Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2016

Tình Không Phai - Unchained Melody - Alex North & Hy Zaret - Ngọc Bích)


Alex North & Hy Zaret 
Tiếng Hát:Ngọc Bích
Trình bày PPs: Quý Denver


Ngày Mai Là Em Tốt Nghiệp



"Thương tặng con gái của bạn và tôi"

Trời tháng sáu nắng hè ấm
Dù nơi đây không phượng thắm sân trường
Không ve sầu gợi nhớ thương
Mùa này vẫn mùa thường tốt nghiệp
Mười hai năm học rộn rịp
Lòng nôn nao khi nhận thiệp chúc mừng
Hòa theo khúc nhạc tưng bừng
Thơm lời khen ngợi tên từng tân khoa
Niềm vui rạng rỡ muôn hoa
Tạm biệt tuổi hồng chan hòa mơ ước
Mang tri thức vừa đạt được
Thêm hành trang hãy đậu vượt lớp cao
Cho dù thoáng chút xuyến xao
Ngoài vườn ong bướm lượn chao la cà
Bền tâm hồn,vững tim ta
Noi theo gương tốt mẹ ba giải bày
Đường mây nâng bước tương lai
Nương theo chiều gió đẹp thay cuộc đời
Sự nghiệp vững là tuyệt vời
Sau ngày tốt nghiệp học thời sinh viên
Vòng thời gian nối triền miên
Tựu trường,tan lớp,hết niên khóa rồi
Thu, Đông,Xuân đến Hè thôi
Sau ngày tốt nghiệp em tôi trưởng thành...

Phượng Trắng
Canada, mùa tốt nghiệp 22/ 6/2016

Mừng Con Ra Trường


''Thương tặng các con trai của bạn và tôi"

Nhiều mùa thu con đi học
Đường đến trường hoa cúc dọc lối đi...
Từ ngu ngơ đến tuổi dậy thì
Con ngoan, chăm chỉ ,kiên trì học hành
Thời học trò dưỡng mộng lành
Nuôi bao mơ ước xây thành tương lai
Thời sinh viên học thành tài
Tùy theo sức lực học dài hay nhanh
Đại học,cao đẳng nghề ngành
Điều được bằng cấp ghi danh đi làm
Sự nghiệp vững chớ ba xàm
Thanh niên trụ cột mới ham gia đình
Chung quanh hoa thắm đẹp xinh
Chọn hoa ý nghĩa tận tình nâng niu
Bình thường tối sớm trưa chiều
Dòng đời thử thách thật nhiều con ơi!
Hương hoa gọi bướm chơi vơi
Bền tâm, vững chí thảnh thơi cả đời
Mừng con tốt nghiệp rạng ngời
Tặng bao lời chúc tuyệt vời đến con...

Phượng Trắng
Canada, mùa ra trường 22/6/16

Hạ ơi!


(Trường xưa Tống Phước Hiệp - Vĩnh Long )

“Hạ ơi ! Hạ đến làm chi nhỉ ! Để lại trong tôi bao ngẩn ngơ.” Mùa hạ đã qua hơn một tháng, ngoài kia qua khung cửa sổ những tia nắng cứ gay gắt tỏa xuống lòng ta, mỗi sợi nắng vàng cứ như thiêu đốt tâm tư nhớ nhung của bạn và tôi. Tuổi học trò của chúng mình đẹp biết bao, ơi ! nhớ quá nhưng giận hờn vu vơ, những nhớ thương, những vui buồn trong phút chốc , øchẳng biết nhớ gì? Thương gì? Tuổi học trò chấp cánh những ước mơ. Rất đơn sơ nhưng đầy hoa thơm, cỏ lạ.đầy màu xanh của cây lá, của tiếng cười, tình bạn bè tình thầy cô.

Đời học sinh buồn vui bất chợt
Những ưu sầu như phớt qua nhanh

Mái trường thân yêu. Bon hoc tro chung ta đã từng mến thương gọi như thế!, Bay gio, qua rồi khỏang thời áo trắng, xin hãy nhớ về ngôi trương ngày xưa, để nghe một chút bâng khuâng, tiếc nuối, ngậm ngùi…

Mai xa trường có nhớ?
Ta áo trắng bay bay
Bước chân nào vụng dại
Mái tóc thề ngang vai
Mai xa trường em nhớ? 
Hàng phượng vĩ thân thương
Hoa điệp vàng ngập lối
Oâi! Những chiều quê hương.

Hè về, tiếng ve râm ran, hoa phượng đỏ rực trên cành … bao nhiêu đó cũng đủ làm xao xuyến bao con tim bé nhỏ .. phải nói lời chia tay suốt ba tháng hè và nhất là cá bạn học sinh lớp 12 … là phải xa trường xa lớp mãi mãi ơi! Buồn làm sao! 

Phượng buồn, phượng khóc ai đây
Mà sao đỏ cả những ngày mến thương
Cánh phượng buồn khóc vấn vương
Sao nghe thương quá mái trường thân yêu

Cũng với “ Nỗi buồn hoa phượngõ tâm sự với bao nỗi nhớ thương trong lòng.

Hè ơi! Hè đến làm chi
Xa thầy, xa bạn chia ly mái trường
He mang nhiều nỗi vấn vương
Hè cho ta nỗi nhớ thương trong lòng

Ngày mai- ư!ngày mai ơi! Thương quá những tà áo trắng bé nhỏ dịu hiền. Ngày mai ừ! ngày mai tất cả rồi phải chia tay

Ngày mai người đã đi rồi
Nơi đây hoa đỏ vừa rơi theo chiều


Trở lại trường xưa một sớm mai, bạn có còn nhớ …. Những nhớ thương cháy bỏng . Tuổi học trò- khung trời mơ ước – thời gian qua đi- bao mùa hè- bao vấn vương – mãi mãi trong tâm hồn mỗi ngươi chúng ta dù năm tháng có phôi pha.

Mai trở lại trường xưa em có nhớ 
Dáng học trò trong áo trắng nên thơ

Ngọc Hải

Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2016

Thơ Tranh: Vào Mộng



Thơ: Lê Kim Hiệp
Thơ Tranh: Kim Oanh

Con Bướm Trắng Không Về


Con Bướm Trắng Không Về

Sáng nay tỉnh giấc nồng khi giọt nắng
Chiếu thẳng vào phòng qua mấy chấn song
Anh bất chợt nghe tâm hồn xao động
Khi con tim nhịp bải hoải trong lòng.

Suốt đêm qua luôn dật dờ thao thức
Nhớ em nhiều mà …em chẳng về thăm
Nắng mùa Thu chảy trên thềm đỏ rực
Không dấu chân người – còn quá xa xăm.

Anh mơ ước trở về ngày tháng cũ
Được gặp nhau thỉnh thoảng trên giảng đường
Anh bẽn lẽn trộm nhìn trong tư lự
Giận gì đâu – không nói được lời thương!

Anh muốn về thời ăn lông ở lỗ
Sống trong rừng chỉ tụ tập làm vui
Anh săn thú dâng em quà bày tỏ
Trong hang sâu anh tạc đá em ngồi.

Hoặc cái thuở mới khai hoang lập địa
Trời đất ban sơ chưa có bóng người
Anh sẽ cố hóa thành viên đá sỏi
Để sau nầy em dạo bước rong chơi.

Buổi sáng nay vẫn là bình minh ấm
Như bao ngày tia nắng cũng bơ vơ
Con bướm trắng không bay về ghé đậu
Muộn phiền ơi ! ray rức đến bao giờ?!

