Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

Thôi Em Về Đi Nhé -Thơ: Cao Nguyên - Nhạc: Nguyễn Tuấn - Tiếng Hát Nguyễn Quang


Thơ: Cao Nguyên 
 Nhạc: Nguyễn Tuấn
Tiếng Hát: Nguyễn Quang

Tình Thu

 

(Cảm tác khi nghe chuyện thương tâm
của người bạn trên đường vượt biển)

Mây trôi về muôn lối 
Thu chiều nắng đơn côi 
Gió vờn trên tóc rối 
Tình xưa đã xa rồi 

Tha hương sầu cô lữ 
Ngập ngừng bước phiêu du 
Dấu chân người ly xứ 
Mờ trong cõi sương mù 

Anh đi tìm dấu ái 
Hương tình thoáng men cay 
Vẫn hoài thương mãi mãi 
Dù tình đã xa bay 

Anh đâu ngờ Thu tới 
Tình mình cách ngăn đôi 
Tặc cuồng trong đêm tối 
Xác em chìm biển khơi 

Ôi ! Giòng đời lưu vong 

Anh mang vết thương lòng 
Thương em thành bọt sóng 
Tan vào lòng biển Đông 

Mỗi lần mùa Thu tới 
Khơi niềm nhớ khôn nguôi 
Dáng hình em vời vợi 
Như sương khói trùng khơi 

Mây giăng mầu tang trắng 

Ngậm ngùi đón Thu sang 
Nhớ mùa Thu dĩ vãng 
Tiếc tình Thu lỡ làng!!!

Lâm Hoài Vũ
( Trích Thi Tập Lưu Vong Trường Khúc )

Tình Yêu Mùa Thu

 

Mùa thu đến đêm sương lá báo mộng
Cõi hồn anh lạnh buốt đến bao giờ
Em bước đi gót thu đạp trên lá
Tiếng xạc xào tan vỡ lại mong chờ.

Em đi qua hàng cây lá úa vàng
Gió nhẹ bay tà áo lụa xinh xinh
Sợi nắng thu vàng xuyên vạt áo mỏng
Quên lãng lâu rồi bất chợt hồi sinh.

Thu vàng lá, gió vẫy chào em đến
Sương giăng mờ phố, em bước ngại ngần
Bao đôi mắt nhìn em lòng ngơ ngẩn
Mối tình câm cho lòng mãi bâng khuâng.

Cuộc tình van xin cuộc tình bối rối
Lòng sẽ không buồn cất giấu trong tim
Đôi mắt ăn năn, môi hồng thỏ thẻ
Thu vẫn đợi chờ, đời mãi lặng im.

Lá thu rơi theo luật lệ đất trời
Chuyện tình buồn vì lẽ của con tim
Cho tóc xanh, thu về nhuộm tóc trắng
Lòng vấn vương anh vẫn mãi đi tìm.

Tế Luân
Mùa thu San Jose

10-16-22

Vạn Cổ Sầu 萬 古 愁 - Trần Văn Lương

 

Dạo:

Người soi gương khuất từ lâu,
Sao còn lây lất bóng sầu trong gương.

Cóc cuối tuần:

萬 古 愁

對 鏡 悁 悁 舉 酒 鍾,
鏡 前 鏡 裏 兩 愁 容. 
匈 匈 千 古 號 門 外,
人 死 愁 猶 在 鏡 中.

陳 文 良

Âm Hán Việt:
Vạn Cổ Sầu


Đối kính quyên quyên cử tửu chung,
Kính tiền, kính lý, lưỡng sầu dung.
Hung hung thiên cổ hào môn ngoại,
Nhân tử, sầu do tại kính trung.

Trần Văn Lương

Dịch nghĩa:
Sầu Vạn Cổ


Đối diện (tấm) gương, buồn bã nâng chén rượu,
Trước gương, trong gương, hai khuôn mặt sầu.
Thiên cổ rầm rĩ kêu gào ngoài cửa,
Người chết, (nhưng) nỗi sầu vẫn còn tồn tại ở trong gương.

Phỏng dịch thơ:
Nỗi Sầu Vạn Cổ


Đứng trước gương nâng chén bể dâu,
Người cùng bóng khổ lặng nhìn nhau.
Con tàu thiên cổ người xuôi mái,
Còn mãi trong gương một bóng sầu.


Trần Văn Lương

Cali, 10/2022
-----------
Lời than của Phi Dã Thiền Sư:
Người chết được mệnh danh là người "thiên cổ" trong khi nỗi sầu lại được gọi là "vạn cổ" sầu!
Sao lạ vậy? "Vạn" lớn hơn "thiên" cả chục lần kia mà!
Phải chăng thiên hạ muốn bảo rằng nỗi sầu đau luôn kéo dài hơn kiếp người dù ở bên này hay bên kia thế giới? Quả thật, nhiều thế hệ tỵ nạn đã, đang và sẽ qua đi, nhưng nỗi sầu mất nước vẫn luôn còn tồn tại.
Than ôi, người soi gương đã khuất mà chiếc bóng sầu vẫn còn mãi trong gương!
Quả có lý này ư? Đến đây rồi thì lão tăng mù tịt!
Hỡi ơi!

***
Các Bài Dịch Khác:

Đối bóng mời nhau chén rượu đầy,
Bên gương cùng cạn giọt sầu say,
Nghe như thiên cổ dừng bên cửa,
Người đã đi rồi, gương nhớ ai.

Từ Hoa

***
Một mình soi bóng trong gương
Dáng xưa còn lại vết buồn khó quên
Thu sang giọt lệ ưu phiền
Mơ màng trong giấc cô miên năm nào..??!


KGDalat
***
Vạn Nỗi Sầu

Đối bóng chia nhau cạn chén sầu
Cả hai cùng nặng nỗi thương đau
Từ người đã khuất xa xôi lắm
Mà bóng trong gương vẫn đậm màu


Kim Oanh
***
Vạn Nỗi Sầu

(Họa Bài Kim Oanh)

Kẻ ở người đi vạn nỗi sầu
Làm sao cạn hết nỗi thương đau
Thời gian tính lại xa xôi lắm
Mà lệ trong tim chẳng nhạt màu!

Hàn Thiên Lương
***
Sầu Vạn Cổ

Trước gương buồn bã nâng ly rượu,
Khung kính ngoài, trong, hai mặt sầu.
Thiên cổ gào to lời réo gọi,
Người chết, trên gương vẫn nỗi đau.


Mùi Quý Bồng
(phóng tác)
10/27/2022

Phù Vân Trên Chiếu Bạc

  

Chỉ mới đó đã xa lơ, xa lắc
lứa thanh xuân và năm tháng dãi dầu
Hơn nửa đời ngụp lặn giữa nông, sâu
mà cứ ngỡ mới qua cơn ác mộng!

Đem buồn, vui trong miên trường cuộc sống
chất chồng trên quang gánh trĩu đôi vai
Trăm núi ngàn sông cách vạn dặm dài
cho chân bước thêm nặng tình luân lạc.

Như có tiếng rừng trong bóng đêm xào xạc
khi gió xuyên cành lay cây lá bên song
Phố nhỏ, đường khuya. Nỗi nhớ bỗng ngập lòng
nên tư lự "...nhàn ngâm phao vĩnh nhật" !(*)

Cảnh hỗn mang của nhà tan, nước mất
luôn trĩu lòng từ một dạo sang ngang
Ngày một, ngày hai vẫn chưa hết bẽ bàng
Dù yên phận vẫn chưa quên mật đắng!

Gánh phù vân của chuỗi ngày thầm lặng
chất chứa bao niệm khúc của quan hoài
47 năm! Mộng Hời chẳng nguôi ngoai
Thuyền viễn xứ còn nương bờ lau lách.

Một đại dương chia đôi bờ xa cách
Nửa vòng quay! Sao dịu vợi quan hà?!
Thân lục bình. Đời như giấc mơ qua!
Thấm thoát lại vàng phai mùa viên tịch.

Ngẫm lại đời sau bể dâu, bi kịch
Ngậm ngùi thương cho lứa tuổi xuân thì
Những phong trần trên đôi cánh thiên di
theo ngày tháng đã thành kinh nhật tụng

Chờ ánh sáng đêm trăng mùa sao rụng
thay tâm đăng thắp sáng chốn viễn phương
Ngày nào chưa bí lối, hoặc cùng đường
trên chiếu bạc vẫn chứa chan hy vọng!


Huy Văn
(*) Trích từ Viên cư trị vũ ( Thơ Cao Bá Quát )
...ngâm nga cho hết tháng ngày

Cỏ Hoang


Như một con sâu nhỏ bé có thể tự bảo vệ bằng bề ngoài kinh khiếp của nó, như một cô gái, thiếu sắc đẹp, hấp dẫn kẻ khác phái bằng một thứ duyên thầm, bằng chính sự không may của mình, ngôi trường của tôi càng ngày càng trở nên dễ thương đối với những người đã từng chán ghét nó trong buổi gặp gỡ đầu tiên. Tất cả những điều đáng ghét, đáng sợ của ngôi trường này dần dần trở thành những sự khôi hài. Rồi sau này, khi những sự kỳ quái của ngôi trường đã hoàn toàn biến mất thì chúng tôi vẫn muốn nhắc nhở lại chuyện cũ như nói đến những kỷ niệm êm đềm, khó quên.

Hồi mới được xây lên, trường chỉ có hai lớp nhỏ bé, thấp và sơ sài như những căn nhà nghèo. Mái tôn thấp và nung nóng đến nỗi tôi có cảm tưởng thà vứt bỏ mái đi ngồi ngay dưới ánh nắng mặt trời còn thoải mái, dễ chịu hơn. Trong những ngày nắng to, nhìn lũ trẻ vừa vuốt mồ hôi vừa cặm cụi làm toán, thỉnh thoảng lại ngừng bút cầm vở quạt phành phạch, tôi nghĩ rằng nếu nhà trường không cho chúng được một số vốn kiến thức thì ít nhất cũng đã dạy chúng một bài học kiên nhẫn và chịu đựng. Ngày mưa thì còn tệ hơn, nước dội ào ào xuống mái tôn, tôi có gân cổ gào to đến mấy chúng cũng chẳng nghe thấy gì, tốt hơn hết là cho chúng ngồi xúm vào một chỗ không bị dột, để chờ mưa ngớt. Và như thế tôi lại còn có thì giờ để lo bảo vệ sổ sách khỏi bị ướt sũng.

Ngày đầu được gửi đến làm việc ở đây tôi đã đi hàng giờ để kiếm cái bảng tên trường mà mãi ba năm sau mới có. Rồi tôi mất nửa giờ nữa để đứng lặng nhìn ngôi trường, tồi tàn quá sức tưởng tượng, cứ phân vân chẳng hiểu kẻ chỉ đường có chủ tâm chơi xỏ hay đánh lừa mình không.


Một cái hàng rào để định ranh giới của ngôi trường cũng không có. Trường nằm chung trên một phần đất rộng với trạm y tế độc nhất của vùng ngoại ô, và một cái chợ nhỏ. Sân trường đầy cỏ hoang và những cây gai um tùm, đó là nơi tụ họp của các loài ngan, ngỗng, vịt, gà, chó, heo. Người lao công trông coi ở đây già yếu đến nỗi không ai nỡ nặng lời với ông ta. Ông ta chỉ cầm nổi cái chổi khi đã tỉnh rượu, và thường thường ông ta chỉ tỉnh rượu khi đã lên giường ngủ được một vài giờ, thời gian độc nhất có thể khiến ông ta tạm xa chai rượu.

