Thứ Bảy, 1 tháng 7, 2017

Thơ Tranh: Pleiku Vào Hè



Thơ: Lê Kim Hiệp
Thơ Tranh: Kim Oanh


Ba Tháng Hè



Tháng Bảy hè sang tuổi sách hồng
Phượng rơi lã chã phượng trong lòng
Ba tháng buồn ơi ba tháng hè
Sân trường vắng vẻ lớp trống không.

Buổi học cuối năm buổi chia tay
Mặc thầy căn dặn lắm điều hay
Mặc trò nôn nao giờ lưu luyến
Xa cách từ đây như áng mây.

Phương trời chim bay về tứ xứ
Cá lặn sông nào tuổi vô tư
Ba tháng thoảng qua lại tựu trường
Tay bắt mặt mừng vui hớn hở.

Sân trường tôi chợt thấy bỡ ngỡ
Em bây giờ đã thành thiếu nữ
Tôi tự dưng cũng thành người lớn
Một mình buồn sao thấy bơ vơ.

Em tự nhiên môi phớt mảu son
Tóc demi theo kiểu garcon
Chung đám bạn có bọn con trai
Một mình buồn sao thấy hờn ghen.

Tôi một mình hờn giận bơ vơ
Em biết rồi sao cứ làm ngơ
Tuổi học trò tôi mất từ đó
Cớ sao nhớ mãi sân trường cũ.

Hải Rừng
3/2007
Nhớ trung học Chu Văn An.

Yêu Thầm - Tình Đơn Phương



Bài Xướng;
Yêu Thầm

Dần khuất chim chiều vỗ cánh bay
Đêm đơn thăm thẳm tiếp đêm dài
Mộng lòng vừa chớm trong mơ ước
Định mệnh chôn vùi những đắm say
Giọt lệ âm thầm còn luyến nhớ
Thời gian vun vút chẳng ngừng quay
Gửi về ai đó tình vô vọng
Buồn chất trong tim mối cảm hoài

Kim Phượng
***
Bài Họa:
Tình Đơn Phương

Gió thoảng khói chiều nhẹ tỏa bay
Canh khuya thức trắng biết đêm dài
Lòng nầy nỗi nhớ, tràn mộng ước
Duyên kiếp không chừa kẻ đắm say
Đơn độc tình ta che nỗi nhớ
Thiết tha vắng lặng trí cuồng quay
Ai kia có thấu, chờ đồng vọng
Tình chứa đầy tâm, sẽ nhớ hoài

Nguyễn Cao Khải

Nỗi Nhớ Rất Quen


Nhớ em như buổi sáng này
Ly cà phê khuấy hây hây má hồng
Bầu trời xanh mát sáng trong
Dìu con gió nhẹ qua lòng trổ mơ

Nhớ em như nhớ tuổi khờ
Cái ngày thắc thỏm ngu ngơ theo người
Chỉ mong một cái liếc thôi
Về nhà thả nhớ ngược xuôi mơ màng

Nhớ em như nhớ nồng nàn
Mùi hương bồ kết tóc ngoan nghiêng về
Ngày xưa tóc xõa đam mê
Giờ bay bối rối lời thề xa xôi
Nhớ em như nhớ nụ cười
Trổ bình minh nắng tinh khôi ngọt ngào
Lời em : chim hót xôn xao
Đem tình xuân đến ngả vào lòng êm

Nhớ em như nhớ thói quen
Cà phê buổi sáng ly kem buổi chiều
Mỗi ngày ngồi gõ email
Không, thì khó chịu, lòng treo muộn phiền
Có khi nỗi nhớ ngọt tim
Có khi giông bão qua miền hồ nghi
Em quên hay nhớ... thôi thì
Đường xưa vẫn đợi em về hẹn nhau

Trầm Vân


Hình Ảnh "Ao Thu, Ngõ Trúc" Qua Dòng Thơ Thu Của Thi Sĩ Nguyễn Khuyến

Năm tháng trôi qua, nơi ra đời 3 bài thơ Thu bất hủ vẫn giữ được vẻ đẹp hương đồng cỏ nội của vùng đồng quê chiêm trũng. 


Trải qua nhiều năm, ngôi nhà của Tam Nguyên Yên Đổ - Nguyễn Khuyến (đỗ Tam Nguyên năm 1864 – 1865) một trong những cây đại thụ của văn học dân tộc, vẫn giữ được nét đặc trưng của vùng đồng quê chiêm trũng. Nhà của cụ Nguyễn Khuyến ở làng Vị Hạ, xã Trung Lương, huyện Bình Lục,  

Cổng vào nhà cụ Nguyễn Khuyến rêu phong, cổ kính, ở trên có ghi ba chữ nho “Môn Tử Môn”. Ông Nguyễn Thanh Tùng, hậu duệ đời thứ 5 của nhà thơ Nguyễn Khuyến giải thích: “Môn Tử Môn” có nghĩa là cửa ra vào của học trò, đây là một lời răn dạy nghiêm khắc về đạo làm trò của cụ.
 

"Mặc dù cụ Nguyễn Khuyến là quan to nhưng cổng lại nhỏ hẹp, nhô hẳn ra ngoài hơi hình chữ V, ý của cụ là nhắc đất này chỉ dành cho con trưởng", ông Tùng thuyết minh.
 

Qua cửa “Môn Tử Môn” là một không gian rất giản dị. Nhà từ đường xây theo phong cách truyền thống, phá cách. “Ngôi nhà có 7 gian, ngoài là đại tế, trong là hậu cung. Chỉ những người được sắc phong thần thì mới được xây như thế này. Hai cây nhãn trước cửa và một cây bên hiên nhà do cụ Nguyễn Khuyến vào cung sinh nhật vua và xin 3 hột nhãn về nhà trồng, ý nghĩa là bảng nhãn đỗ đầu ba khoa”, ông Tùng cho biết.

 
Ngôi nhà được làm lại năm 2013, toàn bộ gỗ lim của ngôi nhà được mua từ bên Lào, bên trong treo những hình ảnh, cảnh trường thi, lễ xướng danh khóa thi 1871 và hình ảnh cụ Nguyễn Khuyến lúc đỗ Tam Nguyên.
 

Giữa nhà tế lễ và hậu cung là một khoảng sân nhỏ hình chữ Nhị, theo ông Tùng giải thích, cách xây hình chữ Nhị như thế này chỉ những người nào có sắc phong thần mới được xây, dân thường không được xây. Nhà hậu cung thấp hơn nhà tế lễ là hàm ý mọi sự tinh hoa của trời đất đổ về thấp, vun đắp cho linh hồn các cụ được tươi tốt. Các chữ viết trên cột đều do cụ Tam Nguyên viết.
 

Ban thờ cụ Tam Nguyên. Theo ông Tùng, ngôi nhà này nguyên bản được cụ thân sinh của cụ Tam Nguyên dựng lên cách đây trên dưới 200 năm.


Bức tượng tạc Tam Nguyên Yên Đổ chống gậy trúc, khoan thai nhìn trời xanh của nhà điêu khắc Dương Đình Khoa tặng.


