Có phước lắm mới được gọi tên “Chị Sáu”! Phong tục Miền Nam ta sao mà thiệt thà, đơn sơ, bình dị, quý báu vô cùng! Dù đời có dâu bể, tang thương, tha hương cầu thực vẫn rất mực thủy chung! Nhiều khi chỉ “nhớ” Tên Thứ! Còn Tên Thật? “Lùng bùng” quên mất!
Vàng tiềm ẩn dấu trong lòng đất! Nghĩa hiện trưng ra tại biển trời! Nhìn những ngọn sóng gào dữ dội ngoài khơi! Chợt thấy con người quá nhỏ bé mà lại là chủ thể tuyệt vời vĩnh cửu!
Hãy viết xuống ngay đi! Hãy dâng lên ngay “Phật Nhảy Tường” bát bửu! Những món ăn tinh thần vô giá hiện hữu ngàn năm! Kim Phượng đẹp tựa trăng rằm!
Mùa hè phượng thắm đất trời Thấy chùm hoa đỏ nhớ thời xưa kia Người về kẻ ở chia lìa Nhìn nhau khóe mắt tía lia miệng cười Ngoài thì vui vẻ bãi buôi Lòng thì khoắc khoải chẳng vui chút nào Nhìn theo tà áo ước ao Sau hè mong lại thấy nhau sân trường Phượng đem ta đến niềm thương Phượng gieo nỗi nhớ miên trường canh thâu Phượng gây thấp thỏm lo âu Kỳ thi kề cận... biết đâu... thế nào Mảnh bằng... chứng chỉ ...ôi chao Tương lai ... thân thế...biết sao... vui buồn!
Chuyện xưa nhớ lúc la cà Chơi đùa chiêm ngưỡng những tà áo bay Tâm tình ai biết ai hay Ngày trông đêm nhớ tỏ bày trong thơ Áo dài tha thước quấn chân Dáng ai bước nhẹ bần thần lòng ta.
Chỉ là kỷ niệm thuở nào
Dù là kỷ niệm hẳn nao tấc lòng
Người ơi chắc hết long đong Nhớ chăng ngày ấy tình nồng không quên
Nếu em hỏi anh hoa nào đẹp nhất Anh trả lời: “ Hoa đẹp nhất vẫn là Em …” Bởi vì Em đẹp lại có duyên Lại biết làm thơ, nói tiếng Anh như gió Lòng anh yêu em luôn bỏ ngỏ Đón Em vào trong giấc điệp hôn mê Mẹ thường trách Anh: “ Cái thằng ngu ghê, Cứ cả ngày thương thương nhớ nhớ… Lúc nào cũng vẩn vơ nhớ Cô Bé Có má lúm đồng tiền Hàm răng cười vỡ cánh hoa Ít khi nào nhớ mẹ nhớ cha Gọi tên “ Ba, Mẹ …” Mẹ cứ ví nó như Chú Bướm đa tình Mẹ muốn đám cưới cho xong Mà nó nói: Con không chịu! Vì con chưa có nhà lầu xe hơi … Sợ cưới Nàng về Nàng sinh năm một Con đi làm không đủ tiền chi Mặt Nàng sẽ bí xị Nhan sắc Nàng hao gầy già như tuổi năm mươi Cả ngày mong khó có nụ cười … Con lại không thèm Cơm Mà “thèm Phở !!!” Gia đình sẽ đổ vỡ Nàng là hoa sẽ là gái mẹ xề Thôi thì xin … Mẹ bỏ ý định Cưới xin đi Cho con hưởng hạnh phúc của tuổi Thanh Xuân thêm ít năm nữa Hai đứa cùng lớn khôn … Để biết Hạnh Phúc là gì Theo đúng nghĩa nhân gian … Là một gia đình phải có đàn con Phải có bữa cơm ngon Chồng không thèm ăn Phở . Không dập dờn như bướm vờn hoa bên vườn chớm nở Chồng là chồng, Vợ là vợ theo lễ giáo xưa nay .
Phù dung sớm nở tối tàn Thương cho hoa đẹp vội vàng nhạt phai Khiến cho đau xót lòng ai Lệ rưng rưng chảy u hòai mắt trông! Tinh sương hoa nhuộm nắng hồng Vườn xanh rộn rịp bướm ong hop đàn Hoàng hôn vừa tắt nắng vàng Phù dung vội úa phai tàn rụng rơi! Chao ơi sao tựa kiếp người Tuổi đời xanh tóc rạng ngời mặt hoa Đài trang dáng vóc hằng nga Xiêm y rực rỡ thướt tha gợi tình. Tưởng rằng vui cõi ba sinh Nào hay sa cảnh điêu linh kiếp người Tả tơi như cánh hoa rơi Cuốn theo chịều gió lạc đời mênh mông.
Hoa Đô xuôi ngược khách muôn phương* Một bóng áo dài thật dễ thương Gợi sắc màu xưa khi dạo phố Khơi hình ảnh cũ lúc tan trường Người xa xứ vẩn vơ hồi tưởng Kẻ lữ thứ thơ thẩn vấn vương Cứ ngỡ ra đi mất tất cả Giữa trời Tây vẫn thấy quê hương
Tên gọi chưa được thống nhất; violon là "hồ cầm" nhưng còn dịch là "vĩ cầm",thông dụng tại Saigon.
Vĩ cầm có kích thước không thay đổi, nhưng người làm đàn (luthier tiếng Pháp) có thể làm violon với kích thước nhỏ có quy định 1/2, 1/4 cho trẻ nhỏ mới học.
Người Việt có Ông Nguyễn Chánh Tín, tức Mỹ Tín (có cửa tiệm bán sách nhạc gần Nhà Thờ Huyện Sĩ) là có nghề "luthier" (làm đàn violon) tên được ghi vào danh sách chính thức những "luthier" trên toàn cầu. Người Việt nổi tiếng nhất về vĩ cầm có lẽ là Nhạc Sĩ Đỗ Thế Phiệt. Cố nhiên là có rất nhiều danh tài khác tôi không được biết.
Viola là nhạc khí chưa được phổ thông tại Việt Nam, dường như chỉ có Nhạc Sĩ Nguyễn Quý Lãm??? sử dụng; chưa nghe thấy có tên bằng tiếng Việt; tôi có mạo muội đề-nghị (rất táo-bạo) dịch là "thứ vĩ cầm". Tuy nhiên cứ gọi là "viola", không dịch cũng không sao.
Viola thường dùng làm bè thứ 3, phía dưới bè vĩ cầm 1 và vĩ cầm 2. Thường được coi là người bạn tốt, lúc thì giúp vĩ cầm bè cao ở phía trên, lúc thì giúp cello bè trầm ở phía dưới.
Chúng ta ít có sáng tác về nhạc cổ-điển, dường như Nhạc Sĩ Văn Giảng (Ai về Sông Tương) [đã qua đời tại Melbourne] đã có soạn một "tứ tấu khúc"(quartet). Tôi chưa được coi nhưng nếu có dịp đi Melbourne sẽ nhờ bạn bè đến thăm gia đình để coi bản thảo.
Nhạc Sĩ Văn Giảng có một người con gái tốt nghiệp bác-sĩ y khoa (?).
Viola có kích thước thay đổi, người sử dụng tùy nghi chọn lựa cho vừa tầm tay.
Trong nhạc cổ điển tây phương, những bản nhạc soạn dành cho viola cũng tương đốiít có.
Hồ cầm hay (trung) hồ cầm, tiếng Pháp là violoncelle, tiếng Anh là cello, người sử dụng là "cellist" - trong y khoa người chuyên khảo về "cellule" là "cytologist" ! Cellist luôn luôn ngồi trong khi trình diễn. Tôi biết tại Anh quốc có một bác sĩ y khoa đã bỏ nghề y để trở thành full time cellist (tôi không nhớ tên ông này!) và rất thành công.
Vì kích thước lớn và có lẽ vì nhạc sĩ người Pháp ít mang theo sang Đông Dương (?),mặc dầu trên tầu thủy dư chỗ, không khó như trên máy bay ngày nay, violoncello dường như ít được biết đến tại Việt nam (??). Tại Hà Nội tôi chỉ biết có Nhạc Sĩ Nguyễn Trí Nhường sử dụng nhạc khí này. Khi Ban Gió Nam trình diễn tại Hà Nội với Nhạc Sĩ Võ Đức Thu dương cầm (piano) thì có Nhạc sĩ Nguyễn Văn Giệp vĩ cầm và Nhạc Sĩ Nguyễn Trí Nhường cello hòa tấu vài bản "tam tấu khúc" (trio) - lúc ấy tôi còn nhỏ c.1952 ?
Khi Trường Quốc Gia Âm Nhạc thành lập tại Saigon thì có một người Trung Hoa là Ông Phùng Hán Cao cộng tác về cello (?). Chắc là BS Nguyễn Đức An biết nhiều và biết rõ. BS An cũng đã học cello tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc.
Ngoài ra có Ông Pierre Faucon, ký giả báo "Journal d'Extrême-Orient " tại Saigon cũng là cellist tài tử (amateur), thỉnh thoảng vẫn có bài báo hay phóng sự viết về âm nhạc.
Sau này tại Trung Tâm Văn Hóa (Tây) Đức (Goethe Institut) có một chuyên viên thường trình tấu nhạc violoncello, người thường có mặt là BS Lê Sỹ Quang, BS Đàm Xuân Khôi (hai bạn này đều đã qua đời) và tôi thường xuyên có mặt.
Có một danh cầm của Mỹ là Gregor Piatigorsky tới Saigon trình diễn cello, và đã có một bài của Luật Sư Trần Thanh Hiệp ghi nhận và ca ngợi: "Tiếp Nhận Piatigorsky".
Sau này cello trở nên phổ thông hơn tại Âu Châu và Mỹ Châu, với rất nhiều tài năng mới.
Bác Sĩ Nguyễn Mạnh Tiến cư ngụ tại Sydney có 3 cháu gái đều học cello. Vì ở xa nên tôi không biết rõ. [Chị Nguyễn Mạnh Tiến tốt nghiệp Dương cầm tại Saigon].
BS Nguyễn Thượng Vũ nói tới người cellist giữ đàn kẹp giữa hai chân, có lẽ giống như thời trước người ta vẫn có "viola da gamba" (?). gamba (hoặc giamba là chữ jambe của Pháp).
Đại hồ cầm, tiếng Pháp contre-basse tiếng Anh "bass" hay "contrabass" thì lớn hết cỡ nhưng lại được biết đến tại Việt Nam và có khá nhiều người sử-dụng. Tiếng đàn trầm, dùng thay cho tiếng trống để giữ nhịp. Có thể dùng ngón tay để nhấn dây đàn, nhưng cũng có thể dùng "archet".
Người sử dụng thường thường là đứng, nhưng cũng có khi ngồi ghế đặc biệt rất cao.
Bản nhạc dành cho contrabass trong nhạc cổ điển thì có rất ít, gần như là một thứ "curiosity" (?).
Theo như thông lệ hàng ngày của vợ chồng chúng tôi: Buổi sáng thức dậy, vệ sinh cá nhân, ăn điểm tâm sáng, một vài động tác thể dục dưởng sinh khoảng từ 15 đến 30 phút ... rồi, khoảng từ 10 giờ 30 phút, chúng tôi di tản bộ một vòng qua các đường phố nơi chúng tôi đang cư ngụ trong khoảng 30 phút rồi trở về nhà ... và bắt đầu cho một ngày sinh hoạt. (sinh hoạt nầy được tiến hành đều đặn từ thứ hai đến thứ sáu trong tuần ... hai ngày cuối tuần, thứ bảy và chủ nhựt thì hoàn toàn dành cho các con, các cháu và bạn bè, anh chị em trong gia đình của vợ tôi. Tùy theo hứa hẹn, hai ngày cuối tuần sẽ dành cho ai theo lịch trình đã có ước tính trước rồi).
Hôm nay, có một sự việc đặc biệt xảy ra : Sau khi đi một vòng trở về nhà, mở thùng thơ bưu điện (như thường lệ) trước khi lên nhà riêng, căn nhà (hộ) nhỏ ở lầu 1 trong một khu chung cư có 4 căn với 2 tầng lầu mà tầng trệt (rez de chaussée) là một căn hầm (cave) chứa đồ vật dụng chung cho 4 căn nhà phía trên. Trong thùng thơ, không có thơ mà chỉ có một mảnh giấy nhỏ loại giấy quảng cáo của một ngôi nhà thờ Công Giáo nằm cùng đường với chung cư của chúng tôi (cách khoảng 300 mét) ... và mảnh giấy giới thiệu có nội dung như sau " Từ nay, nhà thờ sẽ tiếp nhận các quần áo cũ, nón, vớ, găng-tay, giầy, dép cũ ... các vật dụng nầy sẽ được chuyển giao lại cho các cơ sở từ thiện Secours - Catholiques ".
Thực ra thì tại thành phố nơi chúng tôi cư ngụ, cũng đã có một số địa điểm tiếp nhận các vật dụng kể trên cho các cơ quan từ thiện, như so với tư gia của chúng tôi thì hơi quá xa, cho nên chúng tôi cũng ngại ngùng trong việc mang đồ vật đến đó và cũng là lý do làm cho chúng tôi luôn luôn tỏ ra rất ngại trong việc kiểm soát lại, thu xếp lại các đồ dùng cũ kỹ lâu ngày cần phải loại bỏ đang có thật nhiều trong nhà.
Nhưng bây giờ, gần cạnh bên nhà có một địa điểm thu nhận đồ đạc cũ đã làm cho chúng tôi (đúng ra là Tôi) có can đảm, có nhiều nghị lực thực hiện công việc mà từ lâu mình muốn làm nhưng chưa làm được ... và hôm nay, Tôi quyết định bắt tay ngay vào việc nầy.