Những ngày làm việc sau đó tôi phải đối phó với đủ thứ chuyện bất ngờ. Có nhiều lúc tôi ngẩn ra không biết phải phản ứng như thế nào cho hợp. Trong tất cả những sách vở viết về khoa sư phạm mà tôi đã được đọc, tôi chưa thấy một tác giả nào nêu ra trường hợp một ông thầy đang hăng hái giảng bài phải giật mình vì thấy một con heo đùng đùng chạy vào lớp mình. Con heo to lớn, dẫn theo một bầy con lít nhít, kêu eng éc, chẳng coi ai ra gì. Lớp tôi có hai cửa nên đã trở thành con đường giao thông ngắn nhất từ sân trường về chuồng của lũ heo, ở trong một căn nhà hàng xóm của nhà trường. Thấy tôi vô tình đứng cản đường đi của mẹ con nó, con heo đứng lại kêu to phản đối, mấy con heo con nhân dịp đó, bỏ hàng ngũ chạy đại vào những khoảng trống giữa hai dãy ghế học trò ngồi. Ấy thế là cái trật tự của lớp mà tôi đã mất bao công lao mới tạo được đột nhiên bị phá vỡ. Lũ trẻ nhao nhao nhảy ra khỏi chỗ để chống lại sự xâm lăng của bầy heo, dĩ nhiên, tôi cũng phải ngừng giảng bài để hợp tác với lũ học trò. Lớp học tràn đầy một không khí kỳ quái với tiếng trẻ la hét, dậm dọa, xen lẫn tiếng heo kêu. Mấy con chó cũng thi nhau chạy vùn vụt qua lớp luôn luôn. Về sau tôi không dám mở to cửa lớp ra nữa và lúc nào cũng phải để ý canh chừng để xua đuổi kịp thời những sự bất ngờ này.

Cái chợ ở ven trường thì lúc nào cũng ồn ào và có nhiều vụ cãi nhau hơn cả các chợ khác. Khi có vài bà bán tôm bán cá đùng đùng nổi giận mà chia làm hai phe đấu khẩu, chửi rủa nhau thì khó mà ngăn những câu nói của họ khỏi bay vào lớp học, dù tôi có đóng hết các cửa lại. Tôi bắt lũ học trò ngồi thật nghiêm trang, và cố gắng giảng cho chúng nghe những điều thật đặc biệt, nhưng vô ích, một vài câu chửi gợi lên những hình ảnh quá tục tĩu vẫn làm cho vài đứa bật ra khúc khích cười.
Phải mất hàng hai ba tháng trời tôi mới triệt được cái bệnh văng tục, bệnh ở bẩn của lũ học trò. Nhưng đó chỉ là những điều vụn vặt, khiến tôi bực mình, không gây nên sự chán nản.

Cái việc gây nhiều khó khăn, cản trở cho công việc của tôi, chính là đời sống của người dân ở đây. Ngoài một số rất hiếm người khá giả, thì người dân ở đây đều nghèo khổ. Họ không có một cơ sở hay việc làm vững chắc như người thành phố hay có một việc làm hiền lành như người miền quê. Họ như từ bốn phương tụ lại, đại diện cho khắp nơi và sống bằng đủ các thứ nghề, lương thiện có mà không lương thiện cũng có. Như những cây cối mọc chen chúc trong một khu vườn hoang họ vươn lên, tìm sống bằng các phương tiện hợp với khả năng họ, trong tầm tay họ. Và họ đã tạo nên được cái vẻ muôn mặt, hỗn độn, bí mật của một vùng ngoại ô cằn cỗi.

Vì thế, tôi không thể giảng một bài đức dục nào mà lại hoàn toàn không động chạm đến nghề nghiệp, tật xấu, hay quá khứ của một ông chủ gia đình. Khi tôi nêu ra một điều tệ hại cần tránh và thấy lũ học trò quay cả về phía một đứa đang cúi đầu ngượng nghịu thì tôi biết ngay rằng ba thằng bé này làm nghề gì. Có lần, sau một hồi hăng hái giảng về sự tai hại của tính mê tín dị đoan và sự láo khoét của mấy ông thầy pháp, tôi phải ngẩn người vì một thằng học trò bỗng đứng bật dậy, chỉ vào một đứa khác tố cáo:
– Thưa thầy, tía anh nầy cũng là thầy pháp, tối nào tía anh ấy cũng đi cúng.

Ðứa học trò có người cha bị tố cáo ngượng ngùng lấm lét nhìn tôi, miệng cười gượng, tay cấu mãi vào một góc vở, đôi mắt nó nhìn tôi để lộ những tia sợ hãi, tuyệt vọng, khổ sở. Thì ra ba nó chính là cái ông thầy pháp đã từng làm tôi mất ngủ, khó chịu. Ðêm đêm, khi cúng bái cho một nhà nào ông ta thường mặc bộ quần áo màu sặc sỡ, khua chiêng đánh mõ om sòm và thỉnh thoảng lại thổi một tiếng kèn ngắn ngủi, quái đản, nghe thật ghê sợ. Tôi vội vàng mắng át đứa kia và quả thực, sau đó, phải chật vật lắm tôi mới có thể làm cho lũ học trò, vừa biết rõ sự bịp bợm của mấy ông thầy pháp, lại vừa tin rằng ba của đứa học trò kia, dù thế nào cũng vẫn phải được kính yêu. Chúng chưa đủ trí khôn để tìm thấy sự mâu thuẫn trong cách giải thích của tôi. Nhưng thế nào mà chả có đứa phân vân. Thành ra tôi đã mở mắt cho chúng để chúng nhìn thấy những sai lầm trên các người sinh thành ra chúng.
Lũ trẻ thường bị rơi vào giữa gọng kìm của một cuộc đời thực tế và một cuộc đời tốt đẹp trong sách vở. Chúng trở nên hiền lành, sợ hãi một cách thật đáng thương.

Nhưng càng mến yêu lũ học trò thì tôi càng tỏ ra nghiêm khắc với chúng. Tôi đã làm ngược lại những điều mà lớp người trước căn dặn tôi: phải tạo một không khí thân mật giữa thầy và trò, phải cho học trò thấy rõ là mình rất thương mến chúng. Nếu tôi cố gắng tạo cho lớp học một không khí quá vui tươi, cởi mở thì sẽ có nhiều đứa học trò của tôi nhìn thấy gia đình chúng là một nơi thật đáng ghét, đáng sợ, đôi khi mang dấu vết xấu xa, tối tăm của địa ngục. Có đứa coi những giờ đến trường là những giờ được nghỉ ngơi sung sướng nhất, bởi vì khi trở về nhà nó phải làm việc quần quật suốt ngày. Khi được giao công việc nhẹ nhàng nhất là việc bế em thì lập tức chúng lại tìm đến sân trường, chơi đùa với lũ học trò ở đây, sung sướng như đang sống trong một thiên đường nhỏ. Tôi cố giả vờ tạo một bộ mặt nghiêm khắc đến thế nào thì cũng không thể làm cho chúng sợ hãi bằng nét mặt cau có của một người cha say rượu khi ông ta cầm trong tay một thanh củi lớn và hung hăng đập lên người chúng như đập lên một kẻ tử thù. Phải thấy cha mẹ mình lầm lỗi và bị hàng xóm khinh ghét một đứa học trò cảm thấy đau đớn, tủi hổ gấp trăm, ngàn lần những khi nó bị phạt ở nhà trường. Có những đứa trẻ quen chịu đựng sự cực khổ đến nỗi lúc nào nó cũng giữ được vẻ thản nhiên, ấy thế mà khi bị ốm nằm nhà, thấy thầy và bạn đến thăm nó lại đâm sững sờ rồi bật khóc nức nở. Tình thương, sự săn sóc đến bất ngờ quá khiến nó ngẩn ngơ, kinh ngạc.

Ðối với những đứa trẻ không được đi học tới năm năm trời thì sự sung sướng của thế giới học trò thường làm chúng khổ sở khi phải rời khỏi học đường. Trường hợp của trò Dũng đã khiến tôi thấy rõ điều này. Ðã có nhiều đứa đang học thình lình phải bỏ ngang để đi học nghề. Nhưng chỉ có cái buồn rầu của trò Dũng trong lần cuối cùng nó rời khỏi lớp học là được ghi đậm trong ký ức tôi.
Cho đến bây giờ, ngôi trường đã được kiến thiết đẹp đẽ, sân trường không còn một sợi cỏ, thế mà mỗi lần nhìn thấy những luồng gió lốc tung cát, chạy quanh trong sân trường, tôi tưởng như vẫn thấy bóng trò Dũng ngập ngừng bước bên đám cỏ hoang, đôi bàn chân đen đủi của nó còn ghi vết trên con đường nhỏ.


Trong buổi học của ngày đầu niên học tôi đã chú ý ngay đến nó. Ngồi ở dãy bàn cuối lớp, Dũng cao hơn các bạn nó hẳn một đầu. Nét mặt nó lúc nào cũng tươi tỉnh, làn da đen xám khiến nó càng có vẻ láu lỉnh, khôn ngoan. Nó quay sang bên phải nhe răng cười rồi lại quay sang bên trái nháy mắt như có điều gì thú vị lắm. Ðầu tiên tôi tưởng nó thuộc loại những đứa trẻ lớn đầu và ngỗ nghịch. Nhưng khi tôi gọi đến nó thì nó lại tỏ ra là một đứa trẻ hết sức lễ phép và ngoan ngoãn. Tôi chưa thấy đứa trẻ nào tha thiết, sốt sắng với công việc của lớp học như trò Dũng. Tính sốt sắng ấy nhiều khi trở nên quá đáng. Tôi vừa hỏi có trò nào viết trên bảng được không thì lập tức Dũng nhỏm ngay dậy. Ngoài cánh tay giơ cao nhất lớp nó còn át các bạn của nó bằng cách nói lia lịa:
– Con viết được, con viết được, thầy cho con viết.

Và tôi vừa gật đầu là nó đã hấp tấp chạy lên bảng để rồi viết ra những hàng chữ ngả nghiêng, leo dốc xuống đèo làm cho cả lớp kêu ầm ĩ vì không đọc nổi. Trong những ngày sau đó Dũng trở thành nguồn vui của lớp học. Trước câu hỏi của tôi, dù khó khăn đến đâu nó cũng giơ tay xin trả lời, và trả lời mười lần sai hết chín. Dũng viết những chữ rất xấu, nhưng nó có tài giữ gìn sách vở. Nó thường chỉ nổi giận khi có một đứa bạn làm dây mực vào sách vở của nó. Thỉnh thoảng nó lại đem tặng lớp học một món quà nhỏ. Và lớp học dần dần có vẻ tươi mát với những cây leo trồng trong một cái bóng đèn điện chứa đầy nước, hay trong một con ốc nhiều màu.

Thỉnh thoảng Dũng lại đem đến lớp một cái búa và mấy cái đinh để sửa lại những bàn ghế quá ọp ẹp, mà bọn học trò nhỏ của tôi thường vin vào đó để lấy cớ cãi nhau.

Dần dần bọn học trò tôi cũng khám phá ra cái tính sốt sắng của Dũng và bắt đầu lợi dụng nó. Chúng giao cho thằng Dũng đủ các việc lặt vặt, nhất là những việc có liên can đến mục vệ sinh của lớp. Dũng nhận làm hết. Ðứa nào có đồ chơi hay một vật dụng gì hư hỏng đều có thể nhờ đến bàn tay sửa sang của thằng Dũng. Có lần nó sửa được cả bộ máy của một chiếc xe hơi nhỏ chạy dây cót, khá rắc rối mà nó mới được mở xem lần đầu. Chủ nhân của chiếc xe khoái quá thưởng công Dũng bằng cách cho nó mượn về chơi hẳn một ngày.

Nhờ cái tài khéo tay này mà Dũng vẫn đứng đầu về môn thủ công. Trong kỳ chấm bài lũ trẻ thường hồi hộp chờ xem tác phẩm của nó. Ðể cho những món nó làm ra thêm phần giá trị, Dũng thường có một lối giấu giếm và pha trò rất khôn khéo. Một lần nó nặn được một quả chuối, tô màu giống hệt như quả chuối thật, nó gói kỹ trong một tờ giấy, và mặc cho mấy đứa trẻ khác chạy theo gạ gẫm, năn nỉ, nó không cho đứa nào xem cả. Gần tới giờ thủ công Dũng mới giở quả chuối ra giơ lên rồi, miệng há tròn, nó giả vờ như sắp đớp quả chuối làm cho những đứa khác cùng ồ lên, phục lăn.