Bên trong từ đường là những nghiên bút, sắc phong, câu đối gợi lên những lấp lánh khoa bảng một thời. Đó là tấm biển “Ân tứ vinh quy”, “Nhị giáp tiến sĩ” do vua Tự Đức ban cho Tam Nguyên Yên Đổ. 


"Câu đối trên thân cây dừa của của tiến sĩ tổng đốc Ninh Thái ngày xưa, nay là tỉnh Thái Bình. Biết cụ Tam Nguyên rất dân dã và rất mến quê hương nên tổng đốc đã tặng cụ câu đối bằng thân cây dừa khi cụ đỗ đầu ba khoa", ông Tùng cho hay. 


Cuốn thư của cụ Dương Khuê tặng cụ Tam Nguyên khi cụ đỗ đầu ba khoa.


Khi cụ Nguyễn Khuyến đỗ đầu ba khoa, nhà vua ban tặng cho cụ bà (vợ Tam Nguyên) chiếc mũ.


Hình ảnh cụ Tam Nguyên trong Lễ xướng danh khóa thi 1871 và hình ảnh cụ Nguyễn Khuyến lúc đỗ Tam Nguyên Yên Đổ.
 

Du khách thăm nhà cụ Tam Nguyên sau khi thắp hương ở nhà hậu cung có thể ghé thăm “ngõ trúc quanh co” và “ao thu lạnh lẽo” trong dòng thơ Thu của cụ.


   Vườn rộng rào thưa... nay rất nhiều nhãn và có đường lát gạch cho khách tham quan.

   
Du khách như lạc vào khu vườn cổ tích với nhiều loài hoa, cây lá xanh biếc, có tiếng chim, tiếng ve kêu, có bướm bay đuổi nhau trong kẽ lá.
 

Một góc ao thu, tre trúc đan cành, đâm lá, tạo thành một khoảng xanh rì ngăn với cánh đồng trước mặt. Sớm, trưa, chiều tối tiếng chim hót rộn cả góc vườn.

Thái Nguyễn sưu tầm từ Net

Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

Sương Thu


Trăng ngập đầy khoang hồn ngập sầu
Sóng gờn gợn sóng thuyền về đâu
Sương thu lành lạnh đêm sâu lắng
Neo bến thuyền neo hỡi mộng đầu

Kim Phượng
***
Cảm Tác:

Nắng Hạ


Nắng lùa song cửa quét hồn sầu
Bóng ai lồng bóng ngả nơi đâu
Gió hạ nồng say mơ trầm lắng
Ôm trọn vòng ôm dấu tình đầu

ChinhNguyen/H.N.T. 
 Jul.1.2017

Thương Về Đà Lạt




Vui tai, vanh vách kể
Đà Lạt, xứ sương mù
Lai lịch từng chi tiết
Tranh treo, họa phẩm "Cù" (Cù Nguyễn)
Cà Phê Tùng điệu nghệ
Lời nhạc Pháp như ru
Đất lạnh chiều vương vấn
Thời gian lẹ tới thu...
Thoi đưa lẹ, kiết hung
Mùi tục lụy, ung dung
Thương nhớ, đây hoài niệm
Cà phê chỉ Quán Tùng
Tao nhân và mặc khách
Ôn cố tấm lòng trung
Vi vút rừng thông vọng
Thương hoài sống thủy chung

Mai Xuân Thanh
Ngày 21 tháng 06 năm 2017

Quy Gia 歸家 - Đỗ Mục



歸家                   Quy Gia 


稚子牽衣問,   Trĩ tử khiên y vấn,
歸來何太遲。   Quy gia hà thái trì?
共誰爭歲月,   Cộng thuỳ tranh tuế nguyệt,
贏得鬢邊絲。   Doanh đắc mấn như ti?
                           Đỗ Mục
***
Dịch Nghĩa: Về Nhà

Đứa con nhỏ kéo áo hỏi
Tại sao lâu quá mới về nhà
Có phải cùng ai giành giựt tháng năm
Nên giờ tóc đã bạc như tơ.

Bài Thơ:
Về Nhà
1/
Con thơ níu áo cha
Sao chậm trể về nhà
Năm tháng cùng ai thế
Để giờ tóc trắng pha

2/
Trẻ thơ kéo áo hỏi rằng
Sao lâu về thế phải chăng quên nhà
Cùng ai giành tháng năm qua
Khiến cho mái tóc cha đà bạc phơ.

Quên Đi

Chú thích: Trong bài “Khiển Hoài”, tác giả Đỗ Mục đã thú nhận say đắm tửu sắc cả chục năm ở Dương Châu. Nay ông trở về nhà, mượn lời con trẻ để tự trách mình có lỗi với vợ con.
***

Về Lại Nhà

Con thơ trì áo hỏi
Sao đi mãi đến giờ?
Cùng ai ngày tháng ấy
Mà tóc đã bạc phơ!

Lục bát:
Con thơ níu áo hỏi cha
Đi sao lâu quá, bỏ nhà bỏ con!
Cùng ai ngày tháng mõi mòn?
Sương pha tóc trắng chẳng còn như xưa!

Đỗ Chiêu Đức

Hai câu đầu là lời chất vấn, thắc mắc, thơ ngây nhưng lắc léo của con thơ. Nhưng hai câu sau... hình như là lời than van, oán trách, khúc mắc, thở than của bà... nội tướng đã biết bao ngày khoắc khoải, mòn mỏi đợi chàng về!
***
1/Trở Về Nhà

Nắm áo ba con hỏi
Đi lâu quá đã chưa?
Với ai bao năm tháng
Giờ tóc bạc lưa thưa

2/Trở Lại NhàThằng con trì áo ơi cha
Đi đâu quên trở về nhà quá lâu
Cùng ai năm tháng dãi dầu
Giờ sao mái tóc bạc màu trắng phau

Mai Xuân Thanh

Ngày 20 tháng 06 năm 2017


S​ông Càng Sâu Càng Tĩnh người Càng Hiểu Biết Càng Khiêm Nhường

Walter Raleigh (1552 – 29 .10. 1618)

Nước sâu chảy không một tiếng động, nước nông, nước cạn sẽ chảy róc rách. Người nông cạn, khoa trương sẽ giống như nước cạn vậy. Còn người có đủ tĩnh khí, khiêm nhường, biết mình sẽ giống như một nguồn nước sâu. Bạn muốn mình là nguồn nước sâu hay là một dòng nước cạn?

Walter Raleigh (1552 – 29 .10. 1618) là nhà chính trị, nhà sử học, nhà thơ nổi tiếng của Anh thời kỳ văn hóa phục hưng từng sáng tác một bài thơ về tình yêu. Trong đó ông đem tình cảm mãnh liệt ví như dòng nước chảy.
Ông viết: “Nước cạn chảy róc rách mà nước sâu lại chảy không phát ra một tiếng động. Một người nếu luôn nói lời đường mật thì trong lòng sẽ là “hư tình giả ý”!” 

