Thứ Bảy, 2 tháng 12, 2017

Tìm Em


Anh trở lại Mộc Châu tìm em.
Con đường cao nguyên hun hút sâu, hoang dại.
Đông đã về trên triền đồi vàng hoa cải.
Nhà em đâu đây rồi, mà em ở đâu..

Anh đi tìm em trong nỗi niềm trăn trở.
Sương mù cao nguyên, không nhoà mờ được nỗi nhớ.
Em đang ở đâu. Về đi.
Em đang ở đâu. Thôi đừng buồn chi..

Anh muốn thấy.
Trong ánh mắt em, niềm vui được hò hẹn.
Anh muốn nghe.
Giọng nói em trong hơi thở nóng nồng nàn.
Anh muốn ủ ấm.
Bàn chân em trong kỷ niệm ngập tràn.
Mà vô tình, em trượt ngã lúc chiều đông.

Anh ước làm cơn gió giữa khoảng không.
Bay tìm em, khắp triền đồi vạt núi.
Len lỏi từng con suối khô trần trụi.
Dù chỉ một lần, còn được thấy em.


Anh nhớ như mình từng mơ về nhau.
Về con phố nhỏ, ta gặp lần đầu.
Dù cuộc đời có xô ta về đâu.
Ta mãi còn, không thôi nhớ về nhau.
Ta như thấy bên mình. Có nhau.

Em đang nằm đâu, trên mảnh đất này.
Cả cao nguyên đang mùa hoa cải trắng.
Phố thị chiều đông, mưa mù sương ướt lạnh.
Con đường em thường đi, trải nỗi buồn xa vắng.
Anh gọi tên em mà đất trời câm lặng.
Em đang ở đâu. Về đi.
Em đang ở đâu. Thôi, đừng buồn chi...



Hhai
Ảnh cao nguyên Mộc Châu vào tháng cuối năm khi mùa đông về
mùa hoa cải trắng, cải vàng. Nơi đây được ví Dalat thứ hai


(Ảnh sưu tầm từ Net))

Hy Vọng Sông Dakbla Cười


Thời gian tiếp bạn thân thêm ngã 
Gục đầu chào tuổi đã dần cao
Qua bao năm lỗi hẹn nghẹn ngào
Chiến trường cũ nôn nao chờ đợi....

Các anh phương ngàn xa diệu vợi
Cố trở về vơi nỗi niềm riêng
Khóc đoàn viên vùng miền sinh tử
Nơi chỉ mành treo thử đời trai

Cuộc đời người mây bay gió thoảng
Ước mơ mang ngại khoảng trời xa
Đôi chân run chồng chất tuổi già
Sợ tất cả đi vào hư ảo

Chỉ lần về thôi buồn áo não
Khúc dạo đầu thăm lại sông xưa
Dòng chảy ngược đưa ta hồi ức
Cao cội nguồn sao rớt vực sâu

Nhìn xa xăm dãy núi buồn rầu
Sự kiện còn về đâu lịch sử
Bạn bè thân từ ngày chiến bại
Vạn nẻo đường ôm mãi sầu mang

Tháng ngày nhanh đời ta ngắn lại
Trêu mật gan hai chữ " suy tàn "
Quê Hương đẹp! Gian nan còn đó
Ráng chung lòng không khó vượt qua

Dăm ba cô Thượng tắm tươi cười
Dakbla dòng gượng gạo cười theo
Về đi thôi! Kẻo dần.....dần mất
Tất cả gì kỷ niệm trong ta!

"Thật lòng" cùng thăm lại Dakbla....
Dòng sông ngược đơm hoa khoe sắc
Như trước ngày vội tắt bình minh
Hy vọng nhỏ sông cười in bóng!

Kontum 13-8-2011
Lê Kim Hiệp

Chuyện Blogger




Xướng: Chuyện Blogger

Ngơ ngơ ngáo ngáo một thằng tôi
Láo láo lơ lơ chuyện đã rồi
Web web mail mail khoe loạn xạ
Thi thi phú phú chẳng lo bồi
Thà rằng ngốc ngốc ngu ngu vậy
Bỏ hết hờn hờn giận giận thôi
Giờ đã sung sung kèm sướng sướng
Thảnh thơi nói nói với cười cười.

Quên Đi

***
Các Bài Họa:
Tâm Sự Blogger


Vẩn vẩn vơ vơ một ngốc tôi
Vui Vui cực cực chuyện xong rồi
Thơ thơ xướng xướng luôn bay tới
Ảnh ảnh tranh tranh mãi đấp bồi
Chẳng trí khờ khờ khạo khạo vậy
Được tâm tịnh tịnh an an thôi
Đau đau yếu yếu nhưng tâm khoẻ
Ngắm ngắm xem xem thích thú cười.

Kim Oanh



Đường Vào Thi Phú


Dở dở ương ương bản tính tôi
Ngơ ngơ ngáo ngáo tự lâu rồi
Bằng Bằng Trắc Trắc không tuân thủ
Luật Luật Niêm Niêm chẳng đắp bồi
Mộng mộng mơ mơ pha ý vị
Thơ thơ thẩn thẩn vậy mà thôi
Thi thi phú phú nay mai khá
Thực thực hư hư rõ khóc cười

Kim Phượng



Quen Quen Lạ Lạ

Lạ lạ quen quen lỗi tại tôi
Quên quên nhớ nhớ cũng lâu rồi
Yêu yêu trách trách xưa lo lắng
Ghét ghét hờn hờn sớm liệu bồi
Né né lơ lơ luôn bất tiện
Im im lặng lặng sẽ qua thôi
Buồn buồn mệt mệt nên tha thứ
Sắc sắc không không miệng mỉm cười

Mai Xuân Thanh
Ngày 11 tháng 04 năm 2017



Đường Vào Thơ Luật

Vui vui thích thích ấy thằng tôi
Đắm đắm mê mê​ ​quả lạ rồi
Thẩn thẩn niêm niêm hoài kiếm tới
Thờ thờ đối đối mãi tìm bồi
Ngoài hiên ngáo ngáo ngơ ngơ ấy
Cạnh ngõ lờ lờ lửng lửng thôi
Vẫn vẫn vơ vơ hoài cũng được
Khoái khoái vui vui miệng mỉm cười

Hương Thềm Mây
(GM.Nguyễn Đinh Diệm)


Đông Chí 冬至 - Nguyễn Khuyến


冬至

滿 天,
年。
未,
燃。
酌,
眠。
西 上,
仙。

Vân tẩu phong phi sương mãn thiên,
Quang âm tòng thử nhập tân niên.
Xuân hồi cựu kính điểu tri vị,
Thụ phá tân nha hoa dục nhiên.
Áp muộn nhật tương thuần tửu chước,
Úy hàn dạ bão hỏa lô miên.
Cận lai lãn hướng tây viên thượng,
Cưỡng khởi phù cung khán thủy tiên.

Nguyễn Khuyến

***
Phỏng dịch nghĩa: 
 
Mây trôi, gió thổi, sương đầy trời.
Thời gian theo đó mà vào năm mới.
Xuân về đường cũ chim chưa hay biết.
Cây nứt, nẩy chồi, hoa muốn nở.
Sầu muộn ngày tới rót rượu ngon.
Sợ lạnh tối ôm hỏa lò ngủ.
Khu vườn ở phía tây rất gần, cũng lười không sang.
Gượng dậy cố chống gậy để xem hoa Thuỷ tiên nở.

(LB)
***
Tiết Đông

Gió thổi sương đầy mây cuốn trôi
Thời gian theo đó hết năm rồi
Xuân về đường cũ chim nào biết
Cây nẩy chồi non hoa muốn khơi
Sầu muộn ngày chuyên chung rượu quý
Lạnh lòng tối ấp hỏa lò chơi
Vườn tây kề cận lười không tới
Nương gậy, thủy tiên ngắm chút thôi.


Lộc Bắc
Nov2017

Thứ Sáu, 1 tháng 12, 2017

Tình Vẫn Còn Đây - Thơ Quách Như Nguyệt - Nhạc Nguyễn Văn Thơ


Thơ: Quách Như Nguyệt 
Nhạc: Nguyễn Văn Thơ
Tiếng hát: Giáng Hương
Thực Hiện: Dĩ Vãng Buồn

Phong Nguyệt



Thơ Ngũ ngôn (tiếp theo)

1.- Diệu Pháp nào ?
Không từ nơi nguồn cuộc sống
Muôn trùng khổ đế thậm thâm
Cành lau nghiêng chiều thực-mộng
Cành lau trắng trời diệu tâm.

2.- Vằng trăng nào?
Giữa ao trời diễm tuyệt
Huyền diệu mười phương mây
Vẫn tròn gương cổ nguyệt
Cõi thơ, cõi Phật nầy.

3.- Cái nhìn
Đốt cháy niềm đau khổ luỵ
Buông tay cuộc hẹn ta bà
Đêm trở bừng cơn mộng tuý,
Chòi khuya nghiêng ánh trăng tà.

4.- Trăng đoàn viên
Lung linh vầng nguyệt cổ
Ngàn sông thoáng hiện trăng
Vẫn RẰM - tròn muôn thuở
Huyền diệu ánh tơ vàng.

5.- Dặm xưa
Bỏ lại dấu chân nguyên thuỷ
Mấy mùa mây trắng trôi xa
Sương đọng chiều hôm mộng mị
Đầu non quang ánh trăng ngà.

6.- Cuối ngàn
Đêm sắm tuồng dâu bể
Sương đọng ngoài hiên trăng
Thêu dài thêm mộng mị
Lạc vầng mây cuối ngàn
7.- Canh trường
Đá mòn phơi lối cũ
Sương rụng nẻo tà dương
Chim về non xanh ngủ
Vầng nguyệt sáng canh trường.

8.- Vẫn nguyên Rằm
Âm vang lời cát sỏi
Tình tự thuở ngàn năm
Theo hoài vầng trăng cổ
Lòng trăng vẫn nguyên Rằm.

9.- Tình trăng sao
Đầy vơi trà mấy bận
Thế sự tuồng lao xao
Mây trắng đường vô tận
Thức-ngủ tình trăng sao.

10.- Tam thiên tụng
Bài kinh tam thiên tụng
Ý kinh vi diệu lời
Cỏ hoa bừng cơn mộng
Mây trắng đầu non trôi.