Sau khi ăn cơm trưa xong, nghỉ ngơi khoảng 30 phút là Tôi bắt đầu làm việc ngay : Trong lúc dọn dẹp, sắp xếp lại các vật dụng thì tình cờ Tôi tìm thấy lại " MỘT ĐÔI GIẦY CŨ " mà cách đây hơn 10 năm Tôi đã được người con trai tặng cho ... và đôi giầy nầy đã để lại cho Tôi một DẤU ẤN KỶ NIỆM thật đặc biệt trong đời.
Nhưng có một điểm quan trọng mà Tôi muốn được xin thưa rằng: Ở trên đời nầy, không phải hoàn toàn tuyệt đối cho tất cả mọi người ... nhưng có một số người, trong cuộc đời của riêng mình, vì duyên, vì số, vì định mệnh ... đã có một số sự việc xảy đến với mình mà chính mình không thể ngờ được mà mình phải xem đó là một HUYỀN BÍ ... xin được tạm gọi đó là Ý TRỜI ... và trong số những người đó có trường hợp của cá nhân Tôi, việc đó qua MỘT ĐÔI GIẦY mà người con trai của Tôi đã tặng cho mà Tôi xin phép được kể dưới đây.
" Cầm trên hai tay hai gói quà ( 1 gói nhỏ và 1 gói lớn ), đứng trước mặt cả hai vợ chồng chúng tôi, con trai của chúng tôi nói : Thưa Ba, Mẹ, hôm nay con xin tặng Ba, Mẹ mỗi người một món quà.
Đưa gói quà nhỏ cho vợ tôi và gói quà lớn cho Tôi và con trai chúng tôi nói : Ba, Mẹ mở ra xem đi.
Vợ của tôi mở ngay gói ra xem : đó là một chai dầu thơm.
Tôi cầm gói quà nhưng không mở ra xem mà Tôi hỏi ngay con tôi : Ba muốn biết là con tặng cho Ba món quà gì trước khi Ba mở gói quà ra xem có được không ?
Không trả lời câu hỏi của Tôi, con trai của chúng tôi trịnh trọng nói : Thưa Ba, con có một việc muốn thưa riêng với Ba về vấn đề quà tặng, Ba có cho phép con nói, có được không Ba ?
Tôi bình thảng nói : Được, con cứ tự nhiên nói, Ba nghe.
Con trai của chúng tôi nói : Thưa Ba, trước đây ở Việt Nam, con còn quá nhỏ, con không biết, không có nhận xét được về Ba, nhưng ở Pháp, khi con lớn lên và khi con biết suy nghĩ, nhận xét thì con thấy, Ba là một người không chú trọng, không quan tâm nhiều đến vấn đề ăn mặc, chưng diện, không chú trọng đến quần áo, giầy dép, đồng hồ ... Hôm nay con xin tặng Ba một đôi giầy, con không dám nói đến giá cả tiền bạc, nhưng con xin thưa, đây là một đôi giầy thuộc loại tốt, đẹp và có giá trị thời trang, xin Ba nhận ... và từ nay cứ xử dụng thoải mái, đừng lo lắng, tiết kiệm, hạn chế những quà tặng mà con tặng cho Ba ... đồ dùng là để mình xử dụng, để xài ... cứ xài hàng ngày chứ không cần phải chờ đến các dịp lễ, tết ... Ba mở ra xem đôi giầy đi Ba.
Tôi mở gói quà ra xem : Đó là một đôi giầy da hiệu J.M. Weston. Một đôi giầy số 40, Tôi mang vào rất vừa vặn với đôi chân của mình. Với tôi, đó là một đôi giầy đẹp và hợp với đôi chân của mình.
Tôi nói : Cám ơn con, Ba hài lòng với đôi giầy nầy. Ba muốn bên trong của đôi giầy nầy, mỗi chiếc có 1 auto-collant hình Hoa Mai để làm kỷ niệm có được không con ?
- Dạ được. Con sẽ lo cho Ba ngay ngày mai việc nầy.
Ông bà, cha mẹ (và kể cả các anh chị em của chúng tôi trong gia đình sau nầy) theo " ĐẠO GIA TIÊN " tức là đạo thờ cúng tổ tiên ông bà.
Khi tôi còn trẻ, ở trong nhà, tôi chỉ nhìn thấy cha mẹ của chúng tôi có thiết lập một bàn thờ, trên đó có các ảnh của ông bà nội, ông ngoại của chúng tôi (là những người đã qua đời) ... và hàng năm thì có những ngày cúng giỗ và vào dịp Tết Nguyên Đán thì có cúng bái vào đêm 30 cuối năm gọi là cúng Giao Thừa và cúng thêm bốn ngày đầu năm (mùng 1, 2, 3 và 4). Ngoài ra, tôi không thấy có gì thêm.
Như trên tôi đã trình bày, gia đình của chúng tôi theo Đạo Gia Tiên, cho nên từ khi có mặt tại Pháp sau Biến Cố Ngày 30 Tháng 4 Năm 1975, tôi hoàn toàn không tham gia sinh hoạt ở các cơ sở tôn giáo như chùa, nhà thờ, giáo xứ, thánh thất, tịnh xá, đạo tràng ... mặc dù tại Pháp, các cơ sở tôn giáo đã hoạt động rất mạnh mẽ và cộng đồng người Việt Nam tham gia rất đông đảo.
Thỉnh thoảng Tôi cũng có đến các cơ sở tôn giáo kể trên (nhưng rất ít và hạn chế). Thật ra, tôi chỉ đến khi nào có dịp được các bạn bè thân hữu mời đến tham dự các buổi lễ cầu siêu, cầu nguyện, giỗ chạp của thân nhân ... Nói tóm lại, tôi là một người theo Đạo Gia Tiên chứ không phải là một người theo Đạo Phật, không phải là một Phật Tử và ngôi chùa mà tôi có dịp đến nhiều lần là CHÙA KHÁNH ANH ở thành phố BAGNEUX thuộc ngoại ô của thủ đô Ba-Lê.
Hôm nay là ngày kỷ niệm " Sinh Nhựt 3 Tuổi " của một đứa cháu Ngoại Gái của chúng tôi, và buổi tiệc sinh nhựt được tổ chức tại nhà của vợ chồng con gái ở một vùng ngoại ô của Ba-Lê.
Đồng thời, hôm nay, tôi cũng được mời tham dự " Buổi Cúng Đúng Một Năm " của một người bạn trong cộng đồng tại Chùa Khánh Anh ở thành phố Bagneux.
Vợ của tôi đã rời khỏi nhà từ sáng sớm cùng vợ chồng của con trai để đến thẳng nhà vợ chồng con gái cho buổi tiệc Sinh Nhựt Cháu Gái ... Riêng tôi, sẽ đến sau và muộn hơn vì tôi tôi phải đến tham dự buổi lễ tôn giáo ở chùa Khánh Anh.
Trước tiên là phải tham dự một buổi lễ tôn giáo và sau đó tham dự sinh nhựt của cháu gái cho nên hôm nay tôi ăn mặc rất trịnh trọng và mang đôi giầy J.M. Weston của con trai tặng và hôm nay cũng là lần đầu tiên tôi xuất hành với đôi giầy mới nầy.
Buổi lễ tôn giáo tổ chức ở chánh điện từ 11 giờ đến 12 giờ và sau đó là bữa ăn trưa chay ở dưới nhà ... Tôi chỉ xin tham dự buổi lễ ở chánh điện mà thôi.
Cũng như tất cả mọi người, trước khi bước chân lên chánh điện ở lầu 1, tôi xếp đôi giầy ở khu vực giầy dép nơi cầu thang.
Buổi lễ chấm dứt, mọi người lần lượt xuống nhà để dùng cơm trưa, còn tôi thì xuống nhà lấy giầy để đến nhà của vợ chồng con gái để tham dự tiệc Sinh Nhựt.
Một bất hạnh đã xảy ra cho tôi: " ĐÔI GIẦY J.M. WESTON của Tôi, không cánh mà đã bay mất ".
Không tìm thấy đôi giầy của mình, nhưng tôi không biết phải làm sao, chỉ biết ngồi chờ cho tất cả mọi người lấy xong giầy dép của họ và còn lại một đôi giầy duy nhất không có chủ nhân nào nhận ... tôi nghĩ rằng chắc chắn CHỦ NHÂN CỦA ĐÔI GIẦY NẦY đã LẤY CẮP ĐÔI GIẦY J.M. WESTON của tôi rồi. Đây là một đôi giầy không thật cũ cũng không thật mới. Tóm lại, đây chỉ là một đôi giầy thuộc loại rẻ tiền và bình thường ... Tôi đành phải mang đôi giầy nầy vào chân và rời khỏi chùa Khánh Anh.
Người đã lấy cắp đôi giầy của tôi và là chủ nhân của đôi giầy cũ để lại cho tôi, tôi xin phép được đặt cho ông ta tên là Lương Nhân và mang họ Bất, tức là ông BẤT LƯƠNG NHÂN.
Vừa bước chân vào nhà, con trai của tôi nhìn tôi từ đầu đến chân và ngạc nhiên hỏi: " Ba, hôm nay sinh nhựt của Phương Dung, Ba ăn mặc kẻng và chiến quá mà tại sao Ba lại mang đôi giầy cũ ... còn đôi giầy mới con tặng cho Ba đâu, Ba lại không mang ?
Tôi buồn bã trả lời : Ba vừa đi chùa Khánh Anh ở Bagneux và đã bị mất đôi giầy mới con cho ở đó rồi và đôi giầy cũ nầy là của thằng ăn cắp để lại, Ba phải đành mang vào chân để về nhà ... Xui quá !
Không tỏ vẻ buồn bực mà con trai của tôi lại vừa mĩm cười vừa nói : Trời ơi ! ở chùa, ở chỗ từ bi, bác ái mà người ta cũng ăn cắp giầy dép của nhau ...người ta không có lòng từ tâm, thiện tâm chút nào sao Ba ? Thôi, không sao đâu Ba, để tuần sau Con sẽ mua cho Ba đôi giầy khác ... hôm nay, coi như Ba đã cúng dường một đôi giầy.
Tôi trả lời ngay với con tôi : Thôi con, việc đó tính sau đi ... Ba sẽ trở lại các chùa để tìm lại đôi giầy của Ba. Nếu Trời Phật thương và linh thiêng thì Ba sẽ tìm lại được đôi giầy của Ba.
Hàng tuần, vào hai ngày cuối tuần, tức là thứ bảy và chủ nhựt, Tôi, một mình đích thân lái xe đến các chùa trong phạm vi Ba-Lê và các vùng phụ cận, quan sát các nơi để giầy dép của các thiện nam tín nữ coi có đôi giầy của mình không.
Mỗi lần rời khỏi nhà, lái xe đến các chùa, khi ngồi vào xe bắt đầu nổ máy lên đường, tôi luôn luôn khấn nguyện như sau :
" Kính thưa Thượng Đế, ông là Đấng Linh Thiêng, Đấng Toàn Năng, xin ông hãy giúp Con tìm lại được đôi giầy của Con. Con không phải là một Phật Tử, nhưng Con nghĩ rằng, chùa là nơi tôn nghiêm, là nơi thể hiện lòng từ bi, bác ái, thiện tâm, thiện đức và Con đã đến chùa với lòng thành kính đối với Ngài và với những người quá cố. Thật sự, khi Con bị mất một đôi giầy, Con không tiếc là mình bị mất một đôi giầy đáng giá về tiền bạc, nhưng Con nghĩ rằng, nếu Con bị mất đôi giầy ở chùa thì Ngài đã BẤT CÔNG đối với Con ... Con cầu xin Ngài hãy chứng giám cho lời cầu xin của Con và xin Ngài hãy chứng tỏ cho Con thấy được một SỨC MẠNH HUYỀN NĂNG TÔN GIÁO VÔ BIÊN của Ngài, tức là cho Con tin là có THƯỢNG ĐẾ, thưa Ngài, Ngài Thượng Đế .."
Hơn 2 tháng trôi qua, tôi hoàn toàn vô vọng không tìm lại được đôi giầy của mình ... vợ và các con của tôi khuyên tôi nên bỏ cuộc mà trở về với cuộc sống bình thường của mình ... nhưng tôi quyết định TIẾP TỤC TÌM KIẾM và KHÔNG BỎ CUỘC.
Tôi đã tham dự lễ an táng cho thân phụ của một người bạn thân ở nghĩa trang Thiais và hôm nay tôi được mời tham dự buổi lễ
" Cúng Thất 49 Ngày " cho người quá cố ở chùa Khánh Anh (Bagneux).
Buổi lễ được diễn ra bình thường như hầu hết các buổi lễ khác đã được tổ chức : lễ cúng bái ở chánh điện từ 11 giờ đến 12 giờ và sau đó là bữa ăn trưa chay ở dưới nhà.
Tôi hứa với gia đình của người bạn là tôi đến tham dự buổi lễ cúng bái chứ không ăn cơm trưa.
Lần nầy đến chùa Khánh Anh, tôi vẫn mang đôi giầy cũ của ông Bất Lương Nhân và cũng khấn nguyện trong đầu là cầu mong Thượng Đế giúp cho tôi tìm lại được đôi giầy đã bị mất cắp của mình.
Tôi đến cũng hơi trễ, quan sát khu vực để giầy dép ... không thấy đôi giầy của mình. Tôi bỏ giầy ở một góc cầu thang và trèo lên chánh điện tham dự cuộc lễ bái.
Khu chánh điện đông nghẹt người, vì hôm nay có nhiều gia đình khác nhau cùng tổ chức lễ bái, cầu siêu và cúng thất do chính Hòa Thượng Thích Minh Tâm làm chủ lễ.
Phía vách sau cùng của chánh điện có một số người đứng. Còn khu vực gian giữa thì các thiện nam tín nữ ngồi, quỳ bái lạy cầu nguyện, đọc kinh.