Kỳ thực, trong cuộc sống, sự thành thật và lương thiện cũng giống như nước chảy vậy, cũng không cần phải tận lực khoa trương, ca ngợi. Con người chỉ có tâm thái bình tĩnh và tường hòa mới có thể đạt được cảnh giới tư tưởng cao thượng.
Ở một ngôi làng nọ, có hai cha con người đàn ông trung niên sống cùng nhau. Một hôm trời đẹp, người cha rủ con trai đi vào rừng dạo chơi. Cậu con trai vô cùng cao hứng đi cùng bố. Hai cha con đi đến đoạn đường uốn lượn thì dừng lại.

Trong một phút trầm lặng ngắn ngủi, người cha hỏi con: “Con trai! Ngoài tiếng chim đang hót ra, con còn nghe được thấy tiếng gì khác không?”
Cậu bé sau một hồi lắng nghe liền trả lời cha: “Cha ơi, con còn nghe được cả tiếng xe ngựa nữa ạ!”
Người cha lại hỏi tiếp: “Đúng rồi! Đó là một chiếc xe ngựa trống, không chở gì cả.”
Cậu con trai ngạc nhiên hỏi lại: “Chúng ta con chưa nhìn thấy nó, sao cha lại biết đó là chiếc xe ngựa trống rỗng?”

Người cha đáp: “Từ âm thanh con có thể dễ dàng nhận ra đó là một chiếc xe trống không. Xe ngựa càng trống rỗng, thì âm thanh sẽ càng to.”

Về sau này, cậu con trai trưởng thành, là một người thông minh, giỏi giang và thành đạt. Mỗi lần cậu chứng kiến một ai đó dùng lời lẽ ba hoa, lỗ mãng để nói chuyện, tự cho là mình đúng, tự cao tự đại, hạ thấp người khác thì cậu đều nhớ đến lời nói của cha vẫn như đang văng vẳng bên tai mình: “Xe ngựa càng trống rỗng thì âm thanh sẽ càng to.”

Những người đã từng qua sông cũng biết rằng, trước khi qua sông, người ta thường lấy một hòn đá ném nó xuống nước để phỏng đoán độ sâu của con sông. Bọt nước bắn lên càng cao thì chứng tỏ nước sông càng cạn, càng nông. Trái lại, nơi nào không có bọt nước bắn lên, không nghe thấy âm thanh lớn thì chứng tỏ chỗ ấy nước càng sâu, thậm chí sâu không thể đo được…

Nước càng sâu, chảy càng không có tiếng động. Xe ngựa càng trống rỗng thì tiếng động càng lớn. Làm người cũng nên như vậy!

Người có thể dùng tâm thái bình tĩnh, “bình tâm tĩnh khí” để nói chuyện với người khác thì sẽ trách được việc khắc khẩu, cãi vã giữa đôi bên. Người như vậy cũng sẽ càng học được cách lắng nghe người khác, mà lại không cường điệu, khoa trương chính mình!

Mai Trà biên dịch
Yên Đỗ sưu tầm

Thứ Năm, 29 tháng 6, 2017

Giọt Thơ Chiều Hạ Hồng - Thơ: Minh Thúy - Nhạc: Mai Hoài Thu


Thơ: Minh Thúy
Nhạc: Mai Hoài Thu 

Hòa âm: Quang Đạt 

Ca sĩ: Diệu Hiền
PPS: Nhật Thụy Vi


Cung Trời Hạ



Đèn hoa đỏ thắm sắc trên cây
Nắng hạ lung linh dệt sóng đầy
Tiếng nhạc ve vang cành lá biếc
Cung trầm buồn lắng vọng quanh đây
Áo bay lối gió mơ về cội
Tóc mộng đường mây hoa bướm say
Khóm lá gọi,Đàn chim ríu rít...
Mơ về ánh mắt tuổi thơ bay.

Bằng Bùi Nguyên

Mộng Cuối Ðịa Ðàng



Tôi từ kiếp nạn chu du
Em ôm nỗi nhớ mấy mươi thu buồn
Dặn lòng nén lại tiếc thương
Hạt mưa, viên nắng cứ chường niềm xưa

Mượn cười hoa cỏ bốn mùa
Lại nghe dĩ vãng bật mưa sụt sùi
Mở song cửa, đón gió vui
Nghe hơi ẩm mát ngậm ngùi len len

Tôi trong lẫn lộn niềm riêng
Em ngoài hương áo cài viền cỗ vân
Nếu đời quay lại một lần
Tôi, em chắc sẽ bất cần hoa niên

Lượm từ sỏi chết từng viên
Ðọc tên dấu tích của miền bản nhân
Ðể căng buồn phổi tình gần
Không gian ôm quyện lại ngàn năm xưa

Bật lên tiếng trẻ nô đùa
Không còn diêm dúa lọc lừa dã man
Thì thôi mộng cuối địa đàng
Gói vào chữ nếu chờ sang kiếp sầu

Tịnh

Nhớ Một Thời: Yêu (1)



 

Nhớ Một Thời: Yêu (1)

(Mượn vận bài thơ"Thú Đi Vay"của CDM)

Nhớ một thời:yêu, nghĩ cũng hay!
Bên nhau quấn quit tháng, năm, ngày
Cuôc tình cháy bỏng mong hò hẹn
Thương nhớ nồng nàn ngóng gió mây
Hờn nắng vuốt ve làn tóc mượt
Thích mưa lất phất khiến mê say
Nợ duyên cột chặt đời đôi lứa
Số phận an bày hết phải vay

Song Quang

Nhớ Một Thời: Yêu (2)

Có lẽ trời kia bắt trả vay ??!!
Chữ "Yêu" giờ tính được từng ngày
Bây chừ, cuộc sống già hiu hắt
Ngày trước, đường tình ngợp gió mây
Ngó nắng thương sao màu nắng nhạt
Nhìn mưa nhớ lắm lúc mưa say
Hết rồi, cái thuở mơ rồi mộng
Có một thời Yêu, nghĩ cũng hay!

Song Quang
6/17/2017


Tâm Bất Biến Giữa Dòng Đời Vạn Biến


Bất cứ ai trong chúng ta cũng cần có sự thanh tịnh trong tâm hồn và khao khát một cuộc sống có phẩm chất, có chiều sâu và sức mạnh siêu nhiên để có thể vững vàng trước cuộc sống đầy những sóng gió khó lường. Bằng thái độ khiêm tốn, tỉnh thức và lắng nghe, mỗi biến cố xảy ra chung quanh luôn là những bài học rất có ý nghĩa và đắt giá, luôn làm giàu cho bản thân và làm tăng phẩm chất cuộc đời của mỗi người chúng ta. Con người ngày nay quá bận rộn nên thiếu nhạy cảm trước những nét đẹp của cuộc đời, trước những cử chỉ dễ thương biểu hiện lòng thân ái của tha nhân, trước những điều bình dị của cuộc sống.

Sống không giận không hờn không oán trách
Sống mỉm cười với thử thách chông gai
Sống vươn lên cho kịp ánh ban mai
Sống chan hòa với những người chung sống...

