Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2020

Mưa Cao Nguyên -Thơ Anh Hoa (Hoa Văn) - Nhạc Nguyễn Thiện Lý - Hoà Âm Quang Đạt


Thơ: Anh Hoa (Hoa Văn) 
Nhạc: Nguyễn Thiện Lý 
Hoà Âm: Quang Đạt
Ca Sĩ: Hùng Phú


Pleiku Diễm Tuyệt!

 

Ta biết em! Pleiku một thuở
Tuổi mười lăm trăng nở giữa trời
Ta tuổi đời vướng bụi chiều rơi
Cầu sinh tử lập loè sáng tối

Em Pleiku! Thiết tha tên gọi
Chẳng ngại ngần vội tỏ lời yêu
Mê say đắm! Pleiku dáng liễu
Trong cõi tình không thiếu giai nhân

Em Pleiku! Yêu em lận đận
Ly hương sầu tủi phận từ ly
Ước nguyền được làm cánh chim di
Băng ngàn dặm ôm ghì Phố Núi

Em Pleiku! Tình yêu lần cuối
Trái tim nồng không tuổi chiều phai
Vẫn sương che đẹp nét trang đài
Vẫn dáng ngọc mày ngài diễm tuyệt!

Kim Oanh 
Melbourne 7-11-2010

Ngày Nào Gặp Lại

 

Nói mãi làm chi ân tình cũ
Trời cao , thông ngả bóng non tây
Sương khói huyền mơ với mây bay
Rời xứ hoa đào, ai chẳng nhớ

Nói chi nữa, tay không còn giữ
Của đi rồi mới tiếc ngẩn ngơ
Thuở bướm bay, bé học" Trường Sơ "
Chân non trẻ, vui đường leo dốc

Nhìn các anh, lòng buồn da diết
Buổi xa trời còn mãi ngồi mơ
Rũ bụi thời gian, lựa vần thơ
Soi từng chữ, gật gù tuyệt tác

Giữa thế giới thiên hạ nhao nhác
Chuyện mất còn chẳng hẹn dài lâu
Xứ thông reo, lưu giữ tình đầu
Đà lạt hỡi, bao giờ gặp lại?

Locphuc.

Tịch Liêu


Thu đón người về thăm phố núi
Vàng phai vương trên nhánh thời gian
Rừng cũng nhạt nhòa như nhân ảnh
khi bóng chiều rơi giữa bạt ngàn

Đà Lạt vẫn muôn đời nhan sắc
Dù cỏ cây đổi dạng thay hình
Ô hay có thoáng buồn lên mắt
Khi trời, mây và nắng lặng thinh!

Tìm trong xao xuyến hương dĩ vãng
Con dốc hoa vàng ngõ nắng mai
Nhớ Em tóc xõa chiều lộng gió
Trong buổi trường tan bước ngắn, dài.

Một mình tư lự trên thềm vắng
Thấy lòng man mác với tịch liêu
Tiếng thông reo phiến buồn xa vắng
Palace buồn thiu tiễn ráng chiều.

Hồi chuông nào lắng hồn Năng Tĩnh (*)
Trầm mặc như sương quyện cuối trời
Ngập ngừng chân bước, lòng vô định
Bảng lảng như mây gió trùng khơi!

Nâng tay thả nhánh sầu vào mộng
Cho dài thêm lối rẽ cuộc đời
Trên sân vắng âm thầm đối bóng
Nhớ dáng xưa, nhớ quá Thu ơi!

Huy Văn
Trên thềm Palace 22-10-1984
(*) Nhà nguyện trong khuôn viên Viện Đại Học- Đà Lạt.

Sương Nguyệt 霜月 - Lý Thương Ẩn


Nguyên tác           Dịch âm

霜月                     Sương Nguyệt

初聞征雁已無蟬 Sơ văn chinh nhạn dĩ vô thiền,
百尺樓高水接天 Bách xích lâu cao thuỷ tiếp thiên.
青女素娥俱耐冷 Thanh Nữ, Tố Nga câu nại lãnh,
月中霜裏鬥嬋娟 Nguyệt trung sương lý đấu thiền quyên.

Lý Thương Ẩn

***

Chú giải

- Bách Xích lâu: một ngôi lầu tại phía tây nam huyện thành Linh Thạch, cao hàng trăm thước. 

- Thanh Nữ: tức Thanh Tiêu Ngọc Nữ, nữ thần cai quản về sương tuyết. Điển "Hoài Nam tử" nói: tháng thứ ba của mùa thu, Thanh Nữ xuất hiện, bắt đầu giáng sương tuyết xuống trần.

- Tố Nga: tức Hằng Nga, từ thời Hán do kiêng tên Lưu Hằng của Hán Văn Đế nên gọi là Thường Nga. Hằng và Thường đồng nghĩa, luôn luôn, thường thường. Vì ánh trăng vốn màu trắng, nên gọi là Tố, sắc trắng của lụa trắng. 4 chữ thanh nữ, tố nga ở đây đều dùng để chỉ ánh trăng.

- Đấu thiền quyên: so sánh sắc đẹp với nhau. 

Dịch nghĩa

Mới thấy nhạn bay về, ve đã hết kêu rồi
Trên lầu cao trăm thước, nhìn thấy nước bao la nối với chân trời
Ánh trăng trắng ngà không sợ lạnh
Sương mù và ánh trăng thi nhan sắc với nhau 

Dịch thơ

Trăng Sương

Ve vừa thấy nhạn đã im hơi
Trăm thước lầu cao nước nối trời
Thanh-nữ Tố-nga tài chịu lạnh
Ánh trăng sương sớm đấu xinh tươi

Con Cò

- Câu đầu: Con ve vừa im hơi (mua hè vừa hết), con nhạn đã bay về (mùa thu đã ập tới). Dùng súc vật để tả thời tiết đổi mùa. Rất tượng hình!
- Câu hai: Đứng trên lầu cao chỉ thấy nước bao la nối với chân trời…. Đây là bối cảnh của cuộc thi nhan sắc: giữa thiên nhiên bao la, vắng vẻ; nhìn từ trên cao chỉ thấy nước mênh mông tới tận chân trời. 
- Hai câu chót: Trong đêm thu lạnh lẽo, chị Hằng (khi xưa là Tiên bị Thượng đế lưu đày) thi nhan sắc (đấu thiền quyên) với sương mù.
***

Nhạn về ve tắt tiếng ca
Lầu cao nước biếc.. bao la bầu trời
Tố nga thanh nữ lạnh người..
Dưới trăng phô nét xinh tươi.. mượt mà!

Đỗ Tước
***
Trăng Sương

Ve ngưng, nhạn thoáng tiếng kêu rời
Trăm thước lầu cao nước tiếp trời
Ngọc nữ, Hằng Nga cùng chịu lạnh
Dưới trăng đua sắc với nhau chơi!

Lộc Bắc
***
Trăng Sương

Nhạn về ve bặt tiếng ca vang 
Trăm thước lầu cao nước lộng vàng 
Tiên Nữ, Hằng Nga đâu sợ lạnh
Dưới trăng thi sắc đẹp huy hoàng 

Lạc Thủy Đỗ Quý Bái
***
Sương Nguyệt

Sơ văn chinh nhạn dĩ vô thiền,
Bách xích lâu cao thủy tiếp thiên,
Thanh Nữ, Tố Nga câu nại lãnh,
Nguyệt trung sương lý đấu thiền quyên.

Nghĩa chữ: 

- Thiền, ở câu đầu, viết với bộ trùng, là con ve sầu, chữ Thiền ở câu cuối, viết với bộ nữ, là xinh đẹp, mình hay đọc là thuyền, như trai anh hùng, gái thuyền quyên, là cô gái có nhan sắc xinh đẹp.
- Thanh Nữ, Tố Nga: các anh Bảo, Giám đã giảng rồi.
- Câu: đều, cùng..
- Nại: nhịn, chịu, như nhẫn nại.
- Lý: lý lẽ, vải lót bên trong áo, ở bên trong. Nguyệt trung là giữa trăng, sương lý là trong sương, rất khó dịch ra tiếng Việt.

Nghĩa bài thơ:

Mới nghe nhạn từ xa về, là không còn ve sầu nữa.
Lầu cao trăm thước, nhìn xa, thấy nước tiếp với trời,
Hai người đẹp, Thanh Nữ và Tố Nga đều chịu lạnh cả,
Trăng và sương cùng đua tranh vẻ đẹp.

Bài thơ có tựa đề là Sương Nguyệt, nhưng đọc phớt qua là ta đã cảm thấy ý thu, tình thu, và cảnh thu trong đó: Tiếng ve sầu không còn nữa, nhạn đã bay về, trăng nước mênh mông, sương thấp thoáng, trời se lạnh... Tác giả một mình giữa trời thu bao la, quạnh vắng, làm rõ thêm nỗi cô đơn.

Bản dịch:

Vừa nghe nhạn tới, hết ve sầu,
Trăm thước lầu cao, nước tới đâu?
Thành Nữ, Tố Nga đều se lạnh,
Sương mù, trăng tỏ sánh cùng nhau.

Bát Sách.
***
Nguyên Tác: Phiên Âm:

霜月 - 李商隱 Sương Nguyệt - Lý Thương Ẩn

初聞徵雁已無蟬 Sơ văn chinh nhạn dĩ vô thiền
百尺樓台水接天* Bách xích lâu đài thủy tiếp thiên
青女素娥俱耐冷 Thanh nữ Tố nga câu nại lãnh
月中霜裏鬬嬋娟 Nguyệt trung sương lý đấu thiền quyên.