Vì học hành thất thường nên Dũng chỉ đứng hạng trung bình trong lớp, nhưng nó khá thông minh và chăm nên không mấy khi tôi phải trách nó về tội lười. Vẻ tha thiết với việc học của nó hiện rõ nhất khi nó làm một bài làm chậm hơn các bạn, nó cuống quít lên và dù hay dù dở nó cũng cố gắng xin tôi cho điểm. Nếu chỉ vì chậm chân mà nó không được phê điểm thì nó tỏ ra khổ sở, bực bội lắm. Vào những ngày trả bài luận, Dũng có vẻ hồi hộp, lo lắng của một con bạc trước khi biết kết quả tiếng bạc của mình. Cầm cuốn vở luận trong tay, Dũng ngửa mặt lên, đôi mắt nhắm nghiền, miệng lẩm bẩm như khấn khứa, rồi thình lình nó mở bung quyển vở ra để xem điểm. Nếu thấy được điểm khá nụ cười liền cũng bật tung ra, tràn lan trên khuôn mặt đen xạm của nó, làm cho đôi mắt long lanh sáng. Nhấp nhổm trên chỗ ngồi, hai tay nó hích phải hích trái, nó có vẻ muốn cười phá lên, vỗ tay mà rồi không dám. Nó cười với đứa bên phải, khẽ “hì hì” vào tận tai đứa bên trái, và kéo cả cổ áo của đứa ngồi trước mặt để cho thằng kia rõ sự thành công của nó. Có lần tôi phải mắng nó về cái tội đã dám đóng khung, tô màu và vẽ hoa lá xung quanh con số mười điểm mà nó kiếm được nhờ một bài chính tả không có lỗi.

Ðiều đáng tiếc nhất là Dũng làm luận rất dở, bao giờ nó cũng ba hoa đến độ thành lạc đề và chẳng mấy khi được điểm cao. Trong suốt năm học nó chỉ có mỗi một bài thật khá mà lại không được điểm, đó là bài tả một đám cãi nhau. Nó viết kín ba trang giấy, nhắc lại rất trung thành lời nói của hai địch thủ tặng cho nhau. Tuy nó cũng biết loại bỏ những câu quá đáng, nhưng bài ấy vẫn bị tôi kiểm duyệt, giống như những bài văn tả chân thường gặp bước không may.

Quả thực, chưa bao giờ tôi thấy trò Dũng nói chuyện trong lúc tôi giảng bài. Mỗi lần tôi lên tiếng là nó khoanh tay, chăm chú ngước nhìn, chờ đợi. Những lần có một con heo hay con chó nhào vào phá đám giữa lúc tôi đang nói thì Dũng thường nổi giận, nó kêu với vẻ vừa thất vọng vừa tức tối:
– Trời đất ơi!…
Và nó tự động nhảy ra khỏi chỗ, vừa hò hét vừa đuổi theo con vật cho đến cuối sân trường.
Vì là đứa lớn tuổi nhất lớp nên nó cũng thường tỏ ra khôn ngoan, dễ biết ý tôi hơn các trẻ khác. Khi ở các nhà bên cạnh trường có những vụ cãi vả, những vụ đánh nhau, trong lúc những đứa khác đứng dậy, nhìn qua cửa sổ thì thằng Dũng cau có xin phép tôi cho đóng các cửa sổ lại. Nó đã biết những lời thô tục làm vẩn đục cả không khí của học đường. Nó mến thầy, mến bạn, mến lớp học và lúc nào cũng chỉ muốn bảo vệ, che chở cho cái lớp học của nó.

Nhưng học đều đặn được chừng ba tháng thì thằng Dũng bắt đầu đến lớp thất thường, bỏ bê việc học hành. Tôi đã quen với những vụ nghỉ học trường kỳ của lũ học trò. Vào những ngày cuối năm, khi một người Tàu già đội chiếc mũ cói rộng vành bắt đầu bón nhiều phân lên một vườn rau cải nhỏ của ông ta ở gần trường, thì lớp học của tôi bắt đầu thưa thớt. Chẳng phải lũ trẻ không chịu đựng nổi mùi phân bón bốc lên nồng nặc, làm chúng phải vừa bịt mũi vừa học, mà chính vì trong thời gian này, chúng phải đem cái sức nhỏ bé ra để giúp đỡ cha mẹ chúng. Có đứa vừa phải coi nhà vừa giữ em cho cha chúng đem hoa đi bán. Có đứa phải phụ với cha mẹ trong công việc gánh hàng ra chợ. Có đứa phải gạt hết sách vở để suốt ngày cưa sừng làm lược, hay cặm cụi đánh từng con suốt chỉ cho bà mẹ dệt vải. Buổi tối, trong lúc ngồi hóng gió trước nhà, tôi thường thấy hai đứa học trò ngoan nhất của tôi đi bán bánh trên con đường dài, không có ánh đèn, dẫn vào các xóm nhà nghèo. Chúng là con một người đàn bà gốc Trung Hoa sống bằng nghề bán hoa quả lặt vặt. Ðồ đạc của hai đứa trẻ này là một cái thúng có đựng những miếng bánh bò màu trắng, hoặc vàng úa đã cắt sẵn, để thành từng lớp có thứ tự. Mỗi đứa khiêng một đầu đòn gánh, lồng qua quang gánh mang cái thúng. Thằng em đi trước cầm chiếc đèn bão soi đường thỉnh thoảng lại cất tiếng rao. Thằng anh đi sau giữ tiền. Hai đứa giống nhau từ mái tóc, nét mặt đến bộ quần áo. Khi có người gọi lại, chúng vội vàng đặt gánh xuống. Thằng em nhấc ngay cái lồng bàn che bánh lên, thằng anh ngồi thụp xuống, dùng một cái xiên sắt lấy bánh ra, gói vào giấy, trao hàng và nhận tiền. Chúng đã chia nhau từng cử chỉ lặt vặt ấy. Ánh đèn bão mập mờ soi hai nét mặt trẻ lúc nào cũng bình thản, không còn dấu vết tinh quái, nghịch ngợm của những đứa trẻ bình thường.

Có khi lên giường nằm rồi tôi còn nghe tiếng rao của chúng vang lên đột ngột, cô đơn như một tiếng động vừa rơi lơ lửng vào giữa bầu trời mênh mông của miền ngoại ô. Ánh đèn của chúng hắt qua khe cửa nhà tôi tạo thành những vệt sáng dài, vừa run rẩy vừa di chuyển chậm chạp trên tường. Nếu trong buổi học ngày hôm sau đó chúng có không thuộc bài tôi cũng gắng cho chúng điểm trung bình.
Nhưng bọn trẻ này nghỉ học bận việc có định kỳ, một năm chúng chỉ nghỉ một lần thật lâu rồi lại đi học đều đặn. Trái lại, trò Dũng nghỉ vài ngày rồi lại đi, rồi lại nghỉ vài ngày. Mỗi lần đến trường nó vẫn tỏ ra sung sướng, vui vẻ say mê với việc học. Cuối buổi học, trong giờ hoạt động thanh niên nó vẫn hăng hái cộng tác với các bạn để làm vui cho cả lớp. Hoặc nó ca vài câu, kể một câu chuyện, hoặc nó xắn quần ống cao ống thấp, bôi phấn vào mặt, vẽ râu để làm anh hề trong một kịch vui, làm cho cả lớp cười bò. Từ sau bảng bước ra, nó mới nheo mắt, nhe răng, đi khệnh khạng, chưa kịp nói câu gì, là lũ bạn nhỏ của nó đã không nín cười được. Thành ra, những hôm vắng thằng Dũng tự nhiên lũ trẻ mất vui, cảm thấy nhớ. Có đứa tức quá đứng lên tố cáo:
– Thưa thầy, anh Dũng bỏ học đi chơi đấy ạ.
Vài đứa khác lại nhao lên bênh vực:
– Thưa thầy anh ấy ở nhà bế em cho má anh ấy đi chợ.
– Anh ấy phải trông nhà.

Dũng cũng nêu những lý do đó để xin nghỉ học. Tôi đành phải tin nó vì cha mẹ nó chẳng bao giờ chịu đến trường xin phép nghỉ cho con. Một lần gặp thằng Dũng đang loay hoay phụ giúp với một người đàn ông sửa một chiếc xe trong một căn nhà nhỏ, mái tranh, lập chênh vênh ven bờ ruộng, trên con đường vào thành phố, tôi mới biết người đàn ông đó chính là cha Dũng. Ông ta làm nghề sửa xe đạp, xe gắn máy chứ không phải “buôn bán” như ông ta đã ghi trong lý lịch của con. Hai cha con đều mặc những bộ quần áo ka-ki đen đặc dầu mỡ, chắc trước kia màu vàng. Thấy tôi, thằng Dũng vội vàng vứt cả kìm, búa đứng dậy khoanh tay chào, nét mặt hân hoan. Cha Dũng cũng gật đầu chào tôi, mấy sợi tóc uốn quăn xõa xuống cái trán cao có một vết sẹo ngang của ông ta làm cho khuôn mặt ông ta vừa có vẻ dày dạn lại vừa có vẻ phong lưu của một công tử giàu tiền. Ông ta trẻ hơn tôi tưởng. Ông nói với tôi:
– Nhà tôi độ này bận quá, thành ra phải xin thầy cho cháu Dũng nghỉ ít bữa.

Tôi chỉ gặp ông ta một lần ấy thôi. Từ đấy về sau mỗi lần đi qua đây tôi chỉ thấy một mình thằng Dũng đang loay hoay làm việc. Thằng bé khéo léo này đã có thể thay thế cha nó trong công việc sửa xe, vá những lỗ thủng trên ruột xe. Hỏi thăm về cha nó thì nó cho tôi biết là ông ta đi vắng.

Càng ngày nó càng đến trường ít hơn, và mỗi lần đến là một lần nó cuống quít đi mượn vở chép bài. Sách vở của nó bắt đầu mất cả sự sạch sẽ, quần áo của nó cũng không còn gọn gàng như trước. Nhưng nó vẫn vui vẻ, sốt sắng, vẫn ca hát và làm hề cho cả lớp cười, vẫn nhảy nhót khi được điểm cao. Ngoài giờ học, nó lại mặc bộ quần áo đầy dầu mỡ, làm bạn với kìm, búa, với những chiếc xe hỏng.


Buổi trưa, thỉnh thoảng có dịp đi qua căn lều nhỏ của gia đình Dũng, tôi thường thấy nó ngồi trên chiếc chiếu nhỏ, dựa lưng vào một chân cột, dáng điệu nửa thức nửa ngủ. Ðồ đạc, dụng cụ sửa xe xếp ngổn ngang quanh nó. Nó không nhìn thấy tôi vì ngồi quay lưng về phía con đường nhựa mềm ánh nắng buổi trưa, có lẽ nó đang thả tầm mắt mơ hồ qua cánh đồng không, tới những ống khói cao ngất trong thành phố. Những luồng gió nóng như hơi nước trong một nồi nước sôi thổi phần phật vào mái lá, hoặc xoay tròn, bốc cát bụi mù trên con đường đất đỏ chạy ngang cánh đồng. Tôi tưởng như thằng bé ngồi bất động, cô đơn kia không thể nào là thằng Dũng, một đứa trẻ láu táu, vui tính nhất lớp tôi. Bầu không khí, phong cảnh cằn cỗi ở vùng ngoại ô này có thể nung khô tất cả những tâm hồn dịu dàng, vui tươi, và đốt cháy những nguồn hy vọng nhỏ bé. Quả thực tôi không như những người dạy học khác, mong mỏi nhìn thấy sự thành công trong tương lai của đám học trò mình, tôi chỉ muốn lũ trẻ được ngồi học yên ổn và đều đặn trong lớp tôi cho đến cuối năm.