Dương hồng Thủy
(tháng 09/2013)
***
Mộng Hồ Điệp
( Cảm tác từ Con Bướm Trắng Không Về)

Dòng sông khách qua đò chiều tắt nắng
Chờ một người tầm mắt hướng ngoài song
Chiếc lá rơi vô tình nước dao động
Buồn mênh mang sầu dâng khoắc khoải lòng

Bến vắng tanh hồn dạt dào thổn thức
Người ở đâu không rảo bước ghé thăm
Làm sao cấm trái tim thôi rạo rực
Khung trời mơ cánh nhạn mãi xa xăm

Nhớ Tây Đô chiều nao quen góc phố
Giây phút bên nhau đường tiếp nối đường
Kẻ ngượng ngùng người giấu lời chưa tỏ
Lần chạm vai mở ngỏ bắc cầu thương

Những năm sau đó không còn gặp nữa
Quê người ta chọn kiếp sống lưu vong
Trời vào thu đông sang khi hè tới
Biết còn mơ tạc đá chốn hang sâu

Có trở về Đại học khuôn viên cũ
Trên lối mòn tìm lại dấu chân xưa
Và chiếc ghế nơi giảng đường dành chỗ
Hai đứa thì thầm mong sớm giờ chơi

Từ rất xa vầng thơ gây bối rối
Lời thiết tha tiếc nuối mộng vu vơ
Con bướm trắng Trang Chu hồ điệp mộng
Tâm tư ai ray rức đến bây giờ

Kim Phượng

28.6.2016

Nỗi Buồn Tọa Thiền


Đôi khi cảm thấy nỗi buồn
Tựa vào pho tượng giọt sương tọa thiền
Màn đêm ngả bóng ngoài hiên
Trườn lên trăng sáng qua miền hư vô

Đôi khi buồn lại lửng lơ
Treo trên ngõ vắng ngủ nhờ hàng cây
Ngắm nhìn những giọt mưa bay
Rơi trong xanh xóa tội đày trần gian

Đôi khi buồn nhẹ vai mang
Làm khăn ấm thắt tình quàng ngày xưa
Quên đi cay ngọt được thua
Hóa thành gió mát thổi mùa sạch trong


Trầm Vân

Thứ Năm, 30 tháng 6, 2016

Lời Cuối - Từ Công Phụng

Ngày xưa em thường đạp xe đến thăm tôi.
Hôm nay...Thôi đừng tìm đến nhau làm gì. Thôi đừng nhìn nhau nữa...mà chi!



Nhạc: Từ Công Phụng

Đàn và Hát: Nguyễn Đức Tri Ân

Dòng Kỷ Niệm


                     (Ảnh của chính tác giả thời đi dạy)

Ta đã đến tận vùng sâu đất nước
Trên con đò nho nhỏ đến U Minh
Con sông Trẹm một sáng sớm cựa mình
Giòng nước đỏ (*) hân hoan chào bạn mới 

Trong lạ lẫm vùng sâu đầy chất phát
Rời con đò ngơ ngác mắt nhìn quanh
Dưới hàng cây cho bóng mát an lành
Từng bước chậm hỏi đường tìm nhiệm sở...

Kinh Chắc Băng (**) trước trường hiền êm ả
Mỗi chiều về ta lặng thả hồn mơ
Những bóng mây in đáy nước lững lờ
Lòng vui với đời bảng đen phấn trắng

Hàng phượng vỹ hôm nay như choàng tỉnh
Xanh lá mừng cô giáo mới đến trường
Dáng rụt rè nhỏ nhắn tóc thề buông
Ta chợt thấy tim có gì vương vướng

Em xuất hiện tất cả dường thay đổi
Ta mơ màng như rung động lần đầu
Vào lớp dạy hồn mãi gởi đâu đâu
Thật bực bội nhưng êm đềm khôn xiết

Em nào biết mỗi ngày ta đến sớm
Ngắm nhìn em từ cửa sổ văn phòng
Tà áo xanh lượn vờn trong nắng sáng
Giữa cõi đời thực ảo khác chi nhau

Duyên đã đến và nợ rồi cũng đến
Hai đứa mình bền chặt chẳng hề xa
Giòng Chắc Băng vẫn hiền hoà xuôi chảy
Nước tươi hồng sông Trẹm khắc tình ta...

Mấy mươi năm biển dâu nhiều thống khoái
Tháng ngày vui đã rớt lại bên đường
Nhưng tủi buồn hận chán lẫn đau thương
Không thể cắt chữ tào khang bền vững.

Quên Đi
(*) Nước sông Trèm Trẹm có màu đỏ như nước trà do nhận nước từ rừng U Minh đổ ra.
(**) Thị trấn Thới Bình toạ lạc tại ngã ba sông Trẹm và kinh Chắc Băng.

 

Gửi Vào Thu



Ôi,
Những buổi chiều
mưa nắng thay ngôi
Những sớm mai
gió mây vời vợi...

Mộng ước ngần ấy thôi
Lời yêu chưa kip nói
Kỷ niệm cũng xa vời
Với tay buồn níu gọi

Cuộc đời như mây trôi
Cuộc tình như sóng dội
Ngày tháng cứ pha phôi
Chừng như ta vẫn đợi
Ta đợi gì em ơi !

Thu đã qua lâu rồi
hay còn vương trước ngõ
Sao vơi đầy nỗi nhớ
Sao hiu hắt niềm riêng ?...

Nhưng đâu phải tại em
hay tại tôi, em nhỉ !

Quýdenver

Giấc Mộng Cuối Mùa

Đó không phải là cuối mùa Nho học hay cuối mùa của phong kiến mà là cuối mùa của Thăng Long. Bốn phương giặc giả nổi lên như ong. Hết Nguyễn Cừ, Nguyễn Tuyển rồi đến Nguyễn hữu Cầu. Trong khi dân chúng đói khổ, xiêu tán, thì Triều Đình lạm phát chức tước, Quận Công, Quận chúa đầy đường.

Lê Hữu Trác đã ẩn cư ở Hương Sơn từ lâu. Năm 1773 Nguyễn Huệ san bằng thành Trấn Biên. Năm 1774 Trịnh Sâm xua quân Nam tiến diệt Nguyễn.
Chính lúc quốc khố trống rỗng, dân chúng quá mệt mỏi vì chiến tranh, thì vua chúa đắc thắng, vênh vang, Trịnh Sâm ngấp nghé ngôi vua!!! Chính lúc kẻ sĩ chân chính rất lo rầu cho thời cuộc, thật là ngổn ngang trăm mối thì Lê Hữu Trác được lệnh tiến triều. Số là trước đó Quận Huy Hoàng Đình Bảo , một người cũng giỏi về y thuật, hồi trấn thủ Nghệ An, thường mời Lê Hữu Trác tới công đường đàm đạo về y thuật rất là tương đắc. Nay Quận Huy ở trong triều quyền cao tột đỉnh , thường gọi là quan chánh đường , tiến cử Lê Hữu Trác lên chúa Trịnh Sâm để chữa bênh cho Trịnh Cán ( Thế Tử )
Ý của Quận Huy là muốn tiến cử Lãn Ông làm chức Thái y trưởng , hoặc làm quan lớn hơn nữa ...!
Khi Lãn Ông lên đường , các đệ tử đưa tiễn rất vui mừng hớn hở mừng cho thầy ... Nhưng Lãn Ông rất trầm tư, suy nghĩ mông lung nhiều điều ...
Trong Thượng Kinh Ký Sự, Lãn Ông viết là ra đi miễn cưỡng, thực tâm chỉ muốn an nhàn , ẩn dật , Nhưng tôi nghĩ không hẳn như thế . Nếu chán ghét Thăng Long, nếu dứt khoát không muốn ra đi thì Lãn ông có toàn quyền từ chối ... lấy cớ là già lão bệnh tật, lúc đó ông hơn 60 tuổi . Xưa nay không ai bắt tội một nhân sĩ từ chối chức quan vì già nua!
Không hiểu điều suy nghĩ của tôi có súc phạm tới Lê Hữu Trác không ( người mà tôi rất thần tương ), nhưng tôi nghĩ Lãn Ông muốn nhân chuyến đi này đem tài kinh bang tế thế ra giúp nước, đem y thuật ra giúp đời .Lãn ông có ông và cha làm quan lớn, đặc biệt bác là Lê Hữu Kiều làm tới Thượng Thư, Tể Tướng, môn sinh đầy triều ... Các danh sĩ Thăng Long đều công nhận Lê Hữu Trác là một tài năng lớn, tiếc cho ông mai một nơi chốn núi rừng!
Tuổi trẻ ông đã từng nuôi chí lớn, muốn làm cho rõ mặt anh hùng, không hổ thẹn với cha ông: 
Mười năm mài một lưỡi gươm
Hào quang sáng loáng phi thường ai đương
Trước cờ ai dám tranh cường
Nghiêm uy chuyển động tuyết sương ngàn trùng 
Tìm đường về Hán chửa xong
Sang Tần thì sự đã không nên rồi
Biển hồ trôi dạt đôi nơi
Xui người tráng chí ra người cuồng ngông

Rõ ràng là người đã từng nuôi chí lớn, nay ở ẩn, đã già, nhưng chắc là hùng tâm vẫn chưa nguội hẳn.
Đêm ở trạm xá Thăng Long, ngày mai vào Triều, suốt đêm không ngủ, người đã xúc cảnh làm thơ 
Mưa dồn gió giật bất thình lình
Quán khách càng thêm bối rối tình
Ngoài dãy lau xa mây kín mít
Trước chùa sóng gợn nước long lanh
Tổ nọ chim về vừa chập tối
Chùa nào chuông đã báo tàn canh
Nào phải uống trà mà tỉnh ngủ
Đêm nay vẫn biết mộng không thành

Tôi thấy rõ ràng Lê Hữu Trác có MỘNG giúp nước giúp dân ! Muốn về quê làm ruộng thì quá dễ rồi , nào cần chi phải nuôi MỘNG!