11.- Rừng Sala
Bình minh thức, mây lành nổi
Bóng nghiêng vàng sắc cà sa
Thế giới ba ngàn tụ hội
Bình yên theo từng sát na.

12.- Nỗi niềm
Khởi đi từ bao thuở
Qua mấy nẻo hoàng hôn
Chút nắng còn tạm bợ
Phong kín dấu rêu cồn.

13.- Vai gầy
Quảy lên vầng nhật nguyệt
Ngược xuôi chiều gió sương
Nhẹ tênh hồn dâu bể
Nhẹ tênh gánh vô thường.

14.- Sầu rụng
Trái sầu thiên cổ luỵ
Sầu rụng, mấy tiêu dao
Vo tròn cơn mộng tuý
Về ngủ dưới trăng sao.

Mặc Phương Tử

Thứ Năm, 30 tháng 11, 2017

Giọt Lệ Penseé

( Hình ảnh của Biện Công Danh)
Xướng: 
Giọt Lệ Penseé


Tương tư mắt tím nỗi u hoài
Giọt lệ trang đài tiễn bước ai
Xuân mộng tiếc thương thời tuổi dại
Penseé mãi mãi chẳng nhoà phai

Kim Oanh
***
Bài Họa:

Ơ hỡi Penseé mãi khóc hoài
Cuộc tình chẳng phải của riêng ai
Một bước chân son tình nào dại
Hai dòng lệ thắm nghĩa chưa phai.

Biện Công Danh
***
Hoa Pensee

Pensee mắt tím mãi xinh hoài
Giấc mộng đài trang ấy đợi ai
Nguyệt tỏa mơ màng soi dáng ngọc
Hồn tươi phơi phới chả hề phai

Hương Thềm Mây
(GM.Nguyễn Đinh Diệm)
30.11.2017


Đời Là Giấc Mộng


Sáng sớm tung chăn, nhìn qua song cửa
Thấy bình bình rực rỡ cuối chân mây
Qua được một đêm ta vẫn còn đây
Tìm khuây khoả với văn, thơ, và bạn

Chiều ngắm hoàng hôn từ từ tắt nắng
Ta thấy Ta vẫn còn đang may mắng
Qua một ngày Ta cũng vẫn còn đây
Sống ngày nay, Ta vui hưởng ngày nay

Chuyện quá khứ, trả về cho quá khứ
Còn chi đâu mà nghĩ đến tương lai
Ai tranh danh, đoạt lợi cũng mặc ai
Bạn còn đó, Ta còn đậy là phúc

Sự nghiệp tạo nên, bao nhiêu công sức
Chỉ một giờ, đã phũi sạch đôi tay
Nay ngộ ra, biết Đời Là Giấc Mộng
Chợt thấy mình như vừa tỉnh cơn say.

Hoa Đô, 2017
Trần Gò Công /Lão Mã Sơn

Trầm Tư


Mây trời lờ lửng ở trên không
Có chở dùm ta một nỗi lòng
Đến kẻ tri âm ngàn dặm cách
Về người tri kỷ một đời mong
Đêm nhìn trăng úa, sầu khôn cản
Ngày ngắm chiều buông, lệ khó đong
Bến cũ nằm trơ, đò vắng bóng
Sông trôi, trôi mãi, nước xuôi dòng...

Phương Hà

Phút Cảm Hoài


Phút Cảm Hoài

Trăng tròn khuyết đường mây nào mở lối
Lòng nghe dâng bao cảm xúc bồi hồi.
Xuân hạ thu đông mai vàng mấy độ
Tình quê hương đâu há dễ phai phôi
Tang điền thương hải chẳng dừng biến đổi
Tuế nguyệt phong ba thế sự đã rồi
Trái đất vẫn xoay non sông vẫn đấy
Sao chừng như cay đắng ngập hồn tôi.


Quên Đi
***
Lẩm Cẩm

Một giấc mơ thiên đường chưa thấy lối
Nghe dư âm tuyệt vọng mất một hồi
Mùa thu ơi lá vàng rơi bao độ
Sương đẫm rừng phong giá lạnh chia phôi
Hoàn cảnh nhiễu nhương tình đời dễ đổi
Giang sơn gấm vóc vang bóng học rồi
Thương nhớ nghìn năm tình yêu còn đấy
Vẫn giữ trong lòng ấp ủ riêng tôi...

Mai Xuân Thanh
Ngày 24 tháng 11 năm 2017

Cùng Lội Ngược Dòng Sử Việt

Cùng lội ngược dòng sử Việt, đi tìm 3 người thầy vĩ đại nhất mảnh đất hình chữ S. 
Nổi tiếng với đủ ba yếu tố: Tâm, tầm và tài, những “người chèo đò” vĩ đại này mãi mãi được sử sách Việt Nam lưu danh.


1. Thầy giáo Chu Văn An (1292-1370)

Ngược dòng thời gian trở về hơn 600 năm trước để cùng tìm hiểu về một người thầy lỗi lạc mà nhân dân đời đời ngưỡng mộ – thầy Chu Văn An, người đã có công lớn trong việc xây dựng Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Cả cuộc đời thầy đã “làm thầy giỏi của một thời đại, để đạt tới thầy giỏi của muôn đời”, dạy dỗ Vua Trần Hiển Tông và đào tạo ra những vị quan có tài và thanh liêm cho triều đình nhà Trần.

Trong thời gian đứng đầu Quốc Tử Giám, thầy Chu Văn An có nhiều đóng góp trong việc hoàn thiện chương trình truyền dạy tư tưởng Nho giáo vào Việt Nam và được lưu danh là “ông tổ của đạo Nho ở Việt Nam”. Thầy là người tài cao đức trọng, giữ chức Tư nghiệp đầu tiên và trong một thời gian dài, cũng là người đầu tiên được đưa vào thờ tại Văn Miếu.

Thầy Chu Văn An từng thi đỗ Thái học sinh (tiến sĩ) nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học ở quê nhà (làng Huỳnh Cung bên sông Tô Lịch (Hà Nội). Thầy nổi tiếng có học vấn sâu rộng, tư cách thanh cao, không cầu danh lợi, danh tiếng lan xa, học trò theo học rất đông.

Thầy Chu Văn An luôn đối xử bình đẳng và công bằng với các lứa học trò từ bậc cao nhất cho đến lớp học trò bình thường ở nông thôn. Thầy cũng rất nghiêm nghị và gương mẫu. Những học trò cũ đã làm quan to như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát lúc về thăm thầy vẫn phải khép nép giữ gìn, và nếu có điều gì chưa đúng phép, thầy vẫn nghiêm khắc dạy bảo. Điều này càng khiến thầy được học trò kính mến hơn.
Thầy Chu Văn An được tôn là Vạn thế sư biểu – người thầy chuẩn mực của Việt Nam muôn đời 
Thầy được tôn là Vạn thế sư biểu – người thầy chuẩn mực của Việt Nam muôn đời. Trần Nguyên Đán đã đánh giá về những đóng góp của thầy như sau: Nhờ có Chu Văn An mà “bể học xoay làn sóng, phong tục trở lại thuần hậu”.

Sự liêm khiết, chính trực và công tâm của Thầy giáo Chu Văn An cũng nhắc nhở những thế hệ nhà giáo luôn vì sự tiến bộ của giáo dục, sự nâng cao dân trí mà không ngừng phấn đấu để làm phong phú và dồi dào nguồn nguyên khí quốc gia. Không phải chỉ 6 thế kỷ qua, mà hàng thiên niên kỷ sau, có lẽ người ta vẫn không thôi nhớ đến người thầy vĩ đại đã dành cả cuộc đời chở đạo, những công lao và tiếng thơm về thầy đã khắc sâu trong tâm tưởng mỗi con dân Việt từ thủa ấu thơ.

2. Thầy giáo Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585)


Một cây đại thụ tỏa rợp bóng ở thế kỷ XVI – Nguyễn Bỉnh Khiêm không chỉ là một danh nhân văn hóa, một nhà thơ lớn, một bậc hiền triết, một nhà tiên tri đại tài mà còn là một nhà giáo vĩ đại, một bậc sư biểu được người đời tôn vinh, ngưỡng mộ.

Thầy Nguyễn Bỉnh Khiêm thi đỗ Giải Nguyên đời nhà Mạc (1527-1592). Làm quan được 8 năm, năm 1542, thầy dâng sớ hạch tội 18 lộng thần nhưng không được vua nghe nên xin cáo quan về ở ẩn lập Am gọi Bạch Vân Am và hiệu Bạch Vân Cư Sĩ mở trường dạy học.

Hơn 40 năm lui về Bạch Vân am dạy học là hơn 40 năm thầy dồn hết tâm huyết đào tạo nhiều tri thức lớn cho đất nước. Học trò của thầy đều là những nhân tài xuất chúng, văn võ song toàn như Phùng Khắc Khoan, Lý Hữu Khánh, Nguyễn Quyện… Danh tiếng và tài năng của thầy và trường Bạch vân bên dòng Tuyết Giang vang dội khắp nơi. Thầy được các môn sinh tôn là “Tuyết Giang phu tử” – Một danh xưng tôn kính cho những bậc sư biểu đức độ.

“Tuyết Giang phu tử” – Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà tiên tri số 1 Việt Nam. 
Đồn rằng, do được truyền cho quyển “Thái ất thần kinh” nên thầy Nguyễn Bỉnh Khiêm tinh thông về lý học, tướng số, có thể tiên đoán được biến cố trước và sau 500 năm. Với những câu “sấm truyền”, thầy được người đời suy tôn là “nhà tiên tri” số một của Việt Nam. Giai thoại cùng với những lời sấm tiên tri của thầy vẫn còn được truyền tụng tận đến ngày hôm nay và ứng nghiệm đến bất ngờ.

Lúc sinh thời, thầy đã dùng tài lý số của mình “cứu vãn” cho triều nhà Mạc tồn tại được một thời gian khá dài. Tương truyền rằng, lúc nhà Mạc sắp mất liền sai người đến hỏi thầy. Thầy đã đưa ra lời sấm cho nhà Mạc rằng: “Cao Bằng tàng tại, tam đại tồn cô”. Nghĩa là nếu chạy lên Cao Bằng thì sẽ tồn tại được 3 đời. Quả nhiên, nhà Mạc lên Cao Bằng thì tồn tại được thêm 3 đời.

Thầy cũng đưa ra lời sấm cho nhà Nguyễn, mà nhờ đó nhà Nguyễn mới tiến vào Nam mở rộng bờ cõi để đất nước ta có hình thái như ngày hôm nay.