Tôi không đoán nổi trong lúc ngồi cô đơn như thế bé Dũng đã nghĩ gì, mơ đến những điều gì. Nhưng một trong những sự mơ ước của nó, đột nhiên hiện ra trước mắt tôi vào một buổi học, khi nó bị tôi phạt về tội nói chuyện trong lớp. Và ngay sau đó tôi nhìn thấy tất cả nỗi tuyệt vọng của nó. Sự vùng vẫy, phấn đấu, để thoát ra khỏi ngõ bí của nó đầy tính cách mong manh, khờ dại khiến ta xúc động, xao xuyến như khi ta nhìn thấy một con chim non lạc tổ sắp chết vì một trận mưa.
Dũng để một vật gì dưới ngăn bàn, hai đứa bên cạnh nó cùng chụm đầu lại để nhìn. Vừa nói, Dũng vừa cười có vẻ thích thú và hai đứa bên cạnh nó cũng cười theo. Bị gọi tên thình lình, Dũng giật mình đứng dậy, luống cuống khoanh tay. Nó chưa kịp trả lời câu hỏi của tôi thì một trong hai đứa bên cạnh nó đã nói:
– Thưa thầy, anh Dũng khoe cái xổ số anh ấy mới mua.
Rồi nó cố nín cười để giữ giọng tự nhiên:
– Anh ấy nói nếu trúng độc đắc anh ấy sẽ mua cái xe hơi chở cả thầy và hết cả lớp đi chơi và đi coi hát bóng.
Cả lớp cười, vài đứa xì xào:
– Xe hơi nào mà chở được cả lớp…

Dũng có vẻ ngượng, nó mỉm cười và cúi đầu. Nhìn vẻ tiều tụy của nó tôi không nỡ mắng, bao giờ cũng thế, khi biết sắp bị mắng nó thường buồn rầu và lo sợ. Tôi bảo:
– Thôi cất xổ số đi… bao giờ trúng hãy đem khoe.
Dũng tươi tỉnh hẳn lại, đôi mắt nó long lanh tin tưởng, nó đã trở lại vẻ nhanh nhẩu bình thường:
– Thưa thầy, mấy người nghèo hết tiền mua giấy số hay trúng lắm thầy.
– Vậy hả. Ờ, thầy cũng hy vọng sẽ được đi xe hơi của trò Dũng. Bao giờ mở số đấy?
– Chiều nay ạ.

Nó ngồi xuống, trịnh trọng nhét tấm xổ số vào cặp. Tôi vội giảng bài tiếp để chặn đứng cuộc bàn về xổ số đang lan tràn trong lớp. Hình như có tấm vé xổ số trong cặp, Dũng vững tin ở cuộc đời hơn. Suốt giờ học tôi không nhận thấy vẻ buồn rầu thoáng qua mặt nó như mấy buổi học trước. Nó chịu đặt cả hai tay lên bàn nhưng không ngồi yên, thỉnh thoảng lại quay nhìn phải, nhìn trái, môi lúc nào cũng hé như sẵn sàng cười thật to. Cuối giờ, trước khi về học nó còn đi quanh lớp để ngắt lá úa trên những dây vạn niên thanh và siết lại những đầu dây thép gắn vài con ốc vào đầu đinh trên tường. Niềm vui, sự hân hoan của trẻ con thường tràn ra thành các cử chỉ như thế.

Buổi chiều, khi nghe máy thu thanh, tôi nhớ đến tấm xổ số của trò Dũng và ý nghĩ của tôi, tôi mỉm cười như những lần tôi nhớ đến một kỷ niệm ngộ nghĩnh về đám học trò.

Sáng hôm sau, bầu không khí có vẻ oi bức khiến tôi cảm thấy khó chịu. Những đám mây đen mờ che khuất mặt trời báo hiệu một ngày không có nắng. Vùng ngoại ô quá rộng để ta có thể cảm thấy tất cả sự khó chịu của một bầu trời nặng nề. Sức nóng không tỏa từ ánh nắng một cách tự nhiên mà như xuất hiện bất cứ chỗ nào. Sự bình thản, vui vẻ trong tâm hồn tôi hình như bị sự oi bức làm rạn nứt và đã trở thành một cái gì mong manh dễ vỡ.

Buổi học lại bắt đầu bằng vài chuyện lộn xộn. Hai đứa nhỏ ở cạnh nhau, đến lớp còn cãi vả om sòm vì một chuyện đã xảy ra giữa hai gia đình trong ngày hôm trước. Ðứa này bảo bố đứa kia là đồ ăn cắp gỗ và đứa kia tố cáo việc anh đứa này bị người ta đánh vì dám cướp tiền một đám bạc. Một thằng học trò khác thì đem lên bàn tôi một quyển vở chỉ còn độ bốn năm tờ giấy trắng, nó kêu rằng nó không hề xé vở mà chính ba nó đã lấy giấy gói hàng. Tôi không thể nén sự bực mình, tôi đã gửi một bức thư cho ông ta về việc này và ông ta chưa trả lời. Tôi thở dài nhìn đứa trẻ, nó chớp mắt sợ hãi, cả nó và tôi đều lọt vào cái thế đáng chán. Tôi vừa lấy giấy ra định biên thêm cho ba đứa trẻ mấy dòng thì cuối lớp, một đứa đứng dậy báo cáo:
– Thưa thầy, hôm nay anh Dũng lại nghỉ.
– Lại nghỉ. Nó học hành thế thì còn ra làm sao…
Ðứa bé cọ bàn tay phải vào cạnh bàn rồi nói rất nhanh, có vẻ kiêu hãnh vì những điều nó biết:
– Con thấy mấy người lối xóm nói: ba trò Dũng bị tù rồi. Hồi trước ổng mua vỏ ruột xe hơi của mấy người ăn cắp, bị tù mười lăm ngày mới được tha ra. Giờ không biết sao lại bị bắt nữa…
Một đứa khác đứng phắt dậy, vừa xếch lại quần vừa nói như sợ đứa khác nói tranh mất:
– Ba trò Dũng ăn cắp xe gắn máy, thầy. Cả những người khác cũng bị bắt hết, mấy bữa nay rồi thầy.

Sự bất ngờ làm tôi bất động, chỉ biết chăm nhìn vào mắt những đứa trẻ vừa đứng lên nói, những lời nói vừa mở tung bức màn che giấu một thảm kịch. Lớp học hình như không bị xao động một chút nào. Vài đứa định đứng lên nói thêm nhưng tôi ra hiệu bắt chúng ngồi xuống. Chúng yên lặng, khoanh tay, mở mắt chăm chú nhìn tôi, hình như chờ đợi tôi nói một điều gì về việc ba trò Dũng. Tôi nói gì được? Cái sự làm tôi khó chịu, bực bội nhất là nét thản nhiên trên mặt lũ học trò. Chúng đã quen với những sự này đến thế cơ ư?

Ðưa tờ giấy viết thư lên ngang tầm mắt, tôi nhìn chăm chú vào đó để tránh những đôi mắt ngây thơ, khờ dại và bình thản. Tờ giấy chưa có một chữ nào, đang mở dần thành một khoảng trời trắng, rỗng và xa vời. Tôi lấy lại sự thản nhiên bằng một ý nghĩ tàn nhẫn.

Giữa buổi học thì trò Dũng đến. Nó lững thững đi qua cổng trường, hai vai co lên một chút như bị lạnh. Nó không đá chân vào đám cỏ hoang cho những con châu chấu bay vụt lên như mọi lần, trong bộ quần áo đẹp nhất của nó, Dũng có vẻ trịnh trọng. Nó bước vào lớp và nói với tôi:
– Thưa thầy, con xin thôi học.
Dũng đưa ra một cái đơn, chữ viết nghiêng ngả.
– Con phải về tỉnh ở với bà nội.
– Ở đó có trường công không mà về?
– Dạ, thưa thầy, khỏi cần. Con không đi học nữa. Bà nội con ở làng, trồng khoai với bắp.

Tôi cúi xuống đọc lại tờ đơn, phân vân. Dũng nhìn tôi thật lâu rồi chợt quay xuống với các bạn nó, nó đi qua các dãy bàn để thanh toán mọi việc. Trả đứa này món nợ một đồng, cho đứa kia mấy viên bi, trao lại đứa khác chiếc xe hơi hỏng nhờ nó chữa. Công việc đó diễn ra không gây một tiếng ồn nhỏ nào. Lũ trẻ đã giữ được một sự yên lặng lạ lùng.
Dũng trở lại bàn cúi đầu thật thấp chào tôi rồi đi ra, lên phòng hiệu trưởng. Suýt nữa thì tôi mở miệng khuyên nó nên cố gắng chăm học.
Mười phút sau nó trở lại đứng ở cửa lớp học, hai tay nắm vào một bên khung cửa, tần ngần nhìn lũ bạn đang ngồi học, những ngón tay nhỏ của nó cong lại, vuốt nhẹ lên mặt gỗ.
Tôi hỏi:
– Lấy hồ sơ rồi chưa?
– Thưa thầy, lấy rồi, con chờ thầy trả bài thi.
– Bài thi?… à, bài thi toán ấy hả.

Tôi ra hiệu cho nó vào lớp và giở tập bài thi ra. Dũng hớn hở đứng cạnh tôi, chăm chú chờ đợi.
– Thưa thầy, hôm đó con làm đúng hết…
Và chợt nó reo khẽ:
– Ðây rồi… trời! mười tám điểm!
Bài thi nó làm hoàn toàn, chỉ hơi bẩn một chút.
Dũng nắm tờ giấy trong hai tay, nhìn chăm chú vào con số mười tám màu đỏ. Miệng nó, đôi má nó, đôi mắt nó đều chan hòa một nụ cười. Nó giương đôi mắt long lanh nhìn tôi rồi lại nhìn vào bài thi của mình. Rồi chợt nó nghiêng tờ giấy và nháy mắt với mấy đứa bạn ngồi ở bàn cuối cùng, kiêu hãnh mỉm cười với chúng. Nó cứ đứng lặng như thế để tỏ lộ tất cả sự hân hoan của mình. Tôi buột miệng nói:
– Bài này trò làm khá lắm.
Có lẽ chính câu khen của tôi đã làm cho trò Dũng phập phồng muốn khóc khi nó chậm chạp để bài thi xuống bàn. Tôi không đủ can đảm để nói một lời thân mến với nó.

Khi chào tôi lần cuối, Dũng cúi đầu thật thấp như muốn giấu tất cả sự thê thảm trên mặt nó vào đôi tay khoanh lại. Nó trở ra rất nhanh, đá bung mấy viên gạch trên sân trường, nhìn mấy cây nhỏ, mới được trồng ở đầu sân để cho lũ trẻ có bóng mát sau này. Rồi nó cúi đầu, ra khỏi cổng trường.

Dũng là đứa học trò độc nhất mà tôi mong cho nó chóng quên thầy, quên bạn…

Lê Tất Điều

Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2022

Mùa Thu Phía Trước -Thơ: Quang Hà - Nhạc Trần Đại Bản - Ca Sĩ : Duyên Quỳnh


Thơ: Quang Hà
Nhạc Trần Đại Bản
Ca Sĩ : Duyên Quỳnh
Video Clip: Minh Hoàng

Cõi Mơ

 

Khép nhẹ làn mi, tóc hửng hờ
Ôm đài sen trắng, gởi mộng mơ
Thầm ước gì đây trong thinh lặng
Một cõi vô thường, một cõi mơ.

Kim Phượng Canada


Trên Đồi Say

 


Ðêm quá chén ta say thành đạo sĩ
Hồn bay xa tuởng thoát cõi tình si.
Ðồi cao vút ngoằn dốc về dâu bể
Bừng men cay sao vẫn thấy hoang mê ?!

Ôi năm tháng giữa bến hoa cửa trọ!
Nhìn mây trôi lờ lững bóng tự do.
Ðêm trở gío nghe tiếng buồn âm hưởng
Ðời tỉnh say, người rao bán yêu đương!