Câu nói sáng hôm sau với các đệ tử khi kiệu tới đón cho ta thấy một sụ phân vân ... cực kỳ phân vân chứ không phải một mặc định :
" Hay là ta cáo bệnh không đi ! "
Tôi thấy sau khi vào triều rồi Lê Hữu Trác mới thực sự chán ngấy cái triều đình này . Trịnh Sâm và các quan lớn cực kỳ kiêu căng , phách lối , xa hoa , dâm đãng . Còn tên nhóc con sẽ nối ngôi chúa thì èo uột , bệnh hoạn , khó lòng chữa khỏi . Và hẳn Lãn Ông còn thấy ở hắn sự thiếu trí nữa . Khi Lãn ông xụp lạy thế tử thì ngài nhóc vỗ tay phán rằng :
A! Ông già này lạy đẹp quá!
Ôi ! Cụ Lãn Ông đã thấy sự bất khả ở đây rồi!
Mỗi lần đọc về Lãn Ông tôi lại bồi hồi xúc động, xin có mấy lời thơ cảm thán về người:

TÂM SỰ LÊ HỮU TRÁC
 

" Tìm đường về Hán chưa xong
Sang Tần thì sự đã không nên rồi
Biển hồ trôi dạt đôi nơi
Xui người tráng chí ra người cuồng ngông "
(L.H. Trác)

Thương Lê Hữu Trác trung trinh
Nước non nặng một mối tình ngàn năm
Triều Lê gặp bước gian truân
Nhìn xem họ Trịnh xoay vần ra sao
Kìa như họ Mạc còn đâu
Biên thùy họ Nguyễn núp sau núi Hoành
Bốn phương giặc cỏ tung hoành
Thăng Long ấy thực kinh thành xa hoa
Vẳng nghe tiếng gọi thiết tha
Chim kêu bãi vắng chuông tà ngẩn ngơ
Lãn ông thức trắng ngồi trơ
Công danh ! Y học ! Hay là dân đen !
Ngoài kia kiệu đợi người lên
Nôn nao đệ tử tiến lên giục thầy
Lại thêm Huy Quận tâu bày
Ắt là ơn chúa phen này lo chi
Hay là cáo bệnh không đi

(Chân Diện Mục)

Chân Diện Mục
  

Nhớ Đà Lạt Xưa


Xuân Hương Thủy Tạ đẹp như mơ,
Kỳ Ngộ Bích Câu chớ hững hờ...
Chợ Mới Đồi Cù, ai cũng biết...
Cam Ly Than Thở kẻ mong chờ...
Cao niên hoài niệm thời son trẻ,
Vóc hạc nhành mai buổi tuổi thơ.
Thắng cảnh rừng thông reo khúc nhạc,
Bình an du lịch xứ sương mờ....

Mai XuânThanh
Ngày 19 tháng 06 năm 2016

Thứ Tư, 29 tháng 6, 2016

Thơ Tranh: Tháng Sáu Độc Hành


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Bài Hai Cho Em - Bài Ba Cho Em


Bài Hai Cho Em

Đêm mưa tình sợi một đời
Trăm năm áo mỏng chờ người bao dung
Xe tôi lời với ngõ rừng
nghìn cây số lệ chở khung tình mờ
con chim trên ngọn cây khô
Mắt lung lay ngó bến bờ xa xăm.

Bài Ba Cho Em

Ta đeo nặng mối tình già
Theo em từng quãng đường xa mệt đừ
Trái tim mấy chục năm dư
Đập hoài nhịp điệu cộng trừ nhân chia

Phạm Hồng Ân

Tháng Sáu Trời Mưa



Ngoài trời gió lộng mưa giông
Giọt rơi trút nước xuống lòng phố xuân
Gió hoang lùa sợi nắng ngần
Nhuộm mây buồn tím bâng khuâng trong chiều

Song thưa một bóng cô liêu
Bỗng rưng rức nhớ đến nhiều ngày xa
Quê hương mưa nắng chan hòa
Dòng sông nước đục tím hoa lục bình

Xóm nhà lúc rạng bình minh
Đường chiều in dấu bóng hình tuổi thơ
Hoàng hôn nhẹ thoáng sương mờ
Đêm chìm trên bến sông mơ êm đềm...

Bước sang ngày mới qua thềm
Mưa rơi nặng hạt rũ mềm lá hoa
Phố thưa xe lại người qua
Hàng rong vắng khách ... bôn ba trưa hè!

Sân trường im lắng tiếng ve
Hàng cây phượng vỹ ngưng khoe sắc màu
Vườn không bướm ngẩn ngơ vào
Hoa man mác đợi mưa rào ngừng rơi!

Yên Dạ Thảo

Canada - 06/06/2016

Việt Nam Văn Học Sử Yếu - Dương Quảng Hàm.(Chương Thứ Sáu)

VIỆT NAM VĂN HỌC SỬ YẾU 
THIÊN THỨ HAI
ẢNH HƯỞNG CỦA NƯỚC TÀU 
CHƯƠNG THỨ SÁU 



SỰ TRUYỀN BÁ PHẬT GIÁO VÀ ĐẠO GIÁO

Trong hai chương thứ ba và thứ tư, ta đã xét qua hai bộ Tứ thư và Ngũ kinh nói về học thuyết Nho giáo là cái đạo giáo được Việt Nam tôn sùng nhất. Nhưng trừ Nho giáo ra, người nước ta còn chịu ảnh hưởng của hai tôn giáo khác nữa là Phật giáo và Đạo giáo, mà cả hai tôn giáo ấy cũng từ nước Tàu, hoặc gián tiếp, hoặc trực tiếp, truyền sang ta. Vậy ta phải xét quả chủ nghĩa hai tôn giáo và sự truyền bá hai tôn giáo ấy trong nước ta như thế nào? 


Phật giáo. 

Phật tổ. Người sáng lập ra Phật giáo (hoặc Thích giáo là Tất Đạt Đa, họ Cồ Đàm (Gotama), thuộc dòng Thích ca hoặc Thích già (Sakya); bởi thế ta thường gọi ngài là Thích ca mâu ni (Sakya Muni) (mâuni: tịch mịch, lặng lẽ). Ngài sinh ở thành Ca-tỳ-la (Kapilavastu) ở phía bắc Ấn độ, vào thế kỷ thứ VI và mất vào khoảng năm 480 tr.T.L nghĩa là ở đồng thời với Đức Khổng tử. Ngài là con một nhà quí tộc, có vợ con, nhưng thấy sự khổ sở của người đời, bỏ cả quyền vị phú quí, đi tu trong sáu năm, sau ngài tỉnh ngộ, tự xưng là Như lai (1), rồi đi thuyết pháp các nơi để truyền đạo giáo của ngài. Đời sau gọi ngài là Phật (2) và tôn ngài là ông tổ Phật giáo. 

-- 
(1) Như lai: Bậc giác vi như, kim giác vi lại, nghĩa là: vốn biết là như, nay biết là lai (đạo viên tập) 
(2) Phật , hoặc Phật đà hoặc Bồ đề (chữ Phạn là Bouddha) nghĩa là giác (biết): một là tự giác (tự mình tỉnh ngộ), hai là giác tha (thuyết pháp để cứu độ người khác), ba là giác hành viên mãn (sự biết và làm đều trọn vẹn) -- 



Chủ nghĩa của đức Thích ca. 