Sống là động nhưng lòng luôn bất động
Sống là thương nhưng lòng chẳng vấn vương
Sống hiên ngang danh lợi xem thường
Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến
(Sống - Thích Hạnh Hải)

Để có con tim nhạy cảm, đón nhận những bài học vô giá và sống động của cuộc đời, con người cần luyện tập cho mình: Luôn có cái nhìn hy vọng, “Tâm bình, Thế giới bình, Tĩnh lặng để lắng nghe. 
Để cuộc sống có chất lượng hơn, con người cần: Biết, Làm chủ cảm xúc, Tập nhìn thấy cái may trong cái rủi, Sự tự do nội tâm. 
Hậu quả của việc bám víu : Bám víu là trói buộc mình và trói buộc người khác, bám víu là nguyên nhân phát sinh tranh đua, ganh ghét, khổ đau, có khi tủi nhục nếu bị ruồng bỏ hay từ khước, và còn làm cho tâm hồn mình bị mờ đục. Bám víu đem lại sự sụp đổ, khi những điều mình chờ mong, tưởng nghĩ hay yêu thích không còn, hay không xảy ra theo như mình nghĩ, Sự bám víu làm cho chúng ta trở nên như những người hành khất, van xin chút tình cảm hay sự nâng đỡ của người khác. Người bám víu có thể làm cho chúng ta trở nên đui, điếc không những đối với đối tượng bám víu mà còn với bản thân và những gì trong thế giới bên ngoài nữa. Bám víu là tự huỷ diệt khả năng làm chủ đời mình. 

Loại bỏ bám víu: 

Chúng ta sẽ bình an và hưởng trọn vẹn những gì đang có, nếu chúng ta không phải lo sợ đối tượng yêu thích của mình sẽ mất đi, hay lo tìm cách giữ cho riêng mình. Không bám víu, lệ thuộc là không phải khổ sở vì những gì không xảy đến như lòng và trí mình nghĩ. Loại bỏ sự bám víu là “nói không” với những gì ràng buộc cuộc sống mình.Nói không cũng có nghĩa là biết giữ gìn sức khoẻ tinh thần và thể chất, giữ được giá trị của mình. Bao lâu còn bám víu, con người còn bị cản trở khỏi sự giải thoát chính mình. 
Muốn giải thoát, ngoài việc cắt bỏ sợi dây ràng buộc tâm trí và sự dính bén với những gì mà chúng ta đang đeo bám: Phải có thái độ tự do, thừa nhận mình đang bị nô lệ, trực diện vấn đề, không quan trọng hoá, cắt đứt sự bám víu. 

“Giữ tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến” là một đề tài thuộc về quan điểm, nhận thức và đấu tranh nội tâm. Sự chín chắn của con người không phụ thuộc vào độ tuổi, mà dựa vào mức độ hiểu biết. Ngày nay người ta chú trọng nhiều đến sức mạnh nội tại để có thể đương đầu trước sóng gió của cuộc đời, hơn là khái niệm sức mạnh cơ bắp, tiền bạc, quyền lực như trước đây. Nhận thức về bản thân là khởi điểm của sự thay đổi, đưa con người thoát khỏi ảnh hưởng của các cảm xúc tiêu cực. Giải thoát tâm hồn khỏi tình trạng nô lệ để có sự tự do nội tại đích thực, là một cuộc hành trình dài, cần nhiều thời gian và sự cương quyết. Đây là cuộc chiến đấu gay gắt và dai dẵng, mà sức lực hữu hạn của con người luôn bị mài mòn. Do đó, người ta không thể ỷ vào sức mình để giành phần thắng lợi, mà cần phải có lòng tín thác và cậy trông vào sự trợ giúp của mỗi người chúng ta. 

Tâm tuy là một điểm tuy nhỏ nhưng quan trọng, nên người ta mới gọi là tâm điểm.
Tâm của con người quan trọng hơn vì nó diễn tả nhân cách của một con người.
Tâm lệch lạc thì cuộc sống nghiêng ngả đảo điên.
Tâm gian dối thì cuộc sống bất an.
Tâm ghen ghét thì cuộc sống hận thù
Tâm đố kỵ thì cuộc sống mất vui.
Tâm tham lam thì cuộc sống dối trá

Cho nên hãy đem tâm của mình ….
đặt trên ngực để yêu thương
đặt trên tay để giúp đỡ người khác
đặt trên mắt để thấy nỗi khổ của tha nhân
đặt trên chân để mau mắn chạy đến với người cùng khổ
đặt trên miệng để nói lời an ủi với người bất hạnh
đặt trên tai để biết nghe lời góp ý của người khác
đặt trên vai để biết chịu trách nhiệm
và chia sẻ trách nhiệm với anh chị em

Thân xác không tâm là thân xác chết.
Kẻ vô tâm thì chỉ biết lo cho mình.
Cuộc sống của họ chất chứa những hận thù 

...VÀ TRỞ THÀNH MỐI ĐE DỌA CỦA NHIỀU NGƯỜI 

Sống không giận không hờn không oán trách.
Sống mỉm cười với thử thách chông gai.
Sống vươn lên theo nhịp ánh ban mai.
Sống an hòa với những người chung sống. 
Sống là Động, nhưng lòng luôn bất động. 
Sống là Thương, nhưng lòng chẳng vấn vương. 
Sống yên vui – danh lợi mãi coi thường 
Tâm bất biến – giữa dòng đời vạn biến! 
(Thích Hạnh Hải)

Bản dịch tiếng Anh 

Live without anger, without hatred, without blame 
May your life smile at challenges, obstacles 
Keep up rising with the morning sunshine 
Live in harmony together with your fellows . 
Life is Moving, but always keep your soul still 
Life is Loving, but always keep your heart unentangled 
Live a peaceful and happy life, but do laugh at fame and wealth 
May your heart be immutable among the changeful lifestream

TNS-Lệnh Hồ Công Tử (tổng hợp)
Montreal,Canada, Tháng 6-2017

Thứ Tư, 28 tháng 6, 2017

Thơ Tranh: Kỷ Niệm Sinh Nhật

Chị Ngọc Cầm mến, Tuy muộn nhưng hy vọng chị vui thêm với món quà nhỏ này trong ngày Sinh Nhật chị nha. Chúc chị luôn vui tươi, dồi dào sức khoẻ.(KimOanh)


Thơ: Ngọc Cầm
Thơ Tranh: Kim Oanh

Nhớ Thành Đô - Hoàng Thi Thơ - Thái Châu


Sáng Tác: Hoàng Thi Thơ
Ca Sĩ: Thái Châu
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Lão Lính Già Cô Đơn Trên Đất Khách



Trên chiếc xe lăn, lão lính già
Thời gian nhuộm tóc trắng như hoa
Âm thầm ôm mối hờn vong quốc
Lưu lạc một mình tận xứ xa

Lão sống cô đơn trên gác trọ
Toà chung cư cho khách tuổi già
Xa xứ một mình, không quyến thuộc
Bạn đời khuất bóng mấy năm qua

Đêm đêm gởi mộng về quê Mẹ
Thăm bạn bè xưa, viếng lại nhà
Nhưng cuộc biển dâu nhiều thay đổi
Vùi chôn kỷ niệm của thời qua

Hình ảnh bạn bè, người năm cũ
Phủ bụi thời gian đã nhạt nhoà
Lão đành gác lại tình sông núi
Sống cảnh tha hương hết kiếp già

Hoàn cảnh Lão khiến lòng tôi trĩu nặng
Một nỗi buồn thương cảm rất sâu xa
Ngày nào đó, Lão lên “Tàu Thiên cổ”
Có ai, người tiễn Lão đến sân Ga?