Thế kỷ mới vòng tranh đua danh lợi
Người bon chen buôn nghèo khó khắp nơi.
Bao nước mắt, chiến tranh và ngục tối...
Ðành nghẹn ngào lời hạnh phúc trên môi!

Ta muốn uống cạn hết dòng phiền não
Quên thời gian dù chỉ thoáng chiêm bao.
Ðời say tỉnh, rồi cũng về một lối
Tình cho nhau là giây phút tuyệt vời.

Đỗ Bình

Loanh Quanh

Trái non anh xẻ làm đôi
Cho em một nửa để rồi ăn năn
Biết đời chỉ những phù vân
Trái sầu, trái chín, cũng dần rụng thôi

Hôm qua tha thẩn trên đồi
Nhìn về lũng cạn từng hồi nhớ nhung
Biết nhau tự thủa vô cùng
Xa nhau đã mấy mịt mùng trùng quan

Đời mình là những dở dang
Cuộc tình muộn vội mơ màng đó em
Thơ không ghi nỗi êm đềm
Trong anh còn lại một niềm thuỷ chung

Với trời, với đất mông lung
Với ta khăn áo não nùng biệt ly
Ô hay, " sinh ký tử quy "
Níu thân nhau mối sân si kiếp này

Thì thôi buông lỏng vòng tay
Loanh quanh đã hết tháng ngày của anh
Một đàn chim quý trên cành
Hoà ca điệp khúc đăng trình miên man...

Cao Mỵ Nhân
Utah gợi nhớ 16 - 8 - 2022

Quét Lá Mùa Thu

(Ảnh Tác giả cung cấp)

Đây là bài số sáu trăm ba mươi bốn (634) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo, Portland, Oregon.

Thứ Tư hằng tuần khu vực nhà người viết ở có xe của công ty Hoodview Disposal & Recycling, Inc đến lấy rác. Tôi phải trả hằng tháng $36.70/ 1 tháng chi phí đổ rác một thùng 35 GL 1 X Wk Roadside. Riêng thùng tái chế sách báo và hoa lá cỏ cây thì miễn phí.

Nghe nói chi phí đổ rác ở Milwaukie, thuộc quận Clackamas rẻ hơn chi phí đổ rác ở Portland thuộc quận Multnomah. Mắc hay rẻ gì cũng phải đổ rác để thanh toán ba cái thứ cần phải vứt đi vì thế hôm nay Portland đã bắt đầu "Mùa Thu Lá Bay" rồi nên lá của cây lê, cây hồng rụng đầy vườn sau và hai người" không còn trẻ nữa" chúng tôi phải "bên chàng cào lá, bên nàng đổ đi" coi như tập thể dục là xong ngay. Smile!

Lúc mới mua nhà ở khu vực khá an tỉnh này, chúng tôi thích có vườn to sân rộng để tha hồ trồng cây hồng cây lê, hoa đẹp, trái ngon mà chúng tôi ưa thích, nên tôi trồng "hoa đào trước ngõ, khóm trúc sau hè", 3 cây hồng, 2 cây Asian Pear để mùa Xuân ngắm hoa nở, mùa Thu hái trái vào cúng bàn thờ Phật và biếu xén thân nhân, bạn bè ăn lấy thảo, kể cũng vui vui.

Bây giờ già rồi chàng phải cắt cỏ, nàng phải quét lá mùa Thu mệt thật, dù thỉnh thoảng tôi phải kêu thợ đến tỉa bớt cây thấp xuống cho đỡ bớt lá rụng đầy sân. Cứ mỗi lần kêu chàng ra sân làm vườn , người viết phải ngọt ngào thủ thỉ với chàng: "Xem như chúng mình đang tập thể dục, cũng tốt thôi và tối sẽ ngủ ngon hơn, anh ạ!"

Hôm nay khi đi quét lá vàng vườn sau nhà , người viết chợt nhớ đến bài thơ "Bài Học Quét Lá' rất hay, đầy thiền vị của tác giả Diệu Nhân. Bài thơ này được nhạc sĩ Võ Tá Hân phổ nhạc được ca sĩ Xuân Phú hát rất hay. Xin mời qúy Bạn cùng thưởng thức

( Ảnh Tác giả cung cấp)
Bài Học Quét Lá

Vâng lời Thầy con đi quét lá
Lá vàng rơi lả tả khắp nơi
Lá khô rơi như một kiếp con người
Giờ phút cuối là về cùng cát bụi
Con vừa quét sạch một gốc cây
Quay trở lại đã thấy đầy lá rụng
Con hỏi: nếu như gió đừng rung động
Thì lá kia hẳn còn ở trên cành?
Một kiếp người cũng thế quá mong manh
Một hơi thở nếu đi rồi không đến nữa
Tạ ơn Thầy cho con bài học nhỏ
Mà thâm sâu như một triết lý không cùng
Con ra về lòng luống những bâng khuâng
Lá và con cũng trong vòng sinh diệt
Lá vừa sinh đã có mầm hủy diệt
Con vừa sinh đã hẹn có ngày đi
Một làn gió đâu có sức mạnh gì
Mà lá rơi không thể nào cưỡng lại
Hơi thở con như làn gió ấy
Nếu không về thì con sẽ đi đâu?
Đã lâu rồi con vẫn lăn hụp chìm sâu
Trong mê mải con đi tìm sự nghiệp
Con vẫn ước có căn nhà rộng đẹp
Con vẫn mơ con cái học thành tài
Con vẫn mong vẫn đợi một ngày mai
Lũ con cháu trở nên người thành đạt
Con vẫn chưa có gì cho con hết
Làm hành trang khi cất bước lên đường
Tạ ơn Thầy cho con chút tư lương
Là bài học quét lá vàng rơi rụng
Lá và con cũng có cùng số phận
Đi về đâu là do con chọn lấy con đường

Diệu Nhân


Cám ơn nhạc sĩ Võ Tá Hân và toàn ban rất nhièu đã thực hiện một youtube đầy thiền vị.
Một vài lời chia sẻ về Bài Học Quét Lá sưu tầm trên internet

BÀI HỌC QUÉT LÁ!… Đang quét lá ngoài sân, chú tiểu lớn tiếng gọi: Sư huynh ơi! Hôm nay trên mạng em thấy có người copy bài viết của sư huynh không ghi tên sư huynh để đăng đó!

– Thế à! Anh gửi lời cảm ơn họ nhé!
– Sao thế ạ?
– Còn sao nữa…. Họ đã giúp anh gửi một thông điệp ý nghĩa đến mọi người rồi, phải cảm ơn họ.

Hơn nữa, nào có thứ gì là của mình đâu chứ! Từ khi sinh ra cho đến bây giờ hoàn toàn là mượn hết, mượn hơi ấm của cha, tình thương của mẹ, cái chữ của thầy cô, điều hay từ xã hội lẫn bạn bè… ngay cả hơi thở này cũng mượn nốt. Như chiếc lá này, từ một nụ non đến khi vàng rơi xuống đất là mượn các chất từ cây hút trong lòng đất mà sinh trưởng, rồi già và rơi rụng nhường chỗ cho mầm non vươn nở.

Đời người cũng thế, sinh ra, trưởng thành, già đi rồi chết, có điều gì cảm ngộ được từ nhân sinh thì nói ra để dành cho đời sau học tập, cứ thế lưu truyền mãi.

Vậy nên, triết lý nhân sinh khắp mọi nơi, ở trong từng lá cây, ngọn cỏ. Nếu ta muốn học, thì lá cây, ngọn cỏ cũng là bậc thầy của ta đó.
– Ủa, lá cây, ngọn cỏ là thầy của mình sao?
– Sao em lại ngạc nhiên thế! Nhìn lá cây rụng xuống ta thấy nhân sinh vô thường, mạng sống mong manh để ta biết sống cho trọn vẹn và trân quý những gì đang có. Nhìn ngọn cỏ phất phơ trước gió ta hiểu được cách sống uyển chuyển tùy duyên và sẽ không để lại muộn phiền cho ai cả. Lá cây, ngọn cỏ dạy ta những bài học tuyệt vời, vậy nó chẳng phải thầy ta thì là gì?

– Dạ! em hiểu rồi!
– À này, từ nay về sau bất kể là thứ gì đi nữa, em cũng đừng nghĩ nó thuộc về mình. Đặc biệt là tri thức. Vì biển tri thức là vô bờ, nếu ta may mắn hiểu được một điều gì đó có ý nghĩa thì hãy đem chia sẻ cho mọi người cùng biết và thật sự hạnh phúc với việc được mọi người sẻ chia.

Phải tuyệt đối đừng cho rằng mình giỏi hơn, có tâm hơn… bất kỳ ai. Vì hôm nay có thể họ chưa biết nhưng ngày mai là một đích đến không ngờ đó em…

– Dạ, em biết rồi. Cảm ơn sư huynh!
– Cảm ơn gì chứ. Nào, chúng ta cùng quét rác đi nào!”

Quả là BÀI HỌC QUÉT LÁ! để để lại cho chúng ta nhiều suy ngẫm!
Việt Tạ (chia sẻ)

( Ảnh từ Internet)
Dông dài chuyện quét lá sân chùa
Thông Định

Cần tảo già lam địa
Thời thời phước huệ sanh

“….Có lẽ từ rất lâu xưa rồi, cây chổi, sân chùa lá vàng và chú tiểu là bộ ba khó thể tách rời, cũng như quét sân là bài học vỡ lòng cho những cậu bé để cánh cổng tam quan dẫn lối cuộc đời.

Tôi cũng không ngoại lệ. Có nghĩa từ buổi sáng đầu tiên rời nhà vào chùa ở là đã cầm cây chổi ra vườn quét lá. Rồi lớn lên một chút, đọc “Thiên thần quét lá” của Vĩnh Hảo, tiếng chổi vọng xa thêm một chút vào tâm hồn. Rồi lại lớn thêm chút nữa, đọc “Thiên long bát bộ”, tiếng chổi xào xạc của vị Vô Danh Tăng võ công cao tuyệt hàng ngày phất phơ đưa giữa Tàng Kinh Các Thiếu Lâm Tự lẫy lừng thiên hạ đã bay mênh mông trên khung trời hoài mộng tuổi hoa niên.

Thật lòng mà nói, những dòng đẹp đẽ vừa viết ở trên chỉ đẹp trong tâm tưởng (tâm hay tưởng tưởng) thôi, còn thực thế thì có hơi khác!

Tôi còn nhớ thuở làm điệu ở chùa, quét sân là một công việc rất đáng chán. Gần như làm vì bổn phận bắt buộc mà lại phải thi hành vào lúc năm giờ sáng, thời điểm chỉ muốn ngủ chớp nhoáng thêm một miếng sau buổi kinh khuya gật gù nên thỉnh thoảng lại có vài chú (trong đó có người viết) “trốn nghĩa vụ” bị bắt quỳ nhang.

Một chuyện mắc cười nữa là tình trạng mất chổi. Thông thường mỗi chú sẽ được phát một cây chổi, xem như phương tiện lao động riêng và có trách nhiệm giữ gìn cho đến đợt phát tiếp theo. Vậy là hồn ai nấy giữ. Chú thì lấy sơn đánh dấu để nhớ mặt nhau, chú lại viết tên mình để xác định chủ quyền. Sau đó mỗi người tìm chỗ riêng mà cất: nào là dưới gầm đơn (giường nhỏ trong chùa), nào là góc khuất bí hiểm nào đó, có chú còn đem cất đâu đâu trong mấy lùm cây! Ăn chắc mặc bền đến thế, vậy mà được tuần đầu an ổn, sau đó, một buổi sáng tinh mơ đẹp trời, sẽ có chú mắt nhắm mắt mở (sau giấc ngủ năm mười phút tranh thủ) ra nơi giấu chổi để bắt đầu công việc, rồi sực tỉnh quáng quàng vì phát hiện phương tiện lao động của mình không cánh mà bay. Vậy là chú ta sẽ chạy quanh chùa để tìm cho ra tài sản. Hết đến người này đòi xem dấu tích lại qua người kia muốn kiểm tra tên họ. Nếu may mắn thì phát hiện ra chổi mình đang được ai đó “mượn” dùng đỡ, còn không sẽ phải chờ người khác xong rồi mượn quét. Có những khi không kịp, đến giờ ăn cơm, quý thầy đi kiểm tra, thấy phần sân ai chưa quét thế nào cũng bị quỳ nhang. Rồi đâm ra kiện cáo, phân bua, xét xử…! Tôi để ý thấy một điều rất ngộ: thường những chú mất chổi nhiều nhất là những chú cất kỹ nhất....."
(Nguồn: Trích trong Thư Viện Hoa Sen)

( Ảnh Tác giả cung cấp)

Mời qúy bạn xem 2 Youtube shorts "chàng" quét lá mùa Thu vườn sau sân trước cho "nàng" và nàng phụ hốt lá bỏ vào thùng, xem như chàng và nàng, 2 người cao niên đang tập thể dục mùa Thu nhé. Vui thay!
Anh Minh quét lá vườn sau
https://youtu.be/JcmTYV2r75I

Anh Minh quét lá sân trước
https://youtu.be/MgiHVMyt3VM

Xin chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé.