A) Đức Thích ca nhận thấy cuộc đời là khổ ải tức là biển khổ (sinh, lão, bệnh, tử, v.v.) mà người ta bị trầm luân nghĩa là chìm đắm trong đó. Sự khổ ấy, không phải một kiếp nầy phải chịu mà hết kiếp nầy sang kiếp khác, cứ sinh tử, tử sinh mãi mà chịu nỗi khổ ấy không bao giờ thôi: tức là người ta phải ở trong vòng luân hồi nghĩa là cái bánh xe xoay hết vòng lại trở lại mãi. Cái nghiệp ta chịu kiếp nầy là cái quả của công việc ta về kiếp trước mà những công việc của ta về kiếp nầy lại là cái nhân của nghiệp ta về kiếp sau, thế là ta cứ phải chịu sự nghiệp báo (karma) ấy mãi. 

B) Cái nguyên nhân của sự khổ là gì? 
Chính là lòng tham muốn của người ta: tham sống, tham sướng, tham mạnh. 
C) Vậy muốn diệt khổ nghĩa là dứt hết nổi khổ não thì phải tiêu trừ lòng ham muốn không để cho còn một chút nào. Muốn thế, phải dốc chí tu hành, chánh tâm theo đạo để cắt đứt những cái nhân duyên nó ràng buộc mình ở trần thế. Khi đã diệt được sự khổ rồi, tức là được giải thoát, nghĩa là ra khỏi vòng luân hồi, nghiệp báo, không sinh không tử nữa mà tới cõi Niết bàn (Nirvana). 
Tóm lại, đức Phật cho đời người là khổ và mục đích lập giáo của ngài là cứu độ chúng sinh cho thoát nỗi khổ não (Xem bài đọc thêm số 1 và số 2) 



Sự bành trướng của Phật giáo. – Sau khi Phật tổ mất, Phật giáo dần dần lan rộng: 

A) Trong nước Ấn độ, thoạt tiên ở khu vực sông Hằng Hà (Gange) là nơi sinh trưởng của Phật tổ rồi đến khắp cả nước Ấn Độ (thế kỷ thứ III tr.T.L) 

B) Ra các nước ngoài do hai đường: 
1) Do đường bộ, sang các nước Trung hoa (thế kỷ thứ I, về đời nhà Hán), Cao ly (thế kỷ thứ IV), Nhật Bản (thế kỷ thứ VI), các xứ ở Trung Á như Tây Tạng, Mông Cổ (thế kỷ thứ VII). 
2) Do đường thủy sang đảo Tích Lan (Sri Lanka), Nam dương quần đảo (Indes Néerlandaises)v.v. 
Sự truyền bá Phật giáo ở nước Nam. 
- Phật giáo truyền sang nước ta do hai cách: 
A) Nhờ các vị sư Tàu sang tránh nạn ở Bắc kỳ, sau khi vua Hán Linh đế mất (189) trong khi nước Tàu có nội loạn (cuối thế kỷ thứ II và đầu thế kỷ thứ III): 
B) Nhờ các vị sư người Thiên trúc : Khang cư, Nguyệt thị, Indoseythe (4) sang ở nước ta, hoặc đi qua nước ta để sang Tàu trong thế kỷ thứ III. 
Xem thế thì biết Phật giáo sang ta hoặc theo cách trực tiếp từ Ấn độ sang, hoặc theo cách gián tiếp tự bên Tàu sang. Nhưng về sau cái ảnh hưởng Phật giáo Tàu mạnh hơn nên nay Phật giáo ở bên ta cũng theo phái Đại thừa (5) như ở bên Tàu vậy. 



Lịch sử Phật giáo ở nước Nam. 

Có thể chia ra làm ba thời kỳ: 

A) Thời kỳ truyền bá (từ cuối thế kỷ thứ II đến cuối thế kỷ thứ VI, tự lúc nội thuộc nhà Hán đến hết đời Nam Bắc triều): nhờ các vị sư Tàu và thứ nhất là các vị sư Ấn độ mà Phật giáo dần dần truyền trong dân gian, nhưng chưa có tổ chức gì. 
B) Thời kỳ phát đạt: (tự thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ XIV , từ lúc nội thuộc nhà Tùy đến cuối đời nhà Trần): trong thời kỳ này, có ba Thiền phái (6) kế tiếp nhau thịnh đạt ở nước ta. 
1) Tự năm 580, vị sư người Tây trúc tên là TiniĐaLưuChi, đến ở chùa Pháp vân (nay thuộc tỉnh Bắc ninh) lập một Thiền phái thứ nhất ở nước Nam truyền được 19 đời (680-1216) trong các vị Pháp Hiền (+626), Đỗ Pháp Thuận (+990+, Vạn Hạnh (+1018), Từ Đạo Hạnh (+1122). 
2) Tự năm 820, vị sư người Tàu tên là Vô Ngôn Thông đến ở chùa Kiến sơ (ở làng PHù đổng, huyện Tiên du, tỉnh Bắc ninh) lập một Thiền phái thứ hai truyền được 14 đời (820-1221) trong có các vị sư Ngô Chân Lưu (+1011) và vua Lý Thái Tôn (1000-1054) . 
3) Đến thế kỷ thứ XI, vị sư Tàu tên là Thảo Đường được phong làm quốc sư lập một Thiền phái thứ ba truyền được 5 đời (1069-1205), trong các vị vua nhà Lý: Thánh tôn (1023-1072), Anh Tôn (1136-1175), Cao tôn (1173-1210) 



Trong thời kỳ nầy, đạo Phật ở nước ta rất thịnh, hầu được coi như quốc giáo: triểu đình đặt chức quốc sư, mở khoa thi tam giáo (Nho, Phật, Lão); nhiêù ông vua nhà Lý, nhà Trần đi tu sau khi thoái vị và chùa chiền dựng lên ở trong nước rất nhiều. 

C) Thời kỳ suy đồi (từ thế kỷ thứ XV tức là tự đời Hậu Lê trở về sau): Phật giáo bị phái Nho công kích không được nhà vua săn sóc đến nữa, lâu dần thành một tôn giáo của dân chúng, không có tổ chức thống hệ gì nữa. Các tăng ni phần nhiều là người vô học thức bày ra các mối dị đoạn, các lễ nghi phiền phức để cho bọn hạ lưu (thứ nhất là đàn bà) dua theo còn các giáo lý cao thâm của đạo Phật ít người hiểu nữa. 

-- 
(3) Khang cư (Sogdiane): tên cũ một xứ ở Châu Á, nay là xứ Boukhara thuộc Turkestan russe. 
(4) Nguyệt thị (Indescythe): giống người ở phía bắc Ấn độ, phía trên sông Indus bây giờ. 
(5) Vào khoảng thế kỷ thứ II sau T.L, Phật giáo chia làm hai phái: một là Tiểu thừa (nghĩa đen là xe nhỏ: chữ phạn là Hinayâna) về giáo lý thì Tiểu thừa được giữ chính truyền của Phật tổ hơn. Về sau các nước thuộc về Nam tôn (như Tích lan, Xiêm la, Miến điện, Cao Miên) theo phái Tiểu thừa, cón các nước htuộc về Bắc tôn (như Tây tạng, Trung Hoa, Cao Ly, Nhật Bản, Việt Nam ) theo phái đại thừa. 
(6) Thiền phái hoặc thiền tôn: Một phái của Phật giáo do ông tổ thứ 28 là Bồ đề đạt ma (Bodhidharma - mất năm 528) người Thiên trúc, sang đất Quảng Châu bên tàu về đời nhà Lương lập ra. Thiền nghĩa là thanh tĩnh; phái này cốt đem lòng thanh tĩnh để tu luyện cho thành Phật, không cần văn tự nên cõng bọi là “tâm tôn”. 



2. Đạo giáo 

Lão tử.- Người sáng lập ra Đạo giáo là Lão Tử (hai chữ này chỉ là danh hiệu và nghĩa là “ông thầy già”, nhưng thân thế của ông ,ta không biết rõ. Theo sách Sử ký của Tư mã Thiên (7) thì ông họ là Lý, tên là Nhĩ tự là Bá dương thụy là Đam người huyện Hỗ thuộc nước Sở (nay thuộc tỉnh Anh huy) không rõ sinh và mất năm nào (có sách cho là sinh năm 570 và mất năm 490 tr.TL(nhưng cũng ở đồng thời với đức Khổng tử, nghĩa là vào thế kỷ thứ VI tr.T.L vì sử chép rằng năm 522, Khổng tử có một lần đến hỏi lễ ở ông. Ông có làm quan trụ hạ sử (quan giữa công văn) nhà Chu. Sau ông bỏ đi về phía tây (Cam túc), không biết rồi ra thế nào. Nhưng có người lại bác cái thuyết ấy, cho rằng Lão tử chính tên là Dương Bá Phú ở vào thế kỷ thứ VIII tr.TL chứ không phải là Lão Đam ở đời Xuân thu nói trên. 