Hầu hết mọi người, kể cả những người đang đứng đều cầm trên tay kinh, sách, nhang đèn. Tôi đứng ở cuối vách chánh điện, phía sau cùng và gần cầu thang xuống nhà, bên cạnh những người đồng hương Việt Nam hoàn toàn xa lạ không quen biết. Tôi đảo mắt nhìn vào phía trong gian giữa, thấy một vài người bạn quen, kể cả vợ chồng anh bạn thân ... họ đang hành lễ và đọc kinh trong tư thế thật nghiêm trang, mắt hướng về bàn Chư Phật cho nên họ không nhìn thấy tôi.
Vì không phải là một Phật Tử mà lại đến muộn cho nên tôi đứng trong tư thế thong thả, hai tay bỏ thòng chắp lại trước bụng.
Bất thần, có một người đàn ông, khoảng trên dưới 50 tuổi, ở khu giữa của chánh điện, từ từ bò ra phía cầu thang xuống nhà, trên tay cầm một bịch ny-lông màu xanh dương đậm ... khi đến khu vực cầu thang, ông ta đứng lên, khuôn mặt có vẻ nhăn nhó đau đớn trong tư thế thật hấp tấp, vội vã. Ông ta nhìn một lượt mọi người đang đứng ở cầu thang trong đó có tôi. Tự nhiên, ông ta nhìn ngay tôi và nói : " Anh cho tôi gửi bịch đồ, tôi đi toilette gấp, tôi sẽ trở lại ngay ".
Tôi đưa tay cầm lấy bịch ny-lông, còn ông ta thì hối hả chạy đến cầu thang xuống nhà.
Hơi tò mò, tôi mở hé bịch ny-lông ra và nhìn vào bên trong ... Thật bất ngờ, tôi thấy đôi giầy hiệu J.M. Weston. Tôi ngó ngay vào bên trong của một chiếc giầy và thấy ngay một auto-collant Hoa Mai. Tôi giật mình ... đây đúng là đôi giầy của chính tôi. Tôi quyết định xuống cầu thang ngay, mang ngay đôi giầy vào chân, thoát nhanh ra khỏi chùa, ra đường, vào xe và lái xe về nhà. Tôi đã tìm lại được đôi giầy đã mất tại nơi nầy cách đây hơn 2 tháng ... và ngày hôm nay, cũng tại nơi nầy, đôi giầy J.M. Weston mà con trai tôi đã tặng đang nằm lại trong đôi chân của tôi ... Quả thật THƯỢNG ĐẾ đã thương tôi và chứng giám cho lời cầu xin của tôi.
Qua sự việc tôi bị mất cắp mội đôi giầy và sau đó tìm lại được, tôi có những nhận xét và cảm nghĩ như sau xin phép trình bày :
* Sau khi mở bịch ny-lông và nhìn thấy ĐÚNG đôi giầy của mình, vì phía bên trong của chiếc giầy có vết tích đặc biệt do tôi làm dấu để kỷ niệm (Hoa-Mai). Đây là yếu tố quan trọng xác quyết cho chủ nhân của đôi giầy. Có lẽ hình dấu nầy cũng tương đối đẹp đối với ông Bất Lương Nhân cho nên ông cũng giữ lại mà không xóa bỏ đi ... điều nầy may mấn cho tôi.
* Nếu như tôi ở lại chờ gặp ông Bất Lương Nhân để tranh luận về " chủ nhân của dôi giầy " thì tôi lấy lý do gì để cho rằng đôi giầy nầy là của tôi ... và nếu như ông Bất Lương Nhân lớn miệng, to tiếng cãi chày cãi cối cho rầng đôi giầy nầy của ông ta trước mặt mọi người, thì chắc chắn tôi sẽ là người thua cuộc, vì khi ông Bất Lương Nhân giao bịch ny-lông nhờ tôi giữ giùm thì có những người đang đứng ở cầu thang nhìn thấy (mặc dù những người nầy không quen biết tôi và cả ông Bất Lương Nhân), nếu nhìn thấy thì chắc chắn có người sẽ đồng ý xác nhận ngay sự việc nầy.
* Việc tôi âm thầm rời khỏi chùa Khánh Anh, theo tôi, tôi đã hành động ĐÚNG, vì đối với một người tham lam, tiểu nhân thì tôi không nên hành động theo kiểu cách của MỘT NGƯỜI QUÂN TỬ.
* Tại sao ông Bất Lương Nhân không mang theo bịch ny-lông (trong đó có đôi giầy) với mình vào trong toilette ?
- Có lẽ khu vực toilettte không được rộng rãi, sạch sẽ ... ông Bất Lương Nhân sợ mang theo sẽ phải để bịch ny-long dưới sàn nhà và sẽ dơ bẩn bịch ny-lông chăng ?
- Hay là ông Bất Lương Nhân đang ở trạng thái quá vội vã, cấp bách cho việc giải quyết tiểu tiện, ông Bất Lương Nhân muốn được rảnh tay mà giải quyết nhanh chóng việc tiểu tiện nầy !!!
* Tại sao ông Bất Lương Nhân không gửi bịch ny-lông nầy cho người khác mà lại gửi nó cho tôi, vì lúc bấy giờ cũng có rất nhiều người đang đứng ở khu vực cầu thang như tôi ?
Phải thành thật mà nói, lúc bấy giờ, tôi là người duy nhất đang đứng trong tư thế thoải mái, nhàn hạ, hai tay chắp lại buông thòng trước bụng, trong khi các người khác thì trên tay họ, hoặc cầm kinh, sách hoặc cầm nhang đèn, hoặc chắp tay theo kiểu trang nghiêm bái, xá trước ngực.
Tóm lại, tôi là người đáng được ông Bất Lương Nhân giao cho nhiệm vụ giữ dùm bịch ny-lông. Chắc đây ĐÚNG LÀ Ý TRỜI.
* Khi tôi vừa ra tới ngoài đường, mở cửa xe, vào xe, nổ máy, bắt đầu rồ ga chuyển bánh thì cũng là lúc tôi nghe một hồi chuông lớn và dài ở chánh điện báo hiệu buổi lễ ở chánh điện đã chấm dứt.
* Khi ông Bất Lương Nhân trở lại cầu thang và không thấy tôi, ông Bất Lương Nhân sẽ nghĩ ngay trong đầu rằng : đôi giầy của mình đã bị ăn cắp bởi một thằng bất lương khốn nạn nào đó rồi ... vì có lẽ lúc bấy giờ ông ta nghĩ rằng đôi giầy J.M. Weston là đôi giầy của chính ông ta. Và có lẽ, sau một phút suy nghĩ tiếp theo, ông Bất Lương Nhân sẽ suy nghĩ lại rằng " trước đây, mình đã ăn cắp đôi giầy nầy của người khác và hôm nay mình bị một thằng khác nó ăn cắp theo sau đó. Âu cũng là số mệnh và Ý Trời ".
* Ông Bất Lương Nhân sẽ buồn bã cùng mọi người lần lượt xuống nhà lấy giầy dép và chờ ăn cơm chay trưa. Nhưng trường hợp của ông ta thì phải chắc chắn ngồi chờ cho tất cả mọi người lấy đúng giầy dép của họ ... và sau cùng, đôi giầy duy nhất còn lại không có chủ nhân của nó thì lúc bấy giờ ông ta mới dám đút chân vào mang ... và đây là việc mà tôi đã phải làm cách đây hơn 2 tháng ... và hôm nay tới phiên ông Bất Lương Nhân phải làm.
* Điều thú vị và bất ngờ là ông Bất Lương Nhân sẽ phải mang vào chân chính đôi giầy của mình mà cách đây hơn 2 tháng mà ông ta đã để lại khi ăn cắp đôi giầy của người khác, đó là đôi giầy J.M. Weston của tôi. Và hôm nay, chính chủ nhân của đôi giầy J.M. Weston đã lấy lại được đôi giầy của ông ấy và để lại đôi giầy cũ của ông Bất Lương Nhân cho ông Nhân ...
ĐÚNG LÀ TRỜI CAO CÓ MẮT ... và TÔI TIN CÓ THƯỢNG ĐẾ.
* Trước khi viết câu chuyện nầy lên các trang giấy, Tôi có kể câu chuyện nầy với một vài người bạn để nghe cho vui. Có người tỏ ra tức giận và nói : Tìm lại được đôi giầy của mình trong tay, sao ông không mang luôn về nhà đôi giày cũ của thằng ăn cắp cho nó đi chân không về nhà cho nó đáng đời nó.
* Tôi có thưa rằng:
- Chính tôi cố tình để lại đôi giầy cũ cho chủ nhân của nó.
- Chắc chắn nó sẽ không đi chân không về nhà đâu ông bà ơi ... nhà chùa tưởng nó bị người khác ăn cắp giầy, sẽ thương và tội nghiệp cho nó mượn một đôi giầy khác để mang về nhà.
- Riêng phần tôi, tìm lại được đôi giầy của mình là một điều may mắn, nhưng nếu tôi mang luôn đôi giầy của người khác về nhà thì tôi sẽ mang tội ăn cắp giầy của người khác. Và điều quan trọng hơn cả là nếu như ông Bất Lương Nhân (tức thằng ăn cắp) không thấy và lấy lại đôi giầy của chính mình thì nó sẽ nghĩ rằng (như tôi đã trình bày ở trên) : " Trước đây, nó ăn cắp một đôi giầy của một người nào đó, và bây giờ nó bị một thằng ăn cắp khác lấy đôi giầy nầy tiếp theo thôi, chứ nó không nghĩ rằng chủ nhân của đôi giầy bị nó ăn cắp ... nay đã lấy lại được đúng đôi giầy của mình ... Bất Lương Nhân phải hiểu và biết điều đó.
Ba-Lê, ngày 22 tháng 8 năm 2020.
Nguyễn Vũ Huy Phong.
(Bài viết nầy cách đây hơn 10 năm tôi đã có viết ... và hôm nay xin được viết lại lần thứ hai)
Không tiếng ai về khua trước ngõ Trưa nằm nghe lá khẻ rung cây Nói cho tôi biết mùa mưa tới Trời đất xa nhau cũng thở dài Ở đây tháng chạp đường im vắng Tím đầy sân jacaranda Nhà bên một bóng nghiêng hơi rượu Khói thuốc bay đầy mộng tối qua Ở đây mưa hết mưa là nắng Đồi xanh cỏ biếc rủ nhau cười Khách xưa trở lại hiên hàng xóm Áo mỏng khoe đời những nét tươi
Tôi ở bên đồi chưa biết hết Những đời dâu bể ở chung quanh Đôi khi đứng giữa chiều mưa nắng Mới thấm nghiêng đời lá mỏng manh Còn em bờ mắt Trung đông lạ Đốt những tàn đêm rực lửa người Đôi khi muốn hỏi đồi xanh lá Có thấy hồn tôi cháy giữa trời.
Trong cổ thi, rất ít khi thấy anh em bạn bè xướng họa với nhau. Mời đọc một giai thoại về Xướng Họa giữa hai anh em Tô Đông Pha và Tô Triệt, hai trong số Đường Tống Bát Đại Gia 唐宋八大家 (Tám nhà văn học giỏi nhất đời Đường và đời Tống) như sau :
Tô Triệt 蘇轍 tự là Tử Do 子由, em trai của Tô Đông Pha 蘇東坡, tài hoa xuất chúng. Khi mới 19 đã được bổ nhiệm làm quan Chủ Bộ của huyện Mẫn Trì, chưa kịp đáo nhậm thì trên đường đi thi đã đậu ngay Tiến Sĩ. Tô Triệt cùng anh là Tô Thức 蘇軾, tự là Tử Chiêm 子瞻, hiệu là Đông Pha Cư Sĩ 東坡居士, cùng lai kinh ứng thí, khi đi ngang qua huyện Mẫn Trì, đêm trọ lại trong một tăng xá trong chùa, cùng đề thơ tặng sư trên vách.
Mùa đông năm Gia Hựu thứ 6 đời nhà Tống (1061), Tô Thức được bổ nhiệm đi làm quan ở Phụng Tường Thiểm Tây, lại phải đi ngang qua huyện Mẫn Trì. Tô Triệt đưa anh đến phía ngoài cửa Tây của thành Trịnh Châu. Tô Thức đã làm một bài thơ chia tay trên ngựa cho em như sau :
寒燈相對記疇昔, Hàn đăng tương đối ký trù tích,
夜雨何時聽蕭瑟? Dạ vũ hà thời thính tiêu sắc?
君知此意不可忘, Quân tri thử ý bất khả vong,
慎勿苦愛高官職! Thận vật khổ ái cao quan chức!
Có nghĩa:
Đèn lạnh nhìn nhau nhớ cổ tích,
Đêm mưa ngày nao nghe rả rít?
Biết em ý ấy chớ nên quên,
Cẩn thận đừng vì ham quan chức!
Tô Triệt cũng làm một bài thơ《Hoài Mẫn Trì ký Tử Chiêm Huynh 懷澠池寄子瞻兄》tặng cho anh trước khi chia tay về lại kinh thành. Bài thơ đó như sau :
相攜話別鄭原上, Tương huề thoại biệt Trịnh nguyên thượng,
共道長途怕雪泥。 Cộng đạo trường đồ phạ tuyết NÊ.
歸騎還尋大梁陌, Quy kỵ hoàn tầm đại Lương mạch,
行人已度古崤西。 Hành nhân dĩ độ cổ Hào TÊ (TÂY).
曾為縣吏民知否? Tằng vi huyện lại dân tri phủ ?
舊宿僧房壁共題。 Cựu túc tăng phòng bích cộng ĐỀ.
遙想獨遊佳味少, Dao tưởng độc du giai vị thiểu,
無言騅馬但鳴嘶。 Vô ngôn chuy mã đản minh TÊ.