Còn với triều đại thứ 3 cùng tồn tại khi ấy là nhà Trịnh, thời điểm vua Lê Trung Tông mất không có người nối dõi, Trịnh Kiểm định soán ngôi nhà Lê nhưng chưa dám quyết nên đã sai người tới hỏi Nguyễn Bỉnh Khiêm. Thầy cũng chỉ nói: “Giữ chùa thờ phật thì ăn oản”, ý nói giữ là bề tôi của các vua Lê thì lợi hơn. Trịnh Kiểm nghe theo liền sai người đi tìm tôn thất nhà Lê đưa lên ngôi. Họ Trịnh mượn tiếng nhà Lê nhưng thực chất nắm quyền điều hành chính sự, hai bên cùng tồn tại tới hơn 200 năm. Vì thế mà có câu: Lê tồn, Trịnh tại.

Có đôi câu đối ở đền thờ Bạch Vân am “Kế tuyệt, phù suy Chư Cát Lượng/ Tri lai, tàng vãng Thiệu Nghiên Phu” (Nối được cái đã đứt, đỡ được cái đã suy như Chư Cát Lượng/Tìm hiểu việc đã qua, dự đoán việc mai sau như Thiệu Nghiên Phu). Tiếng tăm của thầy không chỉ nổi ở trong nước mà còn vang đến tận Trung Hoa, khiến giới học giả ở đó cũng ngưỡng mộ xưng tụng: “An Nam lý số hữu Trình Tuyền”.

3. Thầy giáo Lê Quý Đôn (1726-1784)


Lê Quý Đôn nguyên là Lê Danh Phương, tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường, sinh trưởng trong một gia đình khoa bảng; cha là tiến sĩ Lê Trọng Thứ, quê ở Diên Hà, trấn Sơn Nam Hạ, nay là thôn Phú Hiếu, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Ngay từ nhỏ thầy đã nổi tiếng thông minh, chăm học. Năm 14 tuổi, thầy theo cha lên học ở kinh đô Thăng Long. Lúc ấy thầy đã học xong toàn bộ sách kinh, sử của Nho gia. 18 tuổi, thầy thi Hương đỗ Giải Nguyên. 27 tuổi đỗ Hội Nguyên, rồi đỗ Đình Nguyên Bảng nhãn.

Sau khi đã đỗ đạt, thầy được bổ làm quan và từng giữ nhiều chức vụ quan trọng của triều Lê – Trịnh. Thầy là người học rộng, tài cao, am thông nhiều lĩnh vực như: khoa học tự nhiên, địa lý, khoa học xã hội, văn chương, sử học,… luôn được vua, quan và nhân dân kính nể.

Thầy Lê Quý Đôn không chỉ là một nhà bác học mà còn là người thầy xuất sắc ở nước ta hồi thế kỷ XVIII. Thầy từng mở trường dạy học, có nhiều học trò theo học, và còn lưu được ân tình đằm thắm đối với học sinh. Thầy phụ trách các kỳ thi, lo lắng quan tâm tới việc đào tạo và tuyển dụng các nhân tài.

Thầy Lê Quý Đôn không chỉ là một nhà bác học mà còn là người thầy xuất sắc ở nước ta hồi thế kỷ XVIII 
Trái với những nho sĩ chỉ biết nhồi nhét những lý luận kinh điển xa xôi mà coi thường, thậm chí không biết gì đến các môn học khác thì thầy cho rằng cần phải học tập toàn diện. Thầy cũng đã nêu lên một số ý kiến về phương châm học tập, chủ trương học phải biết nắm lấy cái chính: “Không thể vu vơ theo việc ngọn ở ngoài mà không tìm tòi đến chỗ gốc ở trong. Nếu không thể mà cứ vật gì cũng xét cho đến cùng, cho đủ cả thì chẳng hoá ra vì đường có nhiều lối rẽ mà đến nỗi lạc mất dê ư?”

Thầy cũng căn dặn rằng học hành phải có óc suy luận, không chỉ phụ thuộc vào sách vở: “Sách không hết lời, lời không hết ý… Phải hiểu ngầm ý của thánh nhân ở ngoài lời sách mới được”. (Dịch kinh phu thuyết).

Thầy còn khuyên: “Dù ngu dốt đến đâu, cũng nên kính giấy, tiếc chữ, dù keo bẩn đến đâu cũng tìm mua sách vở”. Thầy cho rằng biết học thì không thể biện lẽ thiếu thì giờ.

Hình ảnh thầy Lê Quý Đôn tận tụy truyền dạy phương pháp học tập tiến bộ và kiến thức cho học trò đã là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ noi theo. Thầy giáo Lê Quý Đôn thực sự xứng đáng với danh hiệu Người thầy mẫu mực và luôn được người đời tôn kính.

Hiểu Minh
Bích Huyền sưu tầm

Thứ Tư, 29 tháng 11, 2017

Thơ Tranh: Nhớ Quê


Thơ: Thanh Hòa
Thơ Tranh: Kim Oanh


Giọt Nắng Trong Mắt Em - Nguyễn Tâm Hàn - Tiếng Hát Ngọc Quy


Nhạc Sĩ:Nguyễn Tâm Hàn 
Tiếng Hát: Ngọc Quy


Đôi Mắt Em



Theo thời gian nhớ hoài đôi mắt em
Trời không mưa nhưng mắt em vẫn ướt
Được phủ che lọn tóc nhung óng mượt
Cuối đời vẫn nhớ đôi mắt thân thương.

Trong đôi mắt em hiện diện sân trường
Có đôi mắt anh say mê khờ khạo
Em đâu biết mắt anh luôn lơ láo
Chưa gặp em nên đôi mắt thẩn thờ.

Em biết không đôi mắt em mộng mơ
Làm tan chảy ý thơ tràn nỗi nhớ
Không gặp em mắt anh luôn bỡ ngỡ
Đôi mắt nào cũng xa lạ không quen.

Nhớ có lần trong buổi học đầu tiên
Mắt em hớp hồn, mắt anh tê dại
Ôi đôi mắt em - của thời con gái
Khiến đêm về anh cứ mãi chiêm bao!

Dương hồng Thủy

Nước Mỹ



Năm chục Tiểu Bang lập Quốc Gia,
Mênh mông một cõi, dải sơn hà.
Đông tây hai biển, nhiều tôm cá,
Nam bắc bốn mùa, đủ cỏ hoa.
Khoáng sản, tài nguyên còn giữ kín
Rừng cây, muông thú để phòng xa.
Địa linh, nhân kiệt ngày mai phát,
Đất nước ngời thêm vẻ ngọc ngà.

Khôi Nguyên

Tịnh Lặng Tâm



Tịnh Lặng Tâm

Sống biết điều thân hướng thiện lành
Xa lìa ác pháp được bình an
Tham sân ái ố thân đau mãn
Hỷ nộ thâm thù ý khổ thành
Biển não ba đường duyên bén lửa
Sông phiền sáu nẻo nợ mồi sinh
Năng hành ly dục đời yên tại
Tịnh chỉ tâm viên dạ thản thanh

Hương Thềm Mây
(GM.Nguyễn Đình Diệm) 
23.11.2017
***
Tu Đạo Và Đời

Đạo, đời luôn dạy ta làm lành
Tu luyện đức tâm sẽ được an
Cuồng nộ, vô minh gây thất bại
An nhiên , túc hạnh đạt công thành
Tham ô, sắc dục vô đường tử
Ly ái, đoạn phiền tới tái sinh
Viên mãn, biết tu đời đáng sống
Thảnh thơi vui hưởng khoảng trời thanh

Hoành Châu 
23.11.2017
***
Ngộ (2)

Chân lương tu tỉnh nghiệp duyên lành
Triệt diệt tà gian, phước thịnh an!
Nhẫn nhịn,tâm viên buông mộng ảo,
Huệ minh hướng giả sáng công thành!
Căn thâm Phật Pháp soi hành đạo,
Cao diệu Chơn Kinh thức niệm sinh!
Lục dục lánh xa,...hồn tịnh lặng
Sen đài khai trí, dạ tao thanh!

11-2017
Nguyễn Huy Khôi
***
Ngũ Giới Trong Tâm

Sống có lòng nhân vạn sự lành
Kiệm cần muôn thuở vững thân an.
Yêu người luôn giúp đời thêm diệu
Hướng thiện thường theo nghiệp sớm thành
Giữa chốn trần gian tràn độc khí
Là nơi tâm tưởng thức lương sinh.
Lời khuyên ngũ giới mà ghi nhớ
Cá lội ung dung giếng tịnh thanh,

Trần Như Tùng
***
Duyên...

Hồn xuân tươi rói nắng êm lành
Hóa bướm mây về đón tịnh an
Nhựa nõn cành trinh màu nguyệt khởi
Đài non thủy túy sắc hoa thành
Vào trong khoảnh khắc luân hồi tử
Cũng tận vô cùng chuyển biến sinh
Hiện thể âm thầm duyên đối đãi
Theo dòng sóng nước vọng kỳ thanh

Lý Đức Quỳnh
***
Tịnh Tâm


Noi gương Tiên Tổ sống nhơn lành
Hạt giống từ tâm phúc vạn an
Chân thật gieo mầm hồn ắt lạc
Dối gian gánh nghiệp bất nhân thành
Vô Minh hồi hướng hương vong chiếu
Bác Nhã vọng về kiếp thoát sinh
Sáng tỏa lời vàng luôn nhắc nhở
Tịnh thiền linh diệu rạng ngời thanh

Kim Oanh

***
Tâm An

Tuổi hạc thong dong hưởng phước lành
Cầu trời sức khoẻ được khang an
Chuyện đời để lại cho con cháu
Thế sự quên đi tránh hận thành
Lục dục sân si thêm tội lỗi
Tu thân tích đức sẽ lai sinh
Luyện rèn chân thiện, hành nhân đức
Tâm niệm yên bình giữ tiếng thanh

NS-CANADA
***
Trường An

Trồng cây ước quả ngọt, hương lành
Đất rộng ươm mầm cội rễ an
Sức vượt truông dài, tâm chiếm đỉnh
Thần tu chí cả, đức xây thành
Duyên hồng trọn kiếp tiền nhân dưỡng
Nghiệp sáng muôn đời hậu thế sanh
Lấp biển, dời non bền trí, dũng
Nhân, hiền, triết, nghĩa,trổi đồng thanh