Ghi Chú:

Bách xích lâu: một ngôi lầu cao tại phía tây nam huyện thành Linh Thạch.
Thanh Nữ: là nữ thần cai quản về sương tuyết, Thanh Tiêu Ngọc Nữ. Sách Thiên Văn Huấn của Hoài Nam Tử nói: chí thu tam nguyệt, thanh nữ nãi xuất, dĩ hàng sương tuyết (tháng thứ ba của mùa thu, Thanh Nữ xuất hiện, bắt đầu giáng sương tuyết xuống trần).

Tố Nga: là nữ thần giữ mặt trăng, Hằng Nga. Do tỵ húy tên của Hán Văn Đế là Lưu Hằng, sau đời Hán tránh chữ Hằng nên gọi là Thường Nga. Hằng và Thường đồng nghĩa, luôn luôn, thường thường. Ánh trăng vốn màu trắng, nên còn gọi là Tố, sắc trắng của lụa. Tố nga còn là danh từ chung chỉ người con gái đẹp, trắng trẻo, có phẩm hạnh thanh khiết, có nhan sắc mộc mạc…

Nguyệt trung: trong (dưới) ánh trăng, một nghĩa khác là cung điện Hằng Nga.
Sương lý: áo lót (xiêm y) của Thanh Nữ
Đấu thiền quyên: thi đua nhau về cái đẹp 

Dịch Nghĩa: 

Sương và Trăng

Trời đã vào thu, nhạn đi xa về, ve sầu ngưng gọi hè,
Trên lầu cao trăm thước, sông chảy tận/từ chân trời.
Thanh nữ và Tố nga đều cùng chịu được lạnh,
Dưới ánh trăng, sương (Thanh Nữ) khoe áo quần đẹp.

Dịch Thơ: 

Trăng Sương

Nhạn mới xa về ve lặng hơi
Lâu đài trăm thước nước liền trời
Tố Nga Thanh Nữ biết chi lạnh
Trăng sáng áo sương đẹp tuyệt vời.


Nhạn về ve đã lặng hơi,
Lầu cao trăm thước sông rơi từ trời.
Cùng nhau chịu lạnh không lời,
Sương trăng đua sắc cho đời thăng hoa.

Moon and Fog by Li Shang Yin

When we hear the returning swallow, the cicada stops crying
On the hundred feet tower, (river) water touches the sky
Qing Nu and Bang E both can take the cold
Moon and fog compete their beauty.

Phí Minh Tâm


Chị Agnès


Vào năm Terminale tôi chuyễn trường từ Providence ở Huế vào Lycée Blaise Pascal tại Đà Nẵng, và tạm trú trong biệt thự của người chị con bác ruột tại đường Nguyễn Thị Giang trong suốt niên học. Gia đình anh chị Châu có 4 đứa con, gồm 3 trai và một gái út đang ở lứa tuổi từ tiểu học đến trung học đệ nhất cấp. Gia đình rất mộ đạo, tối nào cũng đọc kinh chung với nhau trước bàn thờ. Tôi cũng tham gia khi không quá bận với các bài học. 

Thỉnh thoảng, vào cuối mỗi hai tuần, thân phụ của anh Châu đến thăm, mang những sản phẩm trong vườn nhà tại Hòa Vang, như các loại rau, ớt, su le, mướp, khoai lang, chuối, ổi, nhản, mận, mít, bòn bon, chanh, xoài, cà na…cùng với gà vịt tươi. Ngoài ra ông còn mang theo 2 chị em, là cháu ngoại của ông, kêu anh Châu bằng cậu, từ trong nội trú của dòng nữ tu Sacré Coeur tại Đà Nẵng, về ở chơi suốt ngày thứ Bảy rồi đem trả về lại nhà dòng sau lể sáng Chủ Nhật. Người chị lớn tên Thanh, còn được mấy đứa nhỏ trong nhà kêu chị Agnès, thua tôi khoảng ba hay bốn tuổi. Mỗi khi đến chơi, Thanh luôn mặc đồng phục màu xanh da trời, nhìn vào biết ngay đang là đệ tử thanh tuyễn. 

Ngoài chuyện thỉnh thoảng tôi chỉ dạy cho các cháu nhỏ chút bài vở, nhất là các bài tập về toán vào cuối tuần theo sự yêu cầu của cha mẹ, cả đám xúm xít ngồi nghe tôi kể chuyện, thường là vào tối Thứ Bảy, bao gồm bốn đứa con của anh chị chủ nhà, hai chị em Thanh, và một đứa cháu trai khác là con của em gái chị chủ nhà. Tất cả đám, từ Thanh lớn nhất cho đến đứa nhỏ nhất, đều kêu tôi bằng cậu. Từ chuyện tôi vui chơi lang thang một mình khi còn nhỏ trong vườn rộng lớn đầy đủ loại cây ăn trái của OB Nội tôi, như trèo cây hái trái, bắt ve sầu bằng mủ mít, bắt châu chấu cho chim con, bắt dế cho đá nhau, lấy tre làm gươm… trong thời gian gia đình tôi còn ở Phủ Cam, cho đến các chuyện ma kinh dị, các truyện đường rừng mà tôi nghe được từ các bà chị ông anh của tôi, rồi chuyện vui buồn 7 năm học của tôi tại trường Providence với các Cha người Pháp thuộc Dòng Thừa Sai Mission Étrangère de Paris. Tôi cũng kể những đoạn hay trong các truyện tàu như Nhạc Phi Chung Vô Diệm, Tề Thiên Đại Thánh và Đường Tam Tạng, Tôn Tẩn Bàng Quyên, Việt Vương Câu Tiển nàng Tây Thi và Ngô Phù Sa , Trận Xích Bích, Luu Bị Tào Tháo Khổng Minh, Triệu Tử Long cứu ấu chúa... Rồi lần lượt kể luôn những tác phẩm văn chương Pháp tôi còn nhớ, đã học hay đọc qua, của Lamartine, Victor Hugo, Molière, Corneille, Romeo et Juliette, Les Miserables, Quasimodo của Nhà Thờ Đức Bà, Les Trois Musquetaires, Vingt Ans Après, Le Comte de Monte Cristo, Les Grands Coeurs, cùng một số tác phẩm của các văn hào người Nga và một loạt truyện của AJ Cronin như La Citadelle, Les Vertes Années, Les Clés du Royaume, Trois Amours, là những truyện có lẻ phần nào ảnh hưởng đến tôi về sau khi tôi chọn theo học Y Khoa. 

Những tối cùng ngồi trên sân thượng, nhất là vào những đêm có nhiều sao, tôi cũng giải thích chút xíu về thiên văn, giải ngân hà, các chùm sao Petite Ourse, Grande Ourse, Étoile Polaire kèm theo câu chuyện thần thoại Hy Lạp…Cách tôi kể chuyện có vẻ hấp dẫn vì không những các câu truyện đều mới lạ với đám trẻ trong lứa từ 7 tuổi cho đến 15 tuổi mà còn vì tôi có khuynh hướng thêm chổ này bớt chổ nọ cho câu chuyện thêm phần ly kì và lý thú. Cả đám thường hả miệng chăm chú ngồi nghe một cách say sưa, suýt xoa khi đến phần nguy hiểm, vổ tay khi người xấu bị loại và người tốt thắng, hoặc la hét ngồi sát với nhau vì sợ ma trong các chuyện kinh dị. Chị Agnès cũng thích thú lắng nghe như bọn nhỏ, tuy có phần yên lặng, kín đáo hơn và ngồi tách xa hơn. 

Một trong những truyện tôi kể, có lẻ chị Agnès thích nhất là truyện Les Étoiles của Alphone D’Audet. Đó là câu truyện ngắn về một chú chăn cừu thường xuyên đưa đàn cừu của ông chủ lên núi và ở đó đôi khi cả vài tháng. Ở trên cao, chú thường nhìn xuống so sánh ánh sáng làng mình với ánh sáng của các vì sao trên trời, đồng thời nghĩ đến những sinh hoạt hàng ngày tại trang trại, và đôi khi chú cũng mơ mộng về Stephanette, cô con gái trẻ đẹp như thiên thần và rất thương người của ông chủ. Ngày tiếp tế lương thực, chú không ngờ chính Stephanette tình nguyện cởi lưng lừa đem lương thực đến vì mọi người trong trang trại đều bận. Quá bối rối và vui sướng vì đây là lần đầu tiên được cô chủ nhỏ đích thân tiếp tế lương thực, chú chăn cừu chỉ cho cô chủ bầy cừu, chổ ăn ngủ của mình và giảng bày sinh hoạt hàng ngày của mình…Khi cô chủ nhỏ chào ra về vào xế trưa, chú cảm thấy tiếng đá lăn dưới chân lừa y như tiếng dội rơi vào lòng chú. Vào lúc trời gần tối, bổng dưng chú nghe như ai gọi tên mình vọng lên từ dưới dốc, sau đó cô chủ nhỏ bất ngờ xuất hiện trên lưng con lừa, không tươi cười như vùa qua, mà ướt sủng, rét run và sợ hải. Thì ra cô gần chết đuối khi vượt qua con suối với nước dâng lớn và chảy xiết sau trận mưa hồi đêm. 