* Có nghĩa:
- Cùng dắt tay nhau đi và cùng nói lời tạm biệt trên thảo nguyên đất Trịnh Châu.- Cùng bảo nhau đường xa sợ nhiều tuyết bẩn (vất vả).
- Người quay đầu ngựa trở về còn đang lẩn quẩn trong đường ruộng đại Lương; còn người đi là huynh trưởng chắc đã qua khỏi đường núi Hào tây rồi.
- Ta đã từng làm qua chức huyện lại ở đây rồi không biết dân chúng có biết không, và trước đây đã từng ngụ ở tăng phòng nầy và đã cùng đề thơ trên vách.
- Những nghĩ là huynh trưởng du hành đơn độc chắc là rất vô vị; Con đường trước mặt lặng lẽ im lìm chỉ có tiếng ngựa kêu hí mà thôi.
* Diễn Nôm:
(Song thất lục bát)
Ngoài Trịnh Châu vẫy tay giả biệt,
Ngại đường xa chi xiết tuyết lầy,
Đại Lương đường ruộng về đây,
Hào Tây núi thẵm người đi dặm ngàn.
Từng vì dân giữ an huyện lại,
Trọ tăng phòng vách lại đề thơ,
Đường xa lữ khách mịt mờ,
Dặm trường lặng lẽ ngựa khờ hí vang!
Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm
Khi đi đến huyện Mẫn Trì, Tô Đông Pha nhớ lại chuyện 5 năm trước, khi cùng Tô Triệt lai kinh ứng thí, đêm ở trọ lại một ngôi chùa ở đây, lúc chia tay đã đề tặng một bài thơ trên vách tăng phòng của nhà sư trụ trì là Phụng Nhàn 奉閒. Nay thì nhà sư đã viên tịch, vách cũ cũng đổ nát, cảm xúc cho cái vô thường của thế sự, lại nhận được bài thơ của em trai gởi, bèn làm bài thơ họa vận để nhớ về Mẫn Trì khi cùng với Tô Triệt tá túc nơi đây. Giác ngộ về lẽ vô thường của sự vật làm cho Tô Đông Pha xem nhẹ về lợi danh được mất ở đời, cho đó là chuyện tự nhiên; hình thành phẩm cách cao cả nơi con người ông khi bắt đầu bước vào con đường hoạn lộ làm quan, với cái tinh thần tích cực yêu dân yêu nước và dám xả thân để báo quốc mà không ngại gian lao khổ nhọc. Ta hãy đọc bài thơ "HỌA TỬ DO MẪN TRÌ HOÀI CỰU 和子由澠池懷舊". Có nghĩa :"Họa với Tử Do nhớ lại chuyện cũ ở huyện Mẫn Trì" sẽ rõ:
人生到處知何似? Nhân sinh đáo xứ tri hà tự?
應似飛鴻踏雪泥。 Ưng tự phi hồng đạp tuyết NÊ.
泥上偶然留指爪, Nê thượng ngẫu nhiên lưu chỉ trảo,
鴻飛哪復計東西? Hồng phi nả phục kế đông TÊ (TÂY)?
老僧已死成新塔, Lão tăng dĩ tử thành tân tháp,
壞壁無由見舊題。 Hoại bích vô do kiến cựu ĐỀ.
往日崎嶇還記否? Vãng nhật khi khu hoàn ký phủ ?
路長人困蹇驢嘶。 Lộ trường nhân khổn kiển lư TÊ.
* Có nghĩa:
- Người đời phiêu bạt hết chỗ nầy đến chỗ kia, giống như là gì đây ? Tôi nghĩ giống như là chim hồng hộc ngẫu nhiên đậu xuống trên bùn trên tuyết mà thôi.
- Trên bùn trên tuyết ngẫu nhiên lưu lại cái vết móng vuốt của chim hồng, chớ chim hồng bay sang đông hay bay sang tây đều không có tính toán trước.
- Lão hòa thượng thì đã viên tịch rồi chỉ còn lưu lại cái tháp tro cốt mà thôi; và chúng ta cũng không có dịp đi nhìn lại tấm vách có đề thơ năm xưa giờ đã đổ nát.
- Có còn nhớ ngày xưa trên đường đá gập ghềnh trắc trở khi đi đến đây; Đường đã xa xôi người lại mõi mệt còn lừa thì cũng bước chân khập khiểng và cất tiếng hí vang.
* Diễn Nôm:
(Song thất lục bát)
Kiếp người đời gợp tan ai muốn?
Tựa chim hồng đáp xuống tuyết lầy,
Tuyết lưu móng vuốt là đây,
Chim hồng bay mãi đông tây chẳng màng !
Lão tăng đã dặm ngàn khuất núi,
Vách đề thơ tàn lụi khó tìm,
Đường xưa núi đá gập ghềnh,
Xa xăm người mõi lừa rên hí tràn!
Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm
Tô Thức (Tử Chiêm) Tô Triệt (Tử Do)
Cái triết lý nhân sinh đượm một chút Thiền Ý của Tô Đông Pha rất đáng cho ta suy gẫm; Vì nó thiên về chí hướng tích cực của Nho gia, chớ không buông xuôi tiêu cực như người đời thường nghĩ. Ta hãy nghe lại bài thơ "HỌA TỬ DO..." của ông sẽ rõ...
Bốn câu đầu ông nêu lên ý : Người đời ở đâu cũng thế, giống như con chim hồng nhạn tình cờ bay đáp xuống vũng lầy bùn tuyết để lại dấu ấn rồi bay đi khắp đông tây mà không còn nhớ gì tới dấu ấn đó nữa; Dấu ấn đó còn hay mất con chim nhạn cũng không cần biết tới làm chi nữa. Bốn câu sau, ông ví với việc anh em ông đề thơ trên vách tăng phòng của nhà chùa khi trọ qua đêm nơi đó; Nay thì nhà sư Phụng Nhàn đã mất, chỉ còn lại cái tháp tro cốt mà thôi; Bức vách đề thơ cũng đã sụp đổ theo mưa nắng của tháng năm. Chuyện ngủ trọ đề thơ cũng giống như chuyện chim hồng để lại dấu ấn trên bùn tuyết, là chuyện "Vô Thường của Cuộc Sống" xảy ra hằng ngày, ta phải biết châm chước mà phớt lờ NÓ đi, đừng để NÓ vướng bận mãi trong lòng làm cho cuộc sống luôn luôn phiền muộn. Chuyện "Ở trọ đề thơ" là một trong muôn ngàn chuyện của cuộc sống của con người; Phải quên NÓ đi, như con chim hồng nhạn không nhớ gì đến việc để lại vết tích trên bùn tuyết ; QUÊN để còn tích cực vui sống và làm việc giúp ích cho đời; QUÊN để còn đối phó với biết bao nhiêu sự cố sẽ lần lượt xảy ra trong cuộc sống của những tháng ngày tiếp nối.
Đây là cái nhân sinh quan lạc quan trước vô thường của cuộc sống của Tô Đông Pha; Ông cũng khuyến khích em trai mình theo cái nhân sinh quan tích cực nầy mà đi vào cuộc sống. Chả trách hai anh em ông đều là những ông quan tốt và lại là hai thành viên nổi tiếng trong "Đường Tống Bát Đại Gia 唐宋八大家 ".
Sau đây là hai bài thơ Xướng Họa của anh em nhà họ Tô, được diễn Nôm theo phong cách "Xướng Họa Hiện Nay" của qúy Tiền bối thân hữu trong các vườn thơ thẩn... Ai có nhã hứng thì cùng dịch cho vui (dĩ nhiên là sẽ chọn VẦN tùy thích !).
XƯỚNG:
HOÀI MẪN TRÌ KÝ TỬ CHIÊM HUYNH 懷澠池寄子瞻兄
Vẫy tay giả biệt cửa tây Trịnh,
Cùng sợ đường xa lắm tuyết lầy.
Lẫn khuất người về đường ruộng đó,
Gập ghềnh kẻ vượt núi non đây.
Trước làm huyện lại dân nào biết,
Xưa ngụ đề thơ chẳng kẻ hay.
Đơn lẻ hành trình sầu chất ngất,
Người buồn ngựa mõi hí vang vầy!
HỌA:
HỌA TỬ DO MẪN TRÌ HOÀI CỰU 和子由澠池懷舊
Cuộc sống nhân sinh sao biết được?
Tựa như hồng nhạn đáp bùn lầy,
Bùn lầy dấu ấn còn đây đó,
Trời rộng hồng bay khắp đó đây.
Viên tịch sư già nào kẻ biết,
Vách xiêu thơ đổ chẳng người hay.
Đường xưa khấp khểnh quên hay nhớ?
Người mõi lừa què hí mãi vầy!
Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm.
Mong rằng mọi người đều có quan niệm VÔ THƯỜNG một cách tích cực như là
TÔ ĐÔNG PHA vậy!
Đọc bài thơ trên của Tô Đông Pha, làm cho ta lại nhớ đến bài thơ Thiền "VÔ TÂM 無心" của Hương Hải Thiền Sư 香海禪師 (1628 - 1715) đời Hậu Lê của Việt Nam ta như sau :
鴈 過 長 空, Nhạn quá trường không,
影 沉 寒 水. Ảnh trầm hàn thủy.
鴈 無 遺 跡 之 意, Nhạn vô di tích chi ý
水 無 留 影 之 心. Thủy vô lưu ảnh chi tâm
Có nghĩa:
Con chim nhạn bay ngang qua bầu trời, cái bóng của nó in xuống dưới dòng nước lạnh. Con nhạn đó không có Ý để lại vết tích của mình dưới nước, mà nước cũng không có Lòng giữ lại hình bóng của chim nhạn.
Tất cả đều là lẽ tự nhiên của Vô Thường, Vô Tâm, của Tâm Vô Sở Trụ 心無所住 !
Sau một ngày quần quật chăm sóc sửa sang lại vườn tược, nhổ cỏ dại, quét lá khô, dời mấy chậu bông tàn úa quá mùa vô một góc "dưỡng quân", cắt tỉa cây này, bón phân cây nọ và thay nước mới cho hồ nhân tạo; chiều tối cơm nước tắm rửa xong xuôi, ngồi đưa cái lưng như tấm thớt nhựa hình chữ nhựt ra cho bà xã cạo gió, ông Nam thỏa thê hỏi vợ:
- Em biết bữa nay chuyện gì làm cho anh hài lòng nhứt không?
Cô Ngân đang mở nắp lọ dầu gió con cọp, vừa thoa lên lưng ông chồng vừa ơ hờ đáp lấy lệ:
- Thì mua được mấy chậu lan ưng ý, mấy chậu lan mà hổm rày anh ngắm nghía thòm thèm đó. Còn nếu không phải thì là chuyện anh leo thang, trèo lên cây mulberry của hàng xóm sau nhà tỉa sạch mấy cái nhánh de qua nhà mình chớ gì. Cưa gần trọc cây của người ta rồi mà vẫn chưa vừa ý. Nói anh hòai hà, hơn bảy chục tuổi rồi mà cứ leo cây gần tới trên ngọn, bà hàng xóm kế bên thấy còn giựt mình la lên “ Oh my God! be careful Peter, too dangerous, get down please” mà anh còn cười cười đứng trên đó nói huyên thiên, ai cũng sợ anh té hết. Làm như mình là thanh niên trai tráng còn gân lắm vậy. Gãy xương lọi cổ có ngày đó.
Ông Nam không để ý giọng mát mẻ của vợ lắc đầu nói:
- Không phải, chuyện mua lan thì có tiền là mua được chớ gì. Còn cưa cây thì thỉnh thỏang anh cũng cưa hòai, cũng thường thôi.
Cô Ngân bắt đầu thấy bực ông chồng bướng bỉnh, mạnh tay cạo vào lưng làm ông Nam nhảy nhổm kêu lên:
- Nhẹ tay một chút, làm gì như khảo tù vậy.
- Ai biểu nói hòai mà không nghe, gìa rồi, nhiều người đi dưới đất còn không vững, còn ông dám xách cưa trèo lên cao chót vót cưa cắt ở trển, nhìn lên thấy muốn đứng tim. Lúc trước tui còn đứng ở dưới theo ông, chờ lôi mấy cái nhánh ông cưa rớt xuống đem cắt ngắn bỏ vào thùng phụ ông, mỗi lần như vậy tui cứ phải hồi hộp phập phồng cầm canh, năn nỉ ông xuống thì ông nói cưa lần này nữa rồi thôi nhưng mà ông vẫn bổn cũ sọan lại hòai. Bây giờ tui không thèm nói và dòm chừng ông nữa, kệ ông, hễ ông leo lên cây là tui đi vô nhà, chờ khi nào nghe rớt cái bịch thì tui kêu ambulance thôi. Khỏi mắc công bị heart attack oan mạng. Người nào mà nghe tui nói vậy chắc nghĩ tui là ác phụ chớ họ đâu có biết ông stubborn tới cở nào. Cuộc đời của tui tòan là bị ông hại không hà. Hồi xưa ông làm tui đau tim vì yêu ông, bây giờ ông làm tui tức chết vì cái tánh ngoan cố khó ưa của ông.
Nghe bà xã bắt đầu bỏ giọng “ông ông, tui tui”, ông Nam vả lả:
- Anh biết liệu sức mình mà chớ đâu dám ẩu. Không mé nhánh thì tới mùa thu lá chết rụng đầy sân nhà mình, quét hòai mệt quá đi.