Phạm Duy Lương
***
Nét Đan Thanh

Những mong bảo lụt sống yên lành
Ban rải tình người chốn chốn an
Bác ái đang trồng nơi bất ổn
Từ bi sẽ mọc đến viên thành
Quán soi ngũ uẩn thường luôn diệt
Liễu rõ lục trần cũng chẳng sinh
Bát nhã hành thâm bừng tuệ giác
Ươm đời rạng rỡ nét đan thanh

Như Thị
***
Nguyện ước


Mong muốn đầy duyên tạo việc lành
Lòng từ , bác ái giúp tâm an
Tham thiền tĩnh lặng mong như ý
Học đạo thâm sâu ước đạt thành
Tích đức tô bồi đời hiện hữu
Tu nhân vun xới kiếp lai sinh
Đoạn lìa phiền não gieo sầu muộn
Sân hận diệt trừ trí tịnh thanh


Minh
Thuý
Tháng 11_2017
***
Tu Tâm

Ước nguyện tu tâm vạn sự lành
Diệt trừ nghiệp chướng tới bờ an
Nghe chuông Bát Nhã rời mê đắm
Tụng chú Đại Bi thoát tử sinh
Gieo hạt thiện căn nên quả tốt
Chăm hoa nhân đức tạo duyên lành
Sát sinh gian dối luôn xa lánh
Phật rọi tim này sáng ngọc thanh


Thanh Hòa
***
Tâm Tịnh An


Sống ngay ắt được hưởng duyên lành
Buông xả, tâm hồn luôn tịnh an
Tiếc nuối làm gì điều đã rõ
Ngóng trông chi thế việc chưa thành
Lòng luôn thanh thản ngày đi, đến
Dạ chẳng muộn phiền chuyện tử, sinh
Cuộc sống yên bình, không vướng bận
Vui cùng gió mát với trăng thanh.

Sông Thu
***
Tĩnh Lặng


Nhất như thường trụ hướng điều lành
Thiện pháp kiên trì tất vạn an
Ba cõi lầm mê tâm vọng động
Một đời sinh tử ý chân thành
Bờ này tĩnh mặc đâu phiền não
Bến nọ như nhiên lánh diệt sinh
Chánh niệm năng hành luôn tự tại
Đường trần nhẹ gót tiếng vô thanh

Kim Phượng

Về Miền Tây - Phần17


Nói đến Rạch Giá Hà Tiên mà không nói đến Phú Quốc và những quần đảo nhỏ quanh vùng quả là một thiếu sót lớn. Phú Quốc là một đảo lớn với diện tích khoảng 573 cây số vuông (khoảng diện tích quốc đảo Tân Gia Ba), nằm trong vịnh Thái Lan. Thị trấn Dương Đông nằm ở phía Tây của trung tâm đảo, cách thị xã Rạch Giá khoảng 120 cây số, nhưng cách Hà Tiên chỉ vào khoảng 45 cây số. 

Dương Đông vừa là thủ phủ của Phú Quốc, mà cũng là cảng cá lớn nhất trên đảo. Tại đây có phi trường Phú Quốc, có thể nối liền với các phi trường Rạch Giá, Sài Gòn, Tân Gia Ba, Nam Vang... Tại Dương Đông có thắng cảnh Dinh Cậu, vì đa số dân Phú Quốc đều làm nghề hạ bạc nên vào khoảng năm 1937 họ đã dựng lên một đền thờ để mong được sự che chở của Thần Sóng mỗi khi họ gặp phải sóng to gió lớn. Dinh Cậu hiện vẫn còn giữ được những nét kiến trúc cổ trông rất uy nghiêm hùng vĩ. Quần đảo Phú Quốc gồm 22 đảo lớn nhỏ, trong đó Phú Quốc là lớn nhất với diện tích khoảng 573 cây số vuông (gần bằng diện tích đảo quốc Singapore), chiều dài từ Bắc chí Nam của đảo khoảng 50 cây số, chiều rộng nhất ở Bắc đảo rộng khoảng 25 cây số. Trên đảo là một quần thể bao gồm 99 ngọn núi lớn nhỏ. Dân cư khoảng 50.000 người. 

Về phía Đông Bắc đảo có suối Tranh, dài khoảng 16 cây số. Đây là dòng suối nước ngọt, bắt nguồn từ Hàm Ninh với nhiều dòng suối nhỏ, chảy từ các khe núi, len lỏi qua các thảm cỏ xanh rì, sau đó nhập vào một dòng chính để thành con suối lớn, suối chảy hiền hòa bên cạnh những phiến đá nối tiếp nhau đến mút tầm mắt. Về phía Nam của trung tâm đảo là dòng suối Đá Bàn, tuy không dài như suối Tranh, nhưng phong cảnh Đá Bàn thơ mộng với nước chảy róc rách quanh năm, phong cảnh hữu tình thơ mộng. Dọc theo hai bên bờ suối là những tảng đá phẳng lì, với cây cối và nước chảy len lỏi trong các khe đá. Lòng suối Đá Bàn khá sâu nên về mùa hè người ta có thể đến cắm trại, bơi lội và vui chơi hội hè tại đây. Bên trên bờ suối là vô số những cây sâm và rất nhiều loại lan rừng. Về phía Nam đảo còn có những bãi biển rất đẹp như bãi Sao, bãi Khem và bãi Trường. 

Bãi Khem cách An Thới khoảng 5 cây số và cách Dương Đông khoảng 25 cây số. Đây là một bãi cát vừa trắng vừa mịn, tuy nhiên, chen lẫn những bãi cát là những ghềnh đà nhấp nhô. Ven bãi Khem là những bãi cỏ xanh mượt, xa xa phía trên là những khu rừng già nguyên sinh. Ngoài ra, một bờ biển dài trên 20 cây số chạy dài từ Dinh Cậu xuống Tàu Rũ, gần An Thới với toàn cát vàng, nằm thoai thoải dọc theo bờ biển là nước biển xanh rờn và nhiều loại rong biển đủ màu đủ sắc. Ngoài vùng núi đồi, Phú Quốc còn được thiên nhiên ưu đãi với trên 37.000 mẫu rừng chưa khai khẩn với nhiều gỗ quý và muông thú. Bờ biển và vùng biển quanh đảo, không cần đi đâu xa, cũng đủ cung ứng cho dân trong vùng một nguồn hải sản vô tận. 

Chính những ngư phủ Thái Lan mà còn phải thèm thuồng về số lượng cá tôm vô tận trong vùng quần đảo Phú Quốc, nên họ đã nhiều lần xâm nhập để đánh bắt lén cá ở vùng này. Khỏi phải nói nhiều, nước mắm Phú Quốc đã nổi tiếng từ lâu lắm rồi, với độ đạm trên 40% và số lượng sản xuất trên 6 triệu lít mỗi năm. Hiện tại Phú Quốc có trên 2000 tàu đánh cá với sản lượng đánh bắt gần 40.000 tấn mỗi năm. Về phía Nam đảo là cảng An Thới, cảng Hòn Thơm, là nơi cập bến thuận tiện của tàu bè trong nước và ngoại quốc đến để mua bán hàng hóa. Quần đảo An Thới có tổng cộng 15 đảo lớn nhỏ, như hòn Dân, hòn Dừa, hòn Rọi, hòn Thơm, hòn Vang, hòn Móng Tay, hòn Gầm Ghì, hòn Mây Rút, hòn Chân Quy, vân vân, nằm dọc theo hướng Nam của Phú Quốc. Biển ở đây sâu, có nơi sâu trên 30 mét, nên nước biển trong xanh. 

Người Long Hồ

Thứ Ba, 28 tháng 11, 2017

Thơ Tranh: Bế Tắc


Thơ: Sông Thu
Thơ Tranh: Kim Oanh

Cô Phụ


Thạch sùng chắc lưỡi đêm thâu
Hay lòng cô phụ gối đầu thở than
Lung linh dưới ngọn đèn vàng
Giọt sầu nhoè nhoẹt mờ trang sách đời

Bóng ai xa tình vời vợi
Gom mây ngàn phiêu bạt gợi hình xưa
Âm vang lắc rắc giọt mưa
Gục đầu nức nở lời chưa cạn tình

Nghẹn ngào cung oán biệt ly
Sờn vai áo mỏng người đi nghìn trùng
Rừng sâu đồi núi chập chùng
Bóng ai ẩn khuất trong khung cửa lòng

Não nùng cô phụ dõi trông
Hương yêu ấp ủ chờ mong bước người
Người từ đầu non diệu vợi
Có thấu tình cô phụ đợi chờ ai

Thời gian dù có tàn phai
Bên song cô phụ ngóng hoài bóng xưa.


Kim Oanh

Thuyền Mây


Thuyền mây bềnh bồng trôi qua đây
Phiêu lãng về đâu chiều cuối ngày
Lữ khách bâng khuâng trời viễn xứ
Tà huy se thắt ánh thiều quây
Gió khua bước vội tình hiu hắt
Lối lạc chân buồn ngõ thoáng cay
Lan nhẹ vào tim chừng bỗng lạ
Hình như mây chợt nhớ phương nầy..

Bằng Bùi Nguyên

Trầm Giang Khúc 沉 江 曲 - Khổng Thượng Nhiệm



沉 江 曲                      Trầm Giang Khúc

走江邊, Tẩu giang biên,
满腔愤恨向谁言。 Mãn xoang phẫn hận hướng thùy nghiên (ngôn)?
老淚風吹面, Lão lệ phong xuy diện,
孤城一片, Cô thành nhất phiến,
望救目穿, Vọng cứu mục xuyên
使盡残兵血戰。 Sử tận tàn binh huyết chiến.
跳出重圍, Khiêu xuất trùng vi,
故國悲戀, Cố quốc bi luyến,
誰知歌罷剩空筵。 Thùy tri ca bãi thặng không diên.
長江一線, Trường Giang nhất tuyến,
吴頭楚尾路三千。 Ngô đầu Sở vĩ lộ tam thiên,
盡歸别姓,     Tận quy biệt tính,
雨翻雲變。     Vũ phiên vân biến.
寒濤東卷,     Hàn đào đông quyến,
萬事付空烟。 Vạn sự phó không yên.
精 魂 顯, Tinh hồn hiển ,
《大招》聲逐海天遠。" Đại chiêu " thanh trục hải thiên viễn.
孔尚任 (1648-1718)          Khổng Thượng Nhiệm

Dịch Nghĩa:


Chạy đến bờ sông
Cả khối oán thù, bao lời biết tỏ cùng ai
Trên khuôn mặt phong trần gian khổ, lệ già tuôn chảy
Một mảnh thành cô độc
Dõi mắt trông chờ cứu viện
Cùng đám tàn quân quyết tử chiên
Thoát khỏi vòng vây
Đau lòng nhớ quê hương cũ
Ai hay tiệc rượu đã tàn tiếng ca cũng dứt
Sông Trường Giang một dãy
Từ đầu nước Ngô đến cuối đất Sở, dài ba ngàn dặm
Tất cả đã thuộc về kẻ khác
Mưa trở chiều mây thay đổi
Sóng lạnh cuốn về phương đông
Muôn việc phó mặc khói sương
Hồn thiêng sông núi hiển linh
Lễ chiêu hồn vang khắp biển trời xa.