Thế là chú phải an ủi Stephanette đừng quá lo lắng, rồi lăng xăng dọn bửa ăn tối, soạn chổ ngủ cho nàng nằm trong lán gần mấy con cừu cho được ấm. Còn chú thì ra ngoài sân trống, nằm bên cạnh đống củi bùng sáng trong lửa. Nhưng nàng không ngủ được vì các con cừu cựa mình sột sột rồi be be. Nàng đành ra bên ngoài ngồi gần đống lửa, bên cạnh chú. Chú cảm thấy thế giới đêm nay bổng trở nên huyền bí hơn với hương đêm ngọt ngào, những âm thanh của thiên nhiên, tiếng nổ lách tách của các que củi cháy, những rung động nhỏ nghe thật gần gủi của cây cỏ xung quanh, tiếng suối văng vẳng nơi xa, những vì sao lấp lánh nhiều hơn trên trời…Rồi chú giải thích cho nàng khi có sao băng xẹt trên trời tức là phải cầu nguyện cho một linh hồn lên thiên đàng, chỉ cho nàng thấy vị trí và tên những chùm sao, mà quan trọng nhất với nhóm người chăn cừu là Sao Mục Đồng vì đó là Sao Hôm, kim chỉ thời gian cho chú xua đàn cừu về chuồng và đó cũng là Sao Mai để lùa chúng ra khỏi chuồng trước sáng. Thao thao kể chuyện, chú cảm thấy có cái gì mịn màng êm ái đè nhẹ xuống vai mình. Thì ra nàng đang tựa đầu vào vai chú thiêm thiếp giấc nồng. Về phần chú, ngồi yên cho nàng tựa đầu, chú ngắm nhìn ngàn sao tiếp tục chuyễn động trầm lặng lung linh trên trời từ từ mờ dần trong ban mai, để cảm nhận một ngôi sao nhỏ bé, sáng nhất và thanh tú nhất đang lạc đường và đậu trên vai mình. 

Giữa Thanh và tôi, chúng tôi luôn giữ một khoảng cách tuy rằng, giống như mấy đứa cháu nhỏ kia, càng lúc càng thân tình một cách tự nhiên, và tôi luôn miệng kêu Thanh là chị Agnès - một sự nể nang kính trọng cho những người tu hành, cũng như tôi cũng đã từng kêu Chú tất cả 11 bạn học cùng lớp ở Providence nhưng đang tu tại Chủng Viện gần trường mà về sau đều trở thành linh mục. Có lần tôi hỏi Thanh vì sao chọn bổn mạng Agnès vì theo tôi tên Thánh Agnès không mấy thông dụng, chị trả lời do mẹ đở đầu chọn. Khi vào dòng tu, chị mới biết Agnès, có nghĩa là cừu con theo tiếng Latin, bị xử tử bởi quân dữ La Mã vì đã làm nhiều phép lạ cứu người nhân danh Chúa Giê Su khi chỉ vào khoảng 13 tuổi. Về sau Agnès được Giáo Hội Công Giáo phong Nữ Thánh Agnès và là biểu tượng cho sự thanh khiết, lòng trinh bạch, sự trong trắng mộc mạc. 

Có một lần, tôi múa miệng khoe với chị Agnès là tôi biết coi chỉ tay, vì tôi có đọc qua 2 cuốn sách La Main Qui Parle và Les Lignes De La Main. Đó là hai cuốn sách mà Măng tôi thường xuyên nghiên cứu và thỉnh thoảng giảng dạy cho tôi đôi chút trong những khi cầm bàn tay tôi để so các chỉ tay. Thế là chị đưa bàn tay cho tôi đọc. Tôi vừa cầm tay chị Agnès vừa thao thao bất tuyệt giảng và chỉ vào lòng bàn tay các ligne de vie, de tête, de coeur, de destinée mà nhiều người còn gọi là ligne de chance và vài lignes nhỏ phụ khác như de santé, de soleil, de l’amour, de l’argent, de l’intuition…thì bổng ông Ngoại của chị bước đến gần, trừng mắt với chị và ra dấu bắt chị vào bên trong nhà. Chị Agnès đứng dậy đi ngay; phần tôi cảm thấy mình thật vô ý, vụng về, và sượng cả người. 

Kể từ tối hôm đó, những chuyến về thăm cậu mợ của chị Agnès thưa dần. Mà nếu có thì cả hai chúng tôi cố tình lẫn tránh không chạm mặt nhau, vì cảm giác luôn có sự theo dỏi nghiêm khắc của ông ngoại của chị làm chúng tôi cảm nhận phần nào chút mặc cảm tội lổi. Phần tôi quen thuộc dần nên theo bạn cùng lớp vui chơi vào cuối tuần nhiều hơn, hai chị em Agnès ít ở lại tối Thứ Bảy. Cuối niên học, sau khi đậu Bac 2, tôi rời hẳn Đà Nẵng, về Huế thi vào học Y Khoa. 


Vào cuối năm thứ 2 Y Khoa, tôi nghe tin chị Agnès đậu tú tài toàn, nhận được ơn kêu gọi, đồng thời xác tín tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho mình khi chị khấn hứa trọn đời và chính thức trở thành một nữ tu Dòng Thành Tâm (hình số 1). Một vài năm sau, Chị Agnès nhận trách nhiệm đến phục vụ trại cùi tại làng Hòa Vân, được xây dựng bởi một Mục Sư người Mỹ vào đầu năm 1968 và ẩn mình kín đáo dưới chân núi Hải Vân nhìn ra biển (hình số 2), mà phía trái là biển Lăng Cô. Đây cũng là nơi mà các bệnh nhân trại cùi ở Huế, vốn nằm ở phía sau BV Huế, được chuyễn đến, khi cơ sở tại Huế bị thiệt hại nặng trong biến cố Mậu Thân 1968. Vài năm sau, khi dân số làng cùi Hòa Vân đạt trên ba trăm người, do từ những trại cùi các địa phương khác đưa về, bao gồm vừa bệnh nhân và gia đình của họ, đó chính là thời điểm chị Agnès đến tăng cường nhóm 2 nữ tu có sẳn, đem lòng thương khó phục vụ dân làng cùi, trực tiếp chung sức săn sóc bệnh nhân, chăm lo đời sống tinh thần và sức khỏe cho dân làng, xây dựng từ từ bệnh xá nhỏ, nhà sinh hoạt, nhà nguyện, cũng cố niềm tin và lòng tự trọng cho bệnh nhân cùi luôn cảm thấy bất hạnh và mặc cảm vừa bị trời phạt vừa bị xả hội kỳ thị, hắt hủi và ruồng bỏ. Về vật chất, dân Làng Hòa Vân sống nhờ vào hổ trợ xả hội từ chính phủ và cơ quan y tế địa phương và từ những thu hoạch riêng của họ qua trồng trọt, chăn nuôi và đánh lưới bắt cá cận biển. 


Từ năm 1972, bệnh viện Đức Malteser tại Đà Nẵng chính thức đảm trách chửa trị cho làng Hòa Vân. Các toán y tế bao gồm các BS. người Đức của bệnh viện Malteser, như BS. Malfred Ludwig, BS. Zimmerman (phụ chú hình số 2) cùng với các đồng nghiệp BS. tốt nghiệp từ trường Y Khoa Huế, như BS. Ngô Văn Tường (BV. Malteser) cùng vợ là BS. Hà Thị Như Minh (Trung Tâm Y Tế Toàn Khoa ĐN), BS. Lê Thị Mỹ (hình số 2), BS. Trần Tiễn Lương Hoa (BV Malteser) nhận trách nhiệm săn sóc sức khỏe làng cùi Hoa Vân. Đây là một việc làm phát xuất từ lòng từ tâm của các vị BS. và họ đã đến thăm, khám bệnh cho thuốc từng mỗi cuối tuần. Thỉnh thoảng các BS. Giải Phẩu người Đức cũng tham gia hội chẩn và chọn các bệnh nhân đã âm tinh với vi trùng cùi Hansen để đưa vào bệnh viện Malteser giải phẩu chỉnh hình tay chân hay ghép lông mày. 

Tháng 8, 1974, khi đoàn xe chuyễn quân Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù của tôi trên đường từ Điện Bàn đến tham chiến tại một vùng phía Tây Đà Nẵng tạm ngừng di chuyễn, tôi nhảy xuống xe và tình cờ nhìn thấy một giáo đường nhỏ nằm về phía phải và cách quốc lộ 14 chừng vài trăm thước. Tôi bước vào nhà thờ bấy giờ vắng hoe, đứng ở góc gần cửa ra vào, đọc kinh cầu nguyện xin Ơn Trên phù hộ cho tôi trong chuyến vào trận đầu đời lính của mình. Bước ra khỏi nhà thờ, tôi thấy một nữ tu trong bộ đồ màu xanh nhạt, có mang lúp cùng màu trên đầu, dáng người nhỏ và gầy; tôi tiến lại gần người nữ tu hỏi tên của nhà thờ giáo xứ. Sau đôi ba câu mở đầu, bỗng chị nữ tu thốt lên “Xin lổi ông, có phải ông là em của mợ Châu trước đây ở Đà Nẵng không?” Đang khi tôi chưa kịp nhớ tên người bà con, người nữ tu nói tiếp liền, có lẻ vừa đọc bản tên màu đen của tôi trên áo trận “Và ông tên Chánh phải không?” 