Dù sao chăng nữa, ông có viết ra Đạo đức kinh (hai thiên, 81 chương, hơn năm ngàn lời nói) để bày tỏ cái tôn chỉ của ông, bởi thế mới gọi cái đạo của ông sáng lập là đạo giáo. 
Về sau lại có Liệt tử và Trang Tử cũng làm sách để diễn giải và truyền bá cái tôn chỉ của ông và bài bác các học thuyết khác, thứ nhất là Nho giáo. 
-- 
(7) Tư Mã Thiên: Một đại sử gia nước Tàu vào thế kỷ thứ I tr. T.L về đời nhà Hán. 
(8) Liệt tử: Họ Liệt, tên là Ngự Khấu người nước trịnh (nay thuộc tỉnh Hà Nam) ở về đời Chiến Quốc, vào quảng thế kỷ thứ V, thứ IV tr. TL . Các môn đệ của ông chép những lời ông dạy thành chữ Liệt Tử gồm có 8 thiên. 
(9) Trang Tử: tên là Chu, người đất Mông (nay thuộc tỉnh An Huy) ở về đời Chiến quốc, vào thế kỷ thứ IV tr. TL soạn ra sách Trang tử gồm hơn mươi vạn lời nói. 
-- 
Tôn chỉ của Lão tử 
A) Về triết lý.- Lão tử cho Đạo là một nguyên lý rất huyền diệu do đấy mà sinh ra trời đất và vạn vật. Đạo vốn là đơn nhất, sinh ra âm dương; âm dương sinh ra trời, đất và khí; trời, đất và khi sinh ra muôn vật, muôn vật sinh ra khắp cả thế gian, rồi quay trở về Đạo. Trở về Đạo,rồi lại hóa ra vạn vất, cứ đi đi về về mãi thế, tức là cái cuộc biến cải sống chết ở đời, mà là cái cuộc tuần hoàn theo lẽ tự nhiên. 
B) Về Luân lý.- Người ta muốn theo đạo thì nên thanh tĩnh vô vi. Nghĩa là phải tuyệt hết cái bụng nghĩ ngợi, ham muốn và quên cả hình hài đi để được trong sạch yên lặng mà không hành động gì cả, cứ phó mặc tự nhiên không phải nhọc trí nhọc sức. Sở dĩ người ta phải khổ sở, lo nghĩ là vì phải hành động mà nguồn gốc của sự hành động là dục tình; bởi thế, nếu dứt hết dục tình thì không hải hành động, không phải lo nghĩ khổ sở mà lòng được thư thái, thân được an nhàn. Cho nên trong nhân loại kẻ gần Đạo nhất là đứa anh nhi mà người có nhiều đức cũng hồn nhiên như đứa bé con vậy. 
Đạo giáo biến đổi thế nào? – tư tưởng của Lão tử là một nền triết học cao thâm quá, người thường không hiểu, nên không bao lâu đạo ấy biến đổi đi mà thành một tôn giáo có nhiều dị đoan và ảo thuật. Người ta tôn Lão tử làm Thái thượng Lão quân và bày ra thuật tu tiên, luyện đan (luyện thuốc tràng sinh bất tử), thuật số, phù thủy v.v. .. 



Sự truyền bá Đạo giáo sang nước ta. 

Đạo giáo truyền sang ta từ đời Bắc thuộc, những không có môn phái thống hệ gì. 

Bậc thượng lưu học thức xem sách của Lão tử và của các môn đồ Đạo giáo như Liệt tử, Trang tử thì nhiễm những tư tưởng tiêu diêu phóng khoáng, chán đường công danh phú quý, cần sự an nhàn tự do. 
Còn thường dân thì tin các dị đoan về thần tiên, về phù thủy và theo các ảo thuật như bùa bèn, ấn quyết v.v.. 
Ảnh hưởng Phật giáo và Đạo giáo đối với văn chương của ta.- Không kể phương diện tín ngưỡng và dị đoan, Phật giáo và Đạo giáo rất có ảnh hưởng đến văn chương nước ta. Trong tác phẩm cũ của ta, bao nhiêu những tư tưởng phóng khoáng, nhàn tản, yếm thế là do ở đạo giáo mà ra. Thí dụ, trong tập thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm và trong tập hát nói của Nguyễn Công Trứ, những bài vịnh cảnh nhàn đêù là chịu ảnh hưởng của Đạo giáo cả. 
Còn những tư tưởng về khổ ải, trầm luân, nhân quả, nghiệp báo, là do Phật giáo mà ra cả. 
Ta cứ xem khúc Cung oán (đoạn nói về cuộc đời khổ sở) và Truyện Kiều thì thấy nhiều ý tưởng đã thoát thai ở Phật giáo mà ra.

Các bài đọc thêm.



1) Phật thuyết pháp lần thứ nhất về “tứ diệu đề” 

“Nầy các thầy sa môn, ở đời có hai sự thái quá, người tu đạo phải lánh xa. Hai sự thái quá là gì? Một là đam mê trong vòng sắc dục : như thế thì hèn xâú, trái với đạo lý, uổng công không đáng. Này các thầy sa môn, hai sự thái quá ấy , Như lai đều phải lánh xa cả. 

Như lai đã tìm được con đường đi giữa, để mở mặt, mở trí cho người ta, khiến cho tinh thần được bình tĩnh, được thông tỏ, được sáng suốt, được tới cõi nát bàn. Vậy các thấy có biết con đường giữa mà như lai đã tìm được ấy, con đường đểm ở mắt mở trí cho người ta, khiến cho tinh thần được bình tĩnh, được thông tỏ, được sáng suốt, đươc tới cõi nát bàn ấy, là gì không? 
Con đường thần diệu ấy gọi là đường bát chính: 1) Chính kiến (samyaksadrsti), nghĩa là thành thực mà tin đạo; 2) Chính tư duy (samyaksankalpa) , nghĩa là thành thực mà suy xét; 3) chính ngữ (samyaksarmaunta), nghĩa là thành thực mà làm việc; 5) Chính mệnh (samyabjvara), nghĩa là thành thực mà mưu sinh; 6) Chính tinh tiến ( sayakvyâma), nghĩa là thành thực mà mong tới; 7) Chính niệm (samyaksmarti) nghĩa là thành thực mà tưởng nhớ ; 8) Chính định (samyaksamạdhi) , nghĩa là thành thực mà ngẫm nghĩ. Nầy các thầy sa môn, ấy đó là con đường trung đạo. Như Lai đã phát minh ra được, để mở mắt mở trí cho người ta, khiến cho tinh thần được bình tĩnh, được sáng suốt, được tới cõi niết bàn. 
“ Nầy các thầy sa môn, đây là phép mầu về sự khổ: sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, cái gì không ưa mà phải hợp là khổ, cái gì ưa mà phải dời là khổ, cái gì muốn mà không được là khổ, nói tóm lại triền miên trong ngũ trọc là khổ (10) . 
“Nầy các thầy sa môn, đây là phép mầu về nguyên nhân sự khổ: nguyên nhân sự khổ là lòng tham sống, vì tham sống mà phải luân hồi sinh tử, càng tham càng muốn, càng được càng tham, tham sống, tham sưóng, tham mạnh (11) 
“Nầy các thầy sa môn, đây là phép mầu về sự diệt khổ, diệt khổ phải tiêu trừ lòng tham dục, phải giải thoát chi hết lòng tham dục, không để cho còn một chút nào. (12) 
“Nầy các thầy sa môn, đây là phép mầu về sự diệt khổ, đạo diệt khổ tức là đạo bát chính: chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mệnh, chính tinh tiến, chính niệm, chính định (13)”
Phạm Quỳnh 

Phật giáo lược khảo 

(Nam phong tạp chí, t.VII số 40, tháng 10-1920)
-- 

(10) Đây tức là đệ nhất diệu đề.- “Ngũ trọc” hay là “ngũ uẩn” (panchaskandha) là năm cái nguyên tố họp lại làm thành ra thân thể tâm thần người ta: 1: sắc uẩn (rupaskhandha) là hình thể người; 2. thụ uẫn (vedaskandha), là sự cảm giác; 3 tưởng uẩn (sanjnaskandha), là sự tưởng tượng; 4: hành uẩn (sanskaraskandha) là sự hành vi, 5: thức uẩn (vijnânaskandha, là sự ý thức. 