Dịch Thơ:

Trầm Giang Khúc

Đến bờ sông
Lòng nặng căm hờn biết tỏ cùng ai
Khuôn mặt phong trần đôi hàng lệ chảy
Một mảnh thành côi
Viên binh chờ mòn mỏi
Cùng tàn quân quyết chiến nơi đây
Thoát khỏi vòng vây
Nhớ về quê cũ càng đau xót
Tiệc tàn nhạc dứt mấy ai hay
Trường Giang một dãy
Đầu Ngô cuối Sở dặm ba ngàn
Tất cả còn đâu
Mưa thay mây cũng đổi màu
Kìa sóng lạnh cuốn về đông
Thôi muôn việc mặc khói lồng
Hỡi hồn thiêng
Âm gọi hồn thấu tận biển trời xa.

Quên Đi
***
Các Bài Dịch:

Trầm Giang Khúc

Đến bờ sông
Lòng nặng căm hờn biết tỏ cùng ai
Khuôn mặt phong trần đôi hàng lệ chảy
Một mảnh thành côi
Viên binh chờ mòn mỏi
Cùng tàn quân quyết chiến nơi đây
Thoát khỏi vòng vây
Nhớ về quê cũ càng đau xót
Tiệc tàn nhạc dứt mấy ai hay
Trường Giang một dãy
Đầu Ngô cuối Sở dặm ba ngàn
Tất cả còn đâu
Mưa thay mây cũng đổi màu
Kìa sóng lạnh cuốn về đông
Thôi muôn việc mặc khói lồng
Hỡi hồn thiêng
Âm gọi hồn thấu tận biển trời xa.


Quên Đi
***
Trầm Giang Khúc

Chạy tới bờ sông thất trận trôi
Phong trần nét mặt khổ chia phôi
Viện binh chẳng thấy thành cô độc
Rã ngũ còn đâu chiến cuộc thôi
Thoát khỏi trùng vây hồn cố quận
Dứt đi đàn hát tiệc tam bôi
Ba ngàn dặm ...Sở - Ngô thay đổi
Nước mất Trường Giang kiếm gảy rồi
Hoàn cảnh sa cơ chủ đổi ngôi
Mưa buồn cuối nẻo thấy xa xôi
Sóng xô lạnh lẽo Đông phương ấy
Mây đổi hờn căm gió bấc thôi
Phó mặc khói sương muôn sự thế
Đất thiêng sông núi cảnh dầu sôi
Anh linh hiển hiện tang thương hải
Nhân lễ chiêu hồn thấu hỡi ôi!


Mai Xuân Thanh
Ngày 16 tháng 11 năm 2017
***
Trầm Giang Khúc

Đến bờ sông
Trút cả hận lòng dám tỏ cùng ai
Dòng lệ già tuôn chảy
Cô thành trơ trơ
Đợi chờ tiếp viện
Nơi đám tàn binh tử chiến
Mong thoát vòng vây
Nhớ quê khắc khoải
Tiếng ca dứt tiệc tàn ai hay
Trường giang một dãy
Từ Ngô cuối Sở ba ngàn dặm
Vào tay kẻ khác
Mưa mây đổi thay
Sóng cuộn về đông
Phó mặc lòng chẳng yên
Hỡi hồn thiêng
Hiển linh vang động trời biển xa


Kim Phượng

Vượt Sông Tiền

(Vườn trái cây Cái Mơn)

Người Việt vượt sông Tiền vào khoảng Cái Bè, cù lao An Bình. Sau đó suôi dòng Cổ Chiến để tiến tới Chợ Lách … Cái Mơn.
Chính nơi đây ta có Thiết Ấp, Tân Thiềng (Tân Thành)! Thiết Ấp là tên trong sử nhà Nguyễn, còn người Miên đóng đồn ở Thiết Thằng ( phiên âm đồn Miên Sittang chẳng hạn! Cũng giống như phiên âm Kancar: Cồn Cao, Chey chetta: Chày Đạp !!!). Làm gì có Thiết Thằng là sợi giây xích bằng sắt ngăn sông Tiền ! Người Miên hồi đó không giỏi đến thế đâu!!!

Chính nơi đây có Tiên Châu, cù lao Tiên! Chính nơi đây có Huyện Hà Dương và Huyện Hà Âm của Hà Tiên!Không hiểu sao các nhà Khảo Kíu nói Hà Âm, Hà Dương ở mãi tận Châu Đốc (?). Châu Đốc làm gì có sông Vĩnh Thành (???). Phương Đình Dư Địa Chí của cụ Nguyễn văn Siêu nói: Phía Đông sông Vĩnh Thành là huyện Hà Dương, phía Tây là Hà Âm!

Các nhà Khảo Kíu đã ít đọc (!) và có lẽ không biết có cuốn sách này trên thế gian (!)
Cái Mơn đích thị là Cao Man đấy các vị ạ! Những tên Tiên Thủy, Tiên Châu và hai huyện Hà Dương, Hà Âm cho ta thấy giòng họ Mạc đã tới vùng này trước người Việt. Giòng họ Mạc tới đây đã lấn đất của người Miên, chứ không phải vua Miên đã “ tặng “ đất sau những vụ giúp đỡ của Mạc cho vua Miên !

Vùng này có nhiều “ NƯỚC “ (hay Bộ Lạc,hay Quốc Gia) từ xưa. Cái dừa XIÊM là dừa “bản địa" chứ không phải nhập giống từ “ Thái Lan “ tới ! Áo Bà Ba, chè Bà Lai có lẽ xuất phát từ vùng này, và còn có những tập tục:
Chục: 16, chục 18, chục 24 trái nữa!!! Chính vùng này có lũy Giao Hoa(Giao Hoa là tên một ông vua đây, chả biết Chà hay Miên (?)…), Bà Xã Hời … và sau này Trần xuân Hòa chống Pháp, tung hoành ở vùng Mỹ Tho, Bến Tre là con cháu người Chà hay Hời vì dân gian gọi ông là phủ “ Cậu “

Ôi cái giồng JAVA người Pháp gọi là giồng Nhật Bản(Japan)là quá dốt(!), làm gì có cái ông Nhật Bản nào tới đây trồng tỉa (?)
(Sông Cổ Chiên - Vĩnh Long)

Tôi đi du lịch CÁI MƠN qua ngả Vĩnh Long nên hai chữ đầu tiên đập vào mắt tôi là ĐÌNH KHAO. Chả biết thắng trân khao quân từ thời nào? Không khảo nổi! Nhưng chắc chắn là trong những đợt chiến tranh rùng rợn từ cửa sông CỔ CHIẾN nơi có cù lao An Bình, nơi có đồn Thiết Thằng, huyện  sau này) Tân Thiềng … dài dài tới sông Chợ Lách, sông Vĩnh Thành tới Cái Mơn. Những trận chiến này là những vết thương đau lòng cho những người dân ven những con sông mầu mỡ này!

Tôi cũng không có thì giờ tìm hiểu về Trương Vĩnh Ký, mà có khảo thì chưa chắn đã có bằng chứng (!) hay là lại sa lầy vào những nhà thờ, họ đạo Cái Nhum, Mang Thít …..Hỏi người dân thì chẳng ai biết tới cái tên Trương Vĩnh Ký. Chỉ có vài tài liệu nói rằng những cây ăn trái nổi tiếng ở vùng này là do Trương Vĩnh Ký đem giống từ Mã Lai về (!), thật là ăn trái không nhớ kẻ trồng cây!
Chuyện xưa buồn quá … nhức đầu! Thôi thì mua Sầu Riêng Cái Mơn ăn cho đỡ tức !

Ôi! Cụ Bùi Hữu Nghĩa (chả biết có lai Miên không?) nhưng cụ đã bênh vực người dân hết mình, và khi đi qua vùng này, cụ có bài thơ cảm khái:

Mù mịt mây đen kéo tối sầm
Đau lòng thuở nọ chốn Hà Âm
Đống xương vô định sương phao trắng
Cỏ biếc đôi bờ máu nhuộm thâm

Chân Diện Mục

Thứ Hai, 27 tháng 11, 2017

Thơ Tranh: Đôi Lòng Tím Mơ


Hình Ảnh: Paulle Minh
Thơ&Thơ Tranh: Kim Oanh

Một Ngày Mới Tinh Khôi



Sáng thức dậy, tôi mỉm cười một cái
Ngày tinh khôi, một ngày mới bắt đầu
Có gì đâu mà buồn rầu khắc khoải
Tập được mà, tập sảng khoái vui tươi

Sáng thức dậy, tôi luôn luôn mỉm cười
Trưa cũng thế, cười toe khi thức giấc
Chọn niềm vui tôi cố gắng không buồn
Tội gì buồn rồi ngày cũng qua nhanh

Tự nhủ lòng sống cuộc đời lành mạnh
Không nhất thiết phải lầm than khổ hạnh
Sớm biết rõ tình yêu là bi lụy
Từ lâu rồi không yêu nữa, thương thôi

Bạn thắc mắc sao tôi cứ ỉ ôi
Cứ vớ vẫn làm thơ yêu, nhung nhớ?
Hihihi… đó là… nghiêp của tôi
“thơ” cứ tới, cớ sao không làm chớ?