(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-MCTN 634-ORTB 1062-1018,2022)

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn
Sương Lam

Để Dành Làm Gì?


Từ chiều qua chị Bông đã kiểm tra đếm những váy áo, những món đồ hiệu mua sắm từ bấy lâu nay vẫn để dành chỉ mặc khi ra ngoài, tiệc tùng đình đám treo đầy nghẹt trong closet, gấp chồng chất để đầy mấy cái vali, chị Bông chọn ra những thứ nào có thể mặc được hàng ngày trong nhà thì mang ra xài…gấp kẻo uổng phí.

Sáng nay anh Bông có hẹn, rời khỏi nhà đến trưa mới về, chị Bông liền bắt tay vào một cuộc thay đổi lớn lao trong căn nhà này, chốc nữa về anh sẽ bất ngờ. Chị thay bộ đồ rộng thùng thình và ngắn cũn cỡn vẫn thường mặc trong nhà cho thoải mái bằng chiếc váy ngắn tay ôm nhẹ vòng eo cũng thoải mái nhưng lịch sự hẳn ra. Chị lấy hộp mỹ phẩm kẻ chút chân mày, tô chút mí mắt, xoa chút má hồng và thấm vài giọt nước hoa vào áo, xong chị Bông tháo tung túm tóc buộc trên đầu chải lại cho tóc có chút bồng bềnh. Chỉ một chút thay đổi mà trông chị Bông khác hẳn mọi ngày.

Chị Bông ra bếp bắc ghế mở tủ bếp trên tường lấy xuống những bộ bát đĩa kiểu, bộ ấm trà xinh mà chị vẫn để dành khi nhà có khách quý mới mang ra dùng, chị bỏ chúng vào sink rửa sạch sẽ cho hết bụi thời gian vì đã bao năm chúng nằm yên trong các ngăn tủ.

Anh Bông về nhà đúng lúc chị Bông đang thắng nước màu khói bay lên mù mịt. Nhìn những khứa cá bên bếp anh Bông sững sờ:
– Ủa… ủa… Sao hôm nay em mặc váy đẹp đứng bếp kho cá?
Nhìn những tô bát kiểu bày sẵn trên bàn anh Bông lại sững sờ:
– Hình như hôm nay nhà mình có khách quý? Những tô bát kiểu, đũa mun cao cấp này em để dành cất kỹ lắm mà, nếu hôm nay em không mang ra thì anh cũng quên phéng chúng ta đã có những bát đĩa đẹp thế này.
– Khách quý là… anh đấy. Chúng ta sẽ ăn cơm nơi bàn ăn lớn này.
– Ủa… ủa… anh vẫn thấy em hàng ngày sung sướng vác tô cơm ra phòng khách ngồi sofa vừa ăn vừa coi tivi mà, việc gì phải long trọng ngồi bàn?

Nhìn bình trà mới pha thoang thoảng thơm hoa Nhài anh Bông lại sửng sốt:
– Ủa… ủa…bình trà sứ Trung Hoa quý hiếm này em mang ra pha trà cho chúng mình hả? Sang chảnh vậy em?
Nhìn bình hoa cắm những đóa Hồng tươi thắm anh Bông lại dồn dập ngạc nhiên:
– Ủa… ủa… chỉ có anh và em mà cũng bày đặt chưng bình hoa đẹp này sao?.
– Ủa… ủa… mái tóc cột dây thun của em đâu rồi? hôm nay em buông thả trông mượt mà bồng bềnh, lãng mạn bất ngờ..

Anh Bông hỏi liên hồi và bỗng anh hoảng hốt lo lắng lao đến bên vợ, sờ tay lên trán vợ:
– Em bao nhiêu độ? Có sốt cao hay mát dây thần kinh không đấy?
Tất cả kịch bản này chị Bông diễn lại theo y như chị Hồng bạn thân chỉ dẫn. Tuần trước đến nhà bạn chơi chị Bông ngỡ ngàng thấy chị Hồng đã đổi khác. Hỏi ra chị Hồng tuyên bố một câu ngắn gọn:
– Ðể dành làm gì? Tiền bạc, đồ dùng, quần áo tốt đẹp cứ mang ra mà dùng, Chết đi ai hưởng?
Ðợi cho chồng qua cơn “sốc” chị Bông mới từ từ giải thích:
– Anh đừng lo, thần kinh em bình thường. Em vừa học được một bài học từ chị bạn. Bấy lâu nay ở nhà em đã xuề xòa cẩu thả như con mẹ mốc, như đứa Lọ Lem, mái tóc không bù xù thì cũng túm lại bằng sợi dây thun hay cuộn tóc thành mấy cục “chả giò” trên đầu, gương mặt đầy vết nhăn vết nám, quần áo tàng tàng xộc xệch, ăn nói thô lỗ như bổ củi hay nhát gừng khi có điều gì không vừa ý. Tất cả những “tệ nạn” này chồng em lãnh đủ. Nhưng khi bước chân ra ngoài giao tiếp với bạn bè hay kẻ lạ người dưng thì em hoàn toàn lột xác, trang điểm phấn son đẹp đẽ, ăn mặc chỉn chu, ăn nói lịch sự kèm theo nụ cười miễn phí, họ có làm em phật ý em cũng nhã nhặn bao dung bỏ qua.

Anh Bông ngẩn người ra:
– Hèn gì bạn bè đều khen em hiền dịu dễ thương trong khi ở nhà anh luôn phải đối diện người đàn bà xấu.
– Ðúng thế, em đã giác ngộ ra. Từ nay anh sẽ được đối diện người đàn bà… đẹp, quần áo kiểu cọ, váy dài váy ngắn, khăn quàng vai quàng cổ để dành đầy trong tủ làm gì, tất cả sẽ lỗi thời với tốc độ thời trang thay đổi xoành xoạch hiện nay, cho nên hôm nay em lôi váy áo đẹp trong tủ ra xài bớt, những thứ nào mặc trong nhà được là em sẽ mặc, dù đứng trong bếp nấu nướng với những mùi mỡ hành tiêu tỏi. Chốc nữa ra vườn cắt tỉa lá sâu hoa héo em sẽ khoác thêm cái khăn quàng nữa cơ, vì em có mấy chục cái khăn quàng xài đến đời nào mới hết. Còn nữa, mỹ phẩm son phấn để dành làm gì? lâu lâu em mới đi tiệc tùng một lần thì chúng sẽ quá “đát”, lọ nước hoa kia mỗi lần xài vài giọt thì đến bao giờ mới vơi cạn, chúng sẽ bớt mùi hương nên em sẽ mang ra xài mỗi ngày cho đời… lên hương.

Anh Bông tò mò:
– Còn gì nữa em? Kể tiếp đi
– Những bộ bát đĩa kiểu cao cấp kia em cất trong tủ để dành làm gì? Tại sao không sử dụng hưởng nó ngay bây giờ, anh thấy đó, những món ăn bày trong dĩa bát đẹp sẽ ngon thêm. Tại sao bàn ăn chỉ bày biện đẹp, bát đĩa đẹp và cắm hoa đẹp khi có khách? Bộ chúng ta là củi gỗ, là đất cát vô tri không biết thưởng thức cái đẹp sao? Chúng ta hãy chiêu đãi bản thân mình như chiêu đãi khách quý, hãy lịch sự với mình như từng đối xử lịch sự với người khác. Tóm lại hãy biến mỗi một ngày chúng ta sống là mỗi một ngày vui. Cuộc đời phù du ai biết được ngày sau?

Anh Bông gật gù:
– Hay đấy.
Chưa hết… còn tiền bạc trong nhà băng…
Anh Bông giật mình:
– Em đừng có nói là tiền để dành làm gì mà mang ra xài hoang phí hết nha? Tiền chúng mình để dành dưỡng già đó.
Tại sao chúng ta cứ để dành tiền, lo cho bản thân mình thì ít mà dành dụm cho con cháu thì nhiều trong khi con cái đã lớn khôn có công ăn việc làm đầy đủ? chúng ta hãy hưởng những đồng tiền công sức mình làm ra, còn bao nhiêu thì đến phần con cháu. Tội gì ta phải đi cái xe cũ thỉnh thoảng lại hư, lại nhờ người câu bình giữa đường. Chúng ta sẽ mua một cái xe mới mà đi cho ngon lành phơi phới. Hãy hưởng những gì tốt nhất chúng ta có thể.
– Ừ… ừ… cũng có lý.
Còn cái nhà này…
Anh Bông lại giật mình lo lắng:
– Em đừng có nói để dành tiền làm gì mà đòi đổi căn nhà 2,000 Sqf này thành căn biệt thự to đùng ở cho sung sướng tuổi già nha? Vợ chồng mình trước là sẽ sạch vốn liếng và sau là sẽ lau chùi dọn dẹp chết luôn..
Chị Bông mỉm cười:
– Không, khôn… em muốn nói cái nhà 2,000 Sqf cũ kỹ này em vẫn yêu quý vì nó là căn nhà trả hết nợ từ lâu rồi. Chúng ta sẽ sống ở đây và vui hưởng những gì mình có, căn nhà này sẽ là căn nhà hạnh phúc.

Chị Bông ngắm nghía những món ăn đã bày ra bàn với những tô bát đĩa kiểu lịch sự bên cạnh bình hoa hồng tươi thắm hái từ ngoài vườn vào, hài lòng nói với chồng:
– Nào, bây giờ mời anh thay đồ ra ăn với em một bữa cơm ngon đánh dấu sự đổi mới bắt đầu từ ngày hôm nay.
Anh Bông lẩm bẩm một mình:
– Không biết mụ vợ mình mát hay tỉnh đây? Nhưng đổi mới thế này cũng thú vị đấy…

Nguyễn Thị Thanh Dương
(Sept, 26, 2022)

Thứ Năm, 27 tháng 10, 2022

Chia Em - Thơ Phạm Ngọc - Nhạc Nguyên Bích - Hòa Âm Nam Vĩnh - Ca Sĩ Ngọc Quy


Thơ: Phạm Ngọc 
Nhạc: Nguyên Bích
Hòa Âm: Nam Vĩnh 
Ca Sĩ: Ngọc Quy 

Chờ Người

 

(Cảm tác bức ảnh từ National Geographic)

Có những chuyến đi không về nữa
Vợ ôm con đứng giữa biển trời
Chợt nghe lòng tiếng não nề rơi
Không nước mắt không lời giã biệt

Sóng cuồng loạn hay đời oan nghiệt
Chôn xác người la liệt biển khơi
Xót xa thay nói chẳng nên lời
Hồn Người hỡi trôi về quê cũ!

Trời vàng vọt hoàng hôn mộ phủ
Tình sóng đưa ru ngũ hồn linh
Tiếng lòng yêu hồi mõ cầu kinh
Thiên Thai giấc yên bình Người nhé!

Âm Dương đường đời chia hai lối rẽ
Nghiệt ngã thời không xẻ nỗi tình chung.