Thế là chị Agnès và tôi cùng nhận ra nhau. Trong ít phút nói chuyện, Chị Agnès cho biết chị khấn hứa trọn đời vào cuối năm 1969. Sau trên một năm làm việc tại một giáo xứ trong Quảng Tín, chị được điều về làm việc ở làng Hòa Vân từ đầu năm 1971. Khi số bệnh nhân cùi trong làng Hòa Vân giảm dần vì tiến triển bệnh tình khả quan, phần lớn do sự tận tụy chửa bệnh của các bác sĩ Đức - Việt và sự xữ dụng hữu hiệu các trụ sinh mới, vào đầu năm 1974, chị được Mẹ Bề Trên chuyễn đến nhà thờ Ái Nghĩa này, tại quận Đại Lộc, phụ trách dạy giáo lý cho các em trong giáo xứ. Phần tôi cho chị biết tôi nay là một bác sĩ nhảy dù và đơn vị đang di chuyễn vào vùng hành quân. Chị vừa chỉ tay về hướng núi trước mặt vừa cho biết là trong mấy ngày qua dân trong vùng này dồn dập dắt nhau tản cư đi nơi khác sau khi có tin Việt Cọng chiếm được quận Thường Đức nằm không quá xa nơi đây. Trước khi chào nhau tạm biệt, tôi chúc chị Agnès nhiều ơn phước trong sứ mệnh rao giảng đức tin và tình thương, và nhờ chị góp lời cầu nguyện cho tôi được bình an trong cuộc hành quân. 

Đó là lần cuối cùng tôi gặp chị Agnès. Vào lần chuyễn vùng hành quân vài tháng sau đó, vào một ngày lạnh có mây xám và mưa của tháng 1, 1975, trong tôi không còn có những nao nức bồn chồn sôi động của lần mới vào vùng. Với tâm trạng của một người lính sống qua sự tàn phá chết chóc của trận chiến, miên man suy tư về những khuôn mặt cương nghị, những ánh mắt quyết tâm, những tên không kịp nhớ nay đã ra đi, và những chiến binh sống sót giờ đây im lặng ngồi tư lự bên cạnh tôi trong cùng chiếc GMC, tôi chẳng để ý đến ngôi nhà thờ đoàn xe bỏ lại đằng sau hồi nào. Để tự hỏi Chị Agnès còn yên bình ở đó, nhà thờ có bị trúng pháo địch… 

Qua một thời gian dài hơn cả một phần ba thế kỷ, và sau bao trôi nổi của cuộc đời, tôi có dịp liên lạc với đứa cháu có mặt cùng thời với tôi trong nhà anh chị Châu ở Đà Nẵng, và được cho biết anh chị Châu có cuộc sống ổn dịnh tại Pháp, 4 đứa con đều thành đạt. Người em gái của chị Agnès về sau cũng trở thành một nữ tu và đã về hưu trí tại nhà dòng Thánh Tâm ở Đà Nẵng. Riêng chị Agnès tình nguyện trở lại phục vụ người cùi, không phải ở làng Hòa Vân mà tại trại cùi Quy Hòa, cách thị xả Quy Nhơn khoảng mươi cây số, sau khi làng Hòa Vân lần lượt bị giải tỏa bởi chính quyền mới, với tin truyền miệng một số bệnh nhân bị chết khi chiếc tàu chở họ bị đắm ngoài biển, do tai nạn hay do bàn tay sắp xếp của nhóm người vô thần, và số còn lại được đưa vào Quy Hòa. Một số ít khác được cho ra Đà Nẵng nếu xét tình trạng căn bệnh phần nào ổn định. 

Trại Quy Hòa, yên tỉnh và biệt lập trong một thung lũng bao quanh ba mặt bởi núi và mặt còn lại tiếp giáp với biển, được thành lập từ đầu thế kỷ 20 do BS. người Pháp Lemoine hợp chung với các cố đạo và nữ tu người Pháp. Nơi đây cũng là nơi có ngôi mộ của thi sĩ Hàn Mạc Tử, một bệnh xá khá rộng, cả trăm căn nhà lớn nhỏ cho bệnh nhân và một giáo đường nghe nói có móng sâu bằng chiều cao của nhà thờ để chống bảo. Trước 1975 một năm và vài năm sau đó, lượng bệnh nhân cùi và gia đình gia tăng rất nhiều, có khi đạt đến trên cả năm ngàn người, khiến công việc nuôi ăn, săn sóc, chửa trị, phục vụ…trở nên khó khăn và phức tạp, đòi hỏi thêm nhân lực và thiện chí. Với kinh nghiệm từng làm việc với bệnh nhân cùi, lòng tận tụy và đức hy sinh sẳn có, chị Agnès lại lên đường tận hiến thêm một lần nữa cuộc đời mình cho nhóm người cùng cực nhất của trần gian, mang đến cho họ tình thương và niềm hy vọng. Để cuối cùng chị qua đời ngay tại trại Quy Hòa, nơi chị cống hiến cả 25 năm cuối cuộc đời mình, giữa sự thương mến vô tận của đại gia đình cùi của trại. 

Tôi không thể biết khi chị Agnès vĩnh viễn nhắm mắt, có ngôi sao băng nào xẹt ngang trên trời cao không? Nhưng tôi nghĩ chị luôn sẳn sàng đón nhận ánh sáng vĩnh cữu từ hằng bao triệu sao khác đã có mặt trên thiên đàng. 

Xin Chúa nhân từ cho linh hồn Agnès được yên nghĩ muôn đời và ánh sáng ngàn thu luôn soi sáng lên linh hồn chị. 

Giờ đây, trại Hòa Vân hoàn toàn bị xóa tên, nhà cửa cơ sở bỏ hoang phế, kể từ khi vùng đất xanh đẹp yên tỉnh này bị các lãnh đạo địa phương chiếu cố, và trưng dụng cho dự án xây cơ sở dưỡng hưu lớn cho các thành phần giàu có cao cấp. Trại Quy Hòa cũng chịu một số phận tương tự, biến thành một thắng cảnh du lịch, là nơi du khách đến tắm biển và thăm viếng ngôi mộ của Hàn Mạc Tử nhiều hơn các cơ sở đã từng là nơi ở, nơi săn sóc, nơi sinh hoạt, bệnh xá, di tích của những bệnh nhân cùi… Tuy nhiên, khách đường xa thỉnh thoảng vẫn được cho nhìn thấy một vài bệnh nhân cũ lãng vãng đây đó trong trại. Như một trưng bày vô cảm không hơn không kém cho mục đích thương mãi. 

Vĩnh Chánh
Ngày 27, tháng 6, 2018 
Phụ chú: 
Hình số 1: Trường Lycée Blaise Pascal 
Hình số 2: BS. người Đức Malfred Ludwig, BS. Ngô Văn Tường và BS. Hà Thị Như Minh (tư liệu cá nhân) 
Hình số 3: Từ bên phải qua trái: BS. Như Minh, chồng là BS. Tường và BS. Lê Thị Mỹ (ngồi quay mặt. BS. Mỹ mất tích trên biển sau biến cố 1975 trên đường tìm tự do). (Tư liệu cá nhân)

Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2020

Kỷ Niệm 10 Năm Bổn Mạng Ca Đoàn Kitô Vua 2009-2019(Thánh Đường Holyname - Melbourne)

 
Cha Ước & Cha Tiến

 
Ca Trưởng Nguyễn Xuân Minh và Ban Nhạc
Lan
Tiến
Hiền
Từ trái: Phương Uyên, Phương Anh, Phương
Triết
Từ đầu : Nhã Nhi, Tuyết, Xuân Chi, Hương, Hằng
Từ đầu bàn:Hương, Hằng, Thiên,Trang, Liên, Trâm
Từ Đầu Bàn: Bình, Ngọc, Nhẫn, Huyền, Nguyệt
Hương, Hường, Oanh, Trang
Bình, Uyên Nhi, Ngọc
Bình, Hường, Oanh
Huyền, Trang, Bình
Từ trái: Nhã, Trâm

 Hình Ảnh: Tiến Nguyễn ,Thanh Bình,Báu Nhi

Thơ Tranh: Nhất Phiến Băng Tâm Cảm Tác

  Thầy kính mến.
Mừng Sinh Nhật Thượng Thọ 87 của Thầy.
Em kính chúc Thầy luôn dồi dào sức khoẻ, an lành và hạnh phúc bên Cô và gia đình thương yêu.
(Em Kim Oanh)


Thơ: Phạm Khắc Trí
Thơ Tranh: Kim Oanh


Tâm Tình Sinh Nhật 87


Đất khách bao năm trải gió sương
Tha hương vất vưởng những tang thương
Lâu ngày mất gốc quên ngưồn cội
Lú lẫn quê người là cố hương
 
Đen trắng đổi thay thật khó lường
Thị phi lẫn lộn chốn vô thường
Tám bảy tuổi đời quay ngó lại
Mừng còn giữ được chút thiên lương
 
Theo dòng sinh hóa mà vui sống
Trọn nghĩa trọn tình với luyến thương
Văng vẳng à ơi từ đất mẹ
Kiếp tằm đến thác vẫn tơ vương

Phạm Khắc Trí
10/10/20
***
Thầy Tôi
(Xin phép Thầy cho em kính họa cho vui thầy nhé):

Thầy tôi từng trải gió dầm sương
Đất khách mỏi mòn nghĩ lại thương
Thui thủi văn chương bầu với bạn
Một mình trằn trọc nhớ quê hương.