Làm thơ tình, thích thú lắm bạn ơi!
Từng chữ một hiện ra, tôi gỏ xuống
Nhớ quá khứ, mơ tương lai… rong chơi
Sống thong dong, sống nhàn hạ yêu đời

Như Nguyệt

31 tháng 5, 2017

Autumn Leaves Merlini, Claudio - Lá Thu

               

Autumn Leaves Lá Thu

The falling leaves drift by my window      Ngoài song thưa, lá rơi lả tả
The autumn leaves of red and gold            Mùa thu về vàng đỏ xôn xao
I see your lips, the summer kisses              Nhớ môi nồng cháy hạ nào
The sunburned hands, I used to hold         Tay ai xạm nắng một màu anh yêu.
Since you went away, the days grow long Từ em đi, tiêu điều ngày tháng,
And soon I'll hear old winter's song           Đông ngập ngừng ai oán bài ca.
But I miss you most of all, my darling       Chao ôi! da diết khi mà
When autumn leaves start to fall                Lá thu từng chiếc dần dà buông tay 
Since you went away, the days grow long Từ em đi, ngày dài nhung nhớ,
And soon I'll hear old winter's song           Khúc đông sầu làm vỡ hồn ai.
But I miss you most of all, my darling      Nhớ nhiều là lúc em ơi!
When autumn leaves start to fall               Lá vàng rào rạc chơi vơi ngập trời
Yes, I miss you most of all, my darling     Nhớ thương, thương nhớ vô bờ
When autumn leaves start to fall...            Thu về lá rụng tơi bời hồn anh …

Merlini, Claudio                                      Mailoc

***
Cảm Thu

Lá rơi lác đác bên song
Rừng phong vàng đỏ thu mong trở về
Môi hôn mùa hạ còn tê
Cầm tay rám nắng tình quê dạt dào
Ngày dài em bỏ đi sao
Đông buồn bài hát xôn xao thuở nào
Nhớ ai tha thiết hôm nao
Mùa thu lá rụng ôi chao dạ sầu
Ngày dài em bỏ đi sao
Đông buồn bài hát xôn xao thuở nào
Nhớ ai tha thiết hôm nao
Mùa thu lá rụng ôi chao dạ sầu
Là thương với nhớ cơ cầu
Lá mùa thu ấy bắt đầu rụng rơi

Mai Xuân Thanh
Ngày 09 tháng 11 năm 2017

Giọng ca bất hủ của Nat King Cole mời nghe.




Mơ Huế



Xướng: Mơ Huế

Dầu xa lắm rồi vẫn còn mơ
Lận đận một đời với Huế thơ
Lầu nước Giả viên làn nắng sớm
Cột cờ Thành Nội bóng chiều lơ
Trường Tiền mấy nhịp anh trông đợi
Thừa Phủ bến đò em ngóng chờ
Tây lộc sân bay, nhiều bịn rịn
Chia tay chim sắt vượt trời mơ.

Thanh Trương
***
Huế Mơ

Lăng tẩm u hoài...Huế mộng mơ
Cổ Thành trầm mặc đắm hồn thơ!
Mây trời Sơn Ngự trôi man mác,
Trăng nước Giang Hương giỡn lẳng lơ?
Thiên Mụ ngân nga chuông chùa thỉnh,
Văn Lâu thấp thoáng bóng em chờ!
Nặng tình Cố Quốc,...buồn thâm viễn
Trở giấc, âm thầm nhớ Huế mơ!...

11-2017
Nguyễn Huy Khôi
Dù xa lắm rồi, vẫn còn mơ

Dấu Yêu Xưa


Những cú phôn liên hồi kỳ trận cuối cùng cũng đem đến kết quả mỹ mãn. Chúng tôi, những đứa bạn thời Trung học đệ nhất cấp trường Bà Sơ ở cái tỉnh lỵ nhỏ bé nhưng muôn vàn đáng yêu, tít tận cao nguyên Trung phần. Tỉnh lỵ của chúng tôi hiền hòa, sạch sẽ với cát trắng và giòng sông Dakbla thơ mộng. Mùa hè có hàng phượng vỹ trổ hoa đẹp rực rỡ soi bóng nước lung linh, đẹp như tranh vẽ. Chúng tôi sẽ họp mặt tại thành phố cờ bạc lừng danh Las Vegas và sẽ chiêm ngưỡng màn bắn pháo bông tuyệt đẹp của ngày July 4. Nghe Bạch Liên phát họa chương trình năm ngày ở đây rất hấp dẫn.

Vợ chồng Xuân Lan đến từ kinh đô ánh sáng Paris. Vợ chồng Băng- Thu và anh chị Cẩn - Hà đến từ San Diago. Vợ chồng Sơn- Liên ở Nam Cali, Kim Mi từ San Jose và tôi từ thành phố Mộng Lệ An của xứ tủ lạnh Canada đất lạnh tình nồng. Riêng vợ chồng Yên-- Dũng cùng năm đứa con thì đã trụ tại Las Vegas hơn ba mươi năm có lẽ.

Lần đầu đi Mỹ một mình tôi rất lo lắng. Chỉ sợ đi lạc thì nguy to. Vì vốn liếng tiếng Mỹ của tôi thuộc loại Engish For Today! May quá có vé đi thẳng từ phi trường E. Trudeau đến Las Vegas mà không cần phải đổi máy bay ở thành phố nào cả. Ông xã tôi luôn miệng trấn an và chờ cho bà vợ thỏ đế đi qua khỏi quan thuế, vẫy tay làm hiệu mới an lòng ra về. Trong khi chờ đợi lên máy bay, hai mắt tôi cứ chực sụp xuống. Vì cố ý chọn chuyến đi sớm nhất, sang Las Vegas sẽ còn nhiều thì giờ chơi với bạn, nên tôi phải có mặt ở phi trường lúc năm giờ sáng, tuy bảy giờ rưỡi máy bay mới cất cánh. Mà cố tật của tôi là thức trắng đêm khi phải lên phi trường sớm như thế. Tưởng mình đến sớm, có ngờ đâu thiên hạ đã xếp hàng rồng rắn để qua máy kiểm soát hành lý và quan thuế Mỹ. Đây là điểm rất đặc biệt. Quan thuế Mỹ làm việc ngay tại phi trường Canada. Qua tới phi trường Mỹ, chúng tôi chỉ việc lấy hành lý và đi thẳng ra ngoài rất nhanh chóng.

Đi vỏn vẹn có năm ngày nên tôi chỉ đem một valy nhỏ và một túi xách tay. Yên- Dũng dặn Las Vegas mùa này nóng lắm, chỉ cần đem quần áo mỏng và một áo khoác. Ban đêm có thể hơi lạnh. Nhưng qua đó rồi mới thấy, cái hơi lạnh của L.V cũng chưa đủ mát cho người xứ lạnh như tôi và Xuân Lan. Trong valy và túi xách, tôi cố nhét nhiều nhất có thể nên cái nào cũng...nặng chình chịch. May quá, vì không gửi hành lý nơi quầy nên chẳng ai cân đo đong đếm hành lý của tôi. Nhưng trước khi lên máy bay, cô nhân viên khuyên mọi người nên gửi valy cho họ thay vì tự mình kéo lên máy bay. Thôi cũng được, vì với chiều cao khiêm tốn của tôi, đưa cái valy nặng chình chịch này lên khoang chứa hành lý trên đầu là cả một vấn đề chứ không phải chơi!

Phi cơ cất cánh rồi tôi chỉ muốn nhắm mắt đánh một giấc cho đã đời, nhưng cái bụng réo đói khiến tôi nhớ lại là từ sáng sớm tôi chỉ mới uống 1 ly cà phê để có thể tiếp tục mở mắt. Trước đây quan thuế Mỹ cấm ngặt không cho đem thức ăn qua khỏi trạm kiểm soát. Có một chị bạn đã phải vứt ổ bánh mỳ thịt vào thùng rác (hoặc phải ăn cho hết trước khi qua trạm, hoặc trả tiền phạt 500USD). Nhưng mới đây, một bà bạn đi đi về về Mỹ- Canada thường xuyên bảo cứ việc đem theo. Lúc này dễ lắm. Thế là ổ bánh mỳ gà rô ti thơm phứt đã lẳng lặng theo tôi lên máy bay ngon ơ. Sau khi thanh toán ổ bánh mỳ và 1 ly nước lọc, tôi nghẹo đầu ngủ một giấc say sưa đến khi phi cơ gần đáp xuống mới bừng mắt dậy.

Phi trường Las Vegas tương đối nhỏ, cách nhà vợ chồng Yên- Dũng khoảng 15 phút lái xe. Theo dòng người đi ra chỗ lấy hành lý, rồi theo hướng exit đi ra ngoài. Thì ra đây là trạm taxi. Tôi yên chí là bạn mình sẽ chờ ở cửa. Đâu biết rằng trừ Montreal, tất cả hành khách đến từ mọi nơi đều phải qua thủ tục quan thuế Mỹ. Mà cơ quan này nằm ở trên lầu. Các bạn tôi ngóng đến 45 phút vẫn không thấy bóng dáng tôi đâu cả thì cũng quýnh lên. Trong khi đó ở tầng dưới, tôi kéo va ly chạy ra, chạy vào như gà mắc đẻ, mặt mày tái mét vì sợ: tôi không có cell phone!!!! Thời may có một ông nhân viên phi trường đang ngồi nghỉ break, tôi chạy lại nhờ ổng phone dùm cho Liên. Có ngờ đâu nhỏ này ở nhà chứ không ra phi trường đón tôi như đã định trước. Nàng thấy số cell phone hiện lên lại tưởng là phone của tôi nên gọi ra phi trường báo tin cho vợ chồng Yên- Dũng, cùng Kim Mi đang kiếm tôi như điên ngoài đó. Họ gọi lại số phone của ông Mỹ (cứ đinh ninh là của tôi), không thấy trả lời, họ để lại message liên tiếp...Tội nghiệp ông Mỹ tốt bụng, có nghe cũng chả hiểu mô tê gì cả và chắc như đinh đóng cột là ổng có xổ nho chùm!