Cô Ngân có lẽ “ứa gan” vụ cưa cây của ông xã trong bụng đâu từ hồi đời nào rồi nên sẵn dịp xả luôn một tràng dài :
- Ông không có tâm hồn thi sĩ chút nào hết. Lá rơi mới là nên thơ, quét hết ba cái lá còn đâu là ý thơ “mùa thu lá rụng bay vào sân em” như trong bài “Trúc đào”. Ủa mà trúc đào quanh năm suốt tháng có bao giờ thay lá đâu, lại là lọai cây có chất độc số một nữa chớ, ông nào làm bài thơ này không biết có biết cây trúc đào ra sao không nữa. Nghĩ lại nhà thơ xạo thiệt. Còn ông thì thực tế quá. Có cái tàng cây hàng xóm cho mình bóng mát mùa hè, cho thơ mộng lá rơi mùa thu, cho khắc khỏai mùa đông trơ cành để xuân về lại xanh thắm lá non. Tất cả bốn mùa là ở đó, cứ nhìn cây là biết sắp tới mùa nào. Vậy mà cứ vài tháng thấy nó vừa lú ngọn là ông lại leo lên cưa cụt đầu nó, nhìn cái cây nham nhở thấy mà tôi nghiệp! Tức gì đâu ! Ông nói ông biết liệu sức mình mà bây giờ biểu người ta cạo gió như vầy hay sao? Trời thì lạnh, gió thổi ào ào mà đứng trên cây cả tiếng đồng hồ. Tới chừng tuột xuống rồi thì lại te te chạy qua nhà hàng xóm hái cả trăm trái cam đứng hứng gió nữa chớ, không bệnh cũng uổng.
Ông Nam chận lời bà vợ:
- Không uổng chút nào, chuyện mà anh khóai nhứt hôm nay là chuyện hái cam bên nhà ông Jeff đó đa. Từ hồi dọn về đây tới bây giờ, mình ở kế bên nhà ổng mà đâu có biết gia cảnh ổng như thế nào, nhà to đất rộng mà thấy ổng ở có một mình với mấy cây cam. Mấy cây cam của ổng mùa hè thì trổ bông trắng xóa thơm lừng cả xóm, mùa đông thì ra trái vàng hực sum suê đầy cành. Có mấy nhánh de qua nhà mình, đếm ra cũng đến mấy chục trái thấy mà ham. Hai bữa rày anh qua kiếm ổng mấy lần mà không gặp ổng ở nhà, anh định hỏi mua cam của ổng mặc dầu hôm trước ổng có nói nhánh nào thòng qua nhà mình thì cứ hai ăn tự nhiên. Cam của ổng là organic không có xịt thuốc hay phân hóa học như cam bán ngòai chợ, vắt nước cho mấy thằng cháu uống tốt hơn cam chợ nên anh muốn mua một mớ. Vậy mà tới bữa nay mới gặp được ổng.
Duỗi duỗi tay cho đỡ mỏi, cô Ngân lại tiếp tục “thuyết pháp” :
- Thì cũng chỉ được một hai tuần thôi, mình vẫn phải mua ngòai chợ chớ cam của ổng đâu có trái quanh năm cho mình. Rồi ổng nói sao mà anh rinh về bốn giỏ cam đầy nhóc vậy. Cái tật anh sao hay chứa cho nhiều, Em nói hòai cái gì cũng vậy, ăn tới đâu thì mua tới đó, nhiều quá phải kiếm chỗ cất rồi ăn không kịp nó hư lại phải sọan bỏ. Làm chi cho phiền phức thêm công chuyện. Mà tòan là em “lãnh đủ” không hà, anh mua cho thỏa chí rồi bắt em dẹp. Bỏ nhiều hơn ăn. Anh nghĩ lại coi có phải vậy không?
Ông Nam xuôi xị nói:
- Ờ thì cũng phải, nhưng mà em nghĩ coi, thấy ham quá mà, hái không muốn ngừng tay, lại nữa vừa hái vừa trò chuyện với ổng nên không để ý là được bao nhiêu rồi, tới một hồi nhớ sực lại đem về không biết để đâu thế nào cũng bị em la mới thôi đó chớ. Anh trả hai chục đồng cho ổng thấy vui, thấy hãnh diện vì cây nhà lá vườn của ổng có người chiếu cố hỏi mua. Hái cả mấy giỏ mà nhìn lại cây vẫn còn y nguyên không vơi trái nào. Bữa nay mới thấy ổng cười, ổng nói chuyện nhiều lắm. Em biết ổng bao nhiêu tuổi không?
Cô Ngân vẫn đều tay cạo gió đáp bừa:
- Chắc phải hơn bảy mươi. Thấy ổng già hơn anh, tướng đi lụm cụm quá.
Ông Nam cười:
- Sai bét, ổng nhỏ hơn anh mười tuổi lận, mới có 65 thôi. Hồi đó tới giờ cứ tưởng ổng gìa lắm chớ, ai dè hồi anh học lớp nhì ở Việt Nam thì bên Úc ổng còn chưa…mặc quần nữa, nói rõ hơn là ổng còn bận tả. Ổng ở căn nhà này với ba má ổng từ lúc mới sanh cho tới bây giờ đó. Cái trường tiểu học ở đầu đường nhà mình là ngôi trường đầu tiên ổng đi học lúc lên năm tuổi. Cả đời không từng có vợ. Hỏi ổng sao vậy, ổng nói “too much trouble”. Hỏi ổng có bạn gái không. Ổng cười nói “ hồi 7 tuổi tôi có để ý nhỏ bạn học chung lớp, tôi hỏi cô bé chịu lấy tôi không, cô bé chỉ cười cười e thẹn, hồi đó còn con nít mà biết cái gì”. Anh hỏi ở một mình vậy ông có thấy buồn tẻ cô đơn không? Ổng nói “tôi quen rồi, trời sinh tôi ra với phần số như vậy mà. Tôi không thấy cô đơn chút nào cả. Tối nào tôi cũng nói chuyện với má tôi, má tôi thương tôi lắm và tôi cũng rất thương bà”.
Cô Ngân tò mò:
- Vậy má ổng ở đâu, sao mình chưa hề thấy bà nào trong căn nhà đó hết?
- Ổng nói má ổng chết lúc ổng mười chín tuổi. Còn ba ổng thì mới qua đời cách đây năm năm. Bây giờ chỉ còn mình ổng. Anh mới hỏi vậy má ông có trả lời ông không? Ổng nói “Có chớ, đêm nào tôi cũng nói cả tiếng đồng hồ với má tôi bằng tâm linh và tôi nghe bà trả lời. Gặp chuyện gì khó khăn tôi cũng hỏi ý bà và bà hướng dẫn cho tôi biết phải làm sao”.
Ông Nam kể tiếp với vợ:
- Hèn chi mà đêm nào anh đi tản bộ ngòai sau vườn cũng nghe ổng trò chuyện với ai đó, mà nói lớn lắm, anh cứ tưởng ổng có khách dẫn ra sau vườn chơi. Ai dè…
Cô Ngân rùng mình:
- Thiệt không đó? Nghe phát ớn lạnh nổi da gà. Chắc ổng tưởng tượng vậy cho đỡ cô độc, thấy như má ổng vẫn ở bên cạnh ổng. Em có cảm tưởng ông này giống như anh chàng khù khờ Forrest Gump trong phim Forrest Gump mà mình đã coi hồi năm nào đó. Chỉ nhớ mang máng là chuyện một người đàn ông từ nhỏ đã không có cha, sống với bà mẹ trong một trang trại ở một làng quê hẻo lánh. Ở đó anh ta có rất nhiều kỷ niệm thời niên thiếu với mẹ, với cô bạn gái nhỏ đáng thương sớm mồ côi mẹ, sống với người cha vô trách nhiệm suốt ngày say xỉn. Vì anh ta bị tật bẩm sinh, đi đứng không giống ai nên thường bị chúng bạn chế diễu ngạo cười. Chỉ có cô bạn nhỏ mới chịu chơi chung với anh ta và bênh vực anh ta thành ra hai đứa trở thành mục tiêu cho lũ bạn chọc ghẹo hiếp đáp. Lớn lên, anh ta nhập ngủ rồi đi đánh trận ở Việt Nam. Nhờ khù khờ, điếc không sợ súng nên ngẫu nhiên anh ta lập được chiến công, cứu ông sĩ quan cấp chỉ huy của mình thóat chết trong đường tơ kẻ tóc. Sau khi giải ngủ, anh ta về lại quê xưa, gặp lại cô bạn cũ và có một đứa con với cô ta mà không hề hay biết. Mãi đến khi cô bạn gái ấy biết mình sắp chết vì căn bệnh nan y, cô ta mới tìm đến anh chàng này để giao lại đứa con. Anh ta làm đám cưới với cô ấy nhưng không được bao lâu thì vợ anh ta chết.
Chuyện thật cảm động, thật buồn. Từ đầu cho tới cuối phim, anh ta là người kể chuyện, ngồi trên chiếc băng ghế ở trạm xe bus bên đường cầm hộp chocolate, gặp ai cũng mời ăn. Người đi kẻ đến, mỗi người nghe một đọan, có người chăm chú lắng nghe, có người thờ ơ không hứng thú nhưng anh ta vẫn cứ kể, cuối cùng ráp nối lại thành chuyện đời anh ta, một cuộc đời lẻ loi cô độc, bất hạnh từ nhỏ cho tới lớn. Nhưng kết cuộc anh ta cũng được an ủi bù đắp bởi còn được mụn con bên mình, món quà vô giá của thượng đế thương tặng. Thấy thương nhứt là anh ta cứ lập đi lập lại mấy câu nói của bà mẹ khi còn sống “My Mommy always said, life was like a box of chocolates. You never know what you’re gonna get” (má tôi thường nói cuộc đời giống như một hộp chocolate đủ loại mà mình không hề biết lọai nào ra sao cho tới khi mở ra ăn thử) và một câu khác nữa là “You have to do the best with what God gave to you”(con hãy cố gắng làm tốt nhứt những gì trời đã cho con).
Hôm nay nghe chuyện ông Jeff hàng xóm mình, em nghĩ ông này chắc cũng cần người tâm sự như Forrest Gump ngồi kể chuyện bất cần ai nghe ai hiểu, cứ nói, cứ bộc bạch ra cho nhẹ lòng, cho thỏai mái tâm tư như là có người chia sẻ. Người câm còn muốn nói, không nói được thì diễn tả bằng thủ ngữ huống chi người không câm. Mình nói cứ nói, ai nghe không nghe thì thôi bởi vì “nói” cũng là một nhu cầu như nhu cầu ăn uống, thở họăc ngủ vậy. À, rồi sao anh chạy về kêu em đưa máy chụp hình cho anh làm chi vậy?
- Anh nghĩ chắc ổng không có dịp và cũng chưa từng được ai chụp hình cho hết nên đề nghị chụp cho ổng vài pose hình đứng giữa vườn cam. Ổng mừng lắm chịu liền. Ổng lại nói thêm về má ổng, nói bảy cây cam này là do má ổng mua về trồng lúc ổng lên mười tuổi. Mỗi năm tới mùa cam chín rộ, má ổng hái xuống làm mứt vô keo cất trong tủ lạnh cho gia đình dùng quanh năm sau khi đã chứa tối đa trong freezer một số trái để ăn dần dần. Năm nào bà cũng mua cả chục bao cow manure về bón cho tốt cây sai trái. Từ khi má ổng qua đời, ổng rất thương quý mấy cây cam, chăm sóc chúng như phụng dưỡng má ổng vậy. Ổng không biết làm mứt, chỉ chứa trong freezer ăn cho tới mùa cam năm sau. Mỗi chiều ổng ra gốc cam nói chuyện với má ổng tưởng như bà còn sống, lẩn quẩn quanh đây. Nghe thật cảm động. Anh nói với ổng vậy tối nay ông hãy nói với má ông là tôi rất thích cam của bà và đã hỏi mua, nói cám ơn bà đã trồng những cây cam này để giờ đây tôi cũng được hưởng phần nào. Ổng nghe vậy vui lắm nói “I vill, she must be very happy to hear that” (Tôi sẽ nói lại, chắc bà sẽ vui lắm).
Vừa lúc cạo gió xong, cô Ngân kéo áo ông chồng xuống vừa thở dài nói:
- Tội nghiệp ông này quá hả, cả cuộc đời hẩm hiu quạnh quẽ một mình. Rồi đây càng ngày càng già nua bệnh họan, một mai có chết trong nhà cả tuần chắc cũng không ai hay. Nhà ổng quanh năm suốt tháng cứ đóng cửa im lìm, không hề có ai thăm viếng, cũng không bao giờ nghe nhạc nhiếc party gì hết. Chừng nào anh rửa hình xong, em sẽ mua cái khung để hình ổng vô, đem qua tặng ổng cho ổng thấy ấm lòng. Như vây thì bữa nay anh đứng ngòai trời bị cảm lạnh cũng đáng và em cạo gió cho anh cũng không uổng. Đổi lại mình có thể chia sẻ với người ta được chút niềm vui. Chắc từ nay anh nên qua thăm chừng dòm ngó ổng thường xuyên hơn mới được.
Ông Nam nheo mắt cười trêu vợ:
- Chà, chạm tới con tim bà xã tui rồi hả? Sao không la nữa đi? Anh làm bao nhiêu chuyện mà không bao giờ thấy em appreciate hết, còn nghe tới chuyện người ngòai thì sốt sắng quan tâm. Bụt nhà không linh chớ gì?
Cô Ngân chống chế phân bua:
- Không hẳn vậy, nếu anh làm chuyện gì hợp ý em thì em cám ơn anh lắm chớ nhưng đàng này anh chơi khôn, tòan làm theo ý anh không hà, chẳng hạn như anh nói anh trồng hoa làm vườn cho em hưởng em ngắm nhưng anh chỉ trồng những lọai anh thích, còn lọai nào em thích thì anh chê anh ghét không thèm tưới để cho nó chết khô hoặc dời nó vô trong hốc trong kẹt. Mỗi lần đi mua bông, hễ em nói thích màu này thì anh nói anh thích màu kia, rốt cuộc chỉ mua những màu anh chọn. Bất mãn thì có chớ appreciate cái nổi gì. Đó chỉ mới là chuyện bông hoa thôi đó, còn biết bao nhiêu chuyện khác trong cuộc sống vợ chồng hằng ngày mà lúc nào mình cũng bất đồng ý kiến, thử hỏi làm sao mà hạnh phúc cho được. Đành rằng vợ chồng nào cũng có những lúc tranh cãi, nhưng nếu suốt cả cuộc đời là cả một cuộc tranh cãi trường kỳ thì chán nãn mệt mỏi quá đi. Tốt hơn là im lặng, xuồng ai nấy chèo, nước giếng không phạm nước sông, hồn ai nấy giữ cho xong, cho qua kiếp này.
