

Chú giải

蕃 phiền, phồn: sinh sôi, nảy nở, um tùm.
嫣然 yên nhiên: nhởn nhơ.
故 cố: một nghĩa là cố ý.
故遣佳人在空穀 Cố khiển giai nhân tại không cốc. Cố tình khiến giai nhân lạc vào cốc hư ảo này. ÔC sẽ dịch là: Lạc vào hang sâu một giai nhân.
日暖 nhật noãn: ngày ấm áp; ỐC sẽ dịch là trời ấm áp.
無人 vô nhân: không người, ÔC sẽ dịch là vắng người.
更 canh, cánh: thêm, càng.
清淑 thanh thục: thanh nhã, yểu điệu, cao sang.
更清淑 cánh thanh thục: càng diễm lệ.
先生 tiên sinh: chỉ tác giả.
無一事 vô nhất sự: không một sự; ÔC sẽ dịch là rảnh rỗi.
捫 môn: vỗ, sờ.
腹 phúc: bụng.
捫腹 môn phúc: vỗ bụng
衰 suy: suy kém, trái lại với chữ thịnh.
朽 hủ: (gỗ) mục.
忽逢絕艷照衰朽 Hốt phùng tuyệt diễm chiếu suy hủ: bỗng gặp vẻ kiều diễm óng ánh trên gỗ mục (ý nói: Bỗng thấy một vẻ kiều diễm bừng lên giữa hàng giậu đổ nát). ÔC sẽ dịch là: Bỗng thấy diễm kiều giữa nát mục,
陋邦 lậu bang: (đất) xấu xí.
陋邦何處得此花 Lậu bang hà xứ đắc thử hoa: ở đất xấu xí này sao lại có được thứ hoa kia? ỐC sẽ dịch sẽ là: Đất quê sao lại có hoa này,
寸 thốn: tấc (đơn vị đo chiều dài).
根 căn: rễ cây.
易 dị: dễ dàng.
到 đáo: đến, tới.
寸根千里不易到 Thốn căn thiên lý bất dị đáo: ngàn dặm không dễ dàng đem rễ cây tới đây. ÔC sẽ dịch là: Ngàn dặm dễ gì bứng rễ cây?
朱唇得酒暈生臉 Châu thần đắc tửu vựng sinh kiểm, (Nụ hoa thắm tươi như say men rượu ửng hồng đôi má). ÔC sẽ dịch là: Nụ hoa ửng hồng như say rượu,
翠袖卷紗紅映肉 Thuý tụ quyển sa hồng ánh nhục. (Tàn lá như cánh tay áo lụa xanh vén lên để lộ thịt da màu hồng).
ÔC sẽ dịch là: Vén áo “lá-xanh” khoe thịt hông *.
雨中有淚亦凄愴 Vũ trung hữu lệ diệc thê sảng, (Trong mưa những giọt lệ trên hoa như vương sầu muộn), ÔC sẽ dịch là: Trong mưa sầu long lanh giọt lệ.**
月下無人更清淑 Nguyệt hạ vô nhân canh thanh thục. (Dưới trăng, lúc vắng người, trông lại càng yểu điệu cao sang). ÔC sẽ dịch là: Dưới trăng suông kiều diễm cao sang.***
雪落紛紛哪忍觸 Tuyết lạc phân phân na nhẫn xúc. (Thấy tuyết rơi bời bời trên hoa tươi, muốn phủi tuyết đi, nhưng không nỡ đụng đến hoa, sợ hoa rụng). ÔC sẽ dịch sẽ: Tuyết bời bời không dám mó tay.

Dịch nghĩa

Trọ ở viện Định Tuệ, phía đông hoa đủ loại đầy núi, trong đó có hải đường

Đất thành Giang nhiều chướng khí nên có nhiều cây cỏ hoang dại,
Riêng hoa hải đường, nổi tiếng, mọc cô đơn và buồn tẻ ở đó.
(Nhưng) khi nó nhởn nhơ hé cười nơi hàng giậu,
Thì tất cả đào, lý khắp một vùng núi này đều trở thành thô tục.
Thế mới biết tạo vật có ý thâm,
Nên khiến cho loài hoa quý đó giống như gái đẹp lánh mình nơi hang hốc vắng vẻ.
Cốt cách cao sang vốn tự nhiên do trời cho,
Không phải được đặt trên mâm vàng dâng vào nhà sang mới quý.
Nụ hoa tươi như say men rượu ửng lên đôi má,
Tàn lá như cánh tay áo lụa xanh vén lên để lộ thịt da màu hồng của nụ hoa.*
Sương mù đây đặc phủ cả khu rừng nên nắng mai tới trễ,
Trời ấm, gió nhẹ, nên giấc ngủ mùa xuân rất ngon.
Trong cơn mưa những giọt nước đọng long lanh (trên hoa) trông như vương sầu muộn,**
Dưới ánh trăng, lúc vắng người, trông (hoa) lại càng yểu điệu cao sang.***
Tiên sinh (chỉ Tô Thức) ăn một bữa no nê, không bận việc,
Bèn thả bước tiêu dao, tay vỗ vào bụng của mình.
Không cần hỏi đó là nhà của người tục hay của sư tăng,
Chống gậy đến gõ cửa (xin) xem hàng giậu trúc.
Bỗng thấy một vẻ tuyệt diễm bừng lên giữa hàng giậu đổ nát,
Ông bỡ ngỡ, không nói một lời, nhướng con mắt già nua lên, than rằng:
Đất quê sao lại có thứ hoa này?
Há không phải do người hiếu sự mang nó từ đất Tây Thục đến hay sao?
Nhưng rễ của nó không dễ gì mang đi xa xôi như vậy nổi,
Có lẽ chim hồng hay chim hộc ngậm hạt của nó mang đến đây.
Cũng đáng ngậm ngùi cho nó lưu lạc tận ven trời xa xôi này,
Nên vì nó mà (ta) uống một chén và ca một khúc.
Sáng mai, tỉnh rượu, lại đến đây một mình,
Thấy tuyết rơi tơi bời (trên hoa tươi; muốn phủi tuyết đi, nhưng) không nỡ đụng đến hoa (sợ hoa rụng).