Cuối cùng thì Kim Mi và Yên-Dũng cũng "bắt" được tôi ở cửa đi ra bãi taxi. Khi biết tôi không có cell phone, hai nàng trợn tròn mắt "trời đất ơi, sao bà gan quá vậy. Dám đi một mình mà không có cell phone"! Tôi cũng đành cười trừ, giải thích "tớ có cellphone đó chớ. Nhưng là model thời còn mồ ma Tổng Thống ...Kennedy. Tớ chỉ mở khi cần gọi và sau đó thì tắt. Mà sang đây không dùng được." hihihi. Sự thật thì trước khi đi, ông xã có đem ra quầy điện thoại hỏi cách thức dùng bên Mỹ, thì một tên nhân viên cà chớn đã nói chắc mẻm: "Ông cứ việc đem qua Mỹ. Gọi thoải mái y chang như ở Canada". Lúc vừa xuống phi cơ, tôi mở điện thoại thì hỡi ơi không gọi được! Đúng là đồ cà chua. Trở về Montréal tôi phải ra đó mắng mỏ cho hắn một trận mới được. Dĩ nhiên là trước những cái Iphone6 và 6+ quá sức hiện đại của các bà bạn, tôi đâu dám "sô" cái cell phone cổ lỗ sĩ của mình ra! Đành phải xin gọi ké ! Ba ngày đầu chúng tôi ở khách sạn Harrods. Bốn cặp nên lấy hai phòng có 2 giường đôi và cửa thông qua. Nhờ anh chị Băng-Thu là VIP của sòng bài nên được ở khách sạn free và ăn buffet free, xem show free luôn. Quá vui!

Về tới khách sạn, check in xong chúng tôi kéo nhau đi ăn trưa. Buffet ở tầng trệt. Chao ơi, khắp nơi là máy đánh bạc. Hàng hàng lớp lớp. Đèn màu xanh đỏ tím vàng chớp lia lịa. Một cô mán rừng xuống đồng bằng lần đầu như tôi cảm thấy choáng váng mặt mày luôn! Thức ăn ê hề, nhưng tôi mê cua tuyết nên đã tận tình thưởng thức tới mấy đĩa. Gần 10 năm mới gặp lại anh chị Cẩn-Hà nên chúng tôi có rất nhiều chuyện kể cho nhau nghe. Nhất là chúng tôi mới khám phá ra chị Hà và tôi có bà con. Tôi đùa "Cùng là dân Cao Lãnh mà không có họ hàng mới là lạ nha!". Tha hương ngộ "bà con" cảm động lắm quý vị ơi. Cho nên mặc dù mới biết chị lần đầu, chúng tôi đã cảm thấy thân thương nhau vô cùng. Chưa chi đã có màn hẹn hò gặp nhau ở San Diego. Nghe Liên kể vườn hoa nhà anh chị Cẩn- Hà đẹp lộng lẫy. Có cả hồ cá và cây cầu nho nhỏ bắc ngang thơ mộng lắm. Gì chứ hoa lá cành là món ruột của tôi. Suốt mùa hè tôi hầu như sống ngoài vườn. Bò lê bò càng, tay lấm chân bùn chăm sóc hoa cỏ và vườn rau nho nhỏ. Mặt mày, tay chân đen thui như dân Haitien. Tôi tin rằng hoa trong vườn tôi rất hạnh phúc. Vì hết mùa đông, hạt rụng xuống từ mùa thu năm trước cứ thế mà nẩy mầm. Thành cây rồi trổ hoa bất cứ chỗ nào chúng thích. Không theo một quy tắc nào cả. Cho nên vườn hoa nhà tôi đầy màu sắc xanh đỏ tím vàng chen lấn, lẫn lộn nhau một cách rất ư là ...tự do! Giống như một bức tranh của trường phái lập thể!

Ăn uống xong chúng tôi kéo hết lên phòng. Phe phụ nữ túm lại một chỗ để trao đổi quà. Thôi thì đủ thứ: son phấn, quần áo, nữ trang fancy...Tôi mắc trông cháu nên không đủ thì giờ đi lựa quà. Nhờ bà bạn đi mua dùm một lô son môi. Có một cây màu đỏ bordeaux ngả sang tím. Liên nước da ngăm ngăm nên chọn màu này. Kim Mi cười cười:"tao biết mày thích màu nho lắm mà". Mọi người cười phá lên. Liên ngơ ngác chả hiểu gì. Tôi ghé tai nói nhỏ: "Mày nói lái đi. Màu nho là mò... đó". Liên la lên "đồ con quỷ!" rồi cũng cười ngặt ngẽo. Liên mang cho tôi một bịch sen Huế. Loại thượng hạng bảo đảm nấu chè bùi số dách. Kim Mi tặng lại tôi một cây son. Đúng là chí ...mén gặp nhau.

Sau màn quà cáp, cả đám rủ nhau xuống kéo máy. Giờ này trời nắng đổ lửa nên chả ai đi ra ngoài. Tôi nói tụi bây xuống chơi đi, tao ngủ 1 chút. Suốt đêm qua thức, lên máy bay ngủ chập chờn nên hơi mệt. Mấy cái miệng la lên "trời ơi, tới đây mà ngủ hả? xuống kéo máy độ hai tiếng, vợ chồng Yên Dũng tới là tụi mình kéo đi ăn cơm tàu. Tiệm ngon nhất Las Vegas đó". Nhưng tôi lắc đầu quầy quậy "Hồi giờ tao hổng biết chơi đánh bài". Nhỏ Liên cố thuyết phục: " Kéo máy dễ lắm, mà vui nữa. Xuống dưới tao dạy cho". Nhưng tôi đã chui vào mền nhắm tịt mắt lại. Cứ như thế. Suốt mấy hôm ở Las Vegas, đám bạn đi kéo máy là tôi lại kéo...gỗ. Nhỏ Liên nói "Thiệt, tao phục mày sát đất. Tới vương quốc cờ bạc mà nhất định không thử thời vận!" Tôi cười " Có tụi bây đóng tiền điện, tiền bóng đèn đủ rồi, đâu cần tới tao đóng thêm nữa!". Mà thật vậy, tới ngày chia tay tổng kết lại, người thua vài chục, kẻ vài trăm đô. Nếu ngược lại chắc mấy cái casino này đã dẹp tiệm từ lâu. Mấy ai làm giàu nhờ cờ bạc, trừ phi là cờ gian bạc lận!

Đúng 6g, chúng tôi xuống lobby chờ vợ chồng Yên-Dũng tới đón đi ăn tối. Đây là một tiệm người Hoa, nằm trong khu phố Tàu. Sạch và đẹp. Sở làm của Dũng cách đây độ 5 phút lái xe nên anh chàng là khách ruột của nhà hàng này. Chúng tôi được ông chủ đón tiếp thật niềm nở. Đang là mùa tôm hùm, mua một tặng một nên tha hồ ăn. Chúng tôi bầu Kim Mi làm thủ quỷ. Cô nàng thanh toán mọi thứ trước, ngày cuối tổng cộng rồi chia đều. Như vậy không ai phiền ai. Vui vẻ cả làng. Trong khi ăn, phái nữ chúng tôi bắt đầu nhắc lại những kỷ niệm xưa. Ôi, những ngày xưa thân ái. Trừ tôi chỉ có 4 năm trung học Đệ nhất cấp chung, những nàng kia quen nhau từ hồi còn để chỏm. Biết nhau tới đời ông nội, ông ngoại...chưa kể còn là hàng xóm láng giềng. Nhà Kim Mi xéo cửa nhà nhỏ Liên, nhà Yên sát hàng rào nhà tôi vv...và vv...nên kỷ niệm dài dằng dặc, kể hoài không hết.
Những kỷ niệm từ năm đệ thất tới năm đệ tứ tuôn trào như suối. Nhiều chuyện mang lại tiếng cười dòn dã, nhưng cũng không thiếu chuyện khiến chúng tôi không nén được tiếng thở dài. Mỗi đứa là một mảnh đời khác biệt. Không ai giống ai. Chúng tôi nhắc đến từng đứa trong lớp mà ngậm ngùi. Thoắt một cái mà đứa nào cũng đầu hai thứ tóc. Tuổi đời xấp xỉ bảy mươi! Nhưng hề gì. Tuổi tác chỉ là một con số. Cười được cứ cười. Liên là một đứa can đảm đáng nể. Trong người cô nàng có đủ thứ bệnh. Nó kể : "ông Sơn nói chỉ trừ bệnh Sida là tao chưa có thôi. Chứ bệnh gì tao cũng có". Thế mà mặt mày nó lúc nào cũng tươi rói, miệng cười toe toét, khoe hai cái "đồng xu" bên khóe miệng. Hồi trẻ nó rất xinh, bây giờ cũng còn rất mặn mà và vẫn... điệu rơi điệu rụng! Cứ thấy mỹ phẩm là hai con mắt cô nàng sáng lên như đèn pha.

Vợ chồng Liên có 2 trai 2 gái. Đứa nào cũng đẹp. Nhất là con bé út, giống Liên hồi nhỏ như đúc. Khuôn mặt trái soan, cặp mắt to với hàng lông mi cong vút. Nụ cười tươi rói khoe hai hàm răng đều như hạt bắp. Nó là kết quả của thời "hậu học tập" của ông Sơn. Tụi tôi trêu "bao nhiêu tinh túy ông dồn vào cú chót nên nó mới hoàn hảo như thế!". Mấy đứa con của Sơn- Liên đều có công ăn việc làm tốt, nên khi nghe ông bà già đi Las Vegas cậu cả đã vội cầm tiền đến tặng "ổng bả" đi kéo máy cho vui!

Chuyện chồng con nó cũng khá ly kỳ. Số là Sơn gặp Liên ở nhà 1 đứa bạn cùng lớp. Bạn ông Sơn là người yêu của nhỏ này. Mấy người họ đang ngồi đấu láo râm ran thì nhỏ Liên tình cờ đi vào. Mới gặp nàng mà Sơn đã buông lời tán tỉnh có phần lả lơi, bị nhỏ Liên mắng cho một trận. Nhưng chính vì vậy mà anh chàng thiếu úy Chiến tranh Chính trị bị coup de foudre. Anh ta hỏi địa chỉ nhà nhỏ Liên và từ đó bám riết cho đến khi nhỏ chịu...gật đầu. Sinh quán Đà Lạt nên Sơn nói tiếng ... Đà lạt. Cho đến khi theo Sơn ra phi trường đón bà mẹ chồng tương lai lên làm lễ hỏi, nhỏ Liên mới tá hỏa khi thấy một bà Bắc Kỳ chính hiệu răng đen, tóc vấn khăn nhung từ trên phi cơ bước xuống! Nhưng rồi đâu cũng vào đấy. Con nhỏ khôn khéo, lanh lợi nên được nhà chồng rất quý. Khi xưa đi học, tụi tôi một nhóm bốn, năm đứa luôn luôn đứng đầu lớp, nhưng phá phách đến nỗi các soeur cũng chịu thua!
Sau 75, với cái mác Đại úy Chiến Tranh Chính trị, ông Sơn đi tù 7 năm. Tội nhất là khi bị đưa đi cải tạo, bạn tôi vừa mới sinh đứa con thứ ba được hai tháng. Ban đầu những người ra trình diện bị đưa tới giam sát biên giới Lào,
Liên phải cùng một nhóm các bà lần mò đi bộ từ thị xã lên tới trại giam để thăm và tiếp tế cho chồng. Họ phải đi từng đoàn vì lúc đó rừng còn nhiều cọp beo. Đi lẻ tẻ bị cọp vồ như chơi! Vài tháng sau Sơn bị đưa đi Tiên Lãnh và ở đó suốt 7 năm dài.