Hoa Đô, Mùa Tháng Tư 
Lão Mã Sơn/Trần Gò Công


Không Tên 3



Có khi ta thấy lòng thật lắng xuống,
Tựa như buồn mà không thể buồn hơn,
Ở chung quanh với mình như bất động,
Như mùa đông lặng lẽ giữa cô đơn.

Ta nghe chừng một tâm hồn đã mất,
Không còn gì để vui một chút vui,
Mắt đăm chiêu xa thẳm hồn lây lất.
Nhìn cuộc đời thấy sao mà ngắn ngũi.

Quá khứ dài qua đi còn lại gì,
Với đời người bây giờ một cõi chờ,
Rồi thời gian vụt tới để vụt đi,
Dẫu trăm năm được gì mà mộng mơ.

Có khi ta thấy đất đá là thiền,
Vẫn nằm trơ mặc thế sự xoay vần,
Mặc nắng mưa dâu bể cũng mặc nhiên,
Cũng chẳng chờ chẳng đợi với thời gian.

Một cõi ta về về trong lòng mẹ,
Từ nơi ta sinh sinh ra tiếng khóc,
Rong rêu phủ phiến đá vẫn không nề,
Vẫn im lặng buồn vui không trách móc.

Có khi ta thấy cuộc đời ngắn ngũi,
Muốn tìm về cùng nhân thế tình người,
Dẫu đắng cay chắc cũng một chút vui,
Ta yên ngủ nhìn dòng sông chảy xuôi.

Hải Rừng
Oakland, 29 Oct 2011
Cái vui của một người là thỉnh thoảng cũng biết buồn.


Chờ Em, Em Sẽ Đến - Wait For Me, I'll Be there



Chờ Em, Em Sẽ Đến

Em sẽ đến dù trời mưa hay nắng
Dù mây mù ủ rũ hay bầu trời trong xanh
Dù sương sớm phủ che hay bão tố vây quanh
Dù gió cuốn nộ cuồng hay êm đềm lơi lả
Đông lạnh cóng hay Thu buồn tơi tả
Hè nóng bừng hay Xuân thắm buông lơi
Em sẽ đến, muốn gặp lắm anh ơi!
Bao nhiêu năm mình lỡ hẹn lâu rồi
Em sẽ đến, một nửa đời qua mất
Một nửa đời còn lại có cho nhau?
Em sẽ đến dù bất cứ giá nào
Gặp lại nhau dù ngỡ ngàng nhận diện
Em sẽ đến, chờ em, em sẽ đến
Dẫu muộn màng, mình có nửa đời sau
Nhớ chờ em dẫu tình có thương đau
Chờ đợi em như thuở nào vẫn đợi
Em bây giờ khác em ngày xưa lắm!
Anh bây giờ còn phong độ như xưa?!
Em sẽ đến gặp lại người ngày cũ
Đến gặp nhau chắc hẵn sẽ ngậm ngùi!

Như Nguyệt
***
Dịch Thơ:
Wait For Me, I'll Be there

I'll be there, whether rain or shine
Clouds hang over or clear blue sky
The city wrapped in fog or shaken by storm
Winds blow violently or gently according to the norm
Shivering winter or depressing fall
Sultry summer or gentle spring
I'll be there, definitely be there
So many years missed appointments we shared
I'll be there, now half my life was gone
Would our remaining half also withdrawn?
I'll be there no matter what the price
Even in embarrassment or cry
I'll be there, wait for me, I'll be there
Even late, our life's second half waiting to be shared
Wait for me, even if you're still in pain
Wait for me, as you always did, without complaint
I'm not the same as I used to be
Your looks haven't changed in any degree?
I'll meet my man of yesteryear
No doubt we'll be drowned in tears!

Translated by Wissai/NKBa'

Bây Giờ Là Buổi Chiều, Nắng Còn Vàng Óng Không Gian...


Bây giờ là buổi chiều, nắng còn vàng óng không gian...Tùy theo tâm cảm của mỗi người, buổi chiều không phải là bao giờ cũng buồn. "Chiều không chỉ là "nắng chia nửa bãi" ...Và "hồn hoang trinh nữ xếp đôi là rầu..." mà là không khí thơ mộng, lãng mạn gợi nhớ những kỷ niệm êm đềm hạnh phúc.

Nỗi buồn nếu có, cũng chỉ là "Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn". Nỗi buồn đó là nhạc chiều Serenade, chứ không phải Dạ khúc Noturne. Nó là màu vàng óng của nắng chiều nhuộm mái tóc ai,... là bộ dạ phục trang nhã, là đôi mắt long lanh, là mười ngón tay ngà thuôn đẹp và một ly rược nhỏ màu hổ phách đượm ngát hương tình.
Chiều là không gian của hạnh phúc kể cả hạnh phúc đã xa...

Bích Huyền

Thứ Ba, 27 tháng 6, 2017

Mơ Về Trường Xưa - Thơ Đỗ Thị Minh Giang - Nhạc Vĩnh Trương



Thơ: Đỗ Thị Minh Giang
Nhạc: Vĩnh Trương
Hòa Âm: Phan Thanh Hùng
Ca Sĩ: Bạch Lan


Cung Đàn cũ




Ánh mắt em đầy nỗi nhớ mong
Khuôn trăng hiền dịu đắm say lòng
Ta như một gã khờ si dại
Muốn được cùng ai trọn giấc nồng


Ánh mắt em đầy nỗi nhớ mong
Một thời hoa bướm sắc hương nồng
Đêm nay mưa gió lùa khe cửa
Tê tái tràn dâng ngập cõi lòng

Con nước dòng xuôi khéo hững hờ
Người về bến lạ chẳng còn mơ
Ai gieo cay đắng vào cung bậc
Đau xót đàn tôi loạn phím tơ

Con nước dòng xuôi khéo hững hờ
Em còn đâu nữa để ta mơ
Đàn khuya sương lạnh buồn thao thức
Réo rắc tang tình đoạn mối tơ


Quên Đi
         

Tình Xưa



Bốn mươi hai năm chúng mình xa nhau
Anh bỏ nước ra đi tìm đất hứa
Em ở lại miền quê hương đỏ lửa
Trải thời gian, nhan sắc vẫn chưa tàn.
Giây phút đầu gặp nhau sao bỡ ngỡ
Tưởng người yêu đã trở gót sang ngang
Anh bao năm phong trần nơi xứ lạ
Màu tóc xanh sương tuyết điểm phôi pha.
Em phiêu du trong bầu trời hải ngoại
Từ bao lâu, mình có biết gì đâu
Hai chúng ta mỗi người đi một ngả
Thật không ngờ quanh quẩn Georgia.
Nay gặp lại, ngỡ ngàng trong tiếc nuối
Sau thời gian mất dấu tích tin em
Gánh trên lưng vợ con, đàn cháu nhỏ
Mộng ngày xưa! tan nát cả con tim.
Thôi, đành thôi, duyên lành ta chẳng hợp
Tình in sâu, nghĩa đậm sẽ không tàn
Xiết vòng tay thân ái để trao nhau
Tác phẩm Thi Ca cho đời vẫn đẹp. 