(Hoàng Châu, năm Nguyên Phong thứ 3 (1080) đời Tống Thần Tông)

Dịch thơ

Trọ ở viện Định Tuệ, phía đông hoa đủ loại đầy núi, trong đó có hải đường


Thành Giang chướng khí cây hoang mọc,
Riêng hải đường buồn thương cô độc.
Trong hàng giậu khi hoa mỉm cười,
Đào lý khắp vùng thành thô tục.
Mới hay tạo vật có ý thâm:
Lạc vào hang sâu một giai nhân.
Cốt cách hồn nhiên rất cao sang,
Dù không được dâng trên mâm vàng.
Nụ hoa ửng hồng như say rượu,
Vén áo lá-xanh khoe thịt hông. *
Khi sương dầy nắng mai tới trễ,
Ngủ say trong trời ấm xuân nồng.
Trong mưa sầu long lanh giọt lệ. **
Dưới trăng suông kiều diễm cao sang. ***
Tiên sinh nhân no nê rảnh rỗi,
Vỗ bụng tiêu dao dạo bước nhàn.
Không biết nhà thuộc tăng hay tục,
Chống gậy gõ cửa nhìn giậu trúc.
Bỗng thấy diễm kiều giữa nát mục,
Nhướng mắt già nua chợt cảm xúc:
“Đất quê sao lại có hoa này,
Chẳng nhẽ ai mang từ Tây Thục?
Ngàn dặm dễ gì bứng rễ cây,
Hay chim hồng nhả hột xuống đây?
Cảm thương lưu lạc từ chân mây,
Lão uống một ly ca một khúc”.
Mai tỉnh rượu quay lại nơi này,
Tuyết bời bời không dám mó tay.


Lời bàn của Con Cò

Trước tiên hãy nghe một đoạn lời bàn rất thâm sâu trích trong Thi Viện:

“Khi cư ngụ tại chùa Định Tuệ, phía đông chùa có hoa tạp đầy núi, giữa đó chen một cây hải đường. Thổ nhân không biết là quý. Nhân đó, làm bài thơ vịnh hải đường. Thơ ngụ ẩn tình, cốt cách trang nhã của hải đường gây nên nơi ông một cảm hứng tuyệt diệu. Lối thơ này, thường dễ trở thành một đề tài sáo, giả tạo và khoa trương.

Kiểu cách của nó là sao cho đạt đến mức nói riêng vật mà tình ẩn, nói riêng tình mà vật hiện. Nhưng còn phải đợi bàn tay tài hoa phổ vào mới thành tuyệt diệu. Vật trở thành cao quý trong tình ẩn, và người cũng trở thành tao nhã nơi vật hiện. Cái đó là do phong tư tú lệ của tao nhân, tay phàm tục khó mà vươn tới mức. Nó hệ ở chỗ tương ứng của thanh khí lẽ hằng. Cho nên, tiết nhịp của bài thơ không cần sôi nổi lãng mạn mà nguồn cảm hứng rung động sâu xa như là bất tận. Chỗ đó, Kỷ Hiểu Lam phê rằng: “Hoàn toàn nói về hải đường, nhưng tự ngụ ý phong tư tú lệ của mình. Bắt đầu hứng khởi thì thâm trầm vi nhiệm. Nửa chừng thì nở rộ tươi sáng. Lối thơ đó nếu không thực sự là Đông Pha thì không ai làm nổi. Đông Pha nếu không hứng khởi trong một lúc, vị tất đã làm nổi.” (Hết trích)

Sau đây Con Cò xin bàn thêm:

Không thể tưởng tượng được Tô Đông Pha mê hoa hải đường tới mức nào; ông đã từng thức suốt đêm ngồi dưới hải đường đề thơ, coi như nói chuyện với hoa (xin đọc thêm bài LTCD thế kỷ 21 số 977 trong Onedrive).
Bài thơ này tuy dài nhưng giản dị, tự nhiên, lại không có điển tích nên dịch không khó khăn lắm; lo xong phần chú giải là coi như dịch được quá nửa. Tuy nhiên, dịch được cái hồn của nó mới thực khó. Hồn của bài thơ nằm ở đâu? Càng tìm kiếm càng khó thấy vì nó lẩn trốn rất tài; Con Cò đành cứ dịch theo khuôn mẫu của mình: dịch sát nghĩa theo nguyên thể, nắn âm hưởng cho nhuần nhuyễn, tìm ngôn từ cho hồn nhiên, may ra hồn thơ sẽ hiện về…

ÔC chia bài thơ làm 3 đoạn theo ý thơ:

- Đoạn I:

8 câu mở đề trong đó có 2 câu nổi bật, coi hải đường như một giai nhân đi lạc vào khe núi:
Mới hay tạo vật có ý thâm:
Lạc vào hang sâu một “giai nhân”.