Nhìn đời lật lọng thật khôn lường
Đổi trắng thay đen chuyện lạ thường
Bát thập thất niên nay ngoảnh lại
Thầy tôi luôn vững dạ kiên lương.

Thế sự bỏ ngoài tai để sống
Trọn tình tấm cám với người thương
Đêm đêm tưởng nhớ về quê mẹ
Lòng mãi ưu sầu dạ vấn vương…

Dương hồng Thủy
14/10/2020

Mừng Sinh Nhật Thầy Phạm Khắc Trí


Mái đầu tuyết trắng nhuộm phong sương
Bỏ nước hai lần ngập luyến thương
Quê Bắc-Tình Nam vời vợi nhớ
Ngậm ngùi thân phận kẻ tha phương

Việc đời đen trắng mãi khôn lường
Vận nước lòng quê xót lạ thường
Lặng lẽ tháng năm đà Tám Bảy
Tâm ngời trí sáng giữ thiên lương.

Bên nhau tay nắm trọn con đường
Tình nghĩa bạn đời mãi vấn vương
Bên cháu bên con lòng hiếu đạo
Mừng người vui sống giữa tình thương!

MaiLoc

10-14-2020

Tình Ca


Mới ngày nào đây,
Gặp nhau còn bỡ ngỡ,
Em thẹn thuồng khi ta hỏi tên nhau.
Nhưng rồi tình cảm lớn lên mau.
Như hoa hồng buổi sáng,
Đứng thẳng lên cho thinh sắc ngút ngàn sao!

Có những đêm trời vắng,
Trong những trận mưa rào,
Ngồi bên nhau cùng che chung tấm áo,
Mưa thấm vào từng giọt ướt vai nhau.
- “Lạnh không em?”
- “Không đâu anh,
Ngồi bên anh em như chim non nằm trong tổ,
Sưởi ấm lòng và ấm cả thân em!”

Lạy trời cho gió mưa thêm,
Ví dầu thân có lạnh -
Mà được ở bên nhau cũng đành!

Tình yêu lớn - Như núi rừng rộng lớn,
Cho niềm vui khuất kín lối u buồn.
Thay áng sầu bằng suối nhạc thương thương,
Trong hoang vắng
mà nghe lòng vương niềm háo hức.
Đời gian khổ
- Nhưng tình mình cao vút!
San sẻ chuyện lòng bằng ánh mắt buồn vui.
Xóa ưu tư trong tiếng nói giọng cười,
Với ánh mắt - Mình trao nhau biết bao lời tha thiết!
Khi hờn giận - Là lúc lòng càng da diết,
Theo tháng năm dài -
Bao kỷ niệm quấn quanh nhau!

Trại Bàu lâm, Dec. 21, 1980
Thái Quốc Mưu

Hoa Bâng Khuâng


Xướng:

Hoa Bâng Khuâng 

Sắc hoa tím lan man hồn hoang tưởng
Phơi nắng hồng , phơi biển mộng Bãi Dương 
Đồi La San dệt thắm những con đường
Đôi mắt lạnh chìm sâu vào lạc lõng

Em ngất ngưỡng ru đời âm đàn vọng
Hoa bâng khuâng vẫn mãi nở im lìm
Sóng Hòn Chồng hay nhịp đập con tim
Lòng thổn thức bao người đi lặng lẽ

Loài hoa dại vương say màu nắng nhẹ
Thả hương bay ngọn gió thổi thanh hiền
Lấp chôn sầu biển cả nỗi niềm riêng
Xin trả lại tiếng dương cầm buổi ấy 

Minh Thúy Thành Nội 
Tháng 10/3/2020
***
Bài Họa:

Hoa Bâng Khuâng Cảm


(Tặng Cung Lan yêu quý)

Hoa tím ngát hương em ngồi mơ tưởng
Lấp lánh nụ cười rạng rỡ Bãi Dương
Hồn miên man quên cuộc đời vất vưởng
Em ngỡ như đang lạc lối thiên đường

Tiếng dương cầm bỗng dặt dìu vang vọng
Hoa Bâng Khuâng trời đất cũng thinh im
Nhịp sóng Hòn Chồng dìu em cõi mộng
Làm ngất ngây và xao xuyến buồng tim

Gió núi mơn man tóc bay nhè nhẹ
Đồi La San chào cô bé dịu hiền
Tâm sự trao nặng quằn con tim trẻ
Anh xa rồi sao hé chút tình riêng…

Phương Hoa
OCT 4th 2020

Hảo


(Riêng tặng M.L)

Hảo là con một người bạn của cha tôi. Nàng không đẹp nhưng có duyên. Mắt Hảo to và đen láy, tóc dài quá vai và thường buộc lại thành “đuôi ngựa”. Với số tuổi 16, Hảo còn đầy đủ những cử chỉ và tính tình của một đứa nhỏ, Hảo chưa đáng gọi là “nàng”. Tôi vẫn quen gọi Hảo là bé, nhưng Hảo thì không muốn vậy, dù tôi hơn nàng những 8 tuổi. Chúng tôi đã sống với nhau có một thời thơ ấu êm đềm và sung sướng, một dĩ vãng đầy kỷ niệm mà những khi nhắc lại chúng tôi còn bồi hồi cảm động. Ngày đó, Hảo hay làm nũng, hay hờn giận và hay bắt tôi chiều nàng đủ thứ. Mỗi khi tôi trái ý, Hảo thường về bè với Loan, em gái tôi “không thèm chơi với anh ấy nữa” để rồi, lát sau, tôi lủi thủi một mình, Hảo lại ra làm lành. Nhưng có lẽ cảm động nhất là lần Hảo đã cắn bàn tay trái của tôi. Tôi không nhớ vì lý do gì, Hảo đã giận dữ ghì bàn tay cắn thật mạnh và khi thấy tay tôi chảy máu, Hảo sợ hãi ôm chầm lấy tôi oà lên khóc:
- Hảo xin lỗi anh Vũ, Hảo không muốn anh đau như vậy.

Tôi cũng ôm Hảo, và lần đầu tiên trong đời, tôi thấy một cảm giác lạ lùng tràn vào cơ thể. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu cảm giác đó có phải là tình yêu hay không, nhưng mỗi khi nhìn thấy vết sẹo trắng nho nhỏ trên bàn tay, tôi lại nhớ đến Hảo và cảm thấy gần gũi với nàng hơn lên.

Tôi đến thăm Hảo vào buổi xế trưa. Trời Sài Gòn thật nóng và khó chịu. Chỉ vì được gia đình Hảo coi như người nhà, tôi mới dám đến vào giờ này, giờ mà có lẽ mọi người đang say ngủ. Mẹ Hảo đang ngồi may vá bên cửa sổ. Tôi mở cửa đi vào, mẹ Hảo ngước lên nhìn tôi rồi lại cúi xuống tiếp tục công việc. Bà nói:

Vào đi Vũ. Trưa nắng thế này, sao con không để chiều mát hãy lại.

Tôi cười:
- Ở nhà buồn quá, con định rủ em Hảo đi ciné.
- Em nó còn ngủ trên gác ấy, để bác lên gọi. Con gái, con đứa gì mà ngủ suốt ngày.
- Để con lên gọi cũng được. Chắc đêm qua Hảo thúc khuya.
Mẹ Hảo bĩu môi.
- Mới 9 giờ tối đã ngáy như sấm. Con gái thời nay hỏng… Ngày xưa, bác làm việc quần quật chứ đâu…

Tôi không trả lời, đi thẳng vào nhà trong. Tôi lên được nửa cầu thang thì gặp Hảo. Nàng gọi khẽ “anh” rồi mỉm cười. Tóc Hảo bù rối, bộ pyjama hơi nhàu nát, trông Hảo đẹp man rợ và thật quyến rũ. Tôi thấy tim mình đập mạnh. Tôi hỏi:

- Đi ciné với anh không bé?
- Đi thì đi. Nhưng anh chờ Hảo tắm rửa một chút cho mát. Nóng quá, chịu không nổi.

Tôi ngồi chờ Hảo trong phòng nghe tiếng nước chảy ào ào và tiếng Hảo hát nho nhỏ bài Mộng chiều xuân.

“Gió chiều thầm vương bao nhớ nhung
Người yêu thoáng qua trong giấc mộng.
Bao niềm nhớ thương, bao ngày mong chờ
Trách ai đành tâm hững hờ…”


Giọng Hảo trong và thật buồn. Tôi hỏi lớn:

- Đi phim gì, bé?
- Tùy anh “Ils n’ont que vingt ans” đi
- Ừ, nhưng anh xem rồi
- Nhưng Hảo chưa xem

Vừa lúc đó, Hảo đi ra. Tôi lại ngẩn người và thấy tim mình đập mạnh. Hảo đẹp quá, một vẻ đẹp tươi mát và dịu dàng, khác hẳn vẻ đẹp man dại lúc nàng vừa ngủ dậy. Vài giọt nước còn đọng trên đôi má phớt hồng của Hảo như những giọt sương sớm trên cánh hoa đào. Tôi thầm nghĩ, người con gái đẹp và quyến rũ nhất khi nàng vừa ngủ dậy và sau khi nàng tắm. Tôi nói ý nghĩ đó cho Hảo nghe và bảo hôm nay tôi đã được thấy cả hai vẻ đẹp đó của Hảo. Hảo cười, má hơi đỏ:

- Chỉ khéo nịnh. Ai khiến anh nịnh Hảo nào? Rồi Hảo nói lảng:
- Anh muốn Hảo mặc đầm hay mặc ta?
- Hôm nay anh muốn bé mặc áo dài.
- Màu gì?
- Màu xanh đậm. Mặc màu đỏ, trông bé trắng hơn nhiều.