ChinhNguyen/H.N.T.
GA,Jun.25.12/17

Chia Tay



Bài Xướng:
Chia Tay !

“Yết hậu”
Sắc phượng bên đường đã đỏ hoe
Chia tay lưu bút lệ hoen nhòe
Tiếng ve nức nở buồn ly biệt
Hè …

Như Thị
***
Các Bài Họa
Chia Tay!

“Yết hậu”
Sân trường giọt nắng cũng hoe hoe
Bè bạn ôm nhau nước mắt nhòe
Kỷ niệm ướp hồn thôi tạm biệt
Hè …

PhanTựTrí
***
Bồi Hồi

Bồi hồi phượng giục nắng vàng hoe
Mực tím rưng rưng giọt lệ nhòe
Mỗi bước mỗi xa tà áo trắng


Phạm Duy Lương
15 - 6 – 2015
***
Tạm Biệt

Bên hồ hoa phượng đỏ hoe hoe
Lưu luyến bạn hiền mắt lệ nhòe
Lưu bút ngày xanh mong gặp lại
Hè…

Trương Ngọc Thạch
***
1
Lung linh nắng sớm trải vàng hoe
Mắt phượng ai xui lệ đỏ nhòe '?"
Trường lớp xốn xang,...ve tấu nhạc:
Hè...
2
Bên nhau xao xuyến,... mắt hoe hoe
Phượng thắp đèn hoa bóng nhập nhòe
Vương bóng áo dài...lòng bịn rịn:
Hè...

6-2017
Nguyễn Huy Khôi
***
Kỷ Niệm

Phượng hồng áo trắng nắng vàng hoe

Tạm biệt.tuổi xanh khóe mắt nhòe
Trang vở học trò lưu kỷ niệm...
Hè.

Trần Lệ Khánh
16-7-2017
***
1/Mùa Tạm Biệt
Nắng Hạ khoe màu Phượng rực hoe
Chia tay bè bạn mắt mờ nhoè
Sân trường , áo trắng ..buồn lưu luyến


2/ Hè Lưu Luyến
Nắng trải sân trường chiếu rực hoe
Bùi ngùi tạm biệt mắt sưng nhoè
Ve ca , Phượng nở ...sầu man mác


Minh Thúy
***
Giã Biệt


Chia tay buổi ấy mắt người hoe
Tan nát tim tôi lệ ướt nhoè
Lưu bút trao nhau.. lời giã biệt
Hè…

Kim Oanh
***
Lưu Luyến

Ve sầu đỏ phượng nắng chiều hoe
Bịn rịn tay chia níu lệ nhòe
Thấp thỏm nghe lòng đau tiễn biệt

Hè…

Lý Đức Quỳnh
***
Chia Tay


Phương xưa còn đỏ thắm màu hoe
Nhớ lắm quê hương chẳng nhạt nhòe
Một thưở sân trường bao luyến tiếc
Hè…

Bảo Trâm

Thứ Hai, 26 tháng 6, 2017

Đức Dalai Lama - Thư Họa Vũ Hối - Hoạ Sĩ Vũ Quốc


Thư Họa: Vũ Hối
Họa Sĩ: Vũ Quốc


Vào Hè - Dương Bá Trạc (1884-1944)



Ai xui con cuốc gọi vào hè, 
Cái nóng nung người, nóng nóng ghê! 
Ngõ trước, vườn sau um những cỏ, 
Vàng phai, thắm nhạt ngán cho huê. 
Đầu cành kiếm bạn, oanh xao xác, 
Trong tối đua bay, đóm lập loè. 
May được nồm nam cơn gió thổi, 
Đàn ta ta gảy khúc Nam nghe.

Dương Bá Trạc (1884-1944)
(Mailoc sưu tầm)

Sách Quốc văn giáo khoa thư (Trần Trọng Kim, Nha Học Chánh Đông Pháp xuất bản, 1935) ghi bài này là thơ cổ, có lẽ thơ thời Nguyễn chứ không phải thời cổ đại. 

Thiếu Sử trong bài Ai là tác giả bài “Vào hè” đăng trên tạp chí Kiến thức ngày nay số 740, ngày 1-3-2011, mục Trà dư tử hậu (tr. 45, 46, 133), thì bài này là của Dương Bá Trạc, in trong tập thơ Nét mực tình (NXB Đông Tây, Hà Nội, 1937). Cũng theo bài viêt này thì hai câu 4 và 5 của bài thơ như sau: 

Hồng rơi thắm rụng tiếc cho huê. 
Trên cành gọi bạn chim xao xác,Nguồn: 
1. Quốc văn giáo khoa thư, Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc, Đỗ Thuận, Nha Học Chánh Đông Pháp xuất bản, 1935 
2. Kiến thức ngày nay, số 740, ngày 1-3-2011

Trưa Hè – Trăng Quê



Trưa Hè – Trăng Quê

Còn nhớ quê xưa những tháng hè,
Bốn bề ra rả nhạc sầu ve.
Quán tranh phe phẩy vài hành khách
Bến nước im lìm mấy chiếc ghe.
Vi vút hàng sao cành rậm rạp,
Bơ phờ giàn mướp nụ le que.
Chiều về gió mát từ sông cái,
Tối đến ngoài sân đóm lập lòe.

Tối đến ngoài sân đóm lập lòe
Hằng Nga lững thững vượt lùm tre .
Xóm giềng êm ả trăng vòi vọi,
Tiếng cuốc mơ hồ dạ sắt se.
Trằn trọc võng đưa hồn lắng đọng,
Mơ màng quạt phẩy muỗi vo ve.
Giật mình tinh giấc, gà eo óc,
Dằn vặt tình quê, mộng não nề.

Mailoc
6-18-17
( Father’s Day )
***
Trưa Hè – Trăng Quê

Quê xưa nhớ mãi những trưa hè,
Mấy gốc sa-kê rộn tiếng ve.
Tập lội vài thằng ngâm dưới nước,
Học chèo mấy đứa lắc trên ghe.
Cây im phăng phắc không hơi gió,
Đường vắng chói chan chẳng một que.
Phe phẩy quạt mo ngồi trước cửa,
Chiều về hơi nóng vẫn hanh lòe !

Chiều về hơi nóng vẫn hanh lòe,
Đom đóm chập chờn lượn bụi tre.
Êm ả ánh trăng trong vành vạnh,
Mơ hồ tiếng cuốc giọng se se.
kẽo ka kẽo kẹt ai đưa võng,
Rả rít rả ri nọ tiếng ve.
Đầu xóm gà đâu eo óc gáy,
Suốt đêm trằn trọc cũng không nề.

Đỗ Chiêu Đức
***
 "Trưa Hè" - "Trăng Quê"

Võng đưa kẻo kẹt nóng ngày hè
Xoả tóc em nằm lắng tiếng ve
Tấu nhạc trên cây ca vạn cổ
Tình tang dưới bến hát muôn ghe
Bờ rào dâm bụt bông đầy búp
Giàn mướp đơm hoa mấy trái que
Mát dịu bờ sông chiều bớt nóng
Gió nồm man mác đốm đêm loè...