- Đoạn II:

6 câu kế tiếp, tả nét diễm lệ của hải đường:
2 câu 9 & 10 diễm lệ vô địch, ví nụ hải đường như một một người đẹp vén áo lên để lộ cái hông nõn nường!
Nụ hoa ửng hồng như say rượu,
Vén áo “lá-xanh” khoe thịt hông. *

Nét diễm lệ của 4 câu sau chỉ thua 2 câu đầu một tí:
Sương dầy khiến nắng mai tới trễ,
Ngủ say trong trời ấm xuân nồng.
Trong mưa sầu long lanh giọt lệ. **
Dưới trăng suông kiều diễm cao sang. **

- Đoạn III:

14 câu chót tả thái độ “vừa hào phóng vừa tình tứ” của họ Tô trước hải đường (một lão trượng chống gậy, ngẩn ngơ ngắm hải đường).

Tô Đông Pha, một mặt đồng hóa hải đường với giai nhân, mặt khác hòa hợp bản ngã với thiên nhiên. Biếm ông tới bất cứ nơi nào ông cũng tìm thấy vẻ đẹp riêng của nơi ấy để vui sống. Triều Đình không thể loại trừ được ông. Thần linh cũng không thể giết được ông. Bời vì sau khi ông chết, tư tưởng của ông vẫn trường cửu muôn đời sau.
 
Con Cò
***
Chúc mừng Sinh Nhật 91 ÔC

Hai chín, đầu xuân, cuối tháng ba,
Ngày Sinh 91 giữa mùa hoa.
Chúc Ông Cò thọ trên trăm tuổi,
Mạnh khỏe an khang hưởng lộc già.

Trọ Ở Viện Đinh Tuệ, Phía Đông Hoa Đủ Loại Đầy Núi, Trong Đó Có Hải Đường.

Giang thành đất xấu thui cây cỏ,
Nổi tiếng loài hoa mai ẩn đó.
Cười cợt nhởn nhơ giữa bụi rào,
Lý đào khắp núi thành thô bỏ.
Mới hay tạo hóa thích làm khó,
Người đẹp cố đưa vào góc xó.
Cốt cách cao sang có tại trời,
Đâu cần mâm quý dâng cao phố.
Nụ hoa tựa má người say đỏ
Áo lá vén da hồng để lộ.
Khí tụ rừng sâu trễ nắng mai,
Giấc xuân ấm áp trời êm gió,
Giọt mưa tựa lệ vấn vương sầu,
Đêm vắng dưới trăng càng điệu bộ.
Ngài dùng bữa thảnh thơi ngon bổ,
Vỗ bụng dong chơi đi tản bộ.
Chẳng hỏi nhà dân hoặc mái Tăng,
Ngắm rào chống gậy tới nơi gõ.
Tuyệt vời chợt thấy trong rào đổ,
Mắt mở to không lời bỡ ngỡ,
Đất xấu vì đâu có loại này,
Sao hoa Tây Thục về đây nở.
Dậm ngàn bứng gốc mang đi khó,
Ngậm hạt chim hồng bay đến bỏ.
Lưu lạc chân trời thật đáng thương.
Nên ca hát chuốc say vì nó.
Sớm mai tỉnh rượu đến một mình,
Lả tả tuyết rơi xua chẳng nỡ.


Mỹ Ngọc phỏng dịch.
July 19/2023

Góp ý của Bát Sách:

Góp Ý Cho Bài NGỤ CƯ ĐỊNH TUỆ VIỆN CHI ĐÔNG TẠP HOA MÃN SƠN HỮU HẢI ĐƯỜNG Của Tô Đông Pha.

Gần tới ngày sinh nhật của mình, ÔC đưa ra một bài vừa dài, vừa trúc trắc, nhiều chữ lạ, rất khó hiểu, và khó dịch. BS vốn lười, đọc tới đọc lui mà rơi nước mắt, tra tự điển lung tung, mãi mới hiểu được ý tác giả. Hiểu rồi mà dịch là cả một vấn đề, nếu giữ vần thì sẽ phải dùng chữ gượng, mà không nói được ý của nguyên bản…. Thôi thì BS dịch thoát, miễn sao nghe được thì thôi.