Nhìn vào tình cảnh ông Jeff, người ngoài như mình thấy ái ngại cho ổng nhưng biết đâu ổng là người hạnh phúc, không ai làm phiền ổng mà ổng cũng không làm phiền ai, cứ thỏai mái rong chơi một kiếp rồi ung dung ra về, không bận bịu nắm níu chi chi. Lý giải theo thuyết nhà Phật thì có lẽ kiếp trước ổng không mắc nợ ai cả cho nên kiếp này ổng thóat khỏi cái vòng hệ lụy lẩn quẩn lấy vợ gả chồng sinh con đẻ cháu, một mối quan hệ ràng buộc gia đình thật ấm áp thiết thực mà ai cũng phải có nhưng suy cho đúng ra có lẽ là do nợ nần oan gia từ tiền kiếp, “too much trouble” như ông Jeff đã nói. Như tụi mình đây chắc chắn là có nợ nhau cho nên dù xung khắc vẫn phải chung sống bên nhau tới bây giờ. Anh thấy phải không?
Ông Nam gật gù nói lấy lòng vợ :
- Thì vậy, nhưng dẫu sao anh thấy sống độc thân là không hợp lẽ trời. Vạn vật trong trời đất cái gì cũng có âm có dương, có đôi có cặp. Nếu mình đi ngược lại luật thiên nhiên là sai nguyên lý, phản tự nhiên, bất bình thường. Cho dù vợ chồng con cái có là nợ nần hay là oan gia nghiệp báo gì đi nữa thì anh cũng xin nhận lãnh cái nợ đó và ước ao đuợc chung sống mãi với những oan gia nghiệp báo của mình đến ngày cuối của cuộc đời.…
Hoa Đô buồn quá, bạn mình ơi! Không khí trong lành pha với khói Âm u lan tỏa khắp nơi nơi. Đường phố không bóng người đi bộ Bên ngoài mưa bụi thỉnh thoảng rơi Cảnh vật thê lương khắp vùng trời Gác trọ, một mình ngồi bó gối Hoa Đô buồn quá, bạn mình ơi!
醉漾輕舟, Túy dạng khinh châu, 信流引到花深處 Tín lưu dẫn đáo hoa thâm xứ. 塵緣相誤。 Trần duyên tương ngộ, 無計花間住。 Vô kế hoa gian trú.
煙水茫茫, Yên thủy mang mang, 千里斜陽暮。 Thiên lý tà dương mộ. 山無數。 Sơn vô số. 亂紅如雨。 Loạn hồng như vũ. 不記來時路。 Bất ký lai thời lộ.
Tần Quan
*** Chú Thích:
1- Điểm giáng thần點絳唇: tên từ bài, tên này lấy từ 1 câu thơ của Lương Giang Yêm梁江淹trong bài “Vịnh mỹ nhân xuân du咏美人春游” là “Bạch tuyết ngưng quỳnh mạo, Minh châu điểm giáng thần白雪凝琼貌,明珠點絳唇”. Tên khác là “Điểm anh đào點樱桃”, “Thập bát hương十八香”, “Nam phố nguyệt南浦月”, “Sa đầu vũ 沙頭雨”, Tầm dao thảo尋瑶草”, “Vạn niên xuân萬年春”. Bài từ chỉ có 2 đoạn, tổng cộng 41 chữ, đoạn trên có 4 câu 3 trắc vận, đoạn dưới có 5 câu 4 trắc vận. Cách luật:
X T B B cú X B X T B B T vận X B X T vận X T B B T vận
X T X B cú X T B B T vận X X T vận X B X T vận X T B B T vận
2- Túy dạng 醉漾: say sưa bồng bềnh. 3- Khinh châu 輕舟: thuyền nhỏ. 4- Tín lưu 信流: tự tại phiêu lưu. 5- Trần duyên塵緣: chữ của nhà Phật. Sáu trần là sắc, thanh, hương, vị xúc, pháp色, 聲, 香, 味, 觸, 法. Lòng người bị 6 trần ô nhiễm mà gây nên nghiệp chướng. Chữ trần duyên trong bài này chỉ việc trần gian thế tục. 6- Tương ngộ 相誤: làm lầm lỡ lẫn nhau. 7- Vô kế 無計: không còn cách nào khác. 8- Yên thủy 煙水: sương mù phủ trên mặt nước. 9- Mang mang 茫茫: mênh mông. 10- Tà dương 斜陽: ánh nắng buổi chiều lúc mặt trời đã ngả về tây. 11- Loạn hồng như vũ 亂紅如雨: hoa tàn rụng như mưa, mượn câu thơ của Lý Hạ 李賀trong bài “Tương tiến tửu 將進酒”:
“況是青春日將暮,Huống thị thanh xuân nhật tương mộ, “桃花亂落如紅雨。Đào hoa loạn lạc như hồng vũ. “Huống như ngày thanh xuân sắp hết, “Hoa đào rụng loạn như mưa hồng”. Dịch Nghĩa:
Say sưa bồng bềnh trên chiếc thuyền con, Tự tại thả trôi dẫn đến vùng sâu xa đầy hoa. “Trần” và “Duyên” của nhà Phật làm lầm lạc nhau. Không có cách gì để ở lại giữa vùng hoa.
Khói nước mênh mông, Ánh tà dương chiều tàn chiếu trên ngàn dặm. Núi nhiều vô số. Hoa rụng tán loạn như mưa. Không nhớ được con đường mình đã đến.
Phỏng Dịch:
1/Điểm Giáng Thần - Lạc Lối Ngàn Hoa
Thuyền nhẹ bồng bềnh, Phiêu lưu tới chốn hoa xa xứ. Trần duyên gặp gỡ. Không kế cùng hoa trú.
Khói nước mênh mông, Ngàn dặm chiều vàng tỏ. Núi vô số. Như mưa loạn đỏ. Lối đến không còn nhớ.
2 /Lạc Lối Ngàn Hoa
Bồng bềnh một chiếc thuyền con, Ngàn hoa thâm xứ theo dòng nước xuôi. Trần, duyên lầm lỡ nhau thôi, Tìm đâu kế sách bên trời đầy hoa,
Mênh mông khói nước chan hòa, Tà dương soi bóng non xa dặm ngàn. Như mưa rơi rụng hoa tàn, Quên đường vừa đến lỡ làng khách du.
HHD
06-2021
***
Các Bài Dịch Khác:
Điểm Giáng Thần
1-
Thuyền nhỏ say sưa Tự tại dạt trôi chốn hoa tụ Duyên trần lầm lỡ Không thể trong hoa ở.
Khói nước mênh mông Vạn dặm tà dương phủ Núi vô số Hoa loạn mưa gió Đường đến không còn nhớ
2-
Bồng bềnh thuyền nhỏ đương say Thả trôi tư tại chốn đầy hoa xinh Duyên trần lầm lỡ vô minh Cách chi nén lại náu mình trong hoa!
Mênh mông khói sóng xa xa Dặm ngàn chiều xuống ánh tà dương bao Núi nhiều, mưa gió hoa chao Không sao nhớ được đường nào đến nơi!
Lộc Bắc Jul23 *** Lạc Chốn Ngàn Hoa
Thuyền con chao nhẹ theo dòng Phiêu lưu lạc chốn bềnh bồng ngàn hoa Duyên trần tương ngộ thôi mà Cách chi trú ngụ xứ hoa bên trời
Mịt mờ khói nước đầy vơi Tà dương soi bóng núi vời vợi xa Như mưa rơi rụng tàn hoa Lối xưa năm cũ vụt qua quên đường
Kim Oanh
***
Điểm Giáng Thần
Bồng bềnh trên chiếc thuyền con, Thả trôi vô định đến vùng đầy hoa. Trần, Duyên ranh giới nhạt nhòa Làm sao lưu lại ngắm hoa điệp trùng.
Giữa miền khói nước mênh mông, Chiều buông theo ánh tà dương ngập ngừng Thấp cao ngàn núi trập trùng. Lắc lay hoa rụng khắp vùng như mưa. Mơ hồ quên mất đường xưa.
Tự Yên 8 July 2023 *** Lạc Nẻo Rừng Hoa
Say sưa trên chiếc thuyền con Bềnh bồng trôi lạc lối mòn đầy hoa Duyên trần xui gặp manh nha Ý mong ôm ấp rừng hoa ngủ vùi
Mênh mông sóng nước hoa rơi Xa xa vạn dặm chiều lơi bóng tà Chập chùng cao thấp sơn, hà Hướng nào nẻo cũ, quê nhà nơi nao?
Tất cả chúng ta đã trải qua cuộc chiến cho Tổ Quốc. Đa số anh em chúng ta đã mang những thương tật trên thân thể và những vết sẹo trong tâm hồn. Một số không nhỏ anh em chúng ta đã bỏ mình cho Tổ Quốc. Hầu như tất cả chúng ta còn lại cùng gia đình và bao người thân quen đều phải gánh chịu nhiều hư hao mất mát, những gãy đổ phi lý, những điêu tàn cơ cực. Trong khói lửa binh đao. Sau ngày buông súng. Trong trại tù tủi nhục. Khi lênh đênh trên biển. Lúc làm lại cuộc đời trên xứ người. Hay đành tiếp tục cuộc sống trong nhà tù lớn tại quê hương …
Có cuộc chiến nào mà không có đau thương tàn phá. Có cuộc chiến nào mà không có chết chóc chia phôi, không có nước mắt và máu. Và chen vào giữa đời lính luôn có sự hiện diện của tình yêu. Vì chỉ duy nhất tình yêu mới có thể giúp đỡ, cưu mang và nuôi dưỡng người cầm súng quên đi bao gian khổ, bất chấp bao nguy hiểm thường trực, để sống sót vươn lên trong thử thách bão lửa. Cho dù đó là tình yêu quê hương đất nước, tình đồng đội sống chết bên nhau, tình nghĩa vợ chồng của đôi chinh phu chinh phụ. Là cuộc tình thơ mộng hay tình sầu giữa chàng lính chiến và em gái hậu phương, hoặc một chuyện tình đắm đuối trong lần về phép rồi dở dang oan trái vì hai phương trời cách biệt.
Tình yêu đó như thể một cánh hoa mọc giữa sườn đá. Một hơi ấm giữa cơn mưa rừng. Một cứu cánh bên bờ vực chết. Một vị ngọt giữa cái đắng, thần dược của nỗi đau trong đời chiến chinh. Một cái dù bao la che chở khi ta bị thương tật. Và một ánh sáng chớp vào tim trước khi nhắm mắt trút hơi thở cuối cùng sau một tiếng nổ lớn.
Ôi! Người lính, tình yêu và nỗi chết. Thử hỏi người trai nào sống trong thời chiến mà chưa một lần biết đến những danh từ trên! Có người lính nào mà không một lần nghĩ đến thân phận khi dấn thân vào sương gió?! Và còn gì tuyệt đẹp hơn khi tình yêu đến trong địa ngục biển lửa, nơi mà sự nguy hiểm, thử thách kề cận bên cái chết càng thôi thúc lòng tin yêu, nỗi nhung nhớ đến tuyệt hảo. Vì trong tiếng thì thầm của tình yêu thời chiến đã có sẵn chữ hy sinh. Vì khi tình yêu vừa len nhẹ vào đời người lính nó đã mang theo mầm mống của lo sợ tan vỡ, của mất mát chia ly và chết chóc. “Dãi nắng hoàng hôn chưa vội tắt- mà lời vĩnh biệt đã lên môi”. Những tình cảm dạt dào thắm thiết của chàng nơi sương gió thương nhớ em ở làng xa, “chiều chiều ngoài biên cương, nhìn ra khơi ngàn sóng biếc mơ đến em bên bến sông buồn trông chờ” Là những thơ tình trang trải nỗi nhớ nhung của nhau. Những hẹn hò quý báu trong những ngày nghỉ phép ngắn ngủi. Những tâm sự thầm kín, những dự tính thơ mộng, những nụ hôn gắn bó, những hiến dâng tự nguyện. Để nhiều khi, những cuộc tình ấy đơm hoa kết nụ theo tháng ngày chinh chiến, cho dù về sau “…anh trở về bại tướng cụt chân”; hay cuộc tình vỡ tan khi tin em sang ngang đến giữa tiếng bom đạn. Và đôi khi cuộc tình bị chém ngang tim với tin dữ chàng vừa gục ngã nơi một tiền đồn không tên, rơi nhẹ vào chốn miên viễn không hận thù, bỏ lại cuộc đời trai trẻ và “người tình còn đó anh nhớ không anh”.