Hảo cười tủm tỉm:
- Chứ mặc màu khác, người ta tưởng Hảo lai Miên.

Tôi bật cười vì sự vô ý của mình và thấy Hảo thật tinh ý. Con gái thường tế nhị như vậy và khó hiểu nữa. Tâm hồn họ là một khu rừng rậm mà tôi càng cố tìm hiểu thì càng thấy mình lạc lõng…

Hoả sửa soạn thật lâu. Nàng chải đầu rồi buộc lại thành đuôi ngựa, vuốt lại tà áo…Người Hảo dài và thon, tôi nhìn nàng đăm đăm.

Hảo cười: 
- Hôm nay trông Hảo lạ lắm sao mà anh nhìn kỹ thế.

Tôi gật đầu: 
- Ừ…Ừ…Hôm nay bé đẹp lắm…

Hảo chợt nắm lấy tay tôi kéo lại gần nàng rồi chỉ bóng hai người trong gương:
- Tại sao anh cứ gọi Hảo là bé. Anh trông xem, anh lớn hơn Hảo được bao nhiêu nào?

Tôi ngẩn người. Lần đầu tiên tôi thấy Hảo lớn. Lần đầu tiên tôi thấy ở Hảo một sự nẩy nở hoàn toàn về chất của một thiếu nữ dậy thì – Tôi tự hỏi Hảo coi tôi như một người anh hay một người yêu, và ngược lại, tôi cũng không hiểu mình coi Hảo như một người em gái hay một người yêu nữa? Nhìn bóng hai người trong gương, tôi thấy chúng tôi thật xứng đôi, và nếu tôi lấy Hảo, tôi nghĩ vậy, chắc là tôi không có gì để ân hận., và điều đó cũng thật dễ dàng…

Thấy tôi ngơ ngẩn, Hảo cấu mạnh vào tay tôi, gắt:
- Anh nghĩ gì mà thộn mặt ra thế. – Sao không trả lời Hảo?

Tôi suýt xoa: 
- Tay Hảo như móng tay mèo, cấu anh xước cả tay.

Vô tình tôi đưa tay trước mặt Hảo, và cả hai chúng tôi cùng trông thấy vết sẹo trắng nho nhỏ. Tôi hỏi:
- Bé nhớ sẹo này không?

Hảo thẩn thờ: 
- Kỷ niệm của chúng mình, Hảo nhớ như ngày hôm qua – Hôm đó, anh trêu Hảo, và Hảo đã cắn tay anh đến chảy máu. Rồi Hảo sợ quá ôm anh khóc.

Nói đến đó, Hảo đỏ mặt dừng lại. Cả hai chúng tôi đều yên lặng – Cho đến bây giờ, tôi đã chắc chắn là tôi yêu Hảo và Hảo cũng yêu tôi. Tình yêu của chúng tôi bắt đầu từ thuở thơ ấu, hồn nhiên và đôn hậu, nó lớn lần với thời gian, chúng tôi đều cảm thấy mà không biết đó là tình yêu – Lúc này tôi muốn ôm Hảo vào lòng và nói với Hảo là tôi yêu nàng, nhưng nhìn mắt Hảo, tôi biết là lời nói của tôi không cần nữa, chỉ nhìn mắt Hảo, tôi cũng biết là Hảo yêu tôi và hiểu là tôi yêu nàng.

Tôi nói bâng quơ:
-Trời nắng quá…Có lẽ sắp mưa.

***


Tôi ngồi thu mình trong ghế, mắt nhìn về cuối đường. Đã quá giờ hẹn 15 phút rồi mà Hảo chưa đến. Hơi nóng ruột. –Đây là buổi hẹn đầu tiên giữa tôi và Hảo – Chính tôi cũng không hiểu hành động của tôi có gì đáng chê trách không? Tôi vẫn tự bào chữa là tôi gặp Hảo lần này cũng như bao lần khác tôi đã gặp nàng, đã đón nàng đi chơi. Nhưng trong thâm tâm quả tình tôi cũng nhận thấy một vẻ gì khác lạ, không giống những lần gặp gỡ trước, một vẻ gì ám muội, lén lút…

Tôi nhấp một ngụm “33”, chất rượu làm tôi bình tĩnh hơn. Chung quanh tôi, từng cặp tình nhân chụm đầu tâm sự. Một người bạn ngồi ở góc phòng nháy tôi cười. Người đối diện với nó là một cô đầm lai, tóc hung vàng. Tôi cười với nó, nhưng mắt chăm chú vào đôi chân thon dài và trắng của cô bạn nó. Tôi nghĩ đến Hảo, chân Hảo cũng dài và thon… Nhưng hôm nay, tôi nhắc Hảo sẽ mặc áo dài…

Tôi mua một tờ báo, đọc qua tin tức hàng ngày. Một chiếc Mig bị hạ. Vài tin chiến sự. Cáo phó đăng Trung uý Y sĩ Lê Ngọc Hoàn vừa hy sinh. Hoàn mới ra trường năm ngoái. Ngày tôi học năm thứ nhất thì Hoàn học năm thứ ba. Thời gian qua mau, chiến tranh mỗi ngày một thêm khốc liệt, vài năm nữa, tôi sẽ ra trường, và biết đâu, một ngày nào đó báo sẽ đăng tin tôi mới hy sinh. Chắc Hảo sẽ buồn lắm, tôi nghĩ vậy.

Tôi lại nhìn về cuối đường, vẫn chưa thấy Hảo. Có lẽ trời sắp mưa. Gió mạnh. Qua đám lá cây, tôi thấy bầu trời xám mầu chì. Lá me rụng tơi tả…Tôi chợt thấy bóng Hảo hiện ra ở cuối đường, trong đám lá me tơi tả đó. Hảo mặc áo dài màu xanh, tóc Hảo không buộc, để xõa bên vai và bay lòa xòa theo gió. Giáng Hảo uyển chuyển như rắn bò. Giữa hai hàng cây cao vút Hảo có vẻ bé bỏng và cô đơn. Tôi thấy thương Hảo vô cùng…

Hảo sắp qua đường. Nàng xoay người đưa tay vuốt tóc, tà áo tung bay. Bóng Hảo khuất sau góc tường rồi hiện ra ở trước cửa, lộng lẫy như một nàng tiên. Nàng đưa mắt tìm kiếm. Thấy tôi, Hảo cười, đôi môi cong lên, hai mắt có đuôi. Tôi cười với Hảo. Nàng đi lại phía tôi giữa những con mắt thèm thuồng và xấc láo. Tôi thoáng nghe tiếng một đứa con trai:
- Con bé kháu quá.

Tôi không mấy quan tâm đến những lời bình phẩm vô giáo dục ấy, chỉ yên lặng kéo ghế cho Hảo ngồi. Nàng nhích ghế lại gần tôi hơn và mỉm cười:

- Anh chờ lâu chưa?
- Mới độ nửa giờ thôi.
- Nhà có khách. Bà phán Thái đó. Có cả thằng cha Minh học Dược nữa, anh biết không?
- Biết. Hắn học với anh ở trung học, bị trợt 2 năm.

Hảo cười 
- Vậy mà bà ấy cứ khoe con học giỏi đủ thứ. 

Rồi Hảo hạ giọng một thoáng vẻ tinh nghịch.
Anh biết không bà bô nhất định bắt em bưng nước ra. Kỳ thấy mồ! Hắn nhìn em hau háu. Em phải nói là anh hẹn đưa anh đi ciné, bà bô mới chịu cho đi đó.

Tôi thở ra nhẹ nhõm. Cuộc gặp gỡ của chúng tôi không còn lén lút nữa. Nhưng tôi thoáng buồn. Có lẽ Hảo chỉ coi tôi như một người anh và những buổi gặp nhau như hôm nay, Hảo cho là rất thường tình. Tôi ngại là đã đầu độc Hảo, đã bắt Hảo hiểu quá sớm về tình yêu. Nhưng con gái đời nay thường hiểu biết quá sớm về tình yêu vì trong mắt Hảo tôi thấy rõ tiếng nói của tình yêu và tôi tin là mình không nhầm lẫn.

Tôi hỏi: 

- Bé uống gì để anh gọi?
- Cam tươi

Tôi gọi cho Hảo cam tươi và cho tôi thêm một chai “33”. Hảo nhăn mặt.

- Anh uống “33” làm gì. Say chết. Hảo sợ lắm
- Say sao được. Anh uống cho đỡ buồn.
Hảo “xì” một tiếng, rồi bĩu môi:
- Anh mà “buồn”, bộ Hảo vui chắc.
- Anh thấy bé cười suốt ngày. Còn anh, bé có thấy anh cười thường không?
- Tại anh làm bộ như vậy. Lại để râu nữa, trông thấy ghê!