Các chữ khó:

* Phiền, phồn: nhiều; cây cỏ tốt tươi, xum xuê.
*Khổ: vị đắng; cây rau đắng; lo lắng; đau đớn, nhục nhã; rất, mãi; chuyên cần và mệt nhọc như khổ học, khổ công.
*U: nấp, ẩn ; nhỏ bé ; tối tăm như u cốc; cảnh đẹp như u nhã.
*Độc: một mình, cô độc; đặc biệt; sao vậy? há, sao.
*Yên: xinh đẹp, hòa hợp.
*Nhiên: đốt cháy; vâng chịu; như thế.
*Ly: hàng rào.
*Gian, cũng có âm Gián: chen lấn; chia lìa (ly gián); dò xét (gián điệp) ; hiềm khích, rối loạn.
*Cốc: chữ cuối của câu 6 : có lẽ Thi Viện viết sai? Chữ này có nghĩa là lúa, như ngũ cốc; tốt đẹp; lộc; nuôi dưỡng; mà không phải là cái hang như ý trong thơ.
*Thần: môi.
*Vựng: vòng sáng quanh mặt trời, mặt trăng hay ánh lửa; choáng váng, hoa mắt
*Kiểm: má, sắc mặt.
Câu “ châu thần đắc tửu vựng sinh kiểm “ vô cùng khó hiểu.
*Thuý: mầu xanh biếc.
*Tụ: ống tay áo.
*Quyển: viết theo Thi Viện có nghĩa là sách, bài thi. Chữ Quyển ở đây có nghĩa là cuộn lại, người ta viết thêm bộ thủ ở bên trái, như “ sàng trung tú bị quyển bất tẩm “ của Lý Bạch.
*Sa: lụa mỏng.
*Ánh: chiếu rọi ; sáng
*Nhục: thịt ; phần cơm ăn được của trái cây.
*Vụ: sương mù.
*Hiểu: sáng sớm.
*Noãn: ấm áp.
*Thuỵ: ngủ.
*Túc: chân; đầy đủ
*Thê: lạnh lẽo.
*Sảng:thương xót.
*Thục: đẹp, an lành, dùng để ca tụng vẻ đẹp của phụ nữ. Cánh thành thục là càng đẹp hơn.
*Tán, phải phiên âm là tản mới đúng: không tự kìm giũ được, rảnh rỗi. Tản bộ, như tiếng Việt, là đi chơi nhàn nhã.
*Môn: nắm, vỗ, sờ.
*Xả: buông bỏ.
*Tu: sửa sang, giữ gìn ; chỉnh trang cho ngay ngắn.
*Suy: sa sút, yếu kém.
*Hủ: nát, mục. Suy Hủ là hư nát
*Khai: lau, chùi.
*Lậu: nhỏ, hèn, xấu xí.
*Vô nãi: là, ấy là
*Hảo sự: việc tốt. Ở đây phải hiểu là hiếu sự, là thích gây chuyện phiền phức, lôi thôi.
*Di: dời chuyển, thay đổi.
*Định: xác định.
*Câu: đều, cùng.
*Niệm: nhớ nhung; luôn nghĩ tới.
*Xúc: chạm vào.

Ngụ Cư Định Tuệ Viện Chi Đông Tạp Hoa Mãn Sơn Hữu Hải Đường


Giang thành đất chướng, cỏ cây rậm,
Chỉ một danh hoa len vô nấp,
Xinh tươi hé nở cạnh hàng rào,
Đào mận đầy non thô tục lắm.
Mới biết tạo vật có thâm ý,
Khiến cho hoa đẹp ở trong hang,
Trời cho tự nhiên được phú quý,
Không chờ mâm vàng nhà mới sang.
Rượu vào, môi má đều ửng đỏ,
Vén lụa mầu xanh, thịt rõ ràng.
Rừng sâu, sương đặc, nắng chậm lên,
Ngày ấm, gió tà, giấc ngủ yên,
Trong mưa rớt lệ càng thương cảm,
Dưới nguyệt không người lại đẹp thêm.
Tiên sinh no quá không có việc,
Tản bộ dong chơi tự xoa bụng,
Chẳng hỏi nhà dân hoặc sư sãi,
Chống gậy gõ cửa ngắm hàng trúc.
Bỗng gặp hoa đẹp chiếu rào nát,
Than thở không lời, chùi mắt đục,
Đất hèn sao hoa quý tới đây?
Chắc người hiếu sự đem từ Thục.
Rễ ngắn, đường xa, chẳng dễ mang,
Hồng hộc nhả hột nên cây mọc.
Khá thương lưu lạc tới ven trời,
Nên uống một ly, ca một khúc,
Sáng sau tỉnh rượu lại tới đây,
Phơi phới tuyết rơi không nỡ đụng
.

Vì nể ÔC, vì muốn mừng sinh nhật của một đàn anh khả ái và khả kính nên đánh vật với sách vở mấy ngày mới nghiền ngẫm, tra cứu và dịch được bài thơ của Tô Đông Pha.

ÔC bàn luận rất tới, BS biết nói gì thêm. Chỉ hiểu đại khái là Tô ví mình với hoa Hải Đường, mọc ở chỗ xa xôi hẻo lánh mà vẫn giữ được nét đẹp quý phái của nó, cũng như Tô, bị đi đầy như hoa nơi thiên nhai mà vẫn giữ được tư cách, tinh thần… BS thật tình không biết hoa Hải Đường ra sao, Đạo Mò đã tìm ra nhiều loại, và cả bài thơ được trích trong truyện của Quỳnh Dao, tuy phục Đạo Mò, nhưng nếu có ai hỏi về Hải Đường thì BS vẫn không trả lời được.