(11) đệ nhị diệu đề 

(12) đệ tam diệu đề. 
(13) Đệ tứ diệu đề - Bốn diệu đề trong sách Tàu thường nói tóm lại bốn chữ là khổ tập, diệt đạo 
-- 
2. Nát bàn là gì? 
Thuộc về Nát bàn, các học giả Âu châu nghị luận cũng đã nhiều, nhiều người lấy cái lý tưởng riêng của Âu châu mà bình phẩm, đại khái trách đạo Phật rằng lấy sự hư vô tịch diệt làm cứu cánh cho đời, một tôn giáo như thế thời không những không bổ ích gì cho quần sinh, mà lại có thể di hại cho xã hội. Nay không muốn nối gót các học giả Âu châu mà phẩm bình bao biếm đạo Phật, nhưng phải biết rằng đạo Phật đã lấy sự “khổ” làm tiền để thời phải lấy sự “diệt” làm hậu kết, đã cho rằng người ta có thên là có khổ thời muốn hết khổ tất phải diệt thân, trước sau thật là duy nhất, lý luận không có mâu thuẫn. Vậy rút lại vấn đề chỉ ở một câu, ở đời có khổ hay không? Câu hỏi đó , thiết tưởng không ai là không trả lời rằng có, không ai là không cùng phật công nhận rằng sống là khổ, và nước ở đời ví đem tích lại thời sánh với nước mặn bể khơi cũng chưa thấm vào đâu.Sự khổ đã có, thì phải tìm đường thoát khổ, muốn thoát khổ thời phải diệt khổ, nhưng khổ là liền với thân, khổ là một với sống, diệt khổ tức là diệt thân, diệt sống, tự diệt vậy. 



Song người đời vẫn lấy sự hư vô làm sợ; nếu mãn kiếp tu hành, hết sức học đạo mà cứu cánh chỉ đến tiêu nhập vào chốn hư vô, thời kinh hải biết dường nào ! Phật cũng biết thế, nên Phật đối với vấn đề cứu cánh cũng giữ một thái độ như khổng phu tử đối với qủy thần vậy; không hề nói rõ bao giờ, mỗi khi đề cập đến, vẫn có ý thoái thác. Khổng tử thời môn đệ hỏi đến việc qủy thần, đến sự chết, trả lời rằng: “Các anh chưa biết việc đời người đã hỏi việc qủy thần làm chi, các anh chưa biết sự sống đã hỏi sự chết làm gì?” Phật tổ thời đệ tử hỏi cứu cánh có phải là cõi hư vô không, và khi linh hồn đến khi nhập nát bàn còn gì nữa không, bèn dùng cách tỉ dụ mà hỏi lạirằng: “Ta hỏi : nay có một người bệnh thập tử nhất sinh, có kẻ đem thuốc lại cứu cho khỏi chết, người ấy có chịu uống ngay không, hay là còn hỏi thuốc kia ở đâu mà lại, thuốc kia làm bằng vật gì? Như lai thấy chúng sinh trầm luân trong bể khổn, muốn ra tay tế độ cho siêu thoát, khác nào như kẻ cho thuốc người bệnhh bệnh nặng, thuốc ẳsn, cứ việc uống còn hỏi gì?” – Xưa nay những bậc triết nhân quân tử đã sáng suốt muôn lẽ, đã thấu hiểu mọi sự, muốn ra tay tế độ cho quần sinh thường có nhiều điều tự mình biết mà không thể truyền bá ra được cũng tức như ông thầy thuốc biết là bệnh trạng nguy mà không dám nói rõ cho bệnh nhân biết vậy. Phật tổ cũng vậy; chắc trong ý riêng vẫn biết rằng linh hồn sau khi tịch diệt rồi là vào cõi tịch mịch hư vô, chớ chẳng phải nơi thiên đàng cực lạc gì; nhưng không hề thuyết minh cho ai biết bao giờ, là sự có kẻ chưa thoát sạch trần tục, nhân thế mà ngã lòng tu đạo chăng? Vì những sự biết như thế là sự biết “chết người” vậy. Bởi thế nên dầu các nhà bác học tìm khắp trong kinh sách, cũng không hề giải được nát bàn là thế nào. Ông Oldengerg đã phải chịu thú thật rằng: “Chúng tôi đã hết sức nghiên cứu mà kết quả cũng lạ thay: chỉ có hai thuyết, không ra ngoài được, một rằng nát bàn là cõi hư vô, hai rằng nát bàn là nơi cực lạc, thời rút cục lại chẳng thuyết nào đúng hẳn” (14)
Phạm Quỳnh 

Phật giáo lược khảo.
(14) “Le résultar deces recherches est d’ailleurs assez singulier; les deux alternatives qui formaient, semble-t-il, un véritable dilemme, à savoir que dans ;’ancienne communauté, le nirvâna devait être concu soit comme le néant, soit comme la beatitude suprême, it s’est trouvé que ni l’une ni l’autre n’avait tout à fait raison” Oldengerg, P.274, Tự số 910 đến 14): (Lời chú thích của tác giả) 

-- 

3. Đạo là gì? 

Đạo là gì mà tự đâu sinh ra? Lão tử cho là thoạt kỳ thủy thì không có gì cả (15), bởi cái không mà thành ra cái có, rồi do cái có đó mà thành ra muôn vật, nghĩa là trước hết là không, rồi tự nhiên thành ra một vật độc nhất trong khoảng không gian: do vật độc nhất ấy mà sinh muôn vật trong thiên hạ. 
Vật độc nhất đó gọi là gì? Không biết gọi tên là gì, nhưng ta đặt tên là chữ đạo (16). Đạo là một chữ đặt ra để có tên mà gọi cho dễ, chứ kỳ thực thì không sao mà tả rõ ra được, vì rằng: (17) cái đạo mà đã nói rõ ra được thì không phải cái thuờng bao giờ cũng có nữa mà một vật đã có thể gọi tên ra được thì cũng không phải cái vật thường vẫn có ấy nữa. 
Đạo là một vật tự nhiên hỗn thành ra trước khi có trời đất, mờ mờ mịt mịt, im lặng một mình trong khoảng không gian ở đâu cũng có, mà bao giờ cũng thế, không suy suyển chút nào mà muôn vật trong vũ trụ cũng bởi đó mà sinh ra cả. 
Đạo lại là một giống rất to, mà không có hình thể gì cả. (19) Trông không trông thấy được, nghe không nghe thấy được, sờ không sờ thấy được, mênh mông, lờ mờ, dẫu muốn suy diễn đến đâu cũng không xiết được, mà bao giờ các toàn thể của Đạo vẫn là đơn nhất, nghĩa là chỉ có một mà thôi, chứ không có hai ba nào cả. Nhân có cái tính đơn nhất ấy mà thành ra có trời đất và muôn vật, nghĩa là do cái tính đơn nhất của Đạo mà sinh ra âm dương , tức là trời đất, trời đất cùng với khí sinh ra vạn vật. Với tính đơn nhất ấy thực là linh hoạt. Trời có được cái tính đơn nhất ấy mới sáng, đất có nó mới vững, thần có nó mới thiêng, muôn vật có nó mới sinh sản mãi mãi. (22)
Trần Trọng Kim 

Đạo giáo 

(Nam Phong tạp chí t.XII, số 57 tháng giêng 1923)
4. Lẽ sinh tử theo Trang tử. 