Lúc ấy người bồi mang nước ra, tôi không trả lời Hảo, chỉ yên lặng nhìn nàng. Hảo nghiêng đầu chụm môi hút nước, tóc xõa che khuất mất một nửa khuôn mặt. Giáng điệu của Hảo thật ngây thơ và duyên dáng. Tôi khẽ thở dài, Hảo ngước nhìn tôi như dò hỏi. Tôi thấy Hảo đẹp và đáng yêu vô cùng.

Tôi chợt nắm tay Hảo nói khẽ:
- Bé, anh muốn nói với bé một chuyện…

Hảo siết chặt tay tôi nhìn tôi và chờ đợi. Trong mắt Hảo, tôi lại thấy rõ tiếng của tình yêu.

Tôi không cần nói với Hảo là tôi yêu nàng. Hảo đã hiểu, tôi tin như vậy. Tôi mỉm cười.
- Thôi, anh biết bé chắc biết chuyện ấy rồi. Mình về nghe!

Hảo không trả lời, nàng có vẻ giận. Trên đường về, Hảo không nói với tôi một câu nào và hình như Hảo không ngồi sát vào tôi như những lần trước...

Tôi cảm thấy băn khoăn. Những sự giận nhau vô lý như vầy xảy ra rất thường. Nó có thể làm đổ vỡ cả tình yêu, nhưng với Hảo tôi nghĩ nó sẽ làm cho tình yêu của chúng tôi nảy nở thêm.

Lúc về đến nhà, tôi thấy Hảo ngập ngừng nửa vào, nửa muốn nói với tôi điều gì, rồi Hảo lại gần và nói khẽ:

- Đó anh nhặt hộ bé mấy chiếc lá me vướng trên tóc.

24/07/1965
Nguyễn Thanh Bình


Thứ Năm, 15 tháng 10, 2020

Thơ Tranh: Mùa Thu Virginia


Thơ: Lê Mỹ Hoàn
Thơ Tranh: Kim Oanh


Xe Thổ Mộ

 

Những chiếc xe chuyên chở hương đồng 
Lặng lẽ lên đường trước rạng đông 
Ngựa cùng chủ như hồn dĩ vãng 
Níu thời gian giữ hẹn khôn cùng 

Khách lên xe là các bà mẹ 
Vẫn buôn tần bán tảo mom sông 
Có quang gánh thân gầy làm vốn 
Nuôi con thơ mẹ yếu thay chồng 

Xe thổ mộ ngựa già khói thuốc 
Búng thuốc rê cùng lá trầu không 
Xe lắc lư ngoại ô Gò Vấp 
Thuở hoa lài thơm nức trổ bông 

Vó câu khua mặt đường điệu nhạc 
Chiếc ngựa hồng thở khói sớm đông 
Có còn là con thoi cần mẫn 
Hay đã nhòa vào với hư không? 

Locphuc.

Tình Yêu Đoá Hoa Trà - Hoa Trà

(Ảnh: Kim Oanh)

Bài Xướng:
Tình Yêu Đóa Hoa Trà

Tình yêu lãng mạn đóa Hoa Trà
Duyên dáng ẩn hồng phấn sắc pha
Biểu tượng khát khao lòng luyến nhớ
Tuy không hương đượm vẫn mặn mà

Kim Oanh
Xuân Melbourne 10/2020
***
Bài Họa:
Hoa Trà


Giấu tiết hương, khoe sắc nụ trà
Thử lòng rung cảm có phôi pha
Một mai xa cách, còn thương nhớ?
Khi cánh tàn phai... dáng mượt mà!

Phong Tâm
***
Hương Thầm 

Chớm nở vườn xuân những đóa trà
Cánh hồng lá biếc sắc chen pha
Hoa tình dịu tỏa sang vườn hạ
Mai nhạt tàn hương mãi mượt mà!


Yên Dạ Thảo

Những Đỉnh Đèo Tây Bắc


(Cảm hứng với 4 đỉnh đèo đẹp của vùng Tây Bắc: 
Mã Pí Lèng, Ô Quy Hồ, Pha Đin và Khau Phạ)

Em đi vào con đường tình yêu, 
Quanh co như những nẻo đường đèo, 
Những nẻo đường đèo vùng Tây Bắc, 
Nằm vắt mình ngang núi cheo leo. 

Tình anh như đèo Mã Pí Lèng, 
Nối liền Mèo Vạc với Đồng Văn, 
Từ ngọn núi này qua núi khác, 
Con đường đèo làm đẹp Hà Giang. 

Tình anh như núi dốc chênh vênh, 
Anh bản lĩnh để thử lòng em, 
Làm sao tìm con đường Hạnh Phúc 
Con đường qua đèo Mã Pí Lèng. 

Vực sông Nho Quế đẹp lạ lùng, 
Xin anh đừng chảy một dòng buồn, 
Anh ơi thung lũng sâu thăm thẳm, 
Vách núi vây quanh em vẫn tìm. 

Đèo Ô Quy Hồ chẳng dễ đâu, 
Đèo dài hiểm trở giữa rừng sâu, 
Còn gọi là đèo Mây, mây phủ, 
Hai khung trời Lào Cai, Lai Châu. 

Đỉnh đèo cao Ô Quy Hồ ơi, 
Nằm giữa đường mây lên “Cổng Trời”, 
Mây trắng bay mộng đời nhẹ qúa, 
Em níu cho tình ở lại thôi. 

Em đã đến ngọn đèo Pha Đin, 
Một phần Sơn La, phần Điện Biên, 
Đèo cao tiếp giáp “Trời và Đất”, 
Trời đất bao la anh và em. 

Dưới chân đèo lác đác bản làng, 
Xa xa chân núi là tuyến đường, 
Trời xanh và rừng xanh thăm thẳm, 
Đứng trên đỉnh đèo, đời hư không. 

Đường xa tình gần sẽ có nhau, 
Đèo Khau Phạ dốc đứng trên cao, 
Hai huyện Văn Chấn, Mù Cang Chải, 
Em bâng khuâng anh ở bên nào.? 

Bên nào cũng tỉnh Yên Bái thôi, 
Đèo qua Khau Phạ là “Sừng Trời”, 
Biển mây bao phủ quanh chóp núi, 
Em bao dung tìm anh suốt đời. 

Tháng Chín tháng Mười lúa chín vàng, 
Lòng em chập chùng ruộng bậc thang, 
Nằm quanh con đường đèo Khau Phạ , 
Tình cũng chín rồi. Em gặp anh. 

Những nẻo tình yêu em đã qua, 
Là những con đường đèo gay go, 
Tình ta như huyền thoại Tây Bắc, 
Tình đẹp giữa núi rừng nguyên sơ. 

Nguyễn Thị Thanh Dương.

Thu Xa - Hỡi Thu

 
                Ảnh Kim Phượng

Bài Xướng:

Thu Xa

Mùa Thu đã đến ở nơi đây! 
Em có thấy chăng lá rụng đầy? 
Sương tỏa nhạt nhòa gầy ngọn liễu
Gió đùa lay gợn khỏa làn mây
Bờ tre xào xạc ngoài hiên vắng 
Cánh nhạn chơi vơi tận chốn nầy 
Gác nhỏ quê người sầu lữ thứ 
Một mình hiu quạnh nổi niềm tây 

Songquang 
20200919
***
Bài Họa:

 Hỡi Thu

Thu đã về chưa quạnh quẽ đây
Cho thôi nức nở lệ thu đầy
Câu thương thu trước bay cùng gió
Lời nhớ thu nào lẩn khuất mây
Vướng víu hồ thu đôi mắt ấy
Tình thu lay động trái tim nầy
Có nghe thu hỡi hoài mong đợi 
Thu vắng xa rồi lạnh mái tây

Kim Phượng

Chân Dung Một Người Thầy


Sau 66 năm nhìn lại, từ ngày vào Nam 12 tháng 8 năm 1954, rất vui chia sẻ một kỷ niệm đẹp trong đời với thân hữu, các em học trò cũ, và con cháu trong nhà khoảng thời gian từ 1955 đến 1962, tôi ngồi dạy Toán ở Trung học Sa Đéc.
PKT 08/13/2020

Đặc San Giáo Dục Sa Đéc - Hội Cựu Giáo Chức Thị Xã Sa Đéc - Kỷ Niệm Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20-11-2011  

Tôi sinh ra và lớn lên ở Thị Xã Sa Đéc, một thành phố nhỏ nằm cạnh sông Tiền. Từ thuở thiếu niên cho đến khi trưởng thành, tôi theo học Trường Nam Tiểu học Sa Đéc, rồi tiếp tục trường Trung học Sa Đéc. Trong khoảng thời gian dài, tôi được học với nhiều thầy cô khác nhau, nhưng có lẽ thầy Phạm Khắc Trí đã để lại trong tôi những ký ức tốt đẹp nhất.

Gia đình tôi có năm anh chị em, trong đó các chị và anh tôi là những lớp học sinh đầu tiên của Sa Đéc được học với thầy Trí. Tôi nhớ lại, trong những bữa cơm gia đình, các anh chị thường xuyên trao đổi về việc học tập, những mẩu chuyện nhỏ về các thầy cô, và tên thầy Trí luôn được các anh chị nhắc đến với một thái độ trân trọng, thích thú và kính phục.

Riêng tôi, năm 1959 mới thi đỗ vào trường Trung học Sa Đéc, học lớp đệ thất (lớp sáu bây giờ), vẫn chưa có dịp học môn toán với thầy. Vốn không được thông minh, lại không có một phương pháp học tập tốt, mất căn bản kiến thức môn toán nên tôi rất hoang mang và lo lắng. Kết quả học tập ngày càng sa sút, mặc dù tôi đã cố gắng hết sức. Tình trạng này kéo dài mãi đến năm tôi học lớp đệ ngũ (lớp 8 bây giờ) tôi mới được học môn toán với thầy Trí.