Trong các ACE, có lẽ đại đa số chưa gặp ÔC. BS may mắn đã gặp anh năm 2018 ở quận Cam, còn được anh kéo về nhà Oanh, con gái, đãi cơm no, rượu say… Hôm đó 2 anh em nói chuyện đến 8, 9 tiếng và BS còn dụ được ÔC hút một điếu thuốc lá nữa. Những kỷ niệm đó vẫn ở mãi trong tâm của Bát Sách.

Chúc ÔC sinh nhật vui vẻ. Ở tuổi 91, sống một mình, xa con cháu mà chúc vui vẻ thì coi bộ khôi hài và giả dối, thôi thì BS chúc ÔC sẽ có nhiều sinh nhật nữa để bầu bạn với anh em.

Bát Sách.
(Ngày 24/03/2025.)
*** 
 Góp ý của Phí Minh Tâm:

蘇軾            Tô Thức Sū Shì

寓居定慧院之東雜花滿山有海棠

Ngụ Cư Định Tuệ Viện Chi Đông Tạp Hoa Mãn Sơn Hữu Hải Đường
Trọ Ở Viện Định Tuệ, Phía Đông Hoa Đủ Loại Đầy Núi, Trong Đó Có Hải Đường


Tô Thức yêu thích và như bị hoa hải đường ám ảnh. Ông dành cả 14 câu thơ đầu của bài thơ 28 câu để nhân cách hoá và miêu tả hải đường như một giai nhân tuyệt sắc cao sang. Nguyên bài thơ được ông chép trong Đông Pha Toàn Tập - Tống - Tô Thức 東坡全集-宋-蘇軾 và có mộc bản trong các sách khác đời Tống, Minh, Thanh:

Toàn Phương Bị Tổ Tập - Tống - Trần Cảnh Nghi 全芳備祖集-宋-陳景沂
Thuyết Phu - Minh - Đào Tông Nghi 說孚-明-陶宗儀
Ngự Tuyển Đường Tống Thi Thuần - Thanh - Cao Tông Hoằng Lịch 御選唐宋詩醇-清-高宗弘曆

Phần 1: Hoa Hải Đường


江城地瘴蕃草木 Giang Thành địa chướng phồn thảo mộc,
Giang Thành là đất đầy khí độc nên có nhiều cây cỏ hoang dại mọc,

Giang Thành cây cỏ dại hoang,
 
只有名花苦幽獨 Chỉ hữu danh hoa khổ u độc.
Lại có hải đường, một loại hoa danh tiếng mọc chen lẻ loi đơn độc.

Hải đường đơn độc quý sang hơn người.

嫣然一笑竹籬間 Yên nhiên nhất tiếu trúc ly gian,
Nhưng khi hoa nở nhởn nhơ hé nụ cười bên hàng giậu,
Khi hoa hé nở nụ cười,

桃李滿山總粗俗 Đào lý mãn sơn tổng thô tục.
Thì tất cả đào lý khắp núi đều trở nên tầm thường.

Tất cả đào lý, hỡi ơi, tầm thường.

也知造物有深意 Dã tri tạo vật hữu thâm ý,

Thế mới biết tạo hóa có thâm ý,
Mới hay con tạo nhiễu nhương,

故遣佳人在空穀 Cố khiển giai nhân tại không cốc.

Khiến cho loài hoa quý này giống như người đẹp sống nơi hang động vắng.
Khiến cho hoa quý chỉ nhường giai nhân.


自然富貴出天姿 Tự nhiên phú quý xuất thiên tư,

Cốt cách cao quý của hoa là do trời cho tự nhiên,
Đẹp sang cao quý tự thân,

不待金盤薦華屋 Bất đãi kim bàn tiến hoa ốc.

Không đợi được đặt lên mâm vàng dâng vào nhà sang mới thành quý.
Đâu chờ mâm ngọc đem dâng mới bày.

朱唇得酒暈生臉 Châu thần đắc tửu vựng sinh kiểm,

Nụ hoa hồng tươi như đôi má của thiếu nữ ửng say men rượu,
Nụ hoa má ửng men say,

翠袖卷紗紅映肉 Thúy tụ quyển sa hồng ánh nhục

Tàn lá xanh như tay áo lụa vén lên để lộ da thịt hồng.
Lá xanh áo lụa vén tay khoe hồng.


林深霧暗曉光遲 Lâm thâm vụ ám hiểu quang trì

Sương phủ mờ cả khu rừng sâu nên nắng mai lên trễ,
Rừng sâu sương phủ nắng không,

日暖風輕春睡足 Nhật noãn phong khinh xuân thụy túc
Ngày ấm áp, gió thoang thoảng, giấc ngủ mùa xuân thoải mái.

Ngày xuân nắng ấm giấc nồng vấn vương.

雨中有淚亦凄愴 Vũ trung hữu lệ diệc thê sảng
Khi mưa với những giọt nước đọng long lanh, hoa trông cũng thê lương,
 
Trong mưa đẫm lệ thê lương,

月下無人更清淑 Nguyệt hạ vô nhân cánh thanh thục
Dưới ánh trăng vắng vẻ, hoa lại càng yểu điệu cao sang.