Trong thử thách, gần với nỗi chết, tình yêu nơi người lính càng sáng ngời hoa mộng, mang đầy từ tâm. Là nơi bám víu giữa những lằn chớp của bom đạn. Là nhung nhớ lơ lửng giữa nguy hiểm. Là bao nhiêu lần mơ đến em. Là bấy nhiêu lần nguyện cầu khi không biết phải làm gì hơn. Là cảm nhận hạnh phúc tuyệt vời dù chỉ với lá thư tình mang trong ba lô hay một tin nhắn của người yêu từ phương xa. Hoặc đơn giản hơn là những bộc lộ thiết thực khi cảm nhận thiếu vắng em, những ao ước được dạo phố bên em, những cơn mê thèm ôm em. Ngay giữa những tiếng nổ. Giữa những đêm khuya trắng mắt. Trong những cơn say chưa đủ say. Khi không biết ngày mai sẽ ra sao:
“Mấy tháng rồi tao chưa thấy Sài Gòn
Mấy tháng rồi tao không được ôm em
Tao thèm làm tình như tao thèm sống
Tao thèm hôn em, hôn liên miên…”
*Mưa và Nỗi Chết ở An Lộc/ Tác giả Nguyễn Tiến Cung
Trong truyện “Một Thời Để Yêu, Một Thời Để Chết” mà tôi tình cờ đọc lại trong thời gian chờ ra đơn vị, tại bệnh viện Đỗ Vinh, một câu chuyện về người lính, tình yêu và sự chết xảy ra như bao câu chuyện tương tự trong cuộc chiến hiện tại, nhưng không hiểu vì lý do gì cuốn truyện bấy giờ đã để trong tôi một ấn tượng sâu đậm. Có thể vì đó là thời gian tôi đang chơi vơi đeo đuổi mối tình đầu đời ở tuổi hai mươi sáu. Giữa những giường bệnh, giữa những tiếng rên đau, chửi thề, nghiến răng của thương binh, trong mùi ẩm ướt của sàn nhà, mùi bông băng thấm máu và của thuốc men, tôi chứng kiến bao nụ cười hạnh phúc của các đồng đội thương binh kề cận, do những người mẹ, người chị hay em, hoặc người tình đem đến. Là những thức ăn quen thuộc do nhà nấu, trái cây tươi mát đưa tận miệng. Là những e ấp nắm tay, những an ủi trìu mến. Là những ánh mắt thương cảm, ưu buồn lo lắng khi nhìn thấy vết thương nặng của người thân. Là những thăm hỏi, hay đôi khi chỉ là những câu nói bâng quơ, dù ngồi hằng giờ bên cạnh giường. Là những gói thuốc lá, ly cà phê đá, những chiếc khăn tay, những cuốn truyện từ các em gái hậu phương đem đến…
Trong “Một Thời Để Yêu, Một Thời Để Chết”, chàng lính Đức Erust Graeber về thăm nhà lần đầu tiên sau 2 năm ở chiến trường miền Đông. Dưới khung cảnh đổ nát của thị trấn mình liên tục bị Đồng Minh oanh kích, anh tìm thấy được tình yêu với nàng Elizabeth Kruse, một người quen xưa của gia đình. Một tình yêu mãnh liệt giữa 2 con người không còn gì để phải sợ mất mát đã nảy mầm giữa tiếng bom đạn và chết chóc rồi vươn lên thắm thiết giữa nồng nàn ân ái, khắc khoải, âu lo trong nỗi buồn mênh mang vô định của có nhau hôm nay, mất nhau ngày mai. Thay vì đào ngũ, Erust quyết định trở lại đơn vị để rồi gục ngã bởi viên đạn do chính những tên du kích Nga anh vừa thả ra, khi tay anh đang cầm lá thư của vợ báo tin có thai con mình. Truyện được kết thúc bằng một câu ngắn gọn “Đôi mắt chàng khép lại”. Khép kín luôn cả một khung trời, một giấc mơ hiền hòa bình dị vụt biến đi khi cái chết đến quá nhanh và phi lý. Dửng dưng. Không một dấu than. Không một dấu hỏi. Như một giọng hát soprano đang ngân lên thật mạnh và cao vút, bỗng đột nhiên ngưng…
Các Anh thân mến,
Thương tật hay chết chóc là chuyện không một ai mong muốn nhưng vẫn phải chấp nhận khi trời gọi ai nấy dạ. Cái chết đôi khi đơn độc trong tiểu đội khinh binh, đôi lúc vài ba mống cùng một lúc khi trung đội tiến chiếm mục tiêu. Có khi đi đoong luôn gần cả nửa đại đội vì bom bạn thả lầm, hay nhiều hơn nữa khi tiểu đoàn bị tràn ngập…Có cái chết đến nhanh sau một tiếng nổ lớn, có cái đến từ từ, quằn quại trong đau đớn. Có cái chết thật tức tưởi oan nghiệt, có cái vì can đảm đỡ đạn cho đồng đội bên cạnh. Người lính chết trong từng hố cá nhân, hay chung với nhau trong các đợt xung phong với xác quan và quân sát bên nhau, rải rác đây đó trên các nẻo đường đất nước. Chết toàn thây hay thân xác nổ tung? Chết mất tích trong bụi bờ, trên đường di tản, hay được chở về tận nhà trong hòm nhôm? Tuy nhiên chết trận quả thật ít khi được êm ả như cái chết của chàng Erust.
Để có thể hình dung gần cả trăm binh sĩ cùng chết một lần với nhau, xin hãy hồi tưởng đến câu chuyện một đại đội binh sĩ Nhảy Dù chết một lúc. Không phải trong khi chiến đấu chống quân thù như họ từng mong ước, cũng không phải trong một lần xung phong thẳng vào tuyến địch. Ngược lại, là cái chết tức tưởi trong một cuộc không vận từ chiến trường này đến một mặt trận khác. Phi cơ đang bình phi bỗng đầm sầm vào bờ núi phủ kín sương mù. Không một đèn đỏ nhá lên như khi người lính Nhảy Dù chuẩn bị bung mình ra khỏi phi cơ, không một dấu hiệu trục trặc động cơ hay khói tỏa trong thân máy bay. Và đây chẳng phải là một cái chết như mơ. Ngược lại một cái chết kinh hoàng đổ ập cùng một lúc lên mọi người. Sau một tiếng nổ lớn, phi cơ tan vụn thành nhiều mảnh giữa những tiếng la hét trong phút chốc. Rồi lửa và lửa. Cháy và cháy. Những tiếng nổ phụ. Có những thân hình tung bay tứ phía, va chạm, gục ngã trong thân máy bay. Có nhiều người chết liền, thân thể cắt nát bởi các mảnh kim loại. Có những người chết hai lần, thân hình nát bấy do đạn và lựu đạn mang trên người nổ thêm. Có những kẻ oằn oại dăm ba phút trước khi lìa đời. Hay đau đớn hấp hối cả tiếng đồng hồ bên ngoài phi cơ, khi thân xác văng xa trên triền núi, máu ướt đẫm cỏ rừng trước khi vĩnh viễn nhắm mắt. Một cái chết bình đẳng dưới mọi hình thức cho cả quan lẫn quân. Cho cả 4 phi hành đoàn người Mỹ lẫn 81 quân nhân người Việt của Đại Đội 72 thuộc TĐ.7 Nhảy Dù.
Các chiến sĩ trong Đại Đội 72 là những ai? Họ là những chàng trai trẻ đi theo tiếng gọi non sông, tình nguyện nhập ngũ, động viên, kẻ trước người sau rời xa mái trường, quê nhà và người thân lên đường tòng quân bảo vệ đất nước. Họ thuộc mọi thành phần của xã hội tự do miền Nam, đến từ mọi nẻo đường, từ những chốn xa xôi hẻo lánh hay đô thị đông người, suốt từ Đông Hà Quảng Trị khô cằn tuyến đầu, ngang qua Cố Đô Huế rồi đến duyên hải nắng đẹp miền Trung, lên tận cao nguyên rừng xanh âm u, quanh quẩn thủ đô Sàigòn-Gia Định mến yêu, xuyên qua những mảnh đất phì nhiêu màu mỡ của đồng bằng Cửu Long đến tận Cà Mau… Bao gồm mọi tôn giáo, với đầy đủ giọng nói ba miền Nam Bắc Trung, đồng một lòng sát cánh chiến đấu bên nhau. Họ xuất thân từ trường Thiếu Sinh Quân hay các Trung Tâm Huấn Luyện quốc gia Thủ Đức, Quang Trung, TT Huấn Luyện Nhảy Dù…
Những người lính ấy đồng thời cũng là anh em trong cùng một gia đình, là con chú con dì trong dòng họ, cùng làng xóm phố phường, là bạn học cùng trường, từng quen biết nhau hay xa lạ nhưng cùng một lý tưởng, là những người con ưu tú tình nguyện gia nhập quân đội VNCH để chống trả kẻ thù xâm lăng. Vì là lính Dù, họ đều có chung một tầng số: thích mạo hiểm, thích xông pha, thích thử thách. Thương yêu Tổ Quốc. Trọn vẹn với nước nhà. Chí tình với đồng đội. Thích lối sống hào hùng, nay đây mai đó, là người của mây bốn phương trời, hoặc xanh cỏ hay đỏ ngực. Đi đông về ít. Đi có về không. Đồng mang nặng một tinh thần trách nhiệm cao độ, một tinh thần thượng võ hào hùng và một kỷ luật thép vô cùng nghiêm minh. Có sức chịu đựng bền bỉ, có khí phách của một nam nhân bất khuất, dũng cảm và gan dạ, sẵn sàng bảo vệ danh dự màu cờ sắc áo.
Đó là Trung Úy Phan Ngọc Bích, người Đại Đội Trưởng, nước da ngăm đen của miền cát trắng Nha Trang, xuất thân từ trường TH Võ Tánh và tốt nghiệp khóa 8 Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức. Anh vào quân ngũ đơn giản vì nặng lời thề “làm trai thời loạn khi đất nước lâm nguy”, đang chống trả với quân thù được nuôi dưỡng bởi lòng hận thù của chủ nghĩa CS xâm lăng sắc máu. Ngày mãn khóa, anh tình nguyện vào Nhảy Dù vì yêu thích tác phong oai hùng của các Thiên Thần Mũ Đỏ. Qua mấy năm tôi luyện ở TĐ3ND, anh được thuyên chuyển về TĐ7ND sau trận Đồng Xoài và nắm ĐĐ 72 trong cuộc hành quân tháng 12, 1965 (Hình Tr. Úy Phan Ngọc Bích khi còn học sinh)
Đó là Hạ Sĩ Nhất Nguyễn Thanh Xuân, người anh cả trong một gia đình gồm có một em gái và một em trai, từ làng Kế Môn, Thừa Thiên, đầu quân vào Nhảy Dù sau lần đi xem Nhảy Dù biểu diễn trên sông Hương. Trong chiến dịch Mùa Mưa tại Cao Nguyên, HS. Xuân có được cơ hội về thăm em gái mình “Anh ghé thăm tôi ở Pleiku, tặng tôi chiếc nhẫn vàng tây 2 phân ngay trước ngày anh bay đi Tuy Hòa…” bà Nguyễn Thị Hạnh nhớ lại (Báo NV/ Houston, ngày 27 tháng 9, 2019)
Đó là Thiếu Úy Dương Văn Chánh, sinh ngày 8 tháng Giêng, 1940 tại Thanh Hóa. Th. Úy Chánh là em út trong gia đình 5 anh chị em vốn có liên hệ với Quân Đội nói chung và Nhảy Dù nói riêng, với chị cả là Chuẩn Úy Nhảy Dù Dương Thị Kim Thanh, tức phu nhân của Cố Thiếu Tướng Trương Quang Ân, cựu chiến đoàn trưởng Chiến Đoàn 2 Nhảy Dù, và sau này là cựu Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh. Thời trung học, Dương Văn Chánh theo học trường Chasseloup-Laubat, rồi Taberd Saigon và là một Tráng Sinh của Hướng Đạo VN. Chánh có vóc người tầm thước, da ngăm đen, rắn rỏi, giọng khàn khàn, tánh tình vui nhộn ưa đùa giỡn và nghịch ngợm với gia đình, tuy nhiên kín đáo khi ra bên ngoài. Anh rời trường Luật sau một năm học, lên đường tòng quân, vào Thủ Đức, tốt nghiệp khóa 18 vào tháng 3, 1965 và chọn Nhảy Dù. Được điều động về làm trung đội trưởng của TĐ7ND, anh may mắn chỉ bị thương khá nặng ngay trận đầu đời lính của mình tại Đồng Xoài vào tháng 6, 1965, khi Anh vừa bò ra khỏi hầm thì một trái pháo súng cối địch rơi vào hầm giết chết 2 bình sĩ trong đó, mọi người chung quanh đều tưởng cả 3 người đã tan xác nên báo cáo Chánh tử trận. Th. Úy Chánh và một số chiến sĩ Nhảy Dù đã lẩn trốn trong rừng, 3 ngày sau họ mới có thể trở về trình diện với đơn vị. Trong thời gian dưỡng thương, anh về ở với gia đình cha mẹ, gần Bệnh Viện Chợ Rẫy. Đó là lần cuối cùng gia đình nhìn thấy anh trước khi anh lên đường tham chiến tại Cao Nguyên. (hình Th. Úy Dương Văn Chánh)
Và đó là các quân nhân Trần Hồng, cùng quê hương xứ sở với Hạ Sĩ Nhật Nguyễn Thanh Xuân, Lê Văn Bình, Trần Quý, Nuôn Châu, Trần G.O, Trần Văn Thân, Lê Văn Hòa, Nguyễn Tuyết Thi, Lê Nguyên Thu, Nguyễn Văn Tài, Lâm Sỹ Đan, Lê Văn Suyên, Đỗ Văn Diên, Trần Văn Thân, Nguyễn Tài Văn, Nguyễn Tường Văn, Đỗ Văn Linh, Thy… mà tên và số quân được tìm thấy trên các thẻ bài trong 17 bao thu hồi hài cốt tháng 6, 1974. (tác giả Nguyễn Quân / 81 chiến sĩ ĐĐ 72, TĐ7ND tử nạn trên chuyến bay C-123 của Không Lực Hoa Kỳ - Dòng Sông Cũ/ May 6, 2019)
Và còn lại là các chiến sĩ vô danh mà hài cốt, hoặc nằm chung với nhau trong 17 bao chứa, hoặc tan tác thành tro bụi theo thời gian, rải rác trên sườn núi, hay vẫn còn trong thân máy bay, quá nguy hiểm cho lục soát tìm kiếm vì nhiều lựu đạn và đầu đạn M79 chưa nổ.