Người ta sinh ra ở trong khoảng trời đất này chẳng khác gì cái bóng mặt trời thoáng qua trước cái khe cửa. Đường sin htử là cái lối đi ra đi vào của vạn vật. Sự đi lại ấy thật là nhẹ nhàng, dễ dàng, ai ai cũng thế, chứ không ai khác ai. Vì sự hóa mà sinh, rồi lại vì sự hóa mà tử, vậy thì việc gì mà ta lo, ta buồn. Những người lấy sự sống chết làm lo làm buồn là người không biết gì, khác nào như muốn đem cất cai cung của trời, thắt cái túi áo của trời, làm trái với mệnh trời thì làm sao được. Ta nên để mặc cái cung trời lúc dương lúc trùng, cái túi áo trời lúc mở lúc xếp, cứ biết rằng cái lẽ sống chết là một lẽ thay đổi, vừa liên tiếp, vừa thong thả, khi hồn phách ở thì thân mình ở, khi hồn phách đi thì thân mình đi theo, cũng về cả trong quãng thái hư mà thôi (23) 

Sự sống chết là thế thì việc gì mà lo sợ. Chẳng qua mình lo sợ cái mình chưa biết ra thế nào, chứ biết đâu sự thay đổi của tạo hóa là một sự hay. “Ngày xưa, người con gái đẹp đất Lệ sang lấy vua nước Tấn, lúc ở nhà đi ra thì kêu khóc. Đến lúc về ở với vua được đủ mọi điều sung sướng, lúc ấy mới hối sự mình kêu khóc”. Thế thì biết đâu người chết rồi lại không hối lúc trước mình đã cầu sống. thường đêm nằm chiêm bao uống rượu thấy sáng dây có sự buồn rầu, hoặc đêm nằm chiêm bao thấy sự buồn rầu, sáng dậy có sự vui vẻ, nghĩa là sự chiêm và sự thực không giống nhau. Đương lúc mình chiêm bao mình không biết là chiêm bao, mà trong lúc chiêm bao mình vẫn đoán việc chiêm bao, mãi đến khi tỉnh dậy mới biết là chiêm bao thật. Chỉ có bậc đại giác thì mới biết được cuộc đời là một giấc chiêm bao lớn mà thôi, con người ngu thì chiêm bao vẫn cho là tỉnh, rồi tưởng mình chủ tể được cái tâm trí ấy (24) 

Thường giấc mộng mơ màng là cuộc sống ở đời, mà lúc tỉnh dậy là sự chết đó thôi. Bởi vậy cho nên những bậc “chân nhân” cứ tự nhiên nhi nhiên, hễ gặp vào lúc sống mà sống là hợp thời, gặp lúc nào chết mà chết là thuận cảnh, hợp thời và thuận cảnh, thì còn có việc gì mà buồn hay vui? Người ta lúc sống chẳng qua cũng như bị cái dây nó treo mình ở trong khoảng không gian, lúc chết cổi cái dây ấy mà xuống. Cũng thí dụ như củi với lửa: Củi là hình hài, lửa lái tinh thần, lửa bén vào củi, rồi củi hết là lửa tắt. nhưng kỳ thực là ta biết thế nào là lửa hết được: lửa tắt là vì hết củi đó thôi (25)
Trần Trọng Kim 
Đạo giáo II 
(Nam phong tạp chí t.XII, số 58, tháng hai 1923)
--
(15) Đạo đức kinh chương thứ 40
(16) Đạo đức kinh chương thứ 25
(17) Đạo đức kinh chương thứ1
(18) Đạo đức kinh chương thứ 25
(19) Đạo đức kinh chương thứ 41
(20) Đạo đức kinh chương thứ 14
(21) Đạo đức kinh chương thứ 42
(22) Đạo đức kinh chương thứ 39
(23) Trang tử: Trí bắc du
24) Trang tử: Tế vật. 

Các tác Phẩm để kê cứu


1. Phạm Quỳnh Phật giáo đại quan, Nam phong tùng thư, Hà Nội, Đông kinh ấn quán x.b 
2. Trần Trọng Kim, Đạo giáo, Nam Phong tạp chí t.XII tr.12-32 và 103-113; tXIII, tr.113-127 và 197-209; Phật lục, Hanoi, Imp, du Nord 1940. 
3. Đại nam cao tăng truyện , Nam phong tạp chí, t.XXI, Phần chữ Hán, trang 27-30, 41-44, 54-57. 
4. Phật giáo nam lai khảo, Nam phong tạp chí t. XXII , Phần chữ Hán tr.45-48. 
5. Trần văn Giáp , Le Bouddhisme en Annam, des origines au XIIIè siècle BEFEO. T.XXXII fase. L.pp.191.268 
6. Oldengerg. Le Bouddha.Sa vie, sa doctrine, sa communauté, traduit de l’1allemand par A.Fourcher, Bibliothèque de philosophie contemporainee 3è édition francaise, Paris, Félix Alcan 1921. 
7. Tené Grousset. Histoire de la philosophie orientale. Inde Chine Japon, Bibliothéque francaise de philosophie, Paris, Nouvelle Librair nationale, 1923. 
8. Le P.Léon Qieger. Histoire des croyances religieuses et des opinions philosophiques en Chine depui l’origine jusqu’à nos jours. Hokien fou Imp. De la Misision catholique, 1917. 
9. Le P. Léon Wieger, Textes philoshophiques. Sommaire des notions chinoises depuis ; l’origine jusqu’à nos jours. Hokien fou. Imp de la Mission catholique, 1906.

Dương Quảng Hàm

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2016

Cựu Giáo Sư Trường Trung Học Tống Phước Hiệp Trước Năm 1975

Tưởng nhớ đến các Thầy: Thầy Ngô Quang Vỹ, Thầy Lương Văn Kiệt, và Thầy Huỳnh Hữu Trí đã yên nghỉ - Tưởng nhớ ngày Giỗ Thầy Huỳnh Hữu Trí 28/6/2013

Các Thầy: Nguyễn Văn Tình,Trần PhúTôn (cầm tách trà), Huỳnh Hữu Trí, Đoàn Xuân Kiên

Các Thầy: Cao Mạnh Dũng,Trần Phú Tôn, Quách Hữu Phước, Nguyễn Văn Chương, Võ Văn Lạt, Huỳnh Hữu Trí


Các Thầy:
Hàng đứng:Huỳnh Hữu Trí, Ngô Quang Vỹ,Võ Văn Khoẻ, Thầy Lương Văn Kiệt, Nguyễn Văn Chương
Hàng ngồi:Lê Tân, Đặng Thành Điệp,Nguyễn Thành Đô,Nguyễn Đức Thân, Nguyễn Văn Cai, Lê Thượng Hiền

Hình Ảnh: Huỳnh Hữu Trí

Lần Viếng Thăm Thầy Huỳnh Hữu Trí



Gửi đến bạn đôi dòng, sau lần viếng Thầy Trí:

Viết đôi dòng cho Kim Oanh đây! Hôm Thầy Trí mất, nhờ thông tin từ Oanh mà biết, tuy nhiên vì lý do sức khỏe nên không thể đến viếng Thầy được, lòng thấy không yên tâm và ray rứt.

Hôm qua (thứ bảy 13/7/2013), nhờ đứa em đưa đến Long An (vì mình không thể chạy xe một mình được) để viếng Thầy Trí. Trên đường đến nhà Thầy, tuy lần đầu tìm đến và phải hỏi thăm đường nhưng dường như quen thuộc (sáng sớm, nắng vàng nhẹ – đường thoáng và vắng, qua cây cầu đúc giống như cầu Lộ... rồi đi đến một đoạn đường với cây xanh và đến ngay cổng trường Trung học PT Tân An, trông nhớ ngôi trường Thủ Khoa Huân dạo nào), gần gủi và giống như những lần trở về Vĩnh Long mình. Một cảm giác buồn chen lẫn nỗi niềm.
Đến nhà Thầy cũng khá sớm, cổng ngoài khóa. Nhìn quanh, bác hàng xóm bảo là có người trong nhà và nên gọi lớn “ở trổng” mới nghe. Đứng ngoài có dịp nhìn căn nhà của gia đình Thầy : không rộng, đơn sơ và bàn thờ Thầy đơn giản nằm giữa với khói hương. Vô thường!
Rồi Cô Yến ra mở cửa, vào xin phép được thắp nhang viếng Thầy, nhìn ảnh Thầy như hôm nào đã gặp trong lần ghé thăm Thầy ở nhà người con trai tại Bình Tân. Tâm trạng thật nhiều! Khó nói, khó tả… Ngày nào... thế mà giờ đây Thầy chỉ còn nhìn thôi, mãi mãi! Những cuộc điện thoại, nhắn tin thăm hỏi giữa Thầy - trò giờ chỉ còn là ký ức!
Nghe Cô kể lại bệnh của Thầy và những ngày cuối, càng buồn hơn! Bây giờ nơi đây một mình Cô, nhà trống vắng… Hy vọng, thời gian sẽ giúp nguôi ngoay!