Dưới trăng thanh vắng đâu nhường thanh sang.

Dịch thơ:

Hoa Hải Đường


Giang Thành cây cỏ dại hoang,
Hải đường đơn độc quý sang hơn người.
Khi hoa hé nở nụ cười,
Tất cả đào lý, hởi ơi, tầm thường.
Mới hay con tạo nhiễu nhương,
Khiến cho hoa quý chỉ nhường giai nhân.
Đẹp sang cao quý tự thân,
Đâu chờ mâm ngọc đem dâng mới bày.
Nụ hoa má ửng men say,
Lá xanh áo lụa vén tay khoe hồng.
Rừng sâu sương phủ nắng không,
Ngày xuân nắng ấm giấc nồng vấn vương.
Trong mưa đẫm lệ thê lương,
Dưới trăng thanh vắng đâu nhường thanh sang.


Phần 2: Cảm Xúc của Thi Nhân

先生食飽無一事 Tiên sinh thực bão vô nhất sự,
Sau khi ăn một bữa no nê, Tiên sinh không có việc gì làm,

散步逍遙自捫腹 Tán bộ tiêu dao tự môn phúc.
Ông bèn đi dạo chơi và lấy tay vỗ vào bụng của mình.

不問人家與僧捨 Bất vấn nhân gia dữ tăng xá,
Ông không đi thăm viếng hàng xóm hay đi chùa,

拄杖敲門看修竹 Trụ trượng xao môn khán tu trúc.
Mà chỉ chống gậy đi qua các cổng để ngắm hàng tre cao.

忽逢絕艷照衰朽 Hốt phùng tuyệt diễm chiếu suy hủ,
Đột nhiên đối diện với cây hoa quyến rũ, sự già nua lại càng hiện rõ,

嘆息無言揩病目 Thán tức vô ngôn khai bệnh mục.
Ông chỉ thở dài, mở đôi mắt già mờ nhìn kỹ hơn.

陋邦何處得此花 Lậu bang hà xứ đắc thử hoa,
Nơi lạc hậu này sao lại có loài hoa quý như thế?

無乃好事移西蜀 Vô nãi hảo sự di Tây Thục.
Há không phải có người hiểu biết mang nó đến từ đất Tây Thục?

寸根千里不易到 Thốn căn thiên lý bất dị đáo,
Nhưng rễ ngắn của nó không dễ gì mang đi xa ngàn dặm như vậy được,

銜子飛來定鴻鵠 Hàm tử phi lai định hồng hộc.
Có lẽ thiên nga ngậm hạt của nó mang đến đây.

天涯流落俱可念 Thiên nhai lưu lạc câu khả niệm,
Cũng ngậm ngùi cho nó lưu lạc đến tận ven trời xa xôi này,

為飲一樽歌此曲 Vị ẩm nhất tôn ca thử khúc.
Nên ta vì/thay nó uống một chén ngon và ca một khúc.

明朝酒醒還獨來 Minh triêu tửu tỉnh hoàn độc lai,
Sáng mai tỉnh rượu, ta lại đến đây một mình,

雪落紛紛哪忍觸 Tuyết lạc phân phân na nhẫn xúc.
Thấy tuyết rơi nhiều, ta không nỡ đụng đến hoa vì sợ hoa rơi.

Ghi chú:

Sử dụng bài trên Thi Viện, (TV) cần lưu ý đến nghĩa 4 câu thơ bên dưới:
不問人家與僧捨 Bất vấn nhân gia dữ tăng xá,

TV: Không cần hỏi đó là nhà của người tục hay của sư tăng,
Ông không đi thăm viếng hàng xóm hay đi chùa,

Chữ vấn nghĩa thông thường là hỏi, nhưng ở đây hỏi không có nghĩa mà phài là thăm viếng.
拄杖敲門看修竹 Trụ trượng xao môn khán tu trúc.

TV: Chống gậy đến gõ cửa xem hàng tre đứng thẳng.
Mà chỉ chống gậy qua trước cổng để ngắm hàng tre cao.

Không cần hỏi thì xao môn=gõ cửa để làm gì?
忽逢絕艷照衰朽 Hốt phùng tuyệt diễm chiếu suy hủ,

TV: Bỗng gặp một vẻ tuyệt diễm bừng lên giữa hàng giậu đổ nát,
Đột nhiên, đối diện với cây hoa quyến rũ, sự già nua lại càng hiện rõ.

Suy hủ là thi nhân tự nói về mình như trong cổ hủ.
嘆息無言揩病目 Thán tức vô ngôn khai bệnh mục.

TV: Ông than thở không nói một lời, nhướng con mắt mờ kém lên.
Ông chỉ thở dài, mở đôi mắt già mờ nhìn kỹ hơn.Không nói một lời thì than thở bằng cách nào? 