Vậy những người yêu của lính hoặc những cô gái mà người lính đeo đuổi si tình là ai? Phải chăng họ là em gái của thằng bạn nối khố, là người con gái lớn lên trong cùng xóm, cùng một thị trấn, ở làng bên cạnh, trong một quận lỵ, một trường tiểu trung học, trên thềm đại học, cùng chung nhóm bạn. Là người quen biết trong gia đình. Là em thím Tư, là cháu mợ Ba, là bạn thân của nhỏ em, con gái ông Thượng Sĩ trong trại gia binh. Là những o thôn nữ mộc mạc đơn sơ trong chiếc áo bà ba trắng xanh đỏ tím vàng gặp trên đường chinh chiến khi dừng chân uống nước ở ven đường Anh nhìn thấy…
Em là người con gái Anh chưa quen biết nhưng chợt thấy giữa nhóm bạn cùng trang lứa trong quán chè, quán kem… đang ăn vặt bò bía, phá lấu nước mía ở góc đường, hoặc là những thiếu nữ dung dăng dạo phố Nguyễn Huệ, Thương Xá Tax mà Anh muốn tìm quen theo về tận nhà. Em cũng là người em hậu phương đến choàng vòng hoa chiến thắng “trong ánh vinh quang rộn ràng, anh bước hiên ngang về làng”, là người mà Anh tình cờ bắt gặp có một đôi mắt long lanh thơ ngây, đôi má hây hây và một nụ cười hồn nhiên khiến Anh bỗng vương vấn trong một chiều rực nắng. Đó là một mái tóc mây hồng nghiêng nghiêng sau vành nón trên cầu Trường Tiền khiến Anh mê mẩn dù lời nói khó hiểu” mô tê răng rứa - anh đừng đi gần tui mà tui ốt dột. Mạ tui thấy la tui đó!” Hay là một cô bé tóc ngắn có dáng nghịch ngợm chạy xe honda với câu nói thật ngộ “Tui hổng chịu đâu - Dzậy sao?!” Là một tà áo tím nên thơ với giọng nói nhẹ như gió thoảng của “cô em Bắc Kỳ nho nhỏ”…Là người cho Anh bao nỗi nhớ, bao vấn vương. Bao mộng ảo, diệu kỳ.
Rồi chuyện tình của họ như thế nào? Cũng ngập ngừng, cũng lo sợ, lãng mạng và say đắm. Cũng liều lĩnh, bất chấp, nhanh chóng và thương đau. Đột ngột và lâng lâng tự nhiên đến như thể “nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt, bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu!” Như một cơn “gió thoảng xa xôi, gió nào rung động tim tôi, hay là dư âm suốt đời!” Hay nhẹ nhàng buông thả trữ tình của “chưa nắm tay em mà lòng đã yêu, chưa uống môi em mà tình đã say!” Tình lính thường long đong ray rứt. Yêu trong vô vọng. Yêu trong cuồng si. Yêu trong chớp nhoáng. Tình lính “tính liền” với đám cưới trong ba ngày phép trước khi ra lại đơn vị.
Anh biết chăng Anh, em yêu Anh vì yêu dáng phong trần hiên ngang của Anh, yêu luôn cả mũ đỏ thiên thần và bộ đồ hoa dù? Có thấy chăng Anh, em yêu cái nhìn nồng nàn, đôi mắt rực lửa, nụ cười rạng rỡ với giọng cười sảng khoái của Anh? Như một Ngọc Lan, cô bé Bắc Kỳ của mùa Thu tóc ngắn, yêu sự chìu chuộng săn đón của Thiếu Úy Dương Văn Chánh, yêu luôn cả con đường từng chung lối, yêu vòng tay siết chặt, nụ hôn nóng bỏng mang theo mây trời và giông bão vào đời mình. Phải chăng Ngọc Lan đã từng mong đợi những lá thư tình đơn sơ gởi từ KBC xa lạ?! Đã thích nghe Anh kể chuyện đời quân ngũ, xông pha ngoài trận tuyến. Yêu Anh, em đành thương luôn cả đầu tóc húi cao caré, làn da đen thui khét nắng và luôn cả mùi ẩm mốc của bộ đồ trận. Và từ khi em là người yêu của lính, em biết yêu nhạc lính, yêu màu tím hoa sim, biết lo sợ thấp thỏm đợi chờ tin Anh. Là biết cầu nguyện Ơn Trên gìn giữ Anh và theo dõi bước chân Anh qua những đêm trằn trọc khó ngủ. Anh biết chăng Anh khi yêu Anh là em chấp nhận những ngày cô đơn xa Anh, những chiều dạo phố một mình? Là ráng làm quen với tên xa lạ của những nơi Anh bước qua, là đến thăm Anh ở hậu cứ hay trong quân y viện.
Phải chăng Nha Trang từng đã ghi dấu mối tình học trò trong trắng của một Phan Ngọc Bích và bạn gái cùng trường Võ Tánh của mình? Phải chăng chị Phạm Thị Ngọc Thủy khi nhận làm vợ của Phan Ngọc Bích là chấp nhận thương đau thua thiệt? Là chắt chiu với tiền lính là “tính liền”. Có biết chăng rồi đây chị sẽ đếm những ngày xa chồng, sẽ sống tại hậu cứ ở Biên Hòa trong căn phòng nhỏ lợp tôn với hai quả tim đồng, và đành phó mặc tương lai cho số phận? Biết chăng chị khi lấy chồng lính là có ngày chị lỡ làng đời mình? Là có ngày chị phủ phục với 2 con còn thơ dại ở lứa tuổi 4 và 2 tuổi trước linh vị của chồng nhưng chẳng có lấy xác chồng để tiễn đưa? Mà đành tê tái, tủi thân với những dòng lệ tuôn rơi và những lời thì thầm yêu đương!!
Các Anh thân mến
Trong giây phút phi cơ lâm nạn, người lính trận trẻ tuổi có kịp chăng Anh kêu lên Mẹ ơi, như Anh đã từng làm lúc còn ở với Mẹ những khi anh bị đau ốm hay khi vấp ngã? Nhớ chăng Anh những bước bình an bên cạnh Mẹ trên con đường làng? Có nhớ chăng Anh lời nói yêu đương tỏ tình của Anh với người thôn nữ trên đường hành quân lần trước? Có đủ chăng Anh thì giờ nghĩ đến người vợ bé bỏng cùng hai con thơ luôn trông ngóng chờ đợi Anh nơi hậu cứ? Hay có kịp thấy chăng Anh nụ cười ánh mắt của người em nhỏ Anh đang yêu mà anh đành bỏ lại tại Gia Định khi bước vào chinh chiến?! Và có đủ chăng Anh, người Hạ Sĩ Nhất Nguyễn Thanh Xuân, vài giây để mỉm cười khi biết mình đang nhẹ nhàng bay đến gần người vợ mới cưới bị trúng mìn chết trong lần về thăm gia đình vừa xẩy ra 2 tháng trước chuyến hành quân này? (hình của Hạ Sĩ Nhất Nguyễn Thanh Xuân).
Với các tử sĩ không tên tuổi, phải chăng họ chính là những “ Anh Hùng Vô Danh” mà bài thơ tôi từng thuộc lòng khi thời niên thiếu:
“Họ là những anh hùng không tên tuổi
Sống âm thầm trong bóng tối mông mênh,
Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh
Nhưng can đảm và tận tình giúp nước…
Họ là kẻ anh hùng không tên tuổi
Trong loạn ly như giữa lúc thanh bình
Bền một lòng dũng cảm, chí hy sinh
Dâng đất nước cả cuộc đời trong sạch.
Tuy công nghiệp không ghi trong sổ sách,
Tuy bảng vàng bia đá chẳng đề tên,
Tuy mồ hoang xiêu lạc dưới trời quên
Không ai đến khấn nguyền dâng lễ vật,
Nhưng máu họ đã len vào mạch đất,
Thịt cùng xương trộn lẫn với non sông.
Và anh hồn chung với tấm tinh trung
Ðã hoà hợp làm linh hồn giống Việt”
**Đằng Phương
Người chết trận chính thức giã từ vũ khí. Họ thật sự là những anh hùng đã đi vào huyết sử của dân tộc, là hồn thiêng của sông núi, là huyền thoại của đất nước. Không có gì cao quý hơn khi chết trận. Chết trận là chết không một than vãn. Không một ai oán. Không có lấy một lời trăn trối cho người yêu, không kịp một lời xin lỗi với vợ dại con thơ ở nhà. Nhưng khi người lính nhắm mắt buông xuôi, tình yêu vẫn luôn hiện hữu trong ánh sáng vĩnh cửu của tin yêu, trong tình thương nhớ vô vàn của đồng đội và gia đình. Họ vĩnh viễn là cánh gió tung bay trên vạn nẻo đường đất nước.
“Mày nghĩ, tụi mình như cánh gió
Ai đi nhốt gió được bao giờ?” **
Lá Thư Pleime / Thiếu úy Dù Lê Anh Thái
Khi một người buông tay. Một người ngã. Một thoáng yêu nhau, Một thoáng ngậm ngùi, thì các bạn thân ơi, là những người sống sót qua cuộc chiến nay tạm dừng bước giang hồ, chúng ta cần phải ngồi lại bên nhau, xích sát vào nhau hơn nữa. Cho tình đồng đội vẫn trung tín. Cho khí thế vẫn dũng mạnh. Để tiếp tục đồng hành với nhau và chung sức giữ đời cho nhau. Trong tinh thần anh em đoàn kết một nhà. Trong tinh thần Cố Gắng Nhảy Dù muôn thuở:
Xin cùng nhau đốt nén hương lòng tri ân đến các anh linh tử sĩ mà hồn vẫn còn chưa yên nghỉ khi kèn đưa tiễn chưa một lần lần được trổi lên. Xin nghiêng mình cầu nguyện cho anh linh 81 tử sĩ Nhảy Dù được an nghỉ ngàn thu.
Một lời tạ lỗi trong chua xót đến các Anh khi đất nước các Anh hy sinh cho chính nghĩa nay không còn nữa. Dù lòng người tại Hải Ngoại, dù đồng đội các Anh luôn tiếp tục sát cánh dưới cờ Vàng Ba Sọc Đỏ.
Một lời xin lỗi các Anh phải chờ đến cả 54 năm mới thật sự nghỉ ngơi trong ngôi nhà mới. Một ngôi nhà ấm cúng, ngay trong lòng thành phố luôn tràn ngập cờ VNCH. Bên cạnh những người thân yêu, những đồng đội xưa cũ và những đồng hương. Như thể tại một nước Việt Nam thứ hai bên ngoài lãnh thổ của xứ VN CS
Một lời tạ lỗi đến các cô nhi quả phụ bị quên lãng trong bao năm, những người đã chịu những nỗi đau, những mất mát và những chấn thương không chảy máu ròng rã trên cả nửa thế kỷ.
Một lời tạ lỗi khi thân nhân các Anh không hiện diện đầy đủ trong ngày tiễn đưa các Anh – vì phương tiện thông tin không thể hoàn hảo với danh sách tử sĩ đa số vô danh, và phương tiện di chuyển vẫn còn quá khó khăn, cách xa cả một đại dương
Một lời cám ơn chân thành và sâu đậm cho đất nước Hoa Kỳ đã cưu mang chúng ta, những người Việt tỵ nạn CS, và đặc biệt Thượng Nghị Sĩ Jim Webb, mệnh danh là bạn của người Việt, đã cho phép Gia Đình Mũ Đỏ dự vào phần truy điệu, vinh danh và chôn cất các anh em của mình, 81 tử sĩ Nhảy Dù của Việt Nam Cộng Hòa, qua quỹ “The Lost Soldiers Foundation” mà trước đây chưa bao giờ có sự kiện tử sĩ không phải là công dân Mỹ được chôn trên đất Mỹ.
Nếu nước mắt chúng ta có rơi trong ngày đưa tiễn các Anh, xin hãy tự nhiên - Vì đây là những giọt lệ đồng cảm trân quý của đồng đội từng sát cánh hay nối gót các Anh trong lý tưởng chung - Vì đây là dòng lệ từ các thân nhân các Anh tuôn trào vì cảm thương người thân yêu của mình biền biệt ra đi nay bình an yên nghỉ sau một thời gian dài lạnh lẽo không bờ bến.
Nếu ánh nến có lung linh trong đêm nguyện cầu, hãy xem như những tiếng đập con tim tưởng nhớ và tri ơn các Anh. Như những lời thì thầm cầu kinh thương xót các Anh.
Hồn anh linh đã về nơi tiên cảnh
Trong quan tài ôm kín xác chiến binh
Anh ra đi vì nước quên thân mình
Nơi đất khách em ngậm ngùi tiễn biệt
Dẫu tha hương bao nhiêu người dân Việt
Đón anh về giọt nước mắt tiếc thương
Hỡi anh linh người chiến sĩ can trường
Màu mũ đỏ, áo hoa dù bất diệt
Thân xác anh đã về nơi miên viễn
Hãy bình yên trong giấc ngủ ngàn thu
Tạ ơn anh, những chiến sỹ Nhảy Dù
Đã dâng hiến một đời cho Tổ Quốc
(Lời Tri Ân Người Lính / Thái Thị Liên)
Xin hãy hiệp thông cầu nguyện Ơn Trên phù hộ và gìn giữ gia đình các tử sĩ.
Xin Ơn Trên cho quê hương Việt Nam sớm thoát gông cùm CS.
Xin Ơn Trên gìn giữ bạn và gia đình bạn
Cám ơn đời cho chúng ta vẫn còn có nhau.
Để, nếu có ngày về thăm nơi các Anh đã nằm xuống trong chốn hoang sơn, chúng ta sẽ thắp nhang mời hương linh các Anh dự tiệc, cùng nhau tâm sự chuyện đời, giữa tiếng rì rào của núi rừng và hương dại của những chùm hoa thạch thảo