Gió nồm man mác đóm đêm loè
Trăng tròn vành vạnh ngọn cây tre
Cụ già ngon giấc đêm thanh vắng
Chim cú trong lùm tối lạnh se
Chạng vạng đu đưa nằm đẩy võng
Khuya hè phành phạch ngủ mơ ve
Sầu dâng chất ngất buồn muôn thuở
Thu hoạch được mùa gánh nặng nề


Mai Xuân Thanh
Ngày 19 tháng 06 năm 2017
***
Xúc Cảm Vào Hè

Khí càng oi bức buổi trưa hè
Cây đứng im lìm trong tiếng ve
Trên phố hầm hầm tia nắng đỏ
Dưới sông thưa thớt bóng xuồng ghe
Bầu trời xanh ngắt không cơn gió
Quán xá buồn tênh chẳng mấy que
Chầm chậm ngày trôi chiều đã đến
Đêm buông đèn thắp ánh bung loè

Đêm buông đèn thắp ánh bung loè

Bức rức ra ngồi chiếc chỏng tre
Ngửng mặt nhìn lên vầng nguyệt khuyết
Cúi đầu chợt thấy cõi lòng se
Đời này sao lắm người vô cảm
Xảy chuyện khó tìm kẻ vuốt ve
Có lẽ tại thời sinh thế đấy
Nên nhân tâm đổi chẳng còn nề.

Quên Đi
***
Ngày Hè Quê Tôi

Thầm thoát xuân qua, đã đến hè
Trong vòm phượng vỹ, rộn bầy ve
Nắng nung hừng hực trên đường đất
Sông chảy im lìm dưới đáy ghe
Xơ xác bãi ngô còn mấy ngọn
Trụi trơ liếp đậu chỉ giàn que
Khắp nơi yên ắng như ngưng thở
Ngày xế, không gian vẫn sáng lòe.

Ngày xế, không gian vẫn sáng lòe
Rồi quầng ráng đỏ nhuộm bờ tre
Chiều dâng chuyển tím chân trời sẫm
Trăng mọc nhuộm vàng ngọn cỏ se
Trai gái chuyện trò lời thoảng gió
Trẻ con đùa giỡn giọng ngân ve
Đêm về, sương xuống đem hơi mát
Không khí chừng như bớt nặng nề.

Phương Hà
***
Tiếng Hè

Ngày oi nóng nực giữa trưa hè
Vẳng khắp lưng trời rộn tiếng ve
Vẫy gọi canh vườn săn bóng trảo*
Bơi đùa thả nước nghịch luồng ghe
Cơn mưa sái buổi nung ngầy bức
Bóng ráng buông chiều rọi đỏ que
Ngọn gió ngàn khơi lùa khát vọng
Màn đêm chớp tỏ đóm hoa lòe

Màn đêm chớp tỏ đóm hoa lòe
Kiếm bạn giao tình giữa liếp tre
Lấp lánh vầng trăng soi bỏ lững
Âu sầu tiếng cuốc vọng buồn se
Đàn rung thả nổi tơ lòng động
Nhạc trỗi lơ chìm tiếng muỗi ve
Lặng lẽ tầng không say cảnh vắng
Canh dài trải khắc mộng bao nề!


Mai Thắng
170621
* Trảo = chim trao trảo
***
Hạ Cảm

Bãi trường vào dịp đúng ngày hè
Sân vắng bóng người, chỉ tiếng ve
Gốc Phượng cành im trời lặng gió
Trẻ con tắm lội, níu be ghe
Trên đồng, trâu cột nằm nhai cỏ
Dưới ruộng cò bay có mấy que
Nắng tắt hoàng hôn về chập choạng
Thế mà hơi nóng cứ như loè.

Thế mà hơi nóng cứ như loè
Ánh nguyệt nửa vành núp lũy tre
Ngọn gió nồm nam phe phẩy mát
Màn sương thoang thoảng lạnh buồn se
Ngoài vườn ếch nhái kêu inh ỏi
Cạnh võng bên tai tiếng muổi ve
Thao thức mơ màng gà gáy sang
Thương mình xa xứ mãi chưa về


Song Quang
6/21/17
***
Gọi Hè!

Quê tôi chẳng khác mấy xuân hè
Én lượn hai mùa chẳng tiếng ve
Nắng bụi mưa bùn bao lộ đất
Ruộng vàng nước bạc lắm xuồng ghe
Tương tàn nghiêng ngả hai màu nước
Miệt thị nghe buồn ba chiếc que
Mỗi độ mai tàn thêm nhớ tiếc
Thời gian đú thấm biết ai lòe.

Thời gian đủ thấm biết ai lòe
Măng đã lớn rồi vượt ngọn tre
Tráng sĩ năm xưa buồn sức mõn
Đỗ quyên tiếng khản ngập lòng se
Miên man ký ức luôn kỳ vọng
Ray rứt dòng thơ tự vuốt ve
Gió lộng hoàng hôn lay bụi trúc
Hò hơ…nếp cũ giữ nguyên nề.

Cao Linh Tử
25/6/2017

Buổi Họp Mặt Vui

Sư huynh Hồ hữu Hậu tuyên bố lý do 
Từ trái : Tư – Lưu _ Hậu –Thành –Tuyến

Giáo sư Hồ hữu Hậu là bạn cùng lớp với Giáo sư Hiệu trưởng trung học PTG Nguyễn trung Quân, Ds Nguyễn công Đức v.v…các vị sư huynh nầy học trước tôi 3 năm.
Vào một chiều cuối tuần, sư huynh Hậu ghé chơi với tôi và ngõ ý mượn điểm nhà tôi để tổ chức họp mặt… cho vui. Tôi đồng thuận ngay và rất vui mừng với hảo ý của anh… vì lâu quá chúng ta chưa có dịp đùa giởn cùng nhau.
Thế là, sáng nay, ngày Chủ Nhật 25/06/2017, lúc 8 giờ sáng tại nhà tôi họp mặt cùng ăn sáng với nhau.

Buổi họp mặt thật gọn, nhưng quy tự được :

- Sư huynh Hồ hữu Hậu
- Nhà thơ Hồ Nguyễn ( phu nhân sư huynh Hậu)
- Sư huynh Phan văn Tư
- Chị Đinh thị Hiệp ( phu nhân anh Tư)
- Sư huynh Nguyễn ngọc Lưu
- Chị Lê thị Thảo
- Chị Phạm thị Tư Bé
- Giáo sư/thi sĩ Nguyễn kim Quang
- Chị Trần huỳnh Mai
- Anh Vương thủy Tùng
- Anh Nguyễn quang Tuyến
- Ls Hồ trung Thành…

Mở đầu cuộc họp mặt là tuyên bố của nhà giáo, sư huynh Hồ hữu Hậu. Các bạn cũng biết sư huynh Hậu là nhà mô phạm hiền như cụt đất, ăn nói nhỏ nhẹ từ tốn nhỏ xíu rất khó nghe nhất là người khiếm thính lực nặng như tôi. Mở đầu anh kể cái khó khăn của người học trò nghèo nhưng thi đỗ vào trường Phan thanh Giản với điểm số rất thấp. Dù sao, anh cũng đậu và anh nói rằng cái niềm hảnh diện đó anh vẫn còn mang đến ngày hôm nay. Sau một lúc lập đi lập lại sự kiện quan trọng đó, sư huynh Hậu cám ơn các bạn đã bỏ chút thì giờ quý báu để tham dự cuộc họp mặt ngày nầy…
Kế tiếp, phu nhân của anh, nhà thơ Hồ Nguyễn xin phép các bạn đọc bài thơ :

CỐ NÍU THỜI GIAN 

Đời người ngắn ngủi có bao lâu
Ngày cứ đi, như nước qua cầu
Mới sáng bình minh trời sập tối
Việc định làm, mà chưa tới đâu.