Kim Oanh

Ai Bảo Anh Là Nghệ Sĩ



Sáng sớm được nghe anh hát
Thấy tim nhức nhối trời ơi!
Không yêu mới chuyện lạ đời
Thương anh, quí anh nhiều lắm!

Tại em tâm hồn thi sĩ
Cho nên lãng mạn ra gì
Tại anh vốn là nhạc sĩ
Lời thơ, nốt nhạc mê si

Cảm xúc dồi dào nóng bỏng
Dễ yêu dễ nhớ, phải lòng!
Giọng hát vút cao mênh mông
Em nghe bồi hồi, cảm động!

Làm sao kiểm soát trái tim?
Hãy để trái tim đi tìm
Làm sao ngăn chặn tình yêu?
Trái tim mù lòa, thất thểu

Anh trãi lòng anh qua nhạc
Yêu thương chuyển bằng âm thanh
Nghe nhạc cứ tưởng vu vơ
Ngẫm nghĩ …mới thấy thẩn thờ

Làm sao không yêu được chớ ?
Bản nhạc anh viết cho em
Từng nốt réo rắc nhịp nhàng
Ngọt ngào, dễ thương, nức nở

Không yêu mới là chuyện lạ
Thế gian toàn chuyện lạ đời
Nên ta không thể yêu nhau
Cho dù quý thương vời vợi

Cảm ơn tình yêu nửa vời
Cảm ơn bản nhạc tuyệt vời
Cảm hứng, em lại làm thơ
Tình đẹp là tình muôn thuở

Như Nguyệt



Quỳnh Hương

 

Nhìn đóa Quỳnh Hương nở tuyệt kỳ 
Thương đời quá ngắn lệ tràn mi 
Hai tuần ươm nụ xanh đài các 
Bốn tiếng khoe hương sắc dậy thì 
Hoa trắng kiêu sa mờ thế tục 
Hương trầm phảng phất luyến người đi 
Quỳnh Hương như kiếp thân tầm gửi 
Ngẫm lại đời ta có khác gì!!!

Lâm Hoài Vũ
2005

Tháng Mười Hoa Thịnh Đốn



Hoa Thịnh Đốn ngày một tháng mười
Vào thu cúc nở rộ muôn nơi
Có xanh có đỏ màu hoàn mỹ
Pha tím pha hồng sắc tuyệt vời *
Thêm gió heo may mây bạc nổi
Và mưa phùn nhẹ lá vàng rơi
Ngoảnh qua ngoảnh lại trời đà tối
Ngày ngắn quá, vui chửa kịp cười **


Nhất Hùng
Ngày 01 Tháng 10 Hoa Thịnh Đốn
*Hoa Cúc có rất nhiều màu
** Ca dao: "Tháng mười chưa cười đã tối"



Từ Chối

 

Lượn cành, chú bướm nhởn nhơ
Đường bay ngang dọc… ơ… hơ… bướm vờn
Tỏ ra “bình hải trấn sơn”
Bướm đem chiến thuật chập chờn ghẹo hoa.
Hoa khôn ngại tiếng ba hoa,
Ngại câu đầu lưỡi, ngại xa hương đồng,
Ngại say cay đắng men nồng,
Bướm ong nhạt nhẽo, đục trong chữ tình?
Ngại mai đau khổ một mình,
Ngại ong, ngại bướm rập rình đùa hoa!

14.9.2006.
Ái Nghi

Bát Sách Viết Về Gàn


Bị anh Chủ Bút nhắc nhiều lần, mà BS không tìm ra đề tài để viết, thì may sao nhận được điện thư của anh Phạm Xuân Hy hỏi về gàn bát sách, bèn theo lời khuyên của anh Tung mà cà kê dê ngỗng một chút về gàn để giúp vui quý độc giả.
Gàn là gì, BS chỉ biết mà không giải thích được rõ ràng…
Google thì giảng là ương dở lắm, cao ngạo, không muốn ai trái ý mình…BS thấy không hợp lý, không đúng như ý mình hiểu.
Chỗ khác lại nói: gàn là ương dở, hay cố chấp, có ý nghĩ và hành động trái với lẽ thường, chướng…
Đại Nam Quốc Âm Tự Vị, của Paulus Huỳnh Tịnh Của, xuất bản năm 1895 và tự điển của Đào Duy Anh thì không có chữ gàn.
Mò vào Thi Viện, tìm chữ nho, thì thấy chữ gàn, giải nghĩa là gàn dở. Té ra gàn là tiếng Tàu. Đây là chữ gàn:
Theo Lãng Nhân Phùng Tất Đắc thì gàn là ghét những thứ người ta ưa, thích những thứ thiên hạ ghét, tức là không giống ai !
Cụ Tam Nguyên Yên Đổ, trong bài tự trào, có hai câu:

Mở miệng nói ra, gàn bát sách,
Mềm môi uống mãi, tít cung thang. 

Tại sao lại nói là gàn bát sách? Có lẽ bắt nguồn từ hình in trên quân bát sách của cỗ bài tổ tôm, là hình một người đàn bà mặc áo quần mầu mè sặc sỡ, lại còn vênh mặt hút thuốc lá. Đàn bà Việt Nam ngày xưa thường chí thú, ăn mặc nâu sồng, không bao giờ hút thuốc, thì hình người được vẽ trên quân bài quả nhiên là khác thiên hạ, là gàn thật. Và từ đó, mọi người mới thuận miệng mà nói là gàn bát sách.
Chuyện gàn thì nhiều lắm, BS chỉ nêu lên vài thí dụ:

*Hồi mới di cư vào Nam năm 1954, gia phụ có một người bạn, vừa thoát khỏi vùng Việt Minh, sống kham khổ đã quen, nên tuy không đến nỗi nghèo, nhưng không cho các con mặc áo quần bằng vải nhập cảng, ăn cơm bằng bát sứ, mà bắt dùng vải nội hoá, và lon sữa bò. Ở Sài Gòn mà như vậy thì đúng là gàn số một rồi…

*Người gàn rất nổi tiếng mà chắc quý vị đều biết là thi sĩ Bùi Giáng.

Ông sinh năm 1926, đỗ tú tài năm 1952, nhưng không chịu học đại học, vì thấy danh sách giáo sư, không có ai đáng làm thầy mình. Bèn về quê chăn bò, rồi lấy vợ. Hình như vợ ông đẹp lắm, nhưng sau đám cưới được 3 năm, bà sinh con,và cả hai mẹ con đều chết. Nghe đâu , ông không cho vợ ăn thịt cá, chỉ có khoai lang và rau. Ông vào Sài Gòn, không lấy vợ, mà lại mê kịch sĩ Kim Cương. Sách nói Kim Cương rất trọng và thương ( chứ không phải yêu ) Bùi Giáng lắm, khi ông bệnh hoạn thì cô chăm sóc tận tình.

Những giai thoại về ông rất nhiều:
- Ông hay mặc quần áo rộng thùng thình, rất bẩn thỉu, đi đôi giầy rách..
Ông thường đi lang thang, mang theo nồi niêu, xoong chảo, vành bánh xe đạp, vắt trên vai những miếng băng vệ sinh. Có lần ông còn đứng giữa đường, cầm gậy, thổi còi, chỉ dẫn xe cộ lưu thông.
Sau khi VC chiếm miền Nam, một hôm, ông vào Chợ Lớn, lấy một bộ phận của xe đạp rồi bỏ chạy. Chủ nhà hàng đuổi theo, hô hoán, ông dừng lại, mắng: tụi nó vào, lấy hết gia sản thì mọi người êm rơ, tôi lấy một món đồ nhỏ xíu mà bà hô hoán om sòm… trả lại bà đây, tôi không thèm.
Nhiều người nói Bùi Giáng điên, từng bị nhốt ở nhà thương Biên Hoà, nhưng theo thiển ý thì ông không điên, chỉ gàn ở một mức cao thôi. Gàn mà khôn giàn trời.
Khi đi dự hội nghị văn chương, nữ sĩ Thu Ba lên sân khấu diễn thuyết, khen nhà văn Thu Bồn nức nở, Bùi Giáng ứng khẩu hai câu thơ:

Thu Ba ca tụng Thu Bồn,
Thu Bồn sướng quá rờ VAI Thu Ba.

Mấy người nghe được câu thơ sai vần này thì cười sặc lên.

*Giờ tới chuyện bên Tàu. Thời Xuân Thu Chiến Quốc, vua nước Ngô là Thọ Mộng có 4 người con trai là Chư Phàn, Dư Sái, Di Muội và Quý Trát. Trong 4 người, Quý Trát là hiền nhất nên trước khi băng, vua dặn các con truyền ngôi cho em, để Quý Trát có dịp làm thiên tử.
Sau khi lên ngôi, Chư Phàn ngày nào cũng cầu trời cho mình mau chết, nên ít lâu sau thì chết thật. Dư Sái lên ngôi, nhớ lời cha dặn, xông pha trận mạc lung tung để được mau chết, và vài tháng sau là tử trận. Di Muội lên ngôi, chết yểu, đáng lẽ ngôi vua về tay Quý Trát, nhưng ông này nhất định từ chối, nên con của Dì Muội là Vương Liêu lên ngôi.( Về sau, con của Chư Phàn là Công Tử Quang, nhờ Ngũ Viên bày mưu, sai Chuyên Chư dâng cá, dùng cây kiếm Ngư Trường đâm chết Vương Liêu, lên ngôi là Hạp Lư.)

Người ta, ai cũng mong sống lâu, cầu mau chết như Chư Phàn, Dư Sái thì đúng là gàn thật. Vả lại cần gì phải cầu chết, chỉ làm vua vài năm rồi truyền ngôi cho em thì vẫn theo đúng lời cha mà anh em lại được xum họp. Thời Chiến Quốc, nhan nhản những chuyện con giết cha, anh em giết nhau để tranh ngôi, mà Quý Trát từ chối không chịu làm vua, thì còn gàn hơn các anh một mức, và còn tiếp tục gàn như vậy trong suốt cuộc đời. Truyện kể rằng, lúc Quý Trát đi sứ nước Tấn, qua nước Từ, có ghé vào yết kiến vua Từ. Quý Trát có thanh bảo kiếm, lúc nào cũng đeo bên mình. Vua Từ thích lắm, muốn xin mà không giám hỏi. Quý Trát biết ý, muốn cho, nhưng vì công vụ chưa xong, phải mang kiếm đi, định bụng rằng, trên đường về, sẽ đem bảo kiếm dâng vua. Lúc Quý Trát trở về thì vua Từ đã chết, chàng bèn đi thăm mộ, và treo thanh bảo kiếm trên một cành cây gần đó. Giữ chữ tín kiểu đó thì phải gàn như Quý Trát mới làm được, chứ thời nay, ai mà dại như vậy.

Có nhiều ông tướng VNCH, vừa đọc xong bài diễn văn nẩy lửa, tuyên bố tử thủ, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng là leo lên trực thăng, bay ra Đệ Thất Hạm Đội.
Tổng Thống Bush, lúc vận động tranh cử thì read my lips, no new taxes, khi đắc cử thì tăng thuế vù vù. BS hồi xưa nhập ngũ, rất ghét mấy tên trốn quân dịch, dè đâu lại thấy dân Mỹ bầu một người phản chiến, trốn quân dịch là Bill Clinton lên làm Tổng Thống. Xin lỗi quý độc giả, BS đang có đà, viết lố, hơi lạc đề, và thấy mình coi bộ cũng gàn luôn. Xin tiếp chuyện gàn của Tàu:

- Khuất Nguyên, người nước Sở, vốn thanh liêm, ái quốc, thấy bọn quan lại không ra gì, vẫn thường khinh bỉ, nên bị chúng gièm pha và bị cách chức. Ông làm thơ hay, Ly Tao và Sở Từ rất nổi tiếng. Ông thường nói : Mọi người đều đục, một mình ta trong, mọi người đều say, một mình ta tỉnh. Đây đúng là gàn theo định nghĩa của cụ Lãng Nhân. Khi nghe tin Sở Hoài Vương bị vua Tần bắt và hãm hại,
ông trầm mình tự vẫn ở sông Mịch La. Hôm đó là ngày 5/5, người Trung Hoa gọi là Tết Đoan Ngọ.