Phí Minh Tâm
***
***
Hải Đường Chi Hoa

Giang thành chướng khí bốc hơi,
Cỏ cây hoang dại khắp trời đất đai.
Hải đường nức tiếng trang đài,
Buồn thiu tẻ ngắt - hình hài náu thân.
Nhởn nhơ hé nụ dậu hàng,
Núi rừng, đào lý võ vàng tục thô.
Xoay vần con tạo lắm trò,
Thâm trầm ý tưởng - khéo cho sắp bày!
Giống hoa vương giả quí thay,
Ẩn mình hang hốc - trọn ngày vắng tanh.
Thanh tao cốt cách trâm anh,
Tự nhiên trời đãi cây cành thắm tươi.
Cần chi ngự tráp chói ngời,
Cống vào quan lớn mới thời cao sang ?
Hải đường muôn đóa rỡ ràng,
Như say men rượu, ửng làn má kia.
Vây quanh tàn lá chầu chìa,
Tựa chừng tay áo - ô kìa biếc xanh!
Lụa là vén lộ rành rành:
Mịn màng da dẻ, mong manh phớt hồng.
Sương mù dày đặc mênh mông,
Nắng mai đến trể - hư không mịt mù.
Khí trời ấm áp ôn nhu,
Thiu thiu xuân thắm - gió ru mộng vàng.
Mưa mây ập tới núi ngàn,
Long lanh giọt đọng, miên man sầu đời.
Ánh trăng ngời chiếu xa vời,
Hải đường yểu điệu, lả lơi bóng hồng...
Cao lương mỹ vị dùng xong,
Tiêu dao thả bước - ngắm đồng tiên sinh.
Chớ chi bận việc chốn kinh,
Khẽ tay vuốt bụng, an bình đại gia.
Chẳng màng hỏi đến xóm xa,
Vốn là người tục hay là cao tăng...
Lần mò gậy chống mơ màng,
Băng qua khóm trúc, bàng hoàng ngẩn ngơ:
Giữa hàng dậu nát xác xơ,
Hải đường diễm tuyệt như thơ phô bày.
Lão ông nhăn trán nhíu mày:
Vì sao cắc cớ xó này kỳ hoa ?
Phải chăng Tây Thục thỉnh qua,
Thượng lưu đài các - mắt lòa đắm say...
Dễ chi gốc rễ đâm đây ?
Chắc nhờ thiên điểu vẽ bày điểm tô.
Mỏ chim ngậm hạt lặng tờ,
Ngậm ngùi lưu lại mịt mờ dặm xa...
Vì hoa, tấu khúc hoan ca,
Lưu linh nhấp cạn - thiết tha yêu đời!
Tinh sương, men rượu tỉnh rồi,
Một mình thơ thẩn - chơi vơi tâm tình.
Tơi bời bảo tuyết đến kinh!
Dám đâu nỡ đụng huê xinh sắc hồng...

Khánh Hưng
***

Lộc Bắc góp thêm ý:

Khánh Hưng có nhắc đến 4 câu thơ nói về hoa hải đường trong truyện Trôi Theo Dòng Đời của Quỳnh Dao được Liêu Quốc Nhĩ chuyển dịch. Bài này như sau:

Hoa hải đường tưng bừng sắc nở
Hàng thùy dương ủ rũ xót xa
Thương chàng như thể thương hoa
Hoa ơi có biết lòng ta ngậm ngùi


Tò mò Lộc Bắc nhờ Chat GPT tìm hộ nguyên bản, phiên âm của bài thơ phỏng dịch bên trên và được trả lời như sau:

“Tôi đã tìm kiếm nguyên bản tiếng Hán của bài thơ trong chương 18 của truyện "Trôi theo dòng đời" của Quỳnh Dao nhưng không tìm thấy thông tin cụ thể trong các nguồn truy cập được. Tuy nhiên, dựa trên bản dịch tiếng Việt mà bạn cung cấp, tôi có thể cung cấp một phiên bản tiếng Hán và phiên âm Hán Việt dựa trên nội dung đó.

Bản tiếng Hán (dự đoán):

海棠花开艳如火,
垂杨依依情悲切。
怜君犹如怜此花,
花儿可知我心哀。

Phiên âm Hán Việt:

Hải đường hoa khai diễm như hỏa,
Thùy dương y y tình bi thiết.
Liên quân do như liên thử hoa,
Hoa nhi khả tri ngã tâm ai.

Dịch nghĩa:

Hoa hải đường nở rộ rực rỡ như lửa,
Cây dương liễu rủ xuống, tình buồn da diết.
Thương chàng như thương loài hoa này,
Hoa ơi, có biết lòng ta sầu muộn.

Xin lưu ý rằng đây chỉ là bản phục dựng dựa trên bản dịch tiếng Việt và có thể không hoàn toàn chính xác so với nguyên tác của Quỳnh Dao. Để có thông tin chính xác hơn, bạn có thể tham khảo bản gốc tiếng Trung của tác phẩm hoặc liên hệ với các diễn đàn văn học chuyên về tác phẩm của Quỳnh Dao.”

Lộc Bắc
***
Huỳnh Kim Giám giải đáp:

Xin nhờ các anh chị tìm nguyên bản bài thơ dùm. Xem máy có thể hơn người được không? Hii, hii.