Tôi, người học trò chưa học Thầy ngày nào! Qua người bạn - người thân đến thăm và biết Thầy hôm nào, mà nay trở lại lần nữa… thì đã là khoảng cách của hai thế giới. Thật nhỏ bé và bất lực!
Thôi thì, là người đến không kịp lúc, xin ghi đôi dòng gửi đến bạn, người bạn của tôi, người học trò của Thầy Trí, một chút suy nghĩ với nổi niềm và cũng qua đây là đôi lời lý giải về việc không đến viếng ngày Thầy ra đi!
Mong bạn hiểu và chia sẻ.

Thân chào

Trương Minh Khách

Thơ Tranh: Hồi Nhỏ

Thay nén nhang lòng, học trò  tưởng nhớ ngày Thầy đi xa..... 


Thơ: Huỳnh Hữu Trí
Thơ Tranh: Kim Oanh

Lưu Niệm Của Học Trò Ngày Thầy Ra Đi 28/6/2013




Thứ Hai, 27 tháng 6, 2016

Đêm Giã Từ - Y Vân - Thanh Thúy

Sân ga xe lửa là nơi đưa tiễn, làm cho người đi kẻ ở đều đau buồn bịn rịn, người đi biết bao giờ trở lại, còn người ở lại biết trông chờ đến bao giờ. Nên bưổi chia tay nào cũng đẫm nước mắt. Nhất là vào buồi tối, ngoài trời mưa rơi, khi tiếng còi tàu vang lên báo hiệu giờ chia ly sắp đến càng làm cho buổi chia ly thêm sầu thêm não. . .


Sáng Tác: Y Vân
Ca Sĩ: Thanh Thúy
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Mưa Tháng Sáu




Tháng Sáu trời mưa anh nhớ EM
Mưa rơi tí tách vọng bên thềm
Gió đùa thổi mát hòa hơi nước
Như giọt sương mềm ướp dáng đêm

Tháng Sáu trời mưa vọng nhớ xa
Nhớ về quê cũ những ngày qua
Có EM tíu tít cười bên cạnh
Khoe nụ cười xinh, đẹp tựa hoa

Tháng Sáu trời mưa giấc mộng xinh
Xưa kia chung lối , đẹp đôi mình
Nào hay cách biệt chừ hai ngã
Thương xót cho ta một khối tình

Tháng Sáu trời mưa thoáng mộng mơ
Ngồi đây nắn nót những vần thơ
Gởi EM nỗi nhớ đầy lưu luyến
Một thuở mình quen, tuổi dại khờ ,....

Hoàng Dũng

Chôn Chiều



Chiều nghe tiếng thở trần gian
Com tim rừng núi đã gần lắng im
Còn đây một gói nỗi niềm
Chôn năm tháng tưởng đã chìm lãng quên
Chiều im mà giặc trống chiêng
Chiếm hồn u tịch oan khiêng hiện về
Bóng ai vây hảm bốn bề
Tóc ai thòng lọng đã kề cổ ta
Hương nào như khói bay xoà
Phố nào cháy bỏng mù loà ta đi
Pháp trường ta chết từ khi
Rừng nghiêng núi ngả buồn chi là buồn
Chiều như đào mộ, chiều chôn
Hồn như lấp đất xa nguồn dương quang

Hoài Tử

Trăng Khuyết - Nửa Hồn Trăng



Bài Xướng: Trăng Khuyết

Hỏi đêm sao khuyết vầng trăng?
Để cho gió cợt mây ngăn cuối trời!
Vần thơ ai viết tuyệt vời,
Níu tình ta mãi một đời khôn trôi.
Lỡ làng hồn lại đánh rơi,
Những câu từ vụng tìm hơi huy hoàng.

Hoành Trần
24/6/16

Nửa Hồn Trăng

Hồn lơ lững nửa mảnh trăng
Tim yêu lần lựa chia ngăn, đổ trời
Bắt bóng mơ chuyện xa vời
Vớt trăng vớt mãi cả đời nổi trôi
Vẽ vời hồn lỡ vuột rơi
Tim sai lỗi nhịp hụt hơi bàng hoàng.

Kim Oanh
24/6/2016

Thầy Phạm Khắc Trí Chia Buồn Cùng Lê Hữu Uy Và Tang Gia



Kim Oanh Thành Kính Phân Ưu Cùng Anh Lê Hữu Uy Và Tang Gia


Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2016

Tôi Muốn Quên Em - Nhạc Sĩ Khánh Băng Tiếng Hát Vũ Khanh

Nhạc Sĩ Khánh Băng 
Tiếng Hát  Vũ Khanh
Thực Hiện Youtube: Đặng Hùng

Cuộc Đời Qua Mắt Tôi


Cuộc Đời Qua Mắt Tôi

Chiếc thân tứ đaị khói
Sinh hoạt thế gian mây
Thành công khối nước đá
Thất bại chùm bọt tan
Nhục vinh bong bóng nước
Thương ghét hạt sương mai
Khổ vui trong giấc mộng
Danh lợi bóng chim bay.
Tháng ngày cái chớp mắt
Còn mất nước trăng lay
Chung cuôc cơn gió thoảng
Viên mãn bầu trời trong.

Thiền Sư Thích Thanh Từ

( Thiền viện Chân Không , tháng 6 -1984)
***
Các Bài Thơ Cảm Tác:

Cuộc Đời

Thân tứ đại sương khói,
Dòng đời áng mây bay.
Sự nghiệp như băng giá,
Thành bại thoáng tan ngay.
Nhục vinh sương trên lá,
Thương ghét thời gian pha.
Khổ vui là mộng ảo,
Lành dữ ngoài tầm tay.
Tháng ngày trôi chớp mắt,
Tan họp khóc thương vay.
Đời người như gió thoảng,
Xuôi tay dứt mộng dài.

Mailoc
(ĐaLạt 13-2-2012)
( Cảm tác qua bài thơ “ Cuộc Đời trong mắt Tôi” cuả Thiền sư
Thích Thanh Từ nơi thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt )
***
Đời Con Người Ta

Thân ta từ cha mẹ,
Cha mẹ từ ông bà.
Ngược lên mãi vô tận
Sơ khai, con người ta.
"Con người", một giống lạ!
So muôn loài, khác xa.
Con người có "trí tuệ"
Và "mơ ước" bao la.
"Làm người" thật vinh dự,
Sao ta lại lơ là;
Coi mình, như "cát bụi",
Hèn mọn, giọt sương pha. 
 - - - - - - -
Hãy biết yêu tất cả,
Trong tình thương chan hòa.
Vui vẻ đến chung cuộc,
Sống trọn đời tinh hoa.
Thành công, mừng có hạn;
Thất bại, không xót sa.
Đời có lên, có xuống.
Nắng mưa, đều trải qua.
Được vầy, không luyến tiếc,
Và chẳng dạ xuýt xoa.
Thanh thản đầy độ lượng
Trăm năm khi rời xa.

Danh Hữu
19 juin 2016
***
Cuộc Đời Qua Mắt Tôi

Tựa khói tứ đại thân ta,
Như mây cuộc sống chốc đà rả tan.
Thành công thất bại ngang hàng,
Như băng như bọt dễ tàn phút giây.
Nhục vinh như bóng nước này, 
 Ghét thương tựa giọt sương mai chóng tàn. 
 Khổ vui như giấc mộng vàng, 
 Lợi danh, ôi, bóng chim ngang lưng trời !
Thoi đưa ngày tháng qua rồi,
Được, còn, thủ, thất, cuộc đời qua mau!
Nhẹ như cơn gió qua rào,
Sắc không không sắc khác nào trời xanh !

Đỗ Chiêu Đức
06-19-2016
***
Làm Kiếp Con Người

Đời người nếu bảo dài hay ngắn
Đâu thể nào so tháng tính ngày
Bằng hiện diện ngay trên quả đất
Từ chào đời đến lúc xuôi tay

Tấm hình hài rốn chưa rời mẹ
Trẻ chí già sao thoát mạng vong
Hai tiếng sinh ly còn tránh được
Làm sao khỏi tử biệt mà mong

Cù lao chín chữ công nuôi dưỡng
Giáo dục ơn thầy dạ khắc ghi
Đất nước mong chờ người trí dũng
Tương lai tổ quốc đắn đo gì

Một ngày biết sống theo chân lý
Hậu thế lưu danh vạn vạn đời
Kẻ chọn lợi danh làm cứu cánh
Sống thừa trọn kiếp vậy mà thôi

Vinh dự thay làm kiếp con người!

Kim Phượng