- Bá Di, Thúc Tề: vua nước Cô Trúc có 3 người con trai là Bá Di, Á Bằng và Thúc Tề. Khi vua băng, truyền ngôi cho Thúc Tề. Thúc Tề nhường ngôi cho anh là Bá Di, nhưng ông này cũng từ chối, hai anh em bèn qua nhà Chu làm quan với Chu Văn Vương là Cơ Xương, vì nghe tiếng vua hiền. Khi con Cơ Xương là Cơ Phát lên ngôi, tức Chu Vũ Vương, đem quân đánh Trụ Vương của nhà Ân, Bá Di và Thúc Tề quỳ trước đầu ngựa can ngăn, nhưng vua không nghe. Khi Vũ Vương diệt nhà Ân, lập nên nhà Chu, Bá Di, Thúc Tề vào núi Thủ Dương, thề không ăn thóc nhà Chu, chỉ hái rau Vi mà ăn thay cơm. Có người nói, rau Vi cũng là rau của nhà Chu, cả hai liền nhịn đói mà chết. Cứ xem cách cư xử thì hai ông này cũng gàn có hạng…

 

Trong lúc vội vã, không có nhiều thì giờ, BS chỉ nhớ được bấy nhiêu chuyện gàn, chắc còn nhiều thiếu sót, xin bổ túc bằng chuyện của chính mình, dù biết rằng nói về mình thì hơi kỳ cục một chút.
Hồi còn trẻ, BS hay cãi cha mẹ, cãi đây không phải là hỗn hào bất hiếu, mà chỉ thích nói ngược lại những gì hai cụ nói, cãi cho sướng miệng, cho thỏa mãn tự ái.

BS cũng hay chống đối ý kiến của anh chị em, nên bị chê là chướng.
Khi đi học thì cãi thầy, mà thầy không ghét, chỉ lườm BS và lắc đầu chán ngán. Lúc vào lính thì cãi sếp, nhưng trong quân đội, nguyên tắc mà mọi người đều phải theo là thi hành trước, khiếu nại sau, nên cãi thì cứ cãi mà vẫn phải líu ríu tuân lệnh…Không tuân thì bị củ, nhốt quân lao như chơi.
Ở Việt Nam, vào mùa hè, trời nóng chảy mỡ, nhưng hay có những cơn mưa bất chợt, chỉ kéo dài chừng vài ba phút. Khi dừng xe lại, loay hoay lôi được áo mưa ra thì đã ướt như chuột, và mưa cũng tạnh…Bị nhiều lần như vậy, BS .tức lắm nên mùa hè, dù trời nắng chang chang, mà lúc nào cũng khoác áo mưa khiến mấy cô bạn học, cứ thấy BS là che miệng cười…


Trong gần 40 năm trời hành nghề tại một bệnh viện ở Montreal, khi các đồng nghiệp khác thắt cravatte, mặc áo choàng trắng, thì BS chỉ mặc quần Jean, và khoác chiếc áo đồng phục của bệnh nhân, trông rất ngang dạ. Nhân viên thấy mãi cũng quen mắt, coi là mode đặc biệt của một y sĩ bình dân, nhưng lâu lâu, có những nhân viên trật tự mới vào làm việc, chưa biết BS nên chặn lại hạch hỏi, tưởng là bệnh nhân đi lạc…
Từ nhiều năm nay, BS thấy có mấy điều chướng mắt mà chỉ để bụng, vì nói ra thì sợ đụng chạm lung tung, nay nhân cơ hội viết về gàn, bèn “ tới luôn bác tài “ cho hết ấm ức.
Cộng đồng người Việt ở hải ngoại thường hay tổ chức tiệc gây quỹ để làm từ thiện, như giúp người tị nạn, nạn nhân bị thiên tai, thương phế binh…Thôi thì các ông, bà, cô, cậu diện đồ thật đẹp, gấm vóc lụa là, lũ lượt kéo nhau tới tham dự, vui chơi thỏa thích, ăn uống ê hề. Đóng độ 50 đô la một người, sau khi trừ chi phí, còn được độ vài ngàn để làm việc thiện. Người mình vẫn nói “ trước mua vui,
sau làm nghĩa “, nhưng xem tình hình thì việc chính là mua vui. BS cũng tham dự nhiều lần vì bị ép, nhưng trong lòng ấm ức, khó chịu, chỉ mong xong mau, về sớm. Phương ngôn Tây có nói cách cho hơn của cho. Nếu thật tình thương người thì chỉ cần nhịn vài bữa quà sáng, bớt mua một vài thứ không cần thiết, để đóng góp, dù ít dù nhiều gì cũng làm ấm lòng người nhận. Việc tổ chức tiệc gây quỹ này có khác gì việc BS ngồi chơi mạt chược, ai tới lớn thì bỏ ra mấy đồng làm việc thiện. Đọc tới đây thì chắc đã có nhiều vị đang mắng BS rồi…

Chuyện chướng mắt thứ hai là nhảy đầm.
Dưới thời cụ Ngô Đình Diệm, nhảy đầm bị cấm. Sau đảo chính 1963, Hội Đồng
Quân Nhân Cách Mạng cởi trói, vũ trường mọc ra như nấm. BS và vài người bạn cũng theo thời, đi học nhảy với giáo sư Đỗ Long ở Tân Định. BS vốn nhà quê, nhảy mà người cứng như khúc gỗ, chả học được gì, chỉ được dịp ôm hai cô con
gái rất xinh của ông thầy. Học xong khoá thì cũng võ vẽ đôi chút, mà nghèo rớt, không có tiền đi phỏng trà, chỉ chờ các dạ vũ gia đình thiên hạ tổ chức để ké.

Các cô Sài Gòn hồi đó thường làm cao, đi tán các cô vất vả lắm, tới khi được ôm thì đã trầy da,tróc vẩy. Vào dạ vũ gia đình, BS chỉ trổ tài miệng lưỡi một chút là được ôm các cô lia chia.
Ở hải ngoại, khi dân tị nạn đã có cuộc sống ổn định thì phong trào nhẩy đầm nở rộ, cuối tuần nào cũng có..Mọi người đều nói rằng thích nhẩy đầm vì yêu nghệ thuật. Nếu nhảy đẹp như Mel Ferrer và Audrey Hepburn trong phim Chiến Tranh Và Hoà Bình thì đúng là nghệ thuật, nhưng nhìn một ông chiều cao dưới trung bình, bụng to như có bầu 5 tháng, ôm một bà mà vòng số 2 cũng đồ sộ không kém, dơ tay múa chân, quay cuồng biểu diễn mà bảo là nghệ thuật thì dù có kê súng vào đầu, BS cũng không chịu công nhận. Khổ một nỗi là tuy ghét thậm tệ mà BS vẫn bị tham dự vì xã giao, nhưng lúc đó, BS mặt nhăn như bị, rất táo bón, hãm tài và bị má bầy trẻ cằn nhằn vì không lịch sự.

Viết tới đây thì BS nghĩ tới nghĩ lui, thấy mình có lẽ cũng gàn thật. Hồi lấy bút hiệu là Bát Sách, BS đã giải thích rằng mình có hai tên bạn thân, một người có da có thịt, nhận là Bát Văn, anh thứ hai thì có tướng đi giống như cụ Ngô Đình Diệm, người Bắc gọi là đi chữ bát, trong Nam gọi là bổ hàng đôi, hay 10 giờ 10, nhẹ hơn Charlot là 9 giờ 15, vì vậy anh ấy là Bát Vạn. Vậy thì chỉ còn Bát Sách để cho mình. Thì ra cái biệt hiệu nó vận vào thân. Các cụ ngày xưa nói cú không biết cú hôi, thật đúng là trường hợp của Bát Sách vậy.

Montreal, ngày cuối năm 2021.
Bát Sách.

Thủy Chung Trong Tác Phẩm Kim Dung


Đông, Tây, kim, cổ trong văn chương qua bao nhiêu tác phẩm đã đề cập và lưu lại những mối tình thủy chung của nhân loại. Ở đây, tôi đề cập khái quát đến tác phẩm hư cấu trong kiếm hiệp, điển hình với nhà văn Kim Dung với những mối tình ngang trái nhưng thủy chung với nhau khi trải qua bao nhiêu nghịch cảnh.


Những mối tình đó bước vào tình sử võ lâm, như Quách Tĩnh với Hoàng Dung, Dương Quá với Tiểu Long Nữ, Kiều Phong với A Châu, Trương Thiếu Sơn với Hân Tố Tố, Trương Vô Kỵ với Ân Tố Tố, Lệnh Hồ Xung với Nhậm Doanh Doanh, Trương Vô Kỵ với Triệu Minh (Triệu Mẫn)...


Trong tác phẩm Anh Hùng Xạ Điêu và Thần Điêu Hiệp Lữ, hai nhân vật Quách Tĩnh và Hoàng Dung được xem như hai nhân vật chính giữa chính phái và tà giáo. Họ đã vượt qua bao nhiêu ngang trái để sống trọn vẹn với cuộc tình.


Trong Thần Điêu Hiệp Lữ, Dương Quá và sư phụ Tiểu Long Nữ trong Cổ Mộ. Dương Quá gọi Quách Tĩnh và Hoàng Dung là bá phụ và bá mẫu. Vượt qua lễ nghi, Dương Quá và Tiểu Long Nữ yêu nhau, thế nhưng trong lúc hiểu lầm, Tiểu Long Nữ rời Cổ Mộ phiêu bạt, Dương Quá đi tìm suốt 16 năm… Dương Quá đi đến đâu cũng có những cô nương yêu kiều theo đuổi nhưng chàng vẫn một mực chung tình với Tiểu Long Nữ. Đã cùng với Tiểu Long Nữ tạo nên một trong những mối tình đẹp nhất của thế giới võ hiệp.

Trong quyển Thiên Long Bát Bộ thì mối tình của Kiều Phong (gốc Khiết Đan) với A Châu (người Hán) tuy kết cuộc rất bi thảm nhưng nói lên lòng thủy chung của Kiều Phong với A Châu trong khi đó có nhiều bóng hồng trong chốn cao thủ võ lâm quyết tâm theo đuổi chàng.


Trong Ỷ Thiên Đồ Long ký (Cô Gái Đồ Long) Trương Thiếu Sơn của phái Võ Đang, trên bước đường giang hồ hành hiệp gặp Ân Tố Tố, con gái của giáo chủ Thiên Ưng Giáo… Với bao nhiêu tai họa ập đến nên Trương Thiếu Sơn phải nhận cái chết và Ân Tố Tố cùng quyên sinh theo chồng để được sống trọn kiếp với nhau ở bên kia thế giới.

Cũng trong tác phẩm nầy, Trương Vô Kỵ, con của Trương Thiếu Sơn vì nhận Tạ Tốn làm nghĩa phụ và tận tình bảo vệ thân phận nên bị cả hai bênh chính tà quyết tâm truy đuổi. Trương Vô Kỵ có số đào hoa với những bóng hồng như Chu Chỉ Nhược, Tiểu Chiêu, Ân Ly sắc tài nổi tiếng quyết dành lấy trái tim, trong khi đó Triệu Mẫn (Triệu Minh) quận chúa của Mông Cổ bất chấp mọi hiểm nguy, mọi đối thủ lợi hại để cuối cùng cho chàng sống bên nhau “kẽ lông mày” cho nàng.

Trong tác phẩm của Kim Dung có rất nhiều mối tình ngang trái xảy ra giữa hắc bạch, giữa trung nguyên và sắc tộc khác trong chốn võ lâm nhưng tình yêu đã vượt qua mối thù truyền kiếp, hận thù hai mặt… chấp nhận sự hy sinh để chấp nhận cuộc tình.


Vương Trùng Dương