Người ni chưa hề đọc truyện Quỳnh Dao nên mù tịt về văn lẫn thơ của bà ta! Muốn tìm bài thơ nguyên tác thì dĩ nhiên phải biết tựa đề chữ Hán nguyên tác; và điều oái oăm là tựa đề Trôi theo dòng đời chưa hẳn đã là tựa dịch chính xác tên tác phẩm, nên người ni tìm hoài không ra một trang tiếng Việt nào cho cuốn truyện có chua tựa đề chữ Hán, trừ tranh bìa này:



Chữ bên trái là 舩=Thuyền, hai từ bên phải là 瓊瑤=Quỳnh Dao. Người ni lấy nguyên cuốn truyện 舩 của Quỳnh Dao từ internet và tìm đến chương 18 để có hai câu thơ này:

“海棠袅娜情丝软,hải đường niểu na tình ti nhuyễn
垂杨拂地和愁卷,thùy dương phất địa hòa sầu quyển,

Hai câu thôi chứ không phải là bốn như trong bản dịch tiếng Việt vì lý do đơn giản là dịch giả dịch văn và thơ cũng phóng túng như dịch tựa đề!
......
Quỳnh Dao viết rằng đây là lời của một từ bài điệu bồ tát man do một nhân vật trong truyện Thuyền hát. Người dịch truyện qua tiếng Việt không dịch trọn từ bài mà chỉ dùng hai câu đầu rồi đặt thêm hai câu nữa thành một bài thất ngôn tứ tuyệt mà anh chàng nào đó biết chữ Hán chuyển ngữ sang chữ Hán! Tôi tìm ra được bằng cách đối chiếu hai chương 18 của nguyên tác và bản dịch.

Tác giả có thể chính là văn sĩ Quỳnh Dao.

Quý vị nào tò mò muốn biết trọn bài thơ trong truyện 舩=Thuyền, viết theo điệu "bồ tát man" thì đây:

海棠裊娜情絲軟, hải đường niểu na tình ty nhuyễn,
垂楊拂地和愁卷, thùy dương phất địa hòa sầu quyến,
扶病過花朝, phù bệnh quá hoa triều,
開帘魂欲消. khai liêm hồn dục tiêu.
尋芳題麗句; tầm phương đề lệ cú;
莫負韶華去, mạc phụ thiều hoa khứ,
惆悵為花癡, trù trướng vi hoa si,
問花知不知? vấn hoa tri bất tri?

Tôi cũng đã kiểm soát thanh vận của bài từ trước khi chuyển cho bà con; rất đúng điệu bồ tát man. Phải phục khả năng Quỳnh Dao.

Huỳnh Kim Giám


四季海棠 tứ quý hải đường, begonia, thu hải đường

Vậy ra hoa Hải đường dịch sang tiếng Việt mình là chi?

Trừ trường hợp ta biết tác giả - Quỳnh Dao - đang viết về hoa 海棠 nào thì làm sao ta biết đó là hoa nào để mà dịch! Ta chỉ có thể chuyển ngữ 海棠 sang Hán-Việt thành hải đường và để mặc người đọc ... tưởng tượng.

Theo zh.Wikipedia, bên Tàu có ít nhất 5 cây crab apple (táo/mận hoang - hay chua, mọc hoang ngoài đồng và thường được trồng trong vườn hay dọc đường lộ ở Mỹ.) mang tên hải đường:

Malus spectabilis 海棠=hải đường. Hoa màu hồng hay trắng.
Malus prunifolia 圓葉海棠-viên diệp hải đường. Hoa màu trắng.
Malus hupehensis 湖北海棠=Hồ Bắc hải đường. Người Hồ Bắc, Hồ Nam, Phúc Kiến dùng lá cây này làm … trà.
Malus halliana 垂丝海棠 thùy ti hải đường, hoa màu hồng
Malus micromalus 西府海棠=Tây Phủ hải đường, còn gọi là thu hải đường, hải đường thấy thông thường nhất ở trung và bắc Hoa Lục
Chaenomeles cathayensis 木瓜海棠=mộc qua hải đường; bà con xa của các cây Malus/mận hoang.
Begonia sp, rất nhiều loài và rất nhiều màu. Tên Hán là 秋海棠=thu hải đường. Chúng không dính dáng gì với các cây Malus vì chúng thuộc họ bầu-bí (Cucurbitales).

Hoa Hải Đường trong truyện có nói là hoa trà: Làm sao mà Quỳnh Dao biết hoa hải đường này thì tôi không hay nhưng nếu thế thì nó là Camellia amplexicaulis, một loại sơn trà thổ sản của VN (không có tên Hán!) được tả lần đầu tiên ở Tam Đảo năm 1910 và bây giờ được xem là đã tuyệt diệt ngoài thiên nhiên. Tên Việt của nó là hải đường Việt Nam.

Hoa như thế này, giống sơn trà ở Nhật



Nó được liệt kê trong Cây Cỏ Việt Nam của Phạm Hoàng Hộ (1999) nhưng không dưới tên hải đường



Rất có thể rằng cái tên hải đường VN này là một tên các cán ngố mượn ẩu từ người Tàu. Hoa của nó hơi giống như hoa mộc qua (tên 木瓜海棠 bên Tàu) và nó cũng được người Việt quốc nội dùng để chưng ngày tết như bên Mỹ.

Huỳnh Kim Giám