Phần Kim Mi sang Mỹ năm 75 một nách bốn con còn bé tí. Mi là đứa lên xe hoa sớm nhất trong đám bạn cùng trang lứa. Mới năm đệ lục, đệ ngũ tụi tôi còn ngu ngơ khờ khạo, nàng đã biết chưng diện với mái tóc đánh rối, áo chít eo, đi guốc cao gót...Kết quả là một anh Thiếu úy Biệt Động Quân đã vội vàng rước nàng dìa dinh từ năm Đệ Tứ! Do đó con của Mi lớn tuổi hơn con của bạn bè đồng trang lứa. Năm 74, ông xã Kim Mi đóng lon Trung tá tử trận để lại vợ và bốn đứa con còn quá nhỏ. Mi may mắn qua được xứ Cờ Hoa. Những năm đầu nơi xứ lạ quê người Kim Mi rất vất vả, vừa đi học vừa đi làm để nuôi bốn đứa con thơ dại. Nhưng Mi là một người đàn bà có đầu óc bén nhạy trong lãnh vực kinh doanh, nên sau này nàng ta làm chủ một hãng Địa ốc có tiếng ở San Jose và các con cũng đều thành tài. Mỗi năm vào ngày July 4 là cậu con trai nha sĩ lại mua vé, book hotel ở Las Vegas cho mẹ đi giải trí. Tuy công danh, sự nghiệp thành công rực rỡ nhưng đường tình duyên có phần lận đận. Ngoài người chồng tử trận ở Việt Nam, sang Mỹ một thời gian Kim Mi tái giá với một anh cựu sĩ quan QLVNCH. Anh Thức cao lớn, đẹp trai lại trí thức. Hai người yêu nhau say đắm. Hạnh phúc tưởng bền vững đến cuối đời, ngờ đâu bệnh ung thư đã mang anh đi quá sớm. Cho tới giờ Kim Mi vẫn ở vậy vì chưa tìm ra một người giống như anh Thức! Tụi tôi đứa nào cũng cầu mong cho Mi sớm tìm được người trong mộng để cùng nhau chia xẻ nốt những ngày còn lại. Cuộc đời vốn ngắn ngủi Kim Mi ơi!

Ở Hotel được hai hôm, vì anh chị Băng-Thu và Can-Hà phải về Santa Ana ăn cưới, tụi tôi lóc cóc thu dọn hành lý ra đóng đô nhà cặp Yên- Dũng. Căn nhà hai tầng rộng mênh mông với năm phòng ngủ, tọa lạc trong khu riêng biệt rất sang trọng. Chỉ cách khu sòng bạc mười lăm phút lái xe. Lần đầu ngủ một mình một phòng, tôi sợ ma phải để đèn sáng đêm mới dám nhắm mắt. Dĩ nhiên quê quá không tiết lộ cho ai biết cả. hihi

Một điều thật bất ngờ là tôi gặp một sự ngạc nhiên rất thú vị tại đây. Yên người Huế, Dũng người Bắc, nhưng cô con dâu út lại là người Nam, miệt Lai Vung. Gặp tôi, con nhỏ mừng lắm vì cùng là dân Đồng Tháp- Cao Lãnh... Lai Vung nổi tiếng từ xưa với món nem chua và quýt đường. Những vườn quýt rộng mênh mông trĩu nặng những quả quít chín vàng, da bóng lưỡng và dĩ nhiên là ngọt như đường. Chiều hôm đó chúng tôi được thưởng thức món dưa leo chấm mắm kho quẹt với sả ớt và thịt ba rọi. Ngon quá chừng. Mấy ngày qua ăn toàn cao lương mỹ vị đến phát ngán.

Cuộc tình của Yên-Dũng đáng viết thành tiểu thuyết. Một cuộc tình đẹp như mơ. Ngày xưa, gia đình Yên là hàng xóm của gia đình tôi. Hai nhà cách nhau một hàng giậu. Nhưng không phải giậu mồng tơi mà là giậu chè tươi. Miền Trung nhiều nhà trồng chè tươi để nấu nước uống. Tất cả anh em nhà này đều xinh đẹp. Da trắng như tuyết, môi đỏ như son. Anh cả của Yên bằng tuổi tôi. Chỉ mới năm Đệ thất mà anh chàng đã biết ngày ngày núp sau cửa sổ nhìn lén con bé hàng xóm, là tôi, đi học về mà tôi nào có biết. Yên phone cho ông anh để nói chuyện với tôi cho vui. Thăm hỏi sức khỏe nhau xong, ông ấy cười khẻ "nhớ lại hồi đó ngày nào tui cũng núp sau cửa sổ nhìn lén ..." khiến tôi vừa ngạc nhiên vừa...cảm động. Ít ra mình cũng từng là mối tình... câm đầu tiên của một đấng nhi đồng! Tôi cũng cười "Trời ơi, lúc đó tui mới 12, 13 tuổi thôi nha ông." Năm sau gia đình tôi dọn ra chợ mới. Thế là cuộc tình...nhí chưa chớm đã tàn! Bây giờ đầu hai thứ tóc, nhắc lại kỷ niệm xưa sao mà bùi ngùi chi lạ! Anh của Yên là phi công, sau 75 đi học tập cải tạo, trốn trại bị bắt lại rồi bị tụi VC dùng báng súng đánh ngang thắt lưng, nên mấy năm nay anh ấy phải ngồi xe lăn vì đau đớn không đi đứng được. Vợ của anh cũng cùng xứ Cao Lãnh với tôi.

Nhìn cách xưng hô của vợ chồng Dũng-Yên mà ...thèm! Những tiếng "mình ơi...mình à" họ gọi nhau ngọt sớt khiến tôi không khỏi nhớ tới ba má mình ngày xưa. Ông bà cũng xưng hô với nhau như vậy. Tiếng "mình" sao mà đáng yêu hết sức. Tuy tuổi đời ngoài sáu mươi mà Yên vẫn giữ được dáng vẻ thon thả của thời con gái. Giọng nói nhẹ nhàng, đằm thắm của Yên khiến chàng Dũng, hơn ba mươi năm sau ngày cưới, vẫn yêu nàng mê mệt. Đúng ra, đây là cuộc hôn nhân thứ nhì của Yên, nhưng là lần đầu của Dũng.

Sau 75, vợ chồng Yên bồng bế năm đứa con vượt biên, được ông anh ruột bảo lãnh qua Mỹ và từ đó định cư luôn ở tiểu bang Névada. Không may chỉ một thời gian sau ông xã Yên lâm trọng bệnh qua đời. Nỗi mất mát thật kinh hoàng đối với người vợ trẻ, một nách năm con như Yên. Vợ chồng mới sang Mỹ nên còn nghèo lắm. Nhưng vị cứu tinh mang tên Dũng đã từ Paris bay vèo sang khi hay tin ông xã Yên qua đời. Lúc đầu chỉ định sang thăm, an ủi Yên mà thôi. Nhưng sau đó người hùng bèn quyết định ở lại luôn và bất chấp sự phản đối của gia đình bên Pháp, Dũng đã làm đám cưới với Yên một thời gian sau đó và nhận con của nàng làm con của mình. Yên thấy Dũng yêu thương đám con mình thật lòng nên cũng yên tâm lên xe hoa lần nữa. Suốt hơn ba mươi năm qua, Dũng đã chăm sóc, nuôi dưỡng các con của Yên y như con ruột của mình và sự đền đáp thật xứng đáng. Năm đứa con và các cháu nội ngoại của Yên đều yêu quý Dũng. Con gọi ba, cháu gọi ông một cách đầy trìu mến. Điều đáng quý nhất là Dũng chấp nhận không có con riêng với Yên, để tránh cảnh con anh, con em, con chúng ta... dễ lâm vào hoàn cảnh khó xử. Tụi tôi vẫn cho rằng với tình yêu bao la của Dũng, Yên là một người đàn bà may mắn nhất trên đời.

Những ngày cùng nhau đi ăn, đi chơi, đi xem hết tất cả những sòng bạc huy hoàng, tráng lệ của Thiên đường cờ bạc Las Vegas, cùng nhau chụp những bức hình đủ kiểu, đủ dáng, đứa nào cũng cười toe toét hết cỡ...là một kỷ niệm không bao giờ phai mờ trong tâm khảm của chúng tôi. Tuy nhiên, ngắm nhìn toàn bộ những sòng bạc lộng lẫy này tôi không khỏi chạnh lòng, nghĩ đến biết bao gia đình đã tán gia bại sản, biết bao kẻ thân bại danh liệt hoặc tự hủy hoại cuộc đời vì nó. Thế mà thiên hạ vẫn kéo đến rần rần, sát phạt suốt ngày đêm và thường là ra về với chiếc túi rỗng không. Mãnh lực của con ma cờ bạc thật là mãnh liệt!

Ngày chia tay chúng tôi ôm nhau, đứa nào cũng sụt sùi, cặp mắt đỏ hoe không biết chừng nào mới có dịp tái ngộ. Lần trở về nhà, trên phi cơ, tôi không ngủ được, tâm trí vẫn còn in đậm kỷ niệm của những ngày vừa qua. Những ngày sáu đứa chúng tôi cùng sống lại quãng đời học sinh vô tư của hơn nửa thế kỷ về trước. Ôi, thời gian bước đi bằng đôi hia bảy dặm. Mới ngày nào tóc xanh mượt mà, cặp mắt trong veo. Bây giờ là những cụ bà với mái tóc bạc phơ (nếu không nhuộm!), cặp mắt mơ huyền...mờ và đôi chân hơi lạng quạng chứ không còn những bước đi vững vàng như xưa! Nhưng dù sao thì chúng tôi cũng đã có một cuộc hội ngộ thật hoàn mỹ. Tạ ơn Trời.

Tiểu Thu