Buổi học đầu tiên, thầy đến lớp rất đúng giờ, trong chiếc áo sơ mi trắng ngắn tay, chiếc quần dài đen, chân mang đôi giày săng đan có quai hậu màu nâu sẫm. Thầy có nước da trắng, mái tóc đen chải rẽ thẳng hàng, gương mặt nghiêm nghị, dáng đi nhẹ nhàng chững chạc. Hôm đó là giờ học môn hình học ̣ Nghe danh thầy đã lâu, nên cả lớp háo hức trông chờ tiết dậy đầu tiên của thầy. ̣ Sau cái khoát tay cho phép cả lớp ngồi xuống, thầy bắt đầu giảng bài. Cầm viên phấn gõ nhẹ lên bảng 3 cái nhắc nhở học sinh tập trung, bằng một giọng nói trong và rõ ràng, bằng một động tác nhuần nhuyễn thầy vẽ 2 vòng tròn giao tiếp một cách nhanh gọn, chính xác và đẹp mắt. Cả lớp ngạc nhiên, thích thú và thán phục. Vừa giảng thầy vừa ghi những ý chính lên bảng, chữ viết nhanh nhưng đẹp, rõ ràng, sạch sẽ. Tiết học rất sinh động, cả lớp tiếp thu bài giảng một cách dễ dàng.

Trên lớp, thầy chưa bao giờ nổi giận, lớn tiếng đối với học sinh. Thỉnh thoảng có những tiết học hơi ồn vì một số học sinh thiếu tập trung, thầy chỉ cần ngưng giảng vài phút, nhìn xuống lớp, dùng phấn gõ nhẹ lên bảng vài cái kèm theo lời nói nhỏ nhẹ: "Thôi ! trật tự lại nào !", bấy nhiêu đó đủ tạo nên sức mạnh buộc cả lớp im phăng phắc như một lời nhận lỗi với thầy.

Trên lớp thầy nghiêm khắc bao nhiêu thì trong cuộc sống hằng ngày thầy thân thiện dễ gần gũi bấy nhiêu. Thầy sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc toán học của học sinh, khen ngợi những học sinh giỏi, động viên giúp đỡ vật chất cũng như tinh thần các học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn biết vượt lên chính mình. Ở thầy luôn toát lên một phong cách của người thầy mẫu mực, với kiến thức chuyên môn sâu, một tấm lòng rộng mở, trong sáng vì học sinh thân yêu.

Không biết có phải vì chịu ảnh hưởng của thầy hay không, mà các anh chị của tôi đều trở thành nhà giáo, dù mức độ thành công có khác nhau. Riêng tôi cũng chọn con đường dạy học, nhưng phong cách dạy học của thầy ảnh hưởng đến tôi rất lớn. Tôi luôn trau dồi, nghiên cứu, học tập theo tấm gương của thầy. 

Nhân Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20-11, tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến thầy cô nói chung, thầy Phạm Khắc Trí nói riêng, người đã khai tâm, khai trí giúp tôi nên Người. 

Châu Bá Tòng
Trung học Sa Đéc, Phường 2, Thị Xã Sa Đéc

Thứ Tư, 14 tháng 10, 2020

Tình Hoài Hương - Phạm Duy - Lệ Thu


Sáng Tác: Phạm Duy
Ca Sĩ: Lệ Thu
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình


Lời Kinh Dâng Mẹ




Tràng Mân Côi
Kính dâng lên Mẹ
Tháng Mười về
Khe khẽ cầu kinh
Ba Má con
Nơi chốn Thiên Đình
Được hạnh phúc
Trong tình nhà Chúa.


Kim Oanh
10/10/2020

Tháng Mân Côi


Tháng Mười Đức Mẹ Mân Côi
Thành tâm lần hạt con thôi u sầu
Nâng niu xâu chuỗi Nhiệm Mầu
Kính Mừng con sẽ bắt đầu Mẹ ơi
Tâm hồn như gió ngàn khơi
Tâm linh lần chuỗi hạt rơi dâng Bà
Maria Mẹ hiền hoà
Xin đầy ơn phúc đậm đà Mẹ ban

Tháng Mười tình Mẹ chứa chan
Con được Từ Mẫu cưu mang tháng mười
Cho con tìm thấy nụ cười
Cho con còn có tình người bên con
Cuộc đời đã hết héo hon
Mẹ ơi con sẽ sắt son trung thành
Để mong được Mẹ Chúc lành
Giữ con không khỏi chòng chành buông trôi

Tháng mười lần hạt Mân Côi
Cầu xin Đức Mẹ sáng soi tấm lòng
Giúp cho thế giới hoà đồng
Giúp nho nhân loại thoát vòng khổ đau
Mọi người hưởng phúc như nhau
Đưa người tội lỗi mau mau quay về
Sống trong tình Mẹ tràn trề
Quên đi những cảnh não nề xa xôi
Tháng mười lần hạt Mân Côi
Tung hô Đức Mẹ bằng đôi hoa hồng
Khẩn xin bằng tận đáy lòng
Trong giờ lâm tử Mẹ bồng trên tay

Tháng Mười 2006
Đỗ Hữu Tài

Có Một TìnhYêu

Chỉ khi bên em,
anh thấy hai bầu trời rất lạ
Một ở trên cao,
màu xanh bao la và nhiều mây trắng
Một ở rất gần,
lung linh ánh sao và ngàn tia nắng
Trong đôi mắt em, là cả bầu trời anh!

Chỉ khi bên em,
anh thấy cuộc đời đáng sống
Dù khổ đau, nước mắt mặn đời thường
Dù chung quanh đầy những vết thương
Cũng không lấp bờ môi em mật ngọt

Chỉ khi bên em,
là anh nhắm nghiền đôi mắt
Trái tim mù lòa trong vạn niềm tin
Để cả ngày mai là bể khổ triền miên
Anh vẫn chọn đời này không nuối tiếc

Chỉ khi bên em,
anh thấy tình yêu bất diệt..!

Durham, North Carolina
Người Chợ Vãng


Cảnh Thu

Bài Xướng:
Cảnh Thu

Mây nước giao hòa nẩy ý thơ
Ôi chao Thu đẹp quá! Ai ngờ
Heo may tím nhẹ rung rung đón
Hanh nắng vàng ươm vẫy vẫy chờ
Âu yếm trên cành chim ngỏ ý
Vấn vương dưới lá nhện giăng tơ
Tao nhân mặc khách lòng ngây ngất
Trước cảnh Thu này dạ ngẩn ngơ!

Tha Nhân
***
Họa vần:
Thu Vàng

Cành lìa lá rụng tủi nàng thơ
Sương lạnh màn đêm phủ bất ngờ
Ríu rít chim non bước bước loạn
Ngậm ngùi cô phụ mong mong chờ
Vì đâu số kiếp vương dòng lệ?
Cũng bởi duyên tình lạc bến tơ
Phiến mộng trùng hoan tim thổn thức
Thu vàng gieo rắc đến ngu ngơ...

Lâm Hoài Vũ
10/10/2020
***

Thu Viễn Xứ
Họa (Ngủ độ thanh)

Thu về lối mộng thả hồn thơ
Liễu úa vàng phai rụng chẳng ngờ
Cảnh cũ u buồn im ngóng đợi
Người xưa ủ rũ xót mong chờ
Hoàng hôn lẻ bóng mi tràn lệ
Tuổi hạc cô phòng kén rã tơ
Điểm hẹn mù sương sầu viễn xứ
“Cây cành” lặng đứng thảm buồn ngơ


Văn Ngọc

Trả Lại Cho Em


Trả lại cho em phút giây thuở đó 
Cái nhìn đầu tiên nghe loạn nhịp tim
Nắng biếc lung linh tia mắt kiếm tìm
Những ngày xa nhau ươm hoài nỗi nhớ

Trả lại cho em những ngày bỡ ngỡ
Đường về nhà em sao chẳng dài thêm
Giây phút chia tay ngón ngón thuôn mềm
Chẳng nỡ rời nhau mãi còn lưu luyến

Trả lại cho em dáng đi uyển chuyển
Đôi mắt nhìn xa về tít chân mây
Tà áo đong đưa ôm búp chân dài
Đâu biết sau mình có người đứng ngó

Trả lại cho em mối tình bỏ ngỏ
Vắng nụ hôn nồng môi bỗng bơ vơ
Vắng tiếng thầm thì tai bỗng dại khờ
Mối tình học trò nhạt phai mầu áo

Trả lại cho em những ngày diễm ảo
Ngày xưa thứ bẩy đường lá me bay
Hoa nắng mơn man chiếc nón nghiêng vành
Đuôi mắt hữu tình nụ cười e ấp

Trả lại cho em này đây cuốn tập
Những lá thư xanh rợn sóng tình ta
Nét chữ tròn xinh mực tím chưa nhòa
Vài cánh hoa khô thơm mùi dĩ vãng

Mai anh đi rồi tình sâu nghĩa nặng
Khói lửa chiến chinh nào biết ra sao
Trên bước quân hành giây phút nhớ nhau
Cầu nguyện tình ta có ngày tiếp nối

Locphuc