Bạn bè gặp nhau được mấy khi
Chuyện trò chưa dứt đã phân ly
Trên vạn nẽo đường người mỗi ngã
Ai lo phận nấy, chẳng nghĩ gì.

Thời giờ quý lắm cá bạn ơi !
Nhất là khi ta đã hết thời
Vàng son tuổi trẻ còn hay mất ?
Công danh sự nghiệp, nhẹ như chơi.

Sao ta không níu kéo thời gian
Giây phút bên nhau quý như vàng
Bữa ăn đạm bạc mà thân mật
Cùng nói, cùng đùa, chuyện lan man.

Nâng ly ta chúc buổi chi giao
Tâm đắc cùng trao những ngọt ngào
Dù chỉ còn một ngày để sống
Cứ vui giây phút được gần nhau./.

25-06-2017
Hồ Nguyễn

Chị đọc xong thực khách vỗ tay ào ào… duy chỉ có anh chủ nhà lại nói : bài thơ quá hay vì không có gì bằng :” giây phút bên nhau quý như vàng” nhưng tôi không đồng tình rằng :” khi ta đã hết thời…nhà thơ ạ ! vì tôi thấy rất nhiều bạn già của tôi còn rất phong độ mà ! “.

Đứng : Tuyến – Lưu – Tư _ Hiệp
Ngồi : Khâm – Thành – Tùng – Thảo – Quang – Mai

Chúng tôi cùng ăn mỗi người một đĩa bánh ướt đặc biệt, có chả lụa, thịt nướng, nem chua, nhất là những món ăn mà các bạn xách tay đem tới để chung góp… cho vui. Và còn các loại trái cây nữa chứ…

Chuyện trò thì đủ thứ…

Sư huynh Lưu thì kể chuyện các con gái ra bác sĩ và làm việc ở Pháp. Sư huynh Tuyến kể chuyện phong trần đời sĩ quan Công Binh vùng IV chiến thuật (anh tốt nghiệp khóa 2/68 sĩ quan trừ bị Thủ Đức), chị cựu sĩ quan NQN Trần huỳnh Mai kể chuyện vừa nhận được US$300 nhờ bài viết của một đồng môn về :” Một chuyện tình thơ mộng nhưng đầy xót xa của một sĩ quan Nữ quân nhân VNCH” từ năm 2011…

Riêng ông bạn chủ nhà có ý kiến nhờ bác phó nhòm chụp hình 3 cặp đôi cho vui cửa vui nhà và nhờ ông luật sư Thành đứng bên chứng kiến. Số là trong buổi họp mặt có 3 cặp đôi là : Hậu + Khâm, Tư + Hiệp và Tùng + Tiếng. Quan khách yêu cầu các cặp đôi phải tỏ sao cho có chút duyên thể hiện được tính vĩnh cửu mà khắn khít của một cuộc tình… già. Thế là ông chủ nhà bèn thể hiện đang mi má nó tại bữa tiệc. Vui ơi là vui.

Cặp đôi Tùng + Tiếng đang thể hiện một hoạt cảnh vui 
(với sự chứng kiến của ông bạn Luật sư Hồ trung Thành).

Trước khi chia tay ra về, chị Trần huỳnh Mai đứng lên có ý kiến:
"Năm qua, em phải nằm viện giải phẩu đại tràng. Thật là thập tử nhất sinh. May mắn có các bạn trong nước và hải ngoại thương mến chung tay giúp đỡ. Cách đây 3 ngày, em nhận một cú điện thoại từ Cali Mỹ của một sư huynh sĩ quan bên không quân ( bạn của đồng môn Dương hồng Thủy) hỏi thăm. Sư huynh nói rằng vừa mới đọc bài viết trên trang Web của Hội quán Phi Dũng bên không quân tại Mỹ viết về Chuyện tình thơ mộng nhưng đầy xót xa của em. Sư huynh và người bạn có gởi cho em US$300. Nhân tiện đây em xin cám ơn các vị sư huynh đã có nhã ý giúp đỡ kẻ bất hạnh nầy. Và sẵn dịp, em xin mời các bạn hiện diện hôm nay có mặt tuần tới Chủ Nhật ngày 02/07/2017 tại quán “ Gió và Nước “ bên hồ Xáng thổi, cuối đường Đề Thám lúc 08 giờ sáng để dùng cà phê và diểm tâm. Xin các vị sư huynh và các chị có mặt đông đủ. Xin cám ơn".


Cặp đôi Kim Quang và Huỳnh Mai, bạn cùng lớp từ đệ thất khi đậu vào trường trung học PTG năm 1956.

À 1 thì ra tuần tới tôi có dịp được hội tụ với các bạn lần nữa và chúng tôi tin rằng sẽ quy mô, đông đủ hơn ngày hôm nay rất nhiều…

Dương hồng Thủy


Chủ Nhật, 25 tháng 6, 2017

Dạ Khúc - Phạm Anh Dũng - Hồng Tước



Nhạc: Phạm Anh Dũng  
Tiếng Hát:Hồng Tước

Thu Chia Ly



Những cuộc chia ly đã khởi đầu
Thu vàng nhắc nhớ những niềm đau
Trong sân lá rụng người một bóng
Âm thầm trò chuyện cánh hải âu
Mùa cũ ta chờ ai đã lâu
Sao không về lại thuở ban đầu
Để đêm thanh vắng bên thềm mộng
Ấp ủ trong lòng giấc ngủ sâu

Biện Công Danh
*Ảnh của Tác giả chụp

Tưởng Thưởng Lục - Trường Trung Học Nguyễn Thông Năm 1959 Vĩnh Long

Trường Trung Học Nguyễn Thông là Tiền Thân trường Trung Học Tống Phước Hiệp.









Lê Bửu Trân

Đôi Lời Cảm Ơn Anh Lê Bửu Trân
Anh Bửu Trân kính mến.
Em rất cảm ơn anh đã chia sẻ những lưu niệm của một thời học trò thật vô giá, thời gian này em chỉ  được 2 tuổi.
Và rồi đến năm 1969 em lần đầu vào Trung học và  làm đàn em của anh cùng một mái trường.
Em rất trân quý những gì anh gửi gắm cho Trang Long Hồ Vĩnh Long lưu giữ thay anh.
Kính chúc anh thật dồi dào sức khoẻ và an vui anh Bửu Trân nhé.

Em Lê Thị Kim Oanh
Melbourne 25/6/2016